Ngày 25-10-2023
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Ngày 26/10: Chia rẽ khi thi hành ý Chúa - Lm. Giuse Đaminh Nguyễn Ngọc Tân, C.P
Giáo Hội Năm Châu
02:22 25/10/2023

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Lu-ca.

Khi ấy, Đức Giê-su nói với các môn đệ rằng: “Thầy đã đến ném lửa vào mặt đất, và Thầy những ước mong phải chi lửa ấy đã bùng lên! Thầy còn một phép rửa phải chịu, và lòng Thầy khắc khoải biết bao cho đến khi việc này hoàn tất!

“Anh em tưởng rằng Thầy đến để ban hoà bình cho trái đất sao? Thầy bảo cho anh em biết: không phải thế đâu, nhưng là đem sự chia rẽ. Vì từ nay, năm người trong cùng một nhà sẽ chia rẽ nhau, ba chống lại hai, hai chống lại ba. Họ sẽ chia rẽ nhau: cha chống lại con trai, con trai chống lại cha; mẹ chống lại con gái, con gái chống lại mẹ; mẹ chồng chống lại nàng dâu, nàng dâu chống lại mẹ chồng.”


Đó là lời Chúa
 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
04:46 25/10/2023

35. Vẻ đẹp của trinh khiết là ở trong tâm chứ không ở bên ngoài.

(Thánh Gioan Kim Khẩu)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Trích dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")


-------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
04:50 25/10/2023
83. CÁI LỢI BỎ NHÀ

Trương Ngu Chiêu khi còn làm trấn thủ Châu Thương thì đục khoét của dân rất tệ hại.

Có một lần ông ta hỏi vị thiền tăng:

- ”Xá lợi (cốt Phật) là như thế nào?”

Vị thiền tăng đã sớm biết Trương Ngu Chiêu chỉ vì ham lợi mà có ý đồ, nên trong lòng cười giễu, bèn phóng ý giải thích:

- “Ý nghĩa của xá lợi là nếu có nhiều nhà cửa thì nên để cho người khác thuê ở, như thế thì được cái lợi bỏ nhà !”.

(Cổ kim tiếu sử)

Suy tư 83:

“Xá lợi” là xương Phật hay cốt Phật, nhưng giải thích theo nghĩa trần tục cho hợp với người hám lợi, thì vị thiền sư quả là bậc cao tăng dám chế nhạo với nhà quan.

Những người có lòng tham thường giải thích Lời Chúa theo lòng tham của mình, người có tâm hồn kiêu ngạo thì giải thích Lời Chúa theo ý tưởng kiêu ngạo của mình, người có tâm hồn hướng về dục vọng thì bẻ Lời Chúa theo hướng dục vọng của mình. Lời của Thiên Chúa thì thích hợp cho mọi thời đại và mọi hoàn cảnh, chứ không thể bắt Lời Chúa phải hợp với cách sống tội lỗi của mình…

“Xá lợi” nghĩa là cốt Phật không thể ăn được nên có thể giải thích theo ý của người, nhưng Thánh Thể chính là Mình Máu Thánh của Đức Chúa Giê-su và là của ăn nuôi sống linh hồn người tín hữu, là một mầu nhiệm, cho nên không thể giải thích theo ý con người và cũng không thể đem Thánh Thể ra phân tích cho hợp với người không có đức tin.

Người có lòng tham thì có thể phân biệt phải trái nhưng không phân biệt được đâu là sự công bằng, cho nên tham vẫn cứ tham, đúng là tội nghiệp cho họ !

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


---------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Thổi bùng lên
Lm. Minh Anh
14:27 25/10/2023

THỔI BÙNG LÊN
“Thầy đã đến ném lửa vào mặt đất, và Thầy những ước mong phải chi lửa ấy đã bùng lên!”.

Thăm nước Mỹ năm 1831, nhà văn Pháp A. de Tocqueville viết, “Tôi tìm kiếm ‘sự vĩ đại’ của Hoa Kỳ, một ‘mệnh phụ kỳ bí!’. Tôi tìm sự vĩ đại ở những bến cảng, những con sông rộng, những cánh đồng và rừng vô tận của bà; và nó không có ở đó! Tôi tìm kiếm nó ở những khu mỏ, các trung tâm thương mại sầm uất, các đại học danh tiếng; nó không có ở đó! Tôi tìm nó trong Quốc Hội, Hiến Pháp; nó cũng không có ở đó! Mãi cho đến khi tôi bước vào các nhà thờ, nghe những Lời Hằng Sống ‘thổi bùng lên’ lửa yêu thương và sự chính trực. Tôi đã hiểu được bí mật về thiên tài và sức mạnh của ‘mệnh phụ kỳ bí’ này!”.

Kính thưa Anh Chị em,

Như bí mật về thiên tài và sức mạnh của Hoa Kỳ nằm ở lửa yêu thương và sự chính trực được ‘thổi bùng lên’, Tin Mừng hôm nay tiết lộ ước muốn cứu độ cháy bỏng mãnh liệt trong Chúa Giêsu! Ngài nóng lòng ‘thổi bùng lên’ lửa tình yêu trong trái tim mỗi người!

Để có thể nhen lên lửa tình yêu, chính Ngài đã dìm mình trong phép rửa khổ đau tột cùng của thập giá. Nhờ đó, sự phục sinh của Ngài đã thắp lên trong chúng ta một ngọn lửa mới khi chúng ta cùng chết và sống lại với Ngài qua phép Rửa. Ngài muốn lửa ấy cháy lên, và muốn chúng ta quan tâm đến việc đào tạo nó thành một ngọn lửa ngày càng gia tăng sự thánh thiện và toả lan tình yêu; Ngài muốn thổi nó bùng lên và không cho phép những gì tầm thường dập tắt nó, ngay cả các mối tương quan ruột thịt!

Nhưng để chiếu sáng; trước hết, lửa phải thanh tẩy! Gioan Thánh Giá giải thích, việc bạn thông hiệp vào sự phục sinh của Chúa Kitô tựa hồ khúc gỗ được đưa vào lò. Thoạt tiên, gỗ nứt, tạp chất và nhựa cây nổ lốp bốp; chúng chưa cháy khi gỗ cháy. Nhưng nếu tiếp tục cháy, tạp chất sẽ bị đốt; bấy giờ, gỗ nên một với lửa, một ngọn lửa tinh tuyền.

Như vậy, ước muốn ‘đốt cháy thế gian’ bằng lửa tình yêu của Chúa Kitô phải được bắt đầu bằng việc thanh tẩy linh hồn. Đây cũng là điều Phaolô ước ‘thổi bùng lên’ qua thư Rôma hôm nay, “Anh em hãy dùng chi thể làm nô lệ sự công chính để trở nên thánh thiện!”. Sự thiêu rụi nào cũng tiêu hao và xót xa, nhưng ai trông cậy Chúa, người ấy chiến thắng; Thánh Vịnh đáp ca khích lệ, “Phúc thay người đặt tin tưởng nơi Chúa!”.

Anh Chị em,

“Phải chi lửa ấy đã bùng lên!”. Trong hành trình đức tin, bạn và tôi thường hài lòng với những gì khá là tầm thường khi chúng ta nghĩ lửa của tôi đã cháy đủ. Chúng ta cầu nguyện, dự lễ Chúa Nhật và cố gắng trở nên tốt; nhưng ngần ấy không phải là tất cả. Chúa luôn muốn nhiều hơn! Cuộc sống của tôi phải được đốt cháy toàn diện bởi lửa Thánh Thần. Chúa Kitô muốn thanh luyện chúng ta khỏi mọi tội lỗi, đến nỗi có thể nên một với Ngài, hầu cùng Ngài ‘thổi bùng lên’ tình yêu và lòng thương xót của Thiên Chúa trong mọi tâm hồn, toả chiếu vinh quang Ngài cho mọi người “dù khi ăn, dù khi uống, dù khi làm việc gì”. Đừng đợi đến ngày mai. Hãy đốt cháy và thổi bùng nó ngay hôm nay!

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, con chưa nên thánh vì lửa trong con leo lét; không tắt, cũng không cháy. Xin Thánh Thần Chúa ‘thổi cho nó bùng lên’, thanh tẩy con tinh tuyền, hầu con được biến đổi!”, Amen.

(Tgp. Huế)
 
Hình Bóng Yêu Thương
Lm Vũđình Tường
22:14 25/10/2023
Yêu thương là điều ai cũng cần bởi nó là nguồn sống. Nó đóng vai trò quan trọng trong tương quan xã hội, và làm giầu đời sống tâm linh. Khi con người lắng nghe tiếng nói của con tim, tình yêu đó bộc lộ cách tự nhiên, chân thành, vị tha. Khi tình yêu nghe theo hướng dẫn của khối óc; tình yêu đó ảnh hưởng bởi lí luận, và thường có điều kiện kèm theo. Yêu ích kỉ xảy ra khi người đó đặt ước ao mong muốn của mình lên trên nhu cầu sống của người khác. Yêu cách đó chính là mong thoả mãn dục vọng cá nhân. Tình yêu đó ảnh hưởng bởi tình yêu trần tục thúc đẩy. Yêu vị tha luôn coi trọng, đặt nhu cầu sự sống của anh em lên trên ước ao, mong muốn của cá nhân. Tình yêu đó đến từ Thiên Chúa.

Xã hội Do thái xưa gặp phải vấn đề làm thế nào thoả mãn luật yêu thương. Họ có quá nhiều điều luật, (613 luật). Áp dụng những luật này vào cuộc sống gặp nhiều khó khăn, trắc trở, bởi í kiến khác nhau về luật. Luật gia có người giải thích luật rất khắt khe, lại có người giải thích cách rộng rãi, khởi nởi hơn. Bên cạnh đó còn có truyền thống, phong tục, tập quán nơi họ đang sống. Vì thế cùng một luật mà luật gia này giải thích thế này; luật gia khác giải thích thế nọ.

Người ta hỏi Đức Kitô luật nào quan trọng hơn cả. Đức Kitô đáp khi tạo dựng con người, Thiên Chúa đặt vào con tim người đó tình yêu của Ngài. Do tội lỗi cảm hoá, con tim yêu thương biến thành con tim chai đá. Đây là nguyên nhân của mọi tranh tụng, kiện cáo, bì chảnh. Đức Kitô tóm tắt luật lệ trong hai điều răn: Mến Chúa và yêu tha nhân như chính mình. Giáo huấn này kêu gọi Kitô hữu đặt Thiên Chúa làm trọng tâm trong cuộc sống. Khi tình yêu Chúa hướng dẫn, mọi quan hệ con người hạnh thông. Con tim sống trong bình an, hạnh phúc. Đây là giới răn thứ nhất. Giới răn này kêu gọi yêu Chúa với tất cả con tim, cả tấm lòng, cả tâm hồn, cả trí khôn. Yêu với cả tấm lòng trở thành sức mạnh, nối kết tâm trí; biến toàn thể con người sống trong tình yêu Chúa. Đó là tình yêu chân thật, bởi nó được tình yêu Chúa thánh hiến. Khi bạn đứng dưới ánh nắng, bạn nhìn thấy hình bóng mình. Khi bạn yêu tha nhân gần kề như chính hình bóng mình, tình yêu đó không còn là tình yêu đơn thuần của mình nữa, mà nó là hình bóng tình yêu Chúa trong bạn hướng dẫn, giúp bạn yêu tha nhân. Lúc đó bạn mới thực sự yêu tha nhân như chính mình, bởi tình yêu đó phát nguồn từ tình yêu Chúa, bộc phát ra từ tim bạn.

Có hai loại tình yêu trong tim. Một là tình yêu Chúa và hai là tình yêu của chính bạn. Khi tình yêu Chúa hướng dẫn tình yêu con người, tình yêu đó được thanh tẩy, thánh hoá thành tình yêu thánh thiện. Chỉ có tình yêu đó mới làm cho con tim bạn thoả mãn khát khao. Mọi thứ tình yêu khác đều làm cho con tim ước ao, thèm muốn thêm, bởi con tim đó chưa thoả mãn. Nó luôn mong mỏi có thêm mãi, và sẽ không bao giờ được thoả mãn. Con tim bạn được tạo nên để sống trong tình yêu Chúa; và chỉ có tình yêu Chúa mới làm cho con tim thoả mãn, thảnh thơi, bởi nó được no thoả ơn lành Chúa ban. Khi tình yêu Chúa tràn ngập tim bạn; bạn sống yên vui, thảnh thơi, hạnh phúc và vui vẻ đón nhận anh chị em khác. Khi con tim ôm ấp vật chất trần thế, con tim đó vắng bóng tình yêu Chúa. Chia sẻ của cải, vật chất cho tha nhân. Nếu bạn làm vì lòng yêu mến Chúa, bạn làm cho Danh Chúa cả sáng hơn. Nếu bạn làm vì lí do khác, bạn làm vinh danh cho chính bạn. Xã hội ca tụng ban, vinh danh bạn.

Chúng ta xin Chúa giúp ta yêu người như Chúa dậy chúng ta.

TiengChuong.org

Shadow Of Love

Love is what we all need; because it is the source of life. It plays a vital role in human relationships, and in nourishing our spiritual development. When we respond spontaneously to the voice of our heart; that love is true, selfless, unconditional love. When we listen to the voice of our mind; our love response is less from the heart, but rather more from the mind. That love involves reasons, conditional love. Selfish love happens when we are in favour of our own desires, and have little concern for the needs of others. It is the love to satisfying oneself; guided by human love. In contrast, unselfish love is the love for others; guided by God's love.

The ancient world had struggled hard to solve the problem of how to fulfil the rules of love. The Jewish law had many rules (613 rules) to observe. Applying these rules of love to real-life situations was a source of ongoing tension for everyone involved. Other problems were the issues of social norms of the land; and the interpretation of the law. Some legalists were very strict in their interpretation, placing law before people; while others were not so; and that would make the same set of laws differ from place to place.

The Pharisees wanted Jesus to get involved in their disputes. They asked Jesus which commandment was the most important. Jesus replied that true love began from one's heart; because when God creates us; God has already put his love in our hearts. We should listen to its voice throughout our lives. If, somehow, our heart is hardened, that is the cause of all disputes. Jesus sums up their code of practice into two commandments. First,

'You must love the Lord your God with all your heart, with all your soul, and with all your mind'.

The second command stems from the first,

'Love your neighbour as yourself'.

This teaching places God at the centre of our lives. When God's love guides our relationships; everything flows smoothly. A heart that is filled with God's love will never go wrong in its relationships because it is guided by God's love. That heart is at home with God. The first commandment teaches that we don't love God with a portion of our heart, but with a whole heart. The heart becomes the power force that unites our mind; and together with our soul to the love of God. It is not part of a person, but the unity of the whole person. Any love that flows from that love is true and holy. Like our shadow when we stand under the sun; when our love for others is the shadow of God's love. We love our neighbour not with our own love, but with the radiant of God's grace within our heart. Only in that way, we can fulfil the law of love; and be able to love our neighbour as ourselves.

There are two kinds of love in our hearts: God's love and our own. God's love directs our love, and our love is purified by God's love. God's love alone satisfies our hearts; other kinds of love only make our hearts crave for more; and it will never be satisfied. Our heart is made for God's love, and that explains why our hearts always yearning for true and holy love. When God's love fills our hearts, we live life to the full; and we welcome others into our lives because we recognize that they are our sisters and brothers in God's family. When a heart embraces things of this world; God's love disappears from that heart. For that reason, any heart that embraces things of this material world would not have God's love in its heart. Sharing material things with others; if it is not for God, then is to glorify oneself, for fame, and for recognition; and the world praises him.

Lord, help us to love as you have shown us.
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Thời gian dậy chúng ta những bài học lớn lao: Ngoại giao Tòa Thánh và bài học Việt Nam
Thanh Quảng sdb
04:01 25/10/2023
Thời gian dậy chúng ta những bài học lớn lao: Ngoại giao Tòa Thánh và “bài học Việt Nam”

(Fides - Victor Gaetan)

(Trong thập kỷ 1965-1975, có từ 790.000 đến 1,14 triệu dân thường và binh lính Việt Nam thiệt mạng do chiến tranh trong khi quân đội Mỹ có hơn 58.000 lính tử vong.

Trong giai đoạn 1963-1973, Mỹ đã thả khoảng 4 triệu tấn bom napalm có sức tàn phá khủng khiếp xuống các vùng nông thôn miền Nam Việt Nam, 2 triệu tấn ở Lào và nửa triệu tấn ở Campuchia. Ngược lại, 32.357 tấn bom napalm đã được sử dụng để tấn công Triều Tiên trong ba năm và 16.500 tấn được thả xuống Nhật Bản vào năm 1945)

Rome, theo Thông tấn xã Fides thì Mối quan hệ giữa Tòa thánh và Việt Nam là một ví dụ điển hình về một trong bốn nguyên tắc chỉ đạo của Đức Thánh Cha Phanxicô về xây dựng hòa bình: Thời gian lớn hơn không gian:

- 1. (Evangelii Gaudium các đoạn 222-223;

- 2. Lumen Fidei đoạn 57;

- 3. Laudato Si, đoạn 178;

- 4. Amoris Laetitia, đoạn 3, 261).

Lúc đầu, ngài dùng quy tắc các ngón tay cái có vẻ mơ hồ. Tuy nhiên, khi suy ngẫm về tiến trình từng bước xây dựng niềm tin của Tòa Thánh với chính quyền Hà Nội, chúng tôi thấy lời khuyên này phù hợp và mang tính thực tiễn như thế nào. Đó là một cách tiếp cận mà các nhà ngoại giao Vatican đã xử dụng trong nhiều thế kỷ, nhưng Đức Phanxicô đã trình bày nó theo cách mà các quốc gia, các nhà truyền giáo và các tín hữu có thể được hưởng lợi.

Chúng ta thấy ở Việt Nam sự tương phản giữa các mục tiêu của Vatican và nền chính trị quyền lực thế tục. Giống như Rome đang tiến gần hơn đến Hà Nội; Washington D.C. cũng đang nỗ lực đưa đất nước này vào quỹ đạo của mình, đặc biệt là thông qua việc bán vũ khí và một “quan hệ đối tác chiến lược” mới. Thời điểm có thể giống nhau, nhưng mục tiêu không thể khác hơn.

Tác động tích cực

Tháng 7 năm ngoái, Đức Thánh Cha đã gặp gỡ Thủ tướng nước Việt Nam Ông Võ Văn Thưởng tại Phủ Tông Tòa. Việt Nam và Tòa Thánh đã ký một thỏa thuận mang tính bước ngoặt cho phép một đại diện của Đức Thánh Cha đến sống ở trong nước – lần đầu tiên kể từ năm 1975.

Tác động tích cực của tác động này có ngay lập tức: Thủ tướng Võ Văn Thưởng đã làm một chuyến thăm đầu tiên tới trụ sở các giám mục Công Giáo vào ngày 7 tháng 8 (tại Thành phố Hồ Chí Minh, trước đây là Sài Gòn), cảm ơn hàng giáo phẩm về công tác bác ái, phòng chống đại dịch và truyền bá các thông điệp của Giáo hội. Truyền thông địa phương đưa tin rằng thủ tướng cho biết ông sẽ xem xét việc cho phép Giáo hội điều hành các cơ sở giáo dục bên cạnh các chương trình vườn trẻ hiện do các Nữ tu Công Giáo chăm sóc.

Mặc dù một số linh mục Việt Nam trên thế giới nghi ngờ rằng thỏa thuận sẽ chẳng mang lại những cải thiện đáng kể nào - đặc biệt ở cấp địa phương và các vùng nông thôn, các tín hữu thường xuyên bị quấy rối và các quan chức Cộng sản từ chối cấp phép xây dựng các nhà thờ - nhưng Vatican đã có một cơ quan đối thoại với chính phủ.

Thỏa thuận Rome-Hà Nội bắt nguồn từ nhiều thập kỷ ngoại giao thầm lặng và bền bỉ.

Dòng thời gian xây dựng niềm tin

Sau khi Quân đội Nhân dân lên nắm quyền ở Sài Gòn (thủ đô của miền Nam Việt Nam trước đây) và thống nhất đất nước vào năm 1975, không có linh mục nào được thụ phong từ năm 1976 đến năm 1990, nhưng chủ nghĩa vô thần không thể loại bỏ đức tin của hàng triệu người Công Giáo sùng đạo. Năm 1989, Giáo hoàng John Paul II đã cử Đức Hồng Y Roger Etchegaray, chủ tịch Hội đồng Giáo hoàng về Công lý và Hòa bình, đến thăm Hà Nội và thiết lập các tiêu chuẩn hợp tác với chính phủ.

Dần dần, các nhóm Giáo Hội địa phương được tái hoạt động. Dòng Con Đức Mẹ Vô Nhiễm thành lập một phòng khám sức khỏe nhỏ tại nhà mẹ đặc biệt vào năm 1992; họ đã mở rộng phòng khám khi chính phủ trả lại tu viện đã bị tịch thu. Trong mười bốn năm tiếp theo, các phái đoàn Vatican đã đến thăm Việt Nam khoảng mười hai lần.

Khi Thứ trưởng Ngoại giao đặc trách Quan hệ với các quốc gia, Hồng Y Pietro Parolin dẫn đầu một phái đoàn đến Việt Nam năm 2004, đây là lần đầu tiên sau gần 30 năm, phái đoàn được đến thăm giáo phận lớn nhất Việt Nam, đó là Giáo phận Xuân Lộc (nơi có hơn 30% dân số theo đạo Công Giáo). Đây là kết quả của nhiều năm thảo luận của các chuyến thăm trước đó, và quan trọng nhất là các cộng đồng Công Giáo Việt Nam tuân thủ luật pháp một cách nghiêm chỉnh khiến chính phủ thấy rằng người Công Giáo không phải là một lực lượng gây bất ổn.

Ngược lại, như Đức Hồng Y Parolin nói với các phóng viên địa phương vào thời điểm đó, Giáo hội “chỉ yêu cầu được thực hiện sứ mệnh của mình một cách tự do, phục vụ đất nước và dân chúng”. Một năm sau, chính phủ phê chuẩn sắc lệnh mới về tôn giáo, cho phép Giáo hội thực hiện các hoạt động bác ái, cũng như đồng ý cho chủng viện Hà Nội mở rộng và tuyển sinh các lớp hàng năm.

Đến năm 2010, Nhóm làm việc chung Việt Nam - Tòa Thánh đồng thuận rằng Đức Thánh Cha sẽ bổ nhiệm một vị đại diện không thường trú tại Việt Nam, cho phép chia sẻ các mối quan hệ song phương chưa được công nhận đầy đủ. Cuối cùng, chính phủ đã đồng ý với một kế hoạch kết hợp trong việc lựa chọn các giám mục, cho phép các giám mục địa phương tham khảo ý kiến của chính phủ để lập danh sách ba ứng cử viên được đệ trình lên Rome để tuyển chọn bổ nhiệm giám mục. Vấn đề chính phát sinh ra là đôi khi, các vị trí cần được bổ nhiệm phải chờ đợi lâu vì lý do đơn giản là chính phủ chưa hay chậm cho ý kiến.

Điều kiện được cải thiện kịp thời

Nhìn chung, chính sách ngoại giao kiên nhẫn này với Việt Nam đã mang lại kết quả. Giáo hội tiếp tục phát triển về số thành viên, ơn gọi và số trung tâm giáo dục mà Giáo hội trông coi. Các nhà thờ mới được xây dựng ngay cả ở những vùng xa xôi, chủ yếu do giáo dân đóng góp.

Giáo hội hợp tác chặt chẽ với tôn giáo lớn nhất Việt Nam là Phật giáo, đặc biệt trong việc chăm sóc bệnh nhân vào những giai đoạn cuối và các công tác từ thiện khác. Trong khi đó, hoạt động chính trị là lĩnh vực của giáo dân: các tín hữu đẩy mạnh phong trào biểu tình chống tham nhũng, hạn chế quyền tự do ngôn luận và quản lý môi trường yếu kém.

Những gì chúng ta thấy trong suốt 35 năm là cách Tòa Thánh hành động cùng với và thay mặt cho các giám mục và linh mục địa phương, từng bước xây dựng mối quan hệ với một chính phủ không mấy thiện cảm với Giáo hội (nếu không muốn nói là thù địch) - thông qua những cuộc đối thoại rất mệt mỏi để giảm thiểu đi những khác biệt giữa đôi bên, để tìm ra những điểm hiểu biết cụ thể nhất định. Khi Đức Phanxicô cổ vũ một nền văn hóa gặp gỡ, ngài đề xuất một tiến trình qua đó mọi người, với thiện chí, có thể chia sẻ các ý tưởng và tìm ra sự đồng thuận mà không đánh mất hoặc từ bỏ bản sắc riêng của mình.

Thời gian mở ra một mối quan hệ phát triển.

Mục tiêu chung được phát hiện, tiến bộ được thực hiện, dù không ai thấy “những kết quả ngay lập tức”, Đức Phanxicô cảnh báo trong Evangelii Gaudium (đoạn 223): “Ưu tiên thời gian có nghĩa là quan tâm đến việc bắt đầu các quá trình hơn là sở hữu không thời gian.”

Chiều kích thần học nâng cao sự cam kết của Giáo hội đối với cách tiếp cận này: Bằng cách bắt đầu một tiến trình hòa giải, Chúa Thánh Thần soi dẫn để hoàn thành nó. Bài học này có thể áp dụng trong đời sống cá nhân cũng như bình diện quốc tế.

Thống trị không gian và bán vũ khí

Trong khi đó, các chính phủ thế tục có xu hướng tập trung vào không gian bất cứ lúc nào vì họ quan tâm đến việc thống trị tình hình. Như Đức Phanxicô viết, “Ưu tiên không gian có nghĩa là điên cuồng…cố gắng chiếm hữu tất cả: không gian quyền lực và sự tự định.” (Evangelii Gaudium, đoạn 223)

Việt Nam một lần nữa đưa ra một điển hình đầy thú vị. Tháng trước, Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden đến thăm Hà Nội, và chính phủ đôi bên công bố mối quan hệ đối tác chiến lược mới. Theo các nguồn truyền thông lớn bao gồm Reuters và Washington Post, Mỹ hy vọng sẽ bán một số vũ khí trị giá hàng tỷ USD cho Việt Nam, bao gồm cả máy bay chiến đấu F-16 – mặc dù thực tế Việt Nam khoảng 80% vũ khí của quân đội nước này là do Nga cung cấp.

Tại sao Hoa Kỳ lại muốn thực hiện thương vụ mua bán khổng lồ này (vào thời điểm mà Lockheed Martin, tập đoàn sản xuất máy bay F-16, đang có lượng đơn đặt hàng còn tồn đọng lớn)? Hầu hết các chuyên gia đều cho rằng nguyên nhân là do Mỹ muốn phá vỡ mối quan hệ lịch sử giữa Việt Nam và Trung Quốc, cũng như giữa Việt Nam và Liên Xô.

Một lý do khác mà OJ Sanchez, phó chủ tịch chương trình F-16 và F-22 của Lockheed cho hay: “Chúng tôi đang nỗ lực hết mình để vượt qua đoạn đường nối đầu tiên đó trong năm nay và sau đó chúng tôi sẽ tiếp tục tăng con số đó lên tới bốn - giao hàng mỗi tháng vào cuối năm 2025,” ông nói với Defense One bên lề hội nghị Hàng không, Không gian & trang mạng.

Lockheed dự kiến sẽ giao từ 6 đến 8 chiếc F-16 mới trong năm nay cho nhiều khách hàng khác nhau. Sau đó “mỗi năm sẽ có những bước tiến kế tiếp” cho đến khi công ty đạt được độ sản xuất 48 chiếc mỗi năm. Công ty đã giao chiếc máy bay chiến đấu F-16 Block 70 mới cho Bahrain vào tháng 3. Theo ông Lockheed thì Công ty cũng đang mở rộng cơ sở hạ tầng F-16 ở châu Âu. Công ty đã công bố vào tháng 8 rằng họ sẽ mở Trung tâm Huấn luyện F-16 Châu Âu tại Romania, nơi đã có 17 chiếc F16.

Nhưng chiến lược này không bỏ qua quan điểm phòng thủ mà Hà Nội duy trì. Được biết nước này theo đuổi một chiến lược “Bốn Không”, được khẳng định vào năm 1998 và tái khẳng định vào năm 2019, Việt Nam đã cam kết: không liên minh quân sự; không đứng về phía nước này để chống lại nước khác; không có căn cứ quân sự nước ngoài trên lãnh thổ của mình; không xử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế.

Theo Ian Storey, một thành viên tại Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (ISEAS) ở Singapore đã được tờ New York Times trích dẫn: “Tôi cảm thấy ở một khía cạnh nào đó, Mỹ có những kỳ vọng không thực tế ở Việt Nam. Tôi không chắc họ hiểu hết được mối quan hệ nhạy cảm của Việt Nam với Trung Quốc và mối quan hệ giữa họ với Nga sâu sắc đến mức nào. Hiểu nông cạn những khía cạnh này có thể làm cho nước Mỹ bẽ bàng”.

Thời gian tiết lộ các bí mật

Một lợi điểm khác của thời gian quá khứ là cuối cùng chúng ta học được những điều làm thay đổi nhận thức của chúng ta về thực tế – thường là những thông tin mới đầy đủ và ê chề.

Hoa Kỳ tái lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam vào năm 1995, điều này đặt ra câu hỏi: Mục đích của cuộc chiến ở Việt Nam là gì? Một linh mục Việt Nam đưa ra giả thuyết: “Tôi không đổ lỗi cho Mỹ. Họ quan tâm đến lợi ích riêng của họ. Họ đã hy sinh Việt Nam để đổi lấy ngoại giao với Trung Quốc.” Quả thực, chuyến đi lịch sử của Tổng thống Nixon tới Bắc Kinh năm 1972 diễn ra trước khi Mỹ bỏ rơi Việt Nam ba năm sau đó. Những nghiên cứu mới làm kinh ngạc cho ta biết tại sao Hoa Kỳ đã phạm phải những sai lầm nghiêm trọng từ lâu trước khi thay đổi địa danh chính trị.

Những tiết lộ gây sốc cho chúng ta là cách Hoa Kỳ dúng tay vào các cuộc đảo chánh để thay thế kẻ cầm quyền – họ lên kế hoạch ám sát – vị tổng thống Công Giáo, Tổng thống Ngô Đình Diệm và em ông là Ngô Đình Nhu.

Tổng thống Diệm là một người Công Giáo ngoan đạo, gia đình ông di cư từ Bắc vào Nam vào những năm 1950. Ông lãnh đạo chống lại chủ nghĩa Cộng sản cũng như chủ nghĩa thực dân Pháp. Ông tôn trọng Phật giáo và nhìn thấy tiềm năng của họ trong việc phục hồi bản sắc Việt Nam, đặc biệt là trong nước, chống lại sự tuyên truyền của Cộng sản.

Một cuốn sách được xuất bản vào năm 2015 của Geoffrey Shaw là cuốn sách vén mở tầm mắt của chúng ta: The Lost Mandate of Heaven: nói người Mỹ phản bội Tổng thống Ngô Đình Diệm, Tổng thống Việt Nam (Ignatius Press, 2015) với lời giới thiệu của học giả Dòng Tên James V. Schall, SJ. Cuốn sách viết việc TT Diệm đã dành hai năm đầu của những năm 1950 để viếng thăm Hoa Kỳ, ông được sống tại các tu viện của Dòng Maryknoll. Một Hồng Y người Mỹ đã giới thiệu cụ Diệm với các giới tinh hoa chính trị Mỹ.

Washington đã giúp cụ Diệm trở thành tổng thống vào năm 1955. Tuy nhiên, như tác giả giải thích, “Chính những phẩm chất mà họ ngưỡng mộ ở cụ Diệm sau này làm chính phủ Mỹ xung khắc với ông ta”.

TT Diệm biết rõ cuộc sống làng quê, với tư cách là một người giám quản trước đây. Ông biết hệ thống tư tưởng Cộng sản đã ăn sâu vào đất nước, nên ông cố gắng gột tẩy nó. Trong khi đó, Chính quyền Kennedy gây áp lực buộc ông phải “dân chủ hơn”. Cuốn sách lập luận một cách thuyết phục khi ông phản đối việc mở rộng sự hiện diện của quân đội Mỹ vì sợ mất chủ quyền, họ đã ám sát ông và em ông một cách bi thảm!

Bằng cách sát hại TT Diệm, người mà lãnh đạo Cộng sản Hồ Chí Minh kính trọng, Hoa Kỳ đã tự đào hố chôn mình. Ông Shaw lập luận một cách thuyết phục rằng không ai có thể đánh bại Chủ nghĩa Cộng sản một khi TT Diệm mất đi!

Khi biết tin TT Diệm bị thảm sát, Hồ Chí Minh đã nói: "Tôi khó có thể tin rằng người Mỹ lại ngu ngốc đến vậy".

Bộ Chính trị Bắc Việt còn đi xa hơn: “Hậu quả của cuộc đảo chính sẽ trái ngược với tính toán của đế quốc Mỹ”. “TT Diệm là một trong những thần tượng mạnh mẽ nhất chống lại chủ nghĩa Cộng sản.”

Chúng ta không nên quá bận tâm đến việc phân tích lịch sử chính trị trong một thời gian và không gian của một cường quốc lớn tiếp tục hợp lý hóa cạnh tranh quân sự và can thiệp chính trị đi ngược lại với đối thoại và ngoại giao.

Chúng ta hãy cầu xin cho những quan điểm được bền vững hơn, sự suy tư sâu sắc hơn và sự tôn trọng hòa bình được trổ sinh hoa trái bền lâu. (Thông tấn xã Fides, 24/10/2023)
 
Bài giáo lý hàng tuần của Đức Phanxicô. Niềm đam mê truyền giáo: Thánh Cyril và Methodius, tông đồ của người Slav
Vũ Văn An
13:28 25/10/2023

Theo tin Tòa Thánh, nhân buổi yết kiến chung tại Quảng trường Nhà thờ Thánh Phêrô, thứ Tư, ngày 25 tháng 10 năm 2023, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã tiếp tục loạt bài giáo lý nói về niềm đam mê rao giảng Tin mừng của ngài, nhấn mạnh tới chứng tá của hai Thánh Cyril và Methodius. Sau đây là nguyên văn bài giáo lý của ngài, dựa vào bản tiếng Anh do Tòa Thánh công bố:



Anh chị em thân mến, Chào anh chị em buổi sáng!

Hôm nay tôi sẽ nói với anh chị em về hai anh em, rất nổi tiếng ở phương đông, đến mức được gọi là “các tông đồ của người Slav”: Thánh Cyril và Methodius. Sinh ra ở Hy Lạp vào thế kỷ thứ chín trong một gia đình quý tộc, các ngài từ bỏ sự nghiệp chính trị để cống hiến hết mình cho đời sống đan tu. Nhưng giấc mơ về một cuộc sống ẩn dật của các ngài chỉ kéo dài trong một thời gian ngắn. Các ngài được cử đi truyền giáo tại Great Moravia, nơi vào thời điểm đó bao gồm nhiều dân tộc khác nhau, đã được truyền giáo một phần, nhưng trong đó có nhiều phong tục và truyền thống ngoại giáo vẫn tồn tại. Hoàng tử của họ yêu cầu một giáo viên giải thích đức tin Kitô giáo bằng ngôn ngữ của họ.

Do đó, nhiệm vụ đầu tiên của hai thánh Cyril và Methodius là nghiên cứu sâu xa về văn hóa của những dân tộc đó. Luôn luôn có cùng một điệp khúc: đức tin phải được hội nhập văn hóa và văn hóa phải được phúc âm hóa. Luôn luôn hội nhập văn hóa đức tin, phúc âm hóa văn hóa. Thánh Cyril hỏi họ có bảng chữ cái không; họ nói với ngài rằng họ không có. Ngài trả lời: “Ai có thể viết diễn văn trên nước?”. Thật vậy, để loan báo Tin Mừng và cầu nguyện, người ta cần một công cụ thích hợp, cụ thể và chuyên biệt. Vì vậy, ngài đã phát minh ra bảng chữ cái Glagolitic. Ngài dịch Kinh thánh và các bản văn phụng vụ. Người ta cảm thấy đức tin Kitô giáo không còn ‘xa lạ’ nữa, mà đúng hơn nó đã trở thành đức tin của họ, được nói bằng tiếng mẹ đẻ của họ. Hãy thử nghĩ xem: hai tu sĩ Hy Lạp tặng cho người Slav một bảng chữ cái. Chính sự cởi mở của trái tim này đã bén rễ Tin Mừng nơi họ. Hai vị này không hề sợ hãi, các ngài rất can đảm.



Tuy nhiên, rất nhanh chóng, một số người Latinh đã phản đối, những người này cho rằng mình bị tước độc quyền rao giảng cho người Slav; cuộc đấu tranh trong Giáo hội luôn là như vậy. Sự phản đối của họ mang tính tôn giáo, nhưng chỉ ở bề ngoài: họ nói rằng Thiên Chúa chỉ có thể được ca ngợi bằng ba ngôn ngữ được viết trên thập tự giá: tiếng Do Thái, tiếng Hy Lạp và tiếng Latinh. Họ có tư duy khép kín, muốn bảo vệ quyền tự chủ của mình. Nhưng Thánh Cyril trả lời một cách mạnh mẽ: Thiên Chúa muốn mọi người ca ngợi Người bằng ngôn ngữ của họ. Cùng với anh trai Methodius, ngài đã thỉnh cầu Đức Giáo Hoàng và Đức Giáo Hoàng đã chấp thuận các bản văn phụng vụ của các ngài bằng ngôn ngữ Slav. Ngài đã đặt chúng trên bàn thờ của Nhà thờ Đức Bà Cả, và dùng chúng hát những lời ca ngợi Chúa. Thánh Cyril qua đời vài ngày sau đó, và thánh tích của ngài vẫn được tôn kính ở Rôma, trong Vương cung thánh đường Thánh Clêmentê. Thay vào đó, Thánh Methodius được tấn phong giám mục và được gửi trở lại vùng lãnh thổ Slav. Ở đây ngài sẽ phải chịu đau khổ rất nhiều: ngài thậm chí sẽ bị cầm tù, nhưng, thưa anh chị em, chúng ta biết rằng Lời Chúa không bị xiềng xích và lan truyền khắp các dân tộc đó.

Nhìn vào chứng từ của hai nhà truyền giáo này, những vị được Thánh Gioan Phaolô II chọn làm đồng bảo trợ của Châu Âu và là người đã viết Thông điệp Slavorum Apostoli [các tông đồ của Người Slav], chúng ta hãy nhìn vào ba khía cạnh quan trọng.

Trước hết là hiệp nhất. Người Hy Lạp, Đức Giáo Hoàng, người Slav: vào thời điểm đó, ở châu Âu có một Kitô giáo thống nhất, cộng tác để truyền giáo.

Khía cạnh quan trọng thứ hai là hội nhập văn hóa, điều mà tôi đã nói trước đó: Phúc âm hóa văn hóa và hội nhập văn hóa cho thấy rằng Phúc âm hóa và văn hóa có mối liên hệ chặt chẽ với nhau. Người ta không thể rao giảng Tin Mừng một cách trừu tượng, gạn lọc, không: Tin Mừng phải được hội nhập văn hóa và nó cũng là một biểu hiện của văn hóa.

Khía cạnh cuối cùng là tự do. Việc rao giảng đòi hỏi tự do, nhưng tự do luôn cần lòng can đảm; con người được tự do ở mức độ dũng cảm và không để mình bị xiềng xích bởi nhiều thứ cướp đi tự do của mình.

Anh chị em thân mến, chúng ta hãy cầu xin các Thánh Cyril và Methodius, các tông đồ của người Slav, để chúng ta có thể trở thành những khí cụ “tự do trong bác ái” cho người khác. Hãy sáng tạo, kiên trì và khiêm tốn, cầu nguyện và phục vụ.

Lời kêu gọi

Tôi luôn nghĩ đến tình hình nghiêm trọng ở Palestine và Israel: Tôi khuyến khích việc thả các con tin và đưa viện trợ nhân đạo vào Gaza. Tôi tiếp tục cầu nguyện cho những người đang đau khổ và hy vọng vào những con đường hòa bình ở Trung Đông, ở Ukraine đang bị bao vây và ở những khu vực khác bị ảnh hưởng bởi chiến tranh. Tôi nhắc nhở tất cả anh chị em rằng ngày mốt, thứ Sáu, 27 tháng 10, sẽ là ngày ăn chay, cầu nguyện và sám hối: vào lúc 18 giờ, tại Quảng trường Thánh Phêrô, chúng ta sẽ tụ họp lại để cầu xin hòa bình cho thế giới.
 
Thượng Hội đồng ngày 24 tháng 10: Phiên họp phê chuẩn thông điệp: lắng nghe mọi người
Vũ Văn An
13:58 25/10/2023

Theo Bản tin ngày 25 tháng 10 năm 2023 của hãng tin Catholic World News, Thượng Hội Đồng Giám Mục đã ban hành “Thư gửi dân Chúa”, mô tả công việc của cuộc họp tháng 10 và yêu cầu tất cả các tín hữu “tham gia cụ thể” vào tiến trình Thượng Hội Đồng sẽ tiếp tục trong năm tới và kết thúc với một phiên họp toàn thể khác vào tháng 10 năm 2024.



Khi phiên họp năm nay sắp kết thúc, những người tham gia đã thảo luận về bản dự thảo thông điệp được đệ trình vào ngày 23 tháng 10, và—sau một vài sửa đổi—đã thông qua văn bản với số phiếu áp đảo 336—12 vào ngày 25 tháng 10.

Thông điệp của Thượng Hội đồng nhấn mạnh đến các cuộc tham vấn trên phạm vi rộng vốn là đặc điểm của Thượng hội đồng về Tính đồng nghị và làm nảy sinh những lo ngại rằng tiến trình này sẽ mang lại những thay đổi trong—hoặc nhầm lẫn về—tín lý của Giáo hội. Đức Giáo Hoàng Phanxicô khuyến khích thảo luận về những lời chỉ trích của những người Công Giáo bất đồng và những người không Công Giáo. Thư gửi dân Chúa đã xác nhận quyết định đó khi nói: “Để tiến bộ trong việc phân định của mình, Giáo hội nhất thiết phải lắng nghe mọi người, bắt đầu từ những người nghèo nhất”.

Không giống như các cuộc họp trước đây của Thượng Hội đồng Giám mục, Thượng Hội đồng về Tính đồng nghị đã thông qua một tiến trình kéo dài ba năm. Trong khi các cuộc họp trước đó lên đến cao điểm ở một phiên họp toàn thể trong đó các đại biểu bỏ phiếu phê chuẩn một loạt đề nghị, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã chỉ đạo rằng Thượng hội đồng về Tính đồng nghị sẽ họp lại trước khi đưa ra tuyên bố cuối cùng. Vì vậy, Thư mong muốn được tiếp tục diễn trình này.

Bức thư mở đầu bằng lời cảm ơn tới những người đã hỗ trợ các cuộc thảo luận của Thượng Hội đồng bằng lời cầu nguyện của họ, và cho biết rằng đó là một “trải nghiệm đẹp và phong phú” đối với những người tham gia, một “thời gian hạnh phúc trong sự hiệp thông sâu sắc”. Nhìn về phía trước, thông điệp viết:

“Và bây giờ? Chúng tôi hy vọng rằng những tháng dẫn đến phiên họp thứ hai vào tháng 10 năm 2024 sẽ cho phép mọi người tham gia một cách cụ thể vào tính năng động của sự hiệp thông truyền giáo được biểu thị bằng từ ‘thượng hội đồng’”.

Cuộc họp tháng này là “một giai đoạn quan trọng của diễn trình này”, Bức thư viết. Đó cũng là một “trải nghiệm chưa từng có” vì Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã quyết định mời các giáo dân nam nữ tham gia đầy đủ vào các cuộc thảo luận. Vì vậy, mặc dù thông điệp đến từ Thượng Hội đồng Giám mục, nhưng khoảng 20% những người bỏ phiếu phê chuẩn nó không phải là các giám mục.

Thông điệp đặt trọng tâm lớn vào các cuộc tham vấn diễn ra trước cuộc họp tháng 10 này, với các phiên họp sơ bộ ở cấp giáo xứ, giáo phận, khu vực, quốc gia và lục địa. Bức thư thậm chí còn đề cập đến những ý kiến thu thập được từ “những người vô gia cư gần Quảng trường Thánh Phêrô”. Mặc dù thông điệp không đề cập đến những người chỉ trích đã chỉ ra rằng chưa đến 1% dân số Công Giáo trên thế giới tham gia vào diễn trình này, nhưng nó vẫn kêu gọi tham vấn nhiều hơn:

“Nó có nghĩa lắng nghe những người đã bị từ chối quyền phát biểu trong xã hội hoặc những người cảm thấy bị loại trừ, ngay cả bởi Giáo hội; lắng nghe những người là nạn nhân của chủ nghĩa phân biệt chủng tộc dưới mọi hình thức—đặc biệt ở một số vùng đối với người dân bản địa mà nền văn hóa của họ bị khinh miệt”.

“Đây không phải là về ý thức hệ,” Bức thư nhấn mạnh, trong một nỗ lực rõ ràng nhằm xoa dịu nỗi sợ hãi của những người Công Giáo có tư tưởng truyền thống, “mà là về một kinh nghiệm bắt nguồn từ truyền thống tông đồ”.

Bức thư báo cáo, “Cuộc gặp gỡ của chúng ta diễn ra trong bối cảnh một thế giới đang gặp khủng hoảng, trong đó những vết thương và sự bất bình đẳng đầy tai tiếng đã vang dội trong tâm hồn chúng ta”. Những người tham gia nói rằng họ đã cầu nguyện “cho các nạn nhân của bạo lực giết người, mà không quên tất cả những người vì khốn khổ và tham nhũng buộc phải lên đường di cư nguy hiểm”. Nhắc lại các chủ đề khác được Đức Giáo Hoàng Phanxicô thường xuyên viện dẫn, Bức thư kêu gọi sự hiệp nhất trong đức tin và phó thác cho Chúa Kitô “ngôi nhà chung của chúng ta, nơi tiếng kêu than của trái đất và người nghèo ngày càng trở nên cấp thiết”.

Thông điệp kết thúc bằng lời kêu gọi hợp tác trong việc truyền giáo, trích dẫn những lời của Đức Giáo Hoàng Phanxicô: “Đây chính là con đường đồng nghị mà Thiên Chúa mong đợi ở Giáo hội của thiên niên kỷ thứ ba”.
 
Toàn văn Bức thư của Thượng Hội Đồng Giám Mục gửi dân Chúa
Vũ Văn An
16:14 25/10/2023

Theo Antoine Mekary, trên tạp chí Aleteia, ngày 25/10/23, vào thứ Tư, ngày 25 tháng 10 năm 2023, 364 thành viên của Thượng hội đồng đã bỏ phiếu công bố một bức thư gửi “dân Chúa”, trong đó họ bày tỏ tâm trạng của mình khi giai đoạn Rôma đầu tiên của Thượng hội đồng về tương lai của Giáo hội gần đến lúc kết thúc vào Chúa nhật. Bức thư dài hai trang rưỡi, được công bố dưới đây, kêu gọi các Kitô hữu hãy lắng nghe “những người đã bị từ chối quyền phát ngôn trong xã hội hoặc những người cảm thấy bị loại trừ, ngay cả bởi Giáo hội”.



Thư của Thượng Hội Đồng Giám Mục Thường lệ lần thứ XVI gửi dân Chúa



Anh chị em thân mến,

Khi tiến trình của phiên họp đầu tiên của Thượng Hội đồng Giám mục thường lệ lần thứ 16 sắp kết thúc, chúng tôi muốn cùng với tất cả anh chị em tạ ơn Thiên Chúa vì trải nghiệm đẹp đẽ và phong phú mà chúng tôi đã sống. Chúng tôi đã sống thời gian hạnh phúc này trong sự hiệp thông sâu sắc với tất cả anh chị em. Chúng tôi đã được hỗ trợ bởi những lời cầu nguyện của anh chị em, mang theo những kỳ vọng, những câu hỏi cũng như nỗi sợ hãi của anh chị em. Như Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã yêu cầu cách đây hai năm, một tiến trình lâu dài về lắng nghe và phân định đã được khởi xướng, mở ra cho tất cả dân Chúa, không ai bị loại trừ, để “cùng nhau hành trình” dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần, các môn đệ truyền giáo dấn thân vào việc theo chân Chúa Giêsu Kitô.

Phiên họp mà chúng tôi được tập trung tại Rôma kể từ ngày 30 tháng 9 là một giai đoạn quan trọng của tiến trình này. Theo nhiều cách, đây là một trải nghiệm chưa từng có. Lần đầu tiên, theo lời mời của Đức Giáo Hoàng Phanxicô, những người nam cũng như nữ được mời, nhờ bí tích rửa tội, ngồi cùng một bàn để tham gia, không những vào các cuộc thảo luận, mà còn vào diễn trình bỏ phiếu của Phiên họp Thượng Hội đồng Giám mục này. Cùng nhau, trong sự bổ sung cho nhau về ơn gọi, đặc sủng và thừa tác vụ của chúng tôi, chúng tôi đã chăm chú lắng nghe Lời Chúa và kinh nghiệm của những người khác. Sử dụng cuộc đàm luận trong Chúa Thánh Thần, chúng tôi đã khiêm tốn chia sẻ sự giàu có và nghèo khó của các cộng đồng chúng tôi từ mọi châu lục, tìm cách phân định những gì Chúa Thánh Thần muốn nói với Giáo hội ngày nay. Do đó, chúng tôi cũng đã trải nghiệm được tầm quan trọng của việc cổ vũ sự trao đổi lẫn nhau giữa truyền thống Latinh và truyền thống Kitô giáo Đông phương. Sự tham gia của các đại biểu huynh đệ từ các Giáo hội và Cộng đồng Giáo hội khác đã làm phong phú sâu sắc các cuộc thảo luận của chúng tôi.

Cuộc gặp gỡ của chúng tôi diễn ra trong bối cảnh một thế giới đang gặp khủng hoảng, nơi mà những vết thương và sự bất bình đẳng đầy tai tiếng vang vọng một cách đau đớn trong trái tim chúng tôi, truyền dẫn vào công việc của chúng tôi một sức hấp dẫn đặc biệt, nhất là vì một số người trong chúng tôi đến từ những quốc gia nơi chiến tranh đang hoành hành. Chúng tôi cầu nguyện cho các nạn nhân của bạo lực chết người, không quên tất cả những người vì khốn khổ và tham nhũng buộc phải lên đường di cư nguy hiểm. Chúng tôi đoan chắc sự liên đới và cam kết của mình cùng với những người đàn bà và đàn ông trên toàn thế giới đang nỗ lực xây dựng công lý và hòa bình.

Theo lời mời của Đức Thánh Cha, chúng tôi đã dành một không gian quan trọng cho sự im lặng để nuôi dưỡng sự lắng nghe lẫn nhau và ước muốn hiệp thông trong Chúa Thánh Thần giữa chúng tôi. Trong buổi canh thức đại kết khai mạc, chúng tôi đã cảm nghiệm được sự khao khát hiệp nhất gia tăng như thế nào trong việc im lặng chiêm ngưỡng Chúa Kitô bị đóng đinh. Thật vậy, thập giá là ngai tòa duy nhất của Đấng đã hiến mình để cứu độ thế giới, đã giao phó các môn đệ cho Chúa Cha, để “tất cả nên một” (Ga 17:21). Hiệp nhất vững chắc trong niềm hy vọng do Sự Phục Sinh của Người mang lại, chúng tôi phó thác cho Người ngôi nhà chung của chúng ta, nơi mà tiếng kêu than của trái đất và của người nghèo ngày càng trở nên cấp bách: “Laudate Deum!” (“Ca ngợi Thiên Chúa!”), như Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã nhắc nhở chúng tôi khi bắt đầu công việc của của chúng tôi.

Ngày qua ngày, chúng tôi cảm nhận được lời kêu gọi cấp thiết phải hoán cải mục vụ và truyền giáo. Vì ơn gọi của Giáo Hội là loan báo Tin Mừng không phải bằng cách tập trung vào chính mình, nhưng bằng cách phục vụ tình yêu vô hạn mà với nó Thiên Chúa đã yêu thương thế gian (x. Ga 3:16). Khi những người vô gia cư gần Quảng trường Thánh Phêrô được hỏi về những kỳ vọng của họ đối với Giáo hội nhân dịp Thượng hội đồng này, họ đã trả lời: “Tình yêu!”. Tình yêu này phải luôn luôn là trái tim nhiệt thành của Giáo hội, một tình yêu Ba Ngôi và Thánh Thể, như Đức Giáo Hoàng đã nhắc nhở vào ngày 15 tháng 10, giữa cuộc họp của chúng tôi, khi nhắc đến sứ điệp của Thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu. Chính “niềm tín thác” mang lại cho chúng tôi sự táo bạo và tự do nội tâm mà chúng tôi đã trải nghiệm, không ngần ngại bày tỏ một cách tự do và khiêm tốn những điểm đồng nhất, khác biệt, mong muốn và thắc mắc của mình.

Còn bây giờ? Chúng tôi hy vọng rằng những tháng dẫn đến phiên họp thứ hai vào tháng 10 năm 2024 sẽ cho phép mọi người tham gia cụ thể vào tính năng động của hiệp thông truyền giáo được biểu thị bằng các chữ “thượng hội đồng”. Đây không phải là về ý thức hệ, mà là về một kinh nghiệm bắt nguồn từ truyền thống tông đồ. Như Đức Giáo Hoàng đã nhắc nhở chúng tôi khi bắt đầu diễn trình này, “sự hiệp thông và truyền giáo có thể có nguy cơ hơi trừu tượng, trừ khi chúng ta nuôi dưỡng một hoạt động giáo hội nói lên sự cụ thể của tính đồng nghị (…) khuyến khích sự tham gia thực sự của mỗi người và tất cả mọi người” (Tháng 10 ngày 9 tháng 1 năm 2021). Có nhiều thách thức và nhiều câu hỏi: báo cáo tổng hợp của phiên họp đầu tiên sẽ nêu rõ những điểm nhất trí mà chúng tôi đã đạt được, nêu bật những câu hỏi còn bỏ ngỏ và cho biết công việc của chúng tôi sẽ tiến hành như thế nào.

Để tiến bộ trong việc phân định của mình, Giáo hội tuyệt đối cần lắng nghe mọi người, bắt đầu từ những người nghèo nhất. Điều này đòi hỏi một con đường hoán cải, cũng là một con đường ca ngợi: “Lạy Cha là Chúa trời đất, con tạ ơn Cha vì Cha đã giấu những điều này với những người khôn ngoan và hiểu biết, và mặc khải cho các người bé nhỏ” ( Lc 10:21)! Nó có nghĩa là lắng nghe những người đã bị từ chối quyền phát biểu trong xã hội hoặc những người cảm thấy bị loại trừ, ngay cả bởi Giáo hội; lắng nghe những người là nạn nhân của chủ nghĩa phân biệt chủng tộc dưới mọi hình thức – đặc biệt ở một số vùng, đối với người dân bản địa mà nền văn hóa của họ bị khinh miệt. Trên hết, Giáo hội thời đại chúng ta có nhiệm vụ lắng nghe, trên tinh thần hoán cải, những người là nạn nhân của sự lạm dụng do các thành viên trong cơ thể giáo hội gây ra, và cam kết một cách cụ thể và có cấu trúc để bảo đảm rằng điều này không xảy ra nữa.

Giáo hội cũng cần lắng nghe giáo dân, đàn bà và đàn ông, tất cả đều được kêu gọi tới sự thánh thiện nhờ ơn gọi rửa tội của họ: tới chứng từ của các giáo lý viên, những người trong nhiều tình huống là những người đầu tiên loan báo Tin Mừng; tới sự giản dị và linh hoạt của trẻ em, tới lòng nhiệt thành của tuổi trẻ, tới những câu hỏi và lời cầu xin của họ; tới những ước mơ, sự khôn ngoan và ký ức của người già. Giáo hội cần lắng nghe các gia đình, những mối quan tâm giáo dục của họ, những chứng tá Kitô giáo mà họ cống hiến trong thế giới ngày nay. Giáo Hội cần chào đón tiếng nói của những người muốn tham gia vào các mục vụ giáo dân và tham gia vào các cơ cấu phân định và đưa ra quyết định.

Để tiến bộ hơn nữa trong việc phân định đồng nghị, Giáo hội đặc biệt cần thu thập nhiều hơn nữa những lời nói và kinh nghiệm của các thừa tác viên được thụ phong: các linh mục, những người cộng tác chính của các giám mục, những người mà thừa tác vụ bí tích không thể thiếu cho đời sống của toàn cơ thể; các phó tế, những người, qua thừa tác vụ của mình, biểu thị sự quan tâm của toàn thể Giáo hội đối với những người dễ bị tổn thương nhất. Giáo Hội cũng cần được chất vấn bởi tiếng nói tiên tri của đời sống thánh hiến, vốn là lính canh tỉnh thức của tiếng gọi Chúa Thánh Thần. Giáo Hội cũng cần phải chú ý đến tất cả những người không chia sẻ đức tin với mình nhưng đang tìm kiếm sự thật, và trong họ Chúa Thánh Thần, Đấng “ban cho mọi người khả năng được liên kết với mầu nhiệm vượt qua này” (Gaudium et Spes 22), cũng hiện diện và hoạt động.

“Thế giới chúng ta đang sống và thế giới chúng ta được kêu gọi yêu thương và phục vụ, ngay cả với các mâu thuẫn của nó, đòi hỏi Giáo hội tăng cường hợp tác trong mọi lĩnh vực thuộc sứ mệnh của mình. Chính con đường đồng nghị này là điều Thiên Chúa mong đợi nơi Giáo hội của thiên niên kỷ thứ ba” (Đức Giáo Hoàng Phanxicô, ngày 17 tháng 10 năm 2015). Chúng ta không cần phải sợ hãi khi đáp lại lời kêu gọi này. Đức Maria, Mẹ Giáo Hội, người đầu tiên trong cuộc hành trình, đồng hành với cuộc hành hương của chúng ta. Trong niềm vui cũng như nỗi buồn, Mẹ cho chúng ta thấy Con của Mẹ và mời gọi chúng ta tin tưởng. Và Người, Chúa Giêsu, là niềm hy vọng duy nhất của chúng ta!

Thành Vatican, ngày 25 tháng 10 năm 2023
 
Vị Giám mục Phi tuổi 67, đột tử khi đang chơi bóng rổ
Thanh Quảng sdb
17:44 25/10/2023
Vị Giám mục Phi tuổi 67, đột tử khi đang chơi bóng rổ

(Phóng viên UCA News)

Người Công Giáo Phi thương tiếc Đức Giám Mục Enrique de Vera Macaraeg của giáo phận Tarlac bị đột tử ngày 23 tháng 10 ở tuổi 67.

Theo trang web của Hội đồng giám mục Phi thì Đức cha Macaraeg đã bị đột tử vì chúng đau tim khi đang chơi bóng rổ ở Malasaqui, thuộc tỉnh Pangasinan.

ĐGM qua đời bảy năm sau khi được Đức Thánh Cha Phanxicô bổ nhiệm làm giám mục Tarlac vào năm 2016.

Ngài là chủ tịch Ủy ban Giáo dân của Hội đồng giám mục.

Một đoạn video về những khoảnh khắc cuối cùng của vị giám mục đã lan truyền trên mạng xã hội, Philstar đưa tin vào ngày 24 tháng 10.

Điều này đã khiến giáo phận xin mọi người hạn chế chia sẻ video.

Macaraeg được thụ phong linh mục cho tổng giáo phận Lingayen-Dagupan năm 1979.

Cha O'neal Sanchez, tổng đại diện giáo phận Tarlac, yêu cầu người Công Giáo cầu nguyện cho cố giám mục.

Thi thể của Đức cha Macaraeg được đưa đến Nhà thờ San Sebastian ở Thành phố Tarlac.

Thông tin chi tiết về tang lễ sẽ được đăng trên trang mạng của giáo phận.

Đức cha Macaraeg là vị giám mục Phi thứ hai qua đời khi đương nhiệm trong năm nay.

Đức Giám Mục Victor Ocampo của giáo phận Gumaca qua đời vào ngày sinh nhật thứ 71 của ngài ngày 16/3/2023, vì một cơn đột quỵ!

Cái chết của Đức Cha Macaraeg khiến bảy giáo phận ở Phi, nơi có đông người Công Giáo không có giám mục. Một số là do các giám mục đương nhiệm qua đời, trong khi Giám mục của Giáo phận khác được thuyên chuyển hoặc nghỉ hưu.

Đức Cha Macaraeg sinh ngày 28 tháng 12 năm 1955, theo học Triết và Thần học tại Chủng viện Trung tâm Đại học Santo Tomas ở Manila. Ngài có bằng Thạc sĩ Nghệ thuật về Tôn giáo và Văn hóa Phương Đông.

Nhiều người nhớ đến ĐGM Macaraeg là một giám mục đã vươn tới các vùng ngoại vi của thế giới, theo gương của Đức Thánh Cha Phanxicô – ngoài việc ngài là một người hâm mộ môn bóng rổ.

Rappler.com đưa tin vào tháng 5 vừa, ngài mới kỷ niệm 6 năm làm giám mục, Ngài đã chia sẻ về hồng ân mục tử “do Thiên Chúa tặng ban” như sau: “Chúng ta thể hiện lòng biết ơn của mình trước món quà này bằng tự mình trở thành những món quà, để trao hiến và phục vụ. Đó là điều chúng ta được kêu gọi thể hiện, sứ mệnh của chúng ta là phục vụ: phục vụ Thiên Chúa, phục vụ Giáo hội và phục vụ dân Chúa. Đó là lý do mà giáo sĩ chúng tôi được mời gọi làm giám mục hay linh mục”.
 
Đức Giáo Hoàng Phanxicô nói về nữ phó tế: ‘Thánh chức dành riêng cho nam giới’
Vũ Văn An
23:59 25/10/2023

Hannah Brockhaus, trên trang mạng của Catholic News Agency ngày 25 tháng 10, 2023, tường trình rằng Đức Giáo Hoàng Phanxicô tái khẳng định việc phụ nữ không thể trở thành linh mục, hoặc thậm chí là phó tế của Giáo hội hiện đại, trong một cuộc phỏng vấn cho một cuốn sách phát hành hôm thứ Ba tại Ý.



Trả lời câu hỏi liệu một số phụ nữ trong Giáo hội sơ khai là “nữ phó tế” hay một dạng cộng tác viên khác với các giám mục, Đức Giáo Hoàng nói là “không liên quan, bởi vì các chức thánh được dành riêng cho nam giới”.

Câu trả lời của Đức Thánh Cha cho các câu hỏi về vai trò của phụ nữ trong Giáo hội đã được bao gồm trong một cuốn sách xuất bản vào tháng 6 bằng tiếng Tây Ban Nha có tựa đề “El Pastor: Desafíos, razones y Reflectiones sobre su pontificado”.

Cuốn sách có tựa đề bằng tiếng Anh là The Shepherd: Struggles, Reasons, and Thoughts on His Papacy [Chủ Chăn: Cac cuộc đấu tranh, lý do và suy nghĩ về chức vụ giáo hoàng của ngài] đã được phát hành bằng tiếng Ý vào ngày 24 tháng 10. Ấn bản tiếng Ý có tựa đề là “Non Sei So-lo: Sfide, Risposte, Speranze” [Bạn không đơn độc: Các thách thức, câu trả lời, hy vọng].

Về khả thể có các nữ phó tế, Đức Phanxicô chỉ ra rằng chức phó tế “là cấp bậc thánh đầu tiên trong Giáo Hội Công Giáo, tiếp theo là chức linh mục và cuối cùng là chức giám mục”.

Ngài cho biết ngài đã thành lập các ủy ban vào năm 2016 và 2020 để nghiên cứu sâu hơn về vấn đề này, sau một nghiên cứu vào những năm 1980 của Ủy ban Thần học Quốc tế đã xác định rằng vai trò của các nữ phó tế trong Giáo hội sơ khai “có thể so sánh với phép lành của các nữ tu viện trưởng”.

Để trả lời câu hỏi tại sao ngài “chống lại chức linh mục nữ”, Đức Phanxicô nói với nhà báo người Argentina Sergio Rubin và nhà báo người Ý Francesca Ambrogetti, tác giả của cuốn sách, rằng đó là “một vấn đề thần học”.

“Tôi nghĩ rằng chúng ta sẽ làm suy yếu bản chất của Giáo hội nếu chúng ta chỉ xem xét thừa tác vụ linh mục, tức là cách thức thừa tác vụ,” ngài nói và chỉ ra rằng phụ nữ phản ánh cô dâu của Chúa Giêsu là Giáo hội.

Ngài nói: “Việc người phụ nữ không được tiếp cận đời sống mục vụ không phải là một sự tước đoạt, bởi vì vị trí của họ quan trọng hơn nhiều. “Tôi nghĩ rằng chúng ta đã mắc sai lầm trong bài giáo lý khi giải thích những điều này, và cuối cùng chúng ta rơi vào một tiêu chuẩn hành chánh không có hiệu quả về lâu dài”.

“Mặt khác, đối với đặc sủng của phụ nữ, tôi muốn nói rất rõ ràng rằng theo kinh nghiệm cá nhân của tôi, họ có một trực giác tuyệt vời về giáo hội,” ngài nói.

Khi được hỏi về việc phong chức cho phụ nữ nhằm đưa “nhiều người đến gần Giáo hội hơn” và việc độc thân linh mục tùy chọn nhằm giúp giải quyết tình trạng thiếu linh mục, Đức Giáo Hoàng Phanxicô cho biết ngài không chia sẻ những quan điểm này.

Ngài nói: “Phái Luthêrô truyền chức cho phụ nữ, nhưng vẫn có ít người đến nhà thờ. “Các linh mục của họ có thể kết hôn, nhưng mặc dù vậy họ không thể tăng số lượng mục sư. Vấn đề là văn hóa. Chúng ta không nên ngây thơ và nghĩ rằng những thay đổi chương trình sẽ mang lại cho chúng ta giải pháp.”

“Chỉ các cải cách giáo hội mà thôi không giúp giải quyết các vấn đề căn bản. Đúng hơn, những thay đổi mang tính mô hình là điều cần thiết”, ngài nói thêm, đồng thời chỉ ra bức thư năm 2019 gửi người Công Giáo Đức để xem xét thêm về vấn đề này.
 
Văn Hóa
Hoa Cúc Trắng
Lê Đình Thông
15:41 25/10/2023
Hoa Cúc Trắng

‘‘Đường bạch dương bóng chiều man mác
Ngọc đường lê lác đác sương sa
Lòng nào là chẳng thiết tha (1)
Năm tàn tháng tận, người nhà kiếp sau

Trong Thánh kinh ‘‘đời sau’’ đã định
Tội tình mà phạm đến Thiên nhan (2)
Thêm vào ‘‘ngọn lửa’’đời sau (3)
Thiêu đi tội lỗi, bắc cầu thiêu thu.

Sách Giáo lý ưu tư ghi chép
Khi qua đời tội nhẹ đền xong (4)
Lâm chung : xưng tội, xức dầu
Thêm ơn đại xá nhiệm mầu sạch tan.

Trong phép thánh công đồng đã dạy (5)
Theo lời truyền Thánh sử ghi sâu (6)
Và thêm Giáo phụ có câu (7)
Luyện hình lửa đốt nhiệm mầu trên cao.

Lửa luyện hình : purgatorius
Người qua đời rũ hết oan khiên
Nhờ ơn Thánh đức ban ân
Thiên đàng mở lối canh tân phúc ngàn.

Theo Thánh nhân, sau ngày nhắm mắt
Bằng tình yêu Chúa đặt ơn trên
Thiên đàng, địa ngục hai bên
Còn thêm luyện tội ta đền tội khiên. (8)

Thánh Tiến sĩ Thomas đã viết :
Về hình phạt hủy diệt u minh
Chập chùng lửa cháy điêu tàn
Linh hồn luyện sạch nợ nần phúc ân (9).

Trong tháng này hồng ân ban xuống
Từ ngày 1 đến 8 : cầu xin
Ta thăm mộ chí thân nhân
Vành hoa cúc trắng xin ơn Chúa Trời (10)


---

(1) Nguyễn Du, Văn tế thập loại chúng sinh.
(2) Mt 12,32.
(3) 1 Cr 3,15.
(4) Sách Bổn Công Giáo, số 123.
(5) Công đồng Ferrare-Florence họp tại
Ferrare (1437) và Florence (1439).
(6) 2 Mcb, 12, 46), Lc 12,10, 1Cr 3, 13-15).
(7) Thánh Augustinô, Th. Ambroise, Th. Basile.
(8) Thánh Jean de la Croix.
(9) Thánh Tôma Aquinô, La vie immortelle (Supp. Q.69-99).
(10) En novembre, L’Église catholique dispense une
indulgence plénière (toàn xá/đại xá) aux défunts qui se trouvent
dans le purgatoire. Ce peut être l’occasion de déposer des
chrysanthèmes ou d’autre fleurs sur la tombe
 
VietCatholic TV
Nga rộ tin Putin bị đột quỵ vào hôm thứ Hai. Nổ lớn ở Crimea, tuyên bố của Bộ Tổng Tham Mưu Ukraine
VietCatholic Media
03:54 25/10/2023


1. Chung quanh tin tức Vladimir Putin bị đột quỵ vào hôm thứ Hai

Tin tức nổi bật nhất trong 24 giờ qua là tin cho rằng Vladimir Putin đã bị ngừng tim, gục ngã trong phòng ngủ của tổng thống vào hôm thứ Hai 23 tháng Mười. Điện Cẩm Linh coi sức khoẻ của Putin là một bí mật liên quan đến an ninh quốc gia nên khó biết tin tức này có đúng sự thật hay không.

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Did Putin Have 'Cardiac Arrest'? What We Know, What We Don't”, nghĩa là “Putin bị “ngưng tim”? Những gì chúng tôi biết, những gì chúng tôi không biết.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Một số thông tấn xã đưa tin trong tuần này rằng Vladimir Putin đã bị ngừng tim, gục ngã trong phòng ngủ của tổng thống.

Các báo cáo cho biết thêm, nhà lãnh đạo 71 tuổi của Nga đã phải được hồi sức và đưa đến phòng chăm sóc đặc biệt sau khi an ninh nghe thấy ông ngã xuống sàn.

Sức khỏe của Putin đã là chủ đề được đồn đại trong nhiều năm, khi Điện Cẩm Linh giữ bí mật trước những đồn đoán không thể kiểm soát được. Các cuộc phỏng vấn và cuộc gặp được ghi âm với các nhà lãnh đạo thế giới khác thường được xem xét kỹ lưỡng để tìm manh mối gợi ý về việc liệu ông có thể bị bệnh hay mắc bệnh nan y hay không.

Báo cáo mới nhất này đã thu hút sự chú ý của các nhà báo trên khắp thế giới. Tiêu đề của tạp chí Business Today của Ấn Độ có nội dung “Báo cáo cho thấy Tổng thống Nga Vladimir Putin bị ngừng tim, ngã gục trong phòng ngủ.” Tờ báo Daily Mirror của Anh viết: “Vladimir Putin đã phải 'hồi sức' sau khi bị 'ngừng tim'“. Tờ The New Statesman, một tạp chí tin tức của Vương quốc Anh, đã đăng lại một bài báo từ tháng 6 năm 2022 với tiêu đề “Vladimir Putin đã chết chưa?”

Các báo cáo này có nguồn gốc từ một kênh truyền thông xã hội có liên quan đến một loạt tin đồn được cho là xuất phát từ các cơ quan an ninh của Nga, nhưng không có các bằng chứng cụ thể, và đôi khi rất khó tin về Putin.

General SVR, một kênh Telegram, do một viên tướng Nga hồi hưu, từng làm việc trong ngành tình báo Nga, đã chia sẻ nhiều câu chuyện về sức khỏe của Putin và khả năng nắm giữ quyền lực của ông, bao gồm cả câu chuyện về việc ông bị ngừng tim.

Một bài đăng vào ngày 23 tháng 10 năm 2023 của General SVR cho biết các nhân viên an ninh phủ Tổng thống đã phát hiện Putin đang “co giật cong người khi nằm trên sàn, trợn mắt lên” và “được chuyển đến một căn phòng được trang bị đặc biệt trong nơi ở của ông, nơi đã có sẵn các thiết bị y tế cần thiết để hồi sức”.

General SVR nói tiếp rằng mặc dù “tình trạng của tổng thống đã ổn định và được giám sát y tế liên tục”, nhưng vụ việc “đã khiến nội bộ của tổng thống báo động nghiêm trọng mặc dù thực tế là các bác sĩ tham dự đã cảnh báo trước đó rằng Putin bị bệnh nặng và có khả năng không qua khỏi cuối mùa thu.”

Kênh này đã nhiều lần nói rằng Putin đã sử dụng thế thân để thực hiện các nhiệm vụ chính thức, và vòng trong của Putin đang thảo luận về người kế nhiệm.

Những tuyên bố không có bằng chứng khác mà General SVR đã chia sẻ bao gồm việc Putin ngã xuống cầu thang, rằng ông phải đối mặt với một vụ ám sát ở Mạc Tư Khoa và rằng ông đã phải trải qua cuộc phẫu thuật đại tràng khẩn cấp vào tháng 12 năm 2022.

Tuy nhiên, câu chuyện này, giống như những câu chuyện khác của General SVR, được trình bày mà không có nguồn hoặc bằng chứng khác để nâng cao độ tin cậy của nó.

Khả năng Điện Cẩm Linh sẽ cung cấp thông tin chi tiết về tình trạng sức khỏe hiện tại của Putin có vẻ rất mong manh, do tính bí mật, thái độ của họ đối với những người chỉ trích tổng thống và những ảnh hưởng của việc tiết lộ thông tin đó đối với ngoại giao quốc tế.

Mặc dù việc Putin bị ngừng tim bất ngờ không phải là chuyện không thể tin được, nhưng nhà lãnh đạo Nga đã xuất hiện trước công chúng và trước ống kính vào tuần trước, dường như trong tình trạng sức khỏe tốt, chủ trì một cuộc họp của Hội đồng Bảo an ở Mạc Tư Khoa vào hôm thứ Sáu và tham dự một giải đấu quyền anh ở thành phố Perm của Urals vào hôm thứ Năm.

Về lý thuyết, Putin có thể có những vấn đề liên quan đến sức khoẻ, và những nguồn tin khác đáng tin cậy hơn đã nuôi dưỡng suy đoán này. Ba nhà lãnh đạo tình báo nói với Newsweek vào tháng 7 năm 2022 rằng một báo cáo mật của Hoa Kỳ cho biết Putin đã phải điều trị bệnh ung thư giai đoạn cuối vào tháng 4 năm 2022.

Cùng năm đó, The Moscow Times trích dẫn một báo cáo điều tra của hãng truyền thông độc lập Nga Proekt Media cho biết Putin đã đi cùng các bác sĩ, bao gồm cả bác sĩ phẫu thuật ung thư tuyến giáp, trong các chuyến đi đến nơi ở của ông ở Sochi từ năm 2016 đến năm 2019 và các bác sĩ “có thể đã thực hiện các phẫu thuật này” cho ông ta vào tháng 11 năm 2016.

Truyền thông nhà nước Nga kể từ đó dẫn lời phát ngôn nhân của tổng thống Dmitry Peskov, là người đã bác bỏ cáo buộc ngừng tim. Peskov nói: “Mọi thứ đều ổn với ông ấy, đây hoàn toàn là một chuyện tào lao khác.”

Tóm lại, Putin có bị ngừng tim không như các báo cáo đang rộ lên trên thế giới? Thưa: Chúng tôi không biết. Nhưng, có điều này thì chắc chắn: Các tin đồn này cho thấy nhiều người ở Nga và trên toàn thế giới đang mong được thấy nhà độc tài biến mất.

2. Tổn thất của Nga ở thành phố Avdiivka ngày càng chồng chất

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Ukraine War Map Shows Mixed Picture As Russia's Avdiivka Losses Pile Up”, nghĩa là “Bản đồ chiến tranh Ukraine hiển thị hình ảnh hỗn hợp khi tổn thất Avdiivka của Nga chồng chất.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Thụy Khanh

Các lực lượng Nga đã tiến về tiền tuyến tại thị trấn Avdiivka của Donetsk khi bản đồ mới nhất về cuộc tấn công của họ cho thấy lợi ích cận biên của họ trong bối cảnh có báo cáo về tổn thất quân số cao.

Thị trấn có tầm quan trọng chiến lược và đang bị tranh chấp khốc liệt này nằm ngay trên giới tuyến ở miền đông Ukraine và được mô tả là cửa ngõ vào thành phố Donetsk, nơi đã bị Nga và các lực lượng ủy nhiệm của nước này xâm lược kể từ năm 2014.

Nga đã phát động một cuộc tấn công lớn vào thị trấn vào ngày 10 tháng 10 và giao tranh đã gia tăng trong những ngày gần đây khi Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy mô tả tình hình là “đặc biệt khó khăn”.

Các quan chức quốc phòng Anh cho biết các cuộc tấn công của Nga ở Avdiivka đã góp phần làm “thương vong của Nga tăng 90%” theo ghi nhận của Ukraine.

Trang web điều tra Agentstvo của Nga, trích dẫn dữ liệu từ trang web phân tích tình báo quốc phòng nguồn mở Oryx của Hà Lan, cho biết hôm thứ Hai rằng cứ 10 thiết bị của Nga bị mất kể từ khi Kyiv phát động cuộc phản công vào tháng 6 thì có 1 đã xảy ra trong 10 ngày trước đó, trùng hợp với các cuộc đụng độ gia tăng ở Avdiivka.

Viện Nghiên Cứu Chiến Tranh Hoa Kỳ, gọi tắt là ISW, một tổ chức tư vấn có trụ sở tại Hoa Kỳ, cho biết hôm thứ Hai rằng lực lượng Nga đã đạt được những bước tiến hạn chế về phía đông bắc Avdiivka khi các nguồn tin của Nga cho biết quân đội đã tiến về phía trước chỉ vài trăm mét trong khu vực này.

ISW ghi nhận tuyên bố của các blogger quân sự Nga rằng lực lượng Ukraine đã phản công gần Avdiivka và cũng gần đống rác thải phía tây bắc thị trấn, vốn là “vùng xám” đang tranh chấp.

Bản đồ hàng ngày của tổ chức nghiên cứu này phác thảo tình hình thực tế và đồ họa hôm thứ Hai cho thấy các đoạn phim được định vị địa lý cho thấy những bước tiến của Nga về phía tây nam Krasnohorivka và Stepove lân cận, cả hai đều nằm ở phía bắc Avdiivka.

ISW cũng lưu ý các tuyên bố và phản bác khác từ các nguồn tin của Nga, trong đó một nguồn cho biết hôm Chúa Nhật rằng lực lượng Mạc Tư Khoa đã đột nhập vào bãi rác và đường sắt gần Stepove và đẩy lùi lực lượng Ukraine. Một nguồn tin Ukraine cho biết quân Nga đã tiến vào phạm vi 3 dặm về phía tây nam Avdiivka.

ISW cho biết hồi đầu tháng này rằng các lực lượng Nga đã tập trung vào khu vực này nhằm ngăn chặn lực lượng Ukraine tái triển khai sang các khu vực khác của mặt trận. Tuy nhiên, Kyiv đã biết về động thái này và do đó khó có thể cung cấp nhân lực quá mức cho trục này. Newsweek đã liên hệ với Bộ Quốc phòng Nga để bình luận.

Tổn thất cao được báo cáo của Nga trong cuộc chiến giành thị trấn xảy ra khi Bộ Quốc phòng Anh cho biết kể từ khi bắt đầu chiến tranh, Mạc Tư Khoa đã phải chịu tới 190.000 thương vong vĩnh viễn, bao gồm cả những người bị thiệt mạng và bị thương.

Những con số này không bao gồm quân lính đánh thuê của Nhóm Wagner, do Yevgeny Prigozhin đứng đầu cho đến khi ông qua đời trong một vụ tai nạn máy bay hồi tháng 8.

3. Mỹ gia hạn cam kết phòng thủ Phi Luật Tân sau vụ va chạm tàu Trung Quốc

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “US Renews Phi Luật Tân Defense Pledge After China Ship Collisions”, nghĩa là “Mỹ lặp lại cam kết bảo vệ Phi Luật Tân sau vụ va chạm tàu Trung Quốc.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Túy Vân.

Hoa Kỳ đã tái khẳng định nghĩa vụ phòng thủ của mình đối với đồng minh hiệp ước Phi Luật Tân sau khi hai tàu Phi Luật Tân thực hiện nhiệm vụ tiếp tế thường lệ va chạm với các tàu Trung Quốc đang cố gắng ngăn chặn họ trong khu vực tranh chấp ngày càng gia tăng ở Biển Đông.

Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cho biết hôm Chúa Nhật rằng hành vi của các tàu Trung Quốc “gây nguy hiểm cho sự an toàn của thủy thủ đoàn Phi Luật Tân và cản trở việc tiếp cận các nguồn cung cấp cực kỳ cần thiết cho các quân nhân”.

Họ nói thêm rằng việc cản trở các hoạt động hàng hải của Phi Luật Tân “làm suy yếu sự ổn định trong khu vực”. Bộ Ngoại giao nhắc lại rằng Hiệp ước phòng thủ chung Mỹ-Phi Luật Tân bao gồm các cuộc tấn công vào tất cả các lực lượng Phi Luật Tân “bất cứ nơi nào trên Biển Đông”.

Eric Sayers, thành viên không thường trú tại Viện nghiên cứu Doanh nghiệp Mỹ, cho biết hôm thứ Hai trên X (trước đây là Twitter) rằng ông hy vọng sẽ thấy chính phủ Hoa Kỳ đồng ý thực hiện “các nhiệm vụ hộ tống và tiếp tế” để hỗ trợ đồng minh Phi Luật Tân của mình.

Sáng Chúa Nhật, một tàu bảo vệ bờ biển Trung Quốc đã va chạm với một tàu tiếp tế của Phi Luật Tân trong nỗ lực ngăn tàu nhỏ hơn tiếp tế cho đảo san hô Second Thomas do Phi Luật Tân nắm giữ ở quần đảo Trường Sa đang tranh chấp gay gắt, theo Hội đồng An ninh Quốc gia Phi Luật Tân. Điều này dẫn đến một vụ va chạm nhỏ cách bãi cạn khoảng 10 dặm, nơi một đơn vị nhỏ của Thủy quân lục chiến Phi Luật Tân đã đóng quân từ năm 1999.

Vụ việc thứ hai xảy ra cách bãi cạn khoảng 6 dặm khi một tàu Dân quân Hàng hải Trung Quốc cố gắng chặn một trong các tàu tuần duyên Phi Luật Tân đang hộ tống sứ mệnh tiếp tế. Các quan chức Phi Luật Tân cho biết không ai bị thương trong cả hai vụ va chạm, mặc dù chiếc thuyền bị hư hỏng không thể thực hiện nhiệm vụ của mình. Họ cho biết mức độ thiệt hại của thân tàu vẫn đang được đánh giá.

Dân quân Hàng hải bao gồm các tàu đánh cá không chính thức, hầu hết không có vũ khí, được chính phủ Trung Quốc tuyển dụng để giúp thực thi các yêu sách rộng lớn của nước này ở Biển Đông. Những con tàu này thường xuyên bị cáo buộc có hành vi hung hăng, chẳng hạn như đâm vào các tầu khác.

Các yêu sách lãnh thổ của Trung Quốc khiến nước này mâu thuẫn với quan điểm của Phi Luật Tân, Việt Nam, Mã Lai Á, Brunei và Đài Loan. Tòa án trọng tài quốc tế năm 2016 đã ra phán quyết có lợi cho Phi Luật Tân và bác bỏ các yêu sách của Trung Quốc. Bắc Kinh đã coi thường phán quyết này.

Lực lượng đặc nhiệm quốc gia về Biển Tây Phi Luật Tân đã lên án “ở mức độ mạnh nhất những hành động nguy hiểm, vô trách nhiệm và bất hợp pháp mới nhất của Cảnh sát biển Trung Quốc và Dân quân biển Trung Quốc sáng nay”.

Bộ Ngoại giao Phi Luật Tân đã triệu tập phó phái đoàn Trung Quốc vào hôm thứ Hai vì đại sứ không có mặt. Một phát ngôn viên của Bộ cho biết Phi Luật Tân đã gửi 465 đơn phản đối Trung Quốc kể từ đầu năm 2020, trong đó có 55 đơn được đệ trình trong năm nay.

Lực lượng bảo vệ bờ biển Trung Quốc đáp trả bằng một tuyên bố cáo buộc các tàu tiếp tế của Phi Luật Tân và tàu hộ tống của họ xâm nhập vùng biển Trung Quốc mà không được phép để “vận chuyển trái phép” vật liệu. Tuyên bố nêu rõ: “Các tàu Phi Luật Tân đã tiếp cận một cách không an toàn, bất chấp những cảnh báo nghiêm khắc của phía Trung Quốc và gây ra va chạm”.

Manila cáo buộc Bắc Kinh vi phạm phán quyết trọng tài mang tính ràng buộc pháp lý năm 2016, cũng như công ước quốc tế năm 1972 về ứng xử ngăn ngừa va chạm trên biển mà cả hai nước đã ký kết. Theo thỏa thuận này, các tàu thuyền phải sử dụng mọi biện pháp có thể để xác định và tránh nguy cơ va chạm.

Newsweek đã liên hệ với Bộ Ngoại giao Trung Quốc để yêu cầu bình luận.

Đại sứ Canada tại Phi Luật Tân, David Hartman, cho biết Ottawa “hoàn toàn đoàn kết” với nước này về “việc bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ của mình”. Đại sứ Liên minh Âu Châu Luc Véron cho biết “những sự việc này, sự lặp lại và cường độ của chúng là nguy hiểm và rất đáng lo ngại”.

Các vụ va chạm hôm Chúa Nhật là vụ mới nhất trong một chuỗi các cuộc đối đầu đang làm xấu đi mối quan hệ giữa hai nước. Vào tháng 8, các tàu bảo vệ bờ biển Trung Quốc đã bắn vòi rồng vào tàu đối tác Phi Luật Tân khi tàu này chở hàng tiếp tế tới Bãi cạn Second Thomas.

Tháng trước, Phi Luật Tân đã dỡ bỏ hàng rào nổi do lực lượng Trung Quốc dựng lên để ngăn chặn ngư dân Phi Luật Tân khỏi ngư trường của họ gần một đảo san hô đang tranh chấp khác, là bãi cạn Scarborough. Trung Quốc đã cảnh báo Phi Luật Tân không được “khuấy động rắc rối”.

4. Tuyên bố của quân đội Ukraine về vụ nổ mới nhất ở Crimea: Kết quả sẽ khiến mọi người vui mừng

Trong cuộc họp báo tại trung tâm báo chí Kyiv sáng thứ Tư 25 tháng Mười, Phát ngôn nhân Bộ Tư Lệnh Phía Nam Nataliya Humenyuk cho biết như sau:

Lực lượng phòng thủ Ukraine đang nỗ lực làm suy yếu khả năng của đối phương càng nhiều càng tốt, kể cả ở Hắc Hải. Hôm qua, quân xâm lược đã triển khai hai khu trục hạm mang hỏa tiễn hành trình Kalibr ở ngoài khơi bờ biển Crimea, với tổng số 16 hỏa tiễn, nên lực lượng Ukraine buộc phải đáp trả.

Cô đã cho biết như trên khi bình luận về các vụ nổ đêm khuya được báo cáo ở Crimea và cuộc tấn công bằng máy bay không người lái trên biển được cho là nhắm vào Sevastopol.

“Công việc của chúng tôi được phối hợp phù hợp với nhiệm vụ của chúng tôi trong giai đoạn này là làm cạn kiệt tiềm năng của đối phương càng nhiều càng tốt, bao gồm cả khả năng triển khai các lực lượng dự bị bổ sung. Chúng ta đã chứng kiến hôm qua, địch đưa hai tàu khu trục mang theo tới 16 hỏa tiễn Kalibr vào làm nhiệm vụ chiến đấu. Vì vậy, những gì họ làm là cố gắng theo đuổi các hoạt động ở Hắc Hải để quân đội của chúng ta phải đáp trả. Còn quá sớm để đưa ra kết luận nhưng tôi tin kết quả sẽ khiến mọi người vui mừng”, Humeniuk nói.

Có lẽ phải mất một vài ngày nữa mới biết được chính xác tổn thất của Hải Quân Nga.

Các kênh Telegram của Nga đã đưa tin về một loạt vụ nổ nghe thấy vào khoảng 4h sáng ngày thứ Tư tại thành phố bị tạm chiếm Sevastopol, căn cứ của hạm đội Hắc Hải của Nga.

Kênh Telegram Krym.Realii của Nga đưa tin về một loạt các vụ nổ mạnh khiến cửa sổ rung chuyển. Kênh này bày tỏ sự ngạc nhiên vì không có tiếng còi báo động không kích nào vang lên trong thành phố.

Theo phát ngôn nhân Lực lượng Hải quân của Lực lượng Vũ trang Ukraine, Thuyền trưởng hạng 3 Dmytro Pletenchuk, các nhà máy đóng và sửa chữa tàu ở Crimea bị tạm chiếm tạm thời, được quân xâm lược Nga sử dụng vì lợi ích của quân đội Nga, là quân sự hợp pháp. mục tiêu của Lực lượng Phòng vệ Ukraine. Thuyền trưởng hạng 3 là một cấp bậc chỉ có trong Hải Quân Nga và các nước thuộc Liên Xô cũ. Chức vụ này tương đương với Thiếu Tá trong Lục quân và Không quân.

Một thống đốc cảng Hắc Hải do Mạc Tư Khoa bổ nhiệm cho biết, hạm đội Hắc Hải của Nga đã “đẩy lùi” một cuộc tấn công của Ukraine vào Sevastopol”.

Mikhail Razvozhayev, Thống đốc Sevastopol trên Bán đảo Crimea do Mạc Tư Khoa bổ nhiệm, cho biết đây có thể là một cuộc tấn công “phá hoại dưới nước” của Ukraine.

5. Nga mất 810 quân, 24 hệ thống pháo binh và 12 xe tăng trong một ngày: Kyiv

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Russia Loses 810 Troops, 24 Artillery Systems and 12 Tanks in a Day: Kyiv”, nghĩa là “Kyiv cho biết Nga mất 810 quân, 24 hệ thống pháo binh và 12 xe tăng trong một ngày”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Thụy Khanh.

Theo Kyiv, các lực lượng Nga đã mất 810 chiến binh, 12 xe tăng và 24 hệ thống pháo binh chỉ trong một ngày, và tỷ lệ tổn thất cao của Nga không có dấu hiệu chậm lại.

Quân đội Kyiv cho biết trong một bản cập nhật hôm thứ Ba rằng Mạc Tư Khoa hiện đã mất tổng cộng 295.510 binh sĩ trong 20 tháng kể từ khi Điện Cẩm Linh tiến hành tấn công Ukraine. Theo Bộ Tổng tham mưu Ukraine, Nga cũng đã mất tổng cộng 5.105 xe tăng và 7.081 hệ thống pháo binh.

Trong suốt nỗ lực chiến tranh, tổn thất về nhân lực và thiết bị của Nga được cho là rất cao, và các nhà phân tích phương Tây nhìn chung đồng ý với con số thống kê của Ukraine. Kyiv cũng đã phải hứng chịu những đòn tấn công mạnh mẽ vào kho thiết bị quân sự của mình và mất đi nhiều binh sĩ trong cuộc chiến tiêu hao mệt mỏi.

Bộ Quốc phòng Nga hôm thứ Hai cho biết Ukraine đã mất 12.882 xe tăng và xe thiết giáp kể từ tháng 2 năm ngoái. Mạc Tư Khoa cho biết thêm rằng lực lượng Ukraine cũng mất 6.853 pháo dã chiến và súng cối. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu thách thức các con số này, cho rằng Ukraine không có nhiều chiến xa như thế.

Cuộc tấn công gần đây vào thị trấn Avdiivka của Donetsk được tường trình đã khiến Nga phải trả giá đắt. Thị trấn nằm trên chiến tuyến giữa Kyiv và các lực lượng được Nga hậu thuẫn trong 9 năm, hồi đầu tháng này đã trở thành mục tiêu của cuộc tấn công đầu tiên của Nga vào các vị trí của Ukraine kể từ khi Kyiv phát động cuộc phản công vào đầu tháng 6.

Bộ Tổng tham mưu Ukraine hôm thứ Ba cho biết các lực lượng Nga vẫn tiếp tục nỗ lực bao vây Avdiivka, “tích cực sử dụng máy bay của họ, nhưng binh lính Ukraine vẫn giữ vững lập trường, gây tổn thất lớn cho đối phương”. Quân đội Ukraine cho biết các chiến binh của họ đã đẩy lùi hơn 10 cuộc tấn công của đối phương dọc theo tiền tuyến ở Donetsk, phía tây và phía bắc Avdiivka, cũng như xung quanh thị trấn.

Trong bản cập nhật mới nhất, Viện Nghiên cứu Chiến tranh có trụ sở tại Hoa Kỳ cho biết lực lượng Nga đã tiến xung quanh Avdiivka, bao gồm cả phía đông bắc thị trấn. Cuối tuần qua, tổ chức nghiên cứu này cho biết Ukraine có thể đã đánh bại “một nỗ lực tấn công tăng cường khác của Nga” xung quanh Avdiivka và đã “gây thêm tổn thất nặng nề về nhân lực và trang thiết bị cho quân đội Nga trong khu vực”.

6. Volodymyr Zelenskiy nói rằng ông sẽ tiếp tục gây áp lực quân sự lên Crimea bị Nga tạm chiếm

Tổng thống Ukraine tuyên bố sẽ duy trì áp lực quân sự đối với Crimea bị Nga tạm chiếm.

Reuters đưa tin, những bình luận của Volodymyr Zelenskiy được đưa ra trong một bài phát biểu video tại một hội nghị an ninh ở Praha vào hôm thứ Ba. Cuộc hội thảo đã gặp phải trục trặc kỹ thuật và nhiều nguồn tin cho rằng đã bị điện tặc Nga tấn công.

Kyiv đã tăng cường tấn công các lực lượng Nga ở Hắc Hải và Crimea, nơi đã bị Mạc Tư Khoa chiếm giữ và sáp nhập vào năm 2014, khi lực lượng Ukraine tiếp tục cuộc phản công kéo dài gần 5 tháng.

Trong bài phát biểu bị gián đoạn do lỗi kỹ thuật, bao gồm cả lỗi liên tục điều chỉnh giọng nói của mình lên âm vực cao hơn, ông Zelenskiy cho biết “ảo ảnh” về sự thống trị của Nga ở Crimea và Hắc Hải đã tan vỡ.

Ông nói:

Hạm Đội Hắc Hải của Nga không còn khả năng hoạt động ở phía Tây Hắc Hải và đang dần chạy trốn khỏi Crimea. Và đây là một thành tựu lịch sử.

Các cuộc tấn công của Ukraine trong và xung quanh Crimea bao gồm các cuộc tấn công vào căn cứ không quân của Nga trên bán đảo, sở chỉ huy hạm đội Hắc Hải ở Sevastopol và cây cầu duy nhất nối Crimea với Nga.

“Chúng tôi vẫn chưa giành được quyền kiểm soát hỏa lực hoàn toàn đối với Crimea và các vùng biển xung quanh, nhưng chúng tôi sẽ làm được,” Zelenskiy nói trong cuộc họp của Diễn đàn Crimea, một sáng kiến ngoại giao mà ông đưa ra vào năm 2021. “Đây là vấn đề thời gian.”

Phát ngôn nhân của Chủ tịch Quốc hội Tiệp cho biết trang web tổ chức sự kiện, nơi quy tụ các nhà lập pháp từ nhiều quốc gia khác nhau, “đã bị tấn công mạng” nhưng không nêu rõ ai là người thực hiện.

7. Bản tin tình báo của Cục Tình Báo Bộ Quốc Phòng Vương Quốc Anh

Trong bản tin tình báo mới nhất, Cục Tình Báo Bộ Quốc Phòng Vương Quốc Anh đã đưa ra các nhận định về cái gọi là các đơn vị 'Storm-Z'. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Thụy Khanh.

Nga chủ yếu tiếp tục dựa vào các đơn vị 'Storm-Z' được chỉ định đặc biệt cho các hoạt động tấn công địa phương ở Ukraine.

Các nhóm quy mô đại đội này có thể được triển khai lần đầu tiên vào năm 2022. Có khả năng thực tế là Nga ban đầu hình dung họ là những tổ chức tương đối tinh nhuệ có thể nắm bắt thế chủ động chiến thuật.

Tuy nhiên, ít nhất là kể từ mùa xuân năm 2023, Shtorm-Z trên thực tế đã trở thành tiểu đoàn hình sự, có biên chế gồm những người bị kết án và quân chính quy Nga đang bị kỷ luật.

Nhiều tài khoản cho rằng các đơn vị này được ưu tiên thấp nhất về hỗ trợ hậu cần và y tế, trong khi liên tục bị ra lệnh phải tấn công.

Quân đội Nga thường tiến hành phòng thủ hiệu quả. Tuy nhiên, sự tồn tại của Storm-Z làm nổi bật khó khăn cực độ của Nga trong việc tạo ra bộ binh chiến đấu có khả năng tiến hành các hoạt động tấn công hiệu quả.

8. Thủ tướng Đức Olaf Scholz cam kết duy trì viện trợ của Đức cho Ukraine

Thủ tướng Đức Olaf Scholz đã cam kết duy trì viện trợ của Đức cho Ukraine trước sự xâm lược của Nga ngay cả khi Berlin cần phải ủng hộ Israel trong cuộc xung đột với Hamas.

Phát biểu tại diễn đàn doanh nghiệp Đức-Ukraine ở Berlin, với sự tham dự của Thủ tướng Ukraine Denys Shmygal và sự tham gia trực tuyến của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy, Scholz tuyên bố Kyiv sẽ hỗ trợ “khi nào còn cần thiết”.

Scholz nói: “Chúng tôi đang hỗ trợ Ukraine về mặt kinh tế, tài chính, viện trợ nhân đạo và cả vũ khí”.

“Sự hỗ trợ này sẽ không bị ảnh hưởng bởi thực tế là tất nhiên kể từ buổi sáng kinh hoàng ngày 7 tháng 10, chúng tôi đã tập trung vào Israel và Trung Đông với sự cảm thông và quan tâm lớn nhất.”

9. Ukraine ra mắt liên doanh quốc phòng với nhà sản xuất vũ khí Đức

Các quan chức cho biết Ukraine đã thành lập một liên doanh quốc phòng với nhà sản xuất vũ khí Rheinmetall AG của Đức để bảo trì và sửa chữa các vũ khí phương Tây gửi đến giúp Kyiv chống lại cuộc xâm lược toàn diện của Nga.

Tại diễn đàn doanh nghiệp Đức-Ukraine ở Berlin, Thủ tướng Ukraine Denys Shmyhal cho biết, liên doanh này cũng sẽ giúp sản xuất tại địa phương một số thiết bị chính do Rheinmetall AG sản xuất.

Shmyhal phát biểu tại diễn đàn rằng, “Nó sẽ đưa sự hợp tác giữa các nước chúng ta lên một tầm cao mới về phẩm chất và sẽ cho phép chúng ta cùng nhau xây dựng kho vũ khí của thế giới tự do”.

Oleksander Kamyshyn, Bộ trưởng các ngành công nghiệp chiến lược, cho biết Ukraine cam kết triển khai sản xuất vũ khí phương Tây trong nước để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của Ukraine khi cuộc chiến hiện đã kéo dài 20 tháng.

Ông cho biết ông đã gặp 25 nhà sản xuất quốc phòng lớn của Đức ở Berlin.

Rheinmetall cho biết trong một tuyên bố rằng họ sở hữu 51% cổ phần trong liên doanh sẽ hoạt động trên lãnh thổ Ukraine.

Shmyhal nói với các phóng viên ở Berlin:

Dự án đầu tiên sẽ sửa chữa thiết bị, xe tăng, xe thiết giáp hạng nặng, tăng pháo Panzerhaubitzers và các thiết bị khác của Đức.

Tất cả các dự án sản xuất khác – đó không phải là thông tin công khai, nhưng chúng tôi có một số kế hoạch sẽ sản xuất những gì ở Ukraine, nhưng các công ty sẽ tự công bố khi thời điểm đến.

10. Tòa án Nga kết án 7 năm tù, một người viết bài bày tỏ quan điểm trên mạng xã hội và to gan hét vào mặt quan tòa “Vinh quang cho Ukraine!”

Một tòa án ở Nga đã bác bỏ đơn kháng cáo của một nhà hoạt động đối lập, người đã bị kết án 7 năm tù vì các bài đăng trên mạng xã hội mà các công tố viên cho rằng “biện minh cho hành vi khủng bố”.

AFP đưa tin: Nga đã cấm mọi công dân không được chỉ trích cái gọi là chiến dịch quân sự đặc biệt của mình; và đã dàn dựng một cuộc đàn áp lớn nhằm vào những người bất đồng chính kiến khi quân đội của hị đang tiếp tục chiến đấu mệt mỏi ở Ukraine.

Nhà hoạt động Mikhail Krieger, 63 tuổi, đã bị kết án vào tháng 5 với tội danh “biện minh cho chủ nghĩa khủng bố” và “kích động hận thù”.

Các cáo buộc được đưa ra liên quan đến các bài đăng trên Facebook từ năm 2019 và 2020, trong đó Krieger nói rằng tổng thống Nga, Vladimir Putin, nên bị “treo cổ” và ca ngợi những người đã tấn công các sĩ quan FSB của Nga là “anh hùng”.

Tại phiên điều trần hôm thứ Ba, ông đã tố cáo cuộc tấn công Ukraine của Điện Cẩm Linh và – theo nhóm nhân quyền Memorial – đã hét lên: “Vinh quang cho Ukraine!”

Đơn kháng cáo của ông đã bị tòa phúc thẩm quân sự Nga ở thị trấn Vlasikha, một thành phố quân sự cách Mạc Tư Khoa 20km về phía tây.

Trong phiên tòa xét xử, anh ta từ chối xin lỗi về các bài đăng của mình và nói rằng anh ta đang bị bức hại vì quan điểm phản chiến và công khai ủng hộ Ukraine.

11. 21.000 ngôi nhà dân đã bị quân xâm lược Nga phá hủy

Trong cuộc họp báo tại trung tâm báo chí Kyiv sáng thứ Tư 25 tháng Mười, phát ngôn nhân cảnh sát quốc gia Ukraine, Đại Úy Alyona Lyutnytska, cho biết kể từ khi bắt đầu cuộc xâm lược toàn diện của Putin vào năm ngoái, binh lính Nga đã phá hủy 21.000 ngôi nhà dân và các phần “cơ sở hạ tầng xã hội” trên khắp Ukraine, trong đó 1.788 tòa nhà trong số này bị “phá hủy hoàn toàn”.

“Và đây chỉ là trong các lãnh thổ không bị tạm chiếm,” cô nhấn mạnh.

“Đồng thời, pháo kích không ngừng. Vì thế chúng ta ngày càng phải chịu nhiều sự hủy diệt hơn.”

Cô đưa ra một ví dụ mới nhất là một cuộc không kích của lực lượng Nga đã làm hư hại một bệnh viện và một trạm cứu hỏa ở vùng Kherson vào hôm Thứ Ba.

Cô cho biết thêm hơn 50 cửa sổ, mái và cửa ra vào của bệnh viện đã bị hư hại sau trận pháo kích trong đêm, và nói thêm rằng hai phụ nữ, 63 và 66 tuổi, bị thương.

12. Phần Lan nghi ngờ tầu Trung Quốc phá hoại đường ống dẫn khí đốt ở Biển Baltic

Bộ trưởng Nội Vụ Phần Lan, Mari Rantanen, cho biết cảnh sát Phần Lan đã vớt được một chiếc mỏ neo lớn từ đáy biển gần nơi đường ống dẫn khí đốt ở Biển Baltic bị vỡ hồi đầu tháng này và đang điều tra xem liệu nó có thuộc về một tàu container của Trung Quốc hay không.

Cảnh sát trước đó cho biết, đường ống dẫn khí đốt dưới biển Balticconnector và hai dây cáp viễn thông ở Biển Baltic bị hư hại là do lực cơ học bên ngoài gây ra và đang điều tra xem đây là hành động phá hoại có chủ ý hay do tai nạn.

Cô cho biết Cục Điều tra Quốc gia Phần Lan, gọi tắt là NBI, cho biết họ đang tập trung điều tra vào tàu container NewNew Polar Bear của Trung Quốc đã di chuyển phía trên đường ống và dây cáp vào thời điểm xảy ra hư hỏng.

NBI hôm thứ Ba cho biết họ đã xác định rằng NewNew Polar Bear trên thực tế đã bị mất một trong các mỏ neo phía trước và cho biết họ đã cố gắng liên lạc với con tàu nhưng không thành công để hỏi xem liệu chiếc mỏ neo được trục vớt ở Vịnh Phần Lan có phải là của tầu Trung Quốc này hay không.

13. Thủ tướng Thụy Điển Ulf Kristersson cho biết việc phá hủy tuyến cáp viễn thông chạy dưới biển Baltic giữa Thụy Điển và Estonia là “có chủ đích”.

Hãng tin AP đưa tin: “Ngày hôm nay, chúng tôi đã có kết quả chính xác hơn bao giờ, đó là việc phá hủy tuyến cáp viễn thông chạy dưới biển Baltic giữa Thụy Điển và Estonia là ‘có chủ đích’” Kristersson nói trong một cuộc họp báo, sau khi các thợ lặn Thụy Điển đã điều tra đáy biển.

Trước đó, phát ngôn nhân của hải quân Thụy Điển, Jimmie Adamsson, nói với đài truyền hình công cộng Thụy Điển SVT rằng “chúng tôi nhìn thấy dấu vết dưới đáy biển gần đó, nhưng chúng tôi không biết đó là cố ý hay tai nạn”.

Vào ngày 17 tháng 10, Thụy Điển báo cáo hư hỏng đối với một tuyến cáp viễn thông dưới biển mà nhà chức trách tin rằng xảy ra cùng lúc với hư hỏng đối với đường ống dẫn khí đốt dưới biển và cáp viễn thông giữa Phần Lan và Estonia.

Bộ trưởng phòng vệ dân sự Thụy Điển Carl-Oskar Bohlin cho biết vào thời điểm đó rằng nguyên nhân gây ra thiệt hại vẫn chưa rõ ràng và nói thêm rằng đó “không phải là đứt cáp hoàn toàn” mà là “hư hỏng một phần”.

Tổng thư ký NATO, Jens Stoltenberg, phát biểu trong cuộc họp báo hôm thứ Ba rằng các nước thành viên có:

Hàng chục nghìn km cáp internet, đường ống dẫn khí đốt, tất cả các đường ống dẫn dầu băng qua Biển Baltic, Biển Bắc, Đại Tây Dương, Địa Trung Hải và tất nhiên, những loại cơ sở hạ tầng quan trọng dưới biển này đều dễ bị tổn thương.

Ông Stoltenberg nói thêm rằng liên minh quân sự đang hợp tác “chặt chẽ với khu vực tư nhân” vì “hầu hết cơ sở hạ tầng quan trọng này thuộc sở hữu của các công ty tư nhân, và do các công ty tư nhân điều hành”.

14. Nga tuyên bố đã tung chiến đấu cơ ngăn chặn 2 chiếc máy bay ném bom của Hoa Kỳ

Chiều thứ Ba 25 Tháng 10, Phát ngôn nhân Bộ Quốc phòng Nga, Trung tướng Igor Konashenkov cho biết Nga đã điều động một chiến đấu cơ Su-27 sau khi hai máy bay ném bom chiến lược B-1B của Mỹ tiếp cận biên giới nước này trên Biển Baltic.

Konashenkov cho biết, khi chiến đấu cơ Nga tiến đến gần, các máy bay ném bom của Mỹ đã “quay đầu lại” khỏi biên giới Nga.

15. Thủ tướng Ukraine Denys Shmyhal đã gặp Thủ tướng Đức Olaf Scholz trong chuyến thăm chính thức Đức

Thủ tướng Ukraine Denys Shmyhal đã gặp Thủ tướng Đức Olaf Scholz và thảo luận về việc hỗ trợ Ukraine trong chuyến thăm chính thức Đức hôm thứ Ba, tờ Kyiv Independent đưa tin, trích dẫn cơ quan báo chí của chính phủ Ukraine.

Shmyhal phát biểu tại cuộc họp rằng “Đức đóng vai trò quan trọng trong việc tăng cường khả năng phòng thủ của Ukraine cũng như hợp tác với Ủy ban Âu Châu. Cảm ơn bạn vì điều này và chúng tôi tin tưởng vào sự hỗ trợ không ngừng nghỉ của bạn.”

Thủ tướng Ukraine Denys Shmyhal cho biết Đức sẽ cung cấp thêm 1,4 tỷ euro để tăng cường phòng không và giúp nước này vượt qua mùa đông thứ hai trong cuộc chiến với Nga.

Ông cho biết Đức đang chuẩn bị gói viện trợ mùa đông trị giá 1,4 tỷ euro cho Ukraine, bao gồm cả thiết bị phòng không.

Theo Reuters, Kyiv đang thúc đẩy các đối tác phương Tây của mình mua thêm hệ thống phòng không vì lo ngại rằng Mạc Tư Khoa có kế hoạch tăng số lượng cuộc không kích vào các cơ sở năng lượng khi nhiệt độ giảm.
 
Ơn quan phòng: Vị linh mục đang dâng lễ kịp trốn dưới bàn thờ, nhờ thế được tai qua nạn khỏi
VietCatholic Media
04:51 25/10/2023


1. Giữa cơn bão dữ dội, vị linh mục trốn dưới bàn thờ, nhờ thế được tai qua nạn khỏi

Nhà thờ Thánh Gioan Phaolô II Rwamishenye thuộc Giáo phận Bukoba ở Tanzania và nhà xứ của giáo xứ đã bị phá hủy sau một trận mưa lớn kèm theo gió mạnh vào sáng thứ Tư, ngày 18 tháng 10.

Phát biểu với giới truyền thông sau khi đến thăm địa điểm này, Giám quản Tông tòa của Giáo phận Bukoba, Đức Cha Method Kilaini, đã đề cập đến ảnh hưởng của cơn bão, cho biết: “Cha sở đang cầu nguyện trong nhà thờ. Khi nhà thờ sụp đổ, ngài trốn dưới bàn thờ. Đây là cách ngài sống sót.”

“Chỉ có hai người bị gỗ rơi trúng người”, Đức Cha Kilaini nói thêm. “Họ đã được đưa đến bệnh viện và tình trạng của họ rất tốt.”

Đức Cha Kilaini cho biết các Kitô hữu tại Giáo xứ Rwamishenye “không có nơi nào để cầu nguyện” sau thảm kịch.

Ngài than thở: “Họ đã xây dựng nhà thờ tạm thời của mình và bây giờ công trình đã bị gió thổi bay”.

Ngài nói tiếp: “Một phần ngôi nhà của vị linh mục, một tòa nhà cao tầng, đã bị tốc mái và bức tường đã sụp đổ”. Ngài mô tả sự tàn phá giữa cơn bão là “một vấn đề rất lớn” đối với giáo xứ Rwamishenye.

Đức Cha kêu gọi những người có thiện chí hãy đến giúp đỡ dân Chúa tại giáo xứ Tanzania.

Ngài nói: “Bất cứ ai thực sự có thể giúp đỡ họ, hãy ở bên họ trong thảm kịch này”, đồng thời khuyến khích những người bị ảnh hưởng hãy tiếp tục mạnh mẽ giữa thảm kịch.

“Người tin Chúa phải có tấm lòng vĩ đại. Chúa sẽ giúp chúng ta. Thảm họa đến và Chúa ban cho chúng ta thêm sức mạnh. Hãy tiếp tục chiến đấu và làm những điều lớn lao hơn chúng ta đã từng làm,” Đức Cha Kilaini nói.

Tỉnh Kagera của Tanzania đang hứng chịu mưa lớn kèm theo gió mạnh.

Tiến sĩ Abel Nyamahanga, Ủy viên quận Muleba, cho biết vào Chúa Nhật, ngày 15 tháng 10, hơn 150 ngôi nhà đã bị tốc mái do gió mạnh.

Nyamahanga cho biết thêm, ba trường tiểu học và một trường trung học bị ảnh hưởng bởi cơn bão, ông cho biết không có thương vong nào.

Sĩ quan phụ trách Lực lượng Cứu hỏa và Cấp cứu Tanzania Kagera, Trợ lý Ủy viên cao cấp Zabron Muhumha, kêu gọi người dân cảnh giác và kêu gọi những người sống ở khu vực dễ bị lũ lụt di chuyển đến những địa điểm an toàn hơn.


Source:Catholic News Agency

2. Đức Tổng Giám Mục Canterbury đến Thánh Địa, cùng các lãnh đạo giáo hội cầu nguyện cho hòa bình

Tối ngày 17 tháng 10, Bệnh viện Anh giáo Al Ahli ở Gaza đã bị tấn công. Đã có những cáo buộc trao đổi liên tục giữa Hamas và Israel liên quan đến vụ tấn công.

Hai ngày sau đó, vào tối thứ Năm, ngày 19 tháng 10, một cuộc không kích của Israel ở Gaza đã gây ra sự sụp đổ của một tòa nhà bên trong khu nhà gần đó là nhà thờ Thánh Porphyrius của Giáo Hội Chính thống Đông Phương. Hiện có 18 người thương vong được báo cáo và hàng chục người bị thương, một số trong số họ bị nặng và người ta lo ngại rằng số người chết có thể còn tăng trong những giờ tới. Tòa Thượng phụ Chính thống Đông Phương đã đưa ra tuyên bố lên án vụ việc.

Một tuyên bố của quân đội Israel hôm thứ Sáu nói rằng nhà thờ không phải là mục tiêu dự kiến của cuộc không kích mà là một trung tâm chỉ huy của Hamas gần nhà thờ. Tuyên bố cho biết: “Kết quả của cuộc tấn công của IDF là một bức tường của một nhà thờ ở khu vực trung tâm đã bị hư hại”. “Chúng tôi đã biết các báo cáo về thương vong. Sự việc đang được xem xét. IDF có thể tuyên bố dứt khoát rằng nhà thờ không phải là mục tiêu của cuộc tấn công.”

Vào tối thứ Sáu, tại Nhà thờ Thánh George Tử đạo của Anh giáo, tất cả các Thượng Phụ và nhà lãnh đạo các nhà thờ ở Giêrusalem đã tập trung để cầu nguyện chung. Đây là một cách để bày tỏ tình liên đới với các giáo hội bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi những thảm kịch gần đây và cùng nhau dâng lời cầu nguyện lên Thiên Chúa cho hòa bình ở Thánh Địa.

Buổi cầu nguyện được chủ trì bởi giám mục Anh giáo của Giêrusalem, Hosam Naum, và phép lành cuối cùng được Đức Tổng Giám Mục Canterbury ban. Các giám mục và linh mục Anh giáo mặc lễ phục màu đen.


Source:Catholic News Agency

3. Đức Hồng Y Pierbattista Pizzaballa bày tỏ sự đau buồn trước thảm kịch tại Nhà thờ Chính thống Đông Phương Thánh Porphyrius ở Gaza.

Trong một cuộc phỏng vấn với đài truyền hình Ý TV2000, Đức Hồng Y Pierbattista Pizzaballa bày tỏ sự đau buồn trước thảm kịch tại Nhà thờ Chính thống Đông Phương Thánh Porphyrius ở Gaza.

“Chúng tôi đang sống trong nỗi đau buồn tột cùng. Nỗi đau của những gia đình đã phải chịu đựng bấy lâu nay là vô cùng lớn, và chúng tôi sát cánh cùng họ. Chúng tôi cầu nguyện rằng tình trạng này sẽ kết thúc càng sớm càng tốt”.

Đức Hồng Y Pizzaballa cũng không che giấu sự quan tâm của mình đối với ít nhất 500 người đã tị nạn tại giáo xứ Latinh ở Gaza, Nhà thờ Thánh Gia.

“Chúng tôi biết khu vực này và khu vực lân cận là mục tiêu quân sự. Cảnh báo đã được đưa ra,” ngài nói với TV2000. “Cộng đồng của chúng tôi, những người có thông tin đầy đủ, đã quyết định ở lại. Họ không biết đi đâu và nói rằng không có nơi nào ở Dải Gaza là an toàn. Vì vậy, họ thích ở lại đó, cầu nguyện và tin tưởng vào Chúa. Thật cảm động khi thấy, bất chấp mọi thứ, họ vẫn giữ được đức tin mạnh mẽ, không bị lung lay bởi những quả bom này.”

Trong khi đó, vào buổi tối, có tin hai con tin người Mỹ được thả: Nathalie và Judith Raanan từ Evanston, Illinois. Theo truyền thông Israel, họ đã được chuyển đến Ai Cập và sẽ sớm được hồi hương về Hoa Kỳ. Hiện tại, 202 người vẫn đang bị làm con tin trong tay Hamas.


Source:Catholic News Agency
 
Bạo chúa băng hà chưa? Dân tình xôn xao, Cẩm Linh lên tiếng. Tướng Nga: Sau Ukraine, sẽ tới Phần Lan
VietCatholic Media
15:56 25/10/2023


1. Điện Cẩm Linh lên tiếng trước các tin đồn cho rằng Putin bị đột quỵ vào hôm thứ Hai

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Kremlin Breaks Silence on Putin 'Cardiac Arrest', 'Body Double' Rumors”, nghĩa là “Điện Cẩm Linh phá vỡ sự im lặng trước tin đồn Putin 'bị ngưng tim', 'sử dụng thế thân'“. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Túy Vân.

Điện Cẩm Linh bác bỏ thông tin Tổng thống Nga Vladimir Putin bị ngừng tim.

Kể từ khi bắt đầu cuộc xâm lược toàn diện vào Ukraine, đã có nhiều báo cáo suy đoán rằng Putin đang gặp phải một loạt vấn đề về sức khỏe, từ ung thư đến bệnh Parkinson và rằng ông ấy sử dụng thế thân.

General SVR, một kênh Telegram, trước đây đã đưa tin về sức khỏe của Putin, hôm thứ Hai đăng tải rằng người ta tìm thấy tổng thống nằm trên sàn và ông đã được chuyển đến một căn phòng được trang bị đặc biệt trong nơi ở của mình, nơi ông được hồi sức. Báo cáo này được lan truyền nhanh chóng trên thế giới bởi các cơ quan truyền thông bao gồm các tờ báo của Vương Quốc Anh như The Daily Mirror và The New Statesman, cũng như tạp chí Business Today của Ấn Độ.

Kênh Telegram này cho biết dù tình trạng sức khỏe của Putin đã ổn định nhưng ông vẫn “được giám sát y tế liên tục”, vụ việc này “đã khiến những người thân cận của tổng thống phải lo lắng nghiêm trọng” và các bác sĩ đã cảnh báo rằng Putin đang gặp nhiều vấn đề về sức khoẻ đến mức ông “khó có thể qua được cuối năm nay”.

Tuy nhiên, phát ngôn nhân Điện Cẩm Linh Dmitry Peskov nói với các nhà báo Nga rằng “mọi thứ đều ổn với ông ấy, đây chỉ là một trò lừa bịp khác”, hãng thông tấn nhà nước RIA Novosti đưa tin. Peskov cũng mô tả các báo cáo về việc sử dụng thế thân là “vô lý và sai sự thật”.

Tuần trước, Putin dường như có sức khỏe tốt khi xuất hiện trước công chúng và trước ống kính, chủ trì cuộc họp Hội đồng an ninh quốc gia ở Mạc Tư Khoa và tham dự giải đấu quyền anh ở thành phố Perm của Urals.

Nhưng những đồn đoán về sức khỏe của Putin có thể vẫn tiếp tục. Ba nhà lãnh đạo tình báo nói với Newsweek vào tháng 7 năm 2022 rằng theo một báo cáo mật của Hoa Kỳ, Putin đã phải điều trị bệnh ung thư giai đoạn cuối vào tháng 4 năm 2022.

Trong khi đó, hãng truyền thông độc lập Nga Proekt Media đưa tin rằng Tổng thống Nga đã đi cùng các bác sĩ, bao gồm cả bác sĩ phẫu thuật ung thư tuyến giáp, trong các chuyến đi đến nơi ở của ông ở Sochi từ năm 2016 đến năm 2019 và ông có thể đã phẫu thuật vào tháng 11 năm 2016.

Kênh General SVR đã nhiều lần cho biết ông Putin đã sử dụng thế thân để thực hiện các nhiệm vụ chính thức, tuy nhiên họ không cung cấp bằng chứng cho điều này hoặc các tuyên bố khác của mình.

Tuần trước, cảnh quay nhà lãnh đạo Nga đến Sân bay Quốc tế Thủ đô Bắc Kinh đã làm dấy lên thêm nhiều thuyết âm mưu cho rằng nhà lãnh đạo Điện Cẩm Linh sử dụng thế thân.

General SVR cũng tuyên bố rằng Putin bị ngã cầu thang, đối mặt với một vụ ám sát ở Mạc Tư Khoa và phải trải qua cuộc phẫu thuật đại tràng khẩn cấp vào tháng 12 năm 2022.

Putin có bị ngừng tim không như các báo cáo đang rộ lên trên thế giới là điều khó có thể nói một cách chính xác. Nhưng, có điều này thì chắc chắn: Các tin đồn này cho thấy nhiều người ở Nga và trên toàn thế giới đang mong được thấy nhà độc tài biến mất.

2. Kyiv cho biết Nga âm thầm đổi mới cuộc tấn công trên toàn bộ mặt trận Ukraine

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Russia Quietly Renews Offensive Across Entire Ukraine Front: Kyiv”, nghĩa là “Kyiv cảnh báo Nga đang âm thầm đổi mới cuộc tấn công trên toàn bộ mặt trận Ukraine.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Lan Vy

Bộ Tổng tham mưu Ukraine cho biết các lực lượng của Kyiv đang chống lại các hoạt động tấn công của Nga trên khắp chiến tuyến; và nhận định rằng nỗ lực này của Mạc Tư Khoa có thể là một phần trong kế hoạch “nắm bắt thế chủ động” sau nhiều tuần đối mặt với cuộc phản công của Kyiv.

Viện Nghiên cứu Chiến tranh, gọi tắt là ISW, hôm thứ Hai cho biết các hoạt động tấn công của Nga đang diễn ra gần tuyến Kupyansk-Svatove-Kreminna, ở khu vực biên giới tỉnh Donetsk-Zaporizhzhia và ở phía tây tỉnh Zaporizhzhia, nơi họ đã “đạt được những thắng lợi đã được xác nhận ở một số khu vực.”

Lực lượng vũ trang Ukraine cho biết hôm thứ Ba rằng những nỗ lực này diễn ra khi Nga tiếp tục tiến hành các cuộc không kích vào các mục tiêu quân sự và dân sự ở Kharkiv, Luhansk, Donetsk, Zaporizhzhia và Kherson. Kyiv cũng cho biết lực lượng của họ đã đẩy lùi các cuộc tấn công của Nga vào các trục Lyman, Marina và Bakhmut của mặt trận.

Cuộc tấn công của Nga vào Avdiivka ở tỉnh Donetsk, bắt đầu khoảng hai tuần trước, đã gây ra nhiều sự chú ý nhất và được cho là đã dẫn đến tổn thất nặng nề. Thị trấn đang bị tranh chấp gay gắt nằm ở tiền tuyến và là cửa ngõ vào thành phố Donetsk, nơi bị Nga xâm lược từ năm 2014.

Tuy nhiên, Nga đã có những tiến bộ được xác nhận trong khu vực trong vài ngày qua, theo các blogger quân sự Nga được ISW trích dẫn, ám chỉ rằng gần 5 tháng kể từ khi cuộc phản công của Ukraine bắt đầu, Mạc Tư Khoa đang đánh trả.

Emil Kastehelmi, nhà phân tích quân sự và tình báo nguồn mở, nói với Newsweek rằng: “Người Nga đang tấn công ở một số địa điểm, có thể đang cố gắng giành thế chủ động sau một giai đoạn phòng thủ, thụ động hơn”.

“Cú hích mạnh nhất đang diễn ra ở Avdiivka. Mặc dù tổn thất của Nga là đáng kể nhưng cuộc tấn công vẫn tiếp tục”, ông nói.

Ông nói: “Nga chưa đạt được nhiều tiến bộ thực tế ở bất kỳ đâu và không rõ liệu họ thực sự có khả năng tiến hành một cuộc tấn công phối hợp trên khắp mặt trận với các mục tiêu chiến lược lớn hơn hay chỉ là một loạt các cuộc tấn công nhỏ hơn ở những địa điểm thích hợp”.

Kastehelmi nói: “Có thể người Nga muốn tập trung lực lượng tấn công vào một khu vực tương đối nhỏ với mục tiêu hạn chế hơn”. “Một trong những điểm chính mà tình hình hiện tại báo hiệu là người Nga dường như vẫn còn nguồn dự trữ cơ giới hóa có thể sử dụng được.”

Ukraine chưa chọc thủng các tuyến phòng thủ của Nga ở Zaporizhzhia trong cuộc phản công và Jack Watling, một nhà nghiên cứu cao cấp tại Viện Dịch vụ Thống nhất Hoàng gia đã viết trong một bài bình luận vào tuần trước rằng Kyiv sẽ “rất khó có khả năng” đột phá về phía Tokmak trong năm nay “trừ khi các lực lượng Nga quyết định rút lui.”

“Kyiv phải chiến đấu cẩn thận nếu muốn giữ thế chủ động”, Watling viết và nói thêm rằng khả năng mở rộng quy mô hoạt động của cả hai bên bị hạn chế bởi các cơ hội huấn luyện.

Đối mặt với tổn thất lớn, Nga phải đưa quân thay thế để duy trì sức mạnh cho các đơn vị của mình, ông nói. Nếu Ukraine có thể duy trì mức thương vong cao đối với lực lượng của Mạc Tư Khoa, điều đó có thể “ngăn chặn khả năng của Nga trong việc huấn luyện đủ quân mới theo tiêu chuẩn cần thiết để tiến hành hành động tấn công một cách hiệu quả”.

Nhưng như Kastehelmi nói với Newsweek, “một số người đã suy đoán trong suốt mùa thu rằng người Nga đang cạn kiệt nam giới. Tuy nhiên, lúc đó không có bằng chứng rõ ràng về điều này và thậm chí bây giờ còn ít bằng chứng hơn nữa khi Nga có thể mở các cuộc tấn công biển người vào thành phố Avdiivka”.

3. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy đã nhắc lại rằng việc chuẩn bị cho các cuộc đàm phán để nước ông gia nhập Liên Hiệp Âu Châu là ưu tiên hàng đầu.

Ông nói: “Âu Châu của chúng ta đang ở một thời điểm đặc biệt”. “Trong nhiều thập kỷ, nó đã bị chia cắt thành hai vùng lãnh thổ: một nơi các giá trị chung của chúng ta được các thể chế Âu Châu bảo vệ, và một vùng khác thì không. Bây giờ, cuối cùng, chúng ta chỉ còn vài bước địa chính trị nữa là có thể xóa bỏ được sự chia rẽ này.

“Ukraine đã và đang thực hiện bảy khuyến nghị của Ủy ban Âu Châu càng nhanh càng tốt để mở các cuộc đàm phán gia nhập trong năm nay. Chúng tôi đã làm rất nhiều. Nhiều hơn những gì có thể mong đợi từ một đất nước đang có chiến tranh. Nhưng Ukraine không tìm kiếm sự giảm giá chính trị, chúng tôi đang thể hiện tốc độ cần thiết.

“Đây là ưu tiên hàng đầu của Ukraine, sẵn sàng cho quyết định chính trị bắt đầu đàm phán gia nhập Liên Hiệp Âu Châu của Ukraine trong năm nay. Và tôi hy vọng điều tương tự cũng có thể xảy ra với Liên minh Âu Châu. Chúng tôi đã đặt nền móng vững chắc cho việc này.”

4. Phó chủ tịch Duma quốc gia chỉ ra nước nào là nước tiếp theo sau khi Nga chiếm được Ukraine

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Russian TV Identifies Putin's Possible Next Target: 'Second Ukraine'“, nghĩa là “Truyền hình Nga xác định mục tiêu tiếp theo có thể có của Putin, một 'Ukraine thứ hai'“. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Túy Vân.

Andrey Gurulyov, cựu Tư Lệnh Quân Đoàn Tổng Hợp số 58, Tư Lệnh Phó Quân Khu Phía Nam, và hiện là Phó chủ tịch Duma quốc gia hay Hạ Viện Nga, gợi ý trên truyền hình nhà nước rằng Phần Lan, thành viên NATO có thể là mục tiêu tiếp theo của Tổng thống Nga Vladimir Putin sau Ukraine.

Phần Lan gia nhập liên minh quân sự NATO trong năm nay để đáp trả cuộc xâm lược toàn diện của Putin vào Ukraine. Nga và Phần Lan có chung đường biên giới dài 800 dặm hay gần 1300km.

Gurulyov, cựu phó tư lệnh Quân khu phía Nam, đưa ra nhận xét này khi xuất hiện trên kênh truyền hình nhà nước Russia-1. Một đoạn trích của đoạn này đã được đăng trên X, trước đây là Twitter, bởi phóng viên Giám sát BBC Francis Scarr.

“Dân biểu Nga Andrei Gurulyov nói rằng Phần Lan đang bị biến thành 'Ukraine thứ hai' và tuyên bố rằng người Phần Lan ngày càng có yêu sách lãnh thổ đối với Petrozavodsk,” Scarr viết, chia sẻ đoạn clip dài 27 giây của đài truyền hình nhà nước.

Thành phố Petrozavodsk, thủ đô của Cộng hòa Karelia thuộc Nga, nằm cách biên giới Phần Lan khoảng 170 km. Liên Xô chiếm nước cộng hòa này từ Phần Lan vào những năm 1940.

Vào tháng 9, đài truyền hình dịch vụ công cộng Phần Lan Yle đưa tin rằng Nga đang phát triển căn cứ quân sự ở Petrozavodsk.

“Chúng tôi hiểu rất rõ rằng họ đang biến Phần Lan thành Ukraine thứ hai. Gurulyov nói: Không thể không chú ý đến những quá trình này.

“Hôm nay, tâm trạng ở Phần Lan đang nóng lên, tôi đã đưa cho các trợ lý của mình một hướng dẫn cụ thể để xem người Phần Lan đang viết gì—và điều đó thật tồi tệ! Họ vui vẻ nói rằng 'Petrozavodsk là của chúng tôi!' và tất cả những thứ còn lại,” ông ta nói thêm.

Đầu tháng này, cơ quan truyền thông điều tra độc lập của Nga Agentstvo cho biết sắc lệnh mới của tổng thống Nga cho thấy Mạc Tư Khoa có thể đang chuẩn bị cho một cuộc đối đầu với Phần Lan và các nước vùng Baltic.

Bộ Quốc phòng Nga đã chuẩn bị một sắc lệnh của tổng thống nhằm tước bỏ tư cách là một “hiệp hội lãnh thổ chiến lược đa ngành” của Hạm đội phương Bắc của Nga. Nó sẽ chuyển bốn khu vực cấu thành của Hạm Đội phương Bắc là Cộng hòa Komi, Arkhangelsk, và các tỉnh Murmansk, và Khu tự trị Nenets cho Quân khu Leningrad đang được cải tổ.

Nhà phân tích quân sự Nga Yury Fedorov nói với Agentstvo rằng việc xây dựng lại Quân khu Leningrad cho thấy Nga đang chuẩn bị cho những xung đột có thể xảy ra với các nước vùng Baltic và NATO.

Quân khu Leningrad, đóng quân gần thành viên mới của NATO là Phần Lan và các nước vùng Baltic, là thành phần chủ chốt của Lực lượng Vũ trang Nga, có nhiệm vụ giám sát một phần chiến lược phòng thủ của quốc gia ở khu vực phía Tây.

5. Thương vong cao, tổn thất lớn nên quân Nga đã giảm chỉ còn một nửa các cuộc tấn công ở thành phố Avdiivka

Số cuộc tấn công của đối phương gần Avdiivka đã gần như giảm một nửa trong ngày qua. phát ngôn nhân Bộ Quốc phòng Ukraine, Chuẩn tướng Oleksii Hromov, đã cho biết như trên trong cuộc họp báo tại trung tâm báo chí Kyiv sáng thứ Tư 25 tháng 10.

“Ngày nay, số vụ tấn công gần Avdiivka đã giảm đi phần nào, gần như giảm đi một nửa. 57 trận giao tranh đã được ghi nhận vào ngày hôm kia và 28 trận vào ngày hôm qua”, ông nói.

Trong 5 ngày qua, Nga đã mất khoảng 2.400 binh sĩ thiệt mạng và bị thương ở khu vực Donetsk. Ngoài ra, hơn 150 đơn vị thiết bị của địch bị phá hủy, trong đó có 54 xe tăng.

Vào ngày 24 tháng 10 năm 2023, với sự hỗ trợ của máy bay, quân xâm lược Nga đã tiến hành các hoạt động tấn công bất thành gần Stepove, Avdiivka và Sieverne. Sáu cuộc tấn công của địch đã bị đẩy lùi. Gần Marinka và Pobieda, hai mươi cuộc tấn công bất thành của đối phương đã được ghi nhận.

6. Liên Hiệp Âu Châu đang trên đường chấm dứt sự phụ thuộc của Âu Châu vào nhiên liệu hóa thạch của Nga

Ủy ban Âu Châu cho biết Liên Hiệp Âu Châu đang đi đúng hướng tới mục tiêu chấm dứt sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch của Nga trong thập kỷ này, Ngoại trưởng Liên Hiệp Âu Châu, Josep Borrell, cho biết như trên.

Lục địa này đang bước vào mùa đông thứ hai với nguồn khí đốt khan hiếm của Nga, sau khi Mạc Tư Khoa cắt giảm lượng cung cấp vào năm ngoái sau cuộc xâm lược Ukraine - gây ra cuộc khủng hoảng năng lượng với giá khí đốt cao kỷ lục ở Âu Châu.

Trong một báo cáo được công bố hôm thứ Ba, Ông Josep Borrell cho biết Liên Hiệp Âu Châu dự kiến nhập khẩu khí đốt của Nga sẽ giảm xuống còn 40 tỷ-45 tỷ mét khối trong năm nay, so với 155 tỷ vào năm 2021, một năm trước cuộc chiến Ukraine. Khối 27 quốc gia đã áp đặt các lệnh trừng phạt đối với việc nhập khẩu than và dầu bằng đường biển của Nga.

Ông cho biết: “Những tác động tồi tệ nhất của cuộc khủng hoảng hiện có thể đã ở phía sau chúng ta nhưng không có chỗ cho sự tự mãn”. “Thị trường năng lượng vẫn dễ bị tổn thương, trợ cấp nhiên liệu hóa thạch tăng lên trong cuộc khủng hoảng, lạm phát vẫn cao và cơ sở hạ tầng quan trọng của chúng ta cần được bảo vệ, kể cả khỏi bị phá hoại.”

7. “ Mục tiêu béo bở”: Lực lượng Ukraine phá hủy radar phản pháo Zoopark-1 được khen ngợi của Nga

Hôm thứ Ba, tại vùng hoạt động Donetsk, Lực lượng đặc nhiệm Ukraine đã phá hủy hệ thống radar phản pháo Zoopark-1 của đối phương. Phát ngôn nhân lực lượng đặc biệt, Đại Tá Georgi Gleba, cho biết như trên.

Ông nói: “Theo hướng Donetsk, lực lượng đặc biệt đã săn lùng một mục tiêu béo bở – là hệ thống radar phản pháo Zoopark-1, là hệ thống mà người Nga luôn muốn khoe khoang”.

Người điều khiển máy bay không người lái thuộc Trung đoàn 3, lực lượng đặc biệt của chúng tôi đã định vị radar địch và tấn công thành công.

Chỉ mới hai ngày trước đó, hôm Chúa Nhật 22 tháng 10, một hệ thống Zoopark khác đã bị phá hủy ở miền Nam Ukraine.

“Chúng tôi đã loại bỏ thành công hệ thống Zoopark có giá trị của Nga, trị giá hơn 10 triệu đô la”, Đại tá Oleksandr Shtupun, phát ngôn nhân của nhóm lực lượng Tavria của Ukraine, cho biết trong bài phát biểu được hãng truyền thông Ukraine RBC đăng tải hôm thứ Hai. Ông cho biết, thiết bị chiến tranh 10 triệu Mỹ Kim đã bị một máy bay không người lái chưa tới một ngàn Mỹ Kim phá hủy.

8. Thủ tướng Đức Olaf Scholz cho biết ông muốn đặt nền tảng bền vững cho sự hỗ trợ của Liên Hiệp Âu Châu dành cho Ukraine vào cuối năm nay để giúp Kyiv trên con đường gia nhập khối.

Ông phát biểu tại một diễn đàn ở Berlin nhằm khuyến khích các doanh nghiệp Đức đầu tư vào đó.

Ông nói:

Bất kỳ ai đầu tư vào Ukraine hiện nay đều đang đầu tư vào một quốc gia thành viên Liên Hiệp Âu Châu trong tương lai, quốc gia này sẽ là một phần trong trật tự pháp lý và thị trường nội bộ của chúng ta.

Ông cho biết hơn 2.000 doanh nghiệp Đức vẫn hoạt động ở Ukraine bất chấp chiến tranh, với 35.000 nhân viên làm việc tại các nhà cung cấp cho lĩnh vực xe hơi của Đức. Ông cho biết thêm Berlin sẽ tổ chức một hội nghị tái thiết Ukraine vào tháng 6.

9. Hình ảnh vệ tinh cho thấy những 'Hố tra tấn' dành cho các binh sĩ Nga vô kỷ luật

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Satellite Photos Appear to Show Russia's 'Torture Pits' for Unruly Troops”, nghĩa là “Các hình ảnh vệ tinh dường như cho thấy những 'Hố tra tấn' của Nga dành cho binh lính vô kỷ luật.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Phương Thảo.

Những bức ảnh vệ tinh mới dường như cho thấy những hố tra tấn do quân đội Nga xây dựng tại khu huấn luyện dành cho những binh sĩ vô kỷ luật của Mạc Tư Khoa.

Theo Nhóm Tình báo Xung đột, gọi tắt là CIT, một nhóm điều tra chuyên phân tích các cuộc xung đột vũ trang và Những câu chuyện quan trọng, một cơ quan truyền thông điều tra của Nga, các công trình này được xây dựng tại các cơ sở huấn luyện của Nga ở các làng Prudboy ở vùng Volgograd và Totsky ở vùng Orenburg..

Cơ quan này trích dẫn những người lính Nga đã được huấn luyện tại căn cứ quân sự.

Một cựu quân nhân Nga được xác định là “Sergei” nói với CIT vào tháng 6 rằng anh ta biết rằng “các hố tra tấn” đã được thiết lập tại khu quân sự của Prudboy và một số đồng đội đã được đưa đến đó giam cầm sau khi họ bị bắt quả tang say rượu hoặc sử dụng ma túy.

Sergei cho biết anh đã nhiều lần cố gắng rời quân ngũ và từ chối chiến đấu ở Ukraine, nhưng anh đã vấp phải những lời đe dọa từ lãnh đạo. Các chỉ huy được cho là đã đe dọa rằng anh ta sẽ bị quân cảnh đánh đập và sẽ bị đưa vào một “cái hố” không có thức ăn và nước uống.

Một số đồng đội vi phạm kỷ luật của anh ta bị giam trong hố từ vài ngày đến một tuần, thức ăn chỉ được mang đến cho họ mỗi ngày một lần. Ông cho biết họ không được chăm sóc y tế và một người đã chết tại chỗ sau khi bị giam giữ trong hố.

Sergei nói: “Những người trở về từ đó không còn dám vô kỷ luật nữa, họ sợ hãi mọi thứ.

Hình ảnh vệ tinh chụp vào tháng 8 cho thấy hai “hố” sâu trong lòng đất cách khu lều trại không xa, phù hợp với tuyên bố của Sergei. Các hố này không được nhìn thấy trong ảnh vệ tinh chụp vào tháng 4, cho thấy chúng được đào từ tháng 4 đến tháng 8 năm nay.

Newsweek không thể xác minh các tuyên bố cụ thể và đã liên hệ với Bộ Quốc phòng Nga để yêu cầu bình luận.

Một cựu quân nhân Nga khác, được xác định là Viktor, đã mô tả sự tồn tại của những hố “tra tấn” tương tự ở Totsky. Hình ảnh vệ tinh cho thấy có những hố sâu như thế trên mặt đất tại khu vực quân sự.

“Họ có thể bước vào đơn vị của tôi, nhìn thấy một người lính say rượu, sau đó họ sẽ đưa anh ta đi và đánh anh ta. Những người vi phạm kỷ luật một cách có hệ thống sẽ bị đưa lên sàn, đánh đập, còng tay và giữ cho đến khi họ tỉnh táo, và xin lỗi”, Viktor nói.

Viktor nói: “Theo lời kể của họ, những tên quân cảnh bạo lực nhất, sau khi đánh đấm họ túi bụi, sẽ ném họ xuống hố, đậy nắp lại, thế là xong”.

Vào tháng 7, một đoạn video được đăng lên mạng xã hội hôm thứ Hai cho thấy các binh sĩ Nga nói rằng họ bị một sĩ quan chỉ huy nhốt vào hố vì từ chối chiến đấu trên tiền tuyến của Ukraine.

“Chúng tôi đã bị nhốt trong hố này vì từ chối đi theo đường số 0. Chúng tôi đã ngồi đây hai ngày”, một trong những người lính trong clip nói. “Đường số 0” là thuật ngữ người Nga thường xuyên sử dụng để chỉ tiền tuyến trên chiến trường.

WarTranslation, một dự án truyền thông độc lập chuyên dịch các tài liệu về cuộc chiến sang tiếng Anh, đã chia sẻ video trên X, trước đây gọi là Twitter. Trong đoạn clip mà Newsweek không thể xác minh độc lập, một trong tám người lính khác được quay phim ở nơi có vẻ như là một ngôi nhà dưới lòng đất ở một địa điểm không được tiết lộ cho biết họ đã phục vụ trong cuộc chiến trong 9 tháng mà không phép nghỉ phép.

10. Moldova cấm 22 cơ quan truyền thông Nga hoạt động ở Moldova

Tổng thống Maia Sandu của Moldova đã ký một sắc lệnh cấm tất cả các cơ quan truyền thông của Nga hoạt động trên lãnh thổ nước này. Đồng thời, cô cũng cho biết Moldova đã chặn quyền truy cập vào hơn 20 trang web truyền thông của Nga, và cáo buộc các cơ quan truyền thông này đang mở một cuộc chiến thông tin chống lại đất nước cô.

Một sắc lệnh của Cơ quan Tình báo và An ninh đã liệt kê 22 nguồn tin tức của Nga bị hạn chế, bao gồm những nguồn nổi tiếng như NTV, Russia Today, Ren TV, các phương tiện truyền thông nhà nước nắm giữ, VGTRK và các nguồn khác.

Trước đó, hôm thứ Ba 17 tháng 10, Canada cho biết họ đang nhắm tới 9 cá nhân và 6 đài truyền hình trong các biện pháp trừng phạt mới đối với các cộng tác viên của Nga đang hoạt động ở Moldova.

Mélanie Joly, Bộ trưởng Ngoại giao Canada, cho biết trong một tuyên bố, rằng các cá nhân bị tấn công có liên quan đến những nhà tài phiệt có ảnh hưởng, như Vladimir Plahotniuc và Ilan Mironovich Shor. Các đài truyền hình bị cáo buộc là quảng bá và phổ biến thông tin sai lệch để biện minh cho việc Nga xâm lược Ukraine.

Cô nhấn mạnh rằng:

Hôm nay, chúng tôi gửi một thông điệp rõ ràng tới các cá nhân và tổ chức ác ý ở Moldova rằng việc hỗ trợ cuộc xâm lược Ukraine sẽ phải bị trừng phạt.

11. Bản tin tình báo của Cục Tình Báo Bộ Quốc Phòng Vương Quốc Anh

Trong bản tin tình báo mới nhất, Cục Tình Báo Bộ Quốc Phòng Vương Quốc Anh đã đưa ra các nhận định về chiến trường ở bờ phía Đông sông Dnipro.

Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Lan Vy.

Trong tuần qua, giao tranh đã gia tăng xung quanh bờ hạ lưu sông Dnipro. Ukraine đã dành ưu tiên cao hơn cho các hoạt động trong lĩnh vực này, xây dựng các đầu cầu nhỏ ở bờ đông mà nước này đã kiểm soát kể từ mùa hè.

Nga có thể đã cảnh giác về khả năng xảy ra các cuộc tấn công qua sông kể từ khi rút lực lượng khỏi bờ Tây 12 tháng trước.

Khu vực này nằm dưới sự kiểm soát của Quân đoàn vũ trang tổng hợp số 18 mới thành lập, sau khi một số đơn vị trước đây trong khu vực đã được chuyển hướng đến trục Orikhiv ở phía đông.

Như trong hầu hết các khu vực, yếu tố quyết định gần như chắc chắn là khả năng của các chiến binh trong việc điều khiển hỏa lực pháo binh chính xác và dữ dội. Dấu hiệu ban đầu cho thấy Nga đã duy trì khả năng pháo binh đáng kể trong phạm vi hoạt động của con sông.

12. Ukraine mong đợi hệ thống Patriot bổ sung từ Đức

Ukraine kỳ vọng Đức sẽ cung cấp thêm hệ thống phòng không Patriot và tăng kinh phí hỗ trợ quốc phòng như một phần trong kế hoạch ngân sách của Đức cho năm 2024.

Thủ tướng Ukraine Denys Shmyhal đã nói điều này trong cuộc họp báo tại Diễn đàn kinh tế Đức-Ukraine lần thứ sáu, khi bình luận về kết quả cuộc gặp với Thủ tướng Đức Olaf Scholz.

“Chúng tôi đã đề cập đến một số chủ đề cực kỳ quan trọng. Đặc biệt là việc cung cấp vũ khí cho Ukraine. Trên hết, chúng tôi cần các hệ thống phòng không để bảo vệ các cơ sở năng lượng, cơ sở hạ tầng dân sự, cảng biển và sông. Chúng tôi hy vọng sẽ nhận được thêm một hệ thống Patriot từ Đức”, ông nói.

Shmyhal nhấn mạnh rằng Đức là một trong những nước đi đầu trong việc hỗ trợ cung cấp hệ thống phòng không. Theo ông, Ukraine hiện đang sử dụng IRIS-T và Gepard, “đã chứng tỏ chúng có phẩm chất cao trong việc bảo vệ không phận, bầu trời của chúng tôi”.

Shmyhal nói thêm: “Chúng tôi cần và hy vọng Đức sẽ tăng nguồn tài trợ cho hỗ trợ quốc phòng như một phần trong kế hoạch ngân sách của Đức cho năm 2024”.

Như đã đưa tin, Diễn đàn kinh tế Đức-Ukraine lần thứ sáu đã khai mạc tại Berlin, quy tụ hơn 500 đại diện chính trị và doanh nghiệp. Diễn đàn được tổ chức với khẩu hiệu 'Phục hồi, Tăng trưởng thông minh và An ninh'.

13. Latvia gửi 61 xe cứu thương tới Ukraine

Thủ tướng Evika SILIŅA của Latvia cho biết Cơ quan Y tế Khẩn cấp Latvia, với sự hỗ trợ của chính phủ Latvia, đã gửi 61 xe cứu thương đã qua sử dụng từ đội xe của họ đến Ukraine.

Những phương tiện nói trên đã được Cơ quan Y tế Khẩn cấp, gọi tắt là NMPD, bàn giao cho tổ chức phi chính phủ Mūsu ligzda của Latvia, tổ chức này sẽ bảo đảm việc vận chuyển chúng đến Ukraine. Xe cứu thương sẽ được phân phối giữa các cơ quan chính phủ Ukraine, như cảnh sát, Bộ Quốc phòng, Bộ Y tế và Quân đội.

Năm nay, sử dụng nguồn vốn từ Liên minh Âu Châu, NPMD của Latvia đã mua các phương tiện vận chuyển y tế mới. Tổng cộng 110 xe cứu thương đã được nhận và 47 xe khác sẽ được cung cấp trong thời gian tới.

Cơ quan này lưu ý: “NMPD đã đánh giá các nguồn lực sẵn có và lượng hàng tồn kho cần thiết, đồng thời kết luận rằng một số xe hơi đã qua sử dụng sẽ không còn cần thiết nữa và do đó, có thể được quyên góp”.

Đồng thời, Thủ tướng cho biết chính quyền thành phố Nam Kurzeme của Latvia đã chuyển sáu xe cứu thương cho đối tác lâu năm của họ, là thành phố Kamin-Kashyrskyi của Ukraine, nằm ở vùng Volyn. Như vậy, tổng số xe cứu thương tặng cho Ukraine sẽ lên tới 67 chiếc.

14. Hơn 260 thường dân thiệt mạng vì bom mìn của Nga ở Ukraine

Trong cuộc họp báo tại trung tâm báo chí Kyiv hôm 25 tháng Mười, phát ngôn nhân cảnh sát quốc gia Ukraine, Đại Úy Alyona Lyutnytska, cho biết kể từ khi bắt đầu cuộc xâm lược toàn diện của Nga, 261 người đã thiệt mạng và 559 người khác bị thương do bom mìn và vật liệu nổ ở Ukraine. Trong số những người bị thương có 68 trẻ em và 14 trẻ đã thiệt mạng.

Lực lượng cấp cứu cảnh báo người dân rằng nhiều thứ nguy hiểm có thể được tìm thấy trên đồng ruộng, rừng, vành đai rừng, giữa các bụi rậm hoặc trong các vùng nước - đặc biệt là ở những khu vực đang diễn ra chiến sự. Các thứ dễ nổ cũng có thể được ngụy trang thành những vật dụng thông thường trong gia đình, chẳng hạn như đồ chơi hoặc sách.

Cô kêu gọi mọi người nhận thức được mức độ nguy hiểm cao của bom mìn và báo cáo ngay bất kỳ những thứ khả nghi nào bằng cách gọi đến đường dây khẩn cấp 101.

Theo báo cáo của Ukrinform, kể từ khi cuộc chiến toàn diện bắt đầu, Cơ quan Dịch vụ Khẩn cấp Nhà nước đã vô hiệu hóa 445.691 bom mìn ở Ukraine.
 
GM Đức tại Thượng Hội Đồng công khai hô hào bỏ qua truyền thống Tông Đồ, chạy theo dấu chỉ thời đại
VietCatholic Media
16:56 25/10/2023


1. Giám mục người Đức tại Thượng Hội đồng về Tính đồng nghị: Giáo hội không nên bỏ qua 'dấu chỉ của thời đại'

Một giám mục người Đức tham gia Thượng Hội đồng về Thượng hội đồng đã thách thức ý kiến cho rằng cộng đồng Công Giáo ở nước ngài đang mâu thuẫn với Giáo hội hoàn vũ - và tái khẳng định rằng cộng đồng này sẽ tiếp tục đóng một vai trò trong các cuộc thảo luận đang diễn ra ở Rôma về tương lai của Giáo hội.

Phát biểu tại cuộc họp báo Thượng Hội đồng chiều thứ Bảy, Đức Giám Mục Franz Josef Overbeck của Essen thừa nhận rằng những người khác đã bày tỏ mối quan ngại với ngài về Giáo Hội Công Giáo theo “Tiến Trình Công Nghị” gây tranh cãi của Đức.

Đức Cha Overbeck, là một trong ba đại biểu của Hội đồng Giám mục Đức tại Thượng hội đồng hoàn vũ, và là người đề xuất chính cho Tiến Trình Công Nghị Đức, cho biết: “Nhiều người đã hỏi tôi, 'Bạn vẫn là người Công Giáo và là một phần của Giáo Hội Công Giáo phải không?' “Và tôi nói, 'Vâng, tất nhiên, chúng tôi là người Công Giáo, và chúng tôi vẫn ở đây.”

Bắt đầu vào năm 2019, Tiến Trình Công Nghị Đức là một sáng kiến phi giáo luật của Hội đồng Giám mục Đức và Ủy ban Trung ương Người Công Giáo Đức (ZdK). Sự hợp tác này đã chấp thuận chúc lành cho các kết hợp đồng giới, kết hợp ý thức hệ chuyển giới vào thực tiễn của Giáo hội và kiến nghị Rôma truyền chức linh mục cho phụ nữ tại hội nghị cuối cùng ở Frankfurt vào tháng 3 năm 2023.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã chỉ trích Tiến Trình Công Nghị là chỉ dành cho giới “tinh hoa” và “không hữu ích”, trong khi các giám mục từ khắp nơi trên thế giới đã viết thư bày tỏ mối quan ngại của các ngài rằng tiến trình này có thể gây ra sự ly giáo giữa Đức và Giáo hội hoàn vũ. Các quan chức Vatican và các giám mục Đức đã tổ chức nhiều cuộc họp để thảo luận về Tiến Trình Công Nghị, gần đây nhất là vào ngày 27 tháng 7.

Phát biểu trong gần 10 phút về Tiến Trình Công Nghị với các nhà báo, Đức Cha Overbeck khẳng định rằng tiến trình gây tranh cãi đang đáp ứng bối cảnh “hậu thế tục” độc đáo của văn hóa Đức, trong đó “mọi người không có ý tưởng” về sự siêu việt, Giáo hội hay Chúa Giêsu Kitô..

Đức Cha Overbeck cho biết: “Điều này thay đổi toàn bộ khuôn khổ cho các vấn đề mà chúng tôi đang thực hiện”, đồng thời cho biết thêm rằng nếu giáo huấn Công Giáo mâu thuẫn với “các dấu hiệu của thời đại” thì “không thuyết phục được ai” tuân theo sự hướng dẫn của Giáo hội.

Đức Cha Overbeck liên tục đề cập đến tình hình văn hóa đặc biệt của Đức để biện minh cho một số đề xuất gây tranh cãi nhất của Tiến Trình Công Nghị. Chẳng hạn, ngài ám chỉ việc tìm cách chấm dứt luật độc thân linh mục bắt buộc bằng cách lưu ý rằng trong 13 năm làm Giám mục của giáo phận Essen, ngài chỉ truyền chức cho 15 tân linh mục, trong khi 300 linh mục đã qua đời. Ngài cho biết, Giáo phận Essen hiện không có chủng sinh nào được đào tạo.


Source:Catholic News Agency

2. Giám mục Anh: Hôn nhân 'có nguy cơ bị xóa bỏ hoàn toàn'

Một giám mục Vương quốc Anh đã cảnh báo rằng thể chế hôn nhân không chỉ đơn thuần là “suy thoái thảm khốc” mà còn có nguy cơ bị xóa bỏ hoàn toàn.

Trong bài giảng vào ngày 14 tháng 10 tại Thánh lễ cử hành hôn nhân cấp giáo phận, Đức Giám Mục Mark Davies của Shrewsbury, Anh, đã nói với cộng đoàn gồm các cặp vợ chồng: “Thật khó để tưởng tượng trong hơn nửa thế kỷ qua những lời hứa mà các bạn đã hứa, ơn gọi mà bạn theo đuổi sẽ ngày càng trở nên đặc biệt hơn. Quá đặc biệt trong những năm đầu của thế kỷ 21 này, số liệu thống kê gần đây nhất cho thấy tỷ lệ kết hôn ở đất nước chúng ta giảm 61%, số lượng các cặp vợ chồng kết hôn thấp nhất trong gần hai thế kỷ và lần đầu tiên trong lịch sử của chúng ta có nhiều trẻ em được sinh ra bên ngoài hôn nhân hơn là trong một mái nhà có vợ chồng.”

Ngài nói tiếp: “Các tiêu đề dường như không quá phóng đại khi chúng không chỉ nói về sự suy thoái thảm khốc mà còn về hôn nhân đang biến mất ở Anh. Những hậu quả xã hội của sự mất mát như vậy chỉ mới bắt đầu được giải quyết, nhất là đối với hạnh phúc của trẻ em.”

Đức Cha Davies nói tiếp một cách lạc quan về niềm hy vọng mà hôn nhân Kitô Giáo mang lại: “Vào một thời điểm trong lịch sử của chúng ta khi hôn nhân ngày càng bị lãng quên, chứng tá mà anh chị em đưa ra bằng cách sống theo những lời hứa hôn nhân qua mọi thử thách và khó khăn lại càng tỏa sáng rực rỡ hơn.”

“Ơn gọi hôn nhân của Kitô giáo nổi bật như một lời mời gọi các thế hệ mới tin tưởng và đi theo cùng một con đường: can đảm thực hiện những lời hứa tuyệt vời như vậy, xây dựng một ngôi nhà ổn định và yêu thương cho con cái bằng chính lòng chung thủy của mình, và với cùng một lời cầu nguyện xin Chúa bảo vệ sự hiệp nhất trong tâm hồn họ và đưa họ cùng nhau đến tuổi già.”

Thánh lễ kỷ niệm hôn phối diễn ra tại Nhà thờ Thánh Columba ở Chester, tây bắc nước Anh.

Trong Thánh lễ, Đức Giám Mục nói rằng giữa họ, các cặp vợ chồng tham dự Thánh lễ đã tích lũy được “1.275 năm hôn nhân chung thủy”, điều mà ngài nói là một “lợi ích khôn lường”.

Trong số các cặp tham dự có Lloyd và Sheila Hayes ở Romiley, Cheshire, những người sẽ kỷ niệm 70 năm ngày cưới trong năm nay. Họ kết hôn ở tuổi 20 và 18 và hiện có 8 người con, 23 cháu và 9 chắt.

Theo Văn phòng Thống kê Quốc gia Vương quốc Anh, năm 2021 đã có 113.505 vụ ly hôn được chấp thuận ở Anh và xứ Wales, tăng 9,6% so với năm 2020, khi có 103.592 vụ ly hôn.

Theo Tổ chức Hôn nhân, một cơ quan nghiên cứu cam kết điều tra sự tan vỡ gia đình ở Anh, ở tuổi 14, 46% trẻ em không sống cùng cả cha mẹ ruột.


Source:Catholic News Agency

3. Giáo viên bị sa thải và bị cảnh sát điều tra vì công bố quan điểm của Giáo Hội về ý thức hệ giới tính

Một giáo viên Công Giáo ở Vương quốc Anh từ chối phổ biến ý thức hệ giới tính cho học sinh 11 và 12 tuổi đang có nguy cơ mất khả năng giảng dạy suốt đời sau khi một cơ quan chính phủ khởi kiện cô, một nhóm vận động cho biết.

Theo nhóm Christian Concern, Glawdys Leger đã là giáo viên dạy ngoại ngữ trong 12 năm, kể cả tại Trường Bishop Justus Church of England ở Bromley, Kent, trước khi cô bị sa thải khỏi đó vào tháng 5 năm ngoái.

Nhà trường được cho là đã ban hành chương trình giảng dạy và tài liệu giảng dạy cho học sinh Lớp 7 khẳng định ý thức hệ giới, chẳng hạn như sự tồn tại của “bản sắc giới tính”, bao gồm bản dạng toàn tính, vô tính và chuyển giới.

Theo Christian Concern, các giáo viên được cho là đã được hướng dẫn để giáo dục học sinh về “nội dung cực đoan”, chẳng hạn như gợi ý rằng một người có thể được sinh ra trong “cơ thể sai trái”.

Leger, 43 tuổi, “quyết định rằng cô ấy sẽ dạy quan điểm của Kitô giáo về các chủ đề LGBTQI vì học sinh chỉ nhận được những câu chuyện một chiều,” Christian Concern cho biết. Một phụ huynh của đứa trẻ được cho là đã phàn nàn và Leger sau đó đã bị nhà trường điều tra, sau đó cô bị sa thải.

Đơn khiếu nại của phụ huynh cáo buộc rằng Leger nói rằng các cá nhân LGBT “không ổn”, rằng lối sống đó là “một tội lỗi” và những người chuyển giới chỉ “bối rối” nhất thời, trong số những tuyên bố khác nữa.

Trong một tuyên bố thông qua Christian Concern, Leger cho biết cô có “sự cảm thông sâu sắc đối với những người LGBT, đặc biệt là những người mắc chứng rối loạn giới tính”.

Cô nói: “Tuy nhiên, với lương tâm ngay lành, tôi không thể dạy hoặc nói những điều mà tôi tin là trái ngược với đức tin của mình, chẳng hạn như nói rằng quan hệ tình dục đồng giới là tốt và khẳng định mọi người hoàn toàn có thể đang nhầm lẫn về giới tính của họ và có thay đổi”.

Trường Bishop Justus Church of England đã không trả lời câu hỏi vào thứ Sáu.

Cơ quan quản lý nhà trường, theo Christian Concern, sau đó đã giới thiệu cô đến Cơ quan Quản lý Giảng dạy của chính phủ, cơ quan này đã thông báo cho cô rằng chính phủ có khả năng đình chỉ vĩnh viễn một giáo viên vì “những lý do có hành vi chuyên môn không thể chấp nhận được”.

Một lá thư gửi cho Leger từ TRA cho biết hành vi của cô ấy “trái ngược với các giá trị cơ bản của Anh ở chỗ nó thiếu sự khoan dung đối với những người có niềm tin khác nhau”.

Leger đã trải qua một phiên điều trần về “sự phù hợp để thực hành” tại trụ sở của Cơ quan Quản lý Giảng dạy vào ngày 9 tháng 10. Andrea Williams, giám đốc điều hành của Trung tâm Pháp lý Kitô giáo của Christian Concern, nói với CNA hôm thứ Sáu rằng những phiên điều trần đó đã kết thúc vào ngày 13 tháng 10 và sẽ có thêm một ngày cho kết quả cuối cùng trong vụ Leger vẫn chưa được ấn định.

Christian Concern cho biết, ngoài những tài liệu mà Leger phản đối, các nhà giáo dục tại trường còn “bị ép buộc” chiếu trong lớp một bộ phim tên là “Fit”, một bộ phim nói về thế hệ thiên niên kỷ trong đó bài bác mạnh mẽ đức tin Kitô.

Trong tuyên bố của mình, Leger nói rằng việc mất việc và bị nhà nước điều tra đã gây ra “tổn hại lớn” cho cô.

Cô nói: “Tôi bị đối xử như một tội phạm và như thể tôi là mối nguy hiểm khi bày tỏ niềm tin Kitô của mình”.

Cô nói thêm: “Tôi chắc chắn rằng tôi chưa bao giờ và sẽ không bao giờ thể hiện bất kỳ sự thù hận hay thiếu tình yêu nào đối với người LGBT”.

“Lòng trắc ẩn và tình yêu đích thực là có thể nói sự thật với mọi người bất kể giới tính của họ. Tôi sẽ không bao giờ phân biệt đối xử với bất kỳ ai, nhưng… nhà trường đang buộc các giáo viên phải thúc đẩy, giảng dạy và tôn vinh những vấn đề này, là điều mà tôi không thể làm được,” cô nói thêm.


Source:Catholic News Agency