Ngày 27-10-2017
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Sống tình mến Chúa và yêu tha nhân
Lm Đan Vinh
06:32 27/10/2017
Chúa Nhật 30 Thường Niên A
Xh 22,20-26; 1 Tx 1,5c-10; Mt 22,34-40

I. HỌC LỜI CHÚA

1. TIN MỪNG: Mt 22,34-40

(34) Khi nghe tin Đức Giê-su đã làm cho nhóm Xa-đốc phải câm miệng, thì những người Pha-ri-sêu họp nhau lại.
(35) Rồi một người thông luật trong nhóm hỏi Đức Giê-su để thử Người rằng:
(36) “Thưa Thầy, trong sách Luật Mô-sê, điều răn nào là điều răn lớn nhất ?”.
(37) Đức Giê-su đáp: “Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của người hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn ngươi. Đó là điều răn đứng đầu.
(39) Còn điều răn thứ hai, cũng giống điều răn ấy, là: Ngươi phải yêu người thân cận như chính mình.
(40) Tất cả Luật Mô-sê và các sách Ngôn sứ đều tùy thuộc vào hai điều răn ấy”.

2. Ý CHÍNH:

Câu hỏi của người thông luật trong nhóm Pha-ri-sêu nêu ra với Đức Giê-su để thử Người vốn là một trong những vấn đề lớn mà các Rá-bi Do Thái luôn bất đồng ý kiến và không ngừng tranh cãi với nhau: “Trong sách Luật Mô-sê thì điều răn nào là điều răn lớn nhất ?” Nhưng điều họ cho là khó thì trong Tin Mừng hôm nay, Đức Giê-su đã giải đáp cách dễ dàng. Theo Người thì toàn bộ sách Luật và các Ngôn sứ đều tóm gọn trong hai điều răn lớn nhất là mến Chúa và yêu Người.

3. CHÚ THÍCH:

- C 34-35: + Đức Giê-su đã làm cho nhóm Xa-đốc phải câm miệng: Trong dân Do Thái có nhiều phe nhóm khác nhau. Phái Xa-đốc vì chỉ dựa trên Luật thành văn là bộ sách Ngũ Thư, nên nghĩ rằng không có chuyện kẻ chết sống lại (x. Mt 22,23). Họ đã dựa trên luật “thế huynh” (x. Đnl 25,5-10) để đặt vấn đề với Đức Giê-su. Người đã trả lời bằng hai điểm: Một là khi sống lại, người ta sẽ sống như các thiên thần (x. Mt 22,30). Hai là Người nhắc lại lời Thiên Chúa phán với Mô-sê rằng Người là Thiên Chúa của các tổ phụ, ngầm ám chỉ các tổ phụ ấy vẫn đang sống với Người (x. Xh 3,6). Trước những bằng chứng rút từ Thánh Kinh ấy, họ đuối lý và đành phải câm miệng. + Thì những người Pha-ri-sêu họp nhau lại: Họp nhau ở đây nhằm đối phó với Đức Giê-su. Sau này các đầu mục Do Thái cũng họp nhau để tìm cách giết hại Người (x. Mt 26,3-4). + Một người thông luật trong nhóm: Đây là một kinh sư trong nhóm Pha-ri-sêu. Thời Đức Giê-su có khoảng sáu ngàn người thuộc nhóm Pha-ri-sêu hay Biệt Phái. Cũng như nhóm Ét-sê-ni, nhóm Pha-ri-sêu thường kết nạp những người có lòng đạo đức muốn chống lại ảnh hưởng ngoại giáo. Nhóm gồm các kinh sư, các tiến sĩ Luật và cả tư tế nữa. Họ tổ chức thành hội, nhằm giúp nhau giữ đạo của cha ông và trung thành với Luật Mô-sê. + để thử Người: Ở đây nhóm Pha-ri-sêu nêu câu hỏi để đưa Đức Giê-su vào thế bí, xem Người sẽ giải quyết thế nào đối với vấn đề nan giải, thường gây tranh cãi giữa các ráp-bi với nhau.

- C 36-37: + Luật Mô-sê: Luật hay “Tô-ra” trong tiếng Do Thái, ám chỉ giáo huấn mặc khải của Thiên Chúa nhằm hướng dẫn nếp sống của con người về nhiều lãnh vực như: Luân lý, tổ chức gia đình và xã hội, nghi thức phụng tự, các thừa tác viên và các điều kiện cử hành… Đây là toàn bộ những điều luật ghi trong Ngũ Thư và chi phối đời sống tôn giáo và trần thế của dân It-ra-en. Luật Mô-sê gồm 613 điều khác nhau, trong đó có 246 điều luật truyền và 365 điều luật cấm. + Điều răn nào là điều răn lớn nhất: Lớn nhất tức là quan trọng nhất. Sở dĩ họ đặt câu hỏi này với Đức Giê-su, phần vì không nhất trí được với nhau, phần vì muốn thử Đức Giê-su để mong đặt người vào thế bí không thể giải đáp được. + Ngươi phải yêu mến Đức Chúa hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn ngươi: Lòng mến Chúa phải toàn diện, liên quan đến trái tim, linh hồn và cả khối óc của con người. Tình yêu ấy phải là động lực thúc đẩy tất cả mọi hoạt động tinh thần cũng như thể xác. + Đó là điều răn lớn nhất và điều răn đứng đầu: Đây là điều răn thứ nhất trong Thập Giới (x. Đnl 6,5). Tầm mức quan trọng của điều luật này không phải vì được xếp đầu tiên, nhưng vì việc mến Chúa là điều quan trọng bậc nhất. Vì thế mỗi người Ít-ra-en đều phải đọc đi đọc lại Luật này mỗi ngày hai lần: lúc vừa thức giấc cũng như trước khi nghỉ đêm.

- C 38-40: + Điều răn thứ hai cũng giống điều thứ nhất: Điều răn thứ hai tuy về lòng yêu người, nhưng cũng quan trọng ngang với điều răn thứ nhất về lòng mến Chúa. Vì lòng yêu người phát xuất từ lòng mến Chúa và cũng cần thiết như lòng mến Chúa vậy. + Yêu người thân cận: Đối với dân Ít-ra-en: người thân cận là những người đồng chủng tộc, cùng huyết thống. Nhưng Đức Giê-su đã mở rộng tình yêu tha nhân đến hết mọi người: Dù là Do Thái hay dân ngoại, nô lệ hay tự do… và yêu cả kẻ thù của mình nữa (x. Mt 5,43-48). + như chính mình: Yêu kẻ khác giống như yêu bản thân mình, là đặt mình vào hoàn cảnh của người khác. Nói cách khác yêu người bằng mình là: “Muốn người ta làm gì cho mình, thì hãy làm cho người ta như vậy” (x. Mt 7,12), và ngược lại “Điều gì con không thích thì đừng làm cho ai” (Tb 4,15). + Tất cả Luật Mô-sê và các sách Ngôn sứ: Luật Mô-sê và các sách Ngôn sứ là cách nói chỉ toàn bộ Cựu Ước. Luật Mô-sê gồm có năm cuốn sách trong bộ Ngũ Thư. Còn sách các Ngôn sứ gồm hai loại: sách các Ngôn sứ lớn như I-sai-a, Giê-rê-mi-a, Ê-dê-ki-en, Đa-ni-en và sách các Ngôn sứ nhỏ như Ba-rúc, Hô-sê, Giô-en, A-mốt, Giô-na, Mi-kha, Na-khum, Kha-ba-cúc, Xô-phô-ni-a, Khác-gai, Da-ca-ri-a, Ma-la-khi. + đều tùy thuộc vào hai điều răn ấy: Thánh ý của Thiên Chúa biểu lộ qua các giới răn, và qui về hai giới răn này là “Mến Chúa” và “Yêu người”. Như vậy, Đức Giê-su đã gắn liền điều răn yêu người với điều răn mến Chúa, bằng cách cho cả hai cùng quan trọng như nhau, và tập trung tất cả lề luật vào hai điều răn này. Từ nay, người ta không cần phải lo lắng chu toàn tất cả 613 điều khoản, với các chi tiết khó nhớ và khó áp dụng. Nhưng họ chỉ cần giữ hai điều then chốt là “Mến Chúa hết lòng hết sức” và “Yêu thương tha nhân như chính mình”. Giữ hai điều này là đã giữ trọn Lề Luật và đã làm theo thánh ý Thiên Chúa rồi. Sau này, Đức Giê-su còn thêm một điều răn mới là: “Anh em hãy thương yêu nhau, như Thầy đã yêu thương anh em” (Ga 13,34).

4. HỎI ĐÁP:

HỎI 1: Thái độ của nhóm Pha-ri-sêu đối với Đức Giê-su thế nào?

ĐÁP:
Trong nhóm Pha-ri-sêu, một số người có thiện cảm với Đức Giê-su, nên đã mời Người đến nhà (x. Lc 7,36;11,37), trong số đó cũng có người có chức vị thủ lãnh (x. Lc 14,1). Có người đã bảo vệ Người tránh khỏi bị Hê-rô-đê bắt (x. Lc 13,31). Ông Ni-cô-đê-mô một thành viên của nhóm Pha-ri-sêu cũng đã bí mật gặp Đức Giê-su vào ban đêm (x. Ga 3,1-2), và sau đó đã công khai bênh vực Người (x. Ga 7,50), và góp phần vào việc mai táng Người như một môn đệ (x. Ga 19,39-40). Ông Ga-ma-li-ên, một kinh sư thuộc nhóm Pha-ri-sêu trong Thượng Hội Đồng có lần đã lên tiếng bênh vực các Tông đồ (x. Cv 5,34-39). Tông đồ Phao-lô trước khi theo Chúa đã từng là một thành viên nhiệt thành nhất trong nhóm Pha-ri-sêu (x. Cv 26,4-5). Tuy nhiên, đại đa số người Pha-ri-sêu không tin Đức Giê-su là Đấng Thiên Sai, nên kịch liệt chống lại con người và giáo lý của Người.

HỎI 2: Thái độ của Đức Giê-su đối với nhóm Pha-ri-sêu ra sao?

ĐÁP:
Về phần Đức Giê-su, tuy nhiều lần nặng lời quở trách nhóm Pha-ri-sêu về lối sống vụ Lề Luật, giả đạo đức, vụ lợi, nói mà không làm, kiêu căng, ưa xu nịnh, khinh thường các tội nhân và dạy giáo lý sai lạc (x. Mt 9,10-11;23,1-7;16,5.12)… Nhưng Người công nhận họ siêng năng cầu nguyện, bố thí và ăn chay (x. Mt 6,1-18); nhiệt tâm truyền giáo (x. Mt 23,15), phần nào ăn ở công chính (x. Mt 5,20), gắn bó với truyền thống của cha ông (x. Mt 6,16), giữ Luật cách nghiêm nhặt (x. Mt 23,23). Riêng Đức Giê-su đã đến không nhằm bãi bỏ, nhưng kiện toàn luật Mô-sê hay lời các ngôn sứ nói chung (x. Mt 5,17-19), và Luật về ngày hưu lễ, về sự nhơ uế nói riêng (x Mt 12,2; 15,1-2).

II. SỐNG LỜI CHÚA

1. LỜI CHÚA: “Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn ngươi. Đó là điều răn đứng đầu. Còn điều răn thứ hai cũng giống điều răn ấy là: Ngươi phải yêu người thân cận như chính mình” (Mt 2,37-39).

2. CÂU CHUYỆN:

1) SỨC MẠNH BIẾN ĐỔI LÒNG NGƯỜI CỦA TÌNH YÊU THƯƠNG:

Có một cậu bé 7 tuổi bị mồ côi cha mẹ, nên được ông nội đón về nhà nuôi. Ông này là chủ một xí nghiệp sản xuất quy mô dây chuyền lớn, có hằng trăm công nhân. Ông vốn là một người tham lam và độc ác, thường tỏ thái độ hách dịch và hay tìm cách ăn chặn số tiền lương ít ỏi của công nhân. Nhưng mỗi khi có mặt cậu bé, ông ta lại tỏ thái độ nhân hậu và biết quan tâm đến những người nghèo khổ. Nhất là ông luôn tận tình yêu thương và chăm sóc cho cậu bé, khiến cậu coi ông giống như thần tượng. Cậu luôn miệng khen những việc tốt ông làm, và cả những việc xấu nhưng đã được cậu cắt nghĩa lành là do động cơ tốt. Cậu thường nói với ông như sau: “Nội ơi, nội được nhiều người yêu quý lắm phải không ? Cháu dám cá là mọi người đều yêu mến nội thật nhiều, giống như cháu yêu ông nội vậy !” Chính tình yêu chân thành của cậu bé khiến trái tim sơ cứng của ông cụ dần dần hóa ra mềm mại, và cuối cùng đã biến đổi ông trở nên một người tốt lúc nào không hay. Đúng như những đức tính tốt mà cậu bé vẫn thường ca ngợi ông.

2) LỜI NÓI HƯƠNG BAY, GƯƠNG BÀY LÔI KÉO:

Một hôm một người khách đến thăm một tu viện thuộc dòng Thừa Sai Bác Ái do Mẹ Tê-rê-sa Can-quýt-ta sáng lập. Ông ta nhìn thấy các sơ vừa đem về tu viện một bệnh nhân sắp chết, được tìm thấy đang nằm trên vỉa hè bên một lỗ cống hôi thối và trên mình đầy những chí rận. Ông khách thấy các sơ vui vẻ giúp người này tắm rửa, diệt trừ chí rận với sự ân cần và đầy cảm thông. Sau đó, ông đến gặp Mẹ Tê-rê-sa và nói: “Thưa mẹ, khi đến đây con vẫn đang mang ác cảm và thù ghét Hội thánh. Con nghĩ rằng các linh mục và nữ tu chỉ là những kẻ đạo đức giả ! Nhưng giờ đây, con đã loại trừ được tất cả những sự hiểu lầm và thành kiến lâu nay. Vì tại tu viện này, con đã chứng kiến tình yêu Chúa được diễn tả cách cụ thể qua hành động và thái độ của các sơ trong tu viện, khi các chị săn sóc cho một bệnh nhân sắp chết kia. Bây giờ thì con đã xác tín rằng: “Thiên Chúa là tình yêu”. Vì nếu không có Thiên Chúa ở trong tâm hồn, thì chắc các sơ đã không đủ nghị lực để quên mình và xả thân phục vụ cách vô vụ lợi những người bệnh tật và bất hạnh như vậy !”

3) PHÉP LẠ CỦA LÒNG NHÂN ÁI :

Mẹ Tê-rê-sa Can-quýt-ta kể: "Hôm ấy, có một người khách lạ đến thăm nhà dòng. Ông thấy một nữ tu trong dòng vừa mang về tu viện một bệnh nhân bị bệnh nặng gần chết, bị bỏ rơi bên ống cống, mình đầy giòi bọ hôi thối. Thế mà, chị nữ tu này lại ngồi nhặt từng con bọ với vẻ mặt vui tươi, thanh thản và đầy sự cảm thông... Rồi ông khách kia đã đến xin gặp mẹ Tê-rê-sa và nói: “Thưa mẹ, khi con đến đây, lòng con đầy thành kiến và thù ghét đạo Công Giáo. Nhưng bây giờ con sẽ ra về với một tâm hồn hoàn toàn đổi mới. Con đã bắt đầu tin vào Chúa, bởi vì con đã được chứng kiến tình yêu của Chúa, biểu lộ cụ thể qua hành động yêu người của một nữ tu trong dòng, qua cách thức sơ ấy thực hiện với một người dơ bẩn đang hấp hối kia. Bây giờ thì con vững tin: “Thiên Chúa là Tình Yêu”. Vì nếu không có Chúa trong tâm hồn, thì chắc là sơ sẽ không muốn chăm sóc bệnh nhân hôi hám và đáng thương kia được".

Thực vậy, nếu ai không có lòng mến Chúa thì cũng không thể yêu người cách vô vụ lợi. Chúa Giê-su đã nêu ra hai điều răn trọng nhất là: " Ngươi phải yêu mến Thiên Chúa hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn ngươi... và ngươi phải yêu người đồng loại như yêu chính mình".

4) ĐỔI MỘT CHIẾC QUẦN LẤY HAI LINH HỒN:

Một hôm, một linh mục già của thị trấn PI-CAR-DIE đang trên đường trở về nhà xứ, vừa đi đường ngài vừa đọc kinh nhật tụng trong sách. Có hai viên sĩ quan trẻ cũng đi chung đường với vị linh mục này. Khi rảo bước ngang qua vị linh mục, cả hai anh đều tỏ thái độ khinh dể cha đạo, vì từ lâu họ đã bị mất đức tin và không đến nhà thờ dự lễ Chúa Nhật. Trong câu chuyện, hai viên sĩ quan liên tục khích bác các tu sĩ, và hai anh đã đi nhanh hơn vị linh mục một đoạn khá xa.

Chợt hai anh thấy một người hành khất ngồi bên vệ đường lên tiếng xin: “Các anh ơi, xin giúp đỡ cho kẻ hèn này với.” Nghe vậy, một trong hai viên sĩ quan trẻ lục túi tìm bạc lẻ để cho người ăn xin, còn người kia lại nói với bạn mình rằng: “Ông cha già hồi nãy gặp thế nào cũng sẽ đi ngang qua người hành khất này. Tớ dám cá với cậu là ông ta sẽ chẳng thèm thí cho lão ăn mày này một đồng xu nào cho coi ! Cái bọn tu sĩ đạo đức giả ấy thường chỉ nói hay mà làm không hay. Vậy tụi mình nên núp vào sau bụi cây kia để xem ông cha kia sẽ hành xử như thế nào nhé”.

Ít phút sau, quả nhiên vị linh mục già cũng chậm rãi đi tới nơi. Khi nghe lời người hành khất xin, ngài dừng lại, đưa tay lục hết túi trên đến túi dưới, rồi ái ngại nói với lão ăn mày: “Ông bạn đáng thương ơi, rất tiếc là hôm nay ta chẳng mang theo một đồng xu nào để có thể chia sẻ cho ông.”

Anh thứ nhất nghe tiếng vị linh mục nói liền nói thầm vào tai anh kia rằng: “Đấy, cậu thấy chưa ? Tớ nói có sai đâu !” Đang lúc đó, vị linh mục trông thấy bộ quần áo của lão ăn mày đã bị rách nát liền động lòng thương, ông bảo lão ăn mày: “Ông bạn hãy chịu khó ngồi đợi ta một lát nhé, ta sẽ quay lại ngay !” Dứt lời, vị linh mục cũng chạy đến chui vào bụi cây gần bên hai anh sĩ quan đã núp trước đó. Sau khi loay hoay một lúc, vị linh mục đã quay lại chỗ người ăn mày và trao cho lão ta chiếc quần dài đã được xếp gọn và nói: “Đây, tôi xin biếu ông chiếc quần dài tôi đang mặc. Tuy nó hơi cũ, nhưng nói chung vẫn còn tốt chán ! Ông không nên kể ra cho người khác biết việc tôi làm cho ông hôm nay, hầu tránh khỏi bị xấu hổ”. Sau đó vị linh mục sửa lại chiếc áo chùng thâm đang mặc cho ngay ngắn, tiếp tục mở Các Giờ Kinh Phụng Vụ và vừa đi vừa đọc kinh.

Hôm sau, ngay từ sáng sớm đã có hai viên sĩ quan đến bấm chuông cổng nhà xứ từ sớm. Vị linh mục già ra mở cửa rồi mời hai người này vào phòng khách và họ đã thuật lại những điều họ đã mắt thấy tai nghe với thái độ thành tâm thán phục hành động cao đẹp của linh mục. Khi ấy vị linh mục chỉ biết ngẩn ngơ thốt lên với Chúa: “Ôi, con tạ ơn Chúa nhân lành. Chỉ với một chiếc quần cũ cho một người nghèo mà Chúa lại quảng đại ban cho con tới hai linh hồn hay sao ?”
(Theo Đức Ông DE SÉGUR)

3. SUY NIỆM:

Bài Tin Mừng hôm nay thuật lại câu chuyện một luật sĩ đã đến hỏi Đức Giê-su: "Trong các giới răn điều nào trọng nhất?"(Mc 12,28). Đức Giê-su đã dạy như sau: "Điều răn đứng đầu là: Nghe đây, hỡi Ít-ra-en, Đức Chúa, Thiên Chúa chúng ta, là Đức Chúa duy nhất. Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức lực ngươi. Điều răn thứ hai là: Ngươi phải yêu người thân cận như chính mình. Chẳng có điều răn nào khác lớn hơn các điều răn đó." (Mc 12, 29-31). Như vậy Đức Giê-su đã chính thức xác nhận điều răn trọng nhất là mến Chúa và yêu người. Mến Chúa Yêu Người là hai chiều kích của tình yêu và luôn đi đôi với nhau. Người ta không thể chỉ tuân giữ điều này mà bỏ qua điều kia, như Thánh Gio-an viết: “Nếu ai nói: Tôi yêu mến Thiên Chúa mà lại ghét anh em mình, người ấy là kẻ nói dối; Vì ai không yêu thương người anh em mà họ trông thấy, thì không thể yêu mến Thiên Chúa mà họ không trông thấy” (1 Ga 4,20). Và Ngài kết luận: “Ai yêu mến Thiên Chúa, thì cũng phải yêu thương anh em mình” (1 Ga 4,21).

1. PHẢI MẾN CHÚA HẾT LÒNG:

- Người ta thường nói: “Có đi có lại mới toại lòng nhau”. Thiên Chúa yêu thương chúng ta và chúng ta phải biết đáp lại tình yêu của Thiên Chúa bằng nhiều cách như: Tuân giữ các giới răn của Chúa; năng đọc và suy niệm Lời Chúa; năng cầu nguyện, tham dự thánh lễ và chịu các bí tích, chu toàn sứ vụ loan báo Tin Mừng để đưa nhiều người về làm con cái Thiên Chúa...

- Hãy làm việc thờ phượng Chúa hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức lực của chúng ta. Có nghĩa là phải đặt Chúa lên chỗ nhất cuộc đời mình, trên tất cả mọi thứ tình yêu dành cho cha mẹ, vợ chồng, anh chị em, trên cả của cải, chức quyền danh vọng và mọi thứ khác như lời Chúa Giê-su: "Ai yêu cha yêu mẹ hơn Thầy, thì không xứng với Thầy. Ai yêu con trai con gái hơn Thầy, thì không xứng với Thầy. Ai không vác thập giá mình mà theo Thầy, thì không xứng với Thầy” (Mt 10,37-38).

- Rất có thể chúng ta đã yêu mến Chúa nhưng nhiều lúc chúng ta chưa yêu hết lòng, hết sức, trên hết mọi sự, là khi chúng ta chỉ dành cho Chúa một chỗ nhỏ bé trong tâm hồn, có khi còn thua kém những thứ khác. Chẳng hạn chúng ta chỉ mến Chúa khi được bình an hạnh phúc. Còn khi gặp phải thử thách đau khổ, chúng ta dễ dàng bỏ Chúa để đạt được chức quyền, danh vọng, các thú vui trần thế, lợi lộc thấp hèn, giống như tông đồ Giu-đa đã bán Thầy với giá 30 quan tiền. Mỗi ngày trước khi nghỉ đêm hãy dành ra ít phút để xét mình xem chúng ta dành tình yêu cho Chúa thế nào? Quyết tâm yêu mến Chúa hết lòng, hết sức, trên hết mọi sự, để nói được như Thánh Phaolô: “Ai có thể tách chúng ta ra khỏi tình yêu của Đức Ki-tô? Phải chăng là gian truân, khốn khổ, đói rách, hiểm nguy, bắt bớ, gươm giáo ? ” (Rm 8,35).

2. PHẢI YÊU NGƯỜI NHƯ YÊU MÌNH:

- Về mặt tiêu cực, chúng ta yêu thương tha nhân là không làm cho tha nhân những gì chúng ta không muốn họ làm cho mình, như Tô-bi-a cha đã khuyên ông Tô-bi-a con : “Điều con không thích thì đừng làm cho người khác” (Tb 4,15a). Và Đức Khổng Tử cũng khuyên các đệ tử: “Điều mình không muốn thì đừng làm cho kẻ khác”. Về mặt tích cực, chúng ta hãy làm cho người khác những gì mình muốn người khác làm cho mình. Đây chính là lời dạy của Đức Giê-su: “Vậy tất cả những gì anh em muốn người ta làm cho mình, thì chính anh em cũng hãy làm cho người ta, vì Luật Mô-sê và lời các ngôn sứ là thế đó” (Mt 7,12).

- Để thực hiện giới răn Yêu Người, trước hết, cần phải yêu thương những thành viên trong gia đình như : Ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con cái, anh chị em ruột thịt… Sau đó, phải yêu thương những người thân cận như : Bạn bè, làng xóm láng giềng, những người chúng ta gặp gỡ hằng ngày. Từ đó, chúng ta mới có thể yêu thương mọi người xa lạ, kẻ làm hại chúng ta. Bởi vì, nếu không yêu thương những người có liên hệ với chúng ta thì làm sao có thể yêu thương những người xa lạ, yêu thương cả kẻ thù của mình như lời Chúa dạy (x. Lc 6,27), và theo gương Chúa làm khi sẵn sàng tha thứ cho kẻ thù ghét bách hại mình: "Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm" (Lc 23,34). Noi gương Chúa, nhiều vị thánh đã sẵn sàng tha thứ cho kẻ làm hại mình. Chẳng hạn, thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã vào tù để thăm kẻ đã ám sát mình; thánh nữ Ma-ri-a Go-ret-ti cũng sẵn sàng tha thứ cho kẻ giết mình.

3. YÊU THƯƠNG CỤ THỂ LÀ LÀM GÌ ?

- Yêu thương là hy sinh, dâng hiến: Cả cuộc đời của Chúa Giêsu đã hy sinh vì nhân loại. Cao điểm của sự hy sinh đó là hiến chính mạng sống mình trên thập giá vì nhân loại. Noi gương Chúa Giêsu, biết bao vị thánh đã hy sinh, trao hiến cả cuộc đời để phục vụ tha nhân như Mẹ Tê-rê-sa Can-quýt-ta, sẵn sàng tình nguyện chết thay cho một bạn tù như Thánh Ma-xi-mi-li-a-nô Kôn-bê.

- Yêu thương là đi thăm viếng, giúp đỡ cả về tinh thần cũng như vật chất cho những kẻ nghèo đói. Đến ngày chung thẩm, Chúa Giêsu dựa vào tiêu chuẩn này để phán xét chúng ta. Ai thương yêu giúp đỡ những kẻ nghèo hèn là giúp đỡ chính Chúa: “Vì xưa Ta đói, các ngươi đã cho ăn; Ta khát, các ngươi đã cho uống; Ta là khách lạ, các ngươi đã tiếp rước; Ta trần truồng, các ngươi đã cho mặc; Ta đau yếu, các ngươi đã thăm viếng; Ta ngồi tù, các ngươi đến hỏi han”(Mt 25, 35-36). Ngược lại, ai không giúp đỡ những kẻ bé mọn là không giúp Chúa: “Vì xưa Ta đói, các ngươi đã không cho ăn; Ta khát, các ngươi đã không cho uống; Ta là khách lạ, các ngươi đã không tiếp rước; Ta trần truồng, các ngươi đã không cho mặc; Ta đau yếu và ngồi tù, các ngươi đã chẳng thăm viếng." (x. Mt 25, 42-43).

4. BA BẬC THỰC HÀNH MẾN CHÚA:

Lòng mến Chúa thường được phân thành ba bậc : Một là mến Chúa hình thức; Hai là mến Chúa bình thường và ba là mến Chúa hết lòng hết sức như sau:

+ Mến Chúa hình thức: Một số người chỉ giữ những việc đạo như mười điều răn, đi lễ Chúa Nhật, xưng tội rước lễ… vì sợ bị mắc tội nặng khi chết phải sa hỏa ngục. Còn những tội nhẹ như: chửi nhau, tục tĩu, ăn cắp vặt, gian dối, tham lam… thì họ không quan tâm chừa cải. Những người này giống như những đứa trẻ chỉ học hành hay làm các việc nhà vì sợ cha mẹ rầy la trừng phạt, nên dễ dàng bỏ đi chơi khi cha mẹ vắng nhà. Đó là những người “chỉ mến Chúa ngoài môi miệng, còn lòng họ thì ở xa Chúa” giống như người Pha-ri-sêu được đề cập trong Tin mừng hôm nay.

+ Mến Chúa bình thường: Một số người khác cũng cố gắng sống đạo nghĩa là tuân giữ các giới răn để sau khi chết được lên thiên đàng. Nhưng vì lòng mến Chúa không nhiều, nên đến khi phải hy sinh bản thân thì họ liền phạm tội giống như các môn đệ trong cuộc khổ nạn của Chúa: Kẻ thì “bỏ Thầy để chạy thoát thân”, kẻ khác “hèn nhát chối không biết Thầy là ai”. Thậm chí có kẻ còn phản bội “liên kết với kẻ thù để bán nộp Thầy”.

+ Mến Chúa hết lòng: Chúng ta phải có đức “Mến Chúa hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn”, nghĩa là phải yêu mến Thiên Chúa hơn mọi người và mọi sự khác trên đời. Chúa Giê-su cũng đòi môn đệ phải yêu Thầy hơn yêu cha mẹ và con cái (x. Mt 10,37-39), và nếu cần phải sẵn sàng hy sinh cả mạng sống để chứng tỏ lòng mến Thầy (x. Ga 15,13). Thánh Phao-lô đã đạt tới lòng mến như thế khi viết : “Ai có thể tách chúng ta ra khỏi tình yêu Đức Ki-tô ? Phải chăng là gian truân, khốn khổ, đói rách, hiểm nguy, bắt bớ, gươm giáo ?” (Rm 8,35). Mỗi người chúng ta hãy xin ơn Thánh Thần giúp ta yêu mến Chúa như vậy. Thánh Augustinô đã khuyên “Hãy yêu đi, rồi muốn làm gì thì làm” (Ama et fac quod vis).

4. THẢO LUẬN:

1) So sánh lời dạy trong Luật Mô-sê: “Ngươi phải yêu người thân cận như chính mình” (Mt 22,39) và lời dạy của Đức Giê-su: “Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em” (Ga 13,34) khác nhau ra sao ? 2) Mỗi tín hữu cần áp dụng lời dạy của Chúa Giê-su : “Tất cả những gì anh em muốn người ta làm cho mình, thì chính anh em cũng hãy làm cho người ta” (Mt 7,12) trong cuộc sống hằng ngày thế nào ?

5. LỜI CẦU:

- LẠY CHÚA GIÊ-SU. Ngày nay Chúa cũng muốn cho chúng con mở rộng vòng tay đến với hết mọi người. Chúng con chỉ có thể nối vòng tay lớn nếu chúng con gắn bó với Chúa. Ước gì khi nhìn lên cây thánh giá, chúng con thấy biểu tượng của tình thương tột đỉnh của Chúa là hy sinh chịu chết để cho nhân loại chúng con được sống. Tình thương của Chúa mời gọi chúng con luôn giang tay cầu nguyện với Chúa, rồi cùng nắm tay nhau xây dựng một thế giới công bình, yêu thương và hòa bình thịnh vượng.

- LẠY CHÚẠ. Ước chi chúng con biết noi gương Me Ma-ri-a: Luôn làm mọi việc vì lòng yêu mến Chúa và dâng trọn cuộc đời để phục vụ Chúa như Tông đồ Phao-lô: “Tình yêu Chúa Ki-tô thôi thúc chúng tôi” (2 Cr 5,14). “Đối với tôi sống là Đức Ki-tô, và chết là một mối lợi” (Pl 1,21); Từ nay “Tôi sống, nhưng không còn phải là tôi, mà là Đức Ki-tô sống trong tôi” (Gl 2,20); Tôi “Không còn được sống cho chính mình nữa, mà sống cho Đấng đã chết và sống lại vì tôi” (2 Cr 5,15).

X) HIỆP CÙNG MẸ MA-RI-A.- Đ) XIN CHÚA NHẬM LỜI CHÚNG CON.






 
Để được nên thánh và được sống đời đời sau này
Lm Đan Vinh
06:58 27/10/2017
Lễ Các Thánh Nam Nữ (01/11)
Kh7,2-4.9-14; 1 Ga 3,1-3; Mt 5,1-12a.

1. LỜI CHÚA:

Chúa phán: “Chính Thầy là sự sống lại và là sự sống. Ai tin vào Thầy, dù đã chết cũng sẽ được sống. Ai sống và tin vào Thầy sẽ không bao giờ phải chết” (Ga 11:25-26).

2.. CÂU CHUYỆN:

1. NGUỒN GỐC LỄ CÁC THÁNH

Trong lịch cử Hội Thánh, từ thế kỷ thứ 4,các vị tử đạo đã được Hội Thánh tôn vinh. Đến thế kỷ thứ 7, sau khi một số kẻ xấu đột nhập các hang toại đạo tại Rôma trộm cắp hài cốt của các vị tử đạo, Đức Giáo Hoàng Bonifaciô IV đã cho thu lượm những hài cốt các thánh và chôn cất lại bên trong ngôi đền Pantheon, là đền thờ các thần của người Rôma. Từ ngày đó đền thờ này đã được thánh hiến trở thành đền thờ kính các Thánh Nam Nữ của đạo Công Giáo.

Sử gia Beda đáng kính đã viết: “Việc tưởng nhớ các thánh trong tương lai có thể thay cho việc thờ phượng mà trước đây không được dành cho thần thánh nhưng là thờ ma quỷ”. Vào năm 800, thần học gia Alcuin người Anglo-Saxon đã cử hành lễ Các Thánh vào ngày 1 tháng 11, và bạn của ông là Arno, Giám mục của Salzburg cũng theo như vậy. Sau cùng, trong thế kỷ thứ 9, Hội Thánh Rôma đã chấp thuận mừng lễ Các Thánh vào ngày 1 tháng 11 hằng năm.

Đầu tiên lễ này nhằm kính nhớ các vị tử đạo. Về sau, khi người Kitô hữu được tự do tín ngưỡng, Giáo hội đã kính chung những tín hữu đã chết trong sự thánh thiện. Vào các thế kỷ đầu tiên, để được công nhận là Thánh, thì chỉ cần được nhiều người công nhận và vị giám mục chỉ làm việc cuối cùng đưa tên vị Thánh ấy vào niên lịch Giáo hội.

Việc Đức Giáo Hoàng chính thức phong các tín hữu lên bậc ThánhNhân chỉ bắt đầu từ năm 973. Ngày nay việc phong thánh đòi hỏi cả một tiến trình lâu dài để chứng minh các đức tính và sự thánh thiện của các ngài. Khi phong thánh cho một người nào, Hội Thánh chính thức xác nhận người đó đã sống cuộc đời thánh thiện và đang được hưởng hạnh phúc thiên đàng để các tín hữu noi gương. Hiện nay ngòai các vị được nêu tên trong lịch gọi là các vị Hiển Thánh, Hội Thánh còn mừng lễ Các Thánh để kính nhớ chung các tín hữu đã chết và đang được hưởng hạnh phúc với Chúa, trong đó nhiều người là thân nhân của chúng ta.

3. SUY NIỆM:

1) CÁC THÁNH LÀ NHỮNG AI ?

- Đức Khổng Phu Tử đã nói: "Làm thánh thì tôi không dám” (thánh ngã bất cảm); còn Đức Giê-su thì lại dạy môn đệ : "Anh em hãy nên hoàn thiện như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện" (Mt 5,48). Chúa Giê-su cũng được ma quỷ gọi là “Đấng Thánh của Thiên Chúa” (Lc 4,34). Nhờ mầu nhiệm nhập thể của Chúa Giê-su, Thiên Chúa đã dạy con đường nên thánh cho loài người.
- Sách giáo lý Công Giáo dạy: Các thánh là những người sống tốt lành đạo đức trong cuộc sống trần gian, và sau khi đã kết thúc hành trình trần thế, họ đang được hưởng hạnh phúc thiên đàng. Khi sống ở đời này, họ đã kiên trì cộng tác với ơn Chúa, nỗ lực cố gắng để vượt qua những cám dỗ đời thường và sống trọn lành, thanh tịnh. Giáo Hội Công Giáo tôn những tín hữu này là những đấng thánh, vì họ phản ánh trung thành sự thánh thiện của Thiên Chúa.

2) MỘT HỘI THÁNH BA TÌNH TRẠNG

Chúa Giêsu thiết lập Nước Trời là Hội Thánh. Hội Thánh ấy hiện nay gồm có ba tình trạng: Một là Hội Thánh Lữ Hành còn ở trần gian, hai là Hội Thánh Vinh Thắng trên Thiên Đàng và ba là Hội Thánh Đau Khổ trong chốn luyện hình:

- HỘI THÁNH LỮ HÀNH TRẦN GIAN: Gồm các tín hữu đang còn sống, đang bước đi trên con đường của Chúa Giêsu. Như dân Ít-ra-en xưa, Hội thánh sẽ phải vượt qua sa mạc trần gian về Đất Hứa là Thiên Đàng đời sau. Các tín hữu trong Hội Thánh lữ hành còn phải tiếp tục chiến đấu với ba thù là ma quỷ, thế gian và xác thịt mình. Họ được Chúa ban cho 2 của ăn thiêng liêng là Bánh Lời Chúa và Bánh Thánh Thể. Nhờ đó họ sẽ đủ sức vượt qua sa mạc trần gian để về đến miền Đất Hứa là Thiên Đàng đời sau.

- HỘI THÁNH KHẢI HOÀN TRÊN TRỜI: Gồm các tín hữu đã qua đời trong niềm tin cậy vào Chúa. Các ngài đã sống theo hiến chương Nước Trời là Tám Mối Phúc Thật do Chúa Giêsu công bố và ngày nay các ngài đang được Chúa ban thưởng hạnh phúc Thiên Đàng.

- HỘI THÁNH ĐAU KHỔ ĐANG THANH LUYỆN: Gồm các tín hữu tuy đi theo con đường của Chúa Giêsu, nhưng đã qua đời trong tình trạng còn nhiều sai sót, chưa xứng đáng được vào Nước Trời. Họ cần tiếp tục được thanh luyện trong chốn luyện hình.

3. TÍN ĐIỀU CÁC THÁNH THÔNG CÔNG

Ngọai trừ các người theo ma quỷ phải sa hỏa ngục để chịu hình phạt xa Chúa đời đời, như lời Chúa phán: “Quân bị nguyền rủa kia, đi đi cho khuất mắt Ta, mà vào lửa đời đời, nơi dành sẵn cho tên Ác quỷ và các sứ thần của nó” (Mt 25,41), còn các tín hữu tin vào Chúa Giêsu dù còn sống hay đã qua đời, dù đã được lên trời hay đang được thanh luyện cũng đều cầu nguyện cho nhau và được thông hiệp vào ơn cứu độ của Chúa Giêsu. Đó là mầu nhiệm các thánh cùng thông công:

Các tín hữu còn sống có thể giúp các linh hồn đã qua đời bằng việc viếng Nhà thờ hay Đất thánh (kèm theo việc đọc kinh cầu nguyện, xưng tội rước và cầu nguyện hiệp thông với Đức Giáo Hoàng sẽđược nhận các ân xá trong dịp đầu tháng 11), nhất là xin lễ và hiệp dâng thánh lễ cầu nguyện, làm các việc lành phúc đức như chia sẻ bác ái phục vụ để cầu nguyện cho các linh hồn. Nhờ đó các linh hồn sẽ được ơn Chúa chiếu soi, được thêm lòng yêu mến Chúa để được ơn tha thứ tội lỗi như Chúa đã dạy: “Yêu nhiều sẽ được tha nhiều”(Lc 7,47). Khi các linh hồn được nên thanh sạch thánh thiện hòan tòan thì sẽ được vào Thiên Đàng và sẽ cầu bầu cùng Chúa ban các ơn lành hồn xác cho chúng ta còn sống ở trần gian.

4. LỜI CẦU

Lạy Chúa Giêsu. Mỗi lần đối diện với cái chết gần kề, con cảm thấy run sợ vì con chưa sẵn sàng để gặp Chúa. Trong suốt cuộc đời, con đã lo toan rất nhiều thứ như lo tìm kiếm tiền tài, danh vọng, chức quyền trần gian... Còn điều quan trọng chính yếu là chuẩn bị cho giờ chết sẽ đến thì con lại chưa làm gì cả! Con thật dại khờ khi nghĩ mình sẽ có thời gian chuẩn bị trước khi chết. Nhưng lời Chúa xưa đã dạy “Con Người sẽ đến như kẻ trộm” và đòi con phải luôn tỉnh thức bằng việc chuẩn bị sẵn sàng. Một ngày nào đó con không ngờ trước, con sẽ phải ra trình diện trước mặt Chúa, không biết bấy giờ Chúa có nhận biết con không, hay Chúa sẽ bảo con rằng: “Hãy đi cho khuất mắt Ta, hỡi kẻ làm điều gian ác!”

Lạy Chúa Giêsu. Xin ban cho con ơn khôn ngoan của Thánh Thần để con biết sống trọn vẹn giây phút hiện tại trong ơn nghĩa Chúa, để ngày nào đó khi được Chúa gọi, con sẽ trình diện trước mặt Chúa không phải như hai người xa lạ, nhưng là hai người rất thân quen. Để khi ấy Chúa sẽ gọi con bằng một cái tên rất trìu mến và giang rộng vòng tay đón con vào hưởng hạnh phúc Nước Trời đời đời.-Amen.
 
Lễ cầu cho các đẳng linh hồn
Lm Đan Vinh
07:01 27/10/2017

Lễ Các đẳng linh hồn (02/11)

1. LỜI CHÚA:

Thánh Phaolô đã xác tín về mầu nhiệm tử nạn và phục sinh của Chúa Giê-su như sau: “Nếu chúng ta đã cùng chết với Đức Kitô, chúng ta cũng sẽ cùng sống với Người: đó là niềm tin của chúng ta. Thật vậy, chúng ta biết rằng: một khi Đức Kitô đã sống lại từ cõi chết thì không bao giờ Người chết nữa, cái chết chẳng còn quyền chi đối với Người” (Rm 6,8-9).

2. CÂU CHUYỆN:

1) MỘT NGƯỜI KHÔNG DÁM ĐỐI DIỆN VỚI CÁI CHẾT:

Một chân lý mà mọi người chúng ta ai cũng biết rõ là: Con người có ngày sinh ra thì cũng có ngày phải chết để vào cõi vĩnh hằng. Tuy nhiên hầu như ai cũng sợ chết. Một nhà tỷ phú người Mỹ là WILLIAM RANDOPH HEARST, chủ nhân của nhiều tờ báo và phim trường ở Ho-ly-wood hồi trước thế chiến thứ hai, tuy rất giàu có và thành đạt nhưng ông lại rất sợ chết. Ông ra lệnh cho các nhân viên dưới quyền không ai được nhắc đến chữ “chết” trước mặt ông. Ai lỡ miệng nói ra sẽ lập tức bị đuổi việc. Ông là người thông minh tài giỏi và luôn thành công trong mọi việc làm, nhưng lại không dám đối mặt với sự thật phũ phàng là sự chết ! Quả thật, dù không muốn nhắc đến cái chết, nhưng cuối cùng cái chết lại vẫn tìm đến với ông: Ngày nọ ông đang hăng say làm việc thì tự nhiên lăn đùng ra chết “bất đắc kỳ tử” do đứt mạch máu não. Ông chết đi để lại cho hậu thế một toà lâu đài to lớn, được dùng làm điểm du lịch nổi tiếng ở bang Ca-li-for-ni-a Hoa Kỳ.

2) NỘI DUNG NHỮNG LỜI TRĂN TRỐI TRƯỚC KHI CHẾT:

Trong tai nạn máy bay boeing 747 của hãng hàng không Nhật bản vào ngày 12-8-1985 đã khiến 520 người thiệt mạng. Điều đáng nói là phi hành đoàn cũng như hành khách trên chiếc Boeing 747 này đã biết máy bay của họ gặp phải sự cố: Phi công không thể điều khiển được hướng đi và mọi người chỉ còn một ít thời gian trước khi máy bay bị rớt. Khi hay biết điều này, có mấy người hành khách đã vội lấy giấy bút ra ghi lời trăn trối của họ trước lúc chết.

- Người thứ nhất là ông KAWAGUCHI, đã viết nguệch ngoạc được mấy lời trăn trối trên cuốn lịch nhỏ bỏ túi. Ông viết cho vợ như sau: “Thôi, vĩnh biệt người vợ thân yêu! Em hãy thay anh chăm sóc cho các con em nhé !”.

Tiếp đến ông khuyên 3 đứa con, hai gái một trai rằng: “Các con hãy sống hòa thuận yêu thương nhau, hãy chăm chỉ làm việc để giúp mẹ lo cho gia đình mình nhé”.

Riêng với cậu con trai út tên TSUYOSHI, ông viết: “Ba đặt nhiều hy vọng nơi con. Hỡi con trai yêu quý của ba !”.

- Người thứ hai viết lời trối là kiến trúc sư KAZUO YOSHIMURA: Ông chỉ viết được mấy chữ trên một tờ giấy vở: “Tôi muốn cả gia đình mình luôn bình an mạnh khỏe”.

- Người thứ ba là một nhà kinh doanh tên là MASAKAZU TAMGUCHI đã viết cho vợ như sau: “Vĩnh biết em yêu. Em hãy thay anh nuôi dưỡng chăm sóc mấy đứa con của chúng ta, em nhé”.
Như vậy, điều mà mọi người đều quan tâm trước khi chết là lo cho những người thân đang còn sống như cha mẹ, vợ con… Những con người mà họ đang có bổn phận phải che chở giữ gìn mà nay khi cái chết đến gần, họ không thể tiếp tục lo nữa, nhưng họ vẫn mong cho những người đó được hạnh phúc. Có những người chết đã không thể nhắm mắt được khi còn quá nhiều những việc bổn phận chưa thể lo chu toàn.

3) MỌI SỰ RỒI SẼ QUA ĐI:

Một ông vua kia muốn làm cho viên quan cận thần nổi tiếng là thông minh tài trí phải xấu hổ. Nhân dịp sắp tới một lễ hội, vua ra lệnh cho viên quan này phải mang về cho vua một vật mà kẻ đang vui nhìn thấy sẽ buồn sầu, và người đang buồn khi nhìn thấy sẽ lại vui tươi. Khi ngày hội gần đến, viên quan rất buồn vì vẫn chưa tìm ra một vật giống như ý vua. Ông liền quyết định đi đến một nơi nghèo nhất kinh thành, khi đi qua một ông lão bán hàng rong, viên quan dừng lại hỏi ông lão có vật có tác dụng như thế không. Nghe xong, ông lão bèn đưa cho viên quan ấy một cái vòng. Vị quan nhìn vào thấy có một dòng chữ hiện ra khiến ông mỉm cười vui sướng. Lễ hội đến, nhà vua chắc rằng viên quan kia sẽ bị một vố bẽ mặt. Thế nhưng khi được gọi, viên quan thông thái kia đã ung dung bước vào chầu vua, tay cầm theo một cái vòng và dâng lên cho nhà vua, trước sự ngơ ngác của triều thần hiện diện. Nhà vua cầm cái vòng lên với nụ cười trên môi, nhưng khi thấy dòng chữ trong chiếc vòng hiện ra thì nụ cười lập tức biến mất. Dòng chữ trong chiếc vòng ấy như sau: “Mọi sự rồi sẽ qua đi”. Điều này nhắc nhở cho vua và mọi người về giới hạn của mọi sự: Vinh hoa phú quý sắc đẹp mọi sự đều có ngày sẽ biến mất theo quy luật ngàn đời: “Phù hoa nối tiếp phù hoa. Trần gian tất cả chỉ là phù hoa”.

4) “FORGET ME NOT - XIN ĐỪNG QUÊN TÔI”:

Có một loài hoa tên là Lưu Ly có mấy màu là tím, trắng, xanh hoặc vàng hòa quyện cùng nhau rất đẹp, và người ta hay hái hoa này để tặng nhau. Các đôi trai gái gọi tên loài hoa này là " FORGET ME NOT - XIN ĐỪNG QUÊN TÔI”.

Ngày xưa có một đôi nam nữ yêu nhau. Vào một sáng mùa xuân, hai người dắt nhau đi dạo chơi bên bờ một con suối, có nhiều hoa Lưu Ly mọc dày. Trong khi chàng trai đang đứng ngắm nhìn dòng thác đổ, thì cô gái lai say sưa đi hái những nhánh hoa Lưu Ly. Cô không ngại nhoài người bên bờ suối để cố hái được mấy nhành hoa đẹp. Chẳng may cô bị trượt chân té ngã xuống dòng suối và bị nước cuốn trôi đi. Khi bị té, cô vẫn đang nắm những nhành hoa Lưu Ly trong tay và đã vừa ném những hoa đó lên bờ vừa nói to lên rằng: "Xin đừng quên em".

5) AI MỚI THẬT KHỜ DẠI:

Một trong những câu chuyện hay dạy đời là câu chuyện “Ông vua giầu có với chú hề” như sau:

"Có một ông vua kia sống một cuộc đời giầu sang phú quí. Ông sống như không hề biết đến tương lai của mình. Ông cũng chẳng màng đến có thế giới mai sau hay không? Trong hoàng cung có một chú hề chuyên giúp vui cho vua mỗi khi ông muốn giải sầu. Theo vua nghĩ thì tên hề này là một rất ngu đần. Ngày nọ, nhà vua cho gọi anh hề tới trao cho anh ta một cây quyền trượng và nói: "Ngươi hãy đi tìm một kẻ ngu dại hơn ngươi - trao cây gậy này cho nó, rồi ta sẽ trọng thưởng cho ngươi." Từ lúc đó chú hề nhận cây gậy vua trao và cố gắng đi tìm kẻ ngu hơn mình, nhưng sau nhiều ngày tìm kiếm mà vẫn không thể tìm ra.

Thời gian qua mau và tuổi già đến với nhà vua lúc nào không biết. Đến khi sức cùng lực kiệt, vua cho gọi chú hề đến gần và nói như sau:

- Trẫm sắp sửa đi một chuyến đi thật là xa.
- Dạ thưa Đức Vua đi tới đâu ạ ?
- Ta cũng không hay biết nữa.
- Dạ thưa đi như vậy rồi bao giờ Đức Vua mới trở về?
- Không bao giờ , không bao giờ con ạ.

Anh hề tuy là một người ngu, nhưng trong trường hợp này anh lại phán đoán rất chính xác. Anh nhẹ nhàng đặt cây gậy vào ngay bàn tay Đức Vua mà trước kia nhà vua đã trao vào tay anh ta rồi im lặng bước ra, lòng cảm thấy nhẹ nhàng vui sướng vì đã khám phá ra một người còn ngu hơn mình, mà người đó không ai khác hơn là chính ông vua đã từng tự hào thông minh hơn anh gấp trăm gấp vạn lần.

3. SUY NIỆM:

1) LỜI KÊU XIN CỦA CÁC LINH HỒN:

Có một loài hoa nhỏ: Forget-me-not, Việt ngữ gọi là Lưu Ly Thảo. Ý nghĩa của loài hoa này nói về sự chung thủy của tình yêu đôi lứa. Nhưng với người Công Giáo, nó mang một ý nghĩa khác, đặc biệt trong tháng cầu cho các linh hồn này. Vâng, Lưu Ly Thảo nhắc nhở chúng ta lời kêu cứu tha thiết của các linh hồn nơi Luyện Hình: “Forget-me-not – Xin đừng quên tôi!”.

Khi cầu nguyện cho họ thì lại là chính cầu nguyện cho chúng ta. Đúng như Thánh Phanxicô Assisi nói: “Chính lúc quên mình là lúc gặp lại bản thân”. Các linh hồn không tự “cải thiện” mức án, nhưng các ngài vẫn có thể cầu nguyện cho chúng ta. Hy vọng mai đây mỗi chúng ta cũng được phân loại là “chiên” và được nghe Chúa nói: “Hỡi những kẻ Cha Ta chúc phúc, hãy đến lãnh nhận phần gia nghiệp Nước Trời đã chuẩn bị cho các ngươi từ khi tạo dựng vũ trụ” (Ga 11,25-26).

Chúa Giê-su an ủi những ai còn sống trên trần gian rằng: “Anh em đừng xao xuyến! Hãy tin vào Thiên Chúa và tin vào Thầy. Trong nhà Cha Thầy, có nhiều chỗ ở; nếu không, Thầy đã nói với anh em rồi, vì Thầy đi dọn chỗ cho anh em. Nếu Thầy đi dọn chỗ cho anh em, thì Thầy lại đến và đem anh em về với Thầy, để Thầy ở đâu, anh em cũng ở đó.” (Ga 14,1-3)
Như thế, ngày chết mà người ta gọi là ngày đại hoạ, ngày kinh hoàng, thì đối với người con Chúa, đó lại là ngày đoàn tụ sum vầy. Ngày đó, chúng ta sẽ được “đồng hưởng sự sống đời cùng với các triều thần thánh trên trời.

2) MẦU NHIỆM CÁC THÁNH CÙNG THÔNG CÔNG:

Giáo lý Công Giáo dạy : Những người đã được hưởng hạnh phúc bên Thiên Chúa gọi là các thánh. Những kẻ còn ở trần gian và các linh hồn trong chốn luyện hình cũng là những thánh nhân trong khả thể. Ba lớp người này được hiệp thông với nhau về ơn sủng do Chúa Giê-su ban cho. Mỗi thành phần nói trên đều có thể liên đới với nhau bằng lời cầu nguyện, bằng sự chia sẻ, sự hy sinh và ân sủng: Các Thánh chuyển cầu cùng Chúa cho những người còn sống, những người còn sống làm nhiều việc lành cầu nguyện cho các linh hồn, và các linh hồn dù đang được thanh luyện cũng có thể cầu xin cùng Chúa cho chúng ta ở trần gian. Niềm tin này được đặt trong niềm tin vào mầu nhiệm tử nạn và phục sinh của Chúa Giê-su như Người đã nói : « Tất cả những kẻ Chúa Cha đã ban cho tôi, thì sẽ đến với tôi, và ai đến với tôi, thì sẽ không bị loại ra ngoài… và tôi sẽ cho họ sống lại trong ngày sau hết ».

3) HÃY THỂ HIỆN LÒNG HIẾU THẢO BIẾT ƠN VỚI ÔNG BÀ TỔ TIÊN:

Tục ngữ Việt Nam có câu: “Con người có tổ có tông, như cây có cội như sông có nguồn”. Hai chữ cội nguồn đã mang lại toàn bộ ý nghĩa của đạo làm con đối với các bậc sinh thành mà bất cứ ai sinh ra trong cuộc đời đều có bổn phận phải ghi nhớ và gìn giữ để báo đáp.

Phật giáo hàng năm vào ngày rằm tháng bảy âm lịch cũng có mùa vu lan để báo hiếu. Vào dịp này, mỗi người đều xướng lên tám lòng biết ơn của mình. Có người không quen ăn chay trường, song vào thời điểm này, cũng thể hiện lòng hiếu đó bằng việc ăn chay trọn tháng bảy âm lịch, hay có những người bận rộn công việc đời thường vào dịp này họ cố gắng thu xếp thời gian để đến một ngôi chùa quen thuộc dự lễ cầu siêu cho linh hồn ông bà cha mẹ đã qua đời. Họ tin rằng nhờ đó, bổn phận của họ được chu toàn. Với truyền thống lâu đời của người phật tử là cầu mong để được đáp đền ơn tam bảo, báo hiếu cha mẹ sinh thành dưỡng dục…

Còn ở Tây phương, người ta không có tục thờ cúng tổ tiên bởi vì chữ hiếu nơi họ không được nâng lên thành đạo. Thế nhưng họ đã chọn ra hai ngày trong năm để tưởng nhớ công ơn sinh thành của cha mẹ. Đó là Ngày Của Mẹ (Mother’s. Day) vào ngày Chúa Nhật thứ hai trong tháng năm và Ngày Của Cha (Father’s. Day) vào Chúa Nhật thứ ba trong tháng sáu.

Hàng năm, Giáo Hội Công Giáo đã dành trọn tháng 11 để nhắc nhở các tín hữu tưởng nhớ đến những người quá cố, thể hiện đạo làm con trong gia đình. Người Công Giáo vẫn có thói quen tốt lành đi viếng nghĩa trang cùng với việc tảo mộ. Ngoài ra, trong ba ngày Tết, Giáo Hội Việt Nam cũng dành ngày Mồng Hai Tết để kính nhớ tổ tiên ông bà cha mẹ.

4) CHÚNG TA PHẢI LÀM GÌ ?

Trong tháng này, mỗi tín hữu chúng ta có thể làm một số việc cụ thể biểu lộ lòng hiếu thào biết ơn với ông bà tổ tiên như sau :

+ Năng đến nhà thờ dâng lễ cầu nguyện và lãnh các ơn đại xá cầu cho ông bà cha mẹ và người thân đã qua đời.

+ Làm nhiều việc bác ái như chia sẻ cơm bánh cho người nghèo đói, phục vụ các bệnh nhân và các người già cả cô đơn bất hạnh... để cầu cho các linh hồn đã qua đời.

+ Xây mồ yên mả đẹp cho người thân đã qua đời. Mỗi dịp Giỗ Tết con cháu hãy họp nhau để xin lễ cầu nguyện cho các linh hồn ông bà cha mẹ, cùng nhau đi viếng mộ phần và dùng cơm chung với nhau để thể hiện tình thân trong cùng một gia tộc.

+ Điều quan trọng là phải sống hiếu thảo với ông bà cha mẹ ngay khi cha mẹ đang còn sống. Mọi người trong gia đình cần yêu thương đùm bọc nhau để cha mẹ ở trên thiên đàng được vui. Hãy năng nhắc nhở con cháu phải biết ơn cầu nguyện cho ông bà cha mẹ mỗi giờ kinh tối gia đình.

4. LỜI CẦU :

Lạy Chúa Giê-su. Chúa đã lên trời bằng con đường qua đau khổ vào vinh quang. Chúa hứa sẽ dọn chỗ cho chúng con và mai ngày sẽ trở lại đưa chúng con lên trời với Chúa. Xin cho các tín hữu chúng con, những người đang sống và những ai đã ly trần trong tình thương của Chúa cũng được ơn thanh luyện nên tốt lành thánh thiện để sớm được về quê trời hưởng hạnh phúc với Chúa Ba Ngôi và các thần thánh đến muôn đời. Amen.
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
ĐTC Phanxicô đàm đạo trực tiếp với 6 phi hành gia trên trạm không gian quốc tế
Lê Đình Thông
08:31 27/10/2017
Thứ năm 26/10 vừa qua, Đức Thánh Cha Phanxicô đã đàm đạo trực tiếp về tương lai của nhân loại với các phi hành gia hiện công tác trên trạm không gian quốc tế ISS. Ngài đã hỏi ý kiến các phi hành gia về vị trí của con người trong vũ trụ. Đây là lần thứ hai một vị lãnh đạo Giáo Hội Công Giáo trao đổi ý kiến với các phi hành gia trong không gian. Năm 2011, Đức Thánh Cha Bênêdictô XVI cũng đã trao đổi trực tuyến với phi hành đoàn vũ trụ.

ĐTC Phanxicô ngồi đối diện với màn ảnh lớn, nói chuyện trực tiếp với các phi hành gia qua vệ tinh cách trái đất 400 km.

Ngài mở đầu bằng cả hai lời chào sớm tối, vì ở ngoài không gian không còn phân biệt ngày đêm. Ngài bắt đầu bằng một gợi ý :

Thiên văn học giúp các phi hành gia chiêm ngắm chân trời vô hạn của vũ trụ, khiến ta trăn trở : Ta đến từ đâu và sẽ đi về đâu ?

Tiếp đó, ngài hỏi phi hành gia người Ý Paolo Nespoli : ‘‘Nhờ chuyến du hành trong không gian, bạn nghĩ sao về chỗ đứng của Nhân loại trong vũ trụ ?’’. Nhà khoa học không gian người Ý tỏ ra bối rối trước một vấn nạn phức tạp, cho biết ‘‘Càng biết nhiều mới nhận ra ta còn biết rất ít về các vấn đề. Ông mong muốn sau này, các nhà thần học, các triết gia, các nhà thơ có cơ hội lên không gian đế bày tỏ ý kiến về vấn nạn này. Phi hành gia Nespoli thực hiện chuyến công tác lần thứ tư trong không gian. Năm 2011, ông đã có dịp đàm đạo với Đức Thánh Cha Bênêdictô XVI.

Ngài hỏi tiếp phi hành gia người Nga Alexandre Missourkine : ‘‘Các phi hành gia có nghĩ rằng chỉ có tình yêu mới có thể làm thay đổi được vũ trụ ? Missourkine vốn sinh trưởng trong một đất nước từng chìm đắm trong chủ thuyết cộng sản vô thần, tỏ ra thú vị khi mượn câu nói của nhà văn và phi công người Pháp Saint-Exupéry đã viết trong Le Petit Prince : Nhìn trên cao, hành tinh xem ra rất bình yên.

Đức Thánh Cha hỏi động lực nào khiến họ trở nên phi hành gia và niềm vui được công tác trong trạm không gian ? Nhà khoa học Nga Sergueï Riazanski cho biết ‘‘Các cuộc du hành không gian chính là tương lai của nhân loại’’. Phi hành gia người Mỹ Randy Bresnik làm việc tại Nasa, sinh sống trong một đất nước có truyền thống Kitô giáo, thưa với Đức Thánh Cha : ‘‘Niềm vui lớn nhất mỗi ngày là có thể chiêm ngắm từ ngoài không gian ngõ hầu tìm hiểu phần nào công trình sáng tạo của Thiên Chúa. Ta không thể đến đây để chứng kiến Trái đẹp tuyệt vời mà không cảm nhận từ trong tâm can’’. Các phi hành gia khác thì cho rằng tử trạm không gian, hành tinh không còn ranh giới, cũng không còn tranh chấp hơn thua.

Đức Thánh Cha nói đến chủ nghĩa cá nhân trong xã hội ngày nay. Ngài yêu cầu các phi hành gia suy nghĩ về sự hợp tác quốc tế trong trạm không gian này. Trước khi kết thúc cuộc đàm đạo, ngài mời gọi mỗi người ‘‘Hãy cầu nguyện cho tôi’’.

16 quốc gia tham gia trạm không gian ISS, năm 1998 được đặt vào quỹ đạo với chi phí lên tới 100 tỷ đô la. Hai nước Mỹ và Nga tài trợ phần lớn các chi phí. 6 phi hành gia hiện ở trong trạm không gian gồm 3 người Mỹ, 2 người Nga, 1 người Ý, từ 40 đến 60 tuổi.

Paris, ngày 27/10/2017

Lê Đình Thông
 
Thông điệp của Đức Thánh Cha gởi cho giới lao động Italia
Đặng Tự Do
16:21 27/10/2017
Hôm thứ Năm 26/10, Đức Thánh Cha Phanxicô đã gửi một thông điệp video cho những người tham dự Tuần Xã Hội lần thứ 48 của người Công Giáo Ý đang nhóm họp tại thành phố Sardinia thuộc giáo phận Cagliari.

Trong thông điệp dài, Đức Giáo Hoàng tập trung vào phẩm giá của lao động và tầm quan trọng của việc đặt con người, chứ không phải lợi nhuận, ở trung tâm của tất cả các hệ thống kinh tế.

Đức Thánh Cha đã nhắc rằng trong Kinh Thánh, có nhiều người được xác định bởi các loại công việc họ làm - như nông dân và ngư dân, những người thợ mộc hoặc những người quản lý. Ngài nói Thiên Chúa kêu gọi chúng ta thông qua việc làm của chúng ta để đưa kỹ năng và tài năng của chúng ta vào việc phục vụ công ích.

Đức Thánh Cha đã đề cập đến các loại ngành nghề khác nhau, bao gồm cả những nghề làm thoái hóa, làm nhục hoặc khai thác con người thông qua chế độ nô lệ, buôn bán vũ khí, thị trường chợ đen, hoặc những công việc bấp bênh làm ngày nào biết ngày ấy.

Ngài kể lại những mẫu đối thoại của mình với rất nhiều người sống trong nỗi lo sợ mất việc làm. Đức Thánh Cha nhận xét rằng tình cảnh bấp bênh như vậy là “vô luân” vì nó “giết chết” nhân phẩm của con người, gây thiệt hại sức khỏe của họ, gia đình họ và toàn bộ xã hội.

Ngài cũng đề cập đến những người phải làm việc trong những điều kiện nguy hiểm hoặc không lành mạnh, phải đối diện thường xuyên với cái chết và thương tích. Ngài bày tỏ tình liên đới của mình với tất cả những ai đang thất nghiệp hoặc thiếu việc làm và đang mất đi dần niềm hy vọng tìm kiếm được một công việc tử tế và chắc chắn.

Đức Thánh Cha cũng nhận xét rằng hệ thống kinh tế toàn cầu ngày nay tập trung vào việc bảo vệ mức tiêu dùng chứ không phải nhân phẩm của dân chúng hay môi trường sống.

Cuối cùng, Đức Thánh Cha đã nói đến những dấu chỉ hy vọng thể hiện nơi những người tìm kiếm những cách thức tạo ra những điều kiện làm việc tốt hơn và tin tưởng hơn, cũng như những mối quan hệ tôn trọng tại nơi làm việc. Những đổi mới công nghệ phải được đưa vào phục vụ người dân và không thể bị coi là một thứ quyền lực kinh tế trong tay những người có quyền thế.
 
Đức Thánh Cha gặp gỡ các học sinh Nam Mỹ
Lm. Trần Đức Anh OP
16:34 27/10/2017
VATICAN. Chiều ngày 26-10-2017, ĐTC đã gặp gỡ các nhóm học sinh từ một số nước Nam Mỹ và ngài kêu gọi các em đừng rơi vào vòng nghiện ngập ma túy.

Cuộc gặp gỡ diễn ra tại trụ sở tổ chức quốc tế gọi là Scholas Occurentes ở nội thành Vatican. Tổ chức này do ĐTC sáng lập khi còn là TGM giáo phận Buenos Aires với mục đích góp phần giáo dục các học sinh ở những vùng sâu vùng xa. Nay nó trở thành một tổ chức quốc tế thuộc quyền Tòa Thánh, và hiện diện tại 190 quốc gia, qua một mạng liên kết hơn 446 ngàn trường học và hệ thống giáo dục.

Tham dự cuộc gặp gỡ với ĐTC chiều thứ năm vừa qua có các học sinh từ Mêhicô, Argentina, Paraguay và Puerto Rico, và đề tài được nói đến là ma túy, di dân, việc chăm sóc thiên nhiên và nạn tự tử. Các bạn trẻ đã trình bày cho ĐTC các vấn đề của họ, kể cả những hậu quả do thiên tai gây ra như cuồng phong María mới đây ở Puerto Rico, nạn động đất tại Mêhicô trong hai ngày 7 và 19-9 vừa qua, làm cho 471 người chết. Nhiều học sinh ở các nước khác cũng theo dõi và góp ý với cuộc gặp gỡ qua hệ thống truyền hình. ĐTC cũng lợi dụng dịp này khích lệ những người Mỹ châu la tinh ở bang Texas Hoa Kỳ bị thiệt hại vì cuồng phong Harvey, và giải thích cho các học sinh về tâm quan trọng phải chăm sóc thiên nhiên để bớt được các thiên tai.

Các bạn trẻ ở khu phố Villa 31 ở Argentina đã lên án nạn bạo lực và chiến tranh. Và ĐTC cũng nhắc nhở họ rằng: 'Các con đừng để mình bị đánh lừa, ma tủy không giải quyết được gì cả, đó chỉ là những viên đá màu mà ngừơi ta muốn làm cho các con coi đó là những hạt ngọc quí giá. Các con đường để mình bị lường gạt”. (Rei 27-10-2017)
 
Ngày Thế giới Người nghèo đầu tiên
Đặng Tự Do
16:34 27/10/2017
Tòa Thánh cho biết hôm 24 tháng 10 rằng Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ cử hành một Thánh lễ đặc biệt với người nghèo và những người đã giúp đỡ họ vào ngày 19 tháng 11, ngày Thế giới Người nghèo đầu tiên.

Thánh lễ sẽ được cử hành vào lúc 10h sáng bên trong Đền Thờ Thánh Phêrô.

Sau năm Thánh Lòng Thương Xót kéo dài từ ngày 8 tháng 12 năm 2015, là Lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm, đến ngày 20 tháng 11 năm 2016, là lễ Chúa Kitô Vua, Đức Thánh Cha đã thiết lập một ngày để khuyến khích cuộc gặp gỡ, tình bạn, tình liên đới và sự hỗ trợ cụ thể cho người nghèo; gọi là ngày Thế giới Người nghèo.

Trong ngày Thế giới Người nghèo đầu tiên này, Đức Thánh Cha Phanxicô theo dự trù sẽ có một buổi ăn trưa với 500 người tham dự thánh lễ, và Tòa Thánh hy vọng rằng tất cả các giáo xứ trên thế giới sẽ thực hiện những hoạt động tương tự như thế.
 
Những cử hành Phụng Vụ của Đức Thánh Cha từ đây cho đến cuối năm
Đặng Tự Do
16:52 27/10/2017
Theo thông cáo của Phòng Báo Chí Tòa Thánh đưa ra hôm 24 tháng Mười, Đức Thánh Cha sẽ cử hành thánh lễ cầu cho các linh hồn vào chiều ngày 2 tháng Mười Một tại nghĩa trang quân sự của Hoa Kỳ ở Nettuno, phía Nam thành phố Rôma.

Sáng ngày 3 tháng Mười Một, theo truyền thống, tại Đền Thờ Thánh Phêrô, Đức Thánh Cha sẽ cử hành thánh lễ cầu cho các Hồng Y và Giám Mục qua đời trong năm vừa qua.

Ngày 19 tháng Mười Một, Ngày Thế giới Người nghèo, Đức Thánh Cha sẽ dâng Thánh lễ vào lúc 10h sáng bên trong Đền Thờ Thánh Phêrô.

Từ ngày 26 tháng Mười Một đến ngày 2 tháng Mười Hai, Đức Thánh Cha sẽ tông du Miến Điện và Bangladesh.

Chiều ngày 8 tháng Mười Hai, Lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội, Đức Thánh Cha sẽ chủ sự buổi cầu nguyện dưới chân tượng Đức Maria gần các bậc thang Tây Ban Nha tại Rôma.

Ngày 12 Tháng Mười Hai, lễ Đức Mẹ Guadalupe, Đức Thánh Cha cử hành Thánh lễ cầu cho Châu Mỹ Latinh ở Đền Thờ Thánh Phêrô.

Lúc 9 giờ 30 phút tối 24 tháng 12, ngài cử hành Thánh lễ Vọng Giáng Sinh tại Đền Thờ Thánh Phêrô.

Trưa ngày 25 tháng 12, Đức Thánh Cha sẽ đọc thông điệp Giáng Sinh “Urbi et Orbi” gởi dân thành Rôma và toàn thế giới và ban phép lành Tòa Thánh cho những người hiện diện cũng như tất cả những ai theo dõi qua các đài phát thanh, các đài truyền hình và các phương tiện truyền thông mới.

Chiều ngày cuối năm 31 tháng 12, bên trong Đền Thờ Thánh Phêrô, Đức Thánh Cha sẽ chủ sự buổi hát kinh chiều trọng thể “Te Deum” tạ ơn Chúa đã ban muôn ơn lành cho Giáo Hội trong năm 2017.
 
Đức Thượng Phụ Kirill nói cộng sản là một đại thảm họa cho dân tộc Nga và nhân loại
Đặng Tự Do
17:26 27/10/2017
Trong khuôn khổ tưởng niệm 100 năm cuộc cách mạng Bolshevik, hay còn gọi là cuộc “Cách mạng Tháng Mười”, Hội đồng Liên tôn ở Nga bao gồm đại diện tất cả các tôn giáo tại Cộng Hòa Liên Bang Nga đã có một buổi họp vào ngày 24 tháng 10 năm 2017 tại Mạc Tư Khoa để đánh giá về tầm ảnh hưởng của biến cố này đối với toàn xã hội, thế giới và cách riêng là đối với các cộng đồng tôn giáo tại Nga.

Tưởng cũng nên nhắc lại, trong hai ngày 7 và 8 tháng 11, năm 1917, những người cộng sản Bolshevik do Lenin cầm đầu đã cướp được chính quyền và thành lập một chính phủ cách mạng, kết thúc đế chế Sa hoàng và thành lập nên Liên Bang Xô Viết. Diễn biến này thường được gọi là cuộc “Cách mạng Tháng Mười” chứ không phải tháng Mười Một vì lúc đó người Nga vẫn đang dùng lịch Julian.

Trong nhận xét mở đầu, Đức Thượng Phụ Kirill là Thượng Phụ Chính Thống Giáo Mạc Tư Khoa và toàn Nga nói:

“Cuộc họp của chúng ta diễn ra trước những ngày đất nước chúng ta tưởng niệm một trăm năm cuộc Cách mạng năm 1917. Sự kiện này dẫn đến những hậu quả vô cùng thảm khốc cho các cộng đồng tôn giáo, vì những chính sách khủng bố các tín hữu, phá hủy các nơi thờ tự và những hoạt động tổng lực trong việc tuyên truyền chống tôn giáo. Nhìn lại thế kỷ trước, chúng ta có thể thấy những tiến bộ khoa học kỹ thuật chưa từng có, và những cơ hội rất lớn được mở ra. Chẳng may, là tất cả những điều ấy đã không thể ngăn chặn được bi kịch khủng khiếp này gây ra cái chết của hàng triệu nạn nhân; và cơ man những nạn nhân khác phải chịu biết bao đau khổ vì đại thảm họa này.”

Ngài nhận xét rằng:

“Chủ nghĩa cộng sản là một bi kịch kinh hoàng cho dân tộc Nga và nhân loại trong thế kỷ qua. Nguyên nhân của nó là gì? Ở một mức độ nhất định, ta có thể nói đó là một thái độ hung hăng phủ nhận tôn giáo và quyết liệt muốn xây dựng một cuộc sống không có Thiên Chúa, là điều chắc chắn dẫn đến việc vùi dập các giá trị đạo đức.”

Hướng đến tương lai, Đức Thượng Phụ nhấn mạnh rằng:

“Tại cuộc họp trước đây của Hội đồng này, tôi đã nói rằng một trăm năm sau những sự kiện bi thảm này, điều cần thiết là chúng ta phải đưa ra được một đánh giá luân lý ngõ hầu có thể đặt một dấu chấm hết cho những thao túng và những cuộc bút chiến vẫn đang tiếp tục gây ra chia rẽ sâu sắc trong xã hội chúng ta ngày nay; và xa hơn là ngăn chặn một thảm họa tương tự như thế không thể xảy ra đối với dân tộc chúng ta và nhân loại.”

Source: The Russian Orthodox Church- Patriarch Kirill’s remarks at the meeting of the Presidium of the Interreligious Council in Russia
 
Anh Giáo tuyên bố chấp nhận Tuyên Ngôn về Công Chính Hóa cuả Công Giáo và Tin Lành Luther
Đặng Tự Do
18:09 27/10/2017
Một nghị quyết của Hội đồng tư vấn Anh giáo đã đồng ý chấp nhận Tuyên Ngôn về Công Chính Hóa cuả Công Giáo và Tin Lành Luther. Việc chấp nhận này sẽ diễn ra một cách chính thức trong một buổi cầu nguyện tại tu viện Westminster vào ngày thứ Ba 31 tháng 10. Đó là ngày Giáo Hội Anh Giáo kỷ niệm 500 năm việc Martin Luther đóng đinh 95 luận văn chống Giáo Hội Công Giáo trước cửa nhà thờ Các Thánh tại Schlosskirche thuộc xứ Wittenberg, bên Đức.

Hành động của Luther đã mở đầu cho phong trào Cải Cách, dẫn đến những hành động đẫm máu và bạo lực chống lại người Công Giáo, hình thành nên Tin Lành Luther và sau đó là cơ man các hệ phái Kitô khác.

Những cuộc đối thoại thần học giữa Công Giáo và Tin Lành Luther đã bắt đầu từ năm 1967, nghĩa là liền sau khi bế mạc công đồng Vaticanô II. Sau những đối thoại đại kết không mệt mỏi giữa Hội đồng Giáo hoàng Hiệp Nhất Kitô Giáo và Liên đoàn Thế giới Luther, một Tuyên bố chung về Công Chính Hóa đã được đưa ra vào năm 1999. Thỏa thuận này mở đường cho một mối quan hệ gần gũi hơn giữa người Công Giáo và người Tin Lành Luther, mà đỉnh cao là sự tham gia của Đức Thánh Cha Phanxicô trong một buổi cầu nguyện chung tại Malmo, Thụy Điển, năm ngoái khi Tin Lành Luther bắt đầu những hoạt động đánh dấu 500 năm cuộc cải cách Tin Lành.

Bản Tuyên Ngôn được ký kết giữa Giáo Hội Công Giáo với Liên đoàn Luther thế giới. Liên đoàn này không thay mặt cho toàn thể các Giáo hội Tin Lành phát sinh từ phong trào Cải cách vì thế nhiều hệ phái Tin Lành vẫn chưa chấp nhận Tuyên Ngôn này. Sau 18 năm kể từ Tuyên Ngôn được công bố, Anh Giáo mới chính thức chấp nhận.
 
Đức Hồng Y Gerhard Müller: Cuộc Cải Cách Tin Lành là ‘một vụ nổi loạn chống lại Thánh Thần’
Đặng Tự Do
23:42 27/10/2017
Vị Hồng Y người Đức, nguyên là Tổng Trưởng bộ Giáo Lý Đức Tin nói rằng Cải Cách Tin Lành chẳng phải là một “cải cách” gì cả, nhưng một “sự thay đổi tổng thể những nền tảng của đức tin Công Giáo.”

Viết trên tờ La Nouva Bussola Quotidiana của Ý, Đức Hồng Y Gerhard Müller nhận xét rằng nhiều người Công Giáo đương đại tỏ ra “quá nhiệt tình” khi đề cập đến Martin Luther, chủ yếu là do sự thiếu hiểu biết về thần học.

Lời bình luận của ngài đã được đưa ra sau khi Tổng thư ký Hội đồng Giám mục Ý, là Đức Giám Mục Nunzio Galantino, được tường trình đã nói rằng “Phong Trào Cải Cách thực hiện bởi Martin Luther 500 năm trước đây là một sự kiện của Chúa Thánh Thần” và nói thêm rằng “Phong trào Cải cách quả là đúng với sự thật được thể hiện trong ngạn ngữ 'Ecclesia sempre reformanda' - Giáo Hội luôn được đổi mới”.

Đức Hồng Y Müller tỏ một thái độ mạnh mẽ chống lại quan điểm này, và nhấn mạnh rằng thật là sai lầm khi nghĩ rằng ý định của Luther chỉ đơn giản là muốn chống lại những lạm dụng về ân xá, cũng như những tội lỗi của Giáo Hội trong thời Phục Hưng.

Ngài nói: “Những lạm dụng và những hành động tồi tệ luôn tồn tại trong Giáo Hội. Chúng ta là Giáo Hội thánh thiện là nhờ vào ân sủng của Thiên Chúa và các bí tích, bất kể tất cả mọi người đều là những kẻ tội lỗi, tất cả đều cần sự tha thứ, sự ăn năn hối lỗi, và sám hối.”

Nhưng Luther từ bỏ “tất cả các nguyên tắc của đức tin Công giáo, Thánh Kinh, Thánh Truyền, huấn quyền của Giáo hoàng và các Công đồng, các giám mục.”

Vì thế, không thể nói rằng cải cách Luther là “một sự kiện của Chúa Thánh Thần” bởi vì “Chúa Thánh Thần giúp Giáo Hội duy trì tính liên tục của mình thông qua các giáo huấn của Giáo Hội.”

Martin Luther đã công bố vào ngày 31 Tháng Mười, 1517 một luận văn gồm 95 điểm chống lại Giáo Hội Công Giáo và thành lập ra Tin Lành Cải Cách. Đó là sự khởi đầu của cuộc cải cách dẫn đến sự rạn vỡ của Kitô giáo phương Tây.

Cuộc Cải Cách Tin Lành không chỉ xâu xé Công Giáo; nhưng cũng khiến nhiệm thể của các tín hữu Kitô lâm vào những cuộc ly giáo bất tận, với hàng ngàn giáo phái Tin Lành. Phong trào Cải Cách đã dẫn đến những thập kỷ chiến tranh, cách mạng, những cuộc tranh giành vô tận và phân chia tan nát châu Âu. Thánh Thần là nguồn mạch của hiệp nhất, và bình an; phong trào Cải Cách thực hiện bởi Martin Luther 500 năm trước đây, do đó, không thể là một sự kiện của Chúa Thánh Thần.

Source: Catholic Herald - Cardinal Müller: Reformation was ‘revolution against the Holy Spirit’
 
Top Stories
The Quest for Distinctions for the Catholic Institute of Viet Nam
Sister Bình Minh
10:17 27/10/2017
In the morning of October 21, 2017, at the Bishop’s House of Xuan Loc Diocese, the Catholic Institute of Viet Nam (CIV) held the first meeting of the new academic year 2017-2018 for its administrators, faculty, and staff. It was a good opportunity for all members of CIV to know one another and to discuss future plans for the Institute. The participants included the Most Rev. Joseph Dinh Duc Dao, Bishop of Xuan Loc Diocese, the President of the Education Commission, the Rector of CIV; Bishop Joseph’s Councilors: Rev. Anthony Nguyen Cao Sieu, SJ; Rev. Joseph Ta Huy Hoang, Sai Gon Archdiocese; Rev. Joseph Ngo Ngoc Khanh, OFM; Rev. Vicent Nguyen Cao Dung, SCJ; and 23 members of departments and offices of CIV: Faculty, Companion Team, Secretariat, Library, and Financial Department.

Fr. Joseph Ngo Ngoc Khanh opened the meeting with a prayer asking God’s blessing for CIV. Next, Fr. Vinh Son Nguyen Cao Dung, the Head of Secretariat, introduced all of the participants. After the introduction, Bishop Joseph welcomed the participants and expressed his appreciation to all members of the faculty, departments and offices of CIV, as the pioneers who have contributed to the CIV. The Bishop presented the advantages and disadvantages in forming the Institute at the beginning. He emphasized that the basic difference between CIV and other institutes (seminaries and religious institutes), is the purpose of training. CIV aims to educate candidates capable of thinking, research and teaching Theology for the Catholic Church in Viet Nam.

After Bishop Joseph’s statement, Fr. Anthony Nguyen Cao Sieu, the Head of the Licentiate in Sacred Theology (STL) Program, presented his thoughts about “The Quest for distinctions for CIV.” The speech mentioned the diversity of the faculty in which professors come from a variety of educational environments of different countries and spiritualities. In addition, Fr. Anthony pointed out the active learning method at CIV that improves skills of critical thinking and research as well as skills of presenting theological thoughts scientifically and clearly. Language is one of the most significant factors that helps students not only obtain knowledge but also present their thoughts. The Institute focuses on strengthening Vietnamese skills as well as improving reading comprehension skills in English for students. Moreover, the Institute is interested in cultural values and particular religions in Viet Nam in order to build a theology appropriate to Vietnamese.

Fr. Joseph Ta Huy Hoang, the Head of Language Department, presented “English and Languages in the Educational Plan at CIV.” The speech described the concern to improve reading and writing skills in English for students, as well as informed about the specific details of English Program at CIV in the academic year 2017 - 2018.

After these speeches, participants contributed their ideas sincerelly to the Administrative Team about admission, program, study method, assistant tools (library and technology) and policies of CIV. All comments were welcomed by the Rector and his Administrative Team. These ideas will be considered to do in the future.

Finally, Bishop Joseph talked about the difficulties in the admission process. The priority of CIV is to educate potential candidates to be capable of researching and teaching theology for the Church in Viet Nam. Therefore, CIV needs professors to have not only solid expertise but also a good heart to lift potential students to be good future researchers for the Catholic Church.

After the meetings, all of the participants had lunch with Bishop Joseph and Bishop John Do Van Ngan, Auxilary Bishop of Xuan Loc Diocese.

As we know, on September 14, 2015, the Congregation for Catholic Education approved the establishment of the CIV in order to satisfy the learning needs and the desire for more cultivated knowledge of theology and pastoral care of the people of God in Viet Nam. In the academic year 2017-2018, there are 68 students in the three programs: STB Program (40 students), STL Program (18 students) and One-Year Preparatory Program for STL Program (10 students). All activities of CIV take place at the Pastoral Center of Saigon Archdiocese, 6 Ton Duc Thang, Ben Nghe Ward, District 1.

Sister Bình Minh
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Tìm Nét Riêng Cho Học Viện Công Giáo Việt Nam
Nữ Tu Bình Minh
10:08 27/10/2017
Sáng 21/10/2017, tại tòa Giám mục Xuân Lộc, Học Viện Công Giáo Việt Nam (HVCGVN) đã tổ chức buổi họp mặt đầu tiên của năm học 2017-2018 giữa các giáo sư và các vị hữu trách thuộc Ban điều hành HVCGVN. Đây là dịp để các tham dự viên gặp gỡ, trao đổi và đóng góp ý kiến xây dựng HVCGVN. Thành phần tham dự gồm có Đức Giám Mục Viện Trưởng Giuse Đinh Đức Đạo, Giám mục Gp. Xuân Lộc, Chủ tịch UB Giáo Dục; các Cố vấn của ĐGM Viện Trưởng: Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ; Lm. Giuse Tạ Huy Hoàng, TGP Sài Gòn; Lm. Giuse Ngô Ngọc Khanh, OFM; Lm. Vinh Sơn Nguyễn Cao Dũng, SCJ; cùng 23 thành viên thuộc các ban ngành của HVCGVN: Ban Giảng Huấn, Ban Đồng Hành, Ban Thư Ký, Ban Thư Viện và Ban Tài Chính.

Lm. Giuse Ngô Ngọc Khanh chủ sự phần cầu nguyện đầu giờ. Tiếp đến, Lm. Vinh Sơn Nguyễn Cao Dũng, Tổng Thư ký HVCGVN, giới thiệu các tham dự viên. Mở đầu cuộc hội thảo, ĐGM Viện Trưởng chào mừng các tham dự viên và bày tỏ tâm tình biết ơn đến các giáo sư, thành viên các ban ngành của HVCGVN, những người đã tiên phong góp phần xây dựng Học viện. ĐGM Giuse nêu lên những thuận lợi cũng như những khó khăn về mọi mặt trong những bước khởi đầu xây dựng Học viện. Ngoài ra, ĐGM Viện Trưởng xác định HVCG cần xây dựng những nét riêng cũng như lập những truyền thống riêng cho Học viện. Đức Cha nhấn mạnh đến điểm khác nhau cơ bản của HVCG và các đại chủng viện cũng như các học viện khác đó là mục đích đào tạo. HVCG nhằm đào tạo những người có khả năng suy tư, nghiên cứu, và giảng dạy Thần học cho Giáo Hội.

Sau lời phát biểu của ĐGM Viện Trưởng, Lm. An tôn Nguyễn Cao Siêu, Trưởng Ban Học vụ và Phụ trách chương trình Cao Học của HVCG, đã trình bày tư tưởng “Thử Tìm Nét Riêng Của Học Viện Công Giáo Việt Nam.” Bài phát biểu đề cập nét đa dạng của Học viện với thành phần ban giảng huấn đến từ nhiều môi trường học vấn khác nhau, thuộc nhiều nước và nhiều linh đạo khác nhau. Ngoài ra, Lm. Antôn cũng nhấn mạnh đến phương pháp học tập tích cực của HVCG nhằm đào tạo những sinh viên có khả năng suy tư, nghiên cứu và phản biện; đồng thời biết trình bày những tư tưởng Thần học một cách khoa học và sáng sủa. Ngôn ngữ là phương tiện cần thiết cho sinh viên tiếp thu kiến thức và trình bày những suy tư của mình. Học viện quan tâm nhiều đến việc củng cố và phát triển khả năng Việt Ngữ cũng như việc nâng cao khả năng đọc hiểu Anh Ngữ cho sinh viên. Hơn nữa, Học viện còn quan tâm đến bối cảnh văn hóa xã hội và tôn giáo đặc thù ở Việt Nam để có thể “xây dựng một nền thần học với những nét riêng phù hợp với dân tộc Việt Nam.”

Tiếp đến, Lm. Giuse Tạ Huy Hoàng, Phụ trách Ban Ngôn Ngữ đã trình bày “Anh Văn Và Ngôn Ngữ Trong Dự Phóng Chương Trình Đào Tạo HVCGVN.” Bài phát biểu nêu lên những trăn trở trong việc phát triển khả năng đọc viết bằng tiếng Anh cho sinh viên và trình bày những chương trình cụ thể mà ban Anh Ngữ HVCGVN đang thực hiện trong học kỳ I của năm học 2017-2018.

Sau các bài phát biểu là phần đóng góp ý kiến sôi nổi và chân thành của các tham dự viên. Các ý kiến xoay quanh vấn đề chính như điều kiện tuyển sinh, chương trình học, phương pháp học, phương tiện hỗ trợ (thư viện và kỹ thuật) và những quy chế cần thiết của Học viện. Các ý kiến đã được Đức Cha Viện Trưởng cùng các ban ngành của HVCG trân trọng đón nhận. Chắc chắn những góp ý này sẽ được HVCGVN cân nhắc để thực hiện trong tương lai.

Sau cùng, Đức Cha Viện Trưởng trình bày những khó khăn trong việc tuyển sinh vào HVCGVN. Mục tiêu hàng đầu của HVCG là giúp đào tạo những ứng viên có tiềm năng để họ trở thành những người có khả năng phục vụ Giáo Hội Việt Nam trong lãnh vực nghiên cứu và giảng dạy Thần học. Vì vậy, HVCG cần những giáo sư không những chỉ có chuyên môn vững vàng để giảng dạy, mà cần có tấm lòng để nâng những sinh viên tiềm năng thành những nhà nghiên cứu tài đức cho Giáo Hội.

Sau cuộc hội nghị, các thành viên cùng chia sẻ bữa ăn agapé với ĐGM Giuse và ĐGM Phụ tá Gp. Xuân Lộc Gioan Đỗ Đức Ngân.

Như đã biết, 14.9.2015, Bộ Giáo dục Công Giáo Tòa Thánh đã ký sắc lệnh thành lập HVCGVN nhằm đáp ứng nhu cầu học hỏi và trau dồi thêm kiến thức Thần học và Mục vụ của các thành phần dân Chúa. Năm học 2017-2018, HVCG có 68 sinh viên theo học ba chương trình: Cử nhân Thần học gồm 40 sinh viên, Cao học Thần học gồm 18 sinh viên, và Năm Chuẩn Bị cho chương trình Cao Học gồm 10 sinh viên. Hiện nay, các hoạt động của HVCG diễn ra tại Trung tâm Mục vụ, Tổng Giáo phận Tp. HCM, số 6 Tôn Đức Thắng, Quận 1.

Nữ tu Bình Minh
 
Bế mạc Đại Hội Linh Mục Việt Nam – Hành Trình Emmaus VII
Lm Peter Võ Sơn
11:31 27/10/2017
San Jose, California: Thứ Năm 26/10/2017, Bế mạc Đại Hội Linh Mục Việt Nam – Hành Trình Emmaus VII. Lm Luke Trần Đức, Chủ Tịch Miền Đông Bắc Hoa Kỳ, chủ sự giờ Kinh Sáng.

Sau giờ Kinh, Lm Peter Võ Sơn, Tổng Thư Ký Liên Đoàn, đảm trách phần Sinh Hoạt Liên Đoàn.

Xem hình ảnh

Liên Đoàn chúng ta vui mừng vừa có 1 Tân Giám Mục Phụ Tá Giáo Phận Orange, Đức Cha Nguyễn Thái Thành - Thánh Lễ Phong Chức Giám Mục vào lúc 2 giờ chiều Thứ Ba ngày 19/12 tại St. Columban Church, Garden Grove (Giáo Phận Orange, California). Quý Cha tham dự Thánh Lễ Phong Chức Giám Mục (ngoại trừ Linh Mục Giáo Phận Orange), xin vui lòng gửi: họ và tên, địa chỉ về Văn Phòng Liên Đoàn qua email: bantinliendoan@gmail.com.

Lm Peter Võ Sơn mời 8 Cha Chủ Tịch Miền, Đức Ông Giuse Trịnh Minh Trí, Chủ Tịch, Lm Anthony Ngô Đình Chính, Phó Chủ Tịch, Đức Ông Francis Phạm Văn Phương, Cựu Chủ Tịch Liên Đoàn, Lm Peter Hoàng Xuân Nghiêm, Cựu Tổng Thư Ký, và Lm John Trần Công Nghị, Ban Truyền Thông, tường trình các sinh hoạt của Miền và Liên Đoàn.

Sau phần Sinh Hoạt Liên Đoàn, Đức Cha Matthew Nguyễn Văn Khôi, Giám Mục Giáo Phận Qui Nhơn, chủ sự Thánh Lễ Bế Mạc; Đức Ông Giuse Trịnh Minh Trí thuyết giảng.

Sau Lời Nguyễn Kết Lễ, Đức Ông Chủ Tịch, đã cám ơn Ban Tổ Chức Emmaus VIII và tặng quà cho: Lm Giuse Đồng Minh Quang, Trưởng Ban Tổ Chức; Lm Peter Phan Thế Lực, Chủ Tịch Miền Tây,quý Cha, quý Sơ, quý Thầy, Dr Thanh Tâm, và Anh Chị Em trong Ban Tổ Chức.

Sau Thánh Lễ, quý Đức Ông và quý Cha ra về trong niềm vui và hẹn gặp lại Emmaus VIII, tháng 10 năm 2019, địa điểm chưa được chọn.

Đức Cha Kevin Vann, Giám Mục Giáo Phận Orange, cho biết rằng Đức Cha Đominic Mai Thanh Lương, đang ở bệnh viện, xin mọi người chúng ta cầu nguyện; Đức Cha Nguyễn Thái Thành không đến tham dự Đại Hội được vì công việc mục vụ, và Ngài sẽ tham dự Emmaus VIII.
 
Đại Hội Caritas Việt Nam 2017 tại tòa Giám Mục Thái Bình
Lm. Giuse Nguyễn Hữu An
12:23 27/10/2017
Ngày 24-27/10/2017, Caritas Việt Nam tổ chức Đại Hội 2017 tại TGM Thái Bình với chủ đề: “Thăng tiến để phục vụ”.

Tham dự Đại Hội có Đức Hồng Y Phêrô Nguyễn Văn Nhơn – TGM Hà nội và 6 vị Giám mục: Đức Cha Tôma Vũ Đình Hiệu, Chủ tịch UBBAXH; Đức cha Phêrô Nguyễn Văn Đệ, Gm Gp Thái Bình; Đức cha Alosiô Nguyễn Hùng Vị - Phó Chủ tịch UBBAXH; Đức cha Giuse Nguyễn Văn Yến, Phó Chủ tịch UBBAXH; Đức cha Anphongso Nguyễn Hữu Long, Chủ tịch UBLBTM; Đức cha Giuse Đỗ Mạnh Hùng, Chủ tịch UBDD; Lm Giuse Đào Nguyên Vũ, thư ký UBDD; Lm Giuse Phan Trọng Quang, đại diện Liên hiệp Bề trên Thượng cấp; và 120 đại biểu Caritas của 26 giáo phận, đại biểu của một số Dòng Tu và khách mời.

Xem Hình

Từ sáng ngày 23/10, ban tổ chức đã đón tiếp ân cần các đại biểu đến từ các giáo phận. Nhà Chung Thái Bình với cơ sở rộng mênh mông, khang trang, các tham dự viên được phục vụ hết sức tận tình và chu đáo. Nhà Chung bao gồm Tòa Giám Mục, Trung tâm Mục vụ, Nhà Thờ Chính tòa và Chủng Viện. Công trình này có hơn 200 phòng nghỉ, 2 Nhà nguyện lớn và rất nhiều phòng hội, phòng học…được xây dựng suốt ba năm rưỡi, công lao động do bà con giáo dân từ hơn 100 giáo xứ trong giáo phận đóng góp. Đức cha Phêrô là Tu sĩ Dòng Don Bosco nên ngài đã tạo nhiều sân chơi trong khuôn viên Nhà Chung như những sân bóng đá mini, sân cầu long, bóng bàn, bi lắc… các Thầy và nhiều người dân từ bên ngoài vào chơi thể thao tự do. Từ 4 giờ chiều, Nhà Chung tấp nập nam phụ lão ấu đến các sân chơi rèn luyện thân thể, lương giáo cũng như già trẻ vui nhộn trong tinh thần hiệp nhất thể thao.

Trong bữa cơm tối, cha Vinhsơn Vũ Ngọc Đồng, Giám đốc Caritas Việt Nam cám ơn Đức cha Phêrô Nguyễn Văn Đệ chủ nhà và chào đón những tham dự viên. Đức cha Phêrô chào mừng và khích lệ. Ngài ước mong các thành viên mạng lưới Caritas Việt Nam luôn dấn thân mạnh mẽ hơn nữa trong sứ vụ bác ái Kitô giáo.

Qua 4 ngày, các tham dự viên đã lắng nghe các bài tham luận về Loan báo Tin mừng, Mục vụ Di dân và Bảo vệ môi trường, các báo cáo về kế hoạch chiến lược một số Caritas Giáo phận, tổng kết hoạt động của Caritas trung ương, thảo luận theo nhóm Giáo tỉnh.

Mỗi ngày mới đều khởi đầu bằng Kinh Sáng, Thánh Lễ và Kinh chiều.

1. Ngày thứ nhất

Sau kinh sáng tại Nhà nguyện TGM, Đức cha Phêrô chủ tế thánh lễ và giảng lễ. Ngài chia sẻ những thao thức truyền giáo của Giáo hội Việt nam qua những hoạt động của Caritas.

Lúc 8g sáng, các tham dự viên lên lầu 6 vào hội trường rộng và hiện đại, bắt đầu chương trình ngày tập huấn về “kế hoạch chiến lược”.

Nhằm đáp ứng những hoạt động của Caritas các giáo phận, Caritas Việt Nam thường xuyên tổ chức những khóa đào tạo chuyên môn để trợ giúp những kỹ năng cần thiết cho các thành viên. Tất cả nhằm "Thăng tiến để phục vụ" và lập ra kế hoạch chiến lược cho các hoạt động của Caritas trong những năm sắp tới.

Thời gian trọn ngày, các tham dự viên lắng nghe đại diện 3 Giáo tỉnh trình bày kế hoạch chiến lược. Caritas Sài gòn và Caritas Đà lạt đại diện Giáo tỉnh Sài gòn, Caritas Hải phòng đại diện Giáo tỉnh Hà nội, Caritas Huế đại diện Giáo tỉnh Huế.

Sau những góp ý, thảo luận sôi nổi, tiến sĩ Lê Đại Trí trao đổi về nội dung viết kế hoạch chiến lược và hứa sẵn sàng hỗ trợ các Giáo phận bất cứ khi nào Caritas cần.

2. Ngày thứ hai

Lúc 8 giờ sáng, sau lời kinh khai mạc, Cha Vinhsơn, Giám đốc Caritas Việt Nam giới thiệu các thành phần tham dự.

Đức Cha Tôma - Chủ tịch Caritas Việt Nam, đọc diễn văn khai mạc Đại Hội.

“Sau gần 10 tái thành lập tổ chức phục vụ người nghèo, Caritas Việt Nam đã có nhiều dự án, và chương trình hoạt động như: cứu trợ đồng bào bị thiên tai; trợ giúp người khuyết tật, người nhiễm bệnh H; bảo vệ sự sống; khuyến học; xây nhà tình thương… Với những kết quả đã thu lượm được dựa trên những báo cáo của các Caritas Giáo phận cũng như Caritas Việt Nam sẽ được trình bày sắp tới đây, chúng ta có bao giờ nghĩ rằng như vậy đã đủ cho chúng ta chưa? Chúng ta là những nhân viên Caritas có cần thăng tiến để phục vụ người nghèo tốt hơn và có hiệu quả hơn không? Thăng tiến như thế nào trong xã hội ngày hôm nay?

Thực tế, không ai muốn thăng tiến mà không trải qua thời gian đào luyện về nghiệp vụ, chuyên môn, cũng như tự đào luyện chính bản thân.Tuy nhiên, đào luyện chuyên môn mới chỉ là điều kiện cần cho một thành viên Caritas mà thôi, chúng ta còn phải hội tụ cả việc đào luyện tâm linh và đào luyện trái tim như là những điều kiện cần và đủ để thi hành sứ vụ bác ái theo đúng tinh thần Thông điệp Deus Caritas Est của Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI”.

Đức cha Tôma lần lượt triển khai ý nghĩa của việc Đào luyện chuyên môn, ngài nhấn mạnh tầm quan trọng của việc Đào luyện con tim và Đào luyện tâm linh để có thể trở thành người phục vụ người nghèo tốt hơn theo gương Chúa Giêsu.

Trong phần kết, ngài trích dẫn câu Lời Chúa: “Chính anh em là muối cho đời, là ánh sáng cho trần gian” (Mt 5, 13-14), để quảng diễn chủ đề của Đại Hội một cách ý nghĩa hơn. Qua đó, các thành viên Caritas có thể hiểu ý nghĩa sâu xa hơn khi đem tình yêu của Thiên Chúa đến với mọi người, cụ thể là người nghèo.

Tiếp theo, cha Vinhsơn báo cáo hoạt động của Caritas Việt Nam trong năm 2017 và phần tóm lược báo cáo của Caritas 26 Giáo phận.

Năm 2017 là năm đầu tiên thực hiện Kế Hoạch Chiến Lược 2017-2020, văn phòng Caritas Việt Nam bắt đầu từng bước chuyên nghiệp hoá các hoạt động, từ việc tổ chức, quản lý phát triển nguồn nhân lực của văn phòng cho đến việc nâng cao chất lượng chuyên môn của những chương trình và dự án hướng tới những cộng đồng đang gặp khó khăn. Vì vậy, báo cáo đã nêu lên những kinh nghiệm ban đầu của quá trình này với mong muốn chia sẻ và nhận được sự góp ý của các Caritas Giáo phận. Báo cáo cũng nhấn mạnh đến những thay đổi trong năm 2017 để nâng cao chất lượng chuyên môn và tăng cường vai trò kết nối và liên đới hỗ trợ giữa văn phòng Caritas Việt Nam và Caritas các Giáo phận.

Đến 9 giờ 30, Đức Hồng Y Phêrô Nguyễn Văn Nhơn - Tổng Giám mục TGP Hà Nội, chủ tế thánh lễ khai mạc, cầu nguyện cho công việc bác ái xã hội luôn theo ý Chúa.

Đoàn đồng tế có 6 Giám mục và 54 Linh mục. Hiệp thông thánh lễ có quý tu sĩ nam nữ, anh chị em giáo dân đang hoạt động trong lĩnh vực bác ái xã hội tại các 26 giáo phận.

Chia sẻ trong thánh lễ, dựa vào câu Kinh thánh: "Anh em là muối cho trần gian" (Mt 5,13), ĐHY Phêrô nhấn mạnh tới vai trò quan trọng của muối trong đời sống của mỗi người. Ngài cũng mời gọi anh chị em nhân viên Caritas phải là muối cho đời, làm cho môi trường sống của mình thêm “mặn mà” tình bác ái yêu thương. Ngài cũng khích lệ các thành viên Caritas trong công cuộc thực thi bác ái: "Công việc của anh chị em chính là công việc của Chúa vì Đức bác ái là hồng ân của Thiên Chúa ban cho mỗi người chúng ta". Ngài mong muốn các tham dự viên trân trọng, gìn giữ và thăng tiến hơn trong hoạt động bác ái. Chỉ có như thế Đức Kitô mới được bẻ ra để phân phát, chia sẻ cho hết thảy tất cả mọi người.

Lúc 11 giờ, Ban Tôn Giáo Chính Phủ và Chính quyền Tỉnh Thái bình đến thăm chúc mừng Đại Hội Caritas. Ông Vũ Chiến Thắng - Tân Trưởng Ban Tôn Giáo Chính Phủ, bày tỏ niềm vui được gặp gỡ Quý Đức cha, Quý cha, Quý Tu sĩ và mong ước được cộng tác với nhau để hoàn thành nhiệm vụ được trao. Ông nhìn nhận những thành tựu của UB. Bác Ái Xã Hội - Caritas Việt Nam đối với người nghèo trên đất nước Việt Nam, đặc biệt ở những vùng sâu vùng xa. Hình ảnh các nữ tu âm thầm, khiêm tốn, và ân cần phục vụ những bệnh nhân phong, người có HIV… Ông hứa sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi để Đại Hội thành công và sẽ cộng tác với Caritas Việt Nam dấn thân và đạt nhiều thành tựu hơn nữa trong việc giúp đỡ người nghèo.

Buổi chiều, vào lúc 14g, Đức cha Anphong Nguyễn Hữu Long, Gm. Phụ tá Giáo phận Hưng Hóa, Chủ tịch UB. Loan Báo Tin Mừng có bài tham luận. Đây là lần thứ 5 ngài tham dự Hội nghị thường niên của Caritas Việt Nam.

Đức Cha Anphong khẳng định: thăng tiến là đòi hỏi hợp lý đối với mọi nghiệp vụ, mọi hoạt động và những người liên quan. Nếu không có sự thăng tiến, nghiệp vụ sẽ không phát triển, tay nghề bị cùn, hoạt động không đạt hiệu quả cao.

Đối với UBLBTM, để thăng tiến trong sứ mạng Loan báo Tin Mừng ở thiên niên kỷ thứ ba này, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã đề ra tiêu chí là phải có “nhiệt huyết mới, phương pháp mới, và cách trình bày mới”. Trong tông huấn Niềm vui của Tin Mừng, ĐTC Phanxicô cũng đã nhắc lại và bàn giải các tiêu chí này.

Đối với UBBAXH, để thăng tiến trong sứ mạng phục vụ thì cũng dựa trên các tiêu chí trên: nhiệt huyết mới, phương pháp mới, và cách trình bày mới.

Tiếp theo, cha Giuse Phan Trọng Quang, MF, Thư ký LHBTTC trình bày tóm tắt thực trạng hoạt động và tinh thần phục vụ của các Dòng tu tại Việt Nam. Dưới sự soi sáng của Tin Mừng và giáo huấn của Giáo Hội, và cụ thể hơn là của HĐGM Việt Nam, người sống đời thánh hiến tại Việt Nam trong mọi môi trường hiện diện đã thực sự thể hiện tinh thần yêu thương, quảng đại dấn thân phục vụ như một chứng từ sống động trong công cuộc tân Phúc Âm hóa. Ngài cũng gợi lên thao thức dấn thân của các Dòng tu trong sứ vụ phục vụ; đời sống thánh hiến cần một cuộc hoán cải và canh tân để giải quyết những bất cập đang làm yếu đi đời sống chứng tá của mình. Do đó, thách đố lớn nhất cho đời sống thánh hiến trong thời đại hiện nay là sự chuyển mình từ chủ nghĩa đặc quyền, hưởng lợi qua tinh thần phục vụ.Thực tế, chúng ta phải nhìn nhận rằng trong nhiều năm qua, các Dòng tu đã rất dấn thân vào công tác bác ái xã hội với nhiều sáng kiến và trong mọi lãnh vực. Cùng với các thao thức dấn thân trong sứ vụ phục vụ, đời sống thánh hiến cũng bày tỏ mong ước trong thời gian tới được cộng tác tích cực, có trách nhiệm, và có hiệu quả với Caritas Việt Nam cụ thể tại các Giáo phận.

Sau các bài tham luận, từ 15-16g, có 4 nhóm thảo luận, theo 3 Giáo Tỉnh và nhóm các Dòng tu nam nữ. Việc liên đới với các Dòng tu, vấn đề chăm sóc và bảo vệ môi trường.

Sau phần đúc kết, ngày khai mạc Đại Hội kết thúc vào lúc 17g45.

3. Ngày thứ ba

Kinh sáng và Thánh lễ khởi đầu một ngày mới trong ân sủng và tình yêu Thiên Chúa. Đức Cha Alosiô Nguyễn Hùng Vị chủ tế và giảng lễ.

Lúc 8 giờ, Đức cha Giuse Đỗ Mạnh Hùng, Gm. Phụ tá TGP Sài gòn, Chủ tịch UB Di dân có bài tham luận. Ngài trình bày 4 vấn đề: Caritas và lòng thương xót, Caritas và sự thăng tiến, Caritas và “muối cho đời”, Ủy ban Caritas và Ủy ban Di dân.

Nói đến Caritas hay Bác ái xã hội là nói đến người nghèo. Đức Thánh Cha Phanxicô mới thiết lập “Ngày Thế giới về người nghèo”, sẽ được cử hành lần đầu vào ngày 19.11.2017 sắp tới, với chủ đề “Anh chị em đừng yêu thương bằng lời nói suông, nhưng bằng việc làm cụ thể”. Trong sứ điệp “Ngày Thế giới về người nghèo”, Đức Thánh Cha Phanxicô đã cho biết: Ngày thế giới người nghèo là thành quả của Năm Thánh Lòng Thương Xót, đó là dấu hiệu và phương cách để diễn tả các thực tế trọng tâm của đức tin Kitô, đó là thái độ lắng nghe, đón nhận, hội nhập…nó nói lên quan tâm hàng đầu của Chúa Giêsu cho người nghèo.

Người ta không thể cho đi điều họ không có. Để có thể phục vụ tốt, mỗi thành viên Caritas cần phải nỗ lực trau dồi, thăng tiến bản thân để từ đó luôn được thấm nhập “Chất muối yêu thương của Tin Mừng”, “Chất muối Giêsu Kitô” nhằm giúp cho người nghèo giữ được phẩm giá của họ và làm cho cuộc sống của họ được đậm đà vui tươi.

Ngài kết luận bằng lời mời gọi về sự hợp tác giữa hai ủy ban để phục vụ một cách tốt nhất, hiệu quả nhất trong việc chăm lo cho người nghèo và anh chị em di dân.

Cha Giuse Đào Nguyên Vũ, SJ, Thư ký UBDD, trình bày những thao thức mục vụ di dân và sự liên kết giữa hai Ủy ban hướng đến sứ vụ phục vụ anh chị em di dân.mở công ty tạo công ăn việc làm, đính hướng mục vụ thiết thực.

Tiếp theo, ban tổ chức dành nhiều thời giờ cho 4 nhóm đại biểu theo Giáo tỉnh – Dòng tu, thảo luận những đề tài chính như: năng lực nghiệp vụ của nhân viên văn phòng Caritas, đào tạo nhân sự, hệ thống mạng lưới Caritas từ giáo phận giáo hạt đến các giáo xứ, việc gây quỹ, thẻ hội viên và đường hướng nối kết hỗ trợ các Caritas trong giáo tỉnh. Các đại biểu sôi nổi trao đổi và chia sẻ kinh nghiệm cho nhau về nguồn nhân lực và thao thức đào tạo nhân sự.

Ban tối, Nhà Chung tổ chức đêm văn nghệ “cây nhà lá vườn” chào mừng Đại hội. Với sự góp phần của quý cha, quý tu sinh và đại biểu Caritas đã làm nên nhiều sắc màu tạ ơn và rộn rã niềm vui yêu thương. Tiệc nhẹ vui vẻ, chúc cho nhau bình an và tình thương phục vụ.

4. Ngày thứ tư

Các Đại biểu trao đổi thêm về vai trò của văn phòng Caritas Giáo phận, như một nhịp cầu hết sức thiết yếu cho mối tương quan giữa Caritas Việt Nam với Caritas Giáo phận, giữa các Caritas Giáo phận với nhau và với các Giáo hạt, Giáo xứ. Sự hiện diện đã quan trọng, năng lực của nhân viên càng quan trọng hơn cho một hoạt động hữu hiệu và lâu bền.

Sau những đóng góp bổ ích của các tham dự viên, cha Giám đốc Caritas Việt Nam tổng kết Đại hội vào lúc 8g, lược lại những hoạt động trong 3 ngày vừa qua cùng với những đề xuất và định hướng cho năm Mục vụ 2018. Ngài thay mặt Caritas Việt Nam bày tỏ lòng biết ơn với quý Đức cha qua những tâm tình và bó hoa tươi thắm lòng hiếu thảo.

Đức Cha Tôma chủ toạ buổi thảo luận chung, cùng các Đại biểu phân tích những thuận lợi, khó khăn liên quan đến hoạt động của Caritas tại các Giáo phận. Những mối tương quan với các Đấng bản quyền trong Hội thánh, với các Linh mục quản xứ, với các tín hữu trong Giáo phận… cần phải được kiến tạo cách tốt đẹp, để có được sự đồng thuận và hợp lực trong hoạt động.

Ngài đưa ra những kết luận chung và trao phó cho tất cả các đại biểu sứ mệnh thể hiện lòng bác ái nơi địa phương của mình.

- Cần nâng cao năng lực và cũng cố vững mạnh về nhân sự cho các văn phòng Caritas các Giáo phận. Về nguồn nhân lực, chương trình ngắn hạn nên quy tụ các em sinh viên đã tốt nghiệp Đại học chưa có việc làm; chương trình dài hạn nên cấp học bổng cho các sinh viên nghèo hiếu học, cam kết sau khi tốt nghiệp sẽ làm việc cho Caritas giáo phận.

- Mở thêm những khóa tập huấn cho nhân viên văn phòng, đào tạo chuyên môn nghiệp vụ làm việc phát triển. Cha giám đốc Caritas giáo phận luôn đồng hành với các nhân viên, cảm thông và giúp đỡ.

- Liên đới trong giáo tỉnh, khuyến khích việc họp mặt gặp gỡ các cha Giám đốc Phó giám đốc trong mỗi giáo tỉnh, chia sẻ kinh nghiệm mỗi năm ít là một lần. Mỗi tham dự viên dành thời giở để đọc tất cả 26 bản báo cáo các giáo phận, qua đó học hỏi thêm nhiều hoạt động phong phú.

- Liên đới với các Dòng tu. Tôn trọng sinh hoạt độc lập, những công việc đang có của dòng tu, giao lưu học hỏi,đơn cử như nhà khuyết tật có 300 em dòng Saint Paul - Đà Nẵng, Bệnh viện Dòng Gioan Thiên Chúa - Hố Nai. Trao đổi về đào tạo nhân sự qua các khóa tập huấn. Cha giám đốc và Dòng tu cùng bàn những phương án cứu trợ khẩn cấp do thiên tai.

- Liên đới giữa ba Ủy ban: Di dân - Loan báo tin mừng và Bác ái. Thử nghiệm tại TGP Sài gòn. Gặp gỡ thống nhất, báo cáo với HĐGMVN, sau đó thưa với quý giám mục các giáo phận, nhằm cổ võ mở rộng mạng lưới Caritas.

- Đẩy mạnh phát triển sinh hoạt Caritas, cần sự tham gia tích cực của các cha xứ, cần Đấng Bản Quyền mời gọi các giáo xứ.

Đức Cha Tôma cũng thông báo về Hội nghị Caritas năm 2018 - kỷ niệm 10 năm thành lập Caritas, sẽ được tổ chức vào tháng 10 tại TGM Xuân lộc. Ngài sẽ tổ chức tĩnh tâm cho các cha Giám đốc và Phó Giám đốc Caritas 26 giáo phận vào tháng 4-2018. Caritas Việt Nam sẽ thực hiện cuốn Sổ tay về tất cả các cơ sở bác ái trong 26 giáo phận.

Vào lúc 10g, cộng đoàn tham dự Thánh lễ tạ ơn và bế mạc tại Nhà nguyện TGM.

Đức Cha Tôma chủ tế và giảng lễ. Gia đình Caritas Việt Nam hợp nhất trong tâm tình tạ ơn Thiên Chúa, phó dâng cho Ngài niềm vui và nỗi ưu tư cho hoạt động của Caritas ngày càng hữu hiệu hơn, thể hiện được Caritas là một Gia đình yêu thương và thăng tiến để phục vụ, làm chứng cho Tình yêu Thiên Chúa.

Đại hội Caritas 2017 kết thúc trong tâm tình tri ân Thiên Chúa và cảm ơn nhau, cùng mở ra cho một năm mới của Caritas Việt Nam với nhiều đổi mới và nỗ lực hơn trong việc phục vụ bác ái.

Sáng cơm trưa, nhiều đại biểu đi hành hương Đền Thánh Bắc Trạch, sau đó ra sân bay Hải Phòng về Sài gòn.

Mọi người chia tay trở về nhiệm sở với những công việc bề bộn của những ngày tháng 11 sắp đến.

*****

Hội đồng Giám mục Việt Nam, trong kỳ họp thường niên, từ ngày 25-9-2008, tại Xuân Lộc, đã xác nhận tầm quan trọng và sự cần thiết của Caritas Việt Nam trong Giáo hội Việt Nam. Caritas thật sự đã đổi mới bản chất và phương thức hành động khi Đức Thánh Cha Beneđictô XVI chỉ định vị Hồng Y đầu tiên, Oscar Andres Rodriguez, làm Chủ tịch Caritas Internationalis thay cho những người giáo dân giữ chức vụ này từ mấy chục năm nay. Hành động này như muốn xác định Giáo Hội toàn cầu muốn Hiệp hội Caritas đóng vai trò lớn lao hơn trong sinh hoạt của Giáo Hội và người tín hữu cần xác tín rằng “hoạt động bác ái chính là trách nhiệm của mỗi tín hữu và cũng là bản chất của Giáo Hội Công Giáo” như Đức Thánh Cha đã xác định trong Thông điệp Deus Caritas est (Thiên Chúa là Tình Yêu), số 20.

Caritas: Theo nguyên ngữ Latinh, từ Caritas có nghĩa là bác ái, là tình yêu bao la, là tình thương quảng đại hay hoạt động từ thiện. Việc liên đới với người nghèo và dấn thân phục vụ họ theo giáo huấn và gương sống của Đức Giêsu là một đòi hỏi của bác ái Kitô giáo, đồng thời là sứ mệnh căn bản của Giáo Hội. Giáo Hội Công Giáo đã khuyến khích thành lập nhiều tổ chức Caritas quốc gia để thể hiện tình yêu thương này ở khắp nơi. Caritas đầu tiên được thành lập vào năm 1897, tại Freiburg, Đức, sau đó được hình thành tại nhiều quốc gia khác như Thuỵ sĩ (1901), Áo (1903), Hoa Kỳ (Catholic Charities, 1910).

Caritas Quốc tế (Caritas Internationalis) là một tổ chức liên kết các hoạt động bác ái trên phạm vi toàn cầu của Giáo Hội Công Giáo. Tổ chức này được thành lập từ năm 1951, hiện có 162 thành viên Caritas cấp quốc gia. Trụ sở được đặt tại Piazza San Calisto 16, 00153, Roma, Italy. Caritas Quốc tế cứu trợ những người nghèo khổ, tật bệnh hay gặp hoàn cảnh khốn cùng, không phân biệt tôn giáo, quốc gia, chủng tộc, chính trị.

Caritas Việt Nam

- Đầu năm 1965, Hội đồng Giám mục miền Nam Việt Nam (HĐGMVN) thành lập Caritas Việt Nam: Đức cha Phêrô Maria Phạm Ngọc Chi đặc trách; Linh mục G.B. Hồ Văn Vui làm Giám đốc.

- Năm 1968, Caritas Việt Nam do Đức cha Philipphê Nguyễn Kim Điền đặc trách. Caritas Việt Nam bắt đầu nhắm đến các kế hoạch phát triển lâu dài.

- Năm 1969, vì các hoạt động xã hội đòi hỏi nhu cầu chuyên môn nên Caritas Việt Nam cộng tác với trường Cán sự Xã hội của Tu đoàn Nữ tử Bác Ái thánh Vinh Sơn mở 2 khoá đào tạo nhân viên sơ cấp. Sau khi học xong, những cán sự xã hội này về làm việc trong các văn phòng Caritas Giáo phận, phòng phát thuốc, cơ sở dạy trẻ em nghèo, dạy phụ nữ cắt may…

- Năm 1972, Caritas Việt Nam do Đức cha Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận đặc trách. Ngài mở rộng hoạt động bác ái xã hội bằng việc thành lập cơ quan điều hợp các tổ chức, gọi là Hội Hợp tác để xây dựng lại Việt Nam gọi tắt là COREV (Cooperation pour la Réédification du Vietnam). Hội này gồm các thành viên: Caritas Việt Nam, Hội Hồng Thập Tự VN, Tổng Liên đoàn Lao công VN, CRS Hoa kỳ… Hội này được Đức cha Henri Lemaitre, Khâm sứ Toà Thánh, chúc lành và yểm trợ đắc lực. Hội xây dựng được nhiều làng định cư, nhiều trung tâm xã hội.

- Đầu tháng 7-1974, Linh mục Phêrô Trương Trãi, Giáo phận Nha Trang, được cử làm Giám đốc.

- Tháng 6-1976, Caritas Việt Nam được lệnh tạm ngưng hoạt động, bàn giao cơ sở và phương tiện cho Uỷ ban Quân quản TP. HCM.

- Ngày 19-09-2001, Uỷ ban Bác ái Xã hội (UBBAXH) được thành lập trong Đại hội VIII của HĐGMVN, tại Hà Nội, nhưng chỉ chính thức hoạt động sau kỳ họp ngày 26-09-2002, với sự tham dự của đại biểu các giáo phận và các dòng tu để lo các công việc từ thiện, phát triển, cứu trợ khẩn cấp và hoạt động xã hội như hiện nay. Uỷ Ban đã bầu ra Ban Thường trực tại Trung ương cũng như Ban Bác ái Xã hội tại các giáo phận.

Trong tinh thần hội nhập với thế giới, UBBAXH Việt Nam xin phép sử dụng lại tên Caritas Việt Nam và các tên Caritas Giáo phận cho thống nhất ở trong nước và phù hợp với mạng lưới Caritas toàn cầu.

Ngày 2-7-2008, Ban Tôn giáo Chính phủ đã gửi Công văn số 941TGCP-CP chấp thuận cho HĐGMVN tái lập Caritas ở cấp Trung ương và cấp giáo phận.

(Theo quy chế Caritas Việt nam)

Lm Giuse Nguyễn Hữu An, Caritas Phan thiết
 
Văn Hóa
Đoản thơ dâng Mẹ cuối tháng Mân Côi
Sơn Ca Linh
18:38 27/10/2017
1. Dâng nến :

Mẹ ơi,
Cho dẫu biết mùa Đông buồn đang đến,
Nắng tắt rồi và mưa lạnh, đêm giăng.
Giáo xứ con nhiều trăn trở băn khoăn,
và mong ước có thêm nhiều ngọn nến.
Dâng về Mẹ, những tâm tình yêu mến,
Như ngọn nến hồng ấm áp lung linh.
Thương chúng con, xin Mẹ hãy thương tình,
Tay đỡ tay nâng, xin đừng quên Mẹ nhé !

2. Dâng hoa.

Mẹ ơi,
Cho dẫu biết mùa Thu đang héo hắt,
Giáo xứ con toàn hoa dại bụi bờ !
Ít sắc không hương lạc lõng bơ vơ,
Là tất cả những phận đời nhỏ bé.
Nhưng Mẹ ơi, vẫn là con của Mẹ,
Cánh hoa đong đầy tình mến thiết tha,
Mang sắc hương màu sám hối chan hòa,
Mẹ nhận đi, để con mừng, Mẹ nhé !.

3. Dâng chuỗi hạt Mân Côi :

Mẹ ơi,
Cho dẫu biết tháng ngày qua lặng lẽ,
Hết Vui lại Mừng, qua Sáng lại Thương !
Chuỗi hạt Mân Côi khúc nhạc thiên đường,
100 năm trước, làng Fatima vẫy gọi.
Dâng lên Mẹ từng hạt kinh sám hối,
Những “tràng Mân Côi” kết nối tin yêu.
Nước mắt mồ hôi, sướng khổ dập dìu,
Giáo xứ con đây, xin đừng quên, Mẹ nhé !

Sơn Ca Linh
Cuối tháng Mân Côi 2017



 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Hồng /Gai
Thérésa Nguyễn
08:13 27/10/2017
HỒNG/GAI
Ảnh của Thérésa Nguyễn
Bi quan:
Cằn nhằn Hồng lại có gai
Lạc quan:
Tạ ơn Thượng đế cành gai có Hồng
(tn)
“We can complain
because rose bushes have thorns,
or rejoice because thorn bushes
have roses.”
(Abraham Lincoln)