Ngày 27-10-2020
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Một sự biến đổi bên trong
Lm. Minh Anh
04:04 27/10/2020

MỘT SỰ BIẾN ĐỔI BÊN TRONG
“Nó mọc lên và trở thành một cây lớn”;
“Cho tới khi tất cả khối bột đều dậy men”.

Kính thưa Anh Chị em,

Với hình ảnh hạt cải và nắm men trong Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu muốn nói rằng, Thiên Chúa có thể biến từ cái nhỏ nhất thành lớn nhất; từ bất xứng thành rất xứng; từ tội nhân thành thánh nhân. Đó là một tiến trình khởi đi từ ‘một sự biến đổi bên trong’; từ đó, có thể biến đổi cả thế giới bên ngoài.

Đọc Thánh Kinh, chúng ta thấy một điều thật hiển nhiên, Thiên Chúa muốn sử dụng cuộc sống mỗi người như sử dụng một hạt giống, một chút men cho những điều tuyệt vời. Trong viễn cảnh của Người, mỗi một con người đều có tiềm năng vượt quá những gì nó dám ước mơ; mỗi người được Thiên Chúa ban cho một đặc quyền đáng kinh ngạc để hoàn tất một kế hoạch hoàn hảo, chính xác, cho vinh quang Người; tiềm năng ấy là chất Chúa mà chính Thiên Chúa đặt vào lòng mỗi người; và Chúa Thánh Thần hoạt động để nó được biến đổi. Đó là một kế hoạch đem lại những hoa trái tốt nhất, dồi dào nhất và vĩnh cửu nhất. Và như thế, được cộng tác với Thiên Chúa, mỗi người trước hết cần có ‘một sự biến đổi bên trong’; đúng hơn, một sự hoán cải tâm hồn.

Vậy phải bắt đầu từ đâu? Bắt đầu từ chính trái tim với những gì nhỏ bé nhất, âm thầm nhất nhưng với một tình yêu lớn lao nhất. Hiện diện giữa lòng thế giới, mỗi Kitô hữu như một hạt giống âm thầm; như một chút men lặng lẽ. Cả hai hoạt động rất chậm nhưng rất mạnh mẽ và kỳ diệu; vì từng chút một, từng bước một, những hạt giống ấy sẽ làm nên những cánh rừng, những chút men ấy sẽ làm cả thúng bột dậy men. Và như thế, từ ‘một sự biến đổi bên trong’, những nhân tố ấy sẽ biến đổi tất cả.

Hạt giống ấy, chút men ấy, còn là gì nữa? Ở đây, một sự trùng hợp đến bất ngờ khi qua thư Êphêsô, Thánh Phaolô cho biết, đó còn là các gia đình Kitô hữu; họ là những nhân tố phản ánh tình yêu Chúa Kitô và Hội Thánh khi vợ chồng sống nhân ái, yêu thương và kính trọng nhau, “Mầu nhiệm này thật lớn lao”; đó là những Hội Thánh thu nhỏ có được ‘một sự biến đổi bên trong’; đó là dòng dõi của những người kính sợ Chúa như Thánh Vịnh đáp ca diễn tả, “Phúc thay những bạn nào tôn sợ Thiên Chúa”.

Thế nhưng, như cây giữa rừng, như men trong bột, việc biến đổi trái tim cũng như các gia đình sẽ hiếm khi xảy ra một sớm một chiều; sự biến đổi này thường rất tiệm tiến. Ai càng để Chúa Thánh Thần điều khiển và biến đổi đời mình, người ấy càng có cơ may phát triển sâu xa để nên thánh. Như hạt giống đâm rễ sâu và âm thầm mọc lên, như men nồng sẽ làm cho thúng bột nhão từ từ dậy men, chậm chạp nhưng bền vững; cũng thế, người Kitô hữu, qua những suy nghĩ thánh, hành vi thánh, thói quen thánh và những cư xử nhân ái mang tính Tin Mừng vốn thắm đẫm một tình yêu Giêsu cũng sẽ biến đổi thế giới; Gounod từng nói, “Một giọt thánh thiện đáng giá hơn một đại dương tài năng”. Và như vậy, những ai vốn đã có ‘một sự biến đổi bên trong’, sẽ có sức biến đổi và tạo nên một sự khác biệt.

Một giáo viên kể chuyện. “Sau 1975, đời sống cực kỳ khó khăn, tôi đi xe đạp thồ để mua thêm sữa cho con. Một buổi sáng, một bà cụ nhà quê đón tôi. “Cụ đi mô?”; “Đây xuống bến xe mi lấy mấy?”. Thấy bà, tôi chợt nhớ mẹ, “Thưa bà, đúng giá 1 đồng rưỡi. Còn chừ, cụ cho mấy cũng được, con chở giúp cụ, vì con đang trên đường về”. Bà cụ cười, “Thằng ni đi thồ mà nói nghe vui ghê”. Nói xong, cúi xuống cầm đôi dép lào mà hai gót đã thủng hai lỗ lớn bằng đồng bạc, bà bỏ ở giỏ trước. Lên xe chuyện trò, tôi biết bà ra thăm con trai ở cảng; còn bà, biết tôi là thầy giáo cấp 3 đi thồ. Đến bến xe tôi dặn, “Cụ ngồi yên, đừng lo, để con tìm xe”. Tìm được xe đi Vĩnh Điện, tôi phanh xe và nói, “Cụ nhớ lấy đôi dép. Con chở hộ cụ một đoạn, con không lấy tiền”. Bà trả lời, “Thằng ni nói nghe được, tau không trả tiền nhưng chờ tau chút”; vừa nói cụ vừa lật áo, mở cây ghim găm túi trong và lấy ra 3 đồng, đưa cho tôi. Tôi giẫy nẩy, “Con nói rồi, con chở dùm”; cụ bảo, “Biết rồi. Tau cũng không trả tiền xe, tau cũng không cho mi; mi có chân có tay, lưng dài vai rộng mi làm mi ăn. Tiền ni tau gởi mi đem về mua sữa cho cháu tau; mi không lấy, tau la làng là mi móc túi tau. Răng, nhận đi con, cho bà vui”. Nói xong cụ nhét tiền vào túi tôi, rồi cắp nách đôi dép lào đã mòn gót leo lên xe. Lần đó, tôi đứng khóc một mình giữa bến xe cho đến khi xe rời bến! Và giờ đây, ‘Bà ơi, bà đang ở cõi nào? Nay con viết sách, nhuận bút hàng chục triệu đồng; đứa cháu nhỏ thời đó nay đã là tiến sĩ, giảng viên một trường đại học danh tiếng. Nhưng có lẽ, cho đến lúc chia tay cuộc đời này, con vẫn còn nợ bà một hộp sữa!’”.

Anh Chị em,

Chính những điều nhỏ nhặt như một hộp sữa của lòng nhân ái làm nên những điều vĩ đại bất ngờ. Thế giới này có quá nhiều tài năng, nhưng thiếu những giọt thánh thiện, giọt nhân ái, giọt Chúa. Đúng thế, nhân loại đang rất cần chúng ta, và chúng ta đang rất cần, trước hết, ‘một sự biến đổi bên trong’ trước khi có thể làm dậy men Tin Mừng môi trường mình bằng ‘những hành vi rất thánh’ nhỏ bé.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, xin thanh luyện con mỗi ngày, để nhờ Thánh Thần, con được ‘một sự biến đổi bên trong’; từ đó, con có thể biến đổi môi trường con đang sống nhờ ân sủng của Thánh Thần Chúa”, Amen.

(Tgp. Huế)
 
Thứ Tư 28/10: Đức Tin Tông Truyền - Suy Niệm của Lm. Nguyễn Trọng Thiên, SVD
Giáo Hội Năm Châu
05:25 27/10/2020

Phúc Âm: Lc 13, 22-30

"Người ta sẽ từ đông sang tây đến dự tiệc trong nước Chúa".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Khi ấy, Chúa Giêsu rảo qua các đô thị và làng mạc, vừa giảng dạy vừa đi về Giêrusalem. Có kẻ hỏi Người rằng: "Lạy Thầy, phải chăng chỉ có một số ít sẽ được cứu độ?" Nhưng Người phán cùng họ rằng: "Các ngươi hãy cố gắng vào qua cửa hẹp, vì Ta bảo các ngươi biết: nhiều người sẽ tìm vào mà không vào được. Khi chủ nhà đã vào đóng cửa lại, thì lúc đó các ngươi đứng ngoài mới gõ cửa mà rằng: "Thưa ngài, xin mở cửa cho chúng tôi". Chủ sẽ trả lời các ngươi rằng: "Ta không biết các ngươi từ đâu tới". Bấy giờ các ngươi mới nói rằng: "Chúng tôi đã ăn uống trước mặt Ngài và Ngài đã giảng dạy giữa các công trường của chúng tôi". Nhưng chủ sẽ trả lời các ngươi rằng: "Ta không biết các ngươi từ đâu mà tới, hỡi những kẻ làm điều gian ác, hãy lui ra khỏi mặt ta".

Khi các ngươi sẽ thấy Abraham, Isaac, Giacóp và tất cả các tiên tri ở trong nước Thiên Chúa, còn các ngươi bị loại ra ngoài, nơi đó các ngươi sẽ khóc lóc nghiến răng. Và người ta sẽ từ đông chí tây, từ bắc chí nam đến dự tiệc trong nước Thiên Chúa. Phải, có những người sau hết sẽ trở nên trước hết, và những người trước hết sẽ nên sau hết".

Ðó là lời Chúa.
 
Lễ các Thánh nam nữ: Sống Đạo
Lm. Giuse Trần Việt Hùng
07:52 27/10/2020
LỄ CÁC THÁNH NAM NỮ (Mt. 5: 1-12a): SỐNG ĐẠO

Hôm nay Giáo Hội cho chúng ta mừng Mầu Nhiệm Hiệp Thông trong dân thánh. Mừng Lễ Các Thánh Nam Nữ bao gồm tất cả các thánh đang được hưởng vinh phúc bên Chúa. Họ là những người đã giặt áo trong Máu Con Chiên.

Có vô số các Thánh trên trời, con số không thể đếm được. Họ mặc áo dài trắng và tay cầm nhành lá vạn tuế. Các Thánh là các tín hữu, là cha ông, bạn bè thân nhân và những người đã ra đi trước chúng ta. Các Thánh đến từ mọi miền và mọi thời trên trái đất. Các vị thánh thuộc đủ loại ngôn ngữ, dòng giống chủng tộc, già trẻ lớn bé, họ đang chung hưởng hạnh phúc.

Các Thánh không có tên trong danh sách của Giáo Hội mừng kính lễ riêng. Họ là những chiến sĩ của Chúa Kitô. Họ không làm những việc lớn lao hay nổi tiếng. Họ là những Kitô hữu sống những chuỗi ngày rất đơn giản và tín trung. Họ đã sống theo Tám Mối Phúc Thật mà Chúa đã trao ban. Họ cũng đã ngậm đắng nuốt cay và đã âm thầm vác thánh giá hằng ngày đi theo Chúa.

Các Thánh là những người giống chúng ta mọi đàng. Họ cũng có những yếu đuối như những yếu đuối của chúng ta. Họ cũng có những cơn cám dỗ như chúng ta. Họ cũng yêu thích những thú vui trần gian và cũng có nhiều lần sa ngã nhưng họ đã biết đứng dậy và trở về cùng Chúa. Họ đã can đảm dứt bỏ quá khứ lỗi lầm để làm lại cuộc đời và theo Chúa.

Đôi khi chúng ta nghĩ rằng sống thánh là ngoài tầm tay của chúng ta. Chúng ta nghĩ Thánh là những người đặc biệt. họ mạnh mẽ không phạm tôi và không sai lầm. Không phải đâu, họ đã trở nên thánh mỗi ngày. Họ đã phải phấn đấu không ngừng với sự yếu đuối của bản thân. Nên thánh là phải biết mình. Sự thay đổi của họ không phải một ngày hay hai ngày mà là kết qủa của cả cuộc đời trung tín với Chúa. Họ đã đưa tình yêu vào cuộc sống mỗi ngày. Họ đã sống với tình yêu và chết cho tình yêu.

Hãy sẵn sàng sống tốt mọi nơi và mọi lúc trong cuộc đời. Truyện kể John Bechman và các bạn đang chơi ngoài sân trường. Thầy giáo hỏi: Nếu Chúa gọi về ngay bây giờ, chúng con sẽ làm gì? Có đứa run sợ nói: Con lo lắng và sợ hãi lắm. Đứa khác nói: Con sẽ đi xưng tội. Còn John nói: Con cứ tiếp tục chơi.

Cuộc sống là một cuộc chạy đua. Chạy đua làm sao để chúng ta có thể chạy đến cùng đường và giữ vững đức tin. Cầu cùng các Thánh Nam Nữ phù hộ chúng ta luôn tín trung theo Chúa. Hy vọng ngày sau chúng ta cùng được chung hưởng hạnh phúc với các Thánh trên thiên đàng.
 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
16:21 27/10/2020

7. Muốn lấy lòng tin của người khác thì không cần phô trương bằng lời nói, nhưng nói lời thật thà chắc chắn đúng đắn thì tự nhiên mọi người tin phục, nếu quá phô trương chuyện nhỏ nói lớn, ít nói nhiều, thì khó mà để người khác tin phục được.

(Thánh Vincent de Paul)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Trích dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")


------------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
16:28 27/10/2020
62. CÓ HƠI KHÓI KHÓ ĂN

Giữa năm Can Phù đời nhà Đường, có một thư sinh xuất thân từ gia đình hào phú, thừa hưởng công lao của tổ tiên mà được đãi ngộ chu đáo, mặc thì áo lụa gấm vóc, ăn thì sơn hào hải vị.

Anh ta đã nói với Thánh Cang hòa thượng:

- “Hể dùng than gỗ để nấu cơm, thì phải dùng lửa để cho than gỗ nung nóng lên sau đó mới nấu cơm, bằng không khói của lửa làm cho cơm không ngon”.

Về sau, nông dân bạo loạn công hãm địa phương ấy, mấy người anh em của anh ta cùng với hòa thượng Thánh Cang chạy nạn, núp trong cỏ tranh ở trên núi, ba ngày không có gì ăn.

Sau khi nông dân rút quân lui, họ đi bộ đến một tiệm nhỏ để mua gạo nấu cơm ăn, thì cảm thấy ăn ngon hơn cả cơm trắng thịt cá, hòa thượng Thánh Cang cười nói:

- “Đây không phải dùng than củi để nấu, cho nên có hơi khói”.

Người thư sinh xấu hổ và cũng không thể cười.

(Chử Ký Thất)

Suy tư 63:

Có những người sung sướng từ nhỏ, khỏi phải lo ăn lo mặc như những con nhà giàu khác, nên khi ăn uống thì kén chọn thức ăn phải ngon, áo quần mặc phải đẹp, họ trở thành những con người vô cảm trước những nghèo khổ của người chung quanh mình.

Có những người có thói quen hưởng thụ nên không thấy những nỗi vất vả của cha mẹ, không thấy sự khổ nhọc của lao động, nên mạnh tay tiêu tiền như đốt giấy vào những cái thích chơi ngông của mình.

Có những người nghèo rách mồng tơi nhưng thích đua đòi và xài sang, họ không mở mắt ra để thấy gia đình con cái đang đói khổ và buồn phiền vì sự vô trách nhiệm của họ.

Cái khó nuốt nhất khi ăn cơm không phải là cơm hôi mùi khói, cũng không phải là thức ăn dở, nhưng chính là tâm hồn của chúng ta không thấy được mồ hôi và nước mắt do công khó của người nấu ăn mà thôi, nếu chúng ta nhìn ra được điều ấy thì bữa cơm sẽ ngon hẳn lên dù thức ăn không ngon, bởi vì mâm cơm chính là hạnh phúc của gia đình vậy.

Người Ki-tô hữu nào cũng nhận ra điều ấy, bởi vì mỗi lần gia đình dùng cơm chung với nhau, thì đó là mô hình bữa tiệc yêu thương a-ga-pê của Đức Chúa Giê-su: yêu thương và phục vụ.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


-----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Về Nguồn
Lm Vũđình Tường
22:25 27/10/2020
Lễ kính các thánh, Giáo Hội hàng năm mừng kính các thánh nam nữ khải hoàn trong nước Chúa. Chúa chúc lành, thưởng công cho kẻ tín trung, thực hành hoàn thiện điều răn 'Mến Chúa, yêu tha nhân' như Đức Kitô dậy. Triều thiên vinh hiển các thánh xác nhận, đau khổ các thánh trải qua không hư nát, nhưng trở thành triều thiên vinh quang. Nếu không có niềm tin vào Đức Kitô Phục Sinh, thật khó có thể nhận biết đau khổ vì Danh, vì trung tín với Đức Kitô nơi trần thế lại lãnh nhận triều thiên vinh hiển Thiên Quốc. Xã hội loài người thưởng công cho những ai hy sinh cho xã hội, và ghi công, thành tích anh hùng. Nhưng khi nói về triều thiên vinh hiển, cuộc sống hạnh phúc ngàn đời sau khi qua đời thì họ đặt nghi vấn, bởi họ không tin có sự sống đời sau. Thiên Chúa yêu thương có cách riêng của Ngài. Đức Kitô kêu gọi môn đệ Ngài chọn con đường 'cửa hẹp' để vào nước trời. Những ai trung tín bước theo con đường này sẽ được Chúa thưởng ban triều thiên vinh hiển.

Phúc thay ai không cơm áo, nghèo khổ, có tinh thần nghèo khó. Đức Kitô có lần nói Ngài không có nơi gối đầu Mt 8,20. Ngài dậy môn đệ sống khiêm nhường, hiền lành như chính Ngài (Mt 11,29) Trên thập tự Ngài khao khát đón nhận các linh hồn. Nơi bờ giếng Ngài ban nước trường sinh cho người phụ nữ thành Samaritano khi bà xin Gn 4. Ngài vác thập tự do vâng lời Chúa Cha. Vì lí do này 'Bài Giảng Trên Núi' hay còn gọi là 'Tám Mối Phúc Thật' chính là kinh nghiệm bản thân của chính Đức Kitô. Ngài nói về những điều Ngài đã đi qua và tiên đoán điều sẽ xảy đến cho Ngài. Môn đệ Đức Kitô sẽ không phải chịu đau khổ như chính Đức Kitô, nhưng môn đệ trải qua đau khổ dưới hình thức khác. Trong nước Thiên Chúa kẻ từng bị đối xử bất công giờ được đối xử công bình; người có tâm hồn trong sạch được diện kiến nhan Thiên Chúa; kẻ trung tín vì Danh Chúa hưởng triều thiên vinh hiển.

Ngôn ngữ dùng trong 'Tám Mối Phúc Thật' hai câu đầu và cuối động tử ở thể hiện tại, các câu khác động từ thuộc thể tương lai. Như thế đau khổ hiện tại, đau khổ trần thế được thưởng công trong tương lai, nơi Thiên Quốc. Nước trời Đức Kitô rao giảng hiện tại, nơi trần thế nhưng lại viên mãn, thành tựu tốt lành trong tương lai. Đối với thế gian, đau khổ môn đệ Đức Kitô trải qua là một cực hình, một xỉ nhục. Với con mắt đức tin lại là một đặc ân bởi đau khổ đó được biến đổi thành nguồn sống trường sinh. Con người trần thế ai cũng tin chết là hết. Hơi thở hắt ra cuối cùng cuộc đời là chết. Với Kitô hữu, không phải thế. Thánh Stephanô nói câu cuối cùng ' Xin Đức Kitô đón nhận linh hồn con' TĐCV.7,5-9. Thánh nhân mong chờ ngày về nhà Cha trên trời. Điều này trở thành thực thể bới chính Đức Kitô sống lại từ cõi chết, Ngài chia xẻ sự sống trường sinh cho những ai trung tín bước theo con đường Ngài đã đi qua.

Đau khổ, đói khát, tù đày không phải là những thử thách mà chính là thực tế cuộc sống đời người.Những ai thành tâm đón nhận những điều đó cuộc sống họ được thay đổi, biến hình. Thân thể con người âm thầm thay đổi mỗi ngày, cùng cách đó thân thể đức tin cũng thay đổi một cách huyền bí. Đau khổ thân xác đóng vai trò quan trọng trong việc thay đổi huyền bí trên. Thiên Chúa không tạo dựng chúng ta để được biến hoá, nhưng được trở về nguồn gốc nguyên thuỷ. Tám Mối Phúc Thật chính là đại lộ dẫn ta trở về nguồn gốc khởi đầu, lúc sáng tạo. Đức Kitô đi trước mở đường và ước mong môn đệ Ngài trở về nguồn gốc lúc sáng tạo. Việc trở về có nhiều thách đố. Mỗi lần ngã xuống là có gì đó bị bể nát; mỗi lần gượng đứng dậy là có gì đó được chữa lành, và mỗi bước tiến tới là có gì đó được đổi mới. Ân sủng Chúa luôn đồng hành, hướng dẫn tăng sức giúp ta tiến bước. Ân sủng Chúa tăng sức mạnh giúp ta vượt qua được chông gai, đau khổ để tiến vào nhà Cha trên trời.
Trước khi rước Mình Thánh Chúa, Kitô hữu tuyên xưng 'Lậy Chúa, con chẳng đáng Chúa ngự vào nhà con, nhưng xin Chúa phán một lời thì linh hồn con lành mạnh'. Kitô hữu tuyên xưng niềm tin đó bởi không xứng đáng nhận ân sủng Chúa, nhưng chính Chúa chọn ban cho nên chúng con vui mừng lãnh nhận. Thiên Chúa nhìn thấy niềm vui nơi con cái; Ngài hài lòng với niềm vui ấy. Một khi ân sủng ban và được đón nhận thì sự sống trường sinh là điều chắc chắn.

TiengChuong.org

Transform the presence

On the Feast of all Saints, we celebrate the triumph of holy men and women. God blessed this heavenly body, for they had perfected the law of love with their own lives. Their glorification confirms that they didn't suffer in vain, but their heroic acts were rewarded with heroes' crowns of glory in God's kingdom. Without faith, it is rather hard for the world to see the logic of suffering now, and be happy afterwards. The world honours its citizens after sacrifices; but honours are awarded after death. God has God's way. Jesus called His disciples to follow His way. For following the 'narrow path' with unwavering faith, God will vindicate them.

Blessed are the poor in spirit. Jesus himself once said He had no place to lay His head (Mt 8,20). He taught His disciples to learn from Him for He is humble of heart(Mt 11,29). On the cross, Jesus' hunger to save souls. He gave everlasting water to the Samaritan woman when she asked him (Jn 4). Jesus was nailed on the cross for His faithfulness to the Father. For these I believe 'The Sermon on the Mount' is Jesus' own personal reflection of His Passion. The 'Sermon on the Mount' also applies for His disciples. They would not have to suffer exactly as Jesus did, but they would have tasted some forms of sufferings. In God's kingdom, justice is given to those who have not; the pure of heart will see God; the persecuted in His name will be crowned in glory.

The language of The Beatitudes is for both now and future time. The first and the last verse have verbs in the present tense; and in the rest, verbs are in the future. The kingdom, Jesus proclaims, begins right here on earth, but its culmination will be in heaven. For the world; what Jesus' disciples suffer now is a curse. With the eyes of faith it is blessed, because their suffering will be transformed into everlasting happiness. Everyone in this world knows that the final word for a human life is death. For Jesus' disciples the final word is not death. For Stephen, the very first Christian martyr, his final words were 'Lord, Jesus, receive my spirit' Acts 7,59. We return to the Father's house. This returning home is possible because Jesus shares His glorious resurrection with His disciples.

Suffering, thirsting and hunger in this world are not testings, but rather are realities of life. For those who accept these realities of life, their lives will be reshaped and transformed. Our physical body quietly changes daily, and so does our spiritual body. Adversities play a big part in the mysterious process transformation. We are not created to evolve, but to return to our original state. We are created to move forward. The Beatitudes shape our way of life. God expects us to walk that way. Jesus has gone before to show us how to get there. The process of getting to where God wants us to be is a challenge. When we fall, something is broken; when we stand, something is healed; when we move forward, a new thing is born, because God's grace enlightens our mind and heart to move forward, to our original state of life. God's generosity is given abundantly for those who follow Jesus' way and that enables them to move beyond the suffering to reach God.

Before Holy Communion we pronounce that 'Lord, I am not worthy to receive you but only say the word and my soul will be healed'. We do that because God doesn't see us where we are, but comes to be with us, to bless, strengthen and empower us to move forward to be where God wants us to be. Our God delights to bless God's children. Once grace is given, everlasting life is within reach.
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Đức Cha Athanasius Schneider: Phân biệt sống chung dân sự và kết hiệp dân sự chỉ là trò chẻ dọc sợi tóc
Đặng Tự Do
08:50 27/10/2020
Đức Cha Athanasius Schneider, năm nay 59 tuổi, là Giám Mục Phụ Tá của giáo phận Astana, Kazhakhstan. Dưới đây là ý kiến của ngài liên quan đến vụ “moviegate” đang gây nhiều hoang mang cho người Công Giáo.

Nguyên bản tiếng Anh có thể xem tại đây. Dưới đây là bản dịch toàn văn sang Việt Ngữ.


Trong bộ phim tài liệu “Francesco” được công chiếu vào ngày 21 tháng 10 trong khuôn khổ Liên hoan phim Rôma, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã sử dụng cụm từ “convivencia civil” – “sống chung dân sự” thay vì “union civil” - “kết hiệp dân sự”, nhưng dẫu sao thì ngài cũng yêu cầu có một luật dân sự về việc chung sống giữa những người đồng tính luyến ái, để họ được bảo đảm về mặt pháp lý. Tuy nhiên, cả hai cụm từ “convivencia civil” và “union civil” về cơ bản có cùng một ý nghĩa, như nó đã từng được thể hiện trong luật pháp Á Căn Đình. Vào ngày 17 tháng 12 năm 2002, một luật có tên là “Luật Chung sống Đồng tính”, tiếng Tây Ban Nha là “Ley de Convivencia Homosexual” số 3376 đã được phê duyệt ở Tỉnh Río Negro ở Á Căn Đình. Điều 1 của luật này quy định rằng “Các cặp đồng giới có thể tuyên thệ xác nhận việc chung sống (convivencia) của họ trước cơ quan có thẩm quyền”.

Các thuật ngữ pháp lý có thể khác nhau ở một số quốc gia, nhưng tất cả đều có nghĩa giống nhau về cơ bản, cụ thể là sự chung sống của một cặp đồng tính, nghĩa là một cuộc sống chung ổn định ngoài hôn nhân được nhà nước công nhận, như trong trường hợp sống chung của một cặp dị tính. Những thuật ngữ pháp lý tiêu biểu là: “same-sex unions”, “union civil”, “convivencia homosexual”, “convivencia civil”, “registered partnership”, “Eingetragene Partnerschaften” và những từ khác nữa.

Sự ủng hộ các hình thức pháp lý về một cuộc sống chung ổn định của hai người đồng tính, đồng thời khẳng định rằng các hành vi đồng tính là trái đạo đức và rằng hai người đồng tính được công nhận trong hình thức hợp pháp đó sẽ sống trong tình trạng kiêng khem tình dục, thể hiện một mâu thuẫn trên thực tế. Bất chấp sự khẳng định về mặt lý thuyết sự vô luân của các hành vi đồng tính luyến ái, một sự ủng hộ như vậy trên thực tế đã trở thành một phần của trào lưu tuyên truyền ý thức hệ và pháp lý nói chung nhằm hợp pháp hóa và thừa nhận lối sống đồng tính và các hành vi tình dục đồng giới là tốt lành. Hơn nữa, hoàn toàn ngây thơ và tách rời với thực tế khi cho rằng các hình thức chung sống dân sự ổn định của hai người đồng tính sẽ giúp họ tiết chế tình dục. Giả định như thế thì có khác gì cho rằng cần có một điều khoản trong quy chế pháp lý về chung sống đồng giới quy định đại loại như thế này: “Hai bên chung sống dân sự phải tiết chế tình dục”. Đúng là một trò chế giễu bông đùa. Không ai có đầu óc bình thường lại đi tin rằng hai người đồng tính đã đăng ký chung sống ổn định sẽ sống trong tình trạng tiết dục, cũng như không ai có thể tin rằng một cặp dị tính đã kết hôn chung sống ổn định lại đang sống trong tình trạng kiêng khem tình dục.

Mọi người có suy nghĩ bình thường đều hiểu cách diễn đạt mà Đức Giáo Hoàng sử dụng ở đây như một hình thức chung sống được nhà nước công nhận hợp pháp, như một cuộc sống chung ổn định (“Convivencia”) của một cặp đồng tính luyến ái, và do đó, là một sự thừa nhận hợp pháp lối sống đồng tính.

Cách chơi chữ với “sống chung dân sự”- tiếng Tây Ban Nha là “convivencia civil” - và “kết hiệp dân sự” - tiếng Tây Ban Nha là “union civil” - trong trường hợp này chỉ là ngụy biện, chẻ dọc sợi tóc làm đôi và lừa bịp. Nó gợi nhớ đến câu chuyện cổ tích về bộ quần áo mới của hoàng đế. Cách chơi chữ này cuối cùng không trung thực về mặt trí tuệ và không thuyết phục được bất kỳ ai.

Bất kỳ loại hình thức chung sống ổn định nào đã được công nhận hợp pháp của hai người đồng tính, dù bạn gọi nó là cái gì đi chăng nữa, đều là vô luân vì nó là một vụ tai tiếng công khai, một sự tuyên truyền cho lối sống đồng tính, một mối nguy hiểm thường xuyên và ngay lập tức gây ra tội lỗi chết người đối với hai người liên quan. Sự ủng hộ của một hình thức pháp lý như vậy là vô trách nhiệm về mặt đạo đức, gây nhầm lẫn, gây ra tai tiếng và gây ra hậu quả chết người. Yêu cầu bảo đảm cho một cặp đồng tính một số quyền dân sự như quyền thừa kế, thăm bệnh tại bệnh viện và các trường hợp tương tự, rõ ràng chỉ là một cái cớ. Trên thực tế, luật dân sự ở các nước dân chủ quy định đầy đủ cho mỗi công dân quyền lợi hợp pháp trong các vấn đề như thừa kế, chăm sóc pháp lý, v.v. mà không cần tạo ra một hình thức pháp lý nào về việc chung sống ổn định của hai người đồng tính. Nếu những người đồng tính luyến ái thành thực muốn sống trong tình dục hạn chế và thực hành đức khiết tịnh, họ sẽ không bao giờ đòi hỏi một hình thức chung sống ổn định hợp pháp, vì họ biết rằng sự gần gũi lẫn nhau như vậy sẽ khiến họ ngay lập tức có nguy cơ phạm tội trọng và thậm chí là có thói quen tội lỗi gian dâm. Nếu những người đồng tính luyến ái thành thật muốn sống trong tình trạng tiết chế tình dục, họ sẽ không tham gia vào bất kỳ hình thức chung sống dân sự nào, để tránh tình trạng nguy hơn là ngầm ủng hộ việc truyền bá ý thức hệ đồng tính, cũng như biện minh và hợp pháp hóa lối sống đồng tính luyến ái. Những người đồng tính thực lòng mong muốn được sống trong tình trạng tiết chế tình dục cũng sẽ biết rằng việc chung sống được pháp luật công nhận của họ sẽ gây ra tai tiếng.

Trong một thời đại mang tính toàn cầu, với đầy những trò tuyên truyền mạnh mẽ và lừa đảo nhằm hợp pháp hóa hành vi đồng tính luyến ái và tôn vinh các hành vi đồng tính là tốt về mặt đạo đức, thì những lời khẳng định của các giáo sĩ ủng hộ bất kỳ hình thức chung sống đồng tính nào được pháp luật công nhận, bất kể là với thuật ngữ nào (kết hiệp, chung sống, sống chung, quan hệ đối tác, v.v.) trên thực tế sẽ củng cố cho tuyên truyền này. Tiếng nói của Giáo hội nên làm điều ngược lại và phải can đảm chống lại bằng lời nói và cử chỉ đầy trong sáng, bình tĩnh và đàng hoàng rằng trò tuyên truyền ý thức hệ này nô dịch phẩm giá con người trong một lối sống trái với thánh ý Thiên Chúa là Đấng Tạo Hóa và Đấng Cứu Chuộc phẩm giá con người.

Sự trung thực về mặt trí tuệ và tình yêu chân thành đối với sự thật là điều cần thiết và đáng giá để tất cả các đại diện của Giáo hội luôn là nhân chứng đáng tin cậy của Lề Luật Thiên Chúa được viết ra trong bản tính và lý trí con người, và được mạc khải rõ ràng trong Lời Đức Chúa Trời ghi khắc trong Thánh Kinh và được Giáo hội dạy dỗ không thay đổi trong suốt hai nghìn năm qua.

Ngày 25 tháng 10 năm 2020

+ Giám Mục Athanasius Schneider


Source:Life Site News
 
Cuộc bầu cử 2020: Một thời khắc Công Giáo mới. Tâm thư của hệ thống truyền hình Công Giáo Hoa Kỳ EWTN.
J.B. Đặng Minh An dịch
15:49 27/10/2020


Hệ thống Truyền hình Công Giáo Hoa Kỳ EWTN, tức là Lời Vĩnh Cửu, vừa đưa ra một bức tâm thư gởi các tín hữu Công Giáo là cử tri trong cuộc bầu cử tại Hoa Kỳ vào ngày 3 tháng 11 tới đây.

Nguyên bản tiếng Anh có thể xem tại đây. Dưới đây là bản dịch toàn văn sang Việt Ngữ.


Ngày 3 tháng 11 tới đây, giống như mọi thứ khác trong năm 2020, sẽ rất khác so với những ngày bầu cử trước đây, khi mùa vận động tranh cử được kết thúc với việc các công dân thực hiện nghĩa vụ thiêng liêng của họ tại thùng phiếu.

Năm nay, việc sử dụng rộng rãi các lá phiếu gửi qua đường bưu điện trong thời kỳ đại dịch có thể trì hoãn việc kiểm phiếu cuối cùng trong nhiều ngày, thậm chí có thể là vài tuần. Sau đó, có những lo ngại rằng một khi các kết quả được công bố, những con số này có thể bị thách thức vì những cáo buộc gian lận bầu cử hoặc đàn áp cử tri. Và dù ai thắng cuộc bầu cử này đi chăng nữa, cũng sẽ có nỗi sợ hãi về tình trạng bất ổn xã hội leo thang sau đó.

Sự hỗn loạn xã hội và cuộc chiến ý thức hệ đang khuấy động đất nước chúng ta trong tám tháng qua đã làm dấy lên những lo ngại về tương lai của chúng ta.

Sự chia rẽ đau đớn đã làm tổn thương gia đình và tình bạn của chúng ta và làm hỏng diễn trình chính trị ở quốc gia này. Cách sống của chúng ta, từ chế độ pháp quyền đến hệ thống chính quyền của chúng ta, đang bị đe dọa. Niềm tin xã hội đã bị phá vỡ khi tình trạng đóng cửa vì đại dịch coronavirus đã làm lỏng lẻo hơn nữa mối liên kết của cộng đồng và khiến hàng triệu người Mỹ rơi vào cảnh khốn cùng về kinh tế.

Làm sao người Công Giáo có thể đưa ra chứng tá trong giờ phút này?

Tương lai của đất nước chúng ta có thể được quyết định bởi cách người Công Giáo làm chứng trước và khi bỏ phiếu trong cuộc bầu cử này. Và chứng tá đó được tìm thấy trong cách chúng ta bền đỗ đón nhận mệnh lệnh yêu thương của Chúa Giêsu Kitô.

Hành động quan trọng nhất mà chúng ta cần phải thực hiện trong cuộc bầu cử này, và sau khi nó được quyết định, là “hãy yêu mến lẫn nhau”. Chu kỳ bầu cử đã chia rẽ và thách thức những người Công Giáo tốt lành, ngay cả trong các mái gia đình của họ.

Không có tương lai cho quốc gia của chúng ta nếu tình yêu trở nên nguội lạnh - đặc biệt là tình yêu đối với những thai nhi chưa chào đời, đối với người di cư, đối với sự thánh thiêng của cuộc sống người da đen và đối với tất cả những người sống trong nghèo đói và bị loại trừ - nhưng chúng ta có quá nhiều bằng chứng trên khắp đất nước về tình yêu trên thực tế, đang ngày càng lạnh và sự tức giận của mọi người đang ngày càng nóng lên. Tất cả chúng ta đều phải chịu trách nhiệm về những gì xảy ra tiếp theo, nhưng đặc biệt là những người Công Giáo, những người được Chúa Giêsu Kitô ban huấn lệnh rõ ràng là phải yêu thương người khác - từ kẻ thù của chúng ta (Mt 5:44) cho đến những người lân cận (Lc 10: 25-37) và anh chị em đồng đạo của mình. (Ga 15: 9-17).

Tình yêu là thứ không thể thương lượng trong cuộc bầu cử này, và chỉ có tình yêu mới có khả năng đánh bại những bất ổn và thậm chí những bạo lực đang leo thang trong lòng con người: Tình yêu dành cho mỗi người được tạo nên theo hình ảnh của Thiên Chúa, tình yêu đối với kẻ thù chính trị của chúng ta và tình yêu đối với đất nước của chúng ta sẽ ngăn ngừa các rối loạn lớn hơn và giúp thiết lập công lý và hòa bình thực sự trong xã hội. Nhưng tình yêu thương phải bắt đầu từ gia đình, và nó phải bắt đầu bằng việc chúng ta hoàn toàn tuân theo những gì Chúa Giêsu đã truyền.

Khi cuộc bầu cử này kết thúc, người Công Giáo sẽ phản ánh về kết quả. Nhưng dù cử tri lựa chọn thế nào, một số thực tế sẽ vẫn còn:

Chúng ta là một xã hội bị chia rẽ, phân cực và phân tán, và không có cuộc bầu cử nào có thể dễ dàng sửa chữa những rách nát trong nền văn hóa Mỹ.

Chừng nào nạn phá thai vẫn còn ở tâm điểm của sự chia rẽ, chúng ta sẽ là một đất nước tan nát và đau khổ về tinh thần.

Đối với những người Công Giáo, chúng ta được kêu gọi đừng coi cuộc bầu cử là một việc đã xong. Bất kể kết quả như thế nào, đây sẽ là thời điểm để học hỏi các nhân đức quan trọng và sống những nhân đức ấy trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta và trong cách chúng ta tiến về phía trước vào tháng Giêng với chính phủ mà chúng ta đã bầu chọn.

Chúng ta cần tích cực tham gia vào việc liên tục tìm kiếm các cải cách chính trị và xã hội, vì chúng ta đã từng ở trong những thời đại trước đây được đánh dấu bằng các mô hình tương tự liên quan đến bất công xã hội và bất ổn chính trị. Các tổ chức công quyền của chúng ta phản ánh các giá trị và thói quen của người dân Mỹ. Để đổi mới chúng, chúng ta cần tìm kiếm sự hoán cải của chính mình và củng cố các nhân đức của chính mình.

Sứ mệnh bảo vệ nhân phẩm và tự do của con người không kết thúc với bất kỳ cuộc bầu cử nào. Tương tự như vậy, việc bảo vệ quyền tự do tôn giáo phải được tiếp tục, bất kể người nào chiếm giữ được Tòa Bạch Ốc và đảng chính trị nào nắm giữ đa số tại Thượng viện và Hạ viện.

Cuối cùng, với tư cách là người Công Giáo, chúng ta biết rằng chính trị không bao giờ là tối thượng. Nó không phải là nguyên nhân cho niềm hy vọng của chúng ta, và nó cũng không phải là mục đích cuối cùng của cuộc đời chúng ta. Chúa Giêsu mới là Chúa của chúng ta, mới là niềm hy vọng đích thực của chúng ta. Năm bầu cử này, hơn bao giờ hết, chúng ta cần phải làm chứng cho sự thật cứu độ này.


Source:National Catholic Register
 
Toàn văn Thông điệp Fratelli Tutti, Chương Bẩy
Vũ Văn An
18:33 27/10/2020

CHƯƠNG BẢY: CÁC NẺO ĐƯỜNG GẶP GỠ ĐỒI MỚI

225.Nhiều nơi trên thế giới đang cần có những nẻo đường hòa bình để chữa lành các vết thương chưa lành. Cũng đang cần có những người kiến tạo hòa bình, những người đàn ông và đàn bà được chuẩn bị để làm việc một cách mạnh dạn và sáng tạo nhằm khởi xướng các diễn trình hàn gắn và gặp gỡ đổi mới.

BẮT ĐẦU LẠI TỪ SỰ THẬT

226. Cuộc gặp gỡ đổi mới không có nghĩa là quay trở lại thời điểm trước khi xảy ra xung đột. Tất cả chúng ta đều thay đổi theo thời gian. Đau đớn và xung đột biến đổi chúng ta. Chúng ta không còn sử dụng việc che đậy, kiểu nói nước đôi, các nghị trình dấu mặt và cách cư xử tốt nhằm che đậy thực tại như người ta vốn dùng trong đường lối ngoại giao trống rỗng. Những kẻ thù ác liệt cần phải nói từ sự thật một cách thẳng thắn và rõ ràng. Họ phải học cách trau dồi ký ức sám hối, một ký ức có thể chấp nhận quá khứ để không che khuất tương lai bằng những hối tiếc, những nan đề và kế hoạch của riêng họ. Chỉ bằng cách dựa trên sự thật lịch sử của các biến cố, họ mới có thể có các cố gắng rộng lớn và bền bỉ để hiểu nhau và phấn đấu cho một tổng hợp mới vì lợi ích của mọi người. Mọi “tiến trình hòa bình đều đòi hỏi sự cam kết lâu dài. Đó là một nỗ lực kiên nhẫn để tìm kiếm sự thật và công lý, để tôn vinh ký ức của các nạn nhân và từng bước mở đường cho một niềm hy vọng chung mạnh hơn mong muốn trả thù” [209]. Như các Giám mục Congo đã từng nói về một cuộc xung đột tái diễn đi tái diễn lại: “Các thỏa ước hòa bình trên giấy tờ sẽ không đủ. Chúng ta sẽ phải tiến xa hơn, bằng cách tôn trọng các đòi hỏi của sự thật liên quan đến nguồn gốc của cuộc khủng hoảng tái diễn đi tái diễn lại này. Người dân có quyền biết những gì đã xảy ra” [210].

227. “Thật ra, sự thật là người bạn đồng hành không thể tách biệt của công lý và lòng thương xót. Cả ba cùng có tính chủ yếu để xây dựng hòa bình; hơn thế nữa, mỗi điều đều ngăn cản điều kia khỏi bị thay đổi… Sự thật không nên dẫn đến sự trả thù, mà đúng hơn phải dẫn tới sự hòa giải và tha thứ. Sự thật có nghĩa là nói cho các gia đình tan nát vì nỗi đau những gì đã xảy ra với những người thân đã mất của họ. Sự thật có nghĩa là thú nhận những gì đã xảy ra với các vị thành niên bị tuyển mộ bởi những kẻ tàn ác và bạo lực. Sự thật có nghĩa là thừa nhận nỗi đau của những người đàn bà là nạn nhân của bạo lực và lạm dụng… Mọi hành động bạo lực vi phạm chống lại con người đều là vết thương trên da thịt nhân loại; mỗi cái chết do bạo lực làm thu nhỏ chúng ta như những con người… Bạo lực dẫn đến bạo lực nhiều hơn, hận thù tới hận thù nhiều hơn, chết đến chết nhiều hơn. Chúng ta phải phá vỡ vòng lẩn quẩn, một vòng lẩn quẩn xem ra không thể thoát được này” [211].

NGHỆ THUẬT VÀ KHOA KIẾN TRÚC HÒA BÌNH

228. Con đường dẫn đến hòa bình không có nghĩa là làm cho xã hội độc dạng một cách nhạt nhẽo, mà là đem mọi người đến chỗ làm việc chung với nhau, sát cánh, theo đuổi những mục tiêu có lợi cho mọi người. Hàng loạt các đề xuất thực tiễn và các kinh nghiệm đa dạng có thể giúp đạt được các mục tiêu chung và phục vụ lợi ích chung. Các vấn đề mà xã hội đang gặp phải cần được nhận diện rõ ràng, để có thể đánh giá cao sự hiện hữu của các cách hiểu và cách giải quyết chúng khác nhau. Con đường dẫn đến sự hợp nhất xã hội luôn đòi hỏi phải thừa nhận khả thể này là những người khác, ít nhất là một phần, có quan điểm chính đáng, một điều gì đó đáng giá để đóng góp, ngay cả khi họ mắc lỗi lầm hoặc hành động tồi tệ. “Chúng ta đừng bao giờ giới hạn người khác vào những gì họ có thể đã nói hoặc đã làm, nhưng hãy coi trọng họ vì lời hứa mà họ vốn nhập thân” [212], một lời hứa luôn mang theo nó một tia hy vọng mới.

229. Các Giám mục Nam Phi đã nhấn mạnh rằng sự hòa giải đích thực đạt được một cách chủ động, “bằng cách tạo ra một xã hội mới, một xã hội dựa trên việc phục vụ người khác, thay vì mong muốn thống trị; một xã hội dựa trên việc chia sẻ những gì mình có với người khác, thay vì mỗi người ích kỷ tranh giành để có được càng nhiều của cải càng tốt; một xã hội trong đó giá trị của việc chung sống với nhau như những con người cuối cùng quan trọng hơn bất cứ nhóm nhỏ hơn nào, cho dù đó là gia đình, quốc gia, chủng tộc hay văn hóa” [213]. Như các Giám mục Nam Hàn đã nhấn mạnh, hòa bình thực sự “chỉ có thể đạt được khi chúng ta nỗ lực theo đuổi công lý qua đối thoại, theo đuổi hòa giải và cùng phát triển” [214].

230. Làm việc để vượt qua sự chia rẽ của chúng ta mà không làm mất đi bản sắc của chúng ta như các cá nhân phải giả thiết điều này là cảm thức căn bản thuộc về hiện diện nơi mọi người. Thật vậy, “xã hội được hưởng lợi khi mỗi người và nhóm xã hội cảm thấy thực sự như ở nhà. Trong một gia đình, cha mẹ, ông bà và con cái đều cảm thấy như ở nhà; không ai bị loại trừ. Nếu ai đó có vấn đề, thậm chí một vấn đề nghiêm trọng, thậm chí khi họ tự mình gánh vác nó, những người còn lại trong gia đình vẫn đến giúp người này; họ nâng đỡ người này. Vấn đề của người này là vấn đề của họ… Trong gia đình, mọi người đều đóng góp vào mục đích chung; mọi người đều hoạt động vì lợi ích chung, không phủ nhận cá nhân tính của mỗi người nhưng khuyến khích và nâng đỡ nó. Họ có thể cãi nhau, nhưng có một điều không thay đổi: tình liên kết gia đình. Những tranh chấp trong gia đình luôn được giải quyết sau đó. Các niềm vui và nỗi buồn của mỗi thành viên của nó đều được mọi người cảm nhận. Đó là ý nghĩa của một gia đình! Ước chi chúng ta có thể nhìn các đối thủ chính trị hoặc hàng xóm của mình theo cách chúng ta nhìn con cái hoặc vợ / chồng, mẹ hoặc cha của mình! Điều này sẽ tốt biết bao! Chúng ta có yêu xã hội của chúng ta hay nó vẫn còn là một điều gì đó xa vời, một điều gì đó ẩn danh không liên quan đến chúng ta, một điều gì đó không được chúng ta cam kết dấn thân?”[215]

231. Đàm phán thường trở nên cần thiết để lên khuôn các nẻo đường cụ thể dẫn đến hòa bình. Tuy nhiên, các diễn trình thay đổi dẫn đến nền hòa bình lâu dài được các dân tộc tạo ra trước hết; mỗi cá nhân có thể hành động như một chất men hữu hiệu bằng lối sống cuộc sống mỗi ngày của họ. Những thay đổi lớn lao không được tạo ra phía sau các bàn làm việc hoặc trong các văn phòng. Điều này có nghĩa “mọi người đều có vai trò căn bản trong một dự án sáng tạo vĩ đại đơn nhất: viết một trang sử mới, một trang đầy hy vọng, hòa bình và hòa giải” [216]. Có một “khoa kiến trúc” hòa bình, trong đó các định chế khác nhau của xã hội đóng góp, mỗi định chế tùy theo lĩnh vực chuyên môn riêng, nhưng cũng có một “nghệ thuật” hòa bình bao gồm mọi người chúng ta. Từ các tiến trình hòa bình khác nhau từng diễn ra ở các khu vực khác nhau trên thế giới, “chúng ta đã học được điều này là những cách thức tạo hòa bình này, những cách thức đặt lý lẽ lên trên trả thù, những cách thức tạo hài hòa tinh tế giữa chính trị và luật pháp, không thể bỏ qua sự tham gia của những người bình thường. Hòa bình không đạt được bằng các khuôn khổ quy phạm và các sắp xếp định chế giữa các nhóm chính trị hoặc kinh tế có ý nghĩa… Điều luôn hữu ích là lồng vào các tiến trình hòa bình của chúng ta kinh nghiệm của những lĩnh vực thường bị bỏ qua, để chính các cộng đồng có thể ảnh hưởng đến việc phát triển một ký ức tập thể” [217].

232. Việc xây dựng hòa bình xã hội của một quốc gia không có kết thúc; đúng hơn, đó là “một nỗ lực luôn còn đó, một nhiệm vụ không bao giờ kết thúc, đòi hỏi sự dấn thân của mọi người và thách thức chúng ta làm việc không mệt mỏi để xây dựng sự hợp nhất quốc gia. Bất chấp các trở ngại, khác biệt và quan điểm khác nhau về đường lối đạt được sự chung sống hòa bình, nhiệm vụ này kêu gọi chúng ta kiên trì trong cuộc đấu tranh nhằm cổ vũ nền ‘văn hóa gặp gỡ’. Điều này đòi hỏi chúng ta phải đặt ở vị trí trung tâm của mọi hoạt động chính trị, xã hội và kinh tế chính con người, chủ thể được hưởng phẩm giá cao nhất, và việc tôn trọng công ích. Ước mong quyết tâm này giúp chúng ta thoát khỏi cơn cám dỗ muốn trả thù và thỏa mãn các quyền lợi đảng phái ngắn hạn” [218]. Các cuộc biểu tình bạo động công khai, về mặt này hay mặt khác, không giúp tìm được các giải pháp. Chủ yếu vì, như các Giám mục Colombia đã lưu ý một cách đúng đắn, “nguồn gốc và mục tiêu của các cuộc biểu tình dân sự không phải lúc nào cũng rõ ràng; một số hình thức thao túng chính trị nào đó có hiện diện và trong một số trường hợp, chúng đã bị khai thác cho quyền lợi đảng phái” [219].

Bắt đầu với người nhỏ bé nhất

233. Xây dựng tình bạn xã hội không những kêu gọi sự sáp lại gần nhau giữa các nhóm người đứng về các phe khác nhau trong một giai đoạn lịch sử khó khăn nào đó, nhưng còn kêu gọi sự gặp gỡ đổi mới với những thành phần nghèo khó và dễ bị tổn thương nhất của xã hội. Vì hòa bình “không chỉ đơn thuần là không có chiến tranh mà còn là một cam kết không mệt mỏi - đặc biệt là về phía những người trong chúng ta có trách nhiệm lớn hơn – trong việc nhìn nhận, bảo vệ và khôi phục một cách cụ thể phẩm giá vốn thường bị bỏ qua hoặc làm ngơ của anh chị em chúng ta, để họ có thể coi mình như các nhân vật chủ đạo chính của vận mệnh quốc gia của họ” [220].

234. Thông thường, những thành viên dễ bị tổn thương hơn trong xã hội là nạn nhân của những sự khái quát hóa không công bằng. Nếu đôi khi, những người nghèo và những người mất hết sở hữu phản ứng bằng những thái độ có vẻ như chống đối xã hội, chúng ta nên nhận ra rằng trong nhiều trường hợp, những phản ứng đó phát sinh từ một lịch sử khinh miệt và loại trừ xã hội. Các Giám mục Châu Mỹ Latinh từng nhận xét rằng “chỉ có sự gần gũi làm chúng ta thành bạn bè mới có thể giúp chúng ta đánh giá cách sâu sắc các giá trị của người nghèo ngày nay, các nguyện vọng chính đáng của họ và cách sống đức tin của họ. Chọn người nghèo sẽ dẫn chúng ta đến tình bạn với người nghèo” [221].

235. Những người làm việc cho việc chung sống xã hội thanh bình không bao giờ nên quên rằng bất bình đẳng và thiếu sự phát triển toàn diện của con người khiến hòa bình trở thành bất khả hữu. Thật vậy, “không có các cơ hội bình đẳng, các hình thức xâm lược và xung đột khác nhau sẽ tìm được mảnh đất màu mỡ để phát triển và cuối cùng sẽ bùng nổ. Khi một xã hội – bất kể là địa phương, quốc gia hay hoàn cầu - sẵn lòng bỏ mặc một phần của chính nó ở ngoài rìa, thì không có chương trình hoặc nguồn lực chính trị nào dành cho các hệ thống giám sát hoặc thực thi pháp luật có thể bảo đảm được sự thanh bình vô thời hạn” [222]. Nếu chúng ta phải bắt đầu lại, nó luôn phải từ những người anh chị em bé nhỏ nhất của chúng ta.

GIÁ TRỊ VÀ Ý NGHĨA CỦA THA THỨ

236. Có những người không thích nói về hòa giải, vì họ nghĩ rằng xung đột, bạo lực và đổ vỡ là một phần hoạt động bình thường của một xã hội. Trong bất cứ nhóm người nào cũng luôn có những cuộc tranh giành quyền lực ít nhiều tinh vi giữa các phe phái khác nhau. Có người nghĩ rằng cổ vũ sự tha thứ có nghĩa là nhường cơ sở và ảnh hưởng cho người khác. Vì lý do này, họ cảm thấy tốt hơn là giữ nguyên trạng mọi điều, duy trì sự cân bằng quyền lực giữa các nhóm khác nhau. Lại có những người khác tin rằng hòa giải là một dấu hiệu của sự yếu kém; không có khả năng đối thoại thực sự nghiêm túc, họ quyết định tránh né các vấn đề bằng cách phớt lờ các bất công. Không thể đối phó với các vấn đề, họ chọn nền hòa bình biểu kiến.

Xung đột bất khả kháng

237. Tha thứ và hòa giải là chủ đề trung tâm của Kitô giáo và, theo nhiều cách khác nhau, của các tôn giáo khác nữa. Tuy nhiên, có nguy cơ là sự hiểu biết và trình bày không thỏa đáng các xác tín sâu sắc này có thể dẫn đến định mệnh thuyết, thờ ơ và bất công, hoặc thậm chí bất khoan dung và bạo lực.

238. Chúa Giêsu không bao giờ cổ súy bạo lực hoặc bất khoan dung. Người công khai lên án việc sử dụng vũ lực để giành lấy quyền lực trên người khác: “Anh em biết : thủ lãnh các dân thì dùng uy mà thống trị dân, những người làm lớn thì lấy quyền mà cai quản dân. Giữa anh em thì không được như vậy” (Mt 20: 25-26). Thay vào đó, Tin Mừng cho chúng ta biết phải tha thứ “bảy mươi lần bảy” (Mt 18:22) và nêu gương người đầy tớ bất nhân, chính mình được tha thứ, nhưng lại không thể tha thứ cho người khác (x. Mt 18: 23-35).

239. Đọc các bản văn khác của Tân Ước, chúng ta có thể thấy các cộng đồng Kitô giáo sơ khai, sống trong một thế giới ngoại giáo nổi tiếng về sự băng hoại và sai lầm rộng rãi, đã tìm cách biểu lộ sự kiên nhẫn, lòng khoan dung và sự hiểu biết không hề sai sót. Một số bản văn rất rõ ràng về phương diện này: chúng ta được yêu cầu phải khuyên nhủ đối phương “một cách dịu dàng” (2 Tm 2:25) và khuyến khích “đừng nói xấu ai, tránh cãi vã, phải hòa nhã và biểu lộ lịch sự đối với mọi người. Vì chính chúng ta đã từng ngu dại” (Tt 3: 2-3). Sách Tông Đồ Công Vụ ghi nhận rằng các môn đệ, mặc dù bị một số nhà cầm quyền bắt bớ, nhưng “đã được mọi người yêu mến” (2:47; xem 4: 21.33; 5:13).

240. Tuy nhiên, khi chúng ta suy ngẫm về sự tha thứ, hòa bình và hòa hợp xã hội, chúng ta cũng bắt gặp câu nói choáng váng của Chúa Kitô: “Anh em đừng tưởng Thầy đến đem bình an cho trái đất; Thầy đến không phải để đem bình an, nhưng để đem gươm giáo. Quả vậy, Thầy đến để gây chia rẽ giữa con trai với cha, giữa con gái với mẹ, giữa con dâu với mẹ chồng. Kẻ thù của mình chính là người nhà” (Mt 10:34-36). Những lời này cần được hiểu trong đồng văn của chương trong đó chúng hiện diện, nơi rõ ràng Chúa Giêsu đang nói về lòng trung thành đối với quyết định của chúng ta bước theo chân Người; chúng ta không xấu hổ về quyết định đó, ngay cả khi nó kéo theo nhiều khổ cực khác nhau, thậm chí cả người thân của chúng ta cũng từ chối chấp nhận nó. Lời lẽ của Chúa Kitô không khuyến khích chúng ta tìm kiếm xung đột, mà chỉ đơn giản chịu đựng nó khi nó chắc chắn xảy đến, để việc tôn trọng con người không dẫn đến việc suy giảm lòng trung thành nói là để phục vụ điều được coi là hòa bình trong gia đình hoặc xã hội. Thánh Gioan Phaolô II đã nhận định rằng Giáo hội “không có ý định lên án mọi hình thức xung đột xã hội có thể có. Giáo hội nhận thức rõ ràng rằng trong dòng lịch sử, các xung đột quyền lợi giữa các nhóm xã hội khác nhau chắc chắn sẽ phát sinh, và khi đối mặt với những xung đột đó, các Kitô hữu thường phải có một lập trường, một cách trung thực và dứt khoát ” [223].

Kỳ tới: Xung đột chính đáng và sự tha thứ
 
Đức Thánh Cha Phanxicô mơ một châu Âu đoàn kết và tôn trọng mọi dân tộc
Thanh Quảng sdb
19:19 27/10/2020
Đức Thánh Cha Phanxicô mơ một châu Âu đoàn kết và tôn trọng mọi dân tộc

Trong lá thư gửi cho Quốc vụ khanh Tòa thánh, Đức Hồng Y Pietro Parolin, Đức Thánh Cha Phanxicô nhắc lại lịch sử và các giá trị của lục địa châu Âu và bày tỏ mong muốn tình huynh đệ và tình đoàn kết giữa các quốc gia vượt thắng được các khuynh hướng chủ nghĩa cá nhân theo tinh thần của những người sáng lập ra Liên minh Châu Âu.

(Tin Vatican)

Lá thư của Đức Thánh Cha được viết ra khi Tòa thánh và các Giáo hội ở châu Âu mừng ba ngày kỷ niệm vào năm nay.

- Thứ nhất: kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Cộng đồng châu Âu với Tòa thánh, trong tư cách là Quan sát viên tại Hội đồng châu Âu.

- Thứ hai: thành lập Ủy ban Liên Hội đồng Giám mục Châu Âu (COMECE) bốn mươi năm trước đây.

- Thứ ba: năm nay cũng đánh dấu kỷ niệm 70 năm Tuyên cáo của Bộ trưởng ngoại giao Schuman, người đã gây được cảm hứng cho các bước tiến tới liên minh Châu âu sau hai cuộc thế chiến.

Trong những dịp đáng chú ý này, Đức Hồng Y Parolin Quốc vụ khanh sẽ thể hiện những chuyến viếng thăm quan trọng tới các cơ quan chức năng của Liên Minh Châu Âu (EU), tới Liên Hội đồng Giám mục Châu âu (COMECE) và tới các cơ quan chức năng của Hội đồng Châu Âu trong thời gian sắp tới.

Dự án Châu Âu

Trong lá thư được công bố hôm thứ Ba (27/10/2020), Đức Thánh Cha Phanxicô nhấn mạnh tới dự án Châu Âu, phát sinh ra từ nhận thức “đoàn kết thì lớn hơn xung đột” và đoàn kết có thể là “một phương tiện làm nên lịch sử”, đã bắt đầu “có dấu hiệu của một sự suy thoái nào đó” trong thời đại chúng ta.

Đức Thánh Cha lưu ý rằng đại dịch Covid-19 “đã dấy lên như một cơn sóng đòi buộc chúng ta phải có một lập trường.” Chúng ta có thể tiếp tục tiến bước một mình, “tìm kiếm giải pháp đơn phương cho một vấn đề vượt quá biên giới quốc gia” hoặc tái khám phá lại con đường của tình huynh đệ đã được cảm hứng và đề ra bởi những người sáng lập ra Liên minh châu Âu, bắt đầu từ ngài bộ trưởng Robert Schuman.

Châu Âu, hãy tìm lại chính mình!

ĐTC nêu ra rằng thời đại thay đổi quá nhanh có thể là mối đe dọa làm “mất đi bản cái căn tính, nhất là khi thiếu sự chia sẻ các giá trị!” Đức Thánh Cha Phanxicô nhắc nhớ cả lục địa hãy nhớ lại lời của Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II, trong cuộc Tông du tới thành phố Santiago de Compostela đã nói: "Hãy tìm lại chính mình, hãy là chính mình."

ĐTC kêu gọi lục địa này không nên nhìn lại quá khứ của mình "như là một cuốn album ký ức", mà hãy tái khám phá lại "những lý tưởng sâu xa nhất của mình."

Đức Thánh Cha nói: "Là chính mình! Đừng sợ nhìn về tương lai của kỷ nguyên lịch sử ngàn năm của chúng ta, đó là cửa sổ mở ra tương lai hơn là nhìn lại quá khứ. Đừng sợ tìm kiếm chân lý, thứ mà ngay từ thời Hy Lạp cổ đại, đã biết làm lan tỏa đi khắp thế giới và đưa ra ánh sáng soi những vấn đề sâu kín nhất của mỗi con người. Đừng sợ làm thăng tiến nền công lý đã được phát triển từ luật pháp La Mã và theo thời gian đã trở thành những định giá tôn trọng phẩm giá và các quyền thiêng liêng của con người. Đừng sợ khát khao sự vĩnh cửu, một sự vĩnh cửu đã được phát sinh và vun đắp từ sự gặp gỡ với truyền thống Do thái giáo và Kitô giáo được phản ánh qua gia sản đức tin, nghệ thuật và văn hóa.”

Châu Âu của tương lai

Suy nghĩ về một châu Âu mà chúng ta mừng tượng cho tương lai và đóng góp đặc biệt của nó cho thế giới, ĐTC Phanxicô đã đưa ra bốn hình ảnh.

Đầu tiên, “Châu Âu là bạn của tất cả mọi người”. Đức Thánh Cha Phanxicô cho biết ngài hình dung ra châu Âu là một vùng đất “tôn trọng phẩm giá của mọi người, trong đó mỗi người được đánh giá cao về giá trị nội tại của họ” - không phải từ quan điểm kinh tế hay tiêu dùng thuần túy. Một lục địa biết bảo vệ sự sống trong mọi giai đoạn, từ khi hình thành cho đến khi kết thúc tự nhiên, cũng như một vùng đất thúc đẩy việc phát triển cá nhân và tạo ra các cơ hội của công ăn việc làm.

Giấc mơ thứ hai của Đức Thánh Cha Phanxicô là "Châu Âu là một gia đình và một cộng đồng." Đức Thánh Cha cho biết ngài khao khát một vùng đất tôn trọng “tính cá biệt của mỗi cá nhân và mỗi dân tộc”, để trở thành một “gia đình đích thực của các dân tộc, dù có những khác biệt nhưng được liên kết bởi một lịch sử và vận mệnh chung.

Đức Thánh Cha cũng mơ về một châu Âu “mở rộng và quảng đại” “luôn chào đón và hiếu khách,” là nơi mà lòng bác ái - đức tính cao cả nhất của Kitô giáo - vượt qua mọi hình thức ích kỷ và thờ ơ. Ở đây, sự đoàn kết, đòi hỏi chúng ta phải quan tâm đến nhau, dẫn chúng ta đến việc “hướng dẫn những người dễ bị tổn thương nhất tới sự phát triển cá nhân và xã hội”.

Vì đoàn kết cũng liên quan đến việc “trở thành láng giềng của người khác”, điều đó có nghĩa là Châu Âu sẵn sàng “thông qua các hợp tác quốc tế để cung cấp, hỗ trợ quảng đại cho các lục địa khác” bao gồm Châu Phi nơi “cần giải quyết các xung đột và theo đuổi một nhân bản phát triển bền vững." Đức Thánh Cha cũng kêu gọi châu Âu hãy đáp ứng lại những thách thức hiện tại của người di cư, qua việc “học hỏi, tôn trọng, hòa đồng văn hóa và truyền thống của các quốc gia mà chào đón họ”.

Giấc mơ thứ tư của Đức Thánh Cha Phanxicô là một châu Âu được đánh dấu bởi một chủ nghĩa thế tục lành mạnh “về Thiên Chúa và Caesar, tuy có những khác biệt nhưng không đối nghịch”. Đức Thánh Cha cho biết ngài nghĩ về một vùng đất nơi các tín hữu được tự do tuyên xưng đức tin của mình trước công chúng và đưa ra các quan điểm của họ về xã hội.

Các Kitô hữu cùng có một trách nhiệm

ĐTC Phanxicô nói: “Các Kitô hữu ngày nay có một trách nhiệm lớn lao: “Họ được kêu gọi để phục vụ như một chất xúc tác cho việc hồi sinh lương tâm của châu Âu và giúp tạo ra các quy trình có khả năng đánh thức các tiềm năng mới cho xã hội.”

Do đó, Đức Thánh Cha mời gọi tất cả các tín hữu “hãy đóng góp với lòng cam kết, can đảm và quyết tâm trong mọi lĩnh vực mà họ sống và làm việc”.

Kết luận, Đức Thánh Cha Phanxicô đã giao phó Châu Âu cho sự che chở và bảo vệ của các thánh bảo trợ: các Thánh Benedict, Cyril và Methodius, Bridget, Catherine, và Teresa Benedicta Thánh giá.
 
Trường Song ngữ Quốc tế mang tên Mẹ Francisca ở Fiango Kumba
Thanh Quảng sdb
23:58 27/10/2020
Kinh hoàng, bất kể trẻ thơ vô tội, nhóm vô nhân sả súng vào các em học sinh!



Các tay súng đột nhập vào một trường tư thục ở Kumba vùng tây Nam Cameroon giết chết sáu học sinh và làm bị thương nhiều em khác tại một trường tư thục, vào thứ Bảy 24/10/2020, Đức Giám Mục Agapitus Nfon đã lên tiếng kêu gọi chính phủ phải tìm ra giải pháp lâu dài cho vấn đề, và mời gọi các tín hữu dành thứ Sáu này (30/10/2020) như một ngày cầu nguyện cho các em học sinh nạn nhân.

(Tin Vatican)

Các tay súng chưa rõ danh tính đã xông vào một trường Song ngữ Quốc tế mang Mẹ Francisca ở Fiango Kumba hôm thứ Bảy (24/10/2020), và xả súng vào các em học sinh trong một lớp học, khiến 6 em bị chết ngay tại chỗ và một số em khác bị thương.

Thánh lễ, sẽ được cử hành vào thứ Sáu (30/10/2020) tại Nhà thờ Thánh Tâm ở Fiango Kumba, Đức Giám Mục cho hay: Đây là Thánh lễ cầu nguyện “cho các linh hồn các em học sinh thân yêu và vô tội đã bị sát hại” và Thánh lễ cũng cầu xin Chúa “an ủi cha mẹ, gia đình và những người thân quen của các em, cũng như cho tất cả các học sinh và thầy cô bị tổn thương!”

Các cuộc tấn công bạo lực

“Trước những hành động man rợ này, người dân và toàn Giáo phận Kumba thương tiếc, và đau buồn vì những trẻ thơ vô tội đã bị sát hại!” Đức cha than thở “Chúng tôi khóc và tự hỏi tại sao con cháu mình bị sát hại? Các em đã làm gì sai trái? Có phải vì các em đi học?”

Đức Giám Mục cũng nhắc lại một vụ tấn công vào tháng 5 năm 2020 giết hại một phụ nữ đang mang thai và một số trẻ em khác ở Ngarbuh, thuộc giáo phận Kumbo.

Đức cha so sánh những cái chết kinh hoàng này với việc vua Hêrôđê ra lệnh giết tất cả các trẻ sơ sinh dưới hai tuổi làm vang lên tiếng khóc than của các bà mẹ thành Rachel như tiên tri của Giêrêmia (Gr 31, 15), đã viết, các bà than khóc thảm thương vì các con của các bà không còn nữa.

“Hôm nay, thứ Bảy ngày 24 tháng 10 năm 2020,” Đức Giám Mục nói, “Kumba lại vang lên những lời than khóc mà tiên tri đã diễn tả năm xưa, không bao lâu sau vụ thảm sát kinh hoàng một số trẻ thơ và người phụ nữ đang mang thai ở Ngarbuh…“ Ngarbuh chưa đủ sao? Bao nhiêu máu của trẻ thơ đang đổ ra trước khi một điều gì đó cụ thể được thực hiện?"

Khiếu nại lên chính phủ

Giám mục Nfon kêu gọi chính phủ và các cơ quan quốc tế hãy “tìm kiếm một giải pháp lâu dài cho vấn đề này nhằm khôi phục lại công lý và hòa bình.”

Lên án vụ tấn công hôm thứ Bảy, xảy ra không đầy năm tháng sau vụ thảm sát ở Ngarbuh phải được nhiều nơi, nhiều cơ quan và quốc tế lên án!

Nhiều năm bất ổn

Kể từ năm 2016, cả đất nước Cameroon đã chìm trong tình trạng bất ổn, khi các vùng nói tiếng Anh (Anglophone) bắt đầu kêu gọi và đòi độc lập...

Một số trường học ở Cameroon bị đóng cửa cả 4 năm qua, chỉ mới được mở cửa lại gần đây, do cuộc chiến của phe ly khai với chính quyền Cameroon, nhóm ly khai đó được gọi là Ambazonia, và cuộc chiến vẫn còn đang tiếp diễn.

Hiện tại, các nhà chức trách vẫn chưa thể xác định được tại sao những kẻ tấn công lại nhắm vào các trường học, họ có mục đích gì?
 
Top Stories
Diocèse de Hung Hoa: des prêtres vietnamiens envoyés auprès des villageois hmong de Sa Pa
Églises d'Asie
07:50 27/10/2020
Le diocèse de Hung Hoa, le plus grand du Vietnam en termes de superficie, compte près de 20 000 catholiques hmong, vivant dans les montagnes du nord-ouest du pays, dans des villages parfois difficiles d’accès. Le père Pierre Nguyen Truong Giang, curé de la paroisse de Lao Chai depuis 2019, essaie de visiter régulièrement les communautés locales afin de soutenir leur vie de foi, malgré le manque de moyens, de routes d’accès et de couverture en électricité. Malgré les difficultés, l’Église locale encourage l’évangélisation et enregistre près de 700 nouveaux convertis hmong par an.

Le père Pierre Nguyen Truong Giang s’est levé tôt pour préparer sa visite auprès de la station missionnaire de Den Thang. Par environ 10 degrés Celsius, il a chargé du riz, des nouilles instantanées, de l’huile de cuisson, de la sauce nuoc-mam et du sel sur une camionnette empruntée à un paroissien. Le père Giang est parti de la chapelle de Lao Chai vers six heures du matin avec deux responsables laïcs afin de se rendre à Den Thang. La station missionnaire n’est qu’à une vingtaine de kilomètres, mais il leur a fallu près de trois heures pour y parvenir, à travers une piste pleine de nids-de-poule, un chemin étroit, raide, sinueux, boueux et mal entretenu traversant la forêt. Ils sont venus rendre visite et apporter de la nourriture à une dizaine de familles Hmong, converties au catholicisme au cours des dernières années. À l’arrivée des visiteurs, les catholiques hmong de Den Thang se sont rassemblés dans une maison familiale afin de partager un repas simple.

« À cause de la difficulté d’accès, je ne suis venu ici qu’à trois reprises depuis que je suis arrivé dans la paroisse de Lao Chai, fin 2019 », confie le prêtre de 41 ans, qui ajoute qu’il cherche à acheter un terrain d’environ 600 m² afin d’y construire une chapelle. Le curé de la paroisse de Lao Chai, qui compte près de 1 400 fidèles, est assisté par deux religieuses. La plupart des paroissiens hmong vivent dans six antennes paroissiales et stations missionnaires, dont la plus éloignée est à 40 km du presbytère. La paroisse est située dans le district de Sa Pa, dans la province de Lao Cai, dans le nord-ouest du pays. Malgré le manque de moyens de la paroisse et la pauvreté des fidèles, ils cherchent à acheter des terrains afin de construire de nouvelles chapelles. Actuellement, la paroisse compte seulement quatre petites chapelles en bois, qui ont été construites par d’autres prêtres sur des terrains appartenant à des fidèles. Le père Giang, ordonné en 2017, explique que ces chapelles n’appartiennent aux paroissiens que sur le papier, la paroisse de Lao Chai n’ayant pas encore été reconnue par le gouvernement vietnamien. La paroisse de Lao Chai et celle de Sa Pa ont été séparées l’an dernier par le diocèse de Hung Hoa.

« J’essaie de célébrer la messe toutes les semaines dans les chapelles, pour maintenir une activité religieuse pour les habitants et pour soutenir leur vie de foi », confie le prêtre, qui précise que beaucoup de catéchumènes n’ont pas encore été baptisés. Le père Giang explique qu’il célèbre la messe en hmong et en vietnamien, pour que les locaux puissent préserver leur écriture et leur langue tout en améliorant leur maîtrise du vietnamien. Le prêtre ajoute qu’il est essentiel qu’ils parlent couramment le vietnamien pour pouvoir trouver du travail et éviter de se faire avoir par des commerçants avides, voire par des réseaux de trafic des personnes. Le prêtre est également responsable adjoint du Comité pastoral pour les minorités ethniques, chargé de la pastorale et de l’évangélisation des quelque 20 000 catholiques hmong du diocèse et des autres groupes ethniques. Le diocèse de Hung Hoa, le plus grand du pays en superficie, couvre une partie de Hanoï et neuf provinces montagneuses du nord-ouest. Le catholicisme a été apporté par les premiers missionnaires étrangers auprès des populations locales vers la fin du XIXe siècle.

Évangélisation et services pastoraux

Le père Giang s’est intéressé à l’évangélisation du peuple Hmong dès le séminaire. Il passait alors toutes ses vacances d’été auprès des communautés hmong des provinces de Lao Cai, de Son La et de Yen Bai. Il apprenait aussi leur langue et leur enseignait l’écriture hmong. Au cours des deux dernières années, le Comité pastoral pour les minorités ethniques a conçu un dictionnaire vietnamien-hmong et a organisé des universités d’été afin d’enseigner la langue hmong aux membres des conseils paroissiens, aux missionnaires laïcs et aux catéchistes. Sœur Marie Nguyen Thi Thu Huyen, de la congrégation des Amantes de la Croix, l’une des deux religieuses assistant le père Giang, explique qu’ils ont formé des groupes de laïcs missionnaires afin de les envoyer dans les villages pour qu’ils puissent parler des valeurs chrétiennes aux villageois, à l’occasion des mariages, des funérailles et des festivals culturels et religieux. Sœur Huyen ajoute que beaucoup de couples hmong n’ont pas encore été mariés à l’église. Elle explique que certaines femmes et leurs enfants se sont convertis, mais que peu d’hommes se sont convertis. Elle ajoute que certains hommes ont plusieurs épouses. Selon la tradition hmong, beaucoup de couples se marient encore vers l’âge de 14 ou 15 ans.

Les villageois hmong, qui cultivent le riz sur des terrasses rizicoles, manquent de nourriture environ quatre mois par an. Ils sont alors forcés d’emprunter de l’argent pour pouvoir survivre. Leurs terrasses rizicoles, dans la vallée de Muong Hoa, représentent une attraction touristique populaire dans la région, mais eux-mêmes n’en tirent que peu de bénéfices. Par ailleurs, ils manquent de routes d’accès et de couverture électrique, même si la région est couverte par dix centrales hydroélectriques. Les habitants des régions montagneuses sont forcés d’installer des générateurs hydroélectriques – fabriqués en Chine – afin d’avoir accès à l’électricité. « Je les aime bien, surtout qu’ils sont traités injustement », confie le père Giang, qui ajoute que les autorités locales demandent aux touristes de payer 75 000 dongs (2,74 €) par personne pour pouvoir accéder aux rizières, mais cet argent n’est pas partagé avec les villageois, pourtant propriétaires des terrasses rizicoles et résidents depuis plusieurs générations. « Nous travaillons tous les jours de 5 heures du matin à 22 heures, et encore plus le week-end quand nous devons visiter les communautés et assurer les services pastoraux auprès des chapelles locales », explique le père Giang. Le prêtre ajoute que les habitants, en plus de leur travail agricole, doivent aussi cuisiner, laver les vêtements, nettoyer les chapelles, réparer les canalisations et entretenir les systèmes électriques.

700 convertis Hmong par an

Le père Giang confie que les Hmong sont peu investis au service de la communauté, et qu’il essaie de changer cet état d’esprit en leur demandant d’entretenir leurs voisinages. Michael Lo A Lu, un des paroissiens hmong, assure qu’il est reconnaissant envers le travail du prêtre, qui s’occupe des personnes dans le besoin, qui s’efforce d’unir les communautés locales et qui les aide à arrondir leurs fins de mois en invitant les touristes catholiques à résider chez les catholiques hmong. Michael Lu, âgé de 42 ans et père de sept enfants, explique que les familles locales sont nombreuses et manquent souvent de nourriture. Joseph Sung A Lung, âgé de 39 ans, confie quant à lui que le père Giang célèbre la messe chez lui et qu’il invite les gens à vivre leur foi de manière authentique, quelles que soient les circonstances. « Le soutien moral et matériel du prêtre est pour nous une grande consolation. Cela nous aide beaucoup dans nos difficultés quotidiennes », assure ce père de cinq enfants. « Nous sommes fiers de notre prêtre, il nous traite comme sa propre famille. » Le père Pierre Pham Thanh Binh, curé de la paroisse de Sa Pa, confie de son côté que le nombre de catholiques hmong dans le district est passé de 1 000 en 2007 (quand il est arrivé dans la paroisse) à plus de 3 000 aujourd’hui, avec 3 paroisses ainsi que 15 antennes paroissiales et stations missionnaires. Cet été, en août, le père Binh, 49 ans, a baptisé 130 adultes et enfants Hmong dans la paroisse de Hau Thao, un record dans la région. Le diocèse de Hung Hoa enregistre environ 700 convertis hmong par an.

(Source; Églises d'Asie - le 27/10/2020, Avec Ucanews, Sa Pa)
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Đa sắc tộc tại giáo xứ Maria Goretti, San Jose rước kiệu tháng Mân Côi mùa đại dịch
Thái Phạm
16:26 27/10/2020
 
Văn Hóa
Cổ Tích Hạt Cải
Sơn Ca Linh
09:15 27/10/2020

Chút cảm nhận Tin Mừng Lc 13,18-19

Cổ tích hay bắt đầu: “Ngày xưa kể lại…”
“Chuyện xưa” mà, kể sao nghe vậy, thế thôi !

Ngày xưa,
Có một hạt cải nhỏ phiêu dạt nổi trôi,
Có phải do chim trời, hay phong ba bão tố?
Hạt cải rơi trên đỉnh nóc đền thờ Thánh Phêrô kiên cố,
Toàn đá cứng, lại thêm gió, nắng với mái vòm cao…
Đêm nghe những giọng kinh cầu huyền hoặc lao xao,
Ngày thấp thoáng những bóng “đỏ đen” đi về vội vã…
Ở đây hoài, thế nào cũng thân khô tàn tạ,
May làm sao, đàn kiến, số phận đổi thay rồi…
Từ nóc đền đồ sộ, nhưng ẩm mốc trên cao,
Hạt cải giờ đây,
Theo đàn kiến đi chu du miền “mênh mông hạ giới”.

Chẳng biết theo đường nào,
Hạt cải lại rơi giữa khuôn viên “Toà Bạch Cung” mát rợi,
Nhưng khu vườn nầy, đã chật ních loài dị thảo kỳ hoa.
Thôi thì cứ đi, cho dẫu ngoài kia bão lũ phong ba,
Hy vọng sẽ có
một thảo nguyên, hay cánh đồng phì nhiêu thích hợp !
Nhưng rồi,
Lại những cao ốc, những lâu đài: Điện Cẩm Linh choáng ngợp,
Những quảng trường, đường đi lạnh ngắt Tử Cấm Thành…
Thì ra,
Điện Vatican, Toà bạch Ốc,
Tử cấm thành hay Điện Cẩm Linh … vẫn chưa là vùng đất yên lành,
Để Hạt cải thong dong, được vùi sâu gieo mầm sự sống !

Một ngày kia,
Nương cơn gió mùa xuân lồng lộng,
Ấm nắng trời, Hạt cải bước rong chơi.
Những con đường quê, sông quê, cánh đồng quê, đẹp tuyệt vời.
Dẫu khó nghèo, nhưng sao dễ thương và yên lành đến thế.

Và từ dạo đó,
Hạt cải bỗng rơi ngay giữa bàn tay người mẹ,
Người thiếu phụ nghèo,
Mang dáng đứng của Mẹ Têrêsa Calcutta,
Cả “Bà Thánh Đê, Huỳnh Thị Lưu hay Bà Gioanna,
Thấp thoáng cả người mẹ với 7 con: Bà Amy Barrett…

Vâng, Hạt Cải và bàn tay tảo tần yêu thương da diết,
Hạt cải được vùi sâu, mục nát, nẩy mầm kết trái đơm hoa.
Hạt hẩm hiu, đen đủi,
Giờ vươn cao toả bóng râm ươm mát cả muôn nhà,
Khắp trái đất, chim trời muôn nơi về nương náu.

“Cổ tích Hạt cải”
hay “chuyện Nước Trời” hai nghìn năm đau đáu,
Vẫn mãi đợi chờ những mảnh đất, những bàn tay.
Không cứ phải ở Vatican, Toà Bạch ốc… hy vọng mới đong đầy,
Mà “ở đây”, “hôm nay”, Nước Trời là chính tôi, là anh, là chị.
Là những người cha, người mẹ, những đôi vợ chồng chung thuỷ,
Là những anh, em, những bạn trẻ,
Mà trong lòng đang cháy bừng ngọn lửa yêu thương.
Là những Carlo Acutis, mặc quần jean, mang laptop lên đường,
Nhưng đôi mắt, trái tim rạng ngời tình yêu người và mến Chúa.

Và như thế,
“Hạt Cải” mãi là chuyện “cổ tích”,
Để mỗi người thử viết lại bằng chính cuộc đời mình lần nữa !

Sơn Ca Linh (27.10.2020)
 
Bóng câu qua cửa sổ
Jos. Hoàng Mạnh Hùng
18:39 27/10/2020

BÓNG CÂU QUA CỬA SỔ

Đời người không dài lắm dù trong thời đại khoa học tân tiến ngày nay tuổi thọ của con người có tăng lên đáng kể. Có người ta mới gặp ngày nào đó mà nay đã ra đi rồi, nhanh như con chim cắt thoắt hiện trong không gian bao la vô tận hoặc như đàn ngựa non sung sức ngoài đường vụt nhanh qua cửa sổ.

Có người tuổi xuân đang trào dâng phơi phới nhưng chỉ một tai nạn tích tắc đã ngừng hơi tắt thở, có người quyền cao chức trọng ra đi không ngờ sau một cơn bạo bệnh mà khoa học tiên tiến cũng bó tay.

Ngài cuốn đi, chúng chỉ là giấc mộng,
Như cỏ đồng trổi mọc ban mai,
Nở hoa vươn mạnh sớm ngày,
Chiều về ủ rũ tàn phai chẳng còn
. (TV 90,5-6)

Không ai biết mình sẽ sống được bao năm, bao tháng, bao ngày trên cõi đời này. Phận người rất bé nhỏ và mong manh như những sợi tơ trời tan nhanh khi vừng đông xuất hiện. Thời gian là vàng là ngọc, là thứ quý giá mà Thiên Chúa ban nhưng không cho từng người nhiều hay ít tùy theo Thánh ý của Ngài.

Thời gian cũng như một dòng chảy đều đặn liên tục không bao giờ dừng lại chờ người chậm chạp, càng không bao giờ quay lại cho kẻ lỡ tay, sẩy chân sửa chữa. Chớ để cho thời gian trôi qua vô ích để rồi tiếc nuối. Phải tranh thủ, phải trân trọng, phải biết sử dụng nó một cách có ích.

Có những người cứ sống theo thói quen, dửng dưng để cho ngày tháng lặng lẽ trôi qua, không hề luyến tiếc và ngược lại cũng có nhiều người quá lo toan hối hả lao vào cuộc sống để mong tìm kiếm tiền tài, danh lợi … là những thứ “hay hư mất”.

Đến khi về già nhìn lại thì thật buồn cho một đời: lãng phí, tích cóp những của phù vân mà khi nhắm mắt xuôi tay liệu có ích lợi gì cho cuộc sống đời sau bất diệt.

“Tính tuổi thọ trong ngoài bảy chục,
Mạnh giỏi chăng là được tám mươi,
Mà phần lớn chỉ là gian lao khốn khổ,
Cuộc đời thấm thoát chúng con đã khuất rồi”.
(Tv 90, 10)

Tình yêu thương là cái đẹp nhất của đời người được xuất phát từ lòng mến mà Thiên Chúa đã mời gọi và trao ban. Hãy yêu thương, hãy chia sẻ cho tha nhân khi còn có có cơ hội để ta khỏi phải hối tiếc khi cơ hội vụt mất mà ta không kịp yêu thương, chia sẻ. Nếu ta cứ bận lòng và tính toán thiệt hơn, biết đâu được ngày hôm nay là ngày cuối cùng của ta trên cõi này!

Đã bao lần trong đời ta đã từng thốt lên: “Tôi sẽ …, tôi định …” nhưng cuối cùng chỉ là những lời than thở “giả như …, giá mà ….”. Vì thế hãy sống làm sao cho nhẹ nhàng và thanh thản, sống làm sao để khi ta nhắm mắt thì mọi người khóc ta, còn ta ra đi với nụ cười mãn nguyện. Mỗi ngày ta dần dần buông lơi khỏi những gì là vướng bận của cuộc đời để chuẩn bị trở về với Chúa, nơi mà cả đời ta hằng thao thức và mong đợi.

Có những người thân quen đã đươc Chúa gọi về trước chúng ta vì thời gian của họ đã hết, ta chẳng còn cơ hội để gặp gỡ trò chuyện, chia ngọt sẻ bùi. Những người đó xưa thật gần nhưng giờ cũng thật xa. Dù có muốn chia sẻ gì đó cho họ cũng chẳng được dẫu là một lời động viên, an ủi, một chén cơm, manh áo... Và, dù có muốn giận, muốn hờn, muốn trách họ cũng không xong bởi lẽ họ không còn nói gì được với ta. Trong niềm tin sâu lắng và lặng thầm, ta chỉ còn biết nguyện cầu cho họ và cũng xin họ thứ tha những thiếu sót cho ta.

Nay người, mai ta! Đó là quy luật của cuộc sống. Mỗi ngày qua đi là mỗi ngày đời sống ở dương gian của ta dần khép lại. Hãy chuẩn bị sẵn hành trang lên đường trở về với Chúa bằng những tấm giấy thông hành được kết tinh từ những những việc lành phúc đức, những hy sinh...

Thánh Phaolô đã viết: “Mỗi ngày tôi phải đối diện với cái chết” (x 1 Cr 15,31) vì thế ta phải biết khôn ngoan để phân bổ quỹ thời gian sống của ta. Cần phải chuẩn bị cho ngày cái chết đến rước chúng ta về với Chúa trong thanh thản và bình an vì như vậy là ta đang tiến dần đến sự sống.

Xin dạy chúng con đếm tháng ngày mình sống,
Ngõ hầu tâm trí được khôn ngoan.
(TV 90,12)
 
VietCatholic TV
Lời van xin của một linh mục giáo sư Kinh Thánh giữa những lầm lạc và hoang mang trong các ngày qua
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
05:22 27/10/2020

1. Vatican rộng ban ơn toàn xá nhường các linh hồn trong suốt tháng 11

Ngày 23 tháng 10, Tòa Ân Giải Tối Cao đã công bố sắc lệnh sau.

Nguyên bản tiếng Ý có thể xem tại đây. Dưới đây là bản dịch toàn văn sang Việt Ngữ.


Năm nay, trong tình huống khẩn cấp hiện tại do đại dịch “COVID-19”, các ơn Toàn Xá cho các tín hữu đã qua đời sẽ được kéo dài trong cả tháng 11, cùng với việc điều chỉnh các việc đạo đức và các điều kiện để bảo đảm an toàn cho các tín hữu.

Tòa Ân Giải Tối Cao này đã nhận được không ít những lời thỉnh cầu của các Mục tử Thiêng liêng, những vị đã yêu cầu rằng năm nay, vì đại dịch “COVID-19”, các việc đạo đức theo tiêu chuẩn của Sách Cẩm nang Ân xá (điều 29, triệt 1) để nhận lãnh các ơn Toàn Xá nhường cho các linh hồn trong Luyện Ngục, nên có sự điều chỉnh. Do đó, Tòa Ân Giải Tối Cao, theo sự ủy nhiệm đặc biệt của Đức Thánh Cha Phanxicô, sẵn sàng thiết lập và quyết định rằng trong năm nay, để tránh các cuộc tụ tập ở những nơi không được phép:

a.- Ơn Toàn xá dành cho những người đến viếng một nghĩa trang và cầu nguyện cho người đã khuất dù chỉ trong trí, như đã được quy định trong Cẩm nang trong mỗi ngày từ ngày 1 đến ngày 8 tháng 11, có thể được chuyển sang các ngày khác trong cùng tháng cho đến cuối tháng. Những ngày như thế, do các tín hữu tự do lựa chọn, cũng không cần kế tiếp nhau;

b. - Ơn Toàn xá ngày 2 tháng 11, được thiết lập nhân dịp Lễ Cầu Cho Các Tín Hữu Đã Qua Đời, dành cho tất cả những ai sốt sắng đến thăm một Nhà thờ hoặc một Nhà Nguyện và đọc ở đó “Kinh Lạy Cha” và “Kinh Tin Kính”, có thể được chuyển sang Chúa Nhật trước hoặc Chúa Nhật sau hoặc sang ngày Lễ Trọng Kính Các Thánh Nam Nữ, và cũng có thể chuyển sang một ngày khác trong tháng 11, do các tín hữu tự do lựa chọn.

Những người già, người bệnh và tất cả những người vì lý do nghiêm trọng không thể rời khỏi nhà mình, do những hạn chế được áp đặt bởi các cơ quan có thẩm quyền trong thời gian xảy ra đại dịch, nhằm tránh việc tụ tập đông đảo các tín hữu ở những nơi linh thiêng, sẽ có thể nhận được Ơn Toàn Xá. Điều kiện để nhận được Ơn Toàn Xá là họ hiệp nhất về mặt tinh thần với tất cả các tín hữu khác, hoàn toàn từ bỏ tội lỗi và có ý định tuân thủ càng sớm càng tốt ba điều kiện thông thường là Xưng tội, Rước lễ và Cầu nguyện theo Ý Đức Thánh Cha. Họ được khuyến khích cầu nguyện trước tượng ảnh Chúa Giêsu, Đức Trinh Nữ Maria, đọc những kinh nguyện sốt sắng dành cho người chết, ví dụ như Kinh Sáng và Kinh Chiều từ Sách Thần Vụ dành cho người quá cố, Chuỗi Mân Côi, Kinh Lòng Thương Xót Chúa, những kinh nguyện khác cho những người thân yêu nhất đã qua đời của các tín hữu hoặc dành thời gian để suy gẫm một trong những đoạn Phúc âm được đề nghị trong Phụng vụ dành Người Quá Cố, hoặc thực hiện công việc của lòng thương xót, dâng lên Chúa những nỗi đau và những khó khăn của cuộc đời họ.

Để giúp anh chị em có thể dễ dàng nhận được ân sủng hơn nhờ lòng bác ái mục vụ của các mục tử, Tòa Ân Giải Tối Cao này chân thành cầu nguyện xin cho tất cả các linh mục với các năng quyền phù hợp, có thể quảng đại hy sinh một cách đặc biệt để cử hành Bí Tích Hòa Giải và trao Mình Thánh Chúa cho các bệnh nhân.

Tuy nhiên, liên quan đến các điều kiện thiêng liêng để được lãnh nhận Ơn Toàn xá một cách đầy đủ, xin nhắc nhở mọi người hãy dựa vào những chỉ dẫn đã được ban hành trong Ghi chú “Về Bí Tích Hòa Giải trong hoàn cảnh đại dịch hiện nay”, do Tòa Ân Giải Tối Cao ban hành ngày 19 tháng 3 năm 2020.

Cuối cùng, để các linh hồn trong Luyện ngục được giúp đỡ nhờ lời chuyển cầu của các tín hữu và đặc biệt là nhờ Hy tế trên Bàn thờ, là điều đẹp lòng Thiên Chúa (xem Conc. Tr. Sess. XXV, decr. De Purgatorio), tất cả các linh mục đều được nhiệt liệt mời gọi cử hành Thánh Lễ ba lần trong ngày Lễ Cầu Cho Các Tín Hữu Đã Qua Đời, như trong chuẩn mực của Tông Hiến “Incruentum Altaris”, do Đức Giáo Hoàng đáng kính Bênêđictô XV ban hành vào ngày 10 tháng 8 năm 1915.

Sắc lệnh này có hiệu lực trong suốt tháng 11, bất chấp mọi quy định ngược lại.

Ban hành tại Rôma, từ trụ sở của Tòa Ân Giải Tối Cao, vào ngày 22 tháng 10 năm 2020, Lễ Nhớ Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II.

+ Đức Hồng Y Maurus Piacenza

Chánh Tòa Ân Giải Tối Cao

Đức Ông Krzysztof Nykiel

Nhiếp chính


Source:Holy See Press Office


2. Tượng Chúa Kitô, Đức Mẹ bị lật nhào bên ngoài các giáo xứ ở New York, và Arizona

Một số bức tượng tôn giáo - bao gồm hai tượng Đức Mẹ và một tượng Chúa Kitô - bên ngoài các nhà thờ Công Giáo đã bị hư hại trong các cuộc tấn công qua đêm vào đầu tuần này, đây là hành động mới nhất trong số nhiều hành động phá hoại các nhà thờ và nghệ thuật Công Giáo trong năm nay ở Mỹ.

Cảnh sát thành phố New York đang điều tra một vụ tấn công phá hoại nhằm vào bức tượng Đức Mẹ bên ngoài Nhà thờ Công Giáo Phục sinh ở khu phố Brooklyn ở Công viên Marine, được cho là xảy ra vào đêm Chúa Nhật.

Một giáo dân đến gần bức tượng để cầu nguyện vào sáng thứ Hai đã nhận thấy bàn tay trái của bức tượng bị chặt đứt, và phát hiện ra một vết nứt lớn trên đầu bức tượng, ABC7 đưa tin.

Nhà thờ hiện không có hệ thống camera an ninh, nhưng nói với ABC7 rằng Hội Đồng Mục Vụ có kế hoạch lắp đặt một hệ thống. Các nghi phạm vẫn chưa bị bắt.

Thiệt hại ở New York ít nhất là hành động phá hoại thứ ba được ghi nhận đối với một bức tượng của Đức Mẹ Maria trong thành phố trong năm 2020 này.

Chi phí ước tính để sửa chữa hoặc thay thế bức tượng Đức Mẹ là 1,500 Mỹ Kim. Báo cáo của cảnh sát được đưa ra hôm 20 tháng 10, cho biết bức tượng của Chúa Kitô không bị hư hại gì.

Cảnh sát Prescott Valley trao giải 300 Mỹ Kim cho bất kỳ ai có thông tin dẫn đến việc bắt giữ can phạm.


Source:Catholic News Agency

3. Nhận định của Đức Ông Charles Pope về ý kiến của Đức Giáo Hoàng đối với các kết hiệp dân sự

Đức Ông Charles Pope là giáo sư Kinh Thánh đang giảng dạy tại các chủng viện ở tổng giáo phận Washington DC và phụ trách một lớp Kinh Thánh tại Quốc Hội Hoa Kỳ.

Trong bài viết trên tờ National Catholic Register có nhan đề “What Every Catholic Needs to Remember About the Pope’s Opinions on Civil Unions” nghĩa là “Những Điều Mọi Người Công Giáo Cần Ghi Nhớ Về Ý Kiến Của Đức Giáo Hoàng Đối Với Các Kết Hiệp Dân Sự” ngài đề nghị rằng vì phần rỗi các linh hồn các nhà lãnh đạo nên thận trọng trong các tuyên bố công khai.

Bản tiếng Anh có thể xem tại đây. Dưới đây là bản dịch toàn văn sang Việt Ngữ.


Nhiều người Công Giáo một lần nữa đau buồn khi Đức Thánh Cha, Đức Giáo Hoàng Phanxicô, đã không thận trọng bày tỏ quan điểm cá nhân của mình về một vấn đề đạo đức quan trọng của thời đại chúng ta. Về các mối quan hệ đồng giới, ngài tuyên bố:

“Chúng ta phải tạo ra một luật về kết hiệp dân sự. Bằng cách đó họ được bảo đảm về mặt pháp lý. Tôi đã ủng hộ điều đó”

Nhưng điểm này phải được nhấn mạnh - cụ thể đây là quan điểm cá nhân của ngài và không thể báo hiệu sự thay đổi trong giáo huấn ngàn đời của Kinh Thánh và của Giáo hội. Lời dạy vẫn rõ ràng rằng các hành vi đồng tính luyến ái, cùng với tà dâm và ngoại tình, là tội lỗi và không thể được chấp thuận trong bất kỳ hoàn cảnh nào. Cũng không có vị giáo hoàng nào có thể lật nhào lời dạy trong Kinh thánh rằng hôn nhân là sự kết hợp giữa một người nam và một người nữ cho đến khi họ phải chia lìa vì cái chết. Hôn nhân sinh hoa kết trái trong những đứa con mà Thiên Chúa sẽ ban cho họ. Tôi sẽ nói nhiều hơn về những lời dạy này trong giây lát.

Một số người cho rằng Đức Giáo Hoàng đã nói những điều này trước đây. Một số người cũng cho rằng ngài đang cố gắng tìm ra một “cách thứ ba”, trong đó chúng ta ngừng miêu tả các cuộc hôn nhân đồng giới như hôn nhân và thay vào đó nói chúng là “các kết hiệp dân sự”. Khi làm như vậy, các kết hiệp đồng giới có thể có được một số (hoặc tất cả) các đặc quyền pháp lý dành cho các cuộc hôn nhân khác giới trong khi vẫn là một phạm trù riêng biệt, được mệnh danh “kết hiệp dân sự”. Trong khi một số giám mục khen ngợi cách tiếp cận này, nhiều giám mục khác đã bác bỏ nó như là dấu chỉ chấp thuận cho các kết hiệp trái với Kinh thánh và luật tự nhiên và liên quan đến các hoạt động tình dục vô luân.

Dù lý do và động cơ của Đức Giáo Hoàng là gì, chúng vẫn là ý kiến cá nhân của ngài. Các nhận xét được đưa ra trong các cuộc phỏng vấn hoặc phim tài liệu không thể được coi là hành vi huấn quyền của Đức Giáo Hoàng. Mặc dù những sự phân biệt này có thể rõ ràng một cách đương nhiên đối với các nhà thần học, nhưng chúng thường không thể được phân biệt đối với hầu hết những người Công Giáo, những người không phải lúc nào cũng hiểu được những sự phân biệt này và lẽ ra họ không phải làm như vậy. Giáo hoàng và các giáo sĩ khác không nên tạo thêm các gánh nặng cho các tín hữu khi cố gắng phân loại và hiểu những gì được nói, ý nghĩa của nó và liệu nó có ràng buộc hoặc báo hiệu một sự thay đổi thực sự trong giáo huấn của Hội Thánh hay không. Các giáo hoàng và các nhà lãnh đạo khác của Giáo hội cần phải thận trọng hơn về những gì họ tình cờ nói và tránh xu hướng quá phổ biến là đưa ra các cuộc phỏng vấn trên phạm vi rộng hoặc trở thành chủ đề của các bộ phim tài liệu tâng bốc thường nhấn mạnh quá mức đến những gì thế giới muốn nghe.

Những nhận xét của Đức Thánh Cha ở đây và trong nhiều dịp trước đây đã khiến nhiều người Công Giáo bối rối, hoang mang và đau buồn, những người đang tìm kiếm sự hướng dẫn rõ ràng trong thời đại đầy những hoang mang.

Một lần nữa, tôi cầu xin Đức Thánh Cha của chúng ta rằng ngài nên từ chối các cuộc phỏng vấn với các nguồn tin thế tục, các cuộc họp báo trên máy bay và những nhận xét ngoài lề. Tốt nhất là ngài nên tiếp tục đưa ra các tuyên bố được xem xét cẩn thận thông qua các kênh chính thức và nói chung xin ít nói hơn. Những nhận xét của ngài về biến đổi khí hậu, các mô hình kinh tế và cuộc chạy đua tổng thống ở Hoa Kỳ chỉ khiến một số người Công Giáo khó chịu. Nhưng khi ngài đưa ra ý kiến một cách khó hiểu về những vấn đề cơ bản như gia đình, tình dục và bí tích Hôn phối, thì những tác động có thể rất tàn khốc.

Là một linh mục, tôi có thể nói những nhận xét của ngài ở đây, và trong quá khứ, đã khiến công việc giảng dạy và rao giảng của tôi trở nên khó khăn hơn rất nhiều. Những người bất đồng chính kiến với Giáo Hội cảm thấy được khuyến khích trong khi các tín hữu cảm thấy ngã lòng. Cũng rất khó xử khi phải “tuyên bố” và nhắc nhở mọi người rằng những ý kiến riêng của Đức Giáo Hoàng anh chị em có thể lờ đi và không có tính ràng buộc. Càng khó khăn hơn nữa khi tôi phải công khai nói rằng tôi không đồng ý với ngài. Không nên đặt các linh mục và giám mục vào vị trí này. Nó khiến chúng ta có vẻ bất phục tùng và đặt ra những hoài nghi về những gì chúng ta rao giảng cho các thế hệ người Công Giáo, những người đã được dạy phải tôn kính Đức Giáo Hoàng và cầu nguyện cho ngài. Sự thống nhất của Giáo hội cũng bị hủy hoại nghiêm trọng bởi những bình luận phiến diện như vậy.

Do đó, tôi muốn nhắc lại với độc giả và các giáo dân của tôi, về sự quan tâm đến linh hồn những người mà tôi yêu quý: Giáo hội không thể nào chấp thuận những gì Thiên Chúa và luật tự nhiên dạy và mạc khải là vô luân. Điều này bao gồm các hành vi đồng tính luyến ái cùng với các tội lỗi tình dục khác như gian dâm, mại dâm và ngoại tình. Nơi hợp pháp duy nhất để gần gũi tình dục là trong một cuộc hôn nhân hợp lệ. Không có một ngoại lệ nào cho vấn đề này cả.

Điều này luôn được dạy trong Sách Thánh và Thánh Truyền, và được nói rõ trong Sách Giáo Lý của Giáo Hội Công Giáo. Là các giáo sĩ và những người chăn dắt Dân Chúa, chúng ta không thể không hiểu rõ về điều này, đặc biệt là trong thời đại mà người ta tôn vinh và dung túng nhiều vấn đề tình dục mà Thiên Chúa gọi là tội lỗi.

Tôi đã viết thêm về nguồn gốc trong Kinh thánh trong giáo huấn của Giáo hội về vấn đề này ở đây (“ Đừng để bị lừa: Chúa Kitô Cấm Hành Vi Đồng Tính Luyến Ái, Và Giáo Hội Không Thể Dạy Khác Đi” ).


Source:National Catholic Register
 
Nhiều người choáng váng: Linh mục cựu linh hướng của những thị nhân ở Medjugorje bị tuyệt thông
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
16:03 27/10/2020

1. Thêm hai Ngự Lâm Quân Thụy Sĩ xét nghiệm dương tính với coronavirus

Lực lượng Ngự Lâm Quân Thụy Sĩ đã thông báo hôm thứ Sáu rằng hai thành viên nữa của họ đã có kết quả xét nghiệm dương tính với coronavirus.

Đội quân thường trực nhỏ nhất nhưng lâu đời nhất thế giới cho biết trong một tuyên bố ngày 23 tháng 10 rằng tổng cộng 13 Ngự Lâm Quân hiện đã nhiễm virus, sau các cuộc kiểm tra trên mọi thành viên của quân đoàn.

“Không có lính canh nào phải nhập viện. Không phải tất cả các lính canh đều nhất thiết phải xuất hiện các triệu chứng như sốt, đau khớp, ho và mất khứu giác”, đơn vị cho biết và nói thêm rằng sức khỏe của các binh sĩ sẽ tiếp tục được theo dõi.

“Chúng tôi hy vọng sự phục hồi nhanh chóng để các binh sĩ có thể phục vụ một cách tốt nhất có thể, về mặt sức khỏe và an toàn”.

Tuần trước, Vatican xác nhận rằng bốn Vệ binh Thụy Sĩ ban đầu đã xét nghiệm dương tính với coronavirus.

Trả lời câu hỏi của các nhà báo hôm 12/10, Giám đốc văn phòng báo chí Tòa thánh Matteo Bruni nói rằng bốn lính canh đã được đặt cách ly sau các cuộc kiểm tra dương tính.

Trích dẫn các biện pháp mới của quốc gia thành Vatican để chống lại virus, ông giải thích rằng tất cả lính canh sẽ phải đeo khẩu trang, cả trong nhà và ngoài trời, bất kể họ đang làm nhiệm vụ hay không. Họ cũng sẽ tuân thủ tất cả các quy tắc khác nhằm ngăn chặn sự lây lan của COVID-19.

Quân đoàn, có 135 binh sĩ, đã thông báo vào ngày 15 tháng 10 rằng 7 thành viên khác của họ đã có kết quả xét nghiệm dương tính với coronavirus, nâng tổng số lên 11 người. Như vậy, đến nay đã có 13 Ngự Lâm Quân Thụy Sĩ nhiễm coronavirus.


Source:Catholic News Agency

2. Linh mục cựu linh hướng của những thị nhân ở Medjugorje bị tuyệt thông

Một linh mục đã từng là linh hướng cho sáu người nói rằng họ đã từng thấy Đức Mẹ hiện ra ở thị trấn Medjugorje của Bosnia đã bị vạ tuyệt thông.

Tomislav Vlasic, nguyên là linh mục dòng Phanxicô cho đến khi bị huyền chức vào năm 2009, đã bị vạ tuyệt thông vào ngày 15 tháng 7 theo một sắc lệnh của Bộ Giáo lý Đức tin ở Vatican. Giáo phận Brescia, Ý, nơi linh mục bị vạ tuyệt thông đã công bố quyết định hôm thứ Sáu 23 tháng 10.

Giáo phận Brescia cho biết kể từ khi bị huyền chức, Vlasic “đã tiếp tục thực hiện các hoạt động tông đồ với các cá nhân và nhóm này. Thông qua các hội nghị và các buổi trao đổi trực tuyến; ông đã tiếp tục thể hiện mình như một tu sĩ và linh mục của Giáo Hội Công Giáo, trong khi mô phỏng như đang cử hành các bí tích.”

Giáo phận cho biết Vlasic là nguồn gốc của “tai tiếng nghiêm trọng đối với người Công Giáo”, do bất tuân các chỉ thị của các nhà chức trách giáo hội.

Khi bị huyền chức, Vlasic bị cấm giảng dạy hoặc tham gia vào công việc tông đồ, và đặc biệt là không được giảng dạy về Mễ Du.

Năm 2009, ông bị buộc tội giảng dạy giáo lý sai lầm, thao túng lương tâm, không tuân theo thẩm quyền của Giáo hội và thực hiện các hành vi tà dâm.

Một người bị vạ tuyệt thông bị cấm nhận các bí tích cho đến khi án phạt đã được dỡ bỏ.

Cáo buộc Đức Mẹ hiện ra ở Medjugorje từ lâu đã là chủ đề tranh cãi trong Giáo hội, đã được Giáo hội điều tra nhưng chưa được chứng thực hoặc bác bỏ.

Các cuộc hiện ra được cho là bắt đầu vào ngày 24 tháng 6 năm 1981, khi sáu trẻ em ở Medjugorje, một thị trấn thuộc Bosnia và Herzegovina ngày nay, bắt đầu trải nghiệm những hiện tượng mà họ cho là sự hiện ra của Đức Trinh Nữ Maria.

Theo sáu “thị nhân”, các cuộc hiện ra chứa một thông điệp hòa bình cho thế giới, một lời mời gọi hoán cải, cầu nguyện và ăn chay, cũng như các bí mật về các sự kiện sẽ được hoàn thành trong thời gian tới.

Kể từ khi bắt đầu, các cuộc hiện ra được cho là nguồn gốc của cả những tranh cãi và những hoán cải, nhiều người đổ xô đến thành phố để hành hương và cầu nguyện, và một số tuyên bố đã trải nghiệm các phép lạ tại địa điểm này, trong khi nhiều người khác cho rằng những điều đó là không đáng tin cậy.

Vào tháng Giêng năm 2014, một ủy ban của Vatican đã kết thúc một cuộc điều tra kéo dài gần 4 năm về các khía cạnh giáo lý và kỷ luật liên quan đến các cuộc hiện ra ở Mễ Du, đồng thời đệ trình một tài liệu lên Bộ Giáo lý Đức tin.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã chấp thuận các cuộc hành hương của người Công Giáo đến Medjugorje vào tháng 5 năm 2019, nhưng ngài chưa cân nhắc về tính xác thực của các cuộc hiện ra.


Source:Catholic News Agency

3. Caritas Ðức giúp 100,000 Euro cho Caritas Phi Luật Tân.

Caritas Ðức đã giúp 100,000 Euro cho Caritas Phi Luật Tân để hoạt động cứu trợ tại những vùng bị thiệt hại nhiều nhất vì coronavirus.

Ngay từ những tháng đầu đại dịch Covid-19, Caritas Phi Luật Tân đã cùng với các nhóm doanh nhân lớn, dấn thân phân phát các phiếu lương thực trị giá một tỷ 700 triệu Pesos cho các gia đình nghèo ở vùng thủ đô Manila và các tỉnh phụ cận.

Trên trang mạng của Hội đồng Giám mục Philippines, cha Anton Pascual, Giám đốc điều hành Caritas Manila, cho biết số tiền Caritas Ðức trợ giúp sẽ được dùng để trợ giúp 4,425 dân cư tại Barangay 201, ở thành phố Pasay, một làng từ nhiều tháng nay phải chịu những biện pháp hạn chế nghiêm ngặt để ngăn chặn sự lan lây của coronavirus. Cha viết: “Chúng ta biết rằng đại dịch Covid-19 không những có những hậu quả trên sức khỏe nhưng cả các phương tiện sinh nhai của dân chúng. Nhiều người đang chết đói hôm nay và nhiều trẻ em bị suy dinh dưỡng”.

Nhờ sự hỗ trợ của Caritas Ðức, các gia đình nghèo tại Pasay City sẽ nhận được các thùng thực phẩm, trong đó có cả vitamin và các phẩm vật vệ sinh.


Source:Caritas Manila