Ngày 02-11-2019
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Thánh Lễ Chúa Nhật 31 Mùa Thường Niên 03/11/2019 dành cho những người không thể đến nhà thờ
VietCatholic Network
02:53 02/11/2019
Bài Ðọc I: Kn 11, 23 - 12, 2

"Chúa thương xót mọi loài, vì Chúa yêu thương mọi tạo vật".

Trích sách Khôn Ngoan.

Lạy Chúa, trước mặt Chúa, cả vũ trụ ví như hạt gạo trên đĩa cân, và như hạt sương sa trên mặt đất trước lúc rạng đông. Nhưng Chúa thương xót mọi loài, vì Chúa có thể tác tạo mọi sự, và nhắm mắt làm ngơ trước tội lỗi loài người để họ ăn năn sám hối. Chúa yêu thương mọi tạo vật, và không ghét bỏ bất cứ vật gì Chúa đã tác thành: vì nếu Chúa ghét bỏ một vật gì, thì Người đâu có tác tạo nó.

Nếu Chúa không ưng, thì làm sao một vật có thể tồn tại được? Hoặc vật gì Chúa không kêu gọi, thì làm sao nó duy trì được? Nhưng Chúa dung thứ hết mọi loài: vì chúng thuộc về Chúa. Lạy Chúa, Chúa yêu thương các linh hồn.

Ôi lạy Chúa, thần trí của Chúa tốt lành và hiền hậu đối với mọi loài là dường nào! Vì thế, lạy Chúa, Chúa từ từ sửa phạt những kẻ lầm lạc, khuyên răn và dạy bảo những kẻ phạm lỗi, để họ từ bỏ tội ác mà tin theo Chúa.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 144, 1-2. 8-9. 10-11. 13cd-14

Ðáp: Lạy Chúa, lạy Thiên Chúa, con sẽ chúc tụng danh Chúa tới muôn đời (x. c. 1).

Xướng: Lạy Chúa con, lạy Thiên Chúa, con sẽ ca khen Chúa, và con sẽ chúc tụng danh Chúa tới muôn đời. Hằng ngày con sẽ chúc tụng Chúa, và con sẽ khen ngợi danh Chúa tới muôn đời.

Xướng: Chúa nhân ái và từ bi, chậm bất bình và giàu ân sủng. Chúa hảo tâm với hết mọi loài, và từ bi với mọi công cuộc của Chúa.

Xướng: Lạy Chúa, mọi công cuộc của Chúa hãy ca ngợi Chúa, và các thánh nhân của Ngài hãy chúc tụng Ngài. Thiên hạ hãy nói lên vinh quang nước Chúa, và hãy đề cao quyền năng của Ngài.

Xướng: Chúa trung thành trong mọi lời Ngài phán, và thánh thiện trong mọi việc Ngài làm. Chúa nâng đỡ hết thảy những ai sa ngã, và cho mọi kẻ khòm lưng đứng thẳng lên.

Bài Ðọc II: 2 Tx 1, 11 - 2, 2

"Danh Chúa được vinh hiển trong anh em, và anh em được vinh hiển trong Người".

Trích thư thứ hai của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Thêxalônica.

Anh em thân mến, chúng tôi hằng cầu nguyện cho anh em: Thiên Chúa chúng ta đoái thương làm cho anh em nên xứng đáng ơn Chúa kêu gọi anh em, và xin Người dùng quyền phép mà kiện toàn những ý định ngay lành do lòng tốt của anh em và công việc của lòng tin anh em, để danh Ðức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, được vinh hiển trong anh em, và anh em được vinh hiển trong Người, do ân sủng của Thiên Chúa, Chúa chúng ta, và của Chúa Giêsu Kitô.

Anh em thân mến, nhân về ngày trở lại của Ðức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, và về sự chúng ta tập họp bên cạnh Người, chúng tôi nài xin anh em chớ vội để mình bị giao động tinh thần, và đừng hoảng sợ bởi có ai nói tiên tri, hoặc bởi lời rao giảng hay bởi thư từ nào được coi như do chúng tôi gởi đến, mà nói như thể ngày Chúa gần đến.

Ðó là lời Chúa.

Alleluia: Ga 14, 5

Alleluia, alleluia! - Chúa phán: "Thầy là đường, là sự thật và là sự sống; không ai đến được với Cha mà không qua Thầy. - Alleluia.

Phúc Âm: Lc 19, 1-10

"Con Người đến tìm kiếm và cứu chữa điều gì đã hư mất".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Khi ấy, Chúa Giêsu vào Giêricô và đi ngang qua thành, thì kìa, có một người tên là Giakêu, ông thủ lãnh những người thu thuế và là người giàu có. Ông tìm cách để nhìn xem Chúa Giêsu là người thế nào, nhưng không thể được, vì người ta đông quá, mà ông lại thấp bé. Vậy ông chạy lên trước, trèo lên một cây sung để nhìn xem Người, vì Người sắp đi ngang qua đó.

Khi vừa đến nơi, Chúa Giêsu nhìn lên và trông thấy ông ấy, nên Người bảo ông rằng: "Hỡi Giakêu, hãy xuống mau, vì hôm nay Ta phải lưu lại tại nhà ngươi". Ông vội vàng trụt xuống và vui vẻ đón tiếp Người. Mọi người thấy vậy, liền lẩm bẩm rằng: "Ông này lại đến trọ nhà một người tội lỗi".

Ông Giakêu đứng lên thưa cùng Chúa rằng: "Lạy Ngài, tôi xin bố thí nửa phần của cải tôi cho kẻ khó, và nếu tôi có làm thiệt hại cho ai điều gì, tôi xin đền gấp bốn". Chúa Giêsu bảo ông ấy rằng: "Hôm nay nhà này được ơn cứu độ, bởi người này cũng là con cái Abraham. Vì chưng Con Người đến tìm kiếm và cứu chữa điều gì đã hư mất".

Ðó là lời Chúa.
 
Lễ các linh hồn: Mùa Đông Và Những Ngọn Lửa Ấm
LM. Giuse Trương Đình Hiền.
09:02 02/11/2019
Mùa Đông Và Những Ngọn Lửa Ấm

Lễ Cầu Cho Các Tín Hữu Đã Qua Đời (2019)

(Bđ Lễ III : 2 Mcb 12,43-45; Kh 21,1-5a.6b-07; Ga 11,17-27)

Trong những ngày cuối tháng 10 vừa qua, các phương tiện truyền thông gần như nóng lên về những câu chuyện liên quan đến cái chết:

- Ngày 17.10.19: Thứ trưởng Bộ Giáo dục Việt Nam- Lê Hải An- tử vong mà theo thông tin phổ biến là do “cú ngã từ trên tầng 8” của toà cao ốc Bộ Giáo dục và Đào tạo tại thủ đô Hà Nội.

- Ngày 23.10.2019: 39 người nhập cư bất hợp pháp chết lạnh trong container tại một khu công nghiệp Waterglade Grays hạt Essex thuộc vương quốc Anh. Theo nguồn tin chưa chính thức, trong số đó có nhiều người Việt Nam thuộc hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh.

- Ngày 26.10.19: Trùm khủng bố IS Baghdadi đã tự sát sau khi bị lực lượng Delta Mỹ tấn công và truy lung ngay nơi trú ẩn tại tỉnh Idlib của Syria…

Sở dĩ nhắc đến các sự kiện mang màu sắc đau thương chết chóc nầy trong ngày lễ Các Đẳng linh hồn (2.11) là muốn liên kết 2 ý nghĩa cơ bản của mầu nhiệm phụng vụ được cử hành hôm nay:

- Trước hết, đó là việc tưởng nhớ và cầu nguyện cho “anh chị em thuộc Giáo Hội đau khổ”, tức các linh hồn đang thanh luyện trong luyện ngục; một hành vi vừa mang ý nghĩa tuyên xưng đức tin về mầu nhiệm “các Thánh thông công”, vừa là nghĩa cử của tấm lòng hiếu đạo dành cho những người đã khuất.

- Thứ đến, đó là một lần nữa, xác tín về niềm hy vọng vĩnh hằng, khi ý thức rằng cùng đích của cuộc đời chính là “quê hương vĩnh cửu”; vì thế, luôn phải tỉnh thức chuẩn bị những hành trang cần thiết đang khi còn lữ hành trên dương thế.

Về ý nghĩa thứ nhất: tưởng niệm người đã khuất, hay “việc thông công với những anh chị em đã qua đời” không chỉ mới xuất hiện trong niềm tin của người Kitô hữu, mà thật ra, đã ăn sâu từ thuở xa xưa trong Cựu Ước, nhất là nơi những trang sách Maccabêô mà chúng ta vưa nghe trong Bđ 1: “Khi ấy ông Giu-đa Ma-ca-bê-ô quyên góp được khoảng 2000 quan tiền, và gửi về Giê-ru-sa-lem để xin dang hy lễ tạ tội; ông làm cử chỉ rất tốt đẹp và cao quý này vì cho rằng người chết sẽ sống lại”. Chúng ta lưu ý 2 tính từ “cao quý” và tốt đẹp” được gán cho hành vi trên vì đó là hành vi của niềm tin vào sự phục sinh mai hậu.

Trong những ngày này, đặc biệt kể từ ngày hôm qua (1.11), quả thật, cộng đoàn Công Giáo khắp nơi đang thực hành những việc “cao quý và tốt đẹp”:

- Hôm qua, chúng ta đã họp nhau mừng kính Các Thánh Nam Nữ, những anh chị em “đang mặc áo trắng tinh, cầm cành thiên tuế, tung hô Chúa trên thiên đàng”, vừa để tôn vinh các ngài vừa cầu xin sự cầu thay nguyện giúp.

- Cũng từ trưa hôm qua, khi bắt đầu đi viếng nghĩa trang và nhà thờ theo quy định của Giáo Hội, chắc chắn, các đẳng linh hồn nơi luyện ngục cũng “đã nhận được những món quà “đại xá” do Giáo Hội lữ hành chuyển xuống.

- Và hôm nay ngày lễ Các Đẳng (riêng các linh mục thôi, được dâng 3 thánh lễ cầu cho Các Đẳng), cùng bao việc đạo đức tốt lành khác dành cho ông bà anh chị em và những người đã ra đi trước chúng ta, chúng ta xác tín rằng, nơi thế giới bên kia, biết bao nhiêu linh hồn đã được giải thoát để tiến về quê hương vĩnh hằng…

Vâng tất cả “những việc cao quý và tốt đẹp” đó phát xuất từ niềm xác tín của chúng ta về sự phục sinh trong Chúa Kitô, về cùng đích vĩnh hằng đầy hạnh phúc vinh quang như sách Khải Huyền diễn tả (mà chúng ta vừa nghe) trong Bđ 2: “Sẽ không còn sự chết ; cũng chẳng còn tang tóc, kêu than và đau khổ nữa, vì những điều cũ đã biến mất”.

Thật ra, chân lý về “cùng đích vĩnh hằng” trên, không phải chỉ dành riêng cho những người đã khuất thôi đâu, mà cho cả tương lai của chính chúng ta, những người đang sống và đang là những khách lữ hành trên con đường hành hương tiến về quê hương vĩnh cửu đó.

Niềm tin nầy lại càng được củng cố hơn nữa qua chính “dấu lạ phục sinh ông La-da-rô từ trong cõi chết” cùng với lời tuyên bố “dứt dạc” của chính Đấng là “sự sống sự sống lại”, lời tuyên bố phát ra ngay trước cửa huyệt mộ, khi xác đất vật hèn của La-da-rô đã bốc mùi sự chết: “Thầy là sự sống lại và là sự sống. Ai tin vào Thầy thì dù đã chết cũng sẽ được sống”.

Trong một thế giới, nhất là một xã hội Việt Nam mà chúng ta đang sống, hiện diện, thì sự khủng hoảng, bất an, vô vọng, mất phương hướng đang lan tràn khắp nơi. Vì mất phương hướng và niềm tin trong cuộc sống tại thế nên đã mang theo bao tội ác kinh rợn, bào băng hoại và đồi trụy về luân thường đạo lý, mà Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan-Phaolô II gọi là “nền văn minh sự chết”: phá thai, ly dị, khủng bố, tham nhũng, dối trá, hận thù, tham lam, ác độc…; vì mất niềm hy vọng và điểm tựa cho tương lai và cùng đích cuộc đời, nên đâm ra mê tín dị đoan, tin vơ thờ quấy…

Sứ điệp của hai ngày Lễ Các Thánh Nam Nữ và Các Đẳng linh hồn, đặc biệt, với sứ điệp lời Chúa được công bố hôm nay (một niềm tin xuyên suốt từ Ma-ca-bê-ô tới Tin Mừng Thánh Gioan và cuối cùng nơi sách Khải huyền), đã gọi mời chúng ta, những người Kitô hữu, cùng lên đường để sống và làm chứng cho một niềm xác tín mạnh mẽ vào giá trị tuyệt vời của thiên chức làm người trong phẩm giá con cái Chúa, trong ơn gọi nên thánh và trong mối giây hiệp thông hoàn hảo của một cộng đoàn huynh đệ giữa những khách lữ hành đang chiến đấu với những anh chị em đã “một cõi đi về”.

Cho dù cái ngữ cảnh của hai từ “Các Đẳng” có gợi lên một thế giới của cõi âm vắng tanh, như cái vắng tanh cô độc của “một người vừa nằm xuống” trong ngôn ngữ của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn:

Rồi nằm xuống, không bạn bè, không có ai Không có ai, từng ngày, không có ai đời đời. Ru anh ngủ vùi, mùa mưa tới trong nghĩa trang này có loài chim thôi!

thì giữa mùa đông lạnh lẽo, Tháng Các Đẳng của Người Kitô hữu trở về mang theo những ngọn lửa ấm áp của tình hiệp thông huynh đệ, chan chứa niềm hy vọng và yêu thương của Thầy Chí Thánh: “Thầy đi dọn chỗ cho anh em. Để Thầy ở đâu anh em cũng ở đó…Trong nhà Cha Thầy có nhiều chỗ ở…”, hay như lời Kinh Tiền Tụng đầy xác tín tin yêu của Giáo Hội: “Nơi Người, niềm hy vọng sống lại vinh phúc đã chiếu tỏa trên chúng con, để những ai buồn sầu vì số phận chắc chắn phải chết cũng được an ủi vì Chúa hứa ban phúc trường sinh bất diệt sau nầy…”.

Giờ đây, chúng ta cùng tiếp tục Thánh lễ qua những lời cầu nguyện chung, dâng lên Thiên Chúa tình yêu.

Trương Đình Hiền

 
Dakêu gặp Chúa đổi đời
Lm Nguyễn Xuân Trường
15:44 02/11/2019
Phúc Âm tuần này mô tả Dakêu người thì lùn, nghề thì thu thuế tội lỗi. Ông đúng là lùn lầm lỗi. Ông thuộc dạng mà người Việt thường chê là “xấu cả người xấu cả nết”. Xấu không để đâu hết xấu; xấu không biết giấu vào đâu.

Nhưng thật may cho Dakêu, ông đã đổi đời khi gặp Chúa Giêsu. Từ chỗ lùn tịt ông đổi thành cao tít trên ngọn cây sung (có lẽ ông sinh năm con khỉ giỏi leo trèo). Từ chỗ ông chỉ biết vơ vét tiền của người khác vào túi mình thì nay ông thay đổi sẵn sàng mở túi mình ra cho người nghèo nửa gia tài. Thêm vào đó, nếu ông đã chiếm đoạt của ai cái gì, thì ông xin đền gấp bốn. Từ chỗ ông bị liệt vào hàng tội lỗi thì nay ông được cứu độ. Ông lột xác đổi đời. Từ chỗ “xấu cả người, xấu cả nết” thì nay ông đẹp cả tâm hồn, đẹp cả trái tim.

Tại sao ông đổi đời tuyệt vời đến thế? Thưa, vì 2 điều. Thứ nhất, ông khát khao tìm gặp Chúa. Ông tìm mọi cách quyết gặp Chúa bằng được đến độ ông quên địa vị bản thân mình là quan chức thu thuế để như 1 đứa trẻ, ông vội vàng chạy leo tót lên cây sung mong nhìn xem Chúa; Rồi ông cuống cà kê tụt xuống để đon đả rước Chúa vào nhà. Theo ngôn ngữ thời nay thì Dakêu đúng là “fan cuồng” của Chúa! Điều thứ 2 là vì tình Chúa yêu thương. Chúa để ý, Chúa liếc nhìn, Chúa gọi tên, Chúa vào nhà Dakêu. Chúa không hạch tội, kết tội, nhưng Chúa tha tội cho Dakêu. Tin Mừng là ở chỗ này: “Chúa đến để tìm và cứu những gì đã mất”. Chúa yêu thương và chữa lành tội nhân.

Như Dakêu, mỗi người chúng ta cần tự hỏi lòng mình: Tôi có khao khát gặp Chúa không? Tôi đã quyết tâm làm những gì để gặp Chúa? Tôi lầm lỗi, tôi có vui mừng vì được Chúa yêu thương tha thứ hay tôi cứ lo sợ Chúa phạt? Sau mỗi lần gặp Chúa nhờ dự lễ, cầu nguyện, tôi có đổi đời tốt đẹp hơn không? Amen.

----- Trân trọng giới thiệu 3 phút video chia sẻ Lời Chúa: DAKÊU GẶP CHÚA ĐỔI ĐỜI

https://www.youtube.com/watch?v=xKnZlb3SYcc&t=330s
 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
17:08 02/11/2019

73. Khiêm tốn và kiêu ngạo là hai thái cực tương phản, Con Thiên Chúa khiêm tốn giáng sinh làm người, cứu chuộc nhân loại; sa tan kiêu ngạo từ thiên đàng sa xuống hỏa ngục. Người trộm lành khiêm tốn được lên thiên đàng; A Dong kiêu ngạo mất phúc thiên đàng.

(Thánh Augustine)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(trích dịch từ tiếng Hoa trong"Cách ngôn thần học tu đức")


------------

http://www.vietcatholic.net

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
17:16 02/11/2019
53. DIỆU PHÁP TẠ KHÁCH

Hoành thánh của nhà Kiều Trọng Sơn làm ăn rất ngon, đã có nhiều quan khách bạn bè đến xin ăn nên ông ta rất khổ tâm.

Một hôm, ông ta bỏ trước các bàn của thực khách một tờ giấy và nói với khách:

- “Sau khi ăn xong mới có thể mở tờ giấy ra.”

Các khách ăn xong thì mở tờ giấy ra coi, té ra trong giấy viết cách nấu hoành thánh, khách cười lớn và đi về, từ đó không còn người khách nào đến xin ăn hoành thánh nữa.

(Cổ kim tiếu sử)

Suy tư 53:

Có người khi đi xin thì rất dễ thương, có người khi đi xin thì làm cái mặt hách hách khó coi và mất cảm tình.

Con người ta ai cũng rất dễ động lòng trước cảnh ăn xin của người túng thiếu, bởi vì họ khổ cực và nghèo nàn, bởi vì ai cũng có một quả tim biết nhạy cảm trước vấn đề khổ đau.

Đi xin mà không được gì vì thái độ xin của họ không mấy khiêm tốn…

Có những người Ki-tô hữu khi cầu xin với Đức Chúa Giê-su hay với Đức Mẹ thì kể công kể lễ khoe khoang mình làm nhiều việc lành phúc đức và đòi Đức Chúa Giê-su ban cho những gì mình đã giúp cho tha nhân; có người khi cầu xin thì hết nói chuyện của người bên đông lại tố khổ người bên tây, để chứng tỏ mình là người yêu mến Thiên Chúa hết lòng hết sức hơn những người ấy…

Thiên Chúa không phải là người keo kiết nhưng là Đấng không thích người kiêu ngạo và luôn yêu thích người khiêm tốn, sở thích này của Thiên Chúa chỉ có những người Ki-tô hữu mới biết được mà thôi, do đó mà trong cuộc sống dù làm bất cứ việc gì, thì họ -người Ki-tô hữu- cũng luôn có sự khiêm tốn để sống đẹp lòng Thiên Chúa hơn.

Đi xin mà cứ vỗ ngực ta đây thì ai mà giúp đỡ, cũng vậy, khi cầu xin với Thiên Chúa mà hết phán đoán người này đến chê trách người nọ thì Chúa Mẹ nào mà nhậm lời chứ !

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


----------

http://www.vietcatholic.net

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Mỗi Tuần SỐNG Một Câu Lời Chúa (CN 31 TN)
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
17:17 02/11/2019
Chúa Nhật 31 THƯỜNG NIÊN

Tin mừng: Lc 19, 1-10

“Con Người đến để tìm và cứu những gì đã mất.”


Bạn thân mến,

Ơn cứu độ đã đến với ông Gia-kêu cách dễ dàng hơn ông ta tưởng, và làm ngạc nhiên những người Do Thái khác, vì ông ta là một quan thu thuế được coi là người tội lỗi. Đức Chúa Giê-su, Đấng đến thế gian để tìm kiếm những người tội lỗi đi lạc đường chân lý, và Ngài đến để chữa lành những tâm hồn dập nát đau khổ vì những bon chen của cuộc đời, vì những bất công và thù hận của con người...

Bài Tin mừng hôm nay có hai việc mà chúng ta cần phải suy nghĩ và khắc sâu trong lòng:

Một là, Đức Chúa Giê-su đã thưởng công bội hậu cách bất ngờ cho ông Gia-kêu, đó là đến thăm ông và dùng cơm với ông, một phần thưởng quá to lớn và bất ngờ đối với ông Gia-kêu –một người được coi là người tội lỗi- và gia đình của ông, hành động này của Đức Chúa Giê-su đã làm đảo lộn những suy nghĩ của những người Do Thái đồng thời với Ngài tự gọi mình là người công chính hơn những gái điếm và thu thuế...

Giữa đám đông chen chúc nhau đi theo Đức Chúa Giê-su, một Gia-kêu lùn tịt đã không thể nào nhìn cho được người mà bấy lâu nay mình đã nghe tiếng, ý tưởng này đã thôi thúc ông bỏ ngay buổi làm việc va quyết tâm đi để nhìn thấy mặt của Đức Chúa Giê-su cho bằng được...

Giữa hàng trăm người đi theo mình, Đức Chúa Giê-su chỉ chọn một nhà thu thuế Gia-kêu để vào nghỉ ngơi và dùng bữa với ông, không phải ngẫu nhiên mà Ngài thấy ông Gia-kêu, cũng không phải nhờ các môn đệ mách bảo để Ngài biết ông ta, nhưng chỉ có Đấng thấu suốt tâm hồn mới nhìn thấy tâm tình của ông Gia-kêu tội nghiệp mong muốn thấy mặt Ngài, và lòng nhân hậu xót thương của Ngài đã khiến Ngài làm một hành động bất ngờ cho Gia-kêu và ngạc nhiên cho những người theo Ngài: “Này ông Gia-kêu, xuống mau đi, vì hôm nay tôi phải ở lại nhà ông !”.

Hai là, Đức Chúa Giê-su đến để tìm kiếm và cứu những gì đã mất, đây là một tin vui cho chúng ta những con người tội lỗi, đây cũng là một lời phán xét cho chúng ta là những người tự coi mình là công chính hơn tha nhân, để rồi kết án và đoán xét anh chị em mình...

Ông Gia-kêu đột nhiên thay đổi lối suy nghĩ và cách sống của mình khi được Đức Chúa Giê-su vào nhà mình, ông nói với Ngài: “Thưa Ngài, đây là phân nửa tài sản của tôi, tôi cho người nghèo; và nếu tôi đã chiếm đoạt của ái cái gì, tôi xin đền gấp bốn”. Tình thương của Đức Chúa Giê-su đã làm ông Gia-kêu thay đổi cuộc sống: biết chia sẻ với người nghèo những gì mình có, biết đền bù thiệt hại cho người khác do mình gây ra, mà những suy nghĩ và thái độ này trước đây chưa bao giờ ông Gia-kêu nghĩ đến...

Những người tội lỗi sẽ không thể tự mình làm lại cuộc đời, nhưng phải cậy nhờ ơn Thiên Chúa và quyết tâm của mình, nhưng chính thái độ thờ ơ vì thành kiến, kiêu ngạo vì thành tích của chúng ta là những nhân tố tích cực làm cho người anh em không thể đứng lên để làm lại cuộc đời của họ, Đức Chúa Giê-su đã làm một cuộc cách mạng đổi mới cách nhìn của chúng ta với tha nhân, đó là tất cả mọi người đều cần đến lòng thương xót của Thiên Chúa chứ không phải chỉ có người tội lỗi mà thôi.

Suy nghĩ như thế, chúng ta mới có thể thay đổi cách nhìn của mình với người khác, nhất là với những người mà chúng ta cho là tội lỗi trong cuộc sống hôm nay.

Bạn thân mến,

Mỗi người trong chúng ta là một Gia-kêu lùn, tức là cũng đầy dẫy những tội lỗi, cho nên chúng ta không thể làm quan tòa phán xét tội của người anh em, bởi vì chỉ có Thiên Chúa là Đấng phán xét mà thôi.

Do đó, một, chúng ta học gương của Gia-kêu biết trãi rộng lòng mình ra với tha nhân khi đã được Thiên Chúa thứ tha tội lỗi; hai, chúng ta noi gương của Đức Chúa Giê-su biết chia sẻ với những anh em đã ngã xuống (sống trong tội) mà chưa thể đứng lên vì nhiều lý do, để qua chúng ta, những anh em ấy mạnh dạn vứt bỏ những xấu xa của quá khứ, mà đứng lên đồng hành với mọi người trong ánh sáng của Đức Chúa Giê-su Ki-tô.

Xin Thiên Chúa chúc lành cho chúng ta.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

--------------

http://www.vietcatholic.net

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Chúa Nhật 31 Thường Niên C 2019: Mùa Xuân Trở Về Sau Hạnh Ngộ
Lm. Trương Đình Hiền.
20:34 02/11/2019
Niềm tin Kitô giáo, có thể nói, được xây dựng trên nội dung ý ngĩa nền tảng nầy: Đức Kitô đến, qua cuộc sống, cái chết và sự phục sinh của Ngài đã nối kết Đất-Trời, Thiên Chúa - Nhân loại và liên kết người với người thành anh em với nhau. Một tôn giáo chỉ có “chiều dọc” và loại bỏ chiều ngang sẽ biến tín đồ thành những con người cuồng tín, sẵn sàng chà đạp lên mạng sống và phẩm giá của anh em ; trái lại một tôn giáo chỉ tập trung thăng tiến con người mà loại bỏ chiều kích “hướng thượng”, thì sẽ trở thành một chủ thuyết duy vật vô thần, sẽ sớm đưa lịch sử con người vào ngõ cụt, chẳng chóng thì chầy sẽ xô đẩy nhân loại vào những cuộc huynh đệ tương tàn, hận thù chia rẽ.

Sứ điệp Lời Chúa của Chúa Nhật hôm nay là một khắc họa rõ nét về hai mối tương quan nầy: Chúa và tôi / Tôi và anh em đồng loại. Chúa đến để tìm tôi để nói với tôi lời yêu thương tha thứ; và tôi đưa mắt khát khao gặp gỡ Chúa để làm lại cuộc đời. Rồi từ cuộc gặp gỡ thân thương nầy Ngài sẽ biến đổi tôi để tôi có thể giang rộng vòng tay ôm lấy mọi anh em.

- Ngay từ Bài đọc thứ nhất, Trích sách Huấn ca: Đây là những đoạn hiếm hoi của mặc khải cựu ước khi trình bày dung mạo yêu thương của Thiên Chúa: “Chúa yêu thương hết mọi loài…Chúa nhắm mắt làm ngơ, không nhìn đến tội lỗi loài người…Chúa xử khoan dung với mọi loài, vì mọi loài là của Chúa…”. Vâng, Thiên Chúa của chúng ta là một “Thiên Chúa giàu lòng nhân ái”, một Thiên Chúa đã mạnh mẽ đoan quyết rằng: “Cho dù có người mẹ nào không thương con dạ nó mang, thì Ta, Ta vẫn không hề quên ngươi” (Is 49,15).

- Phải chăng việc thể hiện Đức tin đúng nghĩa đó là không ngừng tuyên xưng tình yêu của Thiên Chúa như lời tuyên xưng của đáp ca Thánh vịnh 144, hôm nay: “Chúa thành tín trong mọi lời Chúa phán, đầy yêu thương trong mọi việc Ngài làm. Ai quị ngã Chúa cũng đều nâng dậy, kẻ bị dìm xuống Người cho đứng thẳng lên”.

- Và Thiên Chúa đó đã không mệt mỏi dấn thân đi tìm con chiên lạc, để hôm nay bắt gặp một Giakê, kẻ vừa thấp bé trong cái nhìn nhục mạ rẻ khinh của người Do Thái, vừa lùn trong hàng rào đố kỵ của đám đông. Đây là một cuộc gặp gỡ đặc biệt mang dấu ấn sâu sắc về Tin Mừng Cứu độ của Thiên Chúa được thực hiện trong Đức Ki-tô. Sáng kiến cứu độ, tình yêu tha thứ, luôn bắt nguồn từ Thiên Chúa: “Đức Giê-su đi ngang qua thành phố ấy…tới chỗ ấy..Người nhìn lên và gọi ông…Quả thật Đức Kitô đã tìm thấy con chiên lạc đang “vướng trên cành” và niềm vui rạng rỡ đã bật thành lời: “Hỡi Gia-kê hãy xuống mau, vì hôm nay Ta phải lưu lại nhà ngươi” (Lc 19,5).

Trong cuộc hạnh ngộ hi hữu nầy không phải chỉ có Giakê là người hạnh phúc mà theo chú giải của Noel Quesson, chính Đức Kitô cũng là người hạnh phúc vui mừng: “Ôi chao ! Ngày hôm nay đó, chắc Đức Giêsu phải sung sướng hạnh phúc lắm ! Còn vài cây số nữa là đến Giêrusalem. Còn vài ngày nữa là cuộc khổ nạn được dâng hiến để cứu chuộc con người. Mọi nỗi đơn độc chơ vơ của thập giá, mọi hình khổ Ngài sẽ gánh chịu, mọi vết thương xé nát bàn tay và đôi chân đẩm máu sẽ mang lại ơn ích cho nhân loại. Ngài biết điều đó. Ngài đã cứu thế gian khi tiến lên Giêrusalem. Và Giakê là hoa trái đầu mùa”…

Và phải chăng với câu chuyện Giakê hôm nay, Đức Kitô muốn hiện thực hóa những dụ ngôn về lòng thương xót của Thiên Chúa mà Ngài vừa rao giảng: “Tìm con chiên lạc”, “Đồng bạc tìm thấy”, “Người con hoang đàng”.

Nhưng cuộc hạnh ngộ của niềm tin không chỉ đọng lại nơi bữa tiệc vui mà phải đi tới, phải tiến về phía trước, phía của đổi đời, của cuộc cách mạng nội tâm, cuộc “thay da đổi thịt đời sống”. Quả thật đúng như lời ca mà ai ai trong chúng ta cũng đã hơn một lần ngâm nga: “Gặp gỡ Đức Kitô biến đổi cuộc đời mình, gặp gỡ Đức Kitô đón nhận ơn tái sinh”. Vâng, “Thiên Chúa yêu chúng ta đến nổi ban Con Một” (Ga 3, 16), và Người Con ấy, đã đến và “cắm lều ở giữa chúng ta” (Ga 1, 14), “đã đến nơi nhà chúng ta” (Ga 1, 11). Tuy nhiên, để “sáng kiến cứu độ” đó được trở thành hiện thực thì chúng ta phải mở rộng cõi lòng đón nhận, phải can đảm đổi đời như Gia-kê: “Ông vội vàng tụt xuống, và mừng rỡ đón rước Người… Ông đứng lên thưa với Chúa rằng: “Tôi xin lấy phân nữa tài sản của tôi mà cho người ngèo ; và nếu đã hiệt hại ai, tôi xin đền gấp bốn”. Với hiện trạng nầy, từ một tên ty trưởng thuế vụ giàu có, giữ chặt hầu bao, kiên cố kho lẫm…Giakê đã trở nên gần như “trắng tay” khi sẻ chia bác ái và thực thi công bình. Vâng, ông đã chọn “con đường của Tám Mối phúc”!

Và chính cuộc đổi đời đó đã đưa Giakê vào một vị trí mới, một sự hàn gắn mối tương quan người với người, một cuộc hiệp thông huynh đệ, một đại gia đình không còn chỗ cho đố kỵ rẻ khinh, mà tất cả sẽ là “anh em trong Đức Kitô”. Đó chính là “Gặp gỡ Đức Kitô chân thành mình gặp mình, gặp gỡ Đức Kitô nẩy sinh tình đệ huynh”. Bởi vì chính Đức Kitô hôm nay đã khẳng quyết: “bởi người nầy cũng là con cháu tổ phụ Áp-ra-ham” (Lc 19,10).

Từ cuộc tìm kiếm, khám phá Đức Kitô khá ngộ nghĩnh và hồn nhiên đầy tính trẻ con của Giakê (ngồi lắt lẻo trên cây), cho tới quyết tâm “sẻ chia cho người nghèo” và “đền bù thiệt hại” cho anh em…, quả thật con đường gặp gỡ Thiên Chúa và hoán cải của Giakê biết bao giờ chúng ta mới học cho hết, cho đủ !

Như thế, sứ điệp phụng vụ hôm nay mời gọi chúng ta luôn sống đức tin một cách tích cực, sinh động bằng những nỗ lực hằng ngày vươn mình về phía trước, về phía của Đức Ki-tô, của Tin Mừng với một trái tim yêu thương và tin tưởng tuyệt đối vào lòng nhân ái của Thiên Chúa. Khiêm hạ đón nhận sứ điệp Lời Chúa và can đảm đổi đời đó chính là định hướng căn bản của đức tin và là chìa khoá giải mã, là điểm tựa cho cuộc sống hôm nay và ngày mai. Một niềm tin vững vàng như thế không cho phép chúng ta dao động, lo lắng trước bất cứ biến cố nào, tin đồn thất thiệt nào hay những thử thách gian truân nào như lời khuyến dụ trong Bài đọc 2: Trích thư Thánh Phao-lô gởi giáo đoàn Thê-xa-lô-ni-ca: “Anh em đừng vội để cho tinh thần dao động, cũng đừng hoảng sợ…” (2 Tx 1,11-2,2). Và một niềm tin như thế sẽ biến chúng ta thành chứng nhân của yêu thương, khoan dung và tha thứ để xây dựng thế giới quanh ta, cộng đoàn quanh ta thành gia đình của hiệp nhất, yêu thương, huynh đệ.

Tóm lại, mỗi một cuộc đời, cho dẫu phải đi qua những nẻo đường mùa đông tăm tối giá băng, thì sau cuộc hạnh ngộ với Đức Kitô, Đấng là Đường, Sự Thật, Sự Sống, một mùa xuân sẽ trở về; đó là mùa xuân của yêu thương và tha thứ, của sám hối và đổi đời, của đại tiệc hoan ca ấm tình huynh đệ, thắm nghĩa gia đình…

LM. Trương Đình Hiền.
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Nguyên văn Tài Liệu Cuối Cùng của Thượng Hội Đồng Giám Mục về Toàn Vùng Amazon, Chương II
Vũ Văn An
01:07 02/11/2019
CHƯƠNG II: CÁC CÁCH MỚI CỦA VIỆC HOÁN CẢI MỤC VỤ

“Không ai có thể vào Nước Thiên Chúa, nếu không sinh ra bởi nước và Thần Khí” (Ga 3: 5).

20. Một Giáo hội truyền giáo chịu lên đường mời gọi chúng ta bước vào một hoán cải mục vụ. Đối với Amazon, hành trình này cũng bao hàm “việc lèo lái đi lại” các dòng sông, hồ nước của chúng ta, giữa những người của chúng ta. Ở Amazon, nước liên kết chúng ta; nó không phân cách chúng ta. Hoán cải mục vụ của chúng ta sẽ có tính Samaritanô, trong đối thoại, đồng hành với những người có khuôn mặt cụ thể của người bản địa, nông dân, con cháu người Phi Châu và di dân, người trẻ, cư dân các thành phố. Tất cả những điều này hàm nghĩa một nền linh đạo lắng nghe và công bố. Với tinh thần đó, chúng ta sẽ hành trình và lèo lái trong chương này.



Giáo hội là nhà truyền giáo chịu lên đường

21.Từ bản chất, Giáo hội vốn có tính truyền giáo và Giáo Hội có nguồn gốc “từ tình yêu nguyên thủy của Thiên Chúa” (AG 2). Tính năng động truyền giáo bắt nguồn từ tình yêu của Thiên Chúa tỏa sáng, mở rộng, tràn đổ và lan rộng khắp vũ trụ. “Nhờ Phép Rửa, chúng ta được lồng vào tính năng động của tình yêu qua cuộc gặp gỡ với Chúa Giêsu, Đấng đem lại một chân trời mới cho cuộc sống” (DAp 12). Sự tràn đổ này thúc đẩy Giáo hội bước vào một hoán cải mục vụ và biến đổi chúng ta thành những cộng đồng sống động hoạt động trong một nhóm và trong một mạng lưới, nhằm phục vụ việc truyền giảng tin mừng. Việc truyền giáo hiểu như thế không phải là một điều nhiệm ý, một hoạt động của Giáo hội trong số các hoạt động khác, mà là chính bản chất của Giáo Hội. Giáo hội là truyền giáo! “Hành động truyền giáo là mô hình của toàn bộ việc làm của Giáo hội” (EG 15). Trở thành môn đệ truyền giáo là một điều gì đó hơn cả việc chu toàn các trách nhiệm hoặc thi hành việc này việc nọ. Nó được định vị ngay trong trật tự hiện hữu. “Chúa Giêsu chỉ cho chúng ta, các môn đệ của Người, thấy rằng sứ mệnh của chúng ta trên thế giới không thể là tĩnh tụ, nhưng là hành trình đó đây. Một Kitô hữu là một người lưu hành đó đây” (Đức Phanxicô, Kinh Truyền Tin, 30/06/2019).

a. Giáo hội Samaritanô, thương xót và liên đới

22.Chúng tôi muốn trở thành một Giáo Hội Amazon, có tính Samaritanô, nhập thân vào cung cách trong đó Con Thiên Chúa đã nhập thể: “Người đã mang lấy các tật nguyền của ta và gánh lấy các bệnh hoạn của ta”(Mt 8: 17b). Đấng tự làm cho mình nghèo để làm giàu cho chúng ta bằng sự nghèo khó của Người (2 Cr 8: 9) nhờ Thần khí của Người, Người khuyến khích các môn đệ truyền giáo ngày nay ra đi gặp gỡ mọi người, nhất là người bản địa, người nghèo, người bị loại trừ khỏi xã hội và những người khác. Chúng ta cũng muốn có một Giáo hội Mađalêna, cảm thấy mình được yêu thương và hòa giải, một Giáo Hội công bố Chúa Kitô bị đóng đinh và phục sinh một cách hân hoan và xác tín; một Giáo Hội Maria sinh ra những đứa con cho đức tin và giáo dục chúng một cách âu yếm và kiên nhẫn, và cũng dựa vào kho tàng của các dân tộc. Chúng ta muốn trở thành một Giáo hội phục vụ, sơ truyền, giáo dục, hội nhập văn hóa ở giữa các dân tộc mà chúng ta phục vụ.

b. Giáo Hội trong đối thoại đại kết, liên tôn và văn hóa

23. Thực tại đa sắc tộc, đa văn hóa và đa tôn giáo của Amazon kêu gọi một thái độ đối thoại cởi mở, cũng biết nhìn nhận tính đa dạng của những người đối thoại: người bản địa, người sống ven sông, nông dân và hậu duệ Châu Phi, các Giáo hội Kitô giáo và các hệ phái tôn giáo khác, các tổ chức của xã hội dân sự, các phong trào xã hội bình dân, Nhà nước, tóm lại tất cả những người có thiện chí tìm cách bảo vệ sự sống, sự toàn vẹn của Sáng thế, hòa bình và lợi ích chung.

24. Ở Amazon, “các liên hệ giữa người Công Giáo và người Ngũ Tuần, người Đặc sủng và Tin Lành không dễ dàng. Sự xuất hiện đột ngột của các cộng đồng mới, liên kết với nhân cách của một số nhà truyền giảng, tương phản một cách mạnh mẽ với những buổi ban đầu và kinh nghiệm giáo hội học của các Giáo hội lâu đời, và nó có thể che giấu nguy cơ bị lôi kéo bởi những làn sóng cảm xúc nhất thời hoặc khép kín kinh nghiệm đức tin vào một môi trường được bảo vệ và an tâm. Sự kiện không ít tín hữu Công Giáo cảm thấy bị thu hút vào các cộng đồng này là một động lực của va chạm, nhưng về phần chúng ta, nó có thể trở thành động lực để rà xét mình và đổi mới mục vụ (Đức Phanxicô, 28.09.2018). Cuộc đối thoại đại kết, liên tôn giáo và liên văn hóa phải được coi là con đường truyền giảng tin mừng không thể miễn chước ở Amazon (Xem DAp 227). Amazon là một hỗn hợp các tín ngưỡng, đa số là Kitô giáo. Trước thực tại này, những nẻo đường hiệp thông thực sự được mở ra cho chúng ta: “Những việc biểu lộ tình cảm tốt đẹp là điều không đủ. Những cử chỉ cụ thể mới cần thiết để thâm nhập vào tinh thần người ta và làm rung động lương tâm, thúc đẩy mỗi người hoán cải nội tâm, một điều vốn là nền tảng của mọi tiến bộ trên con đường đại kết” (Đức Bênêđíctô XVI, Thông điệp với các Hồng Y tại Nhà nguyện Sistine, 20/04 / 2005). Tính trung tâm của Lời Chúa trong đời sống các cộng đồng của chúng ta là nhân tố hợp nhất và đối thoại. Nhiều hành động chung có thể được thực hiện xung quanh Lời Chúa: dịch Kinh thánh sang các ngôn ngữ địa phương, phiên bản chung, phổ biến và phân phối Kinh thánh và các cuộc gặp gỡ giữa các thần học gia nam nữ Công Giáo và các thần học gia của các hệ phái khác.

25. Ở Amazon, cuộc đối thoại liên tôn được thực hiện đặc biệt với các tôn giáo bản địa và giáo phái hậu duệ gốc Châu Phi. Những truyền thống này xứng đáng được biết đến, được hiểu trong cách họ phát biểu và trong mối liên hệ của họ với rừng và Mẹ Đất. Cùng với họ, và dựa vào đức tin của mình vào Lời Chúa, các Kitô hữu dấn thân vào cuộc đối thoại, bằng cách chia sẻ cuộc sống, các quan tâm, các cuộc đấu tranh, các kinh nghiệm của họ về Thiên Chúa, để làm sâu sắc đức tin của nhau và cùng nhau hành động để bảo vệ “ngôi nhà chung”. Trong mối liên kết này, điều cần là các Giáo Hội của Amazon khai triển các sáng kiến gặp gỡ, nghiên cứu và đối thoại với các tín hữu của các tôn giáo này. Cuộc đối thoại chân thành và tôn trọng là cầu nối hướng tới việc xây dựng lối “sống tốt”. Trong cuộc trao đổi các hồng phúc, Chúa Thánh Thần ngày càng dẫn đến điều chân và điều thiện (Xem EG 250).

Giáo Hội truyền giáo phục vụ và đồng hành với các dân tộc Amazon

26. Thượng hội đồng này nhằm trở thành lời kêu gọi mạnh mẽ để mọi người đã chịu Phép Rửa của Amazon trở thành môn đệ truyền giáo. Việc sai đi truyền giáo vốn cố hữu nơi Bí tích Rửa tội và dành cho tất cả những ai đã chịu Phép Rửa. Qua đó, tất cả chúng ta đều nhận được phẩm giá làm con trai và con gái của Thiên Chúa, và không ai bị loại trừ khỏi sứ mệnh Chúa Giêsu đã trao cho các môn đệ của Người. “Hãy đi khắp thế giới và rao giảng Tin Mừng cho toàn bộ sáng thế” (Mc 16,15). Do đó, chúng ta tin rằng điều cần là tạo ra một động lực truyền giáo lớn hơn nơi các ơn gọi bản địa, để Amazon cũng được truyền giảng tin mừng bởi chính những người Amazon.

a. Giáo Hội với khuôn mặt bản địa, nông dân và hậu duệ Châu Phi

27. Điều khẩn cấp là cung cấp cho nền mục vụ bản địa vị trí chuyên biệt của nó trong Giáo hội. Chúng ta bắt đầu từ các thực tại đa dạng và các nền văn hóa khác nhau, để xác định, triển khai và áp dụng các hành động mục vụ, có thể giúp chúng ta khai triển một đề nghị truyền giảng tin mừng nơi các cộng đồng bản địa, bằng cách tự đặt mình chúng ta vào khuôn khổ của một nền mục vụ bản địa và khuôn khổ trái đất. Nền mục vụ của các dân tộc bản địa có tính chuyên biệt riêng của nó. Các thuộc địa được thúc đẩy bởi các hoạt động khai khoáng trong suốt lịch sử, với các luồng di dân khác nhau, đã đầy họ vào một tình huống dễ bị tổn thương rất cao. Trong bối cảnh này, với tư cách Giáo hội, cần tiếp tục tạo ra và duy trì chính sách ưu tiên chọn các dân tộc bản địa, mà vì họ, các cơ quan của giáo phận lo mục vụ cho người bản địa phải được thiết lập và tự củng cố bằng một hành động truyền giáo được đổi mới, biết lắng nghe, đối thoại, nhập thể và hiện diện thường trực. Ưu tiên chọn các dân tộc bản địa, với các nền văn hóa, bản sắc và lịch sử của họ, kêu gọi chúng ta khát mong một Giáo hội bản địa với các linh mục và thừa tác viên riêng của họ, luôn hiệp nhất và hiệp thông với Giáo Hội Công Giáo.

28. Thừa nhận tầm quan trọng của việc Giáo hội được kêu gọi phải chú ý đến hiện tượng đô thị hóa tại Amazon và các vấn đề và quan điểm liên quan đến nó, việc nhắc đến thế giới nông thôn như một toàn thể là điều cần thiết, nhất là nền mục vụ nông thôn. Theo quan điểm mục vụ, Giáo hội phải giải đáp hiện tượng nông thôn mất dần dân số, với mọi hậu quả xuất phát từ đó (mất bản sắc, chủ nghĩa duy tục thịnh hành, bóc lột công việc nông thôn, tan rã gia đình, v.v.).

b. Giáo Hội với khuôn mặt di dân

29. Vì sự gia tăng và khối lượng của nó hiện nay, hiện tượng di dân đã trở nên chưa từng thấy về thách đố chính trị, xã hội và giáo hội (Xem DA, 517, a). Trước sự việc này, nhiều cộng đồng giáo hội đã tiếp nhận các di dân một cách rất quảng đại, vì nhớ rằng “Ta là người xa lạ và các con đã chào đón Ta” (Mt 25:35). Các cuộc di tản bắt buộc của người bản địa, nông dân, con cháu người gốc Phi và các gia đình ven sông, bị trục xuất khỏi lãnh thổ của họ do áp lực tương tự hoặc bởi sự ngột ngạt vì thiếu cơ hội, kêu gọi phải có một nền mục vụ chung ở ngoại vi các trung tâm đô thị. Về phương diện này, điều cần là tạo ra các nhóm truyền giáo để đồng hành với họ, phối hợp với giáo xứ và các điều kiện khác của giáo hội và ngoài giáo hội, cung ứng các nghi thức phụng vụ hội nhập văn hóa và bằng các ngôn ngữ của di dân; cổ vũ các lĩnh vực trao đổi văn hóa, phát huy việc hội nhập vào cộng đồng và vào thành phố và động viên họ trong công việc lãnh đạo này.

c. Giáo Hội với khuôn mặt trẻ

30. Nổi bật trong số những gương mặt khác nhau của thực tại Amazon là gương mặt của những người trẻ tuổi có mặt trên toàn lãnh thổ. Họ là những người trẻ tuổi có gương mặt và bản sắc bản địa, con cháu người gốc Châu Phi, người sống ven sông, những người trong các hoạt động khai khoáng, các di dân và người tị nạn, và những người khác.

Những người trẻ cư dân ở các khu vực nông thôn và thành thị, những người hàng ngày mơ ước, đi tìm các điều kiện sống tốt đẹp hơn, với mong muốn sâu xa có được một cuộc sống trọn vẹn; các sinh viên và công nhân trẻ, với một sự hiện diện và tham gia mạnh mẽ vào các lĩnh vực xã hội và giáo hội khác nhau. Trong giới trẻ Amazon, có những thực tại đáng buồn, như nghèo đói, bạo lực, bệnh tật, mại dâm trẻ em, khai thác tình dục, sử dụng và buôn bán ma túy, mang thai sớm, thất nghiệp, trầm cảm, buôn bán người, các hình thức nô lệ mới, buôn bán nội tạng, các khó khăn trong việc tiếp cận giáo dục, chăm sóc sức khỏe và chăm sóc xã hội. Đáng tiếc, trong những năm qua, đã có sự gia tăng đáng kể về tự tử nơi những người trẻ tuổi, cũng như sự gia tăng dân số thanh thiếu niên bị giam cầm và các tội ác giữa và chống lại những người trẻ tuổi, nhất là con cháu người gốc Châu Phi và những người sống ở ngoại vi. Sống trong cùng một lãnh thổ lớn là Amazon, họ có cùng ước mơ và khát vọng như những người trẻ khác trên thế giới: được xem xét, tôn trọng, có cơ hội học hành và có việc làm và tương lai hy vọng. Tuy nhiên, họ đang sống trong một cuộc khủng hoảng dữ dội về giá trị, hoặc chuyển tiếp qua các cách quan niệm khác về thực tại, trong đó, các yếu tố đạo đức đang thay đổi, bao gồm cả người trẻ Bản địa. Nhiệm vụ của Giáo hội là đồng hành với họ để đương đầu với mọi tình huống đang hủy hoại bản sắc họ hoặc làm tổn hại lòng tự trọng của họ.

31.Những người trẻ tuổi cũng có mặt mạnh mẽ trong bối cảnh di dân của lãnh thổ. Thực tại người trẻ ở các trung tâm đô thị đáng chú ý đặc biệt. Càng ngày, các thành phố càng tiếp nhận mọi nhóm sắc tộc, các con người và các vấn đề của Amazon. Nông thôn Amazon đang mất dần dân số; các thành phố đang phải đối diện với những vấn đề to lớn về thanh thiếu niên phạm pháp, thiếu việc làm, đấu tranh sắc tộc và bất công xã hội. Đặc biệt, ở đây, Giáo hội được kêu gọi trở thành một sự hiện diện có tính tiên tri nơi giới trẻ, mang đến cho họ sự đồng hành thỏa đáng và một nền giáo dục thích đáng.

32. Để hiệp thông với thực tại giới trẻ Amazon, Giáo hội công bố Tin mừng của Chúa Giêsu cho giới trẻ, cung cấp việc biện phân ơn gọi và việc đồng hành, nơi để đánh giá cao nền văn hóa và bản sắc địa phương, kỹ năng lãnh đạo giới trẻ, cổ vũ các quyền của giới trẻ, tăng cường các lĩnh vực truyền giảng tin mừng đầy sáng tạo, canh tân và dị biệt hóa qua một nền mục vụ giới trẻ đổi mới và táo bạo. Một nền mục vụ luôn luôn trong diễn trình, tập trung vào Chúa Giêsu Kitô và kế hoạch của Người, có tính đối thoại và toàn diện, được dấn thân trong mọi thực tại giới trẻ hiện có trong lãnh thổ. Các người Bản địa trẻ tuổi có tiềm năng to lớn và đang tham dự tích cực vào các cộng đồng và tổ chức của họ, đóng góp với tư cách nhà lãnh đạo và hoạt náo viên, để bảo vệ quyền lợi của họ - nhất là tại lãnh thổ -, y tế và giáo dục. Mặt khác, họ là nạn nhân chính của sự bất an về đất đai bản địa và thiếu các chính sách công chuyên biệt và có phẩm chất. Sự truyền bá của rượu và ma túy thường lan tới các cộng đồng bản địa, gây hại nghiêm trọng cho những người trẻ tuổi và cản trở họ sống tự do, xây dựng ước mơ và tham gia tích cực vào cộng đồng.

33. Sự lãnh đạo của những người trẻ tuổi xuất hiện rõ ràng trong các tài liệu của Thượng hội đồng về Người trẻ (160, 46), trong Tông huấn Christus Vivit (170) và trong Thông điệp Laudato Si’ (209). Giới trẻ muốn trở thành người chủ đạo và Giáo hội Amazon muốn nhìn nhận chỗ đứng của họ. Giáo Hội muốn trở thành người bạn đồng hành trong việc lắng nghe, thừa nhận nơi người trẻ một chỗ đứng có tính cứu cánh (teleological), như những “nhà tiên tri của hy vọng”, cam kết đối thoại, nhạy cảm về mặt sinh thái và lưu ý đến “ngôi nhà chung”; một Giáo Hội biết chào đón và cùng bước đi với những người trẻ tuổi, nhất là ở các khu ngoại vi. Đứng trước điều này, có ba điều cấp bách phát sinh: cổ vũ các cách truyền giảng tin mừng mới qua các phương tiện truyền thông xã hội (Đức Phanxicô, Christus Vivit 86); giúp tuổi trẻ Bản địa đạt được một tính liên văn hóa lành mạnh, giúp mọi người họ đương đầu với cuộc khủng hoảng phản giá trị vốn hủy hoại lòng tự trọng của họ, và khiến họ mất đi bản sắc.

d. Giáo Hội tuân theo các cách mới mẻ trong nền mục vụ đô thị

34. Nhân loại có xu hướng tập trung mạnh mẽ vào các thành phố, di dân từ những thành phố nhỏ đến những thành phố lớn hơn; xu hướng này cũng xảy ra ở Amazon. Sự tăng trưởng nhanh chóng của các khu đô thị Amazon đi song song với việc tạo ra các khu ngoại vi của chúng. Đồng thời, các lối sống, các cách sống chung với nhau, các ngôn ngữ và giá trị được cấu hình bởi các khu đô thị và được truyền tải, và ngày càng được tháp nhập cả vào các cộng đồng bản địa cũng như vào phần còn lại của thế giới nông thôn. Gia đình trong thành phố là nơi tổng hợp giữa văn hóa truyền thống và văn hóa hiện đại. Tuy nhiên, các gia đình thường phải chịu cảnh nghèo đói, nhà cửa bấp bênh, thiếu việc làm, gia tăng tiêu thụ ma túy và rượu, kỳ thị và trẻ em tự tử. Ngoài ra, thiếu đối thoại trong đời sống gia đình, và các truyền thống và ngôn ngữ bị mất đi. Các gia đình cũng phải đối diện với các vấn đề mới về sức khỏe, đòi phải có nền giáo dục thỏa đáng, thí dụ, về vấn đề thai sản. Những thay đổi nhanh chóng hiện nay đang ảnh hưởng đến gia đình Amazon. Vì vậy, chúng ta tìm thấy nhiều khuôn khổ gia đình mới: Phụ nữ phải chịu trách nhiệm đối với các gia đình một cha mẹ, gia tăng các gia đình ly tán, những cuộc kết hợp đồng thuận và các gia đình tái hợp, giảm bớt các cuộc hôn nhân theo định chế. Thành phố là sự bùng nổ sự sống, bởi vì “Thiên Chúa sống ở thành phố” (DAg 514). Trong đó, có những lo âu xao xuyến và những cuộc tìm kiếm ý nghĩa cuộc đời, những xung đột nhưng cũng có tình liên đới, tình huynh đệ, mong muốn điều thiện, điều chân và công lý (Xem EG 71-75). Truyền giảng tin mừng cho thành phố hay cho nền văn hóa đô thị có nghĩa là “đạt được và, có thể nói, sửa đổi bằng sức mạnh của Tin Mừng các tiêu chuẩn phán đoán, các giá trị đáng kể, các trung tâm quyền lợi và đường hướng suy nghĩ, các nguồn cảm hứng và mô hình sống của nhân loại, xem ra trái ngược với Lời Chúa và kế hoạch cứu rỗi” (EN 19).

35. Điều cần là bảo vệ quyền của mọi người được hưởng thành phố. Quyền yêu cầu hưởng thành phố được định nghĩa như là việc vui hưởng các thành phố một cách công bằng theo các nguyên tắc bền vững, dân chủ và công bằng xã hội. Tuy nhiên, điều cũng cần là ảnh hưởng tới các chính sách công cộng và cổ vũ các sáng kiến nhằm cải thiện phẩm chất cuộc sống ở thế giới nông thôn, do đó tránh được sự chuyển dịch không kiểm soát được.

36.Các cộng đồng giáo hội cơ sở đã và đang là một hồng phúc của Thiên Chúa ban cho các Giáo hội địa phương của Amazon. Tuy nhiên, cần phải nhìn nhận rằng, với thời gian trôi qua, một số cộng đồng giáo hội đã ổn định, suy yếu hoặc thậm chí biến mất, nhưng đại đa số vẫn tiếp tục kiên trì và là nền tảng mục vụ của nhiều giáo xứ. Ngày nay, những nguy cơ lớn của các cộng đồng giáo hội chủ yếu phát xuất từ chủ nghĩa duy tục, từ chủ nghĩa cá nhân, từ việc thiếu chiều kích xã hội và không có hoạt động truyền giáo. Do đó, điều cần thiết là các Mục tử khuyến khích mỗi và mọi tín hữu trung thành với việc làm môn đệ truyền giáo. Cộng đồng giáo hội sẽ phải có mặt tại các lĩnh vực có sự tham gia vào các chính sách công cộng, nơi các hành động được vạch rõ để làm sống lại nền văn hóa, việc sống chung, việc giải trí và việc cử hành. Chúng ta phải tranh đấu để các “favelas” [khu ổ chuột] và “villas miserias” [khu bùn lầy nước đọng] bảo đảm có được các quyền căn bản; nước, năng lượng, nhà ở, và cổ vũ một nền công dân sinh thái toàn diện. Thiết lập thừa tác vụ hiếu khách (hospitality) tại các cộng đồng đô thị của Amazon vì tình liên đới huynh đệ với di dân, người tị nạn, người vô gia cư và những người đã rời bỏ các khu vực nông thôn.

37. Phải đặc biệt quan tâm đến thực tại người Bản địa ở các trung tâm đô thị, vì họ là những người phải tiếp giáp nhiều nhất với các vấn đề to lớn của nạn thiếu niên phạm pháp, thiếu công ăn việc làm, tranh chấp sắc tộc và các bất công xã hội. Đó là một trong những thách đố lớn nhất hiện nay: các thành phố ngày càng trở thành nơi đến của mọi nhóm sắc tộc và dân tộc Amazon. Một nền mục vụ bản địa cho thành phố phải được xác định rõ biết quan tâm đến thực tại chuyên biệt này.

e. Một nền linh đạo biết lắng nghe và công bố

38. Hành động mục vụ được nâng đỡ bằng một nền mục vụ dựa trên việc lắng nghe Lời Chúa và tiếng kêu của người ta, để sau đó có thể công bố Tin mừng bằng tinh thần tiên tri. Chúng ta thừa nhận rằng một Giáo hội biết lắng nghe tiếng kêu của Chúa Thánh Thần trong tiếng kêu của Amazon có thể biến thành của mình các niềm vui và hy vọng, các nỗi buồn và lo lắng của mọi người, nhưng nhất là của những người nghèo nàn nhất (Xem GS 1), những người vốn là con gái và con trai yêu quí của Thiên Chúa. Chúng ta khám phá ra rằng nguồn nước dồi dào của Chúa Thánh Thần, giống như nguồn nước của sông Amazon, tuôn chảy theo định kỳ, đưa chúng ta đến cuộc sống hết sức dồi dào mà Thiên Chúa ban cho chúng ta để chúng ta chia sẻ trong lời công bố.

Những nẻo đường mới cho việc hoán cải mục vụ

39. Các nhóm truyền giáo lưu động ở Amazon đang dệt và xây dựng cộng đồng đang lên đường, và họ giúp củng cố tính đồng nghị của giáo hội. Họ có thể cộng thêm một số đặc sủng, định chế, và Tu Hội, nam nữ giáo dân, nam nữ tu sĩ, linh mục; thêm chính họ vào để cùng nhau vươn tới những nơi một mình không thể vươn tới. Các chuyến đi của các nhà truyền giáo rời khỏi trụ sở của họ và dành thời gian đến thăm, hết cộng đồng này sang cộng đồng nọ, và cử hành các Bí tích, đã tạo nên điều gọi là “nền mục vụ viếng thăm”. Đây là một phương pháp mục vụ đáp ứng các điều kiện và khả năng hiện tại của các Giáo Hội chúng ta. Nhờ những phương pháp này, và nhờ hành động của Chúa Thánh Thần, những cộng đồng này cũng đã khai triển được một tính thừa tác phong phú, vốn là một động lực để ta tạ ơn.

40. Chúng ta đề nghị một mạng lưới lưu động tập hợp các cố gắng theo nhóm khác nhau để đồng hành và tạo động lực cho đời sống và đức tin của các cộng đồng ở Amazon. Các cách gây ảnh hưởng chính trị để biến đổi thực tại phải được biện phân với các Mục tử và hàng ngũ giáo dân, hướng đến việc chuyển từ các chuyến thăm viếng mục vụ qua một sự hiện diện thường trực hơn. Các Tu hội và / hoặc các tỉnh dòng của các nam nữ tu sĩ trên thế giới, chưa tham gia vào các sứ bộ truyền giáo, được mời gọi thiết lập ít nhất một mặt trận truyền giáo ở bất cứ quốc gia Amazon nào.

Kỳ tới: Chương III
 
Bài giảng của Đức Thánh Cha trong lễ cầu cho các tín hữu đã qua đời tại hang toại đạo Priscilla, Rôma
J.B. Đặng Minh An dịch
17:03 02/11/2019
Chiều ngày lễ tưởng niệm tất cả các tín hữu đã ra đi trước chúng ta, Đức Thánh Cha đã đến hang toại đạo Priscilla, tại Via Salaria, Rôma, để cử hành Thánh lễ. Lúc 4 giờ chiều, Đức Thánh Cha đã cử hành thánh lễ tại Tiểu Vương Cung Thánh Đường Thánh Silvestro Papa cho hàng trăm các nữ tu Biển Đức là những người được ủy thác trông coi hang toại đạo Priscilla.

Trong bài giảng thánh lễ, Đức Thánh Cha nói:


Đối với tôi, đây là lần đầu tiên trong đời bước vào một hang toại đạo, với nhiều bất ngờ, lễ cầu cho tất cả các tín hữu đã qua đời nói với chúng ta biết bao điều. Chúng ta có thể nghĩ về cuộc sống của những người phải trốn tránh, những người có văn hóa chôn cất kẻ chết này và cử hành Bí tích Thánh Thể ở đây. Đây là một khoảnh khắc tồi tệ của lịch sử, nhưng nó vẫn chưa được khắc phục: ngay cả ngày nay vẫn còn xảy ra. Còn rất nhiều. Có nhiều hang toại đạo ở các quốc gia khác, nơi họ thậm chí phải giả vờ tổ chức một bữa tiệc hoặc sinh nhật để cử hành Bí tích Thánh Thể, bởi vì ở nơi đó, họ bị cấm không được làm như vậy. Thậm chí ngày nay số các tín hữu Kitô bị bắt bớ còn nhiều hơn trong những thế kỷ đầu tiên, nhiều hơn rất nhiều. Hang toại đạo, sự bách hại, các tín hữu Kitô - và những Bài đọc này, khiến tôi nghĩ đến ba từ: căn tính, địa điểm và hy vọng.

Căn tính của những người đã tụ tập ở đây để cử hành Bí tích Thánh Thể và ca ngợi Chúa, cũng giống căn tính của anh chị em chúng ta ngày nay ở rất nhiều nước, rất nhiều quốc gia nơi chỉ cần là một Kitô hữu thôi cũng đủ là một tội ác rồi, ở đó họ bị cấm đoán, họ không có quyền. Giống hệt như thế. Đó là căn tính mà chúng ta đã nghe: là Các Mối Phúc Thật. Bản sắc của Kitô hữu là đây: Các Mối Phúc Thật. Không nhưng nhị gì cả. Nếu anh chị em làm điều này, nếu anh chị em sống như thế này, anh chị em là một Kitô hữu. “Nhưng thưa cha không, tôi thuộc về hiệp hội này, phong trào kia ...” . Vâng, vâng, tất cả những điều đó tốt lắm; nhưng chúng chỉ là những điều phù hoa trước thực tế này. Căn tính của anh chị em là Các Mối Phúc Thật và nếu anh chị em không có điều đó, các phong trào hoặc các thứ phụ thuộc khác sẽ thành ra vô dụng. Anh chị em hoặc là sống như thế này, hoặc anh chị em không phải là tín hữu Kitô. Đơn giản là như thế. Chính Chúa nói như thế. “Vâng, nhưng nó không phải dễ dàng, tôi không biết làm thế nào để sống như thế...” Có một đoạn trích từ Tin Mừng giúp chúng ta hiểu rõ hơn về điều này, và đoạn Tin Mừng đó cũng sẽ là một “tiêu chí cao nhất”, theo đó chúng ta sẽ được phán xét. Đó là chương 25 trong Tin Mừng theo Thánh Matthêu. Đoạn Tin Mừng này, cùng với Các Mối Phúc Thật, là tiêu chí cao nhất, chỉ cho chúng ta thấy, cách sống bản sắc của chúng ta như các tín hữu Kitô. Không như thế, chúng ta không có bản sắc, chúng ta chỉ là các Kitô hữu hư cấu, không có bản sắc.

Sau bản sắc của Kitô hữu là từ thứ hai: địa điểm. Tôi nghĩ đến những người đã đến đây để trốn tránh, để được an toàn, thậm chí là để chôn cất kẻ chết; và những người đang cử hành Bí tích Thánh Thể ngày hôm nay trong bí mật, tại những quốc gia bị cấm. Tôi nghĩ về vị nữ tu ở Albania, người đã phải sống trong một trại cải tạo, vào thời kỳ của chủ nghĩa cộng sản. Lúc đó, các linh mục đã bị cấm ban các bí tích, và nữ tu này đã rửa tội bí mật cho nhiều người. Dân chúng, các Kitô hữu biết rằng nữ tu này dám rửa tội và các bà mẹ mang con cái của họ đến. Lúc đó, họ không có cả cái ly, hay thứ gì đó có thể đựng nước. Thành ra, vị nữ tu đã phải đựng nước trong đôi giày. Chị dùng giày lấy nước từ sông lên và rửa tội. Vị trí của các Kitô hữu là ở khắp mọi nơi, chúng ta không có một nơi đặc quyền trong cuộc sống. Một số người muốn có một vị trí như thế, họ là các tín hữu Kitô “được trọng vọng”. Nhưng có nguy cơ chúng ta ở lại với tính chất “được trọng vọng” và đánh mất đi tính “Kitô hữu”. Vị trí của Kitô hữu là gì? “Linh hồn người công chính ở trong tay của Thiên Chúa” (Kn 3:1): Vị trí của người Kitô hữu là trong tay của Thiên Chúa, nơi Ngài muốn. Bàn tay của Thiên Chúa, Đấng đã bị vấy bẩn, là bàn tay của Con Người, Đấng muốn mang theo những vết thương của Người ra trước mặt Chúa Cha và cầu thay cho chúng ta. Vị trí của người Kitô hữu nằm trong sự can thiệp của Chúa Giêsu trước Chúa Cha. Trong tay của Chúa. Và chúng ta chắc chắn rằng bất kể những gì có thể xảy ra, dù là thập giá đi nữa, căn tính của chúng ta, khi dựa vào Tin Mừng, nói với chúng ta rằng chúng ta sẽ được chúc phúc nếu người ta bắt bớ chúng ta, nếu thế gian hò reo chống lại chúng ta; nếu chúng ta ở trong tay Chúa, trong tình yêu Ngài, chúng ta chắc chắn được chúc phúc. Đó là nơi của chúng ta. Và hôm nay chúng ta có thể tự hỏi: nhưng tôi cảm thấy an toàn nhất ở đâu? Trong tay của Thiên Chúa hay trong những thứ khác, trong các loại bảo đảm an ninh mà chúng ta “thuê mướn” nhưng cuối cùng sẽ thất bại, và trong những thứ bất nhất khác chăng?

Những Kitô hữu này, với bản sắc này, những người đã sống và đang sống trong tay của Thiên Chúa, là những người nam nữ của hy vọng. Và đây là từ thứ ba đến với tôi hôm nay: hy vọng. Chúng ta đã nghe từ này trong bài đọc hai: đó là viễn kiến cánh chung nơi mọi thứ được thực hiện lại, nơi mọi thứ được tái tạo, nơi đất nước mà tất cả chúng ta đi đến. Và để được vào đó, chúng ta không cần những điều kỳ lạ, chúng ta không cần những thái độ phức tạp: chúng ta chỉ cần xuất trình thẻ căn cước và được bảo rằng “Được rồi, hãy đi về phía trước” . Hy vọng của chúng ta là ở Thiên đường, hy vọng của chúng ta được neo ở đó và chúng ta, với sợi dây nắm chắc trong tay, nâng đỡ chúng ta khi nhìn vào bờ bên kia sông mà chúng ta phải băng qua.

Căn tính là Các Mối Phúc Thật và Chương 25 Phúc Âm Thánh Matthêu. Nơi chốn an toàn nhất là trong tay Chúa, tràn ngập tình yêu. Tương lai, dù còn ở bên kia con sông, nhưng hy vọng là mỏ neo, là sợi dây tôi bám vào. Điều này rất quan trọng, luôn luôn bám vào sợi dây! Nhiều khi chúng ta sẽ chỉ nhìn thấy sợi dây, không thấy mỏ neo đâu, cả bờ bên kia cũng không thấy; nhưng anh chị em, hãy giữ chặt sợi dây thì anh chị em sẽ đến được nơi an toàn.

Vào cuối buổi lễ, trước khi trở về Vatican vào lúc 5h30, Đức Thánh Cha đã xuống hang toại đạo bên dưới để thăm viếng. Ngài dừng lại cầu nguyện một lát trước bức ảnh Đức Mẹ đã có từ giữa thế kỷ thứ ba.

Khi về đến Vatican, Đức Thánh Cha Phanxicô đã đến khu hầm mộ chôn cất các vị Giáo Hoàng bên dưới Đền Thờ Thánh Phêrô trong một khoảnh khắc cầu nguyện riêng tư, để cầu nguyện cùng các vị Giáo hoàng quá cố.


Source:Libreria Editrice Vaticana
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Cộng đoàn Lòng Thương Xót Chúa Giáo xứ Tân Việt mừng bổn mạng
Vinh sơn Trần văn Đẩu
09:07 02/11/2019
Cộng đoàn Lòng Thương Xót Chúa Giáo xứ Tân Việt mừng bổn mạng

“ Hân hoan hân hoan mừng kính các Thánh trên Trời. Thiên cung reo vui bừng chiếu ánh sáng rạng ngời… “ Lời bài ca nhập lễ của ca đoàn LTX Chúa đã hướng cộng đoàn sốt sáng tham dự Thánh lễ mừng kính Các Thánh nam nữ bổn mạng, kỷ niệm 10 năm thành lập CĐ LTX Chúa.

Xem Hình

Thánh lễ đồng tế được cử hành lúc 10g30 sáng thứ sáu 1/11/2019 tại giáo xứ Tân Việt hạt Tân sơn Nhì do Linh muc Chánh xứ Đa minh Vũ ngọc Thủ chủ tế, đồng tế với ngài là cha khách cùng với sự hiện diện của đông đảo cộng đoàn dân Chúa.

Lúc 10g toàn thể cộng đoàn cùng sốt sáng lần chuỗi lòng thương xót, để cầu nguyện cho các gia đình, giáo xứ và toàn thế giới.

Chia sẻ Tin mừng cha chủ tế nói: Tất cả chúng ta đang sống trên trần gian hãy hướng nhìn về trời cao vì theo lời Thánh Phao lô nói: Tôi đã chạy cùng đường và đang chờ đợi triều thiên mà Thiên Chúa ban tặng không chỉ cho tôi,

Mà cho tất cả những ai sống tốt và mong chờ ngày Chúa đến bởi quê hương đích thực của chúng ta trên trời.

Hôm nay Cộng đoàn LTX Chúa mời gọi chúng ta cùng tham dự thánh lễ mừng bổn mạng, kỷ niệm 10 năm thành lập vì cộng đoàn LTX là một trong nhửng đoàn thể Công Giáo tiến hành đã hưởng ứng lời kêu gọi của Thánh Faustina hãy tín thác vào trái tim nhân từ và lòng thương xót vô bờ bến của Thiên Chúa.

Ngài kết luận: Tạ ơn Chúa vì CĐ LTX Chúa vào lúc 15g mỗi ngày vẫn quy tụ tại ngôi thánh đường giáo xứ lần chuỗi cầu nguyện để kín múc Lòng thương xót của Chúa và nhất là biết xót thương anh chị em chung quanh mình.

Thánh lễ tiếp tục với Lời nguyện tín hữu và dâng của lễ.

Mừng kính các Thánh bổn mạng, kỷ niệm 10 năm thành lập Cộng đoàn LTX Chúa. Chúng con xin dâng lên Chúa tất cả những người thân yêu trong gia đình, trong giáo xứ, trong cộng đoàn chúng con, dâng lên Chúa những ý nguyện của từng người trong ngày hôm nay và tất cả những người không đến được nhưng vẫn hợp ý với chúng con trong Thánh lễ tạ ơn hôm nay.

Thánh lễ kết thúc lúc 11g30 trong niềm vui của toàn cộng đoàn giáo xứ.

Vinh sơn Trần văn Đẩu
 
Mừng 40 năm Thành Lập Cộng Đoàn Thánh Gioan Hoan Melbourne
Nguyễn Ngọc Trúc CĐThánh Gioan Hoan
14:24 02/11/2019
Sáng Chúa Nhật, 27/10/2019, tại Nhà Thờ Thánh Giuse, Collingwood, Giáo Xứ Đức Bà Thánh Giá Phương Nam (Our Lady of the Southern Cross, Melbourne, Australia), Linh mục Anthony Nguyễn Ngọc Dũng SVD, Tuyên úy Cộng Đoàn Công Giáo Thánh Gioan Hoan – chủ tế Thánh Lễ cùng quý linh mục dòng Salesian Don Bosco và khoảng 10 linh mục Việt Nam trong Tổng Giáo Phận Melbourne hiệp dâng Thánh Lễ Tạ Ơn mừng 40 năm thành lập Cộng Đoàn Công Giáo Thánh Gioan Hoan. Cộng đoàn dân Chúa đến từ khắp nơi có khoảng chừng 400 giáo dân.
xem hình

Trước khi thánh lễ bắt đầu, giáo dân ôn lại quãng đường 40 năm qua hình ảnh slideshow, mốc thời gian khởi đầu từ khi Lm Bart Huỳnh San được bổ nhiệm làm Phó Xứ Giáo Xứ Thánh Giuse, Collingwood, tiếp nối qua Lm Giacôbê Võ Thanh Xuân, Lm Phêrô Hoàng Kim Huy SDB và hiện nay Lm Anthony Nguyễn Ngọc Dũng SDB.
Sau khi nhận lãnh Thiên Chức Linh Mục ngày 18 tháng 8 năm 1979 tại nhà thờ Chánh Tòa, St Patrick’s Melbourne, Lm Bart Huỳnh San được bổ nhiệm làm cha phó Giáo Xứ Thánh Giuse, Collingwood. Vào thời điểm này có một số người Việt tỵ nạn đến cư ngụ tại các khu chung cư vùng Richmond, Collingwood, Fitzroy, Carlton, Clifton Hill. Lm Bart Huỳnh San đã quy tụ những gia đình Công Giáo đang cư ngụ ở những khu vực này để thành lập cộng đoàn Công Giáo Việt Nam khoảng cuối tháng 9 năm 1979. Thánh lễ Giáng Sinh lần đầu tiên, ngày 24/12/1979, đã được tổ chức long trọng trong ngôi thánh đường.

Năm 1983, Lm Bart Huỳnh San chọn Thánh Gioan Đoàn Trinh Hoan làm Bổn mạng cho cộng đoàn người Việt Công Giáo ở giáo xứ Thánh Giuse, Collingwood và chọn Thánh Tôma Thiện làm Bổn mạng cho cộng đoàn người Việt Công Giáo ở vùng miền Đông Nam Melbourne. Tháng 8 năm 1986, Lm Bart Huỳnh San được Bổ nhiệm làm Linh mục Tuyên úy toàn thời gian cho giáo dân người Việt ở vùng Collingwood và vùng miền Đông Nam Melbourne.


Trong thời gian phục vụ Lm Bart Huỳnh San đã nhận thấy cần phải thành lập một trung tâm Công Giáo cho cộng đoàn dân Chúa vùng Đông Nam Melbourne, sau một thời gian nghiên cứu, Ngài đã mua một miếng đất rộng lớn ở Keysborough, văn bản được ký vào ngày 24 tháng 11 năm 1988, để thành lập Trung Tâm Hoan Thiện và Trung Tâm Hoan Thiện đã chính thức khánh thành vào ngày 24 tháng 4 năm 1994. Kể từ ngày đó Lm Bart Huỳnh San chính thức trao trọng trách tuyên úy CĐ Gioan Hoan cho Lm Giacôbê Võ Thanh Xuân.

Tiếc thay, sáng sớm ngày 2/4/2007, ngôi Thánh đường đã bị hỏa hoạn thiêu rụi chỉ còn trơ lại bốn bức tường. Cuối năm 2007, Lm Giacôbê Võ Thanh Xuân được bổ nhiệm phục vụ tại Giáo Xứ St John, East Melbourne. Mặc dầu nhà thờ không còn, cộng đoàn dân Chúa nơi đây đã phải tạm xử dụng hội trường nhà xứ để cử hành phụng vụ. Sau thánh lễ thì hội trường cũng được "tận dụng" để trờ thành nơi sinh hoạt của đoàn Thiếu Nhi Thánh Thể và ca đoàn và văn phòng nhà xứ là nơi hội họp của hội đoàn Legio và Huynh Đoàn Đa Minh.

Nhận thấy việc xây dựng lại ngôi nhà thờ nơi đây mang một ý nghĩa rất lớn xét về mặt tôn giáo cũng như văn hóa. Chính nơi đây có thể nói là cái nôi của cộng đoàn dân Chúa người Việt đầu tiên khi đến định cư ở chung quanh vùng Collingwood, và ngay cả một số giáo dân cư ngụ ở những vùng xa thành phố như vùng miền Bắc, miền Đông và Đông Nam Melburne cũng đã đến đây tham dự thánh lễ và tham gia sinh hoạt trong các hội đoàn, đoàn thể. Bởi thế Lm Phêrô Hoàng Kim Huy đã nỗ lực vận động để xây dựng lại ngôi thánh đường của một giáo xứ có bề dày lịch sử.

Với tất cả niềm tin tưởng, hy vọng và phó thác để rồi sau hơn 10 năm nỗ lực và cố gắng, Giáo xứ Đức Bà Thánh Giá Phương Nam đã hoàn thành việc tái xây dựng Ngôi Thánh Đường Thánh Giuse, Collingwood. Hòa với niềm tri ân cảm mến, sáng Thứ Bả, ngày 7 tháng 4 năm 2018, Đức Tổng Giám Mục , Tổng Giáo Phận Melbourne, Denis Hart đã làm phép Nhà Thờ và Thánh Hiến Bàn Thờ của ngôi Thánh Đường Thánh Giuse.

Thánh Lễ Tạ Ơn 40 Năm Hồng Ân cử hành với thánh giá nến cao đi trước, đoàn đồng tế với 18 Linh mục và 1 Thầy Phó Tế cùng với Thừa Tác Viên Đọc Sách Thánh tiến lên Cung Thánh. Bài ca nhập lễ vang lên nghe thật cảm động. Vì đó là tâm trạng của cộng đoàn dân Chúa “Mau mau ta tiến về, về thành đô. Gia-Liêm Chúa ta. Lòng nghe lòng rộn rã bốn phương về anh em gần xa. Dâng lời kinh thiết tha, muôn lòng chung tiếng ca. Dâng lên Người lời tạ ơn Chúa muôn ngàn đời” (Mau Tiến Về - Trần Minh Hứa).

Lm Phêrô Hoàng Kim Huy SDB, cựu Lm Tuyên úy của cộng đoàn, trong bài chia sẻ ngài đã nhắn nhủ mọi người hãy tạ ơn Thiên Chúa cho hành trình 40 năm ân phúc này của cộng đoàn. “Tạ ơn Thiên Chúa, bởi Thiên Chúa đã ban con một của Người đến ở cùng với chúng ta trong suốt 40 năm qua và sẽ ở cùng chúng ta luôn mãi”. Ngài mời gọi mỗi người, ngày hôm nay không chỉ mừng kỷ niệm 40 năm thành lập cộng đoàn, nhưng mọi người phải cùng nhau sống đạo, có nghĩa là sống trong Chúa, vì chỉ có sống trong Chúa thì chúng ta mới có thể cùng nhau làm việc chung, cùng nhau gánh vác xây dựng cộng đoàn sao cho mỗi ngày một thăng tiến hơn, có được như vậy mới đúng là phản ảnh hành trình thiêng liêng sống trong Chúa.

Các bài thánh ca trong Thánh Lễ Tạ Ơn đều nhắc nhở mọi người cùng nhau tạ ơn Chúa với biết bao hồng ân Chúa ban cho cộng đoàn trong suốt 40 năm qua, “Bao con tim đêm ngày

mơ ước. Bao bàn tay nối kết ươm gieo. Nhọc nhằn lam lũ sớm chiều ơn Chúa cho đến mùa gặt hái, hoa trái thơm ngon ngọt môi cười. Xin dâng lên Chúa với trọn tình con mến yêu” (Dâng Bánh Rượu – Lm Quý Báu; “Con chúc tụng danh Ngài, chúc tụng danh Ngài, chúc tụng Ngài. Phúc lành Ngài luôn tuôn tràn. Con khấn nguyện ngày đêm, cầu nguyện ngày đêm, suốt ngày đêm hằng khấn nguyện ở trong tình Ngài” (Cảm Tạ - Long Anh). Đặc biệt các em trong doàn Thiếu Nhi Thánh Thể đã ca tụng sáng danh Chúa “We are one body, we are one. Like Jesus showed us. Together as one, we celebrate. Like Jesus showed us” (Do This In Memory Of Me - John Burland)

Tháng 10 là tháng Mân Côi, vì vậy sau phần Hiệp Lễ, một số thành viên trong ca đoàn Cung Chiều, kết hợp với đội Legio, đã dâng lên Mẹ Maria những cỗ tràng hạt, và những bó hoa thiêng trong bài múa dâng lên Mẹ.

Trước khi thánh lễ kết thúc ông Giuse Đặng Duy Hân, Trưởng Ban Đại Diện cộng đoàn, có đôi lời cám ơn quý Linh mục, quý tu sĩ nam nữ, quý ân nhân, thân nhân và toàn thể cộng đoàn dân Chúa đã nhận lời mời đến tham dự thánh lễ Tạ ơn.

Lm Philip Gleeson SVD đại diện Dòng Salesian Don Bosco có đôi lời tâm tình và nhắn nhủ với cộng đoàn như sau: " Anh chị em như những viên đá sống động, tạo nên chi thể và nét mặt tươi sáng cho Giáo Hội này. Làm cho Giáo Hội địa phương thêm phong phú, cũng chính vì thế mà hôm nay chúng ta cùng nhau hiệp dâng Thánh lễ tạ ơn”. Ngài còn dí dỏm nói đặc biệt là mỗi lần cộng đoàn chuẩn bị tiệc ăn, ngài ngửi thấy mùi thơm phưng phức, ngài xuống nhà bếp và được mời ăn chả giò thơm ngon.

Tiếp theo Lm Chánh Xứ, Martin Tanti chào cộng đoàn với lời chào bằng tiếng Việt và ngài nhắn nhủ mọi người hãy tạ ơn Chúa những gì cộng đoàn đã dầy công xây dựng một cách tốt đẹp, điều đó mới là quan trọng.

Sau cùng là Lm Giacôbê Võ Thanh Xuân nhắc lại những dấu mốc lịch sử kể từ khi Ngài được Lm Bart Huỳnh San trao trọng trách làm tuyên úy cho cộng đoàn, theo dòng thời gian đã có biết bao là thăng trầm. Tuy đôi lúc có những khó khăn, nhưng cộng đoàn vẫn tiến bước, vượt qua mọi trở ngại, như vậy, cũng đủ cho chúng ta chứng minh một hành trình đức tin sống động.

Một lần nữa, qua bài ca Kết Lễ, cộng doàn cùng dâng lên Chúa lời tạ ơn “Chúng con xin tạ ơn Chúa uy quyền toàn năng tình yêu Chúa nào biết chi báo đền. Chúa muôn đời là Chúa khắp vũ trụ trời đất ngàn vinh quang cao chiếu hiển trị đời đời” (Tạ Ơn Chúa với Mẹ- Thi Yên).

Sau Thánh lễ, cộng đoàn trân trọng kính mời tất cả quý khách ra trước sân nhà thờ chụp hình kỷ niệm và sau đó đến Happy Receptions để cùng nhau tham dự tiệc mừng kỷ niệm 40 năm Hồng Ân.

Trong buổi tiệc mừng, cộng đoàn mời quý khách thưởng thức các tiết mục văn nghệ với sự đóng góp của tất cả các ban ngành đoàn thể như là xứ đoàn Thiếu Nhi Thánh Thể, Ca đoàn Cung Chiều, Hội Legio và đặc biệt với sự đóng góp của các Thầy Dòng Salesian Don Bosco. Chương trình văn nghệ được diễn ra với các tiết mục rất hào hứng, sôi nổi, như bài múa nón,

bài múa của các cha và thầy Dòng Salesian Don Bosco, kịch của Legio, các tiết mục trẻ trung của Thiếu Nhi Thánh Thể và những giọng hát tuyệt vời của các đôi song ca.

Cộng đoàn Gioan Hoan được tồn tại để có ngày hôm nay, mừng đại lễ 40 năm hồng ân, cũng là phép lạ. Nhà thờ bị thiêu rụi, cữ ngỡ là cộng đoàn sẽ bị mất dấu. Cảm Tạ Chúa, vì những lúc thăng trầm, Chúa luôn kề bên cùng sớt chia vui buồn. Tất cả những biến cố đặt biệt được gởi đến hầu để mời gọi con cái đặt niềm tin vào tình thương của Chúa ban. Ơn phù trợ của Đức Mẹ La Vang luôn ở cùng với cộng đoàn. Ơn phù trợ của các Thánh Tử Đạo Việt Nam, Thánh Bổn Mạng Gioan Hoan luôn sống trong cộng đoàn trong mọi hoàn cảnh. Cộng đoàn Gioan Hoan không thể quên các Lm tuyên úy của Cộng đoàn, các Linh mục Việt Nam trong TGP Melbourne, quý ân nhân, còn sống cũng như đã qua đời. Công ơn của biết bao đôi bàn tay trong Ban Đại Diện tiền nhiệm cũng như đương nhiệm và các ban ngành đoàn thể đã dầy công thành lập và xây dựng cộng đoàn Gioan Hoan trong suốt 40 năm qua.

“Hãy ngợi khen Chúa vì Chúa rất nhân từ. Muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương. Hãy tạ ơn Chúa rất nhân từ. Muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương”. (Hãy Ngợi Khen, Tạ Ơn Chúa, sáng tác của anh ca trưởng Thanh Tùng, nhân dịp cộng đoàn Gioan Hoan kỷ niệm 40 năm Hồng Ân, và cũng kỷ niệm 40 năm thành lập ca đoàn Cung Chiều)



 
Lễ Giỗ và Tưởng Niệm lần thứ 56 của Tổng Thống Gioan Baotixita Ngô Đình Diệm:
Cộng đồng Công giáo Việt Nam Melbourne
17:49 02/11/2019
Lễ Giỗ và Tưởng Niệm lần thứ 56 của Tổng Thống Gioan Baotixita Ngô Đình Diệm

Tối ngày lể các đẳng 3/3/2019 Cộng đồng Công Giáo Việt Nam Melbourne đã tề tựu tại thánh đường Thánh Margarita Maria ở Brunswick để cử hành thánh lễ cầu nguyện cho các Linh hồn trong đó có Linh hồn Gioan Baotixita Ngô Đình Diệm và bào huynh của ông là Giacôbê Ngô Đình Nhu, cả hai đã bị sát hại trong cuộc cách mạng 1/1/1963, đúng 56 năm về trước. Thánh lễ do Linh mục Cha chánh xứ Nguyễn Hữu Quảng, SBD chủ tế và Nguyễn Trọng Thiên, SVD đồng tế và giảng thuyết.
Xem hình
Trước lễ quí cha và các đại diện dâng hương trước di ảnh của cố Tổng thống và sau đó tất cả cầm nến sáng lên đặt trước bàn thờ như dấu chỉ tưởng nhớ và cầu nguyện… Trong bài giảng cha Thiên đã nhắc nhớ tất cả về cuộc sống vĩnh hằng sau cuộc trần thế này và nêu lên mẫu gương Đức tin và sự xả thân của cố Tổng thống cho quê hương đất nước…
Sau thánh lễ ông chủ tịch Nguyễn Ngọc Dũng đã có đôi lời cám ơn quan khách và giáo dân, đồng thời ông cũng mời tất cả qua hội trường giáo xứ để tham dự tiệc trà thân mật
 
Văn Hóa
Nhân Tháng Mười Một - Nghĩ Suy Về Cái Chết
Tu sĩ: Jos.Vinc. Ngọc Biển, S.S.P.
09:03 02/11/2019
Khi chọn Tháng Mười Một là tháng dành riêng để cầu nguyện cho các linh hồn, Giáo Hội muốn mời gọi con cái của mình một mặt tưởng nhớ tới những người đã khuất để cầu nguyện cho họ. Mặt khác, Giáo Hội cũng muốn chính những người còn đang sống hãy nghĩ đến thân phận của mình, một ngày nào đó rồi cũng sẽ phải ra đi như những người thân yêu của mình đã lần lượt lìa bỏ thế gian để về với thế giới bên kia. Nay tôi – mai bạn. Vậy, đâu là ý nghĩa của cuộc sống? Cuộc đời sẽ đi về đâu? Bên kia cõi chết là gì? Qua bài viết này, người viết xin được khiêm tốn chia sẻ những gẫm suy về ý nghĩa cái chết của những người có niềm tin.

Trong Mười Điều Răn, Thiên Chúa đã dành hẳn Điều Răn Thứ Bốn nói về lòng hiếu thảo của con cháu đối với ông bà cha mẹ. Đây không phải là lời khuyên mà là một luật buộc phải thi hành như Các Điều Răn khác.

Vậy hiếu kính cha mẹ là yêu mến, biết ơn, vâng lời, giúp đỡ cha mẹ khi còn sống và cầu nguyện cho các ngài khi đã qua đời. Nhưng mang trong mình những giới hạn nhất định, nên nhiều khi chúng ta đã không thể chu toàn được với các ngài.

Thật thế, không ai có thể chu toàn lòng kính mến, hiếu thảo đối với những bậc ông bà, cha mẹ, hoặc vuông tròn sự yêu thương hoà đồng giữa anh chị em ruột thịt trong nhà và bà con thân thuộc lối xóm. Cho dù nếu có, thì trong Tháng Các Linh Hồn này, Hội Thánh cũng nhắc nhở chúng ta làm mới lại những yêu thương ấy đối với những người đã khuất, để từ đó làm mới lại mối dây liên lạc yêu thương, tương kính với những người đang sống. Những người mà chúng ta gặp gỡ hằng ngày.

Truyền thống của Giáo Hội dạy cho ta biết rằng: các linh hồn là những người đã một thời sống cùng, sống với chúng ta trên cõi trần này, nhưng các ngài đã ra đi trước. Vì khoác trên mình thân phận của con người, nên nhiều khi các ngài mang lấy tội mà đi vào cõi chết. Những lỗi lầm đó có thể là do yếu đuối của các ngài, có khi vì chúng ta mà các ngài phải bị liên luỵ.... Như vậy, trước khi về hưởng trọn vẹn niềm vui và hạnh phúc bên Chúa như các thánh, các ngài phải thanh luyện cho xứng đáng trước sự thánh thiện vô cùng của Thiên Chúa. Những người còn sống có thể dâng thánh lễ, làm các việc lành đạo đức, dâng những hy sinh, hãm mình... để cầu nguyện cho các linh hồn. Mặt khác, khi cầu nguyện cho các các ngài, Giáo Hội muốn cho chúng ta hiểu được rằng, đây còn là thái độ của lòng biết ơn. Vì: trước hết, ta sống là nhờ cha mẹ và người thân. Ai trong chúng ta cũng đều lớn dần lên ngang qua sự vất vả một nắng hai sương của cha mẹ. Từ những đêm thức trắng lo toan, đến những tần tảo quanh năm suốt tháng để ta được nuôi dưỡng nên người. Trong nụ cười của chúng ta có sự chết (hy sinh) của cha mẹ. Trong niềm vui của chúng ta có đau khổ của đấng sinh thành. Và thế rồi, dầu cha mẹ có khuất núi, thì các ngài lại đang hiện diện nơi con cháu là chúng ta, vì chúng ta mang trong mình huyết nhục cũng như tinh thần của các ngài. Như vậy, với niềm tin vào Đức Kitô chết và phục sinh cùng những lời Chúa hứa, chúng ta phó thác người thân chúng ta nơi Lòng Thương Xót của Thiên Chúa.

Ngoài việc đọc kinh, cầu nguyện... cho các linh hồn thì việc đi viếng nghĩa trang, việc sửa sang phần mộ là việc tốt. Nhưng điều tốt này lại có ích cho người còn sống nhiều hơn. Bởi lẽ, từ cái nghĩa trang mà mỗi người thấy đó, từ nấm mồ mà chúng ta đang sửa sang tô quét ấy, từ những hũ đựng hài cốt trước mặt kia, chúng ta thấy được kiếp sống vắn vỏi của con người. Suy nghĩ về vấn đề này, thánh Augúttinô nói: “Mọi sự dầu hay, hay dở, đều không chắc chắn, chỉ sự chết là chắc chắn sẽ xảy đến.” Cái đích điểm mà tất cả mọi người ở trần gian này sẽ phải đến gặp nhau là ở chỗ: ba tấc đất sâu, và một nấm mộ cô đơn lạnh lẽo. Chính vì thế mà Giáo Hội muốn chúng ta không dừng lại ở những tấc đất, nấm mộ, mà hãy đi tìm cho mình một ý nghĩa đằng sau cái chết. Muốn cái chết của mình thật sự có ý nghĩa, trước tiên hãy nghiêm túc suy nghĩ ngay đến cái chết của chính mình qua cuộc sống hiện tại, hầu chuẩn bị cho xứng đáng khi đến trình diện với Chúa trong ngày chết của chúng ta. Thoạt nghe, có vẻ vô lý! Tại sao đang sống mà lại phải suy nghĩ về cái chết?

Thiết nghĩ, trước khi bàn về vấn đề này, tưởng cũng nên nhắc lại những tâm tình trong Kinh Thánh và lời của các các thánh nói về cái chết: “Chính anh chị em đã rõ: ngày của Chúa sẽ đến bất ngờ, như kẻ trộm lúc đêm khuya.” (1Tx 5, 2); " Hãy tỉnh thức, vì Con Người sẽ đến phán xét chúng ta vào giờ chúng ta không ngờ" (Lc 12,40); còn thánh Grêgory đã nói về cái chết như sau: “Chúng ta không biết trước sẽ chết giờ nào, để chúng ta luôn chuẩn bị sẵn sàng.”; thánh Bênađô tiếp: vì chúng ta có thể chết bất cứ giờ nào, bất cứ ở đâu, nên muốn chết lành, được cứu rỗi, phải sẵn sàng đón nhận sự chết: “Thần chết đến bất cứ giờ nào, bất cứ ở đâu, nên chúng ta phải luôn sẵn sàng chờ đợi nó”.

Suy niệm đến đây, sực nhớ cách đây mấy năm, tôi có quen một thầy tu, khi đến thăm, tôi thấy trên bàn học của thầy luôn có một chiếc quan tài nhỏ, trong chiếc quan tài đó có tấm hình của thầy và một bản cáo phó mà chính thầy viết cho mình. Khi hỏi thì được thầy giải thích như sau: chiếc quan tài này là hình bóng của sự chết, bởi vì nó sẽ ôm trọn xác chết khi con người ta hết hơi. Con người khi còn sống có là vua chúa quan quyền, hay người phu quét rác; dù là tỷ phú hay người ăn xin; dù là giáo hoàng hay giáo dân..., chết là hết. Cái chết là sự thật. Nên mỗi khi đi đâu về, tôi thường hay ngắm nó, và suy nghĩ về cái chết của chính mình. Từ đó tôi lo sám hối về những thiếu xót và xin ơn tha thứ của Thiên Chúa. Còn bài cáo phó mà tôi tự tay viết cho chính mình là vì tôi thiết nghĩ: điều tốt cho tương lai mà tôi muốn, thì hãy chuẩn bị ngay từ bây giờ. Điều tốt mà tôi mong muốn cho tương lai là gì nếu không phải là được ở bên Chúa. Vậy ngay từ giây phút này, tôi hãy lo sống sao cho đáng sống, để cái chết của tôi thật sự là một cuộc đi về như lời bài hát: “Lạy Chúa, bao ngày tháng con hằng mơ ước, tìm về bên Chúa, niềm vui suối an hoà...; hay như Trịnh Công Sơn ví cái chết là “một cõi đi về”.

Nghe đến đây, tôi thực sự cảm thấy "sốc". Sốc vì tôi sực nhớ đến câu chuyện trong Kinh Thánh: nhân vật chính của câu chuyện là "một người giàu có", ruộng nương sinh nhiều hoa lợi, đến nỗi ông quyết định xây nhiều kho mới, lớn hơn. Ông nói: "Ta sẽ tích trữ tất cả thóc lúa và của cải vào đó" và "ta sẽ nhủ lòng: Hồn ta hỡi, mình bây giờ ê hề của cải, dư xài nhiều năm, cứ nghỉ ngơi, ăn uống, vui chơi cho đã". Nhưng Thiên Chúa bảo ông ta: "Ðồ ngốc, nội đêm nay, người ta sẽ đòi lại mạng ngươi" lúc đó ngươi tính sao? (x. Lc 12,16 -20). Và chuyện đã xảy ra đúng như vậy. Ở tận đỉnh cao của vinh hoa phú quý, người giàu có ấy phải lìa bỏ đời này.... Sốc nữa vì đây là sáng kiến táo bạo của thầy. Nhưng nghĩ suy một chút, tôi mới nhận ra đây là một chân lý. Bởi đã có nguời định nghĩa cuộc sống là một hành trình để tiến tới cái chết. Hay như thánh Phaolô: “Mỗi ngày tôi phải đối diện với cái chết” (1Cr 15,32). Thật thế, mỗi ngày sống là đời ta ngắn lại; mỗi hoàng hôn ta mất đi một ngày. Sống là đang đi dần tới cõi chết. Sự sống và cái chết nó hoà quyện lại với nhau.

Thật vậy, cái chết là một người bạn thân thiết với con người. Chả thế mà thánh Phanxicô Assisi đã gọi nó là "Chị Chết". Chị Chết này dù muốn dù không, Chị cứ đến với cuộc đời ta như người nhà. Không cần báo trước, chẳng cần ai dẫn đường. Chị đến như một người trộm. Như một Ông Chủ bất ngờ trở về sau một thời gian đi xa. Như vậy, thân phận con người là một cái gì đó mỏng dòn dễ vỡ. Cuộc sống nơi dương gian này chỉ là tạm bợ. Ý thức được như thế là để xin ơn tha thứ, đồng thời cũng lo chuẩn bị cho mình một “cái giấy thông hành” trên hành trình về với Chúa. Giấy thông hành này chỉ có thể mua được là: lòng sám hối, sự canh tân, việc đạo đức, những hy sinh, hãm mình..., sống và làm theo Lời Chúa dạy. Có thế, ta mới hy vọng được chung hưởng hạnh phúc muôn đời với các thánh.

Ước mong sao trong Tháng Các Linh Hồn này, mỗi người hãy dâng những hy sinh hãm mình, đặc biệt là Thánh Lễ để cầu nguyện cho các linh hồn. Đây là tấm lòng biết ơn cao cả mà Chúa muốn nơi chúng ta khi tưởng nhớ đến người quá cố, đồng thời đây cũng là trách nhiệm của mỗi người chúng ta khi sống trong mầu nhiệm Giáo Hội hiệp thông. Đàng khác, đây cũng là thời gian thuận tiện để ta suy nghĩ về chính cái chết của mình.

Thật vậy, suy gẫm về sự chết là điều cần thiết, giúp ta biết quan tâm hơn đến cuộc sống: làm thế nào để yêu, để tha thứ và để chấp nhận; làm thế nào để tránh những tội lỗi, những vấp phạm, và giết chết cái tôi ích kỷ của mình như hạt lúc gieo vào lòng đất để chỉ còn muốn sống cho Chúa cách trọn vẹn để phụng sự Ngài và phục vụ tha nhân.

Như vậy, khi suy nghĩ về cái chết, chúng ta hãy có tâm tình như thánh Phaolô: “Đối với tôi, sống là Đức Kitô, và chết là một mối lợi”. Vì thế, “Không có gì tách được chúng ta ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa thể hiện nơi Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta.” (Rm 8, 39). Và cuối cùng, cái chết đến với tôi như một niềm hãnh diện: “Còn tôi, đã đến giờ tôi phải ra đi. Tôi đã thi đấu trong cuộc đấu cao đẹp, đã chạy hết quãng đường dài. Giờ đây tôi chỉ còn đợi vòng hoa dành cho người công chính. Chúa sẽ trao phần thưởng đó cho tôi, và không phải chỉ cho tôi, nhưng cho tất cả những ai mong đợi Người” ( 2 Tm 4, 6-8). Chỉ có chết trong tội mới tách rời chúng ta ra khỏi Chúa, còn chết trong Chúa là một giải thoát, đưa chúng ta vào sự sống viên mãn của Ngài.

 
VietCatholic TV
ĐTC ngậm ngùi nhớ đến các Kitô hữu bị bách hại trong thánh lễ cầu cho các đẳng tại hang toại đạo Priscilla
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
20:15 02/11/2019
Chiều ngày lễ tưởng niệm tất cả các tín hữu đã ra đi trước chúng ta, Đức Thánh Cha đã đến hang toại đạo Priscilla, tại Via Salaria, Rôma, để cử hành Thánh lễ. Lúc 4 giờ chiều, Đức Thánh Cha đã cử hành thánh lễ tại Tiểu Vương Cung Thánh Đường Thánh Silvestro Papa cho hàng trăm các nữ tu Biển Đức là những người được ủy thác trông coi hang toại đạo Priscilla.

Trong bài giảng thánh lễ, Đức Thánh Cha nói:


Đối với tôi, đây là lần đầu tiên trong đời bước vào một hang toại đạo, với nhiều bất ngờ, lễ cầu cho tất cả các tín hữu đã qua đời nói với chúng ta biết bao điều. Chúng ta có thể nghĩ về cuộc sống của những người phải trốn tránh, những người có văn hóa chôn cất kẻ chết này và cử hành Bí tích Thánh Thể ở đây. Đây là một khoảnh khắc tồi tệ của lịch sử, nhưng nó vẫn chưa được khắc phục: ngay cả ngày nay vẫn còn xảy ra. Còn rất nhiều. Có nhiều hang toại đạo ở các quốc gia khác, nơi họ thậm chí phải giả vờ tổ chức một bữa tiệc hoặc sinh nhật để cử hành Bí tích Thánh Thể, bởi vì ở nơi đó, họ bị cấm không được làm như vậy. Thậm chí ngày nay số các tín hữu Kitô bị bắt bớ còn nhiều hơn trong những thế kỷ đầu tiên, nhiều hơn rất nhiều. Hang toại đạo, sự bách hại, các tín hữu Kitô - và những Bài đọc này, khiến tôi nghĩ đến ba từ: căn tính, địa điểm và hy vọng.

Căn tính của những người đã tụ tập ở đây để cử hành Bí tích Thánh Thể và ca ngợi Chúa, cũng giống căn tính của anh chị em chúng ta ngày nay ở rất nhiều nước, rất nhiều quốc gia nơi chỉ cần là một Kitô hữu thôi cũng đủ là một tội ác rồi, ở đó họ bị cấm đoán, họ không có quyền. Giống hệt như thế. Đó là căn tính mà chúng ta đã nghe: là Các Mối Phúc Thật. Bản sắc của Kitô hữu là đây: Các Mối Phúc Thật. Không nhưng nhị gì cả. Nếu anh chị em làm điều này, nếu anh chị em sống như thế này, anh chị em là một Kitô hữu. “Nhưng thưa cha không, tôi thuộc về hiệp hội này, phong trào kia. ..”. Vâng, vâng, tất cả những điều đó tốt lắm; nhưng chúng chỉ là những điều phù hoa trước thực tế này. Căn tính của anh chị em là Các Mối Phúc Thật và nếu anh chị em không có điều đó, các phong trào hoặc các thứ phụ thuộc khác sẽ thành ra vô dụng. Anh chị em hoặc là sống như thế này, hoặc anh chị em không phải là tín hữu Kitô. Đơn giản là như thế. Chính Chúa nói như thế. “Vâng, nhưng nó không phải dễ dàng, tôi không biết làm thế nào để sống như thế...” Có một đoạn trích từ Tin Mừng giúp chúng ta hiểu rõ hơn về điều này, và đoạn Tin Mừng đó cũng sẽ là một “tiêu chí cao nhất”, theo đó chúng ta sẽ được phán xét. Đó là chương 25 trong Tin Mừng theo Thánh Matthêu. Đoạn Tin Mừng này, cùng với Các Mối Phúc Thật, là tiêu chí cao nhất, chỉ cho chúng ta thấy, cách sống bản sắc của chúng ta như các tín hữu Kitô. Không như thế, chúng ta không có bản sắc, chúng ta chỉ là các Kitô hữu hư cấu, không có bản sắc.

Sau bản sắc của Kitô hữu là từ thứ hai: địa điểm. Tôi nghĩ đến những người đã đến đây để trốn tránh, để được an toàn, thậm chí là để chôn cất kẻ chết; và những người đang cử hành Bí tích Thánh Thể ngày hôm nay trong bí mật, tại những quốc gia bị cấm. Tôi nghĩ về vị nữ tu ở Albania, người đã phải sống trong một trại cải tạo, vào thời kỳ của chủ nghĩa cộng sản. Lúc đó, các linh mục đã bị cấm ban các bí tích, và nữ tu này đã rửa tội bí mật cho nhiều người. Dân chúng, các Kitô hữu biết rằng nữ tu này dám rửa tội và các bà mẹ mang con cái của họ đến. Lúc đó, họ không có cả cái ly, hay thứ gì đó có thể đựng nước. Thành ra, vị nữ tu đã phải đựng nước trong đôi giày. Chị dùng giày lấy nước từ sông lên và rửa tội. Vị trí của các Kitô hữu là ở khắp mọi nơi, chúng ta không có một nơi đặc quyền trong cuộc sống. Một số người muốn có một vị trí như thế, họ là các tín hữu Kitô “được trọng vọng”. Nhưng có nguy cơ chúng ta ở lại với tính chất “được trọng vọng” và đánh mất đi tính “Kitô hữu”. Vị trí của Kitô hữu là gì? “Linh hồn người công chính ở trong tay của Thiên Chúa” (Kn 3:1): Vị trí của người Kitô hữu là trong tay của Thiên Chúa, nơi Ngài muốn. Bàn tay của Thiên Chúa, Đấng đã bị vấy bẩn, là bàn tay của Con Người, Đấng muốn mang theo những vết thương của Người ra trước mặt Chúa Cha và cầu thay cho chúng ta. Vị trí của người Kitô hữu nằm trong sự can thiệp của Chúa Giêsu trước Chúa Cha. Trong tay của Chúa. Và chúng ta chắc chắn rằng bất kể những gì có thể xảy ra, dù là thập giá đi nữa, căn tính của chúng ta, khi dựa vào Tin Mừng, nói với chúng ta rằng chúng ta sẽ được chúc phúc nếu người ta bắt bớ chúng ta, nếu thế gian hò reo chống lại chúng ta; nếu chúng ta ở trong tay Chúa, trong tình yêu Ngài, chúng ta chắc chắn được chúc phúc. Đó là nơi của chúng ta. Và hôm nay chúng ta có thể tự hỏi: nhưng tôi cảm thấy an toàn nhất ở đâu? Trong tay của Thiên Chúa hay trong những thứ khác, trong các loại bảo đảm an ninh mà chúng ta “thuê mướn” nhưng cuối cùng sẽ thất bại, và trong những thứ bất nhất khác chăng?

Những Kitô hữu này, với bản sắc này, những người đã sống và đang sống trong tay của Thiên Chúa, là những người nam nữ của hy vọng. Và đây là từ thứ ba đến với tôi hôm nay: hy vọng. Chúng ta đã nghe từ này trong bài đọc hai: đó là viễn kiến cánh chung nơi mọi thứ được thực hiện lại, nơi mọi thứ được tái tạo, nơi đất nước mà tất cả chúng ta đi đến. Và để được vào đó, chúng ta không cần những điều kỳ lạ, chúng ta không cần những thái độ phức tạp: chúng ta chỉ cần xuất trình thẻ căn cước và được bảo rằng “Được rồi, hãy đi về phía trước”. Hy vọng của chúng ta là ở Thiên đường, hy vọng của chúng ta được neo ở đó và chúng ta, với sợi dây nắm chắc trong tay, nâng đỡ chúng ta khi nhìn vào bờ bên kia sông mà chúng ta phải băng qua.

Căn tính là Các Mối Phúc Thật và Chương 25 Phúc Âm Thánh Matthêu. Nơi chốn an toàn nhất là trong tay Chúa, tràn ngập tình yêu. Tương lai, dù còn ở bên kia con sông, nhưng hy vọng là mỏ neo, là sợi dây tôi bám vào. Điều này rất quan trọng, luôn luôn bám vào sợi dây! Nhiều khi chúng ta sẽ chỉ nhìn thấy sợi dây, không thấy mỏ neo đâu, cả bờ bên kia cũng không thấy; nhưng anh chị em, hãy giữ chặt sợi dây thì anh chị em sẽ đến được nơi an toàn.

Vào cuối buổi lễ, trước khi trở về Vatican vào lúc 5h30, Đức Thánh Cha đã xuống hang toại đạo bên dưới để thăm viếng. Ngài dừng lại cầu nguyện một lát trước bức ảnh Đức Mẹ đã có từ giữa thế kỷ thứ ba.

Khi về đến Vatican, Đức Thánh Cha Phanxicô đã đến khu hầm mộ chôn cất các vị Giáo Hoàng bên dưới Đền Thờ Thánh Phêrô trong một khoảnh khắc cầu nguyện riêng tư, để cầu nguyện cùng các vị Giáo hoàng quá cố.


Source:Libreria Editrice Vaticana