Ngày 07-11-2009
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Tâm Sự Với Chúa Mỗi Ngày - Tuần 32 Thường Niên
Lm Jos Tạ Duy Tuyền
01:46 07/11/2009
Thứ hai sau Chúa nhật 32 thường niên

Lc 17,1-6

Lạy Chúa Giê-su Thánh Thể,

Qua bí tích Thánh Thể chúng con học được một bài học thật cao quý. Chúa đã chọn tấm bánh vì tấm bánh luôn cần thiết cho muôn người. Tấm bánh không chọn kẻ sang người giầu mà bỏ rơi kẻ đói khổ cơ hàn. Tấm bánh làm vui lòng người già cũng như trẻ thơ. Ai cũng có nhu cầu ăn bánh. Ai cũng có thể cầm trong tay cái bánh. Tấm bánh cuộc đời của Chúa thực sự là niềm vui, là hạnh phúc cho muôn người. Chúng con nguyện sẽ trở thành tấm bánh làm vui lòng mẹ cha, làm ấm tình bạn bè. Xin cho chúng con luôn biết hiến dâng chính mình để mang lại hương vị của yêu thương cho nhân thế hôm nay.

Lạy Chúa Giê-su mến yêu, Ở đời ai cũng cần có bạn bè. Ai cũng cần đồng loại để nâng đỡ và chia sẻ cho nhau. Thật bất hạnh cho những ai không có bạn bè, không có người thân. Cuộc sống liên đới đòi hỏi chúng con phải hòa tan chính mình mới có thể hài hòa với tha nhân. Chúng con phải bỏ tính tự cao tự đại. Chúng con phải có lòng bao dung tha thứ. Chúng con còn phải làm điều lành tránh điều ác để nêu gương sáng cho anh em. Xin giúp chúng con đừng bao giờ sống trong tội lỗi mà nên cớ vấp phạm cho tha nhân. Xin giúp chúng con luôn sống chân thành với tha nhân, luôn tin tưởng và giúp đỡ nhau hoàn thiện đời sống mỗi ngày một tốt hơn.

Lạy Chúa là Đấng chúng con tôn thờ. Xin ban cho chúng con đủ đức tin để chúng con tín thác vào Chúa và hết mình phục vụ tha nhân. Amen

Thứ ba sau Chúa nhật 32 thường niên

Lc 17,7-10

Lạy Chúa Giê-su Thánh Thể,

Chúa đã đến thế gian để yêu thương và phục vụ chúng con. Chúa chọn sự khiêm cung nhỏ bé để trở nên mọi sự cho chúng con. Chúa chấp nhận từ bỏ chính mình để mặc lấy thân phận phàm nhân đề hòa nhập vào giòng đời của chúng con. Chúa còn từ bỏ chính mình để trở thành tấm bánh nuôi dưỡng chúng con. Chúng con xin tạ ơn Chúa. Xin cho chúng con biết đền đáp tình yêu cao sâu mà Chúa đã dành cho chúng con.

Nhưng Chúa ơi, sao tình yêu chúng con còn quá nhiều toan tính thiệt hơn với Chúa. Cách sống của chúng con còn quá vô tâm, tựa như người con bất hiếu với cha mẹ mình. “Mẹ nuôi con như trời như bể, con nuôi mẹ con kể từng ngày”. Chúng con tính toán từng giây với Chúa. Giờ kinh chúng con đọc chiếu lệ cho qua. Thánh lễ chúng con dâng còn thiếu trang nghiêm sốt sắng. Lòng trí chúng con còn bộn bề với biết bao công việc sinh sống, vui chơi, giải trí. Chúng con dành thời gian cho Chúa quá ít. Xin tha thứ cho những thiết sót của chúng con. Xin giúp chúng con biết dành thời gian để cầu nguyện với Chúa, để tạ ơn về những ơn lành Chúa ban, và để cầu xin ơn Chúa xuống trên cuộc đời chúng con.

Lạy Chúa, Chúa đã nêu gương cho chúng con về tinh thần phục vụ trong khiêm tốn âm thầm. Xin cho chúng con biết phục vụ nhau trong tinh thần đơn sơ và quảng đại ngõ hầu danh Chúa được cả sáng trong đời sống phục vụ của chúng con. Amen

Thứ Tư sau Chúa nhật 32 thường niên

Lc 17,11-19

Lạy Chúa Giê-su Thánh Thể,

Với lòng cảm mến tri ân, chúng con xin nghiêng mình thờ lạy, ngợi khen Chúa là Thiên Chúa, là Đấng ban phát mọi ơn lành. Chúa đã ban cho chúng con sự sống và muôn vàn hồng ân khác. Chúa đã ban cho chúng con niềm vui qua tha nhân, bạn bè luôn yêu thương, nâng đỡ chúng con. Xin giúp chúng con biết sống đền đáp ân tình của Chúa, bằng việc dâng lời tạ ơn Chúa và sống theo giáo huấn của Chúa.

Lạy Chúa Giê-su mến yêu, hai chữ cám ơn nhau thật cần thiết cho tương quan giữa người với người. Hai chữ cám ơn nối kết người cho và người nhận nên một niềm vui ngọt ngào của hoa trái yêu thương. Nhưng Chúa ơi, sao chúng con lại hẹp hòi hai tiếng cám ơn với những người thân của chính mình. Chúng con ngại cám ơn về những vất vả ngược xuôi, cùng bao mưa nằng trong đời mà cha mẹ dành cho chúng con. Chúng con vô tâm trước những hy sinh, cống hiến của cha mẹ, của vợ chồng, anh em bè bạn đang hy sinh vì chúng con. Chúng con xem đó là bổn phận mà quên rằng bổn phận đó họ đã làm vì yêu mến chúng con. Xin dạy chúng con biết tri ân nhau ngay trong những điều nhỏ nhất nhất, biết cám ơn nhau ngay trong những việc tầm thường hằng ngày. Xin cho chúng con luôn mau mắn nói lời cám ơn với những ai đang hy sinh vì chúng con.

Và trên hết, xin cho chúng con đừng bao giờ lãng quên tình Chúa, nhưng luôn biết tri ân và cảm tạ tình yêu Chúa trong suốt cuộc đời chúng con. Xin cho cuộc đời chúng con luôn là bài ca dâng hiến để tạ ơn về những ơn lành Chúa ban. Amen

Thứ năm sau Chúa nhật 32 thường niên

Lc 17,20-25

Lạy Chúa Giê-su Thánh Thể,

Có hạnh phúc nào hơn khi chúng con được ở bên Chúa như con thơ trong lòng Mẹ hiền. Có sự ngọt ngào thân thương nào hơn khi chúng con được nuôi dưỡng bằng chính sức sống của Chúa như trẻ thơ bú no bầu sữa mẹ. Chúng con cảm tạ Chúa đã thương ở giữa chúng con. Chúng con cảm tạ Chúa đã ban cho chúng con lương thực trường sinh là Mình Máu Thánh Chúa. Xin cho chúng con luôn được no thỏa trong ân tình của Chúa.

Lạy Chúa Giê-su mến yêu, Adam – Eva đã đánh mất niềm hạnh phúc có Chúa ở giữa họ khi họ tự làm theo ý riêng. Họ không muốn lệ thuộc vào Chúa. Họ muốn loại Chúa ra khỏi cuộc đời họ. Lạc xa Chúa là họ đi vào cõi tiêu diệt. Cuộc đời chúng con đôi khi cũng vô vị, cũng lạc lẽo, vì chúng con lạc xa tình Chúa. Chúng con vượt ra khỏi sự kiểm soát của Chúa để lao vào những danh lợi thú trần gian. Cuộc đời chúng con đã mất Chúa khi mà chúng con để lòng mình nuôi dưỡng những giận hờn, ghen ghét, những mưu toan tội lỗi, những ý tưởng bất chính. Chúa nói Nước Chúa đang ở giữa chúng con, nhưng trong lòng chúng con còn quá nhiều những thói hư tật xấu đang gặm nhấm linh hồn chúng con.

Lạy Chúa, xin cho chúng con được ơn trở về với Chúa. Xin cho chúng con biết chọn Chúa là gia nghiệp để từ bỏ những quyến luyến của tạo vật phù vân. Xin Chúa luôn ở cùng chúng con để chúc phúc, và gìn giữ hồn xác chúng con trong ân nghĩa của Chúa. Amen

Thứ sáu sau Chúa nhật 32 thường niên

Lc 17,26-37

Lạy Chúa Giê-su Thánh Thể,

Chúng con cám ơn Chúa đã đến ở cùng chúng con. Chúa ở cùng chúng con qua bí tích Thánh Thể. Chúa ở cùng chúng con qua lời Chúa và tình thương của Chúa. Chúa ở cùng chúng con qua những tha nhân là hình ảnh của Chúa. Xin cho chúng con luôn rộng mở cõi lòng cho Chúa viếng thăm. Xin giúp chúng con biết sống và phụng thờ Chúa trên hết mọi sự.

Lạy Chúa Giê-su mến yêu, cuộc sống luôn ẩn chứa yếu tố bất định. Con người sẽ không ai biết ngày mai sẽ ra sao. Cuộc sống luôn có nhiều điều bất ngờ xảy đến. Chúa cũng mời gọi chúng con tỉnh thức để đón chờ Chúa đến. Tỉnh thức trong bổn phận khi chu toàn trách nhiệm được giao. Tỉnh thức trong tình người khi chúng con sống bác ái và yêu thương nhau. Tỉnh thức để khỏi bị bỏ lại đằng sau anh em khi ngày giờ Chúa đến. Xin Chúa giúp chúng con luôn sẵn sàng cho ngày giờ Chúa đến. Xin cho mỗi giây phút qua đi luôn mang lại cho chúng con niềm an bình hoan lạc vì luôn sống trong ân nghĩa của Chúa. Xin cho chúng con biết sử dụng từng giây, từng phút cho trọn vẹn và đầy ý nghĩa. Xin đừng để sự lười biếng, ham chơi làm chúng con xao nhãng công việc đươc giao.

Lạy Chúa, có khi nào đó chúng con yếu đuối lãng quên bổn phận. Xin Chúa thêm sức và giúp chúng con sửa mình mỗi ngày. Xin ban cho chúng con tinh thần và nghị lực của Chúa để chúng con luôn trung tín theo Chúa đến cùng. Amen

Thứ bảy sau Chúa nhật 32 thường niên

Lc 18,1-8

Lạy Chúa Giê-su Thánh Thể,

Chúa là Đấng toàn năng hằng hữu. Chúa có thể làm mọi sự. Chúa lại có một tình yêu vô bờ bến. Chúa luôn yêu thương chúng con vô ngần. Chúng con xin tạ ơn Chúa. Xin cho chúng con luôn xác tín về quyền năng của Chúa để chúng con biết phó thác cho Chúa. Xin cho chúng con luôn ở lại trong tình yêu quan phòng của Chúa.

Lạy Chúa Giê-su mến yêu, cuộc đời với những rủi roi, bất trắc. Dòng đời nhiều khi có những khúc quanh của trở ngại, của khổ đau. Có nhiều khi chúng con đánh mất đức tin trong những biến cố đau thương của cuộc đời. Chúng con chao đảo đức tin vì một chút sóng gió xảy đến với gia đình chúng con. Chúng con thất vọng, buông xuôi về những rủi ro xảy tới trong công việc làm ăn. Xin tha thứ cho những yếu lòng của chúng con vì đã nhiều lần chúng con nghi ngờ sự hiện diện của Chúa. Xin giúp chúng con luôn tin tưởng vào tình thương và quyền năng của Chúa để chúng con cùng với Chúa vượt qua những giông bão cuộc đời.

Lạy Chúa, xin cho chúng con biết trao vào tay Chúa những khó khăn, những thử thách chông gai trong niềm tin trung kiên vào Chúa. Xin cho chúng con luôn cảm nghiệm được sự hiện diện của Chúa qua ơn bình an của tâm hồn. Amen

Lm.Jos Tạ duy Tuyền
 
Cảm Nghiệm Sống 78 - Tôi Được Về Thăm Nghĩa Địa
Phó tế: JB Nguyễn văn Định
05:38 07/11/2009
Cảm nghiệm Sống # 78= NGƯỜI ĐÃ CHỖI DẬY

TỪ CÕI CHẾT (Mt 28, 1-8)

* Tôi Được Về Thăm Mộ Tại Nghĩa Địa

* A/ Tôi thấy một đám tang đang chôn ở một góc nghiã địa, có linh mục có ca đoàn hát, sao mà giống tôi mấy chục năm về trước thế !

1- Thấy gì trong mộ: Chung quanh ngôi mộ này có nhiều hoa, rồi vài hôm nữa hoa sẽ héo, được người làm thuê hốt đổ vào thùng rác. Có những mộ bia chôn chừng một năm, năm năm, 20 năm… Ghê nhất là những mộ có người mới chôn. Ngôi mộ này của một người đàn bà đã chết cả tháng nay, áo quần còn mới, nhưng xác thì phồng lên, đang sình rữa rồi, lúc nhúc đầy dòi bọ. Áo nhung của bà bị thịt kết dính lại với tóc, những con dòi trắng cắn loang vải lỗ chỗ thấy ghê!

2- Thân xác là cát bui: Ngày còn sống tất cả những người đang nằm đây nắn nót từng sợi tóc, mặc những áo đẹp đủ màu sắc, mà bậy giờ thế ư ? Tôi đi tìm ai là người trí thức? Trông ai cũng giống nhau cả. Họ mới chết được chừng 1 tuần, tôi chỉ thấy mùi nồng nặc hôi thối. Tôi đi xem ai là người có tiếng tăm ngày xưa: chỉ thấy là những cái xương đen đủi và toàn dòi bọ lúc nhúc ở trong. Tôi đi xem ai là người giầu có? Không thấy ai cả. Tất cả đều trần trụi, không áo quần, vàng bạc, kim cương. Tôi tưởng người thân chôn theo; nhưng không, người ta đã giữ lại hết, chỉ còn xác trơ trọi thôi!

3- Dưới mộ sâu có gì: Tôi đi tìm ai là người lúc đương thời, họ sống chết ăn thua đủ với nhau; nhưng chỉ ngửi thấy mùi hôi tanh ! Dưới mộ sâu, cái sọ ngày xưa đã bao nhiêu suy nghĩ, tìm cách nâng bi, sát hại lẫn nhau, thù oán, ghen giận, nay nó đi về đâu? Chỉ thấy mùi xú uế hôi nồng bay lên, khi nó rữa ra. Tôi lại nhìn xuống mộ sâu, chỉ nghe thầy những tiếng động xèo xèo, những tiếng dòi bọ ăn vào xương, vì những xác mới chôn được vài tuần đang tan rữa. Sao nghe nó giống xác tôi chôn mấy chục năm về trước thế !?!

4- Đám tang đã chôn xong: Một số người đứng ở xa mộ, để họ có thể được về sớm, họ có nhiều việc phải làm, họ rất bận rộn, họ không muốn ở đấy lâu. Người thân yêu thì khóc lóc thảo não rồi cũng phải theo xe về nhà, để xác mới chôn nằm đó. Vài ngày sau thân nhân sẽ ra thăm mộ lần nữa, rồi từ từ…chẳng thấy ai…!!! Cũng giống tôi ngày xưa. Tôi đứng nhìn họ mà không muốn bắt chuyện, vì những ngày xưa đã quá xa, chẳng ai nhớ được tôi nữa đâu !!!

* B/ 1- Tôi đến gần mộ tôi ngày xưa: Nhìn thấy xác tôi dưới đất sâu. chiếc quan tài gỗ mục từ bao giờ? Đất đè lên kín lẫn với xương, ẩm ướt, có bùn sền sệt, tôi không còn nhận ra hình hài gì cả. Những con giun trườn qua trườn lại trên khúc lấm xương đen, lỗ rỗ những vết bọ ăn, bùn cắn chặt vào những chỗ xương nứt không còn nhẵn nhụi. Nhìn sọ dừa, thấy hai mắt là lỗ sâu rất to, cũng như hàng trăm ngàn cái sọ khác, tôi không phân biệt được!!

2- Băn khoăn về da tóc: Ngày còn sống, tôi băn khoan về làn da, mái tóc, cho người ta thấy mình còn trẻ, bây giờ thì nó rữa ra với cái sọ rỗng, lúc nhúc những loại giun bò ra chui vào trong đó. Tôi đứng nhìn sọ tôi và các sọ chung quanh làm tôi phát sợ ! Có phải hình hài thân xác tôi đấy không? Còn đâu những mùi nước hoa đắt tiền?

3- Nhìn lại trên mộ: Tên tôi vẫn còn khắc trên mộ; nhưng rêu xanh đã bám phủ lên sần sùi và dơ bẩn. Bây giờ họ trồng cây um tùm, ngôi mộ bên tôi họ đã bốc đi bao giờ rồi, và họ đã chôn một cái mộ khác lạ hoắc ! Tôi chẳng còn thấy ai quen thuộc tới thăm nom.!!

4- Tìm lại những kỷ niệm xưa: Tôi về nhà tìm lại những thư cũ, tấm hình năm xưa, ai đã dọn đi vất vào thùng rác hết rồi, họ chẳng biết tôi là ai. Bây giờ tôi chẳng còn dấu tích nào.! Những bằng cấp xã hội và tôn giáo ban tặng, những hình cũ chụp với các nhân vật tiếng, bây giờ chẳng còn ai!?

5- Những vật dùng cũ: Chiêc xe ngày xưa tôi lau chùi láng bóng, hay buồn vì người khác làm trầy lớp sơn, bây giờ là đống sắt vụn ở đâu? Tôi đứng nhìn lài lại cuộc đời, tất cả đều qua đi như cơn gió thoảng, làm tôi bồn chồn, lo lắng, nuối tiếc những thứ này làm chi nữa ?! Còn gì để nuối tiếc chăng, hay chúng chỉ là mây khói ?!!!

6- Những công trình để lại: Tôi để lại những bài diễn văn cho người này kẻ kia nghe, nay họ còn nhớ không? Họ quên ngay khi tôi ra khỏi phòng họp ! Vậy mà hôm nay tôi đi tìm những công trình để lại sao? Giật mình tôi qúa ngớ ngẩn, vậy tôi đi tìm gì hôm nay.?Ngay cả những người quen biết tôi cũng không còn nữa. Vậy tôi còn gì???

Thư gởi Do thái viết: “Trên đời này, chúng ta không có thành trì bền vững; nhưng đang tìm kiếm thành trì tương lai.” (Dt 13,14) hay nói rõ hơn: Thế giới này không phải là quê hương của chúng ta.

Phó tế: JB Nguyễn Định Sưu tầm
 
Tôi trở thành một Kitô Hữu
Phùng Văn Phụng
11:32 07/11/2009
Tháng ba năm 1983, tôi được trả tự do, trở về đời sống bình thường, với gia đình vợ và các con.

Về những dấu ấn gần tám năm trong các trại cải tạo tôi không thể nào quên đuợc, như ngay bây giờ lúc viết bài bày, dấu ấn kỷ niệm khó quên đã in hằng sâu đậm trong tâm hồn tôi.

Về những năm dài đi học, tôi chỉ giữ lại nhiều kỷ niệm nhất là thời gian tôi học tại trường trung học cần Giuộc và hai năm tôi học tại trường Chính Trị Kinh Doanh thuộc Viện Ðại Học Ðà Lạt nhưng dạy ở Thương Xá Tax Sài gòn.

Về những năm đi day học, tôi thích nhất năm năm dạy tại trường Lương văn Can, ở đây tôi được nói những tư tưởng, những ý nghĩ mà tôi cho rằng đúng, có một nơi để trình bày, diễn tả nỗi lòng, tâm sự của tôi và có những em học trò nhỏ đã đến tuổi hiểu biết, suy nghĩ để tiếp thu, phán đoán những lời nói, những điều tôi trình bày.

Tất cả những chuổi dài sự kiện thúc đẩy, ảnh hưởng đến tâm hồn tôi, đưa đẩy diễn biến tư tưởng lâu ngày của tôi để tôi được trở thành một Kitô hữu.

Niên khoá 1961-1962, tôi học lớp 12 của trường Trung học Chu văn An, thầy dạy Anh văn của tôi là vị Linh Mục. Bộ áo màu đen của Ngài đã gây cho tôi sự chú ý và tôi đã có ý nghĩ tốt về Ngài do màu áo đen mà Ngài đang mặc. Tôi tự nhiên có cảm tình với Ngài vì tôi biết rằng các Linh Mục không có vợ.

Nhưng vì lo dùi mài kinh sử, lo học trối chết các môn học Toán, Lý Hóa và Triết học để làm sao phải thi cho đậu Tú Tài hai, vì nếu rớt thì phải đi lính ngay. Tôi chỉ cần học ba môn Toán, Lý Hóa và Triết là có thể qua được phần thi viết, còn phần thi vấn đáp thì sẽ tính sau. Nên môn Anh văn lúc đó được coi là môn phụ, chúng tôi ít chú ý tới môn này và màu áo đen của Thầy Linh Mục dần dần phai mờ trong tâm trí tôi.

Khoảng năm 1970, tôi có ý định làm Luật sư, tôi tìm một Luật sư để xin tập sự, nhưng tôi đã không tìm được vì ba tôi chỉ là người lao động bình thường chạy xe Lam ba bánh ngày hai buổi, không quen biết nhiều, tôi thì mới tốt nghiệp trường luật vài năm, còn trẻ cũng không quen biết ai, tôi có người bạn thân là Nguyễn văn Bái, người Công Giáo hứa giúp tôi, bạn tôi đến gặp Linh Mục Chánh Xứ Bắc Hà ở đường Lý Thái Tổ. Bạn tôi dẫn vào gặp Cha nhờ Cha giúp đỡ, tìm giùm một Luật sư để nhận tôi làm một Luật sư tập sự. Thế là tôi được Luật sư Lê Quang Trọng nhận tôi tập sự. Tôi tự hỏi tại sao chỉ một lời nói của Cha Chánh Xứ Bắc Hà mà Luật sư Trọng lại đồng ý giúp. Phải có sự gì đó, một cái gì đó tôi không hiểu nổi một lời nói của Cha Xứ lại có giá trị đến như vậy.

Sau này tôi học ở trường Chính Trị Kinh Doanh, tôi được Linh Mục Kim Ðịnh đến thuyết trình những đề tài thuộc về dân tộc học, về Kinh Dịch. Ngài mặc áo toàn màu trắng, tôi rất có cảm tình với Ngài, rất quí mến Ngài vì sự hiểu biết rộng rãi của Ngài. Ðặc biệt tôi quí mến Ngài vì Ngài sống độc thân, không có vợ.

Cuối năm 1976, chúng tôi hai người cùng chung một cái còng, bị đưa xuống hầm tàu chở than đá bẩn thỉu, hôi hám, được chở ra Bắc để học tập cải tạo.

Trên chuyến tàu định mệnh này, bạn tôi Lê Như Ninh, Luật Sư, người Công giáo chỉ cho tôi biết Ðức Cha Nguyễn văn Thuận, người cao ráo khoảng 1m70, nước da trắng đang đứng nói chuyện cùng anh em ở một góc trong khoang tàu lúc nhúc các tù nhân chen chúc trong khoang dùng để chở súc vật hay chở than đá vì dưới chân chúng tôi than đá còn rải rác khắp nơi. Lê Như Ninh có nói Ðức Cha Thuận biết nhiều thứ tiếng và có thể nói được cả tiếng La tinh nữa, khi đi họp ở La Mã, Ngài đã phát biểu bằng tiếng la tinh trong các phiên họp này.

Tại trại tù K3 Vĩnh Phú, tôi ở chung với ba vị Linh Mục Cha Nguyễn văn Khoa tự Khải, Cha Thấy và một cha trẻ nữa ( tôi quên mất tên) bị bắt ở Mỹ Tho chuyển ra Bắc cùng một lượt với tôi.

Cha Khoa tự Khải, cha Thấy và Cha còn rất trẻ ở chung phòng với chúng tôi một thời gian ngắn rồi chuyển qua K5 Vĩnh Phú. Sau này tôi được tin Cha Khoa tự Khải, trước là Hiệu Trưởng trường Ðồng Tiến, đã chết trong sà lim của trại giam riêng, vì Ngài lớn tuổi không chịu nổi sự đói khát, bị hành hạ về tinh thần lẫn vật chất. Còn Cha Thấy tôi nghe các bạn bên K5 Vĩnh Phú nói Cha bị bịnh mà mất. Nguyên nhân bị bịnh là vì chúng tôi bị suy dinh dưỡng vì thiếu ăn, thiếu vitamin, thiếu đủ thứ chất để nuôi sống cơ thể…

Trong thời gian bị giam giữ, các vị Linh Mục đã sinh hoạt, lao động như các tù nhân khác, sống cuộc sống tù nhân như anh em cải tạo, ăn uống thiếu thốn, ngủ chật chội, nằm ngủ không thể cong chân đuợc, vì nếu cong chân mình thì đụng vào lưng người bên cạnh. Các vị Linh Mục cũng cuốc đất, gánh nước trồng khoai, trồng bắp, trồng rau cũng đói khát như các anh em tù nhân, cũng làm việc nặng nhọc như các anh em tù nhân khác. Nhưng các vị được sự chú ý đặc biệt của Cộng Sản vì họ biết các vị Linh Mục này luôn luôn có uy tín với tín đồ của mình. Họ cũng biết rằng, các vị Linh Mục này không vợ con, thường không hoạt động chính trị, nhưng bị bắt chỉ vì có một tội duy nhất là tội làm Linh Mục.

Từ năm 1970 đến năm 1975, tôi làm thơ ký Hội Phụ Huynh học sinh trường trung học Lương văn Can, lúc đó ông Ðỗ Ðăng Lợi làm Hội Trưởng, khi tôi đi cải tạo về, tôi ghé thăm ông Lợi thì ông đã theo đạo Tin lành. Có một điều lạ là ông Lợi trước đây theo Phật giáo, có chức sắc ở các hội đình làng, về thủ tục cúng kiến rất rành. Sự kiện này gây cho tôi một sự chú ý đặc biệt. Sau năm 1983 mỗi lần tôi ghé thăm ông Lợi thì ông Lợi thường đem Kinh Thánh ra bàn, thảo luận, thường nói về Chúa Kitô với tôi. Ông Lợi cho tôi mượn cuốn Thánh Kinh về nhà để đọc.

Sau này một người bạn khác dạy cùng trường trung học Lương văn Can là anh Tạ văn Hười giáo sư Việt Văn, một giáo sư biết nhiều về Hán văn, Pháp văn và Anh văn. Sau khi đi cải tạo về, gia đình anh cũng theo đạo Tin Lành.

Tôi băn khoăn nhiều vì mẹ tôi theo đạo Cao Ðài, tôi có người bạn thân theo Phật Giáo đêm nào anh cũng gõ mõ, tụng kinh. Tôi biết một số kinh của Ðạo Cao Ðài. Tôi có đọc cuốn sách Tận Thế và Hội Long Hoa của Vương Kim. Tôi cũng có đọc kinh Kim Cang, Kinh Pháp Hoa do anh Ngô Thanh Nhàn, cựu Giáo sư trường Trương Vĩnh Ký trước năm 1975, người anh bà con theo đạo Phật cho mượn. Tôi cũng đọc cuốn Thánh Kinh do ông Lợi đưa.

Tôi nhớ rất kỹ những câu như “ Hãy yêu thương ngay cả kẻ thù của mình nữa.” Làm sao mà yêu được kẻ thù của mình. Hồi còn bị giam giữ tại trại cải tạo Vĩnh Phú, tôi có sống với tên Phạm Ðình Thanh, cán bộ xây dựng nông thôn ở Bình Dương, làm Ðội trưởng đội hai, đội trồng khoai lang, khoai mì, trồng bắp. Sau đương sự lên làm thi đua ở K3 Vĩnh Phú, không cho tôi khai bịnh vào cuối năm 1978 đầu năm 1979, mặc dầu lúc đó tôi bị cảm liên miên, sức cùng lực kiệt, tôi phải đi lao động dưới trời mưa tầm tả, suốt ngày đêm hơn hai tháng trời cộng thêm với giá rét của miền Bắc mùa đông, mà mỗi ngày chỉ ăn được nắp bình thủy cơm trộn với khoai mì, khoai lang hay bắp hột, bo bo không xay cùng với canh rau muống luộc với muối có khi trong một tô canh lềnh bềnh vài cọng rau muống mà thôi…

Nhưng tôi suy nghĩ nếu tôi thù ghét tên Thanh thì tim tôi đập mạnh, tôi tự làm khổ tôi, tôi bực dọc với chính mình chứ tên Thanh đâu có biết gì. Sự thù ghét này chỉ có hại cho tôi mà thôi, chứ tên Thanh chẳng có hề hấn gì. Trong khi tôi thù ghét hắn, tôi tức giận hắn, thì biết đâu tên Thanh đang ăn nhậu với bạn bè hay đang đi nghĩ mát ở bãi biển Vũng Tàu, đang ăn uống vui vẻ với vợ con đương sự. Chúa nói “ Hãy yêu thương ngay cả kẻ thù của mình nữa” thật là điều vô cùng khó khăn đối với tôi vì làm sao tôi có thể yêu thương người đã hành hạ tôi nhiều năm trong trại cải tạo, tôi oán ghét đương sự còn nhiều hơn là oán ghét cán bộ giam giữ tôi nữa. Tuy nhiên tôi suy nghĩ lại nếu mình thù ghét tên Thanh chỉ hại cho mình mà thôi, tôi đã chuyển ý nghĩ, tư tưởng sang tình yêu thương, mình tôi nghiệp người đó vì họ muốn về sớm quá nên họ có hành động không phải, không tốt đối với anh em trong trại tù. Chúa ơi con cố gắng không thù hận và cầu nguyện cho người đã hành hạ con để họ thay đổi tấm lòng của họ nhưng khó khăn lắm Chúa ơi.

Con vẫn nhớ trong Thánh Kinh có những câu: “Nếu người ta tát con má bên phải, con hãy đưa má bên trái cho người ta tát. Ngươi chỉ thấy cọng rơm trong mắt người ta mà không thấy đà ngang trong mắt mình.” Những câu này bản thân tôi còn phải học tập, thực hành, tự sửa chữa mình hằng ngày không biết có làm được hay không.?

Các thể chế chính trị với đầy đủ mọi quyền hành mà cũng chỉ tồn tại trong một thời gian ngắn, trái lại các tôn giáo như Thiên Chúa Giáo đã hai ngàn năm sao không tan rã. Ngay cả những lúc bị cấm đạo gắt gao là những lúc đạo phát triển, tăng thêm tín đồ. Nếu đạo Thiên Chúa làm sai, không thích hợp với tâm tình của con người thì đã tan rã từ lâu chứ sao lại tồn tại đến ngày hôm nay đã có nhiều người theo và đã chết vì đạo Thiên Chúa. Lịch sử các Thánh Tử Ðạo Việt Nam đã chứng minh điều đó.

Những chiếc xe lưu thông trên đường phố cần có bảng chỉ đường, cần có đèn xanh đèn đỏ để tránh tai nạn. Những lời Chúa dạy trong Thánh Kinh là bảng chỉ đường như luật lệ giao thông rất cần thiết để tránh được nhiều va chạm trong đời sống hàng ngày. Nếu chúng ta sống đúng như lời dạy trong Thánh Kinh thì cuộc sống chúng ta rất hạnh phúc, mọi người đều được bình an, vui vẻ thì Thiên Ðàng đã có ở trên trái đất của chúng ta rồi vậy.

Gương các Thánh Tử đạo Việt Nam, gương nhiều bà Sơ phục vụ trong các nhà thương, trong các trại cùi hay sống kham khổ thiếu thốn trên các vùng rừng núi hiểm trở với đồng bào thiểu số xa rời đời sống văn minh hiện tại, xa rời cuộc sống tiện nghi vật chất bình thường.

Tại sao Mẹ Theresa thành Calcutta, 86 tuổi vẫn còn chịu khó lặn lội các nơi để phục vụ người nghèo khổ, bịnh hoạn, những người tàn tật không nơi nương tựa, những người cùng khổ hôi hám dơ dáy mà Mẹ vẫn không nản lòng. Ðiều gì để Mẹ có thể làm việc đó nếu không phải Mẹ đã nghe tiếng gọi của tình thương, tiếng gọi của Thiên Chúa. Con người là chi thể của Chúa, thương người hôi hám què quặt bịnh hoạn đó chính là yêu Chúa vì con người là chi thể của Chúa cơ mà. Do đó yêu người cùng khổ tàn tật hôi hám, bịnh hoạn dơ dáy đó chính là yêu Chúa vì yêu Chúa là yêu người. Mẹ cũng đã từng nói: “ Không phải tôi làm mà chính Chúa đã làm trong tôi ”. Trong một bài báo đăng trong số 206 của Nguyệt san Ðức Mẹ Hằng Cứu Giúp có chép về công việc phục vụ của các sơ dòng tu của MẹTêrêsa có một đoạn như sau:“ Sau đó chúng tôi đã nhặt được một người đàn ông ở một cống rãnh, một nửa thân mình đã bị sâu bọ rút rỉa, và sau khi chúng tôi đã mang ông ta vào nhà, ông chỉ nói rằng: “ tôi đã sống như một con thú trên đường phố, nhưng tôi sắp chết như một thiên thần, được yêu thương và săn sóc’’. Ðoạn sau khi chúng tôi đã lấy hết mọi thứ sâu bọ khỏi mình mẩy của ông, tất cả những gì ông nói với chúng tôi kèm theo nụ cười tươi là “Sơ ơi, tôi sắp về cùng Thiên Chúa” rồi ông tắt thở. Bài báo ấy viết tiếp: “Thật là tuyệt vời khi chứng kiến thấy sự cao cả của con người đàn ông đã có thể nói như thế mà không trách cứ một ai, không so sánh bất cứ sự gì.”

Hồi hai mươi ba tuổi, sau khi tốt nghiệp trường sư phạm Sài Gòn, tôi được đổi về dạy học ở quận Ðất Ðỏ, tỉnh Bà Rịa. Khi tôi đến thăm một phụ huynh học sinh, ngồi nói chuyện bình thường với chủ nhà, bà này là người Công Giáo bà ấy nói: “ Nếu gia đình nào có một người con đi tu, làm Linh Mục thì gia đình đó có phước lớn lắm.” Hồi đó còn trẻ, tôi không có đạo, tôi nghe, nhưng mà tôi không để ý lắm. Bây giờ, ba mươi năm sau, tôi đã chứng kiến, đã thấy, đã hiểu và đã cảm nghiệm cuộc đời của chính mình, gia đình mình và gia đình bạn thân, gia đình những người quen biết thì tôi phần nào cảm nghiệm câu trên là rất đúng, vì nếu gia đình nào có người anh, người em hay bà con xa gần làm Linh Mục, hy sinh cuộc sống cá nhân, không vợ con không nhà cửa, không tài sản thì những người thân trong gia đình nếu có ý nghĩ hành động nào sai quấy trái với lương tâm cũng e dè, ngại ngùng không dám làm bậy vì không có lý do gì cuộc sống mình về vật chất vẫn đang sung sướng hơn người bà con đang làm Linh Mục sống không tài sản, không vợ con, mà còn muốn kiếm thêm nhiều hơn nữa bằng hành động bất chánh thì làm sao dám nhìn người thân đang làm Linh Mục hay Bà Sơ đang tu, đang làm công tác ở nhà thương, ở các trại cùi, đang giúp đỡ những người cùng khổ, nghèo nàn bịnh hoạn, tàn tật ở bất cứ nơi nào dù hẻo lánh xa xôi ở trên miền núi non hiểm trở. Bà con anh em mình đang tu hành làm những điều tốt, điều phúc đức, chịu cực khổ lo săn sóc cho người nghèo, người tàn tật, hướng về đời sống tâm linh, tu đức thì làm sao không ảnh hưởng đến mình về đời sống hướng đến điều thiện nhiều hơn, đến đời sống tâm linh, tu đức nhiều hơn. Chưa kể nhờ trong gia đình có người tu hành, Ngài sẽ cầu nguyện, Chúa ban cho nhiều ơn phước mà những gia đình khác có thể không có được.

Trong suốt cuộc sống của con người ai chẳng có lúc làm ăn thất bại, chịu nhiều thử thách gian nan, chịu nhiều đau khổ về tinh thần lẫn vật chất, bị tù đày bị lường gạt, bị bịnh hoạn, bị tai nạn v.v.. Khi gặp những trường hợp cực kỳ khó khăn, cảm thấy dường như không thể nào vượt qua nổi, Chúa đã hứa nếu có ba người họp lại nhân danh Chúa Kitô để cầu xin thì Chúa sẽ ở giữa họ. Nếu ngược lại không có đức tin gì về tôn giáo nào cả, mình sẽ tự dày vò mình, sẽ than thở, tự dằn vặt lấy mình và nhiều khi vượt quá khả năng giải quyết của mình, không tìm thấy lối thoát hay cách giải quyết, nhiều khi đưa tới tâm lý khủng hoảng dữ dội, bốc đồng, không kịp suy nghĩ có thể đưa đến trường hợp tự quyên sinh.

Tôi có danh sánh đi Mỹ theo diện HO vì đi cải tạo hơn bảy năm. Trên nguyên tắc trước khi đi Mỹ tôi phải ký giấy giao nhà cho nhà nước Cộng Sản vì tôi có chức vụ Phó Bí Thư cấp quận trong đảng Tân Ðại Việt hay trong Phong Trào Quốc Gia Cấp Tiến. Nhà này trị giá trên 50 cây vàng. Hồi nhỏ lúc còn đi học lớp 12, ba tôi đã để tôi đứng tên một nền nhà. Sau này, ba tôi xin phép cất nhà và chính ba tôi đã tự bỏ tiền ra xây cất do công lao mồ hôi nước mắt, công sức ba tôi chạy xe, dành dụm từng đồng, từng cắc mới có tiền để xây căn nhà trên. Nhưng Cộng Sản muốn lấy căn nhà của ba tôi nên họ cho rằng tôi đi ngoại quốc thì phải giao nhà cho họ vì họ xếp tôi thuộc diện phải hiến nhà, giao nhà cho họ.

Tôi áy náy không yên, vì nhà này có phải là nhà của tôi đâu mà tôi có quyền ký giao nhà này cho nhà nước.Thật ra nếu là nhà của tôi, do công sức của mình làm ra, thì tôi cũng sẵn sàng ký giao, để sớm được đi ra nước ngoài, nhưng ngặt một nổi nhà này được xây dựng do công sức của cha mẹ tôi, tôi chỉ đứng tên dùm chứ không có công sức gì. Tôi không phải là chủ căn nhà này vì trên nguyên tắc tôi chỉ đứng tên trên cái nền nhà mà thôi.

Và tôi đã hoàn toàn bất lực để giải quyết vấn đề căn nhà, nếu tôi được đi Mỹ thì tôi phải giao nhà cho nhà nước quản lý. Từ khi tôi bước trở về ngôi nhà cũ đầu năm 1983, vài tháng sau tôi đã làm hồ sơ xin đi Mỹ, tôi gởi hồ sơ qua Thái Lan, trong thời gian này lúc nào tôi cũng bồn chồn, bực tức, tôi lo âu để giải quyết căn nhà làm sao cho hợp tình, hợp lý không làm cho ba má tôi buồn. Tôi đi hỏi thăm bà con, bạn bè, nhờ họ giúp sang tên căn nhà. Tất cả mọi người quen biết đều trả lời không thể được, muốn đi Mỹ chỉ còn có cách giao nhà cho nhà nước mà thôi…

Tôi đã nhờ Nguyễn Gia Phách, bạn dạy học cùng trường trung Học Lương văn Can, dẫn tôi đến nhà thờ Fatima ở Thủ Ðức để cầu nguyện, mặc dầu lúc đó tôi chưa có đạo, tôi chưa phải là Kitô hữu, tôi chưa tin vào Chúa Kitô. Tôi cứ đi cầu nguyện vì tôi không còn cách nào khác, tôi bị khủng hoảng thật sự về vấn đề giải quyết căn nhà của ba tôi mà tôi đã đứng tên hồi còn nhỏ, làm thế nào để có thể sang tên căn nhà này cho ba má tôi hay cho em tôi thì mới bình an được.

Tôi bất lực và buồn khổ hết sức. Nếu đi Mỹ mà giao nhà cho nhà nước ba má tôi sẽ buồn ghê gớm lắm. Tôi đứng ngồi không yên, lo lắng quá, đau khổ rất nhiều … tôi ở trong tình trạng hoàn toàn bế tắc, không có lối thoát. Và cuối cùng tôi chỉ còn biết có cầu nguyện mà thôi. Khi đi lên Fatima tôi chỉ cầu xin có ba điều:

1) Xin được rời khỏi nước Việt Nam sớm vì tôi có trong danh sách HO 23 nên chắc sẽ ra đi rất trễ.

2) Xin được giao nhà cho em ruột tôi để cho cha mẹ tôi vui. Khi tôi ra đi, rời khỏi nước mới được thoải mái, không còn vướng bận, lo âu về căn nhà của mình.

3) Xin cho con cái tôi được đi hết vì có đứa muốn ở lại, muốn lập gia đình ở Việt Nam, không tha thiết chuyện ra đi.

Ba vấn đề trên là ba vấn đề then chốt, lo âu nhất của tôi, vô cùng quan trọng trong đời của tôi, nhưng ba vấn đề này hoàn toàn nằm ngoài khả năng giải quyết của tôi. Tôi rất lo âu, ăn không ngon, ngủ không yên và thường xuyên bị cảm vì quá lo lắng. Cuối cùng tôi không biết làm sao được và chỉ còn có cách là đi cầu nguyện mà thôi. Tôi nghĩ với tấm lòng thành của tôi, Ðức Mẹ đã ban ơn riêng đặc biệt cho gia đình tôi, ba điều cầu xin của tôi Ðức Mẹ đã nhậm lời hết.

Gia đình tôi được ra đi trong danh sách HO 19, sớm hơn thường lệ gần một năm, vì gia đình tôi được đôn lên danh sách RD4. Các con tôi đều qua Mỹ đầy đủ cả, không có đứa nào còn sót lại ở Việt Nam, nhất là vào giờ chót, trước 24 giờ Sở nhà đất Thành phố mới chấp thuận cho tôi sang nhượng nhà cho em ruột tôi vào chiều thứ bảy, mà chiều Chúa Nhật thì tôi có chuyến bay rời khỏi nước.Trước đó ngày thứ năm tôi đã nhận đươc giấy đình chỉ chuyến bay với lý do chưa khai trình nhà đất. Hoang mang và lo âu tột độ. Thất vọng nặng nề. Lo lắng quá làm cho tôi bị cảm liên miên trong tháng cuối cùng. Mọi công việc làm ăn đã thanh toán hết, đã bán hết chỉ còn chờ ngày ra đi mà thôi. Ðình chỉ chuyến bay, ở lại vài tháng có thể gặp nhiều biến cố bất ngờ một đứa con nào đó có thể thay đổi ý kiến đòi ở lại…

Tôi đã chầu chực ở Sở Nhà đất từng ngày một nhất là tuần lễ cuối cùng, tìm các làm quen để xin giấp phép của Sở Nhà đất. Trước 24 giờ, Sở nhà đất mới đồng ý cho tôi sang tên nhà cho em tôi và giải tỏa lệnh đình chỉ chuyến bay.

Nhờ cầu nguyện mà tôi bớt được nhiều âu lo.

Tôi có một người bạn là anh Hà Hớn Liếu ở Virginia gần Washington DC, trước năm 1992, nhà ở đường Âu Dương Lân, anh có người vợ rất hiền hậu, thật tử tế với bạn bè. Anh chị có bốn đứa con, nhỏ nhất khoảng 5,6 tuổi lớn nhất khoảng 17 tuổi. Anh Liếu đi cải tạo về khoảng năm 1980. Hai vợ chồng làm sirô để bán. Tôi bán bia và nước ngọt có bán thêm sirô nên đến gia đình anh để mua về bán. Trước năm 1992 trông chị mập mạp khỏe mạnh. Tôi thường đến mua sirô của anh chị, hơn nữa lúc đó tôi nghiện thuốc lào, cứ hàng ngày tạt ngang qua nhà anh để hút một vài điếu, nói với nhau vài ba câu chuyện, tin tức kẻ ở người đi, hay những tin sốt dẽo truyền miệng của anh em HO đang mong ngóng về những điều tốt, những chuyện vui khi đi ra nước ngoài. Gia đình anh thờ Phật. Ngoài bàn thờ Phật còn có bàn thờ Quan Công nữa. Anh cũng rất rành về nghi thức cúng kiến vì anh gốc người Hoa. Một hôm tôi đến nhà anh để hút thuốc lào, như thường lệ mỗi ngày, bất ngờ tôi không còn thấy bàn thờ Phật nữa. Tôi hỏi anh bàn thờ Phật đâu rồi.? Anh nói vợ anh lúc bịnh ung thư khi biết mình sắp mất đã xin theo đạo Công giáo và yêu cầu chồng con theo đạo luôn.

Tôi hết sức ngạc nhiên về sự thay đổi quá đặc biệt của bạn tôi và từ khi chị Liếu mất anh Liếu và các con anh đã đi lễ nhà thờ đều đặn vào các ngày Chúa Nhật và cũng thường xuyên cầu nguyện cho chị Liếu theo nghi thức công giáo.

Tôi cũng nhiều lần đến nhà anh rủ anh qua nhà thờ Chợ Quán để tham dự các Thánh Lễ, gặp các ngày lễ lớn như lễ Giáng Sinh tôi cũng cùng anh đi dự lễ ở các nhà thờ khác trước ngày anh và các con đi Mỹ. Tôi cảm thương hoàn cảnh gà trống nuôi con của anh, một mình phải lo cho đàn con nhỏ dại không biết rồi anh có lo nổi không? Tháng 9 năm 1999, tôi có lên nhà anh để dự lễ đám cưới của con trai trưởng của anh cưới vợ. Ðứa con gái nhỏ nhất nay đã học hết lớp 12. Tôi mừng cho anh vì thấy các cháu đã lớn cả rồi.

Tháng 9 năm 2004 tôi lại đến nhà anh để làm chủ hôn cho đứa con trai kế vì anh đã mất tháng giêng năm 2004. Cháu này trong đoàn Thiếu Nhi Thánh Thể nên các anh chị trong nhà thờ đã lo giúp cho cháu. Và đám cưới đầy đủ tất cả nghi thức ở nhà trong gia đình hai bên đàng trai và đàng gái và các nghi thức ở nhà thờ Công giáo và anh chị em trong nhà thờ đã tham dự rất đông.

Tôi tin một điều từ ngày anh có Chúa và Ðức Mẹ thì tâm hồn anh bình an hơn. Tôi cũng vậy, cũng cảm thấy bình an, vui vẻ hơn nhiều so với trước khi tôi chưa có đạo, chưa có niềm tin vào Ðấng siêu nhiên nào cả.

Tôi cũng suy nghĩ nếu mình đi tham dự đều đặn các Thánh lễ ngày Chúa Nhật và các ngày lễ buộc khác, để tự xét mình, tự sám hối mỗi tuần xem mình có làm điều gì sai trái, có làm phật lòng Thiên Chúa hay không? Mình có thực hiện bốn chữ “ Kính Chúa yêu người chưa?”

Tự vấn lương tâm thường xuyên, cầu nguyện thường xuyên thì cuộc đời mình sẽ hạnh phúc biết bao nhiêu vì biết rằng mình không cô đơn mà luôn có Chúa đồng hành, có Ðức Mẹ hướng dẫn trong cuộc sống hiện tại, trong cuộc sống ngày mai và ngay cả đời sau nữa.

(tuyphuongngo56@yahoo.com)
 
Thái độ sống của người Môn Đệ đích thực
LM Giuse Nguyễn Thành Long
11:52 07/11/2009
Trong việc giảng dạy, Chúa Giêsu luôn tỏ ra là một nhà sư phạm tuyệt vời. Phương pháp Ngài sử dụng rất sống động, và bài học cũng rất thiết thực. Hôm nay, bài học mà Ngài muốn dạy những kẻ đi theo Ngài, đó là thái độ sống đích thực của người môn đệ Chúa Kitô. Vậy cụ thể đó là thái độ nào ?

Chắc chắn đó không phải thái độ sống của những người Biệt Phái: thái độ háo danh, hám lợi: “Thích được người ta chào hỏi nơi phố chợ, ưa chiếm chỗ nhất trong các hội đường…”; thái độ tham lam tiền bạc: “Muốn nuốt hết tài sản của các bà goá…”; thái độ giả hình giả bộ: “Làm ra vẻ đọc kinh dài dòng…”. Đây là thái độ mà Chúa Giêsu cho biết sẽ bị kết án nặng nề. Chắc chắn đó cũng không phải là thái độ sống của những người giàu có, keo kiệt. Họ chỉ dâng cúng tiền dư bạc thừa. Và nếu có dâng cúng nhiều đi chăng nữa cũng chỉ vì họ thích phô trương công đức hơn là vì lòng yêu mến Chúa.

Nhưng đó là thái độ sống của bà goá nghèo: dám sống bằng cả tấm lòng của mình. Một tấm lòng quảng đại: bà đã cho đi tất cả những gì bà có để nuôi sống mình. Hai đồng xu chính là sự sống của bà. Một tấm lòng tín thác: tín thác hoàn toàn vào Thiên Chúa và đặt trọn sự sống của mình cho Thiên Chúa định đoạt. Đức Giêsu đã khen ngợi tấm lòng của bà và Ngài đã nêu lên cho các môn đệ thấy để bắt chước thái độ của bà, thái độ sống của người môn đệ đích thực.

Đây chính là thái độ sống phản chiếu hình ảnh của Đức Giêsu, Đấng đã trao ban tất cả mạng sống của mình và phó thác hoàn toàn cho Thiên Chúa Cha trong tâm tình xin vâng.

Chúng ta đang sống thái độ nào của người môn đệ Đức Kitô ? Phải chăng là thái độ háo danh, ham lợi, chuộng hình thức như những người Luật sĩ và Biệt phái ? Phải chăng là thái độ tính toán hẹp hòi của những người giàu có ích kỉ ?

Ước gì trong mọi hoàn cảnh của cuộc sống, chúng ta luôn có thái độ quảng đại biết cho đi với tất cả lòng yêu mến và tín thác trọn vẹn như bà goá nghèo trong Tin mừng hôm nay.
 
Kinh nghiệm sống với Thiên Chúa của Giêrêmia
LM Anmai, CSsR
12:13 07/11/2009
Sống, gặp gỡ một người nào đó một thời gian thì người đó sẽ có một kinh nghiệm với người mình sống, mình gặp gỡ. Với Thiên Chúa cũng vậy, trong lòng tin thì người gặp, sống với Ngài cũng sẽ có một cảm nghiệm riêng. Cảm nghiệm ấy có thể bộc lộ ra chính đời sống của người đó hay có thể là người đó viết lại cho người sau được biết. Cảm nghiệm của Thánh Gioan tông đồ thật là dễ thương, với Ngài thì Thiên Chúa là tình yêu. Cảm nghiệm của Thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu về Thiên Chúa thật hay là Ngài kết hiệp với Chúa trong những việc làm nhỏ bé thường nhật, Mẹ Têrêsa Calcutta thì gặp Chúa và sống với Chúa qua những hình ảnh của những người nghèo, bệnh hoạn. .. Hay là cảm nghiệm của Cha Thánh Anphong thì Ngài gặp Chúa ở những con người tất bạt ở Kinh thành Napoli thời Ngài sinh sống.

Với các ngôn sứ là những người tạm gọi là trung gian giữa Thiên Chúa và con người, người thiết thân giữa Thiên Chúa và con người. Các ngôn sứ cũng sẽ mang trong lòng mình cảm nghiệm về Thiên Chúa đấng Siêu việt mà mình may mắn được gặp gỡ cũng như cảm nghiệm về những thần dân lòng dạ cứ đổi thay soành soạch như dân Israel ngày xưa. Một trong những ngôn sứ nổi bật thời Cựu Ước đó là ngôn sứ Giêrêmia. Cảm nghiệm về cuộc đời của ông thật dễ thương: “Trước khi cho ngươi hình thành trong dạ mẹ, Ta đã biết ngươi; trước khi ngươi lọt lòng mẹ, Ta đã thánh hoá ngươi, Ta đặt ngươi làm ngôn sứ cho chư dân” (Gr 1, 5). Hoá ra từng sợi tóc của ông và cả cuộc đời của ông đã được Thiên Chúa đếm và đặt để cả rồi.

Và rồi với vai trò ngôn sứ của mình, cũng gặp Thiên Chúa để nghe lời Thiên Chúa và nói cho dân cho nên chắc chắn ông cũng có một cái cảm nghiệm gặp Thiên Chúa một cách thiết thân nào đó. Cách riêng trong chương 20, 7 – 9:

Ông đã miêu tả để bộc lộ kinh nghiệm của ông, những cố gắng của ông để ức chế lời Chúa. Mặc dù cố gắng một cách tuyệt vọng để giữ im lặng về Thiên Chúa. Cố gắng kháng cự lại, quá sức ông; lên tiếng nhân danh Thiên Chúa và chấp nhận hậu quả còn ít khó khăn và mệt nhọc hơn là cứ giữ tất cả bên trong mình. Giêrêmia cảm thấy bị Thiên Chúa quật ngã.

“Lạy Đức Chúa, Ngài đã quyến rũ con, và con đã để cho Ngài quyến rũ. Ngài mạnh sức hơn con, và Ngài đã thăng. Suốt ngày con đã trở nên trò cười cho thiên hạ, để họ nhạo báng con.” (Gr 20, 7)

Giêrêmia đã mô tả số phận của mình: Ông trở thành trò cười và diễu cợt; người ta âm mưu chống lại ông, rình để bắt chẹt ông về những điều ông nói. Lời nguyện của ông đi từ những lời giận dữ. Lời cầu nguyện này của ông theo tinh thần đức tin của ông Giob hoặc ở một số thánh vịnh.

Có lần con tự nhủ: “Tôi sẽ không nghĩ đến Người, cũng chẳng nhân danh Người mà nói nữa.” Nhưng lời Ngài cứ như ngọn lửa bừng cháy trong tim, âm ỉ trong xương cốt. Con nén chịu đến phải hao mòn, nhưng làm sao nén được ! (Gr 20, 9)

Suy nghĩ nghiêm túc câu than vãn này chúng ta thấy đó là lối diễn tả một tình yêu, một tình yêu say đắm và hạnh phúc đến nỗi Giêrêmia đã không quên được Đấng mà mình yêu. Lời nguyện kết thúc với những tâm tình gần với nỗi tuyệt vọng.

Đời sống bên trong của ông do có quá nhiều đau khổ nhưng những đau khổ này đã khiến ông khám phá ra hình thức mới của tôn giáo, ông đã kinh nghiệm nguyên tắc mới này: bị trục xuất, bị ruồng bỏ nhưng ông quen thuộc với việc tâm sự với Thiên Chúa. Lòng đạo đức của ông đôi khi có những khuyết điểm vì oán trách báo thù, chưa thở luồng khí của Tin mừng.

Nơi Giêrêmia, ta gặp thấy một con người bị giằng co giữa những yếu đuối tự nhiên và ơn gọi siêu phàm. Nhưng ông vẫn luôn trung thành, hết lòng tín thác vào Chúa và tiếp tục sứ mạng mà Thiên Chúa mời gọi ông. Giêrêmia dạy ta sống thực sự những giờ phút khiêm tốn, những giờ phút đau đớn với tất cả sự trung thành tín thác vào chính Thiên Chúa.

Giêrêmia đau khổ còn là hình ảnh người Tôi Tớ đau khổ (Is 52, 13 – 53, 12), tiên trưng Đức Kitô (Mt 16, 17), Đấng thực hiện ơn cứu độ chống đối thất bại và cái chết vì muốn trung thành và vân phục thánh ý Chúa Cha cho đến cùng.

Giêrêmia phải sống độc thân để làm dấu chỉ án phạt giáng xuống thế hệ ông. Và những cuộc đấu tranh trong đời ông là tiền ảnh thật lạ lùng của cuộc đời Đức Giêsu Kitô, đến nỗi khi Người hỏi các môn đệ: “Người ta nói Thầy là ai ?” thì đã không thiếu gì người đã trả lời: “Giêrêmia !”.

Giêrêmia đặc biệt là không những không liên kết với Chúa mà ông mong chờ cuộc giáng lâm, bằng sự tương đồng trong đau khổ, ông còn kiên kết với Người bằng sự mong chờ vinh quang sẽ đến.

Mỗi một người Kitô hữu đều mang trong mình sứ mạng ngôn sứ ngay từ ngày lãnh nhận bí tích Thánh Tẩy, cách riêng những tu sĩ là những người sống tròn đầy bí tích Thánh Tẩy hơn nữa thì sứ mạng ngôn sứ sẽ đặt nặng lên vai người tu sĩ gấp bội. Nghĩa là người tu sĩ trong mọi hoàn cảnh, mọi môi trường của mình phải sống triệt để và tuyệt đỉnh ơn gọi ngôn sứ mà Thiên Chúa ban cho mình.

Dẫu là vậy nhưng cũng giống như Giêrêmia, có những lúc cảm thấy Thiên Chúa yêu thương mình và mình hăng say loan báo Tin mừng của Chúa nhưng có những lúc cảm thấy tuyệt vọng vì bị bề trên hiểu lầm, anh em phỉ báng và thậm chí là chẳng còn thấy Thiên Chúa hiện diện trong đời mình nữa. Và với kinh nghiệm nhỏ bé như Giêrêmia đã sống là làm sao ta gắn kết với Thiên Chúa bằng chính đời sống cầu nguyện bằng những thổ lộ tâm tư của ta với Thiên Chúa. Tin rằng với những thổ lộ đó Thiên Chúa sẽ nghe ta nói và Ngài sẽ đáp lại tiếng của Ta và nhất là Ngài sẽ đồng hành với ta, nâng đỡ ta trong vai trò ngôn sứ mà Ngài đã “trước khi cho ngươi hình thành trong dạ mẹ, Ta đã biết ngươi; trước khi ngươi lọt lòng mẹ, Ta đã thánh hoá ngươi, Ta đặt ngươi làm ngôn sứ cho chư dân”. Vì lẽ người viết cảm nghiệm và tin rằng đúng là mình chẳng chọn con đường tu này, có chăng là hình như là Thiên Chúa đã quyến rũ mình, đã chụp cổ mình vì nhiều lần nhiều lúc ngẫm nghĩ về những biến cố đã qua trong cuộc đời thì hình như là Thiên Chúa đã biết mình từ trong dạ mẹ vậy. Và với lòng tin như vậy, người viết tin rằng Thiên Chúa đã gọi, đã chọn mình từ trong dạ mẹ thì Ngài cũng sẽ hoàn tất những gì mà Ngài thấy còn thiếu nơi con người mỏng dòn non yếu này vậy.
 
Mỗi ngày một câu chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
17:11 07/11/2009
MỖI NGÀY TRỜI LUÔN ĐẸP

N2T


Khách du lịch:

- “Hôm nay thời tiết sẽ như thế nào ?”

Mục tử:

- “Sẽ là thời tiết mà tôi ưa thích.”

Khách du lịch:

- “Anh làm sao biết đúng là thời tiết mà anh ưa thích ?”

Mục tử:

- “Tiên sinh, sau khi tôi phát hiện tôi hoàn toàn không thể thỏa mãn như ý nguyện, thì tôi bèn học tập ưa thích những cái mà tôi đang có. Cho nên nói thời tiết hôm nay nhất định là loại thời tiết mà tôi ưa thích.”

(Bài ca của loài ếch)

Suy tư:

Người có đức tin và luôn đặt mình trước mặt Thiên Chúa, thì luôn nhìn thấy mọi hoàn cảnh, mọi việc không ngoài tình yêu của Thiên Chúa, do đó mà họ luôn học tập đặt mình trong bàn tay của Thiên Chúa kho gặp hoàn cảnh không thuận lợi hoặc khó khăn xảy đến cho mình.

Cái mà chúng ta có hôm nay là những cái mà chúng ta chắc lọc qua những đau khổ để trở thành hạnh phúc; cái mà chúng ta được hôm nay chính là những cái mà chúng ta đã phấn đấu trong khó khăn để được thành tựu. Vậy thì tại sao chúng ta không học tập sẵn sàng chấp nhận những sự việc không thuận lợi xảy đến cho chúng ta ?

Cuộc sống luôn là một trường lớp mà Thiên Chúa dùng để dạy chúng ta những bài học hạnh phúc, khôn ngoan và khiêm tốn và yêu thương, nếu chúng ta chưa thuộc những bài học đó, thì Thiên Chúa sẽ vẫn còn dùng người này người nọ, hoàn cảnh này hoàn cảnh kia để dạy chúng ta, cho đến khi chúng ta thuộc những bài học đó mới thôi.

Như thế thì mỗi ngày đều đẹp, trời đều quang đãng đối với chúng ta –những người Ki-tô hữu.

----------------------

http://www.vietcatholic.net/nhantai

http://vn.myblog.yahoo.com/jmtaiby

jmtaiby@yahoo.com taibytw@hotmail.com
 
Mỗi ngày một câu danh ngôn của các thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
17:12 07/11/2009
N2T


4. Kiên nhẫn là đức hạnh cam tâm chịu đựng tất cả đau khổ ở thế gian này.

(Thánh John Berchmans)
 
Mỗi ngày một câu cách ngôn
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
17:13 07/11/2009
N2T


275. Chúng ta muốn khống chế vật chất, nhưng lại khống chế sinh mệnh của chính mình.

 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Tòa Thánh bác bỏ tin sẽ phong chân phước cho ĐGH Gioan Phaolô II vào đầu năm 2010.
Nguyễn Long Thao
09:33 07/11/2009
Tòa Thánh bác bỏ tin sẽ phong chân phước cho ĐGH Gioan Phaolô II vào đầu năm 2010.

VATICAN CITY 6/11/09 -Tòa Thánh đã mau chóng bác bỏ tin của nhật báo La Republica nói rằng Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II sẽ được phong chân phước vào đầu năm 2010.

Đức Hồng Y Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh Tarcisio Bertone, cho đài phát thanh Vatican biết tin của tờ La Republica là tin suy đoán, không dựa trên quyết định cụ thể.

ĐHY cũng nói thêm là tiến trình phong chân phước cho ĐGH Gioan Phaolô II vẫn còn cần những bước kế tiếp theo, kể cả việc điều tra kỹ lưỡng và xác nhận phép lạ có sự can thiệp thực sự của đức cố Giáo Hoàng.

Giám Đốc Phòng Báo Chí Tòa Thánh, LM Federico Lombardi cũng cho các ký giả biết cuộc điều tra dẫn tới viêc phong chân phước là một tiến trình mất nhiều thời gian. Các bước còn lại trong việc điều tra chắc chắn không thể hoàn tất trước mùa Xuân năm 2010 như báo chí đã loan tải.

Cha Lombardi cũng bác bỏ tin của tờ La Republica nói rằng đang có tranh luận giữa các vị Giám Mục Ba Lan và Tòa Thánh Vatican về lễ phong chân phước cho đức cố Giáo Hoàng sẽ diễn ra tại Krakow hay tại Roma.

LM Giám Đốc Văn Phòng Báo Chí cho biết vị Giáo Hoàng Roma là vị Giáo Hoàng thuộc về Giáo Hội toàn cầu.
 
Thảm sát tại Fort Hood, TX: Ngày dài nhất cuả một linh mục tuyên úy
Trần Mạnh Trác
15:05 07/11/2009
Washington (CNS) - Chỉ hai tháng sau khi nhận chức tuyên úy quân đội tại căn cứ quân sự lớn nhất của Hoa Kỳ, Cha Ed McCabe đã có ngày dài nhất của một tuyên úy.

Cha McCabe có một cuộc họp nhân viên hàng tuần đang được 10 phút thì nghe tin có súng nổ tại căn cứ.

"Chúng tôi kết thúc cuộc họp và chạy đến bệnh viện" Cha McCabe nói, "bởi vì đó là nơi những người bị thương được tải đến. Rồi sau đó tôi đi tới hiện trường để khuyên giải những người ở đó."

Trong số 13 người chết, Cha McCabe cho biết ngài đã sức dầu cho 11 người.

Cha cho biết ngài không đủ thời gian để sức dầu cho 30 người bị thương khác. "Không, thực sự không có thể làm gì khác hơn là cầu nguyện một cách nhanh chóng. Lúc đó là hoàn toàn hỗn loạn," Cha McCabe nói.

"Lúc đó tôi đang trực và vụ việc đã diễn ra không quá xa văn phòng của tôi" Cha McCabe nói với Catholic News Service trong một cuộc phỏng vấn qua điện thoại từ Fort Hood ở Killeen, Texas, ngày 6 Tháng mười một, một ngày sau biến cố.

Được biết thiếu tá Nidal M. Hasan, 39 tuổi, một bác sĩ tâm thần, là nghi can duy nhất, đã xả hết đạn từ hai khẩu súng tay. Hắn đã bị bắn trọng thương, bị canh phòng cẩn mật trong bệnh viện.

Là một linh mục của Tổng Giáo Phận Boston, Cha McCabe, quân hàm đại tá, thường dâng Thánh lễ vào lúc trưa tại Fort Hood, rồi sau 30 phút là buổi họp nhân viên. Ngày Thứ năm vừa qua, cái thông lệ đó đã bị phá vỡ khi ngài nhận được tin thảm sát, bắt đầu vào khoảng 1:30pm (giờ Central).

Sau khi đi đến phạm trường, là một "nơi khám tổng quát cho binh sĩ" ("soldier readiness facility") cuả căn cứ quân sự có quân số 65.000 lính. Tôi đã đến bệnh viện địa phương (Darnall Army Medical Center), nơi mà những người bị thương được đưa đến. Cha McCabe nói "Một trong những nạn nhân tử thương, một đại úy, đã bị bắn tới ba lần."

Vị tuyên úy cho biết ngài không nhận diện được bất kỳ người nào. "Mọi nạn nhân đều cuốn IV (dây truyền máu) chằng chịt," cha nói thêm. "Tôi không thể nhìn thấy mặt."

Sau khi ở bệnh viện, Cha McCabe trở lại Fort Hood để tham dự các nghi lễ di chuyển xác chết.

Ngày của cha đã không kết thúc được cho đến sau 2:00 đêm. "Tôi đã cho phép đài BBC ở London phỏng vấn, tôi nghĩ rằng thay vào đó tôi nên đi ngủ sớm hơn thì tốt hơn" Cha McCabe nói.

Ngài đã tỉnh giấc sau một đêm ngắn và bị viêm thanh quản khá xấu. Trong khi chờ đợi một bác sĩ ở căn cứ chuẩn bệnh, Cha McCabe đã nói chuyện với CNS.

Cha McCabe đã phục vụ là tuyên uý quân đội tại Afghanistan và Iraq, nhưng khi được hỏi nếu cha đã chứng kiến điều gì so với cảnh tại Fort Hood, ngài trả lời, "Không, không, không, không, không, không có gì cả. "

Cha Adam Martinez, chánh xứ St Joseph ở Killeen, mà một phần đáng kể 3.000 hộ gia đình trong quân đội ở gần là giáo dân cuả giáo xứ, nói rằng cha đã biết có điều gì sai khi "tôi nghe còi hú."

"Bắt đầu tôi nghĩ còi hú là vì cơn lốc xoáy hoặc vì thời tiết xấu sắp tới. Nhưng bây giờ là giữa ban ngày và không có mây hoặc thời tiết xấu", cha Martinez nói. "Tôi nghĩ rằng, 'That's funny’ (Thật là kỳ)." Chỉ sau đó ông tài chính (giáo xứ) chạy đến và nói, 'Có chuyện gì đang xảy ra tại Fort Hood. Tôi nghĩ rằng có người chết..' Và tôi đã hiểu là có gì đó không ổn. "

Ngài dự tính ngày 8 tháng mười một sẻ có thánh lễ tưởng niệm các nạn nhân.

"Trong hai giờ (sau khi vụ thảm sát) đã có một sự trầm tĩnh và yên lặng. Không có xe cộ chạy" Cha Martinez cho biết thêm rằng những người đã sống qua cảnh "sợ hãi, tự hỏi chúng ta có an toàn không?... Nó ảnh hưởng đến thần kinh, con người cảm thấy không an toàn. Tôi nghĩ rằng tâm thần của thành phố đã bị thay đổi. "

Khi được hỏi ngài có biết bất kỳ giáo dân nào là nạn nhân không, Cha Martinez nói với CNS, "Chưa, chưa."

Cùng câu trả lời "chưa, chưa" đã được đưa ra bởi Cha Richard O'Rourke, dòng Missionaries of the Sacred Heart, chánh xứ St Paul tại Harker Heights, Texas. Ngài ước tính rằng 80 phần trăm của 1.000 gia đình trong giáo xứ là có người nhà đang phục vụ hoặc đã nghỉ hưu từ quân đội.

"Tôi đã sợ hãi và thất kinh" khi nghe tới vụ thảm sát, Cha O'Rourke nói ngày 6 tháng 11.

"Tin tức rỉ rả tới khá chậm. Sau đó, nhân viên căn cứ tịch thu điện thoại di động của một số người," ngài cho biết. "Họ không muốn bất kỳ tin tức nào bị lọt ra ngoài nếu trong trường hợp là một cuộc tấn công khủng bố. Mãi cho đến chiều ngày hôm qua thì lệnh thiết quân luật mới được nới lỏng", trong đó có chín trường học trong căn cứ.

"Ngay lập tức chúng tôi dâng lễ cầu hồn vào lúc 5:30 tối hôm qua", cha O'Rourke nói. Ý chỉ cho các thánh lễ ngày 07 và 08 tháng 11 sẽ là cho các nạn nhân Fort Hood.
 
Top Stories
A Vinh non ha tregua la lotta delle autorità contro la religione
Asia-News
04:55 07/11/2009
Agenti antisommossa e bulldozer per rimuovere una statua della Vergine da un cimitero cattolico, un sacerdote e suoi parrocchiani denunciati per aver portato in questura l’autore di minacce a un prete.

Hanoi (AsiaNews) – Agenti antisommossa e bulldozer per rimuovere una statua della Vergine da un cimitero cattolico (nella foto), un sacerdote e suoi parrocchiani denunciati per aver portato in questura l’autore di minacce a un prete. Sono i più recenti episodi della lotta alla religione scatenata dalle autorità di Vinh.

I fatti. Il 5 novembre, il parroco di Bau Sen, padre Peter Nguyen Van Huu, è stato ermato dalla polizia mentre si stava recando all’annuale ritiro nella sede episcopale di Xa Doai. Mentre era trattenuto, decine di agenti in tenuta antisommossa, scotrati da militanti rimuovevano una statua della Madonna dal cimitero parrocchiale.

Si è conclusa così una vicenda iniziata il 21 settembre 2008, quando il Comitato del popolo di Bo Trach, provincia di Quang Binh, emise la decisione 3150 QÐ – CC, che imponeva alla parrocchia di rimuovere entro cinque giorni la statua, che i fedeli avevano posto in aprile su un masso all’interno del cimitero, dall’altra parte della strada della parrocchia.

La decisione e la susseguente ondata di proteste dei cattolici furono fermate dall’arrivo del tifone Ketsana. Il 16 ottobre, passata la tempesta, le autorità hanno ripreso l’opera. Una fonte anonima, interna al Fronte patriottico ha fatto sapere che a tale opera di demolizione è stato destinato uno stanziamento di, 1,2 miliardi di dond, quasi 68mila dollari, cira considerevole per una provincia povera come Quang Binh. Il tutto accompagnato da minacce e intimidazioni verso il sacerdote e i suoi fedeli.

A tutt’ora non si sa che fine abbia fatto la statu, che i parrocchiani chiedono torni al suo posto.

Il secondo episodio è stato riferito da padre John Nguyen Minh Duong, di Ke Sat, nel corso dell’annuale ritiro dei sacerdoti a Xa Doai, tenuto dal 3 al 7 novemre, nel corso del quale si è esaminato il programma diocesano per il prossimo giubileo nazionale, della situazione delle parrocchie e anche della sicurezza dei sacerdoti, dopo le violenze subite ad agosto dai padri Paul Nguyen Dinh Phu e Peter Nguyen The Binh.

Padre Duong ha dunque raccontato una vicenda iniziata il 27 agosto, in occasione della celebrazione del matrimonio di 22 coppie. Al rito si è presentata un’altra coppia, che ha chiesto di essere sposata. Il sacerdote ha obiettato che non li conosceva, che non aveva idea della loro fede cattolica e che per celebrare il matrimonio religioso bisogna prima partecipare al corso di preparazione.

Allo strano avvenimento hanno fatto seguito una serie di minacce anonime, ricevute dal sacerdote sul suo telefono cellulare. I parrocchiani, allora, si sono dati da fare e hanno individuato il responsabile delle minacce, che ha confessato di essere il responsabile. I edeli lo hanno portato alla polizia, ma, poco dopo, l’uomo è stato rilasciato.

Il giorno dopo, il sacerdote e alcuni membri del consiglio pastorale hanno ricevuto una citazione della polizia, che li accusava di aver aggredito l’uomo e averlo illegalmente trattenuto.

“Da vittime siamo diventati criminali”, il commento espresso da padre Duong in una lettera inviata al vescovo mons. Paul Marie Cao Dinh Thuyen e a varie agenzia nazionali di sicurezza.
 
No end to authorities battle against religion in Vinh
Asia-News
05:49 07/11/2009
Riot police and bulldozers to remove a statue of the Virgin from a Catholic cemetery, a priest and his parishioners reported to the police for bringing the author of threats to a priest to the station.

Hanoi (AsiaNews) - Riot police and bulldozers to remove a statue of the Virgin from a Catholic cemetery (see photo), a priest and his parishioners reported to the police for bringing the author of threats to a priest to the station. These are the most recent anti-religious episodes unleashed by the authorities of Vinh.

The facts. On 5 November, the pastor of Bau Sen, Father Peter Nguyen Van Huu, was detained by police on his way to an annual retreat in the Episcopal seat of Xa Doai. While he was detained, dozens of officers in riot gear, backed up by militants removeda statue of Our Lady from the parish cemetery.

It brought to an end and episode that began on 21 September 2008, when the People's Committee of Bo Trach, Quang Binh province, published a decree 3150 QÐ - DC, which required the parish to remove the statue within five, which the faithful had erected in April on a rock inside the cemetery, across the street from the parish.

The decision and the subsequent wave of protests by Catholics were stopped by the arrival of Typhoon Ketsana. On 16 October, after the storm, the authorities resumed their work. An anonymous source, within the Patriotic Front has indicated that the demolition has been allocated a budget of 1.2 billion dond almost 68 thousand dollars, a considerable amount for a province as poor as Quang Binh. All accompanied by threats and intimidation towards the priest and his parishioners.

The fate of the statue is still unknown; the parishioners are demanding its return.

The second incident was reported by Father John Nguyen Minh Duong, of Ke Sun, during the annual retreat for priests at Doai Xa, 3 to 7 November, during which the diocesan program for the upcoming national jubilee was considered as well as the situation of parishes and the safety of priests, after the violence suffered in August by fathers Paul Nguyen Dinh Phu and Peter Nguyen The Binh.

Father Duong then spoke of an episode dating to 27 August, during the celebration of marriage of 22 couples. Another couple, presented itself at the ceremony asking to be married. The priest objected stating he did not know them, had no idea of their Catholic faith and that in order to celebrate the religious ceremony, they must first participate in the preparatory course.

This strange event was followed by a series of anonymous threats received by the priest on his cell phone. Parishioners then set themselves to find out and have identify the person responsible for the threats, who confessed. The parishioners took him to the police, but soon after, the man was released.

The next day, the priest and some members of the pastoral council received a police summons, who accused them of attacking the man and detaining him illegally.

"From victims to criminals," commented Father Duong in a letter to the Bishop Marie Paul Cao Dinh Thuyen and various national security agencies.
 
Vietnam’s Holy Jubilee: Pass on the living Faith, cardinal exhorts
Emily Nguyen
19:10 07/11/2009
Living out and passing on the faith to future generations are central foci of the Holy Year to be celebrated in Vietnam, the president of Vietnam’s Holy Jubilee announced. Sharing the same idea, 161 priests and deacons of three dioceses in North Vietnam discussed on challenges of their evangelization mission in the socio-economic context of Vietnam today.

Priests and deacons of dioceses of Bac Ninh, Thanh Hoa, and Phat Diem in their annual retreat
“One among various objectives in the Holy Year to be celebrated in Vietnam is living out our faith”, stated Cardinal Jean Baptiste Pham Minh Man of Saigon, the president of Vietnam’s Holy Jubilee, in an interview published on VietCatholic News Nov. 7.

According to the cardinal, the high point of the jubilee of the Church in Vietnam will be “an assembly of various components of God's people” organized on the model of a synod of bishops in the Archdiocese of Saigon from Nov. 22-25, 2010. The ultimate goal of the “synod” is to figure out “what need to be done to strengthen and bear witness to our faith, transmit it to our neighbors, and pass it on to future generations,” Cardinal Jean Baptiste Pham continued.

“Evangelization and education in the faith for children” have been hot topics drawing great attentions of many Catholics in Vietnam in the wake of dazing and profound changes in the socio-economic context of Vietnam today.

161 priests and deacons of dioceses of Bac Ninh, Thanh Hoa, and Phat Diem gathering at the Bishop Office of Phat Diem for their annual retreat shared the same concerns with the cardinal. They debated on how to carry out their duties of evangelical mission more effectively, and discussed on different missionary strategies in the Holy Year. Especially, in the context of the Year for Priests, Bishop Cosma Hoang Van Dat of Bac Ninh presented a topic on challenges and risks of the religious life in a society where widespread unbelief, invasive secularism, and the hostility toward Gospel’s values keep obstructing real religious growth.

Recent statistical figures have shown that although Catholicism is relatively widespread in Vietnam and the Church has a strong corps of devoted lay activists, in recent decades the growth of country's Catholic population has lagged significantly behind the overall population growth. The Catholic population in 2007 was 6,087,700 among 85,154,900 people, or a rate at about 7.15% of national population. This indicates a decline in number of registered Catholics comparing to 7.2 % in 1933 or 7.5% in 1939.

Government oppression of the Church is often quoted as the main reason for the decline of the Catholic population. In many remote areas of the Central Highlands and in northern mountainous provinces, pastoral activities are hindered by governmental bureaucracy and on-going mistreatments. In these areas, missionary activity has often been described as an “offense against national security,” and the local officials have made no effort to hide their hostility toward the Church's efforts.

Anti-religious legislation endeavors, and in particular, a persistent propaganda campaign against the Church at all levels of education have caused hindrance in education in the faith, and made young people confused about the real purpose of Catholic activity, and discouraged them from showing their Catholic identity.

However, “it’s a grave mistake to blame everything on the communists,” said Marie Nguyen Thi Dau a retired Mathematics teacher in Vinh diocese.

“Passing on the faith to our children is first of all the duty of each and every Catholic family, the ‘domestic Church’ as called by the Second Vatican Council. For decades, my parish had lived through many rounds of persecution. We did not have any priest. But the world of religion was still familiar to me as prayer was an integral part of my family. We would pray every morning and every night and my mum kept telling tell me about the lives of saints and good examples they had set. And when I got sick, my grand mum would tell me to offer my pain up for Jesus,” she explained.

“Also, little tidbits of devotional practices outside the household helped me to grow in faith, too,” she continued. “A Catholic bus driver would make a sign of cross before setting out on his route. Peasants on the way to their fields paused and prayed in front of the old parish church even it had been seized and turned into a State factory. And every night my village would be buzzing with the Rosary.”

“Nowadays, in this luxurious city where one can attend formal doctrines and dogmas courses without being troubled with police, for years I have not seen a family singing the Rosary together, nor a bus driver making the cross,” Dau, now living in Saigon with her son, complained, noting that secularism should not be considered less dangerous than communism.

In their letter sent to priests, religious, and faithful declaring the Holy Year, Vietnamese bishops stated that the Jubilee "is a propitious time for a retrospective look at the objective to thank God, to learn the lessons of history, to debate the present situation of the Church, and to look at the future with the determination to construct a Church that discerns and obeys the will of God.”
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Phỏng vấn Đức Hồng y Gioan B. Phạm Minh Mẫn, Chủ tịch Ủy ban Năm Thánh
WHĐ
04:41 07/11/2009
WHĐ (7.11.2009) – Năm Thánh 2010 của Giáo Hội Việt Nam đã gần kề. Chỉ còn hơn hai tuần nữa, vào ngày 24-11-2009, Lễ Khai mạc Năm Thánh sẽ được long trọng cử hành tại Sở Kiện (Kẻ Sở) thuộc Tổng Giáo phận Hà Nội.

Nhân dịp này, phóng viên WHĐ đã xin được phỏng vấn Đức Hồng y Gioan B. Phạm Minh Mẫn, Chủ tịch Ủy ban Năm Thánh. Ngài đã vui vẻ nhận lời.

Xin chân thành cảm ơn Đức Hồng y và trân trọng giới thiệu cùng quý độc giả toàn văn bài phỏng vấn.


WHĐ: Kính thưa Đức Hồng y, trong Năm Thánh kỷ niệm 350 năm thiết lập hai giáo phận Tông toà Đàng Ngoài và Đàng Trong (1659-2009), 50 năm thiết lập hàng giáo phẩm tại Việt Nam (1960-2010), Đức Hồng y là Chủ tịch Ủy ban Năm Thánh.

Xin Đức Hồng y chia sẻ cho độc giả WHĐ biết: vai trò, nội dung công việc và những thành phần tham gia Ủy ban Năm Thánh.


ĐHY Phạm Minh Mẫn: Ủy ban Năm Thánh gồm có: Đoàn chủ tịch gồm 7 Giám mục thuộc 3 giáo tỉnh, đứng đầu là tôi, - Ban Thư ký gồm 15 Tổng Thư ký của 15 Ủy ban của HĐGM.VN, cộng thêm một số chuyên gia thần học, giáo luật, đứng đầu là Đức cha Phêrô Nguyễn Văn Khảm, - Ban Tài chính, đứng đầu là Giám mục Chủ tịch Caritas của HĐGM.VN.

Công việc chuẩn bị cử hành Năm Thánh như sau: - cử hành đức tin: gom góp ý kiến về thể thức cử hành lễ khai mạc và các ngày lễ trọng trong Năm Thánh, đề xuất cho HĐGM thống nhất và công bố (xem Thư Công bố Năm Thánh thánh 10.2009); - tuyên xưng đức tin: Ban Thư ký soạn đề cương, rồi tư liệu làm việc cho Đại Hội Dân Chúa, đồng thời soạn tài liệu học hỏi cho tất cả Dân Chúa trong Năm Thánh; - sống đức tin: theo ý kiến đóng góp và tình hình sống đạo, đề xuất một ít việc cần làm để củng cố đức tin, làm chứng nhân đức tin và lưu truyền đức tin trong hoàn cảnh hôm nay.

– Thưa Đức Hồng y, trong Thư Năm Thánh 2010, HĐGM Việt Nam đã nêu ý nghĩa và mục tiêu cần đạt tới trong Năm Thánh là “nhìn lại quá khứ để tạ ơn Chúa và lắng nghe bài học của lịch sử, nhìn vào hiện tại để nhận diện những thuận lợi và thách đố, nhìn tới tương lai để cùng nhau canh tân đời sống và xây dựng Giáo Hội theo đúng thánh ý Thiên Chúa”.

Xin Đức Hồng y cho biết: Các vị mục tử của Giáo Hội tại Việt Nam đã chuẩn bị cho dân Chúa những gì để có thể (1) nhìn lại quá khứ (2) nhìn vào hiện tại và (3) nhìn tới tương lai?


ĐHY Phạm Minh Mẫn: Mỗi giám mục giúp cho gia đình giáo phận của mình làm việc đó. Có thể sau Năm Thánh, Ban Tổ chức sẽ gom góp lại, tóm tắt lại trong một tập Kỷ Yếu. Riêng trong TGP.TPHCM, tôi chuẩn bị qua mấy tư liệu đính kèm: (1) Tổng giáo phận Saigon qua dòng lịch sử, (2) 30 năm Phúc Âm hoá trong môi trường xã hội Việt Nam.

– Theo kế hoạch tổ chức Năm Thánh, một Đại Hội Dân Chúa sẽ được tổ chức tại TGP. TPHCM của Đức Hồng y, nhằm “suy tư, trao đổi, nhằm xây dựng Giáo Hội Chúa Kitô trên quê hương Việt Nam, một Giáo Hội hiệp thông và tham gia, một Giáo Hội hiện diện vì loài người, một Giáo Hội ước muốn chu toàn sứ vụ yêu thương và phục vụ của Chúa Kitô trong môi trường mình đang sống” (Trích Thư Năm Thánh, số 3)

Xin Đức Hồng y cho bạn đọc của WHĐ được hiểu thêm về những vấn đề liên quan đến việc tổ chức Đại Hội.


ĐHY Phạm Minh Mẫn: Như Nội Quy Năm Thánh quy định, thành phần tham dự gồm có: - các giám mục, Ban Thư ký Năm Thánh, - linh mục Tổng đại diện của 26 giáo phận, linh mục giám đốc của 7 Đại chủng viện, - linh mục đại diện cho linh mục đoàn của 26 giáo phận, 52 giáo dân (26 nam, 26 nữ) đại diện giáo dân của 26 giáo phận, 40 đại diện (20 nam, 20 nữ) cho gần 90 dòng tu, tu hội, tu đoàn tại Việt Nam, 30-40 đại diện cộng đoàn Công giáo Việt Nam tại các châu lục, - một số thượng khách...

Chương trình Đại Hội (22,23,24,25 tháng 11/2010):

- Ngày I, tham luận, hội thảo, góp ý bổ sung về Giáo Hội Mầu nhiệm, xây dựng tương quan với Chúa,

- ngày II, về Giáo Hội Hiệp thông, xây dựng tương quan với nhau,

- ngày III về Giáo Hội sứ vụ, xây dựng tương quan với mọi người, với xã hội.

- ngày IV, đúc kết các ý kiến thành những đề xuất, Đại Hội thông qua, thống nhất.

Sau này HĐGM.VN dựa vào đó để có những quyết định hoặc những chỉ dẫn mục vụ cho dân Chúa VN.

– Cũng trong Thư Năm Thánh, HĐGM đã sắp xếp lễ Khai mạc diễn ra tại Sở Kiện (TGP Hà Nội), Đại Hội Dân Chúa tại TGP TP.HCM, và lễ Bế mạc tại La Vang (TGP Huế).

Xin Đức Hồng y chia sẻ về ý nghĩa của việc sắp xếp này.


ĐHY Phạm Minh Mẫn: Phân công mỗi giáo tỉnh lo tổ chức một ngày lễ hoặc sự kiện lớn, như thế làm nổi bật sự hiệp nhất và tình liên đới trong Giáo Hội Việt Nam. Hạt giống đức tin được gieo trồng và vun tưới bằng máu các chứng nhân đức tin, trước tiên trong giáo tỉnh Hà Nội, vì thế cử hành Lễ Khai Mạc tại Tổng giáo phận Hà Nội. Những thập niên gần đây, Sàigòn là nơi trước tiên có điều kiện mở rộng và nâng cao kiến thức đức tin cho các thành phần dân Chúa, vì thế tổ chức Đại hội Dân Chúa tại đây để cùng nhau suy nghĩ và trao đổi về đời sống Giáo Hội. Trong lịch sử, La vang là nơi Đức Mẹ che chở phù trì cho đức tin được tồn tại và lưu truyền cho các thế hệ mai sau, vì thế cử hành lễ Bế Mạc tại La Vang vào dịp lễ Hiển Linh 2011 để nhấn mạnh sứ mạng lưu truyền đức tin và loan báo Tin Mừng cho mọi người.

– Thưa Đức Hồng y, Tòa Thánh sẽ đồng hành với Dân Chúa tại Việt Nam trong Năm Thánh như thế nào?

ĐHY Phạm Minh Mẫn: Khi tôi ngỏ ý này với Đức Thánh Cha, Ngài nhìn lên trời và bảo hãy cầu nguyện và cậy trông.

– Được biết ngày hôm nay (7-11) Đức Hồng y sẽ lên đường đi Roma để làm việc với Bộ Rao giảng Tin Mừng cho các Dân tộc và Hội đồng Tòa Thánh về mục vụ cho người Di dân mà ngài là thành viên. Mặc dù bận rộn với nhiều công việc, nhưng Đức Hồng y đã sẵn lòng dành thời giờ cho Trang tin điện tử của HĐGMVN. Xin chân thành cảm ơn Đức Hồng y và kính chúc Đức Hồng y lên đường bình an, có những đóng góp tích cực cho Giáo Hội toàn cầu.
 
Đức Cha Phêrô Nguyễn Soạn Giám Mục Quy Nhơn đi thăm vùng bão lụt tại Phú Yên
GX Tuy Hòa
10:49 07/11/2009
ĐỨC CHA PHÊRÔ NGUYỄN SOẠN ĐI THĂM BÃO LỤT TẠI PHÚ YÊN

TUY HÒA 7/11/09- Sau khi được cha Trưởng ban mục vụ Bác ái-Xã hội, Gioan Võ Đình Đệ báo cáo tình hình thực tế về các thiệt hại trầm trọng do cơn bảo Mirinae và trận lũ lụt kinh khiếp để lại trên các vùng thuộc địa bàn huyện Đồng Xuân, Sông Cầu và Tuy An, hôm nay, ngày 7 tháng 11, Đức Cha Phêrô Nguyễn Soạn, Giám Mục Qui Nhơn, đã quyết định đến thăm giáo dân thuộc các vùng trọng điểm thiệt hại nầy.

Trước hết, với sự tháp tùng của cha hạt trưởng Phú Yên, Giuse Trương Đình Hiền, phái đoàn Tòa Giám Mục do Đức Cha dẫn đầu, đã đến thăm khu vực nhà thờ Suối Ré, một họ đạo thuộc giáo xứ Đồng Tre, huyện Đồng Xuân. Tại nơi đây, Đức Cha đã tiếp xúc, chuyện trò thân mật và chia sẻ các nổi khổ cực mà anh chị em giáo dân nơi đây đang gánh chịu.

Được biết, cách nhà thờ Suối Ré không xa về phía Tây-Bắc, có cụm dân cư Xóm Trường, nằm gần bãi sông Trà Bương và Sông Kỳ Lộ, thuộc thôn Triêm Đức, đã bị cơn lũ đêm 2.11 cuốn sạch. Số người chết tới mấy chục người, cho đến nay vẫn chưa tìm thấy hết các thi thể chôn vùi nơi đâu !

Sau khi nghỉ trưa tại Tuy Hòa, phái đoàn Đức Cha tiếp tục đến thăm nhà thờ giáo xứ Đông Mỹ, giáo xứ cực nam của Giáo phận Qui Nhơn và là địa bàn có các họ đạo vùng sâu nằm dọc bờ duyên hải, đang bị chia cắt bởi biển nước mênh mông. Đức Cha đã đến tại vùng họ đạo Thạch Tuân, một cộng đoàn đang có các cụm dân cư bị cách ly và đang chờ được cứu trợ. Với sự hiện diện đầy tình phụ tử của Đức Cha, các linh mục chánh xứ Đồng Tre, Antôn Nguyễn Huy Điệp, chánh xứ Đông Mỹ, Phêrô Trương Minh Thái, nhất là bà con tại những nơi nầy cảm thấy thật ấm lòng và cảm kích trước nghĩa cử yêu thương và sự chăm sóc tận tình của Vị Cha chung Giáo phận.

Đức Cha đã rời Phú Yên để trở về lại Tòa Giám Mục vào cuối buổi chiều cùng ngày.
 
Giáo xứ Bó Tờ thuộc giáo phận Lạng Sơn khánh thành ngôi thánh đường mới
Dominic Vũ
19:03 07/11/2009
LẠNG SƠN – Đã lâu lắm rồi bà con Công giáo sắc tộc Tày, Nùng mới có được ngày hội vui nơi bản làng Bó Tờ. Địa danh này cũng là tên của một giáo xứ thuộc giáo hạt Cao Bằng, giáo phận Lạng Sơn. Ngày 28 tháng 10 được coi là ngày hội vì tất cả con dân trong làng đều tề tựu về ngôi “Nhà Chung” mới được hoàn tất để tạ ơn Cha Trên Trời và tỏ bày niềm vui với nhau ngang qua những điệu múa, lời ca đồng thời cùng nhau chia sẻ những sản phẩm của nương rẫy.

Hình ảnh khánh thành nhà thờ mới

Bó Tờ là một bản làng nhỏ thuộc xã Hòa Thuận, Phục Hòa cách trung tâm thị xã Cao Bằng khoảng 70km, và chỉ còn 5km nữa là giáp ranh với Trung Quốc. Nếu không có trục lộ cắt ngang nối từ trung tâm thị xã tới cửa khẩu biên giới thì địa danh Bó Tờ càng heo hút và ít người biết đến hơn. Danh xưng của giáo xứ cũng phần nào nói lên đặc nét của giáo xứ ấy: mãi đến năm 1937 Bó Tờ mới được đón nhận Tin Mừng, số bà con giáo dân lúc ấy là khoảng 200 nhưng vì hoàn cảnh lịch sử xã hội cho đến nay số tín hữu cũng chỉ dừng lại ở mức khiêm tốn vào khoảng 400, trong đó trăm phần trăm là bà con sắc tộc. Cuộc sống của bà con nơi đây chủ yêu dựa vào cây mía củ khoai củ sắn. Dù sống bằng nghề nông nhưng không thể trồng được cây lúa vì điều kiện địa dư không cho phép, đất đai khô cằn vì thiếu nguồn nước, nguồn lợi hoa mầu phụ thuộc hoàn toàn vào thời tiết tự nhiên và mưa nắng của Trời.

Để có được ngày hôm nay bà con luôn nhắc đến công ơn của các bậc tiền bối, từ các linh mục tiên khởi đã dấn thân khai phá và gieo những hạt giống Tin Mừng đầu tiên nơi cánh đồng Bó Tờ này cho đến các mục tử đã chăm lo dạy dỗ để bà con gìn giữ giá trị đức tin cho đến ngày nay. Có được ngôi Thánh đường khang trang mang đậm nét dân tộc là điều vượt khỏi ước mơ và tầm với của những người nông dân đơn nghèo bình dị. Nhưng với ơn thánh Chúa và tình thương của bao người ước mơ ấy sau gần hai năm đã trở thành hiện thực. Người mà bà con luôn nhắc tới là Đức Tổng Giuse Ngô Quang Kiệt, một thời chia ngọt sẻ bùi với ba con trong tư cách Mục tử giáo phận. Ngài đã đầu tư và động viên bà con xây dựng ngôi Thánh Đường để sớm tối có nơi gặp gỡ Cha Trên Trời. Ngang qua trung gian Đức Tổng Giuse và hôm nay là Đức cha Giuse, họ còn đón nhận được thật nhiều tình thương và sự quan tâm của bao ân nhân xa gần, từ những người trong nước đến những anh chị em trong Hội Yểm Trợ Truyền Giáo Giáo Phận Lạng Sơn nơi hải ngoại. Không thể không nhắc tới cha chính xứ Vinh Sơn Đào Văn Uyên và các chị em nữ tu Đaminh Lạng Sơn, những ngươi đang kề vai sát cách với con dân xứ đạo Bó Tờ. Tất cả đều góp phần và chung tay xây đắp để có được ngôi Thánh đường hôm nay.

Buổi lễ khánh thành diễn ra thật đơn sơ nhưng đầy tình Chúa và ấm áp tình người. Mọi thành phần trong giáo phận từ vị chủ chăn cho đến các linh mục và nam nữ tu sỹ đang lao tác trên cánh đồng truyền giáo xứ Lạng, rồi còn có đại diện tất cả các giáo xứ trong giáo phận, tất cả tề tựu về để chung chia và hiệp thông với bà con trong niềm vui đại lễ. Chủ sự Thánh Lễ tạ ơn, Đức cha Giuse chủ chăn giáo phận có dịp bày tỏ tâm tình và mối quan tâm của mình đối với bà con Bó Tờ. Ngài không quyên nhắc nhở mọi người phải nhớ ơn những bậc tiền bối, những người cha những người thầy trong đức tin. Đặc biệt ngài nhấn mạnh đến tầm quan trọng và ý nghĩa của việc thánh hiến ngôi thánh đường mới để khuyến khích và thúc dục con cái mình siêng năng đến nhà thờ tham dự Thánh Lễ và đón nhận các bí tích. Vì nhà thờ chính là nơi của sự hiệp nhất, là nơi để bày tỏ đức tin và cũng là nơi để chia sẻ tình mến.

Về phần mình, giáo xứ Bó Tờ đón tiếp và thiết đãi mọi người với tấm lòng hiếu khách, đơn sơ và chân thành vốn có của bà con sắc tộc miền Cao Bằng. Tất cả đều thuộc cây nhà lá vườn, từ những làn điệu hát then, tiếng đàn tính và những tiết mục văn nghệ đơn sơ trong buổi diễn nguyện buổi tối hôm trước cho đến những món ăn của ngày hôm sau đều xuất phát từ nỗ lực và công khó của bà con. Người góp túi khoai, kẻ mang đến bó củi, con dao, cái thớt…mọi người đều góp sức của mình cộng tác với cha chính xứ và các chị em nữ tu Đaminh Lạng Sơn để cho ngày lễ khánh thành trọn vẹn và chan chứa niềm vui.
 
Ngày Truyền Thống Gia Đình Đaminh Việt Nam 2009
Sr. Minh Nguyên
19:18 07/11/2009
(Saigon) Sáng mùng 7 tháng 11, nhà thờ Thánh Đaminh mà dân Saigon quen gọi là nhà thờ Ba Chuông đã hân hoan đón anh chị em gia đình Đaminh về họp mặt.

Phấn khởi vui tươi cho ngày mà một năm mới có một lần, ngày mà tình gia đình Đaminh ấm áp, hiệp nhất, sẻ chia và gặp gỡ. Đặc biệt hôm nay theo lịch riêng của Dòng lại là ngày lễ kính các Thánh Dòng, là những anh chị em đi trước mà còn để lại gương sáng bằng nếp sống,, bằng tình thân mật, bằng sự hiệp thông, và sự phù trợ bằng lời chuyển cầu (HP số 67 ). Do vậy, từ sáng tinh sương, tại các cộng đoàn của các Hội Dòng Đaminh, anh chị em đã dâng thánh lễ và nguyện kinh sáng cảm tạ Chúa đã ban cho các Thánh Dòng được hiển vinh trên Thiên quốc.

Niềm vui tròn đầy trên gương mặt của tất cả anh chị em hiện diện. Hôm nay không có ai có thể phân biệt được đâu là quý Soeurs Dòng Đaminh Rosa Lima, Đaminh Lạng Sơn, Đaminh Tam Hiệp, Đaminh Thánh Tâm, Đaminh Bùi Chu, Đaminh Thái Bình, Đaminh Thánh Thể hay đan viện Đaminh nữa. Tất cả chỉ là niềm vui và những lời chào thân mật sau của một thời gian dài không gặp nhau. Quý Cha và Quý Thầy miệng cười tươi hướng dẫn cho ổn định chỗ ngồi. Gia đình Đaminh hùng mạnh hơn khi có sự hiện diện của các anh chị em Huynh Đoàn Giáo Dân Đaminh ( Dòng Ba Đaminh), câu lạc bộ Đaminh, huynh đoàn Cựu Tu Sinh Đaminh, đặc biệt hơn năm nay lại có sự hiện diện của một số huynh đoàn mới là Huynh đoàn Tu sĩ Thái Bình, Huynh Đoàn Mân Côi- Hố Nai và Huynh đoàn Tin Yêu. Tất cả hòa đồng trong tình gia đình với chung một nụ cười và một sứ vụ trong tinh thần Đaminh.

Rồi chương trình bắt đầu với những bài hát rộn ràng chào đón chung của ban tổ chức. Khác với những năm trước, với chủ đề là Chứng nhân của Lời, gia đình Đaminh năm nay mời gọi các Hội Dòng diễn lại những nét đặc sắc của thánh Bổn mạng Hội Dòng của mình. Học viện Đaminh- Gò Vấp và Huynh đoàn Đaminh mở đầu trong phần diễn nguyện về thánh Tổ Phụ Đaminh với chủ đề gặp gỡ và sai đi. Hội dòng Đaminh Lạng Sơn, thánh bổn mạng là Mẹ Mân Côi nên đã cống hiến cho khan giả phần diễn nguyện về Kinh Mân Côi với chủ đề điểm hẹn. Dòng Đaminh Rosa Lima, thánh hiệu là Rosa đã gửi đến anh chị em trong Dòng bài múa ngắn gọn, xúc tích và ý ngĩa về cuộc đời thánh Rosa. Tiếp đến là phần diễn nguyện về cuộc đời thánh nữ tiến sĩ Catarina, của ba hội dòng: Đaminh Thánh Tâm với chủ đề học hỏi và giáo dục, Đaminh Bùi Chu diễn lại cuộc đời thánh nữ và thánh ý Thiên Chúa, và Đaminh Tam Hiệp thánh Catarina và giáo hội. Ngoài ra cựu tu sinh Đaminh cũng cống hiến cho anh chị em một power point về thánh Duy Khang. Giữa những phần diễn nguyện này là đôi nét giới thiệu về tu viên Albeto của cha bề trên FX Đào Trung Hiệu nhân dịp tu viện kỷ niệm 50 năm ngày thành lập.

Nhìn chung năm nay tâm trạng của những anh chị em tham dự rất vui và phấn khởi vì được gặp lại bạn bè cũ, cảm thấy tình gia đình đầm ấm và có một sự kết nối vô hình giữa anh chị em với nhau trong việc phục vụ Lời trong cùng một chí hướng. Những diễn nguyện của các Hội Dòng đã tạo cho gia đình hiểu biết thêm về vị thánh bằng những lối diễn khác nhau của các Hội Dòng. Hình thức mới này đang được gia đình đẩy mạnh hơn bằng việc ghi lại những hình ảnh diễn nguyện để quảng bá về các vị thánh trong Dòng cho mọi người cùng được thưởng lãm. Tuy các diễn viên là quý Thầy, quý Soeurs, không được đi học bài bản, những động tác còn cứng, nhưng tinh thần để các anh chị em làm những chương trình diễn nguyện này thật đáng khâm phục. Mỗi động tác là những giọt mồ hôi đổ trên sàn tập, là những hy sinh trong âm thầm lặng lẽ để kính dân lên các thánh trong Dòng như là một lời tri ân, như một hòa điệu trong tinh thần hiệp nhất. Do vậy mà năm ngoái với DVD Tìm lại gia sản của dòng là diễn nguyện về Mầu nhiệm Kinh Mân Côi đã được in lên con số vài ngàn. Hy vọng mỗi năm gia đình lại ghi dấu ấn trên những công việc truyền bá Lời và nhân chứng này bằng những hình thức mới.

Cha Giuse Nguyễn Cao Luật, đặc trách gia đình Đaminh Việt Nam cho biết: hôm nay chương trình thành công, lòng hăng hái và nhiệt thành của các Hội Dòng thật đáng khích lệ, các chị đã không ngại hao tốn về tài chính và mất thời gian để làm nên những sản phẩm tinh thần này. Một tràng pháo tay của khán giả sau vở diễn không tưởng thưởng hết được những nỗi khó nhọc các chị em diễn viên đã trải qua nhưng đó là sự khích lệ để nâng đỡ các diễn viên với những diễn nguyện trong tương lai...

Phát biểu cuối cùng trong ngày truyền thống Đaminh, cha bề trên giám tỉnh, tỉnh dòng Đaminh Việt Nam, Giuse Ngô Sĩ Đình cho biết: con số gia đình Đaminh gồm linh mục, tu sĩ và huynh đoàn đã lên đến hàng chục ngàn, không dám so sánh với giáo phận lớn như Saigon hay Xuân Lộc, nhưng có thể bằng với số giáo dân tại giáo phận Đà Nẵng hay Huế. Linh mục của Dòng hiện nay đã là 150, chưa kể khấn trọn, khấn đơn hay phó tế trong tỉnh dòng. Số nữ tu thì tăng mỗi năm khoảng 200... Huynh đoàn Đaminh ngày một đông thêm.. .

Xin cho tinh thần Đaminh mãi thấm nhập trong từng con tim của anh chị em trong gia đinh để mỗi ngày lời rao truyền sống động và hữu hiệu hơn.

Kết thúc ngày truyền thống của Dòng là giờ Chầu Thánh Thể và Kinh Trưa trong ngôi nhà thờ Ba Chuông, một gia đình gồm nhiều thành phần tập hợp trong mái nhà mang đậm nét Á Đông. Cuối cùng là bữa Agape huynh đệ khi ánh nắng vừa tròn đỉnh đầu.

Có lẽ bước chân ra về mọi người sẽ cùng dâng lên Chúa lời cầu nguyện này:Tạ ơn Chúa đã cho chúng con được gặp gỡ nhau, được hâm nóng tình gia đình qua phần diễn nguyện về cuộc đời các thánh trong Dòng. Ước mong sứ vụ của anh chị em ngày càng mở rộng ra đến nhiều biên cương trong mọi lãnh vực của thời đại hôm nay.

Hình ảnh Ngày Truyền Thống Gia Đình Đa Minh 2009
 
Giáo Xứ Tam Hà long trọng tổ chức thánh lễ tạ ơn của hai tân linh mục:
Jos. NVB
22:12 07/11/2009
Trong tâm tình của năm linh mục hôm nay Giáo Xứ Tam Hà long trọng tổ chức thánh lễ tạ ơn của hai tân linh mục:

MATINO MARIA NGUYỄN VĂN ĐOÀN (CMC )

ĐOMINICO MARIA LÊ VĂN TRI (CMC )

và kỷ niệm tròn 10 năm LM của một người con của giáo xứ LM. GIUSE HOÀNG NGỌC DŨNG

Trong phần đầu thánh lễ, ông chánh trương đại diện gx đã có một bài diễn văn để nói lên tấm lòng tri ân của cộng đoàn và ôn lại nhưng khi xưa khi làm thầy hai cha đã tới phục vụ giúp gx cũng như vị linh mục là một trong những người con trong giáo xứ đã ra đi dấn thân phục vụ và cũng lại là ý nghĩ của CHA GIUSE chánh xứ lúc nào cũng thấy là qua hơn 50 năm thành lập tới nay mà chỉ có 08 LM và một sư huynh (SDB ) và cũng cống hiến gần 20 nữ tu các dòng là quá ít so với số giáo dân hiện tại và cũng mong rằng trong thánh lễ tạ ơn hôm nay quý LM đồng tế cùng mọi thành phần DÂN CHÚA cầu nguyện cho các ngài luôn nhận được sự quan phòng của THIÊN CHÚA tuôn đổ trên họ ơn bền đỗ, khiêm nhừng và khiết tịnh

Trong diễn văn đáp từ và giảng lễ cha GIUSE HOÀNG NGỌC DŨNG ngài đã dẫn mọi người đi theo ý tưởng của bài tin mừng hôm nay và kể về thánh nữ duy nhất của nược MỸ nơi ngài đang theo học cũng là một bà góa đã có những công lao gì khi hy sinh cuộc đời của ngài và nay là THÁNH

Trong phần kết thúc bài giảng ngài đã cầu mong mọi người cầu nguyện cách riêng cho các ngài. Vì ngài mới 10 năm, hai cha hôm nay cũng chỉ vài tháng và cha phụ tá GB gx cũng hơn hai năm có lẽ mọi người phải cầu nguyện hơn nữa như mọi người đã cầu nguyện CHA GIUSE chánh xứ Ngài chỉ còn ít nữa thôi là 50 năm LM và còn hơn thế nữa chứ

Thánh lễ diễn ra thật sốt sắng và trong tâm tình cảm tạ và tri ân THIÊN CHÚA đã ban nhiều hồng ân xuống cho Quý Cha Quý tu sỹ nam nữ và Cộng đoàn mong rằng tương lai trong GX sẽ có nhiều người con ra đi theo lời mời gọi của THIÊN CHÚA phục vụ công việc
 
Bênh vực công lý và Giáo Hội
Một Tổng Lược về Bối Cảnh Lịch Sử của Quan Hệ Hoa-Việt và Những Chuyển Biến trong Chiến Lược Pax Sinica
Hồng Lĩnh sưu tập và tóm lược
11:45 07/11/2009
Một Tổng Lược về Bối Cảnh Lịch Sử của Quan Hệ Hoa-Việt
và Những Chuyển Biến trong Chiến Lược Pax Sinica


I. Bối cảnh lịch sử:

Sự hình thành của quốc gia Việt Nam gắn liền với quá trình kháng cự với nước láng giềng khổng lồ Trung Quốc và cuộc Nam Tiến dần dà trong 900 năm từ châu thổ Sông Hồng và vùng duyên hải Đông Bắc.

Trung Quốc (TQ) đô hộ Việt Nam (VN) trên 1000 năm, từ năm 112 BC đến năm AD 939. Trong 900 năm kế tiếp, các chính quyền tại VN luôn đặt trọng tâm vào việc chống lại sự đô hộ của TQ. Và từ đó nảy sinh tinh thần quốc gia và căn tính bảo tồn độc lập cao độ trong lòng người dân.

Đến triều đại Nhà Lý 1010–1225, được thiết lập trên lưu thổ Sông Hồng, lãnh thổ quốc gia VN tương đối rõ ràng. Đây cũng là thời đại các nước Anh và Pháp thiết lập thành những quốc gia. Khác với những nước lân cận như Malaysia, Philipppines, Indonesia, trước khi các thế lực thực dân Tây Phương đến vùng này, VN đã là một Nhà Nước-Quốc Gia với một nền văn hóa, ngôn ngữ và một hệ thống chính trị và kinh tế khá vững vàng.

Cũng vào thời gian đó, VN có liên hệ mật thiết với TQ cả về hai mặt chính trị và quân sự. VN cũng chịu ảnh hưởng rất nhiều về văn hóa, nhất là nền luân lý Khổng giáo; từ đó, gia đình, cơ cấu xã hội, hệ thống công quyền được hình thành. Và từ đó dẫn đến những điểm tương đồng trong các công cuộc tranh đấu cách mạng của hai quốc gia.

Khác hẳn với thực dân Anh, thực dân Pháp không dung nạp một phong trào đối lập như là một đảng trong quốc hội, do đó hoàn toàn ngăn chận một tiến trình độc lập cho Đông Dương.

Trong hoàn cảnh đó, một số các nhóm cộng sản được thành hình trong những năm 1920. Trong số đó, Việt Nam Quốc Dân Đảng được thành lập năm 1927 với lý thuyết tương tự như của Kuomintang của TQ.

Tuy nhiên, cũng giống như một số các nhóm khác, Quốc Dân Đảng không đạt được sự thành công vì phần lớn đóng khung vào thành thị và không huy động được đông đảo quần chúng.

Đảng CS Đông Dương được thành lập năm 1930 và khởi đầu khá thành công trong việc tổ chức nông dân thành một lực lượng đáng kể. Phong trào này từng được biết tên là Xô-Viết Nghệ-Tĩnh khởi lên từ giữa thập niên 1930 là một phần của Cochin-TQ và ở Nghệ An, Hà Tĩnh. Cho đến năm 1930 thì thực dân Pháp dùng không lực để khống chế toàn bộ phong trào này.

Dựa vào lòng ái quốc của dân chúng VN và chiêu bài chủ nghĩa dân tộc, Đảng CS VN đã khuynh loát công cuộc đấu tranh dành độc lập của dân tộc VN bằng những yếu tố sau:

  • 1. Tính cơ động kinh tế-xã hội và chính trị-xã hội của người VN rất hạn chế vào thời đó, trong khi người Pháp, thương gia Hoa Kiều và điền chủ nắm phần kiểm soát toàn bộ kinh tế. Chủ trương chống độc lập của người Pháp đã vô hiệu hóa mọi ảnh hưởng chính trị của người VN.
  • 2. Sự thu hút của chủ thuyết Marxism trong thập niên 1920 dùng để giải thích lịch sử về hai giai cấp thống trị và bị trị. Chủ thuyết này hứa hẹn một sự chiến thắng cho giai cấp bị trị.
  • 3. Chủ nghĩa Leninism trưng bày khả năng của một đảng tiên phong để đi tới chiến thắng và thay đổi trật tự xã hội, dựa trên phân tích đấu tranh giai cấp.
  • 4. Mao và chiến tranh nhân dân ở Trung Cộng đã cho thấy khả năng khuynh loát nhằm đánh bại được kẻ thù mạnh hơn.
  • 5. Chủ nghĩa Cộng Sản đã khéo léo núp dưới những nguyên tắc luân lý Khổng Mạnh để giáo điều quần chúng. (Tưởng nên đề cập ở đây, ngay cả trong thời điểm hôm nay, TQ vẫn đang nỗ lực thiết lập các Trung Tâm Khổng Học tại nhiều thành phố và thủ đô trên khắp thế giới, nhằm xiển dương văn hóa Trung Hoa trong chiến lược thành hình thế-lực-nhung – softpower).

Thế chiến thứ II đã biến đổi viễn ảnh của Đảng CS. Sự việc Đức Quốc Xã chiếm đóng nước Pháp vào tháng 6 năm 1940 đã làm Đông Dương sửng sốt và đảo lộn tư tưởng bá quyền của nước Pháp.

Năm 1945, quân đội Nhật đảo chánh Pháp và chấm dứt thể chế hành chánh thuộc địa của Pháp. Ngày 11 tháng 3, lực lượng Nhật tuyên bố VN độc lập dưới sự đỡ đầu của người Nhật và chọn Bảo Đại làm hoàng đế. Trong thời gian này, Nguyễn Ái Quốc tức Hồ Chí Minh với sự đóng góp nồng cốt cho sự thành lập Đảng CS Đông Dương, đã nhanh chóng trám vào khoảng trống thế lực chính trị này sau khi Nhật đầu hàng Đồng Minh sau thế chiến thứ II.

Ngày 2 tháng 9, 1945 Hồ Chí Minh tuyên bố thành lập nước VN Dân Chủ Cộng Hòa. Bản tuyên bố này đã khởi đầu 30 năm chiến tranh, đầu tiên với Pháp rồi đến Mỹ khi đẩy mạnh cuộc chiến tranh tiến chiếm Miền Nam.

Năm 1950, trước bối cảnh Mao chiến thắng ở Trung Cộng và sự bùng nổ của cuộc chiến Cao Ly, Hoa Kỳ phải chấp chịu tình huống này và bắt đầu viện trợ chiến tranh từ năm 1950, và đến năm 1953 thì Hoa Kỳ gánh chịu 80 phần trăm tài trợ cho chiến tranh Đông Dương.

A. Các diễn biến chính trị và quân sự:

Sau khi chiếm được Miền Nam năm 1975, Đảng CSVN trở thành thế lực chính trị chủ yếu trong toàn nước. Cơ cấu nội bộ của Đảng CSVN cũng tương tự như cơ cấu của Đảng CS Xô Viết và Đảng CS Trung Hoa.

Trong gần ba thập niên từ 1954 đến 1986, cơ cấu lãnh đạo thượng tầng của Đảng CSVN hầu như không thay đổi. Con số trong Bộ Chính Trị Trung Ương từ đại hội 1 (1953) đến đại hội 7 (1991) gồm không quá trên 30 người.
Lý do cho sự gắn bó này là các tình huống đấu tranh cách mạng và ý thức đeo đuổi một phương thức lãnh đạo tập trung hơn là cá nhân.

Năm 1978 VN khởi đầu cuộc chiến tranh xâm lăng Cambodia. VN tuyên bố là cuộc chiến được tiến hành để chấm dứt chế độ Pol Pot nhưng thế giới Phương Tây cho rằng đây là hành vi trấn áp để làm bá chủ vùng Đông Dương.

Hậu quả là các nước Phương Tây và TQ cắt hẳn mọi tài trợ cho việc phát triển tại VN. Các quốc gia lân bang trong vùng Đông Nam Á xem VN như là mối đe dọa cho sự an ninh và ổn định trong vùng.

Năm 1979 VN gánh chịu một trận chiến tranh xâm lăng từ TQ tại vùng biên giới phía bắc. Mặc dầu cuộc chiến chấm dứt nhanh chóng nhưng mối hữu nghị và hòa bình giữa hai nước đã mất hẳn. Từ đó, VN ngã hẳn vào Liên Xô và Khối Comecon để tìm viện trợ và thị trường.

Bổng chốc giấc mơ giải phóng và thống nhất quốc gia không mang lại kết quả như mong muốn, do tình huống tiêu cực của VN gây ra trên chính trường quốc tế.

Từ năm 1989 khi VN rút quân vô điều kiện ra khỏi Cambodia thì quan hệ giữa TQ và VN trở nên thân thiện hơn.

Năm 1991 hai chính phủ tái lập bang giao. Trong khi các mặt hỗ tương về kinh tế, chính trị và văn hóa có cải tiến nhiều nhưng mối bang giao Trung – Việt vẫn còn nhiều tranh chấp.

Một tranh chấp quan trọng liên quan tới chủ quyền của quần đảo Trường Sa (Spratly Islands). Trường Sa là một tập hợp các quần đảo san hô bao bọc khoảng 70 ngàn dặm vuông. Vùng này được tuyên bố chủ quyền bởi nhiều quốc gia: TQ, Đài Loan, VN, Malaysia, Brunei và Philipppines.

Một vùng tranh chấp khác nữa trong biển Trung Nam Hải là quần đảo Hoàng Sa, cũng được VN và TQ tuyên bố chủ quyền. Năm 1976 TQ cưỡng chiếm Hoàng Sa từ VN.
VN trấn đóng quân trên 21 đảo ở Trường Sa và TQ trên 7 đảo.

Sự tranh chấp vẫn giữ trạng thái im lìm cho đến năm 1988 khi hải quân VN và hải quân TQ chạm súng tại Johnson Reef và hải quân TQ đánh chìm nhiều tàu VN và giết chết 70 binh sĩ VN.

Từ đó các cuộc đụng chạm vẫn thường xuyên bùng nổ.

Từ cuối năm 1990, đã có một số tiến triển chung trong lãnh vực biên giới lãnh thổ.

Một hiệp ước quan trọng Việt - Trung về biên giới đất liền đã được ký kết năm 1999 nhằm vẽ lại 1300 km đường ranh biên giới giữa Bắc VN và Nam TQ và thanh toán trên 100 vùng tranh chấp.

Vào tháng 12 năm 2000, sau nhiều đợt thương lượng, thỏa hiệp cắm mốc biên giới trong vùng Vịnh Tongking đã được ký kết. Cho đến tháng 6, 2004 thì hiệp ước này mới có hiệu quả sau 3 năm thương lượng về việc thực thi.

Theo tác giả David Koh (Contemporary Southeast Asia 23:3 (December 2001) p. 540) thì diện tích đất VN bị mất chiếm khoảng 1500 km vuông.

Tổng Bí Thư Lê Khả Phiêu khi được nâng lên chức vụ này, bắt đầu từ năm 1997, đã khởi đầu một chính sách phò thuộc TQ nhằm tạo nền tảng thế lực cho phe cánh của ông. Du hành qua TQ vào những năm 1999 và 2000, Lê Khả Phiêu đã thực hiện rất nhiều nhượng bộ đối với TQ trên vấn đề lãnh thổ giúp vạch đường cho sự đúc kết của các thỏa ước về biên giới đất liền và một thỏa ước khác về biên giới vùng biển.

More than 400 government officials and about 400 representatives from both countries, including those who attended the land border demarcation, were present at a ceremony after the demarcation. Chinese State Councilor Dai Bingguo (L, C) shakes hands withVietnamese Deputy Prime Minister Pham Gia Khiem. (nguồn:China Mashup Military Power)

Tháng 10 năm 2006, Thủ Tướng VN Nguyễn Tấn Dũng và Thủ Tướng TQ Ôn Gia Bảo đã thỏa thuận để hoàn tất tiến trình cắm mốc biên giới đất liền trong năm 2008 và gia tăng thương lượng về lãnh hải ngoài vùng vịnh Tonkin (Thayer 2007).

Trong thời gian đó, vào năm 2004, TQ và Philippines ký thỏa ước khám phá dầu trong vùng biển Trung Nam Hải. Năm 2005, VN cùng với TQ và Philipppines ký thỏa ước mới về khảo cứu khoa học trên vùng biển Trung Nam Hải nơi có quần đảo Trường Sa đang tranh chấp.

Hiện trạng tranh chấp vẫn không có thay đổi lớn cho đến cuộc đụng độ mới nhất giữa VN và TQ ngày 9 tháng 7, 2007 khi tàu hải quân TQ khai hỏa vào một tàu đánh cá VN trong vùng biển tranh chấp gây tử thương cho một ngư phủ VN.

B. Các diễn biến kinh tế:

Từ năm 2005, TQ là đối tác thương mại hàng đầu của VN với tổng số thương hối lên đến 10. 42 tỉ US$ trong năm 2006.

Điều cần lưu ý ở đây là VN phải mua vào 7. 39 tỉ US$ hàng của TQ và chỉ bán sang TQ 3. 03 triệu US$, mang lại một sự thâm hụt nặng nề cho kinh tế VN: tài lượng hàng mua vào từ TQ cao gấp 24 lần con số hàng VN được bán sang TQ (Ministry Of Foreign Affairs Vietnam 2007).

Sự đối tác về các tương giao kinh tế, thương mại và văn hóa có nhiều tăng trưởng khi CT Trần Đức Lương thăm TQ trong năm 2005 và chuyến đáp lễ của CT Hồ Cẩm Đào trong cùng năm. Một trong những kết quả là lời hứa hẹn sẽ giúp VN gia nhập WTO.

Tầm quan trọng của mối bang giao Việt – Trung được dẫn chứng khi CT Nông Đức Mạnh chọn TQ làm điểm viếng thăm đầu tiên ra nước ngoài khi ông được nâng lên chức vụ này.

Nhân dịp hội nghị thượng đỉnh của khối APEC tại VN vào tháng 11 năm 2006, CT Hồ Cẩm Đào đã ký 11 hiệp ước hỗ tương kinh tế, trong đó TQ cam kết giúp VN cải tiến hệ thống xa lộ và thiết lộ nối liền hai vùng hành lang kinh tế và vùng Vịnh Tongking bao gồm Quảng Tây, Quảng Đông, Hải Nam, Hong Kong, Macao và 10 tỉnh duyên hải VN.

Không có hai mối quan hệ ngoại giao nào quan trọng bằng mối quan hệ giữa VN với TQ và giữa VN với Hoa Kỳ.

Khi Thủ Tướng Lý Bằng sang thăm Hà Nội vào năm 1992 (lần đầu tiên sau 21 năm), các viên chức cao cấp của TQ đã có một tóm tắt về quan điểm của TQ đối với VN là: “đồng chí, chứ không phải đồng minh”. VN luôn phải cân nhắc để giữ một trạng thái thăng bằng đối ngoại qua phát biểu của Tôn Nữ Thị Ninh “không dựa quá gần vào Mỹ hoặc cúi quá thấp trước TQ” (Thayer 2007).

Trong gần hai thập niên qua, mối quan hệ Sino-Việt Nam vẫn còn mang nhiều thách đố nặng nề.

II. Đại chiến lược của Trung Quốc:

A. Tổng quan:

Vào tháng 9 năm 1990, trong một cuộc họp bí mật tại Thành Đô, thủ phủ tỉnh Tứ Xuyên giữa các lãnh đạo của TQ và toàn bộ lãnh đạo cao cấp của VN nhằm dọn đường cho sự tái lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước, phía VN đã đề nghị một khối liên minh để chống lại chủ nghĩa đế quốc của Hoa Kỳ, nhưng các lãnh đạo phía TQ đã gạt ra. Sau đó nhiều lần, phía VN đã tiếp tục lập lại đề nghị này nhưng TQ không hề đếm xỉa tới. Ngắn gọn, VN “mong” nhưng TQ không ‘muốn”.

Tại sao TQ không muốn một liên minh như thế?

Để trả lời câu hỏi này, chúng ta phải khảo sát đại chiến lược của TQ.

Với sự trổi dậy của Đặng Tiểu Bình vào năm 1978, Đảng CS TQ đã thâu nạp một đại chiến lược mới dùng cải cách kinh tế và mở cửa với quốc tế để hiện đại hóa nền nông nghiệp, kỹ nghệ, khoa học và quân đội (bốn hiện đại hóa).

Mục tiêu tối hậu của chiến lược này là biến TQ thành một nước mạnh và tái lập vị trí xứng đáng của quốc gia này ngang hàng với các cường quốc trên thế giới.

Để đạt tới mục đích này, chiến lược của Đặng Tiểu Bình là vươn tới Phương Tây để lợi dụng kỹ thuật, nguồn vốn và kiến thức của thế giới Phương Tây cho công cuộc hiên đại hóa. Trong kế hoạch đeo đuổi mục tiêu này, Đặng từ bỏ lý thuyết đấu tranh giai cấp trong các liên hệ quốc tế mà dành ưu tiên cao cho các hợp tác với tây phương và hy sinh các quan hệ với các nước XHCN và các nước đệ tam thế giới.

Chiến lược của Đặng dựa trên nhận định về một nước TQ còn yếu kém và hợp tác với Tây Phương là phương cách duy nhất để trổi vượt lên trong các mặt khoa học, kỹ thuật và tài chánh.
(tưởng cũng nên đề cập ở đây tư tưởng cải cách của ông Nguyễn Trường Tộ tại VN vào thế kỷ 19 và của ông Cố Vấn Ngô Đình Nhu cách nay 50 năm trong bộ tài liệu “Chính Đề Việt Nam” về công cuộc Tây Phương hóa toàn diện cho đất nước VN, không chỉ nhắm vào ba mặt trên mà đến ngay cả vấn đề cải tiến ngôn ngữ Việt).

Chiến lược của Đặng là khía cạnh chính trong chính sách đối ngoại của TQ.
Cùng khi TQ biết mình đang trổi dậy, quốc gia này trở nên tự tin hơn và bắt đầu bành trướng ảnh hưởng trên trường quốc tế.

Điều đáng lưu ý ở đây là TQ muốn thế giới nhìn đến mình như là một thế lực đang vươn lên, nhưng là một thế-lực-nhung (softpower), đang vươn lên một cách yên bình.

B. Tầm quan trọng của Việt Nam trong đại chiến lược của TQ:

VN đóng vai trò gì trong đại chiến lược của TQ?

Và VN có giá trị gì trong quan điểm của TQ đối với thế giới?

Thế đại chiến lược của TQ nhắm vào:

1. Thiết lập vai trò lãnh đạo của TQ trong vùng Đông Nam Á (ĐNA);
2. Dự trù một phương tiện cung cấp nguồn tài nguyên cho nền kinh tế đang tăng trưởng của TQ.

Trong viễn kiến này, VN thừa hưởng một vị thế quan trọng đặc biệt xuyên qua [1] vai trò của VN đối với sự lãnh đạo của TQ trong vùng; [2] vai trò của VN đối với sự bảo đảm an toàn cho việc cung cấp nguồn năng lượng và tài nguyên cho nền kinh tế của TQ.

1. Sự lãnh đạo đang trổi dậy của TQ trong vùng Đông Nam Á và vai trò của VN trong đó:

Mặc dầu vấn đề ổn định an ninh trong vùng ĐNA gắn liền với mối quan hệ giữa TQ và khối ASEAN qua các chính sách kinh tế và một số các chính sách khác; tuy nhiên, hiện trạng ổn định và an ninh của vùng này lệ thuộc phần lớn vào sự phối hợp của hai vai trò: vai trò của TQ như là nhân tố bá quyền ổn định và vai trò của Hoa Kỳ như là nhân tố quân bình từ ngoài khơi.

TQ ngày càng thống trị trong vai trò thiết lập luật lệ và tổ chức một mạng lưới liên quan đến vấn đề an ninh trong vùng ĐNA bằng mọi phương cách cổ truyền và hiện đại. Cũng tương tự như trường hợp của các khối Pax-Brittanica và Pax-Americana, sự trổi dậy của Pax-Sinica được biểu trưng bằng các hình thái tạo ra luật lệ và sự cưỡng hành mang tính cách ưu đãi cho quốc gia thống trị nằm tại trung tâm của trật tự an ninh.

TQ đã dần dà cài nhập các quốc gia ĐNA vào một thứ tự phản ánh những tư tưởng chiến lược nòng cốt của Bắc Kinh và các luật lệ thiết lập bởi Bắc Kinh.

Đây là một điều không tưởng được chỉ cách nay một thập niên: việc chấp nhận sự lãnh đạo của TQ trong vùng cho vấn đề bảo đảm an ninh từ các thượng tầng lãnh đạo chính trị thuộc khối ASEAN.

Tại các cuộc họp quốc tế, các viên chức ngoại giao thuộc khối ASEAN luôn hướng về các viên chức TQ để tìm hướng dẫn một cách tự nhiên và TQ cũng đảm nhận vai trò này rất tự nhiên. Chỉ một thời gian ngắn trước, TQ chỉ được xem như người ngoài cuộc.

TQ đã dần dà đẩy ảnh hưởng của Hoa Kỳ và đặc biệt của Nhật Bản ra khỏi quỹ đạo ASEAN.

Trong nội bộ ASEAN, TQ được xem như là bộ máy cho việc tăng trưởng mà ngày xưa vai trò này thuộc về Nhật Bản. Một ví dụ điển hình là hiệp ước Vùng Mậu Dịch Tự Do TQ-ASEAN (China – ASEAN Free Trade Area) đã củng cố địa vị thống lĩnh của TQ trong vùng.

Thế chiến lược, tình hình an ninh và mục tiêu chính trị là những yếu tố căn bản trong kế hoạch kinh tế của TQ.

TQ đã bắt đầu hành xử như một cường quốc qua việc khởi xướng những đồ bản về trật tự an ninh trong vùng và kéo theo các nước nhỏ trong các diễn biến này.

Trong tiến trình hành xử, TQ dựa vào quan niệm chính trị, sách lược và thực hành từ thời đế quốc Đại Hán, được uyển chuyển cho phù hợp với thời đại mới. Bằng cách lãnh đạo tư duy trong những vòng đồng tâm, học hỏi cách lãnh đạo từ những vùng có cùng bối cảnh văn hóa, tư duy chính trị, truyền thống, mạng lưới kinh tế…và rồi áp dụng ra trên quy mô lớn hơn.

Phần lớn các quốc gia ASEAN đáp ứng chiến lược này một cách tích cực nhằm dành phần lợi riêng cho quốc gia của mình.

Dựa vào sự khởi xướng của TQ năm 2005, VietNam Petroleum Corp. (PetroVietnam) và Philippines Natural Oil Company cùng với China Offshore Oil Corp. hoàn tất một lien ước 3 quốc gia tại Manila để khai thá dầu khí ở biển Trung Nam Hải. Mặc dầu các ngoại trưởng VN và Philippines ca ngợi liên ước này nhưng thực chất nó không phản ánh tinh thần và luật lệ của ASEAN và lien ước này phô bày một thực trạng mới là các quốc gia ĐNA cạnh tranh để tìm một thỏa ước song phương hoặc đa phương chỉ nhằm có lợi riêng cho mình.

Khi Tổng thống Arroyo của Philippines thỏa thuận với TQ để tìm kiếm dầu khí ở quần đảo Trường Sa, bà đã không hội ý với bất cứ quốc gia nào khác thuộc khối ASEAN, ngay cả VN là quốc gia có dân cư ngụ nhiều nhất ở vùng đảo này. VN lập tức lên tiếng phản đối thỏa ước Sino-Philipppines này, nhưng 7 tháng sau đó lại chấp nhận tham dự vào thỏa ước này như một hành động vớt vát để tránh bị loại ra ngoài và mất hết mọi quyền lợi.

Vào tháng 4 năm 2006, hải quân TQ bắt đầu lần đầu tiên tuần tra vùng Vịnh Tonkin với hải quân VN. Cũng trong năm này đã có những vụ tấn công vào tàu đánh cá VN và Philipppines. Điều đáng lưu ý là tất cả những vụ đụng chạm này đều được ém nhẹm bởi các quốc gia liên hệ. Những biến cố này cho thấy sự ổn định ở vùng ĐNA chủ yếu dựa vào Pax-Sinica hơn là Pax-Aseanica, mặc dầu khối ASEAN vẫn luôn muốn giữ một vai trò chủ động. Hậu quả là sự hợp tác trong vùng phản ánh một thế bất tương xứng ngã về TQ mà không có sự đồng thuận giữa các quốc gia liên hệ như khối ASEAN mong muốn.

Nhìn từ quan điểm của TQ, quan hệ giữa TQ và VN là tảng đá góc cho sự lãnh đạo của TQ trong vùng ĐNA, vì VN có một lịch sử lâu dài nhất kháng cự TQ và có thể trở nên bức tường thành chống lại sự thống trị của TQ trong vùng. Hơn nữa, VN nằm vào vị trí cửa ngõ của TQ đi vào vùng ĐNA và là quốc gia đông dân thứ ba trrong vùng.

2. Vai trò của VN đối với sự bảo đảm an toàn cho việc cung cấp nguồn năng lượng và tài nguyên cho nền kinh tế TQ:

Cho đến những thời gian gần đây, với một ngoại lệ của Nhà Nguyên (Mông Cổ) và một thời gian ngắn trước triều đại Nhà Minh, TQ là một đế chế địa thổ chứ không phải là một cường quyền trên mặt biển. Trong phần lớn lịch sử TQ, những đe dọa phần lớn đến từ vùng Nội Á khiến TQ luôn phải hướng chiến lược về vùng biên giới phía Bắc và phía Tây. Thêm vào đó, nền nông nghiệp của TQ cung cấp những nhu cầu thiết yếu cho nền kinh tế TQ trước thời hiện đại. TQ không cần phát triển một hải quân hùng mạnh hoặc phải chiếm ngữ các vùng biển để nắm các nguồn tài nguyên.

Tất cả lịch sử này đã thay đổi với các chương trình hiện đại hóa sau khi Nhà Qing thất thủ dưới tay các thế lực hải quân.

Đe dọa lớn nhất từ nay đến từ vùng duyên hải Đông Nam và công cuộc hiện đại hóa và ổn định phát triển của TQ sẽ tuỳ thuộc phần lớn vào sự giao lưu với thị trường quốc tế và nguồn tài nguyên ngoài biên giới phần lớn đến từ các vùng biển Trung Đông Hải và Trung Nam Hải.

Do từ tình thế này, từ đầu thế kỷ 20, các chính quyền TQ đã bắt đầu áp đặt chủ quyền trên quần đảo Hoàng Sa trong vùng Trung Nam Hải. Hành động này của TQ đã bị triều đình Huế phản đối vì VN đã có sự kiểm soát trên vùng đảo này từ rất lâu trước thời Pháp đô hộ.

Trong năm 1930, khi TQ bắt đầu xuất bản bản đồ tuyên bố chủ quyềnở vùng TrungNam Hải, chính Quyền Pháp đã dựng các đài khí tượng và gửi quân trấn đóng tại các đảo Hoàng Sa và Trường Sa (Chemillier-Gendreau 2000; Nguyễn Nhã 1975; Li/Li 2003). TQ và các chính quyền Miền Nam VN cũng như chính quyền Hà Nội thừa kế các tranh chấp này từ Trung Hoa Dân Quốc và chính quyền bảo hộ Đông Dương Pháp.

Ngày nay, khi TQ tham gia mậu dịch quốc tế và nhu cầu cho tài nguyên và năng lượng của TQ ngày càng gia tăng thì vùng biển Trung Nam Hải lại trở nên ngày càng quan trọng.

Vì VN chiếm hữu một vị trí chiến lược dọc theo đường mậu dịch hàng hải tại Á Châu nên VN đóng giữ một vai trò cực kỳ quan trọng trong quan điểm chiến lược của TQ.

Tuy nhiên do tranh chấp với TQ về vấn đề Hoàng Sa và Trường Sa, TQ nhìn VN như là một đối thủ trong vùng biển Trung Nam Hải vì Hà Nội có yêu sách vùng biển lớn nhất sau TQ và chiếm giữ nhiều đảo nhất trong quần đảo Trường Sa (Fewsmith / Rosen 2001).

Tương tự như trường hợp của Trường Sa, vấn đề quản trị an ninh tại vùng đồng bằng sông Mekong cũng đi theo đồ bản của TQ cho trật tự nhằm có lợi ích riêng cho TQ.

Sông Mekong là con sông lớn thứ mười hai trên thế giới và dài nhất trong vùng ĐNA. Xuất phát từ Tibet, sông Mekong chảy qua lãnh thổ của 6 quốc gia (TQ, Cambodia, Lào, Miến Điện, Thái Lan và VN) và đổ ra biển Nam Hải. Lưu thổ sông Mekong bao gồm 2.3 triệu kilômét vuông và dung chứa một dân số 245 triệu người. Sự sử dụng nguồn nước và các tài nguyên thiên nhiên trong lưu thổ sông Mekong liên hệ trực tiếp tới sự sống còn của con người trong vùng này. TQ đang dùng sông Mekong như là khí cụ để khai thác năng lượng thuỷ điện và từ vị trí thượng nguồn, TQ có thể kiểm soát toàn bộ mực nước cũng như độ muối trong nguồn nước, từ đó, khống chế các nước trong vùng.

C. Chính sách của TQ đối với VN:

TQ dường như đang cố gắng tái lập quan hệ giữa hai quốc gia trong một kiểu mẫu truyền thống (tiền hiện đại), trong đó VN công nhận sự thống trị tối cao của TQ và chỉ cho phép VN có chủ quyền trên những vấn đề nội trị và ngoại giao không có hại cho lợi ích quốc gia của TQ.

Phương thức tiếp cận tổng quát này được đặt nằm sâu trong trong công cuộc truy tầm thế thống trị của TQ tại vùng ĐNA. Đây là lý do tại sao TQ từ chối một liên minh dựa trên chủ thuyết xã hội chủ nghĩa quốc tế với VN do VN yêu cầu.

Vì vị trí, tầm vóc diện tích và một lịch sử tương tác lâu dài giữa hai nước, VN chiếm giữ một vị trí then chốt trong quan điểm chiến lược của TQ. Thử tưởng tượng một thế trật tự trong vùng tập trung chung quanh TQ nhưng không có sự hợp tác của VN. Trên lãnh vực địa dư chính trị, một cấu trúc như thế chẳng khác nào một ngôi lâu đài được xây dựng trên một chiếc cột.

Phát xuất từ đại chiến lược của TQ, chính sách của TQ đối với VN có hai mục tiêu chính: thứ nhất, giữ cho Hà Nội nằm trong quỹ đạo kiềm tỏa của TQ; thứ hai, củng cố sự kiểm soát của TQ trên vùng biển Trung Nam Hải.

Trước bối cảnh tranh chấp giữa hai quốc gia, chính sách của TQ đối với VN không thể là một quá trình dễ hiểu và đơn giản. Do mục tiêu phức tạp và lắm khi tương phản này mà chính sách của TQ đòi hỏi một sự lựa chọn cân bằng tỉ mỉ trong tiến trình ứng xử của TQ đối với VN, giữa hình phạt và khuyến khích ban thưởng trong công cuộc áp dụng các chính sách này.

Với trên 20 thế kỷ tương tác, mối quan hệ Sino-Việt Nam là một trong những mối quan hệ song phương lâu dài nhất trên thế giới. Với những tranh chấp đụng chạm trong quá khứ lịch sử, sự nghi ngờ vẫn là trạng thái nổi bật trong mối quan hệ này.

Một cách đặc thù, chính sách của TQ đối với VN nhằm vào các mục tiêu chính sau đây:
(1) thu gặt thắng lợi trong vấn đề tranh chấp biên giới;
(2) giữ cho Hà nội không đi lệch quá gần với Mỹ;
(3) buộc Hà Nội đeo đuổi chính sách phò TQ trong vấn đề Đài Loan;
(4) buộc Hà Nội dành ưu tiên cho sản phẩm và các đầu tư thương mại của TQ.

Đoản văn trên đây là một cố gắng cung cấp một cái nhìn tổng lược khái quát về tình hình chung trong quan hệ giữa VN và TQ. Mong rằng những phân tích trên đây mang lại những hiểu biết căn bản cho những ai lưu tâm đến hiểm họa đô hộ của Đế Quốc Đại Hán.

Hoa Kỳ ngày 7.11.2009
Hồng Lĩnh sưu tập và tóm lược


Tài liệu tham khảo:
1. Li, Jinming / Dexia Li (2003): The Dotted Line on the Chinese Map of the South China Sea: Ocean Development & International Law 34, 287-95
2. Thayer, Carlyle A.(1994a): Sino-Vietnam Relations: The Interplay of Ideology and National Interest. Asian Survey 34, 513-26
3. Chemellier-Gendreau, Monique (2000) Sovereignty over the Paracel and the Spratly Islands, The Hague: Kluwer Law International
4. Fewsmith, Joseph / Stanley Rosen (2001): The Domestic Context of Chinese Foreign Policy: The Making of Chinese Foreign and Security Policy in the Era of Reform, 1978-2000: Stanford, Stanford University Press, 151-90
5. David Koh, “The Politics of a Divided Party and Parkinson’s State in Vietnam” Contemporary Southeast Asia 23:3 (December 2001), p.540
6. Womack, Brantley (2006): China and Vietnam: The Politics of Asymmetry, Cambridge: Cambridge University Press
 
Đất nước bao giờ... loạn thế này chăng?
Hoa Lan
11:49 07/11/2009
Việt Nam, đất nước luôn tự hào có nền an ninh chính trị ổn định, một đất nước đứng hàng "top 5 quốc gia hạnh phúc nhất thế giới", đất nước của những "rừng vàng -biển bạc", của "đỉnh cao trí tuệ loài người", đất nước có "chân lý sáng ngời"...còn và còn nhiều lắm những ngôn từ mỹ miều nói về cái hay, cái đẹp, cái lấp lánh của đất nước tôi, Việt Nam.

Đất nước với đầy những mỹ từ bay lượn khắp trời là vậy, nhưng sao mỗi lần thốt ra khỏi miệng những cụm từ ấy lại thấy lố bịch thế nào trong nhận thức của chúng tôi hôm nay. Một đất nước mà nhà thơ Nguyễn Duy đã đưa ra một nhận định không còn có thể chính xác hơn là "đói niềm tin, bội thực tự hào"! Nhưng dường như những ngôn từ mỹ miều bay lượn khắp trời đó không thể che đậy được những nghịch lý, mảng tối đang tàn phá dần sức sống của dân tộc này.

Chúng ta đang chứng kiến sự rối loạn ngay từ những người nắm quyền điều hành luật pháp. Người đứng đầu chính phủ liên tục ra những quyết định mà giới trí thức đã chỉ rõ ràng là vi hiến và phạm luật. Điển hình là quyết định về dự án bauxite, gần đây là quyết định 97 về phản biện, ông bộ trưởng tư pháp bị chỉ ra là đã nguy biện trong cách giải thích nội dung của nghị định này. Tòa án tối cao thậm thò thậm thụt trong việc nhận và trả lời đơn thư khiếu nại của một công dân. Các cơ quan công quyền liên tục "nhầm lẫn" về khái niệm về công - tội, yêu nước - phản quốc. Người yêu nước thì bị xem là "vi phạm an ninh quốc gia" và phải chịu hình phạt, tù tội. Kẻ xâm phạm an ninh quốc gia chỉ bị khiển trách, phạt cho có lệ khi không thể tránh né được trước dư luận quần chúng. Kẻ tham nhũng trộm cắp lại được xem là đã có nhiều thành tích cống hiến, có nhân thân - thân nhân tốt để được giảm án, người chống tham nhũng trở thành kẻ vu khống phạm tội...

Một nhà nước tự hào với "chân lý sáng ngời" vẫn mãi loay hoay đối phó với những người yêu nước, giới trí thức hay những người tu hành, những đoàn dân oan! Gần đây nhất với định 97 nhằm giới hạn, hay nói chính xác là xé lẻ để dẹp tan những ý kiến phản biện của giới trí thức. Cách đây vài hôm đến lượt "Tia Sáng" hiếm hoi của giới trí thức trong nước bị dập tắt!

Nguy hiểm hơn, chúng ta đang chứng kiến sự lộng hành của cách hành xử vô luật pháp trong cách giải quyết những xung đột, mâu thuẫn. Những vụ bắt bớ những người bất đồng chính kiến diễn ra một cách thiếu minh bạch, thậm chí tỏ ra lén lút. Những cuộc bố ráp đêm hôm nhằm ép buộc những người dân oan trở về quê... Bất kể bản chất đúng sai từ những đối tượng bị bắt hay bị bố ráp, cách hành xử ấy khiến người ta cảm thấy vô luật pháp, vô trật tự và...loạn.

Gần đây hơn, chúng ta thấy một hiện tượng không bình thường. Một dân tộc với 4000 năm văn hiến vốn được xem là rất hòa hiếu, nhân hậu. Giờ đây thường xuyên xuất hiện những đám "quần chúng tự phát" thể hiện những hành vi côn đồ vô tiền khoán hậu, chúng thay mặt nhà cầm quyền để giải quyết những xung đột mà chúng cho là "chống lại đảng, chống lại nhân dân". Những đám "quần chúng tự phát" này được trao những quyền hành lạ đời, chúng được tự do kéo đến đập phá nhà thờ, tu viện, chùa chiền, tự do hô hào giết người này, chém người nọ. Chúng được tự do hành hung người khác bằng gậy gộc, nắm đấm và cả bằng...phân, bất kể họ là những linh mục, hòa thượng, tăng ni hay giáo dân! Điều lạ đời là việc làm của chúng lại diễn ra ngang nhiên trước sự chứng kiến của lực lượng an ninh.

Đất nước tươi đẹp, con người thân thiện giờ đây được "điểm tô" bởi hình ảnh của những hòa thượng, những linh mục với thân thể bầm dập đầy máu, hàng trăm tăng ni bị xô đẩy, lôi kéo, bị tống khứ ra khỏi nơi tu hành và bước đi dải dầu ngay trong mưa bão như những kẻ tội đồ! Những kẻ ngông cuồng như đang lên đồng tập thể bằng những lời nói và hành động không thể chấp nhận được nơi chốn tu hành.

Một đất nước sáng ngời chân lý, tôn trọng pháp quyền lại đang chứng kiến cảnh từng đoàn người công giáo, trong đó không ít những người ngoại đạo nghẹn ngào cất cao lời kinh nguyện cầu một cách kiên nhẫn cho công lý và hòa bình sớm đến trên quê hương. Những tăng ni trẻ sẵng sàng ký vào huyết thư tử vì đạo pháp. Hàng đoàn người dân dãi dầu sương gió, nằm đường ngủ bụi kêu oan từ năm này sang năm khác mà chẳng nhận được hồi âm.

Tôi đang sống trong một đất nước được dẫn dắt bởi những kẻ dám đại ngôn tự xưng là " đỉnh cao trí tuệ loài người", hay tự nhận lấy vai trò " canh giữ hòa bình cho thế giới". Nhưng hỡi ôi, tử thần vẫn đang rình rập cướp đi sinh mạng của bao người dân quê tôi bởi lối điều hành quốc gia hết sức thiển cận và vô trách nhiệm của họ. Dường như ông trời đang muốn phơi bày tất cả những yếu kém của những kẻ đại ngôn này bằng liên tiếp những thiên tai vừa qua. Bão tố là thiên tai, nhưng đất nước này không phải dạo gần đây mới đối diện với thiên tai. Nhưng có vẻ như mức độ tàn phá của nó thì ngàng càng kinh khiếp! "Bão không chỉ đến từ trời", có ai đó đã nói rất đúng như vậy.

Đảng là giai cấp tiên phong, là đội quân tiên phong trong mọi mặt trận, lãnh đạo - xây dựng - bảo vệ tốt quốc. Tuy nhiên giờ đây, ngư dân quê tôi sẽ được khoát lên mình chiến y để chuẩn bị...nhuộm máu và bọc xác của họ. Bởi giờ đây, trong những ngày lênh đênh trên biển, họ phải tìm kiếm mưu sinh cho cuộc sống của người thân bằng tay lưới và bảo vệ. ..quân đội, bảo vệ đảng dưới danh nghĩa bảo vệ lãnh thổ cha ông bằng tay súng còn lại!

Xót xa, cả dân tộc Việt Nam đang oằn mình sống trong một đất nước đầy nghịch lý, tối tăm. Những chân giá trị cơ bản của nhân loại như nhân quyền - tự do - ấm no - hạnh phúc - công bình - bác ái... đang bị xô lệch đến mức khó nhận ra. Một đất nước mà cuộc sống người dân luôn chìm ngập trong lo âu, sợ sệch, toan tính, con người ta phải nói những điều không phải từ con tim của chính mình, giới trí thức bị ép buộc phải câm lặng. Nơi mà những nhà tu hành bị ngược đãi đánh đập đến đổ máu, bị xua đuổi ra khỏi nơi tu hành, chùa chiền - nhà thờ bị đập phá... những hiện tượng đó phải chăng đang báo hiệu một điều gì?
 
Liên Đoàn CGVN Hoa Kỳ
Liên Đoàn CGVN tại Hoa Kỳ chúc mừng Giám mục tân cử Vincent Nguyễn Mạnh Hiếu
Lm. Giuse Nguyễn Thanh Liêm
05:24 07/11/2009
HÂN HOAN CHÚC MỪNG

Đức cha Vincent Nguyễn Mạnh Hiếu
Giám mục Việt Nam tiên khởi tại Canada

Liên Đoàn Công Giáo Việt Nam tại Hoa Kỳ hiệp thông với Liên Giáo Sĩ & Tu Sĩ
và cộng đồng dân Chúa Việt Nam tại Canada hân hoan chúc mừng
Cha Vincent Nguyễn Mạnh Hiếu
mới được ĐTC Bênêđictô XVI bổ nhiệm
làm Giám mục Phụ tá Tổng Giáo phận Toronto.

Chúng con xin dâng lên Thiên Chúa tâm tình tạ ơn và nguyện cầu
Xin Chúa ban xuống đầy tràn ân sủng để Đức Tân Giám mục
hoàn thành tốt đẹp sứ vụ mới!

Chủ tịch LĐCGVNHK
 
Phân Ưu: Thân phụ của LM Giuse Kim Sỹ mới tạ thế
Lm. Giuse Nguyễn Thanh Liêm
15:48 07/11/2009

PHÂN ƯU
Được tin Thân phụ của Cha Giuse Kim Sỹ, Chánh xứ
The Most Blessed Sacrament Parish, Burton, Michigan:
Ông Cố PHÊRÔ KIM VĂN THUNG
Sinh ngày 1 tháng 1 năm 1917 tại Bùi Chu
đã được Chúa gọi về ngày 4 tháng 11 năm 2009
tại Bệnh Viện Garden Grove, California.
Hưởng thọ 92 tuổi.
Thánh Lễ An Táng: thứ Bảy ngày 14 tháng 11 năm 2009
tại St. Callistus Catholic Church
12921 Lewis St., Garden Grove, California 92840
An Táng tại Nghĩa Trang Good Shepherd, Orange, California.
Chân thành phân ưu với Cha Giuse Kim Sỹ và gia quyến của Ông Cố.
Xin Thiên Chúa thương đón nhận linh hồn Ông Cố Phêrô vào Thiên Đàng.
Thành kính,

Chủ Tịch Liên Đoàn CGVN HK
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Vatican II và người Do Thái
Vũ Văn An
19:27 07/11/2009
Ai trong chúng ta cũng đã biết: thái độ chính thức của Giáo Hội Công Giáo đối với người Do Thái nói chung và với người Do Thái Giáo nói riêng đã dứt khoát thay đổi từ Công Đồng Vatican II và công lớn đưa đến bước dứt khoát ấy chính là vị giáo chủ đáng kính 80 tuổi tên là Hồng Y Augustin Bea S.J., cánh tay mặt của Đức Chân Phúc Giáo Hoàng Gioan XXIII. Liền sau khi văn kiện lịch sử đề cập tới mối liên hệ giữa Công Giáo và Do Thái Giáo được đem ra trước toàn thể nghị phụ của Vatican II, ngày 30 tháng 11 năm 1963, tạp chí The America có bài sau đây phản ảnh phần nào phản ứng của thế giới Công Giáo đối với cộng đoàn những người vốn có một liên hệ phức tạp với mình suốt 20 thế kỷ qua và vừa phải trải qua biến cố diệt chủng khủng khiếp nhất trong 20 thế kỷ ấy.

Lược đồ Đại Kết

Vấn đề ba mũi được chờ đợi từ lâu giữa Công Giáo và Thệ Phản, giữa Công Giáo và Chính Thống và giữa Công Giáo và Do Thái Giáo cuối cùng cũng đã được đem tới phòng họp của Công Đồng Vatican vào hôm 18 tháng Mười Một (1963). Sau buổi trình bày chính thức lược đồ về Đại Kết tại Nhà Thờ Thánh Phêrô, một tràng pháo hoan hô kéo dài đã nổ ra giữa hàng giám mục để tôn vinh công việc của một con người, Hồng Y Augustin Bea. Là người đứng đầu Văn Phòng Cổ Vũ Hợp Nhất Kitô Giáo của Công Đồng, vị cao niên 80 tuổi đáng kính này, hơn ai hết, chỉ trừ Đức Giáo Hoàng Gioan XXIII, đã có công vững tay lái đưa được dự án tế nhị này qua sóng nước hiểm nguy mà an ổn tới được bến yên lành. Từ nay trở đi, nó nằm trong tay các Nghị Phụ của Công Đồng.

Nhiều nhà phê bình tra vấn tính luận lý của việc lồng việc xem sét Do Thái Giáo một cách chi tiết vào trong một tài liệu mà đầu hết vốn chỉ nhằm giải quyết vấn đề hợp nhất các Kitô hữu. Tuy nhiên quyết định nêu vấn đề Do Thái Giáo vào lúc này quả là một điều hết sức thích đáng. Không muốn lạm bàn tới các nghiên cứu sau này về phong trào bài Do Thái như một vấn đề giao tế nhân sự, ai cũng thấy: điều chủ yếu là Công Đồng phải đưa ra được các nền tảng thần học cho thái độ của người Kitô Giáo đối với người Do Thái Giáo, và trong diễn trình ấy, dọn đường cho một cách nhìn hoàn toàn mới.

Ngày 8 tháng Mười Một, Văn Phòng của Đức HY Bea đã công bố cho báo chí một bản tóm lược các điểm chính của chương bốn trong lược đồ, tức chương đề cập tới người Do Thái. Việc tiền duyệt này khiến người ta chú ý tới sự kiện: dự án này không phải là một phụ khoản đến sau của Văn Phòng, nhưng đã được xem sét suốt hai năm qua. Nhiều tổ chức Do Thái và nhiều phát ngôn viên quan trọng của Do Thái đã góp lời nhận định trong diễn trình soạn thảo. Thông cáo báo chí cũng nhấn mạnh rằng bản thảo có nội dung tôn giáo và mục tiêu thiêng liêng. Theo thông cáo ấy, Công Đồng coi người Do Thái “không như một nòi giống, hay một quốc gia, mà như dân Chúa chọn trong Cựu Ước”. Khi yêu cầu đừng giải thích theo nghĩa chính trị, thông cáo báo chí trên nhấn mạnh rằng văn kiện của Công Đồng không dính dáng gì tới chủ nghĩa Xion (Zionism) hay chủ nghĩa chống Xion.

Phần gây nhiều chú ý nhất trong chương 4 chính là phần đề cập tới vấn đề trách nhiệm của người Do Thái trong việc đóng đinh Chúa Giêsu. Vì muốn tường thuật vấn đề một cách càng kêu bao nhiêu càng hay bấy nhiêu, nên báo chí ít khi chịu bằng lòng với những bài viết ngắn. Lược đồ của Công Đồng nói rằng: “cái chết của Chúa Giêsu là trách nhiệm của nhân loại tội lỗi”. Nói cách khác, nó là trách nhiệm của cả người Do Thái Giáo lẫn người Kitô Giáo. Vai trò của các lãnh tụ Do Thái vào thời Chúa Giêsu trong việc đưa lại việc đóng đinh không miễn nhiễm nhân loại khỏi phần tội của mình. Ngoài ra, không thể mang tội bản thân của các lãnh tụ đó mà đổ lên đầu toàn bộ dân tộc Do Thái bất luận ở thời Chúa Giêsu hay thời nay.

Có một câu kết luận khá thực tiễn cho vấn đề này. Theo thông cáo báo chí ngày 8 tháng Mười Một: “Vì thế, quả là bất công khi gọi dân tộc này là ‘giết Chúa’ hay coi nó là dân bị Chúa ‘nguyền rủa’”.

Dự thảo của nhóm do Đức HY Bea lãnh đạo, hiện đang được đem ra thảo luận tại Công Đồng, không hề đưa ra bất cứ học thuyết mới lạ nào. Nhưng chắc chắn nó đã loại bỏ nguồn gốc tạo ra đủ thứ mù mờ đáng sợ. Suốt trong các thế kỷ qua, sự mù mờ ấy đã khiến đầu óc bình dân mặc tình liên tưởng Kitô Giáo với những thời kỳ đáng buồn nhất trong biên niên sử nhân loại. Biết bao nhiêu người Kitô hữu cuồng tín, những người chắc chắn không được tinh thần Chúa Kitô đánh động, đã tự nuôi sống mình bằng huyền thoại “kẻ giết Chúa Kitô” vì tin rằng đó là ý Chúa. Biết bao người, vốn chẳng quan tâm bao nhiêu tới Sách Thánh hay phụng vụ, nhưng sẵn sàng trích dẫn chúng một cách mộ đạo để biện minh cho dục vọng của mình, cho lòng thù hận hay lòng tham lam của họ! Hình thức bài Do Thái đáng khimh nhất chính là đã nại tới Cuộc Khổ Nạn thần thánh của Chúa Kitô. Dù Quốc Xã phạm nhiều tội ác tày trời (1), người ta thấy đã đến lúc thế giới Kitô Giáo phải dẹp bỏ cái gương mù trên.

Tại một số nơi trong thế giới Kitô Giáo, kiểu nói “kẻ giết Chúa Kitô” hay “giết Chúa” ít được nghe hơn tại một số nơi khác. Nhưng bất cứ khi nào nó được sử dụng, thì dự thảo đều muốn nhắc nhở: “Các biến cố thánh trong Thánh Kinh và đặc biệt là trình thuật về đóng đinh không thể nẩy sinh sự khinh miệt hay thù hận hoặc bách hại người Do Thái”. Chúng tôi nghĩ vị chủ tịch của Ủy Ban Do Thái Mỹ có lý, cũng như nhiều người khác có cùng một nhận định, khi cho rằng: “Chấp nhận sắc lệnh này sẽ làm cho bất cứ ai cũng không thể xúi giục người khác thù ghét người Do Thái mà cho là mình được giáo huấn hay tín điều Kitô Giáo hỗ trợ”.

Có lúc Đức Giáo Hoàng Gioan XXIII và Đức Giáo Hoàng Phaolô VI đã mời gọi ta phải tự vấn lương tâm để tìm ra nguyên nhân gây ra sự chia rẽ đáng buồn với anh em Thệ Phản và các Kitô hữu Đông Phương. Trong cùng một tinh thần ấy, thiết tưởng đây cũng là lúc để tín hữu Công Giáo xem sét lại mối liên hệ của mình với anh em Do Thái Giáo. Nếu chương thứ tư của lược đồ về đại kết bị Công Đồng gạt bỏ, thì đó sẽ là một cú chí tử đối với mọi người từng kỳ vọng vào bước nhẩy vọt trong tương giao nhân bản.

Nguy cơ là điều có thật, và nó xẩy tới không ở chính trong Công Đồng mà là ở bên ngoài. Như đã nói, ta phải hết sức cố gắng duy trì vấn đề trong căn bản có tính tôn giáo và thiêng liêng này khỏi bị liên tưởng với tranh cãi chính trị. Việc này không hoàn toàn thuộc quyền Công Đồng. Người ta tha thiết hy vọng rằng: nhân thời điểm lớn lao của lịch sử này, các cấp lãnh đạo chính trị, những người bình thường dễ bị lợi lộc chính trị cám dỗ, chẳng cách này thì cách khác, chẳng trực tiếp cũng gián tiếp, lúc này đây đừng chao đảo mà gây hại cho một công trình tốt đẹp vừa mới được bắt đầu.

Ơn phúc dấu ẩn

Trên đây là bài xã luận của tờ The America, khi vấn đề Do Thái còn nằm trong lược đồ Đại Kết. Dưới hình thức sau cùng được công bố vào ngày 28 tháng Mười năm 1965, vấn đề này được lồng trong tuyên ngôn về các tôn giáo bên ngoài Kitô Giáo. Tuyên ngôn này thường được gọi là Nostra Aetate, do chữ khởi đầu của nó.

Theo linh mục Thomas Stransky, C.S.P., (The Genesis of Nostra Aetate, the America, 24-10-2005) một thành viên từ đầu của Văn Phòng Cổ Vũ Hợp Nhất Kitô Giáo, tức văn phòng soạn ra tuyên ngôn trên, đây là văn kiện ngắn nhất của Công Đồng, chỉ bao gồm 41 mệnh đề trình bày thành 5 đoạn, trong đó đoạn thứ bốn, nói về Do Thái Giáo, là đoạn dài nhất với 17 mệnh đề. Nhưng nó lại có một hành trình “không thể tiên đoán được và đầy đe dọa từ lúc bắt đầu vào giữa tháng 9 năm 1960 cho tới lúc kết thúc vào ngày được long trọng tuyên bố, tức ngày 28 tháng Mười năm 1965. Ngạc nhiên, ngỡ ngàng và trở lực là đặc điểm của hành trình này. Dù thế, các trở lực này đã trở thành các ơn phúc dấu ẩn”.

Văn Phòng Thư Ký Cổ Vũ Hợp Nhất Kitô Giáo được thành lập ngày 5-6-1960 với nhiệm vụ giúp các Kitô hữu khác theo dõi công việc của Vatican II. Nhưng trong phiên họp toàn thể đầu tiên ngày 14/15-11-1960, VP này nhận thêm nhiệm vụ liên tôn, phụ trách mối liên hệ giữa Công Giáo và Do Thái Giáo. Việc thêm nhiệm vụ này là kết quả của cuộc gặp gỡ vào trung tuần tháng Sáu giữa Đức Gioan XXIII và Jules Isaac, một học giả Pháp gốc Do Thái 81 tuổi, chuyên về lịch sử và giáo dục. Ông là sáng lập viên của Amitié Judeo-Chrétienne, một tổ chức tại Paris gồm trên 60 nhân sĩ Do Thái và Kitô hữu. Từ mùa hè 1947, tổ chức này đã đưa ra một chương trình hành động nhằm thay đổi triệt để các mối liên hệ giữa Kitô Giáo và Do Thái Giáo bằng cách trước nhất điều chỉnh “các quan niệm và trình bày thần học không đúng với Phúc Âm Tình Thương”, các quan niệm và trình bày từ xưa nay vốn cô lập người Do Thái Giáo về tinh thần cũng như vật chất. Trong cuộc gặp gỡ nửa tiếng đồng hồ này, Jules Isaac đã trình lên Đức Gioan XXIII một bản tóm lược do Amitié cũng như riêng ông soạn thảo, với nội dung cho rằng “Giáo huấn khinh miệt người Do Thái cần được thanh tẩy bởi một người Kitô hữu chịu sống theo Thánh Kinh”, biết trung thành với hành động và lời dạy của Chúa Giêsu thành Nadarét. Đức Gioan XXIII đề nghị Isaac đem bản tóm lược đó thảo luận với Đức HY Bea. Những cuộc gặp gỡ ấy đã đưa lại cho VP Cổ Vũ Hợp Nhất Kitô Giáo một nhiệm vụ nữa là phối hợp các suy tư về “vấn đề Do Thái”. Theo Cha Stransky, ngoài ủy thác trên, Đức Gioan XXIII không bao giờ đích danh ra lệnh phải soạn thảo một lược đồ về vấn đề này cho Công Đồng.

Trong vấn đề bài Do Thái, Jules Issac cho rằng có hai khuynh hướng trong thế giới Kitô Giáo lúc bấy giờ. Đó là khuynh hướng bài người Do Thái và khuynh hướng lấy Thánh Kinh ra bài Do Thái Giáo. Khuynh hướng đầu thấy khá rõ, cho rằng: Thiên Chúa tiếp tục trừng phạt dân tộc Do Thái vì đã chối bỏ và sát hại Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa, Đấng Mêxia và Cứu Chúa của mọi người. Vì tội giết Thiên Chúa này, người Do Thái đã mất hết mọi quyền lợi đối với lời Thiên Chúa hứa trong Giao Ước Cũ, là giao ước đã bị thay thế hoàn toàn bởi Giao Ước Mới, một giao ước vốn được đồng hóa với Giáo Hội Công Giáo. Giống như Cain tội lỗi, người Do Thái phải tiếp tục lang thang khắp mặt đất như những kẻ vật vờ không quê hương. Thiên Chúa duy trì sự hiện hữu rải rác đó đây của họ để nhắc người Công Giáo nhớ tới các hồng ân của Giao Ước Mới và nhắc người Do Thái nhớ tới ơn gọi đích thực của họ là chia sẻ các hồng ân ấy bằng cách trở lại.

Khuynh hướng thứ hai là khuynh hướng dùng Thánh Kinh, tu đức, thần học và giáo lý để biện hộ cho việc bài Do Thái Giáo, một khuynh hướng đặc thù có tính tôn giáo và chính là lãnh vực thanh tẩy mà VP Cổ Vũ Hợp Nhất Kitô Giáo có nhiệm vụ phải đảm trách. Nhưng liệu diễn trình thanh tẩy này có hoàn toàn tách biệt khỏi thực tại chính trị hay không, như cuộc tranh chấp Do Thái và Ả Rập lúc đó chẳng hạn?

Theo Cha Stransky, phản ứng khởi đầu của VP khá ngây thơ, vì cho rằng nhất định nó tách biệt khỏi chính trị. Có biết đâu rằng: tại Trung Đông, chính trị tôn giáo và tôn giáo chính trị lúc nào cũng là qui phạm cả. Chẳng bao lâu, VP sẽ rõ điều ấy: vì vừa nghe thấy VP có một bộ phận lo “vấn đề Do Thái”, các chính phủ Ả Rập đã phái các nhà ngoại giao của họ hối hả tới Văn Phòng Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh để điều tra. Ngoại trừ Jordan và Saudi Arabia, mọi quốc gia Ả Rập đều có liên hệ ngoại giao song phương với Tòa Thánh. Do Thái thì hoàn toàn không có.

Trong suốt 6 năm sau đó, luận đề dùng làm cây dù che chở cho VP là: bất cứ đối xử tôn giáo nào thuận lợi cho người Do Thái cũng sẽ tạo thành một hành vi chính trị. Đối với người Ả Rập, điều ấy có nghĩa là tích cực hỗ trợ kẻ thù của họ, cái “thực tế Zionist xâm lấn” ấy. Đối với người Do Thái, điều ấy có nghĩa là củng cố mối liên kết không thể nào tháo gỡ giữa người Do Thái với quốc gia mới tại quê hương xưa.

Ngay chính phản ứng nội bộ của các tổ chức Do Thái thế giới cũng không được VP nắm vững. Và theo lời khuyên của các bạn đồng Dòng Tên, Đức HY Bea đã hội ý với “giáo hoàng Do Thái” là Nathum Goldmann, chủ tịch Hội Đồng Do Thái Thế Giới (World Jewish Congress) và đồng chủ tịch Hội Đồng Thế Giới Các Tổ Chức Do Thái (the World Conference of Jewish Organizations). Đức HY yêu cầu Goldmann cung cấp một bản đề nghị cho VP và Công Đồng biết “một mặt trận Do Thái thống nhất càng bao quát bao nhiêu càng tốt”. Goldmann cho hay: các thành viên của W.C.J.O. rất có thể sẵn sàng đưa ra các đề nghị như thế, nhưng các bộ phận Do Thái Giáo Chính Thống, bất kể là hiện đại hay chính thống cực đoan, chắc chắn sẽ không chịu hợp tác.

Vì làm thế nào người Do Thái bỗng nhiên tin được rằng một công đồng long trọng như thế lại có thể quay 180 độ đối với giáo huấn tiêu cực của mình về dân Do Thái! Mặt khác, nếu vì các khuyến cáo của người Do Thái mà Giáo Hội Công Giáo chịu thay đổi niềm tin của mình thì liệu họ có đòi bên Do Thái phải đáp trả bằng cách thay đổi niềm tin vào tính độc đáo do Thiên Chúa ban và bản sắc làm dân Giao Ước hay không? Nói tóm lại, phải chăng Vatican II chỉ là một cách tế nhị nhằm bắt người ta vào đạo. Quả thế, phe Do Thái Chính Thống không muốn pha mình vào cuộc “hòa đàm thần học ấy”. Rất may, nhiều nhà lãnh đạo tôn giáo khác của Do Thái không muốn bị cô lập. Giáo sĩ Abraham Heschel từng nói: “Không tôn giáo nào là một hòn đảo”. Nên họ đã ‘liều’ tham gia.

Mãi tới tháng 3 năm 1962, khuyến cáo của W.C.J.O. mới tới. Nó xác nhận đường hướng của VP và nhấn mạnh tới sự hợp tác Công Giáo và Do Thái Giáo “trong việc chống lại mọi hình thức thiên kiến về chủng tộc và bất khoan dung tôn giáo”.

Các trở lực và khai thông

Nhưng rồi trở lực đầu tiên xuất hiện. Tháng 8 năm 1961, VP Cổ Vũ Hợp Nhất (VPCVHN) hoàn tất tài liệu trình bày về người Do Thái trên quan điểm Thánh Kinh và thần học. Nhưng khi đem ra cuộc họp hỗn hợp với Ủy Ban Thần Học do Đức HY Alfredo Ottavia cầm đầu, thì tài liệu trên không được chấp nhận. Ủy Ban Thần Học còn không thèm đọc tài liệu của VPCVHN, vì họ cho rằng chỉ có thể có một ủy ban thần học, các ủy ban khác chỉ có tính mục vụ. Tuy nhiên, trong họa có phúc, nhờ sự khuyến khích của chính Đức Giáo Hoàng, VPCVHN bèn thay đổi phương pháp bằng cách tiến hành soạn một lược đồ có tính thần học và mục vụ để đệ trình cho 110 thành viên của Ủy Ban Phối Hợp. Ủy ban này lấy giữa tháng 6 làm ngày cho VPCVHN trình bày về Đại Kết, Tự Do Tôn Giáo và Người Do Thái, đây là buổi họp cuối cùng của Ủy Ban trước khi Công Đồng khai mạc.

Rồi trở lực thứ hai xuất hiện, chỉ một tuần trước buổi họp trên. Tại Giêrusalem, Hội Đồng Do Thái Thế Giới công bố việc cử nhiệm một tham vụ về Kitô Giáo Sự Vụ tại Bộ Tôn Giáo làm quan sát viên tại Công Đồng. Việc cử nhiệm này được bộ trưởng ngoại giao Golda Meir chấp thuận. Điều ấy bị các nhà ngoại giao Ả Rập phản đối ầm ĩ. Chính trị quả đang làm câm họng tôn giáo. Đức HY Bea phải theo khuyến cáo của Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh tức HY Amleto Cicogani rút lại phần nói về Do Thái, không trình bày hay thảo luận chi hết.

Nhưng lại một ơn phúc xuất hiện. Ngay sau phiên họp đầu tiên của Công Đồng, Đức HY Bea khẩn khoản xin Đức Giáo Hoàng cho phép phần nói về Do Thái được đem ra thảo luận vào khóa sau. Vì việc rút tài liệu lần trước là do “hoàn cảnh chính trị không thuận lợi”. Ngài thêm rằng lược đồ “không hề chấp nhận việc Tòa Thánh thừa nhận Quốc Gia Israel” mà đây chỉ là một “khảo luận hoàn toàn có tính thần học”.

Trong một ghi chú viết tay, Đức Gioan XXIII chỉ vắn tắt nói rằng nhiệm vụ ngài trao cho VP vào năm 1960 vẫn có hiệu lực. Và mùa hè 1963, đức tân GH Phaolô VI đã chính thức xác nhận nhiệm vụ ấy. Thế là VPCVHN đã gồm cả hai phần nói về Tự Do Tôn Giáo và Người Do Thái làm hai chương cuối của tuyên ngôn “Đại Kết” mà nhiều người vốn chờ mong. Đó chính là bản văn được bài xã luận trên của tờ The America nhắc tới, nó chỉ được mang ra để các nghị phụ cho “nhận định tổng quát”.

Đến khóa thứ ba vào năm 1964, các nghị phụ mới xem sét đoạn nhập đề của phần về người Do Thái, sau khi nhận được bản tu chính với các thay đổi nhằm làm nhẹ bớt một số điểm, như hạn từ ‘giết Chúa’ không còn nữa, một ý niệm bị coi là không có nội dung Thánh Kinh nào. Đức HY John Heenan của Westminster, phó chủ tịch VPCVHN, thẳng thừng cho rằng việc làm nhẹ bớt bản văn kia không phải là do các thành viên hay cố vấn của VP mà là do nơi khác, những người ngài gọi “chuyên viên không chuyên viên” (periti imperiti). Ngài không cho biết nơi khác đó là đâu, nhưng nguồn tin đáng tin cậy cho đó là Văn Phòng Quốc Vụ Khanh, một cơ quan dễ nhạy cảm về chính trị.

Phần lớn các nghị phụ ủng hộ bản văn về Do Thái. Chỉ một thiểu số phản đối nhất là ý kiến của các vị thượng phụ và giám mục tại Trung Đông. Phản đối của họ dựa vào liên tôn (94% dân chúng là Hồi Giáo), vào chính trị (các chính phủ Ả Rập đang có chiến tranh với Do Thái, “một thứ tân thực dân ở giữa chúng tôi”) và trên hết dựa vào mục vụ (sợ sẽ có trả đũa đối với các giám mục, linh mục và tín hữu). Một vị giám mục Ai Cập nhận xét tư riêng rằng: “Nếu không đưa ra lời phản đối, đến trở về quê hương, chúng tôi cũng không dám”. Bởi thế, đây là câu kết luận của Thượng Phụ Ignatius Tappouni nhân danh các thượng phụ Trung Đôn: “De Judaeis hoàn toàn không thích hợp, và nên bỏ nó hẳn khỏi nghị trình”.

Một số các nghị phụ Châu Mỹ La Tinh, Ý và Tây Ban Nha thì dựa vào điều Isaac gọi là khuynh hướng thứ nhất để phản đối bản văn De Judaeis. Các nghị phụ Á và Phi Châu thì dựa vào khía cạnh khác để phản đối. Các ngài cho rằng nếu đã bàn tới Do Thái Giáo thì tại sao lại không bàn tới các tôn giáo khác hiện lôi cuốn cả hai phần ba nhân loại.

Nhưng đề nghị rõ nhất là giảm thiểu chất liệu và ghép các chất liệu đã được cô đọng vào các lược đồ lớn khác. Thế là 10 ngày sau cuộc bàn cãi sôi nổi trên, lúc nhân viên VP đang lượng định các tham luận của các nghị phụ, thì bốn vị chủ tịch và ủy ban phối hợp Công Đồng đưa ra một đề nghị thay thế: ghép vào hiến chế Mạc Khải một tuyên ngôn ngắn, và ghép tuyên ngôn về các tôn giáo khác vào chương nói về dân Chúa trong hiến chế Giáo Hội. Việc phân tán ấy sẽ giúp tránh được các giải thích chính trị từng bị các giám mục Trung Đông e ngại và người Do Thái thèm muốn.

Nostra Aetate

Đề nghị ấy quả là hợp lý và có thẩm quyền, bèn được VPCVHN nghiên cứu, mặc dù các tôn giáo khác vốn không phải là chuyên môn của VP. Với sự giúp đỡ của các chuyên viên bên ngoài, qua tháng 11 năm 1964, VPCVHN đã có thể hoàn tất bản tuyên ngôn gồm 5 chương hết sức chau chuốt. Nó khởi đầu với một lời dẫn nhập nói tới tính đơn nhất khách quan của gia đình nhân loại, tính đơn nhất từ nguồn gốc, cuộc hành trình và đích đến sau cùng để tìm được câu trả lời cho các bí ấn sâu xa trong thân phận con người. Tiếp theo phần đó, là các phần nói tới các tôn giáo nguyên thủy, Ấn Giáo, Phật Giáo, Hồi Giáo và Do Thái Giáo. Lược đồ kết thúc với lời lên án mọi thứ kỳ thị và xách nhiễu vì chủng tộc, mầu da, điều kiện sống hay tôn giáo

Tuyên ngôn Nostra Aetate chính xác, rõ ràng và ngắn gọn gây ấn tượng mạnh nơi các thẩm quyền phối hợp và cả Đức Phaolô VI. Các ngài thấy không cần mang nó ra thảo luận công khai, chỉ cần Đức HY Bea trình bày rồi các nghị phụ bỏ phiếu. Điều ấy đã xẩy ra trong các ngày 14/15 tháng 10 năm 1965. Vào ngày long trọng công bố tức 28 tháng 10, chỉ có 88 vị trong số 2,312 nghị phụ bỏ phiếu chống lại Nostra Aetate. Bốn mươi năm nhìn lại, người ta vẫn không quên hình đẹp được Đức HY Bea sử dụng trong dịp ấy: hạt cải nhỏ xíu từ cuộc gặp gỡ nửa giờ của Jules Isaac với Đức Giáo Hoàng Gioan XXIII nay đã nở thành một cây cao bóng cả ấm áp, che phủ mọi tín hữu không phải là Kitô Giáo. Và cha Stransky cho rằng: nhờ nó mà “De Judaeis” được duy trì hầu như nguyên vẹn.