Ngày 13-11-2008
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Món Quà Đẹp Mãi
Phi Yến, OP
01:31 13/11/2008
Món Quà Đẹp Mãi

Hôm qua trời âm u, những đám mây đen lơ lửng lãng đãng cả vùng trời Houston. Cơn mưa cứ xối xả, tưởng chừng như òa vỡ sau những lần bị ngẹn lại. Cứ thế, trời tối dần với những trận mưa lúc nặng lúc nhẹ đến khuya, khuya lắm. Khi màn đêm đã buông xuống hẳn, cơn mưa cũng tạm ngừng thỉnh thoảng vài cơn gió tạt ngang mang theo hơi nước mát dịu. Sáng hôm nay, ông mặt trời như còn giận dỗi với cơn mưa cả ngày hôm qua nên chưa thấy ló rạng, nhưng cảnh vật có vẻ trong sáng hơn cộng vơi khí trời ngòn ngọt của mùa thu có những cánh lá vàng đong đưa theo cơn gió. Lang thang trên con đường mòn vắng vẻ bên cạnh nha, có khu đất trống đang được cày xới, lộn xộn, dơ dáy. Im lìm và ngổn ngang, với cơn gió chợt đến rồi chợt đi. Tôi thả hồn xa xăm, đếm những bước chân ngắn dài, vô định của mình. Nhìn những hòn đất, loay hoay ngắm nghía “Chẳng ý nghĩa gì, a mess”. Chợt ý nghĩa vụt ngang tâm trí, cái nắm đất to nhỏ dơ dáy kia là chính tôi, vì ngày xưa trong vườn địa đàng Chúa dùng nắm đất tạo dựng con người.

Những chương đầu Kinh Thánh kể lại khá tỉ mỉ, để tác thành một con người, Chúa nắn nót một nắm đất, thổi hơi truyền sinh khí. Một tác phẩm vô giá so sánh với những tác phẩm khác, vì được mang hình ảnh Chúa, với đầy đủ trí khôn, trí nhớ, tự do và khả năng yêu thương. Con người là một hữu thể cả thiêng liêng và vật chất, trường tồn nhưng cũng rất mong manh. Linh hồn và thể xác là như thế, và mỗi nhân vị của chúng ta là những món quà độc nhất vô nhị. Thiên Chúa không copy tác phẩm của Ngài, nhưng mỗi lần sáng tạo là một con người mới với tất cả những mới mẻ riêng biệt. Có ai bỏ bê tác phẩm của mình bao giờ, người ta nâng niu, trân trọng và thích thú những gì mình làm ra. Thiên Chúa cũng không ngoại lệ, con người là tác phẩm mà Thiên Chúa chăm chút không ngơi. Hơn thế nũa, khi con người phản bội Ngài, Ngài đã minh chứng tình yêu một cách tận tuyệt, để phá đổ bức tường mặc cảm, xấu xa đó, tảy dấu vết chia lìa giữa Thiên Chúa và con người mà ngài yêu thương.

Nghĩ đến đây tôi bồi hồi khi thấy, cho dù Thiên Chúa tuyệt vời như thế, nhưng sao nhân loại vẫn còn trầm luân trong tội, gần gũi nhất là ngay trong tâm hồn tôi. Đôi lúc tôi dùng những món quà cao quí kia để chọn lựa sự phản bội thay vì trung thành. Những chọn lựa sai lầm đó dần dần biến đổi bản chất tôi.

Yếu đuối và dễ gãy đã hủy hoại linh hồn chúng ta, đẩy cuộc đời chúng ta vào ngõ tối của sự chết. Nhưng trên tất cả, Thiên Chúa vẫn có thể phục hồi, và Ngài luôn mong mọi phục hồi chúng ta. Một lời cầu nguyện chân thành và một thái độ xám hối sâu xa là Thiên Chúa sẽ biến đổi mọi sự. Anh em đồng loại của chúng ta đang cần lời cầu nguyện biết bao. Đặc biệt trong tháng 11, các linh hồn nơi luyện tội đang chờ đợi, dù chỉ một lời cầu nguyện, một câu kinh của chúng ta. Vì một lý do yếu đuối nào đó mà khi nhắm mắt lìa đời, anh chị em của chúng ta chưa kịp giải hòa, chưa kịp tìm lại được ân nghĩa với Chúa mà nay đang còn giam giữ nơi luyện tội. Thiên Chúa sẽ không bỏ sót một việc nghĩa mà chúng ta làm cho người anh chị em của mình đang trong luyện tội. Và có lẽ Thiên Chúa cũng sẽ không bỏ nắm đất Ngài đã nắn, đã vo rồi truyền sinh khí của Ngài bơ vơ. Vì sinh khí mà Ngài đã thổi vào, nên mỗi người chúng ta đều có sức mạnh của Thiên Chúa. Cô học trò nhỏ 4 tuổi của tôi trong lớp Giáo Lý sau khi nghe câu chuyện tạo dựng đã nói “Con thích nhất lúc Chúa thổi hơi vào cục đất sét, và vì thế chúng ta đều có hơi của Chúa”. Với sức mạnh của Thiên Chúa chúng ta sẽ làm được, xin đề nghị một vài thực hành nho nhỏ, coi như những món quà chúng ta tặng cho các linh hồn,

- Cầu nguyện, Kinh Mân Côi (dù chỉ một kinh trong yêu mến và sốt sáng cũng đủ.)
- Tham dự Thánh Lễ, Rước lễ thiêng liêng.
- Ngắm đàng Thánh Giá(ở nhà cũng làm được)
- Làm hơn việc bổn phận một tí.
- Nói những lời tích cực hoặc nhịn nhục khi bực tức.
- Không kêu than, không nói điểm xấu của người vắng mặt
- Nhịn một lon nước ngọt, một bịch chip, không mở TV khi muốn.
- Giúp đỡ người bên cạnh mình.

và chắc còn nhiều nhiều nữa vì khi yêu chúng ta sẽ tự khám phá ra nhiều cách để làm. Một điều nữa, chắc chắn các linh hồn không bao giờ quên trả ơn lại cho chúng ta và cũng có lẽ ngày hôm nay chúng ta làm cho người khác thì ngày mai, các linh hồn cũng sẽ làm lại cho chúng ta.

“Lạy Chúa! Chúa dành tình yêu cho chúng con, một tình yêu vô bờ bến, nhưng vì yếu đuối, bất toàn nên chúng con không biết giữ tình yêu ấy, chúng con đã lạc lối về nhà với Chúa. Xin Chúa đừng chấp sự hư đốn của chúng con để tình yêu của Chúa không bị mai một, không bị uổng phí. Nhất là xin Chúa thương đến các anh chị em của chúng con đang nơi lửa luyện tội, xin mở rộng vòng tay yêu thương đưa các anh chị em chúng con được về đoàn tụ với Chúa. Amen”
 
Hãy Dùng Thời Gian Để Yêu Thương
Lm Giuse Nguyễn Hữu An
01:34 13/11/2008
Chúa nhật 33 A

Hãy Dùng Thời Gian Để Yêu Thương

Thiên Chúa là Alpha và Omega, Ngài là Khởi Nguyên và là Tận Cùng. Điều ấy có thể diễn tả cách khác: Thiên Chúa là thời gian. Thiên Chúa là thời gian trong ý nghĩa Ngài là chủ thời gian. Thiên Chúa hiện hữu không phải trong thời gian mà là siêu thời gian vì ngàn năm đối với Chúa như một ngày.

Chỉ còn 2 tuần lễ nữa là kết thúc thời gian Năm Phụng Vụ để rồi khởi đầu một chu kỳ Năm Phụng Vụ mới. Các bài đọc của các tuần Chúa Nhật này đều nói về việc trở lại của Chúa Giê-su trong ngày quang lâm. Lịch sử nhân loại đã mở đầu bằng sáng tạo thì sẽ kết thúc bằng tái tạo.

Ngay từ ban đầu khi loài người sa ngã, Thiên Chúa đã muốn cứu chuộc loài. Ngài đã can thiệp nhiều lần vào lịch sử bằng những biến cố kỳ diệu, độc đáo được ghi trong Thánh Kinh. Thiên Chúa dùng lịch sử làm phương thế cứu chuộc, biến lịch sử loài người thành một Lịch Sử Thánh, một Lịch Sử Cứu Rỗi.

Lịch Sử Cứu Rỗi gồm ba giai đoạn chính. Cựu Ước chuẩn bị Ơn Cứu Rỗi, Tân Ước thực hiện Ơn Cứu Rỗi. Thời Giáo Hội nối dài và phân phát ơn cứu rỗi. Sau ngày Quang Lâm của Chúa Ki-tô lịch sử sẽ được hoàn tất trong vinh quang Nước Trời.

Đức Giê-su là trung tâm của Lịch Sử Cứu Rỗi, nơi Ngài, Ơn Cứu Rỗi không còn là lời hứa mà đã trở thành hiện thực. Đức Giê-su còn là tận đích của Lịch Sử Cứu Rỗi, vì tất cả lịch sử quy hướng về Ngài. Ngài là hồng ân tuyệt hảo Thiên Chúa ban cho nhân loại. Trong Ngài loài người đạt tới sự sống viên mãn.

Như vậy có hai lịch sử song hành: lịch sử trần thế và Lịch Sử Cứu Rỗi.

Lịch sử trần thế là lịch sử các dân tộc, các triều đại, các nền văn minh với các định chế xã hội, các biến cố chính trị, các tiến bộ kỹ thuật. Đây là mặt nổi có thể quan sát được.

Lịch Sử Cứu Rỗi là lịch sử sinh hoạt siêu nhiên, thánh hóa các tâm hồn nhờ ân sủng và tác động của Thánh Thần. Lịch sử này đang khai diễn âm thầm dưới chiều sâu trong các tâm hồn theo nhịp của ân sủng. Đây là mặt chìm mà chỉ có Đức Tin mới nhận ra. Như vậy Đức Tin giúp chúng ta nhận ra có một lịch sử thánh xuyên qua lịch sử trần thế, bao trùm thấm nhập lịch sử trần thế. Nhờ đó lịch sử loài người có một ý nghĩa. Từ đỉnh cao của vĩnh cửu, Thiên Chúa đang từng bước hướng dẫn loài người đến Ơn Cứu Rỗi chung cuộc.

Khi lịch sử chấm dứt là lúc Đức Giê-su trở lại thu hợp toàn thể loài người và toàn thể vũ trụ để mọi người và mọi sự được hoàn tất trong Ngài.

Ngày Đức Giê-su trở lại, ngày quang lâm, tái lâm được gọi bằng nhiều tên: Ngày cuối cùng (Ga 6, 39; 11, 24; 12, 48), Ngày của Chúa (1 Cr 3, 13; 5, 5), Ngày Chúa đến (1 Cr 1, 8), Ngày của Đức Ki-tô (Pr 1, 10; 2, 16), Ngày viếng thăm (1 Pr 2, 12), Ngày xét xử (1 Ga 4, 17). Chính Đức Giê-su đã nhiều lần nói đến Ngày Tái Lâm này (Mt 24, 30; 25, 31; 26, 64; Mc 8, 38; 14, 62; Lc 17, 24; Ga 6, 39-40).

Không ai biết Ngày Quang Lâm bao giờ sẽ đến, kể cả Đức Giê-su về mặt nhân tính (Mt 24, 36). Ngày đó đến bất ngờ "như kẻ trộm trong đêm tối" (1 Tx 5, 1-3). Theo nhiều dụ ngôn, Chúa đến giữa lúc không ai nghĩ tới, đối với từng cá nhân cũng như đối với toàn thể nhân loại (Mt 24, 37; 37, 44; Mc 13, 33-37; Lc 17, 22-37; 21, 35)

Ngày tận cùng của thời gian, Đức Giê-su tái lâm biểu dương quyền năng và vinh quang của Ngài. Sẽ có một cuộc phán xét chung. Rất nhiều dụ ngôn trong Tin Mừng theo Thánh Mát-thêu ám chỉ ngày phán xét chung này: cỏ lùng trong ruộng lúa (Mt 13, 37-43), phân loại cá sau mẻ lưới (Mt 15, 39-49), chủ đòi gia nhân tính sổ (Mt 18, 23-35), thợ làm vườn nho cuối ngày trả công (Mt 20, 1-16), mười trinh nữ đi dự tiệc cưới (Mt 25, 1-13). Ngày ấy các dân thiên hạ được thâu họp lại trước mặt Ngài hết thảy. Tất cả mọi người không phân biệt màu da, chủng tộc ngôn ngữ, văn hóa, tôn giáo... đều được triệu tập trước mặt Người. Lúc ấy Người sẽ phân biệt kẻ lành kẻ dữ. Cuộc phán xét của Thiên Chúa sẽ không diễn ra theo cách thức của các tòa án trần gian: tố cáo, biện minh, đối chiếu, bằng chứng... Nhưng đây là một sự soi sáng từ bên trong. Trong ánh sáng của Thiên Chúa mỗi người sẽ thấy rõ những giá trị các hành vi của mình, cách mình đối xử với Thiên Chúa và với tha nhân.

Thiên Chúa là Alpha và Omega. Thánh Gio-an còn định nghĩa Thiên Chúa là tình yêu (1 Ga 4, 16). Thiên Chúa là thời gian và cũng là tình yêu. Như thế thời gian và tình yêu song hành là một.

Tôi sống trong Thiên Chúa là sống để yêu và sống trong thời gian là yêu để sống. Thời gian không có tình yêu sẽ trở thành lạnh lùng buồn tẻ. Tình yêu ý nghĩa hóa và thắp hồn cho thời gian. Bởi đó những người đang yêu là những người đang sống trong thời gian với đầy ắp niếm vui hạnh phúc. Những người biết yêu là biết nhìn thời gian như vàng ngọc. Ai sống trong Thiên Chúa là người phải biết yêu quí thời gian Chúa ban.

Các bài đọc Chúa Nhật 33 Thường Niên kêu mời chúng ta suy niệm về giá trị của thời gian và lao động. Sách Châm Ngôn mô tả người đàn bà lý tưởng. Bà ăn ở được lòng chồng con, xây dựng gia đình bằng đôi tay cần mẫn, tháo vát và chăm chỉ. Thánh Phao-lô trong thư gởi giáo đoàn Thê-xa-lô-ni-ca đã đề cập đến giá trị của thời giờ. Trong giáo đoàn có người lo sợ là ngày tận thế sắp đến, họ sợ hãi đến độ không muốn làm gì cả. Thánh nhân đã cảnh tỉnh: Hãy làm việc, đừng ngũ mê. Hãy biết trân trọng thời gian Chúa ban. Với bài phúc âm, Chúa Giê-su nói đến giá trị của thời giờ, công việc và tài năng. Thiên Chúa khi ban sự sống thì đồng thời cũng ban phương tiện sinh sống như thời giờ, tài năng, như "nén bạc Chúa trao".
Thiên Chúa ban tài năng thì chúng ta có trách nhiệm phải biết dùng tài năng ấy để sinh lợi cho mình và cho người khác. Kẻ lười biếng sẽ được gọi là tôi tớ bất hảo; còn người tôi tớ chăm chỉ làm việc, sinh lợi các nén bạc thì được gọi là lương hảo. Tiêu chuẩn căn bản mà Chúa xét xử đó là tình yêu. Dấu chỉ chúng ta yêu mến Chúa đó là tình yêu chúng ta thực thi đối với anh chị em mình.

Thiên Chúa là thời gian và cũng là tình yêu. Chúng ta quý trọng thời gian, dùng thời gian để làm việc trong tình yêu, yêu Chúa và yêu người. Ai yêu thương là kẻ được Thiên Chúa sinh ra và người ấy biết Thiên Chúa. Thời gian quý giá như vàng ngọc. Bởi vậy:

Dùng thời gian để suy nghĩ, đó là nguồn sức mạnh.
Dùng thời gian để đọc, đó là nền tảng sự khôn ngoa.n
Dùng thời gian để tìm hiểu, đó là cơ hội để giúp người khác.
Dùng thời gian để cười, đó là âm nhạc của tâm hồn.
Dùng thời gian để ước mơ, đó là kiến tạo những gì thuộc về tương lai
Dùng thời gian để thinh lặng, đó là cơ hội để gặp Chúa.
Dùng thời gian để yêu và được yêu, đó là món quà vĩ đại nhất của Thiên Chúa.
Dùng thời gian để cầu nguyện, đó là sức mạnh vĩ đại nhất trên trái đất này.

Nguyện xin Thiên Chúa là Chúa của Thời Gian, là Vua của Tình Yêu giúp chúng con biết dùng thời gian để dấn thân phục vụ trong tình yêu.
 
Các Thánh Thử Đạo: Chứng Nhân của Trời Cao
Lm. Giuse Nguyễn Thành Long
01:37 13/11/2008
CÁC THÁNH TỬ ĐẠO - CHỨNG NHÂN CỦA TRỜI CAO

Trong khoa tu đức, người ta chia tử đạo ra thành 3 lọai: tử đạo đỏ (…), tử đạo trắng (…) và tử đạo xanh (…). “Tử đạo đỏ” là tử đạo theo nghĩa hẹp, tức là đổ máu vì niềm tin của mình. Các thánh tử đạo Việt Nam thuộc hàng tử đạo theo nghĩa hẹp này, tức là “tử đạo đỏ”. Việt Nam hiện đang tạm giữ kỷ lục về con số các vị hiển thánh tử đạo: 117 vị cộng với một vị chân phước là thánh Anrê Phú Yên. Dĩ nhiên, đó chỉ là con số các vị được tuyên phong, còn nếu nói về con số chưa được tuyên phong thì cao gấp ngàn lần (khoảng 300.000 người, nghĩa là gấp 2 lần số giáo dân giáo phận Phan Thiết chúng ta). Cũng cần nói thêm, truyền thống Giáo hội vẫn tin rằng tất cả các thánh sau khi chết vẫn phải thanh luyện ít nhiều, ngoại trừ các thánh tử đạo theo nghĩa hẹp. Ngay sau khi chết, các ngài được diễm phúc lên thẳng thiên đàng liền mà không cần phải qua lửa luyện tội nữa.

Trở lại với khái niệm tử đạo. Thực ra từ ngữ “tử đạo” ban đầu có nghĩa là làm chứng. Như vậy người tử đạo có nghĩa là người làm chứng, tức “chứng nhân”. Thế thì chúng ta có thể tự hỏi rằng các thánh tử đạo là chứng nhân của những điều gì ?

1. Trước hết, các ngài là những chứng nhân của đức tin, một đức tin kiên trung:

Đức Giêsu đã nói với các môn đệ của Người rằng: “Tôi tớ không lớn hơn chủ nhà, nếu họ đã bắt bớ Thầy, họ cũng sẽ bắt bớ anh em” (Ga 15,20); “Anh em hãy coi chừng người đời, vì họ sẽ nộp anh em cho công nghị, và sẽ đánh đập anh em trong các hội đường của họ. Anh em sẽ bị điệu ra trước vua chúa và quan quyền vì Thầy, để làm chứng cho họ và cho dân ngoại được biết” (Mt 10,17-18).

Trải qua 300 năm, với 53 sắc dụ cấm đạo dữ dội, Giáo Hội Việt Nam đã sống chính kinh nghiệm bị bách hại mà lời Chúa đã tiên báo. Hơn mười vạn tổ tiên chúng ta đã đổ máu mình ra vì Chúa Kitô. Các ngài đã chịu đủ mọi cực hình: bị xiềng xích, lao tù, bị tra tấn, bỏ đói, bị chém đầu, bị thắt cổ, bị bá đao, phanh thây, bị kìm kẹp, bị voi dày, bị thiêu sống, bị buộc đá thả trôi sông, bị tống cổ ra khỏi nhà cửa, làng mạc, sống vất vưởng trong rừng sâu nước độc: chết đói, chết khát, chết bịnh và bị dã thú ăn thịt,… Tuy nhiên điều đáng nói là mặc dù các ngài đã bị tước đoạt quyền sống, nhưng vẫn không chối bỏ đức tin. Đến nỗi vua chúa, quan quyền, những kẻ bày ra đủ mọi cực hình tàn bạo để hành hạ các ngài, phải sững sờ kinh ngạc và kính phục lòng tin sắt đá của các ngài.

Các ngài vui lòng đón chịu mọi cực hình đau đớn và hiên ngang tiến ra pháp trường nhận cái chết thương đau để minh chứng cho niềm tin và lòng trung thành của mình đối với Thiên Chúa và với Đức Kitô. Cái chết của các ngài làm sáng lên đức tin anh dũng kiên trung. Tuy miệng lưỡi đã im tiếng, nhưng sự việc còn vang dội sâu xa, các ngài như vẫn đang nói, đang giảng thuyết; lời rao giảng của các ngài vẫn vượt không gian thời gian, không gian, như một kỳ công mà Thiên Chúa đã thực hiện:

Chẳng một lời, một lẽ
Chẳng nghe thấy âm thanh
Mà tiếng vang đã dội khắp hoàn cầu
Và thông điệp loan đi tới chân trời góc biển
” (Tv 18,45).

2. Thứ đến, các ngài là những chứng nhân của lòng mến, một lòng mến nồng nàn:

Đức Thánh Cha GP II, trong Tông sắc Mầu Nhiệm Nhập Thể đã viết: “Ghi niệm về các vị tử đạo là một dấu hiệu bền vững cho chân lý về tình yêu của Kitô giáo,….. Không được quên lãng những chứng từ của các ngài, các ngài đã loan báo Tin Mừng, hiến mạng sống mình vì tình yêu. Vị tử đạo, đặc biệt vào thời đại của chúng ta, là dấu chỉ tình yêu lớn lao nhất, thâu tóm mọi giá trị khác” (MNNT, 13).

Nếu việc tử đạo là minh chứng cho lòng tin, thì tình yêu chính là động lực của việc tử đạo. Các ngài sẵn sàng đón nhận mọi cực hình, mọi gian lao đau khổ, và cuối cùng là cái chết, không phải vì các ngài có máu anh hùng hảo hán, cũng không phải vì muốn được nổi danh…, nhưng là vì tình yêu đối với Đức Kitô. Vì tình yêu Đức Kitô, các ngài đã sẵn sàng đánh đổi tất cả những gì mình có, kể cả mạng sống. Vì tình yêu Đức Kitô, các ngài đã khao khát hiến thân từng giây phút đời mình cho Thiên Chúa và cho tha nhân: “Khi tử đạo, người môn đệ đồng hóa với Thầy mình, Đấng đã tình nguyện đón nhận cái chết để cứu độ thế giới. Và người môn đệ nên giống Người trong việc đổ máu” (LG, 42). Trong thư gởi các chủng sinh, thánh Phaolô Lê bảo tịnh đã viết: “Vì cháy lửa yếu mến Chúa, tôi thà chịu chết và chịu phân thây để chứng tỏ lòng tôi yêu mến Chúa”.

Quả thế, các ngài đã không xem việc tử đạo như là một cực hình đau khổ, nhưng lại coi đó như một quà tặng tình yêu mà Thiên Chúa đã ưu ái ban phúc cho mình, nên cương quyết dành lấy nhành lá vạn tuế khải hoàn. Chính vì thế, Giáo Hội luôn coi việc tử đạo như một ân huệ lớn lao và là một bằng chứng cao cả về đức ái.

3. Sau nữa, các ngài là những chứng nhân của niềm hy vọng, một niềm hy vọng sáng ngời:

Bị lăng nhục, hành hạ, tra tấn và bị kết án tử, nhưng các vị tiền bối tử đạo vẫn khẳng khái hiên ngang, vui tươi, bình an và chứa chan hy vọng về một cuộc sống bất diệt. Các ngài nhẫn nại và can trường trong đau khổ vì đã có được Đức Kitô là nền tảng đích thực của niềm hy vọng hằng sống: “Các con hãy vui mừng vì phần thưởng dành cho các con ở trên trời thật lớn lao” (Mt 5,12). Thánh Bảo tịnh đã nói lên điều xác tín đó: “Giữa cơn bão táp của bách hại, tôi đã một đã thả một cái neo vào tận ngai Thiên Chúa, đó là niềm hy vọng sống động trong lòng tôi”. Đau khổ và cái chết chỉ là cuộc thử thách và thanh luyện để Thiên Chúa đón nhận các ngài như của lễ toàn thiêu.

“Chính lúc chết đi là khi vui sống muôn đời”, các vị tử đạo đã trở nên chứng nhân cho Chúa Kitô đã toàn thắng sự chết, là dấu chỉ hy vọng cho thế giới, khi lấy chính cái chết của mình diễn tả chân lý về sự sống bất diệt và hạnh phúc trường cửu ở nơi Thiên Chúa.

Kính thưa quý ÔBACE. “Máu các vị tử đạo là hạt giống đức tin”. Các Thánh Tử Đạo Việt Nam đã trở nên hạt giống được gieo vào lòng đất, chịu mục nát, thối rữa, để có thể trổ sinh vô số bông hạt đức tin. Các ngài là những chứng nhân đã gieo hạt giống ân sủng trong nước mắt, để hôm nay hứa hẹn một mùa thu hoạch dồi dào. Tất cả những gian lao đau khổ, máu và nước mắt của các vị tử đạo hướng đến mùa lúa vàng của Thiên Chúa, trên cánh đồng Giáo Hội: “Ai nghẹn ngào ra đi gieo giống, mùa gặt mai sau khấp khởi mừng. Họ ra đi, đi mà nức nở, mang hạt giống vãi gieo. Lúc trở về, về reo hớn hở, vai nặng gánh lúa vàng” (Tv 125,5-6).

Ngày nay, Cây Đức Tin của Giáo Hội Việt Nam đã đâm rễ sâu trong lòng đất Việt, được nuôi dưỡng bằng mầm đất thấm máu các vị tử đạo, cây đó đang lớn mạnh, cành lá sum xuê, hoa trái dồi dào, khác nào cây trồng bên suối nước được diễn tả trong sách Khải huyền: “Những chòm cây hằng sống, có quả mười hai lần, mỗi tháng một lần”.

Là con cháu các Thánh Tử Đạo Việt Nam, chúng ta đã sống đức tin, đức mến như thế nào ? Chúng ta đã thực sự sống xứng đáng là con cháu các ngài chưa ?

Phan Thiết, Lễ Các Thánh TĐVN 2008
 
Các Thánh Thử Đạo Việt Nam: Niềm Tin Phục Sinh
Lm Giuse Nguyễn Hữu An
01:43 13/11/2008
LỄ CÁC THÁNH TỬ ĐẠO VIỆT NAM
NIỀM TIN PHỤC SINH

Sơ sử ở Việt Nam chỉ thực sự mở đầu từ văn hoá Đông Sơn, cách đây khoảng 2.500 năm. Nước Văn Lang của các Vua Hùng là một sự thật của lịch sử Việt nam. Sách “Đại Việt Sử Ký Toàn Thư” là bộ chính sử đầu tiên của nước ta ghi chép về nước Văn Lang và theo đó thì nước Văn lang “Đông giáp Nam Hải, Tây giáp Ba Thục, Bắc giáp Hồ Động Đình, Nam giáp nước Hồ Tôn”. Nước Văn Lang chỉ tồn tại trước sau trong khoảng 300 năm và con số 18 đời Hùng Vương cho đến nay vẫn là con số của huyền sử. Tiếp đến là nước Âu Lạc của An Dương Vương, rồi đến các triều đại Đinh, Lê, Lý, Trần, Hậu Trần, Hồ, Hậu Lê, Mạc, Nguyễn…

Lãnh thổ Việt Nam nhỏ bé chỉ đến Châu Cực nam là Hoan châu, Hà Tĩnh ngày nay. Biên giới phía nam của An Nam là núi Hoành Sơn. Từ Đèo Ngang, Quảng Bình, Quảng Trị đến Bình Thuận là đất nước Chiêm Thành với kinh đô Trà Kiệu. Miền Nam, Miền Tây thuộc vương quốc Phù Nam, Stiêng, Chu Nại, Lục Chân Lạp, Thuỷ Chân Lạp.

Việt Nam thực hiện Cuộc Nam Tiến bắt đầu từ thời Lê Đại Hành mở mang bờ cõi về phía nam. Thời nhà Trần, Vua Trần Nhân Tông gả Công Chúa Huyền Trân cho Vua Chiêm là Chế Mân để đổi lấy 3 châu (Quảng Bình, Quảng Trị, Huế). Thời nhà Hồ tiến vào Quảng Nam, Quảng Ngãi. Thời Trịnh Nguyễn phân tranh, Nguyễn Hoàng vượt biên giới núi Thạch Bi tiến về phía Nam, cho đến năm 1697 đặt phủ Bình Thuận. Năm 1757, tháp nhập Hà Tiên vào Đại Việt, chấm dứt Cuộc Nam Tiến. Việt Nam với bản đồ chữ S đã hình thành. Như thế chỉ dài chừng nửa đầu thế kỷ 18, người Việt đã hoàn thành cuộc bành trướng của dân tộc từ Bình Thuận chiếm trọn Nam kỳ ( theo Lm Aug Nguyễn Văn Trinh, Lịch Sử Giáo Hội Việt Nam, tập I, 1994)

Trong bối cảnh lịch sử xã hội đó, Thiên Chúa đã sai các nhà truyền giáo đến để gieo trồng hạt giống đức tin trên quê hương Việt Nam. Lịch sử Giáo hội Việt Nam gắn liền với những thăng trầm của lịch sử dân tộc. Các Họ Đạo phát triển cùng với Cuộc Nam Tiến và các cuộc bách hại. Từ khi vị thừa sai Phanxicô Buzômi có công thiết lập cơ cấu Giáo xứ đầu tiên ở Việt Nam năm 1615 cho tới khi Hàng Giáo Phẩm Việt Nam được thiết lập 1960, thời gian đó kéo dài 300 năm. Hơn 3 thế kỷ phát triển cùng với các cuộc bách hại dưới các thời đại Vua Lê Chúa Trịnh, Tây Sơn, Minh Mạng, Thiệu Trị và Tự Đức. Hạt giống Nước Trời cứ phát triển khi được gieo xuống đất. Chúng ta thấy được hồng ân Thiên Chúa tuôn tràn để sức sống Nước Trời nở rộ trên nước Việt thân yêu.

Giữa những bách hại tàn khốc, Giáo hội vẫn lớn mạnh không ngừng. Như một Linh mục Giáo sư đã nói: Giáo hội Công giáo ngoài bốn đặc tính Duy nhất Thánh thiện Công giáo Tông truyền còn có thêm một đặc tính thứ năm, đó là bách hại, càng bị bách hại càng lớn lên. Các bậc Tổ tiên đã gieo trong nước mắt và đau thương nhưng hào hùng và can trường. “Đẹp thay những bước chân gieo mầm cứu rỗi” (Is 52,7) để hôm nay Giáo hội Việt Nam vững mạnh sánh vai cùng các Giáo hội trên hoàn vũ. Nhìn những thành quả hiện tại như những bó lúa nặng hạt, là con cháu các Thánh Tử Đạo, người Công giáo Việt nam không bao giờ quên ơn những Bậc Tiền Bối đã xây đắp nên Giáo hội yêu dấu của mình.

Chúng ta có thể khẳng định: Lịch sử của các Giáo hội cũng là lịch sử những cuộc bách hại. Bắt bớ, bách hại luôn đi liền với những kẻ tin nhận Đức Giêsu Kitô là Chúa. Ngay từ trong Cựu ước, những người tin vào Thiên Chúa Giavê cũng đã phải trải qua những cơn gian nan thử thách vì niềm tin.

Tại sao người tín hữu thường bị bắt bớ và bị bách hại? Lịch sử cho thấy người tín hữu bị bắt bớ và bị bách hại thường vì một trong hai hoặc vì cả hai lý do là: bị người đời hiểu lầm và ghen ghét. Chính Đức Giêsu là một minh hoạ tuyệt vời về sự kiện ấy. Đức Giêsu bị nhà cầm quyền Do thái và Rôma kết án loại trừ, vì họ cho rằng Người là mối nguy hiểm cho địa vị, chức quyền của họ. Thế nhưng, qua cuộc khổ nạn và thập giá mà Đức Giêsu bày tỏ lòng hiếu thảo, vâng phục, yêu mến Chúa Cha và tình thương đối với loài người. Cuộc Khổ nạn là con đường dẫn tới Phục sinh.

Các Thánh Tử Đạo của Giáo hội, 117 Thánh Tử Đạo Việt Nam và hàng ngàn hàng vạn vị Tiền Bối Việt Nam cũng là những người đã chết vì Đạo mà nguyên nhân chính là do hiểu lầm và ghen ghét. Các vị ấy đã kiên cường và anh dũng chứng minh lòng tin của mình đối với Đức Giêsu Kitô, bất chấp gông cùm, tù tội, bá đao hay tùng xẻo, trảm quyết hay lăng trì.

Vì thế, ngày Lễ Các Thánh Tử Đạo Việt Nam chính là dịp để Giáo hội hoàn vũ chiêm ngắm suy tôn 117 Thánh Tử Đạo Việt Nam, các chứng nhân trung kiên của Đức Kitô. Đặc biệt là dịp mà mỗi tín hữu Công Giáo Việt Nam ca tụng Thiên Chúa đã làm những việc vĩ đại trên quê hương mình. Mừng kính trọng thể các Ngài để cùng nhau chiêm ngưỡng, tự hào, học hỏi nơi những chứng nhân đức tin trung kiên, ý chí quật cường của các chiến sĩ Đức Kitô. Từ đó giúp nhau phát huy truyền thống hào hùng bất khuất, dám hy sinh mạng sống cao quý để giữ vững đức tin nơi các thế hệ con cháu Các Thánh Tử Đạo.

Chính trong ánh sáng của Đức Kitô, Vị Tử Đạo tiên khởi mà chúng ta có thể nói về Các Thánh Tử Đạo Việt Nam bằng câu Phúc âm: Đầy tớ không lớn hơn chủ(Ga 15,20); Nếu chúng đã bách hại Thầy, chúng sẽ bách hại các con...Đây Thầy sai các con như con chiên đi vào giữa sói rừng… Hãy coi chừng người đời, họ sẽ nộp các con nơi toà án. Khi họ bắt bớ, các con đừng lo phải nói thế nào, vì không phải các con, nhưng Thánh Linh của Thầy sẽ nói trong các con… Các con sẽ bị mọi người ghét bỏ vì danh Thầy. Nhưng ai bền đỗ đến cùng người ấy sẽ được cứu độ. (Mt 10,16 -25)

Các Thánh Tử Đạo không tìm đến cái chết mà chỉ tìm cách nên giống Thầy, giống đời sống của Thầy Giêsu, nhất là giống cử chỉ yêu thương tột cùng đã đưa Thầy đến cái chết.

Các Thánh Tử Đạo là những vĩ nhân của nhân loại. Các Ngài đã chết dưới ngọn đao phủ là chết cho Đức Kitô như chính Đức Kitô đã chết cho các Ngài.

Các Thánh Tử Đạo hiên ngang vì đã đáng được chịu đau khổ cho Đức Kitô. Các Ngài chẳng màng chi đến việc nhân loại trao tặng huy chương, huân chương, chiến công. Các Ngài chết tử đạo là chết vì Đức Kitô, đơn thuần và tinh khiết, trong sáng và huyền diệu, can trường và khiêm nhu.

Các Thánh Tử Đạo có chung một chọn lựa lựa khoát: theo Đức Kitô hay theo vua quan? Theo Đức Kitô là sống trong gông cùm và chết trong đau thương. Theo vua quan là thừa hưởng vinh hoa phú quý nơi trần gian. Các Ngài có chung một quyết định tối hậu là theo Đức Kitô. Giây phút quyết định ấy chỉ có các Ngài với Thiên Chúa, chỉ có linh hồn với cõi phúc vô biên. Giây phút ấy không bị ảnh hưởng bởi gia đình, tổ quốc, nhân sinh. Người chết trong máu tử đạo đã coi nhẹ nghĩa phu thê, đã xem thường đường phụ tử. Họ khao khát một tình yêu vô biên mỹ lệ như giải ngân hà sao sa vời vợi, như vầng nhật nguyệt huy hoàng khôn tả. Các Ngài đã hoan hỉ chấp nhận chết để được sống một cuộc đời mà không mỹ từ nào diễn tả nổi, không bút hoạ nào vẽ thành và không hùng biện nào tuyên dương cho trọn. Người chết trong gông cùm mòn mỏi đã đặt tổ quốc đàng sau những giá trị vĩnh cửu. Ước vọng của họ không phải là được người đời tưởng niệm, được hậu thế tôn phong. Họ chết là vì đức tin thúc đẩy. Họ chỉ muốn thực hiện điều đã từng nghe biết: “Ai tuyên xưng danh Ta trước mặt trần gian, Ta sẽ tuyên danh nó trước mặt Cha Ta trên trời” (Mt 10,32). (x.Thiên Hùng Sử trang 4).

Chân dung Các Thánh Tử Đạo Việt Nam được tô điểm bằng muôn ngàn vạn nét, nhưng nét đẹp nhất trong chân dung các Ngài là Niềm Tin Phục Sinh. Trong nhà tù vẫn cầu nguyện và hát thánh ca, thánh vịnh. Ra pháp trường vẫn cầu nguyện và hát khúc khải hoàn Alleluia, luôn hướng về trời cao với niềm Hy Vọng Phục Sinh và cất cao hát mãi cho đến khi đầu rơi khỏi cổ. Cái chết chẳng có giá trị gì, chính sự sống mới làm nên muôn điều huyền diệu. Sự sống đó chính là tình yêu với tất cả những gì cao thượng và chân thật. Tình yêu đó bừng lên mãnh liệt trong mầu nhiệm tự huỷ và hiến dâng. Chết là mất tất cả, nhưng 117 hiến tế tình yêu cũng là 117 chứng từ niềm tin của những con người xác tín rằng: chết vì Đức Kitô, chết đi là sống lại trong cuộc sống muôn đời; chết là chiến thắng; chết là để đi về sự sống vĩnh cửu; chết là cánh cửa im lìm được mở ra để về với Đấng là Sự Sống vĩnh hằng.

Bài học của các vị tử đạo không phải là khơi lên máu nóng tìm đến cái chết, mà chính là sống hiến thân từng giây từng phút của đời mình cho Thiên Chúa và tha nhân. Sự sống đó luôn kêu mời chúng ta: mỗi ngày chết đi những yếu đuối tầm thường, để can đảm làm chứng và đấu tranh cho Chân lý. Sự sống đó hứa hẹn với chúng ta một ngày sau rạng rỡ, ngày đoàn tụ với cha anh chúng ta trên cõi bất diệt.( x. Thiên Hùng Sử, trang 495).

Niềm Tin Phục Sinh mãi mãi là ánh sáng soi dẫn từng suy nghĩ từng lời nói từng việc làm của người tín hữu trong cuộc sống hàng ngày.

Lm Giuse Nguyễn Hữu An

Vài tư liệu.
1. Thời gian và con số:
+ Thời gian bắt đầu vào năm 1580 và chỉ kết thúc hoàn toàn vào năm 1888, kéo dài gần 3 thế kỷ.
+ Có khoảng 400.000 người bị lưu đầy, phát lưu và phân sáp.
130.000 người đã chết vì đạo trong số này đã có 117 vị được Giáo Hội chính thức tôn phong lên hàng hiển thánh vào ngày 19.6.1988.

2. Về các hình khổ:
Các ngài đã phải chịu mọi thứ cực hình mà người ta có thể nghĩ ra được như:
- Gông cùm, xiềng xích, nhốt trong cũi, đánh đòn, bỏ đói.
- Bị voi giầy, bị trói ném xuống sông, bị đổ dầu vào rốn rồi cho bấc vào mà đốt, bị đóng đinh vào ván rồi đem phơi nắng vv.
- Quyết liệt hơn thì bị trảm quyết - tức là bị chặt đầu- bị xử giảo - tức là bị thắt cổ -, hay bị thiêu sống.
- Vô cùng man rợ và hiểm độc như bị xử lăng trì
- phân thây ra từng mảnh hay là xứ bá đao.

3. Quá trình Giáo Hội phong thánh
* Ngày 27-5-1900 Đức Thánh Cha Lêo XIII phong 64 vị lên hàng chân phước.
* Ngày 20-5-1906 Đức Thánh Cha Pio X phong thêm 8 vị.
* Ngày 02-5-1909 cũng Đức Thánh Cha Piô X phong thêm 20 vị nữa.
* Ngày 29-4-1951 Đức Thánh Cha Pio XII phong 25 vị.

Trong 117 vị được phong chân phước có:
- 8 Giám mục ( Giám mục thuộc dòng Đaminh và 2 Giám mục thuọc Hội thừa sai Paris)
- 50 Linh mục (Gồm 37 là người Việt Nam, 8 thuọc Hội thừa sai Paris và 5 thuộc dòng Đaminh)
- 15 thầy giảng
-44 giáo dân thuộc đủ mọi thành phần xã hội: công chức, thương gia, công nhân, quân nhân, y sĩ, ngư phủ, trùm họ v..v.

4. Theo loại hình phạt
* 79 vị bị trảm quyết tức là bị chặt đầu. (Như vậy là con số bị trảm quyết nhiều nhất).
* 18 vị bị xử giảo tức là bị thắt cổ.
* 8 vị chết rũ tù
* 6 bị thiêu sinh
* 4 bị lăng trì - tức là phân thây ra từng mảnh
* 1 bị tử thương và
* 1 bị bá đao

5. Về thời gian:
* 2 vị chịu tử đạo thời Trịnh Doanh
* 2 vị chịu tử đạo thời Trịnh Sâm
* 2 vị chịu tử đạo thời Cảnh Thịnh.
* 57 vị chịu tử đạo thời Minh Mạng
* 3 vị chịu tử đạo thời Thiệu Trị
* 51 vị chịu tử đạo thời Tự Đức
 
Anh em không còn tối tăm, … vì tất cả anh em là con cái sự sáng!
Phaolô Phạm Xuân Khôi
06:28 13/11/2008
Chú Giải Thánh Thư Chúa Nhật XXXIII Thường Niên - A (1 Th 5:1-6)

Bài đọc Chúa Nhật tuần này là một phần của Giáo Lý về Cánh Chung của Thánh Phaolô. Mở đầu Thư Thứ Nhất gửi tín hữu Thêxalônica Thánh Phaolô đã ca tụng cách sống các nhân đức Tin Cậy Mến của họ. Trong Chương 4, ngài khuyên họ sống trong sạch và thương yêu nhau. Bắt đầu từ câu 4:13, Thánh Nhân nói với họ về cái chết và niềm hy vọng của các tín hữu đã an nghỉ trong Đức Kitô. Đối với những người có Đức Tin, chết là chấm dứt cuộc đời dương thế, nhưng không phải là hết. Chết “trong Đức Kitô” là được kết hợp vĩnh viễn với Người, và được Người cho sống lại trong ngày sau hết, khi Người trở lại trong vinh quang. Khi ấy những ai đã chết trong Chúa sẽ sống lại trước, và những ai còn sống mà trung thành với Người thì sẽ được đi với Người. Tuy nhiên vì không ai biết ngày giờ nào Chúa sẽ trở lại, nên hôm nay Thánh Nhân khuyên chúng ta phải luôn sẵn sàng khi Người đến, và sống xứng đáng là con cái sự sáng giữa thế gian, để khi Người đến chúng ta sẽ được sống với Người. Nếu không Ngày Chúa Đến sẽ là một ngày kinh hoàng cho chúng ta.

Câu 1 - Anh em thân mến, về thời nào và lúc nào, anh em không cần chúng tôi viết cho anh em.

Làm người ai cũng tò mò muốn biết tương lai mình và thế giới ra sao. Đó là lý do tại sao nhiều người tìm đến các thầy tử vi, bói toán…, thậm chí có những người phải cầu cơ để biết tương lai. Nhiều người nghĩ rằng nếu mình biết trước tương lai thì có thể tránh những điều tai hại. Thực ra biết trước tương lai chưa chắc đã là cách tốt nhất để sửa soạn cho tương lai. Vì chúng ta có thể ỷ nại vào việc biết trước ấy mà ăn chơi hưởng thụ cho đến khi nước đến chân mới nhảy thì không còn kịp nữa. Hôm nay Thánh Phaolô bảo chúng ta rằng chúng ta không cần biết, mà cũng không thể biết ngày giờ nào Chúa trở lại. Chính Chúa Giêsu đã dạy rằng: “Về ngày và giờ đó thì không ai biết, ngay các thiên sứ trên trời, hay cả Người Con, nhưng chỉ một mình Chúa Cha mà thôi” (Mt 24:36; Mc 13:32).

Chữ thời ở câu này là dịch chữ χρονος, có nghĩa là ngày tháng nhất định có thể tính hay đếm được, còn chữ lúc ở đây là dịch chữ καιρος, có nghĩa là mùa, cơ hội, thời cơ, thời điểm, hay kỳ hạn. Thường thì người ta dùng hai chữ này gần như đồng nghĩa với nhau. Nhưng ở đây, cũng như trong phần mở đầu Sách Tông Đồ Công Vụ: Khi đang tụ họp các ông hỏi Người rằng, ‘Thưa Thầy, có phải Thầy sẽ khôi phục vương quốc Israel lúc này không?’ Người bảo các ông, ‘Các con không cần biết thời giờ và kỳ hạn Chúa Cha đã toàn quyền sắp đặt” (Cv 1:6-7), có lẽ tác giả có ý chỉ hai sự kiện khác nhau. Đối với Thiên Chúa, thời gian vừa là ngày tháng (χρονος) vừa là giây phút hay cơ hội (καιρος). Ngày tháng thì chính xác, nhưng cơ hội thì không ai biết khi nào nó đến. Chỉ những ai đã chuẩn bị sẵn sàng thì mới nắm được cơ hội, còn ai chưa sẵn sàng sẽ bỏ mất cơ hội. Vậy ngày Quang Lâm của Chúa là một thời điểm đối với Thiên Chúa, và là một cơ hội đối với những ai trung thành với Chúa.

Câu 2 - Vì chính anh em đã biết rõ ngày Chúa sẽ đến như kẻ trộm trong đêm tối.

Ngày Chúa hay Ngày của Chúa thường được hiểu là ngày Tận Thế, nhưng đối với mỗi người cũng có thể là ngày chết của mình. Nói đúng hơn là ngày Quang Lâm, ngày Phán Xét. Theo Sách Giáo Lý của Hội Thánh Công Giáo thì “Tiếp nối các ngôn sứ (x. Ðn 7:10; Ge 3:4; Ml 3:19) và Gio-an Tẩy giả ( x. Mt 3:7-12), Ðức Giêsu cũng loan báo về cuộc phán xét trong Ngày cuối cùng. Lúc bấy giờ cách ăn nết ở (x. Mc 12:38-40) và bí ẩn trong tâm hồn mỗi người (x. Lc 12:1-3; Ga 3;20-21; Rm 2;16; 1Cr 4;5) sẽ được tỏ lộ. Tội cứng lòng tin, coi thường ân sủng của Thiên Chúa sẽ bị kết án (x. Mt 11;20-24; 12;41-42). Thái độ đối với đồng loại sẽ cho thấy người ta đón nhận hay từ chối ân sủng và tình yêu Thiên Chúa (x. Mt 5;22; 7;1-5).” (GLCG 678)

Trong thời Thánh Phaolô, người ta nghĩ rằng Chúa trở lại trong thời đại của họ, nên nhiều tín hữu ở Thêxalônica bỏ bê bổn phận trần thế hằng ngày. Thánh Phaolô đã nhắc cho họ rằng họ không nên bận tâm về ngày ấy, vì không ai biết ngày giờ Chúa đến như Người đã nói trước rằng Người sẽ đến bất ngờ. Không biết nên phải luôn luôn phải sẵn sàng “vì chính giờ các con không ngờ thì con người sẽ đến”(Mt 24:44). Sẵn sàng như các đầy tớ đợi chủ đi xa trở về: “Hãy tỉnh thức, vì các con không biết giờ nào chủ nhà sẽ trở về, vào buổi tối, hay nửa đêm, lúc gà gáy, hay buổi sáng” (Mc 13:35, 36). Thánh Phaolô nói rằng Ngày của Chúa đến bất ngờ như kẻ trộm trong đêm tối, vì đêm tối là lúc chúng ta ngủ say và thiếu cảnh giác nhất. Chúa cũng có thể đến trong đêm tối của cuộc đời chúng ta, lúc chúng ta đang sống trong đêm đen tội lỗi. Sách Khải Huyền nhắc nhở: “Này, Ta đến như kẻ trộm. Phúc cho người nào tỉnh thức và giữ áo mình, để không phải ra đi trần truồng và bị người ta thấy sự loã lồ của mình!” (Kh 16:15).

Câu 3 - Khi người ta nói rằng: "Yên ổn và an toàn", thì chính lúc đó tai hoạ thình lình giáng xuống trên họ, như cơn đau đớn xảy đến cho người mang thai và họ không sao thoát khỏi.

Làm người ai cũng sợ chết, nhưng phần lớn người ta sống như là mình sẽ không bao giờ chết. Họ không ý thức rằng cái chết có thể đến bất thình lình, vào lúc ta không ngờ.

Để cảnh giác chúng ta về điều đó, trong câu này, Thánh Phaolô bảo đảm với chúng ta rằng Ngày của Chúa sẽ đến với mọi người, và không ai có thể trốn được ngày ấy. Chúng có chui xuống tận âm ty, tay Ta cũng kéo chúng lên khỏi đó. Chúng có bay lên đến tận trời, từ đó, Ta cũng lôi chúng xuống. Chúng có núp trên đỉnh Các-men, tại đó, Ta cũng lùng bắt chúng cho kỳ được; chúng có xuống đáy biển hòng lẩn tránh mắt Ta, tại đó, Ta cũng truyền cho rắn cắn chúng (Amos 9:2-3).

Đối với những người không tin và chống lại Thiên Chúa thì ngày ấy là ngày tai họa kinh hoàng.

Ngôn sứ Giêrêmia đã cảnh cáo "Chúng bô bô: ‘Bình an vô sự’,… trong khi chẳng có bình an chi cả. Việc chúng làm thật kinh tởm biết bao, lẽ ra chúng phải biết xấu hổ, nhưng nào chúng có xấu hổ gì đâu, cũng chẳng còn biết ngượng mặt nữa chứ. Cho nên chúng sẽ gục ngã giữa bao kẻ ngã gục. Khi đến thời Ta trị tội chúng, chúng sẽ té nhào” (Gier 6:14-15).

Ngôn sứ Isaia cũng tiên báo "Chúng kinh hoàng, lên cơn đau, quằn quại, đau thắt như sản phụ. Chúng sửng sốt nhìn nhau, mặt đỏ bừng như lửa. Kìa, ngày của ĐỨC CHÚA đến, ngày khắc nghiệt, ngày của phẫn nộ và lôi đình, ngày làm cho đất tan hoang và tiêu diệt phường tội lỗi, không còn một tên nào ở đó” (Is 13:8-9).

Sách Khải Huyền nói rằng khi ấy có động đất mạnh. Mặt trời tối đen như vải thợ dệt bằng lông, mặt trăng hoàn toàn ra như máu. Sao trên trời sa xuống đất, tựa những trái vả xanh rụng xuống từ cây vả bị gió lớn lay mạnh. Trời bị cuốn đi như một cuốn sách cuộn lại, mọi núi non và hải đảo bị dời đi nơi khác. Vua chúa trần gian, vương hầu khanh tướng, người giàu sang, kẻ quyền thế, và mọi người, nô lệ hay tự do, tất cả đều phải trốn vào hang hốc và núi đá. Họ bảo núi và đá: ‘Đổ xuống đè ta đi và che giấu ta cho khuất mắt Đấng ngự trên ngai, cho khỏi cơn thịnh nộ của Con Chiên; vì Ngày lớn lao, Ngày thịnh nộ của các Ngài đã tới, và ai có thể đứng vững được?’" (Kh 6:12-17).

Vì thế nên Chúa Giêsu đã ân cần dặn bảo chúng ta: “Hãy đề phòng, đừng để tâm hồn các con ra nặng nề vì chơi bời phóng đãng, chè chén say sưa, lo lắng sự đời, kẻo Ngày ấy bất ngờ chụp xuống đầu các con, vì như một cái bẫy ngày ấy sẽ ụp xuống mọi người cư ngụ trên mặt đất. Vậy các con hãy tỉnh thức và luôn cầu nguyện, để các con có sức thoát khỏi mọi điều sắp xảy ra, và để đứng vững trước mặt Con Người” (Lc 21:34-36).

Câu 4 - Phần anh em, hỡi anh em thân mến, anh em không còn tối tăm, đến nỗi ngày đó bắt chợt anh em như kẻ trộm,

Sự tối tăm ở đây là tối tăm trong tâm hồn, là thiếu ánh sáng của Thiên Chúa, là sống dưới quyền lực ma quỷ. Muốn thoát khỏi sự tối tăm này thì chúng ta cần ân sủng Chúa. Đặc biệt là cần được Lời Chúa soi sáng, bởi vì “Lời Chúa là ngọn đèn soi bước chân con, là ánh sáng soi đường con đi” (Tv 119 [118]:105), như đề tài của Đại Hội Giới Trẻ năm 2006. Để không sống trong tăm tối, chúng ta phải “xây dựng đời sống mình trên Đức Kitô, phải đón nhận Lời Người với niềm vui và đem các giáo huấn của Lời Chúa ra thực hành” (ĐTC Bênêđictô XVI, Sứ Điệp cho Ngày Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới lần thứ 21). Cũng theo ĐTC trong sứ điệp này thì bí mật để có được “một tâm hồn hiểu biết” là huấn luyện tâm hồn mình biết lắng nghe. Điều đó được thể hiện bằng các kiên tâm suy niệm Lời Chúa và tiếp tục đâm rễ sâu vào Lời Chúa qua quyết tâm kiên vững trong viêc hiểu biết Lời Chúa một ngày một hơn. ĐTC thúc giục mọi người, nhất là người trẻ “hãy làm quen với Thánh Kinh, và có nó trên tay để Thánh Kinh có thể trờ thành la bàn chỉ cho các con con đường phải đi” (ibid). Trong nhiều bài giảng, thông điệp, sứ điệp, và đặc biệt là trong Năm Thánh Kinh này, ĐTC và Hội Thánh khuyên mọi tín hữu cầu nguyện bằng Thánh Kinh qua phương pháp Lectio divina. Việc này tạo thành một cuộc hành trình thiêng liêng thật sự và chân chính được đánh dấu bằng những giai đoạn là đọc, suy niệm, cầu nguyện và chiêm niệm. Đọc Thánh Kinh bằng phương pháp này giúp chúng ta chú ý vào sự hiện diện của Đức Kitô mà Lời Người “như chiếc đèn tỏ rạng giữa chốn tối tăm, cho đến khi ngày bừng sáng và sao mai mọc lên soi chiếu tâm hồn anh em” (2 Phr 1:19). Nhờ Lời Chúa hướng dẫn, chúng ta không còn sống trong tăm tối, và luôn luôn sẵn sàng cho Ngày của Chúa, chứ không sợ ngày ấy bắt chúng ta như kẻ trộm.  

Câu 5 - vì tất cả anh em là con cái sự sáng, con cái ban ngày;

Tất cả những ai tin vào Chúa Giêsu và làm theo giáo huấn của Người đều trở nên “con cái sự sáng” như Người đã nói trong Tin Mừng Thánh Gioan: “Khi các người còn có ánh sáng, hãy tin vào ánh sáng, để các người trở nên con cái sự sáng” (Ga 12:35-36). Bởi vì “Ngôi Lời là Ánh Sáng thật, ánh sáng chiếu soi mọi người, đã đến trong thế gian” (Ga 1:9). Cho nên “ai theo Người, sẽ không đi trong tăm tối, nhưng sẽ có ánh sáng của sự sống.” (Ga 8:12) Vì thế Chúa khuyên chúng ta phải làm những việc lành khi trời còn sáng (x. Ga 9:4).

Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI nói rằng muốn là con cái sự sáng, chúng ta phải (1) xác tín rằng Chúa Giêsu đã sống lại và ở chúng ta luôn mãi; (2) xác tín rằng Đức Kitô đang ở với chúng ta. Và trong Đức Kitô thế giới tương lai đã bắt đầu, điều này cũng cho chúng ta niềm hy vọng chắc chắn; (3) Khi Đức Kitô đến, Người vừa là Thẩm Phán và Đấng Cứu Độ chúng ta. Cho nên chúng ta có thể tin tưởng vào sự tốt lành của Người và tiến bước với lòng can đảm phi thường (x. Triều Yết Chung ngày 12/11/2008).

Câu 6 - chúng ta không thuộc về ban đêm và tối tăm. Vậy chúng ta đừng mê ngủ như những người khác, nhưng hãy tỉnh thức và điều độ.

Theo Thánh Phaolô thì muốn là con cái sự sáng, chúng ta không được phép ngủ mê, nghĩa là “loại bỏ những việc làm đen tối, và cầm lấy vũ khí của sự sáng để chiến đấu. Hãy ăn ở cho đứng đắn như người đang sống giữa ban ngày: không chè chén say sưa, không chơi bời dâm đãng, cũng không cãi cọ ghen tương. Nhưng hãy mặc lấy Chúa Giêsu Kitô, và đừng chiều theo tính xác thịt mà thoả mãn các dục vọng” (Rm 13:12-14).

Thánh Phaolô khuyên chúng ta phải tỉnh thức và điều độ. Tỉnh thức để đề phòng, để cảnh giác không bị những cám dỗ thế trần làm chúng ta sa ngã. Tỉnh thức để sẵn sàng đón Chúa bất cứ giờ nào Người đến. Muốn tỉnh thức thì phải biết điều độ, không ăn uống, rượu chè, chơi bời, và ngay cả làm việc quá đáng. Hai đức tính này bổ túc cho nhau. Người tỉnh thức thì tránh được những điều thái quá. Người điều độ thì dễ tỉnh thức. Tỉnh thức và điều độ giúp chúng ta giữ vị thế sẵn sàng để xem xét những dấu chỉ thời gian có liên quan đến việc Chúa trở lại. Và nhờ đó chúng ta sẵn sàng ra đón Người như những người đầy tớ trung thành ra đón người chủ từ phương xa trở về.

Hơn nữa, trong những câu kế tiếp, Thánh Nhân nói: “Vì chúng ta thuộc về ban ngày, nên hãy sống tiết độ, mặc giáp che ngực là Đức Tin và Đức Ái, đội mũ sắt là Hy Vọng ơn cứu độ. Vì Thiên Chúa đã không định cho chúng ta chịu cơn thịnh nộ, nhưng được ơn cứu độ, nhờ Ðức Chúa Giêsu Kitô” (1 Th 5:8-9).

Để thực thi Đức Ái, hay Đức Mến, đối với anh chị em, chúng ta “phải cảnh cáo những kẻ vô kỷ luật, khuyến khích những người nhút nhát, nâng đỡ những người yếu đuối, và kiên nhẫn với hết mọi người. Hãy coi chừng để đừng ai lấy ác báo ác, nhưng hãy luôn luôn cố gắng làm điều lành cho nhau cũng như cho mọi người.” (1 Th 5:14-15).

Còn đối với Thiên Chúa thì: “Hãy luôn luôn vui mừng, và cầu nguyện không ngừng. Hãy tạ ơn trong mọi hoàn cảnh” (1 Th 5:16-18).

Kết Luận

Thánh Phaolô đã mở đầu Thư này của ngài bằng cách nhắc đến các nhân đức Tin Cậy Mến của các tín hữu Thêxalônica. Giờ đây ngài cũng kết thúc Thư của ngài bằng cách nhấn mạnh rằng Tin Cậy Mến chính là áo giáp và mũ sắt che chở con cái sự sáng trong khi chiến đấu với các quyền lực tối tăm. Để kết thúc, chúng ta hãy hợp ý với ĐTC Bênêđictô mà cầu xin Chúa tiếp tục đến với chúng ta và với thế gian trong khi chúng ta mong đợi Ngày Quang Lâm của Người:

Lạy Chúa, xin hãy đến! Xin hãy đến theo cách thức của Chúa! Tùy theo cách Chúa biết. Xin hãy đến những nơi có bất công và bạo lực! Xin hãy đến các trại tị nạn, ở Darfur, ở Bắc Kivu, ở quá nhiều nơi trên thế giới. Xin hãy đến những nơi mà dịch ma túy đang hoành hành. Xin hãy đến giữa những người giầu có nhưng đã quên Chúa, và chỉ biết sống cho mình. Xin hãy đến những nơi mà người ta chưa biết đến Chúa. Xin hãy đến theo cách của Chúa và canh tân thế giới hôm nay. Xin hãy đến trong lòng chúng con, xin hãy đến và canh tân đời sống chúng con, xin hãy đến trong lòng chúng con để chính chúng con có thể trở thành ánh sáng của Thiên Chúa, trở thành sự hiện diện của Chúa. Maranà, thà! “Lạy Chúa Giêsu, xin hãy đến!”.

Câu hỏi để suy nghĩ và thảo luận:

1. Bạn hiểu thế nào về Ngày Của Chúa?

2. Khi nghĩ đến cái chết hay ngày Tận Thế, bạn có sợ không? Tại sao có, và tại sao không? Đoạn này giúp bạn sửa soạn cho cái chết ra sao?

3. Nếu Chúa đến với bạn ngay giờ này, bạn đã sẵn sàng chưa? Bạn sẵn sàng như thế nào?

4. Có việc gì bạn làm trong bóng tối và sợ bị người khác biết không? Nếu có hãy đan cử ba trường hợp cụ thể. Nếu không cũng đưa ra ba trường hợp bạn làm mà không sợ người khác biết đến. Bạn cảm thấy ra sao về những việc ấy?

5. Bạn đang thức hay đang mê ngủ? Tại sao?

6. Tại saoThánh Phaolô nhấn mạnh đến ba nhân đức Tin, Cậy, Mến? Ba nhân đức này đã giúp bạn những gì? Bạn sống ba nhân đức ấy thế nào ở nhà, ở sở làm và trong cộng đoàn của bạn?

 
Các tôi trung kiên cường
Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa
12:00 13/11/2008
CÁC TÔI TRUNG KIÊN CƯỜNG

(LỄ CÁC THÁNH TỬ ĐẠO VIỆT NAM- Chúa Nhật XXXIII TN A – Lc 9,23-26 )

Từ ngữ “tử đạo” vốn dễ được mến mộ theo nguyên nghĩa của từ gốc. Tử đạo là làm chứng. Các Thánh Tử đạo là những vị đáng tôn kính cách đặc biệt. Trong Kitô giáo, các Ngài được xếp sau hàng các Thánh Tông đồ và một vài Đấng đặc biệt như Mẹ Maria, Thánh cả Giuse, Thánh Gioan Tẩy Giả. Thế nhưng, chúng ta cần chân nhận một thực tế đó là hàng Thánh Tử đạo thường mang tính cục bộ của từng tôn giáo. Một vị tử đạo trong tôn giáo này chưa hẳn được trân trọng bởi người tôn giáo khác so với các bậc Thánh hiển tu, nhất là những vi Thánh có đời sống nổi bật về đức ái. Hơn nữa hai từ tử đạo ngày nay xem ra đang bị lợi dụng và cả lạm dụng khiến người ta dễ nghi ngờ, khi mà đang có đó những người ôm bom tự sát làm thiệt hại mạng sống của nhiều người vô tội.

Nói rằng các Thánh Tử đạo là những người chịu chết vì đạo thật không sai. Tuy nhiên cái nhìn này còn hạn chế và mang dáng vẻ tiêu cực. Xin mạo muội gọi các Ngài là những vị “Thánh sống đạo bằng cả giá máu”. Các Ngài sống đạo kính mến Chúa và yêu thương tha nhân bằng cả mạng sống mình.

“Chúa Giêsu nói với mọi người: “Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo. Quả vậy, ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì tôi, thì sẽ cứu được mạng sống ấy” ( Lc 9, 23-24 ). Chúng ta đừng quên Chúa Giêsu ngõ những lời ấy với tất cả mọi người. Chính vì thế, đã là Kitô hữu thì chúng ta phải là những người sống đạo bằng cả giá máu. Dĩ nhiên là có người đổ máu ra cách hữu hình và có người đổ máu ra cách vô hình. Theo nội dung của bài Tin Mừng trong Thánh Lễ này, xin được gợi ý về một trong những cách thế sống đạo đến hy sinh bằng cả giá máu, đó là trung thành một cách hiên ngang với Chúa Kitô và Lời của Người. “ Ai xấu hổ vì tôi và những lời của tôi, thì Con Người cũng sẽ xấu hổ vì kẻ ấy...” ( Lc 9 26 ).

Trung thành một cách hiên ngang với Giêsu, Đấng cứu nhân độ thế: Theo Chúa Giêsu là phải trung thành với công cuộc cứu thế, độ nhân, phải thực thi đức bác ái với hết mọi người, bất phân chủng tộc, màu da hay chính kiến, phải sống yêu thương trong mọi hoàn cảnh, lúc thuận lợi cũng như lúc gặp nghịch cảnh. Quả thật cái tâm lý tìm kiếm hiệu năng trước mắt, đã khiến chúng ta tính toán quá nhiều theo cách nghĩ suy nhân loại. Một đôi khi ta cần biết khôn ngoan “đừng quẳng ngọc trai trước mặt heo”. Nhưng cũng đừng quên Thiên Chúa không ngần ngại gieo hạt giống trên các thửa đất, có khi rơi vãi trên cả vệ đường. Chỉ cần có hạt rơi vào đất tốt thì kết quả thu được sẽ lợi hơn nhiều so với phần xem như hoang phí. Hơn nữa, với ơn Chúa và sự cộng tác của con người thì dù là vệ đường, là đất cằn khô, đất gai góc đều có thể trở nên đất tốt. Khi trong tay đã đủ điều kiện vật chất lẫn tinh thần, khi điều kiện ngoại cảnh đang thuận lợi thì sẽ có đó nhiều người tuy khác niềm tin vẫn có thể thi hành việc độ thế cứu nhân. Khi điều kiện còn thiếu, hoàn cảnh còn khó khăn mà ta vẫn kiên trì trong đức ái thì đức ái của ta mới nên giống tình Chúa đã yêu thương ta. Vì khi ấy tình yêu ta dành cho tha nhân mới đậm nét vị tha.

Trung thành và hiên ngang với Lời cứu độ: Một trong những cơn cám dỗ tinh tế ma quỷ gieo vào lòng chúng ta đó là cải biến nội dung lời mạc khải cho phù hợp với hoàn cảnh bên ngoài. Dù rằng Hội Thánh dạy ta cần học hỏi, nghiên cứu để phân biệt đâu là ý tác giả Thánh Kinh muốn trình bày theo hình thức văn chương, theo nền văn hóa của từng thời kỳ và đâu là Thánh ý Chúa muốn dạy. Có thể có sự không trùng khớp giữa những gì các tác giả nhân loại trình bày với Ý Chúa muốn dạy. Điều này ta dễ nhận ra trong Cựu Ước và cả trong Tân Ước. Tuy nhiên luôn có đó những lời mà các nhà nghiên cứu đã đồng thuận đúng là những lời đích thị từ miệng Đấng Cứu Thế ( ipsisima verba ). Lời Chúa, cách riêng lời của của Giêsu như lưỡi gươm sắc bén, phân rẽ tâm hồn. Chính vì thế tính thách đố luôn có trong Lời Chúa. Chúng ta nhận ra điều này nơi miệng các sứ ngôn thời Cựu Ước và cách rõ nét nơi Lời của Đấng Cứu độ. Tin Mừng tường thuật rằng khi nghe những lời của Chúa Giêsu, nhiều Biệt Phái và luật sĩ đã phải tím bầm ruột gan.

Không một ai được phép tự tiện uốn nắn nội dung Lời Chúa vì bất cứ lý do gì. Hãy để cho Lời Chúa trực diện với lòng ta, với tha nhân, với môi trường xã hội, với mọi thể chế, luật lệ của con người. Xin đừng nhân danh hiệu năng mà cắt xén hay cải biên lời Chúa. Xin chớ nhân danh đức ái mà uốn ép lời Chúa cho “mềm mại” và “dễ nghe”. Những điều “dễ nghe” và “mềm mại” thường là thiếu sự thật, ít trung thực và nếu có thì chỉ là phiếm diện. Ánh sáng thì chói chang. Sự thật thì mất lòng. Khi ta trung thành cách hiên với lời cứu độ thì thập giá luôn có đó.

Các tiên tổ anh hùng Tử đạo của chúng ta quả thực là những vị đã sống đạo yêu thương cho đến cùng. Martinô Thọ, Phanxicô Trung, Micae Hy, Emmanuel Triệu...không chỉ yêu thương vợ con, cha mẹ nhiệt tâm, nhiệt tình mà còn yêu thương bà con lối xóm, những người khốn khổ bất hạnh, yêu thương quê hương dân tộc, yêu cả vua quan, những người đang hành hạ mình. Và trên hết các Ngài yêu mến Đấng các Ngài tôn thờ, Thiên Chúa toàn năng, chí tôn, chí thiện. Các Ngài đã trung thành với Thầy Chí Thánh và lời của Người một cách dũng cảm, hiên ngang. “Tâu bệ hạ, đánh Tây thì hạ thần đánh hết mình, nhưng bỏ đạo thì không bao giờ” ( Thánh Phanxicô Trung ) “ Chúng tôi không phạm tội ác, không chống lệnh vua, không lỗi luật nước, chúng tôi chết chỉ vì là Kitô hữu” ( thánh Phaolô Khoan ). Dòng máu đào đổ ra chỉ là điểm đến của một cuộc đời sống đạo đến cùng mà thôi. Quả thật nếu như máu có đổ đến giọt cuối cùng mà không sống đạo yêu thương thì chỉ là tử nạn chứ không có tử đạo.
 
Anh hùng hay điên khùng? Can đảm hay liều lĩnh
Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa
12:01 13/11/2008
ANH HÙNG HAY ĐIÊN KHÙNG ? CAN ĐẢM HAY LIỀU LĨNH ?

Hằng năm đến dịp kính nhớ các Thánh Tử đạo Việt Nam, hẳn Kitô hữu Việt Nam không thể không hãnh diện về các bậc cha ông hiển thánh. Đây cũng là dịp để các đấng bậc trong Hội Thánh, cách riêng Hội Thánh Việt Nam nhắc nhủ đoàn con noi gương tiên tổ để rồi phát huy truyền thồng hào hùng chứng nhân. Can đảm, thanh thản trước cái chết vì chính đạo là một nghĩa cử đáng tuyên dương muôn đời. Có thể gọi các Ngài là những vị anh hùng. Tuy nhiên vẫn có đó nét khác biệt giữa các anh hùng tử đạo với các vị anh hùng dân tộc. Đồng thời cần minh định rõ để giới trẻ biết biện phân đâu là hành vi anh hùng quả cảm, đâu là hành vi điên khùng; đâu là hành vi can đảm và đâu là hành vi liều lĩnh.

Khi nói đến sự phân biệt là ta đã nhìn nhận có những điểm, những nét nào đó dường như tương đồng giữ hai điều cần phân biệt. Nếu không có sự tương đồng cách nào đó thì chẳng cần khổ công phân biệt vì sẽ khó mà nhầm lẫn khi người ta đã thấy rõ sự khác nhau. Nào chúng ta thử xem điểm nào tương đồng giữa một hành vi được gọi là can đảm và hành vi như là liều lĩnh.

Cả hai hành vi can đảm hay liều lĩnh đều biểu lộ sự “vượt khó”. Đó là thực hiện được những việc, những điều khó khăn vượt quá khả năng bình thường của con người. Làm một sự gì đó mà sẵn sàng đón nhận các gian nguy, chấp nhận cả cái chết vốn là điều không mấy ai có thể dễ dàng thực hiện. Nếu chỉ dừng lại ở tiêu chí “vượt khó” thì không thể phân biệt được đâu là hành vi can đảm đâu là hành vi liều lĩnh, vì cả hai đều hội đủ tiêu chí này. Cần phải so sánh hai hành vi ấy dựa trên một vài tiêu chí khác. Xin đan cử một tiêu chí dễ nhận biết như sau:

Việc làm ấy tốt hay xấu ? Dĩ nhiên để được gọi là can đảm thì việc ta làm phải là một việc tốt hoặc ít ra là không xấu nhưng đáng làm và nên làm. Chẳng hạn dấn thân vào biển lửa để cứu người trong trận hỏa hoạn ( việc tốt ) hay nỗ lực tập một kỳ tích để có tên vào danh sách những chuyện lạ ( có thể là việc tốt, cũng có thể là một việc tự nó không xấu ). Còn một hành vi liều lĩnh thì dù nó có khó khăn đối với nhiều người nhưng đó là hành vi xấu hoặc có thể là không xấu nhưng không đáng làm không nên làm. Lái xe lạng lách, đánh võng là việc khó đấy nhưng là việc xấu, như thế, đích thị là sự liều lĩnh. Ngoài ra có những việc tuy không xấu nhưng không đáng làm, không nên làm theo khả năng của mình, trong hoàn cảnh này, ở đây, lúc này thì nếu cứ làm thì quả là liều lĩnh.

Vẫn có đó nhiều người lầm tưởng rằng mình là anh hùng nhưng thực ra là “điên khùng”. Vì thế cần biết phân định để khỏi gây thiệt hại cho chính bản thân cũng như gây di hại cho tha nhân và xã hội cũng như Hội Thánh. Tuy nhiên vấn nạn xem ra nan giải tôi muốn gợi ý ở đây đó là nếu đã là việc tốt thì sao ? Có chăng có những việc tốt mà không đáng làm hoặc không nên làm ở đây và lúc này ? Nếu làm là liều lĩnh ? Vấn nạn này có thể dễ gây tranh luận lắm chứ, nhất là với những ai có hiểu biết luận lý và thích “luân lý”. Tự nhận khả năng mình có giới hạn, tôi không dám mạn bàn. Là con cái Chúa, ngắm nhìn cung cách hành xử của Đức Giêsu mà Tin Mừng tường thuật, tôi xin mạo muội trình bày chút thiển ý.

Có thể quả quyết cách chắc chắn rằng Đức Giêsu nhiều lần cố tình chữa bệnh trong ngày Sabat cho dù gặp phải sự phản kháng của nhiều người biệt phái, luật sĩ hay tư tế thời bấy giờ. Ngài không chỉ chấp nhận sự phản kháng của họ mà còn sẵn sàng đón nhận sự hận thù, căm phẫn của họ đến độ họ muốn tìm cách hại Ngài. Và những lời Ngài đưa ra để tranh luận với họ thường với dạng dồn đối phương vào thế chân tường. “Những kẻ đạo đức giả kia ! Thế ngày Sabat, trong các ngươi lại không cởi dây, dắt bò lừa rời máng cỏ đi uống nước ? Còn bà này, con cháu Abraham, đã bị ma quỷ trói cột đã 18 năm nay, thì chẳng lẽ lại không được cởi xiềng xích đó trong ngày Sabat sao ?” ( Lc 13,15-16 ). Căn cứ trên cung cách hành xử và lời của Đức Giêsu thì ta có thể xác định rằng ngày Chúa nhật, ngày thứ Hai, thứ Ba, thứ Tư… bất cứ ngày nào cũng phải làm điều tốt. Đã là điều tốt thì hình như không có các từ “để ngày mai”. Ngài còn dùng lối nói song đối trái nghĩa: “ Ngày Sabat được làm điều lành hay điều dữ, được cứu sống hay là giết chết ?” ( Mc 3,4 ). Qua lối nói song đối trái nghĩa này phải chăng Đức Giêsu muốn khẳng định rằng: không làm điều tốt hoặc bỏ qua một việc tốt trong khả năng, hoàn cảnh của mình là đã làm một điều xấu ? Không cứu người là đã giết người một cách nào đó chăng ? Tuy nhiên, có thể có người viện dẫn lý lẽ: tôi không có khả năng hay không đủ khả năng làm việc ấy; Tôi có khả năng nhưng hoàn cảnh chưa thích hợp, chưa thuận tiện. Chẳng có một quyết định, một thái độ sống nào mà không có lý do để bàu chữa.

Dẫu biết rằng, luôn có đó những người liều lĩnh những tưởng rằng mình là anh hùng. Nhưng cũng không thiếu nhiều vị can đảm, anh hùng thật sự mà đã hay đang bị gán nhãn mác là liều lĩnh, là khờ dại, hay bốc đồng… Có thể họ là những nguời mà ta có thể nói theo kiểu Nguyễn Bỉnh Khiêm: “ Ta dại, ta làm ngay điều tốt phải làm; Người khôn, người chờ cho đủ thiên thời, địa lợi, nhân hòa ”.

Xin phân định nét khác biệt giữa các vị anh hùng Tử đạo và các vị anh hùng dân tộc. Các vị ấy đều là những người can đảm, không chỉ dám mà đã thực sự làm được những sự khó “phi thường”. Các vi đã hy sinh bản thân vì chính đạo. Chết vì đức tin như Thánh Anrê Dũng Lạc hay hy sinh vì lý tưởng độc lập dân tộc như Lê Lai liều mình cứu chúa. Tất thảy đều vì chính đạo. Các Vị ấy đã làm những việc chính đáng và phải đạo, những việc tốt nên làm, đáng làm. Tuy nhiên vẫn có nét khác biệt giữa các Thánh Tử đạo và các anh hùng dân tộc. Khi chịu hy sinh vì chính đạo thì các Thánh Tử đạo thường an bình, vui vẻ đón nhận khổ hình và sẵn sàng tha thứ cũng như cầu nguyện cho những người đang làm hại mình. Trái lại, các vị anh hùng dân tộc khi chịu khổ hình thì lòng rất căm phẩn, kể cả hận thù những người làm hại mình. Các vị ấy có thể có những lời lẽ nguyền rủa đối với người làm hại mình kiểu như bảy anh em Do Thái chịu tử đạo mà sách Macabê kể lại.

Được làm anh hùng dân tộc quả là đáng quý, nhưng với Kitô hữu chúng ta thì sống như những “chứng nhân” vì chính đạo thì đáng quý hơn nhiều. Bởi vì đó cũng là một cách thế tử đạo dù không hay chưa được phong thánh. Dưới nhãn quan này thì đang có đó nhiều vị thánh tử đạo ẩn danh. Họ đã và đang làm việc tốt, việc phải làm, việc nên làm để cho Hội Thánh được ngày thêm tinh tuyền, để cho quê hương ngày thêm an bình, thịnh vượng. Cho dù gặp phải bao khó khăn, bao hiểu lầm, bao chống đối, chỉ trích lẫn sự bách hại cách này hay cách khác nhưng tấm lòng của họ luôn an bình, con tim của họ luôn mở ra với cả những người gây khó khăn, đau khổ cho họ.

Xin thành tâm kính phục và xin tri ân những vị anh hùng chưa được hiển danh ấy.
 
Mừng các Thánh Tử Vì Đạo Việt Nam
Matthêu Vũ
12:04 13/11/2008
Mừng các Thánh Tử Vì Đạo Việt Nam

Cơn bách đạo đời Vua Cảnh Thịnh.
Tự trong trìều có lệnh ban ra.
Bao nhiêu các Cố các Cha.
Bắt cho kỳ hết chẳng tha mgười nào.

Đoàn chiên Chúa gặp bao đau khổ.
Sống bơ vơ không có chủ chăn.
Sớm hôm lần chuỗi siêng năng.
Cầu xin Đức Mẹ đoái thương sự tình.

Ôi biết bao cực hình quái ác.
Cắt cổ bêu đầu xé xác phanh thây.
Người ngựa xéo kẻ voi giầy.
Người giam ngục tối kẻ đầy rừng sâu.

Thánhđường bị tịch thâu đóng cửa.
Ảnh tượng thì đốt lửa thiêu tan.
Mặc cho dân Chúa than van.
Mặc cho nước mắt chảy tràn biển khơi.

Giáo dân chẳng còn nơi lẩn tránh.
Rủ cùng nhau tạm lánh Lavang.
Nơi đây rừng rú xa xăm.
Khấn xin Mẹ Chúa Thiên Đàng cứu nguy.

Bỗng Đuc Mẹ từ bi hiện đến.
Khuyên vững tin cậy mến Chúa Trời.
Dù cho sóng gió tơi bời.
Các con sẽ được an vui xác hồn.

Còn những ai yếu mòn thể xác.
Bệnh lâu năm chẳng bớt chẳng thuyên.
Lá cây rửa sạch nấu lên.
Nghe lời Mẹ dạy uống liền tiêu tan.

Thánh Tử Đạo Việt Nam oai dũng.
Giữ Đức Tin kiên vững sáng ngời.
Mặc cho máu chảy đầu rơi.
Nêu gương can đảm mọi thời soi chung.

Xin các Thánh cầu cùng Thiên Chúa.
Cho quê hương vui hưởng thanh bình.
Từ thôn quê đến thị thành.
Yêu người mến Chúa phúc vinh muôn đời...
 
Trung tín và chân thành
Anmai CSsR
12:09 13/11/2008
TRUNG TÍN VÀ CHÂN THÀNH

Chúa nhật 33 thường niên Cn 31, 10-13, 1 Tx 5 1-6; Mt 25, 14-30

Mở đầu cho bài chia sẻ linh đạo của Dòng Chúa Cứu Thế trong đợt thường huấn thường kỳ, Cha đặc trách văn phòng Linh Đạo kể một câu chuyện về người cha của mình cho anh em trong Dòng cùng nghe. Ngài là người gốc Ấn Độ, sau khi qua Rôma tu học được giữ lại phục vụ nhà dòng trong văn phòng Linh Đạo. Câu chuyện về người cha của Ngài ngắn gọn nhưng câu chuyện ấy để lại trong anh em nhiều điều đáng suy nghĩ. Chuyện là cha của Ngài từ ngày làm việc cho đến ngày nghỉ hưu thì ông cụ chỉ làm cho duy nhất 1 công ty. Khi công ty chuyển đến bang nào thì cụ cùng gia đình chuyển đến bang đó để làm việc tiếp tục.

Nghe qua câu chuyện của ông cố thì nhiều người cho rằng ông cố là người “dở hơi” thế nhưng thật sự những người nhận định ông cố là “dở hơi” thì chính họ mới là người dở hơi thật sự. Mỗi người đều có cái lý cái lẽ của riêng mình. Ông cố chọn làm trong 1 công ty chắc có lẽ có cái lý, cái lẽ riêng của ông cố. Ông cố đã coi công ty ấy như là gia đình mình vậy để coi như gần cả đời gắn bó với công ty ấy. Và chắc chắn rằng, khi ông cố gắn bó với công ty như vậy thì những người lãnh đạo, có trách nhiệm cũng sẽ gửi lại phần lương xứng đáng cho lòng trung tín, sự chân thành của ông cố với công ty.

Ngày hôm nay, thử hỏi các bạn trẻ ra trường bám trụ được công ty của mình được bao năm. Có vài người bạn còn liên lạc sau ngày ra trường tôi được biết rằng trong 5 năm mà họ đã đổi 4 công ty. Không cần hỏi thì ai ai cũng biết rằng họ sẽ không được công ty đối đãi hậu hỷ như những người trung thành, những người có thâm niên hoạt động lâu năm. Ngày nay, giới trẻ đã không còn trung tín và chân thành như ông cố xưa kia nữa.

Ngài kể câu chuyện ấy để gởi đến bài học về lòng trung tín.

Ngày hôm nay người ta không còn trung tín với lời khấn dòng nữa, người ta không còn trung tín với những gì người ta chọn lựa tự ban đầu nữa. Không chỉ trong đời tu mà đời thường cũng thế, người ta không còn trung tín với nhau nữa. Tưởng chừng là đơn giản nhưng mà ngày hôm nay tìm được người trung tín quả là điều khó.

Mới đây, được biết một doanh nhân nọ buồn lắm khi mà dưới trướng của mình bỏ đi mất 4 người. Đau đớn ở chỗ là 4 người ấy đến 4 cơ quan khác mà 4 cơ quan đó có ngành nghề kinh doanh với cơ quan mà họ đã ra đi. Những người này ít nhiều có thâm niên gắn bó với cơ quan cũ, được ông chủ tín mhiệm và ưu ái hơn những nhân viên khác nên sự ra đi của các nhân viên này đã để lại trong lòng ông chủ một khoảng trống, một sự mất mát nào đó.

Thật ra, đến một lúc nào đó, con người có quyền thay đổi vì họ có quyền tự do của họ và cũng bình thường nếu không có người này thì ông chủ thuê người khác thôi. Quy luật của cuộc sống đó là điều hết sức bình thường. Người ta vẫn thường nói với nhau “không mợ - chợ cũng đông. Đúng như vậy nhưng mà xét về khía cạnh, về mặt con người nó làm sao đó. Nó còn có cái gì đó cái tình, cái nghĩa, cái lòng trung tín, cái lòng chân thành của con người có với nhau.

Vì con người có cái tình, cái nghĩa, cái lòng trung tín, cái sự chân thành nên ngày hôm nay Chúa mượn cái lòng trung tín, sự chân thành của con người để gợi lên lòng trung tín và chân thành mà con người nên có hay nói đúng hơn là phải có với Thiên Chúa là Cha của mình.

Trang Tin mừng theo Thánh Matthêu mà chúng ta vừa nghe đã gợi lại cho chúng ta về lòng chân thành và trung tín đó. Phải nói là ông chủ này trên cả tuyệt vời. Ông tin tưởng và rất tinh tế khi giao tài sản cho các đầy tớ trước khi ông đi xa. Ông rất nhạy cảm, ông rất tế nhị trước khi giao. Ông biết khả năng, ông biết sức lực của từng đầy tớ và ông không bao giờ ép ai cả. Ông tin tưởng giao và ông vui vẻ lên đường đi công chuyện của mình.

Chúng ta thấy kết cục của câu chuyện thật là hay. Nó đã diễn ra không như bình thường, nó đã diễn ra không như mọi người nghĩ. Những người được trao trọng trách nặng nề tưởng chừng như không hoàn thành hay khó hoàn thành nhưng kết cục kết quả mỹ mãn hơn cả mong đợi. Những người được trao nhiệm vụ nhỏ bé, nhẹ nhàng nhưng cuối cùng lại không hoàn thành. Tại sao những người được trao nhiều mà họ lại hoàn thành một cách quá mỹ mãn. Phải chăng là họ có một lòng trung tín cao độ với ông chủ của mình, người đầy tớ trung tín đã sống trọn nghĩa vẹn tình với chủ của mình đến mức quá chân thành. Không bao giờ họ so đo tính toán với ông chủ của mình. Nếu như họ so đo, họ vun vén thiệt hơn thì ắt hẳn họ sẽ tính toán từng ly từng tý chứ không bao giờ mà họ làm ra số lợi ngoài sự mong đợi của ông chủ.

Phán quyết cuối cùng của ông chủ là lấy của những người làm biến, những người không trung tín, những người không trung thành để cho thêm những người trung tín và chân thành.

Phải nói rằng trang Tin mừng hôm nay, câu chuyện ông chủ đi xa hôm nay mà chúng ta vừa nghe sao mà nó quá hiện thực với đời thường của mỗi người chúng ta. Tất cả mọi người trong chúng ta, ai ai cũng thích sống sống trung tín và chân thành hết nhưng những cạm bẫy, những cám dỗ của cuộc đời nó làm cho chúng ta chùn bước.

Ngay như trong đời sống vợ chồng ngày nay. Phải đau lòng mà nói là khó tìm được những đôi vợ chồng trung tín. Không phải là kém may mắn để gặp phần đông là gia đình có chuyện hơn là gia đình không có chuyện chăng nhưng mà thật sự mà nói thì thấy vậy. Nhiều và rất nhiều đôi, khi mới cưới nhau về thì quấn quýt, lo lắng cho nhau nhưng rồi khi về ở với nhau được một thời gian bỗng dưng họ chán nhau, họ không còn giữ lòng trung tín với nhau nữa. Và khi đánh mất lòng trung tín thì làm gì mà còn có sự chân thành.

Thật ra mà nói, ngày hôm nay người ta thiếu sự trung tín với nhau và từ thiếu trung tín nó đã nảy sinh ra quá nhiều vấn đề trong cuộc sống.

Vợ chồng không còn trung tín nữa, đánh mất đi tính chất thuỷ chung của tình nghĩa vợ chồng để rồi sống với nhau đôi khi chỉ là cái bề mặt. Sống với nhau những ngày còn lại cho có thôi chứ không còn cái chất, cái nghĩa vợ chồng bên dưới của đời sống gia đình nữa. Vợ chồng sống như thế, thiếu sự chân thành thì làm sao giấu được con cái. Con cái biết được cha mẹ chúng sống như thế thì cuối cùng chúng cũng sống như thế thôi. Chúng cũng sống nhưng mà sống hời hợt, sống thiếu sự chân thành với ông bà cha mẹ và đối với nhau nữa.

Đời sống cộng đoàn ngày nay cũng thế ! Người ta đánh mất sự trung tín để rồi cũng chẳng chân thành với nhau. Cuối cùng họ sống với nhau với cái bề ngoài vì họ đánh mất sự chân thành.

Nguyên nhân vì sao người ta đánh mất lòng trung tín, đánh mất sự chân thành ?

Con người ngày nay đã đánh mất đi lòng trung tín và lòng chân thành với Thiên Chúa là Chúa của mình để rồi hậu quả kéo theo là họ đánh mất lòng trung tính và sự chân thành với anh chị em đồng loại. Thử hỏi, trong cuộc sống này ai muốn mình phải thiếu thốn vật chất, thiếu thốn điều này điều nọ trong cuộc sống hay là phải gặp chuyện buồn này chuyện rủi kia. Thế nhưng, họ không nhận ra đó là những thử thách, những thập giá mà Chúa gửi đến để tôi luyện con người.

Có khá nhiều tâm trạng khi Chúa để xảy đến những chuyện thử thách đã bỏ Chúa, đã xem bói, đã bỏ Chúa để đi theo đạo khác để mà những vị thần thánh ở những đạo đó giúp cho họ thoát khỏi cái tai ương của họ. Thế nhưng làm gì mà có chuyện bỏ đạo này qua đạo khác để con người được như lòng sở tại. Nếu không khéo, cuối cùng họ quay quắt trong cái lòng tham, cái lòng ích kỷ của họ để rồi chẳng có Chúa, chẳng có thần nào để họ theo và mãi mãi họ sống trong tâm trạng thất tín, bất trung với Chúa là Chúa của mình.

Phần chúng ta, chúng ta dừng lại ít phút của cuộc đời. Chẳng ai muốn tôi phải rơi vào hoàn cảnh này hoàn cảnh kia cả nhưng rồi nhìn kỹ lại trong sâu lắng của cuộc đời, diện đối diện với Chúa. Chúng ta nhìn kỹ xem, Chúa thương chúng ta lắm. Chúa ban cho chúng ta không những 5 nén như người đầy tớ được giao nhiều nhất trong nhóm đầy tớ trong Tin mừng nhưng nhiều khi Chúa giao cho chúng ta 10, 20 nén đó. Chuyện quan trọng là chúng ta không chịu mở mắt ra để nhìn thấy ơn huệ, nhìn thấy phúc lành của Chúa tuôn đổ trên cuộc đời chúng ta đó thôi.

Trang tin mừng hôm nay là cơ hội để chúng ta đối diện với Chúa, đối diện với chính mình xem có đúng không rằng Chúa quá yêu chúng ta, Chúa quá thương chúng ta và Chúa ban cho chúng ta qúa nhiều nén bạc vậy mà bao năm qua chúng ta không nhận ra, bao năm qua chúng ta vô tâm vô tình chôn vùi chúng trong lòng đất.

Thời gian nó cứ trôi trôi đi mãi chẳng bao giờ nó chờ đợi ai đâu và rồi, mỗi người chúng ta sẽ phải đối diện với Thiên Chúa, chúng ta đối diện với ngày chung thẩm chung. Thế nhưng, trước khi đối diện vớ ngày chung thẩm chung đó chúng ta phải đối diện với ngày chung thẩm của cá nhân mỗi người chúng ta. Và như Thánh Phaolô tông đồ trong thư gửi tín hữu Thessalônia: “Thưa anh em, về ngày giờ và thời kỳ Chúa đến, anh em không cần ai viết cho anh em. Vì chính anh em đã biết rõ: ngày của Chúa sẽ đến như kẻ trộm ban đêm. Khi người ta nói: "Bình an biết bao, yên ổn biết bao! ", thì lúc ấy tai hoạ sẽ thình lình ập xuống, tựa cơn đau chuyển bụng đến với người đàn bà có thai, và sẽ chẳng có ai trốn thoát được. Thưa anh em, anh em không ở trong bóng tối, để ngày ấy như kẻ trộm bắt chợt anh em. Vì tất cả anh em là con cái ánh sáng, con cái của ban ngày. Chúng ta không thuộc về đêm, cũng không thuộc về bóng tối. Vậy chúng ta đừng ngủ mê như những người khác, nhưng hãy tỉnh thức và sống tiết độ.

Thế đấy ! Ngày Thiên Chúa đến mời gọi mỗi người chúng ta về trình diện với Chúa y như kẻ trộm vậy, chẳng biết ngày nào và giờ nào cả. Tốt hơn hết, như lời thánh nhân mời gọi, mỗi người chúng ta hãy làm hết sức mình, hết lòng mình để tất cả những gì Ông Chủ đã tin tưởng giao phó cho chúng ta đều sinh lợi ngoài sự mong đợi của Ông Chủ, của mọi người để ngày kia chúng ta được Ông Chủ vui vẻ đón mừng vào dự Tiệc Vui Trên Trời. Amen.
 
Chúa Muốn Con Làm Chi?
Tuyết Mai
12:10 13/11/2008
Chúa Muốn Con Làm Chi?

"Sau một thời gian lâu dài, ông chủ các đầy tớ ấy trở về và đòi họ tính sổ. Vậy người lãnh năm nén bạc đến, mang theo năm nén khác mà nói rằng: 'Thưa ông, ông trao cho tôi năm nén bạc, đây tôi làm lợi được năm nén khác'. Ông chủ bảo người ấy rằng: 'Hỡi đầy tớ tốt lành và trung tín, vì ngươi đã trung tín trong việc nhỏ, ta sẽ đặt ngươi làm những việc lớn, ngươi hãy vào hưởng sự vui mừng của chủ ngươi'. Người đã lãnh hai nén bạc cũng đến và nói: 'Thưa ông, ông đã trao cho tôi hai nén bạc; đây tôi đã làm lợi được hai nén khác'. Ông chủ bảo người ấy rằng: 'Hỡi đầy tớ tốt lành và trung tín, vì ngươi đã trung tín trong việc nhỏ, ta sẽ đặt ngươi làm những việc lớn, ngươi hãy vào hưởng sự vui mừng của chủ ngươi'. (Mt 25, 14-30).

Trước đây khi tôi đọc Phúc Âm cùng bài đọc trên tôi đã thật tình không hiểu là tại sao người chủ lại chia tiền không đồng đều như thế cho các đầy tớ của ông như vậy!? Người thì được 5 nén bạc, người thì 2 nén, người thì chỉ được có mỗi 1 nén bạc. Rồi thì người lãnh được 5 nén bạc đã ăn nên làm ra được thêm 5 nén bạc nữa! Người được 2 nén bạc cũng không thua gì với người được 5 nén bạc, và cả hai đều được người chủ khen thưởng. Còn người được chủ trao cho 1 nén bạc, biết chủ của mình là người keo kiệt nên đem chôn dấu nén bạc đợi khi chủ về thì trả lại cho ông, và bị ông chủ trách mắng, bảo các đầy tớ khác ném hắn ra ngoài vì là thứ đầy tớ vô dụng.

Nhưng hôm nay tôi đã hiểu ý của Chúa tôi khi dậy chúng ta bài học trên như thế nào! Bởi chúng ta đây, tất cả Chúa sinh ra mỗi người mỗi khác. Mỗi người Chúa ban cho một khả năng riêng biệt, không ai giống ai, và tôi thiết nghĩ đó lại là điều hay khi Thiên Chúa tác tạo chúng ta nên như thế! Để tất cả được hòa hợp cùng với nhau, tạo thành một đại gia đình, mà mỗi người một công việc, một bổn phận, và một trách nhiệm khác nhau, để bổ túc cho nhau, và như vậy chúng ta mới cảm thấy rằng tất cả chúng ta ai cũng phải cần đến nhau, và không ai có thể đứng một mình được cả!? Mỗi người có một phần hành khác nhau. Mỗi người đều có một chức vụ khác nhau. Mỗi người có một cái nhìn khác nhau. Mục đích là để có thể thảo luận, chia sẻ, thông cảm, hiểu nhau hơn, tương trợ nhau một cách tích cực hơn, để trong một đại gia đình có tôn ti trật tự, có trên có dưới, có lớn có nhỏ, có luật có lệ rõ ràng, để nghiêm chỉnh thi hành, không nổi loạn, không chống đối, không thưa gởi, không nhức cái đầu? Nếu có thì hy vọng đấy chỉ là chuyện nhỏ không đáng kể?

Anh chị em thử tưởng tượng xem, nếu Chúa ban cho tất cả thế giới ai trong chúng ta cũng giỏi xuất chúng, tất cả đều là Đức Giáo Hoàng, hay bác sĩ, phi hành gia, luật sư, dược sĩ, kỹ sư, thương gia,. ... thì ai sẽ là y tá, ai sẽ là bệnh nhân, ai sẽ là phu quét rác, ai sẽ là ca sĩ, ai sẽ là bồi bàn, và. ...? Nếu thế chắc hẳn Chúa chẳng tạo dựng nên chúng ta làm con người nữa mà làm gì!? Sao Chúa lại không tạo nên chúng ta là những con người máy tất cả đều có (function) những bộ phận giống nhau, để Chúa khỏi phải nhức đầu vì chúng ta, và có phải Thiên Chúa Cha cũng cảm thấy rất khoẻ, Ngài không cần phải cho con một của Ngài là Đức Chúa Giêsu xuống trần, sống nghèo, giảng Tin Mừng, và chết trên Thập Giá vì loài người chúng ta làm gì!?? Ngài cũng chẳng cần phải làm ra 10 điều răn để con người giữ và tuân theo làm chi, bởi người máy cái nào hư thì Ngài vứt vào sọt rác và biến cái khác thay thế ngay, thưa có đúng không?

Rồi thì sao Thiên Chúa lại cho chúng ta có giai cấp trong xã hội mà làm gì? Sao Chúa lại không cho tất cả được giầu có giống nhau hết? Hay trung lưu? Hay nghèo khổ hết? Để không ai phân bì ai!? Để không ai tranh dành ai!? Để không ai đem gây chiến, chém giết lẫn nhau!? Mục đích của sự sai biệt trong giai cấp xã hội quá chênh lệch mà chúng ta thấy hằng ngày là ý của Chúa muốn chúng ta làm gì? Ai sẽ biết được ý Chúa muốn? Có phải đó là lý do mà Chúa ban phát cho mỗi người chúng ta nén bạc khác nhau hay không? Bởi có phải Chúa ban cho ai nhiều thì Chúa sẽ đòi hỏi người ấy nhiều? Và Chúa ban cho ai ít thì Chúa sẽ đòi hỏi kẻ ấy ít? Và người mà Chúa ban cho 1 nén bạc theo tôi hiểu là những người có cuộc đời hay cuộc sống bất hạnh trong đời, thay vì khả năng Chúa ban cho đặc biệt ở điểm nào đó, nhưng thay vì họ dùng khả năng Chúa ban cho để làm cho nên tốt đẹp và chấp nhận với cuộc sống của mình một cách vui vẻ, thì họ lại kêu ca, than thân trách phận, rồi lại than phiền và trách cứ cả Chúa nữa, là tại sao Chúa lại cho họ có mặt trên cõi đời này làm gì!? Mà họ lại quên hẳn đi cái cùng đích và ý Chúa muốn trên người đó! Có những con người khuyết tật mà tôi được chứng kiến họ sống rất là mạnh mẽ, hạnh phúc, và luôn vui vẻ. Nhìn cuộc đời của những con người này, tôi thấy mình thật nhỏ bé, và rất hèn. Đụng một chút thì kêu la như người ăn mày đổ ruột. Vâng cuộc sống của những con người này, quả thật họ phi thường, và tràn đầy tình yêu Thiên Chúa trong họ.

Chúa biết chúng ta làm được những gì nên Chúa đã ban cho chúng ta chừng ấy! Ăn thua chúng ta phải biết khai phá và làm tất cả trong tâm tình yêu mến, và dùng hết khả năng Chúa ban, để làm lời cho Chúa. Quả thật trên đời chúng ta cũng rất cần nhìn thấy những tấm gương tốt để chúng ta noi theo, như các Thánh Tử vì Đạo, như các Thánh Nam Nữ cũng có một cuộc đời quá khứ tội lỗi như chúng ta vậy! Như những con người ngoài đời cũng tầm thường cũng nghèo khổ như chúng ta, nhưng cuộc sống hiền lành bác ái thánh thiện của họ cũng đã cảm và làm cho chúng ta mến mộ nhiều lắm!

Ước mong sao, những nén bạc Chúa ban cho chúng ta, được dùng vào những việc hữu ích, không phung phí, không ươn lười, không vô dụng, không làm gương mù gương xấu cho anh chị em mình, để mai sau khi được Chúa tính sổ, chúng ta sẽ không sợ hãi như người đầy tớ vô dụng kia, mà được Thiên Chúa khen thưởng, ban cho cuộc sống hạnh phúc, vĩnh cữu muôn đời trên Nước Hằng Sống, Amen.
 
Hạt lúa gieo vào lòng đất
LM Inhaxiô Trần Ngà
12:13 13/11/2008
KÍNH TRỌNG THỂ CÁC THÁNH TỬ ĐẠO TẠI VIỆT NAM

Hạt lúa gieo vào lòng đất

"Thật, Thầy bảo thật anh em, nếu hạt lúa gieo vào lòng đất mà không chết đi, thì nó vẫn trơ trọi một mình; còn nếu chết đi, nó mới sinh được nhiều hạt khác.25 Ai yêu quý mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai coi thường mạng sống mình ở đời này, thì sẽ giữ lại được cho sự sống đời đời.26 Ai phục vụ Thầy, thì hãy theo Thầy; và Thầy ở đâu, kẻ phục vụ Thầy cũng sẽ ở đó. Ai phục vụ Thầy, Cha của Thầy sẽ quý trọng người ấy."(Gioan 12,24-26)

Hôm ấy, có người nông dân mang thóc giống gieo trên thửa ruộng của mình. Đang khi gieo thì trời nổi gió lớn. Có nhiều hạt rơi xuống ruộng bùn nhưng cũng có nhiều hạt bị gió thổi bạt lên vệ đường kề bên.

Bấy giờ những hạt giống nằm trên vệ đường khô ráo cảm thấy mình quá hên so với bao nhiêu hạt thóc bạn đang phải ngoi ngóp ngụp lặn dưới bùn, bèn tỏ lòng thương hại và an ủi các bạn thóc dưới sình bằng những lời ngạo mạn: “Đáng thương thay thân phận khốn khổ của các anh. Đang khi chúng tôi đây thì được ở nơi khô ráo ngon lành, còn các anh lại phải chìm lĩm trong vũng bùn tanh tưởi. Đang khi chúng tôi được tắm mình dưới nắng, thì các anh lại phải ngụp lặn trong chốn tối tăm. Đang khi chúng tôi được nhìn ngắm bầu trời xanh, nhìn ngắm những bông hoa tươi đẹp bên vệ đường thì các anh chẳng thấy gì, chẳng biết gì … Cuộc đời chúng tôi đầy hào quang, còn cuộc đời các anh đang tàn tạ. Bất hạnh thay cho các anh!…”

Hạt lúa ấy vừa dứt lời thì bỗng đâu có một bàn chân nặng nề dẫm đạp lên mình nó, khiến nó bị gãy đôi. Sau đó, những bánh xe từ xa chạy đến, lạnh lùng chà nát nó và những hạt lúa khác nát tan. Những hạt lúa may mắn còn nguyên vẹn lại hoá thành mồi ngon cho côn trùng và chim chóc!

Trong khi đó, những hạt lúa tưởng là bất hạnh chìm lĩm trong bùn, thì qua vài hôm sau đã ngoi lên thành những mầm non đầy sức sống. Những mầm non ấy vươn lên phơi phới, triển nở thành những bụi lúa sum suê. Không đầy ba tháng sau, từ một hạt lúa nhỏ nhoi chìm ngập trong bùn, nó trở thành những bông lúa thơm tho tuyệt đẹp, kết thành hàng trăm hạt vàng khoe mình dưới nắng.

Ai ngờ một hạt lúa bất hạnh chìm nghỉm trong bùn, tưởng chừng như đã hư thối mà nay lại chuyển hoá thành hàng trăm hạt vàng mẩy chắc ngon lành như thế! Thật là một điều kỳ diệu và là một bài học quý báu cho chúng ta. Bài học đó người đời không biết đến, nhưng Chúa Giê-su đem ra dạy chúng ta: “Thật, Thầy bảo thật anh em, nếu hạt lúa gieo vào lòng đất mà không chết đi, thì nó vẫn trơ trọi một mình; còn nếu nó chết đi, nó mới sinh được nhiều hạt khác.” Một bài học đơn sơ ngắn gọn nhưng lại chứa đựng một chân lý tuyệt vời. Nhưng Chúa Giê-su không chỉ dạy chúng ta biết chân lý rồi để đó. Người muốn chân lý nầy được đem ra áp dụng để đời sống chúng ta được dồi dào phong phú hơn. Thế nên Người dạy tiếp: “Ai yêu quý mạng sống mình thì sẽ mất; còn ai coi thường mạng sống mình ở đời nầy, thì sẽ giữ lại được cho sự sống đời đời” Nói như thế, Chúa Giê-su không muốn chúng ta tồn tại như một hạt lúa nằm trơ trọi trên vệ đường khô ráo. Người muốn chúng ta hãy chấp nhận thân phận của một hạt lúa bị vùi lấp trong bùn, để nhờ đó đặt tới hạnh phúc và thắng lợi. Khi bước chân vào đời, mang lấy thân phận con người giữa cuộc đời ô trọc, Chúa Giê-su đã chấp nhận thân phận hạt lúa bị vùi dập trong bùn đất. Người để cho người ta nghiền tán, vùi lấp Người, huỷ diệt Người. Người đời tưởng rằng họ đã tiêu diệt Đức Giê-su, xoá sổ Đức Giê-su, tưởng rằng Chúa Giê-su sẽ bị mục rã trong lòng đất… nhưng họ đã lầm. Thay vì huỷ diệt Đức Giê-su, họ đã giúp Người đạt tới vinh quang và thắng lợi. Qua cái chết, Người tiến vào cõi sống; qua thập giá Người đi đến vinh quang và hiển trị đời đời! Theo bước chân Chúa Giê-su, các thánh tử đạo đã vui lòng chấp nhận thân phận hạt lúa bị ném xuống bùn. Các ngài chấp nhận từ bỏ vinh hoa phú quý người đời hứa hẹn, từ bỏ nhà cửa ruộng vườn, xa lìa cha mẹ vợ con gia đình thân thuộc, chấp nhận xiềng xích, gông cùm, tù ngục, đòn vọt và sẵn sàng hy sinh mạng sống, sẵn sàng đổ máu đào làm chứng cho Đức Ki-tô… Người đời tưởng rằng các ngài bị thua thiệt, bị mất mát, bị diệt vong… nhưng họ có ngờ đâu, các ngài đang khải hoàn chiến thắng và sống mãi trong hạnh phúc vinh quang. Nhờ dòng máu các ngài đổ ra, đời sống Đức tin ngày càng tiến triển, Giáo Hội được lan rộng đến khắp mọi miền đất trên thế giới. Đó là điều Chúa Giê-su đã tiên báo từ xưa: "nếu hạt lúa gieo vào lòng đất mà không chết đi, thì nó vẫn trơ trọi một mình; còn nếu chết đi, nó mới sinh được nhiều hạt khác."

Hôm nay, một khi đã khám phá điều kỳ diệu của hạt lúa chìm trong bùn đất, chúng ta không sợ thua thiệt vì phải làm chứng cho Đức tin, không sợ đau khổ mất mát vì hiến thân cho lý tưởng tông đồ. Chúng ta sẵn sàng chấp nhận thân phận hạt lúa bị gieo vào bùn đất như “hạt-lúa-Giê-su”, như “hạt-lúa-các-thánh-tử-đạo”, bằng lòng chấp nhận con đường thập giá, bằng sẵn sàng hiến mình để phục vụ Tin Mừng... Nhờ đó, mai đây, chúng ta sẽ đạt tới vinh quang và thắng lợi với Chúa Giê-su như lời Người phán: “Ai phục vụ Thầy thì hãy theo Thầy”… để rồi “Thầy ở đâu thì kẻ phục vụ Thầy cũng sẽ ở đó.”
 
Lễ các thánh Tử đạo Việt nam: Sống vì Đạo
+ TGM Giuse Ngô Quang Kiệt
12:15 13/11/2008
Lễ các thánh Tử đạo Việt nam ( CN 33 TN )

SỐNG VÌ ĐẠO

I. TẤM BÁNH LỜI CHÚA

Lc 9, 23-26: Rồi Đức Giê-su nói với mọi người: "Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo. Quả vậy, ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì tôi, thì sẽ cứu được mạng sống ấy. Vì người nào được cả thế giới mà phải đánh mất chính mình hay là thiệt thân, thì nào có lợi gì ? Ai xấu hổ vì tôi và những lời của tôi, thì Con Người cũng sẽ xấu hổ vì kẻ ấy, khi Người ngự đến trong vinh quang của mình, của Chúa Cha và các thánh thiên thần.

II. TẤM BÁNH CHIA SẺ

Chúng ta đang sống trong một xã hội văn minh vật chất. Khuynh hướng tìm chiếm hữu, hưởng thụ, an nhàn là rất mạnh. Thế mà Lời Chúa hôm nay kêu gọi ta phải từ bỏ mình, phải vác thập giá, phải hi sinh mạng sống. Phải chăng Chúa muốn ta tàn lụi đi ? Hay Chúa muốn ta trở nên dại dột ? Thưa không phải như thế. Chúa khuyên bảo ta hãy biết từ bỏ mình vì lợi ích của ta.

Chúa chỉ đường cho ta đến những giá trị cao quí hơn. Trong đời sống, cơm áo gạo tiền là cần là quí. Nhưng còn những thứ cao quí hơn. Ví dụ như danh dự, tình yêu, lòng chung thủy. Mạng sống là quí. Nhưng có những giá trị còn cao quí hơn. Ví dụ như đức tin, tổ quốc. Thân xác là quí. Nhưng linh hồn còn cao quí hơn. Vì thế, khi không thể chọn cả hai, ta phải biết chọn những giá trị cao quí hơn.

Chúa chỉ đường cho ta đến những giá trị bền vững hơn. Vật chất là quí. Nhưng giá trị của nó không lâu bền. Chết rồi ta chẳng mang theo được vật chất theo mình. Những giá trị tinh thần bền vững hơn. Dù chết rồi vẫn còn tồn tại. Tục ngữ có câu: “Cọp chết để da, người ta chết để tiếng”. Cuộc sống đời này là quí. Nhưng cuộc sống đời này không kéo dài lâu. Cuộc sống đời sau mới trường tồn vĩnh cửu. Khi không thể chọn lựa mọi giá trị, ta phải biết lựa chọn những giá trị có tính cách vĩnh cửu.

Chúa chỉ cho ta đường đến với Thiên Chúa. Thiên Chúa là nguồn mạch mọi sự thiện hảo. Chọn Chúa là chọn những gì tốt đẹp nhất. Chúa là giá trị cao quí nhất. Chúa là giá trị vĩnh cửu nhất. Chúa là hạnh phúc hoàn hảo nhất. Hạnh phúc ở nơi Chúa làm ta no thỏa. Hạnh phúc ở nơi Chúa không bao giờ tàn lụi. Hạnh phúc ở nơi Chúa cho ta đạt được mọi ước mơ của con người.

Chúa chỉ cho ta con đường đi theo Chúa. Khi dậy dỗ ta, Chúa Giêsu không nói suông. Chính Người đã thực hành. Người đã từ bỏ mình, vác thánh giá. Người đã liều mạng sống, chịu chết vì chúng ta. Người đã từ bỏ tất cả những giá trị trần gian để vâng theo thánh ý Đức Chúa Cha. Cuối cùng Người lại được tất cả. Chết rồi được phục sinh. Tự hủy mình ra không lại được trở thành Vua vũ trụ. Người đã từ bỏ tất cả, nay Đức Chúa Cha lại ban cho Người tất cả, khi đặt mọi sự dưới chân Người.

Yêu mến Chúa và vâng theo Lời Chúa, các thánh Tử đạo Việt nam đã đi theo con đường của Chúa. Để bảo vệ đức tin, các ngài đã chịu mất tất cả cuộc sống an vui, mất danh vọng chức quyền, mất nhà cửa của cải. Vì hiểu rằng rằng đức tin là gia tài cao quí nhất. Hướng về sự sống đời sau, các ngài đã sẵn sàng chịu giam cầm, chịu nhục nhã, chịu hành hạ đau đớn. Vì biết rằng những đau khổ đời này rồi sẽ qua đi, hạnh phúc đời sau mới vĩnh cửu. Để trung thành với Chúa, các ngài sẵn sàng chịu mất mạng sống. Vì biết rằng Chúa sẽ ban lại sự sống mới, sự sống vĩnh cửu cho các ngài. Các ngài thật can đảm. Vì khi chọn lựa và từ bỏ như thế, phải chịu nhiều đau đớn, khổ nhục. Đó là chọn lựa tuyệt đối quyết liệt, dám liều mất cả mạng sống cho sự lựa chọn của mình. Các ngài thật khôn ngoan. Đã biết từ bỏ cái tầm thường để lựa chọn điều cao quí. Đã biết từ bỏ cái tạm bợ để lựa chọn điều vĩnh cửu. Đã biết từ bỏ những giá trị tương đối để lựa chọn Chúa là giá trị tuyệt đối.

Cuộc sống hôm nay cũng đặt chúng ta trước nhiều lựa chọn. Để sống đúng lương tâm công giáo, ta phải chối từ những mối lợi bất chính. Để chu toàn luật Chúa, ta phải từ chối những hưởng thụ ngọt ngào. Để thực hành luật yêu thương tha thứ, ta phải cắn răng chịu nhịn nhục. Để chọn Chúa, ta phải mất chức tước danh vọng. Để đi theo Chúa, ta phải vác thánh giá. Những lựa chọn đó nhiều khi khiến lòng ta đau đớn như bị vết thương. Vết thương rỉ máu âm ỉ suốt cuộc đời. Những lựa chọn đó nhiều khi khiến ta rơi lệ. Những dòng lệ đau đớn xót xa. Đó thực là những cuộc tử đạo. Cuộc tử đạo không thấy máu. Vì máu chỉ ri rỉ trong tâm hồn. Cuộc tử đạo không thấy lệ. Vì lệ đã nuốt ngược vào trong. Máu ri rỉ đau đớn nhức nhối lắm. Lệ nuốt vào cay đắng lắm. Để lựa chọn như thế phải có ơn khôn ngoan của Chúa. Để lựa chọn như thế cần có ơn sức mạnh của Chúa. Nhưng có lựa chọn như thế ta mới xứng đáng là môn đệ Chúa và xứng đáng là con cháu các thánh anh hùng tử đạo. Chính những lựa chọn đó đem lại cho ta sự sống đích thực. Chính những lựa chọn đó đưa ta đến hạnh phúc vĩnh cửu.

III. TẤM BÁNH HÓA NHIỀU

1- Tại sao Chúa bảo ta phải từ bỏ mình ? Chúa muốn ta tàn lụi hay phát triển ?
2- Các thánh tử đạo đã theo Chúa cho đến cùng. Ta có thực sự theo Chúa Giêsu, Đấng chịu khổ hình, vác thánh giá và chịu chết không ?
3- Thời nay không còn cấm đạo, không còn giết người có đạo, bạn nghĩ rằng thời nay sống đạo dễ hơn xưa không ?
 
'Hãy làm việc này mà nhớ đến Ta'
Giuse Bùi Huy Minh
12:32 13/11/2008
'Hãy làm việc này mà nhớ đến Ta'

Này bạn có khi nào bạn tự hỏi chính mình làm sao cảm nhiệm được nên một với Chúa khi rước mình máu Chúa vào lòng mỗi khi tham dự Thánh Lễ không? Có phải để được nên một với Chúa là tôi và bạn phải tham dự Thánh Lễ, xưng tội giữ tâm hồn trong sạch là đủ không? hay chầu mình Thánh Chúa hằng giờ, nói theo khoa học một chút, thì khi người ta ăn hay uống bất cứ một cái gì vào trong cơ thể, thì lập tức cơ thể sẽ phân chia các chất dinh dưỡng nào bổ cho bộ phận nào trong cơ thể về chỗ đó ngay, có đúng như vậy không hả bạn? Điều này giữa tôi và bạn thừa hiểu được. Vậy tại sao khi tôi rước Mình Máu Chúa vào trong lòng mỗi khi tham dự Thánh Lễ tôi vẫn không sao cảm nhiệm tôi được nên một với Chúa vậy, WHY? (tại sao?) Nếu bạn cũng có cùng lối suy tư như tôi thì chắc chắn bạn cũng đã từng đặt ra câu hỏi cho chính mình rồi...

Sau một chuyến đi thăm Rôma trở về, sau mấy hôm địa phận Worcester nơi tôi đang sinh sống có tổ chức một ngày kết thúc năm Thánh Thể của địa phận, tôi đã đi tham dự ngày lễ đó. Hôm ấy không biết là vô tình hay là ngày Chúa đã hẹn gặp gỡ tôi để trả lời những gì chính tôi đã hỏi Ngài.

- "Lạy Chúa ! làm sao để được nên một với Chúa qua Bí Tích Thánh Thể khi con rước Chúa vào trong lòng con mỗi khi con tham dự Thánh Lễ?"

Câu hỏi ấy đã đi sâu vào tâm trí tôi kể từ khi tôi nhận biết Thiên Chúa qua đời sống cầu nguyện hằng ngày với Kinh Thánh, trên một cuốn sách nhỏ của buổi lễ hôm ấy tôi vô tình đọc được một hàng chữ rất quen thuộc mà tôi thường được nghe mỗi lần tôi tham dự Thánh Lễ. "DO THIS IN MEMORY OF ME" (Hãy làm việc này mà nhớ đến Ta). Không biết tại sao lúc ấy tôi hết sức ngậm ngùi nghẹn ngào và tôi đã khóc thật nhiều chỉ vì một dòng chữ quá đỗi quen thuộc mà tôi coi thường không để ý đến, tâm hồn tôi xao động mạnh suốt một ngày hôm ấy và niềm vui dâng trào không sao diễn đạt nổi, lúc đó tôi nhớ lại lời dặn dò của cha Nguyễn Cao Siêu, một linh mục dòng Tên. Ngài nói: "Mỗi khi anh em đọc một cuốn sách hay bài chia sẻ thiêng liêng, hoặc nhìn thấy một điều gì đó khiến cái đầu của anh em được mở ra, con tim reo vui khôn tả mà không diễn đạt được vui như thế nào, thì chính lúc đó anh em đang gặp gỡ Thiên Chúa."

Chính tôi đã nếm được sự kiện này và ngay lúc đó một loạt những tư tưởng được đổ vào trong tâm hồn tôi trong trí óc tôi như những tia sáng xóa tan bóng tối của sự nghi ngờ đã được trả lời bởi câu hỏi chính tôi đã hỏi Chúa...

Nói đến sự kiện này tôi thấy có liên quan đến tất cả mọi người Kitô hữu, liên quan đến cả giáo hội Công Giáo nữa. Tôi biết rằng trách nhiệm của tôi phải cầu nguyện cho giáo hội được hiệp nhất với Chúa Kitô qua Bí Tích Thánh Thể và đó cũng là giá cứu chuộc lòng yêu thương của Thiên Chúa cho loài người chúng ta phải đáp lại lời mời gọi trong tự do mà chính Thiên Chúa đã ban tặng. Cảm tạ Chúa đã cho tôi hiểu được giá trị này và tôi thấy tôi có bổn phận mang Tin Mừng này cho tất cả mọi người dân Chúa.

Thưa bạn, Chúa nói với tôi muốn nên một với Chúa qua mầu nhiệm Bí Tích Thánh Thể là phải làm và sống giống như Chúa: "Các con hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy." (Lc 22:19) Đây là một lời mời gọi trong tự do mà Chúa trao cho mỗi người, Chúa mời gọi tôi cử hành Bí Tích Thánh Thể. Tôi nói với Chúa:

- "Thưa Chúa, con không phải là linh mục thì làm sao cử hành Bí Tích Cực Thánh đuợc?"
Chúa trả lời:
- "Dĩ nhiên là được. Con hãy cử hành Bí Tích Tình Yêu này trong cuộc sống thường ngày của con, vì ơn gọi của con không phải là ơn gọi tu sĩ mà là ơn gọi gia đình".
Tôi hỏi Chúa:
- "Vậy phải làm sao hả Chúa?"
Chúa nói với tôi:
- "Để được nên một với Ta, con hãy làm giống như Ta với lòng yêu thương chân thành nhất mà chính Ta đã dạy và làm cho con từ cái chết đau thương trên Thánh Gía. Để được nên một với Ta không chỉ là tham dự Thánh Lễ mỗi ngày, xưng tội giữ tâm hồn trong sạch rước mình máu Ta vào trong lòng con hay chầu Thánh Thể hằng giờ là đủ đâu, mà chính là con phải bẻ đôi tấm bánh cuộc đời mình ra mà chia sẻ cho tha nhân. Mà đã yêu thì phải yêu cho đến chết."
Câu nói này như một hành trang đức tin dẫn dắt tôi vào đời sống mật thiết với Chúa hơn: "Chén này là giao ước mới được đổ ra vì anh em." (Lc 22:20)

Những suy tư của con từ Ta mà đến, những câu hỏi đó từ Ta mà có vì thế nó mới xuất phát trong tâm hồn con được, cảm ơn con đã nghe lời mời gọi của Ta, cảm ơn con đã nhớ đến Ta và cầu nguyện cùng với Ta, vì nếu con không cầu nguyện thì Ta không có cơ hội để đổ Nước Tình Yêu vào trong tâm hồn con được.

• Khi biết cầu nguyện là khi con biết yêu thương tha nhân hơn.
• Khi con biết yêu thương tha nhân thì mỗi ngày con được tự do hơn.
• Khi con được tự do hơn thì con không bị ràng buộc bất cứ những gì con đang có và làm chủ như: tiền tài của cải, danh vọng chức quyền và ngay cả những yếu tính của con.
Vì những thứ đó là của Ta ban tặng cho con nhưng nó vẫn không thuộc về con (Lc chương 16, Trung Tín Trong Việc Sử Dụng Tiền Của."
• Khi con chia sẻ chén cơm trên bàn ăn của mình trong ngày hay chén nước lạnh cho người nghèo khó
• Khi con tha thứ cho người xúc phạm đến con
• Khi con làm việc 8 tiếng đồng hồ tại công sở ngoài ra trong ngày con còn chia sẻ thêm sức lực cho gia đình người thân quen hay bạn hữu cần con bỏ thêm giờ giúp đỡ họ
• Khi con chia sẻ trí thông minh những gì con hiểu biết cho tha nhân cho xã hội cần đến
• Khi con khiêm nhường với những thắch đố để cho người khác có cơ hội vươn lên
• Khi con biết quan tâm đến cha mẹ, người gìa đơn chiếc và người tàn tật
• Khi con biết nhịn nhục kiên nhẫn khi gặp trở ngại trong cuộc sống những điều không vừa ý
• Khi con biết cầu nguyện cho anh chị em và những người đã qua đời
• Khi con biết bỏ giờ để cầu nguyện cho giáo hội được hiệp nhất
• Khi con biết chu toàn bổn phận mỗi ngày với thiên chức mà con đang lãnh nhận

Tất cả những điều này nếu con làm, đó là con đang cử hành Bí Tích Thánh Thể trong đời sống ơn gọi gia đình. Ai nấy trong các con chẳng ao ước là một nhà tạm di động đó sao? Mà các con lại chính là đền thờ của Thiên Chúa hằng hữu, hình ảnh của các con là hình ảnh của Thiên Chúa, và qua việc con cử hành Bí Tích Thánh Thể trong đời sống như thế, anh em con sẽ nhìn thấy Ta hiện diện ở nơi con...

Chúa còn dạy bảo tôi:
- "Khi con chia sẻ những điều này phải phát xuất từ con tim yêu thương chân thành".
Vậy yêu như thế nào mới trọn vẹn là tình yêu đích thực? Có phải những gì thừa thãi hay của dư thừa chúng ta không dùng đến nữa hoặc chưa muốn dùng đến mới mang ra chia sẻ cho tha nhân? Chúa nói với tôi:

- "Cho như thế thì chẳng khác gì là cho một con chó chứ không phải cho một con người" (xem Mc 12:41-44 "bà góa nghèo với hai đồng kẽm").

Vì mọi người đều là anh chị em của nhau và là con cùng một Cha trên trời, vậy phải chia sẻ như thế nào mới đúng tinh thần của người Kitô? Thí dụ: Một tuần tôi chỉ được sử dụng $40.00 để đổ xăng đi làm và chạy đây đó khi sở thích của tôi muốn đi, nhưng tôi sẽ tiết kiệm bằng cách tôi chỉ chạy xe đi đến chỗ làm và về nhà, không chạy xe đến những nơi không nhất thiết phải đến để có thể tiết kiệm đuợc xăng. Thì số tiền tôi tiết kiệm đó tôi chia sẻ cho tha nhân.

Hoặc gia đình tôi đi chợ hằng tuần là $100.00, nhưng tôi sẽ cố gắng đi chợ ít hơn con số $100.00 để tiết kiệm mà chia sẻ cho người kém phần may mắn hơn gia đình tôi cho dù trong saving account của gia đình tôi vẫn có tiền, vì Chúa biết những số tiền đó Chúa ban cho gia đình tôi sẽ sử dụng trong những lúc cần đến chứ không phải để tôi phung phí hưởng thụ.

Một cách khác nữa tôi cũng có thể làm để cử hành Bí Tích Tình Yêu này là. Đáng lẽ ngày cuối tuần tôi giành trọn vẹn thời giờ cho gia đình nhưng để làm được chuyện đó tôi bớt chút thời giờ thăm viếng bệnh nhân, người gìa đơn chiếc, những người cần sự giúp đỡ của tôi và đồng thời phục vụ giáo xứ, xã hội nơi tôi đang sinh sống chẳng hạn...

Nếu chúng ta luôn cử hành Bí Tích Tình Yêu này trong đời sống hằng ngày như thế, Chúa sẽ hiện diện và đồng hành với mình cũng như khi rước Mình Máu Chúa vào trong lòng chúng ta mỗi khi đến tham dự Thánh Lễ, chúng ta sẽ cảm nhận được nên một với Chúa qua Bí Tích Cực Thánh này, và nếu mọi người Kitô cùng làm như thế là chúng ta đang hiệp nhất giáo hội và hiệp nhất với chính Thiên Chúa Ba Ngôi Cực Thánh trong một tình yêu duy nhất...

Và mới đây trong một buổi tĩnh tâm hằng năm tôi lại gặp gỡ Chúa cũng cùng một lời mời gọi, nhưng Chúa nói đến sự xúc phạm Mình Máu Của Chúa (xem thư thứ nhất của Thánh Phaolô gởi tín hữu Corintô chương 11:17-32). Khi đọc được lời của vị đại Thánh tông đồ PhaoLô, tôi giật mình vì điều Chúa dạy tôi và tôi đang loan truyền cho mọi người còn thiếu xót, vậy thiếu xót ở chỗ nào nhỉ? Tôi thiết nghĩ, nếu bạn và tôi chuyên cần lắng nghe đáp lại lời mời gọi của Chúa Kitô là cử hành Bí Tích Thánh Thể trong đời sống hằng ngày thì điều mà xúc phạm đến Mình Máu Chúa sẽ không diễn ra giữa chúng ta, mà nếu bạn và tôi không chú trọng và quan tâm đến lời mời gọi ấy, liệu chúng ta có được nên một với Chúa qua Bí Tích Tình Yêu này không? Cho dù giữa bạn và tôi có xưng tội, có giữ mình trong sạch,có tham dự Thánh Lễ, có cầu nguyện mỗi ngày với lời Chúa mà không mang ra thực hành thì liệu chúng ta có đang thật sự yêu Chúa không? Hay chúng ta chỉ biết nhắm mắt cầu nguyện đọc kinh sái quay hàm, qùi chai đầu gối mà không thực thi ý định của Chúa thì có ích gì, và đó cũng là lúc chúng ta xúc phạm đến Mình Máu Chúa mà chúng ta vốn không hay biết.
Chính vì thế mà Thánh Phaolô đã nói: "Tôi xin truyền lại cho anh em: trong đêm bị nộp, Chúa Giê-su cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng tạ ơn, rồi bẻ ra và nói: "Anh em cầm lấy mà ăn, đây là Mình Thầy, hiến tế vì anh em; anh em hãy làm như Thầy vừa làm để tưởng nhớ đến Thầy." Cũng thế, cuối bữa ăn, Người nâng chén và nói: "Đây là chén Máu Thầy, Máu đổ ra để lập Giao Ước Mới; mỗi khi uống, anh em hãy làm như Thầy vừa làm để tưởng nhớ đến Thầy." Thật vậy, cho tới ngày Chúa đến, mỗi lần ăn Bánh và uống Chén này, là anh em loan truyền Chúa đã chịu chết. Vì thế, bất cứ ai ăn Bánh hay uống Chén của Chúa cách bất xứng, thì cũng phạm đến Mình và Máu Chúa. Ai nấy phải tự xét mình, rồi hãy ăn Bánh và uống Chén này. Thật vậy, ai ăn và uống mà không phân biệt được Thân Thể Chúa, là ăn và uống án phạt mình." (1 Cr 11:23-29)

Thưa bạn. Nếu giữa bạn và tôi luôn đáp lại lời mời gọi của Chúa là cử hành Bí Tích Thánh Thể từng giây từng phút mỗi ngày trong đời sống, thì bạn ơi, phép lạ của Chúa lập tức được diễn ra trước mắt bạn và tôi đồng thời chúng ta còn làm được một phép lạ ngoại mục hơn nữa là làm cho Chúa phải mỉm cười và cảm nhiệm được nên một với Chúa qua mầu nhiệm Bí Tích Thánh Thể mỗi khi chúng ta tham dự Thánh Lễ Bẻ Bánh để tưởng nhớ đến Chúa…

Các bạn thân mến,
Khi tôi cảm nhiệm được điều ấy tôi thấy thương giáo hội nhiều hơn, thương ở chỗ là cho đến ngày hôm nay giáo hội vẫn chưa được hiệp nhất. Tại sao tôi lại nói như thế? Là vì có lần tôi hỏi chuyện một Linh Mục: "Thưa cha, giáo hội Việt Nam hiện nay các giám mục, các linh mục, các tu sĩ nam nữ cùng các giáo phận mọi người có hiệp nhất với nhau không?"

Ngài đưa cho tôi xem 10 ngón tay. Ý của ngài là "không hiệp nhất". Tôi nhớ lại lời của thánh Têrêxa hài đồng: "Cầu nguyện cho các linh mục là một đầu tư lớn". Vì thế tôi thiết nghĩ nếu các linh mục của Chúa chỉ biết cử hành Bí Tích Thánh Thể trên bàn thánh hằng ngày trong nhà thờ mà không biết cử hành mầu nhiệm yêu thương đó trong cuộc sống của mình, liệu có được nên một với Chúa không?

Ở quê nhà hiện nay không biết đã có biết bao nhiều ngôi nhà thờ đổ nát, và ngược lại cũng có rất nhiều giáo xứ giàu có. Vậy mà không hiểu tại sao các ngài không biết chia sẻ cho nhau? Hình như là việc ai người ấy lo thì phải? Giáo xứ anh nghèo thì mặc kệ anh. Nếu qủa thật là như vậy tôi nghĩ Chúa sẽ buồn lắm.

Suy nghĩ này khiến tôi bắt đầu suy tư về giáo hội nhiều và tôi quyết định PHẢI cầu nguyện cho giáo hội và cho sự hiệp nhất, tôi ước mong rằng tất cả mọi người dân Chúa nên cử hành Bí Tích Thánh Thể trong cuộc sống hằng ngày để cùng được nên một với Chúa Kitô trong một tình yêu vĩnh cửu và đó cũng là con đường dẫn chúng ta về quê trời, có như vậy tất cả chúng ta mới có thể nếm được Bí Tích Thánh Thể trong cuộc sống hằng ngày với Chúa và với nhau.
Vậy làm thế nào để cử hành Bí Tích Thánh Thể trong đời mình ?

• Cử hành Bí Tích Thánh Thể là chia sẻ chén cơm manh áo hằng ngày trên bàn ăn trong gia đình của tôi cho người anh chị em kém phần may mắn, vì họ là anh chị em tôi.
• Cử hành Bí Tích Thánh Thể là chia sẻ sức lực mà Thiên Chúa ban cho tôi,vì họ là vợ, là chồng, là con cái và là anh chị em tôi.
• Cử hành Bí Tích Thánh Thể là chia sẻ trí thông minh để góp phần xây dựng cho Giáo Hội và cho tha nhân nhằm vô điều kiện mà chính Thiên Chúa đã ban tặng, vì họ là anh chị em tôi.
• Cử hành Bí Tích Thánh Thể là biết quan tâm đến cha mẹ, ông bà, anh chị em, vợ chồng, con cái, biết xót thương những người gìa đơn chiếc, những người bệnh tật và những người khôn khồ trong xã hội hôm nay, vì họ là anh chị em tôi.
• Cử hành Bí Tích Thánh Thể là biết khiêm nhường, biết tha thứ, biết nhận lỗi sửa sai và biết cảm thông đến những người xung quanh khi họ gặp khó khăn, vì họ là anh chị em tôi.
• Cử hành Bí Tích Thánh Thể là biết nhịn nhục, kiên nhẫn khi gặp phải gian nan khốn khó trong cuộc sống cũng như khi bị người đời xúc phạm đến mình, biết vui với người vui, biết khóc với kẻ khóc, vì họ là anh chị em tôi.
• Cử hành Bí Tích Thánh Thể là cầu nguyện cho những người đã khuất, cầu nguyện cho giáo hội hiệp nhất nên một tình yêu mà Chúa hằng mơ ước, vi họ là anh chị em tôi.
• Cử hành Bí Tích Thánh Thể là biết chu toàn bổn phận mỗi ngày, vì tất cả mọi sự dẫn đến cho tôi đều nằm trong chương trình của Chúa giúp tôi nên Thánh.

Lạy Chúa.
Cảm tạ Chúa đã cho con hiểu được làm sao để được nên một với Chúa
Xin cho con biết rộng lượng bẻ đôi tấm bánh đời mình mà không cần do dự
Xin cho con biết cảm nhiệm được Chúa trong mọi sự khi Chúa cần đến con.
Xin cho con biết lắng nghe những gì Chúa đang mời gọi con trong cuộc đời.
Xin cho con biết thực hành những gì Chúa dạy bảo con qua lời của Chúa
Xin cho con biết thương anh em như chính Chúa đã thương con.
Xin cho con biết yêu mến hai chữ phục vụ là qùa tặng mà Chúa dành cho con.
Xin cho con biết cử hành bí tích thánh thể trong đời sống hằng ngày.
Vì đó là con đường dẫn con nên một với Chúa Amen.
 
Thư viết thay cho các thai nhi vô tội
Quang Huyền
12:48 13/11/2008
THƯ VIẾT THAY CHO CÁC THAI NHI VÔ TỘI

Bệnh viện…ngày…tháng năm 2008

Kính gửi:
Những người lương thiện, rất thương mến và tôn trọng sự sống của các thai nhi nhưng chưa có cơ hội hay dịp để nói thay và bênh vực sự sống cho các cháu.
Ba Mẹ các cháu là những người đã tạo nên tấm hình hài các cháu, đang có ý định loại bỏ hao quả của tình yêu một thời !!!
Những người đang được hưởng quyền sống mà Thượng Đế ban tặng.
Những người đang và sẽ dùng áp lực, quyền hành và lợi ích của mình hay nhân danh tập thể đã trực tiếp hay gián tiếp đưa đẩy cha mẹ các cháu đến chỗ từ bỏ các cháu.
Những Bác Sỹ, Y Sỹ, là những người trực tiếp trên sự sống – chết của các cháu!


Kính Thưa Qúy Vị!

Tôi là người đã nhiều tháng trời bước chân đến các nơi “tử thần” (khoa sản các bệnh viện) của các thai nhi. Tôi đã chứng kiến các bà mẹ đã xếp hàng để chờ đến lượt phá bỏ đứa con trong bụng mình. Tôi cũng đã chứng kiến những nỗi đau xé lòng của những bà mẹ sau khi phá bỏ đứa con bé bỏng của mình mà lòng ray rứt.

Hơn nữa, tôi đã tận mắt chứng kiến cảnh vật vã đớn đau của các thai nhi đỏ hỏn vừa ra khỏi lòng mẹ đang thở thoi thóp. Nhưng tiếng nấc oan ức, những cái co giật rợn người như con ếch đang bị lột da…Những khi đó các cháu đang gánh chịu nỗi đau tột cùng của một sinh linh, nhưng không thể gào thét và thốt lên lời van vĩ cho nhẹ đi nỗi đau.

Ngoài ra, tôi cũng tận mắt chứng kiến những thai nhi bị người ta vất vào thùng rác các bệnh viện, đổ vào hầm cầu, hoặc là chở đi một bãi tha ma nào đó. Ở nơi ấy các cháu lại biến thành mồi ngon cho chó hoang, ròi bọ, kiến lửa…Tôi đã tự tay đi lượm lặt được một số các cháu đó và chôn cất vào lòng đất lạnh, nơi mà thân xác các cháu vĩnh viễn đi vào giấc ngủ triền miên…

Tất cả những điều đó làm cho tôi cảm thấy chất chứa trong lòng một niềm đau như thúc dục tôi viết thay các cháu lá thư này gởi tới quý, để kêu cứu thay cho các cháu là những sinh linh bé nhỏ không thể tự vệ cho chính mình. Đề rồi, chúng ta cùng nhau yêu thương, tôn trọng và bảo vệ sự sống bé bỏng của những thai nhi khác khi chưa quá trễ, và lo lắng cho các cháu xấu số có được chỗ yên nghỉ xứng đáng một con người.

Quý vị quý mến!

Thượng Đế đã dệt nên tấm hình hài của các cháu trong lòng mẫu thân các cháu. Người những muốn cho các cháu được hiện hữu trên thế giới này, được sinh ra lớn lên và hưởng những quyền căn bản của một con người và sau cùng đi vào trong vĩnh cửu “được hiện hữu để đi vào vĩnh cửu”. Nhưng cha mẹ các cháu lại cướp mấp cái quyền được sống của các cháu. Đúng vậy, các thai nhi bé bỏng đâu có tội tình gì mà bị chết tức tưởi, thê thảm như thế? Có lẽ trong một nơi nào đó, những trẻ thơ này vẫn ngày đêm ôm một nỗi đau và thầm van lơn cha mẹ các cháu:

Hãy sinh con ra, nghe theo tiếng gọi,
Của chính con, của nhân loại lương tri
Cho con thành NGƯỜI – con mong mỏi quá đi
”.

Rồi trong tột cùng của nỗi đau xé lòng, các cháu cũng đang thầm trách cha mẹ các cháu đã thiếu trách nhiệm với các cháu:

Con kết tinh của tình yêu tha thiết,
Của mẹ, cha - của linh khí anh hoa
Của yêu thương – của tình ái chan hoà
Của son sắt, của tơ duyên vĩnh cửu
Sao giờ đây mẹ cha lại dè bỉu
Chính đứa con giọt máu của mẹ cha?
Chính đứa con đã kết nụ đơm hoa
Từ ân ái, từ tình yêu trân quí
?”(St)

Ôi! Thương qúa là thương !!! Những hài nhi bé bỏng và vô tội…Xin các con đừng trách móc cha mẹ chúng con nữa cho lòng họ thêm nặng gánh đau và trái tim bao người thêm tan nát. Ở nơi suối vàng các con nhớ tìm cách giúp đỡ những thai nhi khác có nguy cơ chung số phân với các con.

Thưa quý vị, trước những hình hài bầm giập và tan nát của các thai nhi đã từng có nhiều người nhỏ lệ khóc than cho các cháu:

Con đã sinh ra từ đâu
Phút giây nào trăng hoa
Để con bị sinh ra???
Liệu con có kịp thở
Như giun dế vào đời

Hỡi con ơi…
tấm thân nằm cong queo lạc lõng,
Đây –(Tôi xấu hổ lắm)
Vì chỉ có tấm lòng !!!
Xót xa trào lệ nóng
Có ấm hồn con…một chút nào không
?” (St)).

Còn chúng ta thì sao, chúng ta phải làm một gì gì để giúp các cháu phải không quý vị? Chúng ta hãy gõ một tiếng chuông cảnh tỉnh bao người nhất là những bà mẹ trẻ hãy biết quý trọng sự sống của đứa con bé bỏng mà họ đang cưu mang hay sẽ cưu mang, hãy dẹp bỏ 1001 lý do biện minh để nói không với hành động phá thai…

Phần mỗi người chúng ta, vì sự sống của các thai nhi, vì tương lai của nhân loại và nhất là vì tiếng nói của lương tri, chúng ta hãy lên tiếng bênh vực sự sống cho các thai nhi, khi thuận tiện cũng như lúc không thuận tiện…

Đối với các cháu đang ngày đêm mong mỏi một nấm mồ để có chỗ trú ngụ bình an: “Sao không cho chúng con một nấm mồ - nhỏ thôi – để chúng con được ấm cúng phần nào!? Sao không viếng thăm? Không cắm cho chúng con một nén nhang? Sao không cho chúng con một bia mộ?”. Chúng ta hãy đáp lại sự mong mỏi nhỏ bé của các cháu bằng một chút hy sinh của chúng ta.

Nguyện xin Thượng Đế chúc lành cho quý vị và mở rộng trái tim quý vị để chúng ta cùng nhau cưu mang những trẻ thơ vô tội và những thai nhi bị loại bỏ bằng tình thương yêu sâu thẳm của mình.

Kính mến,
 
Kinh Nghiệm Học Giáo Lý Thực Tế Của Một Tín Đồ Ở Việt Nam (2)
Đỗ hữu Nghiêm
13:06 13/11/2008
Chương Hai:
Kinh Nghiệm Học Giáo Lý Thực Tế Của Một Tín Đồ Ở Việt Nam

Để viết bài này, thiết tưởng nên ghi nhận cụ thể về những kinh nghiệm cá nhân của một tín đồ Công giáo trong quá trình học và dậy giáo lý ở một xứ đạo cụ thể, giáo xứ Hoàng Nguyên, Huyện Phú Xuyên, tỉnh Hà Đông trong quá khứ tại Địa Phận Hà Nội Miền Bắc Việt Nam trong khoảng thập niên trước và sau những năm 1950.

Cậu bé Họ Đỗ là một đứa trẻ vào năm 1947. Cậu bắt đầu được học giáo lý với người đầu tiên có lẽ là với mấy bà mấy cô thưa kinh trong các buổi lễ ngày chủ nhật trong nhà thờ của một họ lẻ, làng Hoà Khê, Huyện Duy Tiên Tỉnh Hà Nam. Về sau khi được song thân gửi học trên nhà xứ Hoàng Nguyên do LM Trần Quang Hướng làm cha xứ, thì có lẽ người dậy giáo lý đầu tiên cho cậu là ông già Nguyễn Văn Hạ, một thầy giảng già mà chúng tôi thường gọi là Thầy Già Hạ. Khi ông dậy Giáo Lý, thì cơ bản ông dựa vào cuốn sách bổn hỏi đáp mà địa phận Hà Nội phân bố cho các giáo xứ trong địa phận hay có sẵn ở đâu đó, mà ông kiếm được và theo đó dậy cho các trẻ em như chúng tôi học thuộc lòng.

Không có bất cứ một phương pháp nào để dậy giáo lý, và bắt đầu từ đâu, với đề tài nào cụ thể, mà theo gợi ý của tác giả đã soạn ra “Sách Bổn Những Lẽ Cần Cho Được Rỗi Linh Hồn”.

Lớn lên, Sách Bổn dùng để dậy chúng tôi có lẽ là lấy từ trong Phép Giảng Tám Ngày của LM Đắc Lộ và được chế biến cho thích hợp với khẩu vị của mỗi người, như sách “Bổn Đồng Ấu” của Giám Mục Đa Minh Hồ Ngọc Cẩn

Những điều cậu còn nhớ là:

Đạo Đức Chúa Trời có:
Mười điều răn
Bảy Phep Bí tích
Bảy Mối Tội Đầu

Sau đó cậu bé họ Đỗ làng Hoà Khê được học nhiều lần với nhiều người, dưới nhiều hình thức. Không có một giáo lý viên chuyên môn, nhưng cứ theo trình độ học vấn của mỗi độ tuổi mà chúng tôi được học hiểu về đạo Chúa một cách sơ đẳng khi chịu các bí tích trong đạo như Rửa Tội, Thêm Sức, Rước Thành Thể, Hòa Giải, và Hôn Nhân, Chức Thánh, Xức Dầu Kẻ Liệt.

Những lần học hỏi như thế, khi thì có các thầy đại chủng sinh về thực tập giúp xứ, như Thầy Trịnh Chính Trực, Thầy Nguyễn Văn Dụng, Thầy Đỗ Văn Thư khi thì các anh lớn sinh hoạt trong nhà xứ như anh Nguyễn Văn Lễ, Anh Trần Văn Truyền. Anh Đỗ Hữu Truyền,… khi thì một thầy giảng như ông già Nguyễn văn Tĩnh, hay một chủng sinh lớp trên của Tiều chủng Viện Thánh Phêrô Hoàng Nguyên, bên cạnh nhà xứ.

Nói chung, đề tài học giáo lý là tùy tiện và không đầy đủ, gọn gàng, dù phần nào có liên tục. Những điều tôi biết nhiều là may măn được các linh mục giáo dục từ nhỏ trong chúng viện, như Linh mục Đặng Văn Doanh.
(còn tiếp...)
 
Mỗi ngày một câu chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
18:56 13/11/2008
DUYÊN DO

N2T


Mọi người rất kinh dị vì ví dụ thời thượng của đại sư: “Cuộc sống có lúc như chiếc xe hơi.”

Họ im lặng đợi đại sư giải thích từng bước một.

- “Đúng vậy.” Cuối cùng không phụ lòng mong đợi, đại sư mở miệng nói: “Xe hơi có thể chở chúng ta lên núi cao.”

Lại một sự trầm mặc nữa.

- “Nhưng phần đông người ta lại nằm trước xe, để mặc cho xe cán trên thân của họ mà chạy qua, sau đó chuyển thân lại quở trách xe hơi gây ra tai vạ.”

(Trích: Huệ nhãn thiền tâm)

Suy tư:

Cuộc sống của chúng ta như chiếc xe chở đầy vui buồn, hỉ nộ sân si, chở đầy hận thù chết chóc và hạnh phúc yêu thương, chở đầy vật chất và tinh thần, chở đầy đoàn kết và phân rẽ.v.v...cho nên, muốn làm người chân chính thì phải biết chọn lựa cái hay điều tốt cho mình trong chuyến xe cuộc đời.

Cuộc đời của người Ki-tô hữu không như là chiếc xe chất đầy những thứ mà thế gian đang có, nhưng cuộc đời của họ như là một thánh lễ nối dài trên đồi Can-vê của Chúa Giê-su, trong cuộc đời của họ có lúc gặp nhiều đau khổ đắng cay, họ chấp nhận để chia sẻ cuộc khổ nạn với Chúa Giê-su; có khi họ gặp hạnh phúc họ cũng chia sẻ hạnh phúc ấy với Chúa Giê-su phục sinh; có lúc họ cũng bị phản bội, bị ghét ghen, bị vu không thóa mạ, thì họ cũng vẫn chia sẻ với Chúa Giê-su khổ nạn và phục sinh. Cho nên, cuộc sống của họ là một hy tế, một thánh lễ nối dài liên lĩ từ ngày này qua ngày khác, từ tháng này qua tháng khác, từ năm này qua năm khác, cho đến ngày Chúa Giê-su đến kêu mời họ đi với Ngài...

Đối với con người thì cuộc sống như một chiếc xe chở đầy hỉ nộ sân si; nhưng đối với người Ki-tô hữu thì cuộc sống là một thánh lễ nối dài liên lĩ theo cuộc đời của họ.

Đó chính là duyên do để họ sống lạc quan yêu đời, dù đời có nhiều đắng cay đau khổ.
 
Mỗi ngày một câu danh ngôn của các thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
19:08 13/11/2008
N2T


2. Thánh đức không coi trọng việc dạy người, nhưng coi trọng việc mà Thiên Chúa yêu thích.

(Thánh nữ Teresa of Lisieux)
 
Hùng Ca Tử Đạo
Đinh văn Tiến Hùng
22:23 13/11/2008
HÙNG CA TỬ ĐẠO
Lễ kính các Thánh Tử Đạo VN ngày 24/11/08.

"Vì chính khi hiến dâng là khi được nhận lãnh,
Chính lúc chết đi là khi vui sống muôn đời


Trang Giáo sử Việt nam luôn ngời sáng,
Bản hùng ca vang vọng khắp năm châu,
Lời Thánh ca tràn ngập cả tinh cầu,
Vinh danh hàng trăm ngàn Vị Tử Đạo
Nhận cái chết lòng không hề than oán.
Để chứng minh một Đạo giáo Tình yêu,
Dâng đời mình làm lễ vật Toàn thiêu,
Theo gương Chúa hiến mình trên Thập Giá.

Trang Giáo sử Việt nam luôn ngời sáng
Bản Hùng ca bất diệt vọng năm châu
Xuyên suốt qua bốn thế kỷ ngẩng đầu,
Không khiếp nhược trước gông cùm gươm giáo,
Máu tuôn chảy giữa pháp trường tàn bạo,
Tưới nảy mầm bao hạt giống đức tin,
Chuông báo tử hay hồi chuông Phục sinh,
Nơi hàng triệu con tim đang thổn thức.

Trang Giáo sử Việt nam luôn ngời sáng,
Nét oai hùng rạng rỡ vẫn còn đây,
Cả địa cầu lòng ngưỡng mộ dâng đầy,
Phong Hiển Thánh Một Trăm Mười Bảy Vị,
Những Anh hùng mang tâm hồn tuyệt mỹ,
Con cúi đầu thành kính và cậy trông,
Xin giúp con yêu cuộc sống Vĩnh hằng,
Như Các Vị hân hoan vào Đất Hứa.

 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Đối thoại liên tôn, sự đóng góp của Giáo Hội Công Giáo (2)
Vũ Văn An
04:33 13/11/2008
Đối thoại liên tôn, sự đóng góp của Giáo Hội Công Giáo(tiếp theo)

Cột mốc Regensburg hay bài diễn văn của Đức Bênêđíctô XVI

Biến cố bi thảm ngày 11 tháng Chín năm 2001 kéo theo cuộc khủng hoảng đối thoại liên tôn, một cuộc đối thoại trước đó vốn có nhiều phức tạp như chính Công Đồng Vatican II và các vị giáo hoàng gần đây xác nhận, nhất là Đức Gioan Phaolô II, nhưng nay kết cục đã làm giảm giá các điểm đặc thù mà niềm tin Kitô giáo từng đem lại trong nhiều thế kỷ qua. Trong các cuộc tấn công ở New York, mẫu mực đa văn hóa chủ hòa đã gặp một trở ngại chưa bao giờ được các vị ủng hộ đối thoại dự ứng trước. Dĩ nhiên, các cuộc tấn công khủng bố không khởi đầu với biến cố 11 tháng Chín năm 2001. Nhưng trong hình ảnh chết chóc đầy rùng rợn và khiếp đảm ấy, quả ta đã gặp nguyên mẫu chủ nghĩa phá hoại tận cùng đến trở thành hư vô. Tại cái tòa tháp đôi thực sự đã trở thành tro bụi ấy, gần như có đến 3 ngàn con người. Có phải tất cả đều là Kitô hữu cả chăng? Có phải đó là cuộc tấn công của người Hồi Giáo nhắm vào sào huyệt những tên Kitô hữu khốn kiếp chuyên thèm khát quyền lực và tiền bạc trong mưu đồ bá chủ hoàn cầu chăng? Không phải thế: có biết bao đàn ông đàn bà đủ mọi nguồn gốc, sắc tộc, tôn giáo đến đó, để lại chồng, vợ, con cái hay cha mẹ ở nhà hòng nhờ công việc mà tự thể hiện được mình và cổ vũ người khác tự thể hiện họ.

Điều ta chứng kiến quả là một thứ toàn thiêu không chỉ nhắm vào một sắc tộc đặc thù, như từng xẩy ra trong quá khứ, mà là nhắm vào những người đàn ông và đàn bà đúng nghĩa. Đâu là câu giải đáp thích đáng nhất cho nỗi kinh hoàng ấy? Phải chăng là một cuộc chiến tranh phòng ngừa nhằm hạ cho đến những con người cuối cùng? Một cuộc chiến tranh nhằm dạy cho các thế hệ tương lai biết coi tín hữu của các tôn giáo khác như mối nguy cần trừ khử? Một cuộc chiến tranh tiếp nối đường hướng đa văn hóa nhằm đặt mọi tôn giáo lên cùng một trình độ trong khi chờ đợi một siêu tôn giáo hoàn cầu xuất hiện, pha trộn đủ thứ tốt nhất của các tôn giáo kia? Các ý niệm ấy rất có thể làm ta phấn khích, nếu chúng không bị các sự kiện trong mấy thập niên gần đây bác bỏ. Đối với chúng ta, điểm căn bản trong cuộc đối thoại liên tôn là phải biết phân biệt được đức tin với văn hóa và mối liên hệ giữa một đức tin nhất định nào đó với một nền văn hóa đặc thù. Vấn đề này đã được bàn luận một cách hết sức rõ ràng trong tác phẩm của Đức Hồng Y Joseph Ratzinger có tựa đề tiếng Ý là Fede, Verità, Tolleranza (Đức Tin, Chân Lý, Lòng Khoan Dung, Cantagalli, Siena, 2003). Trong chương nói về Đức Tin, Tôn Giáo và Văn Hóa, bắt đầu với khả năng phổ quát hóa của Kitô giáo, tác giả thận trọng phân biệt ý nghĩa các hạn từ dùng trong vấn đề, và trong khi làm thế, ngài đã nhấn mạnh tới sự kiện này: việc chồng chất các khía cạnh kia vào với nhau rất có thể sẽ khiến người ta hiểu lầm về điều có liên hệ với hệ thống tin của một tôn giáo mà từ đó cái vỏ văn hóa của tôn giáo ấy được tạo thành. Có lúc, ngài tự đặt câu hỏi: “điều gì có thể nối kết các nền văn hóa với nhau, không theo lối khâu vá chúng lại với nhau, nhưng theo lối cuộc gặp gỡ giữa chúng sẽ đem lại một phong phú hóa và thanh tẩy thâm hậu?” (Joseph Ratzinger, sách đã dẫn. tr. 68).

Điều ấy giúp ta hiểu ra rằng trong cố gắng đối thoại của con người, dù đáng khen, nhưng nếu chỉ đặt các nền văn hóa, các tôn giáo và chủng tộc khác nhau bên cạnh nhau, như kiểu ráp hàng rào, mà thiếu cơ hội thông đạt hỗ tương, thì điều ấy chẳng có giá trị chi. Đối với nhiều người, quả là cay đắng khi khám phá ra căn cước của những người gây ra các cuộc tấn công khủng bố mấy năm trước đây tại Luân Đôn. Họ không xuất phát từ các trại huấn luyện bên A Phú Hãn hay bên I Răng mà đều là người sinh ra, lớn lên và được ‘giáo dục’ ngay tại nước Anh. Họ là những người từng đi học một trường với những người bị giết. Trong quá nhiều thập niên, người ta vẫn ngây thơ nghĩ rằng chỉ cần chào đón người thuộc các nền văn hóa và tôn giáo khác tới các thành phố của ta là đủ, không cần phải cố gắng lập liên hệ chi với họ. Thực ra, phương thế thực sự cổ vũ cho cuộc gặp gỡ bổ ích giữa các nền văn hóa “chỉ có thể là chân lý chung về con người, trong đó luôn có vấn đề chân lý về Thiên Chúa và thực tại như một toàn thể. Nền văn hóa nào càng tương tự với bản nhiên con người, thì càng cao thượng, càng mong vươn tới chân lý mà ở một thời điểm nào đó nó đã từng bị chia cắt, và càng có khả năng thẩm thấu chân lý này và đồng hóa với nó” (tác phẩm đã dẫn tr.68-69).

Tuy nhiên, theo thiển ý, cột mốc thực sự đánh dấu đối thoại liên tôn phải là bài diễn văn Đức Thánh Cha Bênêđíctô XVI đọc tại Trường Đại Học Regensburg. Thực vậy, dịp đó, Đức Thánh Cha đã liên kết vấn đề đức tin với lý trí. Ngài dẫn nhập bài diễn văn của mình bằng cách nhắc đến cuộc đàm luận, có lẽ đã xẩy ra vào năm 1391 ở Ankara, giữa Manuel II Paleologus, Hoàng Đế Byzantine, và một học giả Ba Tư, về Kitô giáo và Hồi giáo và chân lý của hai tôn giáo này. Đây là một cuộc đàm luận đa dạng về cấu trúc đức tin tìm thấy trong Thánh Kinh và Kinh Kôrăng, chủ yếu dựa trên hình ảnh Thiên Chúa và hình ảnh con người trong Cựu Ước, Tân Ước và Kinh Kôrăng. Trong cuộc đàm luận này, Hoàng đế Byzantine có đề cập tới jihād, thánh chiến. Tuy không đồng ý với tư tưởng của vị Hoàng Đế này nghĩ về Mohammed, nhưng Đức Bênêđíctô XVI đã giữ lại điểm chính yếu trong tư tưởng ấy khi nói tới mối liên hệ giữa Thiên Chúa và bạo lực. Đức Giáo Hoàng nói: “Sau khi phát biểu một cách mạnh mẽ, hoàng đế tiếp tục giải thích trong chi tiết các lý do tại sao truyền bá đức tin bằng bạo lực lại là điều vô lý. Bạo lực không đi đôi với bản tính Thiên Chúa và bản tính linh hồn”. Ngài nói: Thiên Chúa không vui vì máu, và không hành động hợp lý là đi ngược lại bản tính Thiên Chúa. Đức tin do linh hồn phát sinh, chứ không do thân xác. Người nào muốn dẫn đưa ai đó vào đức tin cần phải có khả năng nói năng đàng hoàng và suy luận thích đáng, không cần tới bạo lực hay đe doạ…Muốn thuyết phục một linh hồn hợp lý, ta không cần cánh tay khỏe, hay vũ khí bất cứ loại nào, hay bất cứ phương tiện nào khác nhằm đe dọa người ta bằng cái chết…” (Benedict XVI, gặp gỡ đại diện giới khoa học, Đức tin, lý trí và đại học. Ký ức và Suy tư. Đại Giảng Đường Đại Học Regensburg, 12 tháng Chín 2006).

Tụ điểm bài diễn văn của Ngài chính là câu tuyên bố của Hoàng Đế Paleologus: không hành động cách hợp lý là chống lại bản tính Thiên Chúa. Câu tuyên bố ấy thật ra không nhằm tấn công ai như nhiều người trong thế giới Hồi Giáo thường nghĩ, mà chỉ là một khởi điểm giúp Đức Giáo Hoàng đưa ra một số nét đại cương có tính triết lý và lịch sử tuy vắn vỏi nhưng đầy hiệu quả trong cố gắng liên kết lý trí với đức tin… Các suy tư của Đức Giáo Hoàng, nhân lúc nhắc tới cuộc đàm luận giữa hai đại biểu của hai tôn giáo lớn là Kitô giáo và Hồi giáo trong thế kỷ Mười Bốn, đã đi tới chỗ coi thần học và triết học như một phương pháp nhận thức. Khi trách cứ tư tưởng Tây Phương đã không sử dụng lý trí cách thoả đáng để vươn tới đức tin đến nỗi kết cục đã “đầy ải” đức tin vào lãnh vực chủ quan tính, Đức Giáo Hoàng muốn mời gọi mọi người “mở rộng quan niệm của ta về lý trí và cách áp dụng nó. Trong khi ta hân hoan trước các khả thể mới đang mở ra cho nhân loại, thì ngược lại ta cũng đang chứng kiến nhiều nguy cơ phát sinh từ chính các khả thể ấy và ta hãy tự hỏi làm cách nào có thể vượt qua các nguy cơ kia. Ta chỉ có thể vượt qua các nguy cơ ấy nếu lý trí và đức tin đến với nhau cách mới mẻ, nếu ta chịu vượt qua các giới hạn do mình tự ấn định lên lý trí, các giới hạn thu gọn lý trí vào phạm vi thực nghiệm, và nếu ta một lần nữa khai mở các chân trời bao la của lý trí. Trong chiều hướng này, thần học quả thực thuộc về đại học và là cuộc đối thoại sâu rộng của khoa học, không hẳn chỉ là một môn học có tính lịch sử, một ngành trong các khoa học nhân văn, nhưng là một môn học chuyên biệt, một thứ truy tầm tính thuận lý của đức tin. Chỉ khi nào làm được như thế, ta mới có khả năng thực hiện cuộc đối thoại chân chính giữa văn hóa và tôn giáo, một cuộc đối thoại hết sức cần thiết trong lúc này” (Benedict XVI, gặp gỡ đại diện giới khoa học, Đức tin, lý trí và đại học. Ký ức và Suy tư. Đại Giảng Đường Đại Học Regensburg, 12 tháng Chín)

Con người ngày nay đang giáp mặt với các thách đố vừa nhiều vừa phức tạp: từ thách đố hàng triệu sinh mạng đang bị đe doạ chết đói tới các thách đố chiến tranh liên sắc tộc và chiến tranh hoàn cầu, từ việc thiếu tôn trọng sự sống tới việc truyền bá chủ nghĩa duy khoái lạc vốn là đặc điểm lối sống của phần đông con người trên thế giới. Đó là lý do khiến con người ngày nay quay trở lại lắng nghe tôn giáo. Đức Giáo Hoàng nói “việc lắng nghe các kinh nghiệm cao cả và các tầm nhìn trong sáng nơi các truyền thống tôn giáo của nhân loại, nhất là các kinh nghiệm và tầm nhìn của niềm tin Kitô giáo, vốn được coi là nguồn đem lại nhận thức, nên làm lơ nó là hạn chế khả năng nghe và đáp ứng của ta, một việc không thể chấp nhận được” (Benedict XVI, gặp gỡ đại diện giới khoa học, Đức tin, lý trí và đại học. Ký ức và Suy tư. Đại Giảng Đường Đại Học Regensburg, 12 tháng Chín). Ta không thể dung thứ được các giới hạn do các cố gắng trong quá khứ nhằm chỉ áp dụng Phúc Âm vào một số hoàn cảnh của đời sống như một số kẻ tiêu cực từng chủ trương, mà buồn thay, trong đó có cả những con người của Giáo Hội nữa. Về điểm này, Đức Giáo Hoàng trích dẫn câu của Socrates nói với Phaedo như sau: “ “sẽ dễ dàng hiểu được nếu có ai đó vì quá buồn bực trong suốt quãng đời còn lại đối với các ý niệm sai lạc này mà khinh miệt và chế diễu mọi cuộc nói truyện về hữu thể, nhưng làm thế, anh ta đã tự đánh mất chân lý về hiện hữu và sẽ chịu mất mát thật lớn biết chừng nào”. Đã từ lâu, Phương Tây vốn bị đe dọa bởi việc tránh né các câu hỏi nhấn mạnh tới tính thuận lý của mình, và do đó đã tự chuốc lấy nhiều thiệt hại lớn lao” (đã dẫn). Theo cách trình bầy của Đức Thánh Cha, ta hiểu rằng cái khó khăn trong việc có được một con đường đối thoại liên tôn thích đáng không hẳn hệ ở việc thiếu cởi mở đối với những người khác mình, một điều dĩ nhiên lúc nào cũng cần phải có và đáng ước ao, nhưng hệ ở việc đã biến cuộc đối thoại kia thành mục tiêu thay vì chỉ là phương tiện. Quá lâu nay ta vốn nghĩ rằng muốn đối thoại được với một ai đó, ta phải gột bỏ khỏi bản sắc ta mọi ý nghĩa mang theo cảm nghiệm. Thực tế ra, chỉ lý trí nào có khả năng tự mở cửa chào đón thực tại trong tất cả các chiều rộng dài của nó mới thực sự khám phá được hết nét vĩ đại trong cảm nghiệm tôn giáo chân chính và chỉ những cảm nghiệm này mới có thể nói được rằng “không hành động cách hợp lý là đi ngược lại bản tính Thiên Chúa”.

Hậu Regensburg

Liền sau diễn văn Regensburg, ta thấy xuất hiện hai loại phản ứng. Một là ầm ĩ phản đối từ phía quần chúng của một số nước Hồi Giáo. Một số nhà xã luận Phương Tây “khôn khéo” khai triển một hai câu rồi cho phổ biến trên báo chí hòng động viên hàng ngàn những người vốn không muốn mà cũng không có thì giờ đọc chính lời Đức Giáo Hoàng nói. Tòa Thánh phải lên tiếng giải thích ý Đức Giáo Hoàng muốn nói và chính Đức Bênêđíctô XVI cũng không bỏ lỡ cơ hội tái khẳng định điều Ngài thực sự nghĩ trong đầu. Ý thực sự Đức Giáo Hoàng muốn nói đã trở nên rõ ràng khi Ngài qua thăm Thổ Nhĩ Kỳ và đến viếng Đền Thờ nổi tiếng Sultanahmet, cũng có tên là Đền Xanh (Blue Mosque) hồi tháng Mười Một năm 2006, chỉ vài tháng sau bài diễn văn trên. Phản ứng thứ hai, cũng không kém nguy hiểm, là thái độ của một số giới trong Giáo Hội, nửa xấu hổ nửa bất bình, lên tiếng cho rằng bài diễn văn của Đức Giáo Hoàng hết sức phiến diện, không thích hợp vào thời điểm đầy bạo lực và bất khoan dung này.

Tuy nhiên, nhờ giọng điệu chừng mực và nội dung chính xác, bài diễn văn trên mang lại nhiều hiệu quả thực sự mà nhiều cuộc gặp gỡ nhằm cổ vũ hòa bình và đối thoại khác chưa bao giờ có thể tạo ra được. Chúng tôi chỉ xin đơn cử một số sau đây:

Một tháng sau bài diễn văn Regensburg, một bức thư ngỏ được trình lên cho Đức Bênêđíctô XVI, do 38 nhân vật hàng đầu của Hồi Giáo thuộc nhiều quốc gia và xu hướng ký tên. Bức thư này thảo luận từng điểm các phê phán của Đức Giáo Hoàng trong bài diễn văn trên đối với Hồi Giáo. Các tác giả bức thư này chấp nhận và đánh giá cao lời giải thích của Đức Bênêđíctô XVI sau loạt phản đối dữ dội của thế giới Hồi Giáo mấy ngày sau bài diễn văn kia, nhất là bài diễn văn của Đức Giáo Hoàng đọc trước các vị đại sứ của các nước Hồi Giáo vào ngày 25 tháng Chín và thư của Đức Hồng Y Tarcisio Bertone, Quốc vụ khanh Tòa Thánh ngày 16 tháng Chín trong đó bản tuyên bố “Nostra Aetate” của Công Đồng Vatican II đã được trưng dẫn. Các nhà lãnh đạo Hồi Giáo này cực lực lên án vụ sát hại nữ tu truyền giáo người Ý, Leonella Sgorbati, ở Somalia. Họ hoan hô ý muốn đối thoại của Đức Giáo Hoàng. Đặc biệt nhất là họ coi trọng các lý thuyết của Ngài. Thái độ của 38 nhà lãnh đạo Hồi Giáo này chính là điều Đức Bênêđíctô XVI mong muốn: nhờ bài diễn văn mạnh bạo trên, thế giới Hồi Giáo sẽ suy tư công khai nhằm đạt tới việc tháo gỡ tôn giáo ra khỏi bạo lực và nối kết nó với lý trí. Cho nên, theo ý kiến của Đức Giáo Hoàng, “tính hợp lý” (reasonableness) của niềm tin chính là thửa đất tự nhiên cho cuộc gặp gỡ giữa Kitô hữu và các tôn giáo cũng như các nền văn hóa khác.

Một năm sau bức thư trên, 138 nhân vật hàng đầu của Hồi Giáo viết cho Đức Giáo Hoàng một bức thư khác. Không như bức đầu, bức thứ hai này ngỏ với cả Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI lẫn Thượng phụ đại kết của Constantinople, Bartholomew I, Thượng phụ Mạc Tư Khoa, Alexis II, và các nhà lãnh đạo của 18 Giáo Hội Đông Phương khác; Tổng giám mục Anh Giáo Rowan Williams; Các nhà lãnh đạo Liên Đoàn Luthêrô Thế Giới, Các Giáo Hội Cải Cách, Methodist và Baptist; Samuel Kobia, Tổng thư ký Hội Đồng Các Giáo Hội Hoàn Cầu, và ‘các nhà lãnh đạo các giáo hội Kitô’ nói chung. Về nội dung, bức thư đầu ủng hộ chủ trương tự do tín ngưỡng ‘không hạn chế’, bênh vực tính hợp lý của Hồi Giáo trong khi giữ vững tính siêu việt của Thiên Chúa. Thư này tái khẳng định các giới hạn do lý thuyết của Hồi Giáo đặt để liên quan tới việc sử dụng chiến tranh và bạo lực, lên án “những giấc mơ không tưởng trong đó mục tiêu biện minh cho phương tiện”. Bức thư kết thúc với lời hy vọng Hồi Giáo và Kitô Giáo thiết lập liên hệ dựa trên tình yêu Thiên Chúa và tình yêu tha nhân, hai “giới răn trọng nhất” được Chúa Giêsu nhắc đến trong Phúc Âm Máccô chương 12, các câu 29-31. Bức thư thứ hai bắt đầu ở chỗ bức thư thứ nhất kết thúc, bằng cách khai triển thêm. Hai giới răn yêu Chúa và yêu tha nhân, có cả trong kinh Kôrăng lẫn Thánh Kinh, quả là “lời chung” mang lại “căn bản thần học chắc chắn nhất” cho cuộc gặp gỡ giữa Hồi Giáo và Kitô Giáo.

Ngày 6 tháng Mười Một năm 2007, tại Vatican, Đức Giáo Hoàng tiếp kiến Vua Abdallah bin Abdulaziz Al Saud của Saudi Arabia. Vương quốc Saudi Arabia hiện không có liên hệ ngoại giao với Tòa Thánh. Thành thử cuộc viếng thăm của Nhà Vua là một biến cố lịch sử có một không hai. Arabia hiện được nhìn nhận có thế giá hàng đầu trong thế giới Hồi Giáo Sunni, cả vì lý do lịch sử (Hồi Giáo phát sinh và phát triển tại vùng này) lẫn lý do kinh tế xã hội nữa: xứ này cung cấp viện trợ tài chánh cho hầu hết các nước Hồi Giáo. Thông cáo của Tòa Thánh về cuộc gặp gỡ này khá ngắn nhưng rất nồng ấm: “Cuộc gặp mặt diễn ra trong bầu khí thân ái và đem lại cơ hội để xem sét các vấn đề cả hai bên rất quan tâm. Đặc biệt, việc cam kết đối thoại liên tôn và liên văn hóa nhằm sống chung hoà bình và phát đạt giữa các cá nhân và dân tộc được tái khẳng định cũng như tầm quan trọng của việc hợp tác giữa các tín hữu Kitô giáo, Hồi giáo và Do Thái giáo để cổ cổ vũ hòa bình, công lý và các giá trị thiêng liêng và luân lý, nhất là để hỗ trợ các gia đình”.

Một cái nhìn phiến diện rất có thể coi bài diễn văn Regensburg như một nấm mồ chôn sống cuộc đối thoại giữa Kitô giáo và Hồi giáo. Nhưng thực ra, bức thư ấy quả là khúc quanh trong chính cuộc đối thoại trên.

Người Trẻ và Đối Thoại Liên Tôn

Gần đây, những cuộc đối thoại song phương trên nhiều bình diện giữa Do Thái và Công Giáo đã liên tiếp được tổ chức. Gần đây nhất là cuộc gặp gỡ tại Budapest, từ ngày 9 tới ngày 12 tháng Mười Một giữa Ủy Ban Liên Lạc Tôn Giáo với Người Do Thái, thuộc Hội Đồng Giáo Hoàng phụ trách Cổ Vũ Hiệp Nhất Kitô Giáo và Ủy Ban Do Thái Quốc Tế. Không như các cuộc gặp gỡ cao cấp vừa nhắc trên đây, cuộc gặp gỡ lần này mời gọi sự tham dự của những con người bình thường nhất. Thực vậy, linh mục Norbert Hofmann, thư ký của Ủy Ban Liên Lạc Tôn Giáo với Người Do Thái cho hay: muốn có tiến bộ trong liên hệ Do Thái và Công Giáo, ta cần mời gọi sự tham gia của giới trẻ.

Trong các ngày từ mồng 9 tới 12 tháng Mười Một, Ủy Ban trên sẽ tham dự cuộc họp tại Budapest, Hung Gia Lợi, với Ủy Ban Do Thái Quốc Tế bàn về Những Tham Khảo Liên Tôn với chủ đề: “Xã hội dân sự và tôn giáo: Quan điểm Công giáo và Do thái giáo”. Đây là hội nghị quốc tế lần thứ hai thuộc loại này đã diễn ra tại Đông Âu. Hội nghị lần đầu được tổ chức tại Prague năm 1990. Hội nghị lần này nhằm lôi cuốn các thế hệ tương lai tham dự cuộc đối thoại liên tôn và cổ vũ sự hợp tác giữa Công Giáo, Do Thái Giáo và Chính Thống Giáo.

Cha Hofmann cho hay lý do hai bên cùng chọn Budapest là vì ở đấy có một cộng đồng Do Thái khá lớn. Trước khi hội nghị bắt đầu, hai bên đã tổ chức cuộc gặp mặt vào ngày cuối tuần cho 6 bạn trẻ Do Thái và 6 bạn trẻ Công Giáo. Cả hai nhóm lần lượt cùng tới một hội đường và sau đó tới một nhà thờ dự Thánh Lễ. Ngày cuối tuần đó đã là một chuẩn bị rất tốt cho cuộc hội nghị lần này.

Theo cha Hofmann, chúng ta là những con người tôn giáo, nên đức tin là tâm điểm của đối thoại. Một trong các khía cạnh của xã hội đương thời là hiện tượng thế tục hóa với nhiều hiệu quả đối với sinh hoạt tôn giáo của cả Do Thái lẫn Công Giáo. Làm thế nào để đương đầu với hiện tượng ấy, đó chính là ưu tư của Hội Nghị.

Hiện nay đã có sự nhất trí giữa hai bên về tầm quan trọng của tôn giáo và việc tìm ra bản sắc mình. Người Công Giáo không khai triển bản sắc mình trong phòng áo lễ, mà khai triển nó trong sinh hoạt xã hội và đời sống công cộng. Bởi thế, người Do Thái Giáo và người Công Giáo phải làm việc chung với nhau, phải tạo ra nhiều giá trị chung. Mười Điều Răn dĩ nhiên là căn bản chung rồi.

Ngoài ra, còn cần giúp người nghèo và những ai sống bên lề xã hội nữa. Có rất nhiều giá trị ta cần thực hiện chung với nhau.

Hoài mong chung là cùng nhau thâm hậu hóa tình thân hữu giữa người Công Giáo và người Do Thái Giáo trên bình diện quốc tế để tạo tiến bộ và thâm hậu hóa cuộc đối thoại giữa hai bên. Việc một giáo sĩ Do Thái lên tiếng trong Thượng Hội Đồng Giám Mục Thế Giới gần đây quả là đáng khích lệ. Ta cần khai triển những hợp tác như thế. Và trong việc này, giới trẻ đóng một vai trò quan trọng.

Kết luận

Để kết luận, theo thiển ý, muốn làm cho cuộc đối thoại hữu hiệu, nghĩa là biến nó thành một phương tiện chứ không phải là một cùng đích, điều cần là phải gạt sang một bên cái xác tín cho rằng chỉ có thể có hòa bình và tôn trọng lẫn nhau, khi người ta xóa bỏ việc làm chứng tá cho chính bản sắc mình. Đó không phải là điều Chúa Giêsu dạy ta: Người vươn tay ra chào đón mọi người, nói với mọi người, nhưng không bao giờ bỏ lỡ cơ hội cho họ hay lý do tại sao Người bước vào trần gian. Lý do ấy là đến để làm chứng về Chúa Cha của Người. Giáo Hội, khi bước chân theo Thầy Chí Thánh, đã luôn luôn tiếp nối cùng một phương pháp ấy: công bố cho mọi người thuộc mọi thời đại tin mừng Nhập Thể của Ngôi Lời, việc Người chịu khổ hình, chịu chết nhưng sau đó đã sống lại. Để làm điển hình, chúng tôi xin trình bầy kinh nghiệm đối thoại của một nhân vật ngoại hạng trong lịch sử Giáo Hội: Thánh Phanxicô thành Assisi. Thời ngài sống không phải là thời hòa bình: chiến tranh xẩy ra khắp nơi, nào là chiến tranh giữa các thành thị, rồi thập tự chinh. Trong bối cảnh ấy, ngài đã đích thân đi gặp Ông Hoàng Ai Cập. Câu truyện này được kể lại trong cuốn “Leggenda Maggiore di San Bonaventura da Bagnoregio” (Những dã sử lớn.của Thánh Bonaventura thành Bagoregio). Mười ba năm sau ngày hồi tâm, Thánh Phanxicô lên đường qua Phương Đông. Trên đường hành hương ấy, ngài muốn được gặp Ông Hoàng, mặc dù lúc ấy, Kitô hữu và người Hồi Giáo đang có tranh chấp lớn. Các liên hệ trở nên tồi tệ khi Ông Hoàng này ra sắc lệnh hứa thuởng vàng bạc cho bất cứ ai trao nạp được đầu một Kitô hữu.

Trong cuộc hưu chiến vào cuối tháng Tám và cuối tháng Chín năm 1219, trước mặt Ông Hoàng Melek-el Kaamel, Thánh Phanxicô bị vặn hỏi lý do thăm viếng. “Với một tâm hồn mau mắn, thánh nhân trả lời rằng ngài được sai tới đây không phải bởi người trần thế mà là bởi Thiên Chúa Toàn Năng, để tỏ bầy cùng Ông Hoàng và thần dân của Ngài con dường cứu rỗi, và để công bố Phúc Âm Sự Thật. Ngài giảng cho Ông Hoàng nghe về Thiên Chúa, Thiên Chúa duy nhất trong Ba Ngôi Vị và Chúa Cứu Thế muôn dân là Chúa Giêsu Kitô” (Leggenda Maggiore, San Bonaventura da Bagnoregio)

Câu truyện trên cho thấy một phương pháp đối thoại rất đặc biệt. Phương pháp ấy được môn đệ Thánh Phanxicô tiếp tục sử dụng mãi cho tới ngày nay. Chỉ cần đơn cử việc Dòng Phanxicô Trông Coi Đất Thánh là đủ. Đây là một công cuộc đối thoại đầy khó khăn giữa hai khối đa số Do Thái giáo và Hồi Giáo, một cuộc vật lộn khiến cho cuộc sống người Kitô hữu thiểu số ngay trên quê hương của Chúa Giêsu ra khó khăn vô cùng. Cũng như trong quá khứ, các công trình trợ giúp và giáo dục của Dòng Phanxicô không những nhằm các đối tượng Kitô giáo mà cả các đối tượng Hồi giáo nữa. Mẹ Têrêxa thành Calcutta cũng áp dụng cùng một phương pháp như thế. Ngài biến các công việc bác ái của mình thành cố gắng liên tôn liên tục; tuy không dùng công việc bác ái của mình vào việc khuyên người ta bỏ Ấn Giáo mà theo Kitô Giáo, nhưng lúc nào Á Thánh cũng tuyên bố rằng việc mình làm là vì Chúa Kitô. Hay công trình mục vụ của nhà truyền giáo Ý, Cha Andrea Santoro, mới bị sát hại gần đây tại Thổ Nhĩ Kỳ.

Ta không quen thuộc với hình thức đối thoại trên vì ngày nay người ta thường có ý niệm cho rằng cuộc đối thoại chỉ chân thực và hữu ích khi ta từ bỏ tính đặc thù trong bản sắc mình để tránh đừng xúc phạm tới người đối thoại với ta. Trên thực tế, cái xác tín lạ lẫm đó, cái xác tín cho rằng khẳng nhận bản sắc mình là nguyên nhân tạo ra tranh chấp, đã xâm nhập vào cả thế giới Công Giáo từ lâu.

Ở điểm này, ta cần hiểu rõ thế nào là bản sắc. Nếu ý niệm bản sắc có nghĩa là phải dùng tôn giáo hay quan điểm của mình làm cờ hiệu vẫy lên để kéo chú ý của người khác, thì điều đó dễ biến thành ý thức hệ: trong trường hợp này, mục tiêu là chiếm lãnh Sự Thật chứ không còn phục vụ Sự Thật nữa. Nhưng nếu hiểu bản sắc như là yêu thương làm chứng cho kinh nghiệm đức tin của mình, một kinh nghiệm sống để minh chứng đức tin ấy bằng công cuộc bác ái, thì nguy cơ bất khoan dung sẽ không còn. Các tài liệu ta vừa đọc có mục đích nhấn mạnh điều này: mục tiêu của việc làm chứng cho đức tin là làm cho cuộc sống con người bớt khó khăn, giúp ho đạt tới điều tốt, từ điều tốt của cá nhân tới điều tốt hơn của toàn thể xã hội. Làm sao ta có thể quên lời Chúa Giêsu dạy: “Ta đến không để luận phạt nhưng để cứu vớt thế gian”.

Khó có thể đối thoại, nếu ta không là môn đệ của ai đó, bất kể đó là tôn giáo nào. Theo thiển ý, Giáo Hội tiếp tục can đảm sử dụng các từ ngữ nhân vị, gia đình, giáo dục, chân lý, tình yêu chỉ vì biết rõ mình là sự liên tục lịch sử của Đấng Emmanuel, Thiên Chúa ở cùng chúng tôi, Đấng đã không bỏ qua cơ hội nào để giúp đỡ con người trở thành điều họ được mời gọi trở nên. Cái chết của Chúa Kitô trên Thánh Giá là hình ảnh yêu thương vô giới hạn đối với cả những người hành hình mình.

Chủ đề đối thoại đã trở nên quá mơ hồ vì bị tách rời khỏi chủ đề Chân Lý, do đó, trong não trạng chung, đã nẩy sinh ra ý niệm lầm lẫn muốn đặt hai cực ấy ở thế đối nghịch nhau. Loại bỏ ý niệm Chân Lý ra khỏi tôn giáo là loại bỏ vật liệu ra khỏi việc xây dựng một cái gì đó. Chủ nghĩa cực đoan (fundamentalism) có cái nguy cơ là đã loại bỏ khả thể có thể có chân lý và chân lý ấy có thể thông đạt được cho con người. Tuy nhiên, dấu hiệu hy vọng không thiếu: các triều giáo hoàng gần đây, kể cả triều giáo hoàng hiện nay, đều nổi bật ý muốn bắc cầu với nền văn hóa thời đại để phá đổ mọi rào cản từng được dựng lên làm khí cụ ngăn cách tín hữu với người không tin, ngăn cách các tín hữu của các tôn giáo với nhau. Tương lai của hòa bình, của đối thoại và hoà hợp giữa các dân tộc không nằm trong cố gắng từ nhiều thế kỷ qua, nhất là thế kỷ hiện nay, nhằm triệt hạ tôn giáo, mà là nằm trong cố gắng sống chân lý do kinh nghiệm tôn giáo bản thân của mỗi người đem lại. Các Kitô hữu biết rằng vì Thiên Chúa đã làm người, vì Ngôi Lời đã thành xác thân, nên không điều gì và không ai còn xa lạ nữa; theo cách thế nhiệm mầu, mỗi chủ thể và mọi chủ thể đều được nối kết với Chúa Giêsu Kitô, khuôn mặt đích thực của Thiên Chúa.

________________________________________________________________________________

Tài liệu của Hãng tin Fides, ngày 6 tháng Tám 2008 và của Hãng tin Zenit ngày 9 tháng 11 2008.
 
Bản tuyên bố của Hội đồng Giám mục Hoa kỳ gửi chính quyền của tổng thống tân cử Obama
Phụng Nghi
10:48 13/11/2008
Baltimore, MD (Catholic Online) – Đức Hồng y Francis George giáo phận Chicago, hiện là Chủ tịch Hội đồng Giám mục Hoa kỳ.

Tuy bày tỏ niềm hy vọng chân thành được cộng tác với chính phủ mới, với tổng thống tân cử Barack Obama và Quốc hội mới, ngài cũng trình bày những mối quan tâm nghiêm trọng của toàn thể các Giám mục Hoa kỳ trong một bản tuyên bố chính thức được phổ biến vào lúc cuộc họp của các giám mục kết thúc. Nguyên văn như sau:

Bản tuyên bố của Chủ tịch Hội đồng Giám mục Hoa kỳ.

“Ví như Chúa chẳng xây nhà,

thợ nề vất vả cũng là uổng công.

Thành kia mà Chúa không phỏng giữ,

uổng công người trấn thủ canh đêm.” (TV 127:1)



Các giám mục giáo hội Công giáo Hoa kỳ hoan nghênh giai đoạn chuyển tiếp lịch sử này và mong đợi cộng tác với tổng thống tân cử Obama và các thành viên Quốc hội mới để mưu lợi ích chung cho tất cả mọi người. Vì lịch sử và phạm vi những sứ vụ của giáo hội tại đất nước này, chúng tôi muốn tiếp tục công việc mưu tìm công bằng về kinh tế và cơ may cho tất cả mọi người, tiếp tục các nỗ lực của chúng tôi nhằm cải tổ luật pháp về vấn đề di dân và tình cảnh của những cư dân bất hợp pháp; tiếp tục cung ứng một nền giáo dục tốt đẹp hơn và sự chăm sóc sức khỏe thích đáng cho tất cả mọi người đặc biệt là phụ nữ và trẻ em; niềm ao ước của chúng tôi được bảo vệ tự do tôn giáo và thúc đẩy nền hòa bình trong cũng như ngoài nưóc. Ý hướng của Giáo hội là làm những việc thiện hảo và sẽ hân hoan tiếp tục cộng tác với chính phủ và tất cả mọi người khác đang thực hiện những việc thiện hảo đó.

Điều thiện hảo căn cốt chính là sự sống, do Thiên Chúa và cha mẹ chúng ta ban tặng. Một quốc gia thiện hảo sẽ bảo vệ sự sống của mọi người. Sự che chở về luật pháp cho những thành viên của gia đình nhân loại đang chờ đợi được chào đời ở đất nước này đã bị tước đoạt khi Tối cao pháp viện phán quyết về đạo luật Roe vs. Wade năm 1973. Đây là một đạo luật xấu. Mối nguy hiểm mà các Giám mục thấy lúc này là một quyết định xấu của tòa án sẽ được duy trì thành luật xấu, còn triệt để hơn chính phán quyết năm 1973 của Tối cao Pháp viện nữa.

Trong Quốc hội vừa qua, một Dự luật Tự do Chọn lựa (Freedom of Choice Act (FOCA) đã được trình bày, nếu hôm nay lại được đưa ra dưới cùng một hình thức, sẽ kết tội là phạm luật bất cứ “sự can thiệp” nào vào việc cung ứng phá thai theo ý muốn. Nó sẽ tước đoạt dân chúng khắp 50 tiểu bang Hoa kỳ sự tự do họ đang có, là được thực hiện sự hạn chế và quy định khiêm nhượng đối với kỹ nghệ phá thai. Dự luật nói trên sẽ ép buộc mọi người Mỹ phải trợ cấp và thúc đẩy việc phá thai bẳng tiền chính họ đóng thuế. Nó sẽ chống lại bất cứ nỗ lực nào và mọi nỗ lực của chính phủ cũng như của những người thiện chí khác muốn giảm thiểu con số phá thai trong đất nước chúng ta.

Việc thông báo cho cha mẹ và những biện pháp phòng xa để có sự đồng ý khi được hỏi ý kiến, sẽ bị coi là bất hợp pháp, cũng như những luật cấm các thủ tục như phá thai từng phần và bảo vệ trẻ em sống sót sau khi phá thai bất thành. Các bệnh viện phá thai sẽ không còn bị kiềm chế, Tu chính án Hyde (Hyde Amendment) hạn chế dùng quỹ liên bang cho các vụ phá thai, sẽ bị hủy bỏ. Dự luật nói trên (FOCA ) sẽ có những hậu quả độc hại cho sự sống của con người chưa ra đời.

FOCA cũng sẽ có một hậu quả tai hại đối với tự do lương tâm của các bác sĩ, y tá và cán bộ y tế, những người mà đức tin cá nhân không cho phép họ cộng tác vào việc giết hại trẻ chưa sinh nơi chốn riêng tư. Nó sẽ đe dọa các cơ sở chăm sóc sức khỏe của Công giáo và các cơ quan từ thiện Công giáo. Nó sẽ là một đạo luật xấu, chia rẽ thêm nữa quốc gia chúng ta, và Giáo hội phải có ý hướng chống lại điều xấu.

Về vấn đề này, vấn đề bảo vệ bằng luật pháp cho trẻ chưa sinh, các giám mục đều đồng tâm nhất trí với giáo dân Công giáo và những người có thiện chí khác. Họ cũng là những vị mục tử đã nghe được tiếng nói của những phụ nữ mà cuộc đời đã bị giảm đi giá trị chỉ vì đã tin rằng họ không còn cách nào khác hơn là phải phá đi mạng sống một trẻ thơ. Phá thai là một thủ tục y khoa nhằm giết chết, và các hậu quả về mặt tâm lý và tinh thần còn ghi dấu thành nỗi âu sầu và trầm cảm nơi nhiều phụ nữ và nam giới. Các giám mục đều nhất trí, bởi vì, trên hết cả, họ đều đồng tâm.

Cuộc bầu cử vừa qua được quyết định chính yếu là do mối quan ngại về kinh tế, về chuyện mất công ăn việc làm và nhà cửa, sự an toàn về tài chánh cho gia đình, nơi đây cũng như trên khắp thế giới. Nếu cuộc bầu cử được giải thích một cách sai lạc theo ý thức hệ, coi như đó là một cuộc trưng cầu dân ý về vấn đề phá thai, thì sự đoàn kết theo niềm ao ước của tổng thống tân cử Obama và mọi người Mỹ vào lúc khủng khoảng này, sẽ không thể thực hiện được. Phá thai không chỉ giết hại trẻ chưa sinh, nó còn phá hủy đi trật tự hợp hiến và công ích, những điều này chỉ được bảo đảm khi sự sống của mỗi con người được luật pháp che chở. Những chính sách, những mệnh lệnh hành pháp và tư pháp phò phá thai một cách hung hãn sẽ vĩnh viễn làm tha hóa hàng chục triệu người Mỹ, và sẽ được nhiều người coi như là một cuộc tấn công vào quyền tự do hành đạo của họ.

Bản tuyên bố này được viết ra theo lời yêu cầu và hướng dẫn của tất cả các Giám mục; chúng tôi cũng muốn cám ơn tất cả những ai trong chính trường đang có thiện chí làm việc để bảo vệ những kẻ dễ bị tỗn thương nhất trong chúng ta. Những người đang làm như thế trong đời sống công quyền, có khi, phải trả giá bằng sự hy sinh của chính mình và gia đình, và chúng tôi tri ân họ. Một lần nữa chúng tôi bày tỏ niềm ao ước lớn lao được cộng tác với tất cả những ai đang quan tâm lo lắng đến điều thiện hảo chung cho đất nước chúng ta. Điều thiện hảo chung không phải là tất cả những tham vọng và lợi ích cá nhân gộp lại, mà là thành quả của công việc tạo ra một cuộc sống chung đặt căn bản trên lý trí tốt đẹp và thiện chí của tất cả mọi người.

Kèm theo là những lời cầu nguyện của chúng tôi cho tổng thống tân cử Obama, gia đình ông và những người đang cộng tác với ông để đảm bảo một sự chuyển tiếp suông sẻ trong chính quyền. Nhiều vấn đề cần đến sự chú ý ngay của kẻ được chọn làm “người trấn thủ” (Thánh Vịnh 127).

Xin Chúa chúc phúc lành cho ông và tổ quốc chúng ta.
 
Tòa thánh Vatican cử hành ngày kỷ niệm bản Tuyên ngôn Nhân quyền
Phụng Nghi
12:12 13/11/2008
Vatican (VIS) – Tại văn phòng Báo chí Tòa thánh sáng nay, đức Hồng y Renato Martino, chủ tịch Hội đồng Giáo hoàng về Công lý và Hòa bình, đã trình bầy chương trình hoạt động sẽ được thực hiện để kỷ niệm năm thứ 60 ngày công bố bản Tuyên ngôn Nhân quyền. Các sáng kiến này, do cơ quan ngài phụ trách tổ chức, sẽ được cử hành tại Vatican ngày 10 thàng 12 năm nay.

Đức hồng y Martino giải thích rằng mục đích của những sáng kiến này là để “một mặt, mừng kỷ niệm một văn kiện thời danh của LHQ, và mặt khác, để đề cao những giá trị trường cửu trong đó, nhấn mạnh lần một lần nữa tầm quan trọng của tài liệu này, coi đó như một công cụ giáo dục và một bản hướng dẫn để xây dựng một thế giới công bằng và đoàn kết hơn.

“Giáo hội chủ trương rằng nhân quyền biểu hiện phẩm giá siêu việt của con người, những vật thụ tạo được Thiên Chúa yêu thương; và giáo hội tin rằng bản Tuyên ngôn Nhân quyền năm 1948 là thời điểm quan trọng căn bản trong sự phát triển lương tâm đạo đức của nhân loại, phù hợp với phẩm giá con người. ”

Đức hồng y nhắc nhở đến sự kiện “Giáo hội đã đóng góp phần mình, bằng những suy tư về nhân quyền dưới ánh sáng của Lời Chúa và của lý trí con người (như chủ đề được đề cập trong thông điệp “Pacem in Terris” của Chân phước Giáo hoàng Gioan XXIII), và bằng những cam kết loan truyền và tố cáo của Giáo hội, đã làm cho giáo hội thành người tranh đấu không mỏi mệt cho phẩm giá con người và cho nhân quyền trong suốt 60 năm qua kể từ ngày bản Tuyên ngôn năm 1948 ra đời.”

“Chứng tá mạnh mẽ gần đây nhất đối với giá trị của bản Tuyên ngôn là việc Đức thánh cha Bênêđictô XVI vào ngày 18 tháng 4 năm nay khi thăm viếng LHQ đã tuyên bố: …”Công lao của bản Tuyên ngôn Nhân quyền là đã cho các nền văn hóa, các phát biểu luật pháp và các mẫu mực thể chế khác biệt, tụ hội chung quanh một trung tâm căn bản các giá trị, và vì vậy, chung quanh trung tâm các quyền.”

“Trên căn bản này, Hội đồng Giáo hoàng về Công lý và Hòa bình cùng với Phủ Giáo hoàng sẽ tổ chức một buổi lễ tại Thính đường Phaolô VI vào ngày 10 tháng 12. Chương trình sẽ được chia làm hai phần. Phần đầu, vào lúc 4 giờ chiều, sẽ là cuộc họp kỷ niệm dành cho những suy tư và nghiên cứu, với sự tham dự của các vị lãnh đạo thuộc giáo triều Roma và thành viên ngoại giao đoàn cạnh Tòa thánh. Những đóng góp về giá trị và tầm quan trọng của bản Tuyên ngôn Nhân quyền sẽ được trình bày do: Hồng y Tarcisio Bertone, Quốc vụ khanh Tòa thánh; Juan Somavia, tổng giám đốc Tổ chức Lao động Thế giới, và Jacques Diouf, tổng giám đốc Tổ chức Lương Nông LHQ.

Vào 6 giờ chiều cùng ngày, Đức giáo hoàng Bênêđictô XVI sẽ tham dự buổi trình tấu công cộng của dàn nhạc Brandenburrgisches Staatsorchester đến từ Frankfurt (Đức) do nhạc trưởng Inma Shara điều khiển.

Ngay trước buổi hòa tấu, các giải thưởng hàng năm của Tổ chức Thánh Matthêu để tưởng niệm cố Hồng y Nguyễn Văn Thuận sẽ được trao tặng. Trong số những người trúng giải năm nay có Cornelio Sommaruga, cựu chủ tịch hội Hồng thập tự Quốc tế.
 
Sức mạnh của lời cầu nguyện vô hiệu hoá cả bom nguyên tử
Lm Nguyễn Hữu Thy
15:40 13/11/2008
Sức mạnh của lời cầu nguyện vô hiệu hóa cả bom nguyên tử

Viên phi công phụ cùng ngồi trên chiếc máy bay đã thả quả bom nguyên từ đầu tiên xuống thành phố Hiroshima/Nhật Bản vào cuối trận thế chiến II vừa qua đã kể lại như sau:

Quả bom nguyên tử nổ tại Hiroshima năm 1945
«Vào tháng 8 năm 1945, một chiếc máy bay loại B29 cất cánh tại đảo Tinian lúc 2giờ 45 đêm và trực chỉ quần đảo Nhật Bản. Để tiêu diệt bộ máy chiến tranh Nhật Bản, thành phố Hiroshima cần phải bị xóa sổ. Khóa gài quả bom nguyên tử được mở ra để cho quả bom rớt xuống trên thành phố bất hạnh này với trên dưới một nửa triệu dân cư. Mọi sự diễn ra theo đúng kế hoạch đã dự định. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử nhân loại người ta dám làm điều đó, dám sử dụng bom nguyên tử. Lúc đó kim đồng hổ chỉ 8 giờ 15 sáng. Một tia chớp loé ra khủng khiếp, và toàn thể thành phố bị bao trùm bởi một làn khói cực kỳ nóng hực, làm nổ tung mọi nhà cửa dinh thự. Một đám khói trắng khổng lồ chỉ trong vòng khoảng 3 phút đã bốc lên cao từ 10.000 đến 20.000 mét. Toàn thể thành phố bị tiêu diệt hoàn toàn. Không gì còn sót lại ngoài tối tăm, máu chảy, các đám cháy, sự kêu la đau đớn và sự khủng khiếp bành trướng mau lẹ. Tôi sẽ không bao giờ tẩy xoá được sự ám ảnh của những giây phút kinh hoàng rùng rợn này khỏi trí óc, dù cho tôi có sống lâu cả 100 tuổi đi nữa.»

Không chỉ viên phi công phụ này mà toàn thể thế giới vào lúc bấy giờ đều bị «sốc» mạnh. Thành phố Hiroshima muôn đời là một lời cảnh cáo nghiêm trọng. Tuy nhiên, còn rất nhiều điều xảy ra tại nơi đây mà mãi cho tới nay vẫn chưa được nhiều người biết đến. Một trong những điều đó là việc Đức Maria, Nữ Vương Rất Thánh Mân Côi đã bảo vệ chở che một cách vô cùng lạ lùng cộng đoàn cầu nguyện bé nhỏ của 4 Linh mục Dòng Tên tại một nhà xứ, cách trung tâm thành phố Hiroshima, nơi quả bom nguyên từ nổ, chỉ 8 căn nhà mà thôi. Cha Hubert Schiffer, mới 30 tuổi, phụ trách công tác mục vụ tại giáo xứ Đức Mẹ Lên Trời, một trong những nhân chứng của sự kiện khủng khiếp đó, đã tường thuật lại dịp Đại Hội Thánh Thể tại Philadelphia (USA) như sau: «Bầu trời trong xanh Hiroshima bỗng nhiên, chỉ trong vòng một hơi thở, được chiếu sáng rực lên bởi một luồng ánh sáng chói loà, cực kỳ mạnh không thể diễn tả được. Còn chung quanh tôi chỉ còn ánh sáng loé lên, khiến tôi không còn có thể nghe hay suy nghĩ được gì nữa cả. Mọi sự vào lúc đó đều hoàn toàn chìm vào yên lặng. Tôi bơi lội trong đại dương ánh sáng, bất lực và đầy sợ hãi. Cả không gian như ngừng thở trong bầu tử khí. Rồi bỗng chốc tất cả bao trùm trong một tia chớp sáng loè phát ra từ một tiếng nổ dữ dội. Một sức mạnh vô hình cuốn lôi tôi khỏi chiếc ghế tôi đang ngồi. Tôi bị va vào khắp nơi, bị quay cuồng, đảo lộn trong không khí như một chiếc lá trong cơn gió mùa thu. Sau đó, mọi sự lại chìm vào bóng tối, vào sự vắng lặng, vào cõi hư không. Vào lúc đó, tôi vẫn luôn tỉnh táo, chứ không ngất xỉu, vì tôi cứ suy nghĩ và tìm hiểu sự gì đã xảy ra. Với các ngón tay, tôi cảm nhận được chính mình trong sự tối mù hoàn toàn đó. Tôi nằm úp mặt xuống trên những thanh gỗ nằm rải rác dưới đất. Một vật gì nặng đè lên lưng tôi, máu chảy xuống trên mặt tôi. Tôi không còn có thể nhìn thấy và cũng không nghe được gì cả. Tôi nghĩ mình đã chết. Bấy giờ tôi nhận ra được tiếng mình. Đó cả là một cảm nghiệm khủng khiếp. Nhưng cũng chính điều đó giúp tôi biết được mình hãy còn sống, và vô cùng khiếp sợ khi biết rằng một tai hoạ nào đó đã xảy ra. Suốt cả một ngày tôi và ba người anh em cùng Dòng phải sống trong lò lửa hoả ngục, trong khói mịt mù và trong phóng xạ đó, mãi cho tới khi chúng tôi được những người cứu thương tìm thấy và đưa về nơi an toàn. Tất cả chúng tôi đều bị thương, nhưng nhờ ơn Chúa, chúng tôi đều được thoát chết.»
Hiroshima chỉ còn là đống tro tàn khổng lồ sau khi quả bom nổ


Đứng về phía nhân loại thì không ai có thể cắt nghĩa được tại sao 4 vị Linh mục Dòng Tên này, là cha Lasalle, cha Kleinsore, cha Cieslik và cha Schiffer – mà vào năm khai mạc Đại Hội Thanh thể 1976 vẫn còn sống – là những người duy nhất trong hàng trăm ngàn người sống trong chu vi 1,5 km mà vẫn sống sót một cách hầu như bình thường. Đối với các người chuyên môn về bom nguyên tử thì đó cả là một bí mật không thể tìm ra được câu giải thích, là tại sao không một ai trong bốn vị Linh mục Dòng Tên này không hề bị nhiễm phóng xạ, khi quả bom nguyên tử nổ chỉ cách nhà các ngài vài trăm thước và tại sao căn nhà xứ nơi các ngài ở vẫn nguyên vẹn trong khi tất cả các nhà cửa khác đều bị thiêu ra tro cả. Trên 200 các bác sĩ và các nhà khoa học Mỹ cũng như Nhật Bản sau khi kiểm tra và tìm hiểu những tường thuật của cha Schiffer, cũng không tìm ra được sự giải thích nào. Và mãi 33 năm sau khi quả bom nổ, cha Schiffer vẫn sống khoẽ mạnh bình thường, chứ không hề bị bất cứ hậu quả nào do phóng xạ gây ra.
Các nạn nhân của bom nguyên tử tại Hiroshima
cả

Trong khi các nhà khoa học bất lực không tìm ra được cẩu trả lời cho sự kiện lạ lùng đó, thì chính cha Schiffer đã trả lời một cách xác tín rằng: «Với tư cách là những nhà truyền giáo, chúng tôi chỉ muốn thực thi sứ điệp Đức Mẹ Fatima trong cuộc sống của mình, và vì thế hằng ngày chúng tôi đã lần hạt Mân Côi.» Cha Schiffer qua đời ngày 27.3.1982 tại thành phố Frankfurt, Đức quốc.

(Trích trong: «Gruss aus dem Barmherzigkeitskloster», 2008)
 
Đức Thánh Cha sẽ viếng thăm mộ của người sáng lập Âu Châu
Bùi Hữu Thư
21:37 13/11/2008

Đức Thánh Cha sẽ viếng thăm mộ của người sáng lập Âu Châu



VATICAN CITY, ngày 13, tháng 11, 2008
(Zenit.org).- ĐTC Benedict XVI sẽ viếng thăm giáo xứ Thánh Lôrensô Ngoại Thành Rôma và viếng mộ của ông Alcide de Gasperi, một sáng lập viên của Thị Trường Chung Âu Châu.

Báo L'Osservatore Romano cho hay ĐTC sẽ viếng thăm và dâng thánh lễ tại đây lúc 9:45 sáng ngày 30 tháng 11. Ngài sẽ cầu nguyện tại mộ Thánh Lôrensô, kỷ niệm năm thứ 1.750 cuộc tử đạo của ngài, và thăm mộ của Chân Phước Piô IX.

Alcide de Gasperi (1881-1954) là một chính trị gia, cùng với Konrad Adenauer, Robert Schuman và Jean Monnet, được coi là “cha đẻ của Liên Hiệp Âu Châu.”

Ông phục vụ với tư cách là bộ trưởng ngoại giao và thủ tướng nước Ý, ông cũng sáng lập Đảng Dân Chủ Công Giáo tại đây. Thủ tục để phong Á Thánh cho ông đã được khởi sự.

Ông Alcide de Gasperi
Vương Cung Thánh Đường St. Lôrensô Ngoại Thành
Hình cung thánh
 
Các Giám Mục Hoa Kỳ lên tiếng
Vũ Văn An
22:43 13/11/2008
Các Giám Mục Hoa Kỳ lên tiếng

Trong ngày 12 tháng 11, cả tờ Washington Post lẫn tờ Chicago Tribune đều tường thuật lời kết án của hàng Giám Mục Hoa Kỳ đối với dự luật “Freedom of Choice” vốn được Tổng thống đắc cử Barack Obama ủng hộ và cam kết sẽ ký ban hành sau khi nhậm chức vào tháng Giêng sắp tới.

Các vị giám mục Hoa Kỳ coi việc ban hành đạo luật đó như một hành vi tấn công thẳng vào Giáo Hội Công Giáo vì nó sẽ hủy bỏ mọi hạn chế hiện nay của các tiểu bang cũng như của liên bang đối với việc phá thai. Các ngài cho rằng đạo luật này giảm thiểu tự do tôn giáo và làm hàng triệu người Mỹ chống đối phá thai bị đẩy ra ngoài lề.

Người ta còn nhớ nhiều vị giám mục từng thúc giục người Công Giáo coi việc chống đối phá thai như một ưu tiên khi đầu phiếu. Nhưng kết quả cuộc đầu phiếu tuần trước cho thấy Obama thắng 54% tổng số phiếu của người Công Giáo. Chỉ mấy ngày sau đó, các giám mục Hoa Kỳ gặp nhau tại Baltimore và dù đây là kỳ họp thường lệ, các ngài cũng đã tập trung vào việc lên tiếng chính thức cho việc bênh vực sự sống, cụ thể là chống lại việc ban hành dự luật “Freedom of Choice”, một dự luật do TNS Barbara Boxer (Dân Chủ - Calif.) bảo trợ, mà chính những nhà tranh đấu cho quyền phá thai cũng không dám ước mơ là Quốc Hội sẽ thông qua.

Trong cuộc họp trên, các vị giám mục đã lần lượt đứng lên để lên án dự luật này. Đức Cha Thomas Paprocki, Giám mục phụ tá Giáo phận Chicago, cảnh cáo rằng hệ thống y tế của Công Giáo sẽ lâm nguy nếu dự luật này được ban hành vì nó sẽ triệt tiêu các đạo luật lương tâm từng cho phép các bác sĩ và các bệnh viện từ khước thi hành các thủ tục liên quan tới phá thai. Ngài cho hay điều ấy buộc nhiều bệnh viện Công Giáo phải đóng cửa.

Đức cha Robert Hermann, Giám mục phụ tá của giáo phận St. Louis cho hay: “bất cứ ai trong chúng tôi cũng coi là đặc ân được chết, vâng, được chết ngay ngày mai, để tìm cách kết liễu việc phá thai”.

Đức cha Joseph Martino, Giám mục giáo phận Scranton, Pa., quê hương phó tổng thống đắc cử Joe Biden, kêu gọi các vị giám mục đưa ra nhiều biện pháp hơn nữa nhằm trừng phạt các viên chức Công Giáo “lanh lảnh chống lại sự sống”. Ngài phát biểu: “Tôi không thể có cái ông phó tổng thống tới Scranton và leo lẻo cho rằng mình học hỏi được các giá trị tại đây khi các giá trị ấy hoàn toàn phản lại các giá trị của Giáo Hội Công Giáo”.

Trong khi soạn thảo bản tuyên bố gửi cho Obama, các vị giám mục khuyến cáo Đức Hồng Y Francis George của Chicago, Chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ, phải ấn định rõ ý của Giáo Hội Hoa Kỳ muốn hợp tác với tân chính phủ trong các lãnh vực công bằng kinh tế, cải cách di trú, chăm nom sức khỏe cho người nghèo và tự do tôn giáo. Nhưng phải nhấn mạnh tới “ý định chống sự ác” và “bảo vệ trẻ chưa sinh” của Giáo Hội. Các ngài cương quyết chống đối bất cứ đạo luật hay sắc lệnh hành pháp nào nhằm nới rộng các hạn chế phá thai.

Theo Đức Cha Daniel Conlon, Giám mục giáo phận Steubenville, Ohio, "đây không phải là vấn đề thoả hiệp chính trị hay vấn đề tìm ra một cơ sở chung. Mà là vấn đề tuyệt đối thể”.

Các vị giám mục Hoa Kỳ, nhân dịp này, cũng muốn duyệt lại tài liệu “Nền Công Dân Hợp Với Đức Tin” (Faithful Citizenship) mà chính các ngài đã ban hành vào năm ngoái như một hướng dẫn đối với lương tâm Công Giáo trước cuộc bầu cử sắp tới. Mặc dù tài liệu này long trọng tuyên bố rằng: “việc trực tiếp và cố ý hủy hoại sinh mạng vô tội của con người luôn luôn là điều xấu chứ không phải chỉ là một vấn đề trong nhiều vấn đề khác’. Nhưng đồng thời, tài liệu ấy cũng khuyên người Công Giáo phải cân nhắc các vấn đề khác như nghèo đói, chiến tranh, môi trường và nhân quyền khi chọn lựa ứng cử viên. Chính vì thế, một số vị giám mục hết sức sững sờ khi thấy người Công Giáo nại tới tài liệu trên để biện minh cho việc họ bầu cho các ứng cử viên như Obama, người công khai ủng hộ phá thai. Kết quả là: 54% người Công Giáo đã dồn phiếu cho ứng cử viên này.

Coi hàng giáo phẩm như một “thiểu số”

Hai tờ báo trên cùng nhận định rằng mặc dù giới lãnh đạo Giáo Hội cương quyết tranh đấu để loại phá thai ra ngoài vòng pháp luật, nhưng nhận thức của hàng ngũ giáo dân ít cương quyết hơn thế nhiều. Một cuộc trưng cầu do cơ sở Pew thực hiện hồi tháng Tám cho thấy gần một nửa người Công Giáo Mỹ nghĩ nên hợp pháp hóa việc phá thai trong bất cứ trường hợp nào hay gần như thế.

Jon O'Brien, chủ tịch “Những Người Công Giáo Phò Chọn Lựa” cho rằng nhiều vị giám mục cảm thấy choáng váng sau khi thất bại không thúc đẩy được người Công Giáo chịu coi phá thai là một vấn đề ưu tiên. Ông ta bảo: “các vị này đại biểu cho một thiểu số người Công Giáo ở Mỹ và trên thế giới. Qúy vị ấy còn không tin là nên sử dụng ngừa thai nữa”

Nữ tu Jamie Phelps, một nhà thần học (!) tại Đại học Xavier ở Louisiana, và hiện là thành viên trong Ban Cố Vấn Công Giáo Toàn Quốc của Obama, tuy hoan nghênh bản tuyên bố của các vị giám mục, nhưng cho hay: “Tài liệu Nền Công Dân Hợp Đức Tin đã nói rõ: các cử tri nên cân nhắc một loạt nhiều vấn đề liên quan đến chính sách đối xử với trẻ em của chính phủ. Các trẻ em này không có tiếng nói nếu hiểu đó là tiếng nói của các vị giám mục và của người Công Giáo”.

Nói như thế, thì làm người Công Giáo làm gì? Người Công Giáo là người không coi các vị giám mục như thiểu số trong cái đa số hỗn tạp của xã hội ngày nay. Các ngài là đại diện của Chúa Kitô ở trần gian, làm ánh sáng soi đường, là thầy dạy của Dân Chúa, đâu phải các cá nhân bình thường muốn phát biểu chi thì phát biểu, được ai nghe thì nghe. ‘Dân Chúa” như Jon O’Brien và Jamie Phelphs đã không chịu nghe lại còn tiếp tay nhận chìm tiếng nói của các ngài nữa, thì thử hỏi có còn xứng đáng là người Công Giáo hay không?

Mà không riêng ở Mỹ mới có những người Công Giáo tự tách mình ra khỏi nền giáo lý chính thống của Giáo Hội như thế, tờ báo Công Giáo tại Anh là tờ “The Tablet” cũng có cùng một giọng điệu. Tường thuật cuộc thắng cử của Obama nhờ số phiếu của 54% người Công Giáo Mỹ, tờ này cho rằng đây là một “bác bỏ các cố gắng vào phút chót của thiểu số giám mục to tiếng…Các tuyên bố thẳng thắn của các vị giáo phẩm đã bị mờ nhạt đi vì sự lên tiếng của nhiều cá nhân và đoàn thể cho rằng cam kết của Obama đối với các sáng kiến nhằm hạ thấp con số phá thai quả là bằng chứng phò sự sống của ứng cử viên Dân Chủ (?)”

Trong bài xã luận sau ngày Obama thắng cử, tờ báo này cho hay: “Xem ra các nhà lãnh đạo Giáo Hội Công Giáo, một tôn giáo lớn nhất tại Mỹ, lại một lần nữa không đọc ra các dấu chỉ thời đại, trái lại chỉ cố gắng nhấn mạnh rằng cuộc bầu cử có tính linh hứng và biến đổi thời đại này, cái điểm xoay hướng trong lịch sử Mỹ này, một lần nữa chỉ xoay quanh vấn đề phá thai.Giáo dân nhìn vấn đề khác hẳn; thực vậy, lần này lá phiếu Công Giáo gần như không thể phân biệt được với lá phiếu của mọi người dân khác…Người ta đang cần các giám mục phải suy nghĩ lại chiến lược đối với vấn đề phá thai; chứ hiện nay, quan điểm của các ngài không được đại đa số người Công Giáo lắng nghe ”.

Một luật lệ xấu xa, gây chia rẽ

Các giám mục Hoa Kỳ quả có “suy nghĩ lại chiến lược” của mình, nhưng kết quả không như ý tờ “The Tablet”. Mà là xiết chặt hàng ngũ hơn nữa để cương quyết chống lại trào lưu nới lỏng các hạn chế phá thai. Ngày 12 tháng Mười Một, sau mấy ngày bàn thảo, các vị giám mục đã thông qua bản tuyên bố chung gửi Tổng Thống đắc cử Barack Obama, trong đó các ngài nhất loạt chỉ trích đạo luật “Freedom of Choice” như là một đạo luật xấu xa mà tựu chung sẽ gây nhiều chia rẽ hơn nữa trong quốc gia.

Sau khi cam kết hợp tác với chính phủ Obama trong các vấn đề kinh tế, di trú, giáo dục, chăm sóc sức khỏe và tự do tôn giáo, các vị giám mục nhắc tổng thống đắc cử nhớ rằng “nhà nước tốt là nhà nước bảo vệ sự sống của mọi người”.

Bản tuyên bố gọi phán quyết của Tối Cao Pháp Viện ủng hộ quyền phá thai trong vụ Roe v. Wade là một “phán quyết xấu xa” và cảnh cáo rằng không bao lâu nữa nó sẽ được “lồng vào một đạo luật xấu xa còn căn để hơn là chính phán quyết năm 1973 của Tối Cao Pháp Viện nữa. Vì đạo luật này "tước đoạt khỏi nhân dân Hoa Kỳ thuộc tất cả 50 tiểu bang quyền tự do mà hiện nay họ đang được hưởng trong việc thi hành một số hạn chế và quy định khiêm nhường đối với kỹ nghệ phá thai”.

Bản tuyên bố viết tiếp: “Đạo luật này sẽ cưỡng bức toàn thể người Hoa Kỳ phải trợ cấp và cổ vũ việc phá thai bằng tiền đóng thuế của mình. Nó sẽ hành động ngược lại bất cứ cố gắng thành thực nào của chính phủ và người thiện chí nhằm làm giảm con số phá thai trong đất nước ta… Quy định phải thông báo cho cha mẹ và phải đồng ý cách có hiểu biết sẽ bị loại khỏi vòng pháp luật cũng như các đạo luật ngăn cấm các thủ tục như phá thai lúc gần sinh và bảo vệ các thai nhi sống thoát sau một cuộc phá thai không thành. Các bệnh xá phá thai sẽ được tháo khoán. Tu chính án Hyde hạn chế việc cấp ngân khoản Liên Bang cho phá thai sẽ bị hủy bỏ. Đạo luật này sẽ gây hiệu quả giết người đối với mạng sống trước khi sinh của con người”.

Bản tuyên bố cũng tố cáo: “đạo luật này phá hoại tự do lương tâm của các bác sĩ, y tá và nhân viên y tế mà xác tín bản thân vốn khiến họ không thể hợp tác trong việc sát hại thai nhi chưa sinh. Nó cũng đe doạ đóng cửa các cơ sở y tế và cơ quan bác ái Công Giáo… Nó sẽ là đạo luật xấu xa có tác dụng chia rẽ hơn nữa đất nước của chúng ta, và Giáo Hội có nhiệm vụ chống lại sự ác. Trong vấn đề này, tức vấn đề bảo vệ trẻ chưa sinh bằng pháp luật, các giám mục nhất trí với người Công Giáo và mọi người thiện chí khác. Họ cũng là các mục tử vốn để tai lắng nghe các phụ nữ từng bị mất nhân phẩm chỉ vì tin rằng không còn chọn lựa nào khác ngoài việc phá thai đứa con của mình. Phá thai là một thủ tục y khoa giết người, và các hậu quả tâm lý và thiêng liêng của nó đọc thấy rõ trong nỗi sầu đau và trầm cảm của rất nhiều người đàn bà và đàn ông”.

Để tránh những luận điệu cho rằng chỉ khoảng 1/3 các giám mục Hoa Kỳ chống đối phá thai, bản tuyên bố này nhấn mạnh: “Các giám mục nhất trí vì hơn hết các vị chỉ có một lòng. Cuộc bầu cử gần đây được quyết định chủ yếu do quan tâm về kinh tế, mất việc, mất nhà, mất an toàn tài chánh đối với các gia đình, tại đây và khắp nơi trên thế giới. Nếu cuộc bầu cử ấy bị giải thích sai lầm về ý thức hệ như là cuộc trưng cầu dân ý về phá thai, thì sự hợp nhất mà Tổng thống đắc cử Obama cũng như toàn dân Hoa Kỳ mong muốn vào thời điểm khủng hoảng này chắc chắn đã không thể nào đạt được. Phá thai không những giết hại trẻ em chưa sinh; nó còn hủy diệt trật tự hiến định và ích chung, những điều chỉ được bảo đảm khi sự sống của mọi con người nhân bản được luật pháp bảo vệ. Các chính sách, luật lệ và sắc lệnh hành pháp phò phá thai đầy gây hấn sẽ mãi mãi tha hóa hàng triệu người Hoa Kỳ, và sẽ bị nhiều người coi là cuộc tấn công vào chính quyền hành đạo của họ”.
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Ông Phạm văn Hoa, phó chủ tịch CĐ Nữ Vương Mân Côi bị thảm sát ở Upper darby, PA.
LM Phêrô Nguyễn Xuân Quýnh, cha sở
11:55 13/11/2008
PENNSYLVANIA -Vào lúc 8 giờ 30 tối ngày thứ hai 10-11-2008, kẻ gian đã phá cửa nhà ông Phạm Văn Hoa, để đột nhập vào nhà của ông bà. Đang khi 2 ông bà đang ngủ để chuẩn bị cho ngày làm việc sáng sớm hôm sau, kẻ gian đã lên phòng ngủ của ông bà, đã thảm sát ông, và trói tay chân của bà, đòi của. Vừa bị đánh đập,và bị làm gẫy ngón tay, vừa bị khảo của, bà đã nhanh trí, bảo kẻ gian cởi trói cho bà, thì bà mới đi lấy tiền cho.. Khi được cởi trói 2 chân, bà đã lẻn ra cửa sau và chạy trốn sang nhà người cháu.. và kêu cảnh sát tới cứu ông chồng.

Cảnh sát tới, thì kẻ gian đã chạy mất, còn ông Phạm Văn Hoa, thì đã tử thương. 10 điều tra viên được chỉ định để điều tra vụ án này. Được biết kẻ gian là người da đen có nước da không đen lắm, cao chừng 6 ' 2'', to lớn và khỏe mạnh.

Ông Phạm Văn Hoa là cựu sĩ quan trong quân lực Việt Nam Cộng Hòa. Ông đã tốt nghiệp trường Võ Bị Quốc Gia Đà Lạt, và đi tù cộng sản với cấp bậc Trung Úy, ngành chiến tranh chính trị. Sau hơn 7 năm tù, ông được thả tù. Và theo chương trình HO, ông đến định cư tại vùng Philadelphia, rồi qua thành phố Upper Darby. Ông Hoa là một người chồng thương yêu vợ mình, là người cha hết mực yêu thương con cái. Ông bà được 6 người con, 3 trai, 3 gái. Hiện ông bà còn một người con gái ở Việt Nam, đã lập gia đình khi ông bà qua Mỹ, 3 người con bên Mỹ đã lập gia đình, và 2 người con còn trong tuổi đại học.

Ông Phạm Văn Hoa, là một giáo dân nhiệt thành, ông tham gia ban chấp hành của cộng đòan công giáo Nữ Vương Mân Côi, tại Upper Darby với chức vụ phó chủ tịch nội vụ. Ông còn tham gia các tổ chức công giáo khác như hội Bảo Trợ Ơn Gọi Vinh, Bảo Trợ Ơn Gọi Việt Nam.. Ông cũng tham gia rất nhiêu tổ chức xã hội trong vùng.

Cộng đòan Mân Côi đã cùng với gia đình ông, dưới sự lãnh đạo của Linh Mục Nguyễn Xuân Quýnh, chính xứ nhà thờ St. Alice, lo tổ chức đám táng cho ông. Cha sở đã gợi ý:" những vị có công ơn cho một quốc gia, thì tổ chức quốc táng, còn ông có công lao với cộng đòan, và với hòan cảnh thảm sát này, chúng ta nên dành cho ông một danh dự, cộng đòan táng".

Các tối thứ ba, thứ tư, thứ năm rất nhiều giáo dân, thân bằng quyến thuộc, bạn bè thân hữu thuộc các tôn giáo, các giáo dân thuộc nhiều sắc tốc trong giáo xứ, các vị nam nữ tu sĩ và các linh mục tới dâng thánh lễ cầu nguyện cho ông. Tối thứ sáu, một lễ nghi viếng xác, và cầu nguyện, dâng lễ ước lượng cả ngàn người tham dự.

10 giờ 30 sáng thứ bảy, Thánh lễ đồng tế an táng để tiễn ông tới nơi an nghỉ cuối cùng tại nghĩa trang Các Thánh Phêrô và Phaolô của tổng giáo phận Philadelphia.

Chiều chủ nhật, cha sở cũng tổ chức một buổi cầu nguyện thắp nến (Candle Light Service) trước nhà của ông Phạm Văn Hoa, cho mọi người giáo dân của giáo xứ gồm cả Việt và Mỹ, các hội đòan và giáo dân các xứ lân cận, cùng nhiều đòan thể và cá nhân. Cảnh Sát thành phố rất hoan hỉ và hỗ trợ cuộc cầu nguyện xin Thiên Chúa ban bình an cho khu vực, ban ơn tha thứ và yêu thương, ban ơn trợ lực an ủi tang quyến và cầu nguyện cho linh hồn Phêrô được về với Chúa.

Việc thảm sát ông Phêrô Phạm Văn Hoa, đã làm rung động khối thông tin và truyền hình tại Philadelphia, các đài TV địa phương đã đến lấy tin tức, thu hình thánh lễ, phỏng vấn các người liên hệ, để đưa tin đau buồn của ông và của gia đình ông. Đài truyền thông hoan hỉ vì thấy tinh thần hiếu hòa, và đời sống cầu nguyện cao cả của người Việt. Cái chết thảm của ông cũng làm xúc động tới đức hồng y Justin Rigali, tổng giám mục Philadelphia, ngài cũng xin số phone để gọi tới gia đình tang quyến để chia buồn.

Quả thực, việc thảm sát ông Phêrô là một niềm đau thương cho giáo xứ St. Alice, cho cộng đòan và cho gia đình của ông. Tuy nhiên khi suy niệm về đời sống đạo của ông, cha sở đã nói trong bài giảng: "Phúc cho ai đã chọn Chúa là gia nghiệp". Phúc cho ông Phêrô Phạm Văn Hoa, suốt đã chọn Chúa làm gia nghiệp và đã hòan tất con đường đức tin của một giáo hữu công giáo.

Xin cho Linh Hồn Phêrô được nghỉ yên muôn đời.
 
Tưởng Nhớ Giáo Hạt Ðất Ðỏ Cửa Tùng - Giáo Phận Huế
Dương Bỉnh
13:00 13/11/2008
Tưởng Nhớ Giáo Hạt Ðất Ðỏ Cửa Tùng - Giáo Phận Huế
(Thương Kính 1300 Vị Tiền Nhân Vĩnh Linh “Tử Vì Ðạo” năm 1645, 1838 và 1885)

Giáo hạt Ðất Ðỏ nằm gọn trong địa hạt phủ Vĩnh linh tỉnh Quảng trị, nơi đây một thời nổi tiếng là vùng Công giáo sầm uất. Nhưng nay đã tan tác theo vận nước điêu linh nghiêng ngửa.

Các làng công giáo vùng nầy phần nhiều ở dọc ven sông Hiền lương (Bến hải) thuộc phủ Vĩnh linh, xưa kia gọi là huyện Minh linh và sông Hiền lương gọi là sông Minh lương. Con sông nầy bắt nguồn từ Trường sơn chảy về tưới lúa đồng bằng Vĩnh linh rồi chảy ra hải khẩu Cửa Tùng. Có lẽ nhờ cửa biển nầy mà trước đây các nhà truyền giáo đã cập thuyền men sông, tiếp xúc với cư dân để giảng đạo.

Theo Việt nam giáo sử (tóm lược), công cuộc truyền giáo ở Trung Việt (1615-1659) được bắt đầu từ cửa Hàn (Ðà nẳng) vào năm 1615 rồi dần đến Quảng nam, Bình định. Ðang khi giảng đạo ở Quảng nam, các linh mục chia nhau khu vực để làm việc. Cha Perdo Mattos lo giảng đạo ở Thuận hóa - Quảng bình (Thừa thiên, Quảng trị, Quảng bình). Cha Ðắc lộ (Alexandre De Rhodes) phụ trách các tỉnh Quảng nam, Bình định, Phú yên.

Ngày 15-01-1644, cha Ðắc lộ gửi thầy I-nha-xô và thầy Vinh-sơn đi ra các tỉnh phía bắc Trung Việt (Thừa thiên, Quảng trị, Quảng bình). Thầy I-nha-xô (tên thánh, không rỏ tên Việt) sinh năm 1610 tại làng Liêm công, miền Cửa Tùng. học thức rộng, thông sử ký, được bổ nhiệm một chức tại phủ Tổng Trấn tức dinh ông Hoàng Khê. Ông Hoàng Khê là con của bà Minh Ðức Vương Thái Phi, vợ lẽ chúa Nguyễn Hoàng. Năm 30 tuổi, thầy I-nha-xô theo đạo Công giáo do cha Ðắc lộ rửa tội. Hai năm sau, Thầy từ chức quan để gia nhập đoàn Thầy Giảng gồm 9 người, Thầy được cử làm Trưởng đoàn. Thầy I-nha-xô đã rửa tội cho 293 người, nhưng chính trong quê hương làng xã của mình, I-nha-xô chỉ rửa tội được cho bà mẹ và bà cố của Thầy đã 80 tuổi.

Ngày 16-7-1645, đoàn Thầy Giảng bị bắt, thầy I-nha-xô và thầy Vinh sơn bị xử tử hình, 7 thầy còn lại mỗi người bị chặt mất một ngón tay, vào thời chúa Công Thượng Vương.

Qua đoạn Giáo sử (tóm lược) nói trên, có thể quyết đoán vùng Vĩnh linh đã được truyền giáo dưới thời linh mục Perdo Mattos, đồng thời có các thầy trong đoàn Thầy Giảng do thầy I-nha-xô Trưởng đoàn cùng giảng đạo ở đây do cha Ðắc lộ gửi đến vào ngày 15-01-1644.

Qua 310 năm (1644-1954) truyền giáo, người công giáo vùng Vĩnh linh chịu nhiều gian nguy khổ nạn do nhiều đạo dụ của các triều đại Cảnh Thịnh (Tây sơn), Minh Mạng, Thiệu Trị và Tự Ðức (Nhà Nguyễn).

Vụ khủng bố ngày 6 tháng 6 năm 1838:

Lúc sáng sớm, một toán lính của huyện Vĩnh linh xông vào làng Di loan lục soát tìm bắt cha Candall, Giám đốc Tiểu chủng viện, nhưng linh mục đã trốn thoát được. Quân lính bèn lùng bắt giáo dân ở vùng nầy, đa số chạy thoát được, một số bị bắt và bị hăm dọa tra tấn, mục đích để buộc giáo dân bỏ đạo`và khai báo chỗ ẩn náu của cha Candall. Vì sợ chịu không nổi cực hình nên số bị bắt tuân lệnh xuất giáo. Duy chỉ chú TômaTrần văn Thiện, một chủng sinh Tiểu Chủng viện An ninh, sinh năm 1820 tại làng Trung quán tỉnh Quảng bình, đã không chịu bỏ đạo, bị dẫn về thị xã Quảng trị và chịu tra tấn rất dã man. Ngày 18-9-1838, vua Minh Mạng châu phê bản án tử hình. Ngày 21-9-1838, chú Thiện bị lính triều đình thắt cổ “Tử Vì Ðạo” tại pháp trường làng Nhan biều, tỉnh Quảng trị.

Vụ Văn thân tàn sát người Công giáo năm 1885:

Biến cố chính trị dẫn đến vụ tàn sát người có đạo Công giáo:

Vua Tự Ðức không con, lập di chiếu chọn Ưng Chân con của Thụy Thánh Vương Hồng Y lên nối ngôi và cho gọi ba ông Trần tiển Thành, Tôn thất Thuyết và Nguyễn văn Tường vào để ký thác tự quân. Ngày 16-7-1883 vua Tự Ðức băng hà, ngày 19-7-1883 làm lễ tấn tôn Ưng Chân lên ngôi lấy hiệu là Dục Ðức. Ba ngày sau đó, hai ông Nguyễn văn Tường và Tôn thất Thuyết phế vua Dục Ðức, bắt giam vào ngục, bỏ đói đến chết. Quan Ngự sử Phan đình Phùng lên tiếng chỉ trích liền bị hai ông Tường và Thuyết cho lính trói lại và hạ ngục. Các quan trong triều khiếp sợ không ai dám hó hé nửa lời.

Thấy lời ai nấy sởn ghê,
Sốt gan Tường Thuyết truyền đè xiềng ngay
“ (Hạnh Thục ca)

Tứ đó hai ông Tường và Thuyết lộng quyền lấn át triều đình, tôn em ruột vua Tự Ðức là Hồng Dật lên làm vua hiệu là Hiệp Hòa vào ngày 2 tháng 6 năm Quí Mùi (1883). Vua thấy hai ông Tường và Thuyết lộng quyền nên bí mật tìm cách loại bỏ hai Ông. Việc bị lộ, hai Ông sai người giết vua Hiệp Hòa vào đêm 29 tháng 10 năm Quí Mùi (1883).

Giết xong vua Hiệp Hòa, hai ông Tường và Thuyết tôn người con nuôi thứ ba của vua Tự Ðức là Kiến Phước lên làm vua vào ngày 3 tháng 11 năm Quí Mùi (1883). Kiến Phước làm vua được 8 tháng thì mất, nghi là bị đầu độc. Hai Ông đưa Ưng Lịch 14 tuổi lên làm vua vào ngày 01 tháng 8 năm 1884, hiệu là Hàm Nghi. Nhà vua còn nhỏ, chỉ ngồi làm vì, mọi việc triều chính đều do hai ông Tường và Thuyết định đoạt. Về đối ngoại, hai Ông đã thiếu khôn khéo trong cách ứng xử với tòa Khâm sứ Pháp đang có nhiều hành vi sách nhiễu, hống hách và cho tổ chức các cuộc tập trận để diễu võ dương oai làm xáo động kinh thành Huế. Nhóm người Pháp ở đây lộng hành, ỷ sức mạnh hiếp đáp quan chức của chính phủ ta, đòi triều đình phải nạp chiến phí trị giá 20.000 thoi vàng, 200.000 thoi bạc và 200.000 quan tiền.

Ðêm 4 tháng 7 năm 1885, lợi dụng lúc Pháp tổ chức dạ tiệc, ông Tôn thất Thuyết cho lệnh tấn công đốt cháy các trại ở Tòa Khâm, đánh vào đồn Mang cá, đại bác từ các pháo đài ta trên cửa thành bắn sang làm cho Tòa Khâm sập gần hết, nhiều quan binh Pháp chết, mãi đến gần sáng quân Pháp mới củng cố được và phản công, nã đạn pháo và tấn công vào Thành Nội. Quân ta kháng cự mạnh mẽ nhưng vì khí giới kém nên rút lui và tan rã dần. Quân Pháp tiến vào đốt cháy bộ Binh và bộ Lại. Dân chúng trong thành chạy tán loạn, bị lính Pháp tàn sát dã man. Hai quan phụ chánh Nguyễn văn Tường và Tôn thất Thuyết thấy thất bại,vội phò vua Hàm Nghi và tam cung chạy ra phía Kim long rồi đi mãi ra Quảng trị.

Việc hai ông Tường và Thuyết đánh Pháp, lưỡng cung và vua Hàm Nghi chẳng biết một tí gì. Sáng ngày 5 tháng 7 năm 1885, thấy quân ta bại trận, ông Thuyết mới tâu lên Hoàng Thái hậu, Bà đành lên kiệu rời kinh thành. Tiếp đó, ông Thuyết vội giục vua Hàm Nghi xuất sơn, lúc đó vua còn nhỏ chẳng biết gì, không chịu đi và nói “Ta có đánh với ai đâu mà chạy”. Ông Thuyết không nói, sai lính vực vua lên kiệu, thoát nhanh lên Kim long.

Cảnh vua quan triều đình Huế chạy loạn thật thê thảm. Gần 10.000 người, nam phụ lão ấu, trong đó có nhiều ông hoàng bà chúa xưa nay sống trong cung điện, nay phải kéo lê đôi chân vất vưởng vật vờ trên đường chạy loạn, chịu không nổi cảnh khổ nên sáng ngày 9 tháng 7 năm 1885 phải trở về Huế.

Riêng vua Hàm Nghi buồn bã theo ông Tôn thất Thuyết ra Tân sở thuộc huyện Cam lộ, tỉnh Quảng trị. Tại đây, ông Tôn thất Thuyết nhân danh vua Hàm Nghi ra một chiếu thư gọi là “Hịch Cần Vương”. Tờ hịch có đoạn như sau: “.....Trước hết phải bài trừ bọn giáo dân để thắng quân Pháp sau nầy, vì chính những giáo dân nầy đã cùng với giặc Pháp cấu kết phản lại ta. Cuộc tập công đêm 22 rạng 23 tháng 5 năm Ất Dậu đã giết được một số lớn giặc Pháp, tuy nhiên dân chúng vì quá đông cũng chết rất nhiều. Nay lúc Nguyễn văn Tường thay lòng đổi dạ trốn vào nhà giáo Kim long... .. Tường lại theo giặc đối đầu, lại mạo chữ ký của Thái Hậu để dụ ta.....”

Lúc vua Hàm Nghi còn ở Tân sở (Quảng trị) thì ông Nguyễn văn Tường ra đầu thú Pháp. Còn ông Tôn thất Thuyết đem vua ra căn cứ địa Ấu sơn thuộc làng Phú gia, Hương khê, tỉnh Hà tịnh, để hai con trai lại phò vua, còn Ông trốn sang Trung hoa cầu viện. (Theo sách 13 Vua Nhà Nguyễn).

Hịch Cần vương được ban hành khi vua Hàm Nghi mới 15 tuổi, chính ông Tôn thất Thuyết là tác giả. Nội dung hịch: Kể tội giặc Pháp, hô hào cả nước chống giặc Pháp và bài trừ bọn giáo dân.

Việc chống giặc Pháp:

Tháng 8 năm Bính Thân (1856) là năm Tự Ðức thứ 9, quân Pháp bắn phá các đồn lũy của ta ở Ðà nẳng rồi bỏ đi. Pháp thực sự đánh chiếm Việt nam khởi từ tháng 7 năm Mậu Tuất (1858) là năm Tự Ðức thứ 11, quân Pháp vào Ðà nẳng hạ thành An hải và thành Tôn hải. Sau đó chiếm Gia định, Ðịnh tường, Biên hòa, Vĩnh long, rồi toàn bộ Nam kỳ, dần dần thôn tính Bắc kỳ. Sau đó đặt nền đô hộ theo hòa ước năm Quí Mùi (1883).

Vua Tự Ðức tự phê trong suốt 36 năm trị vì như sau: ".... Ôi! dốt nát mà quen sống yên ổn, mong muội mà ở chốn nhà cao cửa rộng, chẳng biết phòng bị, tôi tài tướng giỏi cũng đã tàn tạ hơn phân nủa.....Các triều đại dày công khó nhọc mở mang đất đai, bỗng nhiên một sớm thấy giao cho địch... .. Nhưng không sáng suốt trong việc biết người, ấy là tội của ta.....”

Cuộc xâm lăng của Pháp kéo dài 27 năm, từ 1856 là năm Pháp đánh phá Ðà nẳng đến năm 1883 là năm triều đình Huế ký hòa ước nhận sự bảo hộ của Pháp. Trong hai mươi bảy năm, triều đình đã không lo tái tổ chức quân đội và huấn luyện quân sĩ chống ngoại xâm. Bởi vậy tình hình ngày càng nguy cấp, vua quan giữ lấy thói cũ, bài bác các đề nghị canh tân để phú quốc cường binh hầu bảo vệ đất nước. Năm Bính Dần (1866) là năm Tự Ðức 19, ông Nguyễn trường Tộ, một người công giáo, dâng mấy bài điều trần, kể hết tình thế nước mình, rồi xin vua phải mau mau cải cách mọi lãnh vực thì không mất nước. Triều đình cho là nói càn. Ông còn đề ra kế hoạch đánh úp Tây, nhưng vua quan chẳng nghe. Linh mục Ðặng đức Tuấn dâng lên vua bản điều trần “Hoành Mao Hiến Bình Tây” ( Sách lược đánh giặc Tây), Vua xem rồi bỏ qua.

Bài trừ bọn giáo dân: Vua Minh Mạng trước lúc lên ngôi đã tuyên bố “Ta ghét đạo của người Âu châu. Ta sẽ cấm và trừ cho triệt đạo ấy” (Louvet: La Cochinchine religieuse). Sau 5 năm lên ngôi trị vì, năm 1825, vua ra dụ cấm đạo. Ngày 6-01-1833, vua ra sắc dụ cấm đạo toàn quốc. Tiếp theo sau là các sắc dụ cấm đạo ban hành năm 1836 và 1838. Năm 1841 vua Minh Mạng chết vì bị té ngựa. Các vua Thiệu Trị và Tự Ðức kế vị cũng ra nhiều đạo dụ cấm đạo.

Nhiều giáo sĩ và giáo dân bị xử tử, trong đó có một số quan quân của triều đình như ông Ðội Tống viết Bường,v.v... Các vị đã từng tuyên bố “Tôi sẵn sàng đi đánh Tây nhưng không thể bỏ đạo”. Vua quan bắt bớ, tra tấn, hành hạ, tù đày, chém giết, nhưng người công giáo vẫn cầu nguyện cho vua quan trong mỗi buổi kinh sáng chúa nhật: “Xin Chúa lòng lành phù hộ cho đức vua chúng tôi cùng các quan văn võ quần thần, nhất là quan nhậm xứ nầy, thảy đều an trị... ” Khi tra tấn, đánh đập, kềm kẹp. họ vẫn chịu dựng, không than van, khi xử tử họ chết vui vẻ hiền lành, chết trong lời cầu nguyện. Họ trung tín với Thiên Chúa và trung thành với vua cho đến chết. Họ không phản quốc, không chống vua, không bán nước, không phạm tội hình sự. Thế mà vua quan ta lại nhẫn tâm giết hại người công giáo Việt nam, con dân của mình. Họ chết chỉ vì không chối bỏ đạo.

Trong lúc quốc gia lâm nguy, thực dân Pháp đang xâm chiếm đất đai, thay vì phải nổ lực tạo đoàn kết, chống ngoại xâm, vua quan ta lại đi tróc nả chém giết giáo dân vô tội, gây chia rẽ và gieo hận thù trong nhân dân. Lỗi ấy vua Tự Ðức đã tự phê: “.....Bỗng nhiên một sớm thấy giao cho địch.....Nhưng không sáng suốt trong việc biết người, ấy là tội của ta.....”

Xin trở lại Hịch Cần Vương:

Hịch được ban ra, lập tức các bậc khoa bảng (gọi là Văn thân) triệu tập nghĩa sĩ, rèn đúc gươm giáo, thay vì đi giết giặc Pháp họ lại phất cờ gióng trống đi giết người có đạo Công giáo, đồng bào với họ.
Tại vùng Vĩnh linh (Cửa Tùng, Quảng trị) giáo hạt Ðất Ðỏ, trong ngày 06-09-1885, Văn thân thăm dò quanh các họ đạo và bắt đầu tấn công vào 2 ngày sau đó:

Ba họ (giáo xứ) Gia môn, Cao xá và An lộc: Buổi sáng ngày 08-09-1885, quân lính Văn thân xông vào cướp của đốt nhà, lùa giáo dân vào nhà thờ, chất rơm đốt, thiêu sống khoảng 500 giáo dân Gia môn. Hai họ Cao xá và An lộc gồm khoảng 60 giáo dân cũng bị chết thiêu cùng lúc với Gia môn.

Hai họ Ba ngoạt và Hòa lạc: Nghe tin Văn thân sắp sửa tàn sát công giáo Ba ngoạt, linh mục chánh xứ là cha Thới chạy trốn ở Quảng bình, giáo dân bơ vơ kinh hải. Ngày 8-09-1885, có độ 150 người Ba ngoạt và độ 60 người Hòa lạc chạy ra Quảng bình trốn trong lúc Văn thân giục trống liên hồi, tràn vào Hòa lạc cướp của giết người, đốt nhà giáo dân và nhà thờ. Tiếp đó, Văn thân càn quét giáo xứ Ba ngoạt, lùng sục của cải, đốt nhà, chém giết khoảng 400 giáo dân cuả hai giáo xứ nầy.

Họ nhánh Liêm công: Sau khi tàn sát xong các họ đạo Cao xá, Gia môn, trên đường di chuyển về đánh phá Di loan, quân lính Văn thân đã chém giết vài chục giáo dân Liêm công, một họ nhỏ nằm trên trục giao thông Chợ Huyện - Cửa Tùng.

Họ An do Tây : Tàn sát xong Liêm công, quân Văn thân kéo đến An do Tây giết hại khoảng 15 giáo dân.

Bốn họ An bằng, An lễ, An ngãi và An trí: Trước khi tấn công Di loan, quân lính Văn thân lùng sục họ đạo An bằng, bao vây nhà thờ, dùng mác đâm chết khoảng bốn, năm chục giáo dân. Ðốt nhà dân và nhà thờ. Ba họ An lễ, An ngãi, An trí cũng đồng thời bị Văn thân tàn sát độ 150 giáo dân vào ngày 08-09-1885.

Hai họ Loan lý và Hòa ninh: Hai giáo xứ nầy liên cư với Di loan, vì vậy, khi Văn thân tấn công Di loan thì đồng thời cũng tàn sát hai họ nầy vào ngày 10-9-1885. Chủ đích của quân Văn thân là giết người có đạo, cướp của và đốt phá nhà dân và nhà thờ. Khoảng 50 giáo dân họ Loan lý bị lùa đến một vùng đất trống, bắt đào hào rồi xô giáo dân xuống hào, lính Văn thân đứng trên bờ hào dùng lưỡi đòng đâm từng nạn nhân rồi rải rơm lên đốt. Sau khi tình hình đã tạm ổn, những giáo dân sống sót hồi cư đã xây tại nơi hành quyết nầy một “Lăng Tử Vì Ðạo”. Họ Hòa ninh cũng gần 50 giáo dân bị giết, nhà cửa bị thiêu đốt hoàn toàn.

Họ Di loan: Từ ngày tàn sát giáo dân các họ Gia môn, Cao xá, An lộc, Ba ngoạt, Hòa lạc, Liêm công, An do tây, An bằng, An lễ, An ngãi, An trí, Loan lý và Hòa ninh, đội quân Văn thân đã chém giết gần 1300 giáo dân, họ chịu chết mà không chống cự lại.

Nhưng khi đến tấn công Di loan và An ninh, quân Văn thân gặp sức kháng cự mảnh liệt. Di loan là một làng công giáo toàn tòng có từ lâu đời, hương chức trong làng đều có đạo. Di loan có chung ranh giới với làng Tùng luật, một làng toàn lương, dân tình hiền hòa, giữa hai làng không có hận thù gì, nhưng khi được Văn thân khích động, cổ võ và tuyên truyền rằng Di loan và Tiểu chủng viện An ninh có nhiều của cải, tấn công vào, ai muốn lấy gì tùy sức. Văn thân vừa dọa nạt vừa khuyến dụ nên một số dân làngTùng đã a tòng theo Văn thân, đàn ông cầm giáo mác, đàn bà thì triêng gióng thúng mủng đi theo lính Văn thân để hôi của.

Ngày 08-09-1885, Văn thân vây đánh Di loan, chém giết một số giáo dân nhà ở rìa làng, nhưng khi tiến sâu vào làng, bị giáo dân kháng cự mảnh liệt, Văn thân rút lui.

Ngày 09-09-1885, Văn thân tái chiến, giáo dân xuất kích đuổi đến làng Tùng luật.

Ngày 10-09-1885, Văn thân đánh lần thứ ba, giáo dân phản công kịch liệt, quân Văn thân rối loạn hàng ngũ phải tháo chạy.

Ngày 12-09-1885, đội quân Văn thân được tăng viện quân số và vũ khí. Trong khi Di loan kháng cự suốt bốn, năm ngày, một số giáo dân bị thương hay tử thương, một số trốn thoát ra Ðồng hới (Quảng bình) hay Huế, vì thế số chiến hữu bị giảm sút. Về mặt chiến thuật cần có vị trí vững chắc, địa thế thuận lợi, có đủ lương thực và đông chiến hữu, vì vậy, linh mục Ðăng (Dangelzer) chính xứ Di loan quyết định di chuyển hơn 1.000 giáo dân Di loan, gồm mọi thành phần nam phụ lão ấu, tập trung về Tiểu chủng viện An ninh.

Ngày 13-09-1885, tấn công lần nữa vào Di loan nhưng chỉ thấy vườn không nhà trống, Văn thân liền phá bình địa Di loan, thiêu hủy tất cả nhà dân, nhà thờ, cướp toàn bộ của cải, thóc gạo, áo quần, trâu bò, heo gà...
Họ An ninh và Tiểu chủng viện An ninh: Ngày 10-09-1885, Văn thân đánh Di loan nhưng thất bại, họ lui về đánh Tiểu chủng viện An ninh, không thắng, trên đường rút lui họ đốt nhà thờ An ninh, rượt bắt và chém giết nhiều giáo dân. Quân Văn thân còn tấn công mấy lần nữa nhưng đều thất bại.

Trong khoảng thời gian nầy, một thuyền từ một giáo xứ ở Ðồng hới (Quảng bình) vào Cửa Tùng, cập bến Di loan, chuyển đến Tiểu chủng viện An ninh 2 súng tiểu thần công, 4 súng nạp đạn tiền và một số đạn dược.

Về phía Văn thân, ngày 18-09-1885, sau khi nhận được khí giới, đạn dược và lính từ Cùa (Cam lộ, Quảng trị) tăng viện và huy động một số dân Tùng luật và các làng lân cận tham gia, số quân lên khoảng 3000 người, Văn thân chuẩn bị một cuộc tấn công lớn vào Tiểu chủng viện An ninh với hỏa hổ, giáo mác, súng thần công, súng trường, quyết một trận thư hùng, dứt điểm ổ kháng cự cuối cùng ở Tiểu chủng viện nầy và san bằng các làng công giáo vùng Cửa Tùng.

Phía Tiểu chủng viện An ninh, linh mục Hòa (Girard), Giám đốc Tiểu chủng viện với sự giúp sức của linh mục Ðăng từ Di loan đến, 5 linh mục khác và 7 chủng sinh đã vạch kế hoạch phản công với 800 chiến hữu cường tráng trang bị bằng giáo mác sẳn sàng quyết tử khi có lệnh xuất kích. Riêng nữ giới chuẩn bị nước để dập tắt các đám cháy do Văn thân sử dụng hỏa hổ đốt phá hàng rào nơi chiến hào. Người giáo dân lúc nầy ý thức rằng: chống cự được thì sống còn, nếu thất bại thì tiêu vong mấy ngàn sinh mạng.

Chiều hôm ấy, 18-09-1885, một buổi chiều quyết định sự thắng bại tồn vong của đạo Công giáo vùng nầy, bởi Văn thân quyết tâm làm cỏ, nhổ sạch, không còn một tên công giáo sống sót ở đây. Quân Văn thân bao vây tứ phía, la hét ầm ĩ, xông tới chiến hào, hỏa hổ sắp khạc lửa đốt cháy hàng rào, quân lính toan vượt chiến hào tràn ngập cứ điểm để tiêu diệt toàn bộ người có đạo tại Tiểu chủng viện An ninh.

Giờ quyết định đã điểm, ba tiếng trống lệnh vừa dứt, các cửa chiến hào lập tức đồng loạt mở tung, 800 chiến hữu công giáo trang bị giáo mác đồng loạt ào ạt xung kích tốc chiến, súng thần công từ trong Tiểu chủng viện bắn ra yểm trợ. Ðội quân Văn thân, một đội quân ô hợp, khiếp đảm tháo chạy, để lại 2 súng thần công, 2 súng trường, hỏa hổ, đạn dược và một thùng lương thực. Trận nầy, phía giáo dân mất 10 chiến hữu, địch thiệt 85 mạng.

Sau trận nầy, Văn thân còn tái chiến nhiều lần nữa, nhưng càng đánh càng thua, để lại 30 tử vong, 3 súng thần công, 1 súng phá lũy, 6 súng trường, nhiều giáo mác, 7 cái cáng, 1 con ngựa, nhiều đạn dược, hỏa hổ và 1 ấn tín của cấp chỉ huy.

Ngày 02-10-1885, quân Pháp dẹp loạn, đánh đại đồn Văn thân ở Tân trại. Gần 3000 quân Văn thân tháo chạy. Chính quyền vãn hồi an ninh, tái lập trật tự. Chấm dứt tình trạng hỗn loạn.

Sau một tháng bị bao vây, 7 lần chống cự quyết liệt, 800 chiến hữu công giáo đối đầu với khoảng gần 3000 quân lính của Văn thân. Kết cuộc, Văn thân bị 200 tử thương, khoảng 1300 giáo dân Vĩnh linh bị giết dọc đường, tại nhà hay tại nhà thờ vào lúc Văn thân mới nổi dậy.

Tài kiệu tham khảo:
-Việt nam Sử lược của Trần trọng Kim.
-Việt nam Giáo sử của LM.Phan phát Huồn.
-Một Trang Huyết Lệ Trong Lịch Sử Tỉnh Quảng Trị của Jabouille,
nguyên Công sứ Pháp tại tỉnh Quảng trị.
-Mười Ba Vua Nhà Nguyễn của Thi Long.
-Vè Văn Thân của ông Dương Viên.


Sau khi an ninh được vãn hồi, giáo dân lần lượt trở về nhà đã bị đốt cháy, chôn cất hàng chục, hàng trăm tử thi của đồng đạo trong giáo xứ bị Văn thân giết và lo tạo dựng lại cơ nghiệp.

Sau vài chục năm vất vả, người công giáo Vĩnh linh xây cất thánh đường bằng gạch ngói thay cho nhà thờ tranh tre, xây dựng trường học giáo lý, nhà cha sở, hội quán, may sắm cờ phướn, lập hội hát (ca đoàn), đội trống, hội Nghĩa binh Thánh Thể, tổ chức các cuộc rước kiệu Mình Thánh Chúa, kiệu Môi khôi, kiệu lễ Ðức Mẹ Mông triệu Thăng thiên,v.v...

Cuộc hành trình trên 350 năm gian khổ với những chứng tá khí phách anh hùng: Thầy Giảng I-nha-xô người Liêm công Tử Vì Ðạo năm 1645, Thánh Tô-ma Thiện, chủng sinh An ninh, Tử Vì Ðạo năm 1838 và gần 1300 giáo dân hạt Ðất Ðỏ bị Văn thân thảm sát Tử Vì Ðạo năm 1885. Máu các vị Tử Vì Ðạo đã thấm sâu vào mạch đất nầy nảy sinh nhiều hoa trái tốt đẹp cho Giáo hội nói chung và Giáo phận Huế nói rìêng.

Quá trình xây dựng và phát triển trong khoảng 50 năm an bình (1888-1945), vùng đạo Vĩnh linh được tổ chức thành Giáo hạt, gọi là “Giáo Hạt Ðất Ðỏ”. Mang tên “Ðất Ðỏ” vì thổ nhưỡng địa phương nầy nhiều đất đỏ bazan (6.950Ha trong tổng diện tích 627 Km2 toàn huyện).

Giáo hạt Ðất Ðỏ có các Tu viện và các Giáo xứ sau đây: Tiểu Chủng viện An ninh, Phước viện Mến Thánh giá Di loan, Ðan viện Xi-tô Phước sơn và các Giáo xứ: An bằng, An do đông, An do tây, An lễ, An lộc, An ngãi, An ninh, An trí, Ba ngoạt, Cao xá, Cổ trai, Di loan, Gia môn, Hòa ninh, Loan lý, Phan xá, Phước sơn, Quảng xá, Thủy ba. Ba Tu viện,19 giáo xứ với khoảng trên 10.000 giáo dân, một con số tương đối cao (30%) so với dân số huyện Vĩnh linh vào năm 1945 có khoảng 30.000 người trong tổng số toàn quốc 20 triệu đồng bào thời bấy giờ.

Các Tu Viện:

*Tiểu Chủng viện An ninh, còn gọi là Nhà trường An ninh, tọa lạc trên một khu đất khá rộng và quang đảng tại làng An ninh. Theo sách Hành Hương của ông Trần quang Chu: “Năm 1783, Ðức cha Gioan Labartette thành lập Tiểu chủng viện ở Di loan. Tháng 8-1798 vua Cảnh Thịnh (Tây sơn) bắt đạo nên chủng viện phải giải tán. Năm 1801, Nguyễn Ánh phục quốc, năm 1802 lên ngôi hoàng đế lấy hiệu Gia Long, đem gia quyến và hoàng tử Ðảm (10 tuổi, sau nầy nối ngôi hiệu là Minh Mạng) ra thăm quê ngoại ở làng Cổ trai (kế làng An ninh). Dịp nầy, để tỏ lòng biết ơn Ðức cha Pigneau (Bá đa lộc), Nguyễn Vương đã dành cho Ðức cha Gioan Labartette một cuộc viếng thăm kính trọng và bất ngờ. Dịp nầy Nguyễn Vương ban cho Ðức Cha một sở đất quang ánh và rộng rải tại làng An ninh để xây dựng chủng viện”.

Tiểu chủng viện An ninh là nơi đào tạo linh mục trong giai đoạn 8 năm đầu, sau đó vào học ở Ðại chủng viện Huế 6 năm rồi mới thụ phong linh mục. Tiểu chủng viện An ninh cũng giúp giáo huấn chủng sinh cho Giáo hội Công giáo Lào. Một ít chủng sinh thụ giáo ở đây sau nầy nổi danh như Ðức cha Hồ ngọc Cẩn, Giám mục Giáo phận Bùi chu; Ðức cha Ngô đình Thục, Giám mục Giáo phận Vĩnh long và Tổng Giám mục Tổng Giáo phận Huế; Ðức cha Lê hữu Từ, Giám mục Giáo phận Phát diệm; Ðức cha Nguyễn văn Hiền, Giám mục Giáo phận Sài gòn và Ðà lạt; Ðức Hồng y Nguyễn văn Thuận, Giám mục Giáo phận Nha trang, Tổng Giám mục phó Tổng Giáo phận Sài gòn, Chủ tịch Hội đồng Giáo hoàng về Công lý và Hòa bình Tòa thánh Vatican; Ðức cha Nguyễn như Thể, Tổng Giám mục Tổng Giáo phận Huế; Linh mục Nguyễn văn Thích, giáo sư Hán văn và Triết học Ðông phương tại Ðại học Huế, Ðà lạt và Sài gòn; Linh mục Nguyễn văn Lập, Viện trưởng viện Ðại học Ðà lạt. Một ít chủng sinh rời chủng viện sau nầy dấn thân vào đời cũng xuất chúng, như:

-Ông Ngô đình Khả, học ở Tiểu chủng viện An ninh sau đó chuyển đến Chủng viện Pénang (Mã lai), Thượng thư bộ Công. Ông được người đời truyền tụng “Ðày vua không Khả, đào mã không Bài” (Năm 1907, Thượng thư Ngô đình Khả phản đối việc lưu đày vua Thành Thái sang đảo Réunion. Năm 1908 Thượng thư Nguyễn hữu Bài chống kịch liệt Khâm sứ Mahé (Pháp) đòi khai quật mộ vua Tự Ðức để lấy vàng ngọc). Ông Ngô đình Khả là người đã vận động thành lập trường Quốc học Huế, niên khóa đầu tiên 1896-1897 vua Thành Thái đích thân chủ tọa. Ông cũng là người vận động thành lập một tư thục cho con em lương giáo, lấy tên là trường Pellerin Huế, khai giảng khóa đầu tiên năm 1904 do sư huynh dòng Lasan điều khiển.

Ông Nguyễn hữu Bài, Thượng thư bộ Lại kiêm bộ Hộ sung Cơ mật viện Ðại thần dưới triều vua Khải định. Ông được người đời truyền tụng “Ðày vua không Khả, đào mã không Bài”

Ông Ngô đình Nhu, chính trị gia, người đã tận trung tận nghĩa giúp bào huynh của mình (Tổng thống Ngô đình Diệm) bảo vệ chủ quyền quốc gia và nền độc lập của Nước Nhà.

Ông Lê quang Tung, cựu Tư lệnh Lực lượng Ðặc biệt của Quân đội Việt nam Cộng hòa, một gương trung can, đã tử trung, không chịu làm tay sai cho ngoại bang.

Tiểu chủng viện An ninh có một cơ ngơi bề thế gồm 2 dãy nhà lầu làm nơi ở và học cho các giáo sư và chủng sinh, 1 nhà thờ chính, 1 nhà thờ nhỏ gọi là nhà thờ Ðức Bà và 1 gọi là nhà thờ Thánh An-tôn, nhà chơi, nhà khách, nhà ăn, nhà bếp, lẫm lúa (kho thóc), v.v.......... Vua Khải Ðịnh đã một lần tới thăm và ban cho Tiểu chủng viện nầy một bức hoành phi bốn đại tự “ Phụ Thế Trưởng Nhân “

Qua các biến cố dồn dập bắt đạo liên miên, đến thời an bình kiến thiết xây dựng tiếp đến thời kỳ chiến tranh tàn phá, Tiểu chủng viện An ninh tồn tại đến tháng 8 năm 1954 di cư, chuyển vào Huế. Vị Giám đốc cuối cùng của Chủng viện An ninh là cha An-rê Bùi quang Tịch, một linh mục thánh thiện và nhân đức. Khi bị ngứa không gãi, đau răng không dùng thuốc giảm đau, sống khổ hạnh, chịu đựng, khắc khổ. Khi về già ngài vào tu ở dòng khổ tu Xi tô Thủ đức.

*Phước viện Mến Thánh Giá Di Loan:

Phước viện có từ lâu, cơ sở bị Văn thân tiêu hủy hoàn toàn tháng 9 năm 1885, được linh mục Alfred Maria Eugenio Barthe Lémy (cố Mỹ) làm quản xứ Di loan vào năm 1887, đã cho tu tạo lại phước viện nầy. Sau năm 1918, linh mục Léopold Cadière (cố Cả) giúp củng cố và phát triển tu viện nầy. Phước viện Di loan sống âm thầm trong một khuôn viên khá rộng, cây cối rợp bóng quanh năm. Hằng ngày, các Dì Phước, luôn đi cặp đôi, đến các trường học giáo xứ để dạy giáo lý và khai tâm quốc ngữ miễn phí cho các em nhỏ, nhờ công khai trí nầy mà tất cả người công giáo hạt Ðất Ðỏ đều biết đọc chữ quốc ngữ. Các nữ tu lo tu hành nhưng cũng góp phần vào việc phát triển kinh tế, như sản xuất muối ăn, nuôi tằm, quay tơ, dệt lụa. Thuở ấy các loại vải nội hóa khổ ngắn, nhưng phước viện Di loan đã dệt thao, lụa khổ rộng như hàng ngoại hóa nhờ biết cải biến khung cửi (máy dệt bằng tay). Hàng tơ lụa của Phước viện nầy có thời đã nổi tìếng trên thị trường Ðông dương, gọi là “Hàng Tơ Lụa Cửa Tùng”. Hàng nầy còn xuất khẩu sang Pháp và quanh vùng Ðông Nam Á nữa. Phước viện cũng cung cấp các loại thuốc tây thay các loại cao đơn hoàn tán để trị các bệnh thông thường như cảm mạo, nhức đầu, đau bụng, ghẻ chốc,v.v...

Sau ngày đất nước bị chia đôi, 01-08-1954, Phước viện Mến Thánh Giá Di loan đã dời vào thánh địa La vang, Quảng trị.

Dòng Xi tô Phước sơn: Linh mục Henri Denis, tên Việt là Cố Thuận, người Pháp, giáo sư Tiểu chủng viện An ninh, năm 1918 thành lập dòng khổ tu “Ðan viện Xi tô” đầu tiên tại Việt nam trên khu đất hoang vắng thuộc tổng Thủy ba, phủ Vĩnh linh, bên rìa Trường sơn. Khoảng vài chục năm sau, Dòng nầy phát triển thêm dòng Châu sơn ở Phát diện (Bắc Việt). Năm 1949, vùng Phước sơn mất an ninh, ngày 26-04-1953, cha Bề Trên (người Việt), 2 Cha khác và 2 Thầy bị bắt giam tại mật khu Ba lòng, Quảng trị, Nhà Dòng bị Việt minh chiếm, các đan sĩ di tản vào Sài gòn và lập các đan viện mới như Phước lý ở Thủ đức, Phước sơn ở Phúc lộc (Bà rịa),Thiên phước ở Vũng tàu, Phước vĩnh ở Trà vinh (Miền Tây).

Một vài Giáo xứ điển hình:

Họ Di loan: Di loan vừa là tên giáo xứ vừa tên làng hành chánh. Theo Danh Sách Xã Thôn Trung Kỳ của Phủ Thủ Hiến Trung Phần Việt Nam thì làng nầy tên là Di Luân thuộc tổng Hiền lương, phủ Vĩnh linh, tỉnh Quảng trị. Di loan là quê quán của Ðức cha Lê hữu Từ, Giám mục Phát diệm. Phong thổ Di loan khá đẹp, mặt tiền làng hướng về phía nam, nơi dòng Hiền lương (Bến hải) lững lờ chảy ra biển. Dọc bờ sông, tầng thấp làm ruộng muối, tầng cao ruộng lúa, đến một con đường khá rộng suốt từ đầu đến cuối làng. Sau con đường nầy là cư dân, nhà cửa vườn tược xanh tươi. Giữa làng, phía mặt tiền nhìn ra sông, một ngôi thánh đường trang nghiêm cổ kính kiến trúc theo nghệ thuật gothique của châu Âu. Ngày lễ lớn và chúa nhật, ba chuông cùng đổ hồi dồn dập ngân vang khắp vùng hải ngạn Cửa Tùng. Cai quản họ đạo nầy là linh mục Léopold Cadière, tên Việt là Cố Cả, thuộc hội Thừa sai Ba lê (Mission Étrangère de Paris), một học giả uyên bác, đến Việt nam năm 1892, giáo sư Tiểu chủng viện An ninh, Cửa Tùng 1893-1894, Quản xứ Di loan kiêm Quản hạt Ðất Ðỏ từ tháng 9-1918 đến tháng 3-1945, bị Nhật bắt giam 5 tháng trong dịp Nhật đảo chánh Pháp tại Việt nam. Ngày 19-12-1946 bị Việt minh bắt đi an trí tại Vinh (Xã Ðoài) cho đến ngày đình chiến được trả tự do và về hưu trí tại nhà Hưu dưỡng Tòa Giám mục Huế. Năm 1942. cố Cả mừng Kim Khánh (50 năm linh mục) tại Di loan, dịp nầy được chính phủ Pháp tặng Bảo Quốc Huân Chương (Légion d’honneur) và huy chương khác của Chính phủ Nam Triều, bởi ngài là nhà bác học qua những công trình khoa học, văn hóa, xã hội.. Năm 1990, Chính quyền Hà nội đã vinh danh Lépold Cadière là “Nhà Huế Học” và “Nhà Việt Nam Học” do những công trình nghiên cứu của ngài đã làm cho thế giới biết đến văn hóa, nghệ thuật và lịch sử Việt nam.

Tháng 8 năm 1954, Di loan đã di cư vào Nam và định cư tại An đôn, Quảng trị, đến mùa hè đỏ lữa 1972, phân tán nhiều nơi trên lãnh thổ Việt nam Cộng hòa.

Họ An ninh: An ninh là một làng công giáo toàn tòng. An ninh vừa là tên làng hành chánh vừa là tên giáo xứ. Còn có tên gọi khác là làng Phường, Họ Phường. Người An ninh tính tình hiền hòa. Nhà thờ họ nầy khá lớn, kiến trúc dáng vẻ cổ kính, mặt tiền trang trí hoa văn bằng mảnh kính mảnh sành của dĩa bát xưa đập vỡ. Nhà thờ An ninh là nơi Giáo hạt Ðất Ðỏ tổ chức kiệu Mân cội (Môi khôi) mỗi năm với hàng ngàn giáo hữu từ nhiều giáo xứ, đoàn kiệu kéo dài hàng cây số, chuông, chiêng, trống đại, trống cà rầng, cờ phướn rợp trời.
Hai họ Di loan và An ninh đã cung cấp cho Giáo hội nhiều giáo sĩ và tu sĩ.

Họ An do Tây: Là một làng công giáo toàn tòng. An do Tây là tên làng hành chánh vừa là tên giáo xứ. An do Tây có một Hội Hát (Ca đoàn) có vẻ chuyên nghiệp, hát la-tinh với đàn phong cầm (orgue) khá hay, có đội Nghĩa Binh Thánh Thể rất linh hoạt. Nhà thờ An do tây có tháp cao vút tưởng chừng như thấu từng mây.

Họ Ba Ngoạt: Là một giáo xứ lớn, đông giáo dân của ba làng Ba bình, Bình đức và Hòa lạc thuộc tổng Hồ xá phủ Vĩnh linh hợp thành. Người giáo dân Ba ngoạt tính tình hiền hòa chân thật, giữ đạo sốt sắng, trung kiên, là nơi cung cấp cho giáo hội nhiều linh mục và tu sĩ nam nữ. Di cư 1954, Ba ngoạt định cư tại La vang Trung. Mùa hè đỏ lửa 1972, La vang Trung tản mác nhiều nơi ở miền Nam Việt nam: Sông pha (Ninh thuận), Suối nghệ ((Bà rịa), Cam ranh (Khánh hòa), Bình tuy, Quảng biên (Biên hòa).....

Hai họ Cao xá và An lộc: Cao xá có ngôi thánh đường đẹp, giáo dân sống đạo đức, sốt sắng, kinh tế sung túc nhờ có nhiều ruộng. Cao xá là quê quán của cụ Nguyễn hữu Bài, Thượng thư bộ Lại kiêm bộ Hộ, sung Cơ Mật viện Ðại thần dưới triều vua Khải Ðịnh.
An lộc là họ nhánh của Cao xá, có nhiều ruộng tốt, dân số tuy ít nhưng phú túc, sống đạo trung kiên. Hai họ nầy thuộc tổng Xuân hòa, ở bờ nam sông Bến hải nên khỏi di cư 1954, nhưng trong chiến tranh 1960-1975, giáo dân hai họ nầy phải di tản đến tạm trú tại Hà thanh (Gio linh) và Cam lộ, đến mùa hè đỏ lửa 1972 phải phân tán đến định cư tại Suối nghệ (Bà rịa), Sông pha (Ninh thuận), Quảng biên (Biên hóa). v.v...

Bốn họ An bằng, An lễ, An ngãi, An trí: Có nhiều Nữ Tu ở dòng Mến Thánh Giá Phủ cam (Huế). Di cư 1954, định cư tại La vang hữu. Hè đỏ lửa 1972 phân tán đến nhiều địa phương khác như Phước long, Long khánh, Cam ranh (Khánh hòa), Suối nghệ (Bà rịa), Bình tuy, v.v...

Họ Hòa ninh: Nơi cung cấp cho Giáo hội nhiều giáo sĩ và tu sĩ nam nữ. Giáo dân Hòa ninh có gốc từ ba làng: An du bắc, An ninh và Di loan. Di cư 1954 định cư tại La vang thượng. Hè đỏ lửa 1972 tản mác nhiều nơi như Suối nghệ (Bà rịa), Sông pha (Ninh thuận), Bình tuy,v.v.....

Họ Loan Lý: Trong số 19 giáo xứ thuộc Giáo hạt Ðất Ðỏ của Giáo phận Huế di cư vào tháng 8 năm 1954, 18 giáo xứ định cư tại Quảng trị đều tan rả do chiến cuộc mùa hè 1972, phân tán đến định cư tại các địa điểm “Khẩn hoang Lập ấp” như Sông pha (Ninh thuận), Vĩnh linh (Cam ranh), Bình tuy, Quảng biên (Biên hòa), Bầu cá, Thái thiện (Long khánh) hay các khu Dinh điền Phước long, Bình long, Tánh linh, v.v... và nhập vào Giáo phận địa phương. Duy chỉ Giáo xứ Loan lý tồn tại đến nay tại Lăng cô thuộc Giáo hạt Hải vân, Giáo phận Huế.

Loan lý trong thời kỳ sơ khai chỉ là một xóm đạo, sau phát triển thành họ đạo, có tên là họ Biện Hoản (Biện là một chức nhỏ phụ trách một số việc trong họ đạo, Hoản là tên của người phụ trách). Sau đó lấy tên chính thức là “ Luân lý”, theo sổ bộ viết bằng hán nôm cuả Họ gọi là “Hội Giáo Luân Lý”.

Theo niên lịch của Ðịa phận Huế từ năm 1945 trở lên trước, ở mục sinh quán và bổn sở (Họ phụ trách) của các linh mục, năm thì ghi là Luân lý, năm khác lại là Loan lý.

Giáo xứ Loan lý do giáo dân hai làng hợp lại: 2/3 giáo dân thuộc làng Di loan, mang dòng họ Hoàng, họ Lê; còn 1/3 giáo dân thuộc làng An du Bắc, mang họ Dương, họ Nguyễn và họ Phùng. Nói cách khác, ở Loan lý, những người mang họ Hoàng và họ Lê là gốc làng Di loan, những ai mang họ Dương, họ Nguyễn, họ Phùng là gốc làng An du Bắc

Loan lý còn tồn tại đến nay là bởi khi di cư, được linh mục Phan văn Cơ dẫn dắt đến định cư trên bãi cát Lăng cô dọc quốc lộ 1 dưới chân đèo Hải vân, nơi đây phong cảnh hữu tình, biển sâu, núi cao, đầm rộng, có nhà nghỉ mát của vua Bảo Ðại, của Linh mục già Giáo phận Huế.

Lăng cô cũng là địa điểm lịch sử: Khi vua Hàm Nghi bị bắt ở Hà tịnh được đưa về Thuận an (Huế), sau đó được chuyển xuống tàu vào Lăng cô, rồi từ Lăng cô Vua lên tàu La Comette vào Sài gòn. Từ Sài gòn xuống tàu sang Alger. (Theo sách 13 Vua Nhà Nguyễn).

Loan lý ban đầu được Cha Sở Di loan coi sóc, nhưng kể từ năm 1921, các Linh mục sau đây quản xứ:
Lm.Mathêô nguyễn hữu Oai 1921-1923
Lm.Giuse Phạm văn Huấn 1923-1928
Lm.Phêrô Nguyễn văn Giáo 1928-1930
Lm.Phêrô Ðổ khắc Tuế 1930-1936
Lm.Giuse Nguyễn văn Kiểu 1936-1937
Lm. Ðôminicô Phạm văn Yến 1937-1941
Lm.Phanx-Xavie Trương văn Lương 1941-1947
Lm Phan văn Ngãi (hưu trí) 1947-1948
Lm.Giacôbê Phan văn Cơ 1948-7/1954

Kể từ Di cư tháng 8-1954:
Lm.Giacôbê Phan văn Cơ 1954-1957
Lm.Phêrô Trần văn Ðiển 1957-1958
Lm.G-Baotixita Trương văn Thắng 1958-1963
Lm.Phao lô Ngô văn Triệu 1963-1965
Lm.Phanx-Savie Trần văn Cần 1965-1966
Lm.Tađêô Hồ bảo Huỳnh 1966-1969
Lm.Phêrô Huỳnh văn Hóa 1969-1972
Lm.Giuse Ngô văn Trọng 1972-1975
Lm.Anrê Nguyễn văn Trúc 1 tháng
Lm.Batôlômêo Nguyễn văn Phước 1975-1978
Lm.Giuse Cái hồng Phượng 1978-2008.

Nhờ sự hy sinh của toàn thể giáo hữu Loan lý và đặc biệt của một gia đình ân nhân, giáo xứ đã xây dựng một ngôi thánh đường khang trang vào năm 1995, thời cha Cái hồng Phượng làm quản xứ.

Ơn Gọi của Giáo xứ Loan lý:

*15 Linh mục: Lm.Tôma Nguyễn văn Luật (1901-1972), Lm.Phê rô Hoàng Kính (1913-2007)
Lm.Giuse Hoàng Cẩn, Lm.An tôn Dương Quỳnh, Lm. Ðôminicô Nguyễn Tưởng, Lm.Hoàng Quốc, Lm.Hoàng Nhật, Lm.Hoàng Tuân, Lm.Hoàng Chỉ, Lm.Nguyễn Trần Vĩnh Linh (ở La ngà), Lm.Hoàng Sơn (ở Nha trang), Lm. Hoàng Thời (ở Mỹ), Lm.Phùng Chí (ở Mỹ), Lm.Nguyễn kim Phú (ở Mỹ),.Lm. Gia Công, dòng Thánh Tâm Huế. Còn một số Giáo sĩ và Tu sĩ không được biết tên hiện ở Hoa kỳ và Úc châu.

Các Nam Tu sĩ:Thầy Lôrensô Hoàng Trương và Thầy An phong Hoàng Nỉ, dòng Thiên an Huế.

Các Nữ Tu sĩ: Nguyễn thị Hiếu, Mến Thánh Giá Di loan, đã qua đời
Dương thị San, Mến Thánh Giá Di loan, đã qua đời.
Hoàng thị Pha, Mến Thánh Giá Tam tòa (Quảng bình), đã qua đời,
Hoàng thị Máy, Mến Thánh Giá Tam tòa (Quảng bình), đã qua đời,
Maria Hoàng thị Lê, ở Italia,
Madalêna Hoàng thị Hoàn, Mến Thánh Giá Huế,
Matta Nguyễn thị Phiến, Mến Thánh Giá Huế,
Maria Phùng thị Thức, dòng Phú xuân, Huế.

Phần Kết:

Ðạo Công giáo hiện diện trên nước Việt nam từ năm 1596, đời chúa Nguyễn Hoàng. Tính đến năm 1954 chia đôi đất nước, di cư, thì Phúc Âm đã được rao truyền ở Việt nam trên 350 năm, trải qua nhiều giai đoạn, lúc khó lúc dễ, khi bắt khi tha, nhưng khắc nghiệt và tàn ác nhất là dưới triều ba vua Minh Mạng, Thiệu Trị và Tự Ðức đã ban hành các đạo dụ bài trừ đạo Công giáo, thực thi các cực hình rất tàn nhẫn như chém đầu, thắt cổ, xẻo thịt, kẹp da bằng kềm lửa, giam đói, tù đày, tra tấn, nung mảnh sành nóng khắc lên trán hai chữ tả đạo, tước đoạt hết nhà cửa, của cải của người có đạo.
Trong 350 năm, cả nước có khoảng 3000 nhà thờ bị đốt phá và trên 100.000 người công giáo bị giết chết (theo Việt nam Giáo sử). Họ là những công dân nước Việt, không phản quốc, không chống vua, không phạm tội ác, họ bị giết chết chỉ vì tín ngưỡng họ theo không được triều đình chấp thuận. Họ chịu tử hình vì không bỏ đạo, không bước qua Thánh Giá. Họ chết cách hiền lành, không hận thù, chết trong lời cầu nguyện. Tháng 9 năm 1885, giáo dân Cửa Tùng chống lại quân Văn thân với tính cách đề kháng để sinh tồn, để bảo vệ mạng sống, một sự tự vệ rất chính đáng chống lại chủ trương giết hàng loại, giết tập thể người công giáo hạt Ðất Ðỏ.

Vì vận nước điêu linh, giang sơn nghiêng ngửa, Giáo hạt Ðất Ðỏ chung cảnh quốc họa, giáo dân Ðất Ðỏ di cư 1954 phân tán khắp nơi, từ các thành thị, làng mạc miền Trung và miền Nam Việt nam, sau 1975 di tản đến những phương trời xa thẳm nơi châu Âu, châu Úc, châu Mỹ... Dù phiêu bạt nhưng nặng tình hoài hương và mang niềm vui chung: “ Niềm Vui Công Giáo “.

Niềm Vui Công Giáo

Vui thích được làm người Công giáo,
Sống chung trong con tàu Giáo hội,
Dù gặp bão tố hay phong ba,
Chúa làm cho sóng êm gió lặng.
Dù bị khổ nạn hoặc tai ương,
Chúa dang tay đoái thương nâng đỡ.
Dù gặp lúc mất mùa, đói khổ,
Chúa chăn nuôi, chẳng thiếu thốn chi !.
Dù phong hủi đui què câm điếc
Chúa chữa lành. Cứ việc cầu xin !.
Dù người đời chê khinh nhạo báng,
Chúa xót thương vỗ về an ủi.
Dù đàn áp bắt bớ tù đày,
Chúa giúp cho can trường bất khuất.
Dù thế gian xảo quyệt phi luân,
Chúa thương kẻ từ tâm lương thiện.

Dù đời nầy nham hiểm gian manh,
Chúa dạy sống hiền lành công chính.
Dù gặp lúc âm u tăm tối,
Chúa rọi soi ánh sáng lối đi.
Dù lạc hướng sai nẻo nhầm đường,
Chúa dẫn dắt về quê hương thật.

Dù phải lên thác xuống gềnh,
Chúa cho vượt nhẹ, căng buồm lướt êm.
Con tàu Giáo hội cập bến,
Ðưa người lữ khách đến bờ bình an.
Thiên đàng một cõi thanh nhàn,
Thảnh thơi vui hưởng muôn vàn vinh phúc.

Montréal, Thu 2008
 
Phái đoàn Phi Luật Tân đến hành hương La Vang
LM Nguyễn Vinh Gioang
23:04 13/11/2008
LA VANG - Đoàn hành hương Phi Luật Tân có mặt tại La Vang lúc 9g giờ 30 phút hôm nay, ngày thứ năm, 13.11.2008.

Xem hình ảnh

Phái đoàn được Đức Cha Hồng đón tiếp
Sau nhiều ngày chịu đựng những cơn mưa lụt của vùng Quảng Trị, Thánh Địa La Vang hôm nay bất ngờ chan hoà ánh nắng rực rỡ. Và Đức Mẹ La Vang thưởng cho phái đoàn hành hương của Phi Luật Tân một bầu trời La Vang tươi đẹp.

Đoàn hành hương của Phi Luật Tân hôm nay là đoàn hành hương của Hiệp Hội ASRP (Association of Shrine Rectors and Pilgrimage of the Philippines). Đây là Hiệp hội các Quản Đốc Đền Thánh và các Nhà Khởi xướng xướng Hành Hương của Phi Luật Tân.

Chương trinh của đoàn nầy đến Việt nam từ ngày 10 đến ngày 15 tháng 11 năm 2008, trong một chuyến du lịch hành hương (Pilgrimage Tour) dịp Hội nghị Thường niên của Hiệp hội các Quản Đốc Đền Thánh và các Nhà Khởi xướng xướng Hành Hương của Phi Luật Tân.

Mục đích của chuyến du lịch hành hương nầy là để học hỏi, trao đổi và nghiên cứu về đề tài là: “Những Đền Thánh là những nơi nói lên niềm hy vọng (Shrines: Testimonies To Hope).

Đoàn Phi Luật Tân đến hành hương La Vang hôm nay gồm có 56 người, trong đó, có Đức Giám mục Jose Oliveros, 10 Đức ông, 22 linh mục triều và dong, 22 nữ tu và giáo dân nam nữ.

Đến La Vang, đoàn được Đức Giám mục Phanxicô Xaviê Lê Văn Hồng, Đại diên TGP Huế và Đại diện Đức TGM Huế, cùng với Cha Quản Nhiêm Trung Tâm Thánh Mẫu Toàn Quốc La Vang, linh mục Giacôbê Lê Sĩ Hiền, đón tiếp. Nhiều linh mục của TGP Huế và các nam nữ tu sĩ cũng có mặt trong buổi đón tiếp này.

Đoàn dâng Thánh Lễ Đồng Tế tại Nhà Thờ, viếng Linh Địa Đức Mẹ La Vang và dự buổi thuyết trinh của linh muc Hạt trưởng Hạt Quảng Trị về đề tài: “La Vang – Xưa và Nay – Nơi của niềm hy vọng cho những người hành hương”.
 
Bênh vực công lý và Giáo Hội
Nỗi đau mất mát trong lụt lội tại giáo họ Bắc Sơn
Phêrô Đoàn Văn Khải
01:53 13/11/2008
HÀ NỘI - Hôm nay (12/11/2008) cùng với đoàn các Thầy của Đại Chủng viện thánh Giuse Hà Nội về thăm hỏi bà con giáo dân Giáo xứ Đồng Chiêm, huyện Mỹ Đức, Hà Nội; một giáo xứ bị tàn phá nặng nề nhất trong trận lũ lụt vừa qua. Sau khi anh em chúng tôi đã phân chia theo nhóm đến từng gia đình để thăm hỏi và tặng quà. Phần tôi, tôi quyết định bằng mọi giá phải đến thăm hỏi gia đình chị Hân, người đã bị thiệt mạng vì nước cuốn trôi.

Để đến nhà chị, chúng tôi không còn con đường nào khác để đi, chỉ còn một cách duy nhất là đi bằng thuyền. Nghe một ông Trùm nói: “Thầy ơi xa lắm. Phải mất gần hai giờ mới đến được” . Tôi thấy hơi ngại ngùng nhưng rồi tôi vẫn cứ quyết tâm đi. Đoàn chúng tôi gồm bốn thầy và người chèo thuyền thuộc Giáo xứ Đồng Chiêm. Quả như lời ông Trùm kia nói. Chúng tôi phải ngồi trên thuyền gần hai giờ đồng hồ mới đến được nhà chị Hân.

Đến nơi chị ở, chúng tôi phải hỏi thăm một số người mới biết nhà chị thuộc về Giáo họ Bắc Sơn, giáo xứ Đồng Chiêm; một Họ Đạo nghèo nằm trên một quả đồi, với gần một nghìn nhân danh. Một Họ Đạo đã được mọi người ca ngợi là sốt sắng và đạo đức trong giáo xứ.

Bước vào nhà chị, tôi cảm thấy một không khí lạnh lẽo u ám vẫn còn bao phủ trong gia đình. Một số người bà con khác cũng đang thăm hỏi và chia buồn cùng gia đình. Chúng tôi đã giới thiệu mình là các Chủng sinh của Đại Chủng viện Hà Nội và gặp được anh Công, chồng chị Hân, hai ông bà nội và người con gái của anh chị còn đeo tang mẹ. Anh chị được hai cháu, con trai lớn học lớp 7, con gái nhỏ mới học lớp 5. Mọi người trong gia đình đã tỏ ra quý mến và thân tình với chúng tôi. Thăm hỏi gia đình một lát, chúng tôi xin phép đọc kinh cầu nguyện cho chị. Đến trước di ảnh của chị, chúng tôi hiệp một lòng phó dâng linh hồn này lên Thiên Chúa. Bức hình chân dung của chị được đặt ở bàn thờ ngay giữa nhà; dòng chữ dưới bức ảnh cho biết chị sinh năm 1975, tại Giáo xứ Nghĩa Ải, nhưng đã về đây sinh sống khi lập gia đình với anh Công.

Ngồi tâm sự và chia sẻ với anh Công và gia đình, chúng tôi biết chị là một người vợ tần tảo thuỷ chung, một người con dâu ngoan hiền hiếu thảo. Chỉ vì yêu chồng thương con, vì miếng cơm manh áo cho gia đình, mà chị phải hy sinh cuộc đời của mình ở tuổi còn thanh xuân.

Chia tay với anh Công và gia đình, chúng tôi xin phép ra về. Anh Công đã thay mặt cho gia đình cảm ơn chúng tôi. Anh nói: “Từ hôm vợ con mất. Con đã nhận được rất nhiều sự chia sẻ và cảm thông nơi Đức Tổng Giám mục Giuse Ngô Quang Kiệt, nơi quý Cha và quý Thầy cùng mọi người. Hôm nay quý Thầy lại còn đến tận nơi chia sẻ và cầu nguyện cho vợ con. Nghĩa cử cao đẹp này chúng con khắc cốt ghi tâm. Xin quý Thầy tiếp tục cầu nguyện cho con và gia đình con” .

Chúng tôi tiếp tục xuống thuyền trở về giáo xứ Đồng Chiêm. Lúc đó đã là 12 giờ trưa. Phải chòng chành trên thuyền gần hai giờ đồng hồ nữa chúng tôi mới về đến giáo xứ. Ngồi trên thuyền, lúc này tôi không còn cảm thấy đường xa nữa, mà thay vào đó là những cảm xúc buồn man mác khó tả. Tôi thấy thương anh và hai cháu bé quá! Bởi lẽ, từ hôm nay, mọi công việc bộn bề của gia đình lại đổ dồn hết lên đôi vai gầy của anh. Tôi chợt nhớ về câu nói “Gà trống nuôi con!”. Những khó khăn vất vả của gia đình anh ngày xưa đều có chị cùng san sẻ, và cùng chung vai gánh vác; nhưng từ nay anh lại phải tự xoay xở một mình. Tôi lại nghĩ đến hai cháu nhỏ. Ai sẽ nuôi nấng dạy dỗ bảo ban chúng? Những mất mát về tình cảm kia lấy gì bù đắp ? Tình mẫu tử ngọt ngào kia sao các con anh không được hưởng ? Câu tục ngữ “Cha chết ăn cơm với cá. Mẹ chết liếm lá đầu chợ” đặt vào đây có phần đúng chăng ? Một loạt câu hỏi cứ vẩn vơ xuất hiện trong tâm trí tôi. Nghĩ đến đây cổ tôi chợt như nghẹn lại. Tôi phải ngửa mặt nhìn trời cao để cố giấu đi những giọt nước mắt đang lã chã rơi. Tôi thầm cầu Chúa thương chúc lành cho anh và hai cháu. Xin Chúa gìn giữ gia đình anh trong bàn tay quan phòng đầy yêu thương của Ngài. Và tôi ước mong sẽ có nhiều người hơn nữa cầu nguyện và giúp đỡ cha con anh, để anh và các cháu thêm can đảm vượt qua những khoảnh khắc khó khăn của cuộc sống.

Chia tay với giáo xứ Đồng Chiêm trong bùi ngùi xúc động, đoàn chúng tôi lên đường trở về Chủng Viện khi thành phố đã lên đèn. Hà Nội mới vào đông, tiết trời se lạnh, dạt trôi theo dòng người trên phố mà lòng ngổn ngang những nỗi buồn của kiếp nhân sinh. Trên bầu trời ánh trăng rằm đã toả sáng vằng vặc. Tôi thấy mình dường như không để ý đến con người và cảnh vật xung quanh; trái lại, hình như tôi vẫn còn đang ở giáo họ Bắc Sơn, nơi đó có gia đình anh chị Công Hân và hai cháu.
 
Giáo xứ Đồng Chiêm ngập lụt - Đại Chủng Viện Hà Nội ngập lòng
Dom. Thành Công
02:07 13/11/2008
HÀ NỘI - Hưởng ứng lời kêu gọi của Đức Tổng Giám Mục Giuse Ngô Quang Kiệt, cha phó giám đốc - đặc trách công tác mục vụ Đại Chủng Viện Hà Nội: Giuse Nguyễn Văn Diễm, với tinh thần tương thân tương ái: “lá lành đùm lá rách”. Sáng ngày 12/11/ 2008, anh em chủng sinh đại diện cho ba lớp (thần I, II và IV) của Đại Chủng Viện thánh Giuse Hà Nội đã đi thăm mục vụ tại giáo xứ Đồng Chiêm thuộc giáo phận Hà Nội, nơi đã gánh chịu ảnh hưởng lũ lụt nặng nề bởi đợt mưa to kéo dài đầu tháng 11 vừa qua.

Xem hình ảnh

Đoàn khởi hành lúc 6h 30, gồm 24 người, bằng phương tiện xe gắn máy, mang theo những thùng hàng đã quyên góp được trong những ngày qua. Thời tiết Miền Bắc những ngày gần đây đã chuyển sang mùa đông, tiết trời Hà Nội vào buổi sớm cũng khá lạnh. Tâm trạng mỗi chủng sinh có lẽ đang nóng lên và trào dâng những tình cảm dạt dào muốn đem đến để san sẻ cho anh chị em và bà con đang lũ lụt tại giáo xứ Đồng Chiêm. Đó là động lực mạnh mẽ thúc đẩy mỗi người hăm hở lên đường và mong sao cho con đường đến Đồng Chiêm ngắn lại.

Tiếp cận càng gần Đồng Chiêm, đường đi càng trở nên khó khăn, vì có những đoạn đường ngập nước, những đoạn đê không ngập thì lầy lội, khó đi. vượt qua nhưng khó khăn, cuối cùng đoàn đã tới được đích. Lúc này khoảng 8h 30. Trước mặt, giáo xứ Đồng Chiêm như bị tách rời, cô lập và bao xung quanh là nước. Nổi bật nhất từ xa, ngọn tháp nhà thờ của giáo xứ vươn cao trên đỉnh một ngọn núi đá nhỏ, xung quanh chân núi là một vùng đất thấp, nơi là toàn bộ giáo dân ở, bốn bề còn ngập nước. Trên cao nhìn xuống, các ngôi nhà như bị ngăn tách bởi những khoảng nước trắng. Việc đi lại trong khu vực này rất khó khăn, chủ yếu bằng thuyền bè.

Giáo xứ Đồng Chiêm cách nhà thờ chính toà Hà Nội khoảng 60 km về hướng Tây – Nam. Nơi đây, bà con sinh sống chủ yếu bằng nghề nông nghiệp, mỗi năm chỉ trồng cấy được một vụ duy nhất vào vụ chiêm (từ khoảng tháng 1 - 5). Đây có lẽ là lý do tại sao nơi đây được gọi bằng cái tên “Đồng Chiêm”, còn vụ mùa (từ đầu tháng 6 - 10) là mùa nước lụt. Ngoài nông nghiệp, bà con nơi đây không có nghề phụ nào. Vào mùa mưa, thanh niên trai tráng trong làng đi làm ăn xa, hoặc đi vào rừng kiếm cây thuốc về bán. Đời sống nói chung rất khó khăn.

Tới đây, chúng tôi được quí vị trong Ban giáo xứ, quí Sơ Dòng Mến Thánh Giá sở tại và một số anh chị em nhiệt tâm tiếp đón và hộ tống đi thăm, tặng quà cho từng gia đình.

Người dân Đồng Chiêm cho biết: nước ngập lụt nhà cửa đã kéo dài gần nửa tháng nay. Nước tuy đã rút nhiều, nhưng việc đi thăm của đoàn vẫn phải dùng thuyền vì nước sâu. Trên thuyền chúng tôi quan sát: đường đi của làng, sân các gia đình đã biến thành hồ nước mênh mông. Nhiều căn hộ, nước vẫn còn ngập ngang cửa nhà. Có những gia đình đã phải căng lều bạt trên nóc nhà để ở hoặc chứa thóc lúa hoặc vật nuôi. Được biết: những ngày lụt cao điểm, mọi người, đồ đạc, vật nuôi… đã phải di tản lên khu vực nhà thờ, nhà xứ, những chỗ cao để ở. Có những gia đình không ngập lụt thì phải chứa từ bảy cho đến gần chục gia đình bao gồm cả vật nuôi dồn lại trong một không gian rất trật trội. Trong những hoàn cảnh khó khăn như thế, tình đoàn kết, bác ái của bà con nơi đây càng được thể hiện một cách cụ thể hơn bao giờ. Tới thăm và trao những phần quà nhỏ bé được gom góp từ các thầy chủng sinh, cha giáo, quí vị ân nhân, bà con nơi đây tỏ ra thật vui và cảm động. Vui không phải vì những phần quà đem lại, nhưng có lẽ niềm vui được lan toả từ tấm lòng sang tấm lòng. Những không gian lạnh giá bao trùm của nước lụt như bị xua tan và thay thế bởi hơi ấm của tình người.

Gần trọn một ngày sống cùng và sống với giáo xứ Đồng Chiêm, anh em chủng sinh đã cảm nhận được một điều: đến đây, anh em nhận được hơn là cho đi. Một bài học thực tế của tinh thần mục vụ, liên đới, tinh thần hy sinh đồng lao cộng khổ và khiêm hạ của người dân nơi đây. Chính những lúc khó khăn nhất là lúc họ thể hiện tinh thần đức ái của Kitô giáo nhất.

Chia tay Đồng Chiêm ra về, khi ngọn tháp xa dần và khuất hẳn, đó là lúc hình ảnh những con người, những khuôn mặt, những bàn tay chai sạn, những bàn chân nhăn nheo vì lội nước lâu ngày như đang tái hiện cách sống động trong tâm trí tôi. Thật đúng như nhận xét của một Sơ trong cộng đoàn Dòng Mến Thánh Giá sở tại đã nhận định trong lúc chúng tôi đi thăm trở về: Đồng Chiêm ngập lụt vì nước, còn Đại Chủng Viện Hà Nội không ngập nước, nhưng ngập lòng. Vâng, đó có lẽ là tất cả tình cảm và tấm lòng của thầy và trò trường Đại Chủng Viện Hà Nội, luôn hướng về Đồng Chiêm trong những ngày này.
 
Đôi điều suy nghĩ khi thăm vùng lụt lội Đồng Chiêm, Hà Nội
Nguyễn Xuân Trường
02:21 13/11/2008
HÀ NỘI - Thứ tư, ngày 12.11.2008, tôi theo chân nhóm khoảng 30 chủng sinh đại chủng viện Thánh Giuse Hà Nội tới thăm hỏi và tặng quà bà con chịu lụt lội tại giáo xứ Đồng Chiêm, giáo phận Hà Nội (giáo xứ cách Đại chủng viện 60 km về hướng nam). Những túi quà do chính anh em chủng sinh đóng góp cùng sự trợ giúp của ân nhân.

Xem hình ảnh Đồng Chiêm

Một số nhà vẫn còn bị chìm dưới dòng nước
Đến giáo xứ, đập vào mắt chúng tôi là cảnh giáo xứ ngập chìm trong biển nước lụt mênh mông. Có lẽ phải mất nửa tháng nữa nước mới rút hết được. Người dân đang phải vật lộn với cuộc sống hết sức khó khăn. Giáo xứ Đồng Chiêm đang đói, đang rét, đang đau. Nói về nỗi đau của con người đã là việc khó, nhưng để thấu hiểu, để sẻ chia, để cùng chịu những nỗi đau với con người thì quả thật là một chuyện khó vô cùng.

Nước mang lại sự sống. Nơi nào muốn có sự sống phải có nước. Tuy nhiên, nước cũng gây ra chết chóc. Trật mưa như thác ở Bắc Việt vừa rồi đã khiến gần 100 người chết chìm trong nước lụt. Nước lụt đã giết chết hàng hàng trăm ngàn hécta hoa màu ruộng đất, làm cho bao công lao vất vả của con người thành công cốc! Khi nước quá nhiều, nước độc chiếm phủ lấp hết cả đất đai, ngăn cản ánh sáng mặt trời và không khí đến với hoa màu ruộng đất, thì thay vì mang lại sự sống, nước đã biến thành tác nhân gây chết chóc. Hình ảnh của nước khiến ta liên tưởng đến cuộc đời. Cuộc sống phong phú như một bản hòa tấu được dệt lên từ nhiều nốt nhạc; cuộc sống như một bức họa được vẽ bằng muôn màu sắc. Khi ta chỉ dừng lại ở một nốt nhạc, một màu sắc thì ta đã làm hỏng bài ca, bức tranh cuộc đời. Tiền bạc, danh vọng, quyền lực khi hòa nhịp với hào phóng, khiêm nhường, bao dung thì sẽ làm bức tranh cuộc đời thật đẹp. Khi cuộc sống của ta chỉ biết có tiền bạc, chỉ đam mê quyền lực, chỉ khát khao danh vọng mà quên đi những niềm vui khác, thì lúc đó, sự độc chiếm đam mê đã làm hỏng bài ca cuộc sống, đã hủy hoại bức tranh cuộc đời.

Nước tuy giết chết hoa màu ruộng đất Đồng Chiêm, nhưng không thể giết chết lòng nhân ái nơi này. Sống trong nghèo nàn mà dân chúng vẫn sẵn lòng chia sẻ cơm áo cho nhau, vẫn tha thiết yêu thương đùm bọc, che chở cho nhau trong lụt lội. Con người nơi đây đã trở nên những công cụ yêu thương trong bàn tay Thiên Chúa. Chính trong những lúc gian khổ, dường như con người lại vượt qua mọi biên giới ngăn cách, phân rẽ để sống với nhau, để cứu giúp nhau. Có gia đình nước lụt đã cuốn trôi hết tài sản, người vợ than thở với chồng: Thế là trắng tay, mất hết rồi anh ơi. Nhưng người chồng đáp lại: Tuy mất hết tài sản, nhưng mình còn có nhau, mình không mất nhau. Anh và em sẽ chung vai xây dựng từ đầu. Ôi tình nghĩa vợ chồng!

Đoàn người đi thăm vẫn còn lũ lội
Nước tuy nhấn chìm hoa màu ruộng đất Đồng Chiêm, nhưng không thể nhấn chìm đức tin nơi này. Giữa biển nước mênh mông, chúng tôi bắt gặp một thanh niên đang ngụp lặn trong nước. Cứ tưởng anh đang bắt cá, nhưng hóa ra anh cho biết là không phải bắt cá, mà là đang mò “tượng thánh”! Thì ra nước đã dâng cao ngập cả bàn thờ và đã cuốn tượng đi chỗ khác. Ngay giữa lúc bi đát của ngập lụt, mà người thanh niên ấy vẫn không than trời, trách Chúa. Anh vẫn cứ hăng hái hì hụp ngụp lặn mò tìm tượng Chúa, tượng Đức Mẹ. Cảnh mò tượng trong nước làm cho ta cảm thấy Chúa và Đức Mẹ cũng đang cùng chung chia nỗi khổ ngập lụt với con cái, cùng chịu ngâm mình trong nước lạnh. Thế mới hiểu được tại sao khi hỏi người dân nơi này năm nào cũng chịu ngập lụt mà không chuyển đi sinh sống ở nơi khác, thì họ đã trả lời: vì không muốn rời xa nhà thờ! Ôi niềm tin! Ôi tình mến!

Tôi vô cùng khâm phục niềm tin yêu của người dân nơi này. Trước những người dân đáng yêu, đáng thương như thế, tôi suy nghĩ về trách nhiệm của chính quyền và mỗi người. Chính quyền được sinh ra để làm gì nếu không phải là vì sự an sinh của người dân? Lãnh đạo Việt Nam luôn nói rằng: Chính quyền là của dân, do dân và vì dân. Thế nhưng sự phản ứng hết sức chậm chạp, yếu kém của nhà chức trách trong việc trợ giúp người dân trong đợt lụt lội này đã chứng tỏ lời tuyên bố trên vẫn mãi chỉ là giáo thuyết xa vời thực tế đớn đau của người dân.

Mỗi người chúng ta cũng phải chịu một phần trách nhiệm. Trước những đau thương của cuộc đời, ta thường có tâm lí oán than, thắc mắc: Chúa đâu rồi? Tại sao Chúa lại để cho đau thương như thế xảy ra? Nhưng trong niềm tin, tiếng Chúa vang lên: Ta đã dựng nên con, để qua con tim, qua bàn tay con, Ta làm dịu nỗi đau của nhân thế. Trước những đau thương của đồng loại, chúng ta hãy cầu xin cho biết mình phải làm gì để xoa dịu những đau thương ấy. Đồng loại phải chịu đau khổ không phải vì Chúa đã không chăm sóc họ, mà bởi vì chúng ta đã không đủ hào phóng, không đủ yêu thương.

Dầu nghèo túng nhưng các em bé quê vẫn có niềm vui!
May thay, bên cạnh “những điều trông thấy mà đau đớn lòng” thì tôi cũng được chứng kiến những nghĩa cử trợ giúp yêu thương làm ấm lòng người, làm sáng lên niềm hi vọng. Đã có những tấm lòng nhân ái, đã có những con người hi sinh thời gian, tiền bạc, công sức lội nước đến thăm hỏi và chia sẻ sự trợ giúp với những người dân nghèo đói Đồng Chiêm. Nhìn cách họ trao quà thật gần gũi, thật trân trọng làm cho người nhận có cảm tưởng như nhận cả tấm lòng thương yêu của người tặng quà gói ghém trong đó. Người tặng không chỉ cho họ vài kg gạo, vài gói mì ăn liền mà còn cho cả thời gian và sự quan tâm chân thành. Họ làm cho tình thương là ngôn ngữ mà người điếc có thể nghe, người thất học có thể hiểu, người mù có thể nhìn thấy.

Mọi tôn giáo đều dạy con người về ý nghĩa đẹp đẽ của đau khổ, nhưng có lẽ ý nghĩa đẹp nhất là cùng nhau chịu đau đớn, là cố gắng xoa dịu đau khổ cho nhau. Tình yêu có sức biến đổi những khổ đau thành những thương đau êm ái. Chúng ta được kêu gọi làm một cái gì đó bắt đầu từ tình thương yêu con người, đi từ nỗi đau của con người.

Lúc này cũng là những ngày cuối năm phụng vụ Công giáo. Giáo hội hướng mọi người về cánh chung, ở đó cơ ngơi của mỗi người được xây dựng bằng những thứ mình hào phóng chia sẻ cho đi. Khi giã từ cõi đời, ta chẳng mang được gì ngoài lòng mến Thiên Chúa và tình thương con người. Thánh Phaolô đã căn dặn chúng ta: Anh em đừng mắc nợ nhau điều gì ngoài tình thương mến.

Xin mượn câu nói của mẹ Têrêxa như một lời kết: “Mỗi người được kêu gọi chìa tay ra để phục vụ và dâng trái tim để yêu thương” . Chính những nghĩa cử yêu thương sẽ xoa dịu nỗi đau của nhân loại: để những người đau khổ có cơ hội tìm được sự sống, những người trong cơn tuyệt vọng nhìn thấy tia sáng hi vọng.
 
Chung Quanh Nạn Lụt Tại Đồng Bằng Miền Bắc Việt Nam tháng này
Nguyễn Chí Thành
12:21 13/11/2008
Chung Quanh Nạn Lụt Tại Đồng Bằng Miền Bắc Việt Nam Tháng 10-11/2008

1. Cảnh lũ lụt là một tai nạn xảy ra khá thường xuyên tại Đồng bằng sông Hồng. Câu truyện truyền kỷ Sơn Tinh và Thủy Tinh là phản ảnh tiêu biểu nhắc đến nỗi đau khổ triền miên ấy.

Biến cố ấy phải nói đến trách nhiệm của chính quyền nhìn xa trông rộng và tiên liệu vi tha những biện pháp đề phòng tối đa. Không thể để nước đến chân mới chạy và lửa cháy đến nhà mới chữa. Không thể chỉ lo vun quén, chắt bóp cho lòng tham lam của cải của mình và gia đình mình, mà không quan tâm làm gì xứng đáng, công bình tối thiểu cho dân. Không thể có những phát biểu vô trách nhiệm như “sống chết mặc bay, đổ lỗi cho nhân dân chỉ biết lệ thuộc vào nhà nước”!

Đánh rằng trong nguy biến, bản năng con người là mình phải làm tất cả mọi điều có thể để tự cứu mình trước hết.

2. Sự kiện người nông dân Đồng Chiêm đã lâu ngày chìm trong bể nước phải làm cho những người có trách nhiệm những tiên liệu cơ bản cho vùng dễ bị ngập lụt:

Hành động cấp bách trước mặt là tập trung và xuất qũy dự trữ lương thực và các phương tiện cơm áo, quần áo, săn sóc y tế, di chuyển, lều bạt, nhà ở, để giúp cho người nạn nhân bão lụt trong lúc phải ở tạm trú trong những ngôi nhà ngập đầy nước.

Về lâu dài phải giúp dân cầy cấy ngay khi nước rút với hạt giống, phân bón và phương tiện phân phối và tưới tiêu.

Tất cả các cán bộ hộ tịch phải hợp thức các tình trạng hộ tịch như sinh nở cưới xin, chết choc… xảy ra tại các nơi bị lụt lội

Các thầy cô giáo phải chuẩn bị nhanh chóng những cơ sở giáo dục để tiếp nhận thanhthiếu niên trở lại trường học.

Tất cả những hoạt động sản xuất, kỹ nghệ, thương mại và dịch vụ sẵn sàng làm việc lại, phục hồi những nơi đã bị ngập lụt

3. Nhưng quan trọng nhất là phải có não trạng biện chứng với tình thế phát triển dất nước. Người ta cần biến đổi, nhưng không phải như những biến đổi xuẩn động, bất nhân, độc đoàn, ngoan cố dã diễn ra. Bài học Liên Xô và Đông Âu phải đánh thức mọi thái độ lập trường và ý nghĩ ảo tưởng của chế độ hiện nay. Những người cố vấn chung quanh nhà nước không thể chỉ là những nịnh thần vẽ đường cho hươu chạy vào chỗ chết.

San Francisco ngày 12/11/2008
 
Thông báo về Đêm Thắp Nến cầu nguyện cho Giáo hội và Quê hương Việt Nam tại Hamilton Canada
Gx Các Thánh Tử Đạo Canada
21:49 13/11/2008
Thông báo về Đêm Thắp Nến cầu nguyện cho Giáo hội và Quê hương Việt Nam tại Hamilton Canada

Trong tâm tình hiệp thông cầu nguyện cho quê hương, giáo hội Việt Nam cũng như cho Hòa Bình & Công Lý trên toàn thế giới,
Ủy Ban "Công Lý và Hòa Bình" Giáo xứ các Thánh Tử Đạo Canada, Hamilton cùng với sinh viên Việt Nam
và sinh viên Ấn Độ của trường Đại học MacMaster, Hamilton
sẽ tổ chức một buổi thắp nến cầu nguyện vào thứ bảy 15 tháng 11, 2008
lúc 7:30 tối tại nhà thờ Canadian Martyrs Church, 38 Emerson Street, Hamilton L8S 2X3..

Sau nghi thức thắp nến cầu nguyện chung bằng 3 thứ tiếng Việt, Ấn & Anh, chương trình sẽ được tiếp tục bằng đêm canh thức hướng về Quê hương dành riêng cho cộng đồng Việt Nam gồm các bài Thánh ca và nghi thức cầu nguyện đặc biệt.
Kính mời quý đồng hương cùng tham dự buổi cầu nguyện này.

Mọi chi tiết xin liên lạc:
Anna Trần 905-599-7891,
Nga 416- 937-0276
hoặc Viên 905- 389-3425.
 
Thư gửi chủ tịch UBND TP Hà Nội, ông Nguyễn Thế Thảo
Hà Long
22:41 13/11/2008
Thư gửi chủ tịch UBND TP Hà Nội, ông Nguyễn Thế Thảo
Thư viết sau cơn nước lũ

Thưa ông chủ tịch!

Khi tôi đặt bút viết những lời này thì nhiều nơi trên mặt bằng của „Hà Nội Mới“ gần 15 ngày dân vẫn còn sống với lũ và nước, có nơi nước còn ngập hơn nóc nhà như những hình ảnh của ngày 13-11-2008 từ làng Đồng Chiêm, cách UBND TP Hà Nội khoảng 60 km về hướng Tây Nam. Có nơi nước đã rút đi, nhưng người dân đang phải vật vã với rác và mùi hôi thối do những dòng nước trôi vào. Cộng thêm vào đó trời bắc sắp vào đông càng làm cho dân lâm nạn lụt rét lòng hơn.

Lúc này tôi không cần phải tả lại những dòng sông độc ác lượn quanh khắp ngõ phường của thủ đô Hà Nội, một niềm tự hào của cả dân tộc sắp mừng kỷ niệm 1.000 năm thành Thăng Long. Từ trên cao nhìn xuống thấy Hà Nội chìm trong cơn lũ không khác gì một vùng nông thôn hẻo lánh nào đó: điện đóm không còn, nước uống cạn nguồn, điện thoại lúc được lúc không, đường đi trở thành dòng sông. Người dân tự hỏi đây còn là bộ mặt thủ đô của cả nước ư? Hà Nội còn xứng tầm với lịch sử nghìn năm văn hiến không?

Con nước cuồng bạo đã lôi cuốn hơn 82 người dân lành, 5 người mất tích trong đó có 17 người Hà Nội. Một điều quá tang thương cho nơi chốn nổi danh này, một điều ai cũng nghĩ đến không thể xảy ra được trên phần đất của bộ mặt quan trọng quốc gia do người đứng đầu quản lý chịu trách nhiệm cao nhất là ông chủ tịch UB NDTP Hà Nội.

Đã hai tuần qua người dân vẫn vật vã chiến đấu từng ngày với cơn lũ và hậu qủa sau cơn lũ: tổn thất vật chất, không có lương thực để ăn, thực phẩm hằng ngày tăng nhanh hơn con lũ đến, người nghèo ăn rau cầm sống không đủ tiền mua vì đắt hơn mấy lần, thêm vào đó bệnh tật có nguy cơ lây nhiễm... Người dân lo lắng hơn khi nhìn thấy chính quyền có trách nhiệm trực tiếp không có khả năng kiểm soát giá cả thực phẩm.

Một vài thảm trạng được người dân trong vùng lũ tả lại như sau:

- „Chuyện đau lòng về em bé 13 tháng tuổi, đêm ngủ bị rớt xuống nền nhà ngập nước mà chết đuối do cha mẹ không hay biết. Lại thêm những em bé đi học bị nước cuốn trôi, thật đau lòng làm sao.“

- „Trong xóm trọ của chúng tôi, đã từ tối thứ 6 tuần trước, điện mất, nước bẩn, ngập cao đến hàng mét, mà chúng tôi vẫn phải ăn mì tôm sống và uống nước mưa. Trong nhóm chúng tôi có nhiều người không biết bơi, do đó hiện giờ vẫn đang lặn ngụp với tình trạng giữa thủ đô mà sắp chết vì bị cách ly với thế giới bên ngoài. Do điện mất, điện thoại hết pin, nên chúng tôi cũng không thể liên lạc với thế giớ bên ngoài…“

- „Tôi chỉ muốn chia sẻ, tôi chỉ muốn các bạn thấy chúng tôi cần gì và cần vào lúc nào khi trốn lũ lụt gần 1 tuần nay. Bắt đầu từ chiều ngày thứ 6, ngập toàn bộ đường ngõ, đến sẩm tối nước đã ngập cả mét. Toàn bộ dẫy nhà chìm trong nước, xe máy để trong nhà chỉ nhìn thấy mỏm gương, chúng tôi giúp nhau chạy đồ đạc, nhà nào chỉ có 1 tầng thì sơ tán toàn bộ sang nhà người khác. Đến sáng thứ 7 thì yên vị hoàn toàn, chúng tôi giao lưu qua các khung cửa sổ tầng 2, 3, chia sẻ thức ăn, nước và thông tin. Chúng tôi cần lắm thông tin về thời tiết để biết tình trạng này kéo dài bao lâu và sẽ như thế nào. Lúc này thông tin chúng tôi có được là qua điện thoại di động gọi cho bạn bè. Đến ngày chủ nhật thì hoàn toàn mù tịt vì điện thoại hết pin.

Chúng tôi hỏi nhau (rất sốt ruột) sao không thấy chính quyền phường, quận thông báo gì cho chúng tôi. Đến chiều có bè vào, một số gia đình sơ tán, một số đi mua thêm thức ăn: 20.000-30.000 một mớ rau, 7000đ 1 cây nến, 200.000đ/ một thùng mỳ… 50.000 - 70.000/1 người/1 lượt đi bè (khoảng gần 700m).

Thứ 2: thức ăn còn, nhưng nước sạch thì không, nước ngập bốc mùi, chó chết, chuột chết nổi lềnh bềnh, kim tiêm nhiều vô số. Nước dự trữ đã hết, chỉ một số nhà phá ống thoát nước thì lấy được nước mưa, một số phá chậm mưa nhỏ không hứng được.
Thứ 3: một số gia đình nữa thuê bè ra đi, đến chiều thì có mỳ tôm tiếp tế, nhưng chúng tôi không có nước và không có thông tin, mỳ tôm mới mua hôm CN. Sáng nay, tôi đi làm, thấy nói: mưa lụt bất thường, bị động trong dự báo nhưng chính quyền hoàn toàn chủ động trong đối phó, đại khái như thế. Tự dưng buồn, “bỗng dưng muốn khóc” theo cơn mưa.“

- „Quả thực là chẳng thấy chút động tĩnh nào từ phía các ban ngành và chính quyền địa phương. Chúng tôi ở phường Thành Công, điện mất, nước mất, thông tin mất, đường giao thông ra ngoài mất. Chúng tôi chỉ biết được thông tin về dự báo thời thiết, về thiệt hại và những nguy cơ có thể xảy ra do cơn mưa mang lại, nguyên nhân mất điện qua các cuộc điện thoại do người thân ở nơi khác (có điện) thông báo cho. Không những đối diện với việc mất điện, người dân nơi đây còn hết sức lo lắng với việc không có nước sạch sinh hoạt, mọi người ngầm hiểu là mất điện gây ra mất nước và phải chịu đựng, đến lúc nào ông trời thương làm cho hết ngập lụt. Tuyệt nhiên không có một chút thông báo nào từ phía ủy ban phường. Không thấy một kế hoạch cấp nước sạch cho người dân.“

Nỗi khổ của dân nghèo chúng tôi thế đấy!

Tuy nhiên vào ngày 2-11, trong nỗi khổ ấy chúng tôi còn phải nghe thêm lời sỉ vả của một tên quan lại trả lời phỏng vấn trong điện thoại khi gác chân cao ráo trên ghế và ngồi trong cái biệt thự to tướng tránh mưa, ông ta đổ lỗi là người dân quá „ỷ lại nhà nước lắm“, nghĩa là trực tiếp ỷ lại vào năng lực điều binh khiển tướng của ông chủ tịch đó. Nếu được ỷ lại như thế thì số phần chúng tôi không hẩm hiu như bây giờ vì tiền thuế của chúng tôi luôn được nhà nước trang trọng thu vào nhanh chóng để xây dựng quốc gia, để trả lương cho cán bộ phục vụ dân, trong đó có ông chủ tịch, tiền thuế cũng để xây dựng hạ tầng cơ sở và cống rãnh thoát nước, v.v… Vâng! Chúng tôi quá ỷ lại như thế mới bị ông trời trừng phạt cay nghiệt trong những ngày qua.

Cuộc đời làm cho chúng tôi sáng mắt ra thêm vì khi Hà Nội được trời ưu đãi hơn 20 năm qua không có thiên tai bởi thế hàng năm mọi người vẫn thực hiện công tác cứu trợ lũ lụt miền Trung tích cực. Lúc đó thì phường, quận, quân dân hăng hái đi tận cùng hang xâu ngõ hẻm thúc đẩy đóng góp tiền của. Nay chính người dân Hà Nội bị cách ly, đói khát, khổ sở với giặc lũ như thế thì quý vị quan quyền lặn mất hút theo dòng nước, cho dù chúng tôi ở ngay bên cạnh nhà cao cửa rộng của quý vị.

Lại nữa, thường ngày công an, dân phòng, chiếu cố kỹ càng từng hang cùng ngõ hẻm để bắt mũ bảo hiểm, để kiểm tra gánh hàng rong. Nay tìm không thấy những anh hùng này đến cứu giúp người dân. Hoặc có giúp đỡ đưa dân qua chỗ ngập lụt lại chìa tay đòi tiền quá đáng của dân.

Thêm vào đó với sự thật phũ phàng khi chúng tôi được cứu đói trong những ngày qua bởi những người tội phạm quốc gia: các gánh hàng rong. Họ đang bị kết án và bị xua đuổi khỏi thủ đô Hà Nội. Nếu không có các bạn hàng rong này thì nhiều người dân chắc cũng đã bị chết đói theo lũ. Sao không thấy chính quyền xua đuổi ghi phạt hàng rong trên phố phường lúc này? Thế đấy, từ nơi chính quyền không đủ khả năng lo được những điều tối thiểu cho người dân trong lúc hoạn nạn? Sau cơn lũ các bạn hàng rong có bị phạt nữa không?

Chua chát thêm khi nghĩ lại về ngành cấp nước, thoát nước thường xuyên nhận được bằng khen, huân chương và anh hùng tiên tiến của thành phố. Nhưng khi lũ lụt kéo đến lại thiếu hẳn bóng dáng của ban ngành này! Hay là việc chống lũ lụt không phải là công việc thiết yếu của họ?

Thưa ông chủ tịch!

Người dân bỗng lo nhiều hơn cho những hoạch định tương lai của ông chủ tịch và sự việc cũng có thể gây hậu quả trầm trọng như cơn lũ. Đọc báo hàng ngày chúng tôi biết được những tin tức đáng lo như sau:

- Ì ạch các công trình 1.000 năm Thăng Long - Cầu chậm, đường cũng chậm. Trong các dự án, công trình kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội chậm tiến độ, gây nhiều bức xúc nhất chính là các công trình hạ tầng kỹ thuật giao thông - đô thị (cầu, đường). Các công trình này có ảnh hưởng rất lớn tới đời sống dân sinh hàng ngày cũng như gắn liền với cơ hội phát triển kinh tế - xã hội của thành phố.

“Hầu hết các công trình, dự án trong danh mục dự án kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội đều chậm tiến độ so với dự kiến ban đầu và chậm so với kế hoạch của UBND TP”. Nhận định này đã được nhắc đi nhắc lại ở rất nhiều các cuộc giám sát, hội nghị quan trọng của thành phố Hà Nội. Phó Giám đốc Sở KH-ĐT Hà Nội Ngô Văn Quý thừa nhận, từ đầu năm đến nay, tiến độ triển khai các dự án đều rất chậm, hầu hết không đảm bảo tiến độ… Những cái tên được nói đến nhiều nhất chính là các dự án hạ tầng kỹ thuật, giao thông - đô thị như cầu Vĩnh Tuy, đường vành đai I, dự án đường Văn Cao - Hồ Tây, đường vành đai III, cầu Thanh Trì, đường Láng - Hòa Lạc... Chẳng hạn, đường Văn Cao - Hồ Tây được UBND TP phê duyệt từ tháng 1-2007 và dự kiến khởi công vào đầu năm 2008 song tới nay vẫn luẩn quẩn ở khâu GPMB. Bức xúc về tốc độ xây dựng cơ bản, ông Triệu Đình Phúc - Bí thư huyện ủy Thanh Trì nói: “Xây dựng cơ bản rất lình xình. Nhiều công trình chậm 2-3, thậm chí 4 năm. Thành phố, các sở, ngành nói nhiều nhưng chuyển biến chậm...”.

- Khi lũ lụt ở dưới đất chưa lo xong thì người dân Hà Nội lại lo: „Hiểm họa ở… trên đầu“. Các vụ cháy xảy ra trên lưới điện, đối tượng thường bị “đổ lỗi” do hệ thống dây thông tin của các doanh nghiệp “ăn theo” cột điện gây nên. Trong khi đó, bộ phận trực tin báo cháy Phòng CS PCCC Hà Nội ghi nhận: Từ đầu năm đến nay xảy ra 186 sự cố chập điện ngoài trời, điện công cộng! Hạ tầng lưới điện ở nhiều địa bàn đã và đang tiềm ẩn nhiều nguy cơ cháy là thực trạng không thể phủ nhận… Gặp lúc thời tiết bất thường, như nóng nhiều ngày rồi chợt mưa, hoặc gió to, các mối nối song song này rất dễ gây họa. Nguyên nhân nữa có thể dẫn đến “thảm họa trên trời” là hiện tượng vi phạm hành lang an toàn lưới điện. Đây là điều mà báo chí từng phản ánh nhiều, song việc giải quyết triệt để xem ra không đơn giản… Đặc biệt, việc treo dây phải được đánh dấu để phân biệt dây với các đơn vị khác. Rõ ràng, nguyên nhân tình trạng “mạng nhện” trên các cột điện, đèn chiếu sáng ở thủ đô chủ yếu do các đơn vị khác thiếu trách nhiệm, chỉ chú tâm được việc của mình mà “quên” trách nhiệm với xã hội, với người dân. Trong khi thành phố chưa có sự quy hoạch đồng bộ hạ tầng chiếu sáng, thì việc lỏng lẻo trong công tác quản lý từ nhiều năm qua và thói tùy tiện của một số doanh nghiệp đã khiến vi phạm ngày càng nghiêm trọng hơn...

- “Khổ nạn” rác thải tại Hà Nội sau trận "Đại hồng thủy": Ngày 11/11, gần 2 tuần sau trận “đại hồng thuỷ”, quận Hoàng Mai, “rốn” nước của nội thành Hà Nội vẫn ngập trong rác. Bao nhiêu rác thải từ các quận khác cũng dồn về đây và đang được nhân đôi, nhân ba bởi người dân tiến hành dọn nhà. Tại những vùng trũng thuộc quận Hoàng Mai, có khu vực bị ngập nước cả chục ngày, công nhân vệ sinh môi trường chưa thể tiếp cận được để thu gom rác thải, trong khi lượng rác trong dân vẫn không ngừng ùn ùn đổ ra. Người dân không có nơi để vệ sinh, buộc phải xả thẳng chất thải ra các tuyến phố. Chị Thái, một công nhân vệ sinh môi trường cho biết: “Rác thải nhiều quá, chúng tôi đã tăng gấp đôi cường độ lao động mà vẫn không xuể”. Suốt một tuần nay, các chị phải đi làm từ 7 giờ sáng đến 19 giờ, có hôm phải làm đến nửa đêm mới được nghỉ. Số công nhân vệ sinh tham gia giải quyết hậu quả do mưa lụt tại quận Hoàng Mai hiện còn được huy động từ các quận Cầu Giấy, Long Biên, Hoàn Kiếm. Lực lượng tăng gần gấp đôi, cường độ làm việc cũng gấp đôi nhưng cũng mới chỉ giải quyết được phần nào rác thải trên địa bàn.

- Chợ mới xây đã dột! Chợ Hà Đông (Hà Nội) xây hàng chục tỷ đồng, mới hoạt động đã ngấm, dột. Trở về chợ mới được xây kiên cố khoảng 4 tháng và quầy hàng ở tận tầng 3 nhưng đã 2 lần bà con tiểu thương tại chợ Hà Đông phải chịu thiệt hại vì mái chợ bị ngấm, dột… Theo bà con tiểu thương đang kinh doanh tại chợ Hà Đông mới, thì họ chuyển về kinh doanh tại chợ được khoảng 4 tháng, nhưng đã 2 lần bị nước mưa ngấm thẳng từ mái chợ xuống gây hư hỏng hàng hóa. Điều đáng nói ở đây là, cho dù đã 2 lần lập biên bản ghi nhận thiệt hại của các hộ kinh doanh, nhưng đến nay, vẫn chưa có bất cứ phương án bồi thường nào được cơ quan có trách nhiệm đưa ra, trong khi mái chợ vẫn tiếp tục bị ngấm, dột. Chủ quầy hàng khô số 145 cho biết: “Khoảng giữa tháng 7, dù mới chỉ chuyển về chợ mới chưa đầy tháng, bà con chúng tôi đã một phen lao đao vì chỉ sau một đêm mưa, bao nhiêu hàng hóa trong quầy bị hư hỏng gần hết vì nước mưa. Sáng hôm sau chúng tôi đến bán hàng, mở quầy ra thấy nước ngập lõng bõng, bao nhiêu gạo - đỗ - măng khô - mộc nhĩ ngấm nước mưa nở tung tóe, chỉ còn nước đem nấu cám lợn”. Chủ quầy hàng khô số 222 bức xúc: “Ai mà ngờ được, chợ mới được xây dựng khang trang, hiện đại như thế mà vẫn bị ngấm, dột. Mà có phải ngấm, dột tong tỏng kiểu nhà tranh đâu, nước mưa cứ chảy ồ ồ theo các rãnh nứt vào quầy hàng ấy chứ”.

“Sau trận mưa lụt lịch sử vừa rồi, vợ chồng tôi đến thu dọn quầy hàng đã múc được 13 xô nước đọng trên tấm bạt nilon. Đến hôm sau lại múc thêm được gần chục xô nước nữa. Bị ngấm nước mưa, hầu hết số quần áo trong quầy của tôi đã bị ố và phai màu, phơi khô xong thì buộc phải hạ giá mới mong bán được" - chủ quầy hàng quần áo may sẵn số 269 góp chuyện. Được biết, chợ Hà Đông mới được xây dựng trên nền chợ cũ và chính thức được đưa vào sử dụng từ ngày 22/6/2008. Chủ đầu tư của công trình này là UBND TP. Hà Đông, nhà thầu là Công ty Xây dựng VINACONEX 21.

- 18 năm mới hoàn thành dự án thoát nước Hà Nội! Sớm nhất, phải tới năm 2013, dự án thoát nước Hà Nội mới có thể hoàn thành. Như vậy, tổng thời gian thực thiện dự án này lên tới 18 năm. Theo ông Nguyễn Mạnh Hùng- Phó giám đốc BQL Dự án, sự chậm trễ này là do các thủ tục quá nhiều và công tác GPMB bị chậm. Chẳng hạn, từ khâu lập báo cáo nghiên cứu khả thi đến khi hoàn thành Dự án một mất đúng 10 năm sau khi có Quy hoạch. Trong trận mưa vừa qua, các khu đô thị mới của Hà Nội như Linh Đàm, Mỹ Đình, Trung Hòa- Nhân Chính… đều trong cảnh úng ngập. Ông Hùng cho rằng nguyên nhân không phải do hệ thống thoát nước tại các khu đô thị kém mà bởi việc kết nối với hệ thống chung không tốt. Do đó khả năng tiêu thoát có hạn, dẫn đến úng ngập cục bộ khi mưa lớn. Tuy nhiên, BQL cũng thừa nhận, ngày cả giai đoạn hai hoàn thành thì những khu vực trũng cũng chưa chắc có thể cải thiện được. Dự án tổng thể thoát nước và xử lý nước thải Hà Nội có tổng mức đầu tư khoảng 1,162 tỷ USD.

Thưa ông chủ tịch!

Qua cơn lũ thế kỷ có thể đã làm ông mệt mỏi. Điều đó từ đâu ra? Đảng CSVN tuyệt đối không bao giờ đề cập đến vấn đề tâm linh, nhưng các ngày qua chúng tôi luôn được nghe lũ lụt là "Thiên tai thì không tính trước được" từ miệng ông Bí thư thành ủy Phạm Quang Nghị đã nói. Rồi người dân còn được đọc trên báo nhà nước nhiều lần về danh gọi lũ lụt là trận "Đại Hồng Thuỷ". Như thế, điều này khẳng định các ông đã tin vào trời và tin vào thánh kinh của Giáo hội Công Giáo. Người dân Hà Nội lại xác tín thêm một điều khi nhìn lại các hành động của ông chủ tịch trong những tuần vừa qua đối với Tòa Khâm Sứ và giáo xứ Thái Hà. Họ rêu rao là trời phạt ông Thảo thẳng tay.

Người dân chỉ mong có một giấc mơ là ông chủ tịch hành động cứu dân trong cảnh hoạn nạn nhanh chóng như đã quyết định cấp tốc phá tan Tòa Khâm Sứ. Hãy gửi quân đội hùng hậu đến cứu dân như đã gửi quân đến đàn áp dân cầu nguyện ôn hòa tại Tòa Khâm Sứ và giáo xứ Thái Hà. Hãy trả tiền cho những thanh niên HCM đến cứu giúp dân như đã mua chuộc những tên du thử du thực đến chống phá dân cầu nguyện. Hãy mau chóng viết các nghị quyết cứu dân nghèo như đã thường xuyên viết nghị quyết bắt giam giáo dân cầu nguyện. Việc này người đang bị giam lỏng của ông chủ tịch là bác giám mục Ngô Quang Kiệt đã viết thư kêu gọi giáo dân Việt Nam cứu giúp các nạn nhân lũ lụt bất kể lương giáo ngày 6-11-2008 rồi đấy. Hãy xắn quần lội nước đến với dân nghèo hoạn nạn. Ấy, việc này bác Kiệt cũng đã làm mau chóng trước cả bác Triết vào ngày 4-11-2008 nữa cơ.

Cuối thư, nếu ông chủ tịch là người có tâm, có tầm thì tôi chắc chắn ông phải suy nghĩ nhiều đến người dân trong lúc hoạn nạn này. Điều ấy người dân Hà Nội hoàn toàn „ỷ lại“ vào trách nhiệm của ông. Nếu không khéo thì Hà Nội sẽ được đổi danh muôn đời là... Hà Lội đấy ông ạ!

Kính,
 
Nạn Tham Nhũng Lộng Hành Đến Hồi Báo Động Khẩn Cấp ở Việt Nam
Nguyễn Chí Thành
22:44 13/11/2008
Nạn Tham Nhũng Lộng Hành Đến Hồi Báo Động Khẩn Cấp ở Việt Nam

Hiện Nay Đòi Phải Có Giải Pháp Toàn Diện Và Hữu Hiệu


Từ ngày vụ tham nhũng PMU18 được nhóm nhà báo và các người liên hệ phanh phui, rồi lại bị bịt miệng phũ phàng với việc phục chức kẻ phạm lỗi khuất tất và bắt người ngay phải ngồi tù! Nhưng chưa hết, viên chức được phục chức đã có những hành động trả thủ người đã phanh phui tham nhũng này hầu như nghênh ngang và kênh kiệu!

Điều này cho thấy phải có rạn nứt, mâu thuẫn lớn lao trong nội bộ những thành phần tham nhũng trong chính quyền bao che nhau, chống lai nhóm nhà báo và những phần tử dấu mặt đứng sau lưng.

Đền nay, chính Nguyễn Tấn Dũng phải trơ trẽn công khai vào cuộc, với lới hứa chính mình phải ra tay giải quyết vụ này theo pháp luật Việt Nam(!). Đó là một dấu hiệu bọn tham nhũng đã lộng hành bất chấp những dư luận trong nước và quốc tế. Nhưng cứ chờ xem luật pháp Việt Nam có nghiêm minh không? Một chính quyền thối nát như vậy mà bắt người dân Việt Nam phải tôn thờ và chính quyền ấy vẫn ngoan cố duy trì, thì phải đặt vần đề về nhận thức đạo đức và công tâm của hệ thống nhân sự cầm quyền ở đất nước Việt Nam hiện nay còn không? Như thế mà những người Việt Nam nào còn chút liêm sĩ không cảm thấy nhục nhã về Việt Nam hiện nay sao?

Điều xảy ra trong nước đã không còn giữ kín được nữa. Như thế không thể quan niệm nền ngoại giao Việt Nam, như bà Tôn Nữ Thị Ninh có phát biểu quá dè dặt, đến độ hèn yếu của một nữ lưu kẻ sĩ, nếu không muốn nói có phần không thành thật trong bài phỏng vấn với phái viên BBC mới mấy ngày nay.

Nemo dat quod non habet. Không ai có thể cho cái mà mình không có. Những người nắm quyền ở Việt Nam không có đạo đức và công tâm thì làm sao mà nói dối mãi được tình hình nọi bộ tăm tối trong nước, để có được một nền ngoại giao gọi là chân chính! Hầu như trên khắp thể giới các nhà ngoại giao Việt Nam của chế độ hiện nay đều bị nhân dân Việt Nam hải ngoại chống đối, đến độ ngoại giao Việt Nam ngày nay đồng nghĩa với nói dối thế giới.
 
Ăn xổi - ở thì!
Anmai, CSsR
22:48 13/11/2008
ĂN XỔI - Ở THÌ

Trước khi vào Nhà Dòng, lam lũ kiếm cơm ngày ba bữa với công việc nhặt nhạnh. Một hôm, Giám đốc gọi vào “tâm sự đời”. Chuyện là sau mấy năm thương yêu ấp ủ thì mấy ông anh bỏ Công ty ra ngoài làm ăn riêng. Giám đốc đau đớn vì đã tin tưởng cũng như hướng dẫn tận tình cho các đệ tử. Ấy vậy mà chúng đã quên ơn của ông, bỏ ông ra ngoài lập công ty riêng. Chia sẻ suy nghĩ của ông về những đệ tử không trung tín như vậy ông chỉ nói với tôi: những người ấy là những người thuộc loại “ăn xổi - ở thì”. Ông còn căn dặn tôi thêm: Sống trên đời phải có trước có sau, phải có nhân có nghĩa.

Nghe cụ giám đốc đầy tình thương, đầy lòng mến với dưới cấp nói câu đó tôi thấy chạnh lòng với anh. Những người ấy phải chăng là những người quên đi ơn nghĩa của ông, lập công ty khác cùng làm ngành nghề ấy để cho ông phải đóng cửa công ty của mình, để phá đi những gì mà ông đang có.. Những người ấy đã sống vội vã, làm ăn chụp giựt.

Nhớ lại câu nói “ăn xổi - ở thì” của cụ giám đốc ngày xưa nhìn lại những sự kiện vừa qua đã, đang diễn ra trong xã hội tôi trộm thấy ngày nay có quá nhiều và quá nhiều người sống theo cái lố “ăn xổi - ở thì” chứ không cứ gì vài ba đệ tử của cụ giám đốc xưa kia.

Công Viên Hàng Trống và Công Viên 178 Nguyễn Lương Bằng là một điển hình được những người thuộc loại “ăn xổi - ở thì” xây dựng một cách mau lẹ đến chóng mặt như vậy. Hai công viên ấy nếu gửi danh sách được xây dựng nhanh nhất thế giới thì chắc chắn đoạt không chỉ đạt giải nhất mà còn được thêm giải đặc biệt. Hậu quả của “ăn xổi - ở thì” ở 2 công viên đấy chắc không cần nói nhiều ai ai cũng biết cả.

Chuyện ô nhiễm môi trường là chuyện khẩn cấp trong những ngày này nhưng hình như người ta cũng chỉ giải quyết nó ở cái mức độ “ăn xổi - ở thì” mà thôi.

Con sông Thị Vải, hàng trăm ngàn con người sống cạnh dòng sông đen đang ngày đêm cất tiếng kêu ai oán lên những ngành, những cấp có chức năng nhưng chẳng hiểu tại sao tiếng kêu ai oán đó đã bị dập tắt từ khi Bộ Môi Trường lại quyết định cho Vedan hoạt động. Tờ báo vietnamnet.vn đã đưa tin:

- Kết quả xét nghiệm mẫu nước thải tại khu vực bể bán âm và bồn chứa của Công ty Vedan cho thấy các thông số về độ màu, COD, BOD5... tỷ lệ vượt từ 10 cho đến 2.000 lần, cá biệt lên tới 3.675 lần

- Vedan, 14 năm âm thầm "giết" sông Thị Vải...

- Mỗi tháng Vedan "đầu độc" sông Thị Vải bằng 105.600m3 nước thải.

Trên đây chỉ là vài thông tin “nho nhỏ” mà vietnamnet.vn trích dẫn thôi, còn nhiều tờ báo và nhiều cơ quan hữu quan nói về Vedan, nói về dòng sông Thị Vải.

Và Vedan chỉ là một trong không biết bao nhiêu vụ án về môi trường đang được phanh phui. Còn nhiều và nhiều công ty nữa đang nằm trong danh sách vi phạm như công ty Hào Dương (Tp. HCM), Cty TNHH TM & SX giấy, bao bì Trường Sơn (thị trấn Thủ Thừa); Cty Đa Năng, Xí nghiệp chế biến trái cây Foodtech; Cty TNHH Royal, Cty cổ phần Mía đường Hiệp Hòa... (Long An), Cty TNHH thương mại Đức Giang, Cty CP nhập khẩu hoá chất và thiết bị Kim Ngưu, Cty CP hoá chất VietChem (Hà nội)…

Mới đây, người ta lại phát hiện “vùng đất chết” ở khu công nghiệp Lê Minh Xuân huyện Bình Chánh – Thành phố HCM và Tân Phú Trung - Củ Chi.

Đã là công dân đất Việt, đã là con người Việt Nam thì ai ai cũng yêu nước thương dân cả. Không ai không chạnh lòng khi nhìn thấy nước mình nghèo, dân mình khổ cả. Có những chuyện làm cho dân nghèo dân khổ do thiên tai, tai ương thì chẳng ai biết trước được nhưng có những chuyện người ta biết trước dân khốn khổ vì quyết định của những người có trách nhiệm thì đau lòng lắm !

Thế hệ những người đang cầm cân nẩy mực, đang cầm quyết định vận mệnh đất nước này rồi sẽ qua đi nhưng những thế hệ con cháu sau này sẽ phải gánh những hậu quả khôn lường do cách hành xử “ăn xổi - ở thì” của một số quyết định mang đậm chất ai oán lòng người. Trước mắt thì không biết bao nhiêu nhà máy, bao nhiêu xí nghiệp, bao nhiêu khu chế xuất mọc lên và đưa về quá nhiều nguồn lợi trước mắt nhưng nhìn về lâu về dài hậu qủa để lại cho môi trường cũng chẳng kém chút nào cả.

Chục năm về trước, đất nước còn nghèo, còn thiếu thốn nhưng vẫn có nguồn nước sạch, có môi trường sạch để cung cấp cho con người. Ngày nay, đất nước khá lên nhưng tìm đâu còn có bầu không khí sạch, tìm đâu được nguồn nước sạch.

Thời gian sẽ qua đi, con cháu còn ở lại. Chắc có lẽ chúng sẽ ngân nga tiếng ca ai oán do cha ông chúng đã quyết định nhiều chuyện một cách “ăn xổi - ở thì”. Dù có oán, có hận đi chăng nữa nhưng thực tế môi trường mà chúng đang sống là môi trường độc hại do cha ông chúng để lại. Tưởng chừng cha ông để lại cho con cháu những gia sản quý báu nào ngờ gia sản quý ấy lại là môi trường quá ô nhiễm, quá nhơ bẩn.
 
Thái Hà - Nhìn lại để đi tới
Gioan Nguyễn Thạch Hà
23:32 13/11/2008
THÁI HÀ – NHÌN LẠI ĐỂ ĐI TỚI

Vụ việc Thái Hà tạm lắng. Những biến động bên ngoài tạm yên. Tuy nhiên, những đợt sóng của công lý và hoà bình tiếp tục trào dâng. Khắp mọi miền đất nước các buổi thắp nến cầu nguyện cho công lý và hoà bình tiếp tục dẫy tràn.

Đi đâu, người dân đều nhắc nhở sự kiện Thái Hà như một điểm sáng trong một xã hội ngột ngạt, vàng thau lẫn lộn.

Tới đâu, vụ việc Thái Hà cũng được kể như một “cú hích” làm thay đổi nhận thức của xã hội về công bằng, về sự thật, về tôn giáo và làm thức tỉnh lương tâm của những con người thiện chí mong ước xã hội mỗi ngày một phát triển hơn.

Bên cạnh đó, vụ việc Thái Hà cũng đã làm cho Giáo Hội Việt Nam một lần thấy rằng đức tin không bao giờ tách biệt khỏi cuộc sống đời thường.

Sự kiện Thái Hà giờ đây đã trở thành mối quan tâm của nhiều ngành, nhiều giới. Chưa bao giờ, kể từ năm 1954, một sự kiện tôn giáo lại lôi kéo được sự chú ý của công luận như sự kiện Thái Hà.

Chính quyền thì lúng túng, sử dụng luật rừng.

Giáo quyền thì một lần có cơ hội nhìn lại mình trong sứ mạng ngôn sứ mà Chúa đã giao và một lần biểu lộ cách mạnh mẽ sự hiệp thông vốn thuộc về bản chất của Giáo Hội - sự hiệp thông mà đã từ lâu, do hoàn cảnh, do sợ hãi, đã không được quan tâm đứng mức.

Đối với cộng đồng tín hữu, sau những năm dài sống trong sự phân biệt đối xử tôn giáo, trong bách hại, trong sợ hãi, biến cố Thái Hà làm mở tung cánh cửa sợ hãi. Các tín hữu đường hoàng bước ra khỏi nỗi sợ hãi cố hữu đã gặm nhấm lương tâm của rất nhiều người. Nhiều tín hữu đã được ơn trở lại. Đây có thể coi là một dấu chỉ thiêng liêng Chúa ban cho Giáo Hội làm tiền đề cho một đường hướng mục vụ thời đại của Hội thánh.

Sự kiện Thái Hà đã và đang là mối lo của nhà cầm quyền - một chính thể bất công, thiếu tôn trọng công lý và sự thật, thì cũng đã và đang là dấu chỉ của Tin mừng giữa một thời đại đen tối và tội lỗi. Các vị lãnh đạo trong Hội thánh, các tín hữu Chúa Kitô, giờ đây, được biết đến như một nhân tố mới, quan trọng và cần thiết cho việc xây dựng một xã hội dân sự - nền tảng của một xã hội dân chủ, văn minh.

Những phân tích về tình hình chính trị xã hội gần đây cho thấy: để tiến tới một nền dân chủ, công bằng, cần thiết phải xây dựng một xã hội dân sự, nơi đó, các quyền của con người được tôn trọng. Muốn thế, cần phải qui tụ được sức mạnh của các tổ chức xã hội, các đoàn thể tôn giáo, các tiếng nói đa nguyên, nhưng trên hết phải qui tụ được sức dân.

Giáo Hội Công giáo có thế mạnh là sự hiệp thông trong đức tin. Chính sự hiệp thông này – trong vụ việc Thái Hà và Toà Khâm sứ, đã là một thách thức lớn làm cho các cơ quan công quyền lúng túng, dẫn họ tới những hành vi sai lầm, gây chia rẽ nội bộ làm cho chính thể suy yếu.

Bản Quan điểm của Hội Đống Giám mục Việt Nam gửi Chính phủ nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, lấy lại quan điểm của Công Đồng Vaticanô II, khẳng định vai trò của Giáo Hội trong Xã hội: “Giáo Hội không làm chính trị, nhưng không đứng bên lề xã hội”.

Đức tin Công giáo dạy rằng, Chúa Giêsu nhập thể là để nhập thế. Ngài không đứng bên lề xã hội. Trái lại, Ngài đã mạnh mẽ tố cáo một chế độ xã hội vô luân, bất công, chà đạp lên sự thật và công lý. Ngài đã từng nói với các giới chức lãnh đạo Dothái: “Nòi rắn độc kia”. Với Hêrôđê, Ngài gọi ông là “Con cáo già”. Ngài đã nhập cuộc và dấn thân cho một xã hội tự do và công bằng hơn. Ngài nói: “Tôi đến để làm chứng cho sự thật. Ai đứng về phía sự thật thì nghe tiếng tôi”. Đứng về phía sự thật, về công lý là đứng về phía Chúa Giêsu. Đứng về phía sự thật và công lý cũng là đứng về phía người nghèo, người bị áp bức bất công.

Giáo Hội của Chúa thì không thể không đứng về phía sự thật.

Sứ mạng ngôn sứ của người Công giáo trước hết và trên hết, phải được bắt đầu bằng việc tố cáo những bất công và bằng việc mạnh mẽ công bố một nền hoà bình thực sự trong sự thật và lẽ công bằng theo gương của Chúa Giêsu.

Ngọn nến của Công lý và Hoà bình, giờ đây, đã được thắp lên. Chớ ngủ quên kẻo ngọn nến ấy bị dập tắt.

Hà Nội, ngày 13 tháng 11 năm 2008
 
Tin Đáng Chú Ý
Vietnam : les catholiques résistent au Parti
François Hauter, envoyé spécial à Hanoï
16:25 13/11/2008

Vietnam: les catholiques résistent au Parti



Paris, France 13/11/2008: 07:36

Photo: AP


Alors que le pouvoir communiste défend les privilèges des corrompus du régime, l'Église est le refuge des petites gens.

Ce n'est pas encore la situation de rupture de la Pologne des années 1980 ni une gentille comédie genre Don Camillo contre Peppone. Mais au Vietnam, l'Église catholique s'est imposée depuis quelques mois comme la seule force capable de s'élever contre le régime de Hanoï, et de le faire plier.

En plein centre de la capitale, à deux cents mètres de la cathédrale, dans le quartier touristique, les terrains occupés à l'époque de la colonisation française par la délégation apostolique, devaient être destinés à accueillir une boîte de nuit, puis un supermarché. Ainsi en avait décidé le Parti communiste qui testait évidemment la capacité de résistance de l'Église sur ce dossier. Il en a été pour ses frais: des milliers de fidèles, des jours durant, sont venus occuper les lieux, en un sit-in pacifique et silencieux.

Au Vietnam, depuis la révolution, c'était du jamais-vu. Le 19 septembre dernier, le Parti cédait: il faisait boucler le quartier par des policiers armés de fusils et de matraques, il envoyait des bulldozers raser les murs de clôture de cet endroit si symbolique pour les catholiques. Le surlendemain, dix mille croyants, accompagnés de l'ensemble des élèves du grand séminaire, se rassemblaient sur les lieux, entonnant la «prière pour la paix» de saint François d'Assise. Et, finalement, chacun sauvait la face, puisque l'endroit était finalement transformé… en jardin public.

Grâce à Dieu, l'ancienne nonciature ne deviendrait pas un petit commerce. Grâce au Parti communiste, l'État vietnamien démontrait qu'il ne cédait pas aux pressions des représentants du Vatican.

Entre puissances qui se jaugent depuis un demi-siècle, les communistes et les évêques vietnamiens se connaissent bien. À Hanoï, ils vivent une cohabitation forcée et tendue, plus souvent douloureuse que chaleureuse pour les chrétiens.

Six millions de catholiques

Les six millions de catholiques du pays (ils constituent 7 % des 85 millions d'habitants) sont très unis derrière le cardinal de Hô Chi-Minh-Ville, Jean-Baptiste Pham Minh Man, les 26 évêques et l'archevêque de Hanoï, Mgr Ngô Quang Kiet.

En face, les communistes sont divisés en deux camps: les vieux conservateurs, alignés sur le Parti communiste chinois. Et les plus jeunes, favorables à un appui plus affirmé sur les États-Unis, afin d'éviter au Vietnam de tomber dans les griffes du tigre chinois, l'ennemi séculaire et détesté. Comme le souligne un jeune journaliste de Hanoï, «les Américains sont nos ennemis d'il y a trente ans, les Français ceux d'il y a soixante ans, et les Chinois le sont en permanence depuis quatre mille ans».

Le conflit actuel entre catholiques et communistes porte sur des terrains et des bâtiments confisqués par le Viet Minh en 1954. Un petit retour en arrière est nécessaire pour en comprendre l'enjeu. Après les accords de Genève de 1954 et la partition du pays en deux, un million de Nord-Vietnamiens, dont 600 000 chrétiens, rejoignirent le Sud, comme le permettaient ces accords. Mais, à Hanoï, l'Église catholique se retrouva nue, ses derniers prêtres étant souvent emprisonnés ou persécutés, au point de leur faire perdre la raison. Au milieu des années 1980, suivant avec cinq ans de retard la Chine, le Parti vietnamien commença à tolérer une libéralisation économique qui devait attirer des investissements étrangers, et supposait donc le respect de quelques libertés individuelles. Jusqu'au milieu des années 1980, les églises avaient été fermées par les communistes. Puis ce fut le desserrement de l'étreinte.

Aujourd'hui, 350 000 catholiques fréquentent assidûment les églises à Hanoï, et 550 000 autres à Haiphong. «Dans le passé, nous n'avions pas la possibilité d'évangéliser les païens, explique Mgr Joseph Nguyen Chi Linh, évêque de Than Hoa; désormais nos séminaires sont absolument pleins. Notre Église est l'unique communauté au sein du peuple qui ose élever la voix. Seuls les catholiques osent manifester publiquement !»

Ce renversement du rapport de forces entre les idéologues du PC et les croyants a bien sûr accompagné le décollage économique du Vietnam, devenu le «petit dragon» de la région. Le pays est maintenant inondé de capitaux venant du Japon, de la Corée, de Taïwan, de Singapour et - c'est nouveau - de Dubaï et d'Arabie saoudite. «Il y a pour 40 milliards de projets immobiliers en cours au Vietnam, dont la construction d'un nouveau Dubaï», explique un diplomate européen. «Le Vietnam est devenu la lessiveuse des capitaux louches de la planète», ajoute un économiste, à Hanoï.

Dans le quartier Hoan Kiem, autour de la cathédrale construite par les Français, le terrain se négocie 20 000 dollars par mètre carré, trois fois les prix du centre de Bangkok.

Naturellement, dans ce système où une administration de type soviétique s'accommode fort bien d'un protocapitalisme à la Dickens, l'Église a demandé à retrouver ses propriétés confisquées. Il y en a des milliers dans le pays.

À Huê, l'ancienne capitale impériale, le petit séminaire est devenu l'hôtel de luxe de la ville. Une église de Hanoï est transformée en entrepôt. À Dalat, la chapelle de l'université est surmontée d'une étoile rouge. Le carmel de Hanoï s'est métamorphosé en hôpital. Un établissement de sœurs, à Hô Chi-Minh-Ville, est maintenant une discothèque; le noviciat de Hué, un supermarché. Chaque parcelle de terrain vaut de l'or. «Les vieux chrétiens soutiennent l'Église dans cette bataille, car la restitution des propriétés de l'Église créerait un précédent, le Parti communiste serait obligé de rendre des myriades de biens à leurs anciens propriétaires», explique un diplomate anglo-saxon.

Le Parti ne cède donc rien, mais il n'en est pas pour autant en position de force. Car l'économie mijote, elle sent le brûlé, elle menace d'imploser. Certes, dans les rues de Hanoï, les nouveaux bourgeois étalent leurs richesses, ils paradent en Porsche Cayenne; les marques de luxe se disputent les galeries des hôtels cinq étoiles; et la ville, sous les pelleteuses des promoteurs, perd de son charme ancien. Mais, sur ce marécage d'un pays mal géré, dont les comptes publics restent opaques, l'inflation explose à 27 % par an, les cabanes des miséreux sur les rives du fleuve Rouge poussent comme la mauvaise herbe,… et le curé de la cathédrale baptise 9 000 enfants par an, tant l'Église attire des jeunes couples, tant elle est devenue populaire.

Le salaire d'un ingénieur est de 100 euros par mois, celui d'un ministre de 250 euros et, comme le remarque Hoang, un jeune cadre brillant, «ça ne met pas à l'abri de la tentation, car il faut au moins 300 euros mensuels pour faire vivre sa famille». Le Vietnam vit donc une schizophrénie, entre la réalité des ministres qui roulent en berline et se font construire des palais, et une réalité d'un pouvoir n'ayant plus la moindre autorité morale. De petites scènes dans les rues le racontent: voyez ce motocycliste sifflé par un policier et qui poursuit en riant son chemin, alors que le policier s'épuise à vouloir le rattraper, sous les quolibets de la foule.

Dans ce paysage d'après-communisme sans lois ni droits, l'Église distribue aux pauvres, elle tance les puissants, elle fait figure de refuge. Le delta du Mékong est le théâtre le plus spectaculaire de ce renouveau de la foi: de petites villes y bâtissent d'immenses cathédrales. À Hanoï, il suffit que l'archevêque place la statue de la Vierge Marie derrière une grille pour que des foules viennent s'y presser.

Une liberté de ton absolue

Rien de surprenant donc à ce que les catholiques sèment une belle zizanie jusqu'au sein même du Parti communiste. Cela s'est traduit cet automne par des attaques violentes de la propagande d'État contre l'archevêque de Hanoï, Mgr Joseph Ngô Quang Kiet. «Les réclamations de terrains se sont répandues au Vietnam, dit-il, parce que la loi ne reconnaît pas le droit de propriété, et que cela ouvre la voie à de multiples cas de corruption.»

La cause est entendue: l'Église défend les droits des petites gens; le Parti, les privilèges des corrompus. Tous les évêques rencontrés se signalent par une liberté de ton absolue vis-à-vis du pouvoir, comme si ce dernier avait perdu de sa capacité de nuisance.

Ce Parti est, dans tous les cas, entré dans l'une de ses dernières convulsions, puisque les communistes vietnamiens conservateurs sont obligés aujourd'hui de s'appuyer sur leurs camarades chinois pour l'emporter sur le clan des réformistes. Le premier ministre, qui avait rencontré le pape Benoît XVI à Rome l'an dernier, est affaibli par ces réactionnaires. Triste fin pour un PC longtemps couvert de gloire, mais qui, pour tenir face au pays, a besoin de se faire protéger par la Chine, l'ennemi de quatre mille ans.
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền: Em Như Một Nụ Hồng
Nguyễn Ngọc Danh
13:10 13/11/2008

Em Như Một Nụ Hồng



Ảnh của Nguyễn Ngọc Danh

Em như một nụ hồng

Giữa cõi đời mênh mông

Hương thơm: Lời Tân Ước

Sắc: Cửa thiền: Sắc không.

(Ngọc Danh)

Click here to go to PhotoArt Meditation Room - Phòng Ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền
 
Trang Ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền: Còn Chút Ngọt Ngào
lm.Nguyễn Tầm Thường
13:13 13/11/2008

Còn Chút Ngọt Ngào



Ảnh của Nguyễn Tầm Thường, sj. (tại Tràng An, Ninh Bình)

Ơn đời còn chút ngọt ngào

Tạ ơn Trời Đất ôm vòng cưu mang.

(Thơ Nguyễn Hùng Sơn, Như Cõi Bình Yên)

Click here to go to PhotoArt Meditation Room - Phòng Ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền