Ngày 13-11-2019
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Chọn Thập Giá
Lm Giuse Nguyễn Hữu An
06:36 13/11/2019

LỄ CÁC THÁNH TỬ ĐẠO VIỆT NAM

Thánh lễ khai mạc Năm Thánh mừng 350 năm dòng Mến Thánh Giá tại Việt Nam diễn ra sáng 5.8.2019 tại Trung tâm Mục vụ TGP Sài gòn. Khoảng 600 nữ tu thuộc các hội dòng Mến Thánh Giá tại Việt Nam, Lào, Campuchia, Thái Lan, Mỹ đã tham dự. Ðây cũng là sự kiện khởi đầu tuần lễ thường huấn Hè lần 32 từ ngày 5 đến 9.8 dành cho các tổng phụ trách, tổng cố vấn, phụ trách cộng đoàn… đến từ 30 dòng Mến Thánh Giá trong và ngoài nước.

Ðược Ðức cha Lambert de la Motte thành lập tại Ðàng Ngoài năm 1670, Ðàng Trong năm 1671, Mến Thánh Giá là Dòng nữ đầu tiên có mặt tại Việt Nam. Trải qua nhiều giai đoạn phát triển, hiện nay Dòng chia làm nhiều nhánh, mỗi nhánh hoạt động độc lập, tự trị, có Tổng phụ trách riêng, song vẫn hiệp thông và liên hệ chặt chẽ với nhau. Theo thống kê năm 2019, Tổng hội Dòng có 8.961 nữ tu, 1.094 tập sinh và tiền tập sinh, 10.000 thành viên hiệp hội Mến Thánh Giá tại thế.

Dòng Mến Thánh Giá là Hội Dòng chọn Đức Kitô chịu đóng đinh là đối tượng duy nhất của tình yêu của lòng trí. Không chọn cái gì nhẹ nhàng mà lại chọn Đấng chịu đóng đinh trên Thánh Giá. Chọn con đường theo Chúa là đi vào con đường hẹp. Một chọn lựa khôn ngoan vì đã chọn chính Đấng Cứu Độ. Thánh Giá là đỉnh cao ơn cứu độ.

Thánh Giá đã in sâu và gắn chặt với Chúa Giêsu Kitô. Ngay cả sau khi Chúa sống lại vinh quang, các vết thương khổ nạn thập giá vẫn hiển hiện vẫn không bị xóa nhòa. Thánh Giá Chúa Kitô xuyên qua thời gian và hiện diện trong mỗi giây phút cuộc đời chúng ta. Sự hiện diện ấy làm thay đổi tất cả.

Trải qua sáu triều Vua: Trịnh, Nguyễn, Tây Sơn, Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức, Giáo Hội Việt Nam đã có hơn một trăm ngàn Đấng Tử Đạo được ghi nhận trong sổ sách. Trong dòng thời gian bị bách hại, các Kitô hữu phải trải qua một trong những thử thách đức tin là bước qua thập giá. Quan quân thời đó thường đặt một cây thập giá dưới đất rồi bắt các Kitô hữu bước qua. Đôi khi chỉ là hai cây gỗ bắt chéo nhau. Ai không bước qua thì phải chịu đủ mọi cực hình dã man. Ai chấp nhận bước qua thì được thoát cảnh ngục tù, được trả lại những tài sản bị tịch thu, được ban thưởng bỗng lộc, được sống đời tự do, được đoàn tụ với gia đình.Bước qua là được tiếp tục sống an nhàn. Không bước qua là phải chịu tù đày, đòn vọt, mất tất cả và mất cả mạng sống. Chỉ cần một bước chân thôi là mọi sự thay đổi. Đã có người bước qua, và cũng có người không.

Có người bị khiêng qua thánh giá nhưng đã co chân lên, như thánh Antôn Nguyễn Đích. Có người bước qua, nhưng sau lại hối hận. Đó là trường hợp của ba vị thánh quân nhân: Âutinh Huy, Nicôla Thể và Đaminh Đạt. Cũng có những vị được quan quân khuyến dụ hãy giả vờ bước qua thập giá để cho quan có cớ mà tha, còn sau đó về nhà thì muốn sao tuỳ ý; nhưng các thánh tử đạo vẫn không chấp nhận một thoả hiệp như thế. Các ngài vẫn khẳng khái nói không. Không bước qua thập giá, không bỏ đạo, không chối Chúa.

Đứng trước thập giá là đứng trước một lựa chọn. Tôi chọn Chúa hay tôi chọn tôi? Không có giải pháp dung hoà hay lấp lửng.Giây phút đứng trước thập giá là giây phút quan trọng.Quyết định không bước qua thập giá là kết tinh của những đêm dài cầu nguyện, của việc chiến thắng những mời mọc khéo léo, của việc thắng vượt những sợ hãi, giằng co nội tâm, của những Vườn Dầu trong ngục thất...Các Thánh Tử Đạo có chung một chọn lựa lựa khoát : theo Đức Kitô hay theo vua quan? Theo Đức Kitô là vác thập giá, sống trong gông cùm và chết trong đau thương. Theo vua quan là thừa hưởng vinh hoa phú quý nơi trần gian. Các Ngài có chung một quyết định tối hậu là theo Đức Kitô. Giây phút quyết định ấy chỉ có các Ngài với Thiên Chúa, chỉ có linh hồn với cõi phúc vô biên. Giây phút ấy không bị ảnh hưởng bởi gia đình, tổ quốc, nhân sinh. Người chết trong máu tử đạo đã coi nhẹ nghĩa phu thê, đã xem thường đường phụ tử. Họ khao khát một tình yêu vô biên mỹ lệ như giải ngân hà sao sa vời vợi, như vầng nhật nguyệt huy hoàng khôn tả. Các Ngài đã hoan hỉ chấp nhận chết để được sống một cuộc đời mà không mỹ từ nào diễn tả nổi, không bút hoạ nào vẽ thành và không hùng biện nào tuyên dương cho trọn. Người chết trong gông cùm mòn mỏi đã đặt tổ quốc đàng sau những giá trị vĩnh cửu. Ước vọng của họ không phải là được người đời tưởng niệm, được hậu thế tôn phong. Họ chết là vì đức tin thúc đẩy. Họ chỉ muốn thực hiện điều đã từng nghe biết : “Ai tuyên xưng danh Ta trước mặt trần gian, Ta sẽ tuyên danh nó trước mặt Cha Ta trên trời” (Mt 10,32). (x.Thiên Hùng Sử trang 4).

Thánh Nữ Inê Lê Thị Thành, sinh tại làng Bái Điền, địa phận Thanh Hóa, vào khoảng năm 1781; nhưng sau này theo mẹ về quê sống tại làng Phúc Nhạc, địa phận Phát Diệm. Năm lên 17 tuổi bà kết duyên cùng ông Nhất và sinh được 2 trai, 4 gái. Vì con trai đầu lòng tên Đê, nên theo tục lệ thời ấy, dân chúng gọi hai người là ông bà Đê. Suốt 60 năm trời, cuộc đời của bà êm đềm trôi qua trong nghĩa vụ làm người vợ thảo, mẹ hiền.

Thế rồi, vào lối tháng 3 năm 1841, có 4 linh mục thừa sai về đến làng Phúc Nhạc. Họ chia nhau ẩn trú mỗi người tại một nhà giáo dân. Bà Đê được vinh dự che dấu cha Thành trong nhà mình. Nhưng một ngày kia, ông Đễ, một giáo dân thường hay theo giúp cha Thành, đã thay lòng đổi dạ, ham tiền thưởng nên đi mật báo với quan tổng đốc Trịnh Quang Khanh. Thế là quan tổng đốc bất thần đem 500 quân về vây làng Phúc Nhạc vào rạng sáng Phục Sinh, 14-4-1841. Cha Thành và cha Ngân nhanh chân trốn kịp. Cha Nhân trốn trên gác bếp vô tình để gấu áo lò ra ngoài kẽ ván nên bị bắt. Cha Lý, đang ẩn bên nhà ông trùm Cơ, lúng túng không tìm được đường tẩu thoát, nên chạy sang nhà bà Đê ẩn núp. Bà dẫn cha ra vườn sau, dấu cha dưới đường mương, rồi mẹ con bà lấy rơm rác phủ dấu che cha. Nhưng quan quân đã thấy cha Lý chạy sang nhà bà Đê, nên kéo đến vây kín, lục soát thật kỹ, cuối cùng họ đã bắt được cha Lý, bắt luôn bà Đê áp giải về Nam Định. Với tuổi cao sức yếu, lại phải mang gông cùm nặng nề, đoạn đường từ Phúc Nhạc về đến Nam Định đã trở thành chặng đàng thánh giá, con đường dẫn đến Núi Sọ.
Tại Nam Định, bà đã bị lôi ra tòa, bị đánh đập nhiều lần nơi công đường, khi thì bằng roi, khi thì bằng cây củi lớn, nhưng bà vẫn một mực trung kiên tuyên xưng đức tin.

Lính vừa đánh vừa lôi bà dẫm lên Thánh giá. Bà vùng ra rồi nằm sụp xuống ôm lấy Thánh giá. Bà cầu nguyện: Chúa con ơi, xin thương con, con không bao giờ bỏ Chúa đâu. Họ cậy con là đàn bà yếu đuối mà ép lôi con dẫm lên thánh giá. Con không bỏ Chúa đâu, con không bỏ Chúa đâu. Xin thương giúp con.

Quan: Con mụ già này to gan thật. Được, để ta xem ngươi to gan đến đâu. Quân bây đâu.Đem rắn độc ra cho ta.Túm áo túm quần nó lại. Thả rắn độc vào mình nó, để xem nó to gan đến đâu, xem Chúa nó có cứu nó được không? Lính thi hành. Nhưng bà vẫn bình tĩnh đứng yên. Quan đi từ khoái chí đến kinh ngạc, rồi giận dữ.

Quan: Lôi nó vào ngục, đánh cho nó thêm một trận nhừ đòn. Đánh cho toát máu, cho áo quần nó phải đẫm máu mới thôi.

Cô Nụ, con bà Đê đến xin thăm nuôi mẹ. Một người lính lôi bà Đê ra. Vừa thấy mẹ, cô Lucia Nụ òa lên khóc vì thấy mẹ quá tiều tụy, áo quần rách nát, đẫm máu. Nhưng bà vẫn vui vẻ an ủi con.

Cô Nụ: Mẹ, sao áo quần mẹ tả tơi, đẩm máu thế này.

Mẹ: Con ơi, con đừng có khóc. Con hãy vui mừng với mẹ, vì mẹ đang mặc áo hoa hồng đây. Áo này là áo đau khổ vì Chúa mà. Con phải vui mừng với mẹ mới đúng.

Cô Nụ: Mẹ, sao mẹ khổ thế này!

Mẹ: Con ơi, con đừng khóc nữa. Mẹ đang sung sướng kia mà. Mẹ sắp được chết cho Chúa đây, còn gì phúc hơn. Con phải mừng với mẹ, cám ơn Chúa với mẹ mới đúng chứ. Con hãy về đi, về đi và cho mẹ gởi lời thăm hỏi mọi người. Các con hãy cố gắng giữ đạo cho sốt sắng, rồi một mai mẹ con ta sẽ lại đoàn tụ trên thiên đàng.

Bên cạnh những cực hình của ngục tù, đòn vọt, bà Đê lại mắc thêm bệnh kiết lỵ. Chính trong cảnh tù đày, đòn vọt, bệnh tật này, bà đã nhìn lên Đức Giêsu tử nạn, để tìm thấy lẽ sống cho đời mình, để múc lấy sức mạnh vác thánh giá cho đến hơi thở cuối cùng.Và cũng như Đức Giêsu trên thánh giá, bà đã cầu nguyện cùng Chúa trong cơn hấp hối: Lạy Chúa... xưa Chúa đã chết cho con... thì nay con xin hết lòng vâng theo Ý Chúa. ..Xin Chúa tha thứ cho họ... cũng như tha hết. .. mọi tội của con. Rồi bà gục đầu tắt thở trong tay cô Nụ.

Cô Nụ: Mẹ, và ôm xác mẹ khóc nức nở.

Bà Đê đã trút hơi thở cuối cùng vào ngày 12-7-1841, sau ba tháng bị giam cầm, thọ 60 tuổi. Lính đã đến đốt ngón chân bà để biết chắc bà đã chết. Sau đó thi hài bà được đem chôn tại Năm Mẫu, sau lại được cải táng đưa về Phúc Nhạc. Vị thánh nữ đầu tiên của Giáo Hội Việt Nam.(x.Các Thánh Tử Đạo Việt Nam Trong Lịch Sử Giáo Hội Công Giáo, Linh mục Vinh sơn Bùi Đức Sinh, trang 216-220).

Nếu thập giá là biểu tượng của đau khổ thì Đấng chịu đóng đinh đã chiến thắng đau khổ. Chúa Kitô đã tạo ra sự khác biệt hoàn toàn giữa thập giá và kẻ bị đóng đinh. Khi nhận lấy thập giá, Chúa Kitô đã dùng tình yêu biến đau khổ thành niềm vui. Tình yêu làm cho thập giá trở thành Thánh Giá.

Thánh Giá biểu tượng cho cuộc chiến đấu của Chúa Giêsu và cũng là biểu tượng cho tình yêu mạnh hơn sự chết và cho sự Thiện sẽ giành chiến thắng cuối cùng trên sự Ác.Thánh Giá là cánh cổng dẫn vào sự sống, thất bại chuyển thành chiến thắng, sự sống bị tước đoạt trở thành sự sống viên mãn. Ai đánh mất mạng sống mình sẽ tìm gặp lại sự sống. Ai can đảm chết cho Chúa Kitô sẽ được sống muôn đời. Thánh Giá là sự khôn ngoan và quyền năng của Thiên Chúa, bởi lẽ “Sự điên rồ nơi Thiên Chúa thì khôn ngoan hơn loài người, và sự yếu đuối nơi Thiên Chúa thì mạnh sức hơn loài người” (1Cr 1, 24 -25).Thánh Giá đã trở thành dấu chỉ của tình yêu hy vọng và sự sống. Thánh Phaolô có một ước muốn: “Ước chi tôi chẳng hãnh diện về điều gì, ngoài thập giá Đức Giêsu Kitô” (Gl 6,14).

Chúa Giêsu ở giữa nhân loại trong Bí tích Thánh Thể. Để trở nên nguồn sống tâm linh trong Thánh Thể, Chúa Giêsu đã đi qua Tử nạn và Thập giá.Thánh Thể là Mình Chúa hy sinh bị nộp, bị giết vì chúng ta: “Đây là Mình Thầy hy sinh vì anh em”. Chén Máu của Chúa là Máu giao ước đổ ra, Máu của Đấng Cứu thế bị giết chết trên thập giá. Bởi đó Thánh Thể và Thánh Giá là hai mầu nhiệm của một tình yêu tự hiến của Chúa Kitô. Không có Thánh Giá, Thánh Thể không có ý nghĩa. Không có Thánh Thể, Thánh Giá chỉ là thất bại.Từ Thánh Giá đến Thánh Thể là hành trình của con đường tình yêu tự hiến. Thánh lễ là cử hành hy tế cứu độ của Chúa Giêsu từ mầu nhiệm Thánh Giá đến tình yêu Thánh Thể.

Các Thánh Tử Đạo Việt Nam nhờ sức mạnh của Thánh Thể nên đã chọn Thánh Giá cách tuyệt đối và quyết liệt, dám liều mất cả mạng sống cho sự lựa chọn của mình. Các ngài thật khôn ngoan. Là con cháu của các ngài, xin cho chúng con luôn khôn ngoan trong những chọn lựa của đời sống hàng ngày. Amen.




 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
17:41 13/11/2019

81. Các thánh đem đức khiêm tốn để bảo vệ và làm nền tảng của tất cả các đức hạnh.

(Thánh Alphongsus de Liguori)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Trích dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")


-----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
17:48 13/11/2019
61. VỘI VÀNG ĐỔI CÁCH GỌI

Triều nhà Tống cuối năm Sùng Ninh, thư sinh Thái Nghi lên thành tham gia thi hạch ngành khoa học, bởi vì nịnh nọt bợ đỡ người quyền quý nên đậu đệ nhất tiến sĩ, bèn vào kinh thành đến nhà người rất có quyền thế là Thái Kinh đáp lễ, tôn xưng Thái Kinh là “thúc phụ đại nhân”.

Thái Kinh gọi hai con trai là Thái Du và Thái Vô đi ra tiếp kiến, Thái Nghi vội vàng đổi cách gọi:

- ”Thúc phụ đại nhân trên cao, hài nhi một lần nữa bái kiến hai vị thúc phụ đại nhân”.

(Cổ kim tiếu sử)

Suy tư 61:

Hối lộ nịnh nọt để được đậu tiến sĩ thì chẳng vinh dự gì, chỉ là gỗ mục sơn phết cho đẹp mà thôi.

Người nịnh bợ thì luôn “nhìn người sang bắt quàng làm họ” cho nên thường hay xưng hô quá trán, loại người này chỉ khiến cho xã hội thêm loạn và cộng đoàn thêm mệt trí.

Người lớn tuổi nể nang chức vụ của người trẻ tuổi, thì người trẻ tuổi phải kính trọng người lớn tuổi hơn mình, có như thế cách xưng hô và tình cảm mới không bị coi là lạm dụng.

Thời nay có những người trẻ tuổi ỷ lại vào chức vụ của mình mà tớ tớ cậu cậu với người lớn tuổi hơn mình; thời nay cũng có một vài linh mục quên mất bài học nhân bản trong chủng viện khi đã “đỗ” linh mục, các ngài xưng hô rất “thoải mái, tự tung tự tác” với giáo dân lớn tuổi của minh: “Cái thằng X…, cái con mẹ H… không biết điều với tớ…”-

Các linh mục không phải đem tiền đút lót để được đỗ linh mục, cho nên không thể như những người nịnh hót để được làm quan, nhưng các ngài là những người phàm được Thiên Chúa chọn làm linh mục ở giữa người phàm và cho người phàm, cho nên cách sống đạo đức và khiêm tốn của các ngài cũng thể hiện qua lối xưng hô với mọi người trong cuộc sống hằng ngày…

Linh mục cũng là người phàm, cũng có cha có mẹ, có anh có chị có em, và có bà con họ hàng bạn bè thân thuộc, nên đừng nghĩ rằng mình là người “cõi trên” để rồi xưng hô với mọi người như mình là vua không bằng.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


--------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Đức Thánh Cha Phanxicô kêu gọi đẩy mạnh tiến trình đối thoại liên tôn ở Burkina Faso
Thanh Quảng sdb
19:30 13/11/2019
Đức Thánh Cha Phanxicô kêu gọi đẩy mạnh tiến trình đối thoại liên tôn ở Burkina Faso

Đức Thánh Cha Phanxicô cầu nguyện cho các nạn nhân của các cuộc tấn công khủng bố ở Burkina Faso Tây Phi và kêu gọi đẩy mạnh tiến trình đối thoại và hòa giải liên tôn...
(Linda Bordoni – Tin Vatican)

Đức Thánh Cha Phanxicô nói ngài hướng về những người dân Burkina Faso, họ đang bị bạo lực đe dọa và giết hại hàng trăm người.
Chia sẻ trong buổi triều yết hàng tuần tại Quảng trường Thánh Phêrô, Đức Thánh Cha Phanxicô đã kêu gọi các nhà chức trách hãy bảo vệ thường dân dễ bị tổn thương và đẩy mạnh những nỗ lực tìm kiếm giải pháp chấm dứt bạo lực.
ĐTC khuyến khích chính quyền dân sự cũng như tôn giáo và tất cả những ai thao thức vì hòa bình hòa giải theo tinh thần của Văn kiện Tình huynh đệ của người Abu Dhabi đã ký kết tìm kiếm hòa bình hòa giải qua việc đối thoại liên tôn.
Đức Thánh Cha Phanxicô cũng phó thác các nạn nhân của các cuộc tấn công lên Thiên Chúa và cầu nguyện cho những người bị thương và những người phải di tản đầy đau thương trong thảm kịch này.
Lời kêu gọi của Đức Thánh Cha Phanxicô được giống lên sau một cuộc tấn công giết chết mốt số Kitô hữu và gây thương tích cho nhiều người khác!

Các chi nhánh của Al Qaeda
Quân Hồi giáo Jama'at Nasr al-Islam wal Muslimin (JNIM), đã phục kích đoàn xe chở công nhân từ mỏ vàng Boungou, gần Nassougou, là một chi nhánh của Hồi giáo al Qaeda tại Maghreb và đã hoạt động ở Burkina Faso từ năm 2017.
Vụ tấn công xảy ra khi một số quốc gia Tây Phi đang chiến đấu dẹp quân nổi dậy Hồi giáo đang ngày càng lộng hành, làm gián đoạn các hoạt động kinh doanh và buộc các chính phủ phải rút khỏi nhiều lãnh thổ rộng lớn. Các cuộc đột kích đã lan rộng từ các quốc gia Sahel như Mali, Nigeria và Burkina Faso tới các bờ biển của nhiều quốc gia như Ghana và Ivory.
Đây không phải là lần đầu tiên Đức Thánh Cha Phanxicô cầu nguyện cho các nạn nhân của các vụ tấn công ở Burkina Faso. Vào tháng 5 năm 2019, ĐTC đã bày tỏ nỗi thương tâm của mình trước cuộc tấn công của các tay súng bắn vào một nhà thờ Công Giáo ở Burkina Faso ngay sau Thánh lễ Chúa Nhật, làm cho sáu người thiệt mạng, trong đó có một linh mục.

Thỏa thuận giữa Tòa Thánh và Burkina Faso
Vào tháng 7, một thỏa thuận đã được ký giữa Burkina Faso và Tòa thánh, trong đó hai bên tôn trọng quyền độc lập và chủ quyền riêng, nhưng cam kết hợp tác với nhau vì công ích tinh thần lẫn vật chất của con người nhằm thúc đẩy công ích chung.
 
Ngày Toà án Tối cao Úc chấp nhận đơn xin kháng án của Đức Hồng Y George Pell
Vũ Văn An
21:39 13/11/2019
Tờ The Australian và đội ngũ ký giả của họ đã theo dõi phán quyết của Tòa án Tối cao Úc chấp nhận đơn kháng án cuối cùng của Đức Hồng Y George Pell sát nút từng giờ, bắt đầu từ 6 giờ 30 sáng ngày 13/11, giờ Sydney. Nhận thấy phúc trình của họ gồm đủ các sự kiện lẫn bình luận của các thức giả trong và ngoài Giáo Hội, kể cả của các nhà luật học nổi tiếng nhất của Úc, cho thấy ý nghĩa thực sự của phán quyết này, chúng tôi chuyển ngữ trọn phúc trình của họ:

6 giờ 30 sáng: Sáng nay điều gì sẽ xẩy ra? Pell sẽ không có mặt tại Tòa để nghe Tòa án Tối cao Úc công bố phán quyết của 3 chánh án sau khi đã đọc các luận điểm viết do hai bên đệ trình. Các lý lẽ của họ sẽ không được công bố công khai. Nếu Tòa án Tối cao Úc bác bỏ kháng án của Pell, các bản án của ông sẽ được duy trì và Pell sẽ sống tối thiểu 3 năm 8 tháng trong nhà tù trong hạn tù đầy đủ 6 năm.

Phiên xử của Tòa án Tối cao Úc có thể sẽ xẩy ra vào tháng Ba hay tháng Tư năm tới và có thể kéo dài 1 tháng. Phiên xử sẽ diễn ra trước mặt 5 hay 7 chánh án của Tòa án Tối cao Úc , với các luật sư 2 bên có 2 giờ để trình bầy lý lẽ.



9 giờ 30 sáng: Tòa án Tối cao Úc sẽ nghe các luận điểm kháng án của Pell : Tòa án Tối cao Úc đã đồng ý dành cho Đức Hồng Y George Pell một cơ hội nữa để kháng cáo bả án của ngài vì đã lạm dụng 2 thiếu nam ca viên tại Nhà thờ Chính tòa St Patrick khi đang là Tổng Giám Mục.

Pell, người đang ngồi tù từ tháng Hai, nay có cơ hội mới để lật ngược bản án, dù cần tới vài tháng trước khi được xét xử.

Pell, 78 tuổi, bị kết án năm ngoái bởi 1 bồi thẩm đoàn ở Toà án địa phương về tội hiếp dâm một nam ca viên 13 tuổi và tấn công tình dục một cậu ca viên khác cũng tại Nhà thờ Chính tòa Melbourne năm 1996, nhưng ông luôn bác bỏ bất cứ việc làm sai trái nào.

Trưởng chánh án Kidd lên án Pell hồi tháng Ba 6 năm tù với thời gian có thể xin ân xá là 3 năm 8 tháng.

Hồi tháng 8, ông thua vụ kháng án tại toà phúc thẩm Victoria trong một phán quyết 2 chọi 1.

Hồi tháng 9, các luật sư của Đức Hồng Y Pell nạp đơn xin một phép đặc biệt để kháng án với Tòa án Tối cao Úc , lý luận rằng Đức Hồng Y bị yêu cầu phải chứng minh điều bất khả (impossible) bởi 2 chánh án của tòa phúc thẩm Victoria.

Trong lá đơn dài 12 trang xin phép đặc biệt tại Tòa án Tối cao Úc, các luật sư của Đức Hồng Y Pell lý luận rằng Trưởng Chánh Án Anne Ferguson và chủ tịch Toà Phúc Thẩm Chris Maxwell đã phạm 2 sai lầm trong việc bác bỏ kháng án của ngài.

Bret Walker SC và Ruth Shann cho biết một sai lầm là đã yêu cầu Pell chứng minh hành vi phạm tội là không thể, thay vì trút gánh nặng lên các công tố viên.

Họ cũng lập luận rằng các chánh án đã sai lầm khi không thấy lời kết tội của bồi thẩm đoàn là vô lý, cho rằng có sự nghi ngờ hợp lý về việc liệu có cơ hội để các tội ác xảy ra hay không.

Các luật sư của Pell, lập luận rằng khách hàng của họ nên được tha bổng mọi tội danh vì một số lý do bao gồm cả sự không nhất quán trong phiên bản của người khiếu nại về các sự kiện. Nhưng các công tố viên cho rằng không có cơ sở để kháng án, và các tòa án Victoria đã không phạm sai lầm nào.

Bây giờ, phép đã được ban, các luật sư của vị Hồng Y bị bỏ tù sẽ cần phải nộp đơn kháng án chính thức.

9 giờ 45 sáng: Pell phải chờ nhiều tháng để kháng án

Theo bản tin của AAP: Chánh án Michelle Gordon đã loan tin tức tại Tòa án tối cao ở Canberra vào thứ Tư sau khi đưa ra phán quyết cùng với chánh án đồng nghiệp, James Edelman.

Ngày cho phiên tòa kháng án vẫn chưa được ấn định nhưng có thể sẽ vào đầu năm 2020 với toàn bộ bảy chánh án.

Phiên xử kháng án sẽ không xảy ra trước khi các chánh án trở lại sau kỳ nghỉ hè vào đầu tháng Hai.

Trong lá đơn 12 trang của họ xin kháng án với Tòa án Tối cao, các luật sư của Pell lập luận rằng những thay đổi về luật trong những năm qua kể từ khi các tội phạm bị cáo buộc đã làm tăng sự khó khăn trong việc xét nghiệm các cáo buộc tấn công tình dục.

Họ nói rằng Pell nên được tha bổng đối với mọi buộc tội vì một số lý do, trong đó có những điều không nhất quán trong phiên bản của người cáo buộc về các sự kiện.

Các công tố viên lập luận rằng không có cơ sở để kháng án và tòa án Victoria không mắc sai lầm nào.

Trong bản đệ trình viết nạp cho Tòa án Tối cao, các công tố viên viết rằng nhóm pháp lý Pell yêu cầu các chánh án của Tòa án Tối cao áp dụng các nguyên tắc đã có vào các sự kiện của vụ án, điều đã được tòa án phúc thẩm tiểu bang thăm dò cẩn thận và thấu đáo.

Pell phần lớn bị kết án dựa trên lời khai của một nạn nhân. Nạn nhân thứ hai đã chết vì dùng heroin quá liều lượng vào năm 2014 khi anh ta 31 tuổi mà không khiếu nại rằng mình đã bị lạm dụng.

Sau khi Pell thua việc kháng án đầu tiên, nạn nhân còn sống sót nói, “tôi chỉ hy vọng rằng mọi chuyện nay đã xong xuôi”.

9 giờ 55 sáng: Các đầu óc lớn không thể đồng ý với nhau

Mark Weinberg, chánh án kỳ cựu nói rằng ông sẽ tha bổng George Pell về các cáo buộc tấn công tình dục được nói tới tại vụ kháng án của Pell, ông có nhiều nghi ngờ về tội lỗi của Pell. Ông nói “Sau khi đã xem xét toàn bộ các bằng chứng được đưa ra tại phiên tòa, và sau khi đã nghị bàn rất lâu về vấn đề này, tôi thấy mình ở vị trí có mối nghi ngờ chân chính đối với tội lỗi của đương đơn”.

Các chánh án khác của Tòa phúc thẩm Victoria, Trưởng Chánh án Anne Ferguson và Christopher Maxwell, đã đồng ý giữ nguyên bản án của Pell. Họ nói rằng người bị lạm dụng sống sót, được gọi là A, là một nhân chứng đáng tin.

10 giờ 10 sáng: Bây giờ phải chăng Pell sẽ chuyển nhà tù?

Pell đang bị giam tại Nhà tù Lượng giá trong thành phố Melbourne, nơi ông bị biệt giam vì lo ngại về sự an toàn ông.

Phán quyết hôm nay sẽ nêu ra nhiều câu hỏi về việc Pell nên bị biệt giam bao lâu nữa, một điều thường có nghĩa kéo dài ngắn hạn.

Ông sống 23 giờ một ngày trong biệt giam vì các viên chức nhà tù sợ ông bị giết nếu bị đưa vào hệ thống cải huấn rộng lớn hơn.
Tuy nhiên, ở tuổi 78, Nhà Tù Lượng Giá Melbourne là một trong những nhà tù tồi tệ nhất ở Úc, có ít ánh sáng tự nhiên và khả năng tập thể dục.

10 giờ 20 sáng: Luật sư Richter phấn chấn

Phán quyết này sẽ giúp đội ngũ pháp lý của Pell phấn chấn, với Robert Richter QC, luật sư hình sự giỏi nhất trong thế hệ của ông, xác tín rằng vị Hồng Y vô tội.

Phán quyết này cũng giúp Rome trì hoãn thêm bất cứ hành động nào để tước bỏ các quyền hành linh mục của Pell.

Chính phủ có khả năng sẽ không công bố phúc trình cuối cùng của ủy ban hoàng gia về lạm dụng tình dục trẻ em cho đến khi Tòa án Tối cao xét xử vụ kháng án vào năm tới.

10.30 sáng: Pell gặp các luật sư

Pell hiện đang gặp các luật sư của mình tại Nhà tù Lượng giá Melbourne.

Một tuyên bố từ các đại diện của ông được dự kiến hôm nay.

Luật sư Paul Holdenson QC cho biết ông tự tin phép sẽ được ban cấp hôm nay.

Ông nói “Tôi nghĩ đó là một sự chắc chắn tuyệt đối”.

Ông Holdenson nói rằng đơn kháng án sẽ được xác định dựa trên vấn đề pháp luật với các hồ sơ được các bên đệ trình cho vụ kháng án thiết lập ra việc diễn tiến các phiên tòa.

Cựu công tố viên Nick Papas QC cho rằng theo ông, các tài liệu đệ nạp trong đơn xin phép đặc biệt khiến khá chắc chắn Tòa án tối cao sẽ cho phép.

Ông nói “Tôi có cảm tưởng có một điểm quan trọng cần phải xét nghiệm”.

Tuy nhiên, ông cảnh báo chống lại việc dự đoán kết quả của kháng án dựa trên quyết định này.

Ông nói “nó không có nghĩa gì cả, nó chỉ có nghĩa có một điểm pháp lý đáng lưu ý”.

Ông Papas nói rằng thật khó để biết khi nào phiên tòa sẽ được tổ chức và cả liệu nó sẽ diễn ra ở Melbourne hay ở Canberra.

Ông cho hay “Nó rất đáng lưu ý. Nó cho thấy, một điểm thực chất cần được xét nghiệm”.

Ông nói rằng Tòa án Tối cao đã nghe một số rất hạn chế các vụ kiện nêu bật các nguyên tắc pháp lý quan trọng cần được xét nghiệm bao gồm cả ý tưởng về một nhân chứng trình bày tốt mà ông cho hay có thể có ý nghĩa đối với các vụ tấn công tình dục khác.

Ông Papas nói rằng chủ trương của nhóm pháp lý Pell, về việc đảo ngược trách nhiệm chứng minh cũng rất quan trọng.

Phó giáo sư của Trường Luật Deakin Theo Alexander cho biết ông rất ngạc nhiên trước phán quyết của Tòa án Tối cao.

Ông nói “Nhưng, vì người đó là ai, nên tôi tưởng tượng họ đang hết sức lưu ý đến mọi chi tiết (crossing the Ts and dotting the Is). Nếu bạn không có sự bất đồng của chánh án Weinberg, thì chắc sẽ không có gì cả. Nhưng tất nhiên, cũng có sự bất đồng ở các vấn đề khác nên họ đã không chấp nhận kháng án".

Tiến sĩ Alexander cho biết Tòa án tối cao sẽ phải xem xét các lời và lẽ của tòa án dưới, tức Tòa phúc thẩm Victoria, và quyết định xem liệu tòa án có sai sót hay không dựa trên xét nghiệm kháng cáo ở Victoria.

10 giờ 35 sáng: Tòa án Tối cao công bố quyết định

Tòa án tối cao đã công bố bản ghi lại phán quyết sẽ xét xử vụ kháng án của George Pell.

Chánh án Michelle Gordon đã nói tại Tòa án Tối cao vào hôm Thứ Tư: “Về đơn này, Chánh án Edelman và tôi ra lệnh cho đơn xin phép đặc biệt để kháng cáo lên Tòa án này đối với bản án và các lệnh của Tòa phúc thẩm Tòa án Tối cao Victoria đã đưa ra và thực hiện vào ngày 21 tháng 8 năm 2019 được chuyển đến Phiên Tòa đầy đủ của Tòa án này để tranh luận như về một kháng cáo”.

11giờ 00 sáng: “Chúng tôi không bị cuốn hút chi”

Các bạn hữu của Pell đã phản ứng một cách thận trọng đối với sự khai triển tại Tòa án tối cao.

Một người bạn thân nói với The Australian rằng nó có thể cung cấp cho Đức Hồng Y một sự lạc quan nào đó dẫn đến Lễ Giáng sinh và một cơ hội để lên kế hoạch cho tương lai.

Tuy nhiên, có một ý thức thận trọng sâu sắc vì cung cách mà vụ án đã diễn ra, kể từ khi ngài bị buộc tội vào ngày 29 tháng 6 năm 2017.
Một người bạn nói ‘Có rất nhiều người tin George nhưng không ai bị cuốn hút bởi việc này. Tuy nhiên, đây là kết quả tốt nhất mà chúng tôi có thể có trong hoàn cảnh này”.

11 giờ 15 sáng: Cha của nạn nhân “thất vọng”

Cha của một trong các nạn nhân của George Pell, “thất vọng” bởi quyết định của Tòa án tối cao và nói rằng diễn trình pháp lý tiếp diễn “một lần nữa lại làm chấn thương” ông ta.

Luật sư Lisa Flynn của Shine Lawyers, người đại diện cho người đàn ông có con trai chết vì dùng ma túy vào năm 2014 sau khi bị Pell lạm dụng tình dục lúc 13 tuổi, nói chuyện với khách hàng của mình vào sáng nay, và nói rằng ông “cực kỳ thất vọng”.

Bà Flynn nói “Ông ấy thực sự hy vọng rằng vụ này sẽ kết thúc với ông ấy ngày hôm nay, vì diễn trình này cứ tiếp diễn và tiếp diễn trong một thời gian rồi, nó cực kỳ tái gây chấn thương cho ông ấy”.
....................................
Người đàn ông gần đây đã viết thư cho Vatican để hỏi tại sao Pell vẫn được Giáo Hội Công Giáo ủng hộ, khi đã bị kết án và bỏ tù.

Bà Flynn nói rằng “Khách hàng của chúng tôi vẫn thực sự lo ngại rằng Giáo Hội Công Giáo chưa nhận trách nhiệm đúng đắn và đưa ra các hành động đúng đắn sau khi George Pell bị kết án vì tội lạm dụng tình dục trẻ em”.

Bà nói rằng người đàn ông đặt nhiều câu hỏi cho Giáo Hội Công Giáo, bao gồm cả lý do tại sao họ tiếp tục hỗ trợ Pell mặc dù là một tội phạm tình dục trẻ em bị kết án và tại sao Giáo Hội không hỗ trợ nạn nhân lạm dụng theo cách đó.
............................
11 giờ 25 sáng: Tòa án Tối cao sẽ nghe các luận điểm kháng án

Xin giải thích rõ hơn về quyết định của Tòa án Tối cao: George Pell đã được cấp một dây cứu sống (lifeline) khác trong nỗ lực cứu thanh danh của mình với việc toàn bộ Tòa án Tối cao sẽ nghe các lập luận kháng án của ông.

Vào sáng thứ Tư tại Canberra, hai chánh án Tòa án Tối cao đã chuyển đơn xin phép được kháng án của Pell, và vụ kiện quan trọng lên toàn thể Tòa án Tối cao để xét xử.
.............................
Trong phiên xét xử đó, Tòa án tối cao có thể bác bỏ đơn xin phép đặc biệt của Hồng Y để kháng án hoặc cấp phép để ông kháng án.
Nếu tòa án cấp phép cho Pell kháng án, thì tòa sẽ xác định xem vụ kháng án của ông có đứng vững hay không.

Tòa án có thể cho phép kháng án nhưng sau đó bác bỏ cơ sở của kháng án.

Nếu tòa xét xử việc kháng án và đồng ý với kháng án dựa trên một hoặc nhiều cơ sở, có thể có ba kết quả như sau:

Tòa có thể ra lệnh xử lại.
Tòa có thể ra lệnh tha bổng.
Tòa có thể gửi trả lại vụ kiện cho Tòa án phúc thẩm Victoria xem xét.

11 giờ 35 sáng: Phán quyết của tòa án có nghĩa gì

Giáo sư Jeremy Gans, thuộc Đại học Melbourne, cho biết Tòa án Tối cao đã trả lời “về cơ bản y như” cách ban phép (grant of leave).
Ông viết trên Twitter “Pell và Công tố sẽ trình bầy lập luận của họ trước năm hoặc bảy chánh án. Đa số các chánh án sẽ quyết định bên nào thắng”.

“Một việc chuyển (referral, thay vì một việc ban) là rất hiếm. Và tòa án không bao giờ giải thích lý do tại sao họ làm như vậy. Và việc này dường như không bao giờ quan trọng cả. Nhưng, nếu coi nó quan trọng, thì điều này có nghĩa: tòa án vẫn chưa quyết định vụ kiện này thực sự đáng phán quyết, chỉ là nó đáng để nghe thôi. Quả là lạ (go figure!)”.

12 giờ 40 trưa: Không có bình luận nào từ Pell

Người phát ngôn của Pell đã từ chối bình luận về quyết định của Tòa án Tối cao. Trong một tuyên bố, người phát ngôn nói: “Sau khi có phán quyết cho phép của Tòa án tối cao để kháng án, một phát ngôn viên của Đức Hồng Y George Pell nói: ‘Vấn đề này hiện vẫn còn trước tòa án và vì vậy chúng tôi không thể bình luận’”.

1 giờ 15 chiều: “Điều này sẽ kéo dài diễn trình khó khăn”.

Chủ tịch Hội đồng Giám mục Công Giáo Úc Mark Coleridge cho biết ông hy vọng Tòa án tối cao có thể mang lại sự rõ ràng cho vấn đề này.

Ông nói: “Mọi người Úc có quyền kháng cáo vụ án lên tòa án tối cao. Đức Hồng Y George Pell đã thực thi quyền đó và Tòa án Tối cao đã xác định rằng bản án của ngài đáng được họ xem xét”.

“Việc này sẽ kéo dài điều vốn là một diễn trình lâu dài và khó khăn, nhưng chúng ta chỉ hy vọng rằng vụ kháng án sẽ được xét xử sớm nhất có thể và phán quyết của Tòa án Tối cao sẽ mang lại sự rõ ràng và một giải pháp cho mọi người”.

Cuối cùng là tuyên bố của Đức Cha Anthony Fisher, Tổng Giám Mục Sydney

Đức Tổng Giám Mục Sydney Anthony Fisher hoan nghênh phán quyết của Tòa án Tối cao. Ông viết: “Đức Hồng Y luôn duy trì sự vô tội của mình và tiếp tục làm như vậy, và phán quyết chia rẽ của Tòa phúc thẩm phản ảnh ý kiến chia rẽ giữa các bồi thẩm viên, bình luận gia pháp luật và trong cộng đồng của chúng ta...

“Nhiều câu hỏi vẫn còn đó, và điều thích hợp là những câu hỏi này sẽ được tòa án cao nhất của chúng ta khảo sát.

“Vì lợi ích của mọi người liên hệ đến vụ án này, tôi hy vọng rằng đơn kháng cáo sẽ được xét xử sớm nhất có thể”.
 
Bênh vực công lý và Giáo Hội
Từ 3 không quốc phòng đến hiểm họa mất nước
Phạm Trần
21:13 13/11/2019
Chính sách Quốc phòng “3 không” nguy hiểm của đảng Cộng sản Việt Nam (CSVN) đã lây qua đời sống người dân, cán bộ và đảng viên, báo hiệu thời kỳ liệt não vô cảm trước kẻ thù Trung Cộng.

Trước hết, “3 không Quốc phòng” gồm: “không tham gia các liên minh quân sự, không là đồng minh quân sự của bất kỳ nước nào, không cho bất cứ nước nào đặt căn cứ quân sự ở Việt Nam và không dựa vào nước này để chống nước kia.”

Chủ trương này đã bị nhiều Trí thức và cựu Tướng lãnh chỉ trích lạc hậu và sai lầm tại Cuộc Tọa đàm về “Vùng biển bãi Tư Chính và Luật pháp Quốc tế” do Viện Nghiên cứu Chính sách, Pháp luật và Phát triển (tên viết tắt là PLD, Institute Research on Policy, Law and Development) thuộc Liên hiệp các Hội khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (Vusta,) tổ chức tại Hà Nội ngày 06/10/2019.

Cuộc Tọa đàm diễn ra khi tầu thăm dò dầu khí Hải Dương-8 (HD-8) của Trung Cộng đã hoạt động ở Tư Chính được 96 ngày (03/07 – 06/10/2019).

Theo lời Phó Giáo sư-Tiến sỹ Viện trưởng Hoàng Ngọc Giao thì tại Cuộc thảo luận này, phần đông thấy rằng Trung Cộng “Đang có những hành động sử dụng vũ lực và đe dọa sử dụng vũ lực trên các vùng biển thuộc vùng đặc quyền kinh tế và chủ quyền của Việt Nam. Cho nên cái đầu tiên phải nhận diện rõ đây là nguy cơ rất lớn đối với Việt Nam."

Ngoài yêu cầu phải kiện Trung Cộng ra Tòa án hòa giải Quốc tế, nhiều người tham dự đồng ý Việt Nam cần có lựa chọn. Ông nói:"Đó là phải xác định rõ bạn - thù, đó là việc Việt Nam phải liên minh với Hoa Kỳ và các nước phương Tây, ở đây cũng đã nhắc đến chính sách 'Ba không', thì cần phải hóa giải chính sách ba không này bởi một điều khoản rất quan trọng của Hiến chương Liên hiệp quốc - đó là quyền tự vệ chính đáng.” (theo BBC tiếng Việt, ngày 07/10/2019)

Trong số các diễn giả, chuyên gia tham dự, có các vị tên tuổi, đối lập với đảng, từng bị nhà nước trù dập, ra khỏi đảng, hoặc cựu Đại sứ, Nhà Ngoại giao như Vũ Ngọc Hoàng (nguyên Phó trường ban Thường trực Ban Tuyên giáo), Thang Văn Phúc, Chu Hảo, Lê Đăng Doanh, Phạm Chi Lan, Nguyễn Khắc Mai, Trần Thị Băng Thanh, Đặng Văn Sinh, Hoàng Quốc Hải, Phạm Huy Thông, Nguyễn Xuân Hãn, Nguyễn Đình Cung, cựu Đại sứ Nguyễn Trung, Nguyễn Nguyên Bình, Nguyễn Đình Cống, Hoàng Việt, Trần Ngọc Vương, Nhà ngoại giao Đinh Hoàng Thắng, Vũ Hùng, Nguyễn Vi Khải, Nguyễn Văn Cương, Trần Thanh Vân, Chuyên gia ngoại giao cao cấp Nguyễn Quang Dy, Nguyễn Xuân Diện, Hoàng Ngọc Giao, Đào Tiến Thi, Phạm Viết Đào, hai Thiếu tướng Lê Mã Lương và Lê Văn Cương v.v…

Tại cuộc tọa đàm này, theo bài viết của Nguyễn Đức gửi BBC tiếng Việt ngày 07/10/2019 thì :Thiếu tướng Lê Văn Cương - nguyên Viện trưởng Viện chiến lược Bộ Công an đã tiết lộ 5 mệnh lệnh của Trung Cộng trao cho Lãnh đạo Việt Nam sau khi Tòa trọng tài quốc tế tuyên Trung Quốc thua kiện Philippines năm 2016.

Tướng Cương kể :” Trung Quốc cử cán bộ sang làm việc với lãnh đạo cao cấp Việt Nam thực hiện "5 không".

Thứ nhất, không được ủng hộ phán quyết tòa trọng tài

Thứ 2, không được đưa ra Asean bàn thảo liên quan đến vấn đề Biển Đông

Thứ 3, trong đa phương quốc tế Việt Nam không đưa phán quyết này ra

Thứ 4, trong đàm phán Việt Trung- Trung Việt không được đưa vấn đề này.

Thứ 5, các đồng chí không được kiện Trung Quốc.

Tất nhiên phía Việt Nam, dưới quyền lãnh đạo của ông Nguyễn Phú Trọng, một người “bạn thân thiết” của Trung Cộng, đã tuân hành nghiêm chỉnh.

PHẢN ỨNG GAY GẮT

Do đó, ta không lạ khi thấy Tổng Bí thư, Chủ tịch nhà nước Nguyễn Phú Trọng đã phản ứng gay gắt Cuộc tọa đàm của các Nhân sỹ-Trí thức. Ông đã xếch mé nói: “Hiện nay có một số phần tử cố tình kích động, to tiếng lên, lên gân lên, ra vẻ ta là anh hùng, ra vẻ ta là yêu nước, vậy còn T.Ư Đảng, Chính phủ, Tổng bí thư không yêu nước à? Vô trách nhiệm à?...không phải cứ nói mạnh, làm liều mới là yêu nước… Do vậy, cần phải tỉnh táo để phản bác những luận điệu xuyên tạc của một số phần tử về vấn đề này”

Ông kiêu ngạo rao giảng:“Làm sao giữ đất nước yên bình, tiến lên nhưng đồng thời giữ đất nước độc lập thế mới là giỏi. Cha ông ta cũng thế thôi, các cụ khôn khéo lắm. Cố gắng giữ quan hệ nhưng cái gì về độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ ta không bao giờ nhân nhượng.” (theo các báo từ Việt Nam)

Ông Trọng đã đưa ra những lời chỉ trích bất nhã với các Trí thức trong cuộc tiếp xúc cử tri Đơn vị bầu cử số 1 gồm 3 quận: Ba Đình, Hoàn Kiếm, Tây Hồ ngày 15/10 (2019).

Trước ông Trọng, báo Quân đội Nhân dân (QĐND) đã tung ra loạt bài gọi là “Cảnh giác với bệnh công thần và kiêu ngạo cộng sản” nhằm chỉ trích những Trí thức và cựu viên chức cao cấp không còn nhắm mắt theo đảng vô điều kiện, hay đã can đảm lên án đường lối cai trị sai lầm của đảng.

Báo này viết:” Đáng buồn hơn, có cả cán bộ kinh qua rèn luyện, cống hiến, lập nhiều chiến công nhưng lúc nghỉ hưu lại thiếu tỉnh táo, nói và viết không đúng đường lối quan điểm của Đảng; tiếp xúc với nhiều đối tượng cơ hội chính trị, thậm chí cả đối tượng phản động, bị chúng lợi dụng, kích động, dẫn đến tán phát nhiều thông tin xấu, gây hoang mang, bức xúc trong dư luận….

Họ còn tham gia các cuộc tọa đàm, trao đổi, tham gia xuất bản những ấn phẩm do một vài hội, nhóm tổ chức gây ra những tranh cãi, bất đồng chính kiến làm bức xúc dư luận. Rồi còn tham gia ký các đơn, tâm thư, thỉnh nguyện tập thể có nội dung trái với đường lối, quan điểm của Đảng, không có lợi cho đất nước, quân đội nhưng họ lại được kẻ xấu tung hô, ngợi ca nên ngày càng mù quáng... “ (báo QĐND, ngày 10/10/2019)

Nhằm xỏ xiên Tổ chức Văn đoàn độc lập do Nhà văn nổi tiếng Nguyên Ngọc đứng đầu vận động, QĐND viết:”Ngay trong lĩnh vực báo chí, truyền thông, văn hóa văn nghệ, nhiều năm qua, chúng ta không khỏi đau xót khi thấy có những nhà văn, nhà báo, nhà quản lý từng dạn dày kinh nghiệm, có tên tuổi nhưng khi nghỉ hưu đã đánh mất chính mình, đăng đàn nói, viết những điều sai trái, đi ngược với lý tưởng cả một đời theo đuổi. Có người còn tham gia thường xuyên viết bài, cộng tác cả cho những trang mạng phản động, có người bị kích động và bị lợi dụng để rồi xuất hiện trong những clip với nhiều nội dung sai sự thật, có cả thông tin xấu độc gây hoang mang dư luận. Có người để lại lời nói, việc làm thiếu trách nhiệm, tùy tiện đưa thông tin sai sự thật, xúc phạm danh dự, uy tín lãnh đạo cao cấp của Đảng, Nhà nước, quân đội...”

DÂN LẠNH NHAT - LÃNH ĐẠO SỢ HÃI

Nhưng mặc cho ông Trọng và báo, đài nhà nước cảnh giác, kêu gọi nhân dân và lực lượng võ trang (quân đội, lực lượng dự bị,công an và cảnh sát) phải tỉnh táo, không hoang mang, dao động trước điều gọi là “âm mưu chống phá của các thế lực thù địch”, người dân đã có thái độ thờ ơ và vô cảm tột độ trước biến cố Hải Dương-8 ở Tư Chính.

Trong suốt thời gian hơn 3 tháng, từ ngày 3/7 đến 24/10/2019, khi HD-8 rút lui, chỉ vỏn vẹn có 2 cuộc biểu tình tự phát phản đối Trung Cộng của khoảng 20 chục người dân ở Hà Nội và mươi người của nhóm Trí thức thuộc Câu lạc bộ Lê Hiếu Đẳng ở Sài Gòn.

Lý do không ai muốn biểu tình chống Tầu vì lực lượng Công an chìm và nổi đã từng thẳng tay đàn áp người biểu tình chống Trung Cộng trong qúa khứ, mặc dù đó là những hành động chính đáng. Sở dĩ dân phải xuống đường vì nhà nước Việt Nam đã bất lực trong các vụ lính Trung Cộng tấn công ngư dân Việt Nam ở Biển Đông. Đảng và nhà nước CSVN cũng đã thỏa hiệp gây bất lợi cho các nạn nhân của thảm họa môi trường do Formosa Hà Tĩnh gây ra ở miền Trung ngày 06 tháng 04 năm 2016.

Đáng xấu hổ và phỉ nhổ hơn là Nhà nước đã sử dụng mọi mánh khóe để ngăn cản và chống phá các cuộc biểu tình-tưởng niệm những người lính của hai miền Nam-Bắc Việt Nam đã tử nạn hay mất tích trong các cuộc chiến chống Tầu xâm lược ở Hoàng Sa (1974), mặt trận biên giới phía Bắc (1979-1989) và ở Trường Sa (1988).

Các Trí thức nổi tiếng ở Hà Nội, cũng đã im hơi lặng tiếng không biểu tình chống Tầu trong vụ HD-8 như họ đã từng biểu tình trước Tượng đài Lý Thái Tổ, trong vụ Hải Dương 981 năm 2014.

Lý do đơn giản vì chủ trương của đảng là “mọi việc đã có nhà nước lo” nên dân đã buông tay, mặc kệ cho đảng làm gì thì làm. Nhưng hậu quả của thái độ thờ ơ đến vô cảm của dân trước đe dọa an ninh và chủ quyền lãnh thổ Việt Nam của Trung Cộng là một mối nguy khôn lường.

Có ai lường được đất nước sẽ ra sao, nếu Trung Cộng lại đem tầu khảo sát tìm dầu, hay đặt giàn khoan vào vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam trong tương lai ?

Và nếu chẳng may Trung Cộng tung quân đánh Việt Nam ở Biển Đông thì nước nào sẽ giúp Việt Nam chống lại quân Tầu ? Đó là lý do tại sao đã có khuyến cáo, không chỉ từ các Nhân sỹ-Trí thức trong nước mà còn từ nhiều chuyên gia Quốc phòng nước ngoài đã khuyên Việt Nam xét lại chính sách quốc phòng “3 không” .

Nhưng, qua vụ HD-8 ở Tư Chính, xem ra lãn đạo CSVN, đứng đầu là tam đầu chế gồm Tổng Bí thư-Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Nguyễn Thị Kim Ngân (Chủ tịch Quốc hội) và Nguyễn Xuân Phúc (Thủ tướng) đã không dám nói đích danh Trung Cộng là thủ phạm đã xâm phạm chủ quyền lãnh hải Việt Nam.

Thậm chí cả Trung ương Đảng và Quốc hội cũng không dám ra Nghị quyết về vụ Tư Chính. Do đó, triển vọng “xoay trục” để xa Tầu, gần Mỹ của đảng CSVN cho tới nay, vần còn là chuyện chưa thấy ở cuối đường hầm.

ĐẢNG VIÊN CŨNG THỜ Ơ

Hiện tượng buông tay, thái độ mặc kệ của dân và sự sợ hãi Tầu của lãnh đạo đối với chủ quyền lãnh thổ cũng đã lan vào nội bộ cán bộ, đảng viên trước thềm Đại hội đảng XIII vào tháng 01/2021.

Bằng chứng như bài viết trên báo Quân đội Nhân dân ngày 07/11 (2019) cho thấy:” Trong vòng hai nhiệm kỳ gần đây, một vấn đề được Đảng ta nhắc đến nhiều lần trong các nghị quyết, chỉ thị, quy định, đó là cảnh báo tình trạng một bộ phận cán bộ, đảng viên có biểu hiện mũ ni che tai, an phận thủ thường, thiếu bản lĩnh, dũng khí cần thiết của người cộng sản.

Đáng buồn hơn, ở một số cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị thời gian qua đã có biểu hiện vô cảm trước cái đúng, thờ ơ trước cái sai.”

Với tiêu đề “Một biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị đáng báo động”, QĐND viết tiếp:”Thời gian quan, ở một số tổ chức, cơ quan, đơn vị đã có hiện tượng bề ngoài thì được “sơn phết” một lớp “vỏ bọc đoàn kết” giả tạo, nhưng bên trong thì ai biết việc người nấy, không quan tâm giúp đỡ nhau một cách chân thành, trên tinh thần thương yêu đồng chí. Thậm chí không ít nơi có tình trạng sống bằng mặt mà không bằng lòng, bên ngoài thì tỏ vẻ cởi mở, chan hòa, nhưng bên trong thì ngấm ngầm nghi kị lẫn nhau. Trong khi đó, một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên ở khá nhiều cơ quan, đơn vị hiện nay thực hiện phương châm sống im lặng là vàng, gió chiều nào xoay chiều ấy, thế nên trước những cái đúng, điều phải cũng không thể hiện rõ chính kiến đồng tình, ủng hộ; mà nhìn thấy cái sai, cái xấu cũng chẳng dám lên tiếng phê phán, tẩy chay.”

Rồi bài viết ta thán cay đắng:” Đáng buồn hơn, ở nơi này nơi khác xuất hiện một số người có quan niệm sống “ba không”: Không ý kiến, không phê bình, không đấu tranh. Vì sợ liên lụy đến bản thân, những người như vậy chỉ chứng tỏ mình sống không có bản lĩnh, thiếu dũng khí, nếu không muốn nói là bạc nhược.”

Vậy sau “bạc nhược” là gì, nếu không phải là “đầu hàng”, khi đem căn bệnh nghiêm trọng này soi vào thế chính trị chênh vênh giữa Việt Nam và Trung Công, qua tấm gương HD-8 ở Tư Chính. -/-

Phạm Trần

(11/019)
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Phong trào Sát Tả năm 1885 từ Quảng Nam vào đến Bình Thuận dưới ngòi bút của một giáo dân còn sống sót
Nguyễn Văn Nghệ
09:06 13/11/2019
Phong trào “ Sát Tả” năm 1885 từ Quảng Nam vào đến Bình Thuận dưới ngòi bút của một giáo dân còn sống sót

Tác phẩm “Cận đại Việt sử diễn ca Quyển nhứt”

Trong năm 2019, Nhà xuất bản Tổng hợp TP.HCM. cho xuất bản tác phẩm “Cận đại Việt sử diễn ca Quyển nhứt” của tác giả Huỳnh Thiên Kim (1903-1971). Đây là một tác phẩm bằng thơ. Lời phi lộ của tác giả: “Đại Nam quốc sử diễn ca/ Vua truyền Ngô Cát viết ra lâu rồi/ Chép ghi tới Hậu Lê thôi/ Đến nay chưa kẻ hạ hồi diễn thêm/ Nghĩ là chỗ khuyết cần chêm/ Không nề thô thiển, chẳng hềm khen chê/ Sử Nam diễn nốt sau Lê/ Phân tranh Tây- Nguyễn, nước về tay ai?/ Quốc vong gợi mối quan hoài/ Nhớ thời Pháp thuộc nghiệt cay, não lòng”

Quyển nhứt được diễn thơ “Từ Tây Sơn, Nguyễn Ánh phân tranh đến nước Nam trong thời Âu chiến”.

Đoạn thứ hai mươi mốt “Phong trào Cần vương bành trướng” có bài thứ 9 “Văn thân chém giết linh mục và giáo dân”: “ Chiếu Cần vương có tiếng vang,/Dân tâm xúc động, văn thân kéo cờ./ Bắc Trung khởi nghĩa một giờ,/ Quyết lòng khôi phục cõi bờ nước Nam./ Nghĩ rằng dân đạo tà tâm,/ Đầu hàng giặc Pháp,nhận làm điệp viên./ Đưa đường dẫn lối các miền,/ Đánh Tân Sở đó nhãn tiền chẳng xa./ Nội công phản quốc gọi là,/ Hô hào “Sát Tả” đạp chà giáo dân./ Đánh thành Quảng Ngãi rần rần(1),/ Giết Boi ri é(2), giáo đường Bàn Gôi./ Phú Hòa, Phường Chuối nổi sôi,/ Hai linh mục trả xong rồi trái oan:/ Cố Ga ranh(3), cố Ghê gan(4),/ Ma xê(5) Nước Nhỉ, thiên đàng nương mây./ Ba ra(6) Thác Đá bỏ thây,/ Đuy bông(7) Hội Đức một ngày tiên du./ Y ri bạt(8) chết Quán Cầu,/ Sa tơ lê(9) chặt mất đầu Cây Gia./ Giáo dân bị giết hằng hà,/ Khắp vùng Thanh Hóa, Khánh Hòa, Phú Yên./ Lưỡng Bình(10), Lưỡng Quảng(11) các miền,/ Ở gần Huế chỉ Thừa Thiên an toàn./ Các linh mục khóc phàn nàn,/ Cuộc xy(*) chậm trễ dẹp loàn cứu dân./ Phong trào bồng bột trăm phần,/ Lửa xe nước gáo, viện binh thấm gì!/ Lòng Sông(12) toàn thể bỏ đi,/ Bảy nghìn lánh nạn thành Quy(13) não nùng./ Tụ nhau bãi bể cơ cùng,/ Không phên che nắng, không mùng ngủ đêm./ Đương cơn đói giá gạo lên,/ Ca men béc(14) mướn chở chuyên Sài Gòn./ Hai năm(15) cảnh trạng héo don,/ Tính nhì vạn tứ hao mòn giặc ni(16)./ Bên Tây nội các Phe ry,/ Thứ dân(17) lật đổ, Nam Kỳ Tom sông./ Đòi về “công cán”(18) hết mong,/ Bê ranh(19) quyền nhiếp luật chung đảng bè”.

Trong đoạn thơ ấy, tác giả chỉ kể lại vài xứ đạo điển hình mà Văn Thân đã giết các linh mục Pháp và giáo dân ở các tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên mà thôi. Trong năm 1885 tất cả các xứ đạo ở Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Bình Thuận đều bị quân Văn Thân bao vây, tấn công và sát hại. Những xứ đạo từ đèo Hải Vân vào đến Bình Thuận thuộc địa phận Đông Đàng Trong.

Hai thi phẩm kể lại cuộc tàn sát của quân Văn Thân của một giáo dân còn sống sót

Hiện nay cũng như trong quá khứ khi bàn về Phong trào “bình Tây- sát Tả” các nhà nghiên cứu chỉ đào sâu nghiên cứu về “bình Tây”, còn “sát Tả thì không dám đề cập đến, nếu có đề cập thì cũng chỉ đề cập một cách sơ sài lấy lệ mà thôi.

Linh mục Võ Ngọc Nhã quê ở Nước Nhỉ, Phù Mỹ, Bình Định đã sưu tầm được hai thi phẩm trường thiên tường thuật cuộc biến loạn “sát Tả bình Tây”, những ngày lưu huyết nhất trong lịch sử Việt Nam, trên địa bàn địa phận Đông Đàng Trong (giới hạn địa phận Đông Đàng Trong từ phía nam đèo Hải Vân đến hết tỉnh Bình Thuận). Hai thi phẩm này được Giáo sư Lam Giang Nguyễn Quang Trứ chú giải và được in chung trong tác phẩm “Đặng Đức Tuấn tinh hoa Công Giáo ái quốc Việt Nam” (xem: LamGiang& Võ Ngọc Nhã, Đặng Đức Tuấn tinh hoa Công Giáo ái quốc Việt Nam, Tác giả tự xuất bản, 1970, tr.461-570)

Thi phẩm “Đại loạn năm Ất dậu 1885” gồm có 8 bài: Cảm nghĩ của một giáo dân trước thời cuộc; Quyền thần loạn chính; Việc biến loạn ở kinh thành; Văn thân khởi binh; Thân hào sát Tả; Giáo dân cự chiến; Quân Pháp đánh đẹp; Thanh minh trước công luận.

Thi phẩm “ Giáo nạn trong quốc biến” (Dậu- Tuất niên gian phong hỏa ký sự) gồm có 6 bài: Loạn căn và việc thất thủ kinh thành; Những vụ thảm sát và chiến trận ở Quảng Ngãi; Chiến trận ở Bình Định; Biến loạn ở Phú Yên; Chiến trận ở Quảng Nam; Khánh- Thuận và những ngày tàn của phong trào sát Tả bình Tây.

Những tiêu đề trong hai thi phẩm này, theo tôi cũng do người đời sau đặt ra. Thi phẩm “Giáo nạn trong quốc biến” tường thuật các cuộc thảm sát, các trận giao công một cách tường tận, tỉ mỉ hơn thi phẩm “Đại loạn năm Ất Dậu”.

Giáo sư Lam Giang Nguyễn Quang Trứ đề nghị: “Những ai là sử gia vô tư, công bình, cần phải đọc kỹ tài liệu này vì trước đó họ đã được đọc nhiều tài liệu của thực dân, của văn thân và những bút ký, hồi ký của các giáo sĩ ngoại quốc. Quan điểm của những nhân chứng thời đại đã khác nhau thì đối với một sự việc, mỗi bên đều thấy được ít nhiều khía cạnh mà bên kia không thấy…

Hãy bình tâm nghe thêm một tiếng chuông về cuộc biến loạn năm Ất Dậu, cuộc biến loạn ảnh hưởng chính trị còn diên man đến tận ngày nay.

Người xưa thường nói: “Kiêm thính tắc minh”. Phải nghe nhiều bên, nhiều phía rồi mới nhận định rõ ràng chân tướng của sự việc được”.(Lam Giang & Võ Ngọc Nhã, Đặng Đức Tuấn tinh hoa Công Giáo ái quốc Việt Nam, Tác giả tự xuất bản , 1970, tr.461)

Hai tài liệu lịch sử này diễn tả sự việc dưới quan điểm một giáo dân có tinh thần yêu nước, yêu đạo lý mà lại bị gạt ra khỏi hàng ngũ dân tộc.

Lập trường sáng tác là lập trường của một giáo dân sống sót sau những ngày khói lửa. Cố nhiên đối với văn thân, tác giả không có cảm tình. Đó là việc tất nhiên vì ai mà có cảm tình với những kẻ đã trấn nước, hỏa thiêu thân bằng quyến thuộc của mình cho được? Quan điểm của một giáo dân sống sót đã từng chứng kiến cảnh thảm sát người đồng đạo thì lẽ tất nhiên không phù hợp với người đời sau ở trong hoàn cảnh sóng yên gió lặng.

Theo Giáo sư Lam Giang: “ Trong thi phẩm “Giáo nạn trong quốc biến” có những đoạn chép về nội chiến, dùng những chữ nặng nề như “thằng, đứa, nó, chém đầu, chặt óc, bỏ đầu chó thav.v…”, có người khuyên tôi nên tỉnh lược bớt, sửa đổi lại cho giảm vẻ gay cấn, kịch liệt đi. Tôi không làm vì có 2 lý do chính đáng:

Một là không nên xâm phạm vào một tài liệu lịch sử để rồi về sau lại tốn công người ta phải hiệu đính lôi thôi…

Hai là vì giá trị văn chương. Tả chân thì cho ra tả chân. Rất đỗi hai ba người cãi nhau mà nổi nóng lên thì không dùng văn từ trang nhã huống hồ là việc thù hiềm đến mức phải dùng gươm giáo sát hại nhau. Sửa đổi vài chữ nặng nề, chưa hẳn đã làm êm dịu được sự thật lịch sử mà lại tổn thương đến giá trị văn chương tả chân, ai cầm bút mà nỡ làm một việc vô bổ như vậy?

Công bố một tài liệu lịch sử là để góp phần vào khát vọng đi tìm sự thật của con người muôn thuở. Trong một sự thật lịch sử bao giờ cũng có những bài học tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ cho người đời sau.

… Còn như cái thói húy kỵ, sợ động chạm bên này, sợ phiền lụy bên kia, che giấu sự thật thì cái thói đó quyết không phải là tác phong của người yêu nước sáng suốt và thành thực”.

Giáo sư Lam Giang khẳng định: “Sử phải là tín sử, nghĩa là rất trung thực để cho người đời sau tin được. Chiến tranh có những sự việc ghê tởm, gớm ghiếc của chiến tranh. Người Pháp chép sự việc quân Ba Lê Công Xã đánh nhau với quân chính phủ Versailles, miêu tả đủ những chi tiết rung rợn của cuộc nội chiến, không có một nhà phê bình nào, một học giả nào đòi bỏ bớt chi tiết này, chi tiết nọ vì “xét tình hình chính trị đặc biệt” và những lý do gì gì nữa vân vân” (Lam Giang& Võ Ngọc Nhã, sđd,tr.513)

Diễn biến việc “Văn thân chém giết Linh mục và giáo dân” dưới ngòi bút của một giáo dân còn sống sót sau cuộc sát Tả

Trong “Sát Tả bình Tây hịch” khẳng định người theo đạo Da tô là loại : “Hồ mạo hổ oai, dẫn chiêu cừu vu quốc ấp/ Kê thê phụng tập, nhập xú loại vu môn đình” (cáo mượn oai hùm, dẫn thù nghịch tanh hôi giày đất nước/ Gà leo nhánh phụng, dắt man di tàn ác hại quê nhà). Quan niệm như vậy cho nên nhiệm vụ của những người tham gia Phong trào Cần vương lúc ấy là “tiên sát Tả”.

Phong trào Cần vương xướng lên đầu tiên là ở Quảng Ngãi:“Khởi đầu tại huyện Bình Sơn,/ Kéo vô lấy tỉnh đoạt quờn thượng ty. Tỉnh quan cũng chịu thua đi,/ Bố thì chạy trốn, Án Mi giam ngoài./ Vào thành trước hết làm oai,/ Chém đầu anh đội lại vài giáo nhơn”.

Xứ đạo Văn Bân – Quảng Ngãi: Sau khi chiếm tỉnh thành Quảng Ngãi, bìnhTây đâu không thấychỉ thấy Văn thân mở mànviệc sát Tả tại xứ đạo Văn Bân: “Mở đầu giết đạo Văn Bân/ Trẻ già trai gái một lần sát thiêu./ Đào hào chôn sống cũng nhiều,/ Trói vò trấn nước dập dìu thây trôi./ Đánh đâm sát mạng vô hồi,/ Quá tay độc ác nghĩ thôi lạ lùng.”

Xứ đạo Bàu Gốc: Kế sau Văn Bân thì đêm 14/7/1885 quân Văn thân bao vây xứ đạo Bàu Gốc. Sáng ngày 15/7/1885 khoảng 300 giáo dân tụ tập tại nhà thờ chờ chết mà không kháng cự. Ngày 16/7/1885 quân văn thân xông vào chém đầu linh mục Jean Poirier - tên Việt là Tân - và thiêu cháy nhà thờ cùng với 300 giáo dân: “ Đoạn vây Bàu Gốc quá đông,/ Xông vào trước chém cố Tân lấy đầu./ Trăm ngàn kẻ dữ kéo vô,/ Thiêu gia sát mạng hàm hồ chỉn ghê./ Giáo nhơn đã quyết một bề,/ Phú mình chịu chết chẳng hề đôi co./ Dưng làm của lễ thơm tho,/ Ba trăm hội hữu đều vô nhà thờ./ Một lòng thống hối đợi chờ,/ Hỏa công một trận ra tro chẳng còn./ Thảm thương trẻ nhỏ con con,/ Đập đầu bỏ lửa cháy mòn tiêu tan./ Những người dạ có cưu mang,/ Cũng đâm đổ ruột hàm oan muôn phần.”

Xứ đạo Phú Hòa:Sau khi quân triều đình chiếm lại tỉnh thành Quảng Ngãi: “Chém đầu mấy đứa hoành hành,/ Tức thì nả phỉ thâu thành phục quan”. Quan liền truyền lệnh phân giải lương- giáo:“Truyền rằng: “ Quan đã tới đây,/ Các làng chớ khá làm rầy không nên!/ Đây ta phân giải hai bên,/ Trước sau thuận thỏa, vững bền tương an./ Đừng chôn tiền bạc, của vàng,/ Bằng ai làm lỡ kíp toan đem về.”. Người dân xứ đạo Phú Hòa tin thật:“Đạo dân tin thật, chẳng dè…/ Của chôn, của giấu nhứt tề đào lên./ Bỗng nghe một tiếng súng rền,/ Các làng chực sẳn bốn bên xông vào.” Ngày 17/7/1885 quân Văn thân xông vào xứ đạo Phú Hòa chém đầu Linh mục Louis Guégan - tên Việt là Hoàng - và tàn sát giáo dân: “Chém đầu cố Hoàng bêu cao,/ Còn bao nhiêu nữa giết ào chẳng tha./ Bất phân nam nữ trẻ già,/ Tận hành tru lục cửa nhà cháy tiêu.”.

Xứ đạo Phường Chuối, Vạn Lộc:“Cù Và, Chợ Mới tiếp theo,/ Đốt nhà, sát mạng tinh yêu lạ đời./ Phường Chuối sắp lên các nơi,/ Phất cờ giục trống chói trời vang tai./ Kéo vây Vạn Lộc trong ngoài,/ Đầy đồng chật đất những loài tham ô./ Đốt rào, phá xóm hồ đồ,/ Giáo nhơn khiếp sợ kéo vô nhà thờ./ Soát tìm non núi, bụi bờ,/ Gặp ai giết nấy chẳng chờ lịnh đâu.”. Linh mục André Marie Garin - tên Việt là Châu - ở tại nhà thờ Cù Và, vào ngày 18/7/1885, Linh mục Garin đi thăm họ đạo nhánh là Phường Chuối và bị giết cùng với 500 giáo dân ở đây: “ Kéo vào giết đặng cố Châu,/ Bêu đầu làm lịnh thảm sầu thương ôi!/ Đứa gian, đứa dữ vô hồi,/ Đứa khuân của cải, đứa lôi đồ thờ./ Muôn ngàn giáo mác chực hờ,/ Năm trăm giáo hữu một giờ tan hoang./ Kẻ chôn, người đánh chết ngang,/ Kẻ đâm đổ ruột, người toàn chết thiêu./ Thả sông, thắt cổ cũng nhiều./ Heo gà ních hết, chó mèo sạch trơn./ Ghê thay lấy oán trả ơn,/ Dân lành luống chịu giận hờn oan gia.”

Xứ đạo Bàn Cờ, Phước Lộc, Cù Và lúc đầu cũng tính bề chống cự lại nhưng rồi lại thôi:“Bàn Cờ, Phước Lộc, Cù Và,/ Toan bề cự địch dần dà chịu lâu./ Nhưng vì ý Chúa cao sâu,/ Để cho tử tiết ngõ hầu lập công./ Hai nhà phước viện cũng đông,/ Đua nhau tuẫn đạo lập công muôn đời./ Các thầy, các chú nơi nơi,/ Cam tâm tử nghĩa coi đời như không./ Còn nhiều các hội tây đông,/ Bỏ thây cõi đất vì trông phước trời.”(xem thêm:Trương Bá Cần,Lịch sử phát triển Công Giáo ở Việt Nam tập II, Nxb Tôn giáo , Hà Nội, 2008, tr. 371)

Xứ đạoHà Ra -Bình Định.Tại Bình Định Phong trào “Sát Tả” khởi sự tại xứ đạo Hà Ra (nay thuộc xã Mỹ Đức -Phù Mỹ). Đêm 29 rạng 30/7/1885, 23 giáo hữu bị bắt ném xuống biển: “Mở đầu giết đạo Hà Ra,/ Trói người nhận nước nghĩ đà ghê thay!”. Kế đến bổn đạo họ Bồng Sơn: “Bồng Sơn bổn đạo vừa hay,/ Tính đà khó nỗi chạy bay đàng nào./ Ở liều trong chốn gươm đao,/ Mặc ý Chúa định làm sao thì làm…/ Ba mươi bốn hội lòng cam,/ Noi theo dấu Chúa cõi phàm quyên sanh.”

Xứ đạo Gia HựuKhoảng giữa tháng 7/1885 vài giáo dân ở xứ đạo Trà Câu (Quảng Ngãi) vào Gia Hựu (Bình Định) báo tin cho Linh mục chánh xứ Gia Hựu là Geffroy - tên Việt là Bửu- biết là Văn thân đang sát hại giáo dân ở Quảng Ngãi. Linh mục Geffroy liền ra Huế cầu cứu. Ngày 4/8/1885 quân Văn thân bao vây Gia Hựu, hai Linh mục phó xứ Gia Hựu là Linh mục Horoné Dupont- tên Việt là Minh- và Linh mục Nhứt dẫn 2000 giáo dân chạy về Thác Đá, nhưng chỉ mới đi khoảng 15 cây số thì bị quân văn thân chặn ở chân đèo Hội Đức (giữa Gia Hựu và Thác Đá), hai linh mục bị chặt đầu và giáo dân bị giết:“Gia Hựu cũng đã xuất hành,/ Mới đi đến dốc Bánh Canh một đoàn./ Ngoài trong các xã, các làng./ Đón vây sau trước giết càn sạch trơn./ Bỏ thây trên cõi trần hườn,/ Máu oan để chứng đạo chơn giống lành./ Chẳng ai cự địch tranh hành,/ Một lo thống hối dọn mình về quê./ Hai ông linh mục nhứt tề,/ Xá sanh thủ nghĩa ghét chê sự đời./ Ba nhà phước viện ba nơi,/ Cũng đều tử tiết muôn đời thơm danh./ Còn các đạo sư, đạo sanh,/ Cũng cam chịu chết dưng mình đền ơn.”

Xứ đạo Thác ĐáCuối tháng 7/1885 cha sở xứ đạo Thác Đá( phía đông cầu Lại Giang- Bồng Sơn) nhận được lệnh của Giám mục Van Camelbeke - tên Việt là Hân- phải dẫn giáo dân lánh nạn vào Làng Sông rồi xuống Qui Nhơn. Nhận thấy đoạn đường quá xa không thể dẫn giáo hữu trốn thoát, nên Linh mục Francois Barrat - tên Việt là Chung- cùng với Linh mục phó xứ người Việt tên là Mão, cùng các nữ tu và giáo dân sẳn sàng “tuẫn đạo vong thân”.Chiều ngày 3/8/1885 văn thân bao vây xứ đạo Thác Đá , Linh mục Barrat, Linh mục Mão cùng các nữ tu và giáo dân bị thiêu sống trong nhà thờ. ( Lm Huỳnh Kim Lăng, Bản khởi thảo lịch sử các giáo xứ thuộc Giáo phận Qui Nhơn[ bản đánh máy], tr.117)

Xứ đạo Nước Nhỉ có một Chủng viện do Linh mục Auguste Macé- tên Việt là Sĩ- làm Giám đốc. Ngày 1/8/1885. Linh mục Hamon- tên Việt là Lựu- ở xứ đạo Truông Dốc (Nhà Đá- Phù Mỹ) viết thư cho linh mục Macé ở Nước Nhỉ khẩn cấp kêu gọi giáo dân trốn vào Truông Dốc, rồi xuống Làng Sông để rồi sau đó vào Qui Nhơn. Giáo dân chia làm nhiều nhóm trốn đi, nhưng nhóm của linh mục Macé bị chận lại, nên quay về lại Chủng viện. Ngày 2/8/1885 quân văn thân bao vây Chủng viện, giáo dân chống cự lại, nhưng chỉ với vài khẩu súng nên sau khi hết đạn văn thân tràn vào chém linh mục Macé và giết 500 giáo dân:“Dễ đâu kể hết nguồn cơn,/ Trải qua Phù Mỹ thiệt hơn vài điều./ Nhà trường Nước Nhỉ đã thiêu,/ Tư bề vây phủ dập dìu đoàn hung./ Đông như kiến cỏ muôn trùng,/ Phá rào hãm thấu vào trong đốt nhà./ Hỗn hào quá nữa lâu la,/ Trước là nghĩa thiết, nay là thù sâu./ Nội làng há dễ là đâu,/ Chém giết cố Sĩ lấy đầu bêu cao./ Đạo dân lớn nhỏ giết ào,/ Hễ là xóm đạo nhà nào cũng thiêu./ Lửa cháy từ mai đến chiều,/ Khuân đồ, lấy của, dập dìu người ta./ Khác chi đoàn lũ yêu ma,/ Gặp ai giết nấy bất bà bất con!”(xem thêm:Trương Bá Cần, sđd, tr. 372)

Giáo dân bị tàn sát một cách dã man như vậy, nhưng bọn thực dân Pháp vẫn làm ngơ không ra tay cứu giúp: “ Quan Tây thấy việc sờ sờ,/ Làm thinh để đó, ngẩn ngơ sự đời!/ Cũng như kẻ lạc đạo Trời,/ Chẳng vì Hội Thánh cứu thời gian nguy./ Ngó lên xóm đạo bỏ đi,/ Đỏ rần lửa cháy, đen sì khói bay./ Tầu Tây vào cửa thấy ngay,/ Án binh bất động…dở hay mặc người!/ Nài xin cũng đã hết hơi,/ Quan Tây vẫn cứ tin lời bình dân(1)”. Qua sự việc trên cho thấy thực dân Pháp khi xâm lược nước ta, chẳng qua “Mượn câu giảng đạo làm danh” mà thôi, sau này lương dân mới vỡ lẽ:“ Trước tưởng đạo với Tây là một lõa/ Nào hay Tây với đạo khác hai phe/ Đạo chỉ lo nhân đức tu tề/ Tây thì cứ thị hùng hiếp thế”.

Xứ đạo Bến Buông- Phú Yên. Ở Phú Yên xứ đạo đầu tiên bị văn thân tàn sát là Bến Buông(nay thuộc giáo xứ Đồng Tre, xã Xuân Phước, huyện Đồng Xuân- Phú Yên):“Đầu hết đốt đạo Bến Buông,/ Các họ Hội Tỉnh đốt luôn một ngày./ Phừng phừng lửa cháy đông tây,/ Đạo dân sợ khiếp chạy ngay, bỏ nhà./ Bao nhiêu kẻ chạy trốn ra,/ Đón đầu đập chết chẳng tha mạng nào./ Kẻ thì chôn sống dưới hào,/ Người bị trấn nước xô nhào xuống sông./ Còn ai chạy thoát ra đồng,/ Tuông bờ lướt bụi mà xông vào rừng./ Nó còn săn kiếm lẫy lừng,/ Gặp ai đâm nấy quá chừng bất nhơn./ Dầu cho trước mấy công ơn,/ Nay trả thù oán, giận hờn ghê thay!/ Giết đi, giết lại nhiều ngày,/ Bốn mươi sở đạo giết rày tiêu tan./ hai nhà phước viện đốt oan,/ Người thì chết đói, kẻ tràn lên non./ Lần hồi bị giết cũng mòn,/ Xác phàm phú đất, linh hồn về quê./ Bốn ông linh mục cũng tề,/ Noi gương Cứu Thế một bề quyên sanh./ Để cho thế sự hoành hành,/ Bỏ thây trần thế, rạng danh cõi trời./ Các thầy, các chú mọi nơi,/ Đồng lòng tử tiết, bỏ đời phù vân.”

Xứ đạo Quán Cau. Linh mục Dominique Iribarne- tên Việt là Thành- hẹn vào ngày 20/8/1885 sẽ lên ghe trốn văn thân, nhưng quân văn thân đã đến trước ngày ấy và đã chặt đầu linh mục Iribarne khi linh mục đang cưỡi ngựa chạy trốn. Quân văn thân đem đầu linh mục Iribarne đến nhà một linh mục Việt Nam tên là Bảo, do linh mục này già không chạy trốn và quân văn thân chém đầu linh mục Bảo. Sau đó quân văn thân kéo sang xứ đạo Chợ Mới chém đầu linh mục người Việt Nam tên là Hậu(xem: Lm Huỳnh Kim Lăng, Bản khởi thảo lịch sử các giáo xứ thuộc Giáo phận qui Nhơn[Bản đánh máy], tr.133)

Xứ đạo Cây Da.Linh mục Francois Châtelet- tên Việt là Thuông- được bổ nhiệm coi sóc xứ đạo Trà Kê. Văn thân nổi lên, thấy Trà Kê không an toàn,linh mục Châtelet mới đưa giáo dân về họ đạo Cây Da, cách Trà Kê khoảng 8 cây số về hướng đông bắc, lập phòng tuyến bảo vệ giáo dân. Ngày 26/8/1885 văn thân phá phòng tuyến xông vào nhà thờ giết linh mục Châtelet và vài giáo dân, trong số ấy có thầy Anrê Cậy bị đâm thủng cổ ngã xuống, sau đó cứu sống và lãnh chức linh mục. Thấy quân văn thân tràn vào một người tên là Ngữ mới hô hào giáo dân tử chiến:“Họ Cây Da muôn phần nguy cấp,/ Tại đoàn hung, tới tấp kéo vô,/ Dã tâm đạp đổ nhà thờ,/ Lại còn đâm thọc, lục đồ từng nơi./ Danh Ngữ phát ghét thói đời,/ Lấy mác mà phóng một người trúng hông./ Nó liền vỡ chạy đùng đùng,/ Dân đạo ào dậy rùng rùng xông ra./ Kẻ thì cất tiếng kêu la,/ Người thì cầm giáo xốc qua đánh quay./ Nó đều kinh hãi chạy ngay,/ Đạo theo đánh đuổi tối rồi mới thôi./ Tối về táng xác Cố rồi,/ Thầy Cậy tưởng chết, dậy ngồi tỉnh khô./ Việc nầy ý Chúa đã cho,/ Dầu ta có ít chẳng lo chúng nhiều”. Hiện nay mộ linh mục Châtelet nằm trong khuôn viên nhà thờ giáo xứ Trà Kê, xã Sơn Hội, huyện Sơn Hòa- Phú Yên.(xem thêm:Trương Bá Cần, sđd, tr. 372)

Khánh Hòa và Bình Thuận. Hai địa phương Khánh Hòa và Bình Thuận việc sát Tả có phần ít hung hăng hơn so với Phú Yên trở ra:“ Đăng mật tờ nhựt định sát thiêu./ Đạo dân bị giết cũng nhiều,/ Còn ai trốn đặng đã liều tấm thân./ Đức Cha lo lắng ân cần,/ Mướn tàu vào rước, hai lần đem ra./ Mười phần hết bảy còn ba,/ Đem vào Gia Định ước là chín trăm.” Đầu tháng 8/1885 Linh mục Louis Gonzague Villaume-tên Việt là Đề-, đã trốn sự tàn sát của văn thân. Linh mục Villaume từ Phan Rang đã vượt hơn 500 cây số đường rừng trong 21 ngày đêm để đến Sài Gòn. (xem thêm:Trương Bá Cần, sđd, tr.373-374)

Những xứ đạo cự chiến lại với quân văn thân

Giáo dân Công Giáo từ Bình Thuận trở ra bắc vào năm 1885 nói chung, bị Phong trào Cần vương dồn vào “tử địa”, giáo dân Công Giáo dẫu có lòng ái quốc với mong muốn“Phải mà trên xuống chiếu ban/ Truyền cho bổn đạo tùng đoàn cự Tây/ Cam lòng liều thác bỏ thây/ ơn vua trả đặng lòng này mới an/ Kẻo rằng: Trở mặt, sấp lưng/ Ở trong vương thổ , trông chừng Tây dương”, nhưng họ không còn Tổ quốc để mà thờ. Trong tình thế bị dồn vào tử địa, giáo dân Công Giáo chỉ có hai con đường lựa chọn: một là bó tay chịu chết , mặc cho lương dân đập đầu, trấn nước, sát thiêu; hai là thu hết nhuệ khí, vùng lên cự lại, may ra còn sống sót.Vài xứ đạo trong cơn quẫn bách đã tổ chức cự chiến lại với quân văn thân đông gấp trăm lần.

Xứ đạo Trung Sơn (sau đổi thành Trung Tín) đã tổ chức chống lại quân văn thân: “Đạo Quảng Ngãi, Trung Sơn ngũ hội/ Gặp cơn nghèo thối hối,/ Đánh thân hào dẹp đảng gian tà”. Họ chiến đấu tới 13 trận đã giết gần 600 quân văn thân trong đó có Quản Các và Huyện Thanh:“Trung Sơn đạo một nơi xứ hiểm,/ Hiệp Long Giang chẳng chịu thua đời./ Ngửa trông sức mạnh trên trời,/ Ra tay cự chiến trừ loài hung hoang./ Đạo dân, số chẳng đầy ngàn,/ Đánh tan bốn phía muôn vàn quân dân./ Nó vây bắn súng rần rần,/ Đạo xông lướt tới bỏ lần chạy xa./ Nghe Giêsu Maria!/ Khác nào sét đánh chói lòa bên tai./ Sững sờ khiếp vía kinh oai,/ Thân hào trăm đảng chạy dài thất kinh./ Bao nhiêu thằng đứng lại kình,/ Cũng đà chặt óc bỏ mình chó tha./Hai thằng mặc áo anh ba./ Đạo đà đâm đặng dầm ra đất bùn./ Bao nhiêu đứa chạy bon bon,/ Thằng nào cượng xấc đâm luôn chặt đầu./ Sợ chi anh vị thân hào,/ Dầu quân tỉnh, thứ, giết ào cũng tan!/ Tính mười ba trận rõ ràng,/ Chém đầu Quản Các, giết càn Huyện Thanh(2)/ Nhơn vì Cứu Thế thánh danh,/ Thiên oai khiếp vía, lôi oanh vỡ đâu./ Bao nhiêu súng giáo gươm hầu,/ Nó đều quăng chạy đạo thâu đem về./ Kể đặng mười hai súng xe,/ Đồ đạc khí giới ê hề thiếu chi./ Thây phơi gò nổng li bì,/ Kên kên, quà quạ ăn đi xây vần./ Huyện này những đảng văn thân,/ Trước sau tử trận kể gần sáu trăm.”

Do biết không thể chiến đấu lâu dài với quân văn thân, nên có vài giáo dân giả làm người bán than ra Phú Thượng (Hòa Vang- Quảng Nam) liên hệ với Lịnh mục Maillard- tên Việt là Thiên- vào cứu viện:“Cố Thiên nghe tin đành rành,/ Cho tàu vào cứu xuất hành Quảng Nam”. Số giáo dân Trung Sơn ra tạm cư tại Phú Thượng và khi bình yên họ trở về quê cũ sinh sống.

Xứ đạo Cây Da: “Đạo Phú Yên một sở Cây Da/ Đến lúc túng mới ra,/ Phá tan tác muôn quân ngoại đạo”. Khi một người tên Ngữ“Lấy mác mà phóng một người trúng hông”, thì giáo dân vùng lên cự chiến với quân văn thân. Các xứ đạo kế cận Cây Da kéo nhập đoàn với giáo dân Cây Da:“Các nơi đạo trốn tứ bàng,/ Lần hồi chạy đến nhập đoàn Cây Da./ Gái trai lớn nhỏ vừa ra,/ Thấy đâu có giặc chạy qua xông vào./ Kể chi ngàn lũ thân hào,/ Miệng kêu tên Chúa, xốc vào tới nơi./ Ngàn muôn nó cũng rã rời,/ Đứa chạy lên núi, đứa chùi xuống sông./ Hết khoe tài cả, anh hùng,/ Mấy thằng cường ngạnh chết cùng gò hoang./ Súng, gươm, giáo, mác đầy đàng./ Nó quăng mà chạy bang ngàn dặm xa./ Nghe Giêsu Maria./ Khác nào sét đánh chói lòa trước sau./ Sững sờ chạy chẳng đặng mau,/ Thảy đều bị giết, sứt đầu, tan thây./ Dầu cho mấy trận đông dầy,/ Muôn trùng kẻ dữ, một bầy hoảng kinh!/ Dầu cho mấy trận chống kình,/ Kẻ ngoại đều thấy có binh trên trời./ Nó đà nhóm hội các nơi,/ Thân hào Bình Nghĩa xa vời cũng vô./ Đánh nhau một trận thật to,/ Nó đều bị phá, chỉ lo bôn đào!/ Trước sau chín trận hùng hào,/ Chém đầu Huyện Thiện, đâm ào Bang Lân(3)/ Xã Hào phụ tử tam nhân,/ Cũng theo đảng giặc văn thân rơi đầu./ Tính từ khởi việc qua mâu,/ Bình dân(4) tử trận đã hầu sáu trăm./ Bụi bờ chẳng thiếu thây nằm,/ Kên kên, quà quạ viếng thăm đêm ngày./ Xưa nay lũ Mọi bắn hay,/ Lúc này cũng bị chết ngay bộn bề./ Súng, dao, tên, ná ê hề,/ Đạo lấy đem về bảy khẩu súng to./ Còn bao nhiêu các thứ đồ,/ Đạo đều thâu lấy, phát cho mọi người./ Mấy thằng xấc xược dể ngươi,/ Rày đà chém óc nhạo cười nữa sao?”

Giám mục Camelbeke nghe tin giáo dân bị vây ở Cây Da nên đưa Linh mục Auger -tên Việt là Đoài -và một linh mục người Việt tên Huề vào đón giáo dân ra Qui Nhơn lánh nạn: “ Đồn ra Bình Định lao xao,/ Đức cha nghe đặng dạy vào đem ra./ Đề binh đã có hai cha,/ Ba trăm lính mộ cùng là các sư./ Khi vào đã có tàu đưa,/ Cất lên đi đến mà chưa đặng vào.”

Khi nhóm dân quân của Linh mục Auger và giáo dân Cây Da gặp nhau, giáo dân đã chỉ cho Linh mục Auger xác quân văn thân mới bị giết hồi ban sáng: “Vây quanh mừng tạ cố Đoài,/ Đoạn đem chỉ trận buổi mai mới rồi./ Ba mươi sáu xác còn phơi,/Nằm ngay dưới núi, lằng ruồi gớm ghê./ Coi rồi mới kéo trở về,/ Ở hai ba bửa tính bề đi ra.” Đoàn người đi theo hướng Hà Nhao (Đa Lộc) và đi ba bửa mới tới nơi: “Vì đàng hiểm hóc lại xa,/ Đi lần ba bửa mới ra tới ngoài./ Ra đây gần đặng ngàn người,/ Gái trai mác, ná chẳng rời trong tay.” Thảm thương cho những giáo hữu đang còn trốn tránh:“Cực người còn trốn mọi nơi,/ Núi non tuông rúc, đổi dời chiều mai./ Mình gầy, áo rách xễ xài,/ Cùng đàng túng thế biết ai cậy nhờ?/ Người thì ẩn lánh bơ vơ,/ Người theo kẻ ngoại dật dờ sớm trưa./ Đổi thay thói nết ngày xưa,/ Tạm thời thôi đạo, ăn thừa của ma./ Kẻ thì giả dạng phui pha,/ Lộn theo kẻ ngoại tưởng là an thân./ Miễn là đặng sống phù vân,/ Mai sau rồi sẽ lần lần liệu toan./ Kể chi xiết nỗi gian nan,/ Khá khen mấy kẻ vẹn toàn thủy chung.”

Ở Quảng Nam, quân Nghĩa hội tấn công hai xứ đạo Trà Kiệu và Phú Thượng: “Phân binh hai đạo tiên phong,/ Một ra Phú Thượng vây vòng chung quanh./ Một lên Trà Kiệu gần thành”

Xứ đạo Trà Kiệu– Duy Xuyên: Linh mục Jean Baptiste Bruyère- tên Việt là Nhơn- đã lãnh đạo giáo dân chống lại Nghĩa hội“Cố Nhơn làm chánh tướng anh hùng/ Hai mươi trận phá tan/ Quân phỉ đảng thảy hồn kinh phách lạc”.Quân Nghĩa hội chia quân: “Một lên Trà Kiệu gần thành,/ Trống chiêng, vang núi quân binh chật đàng./ Bủa quân vây khắp tứ bàng,/ Cất lên trại mạc, tính toan chẳng về./ bên ta trông thấy cũng ghê,/ Chỉ trông cậy Chúa chở che hộ phù./ Cậy vì danh Chúa Giê su,/ Đánh tan giặc dữ oán thù đạo dân./ Đùng đùng nó bắn súng rân,/ Đạo xông ra đánh bất phân thằng nào./ Sá chi mấy đảng thân hào,/ Thấy đâu là giặc xốc vào đâm ngang./ Nó đều vỡ mật tan gan,/ Mấy thằng võng lọng ném càn chạy xa./ Nghe Giê su, Ma ri a,/ Dường như sét đánh chói lòa kinh tâm./ Đua nhau đổ chạy rầm rầm,/ Đứa băng lên núi, đứa đâm vào rừng./ Mấy thằng dức lác lẫy lừng,/ Rày đà chặt óc, còn chưn với mình./ Hết khoe nhiều tướng đông binh,/ Hết khoe súng lớn bắn inh đất trời./ Nó dầu canh nhặt, chuyền hơi,/ Đạo xông ra đánh rã rời như tương./ Bao nhiêu súng, giáo, đao, thương,/ Thảy đều ném chạy, bỏ đường thiếu chi./ Mỗi ngày đánh lại đánh đi,/ Hai mươi lăm trận li bì thây ma./ Đạo thâu súng lớn về nhà,/ Ba mươi chín khẩu để mà…chơi đây!/ Hết khoe sát Tả bình Tây,/ Chém đầu chánh lãnh, phân thây tướng trời./ Thân hào tản chạy đôi nơi,/ Đồng hồ, trái phá, bỏ rơi ngoài đàng./ Quăng luôn gươm bạc, gươm vàng,/ Mấy thằng đảng dữ, một đoàn hoảng kinh./ Từ rày bỏ hết trại dinh,/ Chẳng còn thấp thoáng đem binh đến gần./ Kể từ đánh giặc văn thân,/ Nó bị tử trận ước gần tám trăm./ Gò hoang chẳng thiếu thây nằm,/ Kên kên, quà quạ viếng thăm tối ngày./ Hết khoe trí cả tài hay,/ Mấy thằng láu xáu lúc này đi mô.”(xem thêm:Trương Bá Cần, sđd,tr.375)

Thực dân Pháp vẫn án binh bất động: “ Binh Tây ngơ ngẩn co ro,/ Cứ nằm ngoài Huế, chẳng vô thanh trừng”.

Tú Quỳ (Huỳnh Quỳ) từng hưởng ứng phong trào Nghĩa Hội chống Pháp và vận động dân chúng tham gia phong trào này, nhưng về sau ông không tán thành đường lối hoạt động của Nghĩa Hội, đặc biệt là chống lại việc tàn sát giáo dân. Trong bài “Vè đánh đạo” ông đã thuật lại việc Nghĩa Hội đem quân đánh xứ đạo Trà Kiệu: “Súng nổ Hòn Trược(5)/ Ta thay chiến lược/ Cố chạy cho mau/ Tướng nhỏ chạy sau/ Tướng to chạy trước/ Tưởng là đánh được/ Bắt chúa Du- Di(6)/ Nhà phước đá đi/ Nhà chung quét sạch/ Nào hay lạch bạch/ Non một tháng trời/ Đạo ví như cời/ Thất kinh trốn mất”( Thy Hảo Trương Duy Hy, Thơ văn Tú Quỳ, Nxb Văn hóa Thông tin 106-107)

Xứ đạo Phú Thượng -Hòa Vang đã chiến đấu với quân Nghĩa hội tất cả 18 trận dưới sự lãnh đạo của Linh mục Jean Donat Maillard: “Cố Thiên cũng anh tài hào kiệt/ Mấy ngàn quân áp tới/ Lũ ngụy tặc đều thịt nát xương tan”. Án Nại Nguyễn Hanh đã chỉ huy quân Nghĩa hội bao vây Phú Thượng :“Ngoài Phú Thượng tứ vi đảng giặc,/ Nó ghe phen bại bắc, chưa thôi,/ Lửa thù sục sục dầu sôi,/ Quyết trừ hết đạo mới nguôi tấm lòng./ Phủ vây tứ diện nhiều vòng,/ Đạo xông ra đánh, băng đồng chạy xa./ Nghe Giê su, Ma ri a,/ Dường như sấm sét chói lòa trước sau./ Sững sờ chạy chẳng đặng mau,/ Bị đâm đổ ruột rơi đầu gò hoang./ Bao nhiêu lũ giặc vỡ tan,/ Đứa băng lên núi, đứa tràn xuống sông./ Đứa thì chạy trốn giữa đồng,/ Đứa thì tuôn rúc vào trong xóm làng./ Đứa thì hào hố nhảy ngang,/ Đứa thì sảng lạc đạp càn chông gai./ Đứa thì nhảy phóng như nai,/ Đứa kêu Đức Chúa, lạy ngài tha tôi!/ Súng cờ võng lọng vô hồi,/ Nó đều quăng chạy, đạo lôi đem về./ Giáo, gươm,trống, mác ê hề,/ Nạp cho dân đạo bộn bề thiếu chi./ Các làng gần đạo bỏ đi,/ Trước đà sanh sự, nay thì sự sanh./ Bấy lâu đạo vốn hiền lành,/ Tại đâu nên nỗi tung hoành thế ni?/ Hễ là xuất bội, lai vi,/ Hại nhơn, nhơn hại, lạ gì xưa nay./ Mấy thằng ỷ võ, khoe hay,/ Rày đà đâm bỏ nằm ngay góc rào./ Kể mười tám trận hào hùng,/ Chém đầu Án Nại, đâm nhào Huyện Cung(7)”.(xem thêm Trương Bá Cần, sđd, tr. 375)

Bài “Vè đánh đạo” của Tú Quỳ kể việc Nghĩa Hội đánh xứ đạo Phú Thượng và khen giáo dân: “ Còn nơi Phú Thượng/ Để coi thế nào?/ Tưởng là tài cao/ Hay đâu trí thấp/ Mắc mưu đạo sập/ Tướng chạy lạc quân/ Bình Yên bỏ quần/ Đa Hòa bỏ võng/ Khen cho các ổng/ Lòng hỡi bền lòng”.(Thy Hảo Trương Duy Hy, sđd, tr. 108)

Hai tác giả Lê Duy Anh và Lê Hoàng Vinh cho rằng Án Nại Nguyễn Hanh bị giết trên đường đi thương thuyết với giáo dân Phú Thượng: “Khâm sai Phan Liêm tiếp xúc nhờ uy tín ông làm trung gian thương thuyết với Nghĩa quân, để một số giáo dân tay sai của Pháp rút khỏi Phú Thượng. Trên đường tới Phú Thượng, giữa đường ông bị giết nên cuộc thương thuyết bất thành” (Lược sử Đà Nẵng 700 năm, Nxb Đà Nẵng, 2006, trang 152).

Tác giả Nguyễn Sinh Duy thì cho rằng Án Nại chết khi dẫn quân tấn công vào Phú Thượng: “Maillard đích thân chỉ huy quân xung kích của y với khí thế quyết tâm phục thù cho 6 cảm tử quân chiều hôm qua. Hai bên chạm trán nhau tại đèo Lộc Hòa. Maillard tiến lên và một kẻ dẫn đường của y đã nhanh nhẹn phóng một ngọn giáo vào người Án Nại đang ngồi trên mình ngựa đi trước. Án Nại ngã nhào chết liền tại chỗ và bị lấy mất thủ cấp” (Nghĩa hội Quảng Nam, Nxb Đà Nẵng, 1998, trang 184).

Theo như Lịch sử giáo xứ An Ngãi(nay thuộc xã Hòa Sơn, huyện Hòa Vang, Đà Nẵng) thì trước đó Án Nại còn gọi là Thống Hai dẫn quân Nghĩa hội thiêu rụi nhà thờ An Ngãi, giáo dân An Ngãi phải bồng bế nhau vào Phú Thượng lánh nạn. Án Nại bị giết ngày 19/10/1885.

Thực dân Pháp án binh bất động chẳng đoái hoài gì đến sự kêu cứu của giáo dân hai xứ đạo Trà Kiệu và Phú Thượng, cho nên giáo dân chỉ đặt niềm tin tưởng vào Đấng thiêng liêng mà thôi: “Chẳng thèm trông cậy Tây Dương,/ Một lòng cậy Chúa vững dường Thái Sơn./ Nào ai tài trí chi hơn,/ Nào ai phá đặng đạo nhơn xứ này./ Giang sơn cũng hãy còn đây,/ Bầy chiên còn đó sum vầy bình an.”

Giáo dân lánh nạn xuống Làng Sông, rồi sang Qui Nhơn

Khi nghe tin quân văn thân sắp nổi lên thì Giám mục Đông Đàng Trong (Qui Nhơn) là Van Camelbeke liền gửi thư cho các linh mục vùng Bình Định đưa giáo dân vào lánh nạn ở Làng Sông. Nhiều xứ đạo tổ chức lánh nạn nhưng lại bị quân văn thân chận lại và bị tàn sát như xứ đạo Gia Hựu. Một số giáo dân chạy đến được xứ đạo Truông Dốc( nay thuộc thôn Đại Thuận, xã Mỹ Hiệp, huyện Phù Mỹ- Bình Đinh) do linh mục Hamon- tên Việt là Lựu- coi sóc và linh mục đã tổ chức đi lánh nạn gần 1000 giáo dân: “Giáo nhơn đâu đó hao mòn,/ Mấy người trốn khỏi chỉ còn tay không./ Chạy vào Truông Dốc cũng đông,/ Cố Lựu mới tính hội đồng đi vô./ Ban ngày kéo giữa lộ đồ,/ Nam phụ kể hết nhỏ to gần ngàn./ Vừa ra khỏi ít dặm đàng,/ Bao nhiêu xóm đạo cháy oan lửa phừng./ Đi vào vừa đến Quảng Vân,/ Phù Cát, Tuy Viễn nổi lần sát thiêu./ Đạo đến Nhà trường đã chiều,/ Bỗng nghe đâu đó thảy đều dậy rân./ Đức cha lo lắng ân cần,/ Bỏ Trường đem đạo Qui Nhơn đỗ nhờ.”

Xuống đến Qui Nhơn cuộc sống rất cơ cực:“Xuống đây số đạo đã đông,/ Đã không nhà cửa, lại không tiền tài./ Đức cha thấy việc còn dai,/ Thuê tàu chở đạo, Đồng Nai đem vào./ Chở ba, bốn chuyến lao xao,/ Hơn ba ngàn rưỡi bạc trao hẳn hòi!/ Đạo còn ở lại loi ngoi,/ Giữa cát che trại, che chòi khổ thay./ Nhờ của bố thí hằng ngày,/ Thảm sầu thân thế đổi thay ngậm ngùi!”

Nỗi cơ cực của giáo dân Cây Da- Phú Yên ra lánh nạn ở Qui Nhơn:“Ở đây vừa đặng ít ngày,/ Dịch khí nổi dậy, chết ngay cũng nhiều./ Gian nan còn hỡi lắm điều,/ Lạ lùng xứ sở, cheo leo nỗi mình./ Lương, tiền lãnh cũng phân minh,/ Đông dầy bổn đạo khó bình thiệt hơn./ Của Chúa dầu ít cũng ơn,/ Cam lòng đói rách, qua cơn hiểm nghèo.”

Sau khi phong trào văn thân lắng dịu: “Bao nhiêu đạo chở Đồng Nai,/ Rày đà hồi phục trùng lai quê mình.”(xem thêm Trương Bá Cần, sđd, tr. 376-377).

Giáo dân bị Văn thân giết gọi là “được phúc tử vì đạo”

Đối với tín đồ Công Giáo, họ quan niệm rằng những người bị văn thân giết trong Phong trào “sát Tả” là những người “được phúc tử vì đạo”. Những giáo dân chấp nhận “tử vì đạo”, họ sẳn sàng chấp nhận cái chết mà không chống cự. Tại xứ đạo Bàu Gốc: “ Giáo dân đã quyết một bề/ Phú mình chịu chết chẳng hề đôi co/ Dưng làm của lễ thơm tho/ Ba trăm hội hữu đều vô nhà thờ/ Một lòng thống hối đợi chờ/ Hỏa công một trận ra tro chẳng còn” hoặc như ở Phước Lộc, Cù Và (Quảng Ngãi): “ Hai nhà phước viện cũng đông/ Đua nhau tuẫn đạo lập công muôn đời/ Các thầy, các chú nơi nơi/ Cam tâm tử nghĩa coi đời như không/ Còn nhiều các hội đông tây/ Bỏ thây cõi đất vì trông phước trời” hoặc ở Gia Hựu: “Chẳng ai cự địch tranh hành/ Một lòng thống hối dọn mình về quê/ Năm ông linh mục nhứt tề/ Xá sanh thủ nghĩa ghét chê sự đời/ Ba nhà phước viện ba nơi/ Cũng đều tử tiết muôn đời thơm danh/ Còn các đạo sư, đạo sanh/ Cũng cam chịu chết dưng mình đền ơn”.

Giáo dân bị văn thân giết đủ cách nhưng họ vẫn vui vẻ mà không oán hận kẻ giết mình: “ Vì đạo Chúa chịu lấp chôn hào hố/ Cắn răng trong nấm đất hết đôi co/ Dưng lòng ta làm của lễ thơm tho/ Ép thịt giữa miếng tre còn êm mát/ Phủi cơ nghiệp dường như rơm rác/ Phú hình dung trong đám lửa than/ Đã xong cho mũi mác ngoài đàng/ Lại rồi với lưỡi gươm trong cửa/ Thả trôi nổi lúc bụi lau, bụi dứa/ Mà phơi chín chiều ruột chưa se/ Đành phui pha nơi bụi trảy, bụi tre/ Mà vắt một lá gan chưa ráo/ Đã đốt trong nhà không cửa tháo/ Còn quăng xuống giếng chẳng đàng lên”.

Hậu duệ những giáo dân bị văn thân giết hại cũng không hề oán hận kẻ đã giết ông bà cha mẹ anh em mình, mà luôn tự hào gia đình mình, dòng họ mình có người “được phúc tử vì đạo”,bởi vì họ luôn tin tưởng: “Phúc cho những ai chịu khốn nạn vì đạo ngay, ấy là phúc thật…”

Những thiệt hại trong địa phận Đông Đàng Trong.

Sau khi Phong trào sát Tả lặng yên. Địa phận Đông Đàng Trong bị thiệt hại: “Đương khi ấy giáo nhơn/ Cam liều chết đặng về cùng Thiên Chúa/ Tấm lòng vàng đá/ Tân, Châu, Hoàng, Minh, Sĩ, Chung, Thành(8)/ Quyết xá sanh cho được tới thiên đình/ Tấc dạ sắt đinh/ Thông, Mão, Hậu, Bảo, Trang, Nhứt, Lý(9)/ Các tỉnh giáo sư cùng giáo sĩ/ Cũng cam lòng vì đạo liều mình/ Mọi nơi phước viện chốn tu trinh/ Đã nhiều kẻ quyên sinh trí mạng/ Bằng thuật đủ tóc tơ quá ngán/ Hãy nói qua sơ lược ít tờ/ Hai trăm mười bốn sở nhà thờ/ Tính lại mười phần đã ráo/ Bốn mươi bốn ngàn người bổn đạo/ Sót lại còn muôn rưỡi là may” (xem thêm: Trương Bá Cần, sđd, tr. 376)

Phê phán về phong trào sát Tả.

Đại đa số các lãnh tụ trong phong trào Cần vương đều chết một cách trung liệt, thật là đáng khâm phục, nhưng còn một việc lạ kỳ đáng ân hận. Cho đến chết, nhiều lãnh tụ vẫn không nhận ra được nguyên nhân chính yếu việc thất bại của mình là do thiếu quân lương, khí giới mà cứ khăng khăng tin rằng, mình thua là do giáo dân làm nội ứng, đưa đường chỉ lối cho giặc Pháp. Nếu không có giáo dân làm nội ứng thì mình đã đánh đuổi giặc Pháp ra khỏi bờ cõi và thu hồi lại độc lập cho non sông. Lãnh tụ phong trào Nghĩa Hội Quảng Nam là Nguyễn Duy Hiệu trước khi chết đã để lại bài thơ tuyệt mệnh cũng khăng khăng tin tưởng như vậy: “ Nhược sử gian phòng vô áo viện/ Hà nan trung đính thát cường di” (Giáo như không trở, tay giàn kín,/ Giặc khó gì hơn, gậy đuổi bừa – Huỳnh Thúc Kháng dịch). Giáo sư Lam Giang đã dịch rõ ràng hơn: “Nếu trong không có phường gian/ Gậy tre ta đủ đánh tan quân thù”.

Chủ trương của các lãnh tụ là “tiên sát Tả”, duy có một mình lãnh tụ Lê Ninh ở Hà Tĩnh nêu lên chủ trương sáng suốt: “Lương dân với tả đạo/ Đường buôn bán thông hành/ Vô hà sự tương tranh” và “Bên giáo với lương dân/ Giai quốc gia xích tử/ Giai triều đình xích tử”. Chủ trương của lãnh tụ Lê Ninh sáng suốt như vậy nhưng vẫn bị chìm đắm trong biển hận thù mù quáng. Nào có ai hưởng ứng chủ trương “bình Tây” mà không “sát Tả” của Lê Ninh, rốt cuộc chính những vị này cũng không ngăn nổi những vụ lương giáo xung đột trong phạm vi quân thứ của mình cai quản.

Dân Nghệ Tĩnh đã tụng ca công đức “ sát Tả, bình Tây” của cụ Phan Đình Phùng: “Mười tám quân thứ rõ ràng/ Suốt từ Thanh Hóa đi sang Quảng Bình/ Trong tay mấy vạn tinh binh/ Đã trừ quân Đạo, lại bình quân Tây/ Trăm họ hớn hở đêm ngày/ Tụng công đức ấy ví tày mẹ cha”( 10).

Riêng Tú Quỳ là người đã từng hưởng ứng Phong trào Nghĩa Hội ở Quảng Nam dưới sự lãnh đạo của Nguyễn Duy Hiệu. Sau cụ đã rời bỏ Phong trào, bởi ông không tán thành các phương sách manh động không hiệu quả và đặc biệt chống kịch liệt việc tàn sát những người theo đạo Da tô qua bài “Vè đánh đạo”: “Trong bài “Vè đánh đạo”, Tú Quỳ đã lên án mạnh mẽ việc Nghĩa Hội giết chóc, truy sát những người theo đạo Thiên Chúa giáo. Đây có lẽ là tác phẩm đầu tiên, nếu không muốn nói là tác phẩm duy nhất tỏ thái độ thẳng thắn của một sĩ phu yêu nước trước một hành vi tàn bạo của một phong trào mệnh danh là phong trào yêu nước. Bài vè đã lưu truyền rộng rãi trong dân gian, nhưng các lãnh tụ Nghĩa Hội thì tức tối muốn giết ông. Những người lãnh đạo Nghĩa Hội đồng nhất những người theo đạo với giặc Pháp, còn Tú Quỳ thì không. Đối với ông, họ là dân lành”(11)

Những người Công Giáo còn sống sót sau khi phong trào sát Tả lắng dịu đã than thở và ngầm trách: “ Bởi nước loạn không ai cầm chánh lịnh/ Mạng sinh linh như cái lá cỏ cây”. Người Công Giáo đâu có chống đối việc đánh Tây xâm lược: “ Đánh Tây cứ đánh cho hay/ Đạo nào ngăn trở mà bày giết oan” và “Giỏi bày sát Tả, bình Tây/ Tây sao chẳng giết, giết bầy dân ta/ Cũng là gà ở một nhà/ Bấy lâu bôi mặt rày ra thể nào?/ Làm cho thiên hạ hư hao/ Khốn cùng cũng tại thân hào bày ra/ Đạo dân đã hết cửa nhà/ Bình dân(12) nay cũng cháy ra tro tàn”.

Các nhà sử học phê phán chủ trương phong trào “sát Tả bình Tây” là chia rẽ lương giáo, làm mất đi sự đoàn kết cũng như sức mạnh của dân tộc, mà nhờ đó quân Pháp mới có cơ hội thôn tính nước ta.

Ông Trần Văn Giàu- nhà sử học Mác xít- nhận định: “ Nhưng cũng không thể chối cãi rằng các nhà Văn thân yêu nước đã làm những điều rất sai chính trị khi họ xem việc “sát Tả” là điều kiện thứ nhất của việc “bình Tây”. Không biết phân biệt giáo dân bình thường và những giáo sĩ làm tay sai cho giặc Pháp. Họ vơ đũa cả nắm, và vô tình họ đẩy tất cả đạo đồ Thiên Chúa qua một bên, bên giặc Pháp. Họ đặt nhiệm vụ “gìn giữ văn minh Nho giáo” cho cuộc vận động, như thế là bó hẹp quá, là hạn chế quá cái ý nghĩa của cuộc vận động, ý nghĩa đó là cứu nước Việt nam, chớ nào chỉ bảo vệ riêng một đạo nào, bất kỳ Nho giáo, hay Phật giáo, hay Lão giáo. “ Bình Tây” chỉ chắc mội người dân đồng ý, còn “sát Tả” thì vị tất người dân thường đã nhất trí bằng lòng. Các nhà Văn thân khởi nghĩa vô hình trung tự cô lập mình, càng dễ bị triều đình đánh dẹp”(13).

Nhà sử học người Pháp là Charles Fourniau nhận định: “ Cuộc nổi dậy của phong trào quốc gia ở Trung Kỳ có mục tiêu đầu tiên là tiêu diệt người Công Giáo đã có hai thất bại: không đạt được mục đích và có vẻ như họ đã nhầm lẫn mục tiêu; hơn nữa, vết nứt rạn trong tinh thần đoàn kết quốc gia mạnh mẽ hơn bao giờ hết đã làm suy yếu khả năng động viên lực lượng để chống lại sự chiếm đóng của ngoại bang”(14).

Bài văn tế “Tiền nhân anh dũng tử đạo Việt Nam” viết ngày 16/11/2014 của tác giả Phạm Xuân Thu có câu: “ Dốc sức bình Tây, mà khốn nỗi không nhận ra cán cân tương quan lực lượng!/ Ra tay sát Tả, lại nỡ lòng quên đi mất tình huống huyết thống giống nòi”

Nguyễn Văn Nghệ

Phú Lộc Tây- Diên Khánh- Khánh Hòa

CHÚ THÍCH:

*** 19 chú thích dưới đây của tác phẩm “Cận đại Việt sử diễn ca quyển nhứt”, Nxb Tổng hợp Tp.HCM , trang 332-334.

1-Cuộc giết hại giáo dân khởi phát ở tỉnh Quảng Ngãi. Ngày 13-7-1885, quân cần vương đánh lấy thành.

2-Linh mục Poirier bị bắn chết ngày 16-7

3-Ngày 18-7, Linh mục Garin và các tín đồ bị đốt chết ở Phường Chuối, Quảng Ngãi

4-Cùng ngày trên, Linh mục Guegan bị giết ở Phú Hòa

5-Ngày 2-8, Linh mục Macé bị giết ở Nước Nhỉ, Bình Định.

6-Ngày 4-8, Giáo sĩ Barrat bị giết ở Thác Đá, Bình Định.

7-Ngày 4-8, Giáo sĩ Dupont bị giết ở Hội Đức, Bình Định.

8-Ngày 19-8, Linh mục Iribarne bị chém đầu ở Quán Cầu, Phú Yên.

9-Ngày 26-8, Linh mục Chatelet và nhiều giáo dân bị ám sát ở Cây Gia, Phú Yên

10-Bình Định, Bình Thuận

11-Quảng Ngãi, Quảng Trị

12-Một họ đạo lớn trong tỉnh Bình Thuận, do giám mục cai quản( Đây là chú thích sai. Gọi là Làng Sông thuộc huyện Tuy Phước- Bình Định[ nay thuộc thôn Quảng Vân, xã Phước Thuận, huyện Tuy Phước- Bình Định]- T/g Nguyễn Văn Nghệ)

13-Quy Nhơn

14-Giám mục Van Camelbeke

(*)- Cuộc xy: Tướng Philippe Marie Henri Roussel de Courcy (30/5/1827-8/11/1887)

15-Cuộc giết hại giáo dân khởi từ tháng 7-1885 tới tháng 5-1887, Pháp mới dẹp xong

16-Từ 16-7 tới 4-10, tính ra có 8 linh mục Pháp và 2 vạn 44 ngàn giáo dân Nam bị giết, 225 nhà thờ và tất cả nhà của dân đạo ở trong 6 tỉnh thuộc họ Quy Nhơn đều bị đốt cháy

17-Thứ dân nghị viện

18-Công cán: việc công có một tính cách đặt biệt

19-Lục quân Thiếu tướng Bégin

** *Những chú thích sau đây là của tác giả bài viết:

1,4,12-Bình dân: là tên gọi những người không theo đạo Công Giáo. Tháng 10 năm Giáp Tuất (1874): “ Chuẩn cho dân đi đạo đổi gọi là giáo dân, dân đi lương đổi gọi là bình dân.(Từ trước đến nay dân theo đạo, hoặc gọi là dữu dân, hoặc gọi là tả đạo, từ khi bỏ cấm, bỏ các chữ dữu, chữ tả, chỉ gọi đơn giản bằng chữ đạo. Gần đây cứ lời Khâm sứ đóng ở Kinh nói rằng: lương, đạo đều gọi, chưa khỏi sỉ nhục giáo ấy. Đã chuẩn cho quan ở nha Thương bạc đem nghĩa 2 chữ ấy trả lời, nói: Lương là an thường thủ phận, không làm gian ác; Đạo là khuyên người làm lành, không làm bất chính. Hai chữ đối nhau, văn nghĩa giống nhau, lại tốt xấu gì, đạo gọi là đạo mà lương không gọi là lương thì gọi là gì? Rồi sứ ấy đã biết chữ lương không để bỏ được, lại yêu cầu phàm những người theo giáo ấy gọi là nghĩa dân, đức dân, quan ở nha Thương bạc cho là sứ ấy đã nói nhiều như thế, xin gọi là giáo dân. Vua y cho, nhân chuẩn cho dân lương cũng đổi gọi là bình dân” (Đại Nam thực lục tập 8, Nxb Giáo dục, tr. 75)

2-Quản Các và huyện Thanh: hai nhân vật này, truy chưa ra lai lịch.

3-Huyện Thiện, bang Lân: Theo Luận án Tiến sĩ lịch sử của Đào Nhật Kim: Phong trào Cần vương Phú Yên (1885-1892), trong Chương 2 : “Khởi nghĩa Lê Thành Phương- Đỉnh cao của Phong trào Cần vương ở Phú Yên 1885-1887” cho biết Lê Thiện quê Nam Đàn- Nghệ An, được triều đình Huế cử vào làm Tri huyện, huyện Đồng Xuân- Phú Yên vào cuối năm 1884. Khi Phong trào Cần vương bùng nổ, ông đã tham gia vào nghĩa quân và chỉ huy cuộc tấn công vào giáo xứ Trà Kê, Cây Da trong tháng 7-8 năm 1885. Trong các trận đánh này, Lê Thiện và một số nghĩa quân bị giáo dân giết hại.

Riêng bang Lân và xã Hào truy chưa ra lai lịch.

5-Hòn Trược: phía đông nhà thờ Trà Kiệu. Gọi là đồi Bửu Châu. Hiện có đền thánh Đức Mẹ Trà Kiệu, kỷ niệm cuộc chiến thắng quân Văn thân năm 1885 ở trên đỉnh đồi.

6-Chúa Du di: tức là Chúa Giê su. Có nơi gọi là Chúa Chi thu.

7-Án Nại: tên là Nguyễn Hanh, đỗ thứ 1/22 kỳ thi Hương khoa Nhâm Tý (1852) tại trường thi Thừa Thiên, người xã Đông Tây, huyện Hòa Vang, tỉnh Quảng Nam. Làm quan tới chức Án sát Nghệ An, bị cách, được phục chức Huấn đạo.(Cao Xuân Dục, Quốc triều hương khoa lục, Nxb Tp.HCM, tr.311.

Huyện Cung tra chưa ra lai lịch.

8-Tân, Châu, Hoàng, Minh, Sĩ, Chung, Thành: Tên Việt Nam của các Linh mục Pháp bị Văn thân giết. (Thiếu Linh mục Châtelet, tên Việt là Thuông)

9-Thông, Mão, Hậu, Bảo, Trang, Nhứt, Lý: Tên các Linh mục Việt Nam bị Văn thân giết.

10-Đinh Xuân Lâm& Chương Thâu, Phan Đình Phùng cuộc đời và sự nghiệp,Nxb Văn hóa Thông tin, trang 339 (Bài vè do PGS.Ninh Viết Giao, Hội Văn nghệ Dân gian Nghệ An sưu tầm và công bố)

11-Bài viết “Làng tôi có ông Tú Quỳ” của Hoàng Hải Vân

www.hoanghaivan.com/search/label/Làng%20tôi%20có%20ông%20Tú%20Quỳ

13-Trần Văn Giàu, Sự phát triển của tư tưởng ở Việt Nam, Tập I:Hệ ý thức phong kiến và sự thất bại của nó trước các nhiệm vụ của lịch sử, Nxb Tổng hợp Tp.HCM,1993, tr. 369

14-Charles Fourniau, Annam-Tonkin 1885-1886: Lettrés et paysans vietnamiens face à la conquête colonial, p.89. Dẫn lại từ Lm Phaolô Nguyễn Minh Chính, Công Giáo Phú Yên trước và sau năm 1885


www.giaoxugiaohovietnam.com/QuyNhon/0-TinTuc/CongGiaoPhuYen.htm
 
VietCatholic TV
TV Thời Sự Giáo Hội và Thế Giới Ngày Nay, ngày 13/11/2019: Đất nước này nợ em một lời xin lỗi.
VietCatholic Network
16:40 13/11/2019


Ngợi khen Chúa Giêsu Kitô. VietCatholic xin kính chào quý vị và anh chị em trong tình yêu thương của Chúa Kitô và Mẹ Maria. Kính thưa quý vị và anh chị em, chương trình Truyền Hình của chúng tôi hôm nay gồm có các tin chính như sau:

1- Tiếp Kiến Chung với Đức Thánh Cha, thứ Tư ngày 13 tháng 11, 2019.

2- Đức Thánh Cha nói: Không ai bị kết án đến nỗi vĩnh viễn chia lìa Thiên Chúa.

3- Đức Thánh Cha khuyến khích mô hình Chủ nghĩa Tư bản mới trong đó không ai bị loại trừ.

4- Đức Thánh Cha đánh giá cao và biết ơn Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI.

5- Đức Thánh Cha tiếp các tham dự viên cuộc hội thảo về âm nhạc và giáo hội.

6- Đức Thánh Cha sẽ mặc phẩm phục bằng lụa Thái trong thánh lễ tại Thái Lan.

7- Bài hát chủ đề chuyến viếng thăm Nhật Bản của Đức Thánh Cha.

8- Đức Thánh Cha sẽ gởi video sứ điệp cho giới trẻ Việt Nam.

9- Phòng khám dành cho người nghèo tại quảng trường thánh Phêrô.

10- Các Giám mục Chile yêu cầu áp dụng luật đối với việc vi phạm các nơi thờ phượng.

11- Giáo hội Ấn Độ kêu gọi phẩm giá cho người Dalit.

12- “Đất nước này nợ em một lời xin lỗi”.

13- Giới thiệu Thánh Ca: Tay Trắng Ra Đi.

Xin mời quý vị theo dõi phần tin chi tiết:
 
72 giờ đồng hồ đầu tiên của tuần lễ dồn dập các tin tức bất lợi cho Giáo Hội – Xin cầu nguyện thêm
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
17:13 13/11/2019
1. 72 giờ đồng hồ dồn dập các tin tức bất lợi cho Giáo Hội

Bên cạnh tin mừng là Tối Cao Pháp Viện Úc đồng ý xử lại vụ án Đức Hồng Y George Pell mà chúng tôi đã đưa tin ngay lập tức, trong 72 giờ đồng hồ trước khi chúng tôi thu hình chương trình này, trên thế giới đã dồn dập xảy ra các tin tức bất lợi cho Giáo Hội.

Tại Syria, cha Hovsep Bidoyan, người Armenia và thân phụ của ngài đã bị sát hại vào sáng ngày thứ Hai 11 tháng 11 ngay tại cửa một nhà thờ Công Giáo của người Armenia tại Deir Ezzor, một thành phố ở miền đông Syria. Cha Bidoyan, đến từ Qamishli, bị bọn khủng bố Hồi Giáo IS giết chết ngay khi ngài bước vào nhà thờ.

Trong khi đó, trong một tuyên bố được đưa ra hôm thứ Hai, các giám mục Công Giáo Chí Lợi, hay còn gọi là Chilê, đã bày tỏ nỗi buồn của các ngài, và thể hiện tình đoàn kết với tất cả các tín hữu của Tổng giáo phận Santiago, nơi một giáo xứ đã bị cướp bóc và mạo phạm.

Hôm thứ Sáu, trong khi 75,000 người tập trung tại một quảng trường gần đó để phản đối chính quyền của Tổng thống Sebastian Piñera, một số thanh niên trùm đầu, vũ trang hùng hậu đã cướp phá một nhà thờ Công Giáo ở Santiago.

Chúng xông vào nhà thờ La Asuncion, rượt đánh anh chị em giáo dân rồi vác các tượng Chúa và Đức Mẹ cũng như các biểu tượng tôn giáo khác ra đường đập phá. Sau đó chúng vác các ghế ngồi trong nhà thờ ra đốt.

Trong tuyên bố, các giám mục Chí Lợi viết rằng cuộc tấn công vào các đền thờ và nơi cầu nguyện, thể hiện sự bất kính đối với Thiên Chúa và sự tôn trọng đối với những người tin vào Ngài, và khiến chúng ta đau đớn. Đền thờ và những nơi thờ phượng khác, là những nơi linh thiêng, cần phải được tôn trọng.

Trong khi đó, tại Hoa Kỳ, trong tuyên bố được thông tấn xã Catholic News Agency, công bố hôm thứ Ba 12 tháng 11, Đức Giám Mục Mark Seitz, của giáo phận El Paso Texas cho biết ngài đau buồn trước việc kẻ gian đột nhập vào nhà thờ Holy Spirit, đánh cắp nguyên một nhà tạm trong đó có cả Mình Thánh Chúa mới vừa được thánh hiến trong các thánh lễ Chúa Nhật.

Cha Jose Morales, linh mục chánh xứ cho biết: “Trong đêm Chúa Nhật rạng sáng thứ Hai 28 tháng 10, một số kẻ gian đột nhập vào nhà thờ, gây ra các thiệt hại và lấy trộm các vật phẩm, kể cả nhà tạm đựng Mình Thánh Chúa”

“Vụ việc dẫn đến thiệt hại tài sản tương đương vài nghìn đô la,” cha Jose Morales nói . Nhưng ngài nhấn mạnh rằng khía cạnh tồi tệ nhất của cuộc tấn công là hành vi trộm cắp Thánh Thể, là vô giá. “Giáo lý Công Giáo dạy rằng Bánh và Rượu Thánh đã được thánh hiến là thân thể và máu của Chúa Kitô.”

Cha Jose khuyến khích bất cứ ai có bất kỳ thông tin nào về tội phạm này hãy liên hệ với Ty Cảnh sát Horizon. Ngài cũng yêu cầu anh chị em giáo dân phản ứng với hành vi trộm cắp này bằng lời cầu nguyện và các hình thức phạt tạ.

Giáo phận El Paso Texas đã công bố các chi tiết này sau khi cuộc điều tra của cảnh sát tỏ ra bị chựng lại.

Vụ phá hoại tại nhà thờ Holy Spirit cho thấy kẻ gian xem thường các cơ quan pháp luật tại Texas. Thật vậy, mới hôm 1 tháng 10, FBI đã trao giải lùng bắt thủ phạm mưu toan đốt ba nhà thờ Công Giáo tại El Paso.

Sáng sớm ngày 7 tháng 5, khi trời còn nhá nhem tối, một người nào đó đã ném một thiết bị gây cháy nổ vào Nhà thờ Công Giáo Thánh Matthêu ở El Paso nhưng bật vào tường dội ngược trở ra làm cháy nám một đoạn đường.

Ngày 13 tháng 5, âm mưu tương tự cũng đã xảy ra tại nhà thờ chính tòa St. Patrick và cũng bị thất bại.

Và vào ngày 15 tháng 6, một thiết bị gây cháy đã được ném vào Nhà thờ Công Giáo San Judas Tadeo, đốt cháy một số hàng ghế và trần nhà thờ.

Ba trường hợp đốt nhà thờ ở phía tây thành phố vẫn chưa được giải quyết, nhưng chính quyền tin rằng chúng có liên quan. Cục Điều tra Liên bang Hoa Kỳ gọi tắt là FBI ra thông báo trao giải thưởng lên tới 15,000 Mỹ Kim cho ai cung cấp thông tin dẫn đến việc xác định hoặc bắt giữ thủ phạm.

Giáo phận cũng trao phần thưởng trị giá 5,000 Mỹ Kim bên cạnh phần thưởng của FBI.

2. Đức Tổng Giám Mục Jose Gómez của Los Angeles đã được bầu làm chủ tịch Hội đồng Giám mục Hoa Kỳ, gọi tắt là USCCB.

Đức Tổng Giám Mục Gomez - vị giám mục gốc Tây Ban Nha đầu tiên đứng đầu USCCB – đã thắng cử dễ dàng trong cuộc bỏ phiếu tại cuộc họp USCCB ở Baltimore vào ngày thứ Ba 12 tháng 11. Ngài sẽ kế vị Đức Hồng Y Daniel DiNardo của Galveston/Houston trong nhiệm kỳ ba năm.

Việc Đức Tổng Giám Mục Gomez trở thành chủ tịch USCCB đã được dự kiến. Ngài đã từng là phó chủ tịch của Hội Đồng Giám Mục, và các thành viên USCCB theo truyền thống đã bầu phó chủ tịch đương nhiệm trở thành chủ tịch tiếp theo.

Đức Tổng Giám Mục Allen Vintner của Detroit đã được bầu làm phó chủ tịch USCCB, trong cuộc bỏ phiếu sít sao hơn. Sau cuộc bỏ phiếu đầu tiên, Đức Tổng Giám Mục Vigneron đã giành được 151 phiếu so với 90 phiếu dành cho Đức Tổng Giám Mục Timothy Broglio, của tổng giáo phận quân đội Hoa Kỳ.

Đức Tổng Giám Mục Gomez, tân chủ tịch của USCCB, nổi tiếng là người bảo vệ quyền lợi của người nhập cư. Sinh tại Mễ Tây Cơ, ngài trở thành công dân Hoa Kỳ năm 1995.

Được phong chức linh mục trong giáo hạt tòng nhân Opus Dei vào năm 1978, ngài được bổ nhiệm làm Giám Mục Phụ Tá của Denver vào năm 2001. Ngài trở thành Tổng giám mục của San Antonio, Texas, vào năm 2004, sau đó là Tổng Giám Mục Phó của Los Angeles vào năm 2010. Với việc từ chức của Đức Hồng Y Mahony một năm sau đó, ngài đã đảm nhiệm chức Tổng giám mục Los Angeles. Trong 66 năm qua, Đức Tổng Giám Mục Los Angeles, tổng giáo phận có đông người Công Giáo nhất nước Mỹ, luôn nhận được mũ Hồng Y - một vinh dự chưa được trao cho Đức Tổng Giám Mục Gomez.

3. Tuyên bố của Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ bác bỏ cáo buộc của người viết tiểu sử Đức Phanxicô

Austen Ivereigh (sinh ngày 25 tháng 3 năm 1966) là một nhà báo, tác giả, nhà bình luận và nhà vận động Công Giáo có trụ sở tại London. Ông từng là cựu phó tổng biên tập của tờ The Tablet và sau đó là Giám đốc phụ trách công chúng sự vụ của Đức Hồng Y Hồng Y Cormac Murphy-O'Connor, lúc ngài còn là Tổng giám mục Westminster. Với tư cách này, ông thường xuyên xuất hiện trên các chương trình phát thanh và truyền hình để bình luận về những câu chuyện liên quan đến Giáo hội. Ông là thành viên trong Hiệp hội Lịch sử Giáo hội đương đại tại Campion Hall, Oxford.

Austen Ivereigh có những thành tích sáng chói trong việc bênh vực Giáo Hội trên các phương tiện truyền thông xã hội tại Anh, và là một trí thức Công Giáo được nhiều người kính trọng. Tuy nhiên, gần đây khi trở thành tác giả viết tiểu sử Đức Thánh Cha Phanxicô, ông phạm những sai lầm nghiêm trọng khi đề cao một huyền thoại cho rằng các Đức Giám Mục Hoa Kỳ có chủ trương chống lại Đức Thánh Cha. Có tác giả mỉa mai cho rằng ông muốn “giành độc quyền yêu mến Đức Giáo Hoàng”, khi chụp mũ những người khác, kể cả Hội Đồng Giám Mục Mỹ, tội chống Giáo Hoàng. Huyền thoại ấy được trào lưu bài Mỹ ở Âu Châu lăng xê tới mức trên cả hai chuyến bay từ Rôma đến Maputo ngày 4 tháng Chín, và từ Antananarivo trở về Rôma ngày 10 tháng Chín, đã có các phóng viên hỏi Đức Thánh Cha về khả năng ly giáo của Giáo Hội tại Hoa Kỳ!

Sau khi kết thúc Thượng Hội Đồng Toàn Vùng Amazon, Đức Thánh Cha Phanxicô đã dành ra hai tuần lễ để đón tiếp các Giám Mục Mỹ về Rôma viếng mộ hai thánh tông đồ Phêrô và Phaolô và thăm các cơ quan trung ương Tòa Thánh. Ngay dịp này, hôm 5 tháng 11, Austen Ivereigh tung ra cuốn sách Wounded Shepherd – Mục tử bị thương, với nhiều vu cáo chống lại các Giám Mục Mỹ.

Chính vì thế, ngày 7 tháng 11, Ông James Rogers, Giám đốc Truyền thông của Hội đồng Giám mục Hoa Kỳ đã ra tuyên bố sau đây.

Cuốn sách mới của Austen Ivereigh, Wounded Shepherd - Mục tử bị thương, tiếp tục một huyền thoại đáng tiếc và không chính xác rằng Đức Thánh Cha gặp phải sự chống đối trong hàng lãnh đạo và các nhân viên của Hội đồng Giám mục Hoa Kỳ. Cách riêng, tác giả chê bai vị Tổng Thư Ký và một cố vấn cho Ủy ban về các vấn đề Giáo luật khi cho rằng các ngài đã soạn thảo các tài liệu vào tháng 10 trong đó đã cố tình phớt lờ Rôma. Điều này là sai và gây hiểu nhầm.

Vào tháng 8, Đức Hồng Y Daniel N. DiNardo đã bắt đầu triệu tập các giám mục để tham khảo ý kiến về các biện pháp nhằm tăng cường các chương trình bảo vệ trẻ em đã có hiệu lực từ trước và đã được ban hành thông qua Hiến chương Dallas. Đến đầu tháng 9, những cuộc tham vấn đó đã được kết tinh thành một bản dự thảo được hình thành dưới sự chỉ đạo của Ủy ban Thường trực và với sự cộng tác của Ủy ban Giáo sĩ, Đời sống Thánh hiến và Ơn gọi, Ủy ban về các vấn đề Giáo luật và Quản trị Giáo hội, và Ủy ban về Trẻ em và Bảo vệ Thanh thiếu niên, và được hỗ trợ bởi Ủy ban Tín lý và Văn phòng Tổng Cố vấn.

Theo dự trù, các đề xuất dừng lại ở nơi bắt đầu thuộc về thẩm quyền của Tòa Thánh. Ví dụ, giống như Hiến chương [Dallas] trước đó, ủy ban giáo dân dựa trên sự tham gia tự nguyện của các giám mục, tổng hợp các báo cáo lạm dụng có thể tin được để gửi trực tiếp đến Sứ thần Tòa Thánh tại Hoa Kỳ liên quan đến các quy định bắt buộc báo cáo của luật dân sự. Trong khi các cuộc trao đổi ý kiến không chính thức với Tòa Thánh diễn ra vào tháng 10, chúng tôi đã hình dung rằng Tòa Thánh sẽ có cơ hội xem xét và đưa ra các điều chỉnh đối với những dự thảo một khi những tài liệu này nhận được sự đóng góp ý kiến của toàn thể các giám mục Hoa Kỳ, [vào thời điểm đó] chúng tôi nhận định rằng những sửa đổi đáng kể vẫn chưa thể diễn ra.

Quyết định của Đức Hồng Y DiNardo trì hoãn việc bỏ phiếu về các đề xuất này vào tháng 11 năm 2018 là một dấu chỉ rõ ràng cho thấy ngài và anh em giám mục của ngài cộng tác và vâng phục Đức Thánh Cha. Khi Đức Thánh Cha Phanxicô tuyên bố luật mới của Giáo hội phổ quát nhằm thiết lập một chương trình bảo vệ toàn cầu, Đức Hồng Y DiNardo đã ủng hộ mạnh mẽ các biện pháp và nhanh chóng bảo đảm các đề xuất của Hội Đồng Giám Mục sẽ sẵn sàng để được bỏ phiếu vào tháng 6 năm nay và sẽ bổ sung cho chương trình của chính Đức Thánh Cha. Chương trình nghị sự tháng Sáu được đưa ra mà không có sự phản đối nào của Tòa Thánh. Vì những hành động quyết liệt của Đức Thánh Cha Phanxicô và Hội đồng Giám mục Hoa Kỳ, Giáo hội là nơi an toàn hơn cho trẻ em và người lớn trong các tình huống dễ bị tổn thương.

4. Ngôi nhà thờ giáo xứ lớn nhất nước Mỹ đang được ráo riết xây cất

Viễn kiến của Đức Cha John Thomas Steinbock đã có một bước tiến quan trọng vào hôm thứ Ba với việc khởi công xây cất cho một nhà thờ Công Giáo mới ở Visalia.

Theo các quan chức dự án, Nhà thờ St. Charles Borromeo sẽ có chỗ cho hơn 3,000 người khi được khánh thành vào mùa xuân năm 2021. Như thế, ngôi nhà thờ này là nhà thờ giáo xứ Công Giáo có sức chứa lớn nhất tại Hoa Kỳ. Ngôi nhà thờ lớn nhất hiện nay là Vương cung thánh đường Baltimore với khoảng 2,000 chỗ ngồi.

Đền thờ quốc gia ở Washington, D.C., có 10.000 chỗ ngồi.

Đức Cha Steinbock là giám mục thứ tư của Giáo phận Fresno. Ngài đảm nhận trách vụ này từ năm 1991 cho đến khi qua đời vào năm 2010.

Đức ông Raymond Dreiling, cha sở Nhà thờ Công Giáo St. Mary, ở Visalia, cho biết vào năm 2007, Đức Cha Steinbock nói với ngài rằng nhiệm vụ của ngài là xây dựng một nhà thờ giáo xứ lớn nhất Hoa Kỳ khi cha Dreiling lần đầu tiên đến Visalia.

Đức Cha Steinbock đã hợp nhất ba giáo xứ trong vùng Visalia – là các giáo xứ St. Marys, Holy Family và St. Thomas - để thành lập Giáo xứ Công Giáo Chúa Chiên Lành, như một bước để biến ngôi nhà thờ giáo xứ lớn nước Mỹ thành hiện thực.

Các giám mục kế vị Đức Cha Steinbock, là Đức Cha Armando Xavier Ochoa và hiện nay là Đức Cha Joseph Vincent Brennan, đều ủng hộ viễn kiến này.

Cha Dreiling nói vào năm 2007 Đức Cố Giám Mục đã đặt tên cho ngôi nhà thờ này là nhà thờ Thánh Charles Borromeo để tôn vinh Đức Cha Charles O’Mahony là người đã có tầm nhìn xa khi mua bất động sản này vào năm 1961.

5. Cảnh sát cho côn đồ san bằng một nhà thờ Công Giáo tại bang Punjab

Một đám đông những người Hồi giáo cực đoan đã phá hủy một bức tường và cửa trước của một nhà thờ Công Giáo ở làng Waqya Chak, quận Arifwala, thuộc bang Punjab, Pakistan. Vụ phá hủy diễn ra vào ngày 4 tháng 11 dưới con mắt của cảnh sát.

Khoảng 4 nghìn người sống trong làng. Có 70 gia đình Công Giáo, và bây giờ họ sống với nỗi đau và giận dữ. Nhà thờ được xây dựng vào năm 2007. Đây không phải là một tòa nhà thực sự, vì cộng đồng Công Giáo thường trú không có kinh phí để xây dựng một nhà thờ, mà chỉ là một mảnh đất nhỏ có rào chắn, được một thành viên trong cộng đoàn dâng tặng. Bên trong có một công trình khiêm tốn nơi các thánh lễ được cử hành và các linh mục giáo xứ của các nhà thờ gần đó đến cử hành phụng vụ trong các ngày lễ lớn của Kitô giáo.

Gần đây, anh Naseer Masih, một giáo lý viên, là người dâng tặng miếng đất này, xây nên một bức tường để tăng sự tôn nghiêm của một nơi thờ phượng. Chẳng may, những người Hồi giáo chung quanh phản đối sự hiện diện của bức tường này.

Vào ngày 4 tháng 11, 50 cảnh sát đã đến trước cổng và hỏi người Công Giáo rằng họ có bao giờ gặp vấn đề khi cầu nguyện trong nhà thờ không. Kitô hữu đã trả lời rằng họ chưa bao giờ gặp khó khăn. Cảnh sát vặn hỏi họ nếu không gặp khó khăn thì xây tường làm gì.

Trong khi đó, một đám đông gồm 60 người đã tụ tập mang theo một chiếc máy cầy và búa. Với chiếc máy cầy họ xô đổ bức tường, sau đó nhiều người Hồi giáo lao vào dùng búa đập tan bức tường. Tất cả diễn ra trước mắt cảnh sát.

6. Pachamama tiếp tục gây chia rẽ. Người ném 5 hình tượng Pachamama công khai danh tính của mình

Alexander Tschugguel, 26 tuổi, một thanh niên Công Giáo đến từ Vienna, Áo, là người đã ném năm hình ảnh Pachamama xuống sông Tiber ở Rome vào sáng 21/10.

Tschugguel tiết lộ danh tính của mình trong một video trên cùng một tài khoản Youtube đã từng công bố việc đánh cắp năm hình ảnh Pachamama từ Nhà thờ Santa Maria ở Traspontina và ném xuống sông Tiber.

Tschugguel nói rằng anh ta đã hành động sau nhiều ngày cầu nguyện và suy nghĩ đã dẫn anh ta đến niềm tin rằng những hình ảnh trưng bày tại Nhà thờ Santa Maria ở Traspontina là những hình ảnh ngẫu tượng đối nghịch với Điều răn thứ nhất, và những hình ảnh đó không thuộc về một nhà thờ Công Giáo.

Tschugguel giải thích việc tiết lộ danh tính là vì: “Tôi không muốn họ nghĩ rằng đó là một hành động hèn nhát.” Anh nhận mình là người chịu trách nhiệm trong vụ này. “Chúng tôi không muốn công khai việc này sớm hơn vì chúng tôi muốn chính hành động đó là điểm chính của các cuộc thảo luận, chúng tôi muốn mọi người nói về những gì đã xảy ra chứ không phải ai đã làm điều đó.”

“Tuy nhiên, bây giờ, hai tuần sau đó, tức là một tuần sau Thượng Hội Đồng Amazon. Chúng tôi đã sẵn sàng. Chúng tôi muốn đối mặt với họ. Chúng tôi muốn cho họ thấy có một số giáo dân như chúng tôi sẵn sàng đứng lên và chúng tôi không chấp nhận những điều như thế xảy ra trong Giáo Hội Công Giáo.”

Nhiều người không đồng ý với Alexander Tschugguel, nhưng cũng có nhiều người như Đức Giám Mục Athanasius Schneider, Giáo sư Roberto de Mattei, Tổng Giám mục Carlo Maria Viganò gọi thanh niên này là một “anh hùng” bảo vệ đức tin.

Tưởng cũng nên nhắc lại là khi khai mạc phiên họp vào chiều thứ Sáu 25 tháng Mười, Đức Thánh Cha Phanxicô đã đề cập đến vụ đánh cắp các bức tượng vào ngày 21 tháng Mười.

Với tư cách là Giám mục của thành Rôma, nghĩa là người đứng đầu Giáo Hội địa phương ở Thành phố vĩnh cửu, Đức Phanxicô đã gởi lời xin lỗi đến bất kỳ ai cảm thấy bị xúc phạm bởi hành vi trộm cắp các bức tượng và ném chúng xuống sông.

Trong một đoạn video được nhanh chóng loan truyền trên các phương tiện truyền thông xã hội, Đức Phanxicô cho biết những bức tượng đã được trưng bày không có ý thờ ngẫu tượng trong Nhà thờ Santa Maria ở Traspontina, nằm ở giữa đường Đại Lộ Hòa Giải dẫn đến quảng trường Thánh Phêrô.

Đức Phanxicô cũng nói thêm rằng các quan chức thực thi pháp luật tại Rôma đã thu hồi những bức tượng bị vứt xuống sống và đang giữ chúng tại một đồn cảnh sát.

Lời xin lỗi của Đức Giáo Hoàng vào hôm Thứ Sáu là diễn biến mới nhất trong một bộ phim dài gần cả tháng xung quanh các bức tượng này. Lần đầu tiên chúng xuất hiện trong một buổi cầu nguyện của người bản địa vào ngày 4 tháng Mười được tổ chức trong khu vườn của Vatican trước sự chứng kiến của Đức Giáo Hoàng.

7. Pachamama tiếp tục gây chia rẽ. Linh mục Mễ Tây Cơ tổ chức lễ đền tạ và đốt hình nộm Pachamama

Video trong đó một linh mục của Tổng giáo phận Mexico City tập hợp anh chị em giáo dân đọc kinh phạt tạ “tội lỗi thờ ngẫu tượng” tại Thượng Hội Đồng Toàn Vùng Amazon, và đốt các hình nộm Pachamama – tức là các hình ảnh người phụ nữ mang thai khỏa thân của người bản địa Amazon, đã lan truyền nhanh chóng trên các phương tiện truyền thông.

Cha Hugo Valdemar Romero, cựu phát ngôn viên của Tổng giáo phận Mexico, đã nói với giới truyền thông rằng ngài bị thúc đẩy phải dẫn dắt cộng đoàn của mình cầu nguyện phạt tạ, và đốt hình nộm của Pachamama, vì các tai tiếng và nỗi đau gây ra bởi các hành vi thờ ngẫu tượng nghiêm trọng, được thực hiện tại Vatican trong Thượng Hội Đồng Toàn Vùng Amazon.

“Nhiều tín hữu cảm thấy rất đau khổ và tức giận. Họ nhìn hàng giáo sĩ chúng tôi và yêu cầu chúng tôi làm điều gì đó để thể hiện thái độ của chính chúng tôi đối với việc thờ ngẫu tượng và cầu xin Chúa tha thứ cho rất nhiều những hành vi báng bổ và phạm thánh. Vì vậy, tôi quyết định thực hiện những hành vi đền tạ này,” ngài nói.

Khi được hỏi liệu ngài có lo lắng trước các phản ứng bất lợi của hàng giáo phẩm địa phương hay không khi đốt những hình nộm Pachamama này, Cha Valdemar Romero cho biết cho đến nay, ngài không thấy ai phản đối, nhưng ngài sẵn sàng trả lời cho hành động của mình.

“Tôi chưa nhận được bất kỳ sự kiểm duyệt nào, và dĩ nhiên tôi sẵn sàng trả lời cho hành động của mình. Những hành động này, tuy nhiên, không nằm ngoài luật pháp của Thiên Chúa hay giáo luật. Tôi không sợ bởi vì tôi cảm thấy được Chúa bảo vệ và đặc biệt là Đức Mẹ Guadalupe, tôi sẽ luôn bảo vệ Danh dự của Đức Mẹ.”

Vị linh mục đã đối chiếu Pachamama với Đức Trinh Nữ Maria dưới tước hiệu của Đức Mẹ Guadalupe, khi Mẹ hiện ra với Thánh Juan Diego trên đồi Tepeyac ở Mễ Tây Cơ năm 1531.

“Tôi đã nói chuyện với một nhà trừ tà ở Mexico City, là người đã nói với tôi rằng hình dáng của Pachamama là một sự nhạo báng Đức Trinh nữ Guadalupe.”

Cha Valdemar Romero giải thích thêm:

“Đức Maria của chúng ta, Santa Maria de Guadalupe xuất hiện trong hình ảnh linh thánh của một phụ nữ mang thai. Mẹ chuẩn bị hạ sinh Chúa Giêsu, Ánh sáng của thế gian và là Thiên Chúa duy nhất, là cùng đích duy nhất của cuộc đời chúng ta. Mẹ đến với tư cách là Người phụ nữ của Sách Khải huyền, được bao bọc dưới ánh mặt trời và với mặt trăng dưới chân Mẹ”.

“Ngược lại, Pachamama này sắp sinh ra một sinh vật màu đỏ, là màu của quỷ và sinh vật đó không khác gì một ‘giáo hội mới’ – trong ngoặc kép. ‘Giáo hội’ này được sinh ra bởi thượng hội đồng vừa kết thúc – và được gọi là ‘giáo hội với khuôn mặt của người Amazon’ có các nghi thức chính thống, nhưng đang thúc đẩy khái niệm nữ phó tế và các linh mục đã kết hôn, tất cả đều trái với giáo lý Công Giáo và truyền thống của Giáo hội”.

8. Hội đồng Nhà nước Thổ Nhĩ Kỳ biến một nhà thờ Công Giáo thành một đền thờ Hồi Giáo

Hội đồng Nhà nước Thổ Nhĩ Kỳ đã quyết định biến Nhà thờ cổ Thánh Savoir Chora thành một đền thờ Hồi giáo.

Kitô hữu chính thống và Công Giáo sợ rằng quyết định này có thể tạo tiền lệ cho Hagia Sophia, cũng đang bị đe dọa biến đổi từ một bảo tàng viện thành một nhà thờ Hồi giáo.

Nhà thờ Thánh Saviour of Chora được xây dựng vào thế kỷ thứ năm, và nằm ở quận Edirnekapı phía tây Istanbul. Đó là một trong những nơi tuyệt vời nhất của nghệ thuật Byzantine, và đến nay vẫn bảo tồn các bức tranh khảm và bích họa. Năm 1511, ngôi nhà thờ bị đế quốc Ottoman cướp khỏi tay Giáo Hội Công Giáo và chuyển thành đền thờ Hồi giáo.

Mustafa Kemal Atatürk được coi một vị “cha già dân tộc”, là người đã khai sáng ra nước Cộng Hòa Thổ Nhĩ Kỳ, thay thế cho đế quốc Ottoman, là người quyết liệt chống lại ý tưởng về một thứ “nhà nước Hồi Giáo”. Ông chủ trương một sự tách biệt lành mạnh giữa Hồi Giáo và nhà nước.

Vì thế, năm 1945 ngôi nhà thờ được chuyển thành bảo tàng viện cho đến ngày hôm nay.

Vương cung thánh đường Thánh Sophia, là một tòa nhà hùng vĩ được Đại đế Justiniô xây cất vào năm 535, cũng bị sử dụng làm nhà thờ Hồi giáo sau khi Constantinople sụp đổ. Nhưng với sự ra đời của chính phủ thế tục Thổ Nhĩ Kỳ, ngôi nhà thờ đã được chuyển thành bảo tàng viện vào năm 1935.

Sau cuộc đảo chính vào ngày 15 tháng 7 năm 2016, mà đến giờ phút này nhiều người vẫn cho rằng đó chỉ là một cuộc đảo chính giả, do chính Erdogan dựng lên, Tổng thống Recep Erdogan đã thâu tóm vào trong tay rất nhiều quyền hành. Tính chất thế tục, biệt lập với Hồi Giáo của chính quyền Erdogan mai một nhanh chóng.

Trong một diễn biến gây sửng sốt cho nhiều người, Erdogan đã đến cầu nguyện tại Hagia Sophia vào ngày 14 tháng 4, 2017, cùng với các nhà hoạt động Hồi giáo, là những người luôn lập luận rằng tòa nhà này là một đền thờ Hồi giáo.