Ngày 14-11-2020
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Chiều sâu và độ chắc
Lm. Minh Anh
01:28 14/11/2020
CHIỀU SÂU VÀ ĐỘ CHẮC
“Khi Con Người đến, liệu sẽ còn gặp được lòng tin trên mặt đất nữa chăng?”.

Kính thưa Anh Chị em,

Xem ra Chúa Giêsu biết rõ mức độ lòng tin thất thường của con người vào Thiên Chúa, Ngài tỏ vẻ hồ nghi, “Khi Con Người đến, liệu sẽ còn gặp được lòng tin trên mặt đất nữa chăng?”. Hôm nay, thật bất ngờ, Ngài cũng hỏi chúng ta như thế. Câu trả lời của chúng ta sẽ tuỳ thuộc vào việc chúng ta có niềm tin trong trái tim mình hay không; có lẽ chúng ta sẽ thưa “Có”, nhưng đó không chỉ là ‘có hay không’ nhưng hy vọng đó là một khẳng định “Có” vốn liên tục phát triển về ‘chiều sâu và độ chắc’ của nó nhờ vào việc cầu nguyện.
Lòng tin là gì? Lòng tin là sự đáp trả của mỗi người đối với Thiên Chúa đang nói trong họ. Để có thể tin, trước hết phải lắng nghe; mỗi người phải để Chúa Giêsu bày tỏ chính mầu nhiệm Thiên Chúa trong sâu thẳm lương tâm lòng mình. Khi Thiên Chúa bày tỏ, chúng ta tin vào Lời Người, tin vào chính Ngôi Vị của một Thiên Chúa đang nói; chính hành động tin này sẽ biến đổi trái tim chúng ta và hình thành ở đó một đức tin có ‘chiều sâu và độ chắc’ ở mức độ triệt để. ‘Độ chắc’ đó, là điều Thiên Chúa đang tìm kiếm trong cuộc sống chúng ta, đó cũng là câu trả lời Chúa Giêsu chờ đợi.

Vậy thì điều gì sẽ nuôi dưỡng lòng tin này? Thưa, đó là cầu nguyện, cầu nguyện bày tỏ nỗi khát khao được lớn lên trong đức tin, lớn lên trong lòng mến và nhất là lớn lên trong sự hiểu biết Thiên Chúa, Đấng chúng ta tuyệt đối tin tưởng và tuỳ thuộc. Thế nhưng, Thiên Chúa đó là ai? Vì chúng ta chỉ tuỳ thuộc vào người chúng ta tin, và chỉ tin vào người chứng minh được tình yêu và khả năng bang trợ của họ. Đấng chúng ta tin là một Thiên Chúa quyền năng, tốt lành, yêu thương; một Thiên Chúa đang quan tâm đến mỗi người. Với chúng ta, Thiên Chúa là một quan toà, nhưng còn hơn thế; trước hết, Người là một người Cha nhân từ, một vị cứu tinh, một người tình tận tâm, vô điều kiện. Là một người Cha xót thương, Thiên Chúa muốn sự phụ thuộc của chúng ta vào Người có ‘chiều sâu và độ chắc’ trong Chúa Giêsu, nhờ Chúa Giêsu, qua việc cầu nguyện mỗi ngày.

Vậy mà đôi lúc, chúng ta trải qua những khoảnh khắc mệt mỏi và chán nản vì lời cầu nguyện của chúng ta dường như không hiệu quả. Đừng sợ! Chúa Giêsu bảo đảm với chúng ta rằng, Thiên Chúa tốt lành hơn quan toà kia nhiều lần, Người sẽ nhanh chóng trả lời cho con cái Người, mặc dù điều này không nhất thiết là Thiên Chúa phải đáp ứng ‘khi nào và thế nào’ như chúng ta muốn. Vì lẽ, cầu nguyện không phải là cây đũa thần nhưng cầu nguyện sẽ giúp chúng ta giữ vững đức tin, một đức tin đủ ‘chiều sâu và độ chắc’ vào Đấng chúng ta tin và phó mình cho Người cả khi chúng ta không hiểu ý Người muốn gì. Vì thế, cầu nguyện đòi hỏi những nỗ lực từ phía chúng ta, đó là một hành động yêu thương, hiến dâng và là sự chờ đợi của linh hồn.

Một phụ nữ, đang đối mặt với những thử thách hết sức cam go, đến gặp mục sư Hinson ngay khi ông kết thúc bài giảng. Cô nói, “Tôi rất sợ mình có thể sa ngã”; Hinson trả lời, “Tại sao lại không? Cô có thể làm điều đó”. Người phụ nữ phản đối, “Không, không! Tôi sẽ rơi xuống đâu?”; mục sư nói, “Cô sẽ rơi vào vòng tay vĩnh cửu của Thiên Chúa”. Sau đó, ông nói, “Thánh Kinh viết, ‘Chúa sẽ phù trì che chở; dưới cánh Người, bạn có chỗ ẩn thân’”.

Anh Chị em,

“Kết hợp với Thiên Chúa, đó là chương trình sống của tôi”, Carlo Acutis đã nói như thế. Nếu chúng ta làm được và có được một ‘chương trình sống’ cụ thể như vị chân phước trẻ của thời đại, chúng ta đã thật sự để cho Thiên Chúa đi vào cuộc sống của mình. Đó chính là lúc trái tim chúng ta có một niềm tin đủ ‘chiều sâu và độ chắc’, lúc mà Thiên Chúa đã hoàn toàn điều khiển chính con người của mình. Và như thế, không cần đợi ngày Chúa quang lâm hay ngày từ giã cuộc đời, chúng ta sẽ nói “Có” với Chúa ngay hôm nay, đáp lại điều Chúa muốn ngay hôm nay, đó là nên thánh; đó là sống trong ân sủng, tin yêu, phó thác và ngày càng thiết thân với Chúa hơn trong cầu nguyện.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, con khao khát được lớn lên trong đức tin, trong tình yêu và sự hiểu biết của con về Chúa. Chớ gì, đức tin của con luôn sống động, đủ ‘chiều sâu và độ chắc’; và ước mong của con, là Chúa sẽ tìm thấy đức tin đó như một quà tặng quý giá con dâng cho Ngài”, Amen.

(Tgp. Huế)
 
Lời Ca Nguyện Cầu: Hoa hồng và các Thánh
Giáo Hội Năm Châu
05:21 14/11/2020
 
Nén vàng là tình yêu mà Thiên Chúa dành cho mỗi chúng ta
Phêrô Phạm Văn Trung
09:11 14/11/2020
NÉN VÀNG LÀ TÌNH YÊU MÀ CHÚA DÀNH CHO MỖI CHÚNG TA VÀ LỜI ĐÁP LẠI CỦA CHÚNG TA LÀ TÌNH YÊU

TGM Follo, Phêrô Phạm Văn Trung chuyển ngữ

Nhờ bài Tin Mừng Chúa Nhật tuần trước, chúng ta đã suy gẫm về dụ ngôn mười trinh nữ, cho chúng ta thấy ý nghĩa của cuộc đời chúng ta là cuộc gặp gỡ với chàng rể và cùng chàng đi tới tiệc cưới, nơi cử hành sự kết hợp trọn vẹn với Thiên Chúa.

Để thực hiện cuộc hành trình này với chàng rể đến vào ban đêm, chúng ta cần những ngọn đèn thắp sáng, chúng ta cần có dầu đốt trong đèn và chúng ta phải có ngay.

Chúa Nhật này, với dụ ngôn về những nén vàng, Chúa Giêsu cho chúng ta biết điều chúng ta phải làm để có được dầu này: đầu tư các nén vàng.

Tuy nhiên, cụm từ “đầu tư các nén vàng” không nên hiểu theo nghĩa thương mại. Với dụ ngôn này, Chúa Giêsu muốn dạy các môn đệ thời bấy giờ và ngày nay hãy sử dụng tốt các ân huệ của Ngài. Thiên Chúa kêu gọi mỗi người vào cuộc đời và ban cho người ấy những tài năng, đồng thời giao cho người ấy một nhiệm vụ phải thực hiện.

Những ân huệ này, ngoài những phẩm chất tự nhiên, còn tượng trưng cho của cải mà Chúa Giêsu đã để lại cho chúng ta như một cơ nghiệp để chúng ta làm cho chúng sinh hoa trái:

- Lời của Người, được gửi gắm trong Tin Mừng;
- Bí tích Rửa tội đổi mới chúng ta trong Chúa Thánh Thần;
- Lời cầu nguyện - “Lạy Cha chúng con” - mà chúng ta dâng lên Thiên Chúa như những đứa con được kết hợp trong Chúa Con;
- Sự tha thứ của Ngài, điều mà Ngài đã truyền đem đến cho mọi người;
- Bí tích Thân Mình hiến tế và Máu đổ ra của Ngài.

Sẽ thật ngu ngốc khi nghĩ rằng những ân huệ này đã đến hạn trả nợ, cũng như từ bỏ sử dụng chúng sẽ là một thất bại trong việc thực hiện mục đích sống của con người. Nhận xét về đoạn Tin Mừng này, Thánh Grêgôriô Cả lưu ý rằng Thiên Chúa không để ai thiếu ân huệ nhân ái và yêu thương của Ngài. Thánh Grêgôriô viết: “Vì vậy, hỡi các anh em của tôi, điều cần thiết là anh em phải hết sức cẩn thận trong việc chăm sóc lòng bác ái trong mọi hành động mà anh em phải thực hiện” (Các bài giảng về Tin Mừng 9,6). Và, sau khi đã chỉ rõ rằng lòng bác ái đích thực bao gồm yêu thương cả bạn và thù, ngài nói thêm: “nếu một người thiếu đức tính này, người đó sẽ đánh mất mọi điều tốt lành mà mình có, bị lấy đi các nén vàng và bị ném vào bóng tối” (đã dẫn).

1) Nén vàng đầu tiên là Tình yêu của Chúa.

“Những nén vàng” [1] mà Chúa Giêsu nói trong Tin Mừng hôm nay không chỉ là những phẩm chất hay khả năng mà Thiên Chúa đã ban cho mỗi người chúng ta, mà là Tình yêu của Ngài và những món quà ân sủng, sức mạnh và trí thông minh mà Ngài đổ đầy trong chúng ta để chúng ta đảm nhận trách nhiệm của những người con và là anh em với nhau.

Về vấn đề này, Đức Thánh Cha Phanxicô hỏi: “Bạn đã nghĩ về cách bạn có thể sử dụng tài năng của mình để phục vụ người khác chưa?” Sau đó Ngài nói: “Đừng chôn vùi tài năng của bạn! Hãy đặt cược vào những lý tưởng lớn lao, vào những lý tưởng mở rộng trái tim, những lý tưởng phục vụ sẽ làm cho tài năng của anh em sinh kết quả. Cuộc sống được ban tặng cho chúng ta không phải để ganh tị giữ lấy cho chính mình mà hãy trao ban nó cho người khác”.

Đức Thánh Cha nhắc nhở chúng ta rằng, trong dụ ngôn về những nén vàng [2], Chúa Giêsu muốn dạy các môn đệ (và cả chúng ta) biết tận dụng những ân huệ mà Thiên Chúa ban cho mọi người nam và nữ. Ngài gọi họ vào cuộc đời, trao cho họ tài năng và sứ mệnh phải hoàn thành bằng cách sử dụng và chia sẻ những món quà đó. Đây cũng là một dụ ngôn mà Chúa Kitô mời gọi chúng ta đừng sợ hãi cuộc sống và Thiên Chúa. Ngài không phải là một ông chủ đòi hỏi một cách thái quá và bất công, nhưng là một người Cha cùng với món quà nhân ái cho phép chúng ta sống trong tự do và yêu thương.

Ngoài tình yêu của Ngài, đây là những ân huệ / tài năng mà Chúa Giêsu ban cho chúng ta: Lời Ngài gửi gắm trong Tin Mừng, Phép Rửa đổi mới chúng ta trong Chúa Thánh Thần, lời cầu nguyện - 'Lạy Cha chúng con' - mà chúng ta xưng hô với Thiên Chúa như những đứa con hiệp nhất trong Người Con, sự tha thứ của Ngài mà Ngài đã truyền ban cho mọi người và bí tích Mình và Máu Ngài làm hy tế. Nói một cách ngắn gọn: Nước Thiên Chúa, là chính Chúa Kitô đang hiện diện và sống động giữa chúng ta.

Những nén vàng - tài năng mà Chúa Giêsu đã giao phó cho chúng ta, là bạn hữu và anh em của Ngài, sẽ nhân lên gấp bội khi chúng ta hiến tặng cho người khác. Đó là một kho báu được cho đi để đầu tư và chia sẻ với mọi người. Nếu ngu ngốc mà nghĩ rằng các ân huệ của Chúa Kitô là do chúng ta mà có; thì cũng thật ngu ngốc nếu từ bỏ việc sử dụng chúng vì điều đó sẽ làm mất đi mục đích hiện hữu của chúng ta. Nhận xét về đoạn Tin Mừng này, Thánh Grêgôriô Cả lưu ý rằng Thiên Chúa không tước bỏ món quà nhân ái và tình yêu khỏi bất cứ ai.

2) Một dụ ngôn được đóng khung bởi hai dụ ngôn khác.

Trong Tin Mừng theo thánh Mátthêu, dụ ngôn về những nén vàng được đặt sau dụ ngôn những trinh nữ khôn ngoan và trước dụ ngôn về sự phán xét cuối cùng về tình yêu (Tôi đói, khát, tôi trần truồng… và bạn cho tôi ăn gì đó, uống gì đó, mặc quần áo…). Chúng ta có thể coi dụ ngôn nén vàng như cột trụ trung tâm soi sáng cho hai dụ ngôn còn lại. Đầu tiên, nó làm sáng tỏ ý nghĩa của sự khôn ngoan, được thể hiện bằng lượng dầu dự trữ. Sự khôn ngoan đích thực đến từ sự mới mẻ của mối tương quan tự do và sáng tạo mà một người có với ThiênChúa. Thứ hai, dụ ngôn về các nén vàng dạy rằng ân huệ do Thiên Chúa ban cho, được chúng ta đón nhận và công nhận, sẽ trở thành một ân huệ cho anh em mình, những người đồng nhất với bản thân Chúa Kitô. Ngoài ra, nếu chúng ta xem xét Tin mừng Luca, thì dụ ngôn này được liên kết chặt chẽ với câu chuyện ông Giakêu mà Chúa Giêsu đã gặp gỡ một cách rất tự tại. Dụ ngôn này cho thấy một sự thật đáng tìm hiểu: trước mặt Thiên Chúa, con người không chỉ mãi mãi mắc nợ, mà còn được mời gọi tự do gặp gỡ Ngài, là chính ân huệ thuần khiết. Khôn ngoan và tài khéo trước mặt Thiên Chúa là cách duy nhất đưa con người đến sự giải thoát, điều này sẽ trở thành một ân huệ trong cuộc gặp gỡ với anh em.

Thật không may, đôi khi chúng ta ở trước mặt Thiên Chúa như người đầy tớ thứ ba, là kẻ đã không phát triển tài năng của mình, và chúng ta vẫn khép kín trong định kiến của mình về Thiên Chúa và những ý tưởng kém cỏi của mình về Ngài. Chúng ta quan tâm quá nhiều đến sự an tâm và thói quen của chúng ta. Tính mới mẻ khiến chúng ta sợ hãi. Chúa Kitô kêu gọi chúng ta trở thành những môn đệ tự tin của Ngài, không lo sợ Ngài và đứng vững mà không hề như những nô lệ sợ hãi. Môn đệ của Chúa Giêsu phải tiến bước trong một mối tương quan yêu thương, từ đó có thể khơi dậy lòng can đảm, lòng quảng đại, tự do và thậm chí can đảm chấp nhận những rủi ro cần thiết.

Nhìn vào Đấng “đã làm cho mọi sự trở nên mới mẻ ”, không may thay chúng ta sợ sệt hơn là được soi sáng. Đây là lý do tại sao dụ ngôn về những nén vàng khơi dậy sự tự do và lòng quảng đại, bắt nguồn từ việc công nhận sự cho không hoàn toàn của một cuộc gặp gỡ. Cuộc gặp gỡ này thực sự được con người khao khát như Giakêu khao khát, nhưng nó được thực hiện do lòng nhân từ và tình yêu thương của Thiên Chúa, Đấng đã đến nhà ông và mang lại ơn cứu độ. Đó là việc một tội nhân hối cải mong chờ Chúa Kitô đến nhà của mình.

3) Đang đến = Mùa vọng.

Tất cả các Kitô hữu Latinh đều coi Mùa Vọng là khoảng thời gian 4 tuần đối với nghi thức La Mã và 6 tuần đối với nghi thức Ambrosiô, nhưng nhiều người bỏ qua nguồn gốc của từ “đang đến” và một số “sự kỳ lạ” mà thuật ngữ này mang theo và điều đó đáng được nhắc nhở.

Hãy bắt đầu với từ “Advent = Mùa vọng”, có nguồn gốc từ tiếng Latinh và nghĩa đen là “đến nơi”, “đang đi đến”. Nó được các nhà cai trị thời cổ đại sử dụng, đặc biệt là ở phương Đông, để chỉ nghi lễ mà họ muốn long trọng cử hành việc họ đến (thực tế là “đang đi đến”) một thành phố. Họ đòi người dân phải chào đón họ như những bậc hảo tâm và những vị thần. Đối với phụng vụ Kitô giáo, lựa chọn sử dụng thuật ngữ này để chỉ sự “đang đến” của Chúa Giêsu Kitô nơi những người sống trong các thành phố lớn của thế giới này, Ngài là Đấng ban ơn cứu độ và chuộc tội đích thực, do đó phù hợp với tâm thức của thời cổ đại.

Vì vậy, "advent" thực sự sẽ trùng với lễ kỷ niệm Giáng sinh, đó là ngày mà chúng ta kỷ niệm sự xuất hiện của một Đấng. Từ Advent sau đó được hiểu rộng ra để chỉ khoảng thời gian chuẩn bị cho ngày lễ 25 tháng 12. Do đó, câu hỏi chúng ta nên chuẩn bị cho lễ Giáng sinh trong bao lâu được đặt ra. Giải pháp cổ xưa nhất, mà nghi thức Ambrosiô vẫn giữ cho đến ngày nay, là “xây dựng” thời kỳ chuẩn bị cho Lễ Giáng sinh mô phỏng theo thời kỳ chuẩn bị cho Lễ Phục sinh, cụ thể là Mùa Chay. Vì Mùa Chay được cử hành trong sáu Chúa Nhật, nên Mùa Vọng được “xây dựng” vào sáu Chúa Nhật [3].

Đây là những ngày Chúa nhật nhằm giữ cho chúng ta sống tinh thần trông chờ mong đợi, để Chúa Kitô không thấy chúng ta buông thả và lười biếng và ma quỷ không cướp mất kho tàng này của chúng ta. Trong những những ngày Chủ nhật này chúng ta được nhắc nhở rằng có đức tin có nghĩa là làm cho nén vàng - tài năng đã được đặt trong tay chúng ta sinh hoa trái.

4) Người nào yêu thương thì sống trong sự mong đợi trông chờ.

Để đón nhận và trân trọng sự hiện diện của Chúa Kitô trong chúng ta, chúng ta phải có tâm hồn canh thức mà người Kitô hữu được mời gọi thực hiện trong cuộc sống hàng ngày, nhưng nhất là trong Mùa Vọng khi chúng ta chuẩn bị hân hoan đón nhận mầu nhiệm Giáng Sinh.

Môi trường xung quanh chúng ta đang đưa ra các lời mời mọc thương mại thông thường, mặc dù hiện nay có lẽ ở mức độ thấp hơn, do giai đoạn khủng hoảng này. Người Kitô hữu được mời gọi sống Mùa Vọng là thời gian chờ đợi mà không bị phân tâm bởi ánh đèn của các cửa hàng và siêu thị, nhưng hãy nhìn bằng con mắt của trái tim vào Chúa Kitô, là Ánh sáng đích thực.

Đức Trinh Nữ Maria dạy chúng ta một tinh thần canh thức tích cực và vui vẻ trên con đường dẫn đến cuộc gặp gỡ với Thiên Chúa. Theo gương Mẹ Trên Trời của chúng ta, những người sống khiết tịnh tận hiến là những chứng nhân hàng ngày về cách sống sự mong đợi này bằng cách cho thấy rằng những nén vàng - tài năng lớn nhất là Tình yêu của Thiên Chúa, Nước Trời và sự công chính của Ngài.

“Qua sự trinh khiết, con người chờ đợi lễ cưới cánh chung của Đức Kitô với Hội Thánh, ngay cả nơi thân xác mình, bằng cách tự hiến hoàn toàn cho Hội Thánh trong niềm mong đợi ngày Chúa Kitô trao hiến chính mình Người cho Hội Thánh, trong cuộc sống vĩnh cửu thật sự viên mãn. Như thế là sống trước nơi thân xác mình cái thế giới mới mẻ của sự phục sinh sau này. Nhờ vào lời chứng ấy, sự trinh khiết giữ cho ý thức trong Hội Thánh về mầu nhiệm hôn nhân được sống động, và bảo vệ mầu nhiệm ấy chống lại bất cứ điều gì có thể phạm đến sự toàn vẹn của hôn nhân hoặc làm cho nó nghèo nàn đi”. (Thánh Gioan Phaolô II, Familiaris Consortio, số 16)

Những người sống khiết tịnh tận hiến trên thế giới được mời gọi làm chứng rằng, sự kiên trì “tỉnh thức cầu nguyện và hân hoan ca tụng Người” (Kinh tiền tụng II Chúa Nhật Mùa Vọng) cho phép mắt chúng ta có thể nhận ra trong Chúa Kitô ánh sáng thực sự của thế giới đang đến để soi sáng bóng tối của chúng ta.

Nhiệm vụ của những người sống khiết tịnh tận hiến là xây dựng cuộc sống trên đá tảng của một Thiên Chúa yêu thương, lắng nghe và chờ đợi (Mt 7, 24-25).

Chú thích:
[1] Nén vàng talent không phải là tiền tệ, mà là một đơn vị đo lường. Không thể đúc được một đồng xu nặng gần 27 kg! Dẫu vậy, nó cho thấy một giá trị rất lớn vì kho báu mà Chúa Giêsu để lại là rất lớn. Trên thực tế, một nén vàng là 60 minas và 6000 drachmas. Một mina bằng 100 drachmas. Drachma được coi là đồng denarius (đơn vị tiền tệ của thời đó) và một người lao động phổ thông không kỹ năng kiếm được khoảng một đồng denarius mỗi ngày. Như vậy, 1 talent là giá trị của ba mươi năm làm việc của một người bình thường.
[2] Trong dụ ngôn nổi tiếng về những nén vàng được thánh sử Mátthêu tường thuật (25: 14-30), Chúa Giêsu kể về ba người đầy tớ mà khi lên đường đi xa, người chủ đã giao phó tiền bạc của mình. Hai trong số họ đã làm tốt, vì họ đã nhân đôi nén vàng họ đã nhận được. Tuy nhiên, người thứ ba đã giấu số tiền nhận được trong một cái lỗ. Về nhà, chủ gọi các đầy tớ để giải trình về những gì ông đã giao phó cho họ, trong khi ông đánh giá cao những gì hai người đầu tiên đã làm, ông thất vọng với người thứ ba. Trên thực tế, người đầy tớ đó, luôn giấu kín nén vàng của mình mà không đánh giá cao nó, đã tính toán sai: anh ta cư xử như thể chủ của mình sẽ không bao giờ trở lại, như thể không có ngày ông chủ hỏi anh ta về cách anh ta đã “quản lý” món quà nhận được.
[3] Năm nay, ngày 15 tháng 11 chính xác là ngày Chủ nhật thứ sáu trước lễ Giáng sinh: chính xác là ngày bắt đầu mùa vọng theo nghi lễ Ambrôsiô. Trong thời gian gần đây hơn, nghi thức La Mã đã rút ngắn khoảng thời gian này xuống "chỉ" còn bốn ngày Chủ nhật, và điều này giải thích sự khác biệt về lịch và những chữ "mùa vọng theo nghi lễ Rôma", bắt đầu vào ngày 29 tháng 11 năm 2020.


(Nguồn: https://zenit.org/2020/11/13/archbishop-follo-the-talent-is-the-love-that-the-lord-has-for-each-of-us-and-our-response-is-love/)
 
Câu Chuyện Dòng Sông Và Người Chết Hai Lần
LM. Giuse Trương Đình Hiền
11:05 14/11/2020
Câu Chuyện Dòng Sông Và “Người Chết Hai Lần”

(Lễ Thánh Giám Mục Stêphanô Theodore Cuénot Thể - 14.11.2020)

Trong bài hát “Ngụ Ngôn Mùa Đông” của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, chúng ta đọc thấy những ca từ với một đoạn “tứ ngôn” như để dẫn vào một chuyện kể:

Một ngày mùa đông

Một người Việt Nam

Ra bên dòng sông

Nhớ về cội nguồn

Nhớ về đoạn đường

Từ đó ra đi…

Và đoạn tiếp sau đó lại có hai câu:

Người chết hai lần,

Thịt da nát tan…

Hôm nay, cũng “một ngày mùa đông”, bên dòng sông Gò Bồi đang mùa nước lũ, một ngày mà hình như cơn bão thứ 13 “Vamco” đang gào thét ngoài Biển Đông và đang trên đường chực chờ “đáo địa”, anh chị em chúng ta, những người Kitô hữu của giáo phận Qui Nhơn, cũng đang “về bên dòng sông, nhớ về cội nguồn”, để tưởng niệm đến một “Người đã chết hai lần, thịt da nát tan”; vâng, một con người, một chủ chăn, đúng hơn, một vị thánh, mà trong bài giảng lễ về vị thánh nầy năm 2010, Đức Cha Matthêô, người kế vị thứ 21 trên “ngai tòa Chủ chăn giáo phận” sau thánh Giám mục Cuénot, đã tóm tắt: “một tấm gương đức tin kiên trung, một tưởng niệm đài vô hình về lòng nhiệt thành tông đồ, một khuôn mặt kiệt xuất của một nhà tổ chức đại tài, một hình ảnh của một người cha khả ái…”.

Quả thật, chỉ với một dòng ngắn ngủi nầy, Đức Cha Matthêô đã cho chúng ta thấy được 4 nét cơ bản để làm nên một vị Tông Đồ, một mục tử trọn hảo của Hội Thánh nơi Vị Giám Mục Tử đạo của chúng ta: đức tin kiên trung, lòng nhiệt thành tông đồ, nhà tổ chức đại tài, người cha khả ái.

Và những nét trên lại chính là những “điểm nhấn” mà sứ điệp Lời Chúa hôm nay muốn chuyển tải đến cộng đoàn chúng ta; hay nói cách khác, cuộc đời của Thánh Giám Mục Cuénot Stêphanô chính là “bài thuyết minh sinh động” sứ điệp Lời Chúa mà chúng ta vừa nghe, và là tiếng gọi mời để chúng ta cùng nhau tiến bước theo vết chân người trên cuộc lữ hành hôm nay.

Trước hết, trích đoạn sách ngôn sứ Giêrêmia đã minh họa chân dung của một người có đức tin kiên trung vào Thiên Chúa như sau: “Phúc thay cho người tin tưởng vào Thiên Chúa, và Chúa sẽ là niềm cậy trông của họ. Họ sẽ như cây trồng nơi bờ suối, cây đó đâm rễ vào nơi ẩm ướt, không sợ gì khi mùa hè đến, lá vẫn xanh tươi, không lo ngại gì khi nắng hạn mà vẫn sinh hoa kết quả luôn”.

Trong khi đó, vị chủ chăn của chúng ta, Thánh Stêphanô, đã trải qua 10 năm linh mục (1825-1835) và 26 năm trên ngai tòa giám mục (1835-1861), dòng dã suốt 36 năm liên tục gắn liền với thập giá bách hại, từ Minh Mạng, qua Thiệu Trị tới Tự Đức… mà sự khắc nghiệt và tàn khốc đã lên tới đĩnh điểm với chiếu chỉ “Phân Sáp” 1861 cũng là năm định mệnh để “hạt lúa mì Stêphanô” vĩnh viễn được gieo trong lòng đất mẹ Qui Nhơn. Chính nhờ đức tin kiên trung vào sự quan phòng và tình yêu của Thiên Chúa mà thánh Cuénot đã vượt qua muôn vàn đau thương khốn khó để lèo lái con thuyền giáo phận trong suốt chặng đường bách hại và trung thành với sứ vụ Tông Đồ cho đến hơi thở cuối cùng. Đúng là một cuộc đời đã “đâm rễ sâu trong đức tin” nên “mùa hè đến, lá vẫn xanh tươi, … khi nắng hạn vẫn sinh hoa kết quả”. Và đó cũng là con đường mà Thánh Phaolô đã chọn và đã đi đến tận cùng như tâm sự ngài đã sẻ chia cho người môn đệ dấu yêu Timôthêô: “Cha đã chiến đấu trong trận chiến chính nghĩa, đã chạy đến cùng đường và đã giữ vững đức tin”.

Chính trên nền tảng đức tin kiên trung đó, vị chủ chăn của chúng ta đã không quản ngại bất cứ gian lao nào, thách đố nào, hiểm nguy nào để dấn thân trong công cuộc loan báo Tin Mừng, như lịch sử giáo phận đã khắc họa bằng đôi nét đan thanh: “Từ Quảng Nam, Đức cha di chuyển vào Quảng Nghĩa và ẩn mình tại nhà thầy Ngoan ở Phú Hòa độ 5 tháng. Sau đó ngài lần vô Bình Định, và ẩn trốn tại Bến Đá, Gia Hựu và Gò Xoài hơn một năm. Tại Gia Hựu ngài truyền chức linh mục cho cha Lợi và cha An. Từ Gia Hựu, ngài lần lên giáo họ Đồng Hâu, ẩn mình tại nhà ông Nhơn gần một năm, truyền chức linh mục cho cha Nhàn. Cuối cùng, ngài đến Gò Thị thuộc vùng Tam Thuộc và sẽ ở lại đó cho đến suốt đời”. Đó không phải là “nhiệt thành tông đồ” thì phải gọi là gì đây? Và chắc chắn, khi mang ngọn lửa nhiệt tâm tông đồ xông pha trên những nẻo đường bách hại, vị chủ chăn của chúng ta đã cảm nhận và xác tín như vị Thánh Tông Đồ Dân ngoại ngày xưa: “Nhưng có Chúa phù hộ giúp sức cho cha, để nhờ cha, việc giảng đạo nên trọn, và tất cả Dân Ngoại được nghe giảng dạy: và cha đã thoát được khỏi miệng sư tử. Nguyện cho Người được vinh quang muôn đời”.

Nhưng nếu chỉ có đức tin và nhiệt tình tông đồ thì có lẽ chưa đủ để lèo lái, giữ gìn và phát triển một cộng đoàn giáo phận Đông Đàng Trong rộng lớn và bị dày xéo không thương tiếc bởi các cuộc bách hại. Chỉ cần điểm lại một vài công trình mục vụ trong thời gian Đức Cha Cuénot chăm sóc giáo phận, chúng ta sẽ nhận ra ngài là một nhà tổ chức đại tài, một người cha khả ái: Triệu tập Công nghị Gò Thị (1841), đào tạo chủng sinh (mở thêm các chủng viện Tùng Sơn, Mương Lỡ, Làng Sông; gởi chủng sinh du học Penang…), phong chức linh mục (56 người), đào tạo các thầy giảng, phát triển Hội Dòng Mến Thánh Giá, mở mang truyền giáo tại Tây nguyên cho các anh em dân tộc….

Tất cả công trình đó phải chăng đã hàm chứa trong chính lời truyền dạy của Chúa Kitô Phục sinh dành cho Vị Mục Tử Phêrô ngày xưa trên bờ hồ Tibêriat: "Con hãy chăn dắt các chiên con và chiên mẹ của Thầy” cùng với lời đáp trả đầy khiêm hạ của anh dân chài xứ Galilê: “Thưa Thầy, Thầy biết mọi sự: Thầy biết con yêu mến Thầy”.

Chúng ta vừa “về bên dòng sông” và “nhớ lại cội nguồn” sau khi điểm qua vài nét cuộc đời của Thánh Giám Mục Cuénot dưới ánh sáng Lời Chúa; còn chuyện “người chết hai lần, thịt da nát tan”, chúng ta phải trở về đêm định mệnh cách đây 159 năm: vâng, vị chủ chăn của chúng ta đã âm thầm tắt hơi trong ngục tối Bình Định đêm 14.11.1861, trước khi đón nhận hai bản án tử hình: Án trảm quyết từ triều đinh Huế gởi vô sau khi ngài chết 1 ngày và án “đào mồ ném xác xuống sông” sau đó 3 tháng.

Và “câu chuyện dòng sông” đã kết thúc thật đẹp, như những lời cuối của bài Văn Tế tôn vinh ngài:

Noi bước Thầy xưa, đường thập giá, vẹn tình Cha đắng cay xin chấp nhận..

Theo gương người cũ, đồi khổ nạn, trọn ý Chúa gian khổ chẳng từ nan.

Ngục tối âm u,

Gông cùm nhứt nhối.

Cát bụi trần gian, thân xác kia, giữa dòng sông thôi đành gởi lại.

Quê hương thiên quốc, linh hồn nầy, trong tay Cha nhất quyết xin trao…!

Nếu như “câu chuyện của người tử tội trên đồi Canvê” vẫn được nhắc mãi và sống mãi giữa lòng Dân Chúa thì “câu chuyện dòng sông” của người mục tử mang tên Cuénot Stêphanô cũng phải được kể, được nhắc nhở, nhất là, được viết lại, được làm chứng nơi cuộc đời sống đạo của thế hệ con cháu Qui Nhơn chúng ta theo dấu bước của ngài.

- Bởi vì đã là người Kitô hữu thì phải luôn xác tín: Phúc thay cho người tin tưởng vào Thiên Chúa.

- Bởi vì đã dấn thân vào con đường của Chúa Kitô thì phải can đảm “chạy đến cùng đường và đã giữ vững đức tin”.

- Bởi vì đã được Chúa Giêsu yêu mến và ân trao sứ vụ thì phải trung thành đáp trả: “Thầy biết con yêu mến Thầy”.

Chắc chắn, thập giá thời nào cũng có; đau khổ hy sinh ai cũng phải một lần đi qua. Vì thế, hôm nay, chúng ta cùng nguyện xin Thánh Stêphanô cầu thay nguyện giúp, để một lần nữa, thế hệ cháu con của Ngài là tất cả chúng ta đây, cũng biết can đảm chọn lựa như ngài: “OMNIA PER CRUCEM”, “TẤT CẢ NHỜ THẬP GIÁ”, cho dẫu có phải “chết hai lần” hay “thịt da nát tan”. Amen.

Trương Đình Hiền

 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
17:07 14/11/2020

23. Người không biết nói những lời gì khác, mà chỉ biết nói việc của Thiên Chúa thì thật có phúc.

(Thánh Hieronimus)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Trích dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")


--------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
17:14 14/11/2020
82. TRÂU DỊCH QUA SÔNG

Có một ông thầy giáo tên là “Quá Giang過江” (1) .

Một lần nọ, ông ta đưa ra một câu đối và bắt học trò đối lại:

- “Cách hà tịnh mã”.

Học trò nghe chữ “tịnh並” thì tưởng chữ “bệnh病” nên mở miệng đối lại:

- “Trâu dịch qua sông (過江瘟牛)” (2).

Thầy giáo nghe như thế thì dở khóc dở cười.

(Thời Hưng tiếu thoại)

Suy tư 83:

Trong cuộc sống có rất nhiều điều bất ngờ xảy ra mà không ai lường trước được, cũng có những sự việc chắc ăn như hai với hai là bốn thế nhưng rồi cũng bất ngờ đảo lộn, thì huống gì là cái tên gọi trùng nhau hoặc ý nghĩa giống nhau, cái quan trọng là khi làm việc, khi nói năng chúng ta có để ý đến cho khỏi bị người khác bắt bẻ, chế giễu vì lời nói của mình hay không mà thôi, bởi vì khi sự vui vẻ đến quá độ thì ăn nói bốc đồng, dễ khiến cho những người không thích mình hoặc chống đối Giáo Hội có cớ để nhạo báng...

Quá giang là qua sông, “trâu dịch qua sông” là câu đối của học trò vì đã nghe không rõ lời của thầy mà đối sai, đã làm cho thầy giáo “méo mặt” vì phạm húy “Quá Giang” tên của mình.

Cũng vậy, những ai thường nghe bộp chộp, nghe không rõ mà không hỏi lại kỷ càng, thì cũng sẽ làm cho người khác méo mặt và hiểu lầm vậy.

Lấy tài ba của mình ra thử người khác chơi thì coi chừng, nếu ăn nói không rõ ràng thì cũng sẽ có ngày “phạm húy” nặng mà ân hận suốt đời...

(1) “Quá giang過江” là qua sông.

(2) “Quá giang ôn ngưu” là “trâu dịch qua sông過江瘟牛”.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


---------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Chúa trên hết - God first
Lm. Nguyễn Xuân Trường
21:00 14/11/2020
CHÚA TRÊN HẾT – GOD FIRST

Ai cũng sợ chết thích sống. Vậy mà các Thánh Tử Đạo Việt Nam lại sẵn sàng chịu chết vì đức tin. Tại sao vậy? Thưa vì các ngài đặt Chúa lên trên hết, God First.

1. Tin Chúa hằng sống. Bài Sách Thánh thứ nhất kể chuyện bà mẹ anh hùng can đảm khuyên 7 đứa con sẵn lòng chịu chết chứ không chịu phạm Luật vì bà tin vào Thiên Chúa hằng sống: Chúa tạo dựng sự sống, Chúa nuôi sống, dù có phải chết thì các con bà vẫn được hưởng sự sống đời đời nơi nhà Chúa. Bà trọn vẹn đặt niềm cậy trông vào Chúa hằng sống.

2. Yêu Chúa trên hết. Bài Sách Thánh thứ hai thánh Phaolô quả quyết: Dù sự chết hay sự sống cũng không tách được chúng ta ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa. Trong đời, một khi trai gái đã yêu đến độ phải lòng nhau, thì dù có đánh có mắng, có dọa giết thì họ vẫn cứ quấn quýt lấy nhau, có trời mà gỡ ra được. Trong đạo cũng thế, một khi người ta đã đã yêu Chúa trên hết mọi sự thì bất kể gian khó bách hại nào cũng không thể dập tắt lòng mến Chúa của họ được.

3. Sống chết vì Chúa. Chúa Giêsu công bố: “Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo. Ai liều mất mạng sống mình vì tôi, thì sẽ cứu được mạng sống ấy.” Một khi đã tin nhau yêu nhau tha thiết mãnh liệt, tin Chúa yêu Chúa trên hết mọi sự, thì người ta sẵn lòng sống chết vì nhau, yêu nhau vui vẻ chấp nhận thương đau. Điều này mới hiểu được tại sao các thánh tử đạo lại hân hoan đi ra pháp trường như đi dự tiệc.

Lạy Các Thánh Tử Đạo Việt Nam, xin cho chúng con tiếp bước noi gương các ngài để đặt niềm tin yêu Chúa trên hết mọi sự. Amen.

----- Trân trọng giới thiệu 3 phút video chia sẻ Lời Chúa Chúa Nhật 33 thường niên A
https://youtu.be/W6g7-lEIKps?t=260
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Massimo Introvigne: Yên chí đã hạ gục được Donald Trump, hết đối thủ là người sống, Tập Cận Bình quay sang tấn công kẻ chết
Đặng Tự Do
16:14 14/11/2020


Trong tiểu thuyết Kim Dung và trong các phim kiếm hiệp của Tầu, có một nhân vật được gọi là “Độc Cô Cầu Bại”. Hắn ta đánh bại mọi anh hùng hảo hán trong giới giang hồ, nên luôn khát khao tìm một đối thủ có thể đánh gục mình, gọi là “Độc Cô Cầu Bại” là vì thế.

Massimo Introvigne là một học giả Ý nổi tiếng về các vấn đề Trung Hoa. Ông từng là chủ tịch của Đài quan sát Tự do Tôn giáo, do Bộ Ngoại giao Ý thành lập nhằm theo dõi các vấn đề về tự do tôn giáo trên phạm vi toàn thế giới.

Trong bài viết mới nhất đăng trên tờ Bitter Winter, nghĩa là “Mùa Đông Khắc Nghiệt”, một tạp chí chuyên nghiên cứu về tình trạng bách hại và vi phạm tự do tôn giáo tại Trung Quốc, Massimo Introvigne cho rằng ngày nay Tập Cận Bình cảm thấy không ai còn sống trên cõi đời này có thể được xem là đối thủ của mình. Thành ra, Đại Đế Tập Cận Bình, một thứ Độc Cô Cầu Bại của thời đại mới cảm thấy hết đối thủ là người sống, chính vì thế hắn quay sang tìm đối thủ trong số những người đã chết. Massimo Introvigne cho biết Tập Cận Bình đang chiến đấu với kẻ thù mới là Thành Cát Tư Hãn.

Ở Nội Mông, các bia đá về vị hoàng đế vĩ đại này đã bị tạt sơn hoặc thậm chí bị phá hủy ở Hô Luân Bối Nhĩ và chân dung của ông bị xóa khỏi trường học, trong khi Đảng Cộng sản Trung Quốc cố gắng viết lại lịch sử.

Tập Cận Bình vừa tìm ra kẻ thù mới để “thanh lý”: Đó là Thành Cát Tư Hãn, người sáng lập một đế chế với diện tích lớn nhất trong lịch sử nhân loại vào thế kỷ thứ 13. Thành Cát Tư Hãn chắc chắn không phải là một con người của hòa bình, nhưng tội lỗi chính của ông ta đối với Đảng Cộng sản Trung Quốc gồm hai tội danh chính này: ông ấy người Mông Cổ và đã nhiều lần đánh bại các hoàng đế Trung Quốc.

Cho đến gần đây, ký ức về Thành Cát Tư Hãn vẫn là niềm tự hào đối với người dân sống ở Nội Mông, và Bảo tàng Nội Mông ở Hô Hồ Hạo Đặc đã tập hợp một bộ sưu tập các tài liệu và các tác phẩm nghệ thuật nổi tiếng quốc tế đề cập đến đến nhà chinh phạt vĩ đại này.

Tuy nhiên, Tập Cận Bình đang làm cho mọi thứ phải thay đổi. Một mặt, chủ tịch Trung Quốc đang cố gắng viết lại lịch sử, hạ thấp tất cả các yếu tố và nhân vật trong lịch sử Trung Quốc không phải là người Hán. Mặt khác, Tập Cận Bình cũng tin rằng đã đến lúc phải “vô hiệu hóa” Nội Mông và xóa sổ ngôn ngữ Mông Cổ, cũng như văn hóa Mông Cổ, trong đó Thành Cát Tư Hãn là một biểu tượng. Trong các cuộc biểu tình phản đối luật mới nhằm hạn chế việc sử dụng ngôn ngữ Mông Cổ ở các trường học trong các khu vực ở Nội Mông, các học sinh và sinh viên đã tự hào lưu giữ những bức chân dung của Thành Cát Tư Hãn.

Các sinh viên ở Nội Mông đã thách thức Đảng Cộng sản Trung Quốc bằng cách giương cao một bức chân dung của Thành Cát Tư Hãn trong buổi lễ Quốc khánh Trung Quốc hôm 1 tháng 10 vừa qua.

Bitter Winter được biết rằng để trả thù cho vụ này, trong một tháng qua, mười bốn tấm bia đá tóm tắt câu chuyện về cuộc đời của Thành Cát Tư Hãn và những thành tựu của ông đã bị tạt sơn hoặc phá hủy tại Quảng trường Thành Cát Tư Hãn ở quận Hải Lạp Nhĩ của thành phố cấp tỉnh Hô Luân Bối Nhĩ, ở Nội Mông, bất kể các cuộc biểu tình của người dân địa phương. Bitter Winter đang nắm trong tay các tài liệu đã xảy ra ở Hô Luân Bối Nhĩ qua các hình ảnh độc quyền.

Bitter Winter cũng được biết rằng tại một trường trung học ở Hải Tây Đằng Kỳ Xí thuộc quyền quản lý của thành phố Đầu Nhi cũng ở Nội Mông, chân dung của Thành Cát Tư Hãn và các khẩu hiệu quảng bá văn hóa Mông Cổ đã bị thay thế bằng chân dung của các nhân vật Hán, cũng như lịch sử và các khẩu hiệu quảng bá văn hóa Hán.

Tháng trước, một cuộc triển lãm về “Thành Cát Tư Hãn và Đế chế Mông Cổ” ở Bảo tàng Lịch sử Nantes, bên Pháp đã phải hủy vào giờ chót do áp lực từ Đại sứ quán Trung Quốc. Đại sứ Trung Quốc đã yêu cầu xóa khỏi cuộc triển lãm các từ ngữ như “Thành Cát Tư Hãn”, “Mông Cổ” và “Đế chế”. Rõ ràng là nếu xóa bỏ như thế thì không còn gì cả, nên ban tổ chức quyết định hủy bỏ. Điều đáng buồn và đáng âu lo là ngày nay nhiều quốc gia trước đây ở trong chiến hào bảo vệ tự do tôn giáo đang dần trở thành các đồng minh chiến lược của Bắc Kinh. Đó là nói cho dễ nghe. Nói khó nghe hơn một chút, họ đang trở thành các chư hầu của đế chế Trung Hoa đỏ.

Cuộc chiến chống lại Thành Cát Tư Hãn chỉ là một chương khác trong nỗ lực hoang tưởng của Đảng Cộng sản Trung Quốc nhằm xóa bỏ bất cứ thứ gì không thuộc về người Hán, “vô hiệu hóa” những di sản ấy bên trong biên giới Trung Quốc và trên thế giới, và thậm chí loại khỏi chính lịch sử Trung Quốc.


Source:Bitter Winter
 
Lựu đạn khói? Vatican xác nhận có nói chuyện giữa ĐGH và Biden nhưng không xác nhận ai gọi cho ai.
Trần Mạnh Trác
21:24 14/11/2020
Theo tin cuả ZENIT (thông tấn xã Công Giáo tiếng Anh) thì đã có một cuộc điện đàm giữa Giáo hoàng Phanxicô và Tổng thống đắc cử Hoa Kỳ Joe Biden vào ngày 12 tháng 11 năm 2020.

Nhưng Văn phòng Báo chí Tòa thánh đã không xác nhận nội dung cuộc gọi như thế nào và ai đã gọi cho ai!

Phải chăng đây là một cách nói “ngoại giao” rằng ông Biden đã khởi sự cuộc gọi?

Được biết cuộc bầu cử ở Hoa Kỳ đang có nhiều căng thẳng khi chính quyền cuả ông Trump còn tranh chấp kết quả và đang cáo buộc nhiều vụ kiểm phiếu ở nhiều tiểu bang quan trọng đã không được thực hiện một cách hợp pháp.

Dù cho thế thì vị chủ tịch cuả Hội Đồng Giám mục Hoa Kỳ, TGM Los Angeles Đức Cha José H. Gomez, đã vội vàng gọi chúc mừng đến ông Joe Biden.

Nhiều nhóm Công Giáo cấp tiến như Church Militants cũng loan truyền rằng Đức Giáo Hoàng Phanxicô có vẻ như muốn chọc tức ông Donald Trump, khi không gọi chúc mừng ông này vào năm 2016, nhưng mà đã gọi điện sớm suả cho ông Joe Biden để “chúc mừng và chúc phúc” dù cho kết quả bầu cử vẫn còn trong vòng tranh cãi.

Theo Giáo sư Paul Kengor, là một nhà khoa học chính trị kiêm tác giả cuả nhiều sách tiểu sử viết về các Giáo hoàng và các Tổng thống, thì “nếu thực sự chính xác là Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã không chúc mừng ông Donald Trump vào năm 2016, thì điều này dường như là một tiêu chuẩn kép. Điều này cũng sẽ làm dấy lên những nghi ngờ về việc Đức Phanxicô ủng hộ những người theo chủ nghĩa tự do cấp tiến và một chương trình chính trị cánh tả, trong khi coi thường những người bảo thủ ”.

Riêng tại Ý thì ông Biden đang giấy lên những nghi ngờ. Các phương tiện truyền thông cuả Hội Đồng Giám mục hiện đang đề cập đến những lời bình luận gần đây của ông Biden về biến đổi khí hậu và chống đói nghèo và cho đó là những lời lẽ phù hợp với các thông điệp của Đức Giáo Hoàng Phanxicơ như là Laudato Si và Fratelli Tutti.

Tuy nhiên, thông cáo của các giám mục Ý cũng cho biết ông Biden ủng hộ các chủ nghĩa chuyển giới và “hôn nhân” đồng tính là đi ngược với giáo lý cuả Giáo Hội Công Giáo.

Và nhất là về vấn đề phá thai:

Cặp Biden-Harris được gọi là “những người ủng hộ phá thai nhiều nhất trong lịch sử”. Theo tuyên ngôn năm 2020 của Đảng Dân chủ thì họ hứa hẹn sẽ “khôi phục nguồn tài trợ liên bang cho Chế độ kế hoạch hoá gia đình”, “phản đối và đấu tranh để lật ngược các luật liên bang và tiểu bang vốn là rào cản đối với quyền sinh sản của phụ nữ” và “bãi bỏ Tu chính án Hyde, đồng thời bảo vệ và hiến pháp hoá Roe v. Wade.”
 
Bênh vực công lý và Giáo Hội
Buồn Vui Trong Tù Việt Cộng
Đinh Văn Tiến Hùng
13:24 14/11/2020
Buồn Vui Trong Tù Việt Cộng

Học giả Nguyễn văn Vĩnh phê bình trong tạp chí Đông Dương về thói quen hay cười của người Việt như sau :
“ An-Nam ta có một thói lạ là thế nào cũng cười. Người ta khen cũng cười, người ta chê cũng cười. Hay cũng hì, mà dở cũng hì, phải cũng hì, quấy cũng hì. Nhăn răng hì một tiếng mọi việc hết nghiêm trang.”

Lão Hồ tặc khen thơ của tên bồi bút Huy Cận :
“ Cám ơn chú biếu bác quyển thơ,
Bác xem quyển thơ suốt mấy giờ,
Muốn bác phê bình, khó nói quá,
Bài hay chen lẫn với bài vừa. “

Ta nghĩ gì về hai lời khen chê trên đây?

Lời chê của Nguyễn văn Vĩnh có phần khắt khe chủ quan, tuy buồn nhưng ta cũng mỉm một nụ cười.
Còn lời khen của lão Hồ thì thua câu ca dao chú bé ê a trên mình trâu, như một bức tranh khôi hài khiến ta Buồn cười.

Ở đời truyện Vui cười nhiều hơn truyện Buồn cười. Nhưng trong trại tù Việt cộng lại có phần nghịch lý vì Buồn cười lại ‘áp đảo’ Vui cười.
Tôi đã trải qua gần mười năm khổ nhục trong các trại tù từ Nam ra Bắc nên nhập tâm biết bao câu truyện Buồn cười.

Tên thủ tướng Việt cộng cử nhân giấy trường đảng đã sáng chế ra cách phát âm tiếng nước ngoài vượt xa tên Bùi Hiền muốn đổi văn hóa nước ta sang văn hóa tàu cộng. Ma-de-in (made in), Bờ-lờ-mờ (BLM)...vì theo tên Phúc cách Việt hóa tiếng nước ngoài như thế ‘bình dân học vụ’ hơn.

Đây chỉ là những câu truyện khôi hài cán ngố coi mình là ‘Đỉnh cao trí tuệ’ mua vui bạn đọc giải sầu, còn bao nỗi đắng cay khổ cực mà người tù bị đầy đọa trong ngục tù việt cộng các bạn đồng tù đã nói đến nhiều rồi.

Trong tù có hai loại thực phẩm đặc sản ‘chất lượng’ là khoai mì và khoai lang dùng quanh năm, thái mong đem phơi khô dự trữ trong kho. Để lâu lên men xanh lè ăn đắng ngắt, nhưng cán ngố nói cũng còn nhiều chất bổ dưỡng vì 5 củ khoai bổ bằng 1 quả trứng gà đấy.
Đang hì hục dàn trải phơi khô những lát khoai mỏng, bỗng mây
đen kéo đến phủ bầu trời báo hiệu sắp đổ mưa. Tên lính già hồ la lớn chỉ vào anh bạn tù :
-Anh này chạy vào kho mau lên ! Lấy loại bao ma-de-in ra đây !
Người bạn vào kho loay hoay tìm kiếm rồi chạy ra :
-Bá cáo cán bộ không thấy loại bao đó !
Tên cán ngố bực mình càu nhàu rồi vào kho mang ra một đống bao ném xuống quát to :
-Các anh là những sĩ quan khoe khoang có học mà không biết loại bao này cả thế giới đều dùng, nhất là các nước anh em như Liên sô, Trung quốc.
Chúng tôi Buồn cười cùng ồ lên một tiếng thì ra là bao ‘ma-de-in’.
Như vậy chúng tôi đã biết loại sáng chế phát âm đặc sắc này trước tên thủ Phúc gần nửa thế kỷ rồi.

2-Những ngày đầu vào trại tù, chúng tôi được phát mỗi người mấy trang giấy để làm bài ‘tự kiểm’, kể lại tiểu tiết 3 đời dòng họ từ ông cố nội đến bố mẹ. Rồi đến lý lịch và tội ác với nhân dân của chính mình gây ra.
Thật là nhiêu khê, không có tội cũng phải kiếm ra tội, vì thế có vài anh con ông cháu cha thuộc loại lính kiểng thành phố, cũng phịa ra vài trận đánh đông dẹp bắc cho oai, nhưng vô tình chính mình lại ghép tội mình. Cùng chung trại chúng tôi có một Linh Mục Tuyên úy tính rất cương trực, vui vẻ hoạt bát, viết trong tờ tự kiểm : cấp bậc, số quân, đơn vị và kết thúc là không có tội gì cả. Ngày hôm sau cha được gọi lên cán bộ ‘chấp pháp’ ta gọi là an ninh. Tên cán bộ trông già tuổi đảng, mặt bủng xanh chắc chui trong rừng núi quá lâu, nhìn đối tượng uy hiếp phủ đầu :
-Anh mang ‘quân hàm’ đại úy, ở một quân chủng ác ôn lại nói là không có tội ai mà tin.
Cha bình thản trả lời :
-Tôi chỉ giúp về tinh thần cho binh sĩ, không cầm súng chiến đấu.
Tên cán bộ lên mặt dạy đời :
-Tội anh còn lớn gấp nhiều lần những tên ngụy cầm súng giết người. Trước khi những tên này ra trận anh còn làm phép chúc lành được thắng trận, giết nhiều nhân dân.
Thấy vị tuyên úy không trả lời hắn bồi thêm :
-Tôi thường thấy anh nhỏ to với từng người tù để ban phép tha tội, thật hồ đồ ! Tội anh đảng và nhà nước chưa tha mà anh lại tha tội cho người khác. Anh về suy nghĩ ‘thành khẩn’ khai báo lại đầy đủ và ‘khẩn trương’ nộp bài tự kiểm. Câu chuyện Buồn cười trên tôi đã được cha chia sẻ trong tâm tình riêng tư.
Sau này khi ra tù, chúng tôi thường lui tới thăm nhau và trong bữa cơm thân mật tại gia đình trước khi tôi đi định cư Hoa Kỳ, cha cho biết đã từ chối đi tị nạn theo diện HO. Cha muốn ở lại để giúp đỡ tín hữu và Giáo hội VN trong hoàn còn cần nhiều chủ chăn.

3-Sau 1 tuần viết bản tự kiểm, chúng tôi bắt đầu ‘lên lớp’ học chính trị với những bài kể tội Mỹ ngụy đã được soạn trước do trung ương đảng đưa xuống dạy cho tất cả các trại tù. Tên chính trị viên nói thao thao sùi bọt mép, chắc đã học thuộc lòng từ trước…
Nghỉ 15 phút trở vào, hết phần kể tội Mỹ ngụy là phần dương cao thành tích đảng’

Vào ngày 23/7/1980, các loa phóng thanh được mở hết cỡ, ca tụng thành tích ‘hoành tráng’ của chiến sĩ lái Phạm Tuân đã cùng 2 phi hành gia Liên xô được phóng vào vũ trụ trên con tàu Soyur 37, để thí nghiệm các mẫu khoáng chất trong tình trạng không trọng lực. Riêng Phạm Tuân đem bèo hoa dâu lên gây giống và nếu ‘đáp án’ thành công ta có thể trồng đại trà và mang cả lợn lên nuôi. Rồi đây nhân dân ta ăn thịt không hết, có thể xuất khẩu qua các nước anh em. Rộ lên tràng cười và tiếng vỗ tay kéo dài. Buổi học tạm ngưng một lúc để theo dõi chuyến bay ‘ké’ lịch sử này.
Anh bạn ngồi bên tôi thì thầm : ‘cũng là một loại làm lơ như lơ xe đò thôi có gì lạ đâu’.

Được cổ võ nhiệt tình, tên giảng viên cao hứng tiếp tục :
-Các anh có nghe 2 vị nữ anh hùng nhân dân ta là đồng chí Nguyễn thị Bình và Nguyễn thị Định đã xuất sắc đóng góp to lớn vào việc ‘bình định’ đất nước không?
Câu hỏi không cần trả lời vì tên này cũng biết dùng 2 tên ‘lính cái’
ghép lại 2 chữ ‘bình định’ để khoe khoang tuyên truyền bịp bợm.
Hết truyện trong nước, hắn còn mở rộng tầm hiểu biết ra tận nước ngoài khi nhắc đến hai thằng 1- răng và 1- rắc ( Iran, Iraq ) không yêu chuộng hòa bình như ta, cứ hăm dọa đánh nhau.

Truyện người, truyện ta, đến truyện mình, tên chính trị tự đắc hỏi:
-Còn các anh có gì cần ‘giải tỏa’ cứ hỏi tôi sẽ giải ‘đáp án’ cho.
Một anh bạn giơ tay hỏi :
-Cán bộ so sánh hai miền Nam Bắc thấy thế nào?
-À câu hỏi hay đấy nhé ! Tôi đã có dịp vào Nam ‘giao lưu’học tập với cán bộ MTGP. Miền Nam đúng là ‘phồn vinh giả tạo’ toàn đồ phế thải thằng Mỹ để lại. Này nhé, tôi thấy ‘Sữa Honda’ đem ra bán lề đường bụi bẩn thật không vệ sinh. Ngoài Bắc rửa rau có ao rộng rãi nước trong xanh tha hồ tắm giặt. Miền Nam chật chội đưa rau rửa trong một cái lỗ tròn, trước khi bỏ chạy còn mắc thêm sợi giây để đánh bẫy, đụng vào đồ ăn chui đi đâu mất.
Tôi chợt nghĩ : Thật là cán ngố chữ tác đánh ra chữ tạc, dấu hỏi đọc thành dẫu ngã, làm gì có ‘Sữa Honda’, đấy là nơi Sửa xe Honda bố ạ !
Còn rửa rau sao lại bỏ vào bồn cầu, lại ngu bỏ mẹ táy máy giật giây đồ biến mất còn gì.
Hắn còn phê bình nhà cửa Mỹ ngụy xây mất trật tự, không ngay hàng thẳng lối như miền Bắc. Miền Bắc rộng rãi thênh thang, nhà cửa xa nhau thoáng mát. Tài nguyên ‘chất lượng’ nhiều mỏ vàng, bạc, có cả kim cương nhưng chưa khai thác. Còn dầu lửa thì ê hề, cứ cắm ống xuống đất là dầu phút lên khắp nơi…

4-Mấy năm sau các bác sĩ VNCH từ các trại tù Miền Bắc được gọi về làm việc lại, vì các bác sĩ việt cộng trình độ như y tá Nguyễn tấn Dũng không đọc được các hướng dẫn về thuốc bằng tiếng nước ngoài và không biết sử dụng máy móc, y cụ tối tân. Trại không còn bác sĩ săn sóc bệnh nhân, nên anh em đề nghi với cán bộ để một Đại đức Tuyên úy Phật Giáo biết về Đông Y thay thế. Đại đức còn rất trẻ chưa đến 30, nhỏ nhắn trắng treo, hòa ái như chú tiểu Lan trên chùa Long Giáng trong truyện Hồn Bướm Mơ Tiên của Khái Hưng và thày cũng thường phụ với bác sĩ mới được về, nên ban ‘khung’ trại chấp thuận.

Tôi và thày cùng đội nhà bếp. Tôi và người bạn phụ trách giã gạo cho gia đình bộ đội, còn tù ăn khoai không cần giã. Hai người giã gạo đứng
cuối thân cây nằm dài, đầu kia gắn chiếc vồ cũng bằng cây. Hai người giã đạp chân nhún nhảy lên xuống để chiếc vồ đập xuống giã gạo trong lòng cối, tay phải bám vào giây phía trên khỏi ngã ( giải thích 1 chút cho các cháu sinh tại Mỹ như thằng Tý cháu tôi biết về chiếc cối thời tiền sử này vì chúng chưa được trông thấy bao giờ.)

Tôi không thề ngờ 20 năm sau còn nhìn lại hình ảnh bà bác và chị họ giã gạo trong đêm hòa cùng tiếng kinh cầu. Người tù ốm o kéo chiếc xe ba-gác chở gạch, gò người quị gối kéo xe gạch vượt đồi về trại xây khu biệt giam cho chính mình và anh em tù. Tôi đã thấy 2 phụ nữ và một cụ già kéo cầy thay trâu…Những hình ảnh này vẫn còn nguyên sơ như thời đồ đá mà nhiều người gọi là thời đồ đểu.

Những lúc giã gạo xong, tôi thường theo Đại đức vào rừng kiếm những loại rau mà thày biết là ăn được để tăng thêm chút dinh dưỡng vào chảo canh sơ mít muối. Còn thày tìm kiếm những lá làm thuốc. Hai người đang lom khom tìm kiếm, bỗng trời đỏ mưa, chúng tôi vội quàng tấm nhựa chạy vào hốc cây trú mưa.
‘Tranh thủ’ lấy ra mấy củ khoai ăn trưa, tôi hỏi thày :
-Thày học thuốc Đông Y do ai truyền dạy?
-Sư phụ tôi dạy và cũng đọc thêm sách để tìm hiểu.
Anh cứ hỏi và đừng gọi tôi là thày hay Đại đức, mình là bạn tù mà.
- Nếu thày cho phép tôi xin gọi là anh. Vì mỗi sáng anh em tù xếp hàng trước khi đi lao động, tôi thấy anh thường đem ra hai chảo thuốc, một chảo đặc và một chảo loãng, tại sao phải phân biệt như thế? Anh mỉm cười trả lời : -- Chảo đặc cho người bệnh, chảo loãng cho người chưa bệnh.
Đây là thuốc tâm lý có bệnh thì bớt bệnh, chưa bệnh thì thấy khỏe thêm đôi chút. Anh thấy chiếc vườn Đông Y tôi trồng nhiều loại rau thơm dùng nấu hai chảo thuốc bổ đó đấy, nhưng bí quyết này chỉ hai anh em mình biết với nhau thôi nhé, cấm bật mí cho người thứ ba.
Sau này chúng tôi phải chia tay nhau chuyển qua trại khác, những tôi vẫn nghĩ đến vị Đại đức thật đôn hậu dễ mến.

5-Người ta thường biện luận 2 câu nói trái chiều nhau ‘Anh hùng tạo thời thế hay Thời thế tạo anh hùng?’. Tôi không phải người ba phải nhưng chủ trương thuyết trung dung. Vì hai nguyên lý thường hỗ trợ cho nhau mới dễ thành công.

Đọc trong sử Việt, cậu bé nghèo, nhưng không buồn tủi Đinh Bộ Lĩnh cỡi trâu tập trận bông lau, mà sau dẹp loạn 12 sứ quân hùng cứ, lập nên sự nghiệp vẻ vang- Hưng Đạo Đại Vương vang danh 4 bể, gác những mối buồn xích mích trong vương phủ, qui tụ được nhiều danh tướng, 3 lần đánh tan đại quân Nguyên Mông, giữ yên non sống bờ cõi- Quang Trung Nguễn Huệ bỏ qua chuyên bất hòa giữa 3 anh em, cùng chung sức nhất quyết đánh tan quân Thanh, đạt chiến thắng vẻ vang, đem lại thanh bình cho dân tộc trong Mùa Xuân Kỷ Hợi 1783- Nguyễn Trãi theo cha là Nguyễn Phi Khanh bị bắt giải về Tàu, đến cửa Nam Quan cha ông quay lại nói rằng : “ Con hãy cười lên, gác nỗi buồn riêng tư quay gót trở về Nam trả thù cho cha và rửa hận cho nước.” Vâng lời cha. Nguyễn Trãi tìm đến giúp Lê Lợi khôi phục lại Giang Sơn và lưu lại hậu thế quyết sách ‘Bình Ngô Đại Cáo’ làm kim chỉ nam mưu lược thắng quân thù.- Ông Ngô Đình Diệm tài đức vẹn toàn, buồn vì đất nước phân ly, dân tình cực khổ, từ bỏ đời sống nhàn hạ nước ngoài, trở về nước giữa lúc dầu sôi lửa bỏng, thù trong giặc ngoài, quấy phá tan hoang, can trường
đứng lên xây dựng nền Đệ Nhất Viêt Nam Cộng Hòa đem lại đời sống thanh bình no ấm cho dân tộc…

Nhưng ta không thể kể hết được biết bao tấm gương hy sinh cho Tổ quốc dân tộc mà khi nhắc đến họ dòng máu con tim dân Việt dâng trào niềm hãnh diễn và cảm phục…
Xin trở lại đề tài cuộc sống khổ cực trong chốn tù đầy cộng sản, buồn mà vẫn vui sống.

6-Nổi bật nhất là Hồng Y Nguyễn văn Thuận vẻ vang dân Việt, một tù nhân kiệt xuất vẫn luôn tươi cười với cai tù. Ngài dùng thời gian miệt mài gọt giũa những sợi kẽm gai tạo thành cây Thánh Giá và những tờ lịch vứt bỏ viết thành tác phẩm tuyệt vời ‘ Đường Hy vọng ‘ Người tù bị biệt giam 13 năm, sau trở thành Hồng Y Tổng trưởng Công lý Hòa bình trong Giáo triều Roma.

Rồi các nhạc sĩ sáng tác những bản tù ca buồn thương- Nhiều ngục sĩ lưu lại những vần thơ đầy uất hận như Nguyễn chí Thiện…Những bàn tay không chuyên nghiệp tạo ra nhạc cụ như vĩ cầm, tây ban cầm, ống sáo, chiếc trống …phối hợp thành một ban nhạc sống động quên buồn trong các đêm văn nghệ. Những chiếc ống điếu hút thuốc lào giải sầu. Những mảnh bom vỡ vụn biến thành chiếc lược chải đầu hay vòng đeo tay có chạm khắc hoa văn và tên vợ con hay người yêu, làm quà kỷ niệm trong buổi thăm nuôi chóng qua đầy xúc động.
Phải chăng bao nỗi buồn đã trở thành những niềm vui san sẻ cho nhau?

Viết đến đây tôi lại nhớ đến một truyện Buồn cười ‘liên hệ’ đến 2 bạn tù. Một anh sĩ quan gốc người Miên, khi đang theo học tại trường Mỹ nghệ Điêu khắc, anh đã chạy thoát chế độ diệt chủng tàn bạo của Pol Pot. Sang Viêt Nam anh tình nguyện gia nhập đơn vị Dân sự chiến đấu tại trại biên phòng do người Mỹ hỗ trợ, vì có học anh được cử làm Đại đội trưởng. Khi quân đội Mỹ rút về nước, các trại DSCĐ được chuyển sang Biệt Động Quân biên phòng và anh được cải tuyển thành sĩ quan, nên bị việt cộng bắt đi tù cùng với các sĩ quan QLVNCH. Anh không có thân nhân thăm nuôi, nhưng có tài điêu khắc, khi đi lao động trong rừng anh lượm những mảnh bom hay gỗ mun gẫy vụn đem về trại trạm trổ các vị thần Khmer. Thán phục tài năng và giúp phần nào cho anh, các bạn tù nhờ khắc tượng Phật, tượng Chúa hay Đức Mẹ…và chia sẻ cho anh ít quà thăm nuôi.
Một hôm sau ngày lao động, cán bộ đưa tù ra tắm ngoài suối trước khi về trại. chợt tên cán ngố thấy một anh đeo trước ngực bức tượng nhỏ, tiến tới hỏi :
-Anh kia đeo ai trước ngực đó?
Anh ngập ngừng suy nghĩ rồi trả lời :
-Thưa cán bộ ông Mác đấy ạ !
- Sao anh biết là cụ Mác lại có râu ria mà làm?
-Tôi xem trong báo cán bộ chính trị mang xuống ‘lán’ cho mượn đọc.
- Vậy anh tự làm hay anh nào làm cho anh?
- Tôi tự làm lấy.
- Giỏi đấy ! Tên coi tù khen rồi bước đi giục tù tắm ‘khẩn trương’ để về.
Tôi với anh bạn tù khá thân, nên ngày hôm sau tôi hỏi anh :
-Có thật là ông Mác không?
Anh mỉm cười, nhưng vẻ hơi buồn và hối hận :
-Thú thất với bạn lúc đó mình hơi run, lại sợ Chúa bị bắt nộp và còn liên lụi đến anh bạn người Miên, nhưng mình thấy lương tâm thổn thức như có ai gọi, nên thì thầm trong lòng “Xin Chúa hãy tha thứ cho con, vì con không muốn bán Chúa như tên Giu-đa phản bội xưa đâu !“
Hơn 40 năm qua hiện tôi vẫn còn giữ lại một kỷ vật quí từ trong tù mang về cũng do anh người Miên khắc hộ, đó là tượng ‘ Đức Mẹ Đen’
nhỏ bé xinh đẹp đã được làm phép. Tôi treo ảnh Đức Mẹ nơi bàn viết để nhớ lại những kỷ niệm vui buồn trong tù và câu truyện Buồn cười của hai bạn tù xưa.

7-Tết là ngày Lễ truyền thống của dân tộc, khắp nơi tràn đầy hình ảnh vui tươi ‘hồ hởi và hoành tráng’. Nên trong tù cũng mang không khí tuy buồn cười mà cũng vui, nào là quét dọn sạch sẽ, trang hoàng khẩu hiệu, gói bánh chưng, làm báo liếp, thể thao, văn nghệ, chiếu phim.
Những ai ở trong các ban bệ nêu trên được nghỉ lao động 3 ngày để chuẩn bị và tập dượt. Tôi nhờ có chút tài mọn được anh em bầu làm trưởng báo liếp (làm gì có tường xây gạch) Tôi chọn 1 anh viết chữ đẹp và 1 anh biết vẽ. Sau đó xin cán bộ quản giáo cung cấp giấy, bút mực và hồ gián. Riêng hồ tên cán bộ nói xuống nhà bếp lấy. Anh tù bếp trưởng mỉm cười nháy mắt đổ đầy bột vào lon ghi-gô. Thế là 3 chúng tôi được một bữa ‘bồi dưỡng’ bột, chỉ cần để lại một ít gián báo.

Doanh trại được quét dọn sạch sẽ, trang hoàng cờ và khẩu hiệu.
Ngoài cổng chính hàng chữ màu đỏ giữa 2 lá cờ máu : “Chúc Mừng năm Mới “. Trong hội trường dưới hình già hồ ‘ Bác Hồ vĩ đại sống mãi trong sự nghiệp chúng ta.”. Trước các ‘lán trại’ những hàng chữ nhàm chán : ‘ Không có gì quí hơn độc lập tự do- Học tập tốt lao động tốt- Lao động là vinh quang, vui xuân không quên học tập lao động tốt- Nam Bắc vui xuân không quên ‘phấn đấu tiến mau tiến mạnh lên xã hội chủ nghĩa…”
Trại tù giữa núi rừng biên giới, tiếp tế khó khăn, thực phẩm khan hiếm, không có thịt heo, gạo nếp và đường để gói bánh chưng, nên đội nhà bếp sáng chế ra một loại bánh chưng không đâu có bằng ‘ bột khoai mì, nhân khoai lang ‘.

Chương trình 3 ngày mừng xuân cũng nổi đình đám như ai :
-Mùng 1 Tết : Sáng tập trung tại hội trường nghe thư chúc Tết của chủ tịch nước gởi đồng bào toàn quốc- Tiếp theo là trưởng trại ngỏ lời chúc
xuân đến cán bộ và gia đình cùng các trại viên (tù nhân)- Rồi đến đại diện trại viên chúc lại các cán bộ.
Buổi chiều thi đua thể thao như kéo giây, cờ tướng và đặc biệt là màn đấu bóng chuyền ‘giao lưu’ giữa cán bộ và trại viên, kết quả phần thắng
3-1 về phe ta tuy thiếu dinh dưỡng nhưng chơi rất ‘nóng bỏng’ và đoạt cúp 10 bao thuốc lá Cửa Lò và 10 chiếc bánh chưng hảo hạng.( màn thi bóng chuyền này, phe ta với tinh thần thượng võ cũng nhường cho địch thủ thắng 1 bàn để khỏi mất mặt. )

-Mùng 2 Tết : Buổi sáng trình diễn văn nghệ ‘hoành tráng’ tại hội trường với nhiều tiết mục do toàn nam chuyển giới như đơn ca, song ca, đồng ca, hài kịch…nhưng 2 mục được cổ võ nhiều nhất bằng những tràng pháo tay náo động là Ca Vũ khúc ‘Tiếng chày trên sóc Băm-bo’ và ‘Táo cải tạo du xuân’ gồm đủ 3Đ là (Đồng hồ- Đài phát thanh và xe Đạp) Những ‘đặc sản’ mà các cán ngố mơ ước khi mới vào Nam (các vật quí này do cán bộ cho mượn, nhưng hứa phải ‘’quản lý nghiêm túc” khỏi phải ‘thu phí’ khi trả lại cho chủ nhân.)
Buổi tối là xem chiếu phim gồm 3 bộ :’ Chiến thắng Điện Biên- Giải phóng Miền Nam và bác Hồ với thiếu nhi ’ – Phim quá cũ hay đứt đoạn, giọng thuyết minh vẫn hăng say tự hào. Nhưng đó là công lao đáng biểu dương của đội tù trực phải lội bộ lên huyện xa 10 cây số gồng gánh đem về.

-Mùng 3 Tết với mỹ từ giả tạo ‘trồng cây nhớ ơn bác’. Mỗi người được giao 100 gốc khoai mì, hì hục đào hố trên đồi đá để trồng, mãi đến khi trời tắt nắng mới xong. Về trại mệt nhoài, phần ăn thường ngày vẫn là hai củ khoai. Còn chiếc bánh chưng đặc biệt cuối cùng ngày Tết phải giành hôm sau cho 1 ngày lao động kiệt lực.

Đốt một điếu thuốc thả hồn thơ buồn trong khói, tương lai mờ khuất trong màn đêm. Thương cho kiếp sống mình và những bạn tù bị biệt giam nơi hốc đá trong đêm lạnh buốt ! Nụ cười buồn khép kín đến bao giờ !

Trong màn đêm, tôi chợt nhớ đến câu ‘Buồn vào hồn không tên’ trong bài ‘Nửa đêm ngoài phố’ của nhạc sĩ Trúc Phương và lời thơ ‘ Tôi buồn không hiểu vì sao tôi buồn’ trong bài thơ ‘Chiều’ của Xuân Diệu được nhạc sĩ Phạm Duy phổ nhạc mang tên ‘Mộ khúc’.- Tôi không đồng ý với 2 thi nhạc sĩ nêu trên, vì họ sống trong một không gian đầy mộng mơ trong lúc sáng tác. Còn chúng tôi, nhưng người tù đang sống khổ nhục nơi đây, có cái buồn rất nghiệt ngã. Buồn vì đất nước mất đi cuộc sống thanh bình no ấm. Buồn vì tuổi trẻ mất đi một thời tươi đẹp nhất đang nở hoa, nhưng cũng mỉm cười để sống không chỉ cho mình và cho cả thế hệ mai sau.

Phần đông, những anh em tù như chúng tôi qua đất nước mới tuổi đã xế chiều, cần giúp đỡ gia đình làm lại cuộc sống, không thể tiếp tục cáp sách đến trường để có 1 văn bằng cho cuộc đời khả quan hơn. Nhưng phải chấp nhận vui sống, hỗ trợ cho con cháu trưởng thành vươn lên đóng góp trả ơn cho quê hương thứ hai với những tướng lãnh, khoa học gia và các chuyên viên …xuát sắc trong mọi lãnh vực.
Chúng tôi tựa như những cây bon-sai, cội gốc xù xì cũng cố chồi lên những nụ hoa góp đẹp cho đời.

Đến đây truyện lan man vui cười trong ngục tù việt cộng đã dài, xin kết thúc bằng 1 truyện Buồn cười bên lề nhà tù :

Xưa kia triết gia Hy Lạp Socrate rất nổi tiếng, nhưng nhà nghèo, nên ngoài 50 tuổi ông mới kết hôn với người đàn bà trẻ đẹp, nhưng dữ dằn như ‘Sư tử Hà đông’.
Ông dạy học không lấy tiền nên càng nghèo túng. Một hôm đang ngồi đàm luận với môn sinh, bà vợ chửi rủa ầm ĩ, ông vẫn thản nhiên như không có gì xảy ra. Bà vợ tức điên lên cầm cả chậu nước té vào mặt ông. Dù buồn nhà hiền triết không hề phản ứng, một lúc sau ông mới điềm tĩnh mở nụ cười nói với môn sinh : “ Sau cơn sấm xét thì lại có mưa giông.”

Đọc câu truyện trên bạn nào đã cưới vợ chằn tinh, tuy buồn nhưng vẫn phải cười mà sống. Còn những ai không muốn đến trường hay phải mua bằng ‘ Triết giả’ như các cán ngố cầm quyền, hãy học theo Socrate.
-Ngồi buồn mà trách ông xanh,
Khi vui muốn khóc, buồn tanh lại cười (*)
Trong tù cay đắng một thời,
Biết bao buồn khổ vẫn cười đấy thôi !

ĐINH VĂN TIẾN HÙNG
(*) Ghi chú : Trích 2 câu đầu trong bài thơ ‘ Vịnh cây thông ‘ của Nguyễn công Trứ.
- Vì thời gian đã lâu soi mòn trí nhớ, mong Quí vị và Huynh Đệ đồng tù bỏ qua những gì sai sót.
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Người Công Giáo có tin vào chuyện có ma quỷ không? Giáo huấn của Giáo hội về Luyện ngục
Emily Nguyễn
17:37 14/11/2020


Nhân dịp tháng Các Linh Hồn, chúng ta, những người Công Giáo, hãy cùng nhau tìm hiểu về những gì về cái gọi là “thế giới huyền bí” mà rất nhiều người, đặc biệt là giới trẻ hiện nay say mê kiếm tìm. Nhan nhản trên mạng, người ta thấy những bài viết, những video Youtube làm về cái gọi là “tâm linh”, trong đó là vô số những điều liên quan đến thế giới vô hình đầy ma mị như nghi thức gọi hồn, cầu cơ, giải bùa, trị vong nhập v.v... với số lượng độc giả càng tăng cao khi mức độ ma quái của video càng lớn. Nhưng khi trí tò mò của con người bị cuốn hút bởi những hiện tượng thần bí của thế giới siêu hình, có mấy ai để ý đến lời thánh Phêrô đã căn dặn chúng ta về ma quỷ: “Anh em hãy sống tiết độ và tỉnh thức vì ma quỷ, thù địch của anh em, như sư tử gầm thét, rảo quanh tìm mồi cắn xé” (1 Pr 5:8)?

Để cùng nhau tìm hiểu về thế giới vô hình với ma, quỷ là những vật thể mà chúng ta luôn bị thu hút và muốn tìm hiểu - dưới ánh sáng và theo quan điểm của Giáo Hội Công Giáo- để không bị dẫn dụ sang bên kia lằn ranh giới nơi ma quỷ luôn sẵn sàng chào đón chúng ta bước qua bằng những cạm bẫy khôn khéo quỷ quyệt dưới danh nghĩa “khám phá tâm linh” và “tiếp xúc với cõi âm”, mời quý vị cùng đọc bài viết của Adam Blai, chuyên gia về bộ môn tà ma và trừ quỷ, thuộc tổng giáo phận Pittsburgh ở tiểu bang Pennsylvania. Ông hiện là thành viên Hiệp Hội Trừ Tà Quốc Tế tại Roma trong nhiều năm qua. Ông cũng là tác giả của cuốn “Ma ám, Quỷ ám và Trừ Quỷ”, một cẩm nang hướng dẫn cho mọi người áp dụng trong trận chiến chống lại những thế lực ma quỷ.

Do Catholics Believe in Ghosts?: Church Teaching on Purgatory

By Adam Blai

Người Công Giáo có tin vào chuyện có ma quỷ không? Giáo huấn của Giáo hội về Luyện ngục


Giáo Hội Công Giáo luôn minh định về sự tồn tại của linh hồn trong cơ thể con người, một giá trị trước Thiên Chúa, và là một tình trạng vĩnh cửu trên thiên đường hay địa ngục. Người Công Giáo cũng tin vào một chốn gọi là luyện ngục: một tình trạng tạm thời để linh hồn của người qua đời dù đã vượt qua phần phán xét riêng nhưng vẫn còn vướng mắc chút tội lỗi tạm thời có cơ hội được chuộc tội trước khi được đến trước nhan thánh. Trong Giáo hội vẫn có truyền thống là dâng lễ và cầu nguyện cho người chết để thúc đẩy tiến trình thanh luyện này cho nhanh chóng hơn.

Nhiều vị thánh, khi còn sống, đã viết về chuyện những linh hồn hiện ra để xin các ngài cầu nguyện, sám hối, hoặc ý lễ để qua đó họ được đền bù tội lỗi mình đã phạm khi còn sống. Sau khi đã thực hiện những điều trên, thánh nhân đó thường được phép thăm viếng những linh hồn này lần cuối trước khi họ về trời. Có rất nhiều sách được Giáo hội chấp thuận mô tả các trường hợp linh hồn hiện ra với người còn sống để báo hiệu nhu cầu cầu nguyện của họ.

Mặc dù các linh hồn trong luyện ngục đôi khi được phép nói chuyện với các vị thánh, nhưng điều đó thường không xảy ra với người bình thường. Kinh Thánh từng nói rõ về việc tìm cách tiếp xúc để trò chuyện với người đã chết bị cấm đoán ra sao (Đnl 18: 10–13). Làm như vậy thể hiện sự mất tin tưởng nơi Thiên Chúa khi tìm cách qua mặt Ngài và thay vào đó là tìm kiếm sự giúp đỡ của một hồn ma hoặc một người trung gian (nhà ngoại cảm) như một nguồn an ủi, hướng dẫn hoặc thông tin. Đây chính là một vi phạm của điều răn đầu tiên trong Mười Điều Răn.

Trong trường hợp những thánh nhân đã từng nói chuyện với các linh hồn, họ không triệu hồi các linh hồn hoặc tìm kiếm sự hướng dẫn, thông tin, hoặc sự an ủi từ những linh hồn này. Một khi linh hồn xin được cầu nguyện, việc giữa hai bên sẽ dừng lại. Điều thú vị đáng ghi nhận là trong hầu hết các trường hợp của những nhà điều tra về hiện tượng siêu nhiên khi giao tiếp với các vong hồn, điều đầu tiên họ thường được nghe các linh hồn nói là: “Hãy giúp tôi”. Đáng buồn thay, hầu hết mọi người lại không biết cách cầu nguyện cho người chết như thế nào, và vì vậy không có sự giúp đỡ nào được đưa ra. Bất cứ sự giao tiếp nào vượt quá hạn mức này gần như chắc chắn chỉ là sự lừa dối từ phía ma quỷ.

Một số dấu hiệu tiêu biểu cho thấy có sự hiển hiện của linh hồn người đang còn trong luyện ngục là âm thanh của một người cứ đia qua đi lại, một mùi vị liên quan đến người đó, tiếng gõ trên vách tường và, trong trường hợp của những người tự tử, là cảm giác nặng nề và buồn bã trong khu vực xảy ra vụ tự tử. Hầu như luôn luôn không có lời nói nào của những linh hồn này ngoài cụm từ “Giúp tôi” hoặc “Có” để trả lời cho câu hỏi “Anh chị em có cần được cầu nguyện cho mình không?” Các linh hồn trong luyện ngục luôn biết rõ về việc Thiên Chúa cấm (người còn sống) tìm kiếm thông tin từ người chết (Đnl 18:9–14; Lv 19:31 và 20:6; Is 8:19) và do đó họ sẽ không bao giờ lôi kéo người sống vào việc phạm tội này khi để cho việc giao tiếp vượt quá nhu cầu xin lễ hoặc cầu nguyện.

Thể loại ma ám phổ biến nhất là trong trường hợp có linh hồn của người đã chết vì tự sát cũng như nạn nhân bị người khác giết chết. Những linh hồn này thường tạo ra một cảm giác rất mạnh và hiệu ứng của sự buồn rầu, trầm cảm và bất an gần nơi họ chết. Họ có thể gây ra một số biểu hiện, chẳng hạn như gõ hoặc đập vào thời điểm họ chết hoặc khi họ được nhắc đến trong câu chuyện. Chúng ta phải cẩn thận vì ma quỷ có thể lợi dụng một vụ tự sát hoặc giết người đã được biết rõ và giả làm nạn nhân tại ngay địa điểm đó. Ngoài ra, con quỷ đã từng giúp hoặc khuyến khích người ta giết người hoặc tự sát vẫn có thể còn ở đó. Các loại ma ám khác cũng thường xảy ra ngay trong nhà thờ và nhưng cơ sở liên quan đến tôn giáo như nhà xứ hay tu viện.

Trong nhiều trường hợp khi có người tiến hành những cuộc điều tra về hiện tượng siêu nhiên, đã có dấu hiệu cho thấy có cả sự hiện diện của những linh hồn trong luyện ngục và ma quỷ. Điều này xảy ra vì ma quỷ thường bị thu hút đến những nơi mà con người đã cố gắng giao tiếp với các vong hồn. Khi cố kiếm tìm những kiến thức huyền bí từ các vong hồn, con người mặc nhiên cho phép ma quỷ hiện ra và trả lời. Trong những tình huống này, thường có một giao tiếp thiết yếu ban đầu là “giúp tôi” — kế tiếp là tạm ngưng, và sau đó là một số giao tiếp mang tính cách khuynh đảo và sâu rộng hơn nữa. Trong tình huống này, ma quỷ chỉ đơn giản là lợi dụng một cánh cửa đã mở. Người ta thường mô tả về các tín hiệu ban đầu thường không thể bị phá hủy và nỗ lực của họ để đối thoại với vong hồn trong khi bị bám theo bởi những năng lượng tiêu cực và bạo lực khiến họ phải kêu gọi sự giúp đỡ của Hội Thánh.

Nếu một trường hợp có vẻ là do một linh hồn con người thực sự theo ám, biện pháp khắc phục thông thường là một Thánh lễ hoặc những kinh cầu hồn cho người chết [The Office of the Dead ] tại địa điểm đó. Thường thì việc dâng Thánh lễ taị nơi người đó qua đời là hiệu quả nhất, nhưng điều này không bắt buộc. Một Nghi Thức dành cho Kẻ Chết cũng đã được sử dụng trong nhiều trường hợp và đã thành công. Những kinh cầu này cần phải được nguyện với lòng bác ái và tình yêu thương. Những lời cầu nguyện bổ sung cũng có thể cần được thêm vào.


Source:St. Paul Center
 
VietCatholic TV
Thảm cảnh nhân sinh: Người chết bước đi – Dead man walking
Giáo Hội Năm Châu
05:20 14/11/2020

Năm 1993, một cuốn sách mang tựa đề “Dead Man Walking” tạm dịch là “ Hành Trình Cuối Cùng của Tử Tội”, do một nữ tu có tên gọi là Sơ Helen Prejean viết về đời sống và tâm tư của những người tù đang sống trong các trại giam chờ ngày thi hành án tử, đã đạt được sự thành công đáng kể: có số bán chạy nhất, được đề cử Pulitzer Prize, và dĩ nhiên, sự ủng hộ mạnh mẽ của các tôn giáo, đoàn thể và cá nhân đang tích cực chống đối án tử hình. Cuốn sách thậm chí đã gợi hứng cho sự ra đời của một cuốn phim cùng tên vào năm 1995. Và từ đó Sơ Helen Prejean bỗng trở thành nổi tiếng, nổi tiếng đến nỗi đạo diễn phim phải nhờ Sơ làm cố vấn cho các tài tử có thể đóng trọn vai trò của mình.

“Dead man walking” là cụm chữ thường xuyên được cai tù ở các trại giam xướng lên trước khi có một tử tội bước ra khỏi phòng giam lần cuối để được dẫn đến phòng nhận án tử. Có nhiều lý do được đưa ra để giải thích lịch sử của cụm chữ mang tính truyền thống pha chút tàn nhẫn này. Nhưng đa số đều đồng ý với nhau ở chỗ mục đích của việc xướng lên cụm chữ đó là để cảnh báo cho nhân viên và các phạm nhân khác biết rằng một tử tù đang trên đường đến nơi lãnh nhận cái chết dù muốn hay không, và mọi người đều phải biết mà đề phòng sự bất trắc có thể xảy ra vì tử tù thường là những người chẳng còn gì để mất, rất liều lĩnh và hung hãn, nên có thể trở nên bạo động và có những phản ứng điên rồ trước khi phải chết.

Hai vai chính được trao cho tài tử thượng thặng là Sean Penn và Susan Sarandon. Được biết chỉ riêng vai sơ Helen thôi đã đem lại cho bà Susan Sarandon hàng loạt giải thưởng cao quý về điện ảnh, mà trong đó giải Oscar (1996) là đáng kể nhất. Sean Penn cũng được đề cử nhận giải Oscar và đoạt nhiều giải thưởng quan trọng khác cho vai diễn của anh trong cuốn phim Dead Man Walking. Ngay cả đạo diễn và nhà soạn nhạc của cuốn phim cũng được đề cử nhận giải Oscar.

Cuốn phim với số vốn là 11 triệu đô la Mỹ đã thu về con số kỷ lục là 86.4 triệu đô, được những nhà phê bình phim ảnh đánh giá cao tới 94% về mức độ thành công. Những tờ báo lớn như The Los Angeles Times, Washington Post hết lời khen tặng, như “Cuốn phim manh tính cách thông minh, quân bình và thảm thương này đã phô bày cho ta thấy trận chiến khốc liệt giữa hai thế lực thiện và ác”

Một lần nữa, tên tuổi của tác giả lại được nhắc đến như một xác tín về sự thành công của đứa con tinh thần mà bà đã cưu mang trong suốt nhiều năm ròng rã bằng mồ hôi và tâm huyết của mình, hay nói đúng hơn, bằng kinh nghiệm sống thật của một người đã hiến mình cho tha nhân.

Tuy thế, tác giả -sơ Helen- vẫn cho rằng giải thưởng cao quý nhất dành cho cuốn phim và những người đã dốc toàn lực vào việc tạo ra nó vẫn thuộc về những người có cùng một quan điểm phò sinh như mình. Đó là những người vẫn ngày đêm tranh đấu để giá trị và nhân phẩm con người được tôn trọng, dù cho họ là người lương thiện hay bất hảo, để bản tính “thiện” của họ có cơ hội vượt thắng cái “ác” và từ đó sẽ giúp cho họ cơ hội nhìn lại chính mình và nhận chân sự thật, như kinh thánh đã nói “Sự thật sẽ giải thoát anh em”

Bình thường con người vốn nặng lòng xét đoán hay ngần ngại mỗi khi phải tiếp xúc huống hồ là thăm viếng hay an ủi những phạm nhân, nhất là tử tù. Người Ky tô giáo cũng không ngoại lệ. Chúng ta có khuynh hướng thích viếng thăm bệnh nhân, trẻ mồ côi, người già hay neo đơn, viếng thăm những người gặp thiên tai hay thảm cảnh, nhưng chẳng mấy ai mặn mà với điều răn “Viếng thăm kẻ tù rạc” nhất là những tội nhân mang án phạt nặng nề. Sơ Helen đã làm điều ngược lại, bà đã đến thăm viếng và làm bạn, thậm chí cố vấn tinh thần cho hàng loạt những phạm nhân hiện đang thụ án tử hình trong các trại giam trên đất Mỹ (khỏang 3000 người).

Sơ Helen là ai?

Thoạt nhìn người nữ tu đơn sơ giản dị, người lúc nào cũng điểm nụ cười vô tư trên môi, khó ai có thể hiểu sức mạnh “mềm” của bà đến đâu đối với đời sống tinh thần của những con người được xem là “đồ bỏ”, đáng nguyền rủa và xa lánh nhất trong xã hội. Những người mà quãng đời còn lại chỉ được tính bằng tháng hay vài năm, kể từ khi phán quyết sau cùng của tòa án hình sự được tuyên đọc. Thế nhưng, đối với sơ Helen, họ chính là bạn tâm tình, là người sơ viếng thăm và trò chuyện còn thường xuyên hơn cả chính người nhà của họ. Đối với sơ, họ vẫn là hình ảnh của Chúa lúc bị loài người ghê tởm và xa lánh. Chúng ta có thể lý giải rằng, vì sơ đã chọn Chúa là lẽ sống của đời mình nên sơ vui lòng xem đó là một vinh dự khi đến với họ để “đem ánh sáng vào nơi tối tăm, đem niềm vui đến chốn u sầu “. Hãy nghe lời tâm sự của sơ với ký giả của tờ St Anthony Messenger vào năm 1991: “Đối với tôi, hình tượng của Giáo Hội Chúa nằm ở cả hai bên tả và hữu của cây thánh giá, với cả người thân của nạn nhân lẫn thủ phạm gây ra tội lỗi đó”. Với suy tư đó, sơ vừa đến thăm phạm nhân để an ủi và khuyến khích họ giảng hòa với Thiên Chúa với con ngưới thật của chính họ, sơ cũng thành lập một hội có tên là “Survive” (có nghĩa là Sống sót) với mục đích giúp cho gia đình các nạn nhân xấu số của tội ác tại thành phố New Orleans đối phó với nỗi đau khổ và nhớ thương về người thân của họ đã bị tước đoạt mạng sống bởi những người tử tội mà sơ cố vấn. Được thừa hưởng tài ăn nói lưu loát của cha là một vị luật sư, cũng như bằng tình thương đơn sơ không ranh giới của một bậc tu hành, sơ Helen đã không gặp nhiều trở ngại gì trong việc bắc cầu thông cảm, hay ít nhất là lấp bớt hố sâu thù hận trong lòng người nhà của những nạn nhân nói trên. Điều này được thể hiện rõ trong cảnh quay kết thúc cuốn phim “Dead Man Walking” khi đạo diễn cho chiếu cảnh người cha của nạn nhân (là ông Lloyd LeBlanc ) quỳ bên sơ Helen cầu nguyện cho người tử tội (tức Patrick Sonnier) đã giết con ông một cách dã man mấy năm về trước.

Hạt giống đức tin đã nẩy mầm ra sao?

Chào đời vào ngày 21 tháng 4 năm 1939 trong một gia đình trí thức và nề nếp, cô bé Helen đã được nuôi dưỡng bằng đức tin Công Giáo của người cha là một luật sư và người mẹ, một y tá. Dường như Helen đã thụ hưởng cả tài hùng biện của cha lẫn trái tim rất nhân hậu của người mẹ, là những nhân tố trọng yếu giúp sơ hoàn thành sứ mạng biện hộ và phục vụ những thành phần bị coi là hạng phế thải của xã hội sau này.

Một đặc điểm trong đời sống gia đình của Helen lúc sơ còn thiếu thời là thói quen lần chuỗi Mân Côi của cả nhà vào mỗi buổi tối. Lòng sùng kính Đức Mẹ và thói quen lần hạt ấy đã theo sơ trong suốt quãng đời phục vụ. Sau này, sơ vẫn nhắc lại lòng biết ơn cha mẹ là những người kỹ sư tâm hồn tuyệt vời nhất, đã tạo nên và dạy dỗ sơ biết Chúa, biết yêu thương nhân loại bằng cả tấm lòng.

Năm 1957 khi vừa tròn 18 tuổi và gia nhập tu hội thánh Giu-se thành Medaille, sơ chỉ đưa ra được một lý do duy nhất là “Tình thương của cha mẹ tôi dành cho tôi quá lớn, mà nếu tôi không đáp đền tình thương ấy bằng cách đem chia sớt cho người khác thì thật là một thiếu sót trầm trọng”. Có lẽ cũng bởi sơ là người có trái tim bao la khác thường như vậy, mà sau hơn 2 thập niên vâng lời bề trên làm nhiệm vụ giảng dạy tại một trường trung học cấp 2 của nhà dòng, sơ Helen đã không thể ngờ được rằng ơn kêu gọi của sơ không chỉ đơn thuần có thế, khi được bề trên giao cho nhiệm vụ mới. Và sơ đã mặc nhiên chấp nhận bước vào cuộc thử thách mang tính đột biến, đầy cam go và hoàn toàn mới mẻ đối với một người vốn sinh ra và lớn lên chưa hế tiếp cận với bạo lực như sơ: đó là sứ vụ làm tuyên uý cho một trại giam những người chờ ngày lãnh án tử hình ở thành phố New Orleans.

Thật ra, khi trao cho sơ Helen trọng trách này -trong một dự án đặc biệt và mới mẻ được gọi là Dự Án Gia Cư Giu Se- Bề trên Jean Pierre Medaille đã nhìn ra ở sơ Helen một bản lãnh và lòng thương xót vô biên dành cho con người, là những vũ khí đặc biệt có thể xử dụng trong việc tranh giành những linh hồn tội lỗi đang chơi vơi giữa sự sống và cái chết về cho Chúa và những giá trị nhân bản, để tranh đấu cho họ nếu chịu một bản án bất công, và nếu thất bại, để cho họ trước khi cuộc sống phải bị kết liễu một cách bi thảm sẽ được “nhìn thấy một ánh mắt và gịong nói đầy cảm thông và quan tâm”.

Lạy Chúa, con đây!

Sơ Helen Prejean từ năm 1981 có thêm nhiệm vụ mới là trao đổi thư từ và thăm viếng những người tử tù đang chờ ngày lãnh án. Vào năm 1984 khi sơ lần đầu tiên được chứng kiến tận mắt cảnh hành quyết một người tử tù mà sơ vẫn viết thơ an ủi và động viên tinh thần, một ý nghĩ mới lại manh nha trong đầu người phụ nữ quả cảm và nhân hậu này: tranh đấu để loại bỏ án tử hình trên khắp tiểu bang Louisiana và toàn nước Mỹ vì tính chất dã man và bất công của nó.

Sơ tâm sự “Chứng kiến cảnh người tử tù này bị hành hình vào ngày 5 tháng 4 năm 1984 cũng như là lần rửa tội thứ 2 dành cho tôi vậy. Tôi không thể nào đứng nhìn người khác bị giết rồi mình bỏ đi như thế được. Như một bí tích thánh thể, kẻ bị hành hình đã để lại một dấu ấn hằn sâu trong trái tim tôi”.

Và cứ như thế, một sứ mạng mới được Sơ khởi xướng, đến nay đã trở thành một phong trào làn rộng khắp nước Mỹ với những hoạt động thuần tuý tôn giáo và đầy nhân bản như: giảng thuyết khắp nơi về bản chất phi nhân và phản đạo đức của án tử, viết thỉnh nguyện thư lên các nhà lãnh đạo quốc gia và tôn giáo xin ủng hộ việc loại bỏ án tử hình, tổ chức những buổi thắp nến cầu nguyện trước những trại giam có người sắp lãnh án tử, lập danh sách những phạm nhân có dấu hiệu oan ức trong vụ án v..v.. Trên trang nhà hiện nay của Sơ có danh sách những phạm nhân đang ngồi tù chờ ngày thụ án (trong đó có vài người Việt), những người bị kết án oan ức nhưng đã được tha bổng vì tìm ra chứng cớ ngoại phạm (hiện có tới 25 người, kể từ năm 1973 đến nay)

Thế nào là “yêu tha nhân như chính mình”?

Helen Prejean là một nữ tu, nhưng sơ không chỉ đơn thuần là người đem kinh thánh và lời cầu nguyện đến để “giảng đạo” cho những người bị thế gian xét đoán là tội lỗi, mà là một người đến để thực thi một điều răn mà bất cứ người tín hữu Ki Tô giáo nào cũng cảm thấy “nói dễ khó làm”: Đến để yêu thương và cầu cho linh hồn kẻ tội lỗi được tìm thấy sự thật, và khi tìm thấy được sự thật rồi sẽ lãnh nhận ơn tha thứ và cứu rỗi để dù mạng sống họ có bị lấy mất nhưng linh hồn họ sẽ ra đi trong thanh thản và quan trọng là sẽ được cứu rỗi, bởi lời hứa bất di bất dịch của Chúa Giê su trong Phúc Âm thánh Gioan (8:32): “sự thật sẽ giải thoát anh em”. Xa hơn nữa, sơ còn xử dụng chuỗi tràng hạt để tìm cả sự bình an và hoà giải cho những người ở hai thái cực của lòng thù hận là gia đình nạn nhân và thủ phạm như sơ đã từng tâm sự với ký giả của tờ Messenger.

Cuốn phim đoạt nhiều giải Oscar “Dead Man Walking” đã được kết thúc với cảnh sơ Helen đang lần hạt với người cha của nạn nhân như một biểu tượng của lòng vị tha và bác ái dành cho kẻ thù. Đó cũng là phản ảnh trung thực của những gì xảy ra ở ngoài đời giữa sơ và ông Lloyd LeBlanc, cha ruột của một cô gái trẻ bị chính người thủ phạm mà ông và sơ Helen đang cầu nguyện cho. Thói quen hàng tháng gặp mặt để chung lời cầu nguyện, cho đến bây giờ, Sơ và ông LeBlanc vẫn giữ.

Để thuyết phục được người khác làm được điều này, bằng một trạng thái an bình và tỉnh táo, phải chăng giáo hội cần đến một vị thánh sống? Sơ Helen thì không nghĩ vậy, mà chỉ cười thật giòn giã và trả lời rằng “Đó chính là do Chúa quan phòng đấy thôi”.

Bằng quan niệm “Nếu không có Chúa trong đời sống, thì không thể nào có mối quan hệ sống động giữa việc cho đi và nhận về” Sơ Helen đã xác tín sự quan phòng của Chúa đã định sẵn cho mỗi người trong chúng ta, bất kể là người thánh thiện hay kẻ tội lỗi, chỉ cần chúng ta nhìn nhận sự thật và mở cửa đón Ngài vào lòng mình.

Tìm Chúa ở đâu?

Khi mới nhận nhiệm vụ tiếp xúc và cố vấn tinh thần cho Matthew Poncelet ở trại tù Louisiana sơ Helen bị cuốn hút bởi những tình tiết có sức thuyết phục của người thanh niên mà sơ nghĩ là bị hàm oan này, và sơ đã không ngần ngại gõ đủ mọi cửa công cửa quyền để kêu oan cho anh ta. Cũng vì thế, Sơ trở thành đối tượng của nhiều lời đả kích và chê trách đến từ mọi phía, nhất là gia đình những nạn nhân của vụ án. Ai cũng cho là sơ đã bị Poncelet bịt mắt và bị lừa.

Một tháng trước khi lên ghế điện (xin mở một ngoặc kép tại đây là là tiểu bang Louisiana chỉ cho phép hành hình tội nhân bằng ghế điện, nhưng sơ Helen và đạo diễn phim muốn thay bằng hình thức chích thuốc độc cho bớt phần dã man), ngay khi mọi nỗ lực kháng án lên tận toà thượng thẩm Louisiana cũng đã thất bại, Poncelet còn cả quyết anh ta vô tội, và đổ hết lỗi cho đồng phạm của mình, bất chấp sự thách thức nhìn nhận sự thật của người cố vấn tinh thần mà anh coi như thân thích còn hơn cả thân nhân ruột thịt.

Nhưng đoạn kết của câu chuyện mới là điều đáng nói.

Như một sự lạ khó hiểu, Poncelet trong những ngày cuối cùng của đời mình, khi trầm ngâm lắng nghe những đoạn Kinh Thánh và thánh ca -đặc biệt là bài “Be Not Afraid” (Đừng sợ) của sơ Helen hát bên tai, đã thú nhận sự tham gia vào tội ác của mình, và nói lời xin lỗi với gia đình nạn nhân trước giây phút lên ghế điện “ Tôi hy vọng cái chết của tôi sẽ đem lại sự bình an cho gia đình của ông bà “ Sau đó Poncelet hóm hỉnh nháy mắt với sơ Helen đang ngồi lặng lẽ cầu nguyện với cánh tay hướng về phía anh từ ở bên kia tấm kính chắn trong phòng nhân chứng như muốn được thông phần với chặng thánh giá cuối cùng mà anh đang phải cố vác trong cuộc lữ hành trần thế, rồi ra hiệu cho nhân viên nhấn nút điện cao thế đưa anh vào cõi chết một cách bình thản.

Theo lời Sơ Helen viết trong cuốn tự truyện, lời thú nhận từ chính miệng của thủ phạm Poncelet đã có sức mạnh vạn năng làm biến đổi tất cả những thành kiến và ác cảm dành cho người tử tù vốn bị cho là hung ác và ngoan cố có hạng. Ai cũng ngạc nhiên tự hỏi có phải do sự thành tâm và kiên trì của sơ Helen đã hoán cải anh, khi Poncelet -từ một kẻ dường như chẳng biết sợ ai và trong nhiều năm chưa bao giờ tỏ vẻ hối hận về những tội ác đã gây ra cho nhiều người - lại có một sự thay đổi lạ kỳ như vậy?

Hay đó chính là một sự can thiệp nào cao hơn, mầu nhiệm hơn chỉ xảy ra khi một người tội lỗi biết khiêm tốn hạ mình nhận chân sự thật trước toà án lương tâm và trước mặt Đấng Phán Xét tối cao của muôn loài thụ tạo là Thiên Chúa? Câu trả lời chỉ có Poncelet biết.

Nhưng với những ai lòng tin tuyệt đối vào Chúa Quan Phòng đều hiểu được rằng, khi câu chuyện về cái chết của tử tù Poncelet đến tai chúng ta, thì hẳn trước mặt Chúa anh đã không còn là người tội lỗi nữa, đã có diễm phúc được hưởng ơn cứu rỗi như người tử tội trên đồi Calve năm xưa đã được Chúa Giê Su tha thứ và bảo rằng “Ngay hôm nay anh sẽ được vào nước Thiên Đàng với ta”
 
Bitter Winter: Nếu hạ gục được Tổng thống Trump, tiếp theo Tập Cận Bình sẽ làm gì?
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
16:12 14/11/2020

1. Bitter Winter: Yên chí đã hạ gục được Donald Trump, hết đối thủ là người sống, Tập Cận Bình quay sang tấn công kẻ chết

Trong tiểu thuyết Kim Dung và trong các phim kiếm hiệp của Tầu, có một nhân vật được gọi là “Độc Cô Cầu Bại”. Hắn ta đánh bại mọi anh hùng hảo hán trong giới giang hồ, nên luôn khát khao tìm một đối thủ có thể đánh gục mình, gọi là “Độc Cô Cầu Bại” là vì thế.

Massimo Introvigne là một học giả Ý nổi tiếng về các vấn đề Trung Hoa. Ông từng là chủ tịch của Đài quan sát Tự do Tôn giáo, do Bộ Ngoại giao Ý thành lập nhằm theo dõi các vấn đề về tự do tôn giáo trên phạm vi toàn thế giới.

Trong bài viết mới nhất đăng trên tờ Bitter Winter, nghĩa là “Mùa Đông Khắc Nghiệt”, một tạp chí chuyên nghiên cứu về tình trạng bách hại và vi phạm tự do tôn giáo tại Trung Quốc, Massimo Introvigne cho rằng ngày nay Tập Cận Bình cảm thấy không ai còn sống trên cõi đời này có thể được xem là đối thủ của mình. Thành ra, Đại Đế Tập Cận Bình, một thứ Độc Cô Cầu Bại của thời đại mới cảm thấy hết đối thủ là người sống, chính vì thế hắn quay sang tìm đối thủ trong số những người đã chết. Massimo Introvigne cho biết Tập Cận Bình đang chiến đấu với kẻ thù mới là Thành Cát Tư Hãn.

Ở Nội Mông, các bia đá về vị hoàng đế vĩ đại này đã bị tạt sơn hoặc thậm chí bị phá hủy ở Hô Luân Bối Nhĩ và chân dung của ông bị xóa khỏi trường học, trong khi Đảng Cộng sản Trung Quốc cố gắng viết lại lịch sử.

Tập Cận Bình vừa tìm ra kẻ thù mới để “thanh lý”: Đó là Thành Cát Tư Hãn, người sáng lập một đế chế với diện tích lớn nhất trong lịch sử nhân loại vào thế kỷ thứ 13. Thành Cát Tư Hãn chắc chắn không phải là một con người của hòa bình, nhưng tội lỗi chính của ông ta đối với Đảng Cộng sản Trung Quốc gồm hai tội danh chính này: ông ấy người Mông Cổ và đã nhiều lần đánh bại các hoàng đế Trung Quốc.

Cho đến gần đây, ký ức về Thành Cát Tư Hãn vẫn là niềm tự hào đối với người dân sống ở Nội Mông, và Bảo tàng Nội Mông ở Hô Hồ Hạo Đặc đã tập hợp một bộ sưu tập các tài liệu và các tác phẩm nghệ thuật nổi tiếng quốc tế đề cập đến đến nhà chinh phạt vĩ đại này.

Tuy nhiên, Tập Cận Bình đang làm cho mọi thứ phải thay đổi. Một mặt, chủ tịch Trung Quốc đang cố gắng viết lại lịch sử, hạ thấp tất cả các yếu tố và nhân vật trong lịch sử Trung Quốc không phải là người Hán. Mặt khác, Tập Cận Bình cũng tin rằng đã đến lúc phải “vô hiệu hóa” Nội Mông và xóa sổ ngôn ngữ Mông Cổ, cũng như văn hóa Mông Cổ, trong đó Thành Cát Tư Hãn là một biểu tượng. Trong các cuộc biểu tình phản đối luật mới nhằm hạn chế việc sử dụng ngôn ngữ Mông Cổ ở các trường học trong các khu vực ở Nội Mông, các học sinh và sinh viên đã tự hào lưu giữ những bức chân dung của Thành Cát Tư Hãn.

Các sinh viên ở Nội Mông đã thách thức Đảng Cộng sản Trung Quốc bằng cách giương cao một bức chân dung của Thành Cát Tư Hãn trong buổi lễ Quốc khánh Trung Quốc hôm 1 tháng 10 vừa qua.

Bitter Winter được biết rằng để trả thù cho vụ này, trong một tháng qua, mười bốn tấm bia đá tóm tắt câu chuyện về cuộc đời của Thành Cát Tư Hãn và những thành tựu của ông đã bị tạt sơn hoặc phá hủy tại Quảng trường Thành Cát Tư Hãn ở quận Hải Lạp Nhĩ của thành phố cấp tỉnh Hô Luân Bối Nhĩ, ở Nội Mông, bất kể các cuộc biểu tình của người dân địa phương. Bitter Winter đang nắm trong tay các tài liệu đã xảy ra ở Hô Luân Bối Nhĩ qua các hình ảnh độc quyền.

Bitter Winter cũng được biết rằng tại một trường trung học ở Hải Tây Đằng Kỳ Xí thuộc quyền quản lý của thành phố Đầu Nhi cũng ở Nội Mông, chân dung của Thành Cát Tư Hãn và các khẩu hiệu quảng bá văn hóa Mông Cổ đã bị thay thế bằng chân dung của các nhân vật Hán, cũng như lịch sử và các khẩu hiệu quảng bá văn hóa Hán.

Tháng trước, một cuộc triển lãm về “Thành Cát Tư Hãn và Đế chế Mông Cổ” ở Bảo tàng Lịch sử Nantes, bên Pháp đã phải hủy vào giờ chót do áp lực từ Đại sứ quán Trung Quốc. Đại sứ Trung Quốc đã yêu cầu xóa khỏi cuộc triển lãm các từ ngữ như “Thành Cát Tư Hãn”, “Mông Cổ” và “Đế chế”. Rõ ràng là nếu xóa bỏ như thế thì không còn gì cả, nên ban tổ chức quyết định hủy bỏ. Điều đáng buồn và đáng âu lo là ngày nay nhiều quốc gia trước đây ở trong chiến hào bảo vệ tự do tôn giáo đang dần trở thành các đồng minh chiến lược của Bắc Kinh. Đó là nói cho dễ nghe. Nói khó nghe hơn một chút, họ đang trở thành các chư hầu của đế chế Trung Hoa đỏ.

Cuộc chiến chống lại Thành Cát Tư Hãn chỉ là một chương khác trong nỗ lực hoang tưởng của Đảng Cộng sản Trung Quốc nhằm xóa bỏ bất cứ thứ gì không thuộc về người Hán, “vô hiệu hóa” những di sản ấy bên trong biên giới Trung Quốc và trên thế giới, và thậm chí loại khỏi chính lịch sử Trung Quốc.


Source:Bitter Winter

2. Giáo hội gửi thư hy vọng cho dân chúng trước cuộc khủng hoảng chính trị tại Peru

Trước tình hình khủng hoảng chính trị nghiêm trọng ở PerPeru u: tổng thống Martin Vizcarra đã bị quốc hội bỏ phiếu truất phế, các Giám mục gửi thư khích lệ hy vọng cho toàn thể dân chúng.

Sau một phiên họp lịch sử, quốc hội đã bỏ phiếu áp đảo bày tỏ sự bất tín nhiệm đối với tổng thống Martin Vizcarra. Ðây là một quyết định liên quan đến những cáo buộc về tham nhũng và cách đối phó đại dịch Covid-19 tồi tệ của của ông Vizcarra. Chủ tịch quốc hội Manuel Merino đã tiếp quản quyền lãnh đạo đất nước.

Thư của các Giám mục gửi cho toàn thể người dân Peru được công bố trên trang web của Hội đồng Giám mục. Các vị lãnh đạo Giáo hội bày tỏ lo lắng về số phận của quốc gia và các thể chế dân chủ, nhắc nhở dân chúng rằng đất nước cần nỗ lực của mỗi người để quốc gia được củng cố.

Các Giám mục nhấn mạnh rằng: “Trong bối cảnh hiện nay, cần phải đảm bảo tiến hành tổng tuyển cử vào tháng 4 tới và chuyển giao quyền lực vào tháng 7 năm 2021, cũng như ưu tiên cho tình trạng khẩn cấp về y tế, kinh tế và xã hội. Ðây là lúc cần phải từ bỏ lợi ích cá nhân hoặc lợi ích nhóm để thúc đẩy tái sinh kinh tế và xây dựng những con đường liên đới, huynh đệ và phát triển toàn diện. Ðã đến lúc phải lắng nghe người dân và hành động theo suy nghĩ của Peru”.

Các vị lãnh đạo Giáo Hội Công Giáo viết tiếp: “Hơn nữa, điều cần thiết và cấp bách là tiếp tục đấu tranh chống lại căn bệnh ung thư xã hội là sự tham nhũng, vì một Peru minh bạch và công bằng hơn”.

Hội đồng Giám mục trích lời của Ðức Thánh Cha Phanxicô đã tuyên bố trong chuyến thăm của ngài đến Peru, khích lệ những người có trách nhiệm cam kết đảm bảo an toàn cho người dân và đất đai của họ. Như thế, người dân có thể tin rằng đất nước là một không gian của hy vọng và cơ hội dành cho tất cả; để mỗi người Peru có thể cảm nhận được đất nước này là của mình, và có thể thiết lập tương quan huynh đệ và bình đẳng với người thân cận; một vùng đất nơi mọi người có thể thực hiện hoá tương lai cho mình.

Hội đồng Giám mục nhắc lại: “Giáo hội luôn muốn gần gũi với những người đau khổ và những người dễ bị tổn thương, xác tín rằng phẩm giá của con người, gia đình và công ích là những trụ cột của mọi xã hội, hướng tới tương lai của mình với trách nhiệm và hy vọng”.

Cuối cùng, các Giám mục mời gọi người dân Peru: “Ðể xây dựng một đất nước trong hòa bình, ngày càng nhân bản và huynh đệ hơn, xin anh chị em hãy cầu nguyện mỗi ngày. Chúng ta cầu xin ân ban Hòa bình, tình liên đới và tình huynh đệ trong đất nước. Bởi vì, linh hồn của một cộng đoàn được đo bằng khả năng ở bên nhau khi đối diện với nghịch cảnh và giữ niềm tin và hy vọng sống động”.

3. Dòng Tôi Tớ Ðức Mẹ chấm dứt hiện diện tại Ðức.

Sau 66 năm tái lập sự hiện diện tại Ðức, cụ thể là từ năm 1954, dòng Tôi Tớ Ðức Mẹ đã chấm dứt sự hiện diện tại Ðức. Đây là tin rất buồn cho Giáo Hội tại quốc gia này.

Dòng kỳ cựu này do bảy vị thánh, vốn là những thương gia tại thành phố Firenze, Italia, đứng đầu là thánh Morandi, sinh năm 1262, sáng lập hồi thế kỷ 13, chuyên cổ võ lòng tôn sùng Ðức Mẹ. Năm 1277, tu viện đầu tiên của dòng được thành lập tại Ðức và 22 năm sau trở thành tỉnh dòng Ðức. Trong thời cải cách của Tin lành, 17 tu viện của dòng bị xóa bỏ.

Năm 1954, dòng bắt đầu mở lại nhà tại Ðức, với tu viện Ðức Maria Lên Trời, tại Gelsenkirche-Buer ở miền bắc Ðức, và dần dần sau đó mở thêm ba nhà tại các thành phố khác, đảm nhận các công tác săn sóc người nghèo, trợ giúp phát triển, truyền giáo, mục vụ giáo xứ và học đường. Trong những năm qua, vì thiếu ơn gọi, dần dần các tu viện và giáo xứ của dòng ở Ðức bị đóng cửa và tu viện cuối cùng ở Gelsenkirchen sẽ bị đóng cửa từ ngày 31 tháng Giêng năm 2021.

Trên thế giới hiện nay, dòng Tôi Tớ Ðức Mẹ còn khoảng 760 tu sĩ, hoạt động tại 140 nhà ở 30 quốc gia. Tại Roma, dòng có Phân khoa Giáo hoàng Marianum chuyên về Thánh Mẫu học, và mới kỷ niệm 70 năm thành lập.
 
Sứ điệp của ĐTC nhân ngày Thế Giới Người Nghèo Lần Thứ Tư: Hãy rộng tay cứu giúp người nghèo khó
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
19:44 14/11/2020


Sau năm Thánh Lòng Thương Xót kéo dài từ ngày 8 tháng 12 năm 2015, là Lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm, đến ngày 20 tháng 11 năm 2016, là lễ Chúa Kitô Vua, Đức Thánh Cha đã thiết lập một ngày để khuyến khích cuộc gặp gỡ, tình bạn, tình liên đới và sự hỗ trợ cụ thể cho người nghèo; gọi là ngày Thế giới Người nghèo.

Trong ngày Thế giới Người nghèo đầu tiên diễn ra hôm 19 tháng 11, 2015, Đức Thánh Cha Phanxicô đã có một buổi ăn trưa với 500 người tham dự thánh lễ. Dịp này, Tòa Thánh hy vọng rằng tất cả các giáo xứ trên thế giới sẽ thực hiện những hoạt động tương tự như thế.

Năm nay là năm thứ Tư ngày Thế giới Người nghèo được tổ chức. Chủ đề của năm nay là “Hãy rộng tay cứu giúp người nghèo khó.”

“Hãy rộng tay cứu giúp người nghèo khó” (x. Hc 7,32). Sự khôn ngoan lâu đời đã đề xuất những lời này như một quy tắc thánh thiêng để thực hành trong cuộc sống. Ngày nay những lời này vẫn còn hợp thời hơn bao giờ hết. Chúng giúp chúng ta chú tâm vào những gì là thiết yếu và vượt qua những rào cản của sự thờ ơ. Sự nghèo khổ luôn xuất hiện dưới nhiều hình thức, và kêu gọi chú ý đến từng tình huống cụ thể. Trong tất cả những điều này, chúng ta có cơ hội gặp gỡ Chúa Giêsu, Đấng đã tỏ cho biết Người hiện diện nơi những người thấp bé nhất trong số các anh chị em của Người (x. Mt 25,40).

1. Chúng ta hãy cầm lấy cuốn sách Huấn Ca trong Cựu Ước, trong đó chúng ta tìm thấy những lời của một nhà hiền triết sống khoảng hai trăm năm trước Chúa Kitô. Ông tìm kiếm sự khôn ngoan giúp cho con người có khả năng hiểu tốt và sâu sắc hơn về các vấn đề của cuộc sống. Ông đã làm điều này vào thời điểm khi dân Israel gặp thử thách nghiêm trọng, vào thời kỳ đau khổ, đau buồn và nghèo đói do sự thống trị của các thế lực ngoại bang. Là một người có đức tin mạnh mẽ, được đâm rễ sâu từ các truyền thống của các bậc tiền bối, suy nghĩ đầu tiên của ông là chạy đến với Chúa và cầu xin Người ban cho ơn khôn ngoan. Chúa đã không từ chối giúp đỡ ông.

Từ những trang đầu tiên của cuốn sách, tác giả trình bày lời khuyên của mình về nhiều tình huống cụ thể trong cuộc sống, một trong số đó là sự nghèo khổ. Ông khẳng định rằng ngay cả khi gặp khó khăn, chúng ta phải tiếp tục tin tưởng vào Chúa: “Đừng bấn loạn khi con gặp khốn khổ. Hãy bám lấy Người chứ đừng lìa bỏ, để cuối đời, con được cất nhắc lên. Mọi chuyện xảy đến cho con, con hãy chấp nhận, và trải qua bao thăng trầm, con hãy cứ kiên nhẫn. Vì vàng phải được tôi luyện trong lửa, còn những người sáng giá thì phải được thử trong lò ô nhục. Hãy tin vào Người, thì Người sẽ nâng đỡ con. Đường con đi, hãy giữ cho ngay thẳng và trông cậy vào Người. Hỡi ai kính sợ Đức Chúa,hãy trông đợi lòng lân tuất của Người, đừng lìa xa Người kẻo ngã. (2,2-7)

2. Hết trang này sang trang khác, chúng ta khám phá ra một bản tóm tắt lời khuyên quý giá về cách hành động dưới ánh sáng của mối quan hệ mật thiết với Thiên Chúa, Đấng Sáng tạo và yêu thương công trình sáng tạo, Đấng công bình và quan phòng cho tất cả con cái của mình. Tuy nhiên, việc không ngừng đề cập đến Thiên Chúa này không có nghĩa là không quan tâm cụ thể đến nhân loại. Trái lại, cả hai khía cạnh được kết nối chặt chẽ.

Điều này được thể hiện rõ ràng qua đoạn sach mà chủ đề của Sứ điệp năm nay được trích dẫn (x. 7,29-36). Cầu nguyện với Thiên Chúa và liên đới với người nghèo và người đau khổ không thể tách rời nhau. Để thực hiện một hành vi thờ phượng được Thiên Chúa chấp nhận, chúng ta phải nhận ra rằng mỗi người, ngay cả những người nghèo nhất và bị coi thường, đều được tạo dựng theo hình ảnh Thiên Chúa. Phúc lành của Thiên Chúa đến từ nhận thức này; nó được ban nhờ sự quảng đại của chúng ta đối với người nghèo. Thời gian dành cho cầu nguyện không bao giờ có thể trở thành cái cớ để phớt lờ người lân cận nghèo khổ. Trong thực tế điều ngược lại rất đúng: phúc lành của Thiên Chúa ban xuống trên chúng ta và việc cầu nguyện đạt được mục tiêu khi đi kèm với việc phục vụ người nghèo.

3. Giáo huấn cổ xưa này cũng thật hợp thời với chúng ta! Thật vậy, lời của Thiên Chúa vượt qua không gian và thời gian, tôn giáo và văn hóa. Sự quảng đại trong việc giúp đỡ những người yếu đuối, an ủi những người đau khổ, xoa dịu đau khổ và phục hồi phẩm giá cho những người bị tước mất phẩm giá, là điều kiện cho một cuộc sống tràn đầy của con người. Quyết định chăm sóc người nghèo, vì nhiều nhu cầu khác nhau của họ, không thể bị lệ thuộc bởi thời gian rảnh rỗi hoặc bởi lợi ích riêng tư, hoặc bởi các dự án xã hội hoặc mục vụ vô hồn, không thích ứng với thực tế. Sức mạnh của ân sủng của Thiên Chúa không thể bị kìm hãm bởi khuynh hướng ích kỷ luôn đặt bản thân lên hàng đầu.

Luôn đặt quan tâm vào người nghèo là điều khó khăn, nhưng việc chúng ta định hướng đúng đắn cho cuộc sống cá nhân và cuộc sống của xã hội thì cần thiết hơn bao giờ hết. Đó không phải là vấn đề của những lời nói tốt đẹp nhưng là một cam kết cụ thể được truyền cảm hứng từ đức ái của Thiên Chúa. Mỗi năm, vào Ngày Thế giới Người nghèo, tôi nhắc lại sự thật cơ bản này trong đời sống của Giáo hội, vì người nghèo đang và sẽ luôn ở bên chúng ta để giúp chúng ta chào đón sự hiện diện của Chúa Kitô vào cuộc sống hàng ngày của chúng ta (x. Ga 12,8 ).

4. Việc gặp gỡ người nghèo và những người khốn khổ không ngừng thách thức chúng ta và buộc chúng ta phải suy nghĩ. Làm thế nào chúng ta có thể giúp loại bỏ hoặc ít nhất là làm giảm bớt sự thiệt thòi và đau khổ của họ? Làm thế nào chúng ta có thể giúp họ trong nhu cầu tâm linh của họ? Cộng đồng Kitô giáo được kêu gọi tham gia vào loại chia sẻ này và nhận ra rằng việc này không thể được ủy thác cho người khác. Để giúp đỡ người nghèo, chính chúng ta cần phải sống kinh nghiệm về nghèo khó theo Tin Mừng. Chúng ta không thể cảm thấy bình an, thoải mái khi bất kỳ thành viên nào trong gia đình nhân loại bị bỏ lại phía sau và trong bóng tối. Mọi nơi và mọi lúc, Dân Chúa phải đáp lại tiếng khóc thầm lặng của rất nhiều người nghèo, các phụ nữ và trẻ em nghèo, bằng nỗ lực mang lại cho họ tiếng nói, để bảo vệ và hỗ trợ họ khi đối mặt với sự giả hình và rất nhiều lời hứa không được thực hiện, và mời họ chia sẻ vào đời sống của cộng đồng.

Giáo hội chắc chắn không có giải pháp toàn diện để đề nghị, nhưng nhờ ân sủng của Chúa Kitô, Giáo hội có thể đưa ra chứng tá và cử chỉ bác ái của mình. Giáo hội cũng cảm thấy buộc phải lên tiếng thay cho những người thiếu nhu cầu cơ bản của cuộc sống. Nhắc nhở mọi người về giá trị to lớn của lợi ích chung là một dấn thân sống còn của các Kitô hữu; nó được thể hiện trong nỗ lực không lãng quên bất cứ người nào trong số những người mà nhân phẩm bị xúc phạm trong các nhu cầu cơ bản.

5. Khả năng đưa tay cứu giúp của chúng ta cho thấy chúng ta có một khả năng bẩm sinh để hành động theo những cách mang lại ý nghĩa cho cuộc sống. Chúng ta nhìn thấy bao nhiêu bàn tay đưa ra mỗi ngày! Đáng buồn thay, ngày càng có nhiều trường hợp mà tốc độ điên cuồng của cuộc sống khiến chúng ta rơi vào một cơn lốc thờ ơ, đến mức chúng ta không còn biết cách nhận ra những điều tốt đẹp được thực hiện cách âm thầm mỗi ngày và với sự quảng đại tuyệt vời xung quanh chúng ta. Chỉ khi điều gì đó xảy ra làm đảo lộn cuộc sống của chúng ta, đôi mắt của chúng ta mới có khả năng nhìn thấy sự tốt lành của các vị thánh “ở nhà bên cạnh”, của “những người sống ở giữa chúng ta, họ phản chiếu sự hiện diện của Thiên Chúa” (Gaudete et Exsultate, 7), nhưng không phô trương. Các tin xấu lấp đầy các trang báo, trang web và màn hình tivi, đến mức sự ác dường như thống trị. Nhưng không phải như thế. Chắc chắn rằng cuộc sống bị bao bọc bởi sự ác và bạo lực, lạm dụng và tham nhũng, nhưng nó cũng được đan xen với những hành động tôn trọng và quảng đại; những điều này không chỉ bù đắp cho sự ác, mà còn truyền cảm hứng cho chúng ta bước thêm một bước và lấp đầy trái tim với hy vọng.

6. Một bàn tay được đưa ra là một dấu hiệu; một dấu hiệu ngay lập tức nói lên sự gần gũi, liên đới và tình yêu. Trong những tháng này, khi cả thế giới là con mồi của một loại virus mang đến nỗi đau và cái chết, tuyệt vọng và hoang mang, chúng ta đã thấy bao nhiêu bàn tay đưa ra! Bàn tay đưa ra của các bác sĩ, người quan tâm đến từng bệnh nhân và cố gắng tìm ra phương pháp chữa trị phù hợp. Bàn tay đưa ra của những y tá, những người làm thêm giờ, hàng giờ liền để chăm sóc người bệnh. Bàn tay đưa ra của các quản trị viên, những người đưa ra cách thức để cứu nhiều người nhất có thể. Bàn tay đưa ra của các dược sĩ, những người liều bản thân để đáp ứng nhu cầu khẩn thiết của mọi người. Bàn tay đưa ra của các linh mục, những người với trái tim đau khổ khi họ ban phước lành. Bàn tay đưa ra của những tình nguyện viên giúp đỡ những người sống trên đường phố và những người có nhà cửa nhưng không có gì để ăn. Bàn tay đưa ra của những người nam nữ, những người tiếp tục làm việc để cung cấp các dịch vụ thiết yếu và an ninh. Chúng ta có thể tiếp tục nói về rất nhiều bàn tay đưa ra khác, tất cả chúng tạo thành một danh sách tuyệt vời của các hành động tốt. Những bàn tay đó đã bất chấp sự lây lan và sợ hãi để đưa ra sự hỗ trợ và an ủi.

7. Đại dịch này đến bất ngờ khi chúng ta không chuẩn bị, gây ra cảm giác hoang mang và bất lực mạnh mẽ. Tuy nhiên, các bàn tay không bao giờ ngừng đến với người nghèo. Điều này làm cho tất cả chúng ta nhận thức hơn về sự hiện diện của người nghèo ở giữa chúng ta và nhu cầu được giúp đỡ của họ. Các tổ chức bác ái, các công việc của lòng thương xót, không thể ngẫu hứng. Cần tổ chức và đào tạo không ngừng, dựa trên việc nhận ra nhu cầu của chính chúng ta là cần một bàn tay đưa ra.

Kinh nghiệm hiện tại đã thách thức nhiều giả định của chúng ta. Chúng ta cảm thấy nghèo hơn và kém tự chủ hơn vì chúng ta đã nhận ra những giới hạn của mình và sự hạn chế của tự do của chúng ta. Việc mất việc làm và cơ hội để gần gũi với những người thân yêu và những người quen biết thường gặp của chúng ta đã đột ngột mở mắt chúng ta trước những chân trời mà từ lâu chúng ta đã cho là điều hiển nhiên. Câu hỏi về các nguồn lực tinh thần và vật chất của chúng ta được đặt ra và chúng ta thấy mình đang trải qua nỗi sợ hãi. Trong sự im lặng của ngôi nhà của chúng ta, chúng ta đã khám phá lại tầm quan trọng của sự đơn giản và luôn để ý những điều thiết yếu. Chúng ta nhận ra rằng chúng ta cần một ý nghĩa mới về tình huynh đệ mới biết bao nhiêu, để giúp đỡ và quý trọng lẫn nhau. Bây giờ là thời điểm tốt để khôi phục lại niềm tin rằng chúng ta cần nhau, rằng chúng ta có trách nhiệm chung với những người khác và thế giới. Chúng ta đã có đủ sự vô đạo đức và sự nhạo báng về đạo đức, lòng tốt, đức tin và sự trung thực. Khi nền tảng của đời sống xã hội bị xói mòn, những gì xảy ra là những cuộc chiến vì những xung đột lợi ích, những hình thức bạo lực và tàn bạo mới, và những trở ngại cho sự phát triển của một nền văn hóa thực sự chăm sóc cho môi trường (Laudato Si', 229). Nói một cách dễ hiểu, bao lâu chúng ta chưa ý thức lại trách nhiệm của mình đối với người lân cận và đối với mỗi người, các cuộc khủng hoảng kinh tế, tài chính và chính trị nghiêm trọng sẽ vẫn tiếp tục.

8. Do đó, chủ đề của năm nay – “Hãy rộng tay cứu giúp người nghèo” – mời gọi trách nhiệm và sự dấn thân của những người nam nữ, những người là thành phần của gia đình nhân loại của chúng ta. Nó khuyến khích chúng ta vác đỡ gánh nặng của những người yếu đuối nhất, theo lời của thánh Phaolô: “Hãy lấy đức mến mà phục vụ lẫn nhau. Vì tất cả Lề Luật được nên trọn trong điều răn duy nhất này là: Ngươi phải yêu người thân cận như chính mình... Anh em hãy vác đỡ gánh nặng cho nhau, và như thế là chu toàn lề luật của Chúa Kitô (Gl 5,13-14; 6,2). Thánh tông đồ dạy rằng sự tự do được ban nhờ sự chết và sự phục sinh của Chúa Giêsu Kitô khiến chúng ta có trách nhiệm cá nhân trong việc phục vụ người khác, đặc biệt là những người yếu đuối nhất. Đây không phải là một lựa chọn, mà là một dấu hiệu của tính xác thực của đức tin mà chúng ta tuyên xưng.

Một lần nữa, sách Huấn ca có thể giúp chúng ta. Nó đề nghị những cách cụ thể để hỗ trợ những người dễ bị tổn thương nhất và nó sử dụng những hình ảnh đánh động. Đầu tiên, nó yêu cầu chúng ta cảm thông với những người đang đau buồn: “Đừng ngoảnh mặt không nhìn những ai đang than khóc (7,34). Thời gian đại dịch buộc chúng ta sống trong tình trạng cô lập nghiêm ngặt, thậm chí không thể nhìn thấy và an ủi bạn bè và người quen đau buồn về sự mất mát những người thân yêu của họ. Tác giả sách thánh cũng nói: “Đừng ngại thăm nom người đau yếu” (7,35). Chúng ta đã không thể gần gũi với những người đau khổ, đồng thời chúng ta đã nhận thức rõ hơn về sự mong manh của sự sống của chính chúng ta. Lời Chúa không cho phép tự mãn; nó liên tục thúc đẩy chúng ta thực hiện những hành động của tình yêu.

9. Đồng thời, mệnh lệnh: “Hãy rộng tay giúp đỡ người nghèo” thách thức thái độ của những người thích giữ tay trong túi và không bị lay chuyển bởi những tình cảnh nghèo khó mà họ thường đồng lõa. Sự thờ ơ và yếm thế là lương thực hàng ngày của họ. Thật là một sự khác biệt so với đôi tay quảng đại mà chúng ta đã mô tả! Nếu họ đưa tay ra, là để chạm vào bàn phím máy vi tính để chuyển các khoản tiền từ bên này thế giới sang phía bên kia, và bảo đảm sự giàu có của một số ít người ưu tú và sự nghèo đói khủng khiếp của hàng triệu người và sự hủy hoại của toàn thể các quốc gia. Một số bàn tay được đưa ra để tích lũy tiền bằng cách bán vũ khí mà những người khác, bao gồm cả những đứa trẻ, sử dụng để gieo rắc cái chết và nghèo đói. Những bàn tay khác đưa ra để giải quyết những cái chết trong những con hẻm tối để làm giàu và sống xa hoa và dư thừa hoặc để lặng lẽ chuyển hối lộ để tìm lợi ích nhanh chóng và tham nhũng. Còn có những người khác, bằng cách trưng ra một sự tôn trọng giả tạo, họ đặt ra những luật lệ mà chính họ không tuân theo.

Giữa tất cả các hoàn cảnh này, “những người bị loại trừ vẫn đang chờ đợi. Để duy trì một lối sống loại trừ người khác, hoặc để duy trì sự nhiệt tình cho lý tưởng ích kỷ đó, một sự toàn cầu hóa thờ ơ đã phát triển. Nếu như không nhận thức được điều đó, chúng ta sẽ đi đến chỗ không có khả năng cảm thấy thương cảm trước sự phẫn nộ của người nghèo, không có khả năng khóc vì nỗi đau của người khác và không cảm thấy cần phải giúp đỡ họ, như thể tất cả điều này là trách nhiệm của người khác chứ không phải của chính chúng ta ( Evangelii Gaudium, 54). Chúng ta không thể hạnh phúc cho đến khi những đôi tay gieo cái chết được biến thành công cụ của công lý và hòa bình cho toàn thế giới.

10. “Trong mọi lời ăn tiếng nói, hãy nghĩ đến đời con chung cuộc thế nào” (Hc 7,36). Đây là những từ cuối cùng của chương này của sách Huấn ca. Chúng có thể được hiểu theo hai cách. Trước tiên, cuộc sống của chúng ta sớm hay muộn cũng sẽ kết thúc. Ghi nhớ số phận chung của chúng ta có thể giúp dẫn đến một cuộc sống quan tâm đến những người nghèo hơn chúng ta hoặc không có những cơ hội như chúng ta. Thứ hai, cũng có một kết thúc hoặc mục tiêu mà mỗi chúng ta đang hướng đến. Và điều này có nghĩa là cuộc sống của chúng ta là một dự án và một quá trình. Mục tiêu của mọi hành động của chúng ta chỉ có thể là tình yêu. Đây là mục tiêu cuối cùng của hành trình của chúng ta và không có gì có thể làm chúng ta không chú tâm đến nó. Tình yêu này là tình yêu chia sẻ, cống hiến và phục vụ, được nảy sinh từ nhận thức rằng chúng ta được yêu thương trước và được thức tỉnh để yêu thương. Chúng ta thấy điều này trong cách trẻ em đón nhận nụ cười của người mẹ và cảm thấy được yêu thương, chỉ đơn giản bằng cách sống. Một nụ cười mà chúng ta có thể chia sẻ với người nghèo cũng là nguồn tình yêu và cách lan truyền tình yêu. Tiếp đến, một bàn tay đưa ra có thể luôn được phong phú thêm bởi nụ cười của những người đưa ra sự giúp đỡ, âm thầm và không khoe khoang, nhưng chỉ được truyền cảm hứng từ niềm vui sống như một môn đệ của Chúa Kitô.

Trong hành trình gặp gỡ hàng ngày với người nghèo này, Mẹ Thiên Chúa luôn ở bên chúng ta. Hơn ai hết, Mẹ là Mẹ của Người Nghèo. Đức Trinh Nữ Maria biết rõ những khó khăn và đau khổ của những ngườ bị gạt ngoài lề, vì chính Mẹ đã sinh ra Con Thiên Chúa trong một chuồng thú vật. Do mối đe dọa của vua Hêrôđê, Mẹ đã trốn sang một quốc gia khác cùng với thánh Giuse, người phối ngẫu của Mẹ, và với Hài Nhi Giêsu. Trong nhiều năm, Thánh Gia sống như những người tị nạn. Xin cho lời chúng ta cầu nguyện với Mẹ Maria, Mẹ của Người Nghèo, hợp nhất những người này, những đứa con yêu dấu của Mẹ, với tất cả những người phục vụ họ nhân Danh Chúa Kitô. Và xin cho lời cầu nguyện đó làm cho những bàn tay đưa ra trở thành một vòng tay của tình huynh đệ được chia sẻ và tái khám phá.


Source:Libreria Editrice Vaticana