Ngày 18-11-2022
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Ngày 18/11: Sự sống lại và sự sống đời sau – Lm. Phêrô Nguyễn Văn Cao, SJ
Giáo Hội Năm Châu
02:22 18/11/2022

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Lu-ca.

Khi ấy, có mấy người thuộc nhóm Xa-đốc đến gặp Đức Giê-su. Nhóm này chủ trương không có sự sống lại. Mấy người ấy hỏi Đức Giê-su : “Thưa Thầy, ông Mô-sê có viết cho chúng ta điều luật này: Nếu anh hay em của người nào chết đi, đã có vợ mà không có con, thì người ấy phải lấy nàng, để sinh con nối dòng cho anh hay em mình. Vậy nhà kia có bảy anh em trai. Người anh cả lấy vợ, nhưng chưa có con thì đã chết. Người thứ hai, rồi người thứ ba đã lấy người vợ goá ấy. Cứ như vậy, bảy anh em đều chết đi mà không để lại đứa con nào. Cuối cùng, người đàn bà ấy cũng chết. Vậy trong ngày sống lại, người đàn bà ấy sẽ là vợ ai, vì cả bảy đều đã lấy nàng làm vợ?”

Đức Giê-su đáp: “Con cái đời này cưới vợ lấy chồng, chứ những ai được xét là đáng hưởng phúc đời sau và sống lại từ cõi chết, thì không cưới vợ cũng chẳng lấy chồng. Quả thật, họ không thể chết nữa, vì được ngang hàng với các thiên thần. Họ là con cái Thiên Chúa, vì là con cái sự sống lại. Còn về vấn đề kẻ chết trỗi dậy, thì chính ông Mô-sê cũng đã cho thấy trong đoạn văn nói về bụi gai, khi ông gọi Đức Chúa là Thiên Chúa của tổ phụ Áp-ra-ham, Thiên Chúa của tổ phụ I-xa-ác, và Thiên Chúa của tổ phụ Gia-cóp. Mà Người không phải là Thiên Chúa của kẻ chết, nhưng là Thiên Chúa của kẻ sống, vì đối với Người, tất cả đều đang sống.”

Bấy giờ có mấy người thuộc nhóm kinh sư lên tiếng nói: “Thưa Thầy, Thầy nói hay lắm.” 40 Thế là họ không dám chất vấn Người điều gì nữa.

Đó là lời Chúa
 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
03:43 18/11/2022

ĐỨC ÁI (4)



“Yêu thương là chu toàn lề luật” (Rm 14, 10b)

1. Đức ái giống như tên cường đạo, cướp mất tất cả những gì chúng ta có, để Thiên Chúa dễ dàng chiếm lĩnh chúng ta.

(Thánh Nereus linh mục)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Trích dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")


----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
03:45 18/11/2022
54. LÝ GIẢI CỦA CON GÁI NHỎ

Con gái nhỏ bốn tuổi hỏi ba nó:

- “Người nhà bên cạnh đó có phải là nhà nghèo không?”

Ba nó hỏi lại:

- “Sao lại nghèo?”

Con gái đáp:

- “Bởi vì hôm qua đứa em nhỏ của họ nuốt mất một đồng bạc, thế là mọi người trong nhà đều cuống cuồng cả lên đó !”

(Tiếu thoại đại tập hợp)

Suy tư 54:

Trẻ em nhìn mọi việc bằng con mắt và suy nghĩ cũng bằng…con mắt, cho nên lý giải của chúng nó đôi lúc cũng làm cho người lớn phải suy nghĩ.

Em bé nuốt mất đồng bạc mà cả nhà cuống cuồng lên, không phải vì tiếc đồng bạc, nhưng là vì nguy hiểm đến tính mạng của em bé, nhưng suy nghĩ của trẻ em thì không như thế.

Có một vài người Ki-tô hữu thấy người ăn xin bên vệ đường cũng ngoảnh mặt làm ngơ, họ không có cái nhìn đơn sơ của trẻ em để nhìn cái khổ của người bất hạnh; có một vài người Ki-tô hữu chỉ thích làm việc bác ái trước mặt đông người, nhưng thấy người mù ngồi bên gốc cây ít người qua lại thì họ vẫn cứ tỉnh bơ bước đi, họ không có cái nhìn đơn sơ của trẻ em, nên tâm hồn họ vẫn cứ lành lùng bỏ đi…

Khi làm việc bác ái thì cần phải có cái nhìn đơn sơ không tính toán của trẻ em…

Ai hiểu được thì hiểu.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Vua yêu thương Nước Thiên đường
Lm. Nguyễn Xuân Trường
06:35 18/11/2022

VUA YÊU THƯƠNG NƯỚC THIÊN ĐƯỜNG

Vua là người đứng đầu 1 vương quốc hay một lãnh vực kinh tế xã hội. Vậy Chúa Giêsu Kitô Vua thì đứng đầu vương quốc và lãnh vực nào?

1. Ông Vua Yêu Thương. Các ông vua thường ngồi ngự uy nghi trên ngai vàng, còn Chúa Giêsu Vua lại chịu đóng đinh chết treo trên thánh giá. Sao lạ quá vậy? Thưa vì Chúa là vua yêu thương. Vì yêu thương nên khi người ta bảo Chúa cứu mình đi thì Chúa lại cứ quên mình để cứu người. Khi Chúa yêu thương đến độ sẵn lòng chịu chết trên thánh giá để cứu độ nhân loại thì đó là tình yêu lớn nhất. Thánh giá là đỉnh tình yêu. Chúa là thần tượng thương yêu.

2. Vương Quốc Thiên Đường. Khi anh trộm lành cầu xin cho được vào Nước của Chúa Giêsu, thì Ngài đã tuyên bố: “Hôm nay, anh sẽ được ở với tôi trên Thiên Đàng.” Như thế, Chúa Giêsu đã xác định vương quốc của Ngài không phải một nước chính trị xã hội trên thế gian này, nhưng là Vương Quốc Thiên Đường. Thiên Đường tốt đẹp vô cùng, hạnh phúc vô cùng, vui vẻ vô cùng, vì đó là Nước Thiên Chúa chan chứa yêu thương. Vương quốc ấy cũng bắt đầu ngay ngày hôm nay trong cuộc sống này nếu chúng ta sống yêu thương như lời ca: Đâu có tình yêu thương ở đấy có Đức Chúa Trời.

Trên thánh giá, Chúa Giêsu đã thiết lập một vương quốc mới: một vương quốc chỉ có tình thương chứ không có oán thù, chỉ có lòng bao dung tha thứ chứ không có lên án kết tội. Tạ ơn Chúa cho chúng ta có vị Vua Yêu Thương để ta vui sống trong Vương Quốc Thiên Đường.

Xin cho mỗi chúng ta cùng nhau tôn thờ Vua Giêsu, cùng nhau hiệp thông tham gia xây dựng vương quốc yêu thương bằng một lối sống: không ích kỷ chỉ chăm lo cho bản thân, mà biết quên mình để chăm lo cho hạnh phúc người khác. Amen.
 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
19:45 18/11/2022

2. Khi chết, biểu chứng của tình yêu để lại cho người ta một ấn tượng rất sâu, và cũng khiến cho người ta coi trọng.

(Thánh Bernadino of Siena)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Trích dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")


---------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
19:46 18/11/2022
55. NỬA CÂN TÁM LƯỢNG

Lý Tư nói:

- “Lão Trương là người biết tiêu tiền nhất, tiền lương mới lãnh chưa đến ba ngày là tiêu sạch”.

Vương Ngũ hỏi:

- “Làm sao anh biết được?”

Lý Tư đáp:

- “Hôm qua lúc tôi mượn tiền của ông ta, thì ông ta đích thân nói với tôi đó !”

(Tiếu thoại đại tập hợp)

Suy tư 54:

Có những ngừơi mới lãnh lương ra cầm chưa nóng tay thì đã hết sạch, vì trả nợ cho những cuộc nhậu của tháng trứơc; có những người tiền lương cầm chưa nóng tay đã nướng sạch vào sòng bài, vì có máu mê cờ bạc; lại có người lãnh lương xong không đem về nhà góp vào phụ vợ nuôi con, nhưng lại đem vào quán karaoke, cà phê ôm, nuôi những con “gà mắt xanh mắt đỏ”…

Tan gia bại sản do đó mà ra, vợ chồng bất hòa cũng do đó mà ra, hạnh phúc đội nón đi khỏi nhà cũng vì đó mà ra.

Người biết cách tiêu tiền là người khôn ngoan, họ như người quản gia trung tín của ông chủ là Thiên Chúa: không những nuôi sống gia đình mà còn biết giúp đỡ người nghèo bất hạnh...

Đó không phải là họ biết cách dùng tiền của để mua lấy Nước Trời hay sao?

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Lễ Đức Chúa Giê-su Ki-tô Vua
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
19:49 18/11/2022
CHÚA NHẬT LỄ ĐỨC CHÚA KI-TÔ VUA

Tin mừng : Lc 23, 35-43.

“Khi ông vào Nước của ông, xin nhớ đến tôi.”


Anh chị em thân mến,

Hiện nay có rất nhiều người hãnh diện vì mình được mang quốc tịch Mỹ, đi đâu họ cũng khoe khoang thân phận công dân nước Mỹ của mình, và có lúc họ chê đất nước này lạc hậu, đất nước kia chậm tiến thua nước Mỹ…

Chúng ta mang danh công dân của Nước Trời, mà Đức Chúa Giê-su -Đấng đã chết và sống lại vinh quang- chính là vị vua cao cả của chúng ta; được làm con dân của một vị vua trên các vua, hoàng tử trên các hoàng tử mà lại không lấy làm hãnh diện thì quả là chúng ta không hiểu được giá trị tuyệt vời của cuộc sống làm con Thiên Chúa.

Như những người tự hào mình là công dân của một cường quốc, nên chúng ta đã trở nên miếng mồi ngon cho ma quỷ cám dỗ bằng nhiều hình thức, nhất là sự ỷ lại vào tình thương và ân sủng của Thiên Chúa:

Đức Chúa Giê-su Ki-tô là vua trên các vua- nhưng chúng ta chưa ca tụng tán dương Ngài với tất cả sự cao cả mà Ngài đã ban cho chúng ta, nhất là giới luật yêu thương mà chính Ngài đã dạy, cho nên chúng ta coi thường những người khác tôn giáo với mình, rồi kiêu ngạo coi việc thờ phượng Thiên Chúa như là một bố thí cho Ngài: thích thì cầu nguyện đến tán dương ca tụng, không thích thì ở nhà nhậu nhẹt đàn đúm. Trái lại những người mà chúng ta khinh thường là tin những điều nhãm nhí thì lại rất thành kính trước bụt thần, ước gì chúng ta có một tâm hồn thành kính với Đức Chúa Giê-su là vua và là chủ tể mọi loài…

Chúng ta tuyên xưng Đức Chúa Giê-su Ki-tô là vua, nhưng trong cuộc sống thực tế chúng ta đã không nhìn nhận Ngài là vua và là Đấng cứu chuộc của mình, chúng ta đã sống cuộc đời buông tuồng không phù hợp với Lời Chúa dạy, và, có thể nói chúng ta đã chọn ma quỷ làm vua chúng ta khi chúng ta trở thành kẻ hưởng thụ vật chất, trở thành kẻ coi trọng danh giá của thế gian mà coi thường nhân phẩm của người nghèo khó bất hạnh…

Chúng ta tin tưởng Đức Chúa Giê-su là vua và là vị thẩm phán trong ngay phán xét, nhưng chúng ta vẫn sống như không có ngày phán xét, cho nên chúng ta vẫn cứ nói xấu người này đến người khác, chúng ta vẫn còn có những âm mưu hại người anh em, chúng ta vẫn lừa đảo người này đến người khác vì những tham lam của mình…

Anh chị em thân mến,

Mừng lễ Đức Chúa Giê-su Ki-tô là Vua vũ trụ trong ngày chúa nhật cuối năm phụng vụ, là Giáo Hội nhắc nhở cho chúng ta biết rằng: thế gian này sẽ có một ngày bị hủy diệt, cuộc sống của con người cũng sẽ có ngày kết thúc, lúc đó Đấng quyết định số phận đời đời của chúng ta là Đức Chúa Giê-su Ki-tô Vua vũ trụ, chứ không phải là ông tổng thống hoặc ông vua nào cả…

Gợi ý:

1. Trong cuộc sống có lúc nào chúng ta nhớ đến mình là một công dân Nước Trời, để sống đẹp lòng Thiên Chúa.

2. Chúng ta có tự hào mình là con dân của vua trên các vua, chúa trên các chúa, và có can đảm sống như danh phận ấy của mình?


Xin Thiên Chúa chúc lành cho chúng ta.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

-----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Công Giáo và Chính thống đang tìm hiểu để tiến tới việc mừng Lễ Phục sinh chung với nhau.
Thanh Quảng sdb
02:53 18/11/2022
Công Giáo và Chính thống đang tìm hiểu để tiến tới việc mừng Lễ Phục sinh chung với nhau.

Một thỏa thuận đáng mong ước là hai Giáo hội sẽ cử hành lễ Phục sinh của Chúa Giêsu vào một thời điểm quan trọng nhất trong Năm Thánh 2025.

(Zenit - Joachin Meisner Hertz)

Trả lời phỏng vấn của một thông tấn Thổ Nhĩ Kỳ ngày 15/11/2022, Thượng phụ Constantinople cho biết các cuộc đàm phán đang được tiến hành giữa đại diện của Giáo Hội Công Giáo và Chính thống giáo để đi đến một thỏa thuận về việc cử hành lễ Phục sinh chung một ngày cho tất cả mọi Kitô hữu.

Các cuộc trao đổi tìm hiểu đang được tổ chức nhân dịp kỷ niệm 1700 năm Công đồng Nicaea, đã diễn ra vào năm 325 sau Công nguyên, mà các quyết định của Công đồng này vẫn còn được áp dụng vào cả hai Giáo hội. Thượng phụ Bartholomew cho hay các chuyên gia trong lĩnh vực khoa học sẽ được tư vấn để xác định ngày chính xác nhất cho lễ Phục sinh, vì đó không phải là vấn đề tín lý mà là vấn đề liên quan đến thiên văn học, một lĩnh vực khoa học của tri thức con người.

“Mục tiêu của chúng ta là trong bối cảnh kỷ niệm này, chúng ta có thể tìm ra giải đáp liên quan đến Lễ Phục sinh. Đức Thánh Cha cũng có ý đó và tôi cũng cùng quan điểm cho cả Giáo hội Chính thống cũng như Công Giáo, mừng chung lễ Phục sinh của Chúa Kitô.

Lễ kỷ niệm 1700 năm Công đồng Nicaea trùng với Năm Thánh bình Thường của Giáo Hội Công Giáo vào năm 2025, một sự kiện Giáo hội thường cử hành mỗi 25 năm... Trong viễn kiến đó, một thỏa thuận về việc cử hành lễ Phục sinh của Chúa Giêsu sẽ là một mốc điểm quan trọng của Năm Thánh.
 
Vị Thánh người Tây Ban Nha, quan thầy những người mắc bệnh tiểu đường
Đặng Tự Do
17:02 18/11/2022


Hôm 14 tháng 11, thế giới đã cử hành Ngày Bệnh Tiểu Đường Thế giới, để nâng cao nhận thức về căn bệnh kinh hoàng gây ra khoảng 4 triệu ca tử vong mỗi năm, theo Tổ chức Y tế Thế giới. Giáo Hội Công Giáo coi Thánh Rafael Arnáiz Baron là vị thánh bảo trợ cho những người mắc bệnh tiểu đường.

Thánh Rafael Arnáiz được coi là một trong những nhà thần bí vĩ đại của thế kỷ 20, và vì căn bệnh này, ngài không thể thực hiện ước nguyện trở thành một linh mục dòng Trappe mà chỉ được phục vụ như một tu sĩ tận hiến.

Sinh tại Burgos vào năm 1911, ngài được học tại các trường của Dòng Tên ở thành phố quê hương và ở Oviedo, nơi gia đình ngài chuyển đến sau này vì lý do công việc.

Khi còn nhỏ, ngài bị nhiều bệnh khác nhau. Năm 10 tuổi, sau khi khỏi bệnh viêm màng phổi, cha ngài đưa ngài đến Zaragoza để dâng mình cho Đức Trinh Nữ Pilar để tỏ lòng biết ơn vì đã chữa khỏi bệnh cho ngài.

Rafael được nhận vào Trường Kiến trúc Madrid năm 1930.

Nhận thức được kỹ năng vẽ của ngài, chú của ngài là Leopoldo Baron Torres, công tước xứ Maqueda, đã giao cho ngài thiết kế trang bìa của một cuốn sách có tựa đề “Từ Chiến trường đến dòng Trappe”.

Đó là bản dịch câu chuyện về một người lính Pháp đã đạt được danh tiếng và vinh dự trong nghệ thuật sử dụng vũ khí trong Chiến tranh Pháp-Phổ trong hai năm 1870 và 1871. Mặc dù người lính này có thể đạt được những danh hiệu và vị trí cao nhất mà từ lâu vẫn hằng khao khát, nhưng anh đã quyết định gia nhập Trappe.

Chàng trai trẻ Rafael đã bị ấn tượng bởi cuộc đời của người lính Pháp này, Gabriel Mossier, người đã kết thúc những ngày của mình với tư cách là thầy Gabriel, một thành viên của Dòng Xitô Nhặt Phép.

Do đó, Rafael đã thực hiện chuyến thăm đầu tiên đến Tu viện Xitô Nhặt Phép San Isidro de Dueñas ở Palencia ngay sau đó. Đó là những năm đầy biến động của thập niên 1930 ở Tây Ban Nha dẫn đến Nội chiến.

Sau khi thực hiện nghĩa vụ quân sự bắt buộc, vào năm 1934, anh bỏ dở việc học đại học và vào tu viện Palencia với tư cách là một tập sinh trong bốn tháng. Vì bị bệnh tiểu đường nặng nên cấp trên đã gửi ngài về nhà để tĩnh dưỡng.

Gần hai năm sau, vào năm 1936, anh lại vào San Isidro de Dueñas, không còn với tư cách là một người khao khát làm linh mục, mà với tư cách là một tu sĩ tận hiến. Anh ta ở đó cho đến tháng 9 khi anh ta bị gọi nhập ngũ.

Bất chấp quyết tâm chiến đấu chống lại những kẻ thù của Chúa và Giáo hội của anh, Rafael đã bị bắt buộc phải quay trở lại tu viện hai tháng sau đó, sau khi được tuyên bố là không thích hợp để chiến đấu vì bệnh tiểu đường.

Ngay từ năm 1937, do những khó khăn đặc biệt của đời sống đan tu trong thời chiến, các bề trên đã quyết định gửi anh về với gia đình. Nhưng trước khi năm đó kết thúc, Rafael lại trở lại tu viện vào tháng 12.

Chỉ bốn tháng sau, vào ngày 26 tháng 4 năm 1938, Anh Rafael qua đời trong phòng của mình ở tuổi 27. Tổng cộng tất cả các giai đoạn, anh chỉ sống trong dòng Trappe được khoảng 20 tháng.

Quá trình phong thánh lâu dài

Ngay từ những năm 1940, một số anh em của ngài, tin tưởng vào các nhân đức anh hùng của ngài, đã đề xuất đặt lăng mộ của ngài trong một cánh của tu viện nhưng không thành công.

Năm 1944, chú của ngài, công tước Maqueda, đã viết câu chuyện về cháu trai của mình, có tựa đề “Bí nhiệm của Dòng Trappe”, khiến nhiều người quan tâm.

Mãi cho đến những năm 1960, công việc phong chân phước mới bắt đầu và ngôi mộ của ngài đã được chuyển đến tu viện, như những người anh em của ngài đã mong muốn 20 năm trước đó.

Trong Ngày Giới trẻ Thế giới được tổ chức tại Santiago de Compostela vào tháng 8 năm 1989, Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã đề xuất thầy Rafael như một hình mẫu để noi theo. Vài ngày sau, ngài được tuyên bố là “Bậc Đáng Kính”.

Chỉ một năm sau, một phép lạ nhờ lời cầu bầu của ngài bắt đầu được nghiên cứu. Năm 1992, Thánh Gioan Phaolô II tuyên bố ngài là Chân phước tại Quảng trường Thánh Phêrô ở Rôma.

Dưới thời Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI, phép lạ phong thánh cho Thánh Rafael Arnáiz đã được phê chuẩn, và ngài được phong thánh vào ngày 11 tháng 10 năm 2009.

Hai năm sau, ngài được tuyên bố là bổn mạng của Ngày Giới trẻ Thế giới được tổ chức tại Madrid cùng với các vị thánh khác gốc Tây Ban Nha và thế giới, chẳng hạn như Chân phước Gioan Phaolô II.
Source:Catholic News Agency
 
Linh mục có ảnh hưởng người Pháp đăng video chế giễu Thánh lễ
Đặng Tự Do
17:04 18/11/2022


Một linh mục người Pháp”có ảnh hưởng” trên các mạng xã hội được Vatican yêu cầu giúp thực hiện một cuộc khảo sát cho Thượng hội đồng về tính đồng nghị đã gây ra tranh cãi vì các video liên quan đến Thánh lễ mang tính báng bổ của ngài, trong đó có cảnh một “nữ tu gợi cảm” và sự ủng hộ của ông đối với chương trình nghị sự của người đồng tính.

Cha Matthieu Jasseron của Tổng giáo phận Sens và Auxerre đã trở thành tâm điểm tranh cãi trong những ngày gần đây vì một video năm 2021 được đăng trên TikTok, trong đó người ta thấy ngài thực hiện các cử chỉ trên chén thánh giống như một tay chơi xóc đĩa và chơi đùa với các vật linh thiêng khác như chén thánh trên bàn thờ của một nhà thờ.

Một video khác cho thấy Jasseron rót thẳng rượu thờ từ chai vào chén trong khi có biểu cảm kỳ lạ trên khuôn mặt. Khi ngài đi vào nơi có vẻ là phòng thánh để lấy một chai rượu khác, một nữ tu trẻ có vẻ say xỉn lao qua cửa, mặc váy ngắn, mỉm cười và cầm một chai rượu khác, sau đó người nữ tu giấu sau lưng như thể bị bắt quả tang.

Trong video thứ ba, được đăng vào tháng 7 năm 2021, vị linh mục người Pháp bế một con chó khi đang đứng trên bục giảng của nhà thờ, mô phỏng một cảnh trong bộ phim hoạt hình “Vua sư tử”.

Đoạn video đó đã thúc đẩy một tuyên bố từ hội đồng giám mục Pháp vào tháng 8 năm 2021.

“CEF không chấp nhận một số video xuyên tạc thông điệp của Giáo hội. Hội Đồng Giám Mục cảnh báo rằng việc nhận được nhiều quan điểm tán thành không có nghĩa là họ đúng”

Trong một video gần đây hơn, vị linh mục, người đã là cha sở của giáo xứ Saint-Jean de Joigny từ năm 2019, bày tỏ sự hài lòng của mình với việc ban phép lành cho các cặp đồng tính luyến ái được các giám mục Flemish của Bỉ phê chuẩn vào ngày 20 tháng 9.

Trong một cuộc phỏng vấn vào tháng 9 với một chương trình địa phương, Jasseron giải thích rằng anh dạy giáo lý cho người Công Giáo. Trong một video, trong đó ngài trả lời một câu hỏi thường được hỏi về việc liệu “đồng tính luyến ái hay thực hành đồng tính luyến ái có phải là tội lỗi hay không”, ngài nói, “Tôi sẽ nói với các bạn một cách thẳng thắn và thành thật rằng, thưa các bạn, điều đó rõ ràng là không. Nó không được dán nhãn chặt chẽ ở bất kỳ chỗ nào trong Kinh thánh, trong Sách Giáo lý của Giáo hội, nói cách khác, trong toàn bộ Truyền thống.”

Tuyên bố này của Cha Matthieu Jasseron là một lời nói dối trắng trợn. Thật vậy, khoản 2357 sách giáo lý Công Giáo viết:

“Đồng tính luyến ái là những liên hệ giữa những người nam hay nữ cảm thấy bị lôi cuốn tính dục với người đồng phái nhiều hơn với người khác phái. Đồng tính luyến ái xuất hiện trong nhiều thời đại và văn hóa, với nhiều hình thức khác nhau. Cho đến nay, người ta vẫn chưa giải thích được nguyên nhân tâm thần của hiện tượng này. Căn cứ vào Kinh Thánh vốn xem chúng như những suy đồi nghiêm trọng ( x. St 19,1-29; Rm 1,24-27; 1 Cr 6,10; 1Tm 1,10 ), truyền thống Hội Thánh luôn tuyên bố :”Các hành vi đồng tính luyến ái tự bản chất là thác loạn” ( x. CDF, décl “persona humana” 8 ). Các hành vi này nghịch với luật tự nhiên vì loại bỏ chủ đích truyền sinh của hành vi tính dục, cũng không xuất phát từ nhu cầu bổ túc thực sự về tình cảm và tính dục. Những hành vi này không thể chấp nhận được trong bất cứ trường hợp nào.”

Hai linh mục sửa lỗi cho vị linh mục Pháp trong huynh đệ

Cha Francisco Javier “Patxi” Bronchalo, một linh mục thuộc giáo phận Getafe, Tây Ban Nha, đã chia sẻ với ACI Prensa, cảm giác đau buồn của ngài về video chế nhạo Thánh lễ của linh mục người Pháp Matthieu Jasseron.

“Tôi rất buồn khi xem những loại video này, vì các linh mục không thể lợi dụng Giáo hội hoặc có những hành vi thiếu tôn trọng như thế này tại bàn thờ, để tìm kiếm người theo dõi mình hoặc chú ý đến mình nhiều hơn,” anh nói.

Vị linh mục người Tây Ban Nha nhấn mạnh: “Đối với tôi, kiểu hành vi này rất đáng trách”.

Ngài kết luận: “Chúng ta là con cái của Giáo hội và chúng ta ở đây để yêu mến Giáo hội, bảo vệ Giáo hội, giúp đỡ Giáo hội và đồng hành với Giáo hội, không phải để lợi dụng Giáo hội mà là để phục vụ Giáo hội”.

Cha Juan Manuel Góngora, một linh mục người Tây Ban Nha có hơn 56,000 người theo dõi trên Twitter, nói với EWTN News rằng “rõ ràng là việc trưng bày hình ảnh đó ở một nơi linh thiêng và với thái độ như vậy là hoàn toàn trái ngược với những gì Giáo hội yêu cầu đối với các thừa tác viên được phong chức như chúng tôi. Nó hoàn toàn độc hại.”

Vị linh mục nói thêm: “Việc đầu hàng trước những gì thế gian mong muốn không bao giờ dẫn đến đâu và gây tai tiếng cho các tín hữu”.

Góngora khuyến khích các linh mục và tu sĩ làm việc tông đồ kỹ thuật số luôn ý thức về “trách nhiệm đối với khán giả trên mạng xã hội, làm chứng cho việc chúng ta là người Công Giáo và trung thực với sự thật của Tin Mừng,” và nhắc lại rằng “chúng ta đại diện cho mẹ của chúng ta Giáo Hội.”

Tuyên bố từ tổng giáo phận

Vào tháng 8 năm 2021, Tổng giáo phận Sens và Auxerre, do Đức Tổng Giám Mục Hervé Giraud lãnh đạo, đã đưa ra một tuyên bố về các video của Jasseron. Đầu tiên, Tổng giáo phận đã đề cập đến thông điệp của Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI nhân Ngày Thế giới Truyền thông lần thứ 44 về việc sử dụng internet để truyền bá Tin Mừng.

Sau đó, tổng giáo phận chỉ ra rằng Jasseron thể hiện bản thân trên TikTok “với tư cách cá nhân, không nhận một sứ mệnh cụ thể nào”.

Tuy nhiên, “khán giả mà cha ấy có thể tìm thấy do các tác động đặc biệt đến từ những đóng góp của cha ấy phải được hưởng lợi từ sự tham gia rộng rãi hơn của các kỹ năng để có thể lôi cuốn họ đến với những giáo huấn đích thực của Giáo hội.”

Tổng giáo phận tiếp tục đưa ra ví dụ về Dịch vụ Thanh niên và Ơn gọi Quốc gia, “cơ quan này gần đây đã tập hợp một số linh mục đang phát triển sự hiện diện mục vụ trên internet và tìm kiếm sự phù hợp nhất. Do đó, một tiến trình sẽ được thực hiện để tiếp tục công việc mục vụ này theo cách thức” mà sứ điệp của Đức Bênêđictô đã đề ra là “làm cho Thiên Chúa hiện diện một cách cụ thể trong thế giới ngày nay và trình bày sự khôn ngoan tôn giáo trong quá khứ như một kho báu có thể truyền cảm hứng cho những nỗ lực của chúng ta để sống trong hiện tại với phẩm giá trong khi xây dựng một tương lai tốt đẹp hơn.”

ACI Prensa đã cố gắng liên lạc với Đức Tổng Giám Mục Giraud vào ngày 7 và 9 tháng 11 để biết ý kiến của ngài về các video và về lập trường ủng hộ nghị sự đồng tính của Cha Jasseron, nhưng không nhận được phản hồi nào vào thời điểm xuất bản.

Trong một video được đăng vào ngày 12 tháng 11, Jasseron xin lỗi tất cả những ai “có thể đã cảm thấy bị tổn thương” bởi những video “hài hước” mà cha ấy đã đăng. Ngài cũng xin những lời cầu nguyện cho chính mình và cầu nguyện cho những người khác.

Vị linh mục đã lờ đi không đề cập đến sự ủng hộ đối với chương trình nghị sự của người đồng tính trong video.

Liên lạc với Vatican

Trong một video được đăng vào ngày 24 tháng 6, Cha Jasseron hào hứng nói với người xem rằng “chính Rôma đã gọi cho tôi, Vatican” theo yêu cầu “của Đức Giáo Hoàng và Đức Hồng Y Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh.”

“Giáo hội cần cha và muốn cha thực hiện một cuộc khảo sát,” vị linh mục tiếp tục, nói rằng người đã gọi cho ông là Cha Lucio Adrián Ruiz, thư ký của Bộ Truyền thông.

Vị linh mục giải thích rằng ông là một trong những “người có ảnh hưởng” được Tòa Thánh liên lạc để cộng tác với một cuộc khảo sát cho Thượng hội đồng về tính đồng nghị.

ACI Prensa đã gửi một email vào ngày 7 tháng 11 cho Cha Ruiz để hỏi liệu ngài có biết hồ sơ của Jasseron khi đưa ra lời mời không và ngài nghĩ gì về các video mà vị linh mục người Pháp chia sẻ trên mạng xã hội của mình.

Cha Ruiz cho biết sẽ trả lời trước ngày 13 tháng 11. Tuy nhiên, tính đến thời điểm báo chí ngày 14 tháng 11, thư ký Bộ Truyền thông của Vatican vẫn chưa gửi câu trả lời của mình cho các câu hỏi của ACI Prensa.
Source:Catholic News Agency
 
Các giám mục Đức gặp Đức Thánh Cha Phanxicô tại Vatican trong bối cảnh lo ngại về Con đường Đồng nghị
Vu Van An
19:22 18/11/2022

Theo CNA, trong bản tin ngày 17 tháng 11, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã tiếp các giám mục Đức tại Vatican hôm thứ Năm.



Hội đồng Giám mục Đức cho biết trong một tuyên bố được công bố sau cuộc gặp gỡ, buổi tiếp kiến với Đức Giáo Hoàng Phanxicô kéo dài khoảng hai giờ đồng hồ, mô tả cuộc gặp gỡ như một “vòng đàm phán cởi mở”, trong đó “các giám mục có thể nêu lên các câu hỏi và vấn đề của họ, và Đức Giáo Hoàng đã trả lời riêng từng người”.

Tuyên bố đã đề cập ngắn gọn rằng “các khía cạnh của Con đường Đồng nghị của Giáo hội ở Đức, và diễn trình đồng nghị trên toàn thế giới cũng được đưa ra trong cuộc đàm luận”.

Như CNA Deutsch, đối tác tin tức tiếng Đức của CNA, đã đưa tin, thông cáo báo chí cũng nói rằng Đức Giáo Hoàng và các giám mục đã trao đổi “những suy nghĩ về việc chăm sóc mục vụ trong thời đại đang thay đổi, việc tự hiểu về thừa tác vụ linh mục và giám mục, việc dấn thân của người giáo dân trong Giáo hội, cũng như thách thức về việc làm thế nào để việc truyền giáo có thể thành công trong bối cảnh một thế giới tục hóa”.

Tuyên bố tiếp tục viết, “Ngoài ra, các giám mục đã có thể báo cáo về kinh nghiệm của các ngài trong các giáo phận.

“Câu hỏi về trách nhiệm chính trị, sự gắn kết xã hội và viễn cảnh hòa bình khi đối đầu với các xung đột hoàn cầu và khu vực đã lên khuôn cho cuộc họp.”

Sáu mươi ba giám mục người Đức đang ở Rôma trong tuần này cho chuyến viếng thăm ad limina của họ, kết thúc vào ngày 18 tháng 11. Mỗi giám mục giáo phận trên thế giới phải thực hiện chuyến viếng thăm “ad limina apostolorum” với Đức Giáo Hoàng để cung cấp thông tin cập nhật về tình trạng của giáo phận mình.

Vào thứ Sáu, các giám mục Đức sẽ gặp gỡ những vị đứng đầu một số thánh bộ của Vatican để thảo luận về Con đường Đồng nghị.

Theo hãng thông tấn KNA, các giám mục cũng đã thảo luận về tiến trình gây tranh cãi trong cuộc gặp gỡ với Đức Hồng Y Mario Grech, người chịu trách nhiệm về Thượng Hội Đồng Giám Mục về Tính Đồng nghị, hôm Thứ Tư.

Trong một cuộc phỏng vấn đăng trên trang mạng của giáo phận trước chuyến viếng thăm, người đứng đầu hội đồng giám mục Đức, Đức cha Georg Bätzing, cho biết ngài tin rằng “không phải ngẫu nhiên mà các giám mục chúng tôi hiện được mời đến Rôma”.

Vị giám mục người Đức nói rằng có “rất nhiều sự thiếu hiểu biết về tiến trình của chúng tôi ở Rôma.”

“Đó là lý do tại sao tôi rất biết ơn vì chúng tôi thực sự có nhiều thời gian để nói về điều này với nhau. Đây là một cơ hội thực sự.”

CNA Deutsch đưa tin, một sáng kiến của những người Công Giáo Đức chỉ trích Con đường Đồng nghị trong tuần này đã kêu gọi Đức Thánh Cha Phanxicô can thiệp vào diễn trình này.

Những người tổ chức của “Khởi đầu mới” (Neuer Anfang) nói rằng “Hãy dũng cảm can thiệp! Hãy chấm dứt việc tái cấu trúc Giáo hội một cách dân chủ giả tạo! Hãy bảo vệ đức tin chung! Và bảo vệ kẻ yếu trước bạo lực của bộ máy”.

Theo CNA Deutsch, cùng một lúc, những người ủng hộ tiến trình gây tranh cãi cho biết họ mong đợi từ Vatican “cuối cùng sẽ có một dấu hiệu rõ ràng về việc đánh giá cao Con đường Đồng nghị của Đức”.

Con đường Đồng nghị, Synodaler Weg trong tiếng Đức, là một diễn trình gây tranh cãi với mục đích được tuyên bố là tranh luận và thông qua các nghị quyết về bốn chủ đề: cách thức thực thi quyền lực trong Giáo hội, chức linh mục, vai trò của phụ nữ và đạo đức tình dục.

Viết về quá trình này, Đức Giáo Hoàng Phanxicô vào năm 2019 đã cảnh cáo về sự mất đoàn kết trong một bức thư gửi người Công Giáo Đức.

Gần đây hơn, vào đầu tháng 11, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã nói về việc bảo đảm “không đánh mất cảm thức đức tin của người dân”.

Ngài nói, quả thật “nước Đức đã có một Giáo Hội Thệ Phản vĩ đại rồi. Tôi không muốn một Giáo Hội Thệ phản khác không tốt bằng Giáo Hội hiện hữu. Tôi muốn người Công Giáo đoàn kết huynh đệ với Giáo hội Thệ phản”.
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Hình ảnh tấm thẻ căn cước ngày phán xét
Lm. Daminh Nguyễn ngọc Long
10:23 18/11/2022
Hình ảnh tấm thẻ căn cước ngày phán xét

Tấm thể căn cước trong đời sống là giấy tờ tùy thân căn bản cần thiết của mọi người công dân các nước trên thế giới. Thẻ căn cước được cơ quan hành chính của chính phủ mỗi nước cấp phát cho mỗi công dân nước mình.

Tấm thẻ căn cước căn cứ dựa trên tấm giấy khai sinh của mỗi người đã được cấp phát từ ngày mở mắt chào đời. Khi đã thành người trưởng thành, tấm thẻ căn cước xác định người công dân đó là ai, thuộc về quốc gia đất nước nào, với hình ảnh cùng những lý lịch cá nhân của người đó.

Căn cứ theo tấm thẻ này những dịch vụ giấy tờ công dân khác trong đời sống hằng ngày là giấy chứng minh chỉ dẫn được thực hiện tiếp theo.

Đó là trong đời sống xã hội con người. Nhưng trong đời sống đạo giáo tinh thần có tấm thẻ căn cước không, và hình ảnh tấm thể căn cước đạo giáo tinh thần như thế nào?

Người tín hữu Công Giáo từ khi nhận lãnh làn nước Bí tích Rửa tội, được ghi tên trong sổ rửa tội của giáo xứ nơi được rửa tội. Cùng được cấp cho giấy chứng nhận rửa tội với tên ngày tháng năm sinh, cùng ngày tháng năm rửa tội ở nơi nhà thờ nào.

Giấy chứng nhận này tựa như tấm giấy khai sinh chứng minh người đó là người tín hữu Công Giáo. Và căn cứ theo giấy chứng minh thư đó, họ sẽ được tiếp tục nhận lãnh các Bí tích khác trong Giáo hội, như Bí tích Giải tội, Mình Thánh Chúa, Thêm xức, Hôn phối, Chức thánh linh mục, Khấn Dòng, Xức dầu bệnh nhân, an táng theo nghi lễ Công Giáo.

Giấy chứng minh thư là người đã được rửa tội Công Giáo này, như thế có thể cũng được gọi là “ tấm giấy thẻ căn cước”

Ngoài ra các vị linh mục, từ ngày nhận lãnh bí tích sứ vụ chức linh mục, họ cũng được cấp phát cho “tấm thẻ căn cước linh mục” với hình và những chi tiết cá nhân của vị đó. Theo luật lệ, khi đến dâng thánh lễ nơi đâu xa lạ, như các nơi hành hương, vị linh mục cần phải xuất trình thẻ căn cước linh mục cho những người hữu trách nơi đó kiểm soát.

Cần có giấy thẻ căn cước chứng minh thư. Vì đời sống văn hóa trong xã hội đòi hỏi như thế. Và điều này càng ngày càng cần thiết cho đời sống có trật tự cùng minh bạch rõ ràng.

Nhưng trong thực hành nếp sống đạo đức, như đọc kinh, dâng thánh lễ, làm việc bác ái… không cần phải có giấy hay thẻ căn cước chứng minh là đã làm việc này. Người tín hữu Chúa Kitô thực hiện nếp sống đạo đức trên căn bản nhu cầu lòng tin yêu cậy trông vào Thiên Chúa. Chỉ Thiên Chúa biết đời sống đạo đức của họ là đủ.

Từ khi mở mắt chào đời, đời sống con người trong nếp sống xã hội cần phải có giấp khai sinh rồi tấm thẻ căn cước chứng mỉnh mình là ai, thuộc về đâu. Nhưng chưa phải là tất cả. Vì ngoài đời sống trong nếp sống văn hóa xã hội, con người còn có đời sống tinh thần đạo giáo nữa. Nếp sống đạo giáo tinh thần này không cần phải có thể căn cước giấy chứng minh thư.

Ngày sau cùng đời sống, theo niềm tin Công Giáo, thân xác tan rã trở về bụi đất. Nhưng linh hồn con người trở về với Thiên Chúa, Đấng là nguồn đời sống cùng là Đấng Thẩm Phán chí công cho mỗi người.

Trước Ngài, con người không ai mang theo được giấp tờ khai sinh hay thẻ căn cước của mình. Ngài không cần đến những thứ giấy tờ đó. Nhưng Ngài chỉ căn cứ theo nếp sống lòng bác ái khi xưa mỗi người đã sống thực hành mà xét xử luận phạt.

“Khi Con Người đến trong vinh quang của Người, có tất cả các thiên sứ theo hầu, bấy giờ Người sẽ ngự lên ngai vinh hiển của Người. Các dân thiên hạ sẽ được tập hợp trước mặt Người, và Người sẽ tách biệt họ với nhau, như mục tử tách biệt chiên với dê. Người sẽ cho chiên đứng bên phải Người, còn dê ở bên trái.

Bấy giờ, Đức Vua sẽ phán cùng những người ở bên phải rằng: “Nào những kẻ Cha Ta chúc phúc, hãy đến thừa hưởng Vương Quốc dọn sẵn cho các ngươi ngay từ thuở tạo thiên lập địa.

Vì xưa Ta đói, các ngươi đã cho ăn; Ta khát, các ngươi đã cho uống; Ta là khách lạ, các ngươi đã tiếp rước;Ta trần truồng, các ngươi đã cho mặc; Ta đau yếu, các ngươi đã thăm viếng; Ta ngồi tù, các ngươi đến hỏi han.”

Bấy giờ, những người công chính sẽ thưa rằng: “Lạy Chúa, có bao giờ chúng con đã thấy Chúa đói mà cho ăn, khát mà cho uống; có bao giờ đã thấy Chúa là khách lạ mà tiếp rước; hoặc trần truồng mà cho mặc? Có bao giờ chúng con đã thấy Chúa đau yếu hoặc ngồi tù, mà đến hỏi han đâu?”

Đức Vua sẽ đáp lại rằng: “Ta bảo thật các ngươi: mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy.” ( Mattheo 25, 31-40).

Tấm thẻ căn cước của mỗi người trước Thiên Chúa là cung cách nếp sống lòng bác ái với tha nhân đồng loại khi xưa trên trần gian.

Cung cách nếp sống tình yêu bác ái của mỗi người chứng minh bản chất con người của mỗi người, cùng có gía trị cao cả tuyệt đối trước Thiên Chúa, Đấng là nguồn sự sống và tình yêu thương.

Lm. Daminh Nguyễn ngọc Long

 
Văn Hóa
Về Giáo Hội của Chúa Kitô, tác phẩm gần cuối đời của Jacques Maritain, chương tám, tiếp theo
Vu Van An
17:56 18/11/2022
III: Gioan Tẩy Giả và Nước Trời

Et violenti rapiunt illud [ai mạnh sức thì chiếm được]



Những lời do Chúa Giêsu thốt ra, nhân nói tới Gioan Tẩy Giả, về Nước Thiên đàng, đưa chúng ta đi xa hơn những gì liên quan đến thẩm quyền giữa con người với nhau. Chúng đem tâm trí chúng ta tới dưới chân chính Thiên Chúa, nếu đúng như thế, như tôi vốn nghĩ, thì chúng quả gợi lên sự mầu nhiệm vĩ đại của thiên luật theo nghĩa phổ quát nhất của hạn từ này, - luật mà thẩm quyền của nó tự áp đặt lên chúng ta vì sự cứu rỗi của chúng ta, và là luật, tuy thế, trước cảnh khốn cùng của chúng ta, dường như đã đóng lại những cánh cửa mà Thiên Chúa của lòng thương xót muốn mở ra cho chúng ta đến nỗi đã sai Con của Người xuống mang lấy xác thịt chúng ta, và cho chúng ta biết Sự thật, và bị thẩm quyền của thầy thượng phẩm lên án nhân danh Lề Luật, và nhân danh sự thận trọng chính trị bởi thẩm quyền của Xêda, và chịu đau khổ, và chết trên Thập giá.

"Tôi nói thật với anh em: trong số phàm nhân đã lọt lòng mẹ, chưa từng có ai cao trọng hơn ông Gioan Tẩy Giả. Tuy nhiên, kẻ nhỏ nhất trong Nước Trời còn cao trọng hơn ông. Từ thời ông Gioan Tẩy Giả cho đến bây giờ, Nước Trời phải đương đầu với sức mạnh, ai mạnh sức thì chiếm được. Cho đến ông Gioan, tất cả các ngôn sứ cũng như Lề Luật đều đã nói tiên tri. Và nếu anh em chịu tin lời tôi, thì ông Gioan chính là Êlia, người phải đến. Qui habet aures audiendi, audiat [Ai có tai thì nghe]”{22}.

Ai dám nói mình có tai để nghe? Tuy nhiên, về khía cạnh này, đã không thiếu các nhà bình luận, và bản văn Tin Mừng này đã làm nảy sinh nhiều cách giải thích. Do đó, tôi mạo hiểm, bất chấp lỗ tai xấu của mình, đưa ra ý kiến của mình. Đối với tôi, dường như nếu Gioan kém vĩ đại hơn người nhỏ nhất trong vương quốc Thiên đàng, thì vì là vị cuối cùng - và vĩ đại nhất - trong số các tiên tri – ngài chỉ mới thấy được thời đại mà ngài đã tiên đoán, và trong đó Chúa Con Nhập Thể đã mạc khải tình yêu của Chúa Cha (ngài qua đời ngay tại ngưỡng cửa thời đại).

Cũng đối với tôi, dường như (và tôi muốn nói tới điều này) nếu Vương quốc của Thiên Chúa, vốn ở "giữa các ông"{23}, bị bạo lực kể từ thời của Gioan Tẩy Giả, thì đó là vì để vào được đó, tuân theo Luật pháp mà thôi không đủ; còn cần phải vượt quá đó, bằng bạo lực của tình yêu. Và nếu điều này đúng với Luật Môsê, thì nó cũng đúng, và đúng hơn nữa, đối với luật pháp, - thiên luật phổ quát trong tất cả sự nghiêm ngặt của nó, - điều mà Chúa Giêsu không đến để bãi bỏ, nhưng để hoàn tất, và không một nét nào của luật này sẽ bị bỏ qua. Để thực sự bước vào vương quốc này, điều cần thiết và sẽ luôn luôn cần thiết là phá các cánh cửa của nó bằng bạo lực tình yêu.

"Chúa Giêsu trên Thập giá, và hết sức đặc biệt vào thời điểm hoàn toàn bị bỏ rơi đó, đã phải chịu hoàn toàn sự nghiêm khắc của quy luật chuyển hóa [transmutation] từ bản tính này sang bản tính nọ - như thể Người không phải là Thiên Chúa; chính nhân tính của Người, lấy từ Đức Trinh Nữ, phải cảm nhận được toàn bộ sức nặng của luật này. Vì đầu phải trải nghiệm luật mà Người đã áp đặt lên các chi thể của mình. Bởi vì, khi mang bản tính nhân loại, Người phải trải nghiệm luật tối cao này, luật mà bản tính nhân loại, được kêu gọi tham dự vào bản tính thần linh, phải tuân phục.

"Và nếu Người không chịu sự nghiêm khắc của luật này, thì không thể nói rằng Ngôi Lời đã lấy một trái tim như trái tim của chúng ta để cảm nhận những đau khổ của chúng ta.

"Luật chuyển hóa các bản tính này – vốn bao gồm trong nó, tất cả các luật luân lý và thiên luật - là một điều cần thiết, có tính vật lý, hữu thể học nếu bạn muốn nói như thế - chính Thiên Chúa cũng không thể bãi bỏ, cũng như Người không thể tạo ra điều phi lý.

“Nhưng luật này – Lề Luật - không phải là Người – Người là Tình yêu.”

"Lúc đó, khi một linh hồn đau khổ, và đau khổ vì Luật không thể lay chuyển của việc chuyển hóa một bản tính thành một bản tính cao hơn (và đây là ý nghĩa của trọn bộ lịch sử con người.) -- Thiên Chúa ở với bản tính mà Người đã tạo ra và bản tính này chịu đau khổ - Người không chống lại nó. Nếu Người có thể chuyển hóa bản tính đó thành bản tính riêng của Người bằng cách bãi bỏ quy luật đau khổ và chết chóc, thì Người đã bãi bỏ nó - vì Người không thích thú gì cảnh tượng đau đớn và chết chóc. Nhưng Người không thể bãi bỏ bất cứ luật nào được khắc ghi trong hữu thể...

"Vì vậy, Ápraham cũng biết quy luật nghiêm khắc của việc chuyển hóa con người tự nhiên thành con người thiêng liêng và thần linh - nhưng với phạm vi rộng rãi của quyền tự do con người, trong đó nhiều luật lệ, do Thiên Chúa để lại trong bóng tối, đã được đặt trong thế tạm ngưng (trong ngoặc đơn).

"Và, đối với chúng ta, Người đã mạc khải cho chúng ta tất cả những đòi hỏi khủng khiếp của việc thần hóa [divinization] con người.

"Nhưng để mạc khải chúng cho chúng ta, chính Người đã đến - không phải bằng huyết dê và bò đực - nhưng bằng Máu Chúa Kitô, qua đó Tình yêu của Người dành cho chúng ta trở thành hiển hiện.

“Như vậy Luật mới khắc nghiệt hơn Luật cũ.

"Nhưng đồng thời tình yêu của Thiên Chúa (làm dịu mọi điều) cũng lan rộng hơn...

“Luật – mọi thứ luật – sau khi trở nên rõ ràng, và hiển hiện một cách hết sức rõ ràng, thì khuôn mặt tình yêu của Thiên Chúa, vì thế, có nguy cơ bị che khuất.

"Đây là lý do tại sao càng cần phải phân biệt giữa Tình yêu và Luật pháp hơn bao giờ hết...:

"Luật là chính đáng. Luật là cần thiết - với sự hết sức cần thiết phải chuyển hóa để được cứu rỗi, nghĩa là để được đời sống vĩnh cửu với Thiên Chúa.

“Nhưng Lề Luật không phải là Thiên Chúa.

"Và Thiên Chúa không phải là Lề Luật, Người là Tình yêu.

"Nếu Thiên Chúa có khuôn mặt luật pháp đối với con người – con người sẽ xa lánh vì họ cảm thấy tình yêu hơn hẳn luật pháp – trong điểm này, họ đã sai chỉ vì họ không nhận ra sự cần thiết cứu rỗi của luật pháp.

"Nhưng việc tuân theo Lề Luật mà không có tình yêu thương thì không có ích lợi gì cho sự cứu rỗi.

“Và tình yêu có thể cứu rỗi một người ngay trong giây phút cuối cùng của một cuộc đời tồi tệ - nếu trong giây phút đó, người ấy đã tìm được ánh sáng của tình yêu thì có lẽ vì họ luôn tin rằng Thiên Chúa là Tình yêu....

"Một cách nào đó, luật pháp đối lập với tình yêu. Thiên Chúa đã tạo ra nó bao lâu Người còn là Đấng Tạo dựng nên hữu thể. Nhưng bao lâu Người là cứu cánh và hạnh phúc của chúng ta, thì Người kêu gọi chúng ta vượt quá nó.

"Luật pháp được đề xuất từ bên ngoài, nó ngụ hàm một sự khuất phục – trong chính nó - dường như nó không liên quan gì đến lòng thương xót - cũng như sự bình đẳng của tình bạn - cũng không liên quan đến sự thân thiện.

"Nó thực sự là một điều cần thiết; chỉ là một điều cần thiết.

"Tình yêu cho đi vượt qua đầu Luật pháp" {24}.

Bởi vì bạo lực của tình yêu giúp người ta khả năng vượt quá Lề Luật một cách vô tận, đến tận trái tim của Tình yêu tồn hữu.

____________________________________________________________________________________________________

{1} Xem Ch. Journet, L'Église du Verbe Incarné, uốn II, tr. 163, chú thích 1, về Karl Barth. Ở phần cuối của ghi chú đặc biệt quan trọng này, Đức Hồng Y Journet viết: "Sự phân biệt mà Kinh thánh đưa ra giữa điều mà chúng ta gọi là 'Kitô hữu thiêng liêng' và 'Kitô hữu trần thế', và điều được Barth lưu ý, nhưng không thể giải thích đầy đủ ý nghĩa của nó, phát sinh từ sự phân biệt giữa, một mặt, lý trí tự nhiên, vốn hiện hữu ít nhiều bị suy yếu trong lương tâm các dân tộc, và mặt khác, trật tự của mạc khải Tin Mừng, mà một trong những nhiệm vụ của nó là định rõ, sửa chữa, phê chuẩn, thanh lọc dữ kiện của trật tự tự nhiên. Vì nó phê chuẩn các dữ kiện căn bản của lý trí liên quan đến sự hiện hữu của Thiên Chúa, vì chúng thường là praeambula fidei christianae (khúc dạo đầu của đức tin Kitô giáo], nên Kitô giáo cũng phê chuẩn các dữ kiện của lý trí liên quan đến trật tự của đời sống văn hóa, vì thông thường chúng là praeambula vitae christianae (khúc dạo đầu của đời sống Kitô hữu]."

{2} Xem cuốn sách tuyệt đẹp của Cha Irénée Vallery-Radot, Le Prophète de l'Occident [Tiên tri Tây phương], Paris, Desclée, 1969.

{3} Về điều này, tôi muốn nói đến Giáo hội của Chúa Kitô được Người thành lập và xây dựng. Trước nó là lịch sử hàng nghìn thế kỷ của loài người. Trạng thái Ađam, mà các nhà thần học gọi là "thời đại của Chúa Cha," và kéo dài từ khi loài người được tạo ra cho đến biến cố Sa ngã, là một trạng thái có trước Giáo hội. Giáo Hội chỉ bắt đầu phác họa chính mình (với tư cách là Giáo hội của Chúa Kitô sắp đến) sau biến cố Sa ngã; Thật vậy, kể từ thời điểm đó, và khởi đầu bởi cha mẹ đầu tiên của chúng ta, con người phải được cứu chuộc bởi ân sủng của Chúa Kitô, trước nhất, và trong một thời gian hết sức dài, được lãnh nhận một cách dự ứng [anticiption]. Do đó, theo quan điểm của lịch sử cứu rỗi, đã có "thời đại Chúa Con được chờ đợi," với "nhiệm cục luật tự nhiên," tiếp theo là "nhiệm cục Luật Môsê", sau đó là "thời đại (rất ngắn về độ dài, nhưng có tầm quan trọng vô song) của sự hiện diện trần thế của Chúa Kitô, "và cuối cùng là" thời đại của Chúa Thánh Thần, "với Giáo hội trong trạng thái cuối cùng của mình, hay điều tôi gọi là Giáo hội của Chúa Kitô đã đến, là Giáo Hội duy nhất làm tôi bận tâm ở đây. (Xem Charles Journet, L'Église du Verbe Incarné, cuốn III)

{4} Đức Phaolô VI, Diễn văn trong buổi yết kiến chung ngày 9 tháng 7 năm 1969 (Docum. Cath., Ngày 1 tháng 8 năm 1969, trang 707).

{5} Mt. 16: 15-19. Thiên đàng sẽ tuyên bố ràng buộc hoặc nới lỏng điều mà Phêrô sẽ ràng buộc hoặc nới lỏng trên mặt đất. Xem Kinh thánh Jerusalem, ghi chú về câu này.

{6} Giống như mọi sinh vật. Xem thư Êphêsô 4: 15-16: “Chính Người làm cho các bộ phận ăn khớp với nhau và toàn thân được kết cấu chặt chẽ, nhờ mọi thứ gân mạch nuôi dưỡng và mỗi chi thể hoạt động theo chức năng của mình. Như thế Người làm cho toàn thân lớn lên và được xây dựng trong tình bác ái”.

{7} Thánh Xiprianô, Epist. 73, c. 11 (trích theo H. de Lubac, La Foi chrétienne, xuất bản lần thứ 2, Paris, Aubier-Montaigne, 1970, tr. 223).

{8} Quả thật điều rõ ràng là trong đoạn Mátthêu này, cũng như trong đoạn "hãy chăn dắt đoàn chiên của thầy" của Gioan 21: 15-17, những lời của Chúa Giêsu không chỉ nhắm vào Phêrô mà còn nhắm vào những người kế vị ngài, vì đây là một vấn đề Giáo Hội Chúa Kitô mà các vị kế vị này sẽ xây dựng theo dòng thời gian, và trong Giáo Hội này suốt trong nhiều thế kỷ điều sẽ bị ràng buộc hoặc nới lỏng trên trái đất sẽ bị ràng buộc hoặc nới lỏng trên Thiên đàng, cũng như xuyên suốt nhiều thế kỷ, Phêrô, trong những người kế vị, sẽ nuôi dưỡng trong đó những chiên con và chiên mẹ của Chúa.

{9} "Ego autem rogavi pro te ut non deficiat fides tua: et tu aliquando convertus confirma fratres tuos." [Nhưng Thầy đã cầu nguyện cho anh để anh khỏi mất lòng tin. Phần anh, một khi đã trở lại, hãy làm cho anh em của anh nên vững mạnh] Lc 22:32.

{10} Ở đây, ta hãy trích dẫn một đoạn văn của Thánh Augustinô mà Cha de Lubac (Đd., tr. 189-190) đề cập đến những phần mở đầu về lời tuyên xưng của thánh Phêrô. Nó được lấy từ Cité de Dieu [Kinh thành Thiên Chúa], 1. 8, c. 54, n. 1: "Vì vậy, chúng ta, những người Kitô hữu và được người ta gọi bằng tên này, chúng ta không tin Phêrô, nhưng tin Người, Đấng mà Phêrô đã tin, và do đó chúng ta được 'xây dựng' bởi lời nói của Phêrô loan báo về Chúa Kitô".

{11} Những người khác dịch: "anh là một trở ngại đối với tôi".

{12} Mt. 16: 21-23.

{13} Thư 185.

{14} Người ta đọc trong Vulgate [Bản Phổ Thông]: "... Et filii Zebedaei, et alii ex discipulis ejus. [và các con ông Dêbêđê, và những người khác trong các môn đệ của Người]" Xem M. J. Lagrange, L'Évangile de Jésus-Christ, Paris, J. Gabalda et Cie, 1948, tr. 597, n. 1: "Chúng tôi nghĩ rằng 'hai môn đệ khác’, lúc đầu không được nêu tên, theo cách nói kín đáo của Gioan, đã được giải thích một cách đúng đắn là các con trai của Dêbêđê trong một lời bàn sau đó được lồng vào bản văn."

{15} Ga 21: 15-17.

{16} Sđd, tr. 600.

{17} Ga 21, 20.

{18} Xem Tractatus in Joannem [Tiểu luận về Gioan].

{19} Với Phêrô, Người nói: " Thật, Thầy bảo thật cho anh biết: lúc còn trẻ, anh tự mình thắt lưng lấy, và đi đâu tuỳ ý. Nhưng khi đã về già, anh sẽ phải dang tay ra cho người khác thắt lưng và dẫn anh đến nơi anh chẳng muốn.” (Ga 21: 18). Về Gioan, Người nói: " Giả như Thầy muốn anh ấy còn ở lại cho tới khi Thầy đến, thì việc gì đến anh?” (Ga 21: 22. Điều cần là hiểu: cho đến khi Thầy đến đem linh hồn người ấy theo Thầy, lúc người ấy sẽ chết trong tình yêu của Thầy).

{20} Trong diễn tiến đầu tiên, trước bữa ăn Vượt qua đúng nghĩa. Cf Kinh thánh Jerusalem, Mt. 26: 21, chú thích c.

{21} Ga 13: 4-7; 13: 12-15.

{22} Mt. 11: 11-15.

{23} Lc 17: 21.

{24} Nhật ký Râissa, trang 365-366; 367-368; 369; 370: "Le Vrai Visage de Dieu ou l'Amour et la Loi" [Khuôn mặt đích thực của Thiên Chúa hay Tình yêu và Lề Luật]" Bản Văn này được sao chép lại rộng dài ở cuối cuốn Paysan de la Garonne (Người Nông dân Miền Garrone].
 
VietCatholic TV
Tư Lệnh Lữ Đoàn Dù Nga trúng HIMARS, mất tích. Tòa Hà Lan kết án 3 tướng tá Nga. Moscow không dẫn độ
VietCatholic Media
03:15 18/11/2022


1. Bộ chỉ huy của Lữ Đoàn Dù Nga trúng HIMARS. Đại Tá mất tích.

Trong bản báo cáo sáng thứ Sáu 18 tháng 11, Bộ Tổng Tham Mưu Ukraine cho biết các đơn vị hỏa tiễn và pháo binh của Lực lượng Phòng vệ Ukraine đã tấn công ba sở chỉ huy và năm kho đạn của kẻ thù.

Phát ngôn nhân Bộ Quốc phòng Ukraine, Trung Tá Oleksandr Motuzianyk cho biết mùa đông đã ập xuống nên chiến sự bắt đầu lắng đọng. Tuy nhiên, trong ngày qua, người Nga đã thiệt mất khoảng 400 binh sĩ, 7 xe tăng, 7 xe thiết giáp và 2 xe chuyển quân.

Đáng chú ý nhất là vụ tấn công vào Lữ Đoàn Dù số 56 của Nga. Bộ chỉ huy của Lữ Đoàn Dù số 56 đóng tại Novokyivka, phía Đông sông Dnipro, cách thành phố Kherson 70km đã trúng HIMARS. Cho đến nay vẫn chưa rõ các thiệt hại nhân mạng. Tuy nhiên, các không ảnh cho thấy tòa nhà dùng làm bộ chỉ huy của Lữ Đoàn hoàn toàn bị phá hủy cùng với 2 chiếc xe tăng và 3 chiếc thiết giáp. Kho đạn gần bên nổ tung trong nhiều giờ.

Theo các blogger quân sự của Nga, Lữ Đoàn Dù số 56, có đại bản doanh tại thị trấn Feodosia của bán đảo Crimea, thuộc sư đoàn 7 tấn công miền núi, đã được tăng viện cho chiến trường Kherson từ tháng 6. Đại Tá Andrey Vladimirovich Kondrashkin, được ghi nhận mất tích trong vụ tấn công HIMARS ngày 17 tháng 11. Chưa rõ sống chết ra sao.

Trên các phương tiện truyền thông xã hội của Nga, nhiều binh sĩ trong Lữ Đoàn này cho biết họ đã bị hoảng loạn khi tìm cách trốn thoát khỏi Kherson. Các blogger ủng hộ Điện Cẩm Linh lặp lại sự hoảng loạn này, và chỉ ra rằng tinh thần và hậu cần đã suy sụp. Nhiều báo cáo từ các nhà báo, người dân và chính quyền Ukraine cũng như từng binh sĩ Nga cho thấy cuộc rút quân khỏi Kherson diễn ra khá hỗn loạn chứ không giống như Bộ Quốc Phòng Nga mô tả. Nhiều quân nhân và khí tài chiến tranh của Nga bị bỏ lại ở hữu ngạn.

DW News, cơ quan truyền thông của nhà nước Đức, báo cáo rằng các thiết bị chính như hệ thống phòng không dường như đã được ưu tiên chuyển thành công sang bờ bên kia, nhưng điều này đã khiến quân đội bị mắc kẹt ở phía bắc, và bị tấn công dữ dội bằng pháo binh và máy bay không người lái của Ukraine. Các nhóm binh sĩ Nga, trong đó có nhiều người bị thương, được cho là đã bị bắt hoặc tự nguyện đầu hàng trước các lực lượng Ukraine đang tiến lên.

Quan chức Ukraine Serhiy Khlan tuyên bố rằng một số binh sĩ Nga đã không thể rời khỏi Kherson và thay trang phục dân sự. Một người lính Nga xác nhận trên UKRInform của Ukraine rằng mệnh lệnh cuối cùng mà đơn vị của anh ta nhận được là 'thay quần áo dân sự và biến đi theo bất kỳ cách nào bạn muốn'. Một số binh sĩ Nga được cho là đã chết đuối khi cố bơi qua sông Dnipro.

Trong bối cảnh đó, Lữ Đoàn Dù số 56 còn không đến một phần tư quân số trước khi bị thêm một cú nữa vào ngày thứ Năm 17 tháng 11.

Tính đến 18 giờ ngày 17 tháng 11, quân Nga đã phát động 5 đợt tấn công từ trên không và 25 đợt tấn công bằng hỏa tiễn, sử dụng nhiều hệ thống hỏa tiễn phóng hàng loạt một lúc hơn 10 hỏa tiễn. 6 máy bay không người lái của Nga bị bắn rơi.

Những kẻ xâm lược Nga, vi phạm các quy tắc của luật nhân đạo quốc tế, luật lệ và tập quán chiến tranh, đã tiến hành các cuộc tấn công bằng hỏa tiễn vào cơ sở hạ tầng dân sự ở Dnipro và Odesa, Balakleia ở Kharkiv Oblast, Vilniansk ở vùng Zaporizhzhia, Nikopol ở vùng Dnipropetrovsk và Ochakiv ở vùng Mykolaiv.

Trung Tá Motuzianyk cho biết Lực lượng Phòng vệ Ukraine hôm nay đã bắn hạ 2 hỏa tiễn hành trình, 2 hỏa tiễn dẫn đường và 5 máy bay không người lái Shahed-136 theo các hướng khác nhau.

Theo báo cáo, một dự thảo luật đang được chuẩn bị ở Nga, quy định việc hợp pháp hóa nghĩa vụ quân sự từ mùa xuân năm 2023 đối với công dân Ukraine sống ở các vùng lãnh thổ tạm thời bị chiếm đóng và đã nhận được hộ chiếu Nga.

Theo thông tin có sẵn, khoảng 650 tù nhân đã được tuyển dụng tại các nhà tù hình sự của Nga trong tuần qua. Họ được gửi đến vùng Rostov để được đào tạo thêm.

Tại một số trung tâm đông dân cư trong lãnh thổ tạm thời bị chiếm đóng ở vùng Lugansk, quân xâm lược đã tăng cường các biện pháp phong tỏa. Đặc biệt, lối vào khu định cư Rubizhne từ Kreminna và Varvarivka đã bị đóng cửa. Sự di chuyển của thường dân trong thành phố đã bị hạn chế và các biện pháp sàng lọc đã được tăng cường. Tất cả các biện pháp này nhằm để đối phó với tình trạng đào ngũ ngày càng lan rộng trong vùng Donbas.

Tại Mariupol, chính quyền xâm lược có kế hoạch triển khai các đơn vị Vệ binh Nga, lực lượng đặc nhiệm và phản ứng nhanh, với tổng quân số lên tới 400 người.

Quân đội Nga tiếp tục cưỡng bức người dân Ukraine di tản và đưa các tài sản ra khỏi các vùng lãnh thổ bị chiếm đóng tạm thời của vùng Kherson. Đặc biệt, vào đêm ngày 16 tháng 11, những kẻ xâm lược đã buộc người dân rời khỏi Novokyivka. Ngoài ra, bệnh viện trung tâm thành phố ở Nova Kakhovka đã ngừng hoạt động do toàn bộ thiết bị y tế và xe cứu thương đã bị đánh cắp và đưa đến lãnh thổ tạm thời bị chiếm đóng của cái gọi là Cộng hòa tự trị Crimea.

2. Nga đã phóng “18 hỏa tiễn hành trình” vào Ukraine vào sáng thứ Năm

Bốn hỏa tiễn hành trình KH-101 và năm máy bay không người lái do Iran sản xuất đã bị bắn hạ trong làn sóng tấn công hỏa tiễn của Nga hôm thứ Năm, Không quân Ukraine cho biết.

“Nga một lần nữa tấn công bằng máy bay chiến lược Tu-95M từ khu vực Volgodonsk của vùng Rostov”, Bộ Tư lệnh Không quân cho biết. “Tổng cộng, 9 máy bay ném bom mang hỏa tiễn đã phóng tới 18 hỏa tiễn hành trình loại Kh-101/Kh-555”.

Các mục tiêu bao gồm một doanh nghiệp ở khu vực Dnipropetrovsk và một cơ sở sản xuất khí đốt, nó lưu ý. Điện Cẩm Linh đã tăng cường các cuộc tấn công vào cơ sở hạ tầng năng lượng quan trọng của Ukraine trong vài tuần qua.

Bốn hỏa tiễn hành trình bị bắn hạ đã bị phá hủy bởi “Trung tâm” Chỉ huy Không quân và tất cả năm máy bay không người lái Shahed do Iran sản xuất tấn công Ukraine từ lãnh thổ Belarus đã bị phá hủy ở khu vực trung tâm.

Ở phía nam, Không quân cho biết, lực lượng phòng không đã phá hủy hai hỏa tiễn dẫn đường Kh-59.

Trong những tuần gần đây, lực lượng phòng không Ukraine đã phá hủy khoảng hai phần ba số hỏa tiễn bay tới và một tỷ lệ rất cao gần như 100% các máy bay không người lái của Iran.

3. Truyền thông nhà nước đưa tin rằng Nga sẽ không dẫn độ công dân của mình bị tòa án Hà Lan kết án tù chung thân trong vụ MH17

Nga cho biết họ sẽ không dẫn độ công dân của mình, những người đã bị tòa án Hà Lan kết án tù chung thân vắng mặt, hãng truyền thông nhà nước Nga TASS đưa tin hôm thứ Năm.

“Quyết định của tòa án không tạo ra bất kỳ hậu quả pháp lý nào đối với chúng tôi,” TASS đưa tin, trích lời Andrei Klishas, chủ tịch ủy ban Hội đồng Liên bang về luật hiến pháp. “Nói chung, chúng tôi không dẫn độ công dân Nga sang các quốc gia khác trong bất kỳ trường hợp nào.”

Điều này xảy ra sau khi một tòa án Hà Lan kết án ba người đàn ông - cựu sĩ quan tình báo Nga Igor Girkin và Sergey Dubinskiy, và Leonid Kharchenko, một thủ lĩnh ly khai Ukraine - tù chung thân sau khi họ bị kết án vì vai trò của họ trong vụ bắn rơi Chuyến bay 17 của Malaysia Airlines năm 2014. giết chết tất cả 298 người trên máy bay.

Tất cả những người đàn ông đều từ chối tham gia phiên tòa và bị xét xử vắng mặt, có nghĩa là rất khó có khả năng họ sẽ chấp hành những bản án đó.

4. Quân đội Ukraine cho biết Nga đang củng cố các vị trí phòng thủ ở bờ đông của vùng Kherson

Quân đội Ukraine cho biết các lực lượng Nga tiếp tục các nỗ lực “phòng thủ” ở bờ đông sông Dnipro, cũng như tập hợp lại các đơn vị của họ.

Nga “tiếp tục cung cấp hỗ trợ hậu cần cho các đơn vị ở khu vực Kherson, tìm kiếm những cách an toàn để cung cấp thiết bị, vũ khí và vật tư”, Bộ chỉ huy tác chiến miền Nam của Ukraine cho biết.

Các lực lượng Nga đã rút về bờ đông vào tuần trước, nhưng các cuộc pháo kích của Ukraine vào khu vực này đang diễn ra ác liệt.

Sau khi tấn công vào các vị trí của Nga xung quanh Kakhovka, “các biện pháp sàng lọc chống lại người dân địa phương đã được tăng cường. Tại chính thị trấn Kakhovka, những kẻ xâm lược Nga đang gài mìn các cơ sở hạ tầng và phá hủy các tháp di động”.

Bộ Tổng tham mưu quân đội Ukraine lặp lại bình luận của Bộ chỉ huy tác chiến miền Nam, nói rằng quân đội Nga tiếp tục buộc người dân Ukraine phải di tản khỏi các khu vực bị chiếm đóng ở vùng Kherson.

Vào tối thứ Tư, người dân từ NovoKyivka, một ngôi làng không xa Crimea, đã buộc phải rời khỏi nhà của họ và bệnh viện ở Nova Kakhovka phải ngừng hoạt động vì tất cả các thiết bị y tế và xe cứu thương đã bị đánh cắp, theo Bộ Tổng tham mưu.

Phát ngôn nhân Bộ Quốc phòng Ukraine, Chuẩn tướng Oleksii Hromov, nói rằng sự hiện diện của quân đội Ukraine ở bờ tây sông Dnipro sẽ “cho phép chúng tôi kiểm soát lãnh thổ gần bán đảo Crimea tạm thời bị chiếm đóng”. Ông nói thêm: “Pháo binh Ukraine đang “làm hết sức mình để tấn công” Nga “ở tầm bắn tối đa của vũ khí của chúng tôi”.

Các cuộc pháo kích của Nga tiếp tục nhằm vào các cộng đồng xa hơn về phía bắc, bên kia sông, bao gồm Myrivka, Marhanets và Nikopol ở khu vực Dnipropetrovsk.

Tại Hắc Hải, bộ tư lệnh cho biết Nga “đã tăng số lượng tàu sân bay mang hỏa tiễn hành trình trong nhóm hải quân Hắc Hải. Hiện tại, có 3 trong số đó, một trong số đó là tầu ngầm. Họ đã sẵn sàng cho một cuộc tấn công bằng hai tá hỏa tiễn Kalibr”.

5. Tổng thống Ba Lan nói rằng ông đang cố gắng hỗ trợ Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy sau sự việc hỏa tiễn

Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda nói chuyện với giới truyền thông vào ngày 17 tháng 11, tại ngôi làng phía đông Przewodow, Ba Lan, nơi một cuộc tấn công bằng hỏa tiễn đã giết chết hai người đàn ông, gần biên giới với Ukraine.

Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda cho biết hôm thứ Năm rằng ông đang cố gắng hỗ trợ Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy sau cái mà ông gọi là “sự việc không chủ ý” khiến hai người thiệt mạng hôm thứ Ba khi một hỏa tiễn rơi xuống làng Przewodow của Ba Lan, gần biên giới với Ukraine.

“Đó là một tình huống cực kỳ khó khăn, và không có gì ngạc nhiên với bất kỳ ai khi có những cảm xúc ở đây. Zelenskiy đang trải qua mọi thứ mà quốc gia của anh ấy phải trải qua. Chính quốc gia của anh ấy đã chọn anh ấy cho vị trí này và anh ấy cảm thấy có trách nhiệm với việc đó,” Duda nói với các nhà báo hôm thứ Năm trong chuyến thăm địa điểm xảy ra vụ nổ ở Przewodow.

Duda nói rằng cả ba bên - Ba Lan, Ukraine và Hoa Kỳ - đang thu thập thông tin về phía họ, khẳng định rằng những gì xảy ra hôm thứ Ba là một tai nạn “bi thảm”.

“Không ai muốn làm hại bất cứ ai ở Ba Lan,” Duda nói và nói thêm rằng “cho đến nay, chúng tôi chưa tìm thấy bất kỳ dấu vết nào của hỏa tiễn thứ hai trên lãnh thổ Ba Lan.”

“Đây là thời điểm khó khăn đối với cộng đồng nhỏ này,” tổng thống Ba Lan nói, và “các gia đình yêu cầu nỗi đau và sự riêng tư của họ được tôn trọng.”

6. Các nhà điều tra đã tìm thấy 11 trung tâm giam giữ và bằng chứng về “tra tấn” ở Kherson

Tại các khu vực mới được giải phóng của khu vực Kherson, các nhà điều tra tội phạm chiến tranh Ukraine đã tìm thấy 11 trung tâm giam giữ và bằng chứng về “tra tấn” được sử dụng ở 4 trong số đó, Bộ trưởng Nội vụ Ukraine cho biết vào tối thứ Tư.

“Mười một nơi giam giữ đã được phát hiện, trong đó bốn nơi đã sử dụng tra tấn,” Denys Monastyrskyi, Bộ trưởng Nội Vụ Ukraine, nói với kênh truyền hình Ukraine.

Sau khi các lực lượng Nga rút lui qua sông Dnipro vào tuần trước, các lực lượng Ukraine đã giành lại phần lớn khu vực Kherson, bao gồm cả thủ phủ khu vực.

Monastyrskyi cho biết cảnh sát và các cơ quan an ninh Ukraine đang làm việc để thu thập bằng chứng, “ghi lại mọi tình tiết của các vụ tra tấn, tìm kiếm nhân chứng, cũng như khai quật thi thể của những người chết”.

Mặc dù không chỉ định địa điểm, nhưng ông cho biết 63 thi thể đã được tìm thấy cho đến nay.

Nga trước đây đã phủ nhận các cáo buộc về tội ác chiến tranh và tuyên bố lực lượng của họ không tấn công vào dân thường, bất chấp nhiều bằng chứng được thu thập bởi các chuyên gia nhân quyền quốc tế, các nhà điều tra tội phạm và phương tiện truyền thông quốc tế ở nhiều địa điểm.

Hôm thứ Ba, Alexander Malkevich, một thành viên của Phòng Dân sự Liên bang Nga, một cơ quan cố vấn chủ yếu gồm những người trung thành với chính phủ, nói rằng Kyiv /ki-díp/ đang lên kế hoạch buộc tội quân đội Nga về tội ác ở Kherson, trong một cuộc phỏng vấn trên trang web chính thức của Nga.

7. 991 thi thể thường dân được tìm thấy ở các vùng vừa được giải phóng của bốn khu vực Ukraine

Các nhân viên thực thi pháp luật đã phát hiện ra thi thể của 991 thường dân tại các vùng lãnh thổ Donetsk, Mykolaiv, Kharkiv và Kherson vừa được giải phóng khỏi quân xâm lược Nga.

Oleksiy Serheiev, một quan chức cảnh sát cấp cao, đã cho biết như trên trong cuộc họp báo tại trung tâm báo chí Kyiv sáng thứ Sáu 18 tháng 11.

“Liên quan đến các biện pháp giải tỏa do Cảnh sát Quốc gia thực hiện, tại các vùng lãnh thổ do Donetsk, Mykolaiv, Kharkiv và Kherson đã giải phóng, cảnh sát đã bảo đảm các biện pháp ổn định và khôi phục luật pháp và trật tự tại 577 khu định cư. Hoạt động của 15 đơn vị cảnh sát đã được khôi phục và 3,559 tội ác chiến tranh đã được ghi nhận. Thi thể của 991 thường dân đã được phát hiện,” Serheiev nói.

Theo quan chức này, tổng cộng, các đội rà phá bom mìn đã gỡ bỏ an toàn 33,000 vật liệu nổ.

Trong khi đó, Bộ trưởng Nội vụ, Denys Monastyrskyi, cho biết 63 thi thể của những người bị tra tấn đã được tìm thấy ở vùng Kherson.

Ông cho biết thêm Cảnh sát Quốc gia Ukraine ghi nhận quân Nga đã phá hủy hơn 330 cơ sở giáo dục Ukraine trên khắp Ukraine: “Kể từ cuộc xâm lược toàn diện, hơn 2,700 cơ sở giáo dục đã bị hư hại do các cuộc oanh tạc và pháo kích của Nga, trong đó có 337 cơ sở bị phá hủy hoàn toàn.”

Do đó, nhiệm vụ cấp bách của chính quyền Ukraine là bảo đảm quyền được giáo dục của trẻ em, có tính đến khả năng của từng cơ sở riêng lẻ và các cân nhắc về an toàn cảnh báo không kích.

Ông nhắc nhớ rằng 431 trẻ em đã thiệt mạng và 835 em bị thương do cuộc xâm lược vũ trang của Nga ở Ukraine.

Số trẻ em thương vong nhiều nhất được báo cáo ở các khu vực Donetsk, 174 em, Kyiv, 58 em, Kharkiv, em 78, Chernihiv, 23 em, và Kherson, 20 em.

“Những con số này không phải là con số cuối cùng, vì các hoạt động thù địch vẫn tiếp diễn và một phần lãnh thổ của đất nước chúng ta vẫn đang tạm thời bị chiếm đóng. Công việc cũng đang được tiến hành để ghi lại những sự thật như vậy ở các vùng lãnh thổ được giải phóng.”

Ông cũng ghi nhận rằng 103 trẻ em bị người Nga cưỡng bức rời khỏi Ukraine đã được trở về nhà.
 
Công lý cho nạn nhân MH17: Sống giữa Âu Châu văn minh, lính Nga hành xử tàn bạo như khủng bố IS
VietCatholic Media
05:40 18/11/2022


1. Ba người đàn ông bị kết tội sát hại 298 người trong vụ bắn hạ MH17

Tòa án nói rằng Nga đã kiểm soát toàn bộ lực lượng ly khai ở miền đông Ukraine vào thời điểm chiếc máy bay bị bắn hạ

Một tòa án Hà Lan đã tuyên bố 3 người đàn ông phạm tội sát hại 298 người trên chuyến bay MH17, bị một hỏa tiễn đất đối không của Nga bắn hạ khi nó đang bay qua miền đông Ukraine vào năm 2014.

Tòa án đã tuyên án tù chung thân đối với các công dân Nga Igor Girkin và Sergey Dubinskiy và một công dân Ukraine đi theo phe ly khai thân Nga, Leonid Kharchenko, sau khi kết luận họ phạm tội bắn hạ máy bay và sát hại mọi người trên máy bay. Họ được lệnh phải trả “hơn 16 triệu euro” tiền bồi thường cho các nạn nhân. Ba người đàn ông này vẫn ở ngoài vòng pháp luật và vẫn chưa rõ liệu họ có phải thi hành án hay không.

Công dân Nga thứ ba, Oleg Pulatov, được tha bổng vì thiếu bằng chứng về vai trò của anh ta trong vụ bắn hỏa tiễn.

Năm 2014, cả bốn người đều là chiến binh của Cộng hòa Nhân dân Donetsk tự xưng, một phong trào ly khai thân Nga. Không ai trong số những người đàn ông nói trên xuất hiện trước tòa và chỉ có Pulatov chọn chỉ định luật sư để chống lại các cáo buộc nhắm vào anh ta.

Chủ tọa phiên tòa, Hendrik Steenhuis, cho biết tòa án đã kết luận rằng chiếc máy bay MH17 bị hỏa tiễn BUK do Nga sản xuất bắn hạ từ một cánh đồng nông nghiệp ở miền đông Ukraine, viện dẫn nhiều bằng chứng cho thấy không có “bất kỳ khả năng nghi ngờ hợp lý nào”.

Tòa án kết luận rằng Nga có quyền kiểm soát tổng thể đối với lực lượng ly khai ở miền đông Ukraine vào thời điểm chiếc máy bay bị bắn hạ, ông nói.

Tổng thống Ukraine, Volodymyr Zelenskiy, cho biết đây là một quyết định quan trọng của tòa án. Ông nói: “Việc truy tố những kẻ chủ mưu cũng rất quan trọng, vì cảm giác không bị trừng phạt sẽ dẫn đến những tội ác mới. Chúng ta phải xua tan ảo tưởng này. Sự trừng phạt đối với mọi tội ác của Nga lúc bấy giờ và ngay bây giờ là không thể tránh khỏi.”

Một số người thân của các nạn nhân cho biết họ hài lòng với kết quả. “Chúng tôi rất hài lòng vì công lý đã được thực thi,” Piet Ploeg, chủ tịch của Tổ chức Thảm họa Hàng không MH17, đại diện cho thân nhân các nạn nhân, cho biết.

Ploeg mất anh trai, chị dâu và cháu trai trong vụ tai nạn. Ông nói với đài truyền hình quốc gia Hà Lan NOS: “Sự thật đã được chứng minh, điều này rất quan trọng đối với tất cả người thân, nhưng cũng từ góc độ quốc tế. Ông cũng nói rằng điều quan trọng là thẩm phán đã nói chuyện cởi mở về vai trò của Nga trong cuộc xung đột và thảm họa.

Phán quyết đưa ra sau một phiên tòa kéo dài 32 tháng bắt đầu vào tháng 3 năm 2020 trong một phòng xử án với an ninh nghiêm nhặt tại sân bay Schiphol, nơi chuyến bay MH17 cất cánh vào ngày 17 tháng 7 năm 2014 để đến Kuala Lumpur.

Theo một cuộc điều tra quốc tế, chỉ vài giờ sau khi cất cánh, một quả hỏa tiễn đã phát nổ ngay phía trên và bên trái buồng lái, khiến máy bay vỡ tung giữa không trung. Mọi người trên tàu đều thiệt mạng.

Các nạn nhân đến từ 17 quốc gia, trong đó có 198 công dân Hà Lan, 43 người Mã Lai Á, 38 người Úc và 10 người Anh. Họ thuộc mọi tầng lớp xã hội: gia đình có con nhỏ, cặp vợ chồng trẻ và người về hưu trong kỳ nghỉ của đời người, thanh thiếu niên ăn mừng khi kết thúc kỳ thi, các chuyên gia chuẩn bị đi dự hội nghị, một nữ tu, một công nhân vận chuyển trở về nhà. 80 nạn nhân là trẻ em.

Thủ tướng Hà Lan, Mark Rutte, cho biết: “Đây là một bước nữa trong việc theo đuổi sự thật và công lý cho các nạn nhân và người thân của họ. Và điều quan trọng là phán quyết này, nó không phải là kết luận cuối cùng… Nó không phải là kết thúc. Tất cả các bên sẽ có quyền kháng cáo, vì vậy phán quyết vẫn chưa phải là cuối cùng. Nhưng tôi nhắc lại, một bước quan trọng đã được thực hiện ngày hôm nay.”

Trong phiên tòa, người thân của các nạn nhân đã làm chứng trước tòa, trực tiếp và thông qua liên kết video, về nỗi đau quá lớn của họ và cuộc sống của họ đã thay đổi mãi mãi như thế nào khi họ phát hiện ra người thân của mình đã ở trên chuyến bay MH17.

Cha mẹ và chú bác thương tiếc những đứa trẻ không bao giờ được đi học hay tốt nghiệp đại học; những người khác đã đưa ra những bức chân dung gia đình sống động về anh chị em và cha mẹ, tính cách, sở thích và ước mơ cho tương lai của họ. Nhiều người kể lại nỗi đau khi vào nhà xác nhận lại thi thể người thân. Những người khác kể về một thực tế đau lòng đang ló dạng rằng chỉ có một vài mảnh xương, hoặc không có mảnh xương nào được tìm thấy.

Nhiều thân nhân nói về chứng trầm cảm, lo lắng, rối loạn căng thẳng sau chấn thương, những giấc mơ ám ảnh và những bệnh tật mà họ đã trải qua sau chấn thương tâm lý về cái chết dữ dội của một hoặc một số người thân. “Chúng tôi mất niềm vui sống,” một người nói trước tòa, trong khi người khác nói về “sự tra tấn tinh thần trong suốt phần đời còn lại của chúng tôi”.

Một số mất đi trụ cột chính trong gia đình, thêm áp lực tài chính vào nỗi đau tinh thần. Một số người cho biết sự đau buồn càng chồng chất bởi thông tin sai lệch từ chính phủ Nga và việc các bị cáo từ chối chịu trách nhiệm.

Các công tố viên, sau kết quả của một cuộc điều tra quốc tế, đã kết luận rằng bốn người đàn ông không “tự bấm nút” mà chịu trách nhiệm bắn hỏa tiễn BUK từ các lệnh tàn bạo của Nga và triển khai nó trên chiến trường.

Năm 2018, Hà Lan và Australia cho rằng Nga phải chịu trách nhiệm về thảm họa, sau khi các nhà điều tra kết luận hỏa tiễn BUK xuất phát từ một căn cứ quân sự của Nga.

Điện Cẩm Linh luôn phủ nhận mọi liên quan, đồng thời khẳng định họ đã bị loại khỏi cuộc điều tra.

Girkin, người được mệnh danh là Igor Strelkov, là chỉ huy của lực lượng ly khai được hậu thuẫn vào năm 2014. Người ta tin rằng anh ta đã quay trở lại chiến trường ở Ukraine, làm dấy lên hy vọng mong manh rằng hắn ta có thể bị bắt và cuối cùng phải đối mặt với công lý.

Trước đây, hắn ta đã nói rằng cảm thấy “có trách nhiệm đạo đức” đối với cái chết của 298 người, nhưng từ chối thừa nhận vai trò trong việc bắn rơi máy bay phản lực, đồng thời chỉ trích các thủ tục pháp lý.

Dubinskiy và Pulatov giữ vai trò cấp cao trong lực lượng ly khai Donetsk. Dubinskiy là cựu sĩ quan quân đội của GRU, tức là cơ quan tình báo quân đội Nga, và là người đứng đầu cơ quan tình báo của Cộng hòa Nhân dân Donetsk tự xưng. Pulatov, người được tha bổng, là một cựu sĩ quan trong spetsnaz của Nga, là đơn vị đặc biệt của tình báo quân đội Nga. Anh ta từng là một trong những cấp phó của Dubinskiy, nhưng tòa án kết luận rằng không có bằng chứng nào cho thấy anh ta đã tham gia trong việc sử dụng BUK.

Kharchenko là chỉ huy của một đơn vị chiến đấu ở Donetsk và nhận lệnh từ Dubinskiy.

Girkin, Dubinskiy và Kharchenko, ba người đàn ông bị kết tội, bị thẩm phán cho là đã thể hiện thái độ “thiếu tôn trọng và gây tổn thương không cần thiết” đối với người thân bằng những bình luận của họ về quy trình pháp lý. “Chỉ có mức án tù cao nhất có thể mới là hình phạt thích đáng” cho tội ác của họ, vốn đã gây ra quá nhiều đau buồn cho rất nhiều người, thẩm phán Steenhuis nói.

Theo các công tố viên, chuỗi sự kiện chết người đối với MH17 bắt đầu diễn ra vào đêm 16 rạng ngày 17 tháng 7 khi một chiếc hỏa tiễn BUK được chuyển vận trái phép qua biên giới từ Nga đến Ukraine và vận chuyển đến Donetsk.

Ngay khi Dubinskiy biết tin BUK đến nơi, hắn đã sắp xếp với văn phòng của Girkin để vận chuyển nó đến một cánh đồng canh tác gần làng Pervomaisky.

Pulatov, người duy nhất trong số bốn người chỉ định luật sư, nói với tòa án qua một đường dẫn video rằng anh ta vô tội.

Các công tố viên và nghi phạm có hai tuần để kháng cáo quyết định của tòa án.

Đầu tháng 10 vừa qua khi hay tin Girkin sang Ukraine chiến đấu cho Nga, một cuộc gây qũy đã quyên góp được số tiền 150,000 Mỹ Kim cho ai bắt được hắn ta. Hà Lan đã chi thêm 150,000 Mỹ Kim để làm giải thưởng.

2. 'Phòng tra tấn' của Nga được phát hiện ở Kherson vừa được giải phóng

Hai ký giả Lorenzo Tondo và Isobel Koshiw của tờ The Guardian có trụ sở ở London có bài tường trình từ Kherson nhan đề “Alleged Russian ‘torture room’ uncovered in liberated Kherson”, nghĩa là “'Phòng tra tấn' của Nga được phát hiện ở Kherson vừa được giải phóng.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Túy Vân.

Các nhà điều tra Ukraine tuyên bố lực lượng Nga đã chiếm trại giam vị thành niên, đánh đập và giết chết những người bên trong

Các nhà điều tra Ukraine đã phát hiện ra một “phòng tra tấn” ở thành phố Kherson, nơi hàng chục người đàn ông được tường trình đã bị giam giữ, điện giật, đánh đập và một số người trong số họ bị giết.

Cảnh sát cho biết binh lính Nga đã tiếp quản trung tâm giam giữ trẻ vị thành niên vào khoảng giữa tháng 3 và biến nó thành nhà tù dành cho những người đàn ông từ chối cộng tác với họ hoặc những người bị buộc tội hoạt động du kích.

Ba người hàng xóm và hai chủ cửa hàng địa phương cho biết họ bắt đầu nghe thấy tiếng la hét khoảng 6 tuần sau khi nhìn thấy lính Nga chiếm tòa nhà. Các nhân chứng cho biết họ bắt đầu thấy mọi người bị đội túi lên đầu và một số thi thể bị đưa đi.

Mykola Ivanovych, người có ban công nhìn ra sân sau của trung tâm giam giữ, cho biết anh nhìn thấy hai thi thể bị ném vào nhà để xe phía sau trung tâm này. The Guardian đã cùng với báo chí và các công tố viên đến thăm tận nơi địa điểm này sau khi các thi thể đã được chuyển đi.

Ira, người sở hữu một ki-ốt bên ngoài trung tâm giam giữ, cho biết: “Những người may mắn sống sót bị đánh đập đến mức hoàn toàn mất phương hướng. Họ đến đây và hỏi đường và chúng tôi cho họ tiền đi xe buýt.”

Các nhân chứng cho biết họ chưa bao giờ nhìn thấy mặt những người đàn ông phụ trách trung tâm, vì họ đội khăn trùm đầu và mặc đồ đen từ đầu đến chân.

Những người lính Nga đến nhà Vitaliy Serdiuk tuổi về hưu vào cuối tháng Tám. Họ đảo lộn nơi này và bắn chỉ thiên khi những người hàng xóm phản đối, sau đó họ đưa Serdiuk đến trại tạm giam.

Serdiuk đã bị đánh đập dã man trong 4 ngày bị giam giữ đến nỗi vợ anh ta, Elena, nói rằng anh ta đã sợ ra khỏi nhà trong hai tháng qua.

Ông được người Nga bảo cho biết ông bị đánh đập là vì con trai ông, một quân nhân đang phục vụ trong quân đội Ukraine. Con trai của ông, người không ở Kherson trong thời gian thành phố bị chiếm đóng, gần đây đã bị thương khi chiến đấu.

Zhenia Dremo, một chuyên gia kỹ thuật điện toán, đã bị đánh vào trán tại một trạm kiểm soát vì không có thuốc lá để đưa cho binh lính Nga, để lại một vết sẹo vẫn còn nhìn thấy tỏ tường. Ông phân bua với binh sĩ Nga rằng ông không hút thuốc nên không có thuốc lá để cho họ. Ông liền bị kết tội chống đối và bị bắt đến trại tạm giam.

“Tôi đã may mắn, họ chỉ đánh tôi một chút,” Dremo nói, “nhưng các bạn tù của tôi đã bị đánh rất nặng.” Anh ta nói rằng những người lính Nga “gắn một sợi dây điện vào thân thể của một bạn tù. Sau đó trong hai giờ, tôi sẽ ngồi đó và lắng nghe anh ấy hét lên,” anh nói. “Tôi ngủ rất tệ vào ban đêm cho đến tận ngày hôm nay.”

Dremo cho biết anh ta chỉ nhìn thấy những trong cùng phòng giam với mình, và có tám người trong phòng giam của anh ta và họ thay đổi thường xuyên. Anh ấy nói rằng anh ấy nghe lỏm được rằng có tổng cộng 23 phòng giam, cho thấy khoảng 180 người có thể bị giam giữ ở đó cùng một lúc.

“Cũng có phụ nữ ở đó,” Dremo nói. “Có ít nhất hai phòng giam nữ. Chúng tôi có một người bạn, là bà Anna. Bà ấy không bị hãm hiếp, nhưng họ đã cạo đầu bà ấy.”
 
Lính Nga trốn sang Madrid tố cáo tội ác chiến tranh của Putin. Cú móc trái quyết định ở Zaporizhzhia
VietCatholic Media
16:43 18/11/2022


1. Ngoại trưởng Liên Hiệp Âu Châu Josep Borrell cho biết Putin không có dấu hiệu chấp nhận thỏa thuận đầu hàng.

Giám đốc CIA Bill Burns đã tới Kyiv để gặp Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy và các đối tác tình báo của ông vào hôm thứ Ba. Chuyến đi của Burns tới Kyiv diễn ra ngay sau cuộc họp hôm thứ Hai tại Ankara, Thổ Nhĩ Kỳ với Giám đốc tình báo Nga, Sergey Naryshkin - và đây là lần thứ hai trong vòng chưa đầy một tháng, giám đốc CIA đã đến thăm Kyiv.

Nhiều người tin rằng Giám đốc CIA đến Kyiv dồn dập như thế là để thúc ép chính quyền Kyiv chấp nhận một thỏa thuận đầu hàng của Putin.

Giáo sư Valery Solovey, trước đây làm việc tại Học viện Quan hệ Quốc tế có uy tín của Mạc Tư Khoa và người tuyên bố có mối quan hệ bên trong Điện Cẩm Linh, cho biết theo thỏa thuận này Nga phải từ bỏ tất cả lãnh thổ ở Ukraine, ngoại trừ Crimea, nơi sẽ trở thành một khu phi quân sự và vị thế của nó sẽ không được thảo luận lại cho đến năm 2029.

Đổi lại, Putin và những người thân cận của mình sẽ tránh được các cáo buộc hình sự về chiến tranh và được phép tiếp tục nắm quyền.

Khi được hỏi về khả năng này, Ông Josep Borrell, Ngoại trưởng của Liên Hiệp Âu Châu, nói với Reuters:

“Tôi e rằng Nga chưa sẵn sàng. Họ chưa muốn rút quân và chừng nào họ còn không rút thì hòa bình sẽ không thể thực hiện được.”

Ông nói thêm:

“Chính nước Nga phải làm cho có hòa bình, kẻ xâm lược phải rút lui nếu muốn hòa bình bền vững.”

2. Điện Cẩm Linh tuyên bố sẽ tiếp tục chiến tranh bất chấp thời tiết

Phát ngôn nhân Điện Cẩm Linh Dmitry Peskov nói với các nhà báo hôm thứ Năm rằng cuộc xâm lược của Mạc Tư Khoa vào Ukraine sẽ tiếp tục bất kể điều kiện thời tiết như thế nào, khi tuyết và nhiệt độ lạnh giá tấn công đất nước.

Khi được hỏi về việc hàng triệu người không có điện sau các cuộc tấn công lớn vào Ukraine trong tuần này do nhiệt độ dự kiến sẽ giảm hơn nữa ở nước này, Peskov cho biết: “Chiến dịch quân sự đặc biệt vẫn tiếp tục và việc nó có tiếp tục không phụ thuộc vào điều kiện khí hậu, thời tiết”.

Theo Peskov, chính quyền Kyiv không sẵn sàng đàm phán nữa. Và nếu có, họ muốn các cuộc đàm phán phải “công khai”, là điều mà Mạc Tư Khoa không thể chấp nhận.

“Thật khó để tưởng tượng các cuộc đàm phán công khai, không có chuyện đó. Và thậm chí còn hơn thế nữa với các cuộc đàm phán công khai phải xảy ra trong các tình huống như vậy,” Peskov nói.

Nhấn mạnh thêm về lý do tại sao hàng triệu dân thường đang phải chịu cảnh không có điện và nhiệt, ông Peskov đề cập đến “sự không sẵn lòng của phía Ukraine trong việc giải quyết các vấn đề, không chịu tham gia vào các cuộc đàm phán”.

Một số bối cảnh: Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy đã nhiều lần nói trong nhiều tháng chiến tranh rằng Ukraine sẵn sàng tham gia các cuộc đàm phán ngoại giao với người Nga. Nhưng ông đã ký một sắc lệnh vào đầu tháng 10 loại trừ bất kỳ cuộc đàm phán nào với Tổng thống Nga Vladimir Putin. Sắc lệnh đó được đưa ra để đáp trả việc Nga tự tuyên bố sáp nhập các vùng lãnh thổ ở miền đông Ukraine sau các cuộc trưng cầu dân ý giả tạo ở đó.

Hôm thứ Ba, trong cuộc nói chuyện với các nhà lãnh đạo đang tham dự G20 tại Bali, Indonesia, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy đã phác thảo 10 điều kiện tiên quyết để đàm phán với Nga. Đáp lại, cựu tổng thống Nga Dmitry Medvedev, hiện là phó chủ tịch Hội Đồng An Ninh Quốc Gia ngạo nghễ tuyên bố rằng 10 điều kiện là nhiều quá, phía Nga chỉ đưa ra một điều kiện với người Ukraine là hãy đầu hàng ngay lập tức.

3. Ngoại trưởng Mỹ Blinken cho biết Hoa Kỳ chia sẻ mọi thông tin về sự việc hỏa tiễn tại Ba Lan với Ukraine

Hoa Kỳ đang chia sẻ mọi thông tin với Ukraine liên quan đến vụ rơi xuống của một hỏa tiễn trên lãnh thổ Ba Lan.

Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken cho biết điều này tại một cuộc họp báo ở Bangkok hôm thứ Năm.

“Chúng tôi đã liên lạc thường xuyên với các đối tác Ukraine của chúng tôi. Chúng tôi đang chia sẻ thông tin mà chúng tôi có,” ông nói.

Blinken lưu ý rằng cuộc điều tra đang diễn ra nhưng Hoa Kỳ “cho đến nay không thấy điều gì mâu thuẫn với đánh giá sơ bộ của Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda rằng đây có thể là kết quả của một hỏa tiễn phòng không Ukraine đã không may rơi xuống xuống Ba Lan.”

Tuy nhiên, Blinken một lần nữa nói rằng “bất kể chi tiết chính xác của vụ việc này là gì, Nga phải chịu trách nhiệm về những gì đã xảy ra,” vì họ đã tiến hành các cuộc tấn công hỏa tiễn hung hăng và kéo dài chiến tranh.

4. Thanh tra Ukraine ngậm ngùi than thở: Quy mô tra tấn ở Kherson thật 'khủng khiếp'

Một thanh tra viên Ukraine đã mô tả quy mô tra tấn được phát hiện ở thành phố Kherson là “khủng khiếp”.

Dmytro Lubynets cho biết các nhà chức trách đã tìm thấy “các phòng tra tấn” ở thành phố miền nam Ukraine mới được giải phóng, nơi hàng trăm người được tường trình đã bị tra tấn.

Ông cho biết những người Ukraine đã bị điện giật và bị đánh bằng ống kim loại trước khi bị giết, AFP đưa tin.

Lubynets cho biết anh đã nói chuyện với một người đàn ông đã bị giam giữ trong một trong những “phòng tra tấn” như vậy trong 45 ngày, là người đã chứng kiến hàng chục người khác bị tra tấn và giết hại như thế nào.

Anh nói: “Tôi chưa từng thấy một quy mô như thế này trước đây. Thật quá sức là khủng khiếp.”

5. Cú móc trái Zaporizhzhia: Làm thế nào Quân đội Ukraine có thể tiến vào phía sau sông Dnipro và cuốn đi hàng ngàn quân Nga

Ký giả David Axe của tờ Forbes có trụ sở ở New Jersey, Hoa Kỳ có bài tường trình nhan đề “The Zaporizhzhia Left Hook: How The Ukrainian Army Could Get Behind The Dnipro River And Roll Up Thousands Of Russian Troops”, nghĩa là “Cú móc trái Zaporizhzhia: Làm thế nào Quân đội Ukraine có thể tiến vào phía sau sông Dnipro và cuốn đi hàng ngàn quân Nga”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Túy Vân.

Sông Dnipro là chướng ngại thiên nhiên lớn nhất trên toàn lãnh thổ Ukraine. Chạy từ bắc xuống nam qua các thành phố lớn bao gồm cả thủ đô Kyiv, con sông—có những điểm rộng tới 10 dặm—uốn cong ngay tại miền nam Ukraine, chảy qua cảng Kherson trước khi đổ vào Hắc Hải.

Dòng sông là cơ hội cho cả người Nga lẫn người Ukraine. Nhưng có những dấu hiệu mạnh mẽ rằng người Ukraine đang ở vị trí tốt nhất để khai thác dòng sông này.

Các lực lượng vũ trang Ukraine hồi tháng 5 đã sử dụng hỏa tiễn mới do Mỹ sản xuất và lựu pháo do Âu Châu sản xuất để nhắm vào các cây cầu Dnipro gần Kherson do Nga chiếm đóng. Việc đánh sập các cây cầu đã cắt đứt nguồn cung cấp cho quân đội Nga đang chiếm đóng nửa phía bắc của khu vực Kherson.

Khi các lực lượng Nga đói khát cuối cùng phải rút lui khỏi phía bắc Kherson vào tuần trước, họ băng qua Dnipro trên cầu phao và đào sâu ở tả ngạn sông. Trước đây Dnipro là một vấn đề đối với người Nga, giờ đây nó là một tài sản—một hàng rào phòng thủ tự nhiên.

Việc người Ukraine vượt qua Dnipro như thế nào và hiệu quả ra sao có thể quyết định khi nào và với tác động nào, quân đội Ukraine tiếp tục các cuộc phản công rất thành công cho đến nay, vốn đã bắt đầu vào cuối tháng 8 và đầu tháng 9. Các cuộc phản công đã giải phóng toàn bộ tỉnh Kharkiv ở phía đông và hầu hết tỉnh Kherson ở phía nam.

Cuộc tấn công về phía nam của Ukraine hầu hết đã tạm dừng ở hữu ngạn của sông Dnipro, mặc dù có dấu hiệu cho thấy các lực lượng đặc nhiệm Ukraine đã sử dụng thuyền nhỏ để vượt qua sông Dnipro và do thám Kinburn Spit, một dải cát nhô ra biển ở phía nam của cửa sông Dnipro.

Đúng vậy, quân đội Nga ở Ukraine đang bị vùi dập, mệt mỏi và đói khát—và mất dần sức chiến đấu từng ngày khi những người lính quân dịch không được đào tạo và không hạnh phúc lê bước ra tiền tuyến để thay thế một phần cho 100,000 quân thiện chiến của Nga đã thiệt mạng hoặc bị thương trong chín tháng chiến tranh.

Nhưng người Nga vẫn đang trong cuộc chiến. Hàng chục nghìn quân và hàng trăm xe bọc thép thuộc Quân đoàn hỗn hợp số 8 và số 49 đang ở tả ngạn Dnipro. Lực lượng vũ trang Nga vẫn có nhiều máy bay trực thăng tấn công và máy bay chiến đấu tốt hơn so với lực lượng vũ trang Ukraine.

Nếu người Ukraine cố gắng vượt sông để chống lại các tuyến phòng thủ này, họ có thể bị thương vong nặng nề và có thể thất bại. Chúng ta hãy xem xét mất bao lâu và chi phí bao nhiêu về người và thiết bị, để các lữ đoàn Ukraine vào mùa hè này vượt qua sông Inhulets hẹp hơn nhiều chảy qua phía bắc Kherson.

Đó là lý do tại sao Mike Martin, một thành viên tại Khoa Nghiên cứu Chiến tranh tại Đại học King ở London, đề xuất rằng họ thậm chí có thể không thử làm như thế. Thay vào đó, các lực lượng Ukraine có thể tiến hành một cuộc phản công mới từ những khu vực mà họ đã vượt qua Dnipro. Tức là từ Zaporizhzhia, phía đông Kherson. “Họ có thể lái một trục về phía nam và cố gắng cắt đôi lực lượng Nga,” ông viết trên Twitter.

Phần lớn phía đông Zaporizhzhia nằm dưới sự chiếm đóng của Nga, nhưng quân Nga không chiếm được phần phía bắc—và không chiếm được thành phố Zaporizhzhia, nằm trên sông Dnipro 150 dặm về phía đông bắc của thành phố Kherson. Các lực lượng Ukraine xung quanh Zaporizhzhia có thể tấn công về phía nam và họ có thể chọc thủng tuyến phòng thủ của Nga trong khu vực này, quay về phía đông và tấn công dọc theo tả ngạn của Dnipro đến tận cửa sông.

Mượn thuật ngữ quyền anh, chúng ta có thể nói rằng một cú móc trái thành công sẽ buộc người Nga phải rời khỏi toàn bộ miền nam Ukraine ngoại trừ Bán đảo Crimea chiến lược mà Nga đã chiếm đóng vào năm 2014. Không ngoa khi nói một cú móc trái sẽ định vị người Ukraine tiến vào Crimea và bắt đầu đảo ngược tám năm bành trướng của Nga. “Crimea là mục tiêu chiến lược của họ ở đây,” Martin giải thích.

Martin đề xuất một cú móc trái Zaporizhzhia vì đó là một nước đi rõ ràng. Nhưng rõ ràng là các chỉ huy Nga đã lường trước điều đó… từ hồi tháng 8. Theo dõi các cuộc tổng phản công của Ukraine xung quanh Kharkiv ở phía đông và Kherson ở phía nam, các chỉ huy Nga bắt đầu tăng cường hàng chục tiểu đoàn trở lên thuộc Quân đoàn vũ trang liên hợp 58 ở phía nam Zaporizhzhia.

Đối với người Nga, vấn đề là không đủ quân tiếp viện. Họ được cung cấp hàng trăm xe tăng T-62 cổ điển của thập niên 1980 hoặc cũ hơn mà Điện Cẩm Linh đã rút khỏi kho lưu trữ dài hạn để bù đắp phần nào tổn thất ở Ukraine. Những chiếc T-62 đã tỏ ra vô dụng: người Ukraine đã bắt được hàng chục chiếc T-62.

Nhưng không rõ các lực lượng Ukraine có đủ nhân lực và hỏa lực mà họ cần để thực hiện một cú móc trái hay không. Các đội hình tốt nhất và giàu kinh nghiệm nhất của Ukraine bao gồm Lữ đoàn cơ giới 92 và 93 và Lữ đoàn miền núi 128 đang lần lượt dẫn đầu các cuộc phản công ở phía đông và phía nam.

Nếu Kyiv có một bất ngờ dành cho mặt trận Zaporizhzhia, nó có thể đến dưới hình thức hai lữ đoàn xe tăng Ukraine tồn tại trên giấy tờ nhưng vẫn chưa xuất hiện trên tiền tuyến. Lữ đoàn xe tăng số 5 và 14 có thể dự bị ở đâu đó xung quanh Zaporizhzhia. Nhưng, họ có thể không có ở đó.

Nếu người Ukraine có sẵn cho họ hai lữ đoàn xe tăng cùng với vài trăm xe tăng T-72, thì họ có thể có đủ lực lượng cần thiết cho một cú móc trái thành công. “Tôi đoán điều này sẽ xảy ra trong mùa đông,” Martin nhận định.

6. Lính Nga xin tị nạn ở Madrid tố cáo 'tội phạm' chiến tranh Ukraine

Một thành viên của lực lượng vũ trang Nga tham gia cuộc xâm lược Ukraine đã xin tị nạn chính trị sau khi rơi xuống xuống Madrid, tờ Guardian đưa tin.

Nikita Chibrin phục vụ trong Lữ đoàn súng trường cơ giới biệt lập số 64, là một đơn vị bị buộc tội phạm tội ác chiến tranh ở thành phố Bucha gần Kyiv vào tháng Ba vừa qua.

Nikita Chibrin, 27 tuổi, cho biết anh đã ở Ukraine hơn 4 tháng với tư cách là thành viên của Lữ đoàn súng trường cơ giới cận vệ biệt lập số 64, là đơn vị bị cáo buộc phạm tội ác chiến tranh ở khu vực Kyiv hồi tháng 3.

Chibrin đã rơi xuống xuống thủ đô Tây Ban Nha vào hôm thứ Ba và đang bị giữ tại trung tâm nhập cư của sân bay. Trong một cuộc phỏng vấn qua điện thoại từ sân bay vào tối thứ Tư, Chibrin xác nhận đơn vị của anh ta đã gây ra các tội ác chiến tranh man rợ, nhưng anh phủ nhận có liên quan đến các tội ác chiến tranh được báo cáo của đơn vị mình, và nói rằng anh ta đã không bắn súng “một lần nào” khi ở Ukraine.

Anh ấy nói rằng anh ấy rất háo hức được làm chứng trước tòa án quốc tế về những trải nghiệm của anh ấy ở Ukraine. “Tôi không có gì để che giấu,” anh nói. “Đây là một cuộc chiến tội phạm mà Nga bắt đầu. Tôi muốn làm mọi thứ có thể để ngăn chặn nó.”

Chibrin cho biết anh quyết định trốn khỏi Nga sau khi rời khỏi đơn vị của mình ở Ukraine vào tháng 6. Theo Chibrin, anh đã nói với các chỉ huy của mình về việc phản đối chiến tranh vào ngày 24 tháng 2, ngày đầu tiên của cuộc xâm lược. Chibrin cho biết anh ta đã bị cách chức thợ máy quân đội sau khi anh ta lên tiếng và sau đó được giao nhiệm vụ lao động chân tay.

“Họ dọa bỏ tù tôi. Cuối cùng, cấp chỉ huy của tôi quyết định sử dụng tôi làm lao công chiến trường, phụ trách dọn dẹp và bốc vác. Tôi đã được đưa ra khỏi chiến trường sau đó”.

The Guardian đã không thể xác minh tất cả các chi tiết về câu chuyện của Chibrin một cách độc lập. Chibrin đã cung cấp các tài liệu và hình ảnh cho thấy anh ta đóng quân với Lữ đoàn súng trường cơ giới cận vệ riêng biệt thứ 64 ở Ukraine.

Maxim Grebenyuk, một luật sư liên quan đến chính sách Quân đội có trụ sở tại Mạc Tư Khoa, cho biết ông đã được Chibrin liên lạc vào mùa hè. Grebenyuk nói rằng Chibrin đã nói về sự phản đối của anh ta đối với cái mà Điện Cẩm Linh gọi là “hoạt động quân sự đặc biệt” và mong muốn không tham chiến ở Ukraine.

Chibrin là quân nhân Nga thứ hai được biết đến đã trốn khỏi đất nước sau khi tham gia cuộc xâm lược. Vào tháng 8, tờ Guardian đã phỏng vấn Pavel Filatyev, một cựu lính dù Nga đã trốn khỏi đất nước sau khi viết hồi ký chỉ trích chiến tranh.

Sinh ra ở Yakutsk, phía đông Siberia, Chibrin gia nhập quân đội Nga vào mùa hè năm 2021. “Tôi không nghĩ mình sẽ tham gia vào bất kỳ cuộc chiến nào,” anh nói, viện lý do khó khăn tài chính khiến anh quyết định gia nhập quân đội.

Chibrin nói rằng lần đầu tiên anh ấy vào Ukraine cùng đơn vị của mình vào ngày 24 tháng 2, băng qua biên giới Belarus. Anh nói: “Chúng tôi không biết mình sẽ chiến đấu ở Ukraine. “Tất cả chúng tôi đều bị lừa.”

Theo Chibrin, anh đã trải qua tháng đầu tiên của cuộc xâm lược ở làng Lypivka, 30 dặm về phía tây Kyiv. Trong thời gian đó, lữ đoàn của Chibrin bị cáo buộc hành quyết thường dân ở Bucha và Andriivka, hai ngôi làng gần Lypivka.

Trang web điều tra của Nga iStories trước đó đã công bố lời thú tội của một người lính thuộc đơn vị của Chibrin, thừa nhận anh ta đã bắn và giết một thường dân ở thành phố Andriivka của Ukraine, cách Lypivka chưa đầy 5 dặm.

Sau khi các quan chức Ukraine xác định Lữ đoàn súng trường cơ giới riêng biệt số 64 là đơn vị đã chiếm đóng Bucha, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã phong tặng cho đơn vị này danh hiệu “cận vệ” danh dự và ca ngợi đơn vị này vì “chủ nghĩa anh hùng và lòng dũng cảm vĩ đại”. Tuy nhiên, ngay sau đó đơn vị này được tung vào chiến trường Donbas và được tường trình là đã bị quân Ukraine xóa sổ. Nhiều người cho rằng đó là cách để Putin xóa mọi dấu vết tội ác chiến tranh.

Chibrin tuyên bố anh ta không tận mắt chứng kiến bất kỳ vụ xả súng nào trong thời gian ở Lypivka nhưng cho biết đơn vị của anh ta thường xuyên cướp phá các ngôi nhà của người Ukraine. “Họ đã cướp phá mọi thứ ở đó. Máy giặt, đồ điện tử, mọi thứ,” anh nói.

Anh ta nói thêm rằng có “tin đồn rộng rãi” giữa các đồng đội của anh ta rằng các thành viên trong đơn vị của anh ta có liên quan đến bạo lực tình dục và giết hại thường dân. Liên Hiệp Quốc trước đây đã nói rằng Nga đã sử dụng cưỡng hiếp và bạo lực tình dục như một phần của “chiến lược quân sự” ở Ukraine.

Quân đội Nga buộc phải rút lui khỏi ngoại ô thủ đô Ukraine vào tháng Ba. Chibrin cho biết đơn vị của anh đã được gửi đến Buhaivka, một thị trấn ở vùng Kharkiv phía đông bắc của đất nước.

Anh ấy mô tả tinh thần trong đơn vị của mình trong suốt thời gian ở Ukraine là “cực kỳ thấp”, chứng thực các báo cáo rộng rãi trên các phương tiện truyền thông miêu tả quân đội Nga là một quân đội đang gặp vấn đề về tinh thần. “Ai cũng cố tìm mọi cách để ra khỏi quân ngũ. Nhưng các chỉ huy của chúng tôi sẽ đe dọa sẽ bắn chúng tôi nếu chúng tôi đào ngũ.”

Anh ta cho biết vào ngày 16 tháng 6, anh ta đã tìm cách trốn khỏi Ukraine bằng cách trốn trong một chiếc xe tải đang hướng đến Nga để lấy thực phẩm.

Sau một thời gian, anh ấy đã liên hệ với mạng nhân quyền Gulagu.net, mạng này đã giúp Chibrin rời Nga vào đầu tháng này. Vladimir Oschkin, người đứng đầu Gulagu.net, xác nhận rằng tổ chức của ông đã giúp Chibrin rời khỏi Nga.

Chibrin cho biết anh hy vọng được tị nạn chính trị ở Tây Ban Nha, với lý do công khai phản đối chiến tranh vì sẽ gây nguy hiểm đến tính mạng của anh nếu bị đưa trở lại Nga.

Vào tối thứ Năm, Chibrin đã được thả khỏi trung tâm nhập cư của sân bay ở Madrid. Anh ấy nói rằng anh ấy sẽ được đưa đến một nơi trú ẩn tạm thời dành cho người tị nạn ở thủ đô Tây Ban Nha khi chính quyền tiến hành đơn xin tị nạn của anh ấy.

Phát ngôn nhân của Bộ Nội vụ Tây Ban Nha từ chối bình luận về vụ việc, viện dẫn các quy tắc bảo vệ quốc tế và nguy cơ có thể bị ngược đãi đối với những người nộp đơn.

7. Chính phủ Phần Lan đã đề xuất chi 139 triệu euro để xây dựng hàng rào dọc theo một phần biên giới của đất nước với Nga để đối phó với cuộc xâm lược Ukraine.

Phần Lan, quốc gia đang nộp đơn xin gia nhập liên minh quân sự phương Tây Nato, có lịch sử chiến tranh lâu dài với Nga, nhưng biên giới được bao phủ bởi rừng vẫn chỉ được đánh dấu bằng các biển báo và vạch nhựa trong phần lớn chiều dài 1,300 km.

Thủ tướng Pekka Haavisto, nói với các phóng viên báo chí rằng chính phủ của ông đã đề xuất chi 139 triệu euro để xây dựng hàng rào dọc theo một phần biên giới của đất nước với Nga để đối phó với cuộc xâm lược Ukraine

Vào tháng 6, quốc gia Bắc Âu này cho biết họ sẽ xây dựng các rào chắn dọc theo các phần của biên giới Nga trong một động thái nhằm tăng cường sự chuẩn bị sẵn sàng chống lại các mối đe dọa hỗn hợp như dòng người xin tị nạn tiềm tàng.

Dự luật về sự sẵn sàng, dù gây ra các tranh cãi về các quy tắc tị nạn của Liên minh Âu Châu, đã được đa số thông qua vào tháng 7 cho phép quốc hội thông qua các luật nhanh chóng.
 
Quan thầy của những người mắc bệnh tiểu đường. Đau buồn: LM chế giễu thánh lễ để thu hút người xem
VietCatholic Media
17:01 18/11/2022


1. Vị Thánh người Tây Ban Nha, quan thầy những người mắc bệnh tiểu đường

Hôm 14 tháng 11, thế giới đã cử hành Ngày Bệnh Tiểu Đường Thế giới, để nâng cao nhận thức về căn bệnh kinh hoàng gây ra khoảng 4 triệu ca tử vong mỗi năm, theo Tổ chức Y tế Thế giới. Giáo Hội Công Giáo coi Thánh Rafael Arnáiz Baron là vị thánh bảo trợ cho những người mắc bệnh tiểu đường.

Thánh Rafael Arnáiz được coi là một trong những nhà thần bí vĩ đại của thế kỷ 20, và vì căn bệnh này, ngài không thể thực hiện ước nguyện trở thành một linh mục dòng Trappe mà chỉ được phục vụ như một tu sĩ tận hiến.

Sinh tại Burgos vào năm 1911, ngài được học tại các trường của Dòng Tên ở thành phố quê hương và ở Oviedo, nơi gia đình ngài chuyển đến sau này vì lý do công việc.

Khi còn nhỏ, ngài bị nhiều bệnh khác nhau. Năm 10 tuổi, sau khi khỏi bệnh viêm màng phổi, cha ngài đưa ngài đến Zaragoza để dâng mình cho Đức Trinh Nữ Pilar để tỏ lòng biết ơn vì đã chữa khỏi bệnh cho ngài.

Rafael được nhận vào Trường Kiến trúc Madrid năm 1930.

Nhận thức được kỹ năng vẽ của ngài, chú của ngài là Leopoldo Baron Torres, công tước xứ Maqueda, đã giao cho ngài thiết kế trang bìa của một cuốn sách có tựa đề “Từ Chiến trường đến dòng Trappe”.

Đó là bản dịch câu chuyện về một người lính Pháp đã đạt được danh tiếng và vinh dự trong nghệ thuật sử dụng vũ khí trong Chiến tranh Pháp-Phổ trong hai năm 1870 và 1871. Mặc dù người lính này có thể đạt được những danh hiệu và vị trí cao nhất mà từ lâu vẫn hằng khao khát, nhưng anh đã quyết định gia nhập Trappe.

Chàng trai trẻ Rafael đã bị ấn tượng bởi cuộc đời của người lính Pháp này, Gabriel Mossier, người đã kết thúc những ngày của mình với tư cách là thầy Gabriel, một thành viên của Dòng Xitô Nhặt Phép.

Do đó, Rafael đã thực hiện chuyến thăm đầu tiên đến Tu viện Xitô Nhặt Phép San Isidro de Dueñas ở Palencia ngay sau đó. Đó là những năm đầy biến động của thập niên 1930 ở Tây Ban Nha dẫn đến Nội chiến.

Sau khi thực hiện nghĩa vụ quân sự bắt buộc, vào năm 1934, anh bỏ dở việc học đại học và vào tu viện Palencia với tư cách là một tập sinh trong bốn tháng. Vì bị bệnh tiểu đường nặng nên cấp trên đã gửi ngài về nhà để tĩnh dưỡng.

Gần hai năm sau, vào năm 1936, anh lại vào San Isidro de Dueñas, không còn với tư cách là một người khao khát làm linh mục, mà với tư cách là một tu sĩ tận hiến. Anh ta ở đó cho đến tháng 9 khi anh ta bị gọi nhập ngũ.

Bất chấp quyết tâm chiến đấu chống lại những kẻ thù của Chúa và Giáo hội của anh, Rafael đã bị bắt buộc phải quay trở lại tu viện hai tháng sau đó, sau khi được tuyên bố là không thích hợp để chiến đấu vì bệnh tiểu đường.

Ngay từ năm 1937, do những khó khăn đặc biệt của đời sống đan tu trong thời chiến, các bề trên đã quyết định gửi anh về với gia đình. Nhưng trước khi năm đó kết thúc, Rafael lại trở lại tu viện vào tháng 12.

Chỉ bốn tháng sau, vào ngày 26 tháng 4 năm 1938, Anh Rafael qua đời trong phòng của mình ở tuổi 27. Tổng cộng tất cả các giai đoạn, anh chỉ sống trong dòng Trappe được khoảng 20 tháng.

Quá trình phong thánh lâu dài

Ngay từ những năm 1940, một số anh em của ngài, tin tưởng vào các nhân đức anh hùng của ngài, đã đề xuất đặt lăng mộ của ngài trong một cánh của tu viện nhưng không thành công.

Năm 1944, chú của ngài, công tước Maqueda, đã viết câu chuyện về cháu trai của mình, có tựa đề “Bí nhiệm của Dòng Trappe”, khiến nhiều người quan tâm.

Mãi cho đến những năm 1960, công việc phong chân phước mới bắt đầu và ngôi mộ của ngài đã được chuyển đến tu viện, như những người anh em của ngài đã mong muốn 20 năm trước đó.

Trong Ngày Giới trẻ Thế giới được tổ chức tại Santiago de Compostela vào tháng 8 năm 1989, Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã đề xuất thầy Rafael như một hình mẫu để noi theo. Vài ngày sau, ngài được tuyên bố là “Bậc Đáng Kính”.

Chỉ một năm sau, một phép lạ nhờ lời cầu bầu của ngài bắt đầu được nghiên cứu. Năm 1992, Thánh Gioan Phaolô II tuyên bố ngài là Chân phước tại Quảng trường Thánh Phêrô ở Rôma.

Dưới thời Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI, phép lạ phong thánh cho Thánh Rafael Arnáiz đã được phê chuẩn, và ngài được phong thánh vào ngày 11 tháng 10 năm 2009.

Hai năm sau, ngài được tuyên bố là bổn mạng của Ngày Giới trẻ Thế giới được tổ chức tại Madrid cùng với các vị thánh khác gốc Tây Ban Nha và thế giới, chẳng hạn như Chân phước Gioan Phaolô II.
Source:Catholic News Agency

2. Linh mục 'có ảnh hưởng' người Pháp đăng video chế giễu Thánh lễ, xin lỗi những người 'có thể cảm thấy bị tổn thương'

Một linh mục người Pháp”có ảnh hưởng” trên các mạng xã hội được Vatican yêu cầu giúp thực hiện một cuộc khảo sát cho Thượng hội đồng về tính đồng nghị đã gây ra tranh cãi vì các video liên quan đến Thánh lễ mang tính báng bổ của ngài, trong đó có cảnh một “nữ tu gợi cảm” và sự ủng hộ của ông đối với chương trình nghị sự của người đồng tính.

Cha Matthieu Jasseron của Tổng giáo phận Sens và Auxerre đã trở thành tâm điểm tranh cãi trong những ngày gần đây vì một video năm 2021 được đăng trên TikTok, trong đó người ta thấy ngài thực hiện các cử chỉ trên chén thánh giống như một tay chơi xóc đĩa và chơi đùa với các vật linh thiêng khác như chén thánh trên bàn thờ của một nhà thờ.

Một video khác cho thấy Jasseron rót thẳng rượu thờ từ chai vào chén trong khi có biểu cảm kỳ lạ trên khuôn mặt. Khi ngài đi vào nơi có vẻ là phòng thánh để lấy một chai rượu khác, một nữ tu trẻ có vẻ say xỉn lao qua cửa, mặc váy ngắn, mỉm cười và cầm một chai rượu khác, sau đó người nữ tu giấu sau lưng như thể bị bắt quả tang.

Trong video thứ ba, được đăng vào tháng 7 năm 2021, vị linh mục người Pháp bế một con chó khi đang đứng trên bục giảng của nhà thờ, mô phỏng một cảnh trong bộ phim hoạt hình “Vua sư tử”.

Đoạn video đó đã thúc đẩy một tuyên bố từ hội đồng giám mục Pháp vào tháng 8 năm 2021.

“CEF không chấp nhận một số video xuyên tạc thông điệp của Giáo hội. Hội Đồng Giám Mục cảnh báo rằng việc nhận được nhiều quan điểm tán thành không có nghĩa là họ đúng”

Trong một video gần đây hơn, vị linh mục, người đã là cha sở của giáo xứ Saint-Jean de Joigny từ năm 2019, bày tỏ sự hài lòng của mình với việc ban phép lành cho các cặp đồng tính luyến ái được các giám mục Flemish của Bỉ phê chuẩn vào ngày 20 tháng 9.

Trong một cuộc phỏng vấn vào tháng 9 với một chương trình địa phương, Jasseron giải thích rằng anh dạy giáo lý cho người Công Giáo. Trong một video, trong đó ngài trả lời một câu hỏi thường được hỏi về việc liệu “đồng tính luyến ái hay thực hành đồng tính luyến ái có phải là tội lỗi hay không”, ngài nói, “Tôi sẽ nói với các bạn một cách thẳng thắn và thành thật rằng, thưa các bạn, điều đó rõ ràng là không. Nó không được dán nhãn chặt chẽ ở bất kỳ chỗ nào trong Kinh thánh, trong Sách Giáo lý của Giáo hội, nói cách khác, trong toàn bộ Truyền thống.”

Tuyên bố này của Cha Matthieu Jasseron là một lời nói dối trắng trợn. Thật vậy, khoản 2357 sách giáo lý Công Giáo viết:

“Đồng tính luyến ái là những liên hệ giữa những người nam hay nữ cảm thấy bị lôi cuốn tính dục với người đồng phái nhiều hơn với người khác phái. Đồng tính luyến ái xuất hiện trong nhiều thời đại và văn hóa, với nhiều hình thức khác nhau. Cho đến nay, người ta vẫn chưa giải thích được nguyên nhân tâm thần của hiện tượng này. Căn cứ vào Kinh Thánh vốn xem chúng như những suy đồi nghiêm trọng ( x. St 19,1-29; Rm 1,24-27; 1 Cr 6,10; 1Tm 1,10 ), truyền thống Hội Thánh luôn tuyên bố :”Các hành vi đồng tính luyến ái tự bản chất là thác loạn” ( x. CDF, décl “persona humana” 8 ). Các hành vi này nghịch với luật tự nhiên vì loại bỏ chủ đích truyền sinh của hành vi tính dục, cũng không xuất phát từ nhu cầu bổ túc thực sự về tình cảm và tính dục. Những hành vi này không thể chấp nhận được trong bất cứ trường hợp nào.”

Hai linh mục sửa lỗi cho vị linh mục Pháp trong huynh đệ

Cha Francisco Javier “Patxi” Bronchalo, một linh mục thuộc giáo phận Getafe, Tây Ban Nha, đã chia sẻ với ACI Prensa, cảm giác đau buồn của ngài về video chế nhạo Thánh lễ của linh mục người Pháp Matthieu Jasseron.

“Tôi rất buồn khi xem những loại video này, vì các linh mục không thể lợi dụng Giáo hội hoặc có những hành vi thiếu tôn trọng như thế này tại bàn thờ, để tìm kiếm người theo dõi mình hoặc chú ý đến mình nhiều hơn,” anh nói.

Vị linh mục người Tây Ban Nha nhấn mạnh: “Đối với tôi, kiểu hành vi này rất đáng trách”.

Ngài kết luận: “Chúng ta là con cái của Giáo hội và chúng ta ở đây để yêu mến Giáo hội, bảo vệ Giáo hội, giúp đỡ Giáo hội và đồng hành với Giáo hội, không phải để lợi dụng Giáo hội mà là để phục vụ Giáo hội”.

Cha Juan Manuel Góngora, một linh mục người Tây Ban Nha có hơn 56,000 người theo dõi trên Twitter, nói với EWTN News rằng “rõ ràng là việc trưng bày hình ảnh đó ở một nơi linh thiêng và với thái độ như vậy là hoàn toàn trái ngược với những gì Giáo hội yêu cầu đối với các thừa tác viên được phong chức như chúng tôi. Nó hoàn toàn độc hại.”

Vị linh mục nói thêm: “Việc đầu hàng trước những gì thế gian mong muốn không bao giờ dẫn đến đâu và gây tai tiếng cho các tín hữu”.

Góngora khuyến khích các linh mục và tu sĩ làm việc tông đồ kỹ thuật số luôn ý thức về “trách nhiệm đối với khán giả trên mạng xã hội, làm chứng cho việc chúng ta là người Công Giáo và trung thực với sự thật của Tin Mừng,” và nhắc lại rằng “chúng ta đại diện cho mẹ của chúng ta Giáo Hội.”

Tuyên bố từ tổng giáo phận

Vào tháng 8 năm 2021, Tổng giáo phận Sens và Auxerre, do Đức Tổng Giám Mục Hervé Giraud lãnh đạo, đã đưa ra một tuyên bố về các video của Jasseron. Đầu tiên, Tổng giáo phận đã đề cập đến thông điệp của Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI nhân Ngày Thế giới Truyền thông lần thứ 44 về việc sử dụng internet để truyền bá Tin Mừng.

Sau đó, tổng giáo phận chỉ ra rằng Jasseron thể hiện bản thân trên TikTok “với tư cách cá nhân, không nhận một sứ mệnh cụ thể nào”.

Tuy nhiên, “khán giả mà cha ấy có thể tìm thấy do các tác động đặc biệt đến từ những đóng góp của cha ấy phải được hưởng lợi từ sự tham gia rộng rãi hơn của các kỹ năng để có thể lôi cuốn họ đến với những giáo huấn đích thực của Giáo hội.”

Tổng giáo phận tiếp tục đưa ra ví dụ về Dịch vụ Thanh niên và Ơn gọi Quốc gia, “cơ quan này gần đây đã tập hợp một số linh mục đang phát triển sự hiện diện mục vụ trên internet và tìm kiếm sự phù hợp nhất. Do đó, một tiến trình sẽ được thực hiện để tiếp tục công việc mục vụ này theo cách thức” mà sứ điệp của Đức Bênêđictô đã đề ra là “làm cho Thiên Chúa hiện diện một cách cụ thể trong thế giới ngày nay và trình bày sự khôn ngoan tôn giáo trong quá khứ như một kho báu có thể truyền cảm hứng cho những nỗ lực của chúng ta để sống trong hiện tại với phẩm giá trong khi xây dựng một tương lai tốt đẹp hơn.”

ACI Prensa đã cố gắng liên lạc với Đức Tổng Giám Mục Giraud vào ngày 7 và 9 tháng 11 để biết ý kiến của ngài về các video và về lập trường ủng hộ nghị sự đồng tính của Cha Jasseron, nhưng không nhận được phản hồi nào vào thời điểm xuất bản.

Trong một video được đăng vào ngày 12 tháng 11, Jasseron xin lỗi tất cả những ai “có thể đã cảm thấy bị tổn thương” bởi những video “hài hước” mà cha ấy đã đăng. Ngài cũng xin những lời cầu nguyện cho chính mình và cầu nguyện cho những người khác.

Vị linh mục đã lờ đi không đề cập đến sự ủng hộ đối với chương trình nghị sự của người đồng tính trong video.

Liên lạc với Vatican

Trong một video được đăng vào ngày 24 tháng 6, Cha Jasseron hào hứng nói với người xem rằng “chính Rôma đã gọi cho tôi, Vatican” theo yêu cầu “của Đức Giáo Hoàng và Đức Hồng Y Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh.”

“Giáo hội cần cha và muốn cha thực hiện một cuộc khảo sát,” vị linh mục tiếp tục, nói rằng người đã gọi cho ông là Cha Lucio Adrián Ruiz, thư ký của Bộ Truyền thông.

Vị linh mục giải thích rằng ông là một trong những “người có ảnh hưởng” được Tòa Thánh liên lạc để cộng tác với một cuộc khảo sát cho Thượng hội đồng về tính đồng nghị.

ACI Prensa đã gửi một email vào ngày 7 tháng 11 cho Cha Ruiz để hỏi liệu ngài có biết hồ sơ của Jasseron khi đưa ra lời mời không và ngài nghĩ gì về các video mà vị linh mục người Pháp chia sẻ trên mạng xã hội của mình.

Cha Ruiz cho biết sẽ trả lời trước ngày 13 tháng 11. Tuy nhiên, tính đến thời điểm báo chí ngày 14 tháng 11, thư ký Bộ Truyền thông của Vatican vẫn chưa gửi câu trả lời của mình cho các câu hỏi của ACI Prensa.
Source:Catholic News Agency