Ngày 19-11-2015
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
05:01 19/11/2015
63. LẤY ĐÁ LÀM BẢO VẬT
N2T

Nước Tống có một người ngu đần, nhặt được một miếng yến thạch thì cho rằng nó là của báu hiếm thấy, về nhà trân trọng giữ gìn nó, khách khứa nghe được liền đến yêu cầu được coi.
Người ngu ấy tắm rửa trai giới bảy ngày, áo mão nghiêm trang chỉnh tề, và giết gia súc làm tế vật rất đúng quy cách, lại còn dùng mười lớp da thuộc, mười sợi vải lụa tầng tầng lớp lớp bao lại.
Đợi đến khi mở ra coi, khách khứa bật ngửa người ra, lấy tay che miệng, nhưng cuối cùng vẫn có tiếng cười khúc khích:
- “Ô hô, đây là miếng yến thạch ư, nó và miếng ngói cả hai có gì khác nhau chứ ?”.
Người ngu ấy đùng đùng nổi giận nói:
- “Kiểu nói của anh là của người buôn bán, ý nghĩ dối trá !”
Nói xong liền đem miếng yến thạch cất kỷ hơn nữa, bảo vệ càng cẩn trọng hơn.
(Hậu Hán thư)

Suy tư 63:
Đức Chúa Giê-su đã nói: “Của thánh, đừng quăng cho chó; ngọc trai, chớ liệng cho heo, kẻo chúng giày đạp dưới chân, rồi còn quay lại cắn xé anh em.”
“Của thánh”, “ngọc trai”, thì người Công Giáo ai cũng hiểu là Thánh Thể và Lời Chúa, cho nên không ai dại gì đem Lời Chúa và Thánh Thể cho người vô thần, vì sợ họ sẽ xúc phạm đến Thiên Chúa.
Nhưng cũng có những người Ki-tô hữu thường lấy Lời Chúa ra để biện hộ cho hành vi phạm tội của mình, họ đi rước lễ để che đậy những thói hư tật xấu của cá nhân, họ dùng Lời Chúa và Thánh Thể như là bình phong che giấu tội lỗi của họ trước mặt thiên hạ, họ đã biến “của thánh” thành những đồ trang sức cho cái mặt tâm hồn đen đủi xấu xí của họ.
Người ngu lấy đá làm bảo vật, nhưng họ thì làm ngược lại là lấy bảo vật làm đá; họ được tặng cho bảo vật vô giá làm gia nghiệp đời đời, nhưng họ đã chà đạp báu vật dưới chân như chà đạp viên ngói, nên có thể nói họ còn ngu hơn cả người ngu, đần hơn cả người đần...
Thánh Thể và Lời Chúa là hai báu vật nuôi dưỡng và nâng đỡ Giáo Hội tồn tại đã hơn hai ngàn năm qua cho đến tận thế, cũng sẽ nuôi dưỡng và gìn giữ tôi trong suốt cuộc hành trình ở trần gian, nếu tôi biết yêu mến Thánh Thể và thực hành Lời Chúa trong cuộc sống của tôi.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư

--------------
http://www.vietcatholic.net
http://www.vietcatholic.net/nhantai
http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
05:10 19/11/2015
N2T

12. Từ nơi phòng của các tu sĩ mà hướng dẫn họ đường lên thiên đàng thì rất dễ dàng, bởi vì có rất ít người sa hỏa ngục từ phòng của họ. (Thánh Bernardus)



Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
Dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức"

---------------
http://www.vietcatholic.net
http://www.vietcatholic.net/nhantai
http://nhantai.info
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Hội nghị Khoáng đại lần thứ ba của Đài phát thanh Chân Lý Á Châu
RVA
10:39 19/11/2015
RVA (12.11.2015) – Hướng đến sự kiện trọng đại mừng kỷ niệm 50 năm thành lập (1969-2019), từ ngày mùng 9 đến 12 tháng 11 năm 2015, tại Trung tâm tĩnh tâm của hội dòng Hiến Sĩ Đức Mẹ Vô Nhiễm, thành phố Quezon, Philippines, Đài phát thanh Chân Lý Á Châu, thuộc Uỷ ban Truyền Thông Xã Hội của Liên Hội đồng Giám Mục Á Châu (OSC), đã nhóm họp Hội nghị Khoáng đại lần thứ ba. Chủ đề của Hội nghị lần này là: “Đài Chân Lý Á Châu – Canh tân dấn thân, chia sẻ Chúa Kitô với người Á châu toàn cầu: Những hi vọng và thách đố”.

Thành phần tham dự Hội nghị lần này gồm có: Đức Hồng Y Gaudencio Rosales, nguyên Tổng giám mục Tổng giáo phận Manila, Philippines, Đức Cha Chacko Thottumarickal, SVD, Giám mục giáo phận Indore, Ấn Độ, Chủ tịch OSC, các Tổng giám mục và Giám mục đến từ các nước như: Myanmar 5 vị, Philippines 2 vị, Ấn Độ 2 vị, Đài Loan 1 vị, Thái Lan 1 vị và Bangladesh 1 vị, cùng với khoảng 50 tham dự viên là linh mục, tu sĩ, giáo dân trưởng ban và phát thanh viên của 17 ngôn ngữ thuộc Đài Chân Lý Á Châu. Ngoài ra, Hội nghị còn có sự hiện diện của đại diện các tổ chức tài trợ cho Đài Chân Lý Á Châu trong gần 50 năm qua từ Đức quốc. Ngoài 3 thành viên thuộc Chương trình tiếng Việt, Việt Nam không có đại biểu nào trong Hội nghị này do Đức Cha Đặc trách Uỷ ban Truyền Thông Xã hội thuộc Hội đồng Giám mục Việt Nam bận công tác trong giáo phận của mình.

Các chuyên gia được mời nói chuyện và trao đổi kinh nghiệm trong Hội nghị là hai chuyên viên từ Đài phát thanh Vatican: giáo sư Sean Patrick Lovett, giám đốc Chương trình Anh ngữ của Đài phát thanh Vatican và chuyên viên David Rem Picci.

Trong ngày đầu tiên, sau phát biểu khai mạc của Đức Cha Chacko Thottumarickal, Đức Hồng Y Gaudencio Rosales, một trong những chứng nhân còn lại từ lúc thành lập Đài, đã lược lại bối cảnh thành lập Đài Chân Lý Á Châu khởi đi từ những cuộc họp đầu tiên trong thập niên 1950 của thế kỷ trước. Trước khả năng trong tương lai, Đài Chân Lý Á Châu sẽ ngưng hoàn toàn phát thanh qua làn sóng ngắn, vì điều kiện tài chánh, và chỉ phát thanh trực tuyến trên internet, Đức Hồng Y Rosales gợi lên câu hỏi cho các tham dự viên suy nghĩ về những người sẽ “bị bỏ lại đàng sau”, là những người nghèo nơi xa xôi không có điều kiện tiếp cận những phương tiện hiện đại để nghe Đài. Kế đó là những báo cáo của 17 ngôn ngữ về tình hình hiện tại và hướng đi của mỗi chương trình trong tương lai; cách riêng, hai ngôn ngữ Mandarin và Việt Nam đã trình bày những hiệu quả và cảm nghiệm từ các thính giả khi nghe Đài Chân Lý Á Châu. Chương trình Việt Ngữ được các tham dự viên đánh giá cao vì số lượng lớn một cách ngạc nhiên thính giả nghe Đài, từ khi chương trình Việt ngữ bắt đầu hiện diện trực tuyến cách nay đúng một năm.

Ngày thứ hai bắt đầu với bài nói chuyện “Cuộc chiến giữa làn sóng ngắn và internet” của chuyên gia David Rem Picci, nhấn mạnh trên những kinh nghiệm từ Đài phát thanh Vatican.

Kế đó và trong suốt ngày thứ ba là những chia sẻ sâu sắc, hiểu biết và đầy hùng biện của giáo sư Sean Patrick Lovett. Từ kinh nghiệm làm việc hơn 40 năm của mình tại Đài phát thanh Vatican, cách riêng trong Ban Anh ngữ, giáo sư Sean Patrick đã đưa ra những bài học từ quá khứ, đồng thời trình bày các khía cạnh trong việc loan báo Tin mừng bằng các phương tiện truyền thông, nhất là chiến lược và tầm nhìn của việc phát thanh trong tương lai của Đài Chân Lý Á Châu nếu phải tiếc nuối chia tay hoàn toàn với “làn sóng ngắn”. Giáo sư Sean cũng lắng nghe, trao đổi và hướng dẫn từng ngôn ngữ trong các buổi thảo luận nhóm bằng những ví dụ cụ thể, để giúp từng ngôn ngữ xác định mục tiêu, tận dụng những nội lực và đưa ra tầm nhìn chiến lược trong việc loan báo Tin mừng qua phương tiện truyền thanh, cách riêng là việc phát thanh trực tuyến.

Ngày cuối cùng của Hội nghị kết thúc với thánh lễ tạ ơn tại Nhà nguyện của Đài Chân Lý Á Châu để tưởng niệm và ghi ơn Đức ông Phêrô Nguyễn Văn Tài, Nguyên Giám đốc Chương Trình và Trưởng Ban Việt Ngữ của Đài phát thanh Chân Lý Á Châu.

Thánh lễ do Đức Cha Chacko, Chủ tịch OSC chủ sự. Đồng tế với ngài là các tổng giám mục, giám mục, linh mục tham dự Hội nghị, với sự hiện diện của các tham dự viên và nhân viên Đài Phát Thanh Chân Lý Á Châu.

Trong bài giảng, cha Franz-Josef Eilers, Dòng SVD, người Đức, Nguyên Tổng thư ký OSC, đã chia sẻ về cuộc đời loan báo Tin mừng không mệt mỏi của Đức ông Phêrô Tài qua phương tiện truyền thông, nhất là sự đóng góp to lớn của Đức ông Phêrô trong quá trình định hình và phát triển Đài Chân Lý Á Châu như mọi người thấy hiện nay. Cũng cần nói thêm là, tối mùng 4-11 vừa qua, giải thưởng cá nhân có tên gọi Serviam trong năm 2015 (lần thứ 37) đã được trao cho Đức ông Phêrô Nguyễn Văn Tài vì sự cống hiến của Đức ông cho ngành truyền thông Công Giáo tại Philippines nói riêng và tại châu Á nói chung, dù Đức ông Phêrô đã mất cách nay 7 tháng. Giải thưởng Truyền thông Công Giáo nói trên do Đức cố Hồng Y Jaime Sin, nguyên Tổng giám mục Manila, thiết lập vào năm 1978 để tôn vinh những cá nhân, tổ chức cống hiến cách xuất sắc trong sứ vụ loan truyền Tin mừng bằng phương tiện truyền thông như: truyền hình, phát thanh, phim ảnh, sách báo, tranh ảnh…

Được biết, hai Hội nghị khoáng đại trước đây của Đài phát thanh Chân Lý Á Châu được tổ chức vào các năm 1985 và 2000. Theo cha Raymond Ambroise, người Ấn Độ, Tổng Thư ký OSC, kết quả của Hội nghị khoáng đại lần thứ ba này sẽ được trình bày tại hội nghị Liên Hội Đồng Giám Mục Á Châu, diễn ra vào đầu năm 2016 tại Sri Lanka.
 
Đức Thánh Cha phê bình quan niệm duy lợi ích về con người
Lm. Trần Đức Anh OP
10:41 19/11/2015
VATICAN. ĐTC kêu gọi vượt thắng thứ văn hóa tiêu cực, chủ trương đón nhận hay loại bỏ con người theo tiêu chuẩn lợi ích.

Ngài đưa ra lời kêu gọi trên đây trong buổi tiếp kiến sáng hôm 19-11-2015, dành cho 550 tham dự viên Hội nghị quốc tế lần thứ 30 do Hội đồng Tòa Thánh mục vụ y tế tổ chức tại Vatican với chủ đề ”Nền văn hóa sức khỏe và đón tiếp phục vụ con người và trái đất”.

Hội nghị trùng vào dịp kỷ niệm 30 năm thành lập Hội đồng này của Tòa Thánh và 20 năm công bố Thông điệp ”Tin Mừng Sự Sống” (Evangelium Vitae) của ĐTC Gioan Phaolô 2.

ĐTC nhận xét rằng ”Trong thông điệp này, chúng ta có thể tìm thấy những yếu tố cấu thành nền văn hóa sức khỏe, đó là: sự đón tiếp, thương xót, cảm thông và tha thứ. Đó là những thái độ Chúa Giêsu vẫn có đối với nhiều người túng quẫn đến gần Chúa mỗi ngày như các bệnh nhân nói chung, những người tội lỗi công khai, người bị quỷ á, bị gạt ra ngoài lề, người nghèo và ngoại kiều ...

ĐTC cũng đề cao thái độ gần gũi tha nhân, vượt thắng mọi hàng rào quốc tịch, giai tầng xã hội, tôn giáo, như người Samaritano nhân lành trong dụ ngôn Phúc Âm dạy chúng ta. ”Sự gần gũi đó cũng vượt thắng thứ văn hóa theo nghĩa tiêu cực, tại các nước giàu cũng như nước nghèo, chủ trương rằng con người chỉ được tiếp nhận hay phủ nhận theo các tiêu chuẩn duy lợi ích, đặc biệt là tùy theo họ có lợi ích về mặt xã hội hoặc kinh tế hay không.. Não trạng này giống như cái gọi là ”y khoa theo ước muốn”: đây là một phong tục ngày càng phổ biến tại các nước giàu, theo đó người ta tìm cách kiện toàn thể lý bằng mọi giá, với ảo tưởng mãi mãi trẻ trung; đây là một phong tục đưa tới sự loại bỏ hoặc gạt ra ngoài lề những ai không có hiệu năng, những người bị coi là gánh nặng và gây phiền toái cho người khác” (SD 19-11-2015)
 
ĐHY André Vingt -Trois cử hành thánh lễ cầu nguyện cho các nạn nhân khủng bố tại Paris
Lê Đình Thông
18:26 19/11/2015
Vương cung thánh đường Paris cử hành thánh lễ cầu nguyện cho các nạn nhân khủng bố ngày 13/11

6 giờ chiều ngày 15/11/2015, ngày đầu tiên trong tam nhật quốc táng, chuông chiều báo tang đổ từng hồi chậm rãi trên ngọn tháp Nhà Thờ Đức Bà Paris, mở đầu thánh lễ trọng thể cầu cho các nạn nhân khủng bố. Thánh lễ do Đức Hồng Y André Vingt-Trois cử hành, với sự đồng tế của Đức TGM Luigi Ventura, Sứ thần Tòa thánh tại Pháp, ĐGM Gilles Bertrand-Hardy, giáo phụ Chính Thống Giáo tại Pháp, nhiều vị Giám mục và Linh mục.

Trên cung thánh, cây trụ cạnh thánh tượng Đức Bà là đèn màu tam tài: Tự do, Bình đẳng, Bác ái của nước Pháp. Về phía chính quyền có sự hiện diện của bà thị trưởng Paris Anne Hidalgo, chủ tịch Quốc hội Claude Bartolone, cựu tổng thống Valéry Giscard d’Estaing, hai cựu thủ tướng François Fillon và Alain Jupé.

Trong bài giảng, ĐHY Vingt-Trois mời gọi các giáo hữu Paris cầu nguyện cho các nạn nhân tử vong và những người bị thương, các nhân viên công lực. ĐHY nguyện xin nhân tâm đoàn kết một lòng, chống lại bạo lực khủng bố.



Toàn thể quan khách và cộng đoàn đứng dậy, trong lúc đại phong cầm cử hành bản quốc ca tưởng niệm các nạn nhân. Nhiều ngàn người dự thánh lễ ngoài tiền đình thánh đường.

Nhân dịp này, Đức Sứ thần Luigi Ventura đã tuyên đọc thông điệp phân ưu của Đức Giáo Hoàng Phanxicô.

Thánh lễ lại nhà thờ Đức Bà Paris

PARIS 17/11/2015. Trong ngày lễ quốc tang, Đức Hồng Y André Vingt-Trois, Tổng giám mục Paris, đã chủ sự thánh lễ tại Nhà Thờ Chánh Toà Đức Bà Paris chiều ngày 15.11.2015 để cầu nguyện cho các nạn nhân khủng bố.

Các chuông của Nhà thờ Chánh Toà Đức Bà Paris đã ngân vang trong suốt 15 phút đồng hồ như dấu hiệu báo tử buổi chiều hôm 15.11.2015 để tưởng nhớ các nạn nhân vụ thảm sát hàng loạt tại Paris buổi tối thứ 6, 13.11.2015. Hãng tin Sir thuật lại, trong Thánh lễ, có sự hiện diện của Chủ tịch Thượng viện và Quốc Hội Pháp, thị trưởng của Paris bà Anne Hidalgo, cựu Tổng thống Pháp Valéry Giscard d’Estaing và các đại diện của nhiều tôn giáo khác. Sứ Thần Toà Thánh tại Paris là Luigi Ventura đã đọc điện tin chia buồn của Đức Thánh Cha gửi cho Pháp quốc sau cuộc khủng bố tại Paris.

ĐHY Vingt-Trois: Tại sao những kẻ khủng bố lại chọn tấn công người Pháp chúng ta? ĐHY đã đặt câu hỏi trong bài giảng của mình:

“Làm sao những người trẻ được giáo dục trong các trường học và trong những thành phố của chúng ta có thể quen với sự khó chịu như thế khi bóng ma của thời kỳ Ca-líp cai trị và hành vi bạo lực về luân lý và xã hội của ông ta có thể tượng trưng cho một lý tưởng đáng sống?”

Đức TGM tiếp lời: “Đây là một câu hỏi rất tệ hại vì nó phảng phất một bầu khí nghi hoặc trong rất nhiều gia đình”. “Câu trả lời rằng có khó khăn cho việc hội nhập xem ra không hiệu quả để giải thích thoả đáng cho một số nhất định những người đã gia nhập khủng bố”. Chính vì thế, ĐHY nói cần phải đáp trả cho nghi vấn này bằng câu hỏi: “làm sao khả thi được khi con đường tàn ác này có thể trở nên một lý tưởng”.

Một câu hỏi khác cũng được ĐHY đưa ra liên quan đến đời sống xã hội: “Phong cách sống của chúng ta ra sao mà đã làm phát sinh một sự tấn công man rợ như vậy? Với câu hỏi này chúng ta đã thường xuyên trả lời bằng sự cương quyết gắn bó của chúng ta đối với các giá trị của Cộng Hoà Pháp, nhưng những biến cố này đã buộc chúng ta phải chất vấn chính mình và có thể phải xem xét lại điều mà thực tế chúng ta có ý nói đến dưới tiêu đề ‘những giá trị của Cộng Hoà’.”

Rất nhiều biện pháp an ninh trong suốt Thánh lễ

Các biện pháp an ninh đã được thực thi hết sức nghiêm ngặt trong tình trạng khẩn cấp được ban bố ở Paris và trong toàn bộ đất nước Pháp. Nhà thờ Chánh toà cũng như các bảo tàng của thành phố đã đóng cửa với công chúng. Việc đi vào nhà thờ Chánh toà cho Thánh lễ ngày hôm đó đã diễn ra thông qua một lối vào từ bên hông và các tín hữu được mời gọi không mang theo các túi xách để hỗ trợ cho công tác kiểm tra an ninh. Tuy nhiên không phải tất cả mọi người đều có thể vào dự lễ trong nhà thờ và có một số người đã phải dự lễ từ bên ngoài thánh đường.

Bắt đầu buổi cử hành Thánh lễ, ĐHY Vingt-Trois đã tuyên bố: “Đã 48 tiếng rồi kể từ lúc Paris phải sống một trong những thời khắc nguy kịch nhất trong lịch sử của mình, cũng như một trong những biến cố thảm hại nhất của mình. Những người nam và người nữ đã bị giết một cách tàn ác”. Ngài nói thêm: “Chúng ta ở đây để chia sẻ nỗi đau của gia đình các nạn nhân, để cầu nguyện cho những ai vẫn còn đang ở trong bệnh viện trong vòng tay của các bác sĩ đang nỗ lực tiếp tục cứu sống ai đó, cầu nguyện cho thành phố của chúng ta và cho đất nước của chúng ta.”

Chuyển dịch từ Ý ngữ Vatican Radio: Jos. Nguyễn Huy Mai
 
Cử hành nghi thức kiểm soát chuẩn bị mở Cửa Năm Thánh
Lm. Trần Đức Anh OP
10:44 19/11/2015
VATICAN. Lúc 6 giờ rưỡi chiều ngày 17-11-2015, ĐHY Angelo Comastri, Giám quản Đền thờ Thánh Phêrô, đã chủ sự nghi thức kiểm soát để chuẩn bị mở Cửa Năm Thánh ở Đền thờ Thánh Phêrô vào ngày 8-12 tới đây.

Sau lời nguyện, ĐHY Comastri đã hướng dẫn đoàn kinh sĩ của Đền Thờ Thánh Phêrô đến mặt sau của Cửa Năm Thánh ở bên trong Đền thờ. Sau lời huấn dụ của một vị trưởng nghi, 4 người thợ của Đền thờ đã dùng búa nhọn đục lỗ trong tường và lấy ra một hộp kim loại được gắn vào đó trong lúc đóng Cửa Đại Năm Thánh 2000, bên trong chứa đựng các Văn kiện của Năm Thánh liền trước đây, chìa khóa mở cửa Năm Thánh, các nắm cửa, văn kiện viết trên giấy da về việc đóng cửa Năm Thánh ngày 6-1-2001, các viên gạch và mềđai kỷ niệm.

Sau khi cầu nguyện trước Bàn thờ chính của Đền thờ thánh Phêrô, đoàn kinh sĩ đi rước vào phòng hội. Tại đây, hộp kim loại được mở ra bằng đèn xì. Hiện diện trong dịp này có Đức TGM Rino Fisichella, Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh tái truyền giảng Tin Mừng, và Đức ông Guido Marini, trưởng ban nghi lễ phụng vụ của ĐTC. Đức ông đã tiếp nhận các văn kiện và đồ vật liên hệ tới cuộc kiểm soát chuẩn bị Cửa Năm Thánh” (SD 18-11-2015)
 
Chuẩn bị mở Cửa Thánh cho năm Thánh Thương Xót.
Trần Mạnh Trác
14:48 19/11/2015


Những người hành hương đến đền Thánh Phêrô, sau khi bước qua ngưỡng cửa , thường bị choáng ngợp vì cảnh tượng huy hoàng cuả khu Cung Thánh do kiến trúc sư Bernini thiết trí, và nếu có nhìn về phiá bên phải, thì cũng sẽ bị thôi miên ngay với bức tượng nổi danh Pietà cuả điêu khắc gia Michelangelo.

Ít có ai để ý tới một bức tường trơn, nằm giữa đường từ cửa ra vào và bức tượng Pietà, chỉ thỉnh thoảng mới có một vài tín hữu hiểu biết, đến đập đầu vào bức tường mà cầu nguyện âm thầm.

Bức tường trơn đó, trang hoàng với chỉ một cây thập tự bằng đồng, là bức tường che dấu cánh Cửa Thánh cuả đền thờ.

Nếu có thể so sánh, một cách khập khiễng, thì đây là sự tương đương với Bức Tường Than Khóc cuả Jerusalem, và cũng giống như bên Do Thái, người ta đến đây đập đầu để mà kêu xin cho Năm Hồng Ân được mau đến.

Sự trông đợi đó sắp được thoả lòng vì hôm qua, ngày 17 tháng 11, một buổi lễ đơn giản nhưng chứa đựng nhiều thể thức có tính cách lịch sử, đã diễn ra để cho phép các công nhân bắt đầu phá bỏ bức tường.

Đức Hồng Y Angelo Comastri, vị chánh xứ cuả Vương Cung Thánh Đường Thánh Phêrô, đã chủ trì buổi lễ đặc biệt gọi là "recognitio" này. Đức Tổng Giám Mục Rino Fisichella, Chủ tịch Hội đồng Giáo hoàng Tân Phúc Âm Hóa, cũng tham dự.


Công nhân đã cẩn thận gỡ ra từng viên gạch một, và để lộ ra một chiếc hộp bằng kẽm, lưu trữ những hồ sơ ghi chép sự kiện đóng cửa hồi năm 2000, và 3 chiếc chià khoá mà Đức Giáo Hoàng Phanxicô sẽ dùng để mở Cửa Thánh vào ngày 8 tháng 12 tới, là ngày Lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm, cũng là ngày 'khởi đầu chính thức' cho Năm Thánh Thương Xót.

Goị là ngày 'khởi đầu chính thức' bởi vì đó sẽ là ngày mà các nơi trên thế giới 'chính thức' bắt đầu Năm Thánh, tuy nhiên sớm hơn 10 ngày, ở Cộng Hoà Trung Phi, là nơi đang xảy ra những sự hỗn loạn và tàn phá nhưng ĐGH vẫn cố gắng ghé thăm trong chuyến tông du nhiều nước Phi Châu từ ngày 25 cho đến ngày 30 tháng 11 này, ĐGH sẽ đặc biệt mở Cửa Thánh cuả nhà thờ chính toà Bangui để cầu nguyện cho sự đoàn kết quốc gia.

Trở lại buổi lễ "recognitio", chiếc hộp kẽm còn chứa nhiều mảnh giấy bằng da thuộc cũng như một số gạch vụn và một số huy chương, là những di tích lịch sử cuả những Năm Thánh từ nhiều thế kỷ trước.

Chiếc hộp được kiểm kê và trao cho vị Quản Lễ cuả đền Thánh Phêrô, là Đức Ông Guido Marini.

Nghi thức khai trương Cửa Thánh là cách đề cao "con đường bất thường" cuả ơn cứu rỗi, được Giáo Hội mở ra trong thời gian Năm Thánh. Những hối nhân khi bước qua Cửa Thánh thì được hưởng ơn Toàn Xá.

Lần đầu tiên trong lịch sử, "con đường bất thường" này được đưa xuống từng cấp địa phương để tiếp cận với người dân nghèo. Đó là mỗi giáo phận sẽ chỉ định một Cửa Thánh ở địa phương, và tuỳ theo đấng bản quyền thì nơi đó có thể là nhà thờ chính toà, một nhà thờ có ý nghĩa đặc biệt hoặc một ngôi đền quan trọng cho những cuộc hành hương cuả địa phận.

Tưởng cũng nên nhắc lại sự quan trọng cuả Cánh Cửa Thánh qua lời cuả đức Phanxicô trong buổi tiếp kiến ​​chung ngày 18 tháng 11. Ngài mô tả Cánh Cửa là "cửa lớn của Lòng Thương Xót của Thiên Chúa."

"Trên ngưỡng cửa của Năm Thương Xót, ta muốn phản ánh về ý nghĩa của chiếc Cửa Thánh," Ngài nói. "Đó là một cánh cửa mở ra trong Giáo Hội để tiếp cận với những người ở xa."

Ngài thêm rằng mỗi gia đình cũng được mời gọi để mở ra một cánh cửa "để gặp gỡ Chúa Giêsu, người đã chờ đợi chúng ta một cách kiên nhẫn, và muốn đem đến cho chúng ta tình bạn và những lời chúc lành."

"Một Giáo Hội mà không hiếu khách hay một gia đình đóng kín sẽ là một thực tế khủng khiếp làm hư thối Tin Mừng và làm cho thế giới trở nên khô cằn đi," Ngài nói.

Năm Thánh Thương Xót sẽ kết thúc ngày 20 tháng 11 năm 2016, vào dịp Đại Lễ Chúa Kitô Vua.


Sau đây là một sưu tầm về chiếc Cửa Thánh, tóm lược từ catholicstraightanswers:

Tầm quan trọng của Cửa Thánh là gì?

Kể từ năm 1300 sau khi Đức Giáo Hoàng Boniface VIII tuyên bố Năm Thánh đầu tiên, thì Giáo Hội Công Giáo thường xuyên tổ chức những "Năm Thánh", thường là mỗi 25 năm một lần (đều đặn kể từ năm 1470 trở về sau), Cũng có một vài trường hợp đặc biệt, như năm 1983, một Năm Thánh đã được công bố để kỷ niệm 1950 năm cái chết và sự phục sinh của Chúa Giêsu. Một khía cạnh quan trọng của Năm Thánh là việc hành hương đến Rôma để đền tội và đổi mới con người.

Một cử chỉ tượng trưng rất quan trọng đã được thực hiện bởi mọi người hành hương là việc bước qua Cửa Thánh. Chúa Kitô đã xác định chính Ngài là "cánh cửa," Ngài nói: "Ta là cửa" (Gioan 10: 7), đó là lời chứng rõ ràng rằng không ai có thể đến với đức Chúa Cha mà không phải qua Ngài. Qua hình ảnh (cánh cửa) mà Chúa Giêsu áp dụng cho chính mình, Ngài làm chứng rằng chỉ có một mình Ngài là Đấng Cứu Thế được đức Chúa Cha sai đi. Ngài là con đường duy nhất đưa vào cuộc hiệp thông với Thiên Chúa. Chỉ ở một mình Ngài, những lời này của thánh vịnh mới được thực hiện một cách viên mãn: 'Này đây cửa nhà Yavê, những người công chính sẽ được bước vào"(Tv 118: 20, bd Nguyễn Thế Thuấn)."

Vì vậy khi bước qua cánh cửa đi vào vương cung thánh đường Thánh Phêrô, tức là từ bỏ thế giới hiện nay mà đến trước sự hiện diện với Thiên Chúa, cũng giống như trong ngày lễ Yom Kippur ở đền thờ Jerusalem ngày xưa, vị Thượng Tế vượt qua tấm màn che của khu Cực Thánh để tham gia vào sự hiện diện với Thiên Chúa mà dâng cuả lễ chuộc tội. Như vậy, việc vượt qua cánh Cửa Thánh là để xác nhận một niềm tin vững chắc rằng Chúa Giêsu Kitô là Con Thiên Chúa, là Chúa, và Đấng Cứu Thế đã chịu khổ hình, chịu chết và đã sống lại vì sự cứu rỗi của chúng ta. Với lòng dũng cảm tuyệt vời, một người tự do quyết định vượt qua ngưỡng cửa đó, bỏ lại sau lưng vương quốc thế gian, mà gia nhập vào cuộc sống ân sủng mới của Thiên Chúa.

Theo truyền thống, Đức Giáo Hoàng sẽ đập vào Cửa Thánh ba lần với một chiếc búa bạc. Việc đập cửa có một ý nghĩa tượng trưng: Maisen đã đập cây gậy vào đá để cho nước đổ ra mà cứu dân khỏi phải chết khát (dân số 20: 6 ff); Năm Thánh là thời gian khi mà Thiên Chúa sẽ đổ ra những hồng ân tràn trề để làm dịu cơn khát của linh hồn chúng ta. Thiên Chúa đã đập vào đất mà giải phóng cho Phaolô và Silas ra khỏi nhà tù, kết quả là ngay cả vị quản ngục và gia đình đã xin chịu phép rửa (Cv 16: 25ff); Thiên Chúa cũng đánh động lòng chúng ta để chúng ta mở lòng ra mà hưởng lấy những ân sủng của Ngài, bắt đầu với ân sủng cứu độ của Bí tích Rửa tội. Như Chúa Giêsu khi bị treo trên thập giá, người lính đã đâm vào cạnh sườn Ngài làm chảy ra máu và nước, biểu tượng của Bí tích Thánh Thể và bí tích Rửa Tội (John 19: 31F). Tất cả những việc 'đập cửa' đó là tượng trưng cho sự đập bể kho ân sủng, để cho ân sủng chảy dồi dào xuống các tín hữu.

Vậy, khi chứng kiến các nghi thức về Cửa Thánh, chúng ta hãy đặc biệt ghi nhớ rằng chính Chúa Giêsu đang gõ cửa tâm hồn cuả chúng ta. Hãy mở cánh cửa lòng ra với Ngài và bước qua ngưỡng cửa của hy vọng.
 
ĐTC: Chúa Giêsu khóc thương cho một thế giới đã không hiểu mà còn muốn giết chết hòa bình
Vũ Đức Anh Phương
14:58 19/11/2015
19/11/2015 VATICAN. “Ngày nay, mọi nơi trên thế giới đều xảy ra chiến tranh mà dường như lại chẳng có lý do chính đáng nào cho những cuộc chiến ấy. Con người có thể tìm thấy con đường dẫn tới hòa bình với Năm Thánh Lòng Thương Xót Chúa đang gần kề.” Đây là nội dung bài giảng của Đức Thánh Cha Phanxicô trong thánh lễ sáng hôm nay, thứ 5 ngày 19.11, tại nhà nguyện thánh Marta.

“Đức Giêsu khóc thương.” Đức Thánh Cha đã bắt đầu bài giảng như thế. Và có thể nói, đây là một trong những bài giảng tha thiết nhất của ngài tại nhà nguyện thánh Marta.

“Khi đến gần Giê-ru-sa-lem, Đức Giêsu đã trông thấy thành và khóc thương. Nhưng tại sao Chúa lại khóc thương? Chính Đức Giêsu cũng đã trả lời: ‘Phải chi ngày hôm nay ngươi nhận ra những gì đem lại bình an cho ngươi! Nhưng hiện giờ, điều ấy còn bị che khuất, mắt ngươi không thấy được.’ Như thế, Đức Giêsu khóc vì Giê-ru-sa-lem đã không hiểu được đường lối hòa bình mà lại chọn con đường của ghen ghét, hận thù, chiến tranh.

Ngay cả ngày hôm nay, Đức Giêsu vẫn đang còn khóc thương. Bởi vì chúng ta ưa thích con đường của chiến tranh, hận thù, ghen ghét. Ngày lễ Giáng Sinh đã gần kề, sẽ có đèn chớp sáng, sẽ có lễ hội, tiệc tùng, những cây thông trang trí đủ màu sắc, và có cả máng cỏ với hang đá … Tất cả đều được trang hoàng đẹp đẽ. Nhưng ở ngoài kia, thế giới vẫn có chiến tranh. Những cuộc chiến lại tiếp tục xảy ra. Người ta thực sự không hiểu được đường lối của hòa bình.

Hồi năm ngoái, chúng ta đã tưởng niệm những nạn nhân trong chiến tranh Thế Giới Thứ Hai, vụ đánh bom nguyên tử ở Hiroshima và Nagasaki. Như Đức Biển Đức XVI nói, đó là những thảm sát không cần thiết. Ngày hôm nay, mọi nơi đều có chiến tranh, hận thù. Điều ấy khiến chúng ta phải thốt lên mà hỏi rằng: Điều gì còn sót lại sau chiến tranh? Tình trạng sống của chúng ta sẽ như thế nào?

Điều còn sót lại là sự dổ nát, hoang tàn. Hàng ngàn trẻ em không được đến trường. Vô số những người vô tội bị thiệt mạng. Hàng đống tiền rơi vào túi của những kẻ buôn bán vũ khí.

Có lần, Đức Giêsu đã nói: ‘Anh em không thể vừa làm tôi Thiên Chúa lại vừa làm tôi tiền của được.’ Quả thực, chiến tranh là một chọn lựa béo bở để làm giầu. Kinh doanh vũ khí sẽ thúc đẩy nền kinh thế phát triển, và từ đó người ta cũng thu được nhiều lợi nhuận hơn. Nhưng Thiên Chúa sẽ nói với những người ấy rằng: Khốn cho các ngươi! Bởi vì, Chúa Giêsu chỉ nói: “Phúc cho ai kiến tạo hòa bình!’, còn những người gây ra chiến tranh, hận thù sẽ không được chúc phúc, và còn là những tội phạm nữa. Chiến tranh có thể được ‘biện minh’ – biện minh trong ngoặc kép – với rất nhiều lý do. Và trong thế giới ngày hôm nay đã đầy dẫy chiến tranh rồi. Đó là một cuộc chiến có tầm mức thế giới nhưng xảy ra từng phần: ở đây, ở kia, ở đó và khắp mọi nơi mà chẳng có lý do nào cả. Thiên Chúa đã khóc thương. Đức Giêsu đã khóc thương.

Trong khi những người buôn bán vũ khí đang thực hiện việc kinh doanh của họ, lại có rất nhiều người kiến tạo hòa bình tuy đơn sơ nghèo khó nhưng vẫn tiếp tục giúp đỡ con người, hết người này đến người khác, đến nỗi sẵn sàng hy sinh tính mạng của mình vì họ. Những gì Mẹ Têrêsa Calcutta, một biểu tượng sáng ngời trong thời đại chúng ta, đã sống và đã làm là một minh chứng hùng hồn. Nhưng bằng sự giễu cợt, những người có quyền lực có thể mỉa mai rằng: ‘Bà ấy đã làm gì vậy? Tại sao lại phải đánh đổi cả mạng sống của mình để giúp đỡ những người sắp chết?’ Họ không hiểu được đường lối của hòa bình, không hiểu được những gì Mẹ Teresa đã làm.

Bởi vậy, thật là hữu ích nếu mỗi người chúng ta cũng xin ơn biết khóc thương, vì thế giới này không biết đến con đường hòa bình, nhưng chỉ biết sống để gây chiến tranh, hận thù và mỉa mai những ai tận tâm kiến tạo hòa bình. Chúng ta được đòi hỏi phải hoán cải tận căn từ sâu thẳm trái tim. Bên ngưỡng cửa Năm Thánh Lòng Thương Xót, niềm vui của chúng ta sẽ là khi thế giới tìm thấy được khả năng biết khóc thương cho tội lỗi của mình, cho những gì mà chiến tranh đã gây ra.”
 
Đền thánh Phêrô tại Vatican chuẩn bị mở cửa Năm Thánh
Giuse Thẩm Nguyễn
15:35 19/11/2015
Đền thánh Phêrô tại Vatican chuẩn bị mở Cửa Năm Thánh

(Vatican City)- Cánh cửa này đã được đóng kín từ năm 2000, nhưng hôm Thứ Ba bức tường gạch phía sau cảnh cửa đã được phá bỏ để chuẩn bị mở cửa cho Năm Thánh của Lòng Thương Xót vào tháng tới.

Đức Hồng Y Angelo Conastri, Giám Quản Đền Thờ Thánh Phê-rô đã chủ sự nghi thức kiểm soát để tiến hành dời bỏ bức tường phía sau cánh cửa thánh.

Theo thông báo ngày 17 tháng 11 của Tòa Thánh Vatican thì sau khi Đức Hồng Y chủ sự buổi đọc kinh ngắn, công nhân bắt đầu gỡ những viên gạch của bức tường sau cánh cửa và lấy ra một hộp kim loại chứa những văn kiện của Năm Thánh năm 2000.

Chiếc hộp kim loại được mở bằng đèn hàn xì, trong hộp có chứa các văn kiện về việc đóng cửa của Năm Thánh 2000 và chìa khóa để Đức Giáo Hoàng Phanxico mở cửa Năm Thánh vào ngày 8 tháng 12 tới đây, ngày Lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội khi Năm Thánh của Lòng Thương Xót Chúa chính thức bắt đầu.

Ngoài ra trong hộp còn chứa những văn kiện viết trên da từ Năm Thánh trước, một vài viên gạch và một số huân chương kỷ niệm.

Tất cả các văn kiện và vật dụng chứa trong hộp được giao cho người Trưởng Ban Nghi Lễ Phụng Vụ Đền Thánh Phê-rô là Đức Ông Guido Maria, cũng hiện diện trong nghi thức kiểm soát này. Ngoài ra, còn có Đức Tổng Giám Mục Rino Fischella, Chủ Tịch Hội Đồng Tòa Thánh về truyền giảng Tin Mừng cũng hiện diện.

Có bốn nhà thờ lớn ở Roma và nhà thờ nào cũng đều có một cửa thánh và thường là cửa được đóng từ phía trong. Những cánh cửa này chỉ được mở ra trong Năm Thánh cho khách hành hương có thể đi qua để lãnh ơn toàn xá trong Năm Thánh ấy.

Các cửa Năm Thánh được mở ở các nhà thờ trong suốt Năm Thánh. Sau khi cửa Năm Thánh ở Vương Cung Thánh Đường Thánh Phê-rô được mở vào ngày khai mạc Năm Thánh 8 tháng 12 năm 2015, Nhà Thờ Thánh Gioan Lateran sẽ mở vào ngày 31 tháng 12; Nhà Thờ Đức Bà Cả mở ngày 1 tháng Giêng, 2016; Nhà Thờ Thánh Phaolo Ngoại Thành mở ngày 26 tháng Giêng năm 2016.

Nghi thức mở cửa Năm Thánh nói lên ý nghĩa là Giáo Hội mở rộng thêm cho các tín hữu những cơ hội để họ đến gần tới sự cứu rỗi của Chúa, nhất là trong thời gian Năm Thánh.

Một điều đặc biệt là Năm Thánh Lòng Thương Xót Chúa tới đây, lần đầu tiên Cửa Năm Thánh sẽ được chỉ định cho mỗi giáo phận trên toàn thế giới. Cửa Năm Thánh sẽ là Vương Cung Thánh Đường, nhà thờ trong giáo phận hay đền thánh có ý nghĩa quan trọng cho các khách hành hương.

Dù rằng mãi đến ngày 8 tháng 12, Năm Thánh Lòng Thương Xót Chúa mới bắt đầu, nhưng Đức Thánh Cha Phanxico đã công bố ý định của Ngài là sẽ mở cửa Năm Thánh tại Thủ Đô Cộng Hòa Trung Phi sớm hơn 10 ngày nhân chuyến thăm Châu Phi của Ngài từ 25 đến 30 tháng 11.

Trong buổi đọc kinh Truyền Tin vào ngày 1 tháng 11, Đức Giáo Hoàng Phanxico đã nói rằng Ngài sẽ khởi động Năm Thánh bằng cách mở cửa Năm Thánh tại giáo phận Bangui trong khi Ngài thăm Cộng Hòa Trung Phi như là một dấu chỉ của sự cầu nguyện và đoàn kết cho quốc gia đang bị chiến tranh tàn phá.

Đức Giáo Hoàng Phanxico cũng nói đến tầm quan trọng của việc mở cửa Năm Thánh trong buổi triều kiến chung ngày 18 tháng 11. Ngồi trước Vương Cung Thánh Đường Thánh Phê-rô, nơi chỉ trong ba tuần nữa Ngài sẽ mở cửa Năm Thánh, Đức Giáo Hoàng mô tả nó như là “Cánh Cửa Vĩ Đại của Lòng Thương Xót.”

“Trước thềm Năm Thánh của Lòng Thương Xót, hôm nay tôi muốn nói về ý nghĩa của Cửa Thánh,” Ngài nói. “Đó là cánh cửa mà Giáo Hội mở ra để đến gần được với những ai vì bất cứ lý do gì đã xa lìa Giáo Hội.”

Ngài nói rằng các gia đình cũng được mời mở cửa gia đình mình “ để gặp Chúa Giêsu, Người đang kiên nhẫn chờ đợi chúng ta và muốn mang cho chúng ta sự chúc lành và tình bạn của Người.”

“Một Giáo Hội không hiếu khách hay một gia đình đóng kín sẽ là một sự thực phũ phàng đi ngược với Tin Mừng và làm cho thế giới này ra khô cằn, buồn chán,” Ngài nói.

Năm Thánh đã được công bố bởi Đức Giáo Hoàng Phanxico vào mùa chay, ngày 13 tháng 3, cũng là ngày kỷ niệm năm thứ hai triều Giáo Hoàng của Ngài. Năm Thánh này sẽ đóng vào ngày Đại Lễ Chúa Kitô Vua, ngày 20 tháng 11 năm 2016.
 
Pháp xác nhận tên cầm đầu vụ khủng bố tại Paris đã thiệt mạng trong cuộc hành quân của cảnh sát tại St. Denis
Đặng Tự Do
17:12 19/11/2015
Tên cầm đầu Abdelhamid Abaaoud
Chung cư nơi xảy ra cuộc giao tranh hôm 18/11
Nhà thờ Đức Bà được canh gác cẩn thận
Hôm thứ Năm, nhà chức trách Pháp cho biết Abdelhamid Abaaoud, kẻ bị tình nghi là tên cầm đầu các cuộc tấn công Paris hôm thứ Sáu 13 tháng 11, là một trong số những người thiệt mạng trong một cuộc đột kích của cảnh sát Pháp hôm thứ Tư 18 tháng 11.

Giao tranh giữa cảnh sát và bọn khủng bố đã kéo dài từ 4:30 sáng đến 10:30. Hai tên khủng bố bị thiệt mạng trong khi phiá cảnh sát có 5 người bị thương và một con chó của cảnh sát bị bắn chết.

Một người phụ nữ trong nhóm khủng bố - em họ của Abaaoud - đã chết trong cuộc tấn công sau khi cho nổ bom quấn quanh một áo giáp đeo trên người.

Người ta không rõ chết vì nổ bom tự sát hay vì bị cảnh sát bắn chết. Trên cơ thể của tên này đầy những viên đạn và mảnh đạn.

Abdelhamid Abaaoud sinh tại Bỉ năm 1987 và được tin là đã qua Syria chiến đấu cho bọn khủng bố Hồi Giáo IS. Bộ trưởng Nội vụ Bernard Cazeneuve cho biết ông đã nhận được tin tình báo rằng Abaaoud đã trở về từ Syria qua ngã Hy Lạp.

Abdelhamid Abaaoud được cho là đã đạo diễn 2 vụ tấn công bất thành. Vụ thứ nhất diễn ra vào sáng Chúa Nhật 19 tháng Tư. Bọn khủng bố dự định tấn công vào 2 nhà thờ trong khu vực Villejuif. Tên sát thủ trong vụ này đã giết chết một phụ nữ để cướp xe. Hung thủ trong lúc lau súng sau khi giết người đã bị cướp cò làm bị thương một chân và kế hoạch gây án bị thất bại.

Vụ thứ hai diễn ra ngày 21 tháng 8, một tên khủng bố tấn công trên xe lửa Amsterdam đi Paris nhưng bị hành khách khống chế.

Abdelhamid Abaaoud

Trong những diễn biến khác, Pháp đã trình bày một dự thảo tại Liên Hợp Quốc kêu gọi sự hỗ trợ toàn cầu trong cuộc chiến chống IS. Chín người đã bị bắt giữ tại Bỉ liên quan đến các cuộc tấn công Paris. Tổng thống Pháp Francois Hollande đã ra lệnh "tăng cường" các cuộc không kích vào các mục tiêu của bọn khủng bố Hồi Giáo IS ở Iraq và Syria.

Trong khi đó, thủ tướng Pháp Manuel Valls cảnh báo rằng nước Pháp có thể phải đối mặt với các cuộc tấn công hoá học hoặc sinh học do các nhóm khủng bố gây ra.

Quốc hội Pháp đã gia hạn tình trạng khẩn cấp trong ba tháng bắt đầu từ 26 tháng 11.
 
Ta hãy nguyện xin cho Đức Giáo Hoàng
Đặng Tự Do
18:54 19/11/2015
Cảnh sát Ý đã được tăng cường chung quanh Vatican theo sau các cuộc tấn công khủng bố tại Paris, và nhiều biện pháp an ninh đã được bổ sung trong chuyến tông du của Đức Giáo Hoàng đến thăm các nước Kenya, Uganda, và Cộng Hòa Trung Phi từ 25 đến 30 tháng 11. Tuy nhiên, sẽ không có thay đổi nào trong lịch trình của Đức Giáo Hoàng tại Phi Châu, cũng như trong kế hoạch cử hành Năm Thánh Lòng Thương Xót.

Lực lượng cảnh sát Ý đã tăng cường các cuộc tuần tra trong và xung quanh quảng trường Thánh Phêrô. Cảnh sát dã chiến đã được điều vào khu vực và thực hiện nhiệm vụ kiểm tra ngẫu nhiên các túi xách của du khách. Nhân viên an ninh mặc thường phục cũng trà trộn trong đám đông các tín hữu và du khách hành hương trong các buổi tiếp kiến chung ngày thứ Tư hàng tuần và các buổi đọc kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật tại quảng trường Thánh Phêrô.

700 binh sĩ Italia cũng đã được điều đến các khu vực xung quanh Rôma, sau khi có những tin tức tình báo lo ngại về một cuộc tấn công khủng bố ngay tại Rôma. Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Rôma cảnh giác các công dân Mỹ rằng Đền Thờ Thánh Phêrô có thể là một trong nhiều mục tiêu khủng bố tại Ý.

Tuy nhiên, các quan chức Vatican nói rằng Tòa Thánh không có kế hoạch thay đổi lịch trình hiện nay liên quan đến các biến cố công cộng, tại Rôma cũng như tại ba nước châu Phi mà Đức Giáo Hoàng sẽ đến thăm trong những ngày tới.

Hôm thứ Năm 19 tháng 11, Cha Federico Lombardi, giám đốc Phòng Báo Chí Tòa Thánh, cho biết ông Domenico Giani, tư lệnh lực lượng hiến binh Vatican, chịu trách nhiệm bảo vệ an ninh cho Đức Giáo Hoàng trong các cuộc tông du hải ngoại đã đến châu Phi trước Đức Thánh Cha để kiểm tra lần cuối cùng các biện pháp an ninh tại đây. Ông sẽ đặc biệt cảnh giác với các vấn đề tại Cộng hòa Trung Phi, nơi tình trạng bạo động đổ máu vẫn đang diễn ra trầm trọng đến mức gây ra những quan ngại sâu xa cho an ninh của Đức Giáo Hoàng. Chỉ riêng trong tuần qua đã có 22 người bị thiệt mạng trong các cuộc giao tranh.

Pháp có một lực lượng, tên là Sangaris, gồm 900 binh sĩ đang có mặt tại Cộng hòa Trung Phi nhằm hỗ trợ cho 12 ngàn binh sĩ thuộc đạo quân Minusca của Liên Hiệp Quốc. Quan điểm của Bộ quốc phòng Pháp là chỉ có cảnh sát và quân đội của nước sở tại mới có khả năng thu thập được những tin tình báo thiết yếu cho việc bảo vệ các cuộc tụ tập đông người. Tuy nhiên, quân đội và cảnh sát Cộng hòa Trung Phi chưa được hoàn toàn tái lập. Trong tư cách là quân đội ngoại bang đóng trên đất Trung Phi, quân Pháp và quân Liên Hiệp Quốc không có khả năng bảo đảm an ninh cho các yếu nhân và cho sự di chuyển của đám đông dân chúng đông đảo các tín hữu Trung Phi và những người đến từ các nước lân cận như Cameroon, Congo Brazaville.. trên những con đường không được an toàn. Lực lượng Pháp có thể bảo đảm an ninh tại phi trường và di tản các giới chính quyền và giáo quyền trong trường hợp xảy ra tấn công, nhưng không thể làm hơn được.

Trước những lời cảnh báo này, cha Lombardi nói rằng Đức Giáo Hoàng vẫn duy trì ý định đến thăm Trung Phi. Cha Lombardi nói: “Chúng tôi đang theo dõi sát tình hình. Nhưng đến nay, chúng tôi vẫn không thay đổi kế hoạch đến Cộng hòa Trung Phi.”

Hơn nữa, Cha Lombardi nói Đức Giáo Hoàng sẽ di chuyển trên một chiếc xe không có kính chắn đạn trong chuyến tông du châu Phi theo thói quen của ngài. Một ký giả đưa ra đề nghị Đức Giáo Hoàng nên mặc áo chống đạn trong chuyến tông du lần này. Tuy nhiên, cha Lombardi trả lời rằng “Đây là lần đầu tiên tôi nghe nói về điều này”. Theo ngài, thật là vô lý khi mặc áo chống đạn trong khi ngồi trong một chiếc xe được mở toang ra.

Liên Hiệp Quốc đang nghiên cứu việc đưa thêm 300 quân vào Cộng hòa Trung Phi trước chuyến tông du của Đức Thánh Cha Phanxicô.

Các nhà lãnh đạo Giáo Hội tại Cộng hòa Trung Phi mặc dù ao ước được thấy Đức Thánh Cha viếng thăm cũng đã lên tiếng lo ngại rằng chuyến thăm của Đức Thánh Cha có thể gặp nguy hiểm. Tuy nhiên, sứ thần Tòa Thánh tại Cộng hòa Trung Phi, là Đức Tổng Giám mục Franco Coppola, nhận xét rằng chuyến tông du của Giáo hoàng là nhằm kêu gọi sự chú ý đến tình trạng hỗn loạn tại đây, “để nhắc nhở cả thế giới, những khó khăn vào mà Cộng hoà Trung Phi đang phải đương đầu và đang cố gắng để thoát ra với tất cả sức mạnh của mình.”

Trở lại với những lo lắng tại Rôma, hai vị chủ tịch và tổng thư ký của Hội Đồng Giám Mục Italia đều đã xác nhận rằng các kế hoạch tổ chức Năm Thánh Lòng Thương Xót sẽ không thay đổi. “Huỷ bỏ Năm Thánh là hoàn toàn sai lầm,” Đức Hồng Y Angelo Bagnasco nói. “Tuyệt đối không nên gây hoảng loạn trong dân chúng, là những người đang hướng về Rôma, về cuộc hành hương đến Cửa Thánh, với một sự thanh thản bình thường”.

Phát ngôn viên Hạ viện Ý là bà Laura Boldrini, cũng nói rằng sẽ là một “sai lầm trầm trọng” để hủy bỏ kế hoạch Năm Thánh Lòng Thương Xót. Mặc dù lo ngại về khủng bố hiện bây giờ là rất cao, “nhưng không có lý do cụ thể” nào về một cuộc tấn công liên quan đến các sự kiện của Năm Thánh.
 
Đức Hồng Y Kurt Koch: bọn khủng bố Hồi Giáo IS là Satan
Đặng Tự Do
20:17 19/11/2015
Phát biểu tại một hội nghị đại kết tại Đức, Đức Hồng Y Kurt Koch gọi bọn khủng bố Hồi Giáo IS là một “tổ chức khủng bố của Satan”, Katholische Presseagentur cho biết như trên.

Đức Hồng Y Kurt Koch, Chủ tịch Hội đồng Giáo hoàng về Hiệp Nhất Kitô Giáo, đã có cuộc gặp gỡ hôm 17 tháng 11 với 650 thành viên tổ chức cổ vũ đại kết Kitô Giáo Schwäbisch Gmünd. Đề cập đến điều ngài gọi là “đại kết bằng máu,” ngài cảnh báo rằng cuộc sống của các Kitô hữu đang bị đe dọa ở 25 quốc gia và thật là một “hiện tượng lạ” khi các phương tiện truyền thông cố tình lờ đi sự thật này.
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Khánh thành Nhà Chung giáo xứ Đông Khê Thái Bình
BTT giáo phận Thái Bình
10:56 19/11/2015
Cắt băng khánh thành Nhà chung và linh đài Lòng Chúa Thương Xót Giáo xứ Đông Khê, Gp. Thái Bình

Sáng thứ Năm (19.11.2015), cộng đoàn Giáo xứ Đông Khê hân hoan chào đón cha Tổng Đại diện F.Ass. Nguyễn Tiến Tám cùng đông đảo quý cha trong Giáo phận về dâng lời tạ ơn Thiên Chúa nhân dịp Giáo xứ vừa hoàn thành ngôi Nhà chung và linh đài Lòng Chúa Thương Xót.

Xem Hình

Hồi 9g00, mọi người cùng quy tụ khu vực sân trước Nhà chung, cũng là quảng trường của linh đài Lòng Chúa Thương Xót nằm phía bên tả Nhà thờ để tham dự các nghi thức cắt băng và làm phép những công trình của Giáo xứ vừa mới hoàn thành.

Trong bầu khí hân hoan vui mừng, cha Tổng Đại diện, cha xứ Aug. Nguyễn Văn Đề và cha Vinc. Nguyễn Hòa cùng tiến lên cắt băng khánh thành ngôi Nhà chung và linh đài Lòng Chúa Thương Xót Giáo xứ Đông Khê, trước sự chứng kiến của quý cha và toàn thể cộng đoàn. Tiếp đến, cha Tổng Đại diện long trọng cử hành nghi thức làm phép những công trình này.

Kết thúc các nghi thức, các đoàn hội và toàn thể cộng đoàn xếp thành hai hàng dài để cùng với quý cha đồng tế tiến vào Thánh đường hiệp dâng thánh lễ tạ ơn Thiên Chúa, đoàn rước bước đi trong tiếng kèn âm vang của hai Ban kim nhạc nam và nữ.

Mở đầu thánh lễ, cùng với việc kêu mời cộng đoàn hiệp ý dâng lời tạ ơn Thiên Chúa trong dịp trọng đại này, cha Tổng Đại diện cũng mời gọi cộng đoàn nhớ ơn các bậc tiền nhân đã có công xây dựng, gìn giữ và phát triển Giáo xứ, cách đặc biệt là cầu nguyện cho các vị ân nhân cũng như những người trong Giáo xứ đã ra đi trước chúng ta.

Chia sẻ trong thánh lễ hôm nay, trước hết, cha Tổng Đại diện đã nhấn mạnh đến tâm tình tạ ơn, đó là nét văn hóa đẹp nhất của con người nói chung và còn là nét đạo đức đối với người Kitô hữu nói riêng. Cha cho thấy, tâm tình tạ ơn, biết ơn hay cám ơn là bổn phận phải có của người Kitô đáp lại tình thương yêu bao la của Thiên Chúa. Bởi vì, tất cả mọi ơn lành đều do bởi Chúa thương ban cho con người, Ngài tạo dựng nên chúng ta, cho chúng ta được là con của Ngài trong Hội Thánh và sống trong vòng tay yêu thương của Ngài, đó là ân huệ vô cùng lớn lao. Do đó, thật là ý nghĩa và phải đạo khi cha xứ và cộng đoàn Giáo xứ Đông khê tổ chức thánh lễ tạ ơn Thiên Chúa trong dịp trọng đại này.

Tiếp đến, cha Tổng Đại diện nói về ý nghĩa và tầm quan trọng ngôi Nhà chung của Giáo xứ, đó là một trung tâm phục vụ cho việc hoạt động tông đồ, loan truyền tình thương của Thiên Chúa cho mọi người. Bên cạnh đó, khi đề cập đến quảng trường và linh đài Lòng Chúa Thương Xót, cha Tổng Đại diện đã cho thấy, trong lịch sử cứu độ, Thiên Chúa đã tỏ cho chúng ta thấy Ngài là Đấng Đầy Lòng Thương xót đối với con người. Do đó, linh đài Lòng Chúa Thương Xót là nơi cộng đoàn Giáo xứ quy tụ để tôn vinh và kín múc suối nguồn tình yêu bất tận từ Lòng Chúa Xót Thương.

Sau lời nguyện hiệp lễ, ông Chủ tịch Hội đồng Giáo xứ đã bày tỏ tâm tình cám ơn cha Tổng Đại diện và quý cha đã thương quan tâm về hiệp dâng thánh lễ tạ ơn Thiên Chúa và cầu nguyện cho Giáo xứ. Nhân ngày trọng đại này, ông cũng gửi lời cám ơn tới tất cả mọi người. Sau thánh lễ, quý cha và quý khách cùng chung vui với cộng đoàn Giáo xứ Đông Khê qua bữa tiệc tại khu Nhà chung và khuôn viên Nhà thờ.

Ban Truyền thông Giáo phận
 
Cầu nguyện cho các linh hồn tại nghiã trang giáo phận Phát Diệm
Petrus Trần
17:57 19/11/2015
Ai ở trong Giáo Hội Công Giáo đều biết được Giáo Hội luôn dành mỗi tháng, mỗi dịp đặc biệt trong năm để phụng thờ Chúa, để tôn kính Đức Maria, để tôn kính thánh cả Giuse... Tháng 11 là tháng mà Giáo Hội Công Giáo dành ra để kính nhớ và cầu nguyện cách đặc biệt cho các đẳng linh hồn. Giáo hữu vẫn quen gọi là Tháng Các Linh Hồn. Trong tháng này, những người còn sống lưu tâm và cầu nguyện cách đặc biệt cho các tiền nhân đã được Chúa gọi ra khỏi dương thế.

Xem Hình

Trong tâm tình “uống nước nhớ nguồn”, tối Chúa Nhật, ngày 08 tháng 11 năm 2015, Giới trẻ và cộng đoàn Giáo xứ Chính tòa Phát Diệm đã cử hành buổi cầu nguyện đặc biệt cho các tiền nhân tại Đất Thánh Phát Diệm. Buổi cầu nguyện bắt đầu lúc 19h30’ và kết thúc lúc 20h45. Tham dự buổi cầu nguyện, có sự hiện diện của cha chính xứ Tô-ma A-qui-nô Nguyễn Bá Khuê, cha phó xứ Gioan Nguyễn Ngọc Công, các cụ ông cụ bà, bà con giáo hữu, các chú Ban Lễ sinh và đông đảo các bạn thanh niên nam nữ.

Buổi cầu nguyện dường như được các linh hồn chuyển cầu cùng Chúa cho mọi sự được tốt đẹp. Một vài ngày trước ngày dự kiến tổ chức buổi cầu nguyện, thời tiết có vẻ không ủng hộ: trời mưa liên miên; thậm chí sáng ngày Chúa Nhật trời vẫn còn mưa. Thế nhưng, đầu giờ chiều cùng ngày trời bắt đầu hửng nắng, có gió nhẹ. Và cho đến hết buổi cầu nguyện, trời không có hạt mưa nào. Chắc hẳn các linh hồn tiền nhân cũng thao thức buổi cầu nguyện này. Vì thế, các ngài không quên cầu bầu cùng Chúa ban cho điều kiện thuận lợi hầu cho con cháu có thể tham gia buổi cầu nguyện cách đông đủ hơn.

Trước đó ít ngày, ngày 02 tháng 11, tại đây đã có Thánh Lễ cầu cho các đẳng linh hồn do Đức Cha Giuse chủ sự, có cha chính xứ, cha phó xứ , quý cha quê hương, quý cha đang giảng dạy tại Chủng viện Phát Diệm đồng tế và đông đảo bà con giáo dân Phát Diệm cùng hiệp dâng Thánh Lễ. Tuy nhiên, không vì thế mà buổi cầu nguyện kém đi phần sốt sáng. Dường như mỗi người tới tham dự buổi cầu nguyện đều mang theo tâm tình thảo hiếu với ông bà tổ tiên, những người đang an nghỉ nơi đây.

Hàng tháng, Giới trẻ Giáo xứ Chính tòa Phát Diệm đều có buổi cầu nguyện Taié tại khuôn viên giáo xứ. Tuy nhiên, buổi cầu nguyện hôm nay diễn ra tại không gian hết sức đặc biệt: Đất Thánh. Chính tại nơi đây, khi tham dự cầu nguyện, mỗi người và mọi người đều có chung một tâm tình: cầu nguyện cho ông bà cha mẹ, cầu cho những những vị đã được Chúa cất về mà nay đang an nghỉ trên mảnh đất nhỏ bé này. Cộng đoàn cầu nguyện quy tụ dưới chân Thánh Giá – trung tâm Đất Thánh. Nói như thế đồng nghĩa với việc những người sống đang hiện diện giữa những người đã khuất, và đước chính những người đã khuất quy tụ về đây (theo lời Đức Cha Giáo phận trong bài giảng lễ ngày 02 tháng 11). Đây quả như dịp lễ tết của các bậc tiền nhân. Vì chính những ngày này, con cháu mới quy tu về bên các ngài cách đông đủ và ý thức nhất.

Tâm tình của buổi cầu nguyện hướng mọi người trước tiên là cầu cho các bậc tiền nhân được sớm về hưởng nhan thánh Chúa nhờ vào lòng thương xót của Ngài. Tiếp theo là giúp mọi người có thời gian suy tư về hành trình Ki-tô hữu của mình nơi dương thế này. Chính vì thế, mặc dù buổi cầu nguyện diễn ra nơi Đất Thánh vào lúc trời tối nhưng không khí buổi cầu nguyện không hề lạnh lẽo, cô tịch mà ngược lại, ai ai cũng cảm thấy ấm cúng. Ấm cúng vì được hiện diện cùng với các vị tiền nhân, cùng dâng lời khẩn nguyện lên Thiên Chúa là cha hay thương xót; ấm cúng vì cộng đoàn được hiệp nhất trong tình yêu thương và có cơ hội để cùng nhau suy tư về cuộc sống nơi dương thế này. Người sống và người đã khuất cùng hiện diện, tuy không thể giao tiếp bằng ngôn ngữ thông thường nhưng mỗi người đều cảm thấy mình có thể tâm sự với tiền nhân, và tiền nhân như đang thổ lộ tâm tình cho con cháu qua những phần mộ bất động: rằng các con hãy sống sao cho tốt, cho đẹp lòng Chúa, vì có đua tranh, có ghen ghét, có hận thù, có tham lam...thì một ngày kia cũng như chúng ta đây: cát bụi đất trở về với bụi đất, chỉ còn lại linh hồn trước tòa phán xét Chúa.

Cũng nên nói thêm, hiện nay Giáo xứ Chính tòa Phát Diệm có 4 Đất Thánh: Đất Thánh Phát Diệm, Đất Thánh Lưu Phương, Đất Thánh Thượng Kiệm và Đất Thánh Phú Vinh. Đất Thánh Phát Diệm là nơi an nghỉ của quý cha, quý thày, những người giúp việc Nhà Chúa trong giáo phận, quý sơ Hội dòng Mến Thánh Giá Phát Diệm, bà con giáo hữu của 3 giáo họ: Phát Ngoại, Phát Trung và Phát Thượng, và là nơi an táng các Thai Nhi. Đất Thánh Lưu Phương là nơi an nghỉ của các bậc tiền nhân thuộc ba Giáo họ: Phương Ngoại, Phương Trung và Phương Thượng (thuộc giáo xứ Phương Thượng). Đất Thánh Thượng Kiệm là nơi an nghỉ của các bậc tiền nhân thuộc Giáo họ Thượng Kiệm. Đất Thánh Phú Vinh là nơi an nghỉ của các bậc tiền nhân thuộc các Giáo họ: Vinh Ngoại,Vinh Hạ và Vinh Trung, Vinh Thượng (thuộc xứ Phương Thượng) và Hiếu Sinh.

Xin được kết bài giới thiệu này bằng lời nguyện của cha chủ sự trong buổi cầu nguyện đặc biệt này:

Lạy Thiên Chúa giàu lòng thương xót, xin thương tha thứ hình phạt cho các linh hồn tiền nhân của chúng con và sớm cho các ngài về hưởng Tôn Nhan Chúa muôn đời. Xin giúp chúng con biết cố gắng sống cho trọn ba đức đối thần và các nhân đức đối nhân. Chúng con cầu xin nhân danh Thánh Tử Giêsu Kitô, Đấng cứu độ chúng con. Amen.
 
Gx. Đông Yên Hà Tĩnh: Thánh Lễ Cầu Nguyện Cho Các Đẳng Linh Hồn Tại Nghĩa Trang Giáo Xứ
BTT giáo xứ Đông Yên
20:27 19/11/2015
Gx. Đông Yên Hà Tĩnh: Thánh Lễ Cầu Nguyện Cho Các Đẳng Linh Hồn Tại Nghĩa Trang Giáo Xứ

“Uống nước nhớ nguồn, ăn quả nhớ kẻ trồng cây”. Trong tâm thức hướng về những người quá cố trong tháng cầu nguyện cho các linh hồn, cha quản xứ và giáo xứ Đông Yên đã long trọng cử hành nghi thức niệm hương và hiệp dâng thánh lễ cầu cho những linh hồn đã yên nghỉ nơi vùng đất thánh của giáo xứ vào chiều ngày 18/11/2015.

Trước khi thánh lễ diễn ra, nghi thức tiếp nhận di ảnh những người quá cố diễn ra trong trang nghiêm và xúc động. Dường như, mọi người cảm nhận những người thân của mình đang cùng hiệp thông hiện diện thật sự với họ. Sau nghi thức tiếp nhận di ảnh là nghi thức niệm hương. Nghi thức niệm hương mang một ý nghĩa thiêng liêng cao quý, không những giúp cho hậu thế nhớ đến các bậc tiền nhân, ông bà cha mẹ, thân bằng quyến thuộc đã ra đi trước, nhưng còn giúp mỗi người nhớ đến công ơn gầy dựng và vun trồng hạt giống Tin Mừng của họ trên mảnh đất Đông Yên. Đoàn niệm hương gồm có cha quản xứ và các cha quê hương, các soeurs đại diện các cộng đoàn Bác Ái, Đa Minh và Mến Thánh Giá trên địa bàn giáo xứ, đại diện HĐMV và các ban ngành của giáo xứ.

Tiếp sau đó là thánh lễ, cha quê hương Phaolô Nguyễn Xuân Tính chủ tế, đồng tế với cha quản Phaolô, còn có cha quê hương Phêrô Hoàng Anh Ngợi và cha quản xứ Antôn. Tham dự thánh lễ còn có sự hiện diện của quý thầy, quý soeurs, đông đảo bà con giáo dân giáo xứ; đặc biệt, là sự đồng dự của một số anh em lương dân đến từ xã Kỳ Nam.

Chia sẻ trong thánh lễ, cha Antôn nhấn mạnh về sự trở về cội nguồn của Giáo Hội qua việc cử hành thánh lễ tại nghĩa trang. Một phong tục đã có từ rất xa xưa. Bởi chính thánh lễ là hy tế ơn cứu độ cho người sống và kẻ chết. Giáo Hội quý trọng giá trị thân xác của những người đã chết bởi chính Thiên Chúa đã dựng nên con người và Ngài ban cho con người sự sống. Và sự sống con người chỉ thay đổi và không mất đi. Chúng ta tin tưởng và hy vọng vào sự sống lại của mỗi chúng ta trong ngày sau hết như đức tin mà ta đã được huấn giáo.

Cuối thánh lễ, vị đại diện HĐMV giáo xứ, thay lời cho toàn thể cộng đoàn giáo xứ, cảm ơn cha quản xứ và các cha quê hương cũng như các anh chị em lương dân đã về hiệp dâng thánh lễ cầu nguyện cho các linh hồn và thắp nén hương tưởng nhớ những người quá cố.

Sau thánh lễ, mọi người di tản về phần mộ của người thân của mình để thắp lên những ngọn nến hiệp thông như dấu chỉ liên hệ giữa người sống và kẻ chết.

Xem hình ảnh tại đây:

https://goo.gl/photos/ShPjuer8nkGrHKLXA

BTT giáo xứ Đông Yên
 
Bênh vực công lý và Giáo Hội
Chuyện Biển Đông
Bảo Giang
11:06 19/11/2015
Chuyện Biển Đông.

Chuyện Biển Đông thành chuyện biển động, thật ra, không lạ và cũng không phải đến hôm nay mới có. Trái lại đã có tư thời Việt Nam lập quốc. Tuy nhiên, mỗi thời có một cách động khác nhau. Vào thời Đức Ngô Quyền, Trần Hưng Đạo, sóng vươn từ dòng Bạch Đằng đã làm rúng động cả biển đông vì ở đó đã lấp ngập xác quân nhà Tống, Hán. Đến thời đức Quang Trung, chỉ một lần Ngài chuyển binh qua sông Hồng, sóng vỡ Biển Đông để Tôn sỹ Nghị thắt cổ mà Càn Long vỡ mật.

Trải qua thời lặng sóng, máu và nước mắt người dân Việt lại tràn Biển Đông khi Trung cộng đưa chiến thuyền xuôi nam theo điềm chỉ của Việt cộng. Lực tuy bất tòng tâm, Thiếu tá Ngụy văn Thà và đoàn chiến binh miền Nam đã lấy máu hồng viết trang sử nối tiếp của nhà Nam. Trong khi đó, vào cùng ngày 17-1-1974, toàn bộ nhà nước và đoàn đảng viên, cán bộ Việt gian cộng sản từ miền bắc, từ bưng biền đã reo hò mừng rỡ khi quân Trung cộng chiếm được Trường Sa từ trong tay của Quân lực Việt Nam Cộng Hòa. Họ reo mừng chung vui với TC vì bản công hàm do Việt cộng Phạm văn Đồng, bí mật ký giao bán chủ quyền Trương Sa và Hoàng Sa là máu thịt, đất đai của Việt Nam cho Trung cộng vào ngày 19-8-1958, mãi đến nay mới có cơ hội thực hiện. Từ đó, đau thương luôn tràn xuống trên biển khổ, không vơi cạn.

Khởi đầu là chuyện người dân Việt chạy trốn những vùng đất vừa bị cộng sản chiếm đóng từ Cao Nguyên đến Đông Hà, Quảng Trị, Đà Nẵng, Cam Ranh… những tưởng gồng gánh, bế bồng con cháu ra đi là sẻ đến được bến bờ tự do như chuyện người bắc di cư vào nam năm 1954. Ai ngờ, tàu về Nam chưa cập bến, người đi chưa hết âu lo, hàng ngàn, hàng vạn đạn pháo của Việt gian cộng sản đã ầm ầm “ Thế Ma Gọi Hồn”. Sau trận mưa pháo, chen lấn giữa tiếng khóc nghẹn trong đau thương xé lòng của cha gìa mất con, vợ mất chồng rồi thân nhân … đi không áo quan, là những tiếng cười man rợ rít qua khe hở của những hàm răng hô, lởm chởm như bồ cào trên khuôn mặt gầy trơ xương của lớp người rừng mới tới. Tiếng cười rợn lạnh chưa dứt, biển động mạnh, những cơn sóng đỏ vươn cao đem theo những thân xác ngươi miền nam không toàn thây nhấp nhô đùa với sóng. Rồi sóng vỗ tạt vào bờ là những em bé mất đầu, cụt chân tay vì mã tấu dép râu, tạo nên một cảnh kinh hoàng chưa từng thấy bên bờ cát hiền hòa ở miền nam. Qủa thật, cuộc chiến “ta đánh chiếm miền nam là đánh cho Trung cộng, Liên xô” (Lê Duẫn) do CS thực hiện, nên cũng có những công đoạn khác thuờng. Tuy thế, câu chuyện chưa dừng ở đó.

Sau ngày 30-4- 1974, ngày màu cờ Vàng của Tổ Quốc khuất bóng trên sông nước Việt, những cơn đau ập đến không phải chỉ dành cho người, mà đá cũng nhỏ lệ, tang thương. Bởi vì, dưới màu cờ đỏ Phúc Kiến lơ láo là Biển Đông của nhà Nam chưa lúc nào yên. Hàng triệu đồng bào phải bỏ nước ra đi. Sóng cao gío lớn kia đã vùi lấp bao nhiêu mạng người vào lòng biển khổ? Rồi bao nhiêu thân xác em bé trơ mình trên bãi cạn? Phần nội địa, đến cây cỏ cũng không ngừng bị dẫm đạp, tàn phá bởi gót chân của kẻ thù từ phương bắc.

Trước tiên là cuộc tràn bờ biên giới vào năm 1979. Đây phải được kể là một mối nguy báo trước. Tuy nhiên, tập đoàn bán nước này như không có mắt. Hàng chục ngàn người lính chiến đã chết oan khiên, chúng vẫn thi nhau ngủ vùi trong u mê, tìm hoan lạc trong làn thuốc độc từ phương bắc để níu kéo, giữ lấy cái đảng cộng bất lương. Bất lương vì trong lúc chiến binh Việt Nam đi giữ biên cương, người chết không có chỗ chôn thây. Kẻ sống thì lê lết ” đầu đường đại tá vá ( lốp) xe, cuối thôn thiếu tá cụt, qùe xin ăn”, thì hàng quan cán lãnh đạo của nhà nước VC lại thi nhau lập công dâng đất, bỏ tiền xây đài, dựng tượng làm nghĩa trang hoành tráng cho “ liệt sỹ” Trung cộng ngay trên đất nước mình. Đã thế, còn chia phiên nhau giữ phận cúng tế hương khói đủ bốn mùa.

Với cái tài qùy lạy đó, việc có 64 người con biên phòng Việt Nam giữ đảo Gạc Ma bị chết tức tuởi với cái lệnh cấm nổ súng của những “thiên tài mù” theo gót Hồ chí Minh như Lê đức Anh, Đỗ Mười, Phạm văn Đồng, Nguyễn văn Linh… vào tháng 3-1988 là điều buộc phải đến. Có khóc, có thương là khóc thương cho người chiến binh Việt Nam đã sinh ra trong thời Việt cộng! Binh lính là thế, nói chi đến phận dân đen. Tàu thuyền ra khơi theo con nước tầm sinh nhai, chẳng mấy ngày không có máu đổ lệ rơi vì hải tặc bắc phương. Bạn tôi bảo: Xem ra, trong thời Việt cộng, máu xương người dân Việt qúa rẻ, nên chỉ được dùng để lót đường cho cán cộng vui mùa đục nước, lập công dâng Mãn thôi!

Ở một chiều khác, có người ví von cho rằng. Câu chuyện biển đông là rất lớn với dân ta, với người yêu dân nước Việt. Nhưng với đôi mắt của một con chuột đói, đã bị con mèo hoang vờn cho nhừ tử, đang nằm thoi thóp trong vòng tay của nó trên cái sân kia thì cũng chẳng có ý nghĩa gì. Bởi vì, dù nó mở mắt ra hay khép lại thì cũng chỉ thấy một mảnh trời không sáng! Nên chúng phải chọn giải pháp. “Nó” để cho sống ngày nào thì im mồm đi mà sống cho qua ngày đó! Nếu được “ nó” cho bám vào mà kiếm ăn thì bám cho chặt, kẻo thằng khác nó dành mất chỗ. Khi ấy, đã chẳng được gì, mà cái mạng cũng khó giữ! Theo đó, chuyện bám vào TC, thành một triết lý của nhà Chuột! Lạ! Nói lạ!

Lạ gì? Bạn không tin ư? Hãy nhìn con chuột nhắt ướt xũng nước đang co ro trong vòng tay của con mèo trước sân kia, bạn sẽ thấy được toàn cảnh bĩ cực không ngày thái lai của nó. Này nhá, sau cơn mê hoảng, nó bàng hoàng mở mắt ra. Đôi mắt của con chuột sắp chết chẳng thấy gì ngoài cảnh trời đất quay cuồng. Khi trước nó đã thề không cha, không mẹ, không bạn bè, không người thân, chỉ có đông chí theo lời đảng, lời “bác”. Nay nhìn đâu cũng ra kẻ thù. Thấy gío lay cành lá lại tưởng là những oan hồn đến đòi nợ. Nghe tiếng động nhỏ mà ngỡ là giáo mác của đồng chí đến trả thù hay xin tý huyết của vợ con. Mở mắt ra trời vẫn tối, nhắm lại càng thêm đen. Muốn nhắc cánh tay lên cho đỡ mỏi, đưa lên không nổi. Muốn trợn mắt, há mồm ra thét dọa, ta còn sống, ta còn quyền lực đây, cũng đều bị chúng nhìn khinh bạc, mỉa mai. Không bám lạy “nó” là chết, phải chết! Nó biết thân làm nô lệ còn khốn nạn hơn là chết, mà không dám chết!

Lỡ có lần nó lén nghểnh cổ nhìn ra ngoài nắng. Xa xa như có cánh phượng hoàng bay lượn giữa trời, hay thấy con chó kiểu thong thà vô tư lự đi lại trên sân làm nó thèm. Máu chuột nổi lên. Trong cơn uất, nó hít lấy một làn hơi mạnh rồi chụm bốn chân lại, cố rướn cái thân mềm nhũn lên khỏi mặt đất. Phen này tao nhất định bỏ đảng, bỏ Tàu. Chết cũng bỏ! Hỡi ơi, cái đầu nó nặng làm sao! Kế đến là toàn thân ê ẩm với ánh mắt thất thần, và cõi lòng hoảng loạn. Chợt, có tiếng meo meo, nó run rẩy, qùy phục xuống theo cái thân phận nhà Chuột, làm Chuột. Một đời lấp ló trong hang, chui rúc trong bóng tối, rình rập kiếm sống, nay chỉ vì dăm ba hột gạo mà giờ thân tàn ma dại trong vòng tay của con mèo ác độc. Sống không ra sống, chết không chết. Nó hận nó? Nó hận kiếp chuột?

Trong toan tính, nó ngửa mặt lên. Không thấy nắng, chỉ thấy cái cổ con mèo hoang đè gần xát mặt và cái đầu của nó che lấp khung trời. Vỡ mật, ý chí của loài chuột tiêu tán. Nó xoay mặt vào trong, trời tối như mực, ngay cái màu của con mèo hoang nó cũng không nhận ra được. Cố trở mình, lén nhìn ra ngoài lần nũa. Lạ, sáng ở đâu tràn vào đây? Nó chợt hiểu, đó là chút sáng từ bên ngoài hắt vào theo khe hở giữa khoảng cách từ cái đầu của con mèo đang nằm rửa mặt, đến cái cánh tay của nó vươn dài như dãy núi sải ra trước mặt. Với khoảng cách nhỏ bé này, làm sao nó có thể thoát ra ngoài cái bóng cao nhớn kia? Nó ngao ngán với chính nó, một kẻ vẫn tự hào là có tay nghề xảo trá và tồi bại nhất trên đời, nay xem ra không tìm được phương cách để lừa con mèo cho nó ra ngoài dạo chơi vài phút! Cùng khổ, nó đánh rơi thân xác trở lại, nằm co rúm thân hình trên mặt đất, bất động.

Thế đấy, nó nhắm nghiền đôi mắt lại. Nó nghĩ đến con đường hầm Củ Chi hoang tưởng lừa dối xưa kia. Nó muốn gỉa chết để tìm cách đào ngạch chui ra ngoài. Nó ước được ngắm nhìn, được đến gần đàn chó kiểu. Nó ước được nhìn thấy cánh chim giang rộng giửa trời. Nó hăm hở nghĩ tới con đường hầm. Khốn nạn chưa, khi vừa nghĩ đến chuyện đào hầm tìm lối thoát, nó lại rơi vào tuyệt vọng. Bởi, nó mà đào đường hầm ở dươi cánh tay kia để đi ra ngoài, là nguy. Đại nguy! Hầm đào chưa xong, đã xập. Hầm bị xập, một phần vì sức nặng từ cánh tay con mèo đè xuống, phần vì cái thói tráo trở chuyên làm cột chống bằng xi măng cốt chuối của nó! Ấy là chưa kể đến chuyện cái tai con mèo rất thính. Chưa đào hầm nó đã biết trước ngày khởi công. Nếu thế là chết không toàn thây. Kế đào hầm không có ánh sáng, nó run rẩy, sợ hãi, nằm gục mặt xuống nghĩ quẩn đến cái chết của vợ con nó. Thôi, đã vậy, nó chấp nhận nằm chờ từng cái vả mạnh, nhẹ, của con mèo để có được miếng ăn mà sống, còn hơn là nghĩ đến việc bỏ bám, trốn đi!

- Chuyện bi đát như thế ư?

- Tôi sợ còn tệ hơn thế!

Thật vậy, đây là bức tranh toàn cảnh của họ nhà Chuột đối với chuyện biển đông của Việt Nam. Nghĩa là tất cả mọi cấp, dù là chuột cống, chuột chù, chuột hôi, chuột nhắt, chuột đồng, chuột bố, chuột con…. thảy đếu có đôi mắt giống nhau. Vô trách nhiệm, lấp ló, thập thò trong cái hang để kiếm sống, không một kẻ nào trong chúng có trách nhiệm với hai chữ Việt Nam. Theo đó, con nào lên cũng nhìn sự việc bằng đôi mắt chuột và tính toán bằng bấy nhiêu lý lẽ để hại người, tìm sống cho mình. Nó không thể nào có đôi mắt của người có nhân bản, có hiểu biết trong xử thế để nói chuyện về Biển Đông, về Việt Nam.

Nếu bảo rằng tôi viết theo kiểu “mục nhĩ vô nhân” và đầy khinh mạn với tập đoàn VC Hồ chí Minh thì tôi cũng xin trả lời thật. Không chỉ riêng tôi, nhưng người Việt Nam đều có đánh gía như thế. Tuy nhiên, tôi dám thách đố tập đoàn này, hay ai đó chứng minh được cái nhìn của tôi về họ là sai, là nặng thành kiến. Hoặc giả, tôi thách đố bản thân họ chứng minh được bằng những phản chứng qua cách nhìn, cách hiểu biết và thực tế trong hành động để thoát ra ngoài vòng tay mèo hoang như Myanmar. Khi đó, tôi sẵn sàng đính chính. Ở trường hợp ngược lại, nếu như họ không thể chứng minh bằng lý lẽ thiện hảo và nhân bản, thì dù ngôn từ có xuất phát từ bất cứ cấp bậc, vị thế nào, miệng lưỡi nào thì đó cũng chi là câu chuyện chuột đục, khoét thúng gạo! Bởi lẽ, chẳng ai xa lạ gì với cộng sản. Nếu họ không biết bỏ đi đôi mắt ti tiện, kém cỏi, vô văn hóa của đảng CS, rồi học tìm lại đôi mắt của người và cái tâm nhân bản thì làm nô lệ đã khó, nói chi đến chuyện giữ lặng sóng biển đông!

Thật vậy, những hoạt cảnh của biển đông hôm nay như chuyện Mỹ cho tàu thuyền vào thám thính một vài hòn đảo bổi đắp của Trung cộng ở Hoàng Sa, cũng chỉ là chuyện bình thường. Nó hoàn toàn không phải là vì Việt Nam, nhưng vì quyền lợi đích thực của Hoa Kỳ. Quyền lợi này tựa trên hai điểm. Trước hết là Hoa Kỳ phải đắp đập be bờ, tạo niềm tin với các nước Asian ( sau khi bỏ chạy 1975) để củng cố thế lực và thu lợi nhuận về sau, nếu không Trung cộng sẽ tận thu hết lợi nhuận trong khu vực này. Kế đến là chuyện Trung đông đã qúa mệt mỏi mà xem ra mức lợi nhuận khó tăng, nó như cái gân gà, bỏ thì tiếc, có gặm thêm thì cũng chỉ có thể thu lợi như hôm nay đã là nhiều, khó có cơ hội kiếm thêm. Trong khi đó miếng ăn của Á châu xem ra rất ngọt!

Tuy thế, việc đến gần các đảo nhân tạo kia không phải là việc liều lĩnh thách đố quyền lực với Trung cộng, lại càng không cần đến cái chuyện “ có phép” hay “đi đêm” với Việt cộng. Nó chỉ đơn giản là sử dụng hữu hiệu quyền hạn của một thành viên đã ký tên trong luật biển năm 1982 để bảo vệ an ninh hàng hải cho quốc gia của mình. Bởi lẽ, đã có nhiều chứng cứ, nhiều chuyên viên về biển đã khẳng định việc nhân tạo, xây dựng tại các bãi, đá ở Biển Đông của Trung cộng là vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế. Nó đang làm suy yếu tính pháp lý của Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển năm 1982. Nó cũng đe dọa hủy hoại tài nguyên, môi trường sinh thái biển và gây ra những hệ lụy nguy hiểm đối với hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn hàng hải.

Theo nguyên tắc, Trung cộng cũng phải tuân thủ và bảo vệ công ước này. Nhưng thay vì bảo vệ, TC đã bất chấp luật lệ về tái tạo, bồi lấp mặt bằng trên biển để chiếm cứ. Trước những hành động này của TC, bất cứ một thành viên nào đã ký tên vào luật biển cũng đều có tư cách đến xem xét, thu thập tài liệu hình ảnh để đưa vụ việc ra tài phán quốc tế. Hoa Kỳ không là ngoại lệ. Dựa vào lý do an ninh hàng hải, họ đương nhiên có quyền đi đến để quan sát những điểm mà họ cho là quan ngại. Nếu có kéo cả đống tầu bè vào mà không có mưu đồ gây hấn, chiếm cứ thì chẳng có gì là trái với công ước. Dĩ nhiên, cũng chẳng có chuyện đánh trả “sẽ đánh vuì dập” nó xuống đáy biển, hoặc phải “ xin phép” Việt cộng. Bởi lẽ, chỉ cần một cái Tàu của Mỹ bị “tự nổ” và chìm xuống thì Trung quốc sẽ bị cả thế giới tấn công chứ chẳng riêng gì một mình Hoa Kỳ. Nên chuyện Mỹ đến và đi chỉ là việc biểu lộ khả năng sử dụng quyền hạn của một thành viên của luật biển mà thôi. Chuyến đi là vì minh nhưng lại cũng được tiếng là vì người!

Đại ý, chuyện Biển Đông hiện đang diễn ra như thế, cũng chẳng có gì đáng gọi là qúa phức tạp. Tuy nhiên, Việt Nam, nếu biết nhìn sẽ là người hưởng lợi nhiều nhất trong cuộc tranh chấp này. Lợi dụng anh hùng tính của Hoa Kỳ và thế giới để tống cổ Trung cộng ra khỏi biển đông và Việt Nam. Có thể nói đây là cơ hội tốt nhất cho Việt Nam thoát cảnh nô lệ phương bắc. Nhưng xem ra ngoài vị thế của Việt Nam Cộng Hòa, những đôi mắt “đảng chuột” sẽ không bao giờ có khả năng nhìn thấy và làm nổi chuyện này.Tại sao”

Trước hết, bản công hàm do Phạm văn Đồng ký vào ngày 19-8-1958 là bản án tử hình, hay ít ra là cái thòng lọng đã buộc chặt vào cổ của Việt cộng mà người cầm đầu giây là Trung cộng. Việt cộng không có bất cứ một khả năng nào để có thể có được một bản văn đồng cấp để tiêu hủy, hay vô hiệu hóa gía trị bản công hàm của Phạm văn Đồng. Tại sao? Chuột nào cũng là chuột, Hồ chí Minh, Phạm văn đồng, Trường Chinh , Lê Duẩn, Võ nguyên Giáp… đã là những kẻ nô tài của Tàu, mở ra con đường phản dân hại nước. Theo đó, những kẻ đi sau, ngoài phương cách cúi sâu, qùy lâu hơn trước quan thầy Trung cộng để được hưởng ơn mưa móc thì không có một phương cách nào khác. Theo đó, người Việt Nam muốn cứu quê hương thì đừng trông chờ bất cứ điều gì từ thành phần này. Bởi lẽ, cho đến nay, không một kẻ nào trong hàng ngũ này có nổi cái nhìn của Thein Sein của Myanmar, nói chi đến Boris Yelsin.

Trong khi đó, vị thế của Việt Nam Cộng Hòa tiếp nối với những tên tuổi như Dương Nguyệt Ánh, Lương xuân Việt, Lê Bá Hùng…lại hoàn toàn khác và đứng ở trên đỉnh cao thắng lợi. Nghĩa là, vị thế của Việt Nam Cộng Hòa có đủ tư cánh, năng tính trên trường Quốc Tế để phủ nhận hoàn toàn gía trị của bản văn này. Lý do, vào thời gian Phạm văn Đồng ký bản công hàm, chủ quyền và việc thi hành nền hành chánh toàn diện trên những quần đảo này hoàn toàn nằm trong nền hành chánh và cai trị của Việt Nam Cộng Hòa theo hiệp định Geneve 1954. Từ đó, có thừa khả năng chứng minh Phạm văn Đồng ký bán cái không có, bán cái đồ vật của nhà người khác, không thuộc quyền sở hữu của mình. Và phủ nhận luôn khả năng chiếm hũu hay được thủ đắc của đối tác. Bởi vì đối tác của bản văn đã biết rõ đó là đồ gian, đồ ăn cắp hay là tài vật của người khác. Đối chiếu, lịch sử Việt Nam cũng đã có một tiền lệ như thế. Đức Ngô Quyền chém Kiều công Tiễn trước khi làm sóng nổi trên Bạch Đằng Giang để diệt quân Nam Hán! Đây xem ra là một hướng đi duy nhất và phải đến!

Riêng việc Trung cộng cho rằng nó thuộc về Trung cộng từ thời “ bành tổ” thì chỉ là câu chuyện của ruồi bu. Bởi lẽ, gần nhất là hội nghị Sans Francico ngày 7/9/1951, Hội nghị đã tách riêng Đài Loan, Bành Hồ và hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa thành hai khoản riêng biệt (b, f) khẳng định không công nhận chủ quyền trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc về Trung Quốc. Trong khi đó, Thủ tướng kiêm Ngoại trưởng Trần Văn Hữu đã ra tuyên bố xác định chủ quyền của Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa trước 51 phái đoàn ngoại giao của các nước thành viên Liên hợp quốc. Ông nói: “ để dập tắt những mầm mống bất hòa, chúng tôi khẳng định chủ quyền của chúng tôi trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa từ xưa đến nay vẫn thuộc cương vực Việt Nam.” Lời tuyên bố đó đã được Hội nghị San Francisco ghi vào biên bản và trong tất cả 51 phái đoàn tham dự hội nghị, không có một phái đoàn nào phản đối thể hiện bằng văn bản. Mới mấy chục năm trước đây, Trung cộng còn không dám nói nửa lời trước hội nghị. TC phải cậy nhờ Kossigin của Nga bảo trợ, nói giúp. Kết qủa bỏ phiếu của hội nghị đã là một bằng chứng rõ ràng, còn tranh cãi vào đâu.

Theo đó, muốn giải quyết toàn bộ chuyện Biển Đông, Việt Nam buộc phải giải tán chế độ nô lệ của cộng sản tại đây. Sau đó, lập lại thể chế Cộng Hòa. Từ đây chính phủ mới sẽ có đủ tư cách pháp lý để đưa chuyện Biển Đông vào cuộc tài phán của Quốc tế. Từ giải pháp này, chúng ta mới khả dĩ tìm được tiếng nói, lấy lại những gì đã mất cũng như đủ thẩm quyền để xoá bỏ mọi hiệp ước bất tương xứng về biên giới, vịnh bắc bộ, chuyện thuê biển, rừng đầu nguồn hay xét lại tất cả các dự thầu, mà chế độ nô lệ Việt cộng đã ký với Trung cộng. Nếu không có thay đổi toàn diện này, chuyện biển đông chỉ là chuyện đầu môi, và Việt Nam không chỉ mất Trường Sa, Hoàng Sa Nam Quan, Bản Giốc, Lão Sơn, Tục Lãm, vịnh Bắc Bộ vì tình …đồng chí! Nhưng còn là cả giang sơn nữa!

Bảo Giang.

11-2015
 
Văn Hóa
Khủng bố ở Paris: Cha gốc Việt trả lời con gây xúc động
Le Petit Journal /Facebook /HXDu
12:44 19/11/2015
Kể từ đêm 13.11, Pháp và cộng đồng thế giới đã nỗ lực để chứng tỏ tinh thần đoàn kết, nhân văn cũng như lòng dũng cảm trước những vụ tấn công khủng bố đẫm máu làm rung chuyển Paris, khiến 129 người thiệt mạng. Trong đó, một video ghi lại cuộc đối thoại xúc động giữa một ông bố Pháp và cậu con trai nhỏ về những kẻ khủng bố và thảm kịch Paris đang lan truyền mạnh mẽ, đồng thời được chia sẻ tới bây giờ là hơn 34 triệu lần rồi.

Bé Brandon và Bố Angel Lê với phóng viên
Cuộc đối thoại ngắn nhưng toát lên “tinh thần nhân văn trước những hành động vô nhân đạo” đã làm lay động trái tim hàng triệu người. Thông điệp “Chúng có súng, còn chúng ta có hoa”, “Hoa là để chiến đấu với súng đạn” thậm chí còn giúp người dân Pháp xoa dịu nỗi đau và củng cố lòng tin trước những mất mát mà họ đang phải gánh chịu sau thảm kịch Paris.

Original Video gốc (không có phụ đề tiếng Anh)
Video có phụ đề tiếng Anh

Cụ thể, phóng viên của chương trình Le Petit Journal, phát triên kênh truyền hình Canal+ đã gặp 2 bố con người Pháp Angel Le – Brandon tại buổi lễ tưởng niệm các nạn nhân vụ khủng bố Paris ở bên ngoài nhà hát Bataclan. Phóng viên đã hỏi Brandon rằng, liệu bé có hiểu lý do những kẻ khủng bố giết người ở Paris đêm ngày 13.11 hay không. Cậu bé Brandon hồn nhiên trả lời “Có ạ, vì họ rất rất xấu xa. Và chúng ta phải rất cẩn thận vì chúng ta sẽ phải dọn nhà đi nơi khác". Chính lúc này, ông bố Angel Le tham gia vào cuộc trò chuyện. Anh đảm bảo với con trai rằng, họ sẽ không rời bỏ Paris vì "nước Pháp là nhà mình".

Dưới đây là toàn bộ nội dung cuộc đối thoại xúc động giữa bố con Angel Le – Brandon theo sau cuộc phỏng vấn với phóng viên chương trình Le Petit Journal:

Phóng viên: Cháu có biết chuyện gì đã xảy ra không? Cháu có biết tại sao những kẻ đó lại làm vậy không?

Bé: Có ạ, vì họ là người rất rất xấu. Những người xấu xa không tử tế chút nào. Và chúng ta phải cẩn thận vì chúng ta sẽ phải dọn nhà.
Bố: Ồ không, đừng lo con ạ. Chúng ta sẽ không dọn nhà đi đâu hết. Nước Pháp là nhà của chúng ta.

Bé: Nhưng ở đây có người xấu mà bố.
Bố: Ừ, nhưng ở đâu cũng có người xấu con ạ.

Bé: Họ có súng, họ sẽ bắn chúng ta vì họ là người rất, rất xấu đấy bố.
Bố: Họ có súng thì chúng ta có hoa.

Bé: Nhưng hoa đâu làm được gì ạ. Hoa là để...để...
Bố: Con xem kìa, ai cũng đến để đặt hoa đấy.

Bé: Vâng, đúng ạ.
Bố: Hoa là để chiến đấu với súng đạn con ạ.

Bé: Là để bảo vệ sao ạ?
Bố: Đúng rồi con.

Bé: Nến cũng vậy sao bố?
Bố: Nến là để tưởng nhớ những người đã ra đi.

Bé: Ồ, Hoa với nến là để bảo vệ chúng ta!
Bố: Đúng rồi con.

Phóng viên: Bây giờ cháu đã cảm thấy yên tâm hơn chưa?
Bé: Rồi ạ.

Người Paris đặh hoa và nến tưởng niệm nạn nhân
Đoạn đối thoại trên sau đó được đăng tải lên Facebook của chương trình Le Petit Journal. Jerome Isaac Rousseau, một người dùng Facebook đã dịch và chèn phụ đề tiếng Anh cho đoạn video "để thế giới thấy một số công dân của chúng tôi tuyệt vời đến nhường nào”.

Theo Telegraph, ông bố Angel Le là người Pháp gốc Việt và hiện sống ở Paris. Anh được ca ngợi vì cách trò chuyện và giải đáp các câu hỏi của cậu con trai nhỏ cực kỳ thông minh và tình cảm.

Facebook Nathalie Deloge viết: “Cảm ơn hai bố con đã giúp tôi lau khô những giọt nước mắt của mình”.

Facebook Ptigwenn Paranthoën: “Tuyệt vời, rất cảm động, thật trong sáng và câu trả lời nhắc đến những bông hoa khiến tôi bật khóc. Không có câu trả lời nào ý nghĩa hơn thế. Người Paris hãy cố lên và tất cả dân Pháp hãy cố lên!”.

Facebook Cléa Molette nhấn mạnh: “Hoan hô ông bố với những câu trả lời ý nghĩa và xúc động. Giải thích cho trẻ hiểu chuyện gì đang xảy ra bằng hình ảnh như vậy rất quan trọng. Tôi thậm chí đã thấy hoa đánh bại súng. Hoan hô cuộc đối thoại này. Thật đẹp, Thật tuyệt vời và rất cảm động.”

Facebook Maxime Plessard viết: “Hoa và nến là để bảo vệ chúng ta.” – Màn trả lời tuyệt vời giữa bố và con trai làm chúng ta mỉm cười. Video rất cảm động với những lời tuyệt đẹp.

Trong khi đó, Facebook Vincent Fontanel bình luận: "Nếu tất cả các ông bố có thể được như ông bố này, thì cuộc chiến sẽ không tồn tại..."
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Một Mình
Nguyễn Đức Cung
21:43 19/11/2015
MỘT MÌNH
Ảnh của Nguyễn Đức Cung
Buồn tình cha chả buồn tình
Không ai lẻ bạn cho mình có đôi.
(Ca dao)
 
VietCatholic TV
Thế Giới Nhìn Từ Vatican 12/11 – 18/11/2015: Vụ tấn công khủng bố tại Paris
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
00:32 19/11/2015
Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
1. Diễn tiến vụ tấn công khủng bố tại Paris

Vụ tấn công khủng bố trong nội thành Paris và vùng phụ cận diễn ra từ lúc 21:16 giờ địa phương ngày thứ Sáu 13 tháng 11 và chấm dứt lúc 00:58 ngày thứ Bẩy 14 tháng 11 tại 7 địa điểm khác nhau với ba vụ nổ bom và sáu vụ nổ súng.

Ít nhất 120 người đã thiệt mạng, trong đó thương vong nặng nề nhất diễn ra tại nhà hát Bataclan với 87 người bị giết. Hơn 200 người bị thương trong các cuộc tấn công, trong đó có 80 người được ghi nhận đang trong tình trạng nghiêm trọng. Tám tên khủng bố đã thiệt mạng nhưng nhà chức trách tin rằng một số tên đã tẩu thoát và có thể có những đồng phạm.

Tổng thống Pháp Francois Hollande đã ban bố tình trạng khẩn cấp trong một tuyên bố trên truyền hình vào lúc 23:58 giờ địa phương. Đây là lần đầu tiên kể từ khi kết thúc chiến tranh thế giới thứ hai Pháp phải công bố tình trạng khẩn cấp.

Đây là cuộc tấn công lớn nhất của chủ nghĩa khủng bố trên lục địa châu Âu kể từ khi nhà ga xe lửa Madrid bị đánh bom vào năm 2004. Vụ này gây ra một quan ngại sâu xa vì bọn khủng bố đã có thể tấn công ngay cả khi nước Pháp đã thắt chặt an ninh trước thềm Hội nghị biến đổi khí hậu năm 2015 của Liên Hiệp Quốc được tổ chức tại Paris từ 30 tháng Mười Một đến 11 tháng Mười Hai quy tụ 50,000 tham dự viên trong đó có 25,000 đại biểu chính thức của Liên Hiệp Quốc, các quốc gia, các tôn giáo và các tổ chức phi chính phủ khác.

Lúc 21:16 bọn khủng bố xả súng bắn vào những người đang ngồi bên ngoài quán cà phê Le Carillon ở ngã ba đường Bichat và đường Alibert, gần kênh đào Saint-Martin ở quận 10 của thành phố Paris. Sau đó, chúng tấn công một nhà hàng Căm Bốt gần đó. Cảnh sát cho biết 11 người bên trong nhà hàng Căm Bốt bị giết chết. Bọn khủng bố tẩu thoát trên một hoặc hai chiếc xe hơi trong đó ít nhất một chiếc mang bảng số của Bỉ.

Lúc 21:30, ba vụ nổ liên tiếp đã diễn ra tại một quán bar gần sân vận động Stade de France ở khu Saint-Denis, lúc trận đấu giao hữu giữa đội tuyển Pháp và đội tuyển Đức đã bắt đầu được khoảng hai mươi phút. 5 người được báo cáo là thiệt mạng trong những vụ nổ này. Tổng thống Pháp Francois Hollande đang có mặt trong sân vận động để theo dõi cuộc thi đấu đã được đưa an toàn ra khỏi hiện trường, và có cuộc họp khẩn với Bộ trưởng Nội vụ Pháp Bernard Cazeneuve. Hai trong ba vụ nổ có thể nghe được rõ ràng trên các chương trình phát sóng truyền hình trực tiếp trận đấu. Cảnh sát cho biết cả ba vụ nổ đều là đánh bom tự sát.

Lúc 21:50, bọn khủng bố tấn công vào nhà hàng La Belle Equipe trên đường Charonne ở Quận 11 giết chết 18 người.

Nghiêm trọng nhất là vụ tấn công tại nhà hát Bataclan trên đại lộ Voltaire ở Quận 11. Ban nhạc Mỹ Eagles of Death Metal đã trình diễn được khoảng một giờ trước một con số đông đảo là 1,500 người, ngồi đầy rạp hát.

Bốn tên khủng bố người da đen trang bị AK-47 bước vào rạp hát. Các nhân chứng cho biết họ nghe bọn chúng hô to “Allahu akbar” trước khi nổ súng một cách bình tĩnh và có phương pháp vào đám đông. Cuộc tấn công kéo dài khoảng 20 phút, và chúng có đủ thời gian để nạp đạn đến 3 hay 4 lần. Các nhân chứng báo cáo rằng những kẻ tấn công đã ném cả lựu đạn vào đám đông.

Vào khoảng 10 giờ tối, khi cảnh sát kéo đến bao vây nhà hát, bọn khủng bố bắt khoảng 60 cho đến 100 người làm con tin. Các thành viên trong ban nhạc trốn thoát được nhưng bọn khủng bố đã bắn chết từng con tin một trong tiến trình giằng co với cảnh sát.

Vào khoảng 00:15, cảnh sát được lệnh tấn công vào nhà hát và kiểm soát được tình hình lúc 00:58. Các báo cáo của cảnh sát lúc ban đầu nói trên 100 người đã bị giết chết tại nhà hát. Tuy nhiên, con số này sau đó đã được hạ xuống còn 87. Bốn tên khủng bố đã thiệt mạng, ba tên nổ bom tự sát chết. Tên thứ tư bị cảnh sát bắn trúng và bom quấn quanh thắt lưng của hắn nổ tung khi hắn bị té xuống.

Một tên khủng bố khác nổ bom tự sát trên đại lộ Voltaire gần nhà hát Bataclan.

Đây là vụ khủng bố thứ sáu tại Paris từ đầu năm đến nay. Vụ thứ nhất diễn ra từ 7 đến 9 tháng Giêng tại tòa soạn nhật báo biếm họa Charlie Hebdo, và sau đó tại một siêu thị Do Thái làm 20 người bị thiệt mạng và 22 người khác bị thương.

Gần một tháng sau đó, hôm 3 tháng Hai, 3 quân nhân đứng gác tại một trung tâm sinh hoạt của người Do Thái tại thành phố Nice bị đâm.

Chúa Nhật 19 tháng Tư, một tên khủng bố dự định tấn công vào 2 nhà thờ trong khu vực Villejuif đã giết chết một phụ nữ để cướp xe. Hung thủ trong lúc lau súng sau khi giết người đã bị cướp cò làm bị thương một chân và kế hoạch gây án bị thất bại.

Ngày 26 tháng 6, một tên khủng bố khác chặt đầu người chủ mình và cắm thủ cấp của ông bên ngoài nhà máy trước khi lái xe tông vào một nhà máy sản xuất khí đốt với ý định làm nổ tung nhà máy này.

Ngày 21 tháng 8, một tên khủng bố tấn công trên xe lửa Amsterdam đi Paris nhưng bị hành khách khống chế.

2. Điện văn chia buồn của Đức Thánh Cha về vụ tấn công khủng bố tại Paris

Đức Thánh Cha Phanxicô đã gởi điện văn chia buồn tới Đức Hồng Y André Vingt-Trois, Tổng Giám Mục Paris về vụ tấn công khủng bố tàn bạo tối thứ Sáu 13 tháng 11. Nội dung bức điện do Đức Hồng Y Pietro Parolin gởi nhân danh Đức Thánh Cha như sau:

Được thông báo về các cuộc tấn công khủng bố kinh hoàng đã xảy ra tại Paris và tại khu vực Stade de France, làm nhiều người bị thiệt mạng và làm bị thương nhiều người khác, Đức Thánh Cha Phanxicô hiệp thông trong lời cầu nguyện trước những đau khổ của các gia đình bị ảnh hưởng bởi thảm kịch này và trước nỗi đau của người dân Pháp.

Ngài cầu khấn cùng Thiên Chúa là Cha của lòng thương xót, xin Chúa đón nhận các nạn nhân vào chốn bình an trong ánh sáng của Ngài và mang lại ủi an và hy vọng cho những người bị thương và gia đình của họ. Ngài đoan chắc sự gần gũi tinh thần với họ, và tất cả các nhân viên tham gia vào các nỗ lực cứu trợ.

Một lần nữa, Đức Thánh Cha mạnh mẽ lên án bạo lực, là điều không thể giải quyết được gì, và cầu xin Chúa linh hứng cho những ý tưởng hòa bình và đoàn kết nơi tất cả mọi người và ưu ái ban phép lành cho các gia đình trong lúc thử thách này và cho tất cả những người dân Pháp.

+ Đức Hồng Y Pietro Parolin, Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh

3. Tuyên bố của Tòa Thánh về vụ tấn công khủng bố tại Paris

Ngay sau khi được tin về vụ tấn công khủng bố tại Paris, Cha Federico Lombardi, giám đốc Phòng Báo Chí Tòa Thánh đã đưa ra thông báo sau:

“Tại Vatican, chúng tôi đang theo dõi những tin tức bi thảm từ Paris. Chúng tôi kinh hoàng trước những biểu hiện mới của sự điên loạn, bạo lực khủng bố và thù hận mà chúng tôi lên án một cách triệt để nhất cùng với Đức Thánh Cha và tất cả những người yêu chuộng hòa bình. Chúng tôi cầu nguyện cho các nạn nhân và những người bị thương, và cho tất cả người dân Pháp.

Đây là một cuộc tấn công vào nền hòa bình của toàn thể nhân loại, và nó đòi hỏi một đáp trả kiên quyết, được sự ủng hộ của tất cả chúng ta khi chúng ta chống lại sự lây lan của thứ hận thù giết người dưới tất cả các hình thức của nó.”

4. Đức Hồng Y Parolin phê bình các cuộc tấn công chống Giáo Hội

Đức Hồng Y Pietro Parolin, Quốc vụ khanh Tòa Thánh, phê bình các cuộc tấn công “cuồng điên” của một số cơ quan truyền thông chống Giáo Hội.

Trong cuộc phỏng vấn dành cho ký giả Amedeo Lomonaco hôm 10-11, về vụ mới đây hai cuốn sách đăng tải những tài liệu mật của Tòa Thánh bị lấy cắp liên quan đến chương trình cải tổ của Đức Thánh Cha Phanxicô, Đức Hồng Y Parolin nói: “Nếu chúng ta đọc báo chí, chúng ta thấy những cuộc tấn công ấy có lẽ thiếu hợp lý, ít suy nghĩ, đầy cảm xúc, nếu không muốn nói là “cuồng điên”. Có một câu tục ngữ nói rằng: Chúa biết viết thẳng những đường cong. Chắc chắn, tôi không tin rằng những cuộc tấn công ấy có thiện ý tốt. Đó là những cuộc tấn Công Giáo Hội. Chúng có thể được diễn ra hoặc biến thành một điều tốt nếu chúng ta cũng biết đón nhận chúng với tinh thần hoán cải và trở về với Tin Mừng như Chúa yêu cầu chúng ta. Tôi sẽ tìm cách đón nhận khía cạnh này vì tất cả chúng ta đều luôn luôn cần sự hoán cải”.

Về những đối kháng mà Đức Thánh Cha nói là gặp phải trong chương trình của ngài cải tổ giáo triều và Giáo Hội, Đức Hồng Y Quốc vụ khanh Tòa Thánh nhận xét rằng: “Thay đổi sự việc luôn luôn là điều khó khăn vì tất cả chúng ta đều bị cám dỗ muốn tiếp tục ở trong sự yên hàn, trong sự quen thuộc hàng ngày đều đều của chúng ta. Theo chiều hướng này cần vượt thắng những đối kháng. Định nghĩa những đối kháng đó là điều tự nhiên thì quá nhẹ, nhưng định nghĩa chúng là bệnh hoạn thì quá nặng. Đó là những đối kháng có thực. Tôi nghĩ rằng cần đương đầu với những đối kháng ấy trong tinh thần xây dựng, để chúng được biến đổi. Tôi tin rằng chìa khóa để giải quyết vấn đề này là biến đổi những đối kháng bình thường đứng trước những thay đổi thành những dụng cụ để cải tổ. Và tất cả chúng ta đều muốn có sự cải tiến. Sự cải tiến ấy chính Đức Thánh Cha đã yêu cầu cần thực hiện cho giáo triều Roma”.

Mặt khác, hôm 10-11, cha Lombardi, Giám đốc Phòng báo chí Tòa Thánh, lại phải lên tiếng cải chính những tin “thất thiệt” của một số báo chí Italia cho rằng trong khuôn khổ các cuộc điều tra tại Vatican, một số Hồng Y hoặc giám chức cũng bị hỏi cung trong những ngày qua. Cha Lombardi gọi những tin này là “Hoàn toàn sai lầm, không có căn cứ nào cả”.

Cha Lombardi cũng bác bỏ một số thông tin về Đức Hồng Y Giuseppe Bertello, Chủ tịch Phủ Thống đốc quốc gia thành Vatican: báo chí nói rằng Đức Hồng Y Bertello đã tiếp xúc với chính quyền Italia, về vấn đề thất thoát các tài liệu. linh mục giám đốc phòng báo chí Tòa Thánh nói: “Những tin này cũng hoàn toàn là sai”.

5. Cuộc gặp gỡ giữa Đức Thánh Cha với các nhân viên cơ quan cứu trợ người tỵ nạn của dòng Tên

Đức Thánh Cha khích lệ các nhân viên Cơ quan cứu trợ người tỵ nạn của dòng Tên tiếp tục công tác trợ giúp nhằm trao ban hy vọng và tương lai cho các người tỵ nạn trên thế giới.

Đức Thánh Cha đã đưa ra lời khích lệ trên đây trong buổi tiếp kiến sáng ngày 14 tháng 11 vửa qua, dành cho các nhân viên của Cơ quan nhân kỷ niệm 35 năm thành lập. Ngài đã nhắc lại lý do cha Bề trên tổng quyền Pedro Arrupe cho thành lập Văn phòng. Vì hồi đó có làn sóng người Việt bỏ nước ra đi tìm tự do, bất chấp mọi hiểm nguy, các vụ tấn công của hải tặc và cái chết trên biển cả vùng Đông Nam Á. Là người đã từng chứng kiến cảnh bom nguyên tử nổ tại Hiroshima và ý thức được các chiều kích trong thảm cảnh xuất hành của người tỵ nạn, cha nhận ra nơi đó một thách đố, mà các tu sĩ dòng Tên không thể không biết tới. Cha muốn cơ quan tới gặp các anh chị em tỵ nạn và đáp ứng các nhu cầu vật chất và tinh thần của họ, bằng cách cung cấp thực phẩm, quần áo, thuốc men, chỗ trú ngụ, đáp ứng các nhu cầu thiêng liêng, bảo vệ phẩm giá bị thương tích, lắng nghe và an ủi họ.

Tiếp tục bài huấn dụ Đức Thánh Cha ghi nhận hiện tượng di cư tỵ nạn gia tăng mạnh trên thế giới ngày nay. Các đoàn người di cư tỵ nạn khởi hành từ nhiều nước vùng Trung Đông, Phi châu, Á châu và tìm ẩn náu bên Âu châu. Cao Uỷ tỵ nạn của Liên Hiệp Quốc ước lượng có khoảng 60 triệu người tỵ nạn trên thế giới. Đây là con số cao nhất kể từ Đệ Nhị Thế Chiến tới nay. Đàng sau các con số này có các con người với một tên tuổi, một gương mặt, một lịch sử và một phẩm giá là con Thiên Chúa không thể bị tha hóa.

Hiện nay Cơ quan cứu trợ người tỵ nạn của dòng Tên hoạt động trong 10 vùng với các dự án tại 45 nước khác nhau, cùng với sự cộng tác của các nữ tu, giáo dân và rất nhiều người tỵ nạn, trung thành với lý tưởng do cha Arrupe đề ra: đó là đồng hành, phục vụ và bảo vệ các quyền của người tỵ nạn. Việc lựa chọn sống giữa người tỵ nạn tại những nơi cần thiết, trong và sau chiến tranh, đã khiến cho tổ chức này nổi tiếng. Đức Thánh Cha đã đặc biệt nghĩ đến các nhóm sống bên Syria, Afghanistan, Cộng hòa Trung Phi, và vùng đông Cộng hòa dân chủ Congo. Cơ quan cứu trợ người tỵ nạn của dòng Tên trao ban hy vọng và tương lai cho người tỵ nạn qua việc giáo dục, giúp người tỵ nạn duy trì sống động niềm hy vọng, tin vào tưong lai và có các dự án cho cuộc sống. Không có gì cao đẹp hơn là cống hiến cho các trẻ em phương tiện học hành và phát huy tối đa các năng khiếu của chúng, làm sao để chúng có thể bảo vệ các quyền riêng và chung của cộng đoàn… Rất tiếc là cả các trường học cũng không tránh khỏi các vụ tấn kích của những người gieo rắc bạo lực. Tuy nhiên, việc giáo dục rất quan trọng, vì thế trong Năm Thánh Thương Xót sắp tới cơ quan cứu trợ người tỵ nạn phát động chiến dịch “Giáo dục toàn diện” với khẩu hiệu “Chúng ta hãy huy dộng lòng thương xót” nhằm giúp thêm 100.000 trẻ em có thể đi học, đặc biệt là các trẻ nữ thường bị thiệt thòi nhiều hơn.

Đức Thánh Cha bầy tỏ lòng biết ơn các ân nhân của cơ quan và khích lệ mọi người tiếp tục công tác giáo dục phát triển này cho người tỵ nạn

6. Bộ quốc phòng Pháp cho rằng chuyến tông du của Đức Thánh Cha tại Trung Phi là đầy rủi ro

Cha Lombardi, Giám đốc Phòng Báo chí Tòa Thánh cho biết Đức Thánh Cha tiếp tục giữ chương trình viếng thăm Trung Phi mặc dù Bộ quốc phòng Pháp cảnh giác rằng đó là một cuộc viếng thăm có nhiều rủi ro. Cha nói với báo Công Giáo La Croix ở Pháp: “Chúng tôi tiếp tục tổ chức cuộc viếng thăm, theo chiều hướng đó, trừ khi có chuyện bất ngờ.. Chúng tôi biết rõ về tình hình Trung Phi”.

Hãng tin Công Giáo quốc tế I.Media truyền đi hôm 12-11-2015 từ Vatican, cũng trích thuật lời tuyên bố của một nguồn tin ở Vatican nói rằng “Công cuộc chuẩn bị ở thủ đô Bangui vẫn tiến hành và tất cả cho thấy Đức Giáo Hoàng sẽ đến đây. Đối với ngài, không đến đó là một thất bại”.

Lực lượng Pháp tại Cộng hòa Trung Phi, tên là Sangaris, có 900 binh sĩ hỗ trợ cho 12 ngàn binh sĩ thuộc đạo quân Minusca của Liên Hiệp Quốc. Theo Bộ quốc phòng Pháp, quân số 900 người không đủ để bảo vệ an ninh, không những cho Đức Giáo Hoàng, nhưng còn cho hàng trăm ngàn tín hữu đến từ Trung Phi và các nước lân cận như Camerun, Congo Brazaville.. trên những con đường không được an toàn. Lực lượng Pháp bảo đảm an ninh tại Phi trường và di tản các giới chính quyền và giáo quyền trong trường hợp xảy ra tai nạn, nhưng không thể làm hơn được”.

Nguồn tin từ Bộ Quốc phòng Pháp nói: “Ở Trung Phi, chúng tôi ở trong một nước mà quân đội và cảnh sát chưa được hoàn toàn tái lập, và do đó không có khả năng bảo đảm an ninh cho sự di chuyển của đám đông dân chúng”

7. Đức Thánh Cha tiếp kiến gia đình dòng Thánh Guanella

Trong buổi tiếp kiến sáng ngày 12-11 dành cho 5 ngàn tín hữu hành hương thuộc gia đình dòng Thánh Luigi Guanella, Đức Thánh Cha mời gọi các tín hữu noi gương thánh nhân xả thân thi hành bác ái.

Cuộc hành hương diễn ra nhân dịp dòng thánh Guanella vừa kết thúc năm kỷ niệm 100 năm sinh nhật của thánh Tổ Phụ.

Trong bài huấn dụ, sau khi mời gọi các tín hữu tín thác nơi tình yêu quan phòng vô biên của Thiên Chúa, Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng:

“Trong thế giới không bao giờ thiếu các vấn đề và rất tiếc là thời đại chúng ta ngày nay có thêm những hình thức mới của nạn nghèo khổ và bao nhiêu bất công. Nhưng nạn hạn hán lớn nhất chính là nạn thiếu tình bác ái: nhất là cần có những người với những cái nhìn mới về tình thương và cái nhìn thông truyền hy vọng. Vì “tình yêu sẽ giúp tìm ra những cách thức và lời nói để an ủi kẻ yếu đuối”, như thánh Sáng Lập của anh chị em đã nói”.

Đức Thánh Cha cũng nhận xét rằng: “Nhiều khi thị giác thiêng liêng của chúng ta bị bệnh cận thị, vì chúng ta không nhìn xa hơn cái tôi của mình. Nhiều lần khác chúng ta bị viễn thị: chúng ta thích giúp đỡ những người ở xa, nhưng lại không có khả năng cúi mình xuống bên những người sống bên cạnh chúng ta. Trái lại đôi khi chúng ta thích nhắm mắt, vì chúng ta mỏi mệt và bị bi quan đè nặng. Thánh Guanella khuyên chúng ta nhìn Chúa Giêsu từ con tim của Ngài, và thánh nhân mời gọi chúng ta có cùng cái nhìn của Chúa: một cái nhìn trao ban hy vọng và vui mừng, đồng thời có khả năng cảm thương sinh động đối với người đau khổ”.

Thánh Luigi Guanella qua đời năm 1915 hưởng thọ 73 tuổi, Ngài sáng lập dòng các Tôi Tớ Bác Ái và dòng Nữ Tử Đức Maria Chúa Quan Phòng. Thánh Nhân nổi bật về lòng tin tưởng nơi Chúa Quan Phòng và các hoạt động bác ái. Ngài được Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16 tôn phong hiển thánh ngày 23-11 năm 2011 trong buổi lễ tại Quảng trường thánh Phêrô.

8. Đức Thánh Cha tiếp kiến Hội đồng Giám Mục Slovak

Đức Thánh Cha Phanxicô khích lệ các Giám Mục Cộng Hòa Slovak tận dụng những biến chuyển trong xã hội và văn hóa ngày nay thành cơ hội canh tân công cuộc loan báo Tin Mừng.

Ngài bày tỏ lập trường trên đây trong buổi tiếp kiến sáng hôm qua, 12-11, dành cho 15 Giám Mục Slovak về Roma hành hương viếng mộ hai thánh Tông Đồ và thăm Tòa Thánh.

Trong bài huấn dụ trao cho các Giám Mục, Đức Thánh Cha nhắc đến những thách đố do những thay đổi thời nay tạo nên trong bao nhiêu lãnh vực của đời sống con người và những thách đố do hiện tượng hoàn cầu hóa gây ra, trong đó đôi khi có những đe dọa cho những nước ít dân, nhưng đồng thời cũng có những yếu tố có thể mang lại những cơ hội mới để loan báo Tin Mừng. Trong số những yếu tố này có hiện tượng di dân. Đức Thánh Cha nói: “Giáo Hội được kêu gọi công bố và làm chứng về việc đón tiếp người di dân trong tinh thần bác ái và tôn trọng phẩm giá con người, trong khuôn khổ sự tôn trọng cần thiết đối với luật pháp”.

Đức Thánh Cha cũng khẳng định rằng “Ngày nay hơn bao giờ hết, cần soi sáng hành trình của các dân tộc với những nguyên tắc Kitô, đón nhận những cơ hội mà tình trạng ngày nay mang lại để phát huy công cuộc loan báo Tin Mừng, với một ngôn ngữ mới, làm cho sứ điệp Kitô dễ hiểu hơn. Vì thế, điều quan trọng là Giáo Hội mang lại hy vọng, để mọi thay đổi trong thời đại ngày nay biến thành một cuộc gặp gỡ được đổi với với Chúa Kitô, thúc đẩy dân tộc anh em tiến đến một sự tiến bộ đích thực”.

Đức Thánh Cha ca ngợi sự quan tâm của các Giám Mục Slovak đối với việc bảo vệ và mục vụ gia đình. Trong lãnh vực này, - ngài nói - cần đề cao giá trị của người trẻ là niềm hy vọng của Giáo Hội và xã hội. Nơi họ có một ước muốn mạnh mẽ phục vụ tha nhân và liên đới, mà các vị chủ chăn cần hướng dẫn và tín nhiệm, để ước muốn ấy biến thành một cuộc gặp gỡ sinh động với Chúa Kitô, một dự án quyết liệt phổ biến Tin Mừng.

Thực vậy, mặc dù có bao nhiêu dua nịnh, mời gọi những người trẻ chiều theo xu hướng duy lạc thú, cuộc sống tầm thường và thành công nhất thời, nhưng người trẻ không dễ để cho mình khiếp sợ khó khăn, họ đặc biệt nhạy cảm đối với sự dấn thân không chút dè dặăt, khi họ thấy ý nghĩa đích thực của cuộc sống”.

Cộng hòa Slovak chỉ rộng 49 ngàn cây số vuông với 5 triệu 400 ngàn dân cư, trong đó 73% tức là gần 4 triệu người là tín hữu Công Giáo, thuộc 13 giáo phận.

9. Năm Thánh Lòng Thương Xót trong bối cảnh vụ tấn công khủng bố tại Paris

Hôm thứ Bảy, 14 tháng 11, công tố viên Francois Molins cho biết kết quả sơ khởi của các cuộc điều tra cho thấy ba nhóm sát thủ đã thực hiện 7 vụ tấn công tại Paris hôm thứ Sáu giết chết 129 người và làm bị thương ít nhất 352 người khác.

Sáng thứ Bẩy, quân đội Pháp đã đảm trách việc canh gác các đường phố theo sau vụ tấn công được ghi nhận là đẫm máu nhất trên đất Pháp kể từ khi phát xít Đức xâm lược nước này hồi Thế chiến II.

Trong khi đó, Koen Geens bộ trưởng tư pháp của Bỉ cho biết một số người đã bị bắt tại Brussels vì có liên quan đến cuộc tấn công.

Sau khi giết chết 18 người tại quán cà phê Le Carillon và tại một nhà hàng Căm Bốt gần đó, hai tên khủng bố đã tẩu thoát trên một chiếc xe hơi mang bảng số của Bỉ. Chiếc xe này của một công ty cho mướn xe tại Brussels. Lần theo dấu vết này, cảnh sát đã bắt một số người tình nghi và khám xét nhà của ba tên sát thủ đã thiệt mạng.

Sáng sớm thứ Bảy, tổng thống Francois Hollande quy trách nhiệm vụ tấn công này cho bọn khủng bố Hồi Giáo IS và mô tả vụ tấn công “hèn nhát” này là một “hành động chiến tranh”.

Hollande nhấn mạnh rằng: “Chúng tôi sẽ làm việc cùng với các đồng minh của chúng tôi để chống lại mối đe dọa khủng bố này ... Nước Pháp là mạnh mẽ và thậm chí nếu bị tổn thương quốc gia này sẽ luôn luôn đứng thẳng dậy và không có gì có thể đè bẹp được nó, ngay cả khi chúng ta cảm thấy nỗi đau bây giờ ... Chúng ta sẽ bảo vệ chính mình. “

Thủ tướng Pháp Manuel Valls nói thêm: “Chúng tôi đang có chiến tranh. Và trong cuộc chiến này, chúng tôi sẽ giành chiến thắng.”

Hôm thứ Bẩy, bọn khủng bố Hồi Giáo IS đưa ra một thông cáo tự nhận trách nhiệm về vụ tấn công vào “những địa điểm có chọn lọc” nhằm trừng phạt nước Pháp “thập tự quân”. Chúng còn tung ra một video kêu gọi người Hồi giáo không thể tham gia cuộc thánh chiến ở Syria hãy thực hiện các cuộc tấn công tại Pháp và các thành phố khác như Rôma, Luân Đôn...

Một đoạn nói bằng tiếng Pháp và tiếng Ả rập thúc giục người Hồi Giáo như sau:

“Bạn đã được lệnh phải chiến đấu chống lại quân vô đạo ở bất cứ nơi nào bạn thấy chúng”

Một quan chức Pháp xác nhận với NBC News rằng một hộ chiếu Syria đã được tìm thấy trên thi thể của những kẻ tấn công. Người mang hộ chiếu này đã xin tị nạn tại Liên minh châu Âu qua ngã Hy Lạp hồi tháng trước. Hiện chưa rõ liệu đó có phải là hộ chiếu của một trong tên sát thủ hay không.

Trong một thông cáo liên quan đến việc tổ chức Năm Thánh Lòng Thương Xót, bắt đầu vào ngày 8 tháng 12, cha Lombardi khẳng định bạo lực khủng bố gây chết chóc điên loạn và vô nghĩa trong các ngày này nhằm mục đích gieo vãi kinh hoàng. Nếu chúng ta để cho mình sợ hãi là chúng đã đạt được mục đích đầu tiên. Đây là một lý do khác để cương quyết chống lại cám dỗ sợ hãi. Dĩ nhiên cần phải thận trọng, có tinh thần trách nhiệm và đề phòng hợp lý, nhưng phải tiếp tục sống, xây dựng hòa bình và tin tưởng lẫn nhau. Do đó Năm Thánh Lòng Thương Xót lại càng cần thiết hơn nữa. Sứ điệp của lòng thương xót, nghiã là của tình yêu của Thiên Chúa đem lại yêu thương và hòa giải chính là câu trả lời cho các thời điểm cám dỗ mất tin tưởng. Đức Gioan Phaolô II đã nói rằng sứ điệp của lòng thương xót đã là câu trả lời lớn lao của Thiên Chúa và các tín hữu trong thời khắc đen tối và kinh hoàng của đệ nhị thế chiến, của những vụ tàn sát do các chế độ độc tài gây ra, của việc phổ biến thù hận giữa các dân tộc và con người.

Hôm nay, khi Đức Thánh Cha Phanxicô nói tới đệ tam thế chiến từng mảnh, cần có sứ điệp của lòng thương xót để khiến cho chúng ta có khả năng hòa giải, xây dựng các cây cầu mặc cho tất cả, và có can đảm yêu thương. Đây không phải là thời điểm khước từ Năm Thánh hay sợ hãi. Nhưng chúng ta cần Năm Thánh hơn bao giờ hết. Chúng ta phải sống khôn ngoan, cũng như can đảm và với tinh thần hăng say, tiếp tục tiến tới, mặc dù có các tấn kích của thù hận. Đức Thánh Cha Phanxicô hướng dẫn chúng ta và mời gọi chúng ta tin tưởng nơi Chúa Thánh Thần là Đấng đồng hành với chúng ta.

10. Cha Lombardi lên tiếng trước những vu khống của báo chí

Trong cuộc họp báo ngày 11-11, Cha Lombardi, Giám đốc Phòng báo chí Tòa Thánh, đã lên tiếng cải chính tin của một vài hãng thông tấn và báo chí loan tin thiên lệch và không chính xác về nội dung một văn kiện mật, cho rằng Cơ quan quản trị tài sản của Tòa Thánh, gọi tắt là APSA, trong quá khứ đã bị lạm dụng vào một hoạt động tài chánh bất hợp pháp. Nhà chức trách tư pháp của Vatican đã mở cuộc điều tra về việc phổ biến tài liệu đó. Cơ quan APSA luôn cộng tác với các cơ quan có thểm quyền, và không hề bị điều tra, đồng thời tiếp tục thi hành hoạt động của mình trong sự tôn trọng các qui luật hiện hành”.

Cha Lombarbi cũng cho biết: Hiến binh Vatican, trong tư cách là cảnh sát tư pháp, đã báo cho Công tố viện Vatican hoạt động của hai ký giả Nuzzi và Fittipaldi, có thể họ đã cộng tác vào tội phạm phổ biến tin tức và văn kiện mật, chiếu theo luật số IX của Quốc gia thành Vatican, ngày 13-7 năm 2013 (art. 116 bis c.p).

Trong hoạt động điều tra, Công tố viện đã thu thập các bằng chứng cho thấy hai ký giả đã thật sự cộng tác vào tội phạm, và với tư cách đó họ bị điều tra.

Các giới chức điều tra cũng cứu xét một số lập trường của những người khác, vì lý do chức vụ, có thể đã cộng tác vào việc lấy những tài liệu mật nói trên.

11. Đức Thánh Cha lên án nạn bóc lột lao động

Đức Thánh Cha Phanxicô lên án nạn bóc lột sức lao động, nhất là bóc lột những công nhân “làm lậu”.

Ngài đưa ra lập trường trên đây trong cuộc gặp gỡ các tín hữu và giới công nhân tại thành phố Prato sáng ngày 10-11-2015.

Đức Thánh Cha đã đáp trực thăng từ Roma lúc 7 giờ sáng để bay tới Prato hơn 1 giờ sau đó. Thành phố này có khoảng 190 ngàn dân cư, trước kia có công nghệ phồn thịnh với nhiều công xưởng, nhưng rồi các chủ nhân đã di chuyển các xưởng đó tới nhiều nước khác nơi có giá công nhân rẻ hơn. Phản ứng lại, chính quyền địa phương đã mở cửa đón nhận nhiều công nhân nước ngoài với đồng lương thấp hơn. Trong bối cảnh đó, tại Prato có tới hơn 20 ngàn người Hoa hoạt động trong các công xưởng làm việc quần quật với đồng lương rẻ mạt. Số người Hoa đăng ký chính thức chỉ có 16 ngàn người, điều này chứng tỏ có nhiều người ở lậu và làm việc đen. Nhiều khi Chúa Nhật những tín hữu Công Giáo người Hoa muốn đi dự lễ cũng gặp khó khăn vì những người chủ không cho phép. Cha sở người Hoa, Phêrô Hầu, dòng Phanxicô, cho biết nhà thờ do cha phụ trách chỉ có khoảng 100 tín hữu người Hoa lui tới. Tại Prato cũng có nhiều cộng đoàn công nhân nước ngoài khác như 5 ngàn người Albani, người Pakistan, và nhiều sắc dân khác.

Đến Prato, Đức Thánh Cha đã vào nhà thờ chính tòa để kính viếng, rồi ngài lên bao lơn của mặt tiền thánh đường, giống như tòa giảng, để chào thăm 5 ngàn người tụ họp ở quảng trường bên dưới, và 30 ngàn người khác tụ tập tại các đường phố gần đó.

Lên tiếng sau lời chào mừng của Đức Cha Franco Agostinelli, Giám Mục Prato sở tại, Đức Thánh Cha thân ái chào mọi người, cả những người không đến dự được, nhất là những người già yếu, bệnh nhân và các tù nhân. Ngài nói:

“Như là người khách hành hương, tôi đến đây, thành phố phong phú về lịch sử và mỹ thuật, đã xứng danh với định nghĩa “thành phố của Đức Mẹ”. Anh chị em thật may mắn vì anh chị em nằm trong vòng tay hiền mẫu luôn che chở, luôn rộng mở để đón nhận. Anh chị em cũng được ưu đãi vì đang gìn giữ thánh tích sợi dây thắt lưng áo của Đức Mẹ mà tôi vừa được chiêm ngưỡng.

Tiếp đó, Đức Thánh Cha đã suy tư về thánh tích này, dấu chỉ sự ưu ái dành cho thành phố Prato. Trong sách Xuất Hành, trước khi giải thoát dân Do Thái khỏi cuộc lưu đày và đưa đến vùng Đất Hứa, Thiên Chúa đã dạy họ ăn mừng lễ Vượt Qua và ăn mừng theo một cách thức đặc biệt, với “lưng thắt gọn”. “Thắt gọn lưng áo” có nghĩa là đã sẵn sàng, đã chuẩn bị để lên đường, để ra đi. Đó cũng là lời Thiên Chúa mời gọi chúng ta ngày nay, ngay bây giờ. Chúa mời gọi chúng ta đừng khép kín trong thái độ thờ ơ lãnh đạm, nhưng hãy mở rộng tâm lòng, tất cả chúng ta hãy lắng nghe lời kêu gọi ấy, sẵn sàng từ bỏ một điều gì đó để đến với một người hầu chia sẻ niềm vui đã được gặp gỡ Thiên Chúa, đồng thời chia sẻ nỗi niềm mệt nhọc khi bước đi trên con đường của Người. Chúa mời gọi chúng ta ra khỏi mình để đến gần tha nhân, những người nam và người nữ của thời đại chúng ta.

“Ra khỏi mình, có nghĩa là đối diện với hiểm nguy, nhưng không có niềm tin nào mà không có nguy hiểm. Một đức tin chỉ nghĩ đến riêng mình và khép kín trong nhà là một đức Tin không trung thành với lời mời gọi của Thiên Chúa. Dĩ nhiên, trước những biến đổi ồ ạt những năm gần đây, có nguy cơ người tín hữu bị lạc hướng hay bị mất can đảm không tìm ra đường đi. Nhưng Thiên Chúa vẫn thúc đẩy chúng ta tìm đến với những người chưa biết Chúa, vẫn khơi dậy đam mê truyền giáo trong chúng ta, vẫn giao cho chúng ta một trọng trách mới. Chúa mời gọi Giáo Hội, Hiền Thê của Người, bước đi trên con đường chông gai của thời đại ngày nay, đồng hành với những người bị lạc lối, dựng căn lều hy vọng để đón tiếp những ai bị thương tổn và không còn chờ đợi gì nữa trong đời.

“Chính Chúa đã làm gương cho chúng ta khi Người hạ mình đến gần chúng ta. Sợi dây lưng thánh cũng gợi lại cử chỉ của Chúa Giêsu trong bữa tiệc lễ Vượt Qua, khi người lấy khăn mà thắt lưng, như một đầy tớ, và rửa chân cho các môn đệ. Người làm thế để chúng ta theo gương Người phục vụ những ai ở cạnh chúng ta. Với người môn đệ của Chúa, không người lân cận nào lại là một người xa lạ. Và cũng thế, không có ai ở quá xa, nhưng họ là những người chúng ta sắp đến gặp. Cám ơn anh chị em vì tất cả những gì anh chị em đang cố gắng thực hiện để giúp hội nhập mỗi người, chống lại nền văn hóa lãnh đạm và xa cách, để bảo vệ những kẻ yếu đuối nhất và các gia đình. Cầu mong anh chị em đừng bao giờ nản chí ngã lòng trước những khó khăn gặp phải.

Tiếp tục diễn văn trước cộng đoàn tín hữu và dân chúng ở Prato, Đức Thánh Cha nói:

“Còn một suy tư khác tôi muốn gợi lên cùng anh chị em. Thánh Phaolo đã mời gọi các Kitô hữu hãy mặc lấy một áo giáp đặc biệt, áo giáp của Thiên Chúa. Thánh nhân nói hãy mặc lấy những giá trị thánh thiêng cần thiết để có thể đương đầu với những đối thủ thực sự là ma quỷ. Chiếm địa vị ưu tiên trong bộ binh giáp vũ khí ấy là chân lý: lưng thắt đai là chân lý. (Ef 6,14) Chúng ta phải thắt đai lưng là chân lý. Vì không ai có thể xây dựng điều gì tốt lành trên nền tảng dối trá hay mờ ám. Tìm kiếm và chọn lựa chân lý không phải lúc nào cũng dễ dàng, nhưng là một quyết định sinh tử, đánh dấu cuộc sống con người và toàn thể xã hội. Sự thánh thiêng của mỗi một con người đòi hỏi được tôn trọng, đón tiếp và có một công việc làm xứng đáng.

Tôi xin nhắc đến ở đây 5 người đàn ông và 2 phụ nữ người Hoa bị thiệt mạng cách đây 2 năm vì một vụ hỏa hạn trong khu công nghệ ở Prato này. Họ sống và ngủ trong một công xưởng nơi họ làm việc: trong khu đó ngừơi ta làm một nhà ngủ bằng giấy carton, với những giường chồng lên nhau, để tận dụng chiều cao của công xưởng ấy... Thật là một thảm trạng bóc lột và những điều kiện sống không xứng đáng với con người!

Cuộc sống của mỗi cộng đoàn đòi hỏi phải chiến đấu đến cùng chống lại mọi mưu toan tham nhũng hối lộ, một thứ bệnh ung thư bóc lột con người và sức lao động và nọc độc bất hợp pháp. Trong chúng ta và cùng với những người khác chúng ta đừng bao giờ mệt mỏi chiến đấu cho sự thật và công lý!

Tôi khích lệ tất cả mọi người, nhất là những ngừơi trẻ, đừng bao giờ đầu hàng sự yếm thế và cam chịu, nhưng hãy theo gương Mẹ Maria. Mẹ là Đấng trong thinh lặng và cầu nguyện, đã biến ngày thứ bảy của tuyệt vọng thành bình minh của lễ Phục Sinh. Hỡi những ai mệt mỏi oằn oại vì những hoàn cảnh cuộc đời, hãy chạy đến với Mẹ, để được Mẹ ủi an. Con của Mẹ sẽ không bao giờ phản bội những chờ mong của chúng ta và sẽ ươm trong tim chúng ta một hy vọng không bao giờ tàn. Xin cám ơn anh chị em.”

Sau bài diễn văn, Đức Thánh Cha còn chào thăm nhiều người, kể cả cha sở giáo xứ người Hoa ở Prato. Rồi ngài đáp trực thăng bay đến thành phố Florence để tiếp tục cuộc viếng thăm.



12. Bộ Truyền Giáo bác bỏ những tin vu khống

Trong thông cáo công bố hôm 11-11, Bộ Truyền giáo cho biết, trái ngược với tin tức sai lầm được phổ biến, Bộ hoàn toàn tuân theo đường hướng của Đức Thánh Cha Phanxicô về việc cải tổ các cơ quan Trung Ương Tòa Thánh, và những cải tổ hành chánh do Bộ Kinh Tế của Tòa Thánh trù định, Bộ Truyền giáo đệ trình cho Bộ Kinh Tế tất cả các ngân sách dự chi và kết toán chi thu.

Vì thế những tin tức do một số cơ quan thông tin phổ biến là không đúng sự thật. Ví dụ họ viết rằng Bộ Truyền giáo cho thuê các bất động sản sang trọng với giá “thân hữu” và thậm chí còn đón nhận việc dâng tặng một phòng tắm hơi, và là sở hữu chủ của khách sạn Priscilla.

Bộ Truyền giáo xác quyết rằng: “Tất cả các bất động sản thuộc quyền sở hữu của Bộ Truyền giáo, - do ân nhân tặng để giúp các xứ truyền giáo,- đều được cho thuê với giá trị trường; không thiếu những trường hợp ngoại lệ vì tình trạng nghèo. Các bất động sản đó được cho thuê trong sự tôn trọng luật pháp hiện hành của Italia, cả Bộ truyền giáo lẫn người quản trị đều tuân hành luật pháp đó. Lợi nhuận đến từ việc cho thuê các bất động sản ấy chủ yếu được dùng để bảo trì Bộ Truyền Giáo, Đại học Giáo Hoàng Urbaniana, các tổ chức truyền giáo và các giáo phận trẻ tại các xứ truyền giáo. Bộ Truyền giáo vẫn nộp thuế đều đặn cho chính quyền Italia (năm 2014, Bộ đã trả thuế bất động sản lên tới 2,169,200 Euro nguyên cho thủ đô Roma).

Thông cáo cũng nói rằng: “Bộ truyền giáo biết ơn các ân nhân, qua sự giúp đỡ của họ, họ góp phần vào việc loan báo Tin Mừng và hỗ trợ vô số các sáng kiến giáo dục, xã hội và y tế tại các nước nghèo nhất”.

Sau cùng Bộ cảnh giác rằng nếu còn tái diễn việc phổ biến những tin tức sai sự thật và có ý gian, thì Bộ truyền giáo sẽ buộc lòng phải bảo vệ thanh danh của mình nơi các cơ quan thích hợp”

Bộ Truyền giáo là cơ quan phối hợp hoạt động của 1,100 giáo phận thuộc các miền truyền giáo. Phần lớn các giáo phận này được Bộ giúp đỡ.

13. Cộng hòa Trung Phi vẫn tiếp tục hy vọng cuộc tông du của Đức Thánh Cha có thể thực hiện được

Các Giám Mục Cộng hòa Trung Phi hy vọng cuộc viếng thăm của Đức Thánh Cha vào cuối tháng 11 này sẽ đẩy mạnh sự hòa giải đất nước. Đức Thánh Cha Phanxicô đến để mời gọi dân chúng xây dựng đất nước trong tình yêu thương và huynh đệ.

Đức Cha Dieudonné Nzapailanga, TGM giáo phận thủ đô Bangui tuyên bố như trên hôm 11-11, trong cuộc viếng thăm trụ sở tổ chức bác ái “Trợ giúp các Giáo Hội đau khổ” ở thành phố Munich, Nam Đức.

Đức Tổng Giám Mục cho biết từ sau cuộc đảo chánh của liên minh phiến quân Seleka hồi năm 2013, Trung Phi không còn được an ninh. “Tình hình như thể chúng tôi ngồi trên đống than còn bốc khói, chỉ cần một tia lửa nhỏ cũng đủ làm cho ngọn lửa bùng cháy”. Trong bối cảnh đó, cuộc viếng thăm của Đức Thánh Cha cũng là điều quan trọng đối với quan hệ giữa các tín hữu Kitô và Hồi giáo.

Đức Cha Cyr-Nestor Yapaupa, Giám Mục giáo phận Alindao ở miền nam Trung Phi, mô tả sự kiện Đức Thánh Cha cũng viếng thăm cộng đồng Hồi giáo và Tin Lành cũng là điều quan trọng và đầy ý nghĩa. Cả hai tôn giáo này đều được mời tham dự buổi lễ.

Đức Cha Yapaupa cũng nhắc lại rằng cuộc nổi dậy của phiến quân Seleka đã bắt đầu hồi năm 2013 tại vùng của ngài. Trong những tháng đầu tiên, phiến quân này đặc biệt chiếu cố cướp bóc các nhà xứ, các trung tâm y tế và cơ sở bác ái Caritas của Công Giáo.

Năm 2014, tình hình được cải tiến. Sau khi quân đội quốc tế được gửi tới Cộng hòa Trung Phi, phiến quân đã rời bỏ thủ đô Bangui, tuy nhiên trong giáo phận Alindao của ngài vẫn còn những thành phần Seleka, họ được võ trang hùng hậu và rất nguy hiểm. Sự kiện này khiến cho nhiều tín hữu Kitô không dám hồi hương. Ngoài ra, tình hình y tế cũng rất khó khăn: trong số 273 ngàn dân cư tại đây chỉ có 3 bác sĩ. Cả các trường học cũng thiếu nhân sự. 7 trường Công Giáo ở Alindao là những cơ sở duy nhất mở cửa trong thời kỳ khủng hoảng. Vấn đề hiện nay là tái tạo các dịch vụ y tế lưu động, để có thể giúp đỡ dân chúng tại các làng quê.
 
Thánh Ca
Thánh Ca: Tình Ngài - Trình bày: Ca Sĩ Như Ý
VietCatholic Network
21:59 19/11/2015
Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây