Ngày 21-11-2010
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Một lá phiếu cho vua Giêsu
Trần Tuy Hòa
08:03 21/11/2010
MỘT LÁ PHIẾU CHO VUA GIÊSU

(Cảm nhận ngày lễ chúa GiêsuKitô Vua)

Trước đây 2000 năm đã có một người, không chỉ là người bình thường mà còn rất tầm thường, một người chịu án tử. Anh ta được nhắc đến cho tới hôm nay, nhắc đến không phải vì tội anh phạm nhưng được nhắc đến vì anh đứng cạnh một tội nhân bị kết án oan, tội nhân Giêsu. Không phải hôm nay chúng ta mới biết được vụ án này oan sai nhưng ngày đó sự oan sai đã được xác nhận, không phải chỉ xác nhận bỡi Philatô, “Ta xét thấy Ông ấy không có tội gì đáng chết” (Lc 23,22), nhưng được công bố bởi người tù tầm thường kia: “Ông này đâu có làm điều gì trái” (Lc 23,41).

Ngày sinh ra nếu được nhắc đến cũng chỉ vì sự xuất hiện nhỏ nhoi, khởi đầu cho một phận người; nhưng ngày chết đi sẽ không bao giờ bị bỏ quên, vì đi theo nó là những cách sống lúc còn tại thế. Nhớ người đã mất như một tri ân, như một lời nguyện xin vì chính họ đã nên bệ phóng cho người còn sống tiến về phía trước.

Người tử tù đó, người tử tù bên phải so với THẬP GIÁ VUA đứng giữa trên kia làm sao biết được người tử tù Giêsu bên cạnh là đấng công chính nếu ông không khiêm tốn thấy những yếu hèn của mình, “Chúng ta chịu thế này là đích đáng vì xứng với việc đã làm” ( Lc 23,41), lòng sám hối giúp ông gặp được Chúa để nói với Ngài rằng: “khi Ông vào nước của Ông, xin nhớ đến tôi” (Lc 23,42). Chết mà vẫn còn hy vọng tràn trề; đã phạm tội mà sao lại gọi là TRỘM LÀNH ? Chúng ta nhớ anh vì anh dám tin tưởng vào người bạn tù cùng chung số phận mà hình ảnh người bạn tù Giêsu đó được mô tả lại trong diễn văn chào mừng trong dịp lễ suy tôn vua Giê su hôm nay qua ngòi bút cay đắng của Luca: “Đức Giê su bị nhục mạ” ( Lc 23,36-38 ).

Khi nhắc đến cái chết, tôi lại nhớ đến cái sống. Trong một bài báo mới đây của trang mạng Báo mới.com: Việt Nam có tỷ lệ nạo phá thai ở độ tuổi sinh sản cao nhất ở Đông Nam Á và là một trong những nước có tỷ lệ nạo phá thai cao nhất thế giới, trung bình mỗi phụ nữ Việt Nam nạo phá thai 2,5 lần trong đời.

Có cả một dãy phố giết trẻ em công khai như đoạn phố Giải Phóng và phố Phùng Hưng, Hà Đông vốn được mệnh danh là “chợ” phá thai. Lực lượng nhân viên đứng mời chào khách đông và nhộn nhịp không kém gì một số khu phố ẩm thực của Hà Nội.( Báo Lao động).

Bắt đầu từ tuổi thiếu niên, phần lớn giới trẻ thành thị đã được tập quen dần thái độ lạnh lùng về cái chết, chết là hết, mạng sống con người chẳng đáng quan tâm. Chúng ta không thể trách con cái chúng ta sao quá tàn bạo. Vụ án Nguyễn đức Nghiã hay hình ảnh người bố đập đầu đứa con bảy ngày tuổi, ném ra suối (vnnet 20/11), xã hội lên án, pháp luật trừng trị nhưng làm sao được ! Bạo lực càng lúc càng ghê rợn; máu con người càng ngày càng lạnh. Không thể khác được ngày nào xã hội còn khuyến khích cho tội giết người núp dưới danh nghĩa vì sự phồn vinh, vì sự giàu có của đất nước, vì sợ đất chật người đông nên cần loại bỏ bớt.

Chúng ta chưa thấy tòa án nào ở Việt nam xử tội mẹ giết con, không chỉ giết một lần nhưng 2,5 lần trong đời ! Thật mỉa mai, khi chính những người cha người mẹ như thể có khi là người mạnh miệng nhất lên án hành vi của những vụ giết người nơi này nơi khác…Chắc ở một nơi vô hình nào đó, các em đang hát nhỏ câu hát của Trịnh công Sơn: “Tin buồn từ ngày mẹ cho mang nặng kiếp người”.

Có phải vì cái chữ KIẾP NGƯỜI mang lấy thân phận vong thân mà F. Nietzsche muốn cổ súy cho cái đạo lý SIÊU NHÂN và loại trừ Thượng Đế ? Con người hôm nay cũng vậy. Tưởng rằng đẩy lui được Thiên Chúa, con người sẽ được giải phóng; con người cho rằng, tôn giáo dành riêng cho kẻ yếu thế, chứ không dành cho người hùng mạnh. Con người muốn tự quyết định mà không có sự can dự của Thiên Chúa. Chọn con người làm vua chứ không chọn Chúa làm vua, con người có quyền cho ai sống và không cho ai sống và cứ thế “mạnh được yếu thua, may nhờ rủi chịu” ! Thật không còn lạ lẫm gì khi con người không còn thấy Chúa trong anh em dù người anh em đó là chính con cái mình. Óc loại trừ thay cho lòng tha thứ, tính khiêm nhu.

Thế kỷ 21 con người có trọn lành hơn người tử tù trên kia không?- người tử tù cuả thế kỷ thứ nhất.

Hãy bỏ cho VUA GIÊ SU một lá phiếu tín nhiệm trong nhiệm kỳ mới, nhiệm kỳ năm 2010. Ngài rất cần lá phiếu ủng hộ của mỗi chúng ta vì Ngài biết rằng với lá phiếu tín nhiệm ấy chúng ta tìm được lối thoát trong cái xã hội bị tục hóa nặng nề này và như thế phúc lộc là cho chính con người chứ không cho Chúa. Cho tôi sửa lại lời trong bài “Đừng xa em đêm nay” của nhạc sỹ Đức Huy “Hãy ôm em trong tay cho em biết anh cần em” bằng câu “Hãy ôm Chúa trong tim cho Chúa biết con cần Chúa vô cùng”.
 
Ông Vua cứu độ lạ lùng?
Lm Fx Nguyễn hùng Oánh
08:31 21/11/2010
Thánh Luca mô tả cảnh thảm thương của Chúa trên Thánh giá: một tấm bảng ngạo nghễ đóng phía trên đầu với hàng chữ: tên này là vua dân Do Thái. Dân chúng đứng nhìn không có thiện cảm, các vị lãnh đạo tôn giáo Israen chế giễu, thách thức, binh lính nhạo cười đưa giấm cho Chúa uống, người trộm bên tả mắng Chúa. Vậy, Chúa làm Vua cái gì trên Thập giá?

Trước mặt Tư tế, Biệt phái, binh lính và người trộm bên tả,Chúa bị thất bại tột đỉnh, đang nếm cái thất bại hoàn toàn đó. Đời Chúa bị thiêu rụi trên thập giá. Không còn ai dại gì mà nghe theo Chúa.

Họ chế giễu và thách thức Chúa: có tài cứu người khác thì hãy cứu lấy mình đi, nếu ông thực là Đức Kitô của Thiên Chúa kẻ được chọn.

Lời nói của họ chỉ là lời chế diễu, phỉ báng Chúa thôi. Họ đâu có nghĩ tới nó chứa nọc độc của ma quỷ cám dỗ Chúa hết sức mãnh liệt: cám dỗ cuối cùng (Lc 4,13). Vì nếu Chúa làm phép lạ xuống khỏi Thập giá có nghĩa Chúa dùng quyền Kitô làm theo ý riêng của mình, phục vụ cho quyền lợi riêng của mình chống lại ý Chúa Cha là muốn Chúa chịu chết trên Thập giá.

Binh lính cũng giáng đòn mạnh không kém: ông là Vua thật thì cứu lấy mình đi, vua giả thì đành phải chết nhục thôi !

Người trộm bên tả cũng nói Chúa Giêsu là Đức Kitô giả.

Chỉ có người trộm bên hữu nhận ra Chúa Kitô là người vô tội, và anh xin Ngài nhớ đến anh khi Ngài vào Nước của Ngài. Lời xin của anh biểu lộ Đức Tin của anh, tin vào Chúa Kitô là Vua, là thần linh ở một nước trên cao. Anh không hiểu rõ về Chúa Kitô, anh chỉ biết lờ mờ, nhưng anh đu?c nhìn vào con người cụ thể của Chúa Kitô. Anh nhận ra anh có tội và nói rõ Chúa vô tội. Anh bằng lòng chịu án phạt vì tội lỗi mình và xin Chúa Kitô khi làm vua của nước Ngài thì xin Ngài nhớ đến anh. Lời xin nầy là công thức kinh đọc của kẻ đang hấp hối của người Do thái. Anh ta bằng lòng đón nhận cai chết của anh ta, không xin Chua giải thoat anh ta khỏi phải chịu án phạt nầy.

Chúa chấp nhận đều thuộc về Ngài: hôm nay, anh sẽ ở trên thiên đàng với tôi.

Thế là Chúa Kitô thực thi quyền làm vua của mình ngay trên Thập giá. Ngài không xuống khỏi Thập giá như thách thức của nhóm lãnh tụ tôn giáo Israen và của binh lính nhưng Ngài kéo mọi người lên với Ngài để ban ơn cứu độ, ban Nước của Ngài. Ngài thi hành vương quyền của Ngài cách thiêng liêng trong tư cách bị đóng đinh để cứu chuộc, để kéo mọi người lên với Ngài: ngày nào Tôi được kéo lên thì Tôi kéo mọi người lên vơi Tôi (Gioan 12,32).

Ngài chấp nhận đều thuộc về Ngài đó là gì ? Ngài làm vua trong nước Ngài, Ngài cho anh ta vào trong nước Ngài, không phải làm nô bộc, đầy tớ mà làm em của Ngài, tham dự quyền làm vua của Ngài.

Đức Tin của người trộm lành đi trước, tiếp đến viên sĩ quan nói: ông này thật là người công chính, rồi lan tới dân chúng qua cử chỉ đấm ngực (chắc là kẻ trọm bên tả chịu ảnh hưởng môi trường “dấm ngực sám hối nầy” ) và rồi lan rộng khắp thế giới sau này.

Như vậy, Chúa kéo mọi người lên để ban sự sống đời đời, để ban Nước trời không bằng phép lạ nhưng bằng tình thương, bằng nhẫn nại, bằng những lời tha thứ.

Chúa hành động khác chúng ta. Chúng ta muốn Chúa làm phép lạ, làm thật nhiều phép lạ để cho ta và mọi người chạy tới Chúa. Chúng ta không muốn Chúa chịu đóng đinh, nhưng mong Chúa biểu lộ sức mạnh bằng những việc lớn lao để thu hút mọi người. Và rồi có lúc chúng ta cũng cám dỗ Chúa, cũng thử thách Chúa ? Một người nghèo nói: nếu có Chúa thì hãy cho tôi làm ăn khá lên. Một người bị cơn đau dằn vặt nói: nếu Chúa là đấng toàn năng, tại sao không cho con khỏi bệnh ? Một người có đứa con hư nói: tại sao Chúa không cho đứa con của con tốt lành ? Tất cả đều muốn Chúa làm Vua theo ý mình, muốn Chúa làm phép lạ can thiệp vào đời sống mình. Trong khi đó Chúa âm thầm ban ơn, Chúa âm thầm hướng dẫn mọi người để mọi người sống bác ái, biết hy sinh, biết chia sẻ cho nhau, biết sống theo lề luật Chúa. Mọi khát vọng chính đáng của ta, Chúa đáp ứng bằng cách “người giúp người”, bằng cách ban ơn sủng, ban ơn tha thứ, an ủi tâm hồn, chỉ dẫn tâm trí sáng suốt để ta giải quyết lấy. Ta thường thích phép lạ hơn các loại ơn trợ giúp đó, nhưng như vậy là không đúng ý Chúa.

Chúa làm Vua tâm hồn mọi người, chúng ta cùng làm vua với Chúa cai trị bản thân chúng ta và giúp cho mọi người sống theo tinh thần của Chúa, đời sống của Chúa tức là “danh Cha cả sáng, nươc Cha trị đến, ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời ".
 
Lễ Chúa Kitô Vua: Vị thánh đầu tiên
Lm. Giuse Trần Việt Hùng
09:57 21/11/2010
VỊ THÁNH ĐẦU TIÊN

Suy gẫm về bài Phúc Âm của Lễ Chúa Kitô Vua (Lc. 23, 35-43).

Rảo qua các bài suy niệm, chia sẻ trên các mạng lưới và sách vở, tôi đọc được nhiều bài giảng và suy gẫm rất ý nghĩa, sâu sắc và thâm thúy. Mọi người đều tuyên xưng Chúa Giêsu Kitô là Vua, Vua Vũ Trụ, Vua Tình Yêu và Vua Các Vua. Chúng ta biết rằng sự ca tụng của chúng ta chẳng thêm ích gì cho Chúa, nhưng mang lại lợi ích ơn cứu độ cho chúng ta.

Dựa theo bài Phúc Âm, chúng ta thấy hai người trộm cùng chịu đóng đinh trên thập giá bên Chúa Kitô, một người bên tả và một người bên hữu. Người bị treo bên trái, chúng ta gọi là trộm dữ và người bên phải của Chúa là người trộm lành. Có vài người gọi họ là hai tên gian phi. Tôi suy gẫm điều này thật lạ lùng và thú vị. Tại sao chúng ta không gọi người bị đóng đinh bên hữu của Chúa là anh thánh hay ông thánh mà chúng ta cứ giữ mãi cái nhìn về sự dữ, gọi là tên trộm lành. Ông đã được làm thánh trên thiên đàng rồi.

Chúng ta biết có cả bao nhiêu ngàn người đã nghe Chúa giảng. Biết bao nhiêu người được Chúa ban ơn chữa bệnh, xua đuổi tà thần và nhìn xem những phép lạ. Chúa đã tha thứ và ban ơn cho nhiều người được sự bình an thư thái trong tâm hồn. Rồi cả những tông đồ, môn đệ, những người thân cận Chúa nhất, đã được ở bên Chúa, được Chúa dậy dỗ, nghe giải thích Kinh Thánh, giải nghĩa dụ ngôn và được mặc khải cách riêng những mầu nhiệm về nước trời. Có những vị như thánh Phêrô đã tuyên xưng Chúa là Con Thiên Chúa: Ông Simôn Phê-rô thưa: "Thầy là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống." (Mt. 16,16) hoặc là ông Nathanaen đã một lần tuyên xưng Chúa là Vua: Ông Nathanaen nói: "Thưa Thầy, chính Thầy là Con Thiên Chúa, chính Thầy là Vua Ít-ra-en! ( Ga 1, 49). Thế mà khi Chúa gặp nạn, kẻ thì chối Chúa, người thì bỏ chạy, kẻ khác thì trốn biệt và có những người cư xử với Chúa như là khách lạ qua đường. Chẳng có ai lên tiếng bênh vực Chúa.

Trong lúc Chúa sầu khổ nhất và đang bị treo lơ lửng trên thánh giá thì đã có một người cùng bị kết án, đã lên tiếng bênh vực Chúa. Người đó nói: Chúng ta chịu như thế này là đích đáng, vì xứng với việc đã làm. Chứ ông này đâu có làm điều gì trái! "(Lc. 23, 42). Ông đã giác ngộ. Người trộm đã đổi đời trong vòng giây lát. Ông đã chọn một thái độ dứt khoát với sự dữ và đứng về phía đàng lành. Rồi anh ta thưa với Đức Giê-su: "Ông Giê-su ơi, khi ông vào Nước của ông, xin nhớ đến tôi! " (Lc. 23,42). Ông đã được hưởng ân huệ của sự tha thứ và trên hết mọi sự, ông đã chiếm lãnh trọn vẹn nguồn vui nước trời. Ông đã nhận ra Chúa Giêsu là Vua và là Đấng Cứu Độ. Chúa đã ban thưởng cho ông triều thiên của sự sống. Và Người nói với anh ta: "Tôi bảo thật anh, hôm nay, anh sẽ được ở với tôi trên Thiên Đàng."(Lc. 23, 43).

Vị thánh đầu tiên vào nước trời đã đi theo con đường tắt. Con đường thánh giá, cùng chịu đau khổ bên Chúa và với Chúa. Triều thiên sự sống mà cả nhân loài đều mong ước. Có biết bao nhiêu người đã hiến thân cuộc đời hy sinh phục vụ cũng chỉ mong được lãnh triều thiên này. Loài người đã có biết bao nhiêu sự tranh đấu, tranh dành, tranh thủ và đôi khi còn gây gỗ chiến tranh cũng chỉ mong sao đạt được phần thưởng sự sống như người bị đóng đinh bên hữu của Chúa.

Biết bao người đã cố gắng tu thân tích đức để đạt cùng đích của cuộc đời. Cùng đích là mong sao được như vị thánh đầu tiên này. Vị thánh đã được vào hưởng phúc thiên đàng. Chính Chúa Giêsu là Vua đã chính thức tuyên bố rằng hôm nay, anh sẽ được ở trên thiên đàng với Ta. Ôi thật sung sướng và hạnh phúc biết bao.

Nhiều người trong chúng ta cũng mong đi con đường tắt để vào Nước Chúa nhưng mấy ai được diễm phúc này. Chúng ta hãy cùng học cách thế chiếm hữu nước trời của anh trộm. Đây là chìa khóa mở cửa nước trời qua cách thế của vị thánh này.

Thứ nhất: Cùng chịu đau khổ với Chúa. Chia sẻ niềm đau bị kinh bỉ với Chúa. Cùng đồng hành vác thập giá với Chúa.

Thứ hai: Chân thành nhận ra tội lỗi của mình và xin ơn tha thứ.

Thứ ba: Nài xin lòng từ bi của Chúa nhớ đến thân phận tội lỗi của mình và xin ơn cứu độ.

Thứ tư: Chúng ta hãy cầu nguyện cùng Chúa mỗi ngày: Lạy Chúa, khi vào nước của Chúa, xin nhớ đến chúng con.

Lạy Chúa, trên đường lữ thứ trần gian, chúng con làm mọi việc cũng chỉ mong sao được chung phần hạnh phúc với Chúa trên quê trời. Mỗi vị thánh đều có một qúa khứ và mỗi tội nhân có một tương lai. Chúa đã đến cứu người tội lỗi. Tội nhân là anh trộm đã được Chúa cứu. Chúng con chúc vinh vị thánh đầu tiên hưởng phúc thiên đàng. Xin cho mọi việc chúng con làm sinh hoa kết qủa ở đời này và đời sau. Chúng con chúc tụng Chúa là Vua các Vua, Chúa các Chúa.
 
Mỗi ngày một câu chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
17:57 21/11/2010
BÀN TÍNH

N2T


“Bàn tính” tên gọi này, sớm đã xuất hiện trong sách của Lưu Nhân thời nhà Nguyên, nhưng xét cho cùng thì chẳng ai biết người nào đã phát minh ra cái bàn tính, chỉ biết là vào thời Đông Hán thì bàn tính đã có rồi.

Liên quan đến bàn tính thì đã có truyền thuyết nói: Nước Lỗ thời xuân thu, các khoản chi thu của triều đình không được rõ ràng, thế là mời Khổng tử đến giải quyết, nhưng Khổng tử cũng không có một phương pháp nào để giải quyết, vợ ông ta bèn kêu ông ta lấy một sợi dây xâu từng hạt lại để đếm, kiếm tiền được bao nhiêu thì thêm vào bấy nhiêu hạt, chi tiêu bao nhiêu thì lấy ra bấy nhiêu hạt, kết quả là ông ta đem khoản chi thu của triều ra tính toán rất rõ ràng.

Căn cứ theo truyền thuyết, vì chuyện này mà người đời sau phát minh ra cái bàn tính, hơn nữa lại còn tôn phong Khổng tử là tổ sư nghề tính.

(Tịnh Tu tiên sinh văn tập)

Suy tư:

Thời nay, người ta ít dùng đến bàn tính có từng hạt đẩy lên đẩy xuống kêu lóc cóc nghe vui tai, nhưng thời nay người ta dùng đến máy tính điện tử, chỉ cần ấn nút số là có số thành của bài toán trong chớp mắt, rất tiện dụng.

Bàn tính thì chỉ để đếm các con số và tính toán lời lỗ trong buôn bán làm ăn mà thôi, nhưng không thể tính toán ngày giờ chung kết của đời sống con người, do đó mà khi con người ta trong ngân hàng càng có những con số to lớn, thì họ càng không biết đếm cuộc sống trần thế của mình còn bao nhiêu thời gian để chuẩn bị cho đời sống mai sau của mình.

Mỗi một con người đều có một bàn tính siêu hiện đại và chính xác để tính toán đời sống của mình, đó chính là lương tâm.

Lương tâm chính là tiếng nói của Thiên Chúa đặt để trong con người, là bàn tính chính xác nhất để tính lời lỗ của việc làm thiện ác của con người.

------------------

http://www.vietcatholic.net/nhantai

http://vn.360plus.yahoo.com/jmtaiby

jmtaiby@yahoo.com taibytw@hotmail.com
 
Mỗi ngày một câu danh ngôn của các thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
17:58 21/11/2010
N2T


5. Người gặp hoạn nan mà có thể giữ gìn đức hạnh thì nhiều, người được tiếng tốt mà không mất đức hạnh thì ít.

(Thánh Gregory)
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Con số các hồng y cho thấy Hồng Y Đoàn là một tổ chức hoàn vũ độc đáo
Bùi Hữu Thư
08:01 21/11/2010
VATICAN (CNS) – 24 vị tân hồng y của Giáo Hội sẽ gia nhập một tổ chức độc đáo đã gia tăng số thành viên rất mạnh và dân dần càng trở nên quốc tế hơn trong các thập niên vừa qua.

Như được khởi đầu trên 850 năm trước đây, Hồng Y Đoàn vẫn là một nhóm giáo sĩ hoàn toàn thuộc phái nam, có mục đích cố vấn cho Đức Giáo Hoàng.

Tuy nhiên, khác với những ngày đầu tiên, con số thành viên không chỉ bao gồm các giáo sĩ cư ngụ tại Rôma, mà còn có các giám mục từ rất nhiều quốc gia.

Theo Mật Hội Hồng Y ngày 20 tháng 11, con số các hồng y sẽ là 203, đây là một kỷ lục mới. Qua nhiều thế kỷ, con số giới hạn là 70 hồng y, một mức độ cao nhất do Đức Giáo Hoàng Gioan XXIII ấn định năm 1958.

Ngoài ra còn có những đặc tính khác được thể hiện qua các con số: Hồng Y Đoàn rất cao niên. Tuổi trung bình của các hồng y ngày nay gần tới 79 tuổi, phản ánh rằng đối với nhiều người, chiếc mũ đỏ là một phẩm vật chỉ có được vào cuối cuộc đời

Đức Thánh Cha Benedict XVI cũng không thực sự tìm cách trẻ trung hóa hồng y đoàn trong những lựa chọn của ngài mùa thu năm nay: số tuổi trung bình của họ là 74.

Trong số các hồng y được phép bầu cử trong mật nghị bầu phiếu – là những người dưới 80 tuổi – số tuổi trung bình của họ gần tới 73. Năm nay chỉ có hai hồng y dưới 60 tuổi, và 82 hồng y trên 80 tuổi.
 
Các tổ chức chống HIV/AIDS ca ngợi tuyên bố của Đức Giáo Hoàng
VOA
08:10 21/11/2010
Các tổ chức chống HIV/AIDS ca ngợi tuyên bố của Đức Giáo Hoàng

Nhiều tổ chức đồng ý rằng lời tuyên bố của Ðức Giáo Hoàng giúp ích cho cuộc chiến chống lại sự lây lan của HIV/AIDS

Các nhà hoạt động chống lại sự lan truyền của căn bệnh AIDS ca ngợi tuyên bố của Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI rằng sử dụng bao cao su để ngăn chặn sự lây lan của HIV/AIDS là điều có thể được biện minh trong một số trường hợp nhất định.

Hôm nay, Giám đốc cơ quan phòng chống AIDS của Liên hiệp quốc, Michel Sidibe, nhấn mạnh quan điểm của Đức Giáo Hoàng là một bước tiến quan trọng và tích cực công nhận vai trò quan trọng của bao cao su trong việc ngăn ngừa HIV.

Trong một cuốn sách mới sắp phát hành trong tuần, Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI nói rằng mặc dù bao cao su không phải là một giải pháp hợp đạo đức, nhưng trong các trường hợp như mại dâm, bao cao su có thể được biện minh với ý nghĩa là nhằm giảm nguy cơ lây bệnh.

Nhiều tổ chức đồng ý rằng lời tuyên bố của người đứng đầu Giáo hội Công giáo La Mã giúp ích cho cuộc chiến chống lại sự lây lan của HIV/AIDS.

Tuy nhiên, một số nhà hoạt động cảm thấy quan điểm của Đức Giáo Hoàng chưa đủ sâu xa mà cần phải bao gồm cả tầm quan trọng của việc ngăn ngừa HIV cho tất cả các đôi nam nữ có quan hệ tình dục, chứ không riêng gì trong các trường hợp mại dâm.

Tuyên bố của Đức Giáo Hoàng dường như là một sự chuyển hướng lớn trong lập trường của Vatican về vấn đề này.

Bao cao su thường được sử dụng như một biện pháp ngừa thai nhân tạo mà Giáo hội Công giáo kiên quyết phản đối. Đức Giáo Hoàng nói ông chống lại việc sử dụng bao cao su để ngừa thai.
 
Đài Loan: Lá thư của ĐHY Đan Quốc Tỷ gửi các giám mục Trung Quốc
Tiền Hô chuyển ngữ
12:11 21/11/2010
Cao Hùng, Đài Loan, ngày 20 Tháng Mười Một 2010 - Đây là một lá thư của Đức Hồng Y Phaolô Đan Quốc Tỷ (Shan Kuo-hsi) giám mục nghỉ hưu của Giáo Phận Cao Hùng (Đài Loan) gửi cho tất cả các giám mục anh em tại Trung Quốc. Lá thư đề ngày 1 Tháng Năm 2010, nhưng mới được công bố gần đây, có lẽ vì vụ tấn phong giám mục bất hợp thức vừa qua tại Trung Quốc.

Các vị giám mục huynh đệ thương mến!

Nguyện chúc bình an và niềm hoan lạc của Chúa Kitô ở cùng các huynh đệ, vì Ngài đã chiến thắng sự ác và sự chết qua sự trỗi dậy từ cõi chết.

Mặc dù chúng ta chưa bao giờ gặp mặt hay liên hệ bằng thư từ, tôi vẫn cầu nguyện cho các huynh đệ, các giáo phận và toàn Giáo Hội tại Trung Quốc ít nhất bảy lần một ngày. Xin Chúa ban cho các huynh đệ sự bình an và sức khỏe trong cả thể chất và linh hồn. Xin Chúa cũng ban cho các huynh đệ tiến độ công cuộc truyền giáo và mục vụ của các huynh đệ được trôi chảy và thành công. Nguyện chúc tất cả các giáo dân Công Giáo trong giáo phận của các huynh đệ được hiệp nhất trong trái tim và linh hồn, và hợp tác với nhau trong tình yêu thương lẫn nhau. Nguyện chúc mỗi Giáo Hội riêng được trong sự hiệp thông với Giáo Hội Hoàn Vũ để ứng nghiệm theo ý Thiên Chúa chúng ta là có được một đàn chiên và một mục tử.

Một vị giám mục huynh đệ đã từng một lần gợi ý rằng, tôi nên chia sẻ kinh nghiệm mục vụ của mình trên cương vị là một linh mục trong hơn 50 năm và là một giám mục 30 năm với các giám mục huynh đệ. Kể từ khi năm nay là Năm Linh Mục, tôi nghĩ rằng tôi nên chia sẻ một cái gì đó với các giám mục huynh đệ về "mối quan hệ giữa một giám mục và linh mục của mình".

Đức tin Công Giáo của chúng ta cho chúng ta biết rằng, các giám mục là người kế vị các tông đồ và các thực thi sứ vụ giám mục hợp thức trên các giáo phận của họ, và rằng, các linh mục là những cộng sự thân cận nhất của các giám mục trong công cuộc phúc âm hóa và công việc mục vụ. Mối quan hệ giữa một giám mục và các linh mục của ngài là rất thân mật và đa diện. Giờ đây, tôi chia sẻ ngắn gọn với các huynh đệ, những giám mục anh em của tôi, ba điểm sau đây về mối quan hệ quan trọng này.

Mối quan hệ cha-con

Mối quan hệ cha-con, trong đó một giám mục với các linh mục của mình không giống sự gia trưởng như của một xã hội gia phong cổ kính. Dù những hạn chế của bản chất con người, mối quan hệ này nên bắt chước mối tương quan mà Chúa Cha trên trời với Chúa Con đã sinh ra và nhập thể là Chúa Giêsu.

Chúa Cha và người Con duy nhất là Đức Giêsu, có cùng một trái tim, tâm trí, sự sống, hiệp thông và làm việc cùng nhau. Chúa Giêsu là hình ảnh hiện thân của Chúa Cha: "Ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha. Sao anh lại nói: "Xin tỏ cho chúng con thấy Chúa Cha"? Anh không tin rằng Thầy ở trong Chúa Cha và Chúa Cha ở trong Thầy sao? Các lời Thầy nói với anh em, Thầy không tự mình nói ra. Nhưng Chúa Cha, Đấng luôn ở trong Thầy, chính Người làm những việc của mình" (Gioan 14:9-10). Cuộc trò chuyện giữa Chúa Giêsu và Philipphê trong phòng kín nơi bữa tiệc ly rõ ràng cho thấy mối quan hệ gần gũi cha-con giữa Chúa Giêsu và Chúa Cha. Mức độ thân mật này các làm cho các Ngài không thể tách rời và chỉ là một.

Chúa Giêsu hy vọng rằng các môn đệ của Ngài và các tín hữu của Ngài trong các thế hệ sau sẽ yêu thương nhau, và được hiệp nhất với nhau như một. Vì vậy, trong Bữa Tiệc Ly, Ngài cầu nguyện cho họ theo cách này: "Để tất cả nên một, như Cha ở trong con và con ở trong Cha để họ cũng ở trong chúng ta. Như vậy, thế gian sẽ tin rằng Cha đã sai con. Phần con, con đã ban cho họ vinh quang mà Cha đã ban cho con, để họ được nên một như chúng ta là một." (Gioan 17:21-22)

Mối quan hệ cha-con giữa Chúa Cha và người Con duy nhất của Ngài như là Các Ngài là một trong sự tồn tại, với một trái tim và một tâm trí, cả hai cùng yêu thương nhau và không thể tách rời. Đây là mô hình hoàn hảo nhất cho mối quan hệ cha-con của giám mục với các linh mục của mình. Mặc dù do sự yếu kém và hạn chế của bản chất con người, mô hình này không thể đạt được sự hoàn hảo, nhưng giám mục và linh mục của mình ít ra là nên cố gắng nhiều để đạt được tiêu chuẩn của một mối quan hệ cha-con.

Nếu giáo phận có thể được so sánh với gia đình, giám mục là người đứng đầu gia đình và các linh mục là con của ngài. Nhiệm vụ chính của người đứng đầu gia đình là đáp ứng nhu cầu của các con về thể chất, trí tuệ và tinh thần, để chúng có thể có được cảm giác an toàn khi ở nhà. Đồng thời người đó phải đặt tất cả nỗ lực của mình vào việc nuôi dạy con cho đến khi chúng trở thành người khôn lớn. Người này cũng có trách nhiệm nuôi dưỡng gia đình và phát triển sự nghiệp gia đình.

Người đứng đầu gia đình giáo phận chủ yếu nên chăm sóc đời sống của các linh mục và các nhu cầu thiết yếu. Điều này đặc biệt đúng đối với các linh mục già yếu. Các ngài phải được cung cấp chăm sóc y tế thích hợp và sắp xếp chỗ hưu dưỡng. Mặc dù tài chính một của một giáo phận có thể bị eo hẹp, việc chăm sóc cho các linh mục vẫn phải là một ưu tiên. Các giáo xứ lớn hay nhỏ, có thu nhập nhiều hoặc ít. Nhưng việc này giám mục sẽ thường rất bận bịu khi phải đáp ứng tất cả mọi người, điều tốt nhất để làm là chọn các linh mục, nữ tu và giáo dân nhiệt thành, công bằng và có kiến thức trong các vấn đề tài chính để hình thành một ủy ban, dưới sự giám sát của giám mục. Họ nên thiện hảo và công minh trong quản lý và phân phát nguồn tài chính của giáo phận. Điều này sẽ cho phép mỗi linh mục không phải quan tâm về nhu cầu vật chất của họ để họ hoàn toàn dành riêng cho công việc truyền giáo và mục vụ.

Trong giáo phận của tôi, tôi đã thử nghiệm là các giáo xứ lớn hơn chăm sóc các giáo xứ nhỏ hơn. Kết quả tốt đẹp và có lợi cho cả hai bên. Nhưng cần có một cảnh báo: Không để giáo xứ nhỏ dựa dẫm quá nhiều vào các giáo xứ lớn, bởi vì họ phải trở nên tự lực. Sau một thời gian, một khi họ tự lực được rồi thì họ có thể giúp các giáo xứ khác nhỏ hơn hoặc phát triển các sứ vụ mới.

Người đứng đầu giáo phận cũng phải quan tâm về sự phát triển tâm lý và trí tuệ của các linh mục. Ở đây, "tâm lý và trí tuệ" có nghĩa là sự hình thành và phát triển về cảm xúc và lí trí của các linh mục. Một người có cả tâm lý và trí tuệ lành mạnh, có thể đối phó với công việc mục vụ và truyền giáo một cách vững chắc. Tôi trân trọng mời mỗi giám mục lãnh đạo các linh mục trong giáo phận của mình để hình thành một ngôi trường bồi bổ thánh chức, nó sẽ có một bầu không khí ấm áp, thân thiện và đáng yêu, với một tinh thần hợp tác lẫn nhau và chăm sóc cho nhau, và linh mục đoàn sẽ với cùng một trái tim và tâm trí.

Để hình thành một cộng đoàn, các linh mục cần phải thường xuyên liên lạc, liên đới và hiệp thông với nhau. Vì vậy, mỗi linh mục phải yêu thích các cuộc tĩnh tâm và các cuộc hội ngộ linh mục hàng tháng với giám mục. Bên cạnh các bài huấn luyện tinh thần, các linh mục có thể trao đổi kinh nghiệm mục vụ và truyền giáo, không phân biệt là thành công hay thất bại. Họ cũng có thể chia sẻ niềm vui và nỗi buồn trong cuộc sống. Với sự thay đổi và phát triển, các linh mục cũng cần phải được cập nhật trong Kinh Thánh, thần học, tâm linh, các nghiên cứu mục vụ, giáo luật, phụng vụ, triết học, quản lý và mối quan hệ cá nhân, để bắt kịp được với thời hiện đại. Các giám mục có thể tham gia với các giám mục khác của giáo phận lân cận để mời các học giả và chuyên gia tổ chức các hội thảo để thêm kiến thức cho linh mục trong các vấn đề nêu trên. Ngoài các hội thảo quy mô lớn, và các buổi tĩnh tâm linh mục hàng tháng, mỗi tu viện có thể tổ chức các cuộc hội ngộ mỗi tháng một lần mà không cố định, tổ chức trong các giáo xứ khác nhau luân phiên. Mỗi một lần như vậy có thể hiểu được công việc mục vụ và truyền giáo thực tế tại mỗi giáo xứ. Các linh mục có thể khuyến khích nhau và tìm hiểu các vấn đề cùng quan tâm trong cùng một tu viện.

Người đứng đầu gia đình không chỉ chịu trách nhiệm cho gia đình, các người con cũng có thể có nghĩa vụ của họ nữa. Đầu tiên là phải hiểu tâm lý của người cha và hết lòng thực hiện ý muốn của cha. Mối quan hệ giữa Chúa Giêsu và Cha Ngài là một mô hình hoàn hảo cho các linh mục và giám mục của họ noi theo. Chúa Giêsu nói, lương thực của Ngài là thực thi ý muốn của Cha Ngài (Gioan 4: 31-34) và Ngài "vâng lời cho đến chết, và chết trên cây thập giá" (Thư Philipphê 2:8).

Trước khi giám mục có một quyết định quan trọng về các vấn đề lớn của giáo phận, ngài phải làm việc với Hội đồng Linh mục giáo phận và những người có liên quan, để có sự hiệp thông cơ bản, nghiên cứu, trao đổi quan điểm và sự đồng thuận, trước khi có quyết định cuối cùng. Sau khi giám mục công bố quyết định, các linh mục phải hết lòng phải chấp nhận nó, dùng nó như ý muốn của Thiên Chúa được thể hiện thông qua giám mục. Điều này chắc chắn sẽ mang lại ơn lành từ Thiên Chúa để các linh mục hoàn thành công việc mục vụ và truyền giáo mà giám mục đã giao phó cho mình. Nó cũng sẽ giúp các linh mục cảm thấy hạnh phúc và bình an.

Mối quan hệ thầy-trò

Mối quan hệ của giám mục và các linh mục trong giáo phận của ngài có thể được so sánh với mối quan hệ thầy-trò mà Chúa Giêsu đã có với các môn đệ Ngài. Chúa Giêsu đã dùng tất cả các cơ hội và phương thức để hình thành nhóm môn đệ của riêng mình, và củng cố họ trong ba nhân đức: đức tin, đức tin và đức mến. Ngài đặc biệt làm tấm gương cho họ, do đó dần dần ảnh hưởng đến họ.

Giám mục phải là người đầu tiên làm gương. Trong cuộc sống thường ngày của mình, khi đối xử với con người và sự việc, ngài phải tích cực sống trong ba nhân đức tin-cậy-mến. Giám mục là người bảo vệ và hướng dẫn các nguyên tắc cơ bản của đức tin. Trong tình hình hiện nay, các thách thức lớn được tìm thấy trong mọi khu vực của giáo hội. Giám mục có trách nhiệm bảo vệ và giảng dạy về bốn đặc tính của Giáo Hội, cụ thể là: duy nhất, thánh thiện, công giáo và tông truyền. Ngài cũng phải bảo vệ hệ thống phân cấp của Giáo Hội, và giảng dạy tầm quan trọng của sự hiệp thông và đoàn kết với người Kế Vị Thánh Phêrô. Ngài không những phải đảm bảo rằng các linh mục của mình hiểu rõ những giáo lý quan trọng, nhưng ngài còn phải tư vấn cho họ để hướng dẫn các giáo dân để hiểu biết chúng. Đối với sự bổ nhiệm liên tục các linh mục về lĩnh vực Kinh Thánh, thần học, tâm linh, giáo luật, đạo đức thần học, mục vụ, truyền giáo và giáo lý, các giám mục có thể tham gia với các giám mục của giáo phận lân cận để phối hợp tổ chức hội nghị. Họ có thể mời các học giả và chuyên gia để giúp họ với chương trình cập nhật của họ.

Hơn nữa, các giám mục nên khuyến khích các linh mục của mình đọc sách tốt. Sẽ rất là tốt nếu mỗi tu viện thiết lập một ủy ban trong việc bổ nhiệm các linh mục. Họ có thể gặp nhau mỗi tháng một lần. Mỗi linh mục có thể chia sẻ những gì mình đã học được từ việc đọc sách và suy ngẫm của mình. Bằng cách này, việc đọc sách của mỗi người có thể có lợi ích khác nhau.

Các giáo phận thậm chí có thể hình thành nhóm nghiên cứu, dựa theo hiểu biết và chuyên môn của các linh mục về Kinh Thánh, thần học, mục vụ, truyền giáo, thần học luân lý, giáo luật, giáo lý và quản lý giáo xứ. Sau này, khi có phát sinh thắc mắc, các nhóm nghiên cứu đặc biệt có thể được mời tham gia nghiên cứu và giải thích chúng.

Mối quan hệ đồng sự trong công việc Mục vụ và Truyền Giáo

Khi Chúa Giêsu công bố Tin Mừng trên Trái Đất này, Ngài đã lựa chọn các tông đồ làm người đồng sự và cộng tác. Khi các tông đồ đã nhận nhiệm vụ rao giảng, họ cũng được lựa chọn người đồng sự và cộng tác. Các ngài đặt tay trên họ và tận hiến họ thành một linh mục hoặc tư tế. Ngày nay, giáo dân thường gọi họ là "Cha", bởi vì họ giúp giám mục chăm sóc cho đời sống tinh thần và nhu cầu của giáo dân. Để có thể chăm sóc đúng cách cho đời sống tinh thần và nhu cầu của giáo dân, cũng như để mở rộng công tác rao giảng Tin Mừng, khi mà nhiều người không có đức tin không chấp nhận Tin Mừng và rửa tội làm con cái Thiên Chúa, giám mục và linh mục phải làm việc chặt chẽ với nhau. Trong công việc mục vụ và truyền giáo, linh mục là cộng sự và bạn bè thân thiết nhất của giám mục. Vì vậy, trong quá trình lập kế hoạch và hoạch định chính sách cho công việc mục vụ và truyền giáo, giám mục nên cho phép các linh mục tham gia nghiên cứu và thảo luận. Sau đó, chỉ sau khi đạt đến một sự đồng thuận, kế hoạch cần được thực hiện. Quá trình này có vẻ như là một sự lãng phí thời gian, nhưng trong thực tế, nó lại tiết kiệm thời gian. Nếu người thực thi tham gia trong việc lập kế hoạch và ra quyết định thì sau này nhiệm vụ sẽ được thực hiện kỹ hơn và hiệu quả hơn.

Nếu giám mục sống như Chúa Giêsu, giám mục không thể xem các linh mục như là nhân viên hay công chức của mình. Trái lại, ngài sẽ gọi linh mục là đồng sự và bạn bè của mình. Ngài sẽ hiệp thông với họ về các kế hoạch cho công việc mục vụ và truyền giáo. "Thầy không còn gọi anh em là tôi tớ nữa, vì tôi tớ không biết việc chủ làm. Nhưng Thầy gọi anh em là bạn hữu, vì tất cả những gì Thầy nghe được nơi Cha Thầy, Thầy đã cho anh em biết" (Gioan 15:15). Nếu các linh mục, với cùng một tâm trí và một trái tim, hỗ trợ các giám mục trong mục vụ và công việc truyền giáo, giáo phận sẽ gặt hái được một vụ thu hoạch dồi dào.

Tất cả các giám mục huynh đệ thân yêu, tôi biết các tình huống khó khăn mà các anh em đang có. Tôi không chỉ cầu nguyện mỗi ngày cho anh em và các giáo phận của anh em, tôi còn muốn chia sẻ hơn 30 năm kinh nghiệm của tôi làm một giám mục với anh em nữa. Tôi nghĩ rằng mối quan hệ giữa một giám mục và linh mục của mình là rất quan trọng. Nếu các vị giám mục có thể duy trì một mối quan hệ tốt với các linh mục của mình, giống như một người cha với con cái, một ông chủ với đồng sự, thì tất nhiên ngài sẽ được hạnh phúc và bình an, và Thiên Chúa sẽ ban phúc lành cho công việc mục vụ và truyền giáo với hoa trái phong phú.

Nguyện Xin Thiên Chúa ban bình an của Ngài trên anh em.

Người anh em trong Chúa Kitô,
+ ĐHY Phaolô Đan Quốc Tỷ
 
Phục vụ đức tin và quyền tối thượng của Chúa Kitô Vua
Linh Tiến Khải
12:46 21/11/2010
Sứ vụ của Giám Mục Roma và của các Hồng Y là ở lại với Chúa Kitô bị đóng đanh, phục vụ đức tin trong sự vậng phục của Thập Giá và phục vụ quyền tối thượng của Chúa Kitô Vua.

Đức Thánh Cha Biển Đức XVI đã khặng định như trên trong bài giảng thánh lễ đồng tế trao nhẫn cho 24 Tân Hồng Y tại đền thờ Thánh Phêrô sáng Chúa Nhật 21-11-2010.

Thánh lễ đã bắt đầu lúc 9 rưỡi sáng Chúa Nhật lễ kính Chúa Kitô Vua, với sự than dự thánh lễ có hàng trăm Hồng Y, Tổng Giám Mục, Giám Mục, hiện diện tại Roma, một số linh mục tu sĩ nam nữ, ngoại giao đoàn cạnh tòa thánh, các thị trưởng thành phố nguyên quán hay thuộc tổng giáo phận của các Tân Hồng Y, cũng như 9.000 tín hữu. Ban giúp lễ gồm các thầy Trường Truyền Giáo thuộc các nước Phi châu, Trung Hoa và Việt Nam.

Sau câu chào bình an mở đầu thánh lễ, Đức Thánh Cha nói: Anh chị em thân mến, hôm nay chúng ta cử hành lễ trọng kính Chúa Kitô Vua vũ trụ, tuyệt đỉnh của năm phụng vụ, và vui mừng vì việc 24 Tân Hồng Y gia nhập Hồng Y Đoàn. Bắt đầu buổi cử hành Thánh Thể này chúng ta hãy nhìn lên thập giá, nơi Chúa Kitô biểu lộ vương quyền đặc biệt của Người, bằng cách nhớ lại rằng mọi môn đệ đích thực của Chúa đều được mời gọi chia sẻ cuộc khổ nạn của Người cho ơn cứu độ của thế giới.

VATICAN - Các bài đọc phụng vụ đã được tuyên đọc bằng hai thứ tiếng Anh, Ý, và Phúc Âm được hát bằng tiếng Latinh. Giảng trong thánh lễ, Đức Thánh Cha đã suy tư về sứ vụ của Giám Mục Roma và sứ vụ của các Hồng Y, dưới ánh sáng Vương quyền đặc biệt của Chúa Giêsu Kitô. Đề cập đến việc phục vụ đầu tiên của Người Kế Vị Thánh Phêrô, cũng là của các Hồng Y Đức Thánh Cha nói:

Việc phục vụ đầu tiên của Người Kế Vị Thánh Phêrô là phục vụ đức tin. Trong Tân Ước thánh Phêrô đã trở thành ”đá” của Giáo Hội, trong nghĩa là người mang Kinh Tin Kính: Đức tin của Giáo Hội bắt đầu với đức tin của người đầu tiên tuyên xưng niềm tin nơi Chúa Kitô, một niềm tin ban đầu còn xanh và còn ”qúa nhân loại”, nhưng sau lễ Phục Sinh, nó được chín mùi và có khả năng theo Chúa Kitô cho tới chỗ tận hiến chính mình, trưởng thành trong việc tin rằng Đức Giêsu là Vua thật. Ngài là Vua thật vì đã ở trên Thập Giá, và như thế đã trao ban sự sống cho người tội lỗi. Trình thuật Phúc Âm cho thấy mọi người đều xin Chúa Giêsu xuống khỏi thập giá. Họ nhạo cười Ngài và đó cũng là một kiểu để chạy tội cho họ, làm như thể họ nói rằng: nếu ông ở trên thập giá thì không phải lỗi tại chúng tôi, mà chỉ là lỗi của ông. Vì nếu ông là Con Thiên Chúa thật, Vua của người Do thái, thì ông sẽ không ở trên đó, mà sẽ tự cứu mình bằng cách xuống khỏi cây hổ nhục ấy. Như thế, nếu ông ở trên thập giá, thì ông đã lầm, còn chúng tôi có lý. Thảm cảnh diễn ra dưới chân thập giá là thảm cảnh phổ quát: nó liên quan tới tất cả mọi người trước mặt Thiên Chúa, là Đấng tự tỏ lộ ra như Người là, nghĩa là Thiên Chúa là Tình Yêu. Nơi Chúa Giêsu chịu đóng đanh thiên tính bị biến dạng, bị lột trần khỏi mọi vinh quang hữu hình, nhưng hiện diện và thực sự. Chỉ có đức tin mới biết nhận ra thiên tính ấy. Đó đã là đức tin của Mẹ Maria kết hiệp với trái tim của Con Mẹ, và tiếp tục tín thác nơi Thiên Chúa. Đó là đức tin của người trộm lành, không xin Chúa Giêsu xuống khỏi thập giá hay cho anh xuống khỏi thập giá, mà trái lại, nhận ra nơi gương mặt biến dạng của Người là Vua.

Đức Thánh Cha nhấn mạnh sứ điệp nòng cốt mà phụng vụ lễ Chúa Kitô Vua nhắn gửi ngài, là Người Kế Vị Thánh Phêrô và các Hồng Y như sau:

Sứ điệp mời gọi chúng ta ở lại với Chúa Giêsu, như Mẹ Maria, và không xin Người xuống khỏi thập giá, nhưng ở lại đó với Người. Như thế là vì sứ vụ của chúng ta, chúng ta phải làm điều đó không phải chỉ cho chúng ta, mà cho toàn thể Giáo Hội, cho toàn dân Chúa... Cả các Tông Đố cũng không chấp nhận tư tưởng một Đấng Cứu Thế bị đóng đanh. Và sự hoán cải của Phêrô đã được hiện thực tràn đầy, khi ông từ chối cứu Đức Giêsu khỏi thập giá và chấp nhận được Người cứu từ thập giá. Sứ vụ của Phêrô hệ tại tất cả nơi đức tin của người, được Chúa Giêsu thừa nhận là tinh tuyền như ơn Thiên Chúa Cha ban... Chúa Giêsu có thể xây dựng Giáo Hội Người trên chúng ta, khi tìm thấy nơi chúng ta đức tin phục sinh đích thực đó, đức tin không muốn làm cho Chúa Giêsu xuống khỏi thập giá, mà tín thác nơi Người trên Thập Giá. Trong nghĩa này, nơi đích thật của Vị Đại diên Chúa Kitô là Thập Giá, là sự kiên trì trong việc vâng phục Thập Giá.

Đó là một sứ vụ khó khă, nhưng đó là việc phục vụ đầu tiên biến đổi cuộc sống chúng ta: tin rằng Chúa Giêsu chịu đóng đanh là Vua đã yêu thương chúng ta đến cùng, loan báo và làm chứng cho vương quyền mâu thuẫn ấy, sống theo cái luận lý của sự khiêm hạ và phục vụ, cái luận lý của hạt giống chết đi để sinh bông hạt. Giáo Hoàng và các Hồng Y đựơc mới gọi hiệp nhất sâu xa với nhau trước hết trong điểm này: ở trong chức là Chúa của Chúa Kitô, suy nghĩ và hành động theo cái luận lý của Thập Giá. Sự hữu hiệu của việc chúng ta phục vụ Giáo Hội, Hiền Thê của Chúa, tùy thuộc nơi sự hiệp nhất khắng khít chặt chẽ đó, và nơi lòng trung thành của chúng ta với vương quyền của Thiên Chúa Tình Yêu bị đóng đanh. Vì thế, chiếc nhẫn mà tôi trao cho anh em, dấu chỉ giao ước hôn nhân của anh em với Giáo Hội, có hình Chúa chịu đóng đanh. Trong cùng lý đó dó, phẩm phục mầu đỏ của anh em nhắc tới mầu máu, biểu hiệu của sự sống và tình yêu... Từ đó phát xuất ra sự khôn ngoan của anh em: sự khôn ngoan của Thập Giá.

Tiếp tục bài giảng Đức Thánh Cha nói: Thánh Phaolô là người đầu tiên đã vạch ra một suy tư có hệ thống tập trung nơi sự mâu thuẫn của Thập Giá )1 Cr 1,18-25; 2,1-8). Chúng ta được mời gọi loan báo cho thế giới Chúa Kitô là ”hình ảnh của Thiên Chúa vô hình”, là ”trưởng tử của mọi thọ tạo: và ”của những người sống lại từ cõi chết”, bởi vì ”Người phải đứng hàng đầu trong mọi sự” (Cl 1,15.18). Quyền tối thượng của Phêrô và của Những Người Kế Vị là phục vụ quyền tối thượng của Chúa Giêsu Kitô, là Chúa duy nhất, phục vụ Vương Quốc của Người, nghĩa là Chức là Chúa Tình Yêu của Người, để nó trị đến và được phổ biến, canh tân con người và sự vật, biến đổi trái đất và làm nảy sinh ra hòa bình và công lý... Niềm vui của chúng ta là được chia sẻ vào sự viên mãn của Chúa Kitô trong Giáo Hội qua sự vâng phục của Thập Giá, ”đươc chia sẻ số phận của các thánh trong ánh sáng” và được đưa vào trong vương quốc của Con Thiên Chúa.

Sau bài giảng là lễ nghi đeo nhẫn cho các Tân Hồng Y. Đức Thánh Cha nói: Anh em rất thân mến, được kết hiệp vào Hồng Y Đoàn, bằng mối dây chặt chẽ hơn anh em được hiệp nhất với Giáo Hội Roma Thánh, mà chúng tôi đã ban cho anh em các Tước Hiệu. Vậy, hãy nhận lấy nhẫn, là dấu chỉ của phẩm giá, sự ân cần mục tử và hiệp thông vững vàng hơn với Ngai Tòa của Phêrô.

Tiếp đến Đức Thánh Cha đã đeo nhẫn cho từng Tân Hồng Y một tiến lên qùy trước mặt ngài và nói: Hãy nhận lấy chiếc nhẫn từ tay của Phêrô và hãy biết rằng với tình yêu của vị Hoàng Tử của các Tông Đồ, tình yêu đối với Giáo Hội của hiền huynh được củng cố.

Các lời nguyện giáo dân cầu cho Giáo Hội, Đức Thánh Cha, các nhu cầu của con người, cho thế giới và cho toàn cộng đoàn tham dự thánh lễ đã được tuyên đọc bằng năm thứ tiếng: Bồ Đào Nha, Đức, Singale, Pháp và Swahili. Đức Thánh Cha đã cho một số tín hữu rước lễ, trong khi 100 Linh Mục thuộc các trường tại Roma đã phân phát Mình Thánh Chúa cho giáo dân.

Lúc 12 giờ trưa Đức Thánh Cha đã đọc kinh Truyền Tin với hơn 40.000 tín hữu từ cửa sổ phòng làm việc của Ngài. Trong bài huấn dụ ngài đã phó thác các Tân Hồng Y và lộ trình dương thế của mọi kitô hữu cho Trinh Nữ Maria, trong ngày lễ Dâng Mẹ vào Đền Thờ.

Đức Thánh Cha nhắc đến sự kiện Lễ Chúa Kitô Vua đã được Đức Giáo Hoàng Pio IX thành lập năm 1925, và sau Công Đồng Chung Vaticăng II lễ này được mừng kính vào Chúa Nhật cuối cùng trong năm phụng vụ. Phúc Âm hôm nay nói đến vương quyền của Chúa Giêsu trong lúc bị đóng đinh. Hàng lãnh đạo dân và binh lính nhạo cười ”trưởng tử của mọi thọ tạo” (Cl 1,15) và thử thách xem Người có quyền tự cứu mình khỏi chết hay không (x. Lc 23,35-37). Nhưng chính trên thập giá Chúa Giêsu cho thấy Người ở ”độ cao” của Thiên Chúa là Tình Yêu. Ở đó có thể biểu biết Người... Chúa Giêsu ban cho chúng ta sự sống vì Người ban Thiên Chúa cho chúng ta. Người có thể ban cho chúng ta Thiên Chúa vì Người là một với Thiên Chúa” (Benedetto XVI, Gesù di Nazaret, Milano 2007,399.404). Ơn ấy chúa Giêsu đã ban cho người trộm lành tỏ lòng thống hối ăn năn: ”Ta nói thật với con: hôm nay con sẽ ở cùng Ta trên thiên đàng” (Lc 23,43). Với các lời ấy, từ ngai thập giá, Chúa Giêsu tiếp đón mọi người với lòng xót thương vô biên... Chú giải sự kiện này thánh Ambrogio khẳng định rằng Chúa Giêsu luôn chấp nhận nhiều hơn điều người ta xin... Sự sống là ở với Chúa Kitô, bởi vì ở đâu có Chúa Kitô, ở đó có Vương Quốc”.

Tiếp đến Đức Thánh Cha đã đọc kinh Truyền Tin và ban phèp lành tòa thánh cho mọi người. Sau Kinh truyền ngài đã mời gọi mọi người hiệp ý với các cộng đoàn giáo hội tại Italia đáp lời mời của các Giám Mục, cầu nguyện cho các kitô hữu bị bách hại và kỳ thị trên thế giới, đặc biệt các kitô hữu tại Irak, để tại khắp nơi trên thế giới này quyền tự do tôn giáo được bảo đảm cho mọi người.

Đức Thánh Cha cũng nhắc đến lễ Đức Mẹ dâng mình vào đền thánh là ”Ngày cho những người cầu nguyện”, trong đó Giáo Hội nhớ tới các tu sĩ dòng kín với lòng trìu mến. Ngài mời gọi mọi người trợ giúp các tu sĩ một cách cụ thể. Chúa Nhật 21-11 cũng là ”Ngày cho các nạn nhân lưu thông” ở Italia. Đức Thánh Cha nói ngài nhớ tới các nạn nhân trong lời cầu nguyện, và khích lệ mọi người dấn thân phòng ngừa tai nạn lưu thông và thận trọng và tuân hành luât lệ trong khi lái xe, vì đó là hình thức đầu tiên bảo vệ chính mình và người khác.
 
Sự thực đằng sau lời tuyên bố của ĐGH Benedict về bao cao su
Trần Mạnh Trác
17:09 21/11/2010
Ngày hôm qua một tin đồn lan ra như lửa bốc cho rằng ĐGH Benedict đã cho phép sử dụng bao Cao Su.

Có người còn đi xa hơn cho rằng đây là một tín hiệu phá vỡ lệnh cấm của Vatican về việc sử dụng các biện pháp ngừa thai.

Và không ngạc nhiên, một số báo chí đã suy diễn cái ý kiến bất ngờ này của ĐGH Benedict là hậu quả của một mưu đồ thâm cung gì đó, có thể là do áp lực của một phe trong Tòa Thánh đang muốn thúc đẩy một hướng đi mới để đương đầu với sự lây lan của HIV đang tàn phá châu Phi.

Ít ra thì đây cũng là một ý kiến gây sốc cho giới bảo thủ trong Giáo hội.

Như thường lệ, các báo 'bài Công Giáo' đã loan tin 'cách chọn lọc' nhưng cũng không quên nhắc lại những tố cáo từ nhiều năm qua cho rằng quan điểm chống bao cao su của Giáo Hội đã "phá hủy cố gắng của nhiều năm phòng ngừa, giáo dục và gây nguy hiểm cho nhiều mạng sống con người" (Bộ Trưởng Y tế Bỉ.)

Thực ra, ý kiến của Đức Giáo Hoàng không thay đổi học thuyết và không mâu thuẫn với lập trường của Giáo Hội. Ngài chỉ giải thích và làm sáng tỏ thêm cái ý tưởng rằng "bao cao su không được sử dụng cho mục đích tránh thai, nhưng chỉ đơn thuần cho phép để tránh nhiễm trùng." Cuối cùng thì bao cao su không phải là câu trả lời cho dịch AIDS. Kiêng cữ và tiết độ trong hôn nhân mới là những công cụ an toàn để đánh bại đại dịch này.

Vì đây là tin đồn, được trích từ một cuộc phỏng vấn dài chưa công bố với một nhà báo Đức, Peter Seewald, và những trích dẫn 'chọn lọc' từ cuốn sách sắp xuất bản của Ngài "Light of the World: The Pope, the Church and the Signs of the Times" ("Ánh Sáng Thế Giới: Về Giáo Hoàng, Giáo Hội, và các Dấu Hiệu của các Thời Đại"), cho nên chúng ta phải đợi cho tới khi đọc trọn bài phỏng vấn và cuốn sách mới có sự sáng tỏ về vấn đề này. Tuy nhiên với những ý tưởng chỉ đạo ở trên, chúng tôi xin dịch những đọan bị 'rì rỏ' từ cuộc phỏng vấn như sau:

Peter Seewald: Nhân dịp chuyến đi châu Phi vào tháng 3 năm 2009, quan điểm của Vatican về bệnh AIDS một lần nữa trở thành mục tiêu chỉ trích của các phương tiện truyền thông. Ngày nay 25% tất cả các nạn nhân AIDS trên toàn thế giới đang được điều trị tại các cơ sở Công giáo. Ở một số nước khác, như Lesotho chẳng hạn, thì thống kê là 40%. Đức Giáo Hòang đã nói rằng tại châu Phi lời dạy truyền thống của Giáo Hội mới là cách duy nhất để ngăn chặn sự lây lan của HIV. Nhưng các nhà phê bình, bao gồm cả các nhà phê bình từ hàng ngũ riêng của Giáo Hội, phản đối rằng đây là một sự điên rồ nếu cấm sử dụng bao cao su cho một số dân có nguy cơ cao.

Đức Giáo Hoàng Benedict: Các phương tiện truyền thông đã hoàn toàn làm ngơ phần lớn chuyến đi châu Phi mà chỉ chú trọng đến một câu tuyên bố duy nhất. Lúc đó có người nào đã hỏi tôi tại sao Giáo Hội Công Giáo duy trì một quan điểm không thực tế và không hiệu quả về AIDS. Vào lúc đó, tôi thực sự cảm thấy rằng tôi đã bị khiêu khích, bởi vì Giáo Hội đã làm nhiều hơn bất cứ ai cho bệnh AIDS. (Một lần nữa) Tôi xác định thành quả đó.

Bởi vì Giáo Hội là tổ chức duy nhất giúp người bệnh (AIDS) một cách gần gũi và có hiệu quả, bằng những phương pháp phòng ngừa, giáo dục, giúp đỡ, tư vấn, và theo dõi. Và không có ai sánh kịp Giáo Hội trong việc điều trị rất nhiều nạn nhân AIDS, đặc biệt là trẻ em bị AIDS.

Tôi đã có dịp đến thăm một trong những nhà thương, để nói chuyện với các bệnh nhân. Và đây là câu trả lời thực tế: Giáo Hội đã làm nhiều hơn bất cứ ai khác, bởi vì Giáo Hội không nói vì diễn đàn của công luận, mà lo giúp anh chị em của mình, ở nơi họ đang thực sự đau khổ.

Trong lời phát biểu, tôi đã không đưa ra một tuyên bố chung về vấn đề bao cao su, nhưng chỉ đề cập một cách sơ sài, và vì thế đã gây ra bất bình lớn, là chúng ta không thể giải quyết vấn đề (chỉ) bằng cách phân phát bao cao su. Nhiều nhu cầu lớn hơn phải được thực hiện. Chúng ta phải hổ trợ sát với (nhu cầu của) con người, chúng ta phải hướng dẫn và giúp đỡ họ, và chúng ta phải làm điều này trước và sau khi họ nhiễm bệnh.

Thực tế thì, như ông đã biết, ai cũng có thể lấy được bao cao su mỗi khi họ muốn. Nhưng điều này cũng cho thấy rằng (sử dụng) bao cao su mà thôi không giải quyết được vấn đề. Cần phải thực hiện những công việc khác. Trong khi đó, chính phía thế tục cũng đã phát triển một phương thức gọi là Lý thuyết ABC: Abstinence-Be Faithful-Condom (Kiêng khem-Trung Thành-Bao cao su), được hiểu là bao cao su chỉ là một phương sách cuối cùng, khi hai phương thế trước đã thất bại.

Do đó sự tuyệt đối trông cậy vào bao cao su là một sự tầm thường hóa (banalization) tình dục, trong đó, trên hết mọi sự, chính là nguồn gốc nguy hiểm của thái độ coi tình dục không còn là một biểu hiện của tình yêu, nhưng chỉ là một loại thuốc kích thích (drug) mà người ta tự kê toa cho chính mình. Đây là lý do tại sao cuộc chiến chống lại sự tầm thường hóa tình dục cũng là một phần của cuộc chiến để đảm bảo rằng tình dục là một giá trị tích cực và cho phép nó có tác động tích cực đến toàn bộ con người.

Có thể có một cơ sở nào đó trong trường hợp của một số cá nhân, chẳng hạn trường hợp một người mại dâm nam sử dụng bao cao su, việc này có thể coi là một bước đầu tiên đi theo chiều hướng luân lý, là một giả thiết sơ khởi của trách nhiệm, trên con đường đi về hướng hồi phục một nhận thức rằng không phải mọi thứ đều được phép và không ai có thể làm bất cứ điều gì mình muốn. Nhưng (dù sao) nó cũng không phải thực sự là cách để đối phó với HIV.

(Cách đối phó) đó thực sự chỉ có thể tìm thấy trong việc nhân bản hóa tình dục (humanization of sexuality.)

Peter Seewald: Vậy thì, ĐGH nói rằng Giáo Hội Công Giáo thực sự không phản đối nguyên tắc cho việc sử dụng bao cao su?

Đức Giáo Hoàng Benedict: Giáo hội tất nhiên không xem nó (bao cao su) như là một giải pháp thực tế hay đạo đức, nhưng, trong trường hợp này hay nọ, ít ra có thể là, trong ý định làm giảm nguy cơ nhiễm trùng, là một bước đầu tiên trong một chiều hướng tiến tới một phương cách khác, một phương cách nhân bản hơn, về đời sống tình dục.
 
Tông huấn "Lời Chúa" của Đức Bênêđictô XVI (6)
Vũ Văn An
18:10 21/11/2010
Cần phải vượt quá “chữ viết”

Như thế, muốn tái khám phá hành động qua lại giữa các nghĩa khác nhau của Sách Thánh, điều chủ yếu là phải nắm chắc việc bước từ chữ viết qua tinh thần. Đây không phải là một bước tự động, tự phát; đúng hơn, cần phải vượt quá (transcended) chữ viết: “lời Chúa không bao giờ đơn thuần là một với chữ viết trong bản văn. Muốn nắm được lời của Người, phải có một sự vượt quá (chữ viết) và một diễn trình tìm hiểu, được hướng dẫn bởi chuyển động bên trong của toàn bộ tác phẩm, và do đó, phải trở thành một diễn trình sống” (125). Ở đây, ta nhận ra lý do tại sao diễn trình giải thích chân chính không bao giờ đơn thuần chỉ là một diễn trình tri thức mà còn là một diễn trình sống nữa, một diễn trình đòi ta phải dấn thân vào đời sống của Giáo Hội, tức đời sống sống “theo Thần Khí” (Gl 5:16). Như thế, tiêu chuẩn đưa ra tại số 12 của Hiến Chế Tín Lý “Lời Chúa” trở nên rõ ràng hơn: việc vượt quá (chữ viết) kia không thể xẩy ra nếu chỉ nhìn từng mảnh văn cá thể, trái lại phải nhìn chúng trong tương quan với toàn bộ Thánh Kinh. Thực vậy, mục tiêu mà ta nhất thiết phải tiến tới là Lời duy nhất. Trong diễn trình này, ta thấy một diễn biến bên trong, vì cuộc quá độ diễn ra trong quyền lực của Chúa Thánh Thần này nhất thiết can dự tới tự do của mỗi người chúng ta. Thánh Phaolô từng sống cuộc quá độ này một cách trọn vẹn trong cuộc sống của ngài. Trong câu của chính ngài: “Chữ viết sát hại, còn Thần Khí thì ban sự sống” (2 Cor 3:6), Thánh Phaolô đã diễn tả bằng những ngôn từ triệt để ý nghĩa của diễn trình vượt quá chữ viết ấy và việc ngài đạt tới chỗ chỉ hiểu nó theo cái toàn bộ. Ngài thấy rằng “Thần Khí tự do có tên riêng, và do đó, tự do ấy có một tiêu chuẩn nội tại: ‘Chúa là Thần Khí và ở đâu có Thần Khí Chúa, ở đấy có tự do’ (2 Cor 3:17). Thần Khí tự do không phải đơn thuần chỉ là ý niệm riêng của nhà chú giải, không phải là cách nhìn riêng của họ. Thần Khí ấy là Chúa Kitô, và Chúa Kitô là Chúa chỉ đường cho ta” (126). Ta biết rằng với cả Thánh Augustinô nữa, câu đó vừa gây ấn tượng vừa có tính giải thoát; ngài tin rằng Thánh Kinh, mà thoạt nhìn ngài cho là lỏng lẻo và có chỗ thô thiển hết sức, nhưng nhờ diễn trình vượt quá chữ viết mà ngài học được nơi Thánh Ambrôsiô trong việc giải thích loại hình (typological interpretation), nên toàn bộ Cựu Ước đã trở thành đường dẫn tới Chúa Giêsu Kitô. Đối với Thánh Augustinô, việc vượt quá nghĩa chiểu tự khiến chữ viết trở thành khả tín, và giúp ngài sau cùng tìm được câu trả lời cho nỗi khắc khoải nội tâm sâu thẳm và lòng thèm khát chân lý của ngài (127).

Tính thống nhất nội tại của Thánh Kinh

Trong cuộc quá độ từ chữ viết qua tinh thần và trong truyền thống vĩ đại của Giáo Hội, ta cũng học được cách nhìn ra tính thống nhất của mọi Sách Thánh, một sự thống nhất đặt cơ sở trên sự thống nhất của lời Chúa, vốn thách thức cuộc sống ta và không ngừng mời gọi ta hồi tâm (128). Ở đây, lời của Hugh thuộc (đan viện) Thánh Victor vẫn là một hướng dẫn chắc chắn: “Tất cả các Sách Thánh đều chỉ là một Cuốn Sách. Cuốn Sách duy nhất đó là chính Chúa Kitô, nói về Chúa Kitô và được nên trọn trong Chúa Kitô” (129). Dĩ nhiên, nếu chỉ đơn thuần nhìn theo phương diện lịch sử hay văn chương, thì Thánh Kinh không thể nào là một cuốn sách duy nhất được, mà là một hợp tuyển các bản văn đa dạng được soạn tác trong một ngàn năm hay hơn, và ngay những cuốn cá thể cũng không dễ gì cho thấy một sự thống nhất bên trong; trái lại, ta thấy nhiều chỗ bất nhất rõ ràng giữa chúng với nhau. Đây đương nhiên là trường hợp của Sách Thánh Do Thái mà Kitô hữu chúng ta quen gọi là Cựu Ước. Nhưng còn hơn thế nữa, khi Kitô hữu chúng ta coi Tân Ước và các sách của nó như một thứ chìa khóa giải thích Sách Thánh Do Thái, coi nó như đường dẫn tới Chúa Kitô. Xét chung, Tân Ước không sử dụng hạn từ “sách thánh” (Xem Rm 4:3; 1 Pr 2:6) mà là “các sách thánh” (xem Mt 21:43; Ga 5:39; Rm 1:2, 2 Pr 3:16), ấy thế nhưng chúng vẫn được nhìn trong cái toàn bộ của chúng như lời duy nhất Thiên Chúa dùng nói với chúng ta (130). Điều ấy chứng tỏ: chính ngôi vị Chúa Kitô đã đem lại sự thống nhất cho mọi “Sách Thánh”, làm chúng nên một “Lời”. Với cách đó, ta hiểu được lời lẽ của Số 12 trong Hiến Chế Tín Lý “Lời Chúa” nhắc đến tính thống nhất bên trong của toàn bộ Thánh Kinh như tiêu chuẩn quyết định của việc giải thích chính xác bằng đức tin.

Mối tương quan giữa Tân Ước và Cựu Ước

Trước tấm phông thống nhất mọi Sách Thánh trong Chúa Kitô, các nhà thần học và cả mục tử nữa đều cần phải ý thức được mối tương quan giữa Cựu Ước và Tân Ước. Trước nhất, Tân Ước hiển nhiên nhìn nhận Cựu Ước là lời Chúa và do đó chấp nhận thẩm quyền của Sách Thánh Do Thái (131). Tân Ước mặc nhiên nhìn nhận Cựu Ước bằng cách sử dụng cùng một ngôn ngữ như nhau và thường hay trích dẫn các đoạn trong Sách Thánh ấy. Nó minh nhiên thừa nhận Sách Thánh Do Thái ở chỗ đã trưng dẫn nhiều phần trong đó làm căn bản cho luận chứng của mình. Trong Tân Ước, một luận chứng đặt căn bản trên Cựu Ước như thế có một giá trị dứt khoát, cao hơn giá trị các luận chứng chỉ có tính nhân bản. Trong Tin Mừng thứ bốn, Chúa Giêsu nói rằng “Không thể bác bỏ Thánh Kinh” (Ga 10:35). Thánh Phaolô thì đặc thù tuyên bố rõ: mạc khải của Cựu Ước vẫn có giá trị đối với Kitô hữu chúng ta (xem Rm 15:4; 1 Cor 10:11) (132). Ta cũng quả quyết rằng “Chúa Giêsu Nadarét là một người Do Thái và Đất Thánh là quê mẹ của Giáo Hội” (133): gốc rễ Kitô Giáo là ở nơi Cựu Ước, và Kitô Giáo liên tục rút tỉa được của nuôi dưỡng từ các gốc rễ này. Do đó, học lý lành mạnh của Kitô Giáo luôn luôn chống lại mọi hình thức của chủ nghĩa Marcion (nhị nguyên luận) vốn chủ trương đặt Cựu Ước đối nghịch với Tân Ước trong nhiều phương diện (134).

Hơn nữa, chính Tân Ước cũng cho là mình nhất quán với Cựu Ước và tuyên xưng rằng trong mầu nhiệm sống, chết và phục sinh của Chúa Kitô, Sách Thánh của Dân Do Thái đã tìm được sự nên trọn hoàn toàn của chúng. Tuy nhiên, cần nhận xét điều này ý niệm nên trọn của Sách Thánh là một ý niệm phức tạp, vì nó có tới ba chiều kích: chiều kích liên tục về căn bản với mạc khải Cựu Ước, chiều kích gián đọan và chiều kích nên trọn và vượt quá. Mầu nhiệm Chúa Kitô luôn liên tục về ý hướng với tín ngưỡng hy lễ của Cựu Ước, nhưng lại diễn ra một cách khác hẳn, phù hợp với một số lời tuyên bố tiên tri và do đó đạt tới sự toàn hảo chưa bao giờ có. Cựu Ước thì đầy những căng thẳng giữa hai khía cạnh định chế và tiên tri. Mầu nhiệm vượt qua của Chúa Kitô hoàn toàn phù hợp với các lời tiên tri và tiên đoán của Sách Thánh Do Thái, dù bằng một cách ít ai dự ứng được; ấy thế nhưng nó lại cho thấy những khía cạnh rõ ràng của một gián đoạn đối với các định chế của Cựu Ước.

Những xem sét đó cho thấy tầm quan trọng độc đáo của Cựu Ước đối với Kitô hữu, dù cùng một lúc chúng cho ta thấy sự mới lạ trong lối giải thích có tính Kitô học. Từ thời các Tông Đồ và trong Truyền Thống sống động của mình, Giáo Hội vốn nhấn mạnh tới tính thống nhất của kế hoạch của Thiên Chúa trong hai Giao Ước, qua việc sử dụng hình loại học (typology); thủ tục này không hề có tính võ đoán, nhưng nó nội tại ngay trong các biến cố được các bản văn thánh thuật lại và do đó bao gồm toàn bộ Thánh Kinh. Hình loại học “trong công trình của Thiên Chúa thời Giao Ước cũ, biện phân được những hình ảnh báo trước điều Người sẽ hoàn thành vào thời viên mãn trong con người của Con nhập thể của Người” (135). Nhờ thế, các Kitô hữu đã đọc Cựu Ước dưới ánh sáng Chúa Kitô chịu đóng đinh và sống lại. Dù việc giải thích theo hình loại học cho ta thấy nội dung khôn dò của Cựu Ước theo quan điểm Tân Ước, ta đừng quên rằng Cựu Ước vẫn duy trì được giá trị tự tại của nó trong tư cách mạc khải, như chính Chúa chúng ta đã tái khẳng định (xem Mc 12:29-31). Thành thử, “Phải đọc Tân Ước dưới ánh sáng Cựu Ước. Nền giáo lý Kitô Giáo ban sơ luôn luôn sử dụng Cựu Ước (xem 1 Cor 5:6-8; 1 Cor 10:1-11)” (136). Vì lý do đó, các Nghị Phụ Thượng Hội Đồng đã khẳng định rằng: “Cái hiểu Thánh Kinh của người Do Thái Giáo tỏ ra hữu ích đối với Kitô hữu để họ hiểu và nghiên cứu Sách Thánh” (137).

Thánh Augustinô từng nói một cách thông sáng rằng “Tân Ước dấu ẩn trong Cựu Ước và Cựu Ước được tỏ lộ trong Tân Ước” (138), Cho nên, điều quan trọng là trong cả hai khung cảnh mục vụ và học thuật, mối tương quan gần gũi giữa hai Giao Ước phải được chỉ ra cách rõ ràng, hợp với câu nói của Thánh Grêgôriô Cả: “Điều Cựu Ước hứa, Tân Ước phải biến thành hữu hình; điều Cựu Ước công bố một cách bí nhiệm, Tân Ước phải công bố công khai như đang xẩy ra. Cho nên, Cựu Ước là tiên tri của Tân Ước; và bản chú giải tốt nhất về Cựu Ước chính là Tân Ước” (139).

Những đoạn “tối” của Thánh Kinh

Khi thảo luận mối tương quan giữa Cựu Ước và Tân Ước, Thượng Hội Đồng cũng xem sét các đoạn trong Thánh Kinh mà vì tính bạo lực và vô luân thỉnh thoảng có trong chúng, cho nên tỏ ra tối nghĩa và khó hiểu. Ở đây, trước hết và trên hết, ta cần nhớ rằng mạc khải Thánh Kinh bắt rễ sâu trong lịch sử. Chương trình của Thiên Chúa được tỏ lộ một cách tiệm tiến và được hoàn thành một cách chậm chạp, qua nhiều giai đoạn tiếp nối nhau và bất kể các chống đối của con người. Thiên Chúa chọn một dân tộc và kiên nhẫn hướng dẫn và giáo dục họ. Mạc khải vừa với trình độ văn hóa và luân lý của thời xa xưa và do đó diễn tả các sự kiện và phong tục, như gian lận và đánh lừa, và các hành vi bạo lực và tàn sát, mà không minh nhiên lên án tính vô luân của những điều ấy. Điều ấy có thể giải thích bằng ngữ cảnh lịch sử, ấy thế nhưng nó có thể khiến độc giả hiện đại sửng sốt, nhất là nếu họ không chịu tính đến nhiều việc “tối tăm” đã diễn ra trong nhiều thế kỷ trước và cả ngày nay nữa. Nhưng cũng trong Cựu Ước, lời rao giảng của các tiên tri luôn mạnh mẽ thách thức bất cứ thứ bất công và bạo lực nào, bất kể là của tập thể hay của cá nhân, và do đó, trở thành cách Thiên Chúa dùng để huấn luyện dân Người chuẩn bị đón nhận Tin Mừng. Bởi thế, sẽ là một lầm lẫn khi bỏ qua những đoạn Thánh Kinh đối với chúng ta có vấn đề. Đúng hơn, ta nên biết rằng giải thích đúng đắn các đoạn văn đó đòi phải có một trình độ chuyên môn, chỉ có được nhờ một cuộc huấn luyện để giải thích bản văn theo ngữ cảnh văn chương lịch sử và trong viễn tượng Kitô Giáo, một viễn tượng vốn lấy “Tin Mừng và giới răn mới mà Chúa Giêsu Kitô đã đưa ra trong mầu nhiệm vượt qua” làm chìa khóa giải thích (140). Tôi khuyến khích các học giả và mục tử giúp mọi tín hữu tiếp cận các đoạn văn đó bằng một sự giải thích sao cho ý nghĩa của chúng xuất hiện dưới ánh sáng mầu nhiệm Chúa Kitô.

Kitô hữu, người Do Thái Giáo và Sách Thánh

Sau khi đã xem sét mối tương quan gần gũi giữa Tân Ước và Cựu Ước, dĩ nhiên bây giờ ta sẽ nhìn tới sợi dây nối kết đặc biệt mà mối tương quan kia phát sinh ra giữa Kitô hữu và tín hữu Do Thái Giáo, một sự nối kết không bao giờ được bỏ qua. Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, khi nói tới người Do Thái Giáo, đã gọi họ là “ người ‘anh em thân yêu’ của chúng ta trong đức tin Ápraham, tổ phụ của chúng ta” (141). Nhìn nhận sự kiện này không hề coi thường các điển hình gián đoạn liên quan tới các định chế của Cựu Ước từng được Tân Ước quả quyết, càng không coi thường sự nên trọn của Sách Thánh trong mầu nhiệm Chúa Giêsu Kitô, vốn được nhìn nhận là đấng Mêxia và là Con Thiên Chúa. Tuy nhiên, sự khác biệt sâu xa và căn để này không hề hàm nghĩa một sự thù địch hỗ tương. Trái lại, thí dụ của Thánh Phaolô (xem Rm 9-11) cho ta thấy “thái độ tôn trọng, quí mến và yêu thương đối với dân tộc Do Thái là thái độ duy nhất có tính Kitô Giáo thực sự trong tình thế hiện nay, một tình thế vốn là một phần đầy mầu nhiệm trong kế hoạch hoàn toàn tích cực của Thiên Chúa” (142). Thực vậy, Thánh Phaolô nói về người Do Thái như sau: “theo ơn tuyển chọn, họ là những người được yêu thương, và đó là nhờ các tổ phụ, vì khi Thiên Chúa đã ban ơn, thì Người không hề đổi ý” (Rm 11:28-29).

Thánh Phaolô cũng dùng hình ảnh đáng yêu của cây ôliu để diễn tả mối liên hệ gần gũi giữa Kitô hữu và người Do Thái: Giáo Hội của Dân Ngoại giống như nhành ôliu dại được tháp vào cây ôliu tốt là Dân của Giao Ước (xem Rm 11:17-24). Nói cách khác, ta hút được của nuôi dưỡng từ cùng một gốc rễ thiêng liêng. Ta gặp nhau như anh chị em mà trong một lúc nào đó của lịch sử đã có những mối liên hệ căng thẳng, nhưng hiện nay đang cam kết bắc các nhịp cầu thân ái bền vững (143). Như Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II từng nói vào một dịp khác: “Chúng ta có nhiều điều chung với nhau. Cùng với nhau, chúng ta có thể đóng góp nhiều cho hòa bình, công lý và một thế giới huynh đệ và nhân đạo hơn” (144).

Tôi muốn một lần nữa tuyên bố rằng Giáo Hội hết sức trân qúi cuộc đối thoại của mình với người Do Thái. Bất cứ nơi nào thích hợp, ta nên tạo cơ hội để gặp gỡ và trao đổi, công khai cũng như tư riêng, và nhờ thế phát huy sự gia tăng hiểu biết lẫn nhau, quí mến và hợp tác hỗ tương, cũng như nghiên cứu Sách Thánh.

Giải thích Sách Thánh một cách cực đoan

Việc chúng ta lưu tâm tới các khía cạnh khác nhau trong đề tài giải thích Sách Thánh, giờ đây, giúp ta xem sét một chủ đề từng xuất hiện nhiều lần trong Thượng Hội Đồng: đó là chủ đề giải thích Sách Thánh theo quan điểm cực đoan (145).

Ủy Ban Giáo Hoàng về Thánh Kinh, trong tài liệu “Giải Thích Thánh Kinh trong Giáo Hội, đã đưa ra một số hướng dẫn quan trọng. Ở đây, tôi muốn đặc biệt nhắc tới các cách tiếp cận không biết tôn trọng sự chân xác của bản văn Thánh Kinh, mà đi cổ vũ các lối giải thích chủ quan và võ đoán. Chủ nghĩa “duy chiểu tự” (literalism) do cách tiếp cận duy cực đoan cổ vũ thực ra đại biểu cho sự phản bội cả nghĩa chiểu tự lẫn nghĩa thiêng liêng và mở đường cho nhiều hình thức thao túng như phổ biến các lối giải thích Thánh Kinh chống lại Giáo Hội. “Vấn đề căn bản của lối giải thích duy cực đoan là: vì từ khước không chịu lưu tâm tới đặc điểm lịch sử của mạc khải Thánh Kinh, nên nó tự làm cho mình không có khả năng nhìn nhận trọn vẹn chân lý về chính sự nhập thể. Về mối tương quan với Thiên Chúa, chủ nghĩa cực đoan tìm cách xa lánh bất cứ sự gần gũi nào giữa thần thiêng và nhân bản… vì lý do này, họ thường coi bản văn thánh như đã được Chúa Thánh Thần đọc từng lời. Nó không chịu thừa nhận rằng lời Thiên Chúa đã được trình bày bằng ngôn ngữ và biểu thức do nhiều thời kỳ khuôn định” (146). Mặt khác, trong lời, Kitô Giáo nhận ra chính Lời Thiên Chúa, tức Ngôi Lời, Đấng đã tỏ lộ mầu nhiệm của mình qua sự phức tạp và thực tại của lịch sử con người (147). Câu trả lời đúng sự thực cho lối tiếp cận duy cực đoan chính là “lối giải thích Thánh Kinh đầy đức tin”. Lối giải thích, “từng được thực hành từ thời cổ xưa trong Truyền Thống Giáo Hội này, mưu tìm chân lý cứu rỗi cho cuộc sống các Kitô hữu cá thể và cho toàn thể Giáo Hội. Nó nhìn nhận giá trị lịch sử của truyền thống Thánh Kinh. Chính nhờ giá trị của Thánh Kinh như một nhân chứng lịch sử, lối đọc này tìm cách khám phá ra ý nghĩa sống động của Thánh Kinh đối với cuộc sống các tín hữu ngày nay” (148), tuy nhiên vẫn không quên sự trung gian nhân bản của bản văn linh hứng và các văn thể của nó.

Đối thoại giữa các mục tử, thần học gia và nhà chú giải

Lối giải thích chân chính bằng đức tin mang lại nhiều hệ quả quan trọng đối với sinh hoạt mục vụ của Giáo Hội. Thí dụ, chính các Nghị Phụ Thượng Hội Đồng đã khuyến cáo phải có một mối tương quan làm việc gần gũi giữa các vị mục tử, các thần học gia và các nhà chú giải. Các Hội Đồng Giám Mục nên cổ vũ những cuộc gặp gỡ như thế với “mục tiêu phát huy sự hiệp thông lớn lao hơn để phục vụ lời Chúa” (149). Sự hợp tác loại này sẽ giúp mọi người chu toàn việc làm của mình một cách hữu hiệu hơn vì lợi ích của toàn thể Giáo Hội. Đối với các học giả cũng thế, xu hướng mục vụ này bao gồm việc tiếp cận bản văn thánh với ý thức rằng đó là sứ điệp mà Chúa muốn ngỏ với ta để cứu rỗi ta. Theo lời của Hiến Chế Tín Lý “Lời Chúa”, thì “các nhà chú giải Công Giáo và những người khác đang làm việc trong lãnh vực thần học thánh nên chuyên chăm làm việc chung với nhau, dưới sự quan tâm của huấn quyền thánh. Nhờ sử dụng các kỹ thuật thích đáng, họ nên cùng nhau bắt tay xem sét và giải thích các bản văn thánh một cách nào đó để càng nhiều thừa tác viên lời Chúa càng hay biết phân phát một cách sung mãn chất nuôi dưỡng của Thánh Kinh cho dân Chúa. Chất nuôi dưỡng này soi sáng tâm trí, tăng cường ý chí và hun đốt trái tim mọi người bằng tình yêu của Thiên Chúa” (150).

Thánh Kinh và việc đại kết

Ý thức rằng Giáo Hội xây nền trên Chúa Kitô, Lời nhập thể của Thiên Chúa, nên Thượng Hội Đồng muốn nhấn mạnh tính trung tâm của việc nghiên cứu Thánh Kinh bên trong cuộc đối thoại đại kết nhằm diễn đạt trọn vẹn sự hợp nhất của mọi tín hữu trong Chúa Kitô (151). Chính trong Thánh Kinh đã có lời cầu nguyện cảm động của Chúa Giêsu ngỏ cùng Chúa Cha xin cho các môn đệ nên một, để thế gian tin (xem Ga 17:21). Tất cả những điều này nhằm tăng cường xác tín của ta rằng chỉ nhờ cùng lắng nghe và suy niệm Thánh Kinh, ta mới cảm nghiệm được sự hiệp thông chân thực, dù vẫn chưa trọn vẹn (152); “cùng nhau lắng nghe Thánh Kinh như thế sẽ thúc đẩy ta hướng tới đối thoại trong bác ái và giúp cho cuộc đối thoại chân lý ấy tiến triển” (153). Cùng nhau lắng nghe lời Chúa, tham gia đọc lời Chúa (lectiona divina) trong Thánh Kinh, để lòng mình cảm kích trước sự tươi mát của lời Chúa, một lời không bao giờ già nua xưa cũ, thắng vượt câm điếc đối với những lời không hợp với ý kiến hay định kiến riêng của ta, lắng nghe và học hỏi bên trong việc hiệp thông với các tín hữu mọi thời: tất cả những việc ấy nói lên cách ta tiến tới hợp nhất trong đức tin như một đáp trả đối với việc nghe lời Chúa” (154). Lời của Công Đồng Vatican II khá rõ ràng về phương diện này: “trong chính cuộc đối thoại (đại kết), Sách Thánh là dụng cụ quí giá trong bàn tay quyền năng của Thiên Chúa để đạt được sự hợp nhất kia, một sự hợp nhất mà Đấng Cứu Thế muốn dành cho mọi người” (155). Thành thử, nên có sự gia tăng về nghiên cứu, thảo luận và cử hành đại kết lời của Thiên Chúa, trong khi vẫn tôn trọng một cách thích đáng các qui định hiện thời và sự đa dạng về truyền thống (156). Các cử hành này đẩy mạnh chính nghĩa của phong trào đại kết và khi được thi hành một cách thích đáng, chúng có thể nói lên những giờ phút cô đọng của cầu nguyện chân chính nhằm xin Chúa làm cho mau tới ngày ta có thể ngồi cùng bàn với nhau và uống chung một chén. Tuy nhiên, dù việc cổ vũ cho những buổi cầu nguyện như thế là điều đáng khen và đúng đắn, nhưng ta nên cẩn thận, đừng giới thiệu các cử hành đó như các hình thức thay thế cho việc cử hành Thánh Lễ vào Chúa Nhật hay lễ buộc.

Trong việc nghiên cứu và cầu nguyện này, ta thanh thản nhìn nhận các khía cạnh vẫn còn cần được thăm dò một cách sâu xa hơn và những khía cạnh ta vẫn còn khác nhau, như việc tìm hiểu chủ thể giải thích có thẩm quyền trong Giáo Hội và vai trò quyết định của huấn quyền (157).

Cuối cùng, tôi muốn nhấn mạnh tới lời tuyên bố của các Nghị Phụ Thượng Hội Đồng về tầm quan trọng đại kết của các bản dịch Thánh Kinh ra các ngôn ngữ khác nhau. Ta biết rằng phiên dịch một bản văn không hề là một trách vụ chỉ có tính kỹ thuật máy móc, nhưng, theo một nghĩa nào đó, nó thuộc công trình giải thích. Về phương diện này, Đấng Đáng Kính Gioan Phaolô II đã nhận định rằng “bất cứ ai nhớ lại việc các cuộc tranh luận về Thánh Kinh từng ảnh hưởng ra sao đối với việc phân rẽ, nhất là tại Tây Phương, hẳn có thể đánh giá được bước tiến có ý nghĩa mà các bản dịch chung này vốn đại biểu cho” (158). Cổ vũ các bản dịch Thánh Kinh chung là một phần trong công trình đại kết. Tôi xin cám ơn tất cả những người đã dấn thân vào công trình quan trọng này và xin khuyến khích họ kiên trì trong các cố gắng của mình.

Các hậu quả đối với việc nghiên cứu thần học

Một hậu quả khác nữa của việc giải thích thỏa đáng bằng đức tin liên quan tới các hệ luận tất yếu của nó đối với việc đào tạo giải thích và thần học, nhất là trong việc đào tạo các ứng viên làm linh mục. Cần phải thận trọng để bảo đảm rằng việc nghiên cứu Sách Thánh phải thực sự là linh hồn của thần học theo nghĩa nhìn nhận nó như là lời Thiên Chúa ngỏ với thế giới ngày nay, ngỏ với Giáo Hội và ngỏ với đích thân mỗi người chúng ta. Điều quan trọng là các tiêu chuẩn ấn định trong Số 12 Hiến Chế Tín Lý “Lời Chúa” phải được thực sự lưu ý và trở thành đối tượng cho một nghiên cứu sâu sắc hơn. Không nên khuyến khích ý niệm cho rằng việc tìm tòi có tính bác học phải tỏ ra trung lập đối với Thánh Kinh. Đồng thời với việc học các ngôn ngữ nguyên thủy mà trong đó Sách Thánh đã được viết ra, cũng như các phương pháp giải thích thoả đáng, các sinh viên còn cần phải có một đời sống thiêng liêng sâu sắc, ngõ hầu biết lượng giá điều này: chỉ có thể hiểu được Sách Thánh khi mang nó ra sống mà thôi.

Theo chiều hướng trên, tôi khẩn khoản yêu cầu cho việc nghiên cứu lời Chúa, cả truyền khẩu lẫn bản viết, không ngừng được tiến hành trong tinh thần sâu xa của Giáo Hội, và việc đào tạo học thuật biết lưu tâm đến những can thiệp thích đáng của huấn quyền, là các can thiệp “không cao hơn lời Chúa, nhưng đúng hơn làm tôi tớ cho lời ấy. Huấn quyền chỉ dạy những điều đã được truyền lại. Theo lệnh truyền của Chúa và với ơn trợ giúp của Chúa Thánh Thần, huấn quyền lắng nghe điều ấy một cách sốt sắng, cung kính gìn giữ nó và trình bày nó một cách trung thành” (159). Do đó, cần thận trọng để những lời giáo huấn đưa ra biết nhìn nhận rằng “Thánh Truyền, Thánh Kinh và huấn quyền của Giáo Hội hết sức gắn bó và liên kết với nhau đến nỗi một trong ba không thể đứng vững nếu không có hai thứ kia” (160). Tôi hy vọng rằng luôn trung thành với giáo huấn của Công Đồng Vatican II, việc nghiên cứu Thánh Kinh, thực hiện bên trong sự hiệp thông của Giáo Hội hoàn vũ, sẽ thực sự là linh hồn của việc nghiên cứu thần học (161).

Các thánh và việc giải thích Thánh Kinh

Việc giải thích Thánh Kinh sẽ không đầy đủ nếu nó không gồm việc lắng nghe những người đã thực sự sống lời Chúa, tức các thánh (162). Thực vậy, "viva lectio est vita bonorum" (bài đọc sống động chính là cuộc sống của những người tốt lành) (163). Việc giải thích Thánh Kinh sâu sắc nhất phát sinh từ chính những người từng để mình được lời Chúa lên khuôn qua việc lắng nghe, đọc và chăm chỉ suy niệm.

Chắc chắn không phải tình cờ mà các phong trào tu đức vĩ đại trong lịch sử Giáo Hội đều phát sinh từ việc minh nhiên tham chiếu Sách Thánh. Tôi nghĩ tới trường hợp Thánh Antôn đan viện trưởng, đấng đã xúc động khi nghe Chúa Kitô phán: “Nếu muốn nên trọn lành, con hãy đi, bán hết mọi sự con có rồi cho người nghèo, con sẽ có một kho tàng trên trời; rồi tới theo Thày” (Mt 19:21) (164). Không kém lưu ý, là câu hỏi được Thánh Basiliô Cả đặt ra trong cuốn Moralia: "Đâu là đặc điểm rõ nét của đức tin? Hoàn toàn chắc chắn, không một chút do dự là lời Thiên Chúa linh hứng là lời chân thật… Đâu là đặc điểm rõ nét của tín hữu? Đời họ sống theo cùng một sự chắc chắn hoàn toàn đối với ý nghĩa lời Sách Thánh, không dám thêm hay bớt bất cứ điều gì” (165). Trong Qui Luật của mình, Thánh Bênêđíctô gọi Sách Thánh là “qui luật hoàn hảo nhất đối với cuộc sống con người” (166). Còn Thánh Phanxicô Assisi, theo lời Thomas thành Celano thuật lại, “khi nghe người ta bảo các môn đệ của Chúa Kitô không nên sở hữu vàng, bạc hay tiền, cũng như không nên mang theo bao bị, bánh ăn, cũng như gậy đi đường, cả giầy dép cũng như hai áo khoác… bèn sảng khoái trong Chúa Thánh Thần, lập tức kêu lớn: ‘đó chính là điều tôi muốn có, chính đó là điều tôi hằng cầu xin, hằng tha thiết muốn thực hiện với hết tâm hồn tôi!’” (167). Thánh Clara thành Assisi hoàn toàn cũng có chung một cảm nghiệm như thánh Phanxicô: Bà viết “Hình thức sống của Dòng Chị Em Hèn Mọn là đây: tuân giữ Tin Mừng của Chúa Giêsu Kitô, Chúa chúng ta” (168). Thánh Đa Minh cũng thế “ở mọi nơi, luôn tỏ ra mình là người của Tin Mừng, trong lời nói cũng như trong việc làm” (169) và muốn các tu sĩ của mình cũng là “người của Tin Mừng” (170). Thánh Nữ Têrêxa thành Avila của Dòng Cát Minh, đấng luôn dùng các hình ảnh Thánh Kinh để giải thích các cảm nghiệm huyền nhiệm trong các trước tác của mình, vốn nói rằng chính Chúa Giêsu mạc khải cho Bà hay “mọi sự ác trên thế gian đều phát xuất từ việc không biết rõ ràng các chân lý của Sách Thánh” (171). Thánh Têrêxa Hài Đồng Giêsu khám phá ra tình yêu như ơn gọi bản thân của mình là nhờ nghiền ngẫm Thánh Kinh nhất là các Chương 12 và 13 trong Thu thứ nhất gửi tín hữu Côrintô (172); cũng vị thánh này đã mô tả sự lôi cuốn của Sách Thánh: “ngay khi thoáng đọc Tin Mừng, tôi đã lập tức hít được hương thơm đời sống Chúa Giêsu và tôi biết mình phải chạy tới đâu” (173). Mọi vị thánh đều như tia sáng phát ra từ lời Chúa: ta có thể nghĩ tới Thánh Inhaxiô thành Loyola trong cuộc đi tìm chân lý của ngài cũng như trong việc ngài biện phân các loại tinh thần; Thánh Gioan Bosco, trong việc say mê giáo dục thanh thiếu niên; Thánh Gioan Maria Vianey trong ý thức của ngài về sự cao cả của chức linh mục như một hồng ân và một trách nhiệm; Thánh Piô thành Pietrelcina trong việc ngài phục vụ làm khí cụ của lòng thương xót Chúa; Thánh Josemaria Escrivá trong việc giảng dạy về ơn gọi phổ quát phải nên thánh; Chân Phúc Têrêxa thành Calcutta, nhà truyền giáo của tình Chúa yêu thương những người nghèo nhất trong số người nghèo, rồi các vị tử đạo của chủ nghĩa Quốc Xã và chủ nghĩa Cộng Sản, đại biểu bởi Thánh Têrêxa Bênêđícta Thánh Giá (Edith Stein), một nữ tu Dòng Cát Minh, và Chân Phúc Aloysiô Stepinac, Hồng Y Tổng Giám Mục Zagreb.

Như thế, sự thánh thiện được lời Chúa linh hứng, theo một nghĩa nào đó, thuộc truyền thống tiên tri, trong đó, lời Thiên Chúa biến chính cuộc sống của vị tiên tri thành người phục vụ của nó. Theo nghĩa này, sự thánh thiện trong Giáo Hội cấu thành một việc giải thích Thánh Kinh mà ta không được xem thường. Chúa Thánh Thần, Đấng linh hứng các tác giả thánh, cũng cùng là Thần Khí từng thúc đẩy các thánh hiến đời mình cho Tin Mừng. Bằng cách ráng học theo gương các ngài, ta quả đang trên đường chắc chắn hướng tới một cuộc giải thích Thánh Kinh đầy sống động và có hiệu quả.

Ta đã được thấy các chứng nhân trực tiếp làm chứng cho mối liên kết giữa sự thánh thiện và lời Chúa này ngay trong lúc có Cuộc Họp Thượng Hội Đồng Lần Thứ Mười Hai, khi 4 vị hiển thánh mới được tôn phong vào ngày 12 tháng Mười tại Quảng Trường Thánh Phêrô. Đó là các vị: Gaetano Errico, linh mục và người lập ra Tu Hội Truyền Giáo Thánh Tâm Chúa Giêsu và Mẹ Maria; Mẹ Maria Bernarda Bütler, quê Thụy Sĩ và là một nhà truyền giáo tại Ecuador và Colombia; Nữ Tu Alphonsa Vô Nhiễm Thai, vị thánh đầu tiên sinh tại Ấn Độ được tôn phong; và nữ tín hữu trẻ người Ecuador là Narcisa de Jesús Martillo Morán. Bằng cuộc sống của mình, các vị làm chứng, trước mặt thế giới và Giáo Hội, cho sự sung mãn vĩnh hằng của Tin Mừng Chúa Kitô. Nhờ lời cầu bầu của các vị thánh được tôn phong vào thời điểm cuộc họp của Thượng Hội Đồng về lời Chúa này, ta hãy xin Chúa để chính đời sống ta trở thành “thửa đất tốt” cho Đấng Gieo Hạt Thần Linh trồng lời của Người trên đó, ngõ hầu lời ấy trổ sinh nhiều hao trái thánh thiện trong ta, “gấp ba mươi, sáu mươi, một trăm lần” (Mt 4:20)
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Nam Úc, Mừng Kính Chúa Kitô Vua
Jos. Vĩnh SA
03:58 21/11/2010
Thánh Lễ lúc 9 giờ 30 sáng, Chúa Nhật ngày 21 tháng 11 năm 2010. Đoàn Liên Minh Song Tâm (LMST) thuộc Cộng Đồng Công Giáo Việt Nam – Nam Úc đã long trọng tổ chức mừng kính Chúa Kitô Vua, bổn mạng của đoàn.

Thánh Lễ đồng tế sáng nay do Đ/ô. Phaolô Nguyễn Minh Tâm quản nhiệm, chủ tế. Cùng đồng tế có Lm. GB. Nguyễn Viết Huy Sj phó quản nhiệm Cộng Đồng.

Trước khi kết thúc Thánh Lễ, ông Nguyễn Hải Thiết phó ngoại vụ Cộng Đồng đã lên chúc mừng đoàn. Sau đó ông Đoàn Trưởng Giuse Nguyễn Văn Sơn lên cảm ơn chủ tế đoàn và Cộng Đồng đã hiệp dâng Thánh Lễ cầu nguyện cho các đoàn viên trong đoàn, những người còn sống cũng như đã qua đời. Ông Đoàn Trưởng cũng không quên mời gọi mọi người trong Cộng Đồng gia nhập đoàn LMST để tôn vinh Thánh Tâm Chúa và Thánh Tâm Mẹ Maria.

Được biết đoàn LMST tôn nhận Thánh Tâm Chúa Giêsu và Thánh Tâm Mẹ Maria làm tôn chỉ gương mẫu của Đoàn..Đoàn đã nhận ngày Lễ Chúa Kitô Vua hàng năm, là ngày mừng kính Bổn Mạng của Đoàn.

Hiện nay Đoàn LMST có khoảng 60 đoàn viên và luân chuyển đến các gia đình đoàn viên, tôn sùng Song Tâm Chúa và Mẹ vào các tối thứ 5 tuần thứ II trong tháng.

Nhân dịp Thánh Lễ Cộng Đồng cũng mừng kính Thánh Nữ Cecilia Bổn Mạng Soeur Mạnh Đễ phụ tá mục vụ của Cộng Đồng.

Xem Hình Click Nơi Đây

Sau khi kết thúc Thánh Lễ, mọi người đã ra ngoài sân hóng mát Cánh Buồn cùng với Sr. Mạnh Đễ cắt bánh mừng Bổn Mạng và uống Cà phê trà đàm.
 
Giáo Đoàn Lakemba Sydney Mừng Kính Bổn Mạng Kitô Vua
Diệp Hải Dung
08:49 21/11/2010
SYDNEY - Chiều Chúa Nhật 21/11/2010 các Đoàn Thể trong Giáo Đoàn và Quan Khách Úc Việt đã đến nhà thờ St. Therese Lakemba Sydney tham dự Lễ mừng kính Đức KiTô Vua Quan Thầy của Giáo Đoàn Lakemba. Mọi người đều tập trung trong khuôn viên của nhà thờ, Cha Tuyên úy Trưởng Nguyễn Khoa Toàn Đặc trách Giáo Đoàn xông hương kiệu Thánh tượng Chúa KiTô Vua và kiệu cung nghinh Thánh tượng Chúa rước vào nhà thờ.

Xem hình ảnh

Cuộc kiệu rất long trọng và trang nghiêm, đi đầu Thánh Giá nến cao, cờ Úc Việt, cờ Hội Thánh, Thiếu Nhi Thánh Thể, Legio Mariae, Dòng Ba Đa Minh, Hội Các Bà Mẹ Công Giáo, quan khách Úc Việt và Giáo dân.

Kiệu Thánh tượng Chúa KiTô Vua tiến vào nhà thờ an vị trên cung thánh, Đội Thánh Vũ Thiếu Nhi Thánh Thể Xứ đoàn hiệp với Ca Đoàn Lakemba dâng lên Chúa KiTô Vua vũ điệu “Ôi Giêsu” tôn thờ chúc tụng và ngợi khen “Khi nghe tên Thánh Chúa Giêsu, các tầng trời bừng sáng…” Sau đó quý Cha Tuyên úy Trưởng Nguyễn Khoa Toàn, Cha Paul Văn Chi, Cha Nguyễn Văn Tuyết, Cha Nguyễn Thái Hoạch, Cha Mai Đào Hiền và Cha Gary Rawson Chính xứ cùng hiệp dâng Thánh lễ.

Trong bài giảng Cha Tuyên úy Trưởng nói các vua chúa trần gian đăng quang rất long trọng, nhưng đối với Đức KiTô là Vua trên các Vua, Chúa trên các Chúa, Ngài đăng quang trên Thập Giá, triều thiên của Ngài là mão gai, hoàng bào của Ngài là tấm thân trần trụi, nhưng Ngài mới đích thật là Vua cà trời đất muôn đời bất diệt. Đức KiTô Vua chính là Công Lý, chính là Sự Thật, Chúng ta sống trong Sự Thật sẽ được mãi mãi trường tồn.

Đặc biệt trong Thánh lễ có nghi thức cung nghinh Phúc với nhạc Khúc “Lắng Nghe Lời Chúa” do các em Thiếu Nhi Thánh Thể phụng vụ rất trang trọng. Trước khi kết thúc Thánh lễ, ông Đinh Kiên Giang Phó Chủ tịch CĐCGVN TGP Sydney lên ngỏ lời chúc mừng Bổn Mạng Giáo đoàn, Ca đoàn và Xứ đoàn Thiếu Nhi Thánh Thể. Cha Gary Rawson Chính xứ Lakemba cũng ngỏ lời chúc mừng Bổn Mạng của Giáo Đoàn, Cha cám ơn Cộng Đồng Công Giáo Việt Nam Sydney đã đóng góp giúp ích rất nhiều cho Giáo Xứ Lakemba.

Kế tiếp ông Nguyễn Ngọc Sinh Trưởng Ban Mục Vụ Giáo đoàn lên ngỏ lời cám ơn quý Cha, quý Tu Sĩ Nam Nữ, quý vị Trưởng Ban các Phong Trào Đoàn Thể trong Cộng Đồng và mọi người. Với lòng ưu ái mà quý Cha cùng quý vị đã hy sinh thời giờ quý báu để đến đây tham dự Thánh lễ cầu nguyện cho Giáo Đoàn nhân ngày Lễ mừng kính Chúa KiTô Vua, Đại diện cho Giáo Đoàn và thay mặt Ban Mục Vụ. Con xin chân thành cám ơn quý Cha cùng toàn thể quý vị. Đặc biệt cám ơn Ca đoàn Lakemba hát rất hay tạo buổi lễ thêm sốt sằng và cám ơn Sơ Vũ Lành Hải đã bỏ công tập dợt cho các em Thiếu Nhi Thánh Vũ trong ngày mừng kính Bổn Mạng. Sau cùng Cha Tuyên úy Trưởng Nguyễn Khoa Toàn thay mặt Ban Tuyên Úy chúc mừng Bổn Mạng Giáo Đoàn.

Thánh lễ kết thúc mọi người cùng ở lại tham dự tiệc liên hoan mừng Bổn Mạng bên sân trường của nhà thờ.
 
Ngày Thánh Hoá Liên tu sĩ Phan Thiết: Với Giáo Hội - Tu Sĩ Loan Tin Mừng
Tâm Phúc
08:56 21/11/2010
PHAN THIẾT - Ngày Thánh Hóa Liên Tu Sĩ Giáo phận Phan Thiết năm nay đã diễn ra trong bầu khí tưng bừng tại Giáo xứ Vinh Tân, Hạt Hàm Tân vào thứ bảy 20.11.2010. Đông đảo tu sĩ trên toàn Giáo phận đã về tham dự để mừng Lễ Mẹ Dâng Mình (21.11), Bổn mạng Liên Tu sĩ, đây cũng là dịp để chị em dâng tâm tình tri ân mừng Ngày Hiến Chương Nhà Giáo Việt Nam đến Quý Đức Cha, cha Đặc trách Liên tu sĩ, quý cha Hạt trưởng và quý cha hiện diện.

Xem hình ảnh

Ngay từ chiều 19.11, Hội đồng Mục vụ Giáo xứ Vinh Tân đã trang hoàng và chuẩn bị chu đáo mọi mặt để sáng ngày 20.11, nhà thờ Vinh Tân rực rỡ cờ hoa rộn ràng đón quý nữ tu về tham dự Ngày Thánh Hóa Liên Tu sĩ Giáo phận Phan Thiết.

Sau vài phút khởi động giao lưu, Nữ tu Anna Trần Thị Hương, Trưởng Liên tu sĩ GP Phan Thiết, tuyên bố khai mạc Đại hội Liên tu sĩ Gp Phan Thiết 2010 chủ đề “Với Giáo Hội, Người Tu sĩ Loan Tin Mừng” trước sự hiện diện của cha G.B. Hoàng Văn Khanh, cha xứ Vinh Tân, Đặc trách Liên tu sĩ GP Phan Thiết, cha phó Vinh Tân Antôn Nguyễn Thế Học, một cha dòng Châu Thủy đại diện khối dòng nam và đông đảo quý nữ tu các Hội Dòng hiện đang phục vụ trên Gp Phan Thiết.

Ngỏ lời với Đại Hội, cha Đặc trách cho thấy người tu sĩ sẽ luôn thanh xuân khi luôn yêu mến Chúa, luôn để ngọn lửa tình yêu Chúa đốt lên cháy sáng trong lòng và luôn biết sống cuộc sống vui tươi. Như hạt lúa mì, phải mục nát đi mới sinh nhiều bông hạt thì đời người Linh mục – Tu sĩ cũng vậy. Noi gương Mẹ Maria, trong suốt Tin Mừng, Mẹ luôn tỏ lòng yêu mến và xin vâng Thiên Chúa trong mọi biến cố. Người tu sĩ học theo Mẹ để dệt con đường yêu và hạnh phúc vì biết mình và tất cả mọi người đều được Thiên Chúa yêu mến.

Đại Hội bùng nổ tiếng vỗ tay mừng vui bởi sự xuất hiện của Đức Cha Nicôla Huỳnh Văn Nghi, nguyên Giáo mục GP Phan Thiết. Đức Cha là người khai sinh Liên tu sĩ Giáo phận cách đây 16 năm. Hôm nay dù tuổi già sức yếu, nhưng ngài vẫn cố gắng đến để chia vui với con cái của mình và gởi đến Đại Hội những lời nhắn gởi hết sức đơn sơ, chân tình và yêu thương. Ngài rất vui vì đứa con tinh thần mình cưu mang giờ đây đã trưởng thành và hăng say hoạt động loan báo Tin Mừng.

Nữ tu Anê Hoàng Vy, thay mặt Ban điều hành đọc tường trình sinh hoạt Liên tu sĩ Giáo phận Phan Thiết năm 2010. Theo thống kê thì Giáo phận Phan thiết hiện có 10 Hội Dòng, 2 Tu Hội, 1 Tu Đoàn và 1 Huynh Đoàn với tổng số nữ tu là 517, tập sinh là 119 và Thanh tuyển là 195. Trên khắp giáo phận, với 99 cộng đoàn từ thành phố đến thôn quê, từ đèo heo hút gió hay vùng sau vùng xa, nơi đâu cũng có bóng dáng các tu sĩ âm thầm làm công việc mục vụ và phục vụ xã hội với nhiều hình thức.

Tiếp đến, cha Đặc trách thuyết trình đề tài “Cùng Giáo Hội Việt Nam, Liên Tu Sĩ dấn thân rao báo Tin Mừng trên quê hương Việt Nam”. Nội dung gồm 2 phần: Phần I giới thiệu về Sách Công Vụ Tông Đồ với những hoạt động truyền giáo của các Tông đồ thời sơ khai. Phần II đề cập đến Sứ mạng loan Tin mừng của Giáo Hội Việt Nam trong chương III Tài liệu làm việc Đại Hội Dân Chúa Việt Nam (21-25.11). Sáu điểm nổi bật người tu sĩ cần có được cha đề cập gồm: Loan báo Tin Mừng, yêu thương và phục vụ, đối thoại và cộng tác, truyền giáo, việc đào tạo và giáo dục toàn diện. (xem nội dung tóm kết phần thuyết trình).

Thánh lễ trọng thể Mẹ Dâng Mình do Đức Cha Phaolô Nguyễn Thanh Hoan, nguyên Giám mục GP Phan Thiết, chủ tế. Quý cha Hạt trưởng hạt Hàm Thuận Nam và Đức Tánh, cha chánh và phó giáo xứ Vinh Tân, cha sở giáo xứ Thanh Xuân, cha sở giáo xứ Đông Hà đồng tế. Bà con giáo dân Vinh Tân cùng đến dâng lễ để hiệp lời tạ ơn và cầu nguyện cho Liên tu sĩ. Trong bài giảng lễ, Đức Cha Phaolô nhắc đến ý nghĩa của biến cố Mẹ dâng mình vào đền thánh và gợi ý cho cộng đoàn suy nghĩ tu sĩ khấn hứa và giữ những gì? Đức Cha tóm kết những điều ngài chia sẻ với thông điệp Tình yêu và Chân lý, Đức Thánh Cha Bênêđictô 16 đã khẳng định: mọi sự bắt nguồn từ tình yêu, mọi sự được định hướng bằng tình yêu và mọi sự kết thúc trong tình yêu, cuộc đời của Chúa và Đức Mẹ là như vậy. Ba lời khấn của tu sĩ có nghĩa gì? Thưa là phương thế tôi dùng để sống trọn vẹn cho tình yêu. Vì yêu là Thánh ý Thiên Chúa.

Cuối thánh lễ, Ban đại diện dâng lời tri ân và chúc mừng Quý Đức Cha, cha Đặc trách và quý cha nhân ngày Hiến Chương Nhà Giáo Việt Nam.

Chương trình buổi chiều, Đại Hội dành để thảo luận và chia sẻ dưới sự hướng dẫn của cha Antôn Nguyễn Thế Học. Đại Hội kết thúc bằng giờ Chầu Thánh Thể.

Ngày Thánh Hoá Liên tu sĩ Phan Thiết
CÙNG GIÁO HỘI VIỆT NAM
LIÊN TU SĨ DẤN THÂN RAO BÁO TIN MỪNG TRÊN QUÊ HƯƠNG

Tóm kết bài thuyết trình của Lm GB. Hoàng Văn Khanh, Đặc trách Liên Tu sĩ Phan Thiết

I. SÁCH CÔNG VỤ TÔNG ĐỒ

1. Tác giả – Mục đích - Lược đồ của CV
2. Hoạt động Truyền giáo tại Giêrusalem: Biến cố Lễ Ngũ Tuần và diễn từ đầu tiên của Phêrô.
3. Hoạt động truyền giáo tại Samari và Giudêa. Phêrô và gia đình Corneliô.
4. Hoạt động truyền giáo của Phaolô. Những hành trình truyền giáo. Công đồng Giêrusalem.

II. TRUYỀN GIÁO

Chương VIII Tài liệu làm việc Đại hội Dân Chúa VN (21-25.11) đề cập đến sứ mạng loan báo Tin mừng của Giáo hội Việt nam.

1. Loan báo Tin mừng.

Sứ mạng loan báo Tin mừng không chỉ là việc rao giảng Tin mừng cho người chưa biết Chúa, nhưng còn là việc phúc âm hóa chính bản thân người tín hữu và môi trường xã hội, văn hóa mà họ đang sống. Vì thế truyền giáo không phải là áp đặt đức tin trên kẻ khác nhưng là chia sẻ tình yêu vĩ đại, tình yêu đến cùng của ĐK, để làm cho đời sống người môn đệ đạt ý nghĩa sung mãn và làm cho mọi người mọi nơi được thấm nhuần tinh thần phúc âm và những giá trị siêu với của Tin mừng.

2. Yêu thương và Phục vụ.

GH tiếp nối sứ vụ của ĐK là yêu thương và phục vụ con người nhằm mưu cầu hạnh phúc đích thực cho đồng bào nhờ niềm tin vào CK.

Trong hoàn cảnh hiện nay, GH tại VN lại càng quan tâm đến việc phục vụ sự sống và phát triển con người toàn diện: thực hiện bác ái xã hội (Deus Caritas est), - tham gia các công tác từ thiện, - quan tâm việc nâng cao đời sống tri thức và đạo đức của con người, - cổ võ tình liên đới, lòng nhân ái, sự công bằng, trách nhiệm…

3. Đối thoại và cộng tác

-Với các tôn giáo bạn

-Với nền văn hóa dân tộc. Nền văn hóa dân tộc coi trọng nghĩa đồng bào, đọa hiếu trung, lòng hiếu khách, tình nhân ái, nhất là quý trọng đời sống tâm linh. Đây là những điểm rất gần gũi với TM. Nền văn hóa đang gặp những trào lưu du nhập từ bên ngoài mang đậm dấu ấn chủ nghĩa tương đối, hưởng thụ, duy vật. Giáo hội không né tránh, nhưng đối thoại với những trào lưu ấy nhằm tin mừng hóa và mở đường cho ánh sáng rạng ngời của Chân lý.

-Với người nghèo.

4. Truyền giáo.

Tìm cách chia sẻ niềm tin, đưa dẫn người khác đến với Chúa Kitô và đón nhận Tin mừng của Người. Gắn liền hoạt động với cầu nguyện. Chứng tá đời sống vẫn là điều tiên quyết và có sức thuyết phục hơn cả.

5. Việc đào tạo.

Huấn luyện nhân bản, tri thức, tu đức và mục vụ (Psatores dabo vobis). Không chạy theo số lượng nhưng huấn luyện thành những người dẫn đường chân chính và phù hợp với lòng Chúa ước mong. Làm cho họ có lòng yêu mến CK, nhiệt tình phục vụ GH, đam mê phần rỗi các linh hồn, nuôi dưỡng bằng Lời và Thánh Thể, có lương tâm trong sáng, và đời sống tu đức vươn đến trọn hảo. Tinh thần truyền giáo phải thấm nhuần đến tất cả các môn học và mọi hoạt động.

6.Giáo dục toàn diện: nâng cao tri thức gắn chặt với tăng trưởng nhân bản và tâm linh. Mục tiêu là gặp ĐK, con người hoàn hảo. Giáo lý không chỉ là việc truyền thông kiến thức để lãnh các bí tích, nhưng là gặp gỡ Đức Kitô và bước đi theo Người. Cần giáo dục lương tâm, sự hiệp thông, lòng nhân ái. Có sự phối hợp đồng bộ giữa gia đình và học đường, giáo xứ, giữa học viên, phụ huynh và linh mục, giáo lý viên…

III. HỘI THẢO

1.Theo ý bạn, việc loan báo Tin mừng bao gồm những gì ?
2.Đối với tu sĩ, sứ mạng truyền giáo phải được thực hiện thế nào ? Bạn đã làm gì để truyền giáo ?
3.Trong công tác đào tạo nhân sự, bạn nghĩ phải lưu tâm đến điều gì hơn cả ?
4.Trong công tác giáo dục, bạn nghĩ phải thực hiện những điều gì là căn bản ?
5.Công tác giáo lý được quan tâm thế nào ? Bạn dạy giáo lý theo chương trình nào ? Dạy giáo lý có được tách rời khỏi Kinh thánh và nhân bản Kitô giáo không ?
 
GP Thanh Hóa đón mừng ĐC Nguyễn Mạnh Hiếu về Sàigòn dự Đại hội Dân Chúa
Vân Sơn
12:12 21/11/2010
Là khách mời đặc biệt của Đại Hội Dân Chúa, Đức cha Vinh Sơn Nguyễn Mạnh Hiếu, Giám mục Phụ tá giáo phận Toronto – Canada đã về Sài Gòn để tham dự Đại hội Dân Chúa nhân dịp mừng Năm 50 năm thiết lập hàng giáo phẩm Việt Nam.

Trong tình hiệp thông và để tỏ lòng trân trọng với người con quê hương, Đức cha Giuse Nguyễn Chí Linh, giám mục giáo phận Thanh Hóa cùng với quý cha trong giáo phận đi dự Đại hội: cha Tổng đại diện Phêrô Vũ tiến Phúc, cha bề trên Tiểu chủng viện Lê Bảo Tịnh Giuse Vũ thanh Long, cha văn phòng Giuse Nghiêm văn Sơn; quý sơ Hội Dòng MTG Thanh Hóa tại Sài Gòn và các chú ứng sinh đã ra sân bay Tân Sơn Nhất để đón chào và mời ngài về nghỉ tại Trụ Sở Giáo Phận tại Sài Gòn trong những ngày ngài lưu lại Việt Nam để dự đại hội.

Xem hình

Dù lần đầu tiên mới gặp mặt, hai Đức cha đã tỏ ra rất thân thiết, Đức cha Thanh hóa đã tặng ngài bó hoa tươi thắm và chào mừng ngài về thăm quê cũng như kính chúc ngài có những ngày ở Việt Nam thật ý nghĩa trong dịp dự đại hội. Đáp lại thịnh tình, Đức cha Vinh Sơn đã cảm ơn Đức cha Thanh hóa và phái đoàn ra đón ngài, ngài nghi nhận “một sự nhiệt tình và hiếu khách bất ngờ mà Đức cha Thanh hóa mang lại…”.

Sau đó quý Đức cha lên xe về Trụ sở Thanh hóa để chuẩn bị đi tham dự Đại hội sẽ khai mạc vào lúc 17g15 tại nhà thờ Đức Bà Sài Gòn.

Kính chúc Đức cha Vinh Sơn có những ngày ở Việt Nam thật ý nghĩa…
 
Khai Mạc Đại Hội Dân Chúa Năm Thánh 2010
Pt Nguyễn Hoà Phú
12:28 21/11/2010
SAIGÒN - Đại Hội Dân Chúa đã được khai mạc tại Vương Cung Thánh Đường Đức Bà – Sàigòn vào chiều Chúa Nhật ngày 21 tháng 11 năm 2010, ở công viên “Nữ Vương Hoà Bình” phiá trước Vương Cung Thánh Đường với mầu sắc rực rỡ của ngày lễ hội với sự hiện diện của các linh mục, các thành viên các đoàn thể Công giáo Tiến hành và các Dòng tu Nam nữ đứng thành dàn chào danh dự để chào đón quý khách và các đại biểu về phó hội.

Hiện diện trong Thánh Lễ, ngoài các đại biểu đại diện cho: Giáo dân, Tu sĩ Nam nữ, Giáo sĩ, Dòng Tu, các Linh mục Đại diện Giáo phận, các Linh mục Giám đốc Đại Chủng Viện, các Linh mục Tổng Đại Diện … người ta còn thấy Đức Hồng Y Gioan Baotixita Phạm Minh Mẫn, Đức Tổng Nhơn, Đức Tổng Thể và 28 Vị Giám Mục khác cùng hiệp dâng Thánh lễ.

Trang Web của đại hội cho biết: "Lần đầu tiên trong lịch sử Giáo hội Công giáo tại Việt Nam, các thành phần Dân Chúa khắp cả nước về tham dự, cùng tìm hướng đi chung cho thời gian sắp tới. Hơn 300 đại biểu đại diện cho hàng giáo phẩm, giáo sĩ, tu sĩ và các thành phần giáo dân sẽ trình bày tham luận góp ý xây dựng ngôi nhà Giáo Hội: Mầu Nhiệm - Hiệp Thông - Sứ Vụ."

Đại hội do Hội đồng Giám mục Việt Nam triệu tập là cao điểm của chương trình hoạt động trong Năm Thánh 2010, kỷ niệm 350 năm thiết lập hai địa phận đại diện tông tòa đầu tiên và 50 năm thiết lập hàng Giáo phẩm Việt Nam.

Đại hội kỳ vọng sẽ mở hướng cho Giáo hội Việt Nam tiến bước trên chặng đường mới, giữa lòng một đất nước đang thay đổi nhanh chóng, trong một thế giới cũng đang không ngừng biến chuyển.

Thời tiết Sàigòn trong mấy ngày vừa qua thường có mưa vào chiều tối, nhưng hôm nay, như một điềm lạ; quả thật “trời không phụ lòng Ban Tổ Chức”, bầu trời tuy có mây đen, song mưa không rơi xuống hột nào!

Đức Tổng Giám Mục Phêrô Nguyễn Văn Nhơn, Chủ Tịch HĐGMVN, chủ tế Thánh Lễ. Dưới đây là tóm lược một vài nét chính trong bài chia sẻ Tin Mừng:

-Chúa Giêsu là Vua, Ngài đến thế gian không phải để được người ta hầu hạ, nhưng là để phục vụ và làm cho đàn chiên sống và sống dồi dào.

-Đề cập đến việc đối thoại – Đức Tổng Phêrô đã nhắc lại lời Đức Giáo Hoàng Phaolô đệ VI: “Đối thoại cứu độ” – Theo nghiã này, thay vì nói về nhau, chúng ta được mời gọi và chấp nhận đối thoại đầy tính nhân văn: Nói sự thật và nói với nhau trong tình bác áí, xây dựng cộng đoàn.

Đực Cha Chủ tịch Hội đồng Giám mục Việt Nam nói: "Chúng ta được mời gọi tiếp tay với Chúa Thánh Thần để xây dựng sự Hiệp Thông trong Giáo Hội, bằng phương thế thiết thực và khả thi là "Đối thoại", nghĩa là thay vì nói về nhau, thường dễ biến dạng thành chỉ trích phê bình, thì chúng ta hãy chấp nhận nói với nhau trong môt cuộc đối thoại đầy tính nhân văn và văn hoá, nhất là với thao thức nói lên sự thật trong bác ái với mục đích xây dựng cộng đoàn; và để có thể nói với nhau như thế theo dạng thức mà Đức Giáo Hoàng Phaolô VI gọi là “Đối Thoại Cứu Độ”, chúng ta cần đối thoại thường xuyên với Thiên Chúa, nghĩa là cầu nguyện".Các đại biểu sẽ bắt đầu làm việc tại Trung tâm Mục vụ Tổng Giáo phận Tp.HCM vào ngày mai 22/11. Trong đó, Giáo tỉnh Hà Nội, Giáo tỉnh Sài Gòn và Giáo tỉnh Huế sẽ lần lượt phụ trách các ngày làm việc: Giáo hội Chúa Kitô giữa lòng quê hương Việt Nam, Giáo hội như dấu chỉ và khí cụ hiệp thông, Giáo hội Việt Nam và sứ vụ loan báo Tin Mừng"

Trước đó, tài liệu làm việc của Đại hội Dân Chúa đã được phát hành. Tài liệu làm việc này đúc kết từ đề cương Giáo Hội tại Việt Nam: Mầu Nhiệm – Hiệp Thông – Sứ Vụ, cùng với những suy tư góp ý từ nhiều nơi gởi về cũng như các tài liệu Huấn quyền Giáo Hội.

Tưởng cũng nên nhắc: Ca đoàn Vô Nhiễm, Nhà Thờ Đức Bà – Sàigòn đã làm tăng vẻ long trọng của thánh Lễ Khai mạc với nghệ thuật hợp xướng điêu luyện cùng với những bản Thánh ca đạo đức đã nâng tâm hồn mọi người lên cùng Thiên Chúa.

Thánh lễ chấm dứt với phép lành trọng thể; mọi ra về trong tinh thần vui tươi, phấn khởi hướng lòng về những ngày sinh hoạt của Đại Hội Dân Chúa.

Thông tin chi tiết về đại hội sẽ được cập nhật tại www.daihoidanchua.net. Ý kiến đóng góp xin gởi về ykien@daihoidanchua.net. Kính mong mọi thành phần Dân Chúa hiệp thông cầu nguyện và gởi ý kiến đóng góp hầu góp phần mình xây ngôi nhà Giáo hội ngày thêm vững mạnh.
 
Đức Cha Chủ Tịch Hội Đồng Giám Mục Việt Nam khai mạc Đại Hội Dân Chúa
+ TGM Phêrô Nguyễn Văn Nhơn
12:29 21/11/2010
Bài giảng của Đức Cha Chủ Tịch Hội Đồng Giám Mục Việt Nam Khai Mạc Đại Hội Dân Chúa

Lễ khai mạc Đại Hội Dân Chúa nhằm vào đại lễ Chúa Kitô Vua Vũ Trụ. Chính ý nghĩa phụng vụ của ngày lễ hôm nay sẽ cung cấp cảm hứng cho Đại Hội Dân Chúa. Xin nêu lên một vài ý nghĩa của lễ Khai Mạc Đại Hội Dân Chúa trong ánh sáng của Chúa Kitô Vua.

1. Trước tiên, chúng ta chiêm ngắm chân dung Vua Giêsu trong bài Phúc Âm Luca, được bổ sung bởi hai bài đọc 1 và 2 của Thánh lễ hôm nay. Chính bài Phúc Âm phác hoạ cho chúng ta một chân dung Vua Giêsu đầy nghịch lý, nơi đó ô nhục và vinh quang đan xen vào nhau. Chân dung này có nét tương tự như hình ảnh Chúa Giêsu mà chúng ta gặp thấy trong Thư thánh Phaolô gửi tín hữu Phi-líp-phê: ngài hạ mình xuống và ngài được Thiên Chúa tôn vinh. (x. Pl 2, 6-11).

- Thật vậy, trong 9 câu của bài Phúc Âm, thì 7 câu đầu đã ghi lại những lời nhạo báng của những người chống đối Chúa Giêsu. Qua đó chúng ta thấy: Chúa Giêsu tự hạ mình bằng cách chấp nhận để cho người ta hạ nhục và phỉ báng. “Người đã hạ mình xuống, vâng lời cho đến nỗi phải chết, mà chết trên cây thập tự” (Pl 2, 8).

- Nhưng hai câu cuối cùng của bài Phúc Âm lại cho chúng ta thấy uy quyền và vinh quang của Vua Giêsu: Khi người trộm lành đã sám hối, cầu xin với Người: “Lạy Ngài Giêsu, khi nào về nước Ngài, xin nhớ đến tôi”, Chúa Giêsu đáp:“ Ta bảo thật ngươi: ngay hôm nay, ngươi sẽ ở trên thiên đàng với Ta ”. Chính nhờ mầu nhiệm Vượt Qua, Chúa Giêsu được Thiên Chúa Cha siêu tôn và đưa vào vinh quang thiên đàng (x. Pl 2, 9), để mở cửa cho những ai đã hoán cải và tin vào Phúc Âm (x. Mc 1, 15) được gia nhập vương quốc của Người.

- Vua Giêsu không mang vương tước như vua chúa trần gian. Người là vị Vua-Mục Tử hoàn hảo, “đến trong thế gian này không phải để được người ta hầu hạ, nhưng là để phục vụ (x. Mt 20, 28), và làm cho đoàn chiên được sống và sống dồi dào (x. Ga 10, 10).

- Uy quyền và vinh quang thần linh của Vua Giêsu được thể hiện rõ nét hơn nữa trong bài đọc hai, trích từ Thư gửi tín hữu Cô-lô-xê. Thánh Phaolô nói rõ: “Chúa Cha đã cứu chúng ta thoát khỏi quyền lực u tối, đem chúng ta về nước Con yêu dấu của mình” (Cl 1, 13), nghĩa là đi vào vương quốc của Vua Giêsu. Nhờ Máu Người đổ ra trên thập giá, Thiên Chúa Cha ban hoà bình trên trời dưới đất” (Cl 1, 20).

- Với phẩm vị Con Thiên Chúa, đồng bản thể và ngang hàng với Chúa Cha (x. Pl 2,6; Ga 1, 18), Chúa Giêsu-Kitô không chỉ là Vua của Israel cũ như Đavít (x. 2 Sm 5, 3) và Vua của Israel mới, tức là Hội Thánh (x. Cl 1,18), mà còn là Vua vũ trụ, vì Chúa Cha đã đặt Người làm bá chủ mọi loài (x. Cl 1,18).

2. (Thưa cộng đoàn) Chúng ta là môn đệ, là tông đồ của Vua Giêsu. Khi soi mình trong chân dung của Người như Phúc Âm Luca đã phác hoạ, chúng ta có thể rút ra những ánh sáng nào cho Đại Hội Dân Chúa hôm nay?

- Trước tiên, chúng ta cần xác tín mạnh mẽ rằng chúng ta phải trở nên đồng hình đồng dạng với Vua Giêsu (x. Rm 8, 29), và chia sẻ thân phận của Thầy Chí Thánh (x. 1 Pr 4, 13-14). Tài Liệu Làm Việc của Đại Hội Dân Chúa đã dành chương đầu tiên trong phần I: Nền Tảng thần học, để trình bày MẦU NHIỆM Giáo Hội Chúa Kitô giữa lòng Quê Hương Việt Nam. Từ đó, có thể rút ra những định hướng ứng dụng thực tiễn cho Giáo Hội Chúa Kitô giữa lòng Quê Hương Việt nam hôm nay, như: Tính bản địa và hội nhập văn hoá của Giáo Hội (số 8); Giáo Hội Đồng hành với Người Dân Việt Nam trong Mọi Biến Cố và Thăng Trầm của Lịch Sử (số 9), và Giáo Hội là Cộng Đoàn Vượt Qua và Lữ Hành (số 10). Bài suy niệm về chân dung Vua Giêsu dựa trên đoạn Phúc Âm Luca hôm nay xác nhận một cách thuyết phục tính chất Lữ Hành của cộng đoàn Dân Chúa gắn liền với mầu nhiệm Vượt Qua: “Trong ánh sáng của mầu nhiệm Vượt Qua, Giáo Hội nhận biết mình đã được ban cho một Tin Mừng duy nhất là Tin Mừng của Đức Kitô chịu đóng đinh, và tất cả phải nhờ người mới được cứu độ. Chỉ mình Người làm cho đau khổ và cả cái chết trở thành con đường dẫn tới sự sống”.

+ Theo văn cảnh của đoạn của Phúc Âm Luca hôm nay, chính sự kết hợp nên một với Vua Giêsu đang chịu nhạo báng trên thập giá mang lại sự chữa lành và ơn giải thoát. Vậy nếu Giáo Hội của chúng ta bị nhục mạ cách nào, thì chúng ta đừng mang mặc cảm hay nao núng, nhưng hãy nhìn lên Vua Giêsu chịu đóng đinh để giữ vững niềm tin, yêu, với hy vọng Người sẽ kéo chúng ta lên với Người trong vinh quang (x. Ga 12, 32). Sự sỉ nhục, nếu được chấp nhận cách khiêm tốn, có khả năng chữa lành tính kiêu căng của chúng ta; lời chỉ trích phê bình, nếu được lắng nghe cách thanh thản, có khả năng giúp chúng ta xét mình để đổi mới cách tư duy và hành động của mình.

+ Trên thập giá, Vua Giêsu xuất hiện rõ rệt nhất như là sự bình an của chúng ta (x. Ep 2,14), vì nhờ máu Người đổ ra trên thập giá, Thiên Chúa ban hoà bình trên trời dưới đất (Cl 1, 20); và Người cũng chủ động thứ tha và xin Chúa Cha tha thứ cho những kẻ làm hại Người (x. Lc 23, 34). Đức Giáo Hoàng Gioan-Phaolô II, trong sứ điệp Ngày Thế Giới Hoà Bình 2002, khi suy niệm về đề tài hoà bình dưới ánh sáng của Lời Chúa, đã kết luận rằng: không thể có hoà bình nếu không có công bình, không thể có công bình nếu không có sự tha thứ. Vậy chúng ta hãy bắt đầu tha thứ và xin thứ tha, đặc biệt xin Thiên Chúa thứ tha mọi tội lỗi và yếu đuối của chúng ta, để mỗi tín hữu, toàn thể cộng đoàn và các mục tử, thực lòng hoán cải, nhờ đó chúng ta có khả năng vun đắp công bình và kiến tạo hoà bình trong lòng mỗi người, trong lòng Giáo Hội và trong lòng xã hội.

- Sau trục MẦU NHIỆM, Tài Liệu Làm Việc của Đại Hội Dân Chúa triển khai sâu rộng hai trục HIỆP THÔNG và SỨ VỤ, trước khi đề xuất một Hướng Đi Mục Vụ cho tương lai. Tôi thấy một sự trùng phùng hồng phúc và đầy ý nghĩa, khi Đức Thánh Cha Beneđictô XVI, trong Sứ Điệp Khánh Nhật Truyền Giáo năm 2010 này, đã triển khai đề tài: “Xây Dựng Sự Hiệp Thông trong Giáo Hội Là Chìa Khoá Của Việc Truyền Giáo”. Sứ Điệp của ngài xác nhận tính hợp thời của ba trục suy tư mà chúng ta đã đề ra cho Năm Thánh Giáo Hội Việt Nam 2010. Vâng, để cho SỨ VỤ truyền giáo đạt kết quả phong phú và bền bỉ, nhất thiết phải có sự HIỆP THÔNG sâu đậm giữa mỗi người tín hữu với Thiên Chúa Ba Ngôi Chí Thánh, giữa các thành phần Dân Chúa với nhau và giữa Dân Chúa với các Vị Mục Tử. Tác nhân chính của HIỆP THÔNG là Chúa Thánh Thần (x. 2 Cr 13, 13), nhưng điểm quy tụ của Hiệp Thông là chính Vua Giêsu chịu đóng đinh trên Thánh Giá (x. Cl 1, 20). Chúng ta được mời gọi tiếp tay với Chúa Thánh Thần để xây dựng sự Hiệp Thông trong Giáo Hội, bằng phương thế thiết thực và khả thi là ĐỐI THOẠI, nghĩa là thay vì nói về nhau, thường dễ biến dạng thành chỉ trích phê bình, thì chúng ta hãy chấp nhận nói với nhau trong môt cuộc đối thoại đầy tính nhân văn và văn hoá, nhất là với thao thức nói lên sự thật trong bác ái với mục đích xây dựng cộng đoàn; và để có thể nói với nhau như thế theo dạng thức mà Đức Giáo Hoàng Phaolô VI gọi là “Đối Thoại Cứu Độ”, chúng ta cần đối thoại thường xuyên với Thiên Chúa, nghĩa là cầu nguyện. Đức Maria, “Trinh Nữ lắng nghe và cầu nguyện, Trinh Nữ sinh hạ và hiến dâng”, là một mẫu gương sáng chói cho chúng ta về cuộc đối thoại cứu độ ấy.

3. (Thưa cộng đoàn) Tại cao điểm của Năm Thánh Giáo Hội Việt Nam nhân dịp kỷ niệm 350 năm thành lập hai Địa phận Đại Diện Tông Toà đầu tiên ở Đàng Ngoài và Đàng Trong (1659-2009) và 50 năm thiết lập Hàng Giáo Phẩm Công Giào tại Việt Nam (1960-2010),

- chúng ta cử hành Đại Hội Dân Chúa như một Lễ Hội Phụng Vụ để cảm tạ và tôn vinh Thiên Chúa là chủ tể của Lịch Sử, và bày tỏ lòng tri ân đối với các Vị Thừa Sai đã đem Phúc Âm đến cho Dân Tộc chúng ta và đối với các Vị Chứng Nhân Đức Tin anh dũng đã đổ máu đào tưới gội mảnh đất Quê Hương cho một mùa gặt đầy hứa hẹn;

- chúng ta cử hành Đại Hội Dân Chúa như một cuộc Hội Ngộ Gia Đình để sống tình huynh đệ thắm thiết giữa những người con có chung một Mẹ Hội Thánh đã sinh ra chúng ta trong đời sống siêu nhiên nhờ Nước và Thánh Thần (x. Ga 3, 5; GH 64) và có chung một Lòng Mẹ Quê Hương Việt Nam đã cưu mang chúng ta trong quá trình thực hiện ơn gọi làm con Thiên Chúa;

- và chúng ta cử hành Đại Hội Dân Chúa như một Diễn Đàn để các đại diện của mọi thành phần Dân Chúa sử dụng quyền tự do thiêng liêng của con cái Chúa, nói lên những nhận thức của trí tuệ được đức Tin soi sáng, những thao thức của trái tim được đức Mến nung nấu, và những khát vọng của ý chí được đức Cậy kích động, nhằm xây dựng và củng cố NGÔI NHÀ GIÁO HỘI Chúa Kitô giữa lòng Quê Hương Việt nam thân yêu của chúng ta hôm nay và ngày mai.

Vậy, trong bầu khí trang trọng của Đại lễ Chúa Kitô Vua, nhân danh Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, tôi long trọng tuyên bố KHAI MẠC ĐẠI HỘI DÂN CHÚA VIỆT NAM NĂM 2010.

Tổng Giám Mục Hà Nội,
Chủ Tịch HĐGMVN
 
LM Anrê Dũng-Lạc Trần Cao Tường đã qua đời
LM Trần Công Nghị
17:03 21/11/2010
Trong niềm tin vào Chúa Phục Sinh
chúng tôi xin báo tin cùng quý độc giả và các thân hữu:


Cha Anrê Dũng-Lạc Trần Cao Tường
Giám đốc mạng lưới Internet Dũng Lạc
đã tạ thế lúc 11:56 phút (giờ new Orleans) ngày Chúa Nhật 21.11.2010.
Chương trình thánh lễ an táng sẽ được loan báo sau.
Xin cầu nguyện cho linh hồn Linh mục Anrê được Chúa ban ơn phúc trường sinh
nơi Quê hương Thiên Quốc.
Xin Chúa an ủi những người thân yêu của Cha
và tất cả những bạn hữu đã cùng đồng hành với Cha.
 
Gia đình Phạt Tạ hạt Xóm Mới mừng lễ Chúa Kitô Vua Vũ Trụ
Hoàng Trung Thành
21:50 21/11/2010
SAIGÒN - Thứ bảy, ngày 20 tháng 11 năm 2010. Gia đình Phạt Tạ Thánh Tâm hạt Xóm Mới long trọng mừng lễ bổn mạng Chúa Giêsu Kitô Vua Vũ Trụ.

Xem hình ảnh

Năm nay giáo xứ ĐMHCG thuộc hạt Xóm Mới được vinh dự đón tiếp quý cha và 15 gia đình phạt tạ của 15 giáo xứ trong hạt về tham dự rất đông đảo, mặc dù buổi chiều hôm đó trời đổ mưa lớn nhưng đến 17g trời đã tạnh hẳn. Đúng 18g, bắt đầu thánh lễ bằng việc cung nghinh tượng Chúa Giêsu Ki tô Vua chung quanh thánh đường, đoàn rước rất đông đến nỗi Thánh giá nến cao và ban kèn dẫn đầu về đến đầu nhà thờ rồi mà kiệu Chúa vẫn chưa ra khỏi nhà thờ.

Đồng tế thánh lễ có cha quản hạt, cha phụ trách Gia đình phạt tạ, cha xứ ĐMHCG. Nhân dịp này cha phụ trách có trao bằng khen thưởng cho các cá nhân và tập thể xuất sắc vì đã đóng góp tích cực trong việc phục vụ giáo hội.

Sau thánh lễ anh hội trưởng thay mặt các hội viên đã nói nên lòng biết ơn đối với quý cha đã nâng đỡ cổ vũ cho gia đình phạt tạ Thánh Tâm mỗi ngày mỗi thăng tiến trên đường nhân đức.

Tiếp đến cha phụ trách đã trao cờ luân lưu cho gia đình phạt tạ giáo xứ Thạch Đà sẽ tổ chức thánh lễ mừng bổn mạng vào năm tới.

Một buổi tiệc liên hoan và văn nghệ bỏ túi đã gây thêm tình thân ái cho mọi nguời và cũng nói lên tinh thần đoàn kết và gần gũi của từng thành viên trong giáo hạt.

Cầu xin Chúa Giêsu Ki tô Vua luôn ban nhiều ơn lành và lòng thánh thiện trên tất cả quý cha để quý cha tiếp tục dẫn dắt gia đình phạt tạ mỗi ngày một phát triển, quý hội viên Gia đình Phạt Tạ giáo hạt được luôn sốt sáng làm việc tông đồ mở mang nuớc Chúa.

Chúa Giêsu Ki tô, Vuơng quyền Ngài đầy yêu thương và êm ái.
 
Giáo xứ Bùi Môn kỉ niệm 55 năm trong hồng ân
Lm. Giuse Nguyễn Minh Đức
21:57 21/11/2010
Bùi Môn, tính đến nay đã tràn đầy 55 hồng ân (1955 – 2010), một thời gian khá dài được tắm mình trong dòng suối tình yêu của Ba Ngôi Thiên Chúa. Cùng với bao biến cố đau thương, vui buồn nay Giáo xứ từng bước thay da đổi thịt, trưởng thành không ngừng.

Xem hình ảnh

Bùi Môn hôm nay có thể nói là một trong những giáo xứ điển hình, nổi bật của Giáo hạt Hốc Môn: số tín hữu ngày một gia tăng, những sinh hoạt truyền thống đạo đức được duy trì, những sinh hoạt ngoại khóa ngày càng nhiều nhất là lòng đạo đức được sâu sắc hơn... Dưới sự hướng dẫn đầy nhiệt thành của một mục tử, Cha chánh xứ Phêrô Nguyễn Ngọc Vượng và Ban Thường Vụ Hội Đồng Giáo Xứ trẻ trung, năng động cùng sự hiệp thông, liên đới của 6 giáo khu và các đoàn thể công giáo đã giúp giáo xứ trưởng thành hơn. Đặc biệt trong Năm Thánh Hồng Ân của Giáo Hội Mẹ Việt Nam, Giáo xứ được chọn là nơi hành hương của Giáo hạt. Đây cũng là hồng ân vô cùng lớn lao để giáo dân xứ Bùi có quyền tự hào vì được tắm mình trong dòng sữa của ân sủng. Mọi người, từ bé đến lớn càng phấn khởi và đạo đức. Xin tạ ơn Thiên Chúa.

Mừng lễ Bổn mạng

Trong ngày lễ Bổn Mạng của Giáo xứ, cộng đoàn đã thay mặt giáo phận để chầu Thánh Thể, từ 8g đến 16g, với sự nhiệt tình và lòng mến của bà con 6 giáo khu, các hội đoàn, các cá nhân trong giáo xứ và ngoài giáo xứ để nhận ơn toàn xá.

Trước thánh lễ mừng trọng thể, giáo xứ duy trì truyền thống đạo đức tốt đẹp rước kiệu chung quanh khuôn viên thánh đường. Cuộc rước kiệu long trọng, sốt sắng. Và theo lời của cha chánh xứ, từ nhiều năm nay, chưa có cuộc rước nào long trọng, đầy đủ và tràn đầy tình hiệp thông, biểu lộ rõ ràng khẩu hiệu của Năm Thánh Hồng Ân của Giáo Hội: Mầu nhiệm, Hiệp thông, Sứ vụ. Ngoài 2 kiệu chính của Giáo xứ là kiệu Đức Mẹ và Đức Giêsu Vua Vũ Trụ, còn có 6 kiệu của 6 giáo khu hiệp thông, chia sẻ vui mừng. Sự hiện diện đông đảo của bà con giáo dân, của quý chức, Quý ân nhân và của các đoàn thể công giáo trong giáo xứ càng thêm phấn khởi.

Một điều mà ai cũng nhận ra hồng ân mà Thiên Chúa che chở, bảo vệ Giáo xứ, đó là việc Người đã mở rộng “bàn tay”, che phủ bầu trời, cho đoàn rước diễn ra tốt đẹp. Và khi đoàn rước vừa kết thúc, đoàn đồng tế vào thánh đường thì cơn mưa đã đổ xuống. Thêm một lần nữa, Giáo xứ lại được tắm mình trong dòng sông của ân sủng, trong sự hiệp thông nguyện cầu của rất nhiều người.

Ước mong, cùng với sự hướng dẫn của cha chánh xứ đương nhiệm; trong sự chở che, bảo trợ của Chúa Giêsu – Vua vũ trụ ban cho giáo xứ luôn sống trong tình Chúa, trong sự hiệp nhất của tình người để trở thành dấu chỉ tình yêu cho vương quốc của Thiên Chúa.

Bùi môn, ước mong sẽ là một vương quốc của tình yêu Giêsu.

Lm. Giuse Nguyễn Minh Đức

Bài giảng LỄ CHÚA KITÔ VUA VŨ TRỤ

Kính thưa Quí tu si nam nữ, qúi cộng đoàn,

Hôm nay cả Giáo Hội trên trời và dưới đất cùng mừng vui, chúc tụng và tôn vinh Chúa Kitô - Vua vũ trụ. Đây cũng là mốc điểm kết thúc một năm phụng vụ. Năm phụng vụ được khai mở bằng mầu nhiệm Nhập thể, khai triển qua mầu nhiệm tử nạn, phục sinh để rồi kết thúc bằng vương quyền viên mãn của Đức Kitô. Hay nói cách khác, cụ thể và dễ hiểu hơn: Chúa Kitô chính là Alpha và là Omega, là khởi đầu và là cùng đích của vũ trụ và lịch sử nhân loại. Bởi vậy, thật ý nghĩa khi Giáo Hội Mẹ gọi mời con cái mình chiêm ngắm Đức Kitô, Vua vũ trụ. Chỉ một mình Ngài mới là vua đích thực. Chỉ một mình Ngài mới là Đấng để con người lệ thuộc, gắn bó và tôn thờ bằng cả con người mình.

Song để hiểu, để sống trọn vẹn nội dung đích thực của ngày lễ Chúa Kitô Vua hôm nay, hơn nữa lại là lễ Bổn mạng của Giáo xứ, chúng ta cần tìm hiểu tước hiệu Vua Kitô dưới ánh sáng Lời Chúa hôm nay như thế nào? và việc tuyên xưng Đức Kitô là vua như thế sẽ mang lại ý nghĩa gì cho cuộc sống người Kitô hữu chúng ta?

1. Vương quyền của Đức Kitô

Trong bất cứ một cộng đồng con người, xã hội và nhất là trong lãnh vực chính trị tước hiệu vua luôn gợi lên một hình ảnh độc tôn, độc tài, độc đoán xa cách con người, khiến con người sợ sệt. Bởi vậy, đối với Đức Kitô, trong cuộc đời trần thế, Ngài dứt khoát vượt thắng cám dỗ về quyền bính, quyền đế vương này. Chẳng hạn có lần, sau phép lạ hoá bánh ra nhiều, dân chúng tôn phong Ngài làm vua, nhưng Ngài tránh đi nơi khác. Hay như trong tin mừng nhất lãm, khi Ngài bị treo trên thập giá như một tử tội, thì người ta gọi Người là vua dân Do Thái, nhưng là để nhạo báng Người. Vì thế, có thể nói: Đức Giêsu chưa hề một lần ngồi trên ngai vàng, cũng không hề một lần làm vua một quốc gia nào hay vua một mảnh đất nào, dù là như một ông vua lưu vong… Thế thì ta phải hiểu vương quyền của Người thế nào?

Tin mừng hôm nay cho chúng ta câu trả lời rõ nghĩa nhất, đầy đủ nhất. Tin mừng Luca viết: Ngay khi Đức Giêsu bị đóng đinh trên thập giá, giữa hai tên gian phi … phía trên đầu Người, có bản án viết: Đây là vua người Do Thái… Đấy, quá rõ ràng. Hình ảnh một con người bị treo lủng lẳng, không áo quần che thân; giữa bọn đạo tặc… lại là vua, lại là chúa. Thế mới lạ. Thế mới nhiệm mầu. Chính cái lạ thường đó mới giúp chúng ta hiểu đúng, hiểu rõ hơn Chúa Giêsu làm vua như the nào và Nước của Ngài là gì

Chúa Giêsu làm vua và thống trị con người bằng một cuộc đời: một cuộc đời hy sinh từ bỏ, bằng cái chết tức tưởi, đẫm máu trên thập giá. Chính từ cái chết đó đã phát sinh sự sống. Chính sự quên mình đó đã sinh ra tình yêu. Một sự sống, một tình yêu mà suốt cuộc đời Người đã thực hiện và không ngừng dạy bảo môn đệ: "Không có tình yêu nào lớn hơn tình yêu của kẻ đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu mình" (Ga 15,13). “Tôi đến để anh em sống và sống dồi dào hơn” (Ga 10, 10). Người đã thiết lập vương quốc của mình bằng cái chết vì tình yêu. Sống là chết vì tình yêu, cho tình yêu và thống trị là hạ mình phục vụ cho đến chết vì sự sống và cho sự sống của kẻ khác. Như lời bài hát L?i V?ng Tình Yu, nh?c si Ð? Vy H? đã họa lại, rằng: Chỉ vì tình yêu, Chúa chịu nhục thân chết cho trần gian. Vì Ngài chỉ đến sống cho tình yêu, chết cho tình yêu, để cứu muôn người lỗi tội, đưa về trời đẹp tươi...”. Và như lời Thánh Phaolo gửi cho Colose đã viết rằng: “Thiên Chúa đã giao hòa vạn vật nhờ Người và vì Người, nhờ máu Người đã đổ ra trên thập giá, Thiên Chúa ban hòa bình trên trời dưới đất…” (Cl 1, 20).

Như thế, Vương Quốc của Chúa Giêsu là vương quốc tình yêu, quyền hành của Người là vương quyền của tình yêu, hầu cứu độ con người. Và chính vì lý do này, khi bị nộp trước quan tổng trấn La mã, tay bị trói, đầu đội mão gai… Ngài đã phủ nhận rằng: Nước tôi không thuộc về thế gian này.

2. Tham dự vào vương quyền của Ngài

Mừng lễ Chúa Kitô-vua vũ trụ, bên cạnh việc chúng ta tuyên xưng vương quyền của Đức Kitô, tôn vinh Ngài là Vua, là Chúa… thì lẽ đương nhiên, chúng ta sẽ là con dân của Ngài, chúng ta sẽ sống và bước đi trong vương quốc của Ngài. Điều này trước hết sẽ dẫn đưa chúng ta đến một thái độ cần có trong đời sống đức tin. Đó là lòng kính sợ Thiên Chúa, tin tưởng vào sự sống đời sau, về một vương quốc đích thực mà mỗi người mong đợi được bước vào. Hãy thực sự chọn Đức Kitô là Vua, là Cứu Chúa đời mình. Hãy bước đi trong đường lối của Ngu?i. Chỉ nơi Người, chúng ta mới tìm được sự sống viên mãn cho chính mình.

Và dĩ nhiên, lời mời gọi này sẽ hướng chúng ta là con dân ph?i sống tinh thần của chính Đức Vua, là hy sinh, là yêu thương, là tự hiến với toàn thể con người… như vua của mình. Hay nói khác đi, nếu Đức Kitô là Vua Tình yêu của chúng ta thì chúng ta cũng được mời gọi đi con đường của Đức Kitô đã đi: con đường của yêu thương, phục vụ để xây dựng vương quốc của Ngài trên trần gian này; tiếp tục xây dựng vương quốc của huynh đệ, vương quốc của tình thương, vương quốc của công lý và hoà bình… Nhưng đó là một thách đố rất lớn đối với mọi người, song không phải là không làm được.

Chúng ta biết Đức Hồng Y Phanxico Nguyễn Văn Thuận chứ. Một con người của sự sống, của tình yêu, của hy vọng. Trong những ngày chuẩn bị án phong thánh cho ngài, có rất nhiều bài viết về ngài. Trong đó có một bài, với tựa đề: Lời chứng của một tù nhân, do Hòa Giang Đỗ Hữu Nghiêm tổng hợp, giới thiệu đã diễn tả về con người của ngài: nơi ngài không bao giờ có một cử chỉ, một bộc lộ uất hận hằn thù, mà chỉ có yêu thương tràn đày với mọi người, không chỉ đối với những ai có liên quan đến việc bắt giam ngài, hành xử bất kỳ cách nào đối với Ngài. Ông trích dẫn:

Một ngày nọ có một người canh tù hỏi tôi (ĐHY):

- Ông có yêu chúng tôi không?

- ÐHY: Có chứ, tôi yêu các anh

- Nhưng mà chúng tôi đã bỏ tù ông bao nhiêu năm, mà không xét xử, không kết án, vậy mà ông lại yêu chúng tôi à? Đây là điều không thể tin được! Có lẽ không thật đâu!"

- ÐHY: Tôi đã ở với ông nhiều năm, như ông thấy đó, đúng không?

- Khi nào ông được tự do, ông sẽ không sai bổn đạo đến nhà chúng tôi và giết người thân của chúng tôi đãy chứ?

- ÐHY: Không, ngay cả khi các anh có muốn giết tôi đi nữa, tôi vẫn yêu các anh".

- Mà tại sao?

- ÐHY: Bởi vì Chúa Giêsu đã dậy tôi yêu thương tất cả mọi người, kể cả kẻ thù. Nếu không làm như thế, tôi sẽ không xứng đáng là Kitô hữu nữa, không xứng là công dân của Ngài!

Vâng, với ĐHY sống và đối xử với tất cả mọi người bằng tình yêu thì quả là quá dễ dàng. Ngài đã biết bắt trước CGS trần trụi trên thập giá, lột trần những gì là bản tính con người để sống tình yêu hy sinh, dâng hiến; phục vụ bạn tù như CGS đã quỳ xuống rửa chân; tha thứ cho kẻ thù, cho người đánh đập, bắt bớ, hành hạ ngài. Làm được như thế, vì đơn giản ngài có trái tim của Thiên Chúa. Còn chúng ta, tôi thiết nghĩ, chúng ta cũng có thể làm được như ĐHY, chúng ta cũng có thể trở thành thánh nếu chúng ta luôn biết yêu thương như Chúa đã yêu chúng ta; hay nếu chúng ta biết đặt để Chúa làm vua lòng mình.

Và mỗi lần, chúng ta biết xây dựng tình yêu ấy bằng một cử chỉ của yêu thương, của tha thứ cho người người chúng ta gặp gỡ, cho những người trong gia đình, trong cộng đoàn Giáo xứ… dù là nhỏ bé nhất, thì chắc chắn chúng ta cũng sẽ nhận được lời hứa của Đức Giêsu: Hôm nay đây, con sẽ ở cùng Ta trong vương quốc của Ta.

Lạy Chúa, xin đổ tràn tâm hồn con tình yêu của Ngài, để con yêu và sống dấn thân như Ngài. Xin cho con biết Chúa, xin cho con biết con và biết mọi người, để con yêu Chúa yêu người như Chúa đã yêu thương con. Và đó cũng là cách chúng con chinh phục lòng người, lòng đời hôm nay. Amen
 
Văn Hóa
Tâm sự với biển
Trầm Thiên Thu
08:32 21/11/2010
Nhìn xa, biển rất bình lặng và tạo nên một đường thẳng nằm ngang. Nhưng đến gần, và nếu có thể ngâm mình dưới biển, người ta khả dĩ nhận thấy biển chẳng lặng bao giờ mà luôn có lớp sóng xô triền miên vỗ vào nhau, vỗ vào bờ, vỗ vào năm tháng…

Dòng máu lãng mạn đã thâm nhập huyết quản tôi tự bao giờ, bên thơ bên nhạc, trĩu nặng đôi vai yếu đuối. Trang đời viết mãi không thành, lật tới lật lui cũng chỉ thấy những đoản khúc chưa viết xong, những giai điệu chưa trọn giai kết. Đôi khi cảm thấy mình như con ruồi vướng vô mạng nhện, cứ giãy giụa mãi mà không thoát khỏi vòng đời lẩn quẩn.

Tôi không tự đánh lừa mình bằng ảo giác hay khát vọng hão huyền. Tôi nhận biết mình làm gì và ở đâu để tự giải thoát, tìm quên cả chính mình trong gian truân thường nhật. Thân phận con người mong manh và yếu đuối quá, vì “chỉ là cây sậy có lý trí” – như Pascal đã diễn tả.

Biển đời bao la. Thi thoảng những cánh buồm kỷ niệm trôi qua dòng ký ức khiến tôi lặng người dõi nhìn hút theo mà không khỏi nuối tiếc, ngậm ngùi, bâng khuâng,… Tôi lại chỉ biết trải lòng mình qua từng trang viết để tìm chút bình an tâm hồn, tự ru mình ngủ vùi giấc đông. Nhưng đôi khi tôi lại cảm nhận hạnh phúc, “dù chưa làm được những gì mình muốn thì cũng muốn những gì mình làm” (Gordon). Sự hiể biết của tôi quá hữu hạn và nhỏ nhoi. Chính bác học Newton còn tự nhận: “Những gì tôi biết chỉ là giọt nước, còn những gì tôi không biết lại là đại dương”.

Chiều lên dần, cao dần, cao đến nỗi tôi không còn thấy ráng chiều lấp ló ở những tán lá cao nữa. Chiều càng cao, lòng tôi càng trầm lắng. Có khoảng trống nào mênh mông với nhịp-tĩnh-động như biển… Tôi chợt nghĩ tới NS Trịnh Công Sơn và đồng cảm với tâm sự trong ca khúc Sóng Về Đâu: “Biển sóng biển sóng đừng xô tôi, đừng xô tôi ngã dưới chân người…”.

Lạy Chúa, Tình Chúa là Đại Dương bao la, con chỉ là giọt nước nhỏ nhất trong Đại-Dương-Chúa, nhưng Chúa vẫn muốn có giọt-nước-con hòa tan trong đó. Đôi khi giọt-nước-con không muốn hòa tan, nhưng Đại-Dương-Chúa vẫn kiên trì chờ đợi, và vì quá yêu con – dù con không là gì, Đại-Dương-Chúa vội dâng sóng lên kéo giọt-nước-con vào lòng Đại-Dương-Chúa. Có khi giọt-nước-con nằm trơ trọi trên cát nóng, nắng thiêu đốt khiến giọt-nước-con sắp bốc hơi thì thủy triều lại dâng cao hòa tan giọt-nước-con hòa tan vào Đại-Dương-Chúa.

Lạy Chúa, xin thêm đức tin cho chúng con (Lc 17:5), và xin Ngài hãy nói vì tôi tớ đang lắng tai nghe (1S 3:10).
 
Vợ chồng hay chỉ sống chung?
Trầm Thiên Thu
08:33 21/11/2010
Vợ chồng hay chỉ sống chung?

Không đóng kịch, không xung đột, vợ chồng sống chung nhiều năm và cùng nuôi dạy con cái. Vẫn còn tình yêu nhưng “lửa tình” đã… giảm. Bạn chợt nhận ra rằng hôn nhân mà thiếu tình dục. Đa số các cặp vợ chồng không biết mình trông mong gì ở mối quan hệ lâu dài trong cuộc sống hôn nhân.

Sự nhàm chán đó cũng là điều bình thường. theo một cách nào đó, bạn nên hãnh diện về hôn nhân của mình. Bạn có người bạn đời không đóng kịch, bạn cũng không vướng vào rượu chè, cờ bạc hoặc nghiện ngập. Vợ chồng không có gì đáng trách. Nhận ra điều đó thì bạn sẽ cố gắng thoát khỏi sự buồn tẻ, nếu không sẽ nguy hiểm, vì khoảng cách càng xa cáng dễ ly hôn.

Sự nhàm chán trong hôn nhân có các dấu hiệu: Cuộc sống hai người “song song”, không gặp nhau nhiều, nói những điều quan trọng với bạn bè mà không nói với nhau. Đó là các vấn nạn!

“Cái lưỡi sắc bén” là cờ báo nguy (red flag) về sự thất vọng trong mối quan hệ hời hợt, thiếu đam mê. Nếu bạn hung dữ và coi thường nhau, đó là dấu hiệu cảnh báo. Có thể không xảy ra luôn luôn nhưng thường xuyên. Người kia sẽ cảm thấy bị khinh thường và thất vọng.

“Giải phẫu” tình yêu

Hãy thực tế. Đam mê ban đầu sẽ thay đổi sau 18 tháng. Một thực tế hiển nhiên dù không ai muốn. Nếu bạn muốn gì, hãy bày tỏ và cố gắng áp dụng. Tuổi tác có thể làm giảm chức năng tình dục, nhưng nghiên cứu khoa học cho thấy 65% vẫn khả dĩ “yêu” rất hiệu quả. Đừng quá lo!

Hãy loại bỏ các động thái tiêu cực về người bạn đời, đừng suy diễn mà hãy đối thoại và bày tỏ quan điểm của mình. Có đối thoại thì mới khả dĩ hiểu nhau đúng. Về mức độ và kỹ thuật trong “chuyện ấy”, đừng ngại bày tỏ và đề nghị. Biết ý thích của nhau để chiều nhau, do đó mà cả hai cùng hạnh phúc và mãn nguyện.

Nếu vợ/chồng không sẵn sàng thì hãy nói rằng cả hai cần nói chuyện, không thể người thế này người thế kia rồi lạnh nhạt ân ái, thậm chí là không ngó ngàng gì tới “chuyện ấy”.

Tuổi tác có thể khiến người ta trầm cảm và dễ bực tức, họ luôn rập khuôn. Nhiều phụ nữ than phiền rằng họ muốn và sẵn sàng nhưng không thể làm cho chồng “đổi mới” để áp dụng phương pháp và kỹ thuật mới.

Thường thì sự bực tức và nóng tính là vỏ che đậy sự trầm cảm và lo âu. Với liệu pháp tâm lý và y dược, sự lo âu và trầm cảm có thể biến mất. Chồng không chịu đi tư vấn thì vợ cứ đi – và ngược lại. Tư vấn tâm lý sẽ giúp bạn tìm ra chiến lược hiệu quả để vượt qua chính mình, vượt qua những tình huống khó xử.

Lên lịch tình yêu

Hãy nghĩ rằng tình dục như việc tập thể dục, hoạt động thường xuyên để duy trì sự ham muốn lâu bền. Đừng câu nệ thời gian, lúc nào cũng được, không cứ gì phải ban đêm, và cũng đừng câu nệ nơi chốn. Thời gian và địa điểm không quan trọng, vấn đề là vợ chồng có thích và thoải mái hay không.

Ngoài 40 tuổi, không dùng “vốn tự có” thì sẽ… “suy giảm”. Đó là quy luật đào thải tự nhiên. Hãy cố gắng tạo cảm hứng lẫn nhau, dù không làm “chuyện ấy” thì cũng nên âu yếm vuốt ve nhau để duy trì sự thân mật phu thê. Nói chung, hãy tìm mọi cách nhen nhóm “lửa tình” để sưởi ấm hôn nhân.

Càng có tuổi thì “khúc dạo đầu” càng quan trọng, vì quá trình đó giúp kích thích sự ham muốn. Khi trẻ, người ta có thể vào thẳng vấn đề, nhưng khi có tuổi thì người ta chầm chậm… “vào cuộc” – lợi ích cả tâm lý lẫn thể lý.

Tình yêu không có tuổi. Bạn có thể già về sinh học, vì đó là quy luật tự nhiên, nhưng tình yêu và đam mê không già, bạn đừng để chúng chết yểu! Hôn nhân là một trong 7 Bí tích Thiên Chúa đã thiết lập, nghĩa là rất quan yếu. Ngài cũng đã luôn quan tâm vấn đề tình yêu – hôn nhân – gia đình, bằng chứng là các thánh sử đã ghi chép lại qua những tranh Thánh kinh. Vì thế, con người cũng phải luôn trân quý tình yêu, ưu tiên chăm sóc hôn nhân và gia đình không ngừng vậy!
 
Lá thư Canada: Xin tạ ơn
Trà Lũ
16:27 21/11/2010
Lá thư Canada: XIN TẠ ƠN

Rừng phong gần nhà tôi đang đổi mầu, đẹp vô cùng. Đầu xuân rừng khoác tấm áo mầu mạ non, mát mắt hết sức. Vào hè rừng mặc áo xanh biếc. Cuối thu, khi ngọn gió lạnh se sắt từ phương bắc thổi về thì tấm áo xanh biếc đổi sang màu vàng rực rỡ, rồi hồng, rồi đỏ, rồi đỏ tươi, rồi đỏ thắm. Tấm áo đổi màu khônh đồng đều, chỗ này hồng chỗ này tía, chỗ kia ngọc thạch, tùy vùng nhận ánh nắng. Từ xa ta thấy cánh rừng đẹp lộng lẫy. Rất đông du khách phương xa đang đến đây để chiêm ngưỡng rừng cuối thu. Du khách nào trên tay cũng lăm lăm máy ảnh, máy quay phim.

Các nhà khoa học cho biết rừng thu Canada đẹp vì nhờ những lá phong. Cây phong có mặt khắp nơi trên thế giới, nhưng chỉ cây phong ở Canada mới cho mật ngọt làm ra đường. Vì cái chất ngọt ngào này mà lá phong trở nên muôn sắc. Thi sĩ Lưu Trọng Lư mà còn sống và nhìn thấy rừng thu Canada thì chắc ông sẽ làm thêm hàng trăm bài thơ bất hủ nữa.

Nhìn rừng phong đổi màu thì dân Canada biết Lễ Tạ Ơn đã đến. Canada mừng lễ này sớm hơn Hoa Kỳ những một tháng. Canada cái gì cũng đi trước Hoa Kỳ, như lễ Độc Lập chẳng hạn. Lễ Tạ Ơn có gốc từ ngày xưa khi các di dân da trắng tạ ơn Thiên Chúa đã cho họ tới miền đất an lạc bằng an và đầy lương thực. Nhờ người Da Đỏ, họ đã có ê hề thực phẩm. Nào bí đỏ, nào bắp ngô, nào khoai lang.

Ba thứ trái này năm nào cũng được trưng bầy rất nhiều chung quanh bàn thờ nơi giáo đường của Cha Paolo. Cac cụ còn nhớ Cha Paolo của nhóm chúng tôi không ? Ngài là một linh mục Canada nhưng gốcÝ. Ngài theo cha mẹ sang Canada khi ngài 10 tuổi. Ngài vẫn còn dòng máu Ý trong người. Chính nhà thờ của ngài đã bảo trợ gia đình cụ Chánh từ trại tỵ nạn sang Canada. Vì cụ Chánh là tiên chỉ làng An Lạc của chúng tôi nên tất cả dân làng đều quen biết và yêu mến ngài. Tháng trước nghe tôi kể chuyện Đức Đạt Lai Lạt Ma tiếp một người Do Thái theo đạo Công Giáo, ngài khuyên anh nên tiếp tục sống cho trọn vẹn đạo Chúa, không cần phải bỏ đạo Chúa mà theo đạo Tây Tạng, cu Chánh liền bảo: Sao ông Cha Paolo giống y như Đức Đạt Lai Lạt Ma. Thấy dân làng còn ngơ ngác thì Cụ Chánh kể: Khi gia đình tôi vừa từ trại tỵ nạn Pulao Bidong sang tới phi trường Toronto thì đã thấy Cha Paolo và ban giáo xứ của ngài chờ sẵn. Sau lời chào mừng và thăm hỏi thì ngài nói ngay: Chúng tôi đã biết rõ gia đình Cụ theo đạo Ông Bà, bởi vậy chúng tôi tuy đứng bảo trợ nhưng không hề có ý chinh phuc cụ và gia đình nhập đạo Công Giáo. Xin Cu và mọi ngươi hãy tiếp tục sống đúng tôn giáo của mình. Cụ Chánh nghe đến đây thì nước mắt ràn rụa rồi ôm lấy Cha Paolo. Cụ bảo xưa nay tôi không khóc công khai và chưa hề ôm ai, thế mà nghe Cha Paolo nói xong thì tôi không ngăn được xúc động. Từ đó đến nay, đã mấy chục năm, Cha Paolo vừa là ân nhân bảo trợ vừa là bạn của cả gia đình.

Năm nào cũng vậy, cả làng theo chân Cụ Chánh đi lễ Tạ Ơn ở nhà thờ Cha Paolo để bày tỏ long tri ân, tri ân Thiên Chúa, tri ân nước Canada, tri ân Cha Paolo và giáo xứ của ngài. Lễ xong bao giờ làng cũng được Cha đãi cơm ngay tại nhà xứ. Các cụ đoán được thực đơn bữa cơm truyền thống của Lễ Tạ Ơn rồi chứ ? Đã thành truyền thống nên bao giờ cũng có món gà tây, món bí đỏ, món khoai nghiền, và món bắp luộc. Năm nay thêm món mì spaghetti của Ý. Tráng miệng là 2 món rất Ý, đó là bánh tiramisu và biscotti. Cụ nào chưa biết hai món bánh này thì xin ghé qua một hiệu Ý mà ăn thử. Ngon quên chết.

. Sang đây, dự lễ Tạ Ơn này rồi tôi mới biết là trái bí ngô, bắp ngô, khoai lang có gốc từ Mỹ Châu, sản phẩm chính của dân Da Đỏ. Từ Mỹ Châu ba thứ này mới lan ra khắp thế giới. Báo chí vừa đăng hình một qủa bí ngô to hết sức, nặng 644 kí lô, do gia đình ông Jeff Reid thuộc bang Nova Scotia trồng. Các cụ đã thấy xứ Canada này là xứ thần tiên chưa, một hạt bí bé xíu mà cho một trái bí khổng lồ, 5 người ôm chưa hết một vòng. Xin hợp ý với người xưa tạ ơn Thương Đế.

Lại còn khoai nữa. Báo chí gần đây đã đăng rất nhiều bài ca ngợi khoai lang sweet patoto về công dụng chữa được trăm bệnh, nổi bật nhất là bệnh tiểu đường. Đúng như lời Chúa phán trong đầu sách Thánh Kinh: Rau cỏ và trái cây trong vườn chính là thuốc chữa bệnh cho các con.

Năm nay, ngoài việc tạ ơn Thượng Đế về các thực phẩm tươi tốt và sung mãn thường lệ, Canada còn tạ ơn về một hồng ân đặc biệt, đó là một công dân miền Québec được Giáo Hội Công Giáo Roma tôn vinh lên bậc hiển thánh ngày 17 tháng 10. Đó là Thánh Alfred Bessette, xưa nay quen gọi là Thày André ở Montréal. Các du khách khi đến Canada thì thường bao giờ cũng ghé Montreal, thủ phủ của miền nói tiếng Pháp ở Bắc Mỹ. Mà đến Montreal thì bao giờ cũng đến viếng đền Thánh Giuse quen gọi là Oratoire St.Joseph của Thày André.

Đọc tài liệu về Thánh Bessette này, ta mới thấy ThàyAndré qủa là bậc đại thánh. Ngài xuất thân từ một gia đình nghèo, mồ côi cha mẹ sớm, thất học, đã từ Montréal sang Hoa Kỳ làm nghề khuân vác, khi trở về Canada vẫn nghèo túng đói khát. Nhờ lòng đạo đức từ bé, sau khi nếm trải đủ mùi đau khổ ở đới, năm 28 tuổi ngài xin đi tu. Nhà dòng đặt tên cho ngài là Thày André và giao cho ngài công tác chính là canh cổng và làm them những việc chân tay như cắt tóc cho học sinh, quét dọn và giúp đỡ các bệnh nhân trong bệnh xá bên cạnh. Thày André có lòng tôn kính Thánh Giuse đặc biệt. Thày luôn luôn khuyên các bệnh nhân cầu khấn với Thánh Giuse. Nhiều người xin Thày cầu nguyện giúp. Thày đã giúp, Và rất nhiều người đã được chữa lành. Nhiều người đã được phép lạ. Tiếng lành đồn xa. Ai cũng chạy đến Thày André. Sau 40 năm canh cổng, thày André được bề trên cho phép làm một nhà nguyện nhỏ trên đồi để tôn kính Thánh Giuse. Danh từ Oratoire St Joseph xuất hiện từ đây. Ban đầu căn nhà thờ rất nhỏ và bằng gỗ. Sau này, khách thập phương tuôn đến và đã giúp Thày xây nên một ngôi thánh đường nguy nga tráng lệ. Nhiều bệnh nhân khi đến đây cầu khấn, được Thánh Giuse chữa lành, đã bỏ lại nạng gỗ và gậy chống để làm chứng tích. Số nạng và gậy cũng như những bảng đá tạ ơn này nhiều vô vàn, nhiều y như bên hang đá Đức Mẹ Lộ Đức ở Pháp vậy. Thày André sống tới 91 tuổi. Khi Thày qua đời năm 1937, một triệu người đã đến viếng xác và thời gian phải kéo dài tới 6 ngày để mọi người có thể tới chào kính. Xác thày được mai táng phía sau bàn thờ. Du khách có thể tới viếng mộ ngài ngay trong thánh đường.

Kính mời các cụ phương xa mùa này tới xem rừng phong Canada, rồi tiện đường tới viếng mộ Thày André tức Thánh Alfred Bessette nha. Canada có nhiều cái đáng xem lắm.

Ngoài ra xin khoe các cụ tin Thế Vận Hội. Xứ này là xứ thể thao. Đầu năm 2010 Canada đã tổ chức Thế Vận Hội mùa đông ở Vancouver. Tháng Mười này Canada đã gửi một đoàn 255 lực sĩ đi tham dự Thế Vận Hội Khối Thịnh Vượng Chung tại Ấn Độ. Các cụ có biết người cầm cờ dẫn đầu đoàn lực sĩ Canada là ai không ? Thưa, đó là Cô Carol Huỳnh gốc Việt Nam. Sở dĩ cô Việt Nam này được tuyển chọn cầm cờ là vì trong Thế Vận Hội Mùa Hè 2008 tại Bắc Kinh cô đã đoạt huy chương vang giải đô vật nữ. Tại Ấn Độ, sau lễ khai mạc mà cô cầm cờ, Carol Hùynh lại đoạt giải đô vật huy chương vàng lần thứ hai, hạ đo ván cô Nirmala Devi một lực sĩ tên tuổi của Ấn Độ. Chung kết, Canada đoạt 26 huy chương vàng, 17 bạc và 32 đồng và đứng hạng thứ 4 sau Úc, Ấn và Anh. Đẹp qúa chứ.

Anh John trong làng tôi khi nghe tin vui về Cô Carol Huỳnh đã trêu vợ: Cô Carol thắng cô Ấn Độ chắc là vì cái gốc nước mắm VN. Rõ ràng nước mắm VN bổ dưỡng hơn món cà ri !

Cũng chưa hết tin vui về thể thao. Canada vừa được ủy nhiệm tổ chức Thế Vận Hội Pan-Am Games tức là Thế Vận Hội Liên Mỹ Châu vào năm 2015. Theo tin sơ khởi thì đã có 42 nước ở Mỹ Châu ghi danh tham dự và họ sẽ gửi một đoàn lực sĩ khoảng 1200 người. Nơi tổ chức là thành phố Toronto thân yêu này. Toronto là tiếng Da Đỏ, có nghĩa là ‘nơi gặp gỡ’. Phe ta đọc là ‘Tổ Rồng To’. Đúng qúa chứ. Người Da Đỏ là con Mẹ Âu Cơ, gốc tổ VN, nên xin gặp gỡ con cháu nơi này. Kính mời các cụ phương xa đến Toronto năm 215 nha.

Về mặt dân số, Canada vừa công bố có 34.108.000 người. Nơi đông dân nhất là bang Ontario 13 triệu, Quebec 7 triệu, British Columbia 4.5 triệu. Canada lớn hơn nước Việt Nam 30 lần mà dân số thì nhỏ xíu. Anh John trong làng tôi cứ bảo: Mai này mà các nhà khoa học chứng minh được người Da Đỏ có gốc Việt Nam thì dân VN cứ việc sang đây sống thoải mái, vì sang đất Da Đỏ là đất anh em nhà mình mà. Các cụ có nghĩ như chúng tôi không ?

Về thời sự thì có tin này mang nhiều ý nghĩa: Các cụ còn nhớ chuyện cô Anne Frank bên Đức không? Cái cô gái bé nhỏ gốc Do Thái phải sống trên một căn phòng nhỏ sát mái nhà để trốn Đức Phát Xít thời đệ nhị thế chiến ấy mà. Cô bé đã sống trong phập phồng lo sợ. Từng ngày, cô ghi chép cuộc sống vào nhật ký, và làm bạn với một cây dẻ cỏn con. Về sau cô bị phát giác, bị bắt, bị giam rồi chết trong tù.. Cây hạt dẻ của cô đã đi vào lịch sử. Người ta đã cố vun trồng và săn sóc cây dẻ này. Nó đã sống được 167 năm. Trước khi nó chết, người ta đã kịp nhân giống nó ra nhiều cây con. Và phân phát cây con lịch sử này đi khắp thế giới. Một cây hạt dẻ con đã được mang sang trồng ở thủ đô Canada, gần đài tưởng niệm các nạn nhân Phát Xít. Nghe nói một cây nữa cũng sẽ được trồng ở thủ đô Hoa Thịnh Đốn.

Tin thời sự thứ hai là hạ tuần tháng Mười vừa qua, tại Toronto miền đất hạnh phúc của tôi có cuộc bầu cử đô trưởng và hội đồng thành phố. Người đắc cử đô trưởng là ông Robert Ford, 41 tuổi. Ông và em ông đều là nghị viên thành phố lâu năm. Cha ông là dân biểu tỉnh bang cũng lâu năm. Ông Robert Ford trước đây đã là là nghị viên thành phố 10 năm. Ông tự hào không ai biết rõ Toronto bằng ông. Ông ngứa mắt về nhiều việc Ông đã xắn tay áo ra tranh cử, và hứa sẽ làm cho Toronto thành một thành phố toàn bích. Nhất định ông sẽ cải tiến hệ thống chuyên chở công cộng, sẽ tối tân hoá xe bus và xe điện ngầm, sẽ làm luật cấm nghiệp đoàn lái xe bus và nghiệp đoàn đổ rác không được quyền đình công. Danh sách tranh cử rất dài, xứ này là xứ tự do dân chủ mà. Sau khi ông Ford được công bố thắng cử thì các ứng viên khác đều đến bắt tay chúc mừng và tuyên bố sẵn sàng cộng tác với ông. Điều này khác xa Việt Nam. Tôi nhớ ngày xưa tại quê mình, cứ mỗi lần có cuộc bầu cử và sau khi ban tổ chức công bố tên người thắng cuộc thì đa số các ứng viên khác đều tuyên bố không công nhận kết quả đầu phiếu, đa số đều tố cáo bầu cử gian lận.

Thành phố nhỏ Mississauga bên cạnh Toronto cũng có cuộc bầu cử cùng ngày, và ứng cử viên Hazel McCallion, 89 tuổi, đã thắng cử lần thứ 12. Tháng trước tôi đã trình các cụ về bà già gân này và ai cũng tiên đoán bà thắng cử tuy bà không hề đi vận động. Bà tuyên bố sẽ về hưu sau nhiện kỳ này. Tính ra bà đã làm thị trưởng liền tù tì từ năm 1978 đến nay, sơ sơ mới có 32 năm. Không biết trên thế giới có vị thị trưởng nào tại chức lâu như vậy không ?

Tôi xin kể thêm về ngày lễ Tạ Ơn trên đây. Vì bữa tiệc được đãi tại nhà xứ Cha Paolo nên dân làng đã phải nghiêm chỉnh mấy tiếng đồng hồ liền, ai cũng thấy mệt. Sau khi cám ơn và cáo từ Cha Paolo, tất cả dân làng kéo ngay về nhà cu Chánh và đòi cụ bữa tiệc thứ hai. Mấy bà thì tuy khen món gà tây lạ miệng nhưng không thích bao nhiêu. Các bà nhớ nước mắm và nhớ tiếng cười. Khi về tới nhà cụ Chánh, phe liền ông chúng tôi, tức các nhà quân tử trong làng đã họp hội nghị ở phòng khách để bàn các việc quốc sự, còn phe các bà thì chị chị em em tíu tít trong bếp. Loáng một cái các bà đã nấu xong nồi phở gà, Ngon ơi là ngon.

Ông OPD vừa ăn phở vừa cười ha hả. Ông bảo bữa nay làng ta thật hạnh phuc, trưa được ăn cơm Canada với gà tây bí đỏ, chiều được ăn cơm ta với phở gà nước mắm. Thiên đàng là đây chứ đâu xa. Tất cả chúng ta phải cám ơn Trời Phật đã đưa chúng ta tới xứ thiên đàng này. Sau khi cám ơn Trời Phật, tôi xin theo đúng truyền thống ở đây là ngỏ lời cám ơn các bà, đặc biệt các bà vợ. Nhiều ông ở đây đã gọi vợ mình là ‘ bà bề trên’, tôi nghĩ cái danh xưng này thật đúng. Các bà vợ thường được tán tụng trên văn đàn rất nhiều. Ngay ngày hôm qua, tôi được một chú em ở Hoa Kỳ gửi sang cho 2 bài thơ dài tán tụng các bà vợ. Nhân lễ Tạ Ơn, tôi xin trích đọc sơ sơ mấy đoạn chính:

Vợ là con Phật con Trời
Rẽ mây bước xuống làm người trần gian
Vợ là khối óc bàn tay
Vợ là bác sĩ tháng ngày trông ta
Vợ là nụ, vợ là hoa
Vợ là chồi biếc, vợ là mùa xuân
.. .
Kính vợ đắc thọ
Sợ vợ sống lâu
Nể vợ bớt ưu sầu
Để vợ lên đầu là trường sinh bất tử
.. .
Làm chồng muốn được ấm no
Việc gì quan trọng giao cho vợ nhà
Làm chồng khiêm tốn thật thà
Phải biết sợ vợ cửa nhà mới yên

Dân làng nghe xong thì vỗ tay ào ào, phe các bà gật gù ra vẻ bằng lòng lắm.

Anh H.O. liền nổi hứng bảo rằng các bà vợ chính là nguồn hạnh phúc thật. Còn các bà vợ bé, bồ nhí thì sao đây? Họ là nguồn hạnh phúc thật hay giả? Tôi xin kể các bạn nghe một câu chuyện vừa đọc trên liên mạng, không biết nhân vật trong chuyện này có hạnh phúc thật hay giả, chúng ta sẽ bàn chuyện này sau.

Rằng có một ông giám đốc kia đi làm về đang ngồi salon chờ cơm chiều, bỗng tiếng chuông điện thoại cell phone reo. Bà vợ đang làm bếp lắng tai nghe.

Giám Đốc: A lô

Bồ nhí: Em nhớ anh qúa!

GĐ: Biết rồi

Bồ nhí: Anh hôm nay sao vậy. Anh còn nhớ em hông?

GĐ: Nguyễn Văn Còn

Bồ nhí: Bà xã anh đang ở nhà hả?

GĐ: Vũ Văn Phải

Bồ nhí: Tối nay mình gặp nhau nha.

GĐ: Lê Văn Bận

Bồ nhí: Vậy khi nào gặp?

GĐ: Trần Văn Mai

Bồ nhí: Sáng hay chiều hả anh?

GĐ: Hoàng Văn Chiều

Bồ nhí: Mấy giờ anh yêu ?

GĐ: Đinh Văn Bảy

Bồ nhí: Vẫn ở khách sạn cũ hả ?

GĐ: Trần Y Nguyên

Bồ nhí: Cho em tiền như mọi lần nha

GĐ: Lê Văn Thuận

Bồ nhí: À quên, cho em thêm tiền để em mua cái áo đầm loại mới nha

GĐ: Hồ Văn Được

Bồ nhí: Anh hứa nha

GĐ: Ngô Văn Hứa

Bồ nhí: OK, ngày mai, buổi chiều, 7 giờ, ở khách sạn cũ, em sẽ chìu anh hết mình. Hun anh.

Giám Đốc tắt máy. Nói to tiếng, giọng giận dữ:

- Bực mình, có cái danh sách khen thưởng nhiêu người mà văn phòng hổng nhớ.


Dân làng vỗ tay khen chuyện hay, và các bà luận rằng ông giám đốc này không có hạnh phúc thật. Cái gì ăn vụng tuy có ngon nhưng không bao giờ là ngon thiệt tình, và không bền lâu. Ông ODP góp ý: Vì vậy người ta mới bảo vợ là cơm và bồ nhí là phở mà. Phải nhận rằng cái ông giám đốc trên đây thật là lanh trí và đóng kịch thiệt giỏi. Bà vợ nghe hết đối thoại mà đâu có ngờ. Tôi cũng có một câu chuyện về bồ nhí và anh chồng lanh trí như sau:

Có một ông chồng sau khi tan sở thì về nhà bồ nhí. Hai người du dương muì mẫn hết mình. Mãi 8 giờ tối ông chồng mới bò dậy được. Trong khi bận quần áo thì ông ta bảo cô bồ nhí đem đôi giày của ông ra chùi vào đám cỏ ngoài vườn và quẹt thêm chút đất vào nữa. Khi về tới nhà thì bà vợ hét lên:

- Ông đi đâu mà bây giờ mới về?

Ông chồng tỉnh bơ nói:

- Tui đến nhà bồ nhí du dương một tí bây giờ mới xong

Bà vợ nhìn xuống đôi giày rồi cười gằn:

- Nè, ông đừng qua mặt con gái già này nha, tôi biết ông đi chơi golf. Tôi đã cấm ông chơi golf mà sao ông cứ trốn tôi chơi, về nhà còn bày đặt nói đến nhà bồ nhí?

Dân làng nghe xong liền vỗ tay khen là chuyện hay, anh chồng lanh trí, che mắt được bà vợ. Anh H.O. lên tiếng: Xin được trở lại câu chuyện ông giám đốc và bồ nhí trên đây của tôi. Khoan nói về chuyện hạnh phúc thật với hạnh phúc giả, bây giờ xin đố cả làng: hai nhân vật trong chuyện là người Bắc hay người Nam ?

Ha, câu hỏi gay cấn đây, phải không các cụ. Cô Tôn Nữ liền nói: Chắc phải là Bắc Kỳ thì mới lanh trí và mưu mô như vậy. Cô Cao Xuân thì lắc đầu: cứ nghe lời điện thoại thì rõ ràng đây là ngôn ngữ Nam Kỳ. Các cụ có ý kiến gì không cơ? Dân làng nghĩ một chập rồi ai cũng gật dù đồng ý với cô Cao Xuân. Cụ B.95 lên tiếng:

- Hai người trong chuyện nói tiếng Nam mà, chứ có phải tiếng Bắc đâu. Tiếng Nam thì mới du dương như vậy, chứ tiếng Bắc Kỳ bây giờ hết du dương rồi, vì nó vừa lai giọng Tàu, vừa pha giọng Thanh Nghệ Tĩnh, khó nghe lắm.

Ông ODP nghe cụ B.95 nói xong liền cười hà hà rồi phát biểu:

Tiếng Miền Nam mới chính là tiếng Việt thuần túy và tinh ròng. Lời tôi nói có lạ tai các bác không cơ. Nghe như chuyện đùa mà là chuyện thực đây. Tội xin chứng minh. Người di dân đi tới đâu bao giờ cũng mang theo ngôn ngữ mẹ đẻ đến đó. Chứng cớ rõ ràng và hùng hồn nhất là tiếng Pháp đang nói ở bang Québec bây giờ. Đó chính là tiếng Pháp của thế kỷ thứ 17 khi những đợt di dân từ Pháp thời đó đem tới thuộc địa Canada này. Hiện nay nhiều người nói tiếng Pháp giọng Quebec khi sang tới Paris đã làm nhiều người Pháp ngạc nhiên vì nói khó hiểu qúa. Bởi vậy, năm 1954, dân Hà Nội di cư vào Nam đã mang theo tiếng tinh ròng Hà Nội vào. Còn ngoài đó, năm 1954, dân trong bưng, dân Thanh Nghệ Tĩnh, dân Thái Bình Nam Định ùa vào Hà Nội. Dân Hà Nội thiểu số còn lại tự nhiên phải tiếp thu một ngôn ngữ mới, giọng lơ lớ. Không tin các bác cứ hỏi Cụ B.95 đây mà xem

Cu B.95 gật gù: Đúng vậy. Hồi đó Hà Nội nhan nhản dân từ miền Trung ra, dân gốc từ quê Hồ Chí Minh, quê Võ Nguyên Giáp, quê Phạm Văn Đồng, họ nói giọng trọ trẹ khó nghe vô cùng. Rồi cái giọng trọ trẹ đó pha trộn với giọng miền biển Nam Định Thái Bình và đẻ ra cái giọng Hà Nội bây giờ. Các bác cứ nghe đài VN bây giờ thì thấy rõ.

Chị Ba Biên Hòa nghe đến đây thì sung sướng qúa sức. Chị nói lớn với anh John: Anh thấy chưa, chúng mình nói tiếng Miền Nam tức là tiếng Việt nguyên thủy và tinh ròng đó nha.

Cả làng phá ra cười và vỗ tay ầm lên. Thấy dân làng sung sướng như vậy thì Cụ Chánh chủ nhà vui mừng qúa chừng. Cụ bảo thiên đàng đâu có ở xa, thiên đàng là đây, nơi cái làng An Hạ này. Xin tạ ơn Thượng Đế đã đưa chúng tôi đến miền đất hạnh phúc. Chúng tôi trốn CS bỏ lại hết tài sản mà chạy trắng tay, ai ngờ được Trời dẫn đến miền đất an lạc và thịnh vượng Canada. Về già mà Chúa cho chúng tôi phúc đức đầy tay thế này.

Anh John lên tiếng: Cháu thấy Cụ giống y như ông giám mục Desmond Tutu ở Nam Phi mà báo Time vừa đăng. Các bạn biết không, số Time ra ngày 11 tháng Mười Một vừa qua viết một bài rất hay ca ngợi ông giám mục già Tutu, họ gọi ông là ‘ The Laughing Bishop’, một giám mục lúc nào cũng cười. Tiếng cười của ông đã mang bình an đến cho mọi người. Ông đã nói tiên tri rằng chế độ kỳ thị da mầu ở Nam Phi sẽ phải chấm dứt. Ông nói lời này trong đám tang nhà lãnh tụ Steve Biko ngày 25.11.1977, tức là 16 năm trước khi chế độ kỳ thị ở Nam Phi sụp đổ. Rồi anh John nhìn cụ Chánh và nói tiếp: Cụ ơi, xin cụ hãy nói tiên tri về chế độ Cộng Sản như giám mục Tutu đã nói về chế độ kỳ thị trắng đen đi. Bên Tàu, thủ tướng cộng sản Ôn Gia Bảo đã lên tiếng cảnh báo chế độ đỏ phải thay đổi, không phải ông chỉ nói một lần mà những 8 lần. Bên VN nghe đâu cũng đã rục rịch. Xin Ơn Trên phù hộ quê hương Việt Nam.

Cụ Chánh được anh John ca ngợi như vậy thì bối rối. Cụ bảo cụ không dám nói tiên tri, nhưng xin nói những gì đang nghĩ trong đầu: Chúng ta hãy cảm tạ Ơn Trên đã cho chúng ta được hạnh phúc như thế này, và hãy dem cái hạnh phúc đang có mà chia sẻ cho những ai chưa có. Hãy bắt chước nhà triệu phú Karl Rabeder bên Áo. Ông Rabeder đang bán tài sản để giúp đỡ những người nghèo ở Trung Mỹ và Nam Mỹ. Ông tuyên bố với báo chí là ông đã tìm được hạnh phúc thật sau khi rũ bỏ tất cả những gì mình làm sở hữu chủ.

Các cụ nghĩ sao về lời trên đây của Cụ Chánh ? Riêng cá nhân tôi thì tôi nghĩ rằng cụ Chánh đã đến bên cổng Thiên Đàng.
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Cầu Nguyện – Let Us Pray
Nguyễn Đức Cung
21:47 21/11/2010
CẦU NGUYỆN – Let Us Pray

Ảnh của Nguyễn Đức Cung

Trước tin buồn Linh mục Trần Cao Tường Giám Đốc Trang nhà Dũng Lạc đã về nhà Chúa.

Toàn Ban Biên Tập Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền, và các Văn Nghệ Sĩ cộng tác trong trang mục Làng Văn Hữu Dũng Lạc.

Dâng lời nguyện xin Chúa ban cho linh hồn Linh mục André Trần Cao Tường hưởng phúc trường sinh nơi nước Chúa hằng cửu.

Cũng xin Chúa an ủi những người thân yêu và bạn hữu đã cùng Cha phụng vụ Thiên Chúa trên con đường tâm linh cũng như văn học.

Click here to go to PhotoArt Meditation Room - Phòng ?nh Ngh? Thu?t và Chiêm/Ni?m/Thi?n