Ngày 09-12-2010
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Canh thức Giáng Sinh 2010
Lm Giuse Nguyễn Hưng Lợi DCCT
07:16 09/12/2010
CANH THỨC GIÁNG SINH 2010

Trong Năm Thánh Giáo Hội Việt Nam



VINH DANH THIÊN CHÚA TRÊN TRỜI

BÌNH AN DƯỚI THẾ CHO NGƯỜI THIỆN TÂM
( Lc 2, 14 )

Kính thưa cộng đoàn

Đêm nay trên khắp thế giới, người Kitô hữu nao nức, sốt sắng mừng Chúa Giáng Sinh. Chúa đã giáng sinh nơi hang đá máng lừa Bêlem cách đây 2010 năm rồi. Nhưng đêm, nay Con Thiên Chúa làm người, Đấng Em-ma-nu-en, Thiên-Chúa-ở-với-con-người vẫn đang sinh ra nơi thế giới, vẫn đang sinh ra nơi tâm hồn của từng người. Chúa Giêsu là Tình Yêu. Mầu Nhiệm Con Thiên Chúa Giáng Sinh làm người vẫn đang hiện thực, đang sống động giữa nhân loại. Chúa đã giáng sinh nơi hang đá Bêlem năm xưa, thì đêm nay Ngài cũng đang hiện diện nơi các máng cỏ, nơi tâm hồn của những con người thành tâm thiện chí. Lời của các thiên thần hát vang trên không trung ca mừng Con Thiên Chúa giáng trần: ” Vinh danh Thiên Chúa trên trời.Bình an dưới thế cho người thiện tâm” ( Lc 2, 14 ) vẫn như thúc giục mọi người chúng ta hãy mau tới Bê Lem để cung bái Hài Đồng Giêsu…

Vì thế, giờ canh thức này khơi lại cho chúng ta niềm tin để chúng ta tin nhận một Mầu Nhiệm Tình Thương tuyệt vời Thiên Chúa trao ban cho nhân loại. Ước mong mỗi người chúng ta hãy đọc ra được những dấu chỉ yêu thương của Chúa để chúng ta luôn biết tin nhận Chúa và tôn kính Chúa đặc biệt trong Năm Thánh của Giáo Hội Việt Nam vẫn chưa kết thúc…

NOEN TRÊN VÙNG CAO ( dạo nhạc nhẹ )

Đêm nay Chúa giáng sinh

Nơi hang đá vùng cao

Gió lạnh căm se tới

Hài nhi rét thật rồi

Noen nơi miền núi

Hoa cỏ dại thì thào

Xôn xao nước trong chảy

Cây xanh lá rừng vui

Chúa giáng sinh đêm nay

Trong hang đá khó nghèo

Nơi cao nguyên hoang vắng

Dã Quỳ vàng nở thôi

Con hái vài bông dại

Dã Quỳ bên bờ mương

Đem cung tiến Cứu Chúa

Giêsu cười ngất ngây…

I. MỘT THẾ GIỚI AN BÌNH

Ngôn sứ Isaia tiên báo một thế giới mới hòa bình trong đó chiên sống chung với sói, rắn độc, hổ vv…sống chung hòa bình. Nhưng thế giới ấy vẫn chỉ đang trong mơ ước. Vâng, một thế giới an bình, thế giới không còn tội lỗi vẫn chưa thế có được nơi trần gian, bởi vì con người đã phạm tội, con người đã ngoảnh mặt lại với Thiên Chúa. Ađam và Evà đã phản nghịch với Chúa. Do đó tội lỗi ngập tràn và sự chết như một loại độc dữ đã làm cho con người phải chết…Loài người sống trong đau khổ. Họ tưởng Chúa bỏ họ. Nhưng Thiên Chúa yêu thương con người vô cùng, do đó, Ngài đã không bỏ rơi con người, hứa sẽ cho Con của Ngài là Chúa Giêsu đến trần gian để giải thoát con người.

Nhạc nhẹ cảnh địa đàng hạnh phúc

Và rồi con người sa ngã " Các em thiếu nhi múa cảnh địa đàng và Ađam, Evà sa ngã…”.

II. THIÊN CHÚA CHỌN MẸ MARIA

Tin Mừng thánh Matthêu 1, 18-21 viết: “ Sau; đây là gốc tích Đức Giêsu Kitô: bà Maria, mẹ Người, đã thành hôn với ông Giuse.Nhưng trước khi hai ông bà về chung sống, bà đã có thai do quyền năng Chúa Thánh Tần. Ông Giuse, chồng bà, là người công chính và không muốn tố giác bà, nên mới định tâm bỏ bà cách kín đáo.Ông đang toan tính như vậy, thì kìa sứ thần Chúa hiện đến báo mộng cho ông rằng: ” Này ông Giuse, con cháu Đavít, đừng ngại đón Maria vợ ông về, vì người con bà cưu mang là do quyền năng Chúa Thánh Thần. Bà sẽ sinh con trai và ông phải đặt tên cho con trẻ là Giêsu, vì chính Người sẽ cứu dân Người khỏi tội lỗi của họ “.

Rõ ràng Thiên Chúa không bỏ rơi con người và Ngài đã chọn một người nữ có tên là Maria để cưu mang Đấng Cứu Thế do bởi quyền năng Chúa Thánh Thần. Giuse đã đón nhận Mầu Nhiệm Nhập Thể của Con Thiên Chúa nhờ lòng tin. Chính lòng tin đã giúp Giuse đón nhận ý Thiên Chúa. Chúng ta cũng hãy mở lòng đón nhận Tin Mừng lớn lao Con Thiên Chúa giáng sinh làm người. Em-ma-nu-en “ Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta”.

Ca đoàn: Hát. Thiên Thần bảo và các em thiếu nhi múa đón nhận Tin mừng Giáng sinh.

III. CHÚA GIÁNG SINH

Giáng Sinh là món quà tình yêu Thiên Chúa trao tặng Con của Ngài cho nhân loại.Thiên Chúa là tình yêu như thánh Gioan đã diễn tả. Lễ Giáng Sinh là lễ của tình yêu. Giáo Hội Việt Nam mới qui tụ Đại Hội Dân Chúa và kết thúc trong mối hiệp thông sâu xa: ” Tất cả đều là con cái Chúa trong tình yêu, hiệp nhất ”. Năm Thánh Giáo Hội Việt Nam sẽ bế mạc tại Linh địa Lavang vào tháng 01/2011. Vì thế, con cái của Hội Thánh Việt Nam hãy sống những ngày còn lại của Năm Thánh thật thánh thiện và mỗi người cố gắng, nhiệt tình làm nhiều việc lành phúc đức để sống Năm Thánh hoàn thiện hơn...

Con đường Giêsu là con đường tình yêu mở ra những chặng đường phục vụ yêu thương và bác ái...Này Hài Đồng Giêsu đã giáng sinh và đang nằm trong hang đá, Người vẫn tiếp tục sinh ra nơi tâm hồn của người thành tâm thiện ý...

Ca đoàn hát: Đêm Thánh Vô Cùng.

-Các em thiếu nhi múa bong bóng tưg bừng đón Chúa Giáng Sinh

-Linh mục và đoàn rước: ” Cung nghinh Chúa Hài Nhi và đặt trong máng cỏ

-Xông hương máng cỏ

IV.Nhạc nền nhẹ bài : Đêm Nay Noen Về trong khi đó một người đọc bài ‘ Chúa Sinh Ra’

Vi vu gió thổi lá rơi

Chúa sinh ra giữa cuộc đời lạnh căm

Nhân loại thôi hết tối tăm

Giêsu Cứu Chúa đến thăm dân Người

Bêlem cỏ mướt xanh tươi

Bầu trời trắng sữa mây cười nắng lên

Mặt Chúa vẫn ngời nét duyên

Đôi mắt của Chúa đen tuyền long lanh

Lặng nghe tiếng hát thanh thanh

Đoàn mục đồng đến ngắm nhanh Hài Đồng

Tay cầm những đóa hoa thương

Dã Quỳ, chiêng chiếng bên đường đung đưa

Tiến dâng như thuở Ba Vua

Quỳ trong máng cỏ bò lừa thở hơi

Mục đồng gặp Chúa đủ rồi

Lòng tràn vui sướng ơn trời trao ban.

IV.Thánh Lễ Đêm Noen 2010
 
Ngôn sứ của hy vong
Lm Giuse Nguyễn Hữu An
09:53 09/12/2010
Chúa Nhật Thứ 3 Mùa Vọng, Năm A

Một đất nước có nhiều tệ đoan như bất công, tham nhũng, luân lý suy đồi, thất nghiệp, vật giá leo thang…tất nhiên dân chúng mất tin tưởng vào chính quyền. Ngày 02 tháng 12 năm 2010, sinh nhật Tiến sĩ Luật Cù Huy Hà Vũ, một người đã trở thành biểu tượng sáng ngời cho ngọn cờ miệt mài tranh đấu vì công lý, công bằng và lẽ phải. Ben Bland viết: Cả một guồng máy cầm quyền đã bối rối trước những đấu tranh đúng luật, đúng lý, hợp với lòng dân và khuynh hướng thời đại của anh. Cả một tập thể nắm quyền đã lo sợ trước một con người đơn lẻ nhưng nắm trong tay thanh kiếm sự thật. Cù Huy Hà Vũ, nhà hoạt động luật được đào tạo tại Pháp đã khiến nhiều nhân vật tại Việt Nam cảm thấy khó chịu. Trong hai năm qua, anh đã tìm cách bảo vệ những người chỉ trích chính quyền và thậm chí kiện cả thủ tướng về dự án khai thác bauxite gây tranh cãi. Anh Vũ là một trong gần 20 nhà hoạt động đấu tranh về luật pháp, những người cổ vũ nhân quyền và blogger đang bị bắt giữ hoặc tuyên án với những tội danh chính trị từ đầu tháng Mười. Các nhà phân tích cho rằng việc tăng cường đàn áp này nhằm mục đích dập tắt chỉ trích của công chúng trước thềm đại hội Đảng vào tháng Giêng tới để quyết định tầng lớp lãnh đạo và chính sách cho năm năm tới.(x.Ben Bland.Diên Vỹ, X-Cafe chuyển ngữ).

Xã hội Do Thái thời Chúa Giêsu cũng có nhiều tệ đoan. Quốc gia bị chính quyền La Mã đô hộ. Trong nội bộ lại có sự chia rẽ trầm trọng giữa các đảng phái chính trị và tôn giáo. Bất công, tham nhũng và vô luân lan tràn từ trên xuống dưới, nơi những nhà lãnh đạo dân sự cũng như tôn giáo. Vua Hêrôđê có đời sống loạn luân cướp vợ của em mình. Gioan Tiền Hô lên tiếng phản đối nên đã bị tống giam rồi bị chém đầu trong tù.

Người ta cảm thấy rất khó chịu khi có ai dám sửa sai, dám nói thẳng về những lỗi lầm của mình, người cầm quyền càng khó chịu hơn và thường dùng quyền lực để đàn áp. Vì thế quyền lực thường tạo nên sợ hãi và im lặng. Mục sư Martin Luther King nói: tội lỗi lớn nhất của chúng ta là im lặng trước cái ác và cái xấu, nhất là khi cái ác và cái xấu đang nắm quyền… Cuộc đời của chúng ta bắt đầu kết thúc khi chúng ta im lặng về những điều lẽ ra phải lên tiếng. Trong thế giới này, chúng ta xót xa không chỉ vì lời nói và hành động của những kẻ xấu, mà còn vì sự im lặng đáng sợ của cả những người tốt.

Gioan Tẩy Giả là Ngôn sứ công lý, khẳng khái lên án đời sống vô luân của nhà vua nên bị giam và bị chém đầu.

Thánh Gioan đã từng trải qua những giờ phút vinh quang khi dân chúng kéo đến với ông trong sa mạc, bên bờ sông Giođan xin ông làm phép rửa. Giờ đây, thời vàng son đã khép lại. Chỉ còn các môn đệ liều mình vào thăm nuôi rồi kể chuyện bên ngoài cho Gioan nghe. Gioan rất nhạy bén trước tội lỗi, không thể chịu đựng tội lỗi nên đã can đảm tố cáo tội của tiểu vương Hêrôđê Antipát, bất chấp hậu quả tù đày. Hêrôđê người đàn ông quyền lực mà ham mê sắc dục gắn bó với Hêrôđiađê, người đàn bà đẹp nhưng ham mê quyền bính, hai con người đó làm nên bi kịch của lịch sử. Không ai dám nói, chỉ có Thánh Gioan lên tiếng. Bênh vực chân lý, nói lên sự thật đã đưa Gioan tới cái chết. Chết là cái giá rất đắt cho chứng nhân bảo vệ chân lý, bảo vệ thuần phong mỹ tục, bảo vệ cho các giá trị đạo đức truyền thống.

Thánh Gioan băn khoăn lo lắng khi nghe tường thuật về Chúa Giêsu thường giao du với những kẻ tội lỗi, vào trong nhà người tội lỗi, đồng bàn với họ và tha thứ tội lỗi cho họ. Ngôn Sứ Tiền Hô đang ở trong tù mà không được Đấng Cứu Thế đến giải thoát.Nổi khắc khoải cào cứa trong lòng.Vì thế, Gioan đã sai các môn đệ đến hỏi thẳng Chúa Giêsu: “Thưa Thầy, Thầy có thật là Đấng phải đến không, hay là chúng tôi còn đợi ai khác?”.

Trước đây, Gioan đã từng giới thiệu về Chúa Giêsu cho dân chúng: “Tôi lấy nước mà rửa anh em, song có Đấng đến sau tôi, tôi không xứng đáng cởi giây giầy cho Người” (Mt 3,11); “Chính Đấng ấy sẽ rửa anh em bằng nước và Thánh Thần”. Gioan cũng đã giới thiệu với các môn đệ về Chúa Giêsu: “Đây chính là chiên Thiên Chúa, Đấng xóa tội trần gian” (Ga 1,29).

Gioan không ngừng loan báo cho dân chúng uy thế của Đấng sẽ đến. Theo cách diễn tả cùng với những hình ảnh kèm theo, dường như chính ông cũng đang mong chờ Đấng ấy như một vị thẩm phán nghiêm minh. Đấng ấy sẽ không nương tay, Nguời sẽ thực thi công bình và sẽ tiêu diệt, sẽ “rê sạch thóc”, sẽ đem số “thóc lép”, tức là những kẻ làm điều gian ác, ném vào lửa đời đời. Đối với Gioan, Đấng Cứu Thế đến giải phóng Ítraen cả trong phạm vi trần thế nữa, về chính trị và kinh tế như kiểu một vị vua Do Thái bách chiến bách thắng để đem vinh quang nước Ítraen lên tột đỉnh. Gioan nóng lòng vì chưa thấy Chúa Giêsu thực thi sứ vụ theo sứ điệp “dữ dội” mà ông rao giảng, nên Gioan muốn hỏi rằng: có phải Thầy là vị cứu tinh phải đến để bài trừ những tệ đoan, bất công và tham nhũng trong xã hội không?

Những lời nói và việc làm của Chúa Giêsu lại không phù hợp với những gì ông đã rao giảng. Chúa Giêsu xuất hiện như một vì tôi tớ hơn là một Đấng quân vương. Người cũng không giống như quan toà nghiêm minh thẳng tay trừng phạt kẻ tội lỗi. Trái lại, Người luôn luôn yêu thương, kêu gọi họ trở về, đồng bàn với họ. Đối với người nghèo khổ, bệnh hoạn tật nguyền, Người hết mực yêu thương, bao bọc chở che chăm sóc chữa lành chứ không xa lánh khinh khi vì sợ lỗi luật như các Rabbi. Chính vì thế, khủng hoảng niềm tin của Gioan Tẩy Giả cũng là điều dễ hiểu. Trong hoàn cảnh ngục tù Gioan đã biết tìm đến Chúa Giêsu để tìm sự giải đáp cho những thao thức canh cánh trong lòng. Và Gioan đã tìm thấy.

Chúa Giêsu không bị giới hạn trong cái nhìn chật hẹp của Gioan. Người muốn Gioan mở rộng tầm mắt với một lối nhìn mới mẻ, phong phú hơn ″Các anh cứ về tường thuật cho ông Gioan những điều mắt thấy tai nghe: Người mù xem thấy, kẻ què được đi, người cùi được sạch,người chết sống lại, và Tin mừng được loan báo cho người nghèo khó” (Mt 11,4-5).

Như vậy, Chúa Giêsu đã trả lời bằng cách trích dẫn ba đoạn văn Isaia đều có hậu cảnh Mêsia: Is 29,17-18: người điếc được nghe, người mù được thấy; Is 26, 19: người chết sống lại; Is 61,1: loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn. Chúa bảo họ hãy về thuật lại những việc Chúa đã làm và những lời Chúa đã nói, những điều đó đủ minh chứng Chúa là ai. Những điều đó đã được các ngôn sứ loan báo từ dọc dài lịch sử rồi. Trả lời như vậy là Chúa Giêsu gián tiếp bảo cho họ biết: Người không phải là một vị cứu tinh đầy uy quyền, đến giải phóng dân tộc Do Thái như họ mong đợi. Đồng thời Chúa trực tiếp xác nhận sứ mạng và quyền năng của Người: là con Thiên Chúa, là Đấng Thiên Sai đem ơn cứu độ cho mọi người.

Chúa Giêsu còn biểu dương, ca ngợi Gioan Tẩy Giả trước mặt dân chúng, trước sự chứng kiến của các môn đệ. Người tôn vinh ông, bởi lẽ ông là một Ngôn sứ vĩ đại nhất trong số các Ngôn sứ. Người tôn vinh ông, bởi ông là con người của khổ hạnh nơi hoang địa, là vị Ngôn sứ được mong đợi, là vị Tiền hô đến trước để dọn đường cho Đấng Thiên sai như Ngôn sứ Malakhi đã loan báo: “Này ta sai sứ giả của Ta đi trước mặt Con, người sẽ dọn đường cho Con đến”. Khi nghe môn đệ thuật lại những điều này, Gioan Tẩy Giả hẳn phải vui mừng, bởi Chúa Giêsu không chỉ củng cố, không chỉ giải đáp những hoang mang lo lắng của ông, Người còn khích lệ, tán dương ông, giúp ông vượt qua những thử thách ngục tù để có thể chấp nhận cái chết tử đạo mà ông sẽ lãnh nhận không lâu sau đó. Trong tù, Gioan đã có thời gian để chiêm niệm.Cần phải thay đổi nhận thức và quan điểm của mình về Thiên Chúa. Quyền năng Thiên Chúa là quyền năng của tình thương. Đấng Cứu Thế đi đến đỉnh cao quyền năng là đồi Canvê và thập giá. Từ nay, Gioan hiểu hơn về Đấng mà mình loan báo. Giờ đây Gioan hiểu rằng Đấng Mêsia mà ông loan báo không phải đến trần gian theo những quan niệm thuần tuý về chính trị, Người đến để rao giảng nước Thiên Chúa và cứu độ nhân loại. Thánh Gioan hạnh phúc an bình ra đi sau khi hoàn tất sứ vụ của mình.

Thánh Gioan Tẩy Gỉa đã trải qua những thách đố trong sứ vụ. Chính Ngài đã giới thiệu Chúa Giêsu là Đấng Cứu Thế nhưng khi lâm cảnh đau khổ ngục tù không thấy ai giải thoát nên đâm ra nghi ngờ. Nhưng cuối cùng, Gioan đã chứng minh một niềm hy vọng kiên cường. Ngài không phải là cây sậy yếu mềm chao nghiêng trước gió mà chính là một tượng đài bất khuất của lẻ cậy trông. Hạng người khom lòng cúi gập mình chẳng bao giờ có thể trở thành người tử đạo. Gioan không phải là một người bình thường cũng không phải là người hèn yếu như cây sậy bị xiêu đổ dưới cơn gió. Niềm hy vọng chính là sức mạnh giúp Gioan và tất cả những ai đang gặp thách đố biết kiên vững kinh qua tất cả.

Khi chúng ta gặp đau khổ thử thách, đức tin, lòng cây trông niềm hy vọng bị lung lay chao đảo. Hãy nhớ Thánh Gioan đã chịu như thế và các tiên tri trong lịch sử cũng mang tâm trạng như vậy. Thánh Gioan không chết trong thất vọng mà chết trong đức tin, chết trong niềm hy vọng, đã đi cho đến cùng sứ mạng làm chứng cho Tin mừng.

Thánh Gioan Tẩy Giả là nhân vật nổi bật của Mùa Vọng. Ngài là Ngôn sứ hy vọng. Đời sống chúng ta là một Mùa Vọng. Mùa Vọng của đức tin, của niềm mong đợi, của lòng kiên nhẫn.

Xin Chúa cho chúng ta vững một niềm tin cậy trông vào Thiên Chúa tình thương.
 
Chúa sẽ đến cứu độ chúng ta
Tuyết Mai
09:58 09/12/2010
Chúa Nhật Thứ 3 Mùa Vọng, Năm A

“Nơi hoang địa cằn cỗi sẽ vui mừng, cõi tịch liêu sẽ hân hoan, và nở bông dường như khóm huệ, sẽ nảy chồi non và hoan hỉ vui mừng, và khen ngợi rằng: Đã ban cho Israel được vinh quang của xứ Liban, huy hoàng của Carmel và Saron. Chính chúng sẽ nhìn thấy vinh quang của Chúa, và huy hoàng của Thiên Chúa chúng ta. Phải nói cho những người nhát đảm rằng: Hãy can đảm lên, đừng sợ hãi! Kìa Thiên Chúa các ngươi sẽ đem lại điều báo ứng; chính Thiên Chúa sẽ đến và cứu độ các ngươi. Bấy giờ mắt người mù sẽ nhìn thấy, tai người điếc sẽ được nghe. Người què sẽ nhảy nhót như nai, người được Chúa cứu chuộc, sẽ trở về, và đến Sion với lời khen ngợi; và trên đầu họ mang hoan hỉ triền miên, họ sẽ được vui mừng khoái trá, họ sẽ không còn đau buồn; rên siết sẽ trốn xa”. (Is 35, 1-6a. 10).

Thật phải khi Thiên Chúa, vị Cứu Tinh của chúng ta đến trần gian, tất cả mọi chỗ mọi nơi trên địa cầu phải nhẩy mừng, hân hoan, và ca hát không ngừng. Để chào đón một Thiên Chúa vô cùng toàn năng, thống trị toàn cõi địa cầu, sẽ giáng trần mặc xác loài người như chúng ta, và để cứu độ chúng ta. Thưa Ngài sẽ cứu độ chúng ta như thế nào?. Ngài sẽ làm cho Israel được vinh quang của xứ Liban, huy hoàng của Carmel và Saron. Ngài sẽ mở mắt cho người mù được nhìn thấy; mở tai cho người điếc được nghe; người què được nhảy nhót; người được Chúa cứu chuộc, sẽ trở về, và đến Sion với lời khen ngợi; và trên đầu họ mang hoan hỉ triền miên, họ sẽ được vui mừng khoái trá, họ sẽ không còn đau buồn rên siết nữa!. Thế thì còn gì bằng mà toàn cõi địa cầu không phủ phục dưới bàn thờ Thiên Chúa mà cảm tạ Ngài. Vì Thiên Chúa đã dõi mắt trông chừng chúng ta; vì Thiên Chúa Ngài có đang lắng nghe tiếng chúng ta khẩn cầu với lòng thành khẩn; vì Thiên Chúa Ngài có thông cảm cho sự yếu đuối mỏng dòn của con người chúng ta; Ngài thương yêu chúng ta nên Ngài muốn được hiểu chúng ta tường tận hơn, không gì bằng chính Ngài sẽ xuống trần, mặc thân xác loài người, để cảm thông và hiểu tường tận thế nào để trở thành một con người thật sự như chúng ta, chỉ trừ tội lỗi.

Vâng, Ngài phải xuống trần học cách làm con người; Ngài phải được sinh ra thật bình thường như con trẻ, có hình hài, đầy đủ đầu mình và tứ chi. Cũng phải có cha mẹ trần gian, nhưng hai ngài rất khiết trinh vì đã dâng hiến trọn cuộc đời cho Chúa. Thế cho nên hai ngài đã được Thiên Chúa Cha tuyển chọn trong vô số người thanh niên và thanh nữ, để xứng đáng làm dưỡng phụ và dưỡng mẫu của Chúa Con Giêsu trên thế gian này. Quả Ngài là một Thiên Chúa thật siêu phàm, vì Ngài đã hy sinh chính mình cho nhân loại. Hy sinh đến nỗi Chúa đã chọn chỗ sinh ra đời của mình ở một nơi tận cùng nhất, bần hèn nhất, hôi hám nhất, của trần gian. Một hang bò lừa ư!?. Nằm trong máng cỏ, trên được lót rơm ư!?. Quần áo của một một thái tử con Vua Trên Trời, chỉ là tấm vải quấn người thôi ư!?. Sao Chúa lại làm thế?. Chúa đã có ý dậy chúng con điều gì?. Có phải Chúa dậy chúng ta một bài học rất đơn giản là con người khi sinh ra trên trần gian này cũng không khác nào khi nằm xuống?. Là một sự tuần hoàn của nguyên thủy được trở về với nguyên thủy?. Con người khi được sinh ra trong trần truồng, thì khi Chúa gọi ra đi cũng thật trần truồng.

Vâng, một Thái Tử của Thiên Quốc lại phải học cách để làm người. Để được như vậy Ngài phải được sinh ra là một hài nhi chứ!. Ngài cũng phải được bú mớm từ dòng sữa tươi mát và rất lành thánh của người Mẹ, tức Mẹ Maria khiết trinh của chúng ta. Ngài phải được lớn lên trong sự giáo dục của cha mẹ thánh. Ngài cũng phải tập cách suy nghĩ của con người. Ngài học cảm nhận được cái nóng, lạnh, đói, đau, khổ, và cái cảnh nghèo thiếu thốn ra sao!?. Ngài cũng phải sống chung với tất cả con người nghèo mà Ngài cho là bạn rất thân thiết của Ngài, ngày qua ngày như chúng ta đây vậy!. Ngài đã phải học tất cả giống như con người của chúng ta vậy!. Rất phải khi Thiên Chúa Cha đã nghĩ ra cách hoàn hảo nhất để dậy dỗ con người, sửa phạt con người, là đem chính thân xác của con mình để làm gương sáng cho nhân loại tội lỗi noi theo.

Khi nói đến gương sáng,chúng ta tất cả không thể phủ nhận rằng gương sáng ngời của gia đình Thánh Gia. Một người cha trần thế, rất thánh thiện, công thẳng, hiền hòa, bác ái, và nhân hậu. Ngài là người ít nói nhưng làm nhiều. Hòa khí trong gia đình Ngài sống thật hòa thuận. Đúng lắm với thứ bậc làm cha và làm chồng của mình. Luôn thương yêu, nhường nhịn người bạn đời của mình, và biết thông cảm. Còn nói về Đức Mẹ thánh thiện của chúng ta thì không khỏi cảm phục và yêu kính Mẹ. Mẹ can đảm để Xin Vâng với thiên chức được làm Mẹ Chúa Trời trong tương lai, và vì lợi ích của nhân loại, tuy dù Mẹ hiểu rằng những cái khổ trước mặt mà Mẹ phải chịu đựng. Thiên Chúa Cha thương Mẹ đến độ Ngài đã chọn Mẹ và tác tạo Mẹ cách riêng để Mẹ không vướng tội tổ tông truyền, vì Mẹ là Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội cơ mà!. Mẹ xứng đáng làm Mẹ Chúa Trời. Mẹ xứng đáng làm Mẹ Hội Thánh; và Mẹ rất xứng đáng làm Mẹ nhân loại.

Trong mùa đông lạnh giá này! Phúc thay cho toàn thể nhân loại chúng ta được Con Chúa Giáng Trần. Ngài giáng Ân Phúc cho chúng ta, để trẻ con không cha không mẹ bị bỏ rơi có nơi trú ngụ và được no ấm; để các em lạc loài sống đầu đường xó chợ khắp nơi tìm nguồn an ủi nơi hang Bêlem; để những người cô đơn chưa đôi chưa cặp biết chờ đợi; để gia đình những ai đang xào xáo bất hòa biết nhịn nhục, chịu đựng, và yêu thương; để cho người bệnh tật được giảm đau và biết sống trông cậy vào Chúa; để người già những ai đang sống trong cô đơn hay có đôi có cặp biết sống trong chờ đợi trong an bình; để toàn cõi địa cầu biết Đấng Toàn Năng Con Thiên Chúa đang dần đến với chúng ta.

Lậy Thiên Chúa, Ngài là Đấng muôn đời toàn năng, hằng trị, và hằng hữu, và là Đấng Cứu Tinh của toàn thể nhân loại chúng con! Ngài xuống trần mà chẳng ý định đem theo mình một thứ gì từ trời cả! Ngôi báu cũng không, danh vọng tiền tài cũng không, tất cả mọi thứ Ngài để lại trên trời, mà Ngài chỉ đem theo duy nhất trái tim tràn đầy yêu thương là món quà trân quý nhất của Ngài ban tặng cho nhân loại chúng con mà thôi!. Do đó chúng con xin được học nơi Ngài từ cách sống đơn sơ chân chất và thật thà. Đem chính thân xác mình và tình yêu của Chúa đến cùng khắp anh chị em nơi bốn phương trời. Để loan báo cho cùng khắp thiên hạ là con một Thiên Chúa sắp Giáng Sinh. Amen.
 
Chủ đề “ thống hối, cầu nguyện, từ bỏ” trong Tin Mừng Luca
J.B. Nguyễn Quốc Tuấn
10:31 09/12/2010
Lòng thống hối, sự cầu nguyện và việc từ bỏ của cải là một trong những chủ đề nổi bật của Tin mừng Luca. Đây là chủ đề có liên hệ máu thịt đối với đời sống tâm linh của người Kitô hữu. Nó cũng là hành vi đức tin căn bản nhất về thái độ đáp trả của con người trước tình yêu, lòng xót thương vô biên của Thiên Chúa.

Lòng thống hối là cánh cửa thiêng mở cõi hồn ta để có thể gặp gỡ thân tình với Thiên Chúa. Đức Giêsu đã làm gương cho ta về lòng thống hối khi Ngài bước xuống dòng sông Gio-đan chịu phép rửa (3, 2), đã vào sa mạc tĩnh niệm suốt 40 ngày trước khi thi hành sứ vụ (4, 11 – 13). Tin mừng Luca cũng dành một chỗ đứng đặc biệt cho những tội nhân thành tâm sám hối trở về. Đó là hình ảnh người phụ nữ tội lỗi “đứng đàng sau, sát chân Người mà khóc, lấy nước mắt mà tưới ướt chân Người” (7, 38); đó là đứa con hoang đàng trở về cùng người cha nhân hậu (15, 17 – 20)… Trong đời sống tâm linh, lòng thống hối là tiêu chí cần thiết giúp ta ý thức thân phận tội lỗi của mình trước Thiên Chúa, để có thể đón nhận sự tha thứ và sức mạnh siêu nhiên Ngài ban cho ta. Đồng thời, việc thành tâm sám hối còn giúp ta vượt qua cửa ải của “cái chết linh hồn”; vì Đức Kitô đã cảnh báo: “…nếu các ông không sám hối, thì cũng sẽ chết hết như vậy” (13, 3b).

Lòng thống hối có liên hệ khăng khít với đời sống cầu nguyện, là điểm nhấn của Tin Mừng Luca. Thánh Luca cho chúng ta thấy đời sống cầu nguyện liên lỉ của Đức Giêsu trong suốt hành trình sứ vụ. Trước mỗi biến cố quan trọng trong đời Ngài: tuyển chọn 12 tông đồ, chịu phép rửa, trước cuộc khổ nạn…, Đức Giêsu đều đã cầu nguyện; nhờ đó, Ngài có thể lắng nghe tiếng Chúa Cha và chu toàn trọn hảo chương trình cứu độ. Ngài cũng dạy ta cách cầu nguyện xứng hợp (11, 1 – 4; 18, 9 – 14), việc kiên trì trong cầu nguyện (18, 6 – 8), và đặc biệt là mời gọi ta “hãy tỉnh thức và cầu nguyện luôn, hầu đủ sức thoát mọi điều sắp xảy đến và đứng vững trước mặt Con Người” (21, 36). Với Tin mừng Luca, việc cầu nguyện giúp tăng trưởng và là men muối sự sống thần linh cho chúng ta.

Lòng thống hối, việc cầu nguyện sẽ đơm hoa kết trái khi nó được gắn kết với sự từ bỏ mọi dính bén làm thương tổn đến linh hồn ta. Tin mừng Luca không chỉ vạch ra cho chúng ta một con đường, mà còn hơn thế nữa, chỉ cho chúng ta một thái độ sống để có thể trở nên môn đệ đích thực của Đức Kitô. Điều kiện tiên quyết để có thể bước theo Đức Kitô và đồng hưởng vinh quang với Ngài, “là từ bỏ chính mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo” (Lc 9, 23). Xuyên suốt Tin mừng Luca, chúng ta thấy vấn đề “từ bỏ” được nhắc đến nhiều lần (9, 3; 9, 57 – 61; 14, 33…), nói lên tầm quan trọng của thái độ tận hiến trọn vẹn cho chương trình cứu độ của Thiên Chúa được thực hiện vì con người. Chính Đức Giêsu, Ngôi Hai Thiên Chúa, đã vì yêu thương, dám “từ bỏ” cả mạng sống mình vì hạnh phúc nhân loại. Chúng ta cũng được kêu gọi từ bỏ mọi sự bất lợi cho sự sống linh hồn, để tín thác và sống trọn vẹn cho Thiên Chúa.

Chủ đề “thống hối, cầu nguyện, từ bỏ” có ý nghĩa đặc biệt đối với người môn đệ của Chúa trong thời đại mới. Để có thể trở nên nhân chứng cho Đức Kitô trước một thế giới có nguy cơ lãng quên Thiên Chúa, chúng ta cần phải lưu tâm nghiệm xét (sám hối) lại thái độ sống của bản thân trong mối tương giao với Thiên Chúa và tha nhân. Đời sống cầu nguyện là nền tảng và là sự sống cho ta khi tiếp nhận xung lực thần linh mới. Điều quan trọng là, bạn và tôi hãy biết khước từ (từ bỏ) những hấp dẫn chóng qua để vác chung Thập giá với Đức Kitô và với anh chị em ta; để có thể đạt được mục tiêu tối hậu, vì chính Đức Giêsu đã hứa ban:

“Thầy bảo thật anh em, chẳng hề có ai bỏ nhà cửa, bỏ vợ, anh em, cha mẹ hay con cái vì Nước Thiên Chúa, mà lại không được gấp bội ở đời này và sự sống vĩnh cửu ở đời sau” (Lc 19, 29 – 30).

.

.
 
Đêm tối của Đức Tin ấy là kiếp người
Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa
10:38 09/12/2010
Chúa Nhật Thứ 3 Mùa Vọng, Năm A

Chuyện tưởng như bịa, thiên hạ xôn xao, cách riêng nhiều tín hữu Kitô hoang mang khi nghe biết chuyện về Mẹ Têrêxa thành Cancutta đã từng dai dẳng đi trong đêm tối của đức tin. Đã từng nhiều lần mẹ hoài nghi cả sự hiện diện của Thiên Chúa khi mẹ đứng trước bao nổi khổ đau thật khó lý giải của con người. Nhiều người đã vội lo lắng kiểu “bao đồng”, nghĩa là quá thiên về tình cảm, vì sợ ảnh hưởng đến việc Hội Thánh tuyên phong hiển thánh cho mẹ. Chắc hẳn những người tạm gọi là lo chuyện bao đồng ấy đều có ý tốt mà thôi. Tuy nhiên chỉ vì có ý tốt mà ta có thể trình bày hay cắt nghĩa cách phiếm diện một sự thật căn bản của kiếp người đang lữ thứ trên trần gian đó là chưa và không thể nào nắm được chân lý kiểu “diện đối diện”.

Về việc nhận thức các thực tại, thánh Phaolô nói: “Hiện nay, chúng ta chỉ thấy “lờ mờ” như thấy trong gương, mai sau sẽ được mặt giáp mặt” (1Cor 13,12) Xin đừng quên cái được gọi là gương của thời các tông đồ chỉ là tấm đồng được đánh bóng mà thôi không được như tấm kính được tráng lớp bạc phía sau như ngày nay. Chính yếu tố “lờ mờ” này là một thách đố rất lớn cho tín hữu, cách riêng cho những người nhiệt tình dấn thân trong niềm tin.

Bài trích Tin Mừng theo thánh Matthêu của Chúa Nhật III mùa Vọng năm A mà Hội Thánh giới thiệu cho chúng ta một cách nào đó nói đến đêm tối đức tin của thánh Gioan Tẩy giả. Ý thức mình được kêu gọi làm tiếng hô trong sa mạc để dọn đường cho Đấng Cứu Thế, Gioan Tẩy Giả nhiệt thành, hăng say mời gọi mọi người, mọi thành phần dân Chúa xưa sám hối ăn năn. Dân chúng tuôn đến với Ngài trên bờ sông Giođan nhiều khôn xiết. Dân nghèo hay người thất học có đó. Kẻ giàu sang hay người quyền quý cũng không thiếu. Người thu thuế hay binh lính vẫn có mặt. Thậm chí đến các vị đang được xem là đạo đức như người biệt phái hay các vị tinh thông lời Chúa như các luật sĩ vẫn hiện diện. Tất cả dường như nghe theo lời khuyên bảo của Gioan, cho dù Ngài thỉnh thoảng nói với họ những lời chói tai, khó nghe.

Mình chỉ là người dọn đường, người tiền hô cho Đấng Cứu Thế. Và kìa, Đấng Cứu Thế, Con Chiên Thiên Chúa, Đấng gánh tội trần gian đã đến. Đã như xong phận vụ, giờ thì cần Người phải lớn lên còn mình thì phải nhỏ lại (x.Ga 3,30). Người mà lớn lên thì triều đại nước Thiên Chúa sẽ hiển trị. Và chắc chắn nhiều sự sẽ có đổi thay, dĩ nhiên là theo hướng tốt đẹp, đặc biệt những gì Ngôn Sứ Isaia loan bào sẽ trở thành hiện thực. Mình đã thấy Thần Khí Thiên Chúa ngự xuống trên Người. Chắc chắn Người sẽ “loan báo tin mừng cho người nghèo khó, băng bó những tâm hồn đau thương, giập nát, giải thoát những kẻ bị giam cầm…” (x.Is 61,1-2). Thế mà cớ sao mình vẫn mãi chịu cảnh chôn chân trong bốn bức tường ngục tù? Không lẽ Đấng Cứu Thế lại thua một bạo vương Hêrôđê? Ngài có phải là Đấng phải đến chăng, hay mình còn phải đợi Đấng nào khác? Không được gặp trực tiếp với Người thì mình đành nhờ các môn đệ gửi lời nhắn hỏi.

Tuy nhiên, theo nhiều nhà chú giải Thánh Kinh hiện nay, chính Gioan cũng đã phải trải qua sa mạc đức tin. Quả vậy, nhiều khi vì quá lo bảo vệ sự tinh tuyền của đức tin của Gioan Tẩy giả nên nhiều nhà tu đức đã từng cắt nghĩa rằng thánh nhân tận dụng dịp thuận tiện để củng cố đức tin cho các môn đồ. Không thể tiên thiên loại trừ giả thiết này. Tuy nhiên nhiều khi vì qua lo chuyện bao đồng mà ta vô tình hay hữu ý lãng quên một hiện thực của kiếp người. Đang còn lữ thứ trần gian thì chúng ta mãi vẫn còn thấy cách “lờ mờ” về các thực tại. Và đêm tối đức tin là một sự thật luôn tồn tại với kiếp người trần gian khó có thể chối cãi.

Vào trần gian, mang lấy kiếp người Đức Kitô cũng không là ngoại lệ cho dù Người là Con Chiên tinh tuyền, vẹn sạch. Cơn xao xuyến bồi hồi của Chúa Giêsu là rất thật. Máu của Người đã rỉ ra theo các tuyến mồ hôi không phải là kiểu nói phóng đại. “Lạy Thiên Chúa, Thiên Chúa của con, sao Ngài bỏ rơi con?”( Mc 15,34 ). Những lời than thở của Người trên cây thập giá, phút giây hấp hối minh chứng cho ta sự thật này: Dù là Con Thiên Chúa, Đức Giêsu Kitô vẫn phải trải qua nhiều thử thách. Dù luôn tín thác vào Cha nhưng Người cũng đã trải qua những đau khổ, một cách nào đó giống như những cuộc thử thách đức tin mà chúng ta chịu.

Trong số các Tông đồ thì dường như thánh tông đồ dân ngoại là người chịu thử thách lớn lao hơn cả. Hăng say, nhiệt tình loan báo tin mừng thế mà số phận của Ngài thật lắm truân chuyên: “năm lần bị người Do thái đánh bốn mươi roi bớt một; ba lần bị đánh đòn; một lần bị ném đá; ba lần bị đắm tàu; một đêm một ngày lênh đênh trên biển khơi.” (2Cor 11,24-25). Ngục tù là nơi thường đón đợi thánh nhân. Những khó khăn bên ngoài do hoàn cảnh, do tha nhân mà Ngài phải chịu thì đã đành, thế mà ngay cả cái dằm trong thân xác của Ngài cũng chẳng để Ngài yên. Thánh Phaolô cảm nghiệm rằng Chúa không để ta chịu thử thách quá sức đâu. Ơn Người luôn đủ cho ta. Và ai bền đổ đến cùng, người ấy sẽ được cứu độ.

Hãy bền chí trong gian truân và kiên nhẩn trong đêm tối, rồi Chúa sẽ đến cứu thoát chúng ta. Đây là những lời động viên của thánh Giacôbê tông đồ, qua bài đọc thứ hai (x.Gia 5,7-10), đã nói với đoàn tín hữu thời sơ khai cũng như với chúng ta mọi thời.

Tuy nhiên, Thiên Chúa lại muốn bày tỏ sự hiện diện của Người qua con người, qua chính chúng ta. “Hãy làm cho mạnh mẽ những bàn tay rời rã, và hãy làm tăng sức những đầu gối mõi mòn. Phải nói cho những người nhát đảm rằng: Hãy can đảm lên, đừng sợ hãi” (Is 35, 3-4). Làm sao để nâng đỡ tinh thần những người đang chao đảo? Làm sao giúp họ thêm vững tin vào Chúa Kitô là Đấng Thiên sai mà Thánh Kinh đã loan báo? Tiên tri Isaia đã phác họa những việc làm cụ thể của đấng Thiên sai bằng những hình ảnh: “người mù sẽ thấy; người điếc sẽ được nghe và người què sẽ nhảy như nai” (Is 35,5-6).

Trước sự chao đảo của Gioan Tiền Hô, Chúa Kitô cũng đã nhắn gửi các môn đệ ông rằng: “Hãy về thuật lại cho Gioan những gì các ông nghe và thấy: người mù được thấy, người què đi được, người phong hủi được khỏi, người điếc được nghe, người chết sống lại, và tin mừng được loan báo cho kẻ nghèo khó.” (Mt 11,5).

Đức Kitô đã thắng thế gian, nhưng cuộc chiến vẫn đang tiếp diễn, nghĩa là chưa chấm dứt nơi con cái loài người. Thần dữ và những kẻ đồng minh với nó vẫn đang ra sức hoạt động, hòng làm lung lay niềm tin chúng ta. Với sự công phá của thế lực đen tối, không ít Kitô hữu hôm nay như mất phương hướng. Thậm chí có người dám tuyên bố là đã đến thời kỳ hậu Kitô giáo. Thiết nghĩ không gì hơn là kiên trì thực thi những dấu chỉ của Nước Trời: Loan báo tin mừng cho người nghèo khó, băng bó những tâm hồn đau thương, làm cho người câm nói được, người què lại nhảy như nai… Chính khi ta góp phần với Chúa một tay dù là bé nhỏ để làm cho mạnh mẽ những bàn tay rời rã, làm tăng sức cho những đầu gối mõi mòn thì chúng ta lại được vững vàng và mạnh mẽ trong đức tin. Trong tình yêu, có nhiều điều như nghịch lý mà rất hiện thực, như lời thánh Phanxicô Axidi trong lời “kinh hoà bình”. Quả thật, chính khi trao ban là lúc lãnh nhận và chắc chắn sẽ lãnh nhận gấp muôn ngàn lần

.

.
 
Đấng phải đến, đã đến
PM. Cao Huy Hoàng
11:27 09/12/2010
Suy niệm Lời Chúa CN III Vọng

Thánh Gioan Tiền Hô không thể không lên tiếng cảnh cáo cách sống vô luân của Hêrôđê Antipas, con của Hêrôđê chung sống với nàng Hêrôđiađê, là vợ của Philipphe, anh ông ta. Và kết quả là ông bị giam trong tù.

Rõ ràng là Thánh Gioan không chỉ kêu gọi mọi người hãy sám hối, hãy dọn đường cho Chúa đến, mà còn chỉ rõ ra việc cần làm ngay, cần khắc phục chấn chỉnh ngay, mà không hề ngán sợ vòng ngục tù lao lý.

Việc Thánh Gioan ở tù, không phải là thất bại của vị ngôn sứ, nhưng là việc phải đến cho người dọn đường cho Chân Lý của Thiên Chúa. Thiên Chúa tôi luyện niềm tin và hy vọng của ngôn sứ của Ngài trong ngục tù trần gian.

Ngục tù trần gian có thể làm cho lòng người ta hoang mang nao núng, nhưng Thánh Gioan đã tìm được phương thế vượt qua điều ấy bằng cách sai các môn đệ mình gặp trực tiếp Chúa Giêsu. "Thưa Thầy, Thầy có thật là Đấng phải đến không, hay là chúng tôi còn phải đợi ai khác? "Đức Giê-su trả lời: "Các anh cứ về thuật lại cho ông Gio-an những điều mắt thấy tai nghe: Người mù xem thấy, kẻ què được đi, người cùi được sạch, kẻ điếc được nghe, người chết sống lại, kẻ nghèo được nghe Tin Mừng” (Mt 11, 3-6)

Nghe thuật lại thế nầy, thì chắc chắn Thánh Gioan sẽ liên hệ ngay tới lời tiên báo của Tiên Tri Is 35,1-6a, 10, và như thế, niềm tin của Ông và các môn đệ được Thánh Kinh soi dẫn và củng cố: “Hãy nói với những kẻ nhát gan: "Can đảm lên, đừng sợ! Thiên Chúa của anh em đây rồi; sắp tới ngày báo phục, ngày Thiên Chúa thưởng công, phạt tội. Chính Người sẽ đến cứu anh em. Bấy giờ mắt người mù mở ra, tai người điếc nghe được. Bấy giờ kẻ què sẽ nhảy nhót như nai, miệng lưỡi người câm sẽ reo hò” (Is 35, 4-6)

Đấng Cứu Thế, “Đấng Phải Đến, Đã Đến” là ông Giêsu quá tầm thường như thế, là một con người thật, sống giữa con người và sẻ chia những nỗi bi thương nhất của con người. Ngài đã sẻ chia cách cụ thể là đến thăm dân người, và thi thố quyền năng và tình thương của Thiên Chúa qua các phép lạ. Ở nơi Ngài, chúng ta gặp được bình an, niềm vui, và hạnh phúc mà con người trần gian không ban tặng được. Đó phải là niềm tin của mỗi chúng ta trong những ngày Mừng Đón Chúa Giáng Sinh.

Bởi vậy, Chúa nhật 3 mùa vọng là Chúa Nhật Hồng, một màu hồng của niềm vui Giao Duyên Trời với Đất, niềm vui của Đôi Tân Hôn mà chàng rể là Chúa Giêsu Kitô và hiền thê của Ngài là Giáo Hội, là chúng ta, là mỗi người. Một màu hồng hạnh phúc.

Niềm hạnh phúc là được sống với Chúa Giêsu “Đấng Phải Đến, Đã Đến”. Và cụ thể niềm hạnh phúc ấy, là được sống trong Giáo Hội của Ngài, nơi đây, không chỉ là dung mạo, là khuôn mặt là hình ảnh của Chúa Giêsu mà còn là chính Chúa Giêsu đang tác động trong và qua Giáo Hội.

Bạn và tôi đều có thể đã có hơn một lần cảm nghiệm tuyệt vời về nỗi mong đợi “Đấng Cứu Thế” đến trong Giáo Hội, nơi các Bí tích, và trong cuộc đời

Hơn một lần bạn và tôi cùng với cả bà con trong Giáo Xứ ước mong và khẩn xin có một Linh Mục đến để dâng Thánh Lễ, và ban các bí tích. Nhất là ở các Giáo xứ vùng sâu, vùng xa thì nỗi khát mong càng mãnh liệt hơn. Một lần như thế, cho chúng ta mỗi cảm thông sâu sắc với những nơi, đến hôm nay, vẫn còn một Mùa Vọng dài đôi ba chục năm mà chưa thấy bóng dáng “Đấng phải đến, đã đến”.

Hơn một lần, cảm xúc sung sướng trào dâng khi được đón Linh Mục Quản xứ Tiên khởi như đón chính “Đấng phải đến, đã đến”. Có người mừng đến rơi lệ vì cảm nghiệm được ơn Chúa đã thương đáp lại nỗi khát mong của dân Ngài. Và từ cảm nghiệm ấy, chúng ta sống được niềm vui của bao nhiêu giáo xứ, bao nhiêu con người thỏa niềm khao khát

Gần hơn, thường xuyên hơn, chúng ta đã hồi hộp đợi chờ gặp được Đấng Cứu Thế nơi tòa Giải tội, để xưng thú tội lỗi, để quyết tâm sám hối, để được thứ tha và nhất là để tình yêu nên trọn vẹn.

Và gần hơn nữa, lòng chúng ta thấy đói thấy khát của ăn của uống Thường Sinh là chính Mình Máu Thánh Chúa Giêsu qua Bí Tích Thánh Thể.

Hình ảnh “Đấng Phải Đến, Đã Đến” còn là hình ảnh của những con người đang đứng ngay trước cửa nhà mình, ngay trong cuộc sống thường ngày, nơi những người ta gặp, và nhất là nơi những người nghe và thực hiện công việc của Đấng Cứu Thế là yêu thương nhân loại. Cho dù là linh mục, tu sĩ hay giáo dân và kể cả những người bần cùng tội lỗi bệnh tật yếu đuối nhất trong nhân loại, khi đã đến với mỗi chúng ta, thì thiết nghĩ việc tiếp đón của chúng ta cũng phải đàng hoàng như tiếp đón “Đấng phải đến, đã đến”.

Một người bạn làm gương cho tôi việc nầy, là anh ta chọn cho mình câu “Đấng phải đến, đã đến” làm kim chỉ nam cho cuộc đời mình. Và điều đã xảy ra là anh ta luôn sẵn lòng lịch sự, yêu thương và sẻ chia với hết mọi người. Anh ta có một cuộc sống bình an, hạnh phúc, vì anh ta không những tiếp đón “đấng phải đến đã đến” mà còn sống tinh thần của Đấng Cứu Thế là đem lại niềm vui cho mọi người.

Gần đây, trong Giáo Hội và ngay tại Giáo Hội Việt nam, lại trổ ra những tâm thức nghi hoặc, hoang mang, bất ổn, vẫn đặt câu hỏi với Giáo Hội rằng “Ông có phải đấng phải đến hay chúng tôi còn phải đợi đấng khác”. Xảy ra điều ấy, vì có tư tưởng nghi hoặc rằng người này, người kia, không phải “Đấng Nhân Danh Chúa Mà Đến”, nhưng lại là nhân danh mình hoặc nhân danh nhà nước thế gian mà đến.

Đáng tiếc thay, vì thiếu cảnh giác hoặc vì chủ quan, đã tạo cơ hội cho những sự hỗn độn của trần gian len lõi vào bên trong nội thất của Giáo Hội để làm mất đi sự bình an hiệp nhất và cả sự thánh thiện cần có. Vì thế, thay vì “Đấng phải đến đã đến” đem niềm vui, niềm hy vọng cho dân Chúa thì “người đã đến” đem lại cho dân Chúa bao nỗi sầu thương thất vọng, thay vì giải thoát dân Chúa khỏi những bức bách thì lại đặt vào cổ dân đen những ách nặng nề.

Trong giai đoạn hỗn độn do những kịch bản của ma quỷ, làm chúng ta bán tín bán nghi về sự chân chính của sứ vụ mỗi người, tạo nên những thất vọng và mất kiên nhẫn, Thánh Giacôbê đã kịp thời gửi thông điệp đến chúng ta. “Thưa anh em, anh em đừng phàn nàn kêu trách lẫn nhau, để khỏi bị xét xử. Kìa Vị Thẩm Phán đang đứng ngoài cửa. Thưa anh em, về sức chịu đựng và lòng kiên nhẫn, anh em hãy noi gương các ngôn sứ là những vị đã nói nhân danh Chúa” (Jac 5, 9-10)

Lời Chúa chúa nhật thứ ba mùa vọng mang đến cho chúng ta niềm vui nhưng cũng nhắc nhở cho mỗi chúng ta phải trở thành một niềm vui cho người khác.

Niềm vui ấy là làm cho “Người mù xem thấy, kẻ què được đi, người cùi được sạch, kẻ điếc được nghe, người chết sống lại, kẻ nghèo được nghe Tin Mừng”.

Và cụ thể hơn trong toàn cảnh Việt Nam, niềm vui ấy là làm cho người xa rời nhà thờ trở về với Hội Thánh Chúa, người nghèo khổ bất hạnh có được niềm an ủi, được thăm viếng; người bệnh tật được giúp đỡ, người bị áp bức được đồng thanh tiếp cứu, công lý, sự thật được tôn trọng và nhất là nhân phẩm con cái của Thiên Chúa được bảo vệ đúng mức, không thể để cho thế lực gian tà chà đạp.

Lạy Chúa, chúng con được vui mừng tiếp đón Đấng Cứu Thế. Xin cho cuộc sống chúng con mang lại niềm vui cho mọi người.
 
Slideshow nhạc phẩm Đêm Hồng Phúc của NS Phạm Đức Huyến
Phạm Đức Huyến
15:45 09/12/2010
Nhân Mùa Vọng, kính mời quý vị xem slideshow nhạc phẩm Đêm Hồng Phúc của NS Phạm Đức Huyến. Xin bấm vào cái link dưới đây, sau đó, bấm From Beginning.

Slideshow nhạc phẩm Đêm Hồng Phúc của NS Phạm Đức Huyến
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Trung Quốc: giám mục bất hợp thức lại được làm chủ tịch Hội đồng Giám mục
Tiền Hô
11:28 09/12/2010
Bắc Kinh, 9 Tháng Mười Hai 2010 (UCANews) - Hôm nay, một giám mục bất hợp thức đã được bổ nhiệm làm chủ tịch Hội Đồng Giám Mục của Giáo Hội Công Giáo tại Trung Quốc (BCCCC), trong khi đó, một giám mục hợp thức lại trở thành người đứng đầu Hội Công giáo Yêu nước Trung Quốc (CCPA).

Bức thư của Đức Giáo Hoàng năm 2007 chỉ ra rằng, CCPA giữ vị trí không tương thích với giáo lý của Giáo Hội Công giáo.

Vào ngày cuối cùng của Đại hội Đại biểu Công giáo Toàn quốc lần thứ VIII, Giám mục Joseph Ma Yinglin của Côn Minh, 45 tuổi, người đã được tấn phong giám mục vào năm 2006 nhưng vẫn chưa nhận được sự chấp thuận của Đức Giáo Hoàng, được bầu làm chủ tịch BCCCC với 312 phiếu thuận và 1 phiếu trắng, còn Giám mục Johan Fang Xingyao của Lâm Nghi, 57 tuổi, người đang hiệp thông với Đức Giáo Hoàng, lại được bầu làm chủ tịch CCPA với 310 phiếu thuậ, 3 phiếu trắng. Họ là những ứng viên cho hai vị trí hàng đầu của Giáo Hội công khai tại Trung Quốc, không được Vatican công nhận.

Các quan sát viên Giáo Hội nói với UCANews rằng, các vị giám mục được Vatican chấp thuận sẽ thấy những khó khăn nhiều hơn khi muốn tránh mặt Giám mục Ma hoặc từ chối sự hiện diện của mình trong các hoạt động phụng vụ trong tương lai. Tòa thánh Vatican cũng sẽ cảm thấy đau đớn khi nhìn thấy những vị trí mới của BCCCC lại thuộc về những giám mục bất hợp thức, họ nói.

Có 313 đại biểu gồm 45 giám mục, 158 linh mục, 23 nữ tu và 87 giáo dân tham gia trong cuộc bầu chọn này vào buổi sáng. Họ bỏ phiếu bằng cách giơ tay. Buổi chiều, những người tham dự đại hội đã gặp gỡ các lãnh đạo nhà nước tại Đại Lễ Đường Nhân Dân.

Trong số các giám mục thuộc thế hệ trẻ, hai người vắng mặt tại đại hội là Đức Giám mục Joseph Li Liangui của Thương Châu - người đã bị mất tích, và Đức Giám mục Francis Lu Shouwang của Nghi Xương - người đang lâm trọng bệnh.

Lưu Bái Niên - phó chủ tịch CCPA từ năm 1992, và giám mục 94 tuổi - Aloysius Jin Luxian - của Thượng Hải, cũng được vinh thăng làm chủ tịch danh dự của hai cơ quan kể trên.

Giám mục Joseph Guo Jincai của Thừa Đức làm tổng thư ký BCCCC. Một số người đã đoán ra giám mục này sẽ được nắm giữ một vị trí quan trọng khi được tấn phong mà không có sự uỷ quyền của Đức Giáo Hoàng vào hôm 20 Tháng Mười Một.

Cùng với Giám mục Vincent Zhan Silu của Mân Đông - người được tấn phong mà không có sự uỷ quyền của Đức Giáo Hoàng vào năm 2000, có ba giám mục bất hợp thức đã vào vị trí lãnh đạo mới của BCCCC.

Lãnh đạo mới của Hội đồng Giám mục Trung Quốc (BCCCC):

Chủ tịch: Giám mục Joseph Ma Yinglin

Phó Chủ tịch: các Giám Mục Peter Fang Jianping, Johan Fang Xingyao, Joseph Li Shan, Paul Pei Junmin, John Baptist Yang Xiaoting và Vincent Zhan Silu

Tổng thư ký: Giám mục Joseph Guo Jincai

Lãnh đạo mới của Hội Công giáo Yêu nước Trung Quốc (CCPA):

Chủ tịch: Giám mục Johan Fang Xingyao

Phó Chủ tịch: các Giám mục Joseph Guo Jincai, Joseph Ma Yinglin, Paul Meng Qinglu và Joseph Thần Bin; các Linh mục Joseph Huang Bingzhang, Paul Lei Shiyin và Joseph Yue Fusheng; nữ tu Wu Lin, giáo dân Liu Yuanlong và Shu Nanwu

Tổng thư ký: Liu Yuanlong

Giám mục Ma đã trở thành tổng thư ký BCCCC từ năm 1998 và cũng được đồn đoán cho vị trí phó chủ tịch CCPA vào năm 2004. Giám mục này là một trong bảy thành viên của Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc (CPPCC) - cơ quan tư vấn hàng đầu của chính phủ Trung Quốc. Trước đó, giám mục này còn giữ chức cố vấn hàng đầu của cơ chế Quốc dân Hội nghị - tức quốc hội Trung Quốc từ 2003-2008.

Giám mục Johan Fang được thụ phong giám mục vào năm 1997, trở thành phó chủ tịch BCCCC vào năm 2004 và hiện là một thành viên của CPPCC.
 
Sự kiện Đức Mẹ hiện ra tại Wisconsin được công nhận
Trần Mạnh Trác
11:43 09/12/2010
Trong dịp lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội, Đức Giám Mục David L. Ricken của Green Bay đã ban hành nghị định công nhận việc hiện ra của Đức Mẹ với Sơ Adèle Brisé năm 1859 tại Champion, Wisconsin.

Đức Giám mục Ricken đã đọc nghị định trước 250 khách mời trong một Thánh Lễ tại đền Đức Bà Trợ Giúp Ơn Lành (Our Lady of Good Help.) Nghị định công khai tính xác thực của các cuộc hiện ra. Đồng thời Ngài cũng ban hành một nghị định định thứ hai, chính thức phê duyệt đền Đức Bà Trợ Giúp Ơn Lành là một nhà thờ của giáo phận.

"Khi tôi đến đây lần đầu tiên, tôi đã bị thu hút bởi sự đơn giản của thông điệp của Đức Mẹ cho Sơ Adèle ", ĐGM Ricken nói.

"Điều đó chiếu sáng trong tâm trí tôi rằng chúng ta đang có những nhu cầu tương tự phải đối mặt với ngày hôm nay, là cầu nguyện, hóan cải những người tội lỗi, và truyền giáo."

Nghị định về tính xác thực của các cuộc hiện ra là kết quả của hai năm điều tra. Trước đây vào ngày 9 tháng 1 năm 2009, chính Đức Giám mục Ricken đã bổ nhiệm ba nhà thần học để nghiên cứu sự kiện này.

Theo lời Cha John Doerfler, chưởng ấn và là chánh đại diện của giáo phận "Các nhà thần học là những bậc chuyên môn trong lĩnh vực thần học về Đức Trinh Nữ Maria." Mặc dù tên tuổi của các nhà thần học không được tiết lộ trong lúc này, nhưng Cha Doerfler cho biết hai trong số họ là những người được quốc tế công nhận và có "kinh nghiệm trong các việc kiểm tra về các hiện tượng hiện ra."

Cô Brisé, một thiếu nữ di dân gốc Bỉ, lúc đó đang tuổi 28 thì được Đức Mẹ hiện ra với cô ba lần vào mùa Thu tháng Mười năm 1859.

Lần đầu tiên diễn ra trong khi cô vác một bao lúa mì đến một nhà máy lúa mạch cách phố Robinsonville khoảng bốn dặm, ngày nay phố này đổi tên là Champion.

Vài ngày sau, ngày 9 tháng 10, khi cô Brise trên đường đi dự Lễ Chúa Nhật tại Bay Settlement, cách nhà 11 dặm, Đức Mẹ đã hiện ra với cô một lần nữa. Sau Thánh Lễ, cô nói với cha xứ về những sự việc đã nhìn thấy và ngài đã cho cô một lời khuyên "hãy nhân danh Thiên Chúa mà hỏi bà ấy là ai và bà muốn con làm gì."

Trên đường về nhà, Đức Mẹ lại hiện ra và khi Brisé hỏi thì Đức Mẹ trả lời: "Ta là Nữ Vuơng Thiên Quốc, ta đang cầu xin cho những kẻ tội lỗi được ơn hối cải và ta cũng muốn con làm như vậy."

Mẹ Maria nói với Brisé hãy "tụ tập các con trẻ ở đất nước hoang dã này và dạy cho chúng những lẽ cần cho sự cứu rỗi. Hãy dạy giáo lý cho chúng, dạy chúng làm dấu Thánh Giá và giúp chúng lãnh nhận các phép bí tích."

Brisé đã dâng hiến phần còn lại của đời mình để lo việc giáo dục cho trẻ em. Sơ lập ra một 'dòng ba' thánh Phanxicô và dựng lên một trường học gần đó. Người cha của Sơ, ông Lambert, cũng xây một nhà nguyện nhỏ ngay cạnh nơi 'hiện ra.' Vào năm 1880, cây cổ thụ nơi Đức Mẹ hiện ra được hạ xuống và một nhà thờ bằng gạch đã được xây lên.

Ban đầu một số giáo sĩ đã nghi ngờ sự kiện này và cho rằng đó là một sự gian lận, Sơ Brisé đã bị đe dọa và kiểm tra bởi nhiều bác sĩ để xem xét Sơ có điên không.

Không có phép lạ nào được chính thức công nhận là do Sơ Brisé làm ra. Nhưng lịch sử của ngôi đền có nhiều câu chuyện kỳ diệu và chữa lành, một chuyện kể về đám cháy đồng cỏ khủng khiếp ở Peshtigo, Wisconsin, năm 1871, lúc đó Sơ Brisé và các giáo viên và các gia đình gần đó thu mình trong căn nhà nguyện để cầu kinh trong khi ngọn lửa nổ dòn xung quanh. Khi ngọn lửa kết thúc, toàn bộ diện tích của vùng đất đã bị tàn rụi, ngoại trừ trường học, nhà thờ, tu viện và năm mẫu đất đã hiến dâng cho Mẹ Maria.

Năm 1942, một đền thờ mới được thánh hiến với danh hiệu là Đền Đức Bà Trợ Giúp Ơn Lành (Our Lady of Good Help.) Mỗi năm hàng ngàn nguời đã hành hương đến viếng nơi này.

Sơ Brisé qua đời ngày 5 tháng 7 năm 1896, và được chôn cất tại nghĩa trang cạnh đền thờ.

Cha Doerfler, hiện là giám đốc của ngôi đền, cho biết việc chính thức công nhận các cuộc hiện ra khẳng định một lần nữa "sự quan phòng bí ẩn của Thiên Chúa."

"Chúa đã cho Đức Mẹ Maria hiện ra ở đây. Lý do tại sao thì tôi không thể biết được. Tất cả những điều này... là kế hoạch của Thiên Chúa có mục đích mang sự cứu rỗi đến cho mọi người qua Đức Giêsu Kitô."

Cha Doerfler nói thêm rằng trong suốt lịch sử Đức Mẹ đã hiện ra "như là một dấu chỉ của sự quan phòng của Thiên Chúa, để nhắc nhở chúng ta về những gì Thiên Chúa đã hứa. Mẹ là một từ mẫu luôn luôn nhắc nhở con cái về những điều cần kíp. Đức Maria đã xuất hiện trong lịch sử để nhắc nhở chúng ta về những điều quan trọng cho sự cứu rỗi và thu hút chúng ta tới gần hơn với Con của Mẹ."

Theo dữ liệu thu thập được tại thư viện Đại Học Dayton, những sự hiện ra của Đức Mẹ bắt đầu có từ thế kỷ thứ tư. Đại Học Dayton là viện có bộ sưu tập lớn nhất thế giới về những nghiên cứu về Đức Maria. Danh sách các nơi hiện ra được các giám mục giáo phận chính thức phê duyệt trên toàn thế giới kể từ năm 1900 tổng cộng là 11 nơi.

Những sự kiện Đức Mẹ hiện ra không phải là thuộc về lãnh vực tín lý của Hội Thánh và như vậy người Công giáo không có nghĩa vụ phải tin.

Để chứng minh một cuộc hiện ra, các nhà điều tra phải cân nhắc một số yếu tố bao gồm nội dung mặc khải, phẩm chất đạo đức của người nhận, trạng thái tinh thần và sự phục tùng giáo quyền và các việc đạo đức và kết quả công việc, tinh thần từ đó cảm hứng ra.

Giám mục địa phương có thẩm quyền để xác nhận một sự hiện ra, tuy nhiên Toà thánh Vatican hay hội đồng giám mục có thể can thiệp nếu cần.

Bà Karen Tipps, một tình nguyện viên lo việc chăm sóc thánh địa cùng với chồng là Steve trong 18 năm qua, cho biết Nghị định của Giám mục Ricken "đã làm trọn vẹn những ước vọng của mọi công việc chúng tôi đã làm ở nơi đây: là làm cho đền thờ trở thành một nơi tuyệt đẹp cho các cuộc hành hương, để cố gắng đẩy mạnh thông điệp đã loan truyền từ đây. "

Trong khi Nghị định không làm thay đổi cách nhìn của những người hành hương tới thánh địa đã có từ lâu năm, nó sẽ làm thay đổi cái nhìn từ phần còn lại của thế giới, bà nói.

"Người ta đã hành hương đến nơi đây từ hơn 150 năm rồi... nhưng qua nhãn quan của Giáo Hội và của thế giới, thì có một giám mục đã đi một bước dài thế này để lập ra một ủy ban như thế, là một sự khẳng định cần thiết về những gì đã xảy ra ở đây", Tipps.

Bà tin rằng chính thời điểm của sự phê duyệt cũng là một phần trong kế hoạch của Thiên Chúa.

"Rõ ràng thông điệp của Đức Mẹ là cho chính thời gian bây giờ. Nếu chúng ta nhìn vào tình trạng trẻ em của chúng ta trong lúc này thì thật là tuyệt vọng. Không có đức tin... Không có mục đích gì trong cuộc sống."

Bà cho biết "cuộc khủng hoảng giáo lý" vẫn tồn tại ngày nay, giống như thời khi Sơ Brisé được truyền dạy phải dạy giào lý cho con trẻ.

"Thông điệp (cho Adèle Brisé) là," Tụ tập các con trẻ. Hãy dạy giáo lý cho chúng. Hãy cho chúng đức tin, "bà nói."Chúng ta cần phải làm điều đó... Chúng ta phải cho chúng thực chất của đức tin... Vì vậy, tôi nghĩ đó là lý do tại sao nó đang xảy ra tại thời điểm này trong lịch sử. Đó là lý do tại sao Đức Giám mục Ricken đã đưa vấn đề này ra. Tôi nghĩ rằng đó là một kế hoạch của Thiên Chúa muốn thông điệp cần thiết này được thực hiện ngay bây giờ cho thế giới. "

Bà Tipps cho biết sẽ có nhiều thay đổi lớn, sẽ có nhiều người hơn đến viếng ngôi đền. "Đây từng là một nơi yên tĩnh. Nhưng bây giờ nó phải chia sẻ cho thế giới... những gì chúng ta đã có ở đây và những gì chúng tôi đã kinh nghiệm từ 150 năm qua..."

Nghị định của ĐGM Ricken đã làm cho ngôi đền Đức Bà Trợ Giúp Ơn Lành trở thành nơi đầu tiên và duy nhất ở Hoa Kỳ được công nhận có sự hiện ra của Đức Trinh Nữ Maria. Nghị định này cũng nâng nơi này lên ngang hàng với những nơi nổi tiếng khác như Lộ Đức, Pháp, Guadalupe, Mexico, và Fatima, Bồ Đào Nha.
 
Ánh Sáng Thế Gian: “Món quà Giáng Sinh tuyệt vời” của Đức Thánh Cha Benedict XVI
Bùi Hữu Thư
16:47 09/12/2010
ROME, Thứ Năm 9, Tháng 12, 2010 (Le Monde vu de Rome) –Phát ngôn viên của Hội Đồng Giám Mục Pháp nhắc đến cuốn sách “Ánh Sáng Thế Gian” của nhà báo người Đức phỏng vấn Đức Thánh Cha Benedict XVI, nói rằng: Đây là một cuốn sách phải “thưởng thức”, “suy ngẫm”, và không “tìm cách suy diễn các tư tưởng của ngài theo luận điệu của người Pharisêu hay kinh sư, ký lục”. Trong một văn thư ngắn được phổ biến ngày 8 tháng 12, Đức Cha Bernard Podvin mời gọi mọi người đọc cuốn sách trong đó Đức Thánh Cha Benedict XVI “tâm sự không lo ngại về việc dư luận phê phán.”

Ngài nhấn mạnh: “Tôi đã đọc thật kỹ, chứ không lướt qua các lời bình, hay chú ý đến các trích lục. Đọc, chứ không đặt mình vào vai trò phê phán. Đọc chứ không suy diễn tư tưởng của Đức Thánh Cha như mgười Pharisê hay kinh sư ký lục. Thưởng thức, suy ngẫm. Tiếp nhận áng sáng này vào đời sống thường ngày.”

Phát ngôn viên của Hội Đồng Giám Mục Pháp khẳng định rằng “những vĩ nhân của trái đất này sẽ có thể kín múc ở đây một sự khiêm tốn được soi sáng.” Ngài trích dẫn vài đoạn trong đó “lời nói có tính cách thiên phú”: thí dụ, khi Đức Thánh Cha viết “Người ta coi tự do chỉ như một sự giải phóng khỏi tất cả mọi giá trị hiện hữu từ trước đến nay.”

Hoặc: “Tôi coi sự hiện diện của Kitô giáo không phải là một lãnh vực cổ hủ bên cạnh sự tân tiến. Nhưng là một cái gì sống động, mới mẻ, đang hoạt động và tạo thành toàn bộ việc hiện đại hóa, và ôm trọn lấy sự đổi mới này.”

Và để kết luận: “Đức Thánh Cha đã tặng cho chúng ta một món quà Giáng Sinh tuyệt vời!”
 
Lưu ý: Có kẻ giả mạo điạ chỉ e mail của cha Bề Trên Tổng Quyền DCCT
Joseph P. Dorcey, C.Ss.R.
19:59 09/12/2010
Giả mạo địa chỉ email của cha Bề trên Tổng quyền DCCT

Cha Tổng Thư ký DCCT Joseph P. Dorcey, C.Ss.R. vừa gửi thông báo về việc có kẻ giả mạo email của cha Bề trên Tổng quyền DCCT, Michael Brehl, để làm những việc mờ ám. Sự việc tương tự cũng đã xảy ra với một số vị ở Việt Nam thời gian vừa qua. Xin gửi đến anh chị em thông báo này để đề cao cảnh giác.

Anh em thân mến,

Gần đây có kẻ giả mạo địa chỉ email: michael.brehlcssr@gmail.com. Đây không phải địa chỉ của cha Bề trên Tổng quyền. Ngài không gửi bất kỳ một liên lạc nào bằng email, không xin bất cứ ai trợ giúp tiền bạc. Chúng tôi không bao giờ sử dụng email để xin trợ giúp tài chánh. Xin đừng bận tâm và hãy xóa đi những email phá rối này và đừng bao giờ chuyển tiền cho ai nếu anh em chưa xác minh được tính hợp pháp của thông tin.

Dear confreres,

There is a recent scam using this e-mail address: michael.brehlcssr@gmail.com. This is not an address of our Superior General. He has not sent any communication via e-mail, soliciting financial assistance for anyone. We will rarely, if ever, use e-mail to solicit financial assistance. Please ignore/delete these annoying e-mails and never send money to anyone until you have confirmed the legitimacy of the communication.

Mis queridos cohermanos,

Hay un chanchullo (truco) reciente que usa esta dirección: michael.brehlcssr@gmail.com. Ésta no es una dirección de nuestro Superior General. Él no ha enviado ninguna comunicación vía el correo electrónico pidiendo ayuda financiera para alguien. Lo usaremos el correo electrónico raramente o nunca para solicitar ayuda financiera. Por favor ignoren o eliminen estos correos electrónicos fastidiosos y nunca envíen dinero a alguien hasta que Ustedes hayan confirmado que la comunicación sea legítima.

Cari confratelli,

C’è una recente comunicazione elettronica falsa che usa l’indirizzo michael.brehlcssr@gmail.com come mittente. Quest’indirizzo non è del nostro Superiore Generale. Lui non ha inviato nessuna comunicazione via posta elettronica chiedendo aiuto finanziario per nessuno. Raramente, o mai, useremo la posta elettronica per sollecitare aiuto finanziario. Vi prego di ignorare e cancellare queste comunicazioni elettroniche noiose e mai inviate soldi a qualcuno prima di confermare l’autenticità della comunicazione.

Queridos confrades,

Há uma farsa recente que esta usando este endereço de e-mail: michael.brehlcssr@gmail.com. Este não é um endereço do nosso Superior Geral. Ele não enviou nenhuma comunicação por e-mail, solicitando ajuda financeira para alguém. Raramente ou nunca usaremos e-mail para solicitar assistência financeira. Por favor, ignorem/excluam estas comunicações irritantes e nunca enviem dinheiro a ninguém antes de investigar e confirmar a legitimidade da comunicação.

Mes chers frères,

Il s’agit d’une arnaque récente en utilisant cette adresse e-mail: michael.brehlcssr@gmail.com. Ce n’est pas une adresse de notre Supérieur Général. Il n’a pas encore envoyé aucune communication par e-mail, en sollicitant une aide financière pour personne. Nous allons rarement, sinon jamais, utiliser le courrier électronique pour solliciter une aide financière. S’il vous plaît ignorer et supprimer ces ennuyeux e-mails et de ne jamais envoyer de l’argent à personne jusqu’à ce que vous avez confirmé la légitimité de la communication.

Joseph P. Dorcey, C.Ss.R.

SecGen, SegGen, SecGeral, SecGén
 
Top Stories
Indonésie: Appel des responsables religieux à s’attaquer à la corruption
Eglises d'Asie
09:50 09/12/2010
Le 8 décembre, veille de la Journée internationale de lutte contre la corruption, les responsables religieux indonésiens, réunis par la Conférence épiscopale catholique, ont exprimé leur inquiétude face à l’ampleur de la corruption dans leur pays, soulignant notamment l’incapacité dans laquelle semble se trouver le pouvoir politique à éradiquer ce phénomène.

Classé dans les derniers pays en matière de lutte contre la corruption (110ème sur 178 pays) par Transparency International, l’Indonésie ne fait pas figure de bon élève. Si la démocratisation de la vie politique a permis que la presse s’empare de ce sujet et dénonce régulièrement dans ses colonnes de retentissants scandales, le phénomène ne semble pas en passe de s’affaiblir. La décentralisation, entamée il y a une dizaine d’années, l’a même aggravé et les déclarations des plus hauts dirigeants indonésiens ne changent pas la donne.

Réélu en octobre 2009 à la tête de l’Etat pour un second mandat, Susilo Bambang Yudhoyono (SBY) a fait de la lutte contre la corruption l’une de ses priorités mais son action en ce domaine a perdu de sa force avec le départ du gouvernement, en mai dernier, de Sri Mulyani Indrawati, ministre des Finances. Celle-ci, très appréciée sur la scène internationale, était considérée comme le fer de lance des réformes et de la lutte anti-corruption; son départ surprise pour un poste de directrice générale de la Banque mondiale à Washington avait été interprété comme un aveu d’échec dans la lutte anti-corruption menée par l’équipe au pouvoir à Djakarta.

Pour les responsables religieux réunis dans les locaux de la Conférence des évêques catholiques d’Indonésie, à Djakarta, c’est la société civile dans son ensemble, sa composante religieuse notamment, qui doit se saisir de cet enjeu. S’exprimant devant deux cents responsables religieux ainsi que des représentants du monde politique et associatif, Mgr Martinus Dogma Situmorang, évêque de Padang et président de la Conférence épiscopale indonésienne, a déclaré: « Il ne suffit pas que nous, responsables religieux, nous exprimions sur ce sujet, ni même que nous le fassions par l’intermédiaire des médias. Nous et les institutions que nous représentons devons nous impliquer sur ce terrain. Ce n’est que comme cela que nous pourrons nous montrer efficace. »

L’évêque catholique a ajouté que si les responsables religieux ne se montraient pas eux-mêmes irréprochables en matière de corruption, l’avenir du pays était mal engagé. Les religieux doivent se montrer à la hauteur de la dimension prophétique de leur mission, a-t-il développé, déclarant: « Nous devons interroger notre conscience à chaque instant lorsque nous avons affaire à la corruption. Nous nous devons de le faire pour le bien de la nation. »

Chez les autres responsables religieux, le ton était tout aussi impératif, sinon alarmiste. Pour le Rév. Andreas Anangguru Yewangoe, président de la Communion des Eglises (protestantes) d’Indonésie, les Indonésiens dans leur ensemble font preuve d’une absence caractérisée de conscience morale. « La situation de notre pays est très dangereuse », a-t-il mis en garde. Pour Din Syamsuddin, président de la Muhammadiyah, la seconde plus importante organisation musulmane de masse du pays, l’Indonésie a besoin d’un traitement de choc, les citoyens n’ayant jamais eu la possibilité de savoir ce qu’était la vie normale et quotidienne dans un l’Etat de droit. « Il doit y a avoir une sorte de ‘big bang’. Sans cela, les mesures qui pourront être prises ne seront jamais assez dissuasives pour empêcher la corruption de prospérer », a-t-il fait valoir.

Selon Ahmad Syafi’i Maarif, intellectuel musulman, fondateur de l’Institut Maarif pour la Culture et l’Humanité, les Indonésiens, quelle que soit leur appartenance religieuse, ne peuvent se contenter de s’appuyer sur leurs responsables religieux pour mener à bien la lutte contre la corruption. « Nous, les Indonésiens, nous allons souvent à l’église, au temple ou à la mosquée, mais je crains que nous n’ayons pas encore suffisamment développé notre ‘intelligence spirituelle’ », a-t-il expliqué devant les responsables réunis à Djakarta.

A l’issue de la rencontre, un texte commun a été rédigé pour demander au président SBY de mener à bien les engagements qu’il a pris en matière de lutte contre la corruption.

En août dernier, à l’occasion du 65ème anniversaire de l’indépendance de l’Indonésie, la Conférence des évêques catholiques d’Indonésie avait envoyé une lettre ouverte au président SBY, interpellant sans détour le chef de l’exécutif. « Monsieur le Président, le peuple a de plus en plus l’impression que l’élite politique ne sert qu’elle-même », écrivaient les évêques qui poursuivaient en pointant trois sujets d’inquiétude: la croissance économique qui laisse sur le côté 40 % de la population, qui sont les plus pauvres et se sentent « exclus »; l’intolérance qui fait que « des personnes sont contraintes de renoncer à ce qu’elles croient »; la corruption enfin, « qui doit être sanctionnée sans permettre aucune exception » (1).

(1) Voir EDA 536. On pouvait notamment lire le passage suivant dans la lettre des évêques au président SBY: « (…), le plus grave concerne la corruption qui imprègne toute la vie de la nation. Nous nous réjouissons du fait que sous votre présidence, l’éradication de la corruption soit une priorité sans cesse réaffirmée. Cependant, la corruption prend toujours pour modèle ce qui est pourri au sommet. Nous pensons que l’heure n’est plus aux hésitations et que la corruption doit être sanctionnée sans permettre aucune exception.»

(Source: Eglises d'Asie, 9 décembre 2010)
 
Thailandie: Disparition de Mgr Bunluen Mansap, grande figure de la justice sociale catholique en Thaïlande
Eglises d'Asie
09:52 09/12/2010
Plus de 1 500 personnes assistaient hier, 8 décembre, jour de la fête de l’Immaculée Conception, à la célébration des funérailles de Mgr Michael Bunluen Mansap, évêque émérite d’Ubon Ratchathani, un diocèse du nord-est de la Thaïlande.

En ce 8 décembre, le lieu était particulièrement bien choisi, la cérémonie ayant lieu en la cathédrale de l’Immaculée-Conception, siège de l’évêché du prélat,. ..

... décédé le 2 décembre dernier à l’hôpital de Bangkok à l’âge de 81 ans.

« L’Asie a perdu un grand évêque », a déclaré le P. Bonnie Mendes, coordinateur de la Caritas Asie, au sein de laquelle Mgr Bunluen Mansap était très actif. Un avis partagé par tous les acteurs de la justice sociale dont il était un ardent défenseur: « Mgr Bunluen a été l’un des premiers à faire en sorte que l’Eglise s’ouvre à l’engagement social (...) et à initier un dialogue interreligieux dans le domaine de la justice sociale et du développement », a souligné Walai Na Pompetch, de la Commission ‘Justice et Paix’ de l’épiscopat thaïlandais, fondée également par l’ancien évêque. Sans lui, ajoute-t-il, la cause des pauvres et des marginalisés n’aurait jamais avancé.

Parinda Vapikung, également responsable au sein de la même commission, confirme que le prélat invitait fréquemment des moines bouddhistes à participer aux projets de l’Eglise: « Il exhortait les croyants de toutes religions à s’engager dans la voie de la charité, et incitait en particulier les catholiques à utiliser tous les moyens pour aider les déshérités et participer au développement social. »

Né en 1929, Michael Bunluen Mansap avait été ordonné prêtre en 1951 pour le diocèse de Ratchaburi, dans l’ouest de la Thaïlande. A l’époque déjà, le jeune prêtre s’intéressait à l’aspect social de son ministère mais ce n’est qu’en 1965 qu’il put véritablement mettre ses premiers projets en action. De 1974 à 1976, il est secrétaire du Bureau pour le développement humain au sein de la Fédération des Conférences épiscopales d’Asie (FABC), avant d’être ordonné évêque d’Ubon Ratchathani, sans pour autant délaisser son poste à la FABC, qu’il conservera jusqu’en 1984.

« Lors du coup d’Etat de 1992, Mgr Bunluen avait incité fortement l’Eglise à exprimer sa position, qui était de résoudre les problèmes politiques par des moyens pacifiques et dans le respect des droits de l’homme. Avant cela, l’Eglise était toujours restée muette sur ces questions », rappelle Rakawin Leechanavanichpan, ancien coordinateur de ‘Justice et Paix’. En Thaïlande où les catholiques représentent à peine 0,5 % de la population, l’Eglise n’a pas une forte tradition d’engagement dans la vie sociale et politique, bien qu’elle dispose d’une sphère d’influence non négligeable par sa présence dans le domaine de l’éducation comme dans celui de l’assistance caritative.

Suivant les principes qui l’avaient animé toute sa vie, Mgr Bunluen, quelque temps avant sa mort, était encore intervenu pour encourager l’Eglise, qui se cantonnait alors à une prudente observation, à agir lors de l’épisode sanglant entre les « chemises rouges » et le gouvernement en avril-mai 2010, lequel avait fait 88 morts et plus de 2 000 blessés (2). Après les événements meurtriers du week-end des 10 et 11 avril, il avait tenu à faire une déclaration publique: « Ce qui menace notre pays, ce n’est pas la guerre civile, avait-il déclaré. C’est la colère et la haine, et il semble qu’il y ait beaucoup de gens qui sont remplis de haine aujourd’hui. » L’évêque émérite de Ratchaburi avait ensuite appelé tous les Thaïlandais à respecter les différences d’opinions et de croyances de chacun: « Tous les hommes sont faits pour aimer leur prochain mais ils sont divisés par la politique et les idéologies. »

Son intervention avait fait sortir l’Eglise et les autres responsables religieux de leur réserve. S’unissant pour tenter de mettre fin à la violence et faire revenir les belligérants à la table des négociations, les responsables religieux chrétiens, bouddhistes et musulmans avaient alors proposé leur médiation, organisé des rassemblements de prière interreligieux et s’était investis dans le programme de « réconciliation nationale » après l’écrasement de la révolte dans le sang le 19 mai 2010.

Parallèlement à la fondation de la Commission ‘Justice et Paix’, Mgr Bunluen Mansap avait également créé le Conseil catholique de Thaïlande pour le développement (CCTD). Mais sa lutte contre les inégalités sociales ne s’arrêtait pas là: l’infatigable prélat était également à la tête de la Commission pour le développement humain de la Conférence des évêques de Thaïlande (en plus de sa charge à la FABC) ainsi que des commissions pour les groupes ethniques et en faveur du travail social. L’actuel évêque d’Ubon Ratchathani, Mgr Banchong Chaiyara, a révélé qu’en outre, son prédécesseur avait mis en place un système de microcrédit afin d’aider les personnes en difficultés financières à gérer leur argent (2).

(1) Voir EDA 527, 528, 530, 531, 532

(2) Ucanews, 2 et 8 décembre 2010.

(Source: Eglises d'Asie, 9 décembre 2010)
 
Chinese Academy of Social Sciences calls for a rethink of religious policy towards Catholics
Asia-News
11:46 09/12/2010
The Academy’s annual report says the Chinese Patriotic Catholic Association interferes too much in the life of the Bishops’ Council. Some voice concerns about possible criticism at the next meeting of the National Assembly of Catholic Representatives, the top body of China’s Catholic Church, which the Pope deems irreconcilable with Catholic doctrine.

Beijing (AsiaNews/Églises d’Asie) – A researcher at the Chinese Academy of Social Sciences (CASS) said that the Chinese government should review its religious policy towards Catholics. In the study, she criticises the current role played by the Chinese Patriotic Catholic Association (CPCA) and the Bishops’ Council. She also raises doubts about the National Assembly of Catholic Representatives, the governing body if the official Catholic Church in China.

In the CASS annual report on religions in China that was released in mid-September, Wang Meixiu, a member of the Institute of World Religions, a research unit at CASS, noted that Chinese Catholics have increased their ties with the universal Church. A keen observer of Catholic affairs in China, she said that China constitutes a unique case because of the existence of the National Assembly of Catholic Representatives, whose “democratic” choices are imposed on official bishops, and the CPCA, which supervises the Bishops’ Council, roughly the equivalent of a national bishops’ conference elsewhere in the world, but without Holy See recognition.

In the report, Wang Meixiu suggests that the two organisations ought to specialise according to tasks. The Bishops’ Council should be left to run the Church, whilst the CPCA should act as a “bridge” between Church and state.

Currently the CPCA, whose secretaries are often atheist, runs every aspect of Church life, from vocations and Episcopal appointments to financial matters. For Ms Wang, clearing defining the responsibilities of each organisation should improve the government’s religious policy.

As for the National Assembly of Catholic Representatives, she notes that it has failed to meet since 2004 even though it is viewed as the governing body of the official Catholic Church.

The next meeting should elect the new presidents of the CPCA and the Bishops’ Council, both of which are vacant. Patriotic Bishop Michael Fu Tieshan, elected CPCA president tin 1998, died in 2007. Mgr Joseph Liu Yuanren, patriotic bishop of Nanking and president of the Bishops’ Council, passed away in 2005.

For one reason or another, the meeting to elect their replacements has been postponed, because of an earthquake and the Olympic Games in 2008, the 60th anniversary of the People’s Republic in 2009 and the Shanghai Expo this year. Still, as Wang Meixiu points out, the government is bound to convene the assembly after Expo, in late October, to avoid “criticism”, which is coming from various directions.

With the CPCA pushing for the election of unlawful Bishop Ma Yinglin (pictured), official bishops recognised by the Vatican would face a major dilemma over whether to participate or not. In March, the Vatican Commission for the Church in China issued a statement in which it called on bishops accepted by the Pope to avoid “actions (like sacramental ceremonies, Episcopal ordinations and meetings) that contradict the communion with the Holy Father.”

Above all stands Benedict XVI’s Letter to Chinese Catholics, which said that the National Assembly of Catholic Representatives and the charter of the CPCA are irreconcilable with Catholic doctrine.

The annual report on religions, issued by CASS, provides only suggestions to the government, which is free to heed them or not.

(Source: http://www.asianews.it/news-en/Chinese-Academy-of-Social-Sciences-calls-for-a-rethink-of-religious-policy-towards-Catholics-19566.html)
 
US urges Vietnam to improve human rights
AP
19:40 09/12/2010
HANOI, Vietnam – Human rights violations and arrests have recently spiked in Vietnam, with sharp restrictions on Internet freedoms and a crackdown on dissidents who peacefully express their views, the U.S. ambassador said Thursday.

Ambassador Michael Michalak said some restrictions on religious freedom have eased during his three years in Vietnam but the Communist government continues to clamp down on critics of its one-party system.

The government blocks Facebook and has been accused of attacking anti-Communist sites and chat rooms, while also closely monitoring activity at Internet cafes.

Michalak said there was an increase in arrests in late 2009 and again recently. More than 24 people were jailed and 14 others were convicted this year for peacefully expressing their views, he told journalists.

"In our opinion, no one should be sent to jail for merely disagreeing with government policies or labeled a terrorist for wanting to be able to provide more input into policymaking," Michalak said. "Increasing efforts to stifle media organizations, Internet freedom and civil society are also troubling."

The U.S. and Vietnam have grown closer in a number of areas, including trade and military ties, since the former battlefield foes normalized relations 15 years ago. But the U.S. and international rights groups continue to prod Vietnam to improve its human rights record.

All media are state-controlled. The government does not tolerate any form of dissent and uses vague national security laws to imprison those who challenge its rule.

Hanoi maintains that only lawbreakers are jailed.

(Source: http://www.foxnews.com/world/2010/12/09/urges-vietnam-improve-human-rights/)
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Bông Hồng Xanh và Qùa Mùa Noel...
Maria Vũ Loan
09:55 09/12/2010
THƯ NGỎ NOEL 2010

Kính thưa Cha và Quí Ân nhân,

Mùa Giáng Sinh lại sắp đến trên quê hương Việt Nam chúng con. Trong mùa hồng ân này, nhóm công tác xã hội Bông Hồng Xanh chúng con muốn chia quà cho các trẻ em nghèo đang sống trong những căn nhà lá, nhà lụp xụp tại một giáo họ ở sâu trong rừng mà ngôi nhà thờ đến nay vẫn chưa có vách.
Khi được biết đây là lần đầu tiên có linh mục đến giáo họ cùng hiệp dâng thánh lễ Giáng Sinh đúng vào ngày 24/12/2010, giáo dân rất phấn khởi và họ sẽ vui mừng biết bao nếu chúng con nếu dẫn Ông già Noel đến.

Đặc biệt, nếu được Quí Cha và Quí Ân nhân quan tâm, nhóm Bông Hồng Xanh chúng con sẽ còn có kế hoạch dẫn Ông già Noel vượt qua biên giới, để phát quà cho hơn 1.000 trẻ em ở bốn nhà thờ của người Việt trên đất nước Campuchia, vào mùa Giáng Sinh này.

Và nếu nhiều quà hơn nữa, Ông già Noel của chúng con sẽ xuống Cà Mau để thăm trẻ em vùng sông nước.

Quà Noel của các em sẽ là áo trắng, tập vở, bánh kẹo, truyện tranh Kinh Thánh và nước ngọt. Kính mời Cha và Quí Ân nhân góp tay chung vui. Chúng con xin chân thành cảm ơn.

Địa chỉ gửi quà:
Nhóm Bông Hồng Xanh
VŨ THỊ LOAN
Số 154 / 69
đường Phạm Văn Hai, Phường 3, quậnTân Bình,
Tp HCM –VIỆT NAM

yeutrehepho@yahoo.com
Mobile 0985 279910
 
Giới trẻ Ái hữu Vinh Bắc Cali mở tiệc Noel
Trần Hiếu
10:43 09/12/2010
SAN JOSÉ - Bên nầy bờ Thái Bình Dương, hằng năm mỗi độ Giáng Sinh về, giới trẻ Hội Ái Hữu Vinh Bắc Cali rộn ràng tổ chức gây qũy làm quà Noel tặng các bạn trẻ tại giáo phận Vinh, Việt Nam.

Xem hình ảnh

Cuộc gây qũy được sự ủng hộ nhiệt thành của bà con trong hội và các thân hữu. Vào chiều tối Chủ Nhật, mồng 5 tháng 12 vừa qua, dẫu tiết trời mưa gió, 600 quan khách đã tham dự dạ tiệc “Hạt Cơm Ân Tình” trong khung cảnh tưng bừng, ấm cúng của nhà hàng Dynasty, khu Little Sài Gòn, San Jose.

Anh Trần Hoà, một người trẻ từ thành phố Stockton thường xuyên sinh hoạt trong Hội, nói rằng anh đến với buổi tiệc, “vì đây không những là dịp vui, gặp gỡ nhiều người trong hội mà còn nhằm thể hiện tình liên đới với các bạn trẻ trong nước.” Anh và hai bạn trẻ khác hoá trang thành ông già Noel phụ trách tiết mục phát qùa cho các trẻ em hiện diện.

Chương trình buổi tiệc ngoài các món ăn thịnh soạn, được sự phối hợp nhịp nhàng điêu luyện của MC Vũ Trinh, trong khi ban nhạc Dư Âm cống hiến một chương trình ca nhạc đặc sắc gồm các bản nhạc vui tươi rộn ràng mùa Giáng Sinh. Đặc biệt, hoạt cảnh “Đêm Thánh Vô Cùng” với ánh nến lung linh do 15 em thiếu nhi trình diễn đã gây ngạc nhiên thú vị cho các quan khách tham dự.

Trong bài diễn văn khai mạc, cô Lưu Lệ Chi, trưởng ban tổ chức, đã tạo sự chú ý của mọi người qua giọng thuần túy Hà Nội, nói rằng, “Tiệc Vinh mà nghe giọng nói Bắc Kỳ, lạ qúa!” Một cách tự nhiên, cô tự giới thiệu mình sinh ra và lớn lên tại Hà Nội, nhưng ông nội và bố được sinh ra tại huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình. Ông nội của cô là nhà thơ Lưu Trọng Lư, người nổi tiếng với bài Tiếng Thu. Rồi cô hỏi mọi người, “Như vậy, con đã là người gốc Vinh rồi phải không ạ?”

Là người mới theo đạo, cô và phu quân được người đỡ đầu giới thiệu các sinh hoạt của hội, và đã không ngần ngại tích cực dấn thân vì nhận thấy những việc mọi người đang theo đuổi phù hợp với nhân sinh quan của mình. Cô mong muốn thể hiện tinh thần ái hữu, cũng như vươn cánh tay ra xa thực hiện tình liên đới với quê nhà Việt Nam, đặc biệt với các bạn trẻ tại giáo phận Vinh.

Hằng năm, Hội Ái Hữu Địa Phận Vinh Bắc Cali bảo trợ phát quà Noel cho trẻ em trong các xứ đạo tại Giáo Phận Vinh. Chương trình được thực hiện từ năm 1997, với những năm đầu qùa chỉ cấp phát từ 20 đến 40 giáo xứ do ngân qũy hội cung cấp một nửa, và số còn lại do các bạn trẻ trong hội tự nguyện gây qũy đóng góp.

Trong những năm gần đây, tiệc giới trẻ không những cung ứng đầy đủ cho quà Noel trong 89 giáo xứ, là một nửa tổng số các giáo xứ tại giáo phận Vinh, mà còn gây được một số dồi dào nhằm sung vào ngân qũy của hội để thực hiện các chương trình từ thiện khác. Tổng kết sơ khởi ghi nhận buổi tiệc mang lại hơn 40 ngàn Mỹ kim chưa trừ chi phí.

Ông Phan Ngọc Hoà, Hội Trưởng Hội Ái Hữu Vinh, cho biết ngân sách niên khoá năm nay đã được chuẩn chi và gửi về giúp giáo phận Vinh với ngân khoản tổng cộng 79.717 Mỹ kim. Ngoài mục qùa Noel với 7.120 Mỹ kim, việc trợ giúp gồm có 25.010 Mỹ kim trợ cấp học bổng, 42.117 cứu trợ bão lụt, và số còn lại trợ cấp nhà khuyết tật trẻ em, tủ thuốc tình thương nhằm cung cấp thuốc men cho các bệnh nhân bất kể lương giáo và các mục khác…

Trong ba mươi năm hiện diện tại Bắc Cali, Hội Ái Hữu Vinh đã kiên trì theo đuổi các hoạt động tương thân tương ái giữa những người trong hội và liên kết với giáo phận nhà qua các chương trình từ thiện. Hội thường có các buổi đọc kinh tư gia, thăm viếng người gìa yếu, bệnh tật, mách việc, hội thảo sinh hoạt ái hữu, và tổ chức các cuộc hội ngộ thường xuyên vào dịp lễ quan thầy vào trung tuần tháng Tám, và mừng Tết Nguyên Đán mỗi độ Xuân về.

Buổi tiệc gây qũy kết thúc với việc phổ biến miễn phí Kỷ Yếu 30 Năm Hội Vinh Bắc Cali, một tập tài liệu đăng tải các chia sẻ của các hội viên và thân hữu, cũng như ghi lại các sinh hoạt của hội, đặc biệt cuộc hội thảo ngày 23/5/10 nhân dịp hội tròn 30 tuổi.-
 
Kết thúc sau ba tháng Khóa Truyền Thông Online
Gioan Lê Quang Vinhh
10:50 09/12/2010
SAIGÒN - Hàng năm, ngày Lễ Mẹ Vô Nhiễm là ngày vui của rất nhiều tâm hồn. Đối với Dòng Chúa Cứu Thế, Lễ Mẹ Vô Nhiễm là ngày hồng ân vì nhà Dòng chọn Mẹ Vô Nhiễm làm Quan Thầy chính. Năm nay, Lễ Mẹ Vô Nhiễm còn là dịp để chúng ta suy tư về những chặng đường đặc biệt vừa đi qua.

Hai năm đã trôi nhanh đi từ ngày con cái Mẹ ở Thái Hà (Hà nội) chịu đựng gian khổ, bất công và oan trái. Nhưng cũng hai năm ấy, những biến cố vui buồn tiếp tục dồn dập xảy ra trên quê hương vốn được tưởng là rất bình an này. Thời gian đi rồi, mỗi con người nhìn lại các biến cố một cách khách quan và bình tĩnh hơn. Nhưng đối với sự việc ở Thái Hà, hai năm đi qua, mọi giá trị vẫn còn nguyên như thế, chẳng có gì phải thêm bớt, bởi một lẽ đơn giản: công lý thì ngàn năm vẫn là một.

Tôi còn nhớ như in, hai năm trước, Cha Vũ Khởi Phụng từ Hà nội vào Sàigòn sau một đêm căng thẳng vì bọn côn đồ đập phá nơi thánh, điên cuồng hò hét đòi “giết Kiệt, giết Phụng”. Cha nói “May nhờ có truyền thông”. Vâng, nhờ truyền thông mà các “trí tuệ” ấy phải ngưng lại những trò gian ác.

Nhờ có truyền thông. Vài giờ sau biến cố dữ dằn ấy, các website đưa tin rõ ràng và chi tiết, khiến bọn bất lương phải chùn chân. Cũng giống như bọn ăn trộm, dù đã lọt vào nhà người giàu có, vẫn phải tìm cách rút lui không dám ra tay khi đã bị báo động.

Dĩ nhiên, lên tiếng bảo vệ công lý là nhiệm vụ chính yếu của truyền thông. Và bất ngờ, ngày kết thúc khóa Truyền Thông Online của Dòng Chúa Cứu Thế thật đẹp, vì trùng với ngày kỷ niệm hai năm sự biến Thái Hà. Đúng ba tháng trước, quí Cha phụ trách lớp cử hành Thánh Lễ mừng Sinh Nhật Mẹ và khai mạc lớp Truyền Thông Online này, rồi các ngài lên đường đi công tác xa quê. Nhưng là online nên xa hóa gần. Các ngài vẫn điều hành khóa cho đến ngày kết thúc mỹ mãn, với hoa quả là những anh chị em được công nhận “tốt nghiệp” hôm nay.

Hôm nay, ba tháng sau ngày khai giảng, đúng vào ngày Lễ của Mẹ, Bổn mạng Nhà Dòng, kỷ niệm những hành động anh dũng của các anh chị em ở Thái hà, kỷ niệm ngày truyền thông mạnh mẽ đánh vào cái ác, các anh chị em tụ họp nhau bên các Cha giáo, trong nhà nguyện nhỏ vừa đủ kê hai hàng ghế, cùng dâng lên Chúa Giêsu và Mẹ Thánh Người lời tạ ơn.

Nhìn những anh chị em vui vẻ hớn hở như ngày khai trường thuở bé, tôi xúc động rất nhiều. Có bác cao niên đã từng làm thơ, viết báo. Có anh đã làm ca trưởng, những người khác thì làm ở nhiều lãnh vực khác nhau. Có người ở Sàigòn, có người từ miền Bắc mới bay vào. Tất cả quây quần chung quanh ba vị linh mục trẻ trung mà có lần chúng tôi diễn tả là “đẹp trai”, theo nghĩa là các ngài hy sinh tuổi thanh xuân trai tráng cho lý tưởng cao vời. Tất cả cùng dâng Thánh Lễ, cùng trao đổi và cùng quyết tâm dấn thân cho sự nghiệp trồng người.

Quản Trọng khi về với Tề Hoàn Công đã hiến kế: “Nhất niên chi kế mạc như thụ cốc; thập niên chi kế mạc như thụ mộc; bách niên chi kế mạc như thụ nhân”. (Kế một năm không gì bằng trồng lúa, kế mười năm không gì bằng trồng cây, kế trăm năm không gì bằng trồng người). Nhưng người ấy không phải là loại người trồng làm kiểng hay trồng để chúng lớn lên đày ải dân mình. Trồng người chính là thổi vào lòng họ ý thức phận người biết phụng mệnh Trời, gieo cho thế gian mầm chân lý.

Truyền thông xét cho cùng là trồng người theo nghĩa ấy. Đức Maria Vô Nhiễm là nhà truyền thông vì cả đời Mẹ đã ra đi loan báo cho người chung quanh về Con Chí Thánh của Mẹ. Trong khóa Truyền Thông “offline” khóa 1, Cha An Thanh nhắc nhở: “Chúa Giêsu là Nhà Truyền Thông vĩ đại nhất”. Chọn ngày Lễ Mẹ Vô Nhiễm kết thúc khóa Truyền Thông và kết thúc bằng Thánh Lễ kính Mẹ, thiết tưởng không còn gì ý nghĩa hơn.

Cha An Thanh cho biết nói chung, các khóa học online có số tốt nghiệp khoảng 20 – 30%. Khóa học này khởi đầu với trên 70 học viên ghi danh, và ngày tốt nghiệp được 15 người, cũng là thành công rồi. Nhưng cái gì làm cho lớp này thành khác biệt? Đó chính là các anh chị học viên mong có kiến thức, chứ không phải đối phó để lấy bằng như nhiều lớp học khác.

Cái khác biệt thứ hai là các anh chị học là để hành chứ không vì bằng cấp. Học truyền thông là để bênh vực chân lý và công lý bằng ngòi bút, bằng bàn phím hay bằng máy quay phim chụp hình. Có lúc bút bị giật, máy bị tịch thu, nhưng tấm lòng hướng về chân lý thì dù quỷ vương cũng phải bái phục.

Hình ảnh đẹp làm tôi cứ suy nghĩ mãi: các anh chị em khóa 1 “offline” đến đón tiếp các anh chị em khóa 1 “online”. Người từ Hố nai xuống, người từ miền Bắc vào, có quen gì nhau mà tay bắt mặt mừng, vui như mở hội. Các vị mục tử ngồi trao đổi như anh em, chẳng ai ngại ngùng gì. Phải chăng khi người ta cùng thao thức làm truyền thông, thực thi sứ mạng “rao truyền”, thì Lời Chúa được áp dụng đúng cả nghĩa đen: “Các con hãy ra đi…”

Và với lệnh truyền ấy, lớp Truyền Thông Chúa Cứu Thế lên đường, chỉ với ước nguyện duy nhất như chị Chiara Lubich diễn tả: “Chúng tôi muốn la lớn cho thế giới một lời: Thiên Chúa”.
 
Phong chức Linh mục và Phó tế Dòng Anh Em Hèn Mọn
Phêrô Nguyễn Quang Ngọc
10:55 09/12/2010
SAIGÒN - hòa trong niềm vui Giáo Hội long trọng mừng kính Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội. Hiệp cùng với Mẹ Maria Vô Nhiễm, bổn mạng Hội Dòng, Tỉnh Dòng Anh Em Hèn Mòn Việt Nam dâng lời tạ ơn Thiên Chúa vì những ơn lành Chúa đã ban, đặc biệt hôm nay vào lúc 09h00 thứ tư ngày 08 tháng 12 năm 2010, tại nguyện đường Học Viện Phanxicô (Số 42 Đình Phong Phú, Phường Tăng Nhơn Phú B, Quận 9) các thầy được lãnh nhận chức Phó Tế và Linh mục bởi Đức Giám mục Giáo Phận Nha Trang Phaolô Nguyễn Văn Hòa.

Xem hình ảnh

Truyền chức Phó tế cho các tu sĩ:
Phêrô Nguyễn Văn Ánh
Giuse Nguyễn Văn Huấn
Phanxicô Xaviê Vũ Văn Mai

Và truyền chức Linh mục cho các Phó tế:
Giacôbê Hồ Viết Thể
Giuse Nguyễn Khánh Thông.

Tham dự thánh lễ có sự hiện diện Cha Giám tỉnh, khoảng 40 Linh mục đồng tế, quý tu sĩ nam nữ, quý ông bà Cố, thân nhân các Tân Chức và quý khách.

Nghi thức phong chức Phó tế và Linh mục gồm 3 phần:
Phần 1: Các nghi thức chuẩn bị.
Phần 2: Nghi thức phong chức.
Phần 3: Nghi thức diễn nghĩa.

Trong bài giảng, Đức Cha Phaolô đã nhắn nhủ: Giáo Hội xem chức vụ Phó tế là cơ hội để được tiếp xúc gần với công việc của các tông đồ và của các Giám mục sau này, và như thế đó cũng là những ứng viên lên chức Linh mục. Trong thật tế, phục vụ các Giám mục, phục vụ các Linh mục, phục vụ dân Chúa ở trong 3 nhiệm vụ chính: thứ nhất là phục vụ Lời Chúa, thứ hai phục vụ bàn thờ, và thứ ba phục vụ bác ái. Phục vụ Lời Chúa là đọc phúc âm, rao giảng, khuyên bảo, dạy giáo lý. Phục vụ bàn thờ là chuẩn bị lễ tế, trao mình thánh Chúa, chủ tọa khi đọc kinh nguyện, rửa tội, chúc lành cho các đôi tân hôn, chủ sự nghi lễ an tang. Phục vụ bác ái là giúp đỡ những người nghèo khổ thiếu thốn. Các ứng sinh lên chức Linh mục cũng ở trong 3 nhiệm vụ: giảng huấn, thánh hóa và nhiệm vụ mục tử.
Truớc khi kết thúc thánh lễ, đại diện các Tân chức nói lên tâm tình tri ân, biết ơn đối với Đức Cha, quý Cha, quý tu sĩ nam nữ, bố mẹ, anh chị em và mọi thành phần dân Chúa.

Thánh lễ kết thúc lúc 11h00, quý Tân chức đã chụp hình lưu niệm với Đức Cha, quý Cha, quý tu sĩ nam nữ và với những người thân trong gia đình.
 
Thánh lễ trọng mừng kính Đức Maria Vô Nhiễm Nguyên Tội tại Lạng Sơn
Giuse Trần Ngọc Huấn
11:02 09/12/2010
LẠNG SƠN, Vào lúc 19h00 chiều ngày thứ Tư, mùng 8 tháng 12 năm 2010, tại nhà thờ Chính Tòa của giáo phận Lạng Sơn Cao Bằng, Đức cha Giuse Đặng Đức Ngân đã cử hành Thánh lễ trọng thể để mừng kính Đức Trinh Nữ Maria Vô Nhiễm Nguyên Tội.

Cùng đồng tế với Đức cha Giuse, có cha Đại diện Giám mục Giuse Nguyễn ngọc Thể, cha Giuse Trần Bình Trọng (SDB) và cha Antôn Nguyễn Anh Tuấn (Lazarite). Vì là lễ trọng, đồng thời là bổn mạng của nhiều người nên thánh lễ có sự tham dự của khá đông anh chị em giáo hữu. Đặc biệt, hôm nay cộng đoàn Phụng vụ cũng hiệp ý với Đức cha Giuse để tạ ơn Thiên Chúa và cầu nguyện cho sứ vụ mục tử của ngài, nhân dịp kỷ niệm 23 năm, ngài được phong chức Linh mục (1987).

Chúng ta có thể khái lược về lịch sử ngày lễ kính Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội như sau: Ngay từ những thế kỷ đầu tiên trong lịch sử của Giáo Hội, Giáo Hội đã bày tỏ và lưu truyền niềm tin cao cả về Đức Trinh Nữ Maria – Mẹ Thiên Chúa là đấng đã được chính Thiên Chúa ban đặc ân cao cả: là con cháu dòng dõi Adam – Eva nhưng Đức Mẹ được gìn giữ để ngay từ khi thụ thai trong lòng mẹ, được vô nhiễm nguyên tội. Niềm tin vào ân sủng của Thiên Chúa ban tràn đầy trên Thân Mẫu của Chúa Cứu Thế, luôn là một xác tín của Giáo hội. Đức Maria được coi như người nữ trinh thai, một Eva mới đã cưu mang con Thiên Chúa nhập thể làm người. Công Đồng Ephêsô vào năm 431 đã lần đầu tiên nhắc đến vấn đề Vô Nhiễm Nguyên Tội của Mẹ Thiên Chúa, như một xác tín quan trọng liên quan đến các đặc ân mà Thiên Chúa đã tuôn đổ cách riêng trên Thân Mẫu của Chúa Cứu Thế.

Sang thế kỷ XV, khi nền thần học đã hình thành một cách tương đối hoàn chỉnh, việc xác tín các đặc ân của Đức Mẹ đã được Giáo hội kiểm chứng qua dòng thời gian, Giáo Hội bắt đầu công bố: “ Thiên Chúa đã sửa soạn cho Con Thiên Chúa một cung lòng xứng đáng cho Ngài và làm cho Mẹ Người là một người Trinh nữ Vô Nhiễm Nguyên Tội. Với mục đích đó, Thiên Chúa đã gìn giữ Đức Mẹ tinh tuyền khỏi mọi tội lỗi, nhờ vào ân sủng đặc biệt được hưởng trước sự thương khó, sự chết và sự sống lại của Chúa Giêsu Kitô.”

Vào ngày 8 tháng 12 năm 1854 trong thông điệp Ineffabilis Deus, Đức Giáo Hoàng Piô IX đã long trọng công bố Tín Điều về Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội: “Ta tuyên xưng, công bố và xác quyết rằng tín điều này đã được Thiên Chúa mặc khải và vì thế phải được mọi tín hữu tin nhận cách chắc chắn, không được rút lại. Cụ thể, tín điều này xác quyết rằng Đức Trinh Nữ Rất Thánh Maria ngay từ giây phút đầu tiên được tượng thai – nhờ ân ban và đặc sủng vô song Thiên Chúa toàn năng ban cho và nhờ công trạng của Đức Giêsu Kitô – đã được gìn giữ khỏi mọi vương vấn nguyên tội”.

Vào năm 1858, một em bé gái thôn quê ở Lộ Đức mới 14 tuổi tên là Bernadette Soubirous được vinh phúc chứng kiến chính Đức Mẹ hiện ra tại hang đá Massabielle nhiều lần, khi hỏi “Bà là ai?”, Người Nữ ấy đã trịnh trọng công bố: “Ta là Đấng Vô Nhiễm Nguyện Tội”. Kể từ đó, tín điều về Đức Maria Vô Nhiễm Nguyên Tội đã được loan báo trên toàn thế giới. Ngày 8 tháng 12 trở thành một dịp lễ trọng trong toàn thể Giáo hội để mừng kính Đức Maria Vô Nhiễm Nguyên Tội.

Trong bài giảng lễ, Đức cha Giuse đã quảng diễn về những ơn lành, cách riêng những đặc ân mà Thiên Chúa đã ban trên Đức Maria – thân mẫu của Chúa Cứu Thế. Gương mẫu của Đức Maria mời gọi mỗi người chúng ta biến đổi cuộc đời để đặt mình trong sự quan phòng kỳ diệu của Thiên Chúa. Đời sống của mỗi Kitô hữu phải đặt mình trong chương trình của Thiên Chúa. Hãy biết tín thác tất cả, yêu mến tất cả, cậy trông trọn vẹn để Thiên Chúa hành động trên cuộc đời mình theo Thánh ý của Ngài.

Kết thúc Thánh lễ, Đức cha Giuse đã cảm ơn mọi thành phần dân Chúa đã nhớ đến ngày kỷ niệm chịu chức Linh mục để cầu nguyện cho ngài. Nhân ngày lễ trọng kính Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội, ngài gửi lời chúc mừng tới mọi thành phần dân Chúa trong giáo phận và hiệp ý dâng giáo phận cho Đức Mẹ./.
 
50 năm Giáo xứ Hiệp Nghĩa có Mẹ đồng hành
Tâm Phúc
22:34 09/12/2010
Sáng ngày 9.12.2010, Thánh lễ Khai Mạc Mừng Kim Khánh Thành Lập Giáo xứ Hiệp Nghĩa GP Phan Thiết (8.12.1960 – 2010) do Đức Cha Giuse Vũ Duy Thống chủ tế được cử hành tại Đài Đức Mẹ trên đỉnh núi giữa tiếng trống kèn rộn ràng reo vui cùng với nắng, gió giữa ngàn xanh cây rừng. Nơi cử hành lễ khá đặc biệt bởi hôm nay, giáo xứ cũng kỉ niệm 50 năm thánh tượng Mẹ được đặt trên núi Hiệp Nghĩa để ngày đêm bầu cử cho đoàn con.

Hiệp Nghĩa nằm gần núi Tà Cú về phía nam, cách Phan Thiết khoảng 30 cây số đường chim bay, thuộc xã Tân thuận, Huyện Hàm Thuận Nam, Tỉnh Bình Thuận. Biến cố năm 1954 khiến cho một số tín hữu Công Giáo phải rời quê hương Hà Nam Ninh để vào miền nam lập nghiệp, họ đã đặt chân đến mảnh đất Hiệp Nghĩa để sinh sống (lúc bấy giờ là xã Tân Hiệp, Quận Hàm Tân, Tỉnh Bình Tuy). Từ họ đạo có tên Bàu Đá chỉ gồm vỏn vẹn 17 gia đình do cha Troger (quản xứ Tân Lý) thành lập năm 1958, nay giáo xứ Hiệp Nghĩa có khoảng 3000 giáo dân trải dài trên 2 xã Tân Thuận và Tân Thành (Kê Gà).

Lược sử giáo xứ Hiệp Nghĩa ghi đậm dấu ấn của những Vị chủ chăn hết tình vì đoàn chiên qua bao thăng trầm trong hành trình xây dựng đức tin và đời sống. Các cụ cao niên trong xứ còn nhắc mãi cho đám trẻ về vị linh mục tiên khởi Gérard Moussay (1960-1968), là người Pháp mà nói- viết Tiếng Việt còn rành hơn cả dân bản địa, đã dành bao tâm huyết xây dựng giáo xứ. Ngài xây trường học, bệnh xá, chợ…; Làm nhà thờ ngay dưới chân Núi Hiệp Nghĩa; Đặt tượng đài Đức Mẹ Vô Nhiễm trên núi.

Và ngày trọng đại 8.12.1961, Đức Cha Marcel Piquet, Giám Mục Gp Nha Trang lúc bấy giờ đã làm phép và khánh thành Tượng Đài Đức Mẹ và chính thức công nhận Hiệp Nghĩa lên hàng Giáo xứ với Bổn Mạng là lễ Đức Maria Vô Nhiễm nguyên tội. Hiệp Nghĩa còn được sự chăm sóc của các mục tử nối tiếp nhau là Cha Nédéléc, Cha GB Cao Vĩnh Phan, Cha René, Cha Jean Mais, Cha Benedicto Nguyễn Văn Mầu, Cha FX Lê Quang Diễn, Cha Gioan Nguyễn Văn Hảo, Cha FX Đinh Tân Thời, Cha Augutino Nguyễn Đức Lợi và hiện nay là Cha Giuse Nguyễn Đức Khẩn.

Hòa với đoàn người tiến bước lên đài Đức Mẹ, 477 bậc thang xen giữa cây lá rừng còn giữ nét hoang sơ mang lại cho mọi người sự thanh thản trong tâm hồn để đến bên Mẹ. Từ trên tượng đài Mẹ nhìn xuống là một con đường thẳng tắp chạy dài giữa những vườn thanh long xanh ngát. Từ con đường này chia ra nhiều ngã dẫn đến mọi ngõ ngách của giáo xứ. Đức Cha Giuse đã lấy hình ảnh này ví như là máng chuyển thông Hồng Ân của Thiên Chúa qua tay từ mẫu của Mẹ Maria đến với tất cả những người con xa gần của Hiệp Nghĩa suốt 50 năm qua và nhất là trong niềm vui ngày Khai mạc Năm Thánh Kim Khánh thành lập.
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Bí quyết thành công
Trầm Thiên Thu
18:38 09/12/2010
Những người thành công suy nghĩ như thế nào? Điều gì điều khiển họ? Sau đây là những bí quyết được đúc kết từ kinh nghiệm của nhiều người.

1. Chịu trách nhiệm:

Người ta không thể kiểm soát thiên nhiên, quá khứ và người khác. Nhưng người ta khả dĩ kiểm soát tư tưởng và hành động của mình. Chịu trách nhiệm về cuộc đời mình là một tác động mạnh nhất mà bạn có thể làm được.

Les Brown bị cha mẹ bỏ rơi từ lúc mới sinh và bị coi là thiểu năng trí tuệ. Nhưng ông không đánh mất hy vọng. Và Brown đã trở thành chính khách. Ngày nay, mỗi giờ ông kiếm được 20.000 USD với tư cách là một trong số diễn giả hàng đầu thế giới.

2. Có mục đích:

Là làm những thứ bạn hoàn toàn tin mình đủ khả năng và cố gắng đủ mức để đạt được nó. Bạn thích những gì bạn làm và thể hiện điều đó. Người ta muốn hợp tác với bạn vì họ thấy bạn nghiêm túc.

3. Lập kế hoạch:

Cố gắng đạt mục đích mà không có kế hoạch hoạt động cũng giống như lái xe qua những con đường lạ dẫn tới một nơi rất xa. Lãng phí thời gian, công sức và tiền bạc có thể làm bạn phải bỏ cuộc sớm. Với kế hoạch trong tay, bạn sẽ vui vẻ và đến đích trong thời gian sớm nhất.

4. Sẵn sàng trả giá:

Những người thành công thấy điều gì đáng trả giá để biến ước mơ thành sự thật. Họ không than phiền về công sức đã bỏ ra.

5. Không đầu hàng:

Khi Jack Canfield và Mark Vitor Hansen biên soạn cuốn Chicken soup for the soul, họ bị hơn 100 nhà xuất bản từ chối. Họ vẫn tập trung vào mục đích và cũng có người đồng ý xuất bản. Bây giờ, đó là sách bán chạy nhất. Đó là sức mạnh của sự kiên trì.

Hãy dành nhiều thời gian vào việc đạt mục đích và ước mơ. Bạn nên tư vấn: “Điều tôi đang làm có đến gần mục đích không?”.

6. Đừng trì hoãn:

Cơ hội không phải lúc nào cũng có. Người thành công luôn biết nắm bắt cơ hội, nỗ lực và đam mê hành động để thực hiện ước mơ. Bạn cũng có thể như vậy.

(Chuyển ngữ từ Entrepreneur)
 
Bí quyết sống thanh thản
Trầm Thiên Thu
18:41 09/12/2010
Cuộc sống luôn có những điều làm phiền chúng ta bất cứ lúc nào. Càng “để ý” đến chúng càng khó xử và thêm bực mình. Hãy cố gắng thắp lên một ngọn nến còn hơn cứ ngồi nguyền rủa bóng tối.

Ngọn nến to hay nhỏ không thành vấn đề, quan yếu là chúng ta có nỗ lực hay không. Chúng ta không thể thoát gian khổ và nghịch cảnh, nhưng chúng ta có thể giữ lòng thanh thản trước mọi bất trắc. Đây là vài “mẹo” để khả dĩ sống thanh thản:



1. Tự vấn lương tâm.
Khi giận ghét người khác, bạn sẽ bất an và có thể hành động sai. Tuy nhiên, khi bị ai ghét thì lòng bạn cũng khó thanh thản. Vậy bạn hãy tự vấn lương tâm xem có làm ai mếch lòng hay không, nếu cần thì đừng tiếc một lời xin lỗi. Sự bình an tâm hồn cần thiết nhất cho cuộc sống. Có thể nghèo khổ, nhưng lòng phải thanh thản.

2. Tĩnh lặng. Mỗi ngày, đặc biệt trước khi đi ngủ, bạn nên dành 10 - 15 phút để tập trung, giúp lắng đọng tâm hồn. Cố gắng loại bỏ mọi phiền toái và lo lắng để giữ cõi lòng bình an, nhờ vậy mà bạn có thể ngủ ngon. Thể lý khỏe thì tâm hồn mới có thể thoải mái để vui sống.

3. Tự thân vận động. Một danh ngôn xác nhận: “Hãy tự giúp mình rồi trời sẽ giúp”. Ai cũng biết vận động không chỉ tốt cho cơ thể (khỏe mạnh, ngừa bệnh và trị bệnh) mà còn tốt cho tinh thần: Một tinh thần sáng suốt trong một cơ thể khỏe mạnh. Nhưng lại không được người ta kiên trì vận động. Thuốc chỉ là liệu pháp khi bất đắc dĩ, không thể bằng liệu pháp tự nhiên (vận động và ăn uống lành mạnh). Không nên thức khuya, nhưng nên dậy sớm. Rồi tập thể dục, hít thở không khí trong lành, bấm huyệt, vận động để máu lưu thông tốt, tránh rượu, thuốc và thức ăn nhiều dầu mỡ. Chắc chắn bạn sẽ không cần... bác sĩ!

4. Dự đoán. Cuộc sống luôn nhiêu khê hơn ta tưởng. Đơn giản như tờ giấy cũng có hai mặt huống chi các tình huống khác trên đời. Không bi quan đến nỗi sợ thất bại, nhưng cũng đừng chủ quan đến nỗi kiêu ngạo. Làm việc gì cũng nên đưa ra hai tình huống “thuận” và “nghịch”. Nếu xuôi chèo mát mái thì quá tuyệt vời, bạn tận hưởng hạnh phúc. Nhưng nếu gặp sự cố, bạn vẫn có thể thanh thản vì đã chuẩn bị tinh thần để không tuyệt vọng - dù có thể thất vọng một chút. Tất cả chỉ là tương đối, không thay đổi được tình huống thì đừng tự giày vò mình. Cuộc đời nên tính bằng “chiều sâu”, đừng tính theo “chiều dài”. Có những người chết trẻ nhưng là gương sáng cho bao người noi theo!

5. Nỗ lực không ngừng. Nhàn cư vi bất thiện. Ăn không ngồi rồi dễ... sinh “tật xấu” (nghĩa đen và bóng). Đại đế Napoléon, đã phải thốt lên: “Chiến thắng một đạo quân còn dễ hơn chiến thắng chính mình”. Não càng hoạt động càng tạo các nối kết nhiều hơn và phong phú hơn. Vả lại, nhờ cố gắng mà bạn không hổ danh. Những người thành công và nổi danh trên thế giới (về mọi lĩnh vực) cũng đã bao phen “chao đảo” mới có được thành tựu đáng kể. Các thiên tài cũng có những người đã từng bị chê là “chỉ số IQ dưới mức trung bình” hoặc bị đuổi học từ... lớp ba!
 
Biết quan tâm nhau
Trầm Thiên Thu
18:44 09/12/2010
Cuộc đời là xã hội, là cộng đồng, nghĩa là không ai lại không phải ít nhiều nhờ vả nhau – dù trực tiếp hay gián tiếp. Không ai có thể sống như một ốc đảo, mà luôn có những mối quan hệ và những hệ lụy theo một quy luật tất yếu của cuộc sống.

Trong quan hệ đó, mỗi người có một nhân sinh quan riêng nhưng luôn hợp thành một tổng thể cộng đồng. Như vậy, cần có tình đồng loại thực sự. Con người vốn dĩ yếu đuối nên rất cần sự cảm thông và tha thứ không ngừng. Sống chân thành và hài hòa với nhau là hạnh phúc được nhân đôi: Cho bạn và cho tôi. Mỗi người phải biết chia sẻ, không thể khư khư giữ “cái TÔI” mãi. Nhưng, để được NHẬN thì phải biết CHO trước. Tất nhiên phải biết mở lòng ra như cuốn sách để người khác “đọc” mà cùng quan tâm lẫn nhau.

Đôi khi cần dè dặt, không sỗ sàng, những đừng quá khách sáo. Dĩ nhiên không ai trên đời có thể hiểu hết nhau – dù trong mối quan hệ nào. Có chăng là hiểu một đôi phần trong lĩnh khía cạnh nào đó. Cố gắng hiểu người chứ đừng đòi người hiểu mình nhiều quá. Vả lại, ai cũng có “khoảng riêng” bất khả xâm phạm. Biết vậy để tự trọng và tôn trọng nhau đúng mức. P. Gerandy (Mỹ) phân tích: “Chỉ cần hơi giống nhau là có thể hiểu nhau, nhưng cần phải hơi khác nhau để có thể yêu nhau”.

Có những người chê bai, trách cứ mà không chịu “nhìn” để cảm thông. Có những người chỉ biết đòi hỏi mà không biết trao tặng. Có những người lại quá “hạ mình” đến mức nhu nhược hoặc hóa kiêu ngạo. Người may mắn có cuộc sống sung túc từ nhỏ thì không muốn quen thân những người nghèo khó. Người giàu có nhờ “số hên” thì coi trời bằng… nắp bia. Cô gái trẻ, tuy chưa đến nỗi có dung nhan Thị Nở, lại cứ tưởng mình là Tây Thi. Ca sĩ vừa “ăn khách” một chút thì vội coi mình là Elvis Presley. Chàng trai tán tỉnh được nhiều cô gái lại tưởng mình đào hoa như Valentine.

Óc phong kiến, bè phái, thành kiến và sự ngộ nhận thường có ở xung quanh ta hàng ngày – trong mọi lĩnh vực (kinh tế, giáo dục, xã hội,… thậm chí cả tôn giáo). Dĩ nhiên vẫn có những tâm hồn sâu sắc, những tâm hồn cao thượng và những tính cách đáng khâm phục, đôi khi họ ở gần bên chúng ta và ở trong chính những con người rất bình dị.

Biển luôn vỗ sóng vì lòng biển thẳm sâu, chứa nhiều châu báu. Những con người đau khổ và gian nan là những người đầy kinh nghiệm. Pythagore cảnh báo: “Đừng thấy bóng mình to lớn mà tưởng mình vĩ đại”. Biết người, biết ta thì không ai dám “nổ”. Khoác lác là tự phơi bày cái “không tưởng” của mình.

Nhưng thế nào là quan tâm đến nhau? Có thể dùng ngôn ngữ, cử chỉ, động thái, ánh mắt, nụ cười,… để thể hiện. Quan tâm đến nhau là điều cần thiết trong mọi mối quan hệ. Thiết tưởng, dưới đây là các “khởi điểm” để tạo mối quan thiết tốt đẹp và bền vững:

1. Bạn có thể viết thư, gởi thiệp, tặng hoa hoặc quà để chúc mừng vào những dịp đặc biệt như sinh nhật, lễ, tết, cưới hỏi, thi đậu, thôi nôi, tân gia, ngày 8/3, ngày tình yêu (Valentine’s Day, 14/2),… Trên thế giới còn có những ngày khác như Ngày Ông Bà (Grandparents’ Day, chủ nhật thứ nhất sau lễ Lao động), Ngày Thân Mẫu (Mother’s Day, chủ nhật thứ nhì của tháng Năm), Ngày Thân Phụ (Father’s Day, chủ nhật thứ ba của tháng Sáu) dành cho con cháu tỏ lòng thảo hiếu đối với Ông Bà và Cha Mẹ mình.

2. Thi thoảng, nếu có thể thì thường xuyên điện đàm, nhắn tin, thăm viếng,… kẻo “xa mặt cách lòng”.

3. Luôn biết sử dụng tiếng “xin lỗi”, “cảm ơn” và “làm ơn…” – dù bạn đi mua hàng, hỏi đường, hỏi giờ,…

4. Biết sẵn sàng giúp đỡ nhau khi cần (an ủi, động viên, khen ngợi, chân thành sửa lỗi,…). Một người bạn tốt là người có mặt đúng lúc, và là người dám làm trái ý cả trăm lần chỉ vì muốn tốt cho chúng ta.

5. Xởi lởi, trung thực, chân thành tâm sự để chia vui sẻ buồn, cả thành công lẫn thất bại trong cuộc sống để cùng dìu nhau đi.

Nhưng đôi khi cũng cần biết “phớt tỉnh Ăng-lê” (kiểu người Anh) để không “xoi mói” đời tư người khác.

Sống tốt khó hay dễ tùy mỗi người. Ai có cá tính mạnh là có tính cách đặc biệt “khác người” – rất nam tính hoặc nữ tính. Bạn có thể bị hiểu lầm, nhưng một khi hiểu ra thì người ta càng nể phục. Hãy sống theo “chiều sâu”, đừng sống theo “chiều dài”, và hãy cứ là chính mình chứ đừng để tính cách bị “lai căng”.

Biết quan tâm đến người khác là một cách sống tốt, điều mà không ai lại không muốn, và giúp người khác cùng sống tốt. Đừng “vô tình” biến họ thành Chí Phèo! Văn hào Victor Hugo nói: “Tôi thích trở thành người nổi tiếng, vì đó là hạnh phúc. Nhưng tôi muốn trở thành người hữu ích, vì đó là nghĩa vụ”.
 
Bí quyết trường thọ
Trầm Thiên Thu
18:49 09/12/2010
Suốt 5 năm qua, Jerry Friedman – ở Connecticut, Mỹ – đã đi vòng quanh thế giới để phỏng vấn 65 người già nhất thế giới, từ 110 tuổi trở lên…

Kết quả chuyến đi được ông tường thuật trong cuốn Earth’s Elders: The Wisdom of The World’s Oldest People. Sách mở ra một cửa sổ nhìn vào cuộc đời của những người vượt ngoài biên độ trường thọ.
Friedman nói rằng ông đã biết rất nhiều trong 5 năm qua về bí quyết sống đối với thành ngữ “Bảy mươi phải học bảy mốt”. Ông nói: “Đa số những người này đã sống khỏe cả đời, có thái độ tích cực dù cuộc sống khó khăn, có khả năng thích nghi hoàn cảnh, biết xử lý tình huống, sống gắn bó với gia đình và làm việc chăm chỉ. Họ sống giản dị và ăn uống đạm bạc. Niềm tin là thành phần chủ yếu của đời họ. Đa số sinh trưởng ở vùng quê. Di truyền giữ vai trò quan trọng trong cuộc đời trường thọ của họ. Tính khôi hài là yếu tố quan trọng khác. Đa số họ luôn có thể thấy mặt vui vẻ của cuộc đời”.

Cụ Fred Hale, sinh năm 1890 ở New York, là một ví dụ. Cả đời cụ chưa uống một viên thuốc nào. Dù đã 106 tuổi, cụ vẫn có thể quét tuyết trên mái nhà, và là người lái xe có bằng lái già nhất thế giới - ở tuổi 107. Trước khi mất ở tuổi 113, cụ phải ngồi xe lăn sau khi bị ngã và nứt xương hông. Cụ vẫn đọc sách báo, chơi bài với con trai 80 tuổi.

Khi được hỏi tại sao sống thọ, cụ thản nhiên: “Ồ, tôi không biết. Tôi đoán là hình phạt”. Khi được hỏi cụ có được bí quyết gì để truyền lại không, cụ nói: “Ai cũng có một cuộc đời để sống. Hãy sống đúng, và đừng ghét bỏ gia đình”.

Đây là các bí quyết sống trường thọ của các cụ ngoài trăm tuổi:

– Có thái độ sống tích cực.

– Có khả năng thích nghi với các thử thách.

– Quan tâm nhiều đến gia đình.

– Chăm chỉ làm việc.

– Duy trì chế độ ăn uống đơn giản và lành mạnh.

– Có niềm tin hoặc sống nội tâm.

– Sống ở vùng quê.

– Có cha mẹ sống thọ.

– Có tính khôi hài.

Chuyển ngữ từ Secrets of Longevity
 
Người Do Thái vô thần
Vũ Văn An
19:34 09/12/2010
Trong Cách Mạng Tháng Mười và những năm sau trong thời nội chiến Nga (1917-192), tại Nga và cả tại Ba Lan, thuật ngữ Chủ Nghĩa Bônsêvích Do Thái hết sức thịnh hành và là lợi khí của Phe Trắng chống lại Phe Đỏ, với hàm ý Cách Mạng Tháng Mười và cả phong trào Cộng Sản đều bị chủ nghĩa Xion của người Do Thái giật dây, qua những nhân vật Do Thái như Trotsky chủ động. Chưa hết, thuật ngữ này, mấy chục năm sau, đã được Đức Quốc Xã dùng làm chiêu bài biện hộ cho chính sách của họ và nhất là biện hộ cho cuộc chiến tranh chống lại Liên Xô lúc ấy, một chiêu bài rất dễ được người ta tin theo.

Bônsêvích và Sự Hiện Diện của Người Do Thái

Căn cứ vào lịch sử, người Do Thái vốn là một thiểu số bị bách hại trong Đế Quốc Nga, trước Cách Mạng Tháng Mười, qua chính sách phân biệt chủng tộc và những cuộc tàn sát (pogroms) đây đó. Chính vì thế, trong khoảng từ 1881 tới 1920, hơn 2 triệu người Do Thái đã phải rời bỏ Nga đi nơi khác. Xua đuổi, trục xuất, giam cầm, đánh đập là số phận hàng ngày của người Do Thái trên đất Nga dưới sự thống trị của nhà Romanov. Khuynh hướng chung của người Do Thái, dĩ nhiên, là tham gia các tổ chức ý thức hệ nhằm đem lại thay đổi từ từ hay thay đổi cách mạng trong Đế Quốc. Một trong các tổ chức đó chính là Đảng Bônsêvích. Có người cho rằng, trước ngày nổ ra cuộc Cách Mạng Thánh Mười, Bônsêvích có 10,000 đảng viên, thì trong đó đã có 364 người là Do Thái rồi. Những người lãnh đạo hàng đầu của Đảng, từ 1917 tới 1919, ít nhất có Grigory Zinoviev, Moisei Uritsky, Grigory Sokolnikov, và Leon Trotsky.

Staline sau này có ra lệnh loại bỏ người Do Thái ra khỏi các vai trò lãnh đạo. Nhưng việc này phần lớn tiến hành để trả đũa sự bội phản của Trotsky qua việc viên lãnh tụ này đào ngũ và thành lập ra Đệ Tứ Quốc Tế. Có người cũng cho rằng Staline muốn chứng tỏ mình “cùng” chính sách với Hitler trong việc diệt trừ người Do Thái…

Thực vậy, đối với Quốc Xã của Hitler: chủ nghĩa Bônsêvích chính là cuộc nổi loạn của các giống dân Do Thái, Slav và Mông Cổ chống lại các phần tử Đức tại Nga. Nó là một cuộc nổi loạn của những tên du mục chuyên thù hận tất cả những gì là cao cả, anh hùng, lành mạnh nòi giống. Mọi điều vĩ đại tại Nga đều do các phần tử Đức, có giòng máu Đức, tạo nên. Cuộc Cách Mạng Tháng Mười đã quét sạch mọi phần tử thuộc nòi Aryan đó…

Những tâm tình tiêu cực trên thực ra không riêng gì của Hitler hồi ấy. Trước khi Hitler thực sự lên cầm quyền, tại cả Anh lẫn Mỹ, rất nhiều người đã chia sẻ các tâm tình bài Do Thái trên đây. Đại sứ Mỹ tại Nga, David R. Francis, năm 1918 phúc trình rằng phần lớn lãnh tụ Bônsêvích là người Do Thái. Đặc biệt nhất là Winston Churchill, người, trong một bài báo gửi cho tờ Illustrated Sunday Herald ngày 8 tháng 2 năm 1920, cho rằng: “Không cần phải nói quá phần đóng góp trong việc tạo ra chủ nghĩa Bônsêvích và việc nổ bùng Cách Mạng Nga bởi những người quốc tế này mà phần đông là người Do Thái vô thần. Đây chắc chắn là phần rất lớn; có khi vượt xa mọi đóng góp khác. Chỉ trừ trường hợp nổi tiếng là Lenin ra, đa số các khuôn mặt lãnh đạo đều là người Do Thái cả”.

Ngày nay, ai cũng rõ các nhận định trên phần lớn là thiên lệch, ít nhất cũng là cường điệu dựa trên định kiến nhiều hơn sự thực. Chỉ có điều, theo Churchill, những người tham gia và chủ động Cách Mạng Bônsêvích là những người Do Thái vô thần, với hàm ý có những người Do Thái không phải là vô thần. Thử hỏi: liệu có chăng một thứ Do Thái Giáo “vô thần” hay một thứ vô thần tôn giáo (religious non-theism)? Có người trả lời rằng: ít nhất, trên thực tế, có những người vô thần Do Thái vẫn tự coi mình là người Do Thái Giáo, và họ có lý. Vì quả trong Do Thái Giáo, các nhân tố văn hóa đã góp phần tạo ra thành tố vô thần (non-theist) cho tôn giáo Do Thái.

Bài phát biểu của Giáo Sĩ Sobel trước Ủy Ban Đối Thoại Tôn Giáo Giữa Người Do Thái Giáo Và Người Công Giáo tại San Paolo, Brazil, tháng Giêng năm 1982 (1) với việc nhấn mạnh tới vị thiên sai chỉ có tính phàm trần và lo thiết lập một Vương Quốc, tuy là của Thiên Chúa, nhưng chỉ để phục vụ lợi ích phàm trần, hình như đã củng cố cho nhận định trên. Thời Staline thống trị Liên Bang Xô Viết và Thế Giới Công Sản, không thiếu người Do Thái coi hắn là Đấng Thiên Sai.

David Ben-Gurion

Quan điểm thiên sai kiểu này cũng là quan điểm của người dành độc lập và sáng lập ra nhà nước Israel hiện đại, David Ben-Gurion. Ông là đại biểu cho thứ Do Thái Giáo Không Thiên Chúa. Khi đã về hưu và lui về Sa Mạc Negev để tiếp tục triết lý cách mạng của mình, Ben-Gurion có dành cho hệ thống truyền hình Do Thái một cuộc phỏng vấn dài 6 tiếng đồng hồ. Cuộc phỏng vấn sau đó đã được Thomas R. Bransten thuộc cơ sở Macdonald Unit Seventy-Five London hiệu đính và xuất bản năm 1970.

Trong cuộc phỏng vấn này, Ben-Gurion nhìn nhận giá trị của Thánh Kinh, ông bảo: “Tất cả những gì khiến ta trở thành Do Thái, kể cả ý lực đôi khi đẩy ta thăm dò quá bên kia các đường ranh cổ truyền, đều phát xuất từ Thánh Kinh một cách trực tiếp. Về kích thước, ta là con số không trong tư cách dân tộc và sẽ luôn là như thế. Nếu không phải là con cái của Sách, ai biết tới chúng ta? May lắm, ta chỉ có được địa vị của một ghi chú cuối sách lịch sử”. Nhưng liền sau đó, ông long trọng tuyên bố mình là người vô tôn giáo. Không những thế, ông còn coi thần học đã đảo ngược trật tự sự việc. Vì theo ông, không phải con người đã được tạo nên giống hình ảnh Thiên Chúa, mà chính Thiên Chúa mới được “tạo” nên theo hình ảnh con người, như một giải thích đối với mầu nhiệm họ hiện diện trên trần gian.

Đối với vấn nạn được Spinoza đặt ra: Làm sao có việc Thiên Chúa là đấng phổ quát mà lại chọn một Dân Riêng? Ben-Gurion cho hay: ông không bàn tới khía cạnh siêu hình, nhưng sứ điệp Dân Riêng có nghĩa về phương diện thế tục, thuần lý và lịch sử khi ta đảo ngược diễn trình để mô tả hành vi Ápraham và miêu duệ ông “chọn lựa” Đấng Thiên Chúa mà chính họ đã tạo ra. Nói cách khác, con người có trước, rồi mới đến các vị thần của họ. Điều này không làm giảm năng lực của Vị Thiên Chúa của Người Do Thái trong việc thực hiện điều tốt cũng như giá trị sứ điệp công chính của Thánh Kinh. Theo quan điểm thế tục, trong Sách Thánh của mình, Người Do Thái muốn nói: “Trong tư cách một dân tộc, chúng tôi có nhiệm vụ làm mẫu mực cho Vị Thiên Chúa mà chúng tôi đã chọn, hành động phù hợp với đường lối của Người, những đường lối mà chính chúng tôi đã xác định ra, và tận hiến đời chúng tôi để biến mảnh đất mà chúng tôi đã định cư và đã coi như hồng phúc của Người dành cho chúng tôi thành mảnh đất phồn thịnh song song với các giới điều luân lý của chúng tôi”. Ông bảo: theo nghĩa này, Người Do Thái có thể coi mình như một Dân Tự Chọn (2). Thiên Chúa không chọn họ, họ đã chọn Người và tự chọn mình.

Ở một đoạn sau, ông nói thêm: “Xin cho tôi nói rõ: bản thân tôi vốn không tin vào Vị Thiên Chúa mà Sách Torah giả thiết. Tôi muốn nói: tôi không thể ‘hướng về Thiên Chúa’ hay cầu nguyện với một Đấng Quyền Năng siêu nhân ở tít tắp trên trời. Gần đây, có người hỏi tôi: trong những lúc căng thẳng, tôi có ‘chuyện trò’ với Thiên Chúa hay không và tôi đã làm người đối thoại ngỡ ngàng khi tôi hỏi ngược lại: ‘Thiên Chúa có máy điện thoại hay không?’ Ấy thế nhưng, dù triết lý của tôi duy thế tục, song tôi tin tưởng xâu xa vào Vị Thiên Chúa của Giêrêmia và Êlia. Thực vậy, tôi coi đó là một phần trong gia tài Do Thái và người Do Thái có nhiệm vụ bám chắc vào quan niệm này về Thiên Chúa”.

Thì ra, Thiên Chúa của Ben-Gurion không hẳn là Thiên Chúa của Ápraham, của Ixaác, của Giacóp, của các tổ phụ và các tiên tri nói chung mà của Giêrêmia và Êlia một cách có chọn lọc. Vì theo ông, Êlia đi 40 ngày đêm tới Núi Hôrép, sống trong hang động, hy vọng được nghe Thiên Chúa phán. Nhưng ông không thấy Người phán trong gió lớn, trong động đất cũng như trong lửa. Song ông nghe thấy Người nói rất “thinh lặng”, rất nhỏ tiếng trong chính ông! Ben-Gurion kết luận: mỗi con người đều có lương tâm và khả năng bên trong mình biết biện phân điều đúng và điều sai.

Thiên Chúa và Thánh Kinh, theo hàm ý của Ben-Gurion, chỉ là tên khác của lương tâm con người. Ông nhấn mạnh: “Tôi không phải người tôn giáo, cũng như đa số những người đầu tiên xây dựng nên Israel hiện đại đều không phải là tín hữu. Song, lòng say mê của họ đối với mảnh đất này phát sinh từ Sách Các Sách. Đó là lý do tại sao những người xã hội chủ nghĩa của phong trào Bilu đã tập họp dưới danh nghĩa Ezra. Và đó cũng là lý do tại sao, mặc dù tôi bác bỏ thần học, song cuốn sách quan trọng nhất trong đời tôi chính là Sách Thánh”. Nhưng thật ra, Sách Thánh của ông không phải là Sách ghi chép lại lời linh hứng của Thiên Chúa mạc khải, mà trần trụi chỉ còn là sách dạy “chủ nghĩa tranh đấu luân lý vốn lên bản sắc cho người Do Thái và vốn làm cho họ được người ta cảm phục cũng như ghét bỏ bất cứ nơi nào họ sinh sống”.

Ben-Gurion cho rằng người Do Thái là người tranh đấu, nghĩa là họ có tinh thần thiên sai. Họ không phải là những nhà truyền giáo (có giáo đâu mà truyền?), họ không tìm cách khuyên người ta trở lại, nhưng họ tự bất từ nhân (merciless) với chính mình. Thánh Kinh khắc ghi trong họ cái bất mãn thần thánh, một thứ bất mãn tốt nhất đã dẫn họ tới các sáng kiến của một cuộc sống khai phá, mà tệ nhất đã trao họ vào bàn tay bách hại của đồng loại. Nỗi bất mãn ấy không bao giờ cho phép họ vui hưởng một thứ tầm thường dễ chịu.

Ông hiểu thiên sai hoàn toàn theo nghĩa thế tục, xem ra không khác Đấng Thiên Sai của giáo sĩ Sobel là mấy. Ông bảo: “Ngày nay, tại Israel, chắc chắn chúng tôi đều là thiên sai. Người Do Thái cảm thấy mình có một sứ mệnh ở đây; họ có cảm thức mạnh về sứ mệnh. Thiết lập chủ quyền đã được gắn liền với ý niệm cứu thoát. Điều ấy đã xác định ra sự sống còn của người Do Thái và đó chính là cốt lõi của ý thức tôn giáo, luân lý và quốc gia Do Thái”.

Ông bảo cuốn sách quan trọng nhất đời ông là Sách Thánh, nhưng đó là Sách Thánh được não trạng duy thế tục đọc và giải thích. Ông nói: “Một quan điểm thế tục về Thánh Kinh phải khảo sát định đề về người Do Thái như một Dân Riêng. Tôi tin chắc rằng hoàn cảnh cụ thể trong lịch sử đã đảo ngược lại điều thuật ngữ kia hàm ý. Tôi nghĩ người Do Thái chọn Thiên Chúa chứ không như Torah dạy chính Người chọn chúng ta”.

Không lạ gì, theo Ben-Gurion, khi người Do Thái đem chủ nghĩa tranh đấu có tính thiên sai của họ ra thế giới bên ngoài, họ trở thành cả “những cố vấn đáng ca ngợi của nhân loại lẫn những thằng sở khanh (villains) của xã hội. Trong thời đại ta, Freud và Marx là cả hai hạng người đó đối với một phần nhân loại đáng kể”.

Điều ấy dễ hiểu, vì mục tiêu của những người như Ben-Gurion, Freud và Marx là “chúng ta đang ở trong diễn trình viết ra một Torah mới không do các luật sĩ mà do các người khai phá và nông dân, nghệ sĩ và khoa học gia, kiến trúc sư, thầy giáo, kỹ sư, nhà làm luật, cán bộ hợp tác xã, công dân thuộc đủ giai tầng. Mọi người sẽ cùng nói ngôn ngữ Môsê và ngay cả những nhà tư tưởng tự do cũng sẽ thâm cứu Sách Thánh (ấy), nguồn của linh hứng, cung cấp cho ta cả cái nhìn quá khứ lẫn cái nhìn tương lai”. Theo ông, Sách Thánh ấy sẽ kể lại câu truyện chinh phục sa mạc của người Do Thái hiện đại, sa mạc Negev. Đối với ông, cái sa mạc mà lượng nước mưa hàng năm không quá 2.54cm ( 1 inch) có giá trị biểu tượng cao hơn Giêrusalem. Và muốn tái lập thẩm quyền Do Thái, điều quan trọng là khai phá Negev, chứ đừng mất công đòi lại cổ thành Giêrusalem xưa cũ. Vì Negev “đem lại cho người Do Thái vận hội vĩ đại nhất để họ đạt được mọi sự cho chính họ từ nguyên khởi. Đây là phần sinh tử của ơn giải thoát của ta tại Israel. Bởi vì sau cùng, khi con người làm chủ được Thiên Nhiên họ sẽ làm chủ được chính họ. Đó chính là ý nghĩa, một ý nghĩa không có tính huyền nhiệm nhưng có tính thực tiễn, tôi đã dùng để định nghĩa ơn giải thoát của ta”.

Một ơn giải thoát hoàn toàn vật chất. Dĩ nhiên, Ben-Gurion là một nhà cai trị, nhấn mạnh tới việc khai phá là việc một nhà cai trị cần làm. Nhưng dựa vào Thánh Kinh để mà nói đến ơn giải thoát như thế, sau khi đã rời chính trường, rõ ràng là hàm hồ và cố tình bóp méo Thánh Kinh, Sách mà ông coi là quan trọng bậc nhất đời ông.

Ben-Gurion hay lên tiếng đả kích Liên Xô. Nhưng là Liên Xô của Staline, một Liên Xô đã quay lưng lại với những đồng chí cộng sản Do Thái từng góp công lớn vào sự thành công của Cách Mạng Tháng Mười, trong đó có Trotsky. Ben-Gurion muốn Liên Xô quay về với Trotsky, người từng hứa hẹn sẽ tạo ra “một thiên đường dưới thế” trong đó “mọi của cải trần gian, mọi đất đai cùng biển cả, tất cả mọi thứ này sẽ trở thành tài sản chung của toàn thể nhân loại”…Theo Trotsky: “Người ta luôn khao khát một đời sống thanh cao hơn, công chính hơn, nhưng họ bảo: ‘phải có một thiên đường như thế, ít nhất cũng ở một thế giới khác, một thế giới mầu nhiệm chưa ai biết’. Nhưng ta bảo họ: chúng tôi sẽ tạo ra một thế giới như thế bằng đôi tay lao công của mình ngay tại đây, tại cõi đời này, trên mặt địa cầu này, dành cho tất cả mọi người, cho con cái cháu chắt chúng tôi và cho muôn đời!”.

Những người Do Thái như Ben-Gurion hay Trotsky không đại diện cho toàn thể các thế hệ người Do Thái, nhưng họ quả đại diện cho một số rất lớn, nếu không muốn nói cho đại đa số người Do Thái thời nay. Những người này, như nhận định của Winston Churchill trong bài báo đã trích dẫn, đã rẫy bỏ niềm tin của cha ông và đã loại khỏi tâm trí họ mọi niềm hy vọng linh thiêng vào một thế giới đời sau. Còn nhớ, người viết, nhân chuyến qua thăm Đất Thánh năm 2009, có rẽ qua Phi Trường Hồng Kông, ở đấy lần đầu tiên, được chứng kiến cảnh những người Do Thái Chính Thống tụ tập nhau ngay tại phòng đợi của Phi Trường, mặt hướng về Giêrusalem, và cùng nhau say sưa cầu nguyện lớn tiếng. Một thanh niên Do Thái đang ở tuổi quân dịch thấy thế, nói với người viết: một bọn ăn bám! Bọn tao làm trối chết để nuôi cho bọn nó đẻ con, bọn ăn bám! Thiển nghĩ đó không phải là nhận định đơn độc. Thái độ của đại đa số đồng bào anh trên chuyến phi cơ hôm ấy từ Hồng Kông tới Tel Aviv khi được hỏi về những người chính thống trên cũng thuộc cùng một băng tần.

Nghĩ cho cùng, từ thời Đức Kitô, đại đa số người Do Thái cũng chỉ có một niềm hy vọng thiên sai giống nhau: một vị cứu tinh đến để giải phóng họ, không phải khỏi tội lỗi, mà khỏi ách thực dân, đem lại cho họ một hoàng kim thời đại như triều Đavít và Salômông, và thống trị thế giới như lời tiên đoán của Isaia: đem ánh sáng đến cho thế giới. Bất kỳ, đấng ấy là cố vấn đáng ca tụng của nhân loại hay một tên sở khanh của xã hội, như Ben-Gurion nghĩ. Niềm hy vọng đó đã được Ủy Ban Trung Ương Chi Nhánh Petersbourg của Liên Đoàn Do Thái Quốc Tế nói lên, lúc Trotsky và đồng bọn sắp thành công lật đổ được chế độ Nga Hoàng: “Hỡi con cái Israel! Giờ chiến thắng tối hậu của ta đã gần kề. Ta đang đứng ở ngưỡng cửa chỉ huy toàn thế giới. Điều ta chỉ dám ước mơ trước đây nay đang sắp thành hiện thực. Chỉ mới gần đây đang yếu đuối và bất lực, nay, nhờ các tai ương của thế giới (chứ không do ơn của Giavê), ta có thể ngẩng cao đầu hãnh diện… Bronstein (Trotsky), Apfelbaum (Zinovieff), Rosenfeld (Kamaneff), Steinberg… cũng như hàng ngàn người khác đều là những đứa con chân thực của Israel. Sức mạnh của ta vô giới hạn. Tại các thành thị, các Ủy Viên và Ủy Ban… đều do người của chúng ta điều khiển…”

Sau Cách Mạng Tháng Mười, sự hiện diện của người Do Thái trong hàng ngũ Cộng Sản Liên Xô càng ngày càng gia tăng, theo một ỷ lệ bất cân xứng. Như trên đã nói, điều ấy một phần do lý do lịch sử: các tàn bạo của chế độ Nga Hoàng đã đẩy người Do Thái về chủ nghĩa Bônsêvích. Nhưng có người không nghĩ như thế, họ mang trường hợp nước Mỹ ra để chứng minh. Nước Mỹ chào đón mọi người và luôn dành cho mọi người cơ hội thăng tiến đồng đều. Bằng chứng cụ thể là cộng đồng Do Thái tại Mỹ, sau một thời gian ngắn, rất ngắn, đã trở thành một cộng đồng phồn thịnh nhất trong lịch sử “lưu đày” của con cháu Ápraham. Nhưng Đảng Cộng Sản Hoa Kỳ cũng là Đảng có tỷ lệ Do Thái hết sức bất quân bình. Julius Hammer, M.D., gốc Do Thái, vốn là đồng sáng lập ra Đảng Cộng Sản Hoa Kỳ. Theo P. Treger, ít nhất 19% Liên Đoàn Thanh Niên Cộng Sản Mỹ là người Do Thái và không dưới 40% ban lãnh đạo Liên Đoàn là người thuộc sắc tộc này (3). Đến độ, Tổng Thống Richard Nixon, năm 1971, đã phát biểu rằng: “Trong cuộc âm mưu của Cộng Sản, chỉ có hai người không phải là Do Thái, đó là Chambers và Hiss…Mọi người khác đều là người Do Thái và cuộc âm mưu đó tạo nên cả một hỏa ngục cho chúng tôi”. Ông muốn nói tới Whittaker Chambers và Alger Hiss và việc lột mặt nạ thành công âm mưu Cộng Sản nhằm phá hoại nước Mỹ vào tiền bán thế kỷ 20, một thành công làm ngôi sao Nixon chói ngời trên nền trời chính trị Hoa Kỳ (4).

Bách Khoa Từ Điển Do Thái

Tuy nhiên, phần lớn những điều viết trên đây là do những nguồn không phải là Do Thái, nên bị nhiều người nghĩ là phiến diện, nhằm bài Do Thái. Nhưng Encyclopedia Judaica, ấn hành tại Giêrusalem năm 1971, do chính người Do Thái soạn tác, cũng đã xác minh các điều trên. Dưới mục “Chủ Nghĩa Cộng Sản” (cuốn 5, trang 792), người ta đọc thấy: “Phong trào và ý thức hệ Cộng Sản đóng một vai trò quan trọng trong đời sống người Do Thái, nhất là trong các thập niên 1920, 1930 và trong cũng như sau Thế Chiến II”. Qua trang 793, Từ Điển này cho hay: “Các trào lưu Cộng Sản trở nên phổ biến gần như trong mọi cộng đồng Do Thái. Tại một số quốc gia, người Do Thái trở thành các phần tử lãnh đạo trong các Đảng Cộng Sản hợp pháp cũng như bất hợp pháp…” đến nỗi Quốc Tế Cộng Sản phải chỉ thị cho người Do Thái đổi tên để khỏi rơi vào “tuyên truyền của phe hữu rằng Cộng Sản chỉ là một âm mưu xa lạ của người Do Thái”.

Encyclopedia Judaica cũng mô tả vai trò nổi bật của người Do Thái trong việc tạo ra Liên Bang Xô Viết. Ở trang 794, Từ Điển này liệt kê những người Do Thái nổi bật trong hàng ngũ lãnh đạo cao cấp của Đảng Cộng Sản Nga: Maxim Litvinov (sau này là ngoại trưởng Liên Xô), Grigori Zinoviev, Lwev Kamenev, Jacob Sverdlov, Lazar Kaganovich, và Karl Radek, và nhiều người khác. Nhà tổ chức của Cách Mạng là Trotsky, người có nhiệm vụ chuẩn bị một ủy ban đặc biệt, lấy tên là Ủy Ban Quân Sự Cách Mạng, để lên kế hoạch và tổ chức một cú đảo chính nhằm đem người Cộng Sản lên nắm chính quyền. Cũng theo Từ Điển này, trong số 5 ủy viên của Ủy Ban này, thì hết 3 là người Do Thái. Bộ Chính Trị, cơ quan đầu não cai trị nước Nga ngay sau Cách Mạng Tháng 10, có 4 ủy viên Do Thái trong tổng số 7 ủy viên (trang 797). Bộ luật đầu tiên của chính phủ Xô Viết là đạo luật chống kỳ thị Do Thái (trang 798).

Tiến sĩ Stanislaw Krajewski, một người Ba Lan gốc Do Thái, từng là đoàn viên của Công Đoàn “Đoàn Kết” từ lúc khởi đầu năm 1980 tới tận năm 1990, và là một trong các sáng lập viên của Hội Đồng Kitô Hữu và Người Do Thái Giáo Ba Lan cũng như Hội Thân Hữu Ba Lan Do Thái, đồng thời là thành viên trong ban lãnh đạo Hội Đồng Kitô Hữu Và Do Thái Giáo Quốc tế, trong “Jews, Communism, and Jewish Communists” có trình bày mười luận đề về vấn đề này.

Mười luận đề đó như sau: 1/ Chủ nghĩa Mácxít tạo ra một chương mới cho lịch sử thế giới, cho lịch sử Ba Lan và Hung Gia Lợi và cho cả lịch sử Do Thái nữa. 2/ Những người bài Do Thái đã cường điệu một cách thô thiển sự can dự của người Do Thái vào chủ nghĩa Cộng Sản, bóp méo sự kiện, và giải thích chúng theo các lý thuyết âm mưu; người Do Thái cũng là nạn nhân của chủ nghĩa Cộng Sản. 3/ Những người Do Thái Cộng Sản ít khi để ý tới các quan tâm Do Thái và thường ngưng không còn là Do Thái nữa. 4/ Một số người từ bỏ tính Do Thái của mình sau đó đã trở lại. Con số những người Do Thái Cộng Sản, và vai trò của họ, quan trọng đến nỗi các người Do Thái khác không thể làm ngơ. 5/ Vấn đề sâu sắc nhất phát sinh từ đặc tính gần như tôn giáo của một số người Do Thái Cộng Sản. 6/ Không hề có một chủ nghĩa cấp tiến chuyên biệt của Do Thái, nói cách khác, không hề có một “chủ nghĩa Cộng Sản Do Thái”. Người Do Thái trở thành cộng sản là do các cơ chế tổng quát. 7/ Không phải Do Thái Giáo hay truyền thống Do Thái mà là hoàn cảnh xã hội đã khiến người Do Thái can dự vào chủ nghĩa Cộng Sản. 8/ Tham dự vào sự ác có thể khởi đầu với những ý định cao thượng và vô vị lợi. 9/ Trách nhiệm tinh thần có thể gián tiếp. Các cộng đồng Do Thái mới xuất hiện ở Đông Âu nên đối diện với gia tài do việc tham gia vào chủ nghĩa Cộng Sản của người Do Thái tạo ra. Tuy nhiên, nhận phần trách nhiệm tinh thần của người Do Thái không làm cho người không phải là Do Thái ít trách nhiệm hơn. 10/ Cần có những cuộc nghiên cứu khách quan để minh xác phạm vi cũng như bản chất của việc người Do Thái tham gia Cộng Sản. Các hậu quả thảm khốc của huyền thoại “chủ nghĩa cộng sản Do Thái” đầy tính bài Do Thái không nên đặt ra bất cứ cấm kỵ nào.

Chủ Nghĩa Cộng Sản Do Thái hay Người Do Thái Cộng Sản

Tóm lại là cần có những cuộc nghiên cứu khách quan, dù có vì vậy mà người Do Thái bị kết tội là đồng minh hay là cha đẻ của chủ nghĩa Cộng Sản. Tác giả nhìn nhận tính lưỡng nghĩa trong thuật ngữ “chủ nghĩa Cộng Sản Do Thái”, nó vừa là hư cấu vừa là thực tại: hư cấu vì thực sự nó chỉ là một huyền thoại. Điều có thực là sự hiện hữu và tầm quan trọng của những người Do Thái Cộng Sản. Thành thử theo tác giả, không nên nói tới chủ nghĩa cộng sản Do Thái mà chỉ nên nói tới những người Do Thái Cộng Sản, trong đó có Adolf Warski, một trong những người sáng lập ra Đảng Cộng Sản Ba Lan, vốn là ông cố của tác giả.

Có lẽ yếu tố ấy khiến Krajewski trở thành người nghiêng hẳn về quan điểm vừa nói: chỉ có người Do Thái Cộng Sản, chứ không có chủ nghĩa Cộng Sản Do Thái, hay đúng hơn, người Do Thái như một toàn thể không ủng hộ, hay không đẻ ra chủ nghĩa Cộng Sản, dù sự hiện diện của họ ngay từ buổi đầu hết sức trổi vượt. Thực vậy, theo ông, chủ nghĩa cộng sản, hay đúng hơn chủ nghĩa cấp tiến cánh tả tương đối rất phổ biến nơi người Do Thái, nhất là tại Đông Âu: không chọn chủ nghĩa Xion, những người rời bỏ các cộng đồng cổ truyền ủng hộ cánh tả cách mạng. Đôi khi cả hai. Nền văn hóa thế tục Do Thái chủ yếu theo cánh tả. Điều còn quan yếu hơn: người Do Thái rất quan trọng trong các phong trào cộng sản, trong hàng ngũ lãnh tụ cách mạng cả trước lẫn sau Cách Mạng Tháng Mười. Ông trích dẫn Alfred Jensen, một chuyên gia Thụy Điển về Nga từng quả quyết rằng “gần 75% các lãnh tụ Bônsêvích là người gốc Do Thái” (5). Tại Ba Lan, Krajewski cho hay ngay sau Thế Chiến II, phần lớn các tổ chức Do Thái ủng hộ cộng sản, coi cộng sản như con đường tiến thân.

Nói thế rồi, Krajewski cho rằng những người bài Do Thái đã cường điệu một cách thô thiển các sự kiện trên, bóp méo chúng và giải thích chúng theo nghĩa âm mưu, để chống lại người Do Thái và làm chiêu bài tận diệt họ trong các phòng hơi ngạt của Đức Quốc Xã. Chứ thực ra người Do Thái cũng là nạn nhân của chủ nghĩa cộng sản. Thí dụ, những người Do Thái vẫn tiếp tục sinh hoạt các ngành nghề đặc trưng Do Thái, bất kể là tôn giáo, chính trị hay theo chủ nghĩa Xion đều bị coi là kẻ thù của người cộng sản, kể cả những người cộng sản Do Thái. Krajewski cũng trưng trường hợp cộng sản dựng đứng huyền thoại “âm mưu Trốtskít/Duy Xion” như chủ nghĩa chống cộng của Do Thái”.

Thực ra, hai luận chứng này chỉ nói lên khía cạnh cực đoan vô thần của cộng sản không chấp nhận các phần tử phản động kiểu những người Do Thái “chính thống”; và bản chất độc trị của cộng sản không chấp nhận bất đồng chính kiến. Chứ đệ tứ quốc tế của Trotsky cũng không hơn gì đệ tam quốc tế của Staline. Các phong trào bài Do Thái ở Liên Xô chỉ lên cao dưới thời Staline, sau khi Trotsky ra mặt chống đối.

Còn về sự quan trọng của sự hiện diện đông đảo của người Do Thái trong phong trào cộng sản thì sao? Krajewski nhìn nhận đây là một hiện tượng xã hội, chứ không phải chỉ là việc của một nhóm cá nhân: các giải pháp cánh tả hết sức trổi vượt trong các giới Do Thái; cả phe Xion cánh tả cũng tin vào chủ nghĩa xã hội và phương thức cách mạng tương tự như cộng sản. Điều đáng chú ý là sự kiện người Do Thái nắm giữ các chức vụ trọng yếu tại Ba Lan hậu chiến, cũng như tại các nước Hung Gia Lợi, Lỗ Ma Ni, Tiệp Khắc và Lithuania. Con số này “rất đông”: theo bản tin của Sở Điện Tín Ba Lan đặt tại London, thì năm 1945 “tất cả các chức vụ chính thức trong các bộ và các cơ quan nhà nước đều do người Do Thái nắm giữ” (6), nhất là trong ngành an ninh, đến nỗi hình ảnh “Do thái trong lực lượng an ninh” đã trở thành hình ảnh tiêu chuẩn, khiến thuật ngữ “Giai cấp thống trị Do Thái” trở thành quen thuộc ngay cả trên môi miệng những người không hề bài Do Thái. Krajewski cho rằng cảm tưởng ấy một phần vì trước đây người Do Thái vốn được coi là nạn nhân nay bỗng nhiên ở vị thế cầm quyền, nên vị thế ấy dễ trở thành lộ liễu, khiến ai cũng thấy. Tuy nhiên, Krajewski đồng ý cho rằng các nhà nghiên cứu nên tìm hiểu thêm về hiện tượng đông đảo này, một hiện tượng ông vẫn coi là không có tính quyết định để biện minh cho thuật ngữ “chủ nghĩa Do Thái Cộng Sản”.

Đối với Krajewski, đặc tính trong liên minh giữa người Do Thái và các nhà cai trị cộng sản chưa được xác định dù sự hợp tác của họ với những người cộng sản chiến thắng xem ra khá tự nhiên. Ông cho rằng, điều đáng lẽ họ nên tránh là lòng nhiệt thành gần như có tính tôn giáo của họ đối với chức vụ nắm giữ trong chế độ cộng sản. “Cách mạng được một số người Do Thái quan niệm theo ngôn ngữ gần như thiên sai. Tính cách cuồng tín của những nhà cách mạng lúc ban đầu không thua kém gì các giáo phái tôn giáo cực đoan khác. Đảng trở thành gia đình, Staline trở thành Đấng Thiên Sai. Để hiểu hiện tượng cộng sản, ta phải nhìn nó như một phong trào gần như tôn giáo. Các nhà trí thức Do Thái cánh tả khi bình luận về Marx, đã coi công trình của ông ta như Sách Thánh”. Họ áp dụng cả phương thức biện chứng pilpul (7) của Talmud để nghiên cứu các tác phẩm của ông. Thậm chí, sau cơn khùng điên của Staline, nhiều người sống sót vẫn không mất niềm tin vào chủ nghĩa cộng sản. Có thể nói chủ nghĩa thiên sai thế tục là chìa khóa để hiểu những người Do Thái này. Krajewski coi đây là vấn nạn hết sức xâu xa, một ưu tư lớn cho người Do Thái, vì nó cho thấy con đường cùng của lòng mộ mến tôn giáo nơi người Do Thái và của lòng hoài mong Đấng Thiên Sai khi trót hướng chúng về những vị thần giả tạo.

Nhưng ông không coi là có một chủ nghĩa cấp tiến riêng của Do Thái, không hề có một chủ nghĩa cộng sản của Do Thái, chủ nghĩa cộng sản không có bản chất Do Thái. Nhưng ông vẫn tự hỏi liệu có những yếu tố nào trong truyền thống Do Thái ảnh hưởng tới ý thức hệ và thực hành cộng sản chăng? Krajewski cho rằng như một nhóm, người Do Thái không tạo ra chủ nghĩa cộng sản, dù họ nổi bật trong số các nhà sáng lập của nó; các cộng đồng có tổ chức của Do Thái cũng không ưa chủ nghĩa cộng sản, dù một số cá nhân Do Thái ưa chủ nghĩa ấy. Theo ông, nguồn gốc của chủ nghĩa cộng sản có từ thời cổ Ai Cập và Trung Hoa và trong tư tưởng chính trị của Platông hay nói theo Erich Fromm: “Chủ nghĩa Mácxít và các hình thức xã hội chủ nghĩa khác là hậu duệ của chủ nghĩa thiên sai tiên tri, của các phái thiên niên kỷ trong Kitô Giáo, của chủ thuyết Tômít thế kỷ 13, của chủ thuyết không tưởng thời Phục Hưng, và của phong trào ánh sáng thế kỷ 18” (8). Tuy nhiên, có nhiều điểm tương tự nhau giữa Do Thái Giáo và chủ nghĩa cộng sản, khiến người ta coi chủ nghĩa này như có bản chất Do Thái. Nhiều tác giả nhấn mạnh tới gia tài văn hóa Do Thái, nhất là chủ nghĩa thiên sai, các truyền thống tiên tri, việc nhấn mạnh tới công bằng xã hội, mệnh lệnh phải làm cho thế giới ra công chính. Nhưng theo Krajewski, đó không phải là trọn truyền thống Do Thái. Ông lại trở về với nhận định căn bản của mình: không có chủ nghĩa cấp tiến Do Thái, chỉ có những người cấp tiến Do Thái. Chính hoàn cảnh xã hội đã khiến người Do Thái can dự vào chủ nghĩa cộng sản. Hoàn cảnh vô vọng được thăng tiến nghề nghiệp cách thỏa đáng trong một xã hội nặng chủ nghĩa bài Do Thái đã tạo ra nơi người Do Thái niềm tin cho rằng cần phải có cách mạng để thay đổi trật tự xã hội. Tình thế tiền chiến tại Âu Châu lúc ấy chỉ có chủ nghĩa cấp tiến cánh tả là tranh đấu cho nhu cầu này. Những người cấp tiến cánh hữu hoàn toàn bài Do Thái. Krajewski trưng thêm bằng cớ là tại Israel hiện nay, đảng Cộng Sản đa số là người Ả Rập. Điều ấy cho thấy yếu tố hoàn cảnh xã hội, chứ không phải lý do Hồi Giáo cực đoan hay đặc điểm Ả Rập đã tạo ra sự kiện đó. Tuy nhiên, theo Krajewski, dù các cá nhân tham gia phong trào cộng sản có lý do riêng của họ, nhưng hành động của họ vừa có tính bản thân vừa phản ảnh vị thế hay điều kiện do việc thuộc về một nhóm tạo ra. Đối với người Do Thái, lý do tham gia phản ảnh điều kiện xã hội của người Do Thái nói chung. Theo nghĩa này, họ đã mang mầu sắc Do Thái vào các phong trào cách mạng cánh tả.

Chính vì thế, theo Krajewski, người Do Thái có trách nhiệm tinh thần đối với di sản tham gia phong trào cộng sản của đồng bào họ. Trọn bộ nhà Israel đều thuộc chung một Giao Ước. Nguyên tắc sách Talmud buộc chúng ta “chịu trách nhiệm lẫn cho nhau” (Kol Israel arevim ze ba-ze). Xét như thế, khó có thể chối bỏ rằng ý thức hệ cộng sản và cả thực hành cộng sản đã tạo nên vấn nạn cho mọi người Do Thái. Giống như trong một gia đình, một phần tử xấu làm mọi phần tử khác cảm thấy xấu hổ. Tình gia đình càng mạnh thì cảm nhận trên càng nặng nề. Xét ngay về phương diện hoàn toàn thế tục, sự kiện có quá nhiều người Do Thái can dự vào tội ác cộng sản đủ làm giống nòi họ bất an.

Thực ra, đối với những người không phải là Do Thái, sự kiện trên hết sức bất an ở điểm cắt bỏ khỏi gia tài độc thần với các truyền thống thiên sai, tiên tri, công bằng xã hội… cái phần “hình như thượng” vốn là đỉnh điểm của niềm tin Do Thái, của nền văn hóa lâu đời Do Thái và qui cái gia tài ấy theo hướng ngược lại để phục vụ thần tài, quyền lực, thịnh vượng kinh tế, thiên đường hạ giới thì hậu quả chỉ có thể là hỏa ngục cộng sản như 70 năm lịch sử Liên Xô và 50 năm lịch sử các nước Đông Âu cũng như Trung Hoa và Việt Nam đã chứng tỏ. Tiếc thay, tại Do Thái hiện nay, chủ nghĩa Xion đang đi vào con đường ấy và tiếc hơn nữa là cả những người tôn giáo của truyền thống độc thần độc đáo và lâu đời nhất của nhân loại cũng phụ họa theo.

Ghi chú

(1) Xem Ý Niệm Thiên Sai Trong Do Thái Giáo (Vietcatholic 1/12/2010)

(2) Trang 124

(3) P. Treger: From Yiddish Roots to the Frontiers of Jewish Culture, Fall 1997, p. 18)

(4) Lời tuyên bố này được ghi âm tại Tòa Bạch Ốc và được Văn Khố Quốc Gia công bố năm 1999 (nguồn: N.Y. Times, Oct. 7, 1999 và Newsweek, Oct. 18, 1999, p. 30)

(5) K. Gerner, ‘Degrees of Anti-Semitism: the Swedish Example’, in Jews and Christians, Who is Your Neighbour after the Holocaust?, ed. M. Bron Jr. (Acta Sueco-Polonica, No. 2) (Uppsala, 1997).

(6) K. Kersten, Polacy, żydzi, komunizm, p. 79.

(7) Pilpul (nghĩa rộng: phân tích sắc cạnh) có ý nói tới phương pháp nghiên cứu Talmud bằng cách phân tích bản văn một cách thấu đáo, một là nhằm giải thích các dị biệt về ý niệm giữa các qui luật khác nhau, hai là nhằm điều hòa các mâu thuẫn biểu kiến lúc đọc các bản văn khác nhau.

(8) Fromm, Marx’s Concept of Man, cited in M. Lasky, Utopia and Revolution (London, 1977), p. 66.
 
Tin Đáng Chú Ý
Lưu Hiểu Ba: Kẻ thù số 1 của cộng sản Tàu trong hiện tại
Hà Long
19:03 09/12/2010
Một thủ đô bé nhỏ nằm tại Bắc Âu đang trở thành đích nhắm cho toàn thế giới trong thời gian ngắn vừa qua, nóng bỏng mọi ánh mắt sẽ hướng về đó vào ngày 10/12/2010 lúc 13g khi Ủy ban Nobel sẽ trao giải Nobel Hòa Bình cho ông Lưu Hiểu Ba (54 tuổi), một người tù dân chủ của chế độ bá đạo cộng sản Tàu. Đây là người thứ hai sau năm 1936 nhận giải Nobel khiếm diện.

Rùm beng trong vài ngày qua khi cs Tàu lôi kéo đồng minh và đám chư hầu vuốt đuôi như cs Cuba, cs Việtnam, v.v… để đứng giữa làn tên mũi đạn đỡ đòn cho người chủ bất nhân thâm độc. Tạm gọi là theo đám ăn tàn của những kẻ đê tiện và ngu xuẩn.

Tại lục địa Tàu vào sáng ngày 08/10/2010, tin tức ông Lưu Hiểu Ba đoạt giải Nobel Hòa Bình xảy ra giống như một quả bom ngàn cân giáng ngay trên đỉnh đầu của chóp bu lãnh đạo - chính phủ Tàu đã phản ứng giận dữ và đe dọa cả thế giới, nhất là với quốc gia bé nhỏ Na Uy đăng cai trao giải Nobel. Lãnh đạo nhà nước tại Bắc Kinh tố cáo việc trao giải thưởng cho một "tội phạm" quốc gia Lưu Hiểu Ba là sai trái.

Theo lý lẽ giải thích của Ủy ban Nobel tại thủ đô Oslo cho rằng "tự do ngôn luận" ở Tàu chỉ là lý thuyết trên giấy tờ lại làm cho cs Tàu chuyển sang thái độ cứng đầu hơn nữa.

Trong giây phút công bố ông Lưu Hiểu Ba đoạt giải Nobel Hòa Bình thì truyền hình của CNN đang được trực tiếp tại Tàu và liền lúc đó CNN bị nhà nước Tàu cắt hẳn đường dây truyền hình - thay vào đó chỉ còn hiện lên một màn hình tivi màu đen. Cảnh tương tự như trên trong hệ thống xa lộ thông tin Internet cũng thế, các từ ngữ tìm kiếm về tên gọi "Lưu Hiểu Ba" đều gặp trở ngại đứt quãng tại nước có 1,3 tỷ dân cư.

Phản ứng đầu tiên như thế của Bắc Kinh để thế giới nhận ra tầm quan trọng của quyết định của Ủy ban Giải thưởng Nobel cho ông Lưu Hiểu Ba, cho phong trào dân chủ tại nước Tàu và qua đó có ảnh hưởng đến dân chúng Cộng hòa Nhân dân Tàu. Với giải thưởng này cho thấy một nước có một sức mạnh kinh tế vượt bực nhưng quá kém về nhân quyền và được vạch ra cho bàn dân thiên hạ thế giới chiêm ngắm, mặc dù cs Tàu đã cố gắng ngăn chặn điều này với bất kỳ phương tiện xấu nào.

Vài nhận định về ông Lưu Hiểu Ba

- Ông Lưu Hiểu Ba là ai? Ông Lưu Hiểu Ba là người đồng sáng lập và cựu chủ tịch Hội Văn bút Độc lập Nhà văn Tàu, ông được coi là nhân vật bất đồng chính kiến và có ảnh hưởng nhất tại đây. Nhà phê bình văn học 54 tuổi là một trong những người cầm đầu khởi xướng "Hiến Chương 08": Kêu gọi cải cách chính trị và bầu cử tự do. Chỉ trong một thời gian ngắn qua phương tiện Internet bản Hiến Chương 08 đã được nhiều văn hào nhân sĩ đủ mọi tầng lớp trong quần chúng Tàu ký tên vào đó hơn 10.700 người ký.

Ông Lưu Hiểu Ba đã bị giam giữ kể từ đầu tháng 12 năm 2008. Trước đó, vị cựu giảng viên đại học đã bị kết án tù 18 tháng vì tham gia vào các phong trào dân chủ tại Thiên An Môn năm 1989. Năm 1996 ông bị kết án 3 năm trong các trại cải tạo. Bị giam giữ, bị theo dõi và quản thúc tại gia đã thuộc về cuộc sống hàng ngày của ông kể từ đó.

- Tại sao ông Lưu Hiểu Ba xứng đáng nhận được giải thưởng Nobel Hòa Bình? Ông Lưu Hiểu Ba đã can trường đấu tranh hơn 20 năm đòi sự dân chủ tại nước Tàu. Tù đầy không làm ông ta trùng bước. Điều này tương ứng với chủ trương của Ủy ban giải thưởng Nobel năm nay. Ban lãnh đạo Ủy ban Nobel, ông Thorbjorn Jagland cho biết rằng: "Chúng tôi muốn trao tặng giải thưởng cho những người đấu tranh và chấp nhận sự rủi ro".

Một khía cạnh chính trị xã hội, ông Lưu Hiểu Ba gây ra phong trào đòi dân chủ giống như một biểu tượng sức mạnh mà cựu tổng thống Nelson Mandela đã làm tại Nam Phi.

- Tại sao cộng sản Tàu sợ ông Lưu Hiểu Ba? Ông Lưu Hiểu Ba là một biểu tượng và đầu não tinh thần của phong trào dân chủ tại Tàu. Nhà nước kết án ông đến 11 năm tù giam vào cuối tháng 12/2009, theo nhận định của các quan sát viên thì điều này chỉ làm cho tên tuổi của ông vang dội thêm mà thôi.

Chế độ cs ở Bắc Kinh luôn tìm cách bịt miệng nhà đấu tranh dân chủ và phê bình chế độ này. Chẳng có hiệu nghiệm đối với ông! Người vợ can đảm cùng đồng hành với chồng mình đã cho biết: "Nhiều người phải sống trong hoàn cảnh tù đầy như chồng tôi đang chịu thì có thể đầu hàng, nhưng Lưu Hiểu Ba có ý chí vững mạnh một cách không ngờ. Nếu anh đã xác định mục tiêu thì anh ta sẽ đi đến đích, ngay cả khi anh đã biết rõ ràng điều đó không bao giờ có thể đạt được. Anh có một cái gì đó không thể ngờ rất cứng đầu."

Trong phiên tòa cuối cùng ông Lưu Hiểu Ba khẳng khái bác bỏ sự kết tội: "Đối lập không được đánh giá như là lật đổ" và "Thù hận chỉ đè nặng lên lý trí và lương tâm của con người mà thôi." Cả tòa án nín thinh.

- Giải Nobel Hòa Bình mang điều gì cho ông Lưu Hiểu Ba và cho phong trào dân chủ? Khi được tuyên bố trao giải Nobel Hòa Bình cho ông Lưu Hiểu Ba thì ông đang ngồi trong nhà tù cách xa thủ đô Bắc Kinh hàng trăm cây số, người thăm viếng duy nhất là vợ của ông. Bắc Kinh đã tìm cách cách ly ông với thế giới bên ngoài từ đó, ngay cả vợ ông cũng bị quản thúc tại gia. Ngày mai chiếc ghế danh dự cho người nhận giải Nobel ghi tên Lưu Hiểu Ba sẽ để trống. Người vợ hoặc các nhà dân chủ tại Tàu cũng không được phép xuất ngoại. Giới quan sát quốc tế phỏng đoán có khoảng 100 nhà dân chủ đang bị quản thúc.

Nhà nghệ thuật nổi danh Ai Weiwei mới cho giới báo chí Tây Phương biết rằng ông đã bị chặn lại trước chuyến bay đi Nam Hàn. „Tôi đã đi qua cổng quan thuế và sau đó bị chặn lại ngay cửa cầu thang lên máy bay“, ông Ai Weiwei nói, „Điều này chưa bao giờ xảy ra với tôi“.

Ông Lưu Hiểu Ba chỉ cần qua một đêm khoảng 1,3 tỷ người Tàu đã biết tên tuổi của ông, giải Nobel Hòa Bình làm cho người Tàu trong nước tò mò tìm hiểu về ông và về Hiến Chương 08. Đây là sức bật hiếm có cho các phong trào dân chủ trong nước phát triển.

Tập Đoàn Bắc kinh đã có một kinh nghiệm đau thương về một Nobel Hòa Bình với Đức Đalai Latma. Một người chỉ mang những nụ cười thân thiện cho thế giới nhưng luôn là những chiếc gai trong mắt đảng cộng sản Tàu. Một Tây Tạng đang khó nuốt vì Đức Đalai Latma bây giờ lại thêm một Nobel Hòa Bình khác với Lưu Hiểu Ba.

Trò hề giải thưởng „Hòa Bình Khổng Tử“

Một trò cười rẻ tiền với giải „Hòa Bình Khổng Tử“. Tên gọi rất hay và mục đích rất tốt, nhưng không đúng chỗ và chẳng hợp thời gian trước một ngày trao giải Nobel Hòa Bình. Đấy là chưa nói đến người được nhận giải chẳng biết chi cả về việc trao giải, ông phó tổng thống Liên Chiến của Đài Loan cho báo chí biết. Ông Liên Chiến đoạt giải theo cách nhìn một phía của cs Tàu "vì công lao của ông cho sự hòa bình giữa hai bờ eo biển Đài Loan". Một đứa bé gái đứng ra nhận giải. Trò hề nhạo báng thế giới!

Giải thưởng „Hòa Bình Khổng Tử“ có giá trị 100.000 Nhân Dân tệ, tương đương 11.370 Euro. Trong khi đó giá trị của Nobel Hòa Bình tương đương khoảng 1.000.000 Euro.

Cộng sản Tàu được bồi thêm một cú sốc trước đó là Hạ Viện Mỹ kiến nghị ủng hộ ông Lưu Hiểu Ba với số phiếu áp đảo tuyệt đối: 402 dân biểu bỏ phiếu thuận, chỉ có 1 phiếu chống. Từ đó tổng thống Barack Obama đòi thả tự do cho tù nhân Lưu Hiểu Ba và phải chấm dứt quản thúc tại gia người vợ của ông.

Những người tự do dân chủ Tàu đến thủ đô Oslo và sẽ dâng kiến nghị với 96.000 chữ ký đòi thả tự do cho ông Lưu Hiểu Ba trong buổi trao giải Nobel Hòa Bình.

Giá nào đối với cộng sản Tàu?

Nhìn đến đứa đầy tớ cộng sản Bắc Hàn đói khổ triền miên, thế giới ngán ngẩm tên quan thày thâm hiểm Tàu. Nhìn về Biển Đông thấy ra tham vọng của một đế quốc „người lạ“ đang dùng sức mạnh hiếp đáp các quốc gia bé nhỏ chung quanh. Nói về tài nguyên khoáng sản cho thấy một nước Tàu vô trách nhiệm với môi trường chung của nhân loại. Nói về Nobel Hòa Bình, thông thường đó là niềm vinh dự cao quý cho đất nước có người lãnh nhận nó, nhưng những gì cs Tàu đang chủ trương khủng bố bằng lợi nhuận kinh tế đến với các quốc gia dính líu vào nó thì đúng là một cú đá ngược vào khung thành của cs Tàu khi mang danh là một cường quốc kinh tế.

Nobel Hòa Bình cho ông Lưu Hiểu Ba theo cách nhìn của các nhà quan sát quốc tế đang ở Bắc Kinh chính là một điều sỉ nhục cho chế độ cầm quyền tại đây. Thủ đô bé nhỏ Oslo vạch ra cho thế giới thấy sự lạc hậu của một cường quốc về quyền con người. Nước Tàu đã tiến bộ vượt bực về kinh tế trong thập kỷ vừa qua theo nhận xét của Ủy ban Giải thưởng Nobel, thì chính phủ của nước này phải đối diện gắn liền với trách nhiệm mới trên thế giới.

Cùng quan điểm như thế ông Lưu Hiểu Ba dâng hiến sự tôn vinh Nobel Hòa Bình này cho các linh hồn của những người đã bị thiệt mạng của năm 1989. Đối với ông sự tôn vinh này cho cả những binh sĩ đã chết trong biến cố này. Thật sự đối với ông ông Lưu Hiểu Ba những người hy sinh trong cuộc tàn sát Thiên An Môn đang mở ra một cánh cửa dân chủ cho 1,3 tỷ người Tàu. Ông đã từng đề nghị với Ủy ban Giải thưởng Nobel vào năm 2009 dành giải thưởng Nobel Hòa Bình cho các người Mẹ của biến cố Thiên An Môn. Những người mẹ mất con tại Thiên An Môn thật anh hùng đối với ông Lưu Hiểu Ba.

Nhà đoạt giải Nobel Hòa bình 2010 sẽ vắng mặt trong buổi trao giải Nobel long trọng ở Oslo. Bởi vì ông đang ngồi trong một nhà tù của đảng cộng sản Tàu. Nhưng ông Lưu Hiểu Ba qua đó cho thế giới thấy rõ ràng thế nào là quý giá của sự tự do ngôn luận - và thế nào là vĩ đại của sự tự do tinh thần.

Những người tù nhân lương tâm được trao giải Nobel Hòa Bình thường làm nên lịch sử thế giới, thí dụ tù nhân Nelson Mandela của Nam Phi được trao giải năm 1993 và tù nhân Lech Wałęsa của Ba Lan đoạt giải năm 1983. Cả hai nhân vật này đã làm thay đổi vận mạng quốc gia mà tưởng như muôn đời sự kỳ thị chủng tộc, đàn áp, độc tài độc đảng không bao giờ thay đổi được.

Hy vọng ông Lưu Hiểu Ba sẽ nối gót hai bậc vĩ nhân trên để một ngày nào đó chính ông phải lay động 1,3 tỷ người Tàu để trở thành „người quen“ thiện hảo cho nhân loại.

Tạm câu kết nói về giặc Phương Bắc mà người viết chưa bao giờ được nghe từ cửa miệng của nhân hào văn sĩ trong nước Việt Nam bằng nhà giáo Phạm Toàn (một trong ba người sáng lập viên của trang Bauxite Việt Nam) vừa mới trả lời rõ ràng và sắc bén trong cuộc phỏng vấn của báo DCVOnline ngày 07/12/2010 khi ông được hỏi về dự án Bauxite Tây Nguyên. Theo ông Toàn: „…những gì liên quan đến dự án Bauxite Tây Nguyên thì chắc chắn là có bàn tay của “nước lớn”, phải chống lại bày tay ấy.“

- DCVOnline hỏi tiếp: “Nước lớn” hay “nước lạ” ạ?

- Ông Phạm Toàn: Thì Tàu chứ còn đứa chó nào nữa!

Ngày mai, khi theo dõi trao giải Nobel Hòa Bình 2010 cả thế giới phải nhìn thật kỹ vào đứa “Nước lớn” này.
 
Hoa Kỳ lên án những vi phạm quyền tự do ngôn luận ở Việt Nam
Thanh Phương RFI
19:36 09/12/2010
Phát biểu tại một diễn đàn được tổ chức tại Hà Nội trước Ngày quốc tế Nhân quyền 10/12/2010, đại sứ Mỹ Michael Michalak hôm nay cho rằng, năm 2010 đã là năm mà không gian dành cho tranh luận công khai đã bị thu hẹp toàn diện ở Việt Nam.

Theo đại sứ Mỹ Michael Michalak, từ việc ngăn chận truy cập mạng xã hội Facebook, các vụ tấn công những trang mạng chỉ trích chính quyền, cho đến những quy định kiểm soát chặt chẽ hơn các quán cà phê Internet và các trang blog, năm nay, quyền tự do trên Internet đã có một bước thụt lùi đáng kể ở Việt Nam.

Ông Michalak tố cáo là đã có hơn 24 người bị bắt giữ và hơn 14 ngưòi khác bị xem là vi phạm pháp luật chỉ vì đã bày tỏ một cách ôn hòa chính kiến của họ. Theo AFP, đại sứ Mỹ không giải thích lý do vì sao có xu hướng này, nhưng nhiều nhà phân tích nhấn mạnh là đợt đàn áp gần đây nhắm vào các blogger và các nhà hoạt động chính trị diễn ra trong bối cảnh càng gần đến Đại hội Đảng, căng thẳng chính trị càng gia tăng.

Ông Michalak cho rằng, « lẽ ra không nên giam tù hoặc quy tội "khủng bố" những người chỉ bày tỏ ý kiến bất đồng với các chính sách của chính phủ ». Tuy vậy, đại sứ Mỹ nhìn nhận rằng Việt Nam đã có những cải thiện về mặt xóa đói giảm nghèo và về các biện pháp khác, cũng như về mặt tự do hành đạo.

Tại hội nghị Nhóm tư vấn các nhà tài trợ cho Việt Nam hôm thứ ba vừa qua, đại sứ Thụy Sĩ Jean-Hubert Lebet cũng cho rằng không nên trừng phạt những người bày tỏ chính kiến một cách ôn hoà. Ông Lebet cũng tỏ ý lấy làm tiếc về các vụ bắt giữ những nhà bất đồng chính kiến gần đây ở Việt Nam.

Cũng trong ngày thứ ba, Viện Nhân quyền thuộc Hội Luật sư quốc tế đã lên án Việt Nam tiếp tục bắt giữ và kết án tù các nhà hoạt động nhân quyền và các luật sư chiếu theo bộ Luật Hình sự. Cho tới nay, chính quyền Hà Nội vẫn khẳng định những tố cáo về đàn áp tự do ngôn luận là không có cơ sở.
 
Văn Hóa
Sương Thánh ấm mùa đông
Giuse Nguyễn Hữu Đạt
10:14 09/12/2010
Tội, xưng tội, sương hồng ân thánh gọi

Ấm mùa đông, ta lại trắng non tơ

Chân bước nơi dương gian đợi chờ

Sinh nhật Chúa tầng không se se lạnh !

.

Cây xác hồn phong phanh ai trước ngõ

Có gì đâu mê mải đó sống còn

Quên tình trời hằng in dấu sắt son

Suốt mùa đông sương huyền mơ mát lịm !

.

Cây Noel rực rỡ ánh đèn

Chớp, rung rinh níu kéo tuổi thơ

Tặng ai kia thôi chơ vơ

Vui lặng thầm trước giờ giáng thế.

.

Khách thập phương, phố phường hội tụ

Cùng chiên ngoan rạng rỡ kiếp lưu đày

Vì đêm nay, đêm vô cùng luôn mãi

Đất với trời vững chãi một niềm tin:

.

“Vinh danh Thiên Chúa trên trời

Bình an dưới thế cho người lòng ngay.”

.

Mùi hang đá lan tỏa ngất ngây

Mục đồng hớn hở say !

Đôi bò vàng phì phò hơi thở

Đám cừu non khe khẽ phà hơi

Vị ấm áp phủ tròn Ấu Chúa.

.

Mẹ như quên, Thánh Cả đang quỳ yên,

Ngắm Hài nhi xinh xắn miền thánh thiện

Thời gian vàng hôn quyện luyến miên man

Tất cả là bất tận !

.

Màu sắc sao tim bật lung linh

Trộn âm thanh ngàn xưa vọng lại

Thanh thoát, rộn ràng cung chánh điện.!

.

LỜI XUỐNG THẾ ! LỜI XUỐNG THẾ !

.

Hồn ơi, hãy biến tan cùng thánh lễ

Vĩnh biệt rồi đường nẻo cũ âm u

Sương thánh mùa đông cuộn hơn thác lũ

Xô biệt đau thương khỏi mọi bến bờ

Thuyền hạnh phúc êm đềm vào cõi mơ …

.
 
Sáng vầng Mẹ đi
Ngô xuân Tịnh, CVK
10:19 09/12/2010
( Lấy hứng từ bài viết của linh mục Nguyễn tầm Thường)

.

Vầng trăng hôn phối đêm dài

Thuận nhau, đối nghịch như bài tình ca

Sáng trăng huyền hoặc bao la

Phải qua bóng tối mới là đêm trăng

Chối từ đêm tối đi chăng ?

Trăng kia không phải là trăng nữa rồi

Nhưng đêm đen phủ nhọ nồi

Còn đâu mơ mộng sáng ngời đêm trăng

Đập vỡ bóng tối trăng thăng

Xô dài bóng tối trăng băng lững lờ

Đất trời giao phối ý thơ

Cho chàng thi sĩ ngẩn ngơ đêm dài

Cho chàng nhạc sĩ ngất ngây

Cung đàn tuôn chảy những dây tơ hồng

Cho chàng họa sĩ phập phồng

Tay đưa nét cọ chất chồng ý thơ

Trăng buông chi những huyền mơ

Đến như sỏi đá sững sờ trầm mê

Suối hồ reo khúc nhạc về

Cỏ cây cho tới sơn khê lặng tờ

Sợ làm tan biến mộng mơ

Ánh trăng phù thủy phủ mờ không gian

Nhân gian bao phủ ngập tràn

Hiện thân của Mẹngút ngàn trăng thơ

Lại đem hạnh phúc vô bờ

Mẹ vầng trăng sáng của giờ hồng ân

Trần gian bóng tối vô ngần

Đạp tan xua đuổi sáng vầng Mẹ đi

Trong vòng tay Mẹ từ bi

Cuộc đời nhân thế khác chi trăng rằm

Bởi vì Mẹ của phúc âm

Vầng trăng cứu độ âm thầm thực thi

Một tình mẫu tử khôn bì

.
 
Khúc ngợi ca magnificat
Ngô xuân Tịnh, CVK
10:23 09/12/2010
Linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa

Lòng trí tôi hớn hở mừng vui

Vì Ngài Đấng cứu chuộc tôi

Phận hèn tớ nữ mắt Ngài đoái thương

.

Khắp muôn phương cuộc sống bây giờ

Và trải dài muôn thủa mai sau

Khen tôi phúc lộc dồi dào

Muôn điều trọng đại Trời Cao thực hành

.

Đấng toàn năng mang danh chí thánh

Muôn phúc lành đời nọ đời kia

Ngài hằng tuôn xuống như mưa

Cho người kính sợ thân thưa với Ngài

.

Tay muôn đời biểu dương sức mạnh

Phá tan tành lòng trí kiêu căng

Quyền uy hạ bệ san bằng

Khiêm nhường Ngài sẽ sẵn sàng nâng cao

.

Kẻ đói nghèo Ngài ban dư dật

Phường giàu sang bắt phải trắng tay

Ích Diên tôi tớ của Ngài

Độ trì mạnh mẽ như lời hứa xưa

.

Với ông cha như lòng thương xót

Ap-ra-ham một danh tổ phụ

Và cho con cháu xa mù

Tình thương Ngài trải thiên thu tràn đầy

.

.
 
Trông chờ Giáng Thế
Jos. Tú Nạc, NMS
11:07 09/12/2010
TRÔNG CHỜ GIÁNG THẾ

VỌNG I
Khi Mùa Vọng thời gian dần kéo lại
Ta đợi chờ với suy niệm hoài mong
Vì Maria và chồng nàng yêu dấu
Đang bồi hồi Đấng Giáng Thế trong lòng.
Mùa Vọng vẫn là thời gian trông đợi
Dõi mắt nhìn vời vợi một Niềm Tin
Để hồn ta như trang sách gọi mời
Linh hồn ta một phiến đá chơi vơi.
Đức Ki-tô sẽ đến với muôn loài
Để viết trên cuộn sách hướng trong ta
Những lời của Đức Tin Người vọng lại
Và tình yêu thơ ấu vọng trong ta.
Đấng Hài Nhi Giê-su Người thắp lại
non nớt Đức Tin sâu thẳm bên trong,
Khi ta thắp nến lung linh Mùa Vọng
Thai sinh Người ta hoài vọng trong lòng.

VỌNG II
Maria, Mẹ thiên Chúa chúng ta
Và của Giê-su Ki-tô Cứu Độ,
Chính nàng được ban chẳng cần ân thưởng
Trong ánh từ bi Thiên Chúa duy tồn.
Đức tin Trinh Nữ tuôn trào sức mạnh
Mở cửa tâm hồn trước Chúa khoan dung,
Và trong lòng nàng, vô cùng huyền diệu
Được thai sinh Đấng Con Một Chúa Trời.
Chúa giáng trần cho chúng ta được sống
Để cùng đi chung bước với loài người,
Người cho chúng ta món quà tuyệt diệu
Tình yêu của Người, tâm trí trang nghiêm.
Từ máng cỏ nghèo hèn Đức Ki-tô thức dậy
Người thực hiện, giáo huấn, loan truyền,
Và khi Người chữa lành đôi mắt ta mù quáng
Thiên Chúa với con người đan kết cùng nhau.
Như Maria, giờ đây, ta chờ mong cung kính
Vì Mùa Vọng mùa của Chúa Trời ta,
Và khi ta được tận mắt thấy Người, một và tất cả,
Ta sẽ cùng nhau bái lạy tôn thờ.

VỌNG III
Mùa Vọng về ta nhìn lại trong ta
Và suy tưởng đời ta trong quá khứ,
Vì lỗi lầm cứ lần lữa trong ta
Cứ lần lữa để rồi ta kinh động.
Bao băn khoăn mà ta mang trĩu nặng
Bao kinh hoàng ta cầm nắm trong tay
Linh hồn ta, giam cầm bao nguyên cớ
Tâm hồn ta, sao chết lạnh từng giây.
Thế giới này đã dạy ta bất tín
Để kinh hoàng và trốn chạy thật xa,
Từ xúc động Đức Ki-tô nhập thể
Sẽ ném đi bao tội lỗi trong ta.
Nếu chỉ ta trông đợi nơi Người
Trong những ngày Mùa Vọng xuyến xao,
Thiên Chúa gặp lại tất cả muôn người
Và sâu thẳm hồn ta Người lưu lại.
Những tâm hồn hiếm muộn của chúng ta
hôm nay Người khỏa lấp
Những lễ hội tiêu điều của chúng ta
hôm nay Người vá lại
Và Chúa Trời ta ngày đó được sinh ra
Cũng là lúc ta sinh ra lần nữa.

VỌNG IV
Hướng về hài nhi của Bethlehem,
Đang nằm trong khăn vải quấn mỏng manh;
Sùng bái Người ta dâng lên trọn vẹn
Ân sủng Người sẽ vọng lại trong ta.
Hài Nhi Giê-su, ban sức mạnh vô cùng,
Cho tất cả những ai đến dâng lời cầu nguyện
Yêu thương thành tín giờ ta gửi đến Người
Cuộc đời ta hôm nay là của Người mãi mãi.
Người sinh ra cho chúng ta được sống
Đời đời, ở đây hôm nay cho mãi tận sau này
Nên lạnh đầy trong ta và dấu chỉ hướng về,
Và thấy Người nằm trong chăn cỏ úa.
Lúc Người đến cùng ta Đêm Thánh ấy,
Lúc Thiên Chúa và Con Người nên một
Ta bây giờ dõi nhìn đêm Mùa Vọng,
Những Áng Mây dành cho Người trị đến.
Hãy hát khen khi đêm Giáng Sinh về
Hãy hân hoan, lời tạ ơn, ca ngợi
“Vì chúng ta mà Vương Đế …
ra đời!” Lời ngợi khen chúng ta cùng cất tiếng.

Mùa Vọng 2010
 
Dâng
Trầm Thiên Thu
18:33 09/12/2010
Dâng Ngài trót cả cuộc đời

Bao tháng năm dài sướng khổ triền miên

Từng ngày, từng tháng, từng năm

Đường đời xuôi ngược gian trần hôm mai

Những gì con sở hữu đây

Đều là của Chúa trao tay con nè

Xin dâng lên Chúa thật thà

Từng giây, từng phút, bốn mùa luân phiên

Từng ngày trôi cứ lặng thầm

Sướng, khổ, vui, buồn, lắm chuyện đời con

Ưu tư mưa nắng bao lần

Chuyện lòng vẫn cứ ngổn ngang tháng ngày

Cuộc đời tay trắng trắng tay

Con không biết chọn gì đây dâng Ngài

Riêng con chỉ có tim gầy

Dẫu là tục lụy đọa đày mà thôi

Dám xin dâng hiến Chúa Trời

Để làm lễ vật cuộc đời riêng con

Con tin Chúa vẫn đoái thương

Vì con sám hối, cậy trông chân thành

.
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Sông Nước Quê Ta
Lm. Tâm Duy
09:52 09/12/2010
SÔNG NƯỚC QUÊ TA

Ảnh của Lm. Tâm Duy

Sông xưa vẫn một dòng trôi

Con thuyền lặng lẽ chờ người xa xăm

Sóng xô bao buổi trăng rằm

Bóng ai chìm khuất giữa năm tháng dài.

(Trích thơ Phạm Không Trùng)

Click here to go to PhotoArt Meditation Room - Phòng ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền
 
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Cây bên Suối
Lm. Nguyễn Trung Tây, SVD
21:55 09/12/2010
CÂY BÊN SUỐI

Ảnh của Lm. Nguyễn Trung Tây, SVD

Phúc thay người không nghe theo lời ác nhân..

Nhưng vui thỏa với lề luật Chúa,

Lề luật của Ngài họ suy niệm đêm ngày.

Người ấy tựa cây trồng bên suối nước,

Cứ đúng mùa hoa quả trổ sinh,

Cành lá xanh không khi nào héo tàn.

(Thánh Vịnh 1)

Click here to go to PhotoArt Meditation Room - Phòng ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền