Ngày 15-12-2015
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Chúa sinh ra
Lm Giuse Nguyễn Hưng Lợi DCCT
07:13 15/12/2015
LỄ GIÁNG SINH NĂM 2015
Lc 2, 1-14

CHÚA SINH RA

Vinh danh Thiên Chúa trên trời. Bình an dưới thế cho người Chúa thương (Lc 2,14 ). Đó là lời tung hô của muôn thiên thần trong đêm Con Thiên Chúa giáng sinh làm người. Đây là lời ca khen của các thiên thần, ca ngợi Hài Đồng Giêsu đã đản sinh nơi Hang Đá Bêlem do lòng dạ trinh khiết của Đức nữ trinh Maria bởi phép Chúa Thánh Thần. Lời bình an đêm Giáng Sinh các thiên thần đã trực tiếp hát vang để chúc lành cho các tâm hồn thành tâm thiện chí.Đây là quang cảnh tuyệt vời, quang cảnh thiên giới của đêm Giáng Sinh.

Những sự lạ mà thánh Luca thuật lại đêm Giáng Sinh như vinh quang rạng ngời bao trùm, các thiên thần và đoàn cơ binh thiên thần hát vang như diễn tả một cảnh lạ lùng nhưng hoàn toàn linh thiêng của đêm Con Thiên Chúa giáng sinh làm người. Đây cũng là kiểu diễn tả đức tin của cộng đoàn tín hữu tiên khởi. Tuy nhiên, cảnh linh thánh trong đêm Giáng Sinh biểu lộ rõ ràng cảnh thực tế của đêm Chúa Giêsu giáng sinh làm người. Và thực tế hơn nữa, Chúa Giêsu sinh ra trong một lịch sử trần thế: Hoàng đế Augustô là một nhân vật có thật đang trị vì Đế Quốc Roma lúc đó. Việc kiểm tra dân số là việc làm thường xuyên, bình thường của các kẻ trị vì thời đó nhằm củng cố địa vị của họ.Mẹ Maria, thánh Giuse thuộc dòng tộc, thuộc nhà và dòng dõi vua Đavít, nhưng giờ hai ông bà chỉ là một người dân thường, nên hai ông bà vẫn bị quấy rầy về những biện pháp mà các Hoàng Đế lúc đó bắt buộc.Theo cái nhìn đức tin, cuộc kiểm tra dân số này lại giúp chúng ta hiểu rõ hơn lời của ngôn sứ được ứng nghiệm :” Chúa Giêsu, Đấng cứu thế được sinh ra tại Bêlem “.

Bởi có cuộc kiểm tra toàn dân số, do đó, hai ông bà Giuse và Maria mới rời Galilê để về quê quán của mình là Bêlem, giữa lúc Mẹ Maria đang thai nghén và sắp sửa lâm bồn. Việc di chuyển từ Galilê về Bêlem thời đó thật là vất vả : vất vả vì thiếu phương tiện giao thông. Thánh Giuse và Mẹ Maria phải đi lừa. Việc bi đát khi thánh Giuse và Mẹ Maria đã không tìm được một nơi nào trong các quán trọ. Điều này có thể do thánh Giuse và Mẹ Maria chậm chân, nên đã bị nhiều người khác chiếm hết chỗ hoặc các chủ quán trọ sợ phiền toái vì Maria sắp sinh con! Hang đá, máng cỏ mà Chúa Giêsu được sinh ra lúc đó là một Hang đá quạnh hiu, chỉ có bò lừa thổi hơi và Hang đá ở giữa cánh đồng vắng. Con Thiên Chúa quả thực đã chọn sự khó nghèo, cơ cực để sinh ra. Khi bà chị họ Êlisabeth mang thai và sinh hạ Gioan Tẩy Giả thì Mẹ Maria đã có mặt phụ giúp bà. Nhưng giờ này nơi Hang đá, Mẹ đã phải tự mình làm lấy tất cả những gì cần thiết để đón nhận người con chào đời.Chúa Giêsu đã chấp nhận đi vào đời với tất cả sự khó nghèo của một đêm đông giá lạnh. Tin Mừng của thánh Luca thuật tiếp: đêm Giáng Sinh chỉ có những mục đồng, những kẻ chăn chiên, chăn cừu, những kẻ bị thiệt thòi vì không được học hành, hàng ngày phải đụng chạm với súc vật, nên họ đã trở nên ô uế, bị xã hội đẩy ra bên lề xã hội.Họ đúng là lớp người nghèo, những kẻ cô thân cô thế, bơ vơ tất bạt.Các mục đồng đã được đánh thức trong đêm khi họ đang ngủ say, thức dậy, họ mắt nhắm mắt mở để đón nhận “ Tin Mừng về niềm vui cho toàn dân “, để đón nhận “ Cứu Chúa “ “ Đức Giêsu Kitô “. Dấu để các mục đồng nhận ra Tin Mừng, đón nhận Vị Cứu Chúa :” Một Hài nhi được vấn tã và được đặt trong máng cỏ “. Sự lạ lùng là tất cả đều im lặng. Thánh Giuse, Mẹ Maria và Hài Giêsu. Các mục đồng khi tới Hang Đá Bêlem, họ cũng im lặng. Tất cả đều là thinh lặng thánh của đêm Giáng Sinh.

Chúa Giêsu đã cho chúng ta thấy sự chọn lựa của Ngài. Ngài chọn lựa người nghèo khó, người bị bỏ rơi, người bị áp bức. Suốt cuộc đời của Ngài là sự chọn lựa đứng về phía người nghèo. Tin Mừng của đêm Giáng Sinh là Tin Mừng bình an, nhưng cũng là Tin Mừng và niềm vui cho những con người khó nghèo, bơ vơ, vất vưởng.

Đêm Giáng Sinh bài ca của các thiên thần năm xưa vẫn còn vang lên thật rõ ràng. Tin Mừng và niềm vui. An bình và hạnh phúc chỉ có thể có được khi nhân loại tiến về Bêlem như các mục đồng xưa để tìm gặp Hài Đồng Giêsu, Vua Hòa Bình, Vua Yêu Thương, Vị Vua chấp nhận sinh ra khó nghèo, lớn lên trong sự khó nghèo và chết cũng nghèo khó để cả cuộc đời của Chúa Giêsu luôn đi với người nghèo, những người bị áp bức, bị bỏ rơi, bơ vơ, vất vưởng. Xuyên suốt Tin Mừng và cuộc đời của Chúa Giêsu là sống khó nghèo.

Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã chấp nhận sự khó nghèo để sinh ra, để hòa nhập với cuộc sống của những con người bé nhỏ, thấp hèn, xin cho chúng con luôn noi gương Chúa,biết chấp nhận cuộc đời trong niềm vui. Amen.


GỢI Ý ĐỂ CHIA SẺ :

1.Tại sao Chúa lại sinh ra trong nghèo khó ?
2.Chúa có muốn bần cùng hóa chúng ta không ?
3.Sứ điệp đêm Giáng Sinh ?
4.Tại sao tất cả các nhân vật đêm Giáng Sinh đều im lặng ?
 
Mở rông tâm hồn để đón Chúa Giáng Sinh
Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ
11:11 15/12/2015
MỞ RỘNG TÂM HỒN ĐÓN CHÚA GIÁNG SINH

Suy niệm Chúa Nhật IV Mùa Vọng - C

(Lc 1, 39-45)

Sau khi đã ngưng nghỉ nhìn lại chặng đường đã qua với niềm vui vì những gì đã đạt được, nay lễ Giáng sinh đã gần kề, tâm hồn chúng ta rạo rực hẳn lên, thôi thúc chúng ta phải làm hết sức những gì có thể để hưởng trọn vẹn niềm vui ngày Con Chúa ra đời.

Lời của ngôn sứ Mikha lôi kéo chúng ta hướng nhìn về Belem, châu thành bé nhỏ của nước Giuđê, chứng tá của một biến cố vĩ đại : “Hỡi Bêlem Ephrata, ngươi nhỏ nhất trong trăm ngàn phần đất Giuđa, nhưng nơi ngươi sẽ xuất hiện một Đấng thống trị Israel, và nguồn gốc Người có từ nguyên thuỷ, từ muôn đời” (Mk 5,1). Một ngàn năm trước Chúa Kitô giáng sinh, Bêlem đã là sinh quán của Ðavít đại vương, mà Kinh Thánh trình bày như là tổ tiên của đấng Mêsia. Tin Mừng thánh Luca thuật lại rằng, Chúa Giêsu đã sinh ra tại Bêlem bởi vì ông Giuse, chồng của bà Maria, “thuộc dòng dõi Ðavít” phải trở về nơi ấy để kiểm tra dân số, và chính vào lúc đó Maria đã hạ sinh Hài Nhi Giêsu (x. Lc 2,1-7).

Hôm nay thánh Luca tiếp tục giới thiệu cho chúng ta hai nhân vật là Đức Maria và người chị họ là Isave như hai mẫu gương tiêu biểu cho người thủ đắc niềm vui vì có Chúa, đồng thời mời gọi chúng ta cần phải có thái độ nội tâm xứng đáng giống hai bà với đức tin năng động, để chiêm ngắm sự kiện nhập thể và giáng sinh của Con Một Chúa.

Isave, với sự khiêm tốn chân thành, “được đầy Chúa Thánh Thần, bà kêu lớn tiếng rằng: “Bà được chúc phúc giữa các người phụ nữ, và Con lòng Bà được chúc phúc! Bởi đâu tôi được Mẹ Chúa tôi đến viếng thăm tôi?” (Lc 1,41-43). Nhờ tin mà Isave được Chúa Thánh Thần mách bảo cho biết, Maria người em họ mình là mẹ Thiên Chúa của bà. Bà cũng không ngần ngại tuyên xưng niềm vui của đức tin với Đức Maria : “Phúc cho Bà là kẻ đã tin” (Lc 1,45).

Đây là một thái độ đức tin mà chúng ta phải sống trong những ngày này. Noi gương Đức Maria và bà Isave, với một đức tin năng động. Chúng ta phải bày tỏ lòng biết ơn và niềm vui có đức tin của chúng ta. Giống như Đức Maria, chúng ta phải thể hiện bằng việc chúng ta làm. “Maria chỗi dậy, vội vã ra đi tiến lên miền núi, đến một thành xứ Giuđêa. Bà vào nhà ông Dacaria và chào bà Isave” (Lc 1,39-40), để chúc mừng và giúp đỡ người chị họ (Lc 1,56).

Thật là hữu ích cho những ngày này, chúng ta suy tư về trình thuật cuộc găp gỡ lịch sử giữa hai bà mẹ đang mang thai là Đức Maria và bà chị họ là Isave. Hai bà mẹ tràn ngập niềm vui. Niềm vui của Đức Maria là niềm vui có Thiên Chúa ở cùng. Niềm vui ấy lan tỏa sang bà Isave. Bà Isave vui với niềm không ai có được là Mẹ Thiên Chúa đến viếng thăm. Chính lời chào của Mẹ Maria, kẻ đã tin, làm cho Isave ngập tràn vui sướng, đến hài nhi cũng nhảy mừng trong lòng bà (x. Lc 1, 39-45).

Quả là một mầu nhiệm tuyệt vời! Gioan chưa sinh ra, ông đã cất lời tiên báo; thậm trí ông còn chưa thể cất tiếng khóc chào đời, ông đã bắt đầu nghe bằng hành động; sống đời rao giảng về Thiên Chúa; chưa thấy ánh áng, ông đã chỉ cho người ta thấy mặt trời; ông còn chưa lọt lòng mẹ đã nhanh nhẹn thi hành sứ mạng tiền hô, đi trước Chúa và loan báo cho mọi người biết: Đây là Chiên Thiên Chúa, Đấng xóa tội của trần gian (Ga 1, 29).

Có người hỏi : Thưa ông Gioan, hãy nói cho chúng tôi biết, lúc ông còn trong dạ mẹ, làm thế nào để ông thấy được và nghe được? Làm thế nào để ông nhìn thấy mọi sự của Thiên Chúa? Làm thế nào ông có thể nhảy mừng trong dạ mẹ vì vui sướng? Gioan trả lời : đây là mầu nhiệm vĩ đại được hoàn thành, là hành động vượt quá sự hiểu biết của con người. Luật tốt hảo tôi phải đổi mới trong trật tự thiên nhiên vì người phải đổi mới trong trật tự siêu nhiêu. Tôi đã thấy, ngay cả khi tôi chưa sinh ra, vì tôi cám thấy chứa đựng Mặt Trời công chính (Ml 3, 20). Tôi cảm nhận được bằng thính giác, bởi vì đi vào thế giới. Tôi là tiếng kêu trước của Ngôi Lời. Tôi kêu lên, vì tôi thấy Đấng tạo dựng vũ trụ nhận thấy thân phận con người. Tôi nhảy mừng,vì tôi nghĩ rằng Đấng Cứu Chuộc thế gian đã mặc lấy xác phàm. Tôi là Tiền Hô đi trước Người và làm chứng cho Người.

Đức Maria với niềm vui diễm phúc ngập tràn, vì Mẹ đã tin, đức tin của Mẹ hệ tại việc lắng nghe Lời Chúa để phó thác cho Lời của Chúa trong thái độ hoàn toàn sẵn sàng trong tâm trí. Qua lời thưa “Xin vâng” tràn đầy niềm tin, Mẹ ý thức rằng, chính Thiên Chúa yêu cầu và Mẹ hoàn toàn tín thác nơi Chúa và phó thác cho tình yêu Chúa.

Biết bao lần Chúa đi qua cuộc đời chúng ta và bao nhiêu lần Chúa gửi một thiên thần đến với chúng ta : bao nhiêu lần chúng ta không ý thức điều đó, vì chúng ta quá bận rộn và chìm đắm trong những công việc của mình.

Ngày hôm nay, cũng như vào thời Chúa Giêsu, lễ Giáng sinh là lời đáp trả của Thiên Chúa cho nhân loại đang cầu mong hòa bình. Ngôn sứ nói về đấng Mesia như là “Người sẽ đem lại hòa bình cho chúng ta”. Phần chúng ta, chúng ta hãy mở rộng cửa để đón tiếp Người. Chúng ta hãy học hỏi Ðức Maria và thánh Giuse cũng như bà Isave : nhờ đức tin, chúng ta hãy phục vụ kế hoạch Thiên Chúa. Mặc dù không hiểu biết tường tận kế hoạch ấy, nhưng chúng ta hãy ký thác cho Thiên Chúa là Ðấng khôn ngoan và tốt lành. Tiên vàn chúng ta hãy tìm Nước Chúa, và Chúa Quan phòng sẽ giúp đỡ chúng ta. Chúng ta hãy sửa soạn tâm hồn để có một chỗ xứng đáng, nơi Chúa Giêsu Hài Ðồng cảm thấy mình được đón tiếp với đức tin và tình thương!

Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
16:38 15/12/2015
78. BẤT BÌNH THAY CHO CHA.
N2T

Tạ Thái Truyền hỏi chủ là Bạc Lục Thoái:
- “Tại sao Trương Hồng thay mẹ để viết văn tế, mà không thay cha để viết văn tế ?”
Lục Thoái trả lời:
- “Đức hạnh của người đàn ông đều đã bày ra nơi hành vi của sự việc, mà tiếng tăm về cái đẹp của phụ nữ, nếu không thông qua văn tế, thì làm sao mà có thể bày ra cho đời được chứ ?”
(Thế Thuyết Tân Ngữ)

Suy tư 78:
Trong sách tướng học của Hi Trương có nói: “nam hướng ngoại, nữ hướng nội”, nghĩa là người đàn ông thì làm những chuyện bên ngoài xã hội, người đàn bà thì lo chuyện nội trợ gia đình, mới đúng là hợp cách. Nhưng nếu như người đàn ông mà quanh năm suốt tháng luẩn quẩn trong nhà, việc nhà tỉ mỉ xem xét, phát tiền cho vợ đi chợ; hoặc là người đàn bà thích lo chuyện bên ngoài xã hội, tham gia chính trị, suốt ngày đi hoạt động đoàn thể này nọ việc coi sóc gia đình khoáng cho chồng, con cái, thì đúng là không hợp cách, nó trái ngược với tự nhiên.
Trong đời sống tôn giáo, dù là nam hay là nữ, dù là chính trị gia hay bà nội trợ, cũng đều phải hướng nội, hướng nội đây tức là có một đời sống nội tâm. Có “đời sống nội tâm” tức là luôn kết hợp với Chúa từng giây phút, coi mọi sự xãy ra đều là thánh ý của Thiên Chúa. Do đó mà người khôn ngoan luôn lấy nội tâm làm nền tảng cho cuộc sống xô bồ, coi nó như là một cái neo nặng trịch giữ con tàu khỏi bị lênh đênh trên biển đời lắm hiểm nguy.
Người chồng có đời sống nội tâm là chỗ dựa đáng tin cậy nhất cho người vợ và con cái; cũng vậy, người vợ có đời sống nội tâm sẽ đem lại niềm vui và hãnh diện cho người chồng và con cái của họ, bởi vì họ luôn được Chúa ở cùng.
Hướng nội là gốc rễ cây, hướng ngoại là thân cây, gốc rễ cắm sâu trong lòng đất thì thân cây sẽ vươn thẳng, tốt tươi, sinh nhiều hoa trái.
Cũng vậy, hướng nội là cầu nguyện, hướng ngoại là hoạt động, người có đời sống luôn cầu nguyện kết hợp với Chúa thì sẽ đứng vững vàng trước phong ba bảo táp cuộc đời...

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư

-------------
http://www.vietcatholic.net
http://www.vietcatholic.net/nhantai
http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
16:40 15/12/2015
N2T

2. Chỉ có người giữ mình đồng trinh mới có thể nhận ra vị vua của đồng trinh.

(Thánh Hieronymus)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
Dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức"

---------------
http://www.vietcatholic.net
http://www.vietcatholic.net/nhantai
http://nhantai.info
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Giáo Xứ Thánh Anthony of Padua, TGP Toronto Canada Mở Cửa Năm Thánh
Gx Anthony of Padua
09:32 15/12/2015
Giáo Xứ Thánh Anthony of Padua, TGP Toronto Canada Mở Cửa Năm Thánh

Giáo Xứ Thánh St. Anthony of Padua, Brampton, ON. Canada được ĐHY Thomas Collins chọn một trong những nơi hành hương cho TGP Toronto. Ngày 13/12/2015 lúc 12:30 PM Đức Cha John Boissonneau đến Giáo Xứ St. Anthony of Padua mở của Năm Thánh và dâng Thánh Lễ.

Xem Hình

Hơn 2 ngàn người có mặt trong Thánh Lễ, và vì quá đông người đã phải đứng ngoài công viên nhà thờ mặc dù khi hậu thời tiết Canada tháng 12 nhiệt độ xuống còn 8C. Đức Cha trong bài giảng nói về ý nghĩa Năm Lòng Thương Xót và mời gọi mọi người sống yêu thương chia sẽ với người nghèo. Cuối Thánh Lễ thầy Phó Tế thông báo Đức Thánh Cha Francico đã ủy thác cho các Giám Mục quyền ban phép lành Tòa Thánh cho các tín hữu tham dự trong dịp Lễ mở của Năm Thánh. Sau Thánh Lễ mọi người xếp hàng bước qua Cửa Thánh để lãnh nhận ơn Toàn Xá. Cưa Thánh tại GX sẽ mở của đến ngày 20 tháng 11 năm 2016. Nhà thờ mở cửa mỗi ngày từ 7AM-9PM để đón khách hành hương. Địa chỉ GX. St. Anthony of Padua 940 North Park Dr. Brampton ON. Canada.

Tuyên Tr. Brampton, ON.
 
Họp báo giới thiệu sứ điệp của ĐTC cho Ngày Hoà Bình Thế Giới 2016
Linh Tiến Khải
09:40 15/12/2015
Nội dung cuộc họp báo giới thiệu Sứ điệp Ngày hoà bình thế giới của ĐTC Phanxicô

Sáng 15-12 ĐHY Peter Turkson, Chủ tịch Hội Đồng Toà Thánh Công Lý và Hoà Bình, đã mở cuộc họp báo giới thiệu sứ điệp ĐTC Phanxicô gửi nhân Ngày Hoà Bình Thế Giới mùng 1 tháng giêng năm 2016. Sứ điệp có đề tài là “Chiến thắng dửng dưng và chinh phục hoà bình”. Cùng hiện diện và phát biểu trong cuộc họp báo có bà Flaminia Giovanelli, phó thư ký và ông Vittorio Alberti, nhân viên của Hội Đồng.

Sau khi chào các nhà báo ĐHY Turkson nói sứ điệp của ĐTC bắt đầu với việc nhận xét rằng sự thờ ơ là thái độ chung của con người thời đại chúng ta. Sự dửng dưng ấy đã vượt qua lãnh vực cá nhân để trở thành toàn cầu. Tiếp đến sứ điệp kể ra vài hình thái của sự dửng dưng thời đại. Trước hết là dửng dưng đối với Thiên Chúa, từ đó nảy sinh ra thái độ dửng dưng đối với tha nhân và thụ tạo. Và ĐTC nhấn mạnh rằng đây là một trong những hậu quả nghiêm trọng nhất của một thuyết nhân bản sai lạc và của chủ thuyết duy vật thực tiễn, trộn lẫn với một tư tưởng duy tương đối và hư vô. Con người nghĩ rằng nó là tác giả của chính nó, của sự sống của nó và của xã hội. Nó cảm thấy tự đủ và không chỉ nhắm thay thế Thiên Chúa, mà còn sống không cần Thiên Chúa nữa. Hậu quả là nó nghĩ rằng nó không nợ ai cái gì hết ngoại trừ chính nó, và nó yêu sách chỉ có các quyền lợi thôi (s. 3).

Sau khi chứng minh cho thấy hòa bình bị đe dọa bởi sự thờ ơ trên tất cả mọi bình diện cuộc sống như thế nào, sứ điệp cống hiến một suy tư kinh thánh thần học cho phép hiểu sự cần thiết phải thắng vượt sự thờ ơ để rộng mở cho sự cảm thông, lòng thương xót, sự dấn thân và như thế cho tình liên đới.

Tình liên đới được định nghĩa như là một nhân đức luân lý và một thái độ mà những người có trách nhiệm giáo dục và đào tạo, như các gia đình, các nhà giáo dục và đào tạo, các nhân viên văn hóa và truyền thông xã hội được mời gọi vun trồng, mỗi người theo các vai trò và trách nhiệm riêng của mình.

ĐHY Turkson nói tiếp trong cuộc họp báo giới thiệu sứ điệp của ĐTC cho Ngày Hoà Bình Thế Giới 2016: Tin tưởng nơi khả năng của con người có thể chiến thắng sự dữ với sự thiện, sứ điệp chỉ cho thấy trong xã hội chúng ta có nhiều hình thái liên đới khác nhau, và sự dấn thân đáng ca ngợi trong việc trợ giúp những người gặp khó khăn như các nạn nhân của các xung đột vũ trang và các thiên tai, người nghèo và người di cư. ĐTC cũng nhân dịp này cám ơn và khích lệ tất cả những ai dấn thân trong các hành động loại này, cả khi họ không được quảng cáo, một cách đặc biệt tất cả những người, các gia đình, các giáo xứ, các cộng đoàn dòng tu, các đan viện và các trung tâm hành hương đã mau mắn đáp trả lời ngài kêu gọi tiếp nhận một gia đình tỵ nạn (s. 7).

Sứ điệp của ĐTC kết thúc với lời kêu gọi từng người trong tinh thần của Năm Thánh Lòng Thương Xót, dấn thân một cách cụ thể, để góp phần cải thiện thực tại trong đó họ đang sống, bắt đầu từ gia đình mình, từ hàng xóm láng giềng hay từ môi trường làm việc của mình.

ĐTC cũng đưa ra lời kêu gọi tương tự đối với các vị hữu trách của các quốc gia, để họ có các cử thỉ cụ thể, nếu không nói là các cử chỉ can đảm đích thật, đối với những người yếu đuối nhất trong xã hội của họ như các tù nhân, người di cư, người thất nghiệp và người đau yếu. ĐTC cũng mời gọi giới lãnh đạo các quốc gia có cái nhìn vượt xa hơn ranh giới nước mình để canh tân các tương quan của họ với các dân tộc khác, cho phép tất cả mọi người được tham dự thực sự và bao gồm vào cuộc sống cộng đồng quốc tế, hầu thực hiện tình huynh đệ cả bên trong gia đình các quốc gia với một lời mời gọi gồm ba điểm: thứ nhất, đừng lôi cuốn các dân tộc khác vào các xung khắc hay chiến tranh; thứ hai, xoá bỏ nợ nần quốc tế cho các nước nghèo hơn và tạo thuận tiện cho một việc quản trị có thể chịu đựng nổi; và thứ ba, áp dụng các đường lối chính trị cộng tác tôn trọng các giá trị của các dân tộc địa phương, và không làm tổn hại quyền của các trẻ em được sinh vào cuộc sống.

Không chỉ có sự dửng dưng là trọng tâm của sứ điệp năm 2016 nhưng còn có niềm hy vọng nơi khả năng của con người, với ơn thánh của Thiên Chúa, có thể vượt thắng sự dữ và không để cho mình rơi vào thái độ chịu trận và thờ ơ (s. 2), bằng cách góp phần vào việc sống hòa bình với Thiên Chúa, với tha nhân và với thụ tạo. Điều này được chứng minh bởi vài biến cố của năm 2015 diễn tả khả năng của nhân loại hoạt động cho tình liên đới, vượt ngoài các lợi lộc duy cá nhân, vô cảm và thờ ơ đối với các tình trạng nguy hiểm. ĐTC muốn nói tới hội nghị quốc tế COP 21 về các thay đổi khí hậu, hội nghị thượng đỉnh tại Addis Abeba để gây quỹ cho việc phát triển có thể chịu đựng nổi của thế giới, cũng như Lịch trình hành động 2030 tìm các giải pháp bảo đảm cho mọi người có một cuộc sống xứng đáng hơn với nhân phẩm, và 50 năm kỷ niệm việc công bố hai tài liệu quan trọng của Công Đồng Chung Vaticăng II là “Nostra aetate” và “Gaudium et Spes”, là hai tài liệu đã mở cửa cho việc đối thoại với các tôn giáo không kitô và toàn gia đình nhân loại.

Để giữ gìn niềm hy vọng này ĐTC nhấn mạnh rằng cả chúng ta nữa cũng được mời gọi khiến cho tình yêu, sự cảm thông, lòng thương xót và tình liên đới biến thành một chương trình đích thật của cuộc sống, một kiểu hành xử trong các tương quan với nhau (s. 5) nghĩa là thương xót như Thiên Chúa Cha (x. Lc 6,36).

Trong phần phát biểu của mình bà Flaminia Giovannelli, phó thư ký Hội Đồng Tòa Thánh Công Lý và Hoà Bình, nêu bật vài yếu tố của sứ điệp tiếp nối huấn quyền của Đức Phanxicô, của Đức nguyên Giáo Hoàng Biển Đức XVI và của Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II.

Ngay từ đầu triều đại của ngài ĐTC Phanxicô đã có các cử chỉ và lời nói lay động lương tâm con người ngày nay. Cử chỉ thứ nhất đầy ý nghĩa là chuyến viếng thăm người di cư tỵ nạn trên đảo Lampedusa. Ngài đã cảnh báo các bọt xà phòng mà nền văn hóa tiện nghi dễ dãi ngày nay khiến cho con người sống, và làm cho nó trở thành vô cảm đối với các khổ đau của người khác và dẫn đưa tới việc toàn cầu hóa dửng dưng.

Sứ điệp tiếp nối sứ điệp cho Ngày Hoà Bình Thế Giới 2015 với đề tài “Không là nô lệ nữa nhưng là anh em”. ĐTC thức tỉnh lương tâm mọi người đối với sự kiện kỷ nguyên hiện nay tiến bộ trên mọi lãnh vực khoa học kỹ thuật nhưng bên dưới có hiện tượng nô lệ. Ngài viết: “Khi quan sát hiện tượng buôn người, buôn người di cư và các gương mặt quen biết hay không quen biết khác của nô lệ, người ta thường có cảm tưởng nó xảy ra trong sự thờ ơ chung” (s. 5). Có một mặt trận khác mà ĐTC nhiều lần đề cập tới, nhất là sau khi công bố Thông điệp “Laudato si’”, đó là các hậu qủa do sự thờ ơ của con người trên môi sinh. Sự kiện con người dửng dưng không săn sóc môi sinh gây ra các hậu quả trầm trọng. Ngài viết: “Rất tiếc nhiều cố gắng tìm các giải pháp cụ thể cho cuộc khủng hoảng môi sinh thường bị tước đoạt không phải chỉ vì sự khước từ của các cường quốc, nhưng cũng vì sự dửng dưng của những nước khác. Các thái độ ngăn cản các con đường giải pháp cả giữa các tín hữu nữa đi từ sự khước từ vấn đề cho tới sự thờ ơ, chịu trận thoải mái, hay tin tưởng mù quáng vào các giải pháp kỹ thuật” (Laudato si s. 14).

Sau cùng sứ điệp Ngày Hoà Bình Thế Giới năm 2016 cũng tiếp tục sứ điệp Mùa Chay năm 2015 tựa đề “Hãy khích lệ con tim anh em”. Trong đó ĐTC Phanxicô tố cáo thái độ sống ích kỷ và cuộc sống thoải mái khiến cho con người ngày nay thờ ơ, lãng quên những người không có cuộc sống an lành như họ.

Sứ điệp của Đức Phanxicô cũng tiếp nối giáo huấn của ĐTC Biển Đức XVI. Trong Thông điệp “Bác ái trong Chân lý” Đức nguyên giáo hoàng khẳng định rằng “vấn đề xã hội một cách triệt để đã trở thành vấn đề nhân chủng học” (CV, 75), vì thế “đôi khi con người tân tiến xác tín một cách sai lầm rằng nó là tác giả duy nhất của chính mình, của cuộc sống của nó và của xã hội” (CV, 34). ĐTC Phanxicô đã nhận ra nguồn gốc của thái độ thờ ơ này của con người: đó là sự dửng dưng đối với Thiên Chúa và đối với tha nhân. Ngài viết :” Hình thái dửng dưng đầu tiên trong xã hội con người là sự dửng dưng đối với Thiên Chúa, từ đó nảy sinh ra thái độ dửng dưng đối với tha nhân và thụ tạo. Và đây là một trong những hậu quả nghiêm trọng nhất của một thuyết nhân bản sai lạc và của chủ thuyết duy vật thực tiễn, trộn lẫn với một tư tưởng duy tương đối và hư vô.”

Hai vị cũng gặp nhau liên quan tới hiện tượng toàn cầu hóa thờ ơ đe đọa hoà bình. Sự dửng dưng đối với Thiên Chúa vượt qúa lãnh vực nội tâm và tinh thần của cá nhân và xâm lấn lãnh vực công cộng và xã hội. ĐTC Biển Đức XVI khẳng định rằng: “Có một tương quan mật thiết giữa việc vinh danh Thiên Chúa và hoà bình của con người trên trái đất”. “Không có sự rộng mở cho siêu việt, con người dễ dàng trở thành mồi cho chủ thuyết tương đối hóa và khó mà hành động theo công lý và dấn thân cho hòa bình” (s. 4).

Giáo huấn của ĐTC Phanxicô cũng tiếp nối các tư tưởng của Thánh Gioan Phaolô II. Trong sứ điệp cho Ngày Hoà Bình Thế Giới năm 1982 tựa đề: “Hoà bình, món quà Thiên Chúa ủy thác cho con người”, Đức Gioan Phaolô II viết: “Kitô hữu biết rằng trên trái đất một xã hội loài người hoàn toàn và luôn mãi hòa bình, rất tiếc là một ảo tưởng, và các ý thức hệ phản ánh nó như thể là điều có thể đạt cách dễ dàng, dưỡng nuôi các niềm hy vọng không thể thực hiện được … tuy xác tín – nếu không phải là đã sống kinh nghiệm đớn đau – xác tín rằng các niềm hy vọng dối trá ấy dẫn đưa trực tiếp tới nền hoà bình giả tạo của các chế độ độc tài. Nhưng việc ghi nhận thực tế này không ngăn cản các kitô hữu khỏi dấn thần cho hoà bình; trái lại nó kích thích nhiệt tình của họ”.

ĐTC Phanxicô đã đề nghị hai thái độ sống giúp đánh bại sự thờ ơ: đó là vun trồng nền văn hóa liên đới và lòng thương xót. Đây cũng là hai đề tài Đức Gioan Phaolô II yêu thích và trình bầy trong Thông điệp “Lo lắng cho các vấn đề xã hội”. Cần phải dấn thân cho công ích và có trách nhiệm đối với tất cả mọi người (s. 5). Sống lòng thương xót cũng là điều đạt tột đỉnh với Thông điệp “Thiên Chúa giầu lòng thương xót” của Đức Gioan Phaolô II.

Sau cùng sứ điệp cho Ngày Hoà Bình Thế Giới năm 2002, công bố ba tháng sau vụ khủng bố hai tháp song sinh bên Hoa Kỳ, mở đầu với việc nhắc tới biến cố thê thảm này, và có tựa đề là “Không có hoà bình không công lý, không có hoà bình không tha thứ”. ĐTC Phanxicô cũng nhắc tới các chiến tranh bạo lực gieo vãi chết chóc và tàn phá trong các tháng qua và kêu gọi mọi người dấn thân cải tiến tình hình thế giới trong Năm Thánh Lòng Thương Xót này một cách cụ thể.

Trong phần phát biểu của mình ông Vittorio Alberti đã nêu bật một số từ chìa khóa ĐTC dùng trong sứ điệp: hoà bình là một chiến thắng và là một chinh phục. Cần có sự hoán cải nội tâm. Có một vẻ đẹp trong tiến trình giải thoát. Sự thờ ơ lan tràn trong lãnh vực công cộng chính trị cũng như văn hóa. ĐTC gọi đó là sự thối nát và định nghĩa nó là bệnh ung thư xã hội. Hồi còn là Hồng Y ngài gọi nó là sự mệt mỏi của siêu việt, chịu trận, gập mình xuống trong cái riêng tư của mình. “Sự thối nát ngọt như đường, chúng ta quen mùi vị của nó nhưng coi chừng bị bệnh tiểu đường.” Ngài cảnh báo giới trẻ bên Phi châu và ngài kêu gọi họ đừng để cho mình bị hư thối. Nếu bạn không bắt đầu, thì sẽ không có ai bắt đầu cả. Người thối nát không sống trong bình an. Sự thối nát là con đường của cái chết”.

Trong sứ điệp cho Ngày Hoà Bình Thế Giới còn có nhiều từ chìa khóa khác như: khả năng của con người, vô cảm, không dấn thân và khép kín, dấn thân cụ thể đế góp phần vào với người khác nhằm cải thiện thực tại, cải tiến thế giới.

Tuy nhiên cần phải tin rằng có một tương lai và ý nghĩa của các sự vật để có sức mạnh dấn thân chống lại sự thối nát và chiến thắng sự thờ ơ. Cần chữa trị bệnh thờ ơ với lòng thương xót. Lòng thương xót không phải chỉ là một sự kiện luân lý nhưng cũng là sự kiện tâm trí và thông minh nữa. Nó là sự tự do tư tưởng. Cuộc khủng hoảng trên thế giới hiện nay cũng là cuộc khủng hoảng văn hóa, vì thế mọi tác nhân của thế giới văn hóa đều phải cùng nhau dấn thân: giáo dục là kéo ra ngoài, đào tạo là đem vào trong. Cần phải dào tạo lương tâm con người trong sự tự do, bắt đầu bằng vẻ đẹp của các lý lẽ tự do như trình bầy trong các tài liệu của Công Đồng Chung Vaticăng II. Việc chống lại sự thờ ơ và thối nát đi ngang qua ngã này.
 
Đức Thánh Cha nói về ba bí quyết để trở nên một Giáo Hội khiêm tốn
Bùi Hữu Thư
10:35 15/12/2015
Rome, 15/12/2015, (Zenit.org)

Đức Thánh Cha Phanxicô nói: Giáo Hội cần phải thể hiện ba điều: khiêm tốn, nghèo khó và trông cậy nơi Thiên Chúa.

Theo Radio Vatican, Đức Thánh Cha nhấn mạnh điều này trong kinh sáng hàng ngày tại tư gia Casa Santa Marta, ngài ghi nhận sứ mệnh của Giáo Hội là phải tuân theo Tám Mối Phúc Thật, nghĩa là sự giầu mạnh của mình phải ở nơi người nghèo khó.

Suy niệm về bài đọc một trích dẫn từ Sách Zephaniah trong đó Chúa Giêsu khiển trách các thượng tế và lưu ý họ là ngay những gái giang hồ cũng sẽ được lên Thiên Đàng trước họ, Đức Thánh Cha Phanxicô nhận xét rằng ngay cả ngày nay, các chước cám dỗ vẫn có thể làm hư xấu những nhân chứng trong Giáo Hội. Đức Thánh Cha nói: “Một Giáo Hội thực sự trung thành với Thiên Chúa, phải khiêm tốn, khó nghèo và trông cậy nơi Chúa”.

Khiêm Tốn
Đức Thánh Cha giải thích: Muốn trở thành một Giáo Hội hay một con người khiêm tốn phải biết nhìn nhận: “Tôi là kẻ tội lỗi.” Ngài nhấn mạnh: khiêm tốn không phải là một “sự giả hình” hay một “thái độ đóng kịch."

Trong khi khiêm tốn đích thực đòi hỏi Giáo Hội và mọi người trong chúng ta phải làm bước đầu tiên là công nhận tình trạng tội lỗi của mình, và “không xét đoán, và vạch ra những thiếu sót của kẻ khác hay là nói xấu về họ."

Khó Nghèo
Đức Thánh Cha ghi nhận: Khó nghèo là “điều đầu tiên trong Tám Mối Phúc Thật”, và là bước thứ hai. Ngài giải thích: Nghèo về tinh thần có nghĩa là “chỉ bám víu những gì là giầu sang của Thiên Chúa."

Ngài tiếp: Như vậy, chúng ta phải từ chối “một Giáo Hội chỉ bám víu vào tiền của, chỉ nghĩ cách làm ra tiền."

Đức Thánh Cha nhắc đến việc tử đạo của Thầy Phó Tế Lôrensô, một chứng nhân anh hùng của thiên niên kỷ thứ nhất, thầy đã tụ tập những người nghèo khó đến trước Hoàng Đế và nói rằng chính họ mới biểu thị cho những gì là châu báu thực sự của Giáo Hội, và ngài lưu ý về các thói tục xưa cổ đòi hỏi các khách hành hương phải nộp tiền trước khi được đi qua Cửa Thánh.

Đức Thánh Cha Phanxicô nói: "Như đã biết, trong một thánh đường của giáo phận, nói rằng những ai muốn đi qua Cửa Thánh phải dâng cúng một số tiền: đây không phải là Giáo Hội của Chúa Giêsu, đây là Giáo Hội của các vị thượng tế, chỉ biết ham tiền."

Trông cậy nơi Thiên Chúa
Đức Thánh Cha Phanxicô nói: Bước thứ ba cho Giáo Hội khiêm tốn này là luôn luôn trông cậy nơi Chúa là Đấng không bao giờ để chúng ta thất vọng.

Ngài nói: "Đức tin của tôi ở đâu? Nơi quyền hành, bạn hữu, tiền bạc? Không, phải là nơi Thiên Chúa! Di sản Chúa hứa ban cho chúng ta là của một dân khiêm hạ, nghèo nàn, tin tưởng vào Danh Chúa! Khiêm hạ vì biết mình tội lỗi; nghèo nàn vì bám víu vào của cải của Thiên Chúa; tin tưởng vào Chúa vì biết rằng chi có Chúa mới nhân lành trong lòng.”

Đức Thánh Cha Phanxicô kết thúc bằng lời nguyện: “Trong khi chúng ta chuẩn bị Lễ Giáng Sinh, xin cho chúng ta có một trái tim khiêm hạ, một trái tim nghèo nàn, một trái tim trông cậy nơi Chúa, là Đấng không bao giờ để chúng ta thất vọng."
 
ĐHY André Vingt-Trois, TGM Paris mở cửa Vương cung Thánh đường khai mạc Năm Thánh
Lê Đình Thông
16:06 15/12/2015
ĐỨC Hồng Y TỔNG GIÁM MỤC PARIS MỞ CỬA VƯƠNG CUNG THÁNH ĐƯỜNG - BẮT ĐẦU NĂM THÁNH LÒNG THƯƠNG XÓT

18 giờ 30 ngày 13/12/2015 (Chúa Nhật thứ 3 mùa Vọng), ĐHY André Vingt-Trois, Tồng giám mục Paris đã cử hành nghi thức mở cửa Vương cung Thánh đường Paris, khai mạc Năm Thánh Lòng Thương Xót.

Đức Tổng giám mục Paris bắt đầu nghi thức bằng lời nguyện xin Chúa xót thương : ‘‘Lạy Thiên Chúa là đấng tác thành tự do đích thực, xin tập hợp chúng con nên một, thoát ách nô lệ. Xin Chúa ban ơn thương xót và tha thứ.’’ Sau đó, ca đoàn hát Thánh vịnh 23 : ‘‘Lòng nhân hậu và tình thương Chúa, ấp ủ tôi suốt cả cuộc đời, và tôi được ở đền Người những ngày tháng, những năm dài triền miên.’’ ĐHY André Vingt-Trois mời gọi các tín hữu dấn bước theo Chúa Kitô trên đường ân phước và nẻo xót thương : ‘‘Hãy mở cửa công lý, nào ta hãy bước vào.’’

Ngài dùng cây gậy giám mục gõ ba lần vào cửa thánh đường. Cửa vẫn đóng lại. Ca trưởng xướng lên : Này cửa thiên thu, hãy mở ra để rước Vua vinh quang. Ngài là chúa tể càn khôn vũ trụ.

Đức Tổng giám mục lấy gậy giám mục gõ ba lần vào cánh cửa lần thứ hai. Cánh cửa vẫn đóng kín. Ca trường lại cất tiếng hát : Này cửa thiên thu, hãy mở ra để rước Vua Vinh quang. Ngài là chúa tể càn khôn vũ trụ.

Đức Hồng Y gõ tiếp lần thứ ba. Cửa vẫn khép kín. Ca trưởng hát lời kinh : Này cửa thiên thu, hãy mở ra để rước Vua Vinh quang. Ngài là chúa tể càn khôn vũ trụ.

Cửa thánh đường mở ra. Đức Hồng Y tuyên bố : Này là cánh cửa Thiên Chúa. Nào ta hãy bước vào để lãnh nhận lòng thương xót và ơn tha thứ.

Sau khi Đức Tổng giám mục bước vào thánh đường, thấy phó tế công bố Tin Mừng về ba dụ ngôn lòng thương xót Chúa (Lc 15,1-7) :

‘‘Các người thu thuế và các người tội lỗi đều lui tới với Đức Giêsu để nghe Người giảng. Những người Pharisêu và các kinh sư bèn xầm xì với nhau: "Ông này đón tiếp phường tội lỗi và ăn uống với chúng." Đức Giêsu mới kể cho họ dụ ngôn này:

Dụ ngôn con chiên bị mất (Mt 18: 12 -14 ) :

"Người nào trong các ông có một trăm con chiên mà bị mất một con, lại không để chín mươi chín con kia ngoài đồng hoang, để đi tìm cho kỳ được con chiên bị mất? Tìm được rồi, người ấy mừng rỡ vác lên vai. Về đến nhà, người ấy mời bạn bè, hàng xóm lại, và nói: "Xin chung vui với tôi, vì tôi đã tìm được con chiên của tôi, con chiên bị mất đó. Vậy, tôi nói cho các ông hay: trên trời cũng thế, ai nấy sẽ vui mừng vì một người tội lỗi ăn năn sám hối, hơn là vì chín mươi chín người công chính không cần phải sám hối ăn năn.

Dụ ngôn đồng bạc bị đánh mất :

Hoặc người phụ nữ nào có mười đồng quan, mà chẳng may đánh mất một đồng, lại không thắp đèn, rồi quét nhà, moi móc tìm cho kỳ được? Tìm được rồi, bà ấy mời bạn bè, hàng xóm lại, và nói: "Xin chung vui với tôi, vì tôi đã tìm được đồng quan tôi đã đánh mất.10 Cũng thế, tôi nói cho các ông hay: giữa triều thần Thiên Chúa, ai nấy sẽ vui mừng vì một người tội lỗi ăn năn sám hối."

Dụ ngôn người cha nhân hậu :

Rồi Đức Giêsu nói tiếp: "Một người kia có hai con trai. Người con thứ nói với cha rằng: "Thưa cha, xin cho con phần tài sản con được hưởng. Và người cha đã chia của cải cho hai con. Ít ngày sau, người con thứ thu góp tất cả rồi trẩy đi phương xa. Ở đó anh ta sống phóng đãng, phung phí tài sản của mình. "Khi anh ta đã ăn tiêu hết sạch, thì lại xảy ra trong vùng ấy một nạn đói khủng khiếp. Và anh ta bắt đầu lâm cảnh túng thiếu, nên phải đi ở đợ cho một người dân trong vùng; người này sai anh ta ra đồng chăn heo. Anh ta ao ước lấy đậu muồng heo ăn mà nhét cho đầy bụng, nhưng chẳng ai cho.Bấy giờ anh ta hồi tâm và tự nhủ: "Biết bao nhiêu người làm công cho cha ta được cơm dư gạo thừa, mà ta ở đây lại chết đói!’’

Sau khi thầy phó tế công bố Tin Mừng, Đức Hồng Y André Vingt-Trois đã diễn giảng ý nghĩa của Năm Thánh Lòng Thương Xót :

‘‘Anh chị em thân mến, thế giới ngày nay cần lòng thương xót. Sau đợt khủng bố Paris và Saint-Denis ngày 13/11 vừa qua, nước Pháp và nhiều nước khác không thoát khỏi sự bạo hành man rợ. Cách nay đúng một tháng, nhiều người bị tử vong, bị thương tật, và những người thấy tận mắt cảnh giết chóc man rợ. Chính trong hoàn cảnh này, ta tiếp nhận lời kêu gọi của Đức Thánh Cha Phanxicô : chúng ta cẩn suy niệm mầu nhiệm lòng thương xót. Mầu nhiệm này là nguồn an lạc siêu thoát. Năm Thánh nhắc nhủ ta lời Chúa phán tại đền thánh Jérusalem : Thần khí của Đức Chúa là Chúa Thượng ngự trên tôi, vì Đức Chúa đã xức dầu tấn phong tôi, sai đi báo tin mừng cho kẻ nghèo hèn, băng bó những tấm lòng tan nát, công bố lệnh ân xá cho kẻ bị giam cầm, ngày phóng thích cho những tù nhân, công bố một năm hồng ân của Đức Chúa, một ngày báo phục của Thiên Chúa chúng ta; Người sai tôi đi yên ủi mọi kẻ khóc than.’’ (Is 61, 1-2)

Đức Hồng Y André Vingt-Trois kết luận : ‘‘Ngày nay, các mối quan hệ thường chỉ là tranh chấp, xung đột, tố cáo lẫn nhau, lòng thương xót mời gọi ta chín bỏ làm mười, tha thứ cho nhau. Mỗi người nên nhủ lòng về việc xin ơn thương xót và tha thứ, qua bí tích hòa giải. Ngoài ra là việc diễn đạt lòng thương xót trong đời sống để làm chứng cho tình yêu Chúa.’’

Sau nghi thức khai mạc Năm Thánh Lòng Thương Xót trên địa bàn giáo phận Paris, ĐHY André Vingt-Trois tiến lên cung thánh, cử hành Thánh lễ Chúa Nhật thứ 3 mùa Vọng.

Giáo Xứ Paris, ngày 13/12/2015

Lê Đình Thông
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Thánh Lễ và giờ Cầu Nguyện bên tượng Cha Fx. Trương Bửu Diệp tại Nam Úc
TT Nam Úc
09:32 15/12/2015
Vào lúc 6.30 chiều, thứ Sáu, ngày 11.12.2015, đông đảo quý tín hữu Công Giáo Việt Nam cư ngụ tại giáo xứ Ottoway và các vùng phụ cận đã quy tụ về thánh đường Saint Maximilian Kolbe để tham dự thánh lễ và buổi cầu nguyện cuối năm bên cha Phanxicô Trương Bửu Diệp.

Mở đầu là phần dẫn nhập ý lễ và chào mừng mọi người đến tham dự. Trong dịp này cha Chủ tế cũng đã ngỏ lời cám ơn cha Marek Ptak chính xứ Ottoway đã hỗ trợ và cho phép để giáo dân người Việt trong khu vực Ottoway hàng tháng có nơi tổ chức các buổi cầu nguyện xin ơn và cảm tạ Chúa bên cha Diệp và nhất là cơ hội để cùng chung lời cầu nguyện cho tiến trình tuyên thánh cha Trương Bửu Diệp sớm có ngày thành tựu.

XEM VIDEO


Trong thánh lễ, có sự hiện diện của cha chánh xứ Marek Ptak, Cr. cha Phêrô Trần Quang Tòng phó xứ Salisbury và cha Phêrô Trần Trọng Mỹ hiện làm việc tại tòa Tổng Giám Mục GP Adelaide Nam Úc cùng với khoảng trên 200 tín hữu Việt Nam lương, giáo sinh sống tại Ottoway và nhiều vùng lân cận, gồm những người ái mộ, những thành viên trong hội ái mộ cha Diệp, những ân nhân, thân hữu và một số giáo dân người Úc, người Ba Lan tại giáo xứ địa phương đến tham dự.

Thánh lễ được diễn ra thật sốt sáng dưới sự chủ tế của cha Phêrô Trần Trọng Mỹ cử hành bằng tiếng Anh, vì là thánh lễ thường lệ trong tuần của giáo xứ.

Tuy nhiên vì có đông đảo giáo dân người Việt, nên cha Chính xứ Marek đã cho phép phụng vụ tiếng Việt xen kẽ trong thánh lễ như bài đọc, lời nguyện và bài giảng.

Góp phần làm sinh động và sốt sáng thêm cho người tham dự thánh lễ là phần thánh nhạc của ca đoàn Saint Patrick đã hát những bài hát tiếng Anh cũng như tiếng Việt thật ý nghĩa và nhip nhàng giúp cho cộng đoàn cầu nguyện thêm sốt sáng và hiệp thông trọn vẹn.

Qua bài chia sẻ, cha Chủ tế đã diễn giải ý nghĩa của bài tin mừng thứ sáu sau Chúa Nhật thứ II mùa Vọng và lồng vào tâm tình chờ đợi, khát khao của người tín hữu Công Giáo Việt Nam về lòng mến mộ cha Trương Bửu Diệp.

Thánh lễ đã diễn ra một cách trang trọng, sốt sáng và tạo được bầu khí liên kết mọi người trong tình yêu thương và hiệp thông trong bàn tiệc thánh thể.

Sau thánh lễ là giờ cầu nguyện thường lệ mỗi tháng một lần, nhằm quy tụ những người có lòng mến mộ cha Phanxicô Trương Bửu Diệp, những người từng nhận những ơn lành của Chúa qua sự cầu bầu của Cha Diệp, những người muốn có cơ hội để xin ơn, để tạ ơn và đến bên cha khẩn cầu Chúa ban những ơn lành cần thiết trong cuộc sống gian nan nhiều thử thách này. Mọi người đã tham dự giờ cầu nguyện chung một cách sốt sáng, những tâm tình được chia sẻ, giải bày, những ước nguyện được dâng lên, những nỗi gian nan khốn khó và những truân chuyên trong cuộc sống như có dịp được phó thác trong tay đấâng quyền năng, để nhờ đó mà lòng được thanh thỏa, cuộc sống thêm niềm vui và công việc thường nhật như bớt đi gánh nặng ưu phiền.

Buổi cầu nguyện đã kết thúc bằng những tâm tình nguyện xin của từng cá nhân, những người mến mộ đến quỳ bên tương cha Diệp để cầu xin Chúa qua lời cầu bầu của cha Trương Bửu Diệp cho những nhu cầu của cuộc sống … những tiếng thầm thĩ kêu van được hoà nhịp cũng với những lời ngợi khen qua bài thánh ca tâm tình

Thầy yêu chúng con, lời ai nói cho cùng …

Thầy yêu chúng con Thầy sinh xuống gian trần


Thánh lễ và buổi cầu nguyên bên Cha Diệp đã kết thúc vào lúc 8 giờ 00 tối cùng ngày trong niềm tin yêu phó thác của người tham dự.
 
Caritas nhà thờ Tu Hội Đắc Lộ thăm Mái Ấm Tình Thương Tân và La Gi Nha Trang
Phùng Văn Thanh
11:48 15/12/2015
BAN CARITAS NHÀ THỜ ĐẮC LỘ

THĂM CHIA SẺ BÁC ÁI “MỪNG CHÚA GIÁNG SINH”

“Lạy Chúa. Xin cho con biết mến yêu và phụng sự Chúa trong mọi người”

Hôm nay 10/12/2015 vào lúc 5 giờ 30, ban Caritas nhà thờ Tu Hội Đắc Lộ lên đường với khỏang 30 thành viên mang theo tình thương, lòng đầy nhiệt huyết, đến thăm và chia sẻ bác ái tại cơ sở bảo trợ XH MÁI ẤM TÌNH THƯƠNG, TÂN AN, LAGI, Bình Thuận thuộc Hội Dòng Mến Thánh Giá Nha Trang.

Xem Hình

Như lời chia sẻ của Cha linh hướng Vinh Sơn Nguyễn Bá Quí , trước khi xe chuyển bánh: Để sống tinh thần phục vụ năm thánh, tinh thần trong mùa vọng này đem Chúa đến cho mọi người bằng chính hành động, nghĩa cử bác ái yêu thương, trong năm thánh lòng Chúa thương xót, xin cho mỗi người biết xót thương nhau.

Khoảng 8 giờ 30’ đoàn đến nơi,Lúc này có hai Sơ hướng dẫn chúng tôi tới nghĩa trang Đồng Tiến, nơi chôn cất trên 25 ngàn thai nhi của nạn nạo phá thai, mỗi mộ được xây chia thành nhiều ô, mỗi ô một thai nhi, có mộ có cả hàng 100 thai nhi. Nhìn nghĩa trang lặng lẽ, lòng người lắng đọng xót thương, thắp từng nén nhang lên phần mộ đọc kinh cầu nguyện cho các thai nhi.

Viếng mộ xong,Đoàn quay lại mái ấm Tình Thương mọi người nhanh chóng chuyển hàng xuống. Đón tiếp chúng tôi, Sơ Giám Đốc Mary Nguyễn Thị Thanh Mai phụ trách cô nhi viện MÁI ẤM TÌNH THƯƠNG,mọi người nghỉ mệt một lúc thi các em lớn tuổi đi học về đã cùng với sơ Giám Đốc đón tiếp đoàn rất là nồng nhiệt bàng những bài hát, điệu múa của các em làm cho mọi người rất là phấn khích và vui vẻ.

Đoàn được các sơ dẫn đi thăm các em cô nhi hiện đang sống dưới sự bao bọc, che chở, chăm sóc dưỡng nuôi của các sơ, có khoảng 110 cháu từ 2 ngày tuổi cho đến tuổi trưởng thành.

Đến nơi đây Ban Caritas đại diện nhà thờ Tu Hội Đắc Lộ, Các ân Nhân, Thân Nhân, của biết bao nhiêu bàn tay công sức đã đóng góp và hôm nay ban caritas đã chuyển đến quí sơ món quà với ý nghĩa “Chúa Giáng Sinh” với món quà Trên 50 Triệu Đồng, trong đó 20 triệu đồng là tiền mặt, trên 30 triệu đồng là Mì Gói, Đường, Sữa, Bánh, Dầu ăn, Quần áo.v.v. Sơ Giám Đốc cũng đại diện cám ơn các anh chi trong ban Caritas nhà thờ Tu Hội Đắc Lộ và Sơ cũng chúc mọi người một mùa Giáng Sinh An Lành của Chúa , một năm mới An Khang Thịnh Vương.

Nhìn những ánh mắt thơ ngây, cô đơn, hiu quạnh thiếu vắng tình cha mẹ, những mảnh đời bất hạnh, mà thấy đắng long. Có những em bị cha mẹ bỏ rơi khi vừa mới lọt lòng vì tình cảnh gia đình, vì bị tàn tật, vì sự lầm lỡ của người mẹ hay bị hãm hiếp, v.v… làm sao có thể bù đắp nỗi đau trong lòng các em. Ôm ấp các em trong vòng tay yêu thương, các sơ đã ngày đêm chăm sóc, nhất là khi các em bị bệnh, các sơ phải thức thâu đêm lo cho các bé. Những đêm nằm bên cạnh các em, các bé hỏi: “Cha con đâu? Mẹ con đâu?”. Câu hỏi thơ ngây, trong trắng mòn mỏi, chờ đợi trong vô vọng.

Thấu hiểu những nỗi cô đơn, đau xót đó, ban Caritas nhà thờ Đắc Lộ hôm nay đã nối vòng tay lớn với các sơ HĐMTG Nha Trang, chia sẻ bớt phần nào nỗi đau mà các bé đang phải gánh chịu.

Được biết trước khi ra về các thành viên đã đóng góp khỏang trên 10 triệu để gởi đến Sơ để mua xe lăn. Theo nhu cầu của mái ấm đang cần.

Ước mong sao mỗi ngày có thêm nhiều tấm lòng, để mảnh đời các em được hạnh phúc tươi sáng hơn.

Chia tay với các sơ, mọi người lên xe ra về lòng cảm thương vui vì biết cho đi, vì “cho thì có phúc hơn là nhận”.
 
Cắt băng khánh thành nhà Mục vụ Giáo họ Đồng Vân, Gp. Thái Bình
Duy Nhất
11:01 15/12/2015
Cắt băng khánh thành nhà Mục vụ Giáo họ Đồng Vân, Gp. Thái Bình

Để chúc mừng và khích lệ con cái mình về những hi sinh trong việc xây dựng những công trình đức tin, Đức Cha Phêrô Nguyễn Văn Đệ - Giám mục Giáo phận, đã về cắt băng khánh thành Nhà Mục vụ và dâng thánh lễ tạ ơn với cộng đoàn Giáo họ Đồng Vân thuộc Giáo xứ Đồng Quan, Giáo hạt Kiến Xương vào sáng thứ Ba, ngày 15.12.2015.

Xem Hình

Sau 3 năm thi công, ngôi nhà Mục vụ Giáo họ Đồng Vân đã hoàn thành cách tốt đẹp trong ơn Chúa, sự cộng tác của những tấm lòng hảo tâm và cộng đoàn sở tại. Dâng thánh lễ hôm nay, cộng đoàn phụng vụ cùng Đức Cha dâng lời tạ ơn Chúa, tri ân các bậc tiền nhân, cám ơn và cầu nguyện cho các ân nhân cùng tất cả mọi người.

Nhà Mục vụ của Giáo họ Đồng Vân được xây dựng với mục đích trước hết là nhắm đến việc giúp cho con cháu kế thừa và phát huy gia sản đức tin, đồng thời kết hợp cả việc bồi dưỡng văn văn hóa cho thế hệ trẻ. Vì thế, ngôi nhà đã được thiết kế phù hợp và tận dụng tối đa công năng sử dụng một cách đa năng. Nó có thể phục vụ cho những sinh hoạt mục vụ chung, cũng có thể là sân chơi cho các em thanh thiếu niên và thiếu nhi trong định hướng “chơi mà học’’.

Nghi thức cắt băng khánh thành và làm phép ngôi nhà Mục vụ diễn ra vào hồi 9g00. Cùng cắt băng với Đức Cha Phêrô Nguyễn Văn Đệ, có cha xứ Đaminh Trương Văn Thụy, cha Nguyên chánh xứ Giuse Đinh Xuân Ngọc và ông Chủ tịch Giáo họ Đồng Vân, trước sự chứng kiến của quý cha, quý tu sĩ, quý khách cùng đông đảo cộng đoàn tín hữu từ khắp nơi xa gần.

Kết thúc nghi thức cắt băng khánh thành và làm phép ngôi nhà Mục vụ, đoàn rước tiến vào thánh đường. Mở đầu thánh lễ, Đức Cha ngỏ lời chào thăm và chúc mừng cộng đoàn Giáo họ. Ngài mời gọi cộng đoàn dâng lời tạ ơn Thiên Chúa vì muôn hồng ân Người đã ban xuống cho Giáo họ, mà một trong những ân huệ đó là việc ngôi nhà Mục vụ được hoàn thành một cách tốt đẹp để cộng đoàn mừng cắt băng khánh thành hôm nay.

Trong bài giảng, Đức Cha Phêrô Nguyễn Văn Đệ nhấn mạnh và mời gọi mọi người hãy mở rộng trái tim và tâm hồn đến với người nghèo bằng những hành động cụ thể chứ không chỉ dừng lại ở lý thuyết suông. Ngài chia sẻ với cộng đoàn 2 khía cạnh: “Làm thế nào tin có Đức Chúa Trời’’ và “Chúng ta có cần thiết phải tin có một Chúa Trời hay không”. Tin mang lại cho ta điều gì? Không tin có thiệt hại gì không? Để trả lời cho những điều đó, Đức Cha đã vận dụng ví dụ cụ thể và thiết thưc trong cuộc sống, đó là việc chúng ta phải hiếu kính ông bà cha mẹ, con cái phải nhìn nhận chính sự thật, phải tin cha mẹ sinh ra mình.

Kết luận bài giảng Đức Cha mời gọi cộng đoàn hãy tin vào Chúa Trời và lòng thương xót của Ngài, thực hành niềm tin đó qua việc tránh xa mọi tội lỗi trong cuộc sống hay trong gia đình, và thể hiện lòng thương xót ấy đối với mọi người. Sau cùng, Đức Cha mong ước tất cả mọi thành phần dân Chúa trong Giáo họ tiếp tục đoàn kết, hiệp lực để cộng tác vào việc giáo dục cho thế hệ trẻ cả về đời sống đức tin cũng như tri thức khoa học.

Trước khi Đức Cha ban phép lành cuối lễ, một vị đại diện cho Giáo họ bày tỏ niềm tri ân Đức Cha, quý cha đồng tế, quý tu sĩ, quý ân nhân gần xa và cộng đoàn dân Chúa đã cầu nguyện, giúp đỡ để ngôi nhà Mục vụ Giáo họ Đồng Vân được hoàn thành như ngày hôm nay.

Duy Nhất
 
Giáo phận Nha Trang Khai mạc Năm Thánh Lòng Thương Xót và Cung hiến Đền Thánh Mẹ Nhân Lành.
Thới Hoa
11:28 15/12/2015
Giáo phận Nha Trang Khai mạc Năm Thánh Lòng Thương Xót và Cung hiến Đền Thánh Mẹ Nhân Lành.

Sáng thứ hai ngày14.12.2015 toàn thể giáo phận hướng về giáo xứ Khánh Vĩnh để cùng Đức Tổng Giám mục Leopoldo Girelli - Đại diện Đức Thánh Cha Phanxicô và Tòa thánh Vatican tại Việt Nam, Đức Giám Mục Giáo phận Giuse Võ Đức Minh, Khai mạc Năm Thánh Lòng Thương Xót và Cung hiến Đền Thánh Mẹ Nhân Lành.

Xem Hình

Từ sáng sớm hàng ngàn người khắp nơi tập trung tiến về nhà thờ Khánh Vĩnh để tham dự thánh lễ Khai mạc Năm Thánh Lòng Thương Xót và Cung hiến Đền Thánh Mẹ Nhân Lành. Trên con đường tiến về Đền Thánh lưu lượng xe quá đông nên đã xãy ra kẹt xe (Vì đây là một con đường duy nhất từ Nha Trang đi Đàlạt) hàng ngàn người chen chúc vui cười tiến lên đền Thánh. Hơn 1km đi bộ và rồi Đền Thánh Mẹ Nhân Lành đã hiện ra như là một bức tranh tuyệt đẹp nơi núi rừng Khánh Vĩnh. Đây chính là thành quả của các nhà truyền giáo suốt 60 năm âm thầm gieo mầm đức tin.

Đúng 09g15 Đức TGM Leopoldo Girelli và Đức Cha Giuse đến Cha tổng đại diện giáo phận và cha giám đốc Đại Chủng viện ra đón và trao cho các ngài bó hoa tươi thắm của con dân Khánh Vĩnh. Tiến vào nhà thờ giữa tiến vỗ tay reo mừng của hàng ngàn người giáo dân. Với nụ cười trìu mến, các Ngài đưa tay chúc lành cho đoàn con.

Đức Cha Giuse chủ sự khai mạc Năm Thánh Lòng Thương Xót tại Giáo phận Nha Trang với nghi thức Mở Cửa Thánh tại nhà thờ Khánh Vĩnh. Ngài nói: “Trong niềm hiệp thông với toàn thể Hội Thánh, buổi cử hành hôm nay đánh dấu việc long trọng khai mạc Năm Thánh tại Giáo phận chúng ta; đây là khởi đầu cho một trải nghiệm đầy ân sủng mang đến ơn giao hòa đangmở ra cho chúng ta suốt năm nay”.

Công bố Tin mừng theo thánh Luca và trích đoạn trong Tông sắc thiết lập Năm Thánh Ngoại thường Lòng Thương Xót (Dung mạo Lòng Thương Xót 1-3).

Tiếp đến Nghi thức Cung hiến Đền Thánh.

Bằng nghi thức thánh hiến và xức dầu thánh, Nhà thờ Khánh Vĩnh trở thành Đền thánh với tước hiệu Đền Thánh Mẹ Nhân Lành.

Sau lời nguyện, Đức Giám Mục nhận lấy chìa khóa và hình nhà thờ từ vị đại diện giáo dân Khánh Vĩnh. Đức Cha Giuse cùng Đức TGM và cha Tổng đại diện chuẩn nhận nhà thờ và cắt băng khánh thành sau đó các ngài thả bong bóng trong tiếng pháo tay của cộng đoàn. Đức Cha Giuse trao chìa khóa cho cha quản xứ Giuse Nguyễn Xuân Quý (Dòng Phanxicô) mở cửa và mời cộng đoàn hân hoan tiến vào nhà thờ.

Đức Tổng Giám Mục Leopoldo Girelli chủ sự thánh lễ. Trong bài giảng qua lời dịch của cha Giám Đốc ĐCV, Đức Tổng chúc mừng Đức Cha Giuse và Giáo phận Nha Trang ngày hôm nay đánh dấu một bước quan trọng trong lịch sử nhà thờ Khánh Vĩnh, một lịch sử được viết bởi niềm hy vọng, công sức và sự quảng đại của mọi người bằng cách này hay cách khác đã góp phần xây dựng ngôi nhà thờ - đền thánh này. Ngài nhấn mạnh “biến cố đang cử hành cũng là cột mốc quan trọng trong đời sống của giáo phận Nha Trang, không phải vì hôm nay giáo phận khai mạc năm Thánh Lòng Thương xót tại đây, nhưng còn vì ngôi nhà thờ mới này tượng trưng cánh cửa mở ra đi đến với các anh chị em dân tộc thiểu số, đến với người nghèo, đến với những người ở bên lề xã hội. Đó là một quá trình lịch sử của lòng kiên trì, phát xuất từ niềm tin nơi Chúa Giêsu Kitô, và của tình yêu thương đối với người nghèo, nhờ đó chúng ta được qui tụ để đến với Thiên Chúa như của lễ tiến dâng trong thánh lễ hôm nay”. Đức Tổng nhắc lại lịch sử 60 năm khi các nhà thừa sai truyền giáo đầu tiên đã mang ngọn lửa Tin Mừng nhỏ bé đến đây. Và hôm nay, “ngôi nhà thờ -đền thánh mọc lên như một dấu chỉ hữu hình của Thiên Chúa vô hình, như đèn báo hiệu chiếu tỏa vinh quang Chúa cho mọi người sống xung quanh đây”. Nói về nền tảng xây dựng đền thờ, Ngài diễn giải Chúa Giêsu là Đá tảng trên đó chúng ta xây dựng đức tin của mình. “Khi xây dựng trên nền tảng đức tin này chúng ta có thể làm cho mọi người nhận thấy dung mạo của Thiên Chúa, một Thiên Chúa của hòa bình chứ không phải của bạo lực, của tự do chứ không phải của áp bức, của sự hợp nhất chứ không phải của sự phân rẽ”. Cách riêng với anh chị em tại Khánh Vĩnh, từ bài Tin Mừng Chúa Giêsu gặp ông Giakêu, Đức Tổng nhắn gởi “Khi cung hiến ngôi nhà thờ-đền thánh này, chúng tôi trình bày, giới thiệu cho anh chị em, người dân Khánh Vĩnh, một vị Thiên Chúa là bạn hữu của tất cả mọi người, và chúng tôi cũng mời gọi anh chị em và mọi người dân địa phương này trở thành bạn hữu của Thiên Chúa”. Ngài xác tín khi mỗi người để cho Chúa Kitô bước vào tâm hồn và thế giới của mình, thì chúng ta sẽ cảm nghiệm được tình bạn hữu cũng như niềm vui chia sẻ cuộc sống của Chúa”. Kết thúc bài giảng, Đức TGM xin Chúa đổ tràn ân sủng và tình yêu của Ngài trên cộng đoàn Giáo Phận, Xin Đức Maria Mẹ nhân lành gìn giử và bảo vệ chúng ta Amen.

Đức Cha Giuse thay mặt Đức Cha Phaolô và cộng đoàn dân Chúa giáo phận Nha Trang dâng lời tri ân vị Đại diện Đức Thánh Cha Phanxicô. Trước hết, Đức Cha loan báo tin vui chuẩn bị mừng Ngọc Khánh 60 năm thành lập Giáo phận Nha Trang (1957-2017). Đức Thánh Cha Phanxico, thông qua Tòa ân giải tối cao của Tòa thánh đã ban cho Giáo phận được phép cử hành Năm thánh Giáo phận, bắt đầu từ ngày 19.3.2016 đến ngày 24.11.2017.

Ngài vui mừng tạ ơn nhìn nhận rằng suốt thời gian 60 năm hình thành và phát triển, các thế hệ tín hữu Giáo phận Nha Trang luôn noi gương thánh thiện của Đức Mẹ Maria để sống tinh thần yêu thương và phục vụ của đạo thánh Chúa. Ngài nói “Chúng con có Mẹ Vô Nhiễm làm Bổn mạng của Giáo phận; có Mẹ Sao Biển để soi đường cho hàng Giáo sĩ, Chủng sinh; có Mẹ Khiết Tâm để tỏa sáng tình thương tuyệt vời của Thiên Chúa; có Mẹ Hy Vọng để luôn vững vàng giữa mọi nghịch cảnh, gian nan thử thách; có Mẹ Xin Vâng để âm thầm và nhẫn nại, trung thành dấn thân theo Chúa trên mọi nẻo đường; có Mẹ Từ Bi để ra đi đến với những người nghèo khổ, lao nhọc; có Mẹ Dâng Mình để đồng hành với các thế hệ những người chọn đời sống thánh hiến và hôm nay, trong Năm Thánh Lòng Thương Xót, có Mẹ Nhân Lành là điểm tựa vững chắc cho đời sống đức tin, đức cậy và đức mến của chúng con trong lòng xã hội Việt Nam thân thương của chúng con”.

Đáp từ, Đức TGM mời gọi cộng đoàn noi gương sống thánh thiện, gắn bó kết hiệp với Chúa và yêu mến Hội Thánh của ba vị thánh được đặt trước tiền đường nhà thờ là Thánh Gioan Maria Vianey, Thánh Phanxico Assisi và Thánh Têrêxa Hài Đồng Giêsu. Ngài ca ngợi cảnh đẹp thiên nhiên của Đền Thánh và mời gọi cộng đoàn yêu mến, giữ gìn thiên nhiên cũng như môi trường sống của mình.

Kết thúc Thánh lễ, Cha Tổng Đại Diện thay mặt Giáo phận Nha Trang cám ơn Đức Cha Giuse và chúc mừng kỉ niệm 10 năm Giám Mục của Ngài (15.12.2005-15.12.2015).

Cha Tổng cám ơn những cá nhân, đơn vị và Quý Ân Nhân xa gần đã, đang góp công góp của xây dựng nên đền thánh hôm nay. Cách riêng là cha Giuse Nguyễn Xuân Quý và cha Phêrô Trần Huy Hoàng đã coi sóc, đôn đốc công trình nhà thờ từ khởi công đến hoàn thành, …

Tiếp đến đoàn đòng tế tiến ra đài Đức Mẹ Hai Đức Cha làm phép tượng đài. Với lòng yêu mến Đức Trinh Nữ Maria, Đức Cha Giuse quyết định bắt đầu năm 2016, vào ngày thứ Bảy đầu tháng, từ 16g00 – 20g00 tại Đền Thánh Mẹ Nhân Lành sẽ có các giờ cầu nguyện, chầu Thánh Thể, lần chuỗi Mân Côi, thuyết giảng về Đức Mẹ, ban Bí tích Hòa giải cho khách hành hương và đặc biệt là có Thánh Lễ trọng thể do chính Đức Giám Mục chủ sự.

Thánh lễ kết thúc với phép lành Toàn xá của Năm Thánh. Mặc dù trưa nắng nhưng đông đảo bà con vẫn lưu lại dưới chân Đức Mẹ nhân lành Khánh Vĩnh cầu nguyện.

Thới Hoa
 
Đại Hội tổng kết Gia Đình Thánh Tâm Xứ Bảo Nham
Huy Hoàng
11:45 15/12/2015
Đại Hội tổng kết cuối năm và Bầu Ban Điều Hành Gia Đình Thánh Tâm Xứ Bảo Nham nhiệm kỳ 2015 - 2018

Thực hiện Mục đích tôn chỉ và điều lệ Nội quy Gia đình Thánh Tâm Giáo phận đã đề ra. Hôm nay ngày 15 tháng 12 năm 2015, tại Văn phòng Giáo xứ, Ban điều hành Gia đình Thánh Tâm (BĐHGĐTT) Giáo xứ Bảo Nham tổ chức đại hội tổng kết hoạt động GĐTT nhiệm kỳ 3 năm vùa qua và tiến hành bầu BĐHGĐTT nhiệm ky 2015 – 2018.

Cùng tham dự cuộc họp có Cha Quản xứ Martinô Nguyễn Xuân Hoàng. Đại diện Hội đồng mục vụ (HĐMV) Giáo xứ và các Giáo họ cùng tất cả các thành viên GĐTT trong toàn Giáo xứ. Mở đầu cuộc họp ông Phêrô Hồ Xuân Thủy trưởng ban điều hành GĐTT xứ đã báo cáo những thành quả mà GĐTT giáo xứ đã thực hiện được trong năm 2015, và 3 năm của nhiệm kỳ vừa qua, ngoài những việc làm và bổn phận thiêng liêng mà mỗi thành viên phải sống theo linh đạo của GĐTT thì điều đặc biệt đáng ghi nhận, đó là trong công tác bác ái và đóng góp phần mình trong công tác xây dựng Giáo xứ, cụ thể năm vừa qua GĐTT đã có đóng góp phần lớn trong công tác bác ái của Caritas giáo xứ, ngoài ra còn có những hy sinh đóng góp trong công cuộc xây dựng Thánh đường của Giáo xứ như đóng 5 bàn quỳ trị giá 17.500.000 đồng, mua viên gạch trong ngày lễ đặt viên đá góc trị giá 50.000.000 đồng, cũng như các công việc phúc lợi khác số tiền đến thời điểm này GĐTT cũng đã đóng góp được số tiền gần 120.000.000 đồng. Đặc biệt trong đời sống nội tâm từng cá nhân thành viên GĐTT đã có sự thay đổi rõ rệt, được thể hiện qua việc tham dự các giờ phụng vụ, mỗi sinh hoạt của gia đình cũng như mỗi nhiệm vụ khi được Cha và xứ giao phó, ngoài ra các thành viên còn hưởng ưng rất nhiệt tình trong công tác xây dựng nếp sống hàng ngày, trong phong trào xây dựng Giáo xứ, giáo họ bình yên mà Cha quản xứ đã khởi xướng, mọi người đã có ý thức trách nhiệm trong công tác giáo dục này, nhất là trong công tác giáo dục đức tin cho con em mình, đã có nhiều thành viên là Giáo lý viên, và ban phụ huynh đứng lớp cũng như hoạt động nhiều lĩnh vực khác của giáo xứ. Với công tác Tông đồ các thành viên cũng đã cổ vũ khích lễ và mời gọi được thêm một sô thành viên gia nhập vào Gia đình thiêng liêng này, cụ thể trong 3 năm vừa qua số thành viên đã được tăng lên, từ hơn 100 thành viên năm 2013 đến nay số thành viên chính thức là 262 và còn có thêm 5 thành viên mới trong thời gian tìm hiểu. Quả là một tin vui cho GĐTT Giáo xứ. Tuy nhiên bên cạnh những việc đã làm được, thì vẫn còn một số tồn tại đáng kể, cũng được ông trưởng ban đề cập đến và hội nghị cùng thẳng thắn góp ý xây dựng, không nhằm mục đích xây dựng GĐTT giáo xứ ngày một thăng tiến hơn nữa.

Trong phần phát biểu cùng với GĐTT, Cha Quản xứ cũng đã ban lời khen tặng đến BĐH GĐTT cùng các thành viên, đã có những sáng kiến và đi đầu trong mọi công tác so với các Hội đoàn khác trong giáo xứ, Cha nhấn mạnh và tin tưởng nơi mọi thành viên của các Hội đoàn nói chung, Ngài nói: “ Một Giáo xứ muốn phát triển và lớn mạnh không thể thiếu vắng các Hội đoàn, các Thành viên trong các Hội đoàn phải là những nhân tố điển hình, gương mẫu và đi đầu đứng trước trong mọi lĩnh vực, để xây dựng giáo xứ về bề trong lẫn bề ngoài, Cha tin tưởng vào việc các thành viên nghiêm túc thực hiện tốt tôn chỉ, mục đích và nội quy,điều lễ của Hội đoàn đã đề ra, từ đó mỗi người trưởng thành lên, có đựợc một đời sống đức tin vững mạnh và tỏa sáng ra chung quanh, nhất là trong những năm vừa qua, mọi người đã được học hỏi nhiều về các đề tài Năm tân phúc âm hóa đời sống gia đình, năm nay cũng vậy Năm Tân phúc âm hóa đời sống giáo xứ, muốn nói đến một Gia Đình lớn hơn, đó là Gia đình Giáo xứ.và tiếp theo sẽ là năm Tân phúc âm đời sống xã hội, nhất là trong năm Thánh giáo phận và đặc biệt trong năm Thánh ngoại thường “Lòng Thương Xót” Cha mong muốn mỗi thành viên phải thể hiện đời sống đức tin, đức mên một cách cụ thể, được thể hiện qua đời sống hằng ngày. Thật vậy Giáo xứ là của những người con cái Thiên Chúa, trong đó tất cả mọi người đều là anh chị em với nhau…Chúng ta sống, nhưng không phải sống cho riêng mình, mà phải biết chia sẻ, sống chung, sống với…”

Thay lời cho GĐTT ông Phêrô Hồ Xuân Thủy, TBĐH GĐTT xứ cũng đã cảm ơn Cha Quản xứ và quý HĐMV, và xin ghi nhận những đóng góp ý kiến của Cha và mọi người và hứa sẽ điều hành GĐTT đi đúng đường hướng Mục đích - tôn chỉ của GĐTTGiáo phận đã đề ra.

Tiếp theo sau phần báo cáo ngân quỹ của GĐTT giáo xứ các giáo họ, hội nghị đã tiến hành bầu cử và các vị trong Ban điều hành nhiệm kỳ qua được tín nhiệm và tái cử, chỉ có thay đổi một số vị trí cũ thể BĐH GĐTT xứ nhiệm kỳ 2015 – 2018 như sau:

1. Ông Phê-rô Hồ Xuân Thủy ,dự chức Trưởng ban

2. Ông Giu-se Trịnh Xuân Khánh, dự chức Phó ban Ngoại vụ kiêm phụng vụ

3. Bà Ma-ri-a Nguyễn Thị Đề, dự chức Phó Ban Nội vụ, nhân lực

4. Bà Tê-rê-xa Chu Thị Ngọc,dự chức Thư ký, kiêm văn thư

5. Bà Tê-rê-xa Nguyễn Thị Khuyên, dự chức Thủ quỹ

6. Bà Maria Nguyễn Thị Nhường (Giáo Họ Thịnh Đức) Ủy viên

7. Bà Mari Nguyễn Thị Ngân (Giáo họ Tân Phong) Ủy viên.

Thay lời cho BĐH nhiệm kỳ mới Ông Phê-rô Hồ Xuân Thủy đã có lời cám ơn đến sự tín nhiệm của Cha Quản xứ và toàn thể Đại hội và hứa sẽ tiếp tục dấn thân phục vụ GĐTT trong tinh thần đoàn kết, hiệp nhất dưới sự linh hướng của Cha quản xứ. Tiếp đến ông cũng đã vạch ra một số phương hướng và chỉ tiêu cho năm 2016 để các thành viên lấy đó làm tiền đề phấn đấu. Bản phương hướng được đọc lên công khai, cởi mở hứa hẹn cho một tương lai sáng sủa hơn của GĐTT trong năm mới và trong cả nhiệm kỳ mới này. Hội nghĩ cũng được khép lại trong tiếng vổ tay tán thành những gì mà ông trưởng ban đưa ra và trong tinh thần quyết tâm thực hiện cao.
 
Khai mạc Năm Thánh Lòng Thương Xót tại giáo xứ Sapa, giáo phận Hưng Hóa
LM. Nguyễn Văn Thành
21:45 15/12/2015
Khai mạc Năm Thánh Lòng Thương Xót tại giáo xứ Sapa, giáo phận Hưng Hóa

WGPHH – Như chúng ta biết, thứ Ba ngày 08.12.2015, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã chủ tế các nghi thức và Thánh lễ khai mạc Năm Thánh Lòng Thương Xót tại quảng trường thánh Phêrô. Và tất cả các giáo phận trên toàn thế giới, trong đó có giáo phận Hưng Hóa, sẽ khai mở năm Thánh vào Chúa Nhật III Mùa Vọng.

Xem Hình

Vào lúc 15g00 ngày 13.12.2015, tại nhà thờ đá Sapa, giáo xứ Sapa, giáo phận Hưng Hóa, Đức Cha Anphong Nguyễn Hữu Long – Giám mục phụ tá, chủ tế Nghi thức Mở Cửa Năm Thánh và Thánh lễ khai mạc Năm Thánh Lòng Thương Xót. Đồng tế với ngài, có 26 linh mục thuộc hai giáo hạt Lào Cai và Yên Bái. Tham dự Thánh lễ, còn có quý Thầy, quý Dì Hội Dòng Mến Thánh Giá Hưng Hóa và khoảng 4 ngàn giáo dân của hai giáo hạt này.

Để tiện cho việc hành hương lĩnh ơn xá, bề trên giáo phận đồng ý mở Năm Thánh Lòng Thương Xót tại bốn nhà thờ. Đó là Nhà thờ chánh tòa Sơn Lộc, nhà thờ kính Lòng Thương Xót Chúa Hòa Bình, nhà thờ Hà Thạch và nhà thờ Sapa.

Nhà thờ Sapa là biểu tưởng của Sapa, thị trấn du lịch nổi tiếng của Việt Nam. Vì thế, người Công Giáo vừa đi hành hương và vừa kết hợp đi du lịch nên lượng người tham dự mỗi lúc một đông. Khuôn viên nhà thờ trở nên chật chội. Vì quá nhiều người xưng tội nên quý cha đứng giải tội chỗ nào có thể đứng được. Đây là hình ảnh đẹp và ấn tượng cho cách sống đạo của giáo dân miền núi phía Bắc.

Nghi thức Mở Cửa Thánh được bắt đầu bằng cuộc rước long trọng từ nhà xứ ra cổng chính nhà thờ, gồm Thánh giá nến cao, đội trống, đội kèn, giám mục, linh mục, nam nữ tu sỹ và giáo dân. Đức Cha Anphong làm nghi thức mở Năm Thánh tại cửa chính cách trang trọng và sốt sáng. Từng người giáo dân bước qua cửa để lãnh ơn Toàn xá. Ai nấy đều sốt sáng bước đi với lòng hân hoan phấn khởi. Nghi thức này diễn ra chừng 1 tiếng đồng hồ. Trời ngả về chiều. Sương xuống nhiều hơn và kèm theo cái lạnh tê tái.

Trước khi bước vào Thánh lễ, Đức Cha Anphong nói vui: “Sapa cao hơn vùng đồng bằng vì Sapa ở độ cao 1600m so với mặt nước biển. Như vậy, Sapa gần Chúa hơn”. Ngài cũng mời gọi giáo dân sống tinh thần Năm Thánh với tâm tình của Đức Thánh Cha Phanxicô: “Yêu như Chúa Cha”.

Chia sẻ trong Thánh lễ, Đức Cha đã giải thích logo Năm Thánh cho mọi người hiểu rõ hơn. Ngài nói: “Hình chúng ta nhìn thấy trong logo là hình Chúa Giêsu. Vết đỏ ở tay và chân là Ngài đã chịu chết cho nhân loại vì tình yêu. Chúa cõng một người trên vai là dấu chỉ tình yêu và yêu như Chúa Cha. Chúng ta nhìn thấy hai khuôn mặt nhưng lại chỉ thấy ba con mắt diễn tả Chúa đang nhìn chung với con người bằng con mặt tình yêu”.

Kết thúc Thánh lễ, Đức Cha nói lên điều kiện để được lãnh nhận ơn Toàn xá là xưng tội rước lễ và cầu nguyện theo ý Đức Giáo Hoàng. Và Ngài cũng cất lên kinh Lạy Cha, kinh Tin Kính và kinh Sáng Danh. Mọi người đều đọc cách sốt sáng.

Được biết, mỗi linh mục trong giáo phận trực hai tuần, mỗi tuần từ thứ Ba đến thứ Năm, tại một nhà thờ quy định để hướng dẫn, giải tội và dâng lễ cho các đoàn hành hương. Hơn nữa, mỗi nhà thờ được phép mở Năm Thánh sẽ có hai Dì trực để hướng dẫn, tĩnh tâm cho các đoàn
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Thưa cha, Thiên Chúa có tha thứ tội lỗi của con?
Giuse Phạm Đinh Ngọc, S.J
10:09 15/12/2015
Thưa cha, Thiên Chúa có tha thứ tội lỗi của con?

“Hy vọng là nhân đức Kitô giáo và là món quà lớn lao của Thiên Chúa, cho phép chúng ta nhìn vượt lên trên các vấn đề, đau đớn, khó khăn và trên cả tội lỗi của chúng ta. Nó cho phép chúng ta thấy vẻ đẹp của Thiên Chúa.”

Bài giảng trong thánh lễ sáng tại nhà nguyện thánh Marta, Đức Giáo Hoàng nhấn mạnh đến sự kết nối giữa tự do và sức mạnh của người có hy vọng để vượt qua những thời điểm tệ hại cũng như mở ra những chân trời và trao ban cho chúng ta tự do.

Suy niệm bài Tin mừng hôm nay về câu hỏi của những thượng tế chất vấn Chúa Giêsu và hỏi về quyền năng mà Người hành động, ĐTC nói: “Họ không có những chân trời, họ là con người khóa chặt mình trong những tính toán, họ là những nô lệ cho tính nết khắt khe, cứng nhắc.”

Đức Giáo Hoàng cảnh báo rằng “Tính toán của phàm nhân sẽ đóng chặt cửa tâm hồn và dập tắt tự do”, trong khi đó “hy vọng cho chúng ta sự thanh thản”.

Từ gợi hứng của bài đọc một trong sách Dân Số nói về ông Ba-la-am –một tiên tri được một ông vua thuê để gây tai họa cho Israel, Đức Giáo Hoàng thấy ông Ba-la-am “có những lỗi lầm và đầy tội lỗi vì tất cả chúng ta đều có tội. Chúng ta là những tội nhân.”

Đừng sợ hãi

Đức Giáo Hoàng nói rằng chúng ta đừng sợ hãi, và nhắc thêm rằng: “Thiên Chúa lớn hơn tội lỗi của chúng ta!”

Đức Thánh Cha lưu ý rằng “tại một thời điểm nhất định, ông Ba-la-am gặp được sứ thần của Đức Chúa và thay đổi cõi lòng và hiểu những lầm lỗi của ông. Ba-la-am đã mở rộng cõi lòng mình để sám hối và thấy được chân lý, vì với người thiện chí sẽ luôn được nhìn thấy chân lý. Chân lý trao cho chúng ta niềm hy vọng.”

Trong khi ĐTC suy niệm về nét đẹp của tự do, của hy vọng nơi chúng ta là người con của Giáo Hội, nam cũng như nữ, ngài cũng lên tiếng phê bình thái độ khiêm khắc đối với tha nhân trong Giáo Hội và “những giáo sĩ khắt khe thì chẳng có hy vọng.”

Hai con đường

“Trong năm Lòng Thương Xót này”, ĐTC nói, “Có hai con đường: một là cho những người hy vọng vào lòng thương xót của Chúa và biết Thiên Chúa là Cha; và hai là cho những ai bám víu, nô lệ vào sự cứng nhắc và chẳng biết về lòng thương xót của Chúa.”

Trước khi kết lễ, ĐTC nhớ lại một sự kiện diễn ra trong một thánh lễ dành cho bệnh nhân tại Buenos Aires năm 1992. Ngài nhớ lại rằng khi ngài đang giải tội trong nhiều giờ thì ngài gặp một bà cụ với “ánh mắt đầy lòng trông cậy.”

“Cha nói rằng: ‘Thưa bà, có phải bà đang muốn xưng tội?’ Vì cha chuẩn bị ra về rồi. ‘Dạ’- bà ấy trả lời cha và cha nói: ‘Con không phạm tội.’ Bà ấy nói: ‘Thưa cha: Chúng ta đều có tội – nhưng Thiên Chúa luôn tha thứ tất cả.’ Cha hỏi lại: “Làm thế nào mà con biết được?” và bà ấy nói: ‘Vì nếu Thiên Chúa không tha thứ tất cả thì thế giới này không thể tồn tại.’”

Vì vậy, ĐTC nhấn mạnh, trước hai loại người này, “một là người tự do với niềm hy vọng cậy trông vào lòng thương xót của Chúa,” và “một là người đóng kín, chủ trương nô lệ cho sự khắc nghiệt của mình”, chúng ta “hãy nhớ lời của bà lão trên đây và bài học mà bà trao cho cha: ‘Thiên Chúa tha thứ tất cả, Người luôn chờ đón bạn đến gần với Người’.”

(Zenit, 14-12-2015)

Chuyển ngữ: Phạm Đình Ngọc, S.J.
 
Giải đáp phụng vụ: Khi nào cất dọn Máng cỏ Giáng Sinh?
Nguyễn Trọng Đa
11:05 15/12/2015
Giải đáp phụng vụ: Khi nào cất dọn Máng cỏ Giáng Sinh?

Giải đáp của Cha Edward McNamara, Dòng Đạo Binh Chúa Kitô (LC), Khoa trưởng Thần học và giáo sư phụng vụ của Đại học Regina Apostolorum (Nữ Vương các Thánh Tông Đồ), Rôma.

Hỏi: Câu hỏi của con là đơn giản nhưng gây ra sự nhầm lẫn đôi khi giữa chúng con: Khi nào Máng cỏ trong nhà thờ được cất dọn? Nó phải được cất dọn trước lễ Chúa Giêsu chịu phép rửa hay sau lễ này? - M. M., Cape Town, Nam Phi.


Đáp: Câu hỏi này và nhiều câu hỏi tương tự phát sinh hầu như mỗi năm trong khoảng thời gian này, vì vậy một số những gì chúng ta nói bây giờ đã được công bố trong một số bản văn trước đây. Hiện không có nhiều điều có thể được gọi là "huấn quyền" về Máng cỏ Giáng Sinh và truyền thống Giáng Sinh khác. Hầu hết các truyền thống đó là tục lệ, và do đó không được xác định trong các quy chuẩn chính thức. Bởi vì sự đa dạng hợp pháp trong tục lệ vẫn tồn tại, không nhất thiết phải có câu trả lời đúng hay sai cho câu hỏi này.

Các tranh vẽ, tranh khảm nổi và phù điêu đã mô tả cảnh Giáng Sinh từ thời cổ đại. Có thể rằng một trong các trình bày đầu tiên của một máng cỏ là một nhà nguyện được xây dựng bởi Đức Giáo Hoàng Sixtus III (432-440), như là sự trình bày hang đá Bê lem. Nhà nguyện nhỏ bé này, bây giờ hoàn toàn không còn nữa, là phần bổ sung cho Vương Cung Thánh Đường Đức Bà Cả, mà việc xây dựng cũng được khởi xướng bởi cùng Giáo Hoàng này. Di tích được cho là máng cỏ gốc ban đầu được đặt trong nhà nguyện này vào thế kỷ VII, và bây giờ được tìm thấy dưới bàn thờ chính của Vương Cung Thánh Đường.

Tuy nhiên, có một số hướng dẫn chính thức cho thấy suy nghĩ của Giáo Hội về chủ đề Máng cỏ. Ở tầm vóc phổ quát, tài liệu Hướng dẫn về Lòng Đạo Bình Dân và Phụng Vụ có một số chỉ dẫn thích hợp, vốn nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đặt một Máng cỏ ở nhà và trong nhà thờ trong mùa Giáng Sinh. Do đó, số 104 nêu rõ:

"Máng cỏ: Như được biết rõ, ngoài việc trưng bày Máng cỏ trong nhà thờ từ thời cổ đại, tục lệ làm Máng cỏ ở gia đình đã được quảng bá rộng rãi từ thế kỷ XIII, chịu ảnh hưởng chắc chắn bởi Máng cỏ của thánh Phanxicô Átxidi ở Greccio . Việc chuẩn bị Máng cỏ, mà trong đó trẻ em đóng một vai trò quan trọng, là dịp để các thành viên trong gia đình tiếp xúc với mầu nhiệm Giáng Sinh, khi họ tụ tập cho một khoảnh khắc cầu nguyện, hay để đọc các trình thuật Kinh Thánh về việc Chúa giáng sinh".

Việc này được minh chứng qua số 111:

"Ở Lễ Nửa Đêm, một sự kiện có ý nghĩa phụng vụ lớn và sự cộng hưởng mạnh mẽ trong lòng đạo bình dân, việc sau đây có thể được làm nổi bật: [...]

"- vào cuối Thánh Lễ, các tín hữu có thể được mời để hôn kính tượng Hài Nhi Giêsu, sau đó tượng được đặt trong một Máng cỏ được dựng lên trong nhà thờ hoặc ở một nơi gần đó".

Bản dịch tiếng Anh của Sách các Phép (số 1544) có sự làm phép cho một hang đá Giáng sinh tại nhà thờ, nhưng cấm đặt hang đá trong cung thánh. Luật này không ngăn cấm vị trí của hang đá trong khu vực tổng quát của cung thánh (chẳng hạn trên một bàn thờ cạnh không còn sử dụng nữa), nhưng không cho phép đặt Máng cỏ xung quanh bàn thờ hoặc ở phía trước bàn thờ, ghế chủ toạ, bục giảng hoặc nhà tạm. Tôi không tin rằng qui định này sẽ loại trừ tục lệ đặt một tượng Hài Nhi Giêsu trong khu vực cung thánh. Tục lệ này là khá phổ biến ở nhiều nơi, kể cả Vương Cung Thánh Đường Thánh Phêrô, vì nơi đây tượng Hài Nhi Giêsu thường được đặt trên một bệ để sát đất ở phía trước bàn thờ chính. Ngoài tượng này, cũng có một hang đá Giáng sinh đầy đủ nhân vật ở một nơi khác của nhà thờ, và một hang đá thật lớn ở quảng trường bên ngoài.

Ở tầm vóc quốc gia, một số Hội Đồng Giám Mục đã ban hành các hướng dẫn. Thí dụ, Hướng dẫn của Hội Đồng Giám Mục Mỹ về công trình nhà thờ, "Built of Living Stones" (Xây dựng các Viên Đá Sống động), đưa ra một số gợi ý hợp lý liên quan đến trang trí Mùa Vọng và Mùa Giáng sinh, vốn có thể được áp dụng ở khắp nơi. Mời đọc:

"124. Kế hoạch trang trí theo mùa nên bao gồm các khu vực khác ngoài cung thánh. Các trang trí là nhằm thu hút mọi người đến với bản chất thực sự của mầu nhiệm đang được cử hành, chứ không phải là cùng đích trong chính chúng. Hoa tự nhiên, cây cỏ, vòng hoa và rèm vải treo, và các vật theo mùa có thể được bố trí để đề cao các điểm nhấn chính của phụng vụ. Bàn thờ cần được nhìn rõ ràng và đứng riêng, không có tường bao quanh bằng các dãy hoa lớn hoặc Máng cỏ Giáng sinh, và các lối đi trong gian hiên, gian giữa, và cung thánh cần để trống cho dễ nhìn.

"128. Các vật như vòng hoa Mùa Vọng, hang đá Giáng sinh, và các thiết bị truyền thống theo mùa tương xứng với kích thước của không gian và với các đồ nội thất khác có thể củng cố lời cầu nguyện và sự hiểu biết của cộng đồng giáo xứ".

Giám mục Giáo phận cũng có thể ban hành các hướng dẫn địa phương, vốn luôn được thi hành.

Về câu hỏi khi nào dọn cất Máng cỏ Giáng Sinh, một lần nữa tục lệ thay đổi từ nơi này đến nơi khác, và không có qui định tuyệt đối. Ở một số nơi, có tục lệ cất dọn Máng cỏ sau lễ Hiển Linh. Ở một số nơi khác, và có lẽ là thông thường hơn, sau lễ Chúa Giêsu chịu phép rửa, vốn đánh dấu sự kết thúc của mùa Giáng Sinh chính thức trong lịch hiện tại.

Lễ này thường là vào Chúa Nhật sau Lễ Hiển Linh. Tuy nhiên, ở các nước mà có sự chuyển lễ Hiển Linh vào Chúa Nhật giữa ngày 2 và ngày 8-1, lễ Chúa Giêsu chịu phép rửa được tổ chức vào ngày thứ Hai, ngày 9-1, khi lễ Giáng sinh rơi vào ngày Chúa Nhật và lễ Hiển Linh rơi vào ngày 8-1. Trong trường hợp này, Mùa Giáng sinh kết thúc vào ngày thứ Hai thay vì ngày Chúa Nhật.

Ở một số nước, người ta vẫn duy trì một số trang trí Giáng Sinh cho đến lễ Dâng Chúa Giêsu trong Đền Thánh ngày 2-2. Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đến thăm Máng cỏ lần cuối trên Quảng trường Thánh Phêrô sau khi cử hành Thánh Lễ chiều ngày 2-2. Sau chuyến thăm này của Ngài, Máng cỏ Giáng Sinh được cất dọn.

Điều này tương ứng với một tục lệ lâu đời, mà trong đó ngày vọng lễ Nến là ngày cất dọn các trang trí Giáng Sinh, đặc biệt là những gì làm bằng cây xanh. Truyền thống này được làm chứng bởi nhà thơ Robert Herrick (1591-1654) trong hai bài thơ của ông, mà một trong đó là bài “Ceremony upon Candelmas Eve, nghi thức ngày Vọng lễ Nến":

"Dọn cất hương thảo, cũng dọn cất cây nguyệt quế và cây tầm gửi; Dọn cất cây nhựa ruồi, cây thường xuân, và mọi cây, chúng đã trang trí Căn phòng Giáng sinh"

Ông lấy một chủ đề tương tự như trong các câu thơ đầu của bài thơ dài "Ceremonies for Candlemas Eve, các nghi thức cho ngày Vọng lễ Nến":

"Dọn cất hương thảo và cây nguyệt quế, dọn cất cây tầm gửi; Thay vì cây nhựa ruồi, hãy trưng hộp xanh hơn (để triển lãm). Cất đi cây nhựa ruồi, để cho hộp xanh hơn thống trị, cho đến ngày lễ Phục sinh nhảy múa, Hoặc đêm Vọng Phục sinh sẽ tới”.

Vì vậy, để tránh nguy cơ đẩy mạnh hơn nữa tình trạng nhầm lẫn, tôi chỉ có thể nói rằng sự lựa chọn tốt nhất là duy trì những gì đã là tục lệ ở địa phương. (Zenit.org 15-12-2015)

Nguyễn Trọng Đa
 
Điều kiện để lãnh ơn toàn xá trong Năm Thánh
Lm. Bosco Dương Trung Tín.
11:48 15/12/2015
Điều kiện để lãnh ơn toàn xá

Trong Năm thánh từ bi, là người tín hữu dù là Tu sĩ hay Linh mục chúng ta đều muốn lãnh nhận ơn xá cho mình hay nhường cho các linh hồn. Vậy chúng ta phải làm gì để lãnh ơn toàn xá trong Năn thánh từ bi đây?

Theo tông huấn GIÁO LÝ ÂN XÁ (Indulgentiarum Doctrina) do Đức Giáo Hoàng Phao-lô VI ban hành ngày 1 tháng 1 năm 1967 thì:

1. Ân xá là sự tha thứ trước mặt Chúa các hình tạm phải chịu dù tội đã được tha cho những môn đệ Chúa Ky-tô, với điều kiện xác định qua sự can thiệp của Giáo Hội như thừa tác viên cứu rỗi, tha thứ với thẩm quyền và áp dụng kho tàng đền tội do Chúa Ky-tô và các thánh đã lập(x.Thành luật, n.1)

2. Sự tha thứ hình phạt tạm gọi bằng tên riêng là Ân xá. Đây là cách giảm bớt dấu vết tội, đồng thời tẩy sạch các dấu vết tội đó. Qua ân xá, Giáo Hội lợi dụng sức mạnh của Chúa Ky-tô, qua lời cầu nguyện và sự can thiệp của quyền bính, áp dụng cho người tín hữu như họ chuẩn bị, kho tàng đền bù mà Chúa Ky-tô và các thánh đã lập để tha các hình phạt tạm

3. Mục đích khi quyền bính Giáo Hội ban ân xá, không những nhằm cho các tín hữu thoát khỏi hình phạt mà còn thúc đẩy họ làm việc đạo đức, đền tội và bác ái để gia tăng đức tin và mưu cầu công ích.

4. Khi người tín hữu lãnh ân xá cho người chết, họ vun trồng đức bác ái cách tuyệt diệu và khi họ hướng tâm trí về trời, họ cũng khôn ngoan hơn nơi trần thế. (Tông huấn Số 8)

5. Muốn hưởng Ân xá, người tín hữu phải có những điều kiện sau.

5.1. Xưng tội.

5.2. Rước lễ.

5.3. Cầu nguyện theo ý Đức Giáo Hoàng.

5.4. Viếng nhà thờ.

Để lãnh ơn Đại xá(còn gọi là toàn xá), phải làm việc có đại xá và giữ 3 điều kiện là xưng tội, rước lễ và cầu nguyện theo ý Đức Giáo Hoàng. Điều đòi khác là phải dứt lòng quyến luyến tội lỗi, dù tội nhẹ.(Thành luật, n.7)

Việc xưng tội: Một lần xưng tội để để lãnh nhiều ơn đại xá. Có nghĩa là cho đến khi nào ta phạm tội trọng thì ta mới đi xưng, nếu còn rước lễ được thì không buộc phải xưng.

Việc rước lễ và cầu nguyện theo ý Đức Giáo Hoàng phải làm cùng và trong ngày ta lãnh ơn xá(x.Thành luật n.8). Nghĩa là ta phải đi tham dự thánh lễ và rước lễ trong ngày đó nhưng không nhất thiết là tham dự tại nhà thờ đó hoặc vào giờ đó. Ta có thể tham dự thánh lễ ở nhà thờ nào cũng được và đi viếng nhà thờ đã được chỉ định lúc nào trong ngày cũng được.

Cầu nguyện theo ý Đức Giáo Hoàng, coi như đầy đủ khi đọc một kinh Lạy Cha và một kinh kính mừng(x.Thành luật n.10)

Khi đi viếng nhà thờ đã được chỉ định để lãnh ân xá Tín hữu sẽ đọc một kinh Lạy Cha, một kinh tin kính(x.Thành luật,n.16) .

Mỗi ngày chỉ lãnh được một ơn đại xá hay toàn xá.(x.Thành luật, n.6)

Tóm lại, để được lãnh ơn toàn xá, ta phải xưng tội(nếu cần), tham dự thánh lễ và rước lễ, cầu nguyện theo ý Đức Giáo Hoàng và đi viếng nhà thờ mỗi ngày hay mỗi khi có thể. Phải làm các việc này trong một ngày. Mỗi ngày làm thì mỗi ngày lãnh được một ơn toàn xá. Mỗi lần làm thì mỗi lần lãnh được một ơn toàn xá.

Nếu ta không tham dự thánh lễ và rước lễ thì dù ta có cầu nguyện và đi viếng nhà thờ thì ta cũng không được lãnh ơn toàn xá. Hay ta có tham dự thánh lễ mà không rước lễ thì ta cũng không được lãnh ân xá.

Đi viếng nhà thờ thì đọc một kinh Lạy Cha, một kinh Kính mừng và một kinh Tin kính, tùy ý đọc thêm kinh Năm thánh để cầu theo ý Đức Giáo Hoàng(x.Thành luật,n.10). Đọc kinh Năm thánh do Đức Giáo Hoàng làm ra thì không có gì thích hợp bằng.

Và nhất là ta phải làm những việc đó mục đích là để nên Thánh. Sống trong năm thánh ta phải nên thánh, điều mà ta đã cố gắng trong Năm thánh, trở thành một thói quen tốt cho suốt quãng đời còn lại của ta, mặc dù không lãnh nhận ân xá trong những năm khác, nhưng giúp cho ta nên thánh. Đó là điều quí nhất và là điều Giáo Hội mong muốn. Nên thánh thì ta sợ gì mà không lên thiên đàng. Chúa không hơn ân xá sao? Có Chúa là có mọi ân xá. Có Ân xá mà không có Chúa cũng như không. Nêu ta chỉ cố gắng trong năm thánh mà thôi, thì ân xá có nhiều mấy đi chăng nữa, cũng có ích gì cho ta. Ta đừng ỷ rằng ta có nhiều ơn toàn xá, mà không nên thánh, nên thiện, ta vẫn không được lên thiên đàng đâu.

Vậy chúng ta hãy hiểu ý của Giáo Hội khi mở Năm thánh, để ta cố gắng sống thánh thiện và thu tích thêm nhiều ân xá cho mình cũng như dâng tặng cho các Linh hồn.

(Lm. Bosco Dương Trung Tín, sưu tầm)
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Biển Chiều
Joseph Nguyễn Tro Bụi
22:22 15/12/2015
BIỂN CHIỀU
Ảnh của Joseph Nguyễn Tro Bụi
Biển chiều nhạt nhòa
từng cơn sóng vẫn vỗ
Bờ bên xa, như tình ta
đã xa nghìn trùng
Biển chiều thật buồn,
Ngàn yêu thương dâng kính..
(Trích ca khúc của Trịnh Lam)