Ngày 16-12-2015
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
19:59 16/12/2015
79. TỰ MÌNH LÀM BÍ MÌNH.
N2T

Vương Cung muốn mời Giang Lư Nô làm trưởng sử quan, nên sáng sớm liền đi đến nhà họ Giang, nhưng họ Giang còn ngủ chưa dậy, một lúc sau mới dậy, nhưng cũng không nói chuyện với Vương Cung, chỉ kêu đầy tớ đem rượu lại rồi tự rót tự uống.
Vương Cung thấy Giang có khí phách lớn mà phóng khoáng như thế, bèn cười lớn nói:
- “Sao anh lại uống một mình vậy ?”
Giang nói:
- “Anh cũng muốn uống rượu sao ?” bèn kêu người rót rượu cho Vương Cung.
Vưong Cung uống xong rượu liền đi tiểu tiện, chưa ra khỏi cửa, họ Giang chế nhạo nói:
- “Người ăn uống một mình vốn là người tự mình làm bí mình vậy !”
(Thế Thuyết Tân Ngữ)

Suy tư 79:
Không phải tất cả những người cùng đồng bàn với mình đều là bạn hữu của mình, bởi vì có những người mượn hơi men để chửi rủa bạn bè cùng mâm, có người sau khi nhậu nhẹt xong thì nói xấu bạn bè không chừa một từ nào mà không nói.
Cũng vậy, không phải tất cả những ai đi rước lễ đều là người sạch tội và là bạn hữu của Thiên Chúa ! Thánh Gioan tông đồ đã chỉ cho chúng ta thấy những kẻ phản Ki-tô xuất hiện lan tràn trên khắp thế gian, họ lợi dụng sự tin tưởng đơn sơ của người tín hữu để mê hoặc họ đi theo con đường bất chính trái với giáo lý của Giáo Hội. Những kẻ phản Ki-tô thường lấy Phúc Âm của Chúa để chỉ trích Giáo Hội nào là đã sai trong giáo lý, đi sai giáo huấn của Đức Ki-tô và các Tông Đồ, họ đi rước lễ chỉ là “rước lễ tượng trưng” mà thôi, cho nên họ không thể hiệp thông với Mình và Máu của Đức Ki-tô; họ giải thích “thờ phượng Chúa trong tinh thần và chân lý” theo kiểu của họ, nên họ không đến nhà thờ và chỉ trích Giáo Hội xây nhà thờ to lớn, chê cười giáo hữu đến nhà thờ dự thánh lễ là lãng phí thời giờ quý báu...
Tôi cũng sẽ trở nên một tên phản Ki-tô khi tôi đi rước lễ trong tình trạng còn mang tội trọng, tôi cũng sẽ trở nên người xa lạ với Chúa, nếu tôi cứ mãi mãi chỉ trích Giáo Hội là hiền thê của Ngài và là mẹ của tôi.
Bởi vì, không một hiếu tử nào lại chỉ trích và nói xấu mẹ của mình trước mặt thiên hạ, vì như thế là tự mình trát trấu trên mặt mình vậy.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư

---------------
http://www.vietcatholic.net
http://www.vietcatholic.net/nhantai
http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
20:01 16/12/2015
N2T

3. Người giữ đồng trinh có thể sánh với thiên thần và còn vượt qua thiên thần, bởi vì thiên thần không có xác thịt, là bản tính thanh khiết tự nhiên nên không có công lao gì; nhưng con người thì cần phải khắc trị tình cảm xác thịt, ép tư dục mới có thể được như thế, cho nên càng đáng được tán dương hơn.

(Thánh Bernardus)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
Dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức"

-----------
http://www.vietcatholic.net
http://www.vietcatholic.net/nhantai
http://nhantai.info
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Nhóm truyền thông xã hội Kitô giáo dùng Youtube đế phản bác tin nhắn của nhà nước Hồi Giáo ở Iraq và Syria.
Giuse Thẩm Nguyễn
09:50 16/12/2015
Nhóm truyền thông xã hội Kitô giáo dùng Youtube đế phản bác tin nhắn của nhà nước Hồi Giáo ở Iraq và Syria. (ISIS)

( CNSNews.com ) - Một nhóm truyền thông xã hội tại Los Angeles đang sử dụng YouTube để nói lên tiếng nói cho các nạn nhân của Nhà nước Hồi giáo Iraq và Syria ( ISIS ) và phản bác lại tin nhắn của bọn cuồng tín thánh chiến với thông điệp Kitô giáo về ơn cứu chuộc .

Một Youtube mới nhất có tên là The Nine: Overcoming ISIS tạm dịch là “Chín người: vượt qua ISIS” của nhóm Mighty.LA vừa đưa lên lưới mạng gồm những lời khai của chín Kitô hữu Iraq , đại diện cho hơn nửa triệu người đã phải bỏ nhà cửa và doanh nghiệp của họ ở thành phố Mosul sau khi bọn ISIS chiếm đóng thành phố này vào ngày 09 tháng 6 năm 2014 .

Một phụ nữ kể lại “ Chúng tôi bỏ mọi thứ mà chạy trốn.”

Và một phụ nữ khác kể thêm “Trong thời gian này tôi rất sợ, bởi tôi ở vào một hoàn cảnh gang tấc giữa sự sống và cái chết. Lại nữa trước đó khoảng 20 ngày tôi đã nhìn thấy những xác chết rải rác trên đường phố. Có những xác bị cháy đen, có những xác bị chặt đầu. Tôi nghĩ rằng rồi thì đời mình cũng sẽ kết thúc như họ thôi.”

Nhưng thà chết “ còn hơn bỏ đạo của mình để trở thành người Hồi Giáo”, một người khác cảm động nói.

Người khác chen vào “ Bây giờ chúng tôi đang vác thập giá của mình và theo Chúa Giesu.”

“Bạn cảm thấy vui mừng khi bạn bị bách hại vì Chúa Kitô…Tôi tự nghĩ rằng tôi không xứng đáng để được khổ vì Chúa,”. Một người trong nhóm họa theo.

Một Kitô hữu người Iraq nói “ Những kẻ ấy (ISIS) cũng giống như tôi thôi, nhưng họ đã bị ma quỷ làm chủ… Nguyện danh Chúa Giesu Kitô, chúng ta cầu xin cho họ được thay đổi lòng trí mà trở về đường ngay nẻo chính,”

Người quay cuốn Video này nói với CNSNews.com rằng “ Ai cũng có một câu chuyện quá đau lòng để chia sẻ, nhưng mỗi câu chuyện ấy đều làm chứng về tình yêu của Chúa trong những nỗi bất hạnh mà họ đã trải qua. Nhờ thế mà đức tin của họ vững mạnh hơn và họ lại đầy ắp niềm vui,”

“Thiên Chúa luôn gần gũi với những tâm hồn tan nát và coi sự bách hại như là món quà quý giá. Các thần thánh trên thiên đàng đang chia vui với những người đau khổ vì đức tin.”

Băng Video đầu tiên của nhóm có tên là “Who Would Dare to Love ISIS? tạm dịch là “ Ai không dám yêu những người Hồi Giáo Cuồng Tín ISIS?” được đưa lên Youtube vào tháng Tư để đáp lại một băng Video của ISIS chiếu cảnh chặt đầu 21 Kito hữu người Ai Cập Coptic ở Libya vào tháng Hai.

Băng Video ấy có chủ đề là “A Letter From the People of the Cross to ISIS, tạm dịch là “Một lá thư của người vác thập giá gởi ISIS” không che dấu sự tàn ác của nhóm ISIS trong việc chống lại các Kito hữu:”Những giấc mơ tai họa của các người và những tội lỗi ngập trời của các người đang làm thức tỉnh Trung Đông… những vụ cắt cổ dã man, những phụ nữ bị hãm hiếp, những người bị thiêu cháy, những trẻ em bị xé nát thành tro bụi. Từng tội ác đẫm máu người vô tội và máu ấy sẽ đổ trên các người, máu ấy dính nơi tay các người, hỡi người anh em.

“Các người chết cho thượng đế của các người, còn chúng tôi thì có Thiên Chúa của chúng tôi chết cho chúng tôi,” băng Video tiếp tục “ Dù tội lỗi của các người có đỏ như máu vẫn có thể được tẩy sạch trở nên trắng như tuyết. Dù các người có tự gọi mình là đầy tớ thì Thiên Chúa sẽ nâng các người làm con của Người….

“Những người mang thập giá đang đứng trước cổng nhà các người với thông điệp tình yêu. Tình yêu sẽ đến với các người…Từ cây bá hương trên núi Li băng tới con đường tơ lụa của Miền Đông, một đoàn hùng binh sẽ tới. Không có xe tăng hay lính chiến, nhưng là một đoàn quân những anh hùng tử đạo sẵn sàng bảo vệ niềm tin cho đến hơi thở cuối cùng, mang thông điệp của sự sống.”
 
ĐTC: Cửa Năm Thánh mở là dấu chỉ sự hiệp thông đại đồng và tình yêu của Thiên Chúa
Linh Tiến Khải
09:56 16/12/2015
Cửa Năm Thánh mở trên toàn thế giới là dấu chỉ hữu hình sự hiệp thông dại dồng và tình yêu của Thiên Chúa

Cửa Thánh Lòng Thương Xót được mở đồng loạt khắp nơi tại các nhà thờ chính toà trên toàn thế giới Chúa Nhật vừa qua là dấu chỉ hữu hình của sự hiệp thông đại đồng, khiến cho Giáo Hội là dấu chỉ tình yêu của Thiên Chúa Cha. Yêu thương tha thứ là dấu chỉ cụ thể và hữu hình cho thấy đức tin đã biến đổi con tim chúng ta, và cho phép chúng ta diễn tả nơi mình chính sự sống của Thiên Chúa.

ĐTC Phanxicô đã nói như trên với hàng chục ngàn tín hữu và du khách hành hương năm châu tham dự buổi gặp gỡ chung sáng thứ tư hàng tuần hôm qua. Trong bài huấn dụ ĐTC đã nhắc tới biến cố mở Cửa Năm Thánh Lòng Thương Xót tại Vương cung thánh đường Gioan Laterano, là nhà thờ chính tòa của giáo phận Roma, cũng như tại các nhà thờ chính toà của từng giáo phận trên toàn thế giới, cả các trung tâm hành hương cũng như các nơi được các Giám Mục chỉ định. Năm Thánh là trên toàn thế giới chứ không phải chỉ ở Roma mà thôi.

Chính ngài đã muốn rằng dấu chỉ của Cửa Thánh hiện diện trong mọi Giáo Hội địa phương, để Năm Thánh Lòng Thương Xót có thể trở thành một kinh nghiệm được mọi người chia sẻ. ĐTC giải thích thêm như sau:

Trong cách thế này, Năm Thánh đã bắt đầu trong toàn Giáo Hội và được cử hành trong mọi giáo phận cũng như ở Roma. Cả Cửa Thánh đầu tiên đã được mở tại trung tâm Phi châu. Và Roma, đó là dấu chỉ hữu hình của sự hiệp thông đại đồng. Ước chi sự hiệp thông Giáo Hội này ngày càng trở nên mạnh mẽ hơn, để Giáo Hội là dấu chỉ sống động tình yêu và lòng thương xót của Thiên Chúa Cha trong thế giới. Nghĩa là ước chi Giáo Hội là dấu chỉ của tình yêu và lòng thương xót.

Tiếp tục bài huấn dụ ĐTC nói: Ngày mùng 8 tháng 12 cũng đã muốn nhấn mạnh đòi buộc này, bằng cách gắn liền việc bắt đầu Năm Thánh với việc kết thúc Công Đồng Chung Vaticăng cách đây 50 năm. Thật thế, Công Đồng đã chiêm ngưỡng và trình bầy Giáo Hội dưới ánh sáng mầu nhiệm của sự hiệp thông. Rải rác trên toàn thế giới và được chia thành biết bao nhiêu Giáo Hội địa phương, nhưng vẫn luôn luôn và chỉ là Giáo Hội duy nhất của Chúa Giêsu Kitô, Giáo Hội mà Ngài đã muốn và đã hiến chính mình cho. Giáo Hội là “một”, sống chính sự hiệp thông của Thiên Chúa. Mầu nhiệm hiệp thông này khiến cho Giáo Hội trở thành dấu chỉ tình yêu của Thiên Chúa Cha, lớn lên và chín mùi trong tim chúng ta, khi tình yêu mà chúng ta nhận ra nơi Thập Giá Chúa Kitô và trong đó chúng ta dìm mình, khiến cho chúng ta yêu thương như chính chúng ta được Ngài yêu thương. Đây là một Tinh Yêu vô cùng, có gương mặt của sự tha thứ và lòng thương xót.

Tuy nhiên, lòng thương xót và sự tha thứ không được chỉ là các lời nói, nhưng phải được thực hiện trong cuộc sống thường ngày. ĐTC nhấn mạnh việc sống Năm Thánh một cách cụ thể như sau:

Yêu thương và tha thứ là dấu chỉ cụ thể và hữu hình rằng đức tin đã biến đổi con tim chúng ta, và cho phép chúng ta diễn tả nơi mình chính sự sống của Thiên Chúa. Yêu thương và tha thứ như Thiên Chúa yêu thương và tha thứ cho chúng ta. Đó là chương trình sống không thể biết tới các ngưng nghỉ hay luật trừ, nhưng thúc đẩy chúng ta luôn đi xa hơn mà không bao giờ mệt mỏi, với xác tín được nâng đỡ bởi sự hiện diện hiền phụ của Thiên Chúa.

Thế rồi, dấu chỉ lớn lao này của cuộc sống kitô biến thành biết bao nhiêu dấu chỉ khác, là các đặc tính của Năm Thánh. Tôi nghĩ tới những người bước qua một trong các Cửa Thánh, mà trong năm nay chúng là các Cửa của Lòng Thương Xót. Các Cửa của Lòng Thương Xót.

ĐTC nói thêm trong bài huấn dụ: Cửa ám chỉ chính Chúa Giêsu, là Đấng đã nói: “Tôi là cửa: nếu một người vào qua tôi, sẽ được cứu rỗi: họ sẽ vào, sẽ ra và tìm được đồng cỏ” (Ga 10,9). Anh chị em hãy để ý nhé! Coi chừng để đừng có ai hơi nhanh nhảu hay quá mưu mô nói anh chị em phải trả tiền: Không! Ơn cứu rỗi không phải trả tiền. Ơn cứu rỗi không phải mua. Cửa là Chúa Giêsu, và Chúa Giêsu thì không mất tiền! Chính Ngài là Cửa, chúng ta đã nghe Ngài nói về những kẻ không vào như phải vào, và Ngài nói một cách đơn sơ rằng họ là kẻ trộm và kẻ cướp. Lần nữa, anh chị em hãy coi chừng: ơn cứu rỗi không mất tiền nhé!

Bước qua Cửa Thánh là dấu chỉ sự tin tưởng của chúng ta nơi Chúa Giêsu, là Đấng không đến để phán xử, nhưng để cứu rỗi (x. Ga 12,47). Đó là dấu chỉ của một sự hoán cải con tim mình. Khi chúng ta đi qua Cửa đó, thật là tốt nhớ rằng chúng ta cũng phải để mở toang cánh cửa con tim của mình. Tôi đứng trước Cửa Thánh và tôi xin: “Lậy Chúa, xin giúp con mở toang cánh cửa tim con”. Năm Thánh sẽ không có nhiều hiệu quả, nếu cánh cửa con tim chúng ta không để cho Chúa Kitô đi qua, là Đấng thúc đẩy chúng ta đi tới với người khác, để đem Chúa và tình yêu của Ngài đến cho họ. Như vậy, Cửa Thánh rộng mở, vì nó là dấu chỉ của sự tiếp đón, mà chính Thiên Chúa dành để cho chúng ta. Như thế, cửa của chúng ta, cửa của con tim chúng ta, cũng hãy luôn mở rộng để không loại trừ ai hết. Kể cả ông đó, bà đó, gây phiền hà cho tôi: không loại trừ ai hết.

Đề cập tới sự cần thiết phải xưng tội ĐTC nói: Một dấu chỉ quan trọng của Năm Thánh cũng là việc xưng tội. Đến với bí tích, qua đó chúng ta được hoà giải với Thiên Chúa, đồng nghĩa với việc trực tiếp sống kinh nghiệm lòng thương xót của Người. Đó là kiếm tìm Cha, là Đấng tha thứ: Thiên Chúa tha hết. Thiên Chúa hiểu chúng ta trong cả các hạn hẹp của chúng ta. Ngài hiểu chúng ta trong cả các mâu thuẫn của chúng ta nữa. Không chỉ có thế, với tình yêu thương của Ngài, Ngài nói với chúng ta rằng chính khi chúng ta nhìn nhận tội lỗi chúng ta, Ngài còn gần gũi chúng ta hơn và thúc đẩy chúng ta nhìn về phía trước. Ngài còn nói hơn nữa: rằng khi chúng ta thừa nhận tội lỗi của mình và xin tha thứ, thì có lễ mừng trên Trời: Chúa Giêsu mừng lễ. Đó là lòng thương xót của Ngài: chúng ta đừng ngã lòng! Hãy tiến lên, hãy tiến lên với điều này!

Biết bao lần tôi đã nghe nói: “Thưa cha, con không tha thứ được”. Ông bên cạnh, ông bạn cùng làm việc, bà bên cạnh, bà mẹ chồng, bà chị dâu… Mọi người chúng ta đều đã nghe điều ấy. “Tôi không tha thứ được.” Nhưng làm sao chúng ta có thể xin Thiên Chúa tha thứ cho chúng ta, nếu chúng ta không có khả năng tha thứ? Và tha thứ cũng là một điều lớn lao. Tha thứ không dễ, bởi vì con tim của chúng ta nghèo nàn, và với các sức lực của riêng mình, chúng ta không làm được. Nhưng nếu chúng ta rộng mở con tim để đón nhận lòng thương xót của Thiên Chúa đối với chúng ta, thì đến lượt mình chúng ta cũng có khả năng tha thứ.

Và có biết bao lần tôi đã nghe nói: “Nhưng con không thể nhìn người đó được: con ghét họ. Nhưng một ngày kia con đến gần Chúa, và con đã xin Ngài tha thứ tội lỗi cho con, và con cũng đã tha cho người ấy”. Đây là những điều xảy ra mỗi ngày. Và chúng ta có bên mình khả năng này.

Vì vậy hãy can đảm lên! Chúng ta hãy sống Năm Thánh bằng cách bắt đầu với các dấu chỉ bao gồm một sức mạnh lớn lao này của tình yêu. Chúa sẽ đồng hành với chúng ta để dẫn đưa chúng ta tới chỗ sống kinh nghiệm của các dấu chỉ khác quan trọng cho cuộc sống chúng ta. Hãy can đảm và tiến lên!

ĐTC đã chào các đoàn hành hương đến từ Hoa Kỳ, Pháp, Anh, Đức, Áo, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, cũng như từ các nước Châu Mỹ Latinh và từ xa như đoàn hành hương Caledonia và Indonesia. Ngài cầu chúc mọi người lễ Giáng Sinh tươi vui và Năm Thánh Lòng Thương Xót nhiều hoa trái thiêng liêng, cầu xin ơn tha thứ cho tha nhân và khả năng hoà giải với họ.

Trong các nhóm nói tiếng Ý ĐTC đặc biệt chào nhóm các tân linh mục thuộc dòng Đạo Binh Chúa Kitô và gia đình; các binh sĩ thuộc trung tâm huấn luyện không quân và lực lượng phòng vệ Italia. ĐTC khích lệ mọi người gia tăng lời cầu nguyện và các việc lành phúc đức để cuộc gặp gỡ với Con Thiên Chúa nhập thể khiến cho con tim được tràn đầy niềm vui.

Chào giời trẻ, các người đau yếu và các đôi tân hôn ngài cầu chúc các bạn trẻ biết sống lễ Giáng Sinh với đức tin của Đức Mẹ khi được thiên thần truyền tin. ĐTC khuyến khích các người đau yếu có được niềm an bình mà Chúa Giêsu đã đem đến trần gian. Ngài nhắn nhủ các đôi tân hôn biết noi gương Mẹ Chúa Giêsu với lời cầu nguyện và sống các nhân đức.

Buổi tiếp kiến đã kết thúc với Kinh Lậy Cha và phép lành toà thánh ĐTC ban cho mọi người.
 
Nhận định của Hội Đồng Giám Mục Châu Âu về hội nghị thượng đỉnh khí hậu của Liên Hợp Quốc tại Paris
Đặng Tự Do
15:18 16/12/2015
Hội đồng Giám mục Cộng đồng châu Âu đã ra một tuyên bố chào đón các thỏa thuận đạt được tại Hội nghị biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc ở Paris.

"Việc áp dụng các công ước nền tảng của Liên Hiệp Quốc về biến đổi khí hậu được 195 quốc gia thông qua tại Paris vào ngày 12 tháng 12 tiêu biểu cho một bước tiến lớn của nhân loại nói chung," Cha Patrick Daly, Tổng thư ký COMECE nói.

"Đối với nhiều người nam nữ trên thế giới ngày nay của chúng ta, các mối đe dọa của biến đổi khí hậu đã trở thành một vấn đề tuyệt đối có tính sống còn, trong khi hầu như tất cả các cư dân của hành tinh này đều nhận thức được những nguy hiểm của sự biến đổi khí hậu"

Cha Daly nói thêm:

“Đó là do quan trọng là tất cả các quốc gia đạt được một thỏa thuận tại Paris ... COMECE hy vọng thỏa thuận này được nhanh chóng triển khai. Giáo Hội và các tín hữu chờ mong rằng các cam kết đã được ký sẽ nhanh chóng được chuyển thành những hành động cụ thể.”
 
Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ khuyến cáo đừng đáp trả bạo lực bằng bạo lực
Đặng Tự Do
15:44 16/12/2015
Nhắc đến những vụ bắn giết vừa diễn ra tại trung tâm Kế Hoạch Hóa Gia Đình tại Colorado Springs và tại San Bernardino, chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Công Giáo Hoa Kỳ đã ra một tuyên bố, trong đó ngài dâng lời cầu nguyện cho những ai chịu đau khổ và kêu gọi các tín hữu hãy là "những sứ giả của hy vọng và tiếng nói tiên tri chống lại bạo lực vô nghĩa, một bạo lực mà không bao giờ có thể được biện minh nhân danh Thiên Chúa. "

"Hãy nhìn những mạng sống vô tội bị lấy đi và tự hỏi nếu những hình thái bạo lực này ảnh hưởng đến chính gia đình chúng ta thì sao. Suy nghĩ ấy khuấy động lên những cảm xúc sâu sắc nhất của chúng ta". Đức Tổng Giám Mục Joseph Kurtz của Louisville nhận định như trên trong một tuyên bố ngày 14 tháng 12 của ngài.

"Chúng ta phải chống lại thù hận và những nghi ngờ dẫn đến các chính sách phân biệt đối xử. Hơn thế nữa, chúng ta phải hướng cảm xúc của chúng ta, những mối quan tâm và những nỗ lực bảo vệ của chúng ta, xuất phát từ lòng mến, thành những chứng tá sống động cho phẩm giá của mỗi người. Chúng ta chỉ nên sử dụng những luật nhập cư có tính nhân bản và có khả năng bảo vệ chúng ta, nhưng đừng bao giờ nhắm mục tiêu vào những nhóm người dựa trên tôn giáo."

Ngài nói thêm:

“Tin tưởng vào những gì Chúa Giêsu yêu cầu chúng ta, Hội Đồng Giám Mục Công Giáo Hoa Kỳ vẫn kiên định trong cam kết của mình với người tị nạn, những người vừa thoát ra được những hình thái khủng bố nghiêm trọng. Chúng tôi sẽ tiếp tục hỗ trợ việc tăng cường các dịch vụ xã hội cho người có bệnh tâm thần, nhưng chúng ta phải nhớ rằng chỉ có một số ít những người mắc vào căn bệnh này gây nguy hiểm cho bản thân hay tha nhân. Chúng tôi khuyến khích việc quản lý vũ khí một cách có trách nhiệm. Và chúng tôi sẽ tiếp tục vận động xã hội thay mặt cho những ai phải đối diện với sự kỳ thị tôn giáo, trong đó có anh chị em Hồi giáo của chúng ta.

Chúng ta hãy đối đầu với những mối đe dọa từ những kẻ cực đoan với lòng can đảm và lòng từ bi, và với nhận thức rằng Kitô Giáo, Hồi giáo, Do Thái giáo và nhiều tôn giáo khác được hiệp nhất trong các nỗ lực chống lại bạo lực được thực hiện nhân danh tôn giáo”
 
Y tá người Colombia bị bắt vì cưỡng bức phá thai nhiều phụ nữ
Lý Thúy Dung
16:09 16/12/2015
Héctor Albeidis Arboleda Buitrago, một phụ nữ người Colombia hiện đang làm y tá ở Madrid, đã bị bắt giữ về tội phạm thi hành 500 ca nạo phá thai cưỡng bức trong các lực lượng vũ trang cách mạng Colombia, gọi tắt là FARC.

Từ năm 1964, nhóm du kích theo chủ nghĩa Mác này đã chiến đấu chống lại chính phủ Colombia. Hơn 175,000 dân thường đã thiệt mạng trong các cuộc xung đột.

"Chúng tôi có bằng chứng để chứng minh rằng buộc phá thai là một chính sách của FARC, trong đó các nữ du kích bị buộc phá thai vì người ta không muốn mất đi một công cụ chiến tranh," Luis Eduardo Montealegre, tổng chưởng lý của Colombia cho biết.

Các phương tiện truyền thông Colombia cho biết các nữ du kích thường bị hãm hiếp bởi chính các đồng chí nam giới của họ, và nhiều người trong số các nạn nhân là những trẻ em vị thành niên.
 
Hồng Y Phi Luật Tân: Hãy có lòng thương xót trong đời sống chính trị, và trong giao tiếp với người Hồi giáo
Lý Thúy Dung
16:21 16/12/2015
Trong một cuộc phỏng vấn gần đây, Đức Hồng Y Luis Antonio Tagle của tổng giáo phận Manila đã thảo luận các khía cạnh của Năm Thánh lòng thương xót trong đời sống chính trị và xã hội của Phi Luật Tân.

Đức Hồng Y nói với tờ Vatican Insider La Stampa rằng "khi một chính trị gia lừa đảo, đánh cắp niềm tin của người dân, ông ta không chung thủy với những lời hứa của mình. Khi các chính trị gia bỏ không màng đến lợi ích chung hay khi họ chìm đắm trong tham nhũng, là một bệnh dịch ở Phi Luật Tân, họ đang chà đạp lòng thương xót ".

Ngài nói thêm:

“Lòng Thương Xót đòi hỏi các Kitô hữu và người Hồi giáo đặt mình vào vị trí của nhau, nuôi dưỡng những cảm xúc của sự đồng cảm, sự hiểu biết và lý trí. Lòng Thương Xót cũng đòi hỏi học tập và tha thứ, là cách duy nhất để đạt được hòa giải. Niềm tin cần được tái khám phá và xây dựng, bắt đầu với những điều chúng ta có chung với nhau như chúng ta đều là con người, đều là công dân Phi Luật Tân, chúng ta là con cái của Abraham, chúng ta có những giấc mơ tương tự cho con em chúng ta.”
 
Hội Đồng Giám Mục Đức quy định 26 tháng 12 là ngày cầu nguyện cho các Kitô hữu bị ngược đãi
Đặng Tự Do
16:31 16/12/2015
Giáo Hội tại Đức quyết định chọn ngày 26 Tháng 12 là ngày cầu nguyện cho các Kitô hữu bị ngược đãi. Chủ đề năm nay đặc biệt hướng đến sự bách hại các Kitô hữu ở Syria.

Theo lịch Phụng Vụ, ngày 26 tháng 12 là ngày lễ Thánh Stêphanô, là vị tử đạo tiên khởi của Giáo Hội Công Giáo.

Trích dẫn nhận xét của Đức Thánh Cha Phanxicô hồi tháng Ba vừa qua, Hội đồng Giám mục Đức cho biết trong một tuyên bố chung rằng các ngài "đảm bảo với những người đau khổ trong những tình huống bị bách hại là chúng ta sẽ không quên họ, chúng ta gần gũi họ và chúng ta đang cầu nguyện và làm những gì có thể để chặn đứng bạo lực không thể chấp nhận mà họ là nạn nhân."
 
Đức Cha Giuliô Giả Chí Quốc công khai mở cửa Năm Thánh Lòng Thương Xót
Đặng Tự Do
17:07 16/12/2015
Ước tính có khoảng 10,000 người Công Giáo Trung Quốc, đã tham dự nghi thức mở cửa Năm Thánh Lòng Thương Xót được thực hiện bởi một vị giám mục của Giáo Hội "thầm lặng", tại nhà thờ chính tòa của thành phố Chính Định (Zhengding, 正定). Thông tấn xã AsiaNews của Hội Giáo Hoàng Truyền Giáo đã cho biết như trên hôm 14 tháng 12.

Mặc dù cảnh sát có mặt tại nhà thờ, họ đã không làm gián đoạn buổi lễ hay ngăn cản anh chị em giáo dân tham dự. "Đó là một phép lạ!" Người Công Giáo địa phương nhận xét. Các cơ quan chức năng Trung Quốc thường xuyên ngăn chặn các buổi lễ do các nhà lãnh đạo của Giáo Hội "thầm lặng" cử hành.

Đức Giám Mục Giuliô Giả Chí Quốc - Julius Jia Zhiguo – 81 tuổi của giáo phận Chính Định – là người đã bị quản thúc tại gia kể từ năm 2010, khi ngài được thả ra khỏi nhà tù. Mọi cử động của ngài đều được giám sát chặt chẽ, và ngài liên tục bị ép gia nhập Giáo Hội Yêu nước do chính phủ hậu thuẫn.

Đức Cha Giuliô Giả Chí Quốc là một nhà lãnh đạo nổi bật của Giáo Hội Công Giáo Thầm Lặng ở Hà Bắc nơi có đông đảo người Công Giáo nhất Trung quốc và cũng là nơi người Công Giáo Thầm Lặng hoạt động mạnh nhất. Công an Trung quốc đã bắt bớ, đánh đập các Giám Mục, linh mục, tu sĩ và anh chị em giáo dân trong vùng này rất thường xuyên để buộc phải gia nhập vào tổ chức Công Giáo Yêu Nước.

Tòa Thánh đã nhiều lần cảnh cáo Trung Quốc vì thái độ thù hận và bách hại công khai với Đức Cha Giuliô Giả Chí Quốc. Ngài bị bắt không dưới 30 lần và đã phải ngồi tù ít nhất là 20 năm.
 
Diễn biến đầy khích lệ: Đức Thượng Phụ Kirill khuyến khích chính trị gia Nga hợp tác với Công giáo để giúp các Kitô hữu bị ngược đãi
Đặng Tự Do
17:18 16/12/2015
Người đứng đầu Giáo Hội Chính thống Nga đã nói với các nhà chính trị trẻ tuổi người Nga rằng "trốn tránh không đối thoại với Giáo Hội Công Giáo là một sai lầm bi thảm."

"Chính Thống Giáo Nga và Giáo Hội Công Giáo cùng bảo vệ các giá trị như nhau cả ở nơi công cộng lẫn trong cuộc sống riêng tư," Thượng phụ Kirill của Mạc Tư Khoa nói với các nhà chính trị trẻ tuổi người Nga như trên, theo hãng tin Interfax. "Chúng ta cần phải thiết lập một sự hợp tác như thế khi đối diện với thế giới không Kitô giáo."

Trong khi tập trung vào cuộc bách hại các Kitô hữu ở Trung Đông và châu Phi, Đức Thượng Phụ Kirill cũng không quên đề cập đến phương Tây nơi "các tôn giáo đang bị đẩy lùi khỏi đời sống công cộng" vì "sự thống trị của chủ thuyết tự do."
 
Cộng hòa Trung Phi: thanh niên Hồi giáo chịu bỏ vũ khí xuống sau chuyến viếng thăm của Đức Thánh Cha
Đặng Tự Do
17:33 16/12/2015
Trong một diễn biến ngoạn mục thanh niên Hồi giáo của quận PK5 đã chịu bỏ vũ khí xuống đàm phán với lực lượng vũ trang Anti-Balaka hầu mưu tìm hòa bình.

Ca ngợi biến cố này, vị giám chức hàng đầu của Cộng hòa Trung Phi đã kêu gọi các tín hữu Kitô noi gương Đức Thánh Cha Phanxicô trở thành "những người hành hương của hòa bình".

Đức Tổng Giám mục Dieudonné Nzapalainga, là người cùng với các giáo sĩ Hồi giáo hàng đầu của quốc gia kêu gọi hòa bình, đã đến thăm vùng đất nguy hiểm PK5 của Hồi giáo thủ đô và nói rằng chuyến thăm của Đức Giáo Hoàng gần đây đã ảnh hưởng "sâu sắc" đến các thanh niên Hồi giáo trong vùng.

Trên chuyến bay từ phi trường M’Poko của thủ đô Bangui, Cộng hòa Trung Phi, về Rôma, Đức Thánh Cha đã dành ra một giờ để trả lời phỏng vấn của giới báo chí.

Đức Thánh Cha Phanxicô nói với các phóng viên rằng ngài nhận thức rõ rằng Thiên Chúa là Thiên Chúa của những điều bất ngờ, nhưng Đức Thánh Cha đã trải qua hết kinh ngạc này đến kinh ngạc khác trong chuyến thăm châu Phi đầy hào hứng.

Đức Giáo Hoàng trông rất mệt mỏi, nhưng rất vui. Ngài nói với các phóng viên rằng ngài đã cầu nguyện trong một đền thờ Hồi Giáo ở Bangui, Cộng hòa Trung Phi, và cùng dạo quanh một khu phố Hồi giáo với các lãnh tụ Hồi giáo ngồi với ngài trong chiếc xe popemobile. Cả hai điều này đều là các sáng kiến tự phát của Đức Giáo Hoàng vào ngày 30 tháng 11, ngày cuối cùng của ngài ở châu Phi.

Đức Thánh Cha nhận xét rằng:

“Những đám đông, những khuôn mặt hân hoan của những người có khả năng cử mừng ngay cả với một dạ dày trống rỗng” là những ấn tượng mà ngài sẽ mang về nhà với ngài sau chuyến đi sáu ngày tới Kenya, Uganda và Cộng hòa Trung Phi.

Đức Thánh Cha nói với các phóng viên sau hai năm nội chiến, người dân của nước Cộng hòa Trung Phi muốn “hòa bình, hòa giải và tha thứ.”

“Trong nhiều năm, họ đã từng sống như anh chị em,” và giờ đây Đức Thánh Cha tin tưởng rằng các nhà lãnh đạo Công Giáo, Hồi giáo và Tin Lành địa phương đang làm hết sức mình để giúp đỡ người dân của họ trở về tình trạng hòa bình, cùng tồn tại và tôn trọng lẫn nhau.

Các nhà lãnh đạo của mọi tôn giáo phải dạy bảo các tín hữu về những giá trị.

“Một trong những giá trị hiếm hoi nhất ngày nay đó là tình anh em,” một giá trị cần thiết cho hòa bình, ngài nói.
 
ĐTC: Tài sản của Giáo hội hệ tại nơi người nghèo, chứ không phải nơi của cải vật chất
Vũ Đức Anh Phương
19:30 16/12/2015
VATICAN. Giáo Hội khiêm tốn, khó nghèo và luôn tín thác vào Thiên Chúa. Đây là điều mà Đức Thánh Cha Phanxicô đã đề cập đến trong bài giảng thánh lễ sáng thứ ba, ngày 15.12, tại nhà nguyện thánh Marta. Đức Thánh Cha nói rằng sự nghèo khó là mối phúc đầu tiên trong Bát Phúc. Tài sản đích thực của Giáo Hội chính là người nghèo, chứ không phải tiền bạc hay quyền lực thế gian.

“Bài đọc một trích sách Xô-phô-ni-a cho thấy hệ quả của một dân tộc đã trở thành phản loạn và ô uế vì không nghe lời Thiên Chúa. Trong bài Tin Mừng, Đức Giêsu đã mạnh mẽ lên án các thượng tế và cảnh cáo rằng những người thu thuế và những cô gái điếm sẽ vào Nước Thiên Chúa trước họ. Từ đó, Đức Thánh Cha nói rằng ngay cả ngày hôm nay cám dỗ cũng có thể làm lũng đoạn những chứng nhân của Giáo Hội.

Giáo Hội thực sự trung tín với Thiên Chúa khi Giáo Hội khiêm nhường, khó nghèo và tín thác. Một Giáo Hội khiêm nhường không bao giờ phô trương quyền lực hay tỏ ra mình lớn mạnh. Khiêm nhường cũng không có nghĩa là một người yếu đuối, nhu nhược, uể oải với cặp mắt trắng dã thiếu sức sống. Khiêm nhường không phải là màn kịch diễn trên sân khấu, cũng không phải là giả vờ khiêm nhường hay xem có vẻ khiêm nhường. Người khiêm nhường thực sự là người nhận ra mình tội lỗi. Nếu tôi không có khả năng để nói với chính mình mình: tôi là kẻ có tội và người khác tài giỏi hơn tôi, thì tôi thật sự không khiêm nhường. Như vậy đặc nét đầu tiên của một Giáo Hội khiêm nhường là tự nhận thấy mình là tội nhận, và đó cũng là đặc nét đầu tiên của mỗi người chúng ta. Nếu người nào trong chúng ta có thói quen hay săm soi lỗi lầm của người khác và bàn tán về điều đó, người ấy chẳng hề khiêm nhường. Trái lại, người ấy tin rằng mình là thẩm phán có quyền xét xử người khác. Chúng ta phải liên lỉ cầu nguyện để Giáo Hội luôn khiêm nhường, bản thân tôi được khiêm nhường và mỗi người chúng ta được khiêm nhường.

Đặc nét thứ hai là khó nghèo. Khó nghèo là mối phúc tiên hết trong Bát Phúc. Tinh thần nghèo khó có nghĩa là chỉ gắn bó với sự giàu có của Thiên Chúa mà thôi. Như thế, không hề có một Giáo Hội gắn bó với tiền bạc, suy nghĩ về tiền bạc hay tìm cách để kiếm tiền. Như tôi được biết trong một nhà thờ của giáo phận, để bước qua Cửa Thánh, người ta vô tư nói với giáo dân là phải bỏ tiền dâng cúng rồi mới bước qua. Đó không phải là Giáo Hội của Đức Giêsu, nhưng là Giáo Hội của các linh mục, thượng tế đam mê tiền bạc, của cải.

Vị phó tế tử đạo Lorenzo là một chứng nhân anh hùng trong những thế kỷ đầu của Giáo hội. Khi nhà vua ra lệnh cho ngài phải trao nộp hết của cải và tài sản của Giáo Hội, nếu không sẽ bị giết. Ngài đã vâng lời ra đi và quay trở lại cùng tất cả những người nghèo trong Giáo hội. Người nghèo chính là tài sản của Giáo Hội. Anh chị em là chủ của một ngân hàng. Nếu anh chị em có một tâm hồn khó nghèo, không bám víu vào tiền của, việc điều hành ngân hàng của anh chị em sẽ trở thành một hành vi phục vụ người nghèo. Nghèo khó là có tâm hồn tách rời khỏi tiền của để phục vụ tha nhân, phục vụ những ai thiếu thốn. Giáo Hội của chúng ta là Giáo hội của những người khiêm nhường và khó nghèo, nhưng chúng ta có thực sự sống khó nghèo và khiêm nhường chưa?

Đặc nét thứ ba, Giáo Hội phải luôn tín thác vào Danh Thánh Thiên Chúa. Niềm tín thác của tôi đặt ở nơi đâu? Nơi quyền lực, hay nơi bạn bè, tiền của? Phải đặt nơi Thiên Chúa! Gia sản Thiên Chúa hứa cho chúng ta là ‘sẽ cho sót lại giữa ngươi một dân nghèo hèn và bé nhỏ; chúng sẽ tìm nương ẩn nơi Danh Đức Chúa.’ Bé nhỏ khiêm nhường vì họ nhận thấy mình tội lỗi; khó nghèo vì tâm hồn họ luôn gắn bó với sự giàu có của Thiên Chúa và nếu có của cải thì họ cũng chỉ là quản gia phân phối những của cải đó cho người khác; tín thác nơi Thiên Chúa vì họ biết rằng chỉ có Thiên Chúa mới là Đấng tốt lành thánh thiện. Những vị thượng tế mà Đức Giêsu lên án không hiểu được ba đặc nét này. Và như thế, Đức Giêsu phải cảnh tỉnh họ rằng những cô gái điếm sẽ vào Nước Thiên Chúa trước họ.

Trong mùa Giáng Sinh năm nay, chúng ta hãy nài xin Thiên Chúa ban cho chúng ta một con tim khiêm nhường, một tâm hồn nghèo khó và trên hết là luôn biết tín thác vào Thiên Chúa, Đấng không bao giờ thất hứa hoặc khiến chúng ta phải thất vọng.
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Hội Nghị Thường Niên Caritas Việt Nam 2015
Lm Giuse Nguyễn Hữu An
10:02 16/12/2015
Hội Nghị Thường Niên Caritas Việt Nam 2015

Chủ đề “Thương Xót Như Chúa Cha”.

Từ ngày 14/-16/12/2015, Caritas Việt Nam tổ chức Hội nghị thường niên tại Trung Tâm Mục Vụ Tổng Giáo Phận Huế.

Tham dự hội nghị có 3 vị Giám mục: Đức Cha Tôma Vũ Đình Hiệu, Gm Gp Bùi Chu, Chủ tịch UBBAXH - Caritas VN; Đức Cha Giuse Trần Văn Toản, Gm Phụ tá Gp Long Xuyên, Phó Chủ tịch UBBAXH và Đức Cha Giuse Nguyễn Văn Yến Phó, Chủ tịch UBBAXH. Có 80 thành viên cùng tham dự, bao gồm Hội đồng Quản trị Caritas Việt Nam, quý Cha Giám đốc và phó Giám đốc Caritas 26 Giáo phận, các tu sĩ thành viên của Caritas và giáo dân trong các chuyên ngành khác nhau, đại diện các dòng tu trong Giáo tỉnh Huế và nhà tài trợ.

Xem Hình

Văn phòng Caritas Việt Nam tổ chức đi chung cho các giáo phận thuộc giáo tỉnh Sài gòn. Chúng tôi đến sân bay Phú bài lúc 10g sáng Chúa Nhật 13.12. Chỉ sau 25 phút xe đưa đoàn về TTMV. Các đại biểu từ các Giáo phận vùng Cao nguyên, miền Trung, miền Bắc cũng lần lượt tề tựu. TTMV nối liền với TGM Huế, khuôn viên rộng thoáng với nhiều cơ sở khang trang, các tham dự viên được phục vụ thật tận tình và chu đáo.

Đức TGM Phanxicô Xaviê Lê Văn Hồng mới trở về từ Đền Thánh Đức Mẹ La Vang sau khi cử hành lễ khai mạc Năm Lòng Thương Xót tại đây. Ngài vui mừng đón tiếp các quý Đức Cha, quý Cha và một số đại biểu của Hội nghị Caritas Việt Nam đến chào thăm. Ngài nói là sẽ tạo điều kiện tốt nhất cho mọi sinh hoạt của hội nghị. Chia sẻ với mọi người, Đức TGM Huế nói rằng: Năm Lòng Thương Xót là năm của Caritas. Caritas chính là Tình yêu, là lòng thương xót. Năm nay phải là năm đẩy mạnh hoạt động của Caritas. Những hoạt động đang được Hội Thánh thúc đẩy cách mạnh mẽ là việc bảo vệ môi trường, chăm sóc cho trái đất, hỗ trợ người di dân tị nạn, nâng đỡ những người nghèo đói, xây dựng công lý hòa bình… Tất cả những điều đó là lãnh vực hoạt động của Caritas.

Qua 3 ngày, các tham dự viên đã lắng nghe các bài tham luận về Linh đạo Caritas Việt Nam, về Loan báo Tin mừng, Di dân và Bảo vệ môi trường, các báo cáo về hoạt động một số Caritas Giáo phận, tổng kết hoạt động của Caritas trung ương.

Mỗi ngày mới đều khởi đầu bằng Kinh Sáng, Thánh Lễ và Kinh chiều.

Ngày 14/12

Ngày đầu tiên dành cho việc học hỏi về linh đạo Caritas.

Thánh lễ ban sáng do Đức Cha Giuse Trần Văn Toản chủ tế và giảng lễ.

Đến 8g bắt đầu ngày học tập về “Linh đạo Caritas Việt Nam”. Đức Cha Giuse Trần Văn Toản là thuyết trình viên chính của Hội thảo. Khởi đi từ bối cảnh của khủng hoảng linh đạo và mất niềm tin trong xã hội, Đức Cha Giuse cho thấy giá trị và ý nghĩa thiết yếu của Linh đạo Caritas Việt Nam trong hoạt động bác ái xã hội. Ngài cũng đào sâu những yếu tố then chốt của Linh đạo như căn tính, sứ vụ, đối tượng phục vụ… và mối tương quan giữa chúng tạo nên một tổng thể thống nhất.

Các tham dự viên tích cực thảo luận trên những cấp độ liên kết của linh đạo, từ cảm nhận thiêng liêng đến việc sống và đào sâu linh đạo; cùng nhau tìm kiếm những từ khóa để xác định căn tính, sứ vụ của Caritas Việt Nam.

Một ngày cùng nhau tìm hiểu, học hỏi, hoàn toàn dành cho chiều sâu của hoạt động bác ái, tất cả các tham dự viên một lần nữa được canh tân nguồn động lực thiêng liêng cho nỗ lực dấn thân và cách thức phục vụ bác ái. Mầu nhiệm Đức Kitô Tự Hủy – Vượt Ranh – Đối Thoại không chỉ là nền tảng Linh đạo Caritas Việt Nam trên văn bản nhưng trở thành cung cách sống và phục vụ hàng ngày của anh chị em trong Gia đình Caritas.

Ngày 15/12.

Thánh lễ khai mạc HNTN 2015 lúc 7g30 tại Nguyện đường Trung tâm Mục vụ TGP Huế với sự hiện diện của quý Đức Cha, quý Cha và toàn thể đại biểu tham dự. Đức Cha Tôma Vũ Đình Hiệu chủ tế Thánh lễ và chia sẻ Lời Chúa. Từ bài Tin Mừng Mt 25,31-46, ngài nhấn mạnh, điều quan trọng là chúng ta nhận ra Đức Kitô đang hiện diện trong những anh chị em bé nhỏ để phục vụ và chăm sóc… Chúng ta càng cảm nghiệm lòng thương xót Chúa bao nhiêu thì chúng ta càng có sức mạnh để phục vụ bấy nhiêu. Thiên Chúa sẽ không phán xét chúng ta trên tài năng, của cải hay thành công; Ngài quan tâm đến những việc bác ái chúng ta đã làm hay đã không làm cho những kẻ bé mọn.

Đến 9 giờ: Cha Vinh Sơn Vũ Ngọc Đồng giới thiệu thành phần tham dự khởi đầu chương trình hội nghị.

Sau đó Đức Cha Tôma trình bày đề tài : “Thương xót như Chúa Cha”, nhấn mạnh trên bối cảnh khủng hoảng tình yêu trong xã hội hôm nay và lời mời gọi thực thi tình yêu của Hội Thánh, cách đặc biệt qua những giáo huấn mới nhất của Đức Thánh Cha Bênêđictô 16 và Đức Thánh Cha Phanxicô. Đức Cha Tôma chia sẻ “Lòng Thương Xót không chỉ là luật của Thiên Chúa nhưng còn là tiêu chuẩn để xác định ai là con cái Thiên Chúa tình yêu”. Ngài cho thấy thời điểm này thật ý nghĩa khi Hội đồng Tòa Thánh Cor Unum (Đồng Tâm) chuẩn bị kỷ niệm 10 năm ban hành Thông điệp Deus Caritas est (Thiên Chúa là Tình Yêu) cùng với việc Đức Thánh Cha khai mở Năm Thánh Lòng Thương Xót. Thời điểm này phải thúc đẩy toàn thể anh chị em tín hữu trong Hội Thánh dấn thân phục vụ những người nghèo khó ở mọi nơi và dưới mọi hình thức. Ngài nói: “Nơi nào có tín hữu Kitô, đặc biệt nơi nào có các hội viên Caritas thì bất cứ ai cũng tìm được những hải đảo của lòng thương xót”.

Sau bài chia sẻ, Cha Vinh Sơn Vũ Ngọc Đồng - Giám đốc Caritas Việt Nam báo cáo tổng quát hoạt động của Gia đình Caritas và cách riêng tại văn phòng Caritas Việt Nam. Ngoài những hoạt động trong các lãnh vực chuyên biệt như khuyến học, HIV, khuyết tật, bảo vệ sự sống, di dân, nông nghiệp, phát triển cộng đồng. Điểm sáng của Caritas Việt Nam là ngày càng mở rộng lãnh vực hoạt động, tạo niềm tin với các đối tác trong khu vực và quốc tế. Cha Vinh Sơn cũng đưa ra đôi nét phác hoạ cho kế hoạch hoạt động năm 2016 và một vài nhận định liên quan tới bối cảnh hiện tại của Caritas tại Việt Nam. Bản báo cáo cho thấy sự hợp tác tích cực, tinh thần liên đới bổ trợ giữa Caritas Việt Nam và Caritas các Giáo phận trong việc huấn luyện, điều hành và những lãnh vực chuyên môn.Thách thức mà các địa phương vẫn đang phải đối diện là nhân sự chuyên môn và thiếu hụt tài chánh trong việc vận hành các hoạt động.

Tiếp theo là các bài tham luận của cha Giuse Đào Nguyên Vũ về mối tương quan giữa UBBAXH-Caritas Việt Nam với ủy ban Mục vụ di dân; cha Dominic Ngô Quang Tuyên về chủ đề Thương xót như Chúa Cha theo sứ vụ loan báo Tin Mừng tại Việt Nam; Tiến sĩ Nguyễn Thị Vân Hà về vấn đề biến đổi khí hậu và sự đóng góp của cộng đồng trong việc bảo vệ môi trường. Tất cả những đóng góp này được Hội nghị ghi nhận, trao đổi và tìm cách phát huy trong hoạt động của Caritas.

Ban trưa tiệc liên hoan rộn ràng niềm vui.

Buổi chiều có phần báo cáo hoạt động điển hình của đại diện mỗi Giáo tỉnh. Trong đó, Caritas Hưng Hóa tập trung phát triển văn hóa, thúc đẩy học sinh người dân tộc ít người đến trường; Caritas Kontum nhấn mạnh đến sự phát triển cộng đồng người dân tộc thiểu số trong khi tôn trọng những giá trị truyền thống của họ; Caritas Mỹ Tho giới thiệu một mô hình vận động nguồn quỹ cho Caritas qua sự vận hành của nhà máy lọc nước tại Long Định.

Các nhóm đại biểu theo Giáo tỉnh chia sẻ với nhau về dự kiến hoạt động cho năm Lòng Thương Xót, những kế hoạch bền vững cho việc bảo vệ môi trường, khó khăn – thuận lợi khi vận hành văn phòng Caritas Giáo phận và những đề nghị cho việc tổ chức Đại hội Caritas vào năm 2016.

Ban tối, một số đại biểu đi Đền Thánh Đức Mẹ Vang để cầu nguyện, một số tham dự du thuyền rồng và thưởng thức ca Huế lững lờ trên dòng sông Hương.

Ngày 16/12

Hai ngày cuối Huế mưa tầm tã, mây vần vũ trời âm u, mưa rã rích suốt ngày đêm.

Không “lất phất” như mưa phùn Hà Nội, cũng chẳng giống cơn mưa rào “chợt đến, chợt đi” của Sài Gòn, mưa Huế hình như mang trong mình vẻ đẹp rất riêng “chẳng nơi nào có được”. Có lẽ mưa đã trở thành một phần “máu thịt” của chốn non nước thần kinh, là khúc hát tâm tình của xứ Huế. Đến Huế những ngày mưa để cảm nhận màu mưa “rất Huế”. Nghe các cha Huế nói, mưa ở đây không tính bằng ngày, bằng buổi mà tính bằng tuần, bằng tháng.Kéo dài suốt từ tháng chín âm lịch cho đến Tết Nguyên đán, mưa Huế dai dẳng trùm lên cả mùa thu và mùa đông xứ sở này. Nhà thơ Nguyễn Bính từng thốt lên: “Giời mưa ở Huế sao buồn thế - Cứ kéo dài ra đến mấy ngày…”.

Ngày cuối của Hội nghị có nội dung và thời biểu làm việc chặt chẽ, đòi hỏi một sự tập trung năng lực thể xác và tâm trí cao độ, bắt đầu lúc 8g00 với khung Kế hoạch chiến lược 2016-2019. Cha Vinh Sơn Vũ Ngọc Đồng trình bày chi tiết bản dự thảo với các định hướng chiến lược chính: xây dựng tổ chức Caritas vững mạnh trên nền tảng linh đạo và truyền thống Hội thánh; đào tạo nguồn nhân lực chuyên môn cho hoạt động bác ái xã hội và giáo dục; phục vụ và thăng tiến người nghèo cách toàn diện và bền vững; Đáp ứng kịp thời và chuyên nghiệp việc cứu trợ thiên tai hoặc do con người gây ra; Mở rộng quan hệ hợp tác với Caritas châu Á, Caritas quốc tế và các tổ chức khác trong các chương trình phát triển bền vững và thân thiện môi trường.

Các nhóm thảo luận trong gần một tiếng về các định hướng, mục tiêu và kết quả của khung chiến lược 2016 – 2019. Mỗi Giáo tỉnh đóng góp những yếu tố cụ thể và thực tiễn cho nhóm soạn thảo.

Ngay sau đó, anh Phêrô Bùi Ngọc Hiệp và Nữ tu Têrêsa Kiều Thị Yến Ly hướng dẫn trực tiếp vào việc soạn thảo Kế hoạch Chiến lược tại mỗi Caritas địa phương. Cha Marcello Đoàn Minh trình bày lược đồ dự thảo của Linh đạo Caritas Việt Nam. Đây là trách nhiệm mà toàn Hội nghị đã trao phó cho nhóm soạn thảo sau ngày học hỏi và đào sâu những nét chính mà Đức Cha Giuse Trần Văn Toản đề ra trong ngày 14 vừa qua.

Đến giờ trưa, các Đại biểu chính thức của Hội nghị biểu quyết chấp thuận cho khung Kế hoạch chiến lược 2016-2019.

Giờ làm việc ban chiều bắt đầu trong lời kinh Phụng vụ. Sau đó mọi người tiếp tục trao đổi ý kiến trên những nội dung làm việc trong suốt 2 ngày vừa qua.

Cha Giám đốc Caritas Việt Nam tổng kết Hội nghị lúc 16g00. Với những lời cảm ơn và bế mạc, Đức Cha Tôma – Chủ tịch UBBAXH – Caritas Việt Nam đưa ra những kết luận chung và trao phó cho tất cả các đại biểu sứ mệnh thể hiện lòng thương xót Chúa nơi địa phương của mình. (nguồn: caritasvietnam.org).

Vào lúc 18g30, toàn thể đại biểu Hội nghị Thường niên Caritas Việt Nam 2015 sẽ cử hành Thánh lễ tạ ơn và bế mạc tại Nhà thờ Chánh tòa Phủ Cam với sự tham dự của cộng đoàn giáo xứ. Đức Cha Giuse Nguyễn Văn Yến chủ tế và giảng lễ. Gia đình Caritas Việt Nam hợp nhất trong tâm tình tạ ơn Thiên Chúa, phó dâng cho Ngài niềm vui và nỗi ưu tư cho hoạt động của Caritas ngày càng hữu hiệu hơn, thể hiện được Caritas là một Gia đình yêu thương và phục vụ, làm chứng cho Tình yêu Thiên Chúa, đặc biệt trong năm Lóng Thương Xót này.

Hội nghị thường niên năm 2015 kết thúc trong tâm tình tri ân Thiên Chúa và cảm ơn nhau, cùng mở ra cho một năm mới của Caritas Việt Nam với nhiều đổi mới và nỗ lực hơn trong việc phục vụ bác ái.

Sáng thứ năm 17.12, sau thánh lễ mọi người chia tay trở về nhiệm sở với những công việc bề bộn của những ngày áp lễ Giáng Sinh.

Lm Giuse Nguyễn Hữu An
 
GP Nha Trang: Mở Cửa Năm Thánh Lòng Thương Xót và Cung hiến Đền Thánh Mẹ Nhân Lành-Khánh Vĩnh.
BTT Nha Trang
19:24 16/12/2015
GP. Nha Trang: Đại Lễ Mở Cửa Năm Thánh Lòng Thương Xót và Cung hiến Đền Thánh Mẹ Nhân Lành-Khánh Vĩnh.

Sáng hôm nay, 14.12.2015, toàn thể giáo phận Nha Trang hướng về giáo xứ Khánh Vĩnh để cùng Đức Tổng Giám mục Leopoldo Girelli - Đại diện Đức Thánh Cha Phanxicô và Tòa thánh Vatican tại Việt Nam, Đức Giám Mục Giáo phận Giuse Võ Đức Minh hiệp thông niềm vui Tạ ơn trong hai sự kiện trọng đại : Mở Cửa Năm Thánh Lòng Thương Xót, Cung hiến Đền Thánh Mẹ Nhân Lành. Hai bên đường, muôn cây rừng cũng reo vui vẫy chào mọi người lần đầu tiên đặt chân lên miền núi Khánh Vĩnh.

Xem Hình

Dọc suốt từ đỉnh dốc Ameo đến nhà thờ Khánh Vĩnh, hàng ngàn giáo dân cùng với linh mục và tu sĩ nối tiếp nhau hân hoan tiến về Đền Thánh. Nhiều phái đoàn từ các giáo xứ đến khá sớm, ai cũng rạo rực muốn nhìn thấy ngôi nhà thờ mới là thành quả của 60 năm hy sinh âm thầm gieo mầm đức tin của các nhà truyền giáo hôm nay được thánh hiến với tước hiệu Đền Thánh Mẹ Nhân Lành Khánh Vĩnh. Hơn 9g, trong tiếng reo vui của cộng đoàn, Đức TGM Leopoldo Girelli và Đức Cha Giuse tiến vào nhà thờ giữa hàng chào danh dự của chủng sinh Lâm Bích và giáo dân Khánh Vĩnh. Với nụ cười trìu mến, các Ngài chào thăm và chúc lành cho đoàn con. Cả một góc trời Khánh Vĩnh rực rỡ cờ hoa và rộn ràng tiếng hát, tiếng cười ngày hạnh ngộ.

Năm Thánh Lòng Thương Xót tại Giáo phận Nha Trang chính thức khai mạc với nghi thức Mở Cửa Thánh tại nhà thờ Khánh Vĩnh do Đức Giám Mục chủ sự. Ngài nói: “Trong niềm hiệp thông với toàn thể Hội Thánh, buổi cử hành hôm nay đánh dấu việc long trọng khai mạc Năm Thánh tại Giáo phận chúng ta; đây là khởi đầu cho một trải nghiệm đầy ân sủng mang đến ơn giao hòa đangmở ra cho chúng ta suốt năm nay”. Cộng đoàn lắng nghe Tin mừng theo thánh Luca 15, 1-7 tường thuật câu chuyện người mục tử đi tìm con chiên lạc và trích đoạn trong Tông sắc thiết lập Năm Thánh Ngoại thường Lòng Thương Xót (Dung mạo Lòng Thương Xót 1-3).

Tiếp đến là Thánh lễ và Nghi thức Cung hiến Đền Thánh. Bằng nghi thức thánh hiến và xức dầu thánh, Nhà thờ Khánh Vĩnh trở thành Đền thánh với tước hiệu Đền Thánh Mẹ Nhân Lành (Mater Misericiordiae). Sau lời nguyện mở đầu, Đức Giám Mục nhận lấy chìa khóa và hình nhà thờ từ vị đại diện giáo xứ Khánh Vĩnh. Đức Giám Mục cùng Đức TGM và cha Tổng đại diện chuẩn nhận nhà thờ mới bằng nghi thức cắt băng khánh thành và thả bong bóng trong tiếng pháo tay của cộng đoàn. Đức Giám Mục trao chìa khóa cho cha quản xứ Giuse Nguyễn Xuân Quý (Dòng Phanxicô) và mời cộng đoàn hân hoan tiến vào nhà thờ.

Đức Tổng Giám Mục Leopoldo Girelli chủ sự thánh lễ. Trong bài giảng, Đức Tổng chúc mừng Đức Cha Giuse và Giáo phận Nha Trang ngày hôm nay đánh dấu một bước quan trọng trong lịch sử nhà thờ Khánh Vĩnh, một lịch sử được viết bởi niềm hy vọng, công sức và sự quảng đại của mọi người bằng cách này hay cách khác đã góp phần xây dựng ngôi nhà thờ - đền thánh này. Ngài nhấn mạnh “biến cố đang cử hành cũng là cột mốc quan trọng trong đời sống của giáo phận Nha Trang, không phải vì hôm nay giáo phận khai mạc năm Thánh Lòng Thương xót tại đây, nhưng còn vì ngôi nhà thờ mới này tượng trưng cánh cửa mở ra đi đến với các anh chị em dân tộc thiểu số, đến với người nghèo, những người ở bên lề xã hội. Đó là một quá trình lịch sử của lòng kiên trì, phát xuất từ niềm tin nơi Chúa Giêsu Kitô, và của tình yêu thương đối với người nghèo, nhờ đó chúng ta được qui tụ để đến với Thiên Chúa như của lễ tiến dâng trong thánh lễ hôm nay”. Đức Tổng nhắc lại lịch sử 60 năm khi các nhà thừa sai truyền giáo đầu tiên đã mang ngọn lửa Tin Mừng nhỏ bé đến đây. Và hôm nay, “ngôi nhà thờ -đền thánh mọc lên như một dấu chỉ hữu hình của Thiên Chúa vô hình, như đèn báo hiệu chiếu tỏa vinh quang Chúa cho mọi người sống xung quanh đây”. Nói về nền tảng xây dựng đền thờ, Ngài diễn giải Chúa Giêsu là Đá tảng trên đó chúng ta xây dựng đức tin của mình. “Khi xây dựng trên nền tảng đức tin này chúng ta có thể làm cho mọi người nhận thấy dung mạo của Thiên Chúa, một Thiên Chúa của hòa bình chứ không phải của bạo lực, của tự do chứ không phải của áp bức, của sự hợp nhất chứ không phải của sự phân rẽ”. Cách riêng với anh chị em tại Khánh Vĩnh, từ bài Tin Mừng Chúa Giêsu gặp ông Giakêu, Đức Tổng nhắn gởi “Khi cung hiến ngôi nhà thờ-đền thánh này, chúng tôi trình bày, giới thiệu cho anh chị em, người dân Khánh Vĩnh, một vị Thiên Chúa là bạn hữu của tất cả mọi người, và chúng tôi cũng mời gọi anh chị em và mọi người dân địa phương này trở thành bạn hữu của Thiên Chúa”. Ngài xác tín khi mỗi người để cho Chúa Kitô bước vào tâm hồn và thế giới của mình, thì chúng ta sẽ cảm nghiệm được tình bạn hữu cũng như niềm vui chia sẻ cuộc sống của Chúa”. Kết thúc bài giảng, Đức TGM xin Chúa đổ tràn ân sủng và tình yêu của Ngài trên cộng đoàn.

Đức Cha Giuse thay mặt Đức Cha Phaolô và cộng đoàn dân Chúa giáo phận Nha Trang dâng lời tri ân vị Đại diện Đức Thánh Cha Phanxicô. Trước hết, Đức Cha loan báo tin vui chuẩn bị mừng Ngọc Khánh 60 năm thành lập Giáo phận Nha Trang (1957-2017). Đức Thánh Cha Phanxico, thông qua Tòa ân giải tối cao của Tòa thánh đã ban cho Giáo phận được phép cử hành Năm thánh Giáo phận, kéo dài từ ngày 19.3.2016 đến ngày 24.11.2017.

Ngài vui mừng tạ ơn nhìn nhận rằng suốt thời gian 60 năm hình thành và phát triển, các thế hệ tín hữu Giáo phận Nha Trang luôn noi gương thánh thiện của Đức Mẹ Maria để sống tinh thần yêu thương và phục vụ của đạo thánh Chúa. Ngài nói “Chúng con có Mẹ Vô Nhiễm làm Bổn mạng của Giáo phận; có Mẹ Sao Biển để soi đường cho hàng Giáo sĩ, Chủng sinh; có Mẹ Khiết Tâm để tỏa sáng tình thương tuyệt vời của Thiên Chúa; có Mẹ Hy Vọng để luôn vững vàng giữa mọi nghịch cảnh, gian nan thử thách; có Mẹ Xin Vâng để âm thầm và nhẫn nại, trung thành dấn thân theo Chúa trên mọi nẻo đường; có Mẹ Từ Bi để ra đi đến với những người nghèo khổ, lao nhọc; có Mẹ Dâng Mình để đồng hành với các thế hệ những người chọn đời sống thánh hiến và hôm nay, trong Năm Thánh Lòng Thương Xót, có Mẹ Nhân Lành là điểm tựa vững chắc cho đời sống đức tin, đức cậy và đức mến của chúng con trong lòng xã hội Việt Nam thân thương của chúng con”.

Đáp từ, Đức TGM mời gọi cộng đoàn noi gương sống thánh thiện, gắn bó kết hiệp với Chúa và yêu mến Hội Thánh của ba vị thánh Bổn mạng giáo xứ đặt trước tiền đường nhà thờ là Thánh Gioan Maria Vianey, Thánh Phanxico Assisi và Thánh Têrêxa Hài Đồng Giêsu. Ngài ca ngợi cảnh đẹp thiên nhiên của Đền Thánh và mời gọi cộng đoàn yêu mến, giữ gìn thiên nhiên cũng như môi trường sống của mình.

Kết thúc Thánh lễ, Cha Tổng Đại Diện thay mặt Giáo phận Nha Trang cám ơn Đức Cha Giuse đã dày công xây dựng Đền Thánh Mẹ Nhân Lành làm nơi hành hương cho Giáo phận và chúc mừng kỉ niệm 10 năm Giám Mục của Ngài (15.12.2005-15.12.2015). Cha Tổng cám ơn những cá nhân, đơn vị và Quý Ân Nhân xa gần đã, đang góp công góp của xây dựng nên đền thánh hôm nay. Cách riêng là cha Giuse Nguyễn Xuân Quý và cha Phêrô Trần Huy Hoàng đã coi sóc, đôn đốc công trình nhà thờ từ khởi công đến hoàn thành, gia đình chị Thảo (Đà Lạt) trồng và chăm sóc hoa cảnh trong khuôn viên nhà thờ nhất là tượng đài Mẹ Nhân Lành, Cha hạt trưởng F.X. Trịnh Hữu Hưởng và các giáo xứ hạt Diên Khánh giúp trang hoàng, chuẩn bị cho thánh lễ thật trang nghiêm.

Trong tiếng hát vang lừng của ca đoàn Đại Chủng Viện Sao Biển, đoàn đồng tế tiến về trước đài tham dự nghi thức làm phép tượng đài Đức Mẹ Nhân Lành. Với lòng yêu mến và quảng bá lòng tôn sùng Đức Trinh Nữ Maria, Đức Cha Giuse quyết định bắt đầu năm 2016, vào ngày thứ Bảy đầu tháng, từ 16g00 – 20g00 tại Đền Thánh Mẹ Nhân Lành sẽ có các giờ cầu nguyện, chầu Thánh Thể, lần chuỗi Mân Côi, thuyết giảng về Đức Mẹ, ban Bí tích Hòa giải cho khách hành hương và đặc biệt là có Thánh Lễ trọng thể do chính Đức Giám Mục chủ sự.

Niềm vui tròn đầy với phép lành Toàn xá của Năm Thánh. Thánh lễ kết thúc đã lâu mà bà con giáo dân vẫn còn lưu lại cầu nguyện bên đài Mẹ. Dưới tán cây xanh tươi, Mẹ Nhân Lành Khánh Vĩnh giang tay đón chờ con cái muôn phương đến với mình để yêu thương, an ủi, nâng đỡ, chữa lành và đưa chúng ta đến với Lòng Thương Xót Chúa.

Các điểm hành hương trong GP Nha Trang được Đức Giám Mục ấn định để tín hữu hành hương lãnh nhận ơn toàn xá trong Năm thánh Lòng Thương Xót ( 8/12/2015 – 20/11/2016 ) và Năm thánh mừng Ngọc Khánh 60 năm thành lập Giáo Phận ( 19/3/2016 – 24/11/2017 ) :

1. Nhà thờ Chánh Tòa (Nha Trang)

2. Nhà thờ Hộ Diêm (Ninh Thuận)

3. Nhà thờ Gò Muồng (Vạn Ninh)

4. Đền Thánh Mẹ Nhân Lành (Khánh Vĩnh)

5. Nhà nguyện Đan viện Xitô Mỹ Ca

6. Nhà nguyện Dòng Kín Carmel Nha Trang

7. Nhà nguyện Dòng Khiết Tâm Đức Mẹ Nha Trang

8. Nhà nguyện Dòng Mến Thánh Giá Nha Trang

Vài nét về Đền Thánh Mẹ Nhân Lành

Đền Thánh Mẹ Nhân Lành Khánh Vĩnh là một điểm truyền giáo đã có từ trước năm 1957 – năm thành lập giáo phận Nha Trang, để mang tin mừng của Chúa đến với Đồng Bào Sắc Tộc tại Diên Khánh – Khánh Vĩnh. Khi đó, các cha xứ Giáo xứ Hà Dừa - Đồng Hộ - Đồng Dài - Đất Sét đã có những tiếp xúc đầu tiên với nhóm anh em Raglai trong vùng. Gần gũi với anh em sắc tộc hơn khi Cố Donatien Béliard Phước thời ở Đồng Dài mở những trạm chăm sóc thuốc men và đầu tư cung cấp trâu bò giúp đồng bào phát triển đời sống.

Cha Corentin Savary – Dòng Phan xico (hiện còn sống tại Pháp), đã dấn thân thực sự vào công cuộc truyền giáo này, được Đức Cha Marcel Piquet ủy thác chính thức bằng văn thư ngày 16.2.1960.

Cho đến tháng 04.1975, thời cuộc có nhiều biến đổi, Cha Corentin Savary với sự cộng tác của Cha Giuse Cupertino Nguyễn Đình Ngọc Dòng Phan xico và các tu sĩ dòng đã có các cơ sở tại Hà Dừa, Suối Dầu, Cây Cầy, Phước Lương và Khánh Dương.

1975, các cơ sở cũ không còn, cha Giuse Cupertino Nguyễn Đình Ngọc giữ vững niềm tin cho anh em sắc tộc qua những sinh hoạt từ nhà thờ Đồng Dài. Anh em định cư tại vùng đất huyện Khánh Vĩnh mới được thiết lập, vẫn về Đồng Dài dự thánh lễ Chúa Nhật, lãnh nhận các bí tích và được nâng đỡ về y tế và đời sống.

Ngày 01.01.2006, Đức Cha Giuse bắt đầu thi hành chức vụ Giám Mục Phó giáo phận Nha Trang. Đêm Noël 24.12.2006, Đức Cha Giuse hiện diện và giảng Lời Chúa trong thánh lễ đầu tiên tại đất ông Chín (đó là Đức Cha Phêrô Nguyễn Văn Nho) thuộc xã Sông Cầu, huyện Khánh Vĩnh. Trong 4 năm, thánh lễ Noël hằng năm đều được cử hành tại đây

05 lễ Noël kế tiếp, thánh lễ đã được cử hành tại tổ 3 thị trấn Khánh Vĩnh, là chính mảnh đất này giáo phận đã mua để đặt cơ sở tương lai cho nhà thờ giáo xứ Khánh Vĩnh. Từng bước một trong thời gian này, các văn bản hành chánh đã được thực hiện: Giấy công nhận giáo xứ Khánh Vĩnh về mặt pháp lý + Giấy chuyển đổi mục đích sự dụng đất và cấp sổ chủ quyền đất cho giáo xứ Khánh Vĩnh (QĐ770.ng31.3.2014) Giấy phép xây dựng nhà thờ, nhà xứ, nhà Hội và nhà cộng đoàn nữ tu.

Đức Cha Giuse Giám Mục giáo phận Nha Trang chủ sự lễ mở móng xây dựng nhà thờ Khánh Vĩnh ngày 10.03.2015, và sau đó ngày 24.04.2015, lễ làm phép viên đá dấu ấn biến cố trọng đại này của ơn Chúa đối với giáo dân vùng núi Khánh Vĩnh.

Hôm nay, bằng nghi thức thánh hiến và xức dầu thánh, Nhà Thờ Khánh Vĩnh trở thành Đền thánh với tước hiệu Đền Thánh Mẹ Nhân lành. Dân số toàn huyện Khánh Vĩnh là 35.294 người gồm 15 sắc dân (người Kinh chiếm 9092) (Anh em Raglay 16.327) (Anh em dân tộc String 4688). Giáo dân công giáo gần 3000 người sắc tộc và gần 1000 người Kinh. Giáo dân sắc tộc gồm nhóm đa số Raglai và các nhóm Koho, Radê và Tring.
 
Văn Hóa
Tiếng gọi Belem
Đinh Văn Tiến Hùng
10:56 16/12/2015
Tiếng Gọi BELEM

“Trong vùng ấy có mục đồng ở ngoài trời và đêm khuya canh giữ đàn vật. Thiên Thần Chúa bỗng hiện đến với họ và vinh quang Chúa rạng ngời bao quanh họ, làm họ kinh sợ. Nhưng Thiên Thần nói với họ: Đừng sợ! Này ta đem tin mừng cho các ngươi về một niềm vui to tát, là niềm vui cho toàn dân: Hôm nay Vị Cứu Chúa là Đức Ki-tô, đã sinh ra cho các ngươi trong thành Đa-vít. Đây là dấu cho các ngươi sẽ gặp một Hài-Nhi vấn trong tã, đặt nằm trong máng cỏ” (Lc.2: 8- 12)

*Chiên Thiên Chúa đã từ nơi thượng giới,

Xuống cõi trần đền tội vạ chúng ta,

Nào cùng nhau chạy đến lượng hải hà,

Xin tha thứ bằng lời kinh thấm lệ. (*)

Chúa Giáng thế như lời tiên báo trước,

Một đêm đông sương tuyết phủ đầy trời,

Hang Bê-lem máng cỏ đó là nơi,

Người sinh xuống mang xác thân nghèo khó,

Đem tình thương cùng nguồn ơn cứu độ,

Cho muôn loài cuộc sống mới hồi sinh

Từ không trung vang khúc nhạc thiên đình,

Trời sáng rực với muôn ngàn tinh tú,

Cả đất trời đầy hồng ân bao phủ,

Đêm thần diệu thật tràn ngập anh linh.

Từ trời cao Thần Thánh cúi nghiêng mình

Thờ lạy Chúa đã hạ sinh trần thế

Đấng nhân loại đợi trông bao thế kỷ,

Nơi Hài Nhi nhập thể giữa đêm đông

Các mục tử đang yên giấc ngoài đồng,

Chợt bừng tỉnh khi Thiên thần báo gọi:

“Hỡi các ngươi thức đậy mau đi tới

Để tôn thờ Con Thiên Chúa Giáng Sinh,

Cho các ngươi này dấu chỉ tôn vinh

Một Con Trẻ bọc mình trong máng cỏ”

Nơi chân trời một vì sao sáng tỏ,

Soi dẫn đường ba đạo sĩ phương đông,

Hành trình vạn dặm nhất quyết một lòng,

Tìm được Đấng mà muôn dân mong đợi,

Dâng tôn kính vàng,nhũ hương,mộc dược.

Lửa tin yêu đốt cháy cả tấm lòng,

Đấng Cứu Thế mà nhân loại chờ mong,

Đã sinh xuống qua Hài Nhi Nhập Thể.

Nay Chúa đến đổi tâm hồn nhân thế,

Luôn tâm thành mến Chúa,yêu tha nhân.

Tiếng Bê-lem vang vọng khắp thế trần,

Lời Thiên sứ truyền tin trong Đêm Thánh:

“Vinh danh Thiên Chúa trên trời,

Bình an dưới thế cho người thiện tâm”

Đinh văn Tiến Hùng

Ghi chú (*) Trích Thánh Thi Phụng Vụ
 
Thư gửi Đức Giáo Hoàng nhân ngày sinh nhật của Ngài!
Phạm Đình Ngọc, S.J
21:49 16/12/2015
Thư gửi Đức Giáo Hoàng nhân ngày sinh nhật của Ngài!

Đức Thánh Cha kính yêu,

Hôm nay chúng con hạnh phúc chia vui với cha trong ngày kỷ niệm cha mở mắt chào đời. 79 năm về trước, gia đình cha tràn ngập niềm vui đón chào Jorge Mario Bergoglio bước vào đời. Từ đó đến nay, cuộc đời cha là chuỗi ngày của ân sủng và tình thương. Ân sủng vì cha là người con tuyệt vời của Thiên Chúa, và tình thương vì cha đã dành trọn một đời cho sứ mạng Nước Trời. Với tâm tình của người con nơi phương trời Đất Việt, chúng con cầu chúc cha sinh nhật luôn đong đầy tình yêu của Chúa.

Cha biết không, từ ngày cha lãnh nhận thánh chức Giáo Hoàng, cả thế giới mong ngóng hòa bình và niềm vui mà cha có thể tiếp tục mang đến cho nhân loại. Những năm tháng vừa qua, chúng con cảm nhận phong phú về điều ấy ngang qua rất nhiều nỗ lực của cha. Tuy cao niên, nhưng tinh thần của cha không ngại va chạm với thách đố của thời đại. Vì nhiệt tâm lo việc Nước Trời, cha nhận ra dấu chỉ thời đại và lên đường rảo bước khắp nơi để gợi hứng và gieo rắc bình an và Niềm vui Tin mừng. Mỗi bước chân của cha là dấu ấn quan trọng của Chúa Thánh Thần, mỗi thông điệp của cha là lời ngọt ngào của Thiên Chúa, và mỗi hành động của cha là hành vi yêu thương của Thượng Đế dành cho cả nhân loại. Điều ấy giúp chúng con hết lòng trung thành và tin tưởng rằng Giáo Hội luôn là bến bờ tỏa ngát hương thơm của Dung Nhan lòng xót thương Chúa.

Tuy là người con xa cách cha về mặt địa lý, nhưng lòng chúng con luôn hướng gần về cha với lòng trung tín và tri ân. Trong tư thế là Vị đại diện của Chúa Kitô nơi gian trần, lòng cha mở ra với từng con chiên, cha hăng say ra đi để ôm ấp nhân loại và mang lấy mùi của chiên. Chúng con hạnh phúc vì cha mãi là dấu chỉ của Thiên Chúa luôn ở gần với dân, hết lòng chăm lo cho dân được sống và sống dồi dào!

Mừng sinh nhật cha, chúng con cầu mong cho cha luôn nhiều sức khỏe. Khỏe mạnh để cha tiếp tục rảo bước đến tứ phương thiên hạ; rồi một ngày rất gần, hy vọng cha sẽ đến thăm Việt Nam. Ngày ấy chắc hẳn sẽ là biến cố lịch sử cho mảnh đất con rồng cháu tiên; con dân Nước Việt sẽ ngập tràn hạnh phúc, và cả Đông Nam Á sẽ nức lòng vì Thiên Chúa thật sống động nơi Đức Thánh Cha. Đó là ước mong của chúng con, mong nhiều và ước nhiều lắm, thưa cha!

Món quà sinh nhật mà chúng con gửi đến cha là những lời cầu nguyện thốt lên trong tâm tình con thảo. Cầu ước cha luôn được nhiều ơn Chúa Thánh Thần, ơn khôn ngoan, ơn thánh thiện và hạnh phúc dồi dào. Để trong Chúa và cùng với Chúa, những kế hoạch và chương trình mục vụ của cha được thành công như lòng Chúa ước mong. Cha yên tâm, chúng con luôn ở với cha trong lời nguyện cầu, luôn hướng về cha trong mọi nẻo đường và luôn trung thành với Giêsu trong lối sống mến Chúa-yêu người.

Xin cha chúc lành cho chúng con, cho Giáo Hội Việt Nam và cho Đất Việt dấu yêu. Chúng con ngóng đợi cha đến thăm Việt Nam vào một ngày rất gần! Để cùng với cha, chúng con dâng lên Chúa ước nguyện:

Lạy Chúa Giêsu giàu lòng thương xót, hôm nay chúng con đặc biệt nhớ về Đức Giáo Hoàng Phanxicô. Thừa lệnh Thiên Chúa, Đức Thánh Cha đã dành trọn mọt đời để dậy men Tin mừng, khơi lên hạnh phúc và gieo rắc bình an. Xin Chúa Giêsu luôn ở với cha, xin Chúa Thánh Thần luôn hướng dẫn cha và xin Thiên Chúa Cha luôn ôm ấp cha với rất nhiều ân sủng!

Mừng ngày sinh nhật của cha, mừng ngày đó cha sinh ra đời với biết bao điều ước mong!

Việt Nam, 17/12/2015

Giuse Phạm Đình Ngọc, S.J
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Thiếu Nữ Chăn Chiên
Dominic Đức Nguyễn
21:58 16/12/2015
THIẾU NỮ CHĂN CHIÊN
Ảnh của Dominic Đức Nguyễn
Chẳng thơm cũng ngát hoa chanh
Chẳng giỏi cũng gái ngoại thành Thủ đô.
Ra tay chẳng phải tay vừa
Làm chiêm chiêm vượt, làm mùa mùa hơn.
Chăn nuôi vừa khéo vừa khôn …
(Ca dao)
 
VietCatholic TV
Thế Giới Nhìn Từ Vatican 10/12 – 16/12/2015: Cửa Năm Thánh được mở trên toàn thế giới
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
15:48 16/12/2015
Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
1. Đức Thánh Cha mở Cửa Năm Thánh Đền thờ Thánh Gioan Laterano

Đức Thánh Cha đã mở Cửa Năm Thánh tại Đền thờ Thánh Gioan Laterano và mời gọi các tín hữu hãy thực thi lòng thương xót.

Đền thờ Thánh Gioan Laterano là nhà thờ chính tòa của giáo phận Roma, một giáo phận hiện có hơn 2 triệu 365 ngàn tín hữu Công Giáo với 334 giáo xứ, gần 5 ngàn linh mục và 22,750 nữ tu. Thánh đường này được kiến thiết dưới thời hoàng đế Constantino và được Đức Giáo Hoàng Silvestro I thánh hiến năm 324, ít lâu sau khi chấm dứt các cuộc bách hại đạo trong đế quốc Roma. Đền thờ này là nơi diễn ra nhiều công đồng, trong đó có 5 Công đồng chung. Trong 10 thế kỷ đầu tiên của Công Giáo, các vị Đức Giáo Hoàng, Giám Mục Roma, cư ngụ trong dinh cạnh thánh đường này. Chỉ sau cuộc lưu vong 70 năm ở thành Avignon bên Pháp, các Đức Giáo Hoàng mới cư ngụ cạnh Đền thờ Thánh Phêrô ở Vatican.

Do tầm quan trọng của thánh đường này, Đức Thánh Cha đã đích thân chủ sự nghi thức mở Cửa Năm Thánh vào sáng ngày 13-12, còn việc mở cửa Năm Thánh tại Đền thờ Thánh Phaolô ngoại thành, ngài ủy cho Đức Hồng Y James Harvey, người Mỹ, là Giám quản đền thờ này.

Theo truyền thống, chính Đức Giáo Hoàng Martino Đệ Ngũ là vị đầu tiên chủ sự nghi thức mở cửa Năm Thánh tại Đền thờ Thánh Gioan Laterano vào năm 1423.

Buổi lễ bắt đầu với ca nhập lễ ở tiền đường Đền thờ, với nghi thức thống hối, rồi Đức Thánh Cha đọc lời nguyện:

“Lạy Thiên Chúa là Cha toàn năng và thương xót, Chúa ban cho Hội Thánh một thời kỳ ân phúc, thống hối và tha thứ, để Hội Thánh được vui mừng canh tân nội tâm nhờ hoạt động của Chúa Thánh Linh, và tiến bước ngày càng trung thành hơn trên những nẻo đường của Chúa, loan báo Tin Mừng cứu độ cho thế giới. Một lần nữa, xin Chúa mở cửa lòng thương xót của Chúa và đón nhận chúng con một ngày kia trong nhà của Chúa nơi thiên quốc, nơi Đức Giêsu, Con Chúa, đã đi trước chúng con, và đang sống và hiển trị đến muôn đời.”

Đức Thánh Cha vừa kết thúc kinh nguyện, cộng đoàn đã hát kinh cầu xin ơn Chúa Thánh Thần, Tiếp đến là phần xướng đáp giữa Đức Thánh Cha và cộng đoàn:

- Đây là cửa của Chúa / những người công chính sẽ tiến vào

- Hãy mở cho tôi những cửa công chính / tôi sẽ vào để cảm tạ Chúa

- Lạy Chúa, con sẽ bước vào nhà Chúa nhờ lòng thương xót bao la của Chúa /

Con sẽ phủ phục hướng về đền thánh Chúa.

Rồi trong thinh lặng, Đức Thánh Cha tiến lên những bậc thang, dùng hai tay đẩy mạnh Cửa Năm Thánh, và dừng lại tại ngưỡng cửa cầu nguyện, trước khi tiến qua Cửa Thánh, theo sau đó là Đức Hồng Y giám quản, 6 Giám Mục phụ tá, kinh sĩ đoàn và các đại diện của hàng giáo sĩ, tu sĩ và giáo dân, tiến theo tiến về bàn thờ trong thánh đường.

Trong bài giảng, sau khi nhắc đến lời ngôn sứ Sophonia mời gọi thành Jerusalem xưa kia, và ngày nay cũng gửi đến toàn Giáo Hội và mỗi người chúng ta hãy “Vui lên.. hãy nhảy mừng!” (Xp 3,14), Đức Thánh Cha nói:

“Chúa Nhật thứ ba Mùa Vọng kéo cái nhìn của chúng ta về lễ Giáng Sinh đến gần. Chúng ta không thể để cho mình bị mệt mỏi chiếm đoạt; không được để cho mình bị hình thức sầu muộn nào chiếm hữu, cho dù chúng ta có lý do để buồn sầu đi nữa vì bao nhiêu bận tâm và vì nhiều hình thức bạo lực đang làm tổn thương nhân tính chúng ta. Nhưng việc Chúa giáng lâm phải làm cho tâm hồn chúng ta tràn đầy vui mừng. Trong một bối cảnh lịch sử có nhiều áp bức và bạo lực, nhất là do những kẻ nắm quyền, Thiên Chúa cho biết chính Ngài sẽ cai trị dân Ngài,va không còn để cho họ bị tùy thuộc sự kiêu hãnh của những kẻ cai trị, và Ngài sẽ giải thoát họ khỏi mọi lo âu. Ngày hôm nay chúng ta được yêu cầu “đừng buông xuôi hai tay” (Xc Xp 3,16) vì ngờ vực, thiếu kiên nhãn hoặc đau khổ”.

“Thánh Phaolô Tông Đồ đã mạnh mẽ lấy lại giáo huấn của ngôn sứ Sophonia và lập lại: “Chúa đang đến gần” (Ph 4,5). Vì thế chúng ta phải luôn vui mừng, và với sự khả ái, làm chứng cho mọi người về sự gần gũi và chăm sóc của Thiên Chúa đối với mỗi người”

Đức Thánh Cha nói thêm rằng: “Chúng ta vừa mở Cửa Năm Thánh ở đây và tại tất cả các nhà thờ chính tòa trên thế giới. Cả cử chỉ đơn sơ này cũng là một lời mời gọi hãy vui mừng. Khởi sự thời kỳ đại tha thứ. Đây là Năm Thánh Lòng Thương Xót. Đây là lúc tái khám phá sự hiện diện của Thiên Chúa và sự dịu dàng của người cha. Thiên Chúa không thích sự cứng nhắc. Ngài là Cha, dịu dàng. Ngài làm tất cả với sự dịu dàng của người Cha. Chúng ta cũng như đám đông hỏi Gioan: “Chúng tôi phải làm gì” (Lc 3,10) trong khi chờ đợi Đức Messia. Thánh Gioan trả lời ngay. Ngài mời gọi “hãy hành động trong công chính và hãy quan tâm đến những nhu cầu của những người túng thiếu.”

Đức Thánh Cha nhận xét rằng “điều mà thánh Gioan yêu cầu những người đối thoại với Ngài cũng là điều ta thấy trong Kinh Thánh. Trái lại, chúng ta còn được yêu cầu dấn thân quyết liệt hơn.” “Trước Cửa Năm Thánh mà chúng ta được kêu gọi bước qua, chúng ta được yêu cầu trở thành những dụng cụ của lòng thương xót, ý thức rằng chúng ta sẽ bị phán xét về điểm này”. Ai đã chịu phép rửa thì biết rằng mình có một nghĩa vụ lớn hơn nữa. Niềm tin nơi Chúa Kitô khơi dậy một con đường kéo dài suốt đời: con đường từ bi như Chúa Cha. “Niềm vui được bước qua Cửa Lòng Thương Xót có kèm theo quyết tâm đón nhận và làm chứng về một tình thương đi xa hơn công bằng, một tình thương không có biên cương. Chúng ta chịu trách nhiệm về tình thương vô biên này, mặc dù chúng ta có những mâu thuẫn”.

Và Đức Thánh Cha kết luận rằng: “Chúng ta hãy cầu nguyện cho chúng ta và tất cả những người sẽ bước qua Cửa Thương Xót, để chúng ta có thể hiểu và đón nhận tình thương vô biên của Cha chúng ta ở trên trời, tình yêu biến đổi và canh tân cuộc sống”.

2. Đức Thánh Cha Phanxicô khuyến khích các sáng kiến giúp người trẻ vượt thắng tình trạng thiếu công ăn việc làm.

Ngài bày tỏ lập trường trên đây trong buổi tiếp kiến sáng ngày 14-12-2015, dành cho 2 ngàn tham dự viên dự án “Policoro” của Hội Đồng Giám Mục Italia, thành lập cách đây 20 năm sau đại hội Công Giáo toàn quốc ở thành phố Palermo, nhắm giúp người trẻ tiến từ tình trạng thất nghiệp đến tình trạng quan tâm săn sóc cuộc sống.

Đức Thánh Cha nhận xét rằng dự án này thực là một sáng kiến lớn, thăng tiến giới trẻ, và là một cơ hội thực sự để phát triển địa phương theo chiều kích quốc gia. Hướng đi mạnh mẽ của sáng kiến này thành công trong nhiều lãnh vực như huấn luyện người trẻ, đẩy mạnh các hợp tác xã, kiến tạo những vai trò trung gia như những người linh hoạt cộng đoàn và một loại các cử chỉ cụ thể khác.

Đức Thánh Cha cũng lấy làm tiếc vì “ngày nay bao nhiêu người trẻ còn là nạn nhân của nạn thất nghiệp! Khi không có việc làm thì phẩm giá cũng bị lâm nguy.. Nhiều người trẻ không còn đi tìm việc làm nữa, họ đành cam chịu tình trạng tiếp tục bị từ chối không được thu nhận làm việc, hoặc họ tỏ ra lãnh đạm đối với một xã hội chỉ ưu đãi những người được đặc ân và ngăn cản những người đáng được thành đạt. Công ăn việc làm không phải là một quà tặng dành cho một thiểu số được tiến cử, nhưng là một quyền của tất cả mọi người!

Đức Thánh Cha khích lệ tổ chức “Policoro” tiếp tục nâng đỡ các năng lực mới dành cho công ăn việc làm, cổ võ một lối sáng tạo tận dụng trí tuệ và sức lực, cùng nhau suy tư, đề ra dự phóng, đón nhận và trao ban sự giúp đỡ. Đó là những hình thức hữu hiệu nhất để biểu lộ tình liên đới như một hồng ân.

Sau cùng, Đức Thánh Cha đề cao khía cạnh loan báo Tin Mừng trong các hoạt động của tổ chức Policoro và nói rằng: “Công tác của anh chị em không phải chỉ là giúp người trẻ tìm được việc làm, nhưng còn là một trách nhiệm loan báo Tin Mừng, qua giá trị thánh hóa của lao công. Nhưng đây không phải là bất vì công việc nào, không phải là thứ lao công bóc lột, đè bẹp, hạ nhục, gây đau khổ, trái lại là lao công làm cho con người thực sự được tự do, theo phẩm giá cao thượng của mình!”

Đức Thánh Cha cám ơn tổ chức Policoro vì sự dấn thân giúp giới trẻ.

Ngài nói: “Tôi rất quan tâm đến công việc của anh chị em, vì tôi đau khổ khi thấy bao nhiêu người trẻ không có việc làm. Anh chị em hãy nghĩ rằng tại Italia này, từ 25 tuổi trở xuống, tức là gần 40% người trẻ thất nghiệp. Một người trẻ không có việc làm thì họ làm gì? Họ ngã bệnh và phải đi bác sĩ phân tâm, hoặc lâm vào vòng nghiện ngập hoặc tự tử. Các thống kê về những vụ tự tử của người trẻ không được công bố và có những tránh né để khỏi công bố thống kê ấy.. Anh chị em hãy nghĩ: những người trẻ ấy là thân mình của chúng ta, là thân mình của Chúa Kitô, vì thế chúng ta phải tiếp tục làm việc để tháp tùng họ.”

3. Đức Thánh Cha cử hành thánh lễ kính Đức Mẹ Guadalupe

Đức Thánh Cha mời gọi các tín hữu khẩn cầu Mẹ Maria để Năm Thánh hiện nay trở thành hạt giống lòng thương xót trong tâm hồn con người, các gia đình và các dân nước.

Ngài đưa ra lời mời gọi trên đây trong bài giảng thánh lễ lúc 6 giờ chiều 12-12, tại Đền thờ Thánh Phêrô, nhân lễ kính Đức Mẹ Guadalupe, bổn mạng Mỹ châu, cũng là Chúa Nhật thứ III mùa vọng.

Hiện diện tại đền thờ có 7 ngàn tín hữu, trong đó có nhiều người từ Mỹ châu la tinh. Đồng tế với Đức Thánh Cha có hơn 200, khoảng 50 Giám Mục và Hồng Y. Thánh lễ được truyền hình để các tín hữu ở Mỹ châu có thể tham dự.

Đức Thánh Cha đã quảng diễn về tình yêu thương xót của Thiên Chúa đối với loài người và cả lòng thương xót của Mẹ Maria, như trong kinh Lạy Nữ Vương Thiên Chúa, chúng ta gọi Mẹ là “Mẹ xót thương”. Ngài nói:

“Mẹ Maria đã cảm nghiệm lòng thương xót của Thiên Chúa, đã đón nhận vào cung lòng mình chính nguồn mạch của lòng xót thương là Chúa Giêsu Kitô. Mẹ đã luôn sống kết hiệp với Chúa Con, Mẹ biết rõ hơn ai hết điều Chúa muốn: đó là mọi người được cứu rỗi, và không ai bị thiếu sự dịu dàng và ơn an ủi của Thiên Chúa”.

Và Đức Thánh Cha nhắn nhủ mọi người rằng: “Chúng ta hãy phó thác cho Mẹ Maria chí thánh những đau khổ và vui mừng của các dân tộc toàn Mỹ châu, họ yêu mến Mẹ như Mẹ hiền và nhìn nhận Mẹ là “bổn mạng” dưới tước hiệu “Đức Mẹ Guadalupe”. “Ước gì cái nhìn dịu dàng của Mẹ tháp tùng chúng ta trong Năm Thánh này, để tất cả chúng ta có thể tái khám phá niềm vui vì sự dịu dàng của Thiên Chúa” (Misericordiae vultus, 24).

Đức Thánh Cha khích lệ mọi người như sau:

“Chúng ta hãy cầu xin Mẹ để Năm Thánh này là hạt giống tình yêu thương xót trong tâm hồn con người, các gia đình và các dân nước. Xin cho chúng ta trở thành những người từ bi, và các cộng đồng Kitô biết trở thành ốc đảo và nguồn mạch từ bi thương xót, là chứng nhân về đức bác ái không loại trừ ai”

4. Đức Thánh Cha kính viếng tượng đài Đức Mẹ Vô Nhiễm

Chiều 8-12, Đức Thánh Cha Phanxicô đã đến đặt vòng hoa tại cột đài Đức Mẹ Vô Nhiễm ở Quảng trường Tây Ban nha, và phó thác dân thành Roma cho sự bảo trợ của Đức Mẹ.

Đây là một truyền thống vẫn được các vị Giáo Hoàng thi hành hằng năm. Tại Đài Đức Mẹ, trước trụ sở Bộ truyền giáo, Đức Thánh Cha dâng lên Mẹ Thiên Chúa lời nguyện sau:

“Con đến đây nhân danh các gia đình, với những vui mừng và cơ cực của họ, nhân danh các trẻ em và người trẻ cởi mở đối với cuộc sống; những người già mang nặng năm tháng và kinh nghiệm; đặc biệt con đến trước Mẹ nhân danh các bệnh nhân và tù nhân, những người cảm thấy đường đời cam go hơn.

“Như Mục Tử, con cũng đến đây nhân danh những người từ những miền đất xa xăm đến tìm an bình và công ăn việc làm”.

“Dưới áo choàng của Mẹ có chỗ cho tất cả mọi người, vì Mẹ là Mẹ Thương Xót. Trái tim Mẹ đầy dịu dàng đối với mọi con cái của Mẹ: sự dịu dàng của Thiên Chúa, Đấng đã nhận xác thể từ Mẹ, và trở thành người Anh của chúng con, là Chúa Giêsu, Đấng Cứu Độ mọi người nam nữ.

“Lạy Đức Mẹ Vô Nhiễm, khi nhìn lên Mẹ, chúng con nhận ra chiến thắng của Lòng Chúa Xót Thương trên tội lỗi và mọi hậu quả của nó; trong tâm hồn chúng con bừng lên niềm hy vọng một cuộc sống tốt đẹp hơn, được giải thoát khỏi mọi nô lệ, oán hận và sợ hãi”.

Đức Thánh Cha nói thêm rằng: “Ngày hôm nay, ở đây, nơi trung tâm của thành Roma, chúng con nghe tiếng tiếng của Mẹ gọi tất cả mọi người hãy lên đường tiến về Cửa Năm Thánh, tượng trưng Chúa Kitô.

“Mẹ nói với tất cả mọi người: “Các con hãy đến, hãy tiến lại gần trong niềm tín thác, hãy bước vào và nhận lãnh hồng ân Thương Xót; các con đừng sợ, đừng xấu hổ: Chúa Cha đang chờ đợi các con với vòng tay mở rộng để ban cho các con ơn tha thứ và đón tiếp các con vào nhà Cha. Tất cả các con hãy đến nguồn mạch an bình và vui tươi”.

“Lạy Đức Mẹ Vô Nhiễm nguyên tội, chúng con cảm tạ Mẹ vì trong hành trình hòa giải này, Mẹ không để chúng con đi một mình, nhưng tháp tùng chúng con, ở cạnh và nâng đỡ chúng con trong mọi khó khăn. Chúc tụng Mẹ bây giờ và mãi mãi. Amen”

Sau kinh nguyện, Đức Thánh Cha còn chào thăm chính quyền và hàng chục anh chị em bệnh nhân và người khuyết tật ngồi trên xe lăn, rồi ngài đến Đền Thờ Đức Bà Cả để kính viếng và cầu nguyện riêng.

Đây là lần thứ 29 ngài đến viếng thăm và cầu nguyện với Mẹ Thiên Chúa tại thánh đường này, kể từ khi được bầu làm Giáo Hoàng”

5. Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ dành 1 tuần lễ để viếng thăm mục vụ tại Mễ Tây Cơ từ ngày 12 đến 18-2 năm tới, 2016.

Thông cáo do Phòng báo chí Tòa Thánh công bố chiều ngày 12-12 vừa qua, cho biết: Đức Thánh Cha sẽ rời Roma lúc 12 giờ rưỡi trưa ngày thứ sáu 12-2 và bay tới phi trường quốc tế của thủ đô Mễ Tây Cơ lúc 7 giờ rưỡi tối cùng ngày.

Lễ nghi đón tiếp chính thức sẽ diễn ra lúc 9 giờ rưỡi sáng thứ bẩy hôm sau, 13-2 tại phủ tổng thống Mễ Tây Cơ, rồi ngài gặp chính quyền và ngoại giao đoàn.

Tiếp đến, Đức Thánh Cha sẽ gặp các Giám Mục Mễ Tây Cơ lúc 11 giờ rưỡi tại Nhà thờ chính tòa thủ đô. Ban chiều ngài sẽ cử hành thánh lễ lúc 5 giờ tại Vương cung thánh đường Đức Mẹ Guadalupe.

- Sáng Chúa Nhật 14-2, Đức Thánh Cha sẽ đáp trực thăng đến thành phố Ecatepec để cử hành thánh lễ cho các tín hữu tại khu vực trung tâm nghiên cứu Ecatepec, rồi trở về thủ đô Mễ Tây Cơ ở mạn nam.

Lúc 4 giờ rưỡi chiều cùng ngày, ngài viếng thăm bệnh viện nhi đồng Federico Gómez, trước khi gặp gỡ giới văn hóa lúc 6 giờ tại Đại thính đường quốc gia.

- Sáng thứ hai, 15-2, Đức Thánh Cha sẽ đáp máy bay đến Tuxtla Gutiérrez cách thủ đô Mễ Tây Cơ 1 giờ 45 phút bay. Đến nơi ngài lại dùng trực thăng để bay đến thành phố San Cristóbal de las Casas, nơi có đại đa số tín hữu gốc thổ dân bản xứ. Ngài cử hành thánh lễ cho cho các cộng đoàn thổ dân Chiapas ở trung tâm thể thao của thành phố, rồi dùng bữa trưa với đại diện các thổ dân.

Ban chiều lúc 3 giờ, ngài viếng thăm Nhà thờ chính tòa giáo phận San Cristobal, trước khi lên đường trở về thủ đô.

- Thứ ba, 16-2, Đức Thánh Cha sẽ bay đến thành phố Morelia gần biên giới Hoa Kỳ để cử hành thánh lễ với các linh mục, nữ tu nam nữ và chủng sinh vào lúc 10 giờ, rồi viếng thăm Nhà thờ chính tòa địa phương. Ban chiều lúc 4 giờ rưỡi, ngài gặp gỡ giới trẻ tại Sân vận động ở địa phương, rồi đáp máy bay trở về thủ đô.

- Thứ tư, 17-2, Đức Thánh Cha dành để viếng thăm Ciudad Juárez cách thủ đô Mễ Tây Cơ 90 phút bay. Tại thành phố này, ngài sẽ viếng thăm nhà tù, rồi gặp gỡ giới lao động ở học viện Bachilleres thuộc bang Chihuahua.

Lúc 4 giờ chiều cùng ngày Đức Thánh Cha sẽ cử hành thánh lễ tại khu hội chợ triển lãm ở Ciudad Juarez. Lễ xong ngài ra phi trường lúc 7 giờ để đáp máy bay trở về Roma, dự kiến sẽ đến phi trường Ciampino lúc gần 3 giờ chiều ngày thứ năm, 18-2.

6. Thành lập Ủy ban mới của Tòa Thánh về các hoạt động y tế

Đức Thánh Cha đã ủy thác cho Đức Hồng Y Pietro Parolin, Quốc vụ khanh, việc thành lập một Ủy ban Tòa Thánh về các hoạt động trong lãnh vực y tế của các pháp nhân của Giáo Hội.

Ngài ủy thác việc này cho Đức Hồng Y trong buổi tiếp kiến hôm 7-12-2015 vừa qua, và hôm 12-12, Đức Hồng Y Parolin đã công bố phúc thư thành lập Ủy ban này. Lý do việc thành lập là vì trong thời gian gần đây nhiều pháp nhân của Giáo Hội ở Italia, như các dòng tu, hiệp hội Công Giáo hoạt động trong lãnh vực y tế, đã gặp khó khăn nhiều. Vì thế mục đích việc thành lập Ủy ban mới của Tòa Thánh để để góp phần quản lý hiệu năng hơn các hoạt động y tế ấy cũng như bảo tồn tài sản, duy trì và thăng tiếng đoàn sủng của các vị Sáng Lập.

Đức Hồng Y Quốc vụ khanh quyết định rằng:

- Ủy ban mới sẽ theo các nguyên tắc và qui luật được ấn định trong Tông hiến Mục Tử nhân lành (Pastor Bonus, 1988) và Quy luật Tổng quát của Giáo triều Roma. Ủy ban sẽ có một quy luật riêng.

- Ủy ban gồm có một vị Chủ tịch và 6 chuyên gia thuộc các ngành y tế, bất động sản, quản trị, kinh tế / hành chánh, tài chánh. Ủy ban có thể ủy một phần chức năng của mình cho một hoặc nhiều thành viên và sẽ được một ban thư ký trợ giúp.

Phúc chiếu do Đức Hồng Y Quốc vụ khanh ban hành cũng chứa đựng một số điều khoản khác liên quan đến hoạt động và thẩm quyền của Ủy ban.

Trong những năm gần đây, Tòa Thánh đã cứu Bệnh viện về da (IDI) thuộc dòng Đức Mẹ Vô Nhiễm, nhờ sự can thiệp tài chánh của Tòa Thánh; cũng vậy có vụ Bệnh viện “Nhà thoa dịu đau khổ” ở San Giovanni Rotondo (nơi có Đền thánh Cha Piô), và một số bệnh viện Công Giáo khác thuộc các dòng tu ở Italia

7. Hoạt động của Hội đồng 9 Hồng Y cố vấn của Đức Thánh Cha

Trưa ngày 12-12, Hội đồng 9 Hồng Y cố vấn của Đức Thánh Cha về việc cải tổ giáo triều Roma và cai quản Giáo Hội, đã kết thúc khóa họp thứ 12 sau gần 3 ngày tiến hành tại Vatican.

Trong ngày đầu tiên, các Hồng Y đã nghe Đức Hồng Y Sandri, Tổng trưởng Bộ các Giáo Hội Công Giáo Đông phương, trình bày về thẩm quyền và hoạt động của bộ này, cũng như công nghị tính của các Giáo Hội Đông Phương. Các Hồng Y đã nghiên cứu về việc thực thi sự tản quyền từ trung ương về địa phương như Đức Thánh Cha Phanxicô đã hơn một lần đề cập đến. Một khóa họp của Hội đồng Hồng Y cố vấn vào tháng 2 năm tới sẽ được dành để bàn về vấn đề này cũng như về đặc tính “công nghị tính”.

Hội đồng Hồng Y tiếp tục bàn về 2 cơ quan đã được Đức Thánh Cha tuyên bố thành lập: một về “giáo dân, gia đình và sự sống”, và một cơ quan về “Công lý hòa bình và di dân”.

- Ngày thứ hai, các HY thảo luận về vấn đề kinh tế tài chánh, theo phúc trình của Đức Hồng Y Marx, Chủ tịch Hội đồng kinh tế của Tòa Thánh và Đức Hồng Y Pell trình bày về việc thành lập một nhóm làm việc để suy tư về tương lai kinh tế của Tòa Thánh và Quốc gia thành Vatican, với sự cộng tác của một số cơ quan liên hệ trong đó có Viện giáo vụ (ngân hàng Vatican, IOR), và cả Bộ truyền giáo, Phủ thống đốc Vatican, Văn phòng Kinh tế, Cơ quan quản trị tài sản của Tòa Thánh (APSA)..

Đức Hồng Y Sean O'Malley, Chủ tịch Ủy ban Tòa Thánh bảo vệ trẻ em, đã trình bày về việc soạn thảo chương trình giáo dục và huấn luyện, giúp các HĐGM soạn chỉ nam cho địa phương về vấn đề bảo vệ trẻ em.

Sáng ngày 12-12, các Hồng Y đã xác định thời điểm cho 5 cuộc họp của Hội đồng vào năm tới, 2016.

8. Họp báo giới thiệu sứ điệp của Đức Thánh Cha cho Ngày Hoà Bình Thế Giới 2016

Sáng 15-12 Đức Hồng Y Peter Turkson, Chủ tịch Hội Đồng Toà Thánh Công Lý và Hoà Bình, đã mở cuộc họp báo giới thiệu sứ điệp Đức Thánh Cha Phanxicô gửi nhân Ngày Hoà Bình Thế Giới mùng 1 tháng giêng năm 2016. Sứ điệp có đề tài là “Chiến thắng dửng dưng và chinh phục hoà bình”. Cùng hiện diện và phát biểu trong cuộc họp báo có bà Flaminia Giovanelli, phó thư ký và ông Vittorio Alberti, nhân viên của Hội Đồng.

Sau khi chào các nhà báo Đức Hồng Y Turkson nói sứ điệp của Đức Thánh Cha bắt đầu với việc nhận xét rằng sự thờ ơ là thái độ chung của con người thời đại chúng ta. Sự dửng dưng ấy đã vượt qua lãnh vực cá nhân để trở thành toàn cầu. Tiếp đến sứ điệp kể ra vài hình thái của sự dửng dưng thời đại.

Trước hết là dửng dưng đối với Thiên Chúa, từ đó nảy sinh ra thái độ dửng dưng đối với tha nhân và thụ tạo. Và Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng đây là một trong những hậu quả nghiêm trọng nhất của một thuyết nhân bản sai lạc và của chủ thuyết duy vật thực tiễn, trộn lẫn với một tư tưởng duy tương đối và hư vô. Con người nghĩ rằng nó là tác giả của chính nó, của sự sống của nó và của xã hội. Nó cảm thấy tự đủ và không chỉ nhắm thay thế Thiên Chúa, mà còn sống không cần Thiên Chúa nữa. Hậu quả là nó nghĩ rằng nó không nợ ai cái gì hết ngoại trừ chính nó, và nó yêu sách chỉ có các quyền lợi thôi (s. 3).

Sau khi chứng minh cho thấy hòa bình bị đe dọa bởi sự thờ ơ trên tất cả mọi bình diện cuộc sống như thế nào, sứ điệp cống hiến một suy tư kinh thánh thần học cho phép hiểu sự cần thiết phải thắng vượt sự thờ ơ để rộng mở cho sự cảm thông, lòng thương xót, sự dấn thân và như thế cho tình liên đới.

Sứ điệp của Đức Thánh Cha kết thúc với lời kêu gọi từng người trong tinh thần của Năm Thánh Lòng Thương Xót, dấn thân một cách cụ thể, để góp phần cải thiện thực tại trong đó họ đang sống, bắt đầu từ gia đình mình, từ hàng xóm láng giềng hay từ môi trường làm việc của mình.

Sau cùng sứ điệp Ngày Hoà Bình Thế Giới năm 2016 cũng tiếp tục sứ điệp Mùa Chay năm 2015 tựa đề “Hãy khích lệ con tim anh em”. Trong đó Đức Thánh Cha Phanxicô tố cáo thái độ sống ích kỷ và cuộc sống thoải mái khiến cho con người ngày nay thờ ơ, lãng quên những người không có cuộc sống an lành như họ.

9. Đức Thánh Cha Phanxicô thúc giục thế giới hành động sau khi đạt được thỏa ước về thay đổi khí hậu

Trong buổi đọc kinh Truyền Tin vào trưa Chúa Nhật 13 tháng 12, Đức Thánh Cha Phanxicô ca ngợi các nhà lãnh đạo thế giới vì đã đạt được một thoả hiệp trong các cuộc thương thảo mới đây về thay đổi khí hậu tại Paris, và thúc giục cộng đồng quốc tế mau chóng đem thỏa hiệp vào hành động. Ngài phát biểu: “Hội nghị về khí hậu vừa kết thúc tại Paris được nhiều người xác định là có tính lịch sử vì các nước đã được một thỏa hiệp”.

Theo hãng tin Reuters, hội nghị thượng đỉnh về khí hậu hoàn cầu tại Paris đã hình thành được một thỏa hiệp hết sức quan yếu vào hôm Thứ Bẩy, định hướng đi cho việc biến đổi có tính lịch sử đối với nền kinh tế lệ thuộc nhiên liệu hóa thạch chỉ trong vòng mấy thập niên, nhằm chặn đứng việc hâm nóng địa cầu.

Sau bốn năm thương thuyết gay go dưới sự bảo trợ của Liên Hiệp Quốc, trong đó quyền lợi các nước giầu và các nước nghèo thường chạm trán nhau một cách nẩy lửa, Ngoại Trưởng Pháp Laurent Fabius đã tuyên bố rằng một thỏa ước đã được chấp thuận, giữa tiếng vỗ tay và húyt còi inh ỏi của đại diện gần 200 quốc gia trên thế giới.

10. Lòng bác ái và sự hoán cải là trung tâm của Năm Thánh Lòng Thương Xót

Cửa Thánh Lòng Thương Xót được mở đồng loạt khắp nơi tại các nhà thờ chính toà trên toàn thế giới Chúa Nhật vừa qua là dấu chỉ hữu hình của sự hiệp thông đại đồng, khiến cho Giáo Hội là dấu chỉ tình yêu của Thiên Chúa Cha. Yêu thương tha thứ là dấu chỉ cụ thể và hữu hình cho thấy đức tin đã biến đổi con tim chúng ta, và cho phép chúng ta diễn tả nơi mình chính sự sống của Thiên Chúa.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói như trên với hàng chục ngàn tín hữu và du khách hành hương năm châu tham dự buổi gặp gỡ chung sáng thứ tư 16 tháng 12. Trong bài huấn dụ Đức Thánh Cha đã nhắc tới biến cố mở Cửa Năm Thánh Lòng Thương Xót tại Vương cung thánh đường Gioan Laterano, là nhà thờ chính tòa của giáo phận Roma, cũng như tại các nhà thờ chính toà của từng giáo phận trên toàn thế giới, cả các trung tâm hành hương cũng như các nơi được các Giám Mục chỉ định. Năm Thánh là trên toàn thế giới chứ không phải chỉ ở Roma mà thôi.

Chính ngài đã muốn rằng dấu chỉ của Cửa Thánh hiện diện trong mọi Giáo Hội địa phương, để Năm Thánh Lòng Thương Xót có thể trở thành một kinh nghiệm được mọi người chia sẻ.Tuy nhiên, lòng thương xót và sự tha thứ không được chỉ là các lời nói, nhưng phải được thực hiện trong cuộc sống thường ngày. ĐTC nhấn mạnh việc sống Năm Thánh một cách cụ thể như sau:

Yêu thương và tha thứ là dấu chỉ cụ thể và hữu hình rằng đức tin đã biến đổi con tim chúng ta, và cho phép chúng ta diễn tả nơi mình chính sự sống của Thiên Chúa. Yêu thương và tha thứ như Thiên Chúa yêu thương và tha thứ cho chúng ta. Đó là chương trình sống không thể biết tới các ngưng nghỉ hay luật trừ, nhưng thúc đẩy chúng ta luôn đi xa hơn mà không bao giờ mệt mỏi, với xác tín được nâng đỡ bởi sự hiện diện hiền phụ của Thiên Chúa.