Ngày 20-12-2019
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Gioan Tẩy Giả, vị ngôn sứ cao cả nhất
Lm Phêrô Nguyễn Văn Hương
00:54 20/12/2019


Ngày 23/12 : Ml 3,1-4.23-24; Lc 1,57-66
Bài 1 Gioan Tẩy Giả, vị ngôn sứ cao cả nhất

Trong ngày áp lễ Giáng Sinh, chúng ta suy niệm về sứ vụ ngôn sứ của Gioan Tẩy Giả như là người dọn đường cho Chúa đến qua trình thuật về ngày sinh nhật của ông. Gioan đã làm gì mà được đề cao như là một ngôn sứ vĩ đại nhất?

Trước hết, kế tục con đường các ngôn sứ, Gioan Tẩy Giả xuất hiện như là tiếng kêu trong hoang địa thức tỉnh lương tâm con người:
“Hãy dọn sẵn đường cho Đức Chúa” (x. Lc 3,4-6).

Gioan kêu gọi dân chúng sám hối và chịu Phép Rửa để được ơn tha tội. Ông không lôi kéo người ta về với mình, nhưng ông hướng họ tới chân lý là Đức Kitô. Ông đã lớn tiếng chống lại những áp bức và bất công xã hội. Ông đề nghị:
“Ai có hai áo, thì chia cho người không có; ai có gì ăn, thì cũng phải làm như vậy” (Lc 3,11).

Ông cũng yêu cầu những người thu thuế:
“Các anh không được đòi hỏi gì quá mức đã ấn định” (Lc 3,11).

Và ông còn dám chỉ tay vào vua Hêrôđê mà nói rằng:
“Ngài không được phép lấy bà ấy” (Mt 14,4).

Hơn hết, ông đã chỉ ngón tay mình về phía Đức Giêsu và nói:
“Đây là Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xóa bỏ tội trần gian” (Ga 1,29).

Theo đó, Gioan Tẩy Giả đã khai mở một hình thức mới mẻ của ngôn sứ Kitô giáo. Trong khi các ngôn sứ khác loan báo ơn cứu độ trong tương lai, ông cho thấy ơn cứu độ trong hiện tại, lúc này, tại đây nơi Đức Kitô. Tất cả những điều đó làm nên sự vĩ đại của Gioan.

Như thế, chúng ta dễ dàng nhận ra tính chân thực của một ngôn sứ: đó là người thúc đẩy sự thay đổi, lên án những bất công, dám chỉ tay chống lại những lạm dụng trong mọi hình thức của các quyền lực tôn giáo, chính trị, kinh tế, quân sự v.v…

Khi nói về ngôn sứ thật và ngôn sứ giả thời nay, Thomas Merton, một bậc thầy tu đức nổi tiếng ở Mỹ, đưa ra những tiêu chuẩn để phân định:
“Ngôn sứ giả là người rao giảng về mình, kéo người khác đến với mình và chạy theo thị hiếu của đám đông. Ông làm ngôn sứ để được giàu có và nổi tiếng, thích đưa ra câu trả lời hoặc một hướng đi dễ dàng. Còn ngôn sứ thật là người rao giảng chân lý và hướng người khác tới chân lý, ông chấp nhận chịu đau khổ vì ơn gọi ngôn sứ, ông nói cho chúng ta biết chúng ta là ai, và thách thức chúng ta hơn là làm cho chúng ta cảm thấy hài lòng với chính mình.” (Morgan C. Atkinson – Jonathan Montaldo, Soul Searching. The Journey of Thomas Merton, Johngarrattpublishing, p. 91-92. )

Tất cả những điều này muốn nói gì với chúng ta hôm nay? Trước hết, sứ vụ ngôn sứ của Gioan nhắc chúng ta nhớ lại sứ vụ ngôn sứ của mỗi người Kitô hữu mà hôm nay đang có nguy cơ bị lãng quên hoặc bị lệch đường. Chúng ta cần phải giữ cả hai phương diện với nhau của sứ vụ ngôn sứ: một đàng, ngôn sứ là người vì công lý xã hội và đàng khác, ngôn sứ là người loan báo Tin Mừng. Nếu việc loan báo về Chúa Kitô mà không được đồng hành bởi những cố gắng để cải thiện đời sống con người, có lẽ sứ vụ ngôn sứ sẽ không thiết thực và thiếu sự khả tín.
Nhưng nếu chúng ta chỉ thi hành sứ vụ ngôn sứ vì công lý mà không hướng tới việc rao giảng Tin Mừng và không có sự gặp gỡ sống động với Lời Chúa, chúng ta sẽ sớm đối diện với những giới hạn bản thân và kết thúc chỉ như những người chống đối hay “người gây rối trật tự công cộng!”

Từ tấm gương của Gioan Tẩy Giả, chúng ta học biết rằng việc loan báo Tin Mừng và đấu tranh cho công lý cần phải gắn liền và liên kết với nhau. Sống trong xã hội mà gian dối và lừa lọc lên ngôi, thật đáng quý trọng nếu mỗi người chúng ta được Tin Mừng Chúa Giêsu thúc đẩy dám đấu tranh cho sự tôn trọng sự thật, nhân vị và phẩm giá con người; dám lên tiếng chống lại những bất công xã hội. Nhờ đó, nhân quyền được tôn trọng, môi trường sống được an toàn để mỗi người có thể “nhìn thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa.” Nhưng chúng ta cũng phải noi gương Gioan Tẩy Giả không làm ngôn sứ như là một người gây rối xã hội mà là như một sứ giả Tin Mừng “để làm cho tâm tư người ngỗ nghịch lại hướng về nẻo chính đường ngay, và chuẩn bị một dân sẵn sàng đón Chúa” (Lc 1,17). Đó là cách thức thi hành sứ vụ ngôn sứ như là một cách thế loan báo Tin Mừng, và dọn đường cho Chúa đến trong cuộc sống hôm nay. Amen!

Bài 2Không ai cao trọng hơn Gioan Tẩy Giả

Một trong những nhân vật của Mùa Vọng đó là Gioan Tẩy Giả, ông nổi bật như một tượng đài của Mùa Vọng. Chính Chúa Giêsu cũng ca ngợi vị tiên tri này:
“Tôi nói thật với anh em, trong số phàm nhân đã lọt lòng mẹ, chưa từng có ai cao trọng hơn ông Gioan Tẩy Giả” (Mt 11,11).

Tại sao Gioan có sự cao trọng và được Chúa ca ngợi như thế? Đây là câu trả lời cho câu hỏi đó dựa trên ba lý do chính sau đây:

1. Vì một con người đặc biệt

Gioan Tẩy Giả là một con người được sinh ra trong một hoàn cảnh đặc biệt; lớn lên ông sống một đời sống khiêm tốn, khắc khổ, và hy sinh; tất cả đời sống hoàn toàn trong sa mạc cho Thiên Chúa. Gioan Tẩy Giả và các môn đệ của ông đã can đảm đi ngược với trào lưu của con người thời đó là chạy theo sự dễ dãi, hưởng thụ và thế tục. Con người ông hội tụ những phẩm tính quý báu của một tiên tri.

2. Vì sứ vụ đặc biệt

Gioan Tẩy Giả là một sứ giả, một tiên tri thu hút dân chúng. Ông xuất hiện như là tiếng kêu trong hoang địa “hãy dọn đường cho Chúa đến.” Ông chính là người dọn đường cho Đấng Cứu Thế đến. Ông rao giảng và làm chứng cho Đấng Cứu Thế nhưng dân chúng tưởng ông là chính Đấng Cứu Thế. Nhưng ông không rao giảng về mình, không tìm kiếm vinh quang cho mình. Ông rao giảng Đức Kitô và giới thiệu Người cho dân chúng. Ông quả quyết:
“Người phải lớn lên, còn tôi phải nhỏ lại” (Ga 3,30).
“Tôi không đáng cởi quai dép cho Người” (Ga 1,27).

Quả thật, Gioan Tẩy Giả vĩ đại bởi vì ông rất khiêm tốn.

3. Vì cái chết đặc biệt

Có nhiều người rao giảng chân lý, nhưng có mấy người dám chết vì chân lý. Gioan Tẩy là một trong số những người đó. Ông dám nói sự thật và chấp nhận phải trả giá bằng cái chết đau đớn. Ông bị chặt đầu ở trong tù. Cái chết của ông là lời chứng hùng hồn nhất của một vị ngôn sứ đích thật đã dám sống chết cho chân lý. Tiêu chuẩn để lượng giá một ngôn sứ thật và ngôn sứ giả hệ tại ở điều này: Ngôn sứ thật là người dám nói sự thật vì lợi ích chung, dù phải chịu đau khổ và phải chết vì sự thật, trong khi ngôn sứ giả chỉ chạy theo thị hiếu người nghe, vì lợi ích bản thân và nhượng bộ trước khó khăn thử thách.

Như thế, Gioan Tẩy Giả là mẫu gương cho mỗi người chúng ta hôm nay. Để trở thành người rao giảng, trước hết chúng ta phải trở thành một người có một đời sống thánh thiện, người sống những gì mình rao giảng, người có nơi mình những đức tính tốt như khiêm tốn, khó nghèo, đơn giản và khổ chế. Chúng ta hãy học nơi Gioan là tránh không rao giảng mình, tìm kiếm mình, nhưng tìm kiếm vì vinh quang Thiên Chúa. Cuối cùng, chúng ta học nơi Gioan bài học can đảm để chấp nhận những hy sinh vì sứ vụ rao giảng chân lý Tin Mừng. Amen!

Ngày 24/12 : Dacaria, người công chính
2 Sm 7,1-5.8b-12.16; Lc 1,67-79

Hôm nay là ngày cuối cùng của Mùa Vọng, chúng ta suy niệm về nhân vật cuối cùng của mùa này là ông Dacaria.

Trong tiếng Do Thái, Dacaria có nghĩa là “Thiên Chúa nhớ đến.” Ông là cha của Gioan Tẩy Giả, một tư tế theo dòng tộc Aarôn (x. Lc 1,67-79), là chồng của bà Êlisabét, người chị em họ của Đức Maria.

Dacaria và Êlisabét là những người công chính trước mặt Thiên Chúa. Họ luôn trung thành tuân giữ lề luật của Thiên Chúa. Tuy nhiên, hai ông bà sống với nhau đến lúc già mà vẫn không có con.

Khi ông đang lo việc tế tự trong đền thờ, một thiên thần hiện ra với ông và báo tin:
“Thiên Chúa đã nhận lời ông cầu xin: bà Êlisabét vợ ông sẽ sinh cho ông một đứa con trai, và ông phải đặt tên cho con là Gioan” (Lc 1,13).
Nhưng Dacaria nghi ngờ về lời thiên thần báo tin, nên ông bị câm cho đến ngày con trai ông được sinh ra. Chính ông là người đặt tên cho con trẻ là Gioan theo lời thiên thần truyền. Trong ngày đó, miệng ông được mở ra, ông được Thánh Thần tác động, liền chúc tụng Thiên Chúa và nói tiên tri về Gioan qua bài ca Benedictus là bài Tin Mừng hôm nay.

Trong bài ca này, Dacaria ngợi khen Thiên Chúa đã đoái thương và đã đến viếng thăm dân Người. Thiên Chúa là trung tâm của lịch sử. Chính Người đã đi bước trước trong mọi biến cố lịch sử. Người đã đến gần, viếng thăm và cứu độ dân Người khỏi mọi sự khốn cùng nên Người đã sai Con Một Người đến với dân của Người, nhập thể làm người để cứu dân Người khỏi quyền bính của ma quỷ và tội lỗi.

Dacaria còn nói tiên tri về Gioan:
“Hài nhi hỡi, con sẽ mang tước hiệu là ngôn sứ của Đấng Tối Cao: Con sẽ đi trước Chúa, mở lối cho Người, bảo cho dân Chúa biết: Người sẽ cứu độ là tha cho họ hết mọi tội khiên” (Lc 1,76-77).

Đây là sứ vụ dọn đường, sứ vụ tiền hô của Gioan Tẩy Giả cho Đấng Cứu Thế đến.

Sau nữa, Dacaria ca tụng Thiên Chúa là Đấng giàu lòng thương xót, Đấng trung tín giữ lời hứa với tổ phụ là sai Đấng Cứu Thế đến để cứu giúp chúng ta, soi sáng cho những ai ngồi trong tối tăm và dẫn chúng ta bước vào đường nẻo bình an.

Như thế, tâm tình tạ ơn của Dacaria phải là tâm tình của mỗi người chúng ta trong mỗi ngày sống và trong suốt cuộc đời. Đó là lý do tại sao Giáo Hội chọn đọc lời ca Benedictus này mỗi ngày trong kinh sáng. Chúng ta hãy luôn tạ ơn Thiên Chúa vì tình thương của Người dành cho chúng ta qua việc sai Con Một xuống làm người để cứu độ chúng ta. Đó là hồng ân lớn lao nhất mà Thiên Chúa đã ban tặng cho nhân loại. Giáng Sinh là cử hành biến cố trọng đại đó. Chúng ta hãy hân hoan để đón mừng ngày Con Chúa chào đời. Amen.


 
Vì yêu, Chúa đến ở cùng chúng ta
Lm Nguyễn Xuân Trường
14:32 20/12/2019


Phúc Âm tuần này đúng là Tin Mừng vĩ đại khi công bố vì tình yêu thôi thúc mà Thiên Chúa đã đến ở cùng loài người chúng ta. Tình yêu thôi thúc đôi nam nữ ngồi sát nhau vẫn chưa thấy đủ mà phải ngồi vào lòng nhau mới thấy đã. Hứa ở cùng nhau là lời hứa bày tỏ trọn vẹn lòng dạ yêu thương. Mong muốn sống chung là khát khao mãnh liệt của 2 người tha thiết yêu nhau. Yêu nhau quá thì hóa thành vợ chồng ăn đời ở kiếp cùng nhau.

Thế nên, vì yêu loài người, Thiên Chúa đã đến ở trong lòng dạ Mẹ Maria, ở trong lòng nhân loại. Chúa Trời giờ đây chung một dòng máu, chung một hơi thở, chung một sự sống cùng con người. Chúa Trời ở cùng loài người.

Tình yêu đích thực không ép buộc, nhưng luôn tôn trọng tự do. Thế nên, khi muốn ở cùng con người, Thiên Chúa cũng cần sự ưng thuận, bằng lòng của Mẹ Maria và thánh Giuse qua lời xin vâng và làm theo lời sứ thần Chúa truyền.

Ngày nay, Chúa vẫn đang chờ đợi chúng ta ưng thuận, bằng lòng, để Chúa có thể ngự vào lòng dạ, vào cuộc đời mỗi người, đi vào trong từng gia đình để ở cùng chúng ta.

Hãy cùng Mẹ Maria đã đón Chúa vào lòng. Hãy cùng thánh Giuse đón cả Mẹ và Chúa vào gia đình mình. Giáng sinh như thế thì mỗi người, mỗi gia đình sẽ dạt dào tình Chúa, chan chứa tình người, đời vui hạnh phúc. Amen.
 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
17:13 20/12/2019

17. Con người ta càng cam tâm nhẫn nại, thì hành sự càng có đức khôn ngoan, càng có công đức.

(sách Gương Chúa Giê-su)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(trích dịch từ tiếng Hoa trong"Cách ngôn thần học tu đức")


-------------

http://www.vietcatholic.net

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
17:19 20/12/2019
95. HAI MƯƠI BẢY LOẠI

Canh Cảo sống rất thanh bần, thức ăn thường dùng rau hẹ là nhiều, hoặc là hẹ nấu, hoặc là hẹ ngâm, hoặc là hẹ sống trộn, ngoài những món như thế thì chưa lần nào ăn thứ khác.

Một lần nọ, Nhiệm Quân nhìn thấy Canh Cảo ăn ba bữa mà chỉ có một thứ rau, bèn nói với người nấu bếp:

- “Ai nói ông Canh là nghèo khó chứ, ăn một bữa cơm mà thức ăn thường có hai mươi bảy loại ?.

(Cổ kim tiếu sử)

Suy tư 95:

Sống thanh bần là một trong ba lời khấn của các tu sĩ nam nữ, nhưng thời nay cũng như người xưa có nhiều người Ki-tô hữu hoặc không phải là Ki-tô hữu cũng sống thanh bần như Lời Chúa trong Phúc Âm hoặc là muốn sống thanh cao như các bậc hiền triết đã dạy…

Sống thanh bần không có nghĩa là chỉ ăn rau hẹ mà thôi, nhưng thanh bần –trước hết- là sống sao cho xứng đáng với cuộc sống của mình, chu toàn bổn phận của mình mà không lãng phí vô ích tiền của của mình cũng như của người khác.

Có những tu sĩ nam nữ sống rất thanh bần nhưng họ lại không chế ngự được tính khí nóng nảy và…hách hách của mình với các giáo dân; có một vài linh mục sống rất thanh bần đạm bạc nhưng sự kiêu ngạo của họ thì vượt quá trời cao, cho nên đời sống thanh bần của họ không được mọi người kính và nể phục.

Sống thanh bần là tùy thuộc người cảm nhận được sự siêu thoát của nó mà sống, nhưng sự thanh bần của người Ki-tô hữu (bao gồm các linh mục và các tu sĩ nam nữ) là phải đạt cho tới sự chế ngự cá tính kiêu ngạo và tham lam của mình, bởi vì thanh bần chỉ tỏa nét khi có khiêm tốn và đơn sơ làm nền tảng cho nó…

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


-------------

http://www.vietcatholic.net

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Mỗi Tuần SỐNG Một Câu Lời Chúa (CN 4 MV)
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
17:21 20/12/2019
Chúa Nhật 4 MÙA VỌNG

Tin mừng: Mt 1, 18-24

“Đức Giê-su sinh làm con bà Ma-ri-a. Bà đã thành hôn với ông Giu-se, con cháu vua Đa-vít”.


Anh chị em thân mến,

Mùa vọng sắp kết thúc, mùa giáng sinh sắp đến, mọi người đang hân hoan chờ đợi ngày đại lễ giáng trần của Con Thiên Chúa –Đức Chúa Giê-su Ki-tô- với tất cả tâm tình vui tươi và hy vọng. Trong niềm hân hoan ấy, tôi xin chia sẻ với anh chị em mấy điều này:

1. Đừng ngại nhận Ma-ri-a làm vợ.

Được gọi là người công chính, tất nhiên là người có cuộc sống rất đạo đức thánh thiện, cho nên không lạ gì mà thánh cả Giu-se đã rất buồn khi thấy Mẹ Ma-ri-a mang thai ngoài ý muốn, cho nên thánh ngài rất buồn, cái buồn của người công chính.

Buồn, nhưng là người công chính nên thánh cả Giu-se âm thầm quyết định phải ra đi mà không muốn tố cáo Ma-ri-a, đó là hành động của người công chính, nhưng Thiên Chúa đã can thiệp kịp thời và đúng lúc vì đó là việc của Ngài. Thiên thần nói: “Này ông Giu-se, con cháu Đa-vít, đừng ngại đón bà Ma-ri-a vợ ông về...”. Người công chính thì dễ dàng nghe được thánh ý của Thiên Chúa qua hoàn cảnh, qua cuộc sống, qua nơi những người mà mình tiếp xúc, thánh cả Giu-se đã nghe và đã vui lòng đón nhận bà Ma-ri-a làm vợ mình...

Càng đau khổ thì niềm vui càng nhân lên gấp bội, đó là niềm vui của thánh cả Giu-se, trong đau khổ biết nghe được tiếng của Thiên Chúa và thực hành lời của Ngài, đó là người công chính; đau khổ của người công chính đã trở nên niềm vui vì đã biết để cho ân sủng của Thiên Chúa hoạt động trong nghịch cảnh của đời mình.

2. Đừng ngại đối thoại với người mình không thích.

Dưới ánh sáng của Tin Mừng hôm nay và qua bài học phó thác trong tay Thiên Chúa của người công chính –thánh cả Giu-se- chúng ta nhận ra được niềm vui trong đau khổ của người công chính, đó là chấp nhận người anh em như là một món quà quý giá mà Thiên Chúa đã ban cho chúng ta.

Có rất nhiều lúc chúng ta tự cho mình là người công chính mà khinh thường tha nhân khi họ phạm lỗi, từ thái độ khinh thường ấy chúng ta xa lánh người anh em chị em của mình, không thèm trò chuyện với họ, không muốn nghe lời góp ý và chia sẻ của họ, đó không phải là thái độ của người công chính nhưng là thái độ của người kiêu ngạo.

Đừng ngại đối thoại với những người mà mình cho là tội lỗi, nhưng học theo gương lành của thánh cả Giu-se, mau mắn chấp nhận và đón họ đồng hành với mình trong cuộc sống hằng ngày, bởi vì Con Thiên Chúa đã chấp nhận sinh ra trên trần gian là để cùng đồng hành và chia sẻ với con người những vui buồn, hạnh phúc cũng như đau khổ...

Anh chị em thân mến,

Chỉ còn mấy ngày nữa là chúng ta hân hoan đón mừng ngày trọng đại “làm người của Con Thiên Chúa”, mọi trang hoàng nhà thờ, làm hang đá tráng lệ đẹp đẽ, hoạt cảnh thiên thần mục đồng cũng đã chuẩn bị xong và chỉ chờ ngày ấy đến, mọi người đều nô nức chờ đợi...

Nhưng quan trọng hơn đó là sứ điệp của thánh cả Giu-se trong những ngày cuối mùa vọng này: mỗi người chúng ta hãy chuẩn bị tâm hồn cho xứng đáng để đón Thiên Chúa đến, cũng có nghĩa là, chúng ta hãy làm cho tâm hồn của chúng ta trở thành hang đá để Giê-su Hài Nhi sinh ra, bằng cách chấp nhận ý muốn của Thiên Chúa đón nhận tha nhân như đón nhận chính Con Thiên Chúa giáng trần.

Có những tâm hồn đau khổ đang chờ đợi chúng ta nói lời tha thứ, có những tâm hồn đang chờ đợi chúng ta đem niềm vui và hy vọng đến cho họ...

Cửa trời đã mở và mưa ân sủng đã đổ xuống trên trần gian, nhưng tin vui Con Thiên Chúa giáng trần đang bị chận lại không bay tới nơi các tâm hồn vì những kiêu căng và gương xấu của chúng ta...

Xin Thiên Chúa chúc lành cho chúng ta.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

-----------

http://www.vietcatholic.net

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Thánh Lễ Chúa Nhật Thứ Tư Mùa Vọng 22/12/2019 dành cho những người không thể đến nhà thờ
VietCatholic Network
23:42 20/12/2019
Bài Ðọc I: Is 7, 10-14

"Này trinh nữ sẽ thụ thai".

Bài trích sách Tiên tri Isaia.

Ngày ấy, Chúa phán bảo vua Achaz rằng: "Hãy xin Thiên Chúa, Chúa ngươi, một dấu ở dưới lòng đất hay ở trên trời cao!" Nhưng vua Achaz thưa: "Tôi sẽ không xin, vì tôi không dám thử thách Chúa".

Và Isaia nói: "Vậy hãy nghe đây, hỡi nhà Ðavít, làm phiền lòng người ta chưa đủ ư, mà còn muốn làm phiền lòng Thiên Chúa nữa? Vì thế, chính Chúa sẽ cho các ngươi một dấu: này đây một trinh nữ sẽ thụ thai, hạ sinh một con trai, và tên con trẻ sẽ gọi là Emmanuel, nghĩa là Thiên Chúa ở cùng chúng ta".

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 23, 1-2. 3-4ab. 5-6

Ðáp: Chúa ngự qua, chính Ngài là Hoàng Ðế hiển vinh

Xướng: Chúa là chủ trái đất và mọi vật làm sung mãn nó, chủ địa cầu và muôn loài cư trú ở trong. Vì chính Ngài xây dựng nó trên biển cả, và Ngài giữ vững nó trên chỗ nước nguồn.

Xướng: Ai khá trèo lên cao sơn của Chúa, ai được đứng trong nơi thánh của Ngài? Người tay vô tội và lòng thanh khiết, người không để lòng xu hướng bả phù hoa.

Xướng: Người đó sẽ được Chúa chúc phúc cho, và được Thiên Chúa là Ðấng cứu độ ban ân thưởng. Ðó là dòng dõi người tìm kiếm Chúa, người tìm long nhan Thiên Chúa nhà Giacóp.

Bài Ðọc II: Rm 1, 1-7

"Ðức Giêsu, thuộc dòng dõi vua Ðavít, là Con Thiên Chúa".

Bài trích thơ Thánh Phaolô Tông đồ gởi tín hữu Rôma.

Phaolô, tôi tớ Chúa Giêsu Kitô, đã được kêu gọi làm Tông đồ và đã được tuyển chọn để rao giảng tin mừng Thiên Chúa. Tin mừng ấy Thiên Chúa đã hứa trước bằng lời các tiên tri trong Kinh Thánh về Con của Người; Người đã sinh ra theo huyết nhục bởi dòng dõi Ðavít, đã được tiền định là Con Thiên Chúa quyền năng theo Thánh Thần, đã sống lại từ cõi chết. Ðó chính là Ðức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, nhờ Người, chúng tôi đã nhận ân sủng và chức vụ tông đồ, để nhân danh Người, chúng tôi quy phục mọi dân tộc về Ðức Tin, trong đó có cả anh em là những người mà Chúa Giêsu đã kêu gọi.

Tôi chúc tất cả mọi người trong thành Rôma được Thiên Chúa yêu mến và kêu gọi nên thánh, được ân sủng và bình an của Thiên Chúa là Cha chúng ta, và của Ðức Giêsu Kitô là Chúa chúng ta.

Ðó là lời Chúa.

Alleluia: Mt 1, 21

Alleluia, alleluia! - Này đây trinh nữ sẽ mang thai, hạ sinh một con trai, và người ta sẽ gọi tên Người là Emmanuel, nghĩa là Thiên Chúa-ở-cùng-chúng ta. - Alleluia.

Phúc Âm: Mt 1, 18-24

"Chúa Giêsu sinh ra bởi Ðức Maria, đính hôn với Thánh Giuse con vua Ðavít".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.

Chúa Kitô giáng sinh trong hoàn cảnh sau đây: Mẹ Người là Maria đính hôn với Giuse, trước khi về chung sống với nhau, đã thụ thai bởi phép Chúa Thánh Thần. Giuse, bạn của bà, là người công chính, không muốn tố cáo bà, định tâm lìa bỏ bà cách kín đáo.

Nhưng đang khi định tâm như vậy thì thiên thần Chúa hiện đến cùng ông trong giấc mơ và bảo: "Hỡi Giuse, con vua Ðavít, đừng ngại nhận Maria về nhà làm bạn mình, vì Maria mang thai là bởi phép Chúa Thánh Thần: bà sẽ hạ sinh một con trai mà ông sẽ đặt tên là Giêsu: vì chính Người sẽ cứu dân mình khỏi tội".

Tất cả sự kiện này đã được thực hiện để làm trọn lời Chúa dùng miệng Tiên tri phán xưa rằng: "Này đây một trinh nữ sẽ mang thai và hạ sinh một con trai, người ta sẽ gọi tên con trẻ là Emmanuel, nghĩa là Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta".

Khi tỉnh dậy, Giuse đã thực hiện như lời thiên thần Chúa truyền: ông tiếp nhận bạn mình, nhưng không ăn ở với nhau cho đến khi Maria sinh con trai đầu lòng, thì Giuse đặt tên con trẻ là Giêsu.

Ðó là lời Chúa.
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Hội nghị các quốc gia Hồi Giáo ở Kuala Lumpur: một thế giới Hồi giáo đang khủng hoảng
Trần Mạnh Trác
09:50 20/12/2019
Kuala Lumpur 18/12/2019: Vị thủ tướng 94 tuổi cuả Malaysia là Mahathir Mohamad đã khai mạc hội nghị thượng đỉnh kéo dài ba ngày cuả các quốc gia Hồi giáo ở Kuala Lumpur. Chủ đề chính là 'Vai trò của sự phát triển trong việc duy trì chủ quyền quốc gia'.

Trong diễn văn khai mạc, ông Mahathir phát biểu rằng Hồi giáo, nói chung cả về tôn giáo lẫn đất nước, "đang ở trong một tình trạng khủng hoảng". Vấn đề chính là vì các cuộc thánh chiến, chính quyền áp bức và chủ nghĩa thực dân mới.

Mặc dù số đại biểu là đông, 450 người từ 56 quốc gia bao gồm nhiều nhà lãnh đạo chính phủ, chuyên gia, trí thức, chính trị gia và đại diện các khu vực tư nhân, nhưng sự vắng mặt cuả nhiều quốc gia đông dân nhất cho thấy thế giới Hồi giáo đang thực sự ở trong một tình trạng khủng hoảng trầm trọng, không chỉ vì các lý do mà ông Mahathir vừa nêu trên, mà còn vì nạn chia rẽ.

Ả Rập Saudi tránh né sự kiện này, coi hội nghị là mối đe dọa với Tổ chức Hợp tác Hồi giáo (OIC), một cơ quan gồm 57 thành viên, vẫn coi mình là tiếng nói chung của thế giới Hồi giáo và trong đó vương quốc đóng một vai trò chi phối.

Ả Rập Saudi cũng đặc biệt chống đối sự hiện diện của các đối thủ Trung Đông, như Iran, Qatar và Thổ Nhĩ Kỳ. Và hơn nữa các nhà lãnh đạo cuả các nước này như Tổng thống Iran Hassan Rouhani, Tiểu vương Qatari Tamim bin Hamad al-Thani và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan còn được phát biểu tại hội nghị vào ngày đầu tiên.

Mặc dù được mời, các quốc vương Ả Rập Xê Út Salman bin Abdulaziz Al Saud, thủ tướng Pakistan Imran Khan và tổng thống nước đông dân nhất Indonesia Joko "Jokowi" Widodo đã không tham dự.

Là chủ tịch của hội nghị thượng đỉnh, Mahathir phát biểu rằng "Chúng ta đang thấy các quốc gia Hồi giáo bị phá hủy khắp nơi, công dân Hồi bị buộc phải chạy trốn khỏi đất nước cuả mình, bị buộc phải tìm nơi ẩn náu ở các quốc gia không theo Hồi giáo”.

Lý do là vì nhiều quốc gia Hồi giáo tiếp tục phải đối mặt với những cuộc "chiến tranh huynh đệ, nội chiến, chính phủ thất bại và nhiều thảm họa khác" trong khi đó thì đã không có một nỗ lực nghiêm túc nào được phát động để chấm dứt hoặc giảm thiểu các tai họa hoặc cải tạo lại nền đạo lý cuả đạo Hồi".

“Hậu quả là, hôm nay chúng ta đã đánh mất sự tôn trọng của thế giới. Chúng ta không còn là nguồn tri thức của con người cũng không phải là mô hình của nền văn minh nhân loại ".

Đối với Mahathir, cái ám ảnh lo sợ Hồi giáo (Islamophobia) đang lan rộng, một phần đã xuất phát từ những người muốn cảm tử vì đạo. Cuối cùng, những hành động khủng bố của họ chỉ làm xấu đi cái nhận thức toàn cầu về Hồi giáo.

“Chúng ta có thể nhân danh thánh chiến (Jihah,) nhưng kết quả chỉ đem lại sự chống đối người Hồi giáo ở khắp mọi nơi. Hậu quả là chúng ta đang bị trục xuất khỏi các quốc gia của mình, lại bị các nước tị nạn từ chối, bị áp bức và lên án khắp nơi. Chúng ta đã gây ra nỗi lo sợ Hồi giáo đến mức việc chống đạo Hồi tự đấy phải nẩy sinh ra.”
 
Do Thái cấm không cho người Palestine từ Gaza về Bethlehem dự lễ Giáng Sinh
Đặng Tự Do
15:26 20/12/2019
Các nhà lãnh đạo Giáo hội ở Jerusalem đang kêu gọi chính quyền Israel đảo ngược quyết định vừa được công bố trong đó chính quyền Do Thái cấm các Kitô hữu từ Dải Gaza đến thăm Bethlehem, Nazareth và Jerusalem.

Trước đó, các quan chức Israel, viện dẫn những mối quan tâm an ninh, đã hủy bỏ một thông lệ của họ và từ chối cấp giấy phép cho các tín hữu đến thăm các nơi thánh này trong dịp lễ Giáng Sinh. Điều khôi hài là các Kitô hữu Gaza có thể đi ra nước ngoài nhưng không được đến các vùng lãnh thổ của Israel và cả khu vực Tây Ngạn thuộc Palestine.

Wadie Abu Nassar, một cố vấn cho các nhà lãnh đạo giáo hội địa phương, đã chỉ trích chính sách này.

“Những người khác trên khắp thế giới được phép đến Bethlehem. Chúng tôi nghĩ rằng các Kitô hữu Gaza cũng nên có quyền đó,” ông nói với Reuters.

Một phụ nữ Gaza than thở về quyết định này như sau:

“Mỗi năm tôi cầu nguyện mong họ sẽ cho tôi một giấy phép để tôi có thể ăn mừng Giáng sinh và gặp gia đình tôi,” Randa El-Amash, 50 tuổi, nói với Reuters. “Sẽ vui hơn khi mừng lễ ở Bethlehem và Jerusalem.”

Dải Gaza là một khu vực rộng 365 cây số vuông dưới sự kiểm soát của người Palestine ở phía tây Israel. Đây là quê hương của khoảng 2 triệu người. Từ năm 2007, nó đã được cai trị bởi phong trào Hồi giáo Hamas.

Kể từ khi Hamas lên nắm quyền ở Gaza, Israel và Ai Cập đã áp đặt một lệnh phong tỏa kinh tế để hạn chế việc đi lại và hạn chế dòng hàng hóa lưu thông, với lý do cần phải hạn chế dòng vũ khí và các cuộc tấn công bằng tên lửa vào Israel từ lãnh thổ này.

Người dân ở Gaza bị thất nghiệp cao và phải đối mặt với tình trạng mất điện và thiếu nước uống.

Hiện tại chỉ có khoảng 1,000 Kitô hữu vẫn còn ở Gaza, chủ yếu là các tín hữu của Giáo hội Chính thống Hy Lạp. Năm 2012, số Kitô hữu khoảng 4,500.

Một số Kitô hữu xin được giấy phép du lịch đến thăm các nơi thánh vào Lễ Phục sinh và Giáng sinh không bao giờ trở về nhà, họ thích tìm kiếm một cuộc sống tốt hơn ở nơi khác.

Chính quyền Israel trong quá khứ đã biện minh cho những hạn chế đối với việc đi lại từ Gaza vì khách du lịch thường ở lại khu vực Tây Ngạn không về dải Gaza nữa.

Gisha, một nhóm nhân quyền của Israel, nói với Reuters rằng lệnh cấm du lịch là một sự tăng cường của chính sách của Israel muốn tách biệt hai vùng lãnh thổ của người Palestine ở Tây Ngạn và ở dải Gaza.

Năm 2018, Israel đã cấp gần 700 giấy phép du lịch của các Kitô hữu Gaza cho phép họ đến Bethlehem, Jerusalem, Nazareth và các địa điểm hành hương khác.

Trong khi dân số Israel chủ yếu là người Do Thái, khoảng 20 phần trăm trong tổng số 8.5 triệu dân của nước này là người Ả Rập. Khoảng hai phần trăm là Kitô hữu. Số lượng Kitô hữu vào năm 1945 là 45% và đã giảm mạnh sau nhiều thập kỷ di cư.


Source:Catholic Herald
 
Diễn từ của Đức Thánh Cha Phanxicô trước Tổng thư ký Liên Hợp Quốc
J.B. Đặng Minh An dịch
16:31 20/12/2019
Sáng thứ Sáu 20 tháng 12 tại dinh Tông Tòa của Vatican, Đức Thánh Cha Phanxicô đã tiếp ông Tổng thư ký Liên Hợp Quốc, António Guterres. Sau cuộc gặp gỡ này, và trước khi ông Tổng thư ký Liên Hợp Quốc gặp gỡ Đức Hồng Y Pietro Parolin, Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh, và Đức Tổng Giám Mục Paul Richard Gallagher, Bộ trưởng Bộ Quan hệ với các dân nước của Tòa Thánh, hai nhà lãnh đạo đã đưa ra một thông điệp video nhấn mạnh cam kết của các vị đối với hòa bình thế giới.

Ông António Guterres là một người Công Giáo. Nói thế cũng chưa đủ. Những ai nghiên cứu về tiểu sử của ông phải ghi nhận rằng ông là một người Công Giáo thuần thành, một gương sáng về đức tin.

Dưới đây là bản dịch toàn văn tuyên bố của Đức Thánh Cha Phanxicô. Bản tiếng Anh của Tòa Thánh có thể xem ở đây.


Thật đáng mừng khi cuộc gặp gỡ này của chúng ta diễn ra vào những ngày trước lễ Giáng sinh. Đây là những ngày mà đôi mắt của chúng ta hướng về thiên đàng để phó dâng cho Thiên Chúa những con người và những tình huống thân thiết nhất trong trái tim chúng ta. Trong cái nhìn này, chúng ta nhận ra mình là con của cùng một Cha, và là anh em chị em với nhau.

Chúng ta hãy dâng lời cảm tạ Chúa vì tất cả những điều tốt lành trên thế giới, vì biết bao người đã trao ban chính mình cách nhưng không, vì những người dành cả cuộc đời phục vụ cho tha nhân, và vì những người không thối chí nhưng tiếp tục xây dựng một xã hội nhân bản và công bằng hơn. Chúng ta biết: chúng ta không thể được cứu rỗi một mình mà thôi.

Chúng ta không thể, và không được đảo mắt nhìn theo hướng khác khi đối mặt với những hình thái bất công, bất bình đẳng, và tai tiếng của nạn đói trên thế giới, của nghèo đói, của những đứa trẻ chết vì thiếu nước uống, thức ăn, và sự chăm sóc cần thiết.

Chúng ta không thể nhìn theo cách khác khi đối mặt với bất kỳ hình thức lạm dụng trẻ em nào. Tất cả chúng ta phải cùng nhau chống lại tai họa này.

Chúng ta không thể nhắm mắt làm ngơ trước nhiều anh chị em của chúng ta, do xung đột và những hành vi bạo lực, nghèo đói cùng cực hoặc biến đổi khí hậu, phải rời khỏi đất nước của họ và thường gặp một số phận đáng buồn.

Chúng ta không được thờ ơ khi nhân phẩm tiếp tục bị chà đạp và bóc lột, khi các tấn kích nhắm vào mạng sống con người vẫn tiếp diễn, dù là mạng sống của những thai nhi chưa chào đời hay mạng sống của những ai đang cần được chăm sóc.

Chúng ta không thể, và không được đảo mắt nhìn theo một hướng khác khi tại nhiều miền trên thế giới các tín đồ của các tôn giáo vẫn đang bị bách hại.

Chúng ta không thể, và không được làm ngơ trước việc lạm dụng tôn giáo để kích động hận thù, bạo lực, áp bức, cực đoan và cuồng tín mù quáng, cũng như buộc mọi người phải lưu vong hay gạt họ ra bên lề xã hội.

Những cuộc chạy đua vũ trang và tái vũ trang hạt nhân cũng kêu thấu đến nhan Chúa. Cả việc sử dụng lẫn việc sở hữu vũ khí hạt nhân đều là vô luân; chúng có sức tàn phá đến mức ngay cả nguy cơ của một vụ tai nạn hạt nhân cũng đã là mối đe dọa nghiêm trọng đối với nhân loại.

Chúng ta không được thờ ơ với nhiều cuộc chiến vẫn tiếp tục diễn ra dẫn đến cái chết của rất nhiều nạn nhân vô tội.

Chúng ta hãy tin tưởng vào cuộc đối thoại đa phương giữa các cá nhân và giữa các quốc gia, vào vai trò của các tổ chức quốc tế, vào ngoại giao như một phương thế để hiểu biết và đánh giá cao, là điều thiết yếu để xây dựng một thế giới hòa bình.

Chúng ta hãy nhận ra mình là thành viên của một nhân loại duy nhất, và chúng ta hãy chăm sóc cho trái đất của chúng ta, mà từ thế hệ này sang thế hệ khác, đã được Chúa giao phó cho chúng ta chăm sóc, để gìn giữ và để lại cho con cháu chúng ta. Một cam kết giảm những chất thải gây ô nhiễm, và xây dựng một hệ sinh thái tích hợp là rất cấp bách và cần thiết: chúng ta hãy làm gì đó trước khi quá muộn!

Chúng ta hãy lắng nghe tiếng nói của nhiều người trẻ, những người giúp chúng ta nhận thức được những gì đang xảy ra trên thế giới ngày nay, và những người đang yêu cầu chúng ta, cùng nhau chứ không phải một mình, trở thành những người hòa giải và kiến tạo cho một nền văn minh nhân bản và công bằng hơn.

Xin cho lễ Giáng sinh, trong sự đơn sơ thực sự của biến cố này, nhắc nhở chúng ta rằng điều quan trọng nhất trong cuộc sống là tình yêu.


Source:Holy See Press Office
 
Diễn từ của Tổng thư ký Liên Hợp Quốc António Guterres trước Đức Thánh Cha Phanxicô.
J.B. Đặng Minh An dịch
17:34 20/12/2019
Sáng thứ Sáu 20 tháng 12 tại dinh Tông Tòa của Vatican, Đức Thánh Cha Phanxicô đã tiếp ông Tổng thư ký Liên Hợp Quốc, António Guterres. Sau cuộc gặp gỡ này, và trước khi ông Tổng thư ký Liên Hợp Quốc gặp gỡ Đức Hồng Y Pietro Parolin, Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh, và Đức Tổng Giám Mục Paul Richard Gallagher, Bộ trưởng Bộ Quan hệ với các dân nước của Tòa Thánh, hai nhà lãnh đạo đã đưa ra một thông điệp video nhấn mạnh cam kết của các vị đối với hòa bình thế giới.

Sau diễn từ của Đức Thánh Cha, ông Tổng thư ký Liên Hợp Quốc António Guterres đã có bài phát biểu sau.

Nguyên bản tiếng Anh có thể xem tại đây. Dưới đây là bản dịch toàn văn sang Việt Ngữ.

Mở đầu, ông Tổng thư ký Liên Hợp Quốc nói bằng tiếng Tây Ban Nha

“Muchísimas gracias, Santo Padre, por esta tan calida bienvenida,” nghĩa là: “Con cám ơn Đức Thánh Cha rất nhiều vì sự chào đón rất nồng hậu của ngài.”

Sau đó, theo một protocol của Liên Hợp Quốc, ông Tổng thư ký Liên Hợp Quốc nói bằng tiếng Anh, là ngôn ngữ chính thức của tổ chức này.


Thưa Đức Thánh Cha,

Đức Thánh Cha là một sứ giả cho hy vọng và tình nhân loại - để giảm bớt những khổ đau của nhân loại và đề cao phẩm giá con người.

Tiếng nói luân lý rõ ràng của ngài tỏa sáng – cho dù ngài đang lên tiếng về cảnh ngộ của những người dễ bị tổn thương nhất, bao gồm những người tị nạn và di cư, hay đang đương đầu với nghèo đói và bất bình đẳng, hay đang kêu gọi giải trừ quân bị, hay đang xây dựng những nhịp cầu giữa các cộng đồng, và, tất nhiên, khi ngài nêu bật tình trạng khẩn cấp về khí hậu thông qua của thông điệp lịch sử, “Laudato Si”, và rất nhiều nỗ lực quan trọng khác.

Những thông điệp này hoàn toàn trùng hợp với các giá trị cốt lõi của Hiến chương Liên Hợp Quốc – chẳng hạn như việc tái khẳng định nhân phẩm và giá trị của con người.

Để thúc đẩy tình yêu của mọi người và chăm sóc cho hành tinh của chúng ta, để cổ vũ cho tình nhân loại và bảo vệ ngôi nhà chung của chúng ta, thế giới của chúng ta cần tiếng nói của ngài hơn bao giờ hết.

Đến Rome từ hội nghị COP25 ở Madrid, tôi kêu gọi tất cả các quốc gia trên toàn cầu cam kết trung hòa lượng carbon vào năm 2050, phù hợp với những gì cộng đồng khoa học nói với chúng ta là cần thiết để giải cứu hành tinh này.

Thưa Đức Thánh Cha,

Tôi rất biết ơn sự dấn thân toàn cầu đặc biệt của ngài và sự hỗ trợ mạnh mẽ cho công việc của chúng tôi tại Liên Hợp Quốc, bao gồm chuyến thăm đáng nhớ của ngài đến trụ sở Liên Hợp Quốc vào năm 2015, khi thế giới đạt được thỏa thuận về các Mục tiêu Phát triển bền vững, đó là kế hoạch chi tiết cho sự toàn cầu hóa công bằng của chúng tôi.

Và cuộc gặp gỡ của chúng ta đặc biệt có ý nghĩa trong mùa Giáng sinh này.

Đây là thời gian của hòa bình và thiện chí và tôi rất buồn khi chứng kiến các cộng đồng Kitô giáo - bao gồm một số cộng đồng có nguồn gốc xa xưa nhất trên thế giới - không thể tổ chức lễ Giáng sinh trong an ninh.

Thật là một bi kịch, khi chúng ta thấy người Do Thái bị sát hại trong các hội đường, bia mộ của họ bị phá hoại với các hình chữ vạn [của Đức Quốc Xã];

Rồi người Hồi Giáo bị bắn chết trong các đền thờ, các thánh thất của họ bị phá hoại; Kitô hữu bị giết trong khi đang cầu nguyện, và các ngôi nhà thờ của họ bị đốt cháy.

Chúng ta cần phải làm nhiều hơn để thúc đẩy sự hiểu biết lẫn nhau và giải quyết sự thù hận đang ngày gia tăng.

Thưa Đức Thánh Cha,

Tôi muốn bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc của tôi đối với sứ vụ ngoại thường của ngài trong việc thúc đẩy quan hệ liên tôn – bao gồm tuyên bố mang tính bước ngoặt của ngài với Đại Giáo Trưởng của Đại Học Al- Azhar về “tình huynh đệ nhân loại cho nền hòa bình thế giới và việc sống chung với nhau”.

Tuyên bố này hết sức quan trọng khi chúng ta phải chứng kiến những cuộc tấn công bi thảm như vậy vào tự do tôn giáo và cuộc sống của các tín hữu.

Liên Hợp Quốc cũng đã đưa ra Kế hoạch Hành động để Bảo vệ các Địa điểm Tôn giáo và chiến lược chống lại các diễn từ thù hận.

Trong những thời kỳ hỗn loạn và thử thách này, chúng ta phải sát cánh cùng nhau vì hòa bình và sự hòa hợp.

Và đó là tinh thần của mùa Giáng Sinh này, được phản ánh trong tầm nhìn, sự hướng dẫn và gương sáng của ngài.

Tôi chân thành cảm ơn Đức Thánh Cha, và xin gởi lời chúc tốt đẹp nhất của tôi đến tất cả những người đang cử mừng, một Giáng sinh trong an bình và một năm mới nhiều may lành.


Source:Vatican News
 
Đức Thánh Cha và Tổng thư ký Liên Hiệp quốc cùng kêu gọi thế giới đừng thờ ơ trước những khổ đau của con người.
Thanh Quảng sdb
18:31 20/12/2019
Đức Thánh Cha và Tổng thư ký Liên Hiệp quốc cùng kêu gọi thế giới đừng thờ ơ trước những khổ đau của con người.

Kết thúc cuộc tiếp kiến với ông Tổng thư ký Liên Hợp Quốc, ông Antonio Guterres tại Vatican, Đức Thánh Cha đã gửi đi một thông điệp video, nhấn mạnh đến nhu cầu cấp bách cần giải quyết các tình cảnh cấp thiết mà thế giới đang phải đối diện. Sau thông điệp của Đức Thánh Cha, Ông Guterres, Tổng thư ký LHQ cũng gửi một tin ngắn video.
(Robin Gomes – Tin Vatican)

Đức Thánh Cha Phanxicô kêu gọi thế giới đừng nhắm mắt hay ngoảnh mặt làm ngơ trước nhiều tai ương, khổ đau và những thương đau của loài người mà hãy đoàn kết, làm việc để kiến tạo một thế giới hòa bình.
Đức Thánh Cha đã ban hành một thông điệp video vào lúc cuối cuộc gặp gỡ với ông Antonio Guterres, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc tại Vatican.
Đức Thánh Cha nói: Thật là tốt đẹp và ý nghĩa cho cuộc họp này diễn ra vào những ngày trước Giáng sinh. ĐTC nói bằng tiếng Tây Ban Nha, tiếng mẹ đẻ của ngài rằng: Đây là những ngày mà mắt chúng ta hướng về trời cao để phó thác cho Thiên Chúa loài người và những gì chúng ta yêu quý nhất. Trong viễn ảnh này, chúng ta nhận ra tất cả chúng ta là con của một cha, là anh chị em với nhau.

Nỗi Khốn cùng của nhân loại
Đức Thánh Cha nói: Chúng ta không thể và không được phép ngoảnh mặt làm ngơ trước những bất công, những bất bình đẳng, những tệ nạn đói khổ trên thế giới, những thiếu thốn làm cho bao nhiêu trẻ thơ phải chết vì thiếu nước, thiếu ăn và không được chăm sóc sức khỏe cần thiết.
ĐTC nhắc nhớ nhiều người nam nữ buộc phải rời khỏi quê cha đất tổ của họ vì những xung đột, bạo lực, nghèo đói hoặc vì những biến đổi khí hậu và thường là phải đối diện với những thảm trạng đau buồn. ĐTC kêu gọi thế giới hãy đoàn kết trong cuộc chiến chống lại mọi hình thức lạm dụng trẻ em, hãy vượt lên trên sự thờ ơ khi phải đối diện với các cuộc tấn công phi nhân phẩm, chống lại cuộc sống con người, bao gồm cả những thai nhi chưa được sinh ra chào đời...

Lạm dụng tôn giáo
Đức Thánh Cha nói: Chúng ta không thể làm ngơ khi các tín đồ của các tín ngưỡng khác nhau đang bị đàn áp ở nhiều nơi trên thế giới. Hãy chống lại việc lợi dụng tôn giáo để kích động hận thù, bạo lực, áp bức, cực đoan và cuồng tín mù quáng, làm cho nhiều người phải bỏ nước ra đi! ĐTC nghẹn ngào xin Thiên chúa thương cứu vớt…

Vũ khí hạt nhân
Đức Thánh Cha Phanxicô tố cáo cuộc chạy đua vũ trang và tái vũ trang hạt nhân, họ sẽ phải than khóc vì sẽ bị Thiên Chúa giáng phạt! Việc sử dụng cũng như sở hữu vũ khí hạt nhân là vô nhân đạo, ngay cả khi không có chiến tranh nhưng vì một rủi ro đơn thuần của một tai nạn cũng có thể là một mối đe dọa nghiệt ngã cho nhân loại.
Đức Thánh Cha kêu gọi thế giới đừng thờ ơ với nhiều cuộc chiến vẫn đang tiếp diễn làm nhiều người dân vô tội bị chết oan uổng!

Hiểu biết quốc tế
Để xây dựng một thế giới hòa bình, ĐTC nói, không thể thiếu sự tự tin trong đối thoại giữa người dân và chính phủ và nhiều phía từ những vai trò của các tổ chức quốc tế cũng như ngoại giao hầu đưa tới một sự cảm thông hài hòa...

Chăm sóc cho ngôi nhà chung của chúng ta
Trong thông điệp video của mình, Đức Thánh Cha Phanxicô cũng đề cập đến sự chăm sóc toàn cầu, ngài kêu gọi tất cả mọi người hãy chăm sóc trái đất của chúng ta, từ thế hệ này qua thế hệ khác, vì Thiên Chúa đã giao phó cho chúng ta để chúng ta làm nó được sinh hoa kết trái". ĐTC nhấn mạnh tới sự cấp bách và những cam kết phải có để giảm lượng khí thải gây ô nhiễm trước khi mọi sự quá muộn!
Trong thông điệp video của mình, Đức Thánh Cha cũng kêu gọi cộng đồng quốc tế hãy lắng nghe những người trẻ, những người đang giúp chúng ta nhận thức được những gì đang xảy ra trên thế giới ngày nay và yêu cầu chúng ta trở thành những người hòa giải và xây dựng, cùng nhau chứ không phải đơn lẻ một mình và đó là một nền văn minh đích thực...
Đức Thánh Cha Phanxicô kết luận thông điệp video bằng lưu ý rằng: “lễ Giáng sinh nhắc nhở chúng ta điều trọng yếu trong cuộc sống là tình yêu”.

Sau thông điệp của Đức Thánh Cha, là một thông điệp ngắn gọn của ông Antonio Guterres, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc làm nổi bật lên tiếng nói đạo đức rõ ràng của Đức Thánh Cha trước các vấn đề cốt lõi của Liên Hợp Quốc, ông nói:
Thưa Đức Thánh Cha, chúng tôi cám ơn sự chào đón nồng nhiệt của ĐTC. Ngài là một sứ giả của niềm hy vọng cho nhân loại – ĐTC kêu gọi hãy làm giảm thiểu các nỗi thống khổ của con người và thúc đẩy tôn trọng phẩm giá con người. Những lời mời gọi đạo đức rất minh bạch của ĐTC được tỏa sáng - cho mọi hoàn cảnh của những người đang bị tổn thương nhất, bao gồm những người tị nạn và di cư, đang phải đối diện với nghèo đói và bất công, thì những lời kêu gọi của ngài trở thành nhịp cầu nối kết các cộng đồng và tất nhiên gây ý thức về tình trạng khẩn cấp trước tình cảnh biến đổi khí hậu dưới ánh sáng của Tông thư 'Laudato Si', và nhiều nỗ lực quan trọng khác nữa.
Những thông điệp này trùng khớp với các giá trị cốt lõi của Hiến chương Liên Hợp Quốc - cụ thể là tôn trọng phẩm giá của con người. Thúc đẩy tình yêu tha nhân và chăm sóc cho hành tinh, ngôi nhà chung của chúng ta. Để duy trì nhân loại chúng ta phải bảo vệ ngôi nhà chung của chúng ta. Thế giới của chúng ta cần làm điều này hơn bao giờ hết.

Tôi tới Roma từ Hội nghị Biến đổi Khí hậu Toàn cầu lần thứ 25 (COP25) ở Madrid, tôi kêu mời tất cả mọi quốc gia trên toàn cầu hãy cam kết giảm khí thải carbon vào năm 2050, phù hợp với những gì mà khoa học đã chứng minh cho chúng ta cấp thiết phải làm để cứu lấy hành tinh chúng ta đang sống...

Thưa Đức Thánh Cha, tôi rất biết ơn ĐTC đã tham gia Hội nghị biến đổi khí hậu toàn cầu đặc biệt này và hỗ trợ mạnh mẽ mà ĐTC dành cho những dự án của Liên Hợp Quốc, bao gồm chuyến viếng thăm đáng ghi nhớ của ĐTC đến trụ sở Liên Hợp Quốc vào năm 2015, trong cuộc họp năm đó, thế giới đã đạt được một thỏa thuận về các Mục tiêu Phát triển bền vững, kế hoạch chi tiết của LHQ trước vấn đề công bằng của toàn cầu hóa.
Cuộc họp giữa ĐTC và tôi lần này rất đặc biệt rơi vào mùa Giáng sinh. Đây là thời gian của hòa bình và thiện chí… Nhưng tôi rất buồn khi còn chứng kiến nhiều cộng đồng Kitô giáo - bao gồm cả một số nơi cổ kính nhất của thế giới – sẽ không thể mừng lễ Giáng sinh an toàn.

Đáng thương thay, chúng ta thấy người Do Thái bị sát hại trong các hội đường của họ, các bia mộ của họ bị đánh phá; các Kitô giáo bị giết trong các nhà thờ, các trang mạng (web) tôn giáo của họ bị phá hoại; nhiều Kitô hữu bị giết khi đang cầu nguyện, nhà thờ của họ bị đốt phá! Chúng ta cần phải nỗ lực nhiều hơn để thúc đẩy một sự cảm thông hầu giải quyết những thù hận đang gia tăng.
Thưa ĐTC, tôi muốn bày tỏ tâm tình cảm kích sâu sắc của tôi với ĐTC trước những nỗ lực phi thường của ĐTC trong việc thúc đẩy các mối quan hệ liên tôn - bao gồm tuyên ngôn đánh dấu một bước ngoặt quan trọng của ĐTC với Đại trưởng Grand Imam của Al-Azhar về tình huynh đệ của con người và vì nền hòa bình thế giới và cùng nhau chung sống.
 
Đức Hồng Y Pell mừng Lễ Giáng Sinh trong tù
Vũ Văn An
22:32 20/12/2019
Ký giả Edward Pentin của Tờ National Catholic Register tường trình rằng, theo các nguồn tin ông hiện có, Đức Hồng Y Pell, người có đơn kháng cáo bản án về tội lạm dụng tình dục hiện đang được Tòa án tối cao Úc xem xét, đang phải chịu những điều kiện sống rất khó khăn theo chế độ biệt giam.

Các nguồn tin thân cận với Đức Hồng Y nói với tờ Register rằng trong tuần này Đức Hồng Y George Pell có thể được phép rước lễ trong phòng giam của mình vào ngày Lễ Giáng sinh nhưng ngài vẫn sẽ không được phép cử hành Thánh lễ.

Kể từ khi Đức Hồng Y bị bỏ tù và bị biệt giam vào tháng Hai, Nhà tù Lượng giá Melbourne, nơi ngài bị giam, đã cấm vị cựu bộ trưởng Văn Phòng Kinh tế của Vatican cử hành Thánh lễ.



Vẫn chưa rõ liệu ngài có được thường xuyên rước lễ hay không, mặc dù một nguồn tin cho biết ngài đã có thể làm như vậy, “nhưng không nhất thiết vào Chúa Nhật”. Nguồn tin cho biết, Đức Hồng Y vẫn còn “là một khuôn mặt bị ghét rất nhiều ở đây, đó là lý do tại sao không có vấn đề ngài được cử hành thánh lễ”.

Đức Hồng Y mỗi tuần được phép tiếp một vị khách chính thức và một nguồn tin thân cận với Đức Hồng Y, không muốn nêu tên, đã nói với Tờ Register rằng ngài nhận được sự “hỗ trợ rất lớn” của một nữ tu, trong khi một nguồn khác, một người bạn của Đức Hồng Y, nói “phòng giam của ngài rất nhỏ và ngài chỉ được phép có năm cuốn sách”.

Người bạn, người cho biết Đức Hồng Y nhận được hàng ngàn lá thư và thiệp Giáng sinh hỗ trợ, được ngài cố gắng trả lời, nói với tờ Register rằng một số người ủng hộ hy vọng sẽ hát thánh ca Giang Sinh ở bên ngoài phòng giam của ngài vào đêm Giáng sinh.

Như mọi người đã biết Đức Hồng Y Pell đang thụ án sáu năm tù sau khi bị kết án vào tháng 12 năm ngoái về năm tội danh lạm dụng tình dục hai nam ca viên lúc làm tổng giám mục Melbourne sau Thánh lễ Chúa Nhật tại Nhà thờ Thánh Patrick của thành phố năm 1996 và 1997.

Nạn nhân thứ hai bị cáo buộc đã chết vì dùng heroin quá liều vào năm 2014, và đã phủ nhận nhiều lần rằng Đức Hồng Y Pell đã lạm dụng anh ta. Người khiếu nại còn sống, mà lời khai không được chứng thực nhưng đã được bồi thẩm đoàn duy nhất dựa vào để kết án Đức Hồng Y, vẫn chưa được nhận diện công khai, nhưng theo một số nguồn tin theo dõi sát vụ án, được cho là cũng bị nghiện ma túy.

Tòa án Úc cấm nhóm bào chữa cho Đức Hồng Y Pell không được đặt câu hỏi về tính khả tín của người khiếu nại, người mà theo chánh án kháng cáo Mark Weinberg, đã thay đổi câu chuyện của ông ta “nhiều lần”.

Đức Hồng Y luôn phản đối mạnh mẽ sự vô tội của mình và tháng trước, hai thẩm phán Tòa án tối cao đã chuyển đơn của Đức Hồng Y xin phép đặc biệt để kháng án lên toàn bộ các chánh án của Tòa án Tối cao.

Các luật sư của Đức Hồng Y đã lập luận thành công rằng tòa án phúc thẩm cấp thấp đã phạm nhiều sai lầm trong quyết định của họ vào tháng 8 để giữ nguyên bản án của ngài - một quyết định không được hỗ trợ của chánh án bất đồng Weinberg. Phiên xét xử của Tòa án tối cao dự kiến sẽ diễn ra vào tháng 3 hoặc tháng 4 năm tới.

Nghi ngờ ngày càng tăng

Trong khi đó, một hợp xướng công luận nghi ngờ một cách nghiêm túc đối với bản án của Đức Hồng Y Pell, đang ngày một gia tăng. Nhà báo Keith Windschuttle đã thực hiện một cuộc nghiên cứu cho thấy bản án ấy không thể khả hữu vì chuổi thời gian (timeline) của người khiếu nại đưa ra, trong khi bằng chứng khác đã xuất hiện để hỗ trợ Đức Hồng Y, bao gồm hai phụ nữ từng làm việc tại nhà thờ chính tòa và nói với CNA vào tháng trước rằng họ tin rằng những cáo buộc này là “không thể có được”. Mà họ cũng không được mời để đưa ra bằng chứng tại các phiên xử.

Cả những người khác cũng đã xuất hiện để bênh vực Đức Hồng Y.

Một nhà bình luận có bút danh Lushington Brady trên tờ The BFD, một nhật báo hàng đầu của New Zealand, viết vào ngày 13 tháng 12, “Tôi không phải là người Công Giáo. Tôi ghê tởm ấu dâm. Tôi không đặc biệt say mê George Pell. Tuy nhiên, tôi không thể thoát khỏi cảm giác khó chịu rằng cuộc hoài thai công lý nghiêm trọng nhất ở Úc kể từ vụ Chamberlains đã diễn ra trong vụ án của Pell”.

Brady, người đã đề cập đến trường hợp của Lindy Chamberlain, một bà mẹ gốc New Zealand đã bị bỏ tù ở Úc vào năm 1980 vì tội giết đứa con thơ mình, nói thêm rằng “các chuyên gia pháp lý từ mọi phía đều đã công khai kinh ngạc về những gì họ coi là một trò đùa nhại công lý trắng trợn".

Luật sư hưu trí không phải là người Công Giáo Anthony Charles Smith đã viết vào ngày 16 tháng 11 rằng ông “rất bối rối” vì vụ án, một vụ án thiếu chứng cứ “làm tôi đau cả bụng”. Ông nói thêm rằng những cáo buộc chống lại Đức Hồng Y chỉ đáng được các công tố viên có khả năng và giàu kinh nghiệm trong các thập niên 1980 và 1990 dành cho ít phút để xem xét.

Và giống như cựu Bộ trưởng Lao động Peter Baldwin, Smith đã so sánh trường hợp này với Carl Beech, người gần đây đã bị bỏ tù 8 năm vì đã đưa ra những lời buộc tội không được chứng minh đối với các nhân vật nổi tiếng của Anh, nhưng không phải trước khi danh tiếng của họ đã bị hủy hoại.

Smith nói rằng vì hoàn cảnh, Đức Hồng Y Pell “có rất ít triển vọng được xét xử công bằng trước một bồi thẩm đoàn”, và ông nói thêm rằng ông “đã không bao giờ nhìn thấy một minh họa rõ ràng về một cuộc tiền phán xử nào hơn cuộc đã được chứng tỏ ở đó”.

Tâm lý bề hội đồng (mob mentality)?

Những tiếng nói có tính phê phán trên tiếp nối Greg Barns, một luật sư kiêm nhà tranh đấu cánh tả, người đã viết hồi tháng 3 rằng vụ án Đức Hồng Y Pell có đặc điểm của một sự “ngu dốt đáng sợ” của hệ thống pháp luật Úc, một “chủ nghĩa duy hiếu thắng" về phía một số phương tiện truyền thông, những người vốn theo đuổi Đức Hồng Y Pell trong nhiều năm, và một thứ “đám đông bề hội đồng” (lynch mob) la hét đòi “máu Đức Hồng Y”, điều mà Barns gọi là “thật đáng sợ”.

Cái não trạng “hội đồng” như thế đã lại hiển thị một lần nữa vào đầu tháng này khi cựu Thủ tướng Úc Tony Abbott bị thủ hiến bang Victoria, Daniel Andrews, phỉ báng vì đã đến thăm Đức Hồng Y trong tù. Andrews, một người Công Giáo, nói rằng, “Thật xấu hổ, tuyệt đối đáng xấu hổ”. Ông ta còn nói thêm rằng Abbott nên xin lỗi. Tin tức về chuyến thăm đã bị rò rỉ với báo chí bởi một trong những lính canh tù.

Tri nhận ngày càng tăng về sự bất công đã khiến một trong những người bạn của Đức Hồng Y nhận xét: “Nay liệu ta có thể bắt đầu la to từ các mái nhà, ‘hãy trả tự do cho Đức Hồng Y Pell!’”

Các câu hỏi về một hệ thống tư pháp gây thiệt hại (prejudicial) ở Victoria liên quan đến tham nhũng nội bộ hiện đang được đặt ra có thể giúp trả lời một vài điều không thể lường được về việc làm thế nào Đức Hồng Y có thể bị bỏ tù chỉ dựa vào quá ít bằng chứng.

Một cuộc trao đổi email được công bố vào tuần trước cho thấy vào năm 2014, các thành viên của sở cảnh sát Victoria, đã tìm cách sử dụng các cáo buộc chống lại Đức Hồng Y Pell để đánh lạc hướng một vụ tai tiếng ảnh hưởng đến sở này.

Vụ tai tiếng liên quan đến luật sư bào chữa hình sự Nicola Gobbo, người được cảnh sát Victoria tuyển dụng để làm người chỉ điểm chống lại các thành viên của tập đoàn tội phạm Ndrangheta Calabrian mà cô vốn đại diện cho (xem Cảnh sát Victoria: cuộc điều tra Đức Hồng Y Pell nhằm mục đích đánh lạc chú ý của người dân đối với tai tiếng lớn của cảnh sát tại http://www.vietcatholic.net/News/Html/253654.htm.)

Mối liên hệ giữa mafia Ý và Úc có một lịch sử tương đối dài từ những năm 1950 và tiếp tục cho đến ngày nay.
 
Đức Maria trở thành Mẹ Thiên Chúa khi nào, và tại sao? Phân tích của cha Cantalamessa trước Đức Thánh Cha và giáo triều Rôma
J.B. Đặng Minh An dịch
22:45 20/12/2019
Bài tĩnh tâm Mùa Vọng 2019 cuối cùng của Đức Thánh Cha và giáo triều Rôma

Sáng thứ Sáu 20 tháng 12, tại nhà nguyện Mẹ Đấng Cứu Chuộc trong điện Tông Tòa của Vatican, Đức Thánh Cha và giáo triều Rôma đã tham dự buổi tĩnh tâm cuối cùng trong Mùa Vọng. Vị giảng thuyết là cha Raniero Cantalamessa, thần học gia, và là giảng thuyết viên Phủ Giáo Hoàng.

Bản tiếng Anh có thể xem tại đây: “She Gave Birth To Her First Born Son” - Mary, the Mother of God - “Bà đã hạ sinh con trai đầu lòng” - Đức Maria, Mẹ Thiên Chúa

Dưới đây là bản dịch toàn văn phần I bàn về ý nghĩa và lịch sử hình thành tước hiệu “Mẹ Thiên Chúa” sang Việt Ngữ.


Các bước chúng ta đang thực hiện liên quan đến nhận thức của Đức Maria tương ứng với sự phát triển lịch sử trong cuộc đời Mẹ như chúng ta biết từ các sách Phúc Âm. Suy tư về đức tin của Đức Maria đã đưa chúng ta trở lại thời điểm Truyền tin, thời điểm Mẹ thốt lên bài ca Magnificat, thời điểm Mẹ đi thăm người chị họ mình; và bây giờ, là thời điểm Giáng Sinh, là thời khắc Đức Maria là Mẹ Thiên Chúa. Chính là vào thời khắc Giáng sinh, chính tại thời điểm “sinh con trai đầu lòng” (Lc 2: 7), mà Đức Maria thực sự và hoàn toàn trở thành Mẹ Thiên Chúa.

Khi nói về Đức Maria, Kinh Thánh liên tục nhấn mạnh hai hành vi căn bản, hay đúng hơn là hai khoảnh khắc, tương ứng với những gì kinh nghiệm thông thường của con người cho là cần thiết cho một tình mẫu tử thực sự và đầy đủ có thể diễn ra – đó là thụ thai và sinh con. Thiên thần nói với Đức Maria: “Này đây bà sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai, và đặt tên là Giêsu.” (Lc 1:31). Hai khoảnh khắc này cũng tồn tại trong trình thuật của Thánh Matthêu: “người con bà cưu mang là do quyền năng Chúa Thánh Thần và bà sẽ sinh con trai” (x Mt 1:20 f.) Lời tiên tri của Isaia trong đó tất cả những điều này đã được báo trước cũng sử dụng cùng một biểu đạt: Một “thiếu nữ sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai “(Is 7:14). Bây giờ anh chị em có thể thấy lý do tại sao tôi nói rằng chỉ trong biến cố Giáng sinh, khi Đức Maria sinh hạ Chúa Giêsu, Mẹ mới trở nên Mẹ Thiên Chúa trong nghĩa đầy đủ nhất.

Tiêu đề “Mẹ Thiên Chúa” (Dei Genitrix), được sử dụng bởi các Giáo Hội Latinh, nhấn mạnh nhiều hơn vào khoảng khắc thứ nhất trong hai khoảnh khắc này, tức là vào thời điểm thụ thai; trong khi danh xưng Theotokos, được sử dụng bởi các Giáo Hội Hy Lạp, nhấn mạnh đến khoảng khắc thứ hai, tức là khi Đức Mẹ sinh hạ [Chúa Hài Đồng] (tikto trong tiếng Hy Lạp có nghĩa là “hạ sinh”). Khoảnh khắc thứ nhất, sự thụ thai, là chung cho cả cha lẫn mẹ, trong khi khoảng khắc thứ hai, là việc sinh nở, chỉ thuộc về người mẹ.

Mẹ của Thiên Chúa: một danh hiệu thể hiện một trong những mầu nhiệm trọng đại nhất và, đối với lý trí con người, đó là một trong những nghịch lý lớn nhất của Kitô giáo. Tước hiệu “Mẹ Thiên Chúa” là tước hiệu cổ xưa nhất của Đức Maria và là một tín điều quan trọng nhất về Đức Maria, từ khi Giáo Hội qua Công Đồng Êphêsô năm 431 xác định như một chân lý đức tin mà tất cả các Kitô hữu phải tin tưởng. Đó là nền tảng của tất cả sự vĩ đại của Đức Maria. Đó là nguyên tắc của Thánh Mẫu Học. Vì điều đó, Đức Maria không chỉ là một đối tượng được tôn kính trong Kitô giáo mà còn là một đối tượng của thần học, và điều đó có nghĩa là Mẹ là một phần trong cuộc đàm luận về chính Thiên Chúa, bởi vì Thiên Chúa liên quan trực tiếp trong tình mẫu tử thiêng liêng của Đức Maria.

Một cái nhìn lịch sử về việc hình thành nên tín điều [Đức Mẹ là Mẹ Thiên Chúa]

Trong Tân Ước Đức Maria chưa từng bao giờ được trao một cách minh nhiên tước hiệu “Mẹ Thiên Chúa”. Tuy nhiên, có một số khẳng định, mà trong ánh sáng của những suy tư cẩn thận của Giáo Hội, dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần, sau đó chứng minh điều này là sự thật. Như chúng ta đã thấy, Đức Maria đã thụ thai, sinh hạ một con trai, là Con Đấng Tối Cao, là Đấng Thánh và là Con Thiên Chúa (xem Lc 1: 31-32, 35). Do đó, hệ quả từ các Phúc Âm là Đức Maria là mẹ của một người con trai mà chúng ta biết là Con Thiên Chúa. Trong các sách Phúc Âm, Đức Maria thường được gọi là mẹ của Chúa Giêsu, mẹ của Chúa (xem Lc 1:43), hoặc đơn giản là mẹ, hoặc là mẹ Ngài (xem Ga 2: 1-3).

Trong sự phát triển của đức tin, chính Giáo Hội phải rõ ràng về Chúa Giêsu là ai trước khi biết Đức Maria là mẹ của ai. Đức Maria chắc chắn đã không trở thành Mẹ Thiên Chúa tại Công Đồng Êphêsô năm 431, như Chúa Giêsu đã không trở thành Thiên Chúa tại Công Đồng Nicê năm 325, là Công Đồng đã long trọng khẳng định như vậy. Ngài là Chúa trước đó. Năm 325 chỉ là một thời điểm khi Giáo Hội, trong quá trình phát triển và công bố đức tin của mình dưới áp lực dị giáo, đã nhận thức đầy đủ về sự thật này và bảo vệ điều đó. Nó giống như những gì xảy ra khi một ngôi sao mới được phát hiện: ngôi sao ấy không chỉ mới được sinh ra khi ánh sáng của nó lần đầu tiên chạm tới trái đất và được quan sát bởi một ai đó. Tinh tú này có lẽ đã tồn tại hàng ngàn năm. Một định nghĩa của Công Đồng chỉ là thời điểm khi ngọn nến được đặt trên chân đèn, là công thức tuyên xưng đức tin của Giáo Hội.

Trong tiến trình dẫn đến lời tuyên bố long trọng Đức Maria là Mẹ Thiên Chúa, có ba giai đoạn lớn mà tôi sẽ đề cập bây giờ đây. Lúc đầu và trong cuộc chiến chống lại sự hoành hành của thuyết Ngộ đạo (Gnosticism ) và thuyết Huyễn Ảnh [Docetism – cho rằng Chúa Kitô không mặc lấy xác phàm, chỉ có thiên tính chứ không có nhân tính, và vì thế các đau khổ Ngài phải chịu chỉ là bề ngoài – chú thích của người dịch], trong đó tình mẫu tử của Đức Maria hầu như chỉ được nhìn ở khía cạnh thể lý mà thôi. Những kẻ dị giáo này cho rằng Chúa Kitô không hề thực sự mặc lấy xác loài người, hoặc nếu Ngài có mặc lấy xác loài người đi chăng nữa, thì thân xác con người ấy được sinh ra bởi một người phụ nữ, cho nên, nó thực sự chỉ là một phần máu thịt của người phụ nữ này. Thành ra, điều cần thiết là phải mạnh mẽ khẳng định rằng Chúa Giêsu là con trai của Đức Maria và là “hoa trái từ cung lòng Mẹ” (Lc 1:42) và Đức Maria là người mẹ thật sự và tự nhiên của Chúa Giêsu.

Trong giai đoạn cổ xưa nhất này, tình mẫu tử của Đức Maria được dùng để chứng minh nhân tính thực sự của Chúa Giêsu hơn bất cứ điều gì khác. Chính vào thời điểm đó và trong một môi trường như vậy mà điều này được hình thành trong Kinh Tin Kính “Bởi phép Ðức Chúa Thánh Thần, Người đã nhập thể trong lòng Trinh Nữ Maria, và đã làm người”. Lúc ban đầu, điều này chỉ đơn giản có nghĩa là Chúa Giêsu vừa là Thiên Chúa vừa là con người: là Thiên Chúa vì bởi phép Ðức Chúa Thánh Thần, và là con người vì được sinh ra theo xác thịt, nghĩa là, bởi Đức Maria.

Trong giai đoạn cổ xưa nhất, danh hiệu Theotokos đã được sử dụng để nói về Đức Maria, như Origen đã dùng vào thế kỷ thứ ba. Từ đó trở đi, chính việc sử dụng tước hiệu này đã đưa Giáo Hội đến việc khám phá sâu xa hơn về tình mẫu tử thánh thiêng, mà chúng ta có thể gọi “metaphysical maternity” - “tình mẫu tử siêu hình”. Đó là thời điểm của những cuộc tranh luận lớn về Kitô học trong thế kỷ thứ năm, khi vấn đề chính liên quan đến Chúa Giêsu Kitô đã không còn là về tính nhân loại thật sự của Ngài nhưng là sự hiệp nhất trong ngôi vị của Ngài. Tình mẫu tử của Đức Maria không còn được nhìn thấy trong tương quan với bản tính nhân loại của Chúa Kitô, nhưng, đúng hơn, liên quan đến một bản thể duy nhất là Ngôi Lời đã làm người. Và vì Đức Kitô duy nhất này, được sinh ra bởi Đức Maria theo xác thịt, không ai khác chính là Ngôi Hai Con Thiên Chúa, do đó, Đức Maria được xem là Mẹ Thiên Chúa đích thực.

Không chỉ có mối quan hệ thể lý giữa Đức Maria và Chúa Giêsu, nhưng, ngoài ra còn có một mối quan hệ siêu hình, và điều này đặt Mẹ lên một tầm cao, tạo ra một mối quan hệ độc đáo giữa Mẹ và Chúa Cha. Tại Công đồng Êphêsô, điều này đã trở thành một thành tựu vĩnh viễn của Giáo Hội.

Văn bản của Công Đồng viết:

“Bất cứ ai không tuyên xưng Thiên Chúa thực sự là Emmanuel - Thiên Chúa ở cùng chúng ta, và, do đó, Đức Trinh Nữ Đầy Ơn Phúc, là người đã tạo ra xác thịt cho Ngôi Lời của Thiên Chúa hóa thánh nhục thể, là Theotokos – Mẹ Thiên Chúa, thì người ấy là người bị chúc dữ.”[1]

Đó là một thời gian hân hoan tưng bừng cho người dân Êphêsô, những người đã chờ đợi các Nghị Phụ bên ngoài phòng họp Công Đồng và đi cùng các ngài đến những nơi cư ngụ của họ với đèn đuốc và thánh ca. Một loan báo như vậy gây ra một sự bùng nổ lòng tôn kính dành cho Mẹ Thiên Chúa chưa bao giờ suy giảm, cả ở Tây phương lẫn Đông phương, được thể hiện trong các lễ nghi phụng vụ, các tượng ảnh, thánh ca, và trong rất nhiều các nhà thờ dành riêng để tôn kính Đức Mẹ, bao gồm “Santa Maria Maggiore” – “Đền Thờ Đức Bà Cả” - ở Rôma.

Vẫn còn một chiều sâu khác cần được khám phá trong tình mẫu tử thánh thiêng của Đức Maria bên cạnh hai chiều kích thể lý và siêu hình. Trong các cuộc tranh luận về Kitô học, danh hiệu Theotokos được chú trọng nhiều hơn đến bản tính loài người của Chúa Kitô hơn là của Đức Maria, ngay cả khi đó là một danh hiệu của Đức Mẹ. Những hệ quả logic liên quan đến con người của Đức Maria và đặc biệt là sự thánh thiện cá nhân của Mẹ vẫn còn phải được rút ra. Theotokos có nguy cơ trở thành một điều gây xung đột giữa các khuynh hướng thần học đối nghịch thay vì là một biểu hiện của đức tin và lòng sùng kính của Giáo Hội đối với Đức Maria.

Các tác giả Latinh và đặc biệt là Thánh Augustinô đã có những đóng góp lớn về điều này. Tình mẫu tử của Đức Maria được coi là một tình mẫu tử trong đức tin, đó cũng là một tình mẫu tử thiêng liêng. Đó là một thiên sử thi về đức tin của Đức Maria. Bàn về câu hỏi của Chúa Giêsu “Ai là mẹ tôi?” Câu trả lời của Thánh Augustinô đã gán cho Đức Maria mức độ cao nhất trong tình mẫu tử thiêng liêng xuất phát từ việc làm theo thánh ý Chúa Cha:

“Lẽ nào Đức Trinh Nữ Maria lại không làm thánh ý Chúa Cha, khi Mẹ là người đã tin trong đức tin của mình, và trong đức tin đã thụ thai, là người đã được lựa chọn để hạ sinh Đấng cứu rỗi loài người, và là người đã được tạo ra bởi Chúa Kitô trước khi Chúa Kitô được tạo ra bởi Mẹ? Chắc chắn, Đức Maria đã làm theo thánh ý Chúa Cha và do đó, đối với Đức Maria trở thành môn đệ của Chúa Kitô là điều còn cao trọng hơn là trở thành Mẹ của Chúa Kitô.”[2]

Tình mẫu tử về thể lý và siêu nhiên của Đức Maria giờ đây đã lên ngôi nhờ sự thừa nhận một tình mẫu tử thiêng liêng, hay một tình mẫu tử trong đức tin, khiến Đức Maria trở thành đứa con đầu tiên và thánh thiêng nhất của Thiên Chúa, là môn đệ đầu tiên và ngoan ngoãn nhất của Chúa Kitô, là tạo vật, mà Thánh Augustinô nói tiếp rằng “vì danh dự dành cho Chúa không hề mắc tội lỗi nào”[3]. Từ một quan điểm khách quan, tình mẫu tử về thể lý hay “thực sự” của Đức Maria, vì mối quan hệ ngoại thường và độc đáo nó tạo ra giữa Mẹ và Chúa Giêsu, và giữa Mẹ và cả Ba Ngôi, đã và sẽ tiếp tục là vinh dự lớn nhất và là một đặc ân không có gì sánh bằng, nhưng điều này chính là vì nó tìm thấy một đối tác chủ quan trong đức tin khiêm nhường của Đức Maria. Đối với bà Êvà, chắc chắn là một đặc ân độc đáo, khi được là “mẹ của tất cả các loài thọ sinh” nhưng vì thiếu đức tin, điều đó chẳng có ích gì với bà, và thay vì được chúc phúc, bà đã trở nên bất hạnh.

Đức Maria là người duy nhất trong thế giới loài người có thể nói với Chúa Giêsu những gì Chúa Cha trên trời nói với Ngài: “Con là con của Cha, ngày hôm nay Cha đã sinh ra con.” (x Tv 2: 7; Dt 1: 5). Thánh Inhaxiô thành Antiôkia, trong tất cả sự đơn sơ và hầu như không nhận thức được chân giá trị to lớn ông đã đưa ra cho loài người, nói rằng Chúa Giêsu là “của Thiên Chúa và của Mẹ Maria.”[4] Nó giống như nói rằng một người là con của một người đàn ông và một người phụ nữ cụ thể. Dante Alighieri cố gắng bao gồm các nghịch lý kép (trinh nữ và mẹ; mẹ và con gái) trong một câu: “Lạy Mẹ Ðồng Trinh, là con gái của Con Mẹ!”[5]

Tước hiệu “Mẹ Thiên Chúa” tự nó là đủ để thiết lập sự vĩ đại của Đức Maria và để biện minh cho danh dự dành cho Mẹ. Người Công Giáo đôi khi bị khiển trách vì đã phóng đại danh dự và tầm quan trọng mà họ dành cho Đức Maria, và, chúng ta phải thừa nhận rằng những lời trách móc như thế đôi khi có thể biện minh được, ít nhất là đối với cách Mẹ được tôn vinh. Nhưng chúng ta không bao giờ nghĩ về những gì Thiên Chúa đã làm. Khi biến Mẹ thành Mẹ Thiên Chúa, Chúa Cha đã tôn vinh Mẹ đến nỗi không ai có thể tôn vinh Mẹ hơn, ngay cả khi người ấy có nhiều lưỡi như những ngọn cỏ, theo cách nói của Luther.[6]

Đối với tất cả các Kitô hữu, cho đến nay tước hiệu “Mẹ Thiên Chúa” vẫn là điểm gặp gỡ hay cơ sở chung để từ đó bắt đầu tìm ra một sự đồng thuận về vị thế của Đức Maria trong đức tin. Đó là danh hiệu đại kết duy nhất theo nghĩa là nó được công nhận bởi tất cả các Giáo Hội. Luther đã viết: “Tín điều khẳng định Đức Maria là Mẹ Thiên Chúa đã có hiệu lực trong Giáo Hội ngay từ đầu và Công Đồng Êphêsô không định nghĩa điều này như một điều mới mẻ vì đó là một niềm tin đã được khẳng định trong Phúc Âm và Thánh Truyền. Những lời này (Lc 1:32; Gal 4: 4) khẳng định mạnh mẽ rằng Đức Maria là Mẹ Thiên Chúa.”[7] Zwingli đã viết: “Theo tôi, Đức Maria thật sự đáng được gọi là Genitrix của Thiên Chúa, Theotokos,” và ở một chỗ khác Zwingli cũng gọi Đức Maria là “Theotokos của Thiên Chúa, được lựa chọn ngay cả trước khi Mẹ có đức tin.”[8] Calvin, đến lượt mình, đã viết, “Kinh Thánh bảo cho chúng ta một cách rõ ràng rằng Đấng được sinh ra bởi Đức Trinh Nữ Maria sẽ được gọi là Con Thiên Chúa (Lc 1:32) và Đức Trinh Nữ ấy cũng là Mẹ của Chúa chúng ta.”[9]

Tước hiệu “Mẹ Thiên Chúa”, Theotokos, do đó, là tước hiệu chúng ta phải luôn luôn quay trở lại, và như các tín hữu Chính Thống vẫn làm, chúng ta phải phân biệt tước hiệu này với vô số những danh xưng và tước hiệu khác được gán cho Đức Maria. Nếu điều đó được tất cả các Giáo Hội thực hiện nghiêm túc và tận dụng tối đa, bên cạnh việc thừa nhận về mặt lý thuyết, nó sẽ đủ để tạo ra một sự hiệp nhất cơ bản xung quanh Đức Maria, Đấng thay vì là nguyên nhân chia rẽ giữa các Kitô hữu sẽ trở thành một trong những yếu tố quan trọng nhất của sự hiệp nhất Kitô giáo, một sự phù trợ từ mẫu “để quy tụ con cái Thiên Chúa đang tản mác khắp nơi về một mối” (Ga 11:52).

1. Denzinger-Schoenmetzer, En­chiridion Symbolorum, Số. 252.
2.Thánh Augustinô, Các bài giảng, 72 A (Denis 25), 7 {Miscellanea Agostiniana I, tr. 162).
3. Thánh Augustinô, Về Thiên Nhiên và Ân Sủng, 36, 42 (CSEL 60, trang 263).
4. Thánh Ignatiô thành Antiôkia, Thư gửi Êphêsô, 7, 2.
5. Dante Alighieri, Paradiso XXXIII, 1.
6. Luther, Bài ca Magnificat (ed. Weimar 7, trang 572 f.).
7. Luther, Về các Công Đồng và Giáo Hội (ed. Weimar 50, trang 591 f.).
8. H. Zwingli, Trình bày đức tin Kitô giáo, Zwingli, Hauptschriften der Theologie III, Zurich, 1948, tr. 319; Trình thuật Đức tin (Fidei ratio), 6.
9.Calvin, Các định chế Kitô giáo, II, 14, 4 (London, SCM Press, 1961, I, trang 486 f.).


Source:Raniero Cantalamessa
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Gia Đình Phạt Tạ Thánh TâmTrung Mỹ Tây Thăm Qúy Cha Hưu Dưỡng Chí Hòa
Jos. Hoàng Mạnh Hùng
09:51 20/12/2019
Trong tâm tình tri ân và ghi nhớ công ơn các mục tử đã hy sinh, phục vụ Giáo hội và tha nhân. Vào lúc 8g30 thứ Sáu 19.12.2019, Gia đình Phạt tạ Thánh Tâm Chúa Giêsu (GĐPTTT CG) Xứ đoàn Trung Mỹ Tây đã đến thăm các linh mục đang nghỉ hưu tại nhà hưu dưỡng Chí Hòa thuộc Tổng Giáo Phận Sài Gòn, số 149 Bành văn Trân, Phường 7, Tân Bình, TP.HCM.

Xem Hình

Được sự hướng dẫn của nữ tu phụ trách, đoàn đã đến từng phòng thăm hỏi, tặng quà quý cha. Tại thời điểm này, nhà hưu dưỡng Chí Hòa có 17 linh mục hưu dưỡng sau một thời gian dài dâng hiến phục vụ Giáo hội, phục vụ tha nhân, 3 nữ tu phục vụ và 1 bảo vệ. Có những vị tuổi cao sức yếu cần được nghỉ ngơi, an dưỡng cho quãng đời còn lại, nhưng cũng có vị chưa đến tuổi nghỉ hưu nhưng vì bệnh tật cũng phải gác lại các công việc mục vụ để về đây dưỡng bệnh.

Đa số quý cha vẫn còn minh mẫn, nhanh nhẹn và hoạt bát chỉ trừ một cha đã 94 tuổi phải nằm liệt giường. Có cha vẫn còn đi giảng phòng và khi chúng tôi đến có một số giáo dân đang chờ đợi được quý cha ban Bí tích Hòa giải. Trò chuyện với chúng tôi, quý cha rất vui vẻ luôn nở những nụ cười giúp các ngài quên đi những u buồn và bệnh tật.

Đoàn cũng không quên gởi lời thăm hỏi và tặng quà cho quý nữ tu phục vụ và tạm biệt ra về vào lúc 10g cùng ngày.
 
Đức Tổng Giám Mục Nguyễn Chí Linh tiếp phái đoàn chính quyền Thừa Thiên Huế dịp lễ Giáng Sinh
Minh Phương
10:04 20/12/2019
“Vinh danh Thiên Chúa Trên Trời

Bình an dưới thế cho người thiện tâm”

Đức Giêsu con Thiên Chúa xuống thế làm người để mang lại bình an cho trần thế, nhưng như lời MC Nguyễn Ngọc Ngạn nói: nhiều người hỏi rằng chúng ta đã được bình an chưa? Xin thưa rằng: Chúng ta phải hỏi xem chúng ta đã thật sự có thiện tâm chưa? Nếu chúng ta chưa có thiện tâm thì đừng bao giờ thắc mắc tại sao chúng ta chưa được bình an.

Xem Hình

Trưa ngày 20/12/2019, tại Tòa Tổng Giám mục Huế, Đức Tổng Giám Mục Giuse Nguyễn Chí Linh, Chủ tịch HĐGM Việt Nam, Tổng Giám mục Tổng Giáo phận Huế đã tổ chức chiêu đãi long trọng chính quyền quyền các cấp hai tỉnh Thừa Thiên Huế và Quảng Trị. Đó cũng chính là điều mà ngài muốn mọi người gần gũi nhau hơn, có thiện tâm với nhau hơn để mang lại bình an thật sự cho nhau và cho tất cả mọi người.

Từ trước đến nay, hầu như tỉnh nào cũng vậy, mỗi lần lễ Giáng sinh đến, lãnh đạo chính quyền các cấp đều đi thăm và chúc mừng Giáng sinh các Tòa Giám mục và các Giáo xứ. Rất nhiều đoàn liên tục đến thăm thật hoành tráng, tuy nhiên cũng có một số phiền toái cho các ngài, vì phải liên tục tiếp khách, mà thời gian này lại là thời gian hết sức bận rộn.

Từ khi Đức Tổng Giám Mục Giuse Nguyễn Chí Linh nhậm chức Tổng Giám mục Huế, Ngài tổ chức chiêu đãi một cách trọng thị chính quyền các cấp của hai tỉnh Quảng Trị và Thừa Thiên Huế. Trong buổi chiêu đãi, mỗi tỉnh chỉ cử lãnh đạo nhất phát biểu chúc mừng và tặng hoa.

Thay mặt lãnh đạo và các cơ quan ban nghành tỉnh Thừa Thiên Huế, ông Phan Ngọc Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh lên phát biểu chúc mừng Giáng sinh Đức Tổng Giám Mục và toàn thể bà con giáo dân. Ông Lê Trường Lưu, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư tỉnh ủy cùng với ông Phan Ngọc Thọ tặng hoa và chúc mừng ngày đại lễ Giáng sinh.

Ông Nguyễn Đăng Quang, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Quảng Trị và ông Nguyễn Đức Chính, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị phát biểu chúc mừng và tặng hoa Đức Tổng Giám Mục và giáo dân.

Đại diện Quân khu 4 và Tỉnh đội Thừa Thiên Huế cũng lên tặng hoa để xin cáo lỗi không tham dự tiệc chiêu đãi.

Đức Tổng Giám Mục Giuse Nguyễn Chí Linh thay mặt toàn thể Cộng đoàn dân Chúa nói lời cảm ơn trân trọng: Quý vị lãnh đạo hai tỉnh Thừa Thiên Huế và Quảng Trị, quý vị đại diện Tôn giáo bạn và thân hào nhân sĩ trí thức đã đến tham dự và chia sẻ niềm vui Giáng sinh với đồng bào Công Giáo.

Đức nguyên Tổng Giám mục F.X. Lê Văn Hồng mặc dù đã mãn nhiệm nhưng ngài vẫn luôn đồng hành với đoàn chiên trong tất cả mọi sự kiện lớn của Tổng Giáo phận Huế.

Ngài nói tiếp: Trong Kinh thánh có nhắc đến giấc mơ đoàn kết các Dân tộc, mọi màu da sắc tộc. Đó chính là giấc mơ một Đại gia đình nhân loại không ranh giới, một xã hội không phân biệt thành phần, lý lịch hay quá khứ, chung sống hòa bình, liên đới và đoàn kết. Đó cũng là giấc mơ của tất cả mọi người chúng ta. Bên cạnh nhau liên hoan mừng giáng sinh, chúng ta tạo nên hình ảnh tuyệt vời của một Thừa Thiên Huế và một Quảng Trị thân thiện, tình cảm và hài hòa. Lịch sử có đã làm chúng ta ngộ nhận, hiểu lầm, nghi kỵ nhau. Noen là lễ của bình an, chúng ta ngồi lại với nhau để cùng hòa hợp, đồng thuận để mọi người cảm thấy hạnh phúc ở bên nhau, cho nhau và vì nhau. Ngài thay mặt Tổng Giáo phận Huế, và với tư cách Chủ tịch HĐGM Việt Nam, xin được gửi đến toàn thể quý vị một mùa Giáng sinh, một năm mới bình an.

Trong buổi chiêu đãi, các cháu thiếu nhi Trường Mầm non Hồng Ngọc thuộc Cộng đoàn Mến Thánh giá Phủ Cam, ca sĩ nhí Xuân Phương và một vài vị khách đã cùng giúp vui bằng những tiết mục xuất sắc và thấm đượm ngày vui.

Minh Phương
 
Gia đình Phạt tạ Thánh Tâm Trung Mỹ Tây thăm các Cha hưu dưỡng Chí Hòa
Jos. Hoàng Mạnh Hùng
10:18 20/12/2019
SAIGON - Trong tâm tình tri ân và ghi nhớ công ơn các mục tử đã hy sinh, phục vụ Giáo hội và tha nhân. Vào lúc 8g30 thứ Sáu 19.12.2019, Gia đình Phạt tạ Thánh Tâm Chúa Giêsu (GĐPTTT CG) Xứ đoàn Trung Mỹ Tây đã đến thăm các linh mục đang nghỉ hưu tại nhà hưu dưỡng Chí Hòa thuộc Tổng Giáo Phận Sài Gòn, số 149 Bành văn Trân, Phường 7, Tân Bình, TP.HCM.

Hình ảnh

Được sự hướng dẫn của nữ tu phụ trách, đoàn đã đến từng phòng thăm hỏi, tặng quà quý cha. Tại thời điểm này, nhà hưu dưỡng Chí Hòa có 17 linh mục hưu dưỡng sau một thời gian dài dâng hiến phục vụ Giáo hội, phục vụ tha nhân, 3 nữ tu phục vụ và 1 bảo vệ. Có những vị tuổi cao sức yếu cần được nghỉ ngơi, an dưỡng cho quãng đời còn lại, nhưng cũng có vị chưa đến tuổi nghỉ hưu nhưng vì bệnh tật cũng phải gác lại các công việc mục vụ để về đây dưỡng bệnh.

Đa số quý cha vẫn còn minh mẫn, nhanh nhẹn và hoạt bát chỉ trừ một cha đã 94 tuổi phải nằm liệt giường. Có cha vẫn còn đi giảng phòng và khi chúng tôi đến có một số giáo dân đang chờ đợi được quý cha ban Bí tích Hòa giải. Trò chuyện với chúng tôi, quý cha rất vui vẻ luôn nở những nụ cười giúp các ngài quên đi những u buồn và bệnh tật.

Đoàn cũng không quên gởi lời thăm hỏi và tặng quà cho quý nữ tu phục vụ và tạm biệt ra về vào lúc 10g cùng ngày.
 
Giáo phận Ban Mê Thuột: Thánh Lễ Đặt Viên Đá Xây Dựng Nhà Thờ Giáo Xứ Quỳnh Ngọc
Vũ Đình Bình
10:24 20/12/2019
Giáo xứ Quỳnh Ngọc hình thành từ ngày 23-03-1977. Khi ấy, có 40 gia đình Công Giáo thuộc Giáo xứ Quỳnh Lang, Giáo phận Thái Bình rời quê hương đi xây dựng vùng kinh tế mới và dừng chân tại nơi đây. Quỳnh Ngọc lúc bấy giờ là vùng rừng núi hoang vu, heo hút, đường đất đi lại khó khăn, kinh tế khó khăn, không có nhà thờ, bà con hằng trung kiên, quây quần bên nhau trong kinh nguyện sớm tối. Hạt giống Đức Tin cứ âm thầm lặng lẽ cho đến một ngày kia,…

Xem Hình

“Thầy sẽ không để anh em mồ côi” (Ga 14,18)

Dịp lễ Giáng sinh năm 1989, Cha cố Phaolô Võ Quốc Ngữ về cử hành Thánh lễ tại địa điểm Vườn Mít, nay là thôn Quỳnh Ngọc, xã Ea Na, huyện Krông Ana. Niềm hy vọng bừng sáng trong lòng các tín hữu nơi đây.

Những năm 1990, Tòa Giám Mục Ban Mê Thuột cử cha Giuse Nguyễn Tiến Sự đặc trách các vùng kinh tế mới, thường xuyên ra vào vùng đất này cử hành Thánh lễ và trao ban các Bí tích, ủi an, chăm sóc, vỗ về các tín hữu như đàn chiên bơ vơ, lạc lõng.

Ngày 22.01.1998, ngôi nhà nguyện Giáo điểm Quỳnh Ngọc được xây dựng hoàn thành, là điểm tựa vững vàng cho cộng đoàn dân Chúa nơi vùng đất kinh tế mới nghèo khó này.

Ngày 20.12.2007, Quỳnh Ngọc được Tòa Giám mục nâng lên hàng giáo xứ và bổ nhiệm Cha Giuse Trần Hữu Từ làm Linh mục quản xứ. Ngài là một mục tử nhân ái, nhiệt thành đã rảo khắp các cánh đồng truyền giáo loan báo Tin Mừng trong vùng Krông Ana rộng lớn: từ Buôn Trấp, đến mãi tận Dur Kmăl, Băng Ađrênh, Bình Hòa, Quảng Điền,…

Ngày 02/09/2013, Bề trên sai Cha Giuse Trần Hữu Từ đi nhận nhiệm sở mới, Cha Antôn Lê Anh Tuấn về kế nhiệm coi sóc Giáo xứ đã lên đến tổng số 1242 gia đình Công Giáo, 4877 tín hữu; Trong số đó có 645 gia đình, 2528 tín hữu thuộc Giáo họ Buôn Trấp.

Ngôi nhà nguyện cũ xây dựng ngày 22.1.1998, bây giờ đã xuống cấp trầm trọng và quá bé nhỏ với số tín hữu đông đảo hiện nay. Theo lời thỉnh nguyện, Đức Giám Mục và chính quyền các cấp đã chấp thuận cho phép xây dựng ngôi nhà thờ mới.

Ngày hôm nay 20.12.2019, ngày kỷ niệm 12 năm thành lập Giáo xứ, một ngày vui mừng trọng đại, ngày hồng phúc, cộng đoàn Giáo xứ Quỳnh Ngọc lại được hân hoan chào đón Đức Cha Vinh Sơn Nguyễn Văn Bản, Giám mục Giáo phận Ban Mê Thuột về dâng Thánh lễ tạ ơn và chủ sự nghi thức đặt viên đá xây dựng Nhà thờ Giáo xứ tước hiệu thánh Phêrô - Phaolô tông đồ.

Đồng tế với Đức Giám Mục, có Cha Quản hạt Mẫu Tâm; Cha Giám đốc TTMV; Quý Cha Quản xứ, Phó xứ Giáo xứ Quỳnh Ngọc; và Quý Cha trong Giáo phận Ban Mê Thuột,… Khoảng 3000 quan khách và các tín hữu gần xa đến tham dự. Đặc biệt, có sự hiện diện của Quý tu sĩ nam nữ, Quý vị đại diện chính quyền các cấp, Quý vị ân nhân, thân nhân đến từ các vùng miền,…

Mở đầu Thánh lễ, Đức Giám Mục kêu gọi cộng đoàn tạ ơn Thiên Chúa, xin Chúa chúc lành cho công trình này, để khi xây dựng Ngôi nhà thờ bằng gỗ đá chúng ta cũng biết hiệp nhất với nhau xây dựng từng tâm hồn mỗi người trong Giáo xứ. Xin cho ngôi thánh đường này là nơi quy tụ để học hỏi Lời Chúa, lãnh nhận các bí tích và chia sẻ tình yêu thương đối với nhau. Và cầu nguyện cho những người góp công góp sức xây dựng ngôi thánh đường này.

Sau đó, Đức Giám Mục chủ sự nghi thức làm phép khu đất, rẩy nước thánh trên khuôn viên xây dựng.

Phần phụng vụ Lời Chúa trong Thánh lễ đặt đá xây dựng Nhà thờ Quỳnh Ngọc hôm nay không đọc kinh Vinh danh, vì nằm trong những ngày chuẩn bị tâm hồn mừng Chúa Giáng Sinh, các Bài đọc được công bố theo ngày 20-12 (Mùa Vọng). Bài đọc I (Is 7, 10-14), trích sách Tiên tri Isaia, kể lại việc Chúa sai tiên tri Isaia đến gặp vua Achaz và nói rằng: Hãy xin Thiên Chúa một dấu lạ. Nhưng vua Achaz từ chối vì không tin vào Chúa. Bài Tin Mừng (Lc 1, 26-38) thuật lại biến cố Thiên thần truyền tin cho Đức Mẹ mang thai Đấng Cứu Thế. Dẫu cho, chưa hiểu nhiều về chương trình của Thiên Chúa nhưng Đức Maria đặt mình dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần, Mẹ đã đón nhận lời truyền tin và đã thưa xin vâng như lời thiên thần truyền.

Việc xây dựng ngôi thánh đường có thể kéo dài nhiều năm và có thể sẽ gặp những khó khăn, khi đó, rất dễ bị xuôi theo lập trường như vua Achaz – chạy theo những tính toán của con người mà quên mất Chúa đang hiện diện giữa chúng ta. Bởi thế, xây dựng ngôi thánh đường là dịp để chúng ta xây dựng tinh thần cho cả Giáo xứ, tinh thần trách nhiệm chung, chia sẻ công việc chung, tinh thần quảng đại và nhất là hiệp nhất với nhau. Chỉ có Chúa là Đấng quy tụ chúng ta. Chỉ có Chúa là Đấng mời gọi sự thiện chí, lòng quảng đại của mọi người.

Xin Chúa cho Giáo xứ Quỳnh Ngọc luôn luôn là một cộng đoàn hiệp nhất, yêu thương để mỗi người trong Giáo xứ sẽ là những viên đá được gắn kết với nhau bằng Tình yêu Thiên Chúa và được Thiên Chúa chúc lành. (Mời nghe Bài giảng)

Sau bài giảng, Đức Giám Mục đọc lời nguyện, chủ sự nghi thức đặt viên đá góc tường xây dựng Nhà thờ.

Trước khi kết lễ, vị đại diện Giáo xứ Quỳnh Ngọc dâng lời cảm tạ Thiên Chúa, tri ân Đức Giám Mục, quý Cha đồng tế, Quý tu sĩ nam nữ, Quý Cấp Chính quyền, Quý ân nhân, Quý khách và cộng đoàn đã hiệp dâng Thánh lễ tạ ơn, chia sẻ niềm vui với Giáo xứ trong ngày đặt viên đá xây dựng Nhà thờ Quỳnh Ngọc.

Sau lễ, mọi người cùng nhau chia sẻ bữa tiệc huynh đệ trong tâm tình yêu thương. Cầu mong sẽ có nhiều tấm lòng quảng đại nhiệt thành gửi đến chung tay giúp đỡ cộng đoàn Giáo xứ Quỳnh Ngọc. Hy vọng rằng, trong một thời gian ngắn nữa thôi, nơi đây, một ngôi thánh đường khang trang sẽ hoàn thành để những người tín hữu có chỗ họp nhau cầu nguyện, học hỏi Lời Chúa, lãnh nhận các bí tích, chia sẻ tình yêu thương cho nhau và góp phần mở mang nước Chúa.

Vũ Đình Bình
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Đức Bênêđíctô XVI, giáo hoàng hòa bình, tiếp theo
Vũ Văn An
00:27 20/12/2019
Thông điệp hòa bình năm 2007 của Đức Bênêđíctô XVI: Nhân vị, Tâm điểm của Hòa bình

Có thể nói chủ đề thông điệp hòa bình năm 2006 trên đây chính là chủ đề xây nền và bao quát cho các chủ đề các năm kế tiếp. Thực vậy, với thông điệp hòa bình năm 2007, Đức Bênêđíctô XVI nói tới nhân vị như là tâm điểm của hòa bình, vì muốn phát huy hòa bình, người ta phải tôn trọng con người, và nếu mốn xây dựng hòa bình, người ta phải đặt nền tảng cho một chủ nghĩa nhân bản toàn diện đúng nghĩa.

Theo Đức Bênêđíctô XVI, chính sự kiện được tạo ra theo hình ảnh Thiên Chúa đã tạo nên nhân phẩm cho mọi cá thể nhân bản. Họ không còn là một sự vật mà là một ai đó có khả năng tự nhận thức mình, tự chiếm hữu mình, tự do hiến thân và bước vào hiệp thông với người khác. Đồng thời, họ được mời gọi bước vào một giao ước với Đấng Tạo Dựng, khiến họ vượt trên các thụ tạo khác. Ngược lại, Thiên Chúa cũng trao cho họ nhiệm vụ yêu thương và đóng góp vào tiến bộ thế giới, canh tân thế giới ấy trong công lý và hòa bình.

Sau đây là nguyên văn Thông điệp:

1.Vào đầu năm mới, tôi muốn tỏ bầy các lời cầu chúc tốt đẹp trong cầu nguyện cho hòa bình tới các Chính phủ, các nhà lãnh đạo các quốc gia và mọi người nam nữ có thiện chí. Một cách đặc biệt, tôi cầu khẩn hòa bình xuống trên tất cả những người đang kinh qua đau đớn và đau khổ, những người đang sống dưới sự đe dọa của bạo lực và xâm lược vũ trang, và những người đang chờ đợi sự giải phóng nhân bản và xã hội của họ, mà nhân phẩm của họ đang bị chà đạp. Tôi cầu khẩn bình an xuống trên các trẻ em, những người bằng sự hồn nhiên của chúng làm giàu cho nhân loại bằng lòng tốt và hy vọng, và bằng những đau khổ của chúng buộc tất cả chúng ta phải làm việc cho công lý và hòa bình. Vì lo lắng cho trẻ em, đặc biệt là những em có tương lai bị tổn hại bởi sự bóc lột và ác ý của những người lớn vô lương tâm, vào Ngày Hòa bình Thế giới này, tôi mong muốn khuyến khích mọi người suy ngẫm về chủ đề: Nhân vị, Tâm điểm của Hòa bình. Tôi tin rằng tôn trọng nhân vị sẽ thúc đẩy hòa bình và, trong khi xây dựng hòa bình, (ta cũng) xây dựng các nền tảng cho một chủ nghĩa nhân bản toàn diện. Nhờ cách này, một tương lai thanh thản sẽ được chuẩn bị cho các thế hệ sắp tới.



Nhân vị và hòa bình: hồng ân và trách vụ

2. Sách thánh quả quyết rằng “Thiên Chúa đã tạo ra con người theo hình ảnh của chính Người, theo họa ảnh của Thiên Chúa, Người đã tạo ra họ; nam và nữ Người đã tạo ra họ” (St 1:27). Như một người được tạo ra theo hình ảnh của Thiên Chúa, mỗi cá nhân con người có phẩm giá của một ngôi vị; họ không phải chỉ là một cái gì đó, mà là một người nào đó, có khả năng tự hiểu biết, tự sở hữu, tự hiến mình và bước vào hiệp thông với những người khác. Đồng thời, mỗi ngôi vị được kêu gọi, nhờ ân sủng, bước vào giao ước với Đấng Tạo Hóa, được kêu gọi dành cho Người một đáp ứng đức tin và tình yêu mà không một tạo vật nào khác có thể dành cho Người thay cho họ (1). Từ quan điểm siêu nhiên trên, người ta có thể hiểu nhiệm vụ trao phó cho các hữu thể nhân bản phải chín mùi trong khả năng yêu thương và đóng góp cho sự tiến bộ của thế giới, làm mới nó trong công lý và hòa bình. Trong một tổng hợp nổi bật, Thánh Augustinô dạy rằng “Thiên Chúa đã tạo ra chúng ta mà không cần sự trợ giúp của chúng ta; nhưng Người không chọn cứu chúng ta mà không có sự trợ giúp của chúng ta (2)”. Do đó, mọi hữu thể nhân bản có nhiệm vụ trau dồi ý thức về khía cạnh hai mặt hồng ân và trách vụ này.

3. Cũng thế, hòa bình vừa là hồng ân vừa là trách vụ. Nếu quả hòa bình giữa các cá nhân và dân tộc, tức khả năng sống với nhau và xây dựng các mối liên hệ công bằng và liên đới, đòi hỏi chúng ta phải cam kết không ngừng, thì điều cũng đúng, có khi còn đúng hơn thế, là hòa bình là một hồng ân Thiên Chúa ban. Hòa bình là một khía cạnh của hoạt động Thiên Chúa, được tỏ hiện cả trong việc tạo ra một vũ trụ có trật tự và hài hòa lẫn trong việc cứu chuộc nhân loại, một nhân loại vốn cần được giải cứu khỏi sự rối loạn của tội lỗi. Do đó, Sáng thế và Cứu chuộc cung cấp một chìa khóa giúp chúng ta bắt đầu hiểu được ý nghĩa của cuộc sống của chúng ta trên trái đất. Vị tiền nhiệm đáng kính của tôi, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, khi phát biểu tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc ngày 5 tháng 10 năm 1995, đã tuyên bố rằng “chúng ta không sống trong một thế giới phi lý hoặc vô nghĩa ... có một luận lý học đạo đức được thiết dựng vào cuộc sống con người và luận lý học này làm cho cuộc đối thoại giữa các cá nhân và các dân tộc trở thành khả hữu” (3). “Văn phạm” siêu việt, nghĩa là việc nói rằng bộ quy tắc điều hướng hành động cá nhân và các mối liên hệ hỗ tương của các ngôi vị phù hợp với công lý và liên đới, đã được khắc ghi vào lương tâm con người, trong đó kế hoạch khôn ngoan của Thiên Chúa được phản ảnh. Như gần đây tôi có dịp tái khẳng định: “chúng ta tin rằng vào lúc khởi đầu mọi sự đã có Lời, có Lý trí Vĩnh cửu chứ không phải Vô lý (4)". Vì vậy, Hòa bình cũng là một trách vụ đòi hỏi mọi người phải có đáp ứng bản thân phù hợp với kế hoạch của Thiên Chúa. Tiêu chuẩn gây cảm hứng cho đáp ứng này chỉ có thể là việc tôn trọng đối với nền “văn phạm” vốn đã được viết vào trái tim con người bởi Đấng Tạo Hóa thần thiêng.

Từ quan điểm trên, các quy tắc của luật tự nhiên không nên bị coi như các nghị định áp đặt từ bên ngoài, như các hạn chế đối với tự do của con người. Đúng hơn, chúng nên được hoan nghênh như lời kêu gọi để thực thi cách trung thành kế hoạch thần thiêng phổ quát vốn được khắc ghi vào bản chất của các hữu thể nhân bản. Được hướng dẫn bởi những chuẩn mực này, mọi dân tộc, bên trong các nền văn hóa tương ứng của họ, có thể tới gần mầu nhiệm cao cả nhất, tức mầu nhiệm Thiên Chúa. Ngày nay cũng vậy, việc công nhận và tôn trọng luật tự nhiên tượng trưng nền tảng cho một cuộc đối thoại giữa những người theo các tôn giáo khác nhau và giữa những người tin và không tin. Như một điểm hội tụ tuyệt vời, đây cũng là một giả định căn bản cho nền hòa bình đích thực.

Quyền sống và quyền tự do tôn giáo

4. Bổn phận tôn trọng phẩm giá của mỗi hữu thể nhân bản, mà bản chất vốn phản ảnh hình ảnh của Đấng Tạo Hóa, do đó, có nghĩa là ngôi vị đó không thể bị loại bỏ mặc tình. Những người có quyền lực chính trị, kỹ thuật hoặc kinh tế lớn hơn không thể sử dụng quyền lực đó để vi phạm các quyền của những người kém may mắn hơn. Hòa bình dựa trên sự tôn trọng quyền của mọi người. Ý thức được điều này, Giáo hội tranh đấu cho các quyền căn bản của mỗi ngôi vị. Đặc biệt, Giáo Hội cổ vũ và bảo vệ việc tôn trọng quyền mọi người có tự do sống và tự do tôn giáo. Tôn trọng quyền sống ở mọi giai đoạn thiết lập một cách vững chắc nguyên tắc có tầm quan trọng quyết định này: sự sống là một hồng ân không hoàn toàn tùy ý muốn sử dụng của chủ thể. Cũng thế, việc khẳng định quyền tự do tôn giáo đặt hữu thể nhân bản vào mối tương quan với nguyên lý siêu việt vốn kéo họ ra khỏi tính thất thường nhân bản. Quyền sống và quyền tự do phát biểu đức tin bản vị vào Thiên Chúa không tùy thuộc quyền bính con người. Hòa bình đòi phải thiết lập ra ranh giới rõ ràng giữa những gì thuộc về việc sử dụng của con người và những gì không thuộc việc sử dụng ấy: nhờ cách này, những sự xâm nhập không thể chấp nhận được vào gia tài các giá trị nhân bản chuyên biệt có thể tránh được.

5. Về những gì liên quan đến quyền sống, chúng ta phải tố cáo việc vi phạm phổ biến đối với nó trong xã hội của chúng ta: bên cạnh các nạn nhân của các cuộc xung đột vũ trang, khủng bố và các hình thức bạo lực khác nhau, có những cái chết thầm lặng do nghèo đói, phá thai, thử nghiệm phôi người và trợ tử gây ra. Làm thế nào chúng ta có thể không thấy trong tất cả những điều này một cuộc tấn công vào hòa bình? Phá thai và thử nghiệm phôi thai tạo thành việc bác bỏ trực tiếp thái độ chấp nhận người khác, vốn là điều không thể miễn chấp trong việc thiết lập các mối tương quan hòa bình bền vững. Về việc tự do phát biểu đức tin bản vị, một triệu chứng đáng lo ngại khác về việc thiếu hòa bình trên thế giới được tìm thấy nơi các khó khăn mà cả các Kitô hữu lẫn tín đồ của các tôn giáo khác thường gặp phải khi công khai và tự do tuyên xưng các xác tín tôn giáo của họ. Nói riêng về các Kitô hữu, tôi phải đau lòng nhấn mạnh rằng không những đôi khi họ bị ngăn cản làm như vậy; ở một số quốc gia, họ còn thực sự bị bách hại, và thậm chí gần đây, các trường hợp bi thảm đầy bạo lực tàn khốc đã được ghi chép. Có những chế độ áp đặt một tôn giáo duy nhất lên mọi người, trong khi các chế độ thế tục thường không dẫn đến sự bách hại bạo lực cho bằng sự bôi lọ có hệ thống các niềm tin tôn giáo về phương diện văn hóa. Ở cả hai trường hợp, một nhân quyền căn bản đã không được tôn trọng, với những hệ luận nghiêm trọng đối với việc chung sống hòa bình. Điều này chỉ có thể cổ vũ một não trạng và một nền văn hóa không có lợi cho hòa bình.

Quyền bình đẳng tự nhiên của mọi người

6. Tận gốc gác của nhiều căng thẳng đang đe dọa hòa bình chắc chắn có nhiều bất bình đẳng bất công vẫn còn tồn tại một cách bi thảm trong thế giới của chúng ta. Một đàng, đặc biệt xảo quyệt trong số này là sự bất bình đẳng trong việc có được các hàng hóa thiết yếu như thực phẩm, nước uống, nơi ở, sức khỏe; đàng khác, có những bất bình đẳng dai dẳng giữa nam và nữ trong việc thực thi các nhân quyền căn bản.

Một yếu tố căn bản của việc xây dựng hòa bình là việc công nhận sự bình đẳng thiết yếu của các nhân vị phát sinh từ phẩm giá siêu việt chung của họ. Sự bình đẳng ở bình diện này là một điều tốt thuộc về mọi người, được ghi khắc trong “văn phạm” tự nhiên đó, vốn có thể được diễn dịch từ kế hoạch sáng tạo thần thiêng; đây là một điều tốt không thể bị làm ngơ hoặc khinh miệt mà không gây ra các hệ quả nghiêm trọng gây nguy hiểm cho hòa bình. Sự túng thiếu cực kỳ nghiêm trọng đang ảnh hưởng đến nhiều dân tộc, đặc biệt là ở châu Phi, nằm ở gốc rễ của các phản ứng bạo lực và do đó gây ra một vết thương khủng khiếp cho hòa bình.

7. Tương tự như thế, sự cân nhắc không thỏa đáng đối với thân phận phụ nữ giúp tạo ra sự bất ổn trong kết cấu xã hội. Tôi nghĩ về việc bóc lột những người phụ nữ bị coi như đồ vật, và về nhiều cách thiếu tôn trọng biểu lộ đối với phẩm giá của họ; ở một bối cảnh khác, tôi cũng nghĩ đến tâm thức dai dẳng trong một số nền văn hóa, trong đó, phụ nữ vẫn còn lệ thuộc chặt chẽ vào các quyết định độc đoán của đàn ông, với những hậu quả nghiêm trọng đối với phẩm giá bản thân của họ và việc thực thi các quyền tự do căn bản của họ. Không thể có ảo tưởng nào về một nền hòa bình an ổn cho đến khi các hình thức kỳ thị này cũng phải được khắc phục, vì chúng làm tổn thương phẩm giá bản vị mà Đấng Tạo Hóa đã in sâu vào mọi hữu thể nhân bản (5).

“Hệ sinh thái hòa bình”

8. Trong Thông điệp Centesimus Annus, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II viết: “không những Thiên Chúa ban trái đất cho con người, kẻ phải sử dụng nó một cách tôn trọng nhằm mục đích tốt đẹp ban đầu mà nó đã được trao cho họ, mà chính con người cũng là hồng ân của Thiên Chúa ban cho con người. Do đó, họ phải tôn trọng cơ cấu tự nhiên và nền luân lý họ đã được phú ban” (6)”. Nhờ việc đáp trả trách vụ này, từng được Đấng Tạo Hóa trao phó cho họ, con người nam nữ có thể tham gia vào việc đem lại một thế giới hòa bình. Bên cạnh hệ sinh thái tự nhiên, còn có điều ta có thể gọi là hệ sinh thái “nhân bản”, một hệ sinh thái, đến lượt nó, đòi phải có một hệ sinh thái “xã hội”. Tất cả những điều này có nghĩa nhân loại, nếu họ thực sự mong muốn hòa bình, phải ngày càng ý thức được các mối liên kết giữa sinh thái tự nhiên, hoặc việc tôn trọng thiên nhiên và sinh thái nhân bản. Kinh nghiệm cho thấy, coi thường môi trường luôn gây hại cho sự chung sống của con người và ngược lại. Mỗi ngày người ta càng thấy rõ ràng có một mối liên kết không thể tách biệt giữa nền hòa bình với sáng thế và nền hòa bình giữa mọi con người. Cả hai điều này giả định nền hòa bình với Thiên Chúa. Bài thơ và là lời cầu nguyện của Thánh Phanxicô, được biết dưới tên “Ca khúc Anh Mặt Trời”, là một thí dụ tuyệt vời và đúng lúc về hệ sinh thái hòa bình nhiều phương diện này.



9. Mối liên kết chặt chẽ giữa hai hệ sinh thái này có thể được hiểu nhờ vấn đề ngày càng nghiêm trọng về các nguồn cung cấp năng lượng. Trong những năm gần đây, các quốc gia mới đã nhiệt tình tham gia vào việc sản xuất công nghiệp, do đó làm tăng nhu cầu năng lượng của họ. Điều này đã dẫn đến một cuộc chạy đua chưa từng có để có được các nguyên lực sẵn có. Trong khi đó, một số nơi trên hành tinh vẫn lạc hậu và việc phát triển trên thực tế bị ngăn chặn một cách hữu hiệu, một phần do giá năng lượng gia tăng. Điều gì sẽ xảy ra với những dân tộc đó? Những loại phát triển hoặc không phát triển nào sẽ được áp đặt lên họ bởi sự khan hiếm các nguồn cung cấp năng lượng? Cuộc chạy đua chiếm các nguồn năng lực sẽ khích động những bất công và xung đột nào? Và đâu là phản ứng của những người bị loại khỏi cuộc chạy đua này? Đây là những vấn đề cho thấy việc tôn trọng thiên nhiên có liên quan chặt chẽ với nhu cầu phải thiết lập, giữa các cá nhân và giữa các quốc gia, các mối liên hệ biết lưu ý đến phẩm giá của con người và có khả năng đáp ứng nhu cầu đích thực của họ. Sự hủy hoại môi trường, việc sử dụng nó không đúng đắn hoặc ích kỷ và việc tích trữ tài nguyên của trái đất một cách bạo động đang gây ra sự bất bình, xung đột và chiến tranh, chính xác vì chúng là các hậu quả của một khái niệm phát triển vô nhân đạo. Thật vậy, nếu sự phát triển bị giới hạn vào khía cạnh kinh tế kỹ thuật, che khuất chiều kích đạo đức - tôn giáo, thì đó không phải là việc phát triển toàn diện của con người, nhưng là sự bóp méo một chiều mà kết cục là làm cho các năng lực hủy diệt của con người xổ lồng.

Các viễn kiến giản lược về con người

10. Như thế, có một nhu cầu cấp thiết, ngay cả trong khuôn khổ các khó khăn và căng thẳng quốc tế hiện nay, phải có một cam kết đối với một hệ sinh thái nhân bản có thể hỗ trợ việc phát triển của “cây hòa bình”. Để điều này xảy ra, chúng ta phải được hướng dẫn bằng một viễn kiến về con người không bị hoen ố bởi những định kiến ý thức hệ và văn hóa hoặc bởi những lợi ích chính trị và kinh tế có thể kích thích hận thù và bạo lực. Điều dễ hiểu là các viễn kiến về con người sẽ thay đổi từ nền văn hóa này sang nền văn hóa nọ. Tuy nhiên, điều không thể chấp nhận là việc nuôi dưỡng các khái niệm nhân học có chứa hạt giống thù địch và bạo lực. Cũng không thể chấp nhận được là các khái niệm về Thiên Chúa nhằm khuyến khích lòng bất khoan dung và đi tìm bạo lực chống đối người khác. Đây là một điểm phải được tái khẳng định một cách rõ ràng: chiến tranh nhân danh Thiên Chúa không bao giờ được chấp nhận! Khi một khái niệm nào đó về Thiên Chúa làm nguồn gốc cho các hành vi tội phạm, thí đó là dấu hiệu cho thấy khái niệm đó đã trở thành một ý thức hệ.

11. Tuy nhiên, ngày nay, hòa bình không chỉ bị đe dọa bởi sự xung đột giữa các viễn kiến giản lược về con người, nói cách khác, giữa các ý thức hệ. Nó cũng bị đe dọa bởi sự thờ ơ đối với những gì cấu thành bản chất thực sự của con người. Nhiều người đương thời của chúng ta thực sự phủ nhận sự hiện hữu của một bản chất con người chuyên biệt và do đó mở cửa cho những diễn giải ngông cuồng nhất về những gì chủ yếu cấu thành nên một hữu thể nhân bản. Ở đây cũng thế, sự rõ ràng là điều cần thiết: một viễn kiến “yếu” về con người, một viễn kiến sẽ dành chỗ cho mọi thứ quan niệm, kể cả những quan niệm kỳ quái nhất, chỉ ủng hộ hòa bình ở ngoài mặt. Trong thực tế, nó cản trở cuộc đối thoại chân chính và mở đường cho những sự áp đặt độc đoán, cuối cùng khiến con người hết đường tự vệ và kết quả, trở thành con mồi dễ dàng để bị áp bức và bạo lực.

Các nhân quyền và các tổ chức quốc tế

12. Một nền hòa bình thực sự và ổn định giả định sự tôn trọng các nhân quyền. Tuy nhiên, nếu những quyền này dựa trên một khái niệm yếu về con người, làm thế nào chúng vẫn không tự làm cho mình yếu đi? Ở đây chúng ta có thể thấy sự thiếu sót sâu xa như thế nào của một khái niệm duy tương đối về con người khi nó đụng tới việc biện minh và bảo vệ các quyền của họ. Khó khăn trong trường hợp này khá rõ ràng: các quyền được đề xuất như tuyệt đối, tuy nhiên nền tảng trên đó chúng được giả thiết dựa vào chỉ là tương đối. Chúng ta có thể ngạc nhiên hay không, khi đối diện với những yêu cầu “bất tiện” được đặt ra bởi quyền này hay quyền nọ, một ai đó sẽ nghi vấn nó hoặc nhất định sẽ đặt nó sang một bên? Chỉ khi chúng được đặt nền tảng trong các yêu cầu khách quan của bản nhiên do Đấng Tạo Hóa ban tặng cho con người, thì các quyền được gán cho họ mới được khẳng định mà không sợ mâu thuẫn. Hơn nữa, không cần phải nói, các nhân quyền ngụ hàm các nghĩa vụ tương ứng. Về phương diện này, Mahatma Gandhi nói một cách khôn ngoan rằng: “Sông Hằng nhân quyền tuôn chẩy từ dãy Hi Mã Lạp Sơn nghĩa vụ”. Sự rõ ràng về các giả thiết căn bản này là điều cần thiết nếu các nhân quyền, ngày nay liên tục bị tấn công, phải được bảo vệ thỏa đáng. Không có sự rõ ràng như thế, biểu thức “nhân quyền” kết cuộc sẽ trở thành thuộc tính của các chủ thể khác nhau: trong một số trường hợp, là nhân vị được đánh dấu bởi phẩm giá và các quyền vĩnh viễn luôn có giá trị, ở mọi nơi và cho mọi người, nhưng trong các trường hợp khác, là một ngôi vị với một phẩm giá và các quyền bị liên tục thương lượng, liên quan đến nội dung, thời gian và địa điểm.

13. Việc bảo vệ các nhân quyền liên tục được các cơ quan quốc tế nhắc đến và đặc biệt là Tổ chức Liên Hiệp Quốc, nơi tự đặt cho mình nhiệm vụ căn bản là cổ vũ các nhân quyền được nêu ra trong Bản Tuyên ngôn Phổ Quát năm 1948. Tuyên ngôn đó được coi là một loại cam kết luân lý được toàn thể nhân loại đảm nhận. Có một sự thật sâu sắc về việc này, đặc biệt nếu các quyền được mô tả trong Tuyên ngôn được coi như không chỉ dựa trên các quyết định của hội đồng đã phê chuẩn chúng, mà dựa trên chính bản chất của con người và phẩm giá không thể chuyển nhượng của họ như một ngôi vị được Thiên Chúa tạo ra. Thành thử, điều quan trọng đối với các cơ quan quốc tế là không quên nền tảng tự nhiên của các nhân quyền. Điều này sẽ cho phép họ tránh được nguy cơ, mà không may đang hiện diện khắp nơi, sa vào việc giải thích đơn thuần có tính duy nghiệm về các quyền đó. Nếu điều này xảy ra, các cơ quan quốc tế kết cục sẽ thiếu thẩm quyền cần thiết để thi hành vai trò của họ như những người bảo vệ các quyền căn bản của con người và của các dân tộc, vốn là sự biện minh chính cho sự hiện hữu và hoạt động của họ.

Luật nhân đạo quốc tế và luật nội bộ của các quốc gia

14. Sự thừa nhận rằng có các nhân quyền bất khả nhượng nối kết với bản chất chung của con người chúng ta đã dẫn đến việc thành lập một bộ luật nhân đạo quốc tế được các quốc gia cam kết tôn trọng, ngay cả trong trường hợp chiến tranh. Không may, chưa nói đến các trường hợp trong quá khứ, điều này đã không được thực thi một cách nhất quán trong một số tình huống chiến tranh gần đây. Chẳng hạn, trường hợp tranh chấp xảy ra vài tháng trước đây ở miền nam Lebanon, nơi nhiệm vụ “bảo vệ và giúp đỡ các nạn nhân vô tội”, và tránh liên quan đến thường dân đã phần lớn bị làm ngơ. Tình hình đau lòng ở Lebanon và hình thức xung đột mới, nhất là từ khi mối đe dọa khủng bố đã xổ lồng nhiều hình thức bạo lực hoàn toàn mới, đòi hỏi cộng đồng quốc tế tái khẳng định luật nhân đạo quốc tế, và áp dụng nó vào mọi tình huống xung đột vũ trang ngày nay, kể cả những tình huống hiện không được quy định bởi luật pháp quốc tế. Hơn nữa, đại nạn khủng bố đòi một suy tư sâu sắc về các giới hạn đạo đức hạn chế việc sử dụng các phương pháp hiện đại để bảo đảm bảo an ninh nội bộ. Càng ngày, các cuộc chiến tranh không được tuyên bố, nhất là khi chúng được khởi xướng bởi các nhóm khủng bố quyết tâm đạt các mục đích của họ bằng bất cứ phương tiện nào có sẵn. Trước những biến cố đáng lo ngại trong những năm gần đây, các quốc gia không thể không nhận ra sự cần thiết phải thiết lập các quy tắc rõ ràng hơn để phản công một cách hữu hiệu sự xuống dốc nghiêm trọng mà chúng ta đang chứng kiến. Chiến tranh luôn đại diện cho một thất bại của cộng đồng quốc tế và một mất mát nghiêm trọng đối với nhân loại. Khi, bất chấp mọi nỗ lực, chiến tranh vẫn nổ ra, ít nhất là các nguyên tắc thiết yếu của nhân loại và các giá trị căn bản của mọi cuộc chung sống dân sự phải được bảo vệ; các quy tắc ứng xử phải được thiết lập nhằm hạn chế thiệt hại càng nhiều càng tốt và giúp giảm bớt sự đau khổ của thường dân và của mọi nạn nhân của các cuộc xung đột (7).

15. Một vấn đề đáng lo ngại khác là mong muốn gần đây được một số quốc gia biểu lộ muốn thủ đắc vũ khí hạch nhân. Điều này đã làm tăng thêm bầu khí bất trắc và sợ hãi phổ quát về một thảm họa nguyên tử có thể xảy ra. Chúng ta được kịp thời đưa trở lại thời kỳ đầy những lo lắng sâu xa của “chiến tranh lạnh”. Khi nó kết thúc, người ta hy vọng rằng nguy cơ nguyên tử đã dứt khoát được khắc phục và nhân loại cuối cùng đã có thể thở phào nhẹ nhõm lâu dài. Về phương diện này, lời cảnh báo của Công đồng Vatican thứ hai quả đúng lúc khi cho rằng “mọi hành động chiến tranh hướng đến việc hủy diệt bừa bãi toàn bộ các thành phố hoặc khu vực rộng lớn với các cư dân của chúng là một tội ác chống lại Thiên Chúa và nhân loại, đáng bị lên án một cách mạnh mẽ và tuyệt đối ( 8)”. Không may, những đám mây đe dọa cứ tiếp tục tập trung trên đường chân trời của nhân loại. Cách để đảm bảo một tương lai hòa bình cho mọi người được tìm thấy không những trong các hiệp định quốc tế về việc không phổ biến các vũ khí hạch nhân, mà còn trong cam kết kiên quyết tìm cách giảm thiểu và tháo dỡ chúng cách dứt khoát. Ước mong mọi nỗ lực được đưa ra để, qua đàm phán, đạt tới các mục tiêu này! Số phận của cả gia đình nhân loại đang bị đe dọa!

Giáo hội như người bảo vệ tính siêu việt của nhân vị

16. Cuối cùng, tôi muốn đưa ra một lời kêu gọi khẩn cấp đối với dân Chúa: mọi Kitô hữu hãy cam kiến tạo hòa bình không mệt mỏi và hăng hái bảo vệ phẩm giá nhân vị và các quyền bất khả nhượng của họ.

Với lòng biết ơn Chúa đã kêu gọi họ thuộc về Giáo hội của Người, vốn là “dấu hiệu và bảo đảm chiều kích siêu việt của nhân vị”, (9) trên thế giới, người Kitô hữu sẽ không ngừng cầu khẩn Thiên Chúa ban cho thiện ích hòa bình căn bản, vốn có tầm quan trọng hàng đầu trong cuộc sống của mỗi người. Hơn nữa, họ sẽ tự hào phục vụ chính nghĩa hòa bình với lòng tận tụy đại lượng, cung ứng sự giúp đỡ cho các anh chị em của mình, nhất là những người, ngoài việc chịu đựng nghèo nàn và thiếu thốn, còn bị tước mất thiện ích quý giá này. Chúa Giêsu đã tiết lộ với chúng ta rằng “Thiên Chúa là tình yêu” (1 Ga 4: 8) và ơn gọi cao qúy nhất của mỗi người là tình yêu. Trong Chúa Kitô, chúng ta có thể tìm thấy lý do tối hậu để trở thành những người tranh đấu trung thành cho nhân phẩm và can đảm xây dựng hòa bình.

17 Như thế, mọi tín hữu hãy luôn góp phần vào việc thăng tiến chủ nghĩa nhân bản toàn điện đích thực phù hợp với giáo huấn của các Thông điệp Populorum Progressio Sollicitudo Rei Socialis, mà các lễ kỷ niệm 40 năm và 20 năm chúng ta sẽ mừng vào năm nay. Với Nữ vương Hòa bình, Mẹ Chúa Giêsu Kitô, “Hòa bình của chúng ta” (Eph 2:14), tôi phó thác lời cầu nguyện khẩn cấp của tôi cho toàn thể nhân loại vào đầu năm 2007, năm mà chúng ta nhìn tới với một trái tim tràn đầy hy vọng, bất chấp các nguy hiểm và khó khăn đang bao vây chúng ta. Xin Đức Maria chỉ cho chúng ta thấy, nơi Con của ngài, Con đường hòa bình và soi sáng viễn kiến của chúng ta, để chúng ta có thể nhận ra khuôn mặt của Chúa Kitô trong khuôn mặt mỗi nhân vị, trái tim của hòa bình!

Tại Điện Vatican, ngày 8 tháng 12 năm 2006.
Bênêđíctô PP. XVI


Ghi chú

(1) Sách Giáo lý Của Giáo Hội Công Giáo, 357.
(2) Sermo 169, 11, 13: PL 38, 923.
(3) Số 3.
(4) Bài giảng tại Islinger Feld, Regensburg, ngày 12 tháng 9 năm 2006.
(5) Bộ Giáo lý Đức tin, Thư gửi các Giám mục của Giáo Hội Công Giáo về sự cộng tác của mọi người nam nữ trong Giáo hội và trong thế giới (31 tháng 5 năm 2004), 15-16.
(6) Số 38.
(7) Về phương diện này, Sách Giáo lý Của Giáo Hội Công Giáo ấn định các tiêu chuẩn nghiêm ngặt và chính xác: x. 2307-2317.
(8) Hiến chế mục vụ Gaudium et Spes, 80.
(9) Ibid., 76.
 
Nơi sinh ra của Chúa Giêsu.
Lm. Daminh Nguyễn ngọc Long
10:38 20/12/2019
Xưa nay khi thắc mắc đến nơi sinh ra của Chúa Giêsu, lịch sử có câu trả lời: ở Bethlehem bên nước Do Thái!

Tại sao có câu trả lời như thế ?

Thánh sử Mattheo viết thuật về lịch sử thời thơ ấu của Chúa Giêsu ( Mt 2,6) đã theo lời ngôn sứ Micha để qủa quyết Bethlehem là nơi sinh ra của Người:

„Phần ngươi, hỡi Bê-lem Ép-ra-tha,ngươi nhỏ bé nhất trong các thị tộc Giu-đa, từ nơi ngươi, Ta sẽ cho xuất hiện một vị có sứ mạng thống lãnh Ít-ra-en. Nguồn gốc của Người có từ thời trước, từ thuở xa xưa.“( Micha 5,1)

Thánh sử Luca viết tường thuật theo chi tiết lịch sử cùng đạo đức thần học cũng nói đến Bethlehem là nơi sinh ra của Chúa Giêsu:

“ Thời ấy, hoàng đế Au-gút-tô ra chiếu chỉ, truyền kiểm tra dân số trong khắp cả thiên hạ.2 Đây là cuộc kiểm tra đầu tiên, được thực hiện thời ông Qui-ri-ni-ô làm tổng trấn xứ Xy-ri.3 Ai nấy đều phải về nguyên quán mà khai tên tuổi.4 Bởi thế, ông Giu-se từ thành Nazareth, miền Galilê lên thành vua David tức là Bethlehem miền Giu-đê, vì ông thuộc gia đình dòng tộc vua Đa-vít.5 Ông lên đó khai tên cùng với người đã thành hôn với ông là bà Ma-ri-a, lúc ấy đang có thai.6 Khi hai người đang ở đó, thì bà Ma-ri-a đã tới ngày mãn nguyệt khai hoa.“ ( Lc 2,1-6).

Thánh sử Gioan tông đồ của Chúa Giêsu cũng viết trong phúc âm:

„ Nào kinh thánh đã chẳng nói Đức Kitô xuất thân từ dòng dõi vua David và từ Bethlehem làng của vua David sao?“ ( Ga 7,42).

Hài nhi Giesu mở mắt chào đời ở quê hương vua David làng Bethlehem , nhưng trong một hòan cảnh nghèo khó thương tâm:

„ Bà sinh con trai đầu lòng, lấy tã bọc con, rồi đặt nằm trong máng cỏ, vì hai ông bà không tìm được chỗ trong nhà trọ. ( Lc 2,7).

Vào thời Thánh Justin, tử đạo năm 165, và Thánh Origines tử đạo năm 245, có lưu truyền để lại nói đến Đức Mẹ sinh Chúa Giêsu trong một hang động ở vùng Bethlehem.

Thế kỷ thứ hai người Roma đã đến biến hang động nơi đó thành nơi thờ kính thần Tammuz Adonis để thay thế khai trừ sự thờ tự kính nhớ của người Kytô gíao. Điều này chứng minh nơi thờ tự này đã có từ xa xưa, và được nhìn nhận đánh gía cao về phía người Roma.

Ngày nay sang hành hương kính viếng Bethlehem, nơi Chúa giáng sinh, không còn thấy hang động. Nhưng thay vào đó là một đền thờ to lớn được xây bao phủ bên trên hang động nơi Chúa Giêsu đã sinh ra.

Ngay chỗ hài nhi Giêsu sinh ra bây giờ có hình ngôi sao 14 cánh chạm khắc bằng đá cẩm thạch trên nền nhà dưới tầng hầm. Ngôi sao 14 cánh muốn nhắc đến từ vua Davis tới thời lưu đầy ở Babylon có 14 đời, và từ thời lưu đầy Babylon đến Chúa Giêsu Kitô cũng có 14 đời, như gia phả của Chúa Giêsu theo thánh sử Mattheus viết lại ( Mt 1,1-17)

Năm 386 sau Chúa giáng sinh Thánh giáo phụ Hieronimus tới sống trong một hang động ở Bethlehem ngay bên cạnh hang động ngày xưa Chúa Giêsu sinh ra. Ở đó Thánh nhân đã dịch bản Kinh Thánh Vulgata từ tiếng Hylạp, Do Thái sang tiếng latinh. Thánh nhân trong thư số 46. chương 11 đã nói đến hang động Chúa Giêsu sinh ra:“ Nơi đây trong một phần đất nhỏ của trái đất, Đấng Tạo Hoá trời đất đã sinh ra - Ecce in hoc terrae formine caelorum conditor natus est.“.

Nơi sinh ra của Chúa Giêsu ở Bethlehem. Nhưng thành Bethlhem nào vì có hai thành Bethlehem ở nước Do Thái một ở phía bắc miền Galilea và một ở phía nam vùng Juda gần Jerusalem.

Bethlehem miền Galilea nằm cách Nazareth khoảng 15 cây số. Đang khi Bethlehem miền nam vùng Judea xa Nazareth khoảng 150 cây số.

Bethlehem ở miền bắc nước Do Thái vùng Galilea là một vùng dân cư nhỏ thưa thớt nằm ở giữa thành phố Haifa và Nazareth.

Bethlehem này là một vùng của dân cư Do Thái ngày xưa đã đến cư ngụ sinh sống, như sách Josua nói đến: „Ngoài ra, còn có Cát-tát, Na-ha-lan, Sim-rôn, Gít-a-la và Bê-lem: đó là mười hai thành và làng mạc của các thành ấy.16 Các thành ấy và làng mạc của các thành ấy là phần gia nghiệp của con cái Dơ-vu-lun, chia theo các thị tộc của họ.“ ( Josua 19,15-16).

Cũng có thể từ vùng Bethlehem của chi tộc Sebulon phía bắc Do Thái vị Thủ lãnh Ibzan đã xuất thân: „ Sau ông Gíp-tác, thì có ông Íp-xan, người Bê-lem, làm thủ lãnh Ít-ra-en.9 Ông có ba mươi người con trai và ba mươi người con gái. Ông gả các cô cho người ngoại bang, và hỏi ba mươi người vợ cho các con trai ông, cũng người ngoại bang. Ông làm thủ lãnh Ít-ra-en bảy năm.10 Rồi ông Íp-xan qua đời và được chôn cất tại Bê-lem.“ ( Sách Thủ lãnh 12,8-10).

Vì thế có một số nhà khảo cứu lịch sử đã đưa ra giả thuyết cho rằng Chúa Giêsu thành Nazareth sinh ra ở thành Bethlem vùng Galileo.

Nhưng giả thuyết này không có chứng cớ lịch sử cũng như trong kinh thánh. Nên không được công nhận là nơi sinh ra của Chúa Giêsu.

Theo tường thuật lịch sử cùng mang tính cách đạo đức thần học của thánh sử Mattheo về đời thơ ấu của Chúa GFiêsu, của Thánh sử Luca chi tiết hơn về sự sinh ra của Chúa Giêsu, nơi sinh ra của Chúa Giêsu là thành Bethlehem ở miền nam nước Do Thái vùng Judea .

Thành Bethlehem miền nam vùng Judea nằm cách thành lreusalem khoảng hơn kém 10 cây số. Bethlehem từ hơn 5000 năm trước Chúa giáng sinh đã có dân chúng đến cư ngụ sinh sống, và luôn luôn có những diễn biến thay đổi về chính trị kinh tế. Những người Cananien là những người từ 3000 năm trước Chúa giáng sinh đã đi cư đến đây sinh sống lập nghiệp. Những thế kỷ tíếp sau đó người Aicập đến chiếm cai trị Bethlehem, và dần dần người Philistin cũng di cư đến đây sinh sống và vào khoảng 1200 trước Chúa giáng sinh họ đã thủ lãnh vùng Bethlehem.

Bethlehem miền nam nước Do Thái được công nhận cho là nơi sinh ra của Chúa Giêsu. Kinh thánh cựu ước trong sách Sáng Thế nói đến ở Bethlehem Efratha có mộ của bà Rahel vợ của tổ phụ Giacóp ( St 35,19). Sách Rut cũng nói đến điạ danh Bethlehem Efratha ( Rut 1,1-2). Ngôn sứ Micha diễn tả chi ntiết dòng dõi vua David xuất thân từ Bethlehem Efratha ( Micha 5,1).

Các Thánh sử viết phúc âm Chúa Giêsu, Mattheus (2,1-17) và Luca (2,4-11) đã ghi thuật lại Bethlehem vùng miền Judea là nơi Chúa Giêsu sinh ra rất có thể trong một hang động, và từ thế kỷ 2. sau Chúa giáng sinh, nơi này đã trở thành địa điểm hành hương của người tín hữu Chúa Kitô. Ngày nay có ngôi đền thờ Chúa giáng sinh to lớn được xây dựng trên nơi đó.

Đền thờ Chúa giáng sinh ngày nay ở Bethlehem lả nơi hành hương và cũng là địa điểm lịch sử về danh lam thắng cảnh cho du khách đến thăm viếng chiêm ngắm khảo cứu.

Theo Kinh thánh Kitô giáo, Chúa Giêsu mở mắt chào đời ở Bethlehem trong một hang động dành cho thú vật ngoài cánh đồng. Từ năm 325 tới năm 330 sau Chúa giáng sinh ,dưới thời hoànng đế Constantino của đế quốc Roma, ngôi đền thờ Chúa giánng sinh được xây dựng ngay trên nơi Chúa sinh ra. Ngôi đền thờ này dài 27 mét với 5 cánh . Trong đền thờ có một lối mở ra đi vào hang Chúa sinh ra. Vào thế kỷ 5. sau Chúa giáng sinh, ngôi đền thờ này được tu sửa hoàn toàn mới lại. Nền nhà được lát gạch đá thay vì những bức tranh Mosaik và hang động Chúa sinh ra được nối liền bằng một cầu thang với nền nhà đền thờ ở phần trên, để người đến thăm viếng có thể đi xuống hang và ở đó cầu nguyện.

Ngôi đền thờ này vào thế kỷ 12. do Thập tự quân, và vào thế kỷ 17. do Giáo hội Chính thống Hylạp tu sửa lại cho mới khang trang. Đền thờ từ năm 1757 được chia làm ba cho Giáo hội chính thống Armenien, Chính thồng Hylạp và Giáo hội Công gíao cùng được sử dụng, mỗi Giáo hội có khu riêng của mình. Nơi bàn thờ chính của đền thờ dành Chính thống giáo Hylạp, những bàn thờ phụ dành cho Chính thống giáo Armenien, và bàn thờ kính Ba Vua cũng như bàn thờ nơi hang động Chúa sinh ra dành cho Giáo Hội Công Giáo.

Duy chỉ có một cửa chính vào đền thờ giáng sinh là một cổng nhò, còn được gọi là khiêm nhượng, có chiều cao 1,20 mét. Vì thế khách hành hương khi bước vào phải cúi mình mới đi qua cửa lọt vào được.

Đền thờ Chúa giáng sinh ở Bethlehem là một trong những ngôi đền thờ cổ xưa nhất của Kitô giáo và là địa điểm hành hương quan trọng nổi tiếng của người tín hữu Chúa Kitô. Hằng năm có hàng triệu người khắp nơi trên thế giới đến đây hành hương cầu nguyện.

Các Tu sĩ dòng Phanxico đã dấn thân đến đất thánh đi tìm kiếm và xây dựng bảo trì cùng cai quản những nơi di tích lịch sử thánh của Chúa Giêsu. Đền thờ Chúa giáng sinh ở Bethlehem do các Tu sĩ dòng Phanxico cùng với những Giáo hội khác chăm sóc gìn giữ. Họ cũng đã xây dựng một thánh đường rộng lớn cho người Công Giáo mang thánh hiệu Catharina ngay sát bên thông sang đền thờ Chúa giáng sinh. Nơi cửa ra vào thánh đường Thánh Catharina có dòng chữ bằng tiếng Anh“

„We are hoping that:
If you enter here as a tourist, you would exit as a pilgrim.
If you enter here as a pilgrim, you would exit as a holier one.“

Chúng tôi hy vọng rằng:
Nếu Bạn đi vào nơi đây như một khách du lịch, ước gì khi ra Bạn là một người hành hương.
Nếu bạn đi vào nơi đây là một người hành hương, ước gì khi ra Bạn là một người thánh thiện hơn.“

Khom lưng cúi mình bước chui qua cửa nhỏ hẹp vào đền thờ Chúa giáng sinh với cung cách lòng khiêm nhượng trước Đấng tối cao là ánh sáng ơn cứu chuộc.

Và bước vào đền thờ Chúa nơi thánh đường Catharina cũng với lòng khiêm cung xin ân sủng Chúa biến cải đời sống tâm hồn.

Lm. Daminh Nguyễn Ngọc Long
 
Luận Về Lý Tưởng
Trần Xuân Thời
11:17 20/12/2019
Lý tưởng (Ideal) là những gì tốt đẹp nhất mà chúng ta muốn đạt đến. Nào là ngôi nhà lý tưởng, hai trái tim vàng trong túp lều tranh. Người yêu lý tưởng, công việc lý tưởng, đời sống lý tưởng, cộng đồng lý tưởng....

Phải chăng chỉ có con người mới có lý tưởng. Đúng, chỉ có con người mới có những ước mơ làm đẹp cuộc đời, cho nên con người không ngừng làm việc, phát minh để tiến bộ, cải tiến sinh hoạt hàng ngày từ sinh hoạt cuả cá nhân, tổ chức, đoàn thể đến sinh hoạt của cộng đồng, xã hội từ thời thượng cổ đến thời đại văn minh như hiện nay.

Con người khác các sinh vật khác nhờ có lý trí biết suy xét, biết phát minh những điều mới lạ, biết suy xa hiểu rộng để theo đuổi lý tưởng của mình. Lý tưởng có thể xếp loại vào đối tượng như những lý tưởng nhằm vào phúc lợi cá nhân, gia đình, cộng đồng, quốc gia, nhân loại. Hoặc xếp loại theo mục tiêu như làm giàu, phát triển kiến thức, kiến tạo hòa bình, thiết lập công lý, nhân quyền, kiến tạo hạnh phúc cho đồng bào, phát triển nghệ thuật, phát triển thể thao, phát triển cấc phương tiện giải trí.....

Trí tuệ là cơ năng đặc biệt của con người. Từ thuở sơ sinh, trí tuệ như một tờ giấy trắng. Trí tuệ thu nhận các dữ kiện từ thế giới bên ngoài nhờ các giác quan, tinh luyện các dữ kiện thu nhận được qua quá trình học hỏi, tiếp xúc, chia sẻ, đối thoại, làm việc và lưu trử kinh nghiệm vào vô thức. Tiến trình nấy đóng góp vào sự phát triển của trí tuệ. Tai càng nghe nhiều, mắt càng thấy nhiều, trí tuệ càng thu nhận được nhiều dữ kiện, gặp được nhiều hoàn cảnh, biết được nhiều sự việc thì con người càng trở thành laõ luyện nhờ trí tuệ càng phát triển. Người khôn thường là người trường trãi, học hỏi nhiều, và ứng dụng kiến thức vào nhiều hoàn cảnh.

Muốn thực hiện được lý tưởng, cần phải hội đủ bốn yếu tố chính, ba yếu tố đầu có tính cách bẩm sinh (innate) và yếu tố thứ tư do sự tu luyện của bản thân.

- Trí tuệ (intellect): Mọi người bình thường đều có trí tuệ do Thượng đế ban cho con người. Trí tuệ là cơ năng đặc biệt của con người, biết tự thu nhận kiến thức, học hỏi kinh nghiệm, tinh luyện suy luận và ứng dụng kiến thức vào sự xây dựng cuộc sống cá nhân và nhân quần xã hội và phát triển sáng tạo

- Lý trí (reason) là cơ năng giúp con người biết phân biệt, tốt xấu, phải trái

- Tự đo (freedom): Tự do tâm lý là yếu tố bẩm sinh, mọi người đều có tự do quyết định về phương diện tâm lý như chọn lành lánh dữ, tự do suy tư, mơ ước, yêu thương mặc dù tự do tâm lý có thể bị hạn chế bởi tự do chính trị, luân lý xã hội, tôn giáo, tạo thành cái gọi là siêu bản ngã (superego) đè nặng lên tự do tâm lý.

- Ý chí (will): Ý chí là yếu tố do con người tự rèn luyện. Có chí thì nên. Có trí tuệ để suy tư, tìm ra việc phải làm, kiến tạo lý tưởng, có tự do chọn lựa lý tưởng, nhưng nếu không có ý chí cương quyết thúc đẩy hành động thì dù có chương trình, kế hoạch mà thiếu quyết tâm thực hiện cũng như không.

Nếu chúng ta có lý trí mà không biết học hỏi, thu nhận kiến thức, tinh luyện suy luận, phát triển sáng tạo và ứng nghiệm vào đời sống, thì lý trí sẽ trở nên vô dụng. Ngọc bất trác bất thành khí, uổng công của Thượng đế. Con người có tự do để hành động, nhưng phải biết hành sử quyền tự do qúy báu này đề làm việc hữu ích cho nhân quần xã hội. “Tự do chân chính, nhân bản là tự do làm viêc thiện và ngược lại là thứ tự do giả tạo”. Tự do mà Thượng-đế ban cho loài người không phải tự do biếng nhác, phí phạm cuộc đời. Sự biếng nhác sẽ làm hạ nhân phẩm con người (dehumanization) qua những hành vi tiêu cực, khiến cho thân thể không phải là phương tiện cho trí tuệ phát triển. Nếu trí tuệ bị giam giữ trong một cơ thể biếng nhác, có mắt mà không có tròng, có tai mà không chịu nghe..., thì trí tuệ sẽ bị lụn bại, thân xác nẩy nở theo tuổi tác mà trí tuệ vẫn ở trạng thải thiếu truởng thành.

Trạng thái ấu trĩ này khiến cho con người gặp nguy cơ rơi vào tình trạng thiếu nhân cách, sống không tưởng: Hoặc tự xem mình là tuyệt hảo, tài ba hơn người, cái gì cũng hay cũng giỏi, nên không cần học hỏi, vì nghĩ mình là thiên thần giáng thế (angelism). Cũng có thể ngược lại thải độ thái độ tự thần thánh hoá, con người rơi vào hố sâu vật chất, không phân biệt được sự khác biệt giữa đời sống của con người và đời sống của thú vật, nghĩa là không có linh hồn, tôn thờ vô thần và duy vật (materialism).

Thế thì với lý trí mà Thượng Đế ban cho chúng ta, với quyền tự do quyết định và với ý chí cương quyết để thực hiện những gì chúng ta mong ước, con người đã có đủ phương tiện sống ở đời dề thừa hưởng sản nghiệp thiên phú gồm đất đai, sông núi, tài nguyên thiên nhiên, muông thú, hoa lá cỏ cây....Thượng Đế như vậy đã yêu thương con người không bút nào tả xiết.

Mặc dù con ngườỉ hưởng được cuộc sống thần tiên ở trần gian, nhưng con người vẫn tự tạo cho chính mình những ngăn trở khiến cho đời sống bớt phần thi vị hạnh phức. Dù có sự thành công và cố gắng, con người vẫn gặp cảnh bất công, xấu xa, và cảm nhận sự bất hạnh, do ma vương, quỷ dữ tạo nên như làn sóng vô thần tạo nên cho chúng ta mất tự do, xa lìa quê hương, sống viễn xứ. Mỗi khi găp sự bất hạnh, con người lại cố gắng vượt thoát sự bất hạnh nhờ tiềm năng bẩm sinh. Đặc điểm của tiềm năng này là khả năng kiến tạo lý tưởng cho cuộc sống. Một khi đã có lý tưởng thì con người biết việc gì phải làm, con đường nào phải đi và biết ứng dụng khả năng mình để thực hiện lý tưởng mình mong ước.

Người ta thương nói đời sống mà không có lý tưởng như bầu trời không tinh tú, hoặc “Người mà không có lý tưởng như thuyền không lái, như ngựa không cương trôi dạt long bong không ra thế nào cả”. Trong cuộc sống hằng ngày, chúng ta cũng nhận thấy nhiều người làm việc không có chương trình, kế hoạch, làm thật nhiều mà kết qủa chẳng bao nhiêu, vì bị người ta phụ hay vì mình kém khả năng cũng không biết! Khi gặp thất bại triền miên vì thiếu lý tưởng, con người có thể rơi vào một trong ba thái độ:

- Thái độ thứ nhất là dù thất bại những vẫn cố gắng làm việc. Thua keo này bày keo khác. Học hỏi kinh nghiệm, thất bại là mẹ thành công, là những người có thái độ tích cực đáng khích lệ. Thi hỏng không bỏ cuộc mà chuẩn bị thi lại. Có chí thì nên.

- Thái độ thứ hai là thoái thác, quy ẩn. Thất bại vài lần sinh ra chán nản, bi quan, trở về quy ẩn. “Quan bất sai, lại bất vấn”. Mời gọi tham gia việc này, thực hiện việc nọ đều bị khước từ bằng cái lắc đầu từ nan. "Thôi thôi ta đã biết rồi, lồng vàng âu cũng là nơi ngục tù”.

- Thái độ thứ ba là đả phá tiêu cực, bất mãn, sinh ra phá hoại để trả thù thực tại, không lấy cũng quấy cho hôi. Một số người thất bại sinh ra oán hận đời, chống đối, nói hành nói xấu cho bỏ ghét, chê bai mọi người. Do đó, trong đời sống hàng ngày, chúng ta thấy những người hay chống đối thường là những người tâm hồn bị giao động vì thiếu lý tưởng, như thuyền không lái, như ngựa không cương, trôi dạt lông bông không ra thế nào cả.

Trong một đoàn thể, một cộng đồng mà nhiều người có lý tưởng là dấu hiệu tốt đẹp, xã hội có tiềm năng tiến bộ. Ngược lại, trong một đoàn thể, cộng đồng mà nhiều người không được hướng dẫn để tìm ra một lý tưởng để sống thì hội đoàn, cộng đồng sẽ tiến triển một cách chậm chạp, làm trì trệ mọi chương trình và kế hoạch hữu ích cho sự phát triển của đoàn thể, cộng đồng và xã hội.

Thế thì điều quan trọng là mọi người trong đoàn thể, cộng đồng, thử xét lại chính mình, quay lại cuốn phim của đời mình, xem thử xưa nay mình đã làm những gì, thành công như thế nào, và tại sao lại thất bại. Thượng đế đã cho chúng ta lý trí để suy xét thì hãy bỏ chút thì giờ dùng lý trí để tìm về dĩ vãng, phân tách xem những việc đã làm, xét lại hiện tại đang làm những gì, và dự phóng những công tác sẽ thực hiện trong tương lai.

Những người chỉ trông cậy vào quá khứ, xưa bày nay làm, là những người thiếu khả năng suy luận và thiếu sáng kiến. Những điều người trước đặt để ra, phát hoạ ra chỉ nên xem là những suy luận căn bản để chúng ta dựa vào hầu bổ túc và phái triển cho hợp với sự tiến bộ của con người theo dấu chỉ của thời đại (Signs of the times). “Đọc sách mà tin hoàn toàn vào sách, nhược bằng đừng đọc sách thì hơn” là vậy. Thật ra, trên đời này chẳng có gì mà không làm được, hay không cải tiến được. Cái khó là ở chỗ biếng nhác, thiếu kiên nhẫn mà thôi. "Thế thượng vô nan sự, nhân tâm tự bất kiên.”

Muốn thành người hữu dụng và sống đúng với ý nghĩa làm người (to be fully human), chúng ta phải kiến tạo cho mình một lý tưởng. Người không có lý tưởng là người chưa trưởng thành (immature). Người trưởng thành thật sự, là những người sống một cách hữu dụng cho nhân quần xã hội.

Diễn trình (process) kiến tạo lý tưởng là diễn trình suy luận, tự kiểm thảo, thu nhận dữ kiện, ứng dụng khả năng hầu tìm ra một hướng tiến thích hợp cho mình trong bối cảnh phục vụ phúc lợi chung.

Hầu hết mọi người trưởng thành đều có lý tưởng, dù có khi mơ hồ chưa nhận chân được lý tưởng một cách rõ rệt. Có khi lẫn lộn giữa lý tưởng chính và lý tưởng phụ, giữa lý tưởng (Ideal) và các mục tiêu (objetives) phải thực thi để đạt tới lý tưởng. Đặt phụ thành chính và biến chính thành phụ làm cho tâm hồn mình cứ phân vân không biết nên làm gì trước, làm gì sau. Sự lưởng lự làm mình mất thì giờ, có khi nủa đường mà bỏ cuộc. "Bán đồ nhi phế."

Nói một cách tổng quát, muốn biết lý tưởng, nên xét lại mình đã dùng tiền bạc, thì giờ, công sức, suy tư đến vấn đề gì nhiều nhất trong cuộc sống của mình thì có thể vấn đề đó là lý tưởng của đời mình. Có người hy sinh thì giờ để viết lách nhằm "Phù thế giáo một vài câu thanh nghị". Có người hy sinh cả cuộc đời vì lý tưởng cách mạng, giải thoát dân tộc ra khỏi nơi đắm đuối. Có người bỏ cuộc đổi trần thế để tu trì, cứu nhân độ thế. Có ngưòi hy sinh thì giờ để phục vụ nhân quần xã hội....

Chứng ta khoan lượng giá lý tưởng "đúng hay sai, tốt hay xấu, mà chỉ kiểm điềm lại sự việc (identify the issues). Một khi đã kiểm điểm sự việc chúng ta mô tả rõ sự việc đó, so sánh với luật lệ, với luân lý cổ truyền, với các tiêu chuẩn xử thế của một người bình thường (reasonable person standard) xem thử những gì chúng ta theo đuổi có tính cách chính đáng hay không, để gạt bỏ những lý tưởng giả hình (false ideal), không thực tế (unrealistic), phi nhân thất đức ( immoral). Từ đó, chúng ta có thể điều chỉnh tự duy và hành động nhằm thực hiện lý tưởng đích thực hữu ích cho cá nhân, gia đình, cộng đồng, quốc gia, và nhân loại.

Vai trò của lý tưởng rất quan trọng trong đời sống của con người. Lý tưởng là nguồn sống cuả con ngưòi. Nguồn sống bao gồm cả sự thích thú khi thực hiện lý tưởng. Bao gồm cả ước vọng, sở thích, khiến cho con người dồn toàn năng lực vào sự thực hiện để đạt đến lý tưởng mong muốn.

Chọn lý tưỏng là suy luận việc phải làm và dồn hết sở thích của mình vào lý tưởng đó. Thực hiện lý tưởng còn phải được thôi thức bởi ý chí (will) tức là nguyên động lực thúc đẩy mình thực thi lý tưởng. Nếu thiếu ý chí, đôi khi có lý tưởng nhưng không thực hiện được vì thiếu quyết tâm, sa ngã, yếu lòng, bị lôi kéo, chia trí bởi những lý tưởng lệch lạc.

Lý tưởng chính đáng (authentic ideal) là lý tưởng có thể thỏa mãn mọi nhu cầu của mình. Nhu cầu về đời sống thiêng liêng cũng như đời sống thế trần. Một công trình có ý nghĩa nhất mà mình có thể hiến trọn cuộc đời để thực hiện, khi thực hiện như vậy, chúng ta đạt được giai đoạn trưởng thành.

Làm thế nào để kiến tạo cho mình một lý tưởng:

1. Trước hết, phải ấn định chủ đích (goal), việc dự định làm, việc cần thực hiện để có thể thỏa mãn nhu cầu hiện tại và tương lai của mình. Chủ đích này phải có sức hấp dẫn lôi cuốn sức cố gắng của mình. Nghĩa là không tạo sự chán nản trong lúc thực hiện, vì sự chán nản có thể làm cho chứng ta bỏ cuộc.

Chủ đích phải có tính cách thử thách tài năng của chúng ta, khiến cho chúng ta quyết chí đạt đến việc đã định. Chủ đích phải có tính thực tế, nghĩa là có thể thực hiện được, có thể đạt được, nghĩa là phải hợp với khả năng của mình. Chọn chủ đích quá khả năng của mình tức là chọn chủ đích không tưởng.

2. Sau khi định được chủ đích phải thực hiện, phải tạo cho mình lòng tin sắt đá sẽ đạt được chủ đích đó. Sự xác tín (conviction) chở được núi. Lòng tin thúc đẩy mình thực hiện chủ đích một cách dễ đàng.

3. Đang khi thực hiện chủ đích, chúng ta sẽ cảm thấy thích thú trong công việc làm, không cảm thấy mệt mỏi, nhờ đó công tác được thực hiện nhanh chóng.

4. Khi thực hiện các mục tiêu đề đạt đến chủ đích, phải đặt ra những tiêu chuẩn (criteria) để lương định công tác, xem thử công tác đã thực hiện đúng mức, quá nhanh quá chậm, đúng đường hướng, hay sai lệch để tiện việc điều chỉnh.

5. Một khi đã có lý tưởng, thì tâm hồn bình thản vì biết mình có hướng đi rõ rệt, không lo lắng vẫn vơ, không bị lôi kéo bởi mãnh lực này, ý kiến nọ, mà nhất quyết thi hành cho trọn vẹn lý tưởng của mình. Những người làm việc có lý tưởng không tranh chấp, không bình phẩm vu vơ, không tiên đoán lệch lạc, không ganh tỵ, không lộng ngôn. Những người có lý tưởng thường bận rộn nhằm chu toàn lý tưởng đang theo đuổi.

Theo đuổi một lý tưởng tức là yên tâm thực hiện những gì mình mong ước, an tâm sống với lý tưởng cuả mình, sự thực hiện lý tưởng dần dần trở thành lối sống của mình, một lối sống đầy đủ về mọi phương diện, trong ấm, ngoài êm. Những người có lý tưởng khác hẳn người thường là sự bình tâm, an lạc, say mê lý tưởng và dồn nổ lực phục vụ lý tưởng của mình.

6. Một khi sự thực hiện lý tưởng đã trở thành thói quen của cuộc sống, có nghĩa là nếu không thực hiện được những gì mình mong ước thì mình cảm thấy không được bình an trong tâm hồn. Khi đó, chính lý tưởng đã thôi thúc chúng ta làm việc một cách hăng hái, khiến cho công lực chúng ta gia tăng, nhờ đó vượt mọi trở ngại, thử thách đề đạt đến những gì mình đã quyết định.

7. Lý tưởng đến giai đoạn này là trụ buồm vững chắc cho cuộc sống của chứng ta, giúp chúng ta trải qua cơn sóng gió của cuộc đời, giữ vững đức tính làm người xứng đáng, làm người có lý tưởng, làm người toàn diện.

“Đời người không có lý tưởng như bầu trời không tinh tú”. Người có lý tưởng là người tự tin. Thận trọng trong lời nói và chín chắn trong hành động vì ngôn và hành đều có chủ đích nhắm đến một mục tiêu đã định.

Lý tưởng có thể phân loại theo đối tượng như phục vụ gia đình, cộng đồng, quốc gia, nhân loại, hoặc theo mục tiêu như phát triển kiến thức, nghiên cứu bệnh lý, dược phẩm, phát triển kinh tế, tài chánh, thương mại, nghệ thuật, v…v...

Bá nhân bá tánh, mỗi người thiên về một loại lý tưởng. Những người có lý tưởng tương đồng thường kết hợp để thực thi lý tưởng như lập đảng để thực thi lý tưởng cách mạng dân tộc... Lập hội để phục vụ cộng đồng, lập nơi thờ tự để chiêm bái....

Điều quan trọng là phải tôn trọng lý tưởng chính đáng của tha nhân. Ai không đồng lý tưởng với mình không phải là kẻ chống đối mình. Lý tưởng chính đáng là lý tưởng tôn trọng nhân quyền, nhân phãm, hữu ích cho nhân quần xã hội.

Sỡ dĩ xã hội tiến bộ là nhờ những công dân hữu dụng, hoàn thành những chương trình kế hoạch trong lúc thực thi lý tưởng cua mình. Xã hội tiến bộ có hằng trăm ngành hoạt động. Thời gian sống hữu hạn, không ai có thể làm hết mọi việc, học hết mọi ngành. Kiến thức chúng ta thu nhận được cũng rất hữu hạn và tương đối. Thầy ngành nầy lại là học trò của ngành khác.

***

Luận về lý tưởng là luận bàn về chiều sâu của cuộc sống liên quan đến phạm trù triết học nhân sinh, nhằm góp phần suy diễn về đời người và người ở đời, là một vấn đề muôn thuở. Nhà Tâm lý học Maslow đã nhắc đến 5 loại nhu cầu của nhân thế: (1) Nhu cầu sinh vật lý (physiological need) như đói ăn khát uống; (2) nhu cầu sống an toàn (safety need); (3) nhu cầu hội nhập, sinh hoạt hội đoàn,(social need); (4) nhu cầu được tôn trọng (esteem need) và (5) nhu cầu thực hiện lý tưởng của đời mình (self actualization need).

Lý tưởng đóng vai trò điều hướng hành vi của con người. Thiếu lý tưởng tức là chưa trưởng thành về tư tưởng; nói khác đi, chưa trở thành con người toàn diện vậy.

 
Văn Hóa
Nghĩ về cái chết của đại tiên tri Gioan Tiền Hô
Ngọc Danh
10:34 20/12/2019
Sau khi tắm gội xong, ông bước vào căn phòng phủ đầy lớp ánh sáng nhẹ ban mai. Nhìn mấy bộ đồ sạch sẽ và sang trọng trên gường, Ông cúi đầu gật nhè nhẹ, hai tay để sau lưng, đi đi lại lại mấy lần. Ông nhớ lại nhiều lần đã nói với vợ một ước mơ của một đời người Tư Tế . Một ước mơ mà mọi tư tế đều khao khát và mong ước được xảy ra một lần trong đời mình. Đó chính là được thi hành trọn vẹn chức tư tế dâng hương trong Đền Thờ trước Hòm Bia Thánh theo niềm tin của dân Israel. Ông biết đây là một ước mơ không dễ dàng cho riêng ông mà cho tất cả hơn tám ngàn Tư Tế khác trong vùng Judea thời gian đó.

Nhưng giấc mộng ấy hôm nay đã thành sự thực. Cách nay 30 ngày hội đồng Tư Tế nhóm họp tại thành Jerusalem đã quyết định chọn ông là người lần tới sẽ được lau dọn, thắp cây đèn và dâng hương trong đền thờ. Ông như người nằm mộng, nhưng khi tỉnh dậy lại là một giấc mộng thực. Tim ông muốn nhảy ra ngoài, hồn ông tràn ngập sung sướng. Vì suốt đời làm tư tế mỗi người chỉ được một lần mà thôi Ông muốn kìm hãm niềm hạnh phúc , nhưng nó dâng tràn trong lòng mỗi giây phút một cao. Trước khi kết thúc cuộc bầu chọn, vị Thượng phẩm thâm niên và cao trọng đứng dậy nêu lên những lý do mà hôi đồng tư tế chọn Zacharia đó chinh là : Lòng đạo hạnh, đức kiêm tốn, từ ái, lòng trung kiên và kính sợ Đấng Yahve. Đặc biệt ông vẫn trung thành với người vợ của ông dù hai người lấy nhau đã hơn bốn mươi lăm năm, nhưng tới nay dù đã sáu mươi tuổi vẫn chưa có con . Bởi với người Judah đó là một điều gần như bất hạnhvà xấu hổ cho bất cứ người đàn bà Do Thái nào đã kết hôn mà không có con . Nhưng ông vẩn kiên trì và sống với bà trọn đời không lấy một người đàn bà nào khác. Chính những đức tính cao quý này ông bà đã được mọi người xem như là cặp vợ chồng công chính trước mặt Thiên Chúa. Ông Zacharia mong sao cho cuộc họp chóng chấm dưt để về báo với mọi người trong nhà nhất là Elizabeth, người vợ ông yêu quý suốt hơn bốn mươi lăn năm chung sống. Chiều hôm đó cả làng Ain Karim từ nhỏ tới lớn ai cũng biết tin này. Họ tới nhà chúc mừng ông. Elizabeth là người hạnh phúc thứ hai sau chồng mình. Bữa cơm chiều hôm đó là bữa cơm hạnh phúc thứ hai kể từ ngày hai người kết hôn. Tuy hạnh phúc tràn đầy, nhưng bà Elizabeth vẫn cố kìm giữ. Bà âm thầm chuẩn bị những gì cần phải làm cho chồng mình trong những ngày sắp tới. Với bà điều quan trọng nhất là để chông mình tránh xa những ồn ào uế tạp trần thế, gìn giữ và chay tịnh cho tâm hồn thật xứng đáng khi bước vào đền Thờ lau dọn thắp đèn và dâng hương trước Hòm Bia Thiên Chúa . Bà sẽ may cho ông những bộ đồ tốt và đẹp nhất bằng vải lụa Phương Đông .

Buổi sáng hôm nay, ông đứng nhìn gói hành lý và hai bộ đồ Tư Tế tinh nguyên bằng vải lụa ướp thơm bằng hương cây hương nam núi Li Băng. Nhìn ra cửa, ông thấy bà Elizabeth đang loay hoay cho mấy thứ gì đó vào giỏ trên lưng con lừa để hai người giúp việc mang lên thành Jerusalem.. Ông gọi bà Elizabeth vào.

-Hôm nay là ngày trọng đại trong cuộc đời một Tư Tế . Tôi sẽ bước vào đền thờ Thiên Chúa với tất cả sự khiêm cung, thành kính bằng những ngày cầu nguyện và chay tịnh cùng với hai bộ đồ tư tế mới tinh truyền chưa ai đụng tới ngoài đôi tay của Bà. . Chút nữa tôi sẽ khởi hành lên thành Thánh. Tôi sẽ cầu khẩn đấng Yahve chúc lành cho chúng ta cho mọi người cùng đàn gia súc và mùa màng trong nhà này.

Người đầy tớ và vị luật sĩ đã sẵn sàng chờ giờ khởi hành tháp tùng ông Zacharia trong cuộc hành trình . Ông nắm tay Bà an ủi rồi nhẹ nhàng vén áo bước qua bậc thềm đi thẳng ra cửa. Ông đi trước, thầy luật sĩ đi phía một chút. Người đầy tớ dắt con lừa trên lưng với hai chiếc giỏ khá nặng đi sau cùng. Bà Elizabeth đứng vịn hai tay vào thành cửa đá nhìn theo. Đôi mắc đầy tiếc nuối vì không được cùng chồng tham dự vào cuộc ra đi đầy lịch sử này. Đoàn người và con lửa từ từ biến mất sau những đám bụi đường của vùng đồi núi Judea .

Muốn vào thành Thánh từ phía Tây Nam, đoàn người phải đi qua vùng đồi núi Zion. Ngọn đồi cao nhất kế cận bên ngoài vòng thành, đứng trên độ cao đó, người ta có thể nhìn bao quát cà thành Jerusalen . Đoàn người xuống núi tiến vào cổng phía Tây Nam còn gọi là Cổng Zion. Đi một đoạn nữa sẽ tới khu an nghĩ của các Tư Tế. Ngoại trừ các Tư Tế sống trong thành, các Tư Tế từ các nơi khác về thường nghĩ tại đây qua đêm hay hai ba ngày tùy theo lich trình của mỗi người.

Đòan người của Tư Tế Zacharia tới đây đã xế chiều, ở lại hai ba ngày tùy theo mọi việc sắp xếp của hội đồng Tư Tế. Vì Ông là người tối quan trọng trong lần dâng hương và câu nguyên ngày mai. Người luật sĩ và ông Zacharia đi gặp vị Thượng phẩm, người đầy tớ ở nhà dọn đồ và sắp xếp nơi ăn chốn ở.

Sáng sớm hôm sau, Ông Zacharia bận bộ áo tư tế mới và đẹp nhất tiến về đền thánh. Mọi người đang tề tự phía ngoài. Ông bước vào với một tâm hồn khá căng thẳng bởi những bước đi trang trọng, đỉnh đạc trầm mặc. Ngước nhin mọi người, mỉm cười rất nhẹ rồi cúi đầu chào. Ông tiến lại đứng bên cạnh vị Thượng Tế. Hai người nói nhỏ với nhau đôi điều, ông Zacharia tiếp nhận bình hương trầm từ tay vị tư tế khác . Rất trang nghiêm, theo luật định chỉ một mình ông được tiến vào đền Thánh. Ông ý thức được trách nhiệm và vai trò của mình trọng đại như thế nào trước mắt mọi người và trước mặt Thuên Chúa. Vì từ giờ phút này ông là người đại diên cho dân tộc đến cung hiến, thờ lạy,cầu nguyên và dâng lên nguyên ước của dân mình với Thiên Chúa, Đấng đã lập giao ước với tổ phụ dân Israel. Trong khu sân ngoài, các tư tế và luật sĩ cũng cầu nguyện. Tất cả đều một lòng xin Yahve cho Đấng Thiên Sai xuống để cứu vớt dân tộc mình khỏi ách thống trị người La Mà và khỏi tay vị vua tàn bạo Herod của họ.

Bên trong ông Zacharia cung kính lau chùi bàn thờ, thắp lên cây đèn chín ngọn và đốt trầm hương trước Bàn Thánh. Chợt ngước lên, ông thấy một Thiên Thần uy nghi ngồi bên phải hương án. Ông giật mình kinh sợ. Nhưng Thiên Thần nói với ông Zacharia

-Này Zacharia đừng sợ, lời cầu nguyên của ông đã được Thiên Chúa nhận lời. Elizabeth vợ của ông sẽ thụ thai và sẽ sanh một con trai và được đặt tên là Gioan. Con trai ông sẽ là nguồn vui vô tận cho Ông Bà và biết bao nhiêu người cũng vui mừng vì sự chào đời của con trẻ. Em bé sẽ là người cao quý trước mặt Thiên Chúa, sẽ không uống rượu và ăn các thứ lên men. Và ngay khi còn trong lòng mẹ em bé sẽ được đầy ơn Thánh Thần và thần khí quyền năng của Elija. Gioan sẽ là người đến trước để dọn đường đón đấng Cứu Độ. Làm cho lòng cha quay về với con, Đưa dân trở về đường công chính sửa soạn đón ơn Cứu Độ sắp tới.

Ông Zacharia thưa :

-Bởi đâu mà tôi có thể tin được điều này, vì vợ chồng chúng tôi đã cao tuổi rồi.

-Ta là Gabriel sứ thần của Thiên Chúa sai tới báo cho ông biết tin mừng ấy, vì không có gì mà Thiên Chúa không làm được. Bởi sự hoài nghi đó, nên từ nay ông sẽ bị cấm khẩu cho tới mọi việc được xảy ra.

Trong khi ấy các tư tế , luật sĩ, kinh viện và dân chúng đứng bên ngoài sân điên thờ lấy làm lạ không hiểu tại sao Zacharia ở trong Đền thờ quá lâu như vậy. Sau khi chu toàn trách vụ, ông Zacharia bước ra sân trước gặp mọi người, nhưng ông không nói được, chỉ ra dấu bằng tay trước sự ngỡ ngàng của mọi người. Họ biết ông đã thấy một thị kiến nào đó trong cung Thánh.

Khi trách vụ tại đền thờ đã mãn, ông Zacharia trở về nhà tại làng Ain Karim . Ít lâu sau vợ ông mang thai, bà đi ở ẩn năm sáu tháng. Theo sự suy đóan của mọi người, có lẽ bà xấu hổ bởi vì tuổi đã lớn mà mang thai, hay để giam mình trong chay tịnh cầu nguyện và cám ơn Thiên Chúa đã ban cho vợ chồng bà một hồng phúc quá lớn lao. Hằng ngày người trong nhà nghe bà dâng lời : “Lạy đấng Yahve toàn năng , con cám ơn Ngài đã cất đi nỗi hổ nhục cho tôi trước mặt mọi người.

Vì với dân Israel không có sự tủi nhục nào bằng một người nữ lập gia đình mà không có con.

Một buổi chiều giữa mùa Xuân, khí trời vùng bán sa mạc đồi núi Judea còn mát. Cũng là thời gian bà Elizabeth đã mang thai được sáu tháng. Đang ngồi may cho đứa con tương lai của mình chiếc áo ấm, bỗng bà nghe ai đó gọi tên mình ngoài cửa, ngó ra thấy một phụ nữ trẻ , đẹp đang nhẹ nhàng, trang nghiêm bước vào sân.

Thiếu nữ cất tiếng:

-Chị Elizabeth, chị Elizeth ! em Maria từ Nazareth xuống thăm chị.

Ngay giây phút ấy bà thấy con mình nhẩy mừng trong bụng và tràn đầy ơn Thánh Thần.. Bà chạy ra ôm lấy Mazria rồi quỳ xuống nói

-Em được Chúa chúc phúc hơn mọi người nữ, Người con em đang cưu mang được nhiều phước lạ. Bởi đâu mà tôi được mẹThiên Chúa tới với tôi thế này. Khi nghe lời em chào thì con tôi trong bụng nhảy lên vui mừng. Em thật có phúc vì đã tin đấng Yahve thực hiện những gì Ngài đã hứa với tổ phụ chúng ta .

Maria đỡ bà Elizabeth đứng dậy, kể lại sự việc Thiên sứ Gabriel được Thiên Chúa sai đến báo tin cho mình sẽ thụ thai bởi quyên phép Thánh Thần, mặc dù chỉ mới hứa hôn với Giuse. Đứa bé được sinh ra sẽ trở nên cao trọng và là đấng Cứu Độ mai sau. Vì thấu suốt sự ngỡ ngàng của em, nên Thiên Sứ cho em biết cũng bởi quyền phép của Thánh Thần, chị cũng đã mang thai được sáu tháng mặc dù anh chị đã luông tuổi. Chính vì thế hôm nay từ Nazareth em xuống đây chúc mừng anh chị vì Thiên Chúa đã cất đi sự tủi hổ cho anh chị trước mặt người đời. Sau cuộc chào mừng, Maria chắp tay trước ngực, người mắt lên trời đọc lớn lời ca tụng

Thiên Chúa.

“Linh hồn tôi ngợi khen Thiên Chúa, và thần trí tôi hớn hở vui mừng vì Thiên Chúa, Đấng cứu độ tôi. Phận nữ tỳ hèn mọn này, Người đoái thương nhìn tới. Từ nay, hết mọi đời sẽ khen tôi được diễm phúc. Bởi Đấng Toàn Năng đã làm cho tôi biết bao điều cao cả, danh Người thật chí thánh chí tôn!

Từ đời nọ tới đời kia, Chúa hằng thương xót những ai kính sợ Người. Chúa giơ tay biểu dương sức mạnh, dẹp tan phường lòng trí kiêu căng. Chúa hạ bệ những ai quyền thế, Người nâng cao mọi kẻ khiêm nhường. Kẻ đói nghèo Chúa ban của dư đầy. Người giàu có lại trở về tay trắng.

Chúa độ trì Israel, tôi tớ của Người, như đã hứa cùng cha ông chúng ta. Vì Người nhớ lại lòng thương xót dành cho tổ phụ Abraham và cho con cháu đến muôn đời.”

Maria ở lại với bà Elizabeth thêm ba tháng nữa, cho tới khi bà sanh người con trai đầu lòng mới trở về Nazareth. Sau tám ngày ông bà Zacharia và Elizabeth chuẩn bị lễ vật và đưa con mình đi chịu phép cắt bì theo luật Moisen. Trước khi thực hành nghi thức cắt bì , theo phong tục thầy Tư Tế nói lớn cho mọi người .

– Đứa bé bé được cắt bì hôm nay sẽ đươc đặt tên là Zacharia.

Bà Elizabeth thưa lại

– Thưa thầy, tôi muốn đặt tên cho cháu là Gioan.

-Nhưng trong gia đình của ông bà đâu có ai tên là Gioan.

Quay về phía ông Zacharia đứng bên phải, Thầy Tư Tế hỏi

-Còn Ông ! ông Zacharia ! ông muốn đặt tên gì cho con trẻ ?.

Vì đã bị cấm khẩu từ lúc gặp Thên Thần Gabriel trong đền Thánh khi ông đang dâng hươn cách nay hơn chin tháng . Ông cầm bút viết lên tấm bảng :

“GIOAN”. Ngay từ giấy phút đó ông hết câm, nói năng lưu loát bình thường trước sự ngỡ ngàng của thầy Tư Tế và bao người đứng vây quanh. Sau khi chịu phép cắt bì, ông bà đưa Gioan về nhà nuôi nấng, dạy dỗ theo luật của các tổ phụ truyền lại.

Đấu tháng Mười Hai năm đó, khi Gioan vừa tròn sáu tháng tuổi. Hoàng đế Roma Ceasa Augustus ra lệnh tất cả mọi người sống tại các miền dưới quyền cai trị của Roma từ Judea, Samari, Galile phải về quê quá mình để khai sổ dân đinh . Đây là lần kiểm tra dân số đầu tiên kể từ khi người Roma cai trị dân Israel. Giuse và Maria phải về Bethlehem vì Giuse thuộc dòng vua David quê quá tại đó . Về tới Bethlehem, Giuse không có nhà và cũng không còn người thân thích nào. Trong khi đó người các nơi trở về Bethlehem quá đông . Không tìm được nơi ở, Giuse đành phải đưa Maria vào nơi dành cho gia súc ở trọ qua đêm. Đêm hôm đó, giữa chốn nghèo hèn hôi hám của bò lừa dê cừu, Maria đã hạ sinh con đầu lòng, lấy khăn bọc lại rồi đặc trong máng cỏ, nơi dành cho chiên bò ăn. Quanh vùng Bethlehem có những mục đồng đang canh thức, chợt nghe tiếng từ trời .

“Vinh Danh Chúa cả trên trời. Bình An dưới thế cho người chính tâm”. Nghe lời thiên thần hát, đoàn mục đồng rủ nhau tìm tới nơi xảy ra điềm lạ. Tơi nơi họ gặp Giuse, Maria và Hài Nhi Giessu đang nằm trong máng cỏ. Họ kể lại việc Thiên thần báo tin. Giuse hết đỗi ngạc nhiên, còn Maria thi ghi khắc mãi kỷ niệm này trong lòng.

Sau khi Giesu được cắt bì theo luật Moisen, có mấy nhà đạo sĩ từ Phương Đông tới Jerusalem tìm Vua Israel nới sinh để bái lạy, vì họ trông thấy ngôi sao lạ của Ngài xuất hiện. Cả thành Jerusalem xôn xao về chuyện này. Nhất là vua Herod, ông lo lắng bồn chồn vì sợ đứa trẻ lớn lên sẽ chiếm ngôi vua của mình. Ông ngầm ra lịch cho thuộc cấp theo dõi ba vị đạo sĩ. Nhưng khi ba đạo sĩ vừa rời khỏi Jerusalem, nhóm lính theo dõi mất dấu tích, không biết họ đi về phương hướng nào. Sau khi chiêm bái hài nhi Giesu và cha mẹ Ngài, họ dâng các phẩm vật: Vàng , Nhũ hương, Mộc dược, rồi theo đường khác trở về quê quán mình

Nghe tin ấy Herod quá run sợ, nổi cơn lôi đình ra lịch giết hết tất cả những đứa trè trai từ sơ sinh tới hai tuổi tại Bethlehem và vùng phụ cận. Giuse được Thiên Thần báo mộng, khuyên ông trỗi dậy trong đêm đưa Giesu và Mẹ người trốn sang Egypt.

Gia đình của Zacharia tại Ain Karim thuộc vùng lân cận Bethehem cũng nằm trong chiến dịch tàn sát này. Trong giấc ngủ, ông Zacharia cũng được báo mộng và khuyên ông hãy đưa gia đình trốn về vùng hoang mạc phía Bắc Judea. Ông bà Zacharia run sợ vì Gioan con của họ cũng chỉ mới hơn sáu tháng. Hai ông bà âm thầm tìm cách trốn chạy. Họ lặng lẽ đi về hướng Bắc trốn trong vùng hoang mạc Qumran vắng vẻ xứ Judea. Đây là vùng của nhóm dân Essenes cũng là dân Do Thái. Họ khá cực đoan nên sống cách ly với thế giới bên ngoài. Dân Essennes tôn trọng lề luật và nghiêm túc thực hành các nghi thức tế tự từ ngàn xưa. Họ sống chay tịnh nghiêm ngặt cả cuộc đời, một số đàn ông không lập gia đình, sống tách biệt trong các hang động. Việc tắm rửa vào buổi sáng không chỉ là vệ sinh cá nhân, nhưng hơn thế là một nghi thức tẩy uế . Cùng nhau ăn chung sau buổi cầu nguyện, không uống rượu và dùng các thức ăn lên men. Với ông bà Zacharia thì dân Essenes có lối sống và suy tư gắn liền với tôn giáo trong tập tục xa xưa, thi hành đúng theo lới các Tiên tri trong thánh kinh. gần giống với nhóm Saduc trong thành Jerusalem, nên ông bà cũng không thấy khác biệt cho lắm. Hơn nữa vì sự an nguy của Gioan nên ông bà chấp nhận mọi gian nan thử thách.

Tại Qumran, vì an nguy ông bà Zacharia quyết giữ im lặng, không tiết lộ cho ai kể cả con minh về những diều lạ lùng đã xảy ra liên quan tới thân phận Gioan và Giesu, con của Maria, người em họ làng Nazareth vúng Galile . Khi Gioan lên mừơi bốn tuổi ông Zacharia qua đời. Bốn tháng sau mẹ của ông, bà Elizabeth cũng qua đời. Kề từ đó trong hoang mạc Qumran, Gioan sống như một người Essennes thực thụ, chay tịnh nghiêm ngặt, cầu nguyện và học kinh thánh . Ông không lập gia đình, không uống rượu và ăn các thức ăn lên men. Năm Gioan 18 tuổi, ông rời khỏi Qumran sống lang thang trong hoang địa. Thực phẩm hàng ngày là quả cây carob, loại quả khi chín giống như châu chấu. giả thành bột trộn với mật ong rừng.làm thành một loại bánh không men dành cho người chay tịnh, ông mặc áo lông thú , thắt lưng dây da. Vì ông đã được Thiên Chúa tuyền chọn qua việc thụ thai của người mẹ cao tuổi. Được chúc phúc khi còn trong bào thai bởi việc thăm viếng của Maria, Mẹ đấng Cứu Độ. Nên ông lớn lên trong sự quan phòng của Thiên Chúa , Càng ngày thần khí của Thiên Chúa càng đổ tràn lên ông. Nên khi tròn ba mươi tuổi, ông từ hoang địa xuất hiên như một đấng tiên tri. Ông mặc áo long lạc đà, lưng thắt dây da, tay cầm gây đi qua cá làng mạc vùng Judea, lên xuống dọc theo hai bờ sông Jordan kêu gọi mọi người hãy ăn ở ngay lành, buông bỏ cuộc sống tôi lỗi xấu xa, dọn đường cho ngay thẳng để chuẩn bị đón Đấng Cứu Độ sắp tới. Ông chỉ xem mình là tiêng kêu trong hoang địa, thường đến khúc sông Jordan cách Biển Chết hai mươi dặm về phía Bắc, cách Jerusalem 15 dăm về hướng Đông Nam kêu gọi mọi người chịu phép rửa. để dọn mình đón đấng Cứu Độ. . Rất đông người nghe và tin lởi ông nên đế đó chịu Phép rửa. Người dân trong vùng Judea xem ông như là Đấng Cứu Thế. Chính điều này đã làm cho các bậc Tư Tề, Luật sĩ, kinh viên, nhóm Saduc trong thành căm ghét và tức giận . Ngày nọ, để muốn hạ nhục Gioan họ cử vài Tư tế dẫn theo nhóm luật sĩ và kinh viên đến bờ sông Jordan, nơi Ông Gioan thực hành phép rửa cật vất ông.:

– Này ông Gioan ! Ông có phải là Tiên Tri không ?

– Không, tôi không phải là Tiên Tri

– Ông có phải là Elia không ?

– Không, tôi không phải là Elia.

– Ông có phải là đấng Cứu Thế không ?

-Tôi không phải là Tiên Tri, không phải là Elia, cũng không là đấng Cứu Thế. Tôi chỉ là tiêng kêu trong hoang địa, kêu gọi con người hãy cải thiện cuộc sống, ăn ngay ở lành, xán hối mọi tôi lỗi. rửa sạch tâm hồn. Đường quanh co hãy sửa cho ngay thẳng, núi đồi hãy bạt xuống lấp đầy những ao hồ đầm trũng như lời tiên tri Asia từ xa xưa

-Nếu Ông không phải là Tiên Tri, là Elia, cũng không phải là đấng Cứu Thế tại sao ông lại làm phép rửa.

– Như các ông đã thấy, Tôi làm phép rửa bằng nước. Nhưng Người đến sau tôi sẽ rửa cho mọi người bằng máu và trong Thánh Thần. Còn tôi là kẻ không xứng đáng cởi giây giầy cho Người. Nghe Gioan trả lời như thế, nhóm Tư tế và luật sĩ không thể bắt bẻ ông được điều gì, đành lẵng lặng ra về, nhưng trong lòng còn bao điều ấm ức. Họ quyết tìm cách hại ông, nhưng còn sợ số đông dân chúng nghe và tin ông.

Trong khi Gioan đi lang thang khắp vùng hoang địa, phía Bắc và Nam Judea, qua các làng xóm ngoại ô thành Jerusalem kêu gọi dân Do Thái thống hối, chay tịnh, dọn mình đón Đấng Thiên Sai sắp tới. Thì khi đó tại phía Bắc, vùng Galile, môt người trung niên ba mươi tuổi, khôi ngô, tuấn tú, trang nghiêm xuất hiện. Tên ngài là Giêsu, cha vừa qua đời. Mẹ là Bà Maria. Cháu ngoại của ông Bà Joachim và Anna tại Nazareth. Ngài không làm chính trị, không có tham vọng cải cách xã hôi, Ngài đi khắp miền Galile rao giảng tin mừng, dậy dỗ dân chúng để cải hóa tâm hồn sống lương thiên đẹp lòng Thiên Chúa. Ngài làm nhiều phép lạ biến nước thành rượu, biến Năm chiếc bánh và hai con cá cho năm ngàn người ăn no. Làm cho người chết sống lại. chữa lành người đui. què, câm, điếc. Trữ khử quỷ ám, rửa sạch kẻ phong cùi. Cuộc sống và lởi rao giảng qua các ngụ ngôn đầy khôn ngoan, dễ hiếu, chân thành và đầy yêu thương của ông luôn làm cho người Do Thái đặc câu hỏi: " Ông này là ai mà có quyền phép trừ quỷ, cho Larazus đã chết sống lại?. Phải chăng ông là Đấng Cứu Thế, mới có quyền phép đền như thế !

Ngàithường lên án hàng tư tế, luật sĩ là những kẻ nắm giữ lề luật Moise của cha ông, thực hành việc tế tự Thiên Chúa trong nơi thánh điện là bọn đạo đức giả. Ngài đã ví họ như những chiếc mã tô vôi, bên ngoải thì đẹp đẻ, nhưng bên trong thì đầyy những xương thịt hôi thúi.

Môn đệ của Ngài Giêsu là những người chài lưới trên biền hồ Galile. Ngài kết bạn và ăn uống tại nhà kẻ thu thuế được liệt kê như kẻ tôi lỗi trong xã hôi. Truyên trò chữa bệnh và nhiều khi còn khen người Samaritano mà dưới mắt người Do Thái họ là kẻ ngoại giáo đáng kinh bỉ và phải tránh xa.Ngài đã cứu cô Madalenna mang tôi ngoại tình khỏi bị ném đá cho tới chết bởi lề luật Do Thái. Ngài nêu lên hai điều răn mới là: Kinh sợ Thiên Chúa và yêu thương mọi người. Giương sáng và lời giảng dạy của ông vang vọng trong lòng mọi người. đặc biệt bài giảng Phúc Thật trên ngọn đồi phía Bắc biển hồ Galile.

(1) “Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó,vì Nước Trời là của họ.

(2) Phúc thay ai hiền lành vì họ sẽ được Ðất Hứa làm gia nghiệp.

(3) Phúc thay ai sầu khổ,vì họ sẽ được Thiên Chúa ủi an.

(4) Phúc thay ai khát khao nên người công chính,vì họ sẽ được Thiên Chúa cho thỏa lòng.

(5) Phúc thay ai xót thương người,vì họ sẽ được Thiên Chúa xót thương.

(6) Phúc thay ai có tâm hồn trong sạch,vì họ sẽ được nhìn thấy Thiên Chúa.

(7) Phúc thay ai xây dựng hòa bình,vì họ sẽ được gọi là con Thiên Chúa.

(8) Phúc thay ai bị bách hại vì sống công chính,vì Nước Trời là của họ.

(9) Phúc cho anh em khi vì Thầymà bị người ta sỉ vả, bách hạivà vu khống đủ điều xấu xa. Anh em hãy vui mừng hớn hở, vì phần thưởng dành cho anh em ở trên trời thật lớn lao. Con người kỳ lạ, đầy quyền uy phép tắc, khôn ngoan ấy cũng bị nhóm Pharisie, hàng tư Tề, bọn luật sĩ căm ghét vì giám lên án và nguyền rủ họ trước mặt mọi người.

Môt ngày kia Ông cùng mẹ và các môn đệ đi dọc theo dòng Jordan xuống miền Nam. Khi đến khúc sông nơi ông Gioan làm phép rửa. Các môn đệ và Giêsu dừng lại bên kia sông. Như có một luông thần khí chạy khăp châu thân. ông Gioan nhìn về nhóm người mới tới. Mắt ông như chạm phải thần khí khi nhìn thấy một người trung niên đang lội từ bên kia sông tiến về phía mình. Khi tới trước Gioan, người trung niên nói.

-Xin Ngài làm phép rửa cho tôi.

Trước mặt người trung niên đầy thần khí, Ông Gioan cảm thấy mình hèn hạ, nhỏ bé nên một mực từ chối.

-Chính tôi mới cần Người làm phép rửa để tấy uế mọi nhơ bẩn. Thế mà Ngài lại đến với tôi!

Người trung niên trả lời:

-Bây giờ cứ thực hành cho tôi như Ông đã làm cho mọi người , Vì chúng ta nên làm như vậy để giữ trọn đức công chính”.

Lúc ấy Ông Gioan miễn cưỡng chiều theo ý.. Ông đặt hai tay trên vai người trung niên nhấn mạnh xuống nước để chịu phép rửa.. Khi vừa dưới nước lên. Gioan thấy Thần khí như chim bồ câu ngự trên người trung niên, và có tiếng phán ra từ trời:

Đây là con yêu dấu của ta. Đẹp lòng ta mọi đàng. Các ngươi hãy nghe lời Người !

Đứng trên bờ sông, Bà Maria chứng kiên những sự việc ấy, liền nhân biết chàng trung niên làm phép rửa cho con mình chính là Gioan, con người chị họ Elizabeth đã mất tin tức và liên lạc từ hơn ba mươi năm qua. Nhưng bà giữ im lặng và biết ngày Cứu Độ đã tới. Giây phút đó, Giêsu đứng lặng, không nói lời nào, chào ông Gioan rồi lên bờ cùng các môn đệ đi vào thành Jerusalem. Còn Gioan kể từ khi ấy, hồn ngập tràn hoan hỉ và nhận biết thời gian và con người Cứu Độ đã tới. Ông không làm phép rửa nữa mà đi khắp miền Giudea kêu gọi mọi người hãy sửa soạn tâm hồn đón nhận ơn Cứu Độ. Ông lên án bọn Pharisieu, nhóm Saduc như loài lang sói, rắn độc. Ông cũng không sợ hãi lên án, rêu rao việc dâm ô của vua Herod Antipas, tiểu vương vùng Judea ly dị vợ là Phasaelis để lấy nàng Herodias, vợ của Philipphe em cùng cha khác mẹ của mình. Lời rêu rao và lên án của Gioan loan ra khắp vùng Judea, vào tới thành Jerusalem làm cho Herod và Herodias lo lắng và tức giân. Thêm vào đó thêm lời xúi dục, dèm pha, của nhóm, Pharisieu, Saduc nên Herod đi tới quyết định ra lệnh bắt Gioan. Xuất phát tứ thành Jerusalem, dẫn đầu nhóm là hai Tư Tế, năm Pharisieu, sáu luật sĩ và một tiểu đội lính Roma yểm trợ. Sở dĩ có một đoàn khá đông như vậy mà còn cần tới lính Roma yềm trợ, vì Herod sợ dân nồi loạn. bởi ông Gioan có một số môn đệ và dân chúng theo ông khá đông. Họ tiến vế hướng Đông Bắc, gần hoang mạc Qumran nơi có tin báo Gioan đang rao giảng. Họ bắt Gioan quá dễ dàng khi ông đang giảng thuyết trong các làng xóm nhỏ dọc theo đường về thành Jericho. Quân lình Roma trói ông rồi dẫn về Machaerus, môt làng ở phía Bắc Biển Chết, cách hoàng Thành vua Herod mười lăm dặm và nhốt ông ở đó.

Vào ngày sinh nhật của Herod Antipas, Triều đình tổ chức một buổi tiệc linh đình để ăn mừng. Mọi người trong triều say sưa ăn uống. Để làm đẹp lòng vua, vị quan cận thần có sáng kiến cho Salome, con gái bà Herodias, gọi Herod Antipas bằng bác ra nhảy múa. Thấy Salome vừa đẹp, vừa nhảy múa quyến rũ, và cũng muốn làm đẹp lòng Herodias. Đứng giữa buổi tiệc Ông gọi Salome lại tuyên bố.

-Vì con quá đẹp và múa rất hay trước mặt ta và mọi người, vậy con xin thứ ta cũng ban cho. Ngay như con xin nửa giang sơn này ta cũng bằng lòng.

Salome ngỡ ngàng với lời hứa của Herod ông bác và cũng là cha ghẻ của mình. Không biết quyết định thế nào. Cô trở lại nơi mẹ ngồi, hỏi ý kiến. Herodias rất căm phẫn Gioan vì đã phạm thượng lên án việc vua Herod cưới bà. Từ bao lâu nay Bà muốn trừ khử con người này, nhưng chưa có cơ hôi. Một ý nghĩ táo bạo lóe lên trong đầu. Đây là cơ hôi ngàn vàng, nếu ta không lơi dụng lần này thì không còn cơ hội nào khác. Bà ghé vào tai con gái nói nhỏ điều gì đó. Salome gật đầu rồi tiến ra giữa bữa tiệc tiếp tục khởi động những điệu múa quyến rủ mê hồn tiến tới gần Herod quý xuống tâu với Herrod một điều gì đó.

Mọi người trong yến tiệc theo dõi Salome, cả gian phòng rơi vào sự im lặng gần như không có người. Sau đó họ nhìn Herod xem phản ứng của ông như thế nào. Ngôi yên lặng, chết trân, hai mắt đứng tròng. Herod không thể ngờ có một lời xin quá tóa bạo, tàn nhẫn, ghê gớm như vậy từ miệng một cô gái mười sáu tưổi ngay trong bữa tiệc Sinh nhật mình. Nhưng biết làm sao được, lời hứa của một vị vua trước mặt quần thần không thể thất hứa dù đó là lời thốt lên trong lúc bốc đồng, ngu dại. Qua một phút choáng váng bởi lời cầu xin của cô gái, ông định thần nghĩ lại. Với Gioan, mình vừa ghét vỉ đã bêu rếu và lên án cuộc hôn nhân loạn luân của mình, nhưng cũng vừa cảm mến kính phục bởi lòng đức độ, tâm hồn cao thượng, trong sạch của Gioan. Ông là tấm gương cao cả trước mặt mọi người và trước mặt Yahve của dân Israel. Việc bắt nhốt Gioan mấy hôm trước là một việc ngoài ý muốn. Bởi do lời của Herodia và nhóm luật sĩ. Nhưng đã lỡ rồi. Hơn nửa nếu giết Gioan cũng không phương hại gì tới ngai vàng của mình. Còn nếu để Gioan sống, ông cứ tiếp tục lên án và bêu rêu mình trước mặt bang dân thiên hạ,. Gọi người hầu tới, Ông nói nhỏ gì đó rồi ra lênh cho mọi người tiếp tục ăn uống vui chơi. Salome tiếp tục kiêu vũ cho Herod và mọi người thưởng thức. Khoảng gần tàn buổi tiệc, một người hầu, bưng vào một chiếc dĩa khá nặng, bên trên có đựng một phẩm vật phủ bằng mảnh lụa Đông Phương thật đẹp. Mọi người im lặng hồi hộp theo dõi từng cử động của người lình hầu. Đến trước mặt Salome đang ngồi bên mẹ. Hắn từ từ kéo tấm vải lụa lên. Trên chiếc dĩa lộ nguyên hình chiếc đầu người râu tóc bờm xờm. Đôi mắt khép kín.

Lòng dĩa đầy máu. Hắn nói.

-Thư công chúa đây là chiếc đầu của Gioan, người đã tự cho mình là tiêng kêu trong hoang mạc, làm phép rửa cho hàng ngàn người trên dòng Jordan. Đây là phần thưởng của vua ban theo lời xin của Công Chúa Hắn đặc chiếc dĩa xuống bàn, từ từ quay lui rồi biến mất sau cánh cửa lớn gỗ sồi nặng nề khép lại.

Ngày hôm sau, người dân trong thành, nhìn thấy chiếc xe lừa chở một chiếc quan tài lẳng lặng đi qua cổng Bắc thành Jerusalem. Người dân chỉ nghe phong phanh về cái chết của người nằm trong quan tài. Nhưng một số thầy Tư Tế, kinh sư và luật sĩ biết rất rõ về người này. Họ vui cười và nói với nhau: “ Từ nay, chúng ta không còn gai mắt nhìn thấy con người ăn mặc lôi thôi, râu tóc xồm xòam, làm phép rửa và tự cho mình là tiếng kêu trong hoang mạc nữa”. Chiếc xe lừa chở quan tài đi thẳng về hướng Bắc Judea rồi vào vùng thung lũng Samari. Họ đào huyệt chôn chiếc hòm dưới chân môt ngọn đồi hoang vắng cách thật xa kinh thành Sebaste nguy nga, tráng lệ. Nơi mà vua Herod xây để vinh danh Ceasar Augustus hoàng đế của La Mã .

Một buổi tiêc sinh nhật xa hoa của bạo chúa. Cũng là ngàychết của Đấng Tiên Tri cao trọng, là sứ giả đi trước để dọn đường cho ơn Cứu Độ bị chặt đầu. Cả hai đều đã chết. Môt cái chết cuả một ông Vua xa hoa, sang trọng đã chìm mất trong quên lãng và mãi mãi bi kinh miệt. Nhưng lời kêu gọi của một đấng Đại Tiên Tri nơ hoang mạc của Gioan hơn hai ngàn năm trước, cho tới hôm nay vẫn tiếp tiếp tục vang vọng tới mọi chân trời góc biển và sẽ còn vang vọng mải mãi trong lòng người cho tới muôn đời sau.

California Dec, 20, 2014
 
Đọc chuyện Giáng Sinh với các Bạn Trẻ
Jim Auer, Phạm Hoàng Nghị
10:45 20/12/2019
ĐỌC CHUYỆN GIÁNG SINH VỚI CÁC BẠN TRẺ

Cảnh 1 – Nơi tòa soạn một nhật báo lớn ở đô thị.

Viên chủ bút giận dữ gọi chàng phóng viên tên Luca vào văn phòng của ông.

- Cái gì thế này? Ông lớn tiếng hỏi, tay vung vẩy bản tin giờ chót Luca mới đem nộp. Tôi thuê anh để làm phóng viên, vậy mà anh lại đưa cho tôi… Anh gọi cái này là cái gì thế? Tôi công nhận là có văn vẻ thật, nhưng không phải là tin tức. Anh có học nguyên tắc bốn chữ W để áp dụng vào nghề phóng viên lấy tin không? Who, What, When, Where (Ai, Việc gì, Lúc nào, Ở đâu). Càng nhiều Who-What-When-Where càng tốt!

- Thưa ông, dĩ nhiên là có học rồi. Tôi chỉ nghĩ là ở đây phải nhấn mạnh vào chữ Who và một chữ W khác nữa mới là điều quan trọng.

- Còn chữ W nào nữa?

- Thưa đó là chữ Why (Tại sao).

Cảnh 2 – Cũng như trên, nhưng lần này chàng phóng viên tên là Matthêu.

- Cái gì thế này? Viên chủ bút nổ lớn. Tôi mướn anh để điều tra những chuyện quan trọng, không phải chuyện tầm phào, vậy mà anh lại bắt đầu bằng bản gia phả có những cái tên chẳng ai đọc được. Còn cái gì ở cuối bài đây? Ba cái ông bí mật này? Anh chỉ nói được là họ từ Phương Đông tới… Thật là một chi tiết hấp dẫn. Nhưng anh có phỏng vấn mấy ổng không? Anh cũng không lấy được cả tên họ ba người à?

- Dạ thưa ông, câu chuyện đó chỉ là để minh họa ý nghĩa của…

- Ý nghĩa! Bạn không hiểu gì cả! Nghề của ta không đi tìm ý nghĩa của cái gì hết. Ta kể cho độc giả những chuyện gì đã xảy ra thôi. Ai, xảy ra lúc nào, ở đâu. Chỉ có vậy. Nhận rõ chưa?

CHUYỆN VÔ CÙNG KỲ BÍ

Hai cảnh trên có thể xảy ra nếu Chúa Giêsu sinh ra ở thời đại chúng ta, còn Luca và Matthêu là hai phóng viên được tòa soạn cử đi tường thuật về biến cố đó rồi bài vở họ mang về nộp cho chú bút lại là những chương mở đầu các sách Tin Mừng của hai ông.

Dĩ nhiên ai cũng muốn rõ những gì đã thực sự xảy ra tại Belem đêm ấy, cả những ngày trước và sau đó nữa. Đó là chuyện tự nhiên thôi. Khi xem phim ảnh hay đọc truyện Giáng Sinh, ta thường tự hỏi: đêm đông lạnh giá ra sao? Có bao nhiêu mục đồng? Thiên thần hình dáng thế nào? Ngôi sao to lớn bao nhiêu? Ngoài các đạo sĩ còn có ai thấy ngôi sao đó không? Đức Mẹ và thánh Giuse ở trong chuồng bò bao lâu? Óc tò mò của ta cứ tiếp tục đưa ra những câu hỏi tưởng như bất tận đó, và ao ước Luca hay Matthêu cho ta thêm nhiều chi tiết nữa.

Nếu ta muốn có một bức họa đầy đủ chi tiết về ngày giáng sinh và thời thơ ấu của Chúa Giêsu ta sẽ bất mãn khi đọc những lời tường thuật của hai ông trong Tin Mừng. Các chi tiết quá ít ỏi, tưởng như Luca và Matthêu không màng đến việc thuật lại câu chuyện đó chút nào. Và câu hỏi đặt ra là: Tại sao vậy? Câu trả lời: Tại vì hai ông chỉ muốn cho ta những preview (tiền cảnh, sơ thuật) mà thôi.

ĐIỀU CỐT YẾU

Có thể đưa ra một ví dụ đơn giản như thế này:

9 giờ tối, ta đang ngồi coi truyền hình chờ một show sắp chiếu trên đài. Một tiếng nói từ màn ảnh cất lên: “Tối nay trên đài NBC sẽ xuất hiện câu chuyện thương tâm của một thiếu nữ bị giằng co giữa một bên là tình yêu, một bên là cái thế giới lạ lùng man rợ mà nàng chưa bao giờ biết có ở trên đời!” Thế rồi trên màn ảnh, trong khoảng chừng 30 giây, xuất hiện những cảnh lấy từ nhiều xen trong phim sắp chiếu. Coi những đoạn phim ngắn đó ta có được một ý tưởng tổng quát về cuốn phim: Một thiếu nữ, dĩ nhiên là trẻ đẹp, dự tính lấy một người đàn ông trong mộng của nàng, cuối cùng mới khám phá ra chàng là thủ lĩnh của nhóm người cuồng tín có những bùa phép, thư phù, những buổi cúng bái ghê rợn. Đó là sơ thuật, là tiền cảnh (preview) của cuốn phim. Nhưng nếu ta suy nghĩ sâu xa thêm một chút nữa ta cũng thấy được một khía cạnh của ý chính hay chủ đề cuốn phim nêu ra: Đó là sự xung đột giữa tình yêu và lòng trung tín; thực tại của thế giới mê tín dị đoan; sự tranh chấp giữa quyền lực của thiện và ác.

Luca và Matthêu cũng đã đưa ra một loại tiền cảnh (preview) như vậy trong những chương mở đầu sách Tin Mừng của hai ông: một preview về tư tưởng, về cái ý nghĩa sâu xa do sự giáng sinh của một hài nhi ở Belem.

Hai ông không nói: Đây là những sự việc xảy ra lúc Giêsu giáng thế. Cũng không mô tả những gì mà một máy thu hình lúc đó có thể ghi lại được giả như thời ấy đã có máy thu hình. Hai ông chỉ muốn nói: Giêsu là ai, tại sao Người đến và sự giáng sinh của Người có ý nghĩa như thế nào đối với chúng ta.

Đó mới là điều cốt yếu. Vì nếu sự giáng sinh của Chúa chỉ có nghĩa đơn giản là ta được nghỉ một ngày khỏi phải đi làm, học sinh được hai tuần nghỉ học, và mọi người nao nức đợi chờ quà cáp của nhau, thì dù Chúa Giêsu sinh ra ở đâu cũng vậy thôi, trong chuồng bò hay trong nhà tranh vách đất cũng thế. Cũng chẳng quan trọng gì nếu có ba nhà đạo sĩ thông thái hay chỉ là ba gã giang hồ hoặc sáu bà đồng bóng cũng thế thôi. Điều quan trọng là sự giáng sinh của Giê su có ý nghĩa thế nào đối với nhân loại, và đó mới chính là điều Matthêu hay Luca muốn nói.

Đọc chuyện Giáng sinh với thái độ này đưa ta đến một cảm nghiệm khác hẳn. Hãy thử mà xem. Cũng giống như ta đi lại trên con đường thân quen, cảnh vật hai bên vẫn không thay đổi, nhưng hướng đi và đich tới lại khác. Ta hãy phác họa một vài tư tưởng chính yếu đã được sơ thuật trong câu chuyện Chúa giáng sinh:

1- ĐỘT NHẬP VÀO LỊCH SỬ

- Ngày Thứ Hai mỗi tuần lễ của các bạn trẻ: thức dậy, ăn sáng, đi học, ăn trưa ở cafeteria, học tiếp, về nhà, làm honework, ăn cơm tối, coi TV, đi ngủ…

- Ngày Thứ Ba; thức dậy, ăn sáng, đi học…

Dường như thời gian của các bạn đó là một chu kỳ lặp đi lặp lại không ngừng nghỉ những sự việc giống nhau hoặc tương tự nhau.

Nhìn rộng lớn hơn, lịch sử dường như cũng là trùng lặp những biến cố của các triều đại, các chính thể. Ta có thể nói được rằng lịch sử cũng “recycle”, tương tự ngày nay người ta “recycle” các vật dụng, như giấy báo, lon nhôm…

Có điều là người Do Thái ngày xưa đã không quan niệm như vậy. Đối với họ, lịch sử là một con đường thẳng chuyển động một chiều, giống như chiếc xe lửa đang chạy về một nhà ga. Và họ quan niệm như vậy cũng chẳng phải là một điều sai. Nhưng do vậy, người Do Thái không bao giờ nghĩ đến chuyện du hành ngược về thời gian quá khứ. Đó là một tư tưởng rất phổ biến trong các tiểu thuyết và phim ảnh thời nay, như bộ phim giả tưởng Star Strek hay Back to the Future mà gần như bạn trẻ nào cũng biết. Mỗi khi đoàn trưởng Kirk và phi hành đoàn của ông hay của Marty McFly và Doc Brown đổ bộ đến một nơi nào trong quá khứ, họ rất cẩn thận không dám làm những gì có thể gây ra sự thay đổi chuyện tương lai. Họ quan niệm rằng làm rối loạn lịch sử là một điều lầm lỗi. Cũng giống như đột nhập vào một nơi mà mình không có quyền được vào vậy.

Nhưng đối với Chúa thì lại khác. Chúa là chủ tể của lịch sử, Người có quyền đi vào và thay đổi lịch sử, nhất là vì Người đột nhập vào lịch sử với mục đích trao ban những quà tặng đặc biệt.

Đó là tư tưởng ẩn tàng xuất hiện đàng sau cái danh sách gồm những tên người trong phổ hệ mở đầu sách Tin Mừng của Matthêu. Đối với chúng ta, cái danh sách dài dặc đó tưởng chừng vô nghĩa. Nhưng nó không vô nghĩa khi Matthêu viết ra, và nếu hiểu được, ta sẽ không thấy vô nghĩa nữa.

Matthêu liệt kê cho ta các bậc tổ tiên của Chúa Giêsu, một danh sách được chia làm ba lớp, mỗi lớp 14 người, với 4 trường hợp đặc biệt. Trong các trường hợp đặc biệt đó tất cả đều là phụ nữ, mỗi người là một người ngoại quốc đã “đột nhập bất thần” vào lịch sử dân tộc Do Thái, và chuyện làm mẹ của họ xảy ra dường như trong cung cách thật đặc biệt, như được trời giun dủi, đẩy đưa. Điều đó, dĩ nhiên, sắp đặt cho sự xuất hiện của Đức Maria là thân mẫu của Chúa Giêsu.

Cái danh sách những tên không quen thuộc đó của Matthêu như muốn nói: Lịch sử đã được khởi đi từ đầu thời gian cho đến ngày giáng sinh của Chúa Giêsu, và mỗi khi cần cho lịch sử đi đúng hướng, Chúa đã đi xuống lịch sử và đẩy nó đi theo hướng Người định.

Luca cũng minh họa một điều tương tự trong truyện kể về sự thụ thai Gioan Tẩy Giả. Chị họ của Đức Mẹ là bà Elizabeth không thể có con vì đã quá già. Vậy mà Gioan đã ra đời. Và rồi đến Chúa Giêsu: một người mẹ trần thế, một sự thụ thai do sắp đặt của Chúa Thánh Linh là ngọn gió là hơi thở đầy quyền năng của Chúa Cha, cũng chính Thánh Linh đó là gió là hơi thở đã bay la đà trên mặt đại dương như mô tả trong câu thứ hai của sách Sáng Thế Ký, đã làm xuất hiện những việc diệu kỳ.

Vậy là Chúa đã hành động, đã ra tay, ngay cả những lúc ta không ngờ đến, ngay cả những khi sự việc đều tầm thường trong một thời gian dài đăng đẳng, ngay cả những lúc có đổ vỡ, sai lạc. Đó là cái “preview” lớn thứ nhất.

Và nó tạo ra một huyền nhiệm ta chưa bao giờ có thể nghĩ tới: Chúa đã hành động mặc dù Người đã tạo dựng ta hoàn toàn tự do, cái tự do điên khùng khi ta làm điều sai trái, tự do từ khước, tự do chối bỏ Người.

Đó là câu chuyện Matthêu và Luca đang lược diễn: Giêsu là Thiên Chúa xuống thế, trong một hành động đột nhập vào lịch sử vĩ đại nhất, vậy mà con người có quyền tự do từ khước Người. Cuối cùng, một số người đã trao cho Người lời chối từ lớn lao nhất: họ xử tử Người. Và sự chết đó lại mở đường cho ta được cứu độ, sự cứu độ mà Chúa đã nghĩ tới từ lâu.

Chúa đột nhập vào lịch sử vậy mà lại để cho ta được tự do tuy Người vẫn ra tay hành động. Đó là một huyền nhiệm, chắc vậy. Dòng sông lịch sử cứ chảy đến nơi Chúa đã dự định. Cái quyền tự do chọn lựa của ta là xuôi theo dòng sông đó hoặc cưỡng lại, đập mình vào những tảng đá hai bên bờ.

Và cái ý tưởng tự do chọn lựa đó đưa ta đến cái ý chính thứ hai mà câu chuyện Giáng sinh đã lược diễn (preview).

2- THEO HAY CHỐNG?

Herod là một con người độc ác, xảo quyệt, tưởng như chưa có ai xảo quyệt hơn. Thế rồi xuất hiện ba nhà thông thái. Họ trải qua một cuộc hành trình dài dặc, khó khăn, gian khổ, do một ngôi sao kỳ bí trên bầu trời dẫn đường, đi tìm vị ấu chúa mới sinh. Họ đến Jerusalem để hỏi Herod cho biết thêm những chi tiết sau cùng. Herod nghĩ tới đấng Cứu thế, người mà toàn dân từ lâu mong đợi, người mà thần dân của ông đã hy vọng, đã đợi chờ hàng bao thế kỷ. Herod tham khảo ý kiến của những bộ óc thông thái thời đó và hỏi xem theo tiên đoán thì đấng Cứu thế sẽ sinh ở đâu. Câu trả lời: Belem, cách đó chừng 4 hay 5 dặm đường.

Vậy rồi Herod làm gì?

- Dối trá. Âm mưu. Lừa lọc. Ông đã làm tất cả những gì có thể làm để trừ khử đấng Cứu thế mà trời gởi xuống, ra khỏi cuộc đời của ông: có nghĩa là giết chết.

Nhưng những ai đã chấp nhận Chúa?

- Ba người từ phương xa tới, ba người ngoại cuộc.

- Và mấy người chăn cừu là những kẻ không có địa vị gì trong xã hội thời đó.

Sao mà Herod và đám cố vấn của ông ngu xuẩn đến thế? Thật là khó tin. Nhưng xin nhớ rằng đây chỉ là preview, là tiền cảnh. Sự việc rồi cứ tiếp tục xảy ra như thế. Mặc kệ tất cả những gì Giêsu đã làm, đã nói, đã bày tỏ, đã chứng minh, nhiều người vẫn quay lưng lại và nói: Chúng tôi không chấp nhận như thế. Chúng tôi không cần cái đó. Hãy đuổi ông ra khỏi đây.

Và sự việc vẫn còn như vậy hoài hoài. Vẫn còn quanh quẩn đâu đây hình bóng của Herod và đám cố vấn của ông, các nhà đạo sĩ, những người chăn chiên. Cả bao người ta không ngờ tới, cả những người “vô tín ngưỡng” cũng đã làm những việc giúp đem lại hòa bình và hòa hợp mà Chúa hằng quan tâm. Những người đơn giản, bình dị, không hào nhoáng, những người gần như vô danh, đang sống niềm vui của Tin Mừng.

Trái lại, nhiều người ngay từ nhỏ đã được nuôi dạy bằng chân lý, đã được hưởng nền giáo dục về tôn giáo, lại chối từ Chúa Giêsu: “Chúng tôi không cần!” và cố đưa Người ra khỏi cuộc đời của họ.

***

Mùa Giáng sinh này, những ngày nghỉ lễ, các bạn trẻ hãy đưa một chút gia vị mới, một cái nhìn mới vào câu chuyện Giáng sinh. Hãy đọc lại trình thuật trong Tin Mừng của Thánh Luca và Matthêu, không phải để tìm từng chi tiết về biến cố trọng đại đó ở Belem, nhưng để hiểu biết thêm những chuyện đó nói gì về Chúa Giêsu và cuộc đời chúng ta.

Bài của Jim Auer, Bản dịch: Phạm Hoàng Nghị
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Mẹ Hiền Nơi Hang Belem
Nguyễn Bá Khanh
00:11 20/12/2019
MẸ HIỀN NƠI HANG BELEM
Ảnh của Nguyễn Bá Khanh

Theo ánh sao lạ,
chiếu dọi vào nơi hang đá Be-lem
Con dám về chốn ấy mà xem
Một Đấng Thánh rất ngoan hiền thơ bé
Bên Mẹ dịu dàng lời ru khe khẽ
(Trích thơ của Ba Chuông)
 
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Cây Giáng Sinh Bên Phố Núi
Thérésa Nguyễn
23:16 20/12/2019
CÂY GIÁNG SINH BÊN PHỐ NÚI
Ảnh của Thérésa Nguyễn

Sứ điệp cây Giáng Sinh
muốn nói sự sống là "cây trường xanh"
nếu người ta không tặng quá
nhiều của cải vật chất,
nhưng tặng chính mình :
trong tình bạn và tình yêu chân thành,
sự giúp đỡ huynh đệ và sự tha thứ,
trong thời gian chia sẻ và lắng nghe lẫn nhau.
(Trích lời Đức GH Gioan Phaolô II)
 
VietCatholic TV
Ưu tư của Đức Cha Micae Hoàng Đức Oanh về tình hình Giáo Hội và Quê Hương Việt Nam
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
02:46 20/12/2019
Dù đi đường xa mệt nhọc, Đức Cha Micae Hoàng Đức Oanh vẫn dành cho VietCatholic một cuộc phỏng vấn về tình hình Giáo Hội và Quê Hương Việt Nam

Nội dung cuộc phỏng vấn ngài xoay quanh các câu hỏi sau:

1. Chúng con được biết nhân dịp mùa Vọng, Đức Cha đến với cộng đoàn Công Giáo Việt Nam Tây Úc để giảng tĩnh tâm cho cộng đoàn. Con tin chắc rằng quý khán thính giả của VietCatholic cũng mong muốn được Đức Cha chia sẻ những ý tưởng chính trong các bài tĩnh tâm của Đức Cha. Con xin Đức Cha tóm tắt cho anh chị em chúng con những ý tưởng chính. Xin kính mời Đức Cha.

2. Kính thưa Đức Cha. Thời gian này cũng là những cuối năm. Nhìn lại một năm qua, theo đánh giá của Đức Cha, đâu là những thành tựu nổi bật của Giáo Hội tại Việt Nam, thưa Đức Cha?

3. Còn những khó khăn trong đời sống Giáo Hội thì sao, thưa Đức Cha?

4. Nhìn rộng ra trên phạm vi toàn xã hội. Đức Cha đánh giá thế nào về tình hình tự do tôn giáo, nhân quyền và vấn đề tài sản của các công dân cũng như của các cộng đồng tôn giáo tại quê nhà.

5. Âu lo của nhiều người và cũng là một điều Đức Cha cũng nhiều lần chia sẻ là tình trạng lệ thuộc vào Trung Quốc và việc người Trung Quốc tràn vào Việt Nam, cũng như các vấn đề về môi trường liên quan đến việc khai thác của người Trung Quốc. Trong một năm qua, vấn đề này diễn biến như thế nào, thưa Đức Cha.

6. Vừa rồi Đức Thánh Cha Phanxicô viếng thăm hai nước là Thái Lan và Nhật Bản, trong các chương trình truyền hình trực tiếp của VietCatholic, nhiều người có bày tỏ khát vọng là được thấy Đức Thánh Cha sang thăm Việt Nam. Đức Cha thấy có chút triển vọng gì về vấn đề này không, thưa Đức Cha?

 
Tòa Thánh khẳng định không có quan hệ nhân quả giữa luật độc thân và tội lỗi lạm dụng tính dục trẻ em
Đặng Tự Do
15:37 20/12/2019
Tháng 12 năm 2017, Ủy ban Hoàng gia Úc đã yêu cầu Giáo Hội Công Giáo thực hiện 409 khuyến cáo, trong đó có cả khuyến cáo yêu cầu Giáo Hội Công Giáo phải bỏ luật độc thân linh mục.

Hôm 31 tháng 8, 2018 tức là tám tháng rưỡi sau khi Ủy ban Hoàng gia công bố báo cáo này, các giám mục Công Giáo và các bề trên các dòng tu tại Úc ra tuyên bố cho biết các ngài đã đáp ứng 98% các khuyến nghị của Ủy ban Hoàng gia về những phản ứng của các tổ chức đối với nạn lạm dụng tình dục trẻ em.

Tuy nhiên, về yêu cầu Giáo Hội Công Giáo phải bỏ luật độc thân linh mục, các giám mục Công Giáo và các bề trên các dòng tu tại Úc cho rằng Ủy ban Hoàng gia đã xen mình một cách quá đáng vào kỷ cương của Giáo Hội Công Giáo. Câu trả lời của các Giám Mục và bề trên các dòng lưu ý rằng “Chính Ủy ban Hoàng gia cũng không tìm thấy mối liên hệ nhân quả giữa luật độc thân linh mục và việc lạm dụng tình dục trẻ em. Hơn thế nữa, luật độc thân linh mục tự nguyện là một thực hành lâu đời và tích cực của Giáo Hội ở cả Đông và Tây”

Hôm 14 tháng 12 vừa qua, nữ ký giả Inés San Martín của tạp chí Crux, có bài nói về một báo cáo của chuyên gia chống lạm dụng tình dục của Tòa Thánh. Đó là Cha Jordi Bertomeu, người vốn đóng một vai trò quan trọng trong cuộc điều tra lạm dụng tình dục ở Chí Lợi trước đây.

Trong bài tiểu luận dài 2,800 chữ trên tạp chí Tây Ban Nha Palabra, ngài đã thảo luận các đề tài nóng bỏng như luật độc thân, việc Giáo Hội ngăn cấm phong chức cho phụ nữ, và đồng tính luyến ái có vai trò nào trong việc lạm dụng trẻ em.

Đề cập đến đến luật độc thân, Cha Bertomeu viết rằng “không có chứng cớ” nào cho thấy nó gây ra “bất cứ việc ghiền tình dục sai trái nào”, “đúng hơn, đa số những người lạm dụng là những người đàn ông có vợ”.

Cha viết, “Một số người nghĩ rằng trong một xã hội buông lỏng về tình dục, bị nhục dục hóa đến rối loạn, với nhiều trường hợp ghiền đủ thứ văn hóa phẩm khiêu dâm và thác loạn tình dục, luật độc thân linh mục có thể bị coi như một cách sống nguy hại. Theo lý thuyết này, với việc luôn phải tự kiểm duyệt thèm muốn tình dục, kết cục vị linh mục chắc chắn sẽ khai triển ra nhiều nan đề tâm lý học liên quan đến tình trạng không trưởng thành, một tình trạng, trong nhiều trường hợp, dẫn tới các tác phong ấu dâm”.

Cha bác bỏ lý thuyết đó bằng các dữ kiện được các Giáo Hội Kitô giáo và không Kitô giáo khác cung cấp. Ngài trích dẫn Giáo Hội United ở Úc, một Giáo Hội có khoảng 240,000 thành viên, không có hàng giáo phẩm và chỉ có hàng giáo sĩ nam nữ có gia đình”. Trong mấy tháng gần đây, Giáo Hội này được nhiều người chú ý vì 2,500 trường hợp lạm dụng trẻ em. Trong khi đó “Giáo Hội Công Giáo, với 466,000 linh mục độc thân, mà chỉ có 6,000 trường hợp được báo cáo cho Bộ Giáo Lý Đức Tin”.

Ngài cũng lập luận rằng luật độc thân bắt nguồn từ Tin Mừng, như đã được các nghiên cứu lịch sử chứng minh, chứ không phải là một điều xuất hiện vào thế kỷ thứ 12 để “kiểm soát tốt hơn nền kinh tế của các giáo phận”, khỏi rơi vào tình thế có “các gia đình giáo sĩ”, như một số phúc trình nói một cách sai lạc.

Có những người cổ vũ việc chấm dứt tình trạng “độc thân linh mục” như một nhân tố chính trong cuộc chiến đấu chống việc lạm dụng trẻ em. Họ lý luận rằng, việc ‘cho là bình thường hóa’ này đối với đời sống của vị linh mục sẽ chấm dứt việc lạm dụng vì “vị này sẽ không còn cần phải sinh hoạt tình dục với các vị thành niên nữa”.

Ngài khẳng định rằng “kết luận này không trình bầy bất cứ mối liên hệ hợp luận lý nào với vấn đề chúng ta đang bàn ở đây. Không có dữ kiện khoa học nào chứng minh rằng đời sống hôn nhân sẽ chấm dứt hành vi lệch lạc của một số ít linh mục mắc chứng rối loạn tình dục này”. Ngài viết thêm rằng không có dữ kiện khoa học nào chứng minh rằng các người đàn ông ấu dâm cư xử tốt hơn khi sống với các phụ nữ. Hơn nữa, theo ngài, một số nhà xã hội học nói tới 25 phần trăm các trường hợp trong đó, các phụ nữ lập gia đình với những kẻ ấu dâm cũng là những kẻ quấy rối trẻ em.

Cha Bertomeu nhận xét rằng mặc dù Giáo hội phải xấu hổ vì số linh mục đã phạm tội lạm dụng, nhưng ngài lưu ý rằng đó chỉ là một phần trăm nhỏ các giáo sĩ, so sánh với số người lạm dụng trong xã hội nói chung.

“Chúng tôi không cho phép duy trì các quả quyết nhằm kích động sự hoảng loạn xã hội và làm mất uy tín của Giáo hội, bêu xấu một cách bất công tầng lớp giáo sĩ về phương diện xã hội”.

Theo Cha Bertomeu, trong hai thập niên qua, “nhất là ở một số vùng của thế giới Công Giáo”, đã có “việc đối xử bất xứng, không đúng mực, không ân cần và thậm chí gây phiền phức cho các linh mục chỉ bởi các ngài là linh mục”.

Ngài cho rằng, “Một số cơ quan truyền thông đã đối xử vô trách nhiệm với hiện tượng vi phạm hình sự các vị thành niên, đến mức đã cổ vũ “cuộc bách hại bừa bãi tầng lớp giáo sĩ hoặc gây ra sự mất tin tưởng bất cứ linh mục nào chỉ vì sự kiện các ngài là linh mục”.

Ngài nói, “một người trưởng thành và có trách nhiệm” phải bác bỏ việc bị thao túng và có khả năng phân biệt trường hợp đặc thù với trường hợp tổng quát. Ngài nói thêm rằng “sự hiện hữu của một giáo sĩ ấu dâm không nhất thiết ngụ ý rằng các linh mục và phó tế của giáo xứ tôi, Trung tâm Caritas trong thành phố của tôi hoặc của các trường học của con tôi, đều không trung thành với những lời thề hứa của chức linh mục của họ, đặc biệt là lời thề hứa độc thân, sống độc thân hoàn toàn”.

Ngài cũng nói rằng cho dù 73% các vụ lạm dụng tình dục trẻ em được thực hiện trong các gia đình, thì ta vẫn không thể nói rằng, “tất cả các bậc làm cha hoặc làm mẹ đều có xu hướng lạm dụng”.


Source:Crux