Ngày 23-12-2017
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Thánh lễ Chúa Nhật Thứ Tư Mùa Vọng 24/12/2017 dành cho những người không thể đến nhà thờ
VietCatholic Network
03:38 23/12/2017
Bài Ðọc I: Is 7, 10-14

"Này trinh nữ sẽ thụ thai".

Bài trích sách Tiên tri Isaia.

Ngày ấy, Chúa phán bảo vua Achaz rằng: "Hãy xin Thiên Chúa, Chúa ngươi, một dấu ở dưới lòng đất hay ở trên trời cao!" Nhưng vua Achaz thưa: "Tôi sẽ không xin, vì tôi không dám thử thách Chúa".

Và Isaia nói: "Vậy hãy nghe đây, hỡi nhà Ðavít, làm phiền lòng người ta chưa đủ ư, mà còn muốn làm phiền lòng Thiên Chúa nữa? Vì thế, chính Chúa sẽ cho các ngươi một dấu: này đây một trinh nữ sẽ thụ thai, hạ sinh một con trai, và tên con trẻ sẽ gọi là Emmanuel, nghĩa là Thiên Chúa ở cùng chúng ta".

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 23, 1-2. 3-4ab. 5-6

Ðáp: Chúa ngự qua, chính Ngài là Hoàng Ðế hiển vinh

Xướng: Chúa là chủ trái đất và mọi vật làm sung mãn nó, chủ địa cầu và muôn loài cư trú ở trong. Vì chính Ngài xây dựng nó trên biển cả, và Ngài giữ vững nó trên chỗ nước nguồn.

Xướng: Ai khá trèo lên cao sơn của Chúa, ai được đứng trong nơi thánh của Ngài? Người tay vô tội và lòng thanh khiết, người không để lòng xu hướng bả phù hoa.

Xướng: Người đó sẽ được Chúa chúc phúc cho, và được Thiên Chúa là Ðấng cứu độ ban ân thưởng. Ðó là dòng dõi người tìm kiếm Chúa, người tìm long nhan Thiên Chúa nhà Giacóp.

Bài Ðọc II: Rm 1, 1-7

"Ðức Giêsu, thuộc dòng dõi vua Ðavít, là Con Thiên Chúa".

Bài trích thơ Thánh Phaolô Tông đồ gởi tín hữu Rôma.

Phaolô, tôi tớ Chúa Giêsu Kitô, đã được kêu gọi làm Tông đồ và đã được tuyển chọn để rao giảng tin mừng Thiên Chúa. Tin mừng ấy Thiên Chúa đã hứa trước bằng lời các tiên tri trong Kinh Thánh về Con của Người; Người đã sinh ra theo huyết nhục bởi dòng dõi Ðavít, đã được tiền định là Con Thiên Chúa quyền năng theo Thánh Thần, đã sống lại từ cõi chết. Ðó chính là Ðức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, nhờ Người, chúng tôi đã nhận ân sủng và chức vụ tông đồ, để nhân danh Người, chúng tôi quy phục mọi dân tộc về Ðức Tin, trong đó có cả anh em là những người mà Chúa Giêsu đã kêu gọi.

Tôi chúc tất cả mọi người trong thành Rôma được Thiên Chúa yêu mến và kêu gọi nên thánh, được ân sủng và bình an của Thiên Chúa là Cha chúng ta, và của Ðức Giêsu Kitô là Chúa chúng ta.

Ðó là lời Chúa.

Alleluia: Mt 1, 21

Alleluia, alleluia! - Này đây trinh nữ sẽ mang thai, hạ sinh một con trai, và người ta sẽ gọi tên Người là Emmanuel, nghĩa là Thiên Chúa-ở-cùng-chúng ta. - Alleluia.

Phúc Âm: Mt 1, 18-24

"Chúa Giêsu sinh ra bởi Ðức Maria, đính hôn với Thánh Giuse con vua Ðavít".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.

Chúa Kitô giáng sinh trong hoàn cảnh sau đây: Mẹ Người là Maria đính hôn với Giuse, trước khi về chung sống với nhau, đã thụ thai bởi phép Chúa Thánh Thần. Giuse, bạn của bà, là người công chính, không muốn tố cáo bà, định tâm lìa bỏ bà cách kín đáo.

Nhưng đang khi định tâm như vậy thì thiên thần Chúa hiện đến cùng ông trong giấc mơ và bảo: "Hỡi Giuse, con vua Ðavít, đừng ngại nhận Maria về nhà làm bạn mình, vì Maria mang thai là bởi phép Chúa Thánh Thần: bà sẽ hạ sinh một con trai mà ông sẽ đặt tên là Giêsu: vì chính Người sẽ cứu dân mình khỏi tội".

Tất cả sự kiện này đã được thực hiện để làm trọn lời Chúa dùng miệng Tiên tri phán xưa rằng: "Này đây một trinh nữ sẽ mang thai và hạ sinh một con trai, người ta sẽ gọi tên con trẻ là Emmanuel, nghĩa là Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta".

Khi tỉnh dậy, Giuse đã thực hiện như lời thiên thần Chúa truyền: ông tiếp nhận bạn mình, nhưng không ăn ở với nhau cho đến khi Maria sinh con trai đầu lòng, thì Giuse đặt tên con trẻ là Giêsu.

Ðó là lời Chúa.
 
CN 4B Vọng : Đũa thần nào biến Maria thành Mẹ Chúa ?
LM. Anphong Nguyễn công Minh, ofm
09:37 23/12/2017
Cn 4B Vọng : Đũa thần nào biến Maria thành Mẹ Chúa ?

Câu chuyện được thánh Luca kể trong đoạn Tin Mừng này có phần giống chuyện cổ tích về chiếc đũa thần và Cô bé Lọ Lem. Cô Bé Lọ Lem Cinderella nghèo nàn xấu xí bỗng dưng trở thành nàng công chúa cực kỳ xinh đẹp chỉ bằng cái phất nhẹ chiếc đũa thần của một Bà tiên.

Chúng ta hãy đọc kỹ những mô tả của Thánh Luca về tình trạng "đã là", "đang là" và "sẽ là" của Maria:

-Tình trạng đã và đang là của Maria thì rất tầm thường: một thôn nữ sinh sống ở làng Nadarét vô danh rất ít người biết đến, (làng vô danh thì người cũng tiểu tốt); mang một cái tên khá phổ biến là Maria (chứ chẳng công tằng tôn nữ gì cả). Có sách vở ca tụng Mẹ, nên tôn tên Maria có nghĩa là công chúa. Thực ra nhiều người mang tên này lắm. (Nguyên trong Tin Mừng thôi đã có ít là 3 người phụ nữ khác cũng mang tên Maria như thế : Maria Cleopas, Maria Magdala, và Maria em Matta)

Lý lịch của nhân vật thứ nhất trong câu chuyện của Luca chỉ có thế, không như lý lịch của nhân vật thứ hai là Giuse dù sao cũng còn được ghi kèm là "thuộc dòng dõi vua Đavít".•

-Nhưng tình trạng sẽ là của Maria thì khác hẳn: Maria

"sẽ thụ thai sinh hạ một con trai và đặt tên là "Giêsu".

Đứa con đó "sẽ nên cao cả và sẽ được gọi là Con Đấng Tối Cao.

Đức Chúa là Thiên Chúa sẽ ban cho Người ngai vàng vua Đavít, tổ tiên Người.

Người sẽ trị vì nhà Giacóp đến muôn đời,

và triều đại Người sẽ vô cùng vô tận".

Cô thôn nữ tầm thường Maria sẽ là mẹ của Đấng Cứu Tinh thiên hạ. Chiếc đũa thần chính là quyền năng của Thiên Chúa: "Đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được".

Mà giây phút chiếc đũa thần vung lên chính là lúc Maria thốt lên lời Fiat.

Trong Kinh Truyền Tin, chúng ta vẫn đọc "Phút ấy Ngôi Thứ Hai xuống thế làm người".

Trước tiếng Fiat, Maria là Cô Bé Lọ Lem,

sau tiếng Fiat, Maria trở thành Mẹ Đấng Cứu Thế.

Tiếng Fiat nhiệm mầu giống câu thần chú " Vừng ơi mở ra" trong “Alibaba và 40 tên cướp” vậy !

Nhưng Fiat là gì ? Fiat không hẳn là "Xin vâng", vì " xin vâng" hàm ý là “Maria sẽ làm” theo ý Thiên Chúa, phần chủ động vẫn là phía con người.

Mà nếu như để con người làm thì con người có làm được gì đáng kể đâu. Bàn tay yếu ớt của Cô Bé Lọ Lem làm sao nhặt lựa cho hết mấy thúng hạt đậu trắng đen lẫn lộn (giống chuyện Tấm Cám của ta). Cô thôn nữ Maria làng Nadarét làm gì được để cứu độ cả thế giới loài người.

Đúng hơn, Fiat là "Xin Chúa cứ làm nơi tôi", chính Chúa làm chứ không phải Maria làm. Phần của Maria chỉ là để cho Chúa làm, bằng chiếc đũa thần quyền năng của Ngài. Và khi chiếc đũa thần ấy vung lên, Maria cảm nghiệm "Chúa đã làm cho tôi bao điều cao cả" (Đáp ca).

Tuy nhiên, chúng ta đừng tưởng Maria hoàn toàn thụ động, cứ ở yên để Chúa làm, vậy thôi.

Quả thật, phần cộng tác của Mẹ không nhỏ chút nào:

-Maria muốn một tương lai êm ả, nhưng “Chúa làm” cho tương lai ấy hoàn toàn đổi hướng với biết bao xáo trộn.

Thử tưởng tượng một thiếu nữ mang thai trước khi về nhà chồng. Biết bao rắc rối và khổ tâm đối với cha mẹ mình. Biết bao khó xử đối với gia đình, với họ nhà chồng và nhất là với người chồng sắp cưới.

-Và để “Chúa làm,” có nghĩa là mình không làm chủ đời mình nữa nhưng giao trọn dòng đời cho Chúa định hướng, miễn sao mọi sự đi đúng chương trình của Ngài.

Dù sao, Maria vẫn tin rằng Chúa sẽ hướng đời Mẹ đến chỗ tốt đẹp:

"Phận nữ tì hèn mọn, Ngài đoái thương nhìn tới.

Từ nay hết mọi đời sẽ khen tôi diễm phúc" (Đáp ca).

Chúng ta cũng là những cô bé lọ lem. Thiên Chúa có chiếc đũa thần kỳ diệu "không có gì mà Thiên Chúa không làm được". Làm thế nào để Thiên Chúa vung chiếc đũa thần ấy lên cho đời ta được biến đổi ? Chúng ta hãy noi gương Đức Mẹ thưa lên lời Fiat: " Xin Chúa cứ làm nơi con"

Những ai đã đọc Tam Quốc Chí, hẳn phải biết Trương Lương, một trong những vị tướng tài ba của Lưu Bang mà ai cũng mến chuộng. Thuở nhỏ, Trương Lương đi dạo chơi ngoài bờ sông. Thấy một ông lão ăn mặc rách rưới nằm ngủ trên cầu. Ông lão ngủ say quá nên làm rơi một chiếc dép xuống sông. Thấy Trương Lương, ông sai bảo: “Thằng bé, nhặt chiếc dép cho ta”. Trương Lương vui vẻ xuống sông nhặt chiếc dép và kính cẩn đưa lại cho cụ già. Cụ cầm lấy mà chẳng một lời cám ơn. Loay hoay xỏ mãi không vào, cụ lại đánh rơi chiếc dép lần nữa. Cụ lại quát bảo Trương Lương: “Thằng bé, xuống nhặt dép cho ta”. Trương Lương vẫn vui vẻ giúp cụ. Lần thứ ba cũng thế. Thấy vậy, ông lão khen: “Thằng bé này dạy được đây”. Thì ra cụ là một cao nhân lỗi lạc. Và cụ nhận Trương Lương làm học trò, truyền dạy binh pháp cho ông. Nhờ thế, Trương Lương trở nên một danh tướng văn võ song toàn, đã giúp cho Lưu Bang dựng nên nghiệp đế vương.

Trương Lương gặp được thầy giỏi một phần là nhờ cơ may. Nhưng phần lớn là nhờ sự khiêm nhường phục vụ của ông. Đọc truyện Trương Lương, chúng ta lại nhớ đến Đức Mẹ.

Đức Mẹ khiêm nhường trong thái độ ứng xử. Trước mặt thiên sứ Gáp-ri-en, Đức Mẹ xưng mình là nữ tỳ của Thiên Chúa, dù thiên sứ đã loan báo Maria sẽ là Mẹ Thiên Chúa.

Sau đó, Đức Mẹ đến thăm bà chị họ Ê-li-sa-bét. Vừa nghe Đức Mẹ chào, bà Ê-li-sa-bét đã ngợi khen Đức Mẹ là Mẹ Thiên Chúa. Đáp lại, Đức Mẹ chỉ nhận mình là phận hèn bé nhỏ. Nếu có được ơn gì là do Thiên Chúa thương ban.

Thái độ khiêm tốn chấp nhận của Đức Mẹ đã được Thiên Chúa yêu thương. Nước chảy xuống chỗ trũng. Ân huệ Thiên Chúa đổ xuống tâm hồn khiêm cung. Càng khiêm cung càng nhận được nhiều ân phúc. Đức Mẹ có một tâm hồn khiêm cung thẳm sâu, nên Đức Mẹ đã nhận được đầy tràn ân phúc của Thiên Chúa, nhận được chính Ngôi Hai Thiên Chúa, là nguồn mạch mọi ân phúc.

Đũa thần sẽ vảy trên chúng ta để biến ta từ cô bé lọ lem thành công chúa Nước Trời, từ chàng trai sọ dừa thành hoàng tử thiên quốc, khi chúng ta khiêm tốn xin vâng, “xin để Chúa làm” như Maria xưa.

LM. Anphong Nguyễn Công Minh, ofm
 
Suy Niệm Lễ Giáng sinh 2017
Lm. Anthony Trung Thành
09:41 23/12/2017
Suy Niệm Lễ Giáng sinh 2017

Lễ ngày

Hang đá Bê-Lem và Chúa Giáng sinh là hai sự kiện luôn gắn liền với nhau. Vì thế, hễ ở đâu có người Công Giáo thì ở đó sẽ có hang đá trong dịp lễ Giáng sinh. Người Công Giáo làm hang đá để làm gì? Thưa, để diễn tả lại quang cảnh lúc Chúa Giáng sinh. Trong hang đá thường có nhiều bức tượng nhưng không thể thiếu ba bức tượng sau đây:

Thứ nhất, bức tượng Chúa Hài Đồng Giêsu: Ngài được bọc trong một chiếc khăn trắng và đặt nằm trên những cỏng cỏ khô, nói lên sự thiếu thốn nghèo hèn của ngày Ngài sinh ra. Chiếc khăn trắng báo trước về chiếc khăn liệm xác Ngài sau này.

Thứ hai, bức tượng Đức Maria: Ngài đang chắp tay và đứng bên phải trong hang đá. Tư thế chắp tay nói lên niềm tin của Mẹ vào Hài Nhi Giêsu là Đấng Cứu Thế. Đồng thời, tư thế chắp tay cũng nói lên sự khiêm nhường thẳm sâu của Mẹ. Nhìn kỹ hơn nữa chúng ta sẽ thấy, khuôn mặt của Mẹ không dấu được sự băn khoăn lo lắng và đượm chút buồn sầu: buồn vì sự từ chối của con người để Hài Nhi phải sinh ra trong cảnh thiếu thốn như vậy; băn khoăn lo lắng vì không biết rồi đây con trẻ lớn lên sẽ ra sao? Nhưng chắc chắn Mẹ vẫn tràn đầy niềm hy vọng phó thác vào Thiên Chúa tình yêu.

Thứ ba, bức tượng Thánh Giuse: Ngài thường được đặt phía bên trái trong hang đá, mặc chiếc áo choàng rộng, là cha nuôi của Hài Nhi, với sứ mạng bảo vệ Hài Nhi và Mẹ Người. Tin mừng cũng cho biết, đang khi Thánh Giuse đưa Đức Maria về quê quán để kê khai hộ khẩu thì Đức Maria đến ngày mãn nguyện khai hoa. Thánh Giuse đã tìm hết cách cho Đức Maria có được một nơi xứng đáng để sinh con, nhưng đều bị con người từ chối. Cuối cùng, Đức Maria đành phải sinh con trong hang đá nghèo hèn như vậy. Sau đó, Thánh Giuse tiếp tục sứ mạng của mình bằng cách chăm sóc bảo vệ Hài Nhi và Đức Maria: Đưa Hài Nhi và Mẹ Maria trốn sang Aicập khỏi sự lùng bắt của vủa Hêrôđê ; Cùng với Đức Mẹ đi tìm trẻ Giêsu khi Người lạc mất trong đền thờ ; Làm thợ mộc để nuôi sống Đức Maria và Chúa Giêsu…

Nhìn vào hang đá, chúng ta không thể không nghĩ đến cảnh nghèo nàn thiếu thốn của Thánh gia, nhưng chúng ta cũng không thể không nghĩ đến sự ấp áp đầy tình Chúa và tình người của Thánh gia. Cụ thể, sự hiện diện của Đức Maria và Thánh Giuse bên cạnh Hài Nhi Giêsu nói lên sự quan tâm chăm sóc của hai Đấng đối với trẻ Giêsu, điều đó muốn dạy cho mỗi người, mỗi gia đình chúng ta hôm nay bài học về sự quan tâm chăm sóc của người cha người mẹ đối với con cái.

Thật vậy, trong thời đại chúng ta đang sống, nhiều gia đình đang thiếu vắng tình thương, thiếu vắng sự quan tâm chăm sóc của cha mẹ đối với con cái thể hiện một cách cụ thể qua các tình trạng đáng báo động sau đây:

Tình trạng phá thai : Nhiều người cha người mẹ đã khước từ con cái ngay từ khi còn trong bụng mẹ. Theo Vụ Sức khỏe Bà mẹ & Trẻ em - Bộ Y tế cho biết, mỗi năm nước ta có khoảng 250.000 - 300.000 ca phá thai được báo cáo chính thức. Đáng chú ý, tỉ lệ phá thai trên 12 tuần tuổi chiếm tới gần 80%. Trong khi đó, theo số liệu của Hội Kế hoạch hóa gia đình Việt Nam, 20-30% các ca phá thai là phụ nữ chưa kết hôn và 60-70% là sinh viên, học sinh, chủ yếu ở độ tuổi 15 - 19. (Nguồn: giadinh.net.vn)

Tình trạng trẻ em bị bỏ rơi: Vài năm gần đây, thông tin phát hiện trẻ sơ sinh, trẻ tật nguyền bị bỏ rơi ngày càng nhiều. Đáng quan tâm, không ít trong số đó, khi được phát hiện, có em đã tử vong, còn nhiều em, do bị vứt bỏ ở những nơi hoang vắng, được phát hiện muộn nên đã bị các loại côn trùng, động vật cắn, dẫn đến thương tật suốt đời. (Nguồn: baomoi.com).

Tình trạng trẻ em bị bạo hành trong gia đình và nhà trường: Các hình thức bạo lực đối với trẻ em là: chửi mắng thô tục, làm nhục, dùng đòn roi để trấn áp để lại hậu quả hết sức nặng nề về thể chất và tinh thần của trẻ. Các vụ việc bạo hành mà một số bậc cha mẹ, thầy cô, người thân gây ra cho trẻ em đã được phát hiện và đưa lên báo chí, khiến dư luận xã hội rất căm phẫn, đồng thời xã hội cũng lo ngại về sự xuống cấp của chuẩn mực đạo đức, sự thiếu vắng môi trường văn hoá chuẩn mực của giáo dục. (nguồn: congtacxahoi.net).

Tình trạng trẻ em bị bóc lột sức lao động: Những số liệu gần đây cho thấy, ở nước ta, trẻ em dưới 17 tuổi tham gia vào các hoạt động kinh tế chiếm khoảng trên dưới 30%, khoảng 60% trẻ lao động ở các cơ sở ngoài quốc doanh sống trong điều kiện khó khăn (ăn, ngủ, sức khỏe, vệ sinh không đảm bảo...), tiền công rẻ mạt, cường độ lao động cao; 71,2% trẻ làm việc từ 9 đến 10 giờ/ngày; 72% trẻ làm việc cả ngày Chúa Nhật. Nhóm trẻ độ tuổi 15-17 có tỷ lệ tham gia lao động tương đối cao (63,3% so với độ tuổi). Điều đáng chú ý là có khoảng 15% trẻ em làm thuê, phải làm các nghề với điều kiện nặng nhọc và độc hại như sản xuất gốm, sành sứ, vật liệu xây dựng dân dụng. Không ít trẻ em hiện nay đang nằm trong tình trạng bị lạm dụng sức lao động, thậm chí bị xâm phạm cơ thể và danh dự...(Nguồn: baomoi.com).

Tình trạng trẻ em bị lạm dụng tình dục: Theo số liệu từ Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, trong 5 năm từ 2011 đến 2015, cả nước có 5.300 vụ xâm hại tình dục trẻ em. Tính trung bình, cứ 8 giờ trôi qua lại có một trẻ em Việt Nam bị xâm hại. Đa số thủ phạm là người quen của nạn nhân. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng con số này chỉ là những vụ việc được báo cáo, còn rất nhiều vụ nạn nhân bị chính kẻ xâm hại dọa dẫm hoặc vì lý do nào đó đã không được thống kê. (Nguồn: news.zing.vn).

Là người kitô hữu, chúng ta hãy nói không với các tình trạng trên. Thay vào đó, chúng ta luôn phải biết tôn trọng sự sống, quan tâm và chăm sóc trẻ em, nhất là những người cha người mẹ hãy quan tâm chăm sóc con cái của mình, không được bỏ rơi chúng.

Bài báo với tựa đề: “Giáng sinh đầu đời không cha mẹ nhưng đầy ắp tình thương của em bé bị bỏ rơi” được đăng trên trang điện tử vietbao.vn đáng chúng ta suy nghĩ. Bài báo viết như sau: Giáng sinh là khoảng thời gian cả gia đình quây quần bên nhau, cùng nhau hưởng trọn cảm giác ấm áp tình yêu thương. Thế nhưng đâu đó vẫn có những đứa trẻ không nhận được hơi ấm gia đình khi bị bố mẹ bỏ lại giữa những ngày tiết trời lạnh xuống. Đó là trường hợp của bé gái chào tại Bệnh viện Từ Dũ (Sài Gòn) ngày 4/12, nặng 2,8 kg, hoàn toàn khỏe mạnh. Bé gái chào đời vào ngày 4/12. Theo chia sẻ từ các bác sĩ, bé gái được sinh tại bệnh viện và xuất viện sau đó. Tuy nhiên, 2 ngày sau bố mẹ em đã mang bé đến bệnh viện nhờ chăm sóc rồi bỏ đi với lý do không thể tiếp tục nuôi em. Mặc dù mọi người cố gắng liên lạc với người thân nhưng không được. Thông tin duy nhất mà các bác sĩ biết được đó là mẹ bé còn khá trẻ, 23 tuổi quê ở Kiên Giang. Bố mẹ bé gái đều còn khá trẻ và đã bỏ lại em khi không đủ khả năng nuôi dưỡng. Thế là hơn 2 tuần qua dưới sự chăm sóc của các bác sĩ nơi đây, đặc biệt là bác sĩ Nguyễn Thị Từ Anh, Trưởng khoa Sơ sinh, bé gái phần nào cảm nhận được tình yêu thương trong những ngày đầu đến với thế giới mới lạ. Không được bên bố mẹ nhưng em vẫn nhận được đầy đủ tình yêu thương từ các bác sĩ. “Chúng tôi muốn bù đắp phần nào cho con. Khi lớn lên, nhìn lại những bức ảnh này, con gái sẽ vững tin khi biết rằng con không cô đơn trong cuộc đời này”, bác sĩ Từ Anh chia sẻ. Chiếc mũ len Giáng sinh màu đỏ trên đầu bé gái chính là món quà nhỏ xinh mà mọi người nơi đây tự tay cắt may và mua thêm một vài vật liệu trang trí như cây thông Noel để tạo nên bức ảnh đầu đời thật ý nghĩa cho con. (Nguồn: vietbao.vn)

Lạy Chúa Hài Nhi, mặc dầu Chúa phải sinh ra trong hang bò lừa thiếu thốn đủ điều, nhưng thay vào đó Chúa lại được sưởi ấm bằng tình yêu thương của Mẹ Maria và Thánh Giuse. Xin cho các thai nhi và trẻ em hôm nay cũng được bảo vệ bởi những người có trách nhiệm, đặc biệt là người cha người mẹ, để các em được sinh ra, lớn lên xứng đáng là một con người, là con cái Chúa. Amen.

Lm. Anthony Trung Thành
 
Mỗi tuần SỐNG một câu Lời Chúa (CN 4 MV)
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
18:49 23/12/2017
Chúa Nhật 4 MÙA VỌNG

Tin mừng: Lc 1, 26-38.
“Này đây bà sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai.”


Bạn thân mến,
Lời hứa trước đây trong vườn địa đàng -sau khi nguyên tổ loài người phạm tội- của Thiên Chúa, đang được thực hiện với lời chào hỏi của thiên sứ Gáp-ri-en với Đức Mẹ Ma-ri-a: “Mừng vui lên, hỡi Đấng đầy ân sủng. Đức Chúa ở cùng bà.” Không vui sao được khi mà dân Do Thái qua hàng ngàn năm mong đợi vị cứu tinh đến; không vui sao được khi mà người Do Thái bị áp bức bởi nhà cầm quyền Rô-ma; không vui sao được khi mà lời hứa của Thiên Chúa ngàn năm trước nay đã thực hiện giữa loài người...
Và hôm nay bạn và tôi cũng đang vui mừng vì ngày kỷ niệm lễ lớn của nhân loại sắp đến, lễ Đức Chúa Giê-su giáng sinh, ngày lễ mà Giáo Hội mời gọi bạn và tôi, cũng như tất cả những người Ki-tô hữu khác phải chuẩn bị thật nghiêm chỉnh trong tâm hồn, cũng như chuẩn bị thật đẹp bên ngoài để đón Ngài đến, bởi vì Ngài đến không phải để lên án, nhưng là để cứu thoát chúng ta khỏi ách tội lỗi của ma quỷ, và dẫn đường cho chúng ta đi về nhà Cha trên trời.
Tâm hồn bạn đang vui mừng, đang hòa với niềm vui cùng Giáo Hội địa phương, bạn đang góp tay vào trang hoàng nhà thờ, làm hang đá, cắm hoa, dọn vệ sinh nhà thờ sạch sẽ.v.v...để niềm vui được nhân lên khi phục vụ nhà Chúa, đó chính là niềm vui mà thiên sứ báo tin cho Đức Mẹ Ma-ri-a: mừng vui lên, Đấng đầy ơn phúc. Nhưng hạnh phúc và hân hoan nhất, chính là bạn và tôi hãy noi gương Đức Mẹ Ma-ri-a, đem Chúa Giê-su trong lòng mình đi phục vụ tha nhân như món quà Chúa tặng cho họ và cho bạn và tôi.
Bạn thân mến,
Bạn và tôi đang vui mừng chuẩn bị đón Chúa đến, không những đến trong tâm hồn, mà còn chờ đợi Ngài đến lần thứ hai trong vinh quang Thiên Chúa, bởi vì lần thứ nhất nơi hang đá Bê-lem, sự giáng thế của Đức Chúa Giê-su đã mở đầu cho một kỷ nguyên tha tội, kỷ nguyên của lòng thương xót Thiên Chúa, và nơi sự giáng lâm lần thứ hai trong vinh quang, chính Ngài sẽ như vị quan tòa xét xử chúng ta sử dụng ân sủng của Ngài như thế nào trong cuộc sống.
Khi vui mừng chờ đón ngày kỷ niệm Con Thiên Chúa làm người, bạn và tôi cũng vui mừng chuẩn bị Ngài đến trong vinh quang Thiên Chúa để phán xét kẻ sống và kẻ chết. Ma-ra-na-tha, lạy Đức Chúa Giê-su xin hãy đến.

Xin Thiên Chúa chúc lành cho chúng ta.
-------------
http://www.vietcatholicnews.net
http://www.vietcatholicnews.net/nhantai
http://nhantai.info
 
Lễ Giáng Sinh (lễ đêm)
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
18:51 23/12/2017
<b>LỄ GIÁNG SINH
(Thánh lễ Ban Đêm)
Tin mừng: Lc 2, 1-14.
“Hôm nay, Đấng cứu độ đã sinh ra cho anh em.”

Bạn thân mến,
Thánh Lu-ca rất chi tiết khi kể lại hoàn cảnh Chúa Giê-su sinh ra nơi hang đá Bê-lem: từ vị vua đang trị vì, Đức Mẹ Ma-ri-a mang thai đến ngày sinh, các thiên thần hiện ra ca hát mừng vui, và các mục đồng chăn chiên ở trong vùng cũng đến thờ lạy Hài Nhi mới sinh ra...
Đêm nay, sau 2017 năm Chúa Giê-su sinh ra, nhân loại nô nức đón mừng kỷ niệm trọng đại ấy, khắp nơi đều long trọng tổ chức ngày Chúa sinh ra theo truyền thống của dân tộc mình, bởi vì Đức Chúa Giê-su giáng trần, không phải chỉ cho một dân tộc Do Thái mà thôi, nhưng là con cho cả nhân loại trên địa cầu, từ nguyên tổ A-dong cho đến ngày tận thế, Ngài đến để đem ơn cứu độ cho mọi người, trả lại cho con người ơn làm con Thiên Chúa và mở cửa thiên đàng cho những người có lòng ngay.
Đêm nay, bạn và tôi cũng nô nức trong lòng nhập vào dòng người như đi trẩy hội đến nhà thờ, để thờ lạy Con Thiên Chúa làm người trong hang lừa máng cỏ. Bạn và tôi ngắm nhìn Chúa Hài Nhi đang nằm đó để cầu nguyện và suy tư đến tình yêu nhiệm mầu của Chúa dành cho bạn cho tôi và cho nhân loại, đó chính là mầu nhiệm được giấu kín từ thưở đời đời nơi Chúa Cha, mà nay đã được khải thị nơi Chúa Hài Nhi.
Đêm nay, có rất nhiều người vui mừng tổ chức lễ Chúa giáng sinh cách long trọng và hạnh phúc, nhưng đêm nay cũng có rất nhiều người mừng Chúa Giê-su giáng sinh trong âm thầm lặng lẽ và nghèo nàn như chính Ngài vậy, bạn có thấy như thế không ? Họ mừng lễ Giáng Sinh trong lo âu vì con cái bị bệnh không tiền đi bác sĩ, họ mừng lễ Chúa Giê-su giáng sinh trong nỗi buồn vì ngày mai không có tiền mua gạo. Đêm nay, có những tụ điểm lợi dụng ngày lễ Giáng Sinh để ăn chơi trác táng, để đua nhau phạm tội, để vung tiền không tiếc...
Bạn thân mến,
Một Hài Nhi đã sinh ra cho chúng ta, Ngài là Đấng cứu độ mà muôn dân trông đợi. Ngài đến để nối lại tình yêu đất trời -mà nguyên tổ chúng ta đã cắt đứt vì kiêu ngạo không muốn nghe lời của Thiên Chúa- để tuôn đổ hồng phúc bình an hạnh phúc cho nhân loại.
Bạn và tôi cũng là những sứ giả loan báo Tin Mừng của Ngài, không như các thiên thần xưa kia hát khúc ca vui mừng Đấng cứu độ, cũng không như các mục đồng xưa kia đem lễ vật chiên bò đến dâng cho Ngài nơi hang lừa, nhưng là như một bản sao cách sống của Ngài giữa anh chị em của mình, bản sao đó chính là yêu thương và phục vụ, bởi vì Đức Chúa Giê-su xuống thế gian cũng đã làm như thế để loan báo tin mừng Nước Trời cho mọi người.
Xin Thiên Chúa chúc lành cho chúng ta.
------------
http://www.vietcatholicnews.net
http://www.vietcatholicnews.net/nhantai
http://nhantai.info
 
Lễ Giáng Sinh (lễ ban ngày)
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
18:52 23/12/2017
LỄ CHÚA GIÁNG SINH
(Thánh lễ ban ngày)

Tin mừng: Ga 1, 1-18.
“Ngôi Lời đã trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta.”


Bạn thân mến,
Hôm nay là ngày lễ Giáng Sinh, là ngày mà Giáo Hội Công Giáo hân hoan mừng ơn cứu độ đến giữa loài người, như lời của thánh Gioan tông đồ đã loan báo: “Ngôi Lời đã trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta.” Bạn có thấy Ngài đang hiện diện giữa thế gian không, bạn đã có lần nào gặp Ngài chưa ?
Đức Chúa Giê-su đã trở nên người phàm như chúng ta, ngoại trừ tội lỗi, một người phàm thật sự khi sinh ra nơi hang lừa ngoài thành Bê lem, chứ không phải sinh hạ trong cung điện nhà vua; Ngài thật sự trở nên một con người như chúng ta, không phải thần thoại hoang đường, cũng không phải là tiểu thuyết, nhưng là một sự thực mà cho đến hôm nay -cứ mỗi năm- toàn thể nhân loại đều hân hoan mừng ngày giáng sinh của Ngài, Ngài là nhân vật trung tâm của lịch sử nhân loại.
Bây giờ thì bạn đã thấy Ngài rồi đó. Thấy Ngài đang nằm trong hang đá nghèo hèn, và thấy Ngài đang hiện diện trên bàn thờ qua bí tích Thánh Thể. Hang đá Bê lem là nhà tạm thứ nhất mà Ngôi Lời Thiên Chúa đã chọn khi xuống thế làm người, và đã trở thành anh em của chúng ta cách hiện thực mà như thánh Gioan tông đồ đã nói:
“Điểu từ thưở ban đầu đã có,
điều chúng tôi đã từng nghe,
điều chúng tôi đã từng thấy tận mắt,
điều chúng tôi đã cung chiêm, và tay chúng tôi đã rờ đến về Lời sự sống.” (Ga 1, 1)
Bí tích Thánh Thể là phương cách cao siêu mà Ngài đã chọn để ở với chúng ta mọi ngày cho đến tận thế, và hơn thế nữa, nơi bí tích Thánh Thể này, Ngài đã trở thành lương thực hằng sống nuôi sống linh hồn chúng ta, như Ngài nói:
“Bánh sự sống chính là Ta, ai đến với ta sẽ không hề đói, và kẻ tin vào ta sẽ không hề khát bao giờ.”(Ga 6, 35)
Bạn thân mến,
Khi bạn và tôi mừng kỷ niệm lễ giáng sinh của Chúa Giê-su, thì đồng thời chúng ta cũng chuẩn bị tâm hồn chờ đợi ngày Ngài lại đến trong vinh quang, đó chính là ý nghĩa quan trọng trong việc mừng đại lễ giáng sinh của Ngài, bởi vì lần thứ nhất xuống thế làm người, Chúa Giê-su không đến với uy quyền của vị vua cả trời đất, nhưng lần đến thứ hai Ngài sẽ đến với uy quyền của một vị Thiên Chúa toàn năng phán xét người lành kẻ dữ.
Ngôi Lời đã làm người và đang cư ngụ giữa chúng ta, Ngài đang ở giữa chúng ta qua người hành khất bên vệ đường, Ngài đang ở giữa chúng ta qua người bất hạnh, Ngài đang ở giữa chúng ta mà –có khi- chúng ta làm ngơ không biết Ngài. Và đó cũng là để tài mà Đức Chúa Giê-su sẽ xét xử chúng ta trong lần xuống thế thứ hai của Ngài vậy: yêu thương tha nhân như chính mình.
Xin Thiên Chúa chúc lành cho chúng ta.
--------------
http://www.vietcatholicnews.net
http://www.vietcatholicnews.net/nhantai
http://nhantai.info
 
Tản mạn giáng sinh 2017
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
18:56 23/12/2017
TẢN MẠN GIÁNG SINH 2017
NHỮNG ĐỒNG TIỀN BÀ GÓA

(của cộng đoàn Công Giáo Việt Nam tại giáo phận Taichung, Taiwan)

1. Giời thiệu.
Những người lần đầu tiên tham dự thánh lễ của cộng đoàn Công Giáo Việt Nam tại nhà thờ Đức Mẹ Vô Nhiễm (nhà thờ thường được gọi ngắn gọn là “nhà thờ Fushing”, vì nó nằm trên đường Fushing, gần ga xe lửa Taichung) thuộc giáo phận Taichung, Taiwan, thì đều sẽ thốt lên lời kinh ngạc: “Sao đông vậy, toàn là các bạn trẻ ?”
Vâng, đúng như thế, ở giữa một xã hội hưởng thụ như Taiwan này, mà có một cộng đoàn Công Giáo người Việt Nam với các bạn rất trẻ rất năng động và quy cũ nề nếp (giống như các họ đạo ở Việt Nam) thì thật là điều đáng ngạc nhiên. Các bạn trẻ phần đông đến từ dải đất khô cằn sỏi đá miền trung Việt Nam như Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình thuộc giáo phận Vinh, và một số các bạn trẻ ở Hải Phòng, Hải Dương.v.v…các bạn thuộc các ngành nghề trong các xí nghiệp công ty ở vùng Taichung, Nantou, Wufong, Changhua.v.v..cứ đến ngày Chúa Nhật buổi chiều là từ nhà ga Taichung tuôn về nhà thờ Fushing để tham dự lớp giáo lý hôn nhân, lớp dự tòng và xưng tội, rồi đến 3 giờ là thánh lễ Chúa Nhật bắt đầu, các bạn trẻ nam nữ này tuy làm việc mệt nhọc nhưng vẫn luôn bày tỏ đức tin vững vàng của mình vào ngày Chúa Nhật với thánh lễ, làm cho những người dân địa phương rất ngạc nhiên vì lòng đạo và đức tin của các bạn trẻ Việt Nam.

2. Sinh hoạt.
Được Đức Giám Mục địa phương (gp. Taichung) thương mến chăm sóc, ngài đã bổ nhiệm linh mục quản nhiệm coi sóc cộng đoàn trẻ này và sinh hoạt cũng như một giáo xứ (nhưng không phải giáo xứ), các bạn trẻ đã bầu cho mình một ban đại diện cộng đoàn để điều hành chung, có một ca đoàn không thua bất cứ ca đoàn nào, nghĩa là có ca trưởng ca viên, âm thanh nhạc cụ với các chuyên viên âm thanh, và lời ca tiếng hát được cất lên làm cho cộng đoàn vốn đã năng động trẻ trung lại càng năng động và vui tươi hơn và thánh lễ vừa sốt sắng vừa sinh động; có ban giáo lý với các giáo lý viên có kinh nghiệm khi còn ở Việt Nam phụ trách giáo lý dự tòng và giáo lý hôn nhân; với ban phụng vụ luôn đi sát với phụng vụ của giáo hội…
Một cộng đoàn có sức sống như thế thì chắc chắn đức tin của họ cũng sẽ vững mạnh trong mọi hoàn cảnh, và lòng đạo của họ sẽ được dịp chứng minh cho mọi người dân địa phương thấy qua việc tham dự thánh lễ ngày Chúa Nhật hàng tuần…
Và hãy nói một chút đến những đám cưới trẻ, dù không kiệu cưới xe hoa, không có họ hàng cha mẹ hai bên, nhưng rất trang nghiêm và ấm áp ở đất khách quê người. Những đám cưới này đều được cử hành trong nhà thờ theo phép đạo, được sự chúc lành của Chúa và của mọi người. Các bạn trẻ cũng phải đến lớp giáo lý hôn nhân (bắt buộc) thì mới được làm phép hôn phối, một sự bắt buộc đầy khôn ngoan của giáo hội làm cho đôi bạn trẻ nhìn xa thấy rộng những vui buồn trong đời sống hôn nhân sau này.
Nơi đất khách quê người này, các bạn trẻ đã luôn làm sáng danh Chúa để giới thiệu Chúa cho mọi người, lớp giáo lý dự tòng luôn có những người đến tìm hiểu về giáo lý và ước mong trở thành người Ki-tô hữu. Dù thời gian của công nhân không có nhiều, nhưng các bạn vẫn hy sinh những giờ nghĩ ngơi sau một tuần làm việc mệt nhọc để tham dự lớp giáo lý dự tòng. Đây là nét đặc biệt cùa cộng đoàn.

3. Bác ái.
Vì hoàn cảnh mà các bạn trẻ phải từ giã quê hương để đi lao động tại Taiwan, có bạn phải đi cầm sổ hộ khẩu, sổ đỏ (nhà đất) hoặc vay mượn ngân hàng để có tiền đi xuất khẩu lao động.
Ngoài tiền môi giới cắt cổ ra, thì còn nhiều khoản tiền khác phải trừ khấu trong tiền lương, cho nên qua Taiwan làm việc thì một năm đầu coi như là cầm chừng vì tiền lương bị trừ hết, cho nên được làm thêm ngoài giờ là cái phao cứu trợ cho các bạn trẻ, vì nếu không có làm thêm thì lâu lắm mới lấy lại được vốn của mình bỏ ra. Như thế thì chúng ta hiểu được rằng, các bạn trẻ đã làm việc rất mệt nhọc để kiếm tiền, vậy mà các bạn vẫn cứ dành thời gian cho Chúa, đến nhà thờ để chúc tụng ngợi khen và cảm tạ Chúa đã ban cho họ mọi ơn lành trong cuộc sống.
Thế nhưng, tình yêu Chúa và yêu người nơi các bạn trẻ đã làm cho người khác phải ngưỡng mộ và thích thú, các bạn đã thực hành đức ái cách quảng đại không chỉ bằng lời cầu nguyện mà thôi, nhưng còn bằng hành động nữa, chính hành động bác ái này mà làm cho mác bạn trẻ càng nhìn thấy Chúa Giê-su đau khổ nơi những người bất hạnh, các bạn luôn mở rộng lòng ra để chia sẻ với những người cần chia sẻ mà cụ thể là hai lần chia sẻ dưới đây mà chúng tôi gọi là “đồng tiền của bà góa”:

4. Đồng tiền bà góa.
1/ Lần thứ nhất: Khoảng tháng 8/2017 vùng đất miền trung Việt Nam thuộc giáo phận Vinh đã bị trận lụt thế kỷ thiệt hại nặng nề người và của cài. Nỗi đau buồn này đã được các phương tiện truyền thông đại chúng đưa tin, nhất là các trang mạng xã hội (facebook) đưa rất rõ và chi tiết những cảnh đau lòng của dân chúng bị nạn. Qua tình cảnh trên, ban đại diện cộng đoàn đã xin phép cha quản nhiệm quyên góp giúp đỡ bà con quê nhà giáo phận Vinh để chia sẻ nỗi đau buồn của họ.
Ngày Chúa Nhật nhìn từng bạn trẻ đi lên bỏ “đồng tiền bà góa” vào thùng tiền cứu trợ, ai cũng cảm thấy thật đánh động lòng người, bởi vì chính các bạn trẻ đã qua đây (Taiwan) để kiếm từng đồng từng cắc bạc để lo cho gia đình, nhưng vẫn cứ quảng đại chia sẻ với những người bất hạnh hơn mình, cả nhà thờ đầy nghẹt những người trẻ xếp hàng đi lên đưa tay ra bỏ vào thùng tiền như người đàn bà góa bỏ hai đồng tiền kẽm sinh hoạt phí của mình (Lc 21,1-5). Quả thật, những đồng tiền của bà góa này tích góp lại đã được 37.600 đồng Đài tệ gởi về hội bác ái của giáo phận Vinh để chia sẻ với bà con gặp nạn lụt…
2/ Lần thứ hai: Mỗi việc làm bác ái của chúng ta trong mùa vọng là một món quà dâng tặng Chúa Hài Đồng trong mùa giáng sinh, trở thành những cọng rơm sưởi ấm trong mùa đông. Cũng với những đồng tiền bà góa đó, lần thứ hai các bạn trẻ trong cộng đoàn lại có dịp thực hành đức ái trong đời sống Ki-tô hữu của mình. Lần này trong dịp mùa vọng chuẩn bị tâm hồn đón mừng kỷ niệm Chúa Giáng Sinh cứu chuộc nhân loại và chuẩn bị Chúa đến lần thứ hai nơi mỗi con người, vì nhu cầu xây nhà nuôi dạy trẻ em mồ côi và người già thuộc giáo phận Vinh, do các sơ dòng Mến Thánh Giá tại Nghĩa Yên giáo phận Vinh phụ trách, ngày 17/12/2017 các bạn trẻ đã quảng đại quyên góp giúp đỡ cho các em mồ côi tàn tật để xây nhà cho các em.
Đồng tiền của người đàn bà góa lần này được nhân gấp đôi hơn lần trước, khi mà các bạn trẻ xa nhà sống Phúc Âm cách cụ thể, những đồng tiền tuy nhỏ nhưng sự hy sinh và lòng quảng đại của các bạn trẻ rất lớn, đã làm ấm áp lòng người, số tiền quyên góp được và đếm tại chỗ là 105.500 Đài tệ, tương đương 82 triệu đồng Việt Nam.
“Phép lạ” do lòng quảng đại của các bạn trẻ được nhân gấp đôi khi cảm nghiệm được sự thiếu thốn và khổ cực của tha nhân. Các bạn trẻ xa nhà đầu tắt mặt tối làm việc nhưng vẫn quảng đại với những mảnh đời bất hạnh ở quê nhà giáo phận Vinh, một giáo phận chịu nhiều khổ đau tinh thần và thể xác.

5. Kết.
Lướt qua những trang mạng xã hội (facebook) thấy nhiều nhà thờ ở Việt Nam chuẩn bị mừng Chúa Giáng Sinh thật đồ sộ và tốn kém, số tiền trang hoàng hang đá đó có thể giúp đỡ rất nhiều người nghèo, các em mồ côi và những người bất hạnh. Chúa không thích những hang đá giả tạo ấy và Ngài cũng không muốn sinh ra trong những hang đá lung linh đèn màu phảng phất khoe khoang giáo xứ giàu, giáo xứ đẹp, nhưng Đức Chúa Giê-su muốn sinh ra trong những tâm hồn nghèo khó chất phác, những tâm hồn bị người đời bỏ quên, những mảnh đời bất hạnh thiếu thốn…
Xin cám ơn tất cả các bạn trẻ của cộng đoàn Công Giáo Việt Nam tại Taichung, các bạn đã là nhưng gương sáng sống bác ái cách sống động giữa một xã hội hưởng thụ vật chất, hành động bác ái đầy quảng đại của các bạn đã làm cho nhiều người phải suy nghĩ lại cách sống khoe khoang phung phí của mình.
Đồng tiền của người đàn bà góa được Đức Chúa Giê-su khen ngợi như thế nào, thì những đồng tiền ít ỏi của các bạn sẽ được Ngài chúc lành gấp bội, bởi vì Chúa cần tấm lòng chia sẻ và độ lượng hơn là của lễ to lớn.
Lễ giáng sinh năm nay (2017) các bạn trẻ cộng đoàn Công Giáo Việt Nam ở giáo phận Taichung đã có những món quà rất ý nghĩa để dâng cho Chúa Hài Nhi nơi những trẻ em mồ coi và những người già neo đơn ở giáo phận Vinh….
Xin cám ơn các bạn trẻ ở cộng đoàn Công Giáo Việt Nam tại giáo phận Taichung, Taiwan.
“Vinh danh Thiên Chúa trên trời,
Bình an dưới thế cho loài người Chúa thương.” (Lc 2, 14)


Taichung, ngày 20/12/2017

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
(Quản nhiệm cộng đoàn)
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Giảng thuyết viên Phủ Giáo Hoàng: Mọi thứ không liên quan đến Chúa Kitô chỉ là phù hoa
Đặng Tự Do
01:38 23/12/2017
Sự hiện diện của Chúa Kitô trong thời gian là chủ đề mà giảng thuyết viên Phủ Giáo Hoàng, Cha Raniero Cantalamessa, đã chọn cho bài thuyết giảng thứ hai của ngài trong tuần tĩnh tâm Mùa Vọng của giáo triều Rôma.

Sáng thứ Sáu 22 tháng 12, tại nhà nguyện Đấng Cứu Thế trong dinh Tông Tòa, trước Đức Thánh Cha và giáo triều Rôma, cha Cantalamessa đã phân tích một câu trong thư gởi các tín hữu Do Thái: “Đức Giêsu Kitô vẫn là một, hôm qua cũng như hôm nay, và như vậy mãi đến muôn đời” (Dt 13:8). Bài thuyết giảng của ngài dài đến 8 trang được chia thành 3 chủ đề chính: Chúa Kitô và Thời gian; Chúa Kitô như là hình ảnh, sự kiện và bí tích; và cuối cùng là Cuộc gặp gỡ thay đổi Cuộc sống.

Suy tư về “Chúa Kitô và Thời gian”, theo cha Cantalamessa, có thể mang lại một sự chữa trị nội tâm quan trọng cho phần lớn chúng ta: đó là chữa khỏi lòng nuối tiếc chẳng có ơn ích gì về “thời tuổi trẻ tươi vui” đã qua đi không sao lấy lại được của chúng ta, đó là sự giải phóng chúng ta khỏi một não trạng đã ăn sâu trong tâm trí chúng ta theo đó tuổi già chỉ là một sự mất mát và bệnh tật; để rồi chúng ta có thể nhận ra rằng tuổi già thực ra cũng là một ân sủng.

Cha Cantalamessa nhấn mạnh rằng: “Trước mặt Thiên Chúa, thời gian tốt nhất của cuộc đời không phải là thời gian sung mãn các khả năng và những hoạt động nhưng là thời gian kết hiệp chặt chẽ với Chúa Kitô vì thời khắc này thuộc về sự vĩnh hằng.”

Vị giảng thuyết viên Phủ Giáo Hoàng cũng hướng đến năm tới, năm 2018, trong đó trọng tâm của Giáo hội sẽ là Thượng Hội Đồng Giám Mục về về “Người trẻ, đức tin và sự phân định ơn gọi” để chuẩn bị cho Ngày Giới trẻ Thế giới.

Ngài nói: “Chúng ta hãy giúp họ được tràn đầy tuổi trẻ của họ với Chúa Kitô và đó chính là món quà đẹp nhất chúng ta có thể trao tặng họ.”
 
Thái tử Charles: Tôi nghẹn lời trước tình cảnh bị bách hại của các tín hữu Kitô
Đặng Tự Do
02:01 23/12/2017
Thái tử xứ Wales nói rằng ông “xúc động sâu xa” khi được biết về cuộc bách hại mà các Kitô hữu đã phải chịu đựng ở Trung Đông

Trong bài phát biểu với các thành viên của cộng đoàn Công Giáo Melkite nghi lễ Đông phương hôm 19 tháng 12, Thái tử Charles nói ông cảm thấy “bàng hoàng đến nghẹn lời” trước những cuộc bách hại mà họ đã phải chịu đựng ở Syria.

Ông nói: “Là một người trong suốt cuộc đời, đã cố gắng, trong bất kỳ mọi cách dù nhỏ đến đâu đi nữa, nếu có thể tôi luôn thúc đẩy sự hiểu biết giữa những người có niềm tin, và xây dựng các cây cầu giữa các tôn giáo lớn trên thế giới, tôi thật đau lòng không nói lên lời trước bao nhiêu nỗi đau và nỗi buồn những Kitô hữu đang phải chịu đựng, ngày hôm nay cũng như thời gian qua, chỉ vì đức tin của họ.”

“Trong tư cách là các Kitô hữu, tất nhiên, chúng ta nhớ lời Chúa đã kêu gọi chúng ta hãy yêu thương kẻ thù của chúng ta và cầu nguyện cho những kẻ bách hại mình. Nhưng trước những người phải đối mặt với hận thù và áp bức như vậy, tôi hình dung ra thật là cực kỳ khó khăn để noi theo gương Chúa Kitô”

Buổi gặp gỡ giữa thái tử Charles và cộng đoàn Công Giáo Melkite nghi lễ Đông phương đã diễn ra tại nhà thờ Anh Giáo St Barnabas Anglican ở Pimlico, nơi đã hào hiệp cho phép những người Công Giáo Melkite nghi lễ Đông phương chạy trốn cuộc bách hại ở Trung Đông được cử hành Phụng vụ mỗi Chúa Nhật.

Bài phát biểu của thái tử được đưa ra một năm sau khi ông nói với đài BBC rằng cuộc bách hại chống lại các Kitô hữu đang bị người ta cố ý lờ đi. Ông nhớ lại đã gặp một linh mục Dòng Tên từ Syria, người đã phác hoạ cho ông thấy “cuộc sống trở nên thê thảm như thế nào đối với những Kitô hữu không chạy thoát được” bọn khủng bố Hồi Giáo IS.

“Rõ ràng đối với những người như vậy, tự do tôn giáo là sự lựa chọn hằng ngày giữa cuộc sống và cái chết. Quy mô của cuộc bách hại tôn giáo trên toàn thế giới không được đánh giá đúng mức, và cũng không phải chỉ giới hạn đối với các Kitô hữu trong các vùng khói lửa Trung Đông.
 
Giáng Sinh tại Thánh Địa – Tường trình từ Bethlehem
Đặng Tự Do
07:47 23/12/2017
Vào một buổi tối ấm áp bất thường, vài ngày trước lễ Giáng sinh, Quảng trường Máng Cỏ tại Bethlehem trong khu vực Tây Ngạn đã được thắp sáng bằng hàng ngàn ánh đèn và một cây thông Giáng sinh khổng lồ được trang trí hoa đèn lấp lánh. Ở trung tâm của quảng trường, một máng cỏ lớn đã được dựng lên, các bậc cha mẹ đang giải thích biến cố Chúa Giêsu Kitô xuống thế làm người cho con cái họ. Những người bán hàng rong đang bán những vật dụng trang trí Giáng sinh và sahlab, một thức uống truyền thống được chế từ nước đọng trên những cánh hoa lan.

Bên kia quảng trường là đền thờ Chúa Giáng sinh, một Di sản Thế giới của UNESCO. Ở đó, trong một hang đá nhỏ, những Kitô hữu mộ đạo đang quỳ xuống và hôn một ngôi sao nhiều cánh, đánh dấu vị trí chính xác nơi Chúa Kitô được sinh ra. Các bức tường đá cổ đại và hàng cột đá cẩm thạch lấp lánh phản chiếu ánh đèn và đâu đó phảng phất mùi hương của thuốc tẩy trong không khí khi những công nhân dọn dẹp không ngừng nghỉ để chuẩn bị cho hàng ngàn người hành hương và các tín hữu đến thờ phượng.

Quảng trường được bao quanh bởi các cửa hàng nằm dưới một mái che. Một bích chương khổng lồ treo trên đó, bằng tiếng Anh, có nội dung: “Giêrusalem sẽ mãi mãi là thủ đô vĩnh cửu của Palestine.”

Gần bích chương này, Nabil Giacaman đứng trong cửa hàng gia đình của mình, bán các bản khắc tinh xảo được làm từ gỗ ô-liu có đính các vật trang trí tôn giáo; và đồ lưu niệm du lịch. Đeo kính nhựa và mặc một áo len rất thời trang, anh nhìn ra ngoài quảng trường. “Đèn Giáng sinh năm nay rất đẹp”, anh nói. “Nhưng chúng tôi không có tinh thần Giáng sinh. Tôi muốn vui mừng, nhưng tôi không thể vì không có hy vọng kể từ [Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump] tuyên bố rằng Giêrusalem là thủ đô của Israel.”

Ông Jers Qumsieh, Giám đốc Quan hệ Công chúng Palestine, cho biết các khách sạn ở Bethlehem chật đầy khách du lịch và những người hành hương. “Chúng tôi đang mong đợi một mùa Giáng sinh tuyệt vời,” ông nói.

Nhưng cũng giống như hầu hết mọi người mà chúng tôi đã có dịp nói chuyện, ông Qumsieh thừa nhận rằng quyết định hôm 6 tháng 12 của tổng thống Trump công nhận Giêrusalem là thủ đô của Israel và quyết định dời Đại sứ quán Hoa Kỳ tới thành phố này “đã gây chấn động tâm lý đối với chúng tôi”.

Người Palestine từ lâu tuyên bố rằng Giêrusalem sẽ là thủ đô của nhà nước Palestine tương lai, và gần như tất cả các kế hoạch hòa bình đề xuất cho khu vực này xoay quanh những chia sẻ thành phố này giữa Israel và Palestine. Thông báo của Trump đã được xem như là một cái tát vào mặt người Palestine và là một sự phản bội vai trò của một người trọng tài công bằng.

Maryam, một y tá sống gần quảng trường, cho biết tuyên bố này là một sự xúc phạm đối với người Palestine ngay cả khi nó không thay đổi gì trên thực tế.

“Chúng tôi biết rằng thông báo này không có ý nghĩa thực tế gì”, cô nói. “Giêrusalem đã bị Israel chiếm đóng từ năm 1967, và tôi không tin rằng việc dời đại sứ quán sớm muộn gì cũng sẽ xảy ra.”

“Nhưng tuyên bố này cho thấy Trump không quan tâm gì đến chúng tôi. Chẵng nhẽ ông ta không thể nào đợi cho đến sau Giáng sinh? Là một Kitô hữu, tôi đón mừng sự ra đời của Chúa Kitô với gia đình tôi. Nhưng trong tư cách là một người Palestine, thật khó có thể cảm thấy được niềm vui.”

Tuyên bố của ông Trump đã dẫn tới các cuộc biểu tình tại Giêrusalem và Bờ Tây, và trên toàn thế giới. Ở Bethlehem, cũng có những cuộc biểu tình lẻ tẻ, nhưng những cuộc biểu tình đã bị giới hạn trong một khu vực cách Quảng trường Máng Cỏ khoảng một dặm.

Không rõ liệu Giáng sinh có diễn ra như thường lệ tại Bethlehem hay không. Thị trưởng thành Nazareth, nơi Kinh Thánh nói thiên sứ Gabriel đã truyền tin cho Đức Mẹ đã đe dọa hủy bỏ tất cả lễ hội Giáng sinh ngoại trừ những thánh lễ và những buổi cầu nguyện, nhưng rồi ông đã thay đổi ý định; các hoạt động đang được tiến hành theo hoạch định ban đầu. Những ngọn đèn Giáng sinh ở Bethlehem đã bị tắt trong vài ngày. Nhưng tại một cuộc họp báo hôm thứ Tư 20 tháng 12, Đức Tổng Giám Mục Pierbattista Pizzaballa, Giám Quản Tông Tòa của Tòa Thượng Phụ Nghi Lễ Latinh Giêrusalem, tuyên bố rằng Giáo Hội sẽ không hủy bỏ bất cứ sự kiện nào đã được lên lịch. Ngài nói: “Chúng tôi mừng Giáng sinh với niềm vui, và chúng tôi sẽ không từ bỏ sự biểu lộ niềm vui của mình, bất kể các nhà lãnh đạo chính trị nói gì.”

Theo Bộ Du lịch Israel, có khoảng 35,000 người hành hương đã vượt qua trạm kiểm soát của Israel vào Bethlehem trong những tuần qua và trong những ngày sắp tới sẽ có thêm nhiều người khác đến. Các nhà thờ nghi lễ Latinh tổ chức lễ Giáng sinh vào ngày 24 và 25 Tháng Mười Hai, trong khi đó, các nhà thờ nghi lễ Đông Phương, theo lịch Julian, sẽ cử hành lễ Giáng Sinh vào ngày 7 tháng Giêng.

Riêng các nhà thờ của Giáo Hội Armenia Tông Truyền cử hành lễ Giáng Sinh vào ngày 6 tháng Giêng, là ngày Giáo Hội Công Giáo mừng lễ Hiển Linh, kỷ niệm chuyến viếng thăm của các Đạo sĩ.

Cảnh sát và binh lính Palestine giữ an ninh tại Bethlehem. Tuy nhiên, để đến được thành phố này, du khách từ Giêrusalem phải vượt qua nhiều chốt kiểm soát của binh lính Do Thái.
 
Tân Đại Sứ Hoa Kỳ tại Tòa Thánh Vatican.
Nguyễn Long Thao
11:25 23/12/2017
Bà Callista Gingrich, tân đại sứ Hoa Kỳ tại Vatican, phu nhân ông Newt Gingrich, nguyên Chủ tịch Hạ Viện Hoa Kỳ, đã trình ủy nhiệm thư lên Đức Giáo Hoàng Phanxicô vào ngày 22 tháng 12 năm 2017.

Bà tân đại sứ năm nay 51 tuổi, nguyên là một học giả, một nhà làm phim tài liệu và là phụ tá tại quốc hội Hoa Kỳ. Bà từng là ca viên trong hơn 20 năm tại Vương Cung Thánh Đường Đức Mẹ Vô Nhiễm tại Washington

Chồng bà Newt Gingrich tích cực ủng hộ chính sách của Tổng Thống Donald Trump..

Trong bài diễn văn đọc khi trình ủy nhiệm thư, Bà Callista Gingrich nói “ Hoa kỳ mong đợi được hợp tác với Tòa Thánh để bảo vệ nhân quyền, thăng tiến tự do tôn giáo, chống lại nạn buôn người và tìm kiếm giải pháp hòa bình cho các cuộc xung đột trên thế giới.

Tưởng cũng nên nói thêm, hiện nay giữa Tòa Thánh và Hoa Kỳ đang có những bất đồng về một số vấn đề ngoại giao như:

1. Tòa thánh chỉ trích Hoa Kỳ rút khỏi hiệp ước Paris về thay đổi khí hậu.

2. Tòa thánh không đồng ý với chính quyền Donald Trump về chính sách di trú.

3. Tòa Thánh không ủng hộ TT Donald Trump dời Tòa Đại Sứ Hoa Kỳ về Jerusalem trong khi lập trường của Tòa Thánh là giữ nguyên quy chế cũ.

Nguyễn Long Thao
 
Lập trường của Tòa Thánh : Do Thái và Palestin hãy đối thoại trực tiếp.
Nguyễn Long Thao
19:53 23/12/2017
Rome 23, 2017. Trả lời cuộc phỏng vấn dành cho tờ Corriere Della Sera, phát hành ở Ý, Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh, ĐHY Pietro Parolin, kêu gọi Israel và Palestin nên đối thoại trực tiếp để đạt sự đồng thuận.

Đức Hồng Y tuyên bố: “ Giải pháp duy nhất là hai bên hãy đối thoại để đi đến sự đồng thuận về một số đề nghị.”

Ngài nói thêm: “ Theo ý kiến tôi, những quyết định đơn phương sẽ không đưa tới hòa bình”

Đức Hồng Y nhắc lại lập trường cố hữu của Tòa Thánh về Jerusalem là nơi được quốc tể bảo đảm quy chế đặc biệt, là một thành phố dành cho cả người Do Thái Giáo, Kitô Giáo và Hồi Giáo, là nơi tôn trọng tự do tôn giáo và bất cứ ai cũng có thể hành hương đến những nơi thánh địa ở Jerusalem

Đức Hồng Y cũng nói thêm: Giáo Hội tiếp tục rao giảng những giá trị vĩ đại của Phúc Âm là hoà bình và đối thoại. Đó là con đường dẫn tới hoà bình, huynh đệ, và đoàn kết. Những từ này phải lập đi lập lại vì ngày nay người ta càng ngày càng chối bỏ nó

Nguyễn Long Thao
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Rộn Ràng Trước Lễ Giáng Sinh Tại Quảng Ngãi
LM. Trương Đình Hiền
09:31 23/12/2017
Rộn Ràng Trước Lễ Giáng Sinh

(Giáo xứ Quảng Ngãi tổng duyệt chương trình hoan ca diễn nguyện Giáng Sinh 2017)

Trong cái không khí se lạnh vừa đủ để mặc “chiếc áo mùa đông”, khuôn viên thánh đường Quảng Ngãi đêm 22/12/2017 đã rộn ràng bầu khí Giáng Sinh. Lễ đài năm nay nổi bật lên chủ đề của Năm Thánh giáo phận Qui Nhơn mừng 400 năm loan báo Tin Mừng : TRI ÂN CẢM TẠ, trên toàn cảnh sân khấu được sự hỗ trợ thiết kế bởi công ty Quốc Dũng cùng với với hệ thống ánh sáng và âm thanh của công ty Lê Giáo. Đây là những đơn vị vẫn thường hỗ trợ giáo xứ Quảng Ngãi suốt mấy năm liền tổ chức đại lễ Giáng Sinh.

Xem Hình

Bên cạnh tiền sảnh nhà thờ cũng là lễ đài nơi sẽ diễn ra cử hành hoan ca diễn nguyện và Phụng vụ Đêm Thánh (24/12) và sân khấu cho đêm văn nghệ Giáng Sinh (25/12) là hang đá Bê Lem rực rỡ sắc màu. Quảng Ngãi có truyền thống làm hang đá Bê Lem to lớn. Năm nay cũng không đi ngoài thông lệ. Toàn cảnh hang dá chiếm trọn khu vực lễ đài Thánh Giuse phía đông nhà thờ. Trên hang đá lúc nào cũng có những lối đi để các thiên thần di chuyển khi cộng đoàn cùng lắng đọng với ca khúc CAO CUNG LÊN sau nghi thức Hiệp Lễ.

Đêm tổng duyệt chương trình hoan ca diễn nguyện đã diễn ra tốt đẹp với gần 20 tiết mục mà nhà biên đạo vũ chính là cô Mỹ Lệ (lớn), mặc dù đang định cư tại Mỹ đã trở về với tất cả đam mê và nhiệt tình dành cho đại lễ Giáng Sinh. Đặc biệt hơn nữa, trong số các diễn viên có khá nhiều các em thanh thiếu nhi ngoại giáo cùng hân hoan tham gia. Riêng cộng đoàn nữ tu Mai Trinh đảm nhận các tiết mục hoạt cảnh và ca đoàn tổng hợp. Trong chương trình nầy không thể không nhắc đến chuyên viên “chạy chương trình” là Thầy Hoàng, một giáo sư đại học chuyên ngành tin học.

Hy vọng cử hành đại lễ Giáng Sinh năm nay sẽ diễn ra trọn hảo như mong ước của toàn thể dân Chúa và mọi người đang nô nức đón chờ Giáng Sinh.

Trương Đình Hiền
 
Đêm Diễn Nguyện Thánh Ca Giáng Sinh 2017 tại giáo xứ Các Thánh Tử Đạo VN Arlignton, Virginia
Vọng sinh
11:34 23/12/2017
Càng gần đến ngày Lễ Chúa Giáng Sinh, người người nơi nơi càng rộn ràng nao nức hơn với một niềm vui thật khôn tả! Cùng trong niềm vui chuẩn bị đón mừng Chúa đến, chiều Chúa Nhật 17 tháng 12 năm 2017, tại Giáo Xứ Các Thánh Tử Đạo Việt Nam Arlington VA đã tưng bừng diễn ra Buổi Diễn Nguyện Thánh Ca Giáng Sinh từ 3:00 tới 5:30. Mặc dù đang là mùa đông tuyết đã rơi mấy ngày trước, trời hôm nay bỗng ấm hẳn lên, như muốn dâng chút hơi sưởi ấm Vua Trời Giáng thế!

Xem Video

Từ 2:00 chiều, các Ca đoàn đã tập trung tại Thánh Đường, mỗi Ca đoàn có một phòng riêng để chuẩn bị, warm up. Ngoài 8 Ca đoàn thuộc Giáo Xứ và Giáo Họ Mẹ La-Vang, đặc biệt có sự đóng góp của Ca đoàn Lìên Tu Sỹ, gồm có Các Cha và Các Sơ trong vùng; và cũng có sự góp mặt của Ca đoàn Cêcilia Giáo Xứ Mẹ Việt Nam Silver Spring MD, người bạn thân luôn đồng hành với Liên Ca Đoàn CTTĐVN Arl Va.

Với chủ đề: “LUÔN DÀNH CHỖ CHO CHÚA”, Hội Diễn Thánh Ca năm nay gởi gấm tới mọi người một thông điệp: Cuộc sống với bao bận rộn của công ăn việc làm, của những lo toan hơn thua, được mất, của đam mê hưởng thụ,

Xa hoa vật chất: Tiền tài, danh vọng, những thú vui qua đêm…Tất cả đã chiếm hết chỗ trong tâm hồn, nhà chúng ta đã chật ních rồi, chúng ta không còn chỗ cho Chúa… Vâng! Chúa đã đến hơn 2000 năm qua, và mỗi mùa Giáng Sinh, chúng ta lại tưng bừng đón Chúa với đèn hoa rực rỡ, qùa cáp, tiệc mừng, những lời chúc tốt đẹp nhất… nhưng thực sự Chúa đã đến trong tâm hồn, hay Chúa vẫn mãi đứng chờ nơi xa…

Khoảng gần 3:00 chiều, tất cả 9 Ca đoàn với tổng số trên 300 ca viên đã xếp hàng chật trên Cung Thánh. Bài ca mở đầu: Để Chúa Đến được hát vang lên trên Cung thánh thật tưng bừng đã là một khai mạc long trọng cho Buổi Hội Diễn. Ngay sau đó, bài Ca chủ đề: “LUÔN DÀNH CHỖ CHO CHÚA”, một sáng tác của Nhạc sỹ Ý Vũ đã được mọi ca viên hát vang lên với một niềm say mê xác tín, đã tạo nên một bầu khí thật hào hứng cho phần khai mạc. Tiếp theo, Cha Giuse Trần Trung Liêm, Chánh Xứ Giáo Xứ CTTĐVN Arl Va đã long trọng tuyên bố khai mạc Buổi Hội Diễn Thánh Ca Giáng Sinh 2017.

Chương Trình được bắt đầu. Chỉ trong khoảng hơn 2 tiếng đồng hồ, người tham dự đã được chìm đắm trong bầu khí lắng đọng, ngược dòng lịch sử Ơn Cứu Độ trở về thuở khai thiên lập địa với sự sa ngã của con người qua hoạt cảnh đầy sáng tạo của Ca đoàn Gioan Phaolô 2, với phần âm nhạc và đạo diễn của Ca Nhạc Trưỏng Phạm Dương Hãn. Qua thời lưu đày Babylon, Nhóm Thiện Nguyện đã đưa mọi người sống lại những ngày tháng mỏi mòn trông đợi của dân Chúa xưa… Có lẽ vì vấn đề tuổi tác (Diễn viên trẻ nhất là 60 tuổi), nên đã dễ dàng thể hiện được sự đau khổ, mòn mỏi trông đợi của Dân Chúa trong cảnh nô lệ lưu đày... Sau bao năm tháng trông đợi, cuối cùng đã tới lúc Lời Hứa được thưc hiện. Hoạt cảnh Truyền Tin-Giáng Sinh với Các vai diễn, đặc biệt Chàng thanh niên Giuse Cường và cô thiếu nữ Maria Vi Bùi đã thể hiện rất cảm động điểm chính trong màu nhiệm Truyền Tin-Giáng Sinh: "Xin Vâng" theo thánh ý Chúa là bước vào cuộc phiêu lưu đầy cam go thử thách...nhưng cuối cùng, tất cả đã được thực hiện đúng như lời Thiên Chúa !

Tiếp theo, điệu múa vui nhộn Modern Dance của nhóm giới trẻ: mặc dù cuộc sống ăn chơi, không biết tới ngày mai…nhưng khi nhận ra Chúa, các cản trở che khuất Hang Đá đã được dọn sạch, Chúa Hài Đồng trong Hang Đá rực rỡ được tỏ lộ… nhắc nhở mọi người: Hãy Luôn Dành Chỗ Cho Chúa; và mọi người đã cùng say xưa hát vang: Gloria in excelsis Deo…

Bước sang phần 2: Hoan Ca Giáng Sinh, các ca đoàn đã cùng hòa lên những bài Thánh ca đậm sâu những tâm tình ngợi khen, tri ân, cảm tạ Tình Yêu Nhập Thể. Tất cả đã tạo nên một bức tranh sống động cuốn hút người tham dự tới phút cuối!

Chương trình kết thúc lúc 5:30 với bữa cơm tối thân mật dưới Hội trường Trần Duy Nhất, cùng những chia sẻ tâm tình rất thân thương giữa các Ca đoàn, mong cùng được hội ngộ trong Hội Diễn Thánh Ca Giáng Sinh 2018.

Vọng Sinh.

GX CTT ĐVN Arl. Va.
 
Bênh vực công lý và Giáo Hội
Lễ Giáng Sinh Bắc Hàn
Vũ Văn An
19:32 23/12/2017
Tờ Catholic Saints Guy có bài cảm kích về Lễ Giáng Sinh Bắc Hàn:

Xin qúy vị dành một phút để đọc bài này (cám ơn qúy vị): Vào dịp Lễ Giáng Sinh và cuối năm, chúng ta thường lưu ý tới nhiều phúc lành của mình. Sau đức tin, sự sống, gia đình, và sức khỏe, thì phúc lành lớn nhất chính là tự do chúng ta được hưởng. Thành thử, khi qúy vị tới nhà thờ, đốt cây nến, đọc lời kinh, ăn bữa Giáng Sinh hay Hanukkah, khi qúy vị nâng ly rượu chúc mừng và khi qúy vị đưa ra các quyết tâm cho Năm Mới, xin qúy vị nghĩ đến và, quan trọng hơn hết, cầu nguyện cho nhân dân Bắc Hàn, vì sau đây là hình ảnh mùa Giáng Sinh của họ.

Chỉ giai cấp ưu tú mới được sinh tồn với 500 gram thực phẩm hàng ngày. Tức khoảng một cân Anh trong khi phần lớn chúng ta sống với từ 3 tới 4 cân Anh một ngày.

Chính phủ Bắc Hàn vừa cắt giảm lượng rượu được phép dùng vì người say thường hay phát biểu ý kiến "bậy bạ" về chính phủ.

Xem các DVD của Nam Hàn hay nghe nhạc Pop Đại Hàn có thể khiến qúy vị và gia đình qúy vị vào tù. Ý nghĩ ở Bắc Hàn là trừng phạt tới 3 đời. Do đó, nếu qúy vị bị bắt, thì cả cha mẹ lẫn con cái qúy vị cũng sẽ bị bắt. Và qúy vị sẽ bị tống vào kwalliso, quần đảo gulags, nơi phần ăn chỉ là 200 gram kê hay bắp với lá rau cải đầy sâu. Qúy vị có thể bị bắn bỏ vì lượm những hạt bắp chưa bị tiêu hóa từ đống phân bò hay bẫy và ăn chuột hay thậm chí hái cỏ dại để “bồi dưỡng”. Qúy vị phải làm việc 12 tiếng đồng hồ mỗi ngày, sau đó, còn phải dự các lớp giáo dục về đấu tranh giai cấp. Khốn cho qúy vị nếu qúy vị ngủ gục trong lớp.

Vì qúy vị là tội đồ (nếu không, tại sao Lãnh Tụ Tối Cao lại tống qúy vị vào đây, hả?), nên các vệ binh sẽ xử với qúy vị kém hơn con người. Họ có thể xử với qúy vị thế nào tùy thích mà không mắc lỗi. Thế nào cũng được. Hiếp dâm. Tra tấn. Sát hại. Thử ngiệm khoa học, kể cả thử nghiệm hạt nhân, sinh học và hóa học (NBC).

Nếu qúy vị là phụ nữ và trao đổi thân xác với vệ binh để được thực phẩm hay quần áo hoặc giường chiếu ấm trong các mùa đông thường lạnh lẽo một cách tàn bạo, thì hãy cầu nguyện để đừng mang thai. Làm tù nhân có thai không những kết liễu nghiệp vệ binh, mà còn khiến anh ta ngồi tù. Thành thử anh ta không dừng tay bất cứ chuyện gì để bảo đảm việc ấy không thể xẩy ra. Một vệ binh từng ra lệnh cho đàn em giúp anh ta chơi trò đá banh với chiếc bụng phình có thai của tù nhân của anh ta. Nếu tôi nhớ không lầm, cô ta đã tắt thở.

Họ còn chơi Trò Chơi Đói ở đời thực nữa. Để lực lượng an ninh của họ học cách lùng và diệt các người trốn trại, các tù nhân được ác độc cho hay họ có thể được tự do nếu tránh được những người cố gắng bắt lại họ. Những người này được đưa tới một địa điểm rừng rú xa xôi và bảo trốn đi. Một số người có thể trốn thoát an tòan. Tuy nhiên, một con người đói lả trong những điều kiện khắc nghiệt và địa thế hiểm trở như thế khó lòng có thể toàn mạng.

Ít nhất, có lần đã có một cuộc nổi dậy diễn ra trong trại tù. Nó đã thành công được một một ngày hay gần như thế. Rồi lực lượng an ninh từ các trại tù gần đấy được đưa tới. Phần lớn dân số trong trại đã bị giết, bị hạ gục bởi súng máy, và căn trại bị bình địa.

Đối với toàn bộ dân chúng của quốc gia, thực phẩm rau cỏ được bón bằng phân người không được biến chế. Điều này có nghĩa ký sinh trùng tha hồ phát triển trong qúy vị. Rất nhiều, vâng rất nhiều ký sinh trùng.

Nếu gia đình qúy vị sống ở một tỉnh hay một khu vực khác, qúy vị phải có phép đặc biệt mới tới thăm họ được.

Nếu qúy vị muốn tụ tập bạn bè tại nhà qúy vị, qúy vị sẽ được hàng xóm canh chừng, họ vốn được chỉ thị phải do thám 5 gia đình khác. Họ phải báo cáo từng chi tiết một. Nếu người này đến gia đình qúy vị và thấy hình Kim Nhật Thành hay Kim Chính Nhật không ngay ngắn hoặc bụi bặm, là qúy vị sẽ bị tống vào kwalliso. Nếu qúy vị mở máy truyền thanh để nghe không phải truyền thông nhà nước, là qúy vị cũng sẽ bị tống vào kwalliso hay bị xử bắn.

Nếu qúy vị bị bắt với Thánh Kinh, chuỗi mân côi (tuy nhiên, làm gì có người Công Giáo nào sống sót ở đây!), thánh giá, tượng chịu nạn, hay vật dụng tôn giáo nào khác (nhất là liên quan tới Kitô Giáo), thì không những qúy vị bị tống vào kwalliso, mà còn bị tiền trảm hậu tấu nữa.

Nếu qúy vị thoát qua biên giới phía bắc và người Trung Quốc bắt được qúy vị, họ sẽ hồi cư qúy vị. Và khi điều này xẩy ra, qúy vị hãy đoán xem các nhà cầm quyền Bắc Hàn sẽ làm gì. Đúng. Kwalliso.

Nếu qúy vị may mắn đủ và tránh bị bắt, vẫn không có đường tắt để vào Nam Hàn. Thay vào đó, một là qúy vị phải đi Mông Cổ hai là du hành qua Lào hay Mã Lai và từ đó tới Thái Lan, nơi có các trại tỵ nạn cho người Bắc Hàn. Rồi sau một diễn trình dài được thiết kế nhằm bảo đảm qúy vị không phải là điệp viên của Bắc Hàn, qúy vị mới có thể tới Nam Hàn. Tuy nhiên, việc này cần rất nhiều thì giờ.

Trong khi đó, bất cứ ai qúy vị để lại: người phối ngẫu, con cái, cha mẹ, ông bà, chú bác, cô dì, có thể là bạn bè, tức bất cứ ai có liên hệ với qúy vị hay có lẽ biết việc qúy vị đào tẩu và không làm gì để ngăn cản qúy vị, cũng đều có thể bị tống vào kwalliso.

Cho nên, qúy vị hãy ca ngợi Thiên Chúa vì các tự do và quyền thờ phượng của ta, vì gia đình, bạn bè, thức ăn và thức uống và rất nhiều những điều khác khiến cho bất cứ nơi nào qúy vị đang sống trên thế giới đều trở thành một thiên đàng thực sự khi so sánh.

Nhưng, xin qúy vị cầu nguyện cho những linh hồn khốn khổ không hề biết đến tiện nghi hoặc Chúa Kitô này.
 
Liên Đoàn CGVN Hoa Kỳ
Lời chúc Giáng Sinh và Năm Mới của Liên Đoàn Công Giáo Việt Nam tại Hoa Kỳ
Đức Ông Giuse Trịnh Minh Trí
13:21 23/12/2017
LIÊN ĐOÀN Công Giáo VIỆT NAM TẠI HOA KỲ
CHÚC MỪNG GIÁNG SINH 2017 VÀ NĂM MỚI 2018


Trong niềm hân hoan đón mừng “Chúa Giêsu, con Thiên Chúa xuống thế làm người và ở giữa chúng ta
Chúng con, Liên Đoàn Công Giáo Việt Nam tại Hoa Kỳ kính chúc:
Quý Đức Hồng Y, Tổng Giám Mục, Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ, Hội Đồng Giám Mục Việt Nam
Quý Đức Giám Mục, Quý Đức Ông và Quý Cha, Phó Tế, Tu Sĩ Nam Nữ, Chủng Sinh
Cộng Đồng dân Chúa tại Hoa Kỳ, Hải Ngoại và Việt Nam

MÙA GIÁNG SINH 2017: AN LÀNH, TRÀN ĐẦY ÂN SỦNG CHÚA HÀI ĐỒNG
&
NĂM MỚI 2018: SỨC KHỎE, AN BÌNH VÀ THÀNH CÔNG TRONG MỌI HOẠCH ĐỊNH


Chân thành cám ơn sự cộng tác, giúp đỡ và hỗ trợ của tất cả quý vị
cho những sinh hoạt và chương trình của Liên Đoàn trong năm qua,
nhất là giúp đỡ nạn nhân bão lụt Miền Trung Việt Nam.

Philadelphia ngày 23 tháng 12 năm 2017

Trân trọng,
Đức Ông Giuse Trịnh Minh Trí,
Chủ Tịch
 
Thông Báo
Cáo phó: Linh mục Đaminh Vũ Đức Hậu đã tự nạn giao thông tại Đăk Nông
VP TGM Ban Mê Thuột
13:07 23/12/2017
CÁO PHÓ
Trong đức tin vào Chúa Kitô tử nạn và phục sinh,
Trong niềm thương tiếc vô hạn, Tòa Giám mục Ban Mê Thuột kính báo:

Linh mục Đaminh Vũ Đức Hậu
đã qua đời vì tai nạn giáo thông lúc 08g00 thứ bảy, ngày 23 tháng 12 năm 2017
Hưởng thọ 79 tuổi, với 51 năm Linh mục.

Thánh lễ an táng: 09g00 thứ tư, ngày 27 / 12 / 2017 Tại Nhà thờ Giáo xứ Bác Ái
(Giáo hạt Đăk Mil, thuộc xã Đức Mạnh, huyện Đăk Mil, Đăk Nông)
Do Đức Giám Mục Giáo phận chủ sự.
An táng tại Nghĩa trang Giáo xứ Bác Ái.

Cha cố Đaminh:
- Sinh ngày 01 tháng 10 năm 1938
- Tại: Giáo xứ Thiện Giáo, Giáo phận Bùi Chu (xã Giao Thiện, huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định)
- Từ năm 1949 đến năm 1957: Học Tiểu Chủng viện Phanxicô Xaviê, Bùi Chu
- Từ năm 1957 đến 1966: Học Đại Chủng viện Tôma và Xuân Bích
- Thụ phong Linh mục ngày 31 tháng 5 năm 1966, tại Huế

Đã phục vụ:
- 1966 - 1967: Phó xứ Chính Tòa Kontum
- 1967 - 1969: Phó xứ Vinh Đức, Ban Mê Thuột
- 1969 - 1974: Chánh xứ Thánh Linh
- 1974 - 1975: Tuyên Úy quân đội
- 1975 - 1981: Cải tạo
- 1989 - 1997: Chánh xứ Châu Sơn
- 1997 - 1999: Chánh xứ Phú Long
- 1999 - 2005: Chánh xứ Vinh Hương
- 2005 - : Chánh xứ Bác Ái

Xin hiệp ý cầu nguyện cho Cha cố Đaminh.
* Xin mỗi Cha thuộc Giáo phận Ban Mê Thuột dâng 3 (ba) thánh lễ cầu nguyện cho cha cố Đaminh.

Văn phòng Tòa Giám mục Ban Mê Thuột
 
Văn Hóa
Thăm thành phố Castro nước Chile
LM Trần Công Nghị
19:25 23/12/2017
SEABOURN QUEST - NAM MỸ - Hôm nay ngày 23/12/2017 tầu đậu tại vịnh Corcovado trong đảo Chiloé để ghé thăm thành phố Castro. Thành này là thành phố lâu đời thứ ba của nuớc Chile được đội viễn chinh thành lập và liên tục hiện diện cho đến nay.

Hình ảnh

Lấy tầu nhỏ để cập bến thành Castro thì từ xa đã thấy bóng một nhà thờ mầu vàng cao chót vót trên đỉnh đồi, các dinh thự và nhà cửa mầu sắc khác nhau trải rộng xung quanh nhà thờ xuống các sườn đồi và thung lũng.

Khi xe bus chở chúng tôi tới trước nhà thờ Castro thì có một công trường tương đối rộng rãi và có các quầy bán đồ thủ công cho khách du lịch, nhưng không quá ồn ào và mang tính thương mại như các nơi khác. Đặc biệt ỡ giữa công trường một hang đá Giáng Sinh được trình bầy rất to lớn và mỹ thuật. Có nhiều hàng câu cao, có hoa cảnh trồng trong công viên và bên một phía công viên có tượng các vị khai quốc và thành lập Castro.

Bước vào trong nhà thờ chúng tôi rất ngạc nhiên vì ngay vùng đất xa xôi này mà lại có rất nhiều tượng ảnh rất mỹ thuật. Ngoài những tượng Chúa và Mẹ, cũng như tượng chịu nạn và bộ tượng dưới chân Thập Giá, mà chúng ta từng chứng kiến thi thăm các nhà thờ theo truyền thống Tây Ban Nha, chúng tôi còn thấy có tượng thánh Piô rất mới, tượng thánh Clara và thánh Phanxicô…

Nhà thờ này bên trong đặc biệt được xây dựng toàn bằng gỗ, các công trình chạm chỗ và hoa văn cũng bằng gỗ. Nhìn kỹ mới thấy sự kỳ công của các nghệ nhân và các kiến trúc sư hình thành đố án này.

Sau khi thăm nhà thờ, công trường và con con đường chính trong thành phố Castro, tôi nhất định muốn đi thăm cho bằng được nhà thờ Nuestra Signora dei Gracias (Đức Bà Đầy Ơn Phước) ở làng Nercón, vì trong sách hướng dẫn có nói tới nhà thờ này được làm toàn bằng gỗ lâu đời và đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới vào năm 2007. Nhà thờ được xây dựng 1886-1890, và có một khu vườn ở phía trước nhà thờ.

Làng Nercón cách đây 5 km do vậy tôi hỏi một tài xế Taxi chở tôi đi, nhưng ông ta lại nói là tôi có thễ lấy xe bus mầu đỏ số 2 ở cạnh nhà thờ là có thể tới đó được. Theo hướng dẫn của ông tôi đến trạm xe bus chờ và 15’ sau thì thấy bus mầu đỏ tới tôi leo lên xe hỏi bao nhiêu tiền, anh tài chỉ giá là 350 pesos tức là có 60 cent. Thế là tôi lời được chừng $30 dollars nếu phải đi xe taxi đi về. Còn giá tour trên tầu du lịch cho biết muốn đi tour với họ thì trả $150!

Trên xe bus sau khoảng 5 cây số, tôi nhìn thấy bóng 1 tháp nhà thờ và hỏi tài xế đó có phải là nhà thờ Gracias không? Anh ta nói đúng. Và tôi nói anh dừng xe cho tôi xuống. Từ đường có bản chỉ mủi tên nhà thờ Iglesia de Nercon đi vào chừng 200 mét là nhà thờ.

Tôi hết sức ngạc nhiên vì nhà thờ được vào sổ Di sản văn hóa, nhưng chung quanh cỏ dại mọc, và hình như không còn được sử dụng thường xuyên. Tôi chụp một số bức ảnh và đi tham quan thì thấy nhà thờ có kiến trúc đặc biệt bvằng gỗ với 3 tầng tháp chuông, nền nhà thờ được đặt trên những tãng đá, dưới là sàn rỗng. Mẵt tiền nhà thờ có những cột cấu trúc giống như các cột cẩm thạch tròn bên Hy Lạp, nhưng trông kỹ thì lại bằng gỗ. Vào tới cửa nhà thờ có chỉ dẫn là muốn vào bên trong thì sang phía cửa bên phải. Tới cửa bên phải thì thấy khóa và có cho số phone ai cần thì gọi. Đúng lúc gặp một ông thợ đang sửa đường chung quanh nhà thờ hỏi muốn vào thăm trong nhà thờ được không ông nói không được, chỉ vào nhà xứ thì thấy cửa khóa. Thế là chọi thua.

Điều đặc biệt nhất là phía đầu nhà thờ và bên trái là một nghĩa địa có nhiều mồ mả. Tôi đi chung quanh tham quan thì có những ngôi một lâu đời các đay cả trên 400 năm… Tôi thật xúc động vì người xưa đến đây khai hoang lập ấp, có thể là binh lính có thể là nhà truyền giáo chôn xác ở đây… giờ một người lữ lành đức tin cũng đến nơi đây… ôn lại vài di tích của sức anh niềm tin ấy. Chúng ta đã gặp nhau trong cùng niềm tin tôn giáo, dù văn hóa và kiến thức rất khác biệt.

Trở lại thành Castro tôi quyết định đi vào bảo tàng viện Castro tìm hiểu về lịch sử xa xưa… Nhìn bề ngoài, bảo tàng viện này là nhà gỗ rất sơ xài… nhưng khi vào trong tôi hết sức ngạc nhiên vì có nhiều ghi chú, hình ảnh, đồ dùng, ký sự, khảo cổ về thành Castro trên 400 về trước khi các nhà Truyền giáo tới đây khai mở dân trí, lập ấp lập làng và lập cộng đoàn đức tin.

Vài nét sơ qua về lịch sử thành Castro

Năm 1567 Rodrigo de Quiroga khi đó thống đốc lâm thời của Chile mở chiến dịch cho con rể là Captain Martín Ruiz de Gamboa đi chinh phục đảo Chiloé, Xây dựng thành phố Castro ở đó, và bình định cư dân người Cuncos. Từ ngày thành lập vào ngày 12 tháng 2 năm 1576 cho đến năm 1767, Castro là trung tâm hành chính của đảo Chiloé.

Năm 1594, Castro có 8.000 cư dân, trong đó hầu hết là nông dân. Năm 1767, trong thời điểm cải cách đế chế Bourbon tìm cách hiện đại hóa Đế quốc Tây Ban Nha,

Castro đã bị phá hủy bởi một trận động đất vào năm 1837 và chỉ có 1.243 cư dân vào năm 1907. Sau lễ khánh thành tuyến đường sắt từ thủ đô đến Ancud vào năm 1912 thị trấn Castro phát triển nhanh hơn. Vào năm 1960 thành Castro có 7.000 cư dân. Và đến năm 1982 Castro đã giành lại vai trò là thủ đô của Quần đảo Chiloé.

Theo điều tra dân số năm 2002 của Viện Thống kê Quốc gia, Castro có diện tích 427,5 km2 (165 sq mi) và có 39,366 cư dân. Trong số này, 29.148 (74%) sống ở khu vực thành thị và 10.218 (26%) ở nông thôn.

Castro là một bộ phận hành chính cấp ba của Chilê do một hội đồng thành phố quản trị.

Castro nổi tiếng với palafit, là loại nhà sàn làm trên các cột gỗ truyền thống phổ biến ở nhiều nơi ở Chiloé, đặc biệt là ở Vịnh Fiord de Castro Gamboa ở phía tây của thị trấn. Tàu thuyền ở đây cũng còn được xây dựng theo cách truyền thống của họ thời xa xưa.

Quảng trường Plaza de Armas nằm ở trung tâm với công viên được bảo vệ tốt, Khu đô thị và nhà thờ. Khu phố được bao quanh bởi nhiều cửa hiệu, ngân hàng, quán bar và nhà hàng.

Bảo tàng khu vực Castro: trưng bày nhiều đồ vật được làm ở Chiloé cũng như các mẫu nghiên cứu dân tộc học và khảo cổ học.
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Lời Chúc Giáng Sinh /Năm Mới
Nguyễn Đức Cung
21:21 23/12/2017
LỜI CHÚC GIÁNG SINH / NĂM MỚI
Ảnh của Nguyễn Đức Cung
Trong khung cảnh toàn cầu mừng đón
ngày đấng Ngôi Hai giáng trần cứu thế
Và năm mới bên thềm.
Gia đình Trang Ảnh Chiêm/Niệm/Thiền:
Kính chúc quí độc giả, quí quyến lễ
Giáng Sinh thật tuyệt vời, tràn đầy hồng ân của Chúa
Năm mới 2018 vạn sự may mắn, thân tâm an lạc.
Trân trọng.

 
VietCatholic TV
Chúc mừng Giáng Sinh
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
23:27 23/12/2017
Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây