Ngày 25-12-2023
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
00:54 25/12/2023

24. Để có thể hoàn thành nhân đức vâng lời, thì phải chú ý ba điểm này: (1) tuân lệnh bên ngoài; (2) bên trong đồng ý; (3) lý trí nhận biết.

(Thánh Ignatius de Loyola)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Trích dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")


----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
01:01 25/12/2023
35. SAY RƯỢU HỎI HỌ PHẠM

Thắng Nguyên Phát đã làm quan trong mạc phủ của Phạm Trọng Yêm và thường tự mình đi vào kỹ viện uống rượu, Phạm Trọng Yêm không bằng lòng hành vi ấy nên nghĩ cách giáo huấn anh ta.

Một đêm nọ, đợi Thắng Nguyên Phát vừa ra khỏi nhà, ông ta liền ngồi trong phòng đọc sách của Thắng Nguyên Phát, bật đèn sáng đọc sách đợi Thắng Nguyên Phát trở về. Tối khuya, Thắng Nguyên Phát say xỉn trở về, thấy Phạm Trọng ngồi trong phòng bèn chấp tay mà vái rồi hỏi Phạm Trọng Yêm đọc sách gì?

Phạm trả lời:

- “Hán thư”

Thắng Nguyên Phát cố ý nói:

- “Hán Cao đế là người nào?” (hàm ý nói Lưu Bang cũng là người “tham của cải vật chất, thích đàn bà đẹp”, nhưng vẫn lập thành đại nghiệp, ông hà cớ gì đem mấy chuyện nhỏ ấy để yêu cầu quá đáng với tôi sao?)

Phạm Trọng Yêm vừa nghe chợt hiểu ý của nó nên cũng không trả lời, có chút hoang mang mà bỏ đi.

(Cổ kim tiếu sử)

Suy tư 35:

Đến kỹ viện để uống rượu thì cũng như hôm nay có nhiều người đến các nhà hàng máy lạnh uống cà phê hoặc uống một vài ly bia ấy mà, có gì phải trách, nhưng cái đáng trách là ngày nào cũng uống rượu và “gác tay” với mấy em kỹ nữ nơi nhà hàng máy lạnh mà quên mất trời đất vợ con bạn bè...

Giáo huấn dạy dỗ người khác, nhất là những người đang sống trong tội hay đang trên đà sa đoạ thì khó hơn là vào rừng bắt cọp, cho nên đừng lấy ai ra mà làm ví dụ điển hình, bởi vì đã là con người thì không ai là không có tội, ngoại trừ Đức Chúa Giê-su và Đức Mẹ Ma-ri-a, hãy lấy Đức Chúa Giê-su và Đức Mẹ Ma-ri-a ra và gương các thánh ra kể cho họ nghe để họ noi gương của các ngài.

Mình sống tốt trước rồi người ta mới bắt chước làm theo, bởi vì “lời nói lung lay, gương bày lôi kéo”, mà cái lôi kéo người ta mạnh mẽ nhất chính là ngôn hành hợp nhất của chúng ta vậy.

Người Ki-tô hữu có nhiều mẫu gương sáng chói để noi theo, đó là gương của Đức Chúa Giê-su, Đức Mẹ Maria và các thánh nam nữ trên trời, nhất là gương thánh bổn mạng của mình.

Sung sướng thật.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


-----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Ngày 26/12: Vị Thánh Tử Đạo Tiên Khởi – Kính Thánh Stêphanô – Lm. Giuse Lăng Kinh Luân, CS
Giáo Hội Năm Châu
03:56 25/12/2023

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mát-thêu,

Khi ấy, Đức Giê-su nói với các môn đệ rằng: “Hãy coi chừng người đời. Họ sẽ nộp anh em cho các hội đồng, và sẽ đánh đập anh em trong các hội đường của họ. Và anh em sẽ bị điệu ra trước mặt vua chúa quan quyền vì Thầy, để làm chứng cho họ và cho các dân ngoại. Khi người ta nộp anh em, thì anh em đừng lo phải nói làm sao hay phải nói gì, vì trong giờ đó, Thiên Chúa sẽ cho anh em biết phải nói gì: thật vậy, không phải chính anh em nói, mà là Thần Khí của Cha anh em nói trong anh em.

“Anh sẽ nộp em, em sẽ nộp anh cho người ta giết; cha sẽ nộp con, con cái sẽ đứng lên chống lại cha mẹ và làm cho cha mẹ phải chết. Vì danh Thầy, anh em sẽ bị mọi người thù ghét. Nhưng kẻ nào bền chí đến cùng, kẻ ấy sẽ được cứu thoát.”

Đó là lời Chúa
 
Giá một linh hồn
Lm. Minh Anh
16:18 25/12/2023

GIÁ MỘT LINH HỒN
“Lạy Chúa, xin đừng chấp họ tội này!”.

Một giáo sư Hà Lan đã nghiên cứu về chi phí cần thiết để có thể giết chết một binh sĩ của đối phương qua các thời đại. Ông ước tính, thời Julius Caesar, phải tốn ít hơn 1 dollar; thời Napoléon, chi phí tăng lên hơn 2,000$; cuối đệ nhất thế chiến, khoảng 17,000$; đệ nhị thế chiến, khoảng 40,000$. Và năm 1970, Hoa Kỳ phải tốn đến 200,000 dollars!

Kính thưa Anh Chị em,

Nhân ngày mừng kính thánh Têphanô, vị tử đạo tiên khởi, một câu hỏi đặt ra là, “Để giết chết một môn đệ Giêsu, phải tốn bao nhiêu?”. Xem ra không tốn đồng nào! Và sẽ rất thú vị khi chúng ta đặt một câu hỏi ngược lại, “Vậy để cứu lấy sự sống đời đời của một linh hồn, ‘giá một linh hồn’ sẽ là bao nhiêu?”. Lời Chúa hôm nay sẽ cho câu trả lời.

Bài đọc Công Vụ Tông Đồ tiết lộ, giá phải trả để cứu một linh hồn là chính mạng sống và sự tha thứ của vị chứng nhân. Trình thuật cho biết, người ta ném đá Têphanô cho đến chết khi ngài vừa kịp nói, “Lạy Chúa, xin đừng chấp tội họ!”; và “Các nhân chứng để áo của Têphanô dưới chân một thanh niên tên là Saolô”. Rõ ràng, trong số những người được Têphanô thứ tha, có Saolô, một người đã từng tìm cách tiêu diệt Hội Thánh; để ít lâu sau, trở thành Phaolô, Tông Đồ Dân Ngoại. Như vậy, Phaolô là người đầu tiên hưởng nhận ơn tha thứ của Têphanô. Từ đó, có thể nói không do dự rằng, ‘giá một linh hồn’ để Hội Thánh có được Phaolô là chính mạng sống cùng sự tha thứ của vị tử đạo.

Làm sao một con người có thể làm được điều này? Trình thuật cho biết, “Được đầy ơn Thánh Thần, Têphanô đăm đăm nhìn trời”. Chính Thánh Thần ban đủ sức mạnh để Têphanô bắt chước Thầy mình; Têphanô đã sống trong Thánh Thần, đầy Thánh Thần, được dẫn dắt bởi Thánh Thần. Và sẽ không ngạc nhiên khi chúng ta đọc lại lời Chúa Giêsu đã hứa trong Tin Mừng hôm nay, “Thật vậy, không phải chính anh em nói, mà là Thần Khí của Cha anh em nói trong anh em!”.

Tha thứ đích thực là giá phải trả cho một linh hồn; vì dẫu có hy sinh đến chết nhưng lòng không tha thứ, thì cái chết vẫn vô ích! Trên thập giá, Chúa Giêsu nói, “Lạy Cha, xin tha cho họ!”; tương tự như thế, phút hấp hối, Têphanô thưa, “Lạy Chúa, xin đừng chấp họ tội này!”. Và bắt chước Thầy, “Lạy Cha, con phó hồn con trong tay Cha”, Têphanô kịp thì thào, “Lạy Chúa Giêsu, xin nhận lấy hồn con!”. Thánh Vịnh đáp ca bày tỏ sâu sắc tâm tình này, “Trong tay Ngài, lạy Chúa, con xin phó thác hồn con!”.

Anh Chị em,

“Lạy Chúa, xin đừng chấp họ tội này!”. Đó là lời thứ tha của Chúa Giêsu trên thập giá mà Têphanô lặp lại. Thật ý vị, “họ” ở đây còn bao hàm bạn và tôi! ‘Giá một linh hồn’ của bất cứ ai trong chúng ta đều được Chúa Giêsu mua lấy bằng chính mạng sống Ngài. Qua Bí tích Rửa Tội, chúng ta được tái sinh, được thứ tha trong ơn nghĩa thánh. Vì thế, mỗi lần nhớ đến hồng ân trọng đại này, hãy ý thức hơn về ơn gọi của mình, bạn và tôi được gọi để trở nên những chứng nhân của sự tha thứ, của ánh sáng; những chứng nhân Kitô sẽ sẵn sàng trả giá bằng cả cuộc sống mình, dù có phải chết, cho các linh hồn trong một thế giới tối tăm cừu hận.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, ‘giá một linh hồn’ thật đắt, nhất là linh hồn con. Cho con biết, Chúa mua nó hơn hàng trăm ngàn đô; chính mạng sống Ngài!”, Amen.

(Tgp. Huế)
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Vị giáo phẩm Công Giáo hàng đầu Ukraine giải thích tại sao tài liệu Vatican về phép lành đồng tính chỉ áp dụng cho Giáo hội Latinh
Vũ Văn An
00:37 25/12/2023
Tạp chí Crux, ngày 23 tháng 12 năm 2023, tường trình rằng giữa một loạt các phản ứng đối với tuyên bố Fiducia Supplicans, tài liệu mới của Vatican cho phép việc chúc lành các cặp đồng tính ngoài phụng vụ, Giáo Hội Công Giáo Hy Lạp của Ukraine trở thành hiệp thông phương Đông đầu tiên tuyên bố rõ ràng rằng tài liệu này không áp dụng bên ngoài Giáo hội Latinh.

“Trên cơ sở điều1492 của Bộ Giáo luật Đông phương, Tuyên bố này hoàn toàn liên quan đến Giáo hội Latinh và không có hiệu lực pháp lý đối với các tín hữu của Giáo Hội Công Giáo Hy Lạp Ukraine”, Đức Tổng Giám Mục Sviatoslav Shevchuk, người đứng đầu Giáo Hội Công Giáo Ukraine, cho biết trong một tuyên bố ngày 22 tháng 12.

Shevchuk đề cập đến một điều khoản của Bộ Giáo luật dành cho các Giáo hội Đông phương, trong đó nêu rõ: “Các luật được ban hành bởi thẩm quyền tối cao của Giáo hội, trong đó chủ thể thụ động không được nêu rõ ràng, chỉ ảnh hưởng đến các tín hữu Kitô giáo của các Giáo hội Đông phương trong chừng mực họ xử lý các vấn đề về đức tin, luân lý hoặc các tuyên bố về thiên luật, hoặc những tín hữu Kitô giáo này minh nhiên được bao gồm trong các luật này, hoặc họ được ban cho một ân huệ không chứa điều gì trái ngược với các nghi lễ phương Đông”.

Trên thực tế, Shevchuk nói rằng khái niệm “phước lành” mang một ý nghĩa khác trong thần học và linh đạo phương Đông.

Ngài nói: “Theo thực hành phụng vụ của Giáo hội chúng tôi, phép lành của một linh mục hoặc giám mục là một cử chỉ phụng vụ không thể tách rời khỏi phần còn lại của nội dung các nghi thức phụng vụ và chỉ thu gọn vào hoàn cảnh và nhu cầu của lòng đạo đức riêng tư”.

Shevchuk nói: “Theo truyền thống của nghi thức Byzantine, khái niệm ‘phúc lành’ có nghĩa là sự chấp thuận, cho phép hoặc thậm chí là một mệnh lệnh liên quan đến một loại hành động, cầu nguyện và thực hành khổ hạnh nhất định, đặc biệt là một số loại ăn chay và cầu nguyện”.

Ngài nói, “Rõ ràng là phép lành của linh mục luôn mang chiều kích Tin Mừng và giáo lý, do đó nó không thể mâu thuẫn với giáo huấn của Giáo Hội Công Giáo về gia đình như một sự kết hợp tình yêu chung thủy, bất khả tiêu và sinh hoa trái giữa một người nam và một người nữ, mà Chúa Giêsu Kitô của chúng ta đã nâng lên hàng Bí tích Hôn phối.”

Đức Shevchuk, 53 tuổi, người lãnh đạo Giáo Hội Công Giáo Hy Lạp từ năm 2011, cho biết: “Sự thận trọng mục vụ nhắc nhở chúng ta tránh những cử chỉ, những tuyên bố và khái niệm mơ hồ có thể bóp méo hoặc bóp méo lời Chúa và những giáo huấn của Giáo hội”.

Giáo Hội Công Giáo Hy Lạp Ukraine, với số lượng khoảng sáu triệu tín hữu trên toàn thế giới, là giáo hội lớn nhất trong số 23 Giáo hội Đông phương hiệp thông với Rôma. Shevchuk cho biết tuyên bố của ngài được đưa ra nhằm đáp lại lời kêu gọi từ các giám mục, giáo sĩ, tu sĩ, các phong trào nhà thờ và cá nhân giáo dân trong Giáo hội.

Trong khi các giám mục và nhóm giám mục khác, kể cả ở các quốc gia châu Phi như Malawi và Zambia, đã bày tỏ sự phản đối nội dung của tuyên bố Fiducia Supplicans hoặc ngần ngại áp dụng nó, thì Giáo Hội Công Giáo Hy Lạp trở thành cơ quan tài phán giáo hội đầu tiên tuyên bố rằng đó là một vấn đề pháp lý, tài liệu này không áp dụng cho họ.

Cho đến nay, Vatican vẫn chưa bình luận về tuyên bố của Shevchuk.

Mặc dù Shevchuk và Đức Thánh Cha Phanxicô là bạn bè cá nhân từ thời Shevchuk ở Buenos Aires từ năm 2009 đến năm 2011 với tư cách là người đứng đầu Giáo Hội Công Giáo Hy Lạp ở Argentina, nhưng đây không phải là lần đầu tiên nhà lãnh đạo Ukraine lên tiếng bày tỏ sự dè dặt về các khía cạnh trong quyền lãnh đạo của Đức Giáo Hoàng…

Kể từ khi bắt đầu cuộc xâm lược Ukraine của Nga, Shevchuk thỉnh thoảng bày tỏ sự thất vọng với điều mà nhiều người Ukraine coi là đường lối ngoại giao và chính trị quá sắc thái từ Vatican.

Chẳng hạn, vào tháng 9, sau khi Đức Phanxicô ca ngợi di sản của “Người mẹ nước Nga vĩ đại” trong một buổi gặp gỡ với giới trẻ Công Giáo Nga, Shevchuk đã công khai nói rằng những lời của Đức Giáo Hoàng đã gây ra “nỗi đau và mối quan ngại lớn lao”.

Mặt khác, trong một cuộc phỏng vấn với hai hãng tin Công Giáo Ý xuất hiện cùng ngày với tuyên bố của ngài về Fiducia Supplicans, Shevchuk bày tỏ lòng biết ơn đối với những lời kêu gọi liên tục của Đức Giáo Hoàng thay mặt cho Ukraine.

Shevchuk nói: “Việc Đức Giáo Hoàng liên tục đề cập đến Ukraine tử đạo là một lời mời gọi cầu nguyện nhưng cũng là một lời cảnh cáo đừng quên người dân của chúng ta. Chắc chắn, ngoại giao ngày nay nhất định cần một hồi chuông cảnh tỉnh”.
 
Sứ điệp Giáng Sinh Urbi et Orbi 2023 của Đức Thánh Cha Phanxicô
Bản dịch Việt Ngữ của J.B. Đặng Minh An
17:28 25/12/2023


Anh chị em thân mến, Giáng Sinh vui vẻ!

Đôi mắt và trái tim của các Kitô hữu trên khắp thế giới hướng về Bêlem; trong những ngày này, đó là một nơi đau buồn và im lặng, nhưng cũng chính ở đó mà thông điệp được chờ đợi từ lâu đã lần đầu tiên được công bố: “Hôm nay, tại thành vua Đavít, một Đấng Cứu Độ đã sinh ra cho anh em” (Lk 2:11). Những lời thiên thần nói trên không trung Bêlem cũng được nói với chúng ta. Chúng ta tràn đầy hy vọng và tin tưởng khi nhận ra rằng Chúa đã sinh ra cho chúng ta; rằng Lời vĩnh cửu của Chúa Cha, Thiên Chúa vô hạn, đã ngự trị giữa chúng ta. Người đã hóa thành phàm nhân; Người đã đến “ở giữa chúng ta” (Ga 1:14). Đây là tin vui đã thay đổi tiến trình lịch sử!

Sứ điệp Bêlem thực sự là “tin vui trọng đại” (Lc 2:10). Những loại niềm vui nào? Thưa: Không phải niềm hạnh phúc thoáng qua của thế gian này, không phải niềm vui giải trí mà là niềm vui “tuyệt vời” vì nó khiến chúng ta trở nên vĩ đại. Vì hôm nay, tất cả chúng ta, với tất cả những thiếu sót của mình, ôm ấp lời hứa chắc chắn về một món quà chưa từng có: đó là niềm hy vọng được sinh ra cho thiên đàng. Vâng, Chúa Giêsu là anh em của chúng ta đã đến để Cha của Người trở thành Cha của chúng ta; là một đứa trẻ nhỏ, Người mạc khải cho chúng ta tình yêu dịu dàng của Thiên Chúa và nhiều hơn thế nữa. Ngài, Con Một của Chúa Cha, ban cho chúng ta “quyền trở nên con cái Thiên Chúa” (Ga 1:12). Đây là niềm vui an ủi tâm hồn, đổi mới niềm hy vọng và ban bình an. Đó là niềm vui của Chúa Thánh Thần: niềm vui sinh ra từ việc được làm con cái yêu dấu của Thiên Chúa.

Thưa anh chị em, hôm nay tại Bêlem, giữa bóng tối bao trùm khắp vùng đất, một ngọn lửa bất diệt đã được thắp lên. Ngày nay bóng tối của thế giới đã bị khuất phục bởi ánh sáng của Thiên Chúa, ánh sáng “soi sáng mọi người nam nữ” (Ga 1:9). Anh chị em thân mến, chúng ta hãy hân hoan đón nhận hồng ân này! Hãy vui mừng, hỡi những người đã mất niềm tin vào những xác tín của mình, vì anh chị em không đơn độc: Chúa Kitô đã sinh ra cho anh chị em! Hãy vui mừng, hỡi những người đã từ bỏ mọi hy vọng, vì Thiên Chúa ban cho anh chị em bàn tay dang rộng của Ngài; Chúa không chỉ tay vào anh chị em mà đưa cho anh chị em bàn tay bé nhỏ của Hài Nhi, để giúp anh chị em thoát khỏi nỗi sợ hãi, giảm bớt gánh nặng cho anh chị em và để cho anh chị em thấy rằng, trong mắt Người, anh chị em có giá trị hơn bất cứ thứ gì khác. Hãy vui mừng, hỡi những ai không thấy bình an trong tâm hồn, vì lời tiên tri cổ xưa của Isaia đã được ứng nghiệm vì anh chị em: “Một Hài Nhi đã sinh ra cho chúng ta, một người Con được ban cho chúng ta, và Người được đặt tên là… Hoàng Tử Hòa Bình” (9: 6). Kinh Thánh mặc khải rằng sự bình an của Ngài, vương quốc của Ngài “sẽ vô cùng vô tận” (9:7).

Trong Kinh Thánh, Hoàng Tử Hoà Bình bị chống đối bởi “Hoàng Tử của thế gian này” (Ga 12:31), là kẻ gieo hạt giống sự chết, âm mưu chống lại Chúa, “Đấng yêu sự sống” (x. Kn 11).: 26). Chúng ta thấy điều này diễn ra ở Bêlem, nơi mà sự ra đời của Đấng Cứu Thế được theo sau bởi sự tàn sát những người trẻ thơ vô tội. Có bao nhiêu người vô tội đang bị tàn sát trên thế giới của chúng ta! Trong bụng mẹ, trong những cuộc phiêu lưu được thực hiện trong tuyệt vọng và tìm kiếm hy vọng, trong cuộc sống của tất cả những đứa trẻ có tuổi thơ bị tàn phá bởi chiến tranh. Các em là những Chúa Giêsu bé nhỏ của ngày hôm nay, những người bé nhỏ có tuổi thơ bị tàn phá bởi chiến tranh.

Vì vậy, nói “vâng” với Hoàng tử Hòa bình có nghĩa là nói “không” với chiến tranh, với mọi cuộc chiến và làm như vậy với lòng can đảm, với chính tư duy chiến tranh, vốn dĩ là một chuyến đi không mục đích, một thất bại không có người chiến thắng, một sự điên rồ không thể tha thứ được.. Chiến tranh là như thế này: một chuyến đi không mục đích, một thất bại không có người chiến thắng, một sự điên rồ không thể tha thứ được. Nói “không” với chiến tranh có nghĩa là nói “không” với vũ khí. Lòng người yếu đuối và bốc đồng; nếu chúng ta tìm thấy những công cụ giết người trong tay mình, sớm hay muộn chúng ta cũng sẽ sử dụng chúng. Và làm sao chúng ta có thể nói đến hòa bình khi việc sản xuất, buôn bán và vận chuyển vũ khí đang gia tăng? Ngày nay, cũng như thời vua Hêrôđê, sự dữ chống lại ánh sáng của Thiên Chúa đang thực hiện những âm mưu của nó dưới bóng tối đạo đức giả và che giấu. Bao nhiêu bạo lực và giết chóc diễn ra giữa sự im lặng đến chói tai mà nhiều người không hề hay biết! Những người không muốn vũ khí mà muốn bánh mì, những người đấu tranh để kiếm sống và chỉ mong muốn hòa bình, không biết có bao nhiêu công quỹ đang được chi cho vũ khí. Tuy nhiên, đó là điều họ nên biết! Nó phải được nói đến và viết ra để làm sáng tỏ những lợi ích và lợi nhuận đang điều khiển những sợi dây bù nhìn của chiến tranh.

Tiên tri Isaia, người đã nói tiên tri về Hoàng tử Hòa bình, đã mong chờ một ngày mà “nước này sẽ không vung gươm chống lại nước khác”, một ngày mà con người “không còn học cách chiến tranh nữa”, mà thay vào đó “lấy gươm rèn thành lưỡi cày, và rèn giáo thành lưỡi liềm” (2:4). Với sự giúp đỡ của Chúa, chúng ta hãy nỗ lực hết mình để ngày đó đến!

Cầu mong điều đó đến với Israel và Palestine, nơi mà chiến tranh đang tàn phá cuộc sống của những dân tộc đó. Tôi ôm hôn tất cả họ, đặc biệt là các cộng đồng Kitô giáo ở Gaza, giáo xứ Gaza và toàn bộ Thánh địa. Tâm hồn tôi đau buồn cho các nạn nhân của vụ tấn công ghê tởm ngày 7 tháng 10 vừa qua, và tôi nhắc lại lời kêu gọi khẩn cấp của tôi hãy giải thoát những người vẫn đang bị bắt làm con tin. Tôi kêu gọi chấm dứt các hoạt động quân sự gây thiệt hại kinh hoàng cho các nạn nhân dân sự vô tội, đồng thời kêu gọi một giải pháp cho tình trạng nhân đạo tuyệt vọng bằng cách mở cửa cung cấp viện trợ nhân đạo. Cầu mong việc nuôi dưỡng bạo lực và hận thù được chấm dứt. Và cầu mong vấn đề Palestine sẽ được giải quyết thông qua cuộc đối thoại chân thành và kiên trì giữa các bên, được duy trì bởi ý chí chính trị mạnh mẽ và sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế. Anh chị em thân mến, chúng ta hãy cầu nguyện cho hòa bình ở Palestine và Israel.

Suy nghĩ của tôi cũng hướng về người dân Syria bị chiến tranh tàn phá và người dân Yemen đau khổ từ lâu. Tôi cũng nghĩ đến dân tộc Li Băng thân yêu và cầu nguyện cho sự ổn định chính trị và xã hội sẽ sớm đạt được.

Khi chiêm ngưỡng Hài Nhi Giêsu, tôi cầu xin hòa bình cho Ukraine. Chúng ta hãy đổi mới sự gần gũi thiêng liêng và nhân bản của chúng ta với những người đang chiến đấu, để qua sự hỗ trợ của mỗi người chúng ta, họ có thể cảm nhận được thực tại cụ thể của tình yêu Thiên Chúa.

Cầu mong ngày hòa bình dứt khoát giữa Armenia và Azerbaijan đến gần. Cầu mong nó được thúc đẩy bằng việc theo đuổi các sáng kiến nhân đạo, bằng việc đưa những người tị nạn trở về nhà của họ một cách hợp pháp và an ninh, cũng như bằng việc tôn trọng lẫn nhau đối với các truyền thống tôn giáo và nơi thờ tự của mỗi cộng đồng.

Chúng ta đừng quên những căng thẳng và xung đột đang gây rắc rối cho khu vực Sahel, vùng Sừng Phi Châu và Sudan, cũng như Cameroon, Cộng hòa Dân chủ Congo và Nam Sudan.

Mong sao chúng ta tiến gần đến ngày mà mối dây huynh đệ sẽ được củng cố trên Bán đảo Triều Tiên bằng cách thực hiện các tiến trình đối thoại và hòa giải có khả năng tạo ra các điều kiện cho hòa bình lâu dài.

Xin Con Thiên Chúa, Đấng đã trở thành một Hài nhi thấp hèn, truyền cảm hứng cho các nhà chức trách chính trị và tất cả những người có thiện chí ở Mỹ Châu tìm ra những cách thức phù hợp để giải quyết các xung đột xã hội và chính trị, chống lại các hình thức nghèo đói xúc phạm phẩm giá con người, giảm thiểu bất bình đẳng và để giải quyết hiện tượng đáng lo ngại về phong trào di cư.

Từ máng cỏ, Hài nhi Giêsu yêu cầu chúng ta trở thành tiếng nói của những người không có tiếng nói. Tiếng nói của những đứa trẻ vô tội đã chết vì thiếu bánh và nước; tiếng nói của những người không tìm được việc làm hoặc bị mất việc làm; tiếng nói của những người bị buộc phải chạy trốn khỏi vùng đất của mình để tìm kiếm một tương lai tốt đẹp hơn, liều mạng trong những cuộc hành trình mệt mỏi và làm mồi cho những kẻ buôn người vô đạo đức.

Anh chị em thân mến, chúng ta đang tiến đến mùa ân sủng và hy vọng, đó là Năm Thánh, sẽ bắt đầu sau một năm nữa. Ước gì thời gian chuẩn bị cho Năm Thánh này là một cơ hội để hoán cải tâm hồn, từ chối chiến tranh và ôm lấy hòa bình, và vui vẻ đáp lại lời mời gọi của Chúa, như lời tiên tri của Isaia, “báo tin mừng” cho kẻ nghèo hèn, băng bó những tấm lòng tan nát, công bố lệnh ân xá cho kẻ bị giam cầm, ngày phóng thích cho những tù nhân (61:1).

Những lời đó đã được ứng nghiệm nơi Chúa Giêsu (x. Lc 4:18), Đấng sinh ra hôm nay tại Bêlem. Chúng ta hãy chào đón Người! Chúng ta hãy mở lòng mình ra với Ngài, Đấng Cứu Thế, Hoàng Tử Hòa Bình!


Source:Dicastero per la Comunicazione - Libreria Editrice Vaticana
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Đêm Noel 2023 Gx Tụy Hiền Tgp Hà Nội
BTTGx. Tụy Hiền
19:30 25/12/2023
Đêm Noel 2023 tại giáo xứ Tuỵ Hiền Tgp. Hà Nội

Hoà chung niềm vui của toàn thể nhân loại đón mừng Lễ Kỷ Niệm Ngôi Hai Thiên Chúa giáng sinh làm người được 2023 năm. Trước giờ lễ Đêm là buổi hoan ca lúc 19 giờ 00 với những tiết mục vui nhộn của các em thiếu nhi, giới trẻ, xen vào đó là các giọng ca vàng tấu lên những bài thánh ca cùng với màn vũ điệu của các nữ ca viên dưới sự hướng dẫn của hai MC, người con của giáo xứ là Giuse Minh Tâm, tiến sĩ ngành xây dựng và Thanh Hà, cô giáo ngành ngữ văn.

Giờ Canh Thức mừng Chúa Giáng Sinh bắt đầu lúc 20 giờ 00 do các Sơ DMTG dàn dựng với sự cộng tác của nhiều Giáo dân mọi lứa tuổi trong giáo xứ, giúp mọi người nhìn lại lịch sử ơn cứu độ do Đức Giêsu thực hiện qua cuộc sinh hạ của chính mình.

21 giờ 30 Thánh Lễ Đêm được cử hành với sự hiện diện của toàn thể cộng đoàn dân Chúa. Lễ xong là cuộc rước tượng Chúa Hài Đồng ra đặt vào cảnh hang đá giáng sinh, bên cạnh đó có tượng ông thánh Phanxi cô Assisi, nhằm nhắc lại tròn 800 năm trước cảnh hang đá giáng sinh đã được thánh nhân tạo ra.

Xem Hình
 
Đại Lễ Đêm Giáng Sinh - Cộng Đồng Công Giáo Việt Nam - TGP - Sydney
Khanh Lai
21:02 25/12/2023
Đại Lễ Đêm Giáng Sinh - Cộng Đồng Công Giáo Việt Nam - TGP - Sydney



Ðêm Thánh vô cùng,

Giây phút tưng bừng.

Ðất với trời, se chữ Ðồng.

Ðêm nay Chúa con thần thánh tôn thờ.

Canh khuya giáng sinh trong chốn hang lừa.

Ơn châu báu không bờ bến.

Biết tìm kiếm của chi đền.

Đây là lời hát Franz Gruber - lời Việt do nhạc sĩ Hùng Lân viết cũng là tâm tình của Cộng Đồng Công Giáo Việt Nam TGP Sydney đón Chúa Hài Đồng, dù thời tiết không được tốt đẹp lắm, nhưng rất đông giáo dân qui tụ về để đón mừng ngày Con Thiên Chúa Ra Đời, khoảng 2500 giáo dân tham dự Thánh Lễ đêm nay, ngồi chật cứng hội trường. Mở đầu cho chương trình Đại Lễ Đêm Giáng Sinh, tất cả anh chị em trong Ca Đoàn Anrê Phú Yên Revesby, cùng các em Thiếu Nhi Thánh Thể nhỏ bé nhất trong cộng đồng vang tiếng hát ca tụng, tôn vinh và sáng danh Con Thiên Chúa, với những âm thanh vang dội cả một hội trường rộng lớn, như đang loan báo tin vui Đấng Cứu Thế đã ra đời. Từ trên lễ đài một hoạt cảnh “Hát Mừng Giáng Sinh” diễn nguyện do các em trong Liên Đoàn Thiếu Nhi Thánh Thể, Thanh Niên Công Giáo, và một số anh chị em ca viên trong Liên Ca Đoàn đảm trách.Trong không khí đất với trời se chữ đồng đêm nay, ban tây nhạc Cecilia trình tấu bài: Silent night, Holy night, All is calm all is bright … Tinh tú trên trời, sông núi trên đời. Với thánh thần mau kết lời. Cao rao hóa công đã khéo an bài. Sai con hiến thân để cứu nhân loại. Hang chiên máng rêu tạm trú. Bốn bề tuyết sương mịt mù, để mở đầu Thánh Lễ Giáng Sinh đêm nay.

Ban nhạc vừa chấm dứt, MC Trường Giang đã hướng dẫn: Thiên Chúa Tạo dựng vạn vật và con người, Người ban cho con người quyền làm con Thiên Chúa. Adam và Evà, nguyên tổ của loài người, đã bất phục tùng và phản bội. Tội nguyên tổ đã mang đến sự chết chóc cho nhân loại, đã mang đến cho con người từ đau khổ này đến đau khổ khác suốt kiếp người lầm than. Nhưng Thiên Chúa không bỏ loài người, Người hứa sẽ trao ban Đấng Cứu Thế. Con người khắc khoải mong chờ Đấng Cứu Thế đến giải thoát khỏi cảnh lầm than. Lời hứa ban Đấng Cứu Thế như một hy vọng đợi trông. Trời cao hãy đổ sương xuống, và ngàn mây hãy mưa Đấng cứu đời. Trông mong và đợi chờ trong suốt thời kỳ Cựu Ước. Những khắc khoải đợi mong Đấng Cứu Thế với những lời cầu xin tha thiết: Chúa ơi dừng cơn giận Chúa lại thôi, Chúa ơi, đoàn con đã hối tội rồi.

Cha Chủ Sự Paul Văn Chi hướng dẫn chương trình mời mọi người giơ cao nến sáng để cầu nguyện, và Ca Đoàn Revesby cùng mọi người hát bài ca Trời cao hãy đổ sương xuống. Và ngàn mây, hãy mưa đấng chuộc tội. Trời cao hãy đổ sương xuống. Và ngàn mây, hãy mưa Đấng Cứu Đời. Trong đêm u tối, chúng con mong ngày mau tới. Như nai đang khát, ước mong mau tìm thấy suối. Chúa ơi! Dừng con giận Chúa lại thôi. Chúa ơi! Đoàn con đã hối tội rồi.





Hoạt cảnh: “Truyền Tin” cuối hội trường, một em đóng vai Đức Mẹ từ từ bước lên cùng với Thiên Thần. Đức Mẹ quỳ, Thiên Thần đứng. MC hướng dẫn: Ngay sau khi Ông Bà Nguyên Tổ phạm tội, Thiên Chúa vẫn yêu thương và không bỏ con người, Người hứa ban Đấng Cứu Thế qua Đức Mẹ Maria: “Ta sẽ đặt mối thù giữa ngươi và người phụ nữ, giữa giòng dõi ngươi và giòng dõi người phụ nữ. Người phụ nữ sẽ đạp dập đầu ngươi, và ngươi sẽ cắn vào gót chân người.” (St. 3:15). Lời hứa này trải dài suốt thời Cựu Ước. Khai mào thời Tân Ước, hình ảnh Mẹ Maria chấp nhận tiếng Xin Vâng trong ngày Truyền Tin, để Lời Hứa của Thiên Chúa được thực hiện qua Mầu Nhiệm Ngôi Lời Nhập Thể trong lòng Trinh Nữ Maria. Với tâm tình chờ mong Đấng Thiên Sai giáng sinh, Cộng Đồng giơ cao nến sáng cùng Ca Đoàn hát bài Nguyện Mùa Vọng.

MC hướng dẫn: Ca Đoàn Thiên Thần Loan Báo Tin Mừng: “Hôm nay, Chúa Kitô, Đấng Cứu Thế, đã Giáng Sinh cho chúng ta. Này một Hài Nhi đã sinh ra cho chúng ta. Một Hoàng Tử đã chào đời cho chúng ta. Ngai vua ở trên vai Người, và Người nắm quyền Vương Đế (Is. 9:6). Người chính là Hài Nhi Giêsu đã Giáng Sinh cho chúng ta đêm nay, Đêm Cực Thánh của năm 2023. Chúng ta hãy vui lên và cùng với các Thiên Thần cất cao tiếng hát chúc tụng Đấng nhân loại đợi mong đã đến, hãy vang lên niềm vui yêu thương và an bình với đất trời, với những khúc nhạc êm đềm đầy diệu vợi, để mừng đón Thiên Chúa xuống thế Cứu Độ nhân loại. Hãy cầu nguyện cho khắp nhân gian được biết đến Tin Mừng Giáng Sinh, và cho mọi tâm hồn cảm nhận được niềm hân hoan, hy vọng, yêu thương và an bình. Xin Chúa Hài Nhi Giêsu Giáng Sinh chúc lành cho Cộng Đồng chúng con…” khi MC vừa hướng dẫn xong đèn điện trong hội trường bừng sáng hân hoan…Mọi người cùng vang hát Hang Belem Mừng Chúa Giáng Sinh…Tiếp theo với niềm vui Giáng Sinh qua trình tấu của ban nhạc Cecilia với bài “Đêm Thánh Vô Cùng.”

Trong khi đó Thiên Thần và Mục Đồng đi lên cùng đoàn rước Chúa Hài Nhi theo thứ tự:

Bình Hương

Thánh Giá Nến Cao

Thiếu Nhi Cung Thánh

Các Thừa Tác Viên Thánh Thể

Thiên Thần, Mục Đồng, Ba Vua

Đức Mẹ và Thánh Giuse.





Cha Chủ Tế Paul Văn Chi và Quý Cha đồng tế đi sau cùng, thay phiên nhau nâng cao tượng Chúa Hài Nhi, để chúc lành cho cả cộng đồng và chào đón Chúa Hài Nhi. Chúng tôi nhận thấy có 3 Cha Tuyên Úy và 2 Cha khách cùng đồng tế Thánh Lễ đêm nay. Khi quý Cha Tuyên Úy nâng cao tượng Chúa Hài Đồng, tất cả giáo dân tham dự nâng cao ngọn nến vẫy chào mừng Con Thiên Chúa giáng trần. Đoàn Phụng Vụ Giáng Sinh và Quý Cha bồng Chúa Hài Nhi tiến lên lễ đài, Cha Chủ Tế xông hương Chúa Hài Nhi, cùng với đoàn Phụng Vụ cúi đầu trước Bàn Thờ, Cha Chủ tế xông hương bàn thờ.

Thánh Lễ bắt đầu, sau kinh Vinh Danh là bài đọc 1 và 2, sau phần đọc Sách Thánh Ca Đoàn Revesby hát Đáp Ca… Bài đọc Phúc Âm đêm Giáng Sinh hôm nay do Cha Nguyễn Văn Tuyết đọc và thuyết giảng: Mở đầu, cha kể một câu chuyện dẫn nhập mọi người vào mầu nhiệm Giáng Sinh. Mầu nhiệm bao giờ cũng là điều khó hiểu, và nhiều khi chúng ta hiều lầm, trong những ngày lễ này chúng ta suy ngẫm mầu nhiệm Thiên Chúa làm người và ở giữa chúng ta, nhưng làm sao để chúng ta hiểu được mầu nhiệm này? Quả thật đêm nay Chúa Hài Nhi Giáng Sinh cho chúng ta…







Đặc biệt trong Thánh Lễ hôm nay, một ca viên người Úc hát bài Hiệp Lễ “Đêm Hồng Ân và O Holy Night” trong phần rước lễ thật tuyệt vời và Thánh Thiện, do anh chị em ca đoàn Revesby mời.Trước khi kết thúc Thánh Lễ, anh Trường Giang gửi đến cộng đoàn thông báo, đồng thời đại diện HĐMV chúc mừng Noel và cám ơn tất cả các cộng tác viên, và thiện nguyện viên đã giúp cho Thánh Lễ hôm nay thành công. Cha Trần Văn Trợ đại diện Quý Cha Tuyên Úy chúc mừng Giáng Sinh tới mọi người tham dự Thánh Lễ hôm nay..

Trước khi kết thúc Thánh Lễ MC Trường Giang cũng thông báo vì vật giá leo thang nhưng cộng đồng chúng ta cũng có quý Cha Tuyên Úy làm ông già Noel phát quà cho tất cả các em tối nay. Sau phần phát quà là phần sổ số do Cộng Đồng Công Giáo Việt Nam TGP Sydney tổ chức nhằm gây quỹ bảo trì Trung tâm Tĩnh huấn. Hòa chung không khí ngày Noel, cầu xin Thiên Chúa luôn ở bên cạnh và đem tình yêu, bình an, niềm vui đến với mọi người mọi nhà. Emmanuel và Amen.

Christmas Carols Photos:

Thánh Lễ Photos:

Hình chụp chung sau Thánh Lễ:

Khanh Lai tường trình
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Hòa Bình khắp nơi
Phạm Bá Nha
21:02 25/12/2023

HÒA BÌNH KHẮP NƠI

Đề tài ‘‘Hòa Bình Khắp Nơi’’ khai triển theo Tông Huấn ‘‘Hãy Vui Mừng Hoan Hỉ’’ (Gaudate et Exultte) của ĐGH Phanxicô ban hành 19.3.2018, và những huấn từ của ngài liên quan đến mưu tìm hòa bình cho thế giới hôm nay.

Nội dung đóng góp xây dựng hòa bình của ĐGH Phanxicô đã ghi trong Tông huấn : ‘‘Phúc thay ai xây dựng hòa bình, vì họ sẽ được gọi là con Thiên Chúa’’ (Mt 5,9). Phúc này khiến chúng ta nghĩ đến tình trạng bao cuộc chiến tranh không dứt trong thế giới. Về phần mình chúng ta thường là nguyên nhân xung đột hay ít ra hiểu lầm. Chẳng hạn như tôi nghe được một điều gì về một ai đó, và tôi kể lại cho người khác. Thậm chí tôi còn thêm thắt một chút và loan truyền nó đi. Và nếu nó càng tác hại thì dường như tôi càng mãn nguyện. Thế giới của những kẻ ngồi lê đôi mách, chuyên chỉ trích và phá đổ, không xây dựng hòa bình, đúng hơn, những kẻ như vậy là kẻ thù hòa bình, và họ không hề ‘‘có hạnh phúc’’. (số 87, Bản dịch của ĐC Gioan Đỗ văn Ngân)

Những người kiến tạo hòa bình là nguồn mạch bình an. Họ xây dựng hòa bình và tình thân hữu trong xã hội. Đối với người dấn thân gieo vãi hòa bình khắp nơi. Đức Giêsu đưa ra lời hứa tuyệt vời này : ‘‘Họ sẽ được gọi là con Thiên Chúa’’ (Mt 5, 9). Người bảo các Môn Đệ, khi vào bất cứ nhà nào hãy nói ‘‘ Bình an cho nhà này’’ (Lc 10, 5). Lời Chúa khuyến khích mỗi tín hữu hãy ăn ở hòa thuận với người khác (x. 2 Tm 2,22). ‘‘Vì người xây dựng hòa bình thu hoạch được hoa trái đã gieo trong hòa bình, là cuộc đời công chính’’ (Gc 3,18). Và nếu như nếu có những lúc trong cộng đoàn chúng ta tự hỏi mình phải làm gì, thì ‘’hãy theo đuổi những gì đem lại bình an’’(Rm 14,19), vì sự hiệp nhất thì tốt hơn xung đột. (số 88)

Quả không dễ dàng ‘‘kiến tạo’’ sự bình an này của Tin Mừng, một sự bình an vốn không bị loại trừ ai, nhưng đón nhận ngay cả những người hơi kỳ cục, khó tính và sách nhiễu, yêu sách, lập dị, bị bầm dập bởi cuộc đời hoặc đơn giản là người thờ ơ. Đó là công việc khó khăn, đòi hỏi trí và tâm phải thật rộn mở, vì đây không phải là việc tạo ra ‘‘một thỏa thuận trên giấy tờ hay sự dàn hòa tạm thời cho thiểu số được hài lòng’’. Cũng không phải là dự phóng ‘‘của một ít người cho một ít người’’. Đây cũng không phải cố phát lờ hoặc giấu đi sự mâu thuẫn, nhưng ‘chấp nhận đối diện với sung đột thành mắt xích liên kết trong tiến trình mới’’. Chúng ta phải là những nghệ nhân của hòa bình, vì xây dựng hòa bình là nghệ thuật đòi hỏi bình tâm sáng tạo, nhạy cảm và khéo léo.

Gieo rắc bình an quanh ta : đó là thánh thiện. (số 89)

Chữ ‘‘hạnh phúc’’ hay ‘‘có phúc’’ đồng nghĩa với ‘‘thánh thiện’’. (x. số 64).Thực hiện những giáo huấn trong Tám Phúc mà Chúa hứa, ‘‘có vẻ nghe thi vị, nhưng rõ ràng đi ngược những gì người ta thường làm trong xã hội (x. số 65)

Muốn có hòa bình, trước hết cá nhân phải nên thánh. Sau đó gia đình, xã hội, lan rộng toàn thế giới. Theo ĐGH, muốn có hòa bình không phải ngưng tiếng súng, bom đạn mà ngưng ‘‘rù rì bỏ nhỏ, đừng từ chối đố kỵ hư danh và nhìn vào chứng tá ’’. Đó là nguyên nhân mất bình an đang diễn ra chung quanh khắp nơi.

Những ý tưởng này ĐGH viết trong Tông Huấn trên, và được Ngài cắt nghĩa rõ mạch lạc hơn trong các dịp :

‘‘Từ bỏ đố kỵ hư danh’’. Ngày 5.11.2018, tại nhà nguyện Santa Marta. Phân tích Tin Mừng, ĐGH cảnh báo ‘‘đố kỵ ưa chuộng hư danh’’ là sức mạnh phá hoại nền tảng cộng đồng bằng gieo rắc chia rẽ xung đột. Đừng làm gì vì tư lợi. Đừng kết bạn nhằm thủ lợi riêng. ĐGH cho rằng : lý luận dựa trên ‘‘lợi lộc’’ cho mình là tháđộ ích kỷ, phân biệt đối xử, tư lợi. Trong khi thông điệp của Chúa hoàn toàn ngược lại. Đố kỵ là tiêu diệt người khác. Ngài khích lệ ‘’Đừng làm gì vì ích kỷ hay chuộng hư danh, nhưng hãy khiêm nhường coi trọng người khác như chính bản thân. (vietcatholic. News 13.11.2018)

‘’Đừng từ chối lời mời của Chúa’’. Ngày 6.11.2018, tại nhà nguyện Santa Marta, căn cứ vào Tin Mừng (lc 14, 7-14) người chủ mở tiệc. Nhiều người lấy đủ lý do từ chối đến dự. Rồi ai đã đến dự tiệc thì thích chọn chỗ tốt. Chúa khuyên ngồi chỗ thấp và khuyên chủ nhà ra mời : những người nghèo khó, què quặt, đui mù. Họ không có dịp đáp lễ, và như thế, ông mới thật có phúc. Vì ông sẽ được đáp lễ trong ngày kẻ lành sống lại (Lc 14, 13-14). ĐGH nhận xét cay đắng : bao lần chúng ta tìm cách thoái thách lời Chúa mời gọi, làm việc bác ái, việc lành, cầu nguyện, gặp Ngài. Nhưng Ngài vẫn nhân từ thứ tha, đứng đó chờ đợi …dịp khác. ĐTC kết bài giảng : xin cho chúng ta bớt chai đá, bướng bỉnh, biết khóc trước nhu cầu thiếu thốn của người khác. (nguồn tin đd, 13.11.2018)

‘‘Tránh rù rì bỏ nhỏ’’. Ngày 8.11. 2018, tại nhà nguyện Santa Marta. ĐGH cho rằng thái độ ‘‘ thì thầm’’ này xảy ra ngay trong gia đình, giáo xứ, địa phận,trong mọi cấp độ, như cơm bữa. Cũng xảy ra trong trường chính trị, nơi làm việc. Đó là điều xấu. Người ta tìm cách bôi nhọ nhau, phỉ báng, vu khống, rỉ tai, nói xấu, chỉ trích, bôi nhọ, khinh thường người khác… bằng tin thất thiệt. Chúa Giêsu nhân lành, thay vì kết án, Chúa đặt câu hỏi : Ai có 100 con chiên, 1 con bị lạc, lại không bỏ 99 con mà đi tìm con lạc. Cuối bài giảng, ĐGH nguyện : xin cho chúng con hiểu luận lý Tin Mừng, điều trái với duy tư của thế gian. (ntđd, 13.11.2018)

‘‘Hãy nhìn vào chứng tá’’. Như, hai gương hy sinh dưới, tận tụy còn mãi trong ký ức :

Cha Thomas Conway, tuyên úy hải quân Hoa Kỳ 37 tuổi đã hy sinh sau trận chiến bên Nhật, tại Okinawa. Có 317 sống sót trong 1. 195 lính Mỹ trên chuyến tàu giao chiến với quân Nhật, ngoài khơi. Chết vì cá mập hay chếtcđuối. Hôm ấy, 30.7.1945, chiếc tàu Indianapolis trong hạm đội số 5 hải quân Mỹ bị tấn công kiểu quyết tử và bị bắn thủng. Tàu lênh đênh trên biển 3 ngày. Sau những ngày cứu nguy đồng đội, Cha Conway đuối sức, được cứu lên đất liền. Cha từ trần 2.8.1945.

Những người sống sót kể lại, như Anh Richard Theden viết hồi ký : Sau khi nhào xuống nước, Cha Conway bơi tới nhóm tôi, hỏi có ai là Công Giáo không, và ngài bảo cho chúng tôi về phía này, chúng tôi bơi theo, ngài ban bí tích sau cùng, rồi tiếp tục đi chỗ khác. Ngài
Ông Frank Centazzo tiếp lời : Ngài cho chúng tôi hy vọng và ý chí chịu đựng. Tất cả ai sống sót đều nhờ đến ngài. Ngài bơi kiệt sức tới tối ngày thứ 3. Nhìn hướng nào cũng thấy cha là sứ giả của Thiên Chúa. Ngài yêu công việc, được mọi lính kính nể và tôn trọng. Tôi nhớ vào chiều hôm ấy, ngài đến bên tôi và Paul McGiness. Ngài đang chống trả với dòng nước. Hai chúng tôi kẹp chặt ngài lại, để ngài nghỉ vài giờ. Cha đã làm tròn sứ mệnh của mình để tăng sức mạnh tinh thần cho chúng tôi, khiến chúng tôi tin sẽ được cứu thoát.

Sau nhiều năm, anh Donal McCall chia sẻ : Cha hướng dẫn chúng tôi cầu nguyện khi ở dưới nước và nói với chúng tôi rằng anh em mình sẽ gặp an toàn, những người giúp đỡ đang đến.

Đại đại úy bác sỹ Lewis Haynes trên tàu, trong hồi ký ghi : Trong hai ngày cha và bác sỹ Haynes bơi qua bơi lại giữa những người còn sống chung quanh, giải tội, xức dầu. Bám vào tấm lưới phủ hàng hóa, quăng giây lôi kéo người bị nước cuốn, khuyến khích mọi người hy vọng, sẽ được cứu thoát. Lương thực cạn dần nhất là nước, trong khi mặt trời vẫn chói chang trên mặt biển.

Ông Robert Dorr Thư Ký Ủy ban Tưởng niệm Cựu Chiến Binh tiểu bang Connecticut nói : Cha Thomas là linh hướng và người chăm sóc tinh thần suốt 3 ngày rưỡi. Khi sắp chết Cha làm các phép bí tích sau cùng cho họ. Trong vài năm qua, Ủy Ban đã vận động xin cho Cha lãnh giải thưởng hậu tử.

Bản tin này của Joseph Pronecheni đăng trên National Catholic Register, 1955. HĐGM Hoa Kỳ đã lập hồ sơ xin phong thánh cho Cha Thomas Conway. (Vietcatholic 16.11.2018)

Thánh nữ Francesca Saverio Cabrini (Ý, 1850-1917) sáng lập Dòng Nữ Truyền Giáo Thánh Tâm Chúa. Quan thày người Di Dân và Tỵ Nạn, lễ kính 13.11. Cả đời phục vụ người Di Dân và Tỵ Nạn. Người đã dạy chúng ta biết cách làm sao có thể đón nhận bảo vệ, thúc đẩy và hội nhập những người anh em. Nhờ lời cầu bầu của Thánh Nữ, ước gì Thiên Chúa đều có kinh nghiệm này : Hoa trái công chính được rắc gieo trong hòa bình cho người kiến tạo hòa bình (RV 24.11.2017)

Sứ điệp ngày Thế Giới Truyền Thông, công bố 24.1.2018, nhằm lễ thánh Phanxicô Đệ Salê, quan thày nhà báo. Chủ đề sứ điệp năm nay : ‘’Sự thật giải thoát anh em (Ga 8,32). Tin giả và nền ngôn luận hòa bình’’. ĐGH lên tiếng kêu gọi một nền ‘‘ngôn luận vì hòa bình’’ để đối phó với đe dọa của tin giả đang phát triển mạnh vì thiếu vắng đối kháng lành mạnh với nguồn tin khác nhau. Được biết ngày Thế Giới Truyền Thông do công đồng Vatican II đề xướng trong Sắc lệnh Inter Mirifica (Phương tiện Truyền Thông Xã Hội) và được Thánh GH Phaolô VI công bố 4.12.1963. Ngày Thế giới Truyền thông đầu tiên 7.5.1967. Năm nay là lần 52. (https:// Zenit.org 24.1.2018)

Sứ điệp ngày thế giới hòa bình 1.1.2018 (ký 24.11.2017, Lễ Các Thánh TĐVN), chủ đề : Những người di cư và tị nạn. Con người trên đường tìm kiếm hòa bình. Sứ điệp có hai phần :

Phần I : Trích lời kêu gọi quan tâm đến những người không nơi nương tựa của các GH tiền nhiệm :

- Cho tới bao lâu phúc lợi phồn thịnh đích thực của cộng đồng xã hội còn cho phép, cảm thông với dự định của những người đang muốn
hòa nhập vào một cộng đồng mới (Thánh GH Gioan XXIII. Pacem in Terris, số 106)

- Thánh GH Gioan Phaolo II nhắc tới con số di cư ngày càng lớn là hệ quả của những loạt chiến tranh xung đột diệt chủng và thanh trừng các sắc tộc mà chúng đã để lại nhiều dấu ấn trong thế kỷ XXI. Thánh GH còn mơ ước : Nếu nhiều người cùng chia sẻ giấc mơ về thế giới hòa bình, và đóng góp đầy giá trị của các di dân và tỵ nạn được qúi trọng thì rồi càng ngày nhân loại càng thành gia đình của tất cả, thế giới sẽ thành một ( Sứ điệp ngày Quốc Tế Di Dân. 2004).

-Những người nam nữ, các em nhỏ, các bạn trẻ và những cụ già, họ đang tìm một nơi, mà nơi đó họ có thể sống trong hòa bình. Chúng ta đều thuộc về gia đình duy nhất, các di dân và các dân tộc đón họ, và tất cả đều có cùng quyền lợi như nhau trong sử dụng những điều thiện hảo của trái đất, và những thiện hảo đó được xác định là phổ quát, như học thuyết xã hội của GH đã minh thị. Tình liên kết và chia sẻ có nền tảng căn bản của mình ở đấy. (ĐGH Benedicto XVI. Sứ điệp ngày Quốc Tế Di Dân. 2010). Lý do di cư là : Khát khao muốn có một cuộc sống tốt hơn, và cũng thường liên kết với cố gắng để lại đàng sau mình ‘‘nỗi tuyệt vọng’’ về điều đã ngăn cản họ trong việc kiến tạo tương lai. (2013)

Phần II. Muốn cho người tỵ nạn di dân có khả năng tìm ra hòa bình, ĐGH Phanxicô phác họa đề nghị bốn hành động phối hộp phải làm :

- Đón nhận : không để họ trở về nguyên quán, nơi vẫn còn những bách hại, bạo lực đe dọa. Phải quan tâm an ninh xã hội qua bảo vệ nhân quyền căn bản trở nên vững vàng. Thánh Phaolô nhắc : Anh chị em đừng quên tỏ lòng hiếu khác. Nhờ vậy, có những người được đón các thiên thần mà họ không biết? (Dt 13,2)

- Bảo vệ : Bổn phận chúng ta là nhìn nhận và bảo vệ phẩm giá bất khả xâm phạm của tất cả những ai đang phải chạy trốn mối nguy hiểm để tìm nơi trú ẩn an toàn, khỏi bị bóc lột. Đặc biệt lưu ý tới phụ nữ và trẻ em, bị đe dọa làm nô lệ. Thiên Chúa không kỳ thị bất cứ ai : ‘Chúa phù trợ những khách ngoại kiều (TV 145, 9)

- Thúc đẩy : Bổn phận chúng ta hỗ trợ phát triển toàn diện người di dân và tỵ nạn. Bảo đảm cho tất cả em nhỏ, giới trẻ được giáo dục và tiếp cận toàn diện diện và đào tạo. Đối thoại là phương pháp có hiệu quả. Thánh Kinh dậy : ‘‘Thiên Chúa yêu thương ngoại kiều và ban cho họ lương thực và quần áo’’. Kinh Thánh cảnh báo : ‘‘Thiên Chúa xử công minh cho cô nhi quả phụ và yêu thương ngoại kiều cho họ bánh ăn áo mặc. Anh em phải yêu thương ngoại kiều vì anh em đà từng là ngoại kiều ở Ai Cập’’ (Đnl 10, 18-19)

- Hội nhập : Tạo cho họ được tham dự vào cuộc sống sinh hoạt cộng ng đón nhận. Thánh Phaolô viết : ‘‘Anh em không còn phải là người xa lạ hay tạm trú, nhưng là người đồng hương với các Thánh và là người nhà của Thiên Chúa’’ (Eph 2, 19)
Sứ điệp ngày thế giới hòa bình 1.1.2019, loan báo 6.11.2018, dịp kỷ niệm 100 năm thế chiến 14-18, chủ đề : ‘’Nền chính trị tốt phục vụ hòa bình’’. Sứ điệp nêu ra:

- Trách nhiệm chính trị thuộc mọi công dân, đặc biệt thuộc những người nhận ủy nhiệm bảo vệ và cai trị. Sứ mạng này là bảo vệ luật pháp, khuyến khích đối thoại giữa các đối tác xã hội, các thế hệ và các văn hóa.

- Các quyền và bổn phận con người làm gia tăng ý thức thống thuộc vào cùng một cộng đồng, với những người khác và với Thiên Chúa. Chúng ta đều được kêu gọi mang đến và loan báo hòa bình như một Tin Mừng tương lai. Nơi mỗi sinh vật sẽ được tôn trọng phẩm giá và quyền hạn.
- Sứ điệp nhắc lại ý tưởng hòa bình này, của Thánh GH Gioan XXIII : Khi con người được tôn trọng trong các quyền của mình sẽ nảy nở trong con người ý thức về bổn phận và tôn trọng các quyền của người khác (sứ điệp Pacem in Terris, 1963). Và của ĐGH Phanxicô đã kêu gọi tham gia chính trị trong ý cầu nguyện trong tháng 7.2015. Ngài cũng kêu gọi ‘’can đảm’’ tham gia chính trị vì chịu khổ vì Đạo hàng ngày, tìm kiếm công ích mà không hủ hóa. Làm chính trị là quan trọng và người ta có thể nên thánh khi làm chính trị. Có nghĩa là ‘vác Thánh Giá của thất bại và tội lỗi’’ (30.4.2015). (Zenit.org 6.11. 2018)

Kết luận bằng những lời khuyên, yên tâm hưởng hòa bình mà phục vụ, của Hai Thánh Tông Đồ:

Thánh Phêrô : Theo lời Thiên Chúa hứa, chúng ta mong đợi trời mới đất mới, nơi công lý hiển trị. Vì thế, trong khi chờ đợi ngày ấy anh em phải cố gắng sao cho Người thấy anh em tin tuyền, không chi đáng trách và sống bình an (2Pr 3, 13-14)

Thánh Phaolô : Anh em hãy giữ vững đức tin, cần được xây dựng vững chắc, kiên quyết và đừng nao núng mà lìa bỏ niềm hy vọng anh em đã nhận được khi loan báo Tin Mừng. Tin Mừng này đã được rao giảng cho khắp thiên hạ, và tôi, Phaolô, trở nên người phục vụ Tin Mừng (Cl 1, 23)

Và tinh thần hòa bình của Thánh Phanxicô, hướng về Đấng Chân lý, ngước mắt cầu xin :

Lạy Chúa, xin làm cho chúng con nên khí cụ bình an của Chúa
Giúp chúng con nhận ra sự ác len lỏi trong thứ truyền thông không kiến tạo sự hiệp thông
Giúp chúng con biết loại bỏ nọc độc khỏi những phán đoán của chúng con
Giúp chúng con nói về tha nhân như anh chị em chúng con.
Chúa là Đấng trung tín và đáng tin cậy, xin làm cho lời nói của chúng con thành những hạt
giống sự thiện cho thế giới
Nơi có tiếng la hét, xin cho chúng con biết lắng nghe
Nơi có hoang mang, xin cho chúng con gợi hứng hài hòa
Nơi có mơ hồ, xin cho chúng con biết mang lại minh bạch
Nơi có sự loại trừ, hãy để chúng con mang đến tình đoàn kết
Nơi có chủ nghĩa kích động, xin cho chúng con biết dùng sự tỉnh táo
Nơi nào hời hợt, xin cho chúng con nêu lên những câu hỏi thực sự
Nơi có thành kiến, xin cho chúng con đánh thức niềm tin.
Nơi có hận thù, xin cho chúng con mang lại niềm tin tôn trọng
Nơi có giả dối, xin cho chúng con mang đến sự thật. Amen
(Viet catholic. 24.1. 2018. JB. Đặng Minh An dịch)
 
Church Documents
Thu Trinh News 26 Dec 2023
VietCatholic Media
18:45 25/12/2023
1. Ukraine hôm thứ Hai cho biết họ đã bắn hạ 28 máy bay không người lái của Nga trong số 31 chiếc được phóng từ bán đảo Crimea sáp nhập.

Trong cuộc họp báo tại trung tâm báo chí Kyiv sáng thứ Ba 26 Tháng Mười Hai, Phát ngôn nhân của lực lượng không quân Ukraine, Đại Tá Yurii Ihnat, cho biết “Vào ngày 25 tháng 12, đối phương tấn công bằng 31 máy bay không người lái tấn công 28 máy bay không người lái Shahed-136/131 đã bị bắn hạ”.

Lực lượng không quân cũng đã bắn hạ hai hỏa tiễn và hai chiến đấu cơ của Nga, một trên khu vực Donetsk ở miền đông Ukraine và một trên Hắc Hải.

Lực lượng phòng vệ ở miền nam Ukraine cho biết 17 chiếc máy bay không người lái bị bắn rơi ở khu vực phía nam Odesa và 5 chiếc nữa ở các khu vực khác ở phía nam.

Tại Odesa, Lực lượng phòng vệ cho biết cơ sở hạ tầng cảng bị hư hại nhưng không có thương vong.

2. Nga đổ thừa cho phương Tây về các cuộc biểu tình chống gian lận bầu cử ở Serbia

Hôm thứ Hai, Nga đã cáo buộc các nước phương Tây khuấy động căng thẳng ở Serbia, quốc gia thân thiện với Mạc Tư Khoa, đang bị rung chuyển bởi các cuộc biểu tình phản đối cáo buộc gian lận trong cuộc bầu cử được tổ chức vào ngày 17 tháng 12.

Chỉ một ngày trước đó, những người biểu tình đã cố gắng xông vào tòa thị chính thủ đô Belgrade của Serbia. Những người biểu tình phản đối kết quả của cuộc bầu cử quốc hội và địa phương, trong đó đảng của tổng thống Aleksandar Vučić cho biết họ đã giành được chiến thắng áp đảo, điều này đã được Điện Cẩm Linh hoan nghênh.

Phát ngôn nhân Điện Cẩm Linh Dmitry Peskov cho biết Mạc Tư Khoa hy vọng kết quả này sẽ giúp “tăng cường hơn nữa tình hữu nghị” giữa hai nước.

Phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Maria Zakharova nói với hãng thông tấn nhà nước RIA Novosti: “Những nỗ lực của phương Tây nhằm gây bất ổn cho tình hình ở Serbia là rõ ràng”. Bà ta nói như trên mà không đưa ra bất cứ bằng chứng nào.

Belgrade không tham gia các biện pháp trừng phạt quốc tế chống lại Mạc Tư Khoa vì cuộc tấn công vào Ukraine, nhưng Serbia đã lên án hành động gây hấn của Nga tại Liên Hiệp Quốc và sự ủng hộ của nước này đã gây ra tranh cãi.

Serbia gần như phụ thuộc hoàn toàn vào khí đốt của Nga, AFP đưa tin.

3. Tàu phá băng chở hàng chạy bằng năng lượng hạt nhân thời Liên Xô bốc cháy

Hôm thứ Hai 25 Tháng Mười Hai, thông tấn xã Tass của nhà nước Nga, cho biết các nhân viên cấp cứu khẩn cấp đã dập lửa trên một tàu phá băng chở hàng chạy bằng năng lượng hạt nhân thời Liên Xô và công ty nhà nước điều hành con tàu này cho biết không có thương vong cũng như không có mối đe dọa nào đối với an ninh của lò phản ứng.

Bộ Tình trạng khẩn cấp cho biết, đám cháy bùng phát hôm Chúa Nhật tại một trong các cabin của con tàu Sevmorput do Liên Xô sản xuất, đang neo đậu ở thành phố Murmansk phía bắc nước Nga.

Bộ cho biết, ngọn lửa lúc đỉnh điểm bao phủ một khu vực rộng khoảng 30 mét vuông và đã được dập tắt mà không có thương vong.

“Ngọn lửa nhanh chóng được dập tắt”, Atomflot, công ty sở hữu con tàu, cho biết trong một tuyên bố.

“Không có vết thương nào cả. Không có mối đe dọa nào đối với các hệ thống hỗ trợ quan trọng hoặc đối với nhà máy lò phản ứng”.

Reuters đưa tin Atomflot điều hành đội tàu phá băng hạt nhân của Nga và là một đơn vị của tập đoàn hạt nhân bang Rosatom.

Vùng Murmansk, ở phía tây bắc nước Nga, có chung biên giới với Phần Lan và Na Uy, cũng như với Biển Barents và Bạch Hải.

Theo Rosatom, con tàu này được đưa vào sử dụng năm 1988 và được nâng cấp rộng rãi cách đây một thập kỷ, là tàu vận tải phá băng chạy bằng năng lượng hạt nhân duy nhất của Nga.

4. Nhà lãnh đạo chính sách đối ngoại của Liên Hiệp Âu Châu cảnh báo rằng Vladimir Putin sẽ không “hài lòng với một chiến thắng lãnh thổ hạn chế” ở Ukraine.

Nhà lãnh đạo chính sách đối ngoại của Liên Hiệp Âu Châu Josep Borrell cho biết, sự tồn tại của Liên minh Âu Châu đang bị đe dọa ở Ukraine. Ông tin rằng tương lai của khối này đang bị đe dọa bởi cả cuộc xung đột này và cuộc chiến ở Gaza.

Ông đưa ra lập trường trên về cuộc xâm lược Ukraine mới nhất của Nga khi thảo luận về lo ngại rằng tình trạng bất ổn đang diễn ra có thể thúc đẩy cử tri lựa chọn các đảng dân túy cánh hữu cho quốc hội Âu Châu.

Có lẽ đây là lúc chúng ta phải nhìn vào mối nguy hiểm đến từ một cường quốc đang đe dọa nền dân chủ của chúng ta, đe dọa chính Âu Châu chứ không chỉ Ukraine.

Và nếu chúng ta không nhanh chóng thay đổi hướng đi, nếu chúng ta không huy động mọi năng lực của mình thì Putin sẽ giành chiến thắng trong cuộc chiến ở Ukraine. Tương tự như vậy, nếu chúng ta không thể ngăn chặn thảm kịch đang xảy ra ở Gaza, tôi nghĩ dự án của chúng ta sẽ bị thiệt hại rất nhiều.

Putin không thể hài lòng với một phần Ukraine và để phần còn lại của Ukraine thuộc về Liên minh Âu Châu, nhưng ông cũng không thể hài lòng với một chiến thắng lãnh thổ hạn chế.

Ông ta sẽ không từ bỏ cuộc chiến, đặc biệt là trước cuộc bầu cử Mỹ, điều này có thể mang đến cho ông ta một kịch bản thuận lợi hơn nhiều. Vì vậy chúng ta phải chuẩn bị cho một cuộc xung đột có cường độ cao trong thời gian dài.
 
Phương Thảo 26 Dec 2023
VietCatholic Media
19:04 25/12/2023
1. David Cameron có thể viết lại một số di sản quốc tế của mình bằng cách cung cấp vũ khí quan trọng cho Ukraine.

Khi còn làm thủ tướng, Cameron thuộc thế hệ tin rằng hợp tác kinh doanh nhiều hơn với Nga sẽ bảo đảm hòa bình và lợi nhuận. Với tư cách là ngoại trưởng, ông hiện đang tập trung kiên quyết vào việc hỗ trợ Ukraine và kiềm chế Nga.

Để làm được điều đó, Cameron đang đi đầu trong việc tạo ra chuỗi cung ứng quân sự thống nhất cho Kyiv và bảo đảm khuôn khổ trừng phạt mạnh mẽ.

Ông cho biết: “Anh nên dẫn đầu trong việc tạo ra một đơn vị chuỗi cung ứng quân sự và các biện pháp trừng phạt phối hợp nhằm tập hợp các nỗ lực của Anh, Mỹ và Liên Hiệp Âu Châu. Điều này sẽ lập bản đồ các chuỗi cung ứng quân sự phức tạp của Nga ở từng bước trên đường đi, xác định các điểm nghẽn và kết hợp các nguồn lực để phá vỡ chúng bằng cách sử dụng đầy đủ các công cụ - thực thi pháp luật, ngoại giao, hành động công khai và bí mật.”

2. Xe tải vào Ukraine 'như thường lệ' sau khi người biểu tình Ba Lan chấm dứt phong tỏa

Các xe tải lại bắt đầu băng qua biên giới sang Ukraine sau khi các tài xế xe tải Ba Lan bỏ phong tỏa cửa khẩu biên giới quan trọng Shehyni-Medyka.

Các tài xế xe tải đã chặn một số điểm qua lại ở biên giới với Ukraine kể từ ngày 6 tháng 11, yêu cầu Liên Hiệp Âu Châu khôi phục một hệ thống theo đó các công ty Ukraine cần có giấy phép để hoạt động trong khối, và điều tương tự đối với các tài xế xe tải Âu Châu đang tìm cách vào Ukraine.

Sau đó, những người nông dân đã tham gia cùng họ, yêu cầu chính phủ trợ cấp cho ngô và không tăng thuế.

Hôm thứ Bảy, Bộ trưởng kinh tế Kyiv Yulia Svyrydenko tuyên bố chấm dứt phong tỏa vùng Shehyni-Medyka, trong khi cơ quan biên giới Ukraine xác nhận sáng thứ Ba 26 Tháng Mười Hai, rằng hoạt động di chuyển của xe tải đã được khôi phục hoàn toàn.

Cơ quan này cho biết: “Giao thông xe tải đã được khôi phục: nông dân Ba Lan đã chấm dứt lệnh phong tỏa trước ngã tư Medyka – Shehyni”.

Cơ quan này dẫn lời lực lượng biên phòng Ba Lan cho biết, hành động biểu tình trước cửa khẩu đã kết thúc vào lúc 9h30 sáng Chúa Nhật theo giờ Kyiv.

“Việc ghi danh và qua đường của xe tải vào Ukraine vẫn được thực hiện như bình thường”, cơ quan này cho biết thêm.

3. Các cuộc tấn công của Nga ở Kherson khiến 4 thường dân thiệt mạng và 9 người khác bị thương

Làn sóng pháo kích và tấn công bằng máy bay không người lái của Nga vào khu vực Kherson phía nam Ukraine hiện đã cướp đi sinh mạng của 4 người.

Trong cuộc họp báo tại trung tâm báo chí Kyiv sáng thứ Ba 26 Tháng Mười Hai, phát ngôn nhân cảnh sát quốc gia Ukraine, Đại Úy Alyona Lyutnytska, đã cáo buộc Nga tấn công tàn bạo trong ngày Lễ Giáng Sinh tại Ukraine.

Cô cho biết một cuộc tấn công bằng máy bay không người lái đã giết chết một người đàn ông ở thị trấn Stanislav, phía đông nam thành phố Kherson vào chiều ngày Lễ Giáng Sinh. Cô đã xác nhận thêm ba trường hợp tử vong xảy ra vào đúng Lễ Giáng Sinh.

Cô cho biết rằng một cặp vợ chồng ở độ tuổi 80 đã thiệt mạng sau khi một quả đạn pháo của Nga bắn trúng một tòa nhà dân cư, trong khi thi thể của một người đàn ông thiệt mạng được phát hiện ở trung tâm Kherson sau khi đống đổ nát được dọn sạch. Cô nói thêm, danh tính của anh ta vẫn đang được xác định.

Lyutnytska nhấn mạnh rằng khu vực này đã bị tấn công 88 lần trong ngày Lễ Giáng Sinh.

4. Tân Ngoại trưởng của Ba Lan cảnh báo Âu Châu trước mối đe dọa từ Nga

Tân Ngoại trưởng Ba Lan đã kêu gọi các nước Âu Châu tái vũ trang trước mối đe dọa từ Nga, lập luận rằng các cuộc chiến tranh “không được quyết định bởi sự tham gia chiến thuật mà bởi năng lực công nghiệp”.

Radosław Sikorski, người đảm nhận chức ngoại trưởng trong tháng này, đã đưa ra nhận xét trên trong một cuộc phỏng vấn sau khi trở về từ chuyến thăm chính thức đầu tiên tới Ukraine.

Là phương Tây, chúng ta giàu hơn Nga 20 lần, nhưng nếu Nga đặt nền kinh tế của mình trên nền tảng thời chiến và chúng ta tiếp tục phát triển trên cơ sở thời bình, thì họ có thể sản xuất ra vũ khí nhanh hơn chúng ta nhiều. Các cuộc chiến tranh không được quyết định bởi sự tham gia chiến thuật mà bởi năng lực công nghiệp, và chúng ta đang ở phía sau.

Trong chuyến đi, Sikorski đã gặp Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy và thủ tướng Denys Shmyhal, cũng như các bộ trưởng ngoại giao và quốc phòng của nước này.

5. Nga mất 33 hệ thống pháo binh, 31 xe tăng APV và 19 xe tăng trong một ngày: Ukraine

Theo các quan chức Ukraine, Nga đã mất hàng chục hệ thống pháo binh, xe thiết giáp và xe tăng chỉ trong một ngày giao tranh.

Báo cáo mới nhất của Bộ Tổng tham mưu Lực lượng vũ trang Ukraine cho biết Nga đã mất 33 hệ thống pháo binh, 31 xe thiết giáp chuyển quân và 19 xe tăng từ đêm Giáng Sinh đến ngày Giáng Sinh.

Kể từ khi chiến tranh bắt đầu vào tháng 2 năm 2022, Kyiv tuyên bố Nga đã mất tổng cộng 5.877 xe tăng, 8.347 hệ thống pháo và 10.919 xe thiết giáp.

Phát ngôn nhân Bộ Quốc phòng Ukraine, Chuẩn tướng Oleksii Hromov cho biết vào sáng thứ Ba 26 Tháng Mười Hai, rằng 760 binh sĩ Nga bị loại khỏi vòng chiến, cùng 2 máy bay và 2 hệ thống tác chiến phòng không.

Kyiv tuyên bố Nga đã phải chịu 353.950 binh sĩ thương vong, 329 máy bay và 613 hệ thống tác chiến phòng không kể từ khi chiến tranh bùng nổ.

Bất kể các tổn thất kinh hoàng, Putin đang tiếp tục cố thể hiện mình là một nhà lãnh đạo duyên dáng, quan tâm đến hạnh phúc của quân nhân khi chiến tranh tiếp tục diễn ra.

“Nhà báo Điện Cẩm Linh Pavel Zarubin đã công bố đoạn phim vào ngày 24 tháng 12 về buổi lễ ngày 19 tháng 12 tại Trung tâm Quản lý Quốc phòng Nga, nơi ông Putin nói chuyện với các quân nhân Nga, những người nói rằng họ muốn gặp người thân nhưng chỉ huy của họ không cho họ đi,” Viện Nghiên cứu Chiến tranh, gọi tắt là ISW, cho biết trong báo cáo ngày 24/12.

“Putin trả lời: 'Hãy để họ nghỉ ngơi. Chỉ huy đã quyết định rồi. Chính là tôi.'

ISW cho biết việc Putin cho phép nhân viên nghỉ phép có vẻ tự phát là một nỗ lực nhằm thể hiện mình là một nhà lãnh đạo thời chiến có tư duy chiến lược, đáp ứng yêu cầu của quân đội và khen thưởng những người trung thành với ông.

Tuy nhiên, một đoạn video được cho là của một người lính Nga cho thấy có căng thẳng giữa quân đội nước này và các nhà lãnh đạo.

Người lính, người tuyên bố được quay phim gần Mar'inka - ngay phía tây nam thành phố phía đông Donetsk, đã tấn công Putin, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Nga Sergei Shoigu và đặt câu hỏi phần còn lại của quân đội quốc gia đang ở đâu.

“Hãy nhìn những thứ này: Khi chúng tôi chiến đấu ở đây khi chúng tôi đang mục nát trong chiến hào, họ đeo chiếc vòng cổ trị giá 23 triệu rúp và họ khoe khoang về điều đó.” Con số này tương đương khoảng 250.000 Mỹ Kim.

“Đồng chí Putin, đồng chí, chết tiệt, điều này có nghĩa là gì? Có phải chúng tôi đang ngồi trong chiến hào vì những kẻ chó chế này không? Bạn có thể cho chúng tôi biết khi nào thời hạn nghĩa vụ quân sự của chúng tôi kết thúc không?
 
VietCatholic TV
Ngậm ngùi: Lễ Vọng Giáng Sinh ở Nơi Cực Thánh, Hang Bêlem, giữa tiếng rít của hỏa tiễn.
VietCatholic Media
00:27 25/12/2023


Cuộc chiến của Do Thái chống lại nhóm khủng bố Hamas bắt đầu vào ngày 7 tháng 10 vẫn tiếp tục từ đó cho đến nay. Đã có một cuộc ngưng bắn tạm thời kéo dài trong một tuần nhưng sau đó chiến tranh bùng phát còn kinh hoàng hơn nữa.

Theo phân tích của tờ New York Time qua hình ảnh vệ tinh cho thấy rằng hơn một nửa các toà nhà tại phía bắc của dải Gaza đã bị hư hại hoặc tàn phá kể từ khi cuộc chiến bắt đầu.

Hàng trăm năm nay, nhiều Kitô hữu trên toàn thế giới đã đến hành hương cầu nguyện tại những khu vực thánh ở Israel và Palestine. Nhiều người lo lắng những khu vực thánh này có bị tàn phá hay hư hại trong cuộc chiến hay không.

Theo thông tấn xã Reuters, quân khủng bố Hamas làm chủ nhiều hoả tiển có khả năng bắn xa khoảng 150 dặm. Mặc dầu những hoả tiễn này theo lý thuyết có thể bắn tới những khu vực thánh ở Giêrusalem và xa hơn nữa, nhưng với hệ thống bảo vệ phòng không của Israel đã chặn được hầu hết những hoả tiễn tấn công đến từ Gaza; và ở phía bắc từ Li Băng, bởi nhóm khủng bố Hezbollah được hậu thuẫn bởi Iran, đồng minh của Hamas.

Dòng Phanxicô từ 800 năm qua đã được Đức Giáo Hoàng Clementê VI giao trách nhiệm cai quản những nơi thánh cho Giáo Hội Công Giáo tai Thánh địa. Hiện nay các cha đang cai quản 65 khu vực thánh thiêng nhất tại Thánh địa, bao gồm Đền thờ Giáng Sinh, vườn Giếtsêmany, và nhà thờ Mộ Chúa, nơi mà Chúa chết và sống lại. Thêm vào đó cùng với nhiều khu vực thánh khác trải dài từ Isreal đến Palestine, Syria, Lebanon, Jordan và Ai Cập.

Cha David Grenier, dòng Phanxicô, đại diện thánh địa tại Hoa Kỳ, cho biết hiện nay không có khu vực nào dưới quyền cai quản của dòng bị đe doạ vì chiến tranh, như dội bom hoặc hoả tiển một cách trực tiếp. Chúng tôi rất may mắn bởi vì không có sự đe doạ trực tiếp từ chiến tranh. Chúng tôi phải nói rằng chúng tôi may mắn chúng tôi không có bất cứ đền thánh nào bị hư hại hoặc có nguy cơ bị hư hại.” Thay vào đó ngài nói, đe doạ đang dối diện các khu vực thánh tại đây là những điều không thể nhìn thấy được, một sự thiếu hụt tài chánh ủng hộ từ khách hành hương quốc tế.

Tại Bêlem, có khoảng 90% tín hữu sống ở đó làm việc trực tiếp với việc phục vụ các nhóm hành hương, làm việc tại nhà hàng, khách sạn, tiệm bán đồ lưu niệm, hướng dẫn viên hoặc tại các đền thánh.

Việc giới nghiêm và những hạn chế trong đại dịch Covid đã đánh mạnh vào các nhân viên này trong nhiều năm, và hiện tại những con đường ở Giêrusalem lại một lần nữa trống vắng. Cuộc chiến hiện tại đã buộc phải huỷ bỏ những cử hành Giáng Sinh tại thành phố nơi Chúa Giêsu sinh ra. Những cử hành này được chuẩn bị rất cẩn thận cho một lượng lớn kỷ lục khách hành hương, và với Giáng Sinh đang đến… người dân cảm thấy chán nản.

Nhiều Kitô hữu, đặc biệt những người trẻ nói rằng, “đâu là ly do để ở lại đây? Tốt hơn đi và sống ở một nơi khác.” Đó là một điều rất buồn bởi vì dầu sao đây vẫn là nơi mà Giáo hội được sinh ra. Và nếu để nơi đó không có một cộng đòan Kitô hữu địa phương sinh sống là một điều rất đáng buồn.”

Hằng năm các cha Phanxicô nhận được tiền từ việc quyên góp vào Thứ Sáu Tuần Thánh trên toàn thế giới. Theo truyền thống, các cha Phanxicô cai quản Thánh địa nhận được 65% số tiền này và 35% còn lại được trao cho bộ các Giáo hội Đông Phương để trợ giúp các chủng sinh và linh mục cũng như các hoạt động giáo dục và văn hoá. Năm 2022 số tiền quyên góp được khoảng hơn 9 triệu đôla.

Hiện nay, các cha Phanxicô tại Thánh Địa đang xúc tiến một chiến dịch gây quỹ khẩn cấp để trợ giúp các Kitô hữu tại Thánh Địa và những khu vực thánh mà họ đang quản thủ.

Trong bối cảnh đáng buồn đó, Tối ngày 24 tháng Mười Hai vừa qua, Đức Thượng phụ Pierbattista Pizzaballa của Công Giáo Latinh ở Giêrusalem, đã chủ sự thánh lễ Vọng Giáng Sinh tại nơi cực thánh là hang Bêlem, nơi Con Thiên Chúa xuống thế làm người.

Đồng tế với Đức Thượng phụ có Đức Hồng Y Konrad Krajewski, quan phát chẩn của Đức Giáo Hoàng, ba Giám Mục Phụ Tá và các cha dòng Phanxicô quản thủ Thánh Mộ và nhiều linh mục thuộc giáo phận địa phương.

Trong bài giảng, Đức Hồng Y Thượng Phụ Công Giáo Latinh của Giêrusalem nói:

Anh Chị Em thân mến,

Xin Chúa ban Bình An cho anh chị em!

Bài Tin Mừng tối nay vang lên tiếng nói của một cảm xúc sâu sắc mà tôi tin rằng tất cả chúng ta đều có chung: “không còn chỗ cho họ” (Lc 2:7). Như đã xảy ra với Đức Maria và Thánh Giuse, đối với chúng ta ngày nay, dường như không còn chỗ cho Lễ Giáng Sinh nữa. Đã quá nhiều ngày, tất cả chúng ta đều bị cuốn vào cảm giác buồn bã và đau đớn rằng năm nay không còn có chỗ cho niềm vui và bình an mà các thiên thần đã loan báo cho các mục đồng ở Bêlem trong Đêm Thánh này, không xa đây.

Vào lúc này, suy nghĩ của chúng ta không thể xa cách với những người đã mất tất cả trong cuộc chiến này, kể cả những người thân yêu nhất của họ, và những người hiện đang phải di tản, cô đơn và tê liệt vì nỗi đau buồn. Tâm trí của tôi không phân biệt, hướng tới tất cả những người bị ảnh hưởng bởi cuộc chiến này, ở Palestine và Israel cũng như toàn bộ khu vực. Tôi đặc biệt gần gũi với những người đang than khóc, chờ đợi một cử chỉ gần gũi và quan tâm cụ thể. Đêm nay, tôi nhớ những con tin bị bắt cóc khỏi gia đình họ, tôi cũng nhớ đến những người mòn mỏi trong tù mà không có quyền được xét xử.

Tâm trí của tôi hướng về Gaza và hai triệu cư dân ở đó. Thực sự những từ “không còn chỗ cho họ” mô tả hoàn cảnh của người dân Gaza mà giờ đây ai cũng biết. Nỗi đau khổ của họ không ngừng vang vọng khắp thế giới. Không có nơi nào hoặc ngôi nhà nào là an toàn cho bất cứ ai. Hàng ngàn người đã bị tước đoạt những nhu cầu cơ bản; họ đói, và họ càng phải đối mặt với bạo lực không thể hiểu nổi. Dường như không có chỗ cho họ, không chỉ về vật chất mà còn trong tâm trí của những người quyết định vận mệnh của các quốc gia. Đây là tình trạng mà người dân Palestine đã sống quá lâu. Dù sống trên mảnh đất của mình nhưng họ liên tục nghe thấy “không có chỗ cho họ”. Trong nhiều thập kỷ, họ đã chờ đợi cộng đồng quốc tế tìm ra giải pháp chấm dứt sự xâm lược mà họ buộc phải sống và những hậu quả của nó. Tuy nhiên, ngày nay đối với tôi, dường như mỗi người chúng ta đều bị mắc kẹt trong nỗi đau của chính mình. Hận thù, oán giận và tinh thần trả thù chiếm trọn không gian trong trái tim chúng ta và không còn chỗ cho sự hiện diện của người khác. Tuy nhiên, chúng ta cần những người khác. Lễ Giáng Sinh chính là nói về điều này: Thiên Chúa hiện diện theo cách thức con người và mở rộng tâm hồn chúng ta cho một thế giới quan mới.

Không phải thế giới luôn hiếu khách với Chúa Kitô: tin tức cho rằng đức tin Kitô và ý nghĩa Kitô giáo của lễ Giáng Sinh chỉ là một ký ức mờ nhạt trong nền văn hóa thế tục hóa và duy vật ngày nay không phải tin mới. Tuy nhiên, năm nay, ở đây và những nơi khác trên thế giới, tiếng ồn của vũ khí, tiếng khóc của trẻ em, nỗi đau khổ của người tị nạn, tiếng kêu than của người nghèo, nỗi đau buồn của rất nhiều gia đình đang than khóc, dường như làm cho các bài hát của chúng ta mất đi sự hài hòa. Thật khó để vui mừng và lời nói của chúng ta dường như sáo rỗng và trống rỗng.

Hãy nói rõ ràng: việc Chúa Kitô đến trong thế giới của chúng ta đã mở ra cho chúng ta và cho tất cả mọi người “con đường cứu độ đời đời”, con đường mà không có gì và không ai có thể đóng lại được. Đức tin, hy vọng và tình yêu dành cho Giáo Hội của Thiên Chúa không hề suy giảm và đặt vững chắc trên Lời Hứa thành tín của Chúa. Đức tin, hy vọng và tình yêu dành cho Giáo Hội của Thiên Chúa không phụ thuộc vào thời thế thay đổi và nghịch cảnh xung quanh.

Tuy nhiên, điều hiển nhiên là chúng ta đang đấu tranh, đặc biệt là ở đây, đặc biệt là ngày nay, để tìm một nơi cho lễ Giáng Sinh trên mảnh đất của chúng ta, trong cuộc sống và trong trái tim chúng ta. Chúng ta có nguy cơ đánh mất con đường mà Chúa Kitô đã mở ra cho chúng ta, trong mê cung của những con đường bị chiến tranh tàn phá, những đống đổ nát và những ngôi nhà bỏ hoang. Tâm hồn chúng ta, quá nặng trĩu, có thể không hòa hợp được với thông điệp Giáng Sinh. Quá nhiều đau đớn, quá nhiều thất vọng, quá nhiều lời hứa bị thất hứa, đánh tới tấp vào không gian nội tâm mà trong đó Tin Mừng Giáng Sinh có thể vang vọng và truyền cảm hứng cho những hành động và hành vi mang lại sự sống và bình an.

Vậy chúng ta hãy tự hỏi: Lễ Giáng Sinh năm nay ở đâu? Chúng ta có thể tìm kiếm Đấng Cứu Rỗi ở đâu? Hài Nhi có thể được sinh ra ở đâu khi dường như không còn chỗ cho Ngài trong thế giới này của chúng ta?

Như chúng ta đã nghe, Đức Mẹ và Thánh Giuse đã tự hỏi mình câu hỏi này khi các ngài gặp khó khăn trong việc tìm chỗ ở đêm đó. Những người chăn cừu đã hỏi câu hỏi tương tự khi họ tìm kiếm Hài nhi, và các đạo sĩ cũng hỏi như vậy khi họ đuổi theo ánh sao. Đó là câu hỏi của Giáo hội mỗi khi lạc đường. Đó là câu hỏi của chúng ta tối nay: Lễ Giáng Sinh hôm nay ở đâu?

Các thiên thần cho chúng ta câu trả lời. Vào đêm đó và trong mọi đêm, Thiên Chúa luôn tìm được chỗ cho Lễ Giáng Sinh của Ngài. Ngay cả đối với chúng ta, ở đây, hôm nay, bất chấp tất cả, ngay cả trong những hoàn cảnh bi đát này, chúng ta cũng tin như vậy: Thiên Chúa có thể hạ sinh ngay cả trong những trái tim chai đá nhất.

Nơi diễn ra lễ Giáng Sinh trước hết là Thiên Chúa. Lễ Giáng Sinh, Lễ Giáng Sinh của Chúa Kitô, diễn ra ngay từ đầu, trong Trái Tim nhân hậu của Chúa Cha. Tình yêu vô hạn và vô tận của Ngài vĩnh viễn sinh ra Con và ban Ngài cho chúng ta trong Thời gian, ngay cả trong thời gian này. Sự cứu rỗi con người được quyết định theo ý muốn tốt lành và thánh thiện của Ngài. “Vì Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một của Ngài, để ai tin vào Con của Người thì không bị hư mất mà được sự sống đời đời. Vì Thiên Chúa không sai Con Ngài đến thế gian để phán xét thế gian, nhưng để thế gian nhờ Ngài mà được cứu”. (Ga 3:16-17).

Trong hoàn cảnh hiện tại, nếu chúng ta muốn tìm thấy niềm vui đích thực của lễ Giáng Sinh và nếu chúng ta muốn gặp Đấng Cứu Thế, chúng ta, toàn thể Giáo hội, phải trở về với Thiên Chúa và tình yêu của Ngài. Chúng ta phải vượt ra ngoài những giải thích mang tính chính trị và xã hội về bạo lực và sự khuất phục người khác. Những hiện tượng này cuối cùng bắt nguồn từ việc quên mất Chúa, tạo ra một hình ảnh sai lệch về khuôn mặt của Ngài và sử dụng mối quan hệ tôn giáo giả tạo và vị lợi với Ngài. Điều này xảy ra quá thường xuyên ở Thánh Địa của chúng ta.

Nếu chúng ta không thể gọi anh em là đồng bào của mình thì chúng ta cũng không thể gọi Thiên Chúa là “Cha” của mình. Đúng hơn nữa là chúng ta không thể nhận ra mình là anh em trừ khi chúng ta trở về với Thiên Chúa thật bằng cách nhận ra Ngài là Người Cha yêu thương mọi người. Nếu chúng ta không tìm thấy Thiên Chúa một lần nữa trong cuộc đời mình, chắc chắn chúng ta sẽ lạc lối trên con đường dẫn đến Lễ Giáng Sinh, và chúng ta sẽ thấy mình lang thang một mình trong đêm không có đích đến và trở thành nạn nhân của những bản năng bạo lực và ích kỷ.

Lời “xin vâng” của Đức Maria và Thánh Giuse cũng là nơi diễn ra Lễ Giáng Sinh. Sự vâng phục và trung thành của các ngài là ngôi nhà mà Chúa Con đã đến ngự. Ý muốn của Thiên Chúa không phải là một quyền lực khuất phục và uốn cong, nhưng là Tình Yêu phát huy hết sức mạnh nếu được đón nhận bởi một sự tự do cá nhân trung thành và quảng đại. Tự do đích thực không chỉ là khả năng lựa chọn mà còn là khả năng lựa chọn với tinh thần trách nhiệm vì lợi ích của chúng ta và của người khác. Con Thiên Chúa, được Chúa Cha sinh ra, đã bước vào quang phổ của thời gian qua cánh cửa tự do rộng mở của con người. Lễ Giáng Sinh, được tìm thấy ở khắp mọi nơi mà một người đàn ông và một người đàn bà thưa “xin vâng” với Thiên Chúa! Bất cứ nơi nào cuộc sống của một người phục vụ cho Hòa bình đến từ Thiên Chúa, thay vì phục vụ lợi ích riêng của họ, thì đó là nơi Chúa Con được sinh ra và nơi Ngài tiếp tục được sinh ra.

Nếu chúng ta muốn đó là Lễ Giáng Sinh, ngay cả trong thời chiến, tất cả chúng ta cần phải gia tăng các hành động nói lên tình huynh đệ, hòa bình, chấp nhận, tha thứ và hòa giải. Cho phép tôi nói thêm: tất cả chúng ta phải cam kết, bắt đầu với tôi và những người, giống như tôi, có trách nhiệm lãnh đạo và chỉ đạo các lĩnh vực xã hội, chính trị và tôn giáo, phát triển tư duy và các chiến lược dựa trên dựa trên tiếng “có” thay vì tiếng “không” Nói vâng với điều tốt, vâng với hòa bình, vâng với đối thoại, và vâng với người khác. Nó không phải là một bài diễn thuyết khoa trương mà là một cam kết có trách nhiệm. Nó phải nhường chỗ chứ không phải chiếm chỗ; tìm một chỗ cho người khác và không từ chối họ một chỗ. Lễ Giáng Sinh đã được thực hiện nhờ không gian mà Mẹ Maria và Thánh Giuse dâng lên Thiên Chúa và Hài Nhi đến từ Ngài. Điều đó cũng đúng đối với Công lý và Hòa bình. Sẽ không có công lý và hòa bình sẽ không đến trừ khi chúng ta dành chỗ cho những điều ấy bằng tiếng “xin vâng” cởi mở và quảng đại.

Sẽ không phải là Giáng Sinh nếu không có các Mục Đồng. Việc họ thức trắng đêm cũng là một phần của Tin Mừng. Họ là những người đầu tiên tìm thấy Hài Nhi. Thánh sử Luca không tập trung vào hoàn cảnh xã hội của họ mà tập trung vào tâm tính nội tâm của họ. Đêm hôm đó, các Mục Đồng nhận thấy mình luôn tỉnh táo và thực tế, sẵn sàng hành động và cởi mở. Họ không suy nghĩ quá nhiều hay tính toán quá mức và do đó đã sẵn sàng cho lễ Giáng Sinh. Trong một thời điểm không tránh khỏi bị đánh dấu bởi sự cam chịu, hận thù, giận dữ và chán nản, chúng ta cần các Kitô hữu nên giống như các Mục Tử để có chỗ cho Lễ Giáng Sinh!

Đối với giáo phận thân yêu của tôi, với các linh mục, chủng sinh, tu sĩ nam nữ, giáo dân nam nữ dấn thân, và tất cả các cộng đồng giáo xứ cùng với các nhóm và hiệp hội của họ: Tôi cảm thấy rằng tôi phải nhắc nhở tất cả chúng ta rằng chúng ta là những người thừa kế của các Mục Đồng đó. Tôi biết rõ khó khăn như thế nào để luôn cảnh giác, sẵn sàng đón nhận và tha thứ. Thật khó khăn biết bao khi luôn sẵn sàng bắt đầu lại, lên đường ngay cả khi trời vẫn còn tối. Đây là cách duy nhất để chúng ta tìm thấy Hài Nhi. Đây là chứng tá duy nhất bảo đảm rằng Lễ Giáng Sinh sẽ có chỗ trong thời đại này và trên mảnh đất này, để nó có thể soi sáng toàn thế giới. Chúng ta ở đây và chúng ta dự định tiếp tục là những Mục Đồng của Lễ Giáng Sinh, nghĩa là những người, trong hoàn cảnh nghèo khó và mong manh của mình, đã tìm thấy Hài Nhi và cảm nghiệm được ân sủng và sự an ủi của Người, và mong muốn loan báo cho mọi người rằng Lễ Giáng Sinh của ngày hôm qua và ngày hôm nay là đúng và chân thật.

Anh chị em thân mến, ước muốn của trái tim tôi chính là lời cầu nguyện của tôi: ước gì ý muốn làm điều tốt của chúng ta trở nên cụ thể qua tiếng “xin vâng” đầy trách nhiệm và quảng đại của chúng ta đối với cam kết yêu thương và phục vụ của chúng ta, ước gì đó là căn phòng mà Chúa Kitô tìm thấy để Ngài có thể luôn được tái sinh trong chúng ta! Tôi cầu xin điều này cho chính tôi, cho Giáo hội của tôi ở Thánh Địa và cho mọi Giáo hội. Ước gì Giáo hội trở thành ngôi nhà cho tất cả mọi người, và là không gian hòa giải và tha thứ cho những ai tìm kiếm niềm vui và hòa bình! Tôi xin tất cả các Giáo hội trên thế giới nhìn vào chúng ta trong thời gian này không chỉ để chiêm ngưỡng mầu nhiệm Bêlem, mà còn hỗ trợ chúng ta trong cuộc chiến bi thảm này: xin hãy truyền đạt cho người dân và chính phủ của họ lời thưa “xin vâng” với Thiên Chúa, mong muốn của anh chị em vì lợi ích của các dân tộc chúng ta, vì sự chấm dứt thù địch, để tất cả có thể thực sự tìm lại được một ngôi nhà và hòa bình.

Tôi cầu xin Chúa Kitô tái sinh trong tâm hồn những người cai trị và lãnh đạo các quốc gia, và xin Người gợi ý cho họ tiếng “Xin Vâng” của chính họ, để họ trở thành người bạn và người anh em của chúng ta và của tất cả mọi người. Mong những người cai trị cam kết nghiêm chỉnh chấm dứt cuộc chiến này. Trên hết, mong sao họ một lần nữa bắt đầu cuộc đối thoại để cuối cùng dẫn tới việc tìm ra các giải pháp công bằng và xứng đáng cho các dân tộc của chúng ta. Bi kịch của thời điểm hiện tại cho chúng ta biết rằng đã không còn thời gian cho những chiến thuật ngắn hạn hay những tham chiếu đến một tương lai lý thuyết. Đúng hơn, đã đến lúc phải tuyên bố, ở đây và bây giờ, một lời lẽ thật rõ ràng và dứt khoát có thể chữa lành tận gốc rễ của cuộc xung đột đang diễn ra này bằng cách loại bỏ những nguyên nhân sâu xa của nó và mở ra những chân trời mới về sự thanh thản và công lý cho tất cả mọi người, cho Thánh Địa và cho khu vực của chúng ta được đánh dấu bởi cuộc xung đột này.

Những từ như chiếm đóng và an ninh cũng như nhiều từ tương tự khác, vốn đã thống trị các câu chuyện tương ứng của chúng ta quá lâu, phải được củng cố bằng sự tin tưởng và tôn trọng. Đây là điều chúng tôi mong muốn cho tương lai của vùng đất này. Chỉ có điều này mới bảo đảm được sự ổn định và hòa bình thực sự.

Xin Chúa Kitô tái sinh trên mảnh đất này, của Ngài và của chúng ta, và xin cho con đường Tin Mừng hòa bình cho toàn thế giới bắt đầu lại từ đây! Xin Ngài tái sinh trong tâm hồn những ai tin vào Ngài, thúc đẩy họ làm chứng và truyền giáo mà không sợ đêm tối và cái chết! Cầu mong Ngài cũng được tái sinh như một khát vọng hòa bình và sự tốt lành, sự thật và công lý trong tâm hồn những người chưa tin!

Cầu mong Chúa Kitô cũng được sinh ra trong cộng đồng nhỏ bé Gaza của chúng ta. Anh chị em thân mến, tôi đã từng ở với anh chị em vài ngày trước lễ Giáng Sinh. Năm nay điều đó là không thể, nhưng chúng tôi sẽ không bỏ rơi anh chị em. Anh chị em ở trong trái tim của chúng tôi, và toàn bộ cộng đồng Kitô giáo ở Thánh địa và trên toàn thế giới tập hợp xung quanh anh chị em. Mong anh chị em cảm nhận được sự ấm áp của sự gần gũi và tình cảm của chúng tôi nhiều nhất có thể.

Cuối cùng, xin Chúa Kitô tái sinh trong lòng mọi người, để đối với mọi người vẫn có lễ Giáng Sinh!

Giáng Sinh vui vẻ! (Wulida Al Masih – Alleluia)

Bêlem, ngày 24 tháng 12 năm 2023

+Đức Hồng Y Pierbattista Pizzaballa

Thượng phụ Latinh của Giêrusalem



Source:Latin Patriarchate of Jerusalem
 
Putin tá hỏa: Ukraine vừa hạ thêm 2 máy bay ném bom, 3 ngày 5 chiếc. Nga nghi Kyiv có vũ khí bí mật
VietCatholic Media
16:48 25/12/2023


1. Ukraine tràn trề hy vọng sau khi bắn hạ một lúc 3 chiếc SU-34

Ký giả David Axe của tờ Forbes có trụ sở ở New Jersey, Hoa Kỳ có bài tường trình nhan đề “‘Minus Three Russian Bombers.’ Ukraine Set Another Deadly Missile-Ambush—And Shot Down A Trio Of High-Tech Su-34s.”, nghĩa là “'Trừ đi ba máy bay ném bom của Nga.' Ukraine đặt một cuộc phục kích hỏa tiễn chết người khác và bắn hạ một bộ ba máy bay Su-34 công nghệ cao.”Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Túy Vân

Lực lượng không quân Ukraine đã bắn hạ ba máy bay ném bom chiến đấu Sukhoi Su-34 của không quân Nga trong một cuộc phục kích bằng hỏa tiễn ở miền nam Ukraine. Đây là một trong những tổn thất tồi tệ nhất trong một ngày đối với lực lượng không quân Nga trong cuộc chiến kéo dài 22 tháng ở Ukraine.

“Trừ đi được ba máy bay ném bom của Nga,” chỉ huy lực lượng không quân Ukraine, Trung tướng Mikola Oleshchuk châm biếm.

Cuộc phục kích có thể đánh dấu một bước ngoặt trong cuộc không chiến ở miền nam Ukraine. Vào đầu tháng 10, thủy quân lục chiến Ukraine đã vượt sông Dnipro rộng lớn và chiếm giữ, tại khu định cư Krynky, một đầu cầu trên bờ trái do Nga kiểm soát ở Kherson.

Ít nhất, người Ukraine đã có được ưu thế trên không tại địa phương trước Krynky trong thời gian ngắn nhờ vào chiến tranh điện tử hiệu quả của họ, khiến các máy bay không người lái của Nga phải hạ cánh trong khu vực. Nhưng xét về tổng thể, người Nga vẫn nắm quyền kiểm soát vùng trời. Và chẳng bao lâu sau, các máy bay Su-34 của Không quân Nga đã thực hiện các phi vụ hàng ngày để ném bom lượn do vệ tinh dẫn đường vào đầu cầu Krynky từ cách đó 25 dặm.

Những quả bom lượn, một số nặng hơn một tấn, có thể giết người mà không báo trước. Bom lượn “ít đáng sợ nhất vì bạn hiểu rằng chúng sẽ đánh trúng và bạn sẽ không cảm thấy gì”, một người lính tên Oleksandr nói với The Kyiv Independent.

Bộ trưởng Hội đồng An ninh và Quốc phòng Ukraine Oleksiy Danilov nói với đài phát thanh Ukraine rằng lực lượng không quân Ukraine đã làm việc “trong một thời gian dài” để đặt bẫy các máy bay ném bom lượn Sukhoi.

Vào ngày 25 tháng 11, tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy đã ghé thăm Hội nghị thượng đỉnh quốc tế về an ninh lương thực ở Kyiv và thông báo rằng Ukraine đang chuẩn bị triển khai “hệ thống phòng không rất mạnh” tới Odesa, gần với Kherson.

Hai tuần sau, một hỏa tiễn không xác định - có thể từ một khẩu đội S-300PS - đã bắn hạ một máy bay ném bom Sukhoi Su-24 của Nga ở phía tây Hắc Hải, được cho là trong khi máy bay ném bom siêu thanh hai động cơ dành cho hai người đang chuẩn bị tấn công Odesa. hoặc một trong những cảng sông của Ukraine trên đồng bằng sông Danube.

Cùng lúc đó, có tin đồn rằng lực lượng phòng không Ukraine ở Kherson đã bắn rơi một chiếc Su-34 khi máy bay Nga đang ném bom lượn vào Krynky. Nhưng cú sốc lớn hơn lại xảy ra một tháng sau đó vào ngày thứ Sáu vừa qua.

Liên tiếp, hỏa tiễn của Ukraine đã bắn trúng 3 chiếc Su-34, giết chết 6 phi công trên máy bay. Một chiếc trực thăng Mi-8 của Nga bay đến chỉ để vớt các thi thể, không còn phi công nào sống sót. “Một ngày đen tối”, một blogger quân sự Nga viết.

Máy bay ném bom chiến đấu siêu thanh hai động cơ là một trong những loại máy bay mới nhất trong kho của Nga. Chúng cũng đang ngày càng gặp nguy hiểm khi cuộc chiến ở Ukraine bước sang năm thứ ba. Trong 22 tháng chiến đấu cam go, Nga đã mất ít nhất 25 trong số 150 chiếc Su-34 của mình.

Hiện chưa rõ Ukraine đã bắn loại hỏa tiễn nào vào chuyến bay Sukhoi gần Krynky. Điều đáng chú ý là lực lượng không quân Ukraine đã nhận được tổ hợp hỏa tiễn Patriot mới do Mỹ sản xuất - tổ hợp thứ ba - từ kho dự trữ của Đức vào tuần trước.

Vào ngày 13 tháng 5, một khẩu đội Patriot của Ukraine ở miền bắc Ukraine đã bắn rơi 5 chiến đấu cơ và trực thăng của Nga trên bầu trời Bryansk của Nga trong khoảng thời gian vài phút. Mười một phi công đã thiệt mạng. Cuộc phục kích bằng hỏa tiễn hôm thứ Sáu - rất có thể cũng là hoạt động của khẩu đội Patriot - chỉ ít tốn kém hơn một chút đối với người Nga.

Kết quả tốt nhất cho nỗ lực chiến tranh của Ukraine sẽ là lực lượng không quân Nga giảm bớt chiến dịch ném bom lượn nhằm vào Krynky. Ngay cả việc Nga thay đổi chiến thuật cũng có thể mang lại lợi ích cho thủy quân lục chiến Ukraine ở đầu cầu của họ.

Bom lượn hoạt động tốt nhất khi được thả từ độ cao lớn. Nhưng chính việc bay ở độ cao đó lại khiến các chiến đấu cơ phải hứng chịu các hỏa tiễn đất đối không tầm xa của Ukraine: Patriot và S-300.

Nếu người Nga bay thấp hơn để tránh bị phát hiện, bom lượn của họ sẽ mất tầm bắn. Các phi công có thể phải đến gần Krynky hơn trước khi chúi mũi và thả bom. Một đường lối gần hơn có thể khiến người Nga phải đối mặt với hệ thống phòng không tầm ngắn của Ukraine.

Người Nga phải di chuyển nhanh nếu muốn thích nghi. Hệ thống phòng thủ của Ukraine đối với Krynky có thể sớm trở nên cứng rắn hơn khi 18 chiến đấu cơ F-16 cũ của Hà Lan đầu tiên sẽ đến Ukraine trong những ngày tới.

2. Quan chức NATO cho biết Ukraine loại bỏ 40% tân binh mà Nga tuyển mộ được hàng tháng

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Ukraine Eliminating 40 Percent of Russian Recruits Monthly: NATO Official”, nghĩa là “Quan chức NATO cho biết Ukraine loại bỏ 40% tân binh Nga tuyển mộ được mỗi tháng.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Theo một quan chức quốc phòng cao cấp ở biên giới phía đông của NATO, Nga và Ukraine đã chìm sâu vào một “cuộc chiến tiêu hao” có thể sẽ tiếp tục đến năm 2024.

Kusti Salm, thư ký thường trực của Quân đội Quốc phòng Estonia, nói với Newsweek trong một cuộc phỏng vấn độc quyền rằng Kyiv và các đối tác phương Tây cần “tin vào số liệu thống kê” khi họ cố gắng lên kế hoạch cho cuộc xâm lược toàn diện của Điện Cẩm Linh sẽ kết thúc như thế nào.

“Đó là chiến tranh tiêu hao,” Salm nói. Ông nói thêm: “Nga cố tình muốn chúng tôi nghĩ rằng họ sẽ tồn tại lâu hơn, họ sẽ thọ lâu hơn đối phương Ukraine và phương Tây,” ông nói thêm.

“Rõ ràng, đối với nhiều người, lý thuyết này có vẻ hợp lý và họ bị thu hút bởi điều này và coi nó như một lựa chọn chính sách,” Salm nói thêm, đề cập đến những người hoài nghi về khả năng tiếp tục cuộc chiến tốn kém của Ukraine. “Rõ ràng sau hai năm, ít nhất một số người có thể đã quá tập trung vào các câu hỏi hàng ngày và thu nhỏ tầm nhìn chiến lược.”

Thất bại trong cuộc phản công mùa hè được chờ đợi từ lâu của Ukraine đã khiến năm 2023 của Kyiv trở thành một kết thúc đầy cay đắng. Giờ đây, với “sự mệt mỏi Ukraine” công khai trong một số giới tinh hoa chính trị ở các quốc gia phương Tây và đối mặt với một chiến dịch ném bom mùa đông trừng phạt khác của Nga, các nhà lãnh đạo Ukraine đang cảnh báo về một cuộc chiến kéo dài.

Ở Estonia—một trong những quốc gia thuộc Liên minh Âu Châu và NATO vốn hoài nghi nhất về bất kỳ sự giảm căng thẳng nào với nước Nga của Tổng thống Vladimir Putin—Salm cho biết kết quả của cuộc chiến là vấn đề toán học.

Ông nói, cứ sáu tháng một lần, “người Nga có thể tuyển mộ 130.000 người, nhưng số lượng họ có thể thành lập các đơn vị là 40.000”. Salm cho biết, 40.000 quân đó có thể được sử dụng như một lực lượng tấn công để chiếm các lãnh thổ mới và áp đặt ý chí của Mạc Tư Khoa lên các khu vực bị tạm chiếm.

Salm cho biết 90.000 tân binh còn lại mỗi tháng không thể được sử dụng làm bất cứ thứ gì khác ngoài chuyện làm “bia đỡ đạn”. “Họ là bia đỡ đạn; các tướng Nga sử dụng họ một lần và vứt họ đi.

Salm nói thêm: “Người Ukraine hiện đang giết hại hoặc làm bị thương nặng hơn 50.000 người Nga mỗi nửa năm”. Salm cho biết, mức tiêu hao hiện tại - tỷ lệ thực tế có thể còn cao hơn - có nghĩa là Mạc Tư Khoa đang mất một phần quân đội tương đương với khoảng 37% số quân mới được tuyển mộ sau mỗi sáu tháng.

“Chúng ta đang ở bàn poker,” Salm nói. “Bạn cần phải tin vào số liệu thống kê.”

Kyiv tuyên bố đã loại khỏi vòng chiến hơn 351.000 lính Nga kể từ tháng 2 năm 2022.

Cuộc chiến tranh tiêu hao cũng khiến Ukraine phải trả giá đắt. Các ước tính của Mỹ từ đầu năm nay cho thấy số người thiệt mạng ở Kyiv là khoảng 70.000 người và thêm tới 120.000 người bị thương. Cả hai con số này sẽ cao hơn sau sáu tháng chiến đấu ác liệt nữa.

Về việc liệu thương vong của Nga có đủ dai dẳng và nghiêm trọng để cuối cùng đạt đến điểm bùng phát đối với Điện Cẩm Linh hay không, Salm nói: “Về mặt nhân lực, tôi nghĩ là như thế… còn về mặt tài nguyên và đạn dược, có lẽ vẫn chưa đến mức đó”.

Các quốc gia Liên Hiệp Âu Châu đã cam kết mở rộng cơ sở công nghiệp quốc phòng tập thể để cung cấp cho Ukraine khoảng 1 triệu quả đạn pháo mỗi năm vào tháng 3 năm 2024; một thời hạn ngày càng có vẻ khó xảy ra.

Salm cho biết Âu Châu “đang trên đà” đạt được năng lực sản xuất đó, mặc dù nói thêm rằng việc sản xuất đạn pháo và việc thực sự đưa chúng vào tay Ukraine là “hai việc khác nhau”.

Salm nói thêm rằng Mạc Tư Khoa không có dấu hiệu nới lỏng chiến thuật gây thương vong hàng loạt.

“Khi nói đến lợi ích bổ sung, họ sẽ cố gắng với tỷ lệ tiêu hao rất cao. Điều họ cũng hiểu là đối với chiến tranh tiêu hao, yếu tố quyết định chính để người Ukraine giành chiến thắng là sự giúp đỡ của phương Tây. Nó không xảy ra trong chiến hào mà xảy ra trên màn hình tivi, màn hình điện thoại. Bạn cần phải thuyết phục công chúng đồng minh.”

3. Kyiv cho biết Nga mất hai máy bay ném bom vào đêm Giáng Sinh

Bầu không khí tại Nga đã trở nên u uất một cách khác thường sau khi có thêm 2 chiến đấu cơ nữa của Nga bị bắn hạ. Như vậy, chỉ từ hôm Thứ Sáu 22, đến Chúa Nhật 24, Tháng Mười Hai, Nga đã mất đến 5 chiến đấu cơ. Trong cả hai trường hợp mới nhất các phi công đã nổ tung theo con tàu vì không kịp bấm nút thoát ra khỏi máy bay. Các kênh Telegram ủng hộ Điện Cẩm Linh cho rằng 4 sĩ quan cấp tá của Nga đã thiệt mạng.

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Russia Lost Two Fighter-Bombers on Christmas Eve: Kyiv”, nghĩa là “Kyiv cho biết Nga mất hai máy bay ném bom vào đêm Giáng Sinh”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ.

Các quan chức Ukraine tuyên bố lực lượng vũ trang của họ đã tiêu diệt hai máy bay ném bom chiến đấu của Nga vào đêm Giáng Sinh.

Bộ Tổng tham mưu Lực lượng vũ trang Ukraine cho biết trong bản cập nhật ngày Giáng Sinh rằng lực lượng phòng không của nước này đã tiêu diệt một máy bay Su-34 và một máy bay Su-30 của Nga.

Theo Bộ Tổng tham mưu ngày 25/12, 329 máy bay Nga đã bị phá hủy kể từ khi bắt đầu cuộc chiến vào tháng 2/2022.

Sáng 25 Tháng Mười Hai, đích thân Chỉ huy Lực lượng Không quân Ukraine, Trung tướng Mykola Oleshchuk, đã tuyên bố các máy bay ném bom chiến đấu đã bị bắn hạ trên mặt trận Odesa và Mariupol ở phía nam và phía đông đất nước.

“Theo hướng Odesa, đã có một cuộc giao tranh với Su-30 của Nga ở Hắc Hải”. “Chúng tôi đang nghiên cứu tài liệu kiểm soát khách quan để biết chắc chắn liệu mục tiêu có bị bắn trúng hay không.”

“Tuy nhiên, người ta đã xác nhận rằng hệ thống hỏa tiễn phòng không của chúng ta đã bắn trúng máy bay ném bom chiến đấu Su-34 về hướng Mariupol. Các phi công Nga đã không trở lại phi trường. 'Chuyến bay vĩnh cửu, anh em.' Giáng Sinh vui vẻ.”

Đến chiều ngày Thứ Hai, 25 Tháng Mười Hai, Phát ngôn nhân của lực lượng không quân Ukraine, Đại Tá Yurii Ihnat, chính thức xác nhận chiếc Su-30 của Nga đã bị bắn hạ ở Hắc Hải

Đại Tá Yurii Ihnat cho biết trong bản cập nhật ngày Giáng Sinh rằng máy bay Ukraine đã tấn công nhiều mục tiêu của Nga.

“Trong ngày qua, Lực lượng không quân của Lực lượng Phòng vệ đã tấn công 12 khu vực tập trung nhân lực, vũ khí và trang thiết bị quân sự, kho đạn dược và tổ hợp phòng không của đối phương”.

Viện Nghiên Cứu Chiến Tranh Hoa Kỳ, gọi tắt là ISW, một tổ chức tư vấn có trụ sở tại Mỹ, cho biết lực lượng Nga đã thực hiện một loạt cuộc tấn công bằng máy bay không người lái và hỏa tiễn nhằm vào Ukraine vào ngày 23 và 24 Tháng Mười Hai.

Lực lượng Nga đã phóng 16 máy bay không người lái Shahed loại 131 và 136 từ Krasnodar Krai, một khu vực của Nga, ngay phía đông nam Ukraine, nhưng 15 chiếc trong số này đã bị lực lượng Ukraine bắn hạ.

Viện nghiên cứu cho biết: “Các quan chức Ukraine báo cáo rằng lực lượng Nga đã phóng hai hỏa tiễn không xác định loại nhằm vào cơ sở hạ tầng dân sự ở thành phố Kherson, nằm trên Hắc Hải, phía bắc Bán đảo Crimea”.

Viện này cho biết Andriy Yusov, phát ngôn nhân của cơ quan tình báo quân sự Ukraine, cho biết Nga đang tiếp tục tấn công vào cơ sở hạ tầng năng lượng của nước này. Ông nói tiếp rằng mặc dù kho đạn đã bị phá hủy, nhưng theo giao thức ông sẽ không nêu rõ các khu vực bị bắn trúng.

Yusov cũng tuyên bố rằng các lực lượng Nga đang tiến hành các cuộc tấn công tiết kiệm hơn so với mùa đông năm 2022, nhưng lưu ý rằng các lực lượng Nga vẫn có khả năng tiến hành các cuộc tấn công hỏa tiễn mạnh mẽ.

4. Cuộc phong tỏa Hắc Hải của Putin bị cản trở khi các chuyến hàng được nối lại

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Putin's Black Sea Blockade Thwarted as Shipments Resume”, nghĩa là “Cuộc phong tỏa Hắc Hải của Putin bị cản trở khi các chuyến hàng được nối lại.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Thụy Khanh.

Ukraine báo cáo sự gia tăng lớn trong xuất khẩu hàng nông sản như ngũ cốc từ Hắc Hải, bất chấp việc Nga đã rút khỏi thỏa thuận trong năm nay cho phép tàu bè qua lại an toàn trong vùng biển.

Ukraine là một trong những nhà cung cấp cây trồng lớn nhất thế giới như dầu hướng dương, lúa mạch, ngô và lúa mì nhưng các sản phẩm của nước này bị kẹt tại cảng sau khi Nga bắt đầu cuộc xâm lược toàn diện vào tháng 2 năm 2022.

Vào tháng 7 năm 2022, Mạc Tư Khoa và Kyiv đã đồng ý với một thỏa thuận của Liên Hiệp Quốc do Thổ Nhĩ Kỳ làm trung gian cho phép các tàu chở hàng đi dọc hành lang dài 310 hải lý ở Hắc Hải, theo đó gần 33 triệu tấn ngũ cốc được vận chuyển từ Ukraine.

Nhưng vào ngày 17 tháng 7 năm 2023, Tổng thống Vladimir Putin cho biết Mạc Tư Khoa đã rút khỏi Sáng kiến ngũ cốc Hắc Hải và sau đó ném bom cảng ngũ cốc Odesa của Ukraine, phá hủy hơn 60.000 tấn ngũ cốc. Một số nhà lãnh đạo ở Phi Châu, nơi đang rất cần ngũ cốc, đã phản ứng giận dữ trước quyết định của Putin.

Tuy nhiên, Ukraine cho biết hành lang Hắc Hải mà nước này thiết lập đang hoạt động tốt hơn mong đợi với 10 triệu tấn hàng hóa, chủ yếu là ngũ cốc, được 302 tàu xuất khẩu tới 24 quốc gia kể từ tháng 8.

Phó thủ tướng Ukraine phụ trách khôi phục Ukraine, Oleksandr Kubrakov cho biết Ukraine xuất khẩu khoảng 5 triệu tấn nông sản mỗi tháng qua tuyến đường biển thay thế, so với chỉ 278.000 tấn trong tháng đầu tiên hành lang đi vào hoạt động..

Ông viết rằng, “bất chấp các cuộc tấn công có hệ thống vào cơ sở hạ tầng cảng, các cảng vẫn chấp nhận 337 tàu bốc hàng qua hành lang Ukraine.

“Xin gửi lời cảm ơn tới Lực lượng vũ trang của chúng ta và các đối tác quốc tế đã giúp chúng ta bảo đảm hoạt động của Hành lang trong điều kiện bị tạm chiếm quân sự”, ông nói thêm.

Yörük Işık, từ công ty tư vấn hàng hải Bosphorus Observer có trụ sở tại Istanbul, cho biết: “Hiệu quả của việc phong tỏa đã được chứng minh. Các hành lang hiện đang thực sự hoạt động. Nó cho thấy Hải quân Nga không có khả năng hoạt động ở phía Tây Hắc Hải.”

Mặc dù thương mại đường biển gia tăng, Ukraine sẽ xuất khẩu ngũ cốc ít hơn khoảng 10% so với năm ngoái, một phần do các vấn đề khác như biên giới đóng cửa với Ba Lan.

Trong những ngày đầu của hành lang, Nga đã cố gắng quấy rối một số tàu, nhưng hiện tại, “hầu như không có hành vi quấy rối nào và cho đến nay, không có sự việc thủy lôi nào, và ngày càng có nhiều tàu sử dụng tuyến đường này”.

“Các tàu đến và đi bằng tuyến đường cực Tây Hắc Hải bằng cách ở gần bờ.”

Kubrakov nói với Bloomberg rằng mặc dù khối lượng xuất khẩu thấp hơn so với xuất khẩu năm ngoái thông qua hành lang do Liên Hiệp Quốc hậu thuẫn mà Nga đã từ chối, nhưng Kyiv “sẽ bắt kịp”.

Để duy trì hoạt động thương mại, Kyiv đã đạt được thỏa thuận với Lloyd's of Luân Đôn và nhà môi giới Marsh McLennan để cắt giảm chi phí bảo hiểm cho các công ty đang tìm kiếm sự bảo đảm rằng tàu thuyền có thể đi qua các tuyến đường qua đất nước bị chiến tranh tàn phá này.

Trong khi một số chủ tàu cảnh giác với việc sử dụng hành lang, Kubrakov nói với hãng tin này, “nó trông giống như hoạt động vận chuyển bình thường, giống như trước chiến tranh”, đồng thời nói thêm rằng cần có lực lượng phòng không mạnh hơn để rút ngắn thời gian xếp hàng và bảo vệ các cảng tốt hơn.

5. Các tài xế Ba Lan đã ngưng cuộc biểu tình phong tỏa biên giới với Ukraine

Bộ trưởng kinh tế Kyiv Yulia Svyrydenko cho biết các tài xế xe tải Ba Lan tham gia cuộc biểu tình đã bỏ việc ngăn chặn cửa khẩu biên giới quan trọng Shehyni-Medyka giữa Ba Lan và Ukraine, đồng thời ca ngợi một “sự cải thiện quan trọng”.

Các tài xế xe tải đã chặn một số điểm ở biên giới với Ukraine kể từ ngày 6 tháng 11, yêu cầu Liên Hiệp Âu Châu khôi phục một hệ thống theo đó các công ty Ukraine cần có giấy phép để hoạt động trong khối, vì các tài xế xe tải Âu Châu đang tìm cách vào Ukraine cũng phải có giấy phép.

Sau đó, những người nông dân đã tham gia cùng họ, yêu cầu chính phủ trợ cấp cho ngô và không tăng thuế.

Tuy nhiên, các tài xế xe tải cho biết họ sẽ tiếp tục phong tỏa ba điểm giao cắt khác trong dịp Giáng Sinh và thậm chí sẽ cho phép ít xe tải đi qua hơn trước. Theo dữ liệu từ cơ quan hải quan Ba Lan, thời gian chờ đợi ở cửa khẩu Dorohusk hôm nay là 77 giờ.

Edyta Ozyga'a, một trong những người lãnh đạo cuộc biểu tình của tài xế xe tải ở Dorohusk, nói với Reuters: “Chúng tôi đang tăng cường biểu tình, chỉ cho phép một xe tải cứ mỗi ba giờ”.

6. Vương quốc Anh cho biết lính Nga đối mặt với bệnh tật, vấn đề tinh thần do chuột gây ra

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Russian Soldiers Face Sickness, Morale Problems Due to Rats and Mice: UK”, nghĩa là “Vương quốc Anh cho biết lính Nga đối mặt với bệnh tật, các vấn đề về tinh thần do chuột gây ra.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Thụy Khanh.

Bộ Quốc phòng Vương quốc Anh cho biết cả quân đội Ukraine và Nga đều có khả năng đang phải đối mặt với tình trạng chuột xâm nhập nghiêm trọng tại nhiều khu vực khác nhau của tiền tuyến ở Ukraine, với các báo cáo chưa được xác minh cho thấy các chiến binh Nga đang mắc các bệnh truyền nhiễm do loài gặm nhấm gây ra.

Bộ Quốc phòng cho biết vấn đề về loài gặm nhấm được cho là do mùa thu ôn hòa năm nay, cùng với nguồn lương thực dồi dào trên các cánh đồng không hoạt động do giao tranh đang diễn ra đã dẫn đến số lượng loài gặm nhấm gia tăng. Báo cáo cho biết, khi thời tiết lạnh hơn đang đến, loài gặm nhấm đang tìm nơi trú ẩn trong các phương tiện quân sự và các vị trí phòng thủ.

Sự lây nhiễm là một vấn đề hai hướng đối với các chiến binh tiền tuyến, trong đó loài gặm nhấm tạo ra các vấn đề tiềm ẩn với thiết bị quân sự cũng như lây lan các bệnh truyền nhiễm. Bộ Quốc phòng cho biết loài gặm nhấm thường gặm nhấm dây cáp, một vấn đề từng được ghi nhận ở khu vực này trong Thế chiến thứ hai.

Các báo cáo chưa được xác minh được Bộ trích dẫn chỉ ra rằng loài gặm nhấm có khả năng ảnh hưởng đến quân đội Nga nhiều hơn quân đội Ukraine, khiến một số đơn vị Nga bị bệnh ngày càng gia tăng.

Các lực lượng Nga ở khu vực Kharkiv của Ukraine được cho là đang vật lộn với đợt bùng phát “cơn sốt chuột”, ảnh hưởng đến hiệu quả chiến đấu của họ, Newsweek đưa tin vào đầu tuần này. Theo Tổng cục Tình báo Quân đội Ukraine, sự lây lan của dịch bệnh trong quân đội Nga là do không đủ quần áo mùa đông và thiếu sự chăm sóc y tế.

Sốt chuột, một loại hantavirus, được truyền sang người từ loài gặm nhấm. Nó có thể lây nhiễm qua tiếp xúc trực tiếp với mầm bệnh, hít phải bụi từ phân chuột hoặc ăn thực phẩm bị ô nhiễm bởi loài gặm nhấm.

Các triệu chứng bao gồm nhức đầu dữ dội, phát ban, sốt, huyết áp thấp, đau và sưng khớp, buồn nôn, nôn, đau thắt lưng dữ dội và khó tiểu. Trong những trường hợp nghiêm trọng, nhiễm hantavirus không được điều trị có thể dẫn đến sốc và suy thận cấp.

Báo cáo của Cục Tình Báo Bộ Quốc Phòng Ukraine, cho thấy rằng các chỉ huy Nga có thể phớt lờ những lo ngại về sức khỏe của quân đội họ, coi đó là những nỗ lực nhằm tránh chiến đấu. Vụ dịch được cho là xảy ra gần Kupyansk ở tỉnh Kharkiv, làm giảm đáng kể khả năng chiến đấu của các lực lượng Nga bị ảnh hưởng.

Theo bản cập nhật tuần trước từ phóng viên Nga-Ukraine của Newsweek, những thách thức hiện tại của quân đội Nga ở Ukraine là một phần trong một loạt vấn đề rộng lớn hơn đang tác động đến đất nước do Vladimir Putin lãnh đạo. Hơn 300.000 binh sĩ Nga đã thiệt mạng hoặc bị thương kể từ khi bắt đầu cuộc xâm lược, và hàng triệu người trong nước đang phải gánh chịu hậu quả kinh tế.

Bất chấp tỷ lệ tán thành cao đối với cuộc chiến trong dân chúng Nga - phần lớn bị ảnh hưởng bởi các phương tiện truyền thông do Điện Cẩm Linh kiểm soát - vẫn có sự khác biệt giữa nhận thức của công chúng và thực tế về chi phí nhân lực và vật chất của cuộc xung đột.

Báo cáo của phóng viên cũng lưu ý rằng tuyên truyền trước chiến tranh của Điện Cẩm Linh đã không chuẩn bị cho người dân Nga về bản chất thực sự của cuộc xung đột. Với thương vong ngày càng tăng và các cuộc đấu tranh quân sự đang diễn ra, bao gồm cả đợt bùng phát gần đây của bệnh sốt chuột trong quân đội, Nga phải đối mặt với cuộc chiến vật lý ở Ukraine cũng như cuộc chiến để duy trì sự ổn định và hỗ trợ trong nước.
 
Tương lai truyền giáo về đâu: Tuyên ngôn đồng phái bị coi là cổ vũ đồi phong bại tục ở Phi Châu
VietCatholic Media
16:53 25/12/2023


1. Tổng giám mục Ukraine nói rằng tài liệu ban phép lành đồng giới không áp dụng cho các Giáo hội Đông phương

Lãnh đạo Giáo Hội Công Giáo Đông Phương Ukraine hôm thứ Sáu cho biết tuyên bố gần đây của Vatican về việc ban phép lành cho người đồng tính ngoài phụng vụ không áp dụng cho các Giáo Hội Công Giáo Đông phương.

Đức Tổng Giám Mục Sviatoslav Shevchuk nói rằng tuyên bố của ngài nhằm đáp lại nhiều lời kêu gọi từ các giám mục, giáo sĩ, tu sĩ, các phong trào Giáo Hội và cá nhân giáo dân của Giáo Hội Công Giáo Đông Phương Ukraine” liên quan đến Tuyên ngôn “Fiducia Supplicans”, một tuyên bố từ Bộ Giáo lý của Giáo hội Faith xuất bản ngày 18 tháng 12.

Tuyên ngôn đó nói rằng “Các phép lành là một trong những bí tích phổ biến và đang phát triển nhất” và có thể ban “các phép lành cho các cặp vợ chồng trong những tình huống bất hợp lệ và cho các cặp đồng tính”.

Tuyên bố nêu rõ rằng giáo huấn của Giáo hội về hôn nhân giữa một nam và một nữ không thay đổi và nhấn mạnh rằng những phép lành như vậy “không bao giờ” xảy ra trong nghi thức kết hợp dân sự “và thậm chí không liên quan đến chúng” để tránh nhầm lẫn hoặc tai tiếng.

Đức Tổng Giám Mục Shevchuk cho biết, “Sau khi tham khảo ý kiến của các chuyên gia liên quan và các tổ chức có thẩm quyền, tôi muốn thông báo cho anh chị em những điều sau:

“Tuyên bố nói trên giải thích ý nghĩa mục vụ của các phép lành trong Giáo hội Latinh, không phải trong các Giáo Hội Công Giáo Đông phương”, Đức Tổng Giám Mục nói, đề cập đến Fiducia Supplicans.

“Nó không đề cập đến các vấn đề về đức tin hay đạo đức Công Giáo, không đề cập đến bất kỳ quy định nào của Bộ Giáo luật dành cho các Giáo hội Đông phương, và không đề cập đến các Kitô hữu Đông phương. Vì vậy, trên cơ sở khoản giáo luật 1492, Tuyên ngôn này chỉ áp dụng cho Giáo hội Latinh và không có hiệu lực pháp lý đối với các tín hữu của Giáo Hội Công Giáo Đông Phương Ukraine”, ngài nói.

Đức Tổng Giám Mục Shevchuk nói: “Giáo Hội Công Giáo Đông Phương Ukraine là một trong những Giáo Hội Công Giáo Đông phương, do đó Giáo hội có di sản phụng vụ, thần học, giáo luật và truyền thống thiêng liêng riêng mà tất cả các tín hữu buộc phải tuân theo và trân trọng.”

Ngài nói rằng ý nghĩa của từ “chúc lành” có một ý nghĩa khác trong Giáo Hội Công Giáo Đông Phương Ukraine so với Giáo hội Latinh.

Đức Cha Shevchuk nói rằng theo thực hành phụng vụ trong Giáo Hội Công Giáo Đông Phương Ukraine, “phép lành của linh mục hoặc giám mục là một cử chỉ phụng vụ không thể tách rời khỏi phần còn lại của nội dung của nghi thức phụng vụ và chỉ thu gọn vào hoàn cảnh và nhu cầu của lòng đạo đức”

Ngài nói thêm: “Theo truyền thống của nghi lễ Byzantine, khái niệm ‘phép lành’ có nghĩa là sự chấp thuận, cho phép hoặc thậm chí là mệnh lệnh cho một loại hành động, cầu nguyện và thực hành khổ hạnh nhất định, bao gồm một số loại ăn chay và cầu nguyện”.

Ngài nhấn mạnh rằng phép lành của một linh mục “luôn có chiều kích truyền giáo và giáo lý” và nói thêm rằng phép lành “không thể nào mâu thuẫn với giáo huấn của Giáo Hội Công Giáo về gia đình như một sự kết hợp tình yêu chung thủy, bất khả phân ly và sinh hoa trái giữa một người đàn ông và một người phụ nữ được Chúa Giêsu Kitô nâng lên hàng Bí tích Hôn phối.”

Ngài nói: “Sự phân định mục vụ thúc giục chúng ta tránh những cử chỉ, cách diễn đạt và khái niệm mơ hồ có thể bóp méo hoặc xuyên tạc lời Chúa và giáo huấn của Giáo hội”.

Có lẽ trong lịch sử Giáo Hội Công Giáo chưa bào giờ có một Tuyên ngôn bị chỉ trích mạnh như Tuyên ngôn Fiducia supplicans.

Nhiều người đang kêu gọi rút lại Tuyên ngôn này và vị Hồng Y tổng trưởng nên từ chức.

2. Các Giám mục Công Giáo ở Phi Châu triệu tập phiên khoáng đại trước các chỉ trích rằng Tuyên ngôn Fiducia supplicans cổ vũ đồi phong bại tục

Các Giám mục Công Giáo ở Phi Châu đang tham khảo ý kiến lẫn nhau để đưa ra “tuyên bố chung duy nhất” về Fiducia Supplicans, là Tuyên ngôn của Vatican về khả năng chúc lành cho “các cặp đồng giới” và các cặp vợ chồng trong “các tình huống bất hợp lệ” khác.

Trong một tuyên bố được lưu hành vào thứ Năm, ngày 21 tháng 12, Chủ tịch Hội nghị chuyên đề của Hội đồng Giám mục Phi Châu và Madagascar (SECAM) đã liên hệ với các Giám mục anh em của mình để lấy ý kiến về tài liệu mà Bộ Giáo lý Đức tin đã công bố hôm thứ Hai, Ngày 18 tháng 12 nhằm đưa ra “sự hướng dẫn dứt khoát” cho dân Chúa trên lục địa lớn thứ hai và đông dân thứ hai thế giới.

Đức Hồng Y Fridolin Ambongo nói: “Bản chất tế nhị của Tuyên ngôn này, mở ra nhiều cách giải thích và thao túng khác nhau, đã dẫn đến sự hoang mang đáng kể nơi các tín hữu”, Đức Hồng Y Fridolin Ambongo nói, ám chỉ sự chia rẽ sâu sắc giữa các Giám mục Công Giáo trên toàn cầu về Tuyên bố của Vatican cho phép các phép lành ngoài phụng vụ của các cặp đôi đồng giới. Phi Châu là nơi cấm gần như triệt để tính dục đồng giới. Các phương tiện truyền thông bài Công Giáo cho rằng Giáo Hội đang cổ vũ đồi phong bại tục, và điều này ảnh hưởng nghiêm trọng đến cơ hội truyền giáo của Giáo Hội.

Trong tuyên bố dài một trang ngày 20 tháng 12 và gửi tới các Chủ tịch Hội đồng Giám mục Công Giáo Phi Châu và các đảo ở đó, Đức Hồng Y Ambongo cho biết thêm, “Là các mục tử của Giáo hội ở Phi Châu, chúng ta có nhiệm vụ phải đưa ra sự rõ ràng rõ ràng về vấn đề này, đưa ra hướng dẫn dứt khoát cho cộng đồng Kitô hữu của chúng ta.”

“Tôi viết thư cho các vị Chủ tịch thân mến, để xin ý kiến của các vị về Tuyên ngôn nêu trên của Bộ Giáo lý Đức tin, để chúng ta có thể đưa ra một tuyên bố chung duy nhất, có giá trị cho toàn thể Giáo hội ở Phi Châu,” Chủ tịch SECAM cho biết, khi trích dẫn Chương 19#d của Báo cáo Tổng hợp Thượng hội đồng về Truyền giáo được công bố vào ngày 28 tháng 10 với tiêu đề, “Một Giáo hội Thượng hội đồng trong Truyền giáo”.

Đức Tổng Giám Mục Kinshasa ở Cộng hòa Dân chủ Congo (DRC) giải thích rằng mục đích tìm kiếm “quan điểm từ tất cả các Hội đồng Giám mục” của Phi Châu và các Quần đảo của nó là để SECAM “có vị trí thích hợp để đưa ra tuyên bố mục vụ về” khả năng ban phép lành “các cặp đôi đồng giới” và các cặp trong “những tình huống bất thường” khác trên lục địa.

Một tuyên bố mục vụ của SECAM, thành viên người Congo của Dòng Tu sĩ Capuchin (OFM Cap) cho biết, sẽ “cung cấp những hướng dẫn toàn diện cho tất cả các Giáo hội địa phương trong lục địa của chúng ta”.

Đức Hồng Y Ambongo, người đã lãnh đạo SECAM kể từ tháng 2, đã giao cho các Chủ tịch Hội đồng Giám mục Công Giáo trên khắp Phi Châu và các Quần đảo của nó đến “đầu nửa cuối Tháng Giêng” để trình bày quan điểm của họ lên Tổng Thư ký Accra-Ghana. “Phản hồi kịp thời của bạn sẽ là công cụ giúp hình thành chỉ thị quan trọng này”.

Ngài kết luận: “Xin lời FIAT của Đức Maria, dạy chúng ta đón nhận Lời Chúa, Lời nhập thể, để chúng ta cũng có thể mang lại ơn cứu độ cho con người trong thời đại chúng ta”.

Một bộ phận các Giám mục Công Giáo ở Phi Châu, bao gồm cả các Giám mục ở Malawi và Zambia, đã ra lệnh cấm thực hiện Fiducia Supplicans ở các quốc gia tương ứng của các ngài.

“Chúng tôi truyền rằng vì các lý do mục vụ, các phép lành dưới bất kỳ hình thức nào cho các kết hợp đồng giới dưới bất kỳ hình thức nào đều không được phép ở Malawi,” các thành viên của Hội đồng Giám mục Malawi (ECM) cho biết trong tuyên bố ngày 19 tháng 12 của họ.

Trong một tuyên bố ngày 20 tháng 12, các thành viên của Hội đồng Giám mục Công Giáo Zambia nói rằng các hướng dẫn trong Fiducia Supplicans là “để suy ngẫm thêm chứ không phải để thực hiện ở Zambia”.

Các thành viên Hội đồng Giám mục Công Giáo Zambia cho biết, quyết định của các ngài được đưa ra dựa trên nhu cầu “tránh bất kỳ sự nhầm lẫn và mơ hồ nào về mặt mục vụ cũng như không vi phạm luật pháp của đất nước chúng tôi vốn cấm các hoạt động và kết hợp đồng giới, đồng thời lắng nghe di sản văn hóa của chúng tôi vốn không chấp nhận mối quan hệ đồng giới.”

Tại Nigeria, các Giám mục Công Giáo cho biết “Giáo hội không có quyền ban phước lành cho các cuộc kết hợp và hoạt động đồng tính,” các thành viên của Hội đồng Giám mục Công Giáo Nigeria (CBCN) nói trong tuyên bố ngày 20 tháng 12 của họ, và nói thêm rằng việc cho phép những phép lành như vậy “sẽ đi ngược lại luật Chúa, những lời dạy của Giáo hội, luật pháp của đất nước chúng tôi và sự nhạy cảm về văn hóa của người dân chúng tôi.”

3. Tổng Giám Mục Charles J. Chaput: Chi Phí Của Việc Gây Ra Hỗn Loạn

Trên tờ First Things, Đức Cha Charles J. Chaput, nguyên là Tổng Giám Mục Philadelphia có bài viết nhan đề “THE COST OF “MAKING A MESS”“, nghĩa là “CHI PHÍ CỦA VIỆC GÂY RA HỖN LOẠN”.

Một trong những tiêu chuẩn mà Giáo hội sử dụng để đo lường phẩm chất của những người lãnh đạo là một câu đơn giản trong Kinh thánh: “Thiên Chúa không phải là Thiên Chúa gây hỗn loạn, nhưng là Thiên Chúa tạo bình an.” (1 Cr 14:33). Lời đó đã dành cho Thánh Phaolô. Lời đó cũng đúng cho thời nay. Lời đó cũng dành cho cho các mục tử và giám mục địa phương, kể cả giám mục Rôma. Sự nhầm lẫn giữa các tín hữu thường có thể là vấn đề của những cá nhân vô tội nghe nhưng không hiểu Lời Chúa. Tuy nhiên, giáo huấn gây ngộ nhận lại là một vấn đề khác. Nó không bao giờ có thể tha thứ được. Việc truyền tải chân lý Kitô giáo đòi hỏi sự thận trọng và kiên nhẫn vì con người không phải là những cỗ máy. Việc truyền tải chân lý Kitô giáo cũng đòi hỏi sự rõ ràng và nhất quán. Sự mơ hồ có chủ ý hoặc dai dẳng—bất cứ điều gì gây ra sự hiểu lầm hoặc dường như tạo cơ hội cho hành vi tội lỗi một cách khách quan— đều không phải là của Chúa. Và nó chắc chắn sẽ gây ra thiệt hại cho tâm hồn cá nhân và đời sống chung của Giáo hội chúng ta.

Tôi đề cập đến điều này vì một lý do. Một người bạn Tin lành của tôi, một học giả Cải cách, đã gửi một tin nhắn cho những người bạn Công Giáo của anh ấy vào ngày 18 tháng 12 với tin tức rằng “Đức Phanxicô đã gây ra sự hỗn loạn trong sự hiệp thông của các bạn”. Người bạn Tin lành ấy đang đề cập đến văn bản Fiducia Supplicans (“Về ý nghĩa mục vụ của các phép lành”). Bộ Giáo lý Đức tin của Rôma, do Đức Hồng Y Victor Manuel Fernández lãnh đạo—một người thân cận của Đức Thánh Cha Phanxicô—vừa công bố nó vào ngày hôm đó. Tài liệu này là một tác động hai chiều vì vừa khẳng định lại vừa bác bỏ giáo huấn Công Giáo về bản chất của các phước lành và việc áp dụng chúng vào các mối quan hệ “bất thường”. Và nó nhanh chóng được hiểu là một sự thay đổi đáng kể trong thực tiễn của Giáo hội. Cha James Martin, một người ủng hộ lâu năm cho những mối quan tâm của cộng đồng LGBTQ, đã nhanh chóng được chụp ảnh đang chúc phúc cho một cặp đồng tính nam trong một bài báo trên tờ New York Times.

Cha Martin đã chờ đợi nhiều năm để có đặc ân được nói một lời cầu nguyện như vậy, dù đơn giản đến đâu, một cách công khai.

Cha ấy nói hôm thứ Ba “Thật là tuyệt khi có thể làm điều đó một cách công khai.”

Quyết định của Đức Giáo Hoàng được chào đón như một chiến thắng mang tính bước ngoặt bởi những người ủng hộ người Công Giáo đồng tính, những người mô tả đây là một cử chỉ quan trọng của sự cởi mở và chăm sóc mục vụ, đồng thời là một lời nhắc nhở rằng một tổ chức có tuổi đời được tính bằng thiên niên kỷ cũng có thể thay đổi.

Bài báo của Times tiếp tục thừa nhận rằng “Quyết định này không lật đổ đạo lý của Giáo Hội rằng hôn nhân là giữa một người nam và một người nữ”. Nó cũng không “cho phép các linh mục cử hành đám cưới đồng giới”. Nhưng hương vị chủ đạo và mục đích cơ bản của bài viết đã được nắm bắt rõ nhất bởi nhiều người đồng tính nam được phỏng vấn, những người đã nói về Giáo hội “quan tâm” đến tính hợp pháp của các mối quan hệ đồng giới và các cặp đồng giới “đòi quyền lợi cho không gian của chúng tôi. “

Nơi để bắt đầu?

Đầu tiên, vai trò quan trọng của Đức Giáo Hoàng là hiệp nhất Giáo hội chứ không phải chia rẽ Giáo hội, đặc biệt là về các vấn đề đức tin và luân lý. Ngài có nhiệm vụ tương tự là đoàn kết các giám mục và không chia rẽ họ.

Thứ hai, nhiệm vụ thiết yếu của một mục tử yêu thương là sửa dạy cũng như đồng hành. Phước lành nên khuyến khích nhưng cũng có thể thách thức khi cần thiết. Những người đồng giới và các cuộc kết hợp tình dục ngoài hôn nhân khác cần có sự đồng hành đầy thách thức của Giáo hội. Các giáo hoàng, giám mục, linh mục và phó tế được mời gọi làm tiên tri cũng như mục tử theo ơn gọi của mình. Đức Thánh Cha Phanxicô dường như thường tách biệt những vai trò này trong khi chính Chúa Giêsu luôn thể hiện cả hai vai trò này trong sứ vụ của Ngài. Lời của Ngài với người phụ nữ bị bắt ngoại tình không chỉ đơn giản là “Tội lỗi của con đã được tha” mà còn là “Hãy đi và đừng phạm tội nữa”.

Thứ ba, những mối quan hệ mà Giáo hội luôn coi là tội lỗi giờ đây thường được mô tả là “bất thường”. Điều này bình thường hóa thực tại của hành vi sai trái về mặt đạo đức và dẫn đến sự nhầm lẫn về những gì chúng ta có thể và không thể gọi là “tội lỗi”.

Cuối cùng, mặc dù trên thực tế, tài liệu này không thay đổi giáo huấn của Giáo hội về hôn nhân, nhưng nó dường như thay đổi giáo huấn của Giáo hội về tội lỗi của hoạt động đồng tính. Hôn nhân không phải là mục đích của Fiducia Supplicans. Quan điểm của nó là bản chất đạo đức của các cặp đồng giới, và đây là điểm khác biệt cốt yếu.

Các giám mục trong và ngoài nước đã đưa ra các tuyên bố nhắc lại giáo huấn Công Giáo về các vấn đề tình dục con người và các mối quan hệ đồng giới. Các giám mục Nigeria lưu ý rằng “Giáo hội không có khả năng ban phước cho các cuộc kết hợp và hoạt động đồng giới” bởi vì chúng “đi ngược lại luật pháp của Chúa và những lời dạy của Giáo hội”. Và một số lời phê bình sâu sắc đối với tài liệu của Vatican (cùng với một số tài liệu khá gay gắt) đã xuất hiện. Những người khác đang trong quá trình thực hiện. Nhưng tất cả những bình luận như vậy đều nhằm mục đích giảm thiểu thiệt hại đã gây ra. Cho dù người nghe vui mừng hay tức giận với văn bản mới nhất của Vatican, hậu quả thực tế là một làn sóng bối rối trong dòng máu của Giáo hội vào dịp Giáng Sinh - một mùa có ý nghĩa là niềm vui, nhưng giờ đây lại bị vướng vào sự thất vọng, nghi ngờ và xung đột.

Để đáp lại sự phản đối tài liệu này, Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói với nhân viên Vatican, theo báo cáo của đài truyền hình PBS, rằng điều quan trọng là tiếp tục tiến lên và phát triển trong sự hiểu biết của họ về chân lý. Ngài nói: “Việc sợ hãi bám víu vào các quy tắc có thể có vẻ như là tránh né các vấn đề nhưng cuối cùng chỉ làm tổn hại đến việc phục vụ mà Giáo triều Vatican được kêu gọi cung cấp cho giáo hội”.

Đức Thánh Cha nói: “Chúng ta hãy cảnh giác chống lại những quan điểm ý thức hệ cứng nhắc thường, dưới vỏ bọc của những ý định tốt, tách chúng ta ra khỏi thực tế và ngăn cản chúng ta tiến về phía trước”. “Thay vào đó, chúng ta được mời gọi lên đường và hành trình, giống như các Đạo sĩ, đi theo ánh sáng luôn mong muốn dẫn chúng ta đi, đôi khi dọc theo những con đường chưa được khám phá và những con đường mới.”

Những lời phàn nàn về “các quan điểm ý thức hệ cứng nhắc” hiện là phản ứng mặc định của Tòa thánh đối với bất kỳ sự dè dặt có lý do hoặc những lời chỉ trích trung thực về các hành động của Tòa thánh. Mỗi giáo hoàng đều có những điều thích, những điều không thích và những tình tiết gia trọng. Đó là bản chất đất sét của con người. Như tôi đã nói ở nơi khác, và thường xuyên, Đức Thánh Cha Phanxicô có những sức mạnh mục vụ quan trọng cần chúng ta hỗ trợ bằng lời cầu nguyện. Nhưng những lời phàn nàn công khai của ngài đã làm giảm phẩm giá của sứ vụ Phêrô và con người gánh vác sứ vụ đó. Nó cũng coi thường sự tôn trọng đồng đoàn dành cho các anh em giám mục đang đặt câu hỏi về đường lối hiện tại của Vatican. Và một lần nữa, nó không phải của Chúa. Mô tả sự trung thành với niềm tin và thực hành Công Giáo như là “sợ hãi bám víu vào các quy tắc” là vô trách nhiệm và sai lầm. Các tín hữu xứng đáng nhận được sự đối xử tốt hơn như vậy. Cũng cần lưu ý rằng việc đi xuống “những con đường chưa được khám phá và những con đường mới” có thể dễ dàng dẫn đến sa mạc hơn là Bethlehem.

Trong thập kỷ qua, sự mơ hồ về một số vấn đề trong giáo lý và thực hành Công Giáo đã trở thành khuôn mẫu cho triều đại giáo hoàng hiện tại. Những lời chỉ trích của Đức Giáo Hoàng đối với người Công Giáo Mỹ thường là không công bằng và thiếu hiểu biết. Phần lớn Giáo hội Đức thực sự đang ở trong tình trạng ly giáo, tuy nhiên, trước tiên, Rôma đã dung túng “Tiến Trình Công Nghị” của Đức một cách thiếu khôn ngoan, và sau đó phản ứng quá chậm để ngăn chặn những kết quả tiêu cực. Vào thời điểm mà vai trò làm cha và vai trò lãnh đạo tinh thần của nam giới Kitô giáo đang gặp khủng hoảng, Đức Thánh Cha đã yêu cầu Ủy ban Thần học Quốc tế của ngài làm việc để “phi nam tính hóa” Giáo hội. Thách thức cấp bách nhất mà các Kitô hữu phải đối mặt trong thế giới ngày nay là nhân học: con người là ai và là gì; liệu chúng ta có mục đích cao cả hơn nào đó để bảo đảm phẩm giá đặc biệt của chúng ta với tư cách là một loài hay không; liệu chúng ta có phải là loài vật thông minh khác thường có thể phát minh và tái tạo lại chính mình hay không. Tuy nhiên, trọng tâm của chúng ta cho năm 2024 lại là một thượng hội đồng về tính đồng nghị.

Tất nhiên, nói những điều này sẽ dẫn đến những cáo buộc về “sự không trung thành”. Nhưng sự không chung thủy thực sự là không nói ra sự thật bằng tình yêu. Và từ “tình yêu” đó không phải là một quả bóng thiện chí đang trôi tự do. Đó là một cái vỏ trống rỗng không có sự thật lấp đầy nó. Tại Brazil vào năm 2013, Đức Thánh Cha đã khuyến khích giới trẻ “gây ra hỗn loạn”. Điều đó đã xảy ra theo những cách chắc chắn là ngoài ý muốn của Đức Giáo Hoàng. Nhưng cuối cùng, những người lãnh đạo mục vụ phải chịu trách nhiệm về lời nói và hành động của mình. Bởi vì, như Thánh Phaolô đã nói từ lâu, “Thiên Chúa không phải là Thiên Chúa gây hỗn loạn, nhưng là Thiên Chúa tạo bình an”.
 
Thánh Ca
Ngôi Hai Vào Đời - Sáng tác: Giang Ân - Trình bày: Ca Sĩ Kim Thúy
Kim Thúy
07:10 25/12/2023