Ngày 27-12-2016
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Thánh Maria, Mẹ Thiên Chúa
Lm Giuse Nguyễn Hưng Lợi DCCT
07:15 27/12/2016
Chúa nhật cuối tuần bát nhật ( Ngày thế giới hòa bình )
Ds 6, 22-27 Gl 4, 4-7 Lc 2, 16-21

Thánh Maria, Mẹ Thiên Chúa

Mẹ Maria với muôn vàn tước hiệu Giáo Hội tặng ban, đều mang những ý nghĩa tuyệt đẹp, cao vời.Bởi vì, mỗi tước hiệu đều nói lên một khía cạnh nào đó của địa vị Đức Mẹ. Tước hiệu Maria, Mẹ Thiên Chúa đã được Công Đồng chung Êphêsô, do thánh Cyrillô chủ tọa, đại diện Đức Thánh Cha Célestinô I, bác bỏ lý thuyết của Nestoriô chủ trương Đức Maria không phải là Mẹ Thiên Chúa, và công bố tín điều Đức Maria, Mẹ Thiên Chúa.

Thông điệp “ Ineffabilis Deus “ đã nhấn mạnh và dạy chúng ta rằng :” Ngay từ nguyên thủy, Thiên Chúa đã lựa chọn và chuẩn bị cho Con Một của Người một người Mẹ để Con Thiên Chúa nhập thể và giáng thế…Do đó, Thiên Chúa đã làm cho Mẹ Maria được chan hòa một cách kỳ diệu những kho tàng ơn thánh hơn mọi thiên thần và thánh nhân…Không một trí tưởng tượng nào có thể thẩm định được mức độ cao cả đó “. Để kỷ niệm ngày Công đồng Êphêsô công bố tín điều Đức Maria, Mẹ Thiên Chúa. Đức Thánh Cha Pio XI đã thiết lập lễ kính Đức Maria, Mẹ Thiên Chúa vào ngày 01 tháng 01 hằng năm. Đức Thánh Cha Pio XI đã viết :” Tín điều Mẹ Thiên Chúa là một suối nước mầu nhiệm vô tận, đã tuôn ra mọi đặc ân cho Đức Mẹ và nâng Người lên một địa vị cao sang tuyệt vời bên Thiên Chúa “ ( Lux veritatis 1931 ).

Tin Mừng của Thánh Luca 2, 16-21 trong thánh lễ Đức Maria, Mẹ Thiên Chúa cho chúng ta thấy các mục đồng là những người đã nghe lời mời gọi của các thiên thần.Họ đã chỗi dậy, vội vã đi tìm Hài Đồng Giêsu nơi Hang Đá máng cỏ. Tới Bêlem và vào Hang Đá, các mục đồng đã gặp được Hài Đồng Giêsu, họ đã hiểu ngay đây là dấu chỉ Đấng Cứu Thế đang hiện diện giữa nhân loại. Họ tường thuật những điều mắt thấy tai nghe về Hài Nhi Giêsu. Tất cả đều bỡ ngỡ khi nghe họ nói. Đối với Mẹ Maria, Mẹ suy đi nghĩ lại trong lòng về những điều đã xẩy ra. Hơn ai hết, Mẹ là người đã được sứ thần Gabrien loan báo về những điều sẽ xẩy ra. Mẹ vẫn im lặng. Các mục đồng khi tới Bêlem, gặp được Hài Đồng Giêsu, Mẹ Maria vẫn im lặng, thánh Giuse cũng im lặng bởi vì Tin Mừng không viết một lời nói nào của các Ngài đối với các mục đồng. Sự im lặng của các Ngài là sự im lặng thánh. Sự im lặng để chính Thiên Chúa mặc khải, vén lộ ra sau này. Mẹ im lặng khi Mẹ đã thưa xin vâng làm Mẹ Thiên Chúa. Mẹ im lặng để suy gẫm về những việc lạ lùng Chúa làm. Mẹ là nữ tỳ của Thiên Chúa. Mẹ và thánh Giuse im lặng để chiêm ngắm Con Thiên Chúa làm người. Và thực tế, chỉ khi Chúa Giêsu chịu treo trên Thập giá trên đồi Canvê, lúc đó mặc khải về ơn cứu độ mới được tỏ lộ cách rõ ràng, hoàn hảo, tuyệt đối. Mẹ Maria và thánh Giuse đã luôn trung thành với sự trung tín của Thiên Chúa. Mẹ Maria và thánh Giuse đã biến cái họa thành cái phúc. Mẹ được phúc hơn mọi người nữ vì Mẹ đã tin. Mẹ là Eva mới. Evà cũ đã phản bội lại Thiên Chúa. Bà và Ông Ađam đã mang cái chết vào trần gian. Mẹ Maria đã đem lại nguồn sống mới cho nhân loại. Do đó, Mẹ Maria cũng phải chết, nhưng chết để Mẹ được đưa cả hồn lẫn xác về Trời. Mẹ chết để đem cho nhân loại chúng ta niềm hy vọng.Chúa Giêsu chết để cho chúng ta được sống lại…Mọi người chúng ta khi sống ở thế gian này luôn gặp nhiều cái họa, nhưng chúng ta vẫn có thể biến những cái họa trở thành cái phúc bởi vì chúng ta luôn tin tưởng vào Chúa và cậy trông vào Đức Mẹ.

Kinh Thánh cũng như giáo huấn của Giáo Hội đều đã xác nhận và tuyên Đức Mẹ là Mẹ Thiên Chúa. Mẹ là Mẹ Thiên Chúa và là Mẹ của Giáo Hội, là Mẹ của chúng ta. Điều này làm cho chúng ta hạnh phúc sâu xa vì Mẹ luôn yêu thương, trung tín với những điều Mẹ đã hứa, đã dặn dò mỗi lần hiện ra bất cứ nơi nào trên thế giới này. Mẹ luôn trung tín như Chúa Giêsu, Con của Mẹ vẫn luôn trung tín. Nên, dù chúng ta bất tín, Chúa vẫn luôn trung tín với chúng ta.

Trước những sóng gió, thử thách của cuộc đời, chúng ta luôn tin tưởng cậy trông vào Đức Mẹ vì Mẹ đã được Thiên Chúa đắc sủng. Mẹ đã được Thiên Chúa yêu thương, Mẹ đã hoàn toàn trung thành với Thiên Chúa và được vinh quang cả hồn lẫn xác trên trời. Mọi người chúng ta đều yếu đuối, cần đến Lòng Xót Thương của Thiên Chúa và sự chuyển cầu của Đức Mẹ.

Ca nhập lễ hôm nay viết :” Lạy Thánh Mẫu, chúng con kính chào Mẹ là Đấng đã sinh ra Đức Vua cai trị trời đất muôn đời “ và Alleluia hát vang :” Thuở xưa, nhiều lần nhiều cách, Thiên Chúa đã dùng các tiên tri mà phán dạy cha ông, nhưng đến thời sau hết, tức là trong những ngày này, Người đã phán dạy chúng ta nơi Người Con “ ( Dt 1, 1-2 ).

Hôm nay, Giáo Hội cũng dành riêng ngày đầu năm để cầu nguyện cho Hòa Bình trên thế giới : “ Sự an bình mà các thiên thần trong đêm Giáng Sinh đã hát vang ‘ Vinh Danh Thiên Chúa trên trời. Bình an dưới thế cho người thiện tâm “ ( Lc 2, 14 ). Chúng ta cầu nguyện cho mọi dân tộc trên thế giới được hưởng nền Hòa Bình thực sự: mọi người được sống an bình, không còn chiến tranh, khủng bố, mọi trẻ con đều được đến lớp, không còn người đói vv…

Lạy Mẹ Maria, Mẹ Thiên Chúa, xin cầu cho chúng con hôm nay và trong giờ lâm tử. Amen.

GỢI Ý ĐỂ CHIA SẺ :

1.Công Đồng nào đã công bố tín điều Maria, Mẹ Thiên Chúa ? Năm nào ?
Thánh nào đã đại diện Đức Thánh Cha Celestino I tại Công đồng Êphêsô?
2.Nestoriô là ai ? Ông đã chủ trương gì ?
3.Ngày hôm nay cũng là ngày gì ?
4.Tại sao lại cần cầu nguyện cho Hòa Bình ?
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
08:19 27/12/2016
90. QUAN, TẶC NHƯ NHAU.
Ở Phúc Kiến có một người chuyên nghề hải tặc tên là Trịnh Quảng, về sau bị bắt, đầu hàng quan phủ lại còn được làm quan.
Những người cùng làm quan với hắn ta, cương quyết bắt hắn ta phải làm thơ, hắn ta làm sao mà biết làm thơ được chứ, nên chắp vá lung tung, nói vè:
- “Đừng hỏi quan văn với quan võ, chỉ là như nhau. Các quan đã làm quan thì làm tặc, Trịnh Quảng đã làm tặc thì làm quan.”
(Phủ Chưởng lục)

Suy tư 90:
Theo thói đời, không một ai dễ dàng chấp nhận một người có bề dày thành tích bất hảo lại cùng được ở vai vế với mình trong cùng một địa vị, mà nếu vì bất đắc dĩ mà phải ngang hàng thì cũng tìm cách nói xấu hoặc bôi nhọ danh dự hay khinh bỉ họ. Thói đời là như thế !
Theo thói ”trời” thì không phải như thế, Đức Chúa Giê-su đã hứa Nước Trời cho người tên ăn trộm cùng bị đóng đinh với Ngài, mà thánh Stê-pha-nô vì làm chứng cho Chúa mà bị ném đá đến chết, nhưng ngài không kiện cáo: “Sao con vì Chúa mà chịu ném đá đến chết mà cũng bằng tên ăn trộm thôi sao ?”, Đức Chúa Giê-su cũng đã làm cho Mát-thêu người thu thuế tội lỗi trở thành tông đồ ngang hàng với các vị khác mà không có ai trong các tông đồ nói: “Ông là thằng thu thuế tội lỗi, bây giờ cũng tông đồ như chúng tôi sao ?”; Đức Chúa Giê-su cũng đã khen Ma-ri-a Mác-da-la khi cô ta dùng thuốc thơm quý giá xức chân của Ngài mà không một phụ nữ nào phân bì so đo...
Có những lúc chúng ta không thèm cộng tác với những anh em thua kém mình về tài năng, học vấn, nhưng chính mình thì lại thích muốn cộng tác với những người “có máu mặt” danh phận gấp mấy mình...
“Thói đời” và “thói trời” không giống nhau, nhưng cuộc sống của người Ki-tô hữu thì rất giống với mọi người, chỉ khác nhau có một điểm là: họ luôn nhìn thấy Chúa trong con người của tha nhân, và nhất là với những ai đang cùng cộng tác với họ...
Bởi vì làm quan và làm tặc thì không thể như nhau, nhưng người làm quan có thể làm tặc và người làm tặc cũng có thể là vị quan tài ba.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư

-------------------
http://www.vietcatholic.net
http://www.vietcatholic.net/nhantai
http://nhantai.info
 
Mỗi ngày một câu danh ngôn của các thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
08:21 27/12/2016

2. Con người ta nếu không suy niệm thì không biết cầu nguyện, bởi vì không suy niệm thì không biết linh hồn nghèo nàn, cũng không nhận ra linh hồn đang gặp tai họa.

(Thánh Augustinus)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
Dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức"

---------------------
http://www.vietcatholic.net
http://www.vietcatholic.net/nhantai
http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
23:21 27/12/2016
91. HÀI HƯỚC CỦA CỬ NHÂN.
Cử nhân Thạch Mạn Khanh thích uống rượu làm thơ, ăn nói hài hước.
Một hôm, khi đi dạo ở chùa Báo Ninh, vì người đánh ngựa sơ suất nên ngựa kinh hoàng nhảy lên khiến cho cử nhân Thạch té xuống ngựa, đám tuỳ tùng lập tức đỡ ông ta dậy.
Rất nhiều người nhìn thấy cảnh ồn ào, thì cho rằng ông ta sẽ chửi mắng người đánh ngựa, nhưng không ngờ ông ta đưa tay chỉ chỉ con ngựa và nói với người đánh xe:
- “May mà ta là cử nhân Thạch (đá), nếu là cử nhân Đất thì té nát vụn rồi còn gì !”
(Phủ Chưởng lục)

Suy tư 91:
“May mà thầy ấy, cha ấy đi tu, nếu ở đời thì chán khối cô chết mệt...”
“May mà Xơ ấy đi tu, nếu mà ở đời thì nũng nịu và điệu chịu không nổi...”.

Đó là những câu mà chúng ta thường nghe các cụ các bà nói khi có một thầy, một Xơ hay một linh mục nào đó có chút...tài sắc...
Chúng ta cảm tạ Chúa đã chọn các linh mục, các thầy và các dì phước ấy làm môn đệ riêng cho mình để các vị ấy đem lòng thương xót của Chúa truyền bá cho mọi người như họ đã cảm nghiệm được qua cuộc sống hiến dâng.
Có những người Ki-tô hữu tự kềm chế được cơn nóng giận của mình và nói: “May mình là người Công Giáo, nếu không thì xảy ra nhiều chuyện đáng tiếc...”
Nếu trước khi cơn nóng giận xảy đến mà mỗi một linh mục tự nói: “Tôi là một linh mục của Chúa Ki-tô, tôi phải sống hiền lành...” thì có rất nhiều việc tốt đẹp kỳ diệu sẽ xảy ra sau đó, mà điều kỳ diệu nhất sẽ xảy ra là các tín hữu nhìn thấy vị mục tử của mình hiền lành giống Chúa Ki-tô vậy !
Nếu sau khi không kềm được cơn nóng giận của mình, ước gì mỗi linh mục tự khiêm tốn nói với mình: ”Tôi là linh mục của Chúa Ki-tô, tôi phải sửa chữa sai lầm của tôi...” thì phép lạ tức khắc sẽ xảy ra, đó là các ngài sẽ yêu Chúa hơn và hăng say phục vụ tha nhân hơn trong bổn phận của mình.
“May mà tôi là linh mục, là tu sĩ nam nữ của Chúa, nếu không, thì tôi sẽ trở nên tồi tệ hơn bây giờ...”, “May mà tôi là người Công Giáo, nếu không, thì tôi sẽ là người xấu xí tội lỗi nhất đời...”
Đó không phải là những câu nói hài hước nữa, nhưng là như một lời nhắc nhở chúng ta sống đẹp với Chúa và với tha nhân.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư

----------------
http://www.vietcatholic.net
http://www.vietcatholic.net/nhantai
http://nhantai.info
 
Mỗi ngày một câu danh ngôn của các thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
23:23 27/12/2016

3. Hành vi là hướng cuối cùng của suy niệm, suy tư về giới luật của Thiên Chúa thì nên theo giới luật của Thiên Chúa mà thực hiện, như thế việc làm của suy niệm mới là hoàn thành.

(Thánh Ambrosius)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
Dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức"

---------------
http://www.vietcatholic.net
http://www.vietcatholic.net/nhantai
http://nhantai.info
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Lời Đức Thánh Cha Phanxicô ngày Lễ Thánh Stêphanô
Bùi Hữu Thư
09:30 27/12/2016
Lời Đức Thánh Cha Phanxicô ngày Lễ Thánh Stêphanô

Các bạn thân mến,

Niềm vui Giáng Sinh đang tràn ngập tâm hồn chúng ta trong khi chúng ta tưởng niệm việc Thánh Stêphanô vị tử đạo tiên khởi chịu tử hình, chúng ta muốn ghi nhận chứng tá ngài đã để lại qua sự hy sinh mạng sống của ngài. Đây chính là chứng tá vinh quang của các vị tử đạo, chịu đau đớn vì tình yêu Chúa Kitô. Các vị tử đạo này vẫn tiếp tục hiện diện trong lịch sử của Giáo Hội, kể từ ngày Thánh Stêphanô cho tới nay.

Phúc Âm hôm nay (Mt 10,17-22) đã nói về chứng tá này. Chúa Giêsu đã báo trước cho các môn đệ về những sự từ khước và áp bức họ sẽ gặp phải: “Các con sẽ bị thù ghét vì Danh Ta”. Nhưng tại sao thế gian lại áp bức các Kitô hữu? Thế gian thù ghét các Kitô hữu vì họ thù ghét Chúa Giêsu: vì Người đã mang ánh sáng của Thiên Chúa tới trong khi thế gian lại thích ở trong bóng tối, để che dấu những hành vi xấu xa của họ. Chúng ta hãy nhớ là chính Chúa Giêsu trong Bữa Tiệc Ly đã cầu xin Chúa Cha bảo vệ cho chúng ta chống lại các thần dữ của thế gian.

Có một sự chống đối giữa tinh thần của Phúc Âm và của thế gian. Bước theo Chúa Giêsu có nghĩa là bước theo ánh sáng, được thắp lên ban đêm tại Bê Lem, và từ bỏ bóng tối của thế gian.

Thánh Stêphanô, vị tử đạo tiên khởi, được tràn đầy Thánh Thần, đã bị ném đá vì ngài tuyên xưng niềm tin nơi Chúa Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa. Người con duy nhất đã xuống trần, hôm nay mời gọi các tín hữu hãy chọn con đường ánh sáng và sự sống của Người. Đó là ý nghĩa của việc Chúa đến với chúng ta. Khi yêu mến Chúa Kitô và vâng lời Người, Phó Tế Stêphanô đã chọn Chúa Kitô, sự sống và ánh sáng cho mọi người. Khi chọn sự thật, ngài đã cũng trở nên nạn nhân của sự bất công trong thế gian. Nhưng trong Chúa Kitô, Stêphanô đã trở nên kẻ chiến thắng!

Hôm nay cũng vậy, muốn làm chứng tá cho ánh sáng và sự thật, Giáo Hội đã có kinh nghiệm về những sự đán áp tàn bạo, tại nhiều nơi, và ngay cả các vụ tử đạo nữa. Nhiều anh chị em chúng ta vì đức tin đã chịu đựng rất nhiều sự bất công, áp bức tàn bạo và bị thù ghét vì Chúa Giêsu! Tôi muốn nói với các bạn một điều: các vị tử đạo ngày nay nhiều hơn trong các thế kỷ đầu tiên. Khi chúng ta đọc về lịch sử của các thế kỷ đầu tiên, ngay tại Rôma này, chúng ta thấy có biết bao nhiêu sự bạo tàn đối với các tín hữu. Tôi muốn nói với các bạn: những bạo tàn này vẫn hiện diện ngày hôm nay, mà còn nhiều hơn đối với các Kitô hữu.

Hôm nay chúng ta muốn nhớ đến những người đang chịu đau khổ vì bị áp bức và muốn thân cận với họ bằng tình thương mến, bằng kinh nguyện, và bằng cả những giọt nước mắt của chúng ta nữa.

Hôm qua, ngày Lễ Giáng Sinh, các Kitô hữu bị áp bức tại Iraq, đã cử hành Thánh Lễ Giáng Sinh trong nhà thờ chánh tòa đổ nát: đây là một thí dụ về sự trung tín đối với Phúc Âm. Mặc dù chịu nhiều thử thách và nguy biến, họ vẫn can đảm làm chứng cho sự kết hợp với Chúa Kitô và sống Phúc Âm, đồng thời vẫn lo lắng cho những người thiếu thốn, những người bị quên lãng, và làm việc thiện bất kể đối với ai. Như thế họ cũng làm chứng tá cho tình bác ái trong sự thật.

Khi chúng ta dành chỗ trong tim cho Con Thiên Chúa đã tự hiến mình cho chúng ta ngày Giáng Sinh, chúng ta hãy hân hoan và can đảm canh tân sự cam kết của chúng ta là trung thành đi theo Chúa, như vị hướng đạo duy nhất, bằng cách kiên trì sống theo Phúc Âm và từ bỏ thái độ của những người độc tài trên thế gian.

Chúng ta hãy cầu xin Đức Trinh Nữ Maria, Nữ Vương các Thánh Tử Đạo, xin Mẹ hướng dẫn chúng ta, và luôn luôn nâng đỡ chúng ta trên hành trình đi theo Chúa Giêsu Kitô, mà chúng ta đang chiêm ngắm trong hang đá, và là Đấng trung thành làm chứng tá cho Đức Chúa Cha.

BH Thư
 
Tín hiệu tích cực hay trò chơi chữ nhàm chán? Trung Quốc kêu gọi Vatican linh hoạt và thực dụng hơn để cải thiện quan hệ.
Xavier Nguyễn Đông
11:42 27/12/2016


BẮC KINH (27/12/2016)- "Vatican nên thực hiện các bước để cải thiện quan hệ với Trung Quốc," người đứng đầu Trung Quốc về vấn đề tôn giáo tuyên bố vào hôm thứ Ba, một tuần sau khi Giáo Hội Công Giáo cho biết đang mong đợi những "tín hiệu tích cực" từ Bắc Kinh.

Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã cố gắng hàn gắn những rạn nứt đã có từ nhiều thập niên với Trung Quốc. Công Giáo ở Trung Quốc hiện nay bị phân chia thành 2 phe: Giáo Hội Chui (trung thành với Vatican) và Giáo Hội chính thức do chính quyền kiểm soát.

Một trở ngại là câu hỏi: ai có quyền bổ nhiệm các giáo sĩ cao cấp?

Trung Quốc nói rằng giám mục phải được bầu ra bởi các cộng đồng Công Giáo địa phương. Họ từ chối chấp nhận thẩm quyền của Đức Giáo Hoàng, người mà họ coi là người đứng đầu cuả một quốc gia ngọai bang, không được quyền can thiệp vào công việc nội bộ của Bắc Kinh.

Vương Tá An, người đứng đầu Cục Quản lý Nhà nước về vấn đề tôn giáo, đã được hãng tin nhà nước Tân Hoa Xã trích dẫn hôm thứ ba, nói rằng Trung Quốc "hy vọng Vatican có một thái độ linh hoạt hơn và thực dụng hơn, và tiến hành các bước thực tế để tạo điều kiện có lợi cho việc cải thiện quan hệ."

"Trung Quốc muốn đàm phán mang tính xây dựng để thu hẹp sự khác biệt, làm tăng sự đồng thuận và thúc đẩy các mối quan hệ được cải thiện," ông nói trong cuộc hội của người Công Giáo Trung Quốc do nhà nước tổ chức và cưỡng ép các giám mục trung thành với Vatican phải tham gia.

"Lập trường của chính phủ Trung Quốc về cải thiện quan hệ Trung Quốc -Vatican thì luôn luôn rõ ràng và nhất quán", họ Vương nói.

Vatican tuần trước đã cho biết "chắc chắn rằng tất cả mọi người Công Giáo ở Trung Quốc đang chờ đợi với sự e dè cho một tín hiệu tích cực để giúp họ có một niềm tin trong cuộc đối thoại giữa chính quyền dân sự và Tòa Thánh và hy vọng cho một tương lai hiệp nhất và hòa hợp."

Hai bên đã cắt đứt quan hệ ngọai giao kể từ khi các nhà truyền giáo nước ngoài bị Trung Quốc trục xuất sau khi Cộng Sản lên nắm chính quyền vào năm 1949. Vatican tiếp tục duy trì quan hệ chính thức với Đài Loan.

Triển vọng cho một thỏa thuận đã đi một bước thụt lùi sau khi Lôi Thế Anh, một giám mục bị tuyệt thông nhưng với sự hậu thuẫn cuả Chính Phủ, đã tham gia vào 2 cuộc phong chức giám mục mới.
 
2017 Năm bảo vệ sự thánh thiêng của tuổi thơ
Linh Tiến Khải
12:49 27/12/2016
Biến có Chúa Giêsu Kitô Con Thiên Chúa nhập thể giáng sinh làm người bao gồm nhiều ý nghĩa và gợi lên rất nhiều thực tại quan trọng, trong đó có tình yêu thương, gia đình và phẩm giá cao quý của ơn gọi làm người. Chính vì thế Giáng Sinh vẫn thường được coi như lễ của hạnh phúc gia đình và tình liên đới. Và trong dịp lễ Giáng Sinh có rất nhiều sáng kiến nhằm thể hiện các điều này.

Trong sứ điệp gửi tín hữu nhân dịp lễ Giáng Sinh vừa qua, Đức Thượng Phụ Bartolomaios I, Giáo chủ danh dự toàn Chính Thống giáo, đã tuyên bố năm 2017 là năm thăng tiến sự thánh thiêng của trẻ em. Đức Thương Phụ viết trong sứ điệp: “Lễ của Đức Giêsu Hài Nhi, Ngôi Lời Thiên Chúa, đã trở thành trẻ thơ đối với chúng ta, là một nhắc nhở và một lời mời gọi săn sóc các trẻ em, bảo vệ các nạn nhân dễ bị tổn thương và tôn trong sự thánh thiêng của tuổi thơ. Các trẻ em nam nữ ngày nay không chỉ là nạn nhân của chiến tranh và cưỡng bách di cư, mà cũng bị đe dọa tại các quốc gia có nền kinh tế phát triển và cuộc sống chính trị ổn định nữa. Lý do là vì cuộc khủng hoảng của hôn nhân và gia đình, cũng như của rất nhiều hình thức bạo lực thể lý hay tinh thần lan tràn trong xã hội ngày nay. Tâm hồn của trẻ em bị lèo lái qua việc tiêu thụ nặng nề của các phương tiện truyền thông điện tử, đặc biệt là truyền hình và hệ thống liên mạng internet. Nền kinh tế tiêu thụ biến đổi các trẻ em ngay từ khi chúng còn bé trở thành những kẻ tiêu thụ, trong khi việc tìm kiếm thú vui làm cho sự vô tội của chúng nhanh chóng biến mất”.

Trong sứ điêp Giáng Sinh Đức Thượng Phụ Bartolomaios I cũng nhắc lại các câu trong Phúc Âm cho thấy Chúa Giêsu đặc biệt yêu thương các trẻ em và viết: “Hội thánh của chúng ta đề nghị với mọi người các lời này của Chúa: “Nếu các con không hoán cải và không trở nên như các trẻ em, thì sẽ không được vào Nước Trời” và “Ai không đón tiếp Nước Thiên Chúa như một trẻ em, thì sẽ không vào được vào Nước Trời”. Tất cả mầu nhiệm Giáng Sinh được tổng hợp trong các lời thánh ca ngày lễ: “Một trẻ em đã chào đời cho chúng ta, Thiên Chúa trước mọi thời”. Thiên Chúa đã mạc khải cho thế giới với trái tim trong sạch và sự đơn sơ của một trẻ thơ. Các trẻ em hiểu các sự thật mà người khôn ngoan không hiểu” Trong sứ điệp Giáng Sinh Đức Thượng Phụ cũng trích lời thi sĩ hy lạp Odisseas Elytis: “Chỉ có thể xây dựng thành Giêrusalem với các trẻ em thôi”.

** Các thống kê hằng năm cho thấy trẻ em và người trẻ là các nạn nhân đầu tiên của tất cả mọi cuộc chiến tranh và xung khắc đó đây trên thế giới. Điển hình như các cuộc chiến trong vùng Trung Đồng, bên Siria, Iraq, Libia, Yemen, và tình hình căng thẳng tại Thánh Địa hơn nửa thế kỷ qua. Hàng trăm ngàn trẻ em bị chết oan uổng vì bom đạn, đói khát và bệnh tật. Trong số gần 400 ngàn người chết trong hơn 5 năm chiến tranh tại Siria có hàng chục ngàn trẻ em và người trẻ. Trong các tuần qua cũng đã có thêm hàng trăm trẻ em và người trẻ của thành phố Aleppo bị thiệt mạng, vì bị các lực lượng hồi cuồng tín dùng làm thuẫn đỡ đạn, hay bị họ hạ sát trên đường trốn chạy khỏi các khu phố do họ kiểm soát. Bên cạnh đó còn có hàng ngàn trẻ em và người trẻ nạn nhân của các xung khắc bạo lực tại nhiều nước trên thế giới, như đuợc ĐTC nhắc tới trong sứ điệp Giáng Sinh ngày 25 tháng 12, khi ngài duyệt qua một số vùng vẫn còn có chiến tranh xung khắc, căng thẳng, khủng bố phá hoại, và chết chóc thương đau như: Siria, Thánh Địa, Iraq, Libia, Yemen, Nigeria, Cộng hoà dân chủ Congo, Nam Sudan, Đông Ucraina, Colombia, Venezuela, Myanmar và hai vùng Bắc và Nam Hàn. Ngài nêu bật quyền năng tình yêu của Chúa Giêsu Con Thiên Chúa nhập thể làm ngưòi để thiết lập vương quốc công lý và hoà bình.

Âu lo đối với số phận của trẻ em và người trẻ trên thế giới cũng đã là lý do khiến ĐTC Phanxicô đã nhắc đến các em trong bài giảng thánh lễ nửa đêm Giáng Sinh vừa qua. Ngài nói: “Trẻ em luôn luôn là dấu chỉ để tìm thấy Chúa Giêsu. Chúa Giêsu không sinh ra trong lâu đài vua chúa, trong các hào nhoáng bề ngoài, hay trong quyền bính, nhưng trong sự nghèo nàn của một hang bò lừa, trong cái đơn sơ của cuộc sống , trong cái bé nhỏ gây kinh ngạc. Và để gặp được Ngài cần phải đi tới đó, nơi Ngài ở: cần phải cúi mình xuống, phải trở thành nhỏ bé. Hài Nhi giáng sinh gọi hỏi chúng ta: Ngài kêu mời chúng ta tử bỏ các ảo ảnh phù vân để tiến tới điều nòng cốt, khước từ các yêu sách không thể thoả mãn, bỏ đi sự bất mãn đời đời và nỗi buồn vì có cái gì đó sẽ luôn luôn thiếu trong cuộc sống. Thật là tốt bỏ đi các điều ấy để tìm lại hoà bình, niềm vui và ý nghĩa cuộc sống trong sự đơn sơ của Thiên Chúa Hài Nhi. Chúng ta hãy để cho Hài Nhi nằm trong máng cỏ gọi hỏi, nhưng chúng ta cũng hãy để cho mình bị gọi hỏi bởi các trẻ em ngày nay không nằm trong một chiếc nôi và được tình yêu thương của một bà mẹ và một người cha vuốt ve, nhưng nằm trong các “máng có phẩm giá tối tăm”: trong hầm trú dưới lòng đất để tránh bom đạn, trên vỉa hè của một thành phố lớn, dưới lòng một con thuyền đầy người di cư. Chúng ta hãy để cho mình bị gọi hỏi bởi các trẻ em không được sinh ra, bởi các trẻ em khóc vì không có ai thoả mãn cái đói khát của các em, bởi các trẻ em trong tay không cầm đồ chơi nhưng cầm khí giới…”

** Thật vậy, trong số gần một tỷ người nghèo hằng ngày phải đi ngủ với dạ dầy trống rỗng có hằng chục triệu trẻ em và người trẻ của các nước nghèo Phi châu, Á châu và châu Mỹ Latinh. Thế rồi trên thế giới vẫn còn có hơn 200 triệu trẻ em và người trẻ vị thành niên hàng ngày phải làm việc vất vả như người lớn để có của ăn nuôi thân, hay để phụ giúp cha mẹ lo lắng cho gia đình; trong số đó có hàng triệu trẻ em Ấn Độ bị cha mẹ bán đi để trả nợ và bị chủ xích chân vào khung dệt thảm để các em khỏi trốn; trong đó có hàng chục ngàn trẻ em Pakistan lam lũ mỗi ngày để phải khâu và sản xuất bóng đá vv. Bên cạnh đó còn có hằng triệu trẻ em và người trẻ nạn nhân của nạn buôn người, của thị trường mại dâm quốc tế, và hằng trăm ngàn trẻ em chiến binh. Trong số 65 triệu người di cư tỵ nạn trên thế giới có hàng chục triệu trẻ em và người trẻ vị thành niên. Từ sau các biến động của mùa xuân A rập tới nay làn sóng hàng triệu người di cư tỵ nạn từ các quốc gia Trung Đông và Phi châu vượt biển Địa Trung Hải tìm vào Âu châu qua ngã Italia không chấm dứt. Trong số này có rất đông trẻ em và người trẻ vị thành niên di cư vượt biên, mà không có người lớn đi kèm. Trên tổng số 6.000 người di cư chết khi vượt biển vào Italia trong năm 2016, cũng có hàng trăm trẻ em và người trẻ. Hình ảnh thi thể vài em trôi giạt vào bờ biển Italia hay đâu đó đã chỉ đánh động dư luận thế giới trong một thời gian ngắn, rồi cũng đi vào quên lãng. Vấn đề của người di cư tỵ nạn đã kéo dài từ nhiều năm qua trong các cuộc họp của quốc hội Âu châu, nhưng vẫn không tìm ra giải pháp nào thỏa đáng. Italia vẫn phải “đơn thương độc mã” cứu vớt và trợ giúp ngưòi di cư tỵ nạn. Đứng trước cuộc khủng hoảng di cư chưa từng có kể từ đệ nhị thế chiến tới nay 780 triệu dân các nước Âu châu đã tỏ ra không có khả năng tiếp nhận và trợ giúp vài triệu người di cư tỵ nạn đến từ các quốc gia nghèo.

Đó đây trên thế giới, theo truyền thống có từ ngàn xưa Giáo Hội Công Giáo đã luôn luôn chủ động trong nhiều sinh hoạt trợ giúp và thăng tiến cuộc sống của các trẻ em và người trẻ. Chẳng hạn tại Giêrusalem có “Trung tâm Rakhel” chuyên săn sóc trẻ em. Trung tâm này đã được thành lập hồi tháng 9 năm 2016, và đã được ĐC Pierbattista Pizzaballa, Giám quản Toà thượng phụ Latinh Giêrusalem, làm phép khánh thành ngày mùng 10 tháng 11 vừa qua. Ban ngày trung tâm tiếp đón các trẻ em và người trẻ thuộc các gia đình di cư. Tại đây các em được săn sóc sức khỏe, cung cấp thực phẩm và có các lớp dậy săn sóc trẻ sơ sinh và trẻ em cho các gia đình di cư trên toàn lãnh thổ Israel. Trong khi cha mẹ làm việc, các em thường được giao cho các người không chuyên môn trông coi, nên không được săn sóc đầy đủ và có khi trở thành nạn nhân của của các lạm dụng. Trung tâm được dâng kính thánh nữ Rakhel là một cơ cấu toạ lạc trong phần đất của dòng Capucino Giêrusalem, và có các nhà giáo dục và chuyên viên thiện nguyện săn sóc dậy dỗ các em.

** Trong những ngày vừa qua hình ảnh video hai em bé bụi đời lục lọi thùng rác để tìm đồ ăn trong ngoại ô thành phố Villaflores, thuộc tiểu bang Chiapas bên Mêhicô, đã khiến cho nhiều người dân phẫn nộ. Dân chúng đã lên tiếng yêu cầu chính phủ đưa ra các biện pháp cải tiến cuộc sống xã hội, làm sao để các trẻ em không phải sống trong các điều kiện hạ thấp nhân phẩm như thế. Thống kê của phân bộ phát triển xã hội Mehicô cho biết tại Chiapas có tới 76,2% dân sống trong các điều kiện nghèo túng, và 31,8% phải sống trong cảnh bần cùng, nghĩa là không có đủ thực phẩm nuôi thân.

Bên Honduras tổ chức phi chính phủ “Casa Alianza”, chuyên trợ giứp các trẻ em, tố cáo sự kiện có khoảng 15.000 trẻ em nam nữ bụi đời sống trên các viả hè đường phố, trong các trung tâm thương mại và các quảng trường của các thành phố lớn. Lý do chính của thảm cảnh này là điều kiện sống nghèo túng của gia đình khiến các em bỏ nhà lang thang kiếm sống. Thống kê cho biết có tới 60% tức hơn 8,5 triệu người Honduras sống trong nghèo túng. Theo tổ chức Hội đồng bảo vệ người tỵ nạn Na Uy có một phần ba trẻ em không được học hành giáo dục chắc chắn. Tình hình bạo lực chung trong nuớc Honduras khiến cho các gia đình bắt con cái ở trong nhà, hay giúp chúng trốn thoát, đa số là ra đi một mình không có người lớn đi kèm. Vì các em có thể bị sát hại trên đường đến trường học hay trở thành nạn nhân của các băng đảng tội phạm kiểm soát các vùng có trường học. Hiện nay có ít nhất 174.000 người Honduras bị bó buộc bỏ nước ra đi. Cha mẹ giúp con cái trốn đi, hy vọng chúng có một tương lai tươi sáng hơn. Đa số tìm vào Hoa Kỳ. Chính quyền Hoa Kỳ cho biết từ tháng 10 năm 2015 tới tháng 9 năm 2016 đã có 10.000 trẻ em Honduras tới Hoa Kỳ.

Tổ chức Casa Alianza cũng cho biết vì là trẻ vị thành niên các em bụi đời nói trên không bị hệ thống pháp luật bách hại, nên thường bị tuyển mộ bởi các băng đảng bụi đời, biến các em thành người buôn bán ma tuý hay đâm thuê chém mướn. Trong số các mục tiêu do tổ chức Casa Alianza đề ra từ khi hiện diện tại Honduras năm 1987 có việc tiếp đón, che chở và trợ giúp các người trẻ nạn nhân của bạo lực, lạm dụng tình dục, buôn người, ma tuý và bị trục xuất từ Hoa Kỳ và Mêhicô.

** Tại Cordoba bên Argentina có hiệp hội trợ giúp ngưòi trẻ nghiện ma túy do cha Mariano Oberin, cha sở giáo xứ Chúa bị đóng đinh, hướng dẫn cùng với một số cha mẹ có con cái nghiện ma tuý. Với sự trợ giúp của nhiều người cha thành lập một nhà hiện có 20 người trẻ cai nghiện ma tuý sinh sống. Trung tâm này có nhà ở, một trường học và hai khu vực dậy nghề. Trong khu phố Mueller của thành phố Cordoba cảnh mua bàn ma tuý và nghiện ngập xảy ra công khai. Người ta có thể tìm mua marijuana, cocaina, các viên thuốc ma tuý, rượu mạnh và các loại ma tuý hoá học khác. Và không thiếu cảnh người trẻ nghiện ngập gầy gò ốm yếu, cởi trần đi thất thểu lang thang ngoài đường phố, có khi đi không vững phải tựa người vào tường nhà người dân. Số người trẻ nghiện ma tuý ngày càng gia tăng, đến độ cách đây một năm HĐGM Argentina đã phải công bố thư mục vụ tựa đề “Nói “không” với việc buôn bán ma tuý. Nói “có” với một cuộc sống tràn đầy”.

Trong cuộc gặp gỡ tại Santiago de Cile hồi cuối tháng 11 vừa qua một nhóm 60 bạn trẻ thuộc 11 nước châu Mỹ Latinh và vùng đảo Caraibi đã đệ trình lên Uỷ ban kinh tế của vùng này gọi tắt là CEPAL một loạt các đề nghị giúp đạt các mục đích phát triển có thể thực hiện được nội trong năm 2030, nhằm vượt thắng nạn nghèo túng của trẻ em và nguời trẻ. Trong số 250 sáng kiến có 15 sáng kiến được duyệt xét, trong đó có việc thành lập các vườn gia đình trồng thực phẩm giúp bài trừ nạn đói tại Haiti, một mạng lưới giáo dục giới trẻ và hướng dẫn tính dục trên điện thoại di động bên Argentina, một dự án cho các trẻ em dưới 3 tuổi sống với mẹ trong các nhà tù nữ giới bên Perù. Tham dự sáng kiến này có các bạn trẻ từ 15 tới 17 tuổi thuộc các nước Argtentina, Cile, Colombia, Costa Rica, Ecuador, Guatemala, Mehico, Paraguay, Uruguay và Haiti.

Linh Tiến Khải
 
Cuộc gặp gỡ giới trẻ Kitô Âu Châu ở Riga, Lettoni
Lm. Trần Đức Anh OP
12:31 27/12/2016
RIGA. Chiều ngày 28-12-2016, cuộc gặp gỡ giới trẻ Kitô Âu Châu lần thứ 39 do Tu viện đại kết Taizé tổ chức, sẽ khai diễn tại thành phố Riga, thủ đô Cộng hòa Lettoni và kéo dài đến ngày 1-1 sắp tới. Tham dự sinh hoạt này có hơn 10 ngàn bạn trẻ Công Giáo, Tin Lành Anh giáo và Chính Thống tuổi từ 17 đến 35, đến từ các nước Âu Châu, đặc biệt từ các nước láng giềng như Ucraina, Bạch Nga và Liên bang Nga, Ba Lan.. Họ được tiếp đón trong các gia đình và các cộng đoàn giáo xứ ở địa phương. Đây là lần đầu tiên một nước cựu cộng sản Liên Xô đón tiếp cuộc gặp gỡ thuộc loại này.

Các vị lãnh đạo Kitô, trong đó có ĐTC Phanxicô, đã gửi sứ điệp chào thăm và khích lệ các bạn trẻ. ĐTC mời gọi họ, ”bằng lời nói và hành động”, hãy chứng tỏ sự ác không phải là tiếng nói cuối cùng trong lịch sử của chúng ta”. Ngài viết ”Ngày nay nhiều người bị chao đảo, thất vọng vì bạo lực, bất công, đau khổ và chia rẽ. Họ có cảm tưởng sự ác mạnh hơn mọi sự. Vì thế, đây là thời điểm thương xót cho tất cả và từng người, để không một ai c thể nghĩ mình xa lạ với sự gần gũi của Thiên Chúa và sức mạnh sự dịu dàng của Chúa”. ĐTC cầu chúc cho những ngày họp mặt này giúp người trẻ không sợ những giới hạn của mình, nhưng tăng trưởng trong niềm tín thác nơi Chúa Giêsu, Đấng tín nhiệm các bạn trẻ”.

Đức Cha Zbignevs Stankevics, TGM giáo phận Công Giáo Riga, ca ngợi sáng kiến của các tu sĩ Taizé bắc những nhịp cầu giữa các tôn giáo, các dân tộc và các nước. Ngài nói: “Trong một thời đại với những cuộc xung đột gia tăng và các bức tường được dựng lên, sự thúc đẩy tinh thần như vậy rất là quan trọng”.

Cả Đức TGM Janis Vanags của Tin Lành Luther ở thủ đô Riga, cũng chào mừng cuộc gặp gỡ giới trẻ Kitô tại đây là một ”biến cố tuyệt vời”. Ngài kêu gọi dân chúng địa phương tỏ ra hiếu khách đối với các bạn trẻ.

Cũng như những lần trước đây, tại Riga, ban sáng các bạn trẻ sinh hoạt tại các giáo xứ, ban chiều họ tập họp để cầu nguyện, ca hát thánh ca và chia sẻ suy tư. Ngoài ra họ cũng có những sinh hoạt văn hóa.

Để chuẩn bị cho những suy tư và trao đổi của giới trẻ tại cuộc gặp gỡ, Thầy Alois Loser, người Đức, tu viện trưởng Taizé, đã đưa ra 4 đề nghị theo chủ đề ”cùng nhau mở những con đường hy vọng”, lấy hứng từ cuộc gặp gỡ mới đây của giới trẻ Taizé ở Cotonou, thủ đô Benin bên Phi châu. (SD 26-12-2016)
 
Câu chuyện Lễ Giáng Sinh xứ Nepal: Bỏ xuống không xong, lại phải đưa lên!
Trần Mạnh Trác
16:11 27/12/2016

Kathmandu (27/12/2016): Lễ Giáng Sinh vẫn là một ngày lễ nghỉ cuả 'mái nhà Thế Giới' xứ Nepal dù cho quốc giáo cuả họ từng là Ấn Độ Giáo.

Là một liên minh với Liên Hiệp Anh, triều đại Hindu cuối cùng cuả Nepal (và cuả Thế Giới) vẫn có tục tố chức ăn mừng Giáng Sinh mỗi năm.

Sự việc thay đổi khi vương triều bị bãi bỏ năm 2008 và các chính phủ liên tiếp nhau đề̀u là những liên minh với đảng Cộng Sản đa số. Tháng 4 vừa qua họ đã bỏ ngày lễ Noel ra khỏi danh sách các ngày lễ nghỉ.

Năm nay Noel rơi vào Chuá Nhật cho nên đạo luật mới cũng trở thành vô dụng, ít ra là cho năm nay. Các cửa hàng và trung tâm mua xắm vẫn trang trí với đồ Giáng sinh, thắp đèn sáng trưng và trang hoàng những cây thông mầu sắc. Kitô hữu vẫn thoải mái hát thánh ca, trao đổi quà tặng, đón chờ giờ giáng sinh cuả Chúa hài đồng. Bầu không khí yêu thương và hoà bình làm cho hàng ngàn người ngoài Kitô giáo cũng đã tham gia vào các lễ hội.

Bẩt ngờ chính phủ Nepal lại phục hồi Giáng sinh làm một ngày lễ quốc gia!

Có người cho rằng sự phục hồi là do những áp lực từ các đảng phái thiểu số. Nhưng dù thế nào chăng nữa thì ngay cả bà Tổng thống Nepal Bidya Devi Bhandari cũng đã dẫn đầu một cuộc liên hoan.

Trong bài phát biểu với các nhà lãnh đạo Kitô giáo, bà hy vọng rằng dịp này "sẽ củng cố cảm xúc yêu thương và sự hiệp nhất giữa các công dân Nepal và truyền cảm hứng cho tất cả mọi người phải tôn trọng Hiến pháp của một Nepal hòa bình và thịnh vượng."

Thủ tướng Pushpa Kamal Dahal cũng bày tỏ mong muốn "hòa bình, hạnh phúc, thịnh vượng, sức khỏe tốt, đoàn kết, và tình huynh đệ với mọi Kitô hữu Nepal ở nhà và ở nước ngoài".

Ngay cả cựu hoàng Nepal là Gyanendra Shah và con trai cũng tham gia ngày lễ. Tuy nhiên một số tín đồ Ấn Độ giáo và các nhà lãnh đạo tinh thần (babas) thủ cựu đã phê phán ông 'vua' với một giọng điệu chua chát. Nhà vua vẫn được coi như biểu hiệu cuả Án Độ giáo, và họ khao khát muốn phục hồi Ấn Độ giáo làm quốc giáo như ngày xưa.
 
Đa số người Mỹ thích dùng lời chúc mừng Giáng Sinh là “Merry Christmas” hơn là dùng cụm từ “ Happy Holidays”.
Giuse Thẩm Nguyễn
18:28 27/12/2016
Kết quả một cuộc thăm dò: Đa số người Mỹ thích dùng lời chúc mừng Giáng Sinh là “Merry Christmas” hơn là dùng cụm từ “ Happy Holidays”.

(CNSNews.com) Theo cuộc thăm dò mới đây của công ty thăm dò Marist, được bảo trợ bởi Hội The Knights of Columbus, (Hội Hiệp Sĩ Columbus) công bố kết quả vào hôm thứ năm thì có tới 20 phần trăm điểm hơn số người Mỹ thích chúc mừng Giáng Sinh cho nhau bằng “ Merry Christmas” thay vì dùng lời chúc vô nghĩa “Happy Holidays”

Trong số 1,005 người trưởng thành tham gia cuộc thăm dò, có gần sáu trong mười người (57 phần trăm) nói rằng họ thích chúc nhau “Merry Christmas” thay vì dùng “Happy Holidays.”

Carl Anderson, Giám Đốc điều hành của Hội Hiệp Sĩ Columbus cho biết đa số người Mỹ tổ chức mừng lễ Chúa Giáng Sinh và thích dùng lời chúc mừng cho nhau là “Merry Christmas”. Tổ chức mừng lễ Giáng Sinh là để nhắc cho mọi người nhớ đến việc Chúa Cứu Thế đã giáng trần vì yêu thương chúng ta và dạy chúng ta biết yêu thương nhau.

Cũng theo Marist thì có tới tám trong mười người (79 phần trăm) người Mỹ cho rằng và mạnh mẽ cho rằng ý nghĩa của lễ Giáng Sinh là kỷ niệm ngày Chúa Giêsu sinh ra cho chúng ta. Sáu mươi ba phần trăm người Mỹ nghĩ đến việc tham dự thánh lễ Giáng Sinh để mừng ngày lễ Giáng Sinh.

Cuộc thăm dò được thực hiện từ ngày 1 đến 9 tháng Mười Hai với các người từ 18 tuổi và lớn hơn.

Trong cuộc phỏng vấn mới đây với NPR (National Public Radio, tạm dịch là Phát Thanh Quốc Gia) thì Tổng Thống Obama là người đã gây ra cuộc tranh cãi này khi ông nói “Happy Holidays” thay vì nói “Merry Christmas.”

Tổng thống đắc cử Donald Trump trong các cuộc vận động tranh cử, thường chống lại việc dùng “Happy Holidays” thay cho “Merry Christmas”. Vào đầu tháng này khi đến với cuộc biểu tình để tỏ lòng “cám ơn”, ông đã phát biểu rằng “Còn về các cửa hàng bán đồ trong dịp Giáng sinh, họ có treo chuông, có những bức tường màu đỏ, có trưng bày tuyết, nhưng họ thiếu câu chúc mừng Giáng Sinh “ Merry Christmas”. Tôi nghĩ họ nên bắt đầu trưng lên những lời chúc mừng “Merry Christmas.”

Giuse Thẩm Nguyễn
 
Nữ Hoàng Anh Elizabeth II ca ngợi Mẹ Têrêsa trong thông điệp Giáng Sinh.
Biển Đức Phan Anh
21:00 27/12/2016

Trong thông điệp Giáng sinh truyền thống, Nữ Hoàng Anh Elizabeth II bày tỏ lòng ngưỡng mộ với Mẹ Têrêsa thành Kolkata, nói rằng những người bình thường vẫn có thể làm được những điều phi thường với sự cống hiến âm thầm của họ.

Vị nữ hoàng 90 tuổi nói nhiều về những người mà bà đã được cảm hứng như những lực sĩ đoạt huy chương của Vương quốc Anh trong thế vận hội Olympic và Paralympic năm nay, cũng như các bác sĩ, y tá và phi hành đoàn mà bà đã gặp trong khi khai mạc một cơ sở cứu cấp bằng trực thăng East Anglian Air Ambulance. Sau đó, bà nói thêm: "Để truyền cảm hứng, bạn không cần phải cứu sống một người hoặc giành được một huy chương."

Bà cho biết đã thường xuyên được tăng thêm "sức mạnh từ những cuộc gặp gỡ với những người bình thường làm nên những chuyện phi thường: Tình nguyện viên, người chăm sóc bệnh nhân, người tổ chức cộng đồng và các láng giềng tốt, những anh hùng vô danh mà những cống hiến âm thầm làm cho họ thêm phần đặc biệt" "Họ là một nguồn cảm hứng cho những người biết họ, và cuộc sống của họ thường xuyên thể hiện một sự thật như được bày tỏ bởi Mẹ Têrêsa, nay được gọi là Thánh Têrêsa Calcutta," Nữ hoàng nói.

Bà nhớ lại Mẹ Têrêsa đã từng nói: "Không phải tất cả chúng ta đều có thể làm những điều tuyệt vời - nhưng chúng ta có thể làm những việc nhỏ với một tình yêu lớn. "

Nữ hoàng nói rằng bà biết đôi khi các vấn đề của thế giới dường như là quá lớn đối với một cá nhân có thể gây ảnh hưởng. "Như chúng ta đây, chúng ta không thể kết thúc chiến tranh hoặc xóa bỏ bất công .. Nhưng tác động tích lũy của hàng ngàn hành vi nhỏ phát xuất từ lòng tốt có thể là lớn hơn, hơn là chúng ta tưởng."
 
10 sự kiện Công giáo nổi bật trong năm 2016
Chân Phương
22:28 27/12/2016
10 sự kiện Công Giáo nổi bật trong năm 2016

1. Vụ giết hại Cha Jacques Hamel tại một nhà thờ ở Normandy (Pháp)

Hồi Tháng Bảy, đang khi Cha Hamel (86 tuổi) cử hành Thánh Lễ tại nhà thờ St Etienne-du-Rouvray tỉnh Normandie (Pháp) thì hai kẻ tấn công thuộc ISIS xông vào nhà thờ. Các nhân chứng kể lại rằng vị linh mục đã thốt lên: "Satan hãy cút đi!" trước khi chúng cắt cổ ngài.

Sau đó, Đức Giáo Hoàng Phanxicô gọi là Cha Hamel là một vị tử đạo.

2. Hàng triệu bạn trẻ tham dự Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới tại Kraków (Ba Lan)

Đức Thánh Cha Phanxicô đã có một bức ảnh selfie với các bạn trẻ Công Giáo trẻ sau khi ngài ăn trưa với họ tại Tòa tổng giám mục Kraków vào cuối Tháng Bảy.

Ngài đã cử hành Thánh Lễ bế mạc Đại Hội với sự hiện diện của hơn một triệu bạn trẻ.

Cuộc tông du này, bao gồm một chuyến viếng thăm tới trại tập trung Auschwitz, là chuyến đi đầu tiên của Đức Thánh Cha Phanxicô đến Đông Âu.

3. Phát hành Tông Huấn Amoris Laetitia (Niềm vui của Tình yêu) và xảy ra cuộc tranh luận 'dubia'

Hồi Tháng Tư, Đức Thánh Cha công bố một Tông huấn của ngài về hôn nhân và gia đình dày 255 trang.

Đến Tháng Chín, nhằm muốn có sự rõ ràng về vấn đề ly dị, tái hôn và rước lễ, bốn Hồng Y cùng nộp một bản 'dubia' (yêu sách giải thích) lên Đức Thánh Cha Phanxicô. Ngài đã từ chối trả lời họ.

4. Lễ tuyên thánh cho Mẹ Têrêsa

Sau một tiến trình điều tra nhanh chóng về án tuyên thánh, Đức Thánh Cha Phanxicô đã cử hành lễ tuyên thánh cho Mẹ Têrêsa vào Tháng Chín.

Các nữ tu đã quy tụ về Nhà Mẹ của Hội Thừa sai Bác ái ở Calcutta để theo dõi buổi lễ này.

5. Đức Thánh Cha Phanxicô mời người tị nạn đến sống ở Vatican

Sau chuyến thăm một trại tị nạn trên đảo Lesbos của Hy Lạp với Đức Thượng phụ Đại kết Batôlômêô I, Đức Thánh Cha Phanxicô đã thành lập một nhà lưu trú ở Vatican cho 12 người tị nạn Syria.

Những người tị nạn này được lựa chọn bởi xổ số ngẫu nhiên.

6. Bế mạc Năm Thánh Lòng Thương Xót

Năm Thánh Lòng Thương Xót tập trung vào việc làm bác ái và tha thứ.

Đức Thánh Cha Phanxicô nói rằng chuyến thăm hồi Tháng Chín của ngài tới phòng trẻ sơ sinh của bệnh viện San Giovanni ở Rôma là một kỷ niệm quan trọng nhất của ngài trong năm nay.

7. Đức Thánh Cha Phanxicô thăm Thụy Điển để kỉ niệm 500 năm Cải cách Tin Lành

Tại một buổi cầu nguyện đại kết ở Thụy Điển đánh dấu kỷ niệm cuộc cải cách Tin Lành diễn ra hồi Tháng Mười, Đức Thánh Cha kêu gọi hòa giải giữa các Kitô hữu.

Ngài đã gặp gỡ Tổng Giám mục Lutheran Ante Jackelén - Giáo trưởng của Giáo Hội Tin Lành Thụy Điển - trong một nỗ lực hàn gắn mối quan hệ giữa người Công Giáo và Tin Lành.

8. Kitô hữu Iraq trở về những ngôi nhà thờ đã được giải phóng

Một cuộc tấn công của quân đội Iraq đã giúp Kitô hữu trở về quê hương của họ gần Mosul.

Trong bức ảnh này, một người đàn bà Kitô hữu xúc động khóc khi bước vào nhà thờ St Addai, vốn đã bị chiến binh ISIS làm hư hại trong các vụ tấn công của chúng tại làng Keramlis. Tiếng chuông nhà thờ lần đầu tiên vang lên trong hơn hai năm qua kêu gọi Kitô hữu đến tụ họp để thờ phượng.

9. Người Công Giáo giúp Donald Trump thắng cử

Donald Trump đã chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống Hoa Kỳ hồi Tháng Mười Một.

Cử tri Công Giáo đã giúp ông đắc cử Tổng thống. Thăm dò cho thấy rằng người Công Giáo bình chọn 52% cho tổng thống đắc cử và 45% cho Hillary Clinton.

10. Đức Hồng Y Sarah kêu gọi các linh mục bắt đầu cử hành Thánh Lễ quay mặt về hướng đông

Tại một hội nghị ở London, Đức Hồng Y Robert Sarah kêu gọi các linh mục quay mặt về hướng đông khi cử hành Thánh Lễ.

Ngài nói: "Quan trọng là chúng ta trở về một mẫu thức chung càng sớm càng tốt, đó là các linh mục và giáo dân quay lại với nhau theo cùng một hướng - hướng về phía đông hoặc ít nhất là hướng mái vòm nhà thờ - nơi Chúa ngự đến".

Vatican đã bác bỏ đề nghị này.

Chân Phương
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Hình ảnh lễ Vọng Giáng Sinh tại CĐCG VN Houston, Texas
Nguyễn Ký
11:56 27/12/2016
HOUSTON - Đức Hồng Y Daniel Dinazdo, Hồng Y, tổng giám mục Giáo Phận Galvesto Houston Texas, cũng là chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ. Ngài chủ tế dâng thánh lễ lễ Vọng Giáng Sinh cho hơn 6000 người Công Giáo Việt Nam tại tổng giáo phận vào lúc 6 giờ chiều thứ Bảy ngày 24/12/2016.

Hình ảnh

Thánh lễ cử hành tại Trung Tâm George Brown Convention. Cha Gioan Vianey Nguyễn Ngọc Thụ, Đại Diện Đức Hồng Y và Cộng Đồng Giáo Dân Tổng Giáo phận trao trách nhiện cho Giáo xứ Đức Mẹ La Vang đứng ra đều hợp chương trình chung của Tổng Giáo Phận; Cùng đóng gióp với Đại Lễ, Ca Đoàn Tổng Hợp Giáo Xứ Đức Mẹ La Vang với 150 ca viên cùng với 70 em Thiếu Nhi hát phần diễn nguyện bắt đầu lúc 5 giờ và hát trong thánh lễ bắt đầu lúc 6 giờ PM.

Trong bài chia sẻ Ngài nhấn mạnh đến các Bạn trẻ Việt nam còn rất hăng say tham dự các thánh lễ và hoạt động của các Giáo Xứ tại đây. Ngài cui4ng mời gọi mọi người cùng hướng về Hang Đá để nhìn thẩm thấu hơn về ơn gọi nhất là những thành công của những người di dân: Dù phải đối diện với nhiều đau khổ nhưng có được một cuộc sống tương đối để còn thời gian đến với Chúa. Thánh lễ đã kết thúc lúc 7 giờ 30 PM với nhiều niềm vui trên mọi khuôn mặt mừng Chúa Giáng Sinh.
 
Chương Trình Thăng Tiến Hôn Nhân Gia Đình TGP Sydney Mừng Bổn Mạng.
Diệp Hải Dung
09:08 27/12/2016
Chương Trình Thăng Tiến Hôn Nhân Gia Đình TGP Sydney Mừng Bổn Mạng.

Chiều Thứ Hai 26/12/2016 rất đông đủ các anh chị em Song Nguyền và Quan Khách đã đến nhà thờ St. Luke Revesby Sydney tham dự Thánh lễ mừng kính Thánh Gia Thất là Quan Thầy của Chương Trình Thăng Tiến Hôn Nhân Gia Đình thuộc TGP Sydney.

Xem Hình

Cha Tuyên úy Trưởng Bùi Sơn Lâm Linh Nguyền ngỏ lời chúc mừng Bổn Mạng và sau đó cùng với quý Cha Nguyễn Văn Tuyết, Cha Nguyễn Thái Hoạch và Cha Bùi Xuân Mỹ cùng hiệp dâng Thánh lễ tạ ơn.

Trong bài giảng Cha Bùi Xuân Mỹ nói về chủ yếu của Chương Trình Thăng Tiến Hôn Nhân Gia Đình là thấy lỗi nhận lỗi, xin lỗi và sửa lỗi và Cha cũng nhắc lại lời của Thánh Giáo Hoàng Gioan XXIII “gia đình nào mà người chồng hoặc người vợ và con cái biết quên mình lo cho nhau..thì gia đình đó hạnh phúc nhất…

Kế tiếp các anh chị em Song Nguyền mừng kỷ niệm 10 năm, 15 năm 20 năm, 25 năm…với nghi thức “Lập lại lời Thệ Hôn” các anh chị em Song Nguyền cùng giơ tay đeo nhẫn cưới lập lại lời thề hứa trước bàn thờ và Cha Linh Nguyền rảy nước Thánh chúc lành cho các anh chị em.

Trước khi kết thúc Thánh lễ, anh chị Chủ Nguyền Xuân Yến ngỏ lời cám ơn Qúy Cha Linh Nguyền, quý quan khách và mọi người đã đến tham dự Thánh lễ mừng Bổn Mạng của Chương Trình Thăng Tiến Hôn Nhân Gia Đình TGP Sydney.

Thánh lễ kết thúc, các anh chị em Song Nguyền đến nhà hàng Crystal Palace Canley Heights tham dự tiệc liên hoan mừng Bổn Mạng và tham gia chương trình văn nghệ với những tiết mục ca, vũ, hoạt cảnh rất đặc sắc do các anh chị em Song Nguyền trình diễn. Đặc biệt Cha Dương Thanh Liêm Chính xứ Thánh Tâm Cabramatta cũng đến chúc mừng Bổn Mạng và giúp vui văn nghệ.

Diệp Hải Dung
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Bạn Hữu
Joseph Ngọc Phạm
19:19 27/12/2016
BẠN HỮU
Ảnh của Joseph Ngọc Phạm
Bước đường đời bao trắc trở gian nan
Đừng một mình cúi đầu đi lặng lẽ
Hãy chung tay mình cùng nhau san sẻ
Chút cơ hàn bớt nặng gánh đôi vai.
(Trích thơ của Thiên Gia Bảo)