Ngày 07-12-2021
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội 8/12/2021 dành cho những người không thể đến nhà thờ
Giáo Hội Năm Châu
02:16 07/12/2021

BÀI ĐỌC I: St 3, 9-15. 20

“Ta sẽ đặt mối thù nghịch giữa miêu duệ mi và miêu duệ người phụ nữ“.

Bài trích sách Sáng Thế.

Thiên Chúa đã gọi Ađam và phán bảo ông rằng: “Ngươi đang ở đâu?” Ông đã thưa: “Con nghe thấy tiếng Ngài trong vườn địa đàng, nhưng con sợ hãi, vì con trần truồng và con đang ẩn núp”. Chúa phán bảo ông rằng: “Ai đã chỉ cho ngươi biết rằng ngươi trần truồng, há chẳng phải tại ngươi đã ăn trái cây mà Ta cấm ngươi không được ăn ư?” Ađam thưa lại: “Người phụ nữ Chúa đã cho làm bạn với con, chính nàng đã cho con trái cây và con đã ăn”. Và Thiên Chúa phán bảo người phụ nữ rằng: “Tại sao ngươi đã làm điều đó?” Người phụ nữ thưa: “Con rắn đã lừa dối con và con đã ăn”. Thiên Chúa phán bảo con rắn: “Bởi mi đã làm điều đó, mi sẽ vô phúc ở giữa mọi sinh vật và mọi muông thú địa cầu; mi sẽ bò đi bằng bụng, và mi sẽ ăn bùn đất mọi ngày trong đời mi. Ta sẽ đặt mối thù nghịch giữa mi và người phụ nữ, giữa miêu duệ mi và miêu duệ người đó, người miêu duệ đó sẽ đạp nát đầu mi, còn mi thì sẽ rình cắn gót chân người”. Và Ađam đã gọi tên vợ mình là Evà: vì lẽ bà là mẹ của chúng sinh.

Ðó là lời Chúa.

ĐÁP CA: Tv 97, 1. 2-3ab. 3cd-4

Ðáp: Hãy ca tụng Chúa một bài ca mới, vì Người đã làm nên những điều huyền diệu (c. 1a).

1) Hãy ca tụng Chúa một bài ca mới, vì Người đã làm nên những điều huyền diệu. Tay hữu Người đã tạo cho Người cuộc chiến thắng, cùng với cánh tay thánh thiện của Người.

2) Chúa đã công bố ơn cứu độ của Người, trước mặt chư dân Người tỏ rõ đức công minh. Người đã nhớ lại lòng nhân hậu và trung thành để sủng ái nhà Israel.

3) Khắp cùng bờ cõi trái đất, đã nhìn thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa chúng ta. Toàn thể địa cầu, hãy reo mừng Chúa, hãy hoan hỉ mừng vui, và đàn ca.

BÀI ĐỌC II: Ep 1, 3-6. 11-12

“Từ trước khi tạo thành vũ trụ, Thiên Chúa đã kén chọn chúng ta trong Ðức Kitô”.

Bài trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Êphêxô.

Anh em thân mến, chúc tụng Thiên Chúa và là Cha của Chúa Giêsu Kitô, Chúa chúng ta: Người đã chúc phúc cho chúng ta bằng mọi phúc lộc thiêng liêng ở trên trời trong Ðức Kitô. Bởi Người đã kén chọn chúng ta trong Ðức Kitô từ trước khi tạo thành vũ trụ, hầu cho chúng ta được thánh thiện và tinh tuyền trước mặt Người. Trong tình thương, Người đã tiền định cho chúng ta được làm dưỡng tử đối với Người, qua Ðức Giêsu Kitô, theo như ý Người sở định, cho được ca ngợi vinh quang ân sủng của Người, ân sủng mà Người ban tặng chúng ta trong Con yêu quý của Người. Cũng trong Ðức Kitô, chúng ta đã được chọn trước làm phần gia nghiệp, chiếu theo chương trình tiền định của Ðấng tác thành mọi sự theo như ý Mình sở định, hầu cho chúng ta ca tụng vinh quang Người, chúng ta là những người đã đặt niềm hy vọng trước trong Ðức Kitô.

Ðó là lời Chúa.

ALLELUIA:

All. All. – Kính chào Trinh Nữ Maria đầy ơn phúc, Thiên Chúa ở cùng Trinh Nữ, Trinh Nữ có phúc hơn các người nữ. – All.

PHÚC ÂM: Lc 1, 26-38

“Chào Trinh Nữ đầy ân sủng, Chúa ở cùng Trinh Nữ“.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Khi ấy, thiên thần Gabriel được Chúa sai đến một thành xứ Galilêa, tên là Nagiarét, đến với một trinh nữ đã đính hôn với một người tên là Giuse, thuộc chi họ Ðavít, trinh nữ ấy tên là Maria. Thiên thần vào nhà trinh nữ và chào rằng: “Kính chào trinh nữ đầy ơn phúc, Thiên Chúa ở cùng trinh nữ, trinh nữ có phúc hơn các người nữ”. Nghe lời đó, trinh nữ bối rối và tự hỏi lời chào đó có ý nghĩa gì. Thiên thần liền thưa: “Maria đừng sợ, vì đã được ơn nghĩa với Chúa. Này trinh nữ sẽ thụ thai, hạ sinh một Con trai và đặt tên là Giêsu. Người sẽ nên cao trọng và được gọi là Con Ðấng Tối Cao. Thiên Chúa sẽ ban cho Người ngôi báu Ðavít tổ phụ Người. Người sẽ cai trị đời đời trong nhà Giacóp và triều đại Người sẽ vô tận!” Nhưng Maria liền thưa với Thiên Thần: “Việc đó xảy đến thế nào được, vì tôi không biết đến người nam?” Thiên thần thưa: “Chúa Thánh Thần sẽ đến với trinh nữ và uy quyền Ðấng Tối Cao sẽ bao trùm trinh nữ. Vì thế Ðấng trinh nữ sinh ra sẽ là Ðấng Thánh và được gọi là Con Thiên Chúa. Và này, Isave chị họ trinh nữ cũng đã thụ thai con trai trong lúc tuổi già và nay đã mang thai được sáu tháng, người mà thiên hạ gọi là son sẻ; vì không có việc gì mà Chúa không làm được”. Maria liền thưa: “Này tôi là tôi tớ Chúa, tôi xin vâng như lời Thiên thần truyền”. Và Thiên Thần cáo biệt trinh nữ.

Ðó là lời Chúa.
 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
19:15 07/12/2021

6. Con người ta càng thuận theo tình cảm lệch lạc, thì ý nguyện khắc phục tình cảm lệch lạc càng ít.

(Thánh Dorothy)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Trích dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")


-----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
19:18 07/12/2021
31. BỤNG ĐẦY MỰC

Có một vị tiến sĩ đã uống một hộc mực, mọi người đều khen nói:

- “Như thế có thể khai phá luồng suy nghĩ để viết văn chương”.

Một người bạn của tiến sĩ cũng làm y như thế, sau khi uống mực xong thì khoe khoang nói với khách:

- “Ai dà, bây giờ có mấy văn nhân trong bụng không có một chút mực, nhưng thường ngâm thơ làm văn, thuật kỳ đạo quái, làm nhục người trí thức, đến như danh dự của chúng ta cũng liên đới mà bị tổn hại”.

Khách biết rằng trong bụng anh ta không có tư tưởng gì, bèn giả bộ lấy cái quạt xin ông ta đề vào một bài thơ, và nói sẽ tặng ông ta thù lao xứng đáng, nhưng ông ta lại nói:

- “Tôi chỉ sợ trong bụng mực quá nhiều, cái quạt nhỏ không đủ để chứa”.

Bèn dùng ngón tay moi trong cổ họng để ói ra mực đã uống, không ngờ cổ họng bị thương, nên mực đã ra hết, máu cũng ra theo chảy đầm đề.

Khách cả kinh, hỏi anh ta lý do, anh ta nói:

- “Tâm can của tôi cũng thổ ra luôn”.

(Khán Sơn Các Nhàn bút)

Suy tư 31:

Cái làm cho con người ta mất đi bản sắc anh hùng là ghen tỵ, cái làm cho con người ta thiếu đức bác ái là ghen tỵ, cái làm cho con người ta dễ dàng nóng giận chấp xét người khác cũng là ghen tỵ.

Ghen tỵ -nói nôm na- là thấy người khác hơn mình thì đem lòng tức tối, thấy người khác khen ngợi bạn bè mình trước mặt mình thì khó chịu và chê bai người bạn ấy.

Ghen tỵ là tuyệt chiêu của ma quỷ dùng để đánh phá sự hiệp nhất của cộng đoàn, phá hoại đền thờ của Thiên Chúa là tâm hồn con người, cắt đứt tình yêu và sự cảm thông giữa con người với nhau.

Ghen tỵ là tuyệt chiêu của ma quỷ đánh vào con người không chừa một ai, nhất là những người thông thái, giỏi giang, trí óc sắc bén nhưng không có tâm hồn khiêm tốn, để gây ra những bè phái chống đối Giáo Hội, chia rẻ cộng đoàn và gieo rắc tư tưởng bất mãn chống đối nơi người khác.

Ghen tỵ là bởi kiêu ngạo mà ra, mà tuyệt chiêu để khắc chế kiêu ngạo chính là hiền lành và khiêm nhượng trong lòng.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
ĐTC Phanxicô : Đức TGM Aupetit Là Nạn Nhân Của Điều Tiếng Thị Phi
Lê Đình Thông
10:21 07/12/2021
Thứ hai 6/12, trên chuyến bay từ Athènes về Roma, trả lời câu hỏi của báo chí, ĐTC Phanxicô đã cho rằng Đức TGM Michel Aupetit là nạn nhân của điều tiếng thị phi.

Ngày 2/12, Đức TGM Aupetit đã thỉnh cầu ĐTC Phanxicô quyết định sau bài báo đăng trên tờ Le Point về mối liên hệ với một phụ nữ vào năm 2012 và vấn đề lãnh đạo giáo phận.

ĐTC Phanxicô nói không biết sự việc xảy ra nghiêm trọng tới mức nào khiến Đức TGM Aupetit phải xin ý kiến của Tòa Thánh. Ngài nói : ‘‘Nếu không biết rõ nguyên nhân thì không thể kết luận được. Chính công luận và điều thị phi đã kết án Đức TGM Aupetit.’’

Vị giáo hoàng thứ 266 nói tiếp : ‘‘Đó là lỗi phạm phải điều răn thứ 6, dù chỉ là sự mơn trớn đối với người nữ thư ký.’’ Ngài đã phạm tội, cũng như tôi, cũng như thánh Phêrô, vị giám mục tiên khởi của Hội thánh. Cộng đoàn thời ấy liệu có chấp nhận vị giám mục phạm tôi hay không. Tôi chấp nhận đơn từ chức không dựa trên cơ sở sự thật.’’

Sau đây là phần chính trao đổi giữa ĐTC Phanxicô và nhà báo Cécile Chambraud của nhật báo Le Monde.

Cécile Chambraud : Ngoài ra, phải chăng còn vấn đề lãnh đạo giáo phận?

ĐTC Phanxicô : Hãy điều tra sự việc. Thật là nguy hiểm khi nói rằng ông ta đã bị kết án. Ai kết án ông? Đó chính là công luận, là thị phi. Nếu biết rõ, xin hãy nói ra. Bằng không, tôi không thể trả lời. Việc chối bỏ thực tế, tính kiêu ngạo, thù hận mới là trọng tội.

Một khi điều thị phi được thổi phồng sẽ làm tiêu tan thanh danh của một người, họ không còn uy tín để lãnh đạo. Chính vì vậy, tôi chấp nhận đơn từ chức của Đức TGM Aupetit, không phải căn cứ vào điều đúng sai mà chỉ dựa trên công luận.’’

Lê Đình Thông
 
Đức Thánh Cha Phanxicô có thể thăm Ukraine trong tương lai gần
Đặng Tự Do
16:51 07/12/2021


Đức Thánh Cha Phanxicô có thể thăm Ukraine trong tương lai gần, Đức Tổng Giám Mục Sviatoslav Shevchuk, nhà lãnh đạo của Giáo Hội Công Giáo Đông phương Ukraine cho biết tại Diễn đàn An ninh Kiev.

“Vài tuần trước, tôi đã có cơ hội trao đổi cá nhân với Đức Giáo Hoàng Phanxicô về Ukraine. Ngài rất lo lắng cho số phận của những người dân thường. Những người ngày nay có thể không được lắng nghe”.

Đức Tổng Giám Mục Sviatoslav thông báo rằng chuyến thăm của Đức Giáo Hoàng tới Ukraine có thể sớm diễn ra.

“Chúng tôi có tin tốt. Chúng tôi mong đợi chuyến thăm của ngài đến Ukraine sẽ sớm diễn ra. Điều này vẫn chưa được công bố, nhưng chúng tôi đã sống trong dự đoán và chuẩn bị”.

Ngài nói: “Đây là một tín hiệu rất mạnh mẽ về sự ủng hộ đối với người dân và nhà nước của chúng ta”.
Source:Interfax
 
Hội Đồng Giám Mục Mỹ báo cáo về phép lạ không thể giải thích được do bé gái 12 tuổi thực hiện
Đặng Tự Do
16:52 07/12/2021


Một cô gái Louisiana thường được gọi là “Thánh Cajun nhỏ” đã được tiến thêm một bước thứ hai để trở thành thánh thực sự, cùng với một giáo viên đã gõ cửa từng nhà để truyền giáo ở vùng nông thôn Cajun và một người đàn ông đã làm việc trong nhiều thập kỷ tại một trại cùi ở Hawaii.

Trong cuộc họp vào tháng 11 tại Baltimore, Hội đồng Giám mục Hoa Kỳ đã tổ chức các cuộc bỏ phiếu để thúc đẩy án phong chân phước và phong thánh cho Charlene Richard của giáo phận Richard, August “Nonco” Pelafigue của giáo phận Arnaudville, và Ira Barnes Dutton, người đã lấy tên là Joseph Dutton khi ông cải sang đạo Công Giáo.

“Thật là một khoảnh khắc vui mừng khi nghe một cuộc bỏ phiếu đồng lòng ủng hộ việc chúng ta theo đuổi cả hai án phong chân phước và phong thánh cho cả hai giáo dân địa phương của Giáo phận chúng ta,” Đức Cha Douglas Deshotel của Giáo phận Lafayette cho biết trong một thông cáo báo chí.

Giáo phận cho biết, giờ đây cả các giáo xứ địa phương và các giám mục đều thấy các vị nêu trên rất xứng đáng, Bộ Tuyên thánh của Vatican sẽ tìm hiểu cuộc sống của các ứng viên và điều tra bất kỳ phép lạ nào được cho là nhờ lời cầu bầu của các vị này.

Richard mới 12 tuổi khi cô chết vì bệnh bạch cầu năm 1959. Pelafigue mất năm 1977 ở tuổi 89. Dutton, 87 tuổi, qua đời năm 1931.

Thông cáo của giáo phận cho biết: Một ứng viên khác từ Giáo phận Lafayette là một linh mục tình nguyện làm tuyên úy quân đội trong Thế chiến thứ hai và chết trong khi là tù nhân chiến tranh năm 1944 - đã được đề xuất trong cuộc họp mùa xuân của các giám mục.

Thông cáo của Hội đồng Giám mục Hoa Kỳ, gọi tắt là USCCB, cho biết Richard qua đời tại bệnh viện Đức Mẹ Lộ Đức ở Lafayette khoảng hai tuần sau khi tuyên úy của bệnh viện nói với cô rằng bệnh của cô đã ở giai đoạn cuối.

“Mặc dù căn bệnh đau đớn, Charlene vẫn vui vẻ, hiền lành chấp nhận số phận của mình và dâng lên Chúa những đau khổ của mình. Trong khi hấp hối, cô gái trẻ đã cầu nguyện cho những người khác được chữa lành hoặc cải sang đạo Công Giáo”.

Bản tuyên bố của USCCB nhấn mạnh rằng: Tuyên úy và giám đốc điều dưỡng của bệnh viện đều khẳng định rằng những người cô cầu nguyện đã được chữa lành hoặc cải đạo.

Hàng nghìn người đến thăm mộ cô mỗi năm. Charlene được tin là đã chữa khỏi bệnh viêm não chi có khả năng gây tử vong rất cao cho một phụ nữ Chicago, là người đã đưa tay lên mộ cô.

Pelafigue là cư dân lâu năm của Arnaudville. Ông là một giáo viên, một nhà sản xuất các vở kịch dành cho trẻ em và một nhà truyền giáo từng nhà, người đã cống hiến cuộc đời mình cho Thánh Tâm Chúa Giêsu.

Cha mẹ Dutton chuyển từ Vermont đến Wisconsin khi anh khoảng 4 tuổi. Ông đã cải đạo sang Công Giáo vào sinh nhật lần thứ 40 vào năm 1883, ở Memphis, Tennessee. Sự cải đạo của ông và 35 năm làm việc trong khu bệnh cùi ở Molokai là một phần trong ước muốn đền tội cho cái mà ông gọi là “thập kỷ bê tha” của mình - một thời kỳ khó khăn bắt đầu vào năm 1867, sau khi vợ ông rời bỏ ông.
Source:Crux
 
Từ Syria đến Slovakia, các tòa nhà được thắp sáng để nêu bật tình cảnh bị bách hại của các tín hữu Kitô
Đặng Tự Do
16:52 07/12/2021


Hàng trăm tòa nhà trên khắp thế giới đã được thắp sáng trong tình liên đới với các tín hữu Kitô bị đàn áp trong Tuần lễ Đỏ, một sự kiện thường niên do tổ chức bác ái Trợ Giúp Các Giáo Hội Đau Khổ, gọi tắt là ACN tổ chức.

Lễ kỷ niệm năm nay, từ ngày 17 đến 24 tháng 11, đánh dấu lần đầu tiên các quốc gia Đông Âu như Ukraine và Bosnia và Herzegovina tham gia sự kiện này, với Nhà thờ Công Giáo Đông phương Chúa Kitô Phục sinh và nhà thờ chính tòa Sarajevo đã được chiếu sáng bằng màu đỏ.

Một điểm nổi bật khác là sự tham gia của Nhà thờ Công Giáo Maronite Thánh Elijah ở Aleppo, Syria. Nhà thờ bị hư hại nặng trong cuộc chiến đang diễn ra của đất nước nhưng được xây dựng lại với sự giúp đỡ của ACN.

Cũng được thắp sáng bằng màu đỏ là nhà thờ Sacré-Cœur, nghĩa là Thánh Tâm, ở thủ đô Paris của Pháp, và các nhà thờ lớn ở Sydney, Melbourne, và Hobart ở Úc.

Vào Thứ Tư Đỏ, ngày cuối cùng của Tuần lễ Đỏ, ACN đã công bố một báo cáo cho thấy việc đối xử với phụ nữ và trẻ em gái thiểu số theo Kitô Giáo ở các vùng của Phi Châu, Trung Đông và Nam Á đang là một “thảm họa nhân quyền”. Chẳng hạn như tại Pakistan, đã có hàng trăm trường hợp bọn côn đồ Hồi Giáo xông vào tận nhà bắt cóc các thiếu nữ Kitô cưỡng hiếp, ép kết hôn và cải sang đạo Hồi.

Vào đầu Tuần lễ Đỏ, tổ chức giáo hoàng thông báo họ đã quyên góp 5.6 triệu đô la để giúp các cộng đồng Kitô Giáo ở Li Băng và Syria.
Source:Catholic News Agency
 
Hội Đồng Giám Mục Công Giáo Hoa Kỳ : Mầu Nhiệm Thánh Thể Trong Đời Sống Hội Thánh
Phạm Xuân Khôi dịch
19:21 07/12/2021
Hội Đồng Giám Mục Công Giáo Hoa Kỳ : Mầu Nhiệm Thánh Thể Trong Đời Sống Hội Thánh

Lời người dịch:

Dưới đây là bản dịch tài liệu The Mystery of the Eucharist in the Life of the Church được đăng trong trang web https://www.usccb.org/resources/mystery-eucharist-life-church của Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ. Chúng tôi chỉ dịch bản văn của tài liệu mà không dịch phần ghi chú vì có một số tài liệu đã được dịch, và có một số tài liệu chưa được dịch ra tiếng Việt, nên không hoàn toàn cần thiết cho những ai chỉ cần đọc tiếng Việt.

Để giúp độc giả hiểu bối cảnh của tài liệu này, chúng tôi xin trình bày lý do tại sao các Giám mục Hoa Kỳ ban hành nó. Trong cuộc họp Khoáng Đại Mùa Xuân vừa qua của Hội Đồng Giám Mục Hoa kỳ vào tháng 6, nhiều người nghĩ rằng các Giám mục sẽ bỏ phiếu cho phép hay không cho phép các chính trị gia ủng hộ phá thai và hôn nhân đồng tính rước lễ. Thực ra chủ đề này thậm chí không có trong chương trình nghị sự của các ngài. Sau phiên họp, các Giám mục đã đúc kết các góp ý và ủy thác cho Ủy Ban Giáo Lý soạn thảo tài liệu cuối cùng và tài liệu này đã được các ngài phê trong phiên Họp Khoáng Đại Mùa Thu từ ngày16 đến 18 tháng 11 năm 2021.

Sau phiên họp này, nhiều người đã kết án các Giám mục là hèn nhát vì họ chỉ đọc những tin tức trên báo chí. Chẳng hạn như tờ Washington Examiner đã đăng một bài giật gân với tựa đề “Catholic bishops adopt Communion document that doesn't mention politicians who favor abortion access – Các Giám mục Công Giáo chấp nhận tài liệu không đề cập gì đến các chính trị gia ủng hộ phá thai” và họ viết thêm rằng “The Catholic bishops of the United States have paved the way for President Joe Biden to continue receiving Holy Communion despite his opposition to some tenets of Catholic social teaching – Các Giám mục Công Giáo đã dọn đường cho Tổng Thống Joe Biden tiếp tục rước lễ bất chấp việc ông chống lại một số giáo lý của giáo huấn về Xã hội của Công Giáo.”

Có thực sự như vậy không?

Xin quý đôc giả đọc bản dịch tài liệu “Mầu nhiệm Thánh Thể trong Đời sống Hội Thánh” thì rõ.

Thực ra, đây là một bài giáo lý rất súc tích về Bí Tích Thánh Thể, trong đó bao gồm những điều tối thiểu mà mọi tín hữu cần phải biết để có thể hưởng được những ơn ích từ MẦU NHỆM cao trọng này. Vì những nhạy cảm về mục vụ và theo tinh thần của Công Đồng Vaticanô II là dùng liều thuốc Thương Xót, thay vì lên án để hoán cải những người sai lạc, các Giám mục đã không trực tiếp nêu đích danh các chính trị gia phò sự chết, nhưng nhắc cho tất cả mọi người các giáo huấn rất minh bạch về những nguy hiểm đang chờ đợi linh hồn bất cứ ai còn tiếp tục cố chấp thực hành hay ủng hộ những điều trái ngược với đức tin Công Giáo mà vẫn tiếp tục rước lễ, đồng thời kêu gọi họ hoán cải trở về với Lòng Thương Xót Chúa trong Bí tích Hòa Giải.

Phaolô Phạm Xuân Khôi


* * * * *

MẦU NHIỆM THÁNH THỂ TRONG ĐỜI SỐNG HỘI THÁNH

1. Trong ngày 27 tháng 3 năm 2020, vào thời điểm ban đầu của đại dịch toàn cầu, Đức Thánh Cha Phanxicô đã đi bộ một mình trong mưa ngang qua Quảng trường Thánh Phêrô vắng toanh để cầu nguyện cho thế giới trong thời kỳ khủng hoảng. Ngài nói, “Đức tin bắt đầu khi chúng ta nhận ra rằng chúng ta đang cần sự cứu rỗi. Chúng ta không tự túc; dựa vào chính mình chúng ta bị chìm: chúng ta cần Chúa, giống như những nhà hàng hải thời xưa cần những vì sao.” Nhắc lại khi Chúa Giêsu ngủ trên thuyền trong lúc cơn bão đang hoành hành (Mc 4: 35-41), Đức Thánh Cha nói: “Chúa đã thức dậy để đánh thức và làm sống lại đức tin Phục sinh của chúng ta.” Trong ngày hôm đó, Đức Thánh Cha Phanxicô đã chủ sự nghi thức Chầu và ban Phép Lành Thánh Thể để tập trung sự chú ý của chúng ta vào sự hiện diện của Đức Kitô trong Bí Tích Cực Trọng. Đức Thánh Cha đã nhắc nhở chúng ta rằng ngay cả trong thời kỳ rối loạn và khủng hoảng, Chúa Giêsu vẫn hiện diện giữa chúng ta, như Người đã hiện diện trên con thuyền cách đây rất lâu trên Biển Hồ Galilê.

2. Cũng môt cách tương tự, Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã nhắc nhở chúng ta về sự hiện diện liên tục này khi ngài lặp lại với chúng ta những lời của Đức Kitô: Thầy ở cùng các con luôn mãi, cho đến tận thế (Mt 28:20). Ngài công bố: “Lời hứa này của Đức Kitô không bao giờ ngừng vang lên trong Hội Thánh như là bí mật màu mỡ của đời sống và suối nguồn hy vọng của Hội Thánh. Như ngày Chúa Phục Sinh, Chúa Nhật không chỉ là ngày tưởng nhớ một biến cố đã qua: mà còn là ngày kỷ niệm sự hiện diện sống động của Chúa Phục Sinh ở giữa dân Người."

3. Chúng tôi dùng những lời truyền cảm này của vị Giáo Hoàng thánh thiện Gioan Phaolô II khi đưa ra những suy tư này về tầm quan trọng của Bí tích Thánh Thể trong đời sống Hội Thánh. Chúng tôi rất lưu tâm đến việc đại dịch đã buộc chúng ta phải xa nhau về thể lý như thế nào, và trong một thời gian, chúng ta phải xem cuộc cử hành Thánh Lễ trên máy truyền hình hoặc màn ảnh máy vi tính. Nhiều người trong các tín hữu dường như đã có đức tin và ước muốn của họ đối với Bí tích Thánh Thể được củng cố bởi một thời gian dài xa cách như vậy. Đồng thời, với tư cách là các mục tử, chúng tôi cảm thấy rằng những người khác, đã sống không có Thánh Lễ quá lâu, có thể đã chán nản hoặc quen với cuộc sống không Thánh Thể. Bằng nhiều cách, đại dịch vẫn còn ở với chúng ta.

4. Là Kitô hữu, chúng ta biết rằng chúng ta cần Đức Kitô hiện diện trong cuộc đời chúng ta. Người chính là của ăn của chúng ta như Người đã nhắc nhở chúng ta: nếu các ông không ăn thịt Con Người và uống máu Con Người, thì các ông không có sự sống trong mình (Ga 6:53).

5. Chúa đồng hành với chúng ta bằng nhiều cách, nhưng không cách nào sâu xa bằng khi chúng ta gặp gỡ Người trong Bí tích Thánh Thể. Trên cuộc hành trình hướng đến cuộc sống vĩnh cửu, Chúa Chúa Giêsu Kitô nuôi dưỡng chúng ta bằng chính Mình của Người. Một lần, khi được một người cho biết rằng cô ta không còn thấy có lý do gì để dự Lễ hàng ngày nữa, Tôi Tớ Chúa Dorothy Day đã suy nghĩ: “Chúng ta đi ăn trái cây sự sống này bởi vì Chúa Giêsu đã bảo chúng ta. … Người đã tự mặc lấy nhân tính của chúng ta để chúng ta có thể thông phần vào thiên tính của Người. Chúng ta được nuôi dưỡng bởi thịt của Người để chúng ta có thể trở thành những Kitô khác. Tôi tin điều này theo nghĩa đen, cũng như tôi tin rằng đứa trẻ được nuôi dưỡng bằng sữa từ mẹ nó.”

6. Tuy nhiên, chúng ta cũng biết rằng Người hiện diện với chúng ta bằng cách liên kết chúng ta lại với nhau như một thân thể, là điều chúng ta công bố bằng tiếng "Amen" của chúng ta khi đáp lại lời mời gọi: Mình Thánh Đức Kitô. Một lần nữa, chúng tôi dùng những lời của vị giáo hoàng Ba Lan yêu dấu: "Để sự hiện diện này được công bố và sống một cách đúng đắn, việc các môn đệ của Đức Kitô cầu nguyện riêng lẻ và tưởng niệm cái chết và cuộc Phục sinh của Đức Kitô cách nội tâm, trong bí mật của con tim họ thôi thì chưa đủ. Những người đã lãnh nhận ân sủng của phép Rửa không được cứu như một cá nhân đơn lẻ, nhưng như các chi thể của Nhiệm Thể, đã trở thành một phần của dân Chúa."

7. Khi chúng ta tiếp tục chào đón mọi người trở lại với việc cử hành Thánh Lễ chung, cần phải thừa nhận rằng không có tài liệu nào có thể diễn tả hết mầu nhiệm của hồng ân Thánh Thể. Tuy nhiên, vào những thời điểm khác nhau, cần phải suy niệm về một số khía cạnh của mầu nhiệm liên quan đến các vấn đề và thách đố đương thời và điều đó giúp chúng ta trân quý một cách sâu xa hơn món quà ân sủng đã được ban cho chúng ta. Vào thời điểm đặc biệt này đối với Hội Thánh tại Hoa Kỳ, với nhiều thách đố, chúng tôi muốn suy niệm về món quà chính Mình của Đức Kitô trong Bí tích Thánh Thể và sự đáp trả của chúng ta đối với món quà đó.

I. MÓN QUÀ

8. Trong Thánh Lễ Tiệc Ly của Chúa được cử hành vào Thứ Năm Tuần Thánh, linh mục cầu nguyện những lời sau:

Người là Tư Tế thật và vĩnh cữu,

khi thiết lập thể thức hy lễ trường tồn,

Người là Đấng đầu tiên đã dâng mình cho Chúa làm của lễ cứu chuộc,

và đã truyền cho chúng con dâng mà tưởng nhớ đến Người.

Khi chúng con rước Mình Người hiến tế vì chúng con

thì chúng con được mạnh sức,

và khi chúng con rước Máu Người đổ ra vì chúng con

thì chúng con được rửa sạch.

Những lời của phụng vụ trong đêm mà Hội Thánh kỷ niệm việc thiết lập Bí tích Thánh Thể nói với chúng ta về Thánh Lễ như là việc tái trình bày hy tế độc nhất của Đức Kitô trên Thánh Giá, việc đón nhận Đức Kitô thực sự hiện diện trong Bí tích Thánh Thể, và những hiệu quả kỳ diệu của sự hiệp thông nơi những người nhận món quà này.

9. Sứ mệnh trong suốt cuộc đời của Chúa trên trần thế là làm sáng danh Chúa Cha bằng cách mang lại ơn cứu rỗi cho chúng ta. Trong Kinh Tin Kính Nicê được đọc trong Thánh Lễ, chúng ta tuyên xưng "Vì loài người chúng ta và để cứu độ chúng ta, Người đã từ trời xuống thế. Bởi phép Ðức Chúa Thánh Thần, Người đã nhập thể trong lòng Trinh Nữ Maria, và đã làm người". Ơn cứu rỗi được ban tặng trong Cuộc Đời, Cái Chết và Sự Phục Sinh của Đức Kitô không gì khác hơn là thông phần vào chính sự sống của Thiên Chúa, trong sự hiệp thông tình yêu giữa Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Không có món quà nào lớn hơn mà Thiên Chúa có thể ban cho chúng ta. Trong Đức Kitô, chúng ta là những người thông phần vào bản tính của Thiên Chúa (2 Pr 1: 4). Các Giáo Phụ gọi sự tham gia này vào sự sống của Thiên Chúa là “sự thần hóa”. Con Thiên Chúa vĩnh cửu đã thực hiện điều này bằng cách trở thành con người và kết hợp nhân loại với Ngôi vị Thiên Chúa của Người. Thánh Augustinô giải thích, “Đấng tạo dựng nên con người đã làm người, để con người có thể là người nhận được Thiên Chúa.” Thật ra, Đức Thánh Cha Phanxicô nhắc nhở chúng ta rằng “trong bánh Thánh Thể, cuộc tạo dựng được hướng tới sự thần hóa, hướng tới tiệc cưới thánh, hướng tới sự hợp nhất với chính Đấng Tạo Hóa '.”

A) Hy Tế của Đức Kitô

10. Để bắt đầu hiểu được món quà vĩ đại do Đức Kitô ban tặng qua việc Nhập Thể, Cái Chết và Phục Sinh của Người, món quà được hiện tại hóa cho chúng ta trong Bí tích Thánh Thể, trước hết chúng ta phải ý thức rằng sự xa cách Nguồn Mạch của mọi sự sống của chúng ta như hậu quả của tội lỗi thực sự sâu thẳm như thế nào. Chúng ta có rất nhiều kinh nghiệm về sự dữ, nhưng rất nhiều người trong chúng ta phủ nhận nguyên nhân gây ra nhiều sự dữ ấy - sự ích kỷ của chúng ta, tội lỗi của chính chúng ta. Như Thánh Gioan đã viết trong thư Thứ Nhất của ngài, Nếu chúng ta nói, “chúng ta không có tội”, chúng ta tự lừa dối mình, và sự thật không ở trong chúng ta (1 Ga 1: 8).

11. Tội lỗi là sự xúc phạm đến Thiên Chúa, không yêu mến Thiên Chúa và người lân cận, điều này làm tổn thương bản chất của chúng ta và làm tổn thương sự đoàn kết của con người. Những khả năng, tài năng, và hồng ân chúng ta đã nhận được từ Thiên Chúa là để dùng vào điều tốt - không phải những điều tốt sai lầm và hão huyền mà chúng ta vì ước muốn đặt trọng tâm vào mình tạo ra cho chính chúng ta, mà những điều tốt thật sự làm vinh danh Cha nhân lành và hướng đến điều tốt lành cho tha nhân và cuối cùng, cũng là điều tốt cho chúng ta. Khi chúng ta sử dụng sai những món quà của cuộc tạo dựng, khi chúng ta ích kỷ tập trung vào chính mình, chúng ta chọn con đường tội lỗi hơn là con đường nhân đức. Việc đặt trọng tâm vào mình này là một di sản của sự Sa Ngã của nguyên tổ chúng ta. Nếu không có ân sủng của Đức Kitô được lãnh nhận trong Bí tích Rửa tội, được củng cố trong Bí tích Thêm sức, và được nuôi dưỡng bằng Bí tích Thánh Thể, thì tính ích kỷ này thống trị chúng ta.

12. Tuy nhiên, trong Đức Kitô, những gì đã bị mất bởi tội lỗi đã được ân sủng phục hồi và đổi mới một cách lạ lùng hơn nữa. Chúa Giêsu, Ađam mới, “Chịu đóng đinh thời quan Phongxiô Philatô”, tự hiến mình như một của lễ hy sinh ngõ hầu chúng ta có thể nhận được gia nghiệp đã bị mất bởi tội lỗi. Bằng cách tự nguyện dâng hiến mạng sống mình trên Thánh Giá, Đức Kitô cho phép chúng ta trở thành con cái Thiên Chúa (Ga 1:12) và thừa hưởng Nước Thiên Chúa. Thánh Phêrô nhắc nhở chúng ta, chính Đức Kitô đã gánh tội chúng ta trong thân xác của Người trên Thánh Giá, ngõ hầu, được giải thoát khỏi tội lỗi, chúng ta có thể sống cho sự công chính. Nhờ những vết thương của Người mà anh em đã được chữa lành”. (1 Pr 2:24).

13. Trong Bữa Tiệc Ly, khi cử hành Lễ Vượt Qua, Chúa Giêsu nói rõ rằng cái chết sắp đến của Người, được Người tự do chọn lấy vì yêu, là của lễ hy sinh: Trong khi họ đang ăn, Chúa Giêsu cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng, bẻ ra và trao cho các môn đệ, mà nói, “Các con hãy cầm lấy mà ăn, đây là mình Thầy”. Rồi Người cầm lấy chén, dâng lời tạ ơn, trao cho họ và nói: "Tất cả các con hãy uống chén này, vì đây là máu Thầy, máu Giao Ước, đổ ra cho nhiều người được tha tội” (Mt 26: 27-28). Trong lời nói và cử chỉ của Bữa Tiệc Ly, Chúa Giêsu nói rõ rằng vì tình yêu dành cho chúng ta, Người tự nguyện hiến mạng sống của Người để cho chúng ta được tha tội. Khi làm như vậy, Người vừa là tư tế vừa là của lễ được dâng hiến. Là tư tế, Chúa Giêsu đang dâng của lễ cho Thiên Chúa Cha, một của lễ được tiền trưng bằng của lễ bánh và rượu bởi Melkixêđê, tư tế của Thiên Chúa Tối Cao (St 14:18; xem Tv 110: 4; Dt 5-7). Tiên liệu cuộc Khổ Nạn của Người trong việc thiết lập Bí tích Thánh Thể, Đức Kitô đã chỉ đến các mô thức mà việc tự hiến của Người sẽ hiện diện một cách bí tích cho chúng ta cho đến tận thế.

14. Tại sao việc chúng ta hiểu Bí tích Thánh Thể là một hy lễ lại quan trọng như vậy? Đó là vì tất cả những gì Chúa Giêsu đã làm để cứu độ nhân loại đều được hiện tại hóa trong việc cử hành Bí tích Thánh Thể, kể cả Cái Chết hy sinh và sự Phục Sinh của Người. Sự hy sinh chính mình của Đức Kitô dâng lên Chúa Cha có hiệu quả và có sức cứu rỗi vì tình yêu cao cả mà với nó Người đã đổ máu mình, giá của ơn cứu rỗi chúng ta, và đã dâng chính mình cho Chúa Cha vì chúng ta. Máu Người đổ ra cho chúng ta, là dấu chỉ đời đời của tình yêu ấy. Như một cuộc tưởng niệm, Bí tích Thánh Thể không phải là một hy tế khác, nhưng là sự tái trình bày hy tế của Đức Kitô, mà nhờ đó chúng ta được hòa giải với Chúa Cha. Đó là cách mà chúng ta được đưa vào hiến lễ tình yêu hoàn hảo của Chúa Giêsu, để hy lễ của Ngài trở thành hy lễ của Hội Thánh. Như Đức Bênêđictô XVI đã viết,

Việc tưởng niệm hồng ân tuyệt hảo của Người không hệ tại ở việc lập lại cách đơn thuần bữa Tiệc Ly nhưng là ở chính Bí tích Thánh Thể, nghĩa là trong điều mới mẻ triệt để của phụng tự Kitô giáo. Bằng cách này, Chúa Giêsu để lại cho chúng ta sứ vụ bước vào “Giờ” của Người: “Bí tích Thánh Thể đưa chúng ta vào hành vi dâng hiến của Chúa Giêsu. Chúng ta không chỉ lãnh nhận Ngôi Lời nhập thể cách thụ động, nhưng chúng ta còn bước vào chính động năng của việc ttự hiến của Người”.

15. Bí tích Thánh Thể là một bữa tiệc hy sinh, “bữa tiệc thánh của sự hiệp thông với Mình và Máu Chúa”. Mô hình cơ bản của nó được tìm thấy trong việc cử hành Bữa ăn Vượt Qua của người Do Thái, là bữa ăn liên hệ đến cả một bữa ăn và một hy lễ. Bữa ăn Lễ Vượt Qua được cử hành để tưởng nhớ cuộc Xuất Hành, khi dân Israel được lệnh phải hiến tế một con chiên cho Chúa và lấy máu đánh dấu cột cửa nhà của họ, để Thần tru diệt sẽ vượt qua nhà của họ và không làm hại dân Israel. Điều này đánh dấu một dân tộc được Thiên Chúa dành riêng và chọn làm vật sở hữu đặc biệt của Ngài. Sau đó, mỗi gia đình sẽ ăn thịt Chiên với bánh không men như một lời nhắc nhở về sự vội vã mà dân Israel phải chuẩn bị cho chuyến rời khỏi Ai Cập và với rau đắng như một lời nhắc nhở về việc họ được giải phóng khỏi ách nô lệ. Trong Bữa Tiệc Ly, Chúa Giêsu tự tỏ mình là Chiên Vượt Qua (“Đây Chiên Thiên Chúa”) mà sự hy sinh của Người mang lại sự giải thoát khỏi nô lệ tội lỗi và máu của Người đánh dấu một dân tộc mới thuộc về Thiên Chúa. Tất cả các hy lễ trong Cựu Ước đều tiền trưng và tìm thấy sự hoàn thành trong hy lễ hoàn hảo duy nhất của Chúa Giêsu.

16. Công trình cứu độ của Chúa Giêsu Kitô, đã hoàn thành những gì đã được loan báo bằng hình bóng trong Lễ Vượt Qua, nay được tái trình bày trong việc cử hành Bí tích Thánh Thể. Bí tích Thánh Thể “hiện tại hóa hy tế duy nhất của Đức Kitô là Đấng Cứu Thế.” Như Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã dạy: “Hội Thánh không ngừng rút sự sống của mình từ hy tế cứu độ [này]; Hội Thánh đến gần hy tế ấy không phải bằng một cuộc tưởng niệm đơn thuần đầy đức tin mà thôi, nhưng còn bằng một tiếp xúc thực sự, vì hy tế này được làm cho hiện diện một lần nữa, luôn mãi cách bí tích, trong mọi cộng đoàn hiến dâng nó, qua tay của thừa tác viên được thánh hiến”.

17. Cuối cùng, Bí Tích cực trọng này cũng là một sự tham dự vào phụng tự được các thiên thần và các thánh dâng hiến trên thiên đàng, trong và qua Đức Kitô. Đức Bênêđíctô XVI giải thích rằng:

mỗi cuộc cử hành Thánh Lễ hoàn thành một cách bí tích sự quy tụ cánh chung của Dân Thiên Chúa. Đối với chúng ta, bữa tiệc Thánh Thể là một sự nếm trước thực sự bữa tiệc cuối cùng đã được các ngôn sứ tiên báo (x. Is 25: 6-9) và được mô tả trong Tân Ước là "tiệc cưới của Chiên Con" (Kh 19: 7- 9), được cử hành trong niềm vui hiệp thông của các thánh.

B) Sự hiện diện thật của Đức Kitô

18. Ngay từ thuở sơ khai, Hội Thánh đã tin và cử hành theo giáo huấn của chính Chúa Giêsu: Ai ăn thịt và uống máu Tôi, thì được sự sống đời đời và Tôi sẽ cho người ấy sống lại trong ngày sau hết. Vì thịt Tôi thật là của ăn, và máuTtôi thật là của uống thật. Ai ăn thịt và uống máuTtôi, thì ở trong Tôi và Tôi ở trong người ấy (Ga 6: 54-56). Chúng ta lãnh nhận trong Bí tích Thánh Thể không phải “bánh thông thường và thức uống thông thường”, nhưng thịt và máu của Đức Kitô, Đấng đã đến để nuôi dưỡng và biến đổi chúng ta, để phục hồi mối quan hệ của chúng ta với Thiên Chúa và với nhau

19. Trong Bí tích Thánh Thể, với con mắt đức tin, chúng ta nhìn thấy trước mặt chúng ta Đức Giêsu Kitô, Đấng, khi Nhập thể đã trở nên xác phàm (Ga 1: 14) và là Đấng trong Mầu nhiệm Vượt qua đã hiến thân vì chúng ta (Tim 2: 14), chấp nhận ngay cả chết trên Thánh Giá (Ph 2: 8). Thánh Gioan Kim Khẩu đã giảng rằng khi bạn nhìn thấy Mình của Đức Kitô “đặt trước mặt bạn [trên bàn thờ], hãy tự nói với chính mình: Bởi vì Mình này, tôi không còn là bụi đất và tro, không còn là một tù nhân, nhưng được tự do: bởi vì điều này tôi hy vọng được lên thiên đàng, và nhận được những điều tốt đẹp ở đó, cuộc sống bất tử, phần của các thiên thần, [và sự gần gũi] với Đức Kitô.”

20. Làm sao Chúa Giêsu Kitô có thể hiện diện thực sự trong điều vẫn có vẻ là bánh và rượu? Trong hành vi phụng vụ được gọi là epiclesis (sai Thánh Thần), giám mục hoặc linh mục, nói thay cho Chúa Giêsu Kitô, cầu xin Chúa Cha ban Thánh Thần xuống để biến bánh và rượu thành Mình và Máu Đức Kitô, và sự biến đổi này xảy ra qua tường thuật thiết lập (Bí Tích Thánh Thể), bởi quyền năng của lời Đức Kitô do vị chủ tế công bố.

21. Thực tại là, trong Bí tích Thánh Thể, bánh và rượu trở nên Mình và Máu, Linh hồn và Thiên tính của Đức Kitô mà không ngừng có vẻ như bánh và rượu đối với ngũ quan của chúng ta là một trong những mầu nhiệm trung tâm của đức tin Công Giáo. Đức tin này là một cánh cửa mà qua đó chúng ta, giống như các thánh và các nhà thần bí trước chúng ta, có thể đi vào nhận thức sâu xa hơn về lòng thương xót và tình yêu được biểu lộ trong và qua sự hiện diện bí tích của Đức Kitô ở giữa chúng ta. Trong khi một sự vật được nhìn bằng con mắt thể lý của chúng ta, thì một thực tại khác được cảm nhận bằng con mắt đức tin. Sự hiện diện thực sự, đích thực và bản thể của Đức Kitô trong Bí tích Thánh Thể là thực tại sâu xa nhất của bí tích. “Sự thay đổi Mầu Nhiệm này được Hội Thánh gọi một cách thích hợp là biến thể”. Dù Đức Kitô hiện diện với chúng ta bằng nhiều cách trong phụng vụ, kể cả trong cộng đoàn được tụ họp lại, thừa tác viên chủ tế, và Lời Chúa được công bố, nhưng Hội Thánh cũng khẳng định rõ ràng rằng “Cách hiện diện của Đức Kitô dưới dạng thức Thánh Thể là đôc nhất vô nhị.” Như Thánh Phaolô VI đã viết,“ Sự hiện diện này được gọi là 'thật', không loại trừ ý tưởng rằng những sự hiện diện khác cũng 'thật', nhưng là để chỉ sự hiện diện một cách đôc nhất vô nhị, bởi vì sự hiện diện này là hiện diện bản thể và qua nó, Đức Kitô trở nên hiện diện hoàn toàn và toàn thể, Thiên Chúa và con người.” Trong việc tái trình bày cách bí tích hy tế của mình, Đức Kitô không giữ lại gì, mà hiến dâng chính mình, hoàn toàn và toàn thể. Việc sử dụng từ “bản thể” để đánh dấu sự hiện diện độc nhất của Đức Kitô trong Bí tích Thánh Thể nhằm truyền đạt toàn bộ món quà mà Người ban cho chúng ta.

22. Khi Thánh Thể được phân phát và thừa tác viên nói: “Mình Thánh Chúa Kitô,” chúng ta không chỉ đơn thuần nhìn vào điều hữu hình trước mắt mình, nhưng nhìn vào điều đã trở thành qua lời của Đức Kitô và hồng ân của Chúa Thánh Thần - Thân Mình của Đức Kitô. Câu trả lời “Amen” khi chụi lễ là một lời tuyên xưng đức tin vào Sự Hiện Diện Thật của Đức Kitô và phản ánh cuộc gặp gỡ thân mật cách cá nhân với Người, với món quà tự hiến của Người, xảy ra qua việc rước lễ.

23. Niềm tin vững chắc của Hội Thánh vào Sự Hiện Diện Thật của Đức Kitô được phản ánh qua sự thờ phượng mà chúng ta dâng lên Mình Thánh Chúa bằng nhiều cách khác nhau, bao gồm Trình bày Thánh Thể, Chầu và Phép Lành Thánh Thể; Rước Thánh Thể; và Bốn mươi giờ Sùng Kính. Ngoài ra, các thực hành cung kính cúi đầu trước Mình Thánh Chúa được đặt trong nhà tạm, cúi đầu trước khi rước Mình Thánh Chúa và ăn chay ít nhất một giờ trước khi rước lễ là những biểu hiện rõ ràng về đức tin Thánh Thể của Hội Thánh.

C) Hiệp thông với Đức Kitô và Hội Thánh

24. Khi chúng ta Rước Lễ, Đức Kitô đang hiến mình cho chúng ta. Người đến với chúng ta với tất cả sự khiêm nhường, như Người đã đến với chúng ta trong cuộc Nhập Thể, để chúng ta đón nhận Người và trở nên một với Người. Đức Kitô tự hiến cho chúng ta để chúng ta tiếp tục con đường lữ hành tiến về cuộc sống với Người trong sự viên mãn của Nước Thiên Chúa. Nhà thần học Chính Thống giáo thế kỷ XIV Nicholas Cabasilas đã mô tả bí tích này bằng cách nói, “khác hẳn tất cả các bí tích khác, mầu nhiệm [Thánh Thể] hoàn hảo đến mức đưa chúng ta đến đỉnh cao của mọi điều tốt lành: đây là mục tiêu cuối cùng của mọi ước muốn của con người, bởi vì ở đây chúng ta đạt được Thiên Chúa và Thiên Chúa kết hợp với chúng ta trong sự kết hợp hoàn hảo nhất”. Qua bí tích này, Hội Thánh lữ hành được nuôi dưỡng, đào sâu thêm sự hiệp thông của mình với Thiên Chúa Ba Ngôi và do đó với nhau.

25. Bí tích Thánh Thể được gọi là Sự Hiệp Thông Thánh chính vì, khi đặt chúng ta trong sự hiệp thông mật thiết với hy tế của Đức Kitô, chúng ta được hiệp thông mật thiết với Người và với nhau qua Người. Do đó, Bí tích Thánh Thể được gọi là Sự Hiệp Thông Thánh vì nó là “dấu chỉ hữu hiệu và nguyên nhân cao cả của sự hiệp thông trong đời sống thần linh và sự hợp nhất của Dân Thiên Chúa mà nhờ đó Hội Thánh được duy trì.” Chúng ta có thể hiểu điều này như thế nào? Tin Mừng thánh Gioan kể lại rằng, khi Chúa Giêsu chịu chết trên Thánh Giá, máu và nước chảy ra (Ga 19:34), tượng trưng cho Bí tích Rửa tội và Bí tích Thánh Thể. Công đồng Vaticanô II dạy, “Nguồn gốc và sự phát triển của Hội Thánh được tượng trưng bằng máu và nước chảy ra từ cạnh sườn mở ra của Chúa Giêsu chịu đóng đinh,” và rằng “nó đến từ cạnh sườn của Chúa Giêsu khi Người ngủ trong giấc ngủ của sự chết trên Thánh Giá mà từ đó sinh ra bí tích kỳ diệu của toàn thể Hội Thánh.” Qua hình ảnh này từ Tin Mừng Thánh Gioan, chúng ta thấy rằng Hội Thánh, Hiền thê của Chiên Con, được sinh ra từ tình yêu hy sinh của Đức Kitô trong việc tự hiến của Người trên Thánh Giá. Bí tích Thánh Thể trình bày lại hy tế duy nhất này để chúng ta được hiệp thông với bí tích này và với tình yêu mà Thiên Chúa tuôn trào từ đó. Chúng ta được đặt trong sự hiệp thông với nhau qua tình yêu này được ban cho chúng ta. Đó là lý do tại sao chúng ta có thể nói, “Bí tích Thánh Thể tạo nên Hội Thánh.”

26. Trước hết, chúng ta được tháp nhập vào Nhiệm Thể Đức Kitô, là Hội Thánh, nhờ dòng nước của Phép Rửa. Nhưng Phép Rửa, giống như các bí tích khác, được xắp đặt hướng về sự hiệp thông Thánh Thể. Công đồng Vaticanô II dạy:

Các bí tích khác, cũng như mọi thừa tác vụ của Hội Thánh và mọi việc tông đồ, đều gắn liền với Bí tích Thánh Thể và đều hướng về Bí tích này. Bí tích Thánh Thể Cực Thánh chứa đựng toàn bộ lợi ích thiêng liêng của Hội Thánh, đó là chính Đức Kitô, Bánh Vượt Qua và Hằng Sống của chúng ta, qua chính thịt của Người, được sống và sống động nhờ tác động của Chúa Thánh Thần, đem lại sự sống cho những ai được mời gọi và khích lệ hiến dâng chính mình, sức lao công của họ và tất cả mọi vật được tạo ra, cùng với Người.

Các Nghị phụ của Công đồng tiếp tục,

Dưới ánh sáng này, Bí tích Thánh Thể tự cho thấy chính nó là nguồn mạch và là tột đỉnh của toàn thể công việc rao giảng Tin Mừng. Những người dưới sự hướng dẫn được giới thiệu theo từng giai đoạn đến việc tham dự vào Bí tích Thánh Thể, và các tín hữu, đã được đóng ấn của Bí tích Rửa tội và Thêm sức, qua việc lãnh nhận Bí tích Thánh Thể được kết hợp trọn vẹn vào Thân Mình Đức Kitô.

Đó là lý do tại sao Công đồng gọi hy tế Thánh Thể là “nguồn mạch và tột đỉnh của đời sống Kitô hữu”.

27. Thánh Phaolô nhấn mạnh rằng sự hiệp thông này không chỉ tồn tại giữa chúng ta, mà còn với những người đến trước chúng ta. Khi ngỏ lời với Hội Thánh tại Côrinthô, Ngài ca ngợi họ vì đã tuân giữ các truyền thống, như tôi đã truyền lại cho anh em (1Cor 11: 2). Sau đó, ngài nhấn mạnh đến Bí tích Thánh Thể như một truyền thống thánh được Đức Kitô truyền lại cho các tông đồ, và trong đó giờ đây chúng ta chia sẻ: Vì tôi đã nhận được từ Chúa điều gì, tôi cũng đã truyền lại cho anh em (1Cor 11:23). Trong mỗi Thánh Lễ, chúng ta được kết hợp với tất cả những người nam nữ thánh thiện, các thánh, là những người đã đi trước chúng ta.

28. Do đó, nhiệm vụ tham dự Thánh Lễ mỗi Chúa nhật, Ngày của Chúa, trong đó chúng ta tưởng niệm sự Phục sinh của Chúa Giêsu, và vào các Ngày Lễ buộc khác là một biểu hiện quan trọng của sự hiệp nhất của chúng ta như các chi thể của Nhiệm thể Đức Kitô, là Hội Thánh. Đó cũng là biểu hiện của sự thật rằng chúng ta hoàn toàn lệ thuộc vào Thiên Chúa và ân sủng của Ngài. Một giáo huấn từ thế kỷ thứ ba về đời sống của Hội Thánh vạch ra một trong những hậu quả của việc cố ý vắng mặt trong Thánh Lễ: “Đừng ai cướp đoạt Hội Thánh bằng cách không tham dự Thánh Lễ; nếu họ làm vậy, họ tước đi mất một trong những chi thể của Thân Thể Đức Kitô!” Thánh Gioan Phaolô II viết về Chúa nhật như “một ngày chính nằm ở trọng tâm của đời sống Kitô hữu ”, và khẳng định thêm “Thời gian đã dành cho Đức Kitô là thời gian không bao giờ mất đi, nhưng đúng hơn là thời gian có lợi, để các mối quan hệ của chúng ta và thực ra là cả cuộc đời chúng ta có thể trở nên con người sâu sắc hơn”. Chúng ta đã được tái sinh trong Bí tích Rửa tội và được nuôi dưỡng bằng Bí tích Thánh Thể để chúng ta có thể sống hiệp thông với Thiên Chúa và với nhau, không những chỉ ngày nay mà còn trong sự viên mãn của Nước thiên đàng. Vì vậy, thờ phượng Thiên Chúa vào các ngày Chủ Nhật không chỉ là việc tuân theo một luât lệ mà là việc hoàn thành căn tính của chúng ta, về chúng ta là ai như chi thể của Thân thể Đức Kitô. Tham dự Thánh Lễ là một hành động yêu thương.

II. ĐÁP TRẢ CỦA CHÚNG TA

29. Trong Kinh Tiền Tụng chung thứ tư của Sách lễ Rôma, linh mục cầu nguyện những điều sau:

Tuy Chúa không cần chúng con ca tụng,

nhưng việc chúng con cảm tạ Chúa

lại là một hồng ân Chúa ban,

vì những lời chúng con ca tụng chẳng thêm gì cho Chúa,

nhưng đem lại cho chúng con ơn cứu độ…

Những lời này nói về ân sủng của Thiên Chúa, món quà được ban cho chúng ta cách nhưng không, là điều thúc đẩy chúng ta cảm tạ và thờ phượng Ngài, biến đổi chúng ta nên giống Chúa Chúa Giêsu Kitô, giúp chúng ta tìm kiếm ơn tha thứ và lãnh nhận ơn ấy khi chúng ta phạm tội, và thôi thúc chúng ta ra đi và làm chứng cho Đức Kitô trong thế gian.

A) Lễ Tạ Ơn và Phụng Thờ

30. Đã được thánh hóa nhờ hồng ân Thánh Thể và tràn đầy đức tin, đức cậy và đức mến, các tín hữu được mời gọi đáp lại hồng ân này. Thật vậy, việc chúng ta tạ ơn Chúa về tất cả những gì Ngài đã ban cho chúng ta là điều tất nhiên. Làm sao tôi có thể đáp đền ơn Chúa về tất cả những điều tốt lành Ngài đã làm cho tôi? Tôi sẽ nâng chén cứu độ và kêu cầu danh Chúa (Tv 116,12). Từ “Thánh Thể” có nghĩa đen là “tạ ơn”. Ngay cả cách cảm tạ của chúng ta cũng đến từ Thiên Chúa, vì chúng ta làm như vậy là tuân theo mệnh lệnh của Chúa: Các con hãy làm việc này để nhớ đến Thầy (Lc 22:19).

31. Công Đồng Vaticanô II dạy rằng, để tạ ơn đúng cách trong việc cử hành Thánh Lễ, chúng ta phải “tham dự cách trọn vẹn, có ý thức và tích cực vào việc cử hành phụng vụ”. Chúng ta cần ý thức về hồng ân mà chúng ta đã nhận được, một món quà không gì khác hơn là chính Chúa trong hành động tự hiến của Người. Chúng ta trở nên ý thức về hồng ân này khi tích cực tham gia vào mọi phần của phụng vụ, để cho Thiên Chúa nói với chúng ta qua lời nói, hành động, cử chỉ, và ngay cả những lúc thinh lặng. Chúng ta tham dự một cách tích cực và có ý thức bằng cách tập trung hoàn toàn vào những lời được đọc trong kinh nguyện và Thánh Kinh, ngay cả khi chúng ta đã nghe chúng hàng trăm lần trước đó. Chúng ta cũng làm như vậy bằng cách lắng nghe bài giảng và suy niệm về cách Chúa có thể nói với chúng ta qua thừa tác viên có chức Thánh của Ngài. Chúng ta tích cực cảm tạ khi chúng ta tham gia ca hát và trong các câu đối đáp; khi chúng ta quỳ, đứng và ngồi; và khi chúng ta chú ý đến các mùa phụng vụ, qua đó toàn thể lịch sử về những gì Thiên Chúa đã làm cho chúng ta, trong và qua Con của Ngài, được mặc khải cho chúng ta.

32. Lòng biết ơn thôi thúc chúng ta cảm tạ và tôn thờ Thiên Chúa khi cử hành Bí tích Thánh Thể cần được nuôi dưỡng và phong phú hóa bởi vẻ đẹp của chính hành động phụng vụ. Các giám mục và linh mục có nhiệm vụ đặc biệt đảm bảo rằng Thánh Lễ được cử hành cách nào phù hợp với sự thánh thiêng của những gì đang diễn ra. Như Đức Thánh Cha Phanxicô gần đây đã viết thư cho các giám mục trên thế giới, “Tôi yêu cầu các chư huynh hãy thận trọng trong việc đảm bảo rằng mọi phụng vụ được cử hành trang trọng và trung thành với các sách phụng vụ được ban hành sau Công đồng Vaticanô II, không có những hành vi sai lêch dễ trở thành lạm dụng”. Các linh mục chủ tế Thánh Lễ cần phải có sự hiểu biết trong cầu nguyện về các sách phụng vụ, cũng như các ngày lễ và các mùa lễ, cùng trung thành với các bản văn và luật chữ đỏ do Hội Thánh thiết lập. Làm như vậy, họ sẽ dẫn dắt dân chúng cách sâu xa và tôn kính hơn vào cuộc trao đổi vốn là cuộc đối thoại của Chúa Cha và Chúa Con trong Chúa Thánh Thần.

33. Lòng biết ơn của chúng ta cũng được thể hiện qua việc chúng ta chầu Mình Thánh Chúa ngoài Thánh Lễ, những hình thức thờ phượng này đều liên quan đến bản chất của việc cử hành Thánh Thể.

Trong Bí tích Thánh Thể, Con Thiên Chúa đến gặp gỡ chúng ta và mong muốn được trở nên một với chúng ta; Việc chầu Thánh Thể chỉ đơn thuần là hệ quả tự nhiên của việc cử hành Thánh Lễ. Rước nhận Thánh Thể nghĩa là tôn thờ Người, Đấng mà chúng ta lãnh nhận. Chỉ bằng cách này, chúng ta mới trở nên một với Người, và được nếm trước vẻ đẹp của phụng vụ trên trời.

Chúng tôi vui mừng về số tín hữu cầu nguyện trong khi chầu Thánh Thể càng ngày càng gia tăng, một minh chứng của đức tin vào sự Hiện Diện Thật của Chúa trong Bí tích Thánh Thể. Chúng tôi khuyến khích lòng sùng kính này là điều giúp tất cả chúng ta được hình thành bởi tình yêu tự hiến mà chúng ta nhìn thấy trong món quà chính Mình của Chúa trong Bí tích Thánh Thể. (Mẹ) Thánh Têrêxa thành Calcutta đã từng nói: “Khi bạn nhìn lên cây Thánh Giá, bạn hiểu lúc đó Chúa Giêsu yêu bạn nhiều như thế nào. Khi bạn nhìn lên Mình Thánh, bạn hiểu Chúa Giêsu yêu bạn như thế nào lúc này.”

B) Sự biến đổi trong Đức Kitô

34. Người được chia sẻ cách xứng đáng trong Bí tích Thánh Thể càng ngày càng được giúp đỡ để sống luật yêu thương mới do Đức Kitô ban cho, chính vì Đức Kitô đã thông ban chính mình trong bí tích Bàn Thờ. Nền tảng của sự biến đổi cá nhân và luân lý của chúng ta là sự hiệp thông với chính Người, là sự hiệp thông mà Đức Kitô thiết lập trong Bí tích Rửa tội và đào sâu trong Bí tích Thánh Thể. Trong việc cử hành Thánh Lễ, chúng ta được cho thấy tình yêu thực sự là gì, và chúng ta nhận được ân sủng giúp chúng ta có thể noi gương tình yêu mà Đức Kitô đã bày tỏ cho chúng ta. Thánh Gioan Phaolô II lưu ý rằng đời sống luân lý của Kitô hữu phát xuất từ và được nuôi dưỡng bởi “nguồn thánh khiết vô tận và việc tôn vinh Thiên Chúa” được tìm thấy trong các bí tích, đặc biệt là Bí tích Thánh Thể: “nhờ thông phần vào hy tế Thánh Giá, Kitô hữu dự phần vào tình yêu tự hiến của Đức Kitô cùng được trang bị và cam kết sống đức ái này trong mọi suy nghĩ và việc làm của mình.”

35. Sự biến đổi cá nhân và luân lý được duy trì bởi Bí tích Thánh Thể vươn đến mọi lãnh vực của đời sống con người. Tình yêu của Đức Kitô có thể thấm nhuần tất cả các mối quan hệ của chúng ta: với gia đình, bạn bè và những người lân cận của chúng ta. Nó cũng có thể định hình lại cuộc sống của toàn thể xã hội chúng ta. Mối quan hệ của chúng ta với Đức Kitô không bị giới hạn trong phạm vi riêng tư; nó không dành cho một mình chúng ta. Chính sự liên đới hay sự hiệp thông trong tình yêu tự hiến của Đức Kitô đã tạo nên Hội Thánh và khiến chúng ta trở thành chi thể của Hội Thánh truyền cho chúng ta phải vượt ra ngoài cộng đồng đức tin hữu hình để đi đến với tất cả mọi người mà chúng ta có nhiệm vụ yêu thương bằng chính tình yêu đã tạo nên sự hiệp thông của chúng ta với Chúa. Ngược lại, nếu chúng ta không yêu thương tất cả mọi người theo cách này, thì sự hiệp thông của chúng ta với Chúa sẽ bị suy giảm hoặc thậm chí mâu thuẫn. Tình yêu này đặc biệt mở rộng và “ưu tiên” cho những người nghèo và những người dễ bị tổn thương nhất. Tất cả chúng ta cần phải kiên định trong việc đem tình yêu của Đức Kitô không chỉ đến đời sống cá nhân của chúng ta, mà còn đến mọi chiều kích của đời sống công cộng của chúng ta.

36. Đặc biệt, vai trò của giáo dân là biến đổi các mối quan hệ xã hội cho phù hợp với tình yêu của Đức Kitô, được thực hiện một cách cụ thể bằng những hành động và việc làm vì lợi ích khách quan chung. Giáo dân, “ý thức về lời mời gọi nên thánh nhờ ơn gọi khi Rửa Tội của họ, phải hoạt động như men trong bột để xây dựng một thành phố trần thế phù hợp với dự định của Thiên Chúa. [Sự phù hợp] giữa đức tin và đời sống trong lãnh vực chính trị, kinh tế và xã hội đòi hỏi sự đào luyên lương tâm, nghĩa là hiểu biết học thuyết xã hội của Hội Thánh.” Những giáo dân thực thi một số hình thức quyền hành công cộng có trách nhiệm đặc biệt là phải đào luyện lương tâm của họ cho phù hợp với đức tin của Hội Thánh và luật luân lý, và phục vụ gia đình nhân loại bằng cách duy trì sự sống và phẩm giá con người.

37. Sách Giáo lý của Hội thánh Công Giáo nhắc nhở chúng ta rằng “Bí tích Thánh Thể đòi buộc dấn thân cho người nghèo. Để lãnh nhận trong chân lý Mình và Máu của Đức Kitô bị nộp vì chúng ta, chúng ta phải nhận ra Đức Kitô trong những kẻ nghèo nhất, là các anh em của Người”. Khi giảng về Mt 25, Thánh Gioan Kim Khẩu đã nhận xét: “Bạn có muốn tôn vinh Mình Thánh Chúa ư? Đừng phớt lờ Người khi Người đang trần trụi. Đừng tỏ lòng tôn kính Người trong đền thờ đầy lụa là rồi bỏ mặc Người ở bên ngoài, nơi Người phải chịu trần truồng lạnh lẽo. Đầng đã nói: ‘Đây là Mình Thầy’ cũng chính là Đấng đã nói: Các người thấy Ta đói và các người đã không cho Ta ăn’.” Thánh Têrêxa thành Calcutta là một tấm gương nổi bật trong thời gian gần đây về việc học cách nhận biết Đức Kitô trong những người nghèo. Chính đức tin sâu xa của Mẹ vào Bí tích Thánh Thể và việc Mẹ rước lễ đã thúc đẩy Mẹ yêu thương chăm sóc cho những người nghèo nhất trong số những người nghèo, và dấn thân cho sự thánh thiêng của tất cả sự sống con người. Khi nhìn thấy khuôn mặt của Đức Kitô trong Bí tích Thánh Thể, Mẹ đã học cách nhận ra khuôn mặt của Người trong những người nghèo khổ và đau khổ. Mẹ Têrêxa được cho là đã khẳng định: “Chúng ta phải cầu xin Chúa Giêsu ban cho chúng ta sự dịu dàng đó của Bí tích Thánh Thể. Trừ khi chúng ta tin và nhìn thấy Chúa Giêsu dưới hình bánh trên bàn thờ, chúng ta sẽ không thể nhìn thấy Người ngụy trang trong sự đau buồn của người nghèo.”

38. Đức Thánh Cha Phanxicô đã cảnh báo chúng ta rằng, trong “nền văn hóa vứt bỏ” của chúng ta, chúng ta cần chống lại khuynh hướng coi mọi người như “đồ dùng một lần”: “Dường như một số thành phần trong gia đình nhân loại của chúng ta có thể sẵn sàng bị hy sinh cho lợi ích của những người khác được coi là đáng được hưởng một cuộc sống vô tư. Cuối cùng, “con người không còn được coi là có giá trị tối quan trọng để được chăm sóc và tôn trọng nữa, đặc biệt là khi họ nghèo khó và tàn tật, ‘chưa có ích lợi’- như người chưa sinh ra, hoặc ‘không còn cần thiết nữa’- như người già.” Là Kitô hữu, chúng ta có trách nhiệm cổ võ sự sống và phẩm giá của con người, yêu thương và bảo vệ những người dễ bị tổn thương nhất ở giữa chúng ta: những người chưa sinh ra, những người di cư và tị nạn, những nạn nhân của bất công về chủng tộc, những người bệnh tật và già cả.

39. Công đồng Vaticanô II nhấn mạnh tầm quan trọng của thái độ việc tôn kính đối với con người. “Mọi người phải coi mọi người lân cận của mình như một cái tôi khác của mình, không có luật trừ, trước hết phải kể đến mạng sống của họ và những phương tiện cần thiết để sống nó một cách có phẩm giá, ngõ hầu không bắt chước người phú hộ không quan tâm đến người nghèo Lazarô.” 54 Công đồng tiếp tục nói rằng

bất cứ điều gì trái ngược với chính sự sống, chẳng hạn như bất cứ hình thức giết người, diệt chủng, phá thai nào, giết chết êm dịu hay cố ý tự hủy hoại thân thể, bất kỳ điều gì vi phạm sự toàn vẹn của con người, chẳng hạn như cắt xẻo, hành hạ về thể xác hoặc tinh thần, cưỡng bức chính ý chí; bất cứ điều gì xúc phạm đến phẩm giá con người, chẳng hạn như điều kiện sống thấp kém, tủy tiện giam cầm, trục xuất, bắt làm nô lệ, mại dâm, buôn bán phụ nữ và trẻ em; cũng như những điều kiện làm việc ô nhục, nơi con người bị coi là công cụ đơn thuần để kiếm lợi, thay vì là những người tự do và có trách nhiệm; tất cả những điều này và những điều tương tự khác như chúng thực sự là những điều bỉ ổi. Chúng đầu độc xã hội loài người, nhưng chúng làm thiệt hại cho những người thực hành chúng hơn là những người bị tổn thương.

40. Như chúng ta được Thánh Thể thúc đẩy để nghe tiếng kêu của người nghèo, và đáp lại trong tình yêu, chúng ta cũng được mời gọi để nghe tiếng kêu của trái đất và, tương tự như vậy, hãy đáp lại bằng sự quan tâm yêu thương. Đức Phanxicô, cũng như Đức Bênêđíctô XVI trước ngài, đã vạch ra một cách hùng hồn mối liên hệ giữa việc cử hành Thánh Thể và việc quan tâm đến môi trường. Mọi thụ tạo đều tôn vinh Thiên Chúa, và hành trình hướng tới việc thần hóa, tiến đến vi65c kết hợp với Đấng Tạo Hóa.

41. Chúng ta mong chờ ngày mà tất cả những tệ nạn như vậy sẽ bị loại bỏ, khi Nước Thiên Chúa được thiết lập một cách sung mãn. Khi ấy, sẽ có trời mới, đất mới, và cộng đồng nhân loại sẽ ở trong một Giêrusalem mới, nơi đó chính Thiên Chúa sẽ ở với Dân Ngài (Kh 21: 1-3). Không ai phải chịu cảnh nghèo đói, bất công hay bạo lực. Chúng ta sẽ có thể nhìn thấy nhau như Chúa nhìn thấy chúng ta, mà không có bất kỳ sự biến dạng nào gây ra bởi tội lỗi hoặc bởi cấu trúc của tội lỗi như phân biệt chủng tộc hoặc các biểu hiện khác nhau của nền văn hóa vứt bỏ. Không ai được coi là "dùng một lần". Chúng ta sẽ có thể yêu thương nhau phản ảnh cách Chúa yêu thương chúng ta.

42. Trong khi tất cả đều quá rõ ràng rằng trong thế giới hiện tại của chúng ta, Nước Trời chưa được thiết lập hoàn toàn, nhưng sự hiệp thông của chúng ta với Chúa cho thấy rằng Nước Thiên Chúa không chỉ đơn thuần là điều chúng ta chờ đợi vào ngày tận thế. Nước Trời đã hiện diện, nếu không muốn nói là trong viên mãn: “Nước Trời đã đến trong con người của Đức Kitô và phát triển cách Mầu Nhiệm trong lòng những người được kết hợp với Người,” cho đến lúc hoàn thành khi Người lại đến trong vinh quang. Mầu nhiệm Nước Trời vẫn hiện diện trong Hội Thánh vì Hội Thánh được kết hợp với Đức Kitô như các chi thể của một Thân Thể với Đầu của mình. Trong sự hiệp thông là Hội Thánh, “Nước thiên đàng, Triều đại Thiên Chúa, đã hiện hữu và sẽ được hoàn thành trong ngày sau hết.”

43. Thiên Chúa đã không chỉ kêu gọi chúng ta ra khỏi sự thờ ơ tội lỗi để làm bất cứ điều gì có thể ngõ hầu góp phần vào việc trị đến của Nước Trời; qua Đức Kitô, Ngài đã ban cho chúng ta ân sủng mà chúng ta cần để làm điều này. Bản Tóm lược Học thuyết Xã hội của Giáo Hội Công Giáo giải thích:

Những người đã được tình thương Thiên Chúa “đổi mới” có thể thay đổi các luật lệ và chất lượng của các mối quan hệ, thậm chí chuyển biến cả các cấu trúc xã hội. Họ trở thành người có khả năng đem hoà bình đến nơi xung đột, gầy dựng và nuôi dưỡng các mối tương quan huynh đệ ở nơi có hận thù, đi tìm công lý ở nơi còn đầy cảnh người bóc lột người. Chỉ có tình thương mới có khả năng thay đổi tận gốc những mối quan hệ đang có giữa con người với nhau.

C) Hoán Cải

44. Đức Kitô bắt đầu sứ vụ công khai của Người bằng cách kêu gọi mọi người ăn năn và hoán cải: Hãy ăn năn và tin vào Tin Mừng (Mc 1:15; x. Mt 4:17). Như vậy, thật phù hợp khi ở đầu mỗi Thánh Lễ, chúng ta được mời gọi nhìn nhận tội lỗi của mình để chuẩn bị cử hành các mầu nhiệm thánh. Chúng ta thú nhận rằng mình đã phạm tội, và chúng ta cầu xin lòng thương xót của Chúa. Điều này là cần thiết vì tất cả chúng ta đều là kẻ có tội và đôi khi không sống đúng với ơn gọi làm môn đệ của Chúa Giêsu và những lời hứa trong Bí tích Rửa Tội của chúng ta. Chúng ta cần liên tục chú ý đến lời mời gọi hoán cải của Đức Kitô. Chúng ta tin cậy vào lòng thương xót của Người, lòng thương xót mà chúng ta thấy trong thân xác Người đã tan nát vì chúng ta và máu Người đã đổ ra cho chúng ta để tha tội chúng ta. Chúng ta phải đến gần Chúa với tấm lòng khiêm nhường và thống hối, cùng chân thành thưa rằng: “Lạy Chúa, con chẳng đáng Chúa ngự vào nhà con, nhưng xin Chúa phán một lời thì linh hồn con sẽ lành mạnh”.

45. Trong khi tất cả những thất bại của chúng ta trong việc làm điều gì là đúng đều làm tổn thương sự hiệp thông của chúng ta với Thiên Chúa và với nhau, chúng có nhiều loại khác nhau, phản ảnh mức độ nghiêm trọng khác nhau. Điều này đưa chúng ta đến sự phân biệt giữa tội nhẹ và tội trọng. Tội nhẹ là những tội và lỗi lầm hàng ngày, mặc dù chúng phản ảnh một mức độ ích kỷ, nhưng không phá vỡ giao ước với Thiên Chúa. Chúng không tước mất tình bạn với Thiên Chúa hoặc ơn thánh hóa của kẻ phạm tội. Không nên coi thường tội nhẹ, nhưng chúng không hủy bỏ sự hiệp thông vì chúng không phá hủy nguyên tố của sự sống của Thiên Chúa ở trong chúng ta. Thật ra, việc rước Thánh Thể củng cố đức ái của chúng ta và xóa sạch các tội nhẹ, đồng thời cũng giúp chúng ta tránh được những tội trọng hơn. Đức Thánh Cha Phanxicô đã làm cho chúng ta chú ý đến tính chất thần dược này của Bí tích Thánh Thể khi ngài vạch ra rằng Bí tích này “không phải là phần thưởng cho những người hoàn hảo nhưng là liều thuốc mạnh mẽ và sự nuôi dưỡng cho những người yếu đuối.” Ngài cũng cảnh báo chúng ta chống lại sai lầm của phái Pelagiô là quên mất việc thường xuyên cần ân sủng và nghĩ rằng việc sống một cuộc sống thánh thiện lệ thuộc vào sức mạnh ý chí của chúng ta.

46. Tuy nhiên, có một số tội phá vỡ sự hiệp thông mà chúng ta chia sẻ với Thiên Chúa và Hội Thánh, và làm cớ cho sự xúc phạm nghiêm trọng đến phẩm giá con người. Chúng được gọi là tội nặng, hay tội trọng (x. 1 Ga 5: 16-17). Người ta phạm một tội trọng bằng cách tự do, cố ý và sẵn sàng chọn làm điều gì đó liên quan đến vấn đề nghiêm trọng và trái với đức bác ái, trái với tình yêu của Thiên Chúa và tha nhân.

47. Một người không được cử hành Thánh Lễ hay Rước Lễ trong tình trạng tội trọng mà chưa tìm đến Bí Tích Hòa Giải và được tha tội. Như Hội Thánh đã dạy một cách chắc chắn, một người Rước Lễ trong tình trạng tội trọng, không những không nhận được ân sủng mà bí tích truyền đạt; người ấy phạm tội phạm thánh vì không bày tỏ lòng tôn kính dành cho Mình và Máu Thánh của Đức Kitô. Thánh Phaolô cảnh cáo chúng ta rằng ai ăn bánh hay uống chén của Chúa cách bất xứng, sẽ phạm tội với Mình và Máu Chúa. Một người phải tự xét mình, rồi mới ăn bánh và uống chén này. Ai ăn và uống mà không phân biệt được Thân Thể Chúa, là ăn và uống án phạt mình. (1 Cor 11: 27-29). Việc rước Mình và Máu Đức Kitô trong tình trạng tội trọng là một sự mâu thuẫn. Người nào, bằng hành động của chính mình, đã làm tan vỡ sự hiệp thông với Đức Kitô và Hội Thánh của Người nhưng lại rước Mình Thánh Chúa, thì hành động không mạch lạc, vừa công bố và từ chối sự hiệp thông cùng một lúc. Như thế, nó là một dấu chỉ mâu thuẫn, một lời nói dối - nó diễn tả một sự hiệp thông mà trên thực tế đã bị tan vỡ.

48. Chúng ta cũng cần ghi nhớ rằng “việc cử hành Bí tích Thánh Thể giả định rằng đã có sẵn một sự hiệp thông, một sự hiệp thông tìm cách củng cố và đưa đến sự hoàn thiện”. Bí tích Thánh Thể là bí tích của sự hiệp thông Hội Thánh, vì nó vừa biểu thị và vừa tác động một cách trọn vẹn nhất vào sự hiệp thông với Đức Kitô đã được bắt đầu từ Bí tích Rửa Tội. Điều này bao gồm sự hiệp thông trong “chiều kích hữu hình, bao gồm sự hiệp thông trong giáo huấn của các Tông đồ, trong các bí tích và trong trật tự phẩm trật của Hội Thánh.” Cũng vậy, việc rước lễ đòi hỏi sự hiệp thông của một người với Hội Thánh trong chiều kích hữu hình này. Chúng tôi nhắc lại những gì các Giám mục Hoa Kỳ đã tuyên bố vào năm 2006:

Tuy nhiên, nếu một người Công Giáo trong đời sống cá nhân hoặc nghề nghiệp của mình cố ý và ngoan cố chối bỏ các giáo lý đã được xác định của Hội Thánh, hoặc cố ý và ngoan cố từ chối giáo huấn dứt khoát của Hội Thánh về các vấn đề luân lý, thì người đó sẽ giảm thiểu cách nghiêm trọng sự hiệp thông của mình với Hội Thánh. Việc rước lễ trong hoàn cảnh như vậy không phù hợp với bản chất của việc cử hành Thánh Thể, vì vậy người đó phải kiềm chế.

Rước Lễ trong hoàn cảnh như vậy cũng dễ làm gương mù cho người khác, làm suy yếu quyết tâm trung thành với các đòi hỏi của Tin Mừng của họ.

49. Do đó, sự hiệp thông của một người với Đức Kitô và Hội Thánh của Người bao hàm cả “sự hiệp thông vô hình” (ở trong tình trạng ân sủng) và “sự hiệp thông hữu hình” của một người. Thánh Gioan Phaolô II giải thích:

Phán quyết về tình trạng ân sủng của một người chỉ thuộc quyền của người liên hệ, vì đó là một vấn đề về xem xét của lương tâm của một người. Tuy nhiên, trong trường hợp một hành vi bên ngoài vi phạm nghiêm trọng, công khai và liên tục luật luân lý, Hội Thánh trong quan tâm mục vụ về trật tự cộng đồng và vì lòng tôn kính Bí tích, không thể không cảm thấy trực tiếp liên hệ. Tình trạng mâu thuẫn luân lý công khai này đã được đề cập đến trong Giáo Luật về việc từ chối không cho rước lễ những ai “tỏ tường ngoan cố ở trong tình trạng tội trọng”.

Giám mục giáo phận có trách nhiệm đặc biệt là làm việc để khắc phục các tình cảnh liên quan đến các hành động công khai trái ngược với sự hiệp thông hữu hình của Hội Thánh và luật luân lý. Thật vậy, ngài phải bảo vệ sự toàn vẹn của bí tích, sự hiệp thông hữu hình của Hội Thánh, và việc cứu rỗi các linh hồn.

50. Trước khi rước lễ, chúng ta phải xét mình kỹ lưỡng hầu đảm bảo rằng mình được chuẩn bị thích đáng để rước Mình và Máu Chúa. Nếu chúng ta nhận thấy rằng mình đã làm vỡ sự hiệp thông với Đức Kitô và Hội Thánh của Người, thì chúng ta không được chuẩn bị thích đáng để rước nhận Thánh Thể. Tuy nhiên, chúng ta không nên tuyệt vọng, vì Chúa trong lòng nhân từ đã ban cho chúng ta một phương thuốc. Người yêu thương chúng ta và vô cùng mong muốn tha thứ cho chúng ta và phục hồi sự hiệp thông của chúng ta với Người. Vào đêm Phục Sinh đầu tiên, Chúa Giêsu Phục Sinh đã ban cho các tông đồ và những người kế vị các ngài quyền năng để tha tội và hòa giải tội nhân với Hội Thánh. Người ban Bí tích Thống hối và Hoà giải cho Hội Thánh khi Người thổi hơi trên các tông đồ và nói với các ngài: Hãy nhận lấy Thánh Thần. Các con tha tội cho ai thì người ấy được tha, các con cầm buộc ai thì người ấy bị cầm buộc (Ga 20: 22-23). Bất cứ khi nào chúng ta phạm tội, chúng ta có cơ hội tuyệt vời này để được đổi mới và củng cố bởi ân sủng của Thiên Chúa. Nếu chúng ta đã phạm tội trọng, Bí tích cung cấp cho chúng ta cơ hội để phục hồi ơn thánh hóa và được khôi phục để hiệp thông trọn vẹn với Thiên Chúa và Hội Thánh. Tất cả các Bí tích đòi hỏi chúng ta như hối nhân là chúng ta phải ăn năn tội, dốc lòng chừa, xưng tội của mình, lãnh nhận bí tích tha tội, và làm việc đền tội đã được chỉ định. Chúng tôi khuyến khích tất cả những người Công Giáo nên có một sự trân quý được canh tân đối với Bí tích tuyệt hảo này, trong đó chúng ta nhận được ơn tha thứ và bình an của Chúa. Theo lời của Đức Thánh Cha Phanxicô, chúng tôi nói với tất cả những người Công Giáo ở đất nước của chúng ta: “Đừng ngại đến với Bí tích Giải tội, nơi anh chị em sẽ gặp Chúa Giêsu, Đấng đã tha thứ cho anh chị em.”

D) Thức ăn cho cuộc hành trình

51. Cuộc đời của các thánh và các chân phước cho chúng ta thấy tầm quan trọng của Bí tích Thánh Thể trên cuộc hành trình làm môn đệ Chúa Giêsu. Nhiều vị đã làm chứng cho quyền năng của Bí tích Thánh Thể trong cuộc sống của các ngài. Chúng ta thấy những hoa trái của việc Rước Lễ trong đời sống đức tin, đức cậy và đức mến của các ngài. Chính sự kết hợp mật thiết của các ngài với Chúa Giêsu khi Rước Lễ và thường xuyên cầu nguyện trước Mình Thánh Chúa đã nuôi dưỡng và củng cố các ngài trong cuộc hành trình về trời. Các ngài dạy chúng ta rằng “sự lớn lên trong đời sống Kitô hữu cần được nuôi dưỡng bởi sự Hiệp Thông Thánh Thể, tấm bánh cho cuộc hành hương của chúng ta cho đến giây phút lâm chung, khi nó sẽ được ban cho chúng ta dưới dạng của ăn đàng (viaticum).”

52. Chân phước Carlo Acutis, một thiếu niên người Ý, từ trần năm 15 tuổi và được phong chân phước năm 2020, thường nói: “Bí tích Thánh Thể là con đường dẫn tôi lên thiên đàng.” Chân phước Carlo đạt được sự thánh thiện khi còn rất trẻ vì Thánh Thể là trung tâm của cuộc đời cậu. Cậu dự Thánh Lễ hàng ngày và cầu nguyện mỗi ngày trước Thánh Thể trong giờ chầu. Cậu đã khám phá ra niềm vui của tình bằng hữu với Chúa Giêsu và mang niềm vui đó, niềm vui của Tin Mừng, cho người khác. Cậu là một tông đồ của Bí tích Thánh Thể qua mạng internet. Cậu nói: “Luôn luôn được kết hợp với Đức Kitô: Đây là chương trình của đời tôi.”

53. Cũng vậy, Thánh José Sánchez del Río, một thiếu niên Mễ Tâ Cơ đã tử vì đạo ở tuổi 14 và được phong thánh năm 2016, tràn đầy tình yêu đối với Đức Kitô và Hội Thánh của Người đến nỗi cậu sẵn sàng từ bỏ mạng sống của mình hơn là từ bỏ Đức Kitô và Vương quyền của Người. Trong khi bị cầm tù, Thánh José Sánchez del Río đã có thể rước Mình Thánh Chúa khi Mình Thánh được lén đưa vào phòng giam của cậu cùng với một giỏ thức ăn. Được củng cố bởi của ăn đàng (viaticum) này, cậu có thể chịu đựng được sự tra tấn và trung thành với Đức Kitô khi những kẻ bắt giữ cậu bảo cậu phải chối bỏ đức tin của mình hoặc bị xử tử. Cậu trả lời những kẻ hành hạ cậu: “Đức tin của tôi không phải để bán.” Chúng tôi khuyến khích tất cả mọi người, đặc biệt là những người trẻ của chúng ta, để tìm hiểu về cuộc sống của những thanh thiếu niên thánh thiện này. Giữa rất nhiều điều phiền nhiễu trong cuộc sống của chúng ta, Chân phước Carlo và Thánh José Sánchez del Río dạy chúng ta tập trung vào điều quan trọng hơn bất cứ điều gì khác.

54. Có nhiều người đã được thu hút vào Hội Thánh Công Giáo và đã gia nhập Hội Thánh vì họ tin vào sự Hiện Diện Thật của Đức Kitô trong Bí tích Thánh Thể. Vị thánh đầu tiên sinh ra ở Hoa Kỳ của chúng ta, Thánh Elizabeth Ann Seton, là một trong những người trở lại đạo này. Bà được thu hút để gia nhập Hội Thánh Công Giáo sau khi chứng kiến sự sùng kính Thánh Thể của những người Công Giáo. Bà đã thắc mắc về việc sùng kính đó. Ân sủng của Thiên Chúa đã đưa bà đến với đức tin vào sự Hiện diện Thật. Khi vẫn còn là một người theo Anh Giáo, bà thấy mình đang thờ phượng trong nhà thờ của bà ở New York, nhìn ra cửa sổ đang mở và cầu nguyện với Chúa Giêsu trong nhà tạm cách đó một dãy nhà trong một nhà thờ Công Giáo. Vào đêm sau khi gia nhập Hội Thánh Công Giáo và Rước lễ lần đầu, Thánh Elizabeth Ann Seton đã viết trong nhật ký của bà: “Cuối cùng THIÊN CHÚA LÀ CỦA TÔI và TÔI LÀ CỦA NGƯỜI”. Trong suốt quãng đời còn lại, đức tin sâu xa vào sự phục vụ tiên phong của bà cho Hội Thánh trong đất nước non trẻ của chúng ta đã được nuôi dưỡng bởi Chúa Giêsu Thánh Thể. Trong những năm gần đây, càng ngày càng nhiều Kitô hữu trong nước chúng ta rời bỏ các nhà thờ của họ và trở nên không theo giáo phái nào. Chúng tôi mời những người Công Giáo đã rời bỏ Hội Thánh hoặc những người không còn thực hành đức tin trở về nhà. Chúng tôi nhớ các bạn và chúng tôi yêu các bạn. Chúng tôi cầu nguyện rằng Chúa Giêsu sẽ kéo các bạn trở lại với gia đình Công Giáo của các bạn, Nhiệm thể của Người, qua Thân Mình Thánh Thể của Người. Chúng tôi lặp lại những lời được cho là của Thánh Têrêxa thành Calcutta: “Một khi bạn hiểu về Bí tích Thánh Thể, bạn không bao giờ có thể rời bỏ Hội Thánh. Không phải vì Hội Thánh không cho phép bạn mà vì trái tim bạn sẽ không cho phép bạn."

SAI ĐI

56. Đức Bênêđictô XVI đã nhắc nhở chúng ta rằng “tình yêu mà chúng ta cử hành trong bí tích không phải là điều chúng ta có thể giữ cho riêng mình. Tự bản chất của nó, nó đòi hỏi phải được chia sẻ với tất cả mọi người.” Chúng ta không phải là những người duy nhất cần tình yêu mà Đức Kitô đã bày tỏ cho chúng ta. Chúng ta được mời gọi để giúp phần còn lại của thế giới kinh nghiệm điều đó. “Điều thế giới cần là tình yêu của Thiên Chúa; thế giới cần gặp gỡ Đức Kitô và tin vào Người. Do đó, Bí tích Thánh Thể là nguồn mạch và tột đỉnh không những chỉ của đời sống Hội Thánh, mà còn của sứ vụ Hội Thánh.” Chúa Giêsu được Chúa Cha sai đến để cứu độ thế gian. Ở cuối cuộc cử hành Thánh Lễ, chúng ta, những người đã lãnh nhận Mình và Máu Đức Kitô và đã được tháp nhập sâu xa hơn vào Nhiệm Thể của Người, cũng được sai đi để loan báo Tin Mừng cứu độ cho thế giới: “Hãy ra đi bình an, tôn vinh Chúa bằng đời sống của anh chị em”.

57. Đức Thánh Cha Phanxicô đã nhấn mạnh rằng việc truyền giáo - truyền bá Tin Mừng của Chúa Giêsu Kitô - là một nhiệm vụ của mọi chi thể của Hội Thánh, không chỉ một vài chuyên gia:

Tất cả những người đã được rửa tội, bất kể địa vị của họ trong Hội Thánh hay mức độ giáo huấn về đức tin của họ, đều là những tác nhân của việc Phúc Âm hóa, và sẽ thiếu xót nếu hình dung một kế hoạch Phúc Âm hóa được thực hiện bởi các chuyên gia trong khi các tín hữu còn lại chỉ đơn thuần là những người đón nhận thụ động. Việc Tân Phúc Âm hóa mời gọi sự tham gia cá nhân của mỗi người đã chịu phép Rửa Tội.

Ngài khuyến khích tất cả chúng ta trở thành môn đệ truyền giáo: “Mỗi Kitô hữu là một nhà truyền giáo trong chừng mực mà họ đã gặp được tình yêu thương của Thiên Chúa trong Đức Kitô Giêsu: chúng ta không còn nói rằng chúng ta là 'môn đệ' và 'nhà truyền giáo', mà là chúng ta luôn là 'những môn đệ truyền giáo.'" Điều cốt yếu không phải là người ta được đào tạo cao cấp, mà là qua Đức Kitô một người khám phá ra tình yêu mà Thiên Chúa dành cho chúng ta và người ấy mong muốn dẫn người khác đến với cùng một khám phá vui mừng đó: "Bất cứ ai đã thực sự cảm nghiệm được tình yêu cứu độ của Thiên Chúa thì không cần nhiều thời gian hay sự huấn luyện lâu dài để đi ra ngoài và công bố tình yêu đó”. Tất cả điều cần thiết là một người đã biết đến tình yêu đó - tình yêu được thể hiện một cách ưu việt nhất trong Bí tích Thánh Thể - nói với người khác về điều đó.

Tất cả chúng ta đều được mời gọi để cung cấp cho nhữngngười khác một chứng từ rõ ràng về tình yêu cứu độ của Chúa, Đấng bất chấp những bất toàn của chúng ta, đã ban cho chúng ta sự gần gũi của Người, lời của Người và sức mạnh của Người, và mang lại ý nghĩa cho cuộc đời chúng ta. Trong tâm hồn anh chị em, anh chị em biết rằng sống mà không có Người thì hoàn toàn khác; những gì anh chị em đã nhận ra, những gì đã giúp anh chị em sống và cho anh chị em hy vọng, là những gì anh chị em cũng cần phải truyền đạt cho những người khác.

* * * * *

58. Chúng tôi đã đưa ra những suy tư này về đức tin và việc thực hành Thánh Thể của Hội Thánh như một điểm khởi đầu. Có thể nói còn nhiều điều nữa, nhưng điều quan trọng nhất là chúng ta hãy đi sâu hơn nữa bằng đức tin và tình yêu vào Mầu Nhiệm cao cả của các Mầu Nhiệm này. Tất cả chúng ta hãy cầu xin Chúa mời gọi chúng ta bước vào thời kỳ canh tân Thánh Thể, thời kỳ cầu nguyện và suy niệm, của những hành động bác ái và thành tâm sám hối. Chúa ở cùng chúng ta trong Mầu Nhiệm Thánh Thể được cử hành trong các giáo xứ và các họ lẻ của chúng ta, trong những thánh đường đẹp đẽ và trong những nhà nguyện nghèo nàn nhất của chúng ta. Người hiện diện và Người đến gần chúng ta, để chúng ta có thể đến gần Người hơn. Chúa rộng lượng cùng chúng ta với ân sủng của Người; và vì vậy, chúng ta, nhờ ân sủng của Người, phải luôn khiêm tốn cầu xin Người ban cho chúng ta những gì chúng ta cần thiết.

59. Đức Kitô Phục Sinh nói với chúng ta, Ta là Alpha và Omega, là nguyên thủy và cùng đích. Ta sẽ ban cho kẻ khát một món quà từ suối nước ban sự sống (Kh 21: 6). Thưa anh chị em, chúng ta hãy khát khao Chúa là Đấng đã chịu cơn khát trước vì chúng ta (Ga 19:28). Chúng ta hãy tôn thờ Chúa Giêsu, Đấng luôn ở lại với chúng ta, trên tất cả các bàn thờ của thế giới, và dẫn dắt những người khác đến chia sẻ niềm vui của chúng ta!

 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Thánh lễ tiếng Việt đầu tiên tại cộng đoàn CTTĐVN vùng San Mateo, bắc California
Thái Phạm
19:30 07/12/2021
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Hình ảnh Đức Mẹ vô nhiễm nguyên tội
Lm. Daminh Nguyễn ngọc Long
10:16 07/12/2021
Hình ảnh Đức Mẹ vô nhiễm nguyên tội

Vào tuần lễ thứ hai mùa Vọng, ngày 08.12. hằng năm Giáo hội mừng kính lễ Đức Mẹ Maria, mẹ Thiên Chúa, vô nhiễm nguyên tội. Tín điều này được Giáo hội dưới thời Đức Giáo Hoàng Pio IX. ngày 08.12.1854 công bố định tín trong toàn thể Giáo Hội Công Giáo.

Là tín điều phải tin trong đời sống đức tin, dẫu vậy xưa nay vẫn hằng luôn có những suy luận, tranh cãi thuận cũng như chống về sự nguyên tuyền không vướng mắc tội lỗi của Đức Mẹ Maria.

Vậy đâu là hình ảnh đời sống Đức Mẹ Maria trong đời sống hôm nay của người tín hữu Chúa Kitô?

Tín điều ngày lễ mừng này nhắc nhớ đến biến cố Thiên Chúa đến đi vào trần gian. Maria là người đứng vai trò vị trí trung tâm của biến cố thần thánh này qua lời ưng thuận của Maria chấp nhận chương trình của Thiên Chúa. Maria đã mở rộng cánh cửa không gian tâm hồn mình cho ý định của Thiên Chúa được thể hiện đi vào trong trần gian.

Nhà thơ Angelius Silesus có suy tư: ” Chúa Giêsu Kitô có sinh ra cả ngàn lần ở Bethlehem, và nếu Ngài không ở trong tâm hồn bạn, bạn sẽ mãi mãi mất Người.”.

Maria đã để cho Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa, xuống ở trong tâm hồn cung lòng mình.

Dẫu Maria được Thiên Thần Chúa chào ca ngợi là người “được chúc phúc”( Lc 1,28), và trấn an “ Xin đừng sợ hãi” ( Lc 1,30), nhưng Maria cũng vẫn giữ cung cách suy nghĩ do dự cùng đối thoại hỏi lại, để cho hiểu lời Thiên Thần Chúa truyền tin theo khía cạnh con người.

Cung cách này của Maria nói lên phản ứng về sự khai mở ngạc nhiên xảy đến trong đời sống vừa có cả vui mừng và cũng vừa có cả lo âu.

Đời sống nhân loại chúng ta từ gần hai năm nay đang trải qua sự khai mở ngạc nhiên hốt hoảng vì bệnh đại dịch COVID 19 lây lan truyền nhiễm đe dọa sức khoẻ đời sống con người. Nếp sống cũ xưa nay theo thói quen bỗng dưng trong khoảnh khắc bị đình trệ tê liệt ngưng chặn lại, mọi sự thay đổi. Và một khoảng trống chân không, nơi không có lời nào diễn tả cắt nghĩa nẩy sinh xuất hiện trong đời sống.

Hậu qủa tiếp theo con người đi tìm cách lấp cho đầy khoảng trống chân không đó bằng những hình ảnh mới, biện pháp phòng ngừa trấn an, bằng đi tìm kiếm nghiên cứu phương thuốc ngăn ngừa chữa trị, và có cả những suy nghĩ hoài nghi nữa…

Lý do dẫn đến sự khủng hoảng chao đảo đến độ câm điếc không có lời nào nói được này, theo suy nghĩ của nhà văn Philipp Blom là nhân loại sống trong cơn khai mở ngạc nhiên với đầy hốt hoảng không còn hình ảnh hướng dẫn nào nữa, và như thế không còn ngôn từ nào. Đó là thách đố trong thời gian hiện tại. Con người đi tìm những hình ảnh mới lấp vào khoảng trống khủng hoảng chao đảo.

Maria hoài nghi cùng lo sợ. Nhưng Maria đã tìm thấy hình ảnh phương hướng mới với cố gắng tìm hiểu qua cung cách đối thoại với Thiên Thần Chúa. Sự đối thoại này giúp Maria nhận ra thực tại ý Thiên Chúa muốn.

Và Maria đã nói lên lời biểu lộ sự tự do của mình: “Này tôi là nữ tỳ của Thiên Chúa, xin xảy đến cho tôi như lời Thiên Thần Chúa truyền.” ( Lc 1,38).

Lm. Daminh Nguyễn ngọc Long
 
Văn Hóa
Hans Urs von Balthasar: Kitô hữu là ai? Chương Ba, tiếp theo
Vũ Văn An
17:58 07/12/2021

Xa hơn bạn nghĩ

Do đó, Kitô giáo có một đề nghị rất khác thường đối với mong muốn chung của mọi tôn giáo về sự hợp nhất với Thiên Chúa. Các tôn giáo, miễn là không mắc kẹt trong chủ nghĩa nghi lễ, cuối cùng phải bằng lòng với việc một là xóa bỏ sự khác biệt giữa Thiên Chúa và thế giới hai là nếu không phải để con người hòa nhập vào Thiên Chúa (trong cái chết, trong sự ngay ngất hoặc suy niệm, v.v.). Kitô giáo đặt câu hỏi làm sao có thể có sự đồng nhất giữa Thiên Chúa và con người, vì cả hai vẫn khác nhau trong yếu tính? Và nó trả lời: Một đồng nhất như vậy có thể có được nhờ sự kiện này là Thiên Chúa ban cho tình yêu của Người phẩm tính vâng lời và con người dành cho sự vâng lời của mình cảm thức yêu thương. Điều này xảy ra khi họ, con người, đồng ý được dẫn dắt bởi Thiên Chúa (Đấng họ yêu mến vì Thiên Chúa đã yêu họ trước) vượt quá mọi điều mà bản thân họ có khả năng lập kế hoạch, thấy trước, mong muốn và chịu đựng bằng sức mạnh của chính mình. Sự vượt qua mọi sự vốn thuộc về mình này dẫn đến sự tự do của đấng thần linh. Sự siêu việt, trong yếu tính, không phải là “Eros” [dục lực], một điều vốn là ước muốn vượt quá, mà đúng hơn, là sự vâng lời tràn đầy đức tin, nhờ quyền năng của Thiên Chúa, Đấng ra lệnh. Giống như Thánh Phêrô đi trên sóng nước bằng sức mạnh của đức vâng lời. Như Ladarô trỗi dậy và bước đi, một xác chết bị băng bó, bởi sức mạnh của đức vâng lời.

Lời kêu gọi chúng ta ra ngoài phạm vi lập kế hoạch và mong muốn hữu hạn của chúng ta nhất thiết phải cứng rắn. Vì nó phải phá vỡ hạt nhân cứng rắn của sự hữu hạn của chúng ta, của sự cố thủ tội lỗi của chúng ta. Đó là lý do tại sao tất cả những lời của Chúa trong Tin Mừng đều có một sức âm vang đinh thép hết sức. Cho đến ngày tận thế, loài người sẽ phải bể răng vì chúng. Nhưng ở cốt lõi của sự cứng rắn của chúng, những lời này ẩn chứa một sự ngọt ngào vô hạn. Tính bất mủi lòng của chúng, một tính trong bản thể giống như Cựu ước, chỉ nhấn mạnh bản chất thực sự, tự do, tối cao của Thiên Chúa hằng sống, Đấng mà ý chí thánh thiện vẫn vô cùng cao hơn mọi phấn đấu, khao khát và hiểu biết của con người, và trong chừng mực con người là một kẻ có tội, cũng trái ngược với họ. Sự khao khát tự nhiên của ý chí con người [Sehnsuchtswille] (Voluntas ut natura, eros, desiderium [ý chí như bản nhiên, dục lực và thèm muốn]) không bao giờ có thể là thước đo cuối cùng của hành động đạo đức khi Thiên Chúa đã mạc khải ý chí yêu thương của Người [Liebeswille]. Ý chí khao khát, nhờ được sắp đặt hướng tới thể tuyệt đối, thực sự có thể là một tiêu chuẩn sâu rộng cho điều mà trong thế giới hữu hạn, cần phải tránh né hoặc cố gắng đạt được (qua sự tự làm chủ mình); tuy nhiên, nó không bao giờ có thể với xa hơn chân trời hiểu biết của con người chúng ta. Giả sử một người nào đó phải tự đặt cho mình một lý tưởng đạo đức thuộc loại cao nhất và khó nhất để phấn đấu, thì dù sao đó cũng phải là lý tưởng mà bản thân họ đã thai nghén và hình thành và do đó cũng tri nhận là đúng. Tìm cách vượt quá chân trời này của ý chí vừa bất khả vừa vô trách nhiệm đối với con người. Bất khả, vì ngay cả ý chí tạo vật, vốn tự do, cũng có xu hướng hướng tới thể tuyệt đối, nếu không nó đâu có tự do, và do đó nó chứa đựng trong chính nó trách nhiệm đối với chuyển động hướng tới thể tuyệt đối này. Nhưng tự bản chất đây là điều bất khả để con người thấu hiểu trước thể tuyệt đối như Tình yêu, tự do đến và tự ý gặp họ. Tính tuyệt đối của Tình yêu là gì, chỉ có chính Thiên Chúa của Tình yêu mới có thể nói cho họ biết, vượt xa mọi tiêu chuẩn của khao khát tạo vật.



Đây là lý do tại sao tình yêu quyết định đầu tiên của tạo vật mang tên là vâng lời, chứ không phải là sự hiểu biết trước (có Thiên Chúa ở phía sau chúng ta) về việc tình yêu hệ ở những gì và đâu là tác dụng của nó. Chắc chắn, hệ ở việc quan tâm quên mình đến người nghèo khó và thiếu thốn, tuy nhiên: “Anh em luôn có kẻ nghèo khó bên mình, nhưng anh em sẽ không luôn có Thầy đâu” (Mt 26:11). Trước khi tất cả mọi chương trình chúng ta nghĩ ra, dù khôn ngoan hay nhạy bén đến đâu, chúng ta cũng phải đối diện với sự kiện không thể tránh khỏi này là chính Tình yêu vĩnh cửu hiện diện, và trong khi mọi chương trình trần thế đều phải phân chia để chia sẻ (“Tại sao loại dầu thơm này không mang bán với giá ba trăm đồng bạc và cho người nghèo?” (Ga 12: 5), mọi sự xa hoa đều phải trước nhất dành cho chính Tình yêu vĩnh cửu, không tính toán (“Cứ để cho cô làm. Sao lại muốn gây chuyện? Cô ấy vừa làm cho tôi một việc nghĩa... Điều gì làm được thì cô đã làm: cô đã lấy dầu thơm ướp xác tôi, để chuẩn bị ngày mai táng” (Mc 14: 6, 8).

Lời Xin vâng vô điều kiện của Maria thành Bêtania là “công việc” đã hoàn thành, là “của cải” của người đã tiêu hết; nhưng nó mang ý nghĩa sâu sắc hơn vô cùng, mang theo nhiều hậu quả hơn, nhiều hoa trái hơn tất cả những kế hoạch và chương trình do chính con người nghĩ ra. Chính vì người yêu như vậy không thể lường trước được toàn bộ hệ lụy của hành động của cô ấy mà chỉ đơn giản phó thác nỗ lực yêu thương của mình cho Tình yêu của Thiên Chúa, để tùy Người sử dụng theo ý muốn của Người. Nhưng Thiên Chúa sử dụng nó cho các mục đích riêng của Người, điều mà con người không thể hiểu được và sự mạc khải của Người (bây giờ hoặc vào Ngày cuối cùng) sẽ khiến họ kinh ngạc như phước hạnh cao cả nhất. Tình yêu “mù quáng” của Maria được Thiên Chúa áp dụng vào mục đích Khổ nạn của Chúa Giêsu. Không cần biết cô ấy đang làm gì, cô ấy xức dầu Chúa cho cái chết cứu chuộc của Người và do đó, nhân danh Giáo Hội đầy yêu thương, bày tỏ sự thuận ý của nhân loại đối với công việc này của ân sủng Thiên Chúa; như thế, cô ấy được kết hợp như một đầy tớ và nữ tỳ, giống như Đức Mẹ của chúng ta, vào công việc này. Không có gì có hậu quả lớn hơn đã xẩy ra cho một con người.

Thật vậy, “công việc” được Chúa Giêsu ca ngợi ở đây là công việc tuyệt đối, mà Kitô hữu không thể dâng được gì để thay thế, dù nó có vẻ hữu hiệu đến mức nào đối với họ. Không có đặc sủng đức tin nào, mạnh đến mức có thể dời núi non, không có ơn phúc hùng biện thiêng liêng hay thiên thần nào nếu không có tình yêu thì chỉ là những lời lảm nhảm, không một chút thần học sâu sắc, nâng cao về mặt tiên tri, không có lòng quảng đại quan tâm đến người nghèo (“Nếu tôi cho đi tất cả những gì tôi có ”), thậm chí không phải tử đạo (có lẽ trong cuộc sống trinh khiết hoặc làm chứng cho Thiên Chúa) —trong tất cả những điều này“ tôi không là gì cả ”(1 Cr 13: 1–3). Tất cả những nỗ lực cực độ của con người trong việc tạo ra những quyết tâm tốt, thậm chí xuất sắc vẫn chỉ là sự cố gắng và bóp méo vô ích. Điều Thiên Chúa đòi hỏi nơi chúng ta là sự tự phó thác của con tim trong tinh thần yêu thương đầy đức tin.

Nhưng đối với con người, nghiêm túc nói: “Không phải con muốn, nhưng theo ý Chúa muốn” mà không tham gia vào nỗi thống khổ của Núi Cây Dầu thì là điều bất khả. Vào một thời điểm quyết định trên con đường Kitô giáo, bản nhiên phải cùng với Chúa Kitô đi vào sự chết. Sự trưởng thành đi lên của nó phải cắt ngang, cái nhìn sâu sắc của nó phải chìm vào ban đêm, sự hiểu biết bản thân được nuôi dưỡng cẩn thận của nó phải chìm vào xử tệ. Không thể khác hơn là một cuộc chiến cam go và cay đắng. Nếu kẻ tội lỗi không chai đá, thì Thiên Chúa đâu có trở nên cứng rắn với họ, và cho dù là một trái tim dịu dàng nhất trước mặt Thiên Chúa, như trái tim của Chúa Giêsu hay Đức Maria, thì các ngài vẫn phải đối mặt với sự cứng rắn vì lợi ích của người khác.

Như thế có gì đáng ngạc nhiên khi tất cả chúng ta mãi mãi chạy trốn khoảnh khắc này, khi các Kitô hữu lần lữa và trì hoãn nó, ức chế nó và cuối cùng quên nó đi? Người ta có thể vẽ lịch sử của Giáo hội dưới ánh sáng này như lịch sử của tất cả những gì được Giáo hội dâng lên Thiên Chúa như những thứ thay thế hòng thoát khỏi hành vi đức tin thực sự. Vì vậy, chúng ta thấy mình trở lại lãnh vực lưỡng nghĩa [ambivalent], nơi mà những điều rất tốt trong bản thân chúng có thể là biểu thức của một sự trốn tránh tiềm ẩn. Toàn bộ “sứ mệnh văn hóa” của Kitô hữu trong việc xây dựng các ngôi nhà thờ chánh tòa, các vương quốc, thi ca, và các bản giao hưởng nhằm tôn vinh nội dung đức tin của họ; toàn bộ hệ thống “chế độ Giáo hội khép kín” cung cấp nơi trú ẩn và an ninh, như một thẩm quyền biết mọi chuyện, chống lại những điểm dễ bị tổn thương và hiểm họa của đức tin, một hệ thống đạo đức vụ luật pháp và giải nghi [casuistical], nhưng ngày nay, một lần nữa đúng hơn lại chính là điều ngược lại,: các từ bỏ và tương đối hóa chế độ này do sự giải phóng của cái gọi là “hàng ngũ giáo dân trưởng thành”. Tất cả những điều này, cùng với nhiều triệu chứng khác, có thể được coi là dấu hiệu của một việc trốn chạy trong sợ hãi.

Chỉ dành cho người nghèo mới là Sứ điệp Tin mừng (2)

Cả Cựu ước lẫn Tân ước đều đầy những mối phúc cho người nghèo và những lời cảnh cáo và đe dọa đối với người giàu. Người nghèo là những người, vì thiếu tài sản, mới có chỗ để chào đón Thiên Chúa và sứ điệp của Người một cách vui vẻ. Vì vậy, Maria đã chọn “phần tốt hơn” bởi vì bà đã làm trống toàn bộ linh hồn của bà để giữ nó được tự do dành cho “điều duy nhất cần thiết”, tức Lời Thiên Chúa, sự xuất hiện của Người. Ngược lại, Mácta tự đặt mình vào tình trạng hết sức căng thẳng bởi vì bà, bằng sáng kiến riêng, rất giầu có trong việc hoạch định cách chào đón và lo liệu mọi sự cho Chúa. Đối với người giàu có, Nước Thiên Chúa luôn đến không đúng lúc, vì nó đòi hỏi tất cả không gian sẵn có, và không gian này đã bị tài sản riêng của họ chiếm hết. Do đó, sứ điệp không phải là tin mừng cho họ mà là sự bối rối, thậm chí có thể còn là phán xét nữa. Đức Maria là người thứ nhất tóm tắt một trong những đoạn chính của Cựu Ước khi ngài hát: “Chúa hạ bệ những ai quyền thế, Người nâng cao mọi kẻ khiêm nhường. Kẻ đói nghèo, Chúa ban của đầy dư, người giàu có, lại đuổi về tay trắng”. Trước đó rất lâu, Anna, mẹ của Samuen, đã hát tương tự như vậy: “Người nâng người nghèo lên từ bụi đất; Người nâng kẻ túng thiếu lên khỏi đống phân ”(1 Sm 2: 8 và tương tự trong Tv 113: 7). Và Giuđítha cũng như vậy: “Ngài là Thiên Chúa của kẻ hèn mọn, Đấng cứu giúp kẻ bị áp bức, nâng đỡ kẻ yếu đuối, Đấng bảo vệ kẻ bị bỏ rơi” (Tl 9:11). Người nghèo, hay người hèn mọn (cùng một từ: anawim), là những người, vì cảnh nghèo của họ, vừa bị khinh thường vừa bị áp bức. Đối với họ, qua miệng các tiên tri, Giêhôva đòi đức công bằng, cả vật chất lẫn tinh thần (Am 2: 6; Is 3:15, 10: 2, v.v.). Tuy nhiên, điều này chỉ được ban cho họ trong Chúa Kitô, Đấng bắt đầu ngay các Mối phúc của Người bằng một mối phúc cho những người nghèo trong tinh thần, cũng là những người được “thanh tẩy” (katharoi, “trong sạch”), những người không thể bảo đảm công lý cho chính họ và vì thế, “Than khóc” và “đói khát sự công bình” và là người bị loài người “sỉ vả... và bách hại... và thốt ra đủ thứ xấu xa chống lại... một cách lầm lẫn” (Mt 5: 3–12). Mọi lời hứa hẹn của Thiên Chúa được dự ứng cho những người này, những người không có gì khác để mong đợi. Trong các dụ ngôn, họ có thời gian để đáp lại lời mời, trong khi những người giàu có hoàn toàn lo việc riêng của họ. Và vì họ không có gì, họ cảm thấy họ không là gì cả và xem mình là người đời đời mắc nợ Thiên Chúa, và vì vậy, cùng với người thu thuế, họ có thể đứng ở phía cuối đền thờ, thú nhận mình có tội và trở về nhà được công chính hóa. Những người nghèo này là những đứa con vĩnh viễn, không có tài ăn nói trước mặt Thiên Chúa, trong khi những “người lớn” và những người hiểu biết là những người giàu có, kinh sư và người Pharisiêu. Nhưng lời hứa của Thiên Chúa tuyên bố minh nhiên rằng “Ngày ấy..., Ta sẽ đuổi cho khuất mắt ngươi những kẻ kiêu căng đắc thắng,...Ta sẽ cho sót lại giữa ngươi một dân nghèo hèn và bé nhỏ; chúng sẽ tìm nương ẩn nơi danh Chúa, số dân Ít-ra-en còn sót lại” (Xôphônia, 3: 11–13). Người nghèo, thường bị khinh bỉ, bị coi thường và bị coi khinh như những con số tầm thường, nhưng trong lời công bố của Chúa Kitô họ là một với “những người nhỏ bé” hoặc “trẻ em” hoặc “người thấp hèn” hoặc “người cuối hết”. Họ là những người tầm thường, không quan trọng trên thế giới, về họ, không có gì để nói và không được coi trọng trong mắt con người; giống như những Kitô hữu ở Côrintô bị Thánh Phaolô nói thẳng vào mặt rằng: “trong anh em đâu có mấy kẻ khôn ngoan trước mặt người đời, đâu có mấy người quyền thế, mấy người quý phái. Song những gì thế gian cho là điên dại, thì Thiên Chúa đã chọn để hạ nhục những kẻ khôn ngoan, và những gì thế gian cho là yếu kém, thì Thiên Chúa đã chọn để hạ nhục những kẻ hùng mạnh; những gì thế gian cho là hèn mạt không đáng kể, là không có, thì Thiên Chúa đã chọn để huỷ diệt những gì hiện có” (1 Cr 1: 26–28).

Không cần phải chứng minh một cách chuyên biệt đến mức nào, Chúa Kitô cũng hiểu sự nghèo khó này có nghĩa là sự nghèo khó thực sự, theo nghĩa đen mà Người muốn đặt các môn đệ vào trước và như một điều kiện chính, và chính Người cũng đã nêu gương về nó suốt cuộc đời Người. Và chỉ khi điều này hiện hữu, trước hết và trên hết, người ta mới có thể hy vọng rằng những người giàu có - cả về vật chất lẫn tinh thần - học hiểu đôi chút thế nào là nghèo “trong tinh thần”. Dĩ nhiên có thể người thu thuế có nhiều tài sản hơn người Pharisiêu. Nhưng nếu chúng ta không bắt đầu với sự nghèo khó vật chất, thì mọi điều vẫn chỉ là nói năng cao quí chứ không có gì xảy ra cả. Vì khi ấy, bất cứ người Pharisiêu nào “cho một phần mười tất cả những gì họ nhận được” (x. Lc 18:12), mọi người thu thuế “chia một nửa của cải cho người nghèo” (x. Lc 19: 8), đều có thể tưởng tượng họ đã là một trong những người nghèo trong tinh thần. Thật khác biết bao người đàn bà góa nghèo kia, người đã cho những người còn nghèo hơn mình những nhu yếu phẩm cơ bản nhất của mình và vì vậy, người đàn bà này đã làm giống như những môn đệ được chọn đã làm.

Trong Cựu Ước và đầu Tân Ước, cùng một ý nghĩa hữu hình như ý nghĩa nghèo khó hoàn toàn được nhìn ở nghĩa trần trụi thể lý, không có khả năng thụ thai, mang thai và đem nó vào đời. Một người phụ nữ như vậy là hoàn toàn nhục nhã; bà vừa bị khinh thường vừa đáng thương. Thậm chí bà không thể lo liệu được những gì một con thú có thể lo liệu; về phương diện con người, bà không trọn vẹn, là một nỗi thất vọng đối với chồng bà, đối với gia đình bà. Rất gần với sự hiếm muộn này trong Kinh thánh, vốn thường là điều kiện tiên quyết để Thiên Chúa hành động trong việc làm trọn các lời hứa của Người, như với Isaác, Giacóp, Samsong, Samuen, Gioan Baotixita, là sự nghèo khó và khiết trinh đó vì Thiên Chúa, bởi Thiên Chúa, trung thành với các lời hứa của Người, quyết định không đem chúng tới chỗ ứng nghiệm bằng bất cứ cách nào khác. Đó là lý do tại sao Đức Maria tự mô tả ngài là humilis ancilla, “nữ tỳ thấp hèn” được Chúa từ trên cao đoái nhìn (x. Lc 1:48). Ân sủng sinh sản đối với Thiên Chúa là một điều gì đó hoàn toàn nghịch lý, như trong “Sách An ủi” của nữ tử Sion, người đã kêu lên khi nhìn thấy các con trai của mình, “Ai đã sinh cho tôi những đứa con này đây? Tôi vốn là kẻ đã mất con, là người son sẻ, thân phận lưu đày, số kiếp lẻ loi: những đứa con này, ai đã dưỡng dục chúng? Tôi đã bị bỏ lại một mình, vậy chúng từ đâu ra?” (Is 49:21). Tuy nhiên, thay vì kinh ngạc, bà phải khen ngợi: “Reo mừng lên, hỡi người phụ nữ son sẻ, không sinh con; hãy bật tiếng reo hò mừng vui, hỡi ai chưa một lần chuyển dạ, vì con của phụ nữ bị bỏ rơi thì đông hơn con của phụ nữ có chồng, Đức Chúa phán” (Is 54: 1, được thánh Phaolô nhắc lại trong Gl 4:27).

Tất cả những điều trên đưa chúng ta đến trung tâm của mạc khải, một mạc khải, quả thật, chỉ là tin mừng dành cho người nghèo và chỉ sinh hoa trái cho những người không có hoa trái, cũng như nó chỉ có trong sự vâng phục của đức tin, một sự vâng phục tự để mình được Lời Chúa dẫn dắt, vượt trên mọi sắp đặt số phận của chúng ta, để nó có thể trở thành “kho báu” trong Thiên Chúa, một “viên ngọc quý”, một “vật sở hữu” kỳ diệu (Is 57:13; Mt 5: 4; 19:29, v.v.). Chỉ có như vậy, vương quốc tiếp nhận của con người trần thế mới “tương ứng” với Người gieo giống thần linh, không phải bằng cách lắng nghe Lời một cách thoáng qua, đầy lơ đễnh, và sinh những trái mau mọc nhưng chóng thối rữa, mà bằng cách trì chí trong một hành vi đức tin thường hằng, vốn được biết đến như là hành vi chiêm niệm trong truyền thống của Giáo hội. Đó là thái độ của một tâm hồn hoàn toàn rộng mở liên tiếp lắng nghe Lời Chúa. Như Mẹ Maria của chúng ta, đấng đã “hằng ghi nhớ mọi kỷ niệm ấy, và suy đi nghĩ lại trong lòng” (Lc 2:19, 51). Giống như Maria làng Bêtania, người kiên trì đón nhận Lời chiêm niệm tinh ròng, đã làm “một điều duy nhất cần thiết”.

Kỳ sau: Tính ưu việt của việc chiêm niệm trong đức tin

 
VietCatholic TV
Tông du Hy Lạp: ĐTC thăm những người tị nạn tại Trung tâm Tiếp nhận và Định danh ở Mytilene
Giáo Hội Năm Châu
05:28 07/12/2021

Sáng Chúa Nhật, Đức Giáo Hoàng sẽ đến Đảo Lesbos của Hy Lạp để thăm những người tị nạn tại “Trung tâm Tiếp nhận và Nhận dạng” ở thị trấn Mytilene.

Cùng đến thăm với ngài có bà tổng thống Katerina Sakellaropoulou. Bà đã đi trên một chuyến bay khác và đã đến nơi trước Đức Thánh Cha nửa giờ

Trong diễn từ tại đây, Đức Thánh Cha nói:


Anh chị em thân mến,

Cám ơn anh chị em vì những lời tốt đẹp của anh chị em. Tôi biết ơn bà, thưa bà Tổng thống, vì sự hiện diện và những lời nói của bà. Anh chị em thân mến, tôi lại ở đây một lần nữa, để gặp gỡ anh chị em và để bảo đảm với anh chị sự gần gũi của tôi. Tôi nói điều đó từ tận cõi lòng tôi. Tôi ở đây để nhìn thấy khuôn mặt của anh chị em và nhìn vào mắt anh chị em. Đôi mắt đầy sợ hãi và mong đợi, đôi mắt từng nhìn thấy bạo lực và nghèo đói, đôi mắt thành vệt bởi quá nhiều nước mắt. Năm năm trước trên hòn đảo này, Thượng Phụ Đại Kết Bartholomew, người anh em thân yêu của tôi, đã nói một điều khiến tôi kinh ngạc: “Những người sợ hãi anh chị em sẽ không nhìn thẳng vào mắt anh chị em. Những người sợ hãi anh chị em sẽ không nhìn vào mặt anh chị em. Những người sợ hãi anh chị em sẽ không nhìn con cái anh chị em. Họ đã quên rằng phẩm giá và tự do vượt lên trên sự sợ hãi và chia rẽ. Họ quên rằng di dân không phải là vấn đề đối với Trung Đông và Bắc Phi, đối với châu Âu và Hy Lạp. Đó là vấn đề của thế giới “(Diễn văn, ngày 16 tháng 4 năm 2016).

Đó là vấn đề của toàn thế giới: một cuộc khủng hoảng nhân đạo mà tất cả mọi người đều quan tâm. Đại dịch đã có một tác động hoàn cầu; nó đã khiến chúng ta nhận ra rằng tất cả chúng ta đang ở trên cùng một con thuyền; nó đã khiến chúng ta trải nghiệm ý nghĩa của việc có những nỗi sợ hãi giống hệt nhau. Chúng ta đã tiến đến chỗ hiểu rằng các vấn đề lớn phải cùng nhau đối đầu, vì trong thế giới ngày nay, các giải pháp từng phần là không phù hợp. Tuy nhiên, trong khi chúng ta đang cố gắng chích ngừa cho mọi người trên toàn thế giới và, dù có nhiều sự chậm trễ và do dự, nhưng tiến bộ đang đạt được trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu, tất cả những điều này dường như khiếm diện khi nói đến vấn đề di dân. Tuy nhiên, cuộc sống của con người, những con người thực sự, đang bị đe dọa! Tương lai của tất cả chúng ta đang bị đe dọa, và tương lai đó sẽ chỉ bình yên khi nó được hòa nhập. Chỉ khi nó hòa giải được với những người dễ bị tổn thương nhất thì tương lai mới thịnh vượng. Khi chúng ta bác bỏ người nghèo, chúng ta bác bỏ hòa bình.

Lịch sử dạy chúng ta rằng tư lợi và chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi dẫn đến những hậu quả tai hại. Thật vậy, như Công đồng Vatican II đã nhận xét, “một quyết tâm kiên quyết tôn trọng phẩm giá của các cá nhân và dân tộc khác cùng với việc cố ý thực hành tình yêu huynh đệ là điều tuyệt đối cần thiết để đạt được hòa bình” (Gaudium et Spes, 78). Thật là ảo tưởng khi nghĩ rằng chỉ giữ an toàn cho bản thân, bảo vệ bản thân khỏi những người có nhu cầu lớn hơn đang gõ cửa nhà chúng ta là đã đủ. Trong tương lai, chúng ta sẽ ngày càng tiếp xúc nhiều hơn với những người khác. Để biến nó thành điều tốt, điều cần thiết không phải là những hành động đơn phương mà là những chính sách có tầm rộng lớn. Tôi xin nhắc lại: lịch sử từng dạy ta bài học này, nhưng ta chưa học được nó. Chúng ta hãy ngừng việc làm ngơ thực tại, ngừng việc liên tục lẩn trốn trách nhiệm, ngừng việc chừa vấn đề di dân cho người khác, như thể nó không đáng kể với ai cả mà chỉ là một gánh nặng vô nghĩa cần ai đó khác phải gánh vác!

Thưa anh chị em, khuôn mặt và đôi mắt của anh chị em đang nài nỉ chúng tôi đừng nhìn theo hướng khác, đừng phủ nhận nhân tính chung của chúng ta, nhưng biến các trải nghiệm của anh chị em thành của riêng chúng tôi và lưu tâm đến hoàn cảnh bi đát của anh chị em. Elie Wiesel, một nhân chứng của thảm kịch lớn nhất thế kỷ trước, từng viết: “Chính vì tôi nhớ về sự khởi đầu chung của chúng tôi mà tôi xích lại gần hơn với đồng loại nhân bản của mình. Chính vì tôi không chịu quên rằng tương lai của họ cũng quan trọng như tương lai của chính tôi “(From the Kingdom of Memory, Reminiscences [Từ Vương quốc Ký ức, Hồi tưởng], New York, 1990, 10). Chúa Nhật này, tôi cầu xin Thiên Chúa đánh thức chúng ta khỏi sự coi thường những người đang đau khổ, đánh thức chúng ta khỏi chủ nghĩa cá nhân chuyên loại trừ người khác, đánh thức các trái tim giả điếc trước nhu cầu của những người lân cận. Tôi yêu cầu mọi người nam nữ, tất cả chúng ta, hãy vượt qua sự tê liệt của sợ hãi, sự thờ ơ giết người, sự coi thường đầy nghi ngại chuyên hờ hững kết án tử hình những người đang ở ngoại vi! Chúng ta hãy chống lại tận gốc não trạng đương thịnh chỉ biết loay hoay với bản thân, tư lợi, của cả bản thân lẫn quốc gia, và trở thành thước đo và tiêu chuẩn của mọi sự.

Năm năm đã trôi qua kể từ khi tôi đến thăm nơi này cùng với những người anh em thân yêu của tôi là Đức Bartholomew và Đức Ieronymos. Sau những năm này, chúng ta thấy rất ít thay đổi đã diễn ra liên quan đến vấn đề di dân. Chắc chắn, nhiều người đã dấn thân vào công việc đón tiếp và hội nhập. Tôi muốn cảm ơn rất nhiều tình nguyện viên và tất cả những người ở mọi bình diện – định chế, xã hội, bác ái và chính trị - những người đã nỗ lực rất nhiều để chăm sóc cho các cá nhân và giải quyết vấn đề di dân. Tôi cũng thừa nhận các cố gắng đưa ra để tài trợ và xây dựng các cơ sở tiếp đón xứng đáng, và tôi chân thành cảm ơn người dân địa phương vì những điều tốt đẹp mà họ đã hoàn thành và vì nhiều hy sinh mà họ đã thực hiện. Tôi cũng cảm ơn chính quyền địa phương đã chào đón và chăm sóc những người đến với chúng ta. Cảm ơn anh chị em về những gì anh chị em đang thực hiện! Tuy nhiên, với sự hối tiếc sâu xa, chúng ta phải thừa nhận rằng đất nước này, cũng như những nước khác, vẫn tiếp tục cần được thúc đẩy mạnh mẽ, và ở châu Âu có những người vẫn cố chấp coi vấn đề này như một vấn đề không liên quan gì đến họ. Đây là bi kịch. Tôi nhớ lại những lời cuối cùng mà Tổng thống từng nói: “Châu Âu cũng có thể làm như vậy”.

Biết bao điều kiện vẫn không xứng đáng với con người! Biết bao điểm nóng nơi đó các di dân và người tị nạn sống trong điều kiện bấp bênh, mà không thấy thấp thoáng một giải pháp nào ở phía trước! Tuy nhiên, sự tôn trọng đối với các cá nhân và nhân quyền, nhất là ở lục địa này, nơi đang không ngừng cổ vũ chúng trên toàn thế giới, cần phải luôn được đề cao, và phẩm giá của mỗi người phải được đặt lên hàng đầu. Thật là buồn khi nghe các đề nghị như quỹ chung cần được sử dụng để xây những bức tường và dây thép gai như một giải pháp. Chúng ta đang ở trong thời đại của những bức tường và hàng rào thép gai. Chắc chắn, chúng ta thông cảm nỗi sợ hãi và bất an của người ta, những khó khăn và nguy hiểm liên hệ cũng như cảm giác mệt mỏi và thất vọng nói chung, bị các cuộc khủng hoảng kinh tế và đại dịch làm cho trầm trọng hơn. Tuy nhiên, các vấn đề không được giải quyết và sự chung sống không được cải thiện bằng cách xây những bức tường cao hơn, mà bằng cách hợp lực để chăm sóc người khác theo khả năng cụ thể của mỗi người và tôn trọng luật pháp, luôn dành ưu tiên cho giá trị bất di bất dịch của cuộc sống mỗi con người. Vì, như Elie Wiesel cũng đã nói: “Khi tính mạng con người bị đe dọa, khi phẩm giá con người bị đe dọa, biên giới quốc gia trở nên vô nghĩa” (Bài diễn văn nhận giải Nobel, ngày 10 tháng 12 năm 1986).

Trong các xã hội khác nhau, an ninh và liên đới, các mối quan tâm địa phương và phổ quát, truyền thống và sự cởi mở đang được đặt tương phản với nhau một cách đầy ý thức hệ. Thay vì tranh cãi về các ý tưởng, tốt hơn nên bắt đầu với thực tại: dừng lại và mở rộng tầm nhìn của chúng ta để tiếp nhận các vấn đề của đa số nhân loại, của tất cả những người đang là nạn nhân của các trường hợp nhân đạo khẩn cấp không do họ tạo ra, nhưng phải chịu đựng như một chương mới nhất trong lịch sử bóc lột lâu đời. Gây xôn xao dư luận bằng cách gieo rắc nỗi sợ hãi cho người khác là điều dễ dàng. Tuy nhiên, tại sao chúng ta lại không nói một cách mãnh liệt về việc bóc lột người nghèo, về những cuộc chiến tranh ít khi được nhắc đến nhưng thường được tài trợ tốt, về những thỏa thuận kinh tế mà người dân phải trả giá, về những thỏa thuận bí mật đối với việc buôn bán vũ khí, ủng hộ việc gia tăng buôn bán vũ khí? Tại sao điều này không được nói đến? Những nguyên nhân xa nên bị tấn công, chứ không phải những người nghèo phải trả giá cho các hậu quả và thậm chí được sử dụng để tuyên truyền chính trị. Để loại bỏ các nguyên nhân gốc rễ, cần nhiều điều hơn là chỉ vá víu các tình huống khẩn cấp. Các hành động phối hợp là điều cần thiết. Những thay đổi mang tính thời đại phải được tiếp cận với tầm nhìn rộng lớn. Không có câu trả lời dễ dàng cho các vấn đề phức tạp; thay vào đó, chúng ta cần đồng hành với các diễn trình từ bên trong, để vượt qua cảnh cô lập hóa và thúc đẩy sự hội nhập từ từ và cần thiết, để chấp nhận các nền văn hóa và truyền thống của người khác một cách huynh đệ và có trách nhiệm.

Trên hết, nếu chúng ta muốn bắt đầu lại, chúng ta phải nhìn vào khuôn mặt trẻ em. Mong rằng chúng ta có đủ can đảm để cảm thấy xấu hổ trước sự hiện diện của các em; trước sự ngây thơ của các em, các em là tương lai của chúng ta. Các em thách thức lương tâm chúng ta và chất vấn chúng ta: “Các ông các bà muốn cho chúng tôi thứ thế giới nào?” Chúng ta đừng vội quay mặt đối với những bức ảnh gây sốc về những thân hình nhỏ bé của các em nằm vô hồn trên bãi biển. Địa Trung Hải, nơi hàng thiên niên kỷ đã đem các dân tộc khác nhau và những vùng đất xa xôi lại gần nhau, giờ đây đang trở thành một nghĩa trang nghiệt ngã không bia mộ. Vùng nước vĩ đại này, cái nôi của rất nhiều nền văn minh, giờ đây trông như một tấm gương chết chóc. Chúng ta đừng để biển của chúng ta (mare nostrum) bị biến thành một biển chết hoang vắng (mare mortuum). Chúng ta đừng để nơi gặp gỡ này trở thành một sân khấu của xung đột. Chúng ta đừng để “biển ký ức” này biến thành “biển lãng quên”. Xin các anh chị em, chúng ta hãy ngăn chặn vụ đắm tàu của nền văn minh này!

Trên bờ biển này, Thiên Chúa đã trở thành người phàm. Tại đây lời của Chúa Giêsu vang lên, tuyên bố rằng Thiên Chúa là “Cha và là người hướng dẫn mọi người” (Thánh GREGORY thành NAZIANZUS, Điếu văn VII cho anh Caesarius của ngài, 24). Thiên Chúa yêu chúng ta như con cái của Người; Người muốn chúng ta là anh chị em. Thay vào đó, Người cảm thấy bị xúc phạm khi chúng ta coi thường những con người nam nữ được tạo ra theo hình ảnh của Người, bỏ mặc họ trong lòng thương xót của sóng biển, trong sự thờ ơ, đôi khi được biện minh thậm chí nhân danh các giá trị được cho là Kitô giáo. Trái lại, đức tin đòi hỏi lòng trắc ẩn và lòng thương xót. Chúng ta đừng quên rằng đây là phong cách của Thiên Chúa: gần gũi, từ bi và dịu dàng. Đức tin thôi thúc chúng ta đến với lòng hiếu khách, đến với lòng philoxenia (yêu người xa lạ) vốn thấm nhuần nền văn hóa cổ điển, và sau này được Chúa Giêsu tìm ra cách diễn tả nó cách dứt khoát, đặc biệt trong dụ ngôn Người Samaritanô nhân hậu (x. Lc 10,29-37) và những lời của Chương 25 Tin Mừng Mátthêu (xem câu 31-46). Khác xa với ý thức hệ tôn giáo, điều này liên quan đến nguồn gốc Kitô giáo cụ thể của chúng ta. Chúa Giêsu long trọng nói với chúng ta rằng Người hiện diện trong người khách lạ, người tị nạn, trong những người trần truồng và đói khát. Chương trình Kitô giáo là nơi Chúa Giêsu hiện diện, vì chương trình Kitô giáo, như Đức Bênêđíctô đã viết, “là một trái tim biết nhìn” (Deus Caritas Est, 31). Tôi không muốn kết thúc diễn từ này mà không cảm ơn người dân Hy Lạp vì tinh thần chào đón của họ. Nhiều khi điều này trở thành vấn đề vì những người đến nơi này khó đi nơi khác được. Xin cảm ơn các anh chị em đã rộng lượng!

Bây giờ chúng ta hãy cầu xin Đức Mẹ, để Đức Mẹ mở mắt cho chúng ta nhìn thấy các đau khổ của anh chị em chúng ta. Mẹ Maria vội vàng lên đường đến thăm người chị em họ Elizabeth đang mang thai. Biết bao bà mẹ mang thai, lên đường vội vã, đã gặp cái chết, ngay cả khi đang mang trong dạ mình sự sống! Xin Mẹ Thiên Chúa giúp chúng ta có cái nhìn mẫu thân, coi mọi người đều là con cái Thiên Chúa, đều là anh chị em để được đón nhận, che chở, nâng đỡ và hòa nhập. Và được yêu thương một cách dịu dàng. Xin Mẹ rất thánh dạy chúng ta biết đặt thực tại của những người nam nữ lên trước các ý tưởng và ý thức hệ, và vội vàng ra đi gặp gỡ mọi người đang đau khổ.

Bây giờ tất cả chúng ta hãy cầu nguyện với Đức Mẹ..

Sau đó, ngài quay trở lại Athens vào buổi chiều để cử hành thánh lễ lúc 16:45 tại “Phòng hòa nhạc Megaron”. Buổi tối, ngài đã chào đón chuyến viếng thăm xã giao đáp lễ của Đức Tổng Giám Mục Ieronymos II tại Tòa Sứ thần Tòa Thánh ở Athens.
 
Độc đáo: Phép lạ ngoạn mục, chữa lành tức khắc do cô gái 12 tuổi cầu bầu. Tuyên bố của HĐGM Hoa Kỳ
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
16:48 07/12/2021


1. Đức Thánh Cha Phanxicô có thể thăm Ukraine trong tương lai gần

Đức Thánh Cha Phanxicô có thể thăm Ukraine trong tương lai gần, Đức Tổng Giám Mục Sviatoslav Shevchuk, nhà lãnh đạo của Giáo Hội Công Giáo Đông phương Ukraine cho biết tại Diễn đàn An ninh Kiev.

“Vài tuần trước, tôi đã có cơ hội trao đổi cá nhân với Đức Giáo Hoàng Phanxicô về Ukraine. Ngài rất lo lắng cho số phận của những người dân thường. Những người ngày nay có thể không được lắng nghe”.

Đức Tổng Giám Mục Sviatoslav thông báo rằng chuyến thăm của Đức Giáo Hoàng tới Ukraine có thể sớm diễn ra.

“Chúng tôi có tin tốt. Chúng tôi mong đợi chuyến thăm của ngài đến Ukraine sẽ sớm diễn ra. Điều này vẫn chưa được công bố, nhưng chúng tôi đã sống trong dự đoán và chuẩn bị”.

Ngài nói: “Đây là một tín hiệu rất mạnh mẽ về sự ủng hộ đối với người dân và nhà nước của chúng ta”.
Source:Interfax

2. Hội Đồng Giám Mục Mỹ báo cáo về phép lạ không thể giải thích được do bé gái 12 tuổi thực hiện

Một cô gái Louisiana thường được gọi là “Thánh Cajun nhỏ” đã được tiến thêm một bước thứ hai để trở thành thánh thực sự, cùng với một giáo viên đã gõ cửa từng nhà để truyền giáo ở vùng nông thôn Cajun và một người đàn ông đã làm việc trong nhiều thập kỷ tại một trại cùi ở Hawaii.

Trong cuộc họp vào tháng 11 tại Baltimore, Hội đồng Giám mục Hoa Kỳ đã tổ chức các cuộc bỏ phiếu để thúc đẩy án phong chân phước và phong thánh cho Charlene Richard của giáo phận Richard, August “Nonco” Pelafigue của giáo phận Arnaudville, và Ira Barnes Dutton, người đã lấy tên là Joseph Dutton khi ông cải sang đạo Công Giáo.

“Thật là một khoảnh khắc vui mừng khi nghe một cuộc bỏ phiếu đồng lòng ủng hộ việc chúng ta theo đuổi cả hai án phong chân phước và phong thánh cho cả hai giáo dân địa phương của Giáo phận chúng ta,” Đức Cha Douglas Deshotel của Giáo phận Lafayette cho biết trong một thông cáo báo chí.

Giáo phận cho biết, giờ đây cả các giáo xứ địa phương và các giám mục đều thấy các vị nêu trên rất xứng đáng, Bộ Tuyên thánh của Vatican sẽ tìm hiểu cuộc sống của các ứng viên và điều tra bất kỳ phép lạ nào được cho là nhờ lời cầu bầu của các vị này.

Richard mới 12 tuổi khi cô chết vì bệnh bạch cầu năm 1959. Pelafigue mất năm 1977 ở tuổi 89. Dutton, 87 tuổi, qua đời năm 1931.

Thông cáo của giáo phận cho biết: Một ứng viên khác từ Giáo phận Lafayette là một linh mục tình nguyện làm tuyên úy quân đội trong Thế chiến thứ hai và chết trong khi là tù nhân chiến tranh năm 1944 - đã được đề xuất trong cuộc họp mùa xuân của các giám mục.

Thông cáo của Hội đồng Giám mục Hoa Kỳ, gọi tắt là USCCB, cho biết Richard qua đời tại bệnh viện Đức Mẹ Lộ Đức ở Lafayette khoảng hai tuần sau khi tuyên úy của bệnh viện nói với cô rằng bệnh của cô đã ở giai đoạn cuối.

“Mặc dù căn bệnh đau đớn, Charlene vẫn vui vẻ, hiền lành chấp nhận số phận của mình và dâng lên Chúa những đau khổ của mình. Trong khi hấp hối, cô gái trẻ đã cầu nguyện cho những người khác được chữa lành hoặc cải sang đạo Công Giáo”.

Bản tuyên bố của USCCB nhấn mạnh rằng: Tuyên úy và giám đốc điều dưỡng của bệnh viện đều khẳng định rằng những người cô cầu nguyện đã được chữa lành hoặc cải đạo.

Hàng nghìn người đến thăm mộ cô mỗi năm. Charlene được tin là đã chữa khỏi bệnh viêm não chi có khả năng gây tử vong rất cao cho một phụ nữ Chicago, là người đã đưa tay lên mộ cô.

Pelafigue là cư dân lâu năm của Arnaudville. Ông là một giáo viên, một nhà sản xuất các vở kịch dành cho trẻ em và một nhà truyền giáo từng nhà, người đã cống hiến cuộc đời mình cho Thánh Tâm Chúa Giêsu.

Cha mẹ Dutton chuyển từ Vermont đến Wisconsin khi anh khoảng 4 tuổi. Ông đã cải đạo sang Công Giáo vào sinh nhật lần thứ 40 vào năm 1883, ở Memphis, Tennessee. Sự cải đạo của ông và 35 năm làm việc trong khu bệnh cùi ở Molokai là một phần trong ước muốn đền tội cho cái mà ông gọi là “thập kỷ bê tha” của mình - một thời kỳ khó khăn bắt đầu vào năm 1867, sau khi vợ ông rời bỏ ông.
Source:Crux

3. Từ Syria đến Slovakia, các tòa nhà được thắp sáng để nêu bật tình cảnh bị bách hại của các tín hữu Kitô

Hàng trăm tòa nhà trên khắp thế giới đã được thắp sáng trong tình liên đới với các tín hữu Kitô bị đàn áp trong Tuần lễ Đỏ, một sự kiện thường niên do tổ chức bác ái Trợ Giúp Các Giáo Hội Đau Khổ, gọi tắt là ACN tổ chức.

Lễ kỷ niệm năm nay, từ ngày 17 đến 24 tháng 11, đánh dấu lần đầu tiên các quốc gia Đông Âu như Ukraine và Bosnia và Herzegovina tham gia sự kiện này, với Nhà thờ Công Giáo Đông phương Chúa Kitô Phục sinh và nhà thờ chính tòa Sarajevo đã được chiếu sáng bằng màu đỏ.

Một điểm nổi bật khác là sự tham gia của Nhà thờ Công Giáo Maronite Thánh Elijah ở Aleppo, Syria. Nhà thờ bị hư hại nặng trong cuộc chiến đang diễn ra của đất nước nhưng được xây dựng lại với sự giúp đỡ của ACN.

Cũng được thắp sáng bằng màu đỏ là nhà thờ Sacré-Cœur, nghĩa là Thánh Tâm, ở thủ đô Paris của Pháp, và các nhà thờ lớn ở Sydney, Melbourne, và Hobart ở Úc.

Vào Thứ Tư Đỏ, ngày cuối cùng của Tuần lễ Đỏ, ACN đã công bố một báo cáo cho thấy việc đối xử với phụ nữ và trẻ em gái thiểu số theo Kitô Giáo ở các vùng của Phi Châu, Trung Đông và Nam Á đang là một “thảm họa nhân quyền”. Chẳng hạn như tại Pakistan, đã có hàng trăm trường hợp bọn côn đồ Hồi Giáo xông vào tận nhà bắt cóc các thiếu nữ Kitô cưỡng hiếp, ép kết hôn và cải sang đạo Hồi.

Vào đầu Tuần lễ Đỏ, tổ chức giáo hoàng thông báo họ đã quyên góp 5.6 triệu đô la để giúp các cộng đồng Kitô Giáo ở Li Băng và Syria.
Source:Catholic News Agency