Chúa nhật Phục Sinh (Tđcv 10, 34a.37-43; Col 3, 1-4; Ga 20, 1-9).

Câu truyện xưa kể rằng: Một linh mục tìm thấy vòng gai uốn cuộn bằng cành hồng khô giống như mạo gai của Chúa Giêsu. Nghĩ rằng đây có thể là biểu tượng việc Chúa Kitô chịu đau khổ và đóng đinh. Cha nhặt lấy mang về đặt trên bàn thờ trong nhà nguyện vào Thứ Sáu Tuần Thánh. Sáng sớm Chúa Nhật Phục Sinh, ngài nhớ đến việc đã làm hôm trước. Nhận thấy rằng để cành gai khô trên bàn thờ sẽ không thích hợp cho việc cử hành lễ Chúa Nhật Phục Sinh. Cha vội đi vào nhà nguyện để thu dọn trước khi giáo dân đến tham dự thánh lễ. Nhưng khi bước vào nhà nguyện, cha ngạc nhiên nhận thấy cành hồng gai khô đã trổ sinh những bông hồng nho nhỏ tuyệt đẹp. Hoa nở là biểu tượng của sự sống tươi đẹp.

Hằng năm, Giáo Hội cử hành Tam Nhật Thánh, đây là cao điểm của năm Phụng Vụ. Tất cả mọi cử hành phụng vụ đều qui hướng về Chúa Giêsu Kitô. Giáo Hội tưởng niệm việc Chúa Giêsu lập Bí tích Thánh Thể, trao ban chức Tư Tế, nêu gương khiêm hạ phục vụ, chấp nhận hy sinh đau khổ và trao ban tình yêu dâng hiến. Giáo Hội mời gọi các Kitô hữu gẫm suy về cuộc tử nạn qua từng lời nói, cử chỉ và hành động của Chúa Giêsu trong những ngày cuối đời. Các nhân chứng sống động khởi đầu một hành trình đức tin sâu thẳm. Họ chứng kiến Chúa Giêsu đã bị treo trên cây gỗ và đã chết: Còn chúng tôi đây xin làm chứng về mọi việc Người đã làm trong cả vùng dân Do-thái và tại chính Giêrusalem. Họ đã treo Người lên cây gỗ mà giết đi (Tđcv 10, 39). Thân xác Chúa chịu đựng mọi hình khổ, nào là roi vọt đòn đánh, mạo gai đâm thấu, bị đóng đinh vào thánh giá và sau cùng lưỡi đòng đâm thấu trái tim. Chúa đã đổ tới giọt máu cuối cùng để tẩy xóa tội lỗi cho nhân loại. Chúa trút hơi thở và đã chết.

Maria Mađalêna là người đầu tiên được chứng kiến một sự kiện lớn lao nhất là mồ trống. Bà đã loan tin ngay cho tông đồ Phêrô và Gioan. Bà liền chạy về gặp ông Simôn Phêrô và người môn đệ Đức Giêsu thương mến. Bà nói: "Người ta đã đem Chúa đi khỏi mộ; và chúng tôi chẳng biết họ để Người ở đâu."(Ga 20, 2). Sự kiện mồ trống rất quan trọng, có nghĩa là xác của Chúa Giêsu không còn trong mồ. Chúa đã phục sinh từ cõi chết. Đây là niềm tin và niềm hy vọng tuyệt đối. Biến cố Chúa Giêsu sống lại là cốt lõi của tất cả lịch sử cứu độ. Sự kiện Chúa sống lại cũng giống như khi Chúa giáng trần đã xảy ra trong hoàn cảnh rất đơn sơ và khiêm tốn. Chương trình cứu độ nhân loại của Thiên Chúa được thể hiện tiệm tiến qua từng biến cố. Sự sống lại từ cõi chết là duy nhất. Chúa Giêsu đã loan báo điều này khi cho Lazarô sống lại từ cõi chết: Đức Giêsu liền phán: "Chính Thầy là sự sống lại và là sự sống. Ai tin vào Thầy, thì dù đã chết, cũng sẽ được sống (Ga 11, 25).

Niềm vui Chúa sống lại đã tràn ngập tâm hồn Đức Maria, các tông đồ và các thân hữu. Chúa đã sống lại và đã ra khỏi mồ. Tin vui Chúa phục sinh loan truyền nhanh chóng. Tuy nhiên, sự kiện này hoàn toàn mới mẻ và vượt lên trên mọi suy tư và định hướng của con người. Một vài tông đồ bỡ ngỡ, hoài nghi và rồi bỏ cuộc. Tông đồ Tôma đòi xem bằng chứng cụ thể vết sẹo nơi chân tay của Chúa. Gioan đã chứng kiến cảnh mộ trống và đã tin Chúa sống lại: Ông đã thấy và đã tin (Ga 20, 8). Từng bước, Chúa Kitô qui tụ các tông đồ trở về với sứ mệnh và củng cố lòng tin của các ông. Tông đồ Phêrô đã mạnh dạn tuyên xưng và làm nhân chứng về Chúa Giêsu: Ngày thứ ba, Thiên Chúa đã làm cho Người trỗi dậy, và cho Người xuất hiện tỏ tường, không phải trước mặt toàn dân, nhưng trước mặt những chứng nhân Thiên Chúa đã tuyển chọn từ trước, là chúng tôi, những kẻ đã được cùng ăn cùng uống với Người, sau khi Người từ cõi chết sống lại (Tđcv 10, 40-41).

Chúng ta tin vào Chúa Kitô là Con Thiên Chúa. Chúng ta tin Chúa Kitô đã sống lại từ cõi chết. Chúng ta tuyên xưng niềm tin tuyệt đối vào Chúa Kitô. Chúa Kitô hôm qua, hôm nay, nguyên thủy và cùng đích của mọi loài thụ tạo. Ngài là Alpha và Ômega. Tất cả thời gian và mọi thế hệ là của Chúa. Mọi vinh quang và vương quyền qua muôn thế hệ thuộc về Chúa đến muôn đời. Chúa Giêsu là trung gian của vạn vật. Với ngôn ngữ của loài người, chúng ta không thể diễn tả hết nội dung của mầu nhiệm cứu độ. Con Chúa cao siêu tuyệt đối hạ xuống trở nên thân phận tôi đòi. Chúa tể của muôn loài chấp nhận sự trói buộc và đóng gim vào thập giá. Chúa Giêsu đã bước xuống cùng tận của kiếp người và từ đáy vực thẳm Chúa đã cứu vớt loài người lên. Chúa còn ban cho con người tước vị làm con Chúa và đồng thừa hưởng sự sống vĩnh cửu.

Sự sống lại của Chúa Kitô đã trở thành niềm hy vọng viên mãn cho những kẻ tin. Trải qua các thời đại, đã có biết bao nhân chứng dám sống chết cho niềm tin phục sinh. Hãy nhìn đời sống nhân chứng của các vị tử đạo, các nhà truyền giáo và các thiện nguyện viên đang xả thân phục vụ tha nhân. Chúng ta tự hỏi: Điều gì đã giúp các bà góa phụ can đảm đứng bên cạnh nấm mồ của người chồng vừa qua đời? Niềm tin hy vọng nào đã khích lệ những người tàn tật, bất toại, đui mù, phong cùi và những kẻ bị lạm dụng thân xác và tinh thần? Làm thế nào để vợ chồng, con cái và những người thân bằng quyến thuộc đối diện với những chia ly, mất mát, bệnh hoạn, phân tán và chết chóc. Đâu là câu trả lời cho tất cả những khổ đau, buồn nản, tuyệt vọng, tai ương và những đau thương sầu não của cuộc đời. Câu trả lời chính xác, đó chính là niềm hy vọng của sự sống lại và sự sống đời sau. Thánh Phaolô đã nhắc nhở chúng ta: Khi Đức Kitô, nguồn sống của chúng ta xuất hiện, anh em sẽ được xuất hiện với Người, và cùng Người hưởng phúc vinh quang (Col 3, 4). Chúa Kitô phục sinh là nguồn sống và suối ân tình tuôn đổ ân sủng vào những tâm hồn khát khao.

Thánh Phaolô mời gọi chúng ta hãy hướng nhìn lên và đặt niềm tin vào Thiên Chúa trên cao: Anh em hãy hướng lòng trí về những gì thuộc thượng giới, chứ đừng chú tâm vào những gì thuộc hạ giới (Col 3, 2). Trong cuộc lữ hành trần thế, đôi mắt của chúng ta có thể nhìn xuống đất để tìm kiếm những của cải vật chất và tìm đáp ứng thỏa mãn nhu cầu bản năng đòi hỏi. Chúng ta cũng có thể nhìn sang ngang tìm những mối quan hệ thân thương tình người để cùng nâng đỡ, chia xẻ, cảm thông và yêu thương để xây dựng cuộc đời. Sứ mệnh của con người cao cả hơn tất cả mọi loài động vật, chúng ta hãy ngước mắt nhìn lên vũ trụ bao la để học biết về cùng đích của đời người. Lữ hành dương thế chỉ là tạm bợ trong không gian và thời gian. Mọi sự hiện hữu trên trần thế này, một ngày nào đó sẽ qua đi và tan biến. Niềm hy vọng vào cuộc sống ngày sau là một một trả lời cho tất cả ước mơ, niềm tin và hy vọng của chúng ta. Chúng ta biết rằng con đường lên thiên đàng là thiên đàng. Nếu chúng ta ngưỡng vọng sự sống đời đời và gieo mầm sống ở trần gian này, chúng ta sẽ gặt hái kết qủa sự sống ngày sau.

Chúa Giêsu đã mạc khải cho chúng ta con đường cứu độ. Chúng ta không thể đi con đường tắt nhưng phải dõi theo con đường Chúa đã đi qua. Con đường thập giá, con đường hy sinh từ bỏ và con đường của sự thánh thiện, dâng hiến và yêu thương. Muốn được hưởng triều thiên vinh quang và cuộc sống hạnh phúc viên mãn, chúng ta cùng bước theo Chúa Kitô. Ngài chính là đường là sự thật và là sự sống. Tác giả sách Tông Đồ Công Vụ đã công bố rằng: Tất cả các ngôn sứ đều làm chứng về Người và nói rằng phàm ai tin vào Người thì sẽ nhờ danh Người mà được ơn tha tội (Tđcv 10, 43). Tin vào Chúa Kitô Phục Sinh, chúng ta sẽ tìm thấy ý nghĩa đích thực của cuộc sống đời tạm này.

Lạy Chúa, Chúa là nguồn tái sinh thiêng liêng, xin đốt lửa mến yêu trong lòng chúng con. Chúng con phó dâng trọn niềm tin yêu cuộc đời của chúng con theo sự hướng dẫn của Chúa. Xin ánh sáng phục sinh của Chúa chiếu dọi mọi nẻo đường chúng con đang lữ hành về quê hằng sống. Alleluia!