Thì ra Người Ấy vẫn chăn chiên

(Chúa Nhật 4 Ps (C), Chúa Nhật Chúa Chiên Lành Ngày Quốc Tế Cầu Nguyện Cho Ơn Gọi Linh Mục-Tu Sĩ)

Bằng ngôn ngữ và hình ảnh của đời thường du mục trên những thảo nguyên lộng gió của vùng Palestine, dân Do Thái đã được Lời Chúa mạc khải một chân dung Thiên Chúa thật thân thương gần gũi :

“Chúa chăn nuôi tôi tôi chẳng thiếu thốn chi…

Trong đồng cỏ xanh tươi, Người cho tôi năm nghỉ.

Người đưa tôi tới dòng nước trong lành và bổ sức cho tôi…

Đầu con, Chúa xức đượm dầu thơm,

Ly rượu con đầy tràn chan chứa…”

Nếu “Người Mục Tử Gia-vê của Cựu ước đã chăn nuôi dân Người bằng “dòng nước trong lành”, bằng “dầu thơm lựng”, bằng “ly rượu đầy tràn”… thì Người Mục Tử Giê-su của Tân Ước đã chăm sóc “đoàn chiên mới” với “dòng nước tinh tuyền của Nhiệm tích Thánh Tẩy”, với “ly rượu, tấm bánh là chính Máu Thịt Người”, với “Dầu Thánh Thần được thông ban qua hồng ân Thêm Sức”.

Chẳng phải trọng tâm của mùa Phụng Vụ Phục Sinh đó chính là cử hành, sống và đào sâu ý nghĩa của ba Nhiệm Tích Khai Tâm Kitô giáo : Thánh Tẩy, Thánh Thể và Thêm sức đó sao ! Và đó chính là phương thế, là con đường, là năng lực Người Chăn chiên vô hình Giêsu” đã chọn để chăm sóc, dẫn đưa và nuôi sống đoàn chiên mà Ngài đã cứu chuộc bằng chính cuộc Nhập Thể-Tử nạn- Phục sinh của Ngài suốt 2000 năm nay và cho mãi đến tận thế.

Lịch sử của Hội Thánh mà các trình thuật rõ nét nơi sách Công Vụ Sứ Đồ còn lưu lại, đã chứng minh điều đó.

Chúng ta đã đọc thấy rằng : khi các Thượng tế Do Thái thành công trong việc đòi tổng trấn Philatô cho bằng được “bản án tử hình Đức Giêsu Nadarét”, thì họ chắc mẩm rằng : cái tổ chức gọi là “Nước thiên Chúa” của tên Giêsu thợ mộc người Nadarét cùng với nhóm tông đồ cọng sự viên thân tín quê mùa dốt nát xuất thân từ làng chài Galilê kia sẽ sớm tan thành mây khói. Tuy nhiên, hơn 50 ngày sau cái chết của Giêsu, cũng ngay tại thủ đô Giêrusalem, giữa thanh thiên bạch nhật, Phêrô, người tông đồ đã từng sợ hải chối thầy 3 lần trong đêm thầy bị bắt, đã hùng hồn công bố “sứ điệp phục sinh”, làm chứng Đức Giêsu và Vương quốc của Ngài đang thực sự bắt đầu, một sự kiện làm “choáng váng” giới lãnh đạo Do Thái giáo.

Và một cú “sốc” nặng nề khác dội vào các lãnh đạo Do Thái Giáo, dội vào các cơ chế cứng ngắt của Đạo Cũ, đó chính là “sự trở lại của chàng thanh niên Biệt phái Saolô khi với biến cố “ngã ngựa trên đường Damas” đã trở thành Tông đồ Phaolô hăng say làm chứng một Đức Ki-tô phục sinh đang sống, mặc cho bao nhiêu đe dọa, khước từ, tẩy chay và nguy hiểm, như sách Công Vụ Tông đồ trong BĐ 1 hôm nay tường thuật :

“Những người Do Thái sách động nhóm phụ nữ thượng lưu và đã theo đạo Do Thái,và những thân hào trong thành, xúi dục họ ngược đãi ông Phaolô và ông Banaba,và trục xuất hai ông khỏi lãnh thổ của họ”.

Và nếu không phải do chính “bàn tay của vị Mục Tử vô hình Ki-tô” lãnh đạo, hướng dẫn, thì Kitô giáo, ngay từ những tháng năm đầu giáp mặt cùng thế giới cuồng tín và duy luật của do Thái, thế giới triết lý văn hóa sâu sắc của Hi Lạp, thế giới đa thần, hưởng thụ và và hùng cường của đế quốc Rôma…cùng với những cuộc loại trừ và bách hại khủng khiếp…thì làm sao có thể tồn tại nói chi là để phát triển ?. Thế nhưng những “hạt bụi bé bỏng”, những “cọng cỏ âm thầm” mang tên “kitô hữu” đó cứ trụ vững và lớn lên, cho đến một ngày đã trở nên một “Nhiệm Thể” đĩnh đạt, một “Cây Tùng” tỏa bóng khắp địa cầu, mà biểu tượng hùng hồn chính là ngôi “Đại Thánh Đường Phêrô” sừng sững trên đồi Vatican đã được văn hào Sienkievich trân trọng nhắc đến trong đoạn kết của tác phẩm “Quo Vadis” :

“Và thế là qua đi Nêrô, như đã qua đi cơn lốc, giông bảo, hỏa hoạn, chiến tranh hay một cơn ác mộng, còn Ngôi Đại Thánh Đường Thánh Phêrô cho tới nay vẫn đang ngự trị thành đô và thế giới từ trên cao nguyên Vatican”

Vâng, “đàn chiên nhỏ” Hội Thánh đã được bàn tay và chiếc gậy nhiệm mầu của Người Mục Tử Vô hình Giê-su chăn dắt suốt 2000 năm nay. Bàn tay đó, chiếc gậy đó chính là “Thánh Tẩy, “Thánh Thể và Thánh Thần” của Đức Kitô phục sinh, âm thầm nhưng mãnh liệt, ẩn khuất nhưng đầy tràn, tưởng chừng xa xôi nhưng thật gần gũi…đã dẫn dắt đoàn chiên nhỏ trên từng cây số của lịch sử con người.

Chúng ta có thể đọc thấy sự đồng cảm trong ý tưởng nầy nơi bài thơ “Người Chăn Chiên vô hình” của linh mục thi sĩ Trăng Thập Tự. Xin trích :

Thì ra Người ấy vẫn chăn chiên

Ngài vẫn chăn chiên cách độc quyền

Ngài ở đây từ bao thế hệ

Bầy chiên nhờ đó vẫn an nhiên.

Tôi cứ tưởng rằng chiên bơ vơ

Chẳng ốm tong teo cũng dại khờ

Tôi phải về mau làm mục tử

Ngờ đâu bé cái đã lầm to

Chiều nay lạc bước trở về đây

Mắt bổng rưng rưng lệ ướt đầy.

Ngài đã chăn từng con chiên nhỏ

No tròn bụ bẫm có ai hay…

Và trên cuộc hành trình theo sau Vị Mục Tử Nhân lành, “Người Chăn Chiên vô hình” đầy quyền năng đó, lại cứ đông vui, mỗi tháng, mỗi năm, mỗi ngày, qua bí tích rửa tội, không chỉ có “3000 người” như hôm Lễ Ngũ Tuần cách đây 2000 năm, mà hàng năm, cứ mỗi Đêm Vọng Phục Sinh trở về là có tới hàng chục vạn anh chị em dự tòng gia nhập Kitô giáo ; và nếu nhìn xa hơn như sách Khải huyền trong BĐ 2 hôm nay, thì “Đoàn chiên nhỏ” hôm nào tụ tập chung quanh Người Mục Tử Giêsu đã vươn lên, lớn mạnh thành “đoàn dân vĩ đại” : “Kìa ; một đoàn người thật đông không tài nào đếm nổi, thuộc mọi dân, mọi chi tộc, mọi nước và mọi ngôn ngữ…Họ là những người đã đến, sau khi trải qua cơn thử thách lớn lao. Họ đã giặt và tẩy áo mình trong máu Con Chiên”.

Chính trích đoạn sách Khải Huyền trên đã cho chúng ta nhận ra ý nghĩa đặc biệt nầy : đã chấp nhận làm con chiên trong đàn chiên của người Mục Tử Ki-tô, thì phải dõi bước theo Ngài và nghe tiếng của Ngài, cho dù phải trả giá “giặt và tẩy áo mình trong Máu Con Chiên”.

“Con chiên ta thì nghe tiếng Ta. Ta biết chúng và chúng theo Ta” (Tin Mừng).

Hơn lúc nào hết trong Năm Đức Tin nầy, chúng ta cần trở về với căn tính “con chiên Ki-tô” của mình bằng cách học biết và yêu mến, gặp gỡ và liên kết mật thiết với Chúa Ki-tô, Vị Mục Tử nhân lành, như lời khuyến dụ của ĐTC Bênêđictô trong Tự Sắc Porta fidei :

“ước gì Năm Đức Tin này làm cho tương quan của chúng ta với Chúa Kitô vững chắc thêm mãi, vì chỉ trong Người chúng ta mới vững lòng nhìn về tương lai và được bảo đảm về một tình yêu đích thực và lâu bền...”

Mà như thế cũng chưa đủ. Suốt 2000 năm nay, Người chăn chiên vô hình Giêsu lại không ngừng sai đến những mục tử môn sinh, những “cánh tay và chiếc gậy nối dài” của Ngài để chăm sóc đàn chiên mỗi ngày mỗi đông và cũng sinh ra lắm điều phức tạp. Chính vì thế, vẫn mãi mãi cần những Phêrô, những Gioan, những Giacôbê, những Maria Mađalêna, những Augustinô, Đôminicô, Phanxicô, Anrê Phú Yên, Têrêxa Calcutta, Gioan-Phaolô II, Bênêđictô XVI hay Phanxicô đệ I..

Riêng ĐTC Bênêđictô thì lại mở ra một định hướng cho công cuộc mục vụ ơn gọi mà ngài xác định đó chính là “môi trường đức tin qua đời sống cầu nguyện”. Ngài viết trong Sứ điệp ngày quốc tế ơn gọi năm nay-2013, như sau :

“Ơn gọi linh mục và đời sống thánh hiến được nẩy sinh từ kinh nghiệm gặp gỡ cá vị với Đức ki-tô, từ một cuộc đối thoại chân thành và tin tưởng với Ngài, đến độ đi vào trong ý muốn của Ngài. Do đó, điều cần thiết phải lớn lên trong kinh nghiệm về đức tin, hiểu như là mối tương quan sâu xa với Đức Giê-su, sự chú ý nội tâm với tiếng nói của Ngài vốn chỉ được nghe trong sâu thẳm cõi lòng chúng ta. Tiến trình nầy giúp chúng ta đáp trả một cách tích cực đối với lời mời gọi của Thiên Chúa, chỉ khả thi tại những cộng đoàn Ki-tô hữu, nơi mà đức tin sống cách mạnh mẽ và quảng đại….nhờ được nuôi dưỡng bởi các bí tích, đặc biệt là Bí Tích Thánh Thể và nhờ nhờ một đời sống nhiệt tâm cầu nguyện…..”

Như vậy, cộng đoàn chúng ta, giáo xứ chúng ta muốn “khả thi’ trong chương trình ơn gọi linh mục và tu sĩ, thì cốt yếu đó là phải có những cộng đoàn đức tin sâu sắc, những gia đình cầu nguyện và những tâm hồn thực sự được tôi luyện trong môi trường đức tin trưởng thành, tín trung và sốt sắng.

Chúng ta cùng cầu nguyện tha thiết cho điều trên được hiện thực. Amen

LM. Giuse Trương Đình Hiền