“ Thưa Thầy, xin cho tôi được thấy” (Mc 10,51)

Bài Phúc Âm hôm nay, nói về việc Đức Giê su mở mắt cho anh mù Bác-ti-mê.

Ngày nay, những người Kitô hữu nghe việc Chúa Giêsu làm phép lạ là chuyện bình thường. Vì chúng ta đã nghe rất nhiều trong Tin mừng nói về việc Chúa Giêsu làm phép lạ chữa bệnh cho người này, kẻ nọ. Nhưng hôm nay, chúng ta thử đặt mình vào hoàn cảnh những người Do thái cùng thời với Chúa Giêsu, thì mới thấy có nhiều điều cần suy nghĩ.

Phúc âm cho thấy, một anh mắt mù, sống bằng nghề ăn xin - chắc anh cũng thất học- mà lại nhận ra vai trò Cứu thế của Đức Giêsu. Điều này chứng tỏ qua câu nói : Lạy ông Giêsu, Con Vua Đa-vít xin dủ lòng thương tôi! Đối với người Do thái, kiểu nói Con Vua Đa vít là nói về Đấng Cứu thế (Mêsia). Tại sao một người mù thất học lại nhận ra điều này? Trong khi đó bao nhiêu thầy tư tế, thông luật... học rộng, hiểu sâu lại không nhận ra? Có lẽ những người tự cho mình là khôn ngoan, học rộng, hiểu sâu, là thầy thiên hạ thì không thể nhận ra một Chân lý quan trọng ngay trước mắt họ; còn những người dốt nát, thất học - tức là những người bé mọn- như anh Bác-ti-mê thì lại nhận ra. Đúng với lời mà Chúa Giêsu đã nói : “Lạy Cha, con tạ ơn Cha vì đã dấu không cho bậc thông thái và khôn ngoan biết điều này, nhưng đã mạc khải cho những kẻ bé mọn” (Mt11,25). Bác-ti-mê là người thuộc thành phần hèn hạ nhất trong xã hội Do thái lúc bấy giờ nên anh nhận được Chân lý Mạc khải từ Thiên Chúa qua Chúa Giêsu.

Chính vì đã nhận ra Đức Giêsu là Đấng Cứu thế nên anh mù đã cầu xin với Đức Giêsu : Lạy Con Vua Đa-vít, xin dủ lòng thương tôi. Mặc dù lời cầu xin của anh bị nhiều người cản trở, nhưng do lòng tin hối thúc nên anh càng kêu lớn tiếng : Lạy Con Vua Đa-vít, xin dủ lòng thương tôi. Khi đã có lòng tin vững mạnh, thì không gì có thể cản trở nổi việc người ta thể hiện niềm tin ấy. Mà Bác-ti-mê là một trường hợp tiêu biểu.

Ki-tô hữu là những người đã tin vào Chúa Ki-tô, nhưng liệu mỗi người Ki-tô hữu có luôn thể hiện niềm tin vào Chúa Giêsu Ki-tô như anh mù Bác-ti-mê không? Có lẽ niềm tin của ta chưa đủ mạnh, nên nhiều khi ta chưa can đảm làm chứng cho Chúa ở môi trường mình đang sống. Cũng vì niềm tin còn yếu, nên niềm tin chưa biến đổi cuộc đời ta như đã biến đổi cuộc đời anh Bác-ti-mê mà Phúc âm hôm nay kể lại.

Cũng nhờ có niềm tin vững mạnh, nên Bác-ti-mê đã được Đức Giêsu quan tâm : Gọi anh ta lại đây! Anh đã đến với Chúa, gặp mặt Chúa diện đối diện. Cũng nhờ niềm tin vững mạnh, khi Chúa gọi anh đã vất áo choàng, đứng phắt dậy mà đến với Chúa. Vất áo choàng cũng là vất bỏ tất cả gia tài mà anh có để lại gần Chúa, để theo Chúa một cách dứt khoát.

Đến đây, ta nhớ lại thái độ của anh thanh niên giàu có trong Tin mừng Chúa Nhật 28. Vì tiếc của nên anh đã không dám từ bỏ của cải để đi theo Chúa. Khi so sánh anh mù nghèo với anh thanh niên giàu có, nhiều người bảo vì nhiều của cải nên việc từ bỏ mới tiếc nuối, còn người mù nghèo này thì có mỗi cái áo choàng bỏ đi thì có gì mà phải tiếc! Thực ra cái choàng của anh mù này rất quan trọng. Cái áo choàng ban ngày là cái áo ngoài, nhưng đêm về là mền (chăn) giúp cho người ta chống lại cái lạnh của thời tiết. Chính vì vậy mới có chuyện luật Mô-sê buộc khi cầm áo choàng của ai thì đến tối cũng phải trả cho người đó (Xh22,25). Người nghèo tuy có ít của cải nhưng chính số ít đó mới quan trọng. Vậy việc anh mù dám vất bỏ áo choàng là một hành động can đảm và dứt khoát. Đó là điều mà ta cần suy nghĩ!

Liệu ta có dám dứt bỏ những gì cản bước ta trên con đường theo Chúa không? Thái độ của ta có giống thái độ của anh Bác-ti-mê không? Hay có giống như người thương gia đi tìm ngọc quý, khi tìm được rồi thì bán tất cả để mua viên ngọc đó (Mt 13,46).

Trở lại bài Tin mừng, khi Chúa gọi anh mù Bác-ti-mê nhưng vẫn để cho anh ta tự do chọn lựa : Anh muốn ta làm gì cho anh? Đức Giêsu không tự ý chữa bệnh cho anh, mà còn hỏi ý kiến của anh ta. Anh mù chỉ xin có một điều : Xin cho tôi được thấy. Xin như thế là quá đủ đối với anh.(Bởi vì có người ở trường hợp đó còn xin Chúa nhiều điều -Lòng tham vô đáy mà!). Thấy là thấy tất cả! Thấy Đức Giêsu Đấng Cứu Độ trần gian là điều quan trọng nhất đối với anh. Đức Giêsu đã đáp ứng lời cầu xin của anh, nhưng đúng hơn là đức tin của anh đã thực hiện điều đó : Anh hãy đi, lòng tin của anh đã cứu chữa anh! Nhờ có đức tin vững mạnh mà Bác-ti-mê đã khỏi mù. Anh khỏi mù con mắt xác thịt, nhưng điều quý giá hơn là anh khỏi mù con mắt thiêng liêng : Anh đã nhận ra Đức Giêsu và đi theo Ngài.

Đa số chúng ta được sáng mắt phần xác, điều đó quý giá lắm. Nhưng liệu con mắt linh hồn ta có sáng không? Hay cũng đui mù như nhiều người Do thái sống cùng thời với Chúa Giêsu? Mắt phần xác sáng hay mù có lẽ không ảnh hưởng đến ơn Cứu độ của ta, nhưng con mắt linh hồn thì sẽ ảnh hưởng đến phần rỗi đời đời của mỗi người. Nếu mắt thiêng liêng ta bị mù, thì cứ việc xin Chúa Giêsu mở mắt cho ta. Ta xin, chắc chắn Chúa Giêsu cũng nói với ta : Lòng tin của con, cứu chữa con. Còn mắt linh hồn ta sáng, hôm nay ta có nhìn thấy Chúa Giêsu cách rõ ràng hơn mọi khi không? Nếu con mắt linh hồn ta sáng, thì ta sẽ nhìn thấy Chúa Giêsu dưới hình bánh hình rượu nơi Bí tích Thánh Thể mà cộng đoàn chúng ta sắp cử hành trong phần Phụng vụ Thánh Thể ngay sau đây. Hơn nữa ta còn rước Chúa vào lòng mình. Để rồi khi về cuộc sống, chúng ta nhận ra Chúa Giêsu nơi những người chung quanh, nhất là nơi những người nghèo khổ bần cùng.

Xin Chúa mở con mắt linh hồn của con, để con nhìn thấy con đường thiêng liêng để đi theo Chúa. A men.