Theo Đài Phát Thanh Vatican, hàng trăm ngàn người ở Hoa Kỳ, nhiều người ước lượng lên đến nửa triệu, đã tụ về Thủ Đô Hoa Thịnh Đốn, vào ngày thứ Năm, để tham dự cuộc Diễn Hành Phò Sư Sống hàng năm, được tổ chức để phản đối phán quyết Roe v. Wade của Tối Cao Pháp Viện Hoa Kỳ cho phép cung cấp phá thai khắp các tiểu bang.

Trong bài giảng Thánh Lễ canh thức hôm thứ Tư tại Vương Cung Thánh Điện Quốc Gia Đức Mẹ Vô Nhiễm, Tổng Giám Mục Boston và là Chủ Tịch Ủy Ban Các Hoạt Động Phò Sự Sống của HĐGM Hoa Kỳ, Đức HY Sean O’Malley, đã kêu gọi mọi người tận lực cho chính nghĩa sự sống để đổi mới cam kết của họ nhằm phục vụ những người yếu đuối nhất và yếu thế nhất, nhằm làm cho Tin Mừng khả tín bằng cách làm chứng cho niềm vui do nó đem tới cho những ai tuyên xưng và thực hành nó.

Đức HY O’Malley nói rằng “Điều cần lên đặc điểm cho phong trào phò sự sống phải là một tình yêu đặc biệt đối với người nghèo, người bị đẩy sang bên lề, người đau khổ, và nhất là sự sống con người đang có nguy cơ bị vứt bỏ”.

Đức HY nói tiếp: “Ta cần cố gắng không mệt mỏi nhằm thay đổi các đạo luật bất chính, nhưng ta cần cố gắng nhiều hơn để thay đổi cõi lòng, để xây dựng một nền văn minh tình thương”.

Trận chiến thiêng liêng

Nói đến thay đổi cõi lòng là nói tới trận chiến thiêng liêng. Đó là điều Philip Kosloski nhấn mạnh. Theo ông, đàng sau phá thai, ta đừng quên trận chiến thiêng liêng.

Theo ông, ta rất dễ chỉ chú trọng tới cuộc chiến đấu chính trị, nhằm thay đổi luật lệ, ủng hộ các chính trị gia phò sự sống hay giăng biểu ngữ tại các cơ sở phá thai, mà quên rằng Satan luôn lấp ló ở đàng sau và là kẻ rù quyến người đàn bà mang thai gặp khủng hỏang kết liễu đời đứa con trong bụng.

Ông cho rằng giết mạng sống vô tội và ngây thơ như đưá con chưa sinh không hề là một khuynh hướng tự nhiên của con người, nhất là người đàn bà. Phụ nữ được Thiên Chúa phú bẩm cho khuynh hướng chăm dưỡng sự sống. Cho nên bản chất của phá thai trái ngược hẳn yếu tính của người đàn bà.

Bởi thế chỉ có thể là ma quỷ đứng đàng sau những người đàn bà phá thai mà thôi. Và do đó, muốn thực sự thắng “cuộc chiến văn hóa”, ta cần đi sâu hơn, ta cần đánh trận đánh thiêng liêng, chống lại ma quỷ.

Nhưng bằng cách nào? Việc đầu tiên là chạy tới Chúa Giêsu Kitô, Người mới là đấng chiến thắng. Việc thứ hai là cậy nhờ sự chuyển cầu, trước nhất là các thiên thần bản mệnh. Thứ ba, phải hành động bằng trái tim: thi hành giới luật không đủ, đức tin phải từ đầu xuống trái tim. Thứ tư, cương quyết làm chứng cho tình yêu Chúa Kitô: giúp những người cần đến, thực hành điều mình rao giảng. Các trung tâm thai nghén là điều bắt buộc.

Kosloski, vì thế, cho rằng ta cần cả hai cuộc chiến: chính trị và thiêng liêng.

Sinh viên diễn hành phò sự sống

Kathryn Zagrobelny tường trình rằng khoảng ba ngàn sinh viên các đại học và cao đẳng thuộc The Newman Guide đã tới Hoa Thịnh Đốn tham dự diễn hành phò sự sống. Các trường cao đẳng cũng tham dự cuộc Cuốc Bộ phò Sự Sống tại San Francisco.

Các trường sau đây đã gửi sinh viên tới Hoa Thịnh Đốn: Aquinas College ở Nashville, Tenn., Ave Maria University, ở Ave Maria, Fla., Belmont Abbey College ở Belmont, N.C., Benedictine College ở Atchison, Kan., The Catholic University of America (CUA) ở Washington, D.C. (500 sinh viên diễn hành), Christendom College ở Front Royal, Va., Franciscan University of Steubenville (800 sinh viên diễn hành), Mount St. Mary’s University ở Emmitsburg, Md., Northeast Catholic College, ở Warner, N.H., St. Gregory’s University ở Shawnee, Okla., Thomas Aquinas College (TAC) ở Santa Paula, Calif., Thomas More College of Liberal Arts ở Merrimack, N.H., The University of Mary ở Bismarck, N.D., The University of St. Thomas (UST) ở Houston, Tex., Wyoming Catholic College ở Lander, Wyo.

Trong khi ấy, Kathryn Jean Lopez phỏng vấn Kristan Hawkins, chủ tịch Sinh Viên Phò Sự Sống, xem điều gì động viên cô bênh vực sự sống chưa sinh ra đời. Cô quá trẻ, không tham gia cuộc diễn hành đầu tiên, nhưng cô thề sẽ tham dự tới cuộc diễn hành cuối cùng để cử hành việc luật pháp chịu bảo vệ sự sống từ lúc thụ thai cho tới lúc chết tự nhiên.

Cô cho hay năm nào cô cũng diễn hành phò sự sống tại Hoa Thịnh Đốn để chứng minh cho cả nước thấy đây là một thế hệ nhất quyết bãi bỏ việc phá thai, bất chấp mọi thách thức, như đứa con bị bệnh nang xơ (ảnh hưởng đến tụy, hệ hô hấp và tuyết tiết hủy đầu, cystic fibrosis) của cô.

Theo cô, phá thai là nỗi bất công tối hậu của xã hội ngày nay, vậy mà quá nhiều người làm ngơ nó. Trong khi đó, mỗi sáng đều có gần 3,000 mạng sống chưa sinh bị kết liễu, gần 3,000 người đàn bà và gia đình họ không còn như trước. Việc làm ngơ này quả là vô ý thức.

Cô rất thán phục các sinh viên ngày nay, họ làm cô ngạc nhiên trước sự nhiệt thành, chân thực, yêu sự sống, và yêu những người đàn bà bị khủng hoảng lúc gặp thai nghén ngoài ý muốn, và nhất là yêu những đứa trẻ chưa sinh của họ.

Nhân dịp này, Hawkins kể lại kinh nghiệm bản thân: vợ chồng cô không biết đứa con đầu của họ, tên Gunner, mắc bệnh nang xơ cho tới khi cháu được ít tháng. Khi mang thai đứa con trai thứ hai, tên Bear, cô nhất quyết không chấp nhận để các bác sĩ và y tá thử nghiệm trước khi sinh. Lúc lâm bồn, nhân viên y tế hỏi đi hỏi lại xem cô có chịu đặt IUD (thiết bị đặt trong tử cung) hay cột ống dẫn trứng không vì họ biết cô đã có đứa con bị nang xơ, rất có thể đứa thứ hai cũng sẽ bị. Họ cho rằng một sự sống không hoàn hảo dưới mắt họ là không đáng được thụ thai. Ngay bác sĩ di truyền học cũng khuyên cô nên thử IVF (thụ thai trong ống nghiệm) và các kỹ thuật lừa lọc bào thai để khỏi có đứa con khác mắc nang xơ, dù lúc ấy, Gunner đang ngồi trong lòng cô. Cô thấy thật là khủng khiếp. Cô yêu Gunner và cháu là niềm vui của cả gia đình. Nhưng các gia đình khác không có được niềm vui ấy, bởi thế mà tỷ lệ phá thai các trẻ chưa sinh bị chẩn đoán mang các bệnh di truyền hiện lên đến 90 phần trăm.

Chính cô có lúc cũng bối rối. Khi Gunner được chẩn đoán bị nang xơ, cả thế giới của cô như đảo ngược. Các mục tiêu cô đặt cho con lập tức bị thay đổi và hạ thấp ưu tiên. Lúc ấy, hai vợ chồng cô tập chú vào việc làm sao để chăm sóc con vì cả hai đều làm việc toàn thời gian và không thể gửi con tới chỗ giữ trẻ. Họ phải tái lên thời khóa biểu để những cuộc điều trị thở của Gunner hoàn tất trước khi, trong khi và sau khi họ làm việc.

Năm nay, hai vợ chồng cô quyết định, một quyết định họ cho là lớn nhất, dọn nhà từ Bắc Virginia tới Minnesota, xa cả thân nhân, bạn bè và sở làm, để gần nhóm chăm sóc cho Gunner, một trong những nhóm hay nhất của cả nước, và chồng cô trở thành ông bố ở nhà cả ngày để dạy học tại nhà cho hai đứa con.

Cô không thích dùng chữ “khuyết tật” để chỉ Gunner. Vì con cô làm được bất cứ điều gì một đứa trẻ 5 tuổi làm được và có khi cháu còn làm tốt hơn. Cháu là người dựng Lego rất khéo và còn đọc tốt nữa! Bởi thế cô thường giới thiệu Gunner là “con trai tôi mắc bệnh nang xơ của tôi”. Cô tin đó là cách giúp người ta hiểu về bệnh này. Cô hy vọng họ sẽ hiến tặng cho Qũy Nang Xơ hay một quỹ nào khác đang nghiên cứu cách chữa bệnh này.

Giải thích tại sao Đức Mẹ Guadalupe là bổn mạng của phong trào phò sự sống, Hawkins cho hay: Đức Mẹ Guadalupe đã làm 9 triệu người Aztecs trở lại với Chúa Kitô. Sắc dân này vốn có truyền thống tế sinh mạng người. Rồi nhờ lời cầu bầu và ảnh Đức Mẹ Guadalupe, hàng triệu người của sắc dân này đã từ bỏ nền văn hóa chết chóc bước sang nền văn hóa sự sống. Cô từng đến Guadalupe xin Đức Mẹ cứu giúp nền văn hóa đương thời.

Cô cho hay cô không hoàn toàn chống chọn lựa (anti-choice). Chỉ chống chọn lựa khi họ chọn sai, như phá thai chẳng hạn. Không chống chọn lựa khi họ chọn đúng, như nhận con nuôi và chịu làm cha mẹ.

Theo cô, các người cổ vũ phá thai đang thua dần trận chiến hoa mỹ. Từ việc gọi phá thai là “thiện ích xã hội”, họ tiến tới chỗ cho rằng chọn phá thai là điều dễ chịu, tới chỗ bảo nó là chọn lựa khó khăn, rồi sau cùng là hạn từ “phò chọn lựa” để chiếm cảm tình của thế hệ trẻ… Nhưng làm sao che đậy được sự kiện: phá thai là giết người!

Đa số người Hoa Kỳ muốn giới hạn việc phá thai

Nhận định vừa nói của Hawkins được phản ảnh phần nào trong một cuộc thăm dò mới đây của Hội Hiệp Sĩ Columbus. Cuộc thăm dò này cho thấy 84% người Hoa Kỳ muốn hạn chế việc phá thai, chỉ trong 3 tháng đầu của thai kỳ mà thôi. Hết 69% những người chủ trương như thế vẫn coi mình là “phò chọn lựa” (phò phá thai). Trong khi đó, 60% những người trả lời cuộc thăm dò cho biết phá thai xấu về luân lý, trong khi chỉ có 38 % nói nó không xấu. 60% khác cho biết phá thai mang hại hơn mang lợi lại cho người đàn bà, xét về trường kỳ.

84% khác nói rằng luật pháp có thể bảo vệ cả phúc lợi người đàn bà lẫn sự sống của đứa trẻ chưa sinh. Khoảng 64% cho biết tỷ lệ phá thai ở Mỹ cao hơn mức nên là. Ngay những người tự cho mình là người phò phá thai cũng muốn thấy tệ nạn này “giảm thiểu đáng kể”.

Cuộc thăm dò này do Viện Marist Poll tiến hành trong các ngày 7-13 tháng Giêng, với 2,079 người tham dự, mức sai lệch được ước tính là 2.1 phần trăm.