Laudato Si - Ngợi khen Chúa, lạy Chúa con.

Ngày 18.06.2015 vừa qua Tòa Thánh Vatican đã công bố Thông điệp Laudato Si về bảo vệ môi trường thiên nhiên của Đức Giáo Hoàng Phanxico.

Mở đầu Thông điệp dài với 246 số, Đức Giáo Hoàng Phanxico đã lấy lời kinh bài ca mặt trời của Thánh Phanxicô làm đề tài cho thông điệp. Lời kinh ca ngợi thi vị huyền nhiệm này nhắc nhở con người đến ngôi nhà thiên nhiên chung của chúng ta như người chị em, trong đó con người cùng chung sống chia xẻ với nhau, và trong đó như người mẹ hiền luôn dang đôi tay ra bao bọc che chở chúng ta.:

„Ngợi khen Chúa, lạy Chúa tôi,
vì Chị chúng tôi, là Mẹ Đất ,
Chị đỡ nâng, Chị dìu dắt
Chị sinh ra bao trái trăng,
hoa muôn màu giữa ngàn cỏ dại“.


Đức Giáo Hoàng viết thông điệp về bảo vệ môi trường thiên nhiên bao gồm các lãnh vực cho sự sống được tồn tại phát triển về phương diện tự nhiên trong thiên nhiên, và về phương diện siêu nhiên linh thiêng nữa.

Ngày nay khắp mọi người ta nói đến bảo vệ thiên nhiên, bảo vệ môi trường sinh thái. Các quốc gia kỹ nghệ tân tiến đưa ra những chương trình bảo vệ rừng núi, bảo vệ nguồn nước dưới lòng đất, bảo vệ đất đai sông núi, bảo vệ không khí trong lành, bảo vệ súc vật côn trùng... Vì con người càng ngày càng nhận ra tầm mức quan trọng của thiên nhiên cho sự sống còn của họ. Đó là nguồn tài nguyên, tài sản cho mọi con người trong mọi thời đại thế hệ.

Thắc mắc đặt ra: Thiên nhiên cho con người hay con người cho thiên nhiên ?

Cả hai vế đều đúng, đều quan trọng như nhau. Không có thiên nhiên làm sao con người có thể sinh sống được. Và nếu con người không nhận ra giá trị của thiên nhiên, không bảo vệ thiên nhiên, thì cuộc sống của những thế hệ kế tiếp sẽ ra sao ?

Con người có thể sống trong một môi trường thiên nhiên khô chồi, trơ trụi bị ô nhiễm khí độc hại hay bị khói cháy rừng bao phủ ngày đêm khắp bầu trời được không ? Sức khoẻ thể xác và tinh thần của họ sẽ như thế nào nếu nguồn nước dưới lòng đất hay ngoài sông ngòi là một vũng ao tù xình lầy chứa đầy rác rưởi, phân tro hay đầy chất hoá học độc hại ? Cuộc sống con người sẽ ra sao khi môi trường sinh sống về phương diện tinh thần luân lý đạo đức luôn bị đặt thành vấn đề hồ nghi gây chao đảo hoang mang, hay bị phá đổ gây ra buồn phiền đau khổ???

Thiên nhiên cho con người và con người cũng phải cho thiên nhiên!

Nhưng nếu chỉ nghĩ đến việc bảo vệ, gìn giữ thiên nhiên đã đủ chưa? Phải chăng thiên nhiên chỉ nguyên là môi trường sinh thái cho mọi loài? Phải chăng khi đưa ra chương trình cứu nguy bảo vệ môi trường sinh thái là đã cứu nguy được thiên nhiên, công trình sáng tạo rồi?

Thiên nhiên đâu phải chỉ bao gồm dưới dạng tài nguyên không khí để thở, đất đai rừng núi nguồn nước cây cối, xúc vật côn trùng sinh vật.

Thiên nhiên hay thế giới chúng ta đang sống còn có chiều kích thánh thiêng tôn giáo nữa: Thiên nhiên, vũ trụ do Thiên Chúa tạo dựng cho con người ( Sách Sáng thế 1, 1-2a).

Sự sống trong thiên nhiên là do Thần Linh Thiên Chúa tác dụng vào. Chính với sức sống này, con người tìm thấy ý nghĩa của đời sống. Nhận ra chỗ đứng của mình trong vũ trụ. Và vì thế con người sống trong đó, đâu phải chỉ nguyên có trách nhiệm với thiên nhiên không thôi đâu. Họ còn có bổn phận với Đấng là nguyên ủy của thiên nhiên, bổn phận bảo vệ sự sống con người do Thiên Chúa ban cho, tôn trọng bảo vệ đời sống hôn nhân gia đình là căn bản trong xã hội thiên nhiên đạo đời.

Môi trường sinh thái được trao vào tay con người. Họ được quyền xử dụng vào việc xây dựng cho phù hợp với hoàn cảnh sống. Và môi trường sinh sống cũng có thể bị lợi dụng hay xử dụng vô trách nhiệm, khiến gây nên tình trạng phá huỷ ô nhiễm môi sinh, cản trở hay hủy hoại sự sống con người, xúc vật cùng loài thảo mộc.

Còn thiên nhiên là do Thiên Chúa, Đấng Tạo Hoá dựng nên ban cho như ngôi nhà quê hương xứ sở, nơi sự sống Thần Linh ngài tác dụng vào luôn đổi mới làm cho tươi trẻ mầu mỡ. Như thế con người không thể dùng thiên nhiên theo ý nghĩa xử dụng được. Con người có bổn phận kính trọng thiên nhiên, và họ luôn luôn khám phá ra những công trình sáng tạo mới trong đó.

Những công trình này gây ngạc nhiên, mang lại hạnh phúc niềm vui, mang nguồn cảm hứng cho con người. Và vì thế phải biết cúi mình tạ ơn Đấng là chủ thiên nhiên, là chủ nguồn sự sống trong thiên nhiên.

Thiên Chúa răn bảo con người:‘‘ Con không được phép giết hại!‘‘ ( Sách xuất hành 20, 13; Đệ nhị luật 5,17). Ngài có ý nhắn nhủ con người:

1. Con chỉ là người quản lý thiên nhiên Cha trao ban cho. Nhưng con không là chủ thiên nhiên.
2. Con phải kính trọng sự sống con người, không được phá hủy sự sống con người ngay từ lúc mới chỉ trong giai đoạn là mầm sống còn nhỏ thành hình trong cung lòng mẹ cha.
3. Nếp sống gia đình giữa người nam và người nữ do Cha tạo dựng tác thành nên cho xã hội các thế hệ con người được tồn tại phát triển, cho tình yêu thiên nhiên con người được thăng tiến theo hướng niềm vui hạnh phúc cho nhau. Đây không phải là một „mode“ theo ý thức hệ mà thay đổi theo lòng con người xuay chiều ước muốn.
4. Con không được phá huỷ môi trường sinh sống của con người, của núi rừng cây cối cùng xúc vật trong đó.
5. Con không được coi trái đất này là sở hữu của riêng con.
6. Con không được vì quyền lợi riêng mình gây đau khổ cho các công trình sáng tạo của Cha trong thiên nhiên.

Khi kính trọng hay ngạc nhiên bỡ ngỡ những kỳ công, sự sống trong thiên nhiên, là nhận ra dấu vết Đấng là chủ, là nguồn sự sống, nguồn tình yêu của thiên nhiên: Đức Chúa Thánh thần.

„Ngợi khen Chúa, lạy Chúa con,
với muôn loài thọ tạo,
đặc biệt nhất Ông Anh Mặt Trời,
Anh là ánh sáng ban ngày,
nhờ Anh, Ngài soi chiếu chúng tôi,
4 Anh đẹp và tỏa ánh rạng ngời,
Anh tượng trưng Ngài, lạy Đấng Tối Cao.
5 Ngợi khen Chúa, lạy Chúa tôi,
vì Chị Trăng và muôn Sao
Chúa dựng trên nền trời:
lung linh, cao quí và diễm lệ.
6 Ngợi khen Chúa, lạy Chúa tôi,
vì Anh Gió, Không khí và Mây trời,
cảnh thanh quang và bát tiết tứ thời
nhờ Anh, Chúa bảo tồn muôn vật.
7 Ngợi khen Chúa, lạy Chúa tôi,
vì Chị Nước,
thật lợi ích và khiêm nhu,
quí hóa và trinh trong.“ (Thánh Phanxico Assisi)


Mùa Hè 2015
Lm. Daminh Nguyễn ngọc Long