ĐÔI ĐIỀU CẦN XÉT LẠI

Đầu mùa xuân vừa qua, tôi có một số bạn quý tới thăm. Họ đến từ Hoa Kỳ. Chúng tôi thân nhau từ hồi bé tí, ngay từ bậc tiểu học. Đi nửa vòng trái đất mà còn gặp được nhau, quả là đại phúc. Đúng là hữu duyên thiên lý năng tương ngộ. Chúng tôi sung sướng và vui vẻ quá chừng. Chúng tôi đã nói bao nhiêu chuyện, vừa chuyện quá khứ, vừa chuyện hiện tại. Trong số chuyện hiện tại, có mấy chuyện liên hệ tới lãnh vực nhà thờ, tôi xin ghi ra đây để chia sẻ với độc giả.

Một ông bạn cho biết là lâu nay ông không đi lễ VN mà chỉ đi lễ Mỹ. Lý do là vì không sốt sắng. Lý do làm cho ông xem lễ VN không sốt sắng là vì ông không được tham dự trực tiếp vào việc đọc kinh Tin Kính và kinh Lạy Cha. Bao giờ ca đoàn cũng hát hai kinh này. Việc hát làm ông chia trí. Nghe ca đoàn hát và xem ông nhạc trưởng bắt nhịp, ông không chú trọng vào ý kinh được. Nghe ca đoàn hát, đầu óc ông đi lang thang. Chẳng hạn tại sao bè nữ nhiều thế mà hát yếu thế. Tại sao bè nam chỗ này không hát mà chỗ kia lại hát. Tại sao đàn đánh to thế. Tại sao trong nhà thờ lại đánh trống… Kinh Tin kính là kinh không phải ta nói trực tiếp với Chúa và cầu xin trực tiếp với Chúa, mà là lời ta công khai tuyên xưng cho mọi người nghe rõ và nhắc nhở cho chính ta những điều mình tin. Vậy phải để cho tôi công khai tuyên xưng chứ. Tuyên xưng là nói to lên, nói chứ không phải hát. Rồi kinh Lạy Cha cũng vậy. Phải để cho mọi người cùng nói to lên với Chuá, chứ sao lại để cho ca đoàn hát. Nhiều người đâu có hát theo được. Mà có hát được thì cũng chia trí.

Có ông bạn cãi lại rằng: hát là cầu nguyện hai lần. Ông bạn kia bèn nổi máu anh hùng đi một bài diễn nghĩa rất dài. Đại ý rằng đừng lấy cớ là vì hát có giá trị hơn đọc kinh hai lần mà chỗ nào cũng hát. Vấn đền này phải xét lại, xét cho kỹ và hiểu cho đúng. Liệu bài hát đó có gây sốt sắng hay gây chia trí? Nhiều bài lời hát đầy sáo ngữ, trống rỗng, tầm thường, lạc đề, không liên hệ gì tới buổi lễ. Nhiều bài mang âm điệu đời hơn âm điệu đạo. Nhiều bài làm giáo dân chia trí hơn là giúp giáo dân sốt sắng hơn. Đang được đà, Ông bạn nói ngay sang tiếng NGÀI. Ông bảo mỗi lần nghe lời bài ca gọi Chuá bằng Ngài thì ông giận run lên. Mà rất nhiều bài hát trong nhà thờ hiện nay toàn kêu Chuá bằng Ngài (Ngài ơi, xin Ngài hãy đến…., Con dâng lên Ngài tình yêu đã phôi pha…) Tiếng Ngài này là tiếng vừa vô lễ vừa vô phép. Nói theo ngữ pháp, tiếng Ngài khi dùng ở ngôi thứ ba thì đúng, như “ …Chúa Giêsu khi tới Vườn Cây Dầu thì Ngài bảo các môn đệ dừng lại…”. Nhưng khi tiếng Ngài ở ngôi thứ hai, tức là nói với người đối diện, thì tiếng Ngài mang dấu xa cách, khách sáo. Khi ta nói chuyện với cha mẹ, thày dạy, những người thân yêu…, ta có dùng tiếng Ngài bao giờ đâu. Ví dụ trong câu “ Bố ơn, xin bố cho con…” mà ta nói “ Bố ơn, xin Ngài cho con…” thì ta thấy thế nào? Ta không thể gọi Chúa, nói với Chúa, bằng tiếng Ngài được.

Rồi bạn tôi miên man nói sang tiếng Chúa bị bỏ đi trong cụm từ ‘Đức Chuá Giêsu’. Bây giờ nhiều sách viết là Đức Giêsu, Đức Maria. Ông bạn bảo nói như vậy, gọi như vậy là sai. Trong tiếng Việt, từ Đức bao giờ cũng đi với một chức vị, một danh hiệu, như Đức Cha, Đức Hồng Y, Đức Thày, Đức Giáo Chủ... Từ Đức không bao giờ đi liền với tên gọi, first name. Chúng ta không bao giờ nói Đức Cha Bùi Tuần là Đức Tuần, Đức Hồng Y Nguyễn Văn Thuận là Đức Thuận, Đức Thày Huỳnh Phú Sổ là Đức Sổ, Đức Giáo Chủ Phạm Công Tắc là Đức Tắc…. Thế tại sao ta lại nói Đức Giêsu, Đức Maria là thế nào? Cha ông ta ngày xưa nói rất đúng : Đức Chúa Giêsu, Đức Mẹ Maria. Không thể bảo lâu nay nói thế, viết thế, quen rồi. Lý do này không chấp nhận được. Nếu nói sai, viết sai, ta vẫn phải sửa.

Riêng trong tiếng Việt của nhà đạo, ta còn thấy lấn cấn trong danh xưng Đức Ông và Đức Giáo Hoàng. Danh xưng Đức Ông để chỉ một tước vị có tính cách phần đời, có tính cách ngoại giao, hơn là tính cách giáo phẩm. Đức Ông dịch từ tiếng Monsignor/ Monseigneur. Vị mang danh xưng Đức Ông thì vẫn còn ở bậc linh mục, chứ chưa phải bậc Giám mục. Nhiều người ngoài Công Giáo không thể hiểu được tại sao Đức Ông lại ở dưới Đức Cha. Ông phải ở trên Cha chứ. Kẹt một nỗi là biết sai mà chưa sửa sai đươc, vì hiện nay chưa ai tìm ra một danh xưng nào khác để thay thế tiếng Đức Ông. Nhưng rồi vẫn phải sửa.

Còn tiếng Đức Giáo Hoàng thì nghe như làm vua mọi tôn giáo, bao trùm mọi tôn giáo. Tiếng Pope, Pape, Papa trong tiếng Anh, Pháp,Ý không mang dấu vết gì là vua cả. Cha Nguyễn Thế Thuấn, một linh mục Dòng Chúa Cứu Thế rất thông thái và đạo đức, dịch giả trọn bộ Kinh Thánh, đề nghị chúng ta dùng danh xưng ‘Đức Giáo Chủ’ thay vì Đức Giáo Hoàng. Nghe không bao trùm gì cả và không xúc phạm gì tới các tôn giáo khác.

Nhân nói đến phiên dịch, một ông bạn khác đã hết lời ca ngợi sự thông minh của cha ông ta ngày xưa. Theo ông, tổ tiên ta ngày xưa dịch nhiều lời kinh hay và đúng vô cùng. Ví dụ như trong kính Cáo Mình đọc đầu lễ, trong bản gốc tiếng Latin có câu ‘ Mea culpa, mea culpa, mea maxima culpa’. Tiếng Maxima có nghĩa là lớn nhất. Tiếng Pháp dịch là một tội lớn ‘ C’est ma faute, c’est ma faute, c’est ma grande faute’. Tiếng Việt dịch là ‘ Lỗi tại tôi, lỗi tại tôi, lỗi tại tôi mọi đàng’.Đọc đi đọc lại thì thấy lơi dịch này hay tuyệt vời vì đạt được cốt lõi ý kinh. Cũng thế, Kinh Sáng Danh đọc lúc cuối chục hạt : Xướng :Sáng Danh Đức Chúa Cha, và Đức Chúa Con và Đức Chúa Thánh Thần, Đáp : Như đã có trước vô cùng, và bây giờ, và hằng có, và đời đời, chẳng cùng, Amen. Lời đáp này cũng hay tuyệt vời vì là tiếng Việt ròng, trong sáng, có nhạc tính, lại dồi dào ý nghĩa. Thế nhưng lời dịch tuyệt vời như vậy đã bị bỏ đi, được thay bằng lời kinh mới dịch, được đọc trong các giờ kinh phụng vụ, là “ Tự muôn đời và chính hiện nay, luôn luôn đến thiên thu vạn đại, Amen”. Chúng ta cứ bình tâm, ngồi so sánh lời 2 câu Đáp này mà coi. Lời dịch mới nghe xa vời, nhiều chữ Hán Việt, nghe nặng nề, không có nhạc tính…

Cũng chưa hết nỗi ấm ức. Một bạn tôi còn bàn về lời cáo phó và lời chia buồn thường thấy đăng trên báo. Cáo phó thì đăng : Chúng tôi vô cùng đau đớn báo tin: cha chúng tôi là Cụ ABC đã được Chuá gọi về … Phân ưu thì đăng : Chúng tôi vừa được tin buồn: Cu ABC đã về với Chúa. Chúng tôi xin thành thực chia buồn cùng tang gia… Điểm vô lý ở chỗ này : Đã được Chúa gọi về, tức là đã được về với Chúa, tức là đã lên thiên đàng, thì phải vui mừng, chứ sao lại buồn, rồi loan tin buồn, rồi chia buồn, là thế nào. Muốn loan tin buồn và chia buồn thì đừng viết là ‘đã được Chúa gọi về’, mà chỉ nói Cụ ABC đã mãn phần, đã ra đi…, để rồi sau đó mới có cớ mà cáo phó hoặc chia buồn

Lời kết : Tôi ghi lại mấy điều trên đây mà riêng cá nhân tôi thấy như còn lấn cấn trong lãnh vực nhà thờ, để chúng ta có thể thảo luận thêm và làm cho tốt đẹp hơn, chứ không hề có ý chỉ trích ca đoàn, nhạc sĩ, hay ủy ban dịch kinh.

Toronto, Tháng Đức Mẹ, 2004