WASHINGTON, D.C. (Zenit.org) – Tổng thống Bush ra lệnh hạn chế việc sử dụng tài trợ liên bang cho công tác nghiên cứu dùng tế bào gốc lấy từ phôi từ một năm qua. Kề từ đó, giới lãnh đạo Hoa kỳ hạn chế tài trợ cho chừng hơn 60 nhóm nghiên cứu tế bào gốc. Và cũng từ đó, những cuộc tranh luận và những cuộc nghiên cứu tăng gia ở nhiều nước trên thế giới.

Tờ Washington Post tường thuật tháng Tám vừa qua rằng chỉ có chín phòng thí nghiệm nộïp đơn xin tài trợ liên bang sơ khởi theo qui chế mới. Tờ báo này viết rằng có vài nhà nghiên cứu lo sợ rằng nhiều nước khác sẽ vượt bỏ Hoa kỳ. Nhưng ông Richard Doerflinger của Hội đồng Giám mục Hoa kỳ hoan nghênh bước tiến ôn hòa của cuộc nghiên cứu. Ông nói: "Cuộc nghiên cứu này gây nhiều tranh luận, và tôi nghĩ như vậy là phải và đó là một yếu tố mà các khoa học gia và các người có sáng kiến cần lưu ý đến."

Tờ New York Times nhận định hôm 7 tháng Tám rằng dẫu sao hạn chế chỉ áp dụng cho tài trợ liên bang mà thôi. Hơn thế nữa, tháng Ba vừa qua Viện Y tế Quốc gia quyết định rằng quỹ tài trợ liên bang cũng được dùng nghiên cứu tế bào gốc mới tạo sinh, miễn là đừng nhập chung với tài trợ tư nhân.

Tranh luận ở các nước khác

Ở Úc, quốc hội liên bang đã bắt đầu tranh luận về nghiên cứu tế bào và tạo sinh bằng dòng vô tính. Thủ tướng John Howard đưa ra dự luật cho phép dùng phôi 'thặng dư ' tạo sinh trong điều trị hiếm muộn để nghiên cứu nhưng cấm tạo sinh ra phôi chỉ với mục đích nghiên cứu thuần túy mà thôi.

Trong lúc quốc hội chuẩn bị thảo luận về dự luật này thì dân chúng tập họp hôm 11 tháng Tám phản đối viêc dùng phôi người để nghiên cứu. Ngày hôm sau, tờ Sydney Morning Herald tường thuật lời thượng nghị sĩ độc lập Brian Harradine nói rằng: "Không có một xã hội văn minh nào có quyền hạ thấp phẩm chất con người xuống ngang hàng với một đồ vật hay một thú vật thử nghiệm."

Những người phát biểu trong buổi tập họp này gồm có Phó Thủ tướng John Anderson, TGM Công giáo Sydney, Gheorge Pell, TGM Anh giáo Peter Giensen và nhiều thành viên Quốc hội.

Cuộc tranh luận đang tiếp diễn ở Hạ viện về dự luật này trong khi Thượng viện chỉ thị cho một hội đồng báo cáo vấn đề này vào ngày 24 tháng Mười. Tất cả các phe được phép bỏ phiếu theo lương tâm mình.

Sáu tháng trước đây, chính quyền Canada cho phép nghiên cứu tế bào gốc. Ngày 5 tháng Ba, tờ Globe & Mail tường thuật rằng những viện nghiên cứu của Canada đưa ra những chỉ thị liên bang cho phép tài trợ các khoa học gia nghiên cứu trên phôi người bị hư (thai sẩy) hoặc phôi "thặng dư " của việc điều trị sự hiếm muộn.

Phương pháp chấp thuận để nghiên cứu đã gây ra phản ứng chống đối trong cả phe đối lập cũng như trong phe tả đang cầm quyền. Ông Paul Szabo, một nghị viên cánh tả trong Quốc hội nói rằng: "Quốc hội và dân chúng chứ không phải khoa học gia quyết định tính chất đạo đức của công tác nghiên cứu hay việc áp dụng hiểu biết về gien vào mục đích phục vụ y tế công cộng."

Quốc hội Ðức, sau một cuộc tranh luận sôi nổi tháng Tư vừa qua, đã chung quyết cho phép nhập cảng tế bào gốc. Cơ quan Associated Press tường thuật hôm 25 tháng Tư rằng luật cho phép nhập cảng tế bào gốc để dùng trong những đồ án"có tầm mức quan trọng" mà không có phương pháp nào khác có thể thay thế được. Luật mới này hủy bỏ luật cấm tạo sinh tế bào gốc lấy từ phôi chỉ với mục đích nghiên cứu.

Trong Liên Hiệp Âu Châu, tài trợ cho công tác nghiên cứu tế bào gốc đã bị đình lại. Hãng thông tấn Reuters tường thuật rằng hôm 31 tháng Bảy một nhân viên chính quyền Ðan Mạch loan báo rằng khối 15 nước sẽ trì hoãn việc tài trợ nghiên cứu phôi người và tế bào gốc cho đến năm 2003. Ðan Mạch hiện đang giữ chức chủ tịch luân phiên Liên Hiệp Âu Châu. Một thông cáo chính thức nói rằng tài trợ của Liên Hiệp Âu Châu sẽ bị đình chỉ trong lúc soạn thảo điều lệ về công tác nghiên cứu phôi người và tế bào gốc lấy từ phôi.

Trong 4 hay 5 năm tới đây, hơn 4 tỷ đôla sẽ được giành cho công tác nghiên cứu y khoa về gien. Trong số đó, có khoản 300 triệu đôla sẽ được giành cho công tác nghiên cứu phôi hư (thai sẫy) và phôi "thặng dư ". Tuy nhiên các chính phủ hội viên không bị bó buộc phải theo quyết định của Liên Hiệp Âu Châu, họ được tự do sử dụng tài chánh của họ như họ muốn. Thật vậy, Liên Hiệp Anh đã tiến hành công tác nghiên cứu. Hôm 2 tháng Ba, tờ London Telegraph tường thuật rằng giấy phép đầu tiên cho thử nghiệm trên tế bào gốc đã được cấp. Cơ quan Thẩm quyền về Thụ thai nhân tạo và Phôi học đã cấp giấy phép cho Trung tâm Nghiên cứu Gien ở Edingburgh, cho Bệnh viện Guy và cho Ðại học King ở Luân đôn.

Hôm 9 tháng Chín, đài BBC tường thuật rằng Viện Tiêu chuẩn và Kiểm soát Quốc gia của Liên Hiệp Anh đã cấp 4 triệu đôla cho Ủy ban Nghiên cứu Y khoa để thành lập Ngân Hàng Tế Bào Gốc đầu tiên ở Âu châu. Ngân Hàng này sẽ tồn trử tế bào trưởng thành cũ và mới và những dòng tế bào gốc lấy từ phôi.

Hiệp hội Phò Sự Sống phản đối quyết định này. Họ nói: "Như mọi thành viên quan tâm đến người khác trong xã hội, chúng tôi muốn thấy có sự yêu thương trong khoa điều trị. Nhưng Ngân Hàng này cũng sẽ lấy tế bào gốc từ phôi và công tác này chỉ thực hiện được với việcï tiêu hủy sự sống con người.

Những hứa hẹn của tế bào trưởng thành.

Chúng ta có thể tránh tiêu hủy phôi bằng cách dùng tế bào trưởng thành. Trong năm qua có nhiều báo cáo về nghiên cứu đầy hứa hẹn trong lãnh vực này. Ví dụ tạp chí Nature trong số ra ngày 21 tháng Sáu tường thuật rằng một nhóm khoa học gia đưa ra bằng chứng cho thấy họ đã cấy được tế bào gốc trưởng thành lấy từ tủy xương để tạo sinh ra mọi loại tế bào của cơ thể, từ tế bào máu cho đến tế bào cơ (bắp thịt) và thần kinh.

Hãng tin Associated Press tường thuật hôm 8 tháng Tám rằng tờ báo Y Khoa Lancet cũng đã công bố những kết quả tốt đẹp của một cuộc nghiên cứu: Những nhà nghiên cứu đã thành công trong việc tạo nên mạch máu mới sau khi tiêm tế bào gốc lấy từ chính bệnh nhân vào bắp thịt của chân và nhờ đó trị được chứng đau nhức do thiếu tuần hoàn, tránh cho bệnh nhân khỏi phải bị cưa chân vì hoại thư (gangrene).

Tờ Wall Street Journal tường thuật hôm 3 tháng Chín rằng những khoa học gia người Ðức đã thành công trong việc dùng tế bào gốc lấy từ tủy xương của chính bệnh nhân để sửa chữa hoặc giới hạn tổn thương cơ tim do bệnh tắt mạch vành gây ra. Cuộc nghiên cứu thành công này đã được đăng tải trên tạp chí Circulation của Hội Tim Mạch Hoa Kỳ.

Không phải tất cả các cuộc thử nghiệm đều thành công cả đâu. Trong số ra ngày 23 tháng Tám, tạp chí Science công bố những khó khăn trong việc điều trị chuộc: Khoa học gia thử dùng tề bào gốc trưởng thành lấy từ tủy xương để tạo sinh ra tế bào não nhưng đã không đạt được kết quả mong muốn.

Tuy nhiên, tác giả chính của cuộc thử nghiệm này, bác sĩ H. David Shine của Ðại học Y khoa Baylor tại Houston, Texas nói với hãng Reuters Health hôm 22 tháng Tám rằng những kết quả đó không phải là chung cục của tiềm năng tế bào tủy xương trong việc điều trị chấn thương não bộ. Ông nói còn nhiều việc phải làm.

Và ngay trong tuần này đã có những kết quả tốt đẹp trong việc làm cho tế bào trưởng thành tái tạo tế bào não. Tờ Sydney Morning tường thuật hôm 10 tháng Chín rằng những nhà nghiên cứu do Khoa học gia thần kinh Simon Koblar thuộc Ðại học Adelaide cầm đầu nói rằng họ đã tìm ra được "cơ năng hướng đạo" thần kinh điều động tế bào gốc trong não bộ.

Bác sĩ Koblar nói: "Trong những vùng não bộ bị tổn thương, ví dụ vì chứng tắt mạch máu não, bệnh Parkinson hay chấn thương sọ não do tai nạn, người ta có thể dùng "cơ năng hướng đạo" để phân phối những tế bào gốc của chính bệnh nhân đến những nơi đó để sửa chữa.

Ðiều 2295 trong Giáo lý Công giáo dạy rằng: "Công tác nghiên cứu hay thử nghiệm trên con người không biện minh được cho những hành động tự nó đã là nghịch lại với nhân phẩm của con người và với luân lý. Bảo tồn nguyên tắc này là điều quan trọng hơn bao giờ hết trong lãnh vực đang phát triển nhanh chóng này.”