Trong cuộc họp báo hôm thứ Bẩy 11 tháng Hai, đúng ngày Lễ Đức Mẹ Lộ Đức, ông Greg Burke, Giám Đốc Phòng Báo Chí Tòa Thánh, cho biết Đức Thánh Cha đã bổ nhiệm Đức Tổng Giám Mục Henryk Hoser, của tổng giáo phận Varsava-Praga, Ba Lan, đến Medjugorje trong tư cách là Đặc Sứ của Tòa Thánh để tìm hiểu nhu cầu mục vụ tại đây.

ĐTGM Henryk Hoser
Ông Greg Burke nhấn mạnh rằng công việc của Đức Tổng Giám Mục Hoser tại Medjugorje không liên quan đến tính chất xác thực của các cuộc hiện ra của Đức Mẹ tại đây và chỉ thu hẹp trong phạm vi đời sống phụng vụ và bí tích ở Đền Thánh, nghĩa là những khía cạnh mục vụ.

Hiện tượng Medjugorje

Medjugorje nằm trong khu vực Herzegovina ở phía Tây của nước Bosnia và Herzegovina, cách thị trấn Mostar 25km về phiá Tây Nam và gần với biên giới Crotia. Sáu thanh niên, thiếu nữ nói đã thấy Đức Mẹ hiện ra tại Medjugorje vào ngày 24/06/1981. Từ đó dòng người lũ lượt đến hành hương địa điểm này để cầu nguyện với Đức Mẹ dưới hai tước hiệu là “Đức Mẹ Medjugorje” hay “Đức Mẹ là Nữ Vương Hòa Bình”. Đến nay đã có hơn 40 triệu người đến hành hương tại đây mặc dù giáo quyền địa phương đã điều tra và không nhìn nhận tính chất siêu nhiên của sự kiện.

Cuộc điều tra của Tòa Thánh

Trước những biến cố cho rằng đã thấy những thị kiến riêng, Giáo Hội luôn có những cuộc điều tra để có thể kết luận là “constat de supernaturalitate” – tính chất siêu nhiên được chứng thực hay “non constat de supernaturalitate” – tính chất không siêu nhiên được chứng thực – nói dễ hiểu là do người ta bày vẽ ra, không phải là thật.

Tháng Ba năm 2010, dưới thời Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16, Vatican đã thiết lập một ủy ban để điều tra về các cuộc cho là Đức Mẹ hiện ra tại Medjugorje. Năm năm sau, ngày 6 tháng Sáu, 2015, trong cuộc họp báo dành cho các phóng viên trên chuyến bay trở về từ Sarajevo, Đức Giáo Hoàng Phanxicô cho biết, “Chúng tôi rất gần đi đến một quyết định” liên quan đến các hiện tượng tại Medjugorje. Ngài nói rằng Bộ Giáo Lý Đức Tin (CDF) sẽ sớm đưa ra thảo luận các báo cáo do Đức Hồng Y Camillo Ruini đệ trình hồi tháng Giêng năm ngoái tại cuộc họp mỗi tháng một lần - gọi là một Feria Quarta. Nhưng trong 18 tháng qua, không có gì đã được công bố.

Chỉ vài ngày sau đó, trong một Thánh lễ buổi sáng tại nhà nguyện Santa Marta, Đức Thánh Cha Phanxicô cảnh báo chống lại việc các tín hữu đặt cơ sở cho niềm tin của mình trên các thị kiến, các dự đoán hoặc bất cứ điều gì khác hơn là chính Chúa Kitô. Và cuối tháng Mười Một, ngài nhắc lại một khái niệm mà ngài đã nói trước đó, là Đức Trinh Nữ Maria không phải là một người nữ phát thư, đưa tin hàng ngày, một chủ đề ngài đã đề cập một lần nữa trong tuần.

Tình hình mục vụ tại Medjugorje hiện nay

Theo thống kê, tại Medjugorje, trong tháng Giêng năm 2017, trung bình mỗi ngày có 26 linh mục dâng các thánh lễ, hầu hết là đồng tế, và một số khoảng 36,000 người đã rước lễ trong một ngày.

Tuy nhiên, cả hai Đức Giám Mục Pavao Zanic, người đứng đầu giáo phận Mostar-Duvno từ 1980 đến 1993, và Đức Giám Mục Ratko Peric là đấng bản quyền hiện nay đều khẳng định rõ ràng rằng không có gì siêu nhiên đang xảy ra ở đây.

Tình hình còn trầm trọng hơn vào năm 2010 khi Cha Tomislav Vlasic, một linh mục dòng Phanxicô người từng là một cựu “linh hướng” cho sáu thị nhân nói trên bị buộc phải hoàn tục. Quyết định này được chính Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16 chấp thuận sau một cuộc điều tra kéo dài cả năm với kết luận là Cha Tomislav Vlasic đã có một đứa con với một nữ tu.

Những quan ngại mục vụ

Trong khi có những tin đồn lan rộng tại Rôma theo đó Tòa Thánh sẽ sớm đưa ra một tuyên bố chính thức về những lời đồn đại cho rằng Đức Mẹ đã hiện ra tại Medjugorje, một nhà báo người Ý cảnh báo rằng một phán quyết tiêu cực có thể gây ra “một cái gì đó giống như là ly giáo.”

Theo nhà báo Vittorio Messori, sau Công Đồng Chung Vatican II, đạo Công Giáo đã phải gánh chịu những tấn kích tơi tả. Trong bối cảnh ấy hiện tượng Medjugorje đã hình thành nên một phong trào đạo đức bình dân lớn nhất từ sau Công Đồng. Ông trích dẫn nhiều người mà niềm tin đã được nhen nhóm trở lại sau khi đến thăm thị trấn bé nhỏ ở Bosnia-Herzegovina nơi những lần Đức Mẹ hiện ra đầu tiên được báo cáo.

Messori đề nghị Đức Thánh Cha Phanxicô nên thận trọng đừng đưa ra một lập trường chính thức về tính xác thực của các cuộc hiện ra, nhưng chỉ đơn giản là ghi nhận những hoa trái thiêng liêng.

Năm 1991, các giám mục Nam Tư lúc đó đã ban hành một tuyên bố chính thức theo đó các cuộc hiện ra được báo cáo lại “không thể nào khẳng định được là siêu nhiên”. Lời tuyên bố ấy vẫn là phán quyết có thẩm quyền nhất của Giáo Hội cho đến nay. Vatican đã cảnh báo các mục tử không được ủng hộ những sự kiện mặc nhiên nhìn nhận tính xác thực của các báo cáo cho rằng Đức Mẹ đã hiện ra.

Quan điểm của Đức Thánh Cha Phanxicô

Trong một diễn biến có liên quan chặt chẽ, một cuốn sách mới của một linh mục Brazil, dựa trên một cuộc phỏng vấn với Đức Thánh Cha Phanxicô, tường thuật rằng ngài rõ ràng đã bày tỏ thái độ hoài nghi về tính xác thực của các cuộc hiện ra được báo cáo và động cơ của những người được cho là đã nhìn thấy Đức Mẹ tại Medjugorje.

Trong cuốn sách “She’s My Mother: Encounters of Pope Francis with Mary”, cha Alexander Awi Mello - người đã thực hiện một cuộc phỏng vấn dài với Đức Thánh Cha trong chuyến tông du của ngài tại Brazil nhân dịp Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới, cho biết Đức Thánh Cha đã bày tỏ sự nghi ngờ của ngài rằng những người tuyên bố đã nhìn thấy Đức Mẹ thực ra có vấn đề về tâm lý, và những người khác đang cố tình lừa dối công chúng. Đức Giáo Hoàng được cho rằng đã chế giễu ý tưởng mà các thị nhân Medjugorje đưa ra là Đức Trinh Nữ Maria sẽ hiện ra theo đúng một thời biểu được ấn định trước.

Tuy nhiên, theo linh mục Brazil này, Đức Thánh Cha ghi nhận những hoa trái thiêng liêng của các hiện tượng tại Medjugorje, và nói: “Tôi biết ở giữa những hành động điên rồ của con người, Thiên Chúa vẫn tiếp tục làm phép lạ; không phải sao?”