XIN CHO CON ÐƯỢC THẤY ÁNH SÁNG: Chúa Nhật 4 Mùa Chay, Năm A

(1 Sm 16:1b, 6-7, 10-13a; Ep 5:8-14; Ga 9:1-41)

Vào thời Chúa Giêsu tại thế, có những người Do thái chịu ảnh hưởng thuyết Platô, tin rằng những đau khổ, bệnh tật phần xác được coi là hậu quả của việc tiền nhân làm bậy. Người Pharisêu cũng lên tiếng tố cáo người mù trong phúc âm đã phạm tội, hoặc cha mẹ anh ta đã phạm tội, nên anh ta mới bị mù. Còn các môn đệ Ðức Giêsu thì thắc mắc không biết tại tội anh ta hoặc tội của cha mẹ anh, khiến anh bị mù? Ðó cũng là điều mà tiền nhân ta thường nói: ‘Ðời cha ăn mặn, đời con khát nước’.

Lên tiếng khẳng định rằng người mắc bệnh mù từ khi mới sinh không phải do tội lỗi của ai gây ra, Ðức Giêsu trộn đất bùn với nước miếng rồi xoa vào mắt người mù và bảo anh ta đi rửa mắt ở hồ Silôác để được chữa lành. Nước miếng được y sĩ đông cũng như tây thời xưa dùng để chữa bệnh. Tuy nhiên theo lối suy luận thông thường thì việc trộn bùn vào nước miếng để chữa bệnh mù xem ra có vẻ lạ kỳ và còn thiếu vệ sinh. Dầu vậy, cảm thấy mất mát và buồn tủi vì không được nhìn thấy người và cảnh vật từ nhỏ, người mù sẵn sàng cộng tác với đường lối chữa trị của Chúa. Thế nên người ta mới nói: ‘Có hay đau mắt mới thương người mù’. Anh ta liền đến hồ rửa mắt và được phục hồi nhãn quang.

Sau khi anh được chữa khỏi thì xẩy ra cuộc tranh cãi làm sao người mù đươc sáng mắt. Vai chính bây giờ là người mù. Những nhân vật đóng những vai phụ khác trên sân khấu là người hàng xóm láng giềng, nhóm người Pharisêu, nhóm người Do thái và cha mẹ người mù. Còn Chúa Giêsu thì tạm thời lui vào hậu trường, để rồi lại xuất hiện trong màn chót. Trong số những người láng giềng, có người ngạc nhiên hỏi sao anh ta được khỏi, người khác lại tưởng không phải là anh ta, nhưng là ai khác cũng giống anh ta. Việc Chúa chữa người mù xẩy ra vào ngày Sabát là ngày cấm làm việc. Do đó nhóm người Pharisêu lại hỏi: sao anh ta được chữa lành? Có người nói ông Giêsu không phải là người của Thiên Chúa vì không giữ luật ngày Sabát. Người khác lại nói một người tội lỗi làm sao có thể làm việc chữa lành được như vậy?

Lúc này đến nhóm người Do thái có chức quyền vào cuộc. Họ hỏi cha mẹ người mù xem anh ta có phải là con ông bà không và làm sao anh ta được khỏi? Ông bà nhận anh ta là con mình. Còn việc làm sao anh ta được chữa khỏi, họ bảo để đương sự trả lời. Ðúng ra họ sợ người Do thái làm khó dễ nếu ai tuyên xưng Ðức Giêsu là Ðấng Kitô (Ga 9:22). Nhóm người Do thái lại gọi người mù lại tố cáo ông Giêsu là người tội lỗi. Câu trả lời hiển nhiên của người mù khiến cho nhóm người Do thái phải câm miệng: ‘Xưa nay chưa từng nghe nói có ai đã mở mắt người mù từ khi mới sinh. Nếu người đó không bởi Thiên Chúa thì đã không làm được việc như vậy’ (Ga 9:32-33). Người Do thái không tìm được lý do nào để bác bỏ lý lẽ bình dị và hiển nhiên của người mù. Thế nên để trả đũa, họ đã dùng lời thoá mạ người mù rồi trục xuất anh ta ra khỏi đền thờ.

Nghe nói người mù bị trục xuất, Ðức Giêsu lại tái xuất hiện trên sân khấu, hỏi xem anh ta có tin vào Người không? Người mù tuyên xưng đức tin: ‘Dạ thưa, con tin’ (Ga 9:37). Cái tiến trình nhận lãnh đức tin của người mù đi qua ba giai đoạn, cũng gần giống tiến trình đi đến đức tin của người phụ nữ Samari tuần trước. Trước hết anh ta coi người chữa bệnh mù của anh như là một người mà thiên hạ gọi là ông Giêsu (Ga 9:11), rồi gọi Chúa là một ngôn sứ trước mặt người Pharisêu (Ga 9:17), và cuối cùng tuyên xưng Người bởi Thiên Chúa mà đến trước mặt người Do thái (Ga 9:35).

Thái độ của người mù khác hẳn với thái độ của người Pharisêu. Mặc dù bị nhóm người Pharisêu và người Do thái áp đảo và doạ nạt, người mù vẫn tỏ ra bình tĩnh, bác bẻ lý lẽ và những lời tố cáo của đối phương một cách thông minh. Người mù còn tỏ ra can đảm tuyên xưng đức tin vào Ðức Kitô mặc dù biết mình sẽ bị khai trừ ra khỏi đền thờ. Ðối với người Pharisêu, mắt tự nhiên của họ có thể nhìn thấy người mù được chữa lành, nhưng họ không nhận ra việc Ðức Kitô làm là do bàn tay Thiên Chúa. Họ không nhận thức được rằng Ðức Kitô cũng là chủ của ngày Sabát. Và họ cũng không nhận thức được rằng Thiên Chúa muốn cho loài người làm việc thiện hảo vào cả ngày Sabát nữa.

Bài trích sách Samuen quyển thứ nhất cho ta một ví dụ về việc xét đoán sai lầm của loài người. Ông Samuen được Chúa sai đến xức dầu cho một trong các con của ông Giesê lên làm vua. Khi nhìn thấy diện mạo cao lớn của Êliáp, Samuen tưởng đó là người phải được xức dầu tấn phong làm vua. Nhưng Chúa bảo Samuen: ‘Thiên Chúa không nhìn theo kiểu người phàm: người phàm chỉ thấy điều mắt thấy, còn Thiên Chúa thì thấy tận đáy lòng’ (l Sm16:7). Thiên Chúa muốn chia sẻ với ta cách thế nhìn coi và nhận định sự vật cách trung thực như Thánh Phaolô ghi nhận trong thư gửi giáo đoàn Êphêsô: ‘Xưa kia anh em là bóng tối, nhưng bây giờ, trong Chúa, anh em là ánh sáng. Vậy anh em hãy ăn ở như con cái sự sáng’ (Ep 5:8).

Lời nguyện xin cho được thấy ánh sáng chân lý:

Lạy Ðấng toàn năng, con xin tạ ơn Ngài đã ban cho con

được nhìn thấy ánh sáng tự nhiên

và còn được thấy ánh sáng đức tin qua cha mẹ và người đỡ đầu.

Xin dạy con biết nhìn người và sự vật dưới ánh sáng chân lý

Nếu con bị mắc bệnh mù loà thiêng liêng như người Pharisêu,

xin cho con được nhận thức rằng con bị mù quáng

để con tìm đến Thầy thuốc thiêng liêng hầu được chữa trị.

Ðược phản chiếu ánh sáng siêu nhiên từ trời cao thẳm,

con lại được bước đi trong ánh sáng chân lý. Amen.I>