KHÚC “TRƯỜNG CA D NG HIẾN”

Có những lúc cuộc sống ta tưởng chừng như êm ả, nhưng trên hành trình bước theo Chúa, chúng ta không sao tránh khỏi những khó khăn, thử thách, phải đi qua những khúc quanh co của cuộc đời. Tuy nhiên, có khó khăn, thử thách chúng ta mới hiểu được giá trị của khổ đau và “ngộ” ra những ý nghĩa tuyệt vời, như cách cảm nhận của nhà chí sĩ Phan Bội Châu : “Ví thử đường đời bằng phẳng cả, anh hùng hào kiệt có hơn ai”.

Cũng vậy, một bản nhạc hay ít khi vắng những nhịp đảo phách, những nốt thăng, trầm và cả những dấu lặng. Nếu không có những “nuances” nầy, bản nhạc chỉ còn là “một tổ hợp” nốt nhạc xếp cạnh nhau, những âm thanh đều đều, buồn tẻ; và dĩ nhiên, bài hát sẽ không cho người nghe chút cảm nhận nào. Phải chăng trong “bản trường ca theo Chúa” của người tu sĩ, cũng không thể thiếu vắng những “nhịp đảo phách” như thế. Chúng ta không đi tìm sóng gió, khổ đau hay những “ngã rẽ, khúc quanh” ngoài ý muốn…; nhưng có những khó khăn sóng gió tự đến và rồi sẽ “tự đi” mà chúng ta gần như không thể tiên liệu. Dù muốn dù không chúng ta vẫn phải đối diện và trải qua. “Điều quan trọng không phải là những gì xảy ra với bạn mà chính là cách bạn đối phó với chúng như thế nào” (Theo Word of Wisdom).Có những khó khăn do tác động của môi trường xã hội, có những khó khăn do hoàn cảnh gia đình, cộng đoàn tạo nên hay có những khó khăn hằn sâu trong tâm hồn chỉ mình ta với Chúa biết. Đứng trước muôn vàn khó khăn đó có thể ta tự giải quyết được, nhưng cũng có những khó khăn phải đối diện và đón nhận trong hy sinh từng ngày từng giờ.

Ngày nay đời sống cộng đoàn các dòng tu hầu như đang trải qua nhiều áp lực và thử thách từ ảnh hưởng của các trào lưu thế tục, dẫn đến nhiều biểu hiện tiêu cực, mất thăng bằng. Trong một kỳ nghỉ chúng tôi có dịp gặp nhau, một tu sĩ đã chia sẻ: “Tôi cố gắng mãi nhưng sao vẫn không hòa nhịp được với đời sống cộng đoàn, khó thương được người chị em sống bên cạnh tôi. Các giờ kinh đối với tôi ngày càng lơ là và vô vị, mặc dù tôi đã dấn bước lâu năm trên hành trình ơn gọi. Đã nhiều lần tôi cố gắng đi bước trước để cởi mở với mọi người, cố gắng yêu thương tin tưởng cách chân thành nhưng vẫn không được và chỉ muốn rút lui vào vỏ ốc của riêng mình và chỉ thấy mình là nơi chốn an toàn nhất. Trong đời sống chung thường xuyên đổ vỡ, mặc dù tôi rất thận trọng trong các mối tương quan. Tôi đã rất cố gắng để vượt qua những yếu đuối, bất toàn nhưng sao cứ sai phạm mãi. Đã nhiều lần tôi chạy theo tiền tài, danh vọng và những mối tình chẳng đi về đâu khiến tâm hồn vướng víu và tâm trí tôi như nặng trĩu…Phải chăng đây là những cú đảo phách của bản trường ca đời dâng hiến?”.

Những lời chia sẻ rất chân tình trên đây của vị tu sĩ như một “chứng từ” về những “cung buồn” của đời dâng hiến ! Biết đâu trong bản nhạc ấy, đang thiếu đi một “dấu lặng cần thiết” để khúc “hoà âm dâng hiến” hay hơn, trọn hảo hơn. Trong bản trường ca của mỗi người tu sĩ chúng ta rất cần những dấu lặng như thế. Dấu lặng của sự hồi tâm, dấu lặng của đời sống cầu nguyện, dấu lặng của những giây phút diện đối diện trước mặt Chúa…Nếu thiếu những dấu lặng như thế bản nhạc đời chúng ta sẽ bị khập khiễng và người nghe không thể cảm thụ được cái hay mà tác giả muốn gửi đến.

Lần giở lại những trang Tin Mừng ta thấy, trước những biến cố quan trọng, Chúa Giêsu luôn rút lui vào nơi thanh vắng để thinh lặng và cầu nguyện với Chúa Cha. Người cũng mời gọi các môn đệ hãy đi vào nơi thanh vắng để nghỉ ngơi đôi chút. Người tu sĩ chúng ta cũng được mời gọi dành những phút giây thinh lặng để có thể nghe được tiếng Chúa, và có đủ sức để vượt qua những sóng gió, những dịp tội, những đam mê. Cần một phút thinh lặng để hàn gắn lại những đổ vỡ trong các mối tương quan, cần một phút thinh lặng để tìm ra lối thoát khi phải đối diện với những thất bại, hiểu lầm.

Khi chúng ta đi vào thinh lặng chính là lúc chúng ta được Chúa mời gọi đi vào mối tâm giao thân tình với Chúa. Ngài là Đấng trung thành sẵn sàng lắng nghe và chia sẻ trọn vẹn những vui buồn của chúng ta trong cuộc sống. Trải qua những cô đơn thất vọng, chúng ta mới cảm nhận rằng: Chỉ có Chúa là Đấng lấp đầy những khoảng trống và những khát vọng trong tâm hồn ta. Đã nhiều lần chúng ta cố đi tìm những thứ khác không phải là Chúa để lấp đầy sự cô đơn trống vắng, nhưng càng tìm chúng ta càng thấy tâm hồn ta bị khoét sâu và vụn nát hơn. Trải qua những đêm tối của cuộc đời, qua những nhịp đảo phách của bản trường ca đời dâng hiến, chúng ta cảm nhận được rằng: Đức Giêsu là người bạn trung thành nhất. Ngài không đưa chúng ta đi vào sự cô đơn như chúng ta từng nghĩ, nhưng Ngài vẫn lặng lẽ và sớt chia những nỗi vui buồn cùng ta trong những lúc khốn cùng nhất, Ngài là người bạn luôn đồng hành và sẵn sàng cảm thông, tha thứ. Chúa Giêsu, một người cô đơn, từng bị bỏ rơi nhưng không gục ngã, đau khổ nhưng không bỏ cuộc, vẫn đi hết cuộc hành trình vâng phục Chúa Cha “Xin vâng ý Cha, đừng theo ý con” (Mc 14,36)

Ngày nay, người tu sĩ chúng ta sống trong một xã hội đề cao danh vọng, quyền lực và đủ mọi thứ tác động bên ngoài làm cho cuộc sống chúng ta dễ bị cuốn theo dòng chảy của sự ồn ào, náo nhiệt, đánh mất chính mình. Nếu cuộc sống chúng ta thiếu vắng sự thinh lặng sẽ trở thành miếng mồi ngon cho cạm bẫy của sự dữ. Nếu chỉ biết bám vào sự thành công của những công việc hoạt động bên ngoài để tự khẳng định chính mình, dần dần chúng ta sẽ tự chui vào vỏ ốc của sự ích kỷ, lo âu, cắt đứt hết mọi tương quan với Chúa và tha nhân. Lúc này cuộc sống của người tu sĩ sẽ mất hết giá trị cao cả của huyền nhiệm tình yêu, của cảm thông và tha thứ…

Trong đời sống thiêng liêng, thinh lặng không chỉ là dành thời gian và không gian để sống thân tình với Thiên Chúa, nhưng cần phải dành cho Chúa một chỗ đứng ưu tiên trong tâm hồn, để dù đi bất cứ nơi nào hay làm việc gì thì Chúa vẫn có nơi cư ngụ. Nếu một người tu sĩ thiếu đời sống thinh lặng, chúng ta sẽ không thể nào cảm nhận được sự hiện diện của Chúa và cũng không ý thức được sự hiện diện của chính mình, có thể dẫn đến đánh mất ân nghĩa với Thiên Chúa và đánh mất chính mình.

Đức Giáo Hoàng Phanxicô trong tông huấn gọi mời dân Chúa nên thánh (Gaudete et Exsultate” đã lưu ý tầm quan trọng của việc thinh lặng cầu nguyện bằng những lời sau :

“Chúng ta cần nhớ rằng “việc chiêm ngắm dung nhan Chúa Giêsu, Đấng đã chết và sống lại, sẽ phục hồi nhân tính của chúng ta, ngay cả khi nhân tính ấy bị tan tác bởi những vất vả của cuộc đời hoặc bị ghi dấu bởi tội lỗi. Chúng ta không được làm suy giảm quyền năng của dung nhan Đức Kitô”.113 Vì thế, tôi xin hỏi các bạn: Có những giây phút nào bạn thinh lặng đặt mình trước sự hiện diện của Chúa, những lúc bạn thư thái ở với Người, và để Người nhìn ngắm bạn hay không? Bạn có để ngọn lửa của Người cháy lên trong lòng mình không? Nếu không để Người sưởi ấm bạn bằng tình yêu và sự dịu dàng của Người, bạn sẽ không có lửa, và như thế làm sao bạn có thể đốt nóng trái tim người khác bằng chứng tá và lời nói của bạn? Và nếu trước dung nhan của Đức Kitô bạn vẫn cảm thấy không thể được chữa lành và biến đổi, thi hãy bước vào Trái Tim của Chúa, bước vào những vết thương của Người, vì đó là chỗ của Lòng Chúa Xót Thương.” (GE 151)

Ước gì trên hành trình dâng hiến mỗi người chúng ta cảm nhận được rằng: Thiên Chúa là một nhạc sĩ hòa âm rất tuyệt vời. Ngài đã viết nên những bản trường ca đời dâng hiến của ta với những nhịp đảo phách đầy chông gai thử thách mà mỗi người chúng ta từng ngày phải đối diện, cùng với những dấu lặng của hy sinh nguyện cầu. Để từ đó chúng ta xác tín rằng con đường ta đi không phải là con đường của hoa thơm cỏ lạ, nhưng là con đường mòn đầy sỏi đá chông gai, con đường dài với những bước thăng trầm của hành trình phục vụ. Và chính trên con đường đó, mỗi người chúng ta được mời gọi bước theo Ngài.

Anna Hiền Linh MTGQN