Các niềm vui của bất bình



Tiến sĩ Joseph Burgo tiếp tục phân tích tâm lý người thời nay, thời bừa phứa thông tin, thời bừa phứa phê phán tự do không hạn chế. Lần này ông muốn cho thấy sự giận dữ có chỗ thoát tự do khiến người giận dữ cảm thấy thỏa mãn hơn về chính họ như thế nào. Trong cuốn
The Narcissist You Know, ông mô tả sự bất bình tự cho là chính đáng là một trong ba chống chế đệ nhất đẳng chống lại cái tâm thức cốt lõi là tủi nhục (shame) ra sao. Cùng với việc đổ lỗi và khinh miệt, nó dựng lên cả một tường thành kiên cố chống lại các cảm quan thiếu sót, thiệt hại, hay xấu xa khó coi (ugliness) bằng cách trút (nghĩa là phóng chiếu) các cảm quan ấy lên một ai khác, bắt họ phải mang lấy chúng.

• “Tôi tuyệt đối không làm gì sai. Anh mới là người phải chịu lỗi!”
• “Làm thế nào anh có thể chỉ trích tôi được! Chính cơn giận làm anh giả thiết bắt lỗi tôi!”
• “Anh là thằng đáng ghét, đáng khinh miệt, và khó mà thành người”.

Ba nét đó, tức đổ lỗi, khinh miệt, và bất bình, nổi bật trong nhân cách của mọi kẻ tự yêu mình thái quá một cách cực đoan và chống đỡ “cảm thức thổi phồng cái tôi” hết sức quen thuộc của họ. Ta thấy nhan nhản những nhân cách này trong xã hội hiện thời.



Ở một mức độ kém hơn, phần lớn chúng ta thỉnh thoảng cũng có dùng các chống chế này một cách tạm thời. Chỉ cần nghĩ lại những cãi cọ gần đây khi người phối ngẫu, người bạn, hay người hùn hạp than phiền về tác phong của ta. Ta có bất bình và chống chế, ít nhất ngay lúc ấy không? Ta có tự bào chữa và ráng quay mũi súng, moi một khuyết điểm nào khác của họ để tấn công không? Ta có cười mỉa mai và tỏ vẻ khinh miệt, nếu không bằng lời thì cũng bằng nét mặt hay không? Trong khi tranh luận nóng nẩy, những phản ứng như thế là chuyện thông thường, không có chi là bệnh hoạn, miễn là cuối cùng ta dịu xuống, xin lỗi và tiếp nhận lời phê bình nếu nó có giá trị.

Cũng thế, nhiều người trong chúng ta thường tỏ vẻ khinh bỉ, khinh miệt hay bất bình chính đáng trong những cách không hẳn cho thấy bất cứ rối loạn về nhân cách nào và còn có thể được coi là “thông thường”. Nhất là trong lãnh vực thống thuộc chính trị, ta thường phùng mang trợn mắt nổi giận và chỉ tay tố cáo những người thuộc phe bên kia. Làm thế nào bọn họ lại có một chủ trương như thế được! Chủ trương của bọn họ dưới cả mức bị khinh bỉ và cho thấy rõ ràng thiếu nhân tính, đừng nói tới việc thiếu tương cảm (empathy)! Thật hiển nhiên, bọn họ đáng bị ghét bỏ và lăng mạ! Ta thấy rất nhiều kiểu phản ứng này trên các facebooks.



Trong diễn trình phát biểu sự bất bình chính đáng như thế, ta thường thổi phồng lòng tự quí mình lên, thổi phồng cảm thức tự cho mình có giá lên bằng cách tự xác định mình không có chi giống như họ. Nếu những người kia giữ một quan điểm không đúng, đáng ghét, thì ngầm cho hiểu quan điểm của ta hay hơn. Trong khi họ thiếu tương cảm, thì ta thực sự quan tâm... điều này hẳn có nghĩa ta thực sự là những người tốt, phải không? Và vì họ bán khai và đáng khinh bỉ, thì nguyên sự kiện ta có thể thấy điều ấy cũng đã làm ta... ôi, thông sáng biết bao. Từ trên cao bệ thờ nhìn xuống, ta cảm thấy hài lòng về chính mình vì ta hơn họ xiết bao.

Hiển nhiên

Tiến sĩ Burgo cho rằng không điều gì trên đây thuộc bệnh lý cả.Thực vậy, chúng phổ biến đến trở thành như cơm bữa, được mọi người xếp vào loại “thông thường”. Bất hạnh thay, quá nhiều người bị dính cứng vào chủ trương đó, giống người vợ hay người chồng bất bình không bao giời lùi lại sau một trận chiến, nhất định không nhận lời chỉ trích, và cho người phối ngẫu phạm thượng kia một sự im lặng chết người cả mấy ngày trời sau đó. Mày là cái thứ người đáng khinh vì đã đối xử cách đó với tao nên mày không đáng để nói chuyện với!

Tiến sĩ Burgo đồng ý với tiến sĩ John Gottman khi cho rằng khinh miệt trong hôn nhân là nhân tố lớn nhất dẫn đến ly dị trong tương lai. Ông tự hỏi không biết con người ngày nay ở Hoa Kỳ đang đi về đâu với cái nỗi bất bình chính đáng được thổi phồng không lối thoát?