“Nước tôi không thuộc về thế gian nầy…Chính Ngài nói rằng tôi là vua. Tôi sinh ra và đã đến thế gian nầy vì điều nầy: đó là để làm chứng cho sự thật. Ai đứng về phía của sự thật thì nghe tiếng tôi” (Ga 19,36-37).

Sáng hôm ấy,
Mượn tạm ngai toà Tổng trấn,
với chiếc áo choàng đỏ khinh miệt của đám quân binh,
Một triều thiên gai, một cây sậy, một đám ô hợp vô tình,
Đã đủ cho “Giờ Đăng Quang” của vị Vua Cứu Thế!

Nếu quả là Vua, mang “chân mệnh vương đế”,
Sao tháng năm dài lại ẩn khuất giữa mạt hạng cùng đinh?
Làng Na-da-rét, kiếp thợ mộc nghèo, chỗ nào để tôn vinh?
Thêm nhóm bề tôi, lũ dân chài, bọn lầm than dang dở…

Đúng là Vua của bọn cùi, phường trôi sông lạc chợ…
Vua của những chàng mù, què, câm, điếc thêm cả gái làng chơi….
Vua của đôi chân trần, ngủ bờ bụi, nhịn đói cầm hơi,
Chẳng tỵ hiềm bọn phần thu chơi luôn chén thù chén tạc…

Mới có ba năm mà tiếng đồn vang dội từ nam chí bắc,
Vua mang tiếng chạnh lòng trước mẹ goá con côi.
Hễ gặp ông vua nầy, bọn nghèo hèn, rách nát, tanh hôi,
Như tìm được chỗ dựa yên bình và niềm vui giải thoát…

Chuyện người ta kháo láo về Vua nhiều không kể xiết,
Nhưng thế gian mà, vẫn chuộng ngai vàng, lọng bạc, quyền uy.
Một tên tội đồ, tấm thân nát, đồ phế thải vứt đi,
Ai mà nhận, mà tin, Vua là Đấng chịu khổ hình thập giá!

Tưởng đâu chuyện cũ, chuyện của “Giờ đăng quang rất lạ”,
Hai ngàn năm rồi lại cứ sống mãi với thời gian.
Và cái anh “trộm lành” của buổi chiều thứ Sáu lầm than,
đã trở thành “người công dân đầu tiên” của Nước Trời vinh phúc.

Thì ra, chuyện của Chúa Trời, những trang dài cứu độ,
Riêng chuyện “Làm Vua” của Người Con Một dấu yêu,
Giờ đăng quang, bàn thờ thập giá loang máu một chiều,
tái diễn, khắp nơi, mọi thời, trên muôn nẻo đường dương thế.

Máu ở Syria, máu ở Hồng Kông…, đồi Canvê trải qua muôn ngàn thế hệ,
“Giờ của Vua Trời”, của chứng nhân công bình, sự thật, tình yêu.
“Giờ” của những con người bị tù đày, bách hại, thủ tiêu…
Nhưng cũng từ đó, “Giờ” của Vương quốc Nước Trời đã điểm!

Sơn Ca Linh (CN Kitô Vua 2019)