“Vì tình yêu anh chị em và bạn bè của tôi, tôi nói: Bình an cho anh chị em!” (Tv 122: 8).

Lạy Thiên Chúa của lòng thương xót và Chúa của lịch sử, chúng con ngước mắt lên Chúa, từ nơi này, nơi sự chết và sự sống, mất mát và tái sinh, đau khổ và cảm thương gặp nhau.

Tại đây, trong một bùng nổ chói lọi đầy sét và lửa, rất nhiều người đàn ông và đàn bà, rất nhiều giấc mơ và hy vọng, đã biến mất, chỉ còn lại bóng tối và im lặng. Ngay lập tức, mọi thứ bị nuốt chửng bởi một lỗ hổng đen ngòm của hủy diệt và chết chóc. Từ vực thẳm im lặng này, cả hôm nay nữa, chúng ta vẫn tiếp tục nghe thấy những tiếng than khóc của những người không còn nữa. Họ đến từ những nơi khác nhau, có tên khác nhau và một số người nói các ngôn ngữ khác nhau. Tuy nhiên, tất cả đã được hợp nhất trong cùng một số phận, trong một giờ phút kinh hoàng để lại dấu ấn muôn thuở không chỉ trong lịch sử của đất nước này, mà còn trên khuôn mặt của cả nhân loại.



Ở đây, tôi xin bày tỏ lòng tôn kính với tất cả các nạn nhân, và tôi cúi đầu trước sức mạnh và phẩm giá của những người sống sót những giây phút ban đầu ấy, trong nhiều năm về sau còn mang trong da thịt mình những nỗi đau khôn cùng, và trong tinh thần mình hạt giống chết chóc từng rút hết năng lực sống của họ.

Tôi cảm thấy có bổn phận phải đến đây như một khách hành hương hòa bình, đứng im trong lời cầu nguyện thầm lặng, nhớ lại những nạn nhân vô tội của một bạo lực như thế và mang trong trái tim mình những lời cầu nguyện và khát mong của những người đàn ông và đàn bà thời ta, nhất là giới trẻ, những người khát mong hòa bình, làm việc cho hòa bình và tự hy sinh cho hòa bình. Tôi đã đến nơi đầy ký ức và hy vọng cho tương lai này, mang theo với tôi tiếng kêu của người nghèo, những người luôn là nạn nhân bất lực nhất của thù hận và xung đột.

Mong muốn khiêm tốn của tôi là trở thành tiếng nói của những người không có tiếng nói, những người quan tâm và lo lắng chứng kiến các căng thẳng đang gia tăng trong thời đại chúng ta: các bất bình đẳng và bất công không thể chấp nhận đang đe dọa sự chung sống của con người, sự bất lực trầm trọng không thể chăm sóc ngôi nhà chung của chúng ta, và việc liên tục bùng nổ xung đột vũ trang, như thể những điều này có thể bảo đảm một tương lai hòa bình.

Với niềm xác tín sâu sắc, tôi muốn một lần nữa được tuyên bố rằng việc sử dụng năng lượng nguyên tử cho các mục đích chiến tranh ngày nay, hơn bao giờ hết, là một tội ác không chỉ chống lại phẩm giá con người mà còn chống lại bất cứ tương lai khả hữu nào cho ngôi nhà chung của chúng ta. Việc sử dụng năng lượng nguyên tử cho mục đích chiến tranh là vô luân, giống như việc sở hữu vũ khí hạt nhân cũng là vô luân, như tôi đã nói hai năm trước đây. Chúng ta sẽ bị phán xét về điều này. Các thế hệ tương lai sẽ đứng dậy lên án sự thiếu sót của chúng ta nếu chúng ta nói đến hòa bình nhưng không hành động để đem nó vào giữa lòng các dân tộc trên trái đất. Làm thế nào chúng ta có thể nói đến hòa bình trong khi chúng ta chế tạo vũ khí chiến tranh mới đáng sợ? Làm thế nào chúng ta có thể nói về hòa bình khi chúng ta biện minh cho các hành động phi pháp bằng những bài phát biểu đầy kỳ thị và hận thù?

Tôi tin rằng hòa bình chỉ là một hạn từ trống rỗng, trừ khi nó được thiết lập trên sự thật, được xây dựng trong công lý, được đức ái sinh động hóa và hoàn thiện, và đạt được trong tự do (x. Thánh Gioan XXIII, Pacem in Terris, 37).

Xây dựng hòa bình trong sự thật và công lý đòi hỏi phải thừa nhận rằng “người ta thường khác nhau về kiến thức, đức hạnh, trí thông minh và sự giàu có” (ibid., 87), và điều này không bao giờ có thể biện minh cho mưu toan muốn áp đặt các lợi ích đặc thù của chúng ta lên người khác. Thật vậy, những khác biệt đó đòi hỏi một trách nhiệm và một lòng tôn trọng lớn hơn. Các cộng đồng chính trị có thể khác biệt một cách hợp lẽ về mặt văn hóa hoặc phát triển kinh tế, nhưng tất cả đều được kêu gọi dấn thân làm việc “cho chính nghĩa chung”, vì lợi ích của mọi người (sđd., 88).



Thật vậy, nếu chúng ta thực sự muốn xây dựng một xã hội công bằng và an toàn hơn, chúng ta phải buông vũ khí. “Không ai có thể yêu trong khi tay cầm vũ khí tấn công” (Thánh Phaolô VI, Diễn văn trước Liên Hợp Quốc, ngày 4 tháng 10 năm 1965, 10). Khi chúng ta nhượng bộ luận lý học vũ khí và tránh xa việc thực hành đối thoại, chúng ta quên đến có hại cho mình rằng, trước khi tạo ra các nạn nhân và sự hủy hoại, vũ khí có thể tạo ra những cơn ác mộng; “Chúng đòi các khoản chi phí khổng lồ, làm gián đoạn các dự án liên đới và lao động có ích, và làm méo mó quan điểm của các quốc gia” (ibid.). Làm thế nào chúng ta có thể đề xuất hòa bình nếu chúng ta liên tục viện dẫn mối đe dọa chiến tranh hạch nhân như một cách chính đáng để giải quyết các cuộc xung đột? Mong sao vực thẳm đau đớn đã chịu đựng ở đây nhắc nhở chúng ta có những ranh giới không bao giờ được vượt qua. Một nền hòa bình thực sự chỉ có thể là một nền hòa bình không vũ trang. Vì “hòa bình, không chỉ đơn thuần là sự vắng mặt của chiến tranh ... mà phải được xây dựng không ngừng” (Gaudium et Spes, 78). Đó là thành quả của công lý, phát triển, liên đới, chăm sóc ngôi nhà chung của chúng ta và cổ vũ lợi ích chung, như chúng ta đã học được từ những bài học lịch sử.

Tưởng nhớ, cùng bước đi với nhau, bảo vệ. Đó là ba mệnh lệnh luân lý mà ở đây tại Hiroshima này mang một ý nghĩa mạnh mẽ và thậm chí phổ quát hơn, và có thể mở ra nẻo đường dẫn đến hòa bình. Vì lý do này, chúng ta không thể để các thế hệ hiện tại và tương lai mất ký ức về những gì đã xảy ra ở đây. Đó là một ký ức bảo đảm và khuyến khích việc xây dựng một tương lai công bằng và huynh đệ hơn; một ký ức mở rộng, có khả năng đánh thức lương tâm của mọi người nam nữ, nhất là những người ngày nay đang đóng một vai trò quan trọng trong vận mệnh của các quốc gia; một ký ức sống động giúp chúng ta nói trong mọi thế hệ: Đừng bao giờ xẩy ra nữa!

Đó là lý do tại sao chúng ta được kêu gọi đồng hành với nhau bằng một ánh mắt thấu hiểu và tha thứ, mở chân trời cho hy vọng và mang đến một tia sáng giữa nhiều đám mây hiện đang làm tối đen bầu trời. Chúng ta hãy mở rộng cõi lòng ta cho hy vọng, và trở thành công cụ hòa giải và hòa bình. Điều này sẽ luôn luôn khả hữu nếu chúng ta có thể bảo vệ lẫn nhau và nhìn nhận rằng chúng ta được nối kết với nhau bởi một số phận chung. Thế giới của chúng ta, liên kết qua lại với nhau không những bởi việc hoàn cầu hóa mà còn bởi chính trái đất mà chúng ta luôn chia sẻ, đòi hỏi, hiện nay hơn bao giờ hết, phải bác bỏ các lợi ích dành riêng cho một số nhóm hoặc lĩnh vực nhất định, để đạt được sự vĩ đại của những người đấu tranh một cách đồng trách nhiệm để bảo đảm một tương lai chung.

Trong một lời khẩn khoản với Thiên Chúa và tất cả những người nam nữ có thiện chí, nhân danh mọi nạn nhân của các vụ đánh bom và thí nghiệm nguyên tử, và của mọi cuộc xung đột, chúng ta hãy cùng nhau kêu lớn từ trái tim chúng ta: Đừng bao giờ có chiến tranh nữa, đừng bao giờ xảy ra đụng độ vũ trang nữa, đừng bao giờ lại gây đau khổ đến thế nữa! Ước mong hòa bình đến trong thời ta và thế giới ta. Lạy Thiên Chúa, Chúa đã hứa với chúng con rằng “lòng thương xót và lòng trung thành đã gặp nhau, công lý và hòa bình đã ôm nhau; lòng trung thành sẽ trổ sinh từ trái đất và công lý từ thiên đàng nhìn xuống” (Tv 84: 11-12).

Lạy Chúa, xin Chúa hãy đến vì trời đã xế chiều, và nơi sự hủy diệt đầy rẫy, xin cho hy vọng cũng có dư đầy ngày hôm nay để chúng con có thể viết và đạt được một tương lai khác. Lạy Chúa, xin Chúa hãy đến, lạy Hoàng tử hòa bình! Xin Chúa làm cho chúng con thành khí cụ và phản ánh hòa bình của Chúa!

“Vì tình yêu anh chị em và bạn bè của tôi, tôi nói: Bình an cho anh chị em!” (Tv 122: 8).