Trong xã hội hiện nay, người ta thường khuyên mỗi người phải cảnh giác: cảnh giác với những kẻ bất lương, lừa đảo, với thực phẩm bẩn, với môi trường sống … Những phút giây mất cảnh giác thường khiến con người phải trả giá: lúc thì của cải không cánh mà bay, lúc thì sức khỏe bị tổn hại và nhất là có thể mất mạng sống như chơi.

Không chỉ là những chuyện ban ngày ban mặt ngoài đường phố nhưng nhiều khi tai ương lại sập đến ngay tại nơi trú ẩn an toàn nhất là ngôi nhà của chính mình. Cũng giống như “thời ông Nô-ê, người ta không hay biết gì, cho đến khi nạn hồng thủy ập tới cuốn đi hết thảy”; các trận lũ lụt tràn về trong đêm tối khiến con người bàng hoàng trở tay không kịp. Nhà cửa ruộng vườn tan hoang, của cải vật dụng gia súc trôi theo dòng nước.

Tin Mừng Chúa Nhật khởi đầu mùa Vọng theo thánh Mát-thêu đề cập đến sứ điệp cánh chung. Lời loan báo thời đại Con Người sẽ đến với những đảo lộn vũ trụ đáng sợ. Chúa Giê-su nhắc đến thiên tai hủy diệt nhân loại trong thời Cựu Ước là cơn lụt hồng thủy và những ai không sống tỉnh thức thì sẽ bị tận diệt, còn ai tỉnh thức và sống công chính thì sẽ được thoát nạn.

Con Người quang lâm mang tính cách “bất ngờ”, ai có ý thức và sống tỉnh thức chờ đợi sẽ được nhận mặt “tích cực” của biến cố này. Ngược lại, sẽ thật buồn cho những ai mù tối ăn chơi và hưởng thụ cuộc sống trong lạc thú và tội lỗi, mà không chú ý tỉnh thức, sám hối và ăn năn.

Ngoài ra, Thánh Mát-thêu cũng đề cập thêm về hai nhóm người trong ngày quang lâm của Con Người. Nhóm thứ nhất là hai người đàn ông đang làm ruộng và nhóm thứ hai là hai người đàn bà đang kéo cối xay. Nghĩa là cả hai nhóm người đang làm những công việc thường nhật.

Một người được đem đi, một người bị bỏ lại. Như thế, khi Chúa đến thì có người được chọn và có người không được chọn. Giống như biến cố đại hồng thủy, ông Nô-ê được chọn cùng với con cháu, trong khi những người khác thì không được chọn.

Qua dụ ngôn đơn sơ này, Chúa Giê-su nhấn mạnh một giáo huấn quan trọng: "Vậy anh em hãy tỉnh thức, vì anh em không biết ngày nào Chúa của anh em đến. Anh em hãy biết điều này: nếu chủ nhà biết vào canh nào kẻ trộm sẽ đến, hẳn ông đã thức, không để nó khoét vách nhà mình đâu.”

Như vậy, dù kẻ trộm có đến bất ngờ hoặc chủ nhà đã tiên đoán được thời gian kẻ trộm đến thì người chủ vẫn không được phép lơ đãng, mà luôn phải giữ tinh thần tỉnh thức sẵn sàng đối phó khi kẻ trộm khoét vách nhà mình. Qua yếu tố Chúa đến cách bất ngờ, Chúa Giê-su muốn nhắc nhở chúng ta cần phải tỉnh thức luôn.

Tỉnh thức và sẵn sàng là thái độ nền tảng mà người Ki-tô hữu cần có trong cuộc sống. Khi sống tỉnh thức và sẵn sàng chính là lúc chúng ta thắng mình, không để mình rơi vào tình trạng “ngủ mê”, không sẵn sàng đón tiếp Chúa đến. Vì không biết khi nào Chúa đến nên chúng ta phải khiêm tốn và luôn mở rộng tấm lòng cho Chúa, luôn giữ cho được mối dây tương quan tình yêu với Ngài.

Đó là sự khôn ngoan trong cuộc sống của người Ki-tô hữu, nhất là trong bầu khí của mùa Vọng, là thời gian chúng ta chờ trông Chúa đến. Hãy tỉnh thức và sẵn sàng để khi Chúa đến, Ngài sẽ thấy chúng ta vẫn đang mở rộng cánh cửa tâm hồn sẵn sàng mời đón Ngài vào.