Theo tin Zenit, ngày 29 tháng 11, Đức Phanxicô đã tiếp kiến Ủy Ban Thần Học Quốc Tế, nhân dịp Ủy Ban mừng 50 thành lập. Dịp này, ngài chúc mừng Ủy Ban và gọi họ là cầu nối thần học với huấn quyền.



Gọi như thế là gọi theo vị tiền nhiệm, Đức Bênêđíctô XVI: “Như Đức Bênêđíctô XVI đã nhắc nhở trong thông điệp của ngài, Ủy Ban được Thánh Phaolô VI khai mạc như là thành quả của Công Đồng Vatican II, để tạo nên cầu nối giữa thần học và Huấn quyền”.

Ngài cho rằng “Ngay từ đầu, các nhà thần học lỗi lạc đã là thành viên, đóng góp hữu hiệu cho mục tiêu này. Điều này được chứng thực bằng số lượng đồ sộ các văn kiện ban hành: 29 văn kiện, tất cả đều là những điểm tham chiếu để đào tạo và suy tư thần học”.

Đức Giáo Hoàng ghi nhận Ủy Ban đã công bố hai văn kiện quan trọng trong vòng 5 năm qua:

• Văn kiện thứ nhất cung ứng một soi sáng thần học về tính đồng nghị (synodality) trong đời sống và sứ mệnh của Giáo Hội.

• Văn kiện thứ hai đề nghị một việc biện phân các lối giải thích khác nhau về tự do tôn giáo ngày nay.

Đức Giáo Hoàng nhấn mạnh rằng các nhà thần học phải “tiến quá bên kia” để xử lý những vấn đề không rõ ràng. Tuy nhiên, họ “phải cung ứng cho dân Chúa chất thể vững chắc của đức tin, chứ đừng nuôi dưỡng dân Chúa bằng những vấn đề đang bàn cãi”.

Sau đây là nguyên văn bài nói chuyện của đức Phanxicô:

Anh chị em thân mến, xin chào anh chị em buổi sáng!

Tôi rất vui được gặp anh chị em và tôi cảm ơn vị chủ tịch của anh chị em, Đức Hồng Y Ladaria, vì những lời ngài đã ngỏ với tôi thay mặt anh chị em. Anh chị em đã đến lúc kết thúc kỳ thứ chín của mỗi 5 năm làm việc anh chị em, nhưng trên hết là lễ kỷ niệm quan trọng, kỷ niệm 50 năm thành lập Ủy ban: năm mươi năm phục vụ Giáo hội. Tôi chúc mừng anh chị em về Năm Thánh này, cho phép anh chị em tạo ra một ký ức biết ơn đối với lịch sử của anh chị em.

Như Đức Bênêđíctô XVI đã nhắc nhở trong thông điệp của ngài, Ủy ban đã được Thánh Phaolô VI khai mạc như một thành quả của Công đồng Vatican II, để tạo ra một cầu nối mới giữa thần học và Huấn quyền. Ngay từ đầu, các nhà thần học nổi tiếng đã là thành viên, đóng góp hữu hiệu cho mục đích này. Điều này được chứng thực bởi số lượng đồ sộ các tài liệu được ban hành: hai mươi chín bản văn, tất cả đều là các điểm tham chiếu cho việc đào tạo và suy tư thần học. Trong năm năm qua, anh chị em đã tạo ra hai văn kiện có liên quan. Văn kiện đầu tiên cung cấp một soi sáng thần học cho tính đồng nghị trong đời sống và sứ mệnh của Giáo hội (1). Anh chị em đã chứng tỏ thực hành đồng bộ, có tính truyền thống nhưng luôn luôn cần được đổi mới, đã được thi hành ra sao trong lịch sử của dân Chúa đang lữ hành, của Giáo hội như một mầu nhiệm hiệp thông, trong hình ảnh hiệp thông Ba Ngôi. Như anh chị em biết, chủ đề này rất thân thiết đối với trái tim tôi: đồng nghị là một phong cách, là bước đi với nhau, và đó là những gì Chúa mong đợi nơi Giáo hội trong thiên niên kỷ thứ ba. Và vì điều này tôi cảm ơn anh chị em vì văn kiện của anh chị em vì ngày nay người ta nghĩ rằng tính đồng nghị là nắm tay nhau và bắt đầu một cuộc hành trình, mừng vui với người trẻ, hoặc thực hiện một cuộc thăm dò ý kiến: “bạn nghĩ gì về chức linh mục cho phụ nữ?". Đó hầu hết là những gì người ta đang làm, không phải sao? Tính đồng nghị là một cuộc hành trình của giáo hội có linh hồn, đó là Chúa Thánh Thần. Không có Chúa Thánh Thần, không có sự đồng nghị. Và anh chị em đã làm một công việc tốt để giúp đỡ trong việc này. Cảm ơn anh chị em.

Văn kiện thứ hai đề nghị việc biện phân các cách giải thích khác nhau về tự do tôn giáo ngày nay. Nếu một mặt có những người vẫn còn ngăn chặn hoặc công khai chống lại nó, tước đi quyền khôn sánh của con người, thì mặt khác, như anh chị em đã nhấn mạnh, ý niệm về một Nhà nước “trung lập về đạo đức” đang được phổ biến, một ý niệm, trong tính linh động hàm hồ, cũng có nguy cơ dẫn đến việc bất chính đẩy các tôn giáo sang bên lề đời sống dân sự gây bất lợi cho lợi ích chung. Một lần nữa đây là di sản của Phong trào Ánh sáng trong phiên bản mới của nó. Thành thực tôn trọng tự do tôn giáo, được vun đắp trong một cuộc đối thoại sinh hoa trái giữa Nhà nước và các tôn giáo, và giữa chính các tôn giáo với nhau, ngược lại, là một đóng góp to lớn cho lợi ích của mọi người và cho hòa bình. Ngoài hai lĩnh vực này, anh chị em đã suy tư về tính bí tích như cơ cấu tạo thành cuộc gặp gỡ giữa Thiên Chúa và con người, nêu bật sự cần thiết phải vượt qua các hình thức tách biệt khác nhau giữa đức tin và đời sống bí tích.

Công việc và cách thức được nó thực hiện tương ứng với ý định mà năm mươi năm trước đã điều hướng việc thành lập ra Ủy ban. Theo đề nghị của phiên họp đầu tiên của Thượng hội đồng giám mục, Thánh Phaolô VI muốn mở rộng sự cộng tác hữu hiệu giữa Huấn quyền và các nhà thần học, một việc vốn đánh dấu các phiên họp của Công đồng. Ngài cũng muốn sự đa dạng trong các nền văn hóa và kinh nghiệm giáo hội làm phong phú thêm sứ mệnh được Tòa Thánh ủy thác cho Bộ Giáo lý Đức tin. Thật vậy, với tư cách là những nhà thần học từ nhiều bối cảnh và miền vùng khác nhau, anh chị em là những người trung gian giữa đức tin và các nền văn hóa, và bằng cách này, anh chị em tham gia vào sứ mệnh thiết yếu của Giáo hội: đó là truyền giảng tin mừng. Anh chị em có sứ mệnh sản sinh ra Tin Mừng: anh chị em được mời gọi đưa Tin Mừng ra ánh sáng. Thật vậy, anh chị em đang lắng nghe những gì Chúa Thánh Thần hôm nay nói với các Giáo hội thuộc các nền văn hóa khác nhau để đưa ra ánh sáng các khía cạnh mới của mầu nhiệm bất tận của Chúa Kitô, “trong Người giấu ẩn mọi kho báu khôn ngoan và hiểu biết” (Cl 2 : 3). Và rồi giúp đỡ các bước đầu tiên của Tin Mừng: chuẩn bị đường đi của nó, diễn dịch đức tin cho con người ngày nay, để mỗi người có thể cảm thấy gần gũi hơn và được Giáo hội ôm ấp, nắm lấy bàn tay nơi họ đang hiện diện, và đồng hành trong việc nếm thử mùi vị ngọt ngào của sơ truyền (kerygma) và sự mới lạ vượt thời gian của nó. Thần học được mời trở nên như thế này: nó không phải là một tài liệu qúy giá của một giáo sư về cuộc sống, mà là sự nhập thể của đức tin vào đời sống.

Sau năm mươi năm làm việc tận lực, vẫn còn một chặng đường dài, nhưng khi làm như vậy, Ủy ban sẽ thực hiện ơn gọi của mình cũng là một mô hình và kích thích cho những người - giáo dân và giáo sĩ, đàn ông và đàn bà, những người muốn cống hiến cho thần học. Vì chỉ có một nền thần học đẹp đẽ, mang hơi thở của Tin Mừng và không hài lòng với việc chỉ có tính chức năng, mới thu hút. Và để làm thần học một cách tốt đẹp, người ta không bao giờ được quên hai chiều kích cấu thành ra nó. Chiều kích đầu tiên là đời sống thiêng liêng: chỉ trong lời cầu nguyện khiêm nhường và liên tục, cởi mở với Chúa Thánh Thần, người ta mới có thể hiểu và diễn dịch Lời Chúa và làm theo ý muốn Chúa Cha. Thần học được sinh ra và phát triển bằng đầu gối của nó! Chiều kích thứ hai là đời sống giáo hội: để cảm thấy rằng ta ở trong Giáo hội và với Giáo hội, theo công thức của Thánh Albert cả: "In dulcedine societatis, quaerere veritatem” (trong sự ngọt ngào của tình huynh đệ, hãy tìm kiếm sự thật). Thần học không được thực hiện với tư cách cá nhân, nhưng trong cộng đồng, phục vụ mọi người, để truyền bá hương vị tốt đẹp của Tin Mừng cho anh chị em trong thời đại chúng ta, luôn luôn dịu dàng và tôn trọng.

Và cuối cùng, tôi muốn khẳng định lại một điều mà tôi đã nói với anh chị em: nhà thần học phải đi trước, phải nghiên cứu những gì vượt ra ngoài; họ cũng phải đối diện với những điều không rõ ràng và rủi ro trong cuộc thảo luận. Dù chỉ giữa các nhà thần học. Nhưng họ phải mang đến cho dân Chúa chất thể vững chắc của đức tin, chứ không nuôi dưỡng dân Chúa bằng những vấn đề còn đang tranh chấp. Ước mong sao chiều kích duy tương đối, tạm nói như thế, sẽ luôn luôn được thảo luận, ở lại giữa các nhà thần học – vì đó là ơn gọi của anh chị em - nhưng đừng bao giờ mang điều đó tới mọi người, vì lúc đó mọi người sẽ lạc lối và mất đức tin. Đối với các tín hữu, luôn là chất thể vững chắc nhằm nuôi sống đức tin.

Năm mươi năm: Tôi nhắc lại lòng biết ơn của tôi về những gì anh chị em làm và cách anh chị em làm điều đó, và tôi hy vọng rằng, với sự giúp đỡ của Đức Mẹ, Tòa Đấng Khôn ngoan, anh chị em sẽ tiếp tục sứ mệnh của anh chị em. Tôi ban phép lành của tôi cho anh chị em và yêu cầu anh chị em tiếp tục cầu nguyện cho tôi. Cảm ơn anh chị em.

(1) Chúng tôi đã chuyển văn kiện này sang tiếng Việt, xin xem www.vietcatholic.net/News/Home/Search?searchText=tính đồng nghị trong đời sống và sứ mệnh của giáo hội