Lý tưởng (Ideal) là những gì tốt đẹp nhất mà chúng ta muốn đạt đến. Nào là ngôi nhà lý tưởng, hai trái tim vàng trong túp lều tranh. Người yêu lý tưởng, công việc lý tưởng, đời sống lý tưởng, cộng đồng lý tưởng....

Phải chăng chỉ có con người mới có lý tưởng. Đúng, chỉ có con người mới có những ước mơ làm đẹp cuộc đời, cho nên con người không ngừng làm việc, phát minh để tiến bộ, cải tiến sinh hoạt hàng ngày từ sinh hoạt cuả cá nhân, tổ chức, đoàn thể đến sinh hoạt của cộng đồng, xã hội từ thời thượng cổ đến thời đại văn minh như hiện nay.

Con người khác các sinh vật khác nhờ có lý trí biết suy xét, biết phát minh những điều mới lạ, biết suy xa hiểu rộng để theo đuổi lý tưởng của mình. Lý tưởng có thể xếp loại vào đối tượng như những lý tưởng nhằm vào phúc lợi cá nhân, gia đình, cộng đồng, quốc gia, nhân loại. Hoặc xếp loại theo mục tiêu như làm giàu, phát triển kiến thức, kiến tạo hòa bình, thiết lập công lý, nhân quyền, kiến tạo hạnh phúc cho đồng bào, phát triển nghệ thuật, phát triển thể thao, phát triển cấc phương tiện giải trí.....

Trí tuệ là cơ năng đặc biệt của con người. Từ thuở sơ sinh, trí tuệ như một tờ giấy trắng. Trí tuệ thu nhận các dữ kiện từ thế giới bên ngoài nhờ các giác quan, tinh luyện các dữ kiện thu nhận được qua quá trình học hỏi, tiếp xúc, chia sẻ, đối thoại, làm việc và lưu trử kinh nghiệm vào vô thức. Tiến trình nấy đóng góp vào sự phát triển của trí tuệ. Tai càng nghe nhiều, mắt càng thấy nhiều, trí tuệ càng thu nhận được nhiều dữ kiện, gặp được nhiều hoàn cảnh, biết được nhiều sự việc thì con người càng trở thành laõ luyện nhờ trí tuệ càng phát triển. Người khôn thường là người trường trãi, học hỏi nhiều, và ứng dụng kiến thức vào nhiều hoàn cảnh.

Muốn thực hiện được lý tưởng, cần phải hội đủ bốn yếu tố chính, ba yếu tố đầu có tính cách bẩm sinh (innate) và yếu tố thứ tư do sự tu luyện của bản thân.

- Trí tuệ (intellect): Mọi người bình thường đều có trí tuệ do Thượng đế ban cho con người. Trí tuệ là cơ năng đặc biệt của con người, biết tự thu nhận kiến thức, học hỏi kinh nghiệm, tinh luyện suy luận và ứng dụng kiến thức vào sự xây dựng cuộc sống cá nhân và nhân quần xã hội và phát triển sáng tạo

- Lý trí (reason) là cơ năng giúp con người biết phân biệt, tốt xấu, phải trái

- Tự đo (freedom): Tự do tâm lý là yếu tố bẩm sinh, mọi người đều có tự do quyết định về phương diện tâm lý như chọn lành lánh dữ, tự do suy tư, mơ ước, yêu thương mặc dù tự do tâm lý có thể bị hạn chế bởi tự do chính trị, luân lý xã hội, tôn giáo, tạo thành cái gọi là siêu bản ngã (superego) đè nặng lên tự do tâm lý.

- Ý chí (will): Ý chí là yếu tố do con người tự rèn luyện. Có chí thì nên. Có trí tuệ để suy tư, tìm ra việc phải làm, kiến tạo lý tưởng, có tự do chọn lựa lý tưởng, nhưng nếu không có ý chí cương quyết thúc đẩy hành động thì dù có chương trình, kế hoạch mà thiếu quyết tâm thực hiện cũng như không.

Nếu chúng ta có lý trí mà không biết học hỏi, thu nhận kiến thức, tinh luyện suy luận, phát triển sáng tạo và ứng nghiệm vào đời sống, thì lý trí sẽ trở nên vô dụng. Ngọc bất trác bất thành khí, uổng công của Thượng đế. Con người có tự do để hành động, nhưng phải biết hành sử quyền tự do qúy báu này đề làm việc hữu ích cho nhân quần xã hội. “Tự do chân chính, nhân bản là tự do làm viêc thiện và ngược lại là thứ tự do giả tạo”. Tự do mà Thượng-đế ban cho loài người không phải tự do biếng nhác, phí phạm cuộc đời. Sự biếng nhác sẽ làm hạ nhân phẩm con người (dehumanization) qua những hành vi tiêu cực, khiến cho thân thể không phải là phương tiện cho trí tuệ phát triển. Nếu trí tuệ bị giam giữ trong một cơ thể biếng nhác, có mắt mà không có tròng, có tai mà không chịu nghe..., thì trí tuệ sẽ bị lụn bại, thân xác nẩy nở theo tuổi tác mà trí tuệ vẫn ở trạng thải thiếu truởng thành.

Trạng thái ấu trĩ này khiến cho con người gặp nguy cơ rơi vào tình trạng thiếu nhân cách, sống không tưởng: Hoặc tự xem mình là tuyệt hảo, tài ba hơn người, cái gì cũng hay cũng giỏi, nên không cần học hỏi, vì nghĩ mình là thiên thần giáng thế (angelism). Cũng có thể ngược lại thải độ thái độ tự thần thánh hoá, con người rơi vào hố sâu vật chất, không phân biệt được sự khác biệt giữa đời sống của con người và đời sống của thú vật, nghĩa là không có linh hồn, tôn thờ vô thần và duy vật (materialism).

Thế thì với lý trí mà Thượng Đế ban cho chúng ta, với quyền tự do quyết định và với ý chí cương quyết để thực hiện những gì chúng ta mong ước, con người đã có đủ phương tiện sống ở đời dề thừa hưởng sản nghiệp thiên phú gồm đất đai, sông núi, tài nguyên thiên nhiên, muông thú, hoa lá cỏ cây....Thượng Đế như vậy đã yêu thương con người không bút nào tả xiết.

Mặc dù con ngườỉ hưởng được cuộc sống thần tiên ở trần gian, nhưng con người vẫn tự tạo cho chính mình những ngăn trở khiến cho đời sống bớt phần thi vị hạnh phức. Dù có sự thành công và cố gắng, con người vẫn gặp cảnh bất công, xấu xa, và cảm nhận sự bất hạnh, do ma vương, quỷ dữ tạo nên như làn sóng vô thần tạo nên cho chúng ta mất tự do, xa lìa quê hương, sống viễn xứ. Mỗi khi găp sự bất hạnh, con người lại cố gắng vượt thoát sự bất hạnh nhờ tiềm năng bẩm sinh. Đặc điểm của tiềm năng này là khả năng kiến tạo lý tưởng cho cuộc sống. Một khi đã có lý tưởng thì con người biết việc gì phải làm, con đường nào phải đi và biết ứng dụng khả năng mình để thực hiện lý tưởng mình mong ước.

Người ta thương nói đời sống mà không có lý tưởng như bầu trời không tinh tú, hoặc “Người mà không có lý tưởng như thuyền không lái, như ngựa không cương trôi dạt long bong không ra thế nào cả”. Trong cuộc sống hằng ngày, chúng ta cũng nhận thấy nhiều người làm việc không có chương trình, kế hoạch, làm thật nhiều mà kết qủa chẳng bao nhiêu, vì bị người ta phụ hay vì mình kém khả năng cũng không biết! Khi gặp thất bại triền miên vì thiếu lý tưởng, con người có thể rơi vào một trong ba thái độ:

- Thái độ thứ nhất là dù thất bại những vẫn cố gắng làm việc. Thua keo này bày keo khác. Học hỏi kinh nghiệm, thất bại là mẹ thành công, là những người có thái độ tích cực đáng khích lệ. Thi hỏng không bỏ cuộc mà chuẩn bị thi lại. Có chí thì nên.

- Thái độ thứ hai là thoái thác, quy ẩn. Thất bại vài lần sinh ra chán nản, bi quan, trở về quy ẩn. “Quan bất sai, lại bất vấn”. Mời gọi tham gia việc này, thực hiện việc nọ đều bị khước từ bằng cái lắc đầu từ nan. "Thôi thôi ta đã biết rồi, lồng vàng âu cũng là nơi ngục tù”.

- Thái độ thứ ba là đả phá tiêu cực, bất mãn, sinh ra phá hoại để trả thù thực tại, không lấy cũng quấy cho hôi. Một số người thất bại sinh ra oán hận đời, chống đối, nói hành nói xấu cho bỏ ghét, chê bai mọi người. Do đó, trong đời sống hàng ngày, chúng ta thấy những người hay chống đối thường là những người tâm hồn bị giao động vì thiếu lý tưởng, như thuyền không lái, như ngựa không cương, trôi dạt lông bông không ra thế nào cả.

Trong một đoàn thể, một cộng đồng mà nhiều người có lý tưởng là dấu hiệu tốt đẹp, xã hội có tiềm năng tiến bộ. Ngược lại, trong một đoàn thể, cộng đồng mà nhiều người không được hướng dẫn để tìm ra một lý tưởng để sống thì hội đoàn, cộng đồng sẽ tiến triển một cách chậm chạp, làm trì trệ mọi chương trình và kế hoạch hữu ích cho sự phát triển của đoàn thể, cộng đồng và xã hội.

Thế thì điều quan trọng là mọi người trong đoàn thể, cộng đồng, thử xét lại chính mình, quay lại cuốn phim của đời mình, xem thử xưa nay mình đã làm những gì, thành công như thế nào, và tại sao lại thất bại. Thượng đế đã cho chúng ta lý trí để suy xét thì hãy bỏ chút thì giờ dùng lý trí để tìm về dĩ vãng, phân tách xem những việc đã làm, xét lại hiện tại đang làm những gì, và dự phóng những công tác sẽ thực hiện trong tương lai.

Những người chỉ trông cậy vào quá khứ, xưa bày nay làm, là những người thiếu khả năng suy luận và thiếu sáng kiến. Những điều người trước đặt để ra, phát hoạ ra chỉ nên xem là những suy luận căn bản để chúng ta dựa vào hầu bổ túc và phái triển cho hợp với sự tiến bộ của con người theo dấu chỉ của thời đại (Signs of the times). “Đọc sách mà tin hoàn toàn vào sách, nhược bằng đừng đọc sách thì hơn” là vậy. Thật ra, trên đời này chẳng có gì mà không làm được, hay không cải tiến được. Cái khó là ở chỗ biếng nhác, thiếu kiên nhẫn mà thôi. "Thế thượng vô nan sự, nhân tâm tự bất kiên.”

Muốn thành người hữu dụng và sống đúng với ý nghĩa làm người (to be fully human), chúng ta phải kiến tạo cho mình một lý tưởng. Người không có lý tưởng là người chưa trưởng thành (immature). Người trưởng thành thật sự, là những người sống một cách hữu dụng cho nhân quần xã hội.

Diễn trình (process) kiến tạo lý tưởng là diễn trình suy luận, tự kiểm thảo, thu nhận dữ kiện, ứng dụng khả năng hầu tìm ra một hướng tiến thích hợp cho mình trong bối cảnh phục vụ phúc lợi chung.

Hầu hết mọi người trưởng thành đều có lý tưởng, dù có khi mơ hồ chưa nhận chân được lý tưởng một cách rõ rệt. Có khi lẫn lộn giữa lý tưởng chính và lý tưởng phụ, giữa lý tưởng (Ideal) và các mục tiêu (objetives) phải thực thi để đạt tới lý tưởng. Đặt phụ thành chính và biến chính thành phụ làm cho tâm hồn mình cứ phân vân không biết nên làm gì trước, làm gì sau. Sự lưởng lự làm mình mất thì giờ, có khi nủa đường mà bỏ cuộc. "Bán đồ nhi phế."

Nói một cách tổng quát, muốn biết lý tưởng, nên xét lại mình đã dùng tiền bạc, thì giờ, công sức, suy tư đến vấn đề gì nhiều nhất trong cuộc sống của mình thì có thể vấn đề đó là lý tưởng của đời mình. Có người hy sinh thì giờ để viết lách nhằm "Phù thế giáo một vài câu thanh nghị". Có người hy sinh cả cuộc đời vì lý tưởng cách mạng, giải thoát dân tộc ra khỏi nơi đắm đuối. Có người bỏ cuộc đổi trần thế để tu trì, cứu nhân độ thế. Có ngưòi hy sinh thì giờ để phục vụ nhân quần xã hội....

Chứng ta khoan lượng giá lý tưởng "đúng hay sai, tốt hay xấu, mà chỉ kiểm điềm lại sự việc (identify the issues). Một khi đã kiểm điểm sự việc chúng ta mô tả rõ sự việc đó, so sánh với luật lệ, với luân lý cổ truyền, với các tiêu chuẩn xử thế của một người bình thường (reasonable person standard) xem thử những gì chúng ta theo đuổi có tính cách chính đáng hay không, để gạt bỏ những lý tưởng giả hình (false ideal), không thực tế (unrealistic), phi nhân thất đức ( immoral). Từ đó, chúng ta có thể điều chỉnh tự duy và hành động nhằm thực hiện lý tưởng đích thực hữu ích cho cá nhân, gia đình, cộng đồng, quốc gia, và nhân loại.

Vai trò của lý tưởng rất quan trọng trong đời sống của con người. Lý tưởng là nguồn sống cuả con ngưòi. Nguồn sống bao gồm cả sự thích thú khi thực hiện lý tưởng. Bao gồm cả ước vọng, sở thích, khiến cho con người dồn toàn năng lực vào sự thực hiện để đạt đến lý tưởng mong muốn.

Chọn lý tưỏng là suy luận việc phải làm và dồn hết sở thích của mình vào lý tưởng đó. Thực hiện lý tưởng còn phải được thôi thức bởi ý chí (will) tức là nguyên động lực thúc đẩy mình thực thi lý tưởng. Nếu thiếu ý chí, đôi khi có lý tưởng nhưng không thực hiện được vì thiếu quyết tâm, sa ngã, yếu lòng, bị lôi kéo, chia trí bởi những lý tưởng lệch lạc.

Lý tưởng chính đáng (authentic ideal) là lý tưởng có thể thỏa mãn mọi nhu cầu của mình. Nhu cầu về đời sống thiêng liêng cũng như đời sống thế trần. Một công trình có ý nghĩa nhất mà mình có thể hiến trọn cuộc đời để thực hiện, khi thực hiện như vậy, chúng ta đạt được giai đoạn trưởng thành.

Làm thế nào để kiến tạo cho mình một lý tưởng:

1. Trước hết, phải ấn định chủ đích (goal), việc dự định làm, việc cần thực hiện để có thể thỏa mãn nhu cầu hiện tại và tương lai của mình. Chủ đích này phải có sức hấp dẫn lôi cuốn sức cố gắng của mình. Nghĩa là không tạo sự chán nản trong lúc thực hiện, vì sự chán nản có thể làm cho chứng ta bỏ cuộc.

Chủ đích phải có tính cách thử thách tài năng của chúng ta, khiến cho chúng ta quyết chí đạt đến việc đã định. Chủ đích phải có tính thực tế, nghĩa là có thể thực hiện được, có thể đạt được, nghĩa là phải hợp với khả năng của mình. Chọn chủ đích quá khả năng của mình tức là chọn chủ đích không tưởng.

2. Sau khi định được chủ đích phải thực hiện, phải tạo cho mình lòng tin sắt đá sẽ đạt được chủ đích đó. Sự xác tín (conviction) chở được núi. Lòng tin thúc đẩy mình thực hiện chủ đích một cách dễ đàng.

3. Đang khi thực hiện chủ đích, chúng ta sẽ cảm thấy thích thú trong công việc làm, không cảm thấy mệt mỏi, nhờ đó công tác được thực hiện nhanh chóng.

4. Khi thực hiện các mục tiêu đề đạt đến chủ đích, phải đặt ra những tiêu chuẩn (criteria) để lương định công tác, xem thử công tác đã thực hiện đúng mức, quá nhanh quá chậm, đúng đường hướng, hay sai lệch để tiện việc điều chỉnh.

5. Một khi đã có lý tưởng, thì tâm hồn bình thản vì biết mình có hướng đi rõ rệt, không lo lắng vẫn vơ, không bị lôi kéo bởi mãnh lực này, ý kiến nọ, mà nhất quyết thi hành cho trọn vẹn lý tưởng của mình. Những người làm việc có lý tưởng không tranh chấp, không bình phẩm vu vơ, không tiên đoán lệch lạc, không ganh tỵ, không lộng ngôn. Những người có lý tưởng thường bận rộn nhằm chu toàn lý tưởng đang theo đuổi.

Theo đuổi một lý tưởng tức là yên tâm thực hiện những gì mình mong ước, an tâm sống với lý tưởng cuả mình, sự thực hiện lý tưởng dần dần trở thành lối sống của mình, một lối sống đầy đủ về mọi phương diện, trong ấm, ngoài êm. Những người có lý tưởng khác hẳn người thường là sự bình tâm, an lạc, say mê lý tưởng và dồn nổ lực phục vụ lý tưởng của mình.

6. Một khi sự thực hiện lý tưởng đã trở thành thói quen của cuộc sống, có nghĩa là nếu không thực hiện được những gì mình mong ước thì mình cảm thấy không được bình an trong tâm hồn. Khi đó, chính lý tưởng đã thôi thúc chúng ta làm việc một cách hăng hái, khiến cho công lực chúng ta gia tăng, nhờ đó vượt mọi trở ngại, thử thách đề đạt đến những gì mình đã quyết định.

7. Lý tưởng đến giai đoạn này là trụ buồm vững chắc cho cuộc sống của chứng ta, giúp chúng ta trải qua cơn sóng gió của cuộc đời, giữ vững đức tính làm người xứng đáng, làm người có lý tưởng, làm người toàn diện.

“Đời người không có lý tưởng như bầu trời không tinh tú”. Người có lý tưởng là người tự tin. Thận trọng trong lời nói và chín chắn trong hành động vì ngôn và hành đều có chủ đích nhắm đến một mục tiêu đã định.

Lý tưởng có thể phân loại theo đối tượng như phục vụ gia đình, cộng đồng, quốc gia, nhân loại, hoặc theo mục tiêu như phát triển kiến thức, nghiên cứu bệnh lý, dược phẩm, phát triển kinh tế, tài chánh, thương mại, nghệ thuật, v…v...

Bá nhân bá tánh, mỗi người thiên về một loại lý tưởng. Những người có lý tưởng tương đồng thường kết hợp để thực thi lý tưởng như lập đảng để thực thi lý tưởng cách mạng dân tộc... Lập hội để phục vụ cộng đồng, lập nơi thờ tự để chiêm bái....

Điều quan trọng là phải tôn trọng lý tưởng chính đáng của tha nhân. Ai không đồng lý tưởng với mình không phải là kẻ chống đối mình. Lý tưởng chính đáng là lý tưởng tôn trọng nhân quyền, nhân phãm, hữu ích cho nhân quần xã hội.

Sỡ dĩ xã hội tiến bộ là nhờ những công dân hữu dụng, hoàn thành những chương trình kế hoạch trong lúc thực thi lý tưởng cua mình. Xã hội tiến bộ có hằng trăm ngành hoạt động. Thời gian sống hữu hạn, không ai có thể làm hết mọi việc, học hết mọi ngành. Kiến thức chúng ta thu nhận được cũng rất hữu hạn và tương đối. Thầy ngành nầy lại là học trò của ngành khác.

***

Luận về lý tưởng là luận bàn về chiều sâu của cuộc sống liên quan đến phạm trù triết học nhân sinh, nhằm góp phần suy diễn về đời người và người ở đời, là một vấn đề muôn thuở. Nhà Tâm lý học Maslow đã nhắc đến 5 loại nhu cầu của nhân thế: (1) Nhu cầu sinh vật lý (physiological need) như đói ăn khát uống; (2) nhu cầu sống an toàn (safety need); (3) nhu cầu hội nhập, sinh hoạt hội đoàn,(social need); (4) nhu cầu được tôn trọng (esteem need) và (5) nhu cầu thực hiện lý tưởng của đời mình (self actualization need).

Lý tưởng đóng vai trò điều hướng hành vi của con người. Thiếu lý tưởng tức là chưa trưởng thành về tư tưởng; nói khác đi, chưa trở thành con người toàn diện vậy.