ĐỂ TRỞ NÊN BÀ CON HỌ HÀNG VỚI CHÚA

(lễ giáng sinh ban ngày 2019)

Dẫn nhập đầu lễ : Anh chị em thân mến,

Niềm vui đó chính là sứ điệp trung tâm của Mầu Nhiệm Giáng Sinh như lời Thánh Lê-ô Cả trong BĐ II Kinh Sách lễ Giáng Sinh hôm nay đã nhấn mạnh trằng: “Hôm nay Đấng Cứu Độ chúng ta đã giáng sinh, chúng ta hãy vui mừng. Chúng ta không được phép buồn khi mừng ngày sự sống xuất hiện. Ngày kỷ niệm nầy phá tan sự sợ hải trước cái chết và ban cho chúng ta niềm hân hoan được sống đời đời” (Bài đọc 2 Giờ Kinh Sách Lễ Giáng Sinh”.

Giờ đây, để xứng đáng lãnh nhận niềm vui của ơn cứu độ, niềm vui thánh thiện của mầu nhiệm Giáng Sinh, xứng đáng cử hành mầu nhiệm thánh, chúng ta hãy thú nhận tội lỗi.

Bài Giảng Lời Chúa : Kính thưa ông bà và anh chị em, các bạn trẻ thân mến,

Trong lời thánh thi Kinh chiều hôm nay, Hội Thánh đã hát lên:

Chúng con mừng kỷ niệm

Ngày có một không hai

Từ lòng Cha thánh thiện

Chúa Nhập thể cứu đời.

Ngày bảo chứng tình thương,

Chúa bước vào cõi thế,

Trời đất nối đại dương

Hoan ca nào xiết kể

Lý do gì để lễ Giáng Sinh lại dâng trào niềm vui như thế, lý do gì đã khiến Giáng Sinh trở thành niềm chung cho toàn nhân loại như thế ? Chúng ta cùng dừng lại để suy nghĩ đôi điều sứ điệp Lời Chúa được công bố hôm nay.

1. Nhập Thể: Một tình yêu hành động

Như chúng ta đã chia sẻ với nhau trong thánh lễ Đêm Giáng Sinh. Chỉ có thể cắt nghĩa được huyền nhiệm Nhập Thể-Giáng Sinh bằng hai tiếng TÌNH YÊU. Thế nhưng đó không là một tình yêu chỉ bằng lời suông mà là một hiện thực, một dấn thân, một hành động. Cũng chính trong ý nghĩa “Lời Hành Động” đó mà các bài đọc Lời Chúa được công bố hôm nay đều đồng thanh diễn tả tính cách năng động của “Lời”:

- Lời Nhập Thể chính là Tin Mừng vĩ đại nhất, Lời có sức đổi thay mọi sự, biến mọi tang tóc saauf thương nên choáng ngợp vui mừng hoan hỉ, như chúng ta vừa nghe sứ ngôn I-sa-i-a đã diển tả trong Bài đọc 1: “đẹp thay bước chân người loan tin mừng…kìa nghe chăng quân canh gác của ngươi cùng cát tiêng reo hò vang dậy…Giê-ru-sa-lem điêu tàn hoang phế hãy đồng thanh bật tiếng reo mừng…”; và Lời đó chính là “Lời hiện thực”, “Lời chứng tỏ”, “Lời thành tựu”, “Lời viên thành”…như thư Do Thái lại xác quyết:”Đã lắm phen bằng nhiều cách, Thiên Chúa đã phán dạy Cha ông…vào thời sau hết Thiên Chúa đã phán dạy qua Thánh Tử…”. Và đặc biệt nhất, Thánh Gioan trong bài Tựa Tin Mừng của Ngài, đã khẳng định một cách rõ ràng như một câu định nghĩa: “Ngôi Lời đã trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta”.

Vâng, Thiên Chúa Nhập Thể Giáng Sinh chính là một tình yêu hành động, một tình yêu không dừng lại ở một lời nói suông mà một “LỜI THÀNH NHỤC THỂ”.

Nếu Thiên Chúa trong lịch sử đợi chờ đã nhiều lần can thiệp, nhiều lúc hành động để cứu dân qua những điềm thiêng dấu lạ, thì đã đến lúc, Thiên Chúa xuất hiện, Thiên Chúa dấn thân, Thiên Chúa biểu lộ chính bản thân Ngài, chính cuộc sống Ngài, chính trái tim của Ngài, chính nỗi đau và cái chết, chính sự sống lại vinh quang của Ngài. Thánh Gioan đã cảm nhận đuợc chân lý nầy khi Ngài viết lại trong thư thứ nhất của Ngài:”Điều vẫn có ngay từ lúc khởi đầu, điều chúng tôi đã được nghe, điều chính mắt chúng tôi đã được thấy và chiêm ngưỡng, điều chính tay chúng tôi đã được chạm đến, đó là lời sự sống. Quả vậy, sự sống đã xuất hiện chúng tôi đã nhìn thấy và xin làm chứng, chúng tôi loan báo cho anh em sự sống đời đời : sự sống ấy vẫn hướng về Chúa Cha và nay xuất hiện cho chúng tôi” (1 Ga 1,1-2).

Như vậy, tin nhận mầu nhiệm Nhập Thể-Giáng Sinh, đón nhận Con Chúa xuống thế làm người đối với chúng ta hôm nay đó là chấp nhận “sự can thiệp của Thiên Chúa trong mọi biến cố của đời mình”, là đón nhận sự hiện diện và hoạt động của Chúa Kitô trong giữa lòng cuộc sống. Và như thế, cho dù mùa Phụng vụ Giáng Sinh có qua đi, cho dù những biểu hiện Giáng Sinh bên ngoài bị xóa bỏ…thì trên mỗi chặng đường của cuộc sống, đức tin của chúng ta vẫn là sự bắt đầu mới mẻ, việc sống đạo của chúng ta lại là một cuộc lên đường …Tin và sống mầu nhiệm Nhập Thể-Giáng Sinh là thế đó. Bởi vì nếu Giáng Sinh-Nhập Thể là một “tình yêu hành động” của Thiên Chúa dành cho chúng ta, thì sống mầu nhiệm ấy chính là một “tình yêu hành động” đáp trả dành cho Thiên Chúa và dành cho con người.

Nhưng Thiên Chúa đã hành động làm sao ?

2. Nhập Thể : Một tình yêu sẵn sàng tự hủy

Thế nhưng hành động của tình yêu và vì tình yêu bao giờ cũng đòi phải trả một giá đắt. Và giá đắt cuối cùng chính là hy sinh thân mình, là chấp nhận “chết”, là trở thành “lễ dâng”, trở thành “hy tế’. Nói cách khác, yêu cho tới cùng có nghĩa là “phải xóa mình đi”, phải “tự hủy” (Kenose) như chính Đức Kitô đã khẳng quyết: “Không có tình yêu nào cao cả hơn tình yêu của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình” (Ga 15,13). Và chính Đức Kitô đã hiện thực hóa lời khẳng quyết đó bằng chính cái chết tủi nhục đau thương trên thập giá.

Nhập Thể-Giáng Sinh đó chính là tình yêu lớn nhất, tình yêu trên mọi tình yêu. Tình yêu của Đấng tự xóa bỏ tước phận Thiên Chúa cao sang để hạ cố mang phận bạc con người (Pl 2,6-7), “Người lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự” (Pl 2, 8). Và để cắt nghĩa rõ hơn tư tưởng nầy, chị Chiara Lubich, đã cầu nguyện với những lời thâm thúy:

Để chúng con được ánh sáng, Chúa đã trở nên mù loà.

Để chúng con được hiệp nhất, Chúa đã chịu xa cách Chúa Cha.

Để chúng con được khôn ngoan, Chúa đã trở nên "dốt nát".

Để chúng con được trở nên vô tội, Chúa đã trở thành người "tội lỗi".

Để chúng con hy vọng, Chúa đã hầu như tuyệt vọng.

Để Thiên Chúa ở trong chúng con, Chúa đã cảm nghiệm tình trạng bị xa cách Thiên Chúa.

Để chúng con chiếm hữu thiên đàng, Chúa đã cảm nghiệm hoả ngục.

Để cho chúng con được vui sống trên mặt đất nầy giữa hàng trăm anh chị em, Chúa đã chịu cảnh bị gạt bỏ khỏi trời đất, khỏi loài người và thiên nhiên.

Chúa là Thiên Chúa, là Thiên Chúa của con, là Thiên Chúa của tình yêu thương vô bờ bến của chúng con (CNHV trg. 148-149

Ngày hôm nay chúng ta đang cử hành mầu nhiệm Giáng Sinh-Nhập Thể cho dù với cung cách rực rỡ tráng lệ của hoa đèn ca nhạc đông vui mang tính lễ hội, thì điểm đến, tiêu đích cuối cùng vẫn chỉ là: “Một hài nhi đã sinh ra cho chúng ta, một Người Con đã được ban tặng cho chúng ta” (Ca Nhập Lễ); là một Em bé Giêsu yếu ớt nằm trong máng chiên lừa, một chàng thanh niên thợ mộc Giêsu con bác phó mộc Giuse, một Thầy Giêsu đi chân trần nghèo nàn, đói mệt trên những nẽo đường cát bụi xứ Pa-les-ti-na đến độ “không có chỗ dựa đầu” (Lc 9,58), là một tử tội Giêsu bị kết án đóng đinh thập giá giữa hai tên trộm cướp…và hôm nay trên bàn thờ nầy, là chính Chúa Kitô chấp nhận làm “tấm bánh ly rượu” để rở nên máu thịt nuôi sống muôn người.

Noi theo cách hành động của Thiên Chúa, chúng ta sống mầu nhiệm Nhập Thể-Giáng Sinh giữa đời thường hôm nay đó là biết không ngừng tự xóa mình đi, là biết không ngừng thực thi ý Chúa cho dù trăm đắng nghìn cay, là biết khiêm tốn quỳ xuống để rửa chân cho anh em cho dù phải hy sinh và tủi nhục, là trung thành từng ngày với lý tưởng phúc âm cho dù phải dập vùi thử thách, là can đảm thực hành Lời Chúa trong từng nghĩa cử nhỏ nhoi, là chấp nhận đoạn tuyệt để trở về cho dù con tim tan nát…Sống mầu nhiệm Giáng Sinh – Nhập Thể hôm nay là biết mĩm cười chấp nhận cái tối tăm vất vả của đời sống gia đình nhưng vẫn sáng lên niềm tin yêu hy vọng; là biết sẵn sàng dấn thân trong giữa chốn chợ đời bon chen tất bật, nhưng vẫn sáng lên sự liêm khiết của phúc âm ; là không nản lòng trước bệnh tật, không sợ hải phải sinh và nuôi dạy con cái, là chung thủy từng ngày trong giao ước lứa đôi, là an bình phó thác trong tay Cha khi xui tay nhắm mắt…

Nói cách khác, Thiên Chúa làm người để chúng ta được nên giống Người, giống trong tình yêu ban tặng, phục vụ và dĩ nhiên, trong sự thánh thiện rạng ngời của ân sủng cứu độ, như cách diễn tả của các vị Thánh Giáo Phụ từ ngàn xưa, Clément (Alexandrie) và Grégoire (Naziance) "Thiên Chúa đã làm người để con người làm Chúa"; hay ít ra, “bà con với Chúa”, nư câu chuyện của Dan Clak:

Vào một buổi tối giá rét mùa Giáng sinh, một đứa bé khoảng sáu, bảy tuổi đứng trước một cửa hiệu. Đứa bé không có giày, còn quần áo thì rách rưới. Một phụ nữ trẻ đi ngang qua và nhìn thấy niềm khao khát trong đôi mắt xanh xao của nó. Cầm tay đứa bé dẫn vào tiệm, bà mua cho nó đôi giày mới và một bộ quần áo ấm.

Đưa bé ra khỏi tiệm, người đàn bà nói: “Bây giờ cháu có thể về nhà và chúc cháu một Giáng sinh vui vẻ”.

Đứa bé ngước nhìn người đàn bà và hỏi: “Thưa bà, bà có phải là Chúa không?”.

Người đàn bà cúi xuống nhìn đứa bé và đáp: “Không, con ạ, ta chỉ là một trong những đứa con của Chúa”.

Đứa bé nói: “Cháu nghĩ chắc bà phải có họ hàng, bà con gì với Chúa”.

Ước gì toàn thể mỗi người chúng ta hôm nay biết sống làm sao và sống thế nào để đều có thể được một ai đó cũng nói với mình một câu tương tự : “Tôi nghĩ ông, bà, anh chị chắc phải có họ hàng, bà con gì với Chúa”. Amen

LM. Giuse Trương Đình Hiền