Cần nói ngay rằng biến cố Đức Giáo Hoàng Phanxicô tát tay người đàn bà ở quảng trường Nhà thờ Thánh Phêrô để tự giải thoát ngài khỏi bàn tay níu kéo của bà ta diễn ra vào ngày cuối năm 2019. Và đến đầu năm 2020, ngài lên tiếng xin lỗi về biến cố ấy. Như thế thì điều tiêu cực diễn ra trong năm cũ, và điều tích cực diễn ra trong năm mới. Thiển nghĩ đây là dấu hiệu tốt, không hẳn dấu hiệu xấu.



Đức Giáo Hoàng xin lỗi công khai cho một hành vi công khai. Điều cân xứng này tưởng đã đủ để nói lên thiện chí của ngài. Nhưng nhiều người không thấy đó là đủ và họ thêu dệt đủ thứ giả thiết từ chính trị đến bình đẳng giới tính.

Sau 2, 3 ngày nghĩ lại, tưởng nên đặt câu hỏi: ai mới là người cần xin lỗi trong biến cố này. Có người cho rằng khó mà trả lời câu hỏi này vì nội dung cuộc đàm thoại hay “đấu khẩu” giữa người đàn bà tạm gọi là hành hương và vị Giáo Hoàng 83 tuổi, cho đến nay, chưa ai “dựng” lại được một cách chính xác. Thậm chí cả quốc tịch của người đàn bà cũng chưa thấy ai quan tâm xác định.

Nhưng cứ dựa vào các tường thuật truyền thông cho đến nay thì rõ ràng người đàn bà “hành hương” đã đi đến chỗ quá trớn bằng cách kéo giật vị Giáo Hoàng 83 tuổi, mang nhiều điều kiện không sung mãn bao nhiêu về sức khỏe, sau một buổi sinh hoạt hết sức mệt mỏi, khiến ngài đau đớn, đến quên hết mọi dè dặt, chỉ còn lại phản ứng phản xạ tự bảo vệ bằng dùng tay đánh mạnh vào tay người đàn bà để tự giải thoát mình.

Quan điểm ấy được Ký giả John Allen của tạp chí Crux nói đến (xin xem bài Take-Aways from the Pope’s “Great Swat” of New Year’s 2020). Ký giả này tóm lược biến cố như sau: “khi Đức Phanxicô ra khỏi Vương cung Thánh đường Thánh Pherô vào tối vọng Năm Mới để viếng Cảnh Giáng Sinh theo truyền thống tại quảng trường và sau đó làm một vòng thăm hỏi khách hành hương dọc theo các hàng rào cản, một phụ nữ quá hung hãn [aggressive] đã túm lấy bàn tay ngài và nhất định không chịu buông tha, khiến cho vị Giáo Hoàng giận dữ trông thấy phải quay lại, đập vào tay bà này vài lần và la mắng bà ta”.

John Allen xác nhận chính ông ta cũng không thể xác định Đức Phanxicô đã nói gì trong lúc nóng nẩy đó, nhưng chắc chắn không phải là “Happy New Year” (Chúc mừng Năm mới). Ký giả này nhận định: “Đối với những ai từng theo dõi sát nút Đức Phanxicô, thì việc tiết lộ người đàn ông Á Căn Đình 83 tuổi có tính nóng nẩy là điều chẳng sét đánh chi, vì chúng ta từng thấy điều ấy nhiều lần trước đây. Tuy nhiên, cuốn video tả lại biến cố đã truyền đi nhanh hơn vi khuẩn và trở thành một tin chấn động trên internet.

Về việc xin lỗi của Đức Phanxicô vào hôm sau, Allen cho là điều oái oăm vì bài giảng lễ hôm đó được Đức Phanxicô dành cho đề tài bạo lực chống phụ nữ với nhận định sâu sắc rằng cách ta đối xử với phụ nữ chính là thước đo nhân tính của ta.

Vậy tại sao lại đi đánh tay một người đàn bà dù là để tự giải thoát mình khỏi một cơn đau điếng? Ở đây, John Allen đưa ra một giải thích nghe khá lạ tai nhưng không hẳn là vô giá trị. Ngay đầu bài báo, John Allen đã cho rằng Đức Phanxicô là người không thiếu trí tưởng tượng khi muốn biến các khoảnh khắc cao điểm của ngài trên diễn đàn công cộng trở thành lôi cuốn. Dịp nghỉ đầu năm nay, ngài đã tạo ra một hướng hoàn toàn bất ngờ cho một câu chuyện mà chúng ta có thể gọi là “Cú đập Lớn” (Great Swat). Hướng đó được Allen gọi là hướng của Công Ty Giao tế Nhân sự nặng túi ở Madison Avenue: sứ điệp mạnh mẽ về bạo lực chống phụ nữ vào dịp nghỉ hè hàng năm, lúc người ta lưu ý tới nhiều chuyện khác vui vẻ hơn thì ai mà nghe, phương tiện truyền thông nào mà chú ý tới. Thế nhưng thông điệp ngày đầu năm của Đức Giáo Hoàng Phanxicô về chính đề tài quá quen thuộc ấy, thậm chí quá nhàm tai ấy, đã được các phương tiện truyền thông nhắc đến. Allen chứng minh bằng câu chuyện chính ông chứng kiến: “Tôi thực hiện một số biến cố đáng lưu ý cho CNN vào Ngày Đầu Năm, và đến một lúc, một số anh em chúng tôi còn lại ở phòng tin ở đây, ở Rome, đề cập đến bài giảng của Đức Giáo Hoàng. Một đồng nghiệp lên tiếng ‘các anh thấy không, đây quả là một bài giảng thực sự mạnh mẽ, ngài quả đề cập tới một số vấn đề quan trọng’. Im lặng một lúc, tôi lên tiếng hỏi ‘đúng, nhưng hôm nay, khi phát sóng, liệu chúng ta có nên nói đến nó mà không nói gì đến cú đập tay hay không?’ Không chần chừ, mọi cái đầu ở trong phòng đều nói không”.

Allen kết luận: “hiển nhiên, Đức Giáo Hoàng có lẽ không luôn muốn như thế, nhưng trong trường hợp này, người ta cho rằng ngài đã tìm được cách để nắm được số người nghe mà nếu không khó có thể nắm được”.

Về chính việc xin lỗi, Allen cho rằng các nhân vật công thường thấy mình phải xin lỗi vì việc này việc nọ, nhưng thường thường lời xin lỗi của họ không mấy có hiệu quả, thường bị coi là công thức và thiếu thành thực, nhằm chữa chạy hơn là hối hận thực sự.

Tuy nhiên, Đức Phanxicô khá được khen ngợi khi lên tiếng xin lỗi ngay ngày hôm sau, ngày Đầu Năm, một cách lịch thiệp và đầy tính mục vụ. Allen cho rằng “tính hiệu năng của lời xin lỗi thay đổi tỷ lệ thuận với việc liệu phần lớn người ta có tin là bạn thực sự có điều gì để phải xin lỗi hay không”

Đối với Allen, “Trung thực mà nói, ai coi chiếu lại cảnh ấy có lẽ đều nghĩ rằng nếu có ai đó phải xin lỗi, thì người đó hẳn phải là người đàn bà túm tay chứ không phải Đức Giáo Hoàng. Dù sao, chúng ta đang nói tới cụ già 80 tuổi từng chịu chứng đau thần kinh tọa, mà bàn tay bị giật mạnh bởi một người rõ ràng không hiểu lúc nào cần phải buông ra”.

Allen cho rằng nếu Đức Phanxicô làm điều gì đó quá đáng hơn, thì lời xin lỗi mới không đủ. Đàng này, chỉ đơn giản phản ứng theo cách phần đông người ta vẫn phản ứng trong cùng hoàn cảnh, thì quả ngài đã chuyển đổi việc thiếu kiên nhẫn thành một điều tích cực làm tăng danh tiếng lịch thiệp và tao nhã nhân bản.

Phần đông người ta ở đây được Allen hiểu là những người bình thường không mấy lưu ý tới những điều xẩy ra cho một vị Giáo Hoàng. Trong nội bộ Công Giáo, lẽ dĩ nhiên, phản ứng có khuynh hướng diễn ra trong đường ranh ý thức hệ, trong đó, các người duy truyền thống đặc biệt thích thú la lên “thấy không, mặt nạ đã rơi xuống!”.

Trả lời câu hỏi: ai nhanh chóng lên tiếng bênh vực Đức Phanxicô? Allen nói rằng đó là “một số bạn bè Rôma của tôi, những người lái xe taxi, chủ tiệm ăn... những người lúc nào cũng phải đương đầu với các du khách hung hãn, một số còn khích lệ Đức Phanxicô đánh mạnh hơn thế".

Cũng nhân dịp này, Allen nói đến trách nhiệm của các nhân viên an ninh của Đức Giáo Hoàng. Ông cho hay một người chủ chương trình của CNN từng hỏi ông “An ninh của Vatican ở đâu khi mọi chuyện này xẩy ra?”. Thực vậy, một chuyện như thế khó mà xẩy ra cho một tổng thống Hoa Kỳ. Các nhân viên an ninh chìm được huấn luyện để đọc nét mặt người ta lúc các vị vọng giao tiếp với dân chúng dọc các rào cản (rope lines), để nhận diện những người quá gắn bó (clingy) hay hung hãn, và tìm cách “cắt cầu chì” các tình huống trước khi chúng xẩy ra. Trường hợp Đức Phanxicô, rất tiếc trưởng an ninh lâu năm của ngài, Domenico Giani, đã từ chức vì vụ rì rỏ tài liệu ở Vatican mấy tháng trước đây. Có ông, có thể không xẩy ra biến cố đáng tiếc vào ngày cuối năm. Hy vọng vị trưởng an ninh mới, Gauzzi Broccoletti, sẽ cho nhân viên học hỏi kinh nghiệm từ biến cố này để tránh các đáng tiếc trong tương lai.

Thực ra, Allen cho hay: suốt 25 năm làm việc ở Vatican, ông thấy hàng rào an ninh bảo vệ các vị Giáo Hoàng sơ sài hơn hàng rào bảo vệ an ninh cho các nhà lãnh đạo thế giới khác. Một phần, vì các vị Giáo Hoàng, nhất là Đức Phanxicô, nghĩ mình như các mục tử và không muốn cách ngăn với thường dân. Hơn nữa, còn an ninh nào hơn bàn tay Quan Phòng. Allen cũng cho rằng một phần tại văn hóa, người Ý vẫn thư giãn về phương diện này hơn người khác.