Đức Hồng Y Philipe Barbarin đã được tòa kháng cáo của Pháp tuyên bố vô tội đối với cáo buộc cho rằng ngài đã không báo cáo tội lỗi lạm dụng tình dục của một linh mục giáo phận. Phán quyết vô tội này đã được tòa phúc thẩm ở Lyon đưa ra hôm thứ Năm 30 tháng Giêng.

Ngày 7 tháng 3 năm 2019, Đức Hồng Y Tổng Giám mục Lyon đã bị kết tội “không tố cáo hành vi đối xử tệ bạc với trẻ vị thành niên” của Bernard Preynat và bị phạt sáu tháng tù treo.

Bernard Preynat trước đây là một linh mục nhưng đã bị loại khỏi hàng giáo sĩ từ ngày 4 tháng 7, 2019. Hôm 13 tháng Giêng vừa qua, Bernard Preynat đã phải ra tòa tại Lyon. Trước tòa, Bernard Preynat đã đưa ra những lời khai rất bất lợi cho Giáo Hội nói chung và đặc biệt cho các vị Hồng Y Tổng Giám Mục Lyon.

Preynat khai trước tòa như sau: “Năm 14, 15 tuổi, tôi bắt đầu thích những cậu bé nhỏ tuổi và vị giám thị trong chủng viện đã kêu tôi lên mắng tôi là bất thường và bệnh hoạn. Tôi đã giải thích rõ điều này với Đức Giám Mục”.

Preynat cho biết chủng viện buộc y theo học một khóa tâm lý trị liệu trong hai năm 1967 và 1968 như một điều kiện để có thể được đào tạo tiếp thành một linh mục. Preynat nhận xét rằng khóa tâm lý trị liệu này chẳng có tác dụng gì cả, nhưng vào năm 1972, y vẫn được phong chức và thậm chí còn được giao trách nhiệm tuyên uý cho hướng đạo, khiến cho y có cơ hội tiếp cận với trẻ em.

Preynat nói trước tòa rằng năm 1978, y bị các phụ huynh tố cáo nhưng Đức Hồng Y Alexandre Renard chỉ khiển trách y và vẫn để y tiếp tục công việc mục vụ.

Đến năm 1982, nhiều đơn tố cáo lại nổi lên, Tổng Giám Mục Lyon lúc đó là Đức Hồng Y Albert Decourtray chỉ trách móc và thuyên chuyển y sang chỗ khác. Trước một đợt các cáo buộc khác vào năm 1991, Đức Hồng Y Albert Decourtray mới treo chén Preynat trong 6 tháng rồi bổ nhiệm về một miền quê. Từ đó cho đến năm 2015 không có vụ thưa kiện nào nữa.

Hai vị Hồng Y này đã lần lượt qua đời vào năm 1983 và 1994. Nếu các vị còn sống, chắc chắn các vị sẽ gặp nhiều rắc rối trước lời khai của Preynat.

Cũng theo lời khai của Preynat, vị Tổng Giám Mục tiếp theo là Đức Hồng Y Louis-Marie Bille chỉ gặp gỡ y tổng cộng 10 phút vào năm 2001 để tìm hiểu xem y có bị ai thưa kiện nữa không.

Đức Hồng Y Bille qua đời vào năm 2002 và được thay thế bởi Đức Hồng Y Barbarin, là người giữ nguyên hiện trạng từ thời Đức Hồng Y Bille vì thực tế là không có ai thưa kiện. Những đơn kiện từ năm 2015 là nhằm đòi bồi thường cho các vụ lạm dụng diễn ra trước khi Đức Hồng Y Barbarin được bổ nhiệm làm Tổng Giám Mục Lyon. Ngài đã nhanh chóng khởi xướng một tiến trình điều tra giáo luật kết thúc vào tháng 7, 2019 với quyết định loại bỏ Preynat khỏi hàng giáo sĩ.

Preynat, năm nay 75 tuổi, nói trước tòa rằng y đã lạm dụng tính dục ít nhất 75 trẻ em và đưa ra nhận xét rằng “Nếu như Giáo Hội đã loại tôi sớm hơn, hẳn tôi đã dừng lại sớm hơn.”

Những lời khai và nhận xét của Preynat đã gây nên những luồng dư luận rất bất lợi cho đơn kháng cáo của Đức Hồng Y Barbarin.

Phán quyết ngày 30 tháng Giêng của tòa phúc thẩm ở Lyon đã gây bất ngờ cho cả những người bênh vực lẫn những người chống đối ngài. Các nguồn tin tường thuật từ phiên tòa cho thấy phán quyết này được đưa ra sau khi chính các công tố viên trong vụ án cũng thấy họ vô lý và tìm cách minh oan cho Đức Hồng Y. Đúng là “Nhân chi sơ tính bản thiện”.

Các luật sư của Đức Hồng Y đã gọi kết quả này là hợp lý, và nhận xét rằng Đức Hồng Y Barbarin đã là đối tượng bị vu cáo và phỉ báng trong suốt quá trình xét xử.

Tưởng cũng nên nhắc lại, ngày 7 tháng 3 năm ngoái, năm quan chức khác của tổng giáo phận bị xét xử với Đức Hồng Y Barbarin đã được tha bổng, nhưng dưới áp lực của các phương tiện truyền thông, Đức Hồng Y bị kết án 6 tháng tù treo.

Ngày 18 tháng 3, 2019, Đức Hồng Y Philippe Barbarin đã triều yết Đức Thánh Cha Phanxicô để trao đơn từ chức Tổng Giám Mục Lyon cho ngài, nhưng Đức Thánh Cha đã bác bỏ đề nghị này. Một ngày sau đó, Đức Hồng Y đã dành cho hệ thống truyền hình KTO của Công Giáo Pháp một cuộc phỏng vấn.

Ngài nói:

“Tôi không biết gì về thế giới của tòa án và tư pháp. Điều tuyệt vời và mạnh mẽ về hệ thống tư pháp Pháp là vấn đề trở nên rõ ràng và bạn phải lắng nghe những người khác,” trong trường hợp cụ thể này là các nạn nhân, mặc dù, “Tôi đã gặp hàng chục người trong số họ, cũng như người thân và con cháu của họ”.

Nói về cảm nghiệm của ngài đối với phiên tòa, Đức Hồng Y nói:

“Tôi đã bị nướng trong ba giờ đồng hồ và tôi đã trả lời tất cả các câu hỏi về những gì tôi đã làm một cách rõ ràng và minh bạch. Mục tiêu không phải để nói rằng tôi đã làm tốt, nhưng để làm rõ những gì tôi đã làm và tại sao tôi làm như vậy.”

Về quyết định kháng cáo bản án, ngài giải thích: “Tôi có quyền này ở Pháp, tôi làm theo lời khuyên của luật sư và công tố viên, và thậm chí cả Đức Giáo Hoàng cũng đồng ý là tôi nên làm như vậy.”

Đức Hồng Y tái khẳng định mình vô tội và nhắc lại: “Tôi đã giải thích những gì tôi đã làm, cách tôi làm và lý do tại sao tôi làm những điều đó. Tôi không nói rằng tôi đã làm tốt. Tôi thừa nhận rằng nhân vô thập toàn, tôi có thể phạm sai lầm, nhưng không phải là những gì mà người ta cáo buộc.”

Ngài giải thích rằng khi ngài gặp một trong những nạn nhân vào tháng 11 năm 2014, là người đã nói với ngài về nỗi buồn của anh ta vì đã không báo cáo sự thật. Đức Hồng Y cho biết “tôi đề nghị anh ta tìm xem liệu có những nạn nhân khác không, và đó là điều mà người này đã làm.”

Người mà Đức Hồng Y đề cập đến là Alexandrealeighot-Hezez.

Tháng 7 năm 2014, Alexandrealeighot-Hezez báo cho tổng giáo phận Lyon biết về trường hợp bị Preynat lạm dụng tính dục 24 năm trước khi còn là một hướng đạo sinh và Preynat là linh mục tuyên úy.

Alexandrealeighot-Hezez đã đặt vấn đề với tổng giáo phận khi biết rằng Preynat vẫn còn sống, và đang hoạt động mục vụ tại một giáo xứ địa phương, với trách nhiệm dạy giáo lý cho các học sinh.

Tuy nhiên, cả Đức Hồng Y lẫn Alexandrealeighot-Hezez đều không nghĩ rằng Đức Hồng Y phải báo cáo với cảnh sát và trong phiên tòa sơ thẩm, công tố viện cũng thừa nhận rằng chính các nạn nhân cũng phải thực hiện điều đó.

Đức Hồng Y nói thêm: “Bản thân việc không báo cáo sự thật có thể là một sai lầm, và nếu tôi bị kết án về điều đó, thì đó là điều công bằng.” Điều khoản trong bộ luật hình sự về việc báo cáo trong các trường hợp lạm dụng tính dục trẻ vị thành niên đã được công tố viên trong phiên tòa sơ thẩm và chánh án trong phiên tòa thứ hai diễn dịch trái ngược nhau.

Đức Hồng Y nhận xét cay đắng rằng “Nếu nó được giải thích theo chiều hướng chống lại tôi, như trong phiên tòa sau cùng, thì đành chịu.”

“Nhưng vì có một sự khác biệt giữa những gì công tố viên nói trong phiên sơ thẩm và những gì tòa án nói sau này, đó là chuyện bình thường, nên tôi quyết định kháng cáo bản án.”

Cuối cùng, Đức Hồng Y khẳng định rằng: “Tôi không hề bao che cho cha Preynat. Đó là một phán quyết bất công đối với tôi”

Thiết tưởng cũng nên nói thêm điều này: sau cuộc nói chuyện với Đức Hồng Y, Alexandrealeighot-Hezez đã tìm được chín người khác cũng bị Preynat lạm dụng tính dục.

Chín người này đã lập ra nhóm “La Parole libérée” để tìm cách truy tố Đức Hồng Y bất chấp thực tế do chính họ công nhận trong một tuyên bố trực tuyến vào sáng thứ Năm 7 tháng Ba, ngay sau phán quyết của tòa án về 6 tháng tù treo dành cho Đức Hồng Y Barbarin, rằng chín người khiếu nại này nhất trí thừa nhận rằng những lời buộc tội của họ đã được tổng giáo phận Lyon và chính Đức Hồng Y đón nhận một cách nghiêm chỉnh với lòng thương cảm, và đã được chấp nhận mà không có lời chất vấn nào đối với những gì họ cáo buộc.

Alexandrealeighot-Hezez, cảm thấy mục tiêu của nhóm “La Parole libérée” không phù hợp với anh, nên đã rút lại khiếu nại của mình. Tất cả điều anh muốn là tổng giáo phận thận trọng với cha Preynat, chứ không phải là việc truy tố Đức Hồng Y Barbarin.


Source:Catholic News Agency