1. Giáo hội sắp có thêm 13 Chân phước tử đạo.

Giáo Hội Công Giáo sắp có thêm 13 chân phước tử đạo: 3 vị người Tây Ban Nha và 10 vị người Guatemala.

Hôm 24 tháng Giêng, Đức Thánh Cha đã truyền cho Bộ Phong Thánh công bố một sắc lệnh nhìn nhận cuộc tử đạo của cha Giuse Domenech Bonet và 2 tu sĩ cùng dòng Capuchino, bị sát hại vì đức tin trong thời nội chiến Tây Ban Nha ngày 24 tháng 07 và 06 tháng 08 năm 1936. Tiếp đến là Cha Giuse Maria Gran Cirera (1945-1980) và 2 linh mục cùng dòng Thừa Sai Thánh Tâm Chúa Giêsu và 7 giáo dân, bị giết vì đức tin tại Guatemena trong khoảng thời gian từ 1980 đến 1991.

Cha Domenech Bonet sinh năm 1892 tại Tây Ban Nha và gia nhập dòng Capuchino năm 17 tuổi (1909), thụ phong linh mục năm 1915, và từng làm giám tập, cố vấn tỉnh dòng và Bề trên tu viện ở thành Manrea. Ngày 22/07 năm 1936, tu viện của cha bị dân quân mác xít vô chính phủ chiếm và tàn phá. Các tu sĩ tị nạn đến một nơi an toàn hơn, trong khi cha Domenec chạy đến một nhà ở vùng quê gần thành Manresa, nhưng ngày 06/08 cùng năm 1936, dân quân đột nhập, bắt và buộc cha phải nói phạm thượng. Cha từ chối nên bị dẫn đến nơi gọi là La Culla và bị giết chết tàn nhẫn tại đây. Trước đó có 2 cha cùng dòng Phanxicô cũng bị bắt và sát hại.

Tại Guatemala, cuộc bách hại Công Giáo kéo dài. 13 vị tử đạo tại đây gồm 3 linh mục dòng Thánh Tâm Chúa Giêsu và 7 giáo dân, trong đó có cậu Juan Barrera Méndez mới được 12 tuổi, thuộc Phong trào Công Giáo tiến hành. Tất cả đã bị giết chết trong khoảng thời gian từ 1980 đến 1991. Giáo Hội Công Giáo tại Guatemala dấn thân bênh vực phẩm giá và các quyền của người nghèo, đặc biệt là cha Giuse Gran Cirera, sinh tại Barceleno năm 1945 và đến truyền giáo tại Guatemala từ năm 1975. Về sau cha được gửi đến giáo xứ thánh Gaspar ở Chajul. Cha bênh vực những người nghèo và các thổ dân bị các nhóm quân phiệt sát hại.

Ngày 04 tháng 06 năm 1980, sau khi viếng thăm mục vụ ở các làng gần đó, cha cùng với Ông từ của giáo xứ tên là Domingo del Barrio Batz trở về giáo xứ Chajul, cả hai bị sát hại. Lúc đó cha Gran Cirera mới được 35 tuổi.

Ngoài sắc lệnh nhìn nhận các vị tử đạo trên đây, cùng ngày 24 tháng Giêng, Ðức Thánh cha cũng cho phép Bộ Phong Thánh công bố 6 sắc lệnh nhìn nhận các nhân đức anh hùng của 6 vị tôi tớ Chúa người Italia, Tây Ban Nha, Mễ Tây Cơ, Pháp và Ba Tây.

2. Chính Thống Nga bác bỏ lời cáo buộc muốn đứng đầu Chính Thống Giáo

Giáo Hội Chính Thống Nga bác bỏ những tin nói rằng Chính Thống Nga muốn tiếm đoạt quyền của Giáo Hội Chính Thống Constantinople trong vị thế đứng đầu Chính Thống Giáo.

Hôm 22 tháng Giêng, hãng thông tấn Interfax của Nga đưa tin: Ðức Tổng giám mục Hilarion, Chủ tịch Hội đồng ngoại vụ tòa Thượng Phụ Chính Thống Mạc Tư Khoa, tuyên bố rằng: “Có những lời cáo buộc gần đây từ Giáo Hội Chính Thống Đông phương cho rằng Giáo Hội Nga ngang nhiên phủ nhận vị thế đứng đầu của Tòa Thượng Phụ Constantinople và tìm cách chiếm đoạt vị thế đó. Nhưng tôi chưa hề nghe được một lý lẽ nào chứng tỏ được sự hữu lý của những lời cáo buộc ấy”.

Ðức Tổng giám mục Hilarion nói thêm rằng: “Cách thức Giáo Hội Chính Thống Nga hiểu về vị thế đứng đầu trong Giáo Hội và nhìn nhận ai là người giữ vị trí đó, người ta có thể thấy rõ trong một Văn kiện do Công nghị Chính Thống Nga công bố tháng 12 năm 2013 với tựa đề: “Lập trường của tòa Thượng Phụ Mạc Tư Khoa về vấn đề vị thế thứ I trong Giáo Hội Chính Thống hoàn vũ. Văn kiện ấy nói rõ rằng sau cuộc đại ly giáo hồi năm 1054, vị thế đứng đầu danh dự trong Chính Thống giáo thuộc về Ðức Thượng Phụ Constantinople. Thực tế là Giáo Hội Chính Thống Nga là một trong số ít Giáo Hội địa phương, và có lẽ là Giáo Hội duy nhất, đã nhìn nhận vị thế thứ I của Constantinople, không những bằng lời nói nhưng còn bằng một Văn kiện đặc biệt của công nghị Giám mục”.

Ðức Tổng giám mục Hilarion cũng xác quyết: Giáo Hội Chính Thống Nga không bao giờ phủ nhận quyền đứng đầu của Tòa Thượng Phụ Constantinople, vấn đề ở đây là quyền này phải được hiểu như thế nào.

Chính Thống Nga phê bình rằng trong 100 năm gần đây, Tòa Thượng Phụ Constantinople đã phát triển giáo huấn về quyền đứng đầu, bắt chước kiểu mẫu cơ cấu của Giáo Hội Công Giáo Roma, theo đó Tòa Thượng Phụ Chính Thống Constantinople có độc quyền mà các vị Giáo chủ Chính Thống khác không có hoặc không được có trên nguyên tắc. Dĩ nhiên Giáo Hội Chính Thống Nga phủ nhận quan niệm như thế về vị thế đứng đầu như vậy của Tòa Constantinple, vì nó không phù hợp với truyền thống của Giáo Hội và với Giáo Hội học của Chính Thống giáo.

Trong số 15 Giáo Hội Chính Thống trên thế giới hiện nay, Chính Thống Nga có đông tín hữu nhất với khoảng 90 triệu.

3. Tưởng nhớ và cầu nguyện nhân ngày giải phóng trại Tập trung Auschwitz, Ba Lan

Đức Thánh Cha Phanxicô mời gọi những người thiện chí qui tụ lại để cầu nguyện và hồi nhớ lại biến cố kỷ niệm 75 năm ngày giải phóng trại tập trung Đức Quốc xã tại Auschwitz-Birkenau.

Đức Thánh Cha Phanxicô phát biểu trong buổi lễ tưởng niệm các nạn nhân của việc diệt chủng này, Đức Thánh Cha nói chúng ta không thể thờ ơ vô cảm trước thảm kịch bi thương này, nên chúng ta phải tụ tập lại để tưởng nhớ.

Gặp gỡ khách hành hương đang tập trung tại Quảng trường Thánh Phêrô, để đọc Kinh Truyền Tin, Đức Thánh Cha Phanxicô nhắc nhớ ngày 27 tháng Giêng, là ngày đánh dấu kỷ niệm 75 năm giải thoát trại diệt chủng Auschwitz-Birkenau tại Ba lan trong thời Đức Quốc xã.

Tưởng cũng nên nhớ lại chuyến viếng thăm của Đức Thánh Cha Phanxicô đến Trung tâm Simon Wiesenthal, ngài đã nói: Nếu chúng ta quên đi những bạo tàn diệt chủng đã qua thì chúng ta sẽ phá hủy tương lai của chúng ta!

Cho nên ngày 27 tháng Giêng xin tất cả hãy dành ra một khoảnh khắc để cầu nguyện và tưởng nhớ tới các nạn nhân của việc diệt chủng và thầm nhủ trong tim của chúng ta: không bao giờ cho phép nó xảy ra nữa!

Đức Thánh Cha Phanxicô cũng đề cập đến lời Chúa trong ‘Chúa Nhật hôm nay’ như là một món quà mà Thiên Chúa tặng ban.

Và ngài cảm ơn tất cả các Giáo phận và các cộng đồng đã có những sáng kiến đưa Kinh thánh vào và làm cho nó trở thành trung tâm của đời sống của Giáo hội..

Đức Thánh Cha Phanxicô cũng nhớ đến Ngày Thế giới bệnh Phong, Đức Thánh Cha phát biểu ngài gần gũi với tất cả những người mắc chứng bệnh hiểm nghèo này và ngài cầu nguyện cho những người ai đang chăm sóc họ theo nhiều cách thế khác nhau.

Đức Thánh Cha Phanxicô cũng cầu nguyện cho những người bị ảnh hưởng bởi cơn dịch cúm coronavirus hiện nay.

Ngày Bệnh Phong Thế giới được thành lập để nâng cao ý thức về căn bệnh này và những người bị mắc chứng bệnh này. Theo báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới gần đây, căn bệnh này đang tái hiện như một đe dọa cho sức khỏe toàn cầu, đặc biệt ở các quốc gia như Ấn Độ, Brazil và Indonesia.

4. Đức Thánh Cha Phanxicô cầu nguyện cho những người bị ảnh hưởng bởi vi khuẩn corona

Đức Thánh Cha Phanxicô cho biết rằng Ngài đang cầu nguyện cho các nạn nhân và tất cả những người bị ảnh hưởng bởi vi khuẩn corona hiện đang lan truyền tại Trung Quốc cũng như cầu nguyện cho cam kết của quốc gia này trong việc ngăn chặn và chống lại dịch bệnh.

“Tôi mong muốn được gần gũi và cầu nguyện cho những người mắc bệnh vì loại vi khuẩn đã lây lan qua Trung Quốc”, Đức Thánh Cha Phanxicô chia sẻ sau giờ Kinh Truyền Tin hôm Chúa Nhật 26/1 tại Quảng trường Thánh Phêrô.

“Nguyện xin Thiên Chúa cho những người đã qua đời được yên nghỉ, an ủi các gia đình và đồng thời duy trì sự cam kết to lớn của cộng đồng Trung Quốc vốn đã được đưa ra để chống lại dịch bệnh này”, Đức Thánh Cha Phanxicô nói.

Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc hôm Chúa Nhật 26/1 cho biết khả năng lây lan của vi khuẩn corona mới đang gia tăng và sự truyền nhiễm có thể tiếp tục gia tăng.

Gần 2.000 người đã bị nhiễm bệnh ở Trung Quốc và 56 người đã chết vì căn bệnh này.

Một số ít các trường hợp đã được báo cáo bên ngoài Trung Quốc, bao gồm ở Thái Lan, Úc, Hoa Kỳ và Pháp, với việc các cơ quan y tế trên toàn thế giới nỗ lực hết sức nhằm ngăn chặn đại dịch.

Vi khuẩn corona mới được xác định đã tạo ra một sự báo động bởi vì vẫn còn nhiều ẩn số xung quanh nó, chẳng hạn như mức độ nguy hiểm và mức độ lây lan dễ dàng giữa con người. Nó có thể gây ra căn bệnh viêm phổi, vốn có thể gây tử vong trong một số trường hợp.

5. Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn gởi thư cho Đức Thánh Cha

Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn (Tsai Ing-wen - 蔡英文) đã viết thư cho Đức Thánh Cha Phanxicô mô tả sự gây hấn và đàn áp tôn giáo của Trung Quốc là “những trở ngại đối với hòa bình”, và đồng thời nêu chi tiết về việc “lạm dụng quyền lực” của chế độ Cộng sản.

“Mấu chốt của vấn đề đó là Trung Quốc từ chối việc từ bỏ mong muốn thống trị Đài Loan. Nó tiếp tục làm suy yếu nền dân chủ, tự do và nhân quyền của Đài Loan với các mối đe dọa của lực lượng quân sự và thực hiện các chiến dịch thông tin sai lệch, tấn công mạng và thao diễn ngoại giao”, bà Thái Anh Văn viết trong một lá thư gửi Đức Thánh Cha Phanxicô do văn phòng của bà công bố vào ngày 21 tháng 1.

Bà Thái Anh Văn đã gửi bức thư để đáp lại thông điệp của Đức Thánh Cha Phanxicô nhân Ngày Thế giới Hòa bình năm 2020, bức thư thường niên của Đức Giáo Hoàng gửi cho tất cả các Bộ trưởng ngoại giao trên thế giới để đánh dấu dịp năm mới.

Năm nay, bức thư của Đức Thánh Cha Phanxicô có tựa đề: “Hòa bình là một Cuộc hành trình của Hy vọng: Đối thoại, hòa giải và hoán cải sinh thái”, kêu gọi lương tâm của nhân loại, vươn lên trước sự khao khát thống trị và hủy diệt.

Tân Tổng thống tái đắc cử của Đài Loan, chính thức được gọi là Cộng hòa Trung Quốc, nhắn nhủ với Đức Thánh Cha Phanxicô về mong muốn của bà nhằm “giải quyết cách ôn hòa những khác biệt trên eo biển Đài Loan”.

“Tôi hoàn toàn đồng ý với tuyên bố của Ngài rằng việc bước đi trên con đường hòa bình đòi hỏi chúng ta phải gác lại tất cả mọi hành vi bạo lực trong suy nghĩ, lời nói và hành động, cho dù là đối với những anh chị em thân cận của chúng ta hay đối với công trình sáng tạo của Thiên Chúa”.

Tổng thống Đài Loan sau đó nêu chi tiết một danh sách các hành động của Trung Quốc mà bà cho là cấu thành “những hành vi lạm dụng quyền lực”, đồng thời mô tả hành vi bạo lực đối với những người biểu tình ở Hồng Kông, cuộc tranh cãi gần đây về một huấn luyện viên NBA lên tiếng chỉ trích chế độ Cộng sản, và cuộc đàn áp đối với các tín đồ tôn giáo đang tìm cách theo dõi lương tâm của họ:

“Các nhà chức trách điều hành lực lượng cảnh sát có vũ trang bắn hơi cay và đàn áp và bắt giữ những người bày tỏ mong muốn theo đuổi dân chủ và nhân quyền; những người nổi tiếng trên internet hoặc các vận động viên bị đe dọa chấm dứt hợp đồng hoặc bị cấm tham dự các cuộc thi khi họ lên tiếng để bảo vệ quyền tự do ngôn luận; các tín đồ tôn giáo đối mặt với việc bị giam cầm và đàn áp bởi các nhân viên an ninh công cộng khi họ, theo lương tâm của mình, từ chối bị ép buộc ký vào các tài liệu để tham gia một tổ chức vi phạm các giáo lý tôn giáo của họ – tất cả những điều này cấu thành những gì Ngài đề cập trong thông điệp của Ngài đó là “lạm dụng quyền lực” và đồng thời phản ánh khái niệm của sự đa dạng như một trở ngại. Thật vậy, chúng chỉ phục vụ cho việc châm ngòi cho các cuộc xung đột”.

Bà Thái Anh Văn trích dẫn trực tiếp từ thông điệp hòa bình của Đức Thánh Cha Phanxicô, trong đó nêu rõ: “Chiến tranh được thúc đẩy bởi việc làm méo mó các mối quan hệ, bởi tham vọng bá quyền, bởi vệc lạm dụng quyền lực, bởi sự lo sợ người khác và xem sự đa dạng như là một trở ngại”.

Bà cũng đáp lại lời kêu gọi của Đức Thánh Cha Phanxicô đối với việc chăm sóc ngôi nhà chung của chúng ta trong Thông điệp “Laudato Si” của mình bằng cách nhấn mạnh những nỗ lực của chính phủ Đài Loan nhằm “biến Đài Loan trở thành một trung tâm phát triển năng lượng xanh ở châu Á” thông qua nhiều sáng kiến về năng lượng xanh và nước bền vững”.

6. Một Giáo xứ tại Rôma mở cửa 24/24 cho người nghèo

Mặc dù thực tế là Rôma có khoảng 900 nhà thờ Công Giáo, nhưng việc tìm một nhà thờ mở cửa để cầu nguyện tại bất kỳ thời điểm nào cũng có thể khá khó khăn. Một số mở cửa theo giờ hành chính, nhưng hầu hết chỉ mở cửa trong khoảng thời gian Thánh Lễ.

Tuy nhiên, kể từ tháng 12 năm ngoái, có một nhà thờ luôn mở cửa 24/7 để mọi người có thể chầu Thánh Thể và một nhóm bao gồm 8 đến 10 tình nguyện viên, cùng với Linh mục Chính xứ, đảm bảo luôn có người túc trực sẵn sàng chào đón những người cần đôi bàn tay giúp đỡ.

“Dự án này không chỉ dành cho người nghèo”, theo Roberta, một tình nguyện viên tại Nhà thờ Thánh Piô Năm Dấu, chia sẻ hôm thứ Hai trong một phòng ngủ tập thể mới khánh thành dành cho khoảng 30 người vô gia cư.

“Một lần nữa, nếu bạn đến đây vào ban đêm, bạn sẽ thấy rằng luôn có người ở đây cầu nguyện”, Roberta chia sẻ với Crux. Và họ không phải là những người vô gia cư. Đó thường là một người trẻ tuổi, hoặc một vài người trong số họ, những người đang tìm kiếm Thiên Chúa. Tôi luôn hy vọng rằng họ sẽ tìm thấy Ngài ở đây. Và nếu như không có gì khác, nếu họ cần, họ sẽ tìm thấy một khuôn mặt tươi cười và sự thoải mái nhẹ nhàng để biết rằng không chỉ có Thiên Chúa mới sẵn lòng lắng nghe họ”.

Ngoài việc mở cửa cả ngày và cung cấp chỗ ngủ tập thể, ở đây còn có phòng vệ sinh, phòng giặt ủi và bữa sáng hàng ngày cho khoảng 200 người. Khi sáng kiến được ra mắt vào cuối tháng 12, với sự hiện diện của Đức Hồng Y Giám quản Rôma, Đức Hồng Y Angelo de Donatis, và Đức Hồng Y Carlos Osoro Địa phận Madrid.

Nằm ở trung tâm lịch sử Rôma, chỉ cách Đền Pantheon và quảng trường Navona vài bước chân, dự án được điều hành bởi tổ chức phi chính phủ Công Giáo Tây Ban Nha ‘Mensajeros de la Paz’ (Sứ giả Hòa bình). Được thành lập vào năm 1962 bởi Cha Ángel García, hiệp hội ngày nay có vài chục ngôi nhà dành cho những người già yếu lớn tuổi ở Tây Ban Nha, cũng như các điểm phát chẩn đồ ăn và một số trung tâm đào tạo.

Trước khi khánh thành khu vực ngủ tập thể ở Rôma, Cha García đã gặp gỡ Đức Thánh Cha Phanxicô tại Casa Santa Marta, nơi ở của Đức Giáo Hoàng trong khuôn viên Vatican và tham dự Thánh lễ ban sáng với Đức Thánh Cha.

“Trong cuộc gặp gỡ với Đức Thánh Cha Phanxicô, đôi khi bạn bị chặn lại vì bạn biết Ngài là người đại diện ‘từ trên cao’”, Cha García chia sẻ với các phóng viên. “Nhưng bởi vì Ngài là một vị Giáo hoàng có nhiều sự lôi cuốn và sức thu hút của một vị lãnh tụ, thật dễ dàng để chia sẻ với Ngài dự án Nhà thờ mở 24/24, những gì chúng tôi làm ở đây và những người gõ cửa chúng tôi mỗi ngày”.

Mặc dù dự án hiện vẫn còn quá mới mẻ để có thể tiếp nhận đủ những dữ liệu và phản hồi hầu đánh giá sự thành công của nó ở Rôma, Linh mục García còn điều hành một nhà thờ tương tự tại trung tâm thành phố Madrid và biết rằng những người tiếp cận một nhà thờ mở cửa 24/24 không chỉ để nhờ cậy sự giúp đỡ hoặc để nghỉ ngơi, nhưng còn để cầu nguyện.

“Mặc dù mọi người nghĩ rằng những nhà thờ này chỉ dành cho ‘những người nghèo về mặt vật chất’, thế nhưng, không phải như vậy”, Linh mục García nói, lặp lại những chia sẻ của Roberta. “Điều xảy ra đó là đôi khi, đây là những nơi duy nhất mà những người không có gì được phép vào mà không bị phán xét”.

“Các dự án như thế này là một dấu hiệu rõ ràng về xã hội không phải đang đi xuống, như chúng ta thường nghe thấy”, Linh mục García nói. “Trái lại, nó lành mạnh và đầy những giá trị. Dù bạn gõ cửa ở đâu, luôn có một người sẵn sàng giúp đỡ, để thể hiện lòng bác ái với người khác”.

Chỉ riêng ở Rôma, có khoảng 5,000 đến 6,000 người vô gia cư, nhiều người trong số họ sống ở vùng lân cận Vatican – với một số lều bạt thường có thể nhìn thấy bên dưới dãy cột nổi tiếng của Bernini. Cuối năm ngoái, vị Quan Phát Chẩn của Tòa Thánh, Đức Hồng Y Konrad Krajewski, đã khánh thành một nơi ở mới dành cho người vô gia cư ngay ngạch cửa vào Vatican, trong một tòa nhà có lịch sử lâu đời được gọi là Palazzo Migliori.

Bên ngoài Nhà thờ Thánh Piô Năm Dấu, có một tấm biển mời mọi người bước vào, với một câu trích dẫn từ lời của Đức Thánh Cha Phanxicô rằng “các nhà thờ phải luôn mở cửa bởi vì đây chính là biểu tượng về: một Giáo hội luôn luôn rộng mở”.

Tấm áp phích thứ hai, với hình ảnh Đức Thánh Cha Phanxicô trong tư thế cầu nguyện với nội dung: “Tôi xin lỗi vì tất cả những lần chúng ta, với tư cách là những người Kitô hữu, khi gặp một người nghèo hoặc một người trong hoàn cảnh nghèo khó lại ngoảnh mặt quay đi chỗ khác”.

Vào tháng 12, khi cánh cửa của Giáo xứ chính thức mở cửa 24/24, Đức Thánh Cha Phanxicô đã gửi Linh mục García một lá thư cảm ơn ngài vì sáng kiến này “để cung cấp dịch vụ của Lời Chúa vốn có thể giúp đỡ những người xem ngôi nhà cầu nguyện này như một Ngôi nhà chung để cùng nhau xây dựng một nơi ẩn náu nơi mà tất cả mọi người đều được chào đón và từ đó họ có thể rời đi một lần nữa lên đường để đối mặt với cuộc phiêu lưu kỳ diệu trong ơn gọi Kitô giáo của họ”.

“Tôi mong ước rằng Ngôi Nhà của Thiên Chúa luôn luôn rộng mở những cánh cửa bởi vì nó cùng đồng hành giữa các dân tộc, trong lịch sử của con người, nam cũng như nữ”, Đức Thánh Cha Phanxicô viết. “Nếu không, những nhà thờ mà lúc nào cũng cửa đóng then cài nên được gọi là bảo tàng”.

Cộng đồng giáo hội, Đức Thánh Cha Phanxicô viết trong bức thư, là một “cái lều” có khả năng trở thành to lớn hơn “để tất cả mọi người có thể bước vào, tìm một ốc đảo hòa bình trong tình yêu Thiên Chúa, một nơi luôn chào đón, hòa giải và tha thứ”.

“Nó nói về lòng thương xót, lòng thương xót, lòng thương xót”, Linh mục García phát biểu với các phóng viên hôm thứ Hai. “Như Đức Thánh Cha Phanxicô đã cho biết khi bắt đầu Triều đại Giáo hoàng của mình: Chúng ta cần một Giáo hội nghèo cho người nghèo, nhưng đừng bao giờ quên lòng thương xót mà chúng ta cần phải áp dụng không chỉ vào cách thức chúng ta đối xử với những anh chị em thân cận của mình, mà còn đối với chính chúng ta”.

7. Đức Thượng Phụ Melkite Ai Cập bàn về vai trò của các Kitô hữu tại Trung Đông

Sứ mạng của Giáo hội, cũng như tại Trung Đông, không phải là “truyền bá nền văn minh Kitô giáo thay cho các nền văn minh khác”, mà là để “chứng minh công việc của Chúa Thánh Thần trong cuộc sống của chúng ta và giúp những người khác đón nhận món quà này của Chúa Thánh Thần”. Với những lời này, Đức Thượng Phụ Youssef Absi, Thượng Phụ Antioch thuộc Giáo Hội Công Giáo nghi lễ Melkites, được thể hiện dưới dạng tổng hợp và hiệu quả, tiêu chí phù hợp để xem xét các sự kiện của các cộng đồng Kitô giáo nằm rải rác ở khu vực Trung Đông, Fides News Agency đưa tin. “Sự hiện diện của chúng ta, đặc biệt là ở Trung Đông”, Đức Thượng Phụ Youssef Absi xác định, “không phụ thuộc vào số lượng, sức mạnh và khả năng của chúng ta, mà phụ thuộc vào hoạt động hiệu quả của Chúa Thánh Thần trong cuộc sống của chúng ta”.

Bối cảnh được sử dụng bởi Đức Thượng Phụ của Giáo Hội Công Giáo Hy Lạp-Melkite nhằm bộc lộ những cân nhắc quý báu của ngài về sứ mạng hiện tại và tương lai của các cộng đồng Giáo hội ở Trung Đông đó là phiên họp mỗi sáu tháng của Hội nghị các Gám mục Công Giáo tại Ai Cập, được tổ chức tại nhà thờ Santo Stefano vùng lân cận al Maadi, vào các ngày 14 và 15 tháng 1. Hội nghị được đồng chủ trì bởi Đức Thượng Phụ Youssef Absi (Thượng Phụ Antioch và toàn bộ miền Đông, Alexandria và Giêrusalem,) và Đức Thượng Phụ Ibrahim Isaac Sidrak, Thượng Phụ Alexandria của Giáo Hội Công Giáo Coptic. Cuộc họp cũng có sự tham dự của hơn 20 Giám mục Công Giáo, các Tu sĩ nam nữ hiện đang làm việc tại quốc gia Bắc Phi rộng lớn, cùng với Đức Tổng Giám Mục Nicolas Henry Marie Denis Thevenin, người đã được Đức Thánh Cha Phanxicô bổ nhiệm làm Sứ Thần Tòa Thánh tại Cộng hòa Ả Rập Ai Cập vào tháng 11 năm ngoái và Đại diện Đức Giáo Hoàng tại Liên đoàn các quốc gia Ả Rập.

Trong hai ngày cùng với nhau, các tham dự viên tham gia hội nghị cũng đề cập đến vấn đề tế nhị của những tác động – thường là tiêu cực – của phương tiện truyền thông xã hội đối với cuộc sống của các cộng đồng Giáo hội. Trong các buổi làm việc, văn kiện của các Giáo Hội Công Giáo liên quan đến dự thảo luật về tình trạng pháp lý cá nhân của các Kitô hữu ở Ai Cập cũng đã được soạn thảo, một đóng góp cần phải được gửi đến các cơ quan có thẩm quyền để được xem xét thảo luận và ban hành luật này bởi chính phủ Ai Cập.