Mùa nóng gắt hình như đã đi khỏi Sydney, mùa cháy rừng như thiêu như đốt tưởng chừng như lửa hỏa ngục nhận chìm nhiều khu vực rộng lớn của New South Wales dường như cũng đã hoàn toàn kết liễu với những trận mưa khởi đầu còn lác đác nay càng ngày càng ào ào như trút nước khỏi bầu trời nặng chĩu. Cha sở tôi bảo các trận mưa này, dù chính chúng ta cầu xin cho có, đang làm chúng ta mất vui (unpleasant). Riêng bản thân tôi thì vẫn chào đón mưa rơi, bởi mực nước cung cấp cho Sydney vẫn ở mức báo động và việc dùng nước vẫn bị hạn chế ở cấp hai nghĩa là chỉ được tưới cây vào những giờ nhất định và tưới bằng thùng tưới chứ không bằng vòi nước lấy thẳng từ hệ thống phân phối của WATER BOARD! Tưới kiểu này không hợp với tuổi già của tôi chút nào!

Giữa bối cảnh ấy, sáng nay, ngay lúc nước trời đổ xuống như thác, bầu trời đen nghịt, trước khi đến nhà thờ xứ tham dự thánh lễ Chúa Nhật, tôi mở sách lễ và rất vui đọc được nhiều điều về ánh sáng:



Phần chữ đỏ ngay sau phần giới “bài trích sách Tiên Tri Isaia” 58:7-10 viết như sau: “Ánh sáng ngươi sẽ bừng lên như rạng đông”. Phần Thánh vịnh đáp ca thì có câu đáp: “Một ánh sáng xuất hiện trong u tối cho kẻ lòng ngay” (Tv 111:4). Bài tung hô Tin Mừng trích y lời Chúa “"Ta là ánh sáng thế gian; ai theo Ta sẽ được ánh sáng ban sự sống" (Ga 8:12). Phần chữ đỏ sau lời giới thiệu bài “Tin Mừng theo thánh Máttêu 5:13-16 tóm lược “Các con là ánh sáng thế gian”.

Chúa và chúng ta đều là “ánh sáng thế gian”. Tất cả các chi tiết ấy khiến tôi nẩy ra ý muốn đặt tên cho Chúa Nhật thứ Năm Mùa Thường Niên, Năm A, là Chúa Nhật Ánh Sáng.

Ít người chia sẻ ý muốn trên vì phần đông lưu ý tới khía cạnh khác của Chúa Nhật này. Thí dụ, Đức Tổng Giám Mục Giuse Ngô Quang Kiệt, trong bộ sách “Chia Sẻ Tin Mừng Chúa Nhật, Năm A”, không hề lưu ý đến ánh sáng, chỉ nói tới muối. Người bạn ở Sydney của tôi, Anh Mai Tá, trong cuốn “Lời Chúa Sẻ San Năm A”, diễn dịch 1 tác phẩm của Cha Kevin O’Shea, Dòng Chúa Cứu Thế, cũng phần nào nhấn mạnh nhiều hơn tới Muối vì thấy anh viết nghiêng chữ “Muối” và “Các con là muối cho đời”, chứ không viết nghiêng chữ “ánh sáng”.

Phải chăng vì các tác giả trên nghĩ, như cha Tanila Hoàng Đắc Ánh, Dòng Đaminh (Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô Theo Thánh Mátthêu [dẫn vào và chú giải]), muối có đến hai, ba tác dụng, trong khi ánh sáng chỉ có một tác dụng là soi sáng cho mọi người? Cha Ánh cũng nói nhiều đến muối, nhiều gấp đôi, so với ánh sáng.

Theo ngài, công dụng thứ nhất của muối là làm cho thức ăn thêm mùi gia vị, giữ cho các thức ăn khỏi hư đến nỗi nó gợi lên tính cách lâu bền, thậm chí vĩnh viễn của một giao ước như Kinh Thánh nói đến “một giao ước muối” nghĩa là một giao ước vĩnh viễn (Ds 18:19; Lv 2:13; 2Sb 13:5). Muối còn một công dụng khác là làm cho phân, cho đất tốt thêm (Lc 14:35).

Cha Ánh không đi cải tạo dưới chế độ Cộng Sản, nên không lưu ý một công dụng khác của muối: muối làm chè ngọt hơn. Hồi bản thân tôi đi “Học Tập Cải Tạo” ở Suối Săng Máu, Biên Hòa, rất ngạc nhiên, khi anh bạn cùng bị tù, lúc nấu chè đậu xanh, bỏ vào một nắm muối, nói là để chè ngọt đậm hơn. Mà đúng thật, “cải tạo” rất qúy và hiếm đường, phương pháp nấu chè này có “năng xuất” rất cao, rất thành công!

Nhưng Cha Ánh có nói đến việc người môn đệ Chúa Giêsu “phải làm sao cho thế gian nên ngon, ngon mãi, ngon hơn”, thiển nghĩ cũng đồng nghĩa với hoàn cảnh trên.

Một điều nữa được cha Ánh lưu ý là nối kết hai ý niệm muối và ánh sáng. Thực vậy, theo cha, “Đức Giêsu nói: ‘Nếu muối mà nhạt, thì nó thành vô dụng’. ‘Nhạt đi’ dịch động từ μωραίνω (moraino). Mà động từ này có nghĩa là ‘làm cho dại, làm cho nhạt, làm mất mùi’ (Is 19:11-12; Grm 10:14; Hc 23:14; Rm 1:22; 1Cr 1:20). μωρóς (morôs) là dại, ngây dại theo nghĩa đen cũng như theo nghĩa bóng”.

Dại theo nghĩa bóng thì không thể làm gương sáng, không thể là “ánh sáng” thế gian. Thiển nghĩ đây cũng là nối kết được Phụng Vụ Chúa Nhật Thứ Năm Mùa Thường Niên, Năm A xây dựng một cách công phu.

Phụng vụ này không chỉ nhấn mạnh đến muối như Đức Cha Kiệt hay đến ánh sáng như Cha O’Shea. Vị sau, dành phần lớn bài suy niệm cho ánh sáng dưới dạng “rao giảng cho mỗi người phải sống nền văn hóa mới”.

Nền văn hóa mới này không được Cha O’Shea minh nhiên mô tả, tuy ngài có đề cập tới việc “sống đích thực tinh thần của Công Đồng Vatican II... Đổi mới thế giới... không theo chiều hướng tệ bạc, ngày càng mất đi giá trị đạo đức... Khám phá chính mình... xứng đáng là dân con Đức Chúa, có khả năng tân tạo thế giới... Đem Tin Mừng đến với mọi nơi, như thời tiên khởi”.

Sau đó, Cha nhấn mạnh: thế giới hiện nay là thế giới đa tôn giáo, “nên dân con Đạo Chúa cần tìm nơi Tin Mừng điều gì đó mới mẻ và thích hợp với mọi người”. Để làm mọi người thấy ra rằng Đức Kitô quả “là Đấng cứu chuộc mọi người”. Hệ luận là “mọi người có cơ hội đồng đều. Được kính trọng như người có phẩm cách. Và, là người có những quyền căn bản. Ngang đồng.”

Cha không khai triển ý niệm “mọi người”: liệu ý niệm này có bao gồm cả người đồng tính, người ly dị tái hôn... hay không. Nhưng Cha nhấn mạnh rằng xác tín trên bắt nguồn từ Đạo Chúa: mọi người “được tạo dựng theo hình ảnh Thiên Chúa”. Và điều đáng lưu ý nữa là: “Tín hữu Đức Kitô vẫn nhận được những thông điệp như thế ngang qua văn hóa hiện thời”.

Cha cho rằng “mọi người vẫn hành xử như các Kitô Hữu”, cả người không tin Đạo Chúa, cả người vô thần. Ai cũng có “lòng cảm thông/thương xót người nghèo túng. Sự tôn trọng bản vị con người. Niềm ước ao được kết đoàn. Lòng quyết tâm đòi công minh chính trực. Ước vọng được thấy tình thương yêu mọi người trở thành hiện thực”.

Cha kết luận “Khi ta duy trì các giá trị của nền văn hóa theo cách ấy, ta càng trở nên muối cho đời. Càng trở thành ánh sáng đặt trên bục cao”.

Chú giải và bình luận của Cha O’Shea dĩ nhiên là chính xác. Nhưng dường như bất cập nếu dựa vào tầm nhìn có tính tổng hợp và thăng hoa của Phụng Vụ Chúa Nhật Thứ Năm Mùa Thường Niên Năm A, một tầm nhìn mà Cha Talina Hoàng Đắc Ánh đã vắn tắt nhắc đến theo quan điểm dẫn giải Kinh Thánh.



Trước nhất là các dòng dẫn giải của St Paul Sunday Missal dùng cho Úc Châu (năm 2014), nhấn mạnh đến việc “tất cả chúng ta đều có những hồng phúc đặc biệt, nhưng đôi khi chúng ta không nhận ra điều này. Chúng ta thường cảm thấy mình có rất ít để hiến tặng người khác. Điều ấy không bao giờ đúng cả. Như Chúa Giêsu từng nói: ‘Các con là muối đất! Các con là ánh sáng thế gian! Chúng ta hãy xin Chúa Giêsu giúp chúng ta nhận ra các hồng phúc độc đáo của chúng ta và san sẻ chúng cho người khác”.

Thế là tôi phải thay đổi cách nhìn trước đã: muối đấtánh sáng không hẳn là một gánh nặng tôi phải lo lắng gánh vác, chu tòan nhưng là những hồng phúc chắc chắn tôi sẽ san sẻ. Chẳng ai có tài cán, hồng phúc, thiên phú mà lại âm thầm cất giấu. Âm sắc ở đây hình như tích cực, hân hoan hơn nhiều.

Dĩ nhiên, theo Tiên tri Isaia, cái hồng phúc kia, cái thiên phú kia, chỉ có tính tiềm tàng, một tiềm năng hay một hữu thể có đó dưới dạng phôi thai, chưa thành hình thực sự, nói theo triết lý, nó là một hữu thể đang hoàn thành (l'être en devenir). Điều gì làm nó hoàn thành? Tiên tri nói ngay: “Hãy chia cơm cho người đói, rước vào nhà những người nghèo không nơi trú ngụ; thấy ai mình trần thì cho áo che thân, không ngoảnh mặt làm ngơ trước người anh em cốt nhục, Bấy giờ ánh sáng ngươi sẽ bừng lên như rạng đông, vết thương ngươi sẽ mau lành. Đức công chính ngươi sẽ mở đường phía trước, vinh quang ĐỨC CHÚA bao bọc phía sau ngươi. Bấy giờ, ngươi kêu lên, ĐỨC CHÚA sẽ nhậm lời, ngươi cầu cứu, Người liền đáp lại : ‘Có Ta đây!’ Nếu ngươi loại khỏi nơi ngươi ở gông cùm, cử chỉ đe doạ và lời nói hại người, nếu ngươi nhường miếng ăn cho kẻ đói, làm thoả lòng người bị hạ nhục, thì ánh sáng ngươi sẽ chiếu toả trong bóng tối, và tối tăm của ngươi chẳng khác nào chính ngọ”.

Không những ánh sáng sẽ thành hình hoàn toàn mà nó “sẽ chiếu tỏa trong bóng tối”. Muối, tức các chia sẻ của ta với người khác, nhất là những người dễ bị thương tổn hơn cả, làm ánh sáng xuất hiện. Đó là tổng hợp của Isaia.
Thánh Vịnh đáp ca cũng lặp lại cùng một tổng hợp ấy (Tv 111, 4-5. 6-7. 8a và 9)

Ðáp: Một ánh sáng xuất hiện trong u tối cho kẻ lòng ngay.

Xướng: Họ là ánh sáng trong u tối cho kẻ lòng ngay: họ là người nhân hậu, từ bi và công chính. Người tốt lành biết xót thương và cho vay, biết quản lý tài sản mình theo đức công bình.

Ðáp: Một ánh sáng xuất hiện trong u tối cho kẻ lòng ngay.

Xướng: Người công chính sẽ không nao núng: họ sẽ được ghi nhớ muôn đời. Họ không kinh hãi vì tin xấu; họ vững lòng cậy trông vào Chúa.

Ðáp: Một ánh sáng xuất hiện trong u tối cho kẻ lòng ngay.

Xướng: Với lòng kiên nghị, họ sẽ không kinh hãi, người ban phát và bố thí cho những kẻ nghèo, đức công chính của họ muôn đời còn mãi, đầu họ được ngẩng lên trong vinh quang.

Ðáp: Một ánh sáng xuất hiện trong u tối cho kẻ lòng ngay.

Ở đây, ta thấy ánh sáng hoàn thành, ngoài các san sẻ với người khác, còn là với “lòng cậy trông vào Chúa”. Điều này được lặp lại bởi lời tung hô trước khi đọc bài Tin Mừng: "Ta là ánh sáng thế gian; ai theo Ta sẽ được ánh sáng ban sự sống". Và chính Chúa Giêsu xác nhận tổng hợp của Isaia khi Người nói ở cuối bài Tin Mừng: “Sự sáng của các con cũng phải chiếu giãi ra trước mặt thiên hạ, để họ xem thấy những việc lành của các con mà ngợi khen Cha các con trên trời”.

Không phải là vô tình khi Chúa Giêsu cùng một lúc, cùng một mạch văn, nhắc đến hai hồng phúc Chúa ban cho chúng ta để chúng ta chia sẻ với anh chị em mình: muốiánh sáng vì chúng vốn là đièu kiện của nhau. Bài đọc thứ hai trích từ Thư thứ nhất Thánh Phaolô gửi Tín hữu Côrintô (2:1-5) không minh nhiên nhắc chi tới muối hay ánh sáng. Nhưng trong đồng văn ánh sáng, ngài có nhắc đến điều Bản Tiếng Anh dịch là philosophy (triết lý) trong khi Bản Tiếng Việt dịch là khôn ngoan theo bản Hy Lạp (σοφίας, sofia) và Bản Phổ Thông (sapientia). Ngài bảo “trong các phát biểu và bài giảng của tôi... không hề có bất cứ luận điểm nào thuộc triết lý; chỉ là một chứng minh quyền năng của Chúa Thánh Thần. Và tôi làm thế để đức tin của anh em không tùy thuộc triết lý loài người mà tùy thuộc quyền năng Thiên Chúa”.

Phải chăng Thánh Phaolô muốn nhắn nhủ: muối và ánh sáng kia có điều gì đó vượt quá “triết lý” hay sự “khôn ngoan” của con người. Phải đem muối ấy và ánh sáng ấy cho thế gian với đủ nồng độ “quyền năng Thiên Chúa” chứ không dừng lại ở bình diện “mọi người” dù nay Kitô giáo không còn được coi là chuyện đương nhiên nữa.