1. Hội Đồng Giám Mục Đức đã bầu tân chủ tịch mới là Đức Cha Georg Bätzing

Đức Cha Franz-Josef Bode của Osnabrück, phó chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Đức là người hăng hái nhất trong cái gọi là tiến trình công nghị tại quốc gia này. Ngài đã không được bầu làm chủ tịch thay thế cho Đức Hồng Y Reinhard Marx. Điều này cùng với sự từ chức của Đức Hồng Y Marx và cha Tổng Thư Ký Hans Langendörfer, là những dấu chỉ rõ rệt cho thấy tiến trình công nghị tại Đức đang tàn lụi.

Tháng 5 năm ngoái, một phong trào phụ nữ Công Giáo tại Đức chịu ảnh hưởng bởi các ý thức hệ cực đoan đã khởi xướng một cuộc biểu tình kéo dài trong một tuần từ ngày 11 đến 18 tháng Năm. Họ từ chối không bước vào nhà thờ và không tham dự các Thánh lễ trong suốt thời gian biểu tình phản đối. Tự gọi mình là nhóm “Maria 2.0”, nhóm này đã gửi một bức thư ngỏ tới Đức Thánh Cha Phanxicô, kêu gọi phong chức cho phụ nữ, bãi bỏ luật độc thân linh mục và công nhận các kết hiệp đồng tính.

Trang Web chính thức của Giáo Hội Công Giáo ở Đức đăng tải các tin tức sâu rộng về hoạt động và những lời kêu gọi biểu tình của họ, và tường thuật rằng chính Đức Cha Franz-Josef Bode là người hỗ trợ cho chiến dịch.

Thông tấn xã Catholic News, gọi tắt là CNA, có bài tường thuật sau về kết quả bầu cử Hội Đồng Giám Mục Đức.

Phiên khoáng đại của Hội Đồng Giám Mục Đức đã bầu Đức Cha Georg Bätzing, Giám mục Limburg làm chủ tịch mới. Đức Cha Bätzing sẽ thay thế chủ tịch sắp mãn nhiệm, là Hồng Y Reinhard Marx của Münich và Freising, và sẽ lãnh đạo Hội Đồng Giám Mục trong nhiệm kỳ sáu năm.

Kết quả bầu cử đã được xác nhận hôm thứ Ba 3 tháng Ba, sau 3 vòng bỏ phiếu của các giám mục Đức tại hội nghị mùa xuân của các ngài, hiện vẫn còn đang được tiến hành tại Mainz. CNA Duetsch đã báo cáo hôm 3 tháng Ba rằng, trong 2 vòng bỏ phiếu đầu không có ứng cử viên nào nhận được đa số 2 phần 3 cần thiết. Đức Cha Bätzing đã được bầu vào vòng thứ ba với đa số đơn giản, nghĩa là ai nhiều phiếu hơn là thắng cử, không cần đạt túc số 2 phần 3.

Trong lần xuất hiện trước báo chí đầu tiên của mình với tư cách là tân chủ tịch, Đức Cha Bätzing đã tái khẳng định sự hỗ trợ của Hội Đồng Giám Mục đối với tiến trình công nghị đang diễn ra và được thực hiện với sự hợp tác của Ủy ban Công Giáo Đức (ZdK).

“Tại trung tâm của những cân nhắc của chúng tôi là ‘tiến trình công nghị’. Tôi hoàn toàn ủng hộ điều đó”, Đức Cha Bätzing nói hôm thứ ba.

Cái gọi là tiến trình công nghị có hiệu quả ràng buộc chính thức được khai mạc vào tuần thứ nhất Mùa Vọng 1 tháng 12, 2019, nhưng cuộc họp đầu tiên của tiến trình công nghị này đã được triệu tập vào tháng Giêng năm nay. Các nhóm làm việc của Hội đồng sẽ đưa ra những thay đổi được đề xuất cho các khía cạnh khác nhau trong giáo huấn và kỷ luật của Giáo hội, bao gồm cả việc phong chức cho phụ nữ, độc thân giáo sĩ và giáo huấn về tình dục của con người.

Đức Cha Bätzing, 58 tuổi, đã được Đức Hồng Y Rainer Maria Woelki tấn phong Giám Mục vào ngày 13 tháng 9 năm 2016.

Khi được hỏi liệu có phải một số mục tiêu đã nêu trong tiến trình công nghị, đặc biệt là việc phong chức linh mục phụ nữ, đã bị Đức Thánh Cha Phanxicô thẳng thừng loại trừ trong tông huấn hậu Thượng Hội Đồng Amazon gần đây hay không, Đức Cha Bätzing nói theo quan điểm của ngài, Đức Thánh Cha đã không đưa ra một quan điểm nào về một số vấn đề được nêu ra trong tài liệu cuối cùng của Thượng Hội Đồng Amazon, và không loại trừ bất kỳ kết luận cuối cùng nào của tiến trình công nghị tại Đức.

Năm ngoái, Đức Thánh Cha Phanxicô đã viết một bức thư cho toàn thể Giáo hội tại Đức, được công bố hồi tháng Sáu. Đức Thánh Cha đã cảnh báo người Công Giáo Đức cần chống lại một công nghị “chỉ tập trung vào việc xem xét các cấu trúc chứ không được linh hoạt bởi sứ mệnh thiết yếu của Giáo Hội là truyền bá đức tin.”

Ngài cảnh báo rằng tiến trình công nghị của Đức phải tránh cám dỗ chạy theo “chủ nghĩa tân Pelagiô” [dựa vào sức riêng của mình] khi “tìm cách điều chỉnh cuộc sống của Giáo Hội theo luận lý hiện tại.” Hệ quả là chúng ta có thể có “một cấu trúc giáo hội gọn gàng và thậm chí là được ‘hiện đại hóa’, nhưng không có linh hồn và hấp lực truyền giáo.”

Đức Giáo Hoàng đặc biệt cảnh báo Giáo Hội Đức đừng nên theo đuổi bất kỳ đường lối nào nhắm thích nghi với não trạng đương thời và thúc giục người Công Giáo Đức phải bảo vệ Giáo Hội cả về cơ cấu lẫn đức tin.

“Giáo Hội hoàn vũ sống trong và với các Giáo Hội địa phương, cũng thế các Giáo Hội địa phương sống và phát triển trong và với Giáo Hội hoàn vũ, và nếu chúng ta tách ra khỏi toàn thể Giáo Hội, chúng ta sẽ suy yếu, khô héo và tàn lụi. Do đó, cần phải luôn luôn sống và hiệp thông hiệu quả với toàn thể Giáo Hội,” Đức Thánh Cha viết.

Các quan chức Vatican sau đó đã thông báo cho Hội Đồng Giám Mục Đức rằng các kế hoạch của tiến trình công nghị là không có giá trị về mặt Giáo Hội, và đã kêu gọi các ngài sửa đổi đáng kể tài liệu làm việc.

Với tư cách là chủ tịch Hội Đồng Giám Mục, Đức Cha Bätzing sẽ đồng chủ trì tiến trình công nghị, cùng với lãnh đạo ZdK.

Tháng trước, Đức Cha Bätzing đã được bầu làm đồng chủ tịch nhóm làm việc trong tiến trình công nghị về “Cuộc sống trong các mối quan hệ thành công - Tình yêu sống trong tình dục và quan hệ đối tác”, cùng với Birgit Mock, phát ngôn viên của ZdK về chính sách gia đình.

ZdK đã kêu gọi sửa đổi toàn bộ giáo huấn của Giáo hội về đồng tính luyến ái và đòi hỏi các quan hệ đồng tính phải được chúc phúc trong nhà thờ như trường hợp hôn nhân giữa một người nam và một người nữ.

Tháng 9 năm 2019, Đức Cha Bätzing đồng chủ trì một nhóm làm việc đại kết gồm các nhà thần học Công Giáo và Tin lành, đã tạo ra một tài liệu, có tựa đề là “Cùng nhau tại Bàn tiệc Chúa”. Ngài đã kết luận rằng “sự tham gia cùng nhau trong việc cử hành Tiệc ly/Thánh Thể Chúa về mặt thần học là hợp lý.”

Tại thời điểm công bố tài liệu, Đức Cha Bätzing cho biết rằng ngài đã tham gia nhóm quá muộn màng trong quá trình này và ban đầu tự hỏi mình rằng liệu ngài có thể đồng ý với điều này hay không.

“Nhưng tôi phải nói rằng, sự biện phân thần học trong bài viết cơ bản này rất rõ ràng với tôi đến mức tôi không muốn và không thể trốn tránh”.

Trong Giáo Hội Công Giáo, chỉ những người Công Giáo được rửa tội và đang trong tình trạng có ân nghĩa với Chúa mới được phép rước lễ. Giáo luật nêu ra những trường hợp rất hãn hữu trong đó những người không theo đạo Công Giáo có thể được cho rước lễ. Trong khi các giám mục ở một số quốc gia Bắc Âu đã nhiều lần kêu gọi cho những người ngoài Công Giáo được rước lễ, Tòa Thánh đã liên tục bác bỏ.

Tại thời điểm của bản tin này, Đức Cha Bätzing thừa nhận rằng sự xác tín của ngài về vấn đề này không có nghĩa là ngài được tự do thay đổi kỷ luật bí tích.

“Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là tôi trong tư cách một giám mục có thể thay đổi, nhưng cuộc thảo luận thần học bây giờ phải được nâng lên đến mức một giáo huấn được đón nhận, tức là phải có sự chấp nhận của Huấn Quyền Giáo Hội Công Giáo. Và quá trình này vẫn còn trong vòng chờ đợi”, ngài nói.

2. Linh mục bộ trưởng cộng sản từng bị Đức Gioan Phaolô II điểm mặt và treo chén đã qua đời

Cha Ernesto Cardenal, một nhà thơ Nicaragua và nhà hoạt động thần học giải phóng Mácxít đã qua đời vào hôm Chúa Nhật ở tuổi 95.

Cha Cardenal qua đời ngày 1 tháng 3 sau một thời gian nằm bệnh viện ngắn ngủi.

Thánh lễ an táng cho ngài đã được cử hành tại Nhà thờ Đức Mẹ Vô nhiễm Nguyên tội ngày 3 tháng Ba.

Năm ngoái, Đức Thánh Cha Phanxicô đã phục hồi tác vụ tư tế cho ngài, một nhà thơ linh mục mê say cộng sản đã từng bị Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II treo chén khoảng 35 năm trước đó vì không chịu rời bỏ chức vụ trong chính phủ cộng sản Sandinista tại Nicaragua.

Quyết định khoan hồng cho Ernesto Cardenal của Đức Thánh Cha Phanxicô, có lẽ xuất phát từ lòng thương xót, dựa trên các báo cáo là ông đang hấp hối. Quyết định này đã được chào đón một cách lạnh nhạt tại Nicaragua, nơi Giáo Hội trong những ngày này vẫn tiếp tục đụng độ với Daniel Ortega.

Thật thế, Daniel Ortega, là một lãnh tụ cộng sản trong phong trào Mác Sandinista đã lật đổ chế độ độc tài của tướng Anastasio Somoza Debayle, và đã cai trị Nicaragua từ năm 1979 cho đến năm 1990 khi trào lưu cộng sản bị lật nhào trên quy mô toàn thế giới.

Trong những năm sau đó, Daniel Ortega đã diễn nhiều vở kịch hay: tuyên bố sám hối vì tội lỗi với Giáo Hội Công Giáo, đi nhà thờ, tham dự các nghi lễ tưởng niệm. Nhờ khả năng diễn xuất quá thành công, nhờ những khó khăn trong buổi đầu chuyển từ thời cộng sản sang kinh tế thị trường tự do, Ortega lại dần dần lấy lại được uy tín và giành được thắng lợi trong các cuộc bầu cử tổng thống năm 2006 và 2011.

Ngồi vững trở lại trên quyền lực, Daniel Ortega lại bắt đầu những chiến dịch đàn áp Giáo Hội một cách tinh vi và nham hiểm hơn.

3. Thân thế linh mục Cardenal

Linh mục Cardenal đã bị vị Giáo Hoàng Ba Lan cấm cử hành Thánh lễ và ban các phép bí tích vào năm 1984.

Cha Cardenal sinh năm 1925, trong một gia đình thượng lưu tại Granada, Nicaragua. Ngài đã từng du học tại Managua, Mễ Tây Cơ và Hoa Kỳ. Năm 1950, sau khi theo học 2 năm tại New York, ngài về nước bí mật tham gia vào phong trào cộng sản và tham dự vào cuộc đảo chính tháng Tư, 1954 nhằm lật đổ tổng thống Anastasio Somoza García. Cuộc đảo chính thất bại, nhiều người thân bị giết, ngài bị truy nã nên trở lại Hoa Kỳ. Tại đây, ngài gia nhập Tu viện Giệtsimani của dòng Trap tại Kentucky. Năm 1959, ngài bỏ Tu viện này sang Mễ Tây Cơ theo học Thần học tại Cuernavaca.

Sau khi tổng thống Anastasio Somoza García bị ám sát, ngài trở về quê nhà và được thụ phong linh mục vào năm 1965 tại quê nhà Granada. Cha Cardenal được cử chăm sóc mục vụ cho người dân tại quần đảo Solentiname, nơi đa số là dân nghèo. Cuốn “El Evangelio en Solentiname” – (Tin Mừng của người Solentiname) được viết vào thời kỳ này. Cuốn sách phản ảnh những kỳ vọng hoang tưởng của ngài vào khả năng của chủ nghĩa cộng sản trong việc chấm dứt tình cảnh lầm than của dân nghèo. Đối với các Giám Mục Nicaragua, cuốn “Tin Mừng” này là một điều đáng âu lo: Nó bóp méo những giá trị chân thật của Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô dưới ‘bóng tối”, chứ không phải là ánh sáng, của học thuyết cộng sản.

Ngày 17 tháng Bẩy 1979, cộng sản chiếm được thủ đô Managua. Hai ngày sau đó, chính phủ cộng sản ra mắt dân chúng. Hàng giáo phẩm Nicaragua và người Công Giáo tại quốc gia này ngỡ ngàng thấy cha Ernesto Cardenal được giới thiệu là Bộ trưởng Văn Hoá. Em trai, nhỏ hơn ngài 9 tuổi, là linh mục dòng Tên Fernando Cardenal được giới thiệu là Bộ trưởng Giáo dục.

Cũng như ở tất cả các nước cộng sản khác, sau khi nắm được chính quyền. Bọn cộng sản Mác Sandinista thực thi một chính sách đàn áp dã man Giáo Hội tại quốc gia này.

Khi Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đến thăm Nicaragua vào tháng Ba năm 1983, trong một cử chỉ đầy kịch tính cha Ernesto Cardenal, Bộ trưởng Văn Hoá cộng sản, quỳ trước mặt Đức Gioan Phaolô II để chào đón ngài.

Theo tiến sĩ George Weigel, người viết tiểu sử Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, toàn bộ là một vở kịch của cộng sản. Trong tính toán của chúng, Đức Gioan Phaolô II chắc không biết Ernesto Cardenal là ai. Trước một người quỳ gối trước mặt ngài như thế, ngài chắc sẽ ban phép lành cho y hay ít nhất cũng có một vài cử chỉ thân thiện nào đó. Hình ảnh đó sẽ được guồng máy tuyên truyền của cộng sản diễn dịch như thể Đức Giáo Hoàng chúc phúc cho Ernesto Cardenal và công việc của ông.

Đó là một tính toán sai lầm. Vị Giáo Hoàng Ba Lan không để mình bị lọt bẫy. Ngài chỉ thẳng vào mặt Ernesto Cardenal nói dõng dạc bằng tiếng Tây Ban Nha “Usted tiene que arreglar sus asuntos con la Iglesia” – “Ông phải làm hòa với Giáo Hội”.

Linh mục dòng Tên Fernando Cardenal đứng ngay gần bên, định quỳ xuống đóng kịch như anh, thấy không xong, lảng đi chỗ khác, bỏ lại người anh đang bơ mặt ra ngượng ngùng tê tái.

Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II còn yêu cầu Hội Đồng Giám Mục Nicaragua buộc hai anh em nhà Cardenal phải từ bỏ các chức vụ trong chế độ cộng sản. Cả hai đều bất tuân lệnh của các Giám Mục. Do đó, dòng Tên ra quyết định trục xuất Fernando Cardenal.

Ngày 4 tháng Hai, 1984, đích thân vị Giáo Hoàng Ba Lan ra lệnh treo chén cả hai anh em nhà Cardenal theo giáo luật 285 triệt 3: “Các giáo sĩ bị cấm đảm nhận các chức vụ công quyền đòi hỏi phải tham gia vào việc thực thi quyền lực dân sự”

Ernesto Cardenal vẫn tiếp tục là Bộ trưởng Bộ Văn hóa cho đến năm 1987, khi Bộ của ông bị đóng cửa vì lý do kiệt quệ kinh tế. Em trai ngài, linh mục Fernando Cardenal, đã qua đời ngày 20 tháng Hai, 2016.

4. Đức Thánh Cha Phanxicô mời gọi toàn Giáo hội cử hành Tuần lễ kỷ niệm ngày Tông huấn “Laudato Si” được công bố

Qua một thông điệp bằng video, Đức Thánh Cha Phanxicô kêu toàn thể Giáo hội trên khắp thế giới tổ chức học hỏi suy tư và đem Tông huấn Laudato Si ra thực hành trong tuần lễ kỷ niệm ngày công bố Tông huấn từ 16 đến 24 tháng 5 năm 2020 nhân dịp kỷ niệm 5 năm Tông huấn được công bố.

Đức Thánh Cha Phanxicô nhấn mạnh đến tư tưởng “Một thế giới nào chúng ta muốn để lại cho hậu thế sau chúng ta, cho những người trẻ đang lớn lên?” Đó là nội dung của thông điệp Đức Thánh Cha nhắn gửi qua video.

Đức Thánh Cha thúc đẩy tất cả phải tập trung vào việc chăm sóc ngôi nhà chung của chúng ta.

Đức Thánh Cha cũng tái khẩn thiết lời mời gọi của mình nhằm cứu vãn cuộc khủng hoảng sinh thái: Tiếng kêu cầu của trái đất và tiếng khóc than của người nghèo phải được chấm dứt!

Chăm sóc và cộng tác vào sự sáng tạo là một món quà Thiên Chúa Tạo dựng ban cho chúng ta. Chúng ta hãy cùng nhau kỷ niệm ngày Tông huấn “Laudato Si’’ được ban hành…

Tuần lễ kỷ niệm công bố Tông huấn “Laudato Si” được tài trợ bởi Tổ chứa Dic Abbey nhằm thúc đẩy sự phát triển con người toàn diện và thúc đẩy các cộng đồng Kitô hữu thực hiện các kế hoạch to lớn và táo bạo hơn được đề ra; cũng như những bàn thảo khác hầu đem ra thực hiện trong suốt tuần kỷ niệm tới.

Đức Thánh Cha Phanxicô nhấn mạnh tất cả những ai quan tâm muốn tham gia và tiến bước thực hiện các kế hoạch theo Tông huấn “Laudato Si” có thể tìm thấy các tài liệu có sẵn trên trang web Tuần lễ Laudato Si.

Là một phần tử của cộng đoàn Tuần lễ kỷ niệm này, các bạn được mời gọi trở thành những công cụ hữu ích cho các kế hoạch và là Phương tiện để đưa các kế hoạch đó vào hành động cùng với các thành viên khác.

Lễ kỷ niệm lần thứ năm của Laudato Si, trùng hợp với các sự kiện quan trọng trong cuộc tìm kiếm các giải pháp cho cơn khủng hoảng môi trường chúng ta đang sinh sống.

Năm nay là năm chót để các nước công bố kế hoạch nhằm đáp ứng các mục tiêu về những thỏa thuận khí thải được nêu lên trong Công ước Paris.

Năm 2020 cũng là năm của Hội nghị Liên Hiệp Quốc về tính đa dạng của ngành sinh học, trong đó con người chúng ta có cơ hội đặt ra các mục tiêu bảo vệ trái đất chúng ta đang sinh sống và duy trì sự sống con người và các loài vật khác.

5. Vatican kêu gọi các công ty hãy đoàn kết lại mà chăm sóc cho những bệnh nhân mắc phải những cơn bệnh lạ!

Cuối tháng 2 được coi là Ngày của những bệnh nhân mắc phải những cơn bệnh lạ! Ước tính hàng năm có hơn 300 triệu người khắp nơi trên thế giới mắc phải một trong hơn 6.000 cơn bệnh hiếm lạ chưa được y khoa xác định.

Tòa Thánh Vatican kêu gọi cộng đồng quốc tế hãy thực hiện lòng bác ái yêu thương và đoàn kết lại để chăm sóc sức khỏe hầu cung cấp, hỗ trợ và chăm sóc cụ thể cho các bệnh nhân mắc phải những cơn bệnh hiếm lạ! Giúp họ cảm thấy họ luôn là một thành phần của xã hội chứ không bị loại trừ!

Đức Hồng Y Peter Turkson, Tổng trưởng Thánh bộ lo về các bệnh nhân tại Tòa thánh Vatican kêu gọi một sự phát triển con người toàn diện, đã gửi ra một thông điệp vào thứ bảy vừa qua nhân Ngày bệnh nhân được ghi nhớ vào ngày cuối cùng của tháng Hai.

Tổ chức châu Âu về các bệnh hiếm lạ (EURORDIS), một tổ chức phi chính phủ, được thiết lập từ năm 2008 để nâng cao nhận thức về các bệnh chưa được y khoa biết đến hoặc đã bị xếp vào quá khứ!

Theo tổ chức phi chính phủ, có hơn 300 triệu người trên thế giới mắc vào một trong hơn 6.000 bệnh hiếm lạ hàng năm.

Đức Thánh Cha Phanxicô kêu gọi hỗ trợ để cứu giúp những người mắc bệnh hiếm lạ. Trong một bài đăng trên Twitter @Pontifex của mình vào thứ Bảy, Đức Thánh Cha viết: Nhân ngày quốc tế bệnh nhân, chúng ta hãy cùng nhau chăm sóc cho các bệnh nhân nhiễm các thứ bệnh hiếm lạ, hãy tiếp tục nghiên cứu, chăm sóc y tế và trợ giúp xã hội để các bệnh nhân này cũng được thừa hưởng những phương tiện chữa trị bình đằng trong cuộc sống đầy đủ.

Trong thông điệp của mình, Đức Hồng Y Turkson lưu ý rằng thường những người mắc bệnh hiếm lạ và gia đình họ phải sống trong sự kỳ thị, bị cô lập và cảm thấy bất lực! Họ gặp nhiều khó khăn trong việc điều trị cụ thể và chăm sóc thích hợp. Tình trạng này thậm chí còn nghiêm trọng hơn ở những quốc gia nơi mà hệ thống y tế nghèo nàn và thiếu thốn.

Nhấn mạnh tới quyền căn bản về sức khỏe và quyền được chăm sóc là một thúc bách của công lý, Đức Hồng Y cho rằng sự phân phối không đồng đều các nguồn lực kinh tế, đặc biệt ở các nước có thu nhập thấp, không đảm bảo các phương tiện đầy đủ cho sức khỏe, bảo vệ phẩm giá và sức khỏe cho mọi người, đặc biệt những người nghèo khổ túng thiếu!

Vì lý do này, Đức Hồng Y Turkson cho biết, kiến thức khoa học và nghiên cứu về dược phẩm, tuân thủ theo luật pháp hầu bảo vệ sở hữu trí tuệ và lợi nhuận hợp lý, nhưng cũng phải tìm ra những thỏa thuận phù hợp cho pháp quyền chẩn đoán và tiếp cận các liệu pháp thiết yếu, đặc biệt trong trường hợp bệnh hiếm gặp.

Đức Hồng Y Turkson nói: Nguyên tắc của các công ty con và tập đoàn phải truyền cảm hứng cho cộng đồng quốc tế cũng như các chính sách y tế để đảm bảo rằng các hệ thống y tế được hiệu quả, tiếp cận công bằng trong chuẩn đoán, điều trị và hỗ trợ và chăm sóc cụ thể cho bệnh nhân và gia đình của họ được đảm bảo, đặc biệt là những người thiểu số dễ bị tổn thương nhất.

Trong Giáo Hội Công Giáo, nguyên lý của công việc giáo dục xã hội là quan tâm tới các vấn đề của con người và mọi quyết định nhằm mang lợi ích cho những người bị ảnh hưởng, chứ không phải theo những chỉ thị thuần túy của trung ương.

Đức Hồng Y Turkson lưu ý rằng những hệ lụy của các cơn bệnh hiếm lạ gây ra cho cuộc sống hàng ngày của các gia đình là sự gián đoạn làm ảnh hưởng tới tâm lý, tình cảm, thể chất và kinh tế, Đức Hồng Y Turkson mời gọi các tổ chức hãy chăm sóc sức khỏe và cả các phương diện xã hội như cuộc sống gia đình và các liên quan khác tác nhân khác trong xã hội của những người mắc bệnh. Ngài đặc biệt kêu gọi hãy lưu tâm tới nỗi cô đơn cô độc của người bệnh! Nói tóm lại là hãy có những hành vi phục vụ trong yêu thương”.

Ngài chia sẻ thật là lý tưởng, nếu bên cạnh các thành viên gia đình, có các nhân viên y tế, xã hội và mục vụ, cùng làm việc trong tinh thần huynh đệ, để chăm sóc cho những người mắc bệnh hiếm lạ, hãy kết hợp sự chăm sóc y tế với các hoạt động xã hội hầu đảm bảo cho các bệnh nhân cảm thấy họ là một thành phần của xã hội.

6. Hội nghị Trí Khôn Nhân Tạo tại Vatican

Các hãng thông tấn Công Giáo vừa loan tin về hội nghị do Giáo Hoàng Hàn Lâm Viện về Sự Sống tổ chức tại Vatican trong các ngày từ 26 đến 28 tháng Hai năm 2020, với chủ đề “Thuật toán ‘tốt’? Trí Khôn Nhân Tạo: Đạo đức, Luật lệ, Sức khỏe” (“The 'Good' Algorithm? Artificial Intelligence: Ethics, Law, Health”)

Điều đáng nói là trong hội nghị này, có sự tham gia của các tổ chức quốc tế hàng đầu chuyên về trí khôn nhân tạo như Micorsoft, IBM và một số cơ quan như FAO (Tổ chức Lương Nông của Liên Hiệp Quốc), Chủ tịch Nghị viện Âu Châu và đại diện Chính Phủ Ý Đại Lợi.

Tất cả các nhân vật và tổ chức trên đã cùng Giáo Hoàng Hàn Lâm Viện về Sự Sống ký “Lời Kêu Gọi Cho Một Nền Đạo Đức Về Trí Khôn Nhân Tạo” nhằm hỗ trợ cho một cách tiếp cận đạo đức đối với Trí Khôn Nhân Tạo và cổ vũ cảm thức trách nhiệm giữa các tổ chức, các chính phủ và định chế nhằm tạo ra một tương lai trong đó các cải tân kỹ thuật số và tiến bộ kỹ thuật phục vụ thiên tài và óc sáng tạo nhân bản chứ không dần dần thay thế chúng.

Các nguyên tắc được Lời Kêu Gọi trên tổng hợp đã được phát biểu như sau:

“Các người bảo trợ lời kêu gọi bày tỏ ước mong của họ sẽ làm việc với nhau, trong bối cảnh này và ở bình diện quốc ia và quốc tế, để cổ vũ 'nền đạo đức thuật toán', tức việc sử dụng Trí Khôn Nhân Tạo hợp đạo đức như được định nghĩa bởi các nguyên tắc sau đây: 1) Minh Bạch: trên nguyên tắc, các hệ thống Trí Khôn Nhân Tạo phải giải thích được; 2) Bao Gồm: nhu cầu của mọi hữu thể nhân bản phải được xem xét để mọi người có thể được hưởng ích lợi và mọi cá nhân được cung ứng những điều kiện tốt nhất có thể để phát biểu và phát triển chính mình; 3) Trách Nhiệm: những người thiết kế và triển khai việc sử dụng Trí Khôn Nhân Tạo phải tiến hành một cách có trách nhiệm và minh bạch; 4) Vô Tư: không tạo ra hoặc hành động theo thành kiến, nhờ đó duy trì được sự hợp tình hợp lý và nhân phẩm; 5) Đáng Tin Cậy: các hệ thống Trí Khôn Nhân Tạo phải có khả năng vận hành một cách đáng tin cậy; 6) An toàn và Riêng Tư: các hệ thống Trí Khôn Nhân Tạo phải vận hành một cách an toàn và tôn trọng sự riêng tư của người dùng. Các nguyên tắc này là các yếu tố nền tảng của việc canh tân tốt đẹp”.

7. Sứ điệp của Đức Phanxicô gửi hội nghị

Nhân dịp này, Đức Tổng Giám Mục Paglia, chủ tịch Hàn Lâm Viện, đã đọc Sứ điệp của Đức Phanxicô gửi hội nghị:

Thưa qúy chính quyền, thưa quý bà và qúy ông, anh chị em thân mến,

Tôi xin chân thành chào đón qúy vị nhân Phiên Họp Toàn Thể của Giáo hoàng Hàn lâm viện về Sự Sống. Tôi cảm ơn Đức Tổng Giám Mục Paglia vì những lời tốt đẹp của ngài. Tôi cũng biết ơn sự hiện diện của Chủ tịch Nghị viện Châu Âu, Tổng Giám đốc Cơ Quan Lương nông Quốc tế và các nhà cầm quyền và lãnh đạo khác trong lĩnh vực Kỹ thuật thông tin. Tôi cũng xin chào đón những người tham gia cùng chúng tôi từ Thính phòng Conciliazione. Và tôi rất phấn khích trước sự hiện diện đông đảo của người trẻ: tôi thấy đây là một dấu hiệu đầy hy vọng.

Những vấn đề qúy vị đã đề cập trong những ngày này liên quan đến một trong những thay đổi quan trọng nhất ảnh hưởng đến thế giới ngày nay. Thật vậy, chúng ta có thể nói rằng thiên hà kỹ thuật số, và nhất là trí tuệ nhân tạo, nằm ở trung tâm của sự thay đổi mang tính thời đại mà chúng ta đang trải qua. Đổi mới kỹ thuật số chạm đến mọi khía cạnh của cuộc sống chúng ta, cả bản thân lẫn xã hội. Nó ảnh hưởng đến cách hiểu của chúng ta về thế giới và về chính chúng ta. Nó ngày càng hiện diện trong hoạt động của con người và thậm chí trong các quyết định của con người, và do đó làm thay đổi lối chúng ta suy nghĩ và hành động.

Các quyết định, thậm chí các quyết định quan trọng nhất, thí dụ như trong các lĩnh vực y tế, kinh tế hoặc xã hội, giờ đây là kết quả của ý chí con người và một loạt các nhập lượng thuật toán. Một hành vi bản thân hiện nay là điểm hội tụ giữa một nhập lượng thực sự nhân bản và một phép tính tự động, với kết quả ngày càng trở nên phức tạp trong việc hiểu được đối tượng của nó, thấy trước tác động của nó và xác định được sự đóng góp của từng nhân tố.

Chắc chắn, nhân loại đã trải qua những biến động sâu sắc trong lịch sử của họ: thí dụ, việc du nhập động cơ hơi nước, hoặc điện lực, hoặc việc phát minh ra ngành in từng cách mạng hóa cách chúng ta lưu trữ và truyền tải thông tin. Hiện nay, sự hội tụ giữa các lĩnh vực nhận thức khoa học và kỹ thuật khác nhau đang mở rộng và cho phép việc can thiệp vào các hiện tượng có độ lớn vi phân và tầm cỡ hành tinh, đến mức làm mờ nhạt ranh giới mà cho đến nay vẫn được coi là có thể phân biệt được một cách rõ ràng: thí dụ, giữa vật chất vô cơ và hữu cơ, giữa thực và ảo, giữa các bản sắc ổn định và các biến cố trong mối liên kết qua lại không ngừng.

Ở bình diện bản thân, thời đại kỹ thuật số đang thay đổi tri nhận của chúng ta về không gian, thời gian và cơ thể. Nó đang truyền dẫn một cảm thức về các khả thể vô hạn, ngay cả khi việc tiêu chuẩn hóa ngày càng trở thành tiêu chuẩn chính cho việc tổng hợp (aggregation). Càng ngày càng khó nhận ra và đánh giá cao sự khác biệt. Trên bình diện xã hội kinh tế, các người sử dụng thường bị giản lược thành “những người tiêu thụ”, làm mồi cho lợi ích cá nhân tập trung trong tay một số ít người. Từ các dấu vết kỹ thuật số rải rác trên internet, các thuật toán hiện đang trích xuất các dữ kiện cho phép các thói quen tâm trí và liên hệ được kiểm soát, cho các mục đích thương mại hoặc chính trị, thường chúng ta không biết. Sự bất cân xứng này, qua đó một ít người ưu tuyển biết mọi điều về chúng ta trong khi chúng ta không biết gì về họ, sự bất cân xứng đó làm mờ đục óc suy nghĩ có phê phán và việc thực thi tự do có ý thức. Các bất bình đẳng mở rộng rất lớn; nhận thức và sự giàu có tích lũy trong tay một ít người với nhiều rủi ro nghiêm trọng cho các xã hội dân chủ. Tuy nhiên, những nguy hiểm này không được làm mất đi tiềm năng to lớn mà các kỹ thuật mới mang lại. Chúng ta thấy mình đứng trước một hồng phúc từ Thiên Chúa, một nguồn tài nguyên có thể sinh hoa trái tốt.

Các vấn đề mà Hàn lâm viện của qúy vị đã và đang quan tâm kể từ khi thành lập hiện đang bước vào một con đường mới. Các ngành khoa học sinh học đang ngày càng sử dụng các thiết bị được trí tuệ nhân tạo cung cấp. Sự phát triển này đã dẫn đến những thay đổi sâu xa trong cách chúng ta hiểu và quản lý các sinh vật và các nét khác biệt của sự sống con người, những nét mà chúng ta vốn cam kết bảo vệ và cổ vũ, không chỉ ở chiều kích sinh học cấu thành, mà còn ở khía cạnh sinh học lịch sử không thể giản lược của nó. Mối tương quan qua lại và hòa nhập giữa sự sống “được sống” và sự sống “được cảm nghiệm” không thể bị loại bỏ vì sự tính toán ý thức hệ đơn thuần về hiệu suất chức năng và chi phí lâu dài. Các vấn đề đạo đức xuất phát từ những cách mà các thiết bị mới này có thể điều khiển sự ra đời và vận mệnh của các cá nhân kêu gọi phải có một cam kết đổi mới để bảo tồn phẩm chất nhân bản của lịch sử chung của chúng ta.

Vì lý do này, tôi biết ơn Giáo hoàng Hàn lâm viện về Sự sống vì những nỗ lực của nó trong việc phát triển một suy tư nghiêm túc vốn thúc đẩy đối thoại giữa các ngành khoa học khác nhau cần thiết để giải quyết các hiện tượng phức tạp này.

Tôi hài lòng khi thấy cuộc hội họp năm nay bao gồm các cá nhân vốn đóng nhiều vai trò quan trọng khác nhau trên phạm vi quốc tế trong các lĩnh vực khoa học, kỹ nghệ và đời sống chính trị. Tôi hài lòng với điều này và tôi cảm ơn qúy vị. Là các tín hữu, chúng ta không có những ý nghĩ làm sẵn về cách phải trả lời những câu hỏi không lường trước mà lịch sử đã đặt ra cho chúng ta ngày hôm nay. Đúng hơn, nhiệm vụ của chúng ta là bước đi bên cạnh những người khác, chăm chú lắng nghe và tìm cách liên kết kinh nghiệm và suy tư. Là các tín hữu, chúng ta phải tự cho phép bản thân được thách thức, để lời Thiên Chúa và truyền thống đức tin của chúng ta có thể giúp chúng ta giải thích các hiện tượng của thế giới ngày nay và xác định các con đường nhân hóa, và do đó, việc truyền giảng Tin Mừng đầy yêu thương, để chúng ta có thể cùng hành trình với nhau. Nhờ cách này, chúng ta sẽ có thể đối thoại hữu hiệu với tất cả những người cam kết với việc phát triển con người, đồng thời duy trì nhân vị trong tất cả các chiều kích của nó, kể cả chiều kích tâm linh, ở trung tâm các nhận thức và triết lý hành động xã hội. Chúng ta phải đối diện với một nhiệm vụ có liên quan đến toàn thể gia đình nhân loại.

Trong bối cảnh này, người ta đã chứng minh rằng chỉ đào tạo trong việc sử dụng đúng các kỹ thuật mới sẽ là điều không đầy đủ. Là các công cụ hoặc khí cụ, chúng không có “tính trung lập”, vì, như chúng ta đã thấy, chúng định hình thế giới và làm lương tâm can dự vào bình diện giá trị. Chúng ta cần một cố gắng giáo dục rộng lớn hơn. Những lý do vững chắc cần được phát triển để cổ vũ sự kiên trì trong việc theo đuổi thiện ích chung, ngay cả khi không có lợi thế tức khắc ngay trước mắt. Có một chiều kích chính trị đối với việc sản xuất và sử dụng trí tuệ nhân tạo, một điều phải làm không phải chỉ để mở rộng các lợi ích cá nhân và hoàn toàn có tính chức năng của nó. Nói cách khác, sẽ là điều không đủ khi chỉ đơn thuần tin tưởng vào cảm thức đạo đức của các nhà nghiên cứu và phát triển các thiết bị và thuật toán. Cần phải lập ra các cơ quan xã hội trung gian có khả năng kết hợp và phát biểu các nhạy cảm về đạo đức của người sử dụng và nhà giáo dục.

Có nhiều chuyên ngành liên quan đến quá trình phát triển thiết bị kỹ thuật (người ta nghĩ đến việc nghiên cứu, lập kế hoạch, sản xuất, phân phối, sử dụng cá nhân và tập thể...), và mỗi lĩnh vực đòi hỏi một phạm vi trách nhiệm chuyên biệt. Chúng ta đang bắt đầu hé nhìn thấy một ngành học mới mà chúng ta có thể gọi là “sự phát triển đạo đức của các thuật toán”, hay đơn giản hơn là “Đạo đức thuật toán” (algo-ethics) (xem Diễn văn với Những Người Tham dự Đại hội về phẩm giá trẻ em trong Thế giới Kỹ Thuật Số, 14 tháng 11 năm 2019). Ngành này sẽ có mục đích bảo đảm việc duyệt xét một cách có năng quyền và chia sẻ các diễn trình qua đó chúng ta tích hợp các mối liên hệ giữa con người và kỹ thuật ngày nay. Trong việc chúng ta cùng nhau theo đuổi các mục tiêu này, một đóng góp quan yếu có thể được đưa ra nhờ các nguyên tắc trong giáo huấn xã hội của Giáo Hội: phẩm giá con người, công lý, tính phụ đới và tính liên đới. những nguyên tắc này nói lên cam kết của chúng ta trong việc phục vụ mọi cá nhân trong tính toàn diện của họ và của mọi người, không kỳ thị hoặc loại trừ. Tính phức tạp của thế giới kỹ thuật đòi hỏi nơi chúng ta một khuôn khổ đạo đức ngày càng rõ ràng, để làm cho cam kết này thực sự hữu hiệu.

Sự phát triển đạo đức của các thuật toán – đạo đức thuật toán - có thể là cầu nối cho phép các nguyên tắc trên cụ thể đi vào các kỹ thuật dùng kỹ thuật số qua một cuộc đối thoại hữu hiệu xuyên ngành. Hơn nữa, trong cuộc gặp gỡ giữa các viễn kiến khác nhau về thế giới, các nhân quyền đại diện cho một điểm hội tụ quan trọng trong việc tìm kiếm cơ sở chung. Hiện nay, dường như cần phải có sự suy tư mới về các quyền và nghĩa vụ trong lĩnh vực này. Phạm vi và sự tăng tốc của các biến đổi trong kỷ nguyên kỹ thuật số trên thực tế đã đặt ra những vấn đề và tình huống không lường trước vốn thách thức các triết lý hành động cá nhân và tập thể của chúng ta. Chắc chắn, Lời Kêu Gọi mà tất cả qúy vị vừa ký hôm nay là một bước quan trọng theo hướng này, với ba tọa độ căn bản nhờ đó để hành trình: đạo đức, giáo dục và pháp luật.

Qúy vị thân mến, tôi bày tỏ sự ủng hộ của tôi đối với lòng quảng đại và năng lực mà qúy vị đã cam kết trong việc phát động diễn trình đánh giá lại một cách can đảm và đầy thách thức này. Tôi mời gọi qúy vị tiếp tục một cách táo bạo và biện phân, khi qúy vị tìm cách gia tăng sự tham gia của tất cả những người lưu tâm đến thiện ích của gia đình nhân loại. Tôi cầu xin Thiên Chúa ban phước lành xuống trên tất cả qúy vị, để cuộc hành trình của qúy vị có thể tiếp tục một cách thanh thản và bình an, trong tinh thần hợp tác. Xin Đức Trinh Nữ trợ giúp qúy vị. Tôi đồng hành với qúy vị bằng phước lành của tôi. Và tôi yêu cầu qúy vị nhớ đến tôi trong những lời cầu nguyện của qúy vị.

Cảm ơn qúy vị.