Chút tản mạn về virus corona

Dịch bệnh corona virus hay Covid-19 đã xảy ra, trong những ngày này chúng ta đang sống trong tâm trạng thắc thỏm, lo âu, sợ hãi. Chỉ cần lướt qua các trang mạng, theo dõi các bản tin cập nhật hẳn sẽ thấy điều này. Con virus bé xíu không thể thấy bằng mắt thường thế mà tác hại thật ghê gớm khi lấy đi sinh mạng bao nhiêu con người, rồi tốc độ lây lan nhanh chóng mặt, mạnh như vũ bão, tác hại tàn sát của chúng như không có giới hạn, khắp nơi trên thế giới đâu đâu cũng có báo động về tình trạng lây nhiễm. Ảnh hưởng của nó trên kinh tế, chính trị và văn hóa của mỗi quốc gia và của thế giới chắc chắn không nhỏ và sau này người ta sẽ còn mất nhiều công sức, giấy mực để luận bàn về tác hại và hậu quả của chúng.

Tôi muốn chia sẻ cùng bạn một vài suy tư nho nhỏ của mình trong bài viết này, và mong giúp bạn có một cái nhìn khác nữa liên quan đến dịch bệnh Covid-19 bên cạnh những gì chúng ta đang thấy, nghe, đọc trong những ngày này.

Xin được nhắc lại, con virus nhỏ xíu, chẳng thể nhìn thấy nó, thế nên làm sao tránh? Nó lao vào con người, nó nằm lỳ trong cơ thể vật chủ gọi là ủ bệnh, rồi bỗng dưng nó vùng lên, quật ngã, giết chết vật chủ mà nó sống ký sinh trước đó mấy ngày. Cũng rất rồi âm thầm, chẳng ai biết chính xác là lúc nào, nó lây lan, phát tán sang những người bên cạnh, tiếp tục cuộc sống ký sinh rồi giết tiếp những nạn nhân vô tội ấy. Con số nạn nhân của nó được kể là gia tăng theo cấp số nhân. Nó đích thị là kẻ hủy diệt, là nguyên nhân diệt chủng và gây hoang mang lòng người.

Đại họa, vâng, đại họa thật sự. Trên thế giới hầu như đâu cũng báo động đỏ. Chỉ thị từ các văn phòng tổng thống, thủ tướng, văn phòng chính phủ, từ các phòng ban y tế, từ các sở ngành... phát ra liên tục, khuyến cáo, yêu cầu người dân tuân thủ nghiêm ngặt những quy định liên quan đến đối phó với dịch bệnh corona virus...

Trên báo chí, truyền hình, phát thanh, trên các trang mạng xã hội facebook người ta liên tục đưa ra các số liệu cập nhật mới nhất, các dự báo, các lời khuyên, các câu chuyện buồn liên quan đến con virua tai quái này, tất cả chỉ vẽ nên một bức tranh buồn và u ám thêm bởi sau khi nghe các tin tức cập nhật ấy người dân càng thêm hoang mang và lo lắng. Tại nhiều cửa hàng, siêu thị các thứ hàng hóa, thực phẩm được tiêu thụ một cách nhanh chóng khiến tình hình càng trở nên hỗn đoạn, rối loạn hơn.

Trường học, nhà dưỡng lão, thư viện, nhà hàng, các cửa tiệm buôn bán lớn nhỏ, các chức động hoạt thể thao... nơi có tụ họp đông người đều bị hủy bỏ. Xã hội đang náo loạn tính theo từng giờ, từng phút.

Với tôn giáo cũng thế. Từ các nguồn thông tin khác nhau, chúng ta thấy nhiều giáo phận, nhiều nhà thờ trên thế giới, nơi tụ họp các thành phần dân Chúa để cử hành các buổi phụng tự cũng đã phải đóng cửa. Bắt đầu là tại Hàn Quốc, rồi lan rộng ra các nơi khác nhau trên thế giới. Tại Roma, thủ phủ của Giáo hội cũng vậy. Các sinh hoạt văn phòng của các Bộ trực thuộc Tòa Thánh tuy vẫn hoạt động bình thường nhưng việc tụ họp thờ phượng hay các sinh hoạt đại trào với sự xuất hiện của Đức Thánh Cha đã bị tạm thời đình chỉ. Thật là đáng buồn và đáng lo. Cứ diễn tiến như thế này thì rồi sẽ như thế nào? Liệu bao lâu nữa mới trở thành bình thường được?

Tại Canada, tin tức lan truyền cho biết đã xuất hiện dịch bệnh tại các thành phố lớn như quebec, Toronto, Ottawa... Phu nhân của thủ tướng Canada khi xét nghiệm cũng đã phát hiện lây nhiễm với kết quả dương tính. Rồi các thành phố cận kề với nơi chúng tôi sinh sống: Saskatoon, Regina… tin tức cho biết cũng đã có người lây nhiễm. Chúng tôi cũng đang sống trong tâm trạng hồi hộp lo âu không biết khi nào thì đại họa sẽ ập đến thành phố này?

Tính cho tới thời điểm này Tổng Giáo phận Regina của chúng tôi vẫn chưa có quy định đình chỉ tạm thời việc thờ phượng vào các ngày lễ cuối tuần. Như thế nghĩa là các sinh hoạt tôn giáo, các Thánh lễ vẫn tiếp tục bình thường cho đến khi có quy định mới. Nhưng chiều cuối tuần tôi nhận được email của Đức Tổng Giám Mục yêu cầu phải chuẩn bị tinh thần để có thể sẽ phải đình hoãn các cử hành phụng vụ vào cuối tuần tới. Tất cả sẽ tùy thuộc quy định của Bộ Y tế Canada.

Thật thế trước đây vài ngày Bộ Y tế Canada đã ra thông báo yêu cầu thận trọng và tuân thủ nghiêm ngặt các quy định vệ sinh nhằm tránh con virus quái ác này lây lan. Dựa trên các văn bản của Bộ Y tế Canada Tòa Tổng Giám mục cũng nhắc nhở và yêu cầu theo sát diễn tiến có thể xấu hơn trong những ngày sắp tới.

Sáng Chúa Nhật hôm nay các Thánh lễ vắng hẳn. Con số người tham dự chỉ khoảng chừng 75% so với các cuối tuần bình thường khác. Điều đặc biệt là trong các Thánh lễ cuối tuần ở Nhà thờ của tôi hôm nay cũng đã có người đi lễ đeo khẩu trang. Từ trên gian cung thánh nhìn xuống, tôi thấy lác đác vài người đeo khẩu trang ngồi hòa mình trong đám đông. Cảm tình đầu tiên của tôi dành cho họ là: đây quả là những người có lòng yêu mến, muốn gắn bó với Chúa và Giáo hội cách mãnh liệt. Thật thế, thay vì ở nhà, không đi lễ, họ vẫn cố gắng đi tham dự Thánh lễ với chiếc khẩu trang trên mặt. Nhưng chắc một điều là họ bị giới hạn nhiều lắm, không thoải mái lắm khi dâng lễ với chiếc khẩu trang trên mặt như vậy.

Nhưng tâm hồn, tấm lòng yêu mến Chúa của mỗi người mới thật quan trọng. Họ đến nhà thờ để gặp Chúa, dù có chút tâm lý lo sợ, e ngại nhưng họ sẵn sàng vượt qua, họ đến chỉ để gặp Chúa và gắn bó với Chúa. Họ đến để được Lời Chúa tiếp sức và được nuôi dưỡng bởi Bí tích Thánh Thể. Tuyệt vời quá, với tôi, những người này thật đáng cho điểm 10.

Nhìn những người đi lễ mà đeo khẩu trang, tôi thấy thật lạ. Chúa cho chúng ta cái miệng để có thể cất lời ca khen tán tụng Chúa. Giờ đi lễ mà đeo khẩu trang, còn đâu những đối đáp nhịp nhàng, còn đâu những lời kinh vang vọng trong Thánh Đường?

Chúng ta có cái miệng là để giao tiếp, giờ đây do con virus tinh quái này, chúng làm ta cản trở, vẫn nói bằng cung giọng bình thường nhưng nghe lí nhí, mất hết cả hào hứng trong giao tiếp rồi.

Ta còn bị tâm lý e ngại khi hòa mình trong đám đông, trong các sinh hoạt tập thể. Thành ra với một số người, lâu nay vốn luôn có sự co cụm, chỉ giới hạn trong thế giới của mình thì dường như sự việc đang xảy ra này càng được cổ võ, khuyến khích thêm.

Tôi ngại rằng nếu các sinh hoạt phụng tự tại nhà thờ đều bị ngưng lại, giáo dân được khuyến khích ở nhà, tham dự Thánh lễ qua truyền hình thì e rằng sau này khi tình hình tương đối tạm ổn, các hoạt động sinh hoạt tôn giáo lại trở về bình thường thì chắc là phải mất thêm thời gian khá lâu để có thể ổn định, trở về lại “phong độ” như đã có lâu nay.

Nên chăng chúng ta cứ sống trong tâm trạng lo âu, sợ hãi. Tôi thiết nghĩ là không. Chuyện gì đến sẽ đến. Người Mỹ họ có một câu nói rất hay: “When it come, it comes!”. Dù muốn hay không ta cũng sẽ phải đối diện với nó, chẳng lẽ thụ động, thủ thân trong nhà để tránh con virua yêu quái này mãi được sao? Phải lạc quan và hy vọng. Đó là điều tôi thấy chúng ta cần có trong những ngày này. Chúng ta cần phải hy vọng và lạc quan để tin rằng các nhà khoa học lỗi lạc và tài ba trên thế giới rồi đây sẽ sớm tìm ra vacxin phòng ngừa và tiêu diệt con virus quái ác này.

Giáo hội và thế giới, hay nói gọn hơn nhân loại hôm nay cần một phép lạ. VietCatholic vừa đăng bài “Quá buồn trước tình hình dịch bệnh, Đức Thánh Cha rời Vatican, thẫn thờ bước trên đường Corso, đến bên Đức Mẹ”. Ngài đã đến bên Đức Mẹ, trước bức ảnh cổ kính Maria Salus Populi Romani để tha thiết cầu nguyện, không cho bản thân mình mà cho toàn thế giới, cho những nạn nhân và gia đình của họ đang đau khổ vì dịch bệnh Corona; rồi ngài lại tiếp tục thẫn thờ bước đi trên đại lộ Via del Corso để đến viếng thăm nhà thờ San Marcello, nơi có cây Thánh giá nổi tiếng với nhiều phép lạ. Ngài đến đây để khẩn cầu một phép lạ xin chấm dứt dịch bệnh nguy hiểm này, xin ơn an ủi và chữa lành cho các bệnh nhân, cho các nhân viên y tế và những người đang làm việc cật lực ngày đêm để mau chóng mang lại sự hoạt động ổn định và điều hòa của xã hội.

Nhìn thấy cảnh Đức Thánh Cha kính yêu của chúng ta, một cụ già 86 tuổi lê bước trên đại lộ để đến Nhà thờ Đức Bà Cả cầu nguyện mà thấy xúc động nao lòng. Chúng ta cần một phép lạ thật sự, trên bình diện vĩ mô, hoàn cầu nhưng cũng chính trong tâm hồn mỗi người chúng ta, đặc biệt là trong mùa Chay Thánh này. Chúng ta phải hiệp ý với ngài, vị Cha chung của chúng ta để hiệp lòng hiệp ý cầu xin cho phép lạ, cho sự may lành và ổn định của thế giới sớm xảy đến.

Thiên Chúa vẫn hiện diện, Thiên Chúa vẫn làm việc. Chính Ngài vẫn tỏ dấu yêu thương, đồng hành cùng chúng ta trong mọi biến cố vui buồn, thăng trầm của lịch sử nhân loại. Điều duy nhất chúng ta cần là có niềm tin, niềm hy vọng và lòng trông cậy. Tôi vững tin rằng ‘sau cơn mưa trời sẽ lại sáng’; ‘qua cơn bĩ cực tới hồi thới lai’. Tôi tin Thiên Chúa có kế hoạch nhiệm mầu và chắc chắn Ngài sẽ ra tay thi ân giáng phúc cứu giúp nhân loại.

Cũng cần phải bình tĩnh và cẩn trọng để bảo vệ không giúp cho cho sự lây lan của con virua tinh quái này. Không chỉ cho chính mình mà cho những người khác xung quanh mình, để tránh dịch bệnh lây lan, để phòng ngừa và cũng để khích lệ nhau cùng chiến đấu vượt qua khủng hoảng này.

Hơn nữa tôi cũng nghĩ đây là thời gian cho chúng ta dành cho gia đình. Do sợ bị lây nhiễm virus, mọi người do tự giới hạn sự giao tiếp bên ngoài. Người ta phải ở nhà nhiều hơn và do thế họ có dịp gần gũi, tiếp xúc với các thành viên khác trong gia đình, dành thời gian cho nhau nhiều hơn. Vun vén các giá trị tinh thần của gia đình như sự sum họp quây quần bên nhau, ăn bữa cơm gia đình, đọc kinh tối cùng nhau.

Đây là cơ hội tốt cho chúng ta dành thời gian cho các giá trị tinh thần. Sao không dành thời gian rảnh rỗi để đọc một cuốn sách hay? Cùng nhau xem một bộ phim hay hay cùng nhau làm một dự án nhỏ trong gia đình như sửa chữa lại căn nhà, dọn dẹp các đồ đạc trong phòng, nhà bếp, lau chùi các vật dụng cần thiết, dọn dẹp rác rưởi, đồ đạc dư thừa? Ý tôi muốn nói là ‘cùng nhau’, xin lưu ý hai chữ cùng nhau ấy. Cần tận dụng thời gian nghỉ ở nhà để cùng nhau giải quyết bao việc còn tồn đọng lâu nay.

Đây cũng là thời gian dành cho các hoạt động tâm linh trong gia đình. Tại sao không? Thử cùng nhau lần hạt mân côi cùng nhau, cùng đọc, cùng nghe một đoạn Thánh Kinh, nghe một bản Thánh Ca...

Các bà nội trợ, tại sao không? đây là cơ hội tốt để trổ tài, thử nấu một món ăn ngon, rồi cùng nhau quây quần bên bàn ăn thưởng thức? Tại sao không nhỉ?

Và cuối cùng, tôi muốn chia sẻ là thật ra còn một thứ dịch bệnh khác, giống ‘na ná’ như Covid-19 tuy đã xuất hiện lâu nay nhưng chúng ta không quan tâm hoặc chưa thấy đủ đó thôi.

Đó là “con” iphone trên tay, trong túi quần, hay “con” Ipad trên bàn, trên giường trong mỗi gia đình của chúng ta. Thật thế, hiện nay chuyện sở hữu một chiếc Iphone, Ipad đối với một cá nhân hay gia đình là chuyện không quá khó. Hầu như ai cũng có điện thoại thông minh. Dù muốn hay không, có thể nói chúng ta đang lạm dụng việc sử dụng chúng. Cứ xem, một ngày bạn dành cho chúng bao nhiêu tiếng đồng hồ thì sẽ rõ.

Rõ ràng là chúng ta đang sống trong một thế giới phân rẽ. Thế giới này dường như ngày càng thiếu bóng sự hiệp nhất và đoàn kết. Cứ nhìn trong gia đình thì sẽ thấy: ngày nay con người dường như quá chú tâm vào chính bản thân mình, đang đánh mất dần sự liên kết, hiệp nhất với những người xung quanh. Con người ngày nay dường như đang đánh mất sự hiện diện của Thiên Chúa trong đời sống. Thiên Chúa dường như đang vắng bóng trong xã hội, trong lòng người. Ôi, như thế thì còn gì nguy hiểm và buồn hơn. Đại dịch trong xã hội, đại dịch trong tâm hồn con người.

Mùa Chay là mùa ngồi lại để suy xét, để nhìn thấy sự trống vắng của Thiên Chúa trong tâm hồn, để dọn dẹp và để khôi phục lại một chỗ cho Thiên Chúa ngự trị trong tâm hồn và trong xã hội. Thiết nghĩ chúng ta ít nhiều phải cám ơn con virus yêu quái Corona vì nhờ chúng mà ta biết mình đang thiếu gì, đang cần gì. Thưa bạn, chúng ta đang cần và rất cần sự hiện diện của Thiên Chúa. Ngài sẽ hiện diện để chữa lành, để an ủi, để băng bó những vết thương trong tâm hồn chúng ta nếu chúng tat u sửa, dọn dẹp lại tâm hồn để có chỗ cho Chúa ngự.

Thôi thì cứ bình tĩnh mà sống. Chúng ta lo lắng, chúng ta bối rối nhưng không thể ngồi yên mà chẳng làm gì. Phải làm việc ngay. Hãy mời Chúa đến để rat ay can thiệp cho xã hội, cho thế giới và cho chính chúng ta.

Lm Louis Kim Nguyen, Yorkton, Saskatchewan CANADA