Đại dịch Covid-19 dạy ta rất nhiều bài học qúy giá, chắc chắn sẽ ảnh hưởng rất lâu trên cuộc sống bản thân, gia đình, cộng đồng, quốc gia và cả Giáo Hội nữa. Nhiều nhà bình luận đã bàn về viễn ảnh ấy. Riêng bản thân tôi học được một bài học không hẳn “thiết thực” lắm, nhưng cũng đủ để thấy mối liên kết thân thiết giữa thực tại lịch sử và mầu nhiệm cái học mênh mông.



Cái học mênh mông ở trước mặt ta quả là một mầu nhiệm. Như tôi chẳng hạn, khi Đức Phanxicô nói rằng thời gian lớn hơn không gian, tôi nghĩ ngài nói chuyện ruồi bu, chẳng ăn nhập gì với thực tại, chỉ là một thứ triết lý nói để mà nói. Từ ngày ngài nói câu ấy cho đến nay, có dễ cũng đã 7 năm trời, thực ra tôi không hiểu ngài muốn nói gì.

Thực thế, lần đầu tiên Đức Phanxicô “chính thức” nói câu nói đó, theo Phó Tế Jim Russell (ALETEIA), là trong thông điệp Lumen Fidei (29/6/2013), sau đó trong Thông Điệp Laudato Si’ và trong cả hai Tông Huấn Evangelii Gaudium Amoris Laetitia.

Trong Lumen Fidei (số 57), Đức Phanxicô viết: “Chúng ta hãy từ khước việc bị tước mất hy vọng hay để cho hy vọng của chúng ta leo lét bởi các giải đáp và giải pháp dễ dãi vốn chặn đứng tiến bộ của chúng ta, ‘phân mảnh’ thời gian và thay đổi nó thành không gian. Thời gian luôn lớn hơn không gian. Không gian làm khô cứng các diễn trình, trong khi thời gian đẩy ta về tương lai và khuyến khích ta tiến bước trong hy vọng”.

Phần đầu dễ hiểu phần sau, từ “phân mảnh thời gian...” trở đi, nghe như một thứ triết lý mây khói, không liên hệ gì tới thực tại. Đúng như Robert P. Imbelli, trong bài The Principled Ambivalence of Pope Francis, nhận định: nhiều người hoài nghi nguồn phát xuất của nó. Chúng có phải là các áp đặt triết lý đúng hơn là các mệnh lệnh Tin Mừng? Họ cũng lưu ý tới tính trừu tượng của nó và cái nghịch lý của việc nó được nói ra từ cửa miệng một Giáo Hoàng luôn tỏ ra không mấy thích các “ý niệm” nguyên tuyền.

Nghiên cứu kỹ hơn, Imbelli cho rằng nguồn gốc nguyên lý kia nằm trong một luận án tiến sĩ không bao giờ được hoàn tất về tư tưởng của Romano Guardini mà linh mục Jorge Mario Bergoglio bắt đầu ở Đức năm 1986.

Đối với Imbelli, hình như Đức Phanxicô “nhẩy sảng”: đang nói thời gian và không gian, nhẩy qua nói thời gian là diễn trình, không gian là quyền lực, không hề đưa ra luận chứng, chỉ khơi khơi khẳng định.

Ta hãy nghe thêm: trong Evangelii Gaudium, Đức Phanxicô cung cấp nhiều chi tiết hơn. Trong số 222, ngài viết: “một căng thẳng không thôi luôn hiện hữu giữa viên mãn và giới hạn. Viên mãn gợi lên ước muốn chiếm hữu hoàn toàn, trong khi giới hạn là một bức tường dựng lên trước mặt chúng ta. Nói một cách đại khái, “thời gian” liên hệ tới viên mãn như nói lên chân trời không ngừng mở ra trước mặt chúng ta, trong khi mỗi khoảnh khắc cá thể liên hệ tới giới hạn như nói lên việc vây khốn (enclosure). Người ta sống lơ lửng (poised) giữa mỗi khoảnh khắc cá thể và chân trời lớn lao hơn, tươi sáng hơn của tương lai không tưởng như nguyên cớ sau cùng lôi kéo chúng ta tới nó. Ở đây, ta thấy nguyên lý đầu tiên cho tiến bộ: thời gian lớn hơn không gian”.

Ngài viết tiếp liền sau đó, ở số 223: “Nguyên lý trên giúp chúng ta làm việc từ từ nhưng chắc chắn, không bị ám ảnh bởi các kết quả tức khắc. Nó giúp chúng ta kiên nhẫn chịu đựng các tình huống khó khăn, hay các thay đổi không thể tránh trong các kế hoạch của chúng ta. Nó mời gọi ta chấp nhận sự căng thẳng giữa viên mãn và giới hạn, và dành ưu tiên cho thời gian. Một trong các lỗi lầm ta thỉnh thoảng quan sát thấy nơi sinh hoạt xã hội chính trị là các không gian và quyền lực được ưa thích hơn thời gian và các diễn trình. Dành ưu tiên cho không gian có nghĩa là điên cuồng mưu toan duy trì mọi sự trong hiện tại, cố gắng chiếm hữu mọi không gian quyền lực và tự khẳng định (self-assertion); nó thủy tinh hóa các diễn trình và mạo muội ghì chặt nó về phía sau. Dành ưu tiên cho thời gian có nghĩa là quan tâm đến việc khởi diễn các diễn trình thay vì chiếm hữu các không gian. Thời gian cai trị các không gian, soi sáng các không gian và làm chúng trở thành các móc xích trong một dây chuyền không ngừng mở rộng, bất khả trở lui. Như thế, điều chúng ta cần là dành ưu tiên cho các hành động nào phát sinh ra các diễn trình mới trong xã hội và mời gọi người khác và các nhóm khác tham gia, những người và những nhóm có thể phát triển chúng tới chỗ sinh hoa kết trái trong các biến cố có ý nghĩa lịch sử. Một cách không lo lắng, nhưng đầy xác tín và kiên trì rõ ràng”.

Trước đây, quả tình tôi không đọc kỹ số 223 của Evangelii Gaudium. Đức Phanxicô biết thế, nên ngài đã một lần nữa nhắc lại nguyên lý ấy trong Laudato Si’, tức Thông điệp của ngài về môi sinh. Có gì liên hệ giữa “thời gian lớn hơn không gian” và môi sinh? Ta hãy đọc lại số 178: “Sự cận thị của nền chính trị quyền lực đã triển hạn việc lồng nghị trình môi sinh đầy viễn thị vào trong nghị trình tổng thể của các chính phủ. Do đó, chúng ta quên rằng ‘thời gian lớn hơn không gian’, chúng ta quên rằng chúng ta luôn hữu hiệu hơn khi sản sinh ra các diễn trình thay vì bám lấy các chức vị quyền lực”.

Chưa hết, hình như biết tôi lơ đễnh, Đức Phanxicô còn nói đến sự tương phản giữa “thời gian” và “không gian” nhiều lần khác nữa. Trong Amoris Laetitia, trong khi kiểu nói “thời gian lớn hơn không gian” nổi bật nhất ở số 3, ta hãy xem ngài nói gì ở đoạn số 261 về việc làm cha mẹ vì số này giúp ta hiểu hơn ngài muốn nói gì ở số 3:

261. Tuy nhiên, ám ảnh không phải là giáo dục. Ta không thể kiểm soát mọi hoàn cảnh mà một đứa con có thể trải qua. Ở đây, điều mãi mãi đúng là ‘thời gian lớn hơn không gian’. Nói cách khác, khởi đầu một diễn trình là điều quan trọng hơn việc khống chế không gian”.

Khẳng định ấy giúp ta hiểu rõ hơn điều ngài nói ở phần dẫn nhập:

3. Vì ‘thời gian lớn hơn không gian’, tôi xin minh xác điều này: không phải mọi cuộc thảo luận về các vấn đề tín lý, luân lý hay mục vụ đều cần được giải quyết thanh thỏa bởi các can thiệp của huấn quyền. Việc thống nhất giữa giáo huấn và thực hành chắc chắn là điều cần thiết trong Giáo Hội, nhưng điều này không loại trừ các cách giải thích đa dạng một số khía cạnh của giáo huấn ấy và từ đó rút ra một số hệ quả. Điều này luôn luôn đúng vì Thần Khí hướng dẫn chúng ta hướng về sự thật toàn vẹn (xem Ga 16:13), cho tới khi Người hướng dẫn ta vào mầu nhiệm Chúa Kitô một cách trọn vẹn và giúp ta thấy mọi sự như Người thấy”.

Covid-19

Đức Phanxicô dọn cỗ sẵn để tôi hiểu ý nghĩa thực sự của nguyên lý “thời gian lớn hơn không gian”. Nhưng tôi đã bỏ qua, cho tới khi vì Covid-19, không gian của tôi buộc phải thu hẹp hẳn lại, dù có muốn, tôi cũng không được ai cho phép tự do lui tới những không gian quen thuộc, đừng nói chi đến việc mở rộng thêm. Tôi chỉ còn một không gian rất nhỏ và một thời gian vẫn còn mênh mông phía trước, ít nhất cũng “mênh mông” hơn không gian hiện nay của tôi nhiều.



Tôi không còn chia sẻ không gian với nhiều người như trước. Ở những nơi tôi đã đi qua: Việt Nam, Tân Gia Ba, Mã Lai Á, Ai Cập, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Pháp, Đức, Thổ Nhĩ Kỳ, Hy Lạp, Ý, Vatican, Bosnia, Croatia, Anh, Hoa Kỳ, Trung Hoa, Nhật Bản, Đại Hàn, Đài Loan...

Ở Úc này, tôi đã được chia sẻ không gian với các cư dân Victoria, Canberra, Tasmania, Queensland. Riêng ở New South Wales, nhờ mỗi kỳ nghỉ hàng năm đi cùng đại gia đình, tôi chia sẻ không gian với rất nhiều cư dân thuộc South Coast và North Coast.

Bây giờ thì không gian của tôi phần lớn bị giới hạn ở mảnh đất hơn 6 trăm mét vuông. Dù sau này, Covid-19 có qua đi, thì viễn tượng không gian thu hẹp dần vẫn là viễn tượng mỗi ngày một đúng hơn đối với tôi. Cuối cùng, may lắm tôi có được chiếc giường mấy mét vuông ở một bệnh viện nào đó. Nơi mình khổ công xây dựng bấy lâu cũng sẽ không còn.

Nhưng thời gian thì tôi vẫn còn, có khi dư nữa, ít nhất là lúc này. Và thời gian thì không ai lấy được của tôi. Tôi có thể sử dụng nó cho riêng mình và tôi có thể sử dụng nó cho người khác.Tùy ở tôi. Nghĩ cho cùng, chỉ có thời gian mới thực sự cho tôi tự do.

Thời gian giúp tôi vượt không gian. Thực vậy, ở cái không gian hạn hẹp giữa 4, 5 bức tường nhà và tường rào, tôi vẫn có thể, trong một giây, vượt không gian mênh mông, hiệp thông với mọi tín hữu khắp hoàn cầu, cùng một lúc, “tham dự” Thánh Lễ và cầu nguyện với vị Đại diện Chúa Kitô ở trần gian.

Có người bảo dự thánh lễ trực tuyến đâu bằng dự thánh lễ bí tích. Tôi biết thế chứ. Nhưng không gian nhỏ hơn thời gian. Tôi biết làm sao. Tôi đâu làm gì để mở rộng không gian. Nhưng tôi toàn quyền dành thời gian của tôi, vượt không gian, “thông công” cùng mọi tín hữu khác, trong một hành động cùng một lúc thờ phượng Thiên Chúa. Không phải 2 hay 3 người, mà là hàng tỉ người! Trước đây, có bao giờ nghĩ tới làm điều này, quả tình, “thời gian lớn hơn không gian”.

Cũng chính cái lúc không gian thu nhỏ dần và thời gian lớn lên dần này, tôi mới chịu đọc lại nguyên tắc ấy theo giảng giải của chính Đức Phanxicô và mới ngộ ra chân lý của nó.

Điều quan trọng là khởi diễn các diễn trình, mà diễn trình là hàm số của thời gian. Đời sống ta, đời sống bản thân và đời sống cộng đoàn, ơn gọi ta, ơn gọi thánh hiến hay ơn gọi hôn nhân tất cả đều là 1 diễn trình. Chỉ có trên diễn trình ấy, ta mới hiểu như Đức Phanxicô rằng không ai tốt và xấu hoàn toàn, xấu không có nghĩa là không tốt, có khi chỉ là chưa tốt, hay mới chỉ tốt chút xíu, y hệt như hôn nhân “hợp lệ” (regular) và hôn nhân “bất hợp lệ” (irregular) trong Niềm Vui Yêu Thương (296-300): chúng không mâu thuẫn nhau như người ta thường nghĩ. Đã đành theo Giáo Luật, chúng mâu thuẫn nhau. Đức Phanxicô chấp nhận nhị phân này, nhưng ngài hạ thấp chúng xuống bình diện tiếng Anh gọi là subcontrary opposition. Từ điển VNDIC.NET dịch “subcontrary” là “hơi trái nghĩa” trong khi từ điển Merriam-Webster giả thích là “a proposition so related to another that though both may be true they cannot both be false” (một tuyên bố liên hệ với nhau đến nỗi dù cả hai có thể đúng, chúng không thể sai cả hai).

Có người đưa ra thí dụ: mâu thuẫn là “đen” và “không đen”. Nhưng trong chùm “đen” đối với “trắng”, “trắng” chỉ tách xa ra khỏi “đen” chứ không hẳn là “không đen”, thành thử không phải mọi điều “không đen” đều là không đen, nó vẫn có thể là xanh dương, xanh lá cây, hay đỏ.

Đức Phanxicô vẫn coi những cuộc hôn nhân “bất hợp lệ” là “bất hợp lệ” nhưng khi ngài để chữ bất hợp lệ trong ngoặc đơn thì chữ này không nên hiểu theo nghĩa tĩnh tụ mà là nghĩa năng động của một điều đang chuyển động, đang trên một hành trình, tuy có tách ra xa “hợp lệ” nhưng không hẳn là “bất hợp lệ”, rất có thể vừa bất hợp lệ vừa hợp lệ. Dù sao ngài tin Thiên Chúa vẫn đang yêu thương họ.

Giống hệt câu kết luận của Đức Tổng Giám Mục Anthony Fisher, trong bài giảng Lễ Vọng Phục Sinh năm 2020: nói với những người chưa tin Chúa Kitô, ngài bảo “bất luận bạn tin Người hay không, nhưng Người tin bạn; bất luận bạn có yêu Người hay không, Người vẫn yêu bạn”. Đời người là một diễn trình, hàm số của thời gian. Kiên nhẫn hành trình, chân trời luôn mở ra, hướng tới viên mãn.

Trái lại, bám vào nơi chốn, dừng tại một chỗ, quả là điên rồ, vì nơi chốn, dù có vẻ cố định hơn thời gian, thực ra cũng không cố định gì. Với tôi, quả như lời Thánh Kinh, đến “nơi nó sinh ra cũng chẳng còn vết tích”. Nơi tôi sinh ra, tôi rời bỏ lúc lên 15 để gia nhập chủng viện Chân Phúc Liêm Hải Phòng. Rồi rời bỏ Hải Phòng, tôi vào Bến Saint Jacques, rồi Mỹ Tho, rồi Sài Gòn, rồi Đà Lạt, rồi Sàigòn trở lại, rồi đi tù 1975, rồi về lại Sài Gòn, sau đó qua Singapore, rồi Úc. Có chỗ nào cố định?

Thời gian, dĩ nhiên, cũng chẳng cố định gì hơn. Hồi học tâm lý với linh mục Trần Văn Hiến Minh ở Trung học Bùi Chu, gần Nhà Thờ Huyện Sĩ, tôi nhớ mãi bài luận văn: không ai tắm trong cùng một dòng sông. Thời gian lúc trước khác với thời gian lúc sau. Thời gian luôn chuyển động, rời bỏ. Nhưng đó là điều Đức Phanxicô gọi là khoảnh khắc cá thể. Ngài bảo ta đừng “phân mảnh” thời gian thành những khoảnh khắc ấy, những khoảnh khắc ngài coi tương đương với không gian. Nếu tôi không lầm ngài hiểu thời gian đây là Kairos tức thời gian như một chân trời viễn tưởng luôn mở ra trước mắt chúng ta và chúng ta luôn hướng tới nó đến lúc đạt được viên mãn, trong khi những khoảnh khắc cá thể là Chronos, tức thời gian đong đếm được, trong đó, ta chỉ thấy giới hạn.

Nói thế, tôi vẫn muốn không gian của tôi được mở rộng như đầu năm 2020, không bị giới hạn nặng nề như hiện nay vì Covid-19 mà có người gọi là Covid-Tầu.