Trong buổi triều yết chung, Đức Thánh Cha nói: Yêu thế giới kẻ đang bách hại chúng ta

Trong buổi triều yết chung vào hôm thứ Tư 29/4/2020, Đức Thánh Cha Phanxicô kết luận loạt bài giáo lý về các Mối Phúc Thật, và ĐTC tập trung vào mối phúc cuối cùng, đó là phúc những ai bị bách hại vì sự công chính, vì nước trời là của họ.

(Tin Vatican - Christopher Wells)

Một hành trình thống nhất

Đức Thánh Cha lưu ý rằng cái phúc đầu tiên được Chúa hứa cũng như cái phúc cuối cùng này đều có một đích điểm giống nhau là phần thưởng Nước Trời. Vì vậy, chúng ta hiểu được rằng kết cục của cuộc hành trình là Chúa Kitô! Con đường của các mối phúc thật là một cuộc hành trình từ cuộc khổ nạn, kinh qua cái chết để tiến tới Phục sinh quang vinh với Chúa Kitô… Đây là một cuộc sống theo sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần.

Tuy nhiên, con đường hành trình này, thế gian không chấp nhận, vì thế gian có những thần tượng của nó và đây là điều hiển nhiên và ưu tiên của nó. Cuộc sống của con người được bao bọc bởi những hào nhoáng tội lỗi, thế gian kéo chúng ta rời xa các giá trị Tin mừng, là sự nghèo khó, sự hiền lành, sự thuần khiết, và thế gian huyênh hoang tuyên bố rằng lối sống theo Tin Mừng là một sai lầm!

Thảm cảnh khủng bố

Vì vậy, Đức Thánh Cha Phanxicô nói, khi thế giới thấy người Kitô sống theo các mối phúc của Chúa đặt ra thì họ rất khó chịu! Thế gian đòi hỏi ta phải chọn lựa: hoặc sống theo các mối phúc và nên trọn lành; hoặc từ chối lối sống đó, đóng lòng lại, biến con tim thành chai đá, thậm chí còn phản loạn và nổi giận.

Điều này dẫn tới một cuộc đàn áp, Đức Thánh Cha tiếp, nó dẫn tới một cuộc thảm sát những ai không thỏa hiệp với những giá trị của trần thế!

Nhưng Đức Thánh Cha nói: Những ai biết từ chối những cạm bẫy của thế gian vì Chúa Kitô, thì thật là hạnh phúc và may mắn, vì họ tìm được một cái gì đó có giá trị siêu việt hơn mọi sự thuộc trần thế này!

Cuộc đàn áp hiện đại dành cho các Kitô hữu

Đức Thánh Cha một lần nữa lưu ý rằng nhiều nỗi đau khổ, đàn áp bắt bớ các Kitô hữu, xảy ra trong thời này còn dữ dằn hơn ở những thế kỷ đầu tiên của Kitô giáo.

Đức Thánh Cha tiếp: chúng ta phải hy vọng và cầu nguyện cho cơn đại dịch sớm được chấm dứt và Đức Thánh Cha kêu gọi các Kitô hữu hãy hiệp thông với các anh chị em tín hữu đang bị bắt bớ, họ cũng là các chi thể đang rướm máu của Thân thể huyền nhiệm Chúa Kitô, đó là Giáo hội.

Tuy nhiên, Đức Thánh Cha Phanxicô cảnh báo chúng ta rằng mối phúc thật cuối cùng không đưa dẫn chúng ta đến thái độ tự thương hại hay tâm lý coi mình là nạn nhân! Khi Kitô hữu bị người khác khinh khi, không phải lúc nào cũng đồng nghĩa với sự bắt bớ. Đôi khi chính vì những thiếu xót của chúng ta, đã làm sứt mẻ diện mạo trong sáng của Chúa Kitô và Tin Mừng của Ngài.

Đức Thánh Cha Phanxicô nêu ra một ví dụ điển hình như Thánh Phaolô, ông nghĩ ông là người công chính khi ngăn cản bắt bớ những người rao giảng về Chúa Kitô, để bảo toàn lề luật Do Thái! Nhưng trên thực tế ông đang là một kẻ bắt bớ Chúa! Chỉ sau khi thánh nhân nhận chân ra được sự thật đó, Ngài mới thay đổi và trở thành một người yêu mến và hăng say rao giảng Chúa Kitô, dẫu ông có bị bắt bớ, bách hại, cầm tù và chịu nhiều đau khổ vì Chúa...

Được nên giống Chúa Kitô bị đóng đinh

Đức Thánh Cha Phanxicô kết luận: được đối diện với sự loại trừ và bắt bớ vì Chúa là một hồng ân, vì nó làm cho cuộc sống chúng ta nên giống cuộc sống của Chúa Kitô, vì phần rỗi của chúng ta mà chúng ta bị khinh miệt và bị thế gian từ khước loại trừ!

Chấp nhận tinh thần của Chúa Kitô trong cuộc sống, dẫn chúng ta đến một lòng say mến dành cho thế giới, thậm chí chúng ta dám hiến dâng cuộc sống của chúng ta, mà phục vụ nó. Điều này, theo lời của Đức Thánh Cha Phanxicô là một sự dấn thân vì Nước Trời, đây là một niềm vui lớn và là niềm hạnh phúc đích thực.

Câu chuyện hy vọng

Để kết luận, Đức Thánh Cha Phanxicô khuyến khích mọi người hãy hướng lòng chúng ta về những người nghèo túng trong thời điểm đặc biệt này.

Đức Thánh Cha nói những người túng nghèo đang giúp chúng ta nhận thức được rằng mục đích của mọi thực tại đang xảy ra cho chúng ta và những thảm cảnh có ý nghĩa gì? Chắc hẳn, theo lời của Đức Thánh Cha Phanxicô không gì khác hơn là hạnh phúc Nước Trời, đó là niềm vui lớn nhất và là niềm hạnh phúc đích thực của cuộc đời chúng ta.