Linh Mục Gioakim Đặng Đức Tuấn Không Phải Là “Cháu Cố” Trực Hệ Của Lễ Bộ Thượng Thư Đặng Đức Siêu

Linh mục Gioakim Đặng Đức Tuấn trong lúc trốn lánh lệnh bắt đạo của triều đình đã bị bắt giải lên tỉnh đường tỉnh Quảng Ngãi. Trong tờ cung khai lý lịch, linh mục đã khai về gia cảnh: “Quê tôi Bình Định/ Làng chánh Qui Hòa/ Giữ đạo truyền gia/ Mẹ cha đã mất/ Không lập gia thất/ Có một mình tôi/ Anh em chết rồi/ Không còn ai cả…”. Làng Qui Hòa sau đổi thành Qui Thuận. Ở Qui Thuận có nhà thờ Gia Hựu là một họ đạo kỳ cựu ở xứ Đàng Trong(1). Hiện nay thôn Qui Thuận là 1 trong 10 thôn của xã Hoài Châu Bắc, huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định.

Trong tác phẩm “Đặng Đức Tuấn tinh hoa Công Giáo ái quốc Việt Nam” khi nhắc đến gia phả của Linh mục Gioakim Đặng Đức Tuấn (1806-1874) tác giả viết: “ Chúng ta không biết chắc tương quan huyết thống giữa Đặng Đức Tuấn và Đặng Đức Siêu như thế nào, chỉ nghe người địa phương truyền miệng rằng Đặng Đức Siêu là ông cố của Đặng Đức Tuấn”(2)

Tác phẩm “Tiểu sử cha Khâm Đặng Đức Tuấn thông ngôn sứ bộ Phan Thanh Giản năm 1862” của ông Nguyễn Đình Đầu cũng trích dẫn lại câu nghi vấn trên. Ngoài ra, ông Nguyễn Đình Đầu cũng cho biết thêm: “ Đặng Đức Siêu sinh năm 1751(3), mất năm 1810. Tính theo cách biệt năm sinh, thì Đặng Đức Siêu có thể là “ông cố” của Đặng Đức Tuấn. Nhưng chưa có gì khẳng định là cùng họ Đặng Đức ở Gia Hựu là trực hệ, vì quê của Đặng Đức Siêu ở làng Phụng Cang (nay là ấp Vĩnh Phụng, xã Hoài Xuân, huyện Hoài Nhơn) cũng gần Gia Hựu. Còn phải tồn nghi và hậu cứu”(4)

Sơ đồ gia phả họ Đặng Đức trong tác phẩm “Đặng Đức Tuấn tinh hoa Công Giáo ái quốc Việt Nam” có ghi tên phu nhân Đặng Đức Siêu là Nguyễn Thị Ngữ. Bên dưới sơ đồ có chú thích: “ Xét phu nhân Nguyễn Thị Ngữ, tuy là chính thất song là vợ kế, chứ không phải là người phối ngẫu ban đầu. Người nguyên phối qua đời, để lại con thơ, Đặng Đức Siêu mới tục huyền rồi sau đó, gặp cơn quốc nạn, bỏ đàn con thơ cho vợ kế nuôi dưỡng, một mình lẻn vào Gia Định theo chúa Nguyễn”(5). Không biết tác giả dựa vào đâu mà dám bảo là nhánh của Đặng Đức Tuấn là con của bà phối ngẫu ban đầu? Với lập luận này, tác giả muốn quy kết Đặng Đức Tuấn là cháu trực hệ của Đặng Đức Siêu.

Bài viết “Cha Đặng Đức Tuấn: một linh mục chân tu, một công dân ái quốc” của Linh mục Phạm Châu Diên đăng trên Bản thông tin Địa phận Qui Nhơn số 18, tháng 7-10 năm 1960, trang 21-34 ghi: “ Theo tương truyền trong tộc Đặng Đức, thì Cha Tuấn thuộc dòng dõi ông Đặng Đức Siêu, cũng người Bồng Sơn, nay còn đền thờ tại xã Hoài Thanh… Con cháu ông hiển đạt rất nhiều, trong số đó có ông Đặng Hàm, trước đã tòng sự tại bộ Lại. Theo lời ông thì ông thuộc ngành trưởng, là ngành không tòng giáo, còn Cha Tuấn thuộc ngành thứ, là ngành đã tòng giáo từ lâu đời”(6)

Đại Nam liệt truyện ghi về Đặng Đức Siêu: “ Người huyện Bồng Sơn, tỉnh Bình Định, gia thế nghiệp nho và làm thuốc, lúc tuổi trẻ đi học ở Kinh đô, ngụ ở xã Xước Dụ(7), huyện Hương Trà, lấy người họ Nguyễn nhân thế làm nhà ở đấy. Năm 16 tuổi đỗ cử nhân”(8)

Đại Nam nhất thống chí chép về nhân vật Đặng Đức Siêu quê Bình Định: “Nhà Siêu theo đạo Da tô. Siêu bỏ đạo đi học, đức hạnh và tiết tháo nổi tiếng, đứng đầu nhân vật bản triều. Con là Chiêm, làm quan đến Tổng đốc Hải Dương(9), cháu là Nhuận sung phò mã, anh là Huy(10), làm quan đến Đốc học, già hưu trí rồi chết ở nhà”(11)

Đặng Đức Siêu đỗ Hương tiến (cử nhân) năm 16 tuổi, khoảng năm 1766. Như vậy Đặng Đức Siêu đã bỏ đạo Da tô và ra ngụ tại xã Xước Dụ để dồi mài kinh sử khoảng 2-3 năm trước khi đỗ hương tiến. Sau khi đỗ Hương tiến, Đặng Đức Siêu đã cưới bà Nguyễn Thị Ngữ, quê Thừa Thiên. Hiện nay tại nhà 602 đường Bùi Thị Xuân, làng Nguyệt Biều, xã Thủy Biều, thành phố Huế có từ đường Đặng Đức Siêu và Nguyễn Thị Ngữ(12)

Với chi tiết: “ Nhà Siêu theo đạo Da tô. Siêu bỏ đạo đi học”; “lúc tuổi trẻ đi học ở Kinh đô, ngụ ở xã Xước Dụ, huyện Hương Trà, lấy người họ Nguyễn, nhân thế làm nhà ở đấy” chúng ta có thể kết luận là: Linh mục Gioakim Đặng Đức Tuấn không phải là “cháu cố” trực hệ của Lễ Bộ Thượng thư Đặng Đức Siêu.

Nguyễn Văn Nghệ

Giáo xứ Cây Vông- Nha Trang

Chú thích:

1 - quinhon.org/q/lich-su-giao-phan-giao-xu/dia-so-gia-huu-1173.html

2 -Lam Giang&Võ Ngọc Nhã, Đặng Đức Tuấn tinh hoa Công Giáo ái quốc Việt Nam, Tác giả tự xuất bản, 1970, tr. 12

3 -Có tài liệu ghi Đặng Đức Siêu sinh năm 1750

4 -Nguyễn Đình Đầu, Tiểu sử Cha Khâm Đặng Đức Tuấn thông ngôn sứ bộ Phan Thanh Giản năm 1862, Nxb Tôn giáo, tr. 10

5 -Lam Giang & Võ Ngọc Nhã, Sđd, tr. 17

6 - gpquinhon.org/q/on-co-tri-tan/cha-dang-duc-tuan-mot-linh-muc-chan-tu-mot-cong-dan-ai-quoc-2291.html

7 -Người Huế không đọc là Xước Dụ, nhưng đọc là Xước Dũ (Xước: giàu có; Dụ/Dũ: giàu có). Làng Xước Dụ nằm ở phía tây chùa Thiên Mụ, thuộc phường Hương Hồ, thị xã Hương Trà.

8 -Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam liệt truyện tập 1-2, Nxb Thuận Hóa, tr. 291

9 -Sách Đại Nam thực lục không phiên âm là Đặng Đức Chiêm, nhưng phiên âm là Đặng Đức Thiệm: Tháng 2 năm Canh Thìn (1820) “Bổ con Đặng Đức Siêu là Đức Thiệm làm Hàn lâm thị thư” (Đại Nam thực lục tập 2, Nxb Giáo dục, tr.45)

10 -Tháng giêng năm Quý Mùi (1823) “Thưởng cho thọ quan là Đốc học hưu trí Đặng Đức Huy (81 tuổi) 20 lạng bạc, 2 tấm lụa” (Đại Nam thực lục tập 2, Nxb Giáo dục, tr. 257)

11 -Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam nhất thống chí tập 3, Nxb Thuận Hóa, tr. 53

12 - hodangmientrung.com/danh-nhan-nhan-vat-lich-su/ang-uc-sieu-1750-1810-vi-thuong-thu-bo-le-dau-tien-cua-nha-nguyen-day-du.aspx