Thiên Chúa ở đâu trong đại dịch?

Các việc mục vụ đã bị hủy bỏ tại Nhà thờ Thánh Catarina Siena ở Upper East Side, nhưng khăn lau khử trùng có sẵn cho những người đến cầu nguyện. Damon Winter / Thời báo New York

Mùa hè năm ngoái tôi đã trải qua liệu pháp xạ trị. Và mỗi khi tôi đi qua ô cửa đánh dấu “Khoa Xạ trị Ung thư”, trái tim tôi dường như bỏ lỡ một nhịp. Trong khi tôi gặp chút nguy hiểm (khối u của tôi là lành tính, và, vâng, đôi khi người ta cần xạ trị cho điều đó), hàng ngày tôi đã gặp những người gần với cái chết.

Hàng ngày suốt sáu tuần, tôi gọi một chiếc taxi và nói, “Làm ơn chở tới số 68 đường York”. Khi đến đó, tôi dừng lại và đi vào một nhà thờ gần đó để cầu nguyện. Sau đó, tôi đi bộ đến nơi hẹn của tôi trong một khu phố chật ních các bệnh viện, tôi vượt qua những bệnh nhân ung thư bị rụng tóc, những người đàn ông và phụ nữ lớn tuổi kiệt sức ngồi xe lăn do các nhân viên chăm sóc sức khỏe gia đình đẩy đi và những người vừa mới phẫu thuật. Nhưng trên cùng một vỉa hè là các bác sĩ bận rộn, các y tá tươi cười và các thực tập viên háo hức, và nhiều người khác có vẻ như có sức khỏe hoàn hảo. Một ngày nọ, tôi chợt nhận ra: Rồi tất cả chúng ta sẽ đến số 68 đường York, dù tất cả chúng ta có những thời gian khác nhau cho các buổi hẹn.

Chỉ trong vài tuần qua, hàng triệu người đã bắt đầu lo sợ rằng họ đang đi đến buổi hẹn của mình với tốc độ kinh hoàng, do đại dịch Covid-19. Nỗi kinh hoàng tột độ về việc nhiễm bệnh rất nhanh này, kết hợp với cú sốc gần như là thể lý, do sự khởi phát đột ngột của cơn đại dịch. Là một linh mục, tôi nghe thấy những cảm xúc của mình tràn xuống như một trận tuyết lở trong tháng vừa qua: hoảng loạn, sợ hãi, giận dữ, buồn bã, bối rối và tuyệt vọng. Càng ngày tôi càng cảm thấy như mình đang sống trong một bộ phim kinh dị, thuộc thể loại mà theo bản năng tôi tắt ngay vì nó quá xáo trộn. Và ngay cả những người tin đạo nhất cũng hỏi tôi: Tại sao điều này xảy ra? Và: Thiên Chúa ở đâu trong tất cả những điều này?

Một tín đồ đến nhà thờ. Damon Winter / Thời báo New York

Câu hỏi này về cơ bản giống như câu hỏi mọi người vẫn hỏi khi một cơn bão quét sạch hàng trăm mạng người hoặc khi một đứa trẻ chết vì ung thư. Nó được gọi là “vấn đề đau khổ”, “mầu nhiệm sự dữ” hay “thần lý học”, và đó là một câu hỏi mà các vị thánh và các nhà thần học đã phải vật lộn trong nhiều thiên niên kỷ. Câu hỏi về nỗi đau khổ “tự nhiên” (từ bệnh tật hoặc thiên tai) khác với câu hỏi về “sự dữ luân lý” (trong đó đau khổ phát sinh từ các hành động của các cá nhân - như Hitler và Stalin). Nhưng bỏ qua các biện phân thần học, câu hỏi hiện nay đã tiêu tốn tâm trí của hàng triệu tín hữu, những người đang nao núng với số người chết tăng đều đặn, đang tranh đấu với những câu chuyện về các bác sĩ buộc phải phân loại bệnh nhân và giật nẩy mình trước những bức ảnh chụp hàng dãy quan tài: Tại sao?

Qua nhiều thế kỷ, nhiều câu trả lời đã được đưa ra về sự đau khổ tự nhiên, tất cả chúng đều không thỏa đáng một cách nào đó. Câu trả lời phổ biến nhất là đau khổ là một bài kiểm tra. Đau khổ kiểm tra đức tin của chúng ta và củng cố nó: “Anh em hãy tự cho mình là được chan chứa niềm vui khi gặp thử thách trăm chiều.Vì như anh em biết: đức tin có vượt qua thử thách mới sinh ra lòng kiên nhẫn”, Thư Thánh Gia-cô-bê trong Tân Ước nói. Nhưng trong khi cách giải thích đau khổ như một bài kiểm tra có thể giúp ích trong các thử thách loại nhỏ (sự kiên nhẫn được kiểm tra bởi một người hay gây khó chịu), thì cách giải thích này lại thất bại khi con người phải chịu đựng những kinh nghiệm đau đớn nhất. Có phải Chúa gửi bệnh ung thư đến để thử thách một đứa trẻ? Đúng vậy, cha mẹ của đứa trẻ có thể học được điều gì đó về sự kiên trì hoặc đức tin, nhưng cách nói đó có thể khiến Chúa trở thành một con quái vật.

Lập luận rằng đau khổ là một hình phạt cho tội lỗi, một cách tiếp cận vẫn phổ biến giữa một số tín hữu (những người thường nói rằng Chúa trừng phạt những người hoặc nhóm người mà chính họ không chấp nhận), lập luận này cũng khiến Chúa trở thành một con quái vật. Nhưng chính Chúa Giêsu đã từ chối cách giải thích đó khi Ngài gặp một người mù, trong một câu chuyện được kể lại trong Tin Mừng của Thánh Gioan: “Thưa Thầy, ai đã phạm tội, người đàn ông này hay cha mẹ anh ta, vì anh ta bị mù từ thuở mới sinh?” Chúa Giê-su nói, “Không phải người đàn ông này cũng không phải cha mẹ của anh ta đã phạm tội”. Đây chính là sự bác bỏ dứt khoát của Chúa Giêsu đối với hình ảnh về người Cha quái vật. Trong Tin Mừng Thánh Luca, Chúa Giêsu trả lời câu chuyện về một tòa tháp bằng đá đã sụp đổ và nghiền nát đám đông người: “Các ông có nghĩ rằng họ là những kẻ phạm tội tồi tệ hơn tất cả những người khác sống ở Jerusalem không? Không, tôi nói cho các ông biết”.

Thánh Catarina Siena là vị thánh bảo trợ của những người chăm sóc người bệnh. Damon Winter / Thời báo New York

Sự nhầm lẫn chung của các tín hữu được gói gọn trong cái được gọi là “bộ ba mâu thuẫn”, có thể được tóm tắt như sau: Thiên Chúa thì toàn năng, do đó, Thiên Chúa có thể ngăn chặn đau khổ. Nhưng Chúa không ngăn chặn được đau khổ. Do đó, Thiên Chúa không phải là toàn năng hoặc không phải là hoàn toàn yêu thương.

Cuối cùng, câu trả lời trung thực nhất cho câu hỏi tại sao virút Covid-19 lại giết chết hàng ngàn người, tại sao các bệnh truyền nhiễm lại tàn phá nhân loại và tại sao lại có sự đau khổ là: chúng ta không biết. Đối với tôi, đây là câu trả lời trung thực và chính xác nhất. Người ta cũng có thể cho rằng vi-rút là một phần của thế giới tự nhiên và theo một cách nào đó đóng góp cho cuộc sống, nhưng cách suy nghĩ này thất bại khốn khổ khi nói về một người mất bạn bè hoặc người thân. Một câu hỏi quan trọng cho các tín hữu trong những lúc đau khổ là: Bạn có thể tin vào một Thiên Chúa mà bạn không hiểu không?

Nhưng nếu mầu nhiệm đau khổ không thể giải đáp được thì tín hữu có thể đi đâu trong những lúc như thế này? Đối với người Kitô hữu và có lẽ ngay cả đối với người khác, câu trả lời chính là Chúa Giêsu.

Người Kitô hữu tin rằng Chúa Giêsu hoàn toàn là Thiên Chúa và hoàn toàn là con người. Tuy nhiên, đôi khi chúng ta bỏ qua phần thứ hai. Đức Giê-su Nazarét được sinh ra trong một thế giới của bệnh tật. Trong cuốn sách của mình, “Đá và Phân, Dầu và Nước bọt”, nói về cuộc sống hàng ngày ở miền Galilê thế kỷ thứ nhất, Jodi Magness, một học giả chuyên về Do Thái giáo thời kỳ đầu, gọi cái khung cảnh trong đó Jesus sống là “bẩn thỉu, dơ dáy và bệnh hoạn”. John Dominic Crossan và Jonathan L. Reed, các học giả chuyên về bối cảnh lịch sử của Chúa Giêsu, tóm tắt những điều kiện này bằng một câu ngắn gọn trong tác phẩm “Khai quật Đức Giê-su”: “Một ca bệnh cúm, một cơn cảm lạnh hoặc một cái răng bị áp xe có thể làm chết người’. Đây là thế giới của Chúa Giêsu.

Hơn nữa, trong sứ vụ công khai của mình, Chúa Giêsu liên tục tìm kiếm những người bị bệnh. Hầu hết các phép lạ của Ngài là chữa lành bệnh tật và tật nguyền: tình trạng da suy yếu (dấu hiệu của “bệnh phong cùi”), chứng động kinh, tình trạng “chảy máu” của một người phụ nữ, một bàn tay khô héo, ‘phù thủng”, mù lòa, điếc, tê liệt. Trong những thời điểm đáng sợ này, các Kitô hữu có thể tìm thấy sự an ủi khi biết rằng khi họ cầu nguyện với Chúa Giêsu, họ đang cầu nguyện cho một người hiểu họ, không chỉ bởi vì Ngài là Thiên Chúa và biết tất cả mọi thứ, mà còn bởi vì Ngài là con người và trải nghiệm tất cả mọi thứ.

Nhưng những người không phải là Ki-tô hữu cũng có thể xem Ngài là hình mẫu để chăm sóc người bệnh. Không cần phải nói, khi chăm sóc người bị coronavirus, người ta cần thực hiện các biện pháp phòng ngừa cần thiết để không nhiễm bệnh. Nhưng đối với Chúa Giê-su, người bệnh hay sắp chết không phải là “kẻ khác”, không phải là người đáng trách, mà là anh chị em của chúng ta. Khi Chúa Giê-su thấy một người gặp khó khăn, các Tin mừng cho chúng ta biết rằng trái tim Ngái đã “bị xúc động xót xa”. Ngài là một hình mẫu để chúng ta bắt chước và phải quan tâm như thế nào trong cuộc khủng hoảng này: với những trái tim bị xúc động bởi lòng xót thương.

Bất cứ khi nào tôi cầu nguyện trong nhà thờ gần số 68 đường York, tôi cũng dừng lại trước một bức tượng Chúa Giê-su, hai cánh tay Ngài vươn ra, trái tim Ngài lộ ra. Chỉ là một bức tượng thạch cao, không phải là nghệ thuật tuyệt vời gì, nhưng nó có ý nghĩa với tôi. Tôi không hiểu tại sao người ta lại chết, nhưng tôi có thể đi theo Đấng đã cho tôi một khuôn mẫu sống.

James Martin là một linh mục dòng Tên, biên tập viên tự do của tạp chí Mỹ, cố vấn cho Phòng truyền thông của Vatican và là tác giả của tác phẩm“Đức Giê-su: Một Cuộc Hành Hương”.

https://www.nytimes.com/2020/03/22/opinion/coronavirus-religion.html

Phê-rô Phạm Văn Trung dịch.