Từ Saigon về Nha trang đây, có đường bay, đường thủy, đường sắt, đường bộ… Đường bộ là một con lộ rõ ràng, đường sắt là hai thanh ray song song. Còn đường thuỷ, đường hàng không thì không thấy rõ. Nhưng người ta vẫn gọi là đường. Vì thế đường không nhất thiết là con lộ hay thanh ray, mà quan trọng : đường là hướng. Hướng tới. Một con đường không có hướng tới là đường cụt. Nhà văn Nguyễn Công Hoan mô tả cuộc sống không hướng tiến trong tiểu thuyết mang tên Ngõ Cụt.

Vậy khi Đức Giêsu tự xưng mình là Đường, tuyên bố này có ý nghĩa gì? Và trong bài Tin Mừng hôm nay Ngài chẳng những nói mình là Đường mà còn nói thêm Ngài là sự Thật và là sự Sống nữa. Bộ ba đó liên hệ với nhau ra sao? Ta được gì khi tin vào lời nói này của Chúa?

1. Chúa Giêsu là Đường, nghĩa là gì?

Ngài là Đường tức là lối mở: Ngài mở ra cho chúng ta một lối thoát. Và hơn cả lối thoát, Ngài là đường, hướng chúng ta tới Chúa Cha. Nói đổi lời: Đường là trung gian, qua trung gian, ta sẽ gặp Chúa Cha. Ngôn ngữ Việt Nam có kiểu nói rất đẹp: nói đi đường nhưng cũng nói “đi” Đạo, tức theo Đạo: Đạo là đường, và Đạo Kitô tức là Đường Kitô, hay nói đổi lời Đức Kitô là Đường. Đức Phật chỉ dám nhận mình là người chỉ đường, như ngón tay chỉ mặt trời, chứ không dám tuyên bố mình là đường như Đức Giêsu. Đức Giêsu tuyên bố mình là Đường –và Ngài còn thêm là sự Thật và là sự Sống.

Đi riêng từng điểm : Đường – sự Thật – sự Sống, có lẽ ai cũng hiểu. Nhưng ba điểm đó gắn bó với nhau làm sao thì có lẽ đối với nhiều người chúng ta, không dễ trả lời. Và cũng có lẽ mỗi người trả lời một kiểu. Tôi tìm được lối trả lời khá mạch lạc hợp lý sau đây, xin chia sẻ:

Ba điểm này Chúa nói liền nhau, nên chắc phải tương quan với nhau chứ, và đây là mối tương quan : Chữ xuyên suốt cả ba là Đường. Đức Giêsu là Đường tức là hướng đi; là sự Thật tức là luật lệ : luật đi đường (đi đúng đường, đi đúng luật); là sự Sống tức sức lực của chúng ta : sức đi đường. Một chiếc xe hơi, không có xăng (sự sống) thì không lăn bánh được, không có đường thì cũng chẳng có hướng đi, và đi mà không theo theo luật (sự thật) thì dễ sa xuống hố. Cho dù là đi bằng đường bộ hay đường hàng không thì đường nào cũng có luật lệ của đường đó. Ngay cả hàng không, bay trên trời có vẻ tự do đó, nhưng cũng phải có những hành lang bay theo qui định của nhân viên không lưu. Khi đi không trúng luật sẽ dễ dẫn tới hoạ tai. Hai xe tránh nhau, mà không không theo luật tránh bên phải của Việt Nam mà ở Việt Nam cứ tránh nhau bên trái theo Nhật, Hôngkong là tông ngay lập tức !

Một chỗ khác, Đức Giêsu nói : Ai đi trong sự thật thì sẽ thấy ánh sáng. Ta có thể chuyển : Ai đi đường trúng luật thì sẽ trúng nơi, đi sai hướng sẽ lạc đường...

Năm trước có cuộc đua xe đạp cúp Truyền hình có chạy qua Nhatrang :

Có cuộc đua, đường đua nào có không đích tới đâu = đường.

Có đường đua nào mà không có luật lệ tổ chức = sự thật.

Có đường đua nào mà không có hỗ trợ tiếp sức = sự sống.

Đức Giêsu là cả ba, ba trong một, (3 in 1) trong quãng đường chúng ta về với Chúa Cha. Nghĩa là Đức Giêsu là Đường đi, là lối dẫn (sự Thật) và bổ sức (sự Sống). Vì thế tin vào Ngài và đi trong đường lối này là chúng ta an tâm.

2. Được biết Đức Kitô, chúng ta hơn rất nhiều người. Hơn ở chỗ nào?

-Sách Tư tưởng của Babylon có ghi câu này : “Con người sinh ra là bước trên một con đường. Đường dài hay ngắn khác nhau tùy người, nhưng cuối cùng vẫn là cái chết chờ đợi mỗi người và mọi người”. Cũng đi trên đường, nhưng đường dẫn tới cái chết là con đường cụt, ngõ cụt. Chúng ta có Đức Kitô, chúng ta không đi vào ngõ cụt. Hơn ở chỗ đó : Lòng các con đừng xao xuyến…

-Rồi chúng ta còn hơn ở chỗ là chúng ta biết rõ ai là vị Cứu Thế, không phải chờ đợi nữa. Một chàng trai Do thái giáo đến dự một buổi lễ của Công Giáo. Anh nghe giảng về lời dạy của Đức Kitô, tức Mesia, “Đấng Được Xức Dầu”. Khi đi về, anh hỏi vị giáo trưởng Do-thái của anh : Thưa thày, người Công Giáo nói Đức Mesia đã đến thế gian rồi, còn chúng ta thì nói chưa đến, chúng ta còn chờ đợi Ngài đến”. –Đúng vậy con ạ, vị giáo trưởng trả lời. Chúng ta đang chờ Đức Mêsia đến trần gian”. Chàng Do Thái hỏi thêm: “Sau này Đức Mêsia của chúng ta đến, ngài sẽ có gì giống với Đức Kitô của người Công Giáo không?

Chúng ta không biết vị giáo trưởng sẽ trả lời làm sao, nhưng chúng ta biết một điều là chúng ta, người Công Giáo không khắc khoải xao xuyến chờ đợi nữa. Đó là điều hơn của chúng ta khi tin vào Chúa Giêsu là Đường, Sự thật và sự Sống.

Có một bà già khi đau biết gần chết cho mời linh mục đến giúp đỡ. Để thử lòng tin của bà, linh mục hỏi : Bà sẽ làm gì nếu sau khi Chúa làm mọi sự cho bà, cuối cùng Chúa để bà hư mất…. Bà trả lời : Thưa cha, Chúa làm gì tùy Chúa muốn, nhưng nếu Chúa để con hư mất thì Chúa bị thiệt nhiều hơn con. Con chỉ mất một linh hồn, còn Chúa sẽ mất danh dự vì Lời của Chúa đã không thực hiện.

Lời của Chúa thì nhiều, nhưng lời : Ta là Đường, là sự Thật là sự Sống. phải là một lời chúng ta bám vào để về với Chúa Cha. Thánh Phaolô một người Do-thái gốc khi đã nhận biết Chúa Kitô (chứ không như những người Do-thái hiện nay đang chờ một Kitô nào khác) đã nói : “Tôi coi mọi sự là thua lỗ, bất lợi cả, trước cái lợi tuyệt vời là được biết Đức Giêsu Kitô Chúa tôi, vì Người tôi sẵn sàng mất tất cả.” Và chúng ta nói thêm với Phaolô : vì chính Ngài là đường, dẫn ta đi đúng lối (sự thật) và nuôi dưỡng chúng ta trên đường đi (sự sống). đi đến cái đích mà mọi người chờ mong : Nhà Cha : nơi còn nhiều chỗ.

Ước chi Đức Kitô là Đường đi, và Luật đi đường là Luật Yêu Thương của Phúc m (tức là sự Thật), và của ăn đi đường là Mình Thánh Chúa (là sự Sống) mà chúng ta sẽ lãnh nhận trong thánh lễ, bộ ba đó làm chúng ta an tâm : vì chúng ta vững tin vào Ngài.

LM. Anphong Nguyễn Công Minh, ofm