1. Thêm một linh mục Việt Nam trong tình trạng nguy ngập vì virus Tầu độc địa

Tính đến Chúa Nhật 24 tháng Năm, tử vong toàn thế giới đã lên đến 343, 500 người, trong số 5, 391,753 trường hợp nhiễm coronavirus.

Riêng tại Hoa Kỳ, tử vong đã lên đến 98, 658 người, trong số 1, 666,372 trường hợp nhiễm coronavirus. Chỉ trong 24 giờ trước đó, Hoa Kỳ gánh chịu thêm 1, 015 người chết và 21, 278 trường hợp nhiễm bệnh mới được xác nhận. Tình hình đặc biệt nghiêm trọng tại New York, New Jersey, Illinois, California, Massachusetts và Pennsylvania.

Trong thông báo hôm thứ Bẩy 23 tháng Năm, cha Antôn Phạm Hữu Tâm, Tổng thư ký Liên Đoàn Công Giáo Việt Nam tại Hoa Kỳ cho biết:

Cha Vincent Bùi Đoàn là thành viên Tu Hội Xuân Bích Hoa Kỳ, hiện đang phục vụ trong ban giám đốc đại chủng viện Mẹ Lên Trời ở San Antonio, đã bị nhiễm Covid-19 và được điều trị trong nhà thương suốt tuần qua. Vì gặp khó khăn trong việc hô hấp, nhà thương cho cha dùng máy trợ thở trong vài ngày đầu, nhưng không thấy có dấu hiệu tiến triển, họ đã quay sang dùng ECMO trị liệu. Đó là một dạng trợ thở cao cấp dành cho những người trong tình trạng nguy ngập. Hiện tình trạng cha Đoàn ổn định, nhưng chưa có tiến triển khả quan.

Xin anh em linh mục, tu sĩ và anh chị em giáo dân tiếp tục cầu nguyện cho cha Đoàn được nhanh chóng phục hồi sức khoẻ. Xin Thiên Chúa ban nhiều ơn lành, và bảo vệ anh em chúng ta.

2. Trung Quốc cấm các tín hữu hành hương Đức Mẹ Xà Sơn

Hôm nay là ngày 24 tháng Năm. Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16 đã thiết định là ngày thế giới cầu nguyện cho những người Công Giáo bị bách hại tại Hoa Lục. Chúng ta hãy nhớ đến họ trong lời cầu nguyện của chúng ta.

Ngày 24 tháng 5 hàng năm cũng là ngày lễ Đức Mẹ Phù Hộ Các Tín Hữu, được các tín hữu Công Giáo Trung Quốc mừng rất trọng thể. Đặc biệt, họ thường tổ chức các cuộc hành hương đến đền thánh Đức Mẹ Xà Sơn cách Thượng Hải 38km về phía Tây.

Liên tục trong cả tháng qua, trên các phương tiện truyền thông Trung Quốc, bọn cầm quyền Bắc Kinh lặp đi lặp lại các chỉ thị cấm các cuộc tụ họp tôn giáo nhằm ngăn cản các tín hữu hành hương về Xà Sơn.

Dưới áp lực của cộng sản, ngay từ ngày 20 tháng Tư, giáo phận Thượng Hải đã phải ra một loạt các thông báo cấm tất cả các cuộc hành hương dưới mọi hình thức, kể cả từng cá nhân cũng không được phép.

Theo Asia-News, cơ quan thông tin của Hội Giáo Hoàng Truyền Giáo Hải Ngoại, đây rõ ràng là một hành vi lợi dụng tình trạng dịch bệnh để tăng cường bách hại tôn giáo. Cần lưu ý rằng hai tuần sau Tết Canh Tí đến nay, thành phố Thượng Hải đã hoạt động trở lại, và các công nhân viên chức phải đi làm như bình thường.

Ngoài cuộc hành hương đền thờ Đức Mẹ Xà Sơn, giáo phận Thượng Hải cũng tuyên bố hủy bỏ tất cả các cuộc hành hương được dự kiến vào tháng Năm.

Thị trấn Xà Sơn gồm hai quả đồi ở quận Song Giang phía tây Thượng Hải. Hai ngọn đồi, cao khoảng 100m, được gọi là Đông và Tây Xà Sơn, mặc dù ngọn đồi phía tây quan trọng hơn cũng được gọi là Xà Sơn.

Đền thánh Đức Mẹ Xà Sơn, được các nhà truyền giáo Âu châu xây dựng từ năm 1925 đến 1935. Ban đầu mọi nghi thức Phụng Vụ trong nhà thờ được cử hành bằng tiếng Latinh. Từ khi Hoa Lục rơi vào tay cộng sản, các nghi thức Phụng Vụ được cử hành bằng tiếng Hoa.

Con đường lên đỉnh đồi, nơi có Đền thánh Đức Mẹ Xà Sơn, gọi là Via Dolorosa, tức là con đường thương khó.

Ngọn đồi cũng có một đài quan sát thiên văn được thành lập bởi các cha dòng Tên.

Theo tổ chức Đức Hồng Y Cung Phần Mai, cộng sản rất chướng mắt với ngôi đền Đức Mẹ quá hùng vĩ này nên đã nhiều lần âm mưu đặt bom giật sập ngôi đền. Nỗ lực cuối cùng diễn ra vào tháng Giêng 1967, dưới thời Cách Mạng Văn Hóa, và do Giang Thanh, vợ của Mao Trạch Đông trực tiếp chỉ đạo. Tuy nhiên, bom không nổ. Tại sao các quả bom này không nổ thì đến nay không thể biết chính xác được. Có lẽ phải đợi hết thời cộng sản ác ôn này người ta mới có thể biết tại sao. Nhưng có điều này thì chúng ta biết chắc chắn: Sau cái chết của Mao vào tháng 9, năm 1976, chỉ một tháng sau đó, Giang Thanh bị bắt và bị kết án chung thân khổ sai. Tháng 5 năm 1991 khi được tạm tha, việc đầu tiên Giang Thanh làm là thắt cổ tự tử chết.

Sau nỗ lực đặt bom bất thành của Giang Thanh, Đền thánh Đức Mẹ Xà Sơn được để yên và hàng năm có các cuộc hành hương kính Đức Mẹ vào ngày 24 tháng Năm.

Từ khi Tập Cận Bình lên nắm quyền, văn phòng Tôn giáo Thượng Hải và Hiệp hội Công Giáo Yêu nước Trung Quốc đã cố gắng làm cho người Công Giáo Trung Quốc khó đến thăm Xà Sơn hơn. Các cuộc hành hương trở nên thất thường, có năm có, có năm không.

Trong Lá thư gửi người Công Giáo Trung Quốc vào năm 2007, Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI đã chọn ngày 24 tháng Năm là Ngày Thế giới cầu nguyện cho Giáo hội tại Trung Quốc để cầu xin Đức Mẹ Xà Sơn tăng cường sức mạnh cho các tín hữu trước những bách hại liên tục của cộng sản.

Kể từ ngày 23 tháng Giêng, khi Trung Quốc lần đầu tiên tuyên bố tình trạng khẩn cấp, tất cả các nhà thờ đã bị đóng cửa. Các nhà thờ đến nay vẫn bị đóng cửa.


3. Cảnh giác chung quanh chuyện WeChat phát trực tiếp Thánh lễ hàng ngày của Đức Thánh Cha

Vatican tiết lộ trong tuần này rằng người Công Giáo ở Trung Quốc đã có thể sử dụng mạng xã hội phổ biến nhất của Trung Quốc, là WeChat, để theo dõi trực tiếp Thánh lễ hàng ngày của Đức Thánh Cha Phanxicô trong đại dịch coronavirus.

Một chuyên gia trên phương tiện truyền thông Trung Quốc đã cảnh báo rằng chế độ Trung Quốc có thể có một cái gì đó muốn đạt được trong việc cho người Công Giáo Trung Quốc quyền truy cập hạn chế này vào các thánh lễ của Đức Giáo Hoàng.

WeChat được biết đến là một mạng xã hội với hơn 1 tỷ người dùng. Bọn cầm quyền Trung Quốc có thể theo dõi tất cả các cuộc thảo luận, nội dung và dữ liệu người dùng trên ứng dụng này.

Vatican News đã phát hành một video vào ngày 20 tháng Năm cho thấy người Công Giáo ở Trung Quốc tập trung xung quanh điện thoại thông minh và màn hình máy tính đặt trên bàn thờ gia đình hoặc bên trong nhà thờ để cầu nguyện với các nghi thức được phát trực tiếp từ nhà nguyện Santa Marta.

Vào thời điểm video này được công bố, thời hạn 52 ngày giới hạn trong đó việc phát trực tiếp cho người Trung Quốc xem, từ 27 tháng Ba đến 18 tháng Năm, đã kết thúc.

Vatican News báo cáo rằng số lượng người xem Thánh lễ của Đức Thánh Cha Phanxicô tại Trung Quốc tăng lên hàng ngày, đạt đến mức cao nhất là 10, 000 người xem trên WeChat trước khi Vatican ngừng phát trực tiếp Thánh lễ.

Sarah Cook, một nhà phân tích nghiên cứu cao cấp, người theo dõi việc kiểm duyệt truyền thông và tự do tôn giáo ở Trung Quốc cho Freedom House, giải thích với Thông tấn xã Catholic News, gọi tắt là CNA, rằng việc phát trực tiếp Thánh lễ của Đức Giáo Hoàng tại Trung Quốc có thể là kết quả của cuộc đối thoại đang diễn ra giữa Tòa thánh và chính phủ Trung Quốc. Tuy nhiên, nó cũng có thể là một hành động tự phát của một cá nhân hay một nhóm người Công Giáo.

“Mười ngàn vẫn còn khá thấp so với tiêu chuẩn của Trung Quốc, ” bà nói thêm.

Theo thống kê chính thức, Trung Quốc có hơn 10 triệu người Công Giáo, với sáu triệu người là thành viên của Hiệp hội Công Giáo Yêu nước Trung Quốc.

“Đây chỉ là một cái gì đó tạm thời, ” Cook nói.

“Cảm giác của tôi là nếu chương trình phát sóng này được tiếp tục và bắt đầu đạt được một số khán giả lớn hơn, chẳng hạn như hàng trăm ngàn hay một triệu người, thì nó sẽ bị đình chỉ tại một thời điểm nào đó.”

“Đàn áp các nhóm tôn giáo khác và thậm chí ngăn cấm việc chia sẻ thông tin hoặc các bài giảng trực tuyến đã tiếp tục trong bối cảnh đại dịch, đặc biệt đối với người Tin Lành và các nhóm bị bách hại tôn giáo ở Trung Quốc, chẳng hạn như Pháp Luân Công.”

Trong đại dịch coronavirus, nhóm nhân quyền “Voice of the Martyrs”, nghĩa là “Tiếng nói của các vị Tử Đạo” báo cáo rằng các quan chức chính phủ ở tỉnh Sơn Đông đã cấm rao giảng trực tuyến giữa lúc dịch bệnh bùng phát, và ChinaAid đã chia sẻ một video ngày 15 tháng 3 trong đó một nhà thờ Tin lành ở tỉnh Giang Tô đã bị bọn cầm quyền phá hủy.

Trong khi một số người Công Giáo ở Trung Quốc rất buồn khi mất quyền truy cập vào Thánh lễ livestream, thì vấn đề lớn hơn đối với hầu hết người Công Giáo Trung Quốc là các nhà thờ, các cuộc hội thảo và tất cả các hoạt động hành hương ở Trung Quốc vẫn bị đình chỉ.

Trung Quốc đóng cửa các nhà thờ bắt đầu vào tháng Giêng, khi dịch coronavirus lan rộng khắp cả nước. Nhưng sau khi việc kiểm dịch toàn quốc được nới lỏng vào tháng Ba và lệnh cô lập Vũ Hán đã bị dỡ bỏ vào ngày 8 tháng 4, Asia News đưa tin rằng các nhà thờ Công Giáo vẫn bị Hiệp hội Công Giáo Yêu nước Trung Quốc ra lệnh đóng cửa ít nhất là đến hết tháng 5.


Source:Catholic News Agency

4. Các nhà lãnh đạo Công Giáo tại Ukraine lên án việc đẻ thuê

Khi chính phủ Ukraine ra lệnh đóng cửa biên giới vào tháng Ba để ngăn chặn sự lây lan của COVID-19 coronavirus, hơn 100 em bé đã bị mắc kẹt.

Họ là con của những người mẹ cho mướn bụng mang thai. Những phụ nữ đẻ thuê này được những người giàu có từ nước ngoài trả gần 17, 000 đô la để thuê tử cung mang thai con cho họ.

Đức Tổng Giám Mục Sviatoslav Shevchuk, của Kiev /ki-ép/ là nhà lãnh đạo Giáo Hội Công Giáo Ukraine nghi thức Đông phương, và Đức Tổng Giám Mục Mieczyslaw Mokrzycki của tổng giáo phận Lviv /lờ-vi/, chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Công Giáo nghi lễ Latinh, cho biết đại dịch coronavirus đã “đưa ra ánh sáng nhiều dịch bệnh khác trong đời sống của xã hội đương đại.”

Đứng đầu danh sách các dịch bệnh này là việc đẻ thuê. Trong một lá thư chung được công bố hôm thứ Sáu, các ngài lên án việc này là “đối xử với con người như hàng hóa có thể được đặt hàng, sản xuất, và bán ra.”

Đẻ thuê là hợp pháp ở Ukraine, và các giám mục muốn “hiện tượng đáng xấu hổ” này bị cấm và bị lên án bởi chính quyền dân sự.

Tuyên bố của các nhà lãnh đạo Công Giáo được đưa ra sau khi BioTexCom, một trong những cơ quan môi giới đẻ thuê tại Ukraine, công bố một video trên YouTube vào ngày 30 tháng Tư cho thấy 46 trẻ sơ sinh được chăm sóc trong một khách sạn ở Kiev /ki-ép/. Đó là video mà quý vị và anh chị em đang xem thấy đây.

Đoạn video này nhằm trấn an những người đã ký hợp đồng đẻ thuê rằng con của họ đang được an toàn, miễn là họ gởi thêm chút tiền nuôi dưỡng trong thời gian cách ly, khiến họ không thể vào Ukraine đón con được. Còn nếu họ không gởi tiền thì con của họ có thể không còn sống trên cõi đời này, và số tiền đặt cọc trước đó tan thành mây khói.

Theo báo cáo của Reuters từ Ukraine, khách sạn Venice nơi các em bé được chăm sóc được bao quanh bởi một hàng rào cao với dây thép gai. Khách sạn này thuộc về BioTexCom và cha mẹ thường ở đó trong khi đón em bé. Công ty trả khoảng 15.000 - 17.000 đô la cho các bà mẹ đẻ thuê.

Cha mẹ các em bé này đến từ khắp nơi trên thế giới bao gồm Hoa Kỳ, Trung Quốc, Anh, Thụy Điển và Ái Nhĩ Lan để nhờ một phụ nữ Ukraine đẻ thuê cho họ.

Lyudmyla Denisova, thanh tra nhân quyền của quốc hội Ukraine, nhận xét rằng đoạn video cho thấy nước này có một ngành công nghiệp đẻ thuê “đồ sộ và mang tính hệ thống”.

Trong bức thư, hai vị Tổng Giám Mục cho rằng “những trẻ sơ sinh đang ở trong vườn ươm hiện đại, bị tước mất sự liên lạc với người mẹ, sự ấm áp của tình phụ tử, sự chăm sóc vị tha, và tình yêu gia đình.”

“Họ được quảng cáo như các sản phẩm được đặt hàng mà người mua không xuất hiện. Đó là một sự khinh miệt đối với phẩm giá con người.”

“Cái gọi là đẻ thuê này, không chỉ là một hiện tượng khủng khiếp, mà, ở cốt lõi của nó, là một tội ác đạo đức và mang lại vô số đau khổ và khó khăn cho tất cả những người tham gia vào thỏa thuận này, bao gồm cả đứa trẻ, người đẻ thuê, các thành viên trong gia đình của người ấy, và cuối cùng, những người đã đặt hàng cho việc ‘sản xuất’ trẻ em.”

Trong bức thư, các Giám mục cũng lên án cái gọi là “đẻ thuê vị tha”, trong đó một người phụ nữ mang thai giùm một cặp vợ chồng khác mà không tính tiền. Các ngài nói như thế cũng không thể chấp nhận được về mặt đạo đức, “cho dù ý định của người mẹ đẻ thuê là tốt, phương tiện và mục tiêu của hành động này tự nó là vô luân.”

Nhưng đẻ thuê thương mại, “từ quan điểm luân lý còn đáng bị lên án hơn nữa vì nó thêm vào tội ác luân lý là mua và bán các chức năng của cơ thể và của chính nhân vị đứa trẻ sơ sinh. Không có trường hợp nào, không có hệ quả nào có thể biện minh cho việc đẻ thuê.”

“Mỗi đứa trẻ là một món quà của Thiên Chúa cần được biết ơn và chấp nhận trong cuộc sống hôn nhân của một người nam và một người nữ. Mọi trẻ em đều có quyền được hình thành một cách tự nhiên, và mọi trẻ em đều có quyền được sinh ra trong một gia đình và được nuôi dưỡng trong một bầu không khí của tình yêu bởi cha mẹ nó.”


Source:Crux

5. Hồi chuông báo tử của Hương Cảng: Các cơ quan tình báo Trung Quốc đại lục thiết lập các căn cứ ở Hương Cảng

Các nhà lãnh đạo Công Giáo tại Hương Cảng đã bày tỏ những quan ngại sâu sắc trước việc Trung Quốc thiết lập các căn cứ tình báo ở Hương Cảng – nhằm thực thi một thứ gọi là “pháp luật trực tiếp”.

Bình luận về diễn biến này Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo gọi là một “hồi chuông báo tử” cho quyền tự trị của thành phố.

Hôm thứ Sáu 22 tháng Năm, bọn cầm quyền Bắc Kinh đã tiết lộ thêm chi tiết về luật an ninh quốc gia đối với thành phố bán tự trị.

Lãnh đạo của Hương Cảng, là bà Carrie Lam, cho biết chính phủ của bà sẽ “hợp tác đầy đủ” với quốc hội Trung Quốc để bảo vệ an ninh quốc gia.

Bà cho biết kế hoạch thiết lập các căn cứ tình báo của Trung Quốc đại lục sẽ không ảnh hưởng đến các quyền tự do hoặc tình trạng độc lập tư pháp trong thành phố.

Nhưng các nhà hoạt động dân chủ và các chính trị gia ở thuộc địa cũ của Anh không đồng ý như thế.

Trong nhiều năm qua các nhà tranh đấu đã phản đối việc xây dựng các căn cứ như vậy, lập luận nó có thể làm xói mòn quyền tự chủ của Hương Cảng, được bảo đảm qua thỏa thuận “một nước, hai chế độ” khi Hương Cảng được trả lại cho Trung Quốc vào năm 1997.

Nhà lập pháp ủng hộ dân chủ Dennis Kwok nói:

“Phải chăng họ đang nói rằng có một ủy ban hoặc một tổ chức tại Hương Cảng vượt lên trên pháp luật của Hương Cảng? Nếu thế thì đây là sự kết thúc của Hương Cảng.”

Nhà hoạt động Joshua Wong, một trong những người lãnh đạo các cuộc biểu tình đường phố dân chủ năm 2014 cho biết Bắc Kinh đang làm xói mòn các giá trị phổ quát và các nguyên tắc nhân quyền với luật an ninh mới này.

Những lời kêu gọi đã nổi lên yêu cầu cư dân Hương Cảng có hành động trên khắp lãnh thổ. Trong khi đó các nhà hoạt động dân chủ có kế hoạch công bố những “hành động đường phố” nhằm chống lại mưu toan này.

Đề xuất của Bắc Kinh được các nhà phê bình coi là một bước ngoặt đối với thành phố tự do nhất này của Trung Quốc. Đề xuất này đã gây ra các phản ứng tai hại trong giới kinh doanh và ngoại giao vì sợ rằng luật an ninh có thể có khả năng gây tổn hại cho vị thế của thành phố như một trung tâm tài chính.

Chỉ số Hang Seng của Hương Cảng vào lúc đóng cửa giảm 5.6%, là tỷ lệ phần trăm giảm hàng ngày lớn nhất kể từ tháng 7 năm 2015.

Các đề xuất cũng có thể làm gia tăng căng thẳng giữa Bắc Kinh và Washington.

Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo cho biết Hoa Kỳ đứng bên cạnh người dân Hương Cảng và cảnh báo rằng những thay đổi này có thể có tác động đến chính sách ngoại giao của Hoa Kỳ đối với lãnh thổ này.

Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết Washington sẽ phản ứng “rất mạnh” nếu Bắc Kinh tiến hành kế hoạch này.

Bắc Kinh đã nói trước đó rằng không một quốc gia ngoại bang nào có quyền can thiệp vào các vấn đề của Hương Cảng, và rằng pháp luật là vì lợi ích của Hương Cảng vì nó sẽ tăng cường công thức “một quốc gia, hai hệ thống”.


Source:Reuters

6. Niềm khao khát hành hương Lộ Đức của nhiều người Công Giáo Anh

Hàng năm kể từ năm 1953, người Công Giáo từ Giáo phận Middlesbrough - nằm ở phía bắc nước Anh – đều tổ chức một chuyến hành hương đến Lộ Đức.

Năm nay, đền thánh Đức Mẹ của Pháp đã bị đóng cửa và nước Anh đang bị cách ly - cả hai đều do đại dịch coronavirus COVID-19.

Tuy nhiên, điều này cũng không ngăn được những người hành hương quyết định đi bộ trong tinh thần đến Lộ Đức, và sau đó tham dự các thánh lễ livestream từ các nhà thờ khác nhau trong giáo phận.

Chuyến hành hương kéo dài một tuần đã được lên kế hoạch vào ngày 23 tháng Năm tại nhà thờ chính tòa Middlesbrough, và sẽ bao gồm các Thánh lễ từ các thành phố Hull, Redcar, Whitby và York. Ngoài ra, sẽ có hai Thánh lễ chung với Tổng giáo phận Birmingham, là những người thường đi Lộ Đức chung với giáo phận Middlesbrough.

Sau Thánh lễ trực tuyến từ nhà thờ chính tòa Middlesbrough, những người hành hương đi bộ trong sân nhà mình hay trên các con đường ở miền Bắc nước Anh, mỗi ngày một vài cây số tùy theo sức khoẻ.

Gần 800 người Anh đã ghi danh nhóm Facebook hành hương Lộ Đức của giáo phận, chia sẻ các suy tư hàng ngày, những lời cầu nguyện và lời chứng của họ về những ơn lành mà Lộ Đức đã tác động đến cuộc sống của họ.

“Đó là một trải nghiệm thực sự tuyệt vời, một dấu hiệu thực sự của Lộ Đức được sống ngay tại đây trong nhà của chúng tôi, ” một người viết trên Facebook.

Đức Cha Terry Drainey của giáo phận Middlesbrough nói với tờ Crux rằng những người tham gia cuộc hành hương ảo này đã cho thấy niềm say mê của họ đối với Lộ Đức.

Cuộc hành hương hàng năm đến Lộ Đức thường thu hút 800 đến 1000 người từ giáo phận Middlesbrough, bao gồm nhiều người bệnh và người già dễ bị tổn thương nhất với COVID-19.

Trong các năm qua, những người hành hương từ Middlesbrough cũng bao gồm nhân viên y tế và người chăm sóc, là những người từ bỏ thời gian nghỉ phép để giúp đỡ những bệnh nhân là trọng tâm của cuộc hành hương.


Source:Crux