1. Linh mục ở Michoacan, Mễ Tây Cơ bị đâm 15 nhát dao

Trong bản tin đánh đi hôm 30 tháng 7, Thông tấn xã Fides của Bộ Truyền Giảng Tin Mừng Cho Các Dân Tộc cho biết Cha Agustin Patiño đã bị đâm đến 15 nhát ngay trong nhà xứ của ngài ở giáo xứ Del Refugio ở quận Briseñas, Michoacan. Ba 3 tên tội phạm đã xâm nhập với ý định trộm cắp và đã đâm ngài túi bụi khi bị phát hiện.

Theo báo cáo ban đầu của cảnh sát địa phương, những tên trộm đã vào giáo xứ Del Refugio vào chiều ngày 28 tháng 7. Vị linh mục hiện đang vật lộn giữa sự sống và cái chết trong bệnh viện ở Uruapan.

Trong thời gian gần đây, các Giám Mục Mễ Tây Cơ nhiều lần công khai bày tỏ sự thất vọng đối với tổng thống Andrés López.

Trong chiến dịch tranh cử hồi năm 2018, Andrés López hứa hẹn sẽ có các phương án vãn hồi trật tự tại Mễ Tây Cơ. Ông thắng cử dễ dàng vì người dân Mễ Tây Cơ âu lo trước tình trạng an ninh trật tự dưới thời tổng thống Enrique Nieto. Tuy nhiên, từ ngày ông Andrés López cầm quyền, tình trạng xem ra càng thê thảm hơn. Ông thực ra chẳng có đối sách gì cả và ngày càng lúng túng trong việc điều hành đất nước.

Tháng 10 năm ngoái, trong một diễn biến hết sức bi đát, giáo phận Cuernavaca đã phải đình chỉ tất các Thánh lễ buổi tối vì tình trạng bất an trong thành phố và bang Morelos. Ngay cả lễ Đêm Giáng Sinh cũng bị hủy bỏ.

Từ năm 2012 đến nay, 27 linh mục đã bị giết tại Mễ Tây Cơ. Đất nước này tiếp tục là quốc gia nguy hiểm nhất trên thế giới đối với các linh mục. Theo nhận định của Cha Omar Sotelo, là Giám đốc Trung tâm Truyền thông Đa phương tiện Mễ Tây Cơ, “Bạo lực chống lại hàng giáo phẩm đã tăng lên trong những năm gần đây mà không thấy có những hành động cụ thể nào để ngăn chặn nó. Dân chúng luôn phải đối mặt với những tội ác, chúng ta biết rõ điều đó, nhưng bây giờ trên hết, chức tư tế đã trở thành một chức vụ nguy hiểm; trong chín năm qua, Mễ Tây Cơ là nước có nhiều linh mục bị giết nhất trên thế giới.”


Source:Fides

2. Lần thứ ba giáo phận Hương Cảng ngưng các Thánh lễ có giáo dân tham dự.

Giáo phận Hương Cảng đã đình chỉ vô hạn định tất cả Thánh lễ có giáo dân sau khi các trường hợp nhiễm Covid-19 gia tăng trong làn sóng lây nhiễm thứ ba tại đây.

Trong một thông cáo trước đây, Ðức Hồng Y Gioan Thang Hán, Giám quản Tông tòa của Hương Cảng, nói rằng các nhà thờ và nhà nguyện sẽ phải ngưng tất cả Thánh lễ có giáo dân từ ngày 15 đến 28 tháng 07 để giảm thiểu giảm nguy cơ lây truyền trong cộng đồng bao nhiêu có thể.

Tuy nhiên, hết hạn trên, giáo phận đã phải đình chỉ vô hạn định tất cả các cử hành phụng vụ có công chúng tham dự.

Ðức Hồng Y đã yêu cầu các tín hữu tham dự Thánh lễ Chúa Nhật online trên trang web của giáo phận. Trang web này cũng truyền phát các Thánh lễ hàng ngày và các cử hành phụng vụ khác.

Ðức Hồng Y cho biết các giáo xứ vẫn mở cửa nhà thờ cho các cá nhân đến cầu nguyện. Người dân phải đeo khẩu trang, khử trùng tay, đo thân nhiệt và giữ luật khoảng cách xã hội. Ngài cũng yêu cầu ngưng cử hành các bí tích như rửa tội, rước lễ lần đầu và Thêm sức. Ðối với các đám cưới và đám tang, ngài hướng dẫn rằng không quá 20 người tham dự.

Ðây là lần thứ ba giáo phận Hương Cảng phải ngưng các Thánh lễ có giáo dân sau khi đại dịch bắt đầu lây lan. Lần thứ nhất, Thánh lễ bị đình chỉ từ ngày 14 tháng 02 và được cử hành lại từ ngày 01 tháng 06, sau hơn 3 tháng đình chỉ.

Chính quyền Ðặc khu hành chính Hương Cảng đã áp dụng một biện pháp giữ khoảng cách xã hội mới nghiêm ngặt từ nửa đêm ngày 14 tháng 07, nghiêm ngặt nhất tại trung tâm tài chính Á châu này kể từ khi đại dịch bùng phát vào tháng Giêng. Chính quyền đã giảm các cuộc tụ họp tập thể từ 50 người xuống còn 4 người - một biện pháp được áp dụng trong đợt lây nhiễm thứ hai vào tháng Ba. Các trường học phải đóng cửa từ ngày 10 tháng 07 và kỳ nghỉ hè diễn ra giữa bối cảnh lo ngại về một đợt lây nhiễm mới trong lãnh thổ này. Những người sử dụng phương tiện công cộng phải đeo khẩu trang. Người vi phạm có thể bị phạt 5, 000 đô la Hương Cảng, tương đương với 645 đô la Mỹ.

3. Hạ viện Hoa Kỳ đồng thanh lên án việc Thổ Nhĩ Kỳ biến Hagia Sophia thành đền thờ Hồi Giáo

Dân biểu Dina Titus đã dẫn đầu một nỗ lực tố cáo Thổ Nhĩ Kỳ gây căng thẳng tôn giáo trên toàn thế giới khi biến Hagia Sophia thành một đền thờ Hồi Giáo.

Hạ viện Mỹ đã đồng tấm nhất trí thông qua một tuyên bố do Dân biểu Dina Titus đơn vị Nevada đệ trình nhằm phản đối Thổ Nhĩ Kỳ.

Tuyên bố HR 7608 kêu gọi Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ chính thức “tố cáo Thổ Nhĩ Kỳ gây ra xúc khắc và chà đạp tình cảm tôn giáo khi thay đổi trạng thái của Hagia Sophia, một Di sản Thế giới đã được UNESCO công nhận, và là một di sản tinh thần đáng kể đối với người dân của nhiều tín ngưỡng.”

Khi Hạ viện Hoa Kỳ đang thực hiện cuộc thảo luận này, Tổng Giám mục Chính thống Hy Lạp tại Hoa Kỳ là Đức Tổng Giám Mục Elpidophoros đã có mặt trong một cuộc họp tại Tòa Bạch Ốc với Tổng thống Donald Trump và Phó Tổng thống Mike Pence để bày tỏ mối quan ngại của Giáo hội Chính thống giáo Hy Lạp trong việc biến Hagia Sophia thành một đền thờ Hồi Giáo.

Trong khi đó, chính phủ Syria đang có kế hoạch xây dựng một bản sao của đền thờ Hagia Sophia, với sự hỗ trợ từ Nga, như một sự phản đối quyết định của Thổ Nhĩ Kỳ biến nhà thờ chính tòa Byzantine nổi tiếng trở lại thành một đền thờ Hồi giáo.

Theo các phương tiện truyền thông của Li Băng, Ðức Cha Nicola Baalbaki, Tổng giám mục Chính thống Hy Lạp của Hama, đã phê duyệt việc xây dựng một nhà thờ mới, được xây dựng như một bản sao của đền thờ Hagia Sophia, tại thành phố Suqaylabiyah, nơi có đa số dân theo Chính thống Hy Lạp.

Thời báo Thành phố Hy Lạp cho biết ý tưởng cho nhà thờ mới bắt nguồn từ Nabeul Al-Abdullah, một nhà lãnh đạo của Lực lượng Quốc phòng, nhóm ủng hộ chính phủ Syria. Abdullah đã hiến mảnh đất, trên đó nhà thờ mới sẽ được xây dựng. Ông cũng đảm bảo chấp thuận dự án, cũng như sự hỗ trợ từ các quan chức Nga, hiện đang giúp lên kế hoạch xây dựng nhà thờ.

Nga đã hỗ trợ chính phủ Syria chống lại phiến quân được Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn ở phía tây đất nước trong cuộc nội chiến đang diễn ra ở Syria.

Ðền thờ Hagia Sophia - Sự Khôn ngoan của Thiên Chúa - được xây dựng vào năm 537 như nhà thờ chính tòa của Tòa Thượng phụ Constantinople. Năm 1453, sau khi đế quốc Ottoman chiếm thành phố này, đền thờ bị biến thành đền thờ Hồi giáo. Năm 1934, đền thờ được chuyển thành bảo tàng viện. Ngày 10 tháng 07 năm 2020, Tổng thống Recep Tayyip Erdogan của Thổ Nhĩ Kỳ đã ký sắc lệnh biến nó thành đền thờ Hồi giáo và ngày 24 tháng 07 năm 2020, buổi cầu nguyện đầu tiên của Hồi giáo đã diễn ra trong đền thờ.

Các vị lãnh đạo tôn giáo trên toàn thế giới, trong đó có Ðức Thánh Cha Phanxicô, đã lên án việc thay đổi này. Ðức Thánh Cha nói rằng ngài rất đau lòng khi đền thờ Hagia Sophia bị biến thành đền thờ Hồi giáo


Source:US House