TÌM KIẾM ĐỂ TIN, TIN ĐỂ TÌM KIẾM

“Người truyền cho các môn đệ đừng nói với ai”.

Kính thưa Anh Chị em,

Phụng vụ Lời Chúa Chúa Nhật hôm nay có chung một chủ đề, “Tìm kiếm để tin, tin để tìm kiếm”. Bài đọc thứ nhất kể chuyện Thiên Chúa trục xuất một người và thay vào đó một người khác như ý Người muốn; trước Thiên Chúa, con người mù tịt, thánh Phaolô tâm sự, “Nào ai biết được ý Chúa? ”; và lạ lùng hơn, qua bài Tin Mừng, Chúa Giêsu ngăn cấm việc các môn đệ nói về Ngài, “Người truyền cho các ông đừng nói với ai rằng, Người là Đức Kitô”.

Isaia ghi lại những gì Thiên Chúa nói với Sobna, một người đang nắm trong tay mọi quyền hành; ông là tể tướng triều đình. Người phán, “Ta sẽ trục xuất ngươi ra khỏi địa vị ngươi, Ta sẽ cách chức ngươi”; “Ta sẽ gọi đầy tớ Ta là Êliaqim, con trai Helcia. Ta sẽ lấy áo choàng của ngươi mà mặc cho nó”. Muốn làm gì, Thiên Chúa làm, Người không cần bàn hỏi ai.

Trước Thiên Chúa và những quyết định của Người, qua bài đọc hai, thánh Phaolô thốt lên, “Ôi thẳm sâu thay sự giàu có, thượng trí và thông biết của Thiên Chúa. Phán quyết của Người làm sao hiểu được, đường lối của Người nào ai dò thấu”.

Những gì xảy ra trong Tin Mừng lại càng khó hiểu hơn. Chúa Giêsu muốn biết bàn dân thiên hạ nghĩ sao về Ngài; cách riêng các môn đệ, “Phần các con, các con bảo Thầy là ai? ”. Phêrô tuyên xưng, “Thầy là Đức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống”; Ngài khen ông, gọi ông là đá, trên đó, Ngài sẽ xây Hội Thánh, trao cho ông chìa khoá Nước Trời… nhưng rồi, Ngài buộc các môn đệ không được nói với ai về điều này. Thế này là thế nào? Ý Ngài muốn gì? Tại sao?

Câu trả lời ở đây là, Chúa Giêsu không muốn các môn đệ bật mí “Bí Mật Thiên Sai” về Ngài một cách đơn thuần bằng những “lời” nói về Ngài, nói cách ngẫu nhiên, nói cách tuỳ tiện; thực ra, Ngài muốn nhiều hơn. Ngài muốn người ta đến với Ngài để khám phá một Giêsu Thiên Sai như một quà tặng tuyệt vời của đức tin; Ngài muốn họ tìm kiếm, gặp gỡ và khám phá Ngài. Kẻ tìm kiếm Ngài sẽ mở lòng mình ra trong nguyện cầu, trong chiêm ngắm trước Lời Ngài nói, trước việc Ngài làm, những gì Ngài trải qua, kể cả những khổ đau Ngài chịu và cuộc chiến thắng phục sinh vinh hiển của Ngài, chiến thắng của tình yêu. Để từ đó, mỗi người có thể nhận biết Ngài đích thực như một quà tặng đức tin từ Cha trên trời. Và như thế, Chúa Giêsu muốn con người mọi thời tìm kiếm Ngài để tin và tin để tiếp tục kiếm tìm; bởi lẽ, Thiên Chúa là một huyền nhiệm.

Đến với một Giêsu đích thực dẫn chúng ta đến việc nhận biết một Đức Kitô đúng đắn. Trên hành trình hiểu biết này, mỗi người sẽ tiếp cận Ngài một cách cá vị trong đức tin, không ai có thể thay thế. Là những người đang rao truyền Chúa Kitô cho thời đại hôm nay, chúng ta vẫn phải tìm kiếm để hiếu biết Ngài mỗi ngày ngang qua những cuộc gặp gỡ cá nhân với chính Ngài. Vì chỉ Ngài và chỉ một mình Ngài mới có khả năng nói cho chúng ta tin Ngài là ai, là Đấng Messia, Con Thiên Chúa hằng sống như Phêrô đã tuyên xưng.

Để có thể nhận biết Chúa Giêsu, chúng ta còn phải tìm Ngài trong chính cuộc sống của mình bằng việc thực hành Lời Ngài nhờ ân sủng cũng như nhờ sự trợ giúp và soi sáng của Thánh Thần. Qua mọi biến cố buồn vui trong cuộc sống, kể cả những khổ đau; qua những con người yêu ghét trong cuộc đời, kể cả những thù nghịch… Chúa Giêsu đang nói, đang mặc khải chính Ngài cho mỗi người và như vậy, chúng ta tiếp tục tìm kiếm để tin và tin để tìm kiếm.

Cảm nhận mầu nhiệm Thiên Chúa, Đấng con người phải tìm kiếm mỗi ngày, chị thánh Catarina thành Siêna trong cuốn Đối Thoại của mình, đã viết, “Ôi Thiên Chúa vĩnh hằng! Ôi Ba Ngôi vĩnh cửu! Ngài ví tựa đại dương sâu thẳm. Càng tìm, con càng thấy; càng thấy, con càng tìm. Ngài làm cho linh hồn được no thoả nhưng dường như lại không no thoả. Bởi lẽ trong vực thẳm của Chúa, Chúa làm cho linh hồn được no thoả mà vẫn còn luôn đói khát Chúa, vì linh hồn vẫn hết sức ước mong khao khát được thấy Chúa là ánh sáng trong ánh sáng của Chúa. Nhờ ánh sáng trí khôn và trong ánh sáng của Chúa, con đã nếm thử và đã nhìn thấy vực thẳm của Ngài cũng như vẻ đẹp của thụ tạo do Ngài dựng nên. Nhờ đó, con có thể yêu mến”.

Anh Chị em,

Đức tin không hoàn toàn chỉ là nỗ lực tìm kiếm của lý trí, nhưng còn là của tình yêu. Đức tin biết theo mức độ mà nó gắn liền với tình yêu, mức độ mà tình yêu tự nó mang lấy một ánh sáng hiểu biết nhờ yêu mến, yêu mến Thiên Chúa và yêu mến anh em.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, xin đưa con vào những vực thẳm bí nhiệm của tình yêu Chúa, của trái tim Ngài; ở đó, con được lưu lại và nghỉ ngơi; vì chỉ ở đó, may ra con mới có thể kết thúc hành trình tìm kiếm của mình, đó cũng là điều mà thánh Augustinô cảm nhận”, Amen.

(Tgp. Huế)